Lời tuyên xưng đức tin căn bản người Công Giáo đọc trong thánh lễ ngày Chúa Nhật và ngày lễ trọng: „Ngày thứ ba bởi trong kể chết sống lại“.

Lời tuyên xưng đức tin này được Thánh Phaolo vào khoảng năm 50-51 sau khi Chúa Giêsu về trời viết lại cho Giáo hội thuở ban đầu như bằng chứng: „Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha (Phero), rồi với Nhóm Mười Hai.“ (1 cor. 15,3-5).

Căn cứ vào đó, từ hai ngàn năm nay Giáo Hội hằng năm mừng lễ Chúa Giêsu Kitô sống lại là căn bản cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Lễ mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết được công bố long trọng biểu thị qua Cây nến Chúa Phục sinh.

1. Cây nến Chúa Phục sinh.

Trong thánh lễ Vọng ban đêm ngày thứ bẩy tuần thánh sang ngày Chúa Nhật phục sinh, Cây Nến Chúa phục sinh được làm phép và đốt thắp từ bên ngoài tiến vào bên trong thánh đường báo tin Chúa Giêsu sống lại: Lumen Christi - Ánh sáng Chúa Kitô. Đây là hình ảnh dấu chỉ nói đến sự chết trước sự sống và bóng tối trước ánh sáng phải lui đi biến mất. Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng đến trong thế gian, xua đuổi bóng tối tội lỗi khỏi tâm hồn con người, bóng tối thần dữ tội lỗi và chiếu soi cho đời sống con người.

Cây nến Chúa phục sinh làm bằng chất sáp ong cao to hơn mọi cây nến trong thánh đường. Trên cây nến khắc vẽ hình thánh gía Chúa Giêsu với năm dấu vết Chúa Giêsu bị đóng đinh nơi hai bàn tay, nơi hai bàn chân và cạnh sườn bị đâm thâu qua.

Trên thánh giá có mẫu tự A: Alpha muốn nói Chúa Giêsu là khởi đầu, qúa khứ. Mẫu tự A là mẫu tự đầu trong bảng mẫu tự chữ Hylạp

Dưới chân thánh gía có chữ Ω :Omega muốn nói Chúa Giêsu cũng là tận cùng, tương lai . Mẫu tự Ω là mẫu tự chót trong bảng mẫu tự chữ Hylạp.
Rồi hai bên thánh giá khắc ghi những con số năm mừng lễ (2018) muốn nói chúa Giêsu Kitô luôn hiện trong thời gian hiện tại.

Thánh gía Chúa Giêsu, năm dấu đinh cùng hai mẫu tự và những con số trên cây nến thông thường được tô mầu đỏ nói lên sự chiến thắng, sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

Ngay từ thế kỷ 4. khoảng năm 384 Thánh Giáo phụ Hieronimo trong bức thư gửi cho Thầy phó Tế Praedius đã nói đến Cây nến phục sinh.

Tập tục cây nến Chúa phục sinh có nguồn từ truyền thống đã có trước đó trong lễ nghi thờ Thần Thánh của dân ngoại rồi.

Lễ nghi thờ phượng ca tụng các Thần Thánh thời cổ xa xưa có lễ vật dâng tiến hy sinh đền tội. Mà Cây nến phục sinh nguyên thủy là lễ vật dâng tiến hy sinh đền tạ.

Cây nến được làm bằng chất sáp của ong đắt gía tinh tuyền là hình ảnh chỉ về thân xác con người thiên nhiên của Chúa Giêsu, hay cũng nói về thân xác của Chúa đã biến đổi sau khi sống lại, đang khi ngọn lửa cháy sáng là hình ảnh chỉ về thiên tính của Chúa Giêsu. Như thế cây nến phục sinh diễn tả lễ vật hy sinh dâng tiến cho Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô.

Cây nến Phục sinh có hình ảnh nguồn gốc không chỉ từ nơi lễ nghi của dân ngoại, nhưng còn có gốc rễ nơi đạo Do Thái nữa.

Ngày xưa khi Thiên Chúa dẫn đưa dân Do Thái từ nước Ai Cập trở về quê hương Do Thái băng qua sa mạc, vượt qua biển đỏ luôn có cột lửa cháy sáng của Thiên Chúa dẫn đầu. Cũng vậy, ngày nay trong đêm tối ngày phục sinh đoàn người tín hữu Chúa Kitô tiến vào thánh đường theo sau cây nến phục sinh cháy sáng soi đường báo tin Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết.

Cây nến phục sinh là lễ vật dâng tiến Thiên Chúa và là cột lửa soi đường trong giao ước mới.

Cây nến Chúa Phục sinh được thắp sáng suốt tuần lễ tám ngày liền sau lễ Chúa Phục sinh, và cũng được thắp sáng vào những ngày Chúa Nhật trong mùa phục sinh 50 ngày cho tới ngày mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Cây nến phục sinh sau đó được dựng bên cạnh giếng nước Rửa tội. Mỗi khi có lễ nghi rửa tội, cây nến được đốt thắp lên, và cây nến rửa tội của em bé được đốt thắp từ ngọn lửa cây nến Chúa Phục sinh: ánh sáng Chúa phục sinh là ánh sáng đức tin cho đời người lãnh nhận bí tích rửa tội.

Và cây nến cũng được đốt thắp lên khi thánh lễ an táng người qua đời được cử hành.

Ánh sáng Chúa Kitô phục sinh hằng dõi theo cho con người từ ngày chịu phép rửa tội đến ngày sau cùng đời sống trở về lòng đất. Ánh sáng Chúa phục sinh soi chiếu hướng dẫn con đường đời sống trên trần gian, và trên con đường cho linh hồn người qua đời về với Chúa, nguồn ơn cứu chuộc cho được cùng sống lại với Chúa.

2. Bài kinh ca ngợi Exultet - Mừng vui lên

Khi Cây nến phục sinh được rước tiến vào cung thánh, được đặt trên giá cao nơi cung thánh nổi bật, được xông hương và thầy Phó tế hay Linh mục hát ca tụng long trọng qua bài thánh thi Exultet khởi đầu lễ nghi mừng Chúa Giêsu sống lại.

Bài thánh thi Exultet ca ngợi Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng trần gian. Bài thánh thi Exultet nói đến sự sống lại của Chúa là sự nối kết trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa bắt đầu từ thời Cựu ước.

Bản văn tiếng latinh Exultet, như dùng ngày nay, không biết xuất hiện từ thời điểm nào. Nhưng việc ca ngợi Cây nến Chúa phục sinh đã có ngay từ thế kỷ 4. bản văn cổ xưa nhất xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 4. hay đầu thế kỷ 5. và ở vùng Bắc nước Ý hay Nam nước Pháp.

Không rõ tác giả bản văn Exultet là ai. Nhưng dường như bản văn Exultet có nhiều dấu vết ảnh hưởng của Thánh Ambrosio thành Milano. Vì bản Exultet được cho là khởi thủy từ thành Milano.

Và cũng có lý thuyết cho là bản văn dựa theo một bản nghi thức của Bysantin có trước đó rồi. Vì bản Exultet được trước tác hát theo nhịp điệu bình ca của một bài kinh tiền tụng rao giảng, cung cách này phổ thông trong thời kỳ Bysantin xa xưa.


3. Lễ phục sinh

Lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh là ngày lễ mừng quan trọng trong đời sống đức tin Công Giáo. Lễ Chúa Giêsu giáng sinh mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu sinh nhập thể ra làm người đến trong trần gian. Lễ phục sinh mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết phục hồi sự sống ơn cứu độ mang lại ơn tha thứ va sự sống cho trần gian.

Lễ phục sinh Kitô giáo có nguồn gốc ở lễ Passach (Vượt qua) trong đạo Do Thái.. Lễ Passach của Do Thái tưởng nhớ đến biến cố xuất hành của người Do Thái từ nước Ai Cập trở về quê hương Do Thái được thiên Chúa Giave đoan hứa dẫn dắt.

Cho đến đầu thế kỷ 4. không có ngày tháng chính xác mừng lễ phục sinh chung thống nhất trong Giáo hội. Mãi đến Công đồng Nicea 325 có quyết định chung về cách tính ngày lễ: Chúa Nhật phục sinh là Chúa Nhật sau tuần thứ nhất trăng tròn đầy, Sau ngày mùa Xuân bắt đầu từ ngày 21.tháng Ba.

Lễ mừng Chúa phục sinh vào đầu mùa Xuân bên xứ lạnh Âu châu, nên có lý thuyết cho rằng Giáo hội Kitô giáo đã rửa tội hay biến thay đổi nội dung thành ngày lễ mừng Thần mùa Xuân của dân ngoại xưa kia trở thành ngày lễ mừng Kitô giáo.

Giáo hội Chính thống cũng mừng lễ Chúa Phục sinh, nhưng tính theo niên lịch Julianer, nên họ lấy mốc ngày 3. Tháng Tư để tính ngày lễ mừng.

4. Trái trứng phục sinh

Bên Giáo hội các nước Âu Châu, bây giờ hầu như ở khắp nơi, vào ngày lễ mừng Chúa phục sinh có tập tục phát tặng Trứng (gà) phục sinh đã luộc chín kỹ và được tô vẽ nhuộm mầu sặc sỡ.

Tập tục này trong dòng thời gian cũng có nguồn gốc từ thời các dân ngoại xa xưa, và rồi được Kitô giáo biến đổi thành tập tục cho đời sống Kitô giáo với nội dung khác.

Trứng theo văn hóa của nhiều Tôn giáo tượng trưng cho sự sống mới hay vòng luân hồi. Từ trong trái trứng con gà con thành hình chui ra, từ một bào thai lòng đỏ không có hình hài phát sinh sự sống mới.

Theo suy nghĩ văn hóa bên Ai Cập, vùng Phoenizien và bên Batư cho rằng trứng là nguyên thủy của thế giới. Tất cả sự sống thoát sinh từ bí ẩn của trái trứng, và rồi một ngày nào đó bầu trời thành hình ngả rơi xuống.

Vào thời Roma xa xưa và bên Hylạp trong khi mừng lễ mùa xuân, những trái trứng vẽ tô mầu sắc được phân phối cho bạn bè như qùa tặng nhau.

Trái lại trong các đền thờ Hylạp và Aicập trứng được dùng để trang trí trong những ngày lễ mùa Xuân.

Ở bên Hylạp và bên Ai Cập vào mùa Xuân đêm ngày ngang bằng như nhau đánh dấu sự khởi đầu năm mới. Những trái trứng vào những ngày này được tôn trọng như hình ảnh dấu chỉ thánh thiêng.

Kitô giáo đã biến đổi tập tục trái trứng mừng ngày lễ mùa Xuân của dân ngoại thành tập tục Kitô giáo về hình ảnh sự sống ngày mừng lễ Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết mang đến sự sống mới cho trần gian.

Theo đó, trái trứng phục sinh Kitô giáo mang ý nghĩa: chiến thắng khải hoàn của sự sống (chú gà con), trên sự chết (vỏ bọc trứng không có sự sống), Chúa Giêsu chỗi sống lại sau khi bị đóng đinh trên thập gía.

Chúa Giêsu sau ba ngay nằm chôn trong lòng đất đã chỗi dậy đi ra khỏi mồ huyệt đá khô cứng nặng nề với sự sống mới.

Lễ Chúa Phục sinh 2018
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long