Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo.

Sau các vụ kết án các Đức Hồng Y Philippe Barbarin ở Pháp và George Pell ở Úc, tiến sĩ George Weigel đã viết một tiểu luận nhan đề “A Tale of Two Georges” – “Câu chuyện về hai vị Georges”, đăng trên tờ The First Things hôm 20 tháng Ba, 2019, nói về lời tiên tri của Đức Cố Hồng Y Francis George của tổng giáo phận Chicago về số phận bi thảm của các Hồng Y và Giám Mục trong xã hội hiện đại nơi chủ nghĩa thế tục cực đoan đang tấn công quyết liệt vào Giáo Hội.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:
Khi một vị Giáo Hoàng được bầu lên, các Hồng Y, là những người vừa chọn ngài làm Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh đi đến Hội trường Benedictions ở tầng trên của Đền Thờ Thánh Phêrô. Đó là một hành trình đầy thử thách đối với một số vị: Vào năm 2005, Đức Hồng Y, William Baum, 79 tuổi, quá yếu, đã phải nhờ Đức Ông Bart Smith dìu ra khỏi Nhà nguyện Sistina, đi tắt qua Đền Thờ Thánh Phêrô để lên Hội trường Benedictions, y hệt như tướng quân Aeneas vác Anchies ra khỏi thành Troy như trong bức họa điêu khắc của Gianlorenzo Bernini [chuyện thần thoại Hy Lạp – Aeneas là anh hùng thành Troy vác cha là hoàng tử Anchies chạy thoát khỏi trận hỏa hoạn thiêu rụi thành này - chú thích của người dịch].

Khi vị tân Giáo Hoàng được giới thiệu với công chúng, các vị Hồng Y xuất hiện ở các cửa sổ bên cạnh bao lơn trung tâm của Đền Thờ; ở đó, các vị nhận được phép lành đầu tiên của vị Tân Giáo Hoàng cùng với đám đông dân chúng tụ tập ở quảng trường Thánh Phêrô. Vào tối 13 tháng Ba năm 2013, có hai vị Hồng Y nán lại ở đó một lúc lâu, cô đơn nhìn trời sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nghỉ đêm. Họ có vẻ trầm ngâm. Những người đầy kinh nghiệm, đầy suy tư và cầu nguyện này đã làm việc chăm chỉ để cải tổ các giáo phận gặp khó khăn của các ngài. Giáo Hội vừa trải qua một trường hợp hi hữu: một vị Giáo Hoàng thoái vị; cơ mật viện đã giải quyết nhanh chóng tình huống này và chọn ra một ứng cử viên xa lạ với nhiều Hồng Y cử tri. Điều gì sẽ xảy đến đây?

Một trong hai người đó là Tổng Giám Mục Chicago, Đức Hồng Y Francis George, OMI, người đã qua đời hai năm sau đó, năm 2015. Người còn lại là bạn và là đồng minh của ngài, Đức Hồng Y George Pell, lúc đó là Tổng Giám Mục Sydney, sau này là Tổng trưởng Bộ Kinh Tế của Vatican. Vài năm trước đó, Đức Hồng Y George đã làm sửng sốt các linh mục ở Chicago khi, gần như vô tình, tiên đoán rằng ngài có thể chết trên giường bệnh ấm êm, nhưng người kế vị của ngài có thể sẽ phải chết trong tù và người kế vị của người ấy có thể bị hành hình ở một quảng trường công cộng, và rồi người kế vị của vị tử đạo ấy, như Giáo Hội đã từng làm thường xuyên trong quá khứ, sẽ giúp nhặt nhạnh những mảnh vỡ của nền văn minh đã tan nát và bắt đầu lại. Trong đêm ngày 13 tháng 3 năm 2013 ấy, có lẽ Đức Hồng Y George đã không tưởng tượng được rằng bi kịch ngài đã thấy trước sẽ được tăng tốc một cách đáng kể: chính người bạn bên cạnh ngài sẽ là người phải ngồi tù. Và Đức Hồng Y Pell đã phải ngồi tù, không phải để bảo vệ sự sống hay tự do tôn giáo, mà vì một lời kết tội gian ác về những cáo buộc lạm dụng tình dục không bằng không cớ mà một bồi thẩm đoàn đã được chỉ cho thấy là không thể nào xảy ra.

Như nhà xã hội học Peter Rossi đã từng nói, có nhiều điều trớ trêu trong một vụ hỏa hoạn.

Chúng ta có thể hy vọng và nên cầu nguyện mạnh mẽ để lời kết tội Đức Hồng Y Pell bị đảo ngược trong phiên tòa kháng cáo. Nếu không, vị Hồng Y vô tội sẽ trở thành một nhà truyền giảng Tin Mừng trong nhà tù và là nhân chứng cho Chúa Kitô sau song sắt. Mặt khác, nền công lý Úc sẽ phải chịu một đòn tàn phá mất nhiều thời gian để phục hồi. Và những người suy nghĩ có tình có lý sẽ tự hỏi liệu có an toàn không khi kinh doanh hay đi du lịch ở một quốc gia nơi các phương tiện truyền thông gây sốt và những gã khổng lồ của chủ nghĩa thế tục có khả năng khuynh đảo tiến trình pháp lý, biến nó thành một bức hí họa chế giễu một nền dân chủ trưởng thành.

Nhưng ngay cả khi kháng cáo thành công như nó phải là như thế dựa trên bất kỳ suy luận hợp lý nào, và nếu như cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý” còn có chút ý nghĩa đối với các tòa án Úc, thì cuộc tấn công vào Giáo Hội và các nhà lãnh đạo của Giáo Hội sẽ vẫn tiếp tục. Vấn đề lạm dụng tình dục giáo sĩ đã được vũ trang bằng một thứ vũ khí tinh vi. Và vũ khí đó đang được sử dụng, không phải để đối phó với những tội lỗi ghê tởm và những tội ác đang kêu thấu đến trời cao, mà là để giải quyết tất cả các vấn đề khác, Giáo Hội, chính trị, và, trong trường hợp của Đức Hồng Y Pell, là tài chính, trong bối cảnh các thực hành nhũng lạm mà Đức Hồng Y đã phơi bày.

Sự tăng tốc những dự đoán đáng sợ của Đức Hồng Y George về các Hồng Y và Giám Mục phải vào tù cũng nên khiến cho những người đổ lỗi cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay cho chủ nghĩa “giáo sĩ trị” dừng lại. “Chủ nghĩa giáo sĩ trị” – hiểu theo nghĩa là sự lạm dụng sai trái lòng kính trọng dành cho những Đấng Bậc trong Hội thánh – có thể tạo điều kiện cho lạm dụng tính dục. Nhưng nó không phải là nguyên nhân. Cũng như tội danh lạm dụng, chủ đề “giáo sĩ trị” đã được các kẻ thù của Giáo Hội dùng như một thứ vũ khí, đến mức thật khó cho bất kỳ một giáo sĩ Công Giáo nào bị buộc tội lạm dụng có thể nhận được một phiên điều trần khách quan hoặc một phiên tòa công bằng. Bầu không khí công cộng sôi sục đang được thể hiện ở Úc bất cứ khi nào cụm từ “George Pell” được thốt lên, chẳng hề được cải thiện chút nào khi các quan chức cao cấp trong Giáo Hội, ở Rome và các nơi khác, tiếp tục say sưa đổ vấy tội ác lạm dụng cho “chủ nghĩa giáo sĩ trị”.

Từ nơi hiện tại của mình trong Cộng Đoàn Các Thánh, tôi không chút nghi ngờ rằng Đức Hồng Y Francis George đang cầu bầu cho Đức Hồng Y George Pell, cho sự minh oan công lý của ngài bởi các thẩm phán, những người sẽ nghe lời kháng cáo của Đức Hồng Y người Úc, cho dù vị Hồng Y người Mỹ có lấy làm tiếc rằng lời tiên đoán của ngài đã đi quá xa.


Source:The First Things