Ngày 12-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/09: Con mắt là cửa ngỏ tâm hồn – Lm. Gioan Baotixita Đặng Nhật Trường, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
01:04 12/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:19 12/09/2024

33. Lời cầu nguyện của người công chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng, khi lời cầu nguyện lên cao thì ân sủng của Thiên Chúa cũng được giáng xuống.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:24 12/09/2024
58. NGHỊCH RẮN NÓI LỜI CŨ

Trong nước Ngô có một người gia cảnh rất nghèo khổ, thường lấy việc nghịch rắn làm kế sinh nhai.

Đứa con lớn đi xin cơm, đứa thứ hai đi câu ếch, đứa con thứ ba thì múa hát trước mặt khách để ăn xin.

Người này lúc về già thì gia sản mới từ từ giàu lên.

Một ngày nọ ông ta tập họp người nhà lại, nói:

- “Gia đình của chúng ta vốn là nghèo mà hôm nay có của ăn của để, do đó mà con cháu chúng ta cần phải được học hành để có thể làm cho gia đình được vinh dự”.

Thế là đi mời thầy đến nhà dạy cho ba đứa con trai học.

Một năm sau, thầy giáo thường ca ngợi việc học của học trò ngày càng tấn tới, ông già bèn giao hẹn với bạn bè thân hữu và mời một nho sinh nổi tiếng trong vùng đến chấm thi.

Thầy nho dùng câu đối để khảo thí đứa con thứ ba:

- “Bông liễu bay lộn xộn”.

Đứa con thứ ba đối lại:

- “Hoa sen rơi lác đác”.

Lại khảo đứa con thứ hai:

- “Cành hạnh đỏ trên đầu bướm bay lộn xộn”.

Đứa con thứ hai đối lạ:

- “Dưới cây dương xanh câu ếch”.

Sau cùng thì khảo đứa con lớn:

- “Cửu trùng điện hạ, thẳng tắp hai hàng văn võ quan viên”.

Đứa con cả đối lại:

- “Nơi ngã tư đường, bố mẹ kêu mấy tiếng ăn với mặc”.

Ông bố già nghe được rất là tức giận, chửi mắng con trai:

- “Câu đối của tụi bây, chẳng khác gì tao hồi trước ở nhà nghịch rắn nói vậy mà !”

(Quyền Tử)

Suy tư 58:

Con người ta khi nghèo khó thì hình như cái khôn cũng khó mà phát triển, bởi vì “cái khó bó cái khôn”, nhưng đến khi giàu có ra thì lại học đòi làm sang quá mức hơn cả cái khôn, do đó mà trở nên trò cười cho thiên hạ.

Có người bán được vài sào ruộng được vài trăm cây vàng liền học làm sang, mua xe đời mới để chạy, ăn chơi hơn cả những người giàu có, đến khi giựt mình ngó lại thì đã tiêu hết bạc hết tiền, trở lại cảnh nghèo hơn trước đây; có người trúng vài áp phe tiền bạc rủng rỉnh, nên cũng đua đòi ăn chơi như những tay chơi thứ thiệt, đến khi thất cơ lỡ vận thì con cái cũng bắt nghỉ học để làm việc kiếm tiền...

Nhà nghèo mà trở thành nhà giàu, thì lời trước tiên phải nói là cám ơn Thiên Chúa, việc thứ hai phải nhớ mãi mãi đó là mình vốn là con nhà nghèo, việc thứ ba phải làm là dùng đồng tiền cho đúng chỗ, việc thứ tư phải suy nghĩ là nhớ đến những người nghèo mà giúp đỡ họ, việc thứ năm phải có là luôn khiêm tốn thấy mình chỉ là người may mắn mà thôi...

Làm được như thế thì đó là một điều may mắn cho gia đình và cho xã hội vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Đường Yêu Thương
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
03:01 12/09/2024
ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
(Chúa Nhật XXIV TN B)

Vì chúng ta, Chúa Kitô đã chịu khổ hình thập giá. Chúa đón nhận thập giá là để nhân loại chúng ta được thứ tha tội lỗi, được giải hòa với Chúa Cha. Nếu Chúa Kitô vác thập giá là để nhân loại chúng ta được hạnh phúc, vậy thì cớ sao Người lại khẳng định rằng ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo? (x.Mc 8,34). Vác thập giá là chấp nhận hy sinh, bỏ mình, chấp nhận cả những bất công, nhục hình. Nhiều người Macxit cũng như một vài triết gia thế kỷ ánh sáng đã vin vào điều này để kết án Kitô giáo là một loại thuốc phiện ru ngủ đám đông dân cùng khổ cam chịu cảnh bất công đàn áp với niềm hy vọng sẽ được hưởng phần phúc sau này và thế là đã tạo cớ cho bất công ngự trị, tạo dịp cho kẻ thống trị bốc lột, đàn áp dân nghèo.

Trước hết cần khẳng định rằng khi mời gọi chúng ta, mời gọi dân chúng hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo, thì Chúa Giêsu không hề và không bao giờ muốn chúng ta cúi mình cam chịu cảnh khổ, chịu cảnh bất công cách tiêu cực, làm cớ cho những người bóc lột những kẻ gian ác lợi dụng để vinh thân phì da và ngụp lặn trong tội ác của họ. Việc tìm sự sung sướng hay hạnh phúc trong chính sự đau khổ là điều lệch lạc mà ngày nay người ta gọi đó là một dạng tâm bệnh, bệnh khổ dâm. Một điều chắc chắn không kém: nếu là người cha thực sự thì không bao giờ muốn con cái phải khổ đau. Chúa Giêsu đã từng nói rằng dù chỉ là người cha trần thế với nhiều khiếm khuyết, thế mà sự thường khi con cái xin bánh thì chẳng ai lại ném cho chúng hòn đá. Thiên Chúa là người Cha trên mọi người cha, là Đấng trọn hảo nên Người chỉ muốn và làm điều tốt lành cho con cái (x.Lc 11,9-13; 12,32).

“Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Đây là tình yêu hướng tha từ trong bản thể của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đã thông chia tình yêu này cho các loài thụ tạo, đặc biệt cho loài người. Rất nhiều triết gia đã đồng thuận về một ý nghĩa của sự hiện hữu là “hiện hữu cho” nơi các loài. Chẳng hạn đất đai khoáng sản có ra là cho thảo mộc cỏ cây; cỏ cây thảo mộc có ra là cho động vật… Yêu thương đích thực thì không sống cho chính mình mà sống cho ai đó và vì ai đó. Chính khi hướng đến tha thể là lúc ta mới thực sự là mình. Chúa Cha thực sự là mình trong tương quan với Chúa Con, trao ban tất cả cho Chúa Con. Chúa Con thực sự là mình khi luôn hướng về Chúa Cha, tìm kiếm và thực hiện ý Chúa Cha, trao dâng tất cả cho Chúa Cha. Chúa Thánh Thần chỉ thực sự là Tình Yêu Ngôi Vị giữa Chúa Cha và Chúa Con khi luôn tìm vinh danh hai Ngôi cực trọng ấy.

Sống trong tương quan liên vị và ra khỏi chính mình là động thái từ bỏ mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh khi khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Như thế thập giá hay những hy sinh, từ bỏ không phải là sự khổ đau mà chúng ta đành phải trả giá theo nghĩa tiêu cực nhưng chính là điều kiện mà chúng ta phải vượt qua trong tiến trình sống yêu thương, tiến trình thể hiện bản thân mình, vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu.

Hình ảnh con nhộng lột xác để hóa thành bướm, hình ảnh con rắn lột vỏ để lớn lên vẫn thường được nhiều người gợi lên để minh họa cho ý tưởng này. Mọi so sánh dù cố nhắm làm rõ một khái niệm nào đó, nhưng ít nhiều còn khập khiễng. Lột xác để thành bướm hay lột vỏ để lớn lên thì vẫn có cái gì đó vì chính mình. Trong khi đó chuyện vác thập giá là vì tha nhân. Chúa Giêsu vác thập giá là vì chúng ta. Người chịu khổ hình là để chúng ta được cứu độ, được tự do trong tình con với Cha trên trời. Người tự nguyện nên nghèo khó là để chúng ta nên sang giàu. Và khi sống vì chúng ta, thì Người thể hiện chính Người là Giêsu, Đấng Cứu Độ, là Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu, loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, giải thoát kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (x.Lc 4,18-19).

“Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Một trong những hành động để làm sống đức tin theo thánh Giacôbê tông đồ chỉ dạy đó là yêu thương tha nhân cách cụ thể và toàn diện, cả linh hồn lẫn thể xác. Để sống yêu thương thì chuyện vác thập giá là chuyện đương nhiên phải có. Tuy nhiên cần ý thức rằng chúng ta vác thập giá là vì tha nhân, nghĩa là để cho tha nhân được hạnh phúc, cho người nghèo khỏi cảnh khổ, cho người bị áp bức được tự do, cho người tội lỗi biết sám hối ăn năn, cho người gian ác biết quay gót trở về… Hiểu được điều này thì hy vọng chúng ta sẽ biết cách thế vác thập giá như thế nào để thực sự là theo Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là làm cớ cho sự dữ thống trị, làm cớ cho kẻ gian ác thích chí, cười khì.

Nhiều chí sĩ Do Thái thời Chúa Giêsu đã sẵn sàng chấp nhận án hình thập giá vì một nền độc lập tự do cho dân tộc. Vì sự tự do đích thực để con người có thể đến với Đấng Toàn Năng, Người Cha nhân ái như là những người con thì Chúa Giêsu chấp nhận trả giá bằng khổ hình thập tự. Sự tự do không bao giờ là miễn phí cả (freedom never free). Cái giá của sự tự do không hề nhỏ. Trái lại nếu ta cứ mãi cam chịu cảnh đời nô lệ hoặc nô lệ hóa tha nhân cách này thể khác, kể những cách thế sống đức tin kiểu vụ luật, thảy đều là trọng tội đáng trách, có khi là đáng lên án vậy.

Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một Thông điệp tuyệt vời: Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy thúc đẩy lợi ích chung cho mọi dân tộc và mọi quốc gia
Thanh Quảng sdb
01:40 12/09/2024
Một Thông điệp tuyệt vời: Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy thúc đẩy lợi ích chung cho mọi dân tộc và mọi quốc gia

Thanh Quảng - (Tin Vatican - Linda Bordoni)

Lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Phanxicô nhằm kiến tạo các điều kiện cho một thế giới công bằng và huynh đệ, đã vang vọng trong toàn bộ chuyến tông du đến Châu Đại Dương và Đông Nam Á.

Từ Dili đến Singapore. Thật là một khác biệt văn hóa. Thật là một trải nghiệm sâu sắc khi được chạm vào hai thực tại của thế giới ngày càng phân cực của chúng ta, được đánh dấu bằng sự bất công, bất bình đẳng, mà như Đức Phanxicô không ngừng nhắc nhở chúng ta, dẫn đến hiện tượng di cư cưỡng bức, bóc lột, hận thù và xung đột.

Trong trạm dừng chân cuối cùng ở Singapore, một trong những trung tâm thương mại, kinh tế và tài chính giàu có bậc nhất thế giới, chúng ta đã đạt những trải nghiệm khác biệt, khi gặp gỡ dân chúng Indonesia, những người đang cố gắng giữ gìn cấu trúc xã hội rất mong manh của một quốc gia cực kỳ đa dạng; với những người dân gần như bị lãng quên ở những vùng xa xôi của đảo quốc Papua New Guinea, nơi nhiều người vẫn sống trong cảnh không có điện hoặc nước sạch; và với người dân Timor-Leste, những người đang đấu tranh để vượt qua nhiều thập kỷ bị thực dân hóa, bị xâm lược và đói nghèo.

Hành trình của chuyến đi đã nêu bật một cách mạnh mẽ rất nhiều vấn đề mà Đức Giáo Hoàng tiếp tục đưa ra trước diễn đàn quốc tế với sự cấp bách của một người có thể cảm thấy rằng thời gian đang cấp thiết...

Tại quốc gia Indonesia, đa nguyên và đa dạng, ĐTC nhấn mạnh đến nhu cầu cam kết bền vững để tiếp tục thúc đẩy và duy trì đối thoại liên tôn nhằm chống lại những xung đột và chia rẽ.

Tại Papua New Guinea xa xôi, nơi mực nước biển dâng cao ngày càng đe dọa nhậm chìm ngôi nhà của các nữ tu truyền giáo, ngài đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để cùng nhau bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Tại quốc gia non trẻ Timor-Leste, nơi 60 phần trăm dân số dưới 35 tuổi, ĐTC nhấn mạnh đến nhu cầu chuyển giao quyền cho những người trẻ và cung cấp cho họ các công cụ để xây dựng một tương lai hòa bình.

Còn Singapore thì sao? Vâng, Đức Giáo Hoàng nhận xét, thực tế là Singapore có "quyền tiếp cận vốn, công nghệ và nhân tài" đưa nước này lên hàng đầu trong sự phát triển bền vững và các giải pháp sáng tạo, có nghĩa là nước này có trách nhiệm tiếp tục làm việc "vì lợi ích cho nhân loại và lợi ích chung của tất cả mọi người và mọi quốc gia".

Tuy nhiên, ĐTC cảnh báo, “theo cách không loại trừ người khác hoặc không chỉ giới hạn vào lợi ích một quốc gia”.

Có lẽ đây chính là chìa khóa khi chúng ta cố gắng xây dựng vô số thông điệp và ấn tượng về chuyến tông du sắp kết thúc: những người có phương tiện, như Singapore, “một ví dụ điển hình về những gì nhân loại có thể đạt được bằng cách cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp”, ngày càng được kêu gọi cấp bách hơn để làm như vậy với “tinh thần bao trùm và tình anh em”, khi mọi người nam nữ trên toàn cầu cùng nỗ lực “xây dựng một thế giới mà lợi ích chung được coi trọng” - trước khi mọi sự muộn màng!...
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ giới trẻ Đông Timor. Lưu luyến chia tay
VietCatholic Media
02:00 12/09/2024