NÓI CÓ SÁCH – MÁCH CÓ CHỨNG

Tác phẩm “ Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của Phó Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm ( được thăng lên Giáo sư vào tháng 11/2002) lâu nay được xem là tác phẩm nghiên cứu gối đầu giường cho giới sinh viên đại học. Trong tác phẩm này có tất cả 13 trang viết về Nho giáo và Văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm P. Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM,1997,trang 222-234). Khi đề cập đến tư tưởng trung quân, tác giả viết: “ trong khi đó thì ở Việt Nam, tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc lại là một truyền thống rất mạnh (bởi coi trọng hai đơn vị làng và nước). Người Việt Nam tiếp thu tư tưởng trung quân Nho giáo trên cơ sở tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sẳn có, khiến cho cái trung quân đó đã bị biến đổi và gắn liền với ái quốc. Khi xuất hiện mâu thuẫn giữa vua với đất nước, dân tộc thì đất nước, dân tộc là cái quyết định”. Sau đó tác giả đưa ra một số dẫn chứng trong lịch sử, trong đó có dẫn chứng: Chính vì đặt nước lên trên mà một người xuất thân dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi tìm đường cứu nước tại trời Tây xa xôi (theo Nho giáo thì phụ mẫu tại bất viễn du – “cha mẹ còn, con không được đi xa”)

Khi đọc đến câu dẫn chứng này, làm tôi sực nhớ đến câu chuyện vui: “Bốc thuốc có sách hẳn hoi”. Chuyện như sau: Một ông thầy thuốc Đông y nọ rất dốt nghề y. Mỗi khi ông ta trị bệnh cho ai là ông ta phải đem cuốn cẩm nang thầy thuốc để tìm ra cách điều trị đúng.

Một hôm có một người trong làng bị đau bụng, người nhà liền đến nhà ông thầy thuốc này để bốc thuốc. Ông thầy thuốc liền đem cuốn cẩm nang ra đọc rồi kê đơn bốc thuốc. Theo như đơn thuốc ấy, người nhà sắc nhân sâm cho bệnh nhân bị đau bụng uống. Vừa uống xong, bệnh nhân càng đau dữ dội và ngã lăn ra chết. Người nhà bệnh nhân kiện lên quan. Tại công đường ông thầy thuốc tự bào chữa cho mình bằng cách nói rằng: Mỗi khi tôi trị bệnh cho ai,tôi luôn luôn đọc và làm theo cuốn cẩm nang thầy thuốc nổi tiếng. Nếu quan không tin, tôi xin trình lên để quan xem qua. Ông liền rút cuốn cẩm nang từ túi áo ra và chỉ cho quan xem câu chót của một trang sách. Câu đó như sau: “ Phúc thống phục nhân sâm”(đau bụng uống nhân sâm). Nhưng khi lật tiếp sang trang sau thì còn hai chữ “tắc tử” (thì chết ngay).

Sách Luận ngữ ,thiên Lý nhân ghi: Tử viết: “Phụ mẫu tại, bất viễn du; du tất hữu phương” (Khổng tử nói rằng: Trong khi cha mẹ còn sanh tiền, phận làm con chớ có đi chơi xa, như đi chơi đâu thì thưa trước cho cha mẹ biết để cha mẹ an tâm).

Trong câu nói của Khổng tử gồm hai vế: “ Phụ mẫu tại, bất viễn du” và “Du tất hữu phương”, nhưng tác giả chỉ nhắc đến và giải thích vế đầu khiến câu nói của Khổng tử trở nên “câu què”, “câu cụt”. Chẳng lẽ trước đây những gia đình theo Nho giáo khi cha mẹ còn sống, con cái không được đi xa hay sao?

Dẫn chứng theo kiểu “câu què- câu cụt” là căn bệnh thường gặp trong giới truyền thông “lề phải” hiện nay.

Kế đến, tác giả đã ca ngợi ông Hồ Chí Minh: dám không lập gia đình (theo Nho giáo thì bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại – “tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là nặng nhất”).

Riêng về đời tư của ông Hồ Chí Minh đang có nhiều tranh luận nên xin miễn bàn ở đây.

Vâng, tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là tội nặng nhất. Nhưng “hiếu” cũng có ba. Thầy Tăng tử nói: “Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân; kỳ thứ phất nhục; kỳ hạ năng dưỡng” ( Hiếu có ba bậc: bậc đại hiếu là làm tôn trọng cha mẹ; bậc thứ là không làm nhục đến cha mẹ; bậc dưới cùng là có thể nuôi cha mẹ - sách Lễ Kí, thiên Tế nghĩa). Bậc “đại hiếu” là làm tôn trọng cha mẹ. Sách Mạnh tử thiên Vạn Chương ghi: “Hiếu tử chi chí, mạc đại hồ tôn thân”(chỗ chí hiếu của người con, không chi lớn bằng làm cho cha mẹ được tôn trọng).

Làm “tôn trọng” cha mẹ là như thế nào?

Làm “tôn trọng” cha mẹ là: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu”(gây dựng thân mình, đem thi hành cái đạo ra, rõ tiếng về đời sau để cho cha mẹ vinh hiển – sách Hiếu kinh).

Trước đây ở Việt Nam cũng đã có những con người “dám không lập gia đình” (cũng không léng phéng với phụ nữ) để phụng sự quốc gia dân tộc không phải là bất hiếu với cha mẹ, mà người ấy đã làm trọn công việc: “lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu”. Cụ Mai Anh Tuấn (1815-1851) là người đỗ Thám hoa đầu tiên dưới triều Nguyễn. Cụ đã hy sinh trong khi giao tranh với giặc. Trong lễ an táng của cụ, vua Tự Đức đã sai quan Tổng đốc Hà – Ninh sung chức Kinh lược sứ Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng là Nguyễn Đăng Giai đến tế và trong văn tế có đoạn ca ngợi Thám hoa Mai Anh Tuấn: “Khôi giáp đỉnh khoa, dương danh hiển thân, hiếu dã!”( Khôi giáp đỗ đầu, nổi danh rạng rỡ người thân, ấy là hiếu vậy!).Sách Đạo đức kinh có ghi: “tử nhi bất vong giả thọ”( chết mà không mất là thọ). Những con người như trên đã làm cho tên tuổi của song thân của họ được trường thọ vì tên tuổi song thân của những người ấy không bị rơi vào quên lãng.

Có những người để lại con đàn cháu đống, nhưng đám con cháu ấy không thấy “lưu hương” mà chỉ toàn “lưu xú” cho tổ tiên, liệu cha mẹ đám con ấy có hiếu hay là bất hiếu với tổ tiên?

Ngoài ra trong tác phẩm “ Cơ sở văn hóa Việt Nam” còn ghi: “Để tổ chức xã hội, điều cốt lõi là đào tạo cho được những người cai trị kiểu mẫu – người QUÂN TỬ (quân = cai trị; quân tử = người cai trị). Để trở thành người quân tử, trước hết phải TU THÂN”.

Có phải “quân tử = người cai trị” không? Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí giải thích hai chữ “quân tử”: “Người có tài đức, nhân cách hơn người”. Như vậy cần gì phải là “người cai trị” mới gọi là “quân tử”. Tử Cống vấn quân tử. Tử viết: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tùng chi” ( Tử Cống hỏi Khổng tử: Người như thế nào mới đáng gọi là người quân tử. Khổng tử đáp: Mình muốn dạy người ta điều gì, trước hết mình phải làm điều đó đi. rồi sau cứ theo đó mà dạy. Như vậy mới đáng gọi là quân tử - Luận ngữ: Vi chính II,13). Trong tác phẩm Nho giáo, cụ Trần Trọng Kim đã dành riêng 12 trang để giải thích “quân tử” và “tiểu nhân”: “ Khổng giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là: quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quý, là hay; tiểu nhân là tiện, là dở”.

Còn vấn đề “tu thân” thì tất cả mọi người đều phải tu thân chứ không phải dành riêng cho người cai trị (quân tử). Sách Đại học ghi: “ Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (từ vua cho đến dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc). Riêng những người muốn làm “dân chi phụ mẫu”( cha mẹ của dân – người cai trị) thì cần phải tuân theo “tam cương lãnh, bát điều mục”.

- Tam cương lãnh: Minh đức; Tân dân; Chỉ ư chí thiện.

- Bát điều mục: Thành ý; Chính tâm; Cách vật; Trí tri; Tu thân; Tề gia; Trị quốc; Bình thiên hạ.

Tam cương lãnh và Bát điều mục được giải thích rõ ràng trong sách Đại học.

Hiện nay sách nghiên cứu về Nho giáo đã được xuất bản rất nhiều cho nên muốn nghiên cứu về Nho giáo cần phải đọc nhiều sách để đối chiếu, không nên mới chỉ đọc vài ba cuốn sách hoặc nghe lóm một vài câu liên quan đến Nho giáo rồi vội nhận xét phê bình làm sai lạc tinh thần và ý nghĩa uyên thâm của Nho giáo.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang