Việc Đức Hồng Y Pell bị kết án, tự nó, không hẳn là điều quan trọng. Vì xét cho cùng ngài cũng chỉ là một thành phần trong dân Chúa, dù giữ một trọng trách cao trong Dân này, không hẳn đại diện cho toàn Dân này. Và vì là con người với đủ các yếu đuối như bất cứ ai dù đã lãnh nhận tới hai chức thánh trong Giáo Hội: linh mục và giám mục và hai tước vị cao nhất trong Giáo Hội là Tổng Giám Mục và Hồng Y, nên ngài có thể đã phạm cái tội tầy trời như tòa sơ thẩm Melbourne đã kết án.

Nhưng khi công luận lôi Giáo Hội vào vụ này thì đây là một chuyện khác hẳn. Mà ta phải lên tiếng. Tiến sĩ Weigel có lý khi không hài lòng cho rằng không những như một định chế, Giáo Hội không chống đỡ mà còn giơ thêm má cho người ta tát túi bụi qua các tuyên bố không hẳn chính thức mà chính thức của Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, một thứ tuyên bố gần như vào hùa với công luận.

Đã đành, nhiều phần tử trong Giáo Hội đã phạm tội tầy trời lạm dụng tình dục trẻ em và đây là cơ hội để ta hóan cải, tự thanh tẩy cho xứng đáng là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ta nên cám ơn những người đã can đảm đứng lên tố cáo các tội ác này để chúng ta có cơ hội bằng vàng tự thanh tẩy chính mình.

Điều trên đã được chính Đức Phanxicô thừa nhận. Nhưng ngài cũng thừa nhận hai sự kiện mà hiện chúng ta, người Công Giáo, trong tư cách định chế, chưa chịu khai triển để bênh vực Giáo Hội trước cơn bão chống đối của công luận, nhất là của truyền thông: Thứ nhất lạm dụng tình dục và che đậy nó không phải là chuyện của riêng Giáo Hội Công Giáo mà là của chung xã hội. Thậm chí ít nhất hai lần, ngài nhấn mạnh rằng lạm dụng tình dục trẻ em phần lớn xẩy ra trong gia đình. Còn về việc che đậy, không hẳn đúng như thế. Các thập niên 1960, 1970, 1980 thậm chí cả 1990, xã hội nói chung có tường trình báo cáo chi đâu, không những thế còn tin vào đánh giá của tâm lý học rằng khả thể cải huấn áp dụng cho mọi hình thức tội phạm. Giáo Hội đã tin đến mức nào thứ đánh giá chuyên môn này, nay là lúc nghiên cứu Công Giáo phải tìm ra để phản công công luận.

Thứ hai: áp lực của truyền thông là điều có thực, tuy vào đầu triều giáo hoàng cho đến tận đầu năm nay, ngài vẫn “o bế” truyền thông, như nhận định của Gargliaducci. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng không thể chi tiết hóa thứ áp lực này được, các nhà chuyên môn của Giáo Hội phải lãnh trách nhiệm này để làm rõ đến mức nào truyền thông phục vụ sự thật và đến mức nào họ đã vượt rào cản công bằng để sâm hại sự thật.

Và nói chung, dường như đa số người Công Giáo trở thành thờ ơ, mất hết chất mặn của muối để trở thành “insipid” (nhạt thếch) đối với vận mệnh của Giáo Hội như Cha Xứ của tôi có lần nhận xét trên tờ Thông Tin hàng tuần của Giáo Xứ.

Về Cha Xứ này, phải nói ngài rất trẻ. Lúc mới thụ phong, ngài về làm cha phó ở Giáo Xứ Regina Coeli, Beverly Hills, của tôi một thời gian ngắn, sau đó, đi làm tuyên úy ở Đại Học New South Wales, cũng một thời gian không lâu, rồi làm “administrator” (quản xứ?) cho một giáo xứ ở vùng Ryde một ít tháng, rồi về làm “administrator” giáo xứ tôi, nay đã hơn 1 năm. Dù rất thích cung cách cử hành Thánh Lễ mà tôi cho là hết sức cung kính của ngài và lối giảng nhẹ nhàng của ngài, tôi chưa bao giờ chuyện trò riêng với ngài, không như người hàng xóm của tôi, từng mời ngài đến nhà nhiều lần và có lần còn mời ngài dùng cơm.Nhưng nhân vụ kết án Đức Hồng Y Pell, tôi thấy tôi “sentire cum” (cùng một cảm thức) với ngài. Tôi nhấn mạnh đến tuổi của Cha Xứ để chứng tò rằng ngài ít nhận được ân huệ của Đức Hồng Y Pell, vì lúc ngài thụ phong, Đức Hồng Y Pell đã rời tổng giáo phận Sydney rồi.

(Vào đây xem bài nhận định của Cha Peter Kwak)

Mấy tuần nay, ngài hay viết trên tờ Thông Tin hàng tuần của Giáo Xứ các tâm tư của ngài, lúc xa, lúc gần, về việc kết án Đức Hồng Y Pell. Tâm tư tuần này của ngài khiến tôi lưu ý hơn cả. Ngài viết:

Có lẽ tôi thiên tư một cách hết thuốc chữa và trở thành hết khả năng nhìn ra sự thật. Hay có lẽ các người khác mới thế. Cách nào, thì vẫn có một điều chắc chắn: dường như trong chúng ta đang có các vụ nghiêm trọng của “rối loạn tri giác” (perception disorder). Làm thế nào có thể có chuyện người ta lại có các tri giác mâu thuẫn nhau đến thế về cùng một biến cố? Thứ nhất bị kết tội. Nay bị kêu án. Việc kêu án Đức Hồng Y Pell được trực tiếp truyền hình gần như cho toàn thế giới qua liên mạng. Người ta hỏi liệu làm như thế có giáng thêm hình phạt lên Đức Hồng Y (và lên cả Giáo Hội như tôi vẫn nghĩ) hay không. Thẩm phán bác bỏ sự lo lắng này và nói rằng quyết định này được đưa ra vì sự ‘minh bạch’.

Việc kết tội được thực hiện dựa trên chứng từ duy nhất của một người, không có bằng chứng kiểm chứng [corroborating evidence]. Luật pháp nói chúng ta sẽ không bao giờ được biết danh tính của người này; chúng ta sẽ không bao giờ được nghe bằng chứng của người này. Ngay bồi thẩm đoàn cũng không đích thân được gặp anh ta; họ được xem cuốn băng ghi lại chứng từ của anh ta. Người duy nhất biết sự thật một cách chắc chắn tiếp tục duy trì sự vô tội của mình. Khi Đức Hồng Y bước ra khỏi tòa án, có tường trình cho rằng một người đứng bên đường hét lớn: ‘Ông bảo mấy đứa nhỏ nói láo, phải không?’ Tôi sợ rằng chính người đứng bên đường mới không hoàn toàn trung thực. Thứ nhất, không có đứa trẻ nào tại phiên xử cả. Người được ban ơn gần như hoàn toàn vô danh trong khi đưa ra lời tố cáo hủy hoại cả đời một người khác nay đã ngoài 30 tuổi. Thứ hai, “đứa trẻ” kia qua đời đã gần 5 năm nay, trong tuổi đầu 30, và chứng từ duy nhất của anh ta là anh ta chưa bao giờ bị lạm dụng [má anh ta chứng thực như thế].

Lúc kêu án, thẩm phán xác định rằng điều Đức Hồng Y làm trong 5 phút kinh hoàng vào năm 1996 là một hành vi ‘có lý trí’ và ‘có suy nghĩ’. Nhưng làm thế nào một con người ‘hữu lý’, bất kể tai ác ra sao, lại có thể hành động một cách bốc đồng và bất cẩn đến có thể, có thể nói được, là chào mời việc mình có nguy cơ bị bắt quả tang? Thẩm phán đặt định đề cho rằng sở dĩ như thế là vì bị cáo ‘ngạo mạn một cách nghẹt thở’. Tôi đồng ý ngạo mạn có thể làm ta mù quáng, nhưng để phạm một tội ác thiếu thông minh (xin lỗi, không biết dùng chữ hay hơn) như thế, người ta hẳn phải say mèm đến hóa mù (blind-drunk) trong một hình thức điên loạn nào đó, loại điên loạn nhất thiết mang đến tự hủy cho bất cứ ai một cách tức khắc. Nhưng Đức Hồng Y có một “sự nghiệp” tiếp tục triển nở không ngừng trong 20 năm sau đó. Ngay thẩm phán cũng nhất trí rằng ngoài việc này ra, Đức Hồng Y sống “một cuộc sống không tì vết” và do đó hẳn đã “hoàn toàn cải tạo”, một cách đôi chút lạ lùng, tôi dám nói thế. Bởi thế, tôi phải giải thích ra sao về các bất nhất này? Điều gì gây ra việc lan tràn thứ “rối loạn tri giác” này nơi chúng ta?

Cầu mong cha xứ của tôi trở thành một thứ điển hình nào đó trong cuộc đấu tranh bảo vệ Giáo Hội nơi các cha xứ. Trong cuộc đấu tranh này, “grassroot” (hạ tầng) bao giờ cũng là điều trọng yếu hơn cả, không hẳn "thượng tầng".