Phỏng vấn ĐGM Pedro Casaldaliga lãnh tụ hàng đầu của Thần Học Giải Phóng. (phần 1)

MEXICO CITY 19/01/05 - Mặc dù Thần Học Giải Phóng đã bị phá sản sau khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở Nga, ở Đông Âu, ở Trung Quốc và Việt Nam, nhưng ở cái tuổi 77, sắp về hưu, đức Giám Mục Pedreo Casaldaliga, một trong những lãnh tụ hàng đầu của Thần Học Giải Phóng tại Ba Tây vẫn lớn tiếng cổ vũ cho Thần Học Giải Phóng, công kích Giáo Hội nói chung và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói riêng, đồng thời lại còn muốn ngồi “lì” ở giáo phận Sao Felix ở Ba Tây.

Trong ngày 19 tháng Giêng vừa qua đức Giám Mục Pedro Casaldaliga đã dành cho ký giả Diego Cevallos của cơ quan thông tấn IPS (Inter Press Service News Agency) một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ngài tuyên bố Vatican đang lâm tình trạng “tụt hậu”, Đức Giáo Hoàng nên từ chức và Giáo Hội Công Giáo đang bị hủy diệt vì quá trung ương tập quyền.

Đức Giám Mục Pedro Casaldaliga sinh năm 1928 tại Tây Ban Nha, nhưng hầu như cả đời Ngài phục vụ tại Ba Tây. Hiện giờ Ngài đang bị bệnh Parkinson, cao máu, và đang cai quản giáo phận Sao Felix vùng Araguaia, nước Ba Tây.

Trong những năm phục vụ ở Ba Tây, Ngài làm việc sát cánh với người nghèo và thường lớn tiếng chỉ trích tầng lớp thiểu số có quyền thế, nhất là vào thời gian từ năm 1964 đến 1985, Ngài thường chỉ trích chế độc độc tài quân phiệt. Ngài là một trong những lãnh tụ hàng đầu của nền Thần Học Giải Phóng, phát triển mạnh vào ba thập niên 60, 70, 80. Nền thần học này muốn Giáo Hội Công Giáo dấn thân mạnh mẽ hơn, dùng đường lối tranh đấu kiểu Mác Xit để chống lại nạn nghèo đói và bất công tại Mỹ Châu La Tinh

Vì lập trường này nên Ngài đã nhận được nhiều lời đe dọa tử hình, kể cả mấy lần đã bị ám sát hụt. Các người theo Ngài coi Ngài là “thánh” còn những người chống Ngài coi Ngài là “qủy”.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

HỎI : Thưa ĐGM Pedreo Casaldaliga, Ngài đang sắp sửa về hưu và Tòa Thánh có vẻ như xử sự với Ngài cách quá nghiêm khắc phải không?

TRẢ LỜI: Tôi đã đệ đơn từ chức cách đây 2 năm theo đúng luật của Giáo Hội là Giám Mục buộc phải về hưu ở tuồi 75. Nhưng tôi đã xin Tòa Thánh ở lại chức vị cho tới khi có người thay thế. Thế rồi, vào cuối năm 2004, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Tây đến bảo tôi rằng vị Giám Mục mới đến thay thế cảm thấy không thoải mái nếu còn sự hiện diện của tôi ở đây. Tôi bảo nếu tôi phải rời khỏi thành phố Sao Felix này, hoặc phải bỏ cả vùng này mà đi chỗ khác thì đó là điều phi lý.

HỎI : Vậy thế Đức Giám Mục sẽ làm gì?

TRẢ LỜI : Tôi là con ngựa già, mệt mỏi rồi, tôi không muốn cản đường bất cứ ai. Tôi không làm chủ giáo phận. Tôi về hưu đó là điều tốt. Nhưng bây giờ vấn đề không phải là tùy nơi tôi, mà tùy ở những cộng đồng, tùy ở những linh mục chính xứ là những người không muốn tôi rời khỏi giáo phận. Tôi không muốn gây va chạm, nhưng tôi nghĩ trong trường hợp như thế này, quyết định của Giáo Hội nên căn cứ trên quyết định của cộng đồng.

HỎI : Trước đến nay có nhiều màn đụng chạm về lập trường giữa ĐGM và Giáo Hội. Vậy đây có phải là màn đụng chạm cuối cùng không?

TRẢ LỜI: Mọi chuyện đang xảy ra chỉ là một phần của triều đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thể hiện. Đó là tụt hậu, là thoái hóa. ĐGH đã cố gắng khuôn nặn căn tính Giáo Hội qua luật lệ, thái độ, huấn luyện, chỉ định Giám Mục và một loạt các hành động khác. Đó chỉ có nghĩa là tụt hậu so với đường lối tiến bộ khi hoạt động cho người nghèo. Khi gặp các trường hợp cùng cực như chúng tôi phải dấn thân tranh đấu cho người thổ dân, tranh đấu cho người nghèo có đất đai cầy cấy, tranh đấu để có sự liên kết quốc tế thì lúc đó mới thấy sự tụt hậu hiện ra rõ ràng.

HỎI: Đức Giám Mục nghĩ gì về đức đương kim Giáo Hoàng? Ngài có phải chịu trách nhiệm về những điều cho là tụt hậu không?

TRẢ LỜI: Có, lập trường của ngài có thể giải thích một cách tổng quát là vì cái quá khứ con người Ba Lan của ngài, vì lịch sử cá nhân của Ngài, đặc biết là đối với chủ thuyết cộng sản. Đối với Ngài và đối với cả dân tộc Ba Lan, bất cứ cái gì dính dáng tới chủ nghĩa xã hội hay cộng sản là phản lại Công Giáo. Đang khi đó, chủ nghĩa cộng sản lại đã làm những lỗi lầm kinh khủng. Do vậy mà ở Mỹ Châu La Tinh, khi người có khuynh hướng xã hội và người Kitô Giáo hợp tác với nhau, ủng hộ một phong trào cách mạng nào, thì họ lập tức bị đức Giáo Hoàng nghi ngờ, bị khiển trách. Tại Tòa Thánh Vatican, người ta cứ sợ Mỹ Châu La Tinh biến thành các nước cộng sản, do vậy sẽ có vô thần. Họ vẫn tiếp tục không biết rằng chính phong trào cách mạng sẽ thăng tiến công bình. Chủ nghĩa xã hội ở đây có nhiều điều rất thích hợp với Kitô Giáo. (Còn tiếp)