Ký giả Christopher của tạp chí Crux vừa có cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, tân Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, về tình hình Giáo Hội tại châu lục này.

Ai cũng biết, trong mấy tháng qua, Giáo Hội Công Giáo Úc đã được công luận lưu ý, chủ yếu do các tin tức chung quanh việc Đức Hồng Y George Pell, cựu Tổng Giám Mục Sydney và hiện là tổng trưởng tài chánh của Tòa Thánh, sẽ phải ra tòa về “các vi phạm tình dục đã lâu năm”, một điều được nhiều người coi như một thứ hậu quả đáng tiếc của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.



Trong lúc Giáo Hội tìm cách thay đổi các truyện kể về vai trò của mình trong đời sống công cộng, thì Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Úc. Phục vụ trong tư cách Phó Chủ Tịch cho ngài là Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney.

Không bao lâu sau ngày hai vị được bầu, Đức Cha Richard Umbers, một Giám Mục Phụ Tá của Sydney, “hót” rằng với việc bầu 2 Đức Tổng Giám Mục Coleridge và Fisher, các giám mục Úc đã “đặt lên tuyến đầu hai vị giám mục ăn nói rành rõi nhất của Hội Đồng”.

Trong cuộc phỏng vấn của Crux, Đức Cha Coleridge nói rằng ngài có ý định lèo lái các căng thẳng giữa Giáo Hội và nhiều cuộc chiến đấu chính trị và giáo hội đa dạng tại Úc, và theo một cách Đặt Chúa Giêsu Kitô vào tâm điểm việc làm của ngài.

Ngoài ra, ngài nhấn mạnh rằng điều chủ yếu là theo đuổi cuộc đối thoại với chính phủ Úc về những lời kêu gọi gần đây nhằm loại bỏ ấn tín tòa giải tội, như một hậu quả của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, vì Giáo Hội phải giải thích điều này: dù các vụ che đậy quả đã xẩy ra, không thể chối cãi được, nhưng Bí Tích Thống Hối không phải là “cái đinh chốt của toàn bộ nền văn hóa bí mật”.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Crux: Đức Cha có nghĩ việc bầu ngài đứng đầu các giám mục Úc là dấu chỉ có sự di chuyển việc người ta tập chú vào sinh hoạt Công Giáo của đất nước khỏi miền nam của xứ sở không?

Đức Tổng Giám Mục Coleridge: Tôi không coi mình đứng đầu các giám mục Úc, mà đúng hơn là phối trí viên hay điều hợp viên. Giáo Hội Công Giáo ở Úc chưa bao giờ có giáo chủ (primate), và có khuynh hướng chống lại ý niệm này. Mỗi giám mục đứng đầu giáo phận của mình, và Hội Đồng không thể thay đổi điều này. Nhưng Hội Đồng và vị chủ tịch của nó có thể giúp mỗi giám mục làm việc hữu hiệu hơn cả trong giáo phận của ngài lẫn trong Giáo Hội phổ quát.

Trong quá khứ, Tổng Giám Mục Sydney, thường là một Hồng Y, luôn là chủ tịch của Hội Đồng. Điều đó đã thay đổi khi có sự trống tòa ở Sydney và sau đó, Tổng Giám mục Brisbane lúc đó được bầu. Sau ngài, chức chủ tịch trả về cho Sydney, nhưng rồi chúng tôi có các chủ tịch từ Canberra, Adelaide và Melbourne. Bây giờ chúng tôi quay lại Brisbane.

Điều trên có thể có nghĩa: 'trung tâm' không phải là điều nó từng là, và nó có thể là dấu hiệu của điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là 'tản quyền lành mạnh', nhưng tôi sẽ không đi quá nhiều vào vấn đề này.

Khi ngài được bầu để lãnh đạo các giám mục đồng nghiệp của ngài, ngài nhận diện những gì là thách thức lớn đang đặt ra cho Giáo Hội tại Úc và mục tiêu hàng đầu của ngài là gì?

Giáo hội ở đất nước này đang trên một hành trình từ Ủy ban Hoàng Gia bước tới Công Đồng Toàn Thể, và đó là chìa khóa để tôi hiểu tôi có thể đóng góp những gì.

Cuộc hành trình trên đã bắt đầu từ lâu trước cả Ủy ban Hoàng gia, vì Giáo hội ở đây vốn bắt đầu vật lộn nghiêm túc với cuộc lạm dụng tình dục ngay từ thập niên 1990 và sẽ tiếp tục kéo dài sau Công Đồng Toàn Thể khi chúng tôi thực thi các quyết định của nó. Nhưng sự chuyển dịch từ Ủy ban đến Công đồng đã lên khuôn cho cái hiểu của tôi về điều tôi được kêu gọi thực hiện.

Nó có nghĩa: đầu tiên, phải đáp ứng các khuyến cáo của Ủy ban Hoàng gia theo cách có thể bảo đảm công lý cho các nạn nhân sống sót và một Giáo hội an toàn hơn cho mọi người. Nó cũng có nghĩa: giải quyết nghiêm túc các vấn đề văn hóa và quản trị mà Ủy ban Hoàng gia đã đặt ra, và điều đó có nghĩa: tiếp tục cuộc đối thoại mà chúng tôi đã bắt đầu với Tòa Thánh. Liên hệ với điều đó, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị tốt cho Công Đồng Toàn Thể, một Công Đồng có thể là quyết định của các giám mục nhưng thực sự là công việc của Chúa Thánh Thần.

Điều đó sẽ có nghĩa là lắng nghe càng nhiều tiếng nói càng tốt - trên hết là Thánh Linh, nhưng cũng lắng nghe nhiều tiếng nói trong Giáo Hội và ở những nơi khác. Việc lắng nghe của chúng tôi được lên khuôn bởi những câu hỏi rút ra từ thông điệp Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng): Đối với chúng tôi ngày nay, trở thành một Giáo Hội khiêm nhường, một Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội cầu nguyện, một Giáo Hội có tính bao gồm, một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo Hội hân hoan có nghĩa gì?

Điều trên dẫn đến câu hỏi chính mà chúng tôi đã chấp nhận trong quá trình tham vấn, sắp bắt đầu trên toàn quốc: Bạn nghĩ Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta điều gì ở Úc vào lúc này? Thách thức lớn mà chúng tôi phải đối đầu là trả lời câu hỏi đó đủ mạnh mẽ để chuẩn bị một tương lai mới mẻ cho Giáo Hội ở đất nước này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã chấp thuận một Công đồng Toàn thể cho Giáo hội Úc vào năm 2020. Đây sẽ là một biến cố lớn cho người Công Giáo trong nước. Hy vọng của ngài là gì và ngài dự ứng thăm dò những chủ đề nào?

Hy vọng chính của tôi là chúng tôi sẽ hợp nhất trong việc bước vào diễn trình biện phân; mở lòng ra cho bất cứ điều gì Chúa Thánh Thần có thể muốn nói. Điều chủ chốt là phải coi Công đồng Toàn thể không chỉ có tính hành chính hay chính trị, mà về yếu tính phải có tính thiêng liêng và tính giáo hội.

Quyết định tiến đến một Công đồng Toàn thể phải một thời gian dài mới hình thành; trong khoảng thời gian hơn mười năm, các giám mục đã cân nhắc một điều giống như thế. Nhưng tôi tin chắc rằng quyết định đã được tạo nên dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và Người sẽ phải hướng dẫn chúng tôi trên hành trình ở phía trước. Tôi nói tới một cuộc hành trình, bởi vì chúng ta đã chuyển từ một cảm thức coi Công đồng như một biến cố qua cảm thức coi nó như một diễn trình.

Công đồng có ba giai đoạn: chuẩn bị, cử hành và thực thi. Chúng tôi đã bắt đầu giai đoạn chuẩn bị và theo nghĩa đó, Công đồng đã bắt đầu. Nó không phải là điều gì đó “ở ngoài kia"; chúng tôi đã đang ở trên đường rồi. Cuộc hành trình sẽ có những khoảnh khắc không chắc chắn của nó, vì biện phân có thể là một mớ bòng bong; và luôn luôn có nguy cơ mất gân não khi đối đầu với một mớ bòng bong. Nhưng chúng tôi cần phải giữ vững gân não và có một lỗ tai để nhận ra điều Thánh Linh đang nói, ngay cả khi điều này là điều chúng tôi không mong đợi hoặc thậm chí không muốn.

Chúng tôi sẽ phải duyệt lại mọi cơ cấu và chiến lược của mình, hỏi xem chúng có phải là những điều mà sứ mệnh yêu cầu lúc này hay không, bất kể chúng đã hữu hiệu ra sao trong quá khứ. Chúng tôi sẽ phải bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không chỉ nghĩ và nói về Giáo Hội theo cách hướng nội, nhưng phải để mắt tới sứ mệnh và những gì nó đòi hỏi nơi chúng tôi lúc này ở Úc.

Giữ vững gân não của chúng tôi và để mắt vào sứ mệnh đều sẽ là các thách thức; cả hai sẽ đòi một sự kiên nhẫn thánh thiện, một loại chờ mong nơi Thiên Chúa. Hy vọng của tôi là diễn trình này sẽ dẫn đến một kế hoạch được Thiên Chúa linh hứng cho tương lai của Giáo Hội tại Úc, một kế hoạch sẽ lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm. Bởi vì cuối cùng Chúa Giêsu là tất cả những gì chúng ta có. Điều đó sẽ phải là nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi trên hành trình của Công đồng Toàn thể.

Ngài là một đại biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015 về Gia đình ở Rôma. Ngài tin đâu là thành quả của nó? Và ngài có tin rằng có những câu hỏi chính đáng có nguy hại cho tín lý (như đã được nêu lên bởi “các vị Hồng Y hoài nghi”), hay những cuộc tranh luận này chỉ là một sự xao lãng vô ích?

Một thành quả của Thượng Hội Đồng là quyết định của các giám mục Úc tổ chức Công Đồng Toàn Thể. Đối với tôi, Thượng Hội Đồng là kinh nghiệm biện phân mãnh liệt nhất mà tôi từng biết. Vào ngày 17 tháng 10 năm 2015, trong bài diễn văn đáng nhớ của Đức Giáo Hoàng về tính công đồng của Giáo Hội, một diễn văn gần như loé lên một linh hứng cho tôi hay: lúc này là lúc để các giám mục Úc quyết định tổ chức Công đồng Toàn thể.

Tới quá nửa Thượng hội đồng đó, xem ra chúng tôi không thể nào tạo ra bất cứ điều gì đáng giá vào lúc kết thúc Thượng hội đồng. Nó lung tung xòe và dường như không đi đến đâu cả. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã sản xuất được một điều gì đó đáng giá, và điều này đã dẫn đến Amoris Laetitia (Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương). Cả văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng lẫn Tông Huấn đều không phải là những lời cuối cùng, nhưng cả hai đều là những cột mốc quan trọng trong hành trình đã bắt đầu từ khi Đức Thánh Cha công bố hai thượng hội đồng về hôn nhân và gia đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuyển từ thượng hội đồng như một biến cố qua thượng hội đồng như một diễn trình, điều vẫn còn đang tiếp diễn. Diễn trình này về yếu tính có tính mục vụ theo nghĩa của Vatican II, mà về việc này, Linh Mục Dòng Tên John O’Malley giúp chúng tôi rất nhiều. Thượng hội đồng, giống như công đồng, không mâu thuẫn với tín lý, nhưng nó tìm cách nói với người ta theo cách họ hiểu và giải quyết thực tại thường rối rắm của đời sống họ, chính trong cái rối rắm đó, họ đang tìm kiếm Thiên Chúa, trong khi chính Người cũng đang tìm kiếm họ.

Điều đó có nghĩa: di chuyển từ một cái nhìn tĩnh tụ đến một cái nhìn năng động hơn, rất đặc trưng của Thánh Kinh, và đến một cách hiểu khác về mối liên hệ giữa khách quan và chủ quan, hành động và con người. Các câu hỏi về mối liên hệ giữa tín lý và mục vụ, tĩnh tụ và năng động, khách quan và chủ quan, hành động và con người đã có với chúng ta ít nhất từ Vatican II. Tôi hy vọng Thượng hội đồng và, Công đồng Toàn thể tại Úc sẽ giúp chúng tôi có được sự cân bằng đúng đắn một các mới mẻ và sáng tạo.

Sắp tới, vụ xử Đức Hồng Y George Pell tiếp tục nổi bật trong các tin tức. Làm thế nào Giáo hội tại Úc lèo lái điều này theo một cách vừa tôn trọng diễn trình tư pháp, nhưng không trở thành điều duy nhất Giáo Hội được biết đến?

Chắc chắn chúng tôi phải tôn trọng diễn trình tư pháp, bất kể chúng tôi có thể nghĩ gì về những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Pell hay diễn trình dẫn đến việc chúng được đưa ra. Chúng tôi phải tin tưởng rằng sự thật sẽ có cách của nó và công lý sẽ được thực hiện cho mọi người.

Trong khi đó, chúng tôi phải tiếp tục với nhiệm vụ thực sự của chúng tôi - đó là đáp ứng các khuyến cáo của Ủy ban Hoàng gia dưới ánh sáng Tin Mừng và dùng con đường của Công đồng Toàn thể dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là cách chúng tôi đứng lên để bênh vực sự thật và công lý theo cách vừa tôn trọng diễn trình tư pháp vừa tập chú vào Chúa Giêsu Kitô.

Ủy ban Hoàng gia kêu gọi kết liễu ấn tín tòa giải tội và thủ hiến New South Wales đã kêu gọi một cuộc thảo luận toàn quốc về vấn đề này. Ngài có tin sẽ có bất cứ cuộc đàm phán nào có thể có về vấn đề này giữa Giáo Hội và nhà nước không?

Các cuộc thảo luận đó phải xảy ra - trước tiên, để giải thích ấn tín (hay đặc ân giải tội của linh mục) là gì và tại sao nó quan hệ trong Giáo Hội Công Giáo, và thứ hai, việc bãi bỏ nó sẽ có nghĩa gì đối với tự do tôn giáo và quyền lương tâm.

Ủy ban Hoàng gia dường như coi ấn tín là đinh chốt của toàn bộ nền văn hóa bí mật và che đậy, và do đó là một điều cần phải loại bỏ. Việc có các vụ che đậy và có thể có một nền văn hóa bí mật trong Giáo Hội là điều chắc chắn; nhưng coi ấn tín là đinh chốt của những điều đó là không hiểu rõ Bí Tích Giải Tội Lỗi nghĩa là gì cả.

Một công cụ chỉ đánh ở bên ngoài (blunt instrument) như Ủy ban Hoàng gia không thể hiểu được điều đó, nhưng trong việc định hình luật lệ, các chính phủ phải làm một số nỗ lực, và Giáo hội phải giúp đỡ trong vấn đề này, bảo vệ đức tin mà không cần phải lên giọng hay giậm chân. Đối với Giáo hội, ấn tín là điều không thể thương lượng, đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán với chính phủ là điều quan trọng.