Ngày 23-07-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 24/07: Hoa trái của Lời Chúa – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:16 23/07/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:59 23/07/2024

28. Mặc dù chiến tranh không chấm dứt, nhưng chúng ta cũng không nên ngừng nghỉ cầu cứu lòng nhân từ của Thiên Chúa.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:02 23/07/2024
14. CHA CON CỦA CẬN LÃO

Ở nước Đan có ông đồ Cận Các đã già và có một con trai không thích cầu tiến, mà đứa con của con trai này thì lại thi đổ khoa cử có tên trên bảng vàng.

Một lần nọ, Cận Các già trách cứ con trai là không giống cháu nội, đứa con liền nói:

- “Phụ thân của cha không giống phụ thân của con, con trai của cha không giống con trai của con, thì con có gì là không giống chứ?”

Ông lão Cận Các cười lớn, từ đó về sau không trách cứ con trai nữa.

Suy tư 14:

Cái vòng lẫn quẫn là ở đó, trách người thì phải trách mình trước, bằng không thì sẽ trở thành “gậy ông đập lưng ông.”

Có một vài linh mục lên tòa giảng to tiếng là giáo dân không chịu học nơi cha sở của mình, nhưng lại bị giáo dân nói to nói nhỏ với nhau là cha sở có hay ho gì đâu mà học, vì ngài cũng thích ăn thích nhậu, vì ngài cũng thích tranh giành quyền lực, vì ngài cũng thích đấu tranh để đựoc ở chỗ sung sướng hơn...

Dù là bậc thánh đang sống ở trần gian thì các ngài cũng không bao giờ bắt giáo dân phải học hỏi các ngài, nhưng các ngài luôn dạy giáo dân phải học nơi Đức Chúa Giê-su và các thánh trên thiên đàng, là những gương lành thánh thiện như khiêm tốn, hiền lành và bác ái.

Cha trách con không cầu tiến, con trách cha không dạy con nên người, đều là những lời cáo buộc trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét trước bàn dân thiên hạ.

Khủng khiếp lắm chứ không phải chuyện chơi !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Bánh đích thực của loài người
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:14 23/07/2024
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,1-15

1 Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ ốm đau. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết là mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” 10 Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát cũng như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị Ngôn Sứ, Đấng phải đến thế gian !” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.



BÁNH ĐÍCH THỰC CỦA LOÀI NGƯỜI

“Đi lễ cho lắm, có được thêm cơm gạo gì không nào? Chỉ tổ mất thời giờ sản xuất ! Đúng là kẻ mê tín ngu muội !” Một ông cán bộ vô thần mỉa mai cô thiếu nữ ngày nào cũng đến thánh đường ngang qua nhà ông. “Thưa ông, nếu Chúa của tôi hôm nào cũng phát cho tôi lương thực khi tôi dự lễ để tôi khỏi phải lao động, vị Chúa đó chẳng đáng cho tôi tôn thờ !” - “Sao lạ vậy?” - “Vì làm như thế là ông ấy dùng vật chất mua chuộc tình cảm của tôi ! Kiểu đó đáng khinh lắm !” - “Thế thì vì lẽ gì mà cô thờ ông ấy? Cô được cái lợi nào khi dự lễ?” - “Tôi thờ Người, trước hết vì Người đã cho tôi sinh ra làm con người chứ không phải con vật, thứ đến vì Người đã ban cho tôi bàn tay và khối óc để chế biến những nguyên liệu là đất đai, hạt giống mà Người đang tặng cho tôi cũng như cho ông trong thiên nhiên; tôi thờ Người vì Người đã làm cho cuộc sống tôi có ý nghĩa, ý nghĩa đó là yêu thương phục vụ, vì Người đã hứa hẹn cho tôi được sống mãi với Người. Mỗi lần đến dự lễ là tôi được thêm sức mạnh để đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống, các khủng hoảng trong tâm hồn, nhất là được lòng quảng đại để tha thứ cho sự lăng mạ của ông !”

Câu chuyện trên đây dẫn ta đi vào chủ đề của bản văn Tin Mừng sắp suy niệm, bản văn mở đầu Gio-an chương 6. Chương này làm nên một trong những mạc khải sâu xa nhất về Đức Giê-su, đồng thời cho thấy việc lựa chọn đức tin đã được đặt ra cho con người như thế nào.

1. Một mạc khải về Đức Giê-su

Việc hóa bánh ra nhiều xảy ra trong một bối cảnh Vượt Qua : “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái” : y như dấu chỉ đầu hết Đức Giê-su đã thực hiện (Ga 2,11), dấu chỉ này loan báo lễ Vượt Qua đích thực, cuộc vượt qua đích thực, cuộc vượt qua của Đức Giê-su về cùng Cha Người, lúc mà Người sẽ đặc biệt trao hiến thân mình, Bánh đích thật phát sinh sự sống (x. 13,1) trong một phép lạ trường cửu vượt hẳn phép lạ bánh thời Xuất hành là phép lạ man-na.

Như đã nói trên, mọi chi tiết trong bản văn đều xoay quanh Đức Giê-su nhằm mạc khải thật sâu về Người. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chính các môn đồ lưu ý Đức Giê-su là dân chúng không có gì để ăn. Ở đây, sáng kiến thuộc về Người hoàn toàn : chính Người lo lắng thức ăn cho họ. Mẩu đối thoại với Phi-líp-phê cũng như lời can thiệp của An-rê cố ý nêu bật sự bất lực của phàm nhân trong việc giải quyết vấn đề đang xảy tới và càng cho ta hiểu ơn cứu độ là từ Thiên Chúa phát xuất ra. Cũng trong Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đồ phân phát bánh và cá; ở đây chính Đức Giê-su thực hiện việc này. Gio-an như muốn nói : việc Người đang làm không chỉ là một phép lạ mà còn là dấu chỉ của một thực tại quan trọng : để nhân loại được sống, Người sẽ ban không chỉ những lời nghe được từ Chúa Cha, mà cả chính bản thân Người qua cái chết nữa. Điều này còn quý trọng hơn những tấm bánh nhân bội lạ lùng.

Thành thử bản văn đậm mầu sắc Thánh Thể. Lời lẽ của trình thuật (“Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn”) chính là những lời cộng đoàn Gio-an vẫn thường nghe trong buổi cử hành Thánh Thể. Cử chỉ “phân phát bánh” của Người gợi nhớ cùng cử chỉ như vậy trong bữa Tiệc ly. Lệnh truyền “thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” ngụ ý cho thấy Đức Giê-su mở ra một thời đại ân huệ dư đầy ban trong bí tích Thánh Thể. Nó cũng làm ta nghĩ đến sự lo lắng của Giáo hội sơ khai trong việc thu thập những mẩu bánh Thánh Thể còn dư thừa (thời ấy chưa dùng loại bánh nhỏ, tròn, mỏng như ngày nay). Cuối cùng, việc ấy muốn ám chỉ Thánh Thể như bí tích tưởng niệm việc Đức Giê-su chịu chết “để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52). Sách Đi-đa-kê (Didaché 9,4) sẽ lấy chính chiếc bánh làm biểu tượng cho sự hiệp nhất nầy : “Như chiếc bánh bẻ ra trước tiên vương vãi trên các núi đồi, rồi thu góp lại thành một, thì ước gì Giáo hội cũng được tụ tập từ khắp nơi về trong Vương quốc của Ngài như thế”.

Tóm lại, trình thuật Gio-an rõ ràng tập trung tất cả chú ý vào Đức Giê-su. Phép lạ nhằm mục đích mạc khải Người hơn là nhằm mục đích nuôi dân chúng. Đức Giê-su chẳng nhắm bày tỏ lòng thương xót của Người đối với đám đông đang đói thể xác cho bằng mạc khải bản thân đích thực của mình như thứ Bánh thỏa mãn một cơn đói sâu xa hơn hẳn. Vì thế Gio-an đã đẩy các môn đệ lui vào hậu cảnh, để tất cả câu chuyện xoay quanh con người toàn năng là Đức Giê-su, Đấng lèo lái các biến cố và làm cho các biến cố có ý nghĩa. Ý nghĩa của phép lạ hóa bánh ra nhiều -cũng như của tất cả mọi dấu chỉ khác do Đức Giê-su thực hiện- thành thử phải được nghiên cứu trong chiều hướng Ki-tô học căn bản nói trên.

2. Một chọn lựa cho con người

Người Do-thái đã từng trông mong là vào thời Đấng Mê-si-a, phép lạ man-na sẽ được tái diễn. Vì thế khi Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều, một dấu lạ thật vĩ đại, dân chúng liền xem Người là “vị Ngôn Sứ, Đấng phải đến trong thế gian”. Họ muốn “bắt Người để tôn làm vua” nhưng Đức Giê-su “lại lánh mặt, đi lên núi một mình”. Đây là một chi tiết lịch sử hoàn toàn tin được. Vì trong xứ Pa-lét-tin bấy giờ, niềm hy vọng thiên sai từng gây nên nhiều cuộc khởi nghĩa chính trị thường bị người Rô-ma đàn áp dã man. Đức Giê-su muốn phòng ngừa một ngộ nhận như thế. Ngoài ra, ta còn luôn thấy Người giữ mình khỏi mọi thỏa hiệp mờ ám với nhóm Nhiệt thành (Quá khích) suốt cả Tin Mừng Gio-an, nhưng điều đó cũng sẽ không làm Người tránh khỏi bị kết án công khai như một kẻ trong bọn họ.

Khi gặp lại dân chúng ở phía bên kia Biển Hồ, Đức Giê-su phải giải thích nhiều để họ hiểu rằng sự sống Người đến để ban cho họ không phải là chuyện ăn uống sinh sống ở đời mà là sự sống vĩnh cửu. Bánh Người phân phát cho họ hôm ấy chỉ là thứ của ăn mau hư nát. Thực ra, đó chính là dấu chỉ của một lương thực khác, thứ lương thực “trường tồn đem lại phúc trường sinh” (6,27) mà họ phải “lao công” để có cho được. Phải có được sự tỉnh táo của Đức Giê-su và một lựa chọn đức tin đúng đắn thì những dấu lạ Người làm cho nhân loài mới không bị thu hẹp vào vấn đề chỉ tìm thỏa mãn những nhu cầu trần thế vật chất. Sứ mệnh Chúa Cha đã trao phó cho Người là sứ mệnh thiêng liêng. Giải pháp Người mang đến cho chúng ta không nằm trên bình diện kinh tế, chính trị, xã hội, dẫu sẽ tác động sâu xa lên các lãnh vực này.

Chúng ta cũng dễ gặp phải cơn cám dỗ như đám đông trong bài Tin Mừng, cơn cám dỗ thích thu hẹp lại các vấn đề của xã hội và nhân sinh. Những nhu cầu cấp bách đang dằn vặt con người khiến chúng ta phải trăn trở. Chúng ta đành phải dấn thân như Đức Giê-su để cố gắng thỏa mãn. Thái độ dấn thân nầy là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn con cái Người được hạnh phúc. Ta không thể vô tình trước bệnh tật, đói khát, đàn áp, bất công. Ta phải không ngừng mở rộng con tim, không ngừng bắt tay vào việc chia sẻ và xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ. Việc làm này nằm trong sứ mệnh của ta. Nhưng đồng thời cũng phải tỉnh thức để không thu hẹp tầm nhìn vào những nhu cầu vật chất, không chỉ say sưa khao khát cho công việc xã hội thành tựu, hoặc ngây ngất trước sự vĩ đại của chương trình phát triển kinh tế đang làm. Phải mở mắt nhìn vào một nhu cầu khác kín đáo hơn, sâu xa hơn : đó chính là sự sống vĩnh cửu. Chỉ sự sống ấy mới khiến thế nhân được phỉ chí toại lòng. Con người đâu có lấy làm đủ khi ăn uống no nê, thỏa mãn thể xác ! Đây là một thế quân bình khó giữ. Chúng ta vừa phải là những con người mang lại cơm no áo ấm, tự do nhân quyền, vừa phải là những con người đem đến Thánh Thể cho nhân loại.
 
Đất trũng
Lm. Minh Anh
15:14 23/07/2024
ĐẤT TRŨNG

“Có hạt được một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi!”.

“Chúa ở khắp mọi nơi; tuy nhiên, Ngài không muốn bạn tìm Ngài ở mọi nơi mà ‘chỉ trong Lời’. Tiếp cận Lời, bạn sẽ ‘gặp Ngài ở khắp mọi nơi!’. Hãy tìm Ngài trong Lời; nhưng trước hết, tâm hồn bạn phải là mảnh đất giàu, mà đất giàu, thường là đất trũng!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tâm hồn bạn phải là mảnh đất giàu, mà đất giàu, thường là ‘đất trũng!’”. Lưu ý trên được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Như ‘đất trũng’, nơi đầy ắp phù sa, có nhiều cơ may cho hạt giống phát triển; cũng thế, nơi một tâm hồn trũng, Lời Chúa có nhiều cơ hội sinh hoa kết trái. Được như thế, khi mùa về, sẽ có “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi!”.

Chúa Giêsu đang nói đến mảnh đất tâm hồn; qua đó, chúng ta nghe, hiểu, chấp nhận và chọn làm theo thánh ý Ngài. Chỉ khi chăm chú vào Lời, chúng ta mới có thể nắm bắt được ý muốn của Chúa, “Đấng ở khắp mọi nơi”. Nhưng thật không dễ để tâm hồn là một mảnh đất giàu; bởi lẽ, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực vun xới, tưới tiêu. Vậy phải làm thế nào?

Một trong những quan trọng bậc nhất để có một mảnh đất giàu cho tâm hồn là chúng ta phải khiêm tốn. Khiêm tốn, trước hết, là nhìn thấy sự thật chúng ta là ai, một tội nhân! Tiếp đến, thấy được sự cấp thiết của ân sủng! Tâm hồn khiêm tốn thừa nhận sẽ bất lực nếu không có ân sủng. Thế mà như phù sa chỉ đọng lại vùng trũng; ân sủng Chúa cũng chỉ lưu lại nơi những tâm hồn trũng vốn sẽ lệ thuộc tuyệt đối vào Chúa. Chỉ khi đó, ân sủng mới có khả năng thấm vào cuộc sống chúng ta; từ đó, chảy tràn cho người khác.

Bài đọc Cựu Ước cho thấy tiến trình của dòng chảy ân sủng nơi Giêrêmia, một đại ngôn sứ. Chúa phán, “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Và tôi thưa, “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Tâm hồn Giêrêmia quả là vùng ‘đất trũng!’. Từ con người đó, Thiên Chúa sẽ nói, sẽ làm những việc cả thể. Và Giêrêmia đã mềm mỏng thưa lên, “Lạy Chúa, miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Có hạt được một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi!”. Đức Phanxicô nói, “Lời đã hiện diện trong tâm hồn chúng ta rồi, nhưng việc làm cho nó sinh hoa kết trái còn tuỳ thuộc vào chúng ta; nó tuỳ thuộc vào sự ôm ấp mà chúng ta dành cho hạt giống này. Thường thì người ta bị phân tâm bởi quá nhiều nhu cầu, quá nhiều cám dỗ và thật khó để phân biệt giữa nhiều tiếng nói và Lời của Chúa, Đấng duy nhất giải phóng chúng ta. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải tập thói quen lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa. Và tôi xin trở lại một lần nữa với lời khuyên đó: “Hãy luôn mang theo một bản Phúc Âm tiện dụng bên mình, một ấn bản bỏ túi, trong túi, trong ví… và sau đó, hãy đọc một đoạn ngắn mỗi ngày, để quen dần với nó!”. Hãy đọc, hiểu rõ hạt giống Chúa ban cho bạn và suy nghĩ xem bạn sẽ nhận được nó từ loại đất nào, đất giàu, ‘đất trũng’ hay bụi mâm xôi?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ân sủng Chúa trôi đi và hạt Lời nơi con chỉ làm mồi cho lũ sẻ. Ngay hôm nay, con sẽ chọn cho mình một cuốn Phúc Âm bỏ túi, giúp con yêu mến, đọc và thẩm thấu Lời mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Không Thể
Lm Vũđình Tường
20:22 23/07/2024
Có những việc dễ với bạn nhưng lại khó với tôi. Có những việc dễ với tôi nhưng lại khó với bạn. Có những việc dễ cho cả bạn lẫn tôi. Lại có những việc khó cho cả bạn lẫn tôi. Lại có những việc cực khó cho toàn thể nhân loại, không ai làm được, trừ một mình Thiên Chúa. Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này nói về cái giới hạn của con người trần thế. Những gì con người cho là không thể, đối với Chúa lại có thể. Khi biết tôi không thể là tôi biết khả năng tôi có giới hạn; tài vắn, vai hẹp, trí nhỏ của chính mình. Điều tôi không thể làm; người khác lại có thể. Điều này có nghĩa là mỗi người có khả năng trời ban khác nhau; kẻ nhiều, người ít; kẻ khả năng này, người tài năng nọ, để cùng hỗ trợ, giúp nhau làm cho cuộc sống xinh đẹp hơn. Con người có thể làm được nhiều việc kì diệu; bên cạnh đó con người có rất nhiều hạn chế. Bệnh trong tôi mà tôi không hay, cần bác sĩ chuẩn bệnh; tôi cần học để tiến thân; tôi loay hoay tìm hiểu chính mình. Ai lái xe không có lần mất hướng. Ai nhớ hết tên người mình đã gặp qua. Làm sao nhớ hết tên sao trời.

Biết được điều tôi không thể, không đủ khả năng là ơn khôn ngoan, bởi nhận biết cái giới hạn của mình. Khi Đức Kitô nói với Philip nuôi năm ngàn người ăn. Câu trả lời của Philip là 'con không thể'. Dù có tiền ông cũng chỉ có thể mua cho mỗi người được một vài miếng bánh nhỏ, như thế thấm vào đâu; nói chi đến ăn no. Nuôi cho ăn no trong hoàn cảnh này là điều ông không thể. Nơi đồng hoang, cỏ dại, chốn phố nhỏ, nhà thưa, lác đác thì dù có tiền cũng không mua đủ thực phẩm nuôi đám đông. Philip cho biết không phải riêng ông không thể mà ngay cả toàn dân phố ven biển phụ giúp nuôi ăn đám đông cũng là điều không thể. Philip nhận biết cái khả năng hạn hẹp của chính mình và cái khả năng hạn hẹp, nói chung của con người. Ông Andre cùng tư tưởng nói. Có một em bé mang theo năm tấm bánh và hai con cá, bấy nhiêu chỉ đủ cho riêng em.

Đức Kitô biến năm tấm bánh và hai con cá thành thực phẩm nuôi no đoàn dân. Em bé đóng góp phần ăn riêng mình cho đám đông. Một mình em không thể; nhưng có thể khi em trao bánh vào tay Đức Kitô. Qua Ngài, Đức Kitô nuôi cả đám đông. Sống tinh thần bác ái, tương trợ, nâng đỡ nhau là điều Đức Kitô cổ võ. Trước khi phát bánh, Đức Kitô dâng lời tạ ơn Chúa Cha rồi sai môn đệ phân phát cho đám đông. Tạ ơn Chúa là điều Kitô hữu cần thực hiện mỗi khi ta ăn uống. Trao quyền phát bánh cho đám đông, kêu gọi họ ngồi thành nhóm 50, và thu nhặt bánh dư thừa trên cỏ, Đức Kitô xác nhận tông đồ là môn đệ Đức Kitô, họ được thông phần cộng tác vào công việc hướng dẫn, giải thích, và nuôi đám đông. Số bánh dư thừa nhặt lại được 12 thúng đầy. Điều này cho biết Đức Kitô dự liệu nuôi năm ngàn người ăn no, và còn dự liệu chính xác cho mỗi vị tông đồ một thúng đầy bánh dư. Ơn Chúa ban chan hoà, dư thừa. Dư đến độ người ta phí phạm. Điều này nói lên cái 'dại khờ chung' của con người trần thế khi xử dụng ơn Chúa. Thiếu thì mong mỏi, cầu xin; có ơn Chúa lại dùng sai mục đích. Cho bánh đi, em bé vẫn không thiếu. Không ai cần mua mà vẫn có bánh ăn. Nhận ơn Chúa; cần phải cám ơn Chúa là điều cần luôn nhớ.

Giả như không có bánh và cá của em bé, Đức Kitô vẫn có thể nuôi đám đông bằng phép lạ khác. Khi làm phép lạ nhãn tiền nuôi đám đông ăn, Đức Kitô cho biết tình yêu Chúa không giới hạn. Xưa kia, trên đường về Đất hứa, nơi samạc, Chúa ban manna từ trời xuống nuôi đoàn lữ hành. Vâng lời Đức Kitô, chỉ một mẻ lưới môn đệ có đầy thuyền cá hảo hạng. Từ phép lạ hoá bánh ra nhiểu, Đức Kitô dẫn ta đến bữa Tiệc Li. Đức Kitô Lập Bí Tích Thánh Thể nuôi linh hồn Kitô hữu. Mình, Máu Thánh Đức Kitô thể hiện trên bàn tiệc Thánh mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, truyền phép Thánh Thể.

Việc Chúa làm trí ta không thể hiểu. Tình yêu Chúa cao vời khôn sánh. Một Lời Chúa phán ra thể hiện điều toàn thể nhân loại không thể làm được. Tình yêu thương không bến bờ này thể hiện qua Bí Tích Thánh Thể. Thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô không nuôi Kitô hữu bằng bánh, hoa mầu của ruộng đất; không nuôi ta bằng cá, hải sản của biển khơi; Đức Kitô nuôi Kitô hữu bằng chính thân thể mình: Mình thật, Máu thật của chính Đức Kitô.

Tôn kính Bí Tích Thánh Thể là tôn kính Mình và Máu cực thánh Đức Kitô- tình yêu Ngài dành cho Kitô hữu.

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Hội Thánh Thể Tạo Cơ Hội Cho Người Công Giáo Nhìn Chính Trị Khác Đi
Vũ Văn An
15:01 23/07/2024

Hàng chục ngàn tín hữu tôn thờ Chúa Kitô tại Sân vận động Lucas Oil vào Ngày thứ 2 của Đại hội Thánh Thể Toàn quốc. (ảnh: Jeffrey Bruno)


Trong Bí tích Thánh Thể, Giáo hội có ‘niềm hy vọng mà nhiều người Mỹ đang khao khát’.

Jonathan Liedl của tờ The National Catholic Register, ngày 20 tháng 7 năm 2024, cho hay: Trong vài tuần qua, thế giới chính trị Hoa Kỳ dường như đặc biệt tranh cãi và bất ổn, với quá nhiều cốt truyện dồn dập tạo ra một làn sóng lo lắng mới và làm tăng nhiệt độ chính trị.

Nhưng trong khi vở kịch chính trị tiếp tục, 50,000 người Công Giáo ở Indianapolis và hàng ngàn người khác theo dõi Đại hội Thánh Thể Quốc gia (NEC) từ xa dường như không hề thay đổi, sự chú ý của họ rõ ràng không phải vào chính trị đảng phái, mà là vào nguồn gốc và chóp đỉnh đức tin của họ.

Stephen White, giám đốc Dự án Công Giáo tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nói với Register từ Indianapolis: “Tôi nghi ngờ có nơi nào trên đất nước không gặp rắc rối bởi nền chính trị hỗn loạn của chúng ta hiện nay như những người tham dự Đại hội Thánh Thể. Không phải vì người dân ở đây thờ ơ với chính trị, mà bởi vì, ngay lúc này, họ đang tập trung vào một điều gì đó cao hơn và tốt đẹp hơn”.

Kéo dài suốt Chúa nhật, chương trình Thánh Thể hoành tráng kéo dài năm ngày diễn ra ngay sau vụ ám sát cựu tổng thống Donald Trump vào ngày 13 tháng 7 và trong bối cảnh liên tục có những lời kêu gọi Tổng thống ốm yếu Joe Biden không tái tranh cử, kể cả từ các thành viên trong Đảng Dân chủ của chính ông. NEC cũng đã trùng lắp với Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, bắt đầu vào thứ Hai và kết thúc vào tối thứ Năm, và diễn ra trước đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago một tháng.

Charles Camosy, một nhà thần học luân lý, người đã theo dõi các sự kiện ở Indianapolis từ xa, đã mô tả Đại hội Thánh Thể Quốc gia là “một thời gian nghỉ ngơi khỏi việc thờ ngẫu tượng và sự giả dối đang lan tràn trong đời sống chính trị Hoa Kỳ”.

Nhưng Camosy, người viết chuyên mục “Công Giáo tím” cho Dịch vụ Tin tức Tôn giáo, nói thêm rằng việc tập trung vào Bí tích Thánh Thể không phải là cái cớ để bỏ qua chính trị. Thay vào đó, ông mô tả nó như một lời mời tham gia chính trị “theo cách tôn vinh Chúa Kitô làm trung tâm và đặt mọi thứ khác theo quan điểm đó”.

“Theo nghĩa này, đó là một cách mạnh mẽ để chống lại việc thờ ngẫu tượng vốn đã trở thành đặc điểm của phần lớn sự tham gia của Công Giáo vào chính trị, sự tham gia mà cuối cùng buộc Tin Mừng vào những chiếc hộp thế tục ‘tự do’ hay ‘bảo thủ’, ‘Đảng Dân chủ’ hoặc 'Đảng Cộng hòa', 'đỏ' hoặc 'xanh',” Camosy nói với Register.

Timothy O'Malley, một nhà thần học của Đại học Notre Dame, nói với Register từ Indianapolis rằng đại hội không mang tính chất phi chính trị, mà thay vào đó mang lại một trải nghiệm khác, chân thực hơn về sự đoàn kết so với kinh nghiệm được hứa hẹn bởi tinh thần đảng phái.

O'Malley, người phục vụ trong ủy ban điều hành của Phong trào Phục hưng Thánh Thể Quốc gia, cho biết: “Thay vì liên kết với nhau về ý thức hệ, theo luận lý hy sinh 'chúng ta chống lại họ', người Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ và hoàn cầu đã đoàn kết quanh Bữa Tiệc Ly. Đó là sự chấp hành một loại chính trị khác, dựa trên sự hy sinh không đổ máu của Thánh lễ.”

Đó là một trải nghiệm hiệp thông mà O’Malley cho rằng có thể là liều thuốc giải độc cho sự chia rẽ chính trị lan rộng.

“Tôi ước gì có nhiều người hơn có thể thấy cuộc tụ họp này phi ý thức hệ và vui vẻ như thế nào.”

Tránh ‘Chính trị hóa’

Việc Đại hội Thánh Thể đang giúp người Công Giáo thoát khỏi bi kịch chính trị và hỗ trợ khắc phục tình trạng đảng phái là một điều hơi nghịch lý, vì một số người lo ngại rằng nó có thể làm điều ngược lại.

Khi các giám mục lần đầu tiên biết được vào tháng 11 năm 2021 rằng Đại hội Thánh Thể Quốc gia sẽ diễn ra vào đúng thời điểm hứa hẹn sẽ là một năm bầu cử đầy tranh cãi, Giám mục William Muhm đã bày tỏ lo ngại rằng thời điểm này có thể khiến cho có vẻ như các giám mục đang cố gắng chính trị hóa Bí tích Thánh Thể. Tổng Giáo phận Phụ trách Nghĩa vụ Quân sự thậm chí còn đề nghị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ liên hệ với cả hai đảng chính trị lớn để yêu cầu họ không lên lịch cho các đại hội của mình trong Đại hội Thánh Thể Quốc gia.

Đức Giám Mục Andrew Cozzens của Crookston, Minnesota, người phụ trách Phục hưng Thánh Thể của các giám mục, trả lời rằng không có khả năng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ có nhiều ảnh hưởng khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ quyết định tổ chức các sự kiện của họ.

Những lo ngại rằng đại hội có thể bị lẫn lộn với các chương trình nghị sự chính trị tiếp tục hiện hữu trong tâm trí các nhà tổ chức trong những tháng trước Indianapolis.

Một báo cáo hồi tháng 3 của The Pillar nói rằng ít nhất một nhân vật Công Giáo dự kiến phát biểu tại Đại hội Thánh Thể Quốc gia đã không được khuyến khích xuất hiện tại một sự kiện vận động chính trị, vì lo ngại rằng điều đó có thể khiến cho Đại hội Thánh Thể có vẻ mang tính đảng phái.

Người phát ngôn của Đại hội Thánh Thể Quốc gia Kate Sell cho biết vào thời điểm đó: “Chúng tôi đang rất cố gắng giữ cho đại hội hoàn toàn tránh xa chính trị”.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người ở Indianapolis đều thoát khỏi sự gắn bó với đảng phái. Vào đêm đầu tiên của đại hội, Michael Heinlein cho biết ông đã ngồi cạnh một người đàn ông mặc chiếc mũ đỏ “Làm Nước Mỹ vĩ đại trở lại” - chiếc mũ mà ông đã không bỏ ra khi chầu Thánh Thể.

Heinlein, người viết tiểu sử về cố Hồng Y Francis George, cho biết trải nghiệm này nhắc nhở ông rằng “Người Công Giáo không tránh khỏi những gì đang gây khó chịu cho nền văn hóa Mỹ hiện nay” - nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng không có điều gì trong chương trình nghị sự của đại hội góp phần vào việc “củng cố các hệ tư tưởng chính trị trong bất cứ cách nào.”

Thực thế, Heinlein nói rằng “mọi điều trong tuần này [tại Đại hội Thánh Thể Quốc gia] đều hướng về Chúa Kitô, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi mang điều này đến với cộng đồng của mình trên toàn quốc.”

Một chứng tá mạnh mẽ

Thay vì chính trị hóa Bí tích Thánh Thể, sự trùng lắp của đại hội với các sự kiện đảng phái như Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa thể hiện một cơ hội mạnh mẽ để tái khẳng định tính ưu việt của những điều vĩnh cửu đối với chính trị thời gian.

Tác động thậm chí còn đáng chú ý đối với những người trên mạng xã hội vào thứ Năm, đêm bế mạc của Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

“Tôi chưa bao giờ thực sự [bị] thu hút bởi toàn bộ dòng 'không có sự trùng hợp ngẫu nhiên!!', nhưng xét về thời gian của Đại hội Thánh Thể Quốc gia - thực tế là gần như tất cả người Công Giáo trên nguồn cấp dữ liệu của tôi đều đăng ảnh Chầu thay vì theo dõi Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa giống như sự quan phòng thần thánh ở bình diện tiếp theo,” Liz Hansen, một cộng tác viên của Register, cho biết trên X (trước đây là Twitter).

Những người Công Giáo khác trên mạng xã hội tối hôm đó, như Jose Galvan, đã ghi nhận sự đặc biệt khi lướt qua một loạt hình ảnh mô tả cả 50,000 người Công Giáo đang chầu Thánh Thể cũng như văn hóa chính trị hoang dã của nước Mỹ.

Galvan, sống ở Tennessee, cho biết: “[Dòng thời gian] của tôi hiện tại là sự kết hợp đáng kinh ngạc giữa cảnh Hulk Hogan xé áo của anh ấy tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, đại hội Thánh Thể và các hình ảnh khôi hài về Biden. "Chúa phù hộ nước Mỹ!"

Heinlein đồng ý rằng thời điểm diễn ra Đại hội Thánh Thể Quốc gia là “Chúa Quan Phòng” và mô tả đây là cơ hội để làm chứng cho đất nước rằng, trong Bí tích Thánh Thể, Giáo hội có “niềm hy vọng mà nhiều người Mỹ đang khao khát”.

Ông nói: “Tôi thấy sự trùng khớp giữa Milwaukee và Indianapolis, hoặc chắc chắn là giữa Chicago và Indianapolis vào tháng tới, đến nỗi tôi tin chắc rằng lời chứng của chúng ta về việc hướng về Chúa Kitô là điều mà đất nước này cần ngay bây giờ. Tôi cầu xin cho tuần này có thể giúp chúng ta sống theo lời kêu gọi cao cả đó.”
 
Tại Sao Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Nghĩa Luôn Quan Trọng
J.B. Đặng Minh An dịch
18:58 23/07/2024

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “WHY JUST WAR THEORY ALWAYS MATTERS”, nghĩa là “Tại Sao Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Nghĩa Luôn Quan Trọng”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tháng trước, tôi đã vinh dự phát biểu với Hiệp hội Civitas Dei, được tài trợ bởi Viện Thánh Tôma của Dòng Đa Minh hợp tác với Viện Sinh thái Nhân văn của Đại học Công Giáo. Vào thời điểm tôi phát biểu tại bữa tiệc bế mạc, hàng chục sinh viên đã dành ba ngày vật lộn căng thẳng với truyền thống chiến tranh chính nghĩa, tranh luận về các văn bản của các nhà cổ điển về chiến tranh chính nghĩa như Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinas và các nhà lý thuyết chiến tranh chính nghĩa đương thời như Gregory Reichberg của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo. Sau mức độ nghiêm trọng nặng nề đó, có lẽ sẽ có một chút nhẹ nhõm.

Nhưng trong thời điểm khó khăn của chúng ta, tôi hy vọng các sinh viên sẽ không bận tâm rằng, thay vì trình bày những câu chuyện cười và những giai thoại sau bữa tối thông thường, tôi sẽ cố gắng đưa việc đọc và thảo luận sôi nổi của họ vào một số vấn đề rất thực tế của thế kỷ XXI. Tôi sẽ tóm tắt chúng một cách tóm lược ở đây, vì những vấn đề này chắc chắn không chỉ dành cho các học giả.

Lối suy nghĩ chiến tranh chính nghĩa đã bị thay thế bởi “chủ nghĩa hòa bình chức năng” trong hầu hết các Giáo Hội Kitô ngày nay, ít nhất là trong hàng lãnh đạo các Giáo Hội.

Đây không phải là kết quả của một cam kết đạo đức đối với chủ nghĩa hòa bình cổ điển, theo đó chiến tranh về bản chất là xấu xa và việc từ chối tham gia vào bạo lực gây chết người là một mệnh lệnh của phúc âm, mà là do nhiều hình thức xu thời khác nhau của giáo hội. Kết quả cuối cùng của việc các Giáo Hội nhượng bộ phe cánh tả chính trị là khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo phải rời khỏi cuộc đối thoại nghiêm chỉnh với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề chiến tranh và hòa bình, khiến họ phải ném những quả lựu đạn hùng biện mang tính mệnh lệnh từ khán đài.

Tuyên bố cho rằng “không có thứ gọi là chiến tranh chính nghĩa” là vô nghĩa một cách nguy hiểm.

Tuyên bố này nguy hiểm về mặt thần học, bởi vì lối suy nghĩ chiến tranh chính nghĩa dựa trên quy luật đạo đức tự nhiên, những sự thật được xây dựng trong thế giới và trong chúng ta mà chúng ta có thể nhận thức bằng lý trí. Những chân lý của luật luân lý tự nhiên là chân lý vĩnh viễn và không bị thay đổi bởi hoàn cảnh chính trị hay công nghệ, mặc dù những hàm ý của những chân lý đó sẽ tiến hóa theo thời gian.

Tuyên bố này nguy hiểm về mặt mục vụ vì cho rằng ngày nay không thể có “chiến tranh chính nghĩa” là một cách khác để nói rằng chiến tranh hiện đại về bản chất là xấu xa. Và nói như vậy là đặt một gánh nặng lương tâm không chính đáng lên những người Công Giáo nghiêm chỉnh trong lực lượng vũ trang - mà, trong trường hợp của Mỹ, có tỷ lệ người Công Giáo cao hơn nhiều so với dân số nói chung.

Tuyên bố này cũng khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo trông có vẻ không nhất quán (ít nhất phải nói như thế) khi một mặt họ ca ngợi những người nam nữ trong quân đội vì lòng yêu nước và sự hy sinh quên mình của họ, mặt khác lại tuyên bố một “cuộc chiến tranh chính nghĩa” là không thể xảy ra.

Ví dụ rõ ràng về một cuộc chiến chính nghĩa ngày nay là cuộc chiến vì sự sống còn của quốc gia Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga; Ngược lại, cuộc chiến của Nga là bất công cả về ý định lẫn cách hành xử.

Lối suy nghĩ về chiến tranh chính đáng không bắt đầu bằng “giả định chống lại chiến tranh”.

Thánh Tôma Aquinas không nghĩ như vậy và chúng ta cũng vậy. Điểm khởi đầu “giả định chống chiến tranh” đưa tiền đề của chủ nghĩa hòa bình vào lý thuyết chiến tranh chính nghĩa, sau đó biến tư duy chiến tranh chính nghĩa thành một loạt các vòng để các nhà lãnh đạo chính trị nhảy qua. Đúng hơn, lối suy nghĩ về chiến tranh chính nghĩa bắt đầu với trách nhiệm của cơ quan chính trị được thiết lập đúng đắn trong việc bảo đảm an ninh cho những người mà các quan chức nhà nước đảm nhận trách nhiệm. Đó là lý do tại sao một cuộc chiến tranh chính nghĩa là việc sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ hoặc thúc đẩy thiện ích chung, đó là một trong những mục đích nếu không muốn nói đó chính là mục đích của chính trị. Clausewitz có thể đã sai về một số điều, nhưng ông đã đúng khi nói rằng chiến tranh là sự mở rộng của chính trị theo những cách khác. Nếu chiến tranh không nhằm mục đích tự vệ cho thiện ích chung, thì đó chỉ là sự tàn sát vô tâm.

Vậy nếu lối suy nghĩ chiến tranh chính nghĩa không phải là một loạt các bài kiểm tra mà các nhà đạo đức và các nhà lãnh đạo tôn giáo đặt ra cho các nhà lãnh đạo chính trị, thì nó là gì?

Lý thuyết chiến tranh chính nghĩa cung cấp một khuôn khổ cho sự phản ánh hợp tác của các nhà đạo đức, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà ngoại giao và các quan chức nhà nước trong việc suy nghĩ về các vấn đề khó khăn trong việc bảo đảm hòa bình trật tự—nền hòa bình bao gồm công lý, an ninh và tự do—trong một thế giới rối loạn: là thế giới này, bên này của Vương quốc sẽ đến trong vinh quang. Sự phản ánh đó đề cập đến việc làm thế nào để có thể hướng tới việc sử dụng lực lượng vũ trang một cách cân xứng và có cân nhắc nhằm đạt được trật tự hòa bình. Vì vậy, ngoài các tiêu chuẩn chiến tranh chính nghĩa cổ điển—ius ad bellum hay “luật quyết định chiến tranh” và ius in bello hay “luật tiến hành chiến tranh”—một lối suy nghĩ về chiến tranh chính nghĩa đã phát triển còn chứa đựng một ius ad Pacem: suy ngẫm về việc khôi phục hoặc tạo ra hòa bình.

Và không nên nhầm lẫn ius ad Pacem với lý thuyết “hòa bình công chính” đương thời, một dạng khác của chủ nghĩa hòa bình chức năng, tên của nó mang tính ký sinh trên các nguyên tắc chiến tranh chính nghĩa mà nó loại bỏ.

Source:First Things
 
Triết gia David Solomon gia nhập Giáo Hội Công Giáo
Vũ Văn An
19:14 23/07/2024

Tiến sĩ Christopher Kaczor trên trang mạng cua ông, ngày 22 tháng 7 năm 2024, cho hay: dòng triết gia lỗi lạc đã trở lại đạo Công Giáo khá dài. Họ bao gồm Ngài Michael Dummett, Jacques Maritain, Elizabeth Anscombe, Jennifer Frey, Alasdair MacIntyre, Peter Kreeft, Edward Feser, J. Budziszewski, Nicholas Rescher, Robert Koons, Mortimer Adler, John Finnis, Ronda Chervin, Eleonore Stump và Candace Vogler. Thật vậy, một cuốn sách gần đây, Faith and Reason: Philosophers Explain Their Turn to Catholicism [Đức tin và Lý trí: Các triết gia giải thích việc chuyển sang Công Giáo], đã xem xét câu chuyện của họ. Bây giờ chúng tôi có thể thêm David Solomon vào nhóm của họ, người được nhận vào ngày 23 tháng 5 năm 2024.



Ông đến Đại học Notre Dame vào tháng 6 năm 1968. Huyền thoại Ralph McInerny đã đón Ông từ sân bay và David đã có cái nhìn đầu tiên đối với Golden Dome. Ông đang trở về nhà ở một nơi mà Ông chưa từng đến trước đây, như John Denver đã hát.

Solomon chỉ là người không Công Giáo thứ ba trong khoa triết học. Trong bài giảng “Người lạ ở vùng đất xa lạ”, Solomon nhận định:

Tôi không những không phải là người Công Giáo, mà tôi còn ngây thơ trong việc hiểu biết thực sự về Công Giáo như một người có thể là.... Quan điểm của tôi về mọi thứ thuộc về Công Giáo, như trước đây, phát triển từ sự kết hợp giữa sự thiếu hiểu biết và thành kiến ở mức độ ngang nhau.... Tôi chưa bao giờ gặp ai từ xa như Ralph McInerny và tôi không biết rằng những người như vậy hiện hữu. Tôi thấy mình đang ở trong thế giới kỳ lạ của những trí thức Công Giáo đi lang bang với người đàn ông kỳ lạ này.

Người đàn ông xa lạ đó đã trở thành người bạn thân nhất của anh. Với Ralph bên cạnh và cùng với một nhóm bạn ngày càng phát triển, Solomon trở thành nhân vật chủ chốt tại Notre Dame. Ông là giám đốc nghiên cứu ban cử nhân của khoa triết học. Ông đã thành lập và chỉ đạo Chương trình Danh dự Nghệ thuật & Văn chương. Ông cũng chỉ đạo Chương trình Notre Dame London. Như Rick Garnett đã nói,

Không thể phóng đại tầm quan trọng của những đóng góp của Giáo sư Solomon không chỉ đối với việc đào tạo và giáo dục hàng nghìn sinh viên Notre Dame mà còn đối với tính chất và sứ mệnh Công Giáo của Trường. Ngoài ra, Giáo sư Solomon còn là giám đốc sáng lập của Trung tâm Đạo đức & Văn hóa Notre Dame, nơi đã gần 20 năm trở thành trung tâm nghiên cứu sôi nổi và tham gia vào các vấn đề từ đạo đức sinh học đến J.R.R. Tolkien. Đối với nhiều người trong chúng tôi, Hội nghị Mùa thu hàng năm của Trung tâm là một trong những điểm nổi bật của năm học.

David đã đóng một vai trò không thể thiếu tại Notre Dame trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, đặc biệt là với vai trò cố vấn và giám đốc luận án. Ông đã hướng dẫn hơn 40 luận án, trong đó có nhiều luận án liên quan đến đạo đức nhân đức. Ảnh hưởng của ông với tư cách là một người thầy và người cố vấn rất lớn và sâu sắc đối với tôi và rất nhiều người khác. Tôi đặc biệt biết ơn vì ông đã che chở cho tôi khi tôi còn là nghiên cứu sinh tại Notre Dame. Có thể nói, ông ấy là một giáo sư khiến tôi cảm thấy như ông ấy “đứng về phía tôi”, thách thức và phê bình, nhưng về cơ bản là hỗ trợ và giúp đỡ tôi.

Khóa học về đạo đức nhân đức của Solomon đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi về đạo đức cho đến ngày nay. Một trong những điều tôi hối tiếc khi còn học ở Notre Dame là tôi chỉ học một khóa học từ ông. Nếu được làm lại, tôi sẽ tham gia mọi khóa học mà ông đưa ra vì tôi đã học được rất nhiều điều từ ông và vì thật thú vị khi được nghe ông giảng bài.

Ông dành cho sinh viên của mình sự quan tâm đặc biệt - những bữa trưa cùng nhau tại Câu lạc bộ Khoa Notre Dame, những lời mời dự tiệc tại nhà ông và dành nhiều thời gian trong giờ làm việc để nói về các vấn đề cả chuyên môn lẫn bản thân. Lòng tốt to lớn của ông đối với tôi và những người khác là bài học tốt nhất mà ông có thể cho chúng tôi về ý nghĩa của đạo đức. Tôi thường xuyên nghĩ đến tấm gương của ông khi cố gắng hướng dẫn sinh viên và giảng viên trẻ.

Và bây giờ Salômôn đã cho tất cả chúng ta một bài học khác bằng tấm gương mạnh mẽ của ông: thực hiện bước tiếp theo mà Chúa ban cho chúng ta. Sự trở lại của ông là đỉnh cao của một cuộc đời nghiên cứu, một niềm an ủi cho nhiều bạn bè của ông, và là sự gắn kết chặt chẽ hơn với người vợ tuyệt vời Lou, người đã bước vào hiệp thông Công Giáo cùng ngày. Và đó là câu trả lời cho lời cầu nguyện của người đàn ông xa lạ đã trở thành bạn thân nhất của Ông.
 
Phương tiện truyền thông thế tục đưa tin về Đại hội Thánh Thể ra sao
Vũ Văn An
20:01 23/07/2024



John Burger của Aleteia, ngày 23/07/24, cho hay: báo chí toàn quốc đã đăng các cuộc phỏng vấn với những người tham dự, giải thích Bí tích Thánh Thể là gì và rất nhiều bức ảnh của Đại hội Thánh Thể Hoa Kỳ.

Tất nhiên, đối với một sự kiện lớn như Đại hội Thánh Thể Quốc gia lần thứ 10, các phương tiện truyền thông Công Giáo, bao gồm cả Aleteia, đã có mặt đầy đủ ở Indianapolis. Ngoài ra còn có sự đưa tin tốt từ các phương tiện truyền thông thế tục, ngay cả với sự cạnh tranh từ Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, sự chú ý đến quyết định của Tổng thống Joe Biden về tương lai của ông và những tin tức lớn khác vào tuần trước.

Phóng viên tôn giáo của tờ New York Times Ruth Graham đã đăng tải một câu chuyện quan trọng vào Chúa nhật, với rất nhiều bức ảnh từ Đại hội. Graham xem xét công việc của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nhằm khôi phục niềm tin vào Bí tích Thánh Thể, dẫn đến sự kiện kéo dài bốn ngày ở Indianapolis. Cô đưa vào một phần giải thích việc các giám mục trong nước lo lắng như thế nào khi Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố một cuộc khảo sát vào năm 2019 cho thấy niềm tin của người Công Giáo đã giảm mạnh như thế nào, nhưng cũng đề cập đến một cuộc khảo sát sau đó, do Đại học Notre Dame thực hiện, đặt câu hỏi về một số vấn đề trong các phát hiện của Pew.

Graham đã đối lập một cách độc đáo bầu không khí ồn ào thường tràn ngập Sân vận động Lucas Oil, sân nhà của đội Indianapolis Colts, với sự im lặng gần như tuyệt đối bao trùm khi Đức Giám Mục Andrew Cozzens tiến vào đấu trường với Mặt nhật Thánh Thể vào đêm đầu tiên của Đại hội.

Một khía cạnh đáng lưu ý trong báo cáo của Graham là bao gồm các đoạn phim lưu trữ từ Đại hội Thánh Thể Quốc gia cách đây nhiều thập niên và một bức ảnh cho thấy Thống đốc New York Alfred E. Smith, một người Công Giáo từng tranh cử tổng thống Hoa Kỳ với tư cách là đảng viên Đảng Dân chủ vào năm 1932, đang quỳ gối ôm một cỗ hạt mân côi.

Associated Press cũng lưu ý đến sự im lặng tôn kính bao trùm Sân vận động Lucas Oil khi người Công Giáo quỳ gối chầu Thánh Thể. Peter Smith của AP đã đề cập đến một cuộc khảo sát khác, cuộc khảo sát này của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Tông đồ trực thuộc Đại học Georgetown, vào năm 2022 “đã sử dụng nhiều cụm từ và nhận thấy rằng 64% người Công Giáo bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể trong ít nhất một câu trả lời, như tất cả những người tham dự Thánh lễ hàng tuần đều đáp lại như vậy.”

Bài báo, được xuất bản vào thứ Năm, đã được The Washington Post, trong số những người khác, chọn đăng lại.

Tường thuật địa phương

Nhật báo IndyStar của Indianapolis có ít nhất hai nhà báo đưa tin về câu chuyện địa phương lớn của họ – phóng viên Noe Padilla và nhiếp ảnh gia Brett Phelps.

“Khi Thánh Thể được hướng dẫn qua trung tâm thành phố Indianapolis bởi Đức Giám Mục Andrew Cozzens, Giám mục Robert Barron và các thành viên giáo sĩ, hàng trăm người đã quỳ gối khi Chúa Kitô đi ngang qua họ trên đường phố, cầu nguyện với Người và đưa tay ra với Người,” Padilla viết vào Chúa nhật.

Trong một bài riêng biệt, Phelps chiêu đãi độc giả toàn bộ bộ sưu tập các bức ảnh anh chụp tại Đại hội, trong đó có một số người tham dự rõ ràng đã trải qua một số khoảnh khắc rất xúc động.

Đài truyền hình địa phương Kênh 13-WTHR đã phát sóng một số đoạn về Đại hội, có một đoạn trong đó phóng viên Sia Nyorkor đã phỏng vấn những người tham dự.

Justin Victor, người đã đưa gia đình mình đến từ Beaver, Pennsylvania, cho biết: “Lý do duy nhất chúng tôi có mặt ở đây là vì Chúa Giêsu và Bí tích Thánh Thể”.

Có các đài truyền hình từ các vùng khác của đất nước cũng đang phát sóng về Đại hội.

Cũng cần lưu ý là Tạp chí Phố Wall quyết định xuất bản một tiểu luận dài của Cha Roger Landry, tuyên úy Công Giáo tại Đại học Columbia, về kinh nghiệm đồng hành với một trong bốn lộ trình của Cuộc Hành hương Thánh Thể Quốc gia.

“Trong hai tháng qua, tôi đã bế Chúa Giêsu cách mặt tôi 2 inch trong vài giờ mỗi ngày,” Cha nói. Cha Landry bắt đầu bằng một bài báo có tựa đề “Chuyến đi bộ 6,500 dặm với Chúa Kitô”. “Trải nghiệm này, một phần của cuộc hành hương Thánh Thể toàn quốc, đã khiến tôi trở thành linh mục may mắn nhất ở Hoa Kỳ.”
 
VietCatholic TV
Liều mạng: Mig lao vào B52. Lý do TT Biden bỏ cuộc. Putin tổn thất lớn ở Kharkiv. Hồ sơ tên sát thủ
Giáo Hội Năm Châu
04:01 23/07/2024


1. Mạc Tư Khoa tuyên bố Nga tung chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay ném bom Mỹ tiếp cận biên giới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Scrambles Fighter Jets After US Bombers Approach Border: Moscow”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết các máy bay phản lực của Nga đã được điều động để ngăn chặn hai máy bay ném bom tầm xa của quân đội Mỹ bay qua lãnh thổ Nga.

Ông cho biết các chiến đấu cơ MiG-29 và MiG-31 của Nga đã xác định được hai máy bay ném bom hạng nặng B-52H của Không quân Mỹ đang áp sát biên giới sau khi Nga phát hiện các mục tiêu đang bay trên Biển Barents.

Biển Barents nằm ở phía bắc Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy cũng như phía tây bắc nước Nga.

Ông nói: “Khi các chiến đấu cơ của Nga đến gần, các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã quay lại và bay xa khỏi Biên giới quốc gia Liên bang Nga”.

Máy bay Nga “đã quay trở lại phi trường căn cứ của họ một cách an toàn”, ông nói thêm. “Chuyến bay của chiến đấu cơ Nga được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về việc sử dụng không phận trên vùng biển trung lập, tuân thủ các biện pháp an toàn.”

Nga thỉnh thoảng báo cáo các máy bay phản lực xuất kích để chặn máy bay của các nước NATO tiếp cận không phận của mình. Đầu tháng này, Mạc Tư Khoa cho biết hệ thống kiểm soát không phận của nước này bao trùm Biển Barents đã phát hiện một máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Không quân Na Uy đang hướng tới biên giới của nước này vào ngày 10 Tháng Bẩy.

Bộ Quốc phòng khi đó cho biết Nga đã điều động một chiến đấu cơ MiG-31 và Poseidon đã “quay lưng” khỏi không phận Nga.

Mạc Tư Khoa cho biết vào tháng 3 rằng một trong những chiến đấu cơ MiG-31 của họ đã được điều động để đánh chặn hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ trên Biển Barents. Vào tháng 9 năm 2023, Nga cho biết một chiếc MiG-31 đã gặp một chiếc P-8A của Hải quân Mỹ đang tiếp cận không phận của nước này trong cùng khu vực.

Các nước NATO cũng điều động máy bay phản lực khi các thành viên liên minh phát hiện máy bay Nga tiếp cận không phận của họ.

Máy bay ném bom B-52H hay còn gọi là Stratofortress là máy bay ném bom hạng nặng tầm xa có thể mang vũ khí thông thường và hạt nhân.

B-52H là một phần trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, bao gồm máy bay ném bom, cùng với hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất và hỏa tiễn phóng từ tàu ngầm.

Trong một cuộc xung đột phi hạt nhân, B-52 được sử dụng cho nhiều vai trò khác nhau, bao gồm tấn công chiến lược và hỗ trợ tầm gần.

Đầu tháng 6, quân đội Nga bắt đầu các cuộc tập trận quân sự ở Biển Barents với sự tham gia của hai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vào ngày 19 tháng 6, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin rằng các tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc của hải quân đã “tiến hành bắn hỏa tiễn đạn đạo vào một mục tiêu trên biển ở Biển Barents”, trích một tuyên bố từ hạm đội.

Hạm đội phương Bắc của Nga có trụ sở tại Biển Barents trên bờ biển vùng Murmansk.

2. F-16 có thể cạnh tranh với F-35 không? Lockheed Martin nghĩ vậy

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Can F-16s Compete Against F-35s? Lockheed Martin Thinks So”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

OJ Sanchez, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của nhóm chiến binh tích hợp tại gã khổng lồ hàng không và quốc phòng, Lockheed Martin, cho biết: “Tại bất kỳ thời điểm nào, đều có một chiếc F-16 bay trên thế giới và đó không phải là cường điệu”.

Đã 50 năm trôi qua, trong khi các máy bay phản lực mới hơn ngày càng gia tăng và các chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu sắp xuất hiện, Lockheed Martin vẫn khẳng định: F-16 thế hệ thứ tư sẽ không biến mất.

Trao đổi với Newsweek tại Royal International Air Tattoo ở căn cứ không quân RAF Fairford ở Gloucestershire, Vương quốc Anh, ông nói: Những chiếc F-16 vẫn “có liên quan, có khả năng và sẵn sàng”.

“Những gì chúng ta thấy ở F-16 không chỉ là công nghệ tuyệt vời và có khả năng thích ứng phù hợp cho tương lai, mà còn là một chiếc máy bay và một hệ thống tập hợp các đối tác và đồng minh cùng chí hướng, và điều đó đúng nhất ở NATO. “

Lockheed Martin cho biết 4.600 chiếc F-16 đã được sản xuất trong nửa thế kỷ kể từ khi chương trình bắt đầu. Máy bay phản lực này đã trải qua nhiều đợt nâng cấp trong nhiều thập niên và phiên bản mới nhất - Block 70/72 - sẽ được chuyển đến Slovakia trong vài tuần tới.

Những thay đổi chủ yếu là nội thất của chiếc máy bay. Sanchez cho biết cấu trúc cơ bản hầu như không thay đổi nhưng có “sự khác biệt rất lớn ở bên trong”.

Những chiếc F-16 mới hơn có công nghệ như những gì Lockheed Martin gọi là Hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động, hệ thống này sẽ tự động phản ứng nếu phi công bị phân tâm hoặc mất khả năng lao động; bên cạnh đó còn có các radar mới hơn. Sanchez cho biết: “Chúng tôi có thể điều chỉnh thông qua thiết bị và nhu liệu nội bộ theo những cách như vậy để luôn phù hợp”.

Xu hướng tương tự có thể được nhìn thấy ở nơi khác. Các nhà sản xuất cho biết chiếc Eurofighter Typhoon, đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên cách đây ba thập niên, đang liên tục được nâng cấp. BAE Systems công bố vào tuần trước rằng họ đã hoàn thành thử nghiệm trên mặt đất với Leonardo UK cho một loại radar tiên tiến mới dành cho Typhoon.

Với ít nhất 128 chiếc F-16 nữa vẫn đang được chế tạo, Fighting Falcon sẽ phải đối đầu với F-35 thế hệ thứ năm - loại máy bay phản lực tàng hình cũng do Lockheed Martin phát triển.

Chris “Sasquatch” Nations, một phi công thử nghiệm và sản xuất F-16 của Lockheed Martin, nói với Newsweek: “Những chiếc F-16 và F-35 thực sự là đỉnh cao của máy bay và hàng không hiện nay”. “Bạn không thể nhầm lẫn với một trong hai.”

Những chiếc F-16 mới nhất sẽ có radar giống như F-35 và các bản nâng cấp nhu liệu cho máy bay tàng hình thường có thể tương thích với F-16. “Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy các quốc gia tiếp tục sử dụng chúng,” Sanchez nói.

Nations cho biết vẫn có nhu cầu lớn về F-16 và các máy bay phản lực này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng cho đến những năm 2060.

Một quốc gia đang kêu gọi có thêm F-16 là Ukraine. Những người phương Tây ủng hộ Kyiv đã cam kết gửi F-16 tới Ukraine vào năm ngoái, nhưng các mốc thời gian để đưa máy bay này vào hoạt động và bay trên không rất mơ hồ và dễ bị trì hoãn. Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy và Bỉ đã cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine.

“ Đã 18 tháng rồi mà máy bay vẫn chưa đến được với chúng tôi”, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với BBC hồi đầu tuần.

Các máy bay phản lực này sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Ukraine, vốn đã bị vùi dập sau hơn hai năm chiến tranh chống lại hạm đội lớn hơn và vượt trội của Nga. Khi một số quốc gia chuyển sang sử dụng F-35, có thể sẽ có thêm những chiếc F-16 mà Ukraine hy vọng được sở hữu.

3. Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba nhận định rằng phương Tây phải 'từ bỏ' 'nỗi lo sợ phi lý' về việc leo thang với Nga

Các đồng minh phương Tây cần phải “buông bỏ” nỗi lo xung đột leo thang với Nga và cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để chấm dứt chiến tranh toàn diện, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cho biết như trên hôm Thứ Hai, 22 Tháng Bẩy, ngay sau khi có tin Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc tranh cử Tổng thống.

Các đồng minh chủ chốt như Mỹ và Đức đã nhiều lần viện dẫn mối đe dọa leo thang là lý do để từ chối cung cấp vũ khí tầm xa hoặc cho phép sử dụng vũ khí nước ngoài để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga.

Ông nói “Trong hai năm rưỡi qua, không có gì gây tổn hại cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine hơn khái niệm 'leo thang có kiểm soát'“.

Kuleba mô tả nỗi lo sợ leo thang là “phi lý” và nói rằng bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ quân sự lớn hơn cho Ukraine không dẫn đến leo thang với Nga.

“Cuối cùng mọi người cần phải buông bỏ nỗi sợ hãi này. Putin không cần bất kỳ lý do nào để leo thang căng thẳng.... Thay vào đó, chúng ta phải chủ động và khiến Putin lo sợ về bước đi tiếp theo của chúng ta chứ không phải ngược lại “.

Kuleba đã thẳng thắn nói về hình thức hỗ trợ sẽ đẩy nhanh con đường giành chiến thắng trước Nga của Ukraine.

Khi được hỏi Kyiv cần gì để giành chiến thắng trong cuộc chiến, ông nói: “Có đủ số lượng khẩu đội Patriot, đủ số lượng máy bay phản lực F-16, đủ lượng đạn pháo và đủ tự do để tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga”.

Kuleba đề cập đến một số chủ đề bao gồm viện trợ quân sự, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, quan hệ Ba Lan-Ukraine, việc Ukraine gia nhập NATO và Liên minh Âu Châu cũng như chủ nghĩa đế quốc Nga lịch sử.

Về tương lai viện trợ của Mỹ cho Ukraine, Kuleba cho biết Kyiv đưa ra “thỏa thuận tốt nhất mà Mỹ có thể có được trên thế giới” về đầu tư quân sự.

Ông nói, bất kỳ chính quyền Tòa Bạch Ốc nào cũng nên nhớ rằng Ukraine minh bạch về việc sử dụng vũ khí và đang nhanh chóng đẩy nhanh sản xuất quốc phòng trong nước để giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.

Những nhận xét này một phần là câu trả lời cho câu hỏi về việc nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Mỹ Ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự ủng hộ của Washington dành cho Kyiv.

Kuleba nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ chính quyền nào xuất hiện sau cuộc bỏ phiếu của người dân Mỹ vào tháng 11”.

Kuleba cũng đưa ra góc nhìn lịch sử về cuộc xâm lược toàn diện của Nga và vai trò can thiệp của Mỹ. Ông gọi Bản ghi nhớ Budapest, thỏa thuận năm 1994 trong đó Ukraine tự nguyện từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy những bảo đảm an ninh, là “một sai lầm chiến lược” của Ukraine.

Ông nói: “Nhìn lại, rõ ràng là Nga, chứ không phải Ukraine, đáng lẽ phải được giải giáp sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.

“Tôi có thể tranh luận rằng hôm nay Hoa Kỳ nợ chúng tôi sự hỗ trợ vì đã tước bỏ lá chắn phòng thủ hạt nhân của chúng tôi nhiều năm trước, nhưng tôi đoán điều đó không có tác dụng.”

Kuleba nói rằng sự hiểu biết lịch sử về tham vọng đế quốc của Nga ở Ukraine là rất quan trọng.

Ông nói: “Cuộc chiến này không bắt đầu vào năm 2022, thậm chí không phải vào năm 2014. Nguồn gốc của nó sâu xa hơn nhiều và nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng nó bắt nguồn từ thái độ đế quốc của Nga đối với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực lân cận”.

“Nhiều sai lầm về chính sách có thể tránh được nếu các đối tác của chúng tôi không nhìn Ukraine qua lăng kính của Nga”.

4. Tại sao cuối cùng Tổng thống Biden lại bỏ cuộc

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “Why Biden finally quit”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Trong 23 ngày, Tổng thống Joe Biden nhất quyết đẩy mạnh nỗ lực tái tranh cử của mình bất chấp những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp và các nhà tài trợ của Đảng Dân chủ yêu cầu ông rút lui.

Và rồi, gần như ngay lập tức, mọi thứ đã thay đổi.

Đầu ngày thứ Bảy, Tổng thống Biden nói với các trợ lý cao cấp rằng chiến dịch tranh cử đã “tiến triển hoàn toàn”. Nhưng đến tối hôm đó, ông đã thay đổi quyết định sau cuộc thảo luận dài với hai trợ lý thân cận nhất của mình.

Steve Ricchetti, người đã ở bên Tổng thống Biden kể từ những ngày còn ở Thượng viện, đã lái xe đến gặp tổng thống tại nhà của ông trên bờ biển Delaware vào hôm thứ Sáu. Mike Donilon đến vào thứ bảy. Hai người đàn ông, cả hai đều đã ở bên cạnh Tổng thống Biden trong những quyết định quan trọng về việc có nên tranh cử tổng thống vào năm 2016 và 2020 hay không, ngồi cách xa tổng thống, là người vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid và trình bày những thông tin mới đáng kinh ngạc trong một cuộc họp cuối cùng đã đẩy nhanh việc kết thúc sự nghiệp chính trị của Tổng thống Biden.

Ngoài việc trình bày những lo ngại mới từ các nhà lập pháp và thông tin cập nhật về hoạt động gây quỹ đã chậm lại đáng kể, họ còn tiến hành các cuộc thăm dò riêng của chiến dịch, kết quả đã quay trở lại vào tuần này và cho thấy con đường dẫn đến chiến thắng của ông vào tháng 11 đã không còn nữa, theo 5 người quen thuộc với vấn đề này.

Những người duy nhất có mặt tại dinh thự của Tổng thống Biden khi ông thức dậy hôm Chúa Nhật là đệ nhất phu nhân Jill, Tổng thống Biden và hai trợ lý thân tín khác: phó chánh văn phòng Annie Tomasini và trợ lý của đệ nhất phu nhân Anthony Bernal. Vào lúc 1:45 chiều ngày Chúa Nhật tức là 0:45 sáng Thứ Hai, 22 Tháng Bẩy, theo giờ Việt Nam, ông thông báo với một nhóm phụ tá thân cận đông hơn một chút rằng đêm hôm trước ông đã quyết định kết thúc nỗ lực tranh cử của mình cho một nhiệm kỳ khác, đọc lá thư của mình và cảm ơn vì sự phục vụ của họ. Một phút sau, trước khi bất kỳ nỗ lực tranh cử nào khác được tiếp tục và nhân viên Tòa Bạch Ốc có thể được thông báo, ông đã đăng bức thư lịch sử từ tài khoản chiến dịch tranh cử của mình lên mạng xã hội X.

Thông báo gây chấn động thế giới chính trị, gần như ngay lập tức lật ngược câu chuyện xung quanh Tổng thống Biden: Đảng của chính ông, sau ba tuần thầm thì chế nhạo ông như một con sư tử bị cô lập, si mê trong mùa đông, đang lôi kéo các đảng viên Đảng Dân chủ khác xuống cùng với ông, đã dành cho ông những lời tri ân yêu thương, ca ngợi thành tích, sự nghiệp phục vụ công chúng của ông và một quyết định vị tha mà họ cho rằng đã đặt đất nước của ông lên hàng đầu.

Không phải là tổng thống đã cảm thấy mệt mỏi với làn sóng đào ngũ từ bên trong đảng của ông - mặc dù ông đã cảm thấy mệt mỏi. Đúng hơn, chính Tổng thống Biden cuối cùng đã bị thuyết phục về điều mà rất nhiều đảng viên Đảng Dân chủ khác đã tin tưởng kể từ màn tranh luận kém cỏi của ông vào tháng trước: đó là Ông ấy không thể thắng.

Theo hai người quen thuộc với cuộc khảo sát, khi chiến dịch thực hiện cuộc thăm dò chiến trường mới vào tuần trước, đây là lần đầu tiên họ thực hiện các cuộc khảo sát ở một số tiểu bang quan trọng trong hơn hai tháng. Và những con số thật nghiệt ngã, cho thấy Tổng thống Biden không chỉ tụt lại ở tất cả sáu tiểu bang xung đột quan trọng mà còn sụp đổ ở những nơi như Virginia và New Mexico, nơi dễ dàng chiến thắng đến mức các đảng viên Đảng Dân chủ không có kế hoạch chi tiêu nhiều nguồn lực để giành chiến thắng.

Với nhận thức đó và nhận thức rằng nhiều người lớn tuổi hơn trong đảng, bao gồm cả nhiều đồng nghiệp cũ ở Thượng viện, sẽ gây áp lực lên chiến dịch tranh cử của ông, việc rút lui đột ngột mang lại cho tổng thống cơ hội tốt nhất để thể hiện rằng quyết định này được đưa ra hoàn toàn tự nguyện. Đó là một động thái giữ thể diện có tầm quan trọng cao đối với Jill Biden, người mà theo những người quen thuộc với các cuộc trò chuyện gần đây, kiên quyết rằng phẩm giá của chồng bà phải được bảo vệ.

Các trợ lý cao cấp của Tổng thống Biden đã báo cho ông biết về các hoạt động của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người đã làm việc ở hậu trường để khuyến khích những người khác trong đảng hướng tới các hành động tập thể mà cuối cùng có thể buộc tổng thống phải kết thúc chiến dịch tranh cử của mình.

Với việc Tổng thống Biden tuyên bố sẽ quay trở lại chiến dịch tranh cử vào tuần tới, một số người trong đảng tin rằng sự phản đối trực tiếp và công khai hơn có thể là cách duy nhất còn lại để thuyết phục Tổng thống Biden rút lui. Theo một nhà lập pháp, có một tuyên bố được soạn thảo trước, và có một số thành viên Quốc Hội ở cả Thượng viện và Hạ Viện Hoa Kỳ đã lên kế hoạch kêu gọi tổng thống rời khỏi chiến dịch tranh cử vào ngày thứ Hai hay thứ Ba.

“Chúng tôi đã dành cho Tổng thống sự tôn trọng vào cuối tuần để đưa ra quyết định. Chúng tôi hy vọng rằng quyết định mà chúng tôi sẽ đưa ra là không cần thiết”

Tại Capitol Hill, giới lãnh đạo đảng Dân chủ cảm nhận được quyết định của Tổng thống Biden sắp đến. Một nhà lập pháp thân cận với lãnh đạo, được giấu tên để phát biểu thẳng thắn, cho biết tổng thống đã “ngoại tuyến” trong những ngày gần đây khi ông dành thời gian cho gia đình, một dấu hiệu cho thấy ông đã tiêu hóa được những thông điệp kiên quyết của đảng Dân chủ trong vài tuần rằng ông cần phải bước sang một bên.

5. Cập nhật hồ sơ Thomas Matthew Crooks: Trường cũ phản hồi các tuyên bố liên quan đến bắt nạt

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Thomas Matthew Crooks Update: Former School Responds to Bullying Claims”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Học khu của Thomas Matthew Crooks đã bác bỏ một số tuyên bố được lan truyền rộng rãi về thời gian đi học của nghi phạm xả súng 20 tuổi trong vụ ám sát Donald Trump vào tuần trước.

Tại cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, Crooks đã bị một tay súng bắn tỉa của Sở Mật vụ bắn chết sau khi dùng súng trường bắn vào cựu Tổng thống Trump từ một mái nhà gần đó, sượt qua tai Ông Trump và giết chết lính cứu hỏa địa phương Corey Comperatore. Hai người tham dự khác cũng bị thương nặng.

Cho đến nay giả thuyết của FBI vẫn đứng vững: Crooks không có động cơ và liên kết chính trị, và chỉ muốn nổi tiếng một cách bệnh hoạn.

Trong một tuyên bố được đăng hôm Thứ Bẩy, 20 Tháng Bẩy, Học khu Bethel Park phủ nhận việc Crooks bị bắt nạt, như các bạn cùng lớp đã đưa tin trước đó.

Khu học chánh viết: “Có một quan niệm sai lầm đau đớn rằng Thomas Crooks bị bắt nạt không ngừng ở trường, và điều này có thể dẫn đến vụ ám sát cựu Tổng thống Trump”.

“Theo hồ sơ của chúng tôi, Crooks có thành tích học tập xuất sắc, đi học đều đặn và không mắc phải kỷ luật nào, kể cả những vụ liên quan đến bắt nạt hoặc đe dọa.”

Khu học chánh cũng làm rõ các báo cáo rằng Crooks đã bị đội súng trường trung học từ chối và theo các bạn cùng lớp, “bắn rất tệ” và “được yêu cầu đừng quay lại để thử bắn vì anh ta bắn quá tệ.”

“Thomas Crooks chưa bao giờ là thành viên của đội súng trường của nhà trường và chúng tôi không có hồ sơ nào về việc anh ta thử bắn,” khu học chánh viết. “Huấn luyện viên không nhớ đã gặp anh ta. Tuy nhiên, có thể Crooks đã tham gia một buổi tập một cách không chính thức, chụp ảnh và không bao giờ quay trở lại. Chúng tôi không có bất kỳ hồ sơ nào về việc đó xảy ra.”

Học khu cũng bác bỏ tin đồn được tờ báo Daily Mail của Anh đưa tin hôm thứ Năm rằng Crooks đã từng đe dọa 'xả súng' ở trường học. Bạn cùng lớp Vincent Taormina cho biết anh đã đưa ra lời đe dọa vào năm 2019.

“Chúng tôi thích một nơi ẩn danh mà bạn có thể đăng mọi thứ hoặc nói về ai đó trên máy tính của chúng tôi ở trường và anh ta đã đăng những thứ như 'Ngày mai đừng đến trường' và một thứ gì đó khác khiến có vẻ như anh ta đã đặt bom vào nhà vệ sinh của trường học,” Vincent nói.

Nhưng khu học chánh đã bác bỏ hoàn toàn tuyên bố này, gọi đó là sai sự thật.

“Vào năm 2019, đã xảy ra một sự việc đáng tiếc liên quan đến những lời đe dọa của một học sinh khác đối với các quản trị viên trường học cụ thể,” nó viết. “Vụ việc đó đã được điều tra kỹ lưỡng và nhanh chóng giải quyết, học sinh liên quan đã nhận được hình thức kỷ luật thích đáng. Vụ việc đó không có mối liên hệ nào với Thomas Crooks.”

Khu học chánh nói rằng sẽ là “cực kỳ vô trách nhiệm” nếu suy đoán về trạng thái tinh thần của Crooks trong hai năm sau khi anh ta rời trường, và rằng, khi còn là học sinh, anh ta được biết đến là một “thanh niên trầm tính, thông minh, nói chung là hòa đồng với giáo viên và các bạn cùng lớp.”

6. Nga tuyên bố sẵn sàng giúp đảng cầm quyền Georgia tiếp tục nắm quyền

Andrei Klimov, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, tuyên bố rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ đảng cầm quyền Georgia, “Giấc mơ Georgia”, trong việc duy trì quyền lực nếu được yêu cầu.

Klimov đưa ra những bình luận này tại cuộc họp của Câu lạc bộ Những người bạn của Nga ở Mạc Tư Khoa, theo kênh truyền hình Georgia TV Pirveli.

Ông so sánh tình hình Georgia với Syria, lấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad làm ví dụ để minh họa rằng những ai tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga sẽ nhận được hỗ trợ quân sự. Nga đã can thiệp vào Syria vào tháng 9 năm 2015 để hỗ trợ chính phủ Bashar al-Assad chống lại nhiều nhóm đối lập nội bộ.

Các lực lượng Nga hoạt động tại Syria đã bị Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở nước này, bao gồm đánh bom bệnh viện và sử dụng các cuộc tấn công “chạm hai lần”, một chiến thuật mà Nga đã lặp lại ở Ukraine.

Trong lịch sử, Nga đã sử dụng các sáng kiến “hỗ trợ” và “bảo vệ” để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của đất nước và các nỗ lực thuộc địa ở nhiều khu vực khác nhau.

Bình luận của Klimov được đưa ra trong bối cảnh một cuộc khảo sát gần đây tiết lộ rằng hầu hết người Georgia coi Nga là kẻ thù chính của họ. Tâm lý này ngày càng gia tăng khi đảng Giấc mơ Georgia dường như đang liên kết chặt chẽ hơn với Mạc Tư Khoa, bao gồm cả kế hoạch khôi phục quan hệ ngoại giao.

Cuộc khảo sát được thực hiện khi đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia thông qua luật đặc vụ nước ngoài, trong đó yêu cầu các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài phải bị gắn mác “đặc vụ nước ngoài” và phản ánh luật đàn áp của Nga được sử dụng để trấn áp những người chỉ trích chế độ Điện Cẩm Linh.

Đạo luật gây tranh cãi này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình quy mô lớn trong nước, leo thang thành các vụ bạo lực khi các sĩ quan cảnh sát cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình bằng vòi rồng và đạn cao su.

Washington và Brussels đã tố cáo dự luật này là không phù hợp với các giá trị phương Tây và có tiếng nói trong Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi đóng băng tư cách ứng cử viên thành viên của Georgia nếu luật này được thực thi.

7. Cuộc chiến Ukraine mới nhất: Khoảng 20.000 người Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công ở Kharkiv, Zelenskiy nói

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết khoảng 20.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công thất bại của Nga ở tỉnh Kharkiv.

Nga đã phát động cuộc tấn công vào tỉnh Kharkiv vào tháng 5, tấn công vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nhưng cuộc tấn công nhanh chóng bị đình trệ.

“Chúng tôi đã dừng cuộc tấn công này và cuộc tấn công của họ đã thất bại. Đây là sự thật”, Zelenskiy nói.

“Khoảng 20.000 người của họ đã chết. Những thị trấn này đã khiến họ phải trả giá.”

'Chúng tôi đã tiêu diệt rất nhiều người trong số họ: Ukraine ổn định mặt trận Kharkiv sau cuộc tấn công tàn bạo của Nga

8. Ngoại trưởng Đức cho biết hỏa tiễn Mỹ được chào đón ở Đức

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US missiles are welcome in Germany, foreign minister says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lên tiếng ủng hộ việc Mỹ đặt hỏa tiễn tầm xa ở Đức, phản bác lại những lời chỉ trích từ trong liên minh chính phủ của cô.

Baerbock cho biết trong một cuộc phỏng vấn với các tờ báo Chúa Nhật của Funke Media Group: “Chúng ta phải bảo vệ bản thân và các đối tác Baltic của mình trước điều này, bao gồm cả việc tăng cường răn đe và bổ sung vũ khí phòng vệ”.

Đầu tháng này, Đức và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung chỉ ra rằng Washington sẽ bắt đầu “triển khai từng đợt khả năng hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa miền ở Đức vào năm 2026”.

Sau thông báo, Rolf Mützenich, lãnh đạo quốc hội của Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz, đã cảnh báo rằng “nguy cơ leo thang quân sự ngoài ý muốn là rất đáng kể”, nhấn mạnh rằng các hỏa tiễn có thể được đặt ở Đức có “thời gian cảnh báo rất ngắn và có khả năng gây nguy hiểm.”

Mỹ liệt kê hỏa tiễn hành trình Tomahawk có thể di chuyển tới 2.500 km và vũ khí siêu thanh hiện đang được phát triển với khả năng bay với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, nằm trong số những khả năng có thể được triển khai ở Đức.

Putin đã “liên tục mở rộng kho vũ khí mà ông ấy dùng để đe dọa sự tự do của chúng ta ở Âu Châu”, Baerbock nói và nói thêm rằng việc miễn cưỡng đối với bất kỳ biện pháp ngăn chặn bổ sung nào “sẽ không chỉ là vô trách nhiệm mà còn là ngây thơ đối với một Điện Cẩm Linh lạnh như băng”.

Baerbock, cùng với Đảng Xanh, đã thấy mình có mâu thuẫn với Đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc tranh luận về việc gửi hỏa tiễn hành trình Taurus tới Ukraine. “Không phải đã đến lúc chúng ta không chỉ nói về cách tiến hành chiến tranh mà còn nghĩ đến việc làm thế nào để đóng băng một cuộc chiến và sau đó kết thúc nó sao?” Mützenich sau đó nói trong một cuộc tranh luận tại quốc hội.

9. Zelenskiy: Ukraine phải tìm cách mới để tổ chức bầu cử nếu chiến tranh kéo dài

Ukraine sẽ cần tìm cách tổ chức bầu cử thời chiến nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong cuộc phỏng vấn với BBC đăng ngày 20 Tháng Bẩy.

Nhiệm kỳ 5 năm của Zelenskiy lẽ ra sẽ kết thúc vào tháng 5, nhưng ông vẫn tiếp tục giữ chức tổng thống do thiết quân luật.

Ukraine ban hành thiết quân luật sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Đạo luật thiết quân luật cấm rõ ràng các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và địa phương.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng có nhiều yếu tố khiến việc tổ chức bầu cử công bằng gặp nhiều thách thức trong chiến tranh, “nhưng trong mọi trường hợp, nếu chiến tranh kéo dài, cần phải tìm kiếm các công cụ mới”.

Nhiệm kỳ của Zelenskiy lẽ ra đã hết trong tháng này nhưng ông ấy vẫn ở lại. Nga muốn sử dụng điều đó cho mục đích tuyên truyền.

Zelenskiy đang trả lời câu hỏi của người phỏng vấn về việc liệu ông có còn tại vị nếu chiến tranh tiếp diễn kéo dài 10 năm hay không và liệu Ukraine có còn được coi là một nền dân chủ vào thời điểm đó hay không.

“Thứ nhất, ít ai nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ tiếp tục trong 10 năm hoặc nhiều năm nữa,” Zelenskiy trả lời và mô tả kịch bản đó là “không thể xảy ra”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc tổ chức bầu cử sẽ “khó khăn” và đòi hỏi phải thay đổi Hiến pháp. Hơn nữa, Hiến pháp không thể thay đổi trong thời gian thiết quân luật.

Ông lưu ý rằng một vấn đề phức tạp khác là làm thế nào để bảo đảm các cuộc bầu cử tự do và công bằng, vì có những người sống ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, người Ukraine phục vụ trong chiến hào và hàng triệu người Ukraine ở nước ngoài.
 
Ukraine đánh lớn, nổ tung phà Crimea. Nga vội vàng đóng cầu Kerch. NATO gấp rút tăng quân, Putin lo
VietCatholic Media
16:04 23/07/2024


1. Đồng minh của Putin ở Âu Châu cho biết NATO đang chuẩn bị cho chiến tranh 'nhanh hơn nhiều'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Ally in Europe Says NATO Preparing for War 'Much Faster'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Hai, 22 Tháng Bẩy, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić cho biết ông tin rằng các quốc gia thành viên NATO đang nhanh chóng chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Nga.

“Bây giờ họ chưa sẵn sàng, nhưng tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng. Họ đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Liên bang Nga và đang chuẩn bị nhanh hơn nhiều so với những gì một số người Nga muốn thấy, xét về mọi mặt”, Vučić nói với kênh truyền hình Pink của Serbia, theo hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga.

“Chúng tôi biết điều này từ sự chuẩn bị quân sự. Chúng tôi biết chúng đang được tiến hành như thế nào. Và tôi muốn nói với các bạn rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự”, ông nói.

Nga là đồng minh chủ chốt của Serbia trong việc ngăn chặn sự công nhận của quốc tế đối với tỉnh Kosovo cũ của nước này và Vučić đã khẳng định rằng ông sẽ không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Ông từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược toàn diện của nhà độc tài Vladimir Putin vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Vào ngày 2 tháng 7, sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tại Belgrade, Vučić mô tả mối quan hệ giữa Serbia và Nga là “rất tốt”. Tuy nhiên, đất nước của ông đã gián tiếp cung cấp cho Ukraine số đạn dược trị giá khoảng 800 triệu euro, Financial Times đưa tin.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn ở mức cao trong suốt cuộc xâm lược Ukraine của Putin. Mạc Tư Khoa cáo buộc liên minh này tham gia vào cuộc chiến bằng cách cung cấp cho Kyiv hỗ trợ quân sự và vũ khí.

Nhận xét của nhà lãnh đạo Serbia được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên rằng liên minh quân sự này có hơn 500.000 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng cao độ, nghĩa là các lực lượng có thể được triển khai trong vòng 30 ngày.

“Kể từ năm 2014, NATO đã trải qua sự chuyển đổi quan trọng nhất trong hoạt động phòng thủ tập thể của chúng ta trong một thế hệ. Chúng tôi đã triển khai các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”, ông Stoltenberg nói hôm 18 Tháng Sáu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Stoltenberg nói tiếp: “Chúng tôi có 500.000 quân ở trạng thái sẵn sàng cao và chúng tôi đã tăng gấp đôi số lượng nhóm chiến đấu ở phần phía đông của Liên minh. Ông mô tả cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “một cuộc tấn công tàn bạo vào một quốc gia dân chủ hòa bình”.

“Cuộc chiến này được thúc đẩy bởi Trung Quốc, Bắc Hàn và Iran. Họ muốn thấy Hoa Kỳ thất bại. Họ muốn thấy NATO thất bại. Nếu họ thành công ở Ukraine, điều đó sẽ khiến chúng ta dễ bị tổn thương hơn và thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy, sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine không phải là bác ái. Đó là vì lợi ích an ninh của chúng ta”, ông nói.

Stoltenberg nói thêm: “Tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc. Nhưng sự xâm lược của Nga ở Ukraine không mang lại hòa bình. Và việc đầu hàng Putin không mang lại sự an toàn nào cả. Sự hỗ trợ của chúng tôi càng mạnh mẽ thì chiến tranh sẽ kết thúc càng sớm “.

2. Nga cáo buộc rằng trong khu vực Crimea bị tạm chiếm, phà ở eo biển Kerch bị máy bay điều khiển từ xa tấn công

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Occupied Crimea, ferry in Kerch Strait attacked by drones, Russia claims”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Sáng sớm Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, Ukraine đã tấn công ồ ạt vào bán đảo Crimea, khiến Nga hốt hoảng ra lệnh đóng cầu Kerch.

Vào buổi trưa cùng ngày, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tuyên bố lực lượng Nga đã bắn hạ 21 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trên vùng Crimea và Hắc Hải bị tạm chiếm. Trong khi đó, các kênh Telegram địa phương đưa tin về các vụ nổ long trời trên bán đảo suốt buổi sáng. Lệnh đóng cầu Crimea vẫn còn có hiệu lực.

Kênh Telegram Crimea Wind viết: Người dân cho biết đã nghe thấy âm thanh của vụ nổ trong cộng đồng Dzhankoi ở phía bắc Crimea.

Giao thông cũng bị đình trệ trên cầu Kerch nối đất liền Nga với Crimea bị tạm chiếm, Astra đưa tin.

Thống đốc khu vực Veniamin Kondratyev tuyên bố rằng các máy bay điều khiển từ xa đã tấn công một tàu phà tại Cảng Kavkaz, nằm ở eo biển Kerch ngăn cách bán đảo với Krasnodar Krai của Nga.

“Các dịch vụ khẩn cấp đang có mặt tại hiện trường và đang tìm cách khống chế ngọn lửa. Thật không may, có những thành viên thủy thủ đoàn và nhân viên cảng bị thương và thiệt mạng”.

Quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về thiệt hại của chiếc phà

Tuyến phà này là kết nối hậu cần quan trọng giữa bán đảo bị tạm chiếm và đất liền Nga, đã bị tấn công nhiều lần vào cuối tháng 5 bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine.

Trước đó trong đêm, chính quyền xâm lược tuyên bố rằng 15 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị bắn rơi trên Hắc Hải.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào sáng sớm rằng có tới 21 máy bay điều khiển từ xa đã bị bắn hạ trên bán đảo và vùng biển bị tạm chiếm.

Bán đảo Crimea bị tạm chiếm đã nhiều lần trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và thuyền điều khiển từ xa của Ukraine, buộc lực lượng Nga phải rút phần lớn sức mạnh hải quân và tăng cường phòng không.

3. Điện Cẩm Linh phản ứng khi Zelenskiy nêu ra triển vọng đàm phán với Putin

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Điện Cẩm Linh phản ứng khi Zelenskiy nêu ra triển vọng đàm phán với Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Điện Cẩm Linh cho biết họ sẽ chờ đợi “những hành động cụ thể” từ Kyiv sau những bình luận của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskiy dường như làm tăng triển vọng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến do Mạc Tư Khoa phát động.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov cho biết như trên khi trả lời những yêu cầu bình luận cho cuộc phỏng vấn mà Zelenskiy dành cho BBC vào hôm thứ Bảy, ngày 20 tháng 7, và được công bố một ngày sau đó hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, trong đó ông trình bày chi tiết về việc áp lực quốc tế có thể buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán như thế nào.

“Điều đó không có nghĩa là tất cả các vùng lãnh thổ đều được giành lại bằng vũ lực,” Zelenskiy nói. “Tôi nghĩ sức mạnh ngoại giao có thể giúp ích”.

“Bằng cách gây áp lực lên Nga, tôi nghĩ có thể đạt được thỏa thuận ngoại giao”.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Putin hay không - một viễn cảnh đã bị chính quyền Zelenskiy bác bỏ từ lâu - Tổng thống Ukraine cho biết ông sẽ nói chuyện với “bất kỳ ai chịu trách nhiệm ở Nga”.

“Tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, nếu kế hoạch đã hoàn toàn sẵn sàng và nếu Nga sẵn sàng thảo luận về kế hoạch này và đồng ý chấm dứt chiến tranh, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng đàm phán cùng với các đối tác của mình. với đại diện của Nga.

Zelenskiy kết luận: “Cho dù đó là Putin hay không Putin, điều đó có tạo ra sự khác biệt gì không, thành thật mà nói”.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin Peskov hôm thứ Hai nói rằng quan điểm của Kyiv về đối thoại “tốt hơn những lời nói về ý định chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng”.

4. Kamala Harris gặp bất lợi trong hai cuộc thăm dò đầu tiên sau khi Tổng thống Joe Biden từ chức

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kamala Harris Stung in First Two Polls After Joe Biden Stepped Down”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Hai cuộc thăm dò chính trị được tiến hành sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ chiến dịch tái tranh cử đều cho thấy Kamala Harris sẽ thua cựu Tổng thống Ông Donald Trump nếu bà được chọn làm ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Tổng thống Biden hôm Chúa Nhật thông báo rằng ông sẽ không tái tranh cử trong cuộc đua tổng thống năm 2024 sau nhiều tuần nói rằng ông sẽ không rút lui khỏi cuộc đua. Cùng ngày, Tổng thống Biden lên tiếng ủng hộ Harris, phó tổng thống của ông, thay thế ông làm ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Một số cái tên đã được đưa ra để thay thế, bao gồm cả Harris. Tuy nhiên, hai cuộc thăm dò gần đây cho thấy phó tổng thống có thể không đủ mạnh mẽ để chống lại Ông Trump nếu hai người đối đầu vào tháng 11, mặc dù vẫn còn hơn ba tháng nữa mới đến cuộc tổng tuyển cử.

Một cuộc thăm dò On Point Politics/SoCal Research được tiến hành vào Chúa Nhật sau khi thông báo của Tổng thống Biden khảo sát 801 cử tri có khả năng bỏ phiếu. Trong số những người được khảo sát, 51% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Ông Trump nếu cuộc bầu cử năm 2024 được tổ chức hôm nay, chỉ 43% dồn phiếu cho Harris. Sáu phần trăm vẫn chưa quyết định.

Mặc dù thu được hàng triệu đô la quyên góp chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Biden từ chức, kết quả thăm dò ý kiến của Harris đã thay đổi rất ít kể từ khi On Point Politics/SoCal Research tiến hành một cuộc thăm dò tương tự vào ngày 17 tháng 7. Cuộc thăm dò ngày 17 tháng 7 đã khảo sát 800 cử tri, trong đó 52% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Ông Trump và 44 phần trăm cho Tổng thống Joe Biden. Vào thời điểm đó, các cử tri cũng được thăm dò về việc họ có nhiều khả năng bỏ phiếu cho ai hơn giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump vì Tổng thống Biden vẫn đang tranh cử. Ông Trump vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ nhất với 51%, còn Tổng thống Biden là 45%.

Một cuộc thăm dò của Morning Consult công bố hôm thứ Ba cũng cho thấy Ông Trump vượt trội hơn Harris sau khi Tổng thống Biden rút lui.

Vẫn chưa chắc chắn ai sẽ được chọn làm ứng cử viên Đảng Dân chủ, mặc dù Harris là một lựa chọn hiển nhiên vì cô ấy có thể tiếp cận quỹ tranh cử của Tổng thống Biden vì Harris liên danh với Tổng thống Joe Biden.

5. Nga kết án nhà báo người Mỹ gốc Nga 6,5 năm tù trong nhà tù hình sự

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Sentences Russian American Journalist to 6.5 Years in Penal Colony”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Hai, 22 Tháng Bẩy, Nga đã kết án nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva 6 năm rưỡi tại trại giam tù hình sự có mức độ an ninh trung bình sau khi cô bị kết tội “truyền bá thông tin sai lệch” về quân đội Điện Cẩm Linh.

Kurmasheva, người mang quốc tịch Mỹ và Nga và sống ở Praha, đã bị kết án như trên theo trang web của Tòa án Tối cao Tatarstan ở Kazan. Phát ngôn nhân của tòa án Natalya Loseva đã xác nhận lời kết tội và bản án của Kurmasheva với AP, vì vụ án “được phân loại là bí mật”.

Kurmasheva, biên tập viên 47 tuổi của đài Tatar-Bashkir của Radio Free Europe/Radio Liberty (RFE/RL) do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, đã bị bắt giữ vào tháng 10 và bị buộc tội không ghi danh làm đặc vụ nước ngoài trong khi thu thập thông tin về quân đội Nga.

Sau đó, cô bị buộc tội “lan truyền thông tin sai lệch” liên quan đến quân đội Nga theo luật hình sự hóa bất kỳ biểu hiện nào trước công chúng chống lại cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

AP dẫn lời chồng của Kurmasheva, Pavel Butorin, người kịch liệt phủ nhận các cáo buộc chống lại vợ mình.

“Tôi và các con gái của tôi biết Alsu không làm gì sai. Và thế giới cũng biết điều đó,” Butorin nói hôm thứ Hai trong một bài đăng trên X,.

Bản án dành cho Kurmasheva được đưa ra cùng ngày phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal bị kết án 16 năm vì tội gián điệp. Gershkovich, 32 tuổi, bị bắt vào ngày 29 tháng 3 năm 2023, trong chuyến đi báo cáo tới thành phố Yekaterinburg ở Dãy núi Ural.

Chính quyền Nga cáo buộc ông đang thu thập thông tin bí mật cho Mỹ nhưng cáo buộc đó đã bị Mỹ bác bỏ.

Ông là nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt vì tội gián điệp, điều mà Gershkovich cũng phủ nhận, kể từ Nicholas Daniloff năm 1986, theo AP.

Kể từ đó, cả hai trường hợp đều bị cộng đồng quốc tế lên án, trong đó các quan chức Mỹ coi chúng là có động cơ chính trị, đánh dấu một cuộc đàn áp quyền tự do ngôn luận trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

“Đây là một sự nhạo báng công lý,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành RFE/RL Stephen Capus nói với AP, đồng thời kêu gọi thả Kurmasheva ngay lập tức. “Đã quá thời gian để công dân Mỹ này, đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi, được đoàn tụ với gia đình yêu thương của mình.”

Phóng viên không biên giới nói với AP rằng bản án của Kurmasheva “minh họa mức độ chuyên quyền chưa từng có tràn ngập trong một cơ quan tư pháp Nga vốn nhận lệnh từ Điện Cẩm Linh”, đồng thời nói thêm rằng nó nhằm mục đích đe dọa các nhà báo và gây áp lực lên Mỹ.

Danh sách người Mỹ bị bắt ở Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì cuộc chiến Ukraine, với 9 công dân Mỹ được cho là đang bị giam giữ ở đó, AP đưa tin.

6. Zelenskiy cảm ơn Tổng thống Biden vì đã nhất quán ủng hộ Ukraine trong suốt nhiệm kỳ tổng thống

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy bày tỏ sự tôn trọng đối với quyết định rút khỏi cuộc đua tổng thống của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời cảm ơn ông vì sự ủng hộ kiên định đối với cuộc đấu tranh vì tự do của Ukraine.

“Chúng tôi sẽ luôn biết ơn sự lãnh đạo của Tổng thống Biden. Ông ấy đã ủng hộ đất nước chúng tôi trong thời điểm kịch tính nhất trong lịch sử, hỗ trợ chúng tôi ngăn chặn Putin xâm lược đất nước của chúng tôi và tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong suốt cuộc chiến khủng khiếp này”, Tổng thống Zelenskiy cho biết như trên sau khi quyết định rút lui của Tổng thống Joe Biden được công bố vào sáng Thứ Hai, 22 Tháng Bẩy, theo giờ Việt Nam.

Ông tuyên bố rằng các quyết định của Tổng thống Biden sẽ được ghi nhớ là “những hành động táo bạo được thực hiện để đối phó với thời điểm đầy thử thách”.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng tình hình ở Ukraine và Âu Châu vẫn còn khó khăn, đồng thời ông hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và lãnh đạo liên tục từ Mỹ trong tương lai.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, hàng tỷ đô la đã được phân bổ trong các gói viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022. Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ và trung thành của Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga, kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu có lập trường tương tự.

Các quan chức Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Zelenskiy, đã nhấn mạnh rằng Kyiv sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với bất kỳ chính quyền nào của Mỹ, bất kể kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 như thế nào.

Thông báo từ Tổng thống Biden về việc đình chỉ chiến dịch tái tranh cử được đưa ra sau nhiều tuần áp lực gia tăng từ các đảng viên Đảng Dân chủ cao cấp buộc Tổng thống Biden phải rời khỏi cuộc đua.

Những lo ngại về khả năng đảm nhiệm chức vụ và trí tuệ nhạy bén của Tổng thống Biden ngày càng gia tăng sau màn tranh luận kém cỏi của tổng thống vào tháng 6.

7. Phó Thủ tướng Ukraine nói Boris Johnson đã hành động vì lợi ích của Ukraine trong cuộc gặp gỡ với cựu Tổng thống Trump

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Johnson acted in Ukraine's interests during meeting with Trump, deputy PM says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Trong nỗ lực trấn an đồng bào, hôm Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, Phó Thủ tướng Olha Stefanishyna cho biết Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gặp ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, là cựu Tổng thống Trump theo sáng kiến riêng của ông ấy, nhưng là vì lợi ích của Ukraine.

Hai người gặp nhau tại Washington trong Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào ngày 16 Tháng Bẩy.

Sau khi thảo luận về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine với cựu Tổng thống Trump, cựu Thủ tướng Johnson sau đó đã viết rằng ông “tin chắc hơn bao giờ hết rằng Ông Trump có sức mạnh và sự dũng cảm để khắc phục tình hình, cứu Ukraine và mang lại hòa bình”.

Theo Stefanishyna, cựu thủ tướng Anh đang hành động theo sáng kiến của riêng mình nhưng nghĩ đến lợi ích tốt nhất của Ukraine vì ông biết lập trường của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

“Ông ấy có quyền đưa ra ý kiến của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ông ấy đang hành động vì lợi ích tốt nhất của Ukraine và có đủ khả năng để làm điều đó vì ông ấy biết quan điểm của tổng thống của chúng ta cũng như nguyện vọng và hoàn cảnh của người Ukraine”, Stefanishyna nói.

Với tư cách là Thủ tướng Anh, Johnson là người ủng hộ lớn cho Ukraine và tiếp tục thúc đẩy phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi ông từ chức vào năm 2022.

“Ông ấy đã cố gắng giải thích tình hình ở Ukraine với cựu Tổng thống Trump. Một tiếng nói như vậy rất có giá trị vì ông ấy có quyền lực, sự công nhận và kênh liên lạc với các đồng nghiệp trong Đảng Cộng hòa”, Stefanishyna nói với các nhà báo ở Kyiv.

Để trấn an đồng bào hơn nữa, Stefanishyna cho biết trong cuộc tranh luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước, Ông Trump nói rằng các yêu sách do Putin đưa ra cho một thoả thuận hbận hòa bình, như yêu cầu Ukraine nhượng lại 4 khu vực bị Nga tạm chiếm một phần và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO, là “không thể chấp nhận được”.

Cựu Thủ tướng Anh Johnson cho biết ông tin rằng Ông Trump hiểu “thất bại đối với Ukraine sẽ là một thất bại nặng nề đối với Mỹ” và rằng ông có thể “chấm dứt nó - theo những điều kiện phù hợp với Ukraine và phương Tây”.

8. Latvia gửi thêm 500 máy bay điều khiển từ xa tới Ukraine

Hôm Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds cho biết Riga đã chuẩn bị một lô hơn 500 máy bay điều khiển từ xa để gửi tới Ukraine.

Đầu tháng này, Riga tuyên bố sẽ gửi hơn 2.500 máy bay điều khiển từ xa chiến đấu các loại khác nhau tới Ukraine vào tháng 7, trị giá 4 triệu euro hay 4,3 triệu Mỹ Kim.

Spruds đã chia sẻ những bức ảnh trên X cho thấy một số hộp được đóng gói có dòng chữ “liên minh máy bay điều khiển từ xa”. Thời điểm máy bay điều khiển từ xa dự kiến xuất hiện ở Ukraine đã không được Spruds đề cập.

Latvia và Vương quốc Anh là những nhà lãnh đạo của liên minh quốc tế được thành lập để cung cấp cho Ukraine máy bay điều khiển từ xa, loại máy bay này đã trở thành một năng lực quan trọng trên chiến trường Ukraine.

Cộng hòa Tiệp tham gia sáng kiến này ngày 11 Tháng Bẩy, nâng tổng số thành viên liên minh lên 16.

Spruds hồi tháng 5 tuyên bố rằng chính phủ Latvia sẽ đầu tư khoảng 20 triệu euro (22 triệu Mỹ Kim) vào liên minh máy bay điều khiển từ xa trong năm nay và một khoản tiền tương tự để phát triển năng lực máy bay điều khiển từ xa của Latvia.

Ukraine cũng đang nỗ lực tăng quy mô sản xuất trong nước, đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1 triệu máy bay điều khiển từ xa vào năm 2024. Kyiv sử dụng máy bay điều khiển từ xa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự như phi trường và hậu cần, cũng như các nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu..

9. Nga gấp rút mở rộng nghĩa trang trong bối cảnh thương vong chiến tranh gia tăng

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Rushes To Expand Cemeteries Amid Rising War Casualties”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo phân tích của một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, Nga đã tăng mạnh chi tiêu nhà nước để xây dựng nghĩa trang mới kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine hơn hai năm trước.

Tờ Moscow Times đưa tin hôm Thứ Ba, 23 Tháng Bẩy, rằng năm ngoái, chính quyền Nga đã chi hơn 225 triệu rúp hay 2,5 triệu Mỹ Kim cho các dự án mở rộng nghĩa trang, gấp đôi so với năm 2022 và gần gấp sáu lần so với năm 2020, dữ liệu từ cổng mua sắm nhà nước chính thức của Nga cho thấy

Đến tháng 6 năm nay, 136 triệu rúp hay 1,5 triệu Mỹ Kim đã được chi cho việc mở rộng nghĩa trang, cơ quan truyền thông cho biết.

Cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin, được phát động vào tháng 2 năm 2022, đã dẫn đến số lượng quân nhân thiệt mạng cao cho cả Mạc Tư Khoa và Kyiv.

Mặc dù không thể xác minh độc lập quy mô thực sự về tổn thất trên chiến trường của Nga và số liệu thống kê chính thức không phản ánh sự gia tăng số người chết do cuộc chiến đang diễn ra, phân tích dữ liệu có sẵn công khai cho thấy số người chết cao hơn nhiều so với những gì được Nga loan báo.

Vào ngày 27 tháng 6, hãng tin độc lập “Những câu chuyện quan trọng” đã sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (Rosstat) để ước tính rằng ít nhất 71.000 quân Nga đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Các hãng tin độc lập của Nga là Mediazona và Meduza cũng công bố một cuộc điều tra chung về cái chết của quân nhân vào ngày 5 tháng 7, sử dụng dữ liệu từ Cơ quan ghi danh chứng thực quốc gia của nước này. Các tờ báo này cho biết đến cuối tháng 6, khoảng 120.000 quân Nga đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu, “nhưng con số thực tế có thể lên tới 140.000”.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 31 Tháng Năm cho biết Mạc Tư Khoa có thể đã phải hứng chịu hơn 500.000 quân nhân chết và bị thương kể từ đầu năm 2022.

Mạc Tư Khoa hiếm khi chia sẻ thông tin về số thương vong mà nước này phải gánh chịu trong cuộc chiến và không đề cập đến chủ đề này kể từ tháng 9 năm 2022, khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng chỉ dưới 6.000 binh sĩ đã thiệt mạng.

Trong tuyên bố hiếm hoi về những tổn thất trong cuộc chiến Ukraine, Putin cho biết trong cuộc họp báo ngày 5 Tháng Sáu rằng tỷ lệ “tổn thất không thể khắc phục” giữa Nga và Ukraine là 1 phần Năm nghiêng về Mạc Tư Khoa, nhưng không nêu chi tiết về con số.

Tương tự, Kyiv cũng tránh cung cấp số liệu cập nhật về tổn thất trên chiến trường. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 2 rằng 31.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

10. Phiên tòa vội vã dành cho Evan Gershkovich có thể có ý nghĩa như thế nào

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “What a rushed trial for Evan Gershkovich might mean”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tất nhiên, không bao giờ nghi ngờ rằng phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal sẽ bị kết tội gián điệp - tỷ lệ trắng án trong các phiên tòa hình sự được tổ chức trước một thẩm phán ở Nga chỉ là 0,34%.

Thêm vào đó, khi nói đến các phiên tòa xét xử có động cơ chính trị do Điện Cẩm Linh dàn dựng, tỷ lệ đó luôn bằng 0. Vì vậy, một bản án có tội luôn luôn chắc chắn. Câu hỏi duy nhất là thẩm phán sẽ đưa ra mức án bao lâu.

Và khi giai đoạn cuối cùng vội vã của vụ án kết thúc vào thứ Sáu, không có sự thương xót nào cả. Gershkovich bị kết án 16 năm tù giam trong trại giam có chế độ nghiêm ngặt.

Nhưng vụ việc dường như đã được thông qua một cách vội vã. Tại sao?

Khi người đàn ông 32 tuổi này bị bắt vào tháng 3 năm ngoái, anh trở thành nhà báo Mỹ đầu tiên bị giam giữ vì tội gián điệp kể từ Nicholas Daniloff vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1986. Đây là một cú sốc không chỉ đối với những người quan sát bình thường mà còn đối với các nhà báo. những người có kinh nghiệm đưa tin từ Nga - bao gồm cả người phụ trách chuyên mục này. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh rõ ràng rằng mọi thứ đã thay đổi ở đất nước này kể từ khi nhà độc tài Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện tàn bạo vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Trước cuộc xâm lược, chính quyền Nga đã gây khó khăn cho các phóng viên nước ngoài làm việc ở nước này - từ chối và trì hoãn thị thực cũng như giấy phép hoạt động truyền thông, yêu cầu nhân viên hỗ trợ địa phương phải ghi danh làm “đặc vụ nước ngoài”, buộc họ phải nộp các thủ tục giấy tờ nặng nề và tất nhiên là, có thể có sự quấy rối về thể chất và sự giám sát rất rõ ràng nhằm mục đích đe dọa.

Nhưng việc bắt giữ một nhà báo Mỹ với cáo buộc gián điệp đã đánh dấu sự leo thang đáng kể thái độ thù địch đối với giới truyền thông nước ngoài. Nó cũng cho thấy Điện Cẩm Linh sẵn sàng sao chép chiến thuật bắt giữ con tin của Iran. Bản án của Gershkovich chỉ làm tăng thêm cú sốc.

Như đã lưu ý trong báo cáo năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền ở Nga, các thẩm phán “chịu ảnh hưởng từ cơ quan hành pháp, lực lượng vũ trang và các lực lượng an ninh khác, đặc biệt là trong các vụ án cao cấp hoặc nhạy cảm về mặt chính trị”. Vì vậy, có lý do cho rằng bản án khắc nghiệt này được đưa ra từ đầu. Nó vừa gửi đi một thông điệp vừa có khả năng gây áp lực buộc Washington phải đưa ra điều gì đó mà Điện Cẩm Linh muốn - cụ thể là trao đổi tù nhân với Mỹ.

Putin trước đây đã nói rằng ông để ngỏ khả năng giao dịch. Và ứng cử viên sáng giá nhất để trao đổi chính là sát thủ Vadim Krasikov, kẻ hiện đang thụ án chung thân ở Đức. Krasikov bị kết án vì sát hại một nhà bất đồng chính kiến Chechnya-Georgia lưu vong ở Berlin vào năm 2019, và khi tuyên án, thẩm phán Đức lưu ý rằng lệnh giết người rất có thể đến từ chính bản thân Putin.

Sau đó, khi được hỏi về nhà báo Mỹ trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 với Tucker Carlson, nhà lãnh đạo Nga ngụ ý rằng Mạc Tư Khoa sẽ sẵn sàng trao đổi Gershkovich lấy Krasikov. “Chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề này, nhưng có một số điều khoản nhất định đang được thảo luận thông qua các kênh dịch vụ đặc biệt. Tôi tin rằng có thể đạt được thỏa thuận”, Putin nói. Sau đó, ông nhắc đến một cá nhân “vì tình cảm yêu nước, đã tiêu diệt một tên cướp ở một trong những thủ đô của Âu Châu”.

Một ứng cử viên tiềm năng khác, hoặc thậm chí bổ sung, cho việc hoán đổi sẽ là Roman Seleznev – con trai của một nhà lập pháp Nga, người đã bị kết án ở bang Washington vào năm 2016 vì phạm tội lừa đảo qua mạng đối với hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ. Seleznev bị kết án 27 năm tù, mức án dài nhất liên quan đến hack trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ.

Các quan chức Mỹ hiện không đưa ra bất kỳ bình luận nào về khả năng hoán đổi, điều này có thể hiểu được vì môi miệng lỏng lẻo có thể làm hỏng các cuộc đàm phán - điều mà Điện Cẩm Linh đã nhấn mạnh. Trao đổi với các nhà báo quốc tế tại một diễn đàn kinh tế hồi đầu tháng này, “những vấn đề như vậy không được giải quyết thông qua các phương tiện truyền thông”, Putin cảnh báo. “Họ thích đường lối và đối thoại yên tĩnh, bình tĩnh, chuyên nghiệp giữa các cơ quan tình báo. Và tất nhiên, chúng chỉ nên được giải quyết trên cơ sở có đi có lại.”

Nhưng một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ, người yêu cầu giấu tên để có thể nói chuyện thoải mái hơn, nói với POLITICO rằng ông thực sự đã nhận được một chút an ủi từ bản án khắc nghiệt, cũng như việc đẩy nhanh quá trình xét xử.

Gershkovich sẽ không phải hầu tòa trong tháng này. Phiên tòa xét xử anh ta thực sự đã được lên kế hoạch vào giữa tháng 8 tại tòa án ở thủ đô Yekaterinburg thuộc dãy núi Ural của Nga, nơi anh ta bị giam giữ ban đầu. Hơn nữa, phiên tòa chỉ gồm hai phiên điều trần và phiên tòa đầu tiên chỉ diễn ra vào tháng trước. Điều đó thật nhanh chóng - thậm chí theo tiêu chuẩn bất công của Nga. Và các quan chức Nga trước đây đã tuyên bố rằng bất kỳ hoạt động trao đổi tù nhân nào chỉ có thể xảy ra sau khi có phán quyết.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Rất có khả năng hơn 30.000 binh sĩ Rosgvardiya (Vệ binh Quốc gia Nga) hiện đang được triển khai tới Ukraine. Phần lớn quân nhân của Rosgvardiya gần như chắc chắn đang tiến hành các hoạt động an ninh ở khu vực hậu phương, chỉ có một số đơn vị tham gia chiến đấu ở tiền tuyến.

Đơn vị chiến đấu ưu tú của Rosgvardiya, Lữ đoàn Biệt Kích 116, rất có thể bao gồm 3 trung đoàn quân, được trang bị xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo binh.

Kể từ đầu năm 2024, Rosgvardiya gần như chắc chắn đã cố gắng tăng cường lực lượng tiền tuyến của mình thông qua việc tiếp thu các đơn vị bất thường của Nga. Rosgvardiya đã hợp nhất thành công Tiểu đoàn Vostok của Cộng hòa Nhân dân Donetsk vào hàng ngũ của mình trong tháng 5 năm 2024. Rất có khả năng thỏa thuận được mong đợi nhằm đưa lực lượng Wagner phục vụ dưới quyền Quân đoàn tình nguyện số 1 của Rosgvardiya đã bị phá vỡ vào tháng 3 năm 2024.
 
Các cuộc hành hương đông đảo và cảm động tại Ukraine và Hoa Kỳ. ĐHY Quốc Vụ Khanh thăm Ukraine
VietCatholic Media
18:08 23/07/2024


1. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đến Ukraine

Hôm 19 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đến Ukraine với tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô để chủ sự thánh lễ kết thúc cuộc hành hương của các tín hữu Công Giáo Latinh, tại Đền thánh Đức Mẹ Berdychiv, vào Chúa nhật, ngày 21 tháng Bảy vừa qua.

Đây cũng là lần đầu tiên từ khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine, hồi tháng Hai năm 2022, Đức Hồng Y Parolin viếng thăm nước này.

Tuyên bố với giới báo chí, Đức Hồng Y cho biết chuyến đi của ngài diễn ra dưới dấu hiệu cầu nguyện và “hy vọng có những con đường được tìm ra để sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine”. Đức Hồng Y cũng mang theo sự gần gũi của Đức Thánh Cha, ngay từ đầu chiến cuộc, đã tìm kiếm những con đường để chấm dứt chiến tranh và đạt được một nền hòa bình công chính”.

Khi đến thành phố Lviv ở miền tây Ukraine, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo hội và dân sự. Được Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, tháp tùng, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đến Tòa Tổng giám mục Công Giáo Latinh, và gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Mieczyslaw Mokrzycki và hai Giám Mục Phụ Tá. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ, cũng có ông Chủ tịch miền Lviv và thị trưởng ở địa phương.

Tiếp đó, Đức Hồng Y đến viếng thăm cảng Odessa ở miền nam Ukraine, thường bị Nga tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa.

Với giới báo chí, Đức Hồng Y Parolin cho biết Chúa nhật, ngày 21 tháng Bảy này, sau khi cử hành thánh lễ bế mạc cuộc hành hương, ngài sẽ gặp chính quyền Ukraine, bắt đầu từ tổng thống. Dĩ nhiên, đề tài cuộc trao đổi sẽ là vấn đề hòa bình và những viễn tượng tương lai. Ngài cũng viếng thăm nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk.

Nhân danh Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, một lần nữa Đức Hồng Y Parolin bày tỏ lo âu về tình hình Ukraine và tái khẳng định rằng cần “tìm ra một giải pháp ôn hòa để đạt tới nền hòa bình công chính như đã nói nhiều lần. Cho đến nay, dường như sau chuyến đi của Đức Hồng Y Zuppi ở Kyiv và Mạc Tư Khoa, sự dấn thân về mặt nhân đạo dường như là con đường duy nhất để tạo điều kiện cho hòa bình này.”

Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng cả chính phủ Ukraine, như tại Diễn đàn hòa bình mới đây ở Thụy sĩ, cũng đề cập đến ba chiều kích: trước tiên là vấn đề hạt nhân, tránh leo thang; rồi vấn đề tự do di chuyển hàng hóa, và sau cùng là vấn đề nhân đạo. Tòa Thánh tập trung cố gắng vào chiều kích thứ ba này, theo lời thỉnh cầu của chính phủ Ukraine, nhưng nhắm thực hiện những bước tiến có thể đưa tới gần hòa bình”.

Cho đến nay, đã có những vị lãnh đạo khác của Tòa Thánh viếng thăm Ukraine, như Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Gallagher, Đức Hồng Y Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đặc ủy của Tòa Thánh giúp tạo bầu không khí đối thoại giữa Nga và Ukraine, và đặc biệt Đức Hồng Y Krajewski, Bộ trưởng Bộ Bác ái đã viếng thăm Ukraine tám lần, mang theo các phẩm vật cứu trợ.

Hồi đầu tháng Bảy này, bà Olena Kondratiuk, Phó chủ tịch Quốc hội Ukraine, đã viếng thăm Tòa Thánh và bày tỏ lòng biết ơn đối với những can thiệp và giúp đỡ của Tòa Thánh.

2. Ba mươi ngàn tín hữu Ukraine hành hương Đền thánh Đức Mẹ Zarvanytsia

Cuối tuần vừa qua, ba mươi ngàn tín hữu Công Giáo Ukraine đã hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Zarvanytsia. Đồng tế thánh lễ trong dịp này, có các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đến từ Ukraine và các nơi trên thế giới.

Zarvanytsia là một làng nhỏ thuộc miền Ternopil, miền tây Ukraine, đã trở thành trung tâm lòng sùng kính Đức Mẹ, từ thế kỷ XIII. Theo lưu truyền, năm 1240, một đan sĩ thoát từ thành Kyiv, khi thành này bị người Mông Cổ đốt phá và chạy đến làng này. Đan sĩ ấy thấy Đức Mẹ trong một giấc mơ và khi tỉnh dậy, thì thấy một ảnh vẽ trên gỗ diễn tả Mẹ Thiên Chúa và Chúa Hài Đồng Giêsu. Đan sĩ đó đã lập một nhà nguyện để giữ ảnh Đức Mẹ. Một dòng suối nảy sinh gần đó, có khả năng chữa bệnh, và chẳng bao lâu được nhìn nhận là phép lạ.

Theo các nghiên cứu hiện đại, ảnh Đức Mẹ Zarvanytsia là ảnh vẽ cổ nhất về Mẹ Thiên Chúa ở Ukraine, có từ thế kỷ XIII-XIV. Năm 1754, thánh đường Chúa Ba Ngôi được kiến thiết tại đây, nhưng trong thời Thế chiến thứ I, đã bị phá hủy. Năm 1822, thánh đường được tái thiết với sự hỗ trợ của Đức Cha Andrei Sheptytsky, Tổng giám mục Giáo phận Kyiv của Công Giáo Ukraine Đông phương. Dưới thời Liên Xô, Đền thánh bị phá hủy hoàn toàn, nhưng lại được xây dựng lại sau khi Ukraine được độc lập, cách đây hơn 30 năm. Mỗi năm, có khoảng một triệu 500.000 đến hành hương tại Đền thánh.

Trong số những người tham dự cuộc hành hương hồi cuối tuần qua, cũng có hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Ukraine bị Nga bắt giam và mới được trả tự do.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, nói rằng: “Ngày hôm nay, Đức Mẹ đã kêu gọi tất cả chúng ta về đây để cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, để từ bỏ mọi gánh nặng đang đè nặng trong tâm hồn chúng ta trong tòa giải tội, để đặt mọi đau khổ và nước mắt của chúng ta trong tay Mẹ Hiền Thiên Quốc của chúng ta. Chính Mẹ đích thân sẵn sàng đón nhận tất cả từ chúng ta hôm nay và chuyển thông cho chúng ta ánh sáng sự sống của Thiên Chúa”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng nói rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta xin quyền năng của Thiên Chúa, được biểu lộ trong thân thể của một quốc gia bị kiệt quệ và bị thương tích. Vì chính từ sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh mà hy vọng được tỏa lan cho chúng ta. Đó là bí quyết không thể chiến bại, bất tử và kiên cường của tinh thần chúng ta. Chính từ đó mà ánh sáng chiến thắng quân Nga xâm lược được tỏa sáng”.

3. Diễn từ của Đức Hồng Y Louis Tagle trong thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ

Hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, trong bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ, Đức Tagle đã chào đón những người tham dự Thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Swahili, cùng nhiều ngôn ngữ khác. Ban tổ chức Đại hội cho biết những người tham dự đến từ 50 tiểu bang và 17 quốc gia, nói 43 thứ tiếng.

“Nhà truyền giáo là một ân sủng. Truyền giáo không chỉ là công việc, mà còn là sự cống hiến chính mình”, Đức Hồng Y Luis Tagle người Phi Luật Tân, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại đại hội cho biết khi chủ tế Thánh lễ bế mạc vào ngày 21 tháng 7.

Đức Hồng Y Tagle nói trong bài giảng rằng, trước khi đến Indianapolis, ngài đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô liệu ngài có một thông điệp nào cho những người tham dự đại hội Thánh Thể toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ kể từ tháng 6 năm 1941 tại Minnesota hay không.

“Đức Thánh Cha nói: 'Hãy hoán cải để đón nhận Bí tích Thánh Thể! Trở lại với Bí tích Thánh Thể!”

Trong một lá thư mà Đức Phanxicô cũng gửi cho Đức Hồng Y Tagle, Đức Hồng Y nói rằng Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng những người tham dự đại hội sẽ “nhận thức đầy đủ về những ân sủng phổ quát mà họ nhận được từ lương thực thiên quốc và có thể truyền đạt chúng cho người khác”.

“Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là một món quà và là sự hoàn thành sứ mệnh của Ngài,” Đức Hồng Y Tagle nói, và nhấn mạnh đến ân sủng như một chủ đề xuyên suốt bài giảng của mình.

Đức Hồng Y Tagle nói: “Nơi nào thiếu hoặc suy yếu lòng nhiệt thành truyền giáo, có thể một phần là do sự suy yếu trong việc đánh giá cao các ân sủng”. Ngài khuyến khích mọi người đừng nghĩ đến giá trị bản thân về mặt thành tích nghề nghiệp.

Ngài nói: “Nếu tầm nhìn của chúng ta chỉ là thành tựu, thành công và lợi nhuận thì không có chỗ để nhìn thấy và nhận ra những hồng ân nhưng không”. “Không có chỗ cho lòng biết ơn và sự tự hiến. Sẽ chỉ có sự tìm kiếm không ngừng nghỉ để khẳng định bản thân mà cuối cùng sẽ trở nên ngột ngạt và mệt mỏi, dẫn đến sự ích kỷ hoặc chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn.”

Đức Hồng Y cũng kêu gọi các tham dự viên noi gương Chúa Giêsu trong việc hiến dâng chính mình cho những người họ gặp gỡ.

Đức Hồng Y nói: “anh chị em ơi, anh chị em thấy gì nơi một người nghèo? nơi một người vô gia cư? nơi người bệnh? anh chị em thấy gì nơi một người, khác biệt với anh chị em? Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy trao tặng cho nhau món quà hiện diện.”

Đức Hồng Y đã giảng bài giảng tại một sân vận động túc cầu có khoảng 50.000 người, trong đó có 200 giám mục, 500 chủng sinh và hàng trăm linh mục đã tiến vào đấu trường. Dàn nhạc Giao hưởng Indianapolis biểu diễn các bài thánh ca Công Giáo truyền thống và hiện đại trong phụng vụ.

Thánh lễ diễn ra sau chương trình diễn thuyết buổi sáng, trong đó những người thuyết trình kêu gọi các tham dự viên mang tất cả những gì họ đã trải qua trong đại hội về nhà cho giáo xứ, gia đình và cộng đồng của họ.

Mẹ Adela Galindo, người sáng lập Dòng Tôi tớ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, một cộng đồng tôn giáo ở Tổng Giáo phận Miami, cho biết: “Khi chúng ta rời đại hội này, chúng ta hãy ra đi với tư cách là những nhà truyền giáo”.

“Đây không chỉ là một đại hội. Nó không chỉ là một sự kiện. Đó là một phong trào,” Montse Alvarado, chủ tịch và giám đốc điều hành của EWTN News, người từng là MC cho sự kiện này, cho biết.

Cộng đồng người gốc Tây Ban Nha ngày càng phát triển và sôi động của Giáo Hội Hoa Kỳ được đại diện rất nhiều trong số những người đi dự quốc hội, nhiều người trong số họ đã tuyên bố, “Viva Cristo Rey!” trong cuộc rước khi một chiếc xe tải chở Mình Thánh Chúa được trưng bày trong Mặt nhật chạy qua.