Theo tin Zenit, ngày 1 tháng Sáu, 2018, Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống đã công bố một văn kiện mới tựa là “Hãy Hiến Tặng Hết Mình. Một Văn Kiện về Quan Điểm Kitô Giáo Đối Với Thể Thao và Con Người Nhân Bản”.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi cho Đức Hồng Y Kevin Farrell, Bộ Trưởng Thánh Bộ, bức thư như sau:




Gửi Hiền Huynh Đáng Kính Hồng Y Kevin Farrell
Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Với niềm vui, tôi được tin về việc xuất bản văn kiện “Dare il meglio di sé” (“Hãy Hiến Tặng Hết Mình”) theo quan điểm Kitô giáo về thể thao và con người nhân bản, Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống đã soạn thảo với mục đích làm nổi bật vai trò của Giáo Hội trong thế giới thể thao và cách thể thao có thể là một công cụ của cuộc gặp gỡ, đào tạo, truyền giáo và thánh hóa.

Thể thao là nơi gặp gỡ, nơi mọi người ở mọi bình diện và điều kiện xã hội đến với nhau để đạt được mục tiêu chung. Trong một nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân và khoảng cách giữa thế hệ trẻ và người cao tuổi, thể thao là một lãnh vực đặc tuyển mà quanh đó, người ta gặp gỡ không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc ý thức hệ, và là nơi, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui thi đua để cùng đạt một mục tiêu với nhau, tham gia vào một đội, nơi thành công hay thất bại được chia sẻ và khắc phục; điều này giúp chúng ta bác bỏ ý tưởng chinh phục một mục tiêu bằng cách chỉ tập chú vào chính mình. Việc cần người khác không chỉ bao gồm các đồng đội mà còn cả các nhà quản trị, huấn luyện viên, người ủng hộ, gia đình; nói tóm lại, tất cả những người, với cam kết và tận tâm, làm ta có thể "hiến tặng hết mình". Tất cả những điều này làm cho thể thao trở thành một chất xúc tác cho các kinh nghiệm về cộng đồng, về gia đình nhân loại. Khi một người cha chơi với con trai, khi trẻ em chơi với nhau trong công viên hoặc ở trường, khi một vận động viên ăn mừng chiến thắng với những người ủng hộ mình, trong tất cả các môi trường này, chúng ta đều có thể thấy giá trị của các môn thể thao như là một nơi hợp nhất và gặp gỡ giữa con người. Chúng ta đạt được các kết quả tuyệt vời, trong thể thao cũng như trong cuộc sống, cùng nhau, như một đội!

Thể thao cũng là một phương tiện đào tạo. Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta phải hướng mắt ta về giới trẻ, bởi vì diễn trình đào tạo càng bắt đầu sớm, sự phát triển toàn diện của con người qua thể thao càng trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta biết các thế hệ mới nhìn vào các vận động viên và nhận được cảm hứng từ họ xiết bao! Do đó, sự tham gia của tất cả các vận động viên ở mọi lứa tuổi và bình diện là điều cần thiết; vì những người dự phần vào thế giới thể thao là điển hình của các nhân đức như đại lượng, khiêm tốn, hy sinh, kiên trì và vui tươi. Tương tự như vậy, họ nên đóng góp vào tinh thần nhóm, tôn trọng, thi đua lành mạnh và liên đới với những người khác. Điều chủ yếu là tất cả chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của các điển hình trong thực hành thể thao, vì luống cày tốt trên đất màu mỡ rất thuận lợi cho mùa thu hoạch, miễn là nó được vun trồng và công việc được thực hiện đúng cách.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thể thao như một phương tiện truyền giáo và thánh hóa. Giáo Hội được kêu gọi trở thành dấu chỉ của Chúa Giêsu Kytô trong thế giới, cũng nhờ các môn thể thao thực hành trong các nguyện đường, giáo xứ, trường học, và hiệp hội… Mọi dịp đều tốt cho việc loan báo sứ điệp của Chúa Kitô, “bất kể lúc thuận lợi hay lúc không thuận lợi” (2 Tm 4: 2). Điều quan trọng là mang lại, là truyền đạt niềm vui này qua các môn thể thao, không là gì khác ngoài việc khám phá ra các tiềm năng của con người kích thích chúng ta bộc lộ vẻ đẹp của sáng thế và của con người nhân bản, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Thể thao có thể mở đường dẫn tới Chúa Kitô ở những nơi hoặc môi trường, trong đó, vì nhiều lý do khác nhau, không thể công bố Người cách trực tiếp; và những người thực hành một môn thể thao như một cộng đồng, với một chứng từ vui tươi, có thể là sứ giả của Tin Mừng.

Hiến tặng hết mình trong thể thao cũng là một lời mời gọi vươn tới sự thánh thiện. Tại cuộc gặp gỡ gần đây với giới trẻ để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục, tôi đã bày tỏ niềm xác tín này: tất cả những người trẻ hiện diện ở đó, đích thân hoặc qua các mạng xã hội, đều có ước muốn và hy vọng được cống hiến hết mình họ. Tôi đã sử dụng cùng một cách phát biểu này trong Tông Huấn gần đây, nhắc nhớ rằng Chúa có cách độc đáo và chuyên biệt mời gọi mỗi người chúng ta vươn tới sự thánh thiện: “Điều quan trọng là mỗi tín hữu biện phân được con đường riêng của mình, họ rút ra được điều tốt nhất của mình, những hồng phúc có tính bản thân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim họ”(Gaudete et exsultate, 11).

Chúng ta cần phải làm sâu sắc thêm mối liên kết chặt chẽ giữa thể thao và cuộc sống, vốn có thể soi sáng lẫn nhau, sao cho nỗ lực vượt qua chính mình trong một môn thể thao cũng đóng vai trò kích thích để ta luôn cải thiện như một con người, trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Với sự giúp đỡ của ơn thánh Thiên Chúa, việc theo đuổi này đặt chúng ta trên con đường có thể dẫn chúng ta đến sự viên mãn của cuộc sống mà chúng ta gọi là sự thánh thiện. Thể thao chính là một nguồn rất phong phú gồm các giá trị và nhân đức giúp chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Giống như các vận động viên trong quá trình huấn luyện, việc thực hành thể thao giúp chúng ta cho đi điều tốt nhất của chúng ta, khám phá ra các giới hạn của chúng ta mà không sợ hãi, và đấu tranh hàng ngày để cải thiện. Bằng cách này, “trong chừng mực mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta” (sđd., 33). Do đó, đối với các vận động viên Kitô giáo, sự thánh thiện sẽ hệ ở việc sống các môn thể thao như một phương tiện gặp gỡ, đào tạo nhân cách, làm chứng và công bố niềm vui làm Kitô hữu với những người xung quanh mình.

Tôi cầu xin Chúa, nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc, để văn kiện này có thể phát sinh ra hoa trái dồi dào, cả trong cam kết giáo hội đối với thừa tác vụ thể thao và ngoài cả phạm vi của Giáo Hội nữa. Tôi yêu cầu tất cả các vận động viên và công nhân mục vụ tự nhận ra mình trong “đội” vĩ đại của Chúa Giêsu vui lòng cầu nguyện cho tôi, và tôi gửi họ phước lành tự đáy lòng tôi.

Thành phố Vatican, ngày 1 tháng 6 năm 2018

Lễ nhớ Thánh Giustinô Tử Đạo

Kỳ sau: nguyên văn Văn Kiện "Hãy Hiến Tặng Hết Mình", Chương Một: Các Động Lực và Mục Đích