Khi học về bí tích giải tội, giảng khoá mà tôi học xưa kia đã đặt cho lời mở một cái tựa gây sốc : “Quyền kinh khủng.” Quyền kinh khủng đây là quyền tha tội. Anh em tha tội cho ai,người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, người ấy bị cầm buộc. Đúng là một quyền kinh khủng, vì là một người phàm mà con người linh mục phàm nhân kia có quyền tha cho các tội nhân, mà tội là phạm đến Chúa, không phải chúa Trịnh chúa Nguyễn ở Đàng Trong Đàng Ngoài, mà là Chúa Tối Cao, Chủ Tể trời đất. Đúng là “quyền kinh khủng.” Ta thử tưởng nghĩ xem có một thường dân nào đó được phép để tha cho một người xúc phạm nặng đến vua, đến tổng thống không ?

Nhưng mà người linh mục được quyền này, nhờ một Ngôi Vị : Ngôi Ba. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, người ấy được tha” (Ga 20, 22-23). Chúa Giêsu mà không “thổi hơi” để ban Thánh Thần, thì chẳng ai thổi được bất cứ gì, dẫu chỉ một hạt bụi, tức tội mọn !

Chúa Thánh Thần có vai trò rất rất quan trong trong đời sống giáo hội, ấy vậy mà đã rất nhiều năm, nhiều thế kỷ, giáo hội Latinh (Roma) quên lãng Ngài, không hề nhắc đến Ngài trong các bí tích, trong Thánh lễ (trong khi đó, giáo hội Chính Thống, GH Công Giáo Đông Phương vẫn đặt Chúa Thánh Thần ở một vị trí rất cao, vì quả Ngài có “quyền kinh khủng” lắm !).

Chúng ta cứ bắt đầu với bí tích giải tội, vì bài Tin Mừng hôm nay đang nói về. Mãi tới năm 1973, giáo hội Latinh mới đưa Chúa Thánh Thần vào công thức tha tội.

“Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hoà thế gian với Chúa và đã ban Thánh Thần để tha tội. xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho anh ơn tha thứ và bình an, vậy tôi tha tội cho anh nhân danh Cha và Con và Thanh Thần.”

Công thứ cũ trải dài nhiều thế kỷ chỉ nhắc tới Chúa Cha và Chúa Giêsu ở ngôi thứ ba : xin Chúa Giêsu Kitô tha tội cho anh (mặc dầu cũng có công thức chính với Chúa Thánh Thần nhưng chỉ như là “dấu thánh giá” chứ không nói rõ công việc: “Tôi tha tội cho anh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”)

Bí tích xức dầu thánh, xem như em của bí tích giải tội, xem như bí tích trợ tá cho bí tích giải tội, trước đây cũng không hề nhắc gì tới Chúa Thánh Thần. Công thứ cũ là : Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa tha thứ mọi tội người này phạm do mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nói, tay chân đụng chạm (tức tha các tội do ngũ quan : thính, thị, xúc, vị, khứu giác). Công thứ mới là : “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ ông; để Người giải thoát ông khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa ông và thương làm cho ông được thuyên giảm.”

Trong Thánh lễ, việc lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hoá, rất đáng tội ! Trải qua nhiều nhiều thế kỷ, Lễ Qui Rôma không hề nhắc gì đến Chúa Thánh Thần (dẫu có nhắc trong “chính nhờ Người, với Người …”, nhưng cũng như một cách làm dấu thánh giá vậy thôi !). Còn nay, sau Công Đồng và khi canh tân lại thánh lễ, lúc đặt tay là nài xin Chúa Thánh Thần :

Vì thế lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa, dùng ơn Chúa Thánh Thần mà thánh hoá của lễ này, để trở nên (*) cho chúng con Mình và Máu (KNTT 2). Chính Chúa Thánh Thần biến bánh và rượu thành Mình và Máu. Nghi Lễ Chính Thống và Công Giáo Đông Phương hiểu và thực hành như vậy. Đọc lời khẩn nài Chúa Thánh Thần xong (tiếng chuyên môn gọi là epiclesis) là bánh rượu “biến thành” Mình Máu Chúa ngay, chứ không như trong Nghi Lễ Latinh (Tây Phương) phải đợi tới lúc đọc lời tường thuật, “Này là Mình Thầy” “Này là Máu Thầy” thì bánh rượu mới thành Mình Máu.

Các bí tích thánh tẩy, thêm sức, truyền chức, nhắc đến Chúa Thánh Thần là điều đương nhiên, nhất là bí tích thêm sức được xem là hàng hiệu của Ngài với bảy ơn Chúa Thánh Thần, nên dễ hiểu và khó có thể bỏ quên Thánh Thần. Thánh Tẩy, tức rửa tội, nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần, thì chính Thánh Thần cho ta được phép gọi Chúa là Cha. Truyền Chức thì cần Chúa Thánh Thần nhiều để soi sáng hướng dẫn…, nên Chúa Thánh Thần không bị quên lãng.

Còn Hôn phối thì sao, Chúa Thánh Thần bị quên lãng nhiều nhất, nhất là tại Việt Nam. Bởi lễ nghi thức hôn phối sau Công Đồng Vatican II, có 2 lần sửa, mãi tới 1991 mới có bản mẫu II, và Việt Nam ta thì gần 20 năm sau nữa mới dịch ra, tức áp dụng từ lễ Phục Sinh 12-4-2009, trong đó các lời chúc hôn nhắc tới Thánh Thần :

1. “Xin đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên các tôi tớ Chúa để nhờ có tình yêu Chúa chan hoà trong tâm hồn, các tôi tớ Chúa được bền lòng chung thuỷ với nhau trong giao ước hôn nhân.”

2. “Chúng con nài xin Chúa đoái thương giơ tay trên các tôi tớ Chúa đây là anh Giuse Toan và chị Maria Tính và tuôn đổ xuống tâm hồn họ sức mạnh của Thánh Thần”

3. “Xin tuôn đổ chan hoà phúc lành của Chúa trên chị Tính và bạn trăm năm của chị là anh Toan, xin Chúa dùng quyền lực Thánh Thần Chúa từ trên cao đốt nóng tâm hồn anh chị, để khi vui hưởng sự trao hiến cho nhau trong hôn nhân, anh chị biết dùng con cái điểm tô cho gia đình và làm cho Hội Thánh được thêm phong phú.”

Những ai cử hành hôn phối trước đây, chẳng phải xa xôi gì từ năm 2009 trở về trước, là thiếu vắng Chúa Thánh Thần trong lời chúc hôn, chắc phải làm lại !

Vậy là trong 7 bí tích, 3 bí tích “bà con” với Chúa Thánh Thần (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức) có nhắc tới Chúa Thánh Thần là dĩ nhiên, còn 4 bí tích kia : Xức Dầu Bệnh Nhân, Thánh Thể, Giải Tội, và nhất là Hôn Phối, việc đưa Chúa Thánh Thần vào là chậm lắm, mãi “rất” sau này mới đưa vào !

Bây giờ ta quay lại bài Tin Mừng với bí tích giải tội. “Hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, người đó được tha.”

+ Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng Thừa Sai người Ý truyền giáo tại Hongkong kể lại rằng: trong một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa, ngài giải thích về ý nghĩa của bí tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:

-Thưa cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng, vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận bí tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:

-Thưa cha, trong Hồi giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài. Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.

+ Tại Đại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật giáo trở lại Công Giáo, Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi rất vắn như sau: “Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo ?” Một bác sĩ nổi tiếng trong Nước đã trả lời như sau: “Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Đối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, tuy có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng, Giáo Hội Công Giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.

Hãy nài xin Thánh Thần, Đấng cùng với Chúa Kitô hành động trong các bí tích, hãy “hành động” trong chúng ta để mỗi người chúng ta xứng đáng gọi Chúa là Cha của mình. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

______________

(*) “trở nên” là bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ năm 2005. Còn Sách Lễ Roma năm 1992, thì dịch thẳng “biến thành”