(III) Việc nói tiên tri tại Israel

Sự thịnh hành của mẫu thức tiên tri tại khắp miền Cận Đông vừa là nguồn cội cho việc nói tiên tri tại Israel vừa nhấn mạnh tới các đặc tính đặc trưng của nó. Vì tôn giáo Do Thái có những nét chung với các tôn giáo của các dân tộc khác thuộc miền Cận Đông, nhất là các dân tộc thuộc nhóm Semitic, nên nó có nhiều định chế tôn giáo tương tự như thế nào, trong đó có định chế nói tiên tri, thì cũng vì tôn giáo Do Thái có những nét hoàn toàn đặc thù so với các tôn giáo của vùng này, nên phong trào nói tiên tri của nó cũng là một nét độc đáo riêng khác với thế giới Cận Đông như thế.

(A) Lịch sử việc nói tiên tri tại Israel

Người Do Thái nghĩ gì khi họ nói về nābîʼ, từ ngữ mà Bản Bẩy Mươi dịch là “tiên tri”? Bề ngoài xem ra câu hỏi này khá sơ đẳng, nhưng ta không thể trả lời một cách chính xác cho nó chỉ bằng cách dựa vào các kiến thức hiện nay của ta mà thôi. Bởi vì chưa có bất cứ đồng thuận bác học nào về nguồn gốc của từ ngữ này, một từ ngữ chắc hẳn được ngôn ngữ Hípri vay mượn đâu đó. Ta chỉ có thể dựa vào cách Cựu Ước sử dụng nó để có thể đưa ra bất cứ định nghĩa nào. Việc xem sét này cũng giúp giải quyết một số vấn đề khác, kể cả vấn đề phát sinh do sự kiện nghịch lý này là từ ngữ này từng bị chính những người chúng ta vốn nghĩ là tiên tri bác bỏ hay ít nhất tránh né.

(a) Việc nói tiên tri lúc ban đầu

Truyền thống Thánh Kinh vẫn coi nguồn gốc việc nói tiên tri tại Israel là chính Mô-sê, và ít nhất, nếu hiểu điều này có ý nói việc nói tiên tri có cùng lúc với Israel, thì không có lý do gì để không chấp nhận truyền thống ấy. Khung cảnh mô tả tại Ds 11:24-30, thuộc truyền thống E, chắc chắn đã mô phỏng cuộc tập họp của các tiên tri xuất thần thời sau này, nhưng Am 2:11 cũng nhắc tới cùng một loại tiên tri này khi cho rằng thời đại Mô-sê chính là thời khởi nguyên của hình thức nĕbîʼîm. Chắc chắn loại tiên tri này là loại đầu tiên được hiểu qua chữ nābî. Đã đành, trong các bản văn về sau, chữ này có một nghĩa rộng hơn, để chỉ bất cứ ai được linh hứng, hay ít nhất những ai được nhìn nhận là Thiên Chúa che chở, như Áp-ra-ham, trong St 20:7 (EJ) chẳng hạn. Do đó, trong Ngũ Kinh, Mô-sê thường được gọi là nābîʼ, cũng như A-ha-ron (không những trong Xh 7:1 [P] mà cả trong Ds 12:2-8 [E]) và Miriam (trong Xh 15:20 [P]. Trong Tl 4:4, Đơ-vô-ra cũng được gọi là một nĕbîʼâ. Các bản văn này không cho ta biết nhiều về ý nghĩa lúc ban đầu của từ ngữ này; như 1Sm 9:9 đã cho thấy, đến lúc này, từ ngữ nābîʼ không còn chỉ giới hạn vào ý nghĩa một loại “người thánh” duy nhất nào nữa.



Nếu không có lý do gì để tra vấn truyền thống coi nĕbîʼîm đã có nguyên lai từ thời Môsê, thì ta phải nhìn nhận rằng chúng ta không nghe nói đến nguyên lai này trước cuối thời các thủ lãnh và đầu thời các vua khi nó được nhắc đến liên quan tới các cuộc chiến tranh với người Philitinh. Hoàn cảnh này không gây ngạc nhiên chi, vì một chức năng lớn của các tiên tri xuất thần này, cũng như của phái Nazirites, hình như là để kích thích lòng yêu nước và lòng đạo. Thông thường những vị này nói tiên tri theo từng nhóm mà kinh nghiệm có tính cộng đồng của họ được mô tả trong các đoạn đại loại như trong 1Sm 10:6-8, 10-13. Bởi thế, họ thường được dành cho một cái tên chung là “con các tiên tri” (běnêhanněbîʼîm), vốn được giải thích như là “thành viên của phường hội tiên tri”, “các tiên tri chuyên nghiệp và “các môn đệ nói tiên tri” (xem 1V 20:35, 2V 2:3 tt; 5:22; 6:1...) Tất cả các giải thích này đều có thể được biện minh. Kinh nghiệm xuất thần dùng như bầu khí cho việc nói tiên tri thường được gây ra bởi việc bị ảnh hưởng lẫn nhau qua nhẩy múa và âm nhạc. Các tiên tri này cũng thường được coi như các môn đệ hay người tập sự của các tiên tri đã nổi tiếng; tuy nhiên, họ cũng sống biệt lập như các cá nhân tư riêng (xem 2V 4:1). Trong cả hai khả năng này, người ta có thể thấy họ liên kết với các cung thánh như các “tiên tri thờ cúng” (cult prophets) (xem 1V 14:1tt; 2V 22:14-17) hay phục vụ nhà vua trong tư cách “tiên tri triều đình” (xem 2Sm 7:1tt; 12:1tt). Họ mặc loại y phục khác biệt bằng da lông (2V 1:8) và thường mang các đặc điểm khác nữa (xem 1V 20:38, 41) và đôi khi có thể cạo đầu (xem 2V 2:23).

Kinh nghiệm xuất thần biến đổi vị tiên tri, làm ông thành “một người khác” (1S 10:6). Trong tình trạng ấy, các trò cười của ông có thể lố bịch khiến người ta có thể thân mật gọi ông là “người khùng” (2V 9:11) trong khi nghề của ông bị coi như ít phù hợp với tư cách công dân có trách nhiệm, đáng kính (1Sm 10:11). Thời cổ, người ta ít phân biệt được các bất thường tâm linh (psychic abnormalities) không biết chúng phát xuất từ linh hứng, sự mê loạn hay điên khùng. Chắc chắn điều kiện này là phương thế cho trải nghiệm tôn giáo chân chính trong đó, người ta đạt được sự tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa. Nhưng điều cũng chắc chắn là nó dễ dàng là một nguồn lừa đảo và mê tín, như các cuộc bút chiến về sau của các tiên tri cổ điển chống lại nĕbîʼîm sẽ chứng tỏ.

Chủ trương xuất thần vẫn tiếp diễn tới 1 mức nào đó qua suốt thời kỳ tiên tri của Do Thái. Samuen, có lần, đã bị mô tả như đứng đầu nhóm tiên tri xuất thần này (1Sm 19: 20tt). Cả Êlia và Êlisa cũng thường liên hệ với “các con của tiên tri” này trong tư cách bậc thầy và lãnh tụ (xem 2V chương 2). Qui mô ảnh hưởng của chủ trương xuất thần đối với việc nói tiên tri về sau, nhất là tiên tri văn bản cổ điển, hiện vẫn còn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận có ý nghĩa. Trong 1V 22:5-28, tiên tri giả Xít-ki-gia-hu lấy việc mình sở hữu được “thần khí của Đức Chúa” và các bạn đồng xuất thần của mình làm chứng cớ chống lại việc nói tiên tri của Mi-kha-giơ-hu, người xem ra không có “thần trí” này. Mi-kha-giơ-hu chỉ gán việc nói tiên tri cho thị kiến của mình; cũng nhờ thị kiến này, ông biết kinh nghiệm của Xít-ki-gia-hu là kinh nghiệm của một “thần trí dối trá”. Cũng thế, Grm 29:26 cho thấy tiên tri xuất thần rất thông thường thời Giêrêmia, nhưng chính Giêrêmia thì không bao giờ nại tới việc sở hữu “thần khí” tiên tri. Tuy nhiên, mặt khác, Êdêkien chắc chắn nhận được nhiều lời tiên tri của mình trong những lúc xuất thần và chứng thực nhiều lần rằng mình được “thần trí” và “bàn tay Giavê” chiếm hữu.

Mối liên hệ cổ xưa giữa “thầy chiêm” (1) (rōʼeh hay ḥōzeh, [seer]) và nābîʼ là điều chưa ai biết chắc. Về nguyên tự, thầy chiêm là một người thị kiến chứ không hẳn xuất thần, nhưng không loại bỏ việc các thị kiến này nhận được do một kinh nghiệm xuất thần. Gát, một nābîʼ, cũng được gọi là ḥōzeh của Đavít trong 2Sm 24:11; 1Sb 21:9; điều này chắc chắn phản ảnh việc đồng hóa các từ ngữ này sau đó như được thấy trong 1Sm 9:9. Mặc dù vai trò của thầy chiêm là nói tiên tri (nghĩa là hành động 1 phần của nābîʼ, xem Am 7:12), nhưng thầy chiêm vẫn khác với tiên tri như trong 2V 17:13; Is 29:10; 30:10; Mk 3:6-7. Đệ Nhị Luật 13:2-6 nói đến “tiên tri và kẻ chuyên nghề chiêm bao”; như thế rõ ràng thầy chiêm đồng nhất với những người “chuyên nghề chiêm bao” này. Khi dựa vào các giấc mơ như nguồn mạc khải của Thiên Chúa, Israel cổ thời đã tiếp tục chia sẻ mẫu người được linh hứng của Cận Đông cổ xưa. Việc sử dụng bói toán (divinatory) cũng có thể có vai trò trong các thị kiến của thầy chiêm; tuy nhiên, nói chung, Đạo Do Thái có xu hướng coi bói toán là chuyện mê tín. Từ ngữ “thầy bói” không bao giờ được sử dụng trong Thánh Kinh để chỉ người phát ngôn chân thực của Thiên Chúa.

Với việc tinh vi hóa hay đơn giản hóa ngôn ngữ tôn giáo, các từ ngữ được các tôn giáo không phải Do Thái Giáo ưa dùng (“thầy bói”, “thầy chiêm bao”...) trở thành có nghĩa xấu và mọi loại linh hứng đều được ngụ hàm trong hạn từ nābîʼ. Tuy nhiên, xu hướng này dẫn nhập một sự hàm hồ tối nghĩa nào đó, từng được Amốt cảm nhận; ngài chấp nhận nĕbîʼîm của quá khứ nhưng bác bỏ việc ngài là một nābîʼ theo nghĩa của A-mát-gia (7:12-15) nghĩa là một tiên tri thờ cúng xâm phạm lãnh thổ của tiên tri tư tế của Bết-ên.

(b) Nói tiên tri cổ điển



Qua cụm từ “nói tiên tri cổ điển”, chúng ta muốn nói tới kiểu nói tiên tri của những vị mà Cựu Ước dạy ta coi như điển hình cho các tiên tri Do Thái, nghĩa là tất cả những gì tách biệt họ khỏi khuôn mẫu Cận Đông. Đây là những vị tiên tri mà lời dạy được duy trì trong Cựu Ước và nhất là các vị mà tên được dùng đặt tên cho các sách tiên tri. Cựu Ước cũng gọi các ngài là nĕbîʼîm, như thành phần trong diễn trình tiêu chuẩn hóa thuật ngữ, và, ít nhất, chính các ngài, cuối cùng, cũng đã tự gọi mình như thế. Trên thực tế, quả một số tiên tri cổ điển cũng là nĕbîʼîm theo nghĩa chúng ta vừa nói. Các tiên tri chuyên nghiệp cũng có thể trở thành các tiên tri nhờ ơn gọi đặc biệt của Thiên Chúa, dù đây không hẳn là việc thông thường.

Điều trên dẫn ta tới một vấn đề mà nay ta nên bàn tới, tức vấn đề của những người được gọi là tiên tri giả. Đây không phải là 1 hạn từ của Thánh Kinh: Thánh Kinh Do Thái chỉ biết đến nĕbîʼîm mà thôi (dù họ có thể bị coi như các triên tri nói láo hay có thần trí nói láo), mặc dù các dịch giả của Bản Bẩy Mươi, ở một số chỗ, có đưa vào hạn từ pseudoprophētēs. Vì tính hàm hồ tối nghĩa của hạn từ nābîʼ, nên có sự nghịch lý là một số lời tố cáo chua cay nhất tìm thấy nơi các tiên tri văn bản (literary prophets) đã được ngỏ với, hay liên quan, tới “các tiên tri”. Vô vàn các đoạn văn như thế đã tố cáo “các tiên tri” hay, không kém thường xuyên, các tiên tri và tư tế đi đôi với nhau, đã phạm đủ thứ tội luân lý và xã hội chống lại Giavê và dân của Người, và đã hợp tác với các thành phần tồi tệ nhất trong luật lệ và thực hành Do Thái để phản lại thánh ý Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, dưới con mắt của Israel và của chính các tiên tri cổ điển, các tiên tri giả là các tiên tri thực sự giống như các tiên tri cổ điển. Mặc dù trong số họ, có những người có thể có những lời tiên tri phỏng theo hay đội lốt (simulated), nhưng ta không nên nghĩ họ “giả” theo nghĩa họ cố tình và cố ý giả, là điều họ không là. Đúng hơn, họ là những tiên tri bị đánh lừa bởi chính các phương thế tiên tri của họ, sai lầm trong phán đoán, lẫn lộn các niềm hy vọng và hoài mong của họ với lời chân chính của Giavê (xem Is 28:7; Grm 25:3tt). Cũng không loại bỏ việc cùng một tiên tri có lúc nói sự thật có lúc nói sự sai trái, vì lời tiên tri chân thực lúc nào cũng là một hồng ân của Thiên Chúa (xem Đnl 13:2-6, hạn chế tiêu chuẩn có phần không được tinh vi về tiên tri thật và tiên tri giả trong Đnl 18:21-22). Dưới mắt Cựu Ước, hoạt động của tiên tri giả cũng do Giavê muốn có như một phương tiện để thử thách những kẻ trung thành theo Người (Grm 4:10; 1V 22:19-23...)

Các tiên tri giả thường là các tiên tri ở triều đình chỉ biết nói cho vua và các cận thần của ông ta những điều họ muốn nghe; họ cũng thường là những người thu tích được tiền bạc từ những lời tiên tri có lợi cho khách hàng, bảo đảm với họ được Thiên Chúa chúc phúc hay không làm lương tâm họ bối rối. Tuy nhiên, có lẽ phần lớn họ là những người bị cuốn vào thảm kịch chung của dân họ, nghĩa là những người đã trở nên xác tín rằng “lối sống của người Do Thái” tượng trưng cho bất cứ điều gì thuộc về Thiên Chúa đến độ họ có một thứ kể như bản nhiên thứ hai muốn đo lường thánh ý Giavê theo thành quả của Israel chứ không phải ngược lại. Thảm kịch thường được lặp đi lặp lại này không hề chỉ có cổ thời Israel mới có. Trong một thời đại mà niềm tự hào quốc gia nói bằng ngôn từ tôn giáo, thì điều không thể tránh được là ngôn từ này cũng nói bằng tiếng nói tiên tri.

Điều hiển nhiên là sự phân biệt giữa hai lối nói tiên tri giả và tiên tri thật thời các tiên tri cổ điển không luôn luôn rõ ràng. Việc chiếm hữu “thần trí” tiên tri xuất thần không phải là một tiêu chuẩn chắc chắn: các tiên tri có thể có thần trí mà vẫn nói tiên tri giả và phần lớn các tiên tri cổ điển không cho thấy dấu chỉ nào là xuất thần cả. Việc nên trọn lời tiên tri, dù nó luôn hiển nhiên đối với các người đương thời của vị tiên tri, cũng không phải lả dấu chỉ vô ngộ, như Đnl 13:2tt đã chứng tỏ; hơn nữa, các lời tiên tri thật xem ra cũng thường không nên trọn, làm nản lòng cả chính vị tiên tri (xem Grm 20:7tt). Khi tiên tri Kha-na-gia nói tiên tri điều ông mơ tưởng khi tiên đoán cuộc lưu đầy Babilon sẽ kết thúc trong hai năm và việc phục hồi Giơ-khon-gia (Grm 28:1tt), thì Tiên Tri Giêrêmia chẳng phản bác được bao nhiêu ngoài xác tín của ngài về sự thật trong lời tiên tri ngược lại của mình. "A-men! Ước gì ĐỨC CHÚA làm như thế! Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa tuyên sấm...” Giêrêmia buồn bã nói thế, vì chính ông cũng muốn nói như Kha-na-gia, nhưng ông biết ông không thể nói thế, vì đó không phải là lời của Giavê.

Giêrêmia cũng biện minh lời tiên tri của ông một cách khiến ta lạ lùng: “Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch; còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ ĐỨC CHÚA sai đến thật sự!" (28: 8-9).

Thực sự, Giêrêmia không có ý nói tiên tri sự dữ thì phải được tin còn tiên tri tiên đoán hòa bình thì phải bị bác bỏ. Ngài chỉ đưa ra quan điểm của ngài về truyền thống tiên tri từng phục vụ truyền thống Giavít chân chính; ngài sử dụng cùng một luận điểm như trong Đnl 13:2tt. Bất cứ ai thực sự biết Thiên Chúa đều sẽ nhận ra vị tiên tri đích thực của Người và biện phân vị này với tiên tri giả, vì việc nói tiên tri phải phù hợp với các kế sách của Thiên Chúa như Người đã mạc khải cho họ. Theo Tin Mừng Gioan 5:3 tt, Chúa Giêsu cũng đã tương tự bênh vực quan điểm của Người như thế trước thế hệ của Người. Bất cứ ai nhìn nhận tình thế của Israel trong tương quan với thánh ý Thiên Chúa, đều cũng phải biết rằng lời tiên tri hòa bình giống như lời tiên tri của Kha-na-gia không thể là lời thực sự của Thiên Chúa trong các hoàn cảnh như thế.

Nếu các tiên tri cổ điển chỉ có thể cung ứng cho người đương thời chứng từ của chính lời tiên tri, thì họ đã không làm điều gì khác hơn bất cứ tiên tri đích thực nào vẫn được chờ mong phải làm: chính lời này phải tìm được đáp ứng trong trái tim vốn sẵn sàng tiếp nhận lời lẽ của Thiên Chúa. Xác tín của họ đối với sự thật trong lời tiên tri của mình dựa vào cùng nền tảng; bởi thế, trình thuật ơn gọi tiên tri, cảm nghiệm thánh nhan Thiên Chúa, đóng một vai trò chủ chốt trong việc ghi lại các tiên tri văn bản. Chứng từ này tạo nên uy tín của họ, cho chính họ và cho những người họ được sai đến.

Việc nhìn nhận mục đích độc đáo mà Giavê đã dành cho việc nói tiên tri trong thời đại cổ điển đã được tìm thấy trong Cựu Ước qua câu truyện về Samuen. Vị này là một nābîʼ, đứng đầu một nhóm běnêhanněbîʼîm, sự hiện hữu của những nhóm như thế trên một qui mô lớn vốn đã được giả thiết trong sử biên niên Thánh Kinh; thế nhưng, khi Samuen được giới thiệu lần đầu (1Sm 3:1), ta đọc thấy rằng “lời Giavê thật hiếm hoi trong những ngày này – các thị kiến không có thường.” Nói cách khác, với Samuen, việc nói tiên tri ở Do Thái phải đạt được một chiều kích mới. Chiều kích mới này là gì, ít nhất dưới mắt của chính tác giả sách này, đã được nói rõ trong lời biện bạch của Samuen (1Sm 12:1-5), một tuyển tập ngôn từ của Amốt, Mikha, Hôsê và Malaki. Cũng có thể nói cùng điều này về ngôn từ tiên tri được gán cho nābîʼ Nathan trong 2Sm 12:1tt. Việc không sợ sệt tỏ lộ ý muốn của Giavê về luân lý, tức giao ước của Thiên Chúa Israel, một điều phải được coi như đặc điểm của tiên tri cổ điển làm nó khác với mọi tiên tri khác, cả ở Israel lẫn ở những nơi khác, đã bắt đầu với các đại diện của giai cấp nābîʼcổ xưa này.

Theo cách tương tự, Êlia đã tố cáo tội lỗi của A-kháp trong 1V 21:17-24, bằng thứ ngôn ngữ rất xứng danh một Amốt hay một Giêrêmia. 1V 19:4tt mô tả cảm nghiệm “gió hiu hiu” của Êlia trong đó, ngài nghe thấy tiếng của Giavê như chưa bao giờ ngài nghe thấy trước đây, như là ơn gọi mới để nói tiên tri và như khởi đầu của một đường lối tiên tri mới (xem câu 14). Liền ngay sau đó, Êlisa được kêu gọi làm môn đệ của Êlia và, sau cùng, làm người kế nhiệm ngài trong tư cách “cha Israel”. Trong khi tác giả của trình thuật Êlisa phần lớn chỉ lưu ý tới vị tiên tri này trong tư cách làm điều lạ lùng, ông vẫn tìm ra thì giờ để trình bầy cả giáo huấn của ngài nữa bằng những hạn từ có tiếng vang nơi các tiên tri “xã hội” sau này (xem 2V 5:26).

Như thế, quả không khó để thấy lý do tại sao Amốt, dù tự biết mình là một điều gì nhiều hơn là một nābîʼ, vì thể chế truyền thống này tiếp diễn qua thời của ngài và sau đó nữa, đã không bác bỏ thể chế cổ xưa này. Tuy nhiên, ngài gán đặc tính khác biệt trong việc nói tiên tri của mình cho ơn gọi đặc biệt của Giavê (Am 7:15) như Êlia có lẽ cũng làm và rất nhiều tiên tri văn bản khác cũng làm (xem Hs 1-3; Is 6; Grm 1... Trong cùng một Chúa Thánh Thần, các tiên tri có xu hướng tự cấp cho mình các tên không phải là nābîʼ, những cái tên nói rõ tầm quan trọng của họ như là những người Thiên Chúa chỉ định một cách đặc biệt. Họ là “sứ giả của Giavê” (Is 44:26; Kg 1:13; Mk 3:1), “Tôi trung Thiên Chúa” (Is 20:3; Am 3:7; Grm 7:25; 24:4), “Các mục tử” (Grm 17:16; Dc 1:4); “người giám hộ” (Is 62:6; Kb 2:1), “lính canh” (Am 3:4; Is 56:10; Grm 6:17; Edk 3:17).

Các tiên tri nổi tiếng nhất đối với chúng ta là các vị gọi là tiên tri văn bản (literary prophets) thuộc các thế kỷ 8,7 và 6 trước CN. Theo thứ tự thời gian, đó là các Tiên Tri Amốt, Hôsê, Isaia, Mikha, Nakhum, Xôphônia, Khabacúc, Giêrêmia, và Êdêkien. Trừ Hôsê, tất cả các vị này đều là người Giuđa, mặc dù Amốt, vì các lý do thực tiễn, vẫn tiếp tục truyền thống tiên tri cổ điển của người Do Thái miền bắc, vốn bắt đầu với Samuen và Êlia. Tuy nhiên, không nên hạn chế việc nói tiên tri cổ điển vào các vị này; cũng có các vị tiên tri văn bản khác mà chúng ta không biết. Một trong các vị này, thực sự là một trong các vị tiên tri vĩ đại nhất, là vị tiên tri thời lưu đầy mà chúng ta vẫn gọi là Đệ Nhị Isaia; ngoài ra, còn rất nhiều các tiên tri ẩn danh từng đóng góp các phụ lục cho các sách tiên tri, sách thánh vịnh và các trước tác tiên tri khác tìm thấy ở những nơi khác trong Cựu Ước. Rồi cũng còn các tiên tri khác trong truyền thống cổ điển mà lời lẽ thực sự của các ngài ta được thấy một phần nhỏ hay không thấy chút nào. Thậm chí chúng ta không biết cả tên của một số vị. Giêrêmia 7:25; 11:7 chỉ nói đến truyền thống liên tục của tiên tri thật từ thuở đầu của Israel. Với một số vị, ta chỉ biết tên, như U-ri-gia được nhắc đến ở Giêrêmia 26:20-23; việc nói tiên tri của vị này diễn ra cùng thời với Giêrêmia và trong tinh thần của vị tiên tri này.

Ơn gọi đặc biệt của Giavê, một ơn gọi đã đóng một vai trò quan trọng như thế đối với các suy nghĩ của các tiên tri cổ điển, không phải chỉ là tước hiệu tiên tri của các ngài mà thôi. Theo cung cách nó được lồng vào các lời lẽ tiên tri của các ngài, thì nó là điều chủ chốt đối với việc nói tiên tri của các ngài, vì các tiên tri là những nhà tư tưởng có tính cá nhân cao mà nhân cách khác biệt chính là những dụng cụ đa dạng để qua đó, lời Thiên Chúa được đưa ra. Đã đành là có học lý tiên tri chung dễ nhận thấy nói về những nét chủ yếu của tôn giáo tôn thờ Giavê và cả nhiều chi tiết khác nữa, và trong quá khứ, đã có khuynh hướng quá nhấn mạnh đến khía cạnh thiên tài và độc đáo của các tiên tri cá nhân, nhưng cũng đúng là không ai, khi đã quen thuộc với văn chương tiên tri lại có nguy cơ lẫn lộn vị tiên tri này với vị tiên tri kia. Sự tương tự của các ngài phát sinh từ lòng tôn trọng của các ngài đối với các lý tưởng chung và từ việc các ngài tùy thuộc vào các truyền thống và định chế chung. Tuy nhiên, việc làm trung gian của các ngai cho các lời tiên tri thì có tính bản vị cao. Ít khi các ngài trích dẫn lẫn nhau, thậm chí nhìn nhận sự hiện hữu của nhau. Nói cách khác, thế giá trong các lời các ngài nói phát xuất từ niềm tin tưởng thanh thản có tính cá nhân của các ngài rằng các ngài có thần trí của Giavê.

Trong khi các tiên tri cổ điển trước thời lưu đầy ít nhiều có xu hướng tiên tri phán xét chống lại Israel và Giuđa, thì lời tiên tri của Nakhum rõ ràng là một ngoại lệ. Lời tiên tri của Nakhum là một bản tán tụng ca (paen) chiến thắng trước sự tan rã của đế quốc Átsua, mà kết liễu của nó ngài từng tiên đoán sắp diễn ra. Điều này không nhất thiết có nghĩa Nakhum là một trong các “tiên tri hòa bình” mà niềm tự hào duy quốc gia vốn bị Giêrêmia tởm gớm. Việc làm nhục các quốc gia không phải là Israel cũng là thành phần trong sứ điệp của các tiên tri cổ điển khác vốn không hề là “tiên tri hòa bình”. Một tiên tri khác không dễ dàng bị xếp vào khuôn mẫu tiền lưu đầy là Khabacúc, không hẳn vì nội dung lời tiên tri của ngài, vì ý nghĩa chính xác của nó vẫn có thể còn bị tranh cãi, cho bằng vì hình thức của nó. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng các tiên tri phải tuân theo một bản liệt kê các đặc điểm độc dạng. Khabacúc rất có thể là một tiên tri thờ cúng giống như nữ tiên tri Khunđa (2V 22:14). Những vị chịu trách nhiệm lo các thánh vịnh vương giả thường cũng là các tiên tri thờ cúng hay triều đình, thế nhưng rõ ràng có sự khác nhau giữa tâm tư người viết Thánh Vịnh 2 và tâm tư người sáng tác Thánh Vịnh 72. Xét theo bản chất của việc nói tiên tri, qua đó lời Thiên Chúa được gióng lên qua đủ loại dụng cụ tuyển chọn, thì kết quả này là điều đương nhiên.

(c) Nói tiên tri thời hậu lưu đầy



Trong thời lưu đầy, Israel được ban cho một viễn kiến mới mẻ về nhiệm cục Thiên Chúa, đó là viễn kiến của các tiên tri vĩ đại thời lưu đầy: Giêrêmia, Êdêkien và Đệ Nhị Isaia. Các đặc điểm của viễn kiến mới này, lẽ dĩ nhiên, sẽ được bàn tới ở các lời nhận định về các vị tiên tri này. Ở đây chỉ xin ghi nhận ảnh hưởng của các ngài đối với giai đoạn cuối cùng của phong trào tiên tri Do Thái, tức thời kỳ Do Thái Giáo ở Palestine sau cuộc lưu đầy.

Việc nói tiên tri thời hậu lưu đầy thiếu nhiều tính mạnh mẽ và bộc phát của việc nói tiên tri tiền lưu đầy; dù sao, nó cũng đã tạo nên một loại riêng mời gọi ta phải tách nó ra khỏi thời kỳ tiên tri cổ điển. Lindlom, trong Prophecy in Ancient Israel, viết rằng “Các tiên tri thời này sống phần lớn nhờ các ý tưởng của các tiên tri trước đó, và đặc biệt, của các tiên tri thời lưu đầy. Các đặc điểm của họ ít thấy trong các ý tưởng độc đáo của riêng họ cho bằng ở trong các khuynh hướng vốn đã nổi bật và trong cung cách họ thay đổi các ý tưởng vay mượn.” Các tiên tri thuộc loại này, liệt kê theo thứ tự thời gian, là tiên tri hay các tiên tri chịu trách nhiệm phần cuối cùng của Isaia: Khácgai, Dacaria, (các chương 1-8), Malakhi, Ôvađia, Gioen và các tiên tri ẩn danh viết Dcr 9-11, 12-14, ấy là chưa kể một số bàn tay tiên tri đã can thiệp vào việc sản sinh ra lần cuối nhiều sách tiên tri cổ xưa hơn, nhất là Isaia, Giêrêmia và Êdêkien.

Hợp tuyển tiên tri hậu lưu đầy có lẽ có tính nhất quán hơn là hợp tuyển tiền lưu đầy. Ôvađia hậu lưu đầy ít nhiều tương ứng với Nakhum tiền lưu đầy trong việc nói tiên tri về hòa bình cho Israel trong khi hủy diệt kẻ thù đáng ghét. Tuy nhiên, sự kiện Cuốn An Ủi của Đệ Nhị Isaia có trước lời tiên tri của Ôvađia đã khiến phải đặt vị này vào truyền thống hậu lưu đầy mạnh mẽ hơn là lời tiên tri của Nakhum đặt ngài vào truyền thống tiền lưu đầy. Nói chung, các tiên tri hậu lưu đầy có cái nhìn “lạc quan” về số phận Israel hơn các tiên tri tiền lưu đầy, vì đại họa mà các vị sau tiên báo nay đã đến rồi đi, và niềm hy vọng mới có thể được tìm thấy trong khuôn mạo của người đầy tớ Chúa được mạc khải trong Isaia lưu đầy. Dacaria và Malakhi biểu lộ sự quan tâm đối với Đền Thờ, lề luật, mà các vấn đề tế tự vốn không thể tìm thấy nơi các tiên tri tiền lưu đầy. Tuy nhiên, sự quan tâm này tiếp nối quan tâm của Êdêkien, một tiên tri đích thực tiên đoán điềm gở cho Isarel và là người đồng thời đã thị kiến được một giao ước mới mà Giavê sẽ thực hiện trên đất Palestine khi các điều kiện thay đổi sẽ đòi sự thống nhất và các căng thẳng mới về tôn giáo. Phần gọi là Trito-Isaia (các chương 56-66) cũng chịu ảnh hưởng lớn của Êdêkien và Đệ Nhị Isaia. Các hình ảnh mạnh bạo có tính khải huyền của Dacaria, Gioen và phần phụ lục Isaia (các chương 24-27, 34-35) đã được báo trước nơi Êdêkien vốn được nhiều học giả coi như cha đẻ của văn chương khải huyền.

Sự đa dạng của lời tiên tri hậu lưu đầy, xem ra, chủ yếu là một trong các văn phong dẫn khởi từ và thiếu sự tươi mát của các sấm ngôn tiên tri trước đó. Các chủ đề khá thông thường và thích hợp với một dân tộc hiện đang sống dưới một Do Thái Giáo khi Đền Thờ và Kinh Tôra đã trở thành các thực tại lâu bền sẽ tiếp diễn như nền thống nhất của Israel sau khi tiếng nói tiên tri bị nín thinh. Chính lời tiên tri đã giúp cho việc chuyển tiếp qua các điều kiện nhờ đó dân Chúa có thể sống còn trong nhiều thế hệ (mặc dù việc thiếu nó được liên tục cảm nhận, xem 1Mcb 4:46; 14:41). Nó làm thế nhờ đáp ứng các nhu cầu mà Giêrêmia và Êdêkien từng đã thấy trước trước thời lưu đầy, bằng cách nhấn mạnh tới trách nhiệm và lòng trung thành cá nhân đối với lề luật, với một Israel mà Thiên Chúa không còn xử lý với chỉ như một dân tộc tốt hay xấu, thịnh vượng hay gian nan, mà như một tôn giáo trong đó mọi thành viên phải tuân theo luật sống đã đặt ra cho họ cho tới hừng đông một hy vọng còn tốt đẹp hơn nữa (xem Edk 3:16-21; 33:1-20). Sau một lưu ý vắn vỏi vào việc phục hồi nhà Đavít (Dcr 6:9-15), nó trở lại với các chủ đề cứu rỗi mà tính đa dạng đã được phong phú hóa nơi lời tiên tri lưu đầy và nhờ cách này, tiếp tục chứng từ tiên tri cho việc thống trị hoàn vũ của Giavê (xem Mk 1:11; Is 19:9-10...). Cuối cùng, nó hứa hẹn rằng lời tiên tri sẽ trở lại (xem Mk 3:22-24) và, thực sự, một cách nào đó, nó sẽ trở thành ơn phúc cho toàn thể dân Thiên Chúa.

Sự mất dạng của việc nói tiên tri ở Israel cũng kín đáo như lúc nó khởi đầu; không thể xác định ai là tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Trong 200 năm trước CN, các tác giả khôn ngoan đã thi hành một cách đầy ý thức truyền thống thừa hưởng được từ các tiên tri (xem Hc 24:32; Kn 7:27) tuy nhiên đã không cho là mình sở hữu thần khí tiên tri.

(B) Các đặc điểm phân biệt của nó



Từ những gì chúng ta đã nói trên đây, hẳn ta sẽ dễ dàng tổng quát hóa đặc điểm phân biệt của lối nói tiên tri ở Israel; ta sẽ đề cập tới một số đặc điểm này trong các phần sau đây.

Vì Israel có các tiên tri thờ cúng và cung đình hay các tiên tri mà năng khiếu là để phục vụ quốc gia hay các khách hàng tham khảo công tư, nên việc nói tiên tri ở Israel cũng là thành phần của khuôn mẫu tiên tri ở Cận Đông như đã nhắc. Nhưng ngay trong trường hợp này, việc phù hợp với khuôn mẫu cũng không có chi là y hệt, vì nội dung của việc nói tiên tri này có tính Do Thái riêng biệt. Người ta dễ dàng tìm thấy một song hành không Do Thái nơi 400 tiên tri được Vua Israel mời ở 1V 22, nhưng không có song hành nào như thế nơi tiên tri Mikhagiơhu, người cũng được nhà vua cho vời. Điều cũng bất khả hữu là tìm ra một tiên tri cung đình không phải người Do Thái nhưng nói chuyện với vua của mình như Nathan nói với Đavít, hoặc ngay cả một tiên tri nói với vua của mình như các tiên tri hoàng gia. Không một song hành thực sự nào đối với nền văn chương như thế đã được tìm thấy bên ngoài Israel, vì đây là biểu thức nói lên một tôn giáo không hề có song hành nào thực sự trong thế giới đương thời.

Không hề có một song hành không phải Do Thái nào đối với việc nói tiên tri thời cổ điển, cả về hình thức lẫn nội dung. Xem ra không hề có lý do vững chắc nào để đặt điều kiện cho phán đoán đã được đưa ra cách nay 80 năm bởi 1 tác giả không ngần ngại tối thiểu hóa điều độc đáo ở Israel là “kết quả cuộc tìm kiếm thực sự các lời nói tiên tri đúng nghĩa ở Babylon đang làm người ta thất vọng” và do đó, tác giả này đã dám “hoài nghi rằng [Babylon và Átsua] không hề có bất cứ lời nói tiên tri nào” (T.K. Cheyne, The Two Religions of Israel [London, 1911] 7-8). Mà cuộc tìm kiếm ấy cũng chẳng thành công gì ở các nơi khác. Một vài mảnh “luân lý tiên tri” có thể ráp nối với nhau từ hàng trăm năm nghiên cứu lịch sử văn chương có nhiều tài liệu của cổ Ai Cập cũng không thể trở thành bât cứ điều gì có thể so sánh với việc nói tiên tri ở Israel, chứ đừng nói bất cứ điều gì có thể biện minh cho lý thuyết kỳ quái có lúc đã được những người say mê Ai Cập Học đề xuất, tức việc giáo huấn luân lý tiên tri của Israel bắt nguồn từ Ai Cập. Các chất liệu Ai Cập, tức văn chương khôn ngoan của Trung Vương Quốc hay của thời kỳ giữa hai vị vua nối tiếp Cổ Vương Quốc (NET, 407-10), là bằng chứng cho thấy Ai Cập đôi khi sản xuất được một số tiếng nói luân lý đáng để so sánh với các tiếng nói trong Cựu Ước nhưng không bao giờ có được truyền thống tiên tri như truyền thống của Israel. Việc nói tiên tri của Israel ly khai với khuôn mẫu cổ thời khi nó bắt đầu sản xuất ra các tiên tri lên tiếng không chỉ từ các định chế Do Thái mà còn phê phán chúng và trở thành lương tâm của chúng nữa. Như thế, ta có được các hình thức văn chương khác biệt mà tiếng dội chân thực của nó không tìm đâu thấy trong nền văn chương khác của cổ thời.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Cha Nguyễn Thế Thuấn cũng dịch là “thầy chiêm” trong khi Bản của Tin Lành (Phan Khôi) thì dịch là “người tiên kiến”.

Kỳ sau: II. Việc nói tiên tri và các định chế của Israel