Ngày 9 tháng Tám, 1945, Mỹ ném bom nguyên tử lên Trường Kỳ (Nagasaki) và một cuộc hôn nhân lý tưởng, cùng với di hại phóng xạ, từ đó, đã được cả thế giới Công Giáo biết đến. Đó là cuộc hôn nhân của Takashi Nagai mà ở Việt Nam, những ai sống khoảng thập niên 1950-1960 đều biết đến dưới tên Paul Nagai, tác giả Tiếng Chuông Trường Kỳ (Les Cloches de Nagasaki), một tác phẩm nổi tiếng đến nỗi đã được biên diễn thành phim cùng tên.

Không ai không cảm động đọc câu này của Paul Nagai: “Đó là những tiếng chuông không còn được được vang lên trong các tuần lễ và năm tháng sau ngày thảm họa nữa. Trước đây, không bao giờ chúng lại không vang lên! Ước chi chúng có thể vang lên sứ điệp hòa bình này ở bình minh ngày tận cùng thế giới!”

Như đã thưa với qúi độc giả trong bài “Nhân Kỷ Niệm 70 Năm Thảm Họa Hiroshima”, phần lớn người Mỹ không quan tâm đến việc dóng lên sứ điệp hòa bình mà chỉ lo biện minh cho thảm họa này, dù nay đã 70 năm trôi qua. Tuy nhiên, Linh Mục Paul Glynn có khác. Mới đây ngài viết về cuộc đời Paul Takashi Nagai dưới tựa đề “Tiếng Hát Trường Kỳ” (A Song for Nagasaki, Ignatius Press, 2009).

Đường nhân bản dẫn vào gặp Chiên Con

K.V. Turley, khi duyệt cuốn sách này, đã trích dẫn lời Nagai nói rằng “cuộc ném bom Trường Kỳ, nhìn dưới lăng kính vĩnh cửu, trở thành một báo hiệu của Khải Huyền và do đó, nghịch lý thay, là một khúc dẫn nhập đưa ta vào ngày Con Chiên xuất hiện”.

Đôi khi các biến cố hoàn cầu chỉ được hiểu tường tận nhờ được nhìn dưới lăng kính những cuộc đời cá thể bị vướng trong đó. Với việc kỷ niệm 70 năm ném bom Trường Kỳ, cuộc đời của Paul Takashi Nagai, dưới ngòi bút của Cha Paul Glynn đã làm chính việc đó, với các biến cố ngày 9 tháng Tám, 1945: các vang dội của chúng, các hậu quả của chúng và cả ý nghĩa thiêng liêng nữa đều đã được thăm dò một cách vượt tưởng tượng.

Cha Glynn dẫn độc giả Tây Phương vào một thế giới bí ẩn đối với nhiều người trong số họ, tức xã hội Nhật Bản. Nhân vật chính của ngài, xét về một bình diện nào đó, chẳng có chi đáng chú ý. Một thanh niên lớn lên trong một gia đình trưởng giả theo truyền thống Nhật Bản. Được giáo dục và có văn hóa. Đến thời, trở thành một bác sĩ. Nhưng rồi một điều gì hết sức đáng chú ý bắt đầu xuất hiện. Chàng thanh niên này bỗng cảm thấy mình bị lôi cuốn vào Kitô Giáo, một cách không thể nào giải thích được, và sự lôi cuốn này ngày càng gia tăng. Cuối cùng, chàng bác sĩ trẻ tuổi đến trọ tại một gia đình Công Giáo ở Trường Kỳ. Thành phố này sắp trở thành địa điểm của biến đổi, và biến đổi nhiều cách hơn Nagai có thể tưởng tượng.

Một gia đình Công Giáo ở Trường Kỳ, vào lúc đó, chẳng có chi mới lạ. Đạo Công Giáo đã được các Nhà Truyền Giáo Dòng Tên mang đến đấy từ thế kỷ 16 và đã sống sót, dù hầm trú trong nhiều thế kỷ, với những năm tháng đau thương, bách hại, tra tấn, và tử đạo, nhưng nó đã sống sót. Đến thập niên 1930, thành phố đã có một nhà thờ chính tòa Công Giáo, với nhiều linh mục bản xứ trông coi một cộng đồng tín hữu ngoan đạo và tích cực. Đó chính là thế giới Nagai đã bước vào.

Hình ảnh vẽ về chàng tuổi trẻ này chẳng có chi là tâng bốc cả. Chàng là đặc trưng của lớp trẻ thuộc thế hệ và bối cảnh của mình. Bởi thế, ta càng thích thú khi đọc được cuộc gặp gỡ của chàng với một nền văn hóa quá khác lạ ngay trên mảnh đất quê hương, một nền văn hóa ta có thể tóm tắt ở việc nó vừa lôi cuốn chàng vừa làm chàng sợ hãi, y như nhau. Cảm thức này cũng là cảm thức của Nguyễn Khắc Dương, cựu khoa trưởng khoa văn của Đại Học Đà Lạt, vốn cũng là một tân tòng, trong Quia dilexit humilitatem meam. Và cũng là cảm thức của Hàn Mặc Tử trong Ave Maria: "linh hồn tôi ớn lạnh… nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến!"

Cũng như Nguyễn Khắc Dương, tại tâm điểm của sự lôi cuốn này không đơn thuần chỉ là một “lý tưởng” như của Thần Đạo hay Phật Giáo; thay vào đó, chàng bị đẩy về phía trước nhờ quan sát những cuộc đời và sự tốt lành của những người chung quanh chàng đang sống điều mà nhiều người Nhật vẫn coi như thứ đạo ngoại nhân.

Một cuộc Hôn Nhân Kitô Giáo

Với cuộc gặp gỡ này, đời chàng hoàn toàn thay đổi. Trước nhất, một cách hết sức người, bởi tình yêu nhân bản. Người đàn bà, người trở thành vợ chàng, nàng Midori, là một con người tuyệt diệu. Nàng là con gái ông chủ nhà Công Giáo, vừa duyên dáng, dịu dàng vừa xinh đẹp, tinh tế, những đặc tính mà nhiều phụ nữ đồng bào nàng cùng có chung. Nhưng nàng có một đức tính khác với hầu hết các phụ nữ khác. Nhưng, cái “đức tính” khác này là một điều chỉ thoáng nhìn được bằng “những con mắt không thể nhìn”. Nó là lòng đạo đức, chắc chắn như thế, nhưng nó còn hơn thế nữa, nó là sự thánh thiện. Một cách vô thức, Nagai bị cuốn hút vào đức tính ấy cũng như nhiều đức tính khác của nàng. Cuộc kết hợp của họ không phải chỉ là cuộc kết hợp của xác thân và tâm trí, hay cả ý chí nữa; mà là hai linh hồn gặp nhau, rồi cùng sánh bước trên nẻo đường thiêng liêng, một nẻo đường vĩnh cửu được họa đồ cho riêng hai người. Nói tắt, đó là điều tạo nên cuộc hôn nhân Kitô Giáo.

Các biến cố ngày 9 tháng Tám, 1945 như một cuồng phong tâm lý cuốn hút mọi sự vào nó, rồi ám ảnh những người nó cuốn hút mãi mãi sau đó. Điều này không đâu đúng hơn bằng chính cuộc đời Paul Takashi Nagai. Nhưng Cha Glynn không chú trọng tới việc tranh luận về cuộc ném bom này hay về Chiến Tranh Thái Bình Dương nói chung, xem ai đúng ai sai. Ngài muốn kể lại câu truyện của một linh hồn, và các biến cố rung chuyển cả địa cầu này đã biến đổi chính cái tầm thường của cuộc sống Nagai và gia đình ông ra sao, khiến tạo ra một phản ứng ngoại thường. Các điều ngài thuật lại vừa gây ngỡ ngàng vừa làm ta xúc động nhờ các chi tiết có liên quan: những điều nhỏ mọn của một gia đình, của một cặp vợ chồng, việc sẵn sàng cho “một ngày bình thường”, những lời “chào tạm biệt” thoáng qua nhưng đã trở thành cố định khi các biến cố bắt đầu tràn ngập họ một cách họ chưa bao giờ dự kiến, chưa bao giờ yêu cầu, và sẽ không bao giờ trở lui, nhưng tất cả chỉ là do một tai nạn.

Trường Kỳ, ngày ấy, không phải là mục tiêu dự tính. Các sự kiện như thế làm ta chợt bừng tỉnh: cuộc đời đôi khi tình cờ là thế. Trong trường hợp này, chỉ là tính sai, một lầm lẫn, và là một lầm lẫn đem đến cái chết cho hàng mười ngàn người và làm cuộc sống những người sống sót tả tơi đến không thể nào cứu vãn, và tất cả, chỉ trong một nháy mắt huyền nhiệm, không biết đến từ đâu. Lúc đó, Nagai, một người chồng, một người cha, một bác sĩ và một tân tòng Công Giáo đáng kính, đang có mặt ở đấy. Đời ông từ đó mãi mãi dính liền với thành phố này, một thành phố chẳng bao giờ để ông rời khỏi nữa.

Xét về nhiều phương diện, sách của Cha Glynn là bức chân dung mô tả một cuộc hôn nhân, và là một cuộc hôn nhân không hề được lý tưởng hóa. Nagai từng tranh đấu với chính lòng ích kỷ của mình; việc thăng tiến nghề nghiệp của ông diễn tiến cùng với nỗi ám ảnh khôn nguôi muốn nghiên cứu y khoa. Thoạt đầu, cái giá xúc cảm trút hết lên vai vợ con ông. Nhưng càng lớn lên trong niềm tin mới khám phá, ông càng ý thức được cái giá đắt đỏ này, và ý thức này chưa bao giờ mồn một bằng ngày ông mất vợ, tháng Tám ấy. Ngày ấy, sau khi lục lọi đống gạch vữa của căn nhà xụp đổ, ông tìm ra di hài vợ đã thành than. Vẫn nắm chặt trong tay nàng là xâu chuỗi Mân Côi: nàng đã liên lỉ dùng nó cầu nguyện cho người chồng tương lai trở lại đạo, và nó là vật cuối cùng chàng nhìn thấy nàng nắm chặt trong tay; các lời cầu nguyện của nàng cho chồng và cho các con mồ côi mẹ nay đã phải từ một nơi khác rồi.

Nagai mất quá nhiều vào mùa hè năm 1945, nhưng sau đó, ông nhận được một quà phúc vô giá: Thánh Giá. Một cách bất ngờ, Thánh Giá đã đến gặp ông, và khi nhận ra nó, ông ôm lấy nó và hôn kính nó.

Hữu Hình bọc Vô Hình

Bí quyết của cuốn sách thì chỉ người có đức tin mới biết: đời sống có một thực tại hữu hình bên ngoài dùng để bọc cái lõi sâu hơn bên trong, một cái lõi thường là dấu ẩn, cái lõi tâm linh. Trái bom nguyên tử để lại các hình ảnh “tiêu cực” khắp phố xá Trường Kỳ thế nào, thì nó cũng bật mí cho Nagai thấy hết cái “tiêu cực” của cuộc đời như thế. Mọi biến cố và thực sự mọi con người đều để lại một ý nghĩa siêu nhiên là thế. Chính sự biến đổi này, hơn bất cứ điều gì khác, từ nay khởi đầu giai đoạn chót và huyền nhiệm nhất của đời ông.

Tuy nhiên, những gì xẩy ra tiếp theo đó đã trở thành đề tài tranh cãi. Nagai cũng chủ trương rằng những gì diễn ra trong tháng Tám ấy, dù có tính hết sức bản thân, nhưng có một ý nghĩa sâu sắc hơn cho toàn thể nước Nhật. Các kinh hoàng giáng xuống lãnh thổ đó có liên hệ với các hành động trước đó và tinh thần quân phiệt mà các nhà lãnh đạo Nhật vốn cổ vũ. Tuy nhiên, đó không phải là một thứ “chúc dữ”. Trái lại, cuộc ném bom Trường Kỳ, nhìn dưới lăng kính vĩnh cửu, trở thành một báo hiệu của Khải Huyền và do đó, nghịch lý thay, là một khúc dẫn nhập đưa ta vào ngày Con Chiên xuất hiện. Nay, Nagai chỉ hiểu các biến cố này bằng các hạn từ huyền nhiệm. Các tâm tư của ông bị nhiều người chống đối, nhưng có người coi đây như bước đầu của hàn gắn, cho họ và cho cả đất nước.

Những năm cuối đời của Nagai, ít ỏi thôi, ông qua đời tháng Năm, năm 1951 (43 tuổi), là những ngày giờ của cầu nguyện, chiêm niệm và hết lòng chăm sóc con cái. Trước khi qua đời không lâu, ông chụp chung với con gái Kayano một bức hình. Mắt ông như nhìn quá sự chết thấy cả một Vô Hạn phía sau trong khi con gái mắt đầy tin tưởng và bình an dõi nhìn phía trước. Gương mặt bố con nói lên gia đình, nói lên tình yêu nhân bản và siêu nhiên, vẫn tiếp tục sống còn bất chấp những điều tồi tệ nhất mà bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng mang tới.



Điều cũng đáng nói là trái bom nguyên tử hủy diệt nhà thờ chính tòa nhưng chừa một cấu trúc: đó là tượng Đức Mẹ Sầu Bi đặt phía trước nhà thờ. Từ hiện tại nhìn trở lui quá khứ, không ai không kết luận rằng chẳng còn bức tranh nào cảm động bằng bức tranh Mẹ Thiên Chúa đứng nhìn những gì còn sót lại của Trường Kỳ: một “lũng nước mắt” theo nghĩa đen!

Tưởng cũng nên thêm: lòng đạo đức của Paul Nagai khiến ông được xưng tụng là Ông Thánh Trường Kỳ và hiện ông được Giáo Hội thừa nhận là Tôi Tớ Thiên Chúa, bước đầu tiên trong tiến trình phong thánh của Giáo Hội Công Giáo.

Trên đây, ta thấy ông được lòng đạo hạnh của vợ tương lai “quật ngã”, như Thánh Phaolô bị ngựa quật ngã trên đường Đamát. Nhưng thực ra, chính Blaise Pascal với câu nói: “con người chỉ là cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên; nhưng là cây sậy biết suy nghĩ” đã là nam châm đầu tiên khiến ông lưu ý tới Kitô Giáo, ngay năm đầu học y khoa. Ông say mê đọc “Les Pensées”, nhờ thế khi tới với gia đình Midori, một gia đình Công Giáo ngoan đạo, ông có cảm tình ngay.

Ngày 9 tháng Sáu, 1934, ông gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Hai tháng sau, ông thành hôn với Midori. Hai ông bà sinh được 4 người con: 1 trai, 3 gái. Kayano là con gái út, qua đời năm 2008. Ông từng gặp Thánh Maximilian Kolbe khi ngài cư ngụ tại Trường Kỳ và khi đã bị tai nạn nguyên tử, chính ông đã nghe thấy “tiếng” thúc giục ông xin sự bầu cử của ngài và chứng chẩy máu của ông đã ngưng lại cách lạ lùng.

Ông từng được gặp những người nổi tiếng như Helen Keller năm 1948, Nhật Hoàng Hirohito năm 1949 và Đức HY Gilroy, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, cùng năm.

Ông qua đời giữa lúc chờ tượng Đức Mẹ do Hội Y Sĩ Ý gửi tặng. Ông thở hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ 50 đêm 1 tháng Năm, 1951, được an táng 2 ngày sau. Ngày 14 tháng Năm, buổi tưởng niệm ông chính thức được khai mạc, với sự tham dự của 20,000 người, thành phố Trường Kỳ dành một phút im lặng và chuông mọi cơ sở tôn giáo đều rung. Xác ông được chôn cất tại nghĩa trang quốc tế Sakamoto.