Cầu thay nguyện giúp

Trong đời sống đức tin, chúng ta cầu nguyện cùng Chúa với lòng tin tưởng sâu xa, lòng mến yêu nhiệt thành và lòng cậy trông thành khẩn.

Nhưng nhiều khi chúng ta vẫn còn cảm thấy áy náy. Vì không dám chắc mình đã sống xứng đáng đẹp lòng như Chúa mong muốn.

Vì thế, con người chứng ta thường hay chạy đến cậy nhờ các Thánh cầu thay nguyện giúp cho mình, nhất là trong những khi gặp hoàn cảnh khốn khó đau buồn. Vì tin tưởng, các Thánh là những vị có đời sống đức tin, đời sống đạo đức đẹp lòng Chúa. Các Vị đã trải qua đời sống được thanh luyện. Các Vị đã sống đứng vững trước những thử thách về lòng tin, lòng kính mến và lòng cậy trông vào Chúa. Các Vị là những người có đời sống gương mẫu anh hùng trước mặt Chúa và con người.

Các Vị vì thế bây giờ sống gần bên Chúa, lời phù hộ cầu thay nguyện giúp của các Vị dễ dàng được Chúa nhận lời hơn.

Và qua kinh nghiệm đời sống đã trải qua, các Thánh thấu hiểu thông cảm hoàn cảnh đời sống con người, nên cũng sẵn sàng ra tay cứu giúp phù hộ cầu thay nguyện giúp cho ta.

Xưa nay vẫn hằng luôn có những tâm hồn luôn bám chặt vào một hay hai Vị Thánh. Với họ, vị Thánh đó là người luôn sát bên cạnh đời sống.Vị Thánh đó là vị Thánh người yêu mến của họ. Có gì họ cũng tâm sự nói với vị Thánh đó, xinVị Thánh đó cầu bầu che chở cùng Chúa cho.

Đây là nếp sống đức tin tốt lành thánh đức, biểu hiện chiều sâu lòng thành kính cậy trông các Thánh phù giúp cho mình.

Nhưng còn có một lối sống đức tin sống sâu sa cùng sống động nữa, mà Thánh Phaolô đã có suy tư: „Thưa anh em, có Chúa Thánh Thần giúp đõ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thánh Thần Chúa cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thánh Thần Chúa muốn nói gì, vì Thánh Thần Chúa cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.“ ( Roma 8,26-27).

Nhưng Chúa Thánh Thần là ai?

Chúa Thánh Thần là một người trong ba ngôi Thiên Chúa: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần.

Đức Chúa Thánh Thần không có hình hài là một con người như các Thánh. Nên để cho dễ nhận diện ra Chúa Thánh Thần, ta có thể thấy làn gió trong không gian, như hình ảnh biểu tượng nói về Ngài.

Vào ngày trời nóng nực mùa hè, khi có gió thổi đến, ta cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Làn không khí dịu mát làm cho tinh thần bỗng tươi tỉnh phấn khởi lên. Trái lại, khi trời nóng bức mà không có gió thổi đến, ta cảm thấy ngột ngạt khó chịu, khó thở nữa.

Không nhìn thấy Gió. Nhưng gió không phải là bóng ma quái gì. Trái lại gió là một thực tại trong thiên nhiên cần thiết cho đời sống con người.

Trong đời sống đức tin đạo giáo cũng cần làn gío thổi vào. Chúa Giesu đã nói cho biết ngọn gió đó là Đức Chúa Thánh Thần ( Ga 3,8).

Trong ngôn ngữ Hylạp Pneuma và tiếng Do Thái Ruach, chỉ về Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là làn gió là hơi thở.

Mà đã là gió thì thể không nhìn thấy bằng mắt, nhưng cảm nhận ra qua những hiệu qủa của gió.

Trong kinh thánh nơi sách Sáng Thế Ký diễn tả Đức Chúa Thánh Thần như làn gió bay lượn trên mặt nước trong không gian (St 1,1)

Cũng trong Sáng Thế ký thuật lại khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa lấy bùn đất nặn nên hình tượng họ và thổi hơi vào mũi, con người liền có hơi thở sức sống. ( St 2,7).

Thần khí Thiên Chúa hay Đức Chúa Thánh Thần là làn gió, làn khí hơi thở thần thánh phát xuất từ Thiên Chúa.

Sách Tông đồ công vụ vẽ hình ảnh Đức Chúa Thánh Thần như làn gío thổi:

„Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.“ ( Cv 2,1)

Đức Chúa Thánh Thần như thế là năng lượng cùng là sức sống hơi thở cho đời sống.

Người ta cảm thấy có gío thổi đến, nhưng không bắt giữ gió lại được. Chúng ta chỉ có thể đặt mình trước gió hứng hiệu qủa làn gió thổi mang đến, như những cánh quạt được dựng trong không gian hứng gió thổi làm cho quay vận chuyển trong gió phát ra điện, hay như cánh buồm căng ra khi gió thổi đến làm tầu thuyền chạy di chuyển.

Vì thế, Chúa Giêsu khi nói chuyện với Ông Nicodemo về Chúa Thánh Thần đã tâm sự: „ Gió muốn thổi đâu thì thổi; Ông nghe tiếng gió thổi, nhưng không biết giótừ đâu tới và thổi đi đâu. Ai sinh bởi Thần khí (Chúa Thánh Thần) thì cũng như vậy.“ ( Ga 3, 8).

Người Công Giáo Việt Nam có tập tục nếp sống đạo rất có ý nghĩa về mặt tuyên xưng đức tin. Mỗi khi đọc kinh cầu nguyện chung cũng như riêng, trước hết đọc kinh xin Đức Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn, xin Đức Chúa Thánh Thần cùng dạy hướng dẫn cho cầu nguyện, cùng cầu thay nguyện giúp cho.

Đây là một cung cách sống đức tin sống động cao đẹp cùng thể hiện lòng tin yêu cậy trông sâu thẳm vào Chúa.

Xin cám ơn các Vị Thừa Sai ngày xưa, khi sang truyền giáo bên quê hương Việt Nam, đã mang tinh thần cung cách sống đức tin bằng lời kinh nguyện Xin Đức Chúa Thánh Thần xuống mỗi khi đọc kinh cầu nguyện.

Cung cách nếp sống đức tin này không cho ngày hôm qua, nhưng luôn cần thiết cho ngày hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long