Gần đây, nhân những cuộc tranh biện liên quan đến biện phân, đã có những ý kiến nói đến các giáo huấn Thánh Kinh hơi quá cấp tiến đến cho rằng hồi ấy chưa có video để ghi lại các biến cố và lời mạc khải như ta đọc hiện nay trong bộ sách thánh được công nhận thành qui điển Công Giáo. Ý niệm linh hứng hình như bị đặt thành nghi vấn trong bối cảnh này. Để soi sáng, chúng tôi dựa vào tài liệu của “The New Jerome Biblical Commentary”, ấn bản dành cho sinh viên, bài của Raymond F. Collins, S.T. D., giáo sư thường trú, phân khoa Thần Học, Đại Học Công Giáo Leuven, Louvain, Belgium, để viết đôi điều về ý niệm nền tảng này.

I. Công Đồng Vatican II

“Linh hứng Thiên Chúa và việc giải thích Thánh Kinh” là tựa đề chương 3 của Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa (Dei Verbum, 18/11/1965) của Công Đồng Vatican II. Trong văn kiện này, linh hứng là lối nói đặc biệt chỉ đặc điểm thánh thiêng độc đáo của Thánh Kinh, đem lại những hệ luận quan trọng đối với cách các tín hữu xem xét các sách Cựu và Tân Ước.
Quả quyết chủ yếu của Công Đồng (3:11) là:

“Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần (Spiritu Sancto afflante consignata sunt). Thực vậy, Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các thành phần đều là sách thánh và được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần (Spiritu Sancto inspirante conscripti) (x. Ga 20,31; 2Tm 3,16; 2Pr 1,19-21; 3,15-16) nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy. Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi.

Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh hứng viết ra, tức các thánh sử (quod auctores inspirati seu hagiographi asserunt), là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta. Bởi vậy ‘mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành’ (2Tm 1, 16-17 bản Hy Lạp)”.

Rõ ràng Vatican II có ý định nhắc lại giáo huấn truyền thống về linh hứng. Bản văn trên đây nhắc đến 4 đoạn Tân Ước thường được trích dẫn trong cuộc tranh luận lâu dài của lịch sử Giáo Hội về linh hứng, nhất là 2Tm 3:16 và 2Pr 1:19-21. Ở một giai đoạn tương đối trễ của cuộc thảo luận tại Công Đồng về linh hứng và để đáp ứng một can thiệp của Dom B.C. Butler, 2Tm 3:16-17 đã được lồng vào để không ai còn hiểu lầm cách các nghị phụ hiểu về tín lý linh hứng của Thánh Kinh và điều các ngài coi là mục đích của nó. Các ngài có ý nhắc lại chính giáo huấn của Tân Ước. Về phương diện này, lời tuyên bố của Vatican II về linh hứng đồng tình với quan điểm của nhiều Kitô hữu Tin Lành, là những người vốn coi Thánh Kinh Tân Ước, nhất là 2Tm 3:16-17 và 2Pr 1:19-21, cung cấp các chứng tá chủ yếu về cách phải hiểu và phát biểu linh hứng ra sao.

Ý muốn của các nghị phụ trong việc tóm lược giáo huấn truyền thống về linh hứng được chứng tỏ hơn nữa bằng các tham chiếu ở phần chú thích: trích dẫn Dt 1:1; 4:7; 2Sm 23:2; Thánh Mátthêu sử dụng các công thức trích dẫn (như Mt 1:22); Thánh Augustinô (De Genesi ad literam,2.9.20; Ep. 82.3) và Thánh Tôma Aquinô (De veritate 1.12, a.2). Các chú thích cũng nhắc đến Trent và Vatican I cũng như hai thông điệp chính đã ban hành giữa Vatican I và Vatican II, tức Providentissimus Deus (1893) của Đức Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu (1943) của Đức Piô XII. Quan tâm của Vatican II muốn nhắc lại giáo huấn truyền thống về linh hứng càng có ý nghĩa hơn trước bối cảnh sơ đồ (schema) có tính nghịch hành (retrogressive) về linh hứng được đưa ra ở buổi đầu Công Đồng, cũng như cuộc thảo luận sâu rộng từng dẫn đến việc không những bác bỏ sơ đồ này mà còn dẫn tới nhiều duyệt xét bản văn cuối cùng được đúc kết thành một phần trong Dei Verbum.

Chín đoạn nữa đã được thêm vào Dei Verbum (7, 8, 9, 14, 16, 18, 20, 21, 24) làm cho việc nhắc đến sự linh hứng của Thánh Kinh rõ ràng hơn. Bản văn của Công Đồng quả quyết rằng Cựu Ước (3:14), Tân Ước (4:16), các Tin Mừng (5:18), Các thư của Thánh Phaolô và các trước tác của các Tông Đồ khác (5:20) đều được linh hứng. Một số đoạn văn của Công Đồng trích dẫn linh hứng như là một đặc tính của các bản văn Thánh Kinh (2:8; 6:21, 24) trong khi đó, nhiều đoạn văn khác hoặc khẳng định sự linh hứng của những người liên hệ trong trước tác Thánh Kinh hoặc nhắc đến các bản văn như đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (2:9; 4:14; 5:20; xem 2:7; 5:18). Thiên Chúa là “Đấng linh hứng và tác giả của cả hai tín ước” (4:16); ở nơi khác, linh hứng được chuyên biệt gán cho Chúa Thánh Thần (2:7,9; 5:18,20). Linh hứng được trích dẫn nhiều lần như là cơ sở để coi Thánh Kinh là (hay chứa đựng) lời Thiên Chúa (2:9; 4:14; 6:21,24). Các Tin Mừng được hưởng đặc sủng linh hứng một cách hết sức nổi bật (3:11; 5:18).

II. Truyền thống Kitô Giáo và Do Thái Giáo buổi đầu

(I).Tân Ước

Vậy, truyền thống nói gì về linh hứng? Hai đoạn Thánh Kinh quan trọng nhất là 2Tm 3:16-17 và 2Pr 1:19-21. Trong mỗi đoạn văn này, Bản Phổ Thông La Tinh đều dùng chữ inspirare (nghĩa đen là hít vào). Từ chữ này không những có chữ tiếng Anh inspire mà cả những chữ tương tự trong văn chương lãng mạn tân thời và các ngôn ngữ Đức nữa. Thoạt đầu, đoạn 2Tm, đoạn nói tới sự linh hứng của Thánh Kinh, xem ra quan trọng hơn đoạn 2Pr, tức đoạn nói tới sự linh hứng của việc nói tiên tri.

A. 2Tm 3:16-17

“Mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.

Bối cảnh trước mắt (3:10-17) khuyến khích Timôtê noi gương Thánh Phaolô và tiếp tục truyền thống giáo huấn của ngài. Timôtê được nhắc nhở nhớ đến “các trước tác thánh thiêng” mà ông vốn đã làm quen từ thuở nhỏ. Các trước tác này hiển nhiên là Thánh Kinh Do Thái (mặc dù qui điển dứt khoát của Do Thái chưa được xác định khi 2Tm được trước tác). Các trước tác thánh thiêng này “có khả năng dạy dỗ con để được cứu rỗi nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô” (2Tm 3:15). Mục đích của chúng là cứu rỗi, nhưng chìa khóa dẫn tới mục đích cứu rỗi này là Chúa Giêsu Kitô.

Ngoài việc nhắc tới Chúa Kitô này, thái độ của tác giả đối với các trước tác thánh đã được hình thành bên trong truyền thống Do Thái. Hai tác giả Do Thái chính vào thời văn hóa Hy Lạp mà các tác phẩm còn được lưu giữ đã nói tới các Sách Thánh Do Thái như là “các trước tác thánh” (Philo, De vita Mosis 2.292; Josephus, Ant. 10.10.4 §210). Theo Misna, các người thuộc phái nam Do Thái được huấn luyện về Sách Thánh từ lúc 5 tuổi (ʼAbot 5:21). Mặc dù việc nhắc đến đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (2Tm 3:15) rõ ràng cho thấy một viễn tượng Kitô Giáo, nhưng “sự hiện thực hóa” việc giải thích hàm chứa trong 2Tm rất nhất quán với cách giải thích Thánh Kinh trong các bản chú giải Qunram và các bản chú giải rabbi.

Các câu 16-17 cho ta một suy tư có tính giải thích đối với câu 15 nghĩa là về ích lợi của các trước tác thánh trong việc huấn giáo. Tác giả nhắc đến lý do tại sao các trước tác thánh lại có giá trị (câu 16a) và rồi nói rõ cách chúng có thể được sử dụng (các câu 16b-17). Bản Hy Lạp không hoàn toàn rõ ràng, như nhiều bản dịch đã cho thấy. Có ba tối nghĩa chính ở đây: (1) nghĩa của pasa graphē (“mọi sách thánh”), (2) nghĩa của theopneustos (“linh hứng”), và (3) chức năng văn phạm của theopneustos.

Sự hàm hồ của pasa graphē dễ thấy qua các bản dịch thay đổi từ “trọn bộ Thánh Kinh” (Living Bible) tới “mọi sách linh hứng” (NEB) và kiểu dịch chính xác từng chữ “mọi Sách Thánh”. Một mình nó, graphē có thể có nghĩa một câu viết đơn nhất, trọn một cuốn sách, hay toàn bộ Sách Thánh. Pasa có thể có nghĩa bao gồm (“trọn bộ”, tiếng Anh: whole) hay nghĩa phân bổ “mọi” (tiếng Anh: every). Vì Tân Ước không dùng “Sách Thánh” để chỉ một sách đơn nhất, nên khả thể kia phải bị loại bỏ. Vì bộ sưu tập các Sách Thánh Kitô Giáo, đến lúc viết 2Tm, vẫn chưa hiện hữu, nên kiểu nói “mọi Sách Thánh” chỉ có thể nói tới các Sách Thánh Do Thái mà thôi, như cũng đã được chứng tỏ bởi lối nói song hành “các trước tác thánh” ở câu 15. Cuối cùng, vì pasa graphē thiếu mạo từ xác định, nên phần lớn nó có nghĩa là mọi đoạn của Thánh Kinh.

Theopneustos (một chữ hiếm thấy) đã được đặc trưng dịch là “được Thiên Chúa linh hứng” nhưng chúng ta cũng gặp chữ “được linh hứng” đơn độc (NEB). Được hợp thành bởi theo, từ chữ theos “Thiên Chúa” và pneustos, từ động từ pneō, “thở, hít”, nó được tìm thấy một lần trong Tân Ước, nhưng không bao giờ được tìm thấy trong Bản Bẩy Mươi, và chỉ tìm thấy 4 lần khác trong các trước tác Hy lạp còn đến nay. Hiểu theo nghĩa tác động, nó gợi lên ý niệm Sách Thánh tràn đầy hơi thở hay thần khí (inspiring) của Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa thụ động, theopneustos gợi ý niệm: Sách Thánh đã được thở hơi (inspired) bởi Thiên Chúa. Đại đa số các nhà chú giải và các bản dịch xưa và nay hiểu tĩnh từ này theo nghĩa thụ động (1), nên pasa graphē theopneustos có nghĩa là Sách Thánh được linh hứng.

Vẫn còn vấn đề chức năng văn phạm của theopneustos. Nó được dùng như một vị ngữ (predicate) (RSV: “mọi Sách Thánh đều được linh hứng”) (All Scripture is inspired) hay như một thuộc ngữ (attribute) (một số bản xưa và bản của NEB): “mọi Sách Thánh được linh hứng” (every inspired Scripture)? Vấn đề văn phạm là: bản Hy Lạp thiếu động từ chính, nên một động từ liên từ (“là”) phải được cung cấp cho câu này. Sức nặng của các bản giải thích xem ra nghiêng về việc hiểu “được linh hướng” theo nghĩa vị ngữ. Như thế, 2Tm muốn khẳng định rằng mọi đoạn trong Sách Thánh Do Thái đều được linh hứng; hậu quả, do đó, là các Sách Thánh này đều hữu ích cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính. Vì Sách Thánh phát xuất từ Thiên Chúa, nên chúng được sử dụng một cách có ích trong các mục đích cả huấn giáo lẫn bảo khuyên luân lý.

Vì mọi việc sử dụng khác của chữ theopneustos, “được linh hứng”, đã xuất hiện trong văn chương viết sau 2Tm (Plutarch, Vettius Valens, Pseudo-Phocylides, và Sibylline Oracles.), nên một số người nghĩ rằng “được linh hứng” là một chữ do tác giả 2Tm sáng chế để làm nổi bật nguồn gốc thần thánh của Sách Thánh (xem C. Spicq, “theodidakoi, theoneustos,” Notes de lexicographie néotestamentaire [Gottingen, 1978] 1. 372-374). Tuy nhiên, ý kiến trổi vượt của các học giả là: “được linh hứng” là một chữ vay mượn từ các mô tả trong văn hóa Hy Lạp xưa về kinh nghiệm ngất trí của các tiên tri bói toán (mantic prophets).

theopneustos không được Philo sử dụng, nhưng mô tả của ông về Môsê như “một tiên tri có phẩm chất cao nhất” (De vita Mosis, 2.187-191) thì phần nào tương tự như kinh nghiệm đã được tóm lược trong Sibylline Oracles (Sấm ngôn Sybilline) và các bản văn khác của văn hóa Hy Lạp. Đối với Philo, vai trò của Môsê như một tiên tri là “công bố nhờ linh hứng (thespizē) điều không thể nắm được bằng lý trí”. Philo phân biệt 3 loại phát ngôn của Thiên Chúa: (1) tiên tri phục vụ như người giải thích các phát ngôn của Thiên Chúa. (2) Việc phát ngôn diễn ra trong cuộc đối thoại giữa tiên tri và Thiên Chúa. (3) “Người nói dường như ở dưới sự chiếm hữu của Thiên Chúa (enthousiōdes) nhờ thế ông chủ yếu và theo nghĩa hẹp được coi là một tiên tri”.

Philo coi các tiên tri khác ngoài Môsê là được linh hứng (Quis Rerum, 265; De vita Mosis 1.281; demutatione nominum 120). Về phương diện này, ông phản ảnh các quan điểm thông thường của Do Thái Giáo thế kỷ thứ nhất. Josephus viết về Balaam: “như thế ông đã nói nhờ linh hứng của Thiên Chúa, chứ không nhờ năng lực riêng của ông (epetheiazen ouk ōn en heautō tō de theiō pneumati), nhưng được thúc đẩy nói điều ông nói nhờ thần khí Thiên Chúa” (Ant. 4.6.5 §118). Trước đó, qui luật của Cộng Đồng Essene ở Qumran thúc giục các tín đồ hành động “phù hợp như các tiên tri được mạc khải bởi thần khí thánh thiện của Người” (1QS 8:16; xem 1QpHab 2:2; CD 2:12-13).

Còn đối với các Kitô hữu tiên khởi, một câu truyền thống gán cho Chúa Giêsu trong đó, Người coi Đavít được Chúa Thánh Thần linh hứng (Mt 22:43; Mc 12:36). Chúa Thánh Thần được cho là đã nói qua Đavít (Cv 1:16) hay 1 tiên tri (Cv 28:25). Thiên Chúa nói qua các tiên tri (Lc 1:70) hay qua Môsê (Mc 12:26; xem Mt 22:31; Lc 20:37). Các đoạn văn này cho thấy các Kitô hữu tiên khởi chia sẻ quan điểm thông thường của người Do Thái thời họ rằng các tiên tri, mà Môsê là điển hình đặc biệt, được Chúa Thánh Thần linh hứng.

B. 2Pr 1:19-21

“Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ... Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa”.

Ngữ cảnh cận kề (1:12-21) bảo đảm niềm hy vọng cho các Kitô hữu. Sau khi suy niệm về việc hiển dung (các câu 12-18), tác giả trưng dẫn “lời tiên tri” (ton prophētikon logon ) nghĩa là toàn bộ Lề Luật, Tiên Tri, và Trước Tác: ba phần của Thánh Kinh Do Thái làm nền tảng cho niềm hy vọng theo nghĩa Thiên Chúa củng cố sự thật của nó, và sứ điệp về nó đang trong diễn trình được thể hiện. Các ý tưởng của tác giả về các tiên tri giả (2:1-3) được đưa vào nhờ một cảnh báo ở 1:20-21: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh (pasa prophēteia graphēs). Lý do vì việc nói tiên tri phát xuất từ Chúa Thánh Thần.

Kỳ sau: (II). Do Thái Giáo
_______________________________________________________________________
(1).Các bản dịch tiếng Việt cũng hiểu theo nghĩa thụ động, nhưng dịch từ này khác nhau.
Bản Tin Lành (Phan Khôi?) dịch là: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn”
Bản của Cha An Sơn Vị: “Mọi Sách Thánh đều do Thiên Phụ cảm hứng cho”
Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”
Bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Kinh Thánh nhất nhất đã được thần hứng”