VATICAN 11/11/04 - Cái bắt tay lịch sử đầu tiên của ông Yasser Arafat với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vào năm 1982. Đồng thời Đức Giáo Hoàng là nhà lãnh đạo tiên phong của thế giới Tây Phương tranh đấu cho quyền lợi của người Palestine được thành lập một quốc gia mà Ngài gọi là “quyền tự nhiên”

Ông Arafat và cả dân tộc Palestine đều ngưỡng mộ một đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử bước vào đền thờ Hồi Giáo và Do Thái Giáo.

Bối cảnh chính trị ở vùng Trung Đông buộc Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh phải có lập trường cân bằng tế nhị giữa một bên là Do Thái và bên kia là người Palestine. Tuy nhiên, chính đức Giáo Hoàng đã không sợ sệt và làm sửng sốt người Do Thái, khi Ngài tiếp đón ông Arafat tại Vatican trong khi Israel coi ông này là tên trùm khủng bố.

Tổng cộng trước sau ông Arafat đã được gặp Đức Giáo Hoàng 16 lần trong đó 11 lần tại Tòa Thánh Vatican và 5 lần tại Thánh Địa Jerusalem khi Đức Giáo Hoàng tông du ở đó vào năm 2000.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông Arafat với ĐGH là vào tháng 9 năm 1982 lúc đó ông chưa được giải thưởng Nobel Hòa Bình và cũng chưa là Tổng Thống mà chỉ là Chủ Tịch của Mặt Trận Giải Phóng Palestine, gọi tắt là PLO. Thời điểm đó cũng là giai đoạn nghiêm trọng cho người Palestine vì trước đó mấy tháng, Israel đem quân xâm chiếm Lebanon. Do vậy cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với ĐGH vào thời điểm này đã làm tăng uy tín cho ông và ông có một đồng minh quan trọng.

Cũng vào thời điểm đó, Thủ Tướng Ý là ông Giovanni Spadolini từ chối không tiếp ông Arafat tại Rome. Trái lại Đức Giáo Hoàng, theo lời kể của cựu Thủ Tướng Giulio Andreotti, Ngài không có trở ngại gặp Chủ Tịch Arafat.

Chính ông Arafat kể một chuyện về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng như sau: “Giới chức Vatican cho tôi biết tôi chỉ được gặp Đức Giáo Hoàng trong 5 phút mà thôi. 7 phút trôi qua, một vị Hồng Y đến nhắc tôi hết giờ. Nhưng Đức Giáo Hoàng đã cho phép tôi nói chuyện với Ngài gần 1 tiếng đồng hồ”

Sau cuộc nói chuyện đó, Tòa Thánh Vatican đã ra thông cáo nhấn mạnh quyền của người Palestine được thành lập một quốc gia và người Israel phải được quyền sống trong an lành.

Trong khi đó Thủ Tướng Do Thái thời ấy là ông Menachem Begin đã giận dữ trước cuộc gặp gở này. Ông đã trịch thượng nói một câu thiếu suy nghĩ “bàn tay của Đức Giáo Hoàng có dính máu của những trẻ em Do Thái vô tội”

Sau đó, vào năm 2000, trong dịp ĐGH tông du Thánh Địa, Ngài đã đi thăm các trại tỵ nạn của người Palestine ở vùng Tây Ngạn. Trong chuyến tông du này, bài diễn văn nào Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến việc người Palestine có quyền có một quốc gia và người Do Thái cũng có quyền được sống thanh bình với các dân tộc khác trong miền.

Cuộc gặp gỡ sau cùng của ông Arafat với ĐGH là vào tháng 10 năm 2001 khi ông xin ĐGH cố vấn cho ông về tình trạng của các khu người Palestine bị Do Thái chiếm đóng.

Năm 2003 Tòa Thánh làm Israel ngạc nhiên khi ĐGH nghiêm khắc lên án việc Do Thái xây bức tường an ninh ngăn cản người Palestine không đưọc vào vùng hai bên đang tranh chấp. Ngài nói: “Trung Đông cần cầu chứ không cần bức tường ngăn cản.”

Trước cái chết của chủ tịch Arafat, phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican, Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls phát biểu rằng: “Ông là một lãnh tụ siêu phàm, thương yêu và cố gắng dẫn dắt dân tộc mình đến một quốc gia độc lập”

Mặc dù Tòa Thánh Vatican luôn biểu lộ sự ủng hộ cho một quốc gia Palestine, nhưng người Palestine Công Giáo thuộc thểu số vẫn bị người Palestine Hồi Giáo thuộc đa số ức hiếp, có khi bị chính quyền làm ngơ cho các người này chiếm hữu tài sản ruộng đất của người Công Giáo. Do vậy, số người Công Giáo ở Jerusalem ngày một ít đi, họ phải di cư ra nước ngoài tránh sự bức bách của người Hồi Giáo.