Giáo huấn Công Giáo có bao giờ thay đổi không?

Trả lời câu hỏi này khá rắc rối, vì trên nguyên tắc, Giáo Hội tin rằng các giáo huấn của mình phát xuất từ mạc khải Thiên Chúa và do đó không thể sửa đổi được. Ấy thế nhưng, Đạo Công Giáo nhìn nhận điều Giáo Hội gọi là “phát triển” hay “khai triển” về tín lý, nghĩa là với thời gian, các giáo huấn có thể tiến tới chỗ được hiểu tốt hơn, được giải thích trọn vẹn hơn, hay được áp dụng tốt hơn vào các hoàn cảnh sống thực. Đôi khi các khai triển này cho người ta cảm giác rất mạnh chúng là các thay đổi thực sự. Người Công Giáo thường nói đùa rằng lúc một viên chức bắt đầu một phát biểu bằng câu “Như Giáo Hội vẫn dạy xưa nay…” thì điều này phần lớn có nghĩa một điều gì rất mới lạ sắp sửa được công bố!

Lâmbô là một thí dụ. Ý niệm này phát xuất trong Giáo Hội sơ khai như một cách để xử lý thế lưỡng nan: nếu Phép Rửa Tội là cần thiết để được cứu rỗi, thì phải nói sao về các trẻ sơ sinh chết lúc chưa được rửa tội, và chưa phạm bất cứ tội cá nhân nào cả? Ý tưởng về một nơi đặc biệt thuộc đời sau dành cho các trẻ sơ sinh này, một thứ “nửa đường” giữa thiên đàng và hỏa ngục, xem ra là giải pháp hiển nhiên.
Lâmbô có lúc cũng đã được cho là nơi giam những linh hồn công chính trước khi Chúa Kitô xuất hiện, như các tổ phụ của Cựu Ước. Với thời gian, ý niệm Lâmbô đi vào trí tưởng tượng bình dân và được rộng rãi coi như một niềm tin Công Giáo cổ điển. Nhiều thế hệ Công Giáo từng được dạy phải cầu nguyện cho “các trẻ sơ sinh ngoại giáo” có nguy cơ bị loại khỏi thiên đàng. Tuy nhiên, năm 2007, Vatican cho công bố một văn kiện dạy rằng Lâmbô chỉ là một ý kiến thần học khả hữu, và có “nhiều cơ sở nghiêm túc về thần học và phụng vụ để hy vọng rằng các trẻ sơ sinh chưa được rửa tội mà chết sẽ được cứu rỗi” không cần một nơi đặc biệt dành cho các em.

Ngày nay, phần lớn người Công Giáo không còn nghĩ nhiều tới Lâmbô nữa; họ thích nghĩ rằng lòng thương xót đầy yêu thương của Thiên Chúa sẽ tìm ra cách để đón chào các trẻ sơ sinh chưa được rửa tội chính thức, và các em sẽ được vào nước trời. Đây là một “thay đổi” hay là một “khai triển” về tín lý thì hoàn toàn tùy thuộc người quan sát.

Thần học luân lý Công Giáo phát xuất từ đâu?

Điều quan trọng là hiểu một số ý niệm căn bản của Công Giáo về các nguồn của luật luân lý , và cái khung lý thuyết họ áp dụng để đưa ra các quyết định luân lý.

Thần học Công Giáo thường dựa vào hai nguồn luân lý sau đây:

Mạc khải, gồm Thánh Kinh và giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội, gọi là “huấn quyền”;
Luật tự nhiên, nghĩa là các hiểu biết thấu suốt có thể thu lượm được từ suy nghĩ thuần lý về tạo thế.

Dựa vào hai nguồn trên, Đạo Công Giáo phân biệt hai loại nghĩa vụ luân lý. Loại thứ nhất là các bổn phận phát xuất từ mạc khải Thiên Chúa, như tham dự Lễ vào Chúa Nhật. Loại thứ hai là các nguyên tắc phát xuất từ lý lẽ nhân bản, như các ngăn cấm sát nhân và trộm cướp. Dù không luôn luôn hoàn toàn rõ ràng, ngày nay, Đạo Công Giáo cho rằng loại đầu không nên bị nhà nước áp đặt. Cùng một lúc, Đạo Công Giáo cũng nhấn mạnh rằng luật đời phải phản ảnh các đòi hỏi luân lý của luật tự nhiên. Giáo Hội cho rằng không có nền tảng này, luật đời sẽ quá dễ dàng trở thành luật rừng, trong đó, kẻ mạnh áp đặt ý riêng của họ lên người yếu. Như các nhà ngoại giao của Tòa Thánh thường nói, việc chọn lựa là giữa “sức mạnh của luật” hay “luật của sức mạnh”.

Nói về các phương thức căn bản, các nhà chuyên môn phân biệt ba phạm trù rộng rãi trong thần học luân lý Công Giáo. Nói chung, cả giáo huấn chính thức của Giáo Hội lẫn việc thực hành đời thực đều pha trộn cả ba phạm trù này, đó là:

Nghĩa vụ học (deontological): Tiếng Hy Lạp deon có nghĩa là nghĩa vụ. Phương thức này nhấn mạnh tới các nghĩa vụ, nại tới các quy phạm, qui luật, luật lệ và nguyên tắc luân lý, và áp dụng chúng vào các hoàn cảnh cụ thể. Một trong các hệ luận thông thường của phương thức này là: một số hành vi không bao giờ được phép về luân lý bất kể hoàn cảnh hay ý hướng.

Cứu cánh học (teleological): Tiếng Hy Lạp, telos có nghĩa là cứu cánh, mục đích. Phương thức này nhấn mạnh mục đích luân lý người ta cố gắng đạt tới, và do đó, ít lưu ý tới các phương tiện sử dụng. Nhiều nhà thần học chuyên phê phán giáo huấn chính thức của Công Giáo đã hành xử từ một dịch bản nào đó của phương thức này, qua việc cho rằng ngừa thai, chẳng hạn, có thể là điều sai “tiền luân lý” (premoral), nhưng có thể được biện minh, nếu ý hướng không phải là ngăn cản sự sống mà là duy trì sức khỏe của cặp vợ chồng.

Đạo đức học nhân đức (virtue ethics): phương thức này chỉ trích cả suy tư nghĩa vụ học lẫn suy tư cứu cánh học vì đã qúa nhấn mạnh tới các hành vi hơn là tính tình. Đối với các nhà tư tưởng nhân đức, luân lý tính liên quan tới việc ta là ai cũng như ta làm gì. Mục tiêu của luân lý tính là vun trồng “các nhân đức”, nghĩa là các thói quen và khuôn thước thực hành điều tốt và sống tốt cuộc sống mình, và tránh các “thói hư nết xấu”.

Đạo Công Giáo hiểu như thế nào về tội lỗi?

Trong Thánh Kinh, các từ ngữ mà các nhà dịch thuật dịch là “tội lỗi” thường có nghĩa là không trúng đích, như người bắn cung bắn không trúng điểm giữa của bia tập bắn. Ý niệm này có nghĩa: phạm tội là không đạt tới lý tưởng luân lý, điều mà theo Thánh Kinh là luôn tuân theo lề luật của Thiên Chúa. Thần học Công Giáo có truyền thống nhìn nhận hai loại tội lỗi: tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng được coi là một vi phạm hết sức trầm trọng khiến gây nguy hại nặng nề cho mối liên hệ của người ta với Thiên Chúa, như sát hại sự sống vô tội hoặc cố ý báng bổ Thiên Chúa. Tội nhẹ, như giận dữ hay nói láo nhẹ, làm yếu đi nhưng không tiêu diệt mối liên hệ của họ với Thiên Chúa.

Trong nhiều thế kỷ qua, truyền thống Công Giáo đã tiến tới chỗ nhìn nhận 7 cơn cám dỗ hết sức độc hại đối với đời sống luân lý đến nỗi gọi chúng là “bẩy mối tội đầu”. Chúng có thể là tội trọng hoặc tội nhẹ, nhưng chúng được coi có xu hướng đặc biệt dẫn đến các tội khác. Bẩy mối tội đầu này là: mê dâm dục, mê ăn uống, hà tiện (tham lam), làm biếng, hờn giận, ghen ghét, kiêu ngạo.

Thần học luân lý được đem ra thực hành như thế nào?

Phá thai, hôn nhân đồng tính, và kiểm soát sinh đẻ có lẽ là những điểm gây nhức nhối nổi tiếng hơn cả trong thần học luân lý, nhưng chính vì lý do này, chúng không tiết lộ nhiều điều lắm. Thay vào đó, ta hãy xem một vài điều khác, như việc chăm sóc về “cuối đời” chẳng hạn: tức cuộc tranh luận xem về phương diện luân lý, có bắt buộc phải cung cấp việc nuôi dưỡng và thở hydrô nhân tạo cho các bệnh nhân trong tình trạng thực vật vĩnh viễn hay không. Đây không hề là vấn đề chỉ có tính học thuật mà thôi, vì các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo ngày nào cũng phải đưa ra quyết định về nó.

Đối với những ai có khuynh hướng nghiêng về phương thức nghĩa vụ học, việc không cho bệnh nhân thức ăn và thức uống nữa, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều xâm phạm đến nhân phẩm của họ. Những người suy nghĩ như thế coi việc không cung cấp thực phẩm và nước uống nữa thực sự là một cách giết chết một người mà sự sống đã trở nên vô dụng hoặc bất tiện. Những người có quan điểm luân lý cứu cánh học hơn, thì ngược lại, cảnh cáo chống lại chủ trương thần tượng hóa việc tiếp tục sự hiện hữu có tính sinh học, nhất là khi mọi hy vọng hồi phục xem ra đã mất. Cả hai phía đều nại tới truyền thống Công Giáo, đặt giáo huấn của Giáo Hội về tính thánh thiêng của sự sống chống lại việc truyền thống này từ lâu vốn phân biệt cách chăm sóc “thông thường” và cách chăm sóc “phi thường” trong đó, sự chăm sóc “thông thường” thì bắt buộc, chứ không phải sự chăm sóc phi thường.

Chiều hướng trong giáo huấn chính thức thiên về lập trường có tính hạn chế hơn. Tháng Ba năm 2004, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng việc cung cấp thức ăn và thức uống cho các bệnh nhân trong tình trạng thực vật vĩnh viễn luôn luôn là phương tiện chăm sóc “thông thường”. Năm 2007, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican qui định rằng đây là đòi hỏi căn bản của nhân phẩm. Vatican chủ trương rằng rút thức ăn và thức uống khỏi các bệnh nhân còn ổn định sẽ là an tử (euthanasia).

Trong cuộc tranh cãi này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tu Sĩ Phansinh Daniel Sulmasy, một bác sĩ nội khoa có bằng tiến sĩ triết học, mấy năm trước đây, được một gia đình của một phụ nữ mắc chứng bất ổn về ăn uống và lâm vào tình trạng thực vật vĩnh viễn hỏi ý kiến. Gia đình người phụ nữ này chuyển cô tới một nhà nuôi dưỡng, nơi cô lưu lại 4 năm. Cô nhiều lần bị chứng viêm phổi do việc sử dụng lâu dài các ống dẫn thức ăn, khiến cô phải ra vào bệnh viện nhiều lần. Cha mẹ cô muốn biết ý kiến xem liệu họ có bị buộc phải duy trì con gái họ trong tình trạng này vô hạn định hay không.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2007, Tu Sĩ Sulmasy nói rằng “tôi không nghĩ họ bị thúc đẩy bất cứ cách nào phải kết liễu đời của cô ấy một cách quá sớm vì cô ấy là một gánh nặng cho họ hay cho nhiều người khác. Tôi không nghĩ họ cho rằng cố ấy thiếu phẩm giá của một con người. Họ cảm thấy cô bị cắt rời khỏi họ, sống trong một thứ lâmbô. Họ cảm thấy cô ở trong một trạng thái chưa được hiệp thông với Đấng tạo nên cô, nhưng cũng không kết hợp với họ cách nào”. Cuối cùng, Tu Sĩ Sulmasy ủng hộ quyết định chấm dứt việc nuôi dưỡng và thở hydrô và người phụ nữ này qua đời lúc 25 tuổi.

Với mỗi điển hình như trên, lại có một điển hình ngược lại. Richard Doerflinger, viên chức phò sự sống hàng đầu của các giám mục Hoa Kỳ, trưng dẫn kinh nghiệm của chính ông. Ba mươi năm trước đây, người anh lớn tên Eugene của ông bị tai nạn xe hơi và lâm vào tình trạng thực vật. Các bác sĩ cho gia đình hay: anh ta sẽ không bao giờ bình phục. Chính vì thế, gia đình không quan tâm đến việc chỉnh lại chiếc vai trái bị lệch của anh cũng như cung cấp việc trị liệu vật lý. Sau gần 4 tháng, bỗng nhiên anh ta bình phục, dù hơi mất trí nhớ một chút. Doerflinger cho biết: anh trai ông bị ngồi xe lăn, một phần vì các bác sĩ bỏ cuộc quá sớm.

Ông nói: “chúng ta cần vạch một đường ranh chống lại việc bỏ rơi các bệnh nhân này chỉ vì họ không thể tự chăm sóc các nhu cầu căn bản của họ”.

Há Giáo Hội Công Giáo cũng đã không có một truyền thống mạnh mẽ về công bằng xã hội đó sao?

Chắc chắn có. Ngay từ đầu, Kitô Giáo đã có điều gì đó để nói về xã hội công bằng, và về vai trò kép mà các Kitô hữu phải đóng trong tư cách môn đệ và công dân. Câu nói thời danh của Chúa Giêsu trích dẫn từ Tin Mừng theo Thánh Mátthêu “Hãy trả cho Xêda điều gì của Xêda, và hãy trả cho Thiên Chúa điều gì của Thiên Chúa” đã vang vọng khắp các thế kỷ. Ấy thế nhưng, với các thay đổi xã hội ồ ạt của thế kỷ 19, các vị giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Công Giáo khác đã khởi sự một suy tư có hệ thống hơn về công bằng kinh tế và xã hội dưới tên là “giáo huấn xã hội Công Giáo”. Xét một cách tổng quát, giáo huấn này ủng hộ một vai trò mạnh mẽ của nhà nước trong việc cổ vũ ích chung, và nói lên sự quan tâm mạnh mẽ của mình đối với các công nhân và người nghèo.

Giáo huấn xã hội Công Giáo bao trùm rất nhiều các vấn đề khác nữa, trong đó, có việc chống lại án tử hình, bảo vệ di dân và người tị nạn, và chống lại tranh chấp có vũ trang và việc buôn bán vũ khí. Người Công Giáo không chủ hòa; Đức Gioan Phaolô II giúp tạo ra hạn từ “can thiệp nhân đạo” (humanitarian intervention) khi nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế nên sử dụng sức mạnh để trợ giúp các nhóm tiểu số bị áp bức. Ấy thế nhưng, xu hướng vẫn là luôn chống chiến tranh, nhất là việc gây hấn đơn phương.

Truyền thống xã hội trên do đâu mà có?

Năm nguyên tắc cốt lõi sau đây nói lên tâm điểm giáo huấn xã hội Công Giáo:

1. Liên đới

“Liên đới” có hai bình diện ý nghĩa. Trên bình diện cá nhân, nó là việc bản thân cảm nhận tư cách thành viên của mình trong một gia đình nhân loại chung. Đây là điểm sửa sai việc quá nhấn mạnh tới các quyền lợi và quyền tự do cá nhân đang thống trị tư duy chính trị Tây Phương. Trên bình diện xã hội, liên đới cũng là một nguyên tắc hướng dẫn các mối tương quan giữa các chính phủ, các tập đoàn kinh doanh, các cơ quan phi chính phủ (NGO) và các tác nhân khác. Theo nghĩa này, liên đới bao hàm việc cải tổ các hệ thống kinh tế và chính trị để bảo đảm có sự công bằng và cơ hội lớn hơn.

2. Của cải thuộc mọi người

Trong thông điệp của ngài năm 1981 tựa là Laborem Exercens, Đức Gioan Phaolô II viết rằng: “truyền thống Kitô Giáo chưa bao giờ thừa nhận quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm”. Trong thông điệp năm 1987 của ngài, tựa là Sollicitudo Rei Socialis, cũng vị giáo hoàng này đã sử dụng một ẩn dụ đáng lưu ý “Của cải trên thế giới này nguyên thủy vốn dành cho mọi người. … Thực vậy, quyền tư hữu chỉ là văn tự thế chấp xã hội (social mortgage)”. Học thuyết xã hội Công Giáo chủ trương rằng các quyền sở hữu phải được quân bình hóa đối với các thiện ích khác như quyền của mọi người được sống xứng hợp với nhân phẩm của họ.

3. Nhân phẩm và nhân quyền

Giáo Hội Công Giáo từ lâu vốn ủng hộ các hiến chương quốc tế về nhân quyền, cũng như hạ tầng cơ sở luật pháp hỗ trợ chúng, dựa trên tính thánh thiêng và phẩm giá mọi sự sống con người. Ngày nay, nhiều giới chức Giáo Hội lo sợ các nền móng triết học chống đỡ các nhân quyền bị xâm thực bởi chủ nghĩa duy tương đối, tức việc bác bỏ các sự thật khách quan đặt cơ sở trên bản chất phổ quát của con người. Làm sao người ta có thể lý luận để hỗ trợ cho quyền sống phổ quát hay cho tiêu chuẩn sống căn bản, nếu thực sự không có những điều như “các khái niệm phổ quát” (universals).

4. Ưu tiên chọn người nghèo

“Ưu tiên chọn người nghèo” là một chính sách đã có từ gương sáng của Chúa Kitô khi Người đặc biệt yêu thương những người ở ngoại biên xã hội. Trong suốt các năm qua, giáo huấn chính thức Công Giáo đã và vẫn đang rất cẩn trọng để ý niệm này không bị hiểu theo nghĩa ý thức hệ như thể rửa tội cho cuộc đấu tranh giai cấp kiểu Mácxít. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng vốn nhấn mạnh rằng việc nghèo khó về vật chất không phải là cách nghèo duy nhất; người ta có thể có một trương mục kếch xù ở ngân hàng mà vẫn có thể tay trắng về thiêng liêng. Nói chung, “ưu tiên chọn người nghèo” tạo nên một lăng kính để qua đó, ta phải đọc thực tại xã hội. Nó ngầm hiểu điều này: câu hỏi đầu tiên bất cứ ai cũng phải đặt ra trước khi thi hành một chính sách là: “việc này làm được gì cho người nghèo?”

5. Phụ đới

Giáo Hội không phải là người muốn có một chính phủ lớn hay một nền hành chánh nặng tay. Đúng hơn, Giáo Hội dạy rằng các quyết định nên được đưa ra ở cấp thấp nhất bao nhiêu có thể để đạt ích chung, các thẩm quyền cao hơn chỉ nên can thiệp khi các cấp thấp hơn không thể làm được. Trong thực hành, điều này có nghĩa chính phủ nên tôn trọng “các định chế giữ vai trò trung gian” như các Giáo Hội và các hội thiện nguyện, và nhất là các gia đình. Phụ đới hàm nghĩa: thay vì coi nhà nước như giải pháp cho mọi cơn bệnh, thì vai trò thích đáng của nó là tạo ra các vùng tự do trong đó các cá nhân và các nhóm có thể hành động.

Còn tiếp