Lời mở



Đây chính phải là mùa thật sự đem lại thoải mái an bình, đi trước một tháng mở đường cho Mùa Giáng Sinh tuyệt vời (mùa mà ai cũng mừng vui với lời hứa từ trời cao “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”). Tâm tình biết ơn sau khi thọ ơn, kể ra thì chả có chi cao đẹp và ý nghĩa hơn trong cuộc sống con người.

Được ơn sinh ra làm người là điều trước tiên phải ghi lòng tạc dạ muôn năm. Từ đó biết quý cuộc sống trên trần. Được làm con Chúa và chịu bao nhiêu hồng ân siêu nhiên ngày này qua tháng khác. Liên tục sau đó là trăm ngàn thứ ơn ta nhận từ tay bao nhiêu người khác ngoài xã hội. Ơn đất Mẹ Việt Nam cưu mang ta từ ngày ra đời. Từ trong nhà ơn cha ơn mẹ, ơn chồng ơn vợ, ơn cả với đàn con lũ cháu, móc nối qua bao nhiêu ân tình đầy vơi khôn tả. Ơn cả những người đã về bên kia thế giới mà ta chưa có dịp đền đáp.

Vào mùa này, người Mỹ nhắc ta về tâm tình nhớ ơn và đền ơn. Dân tỵ nạn Việt Nam đã mang một món nợ cao dày với dân tộc Hoa Kỳ. Cho nên, mỗi mùa Tạ Ơn đòi chúng ta mở rộng tâm hồn ra để ôn lại bài học TRI ÂN sâu rộng vô bờ bến.

Chỉ có những dân tộc man rợ bán khai mới sống với con tim vô ơn bạc nghĩa.

Đầu đuôi ngày lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ



Câu chuyện xoay quanh dịp nhóm tín đồ ‘Thanh giáo’ gồm 102 người từ Anh quốc, muốn rời xứ qua Mỹ tìm đất tự do thực hành đạo riêng (bị Anh giáo kỳ thị) vào năm 1620. Họ tự gọi mình là nhóm Pilgrims (hành hương) và can đảm ra đi trên chiếc tàu buồm mang tên Mayflower, đổ bộ vào vùng Plymouth của khu thuộc địa New England (tuy vẫn thuộc Anh nhưng không kỳ thị tôn giáo).

Vì đói và lạnh với mùa đông khắc nghiệt đầu tiên, gần một nửa trong số họ đã chết. Nhưng qua sự nhẫn nại cần cù, và nhờ được số thổ dân ‘da đỏ’ giúp đỡ, họ đã thành công trong việc trồng trọt hoa mầu, để rồi vào mùa thu hoạch năm sau (tháng 11) họ đã sung sướng mời những người thổ dân tốt bụng mở đại tiệc ăn mừng và tạ ơn trời đất.

Hơn một thế kỷ sau, năm 1789, tổng thống tiên khởi của Hoa Kỳ đã tuyên bố ngày Tạ ơn chính thức phải được tổ chức vào ngày 26 tháng 11, vừa để mừng quốc gia độc lập khỏi ách cai trị Anh quốc, vừa để nhớ lại biến cố Plymouth đầy ý nghĩa năm nào. Về sau các tổng thống đổi ra ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11. Riêng tổng thống A.Lincoln còn muốn lễ này cũng là dịp tạ ơn Chúa đã cho chấm dứt cuộc nội chiến Nam Bắc tương tàn, và để kêu gọi tinh thần đoàn kết hòa giải quốc gia. Bây giờ Lễ Tạ Ơn trở thành đại lễ quốc gia. Cũng là lễ đoàn tụ gia đình chính yêu trong năm.

Thật ra các sử gia có trưng ra bằng chứng rằng trước đó đã có các nhóm tới Mỹ tổ chức ngày Tạ ơn, như nhóm Tây ban Nha tới Texas năm 1541 hay Florida năm 1565, hoặc nhóm Âu châu khác tại Virginia vào năm 1619. Nhưng vụ tàu Mayflower vẫn nổi bật hơn cả, nên được đề cao hàng đầu.

Trên bàn ăn tối ngày lễ này, món chính vẫn thường là gà tây (gà lôi) được nhồi bằng đủ thứ hầm bà lằng vào bụng, trước khi đem quay trong lò: hành tây, vụn bánh mì, cà rốt, cần tây v.v…Kèm theo là món khoai tây xay nhuyễn, luộc cùng tỏi và bơ, có khi thêm thịt ba chỉ vụn. Hầu hết các gia đình cũng không quên làm món đậu đũa đút lò, được trộn với canh nấm pha sữa, rồi cộng với hành chiên. Họ cũng đòi phải có món bắp ngô non đút lò, thường đi chung với một ít cải bắp con, cùng thêm chút mứt cranberry. Có nhà còn đòi cho bằng được món khoai lang ‘mật’ vừa ngọt vừa thơm (hay đi kèm với ít kẹo xốp màu trắng (marshmallows). Cuối cùng là phần tráng miệng với bánh bí ngô (pumkin pie) truyền thống không thể thiếu.

Dân chúng ăn tiệc mừng, chia sẻ cho nhau những tâm tình trìu mến thiết tha. Cha mẹ dâng lời tạ ơn sốt sắng vào đầu bữa tiệc, nhắc bảo con cái sống tinh thần biết ơn ngày lẫn đêm. Đồng thời mở nhạc nghe những bài ca ý nghĩa, mang theo những lời tạ ơn Chúa đã thương dành nhiều ân huệ cho dân chúng và quốc gia Hoa Kỳ, như bài ca ‘America the beautiful’: America, God shed His grace on Thee, and crown Thy good with brotherhood, from sea to shining sea ! Thật tuyệt vời !

Lễ Tạ ơn với người tỵ nạn Việt Nam.



Sau tháng tư đen năm 1975, già trẻ lớn bé xanh mặt chạy trốn giặc Cộng từ Bắc vào chiếm miền Nam. Dù công an biên phòng hung dữ, dù hải tặc đe dọa tứ bề, dù bão táp phong ba trên biển cả, bà con ta cứ liều mình ra đi tìm tự do (ai nấy cùng chuyền tai nhau “ngay cả cột đèn đường nếu có chân đi được cũng tìm cách ra đi”). Và nhờ ơn trời đất, với phúc đức ông bà để lại cho ghe thuyền được xuôi chèo mát mái, ta và gia đình đã không phải vùi thây dưới lòng nước sâu, hay chết đói chết khát giữa đại dương vô tình, nhưng cuối cùng may mắn tới được miền đất ‘lành’ cho chim đậu. Riêng với những đấng bị lên án là ‘ngụy quân ngụy quyền’ mà đã nhanh chân lên tàu trước ngày 30 tháng 4, thoát được cảnh bị ‘Bác và Đảng’ thưởng công với cái ‘học bổng cải tạo’ dài hạn mút mùa lệ thủy, ta không còn nhớ gì sao ? Bây giờ phải nghĩ chi đây ?

Không muốn nghĩ cũng phải nghĩ. Tuy cũng tổ chức ăn mừng như mọi người, nhưng cái tinh thần Lễ Tạ Ơn mới cần ghi nhớ. Phải tự vấn lương tâm coi mình đã đền đáp như thế nào. Đôi khi ta còn phải tìm dịp nói lên lời Tạ Lỗi vì mình đã quá vô tình. Khi đọc mấy giòng chữ này, xin mấy quý vị khó tính đừng đóng vai cố Hồng trong truyện ‘Số đỏ’ của Vũ trọng Phụng mà la toáng lên “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi” nhé ! Chúng mình cùng chia sẻ tâm tình chân thành, chứ không phải chỉ bàn vớ vẩn hay lan man chuyện ‘nam tào bắc đẩu’ đâu.

Trước hết phải cám ơn các nước ‘tạm dung’ cho chúng ta trú chân: Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi luật Tân…Dù đôi lúc họ có làm khó dễ ít nhiều, âu cũng chỉ vì lo cho chuyện ‘an ninh’ quốc gia của họ: biết đâu nhiều cán bộ CS len lỏi vào phá hoại, cùng với những băng đảng trộm cướp lợi dụng thời cơ ?

Cám ơn bao cơ quan thiện nguyện Liên hiệp quốc, cũng như các tổ chức từ thiện cứu trợ lớn nhỏ, các chương trình vớt nạn nhân vượt biển, cùng các nhà tranh đấu nhân quyền gần xa, hỗ trợ giúp chúng ta mau tới được miền đất hứa an toàn.

Dĩ nhiên lời Tạ ơn to lớn vẫn là gửi tới các quốc gia đầy lòng nhân ái: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Đức, Hòa Lan, Ý đã không ngừng nghỉ mở rộng đôi tay đón tiếp, tìm chỗ ở, kiếm công ăn việc làm để chúng ta có hoàn cảnh và cơ hội được ‘an cư lạc nghiệp’ như hôm nay. Nói tới nói hoài cũng không sao diễn tả cho vừa cho đủ…

Những ngày còn sống trên trại tạm cư, kẻ viết bài này hay được nghe tâm sự của mấy ông bạn, nói rằng ra đi vượt biên sẽ có thể đưa tới 3 kết cục: Một là nuôi cá (đắm tàu), hai là nuôi má (qua Mỹ có thể giúp mẹ ở nhà), ba là má nuôi (bị công an bắt tù và má phải thăm nuôi). Thấm thía làm sao ! Nay ở đây vừa được ăn cá, vừa giúp được má thay vì má phải nuôi !

Với Trời cao cũng như với nhân quần xã hội, giờ đây ta phải học cách đền ơn. Rồi phải biết thương xót đỡ nâng bao kẻ còn khốn khổ hơn mình. Một số tổ chức thiện nguyện người Việt có thói lành: hàng năm tới mùa Tạ Ơn, rủ nhau chuẩn bị đãi các kẻ vô gia cư một vài bữa ăn khá ngon lành. Hoặc quyên góp những món quà như đồ dùng và áo quần cho các gia đình nghèo. Vài tổ chức tôn giáo cũng dành thời giờ đi thăm viếng an ủi những kẻ ‘đơn độc không thân nhân’ trong các viện dưỡng lão…

Cũng nên bảo nhau phải biết bằng lòng với những cái ta hiện đang có, thay vì lúc nào cũng mơ mộng được làm…tỷ phú như ông Bill Gates. Cũng thỉnh thoảng nên cúi đầu mà tạ ơn Trời đã giúp ngăn ngừa ta sống đời phóng đãng bê tha, hay trộm cướp lọc lừa thiên hạ. Truyện cũ kể về một vị nhân đức lên tiếng với Chúa thế này: ”Con xin đội ơn Chúa, dù con mới bị trộm ghé nhà, nhưng vì con nghèo nên chả mất thứ gì đáng giá, rồi cũng vì con vắng mặt, nên không bị đánh đập hành hung, nhất là cám tạ Chúa vì con chỉ bị ăn trộm, chứ chính mình đã không đi ăn trộm nhà ai…”

Tinh thần tạ ơn còn đòi ta biết xin lỗi và sửa lỗi. Một số người về thăm quê hương thấy có ‘sự cố’ mới khá ngộ: quá nhiều bạn hữu quên mất câu nói ‘Cám Ơn’ và ‘Xin Lỗi’ trên môi miệng. Với hoàn cảnh thác loạn ngày nay, họ chỉ biết có mình mình ! Ai cũng phải suy tư: chúng ta thật sự đã bao lần lỗi phạm tới tha nhân, vô tình hay chủ ý, kể cả với những người quá cố. Đây là dịp ta tu sửa lối sống: mẫn cảm hơn với đồng loại, rộng lượng hơn với kẻ yếu đuối. Chỉ có vậy đời ta mới thực sự được an bình.

Tạ ơn vì ta đang còn gia đình thân nhân. Còn công ăn việc làm. Còn chân tay lành lặn. Còn có sức khỏe để sinh hoạt phục vụ nhau. Nhìn xa hơn, hãy tạ ơn những chiến sĩ Việt Nam xưa hy sinh xương máu bảo vệ xóm làng chúng ta được an ninh. Các vị tổ tiên ông bà đã làm gương sống lành thánh, và xây đắp nền tảng đức tin cho mình. Cám ơn các thày cô và ân nhân các cấp giúp ta trưởng thành khôn lớn. Các bác sĩ y tá đã tận tâm giúp mình khi bệnh hoạn yếu đau. Bao bằng hữu khích lệ động viên tinh thần trong nhiều hoàn cảnh. Rồi nếu từng thuộc cộng đoàn dân Chúa, cũng hãy nghĩ tới các vị lãnh đạo tinh thần, các Linh mục Tu sĩ bao năm tận tình dẫn dắt phần thiêng liêng linh hồn…

Cuối cùng hãy cầu nguyện và chúc nhau một mùa Tạ Ơn thật ý nghĩa.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư