Linh mục ký giả và tác giả Raymond A. Schroth, Dòng Tên, có người cha viết hơn 40,000 bài xã luận trong suốt nghiệp làm báo của mình. Theo gương cha, linh mục Schroth, trong thời gian học ở Đại Học Fordham, đã làm biên tập viên xã luận và phụ trách một chuyên mục cho tờ Fordham Ram. Sau hai năm phục vụ quân ngũ, đã vào Dòng Tên, dạy trung học ba năm rồi dành 40 năm dạy nghề làm báo tại 5 đại học Dòng Tên và 2 đại học thế tục. Song song, Cha còn là chủ bút mùa hè và viết chuyên mục cho tờ America thập niên 1960, tham gia tờ Commonweal làm chủ bút điểm sách, thập niên 1970, và viết cũng như phê bình truyền thông cho tờ National Catholic Reporter khoảng 30 năm, rồi 6 năm trước đây, là chủ bút điểm sách của tờ America. Ngoài ra, cha còn viết và xuất bản 9 cuốn sách, phần lớn về các nhà báo và Tu Sĩ Dòng Tên.

Linh mục Schroth tự giới thiệu mình dài dòng như trên có lẽ để chứng tỏ rằng các nhận định sau đây của ngài chắc chắn không thiếu sự chín chắn của một nhà báo chuyên nghiệp.


Tôi luôn cảm thấy một sức căng thẳng nào đó giữa báo chí và một số thành phần trong Giáo Hội. Một ngày kia, lúc còn nhỏ, tôi theo cha đi lễ tại giáo xứ của chúng tôi. Tôi nghĩ vị mục tử hôm đó chắc chưa bao giờ chịu soạn một bài giảng, vì ngài nói huyên thuyên bất tận, phàn nàn về “báo chí thế tục”, một từ ngữ được ngài thốt ra một cách gầm gừ. Lần đó, từ bục giảng, ngài phàn nàn về việc một tờ báo kia tường thuật về một cuộc tranh cãi nào đó liên quan tới một linh mục. Cha tôi, người luôn kiểm soát xúc cảm của mình đến 102%, nên đã chỉ nắm chặt cỗ tràng hạt rồi lật đi lật lại nó trong bàn tay nắm chặt của ngài. Tôi coi việc này như một dấu chỉ bảo tôi rằng nếu tôi trở thành một nhà báo, chắc chắn tôi phải chấp nhận một lượng đối xử tồi tệ nào đó, nên phải thật bình thản.

Các nguyên tắc hướng dẫn

Tôi cũng học được rằng các phương tiện trruyền thông, mà hiện nay bao gồm truyền thanh, phim ảnh, truyền hình, Facebook, các trang mạng, các blogs và Twitter cũng như các tờ báo, có thể lạm dụng đặc ân của họ trong việc nói với và nói cho công chúng mà họ giả thiết phải đại diện. Ta hãy xem 6 vai trò do các phương tiện truyền thông khác nhau đảm nhiệm và xét xem đâu là nghĩa vụ của họ.

Thông tin. Truyền bá tin tức một cách rộng rãi và sâu sắc đủ để người công dân hưởng được nền dân chủ thực sự trong khi họ điều hướng và xây dựng các cộng đồng của họ.

Kích thích thương mãi. Nhờ các tin tức về kinh doanh và quảng cáo, báo chí và cộng đồng được phát đạt.

Giáo dục. Thế kỷ 19, tờ New York World của Joseph Pulitzer giúp các di dân nắm vững ngôn ngữ tiếng Anh.

Có một cảnh lớn trong cuốn phim Deadline U.S.A của Humphrey Bogart, thập niên 1940, trong đó, Bogart là chủ bút một tờ báo địa phương vừa được bán cho người vốn cạnh tranh với nó, nên chỉ còn mấy ngày để vạch trần bọn cướp từng sát hại một phụ nữ di dân trẻ. Vào phút chót, mẹ của người phụ nữ trẻ đem đến cho ông chủ bút một số lá thư chứng minh tội ác của bọn cướp. Bogart hỏi người mẹ xem tại sao bà đem bằng chứng này đến ông thay vì đến cảnh sát. Người mẹ trả lời: “tôi không biết cảnh sát. Tôi chỉ biết tờ báo”. Vào lúc chót, khi tờ báo đang in lời vạch trần trên trang nhất, tên cướp gọi cho Bogart ở phòng báo chí. Hắn sủa: “ồn ào chi rứa?” Bogart quạt lại, “Ông bạn ạ, đó là báo chí, và ông bạn chẳng làm gì được nó đâu!”.

Bảo toàn lịch sử. Nếu không có các văn khố của các tờ bào có trách nhiệm, với các tài liệu công cộng của họ: các cuộc bầu cử và chiến tranh khởi diễn, thắng và thua, thì quá khứ của ta sẽ biến mất như thể đời ta chẳng bao giờ xuất hiện.

Phát triển văn hóa. Nếu không có các bài phê bình, các phóng viên thể thao và các người điểm sách, thì nền văn chương, phim ảnh, kịch nghệ, âm nhạc, khiêu vũ, truyện tranh và các biến cố thể thao sẽ xuống dốc. Phẩm chất tiêu khiển sẽ nhạt thếch và tri thức công chúng sẽ co cụm.

Gợi hứng. Trang xã luận là tâm và trí của tờ báo. Trên hết, nó là lương tâm của tờ báo. Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của cả truyền thông đạo lẫn truyền thông đời. Gần đây, trong một số ngày, tờ New York Times cho đăng một tuyên bố dài cả trang gồm 19 câu bằng chữ đậm nói về “sự thật” áp dụng cho chính họ và mọi cơ quan truyền thông khác. Trong đó, có câu: “Sự thật khó nhá. Sự thật không thể bị che đậy. Sự thật không đứng về phe nào. Sự thật khó chấp nhận. Sự thật đòi có lập trường”.

Điều nổi bật

Tóm lại, làm nhà báo đòi có cả khôn ngoan lẫn can đảm. Ban biên tập phải cho in sự thật dù nó có thể xúc phạm tới một số độc giả. Ngày nay, tại nhiều nước, các nhà báo nói sự thật đang bị giết chết. Khi tôi đang viết những dòng này, các tờ Times, Brooklyn Tablet, London Tablet, Catholic Free Press, America, National Catholic Reporter, New York Daily News, Guardian, Commonweal, The Nation, The Michigan Catholic và nhiều ấn phẩm khác đang được trải rộng trên bàn làm việc của tôi. Nên các qui luật trên áp dụng cho chúng ta tất cả, bất kể là tôn giáo hay thế tục.

Năm nay kỷ niệm năm thứ tư ngày Đức Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng, có lẽ, một điều nổi bật nhất là việc ngài sẵn lòng, thậm chí, rất tha thiết, trà trộn với người ta, bất chấp tôn giáo và địa vị xã hội của họ. Nó làm ta nhớ tới những câu truyện và phim ảnh lãng mạn trong đó nhà vua, giả dạng, trà trộn với các công dân thấp hèn nhất để biết họ nghĩ gì về mình, giống Vua Henry V của Shakespear: hòa mình với các binh sĩ quanh lửa trại đêm trước khi tham gia trận chiến.

Phong cách mới

Trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô nổi tiếng là người hay từ khước các cuộc phỏng vấn, nhưng khi đảm nhiệm vai trò mục tử thế giới, ngài mau mắn vươn tay ra với đoàn chiên của mình. Linh mục Antonio Spadaro, S.J., chủ bút tờ La Civiltà Cattolica, một tập san định kỳ do Dòng Tên biên tập chính thức, từng là người đầu tiên phỏng vấn ngài và cuộc phỏng vấn này được đăng trên cả tờ Civiltà lẫn tờ America. Trong khi đó, ngài nhanh chóng thách thức các phương tiện truyền thông trong một bài diễn văn trực tiếp với các phóng viên Rôma, ngày 16 tháng 3, chỉ 3 ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng.

Dịp đó, ngài cho rằng các biến cố của Giáo Hội khó tường trình hơn các biến cố chính trị, một phần vì các biến cố của Giáo Hội có tính cách “thiêng liêng” nhiều hơn các biến cố chính trị. Ngài nói: “Chúa Kitô là mục tử của Giáo Hội” nhưng “Sự hiện diện của Người trong lịch sử xuyên qua sự tự do của những con người nhân bản”. Qúy bạn phải lưu ý điều ấy và “phải tập chú cách thích đáng vào điều thực sự xẩy ra lúc đó”. Ngài ca ngợi việc làm quan trọng của họ và nói thêm: “Qúy bạn nắm trong tay các phương thế để nghe và đem tiếng nói lại cho các hoài mong và đòi hỏi của người ta, và cung cấp một phân tích và giải thích các biến cố đương thời”. Điều này đòi ta phải đánh giá cao bất cứ điều gì là “chân, thiện, mỹ”.

Ngài kết luận bằng cách giải thích tại sao ngài lấy hiệu là Phanxicô. Số là một người bạn tốt, tức vị Hồng Y ngồi cạnh ngài trong diễn trình bầu cử, khi các lá phiếu đang được đếm, đã ôm lấy ngài, hôn ngài rồi nói “Đừng quên người nghèo!” Ngay tức khắc, ngài nghĩ tới con người luôn yêu thương người nghèo, yêu hòa bình, yêu và bảo vệ môi trường: Thánh Phanxicô Assisi. Chính thời điểm ấy, “hình ảnh” tân giáo hoàng đã được đóng ấn, được tăng cường nhờ việc ngài sống ở một khách sạn dành cho các linh mục hơn là các phòng ốc trong dinh giáo hoàng, di chuyển bằng chiếc xe hơi nhỏ bình thường, tránh đôi giầy đỏ và phẩm phục giáo sĩ sang trọng và thường khẩn khoản xin công chúng cầu nguyện cho mình.

Trong một diễn văn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế giới (25 tháng Sáu năm 2016), Đức Phanxicô nói về các phương tiện truyền thông xã hội. Ngài nói: Liên mạng và các mạng lưới xã hội là một “ơn phúc của Thiên Chúa” và là “các hình thức truyền thông có tính nhân bản trọn vẹn”. Nhưng với điều kiện hiệu quả của nó phải “giúp vượt thắng não trạng tách biệt kẻ có tội khỏi nhóm chính trực một cách sắc nét. Chúng ta có thể lên án tội lỗi, bạo lực, và tham nhũng cũng như bóc lột, nhưng không nên lên án các cá nhân, vì chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu tâm hồn họ mà thôi”. Tuy thế, trong “Đi Tìm Thánh Nhan Thiên Chúa” (Vultum Dei Quaerere, 22 tháng 7 năm 2016), ngài nói các nữ tu phải cẩn trọng đừng “phí thì giờ” hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để trốn tránh các đòi hỏi của đời sống tu trì.

Khó mà phán đoán được sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng trên Twitter hoặc Facebook đã ảnh hưởng tới mức nào đối với việc dấn thân tu trì của thế hệ đương thời. Theo Editor and Publisher, Facebook dường như khiến nhiều nhà chấp hành các phương tiện truyền thông lo sợ. Vì hiện nay, hơn 40% người Mỹ trưởng thành lấy tin tức từ Facebook. Khắp thế giới, khoảng 1 trong 10 người cho biết: các phương tiện truyền thông xã hội là nguồn tin tức chính của họ. Tổng Thống Trump giao tiếp với công chúng bằng “tweets” hơn là trực tiếp đối diện với các nhà báo; vì thế, ông càng làm phức tạp thêm các cố gắng nắm sự thật của các nhật báo. Một nhà báo Công Giáo nói với tôi: một cú tweet của Đức Phanxicô được hơn 30 triệu người theo rõi.

Một phần các truyện tin gần đây cho thấy Đức Phanxicô sẵn lòng lên tiếng bất cứ lúc nào. Cuối tháng Hai vừa qua, trong thánh lễ riêng của ngài, ngài chỉ trích những người Công Giáo không thực hành điều họ rao giảng. Họ không trả lương thích đáng cho công nhân. Họ rửa tiền, sống cuộc sống hai mặt. Các chủ nhân của các công ty đang sa sút không trả đủ lương cho các công nhân. Người ta đi nghỉ mùa đông ở bờ biển Trung Đông trong khi các công nhân của họ không được trả lương. Ở một bình diện khiếp đảm hơn, theo tường trình của New York Times, Miến Điện đàn áp nhóm thiểu số Hồi Giáo Rohingya, sát hại và hãm hiếp hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em trong một “chiến dịch khủng bố”. Đức Phanxicô nói với cử tọa hàng tuần của ngài rằng những người này bị tra tấn và sát hại chỉ vì đức tin Hồi Giáo của họ. Ngài nói chúng ta phải cầu nguyện cho các anh chị em Hồi Giáo của chúng ta, đừng xây tường mà hãy xây những cây cầu. Nhắc đến tường cũng được người ta coi như nhắc đến bức tường dọc biên giới Mễ Tây Cơ do Tổng Thống Trump đề xướng, và có lẽ cả bức tường của Do Thái giữa họ và người Palestine.

Tác động trọng đại

Trong phán đoán của các quan sát viên báo chí hàng đầu, Đức Phanxicô đã đạt được những gì? Linh mục Thomas Rosica, O.S.B., sáng lập viên của Qũy Truyền Thông Muối và Ánh Sáng, mạng lưới truyền hình Công Giáo toàn quốc đầu tiên của Gia Nã Đại, viết trên tờ The Catholic Journalist rằng Đức Phanxicô đã “đặt nhãn hiệu lại” cho Đạo Công Giáo. Trước đây không lâu, khi được hỏi Giáo Hội đại diện cho điều gì, người Công Giáo thường trả lời: người Công Giáo chống phá thai, hôn nhân đồng tính, kiểm soát sinh đẻ và tai tiếng về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ngày nay, chúng ta thường trả lời: chúng tôi có một vị giáo hoàng quan tâm tới môi trường, lòng từ bi, cảm thương và tình yêu. Chúng tôi say mê chăm sóc người nghèo và người tản cư đang thang lang khắp mặt địa cầu.

Trong giới báo chí, ngài đã làm cho việc làm ký giả tôn giáo trở thành điều vui thích trở lại. Các trường kinh doanh hậu đại học nổi danh tôn vinh ngài như một điển hình của việc “đặt nhãn hiệu lại”. Tuy nhiên, cha Rosica nêu lên hai tình huống vẫn cần được lưu ý: thiếu tinh thần trách nhiệm trong “thế giới cuồng nhiệt của thiên cầu blogs” và nhiều người Công Giáo biến liên mạng thành hầm cầu kỳ thị và nọc độc nhân danh việc bảo vệ đức tin.

Sau khi phỏng vấn một số giám mục và học giả, Joshua J. McElwee, phóng viên của National Catholic Reporter tại Rôma (10-23 tháng Ba) đã chú tâm vào “cảm thức mục vụ độc đáo” đang thay đổi thế giới quan của Giáo Hội, trong một nền văn hóa bao quát hơn, hiện không còn là của Kitô Giáo nữa, huống hồ là của Công Giáo, và, theo các vị Hồng Y Donald Wuerl của Washington D.C., và Sean O’Malley của Boston, Đức Phanxicô đang thúc đẩy Giáo Hội thay đổi “cách xử xự” của mình khi ngài thận trọng thay đổi các cơ cấu của nó, từ từ đi từ dưới lên. Một tường trình, cũng trên số báo này, đã thuật lại bài diễn văn của Đức Cha Robert McElroy, Giám Mục San Diego, tại Cuộc Gặp Mặt các Phong Trào Bình Dân Thế Giới hồi tháng Hai, trong đó, ngài kêu gọi 700 nhân viên xã hội trở thành “những người đạp đổ và xây dựng lại” để chống lại việc Tổng Thống “đạp đổ” Trump tấn công các chương trình công bằng xã hội: Chúng ta phải đạp đổ những người phái binh đội ra đường phố để tách biệt các người cha người mẹ ra khỏi gia đình họ, những người mô tả người tị nạn là kẻ thù, những người coi người Hồi Giáo như nguồn gây sợ hãi, những người cướp mất quyền được chăm sóc y tế của người nghèo, những người tước hết phiếu thực phẩm khỏi miệng trẻ em.

Như thể lặp lại khẩu hiệu của tờ Times, ngài nói rằng chúng ta đừng bao giờ sợ hãi khi phải nói lên sự thật. Trong cuộc chiến đấu để bảo toàn nhân phẩm, chúng ta phải đứng về phía “một chính phủ và một sự che chở mạnh mẽ đối với người không quyền lực, công nhân, người vô gia cư, người đói, những người không được chăm sóc y tế, người thất nghiệp”.

Xét theo tầm nhìn lịch sử, có lẽ hai đóng góp quan trọng nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là thông điệp “Laudato Sí” (Lạy Chúa, Ngợi Khen Chúa, 24 tháng Năm, 2015) về việc bảo vệ môi trường, và tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm Vui Yêu Thương, 19 tháng Ba, 2016) về tình yêu trong gia đình. Cả hai văn kiện này đều được đọc và thảo luận rộng rãi và cả hai đều bị phê phán. “Laudato Sí” lấy từ ca khúc của Thánh Phanxicô Assisi, người từng tuyên bố trái đất là căn nhà chung của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô liệt kê các tai hại chúng ta đã gây ra khi không tuân theo lệnh truyền của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế về việc phải chăm sóc tạo thế của Người: ô nhiễm, phung phí, văn hóa vứt bỏ, thay đổi khí hậu do việc hâm nóng địa cầu đem lại, một hâm nóng gây ra bởi việc tập trung các khí thải nhà kính (greenhouse) trong bầu khí quyển, lạm dụng “việc cung cấp nước trên thế giới cấp thiết đối với sự sống con người và đối với việc nâng đỡ các hệ sinh thái trên đất và dưới nước”.

Do đó, bảo toàn là một nhân quyền căn bản và thế giới chúng ta mang một món nợ xã hội nặng nề đối với người nghèo, những người đang bị từ chối quyền sử dụng. Gần như thể viết cho giới báo chí Hoa Kỳ, Đức Phanxicô nhấn mạnh việc sa sút về phẩm chất của sự sống con người và việc gia tăng bất bình đẳng hoàn cầu và ngài phê phán sự yếu ớt trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng loại này của quốc tế. “Lời thần thông” trong giải đáp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với mọi vấn đề tranh cãi mà hiện thời ngài đang phải đương đầu là “đối thoại”. Ở đây, cuộc thảo luận phải trải dài từ cộng đồng quốc tế tới giới lãnh đạo, giới khoa học và các công dân thuộc đủ mọi giai tầng. Đại đa số dân số thế giới hoan nghinh lời kêu gọi hành động của Đức Giáo Hoàng; những người còn lại bác bỏ thực tại tính của việc thay đổi khí hậu.

“Amoris Laetitia” là kết quả của một diễn trình dài: mọi giáo xứ và giáo phận được mời gọi tụ họp và thảo luận công khai các vấn đề đang phá hoại đời sống gia đình, sau đó, gửi các kết quả tham khảo về Rôma; nơi đây, các phái đoàn của hàng giáo phẩm, họp nhau trong hơn hai năm, đã đề xuất các giải đáp có tính cố vấn cho Đức Giáo Hoàng. Một số người Công Giáo ly dị hiện đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai có thể được tự do lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, dù cuộc hôn nhân thứ nhất của họ, vì các lý do đa dạng, chưa được tuyên bố vô hiệu. Trong các trường hợp mà việc biện phân ở cấp địa phương nghiêng về phía tự do, Đức Phanxicô muốn chào đón các gia đình này lãnh nhận các bí tích trở lại. Một nhóm 4 vị Hồng Y đã thách thức Đức Giáo Hoàng; họ coi ngài vi phạm giáo luật, nhưng ngài đã hoan nghinh các phản bác thành thực của họ. Trong khi ấy, các giám mục Đức thuộc hai giáo phận đã soạn thảo sách hướng dẫn nhằm làm dễ cuộc thảo luận giữa các cặp vợ chồng và vị linh mục của họ.

Ở Á Căn Đình, các giám mục đã ban hành lời giải thích riêng của họ về văn kiện đời sống gia đình của Đức Giáo Hoàng để phong chức cho các người đàn ông có gia đình; và ở Ba Tây, nơi chỉ có 1,800 linh mục cho 140 triệu người Công Giáo, các giám mục đã yêu cầu các linh mục xuất tu và cưới vợ trở lại hàng linh mục cùng gia đình của họ.

Nhà báo kiêm thần học gia Thomas Reese, Dòng Tên, đã liệt kê năm thành tựu lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: (1) Ngài rao giảng Tin Mừng bằng cách nhấn mạnh tới lòng cảm thương và lòng thương xót; (2) ngài cho phép thảo luận và tranh luận công khai trong Giáo Hội; Cha Reese viết: “không thể nào nói ngoa điều này phi thường xiết bao”; (3) ngài đã chuyển dịch cuộc thảo luận về các vấn đề luân lý từ qui luật qua biện phân, dựa vào ơn thánh trong đời sống những con người không hoàn hảo; (4) ngài đã nâng các vấn đề môi sinh lên một chỗ quan trọng trong đức tin Công Giáo; (5) ngài đã khởi động việc cải tổ các cơ cấu cai quản trong Giáo Hội. Quan trọng hơn cả, ngài đang cố gắng thay đổi nền văn hóa giáo sĩ, nhất là thuyết phục các giám mục rằng các ngài không phải là các ông hoàng mà là các tôi tớ.

Richard R. Gaillardetz, trong Commonweal (số 27 tháng Giêng), nhắc nhở chúng ta rằng dù Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố rằng khi Đức Giáo Hoàng nói về một tín lý, thì nó không còn chấp nhận tranh luận nữa, nhưng Đức Gioan XXIII phê phán việc Giáo Hội dựa vào các kết án, và ngài nhấn mạnh tới đối thoại, “môn thuốc thương xót”. Điều Giáo Hội cần là sinh khí mục vụ. Ông Gaillardetz gợi ý rằng thiên bẩm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nằm ở chỗ ngài nhấn mạnh tới một hình thức của thẩm quyền giáo huấn với 6 đặc điểm rõ rệt sau đây: (1) chúng ta lắng nghe Giáo Hội. (2) Giáo huấn mục vụ sẽ tốt nhất khi đi qua các cử chỉ có tính biểu tượng, như rửa chân cho một phụ nữ Hồi Giáo vào Thứ Năm Tuần Thánh. (3) Việc hàng giáo phẩm Ba Tây hướng tới các linh mục có gia đình là do thẩm quyền địa phương quyết định, chứ không phải Rôma. (4) Nhìn nhận thực tại tính của hoài nghi và không chắc chắn trong đời sống đức tin. Tín lý không phải là một hệ thống đóng kín, nhưng là một hệ thống chuyển động. (5) Đào luyện lương tâm quan trọng hơn các qui luật pháp lý cứng rắn. (6) Không phải vấn đề nào cũng đòi các kết luận của huấn quyền. Những cuộc phỏng vấn ứng khẩu trên máy bay được các nhà báo hưởng ứng quả là các cuộc đối thoại, không phải là các định tín long trọng. Tác giả nhắc chúng ta nhớ rằng giáo huấn của Giáo Hội về nạn nô lệ, cho vay nặng lãi, tự do tôn giáo và sự bình đẳng nền tảng giữa đàn ông và đàn bà đã thay đổi.

Điều ta đang thấy

Làm sao biết được lối giảng dạy trên đã ảnh hưởng thế nào đối với nghề làm báo? Ta phải đọc, đọc và đọc. Trong vòng ít ngày, các trang xã luận và độc giả bình luận của tờ New York Times đọc lên nghe như các đoạn tin mừng. Mục của Nicholas Kristof giới thiệu một nhân vật có tên Phaolô Ngoan Đạo Ryan, người không ngừng án ngữ Chúa Giêsu lúc Người chữa người đàn bà băng huyết đã 12 năm, chữa 10 người cùi, và kể câu truyện về người Samaritanô nhân hậu trạnh lòng thương người bị bọn cướp đánh đập và bị một thừa tác viên và một người nhà giầu làm ngơ cho tới khi Chúa Giêsu đưa người bị thương tới bệnh viện.

Ông Phaolô Ngoan Đạo Ryan nói với Chúa Giêsu: Người nên dạy người bệnh và người nghèo phải tự lãnh lấy trách nhiệm. Hãy ngưng, đừng chữa cho 10 người cùi nữa, vì chúng ta đã trễ giờ dự buổi trà rượu tại đền thờ rồi.

Ryan cho rằng việc người Samaritanô dùng tiền của mình giúp các khách du lịch trên những con đường nguy hiểm chỉ có nghĩa là góp tiền cho những kẻ thua cuộc. Như thế là xã hội chủ nghĩa! Ryan đề nghị người Samaritanô đó nên đi gặp bạn anh ta là The Donald để mở một ngân qũy và xây dựng một bệnh viện kiếm lời. Hãy bỏ cái vô nghĩa của một trái tim rướm máu coi việc chăm sóc sức khỏe như một nhân quyền. Chúa Giêsu quay lại Ông Phaolô Ngoan Đạo mà nói, “xéo đi. Khi con không nuôi người đói, là con không nuôi Thầy”.

Trong bài xã luận chính ngày 4 tháng Ba, tựa là “The Pope and the Panhandler” (Đức Giáo Hoàng và Người Ăn Xin), tờ Times cho hay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giúp người dân New York một việc là khuyên họ nên cư xử với những người ăn xin ra sao, nhất là tại các thành phố lớn, nơi nạn vô gia cư không được ai giải quyết và hàng ngày ta đều gặp những con người đau khổ xin được giúp đỡ. Ta có khuynh hướng tiếp tục bước đi hay lục lọi một vài đồng tiền lẻ. Hay có khi suy tính - phải kiểm soát bối cảnh hình sự của người này? Sức khoẻ tâm thần của anh ta? Được phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng cho ai cái gì “luôn là điều đúng”. Nhưng không phải chỉ cho mà thôi. Hãy dừng chân, hãy nhìn vào đôi mắt họ và đưa tay ra chạm vào họ. Trọng điểm không phải là xây một bức tường, nhưng coi người ta không như một nan đề xã hội mà như một hữu thể nhân bản có cuộc sống cũng qúy giá như chính cuộc sống của các bạn.

Diện đối diện

Sau cùng, có hai lý do khiến Đức Phanxicô hưởng được sự xử xự đầy thiện cảm của báo chí. Lý do thứ nhất, mà tôi tin là đúng, là họ chia sẻ cùng một hệ thống giá trị: nghĩa vụ thông tin cho công chúng, một cảm thức lịch sử và cảm giác cả hai bên đều đang tạo lịch sử khi họ gặp gỡ và cùng du hành với nhau, một dấn thân cho quyền tự do ngôn luận và công lý đối với những thành viên dễ bị thương tổn hơn hết của xã hội. Lý do thứ hai là khi họ gặp ngài, ngài thực sự là con người ấm áp và khiêm nhường, con người mà ngài vốn muốn trở thành.

Nhà phê bình của tờ Washington Post, Hank Stuever, nói rất đúng: “Nơi các phóng viên, nhất là những người chỉ biết những ngày sau cùng của Đức Gioan Phalo II, rồi Đức Bêneđíctô XVI, có một cảm nhận thực sự rằng xuyên suốt các câu truyện về Vatican người ta ít còn thấy thứ văn hóa KHÔNG nữa. Chủ đề đã thay đổi… các phóng viên chính dòng, và cả các độc giả của họ, bằng cách riêng, đã đáp ứng các vòng tay giang rộng. Không nhất thiết là thứ văn hóa CÓ, nhưng nay, nó quả xuất hiện như một thứ văn hóa lắng nghe và quan tâm. Thứ văn hóa này có cách làm cho các truyện kể của các nhà báo viết về Giáo Hội trở thành thích thú hơn để viết và để đọc”.

Hai phóng viên đã chia sẻ ấn tượng của họ về chuyến cùng bay với Đức Giáo Hoàng từ Rôma tới Châu Mỹ La Tinh. Một số phóng viên trên máy bay xuất thân từ Á Căn Đình nên đã biết rõ (Hồng Y) Jorge Bergoglio từ những ngày ngài chưa làm giáo hoàng. Dường như lúc đó, ngài là một con người khác hẳn. Rất nghiêm nghị, thỉnh thoảng lắm ngài mới chịu mỉm cười. Nay thì nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi. Giữa các tu sĩ Dòng Tên ở Á Căn Đình, ngài có biệt danh là “La Giocanda”, tên tiếng Ý của Mona Lisa, người cười không ra nụ trong bức chân dung nổi tiếng. Ngài ít khi nói chuyện với các phương tiện truyền thông; nay thì các cuộc họp báo trên không có khi kéo dài cả một tiếng đồng hồ. Những người trên chuyến bay trước đó có “làm bài tập” thì biết ngài được cử làm cha giám tỉnh Dòng Tên, lúc mới có 36 tuổi và nỗi khó khăn của ngài phải lèo lái ra sao để vượt qua “Cuộc Chiến Bẩn Thỉu” của thời kỳ 1976-1983, trong đó nền độc tài dã man cánh hữu đã sát hại hàng ngàn người bị coi là “có âm mưu lật đổ”. Rồi còn chuyện va chạm với các đồng tu sĩ Dòng Tên tự liều mình làm việc tại các khu bùn lầy nước đọng và việc ngài thất sủng với chính Dòng Tên, dẫn tới việc tạm thời bị đày tới vùng xa xôi hẻo lánh của Á Căn Đình và sau đó qua Đức.

Còn nay, kìa con người “mới” đang từ từ đi xuống cuối máy bay, vừa chuyện vãn vừa bắt tay từng người trong số 77 phóng viên, những người, dù được cảnh báo phải ngồi bình thản, nhưng hết đứng lên lại ngồi xuống, chụp hình bằng iPhone lúc ngài chúc lành cho họ và cả các bức hình gia đình họ, đích thân trao bánh sinh nhật cho “niên trưởng” của Đoàn Báo Chí Vatican. Một phóng viên vội vàng đội chiếc nón dư của anh ta lên đầu Đức Giáo Hoàng để ngài đội làm “nón giáo hoàng” lúc đi dự tiệc tùng. Một phóng viên truyền hình Tây Ban Nha từ Miami tặng Đức Giáo Hoàng một hộp gồm 48 chiếc bánh empanadas do các di dân Á Căn Đình ở Miami chế biến. Khoái chí, Đức Phanxicô cười hớn hở, rồi vừa đùa bỡn vừa chia sẻ các chiếc bánh này với mọi người.

Bart Jones của Newsday từng có 10 năm tường trình về Venezuela và đã phỏng vấn Hugo Chavez, người mà anh viết tiểu sử; nhưng lần này có khác. Anh muốn tạo một thứ tác dụng đặc biệt. Anh trình bày với Đức Phanxicô một bức ảnh của người vợ di dân gốc Venezuela của anh và hai đứa con. Đức Phanxicô ký tên vào bức ảnh và chúc lành cho nó. Bart muốn được thêm một phút nữa. Anh kể cho ngài nghe về việc học của anh với các tu sĩ Dòng Tên ở Fordham và tuyệt diệu ra sao khi được trải nghiệm cách dạy của họ. Anh với tay ra và chạm vào cánh tay Đức Giáo Hoàng. Đức Phanxicô nở một nụ cười mỉm và nói bằng tiếng Tây Ban Nha “Bây giờ thì anh có cái vi khuẩn” đã học với các tu sĩ Dòng Tên. Ngài với tới và di chuyển bàn tay của ngài khắp vừng trán của Bart, “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” rồi tiến bước.
___________________________________________________________________________________________________________
Phụ Thêm

Ngày 6 tháng 7 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho ông Eugenio Scalfari, một nhà báo lão thành, 93 tuổi, không có niềm tin tôn giáo, một cuộc phỏng vấn. Sau đây là chính nhận định của nhà báo này về cuộc gặp gỡ hôm đó:

“Trời đã muộn. Đức Thánh Cha tặng tôi hai cuốn sách kể lại lịch sử của ngài tại Á Căn Đình cho tới Công nghị Hồng Y bầu ngài làm Giáo Hoàng. Một cuốn dầy hàng trăm trang. Chúng tôi ôm hôn nhau. Và Đức Thánh Cha đã muốn mang hai cuốn sách ra xe cho tôi. Chúng tôi xuống thang máy và ra cửa nhà trọ thánh Marta. Chiếc xe của tôi đã dừng trước cửa. Ông tài xế xuống xe bắt tay chào Đức Thánh Cha và tìm giúp tôi vào trong xe. Đức Thánh Cha mời ông tài xế ngồi vào tay lái cho xe nổ máy và nói “Để tôi giúp ông ấy”. Ngài đỡ tôi và giúp tôi vào trong xe và giữ cửa xe mở. Khi tôi đã ngồi trong xe, ngài hỏi tôi có thoải mái không. Tôi trả lời là có. Khi đó ngài mới đóng cửa xe, và lui ra sau một bước chờ cho xe chuyển bánh, Ngài vẫy tay chào tôi cho tới phút chót, trong khi tôi đầy nước mắt vì cảm động. Tôi thường viết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một người cách mạng. Ngài nghĩ đến việc phong chân phước cho ông Pascal, ngài nghĩ tới người nghèo, người di cư. Ngài cầu mong một Âu châu liên bang và cuối cùng và không phải cuối cùng ngài giơ tay giúp tôi vào trong xe. Một vị Giáo Hoàng như thế chúng ta đã không bao giờ có! Và những gì ngài đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn cứ vang lên trong đầu tôi”.