Đâu là các thách đố lớn lao đang đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ?

Hãy hỏi 3 người Công Giáo Hoa Kỳ câu hỏi trên, có lẽ bạn sẽ nhận được 4 ý kiến khác nhau. Không dám nói là dứt khoát, ta có thể nhận ra ít nhất 4 thách đố đang ló dạng ở cuối chân trời.

Đầu tiên là các điểm gây đau đầu mới cũng như các điểm đem lại cơ may mới, do việc thay đổi dân số học đem lại. Về phương diện mục vụ, các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ sẽ bị áp lực phải bảo đảm điều này: cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đang lớn mạnh không được hiện hữu trong một thứ vũ trụ song hành với các trung tâm truyền thống của đời sống Công Giáo, nhưng phải hội nhập trọn vẹn vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Về phương diện xã hội và chính trị, các giám mục và các vị lãnh đạo khác sẽ được kêu gọi thực hiện điều các vị vốn thực hiện trong thế kỷ 19, là hành xử như các tòa tranh đấu quyền lợi cho di dân và như thành trì chống lại việc loại trừ có tính xã hội. Các vị cũng phải chấp nhận việc cộng đoàn của các vị mỗi ngày một già đi và tìm phương thế sáng tạo để khuyến khích các tín hữu có tuổi trong cộng đoàn mình đầu tư nhiều thì giờ và tài nguyện hơn vào các chính nghĩa Công Giáo, hơn là cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng.

Thứ hai, tính cạnh tranh về tôn giáo ở Hoa Kỳ có giảm đi đôi chút ở đầu thế kỷ 21, và hiện có bằng chứng cho thấy Giáo Hội Công Giáo nên quan tâm tới phần mất mát “thị trường” của mình. Cuộc Thăm Dò về Khung Cảnh Tôn Giáo năm 2008 của Trung Tâm Pew cho thấy hiện tượng khá linh động trong việc thống thuộc tôn giáo ở Hoa Kỳ: gần nửa số người trưởng thành Hoa Kỳ một là thay đổi tôn giáo hai là hoàn toàn từ bỏ các mối liên kết của họ đối với tôn giáo. Đối với Đạo Công Giáo, nhiều hàng tít lớn cho thấy hiện có tới 22 triệu người cựu Công Giáo ở Hoa Kỳ, một mất mát lớn hơn hết trong bất cứ tổ chức tôn giáo nào. Một trong ba người Hoa Kỳ được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo đã rời bỏ Giáo Hội. Nếu không có di dân, Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ hẳn đã gảm thiểu một cách đáng kể: với mỗi thành viên mới Giáo Hội có được, họ mất tới 4 thành viên.

Dù các con số trên có thể là dấu chỉ một cuộc xuất hành hàng loạt ra khỏi Đạo Công Giáo, nhưng bức tranh phức tạp hơn thế. Giáo hội hiện vẫn duy trì được 68 phần trăm những người sinh ra trong đức tin cho tới tuổi trưởng thành, một ỷ lệ thấp hơn Ấn Độ Giáo (84 phần trăm) cũng như Do Thái Giáo, Chính Thống Giáo, và Đạo Mormon (tất cả đều trên 70 phần trăm), nhưng vẫn hơn bất cứ hình thức Thệ Phản nào. Phái Baptist duy trì được 60 phần trăm tín hữu, phái Luthêrô duy trì được 59 phần trăm, phái Ngũ Tuần duy trì được 47 phần trăm, phái Trưởng Lão duy trì được 40 phần trăm. Các Chứng Nhân Giêhôva chỉ duy trì được 37 phần trăm các thành viên từ lúc mới sinh đến tuổi trưởng thành, nghĩa là họ phải đương đầu với một ỷ lệ ra đi gần 2 phần 3. Tuy nhiên, điều các giáo phái này xem ra làm trội hơn Giáo Hội Công Giáo là việc họ tuyển mộ. Người Thệ Phản thu nhận 3 thành viên mới cho mỗi 4 thành viên họ bị mất ở Hoa Kỳ. Các Chứng Nhân Giêhôva nổi bật về phương diện này: vì họ tuyển được nhiều thành viên mới hơn là số bị mất, thành thử nói chung, họ vẫn phát triển mặc dù họ có ỷ lệ duy trì thấp hơn tỷ lệ duy trì của Giáo Hội Công Giáo.

Điều cốt yếu ở đây là: khi so sánh với các nhóm tôn giáo khác, các cuộc đấu tranh của Giáo Hội Công Giáo không thực sự là việc chăm sóc mục vụ mà là sức mạnh truyền giáo. Nói chung, Đạo Công Giáo phục vụ các thành viên hiện hữu rất tốt, căn cứ vào con số các tín hữu trung thành với Giáo Hội. Điều Giáo Hội này làm không tốt bằng là việc rao giảng Tin Mừng. Đặt tất cả các điều này vào lối nói thô thiển của tư bản chủ nghĩa, nghĩa là vào thị trường tôn giáo đầy tính cạnh tranh của Hoa Kỳ, thì vấn đề thực sự của Công Giáo không phải là việc phục vụ khách hàng mà là các vụ rao bán mới. Gia tăng khả năng truyền giáo của Giáo Hội, do đó, phải là ưu tiên khá khẩn thiết.

Thứ ba, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đang đương đầu với một loạt các cuộc tranh đấu mỗi ngày một khó khăn thêm giữa nhà nước và giáo hội, trong các trận tuyến như chính sách tiểu bang và liên bang về phá thai, ngừa thai, và hôn nhân đồng tính; khả năng của các trường, các bệnh viện và cơ quan bác ái thống thuộc Giáo Hội trong việc duy trì giáo huấn của Giáo Hội trong khi vẫn nhận được tài trợ công cộng; và quyền phản đối lương tâm của các cá nhân và định chế tôn giáo.

Ai chịu trách nhiệm đối với các cuộc tranh đấu này thì vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Các giám mục Hoa Kỳ tin rằng hiện có một cố gắng có phối hợp nhằm làm suy yếu việc truyền thống Hoa Kỳ bảo đảm tự do tôn giáo, do giai cấp trí thức ưu tú thế tục và các lực lượng chính trị cấp tiến lãnh đạo (theo họ, phần lớn có liên hệ với Đảng Dân Chủ). Đặc biệt, các giám mục tin rằng tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ đang bị tái định nghĩa như một điều hoàn toàn tùy thuộc các cá nhân chứ không phải các định chế, nhằm một là làm tê liệt các định chế của Giáo Hội hai là gây chia rẽ giữa các định chế này và hàng giáo phẩm. Các người phê bình các giám mục, trong đó, có thành phần ý kiến cấp tiến rất đáng kể ngay bên trong Giáo Hội, cho rằng hàng giáo phẩm chịu trách nhiệm phần nào về việc này, một phần vì đã càng ngày càng có chủ trương cứng rắn hơn trong giáo huấn phò sự sống, và một phần khác vì đã liên minh trên thực tế với Đảng Cộng Hòa và do đó, trở thành một mục tiêu chính trị.

Bất kể người ta chẩn đoán vấn đề ra sao, sự kiện gia tăng căng thẳng giữa nhà nước và giáo hội ở Hoa Kỳ là điều không thể chối cãi. Năm 2011, các giám mục lập một Ủy Ban Đặc Nhiệm về Tự Do Tôn Giáo để đáp úng tình thế và một trong các hành vi đầu tiên của Ủy Ban là thuê một nhóm luật sư. Ở Hoa Kỳ thế kỷ 21, đây thường là điều bạn biết bạn đang gặp rắc rối: lúc bạn cần phải thuê một nhóm luật gia danh tiếng.

Thứ tư, Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ là một điển hình đặc biệt rõ nét của cuộc khủng hoảng mô tả ở chương 10 về việc “bộ lạc hóa”. Cảnh vực Công Giáo ở Hoa Kỳ được chấm phá bằng nhiều bộ lạc khác nhau: người Công Giáo phò sự sống, người duy truyền thống về phụng vụ, các phong trào, người Công Giáo cải tổ, các nhóm hòa bình và công lý,v.v… Trong thực hành, đôi khi các nhóm này kình chống nhau hơn là đồng minh với nhau, và do đó, Giáo Hội bị sa lầy vào cuộc tranh chấp nội bộ. Nói cách khác, đây là hình thức bộ lạc kiểu Balkan, chứ không phải liên minh Iroquois. Trong một môi trường như thế, giữ cho Giáo Hội hợp nhất với nhau sẽ là một thách đố hết sức gay go ở đầu thế kỷ 21.

Khi nhìn Hoa Kỳ, Vatican thấy gì?

Trước đây không lâu, Vatican thấy có nhiều điều đáng để sợ ở Hoa Kỳ, hoặc ít nhất, có nhiều điều hàm hồ lưỡng nghĩa. Ngày nay, nhìn qua sông nước, Vatican thấy Hoa Kỳ là người bạn tốt nhất của mình và là người hùn hạp tự nhiên nhất của mình trên sân khấu hoàn cầu. Cả hai phản ứng này đều cần được giải thích phần nào.

Lúc Hoa Kỳ mới lập quốc, Vatican phần lớn bận bịu với sự việc ở Âu Châu. Có nghĩ đến Tân Thế Giới, thì Vatican cũng chỉ chú tâm tới các tranh chấp thực dân giữa các cường quốc Công Giáo ở Nam Mỹ. Vatican có lưu ý tới cuộc nội chiến Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn, cụ thể qua việc trao đổi thư từ giữa Đức Giáo Hoàng Piô IX và Jefferson Davis, lãnh tụ của Phe Liên Minh (confederacy). Đức Piô chưa bao giờ nhìn nhận Các Tiểu Bang Liên Minh Hoa Kỳ (Codfederacy States of America), nhưng ngỏ với Davis như là “Thưa Ngài Tổng Thống” và tiếp một đại sứ của Davis. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là tiết mục chuyển tiếp (interlude) không để lại nhiều dấu ấn trong các thái độ của cả Rôma lẫn Hoa Kỳ.

Phải đợi lúc Hoa Kỳ trở thành một đại cường hoàn cầu sau Thế Chiến I, Vatican mới lưu ý nhiều hơn và khi đã lưu ý như thế, Vatican duy trì mãi thái độ này. Cuộc Cách Mạng Bônxêvích lúc đó đã diễn ra ở Nga rồi, nên Vatican hoan nghinh sự xuất hiện của một bức tường lửa mới và mạnh mẽ chống lại sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời, nhiều chính khách Công Giáo Âu Châu, kể cả một số nhà ngoại giao và tư tưởng kỳ cựu của Vatican, coi Hoa Kỳ như một nền văn hóa phần lớn theo Thệ Phản, thậm chí theo Canvinh, đối nghịch với đạo đức học xã hội Công Giáo. Sau Thế Chiến II, một số giới chức cao cấp Vatican thực sự còn khuyên Ý không nên tham gia khối NATO, lấy lý do liên minh này chỉ là con ngựa thành Troa nhằm truyền bá các giá trị thệ phản ra khắp thế giới, nhất là việc tách biệt hoàn toàn giữa giáo hội và nhà nước, dưới sự che chở của sức mạnh quân sự và kinh tế Hoa Kỳ. Phải có sự can thiệp đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Piô XII, người ủng hộ NATO, cuộc tranh luận mới kết thúc.

Cuộc tranh đấu chung chống chủ nghĩa cộng sản trở thành trọng điểm trong mối bang giao Hoa Kỳ - Vatican suốt hậu bán thế kỷ 20, đạt tới cao điểm thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; Nhà báo Hoa Kỳ Carl Bernstein gọi cuộc phối hợp tâm trí giữa Rôma và Washington là “liên minh thần thánh”. Thế nhưng, các thiên kiến cũ không bao giờ hoàn toàn biến đi. Năm 2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phái một đặc phái viên qua Washington để cố thuyết phục chính phủ Bush đừng gây chiến với Iraq. Đặc phái viên này, Đức Hồng Y Pio Laghi, một vị hồng y người Ý rất kỳ cựu, đã trở về Rôma với lời phàn nàn cho rằng Bush và nhóm của ông nhìn thế giới dưới nhãn quan nhị nguyên Canvinh, một thế giới bị phân chia giữa những người được chọn và những người bị kết tội.

Tuy nhiên, trong mấy thập niên gần đây, thái độ Vatican đối với Hoa Kỳ và ảnh hưởng hoàn cầu của nó đã nồng ấm hẳn lên. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tông du Hoa Kỳ năm 2008, ngài ca ngợi truyền thống giáo hội và nhà nước tách biệt nhau của Hoa Kỳ, mô tả nó như có mục đích cổ vũ quyền tự do theo (for) tôn giáo, hơn là quyền tự do thoát khỏi (from) tôn giáo. Phần lớn, việc này xẩy ra là do các khai triển ở Âu Châu từ cuối thập niên 1960, nhất là sự xuất hiện của hình thức duy tục triệt để, một hình thức mà Vatican tin rằng có quyết tâm diệt trừ ảnh hưởng tôn giáo khỏi đời sống công cộng. Thời điểm chủ yếu hơn cả là năm 2004, khi ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ John Kerry thua George Bush một phần vì lá phiếu “đức tin và các giá trị” ở Hoa Kỳ. Cùng thời điểm này, một triết gia và chính trị gia Công Giáo người Ý, Rocco Buttiglione, một người bạn thân của Đức Gioan Phaolô II bị bác chức bộ trưởng trong Ủy Ban Âu Châu vì đã duy trì giáo huấn Công Giáo về phá thai và đồng tính luyến ái. Tri cảm ở Rôma là Âu Châu đã trở thành một vùng “người Công Giáo không nên nạp đơn”, trong khi người có đức tin vẫn được nghinh đón vào đời sống công cộng tại Hoa Kỳ.

Thành thử, bài toán địa dư nổi bật ở Vatican hiện nay là: bất chấp các lỗi lầm của nó, Hoa Kỳ vẫn là đại cường chủ yếu trên hoàn cầu, sẵn sàng cổ vũ một vai trò công cộng và sinh động cho tôn giáo và sẵn sàng nhất trong việc lắng nghe các quan tâm của Vatican. Các nhà ngoại giao của Đức Giáo Hoàng tin rằng Hoa Kỳ chắc chắn là quốc gia thân thiện với Giáo Hội hơn bất cứ siêu cường mới xuất hiện nào khác trong thế kỷ 21, như Trung Quốc, nơi các giám mục Công Giáo và hàng giáo sĩ tiếp tục bị giam giữ , hay Ấn Độ, nơi phong trào Ấn Giáo cực đoan đang làm ngơ các vụ tàn sát Kitô Giáo. Niềm xác tín này giúp giải thích lý do tại sao Vatican có đường hướng ôn hòa với Chính Phủ Obama hơn nhiều giám mục Hoa Kỳ. Trong khi nhiều người Hoa Kỳ có xu hướng so sánh Obama với phe đối lập trong nước, thì các nhà ngoại giao Vatican có xu hướng so sánh ông ta (và bất cứ lãnh tụ Hoa Kỳ nào) với các chính khách ở Âu Châu, cũng như các nhà lãnh đạo của các cường quốc chính khác trên thế giới. Nói chung, Vatican dường như tin rằng trong thế kỷ mới này, Hoa Kỳ là cuộc cá độ tốt nhất trong việc bảo vệ tự do tôn giáo, bảo vệ vai trò sinh động cho những người có đức tin trong sinh hoạt công cộng, và trật tự quốc tế vững ổn từ trong căn bản.

Vatican nhìn giáo hội Hoa Kỳ như thế nào?

Một lần nữa, Vatican thấy cả tích cực lẫn tiêu cực. Cuối thế kỷ 19, Vatican lo rằng người Công Giáo Hoa Kỳ sẽ loan truyền một thứ lạc giáo, gồm cả “duy đặc thù” (particularism: tức ý niệm cho rằng người Công Giáo Hoa Kỳ là một trường hợp đặc biệt và cần sự rộng rãi để hội nhập vào một quốc gia đa số theo Thệ Phản), “duy cá nhân” (kể cả việc bác bỏ thẩm quyền của hàng giáo phẩm), và triệt để tách biệt giáo hội và nhà nước. Trong thông điệp năm 1898, tựa là Testem Benevolentiae Nostrae, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tố cáo lạc giáo “Duy Hoa Kỳ” (Americanism) này. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Hoa Kỳ vào lúc đó không nhận mình chủ trương các ý niệm được mô tả trong thông điệp và phần lớn các sử gia hiện nay tin rằng thông điệp này thực sự nhắm vào các trào lưu cấp tiến lúc ấy ở Pháp. Tuy nhiên, lá thư vẫn cho thấy rõ các nhà tư tưởng của Vatican từ lâu vốn không hài lòng với hình thức Công Giáo đang thành hình ở Hoa Kỳ.

Vì ảnh hưởng hoàn cầu của Hiệp Chúng Quốc và các tài nguyên khổng lồ của Đạo Công Giáo ở Hoa Kỳ, Vatican phải lưu ý đặc biệt tới Giáo Hội ở đây. Thập niên 1980, Vatican mở một cuộc điều tra về thừa tác vụ dành cho người Công Giáo đồng tính nam nữ do hai người Công Giáo Hoa Kỳ phát động, đó là Nữ Tu Jeannine Gramick và Cha Robert Nugent, vi sợ rằng thừa tác vụ này đang bán rẻ giáo huấn chính thức về đồng tính luyến ái. Gần cùng thời gian này, một nhà thần học luân lý Hoa Kỳ nổi tiếng, Cha Charles Curran, là đối tượng của một cuộc điều tra khá lâu dài của Vatican mà kết cục là Cha Curran bị sa thải khỏi Đại Học Công Giáo America. Cha bị tố cáo duy trì các lập trường bất đồng về nhiều vấn đề đạo đức học tính dục, như ngừa thai chẳng hạn. Gần đây, vào năm 2012, Vatican ra lệnh xem xét toàn bộ nhóm lãnh đạo chung của các nữ tu Hoa Kỳ, tức Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu (LCWR), dựa trên các lệch lạc đối với giáo huấn của Giáo Hội về nhiều vấn đề như phụ nữ làm linh mục, phá thai và hôn nhân đồng tính, và điều bị Vatican coi như “chủ nghĩa duy nữ cực đoan”. Những việc can thiệp như thế này khiến người ta châm biếm cho rằng Giáo Hội ở Hoa Kỳ mà hắt hơi thì cả thế giới Công Giáo chắc đang cảm cúm cả.

Tuy nhiên, một lần nữa, việc đánh giá của Vatican đối với Giáo Hội Hoa Kỳ ở đầu hế kỷ 21 về căn bản khá tích cực. Đến một mức độ nào đó, việc này có được một phần do trong 30 năm qua, dưới thời các Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, các vị giám mục được bổ nhiệm cho Hoa Kỳ có xu hướng thân Vatican. Một phần khác cũng vì các tổ chức Công Giáo chính ở Hoa Kỳ, nhất là Hội Hiệp Sĩ Columbus với 1.8 triệu thành viên, là ân nhân chính của nhiều chính nghĩa Công Giáo. (Hãy lấy một thí dụ nhỏ: những người tới thăm Vatican hẳn lưu ý điều này: các xe vận tải của CTV, tức hệ thống truyền hình của Vatican, đều mang huy hiệu của Hội Hiệp Sĩ Columbus). Thành thử, người Công Giáo Hoa Kỳ có xu hướng tạo ảnh hưởng rất lớn đối với các bình diện cấp cao của Giáo Hội. Tính đến năm 2012, chẳng hạn, Hoa Kỳ có nhiều hồng y có quyền bỏ phiếu bầu vị giáo hoàng kế tiếp hơn cả Ba Tây (sáu) và Mễ Tây Cơ (bốn) cộng lại. Đây là hai quốc gia Công Giáo lớn nhất trên thế giới, với tổng số dân Công Giáo cộng lại gấp tới hơn 3 lần rưỡi dân số Công Giáo của Hiệp Chúng Quốc. Ở các bình diện thấp hơn, cũng thế, Vatican cũng càng ngày cành dựa vào Hoa Kỳ nhiều hơn. Chẳng hạn, khi bị Âu Châu lượng giá về việc rửa tiền năm 2012, Tòa Thánh đã phải cậy nhờ một luật sư Hoa Kỳ, vốn là một giáo dân ở California, Ông Jeffrey Lena, làm cố vấn chính. Cùng năm đó, để giải quyết các vấn đề giao tế nhân sự kéo dài lâu năm của mình, Vatican cũng đã phải thuê một nhà báo Hoa Kỳ, Ông Gregory Burke, một phóng viên kỳ cựu của hãng Fox và là thành viên của Opus Dei.

Khi nói với các nhân viên của Vatican về người Công Giáo Hoa Kỳ, chắc chắn bạn sẽ được nghe họ than phiền. Họ nói rằng người Công Giáo Hoa Kỳ chỉ chiếm 6 phần trăm dân số Công Giáo thế giới, nhưng hình như không chịu hiểu cho rằng họ là thành phần của một Giáo Hội hoàn cầu rộng lớn hơn và vì thế sự việc không luôn theo ý họ. Trong khi người Công Giáo Hoa Kỳ đôi lúc than phiền rằng họ không được Rôma yêu thương đủ, thì các nhân viên của Vatican thường phản đối mà cho rằng Hoa Kỳ đã có quá nhiều ảnh hưởng đối với Giáo Hội rồi. Các thiên kiến xưa cũ về Hoa Kỳ như một nền văn hóa cao bồi ấu trĩ cũng khá dai dẳng nơi một sối giới ở Vatican. Tuy nhiên, nói thế thì nói, xem ra ở đầu thế kỷ 21, càng ngày càng có “thời điểm Hoa Kỳ” ở Vatican, được nuôi dưỡng nhờ cái nhìn khá tích cực đối với sự đóng góp của người Công Giáo Hoa Kỳ, cả về phương diện cá nhân lẫn về phương diện tập thể.

Chúng ta có thể có một vị giáo hoàng người Hoa Kỳ không?

Đã từ lâu, sự khôn ngoan thông thường vẫn cho rằng một người Hoa Kỳ không thể được bầu làm giáo hoàng vì cùng một lý do như họ không thể được bầu làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. một định chế hoàn cầu giả thiết phải là một môi giới hợp tình hợp lý đối với mọi quốc gia và do đó, người lãnh đạo nó không thể xuất thân từ một trong các siêu cường. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 21, ít nhất có 3 lực lượng đang làm cho thứ luận lý học này tan vỡ, và giúp cho ý niệm một giáo hoàng người Hoa Kỳ có thể trở thành khả hữu hơn.

Thứ nhất, Hoa Kỳ không còn là siêu cường đơn độc của thế giới nữa. Các giám mục Công Giáo có xu hướng coi Trung Quốc hoặc Saudi Arabia như là các siêu cường nhiều hơn chứ không phải Hoa Kỳ. Các giám mục ở Đông Nam Á, có xu hướng ít nhất nghĩ tới Ấn Độ như một lực lượng hoàn cầu chủ yếu giống như Hoa Kỳ. Nói cách khác, trong một thế giới đa cực, các cấm kỵ truyền thống chống lại một “giáo hoàng siêu cường” đã dần mất đi sức mạnh của nó.

Thứ hai, việc bầu Đức Gioan Phaolô II năm 1978 đã thay đổi năng động tính tâm lý nơi các vị hồng y bầu giáo hoàng. Cùng một lúc, người ta nghĩ việc bầu vị giáo hoàng người Ba Lan cũng đã báo hiệu việc kết thúc 500 năm độc quyền của người Ý đối với ngôi vị giáo hoàng, nhưng nhờ nhìn thấy các ơn phúc của nó, việc này còn có giá trị hơn nữa. Thực vậy, trên thực tế, nó đã tạo nên một não trạng mới nơi các vị hồng y, giúp các ngài cởi mở hơn đối với ý niệm vị giáo hoàng sắp tới có thể xuất thân từ bất cứ nơi đâu, vì chính cá nhân, chứ không phải quốc tịch của vị này, là điều đáng kể. Để chứng tỏ điều này, sau mật nghị hồi tháng Tư năm 2005 nhiều vị hồng y nói rằng các ngài bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI không phải vì ngài là người Đức. Thực sự, các ngài cho hay, các ngài bầu ngài bất chấp việc ngài là người Đức. Nói một cách tổng quát, nhiều vị hồng y cho biết các ngài bị lôi cuốn bởi ý tưởng chọn một người không phải là Âu Châu, nhưng các ngài thấy nơi Đức Ratzinger một cá nhân đầy đủ tư cách vào lúc đó.

Thứ ba, vấn đề căn bản liên quan tới việc nói đến xuất xứ của vị giáo hoàng kế tiếp là các vị hồng y không chọn một giấy xuất cảnh, mà chọn một hữu thể nhân bản bằng xương bằng thịt. Dù trong lý thuyết, việc bầu một người Hoa Kỳ làm giáo hoàng hoàn toàn hợp lý đi chăng nữa, thì vị này cũng phải có đủ tư cách mới làm cho viễn tượng ấy thành sự thực được. Trong phần lớn thế kỷ 20, hình như chưa có vị hồng y Hoa Kỳ nào buộc người ta phải xếp vào loại papabile hay có thể trở thành ứng viên chức giáo hoàng. Các vị hồng y Hoa Kỳ nổi tiếng là các nhà cai trị hay kỹ trị (techcrats), là các vị “gạch vữa” hơn là các chính khách (statesmen) hay các tư tưởng gia thâm thúy. Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh này bắt đầu thay đổi. Đức Hồng Y Francis George của Chicago được quốc tế coi như một nhà trí thức nghiêm túc, một trong ít thành viên của hồng y đoàn có khả năng so sánh với với Đức Bênêđíctô. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York được coi như một nhà lãnh đạo nhiều đặc sủng, thông thạo truyền thông, có khả năng tỏa chiếu một hình ảnh tích cực của Giáo Hội trên sân khấu công cộng. Nói cách khác, lần kế tiếp, khi các vị hồng y họp lại để bầu vị tân giáo hoàng, chắc chắn các ngài sẽ không loại bỏ ý niệm bầu một người Hoa Kỳ làm giáo hoàng.

Còn tiếp