Cuộc ly giáo năm 1533

Theo tài liệu của linh mục Thêôphilô (Anh Giáo - http://vietcatholic.net/newsdoc/display.asp?ID=23), vua Henry VIII lên ngôi năm 1509. Cuộc kết hôn của ông với bà Catherine d'Aragon được phép chuẩn của Đức Giáo Hoàng Jules II vào năm 1503. Bà này nguyên là vợ của Arthur anh cả của Henry đã chết. Cuộc hôn nhân này mang lý do tài chánh cũng như ngoại giao vì mong ước sẽ liên minh hai nước Anh và Tây Ban Nha. Thế nhưng, sự liên minh ao ước trên không thấy và hoàng hậu thì không có con trai nối dõi tông đường. Bà Catherine sinh tất cả năm người con, nhưng tất cả đều chết yểu chỉ còn lại một người con gái. Vấn đề đặt ra là đứa con gái không thể lên ngôi sau này vì việc này chưa xảy ra bao giờ trong dòng họ nhà Vua bên nước Anh cũng như tại Âu châu, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi. Vua Henry VIII nghĩ rằng vấn đề mình không có con trai có nghĩa là cuộc hôn nhân giữa ông và Catherine d'Aragon không được Thiên Chúa chúc phúc, tại vì ông lấy vợ của anh mình. Cùng lúc ấy vào năm 1525, ông gặp Anne Boleyn nhan sắc mặn mà và có tài quyến rũ và ông bắt đầu có dự định xin tháo gỡ cuộc hôn nhân với Catherine.

Vào đầu năm 1527, ông nói rõ quyết định của mình cho Hồng y Đặc sứ Wosley. Henry VIII dựa vào hai văn bản trong sách Lê-vi 18,16 : "Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em dâu ngươi : đó là chỗ kín của anh em ngươi", và 20,21 : "Khi người đàn ông nào lấy chị dâu hay em dâu mình, thì đó là một điều nhơ nhớp; nó đã lột trần chỗ kín của anh em nó, chúng sẽ không có con cái". Qua Hồng y Wosley không thành công, Henry VIII kiện thẳng lên Đức Giáo hoàng Clêmentê VII viện cớ sự ngăn cấm của sách Lê-vi là luật Thiên Chúa và ngay cả một Đức giáo chủ cũng không thể miễn chuẩn như Đức Jules II đã làm trước đây. Lý luận cho rằng luật Lê-vi là luật Thiên Chúa không ai có quyền miễn chuẩn khá vững, nhưng duy chỉ có một trường hợp có thể miễn chuẩn đã được sách Đệ Nhị Luật (25,5) ghi lại và đó là trường hợp vua Henry VIII. Ông có quyền lấy vợ anh mình vì ông này chết mà không có con trai nối dòng dõi. Đức Clementê VII nhận thấy cuộc hôn nhân thứ nhất của vua Henry VIII không thể tháo gỡ được, nhưng Ngài còn lần chần chưa vội tuyên bố.

Cuối năm 1527, Henry VIII xin Đức giáo hoàng chỉ định một ủy ban giáo hoàng để tuyên bố cuộc hôn nhân của ông với bà Catherine không thành, nhưng mãi đến tháng tư năm 1528, Đức Clêmentê mới bổ nhiệm một ủy ban có thẩm quyền quyết định với hai vị khâm sứ là hồng y Wosley và Campeggio. Toà án Luân Đôn được triệu tập vào tháng 6 năm 1529 nhưng bà Catherine chỉ ra hầu tòa có một lần. Bà để cho Giám mục Fisher đứng ra biện hộ bênh vực và yêu cầu được xử án tại Rôma. Đức hồng y Campeggio hoãn việc phân xử cho tới tháng 10. Vua Henry VIII thấy vụ án bị kéo dài và có thể sẽ bị đưa về Rôma xét xử, ông liền lấy những quyết định quan trọng. Henry VIII giải nhiệm hồng y Wosley, bổ nhiệm một giáo dân thuộc nhóm Nhân Bản thay thế vào đó là ông Thomas More. (Ông dấn thân vào xã hội chính trị thời đại nhưng vẫn giữ tự do tinh thần đối với triều đình. Ông mạnh mẽ chống đối khi vua Henry VII có tham vọng làm chủ giáo hội ở Anh, và Thomas More từ chức. Năm 1535, ông bị xử trảm vì ông không nhìn nhận cuộc hôn nhân giữa nhà vua và Anne Boleyn. Trong tác phẩm Utopie = Lý tưởng quốc (= không ở một nơi nào) phát hành năm 1516, Thomas More đề nghị hình ảnh xã hội một kinh thành lý tưởng, với những tư tưởng dân chủ canh tân chỉ trích xã hội và tôn giáo thời đó, nhưng Thomas vẫn gắn bó sâu xa với giáo lý Công giáo. Theo ông, kinh thành lý tưởng có thể thực hiện tại trần thế. Nhà vua còn triệu tập quốc hội để cải cách những lạm dụng của giới giáo sĩ. Với những quyết định trên vua Henry VIII chủ đích bắt ép Đức giáo hoàng chấp nhận cuộc ly dị của ông. Để đạt tới mục đích trên Henry VIII lại được hai cố vấn mới là giáo dân Thomas Cromwell và giáo sĩ Thomas Cranmer. Cromwell là một nhà kinh tài nổi tiếng và ông đã giúp nhà vua bắt ép quốc hội cải cách hơn 70 luật lệ về kinh tế và trong đó có cả vấn đề ly dị của nhà vua. Cranmer thì sau cuộc ly khai với Rôma được nhà vua bổ nhiệm làm Tổng giám mục thành Canterbury.

Sau hai lần cuối cùng ép giáo triều Rôma phải chấp nhận ý của mình vào những năm 1530-1532 nhưng không thành công, Henry VIII quyết định ly khai với Giáo hội Công giáo vào năm 1533. Nhà vua đặt Thomas Cranmer làm Tổng giám mục và ông này triệu tập đưa vấn đề của nhà vua ra trước pháp lý của ông. Tháng 3 năm 1533 quốc hội chấp nhận quyền pháp lý của Toà giám mục Canterbury tức là lời kêu gọi của bà Catherine xin được xử án tại Rôma hoàn toàn vô hiệu hóa. Trong cùng một tháng quốc hội công bố cuộc hôn nhân của nhà vua với bà Catherine bị ngăn cấm bởi luật của Thiên Chúa. Tháng 5 năm 1533, Cranmer tuyên bố cuộc hôn nhân đó vô hiệu trước sự vắng mặt của hoàng hậu Catherine. Thật ra, nhà vua đã bí mật làm phép cưới với Anne Boleyn vào ngày 25 tháng 1 năm 1533 rồi. Sau lời Cranmer tuyên bố nhà vua mới chính thức làm lễ đăng quang cho Anne Boleyn chính thức làm hoàng hậu vào ngày 31 tháng 5 năm 1533. Tháng 9 cùng năm, Anne Boleyn sinh ra một con gái đặt tên là Elisabeth và được quyền kế vị ngôi vua.

Từ ly giáo đến Giáo Hội Anh (The Church of England).

Khi vừa mới ly khai, Henry VIII và quốc hội chưa đụng gì vào những tín điều Công giáo, vì vậy những người theo Henry VIII là ly giáo chứ không phải lạc giáo. Nhưng bắt đầu từ năm 1535, dưới ảnh hưởng của hai cố vấn Cromwell và Cranmer, ly giáo thực sự bắt đầu hội nhập những tư tưởng thần học của các nhà cải cách Tin lành:

- 1536: bắt đầu chiến dịch tịch thâu tài sản các tu viện. Cromwell giữ một vai trò quan trọng và quyết định.

- 1539: xuất bản Kinh Thánh trọn bộ bằng Anh ngữ do hai ông Tyndale và Coverdale dịch. Nhà vua vẫn luôn luôn có quyền tối thượng trên Giáo hội. Dù có những ảnh hưởng đến từ Tin lành nhưng cho đến khi qua đời, Henry VIII vẫn còn giữ những tín điều chính của Công Giáo.

Henry VIII qua đời để lại 3 người có quyền kế vị : Mary Tudor con gái của bà Catherine d'Aragon, Elisabeth con của Anne Boleyn và Edward VI con của Jane Seymour. Edward VI (1547-1553) mới 10 tuổi nhưng được chỉ định nối ngôi cha nhưng mọi quyền hành đều nằm trong tay ông cậu là Edward Seymour cũng là quận công Somerset. Ông này chịu ảnh hưởng cải cách thuộc hệ ông Calvin :

- 1548: Các tín hữu có quyền rước lễ dưới hai hình thức.

-1548-1549: Nghi thức phụng vụ hoàn toàn bằng Anh ngữ và cuốn Kinh Nguyện bằng Anh ngữ ra đời (Book of Common prayer). Bản đầu tiên do Cranmer và đồ đệ của ông soạn nhưng ông chưa dám đi quá xa theo cải cách Tin lành vì bị một số người bảo thủ kềm kẹp.

Mùa thu 1539, Somerset bị bá tước Warwick bắt giam và lên cầm quyền.

- 1552: ấn bản thứ hai sách Kinh Nguyện: từ ngữ "thánh lễ" không còn dùng tới nữa; bàn thờ được thay bằng bàn Hiệp thông...

- 1553: Quốc hội phê chuẩn 42 giáo điều nghiêng về phía Tin lành thuộc hai nhà cải cách Zwingli và Calvin hơn là Luther.

Tháng 7 năm 1553, Edward VI qua đời và Mary Tudor (1553-1558) lên thay. Bà này là con gái của Catherine d'Aragon nên muốn đưa nước Anh trở về với Giáo hội Công giáo. Bà kết án tử hình Warwick và tống giam Tổng giám mục Cranmer và hủy bỏ những luật lệ tôn giáo bị ảnh hưởng Tin lành dưới thời vua Edward VI. Lỗi lầm quan trọng nhất là Mary Tudor đã bách hại những người Tin Lành vào những năm 1554-1555. Thêm vào đó, cuộc hôn nhân giữa bà và vua Philippe II người Tây Ban Nha đã làm xích gần tư tưởng tinh thần quốc gia Anh quốc và Tin lành. Công giáo trở nên tôn giáo ngoại lai. Mary Tudor qua đời ngày 17 tháng 11 năm 1558 và Elisabeth tức là con gái của Anne Boleyn (1558-1603) lên thay. Chính dưới triều đại Elisabeth đệ nhất chúng ta mới thực sự thấy cuộc ly giáo dưới thời Henry VIII được cải cách thành Giáo Hội Anh.

-1563: bắt đầu soạn thảo 39 giáo điều và được quốc hội phê chuẩn năm 1571. Những giáo điều này là tôn chỉ cho Giáo Hội Anh cho đến ngày nay.

Giáo Hội Anh, Hiệp Thông Anh Giáo, The Episcopal Church

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 17, Giáo Hội Anh phát triển ra hải ngoại tại các nước thuộc địa của Anh như Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan và Nam Phi. Từ thế kỷ thứ 18, các nhà truyền giáo Anh còn mở rộng đến các nước Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh. Từ “Hiệp Thông Anh Giáo” (Anglican Communion hay vắn tắt là Anglican - Anh Giáo) ra đời. Thuật ngữ “The Episcopal Church” là tên chính thức của nhánh Anglican tại Hoa Kỳ.

Anh Giáo ngày nay

Chúng ta có thể tạm cho rằng Anh giáo mang nét phụng vụ ảnh hưởng Công giáo: những phẩm phục và nghi thức giống phụng vụ Công giáo. Mỗi giáo hội theo Hiệp thông Anh giáo đều có phụng vụ riêng, những điều căn bản được ghi chung trong cuốn Kinh Nguyện.

- Một phẩm trật trộn lẫn truyền thống Tin Lành theo hệ Luther, Công giáo và Chính Thống giáo : cấu trúc hàng giám mục giống Công giáo và Chính thống giáo; nguyên tắc độc lập của các Giáo hội theo Chính thống tức là mỗi Giáo hội đều tự trị và họ giữ mối liên kết thiêng liêng được gọi là "Hiệp thông Anh Giáo"; hệ thống tổ chức Công nghị như Tin Lành. Mỗi mười năm, Tổng giám Mục thành Canterbury (Thượng phụ Anh giáo tại Anh quốc) triệu tập tất cả các Giám mục Anh Giáo trên thế giới và được gọi là "Hội nghị Lambeth". Các Linh mục và Giám mục có quyền lập gia đình. Ngày nay, một số ít giáo hội Anh giáo cho phép phụ nữ được chịu chức linh mục

- Các tín điều theo xu hướng Tin lành hệ Calvin nhưng cũng có những truyền thống Công Giáo : Họ nhận đức tin tuyên xưng qua Tín biểu các Tông đồ và Kinh Tin Kính đến từ Công đồng Nicêa. Anh giáo còn nhìn nhận những quyết định của các Công đồng trước khi có sự ly khai giữa Công giáo và Chính thống giáo năm 1054. Họ nhìn nhận truyền thống các Giáo Phụ nhưng chỉ biết có hai bí tích do Chúa Giêsu thiết lập tức là Rửa tội và bữa Tiệc Ly. Anh giáo nhìn nhận những nghi thức khác của Công giáo và Chính thống giáo coi là bí tích. Họ cho những nghi thức đó có giá trị bí tích... Phụng vụ Chư Thánh rất gần với Công giáo và Chính thống giáo. Họ nhận sự tôn kính về Đức Mẹ nhưng điều này ít được khai triển trong Tu Đức cũng như thần học Anh giáo.

Ngày nay người ta phỏng chừng có khoảng 77 triệu tín đồ Anh giáo trên thế giới.

Các vấn đề gây chia rẽ mạnh mẽ trong giáo hội Anh Giáo là việc thiếu đường hướng luân lý chung, truyền chức cho phụ nữ, ly dị, và hôn nhân đồng tính. Trong số 800 giám mục Anh Giáo phái nam, 600 vị có vợ và 4 giám mục nữ trong số 11 vị có chồng. Nhiều linh mục Anh Giáo đã xin gia nhập giáo hội Công Giáo như một hình thức phản đối mạnh mẽ lập trường của giáo hội Anh Giáo về các vấn đề trên. Theo bản báo cáo của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Anh Giáo năm 2000, dù hàng ngàn nhà thờ Anh Giáo nằm trong danh sách chuẩn bị phát mãi, trong vòng 4 năm tới sẽ thiếu 600 linh mục coi sóc các giáo xứ. Con số linh mục hiện nay là 9,800 trên tổng số 77 triệu tín đồ (tỷ lệ 0.17 phần ngàn). Thời cực thịnh, Anh Giáo có đến 23,193 linh mục trên tổng số 23 triệu tín đồ (tỷ lệ 1 phần ngàn). Tỷ lệ linh mục đã giảm gần 6 lần bất chấp Anh Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ.

Biến cố bi đát gần đây nhất là việc Giáo Hội Anh Giáo ở Mỹ công khai phê chuẩn mục sư V. Gene Robinson, một người đồng tính, làm Giám Mục ở New Hampshire. Tin mới nhất cho biết, Giám Mục Anh Giáo tại giáo phận Pittsburgh, Robert W. Duncan Jr., đã gởi dự thảo nghị quyết ly khai hoàn toàn khỏi Anh Giáo tới các mục sư và các đại biểu hội đồng giáo xứ. Dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa ra biểu quyết vào ngày 21/09/2003 tới đây. Nếu được thông qua, thì khối gần 20,000 người Anh Giáo tại giáo phận Pittsburgh sẽ ly khai hoàn toàn khỏi Anh Giáo để chống lại việc phong giám mục cho mục sư V. Gene Robinson, một người cha có hai đứa con, đã ly dị và đang sống công khai với một người đồng tính trong suốt 13 năm qua. Việc ly khai này còn là để chống lại việc chúc phúc cho các đôi kết hợp đồng tính.

Giám Mục Anh Giáo Robert W. Duncan Jr. thuộc giáo phận Pittsburgh, Hoa Kỳ, người đã đưa ra dự thảo ly khai khỏi khối Anh Giáo với 77 triệu tín đồ, cho biết là ngoài giáo phận Pittsburgh, 19 giáo phận khác tại Hoa Kỳ cũng sẽ đi đến quyết định này. 20 Giám Mục Anh Giáo tại Hoa Kỳ đã tuyên bố "tình trạng mục vụ khẩn cấp" trong Giáo Hội Anh Giáo và đòi triệu tập phiên họp khẩn cấp để giải quyết những dị biệt. Nhóm 20 Giám Mục này sẽ có cuộc họp tại Plano, Texas trong hai ngày 7 và 9/10/2003 để gây áp lực với Tổng Giám Mục thành Canterbury, Rowan William, người đứng đầu Anh Giáo thế giới.