PHÁ THAI VÀ BẠO ĐỘNG

Việc bênh và chống phá thai đã trở thành một đề tài nóng bỏng tại Hoa Kỳ, gây nên làn sóng bạo động và làm thiệt hại nhiều sinh mạng.

Vào năm 1993, một bác sĩ chuyên môn phá thai tên David Gunn đã bị giết tại Pensacola, Florida. Thủ phạm là Michael Griffin đã bị án tù chung thân. Đây là vụ giết bác sĩ phá thai đầu tiên xảy ra tại Hoa Kỳ.

Năm 1994, hai tiếp viên của bệnh xá phá thai ở Boston cũng bi giết bởi John Salvi. Người này đã tự vẫn trong tù hai năm sau đó.

Năm 1998, James Kopp cũng đã giết một bác sĩ phá thai tại Buffalo, Nữu Ước.

CỰU MỤC SƯ GIẾT BÁC SĨ PHÁ THAI

Được khích lệ bởi vụ giết bác sĩ Gunn ở Pensacola, ông Paul Jennings Hill, 49 tuổi, cũng cư ngụ tại Pensacola, đã mua một khẩu súng mới và tập bắn. Ông là mục sư Tin Lành, giáo phái Presbyterian, nhưng từ khi ông chủ trương bạo động đối với những người hành nghề phá thai thì giáo phái trục xuất ông.

Sáng ngày 29-7-1994, trong lúc bác sĩ John Bayard Britton và người cận vệ là Trung Tá hồi hưu James Herman Barrett vừa đến bãi đậu xe của bệnh xá phá thai thì súng nổ. Bác sĩ Britton bị bắn vào đầu và ngang hông. Thủ phạm nạp thêm đạn và bắn vào đầu và cánh tay cận vệ Barrett. Bà vợ của Barrett cũng bị thương ở cánh tay. Ngay sau đó, Paul Hill bỏ súng xuống đất để tránh bị cảnh sát bắn chết. Khi bị bắt, Hill nói: "Tôi biết một điều này là ngày hôm nay tại bệnh xá này không có những bào thai vô tội bị giết."

Paul Hill bị toà án Tiểu Bang Florida xử tử hình. Ông không thèm kháng cáo và ngày hành quyết được ấn định là ngày 4-9-2003.

Tiểu Bang Florida chấp nhận án tử hình, nên Thống Đốc Jeb Bush đã chấp thuận cho thi hành án.

TRƯỚC NGÀY HÀNH QUYẾT

Một ngày trước khi bị xử tử, Paul Hill mở cuộc họp báo và tuyên bố rằng ông tin tưởng sẽ được Chúa tha thứ cho hành động giết người của ông để cứu những hài nhi chưa sinh ra. Ông luôn lộ vẻ vui mừng, mỉm cười trả lời các câu hỏi của báo chí. Ông nói: "Tôi trông đợi phần thưởng trọng hậu trên nước Thiên Đàng. Tôi đang chờ ngày khải hoàn."

Paul Hill có vợ và 3 con. Ông đã được gặp mặt gia đình lần cuối. Vị tuyên úy luôn luôn ở bên cạnh ông cho tới giờ hành quyết.

GIÂY PHÚT LÌA ĐỜI

Phóng viên Brian Cabell của đài CNN tả rằng ông đến nơi hành quyết trong một buổi chiều mưa với nhiều tiếng sấm sét trên bầu trời. Ông là một trong số 33 người có mặt trong một căn phòng rộng mỗi bề chừng 30 feet. Khoảng một nửa số người hiện diện là ký giả, nửa còn lại là các giới chức trong chính quyền Tiểu Bang Florida, gồm cả vị tuyên úy và cố vấn luật pháp của tử tội. Gia đình tử tội cùng gia đình các nạn nhân đều quyết định không muốn chứng kiến cuộc hành quyết. Đúng 6 giờ chiều, những tấm màn che 3 chiếc cửa sổ được kéo ra. Ông nhìn thấy tử tội ngồi trong phòng bên kia, đầu hướng lên trần nhà. Tử tội không nhìn về phía những người dự kiến nên ký giả Cabell không thể quan sát rõ nét mặt tử tội. Hill bắt đầu nói những lời sau cùng chỉ trong vòng 45 giây. Ông Hill nói: "Nếu quý vị tin rằng phá thai là một bạo lực chết chóc thì quý vị phải chống lại bạo lực đó, và làm tất cả những gì để chấm dứt nó. Xin Chúa giúp quý vị bảo vệ những em bé còn trong bụng mẹ như quý vị muốn được bảo vệ." Rồi tử tội bị chích thuốc độc và khoảng 6 phút sau, người ta tuyên bố tử tội đã chết.

Một số người chống đối phá thai ca tụng cái chết này như một hành động tử đạo và được Thánh Kinh chuẩn nhận. Còn những người ủng hộ phá thai lại quan ngại các hành động khủng bố này sẽ bộc phát mạnh mẽ hơn. Rất nhiều người liên hệ, trong đó có cả Thống Đốc Jeb Bush, nhận được thư hăm dọa, kèm theo viên đạn.

Paul Hill trở thành một tử tội đầu tiên trong Tiểu Bang liên quan đến việc phá thai, và là tử tội thứ 57 bị hành quyết tại Florida kể từ khi Tiểu bang này tái lập án tử hình năm 1979; đồng thời, ông cũng là tử tội thứ ba bị hành quyết trong năm 2003.

ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ

1. Giáo Hội Công Giáo chủ trương chống phá thai. Đôi khi chủ trương này đã biến thành hành động đối với những chính khách công khai ủng hộ phá thai hay các bác sĩ, y tá phá thai, bằng việc chỉ trích đích danh họ trên tòa giảng, kêu gọi các cử tri không bỏ phiếu tín nhiệm họ hoặc khuyên họ đừng nên rước Mình, Máu Thánh Chúa. Ngoài ra, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các tín hữu Công Giáo thường xuyên có mặt trong các cuộc biểu tình chống đối việc phá thai.

Một ví dụ điển hình đã xảy ra tại thủ phủ Sacramento của Tiểu Bang California: Thống Đốc Tiểu Bang, ông Gray Davis, là một tín hữu Công Giáo, nhưng lại ủng hộ phá thai. Chính ông đã ký luật cho phép phá thai. Vào dịp Giáng Sinh năm 2002, Thống Đốc Gray Davis muốn đến Viện Mồ Côi St. Patrick's Home for Children để phát quà Giáng Sinh cho các em mồ côi. Đức Ông Edward Kavanagh, Giám Đốc Viện đã viết thư cho Thống Đốc, ngỏ ý từ chốiviệc tiếp rước Thống Đốc. Đức Ông viết rằng: "Trước tiên, Thống Đốc phải xám hối và rồi tôi sẽ cho phép ông đến cơ sở này." Đến ngày 22-1-2003, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hợp pháp hóa việc phá thai trong vụ án Rose vs Wade, Đức Cha William K. Weigand, Giám Mục Sacramento, trong bài giảng thánh lễ, đã lên tiếng ca ngợi việc làm của Đức Ông Kavanagh và nhắc đích danh Thống Đốc Gray Davis với những lời cảnh giác rất nghiêm khắc. Đức Cha nói: "Là giám mục của anh chị em, tôi phải minh định như sau: bất cứ ai - là chính khách hay không - mà nghĩ rằng người Công Giáo cũng có thể chấp nhận phá thai thì đó là một lầm lẫn rất lớn. Họ đã đặt linh hồn họ vào một trạng huống rất nguy hiểm, và không có một hạnh kiểm tốt đối với Giáo Hội." Đức Cha nói tiếp rằng trên nguyên tắc, ngài không từ chối người nào muốn rước lễ, nhưng ngài xin những người đang ủng hộ phá thai thì đừng nên rước lễ. Đức Cha kết luận: "Thưa ông Thống Đốc, chúng tôi cầu nguyện cho ông được thay lòng đổi dạ."

2. Giáo Hội Công Giáo không bao giờ chủ trương giết những người liên hệ đến việc phá thai, vì chỉ mình Thiên Chúa có quyền và có khả năng ban sự sống cho con người, nên cũng chỉ mình Ngài mới có quyền cất đi sự sống của con người. Điều răn thứ năm Chúa đã dạy: "Chớ giết người". Nguyên tắc này có mẹo trừ là khi phải tự vệ chính đáng, nghĩa là khi tính mạng mình hoặc những thân nhân của mình đang thực sự bị đe dọa thì mới có quyền giết kẻ đang toan tính và có đủ khả năng để giết mình. Cuộc chiến tranh chính đáng để bảo vệ quốc gia cũng nằm trong ngoại lệ này.

3. Giáo Hội cũng không chủ trương báo thù. Luật lệ cũ: "Mắt đền mắt, răng đền răng" đã bị chính Chúa Giêsu bãi bỏ và thay bằng luật "Lấy ân trả oán". "Ai vả má bên này, anh em hãy giơ má bên kia cho họ nữa." (Luca 6, 29) Giới luật của Chúa là giới luật Yêu Thương. Dù dưới nhãn quang của Hội Thánh, hành động phá thai là một tội ác, nhưng những người làm các hành động đó cũng phải được đối xử nhân từ như các tội nhân khác. Giáo Hội lên án các hành vi tội ác, nhưng vẫn yêu thương các tội nhân và nâng đỡ họ để ăn năn hối cải và không tái phạm. Ngay sau khi biến cố kinh hoàng ngày 11-9-2001 giết hại hàng ngàn người Hoa Kỳ vô tội, Giáo Hội Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi không báo thù, hãy tha thứ, và nhắc nhở chính quyền tìm mọi cách để ngăn ngừa những vụ khủng bố tương tự tái diễn.

4. Giáo Hội không chấp nhận bất cứ hành vi giết người nào, dưới bất cứ danh nghĩa nào cho dù là chính đáng, vì "Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện." Có nghĩa là mục đích dù tốt đẹp tới đâu, cũng không thể dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích đó. Ví dụ: Đi ăn trộm để có tiền về nuôi sống gia đình. Giết bác sĩ hành nghề phá thai để cứu sống các bào thai. Người Công Giáo chống đối việc giết người, dù giết bác sĩ phá thai hay giết những bào thai còn trong bụng mẹ.

5. Đối với án tử hình, Giáo Hội đương thời chủ trương hủy bỏ, vì con người trong thời đại văn minh này không còn cần đến án tử hình nữa. (1)

6. Từ những nguyên tắc trên, người Công Giáo sẽ không thể đáp ứng lời kêu gọi bạo động của tử tội Paul Hill được, nhưng chúng ta vẫn dành cho ông tình thương mến, bằng cách cầu nguyện cho linh hồn ông. Cuộc thăm dò dư luận của tổ chức Cybercast ngay sau vụ hành quyết Paul Hill cho biết: 66% người được hỏi đã nhìn nhận rằng hành động của Hill gây thất lợi cho chính nghĩa của phong trào Pro Life, 8% cho rằng có ích lợi cho phong trào, còn 25% cho rằng không ảnh hưởng gì cả. Paul Hill đã vĩnh viễn không còn ở thế gian này nữa. Phần rỗi linh hồn của ông hoàn toàn tùy thuộc nơi sự phán xét công minh của Thiên Chúa mà không một người thế tục nào biết được. Đừng phán xét ông, nhưng hãy phó dâng linh hồn ông nơi lượng từ bi của Chúa.

7. Phá thai hiện nay không còn là một đề tài tranh luận lý thuyết nữa. Nó đã gây nên những bạo động ngày một gia tăng giữa hai nhóm có tên là "Pro Abortion Groups" hoặc "Pro Choice Groups" (ủng hộ phá thai) và "Pro Life Movement" (phò sự sống, chống phá thai). Một sự kiện đáng ngạc nhiên là tại Hoa Kỳ, cuộc tranh chấp nào cũng đưa tới thương thảo và giải quyết trong hòa bình, nhưng trong sự việc này, cho tới nay, chưa có dấu hiệu gì báo hiệu hai nhóm sẽ ngồi lại với nhau để hiểu nhau và tìm ra những đường hướng giải quyết vấn đề ổn thỏa.

8. Về phần Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi thiết tưởng cần ban hành những kế hoạch chi tiết và toàn diện để chấm dứt những vụ phá thai đang lan tràn ngày một nhiều. Đó là:

a/ Giáo huấn của Giáo Hội trong việc ngừa thai phải thật hữu hiệu và thực tế. Theo sự thăm dò của các tổ chức nghiên cứu, hiện nay có tới 85% các cặp vợ chồng Công Giáo không tuân theo những chỉ dẫn của Giáo Hội trong vấn đề ngừa thai. Việc ngừa thai không hữu hiệu đương nhiên sẽ đưa đến việc phá thai. Trong hai vấn đề ngừa thai và phá thai, các nguyên tắc về ngừa thai nên được dễ dàng uyển chuyển hơn là phá thai.

b/ Xã hội cũng như Giáo Hội nên thiết lập những cơ sở đón nhận và nuôi dưỡng những đứa con được sinh ra cách vô tình (có thai ngoài dự tính của vợ chồng) hoặc cưỡng bức (hiếp dâm) hoặc tật nguyền. Khi người mẹ mang thai biết rằng mình có nơi sinh đẻ kín đáo và có người nuôi dưỡng con mình chu đáo thì việc phá thai sẽ không còn cần thiết nữa. Trước đây, Mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng đã kêu gọi những người mang thai đừng phá thai, hãy giao những đứa con đó cho nhà dòng Mẹ nuôi nấng. Nhưng thực sự dòng Bác Ái của Mẹ cũng chỉ có khả năng giới hạn. Vấn đề phải nâng lên hàng quốc tế và quốc gia để khai triển giải pháp mà Mẹ Têrêsa dã gợi ý.

c/ Khi hai vấn đề trên được giải quyết thoả đáng thì mới dễ dàng vận động Quốc Hội các quốc gia thông qua dự luật kiểm soát việc phá thai. Hiện nay, hai khối cử tri "Pro Choice" và "Pro Life" đều rất đông. Lập trường bênh và chống phá thai đang là một yếu tố tạo nên thắng hay thua trong các cuộc bầu cử. Đó là dấu hiệu cho những giới chức hữu quyền nhận thức rằng cách giải quyết tệ trạng phá thai trong xã hội chưa được thực tế và hữu hiệu.

(1) Chúng tôi sẽ bàn về đề tài "Án tử hình" trong một dịp khác.