Giống bất cứ người nổi tiếng nào, Hugh Hefner, người sáng lập tập đoàn Playboy, chết đã hơn 1 tuần nay, vẫn được báo chí nhắc đến dài dài, trong đó, có cả báo chí Công Giáo hoặc ký giả Công Giáo làm việc cho các cơ sở truyền thông thế tục, như Ross Douthat của New York Times.

Phản chứng tôn giáo

Phản ứng đầu tiên của các báo chí hay ký giả tôn giáo phần lớn là “cầu nguyện cho linh hồn” Hefner. Và sau đó là môt loạt các ảnh hưởng xấu được Hefner để lại. Như việc cổ vũ “các tương quan không cần cam kết, ngừa thai và sống chung đều là các hậu quả tự nhiên của một quan điểm coi phụ nữ như các trò chơi tạm bợ có thể vứt bỏ được. Phá thai tăng nhanh như hoả tiễn, cùng với ly dị, các bất ổn về ăn uống và những đứa trẻ bỏ lại sau cơn đắm tầu”.

Nhưng cũng có ký giả tôn giáo như Terry Mattingly tìm ra gốc rễ “phản chứng” tôn giáo của Hefner. Gốc rễ này chính là giáo phái Giám Lý (Methodist), giáo phái của cha mẹ Hefner.

Theo Associated Press, cha mẹ Hefner là những người Giám Lý sùng đạo nhưng chưa bao giờ biểu lộ “tình yêu theo kiểu thể lý và xúc cảm”. Bởi thế, trong một cuộc phỏng vấn năm 1974, Hefner nói rằng “Lúc còn rất trẻ, tôi đã bắt đầu tra vấn cái thứ điên khùng tôn giáo ấy khá nhiều về cuộc tranh chấp giữa tinh thần và thể xác con người, với Thiên Chúa chủ yếu đứng về phía tinh thần con người còn thằng Qủy thì ngụ cư trong xác thịt”.

Tờ Los Angeles Times cũng bàn đến cuộc trốn chạy Kitô Giáo của Hefner và việc này đã lên khuôn cuộc sống và việc làm của ông ta như thế nào. Bà Grace Hefner, mẹ của chủ nhân ông Playboy, một cô giáo và chồng Glenn, một kế toán viên, nghiêm ngặt về luân lý và khép kín về xúc cảm, cả hai đều là thành viên của giáo phái Giám Lý. Cái triết lý sống này, theo Hugh, đã ăn sâu vào dòng máu của họ.

Thực vậy, Glenn vốn là hậu duệ trực tiếp của William Bradford, một trong Những Người Thanh Giáo Ly Khai Anh trên tầu Mayflower vượt đại dương qua Tân Thế Giới đầu thập niên 1600. Hefner không quên dòng dõi này. Năm 2004, ông ta nói với tờ Chicago Sun Times: “Gia đình tôi theo phái Cấm Chế (Prohibitionists), Thanh Giáo theo nghĩa hết sức thực chất của nó. Không bao giờ hút thuốc, chửi thề, uống rượu, khiêu vũ. Hay ôm hôn nhau. Ồ, chuyện đó không hề có. Trong gia đình tôi, tuyệt đối không có chuyên ôm nhau hay hôn hít nhau”.

Hefner kể lại rằng: lúc về già, mẹ ông có xin lỗi ông về việc thiếu khả năng biểu lộ tình âu yếm. Không những thông cảm với mẹ, Hefner còn cho rằng nhờ bà thiếu khả năng như thế “mà con đã bước vào diễn trình thay đổi đời con và cả thế giới”!

Theo tờ New York Times, ngày 27 tháng 9, 2017, trong bài xã luận của số Playboy đầu tiên với hình Marilyn Monroe ngoài bìa, Hefner viết rằng: ông có ác cảm kịch liệt đối với các khe khắt về tình dục của thời ông, một thứ khe khắt làm tuổi trẻ ông chết ngạt.

Linh mục cựu mục sư Anh Giáo, Dwight Longenecker, thì đặt câu hỏi "Is Hugh Hefner in Hell?" (Hugh Hefner có ở hỏa ngục không?). Câu trả lời lẽ dĩ nhiên là: chúng ta không thể biết. Biết đâu vào phút chót, như người trộm lành, ông ta hối lỗi và cửa thiên đàng rộng mở cho ông khiến những người "con cả trong dụ ngôn" ngẩn tò te bực mình.

Cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về Hefner

Ross Douthat thì không ngần ngại “nói xấu Hugh Hefner” (Speaking ill of Hugh Hefner, New York Times, Sept. 30, 2017). Ký giả này không tìm cách bào chữa chi cả, thuần túy là “nói xấu”. Đây là các “tước hiệu” Douthat dành cho Hefner: khiêu dâm và sô-vanh, làm giầu nhờ thủ dâm, duy tiêu thụ và khai thác đàn bà, già đi thành người kệch cỡm chuyên liếc mắt dâm dật trong chiếc nón thuyền trưởng, và chết đi như một người thu tích những điều vô dụng (a pack rat) trong một căn nhà mục nát nơi văn hóa khiêu dâm lóe lên trong những cuộc truy hoan bệnh hoạn của ông ta.

Chưa hết: Hef là tên ma cô toe toét của cách mạng tình dục, với thuốc ngủ dành cho các bà và Viagara dành cho ông ta, người cha của cơn ghiền dâm ô và bất ổn ăn uống, phá thai và ly dị cũng như giang mai, anh chàng chạy hàng xách đầy tham vọng chuyên xuất bản những câu truyện kiểu Updike không ai đọc trong khi cung cấp xác thịt cho những người nổi tiếng, một nhà cách mạng mà cuộc cách mạng chỉ phục vụ những người đàn ông như ông ta…

Kinsey và Playboy

Riêng Sue Ellen Browder là có cái nhìn tích cực trước cái chết của Hefner: Từ dâm dật tới bụi đất: di sản của Hugh Hefner” (From Lust to Dust: The Legacy of Hugh Hefner). Bà này cho rằng: Niềm vui Phục Sinh và Thăng Thiên triệt để thách thức giả thuyết nằm bên dưới “nền triết lý Kinsey-Playboy-Cosmo”.

Thiết nghĩ Sue đủ tư cách để viết về nền triết lý trên. Vì suốt trong 2 thập niên, bà từng là một biên tập viên của tờ Playboy dành cho phụ nữ, tức tờ Cosmopolitan.

Chủ bút của Cosmopolitan, Helen Gurley Brown, là người ngưỡng mộ Playboy đến chỗ điên dại và cho rằng Hefner là một thiên tài chính hiệu. Lúc Brown biến Cosmo thành tạp chí của cách mạng tình dục giữa thập niên 1960, Hefner giúp bà này thuê những người đúng điệu cũng như tiếp xúc với các đại lý của chính ông ta. Brown rập khuôn “nền triết lý Cosmo” và lối sống “thiếu nữ Cosmo” theo “triết lý” và lối sống Playboy. Trong hai thập niên 1960 và 1970, cả hai tạp chí này rao bán cho người Mỹ cái óc tưởng tượng cho rằng “tình dục không con cái sẽ giải phóng bạn” và Sue là một trong những thuộc hạ của Helen.

Sue cho hay số đầu tiên của Playboy xuất hiện cùng thời gian với tác phẩm của nhà sinh vật học của Đại Học Indiana, Alfred Kinsey, tựa là Sexual Behavior in the Human Female (Tác Phong Tính Dục nơi Người Nữ). Khoa học của Kinsey trở thành nền tảng cho cách mạng tình dục.

Thực vậy, nếu không có tìm tòi của Kinsey dọn đường, khó có thể nghĩ những bản rập khuôn như Playboy và Cosmopolitan lại ra đời được. Khoa học của Kinsey và Playboy tương quan qua lại với nhau một cách mật thiết đến độ người ta rất đúng khi gọi Hefner là là người quảng cáo và tuyên truyền cho Kinsey.

Khi Kinsey xuất bản cuốn Sexual Behavior in the Human Male (Tác Phong Tính Dục nơi Người Nam) vào năm 1948 và cuốn của ông ta về phụ nữ 5 năm sau, ông ta đã đảo lộn các giá trị tính dục truyền thống của giai cấp trung lưu Mỹ. Trong số các điều được coi như “sự kiện”, Kinsey cho rằng 69% đàn ông Mỹ từng làm tình với gái điếm, 10% đồng tính luyến ái ít nhất trong 3 năm, và 17% con trai ở nông trại làm tình với thú vật. Sau đó, sau khi thu lượm hàng đống thống kê, Kinsey còn cho rằng 95% đàn ông Mỹ phạm các tội tình dục có thể dẫn họ vào nhà tù.

Hiện nay, có nhiều bắng chứng cho thấy cuộc nghiên cứu của Kinsey phạm nhiều sai lạc và dựa vào những con số thống kê thiên vị. Thí dụ, ông ta cho rằng các khám phá của ông ta đúng cho các người Mỹ “trung bình”, nhưng thực tế, chúng dựa vào “lịch sử tính dục” của 1,400 phạm nhân tính dục bị cầm tù. Ông ta chưa bao giờ cho biết ông ta đã bao gồm bao nhiêu người trong số này vào tổng số mẫu thống kê gồm 5,300 người đàn ông da trắng. Nhưng ông ta thừa nhận có bao gồm vào đó “vài trăm” tên điếm đàn ông. Nhà nhân học nổi tiếng người Anh, Geoffrey Gorer, gọi các tường trình của Kinsey là các bản tuyên truyền đội lốt khoa học.

Hefner và Brown không nghĩ thế, họ ca tụng Kinsey tới tầng mây. Thành thử trên cái nền ọp ẹp của khoa học thiếu căn cứ của Kinsey, Hefner đã xây dựng một lối sống tính dục đầy tưởng tượng cho đàn ông, trong khi Brown xây dựng một lối sống tình dục đầy tưởng tượng cho các phụ nữ độc thân. Khiến đưa tới thật nhiều hậu quả thảm hại.

Con người chỉ là thú vật

Thảm hại bậc nhất là coi con người không hơn không kém chỉ là một con vật. Điều này dễ hiểu vì trước khi nghiên cứu về tính dục, Kinsey là chuyên gia hàng đầu thế giới về ong vò vẽ gây mụn ở cây (gall wasp). Vốn là nhà sinh vật học, nên Kinsey coi con người chỉ như “một con vật”. Bỏ ra ngoài bất cứ cái hiểu nào về các khía cạnh tâm linh của tính dục con người, ông ta coi tính dục chỉ là một phản ứng sinh lý của “loài vật”.

Trong cuốn dành cho phụ nữ, Kinsey ví sự cực khoái của con người với việc “hắt hơi”. Nhà nhân học tại Cao Đẳng Brooklyn, George Simpson, nói về công trình của Kinsey “đây quả là lý thuyết khỉ về cực khoái”. Còn theo nhà nhân học Margaret Mead, trong quan điểm của Kinsey, không có sự khác nhau về tinh thần nào giữa việc người đàn ông làm tình với một người đàn bà, hay một con cừu.

Đó là hậu quả khi một nhà sinh học chỉ được huấn luyện để nghiên cứu về thế giới động vật đã cả gan vượt quá bình diện chuyên môn để cố gắng nghiên cứu các hữu thể nhân bản vốn được tạo dựng cho Nước Thiên Chúa.

Đó cũng là lý do tại sao Hefner biến các phụ nữ thành “những con thỏ Playboy”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1967, ông ta giải thích: “thỏ có một ý nghĩa tính dục, vì nó là con vật tươi mát, hay mắc cỡ, sinh động, hay nhẩy - gợi dục. Trước nhất nó ngửi bạn, ròi trốn chạy, sau đó trở lại, và bạn cảm thấy muốn mơn trớn nó, chơi với nó. Một cô gái cũng giống một con thỏ. Vui tươi, đùa nghịch”. Nói cách khác, người đàn bà chỉ là một con vật dùng để tạo khoái lạc cho đàn ông.

Thứ văn hóa trên bây giờ nhan nhản, mở đường cho hàng triệu vụ phá thai, các đứa trẻ không cha, ly dị bừa bãi, một kỹ nghệ khiêu dâm hàng tỷ đôla, “hôn nhân” đồng tính và man vàn cơn bệnh xã hội khác.

Tìm ra chân lý: Con người không mãi mãi bị giam hãm trong bản năng thú vật

Năm 2003, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Sue đọc Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo và tìm ra chân lý. Đối với bà, con đường duy nhất đánh bại thế giới ảo vọng là thực tại cụ thể của Chúa Giêsu.

Khi Đức Kitô gia nhập hàng ngũ nhân loại bằng xương bằng thịt trong một hài nhi nhỏ bé nơi máng cỏ, tự ý chịu đóng đinh, sống lại vào ngày thứ ba và sau đó lên trời, Người đã nâng toàn thể nhân loại lên với Người và đánh đổ vĩnh viễn sự dối trá cho rằng con người mãi mãi bị giam hãm trong nhà tù bản năng thú vật của họ.

Niềm vui Phục Sinh và Thăng Thiên triệt để thách thức giả thuyết nằm dưới “nền triết lý Kinsey-Playboy-Cosmo” ở tận gốc rễ của nó. Niềm vui được sống đời đời của Kitô Giáo, một nềm vui đã bắt đầu ngay bây giờ (chứ không đợi tới lúc “chết và về trời”) vượt quá bất cứ hạnh phúc hời hợt nào của các ngẫu tượng giả dối của thế gian như quyền lực, khoái lạc, vinh dự và giầu có.

Tưởng cũng nên biết Sue Ellen Browder vốn là tác giả của cuốn Subverted: How I Helped the Sexual Revolution Hijack the Women’s Movement do Nhà Ignatius xuất bản năm 2015.

Xuất thân từ Trường Báo Chí của Đại Học Missouri, Sue đã vô tình phản bội ơn gọi đích thực của mình như một nhà báo điều tra tìm hiểu để trở thành một kẻ tuyên truyền rẻ tiền cho kỹ nghệ khiêu dâm, hiện thân nơi tạp chí Cosmopolitan.

Thực vậy, Cosmopolitan hết lòng cổ vũ nghị trình của cuộc cách mạng tình dục: ngủ với đàn ông có vợ là điều tốt; dùng thuốc viên ngừa thai là điều tốt; phá thai để tiến thân là điều tốt… Theo chủ bút của nó, Helen Brown, một trong các trở ngại chính của thành công là việc làm mẹ, chứ không phải thiếu giáo dục hoặc cơ hội kinh tế.

Ở Cosmopolitan, nhiệm vụ của Sue là viết những vấn đề như phải làm gì “khi chàng không muốn làm tình” hoặc phải xử lý ra sao với “những vụ nhiễm trùng âm đạo thường gặp”…

Tuy nhiên, đầu óc điều tra tìm hiểu học ở trường làm báo giúp Sue vẫn còn tỉnh táo đến có thể bước vào ơn gọi làm mẹ, ngược với chủ trương của Cosmopolitan. Rồi, nhờ rời bỏ Đông chạy qua Tây kiếm cơ hội, mà hai vợ chồng Sue tình cờ gặp “thực tại Thiên Chúa” tại một thị trấn nhỏ vùng quê Redwood, California. Vị nữ linh mục của ngôi nhà thờ Episcopal ở đó nói với Sue rằng bà không cần tin vào phép lạ, khiến Sue đặt câu hỏi: Nếu Người không có khả năng làm phép lạ, thì làm sao Người làm tôi sống lại từ cõi chết? Chồng bà khuyên bà “thử Giáo Hội Công Giáo”. Ý nghĩ này làm bà buồn nôn vì đó là thứ giáo hội già nua tộc trưởng. Điều oái oăm là bà đã đi lục lọi lịch sử giáo hội này, mục đích để phản bác ông chồng. Kết quả ngược lại: “việc lục lọi lịch sử này cho tôi thấy rõ Thệ Phản, ngay tận gốc, khó có thể là nơi tìm kiếm việc giải phóng phụ nữ”.

Và thế là bà trở thành người Công Giáo.