Tết Nguyên Ðán là những ngày lễ lớn nhất đầu năm của người Việt Nam. Trong ít nhất là ba ngày vui chơi, mọi công việc đều được tạm ngưng để mọi người, dù giàu hay nghèo, tưởng nhớ Tổ tiên, Ông bà, tiếp đãi Cha mẹ, thân nhân, bạn bè,… bởi chủ nhà, do đó chúng ta luôn nói là ‘ăn Tết’. Thời gian Tết này có thể nói bắt đầu từ ngày Tiển Ông Táo về trời và, từ ngày này, người Việt thường nói với nhau bằng ngày âm lịch như từ trưa 30 tháng chạp, người ta nghỉ việc để đón mừng Ông bà về ăn Tết với con cháu. Bởi thế, xin mời tìm hiểu về Niên Lịch này.

I.- SỰ HÌNH THÀNH ÂM LỊCH.

Âm lịch xuất hiện từ năm 2637 trước Ðức Kitô, được xây dựng theo đường đi của Mặt trăng quanh Trái đất, đúng vào ngày 15 mỗi tháng, hay chính xác hơn lúc đêm 15 âm lịch, phải trùng với Trăng tròn, trong sự lộng lẫy và sự sung mãn của nó. Mặt Trăng là một vệ tinh của Trái đất và phản chiếu như một tấm gương của ánh sáng từ Mặt trời khi đêm đến, và hợp thành 24 giờ (ngày và đêm), trong một động tác xoay liên tục đồng thời quanh Mặt trời, trong một khoảng thời gian dài 365,25 ngày và, cuối cùng, chính Mặt trời xác định bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu và Ðông với những đặc điểm riêng từng mùa.

Cần phải có sự hài hòa trong chuyển động đồng thời của Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời, trong một hệ thống sức thu hút và sự hấp dẫn, được gọi là hệ Mặt trời. Do Mặt trăng không quay quanh bởi Trái đất và xét thấy chu kỳ hàng tháng của Mặt trăng (chỉ dưới 29 ngày rưỡi) không đồng nhất với thời gian 28, 29 và 30 ngày. Năm được chia thành các giai đoạn 12 tháng, tạo thành một năm có 355 ngày. Do đó, sau một vài năm, Mặt trăng bị trễ một tháng và sẽ được tính thêm tháng nhuận thứ 13 vào năm thâm hụt, để biến nó thành một năm nhuận. Ví dụ: năm Đinh Dậu (2017) bao gồm 13 tháng (với 2 tháng Sáu) là Năm Nhuận.

Năm 2019 thuộc chu kỳ (thế kỷ âm lịch, 60 năm) thứ 78 từ năm 1984 đến 2044. Trong chu kỳ này, có 5 loạt :

- 10 Thiên thể : Giáp (nước thiên nhiên) , Ất (nước đang sử dụng), Bính (lửa thắp), Đinh (lửa tiềm ẩn), Mậu (gỗ), Kỷ (gỗ cháy), Canh (kim loại nói chung), Tân (kim loại), Nhâm (đất chưa khai thác) và Quý (đất canh tác) ;

- 12 nhánh trên đất với 12 con vật (Giáp) : Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ) , Mẹo hoặc Mão (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), ớ (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn hay heo).

Để chỉ định một năm bằng tên đầy đủ phải gồm hai từ : tên Thiên thể đi trước và tên Giáp đi sau. Thí dụ : 2016 (Bính Thân), 2017 (Đinh Dậu), 2018 (Mậu Tuất), 2019 (Kỷ Hợi), 2020 (Canh Tý). Sự kết hợp lần lượt này theo thứ tự liên tiếp của hai chuỗi song song tượng trưng cho Trời và Ðất sẽ cho phép hình thành một Thế kỷ âm lịch với 60 năm.

Ba ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới được gọi là TẾT, hay ' ‘TẾT nguyên đàn'. Tết KỶ HỢI năm nay rơi vào ngày 05.02.2019.

Người Công Giáo, vào ngày đầu tiên (mùng 1) Năm Mới, cám ơn Thiên Chúa những Ơn Lành được hưởng trong Năm qua và cầu nguyện Người ban Bình An cho Năm mới; Ngày thứ 2 tưởng nhớ Tổ tiên và Phụ huynh; Ngày thứ 3 cầu nguyện cho Mùa màng và Việc làm.

II.- TIỂN ÔNG TÁO VỀ TRỜI.

Sự Tích Táo Quân được lưu truyền như sau:
Trọng Cao và vợ là Thị Nhi cưới nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra hay cãi cọ nhau. Một hôm, anh Cao giận và đánh vợ. Chị Nhi bỏ nhà ra đi, gặp và nhận Phạm Lang làm chồng. Sau khi Cao hết giận, anh hối hận và đi tìm vợ. Khi tiêu hết tiền bạc đem theo, anh đành phải đi ăn xin. Khi Cao đến xin ăn tại nhà chị Nhi, hai người nhận ra nhau. Chị rước anh vào nhà, đôi bên kể chuyện cho nhau và Nhi ân hận đã sống với Lang.

Khi Lang về nhà, sợ chồng bắt gặp anh Cao ở đây, khó giải thích, nên Nhi bảo Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Sau khi về, Lang vô tình đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Nhi trong nhà đi ra thấy Cao đã chết do sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đỏ lửa để chết theo. Lang gặp tình cảnh éo le, thấy vợ chết nên rối trí, nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng trên Thiên đình cảm động về mối chân tình của cả ba (2 ông, 1 bà) chết trong lửa nóng, Ngài cho phép họ được ở bên nhau và hóa thành ‘chiếc kiềng 3 chân’ ở nhà bếp ngày xưa và được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho gia đình đó. Ngoài ra, họ có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ và phẩm hạnh những người trong nhà đó. Do thường được thờ ở nhà bếp, nên còn được gọi là Vua Bếp.

Người Việt ngưỡng mộ sự chung thủy của Ông Táo nên thờ cúng Ông với hy vọng Táo sẽ giữ ‘bếp lửa’ trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.
Theo tục lệ cổ truyền, họ tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch (Năm nay, rơi vào ngày 28.01.2019), Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về Thiên đình để dâng Sớ báo cáo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ðến lúc Giao thừa, Táo Quân mới trở lại nhiệm sở trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa.

Lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng được tổ chức rất trọng thể. Gia chủ mua hai mũ Ông Táo với hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy và một con cá chép vàng mã để làm phương tiện cho Vua Bếp về chầu Ngọc Hoàng.

III.- CHUẨN BỊ NGÀY TẾT.

Thời gian này có thể coi như bắt đầu từ sau ngày Tiển đưa Ông Táo về Trời. Tại Miền Nam Việt Nam, vào cuối thập niên 1940, khi Quê hương còn sung túc như bài thơ sau đây mà cá nhân tôi có dịp học biết ở Tiểu học :

Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng Tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm
Sáng ngày đêm lúa ra ngâm
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi
Nước ruộng vơi mười còn độ một, hai
Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng
Chờ cho lúa có đòng đòng
Bây giờ ta sẽ trả công cho người
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.

Ngoài ra, cũng trong thời gian này, ngoài các chợ ban ngày tràn đầy các thực phẩm đặc biệt cho những ngày Tết, còn có những chợ Tết về đêm cung cấp các loại bánh, mứt… cùng các nơi bán bông hoa.

Một vài đặc điểm ngày Tết :

A./ Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Tổ tiên vào những ngày Ðầu Xuân mang năm màu sắc màu tượng trưng niềm mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí.

Người Miền Bắc bày năm loại quả với ngũ sắc như: chuối hay táo màu xanh; bưởi, cam hay quýt màu vàng; hồng, táo tây hoặc ớt màu đỏ; roi, mận, đào hay lê màu trắng; hồng xiêm (sapôchê), nho đen, măng cụt hoặc mận màu đen.
Tại Miền Nam, mâm ngũ quả thường gồm các loại trái mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch nghe như ‘cầu vừa đủ xài’ hoặc dưa hấu, thơm…

B./ Bánh chưng, bánh tét : món ăn truyền thống dân tộc.

Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi dẹp xong giặc Ân, muốn truyền ngôi cho con, nên mở cuộc thi tài để chọn người lên làm vua bằng làm món ăn. Nhân dịp đầu Xuân, vua mở hội các con mà tuyên bố: « Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho ». Các Lang (danh xưng các Thái tử, con vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những vật liệu sơn hào hải vị quý hiếm tìm từ khắp nơi.

Người con trai thứ 18 là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, làm ra bánh chưng, bánh dầy. Kết quả được vua cha chọn nhường ngôi. Tài giỏi và tấm lòng của Lang Liêu là biết sử dụng những vật liệu thông thường có sẵn nơi quê nhà như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, bao gồm cả một nền văn minh nông nghiệp đất nước, thật ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế Tổ Tiên, đất trời.

Vào các dịp Lễ Tết, ở Miền Bắc Quê hương, thịnh hành nhất là bánh chưng và bánh dầy. Người ta cho rằng bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, là âm, dành cho mẹ. Bánh dầy hình tròn tượng trưng cho trời, là dương, dành cho cha.

Ở Miền Nam, bánh tét được chọn thay thế bánh chưng. Ðó là do sự kết hợp nhiều nền văn hoá khác nhau, như là văn hoá Chăm với tín ngưỡng ‘Phồn Thực’, khiến bánh tét có hình tượng Linga biểu tượng sức sống, sự trường tồn, hùng mạnh… Nhưng có quan niệm khác cho rằng bánh tét thực ra là cái bánh chưng nguyên thủy của người Việt xưa, được bảo lưu tại miền này. Nó không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhân bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhân và màu đen của tiêu trộn vào nhân đậu xanh hoặc ướp thịt nhân bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).

Ngoài những trái cây và những thức ăn đặc biệt đó, các gia đình còn phải nấu những món khác để cúng tiền nhân đã qua đời được đón về vào ngày áp Tết và tiển đưa ngày mùng bốn. Những bửa ăn cao lương mỹ vị cũng được làm để đãi khách và thưởng thức trong đại gia đình với con cháu. Những món như thịt kho, dưa giá, thịt đông, củ kiệu, củ hành ngâm, v.v. đều không thiếu.

IV.- GIAO THỪA.

Ðó là thời khắc đúng không giờ lúc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Một thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Ðây là lúc hai con vật cầm tinh hai năm, cũ và mới, bàn giao thời gian cho nhau.

Theo phong tục dân tộc Việt Nam, giao thừa là lúc cúng gia tiên và chuẩn bị chu đáo để đón người đến xông đất, mang tài thần vào nhà. Ðối với nhiều người Việt, người đầu tiên đặt gót vào nhà mình sau khi giao thừa được gọi là người xông đất, vô cùng quan trọng. Người này sẽ ảnh hưởng đến vận may rủi cho gia đình hay nơi kinh doanh của người chủ suốt cả năm âm lịch.

V.- BA NGÀY TẾT.

A. Ngày Mùng Một.

Trong những năm từ 1954 đến 1967, ngày này thật linh thiêng. Ngay từ sáng sớm, khi còn là con trong gia đình. Sáng sớm, phụ huynh cúng bánh mứt và nước trà cho ông bà. Trong khi đó, các con quần áo mới chỉnh tề, chờ khi cha mẹ cúng xong, mừng tuổi, lạy song thân và nhận bao đỏ lì xì. Sau đó, cả gia đình đến chúc Tết ông bà nội ngoại. Buổi chiều, ở nhà đón bà con, thân nhân đến thăm viếng gia đình.

B. Các Ngày Mùng Hai và Ba.

Chương trình rỗi rãnh hơn để có thể đi thăm bè bạn, chơi bài xì hay đánh bầu cua cá cọp… và thưởng thức bánh chưng, bánh tét, mứt và hột dưa.

Trong ba ngày Tết, người ta tránh quét rác ra khỏi nhà vì, làm như thế, tiền bạc cũng ra khỏi nhà.

VI.- NĂM HỢI NÓI CHUYỆN HEO.

Không còn mấy ngày nữa, người dân Việt sẽ tiển đưa con Chó và đón tiếp con Heo ngự trị toàn quốc, với nhiệm kỳ một năm. Lang thang trên Xa lộ Thông tin tìm đọc một vài câu chuyện về Heo để trình lại cho quý bạn đọc.

Heo là một loài vật có thân hình tròn trịa mũm mỉm, béo mập và hiền từ, không dữ như các loài thú khác rắn, cọp, chuột… hại người, giết thú vật khác. Bởi thế, khi Ngọc Hoàng triệu tập 12 con giáp đến để xếp hạng theo thứ tự, Heo cứ từ từ để Chuột phóng về hạng nhất và 10 con khác xếp lần lượt sau đó, để nhường chổ chót cho Heo.

Heo là con vật mà chỉ nói đến tên, ai cũng có thể cảm thấy gần gũi. Tên nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là một biểu tượng văn hóa. Trong tiếng Việt thường nhật, heo cũng luôn được nhắc đến, nào là ‘mập như heo’, ‘ngu như heo’, ‘lười như heo’, ‘ăn như heo’, ‘sướng như heo’, và ‘dơ như heo’... Về phương diện sinh học, heo không ngu, nhưng khá thông minh, dễ dạy, ngoan hiền và thân thiện.

Người ta còn so sánh miệng lưỡi ‘trơn như mỡ heo’, ‘đẻ như heo’, ‘mập như heo’, ‘nói toạc móng heo’ hay chê trách người gian dối ‘mượn đầu heo nấu cháo’. Để cảnh cáo các ông muốn nhiều vợ, người ta nhắc ‘Hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm!’ khá đúng với thực tế. Thời xưa, heo được vẽ trên các bức tranh dân gian Đông Hồ, trên tấm lịch treo tường của gia đình là để thể hiện sự sung mãn, hạnh phúc.

Ca dao Việt Nam từ ngàn xưa đã có những câu rất dí dỏm, rất tình tứ, đầy nhân bản về việc cưới gả. Trong đó, Heo giữ vai trò quan trọng. Thí dụ, một chàng trai đã ‘phải lòng’ một thiếu nữ, nhưng lại vờ vĩnh hứa giúp ‘đằng ấy’ khi ‘đằng ấy’ lấy chồng:
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.

Nghe vậy, nàng cũng bắt thóp được ý chàng, tuy tim nàng nhảy tưng tưng muốn rời khỏi lồng ngực, nhưng đã trấn tĩnh, ỏn ẻn, khẽ trả lời:
Anh về thưa với mẹ cha,
Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo.

Nói bắt gà đi cheo, chứ thật ra chàng trai phải nộp cheo cho làng bằng thủ lợn đấy. Bởi vì:
Sỏ lợn lớn hơn đầu mèo,
Làng ăn không hết làng treo cột đình.

Tục lệ ở Việt Nam xưa là như thế. Nạp cheo để chứng minh cho cả làng biết là chúng tôi thành vợ thành chồng đàng hoàng. Biên nhận nạp cheo là một thứ giấy giá thú. Nếu không có nó thì:
Có cưới mà chẳng có cheo,
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài.

Hà Minh Thảo