Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc tiền Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ

Sáng ngày 19-3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc tiền Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ, trước sự tham dự của hơn 300 đại biểu giới trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tiền Thượng HĐGM tiến hành từ ngày 19 đến 24-3-2018 tại Giáo Hoàng Học Viện “Mẹ Giáo Hội” thuộc Con đường Tân Dự Tòng ở Roma, với mục đích góp ý với các nghị phụ sẽ nhóm họp Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 tại Vatican từ ngày 3 đến 28-10 năm nay về đề tài “Đức tin, người trẻ và sự phân định ơn gọi”.

Trong diễn từ của ngài, sau khi cám ơn và chào thăm các bạn trẻ từ các nơi tựu về đây, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc lắng nghe người trẻ, ơn Chúa gọi, và ngài mời gọi họ hãy phát biểu trong tự do những ý kiến trong tuần gặp gỡ này. Ngài nói:

“Các bạn được mời như những đại diện giới trẻ thế giới vì sự đóng góp của các bạn không thể thiếu được. Chúng tôi cần các bạn để chuẩn bị Thượng Hội đồng sẽ tập hợp các Giám Mục về đề tài “Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Trong lịch sử Giáo Hội, cũng như trong nhiều giai thoại Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhiều lần nói qua người trẻ: ví dụ tôi nghĩ đến Samuel, David và Daniel. Nói một cách tương ứng, tôi tin rằng trong những ngày này Chúa cũng sẽ nói qua các bạn.

Quá nhiều khi người ta nói về người trẻ mà không gọi hỏi họ. Cả những phân tích tốt nhất về thế giới người trẻ, tuy hữu ích, nhưng không thay thế sự cần thiết của cuộc gặp gỡ diện đối diện. Có người nghĩ rằng giữ các bạn ở một khoảng cách an toàn thì dễ hơn, để không bị các bạn khiêu khích. Nhưng nếu chỉ trao đổi vài sứ điệp ngắn hoặc chia sẻ những hình ảnh dễ thương thì không đủ. Cần phải coi trọng người trẻ! Tôi thấy dường như chúng ta đang bị một thứ văn hóa bao quanh: một đàng người ta tôn thờ tuổi trẻ, tìm cách làm cho nó không bao giờ qua đi, nhưng đàng khác họ lại gạt bỏ bao nhiêu người trẻ, không để họ nắm giữ vai chính. Nhiều khi các bạn bị gạt ra ngoài lề cuộc sống công cộng và các bạn phải xin xỏ những công việc không bảo đảm cho các bạn một tương lai. Quá nhiều khi các bạn bị bỏ rơi một mình.

Trong Giáo Hội không được làm như vậy. Tin Mừng yêu cầu chúng ta điều đó: sứ điệp của Chúa về sự gần gũi mời gọi chúng ta hãy gặp gỡ và đối chiếu với nhau, đón nhận và yêu mến nhau thực sự, đồng hành với nhau và chia sẻ mà không sợ hãi. Khóa họp tiền thượng HĐGM này muốn là dấu chỉ nói lên một cái gì to lớn, đó là Giáo Hội muốn lắng nghe tất cả các bạn trẻ, không loại trừ một ai.

Thượng HĐGM tới đây muốn phát triển những điều kiện để người trẻ được đồng hành một cách hăng say và với khả năng thích hợp, trong việc phân định ơn gọi, nghĩa là “nhận ra và đón nhận tiếng gọi yêu thương và sống sung mãn” (Tài liệu chuẩn bị, dẫn nhập). Xác tín căn bản là: Thiên Chúa yêu thương mỗi người và Ngài đích thân gọi từng người. Đó là một món quà làm cho chúng ta tràn đây vui mừng khi khám phá ra nó (Xc Mt 13,44-46). Các bạn hãy chắc chắn điều này: Thiên Chúa tín nhiệm các bạn, yêu thương và gọi các bạn. Về phía Chúa, Ngài sẽ không kém, vì Ngài trung tín và thực sự tin tưởng các bạn. Ngài gửi đến các bạn câu hỏi như xưa kia Ngài đã hỏi các môn đệ đầu tiên: Các anh tìm gì thế? (Ga 1,38). Chúa mời gọi các bạn chia sẻ sự tìm kiếm cuộc sống với Ngài, đồng hành với Ngài. Và chúng tôi, trong tư cách là Giáo Hội, cũng làm như vậy, vì chúng tôi chỉ có thể hăng say chia sẻ sự tìm kiếm niềm vui đích thực của mỗi người, và chúng ta không thể giữ riêng cho mình Đấng đã thay đổi cuộc sống chúng tôi là Chúa Giêsu. Những người đồng lứa với các bạn và những thân hữu của các bạn, tuy không biết Chúa, nhưng cũng đang đợi chờ Chúa và lời loan báo ơn cứu độ của Ngài.

Thượng HĐGM sắp tới cũng sẽ là một lời kêu gọi gửi đến Giáo Hội, để tái khám phá một năng động trẻ trung được đổi mới. Tôi đã đọc được một số điện thư về bản câu hỏi được Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đưa lên mạng và tôi có ấn tượng mạnh vì lời kêu gọi mà một số bạn trẻ để lại, họ yêu cầu người lớn hãy gần gũi và giúp họ trong những chọn lựa quan trọng.

Một thiếu nữ đã nhận xét rằng những người trẻ thiếu những điểm tham chiếu và không ai thúc đẩy họ khởi động những năng lực mà họ có. Rồi bên cạnh những khía cạnh tích cực của thế giới người trẻ, thiếu nữ ấy cũng nhấn mạnh những nguy hiểm, trong đó có rượu, ma túy, tính dục được dùng một thứ đồ tiêu thụ. Và thiếu nữ ấy kết luận như một tiếng kêu: “Xin giúp thế giới người trẻ chúng con ngày càng bị suy sụp”. Tôi không biết thế giới người trẻ ngày càng sụp đổ hay không, nhưng tôi thấy tiếng kêu của thiếu nữ ấy chân thành và đòi được chú ý. Cả trong Giáo Hội chúng ta phải học những cách thức mới để hiện diện và gần gũi. Về vấn đề này, một bạn trẻ đã hăng hái kể lại sự tham gia của anh vào một số cuộc gặp gỡ với những lời này: “Điều quan trọng nhất là sự hiện diện của các tu sĩ giữa người trẻ chúng con như những người bạn lắng nghe chúng con, biết và khuyên bảo chúng con”.

“Tôi nghĩ đến sứ điệp tuyệt vời của Công đồng chung Vatican 2 gửi người trẻ. Ngày nay sứ điệp ấy cũng là một khích lệ chiến đấu chống lại mọi thứ ích kỷ và can đảm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một lời mời gọi tìm kiếm những con người mới và táo tạo, tin tưởng đi theo, mắt luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu, cởi mở đối với Chúa Thánh Linh, để trẻ trung hóa chính khuôn mặt của Giáo Hội. Vì trong Chúa Giêsu và trong Thánh Linh Giáo Hội tìm được sức mạnh để luôn đổi mới, thực hiệm một sự kiểm điểm cuộc sống về cách thức sống, xin lỗi về những mong manh yếu đuối và thiếu sót của mình, không ngại dùng nghị lực để phục vụ mọi người, với ý hướng duy nhất là trung thành với sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho, đó là sống và loan báo Tin Mừng.

Các bạn trẻ thân mến, con tim của Giáo Hội trẻ trung chính vì Tin Mừng như nhựa sống liên tục tái sinh. Các bạn có nhiệm vụ ngoan ngoãn và cộng tác vào sự phong phú ấy. Chúng ta cũng hãy làm như vậy trong hành trình Thượng HĐGM này, nghĩ tới thực tại giới trẻ toàn thế giới. Chúng ta cần phục hồi niềm hăng say của đức tin và sự thích thú tìm kiếm. Chúng ta cần tìm lại trong Chúa sức mạnh trỗi dậy từ những thất bại, tiến bước, củng cố niềm tín thác nơi tương lai. Và chúng ta cần dám đi những con đường mới, dù điều đó có những rủi ro. Cần liều, vì tình yêu phải biết liều; nếu không liều, thì người trẻ sẽ trở thành người già, và cả Giáo Hội cũng già theo. Vì thế chúng tôi cần các bạn trẻ, là những viên đá sống động của một Giáo Hội có khuôn mặt trẻ trung, không son phấn: không phải một sự trẻ trung giả tạo, nhưng được đổi mới từ bên trong. Và các bạn thách thức chúng tôi ra khỏi lập luận “từ trước đến giờ vẫn làm như vậy” để ở lại trong Truyền Thống chân thực với tinh thần sáng tạo.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Để có cùng làn sóng với các thế hệ trẻ, cần có một cuộc đối thoại khẩn trương. Vì thế tôi mời gọi các bạn trong tuần này hãy thẳng thắn bày tỏ một cách hoàn toàn tự do. Các bạn giữ vai chính và điều quan trọng là các bạn hãy nói một cách cởi mở. Tôi cam đoan rằng sự đóng góp của các bạn sẽ được coi trọng. Ngay từ bây giờ tôi cám ơn các bản và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Sau khi kết thúc 5 ngày Tiền Thượng HĐGM, các bạn trẻ sẽ tham dự thánh lễ Chúa Nhật lễ lá 25-3 tại Quảng trường Thánh Phêrô, cũng là Ngày Quốc tế giới trẻ ở cấp giáo phận.

2. Đức Thánh Cha tiếp các đại diện của Đạo Lão, ở Đài Bắc, Đài Loan.

Trước buổi tiếp kiến chung vào sáng ngày thứ Tư 14 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha đã tiếp một phái đoàn của đền Bảo An, một đền thờ của Đạo Lão, ở Đài Bắc, Đài Loan.

Chủ tịch đền Bảo An, là ông Liao Wu-jyh, đã phát biểu nhân danh các thành viên trong phái đoàn của ông và trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô một tuyên bố chung mang chữ ký của ông và của Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, là Đức Giám Mục Bishop Miguel Ayuso.

Ông Wu-jyh nói rằng bản tuyên ngôn chứng tỏ “quyết tâm của ngôi đền Bảo An ở Đài Bắc tham gia cùng với Toà thánh” để đạt được 7 mục tiêu được liệt kê trong đó. Ông nói thêm rằng mục tiêu quan trọng nhất của những mục tiêu này là mục tiêu cuối cùng nhằm “thúc đẩy và bảo vệ các giá trị phổ quát, đó là công lý, hòa bình, tình đoàn kết, hữu nghị, tự do và hòa hợp tôn giáo.” Ông Wu-jyh kết luận bằng một lời mời với Đức Thánh Cha đến Đài Loan “để tận mắt chứng kiến và hiểu Đài Loan và người dân của nó – và để chúng tôi cầu nguyện cho ngài.”

Đáp lời ông Wu-jyh, Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn ông về những lời tốt đẹp của ông và lời mời thăm Đài Loan. Đức Thánh Cha nói rằng ngài hài lòng thấy rằng cuộc đối thoại của họ với Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn không chỉ về các ý tưởng mà thôi. “Đó là một cuộc đối thoại giữa người với người, giúp mọi người phát triển, lớn lên như những con người, trên con đường của chúng ta trong việc tìm kiếm Đấng tuyệt đối, tìm kiếm Thiên Chúa”.

Kể từ tháng 10 năm 2016, các thành viên của đền Bảo An tại Đài Bắc đã và đang đối thoại với Giáo Hội Công Giáo thông qua Hội Đồng Giám Mục Đài Loan.

3. Tòa Thánh công bố Bức thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Ngay trong dịp mừng 5 năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, một tai tiếng nghiêm trọng vẫn đang làm rộ lên những chỉ trích dữ dội trong những ngày này vì một “sáng kiến đáng kinh ngạc” của một nhân vật nào đó trong Vụ Truyền Thông Tòa Thánh.

Trong buổi giới thiệu mười một tập sách nhỏ do Roberto Repole biên soạn có tựa đề “Thần Học của Đức Phanxicô”, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã công bố một phần bức thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, trong đó ngài viết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đào tạo sâu về triết học và thần học, và nhận xét rằng có một sự liên tục nội tại giữa hai triều Giáo Hoàng, bất chấp những khác biệt về phong cách và tính khí. Nhưng bức ảnh của bức thư đó, được phân phát cho các phóng viên, đã không cho thấy đoạn văn, trong đó, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói rằng vì “những lý do thể chất”, ngài không thể đọc 11 tập sách này trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là vì còn những công việc khác mà ngài đã hứa thực hiện.

Việc chụp hình theo lối cắt cúp này là một hành vi sai phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng đối với các ký giả.

Dưới đây là toàn văn thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16:

Kính gởi Đức Ông Dario Edoardo Viganò

Vụ trưởng, Vụ Truyền thông Tòa Thánh

Vatican, ngày 7 tháng 2 năm 2018

Thưa Đức Ông,

Cảm ơn Đức Ông vì bức thư tử tế của Đức Ông ngày 12 tháng Giêng và món quà kèm theo là mười một tập sách nhỏ do Roberto Repole biên soạn.

Tôi hoan nghênh sáng kiến của Đức Ông muốn phản đối và phản ứng lại với định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể, trong khi tôi chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay.

Những quyển sách nhỏ cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người được đào tạo sâu về triết học và thần học, và vì vậy chúng giúp cho thấy sự liên tục bên trong giữa hai triều Giáo Hoàng, bất chấp những khác biệt về phong cách và tính khí.

Tuy nhiên, tôi không muốn viết một đoạn văn ngắn và nặng về thần học vì trong suốt cuộc đời, tôi luôn rõ ràng rằng, tôi chỉ viết và bày tỏ ý kiến bản thân mình trên những quyển sách mà tôi đã đọc thật kỹ. Chẳng may, vì những lý do thể chất, tôi không thể đọc 11 tập sách này trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là vì còn những công việc khác mà tôi đã hứa thực hiện.

Chỉ là một ý bên lề, tôi muốn lưu ý sự kinh ngạc của tôi trước thực tế là trong số các tác giả cũng có Giáo sư Hünermann, là người mà trong suốt triều đại Giáo Hoàng của tôi đã nổi bật lên với những sáng kiến chống lại Đức Giáo Hoàng. Ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố “Kölner Erklärung”, trong đó, phần liên quan đến thông điệp “Veritatis splendor” (Chân lý Huy hoàng), đã tấn công một cách tàn bạo huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là các vấn đề về thần học luân lý. Cũng vậy tổ chức “Europaische Theologengesellschaft”, mà ông ta thành lập, ban đầu đã được ông ta hoài thai như một tổ chức chống lại huấn quyền của giáo hoàng. Sau đó, tình cảm đối với giáo hội của nhiều nhà thần học đã giúp ngăn cản định hướng này, để tổ chức đó trở thành một công cụ gặp gỡ bình thường giữa các nhà thần học.

Tôi chắc chắn Đức Ông sẽ hiểu được sự từ chối của tôi và tôi chào Đức Ông với lời chào trân trọng.

Bênêđíctô XVI

4. Giá quá đắt của vụ “Lettergate”

Đức Ông Dario Edoardo Viganò, 55 tuổi, được bổ nhiệm lãnh đạo Vụ Truyền Thông vào tháng Sáu năm 2015 trong một cố gắng cải tổ hệ thống truyền thông Tòa Thánh bao gồm việc tinh giản các cơ quan và thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thời đại truyền thông.

Những nỗ lực truyền thông của Vatican đã bị cản trở bởi sự trùng lặp những nỗ lực, trong một hệ thống mà các bộ phận, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh Vatican, trung tâm truyền hình, và nhật báo Quan Sát Viên Rôma -- mỗi cơ quan hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống đó đưa đến một cách tiếp cận thiếu nhất quán, và được nhiều người coi là “một thảm họa” cho những nỗ lực tiếp cận công chúng của Vatican. Hệ thống đó cũng ngốn một ngân sách quá lớn đối với Tòa Thánh. Vào thời điểm Đức Ông Viganò được đề bạt vào chức vụ này, có đến 650 nhân viên làm việc toàn thời trong các cơ quan truyền thông của Vatican.

Đức Ông Viganò đã từng làm giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican. Trọng trách của ngài là thống nhất vào một mối chín thực thể bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội; Phòng Báo Chí Tòa Thánh; văn phòng internet Vatican; Radio Vatican; đài truyền hình trung ương Vatican; báo Quan Sát Viên Rôma, nhà in Vatican; dịch vụ nhiếp ảnh; và nhà xuất bản Vatican - Libreria Editrice Vaticana.

Trong gần 3 năm qua, Đức Ông Viganò đã thực hiện được xuất sắc nhiều nhiệm vụ trong tiến trình cải tổ này. Tuy nhiên, trong một tuần qua, các quan sát viên thạo tin Vatican tiên đoán vai trò lãnh đạo Vụ Truyền Thông Tòa Thánh của Đức Ông Viganò sẽ chấm dứt chỉ trong vòng vài ngày vì vụ “Vatican Lettergate”.

Chuyện phải đến đã đến. Người đứng đầu Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã từ chức sau những tranh cãi liên quan đến việc thao túng lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Tư 21 tháng Ba, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ chức của Đức Ông Dario Viganò và bổ nhiệm Đức Ông Lucio Ruiz, người Á Căn Đình, Tổng thư ký Vụ Truyền Thông Tòa Thánh, tạm thời thay thế Đức Ông Dario Viganò cho đến khi ngài bổ nhiệm nhà lãnh đạo mới.

Vatican đã công bố bức thư của Đức Ông Viganò xin Đức Thánh Cha Phanxicô cho mình được từ chức và ý kiến chấp nhận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Đức Ông Viganò, 55 tuổi, ở lại Vụ Truyền Thông Tòa Thánh để “cố vấn” và “đóng góp nhân lực cũng như khả năng chuyên môn” cho bất cứ ai được giao trọng trách tiếp tục công trình thống nhất các nỗ lực truyền thông và các phương tiện truyền thông đa dạng của Tòa Thánh.

Cuộc tranh cãi đã nổi lên vào ngày 12 tháng Ba tại buổi họp báo giới thiệu tuyển tập gồm 11 cuốn “Thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Vào tháng Giêng năm nay, Đức Ông Viganò đã xin Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 viết một bài về bộ sách 11 tập này. Theo văn mạch lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Đức Ông Viganò muốn vị Giáo Hoàng nghỉ hưu “phản đối và phản ứng lại định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể,” trong khi Đức Bênêđíctô thứ 16 “chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay.”

Trong buổi giới thiệu sách, và cả trong một video được tung lên Youtube, Đức Ông Viganò đọc một cách có chọn lọc những câu trong thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 khiến cho người nghe có cảm tưởng là vị Giáo Hoàng nghỉ hưu đã đọc bộ sách và đồng ý với những quan điểm được viết trong đó, trong khi thực tế không đúng như thế.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho thấy ngài chưa hề đọc vì “những lý do thể chất,” và “vì còn những công việc khác” mà ngài đã hứa thực hiện. Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu cũng không hứng thú muốn đọc vì “kinh ngạc” nhận ra “trong số các tác giả cũng có Giáo sư Hünermann, là người mà trong suốt triều đại Giáo Hoàng của tôi đã nổi bật lên với những sáng kiến chống lại Đức Giáo Hoàng. Ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố ‘Kölner Erklärung’, trong đó, phần liên quan đến thông điệp ‘Veritatis splendor’ (Chân lý Huy hoàng), đã tấn công một cách tàn bạo huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là các vấn đề về thần học luân lý. Cũng vậy tổ chức ‘Europaische Theologengesellschaft’, mà ông ta thành lập, ban đầu đã được ông ta hoài thai như một tổ chức chống lại huấn quyền của giáo hoàng.” Hünermann, là một nhân vật khét tiếng chống đối huấn quyền của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16; còn Europaische Theologengesellschaft là một tổ chức chủ trương đòi Giáo Hội phải tỏ ra tháo thứ trong các vấn đề về luân lý tính dục, truyền chức linh mục cho phụ nữ, công nhận hôn nhân đồng phái, truyền chức linh mục cho những người có gia đình.

Trong thông cáo báo chí gởi cho các ký giả, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh cũng công bố một bức ảnh cho thấy trang đầu tiên của bức thư, với một vài dòng bị cố ý làm mờ đi và trang thứ hai, ngoại trừ chữ ký của Đức Bênêđíctô thứ 16, những dòng khác bị những cuốn sách che mất đi.

Thủ thuật lấy mấy cuốn sách che đi không qua mặt được các ký giả chuyên nghiệp. Bức ảnh này gây xôn xao dư luận và các câu hỏi đã được nêu ra trong giới truyền thông về nội dung chính xác của lá thư.

Một tag trên Twitter #releasetheletter đã lan truyền nhanh chóng trong số những người Công Giáo khi vụ tai tiếng này càng ngày càng lan rộng.

Vụ tai tiếng được gọi là “Lettergate” này đã làm Vatican xấu hổ trong tuần vừa qua và đã làm nảy sinh khoảng cách ngày càng tăng giữa những người ủng hộ đường lối chú trọng về mục vụ của Đức đương kim Giáo Hoàng và những người bảo thủ ưa chuộng triều Giáo Hoàng tập trung vào tín lý của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Nhưng sâu xa, nó còn là một cản trở đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Giá của vụ “lettergate” này quá đắt. Giáo Hội không chỉ mất một nhà lãnh đạo có nhiệt tâm, có khả năng; mà tính khả tín của Giáo Hội cũng bị đặt thành vấn đề trước những trò “fake news” ma giáo như thế.

5. Giáo Hội Công Giáo Úc tổ chức Công Đồng lần đầu tiên trong 80 năm.

Giáo Hội Công Giáo Úc, được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ tổ chức một Công Đồng vào năm 2020 để thảo luận về đường hướng tiến lên trước những thách thức mà Giáo Hội Úc phải đối diện trong xã hội hiện đại.

Các đại biểu của 34 giáo phận Úc sẽ họp trong hai phiên khoáng đại vào năm 2020 và năm 2021 để phân tích sâu sắc hơn, học hỏi thêm các vấn đề liên quan đến Giáo Hội và tìm cách đối thoại. Tiến trình này bắt đầu từ ngày lễ Phục Sinh năm 2018, phác họa chương trình nghị sự cho Công Đồng.

Trong một bản tuyên bố của Hội đồng Giám mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục, cho biết cuộc họp “sẽ là một cơ hội độc nhất để mọi người đến với nhau và bằng mọi cách lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta, và đặc biệt lắng nghe lẫn nhau, cùng nhau nhận ra những gì Thiên Chúa đang đòi hỏi chúng ta ở thời điểm này - thời gian mà Giáo hội Úc đang phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng.”

Đức TGM nói thêm: “Chúng tôi thực hy vọng việc chuẩn bị và tiến hành Công Đồng là thời điểm để tất cả các thành phần của Giáo hội lắng nghe và đối thoại với nhau để cùng nhau khám phá điều ta có thể trả lời câu hỏi:” Bạn nghĩ gì về điều Thiên Chúa đang hỏi chúng ta ở Úc? “

Khi phê chuẩn việc tổ chức Công Đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tán thành việc các giám mục bầu Giám mục Timothy Costelloe của Perth làm chủ tịch Công Đồng. Đức Tổng Giám Mục nói: “Tôi khuyến khích tất cả mọi người Công Giáo, dù sốt sắng hay thất vọng, hãy nắm lấy cơ hội này để nói lên điều trong tim óc mình.”

Một loạt các cuộc họp lập kế hoạch cho Công Đồng đã diễn ra, trong đó những người đầy nhiệt huyết trên khắp nước Úc đã chia sẻ những hy vọng của họ cho Giáo hội.

Các giám mục của Úc đã cho phát động một trang web về Công Đồng để giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách họ có thể tham gia vào quá trình thảo luận. Trang web này tại plenarycouncil.catholic.org.au.

Các quyết định được đưa ra sau Công Đồng sẽ có tính ràng buộc đối với Giáo Hội Công Giáo ở Úc với điều kiện được sự chấp thuận của Toà Thánh.

6. Đức Hồng Y Karl Lehmann qua đời vì đột quỵ

Đức Hồng Y Karl Lehmann, từng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã qua đời ở tuổi 81.

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai 12 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết ngài đã qua đời một ngày trước đó, tức là hôm Chúa Nhật 11 tháng Ba.

Đức Hồng Y Lehmann đã bị đột quỵ vào vào tháng Chín năm ngoái và trong những ngày gần đây. Khi cái chết của ngài dường như sắp xảy ra, người Công Giáo tại Đức đã cầu nguyện cho ngài.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức nói: “Giáo Hội Đức đang cúi chào cung kính trước một nhân vật có ảnh hưởng đến Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới.”

Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel nói bà rất buồn về cái chết của Đức Hồng Y Lehmann và gọi ngài là một trong những khuôn mặt nổi bật nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Bà Merkel nói: “Tôi rất biết ơn những cuộc trò chuyện và gặp gỡ tốt đẹp của chúng tôi qua nhiều năm.” Bà gọi ngài là một nhà trung gian có năng khiếu đặc biệt, giữa người Công Giáo Đức và Rôma, theo tinh thần phong trào đại kết giữa các Giáo Hội Kitô giáo, cũng như giữa Kitô hữu và tín đồ các tôn giáo khác.

Đức Hồng Y Lehmann sinh ngày 16 tháng 5 năm 1936 tại thị trấn Sigmaringen, tây nam Đức. Ngài là giáo sư thần học và được bổ nhiệm làm Giám mục của Mainz năm 1983.

Là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Đức, ngài đã lãnh đạo Giáo Hội tại Đức với hơn 23 triệu người Công Giáo trong 20 năm.

Lễ tang của ngài được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 tại Nhà thờ Mainz.

7. Đức Thánh Cha chia buồn với Giáo Hội Đức trước cái chết của Đức Hồng Y Karl Lehmann

Trước cái chết của Đức Hồng Y Karl Lehmann, Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa San Leone, Giám Mục Hiệu Tòa Mainz, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi điện cho Đức Cha Peter Kohlgraf, là giám mục của Mainz. Nội dung bức điện như sau:

Điện tín của Đức Thánh Cha

Ngày 12 tháng Ba, 2018

Thưa Đức Cha

Peter Kohlgraf

Giám mục Mainz

Tôi đã nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Karl Lehmann với nỗi buồn. Tôi xin bày tỏ những lời chia buồn chân thành đối với các bạn và với các tín hữu của giáo phận Mainz, và bảo đảm lời cầu nguyện của tôi cho vị Hồng Y quá cố mà Chúa đã gọi về với Ngài sau một thời gian bệnh nặng và đau khổ.

Trong hoạt động lâu dài của mình với vai trò một nhà thần học và một giám mục, và với tư cách chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, ngài đã giúp định hình cuộc sống của Giáo hội và của xã hội. Trái tim của ngài luôn mở ra đối với những vấn nạn và thách thức của thời đại, và đưa ra các câu trả lời và hướng dẫn khởi đi từ sứ điệp của Chúa Kitô, để đồng hàng cùng người dân trên con đường của họ, tìm kiếm những gì hiệp nhất họ vượt ra ngoài giới hạn của các lời tuyên bố, niềm tin và thực tại.

Nguyện Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, ban cho tôi đầy tớ trung tín sự viên mãn và sự sống trọn vẹn trong vương quốc trên trời.

Tôi chân thành ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em và cho tất cả những ai đang than khóc và thương tiếc Đức Hồng Y quá cố trong lời cầu nguyện.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

8. Ba “giám mục” Trung Quốc tham gia trong Quốc Hội, bỏ phiếu cho Tập Cận Bình làm “Đại Đế muôn năm”

Có ít nhất là 3 giám mục Công Giáo trong số các đại biểu của Quốc hội Nhân dân khóa 13 vào ngày 11 tháng Ba đã đưa ra quyết định lịch sử nhất tề chấp nhận cùng một lúc 21 tu chính án sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc, bao gồm việc cho phép một nhiệm kỳ vô hạn của Tập Cận Bình.

Sự thay đổi quan trọng nhất trong bản sửa đổi lần thứ năm trong lịch sử Hiến pháp Trung Quốc là điều khoản “sanweiyiti” (ba chức vụ trong tay của một người). Tập Cận Bình được giao giữ cả 3 chức vụ: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, tất cả đều không có giới hạn thời gian, làm đến khi nào chán thì thôi.

Trước khi có sự sửa đổi này, chức vụ Chủ tịch nước bị giới hạn tối đa là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm.

Sự sửa đổi này đã gây ra tranh cãi lớn trong và ngoài Trung Quốc kể từ cuối tháng Hai. Những người phản đối đã nhạo báng Tập Cận Bình muốn làm “Đại đế Tập muôn năm”. Danh hiệu này cũng được sử dụng như một tag trên Facebook của một chương trình truyền hình RTHK ở Hồng Kông nhưng sau đó bị xóa đi. Những ai ở Trung Quốc tìm trên Google những từ như “emperor” đều bị chặn.

Những sửa đổi này là những thay đổi hiến pháp lớn nhất trong 36 năm qua tại Trung Quốc.

Ba “giám mục” Trung Quốc tham gia vào Quốc hội Nhân dân khóa 13 nói trong cuộc phỏng vấn hôm 9 tháng Ba với tờ Hoàn Cầu Thời Báo là họ ủng hộ những thay đổi lịch sử này và kêu gọi người Công Giáo Trung Quốc cũng ủng hộ Tập Cận Bình.

Trong ba ông này, nổi nhất là ông “giám mục” Giuse Huỳnh Bỉnh Chương (Joseph Huang Bingzhang), là người đã bị Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 dứt phép thông công vào năm 2011, nhưng nay Đức Cha Phêrô Trang Kiện Kiện (Peter Zhuang Jianjian) đang bị buộc phải giao lại giáo phận Sán Đầu cho ông này chăn dắt.

Ông nổi bật thứ hai là “giám mục” Quách Kim Tài (Guo Jincai) của giáo phận Thừa Đức, là người bị dứt phép thông công vào năm 2011 sau khi được truyền chức Giám Mục trái phép vào năm 2010 để cai quản một giáo phận ma. Cha Federico Lombardi, lúc ấy là giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, khẳng định rằng trong Giáo Hội Công Giáo chẳng làm gì có cái giáo phận Thừa Đức. Quách Kim Tài, tổng thư ký hội đồng giám mục do chính phủ kiểm soát, cũng đang chờ đợi Toà Thánh công nhận ông ta cùng với cái giáo phận Thừa Đức do Hội Công Giáo Yêu Nước tạo ra.

Ông thứ ba là “giám mục Phêrô Phương Kiến Bình” (Fang Jianping), là một giám mục bất hợp pháp được tấn phong vào năm 2000, đã được Tòa Thánh ân xá. Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo Trung Quốc chỉ trích việc tha thứ này đã diễn ra quá sớm. Đúng thế, Phương Kiến Bình không hề hối hận và đã lấy vợ sau khi được ân xá.

Phát biểu với các phóng viên bên lề của Quốc hội Nhân dân khóa 13 về việc người Công Giáo Trung Quốc cần hỗ trợ Tập Cận Bình, “Đức cha” Phương Kiến Bình, khẳng định “dĩ nhiên rồi”, và lưu ý rằng “trong tư cách một công dân của một quốc gia, nghĩa vụ công dân phải được đặt trước mọi tôn giáo và mọi niềm tin.” Khi được hỏi Đức Chúa Trời hay Đảng Cộng sản ai quan trọng hơn, “Đức cha” Phương Kiến Bình, là phó chủ tịch hội đồng giám mục Trung Quốc, nói hôm 9 tháng 3, “Hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa và trả lại cho đất nước những gì của đất nước.”

9. Ngoại trưởng Hoa Kỳ chúc mừng 5 Năm Đức Phanxicô cai quản Giáo Hội

Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Bergoglio được mật nghị Hồng Y bầu làm giáo hoàng, lấy hiệu là Phanxicô. Đến nay, chẵn 5 năm.

Nhân dịp này, ngoại trưởng Rex Tillerson, đại diện chính phủ Hoa Kỳ gửi điện chúc mừng: “Nhân danh Chính Phủ Hiệp Chúng Quốc, tôi gửi lời chúc mừng đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp kỷ niệm năm thứ năm ngày ngài được bầu vào Tòa Rôma.

“Cùng nhau, Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh là một lực lượng phi thường tạo điều thiện khi chúng ta làm việc để thăng tiến tự do tôn giáo và các nhân quyền.

“Và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực, chiến đấu chống nạn buôn người, ngăn cản việc lan truyền bệnh tật, và tìm các giải pháp hoà bình cho các cuộc khủng hoảng khắp thế giới”.

Ngoại trưởng Tillerson nói rằng cuộc gặp gỡ có tính lịch sử của Tổng Thống Donald Trump với Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông tháng Năm năm 2017 làm nổi bật tầm quan trọng của sự hợp tác này.

Ngoại Trưởng Tillerson nói: “tôi tham gia với hàng triệu người Hoa Kỳ trong việc chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm này và mong được tiếp tục làm việc với nhau để cổ vũ hoà bình, tự do, và nhân phẩm khắp thế giới”.

10. Đức Hồng Y Pietro Parolin nhận định về triều giáo hoàng Phanxicô

Nhận định về triều giáo hoàng Phanxicô, sau 5 năm trị vì, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong một cuộc phỏng vấn của VaticanNews, công bố ngày 13 tháng Ba, 2018, cho rằng “đặc điểm nền tảng của triều giáo hoàng này chính là niềm vui, một niềm vui hiển nhiên không phát sinh từ sự bất cẩn, mà từ sự kiện biết rằng mình được Chúa yêu thương”.

Các đặc điểm khác là lòng thương xót và phúc âm hóa. Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh tới phương thức “nhìn ra ngoài” của Giáo Hội ngày nay và cho rằng phương thức này “có thể gây nên những phán đoán khác nhau, mâu thuẫn nhau và đôi khi chống đối nhau” dẫn đến phê bình chỉ trích.

Đức Hồng Y nói thêm rằng “Theo một nghĩa nào đó, việc ấy bình thường thôi, tôi nghĩ vậy, thực tế là mọi triều giáo hoàng đều bị chỉ trích cả. Còn đối với sự chỉ trích, tôi muốn phân biệt giữa các lời chỉ trích phá hoại, gây hấn, thực sự xấu xa... và những lời chỉ trích xây dựng”.

Ngài cho rằng ta cần chấp nhận các lời chỉ trích phá hoại, gây hấn “in Cruce” (bằng Thánh Giá): “hãy coi chúng như một phần của mão gai mà chúng ta phải đội, nhất là những ai có trách nhiệm trong Giáo Hội và do đó cũng có một vai trò công cộng”.

Còn đối với các lời chỉ trích xây dựng, “Tôi tin rằng ta cần lưu ý vì nó có thể hữu ích, như một khí cụ để cải tiến, thậm chí cải tiến việc phục vụ của ta. Tôi cho rằng về nền tảng, lời chỉ trích xây dựng là lời chỉ trích phát xuất từ một thái độ yêu thương và nhằm xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội”.

11. Giáo hội Ấn độ kỷ niệm 5 năm Giáo hoàng của Ðức Phanxicô.

Hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, ngày 13 tháng 03 năm 2018, Giáo hội Ấn độ đã kỷ niệm 5 năm Giáo hoàng của Ðức Phanxicô.

Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ, đã cử hành Thánh lễ cùng với 33 Giám mục đến từ các miền của Ấn độ và Ðức Giám mục sứ thần Tòa thánh Giambattista Diquattro. Ban chiều, các vị đã chầu Thánh Thể và cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha.

Ðức Hồng Y Gracias chia sẻ rằng các Giám mục cũng cầu nguyện cho các Giám mục của Ấn độ và Á châu để các ngài hiểu và thực hành tư tưởng của Ðức Thánh Cha, sống như một Giám mục thật sự và là các Giám mục thời hiện đại, là hải đăng của lòng thương xót và là các mục tử tốt lành.

Các Giám mục đang tham dự khóa học dành cho các tân Giám mục, kéo dài từ 12 đến 17 tháng 03 năm 2018 tại chủng viện thánh Pio X của tổng giáo phận. Ðức Hồng Y Gracias cũng nói: “Tôi nói với các tân Giám mục về Ðức Giáo hoàng Phanxicô, hướng dẫn Giáo hội và được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần. Trước những thách thức hiện nay, việc chúng ta ghi nhớ tư tưởng của Ðức Phanxicô thật là quan trọng. Ngài là Giáo hoàng của các vùng ngoại biên, một Giáo hoàng với một trái tim cảm thông dành cho người nghèo, lòng yêu thương và quan tâm của ngài dành cho những người bị lãng quên và đau khổ. Ngài yêu thương người trẻ của chúng ta và quan tâm đặc biệt đến người già, đặc biệt các người ông người bà. Ngay từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài, ngài đã nhắc người trẻ tầm quan trọng của việc giữ liên lạc với người già.”

Ðức Hồng Y Gracias nói thêm: “Ðức Giáo hoàng Phanxicô là vị Giáo hoàng của lòng thương xót, thúc đẩy con người đến với bí tích hòa giải. Ðức Thánh Cha rất yêu thương Á châu và ngài đã bày tỏ điều này trong các cuộc thăm viếng các nước Á châu. Ngài thường hỏi tôi về Á châu, nơi mà ngài rất ngưỡng mộ sự giàu có tinh thần.”

Ðức Hồng Y cho biết Ðức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình bạn và sự tôn trọng giữa ngừơi nam và ngừơi nữ trong các truyền thống tôn giáo khác nhau. Ðức Hồng Y nhắc lại lời Ðức Giáo hoàng: “Nếu có một lời mà chúng ta nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi thì đó là 'đối thoại.' Tất cả chúng ta được kêu gọi thăng tiến một nền văn hóa đối thoại với tất cả cách thức có thể và bằng cách này tái dựng lại bức tranh xã hội.'“

Cuối cùng Ðức Hồng Y khẳng định: “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Á châu về Giáo hội tại Á châu hiệp thông với tư tưởng của Ðức Thánh Cha, đó là cuộc đối thoại 3 chiều - với người nghèo, với các nền văn hóa và với các tôn giáo. Và tôi cũng thêm rằng đối thoại với thiên nhiên.”

12. Sứ vụ giáo dục đức tin cho người khuyết tật trí tuệ của các nữ tu.

Năm 1881, một nhóm phụ nữ trẻ thuộc cộng đồng Pianello del Lairo, gần thành phố Como của Ý, muốn theo đuổi sứ mạng phục vụ cho những người khốn khổ, bao gồm những người khuyết tật. Họ thuê một ngôi nhà và sau đó đã mua ngôi nhà này, đặt tên là nhà Chúa Quan Phòng, và bắt đầu công việc tông đồ theo gương mẫu của Tin mừng và người Samaritano nhân lành. Ngôi nhà của các sơ được biết đến như “chiếc tàu Noe”, vì các sơ đón tiếp các trẻ mồ côi, những phụ nữ lao động trẻ tìm nơi sinh sống, những người bệnh động kinh, người già và người khuyết tật trí tuệ. Thế là Dòng Nữ tử Ðức Maria Chúa Quan Phòng đã ra đời.

Nền tảng hoạt động tông đồ của dòng là “tôn trọng sự sống và phẩm giá của mọi người,” theo như quy chuẩn đạo đức của thánh Louis Guanella, vị đồng sáng lập dòng, đó là “đóng góp vào thiện ích của những người cần được trợ giúp, chăm sóc và quan tâm trong cuộc sống của họ. Dòng Nữ tử Ðức Maria Chúa Quan Phòng cũng có ngành nam, là dòng các Tôi tớ Bác ái, được thành lập năm 1908. Các linh mục và tu huynh của dòng cũng theo những hoạt động tông đồ tại nhiều quốc gia.

Năm 1913, các sơ dòng Nữ tử Ðức Maria Chúa Quan Phòng đến lập cộng đoàn tại thành phố Chicago, Hoa kỳ. Vì là người Ý, nên những nữ tu này bắt đầu bằng việc giúp đỡ cho những người di dân Ý sống ở Hoa kỳ. Các sơ thành lập nhà mẹ ở Chicago cho tỉnh dòng Hoa kỳ và mở một cơ sở chăm sóc các trẻ em khuyết tật trí tuệ. Tại các quốc gia khác, các sơ dòng Nữ tử Ðức Maria Chúa Quan Phòng hoạt động trong nhiều lãnh vực,. Nhưng tại Hoa kỳ, sứ vụ chính của các sơ là chăm sóc và dạy đức tin cho những người khuyết tật trí tuệ. Các sơ cũng chăm sóc người già trong các nhà dưỡng lão. Một số nữ tu phục vụ trong các giáo xứ với vai trò giáo viên và phụ trách các chương trình giáo dục tôn giáo và các thừa tác viên đưa Mình Thánh Chúa đến cho những người già yếu bệnh tật không đi lễ được. Qua thời gian, các sơ cũng dạy học tại các trường tiểu học Công Giáo.

Ðức cố Giám mục James M. Moynihan đã mời các sơ đến giáo phận Syracuse theo lời giới thiệu của một giáo dân xứ Thánh gia đang muốn tìm cách giúp đỡ cho người khuyết tật trí tuệ. 3 nữ tu đã đến ở một căn nhà gần nhà thờ Thánh gia. Tại giáo phận này, các sơ tập trung vào việc giúp đỡ các thanh thiếu niên và người lớn bị khuyết tậ trí tuệ, những người ở tuổi đến trường nhưng không thể lãnh nhận các bí tích giải tội, Thánh thể và Thêm sức. Sơ Caryn Haas phụ trách chăm sóc mục vụ cho người già yếu bệnh tật, bao gồm viẹc giúp các gia đình chuẩn bị cho con cái họ lãnh nhận bí tích rửa tội và các bí tích khác. Sơ còn sắp xếp để đưa Mình Thánh cho những người không thể đến nhà thờ. Sơ Beth Ann Dillon thì dạy môn tôn giáo tại trường trung học gần đó và cũng phụ trách mục vụ cho học sinh tại đó. Một sơ khác là sơ Arlene Riccio thì lên lịch trình cho các hoạt động đức tin cho người khuyết tật trí tuệ trong chương trình tông đồ đào tạo tôn giáo cho người trưởng thành có hoàn cảnh đặc biệt, gọi tắt là SPAR.

Những người lớn bị khuyết tật trí tuệ đã được học vể tôn giáo và bí tích tại các giáo xứ thì chương trình SPAR tiếp tục các chương trình để giúp họ đào sâu đức tin. Ðể giúp họ, sơ Riccio lập những nhóm nhỏ, hoặc ngay cả những buổi học một trò một thầy để giúp người khuyết tật có thể học hỏi về giáo lý dễ hơn. Với những trường hợp người khuyết tật trí tuệ không thể đi tham dự các lớp đều đặn, các sơ thường đến nhà để giúp họ. Sơ Riccio còn nhắm qua chương trình SPAR, dạy về tu đức tổng quát cho các Kitô hữu và dạy về đức tin Công Giáo cho các tín hữu Công Giáo. Một mục đích khác mà sơ muốn thực hiện nữa là tụ họp những tình nguyện viên có thể giúp cho những người tại các nhà hưu dưỡng có thể đi lễ ngày Chúa Nhật nếu họ muốn.