Chuyến đi các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất của Đức Phanxicô dĩ nhiên là do lời mời của chính phủ nước này. Nhưng một trong các mục tiêu của chuyến đi là tham dự một hội nghị liên tôn quốc tế tổ chức bởi Hội Đồng Trưởng Thượng Hồi Giáo đặt trụ sở tại các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một sáng kiến tìm cách phản công chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo bằng cách cổ vũ một Hồi Giáo ôn hòa.



Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là nhân vật quốc tế duy nhất tham dự Hội Nghị trên. Trước khi ngài tới, Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, đã gửi thư tới Hội Nghị lên án việc sử dụng tôn giáo làm căn cứ cho bạo lực.

Hội nghị diễn ra trong một quốc gia đa số theo Hồi Giáo nơi các nhóm thiểu số tôn giáo được “khoan dung” nhưng không được hưởng đầy đủ quyền tự do tôn giáo. Thượng phụ Kirill nhận định rằng Trung Đông đã chứng kiến nhiều hình thức quá khích khác nhau ẩn đàng sau các chiêu bài tôn giáo.

Khoảng 700 nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự Hội Nghị này, với các đại biểu của các hệ phái Kitô giáo khác cũng như các đại biểu Do thái giáo, Ấn giáo, Đạo Sikh và Phật giáo. Hôm Chúa Nhật, khi Đức Phanxicô chưa tới, các đại biểu đã thăm dò các chủ đề như đối thoại liên tôn, đàn áp các cộng đồng tôn giáo và phương cách đối đầu với chủ nghĩa quá khích.

Trong số đại biểu Công Giáo có Đức Tổng Giám Mục người Ấn Độ Felix Machado, người nói với tờ Crux rằng ngài ngạc nhiên trước tiềm năng “người Hồi Giáo bắt đầu cởi mở” tương phản hẳn với chủ nghĩa dân túy của “mùa Xuân Ả Rập”. Đức Tổng Giám Mục trước đây vốn là Phó Tổng Thư Ký của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn trong các năm 1999-2008.

Ngài nhìn chính sách “khoan dung” dưới ánh sáng tích cực và rất hy vọng cao điểm đối thoại tại Adu Dhabi được người Hồi Giáo tiếp tục khai triển. Đối thoại, theo ngài, là con đường duy nhất thay thế cho hận thù, tranh chấp, bạo lực nhân danh Thiên Chúa.

Thành thử Đức Phanxicô đến đây thực ra để bế mạc Hội Nghị bằng bài diễn văn đầu tiên trong hai bài diễn văn tại Adu Dhabi.

Nữ ký giả Inés San Martin cho rằng chuyến đi của Đức Phanxicô tới Adu Dhabi bị nhiều người tra vấn vì để tham dự một hội nghị liên tôn được tổ chức trong khuôn khổ “Năm Khoan Dung” của nước này. Nhưng không thiếu người ca ngợi vì đây là dịp độc nhất để tỏ dấu chỉ huynh đệ và khoan dung và nhắc cho mọi người nhớ công thức gần như câu kệ của Thánh Phanxicô rằng giết người nhân danh Thiên Chúa là điều không bao giờ được biện minh.

Một cử chỉ hết sức hòa đồng của Đức Phanxicô là đã cùng ngồi một xe búyt nhỏ với Đại Imam để cùng tới Điện Mushrif và trong suốt chuyến viếng thăm đã không sử dụng giáo hoàng xa (trừ Thánh Lễ), và thích dùng chiếc xe buýt nhỏ. Những cử chỉ này khiến Anwar Gargash, Ngoại trưởng các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nhận định: chuyến viếng thăm này thêm một trang mới trong lịch sử khoan dung của đất nước, mang theo “giá trị nhân đạo lớn lao”.

Khai mạc Hội Nghị, Bộ trưởng bộ Khoan dung của các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Sheikh Nahyan bin Mubarak, thúc giục thế giới cùng nhau tham gia khoan dung và tình huynh đệ để đạt được hòa bình và giảm thiểu tranh chấp chính trị.

Mặc dù có chính sách khoan dung, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vẫn duy trì nhiều hạn chế gắt gao đối với tự do tôn giáo, trong đó, có việc các Kitô hữu không được công khai về đức tin của họ. Vì thế nhiều người mong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ gây áp lực để có sự thay đổi, trong đó có việc mở một văn phòng địa phương cho Caritas, một tổ chức bác ái hiện có mặt trên 100 quốc gia.

Thẳng thừng về Yemen

Không biết liệu ngài có gây được một áp lực nào trong lãnh vực này không, nhưng ngài không e dè gì trong việc kêu gọi hòa bình ở Yemen dù biết các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một trong các nhân tố kéo dài đau khổ ở đấy.

Thực vậy, ngay ngày đầu tiên đặt chân lên các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngài đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tại Yemen. Ngài nói: “Tình anh em của con người đòi nơi chúng ta, trong tư cách các đại diện tôn giáo thế giới, nghĩa vụ bác bỏ mọi sắc thái của hạn từ ‘chiến tranh’. Tôi nghĩ cách riêng tới Yemen, Syria, Iraq và Libya".

Cử chỉ trên được tờ New York Times lưu ý. Họ viết: trong gần 40 giờ tại các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã “phá bỏ nhiều cấm kỵ tế nhị... khi đặc biệt nhắc đến Yemen, nơi những người tiếp đón ngài đang dấn thân vào một cuộc chiến tranh bạo tàn, và kêu gọi cac quốc gia khắp vùng Vịnh ban quyền công dân cho các cộng đồng thiểu số.

“Các lưu ý của Đức Phanxicô cực kỳ thẳng thắn đối với 1 vị giáo hoàng, người, theo quy luật tổng quát, vốn không chỉ trích xứ sở đang tiếp đón mình và tránh việc kéo chú ý không thích đáng đối với các vấn đề mà các nhà cai trị của họ không muốn thảo luận.

“Nhưng hôm thứ Hai,... Đức Phanxicô rất thẳng thừng trong một bài diễn văn trước hàng trăm nhà lãnh đạo của nhiều tín ngưỡng khác nhau trong một ngày dành cho việc nhấn mạnh tới việc nhân loại cần phải ngưng việc sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa”

Tự do tôn giáo là điều chủ yếu

Cũng chính tính bộc trực ấy đã khiến một học giả Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về Hồi Giáo hy vọng Đức Phanxicô sẽ lên tiếng tại các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đòi có tự do tôn giáo trọn vẹn. Daniel Philpott, giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Notre Dame, tác giả cuốn sách mới xuất bản “Religious Freedom In Islam: The Fate of a Universal Human Right in the Muslim World Today” (Tự do Tôn giáo trong Hồi Giáo: Số phận Nhân quyền Phổ quát trong Thế giới Hồi giáo Ngày nay), cho rằng “đối thoại là chuyện có thể nhưng nó chỉ chân chính và chân thực nếu nó nêu lên các vấn đề gay go. Tự do tôn giáo là vấn đề gay go hơn cả”.

Ông hết lời ca ngợi chuyến đi, một việc làm Đức Giáo Hoàng xứng đáng với tên hiệu Phanxicô của ngài. Tuy nhiên, chuyến đi của Đức Phanxicô trong khía cạnh liên tôn không có gì mới lạ: các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar vốn là hai nước Hồi Giáo ôn hòa, cổ vũ khoan dung và đối thoại. Và do đó, chuyến đi không mang lại sự thay đổi nào trong thái độ của họ. Nhưng nó có thể cổ vũ sự thay đổi này nơi các quốc gia Ả Rập khác.

Nói thế rồi Philpot cho rằng thành công hay không của chuyến đi là việc thành thực trao đổi liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo, một nguyên tắc hết sức thân thiết của Đạo Công Giáo hiện nay, do Vatican II khởi xướng.

Tự do tôn giáo là nguyên tắc quan trọng nhất của công lý khi đụng đến tôn giáo, một nguyên tắc làm cho các tôn giáo là tôn giáo đích thực. Nó là vấn đề phẩm giá đối với các cá nhân và cộng đồng. Nó có liên hệ tích cực qua lại với dân chủ, hòa bình, phát triển kinh tế và thăng tiến phụ nữ và có liên hệ nghịch đảo qua lại với chiến tranh và khủng bố. Tự do tôn giáo cũng là một nhân quyền phổ quát, và là nhân quyền bị bác bỏ rộng rãi nhất ở các quốc gia đa số theo Hồi Giáo. Đối thoại mà không có tự do tôn giáo là đối thoại rẻ tiền, nông cạn, và đầy tính tuyên truyền.

Philpot rất sợ các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất chỉ nhắm mục đích vun sới tiếng tăm mình có tính quốc tế và phò thế giới, nhắm thương mại hoàn cầu, địa điểm du lịch, cổ vũ các hùn hạp quốc tế.

Nhưng nên biết, thứ sáu, ngày 1 tháng 2, trước khi đi các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tại một ủy ban quốc tế hỗn hợp đối thoại thần học giữa người Công Giáo và các giáo hội Chính thống Đông phương, Đức Phanxicô từng lên tiếng kêu gọi Trung Đông trở thành lãnh thổ hòa bình và người Kitô hữu được thừa nhận là công dân trọn vẹn với các quyền bình đẳng.



Trong tuyên bố chung với Đại Imam của Al-Azhar, Đức Phanxicô cũng đã nhấn mạnh đến việc các quốc gia phải cung cấp quyền “công dân đầy đủ”, cố ý trách cứ các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một quốc gia tuy rất cần công nhân ngoại quốc nhưng đã không cho họ đường nào để được nhập quốc tịch.

Văn kiện viết: “Khái niệm quyền công dân dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó tất cả đều được hưởng công lý. Do đó, điều quan yếu là phải thiết lập trong các xã hội chúng ta ý niệm công dân đầy đủ và bác bỏ việc sử dụng kỳ thị của các hạn từ nhóm thiểu số vốn gây ra cảm giác cô lập và thấp kém. Sự lạm dụng hạn từ này mở đường cho sự thù địch và bất hòa; nó hủy bỏ bất cứ thành công nào và lấy đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị kỳ thị”.

Trước đó, bản văn quả quyết rằng “Tự do là quyền của mỗi người: mỗi cá nhân được hưởng tự do tín ngưỡng, suy nghĩ, phát biểu và hành động. Tính đa nguyên và sự đa dạng của các tôn giáo, màu da, giới tính, chủng tộc và ngôn ngữ đều hợp thánh ý Thiên Chúa trong sự khôn ngoan của Người, nhờ đó Người đã dựng nên con người. Sự khôn ngoan thần thiêng này là nguồn gốc từ đó quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do được khác biệt đã phát sinh. Do đó, việc buộc mọi người phải tuân thủ một tôn giáo hoặc văn hóa nhất định phải bị bác bỏ, cũng như việc quá áp đặt lối sống văn hóa mà người khác không chấp nhận”.



Trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị Liên tôn, ngài nhấn mạnh đến việc “mỗi người đều qúy giá bằng nhau trong đôi mắt Thiên Chúa, Đấng không nhìn gia đình nhân loại bằng cái nhìn ưa thích (preferential) nhằm loại trừ, nhưng bằng cái nhìn nhân từ nhằm bao gồm”. Do đó, “thừa nhận cùng các quyền lợi như nhau cho mọi hữu thể nhân bản là tôn vinh danh Thiên Chúa trên mặt đất”.

Ngài còn nói thêm rằng “kẻ thù của tình anh em là chủ nghĩa duy cá nhân diễn dịch thành ước muốn tự khẳng định mình và phe nhóm mình trên người khác”. Đối với ngài, “lòng đạo đức tôn giáo đích thực hệ ở việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu mến người lân cận của mình như chính mình... Mỗi hệ thống tín ngưỡng được mời gọi thắng vượt sự phân rẽ giữa bạn và thù, để tiếp nhận viễn tượng nước trời, một viễn tượng bao gồm người ta không đặc ân hay kỳ thị”

Đến đây, ngài bày tỏ sự đánh giá cao của ngài đối với “cam kết” của các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất “khoan dung và bảo đảm tự do thờ phượng, đối chất chủ nghĩa cực đoan và hận thù”. Ngài nhắc nhở họ rằng tình huynh đệ “ủng hộ sự đa dạng và các khác biệt giữa các anh chị em” và “thái độ đúng đắn không phải là độc dạng bắt buộc cũng không phải là chiết trung hòa giải”.

Ngài nói rõ thêm: đối thoại “giả thiết phải có bản sắc riêng của mình” một bản sắc “không nên bị làm ngơ để làm vui lòng người khác” và đồng thời, “nó đòi hỏi lòng can đảm của tính khác biệt, một tính vốn bao gồm việc phải nhìn nhận người khác cách trọn vẹn và tự do của họ, và cam kết do đó mà ra phải cố gắng sao cho các quyền lợi căn bản của người khác luôn được khẳng định ở khắp nơi và bởi mọi người”.

Ngài nhấn mạnh, “tự do tôn giáo” là một phần của tự do này.

Ngoài ý niệm tự do, Đức Phanxicô còn nhấn mạnh tới ý niệm công lý. Ngài nói: “không ai có thể tin vào Thiên Chúa mà lại không tìm cách sống công bằng với mọi người, theo Nguyên tắc vàng: ‘bất cứ điều gì bạn muốn người ta làm cho bạn, hãy làm như vậy cho họ; vì đây là lề luật và các tiên tri’ (Mt 7:12).

“Hòa bình và công lý không thể tách rời! Tiên tri Isaia nói: ‘hiệu quả của sự chính trực sẽ là hòa bình’, (32:17). Hòa bình chết khi nó bị ly dị khỏi công lý, nhưng công lý sẽ sai lầm nếu nó không phải là phổ quát. Một công lý chỉ dành cho các thành viên gia đình, đồng bào, tín hữu của cùng một đức tin là một công lý khập khiễng; đó là một sự bất công trá hình”!

Xét như thế, thiển nghĩ Đức Phanxicô đã chu toàn được mục tiêu của chuyến đi: đối thoại liên tôn (chứ không tranh luận) trong tinh thần tôn trọng sự thật, thẳng thắn nói lên quan điểm chân chính của mình về tự do tôn giáo, không phải chỉ một khía cạnh mà trong quan điểm tổng quan, tổng thể về nguyên tắc cốt lõi này theo viễn tượng của cả Thánh Kinh, giáo hội học lẫn nhân bản.

Cha xứ hoàn vũ



Tuy nhiên, mục tiêu chuyến đi không phải chỉ có thế. Nữ ký giả Inés San Martin nhìn nó dưới con mắt mục vụ khi đặt tựa đề cho bài viết của cô: “Pope becomes parish priest of Catholics on Arabian Peninsula” (Đức Giáo Hoàng trở thành cha xứ cho người Công Giáo ở Bán Đảo Ả Rập).

Ông cha xứ này bảo con chiên mình sống đơn giản, trong một xã hội thừa mứa, theo các Mối Phúc. Ngài nói thế trong Thánh Lễ công cộng đầu tiên trong lịch sử tại một quốc gia đa số theo Hồi Giáo với sự tham dự của khoảng 180,000 người trong đó có 4,000 người Hồi Giáo!

San Martin tường trình rằng trong Thánh Lễ trên, chính phủ các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã trải thảm đỏ cho "ông cha xứ" này, tuyên bố 1 ngày nghỉ cho những ai có vé tham dự Thánh Lễ, và khi đoàn hộ tống của ngài bước vào nơi hành lễ, máy bay quân sự đã diễn hành trên đầu công chúng trải mầu vàng trắng, mầu cờ Vatican, lên bầu trời.

Các Kitô hữu địa phương như được tăng sinh lực. Một tài xế taxi người Uganda cho hay: anh “phải” tham dự Thánh Lễ này vì đây là 1 biến cố có tiềm năng thay đổi lịch sử.

Không biết nó có thay đổi lịch sử hay không nhưng quả nó là lịch sử ở chỗ nó là cử hành Kitô Giáo công công cộng đầu tiên trong lịch sử nước này, nơi tuy khoan dung với các nhóm thiểu số tôn giáo nhưng cấm họ không được công khai đức tin của mình! Gần một triệu người Công Giáo ở đây vốn được đối xử như những công dân bậc nhì.

Đúng như một cha xứ, trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô “steered away” (lánh xa) chính trị và bất cứ vấn đề nào được ngài “thẳng thừng” đưa ra tối hôm trước. Ngài chỉ xin họ “đừng bác bỏ danh thánh Giêsu và kiên trì giữa nhiều khó khăn”. Ngài nói: “cha xin cho chúng con được ơn duy trì hoà bình và hợp nhất, săn sóc lẫn nhau bằng tình anh em tươi đẹp trong đó không có Kitô hữu hạng nhất hay hạng hai”.

Đức Phanxicô quả là một cha xứ hoàn vũ đến để củng cố đức tin của anh chị em mình.