Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong video này Kim Phượng sẽ trình bày với các bạn về ba khái niệm căn bản mà người quay phim phải biết đó là Aperture, Shutter Speed và Gain.
Trên ống kính hình có một cái lỗ hình tròn để ánh sáng có thể đi vào trong máy ảnh. Cái lỗ ấy gọi là Aperture. Chúng ta có thể điều chỉnh diện tích của nó để ánh sáng đi vào nhiều hơn hay ít hơn.
Cái quạt máy ở nhà bạn có nhiều nút phải không? Nhấn vào nút này quạt chạy nhanh hơn, nhấn vào nút kia thì quạt chạy yếu hơn phải không?
Cái máy ảnh cũng vậy thôi, nó có nhiều mức để điều chỉnh diện tích của Aperture. Mỗi mức điều chỉnh như thế gọi là F-stop. Tiêu biểu là ta có f1.4, f2, f2.8, f4, f5.6 vân vân.
Sao lộn xộn vậy? Sao không gọi là f1, f2, f3, f4 cho dễ nhớ.
Chuyện là như thế này các bạn. Mỗi một nấc sẽ hoặc là nhân đôi diện tích của Aperture hoặc là chia hai. Muốn nhân đôi diện tích hình tròn thì bán kính phải được nhân với căn hai. Nhân với căn hai chứ không phải là nhân hai. Nếu ta nhân hai bán kính, diện tích hình tròn sẽ được nhân 4, chứ không phải là nhân hai đâu á.
Căn hai là khỏang 1.4 phải không? Thành ra mới có mấy con số f1.4, f2, f2.8, f4, f5.6 vân vân.
Điều quan trọng bạn phải nhớ là số càng lớn thì cái diện tích càng nhỏ nhe. Nói cụ thể, ở mức f1.4 diện tích của Aperture gấp đôi ở mức f2, và như thế ánh sáng vào gấp đôi.
Nói cách khác, Ánh sáng vào máy nhiều nhất ở f1.4, tới f2 lượng ánh sáng chỉ còn một nửa, và chỉ còn 1 phần tư ở f2.8.
Bây giờ, Kim Phượng nói qua về Shutter Speed.
Trong máy ảnh bộ phận quan trọng và mắc tiền nhất là cái sensor, Kim Phượng tạm dịch là bộ cảm ứng. Nó đón nhận ánh sáng và chuyển thành hình ảnh.
Shutter Speed là thời gian chúng ta mở cái sensor đó ra để đón nhận ánh sáng.
Chúng ta có thể điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào nhiều hơn hay ít hơn bằng cách thay đổi Shutter Speed. Shutter Speed càng ngắn lượng ánh sáng đi vào càng ít. Shutter Speed càng lâu lượng ánh sáng đi vào càng nhiều.
Như vậy, là chúng ta có trong tay hai cách để điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào máy ảnh. Cách thứ nhất là thay đổi diện tích của Aperture bằng cách thay đổi F-stop.
Cách thứ hai là thay đổi Shutter Speed.
Giống như các bạn mở một vòi nước. Để có cùng một lượng nước, ta có thể mở ào ào rồi nhanh chóng tắt vòi đi; hay mình có thể mở rỉ rả nhưng mở lâu một chút.
Tuy nhiên, với nhiếp ảnh có hai điều này bạn nên chú ý.
Shutter Speed càng lâu thì có nguy cơ ảnh bị nhoè nếu đối tượng ta đang quay di chuyển.
F-stop càng nhỏ, tức lượng ánh sáng vào càng nhiều thì miền ảnh rõ hay còn gọi là Depth of field càng ngắn. Nên nhớ rằng, Depth of field ngắn không phải là vấn đề như trong trường hợp ảnh bị nhoè. Đôi khi chính chúng ta muốn Depth of field ngắn như trong trường hợp quay xướng ngôn viên trong studio.
Nếu hai cách nói trên vẫn không thể cung cấp đủ ánh sáng. Thí dụ, bây giờ các bạn quay một linh mục làm phép nến Phục sinh. Các bạn còn một giải pháp khác đó là tăng Gain.
Tăng Gain lên nghĩa là làm cho cái sensor trở nên nhạy hơn và như thế ánh sáng rõ hơn. Tuy nhiên, làm cách này hình sẽ có hột.
Quy tắc thực hành mà Kim Phượng muốn trình bày với các bạn là như thế này.
Để quay trong studio. Bạn hãy set F-stop là 2.2 đi, và set Gain bằng 0, rồi thay đổi Shutter Speed để có hình đẹp nhất.
Để quay bên ngoài hay ở một môi trường chưa quen thuộc. Đầu tiên, bạn set cái camcoder ở chế độ Auto Iris. Sau đó, bạn tắt chế độ Auto Iris. Máy vẫn nhớ cái F-stop hồi nãy. Bạn dùng ngay cái F-stop này, và set Gain bằng 0, rồi thay đổi Shutter Speed để có hình đẹp nhất.
Chúc các bạn thành công.