Ngày 03-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 04/09: Danh Thánh của sự giải thoát – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:57 03/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Bấy giờ, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất : tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.

Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:22 03/09/2024

25. Chúng ta cần phải suy gẫm cầu nguyện để bồi dưỡng linh hồn, bởi vì suy gẫm cầu nguyện là lương thực của linh hồn.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:28 03/09/2024
50. BA NGÀN THỰC KHÁCH

Ngải Tử đi làm khách ở Mạnh Thường Quân nước Tề ba năm, lúc trở về nước Lỗ, đại phu Lý Tôn hỏi:

- “Người nước Tề ai giỏi nhất?”

Ngải Tử nói:

- “Mạnh Thường Quân.”

Hỏi:

- “Giỏi về mặt nào?”

Đáp:

- “Trong nhà ông ta có ba ngàn thực khách, người không có thực lượng thì không thể làm như thế được?”

Lý Tôn nói:

- “Nhà tôi cũng có ba ngàn thực khách vậy, đó không phải là một cái giỏi sao?”

Ngải Tử kính phục nói:

- “Như thế thì ngài là người giỏi nhất của nước Lỗ rồi, ngày mai tôi phải đi đến nhà ông để nhìn ba ngàn thực khách của ngài.”

Lý Tôn bằng lòng.

Sáng sớm ngày hôm sau, Ngải Tử bèn đi đến nhà của Lý Tôn, vừa vào đến cổng thấy trong sân vắng lặng như tờ. Đi thẳng vào trong coi thì ngay cả một người cũng không thấy, ông ta cho rằng thực khách đang ở chỗ khác, đợi rất lâu Lý Tôn mới xuất hiện.

Ngải tử hỏi:

- “Thực khách của ngài đâu hết rồi?”

Lý Tôn xin lỗi, nói:

- “Ngài đến quá chậm, ba ngàn thực khách đều trở về nhà của mình để ăn cơm rồi.”

(Ngải Tử hậu ngữ)

Suy tư 51:

Ba ngàn thực khách ở luôn trong nhà mình để ăn cơm, thì Mạnh Thường Quân quả là người giỏi: giỏi về lòng hiếu khách và giỏi về sự thu phục nhân tâm...

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu của Ngài được thể hiện qua việc Đức Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, chính Đức Chúa Giê-su đã trở nên lương thực nuôi sống những kẻ tin vào Ngài, không phải chỉ ba ngàn người mà thôi, nhưng hằng hà sa số những kẻ tin được ở trong nhà của Ngài để ăn và uống lương thực trường sinh là Mình và Máu của Ngài, không một tình yêu nào to lớn như thế, không một người giàu có ở thế gian sánh bằng...

Có một vài người giàu có khoe tiền bạc của mình bằng cách bố thí cho người nghèo vài trăm ngàn, rồi la lên cho cả làng biết; có người khoe của cải của mình bằng cách chơi ngông, vung tiền mua sắm những thứ không cần thiết về bỏ đầy nhà chơi; có những người khoe tiền bạc của mình trong những nhà hàng khách sạn bốn năm sao bằng những cuộc ăn chơi trác táng, trong lúc chung quanh mình còn có những người nghèo khó cần đến đồng bạc dư thừa của họ...

Ba ngàn thực khách thì quả là to lớn đối với con người, nhưng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ cần thật lòng giúp đỡ ba người mà thôi, thì công lao này cũng được gọi là vĩ đại lắm vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Hãy mở ra
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:57 03/09/2024
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 7,31-37

31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : “Ép-pha-tha”, nghĩa là : “Hãy mở ra !” 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.

HÃY MỞ RA !

Đại hội Thanh niên Thế giới (hay Ngày Quốc tế Giới trẻ) lần thứ 15 (15-20/8/2000) tại Rô-ma đã kết thúc hết sức tốt đẹp, ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Trong khi Ủy ban tổ chức dự trù chỉ có 400.000 bạn trẻ tham dự ngày khai mạc, con số đã lên tới hơn 700.000 người đứng chật kín quảng trường thánh Phê-rô và đại lộ Via della Conciliazione (Đường hòa giải). Trong những ngày tiếp theo, hơn 350.000 bạn trẻ đã lãnh nhận bí tích giải tội. Hàng triệu bạn đã kính viếng các nhà thờ và theo các buổi học giáo lý do 300 Hồng Y, giám mục phụ trách. Trong nghi thức Đi đàng Thánh giá tại hí trường Colosseo, ban tổ chức dự trù chỉ có khoảng 300.000 người tham dự, con số thật sự đã lên đến hơn nửa triệu. Vào những ngày chính thức của đại hội (19-20/8) đã có hơn 2 triệu bạn trẻ tuốn về. Đông đảo như thế mà chỉ có hai bạn bị lấy cắp đồ, mà chẳng có cành cây nào bị bẻ gẫy, thùng bia nào bị dẫm đạp. Các bạn trẻ đa phần chỉ dùng nước suối. Họ cũng ca hát, nhảy múa, trình diễn như tính cách của người trẻ, song toàn là hát thánh ca, trình diễn những hoạt cảnh lấy từ Tin Mừng. Nhớ lại năm 1969, vẫn ngày 15/8, Woodstock Festival (Liên hoan nhạc rock tại Hoa Kỳ) cũng đã quy tụ được 400.000 bạn trẻ. Nhưng ở đó chỉ có hoan hô đả đảo, ăn mặc lố lăng, thoải mái dùng ma túy và tự do cảm nghiệm tình dục (theo CD Encarta 98). Nhưng điều đáng phấn khởi nhất trong Đại hội Giới trẻ lần này là ngay sau ngày bế mạc, 5000 bạn trẻ thuộc phong trào Tân Dự Tòng đã quyết dâng mình cho Chúa trong đời tu (theo các bản tin VietCatholic). Người ta bảo đây là một phép lạ Thiên Chúa ban cho nhân loại đầu thiên niên kỷ, một phép lạ đã mở mắt cho nhiều người, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Gọi thế cũng chẳng ngoa, vì phép lạ đích thực không phải là biến đổi vật chất song là biến đổi tâm hồn, không phải là chuyện TC làm theo ý con người mà là con người làm theo ý TC.

1. Mở đôi mắt để thấy các phép lạ

Phép lạ hôm nay là phép lạ mở tai và lưỡi một người ngọng điếc, nhưng thật ra nhắm mở mắt các Tông đồ. Thật vậy, câu chuyện nằm trong một văn mạch mà ngay từ đầu đã nói đến sự ngu muội của họ trước các phép lạ Đức Giê-su thực hiện (x. Mc 6,52) và sẽ kết thúc với trình thuật chữa lành người mù ở Bết-xai-đa và trình thuật Phê-rô tuyên tín sau câu hỏi : “Anh em bảo Thầy là ai?” (x. Mc 8,22-30).

Thành thử trong câu chuyện chữa kẻ ngọng điếc này, thiết tưởng phải nhấn mạnh đến vai trò giáo huấn của các phép lạ. Sau khi đã hết sức khoái chúng, nay có lẽ ta hờn dỗi chúng (thời đại khoa học mà !) và thích các trang diễn từ hơn, vì coi các trang này dễ chịu hơn với óc phê bình và bổ dưỡng hơn cho việc suy niệm. Nếu thế thì quả là không am hiểu chẳng những về các phép lạ mà còn về chính ý nghĩa của Tin Mừng.

Trong toàn bộ hành vi và lời nói làm nên Tin Mừng, tất cả đều có giá trị giáo huấn, tất cả phải khiến dâng lên trong ta câu hỏi của Mác-cô, câu hỏi số một về Đức Giê-su : “Thầy là ai? Thầy mang đến cho chúng con những gì?” (x. Mc 8,29).

Chính Đức Giê-su đã trả lời khi Gio-an Tẩy giả còn ngập ngừng : “Phải chăng Thầy chính là Đấng người ta trông đợi?” Và câu trả lời là cả một chuỗi những phép lạ, là cả một đoạn lấy lại từ bản văn I-sai-a. Bắt đầu bằng một tin tức đầy an ủi nhưng còn mơ hồ : “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em”, I-sai-a đã vội vàng cụ thể hóa nó : “Mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc được nghe, kẻ què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò, nước sẽ vọt lên cho những ai chết khát” (Is 35,4-6).

Vừa rất cụ thể vừa rất biểu tượng ! Qua các ví dụ này, I-sai-a muốn mô tả tất cả cảnh khổ của con người và lòng nhân từ mạnh mẽ của Thiên Chúa. Như thế ông cung cấp cho ta chìa khóa để hiểu đúng các phép lạ của Đức Giê-su. Người đã thực sự hoàn tất nhiều cuộc chữa lành và nhiều hành vi kỳ diệu, nhưng như những dấu chỉ cho thấy chính Thiên Chúa, qua Người, đang đến cứu chúng ta : mọi khốn khổ thể lý và tinh thần sắp lùi bước. Mỗi phép lạ là một kiểu áp-phích : Thiên Chúa cứu các bạn, Người có khả năng làm điều đó, và Người đang làm qua Đức Giê-su Con của Người. Hành vi ngoạn mục này thành thử chẳng phải là một điều kỳ diệu cần tranh cãi xem có thể hay không có thể. Ai có thể áp đặt các giới hạn khả năng cho Đấng Tạo Hóa? Đó là một hành vi hết sức có thực nhưng đặc biệt mang giá trị dấu chỉ, cần được chiêm ngắm như dấu chỉ.

Đã chẳng có ai biết đọc các phép lạ của Đức Giê-su khi Người hoàn tất chúng. Bằng chứng là chính các đám đông từng khâm phục Người sẽ đẩy Người đến thập giá, các thủ lãnh tôn giáo đã giải thích chúng như do quyền lực ma quỷ và họ vẫn mãi cứng lòng, còn môn đệ Người thì cho đến cùng vẫn không hiểu. Việc chữa lành kẻ ngọng điếc đúng là nằm trong một nhóm văn bản nói về sự không hiểu của họ, và toàn bộ này kết thúc bằng một trận la mắng om sòm : “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8,17-18).

Nhưng chỉ có thể nhìn phép lạ như sự bày tỏ cách lẫy lừng lòng nhân hậu và sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa sau ngày Phục sinh thôi. Lúc đó, người ta mới hiểu Đức Giê-su là chính sức mạnh cứu rỗi ấy đến độ nào : “Ngài là ai, lạy Chúa? Là những gì các phép lạ nói về Ta.”

Chúng ta có hiểu không? Có biết đọc các phép lạ không? Khắp trong thế giới, Đức Giê-su phục sinh đang hành động, nhiều người điếc đang nghe, nhiều người câm đang nói, nhiều cuộc sống hồi sinh, như qua ĐH Thanh niên Thế giới nói đầu bài. Song phải có mắt mới thấy được.

2. Mở đôi tai để nghe Chúa và người

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải mở tai nữa. Mở tai để lắng nghe. Người ngọng điếc là biểu tượng của Ki-tô hữu chưa thực sự là Ki-tô hữu. Vì chính với ta mà Đức Giê-su nói : “Hãy mở ra”. Chúng ta quá điếc đặc ! Được dựng nên để mở ra trước các sứ điệp của Thiên Chúa và của anh em mình, tai chúng ta đã đóng kín. Tại sao?

Đôi khi vì có một phản ứng nghi ngờ. Tôi hết sức yên ổn trong các tư tưởng và các xác tín của tôi. Nay bạn, kẻ khéo nói, bạn sắp làm tôi rối loạn. Thông thường hơn, nhưng thật khó để lôi nó ra ánh sáng, thái độ khinh bỉ kẻ khác làm chúng ta điếc đặc. Đúng ra chúng ta vội nói và vội bịt tai vì nghĩ rằng điều mình nói ý vị hơn các diễn từ của anh em mình. Còn nếu là một thủ lãnh cộng đoàn, thì những thành kiến và óc độc tài của chúng ta dễ khiến chúng ta không muốn nghe những cấp dưới nói thật nói thẳng. Tệ hơn nữa là có lúc tìm cách bịt miệng những anh em đó.

Chắc chúng ta đã từng tham gia vào một nhóm linh đạo Thánh Kinh, suy niệm Tin Mừng, nơi đó các buổi họp có thể khởi sự bằng một vòng phát biểu. Ai nấy phải nói và ai nấy phải nghe ! Và có lúc chúng ta cảm thấy bầu khí thật nặng nề, vì một số (trong đó có chúng ta) phải hết sức cố gắng lắng nghe dẫu rất ngứa ngáy muốn cắt ngang, để bổ túc và nói ngược lại. Nhưng im lặng thì có lợi ! Ta khám phá niềm vui đón nhận tư tưởng và tâm lòng kẻ khác. Điều đó sẽ giúp chúng ta, khi đến lượt mình, sẽ nói với ý thức rằng mình không đem đến tất cả. Cung giọng chúng ta sẽ khiêm tốn hơn, những người khác có thể mở tai lắng nghe, đang khi thói tự phụ của chúng ta làm họ bịt tai lại. Chính khi tai của kẻ ngọng điếc mở ra mà lưỡi anh ta cũng nói được. Chính khi đã lắng nghe kỹ, chúng ta mới có những câu phát biểu đi vào lòng người.

Nhưng lắng nghe không có nghĩa là để cho ai đó cứ độc quyền nói. Là ngôn sứ của Tin Mừng, chúng ta phải đòi (chứ chẳng phải xin) cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội được lên tiếng trong xã hội, Lời hằng sống được tự do ngân vang trên sách báo, các phương tiện truyền thông; chúng ta phải làm sao cho mọi con người, mọi công dân đều có quyền phát biểu, nhất là những kẻ “thấp cổ bé miệng”; chúng ta phải làm sao cho mọi ý kiến chính đáng không bị phớt lờ, giải thích một chiều hay bị trấn áp cấm đoán, mọi khát vọng cao đẹp nhất của tâm hồn và những cảm hứng đúng đắn nhất của tinh thần được tôn trọng và thỏa mãn; chúng ta phải làm sao để những kẻ nắm quyền chẳng còn coi mọi phương tiện thông tin là công cụ của riêng họ, cho những kẻ độc tài chẳng còn dám khẳng định mình cũng “dân chủ”, cũng “nhân đạo”, cũng “có tình có lý” khi chỉ bố thí chút quyền “kiến nghị” cho ai đã hết sức quỵ lụy hay chịu thỏa hiệp. Phải biết mở miệng, vì cất tiếng nói cách tự do là một đặc tính của con người !
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô đến Jakarta, Indonesia
Thanh Quảng sdb
00:27 03/09/2024
Đức Thánh Cha Phanxicô đến Jakarta, Indonesia

Thanh Quảng sdb - (Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Sau hơn 13 giờ trên chuyến bay của Thánh Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh tại Jakarta, khi ngài bắt đầu chuyến Tông du thứ 45 ra nước ngoài, và là chuyến dài nhất trong triều đại Giáo hoàng của ngài, đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Jakarta, bắt đầu chuyến Tông du thứ 45 ra nước ngoài đến Châu Á và Châu Đại Dương.

Chuyến bay ITA-Airways chở Đức Thánh Cha và các nhà báo theo dõi chuyến Tông du đã rời Sân bay quốc tế Fiumicino của Rome lúc 5:32 chiều giờ địa phương vào chiều thứ Hai đã đến Sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta ở thủ đô Indonesia vào khoảng 11:19 sáng giờ địa phương.

Trên máy bay, Đức Thánh Cha đã chào đón các nhà báo tháp tùng ngài.

Khi hạ cánh, Đức Thánh Cha đã được chào đón nồng nhiệt tại Jakarta. Thứ Ba ĐTC sẽ nghỉ ngơi vào thứ Ba và vào thứ Tư, Đức Thánh Cha sẽ có một số cuộc hẹn tại thủ đô, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 12 ngày.

Đức Thánh Cha sẽ ở ba đêm tại Jakarta, trước khi tiếp tục chuyến viếng thăm Châu Á, đánh dấu chuyến viếng thăm dài nhất từ trước đến nay của ngài, đến Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore. Đức Thánh Cha sẽ được các Hồng Y ở mỗi quốc gia chào đón, trong số đó có ba vị được chính Đức Thánh Cha Phanxicô phong làm Hồng Y, là những Hồng Y đầu tiên của quốc gia họ.

Indonesia

Indonesia, quốc gia mà đa số dân chúng theo đạo Hồi và là một quốc gia có Hồi giao đông nhất thế giới, là một quốc gia rất rộng lớn bao gồm nhiều đảo, gần 17.000 hòn đảo và nhiều bộ lạc, nhiều sắc dân, ngôn ngữ và văn hóa. Trước Đức Thánh Cha Phanxicô, đã có hai Giáo hoàng đã đến thăm đất nước này: Thánh Giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1970 và Thánh Giao hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1989.

Chuyến viếng thăm tông đồ đến Đông Nam Á lần này là chuyến viếng thăm mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã dự tính trước khi xảy ra đại dịch.

Với việc Indonesia được coi là hình mẫu của lòng khoan dung và sự chung sống, Đức Thánh Cha, người đã viết thông điệp Fratelli tutti về tình huynh đệ anh em giữa con người, có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy tình anh em giữa con người và đối thoại liên tôn.

Mặc dù người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 3 phần trăm dân số chủ yếu là người Hồi giáo, nhưng 3 phần trăm đó, khoảng 8 triệu người Công Giáo trong số 280 triệu người dân của đất nước này, được xây dựng trên nền tảng tôn trọng cá nhân và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.

Đức Thánh Cha sẽ qua ba đêm ở Jakarta, nơi ngài sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal và sẽ cử hành Thánh lễ cho những người Công Giáo.

Giới thiệu về Indonesia mà Đức Thánh Cha Phanxicô thăm viếng

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Vatican, Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo của Jakarta cho rằng việc con người có tín ngưỡng khác nhau, chẳng hạn như người Công Giáo và người Hồi giáo, kết hôn là điều rất phổ biến, điều này không điển hình ở các quốc gia có đa số người Hồi giáo. Ngài cũng lưu ý rằng các linh mục thường xuất thân từ những gia đình có cha mẹ theo đạo Hồi hoặc Phật giáo.

Vì tất cả những lý do này, thật phù hợp khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến đây với phương châm 'Đức tin, Tình huynh đệ, Lòng trắc ẩn'.

Nhìn về Châu Á

Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), nói với đài Vatican rằng đối với các tín đồ ở Châu Á, đôi khi Đức Thánh Cha giống như một sự hiện diện 'xã hội' xa cách, vì vậy việc ngài thực sự đến với họ có ý nghĩa rất lớn.

Người Châu Á, ngài than thở, phải chịu nhiều mức độ áp bức chính trị, đói nghèo và tàn phá khí hậu, cũng như bị đàn áp tôn giáo hoặc thiếu tự do tôn giáo. Kết quả là, ngài giải thích, họ thường di cư đến các quốc gia khác, nơi ngài nói, họ giữ đức tin của mình sống động, và khi làm như vậy, theo một nghĩa nào đó, họ là 'những nhà truyền giáo', vì họ mang lại hy vọng và lòng nhiệt thành mới cho những "ngôi nhà mới" của họ.

Papua New Guinea

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Papua New Guinea vào năm 1984, và bây giờ, đúng 40 năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại theo bước chân của vị tiền nhiệm ngài.

Papua New Guinea là quốc gia đa số theo đạo Thiên chúa, nơi có khoảng một phần ba dân số theo đạo Công Giáo.

Ngoài việc mang lại sự gần gũi cá nhân cho khoảng 2 triệu người Công Giáo, Đức Thánh Cha cũng thừa nhận và thể hiện sự gần gũi của mình với những người đang phải chịu thiên tai, phần lớn là do khủng hoảng khí hậu và đói nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số lời kêu gọi giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương này sau trận động đất mạnh 6,9 độ richter vào ngày 25 tháng 3 năm 2024.

Tại thủ đô Port Moresby của đảo quốc, các điểm nổi bật của chương trình bao gồm Thánh lễ của Đức Thánh Cha và cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với trẻ em hè phố và Callan tại Trường Trung học Kỹ thuật Caritas.

Trong suốt Chuyến tông du, Đức Thánh Cha sẽ ở lại thủ đô của mỗi quốc gia, trong khi ở Papua Nuova Guinea, ngài quyết định bay đến thị trấn ven biển Vanimo, nơi ngài sẽ gặp riêng các nhà truyền giáo và tín đồ địa phương.

Timor Leste

Chặng tiếp theo của chuyến tông du sẽ là Timor Leste, quốc gia Công Giáo đông nhất Châu Á.

Hơn 96 phần trăm dân số theo Công Giáo, một cựu thuộc địa Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha cuối cùng đến thăm quốc gia này là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1989, khi Đông Timor vẫn còn dưới sự đô hộ của Indonesia.

Với khẩu hiệu 'Xin cho đức tin trở thành văn hóa cho bạn', Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại quốc gia này, thăm viếng đặc biệt trẻ em khuyết tật và gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên.

Hồng Y Virgilio do Carmo da Silva của Dili, người được Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y đầu tiên của quốc gia này vào tháng 8 năm 2022, nói với đài Vatican rằng "một trong những nhu cầu cấp thiết mà chúng tôi cần chú ý là những người trẻ rời bỏ đất nước vì đói nghèo và thất nghiệp"; Giáo hội đang nghiên cứu "cách hỗ trợ những người đã rời bỏ quê hương".

Singapore

Và cuối cùng, Đức Phanxicô sẽ đến thăm quốc đảo Singapore, thường được coi là trung tâm Thương mại quốc tế.

Đức Thánh Cha noi gương Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Người đã đến thăm vào năm 1986.

Người Công Giáo tại Singapore chiếm khoảng sáu phần trăm dân số, với khoảng 395 nghìn tín hữu.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y William Goh, người được bổ nhiệm làm Hồng Y đầu tiên của Singapore trong công nghị ngày 27 tháng 8 năm 2022, đã chia sẻ với đài Vatican rằng họ vẫn là "một thế lực mạnh mẽ", thực tế là nếu các Nhà Thờ Công Giáo của họ nhiều hơn, "họ sẽ xây dựng được nhiều hơn". Ngài thừa nhận rằng không có nhiều ơn gọi ở đây, vì sự giàu và đời sống hưởng thụ ảnh hưởng trên dân chúng!

Ngài cũng bày tỏ rằng các tín đồ, được giáo dục rất tốt, tiêu chuẩn cao về những gì được cung cấp từ giáo xứ, đặc biệt là các bài giảng.

Trong thời gian ở Singapore, Đức Thánh Cha cũng sẽ có một cuộc gặp gỡ liên tôn với những người trẻ tuổi tại trường Cao đẳng Công Giáo và sẽ cử hành Thánh lễ cho đại chúng...
 
VietCatholic TV
Diễn biến mới: Kyiv phản công ở Pokrovsk. Tướng Nga hàng đầu bị bắt. Lithuania: Putin rất lo sợ NATO
VietCatholic Media
03:18 03/09/2024


1. Tướng Nga hàng đầu bị bắt giữ trong cuộc thanh trừng quân sự của Putin

Theo các hãng thông tấn nhà nước Nga, trích dẫn Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố, cho biết một vị tướng cao cấp của Nga đã bị bắt giữ vì nghi ngờ nhận hối lộ từ các nhà cung cấp quân sự.

Tướng Valery Mumindzhanov, một nhà lãnh đạo chủ chốt trong cuộc chiến của Putin tại Ukraine, đã bị bắt vì tình nghi nhận hơn 20 triệu rúp (khoảng 220.000 đô la) từ các nhà cung cấp đồng phục Bộ Quốc phòng.

Mumindzhanov, người từng giữ chức phó cục trưởng Cục Xây dựng Quân đội và Cơ sở vật chất thuộc Bộ Quốc phòng Nga, đã bị cơ quan thực thi pháp luật Nga bắt giữ với cáo buộc tham ô, cùng với một số nhân vật quân sự cao cấp khác.

Theo Tướng Krasnov, các cáo buộc liên quan đến hành vi sai trái tài chính bị cáo buộc liên quan đến hợp đồng nhà nước, theo các hãng thông tấn nhà nước Nga. Vụ bắt giữ này là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc đàn áp liên quan đến tham nhũng trong chính phủ Nga; Mumindzhanov là người thứ chín bị bắt trong cuộc thanh trừng cũng nhắm vào Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov, người đã bị bắt vì tội nhận hối lộ vào tháng 4.

Ủy ban điều tra Nga cho biết các nhà điều tra cũng đang đánh giá cách Mumindzhanov và gia đình có được hơn 120 triệu rúp bất động sản và liệu các giao dịch mua này có hợp pháp hay không.

Một bài đăng trên mạng xã hội Telegram từ hãng tin Âu Châu Siren có nội dung: “Ủy ban điều tra báo cáo rằng Thiếu tướng Valery Mumindzhanov bị tình nghi nhận hối lộ từ các nhà cung cấp đồng phục của Bộ Quốc phòng với số tiền lên tới 1,5 tỷ rúp. Ông có thể đã nhận được tới 20 triệu rúp dưới dạng hối lộ.

“Theo Phần 6 của Điều 290 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga (nhận hối lộ ở quy mô đặc biệt lớn), ông ta có thể phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù.”

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đại Tướng Pavel Popov cũng bị bắt trong cuộc thanh trừng, với cáo buộc gian lận. Popov bị cáo buộc ép buộc các công ty có hợp đồng với một công viên quân sự ở Mạc Tư Khoa làm việc không công trên chính tài sản của mình.

Valery Mumindzhanov là ai?

Tướng Valery Mumindzhanov từng giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Quân đội và Cơ sở vật chất thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Chức vụ này giúp ông có vai trò quan trọng trong việc giám sát các dự án cơ sở hạ tầng quân sự và các hợp đồng nhà nước liên quan đến việc xây dựng và bảo trì các cơ sở quân sự.

Mumindzhanov cũng là phó tư lệnh của Quân khu Leningrad nổi tiếng, được tái tổ chức trong năm nay như một phần trong phản ứng của Nga đối với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sau cuộc xâm lược Ukraine.

[Newsweek: Top Russian General Detained in Putin's Military Purge]

2. Ukraine chuyển lực lượng để bảo vệ Pokrovsk khi quân đội Nga tiến lên

Trong nỗ lực khẩn cấp để cứu Pokrovsk, Vệ binh quốc gia Ukraine đã triển khai một trong số ít Lữ đoàn tấn công của mình

Lữ đoàn Kara-Dag thấy mình đang ở một địa hình phía đông xa lạ sau hai năm chiến đấu ở phía nam.

Trong nỗ lực khẩn cấp nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine xung quanh Pokrovsk, một thành phố có dân số trước chiến tranh là 60.000 người và là một trung tâm hậu cần quan trọng cách tàn tích Avdiivka ở miền đông Ukraine 40 km về phía tây, lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine đã triển khai một trong số ít lữ đoàn tấn công của mình— là Lữ đoàn Kara-Dag.

Việc di chuyển lữ đoàn gồm khoảng 2.000 người từ vị trí bình thường ở miền nam Ukraine đến một chiến trường xa lạ ở phía đông nhấn mạnh tính cấp bách của các vấn đề của Ukraine giữa Avdiivka và Pokrovsk.

Kể từ khi đánh bại quân đồn trú Ukraine thiếu đạn dược tại Avdiivka vào giữa tháng 2 sau cuộc bao vây tàn khốc kéo dài năm tháng, các lữ đoàn và trung đoàn Nga đã liên tục tiến về Pokrovsk.

“Xương sống hậu cần của Ukraine tại Donetsk đang bị đe dọa”, nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine giải thích. Pokrovsk “đã trở thành một trung tâm phân phối hỏa xa và giao hàng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp cho lực lượng Ukraine trên một chiến tuyến rộng lớn”.

Khi bước tiến của Nga tăng tốc vào tháng 8, bộ tổng tham mưu ở Kyiv cuối cùng đã hành động. Họ đã gửi một số quân tiếp viện đến trục Pokrovsk để tham gia cùng nửa tá lữ đoàn cơ giới, các Lữ Đoàn Dù và vệ binh quốc gia đã có mặt trong khu vực.

Lữ đoàn Kara-Dag nằm trong số những lực lượng mới này. Được thành lập vào năm 2014, được tổ chức lại nhiều lần, đẫm máu trong chiến đấu vào năm 2022 và sau đó được tăng cường thêm vũ khí hạng nặng—bao gồm cả xe tăng T-64—Lữ đoàn Kara-Dag đại diện cho các lữ đoàn tấn công của lực lượng vệ binh quốc gia. Thông thường là một lực lượng cảnh sát bán quân sự, những yêu cầu cấp thiết của chiến tranh đã buộc lữ đoàn phải chiến đấu như một lữ đoàn lục quân.

Trang web của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine cho biết những người tình nguyện sẽ có thể chọn khu vực nào của đất nước mà họ sẽ đồn trú. Điều đó có thể khả thi trong giai đoạn ít hỗn loạn hơn của cuộc chiến tranh rộng lớn kéo dài 29 tháng của Nga với Ukraine, khi các lữ đoàn vệ binh quốc gia có xu hướng chiến đấu chỉ ở một khu vực.

Lữ đoàn Kara-Dag Brigade là một lữ đoàn phía nam. Lữ đoàn này đã chiến đấu ở phía bắc thành phố Melitopol phía nam vào những ngày đầu của cuộc chiến tranh rộng lớn hơn và gần như ở lại cùng một khu vực trong hai năm qua. Nhưng “chúng tôi bảo đảm sẵn sàng cho các cuộc đụng độ chiến đấu ở tiền tuyến”, lực lượng vệ binh quốc gia tuyên bố trên trang web của mình—và khi cuộc chiến tranh rộng lớn hơn bước sang năm thứ ba, cuộc giao tranh ác liệt nhất diễn ra ở phía đông.

Nhưng việc đưa Lữ đoàn Kara-Dag vào không ngăn được bước tiến của Nga. Và một số nhà quan sát Nga đang tự hỏi phần còn lại của lực lượng dự bị của Ukraine ở đâu. Chắc chắn, nhiều lực lượng Ukraine chưa từng đồn trú ở chiến hào nào đó đã tham gia cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của Ukraine vào Kursk của Nga.

Mặc dù vậy, hiện tại vẫn phải có một vài lữ đoàn chưa được triển khai ở đâu đó tại Ukraine, trong tổng số lực lượng chiến đấu trên bộ khoảng 100 lữ đoàn. “Chúng tôi biết rằng quân đội Ukraine vẫn còn một số đơn vị dự bị khá nguyên vẹn và được trang bị tốt, khoảng năm lữ đoàn”, nhà tuyên truyền người Nga Evgeny Norin viết.

Tại sao Ukraine không đưa lực lượng đó đến Pokrovsk để cứu các tuyến đường tiếp tế quan trọng của thành phố? “Điều đó có thể có hai nghĩa”, Norin viết. “Họ có kế hoạch triển khai lực lượng này ở nơi khác và họ muốn đạt được một số tác động quyết định trước khi mặt trận ở Donbas có thể bị sụp đổ”.

Nơi khác có thể là Kursk, nơi cuộc cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine đã bước sang tuần thứ tư—và không có dấu hiệu dừng lại. Khi tăng cường lực lượng cho Kursk trong khi giữ họ ở Pokrovsk, các nhà lãnh đạo Ukraine đang đánh cược rằng lợi ích từ cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của họ ở phía bắc quan trọng hơn đối với kết quả của cuộc chiến so với tổn thất tiềm tàng của họ ở phía đông.

[Forbes: Desperate To Save Pokrovsk, The Ukrainian National Guard Has Deployed One Of Its Few Offensive Brigades]

[04-TH02]

3. Tổng tư lệnh Không quân Ukraine bị cách chức sau vụ tai nạn máy bay F-16 đưa ra phản ứng khó hiểu

Cựu tổng tư lệnh không quân Ukraine đã đưa ra bình luận đầu tiên kể từ khi ông bị cách chức, vài ngày sau khi một phi công chiến đấu thiệt mạng trên chiếc máy bay phản lực F-16 do phương Tây cung cấp.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đã cách chức Trung Tướng Mykola Oleshchuk vào hôm thứ Sáu 30 Tháng Tám, bốn ngày sau khi chiếc F-16 bị rơi vào ngày 26 tháng 8 khiến Trung tá Oleksiy Mes thiệt mạng. Trung tướng Anatoly Kryvonozhko đã được bổ nhiệm làm quyền Tư lệnh Không quân Ukraine

Lệnh này được công bố trên trang web của tổng thống Ukraine và mặc dù không nêu lý do cách chức, Zelenskiy cho biết, “chúng ta cần bảo vệ mọi người. Bảo vệ nhân sự. Chăm sóc tất cả binh lính của chúng ta”, mà không cung cấp thêm chi tiết.

Trong tin nhắn trên Telegram, Tướng Oleshchuk không đề cập đến lý do mình bị cách chức nhưng lại trích dẫn lời cựu tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, Valery Zaluzhny, người cũng đã bị Tổng thống Zelenskiy cách chức vào tháng 2.

“Dù có khó khăn đến đâu đối với chúng ta, điều cần nhất là phải giữ để không có gì phải xấu hổ”.

Mặc dù vụ tai nạn khiến Mes thiệt mạng xảy ra trong một loạt hỏa tiễn của Nga, Tướng Oleshchuk vẫn tranh cãi với một số chính trị gia về việc ai phải chịu trách nhiệm.

Một cuộc điều tra sơ bộ cho thấy có những “dấu hiệu” cho thấy hỏa lực thân thiện từ một hệ thống hỏa tiễn Patriot có thể đã bắn hạ máy bay phản lực, tờ New York Times đưa tin, trích dẫn lời một quan chức phương Tây giấu tên. Tuy nhiên, hai ngày sau cũng chính tờ Tờ New York Times lại cả quyết rằng khả năng hỏa lực của Ukraine bắn hạ chiếc F-16 là bằng zero,

Chính trị gia Ukraine Mariana Bezuhla, người đang làm việc trong ủy ban quốc phòng của quốc hội, cũng đã báo cáo điều này và cho biết vào thứ năm rằng có một “nền văn hóa dối trá” trong lực lượng không quân và trong bộ tư lệnh cao cấp của Ukraine. Đáp lại, Tướng Oleshchuk cáo buộc Bezuhla làm mất uy tín của giới lãnh đạo quân đội Ukraine.

“Một cuộc điều tra thích hợp về cái chết của Trung Tá Oleksiy Mes với sự tham gia của quốc tế là vô cùng cần thiết”, nhà báo Ukraine Ilia Ponomarenko đăng trên X. “Chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời thích hợp về những gì đã xảy ra và tại sao”.

Vào đầu tháng 8, Ukraine cho biết cuối cùng họ đã nhận được lô máy bay phản lực F-16 đầu tiên mà họ đã mong đợi từ lâu và hy vọng sẽ thay đổi tính toán chiến trường cho lực lượng Kyiv, vốn phụ thuộc vào máy bay thời Liên Xô.

Mes nằm trong số nửa tá phi công Ukraine được đào tạo để sử dụng máy bay thế hệ thứ tư tại Hoa Kỳ và tại căn cứ Skrysdtrup ở Đan Mạch. Vào tháng 2, ông nói với phương tiện truyền thông Ukraine rằng khóa đào tạo đã được “cô đọng” và việc lái máy bay giống như chuyển từ “Nokia thẳng sang iPhone, không cần tất cả các bước trung gian”.

Nhiều lời tri ân trên mạng xã hội đã được dành cho Mes, bên cạnh việc mất đi một phi công tài giỏi, việc mất đi một trong những chiến đấu cơ mà Ukraine đã chờ đợi trong nhiều tháng đã giáng một đòn mạnh vào cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga của Ukraine.

Mes thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và đến thăm Washington để vận động Hoa Kỳ gửi máy bay F-16 cho Ukraine, gặp gỡ các nhà lập pháp trên Đồi Capitol.

Khoảng 65 máy bay F-16 đã được các nước NATO cam kết cung cấp kể từ khi Tổng thống Joe Biden cho phép gửi các máy bay do Hoa Kỳ sản xuất tới Ukraine vào tháng 8 năm 2023.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu tại hội nghị Globsec ở Prague vào thứ Bảy rằng các máy bay F-16 do Copenhagen gửi đến đang “hoạt động tốt ở Ukraine”.

[Newsweek: Ukraine Air Force Chief Fired After F-16 Crash Gives Cryptic Response]

4. Lithuania tuyên bố NATO có thể đè bẹp Nga dễ dàng

Bộ trưởng ngoại giao Lithuania cho biết thật đáng ngạc nhiên khi nhiều thành phần trong NATO vẫn sợ Nga. Điều ngược lại mới là đúng. NATO có thể “áp đảo” Nga, quốc gia không còn là cường quốc như thời Liên Xô nữa.

Phát biểu tại diễn đàn Globsec ở Prague, Bộ Trưởng Ngoại Giao Lithuania, Gabrielius Landsbergis, đã đưa ra lập trường trên và nhấn mạnh rằng Nga không thể sánh với NATO về mặt quân sự.

Ông nói: “Khi chúng ta cộng số lượng quân lính, hỏa tiễn, xe tăng và tiền bạc, Nga còn lâu mới đạt được sức mạnh như thời Liên Xô, không thể nào có thể sánh ngang với NATO”.

“Trong các kịch bản quân sự thực tế, điều này là không thể so sánh được. NATO có thể áp đảo Nga. Nhưng người Nga không trông chờ vào điều đó. Họ trông chờ vào sự yếu kém của các nền dân chủ, sự bất lực trong việc đưa ra quyết định, sự khác biệt về quan điểm.”

Landsbergis cũng thừa nhận rằng các quốc gia đã bị bất ngờ trước cuộc xâm lược của Vladimir Putin vì “chúng tôi đã chọn để cho mình bị bất ngờ”.

“ Bất kỳ ai hiểu biết về địa chính trị, hiểu biết về nước Nga đều biết rằng điều này sẽ xảy ra.

“Không có một người nào ngạc nhiên ở vùng Baltic. Chúng tôi bị sốc trước sự hung dữ của Nga, nhưng chúng tôi không ngạc nhiên.”

Cũng trong hội nghị, Thủ tướng Đan Mạch cho biết “không có giải pháp thay thế” nào cho việc Ukraine chiến thắng Nga và Vladimir Putin.”

Mette Frederiksen phát biểu tại hội nghị GLOBSEC ở Prague rằng “tất cả chúng ta” đều thua nếu Mạc Tư Khoa giành chiến thắng.

Bà cho biết những người không ủng hộ đầy đủ chiến thắng của Ukraine “không hiểu được tình hình nguy hiểm như thế nào”.

5. Putin nói rằng cuộc tấn công Kursk sẽ không ngăn cản bước tiến của Nga ở miền Đông Ukraine

Hôm Thứ Hai, 02 Tháng Chín, nhà độc tài Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công của Kyiv vào khu vực Kursk của Nga sẽ không ngăn cản được bước tiến của Mạc Tư Khoa ở miền đông Ukraine và tuyên bố sẽ giải quyết những “bọn cướp” Ukraine tại đó.

Cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào Nga vào ngày 6 tháng 8 đã khiến khoảng 130.000 người phải di dời và Kyiv đã giữ được một lãnh thổ rộng lớn của Nga lên đến gần 1300km vuông.

Trong khi đó, Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục tiến vào miền đông Ukraine, loại bỏ khả năng rút quân khỏi Ukraine bị tạm chiếm để cứu viện cho Kursk.

“Tính toán của họ là ngăn chặn các hành động tấn công của chúng ta ở những khu vực quan trọng của Donbas. Kết quả thì đã biết... Họ đã không ngăn chặn được bước tiến của chúng ta ở Donbas,” Putin nói.

“Kết quả thì rõ ràng. Đúng là mọi người đang trải qua những trải nghiệm khó khăn, đặc biệt là ở khu vực Kursk. Nhưng mục tiêu chính mà đối phương đặt ra -- là ngăn chặn cuộc tấn công của chúng ta ở Donbas -- đã không đạt được,” Putin nói.

Ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa đang chứng kiến những tiến bộ ở “tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy trong một thời gian dài”.

Kyiv cho biết một trong những mục đích của họ khi tiến vào Kursk là để kéo giãn biên giới Nga và buộc nước này phải rút dự trữ từ miền đông Ukraine.

“Tất nhiên chúng ta phải giải quyết những kẻ cướp đã xâm nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga, cụ thể là khu vực Kursk, với mục đích gây bất ổn tình hình ở các khu vực biên giới”, Putin nói.

Ngôn từ của nhà lãnh đạo Nga trái ngược với những tuyên bố trước đó về cuộc xâm nhập, mà ông mô tả là “tình hình đang thay đổi nhanh chóng”.

[Kyiv Post: Putin Says Kursk Incursion Will Not Stop Russian Advance in East Ukraine]

6. Tờ New York Times đưa tin: Chiến đấu cơ F-16 ở Ukraine khó có thể bị bắn hạ bởi 'hỏa lực thân thiện'

Hôm Chúa Nhật, 01 Tháng Chín, Tờ New York Times đưa tin, trích dẫn lời của hai quan chức quân sự cao cấp giấu tên của Hoa Kỳ, rằng “hỏa lực thân thiện” từ một hệ thống hỏa tiễn Patriot khó có thể là nguyên nhân khiến chiến đấu cơ F-16 do Hoa Kỳ sản xuất bị bắn rơi.

Tư Lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk, xác nhận vào hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Tám, rằng chiếc F-16, vừa được chuyển giao cho nước này và được phi công Oleksii Mes điều khiển, đã bị rơi khi đang chống lại một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga vào ngày 26 tháng 8. Trung Tá Mes đã tử nạn trong vụ tai nạn.

Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa rõ ràng, nhưng tờ The Telegraph đưa tin vào ngày 31 tháng 8 rằng cuộc điều tra ban đầu cho thấy hệ thống phòng không Patriot đã bắn hạ chiếc F-16.

Theo tờ Tờ New York Times, các nhà điều tra Mỹ và Ukraine đang xem xét nhiều khả năng khác nhau về vụ tai nạn, bao gồm cả lỗi cơ học hoặc lỗi của phi công.

Sau vụ tai nạn máy bay F-16, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cách chức Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk vào ngày 30 tháng 8. Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết việc cách chức ông không liên quan đến vụ tai nạn chết người này.

Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đã thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Oleshchuk cho biết Ukraine đã nhận được báo cáo sơ bộ từ Hoa Kỳ, mà ông cho biết hiện là một phần của cuộc điều tra.

Cùng lúc đó, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết vào ngày 29 tháng 8 rằng cô “không biết về bất kỳ sự hỗ trợ hoặc yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Ukraine đối với chúng tôi về sự việc cụ thể này”.

Singh từ chối thảo luận chi tiết hơn về vụ tai nạn, nhiều lần nói rằng những câu hỏi như vậy nên được chuyển đến các quan chức Ukraine.

Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8, một năm sau khi các đồng minh của nước này thành lập liên minh chiến đấu cơ tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius để hỗ trợ Kyiv về đào tạo và máy bay.

[Kyiv Independent: F-16 fighter jet in Ukraine unlikely shot down by 'friendly fire,' NYT suggests]

7. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan cho biết Ba Lan có quyền bắn hạ hỏa tiễn của Nga trên bầu trời Ukraine vì an ninh quốc gia

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times được công bố hôm Thứ Hai, 02 Tháng Chín, rằng Ba Lan và các nước láng giềng của Ukraine “có trách nhiệm bảo vệ không phận của mình”, bất chấp sự phản đối của NATO.

Máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga trước đây đã xâm nhập không phận Ba Lan trong các cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, các đồng minh của Ba Lan đã khuyên chính phủ nên kiềm chế khi giải quyết các hành vi vi phạm không phận chưa xác định, theo Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Sikorski nói với tờ Financial Times rằng: “Việc trở thành thành viên NATO không có nghĩa là bỏ qua trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ không phận của mình – đó là nghĩa vụ hiến định của chúng tôi”.

“Cá nhân tôi cho rằng khi hỏa tiễn của đối phương đang trên đường xâm nhập không phận của chúng tôi, thì việc tấn công chúng là hành động tự vệ chính đáng, bởi vì một khi chúng xâm nhập vào không phận của chúng tôi, nguy cơ các mảnh vỡ gây thương tích cho ai đó là rất lớn.”

Vào đầu tháng 7, Ukraine và Ba Lan đã ký một thỏa thuận an ninh song phương, trong đó có cam kết của cả hai bên về việc xem xét “khả năng đánh chặn hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa trong không phận Ukraine được bắn về phía lãnh thổ Ba Lan, theo các thủ tục cần thiết do các quốc gia và tổ chức liên quan thống nhất”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra nghi ngờ về điểm này của thỏa thuận, cho rằng nó khiến liên minh có nguy cơ “trở thành một phần của cuộc xung đột”.

Sikorski nhấn mạnh vào quyền bắn hạ mục tiêu trên không của Ba Lan sau khi một máy bay điều khiển từ xa của Nga được cho là đã vượt qua biên giới nước này trong một cuộc tấn công vào Ukraine vào ngày 26 tháng 8. Bộ trưởng cho biết nguy cơ thương vong của Ba Lan tăng lên khi hỏa tiễn càng gần mục tiêu khi bị đánh chặn, vì vậy tốt hơn là bắn hạ nó ở độ cao lớn hơn trên bầu trời Ukraine.

Sikorski nói thêm: “Người Ukraine đã nói với chúng tôi: các bạn không có gì phải ngại cả”.

Theo một cuộc khảo sát được tờ báo Ba Lan Rzeczpospolita công bố vào ngày 1 tháng 9, hầu hết người Ba Lan tin rằng quân đội Ba Lan nên bắn hạ máy bay điều khiển từ xa của Nga xâm phạm không phận Ba Lan trong các cuộc tấn công trên không vào Ukraine.

Trước đó, một hỏa tiễn của Nga đã xâm nhập không phận Ba Lan trong một cuộc tấn công trên không lớn nhằm vào Ukraine vào tháng 3, lưu lại trên không phận Ba Lan trong 39 giây.

Trong một sự việc khác vào ngày 15 tháng 11 năm 2022, một hỏa tiễn đã bay vào lãnh thổ Ba Lan trong một cuộc tấn công hàng loạt của Nga, khiến hai thường dân thiệt mạng.

Các nhà điều tra Ba Lan sau đó kết luận rằng đó là một hỏa tiễn đất đối không lạc của Ukraine được phóng đi để đánh chặn một cuộc tấn công của Nga.

[Kyiv Independent: Poland has right to shoot down Russian missiles over Ukraine for national security, Polish FM says]

8. Chủ tịch Quốc Hội Ba Lan nhận định Ukraine nên được trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu bất chấp những bất đồng về vụ thảm sát Volyn

Ukraine nên trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu bất chấp những bất đồng lịch sử với Ba Lan về vụ thảm sát người Ba Lan ở Volyn vào những năm 1940, Chủ tịch Quốc hội Ba Lan Szymon Holownia cho biết vào ngày 31 tháng 8.

Holownia đưa ra lập trường trên khi trả lời câu hỏi của một nhà báo từ Radio Liberty tại hội nghị an ninh Globsec ở Prague.

“Nếu bạn hỏi tôi liệu Ukraine có nên là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu hay không, bất chấp một số điều nhất định, thì có, Ukraine nên là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục có một số bất đồng giữa chúng tôi và người Ukraine liên quan đến Volyn, về lịch sử của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ thảo luận về chúng trong tương lai, nhưng ngay trong hệ sinh thái an toàn của Liên minh Âu Châu”, Holownia nói.

Vụ thảm sát Volyn xảy ra vào năm 1943, khi các thành viên của Quân đội nổi dậy Ukraine, gọi tắt là UPA, thảm sát hàng chục ngàn người Ba Lan ở Volyn bị Đức Quốc xã xâm lược. Volyn là một khu vực trước đây thuộc Ba Lan nhưng hiện là một phần của Ukraine. Hàng ngàn người Ukraine đã bị giết để trả thù.

Tuyên bố của Holownia trái ngược với bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz đưa ra vào tháng 7, khi bộ trưởng này nói rằng Ukraine sẽ không gia nhập Liên Hiệp Âu Châu cho đến khi những bất đồng được giải quyết.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski đã đưa ra những bình luận tương tự vào năm ngoái, tuyên bố rằng Ukraine “không thể mơ đến việc gia nhập Liên minh Âu Châu” nếu không giải quyết được vấn đề khai quật hài cốt các nạn nhân vụ thảm sát Volyn trên lãnh thổ Ukraine.

Ukraine đã mở các cuộc đàm phán gia nhập khối Âu Châu vào tháng 6 năm ngoái, nhưng cần phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên để hoàn tất việc gia nhập.

Năm 2017, Ukraine đã ra lệnh tạm dừng khai quật các nạn nhân Volyn, để phản ứng lại việc phá hủy các đài tưởng niệm UPA ở Ba Lan. Ukraine và Ba Lan vẫn chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề này, và chủ đề này vẫn tiếp tục là điểm gây tranh cãi giữa hai đồng minh.

Nhà sử học người Ukraine Serhii Plokhy, giám đốc Viện nghiên cứu Ukraine tại Đại học Harvard, ước tính số nạn nhân người Ba Lan trong vụ thảm sát này dao động từ 60.000 đến 90.000.

Theo nhà sử học người Ba Lan Grzegorz Motyka, số người Ukraine bị người Ba Lan giết hại ở Volyn chỉ dao động từ 2.000 đến 3.000 người.

[Kyiv Independent: Ukraine should become an EU member despite disagreements over Volyn massacre, says Polish parliamentary speaker]

9. Nga không cung cấp hành lang nhân đạo từ Kursk cho dân Nga muốn di tản về phía họ

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 02 Tháng Chín, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết hơn ba tuần sau khi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công vào khu vực này, Nga vẫn chưa cung cấp hành lang nhân đạo để công dân nước này rời khỏi Kursk.

“Chúng tôi nói chuyện rất nhiều với người dân địa phương. Thậm chí còn cho họ xem ảnh các thành phố bị phá hủy của Ukraine, chiếu phim về những tội ác mà người Nga đã gây ra vào đầu cuộc chiến. Họ có những ý kiến khác nhau. Nhưng phần lớn họ không hiểu. Họ nói rằng họ muốn hòa bình, rằng điều đó nằm ngoài chính trị, rằng mọi thứ phải dừng lại hoặc họ được trao một hành lang hay một cơ hội rời khỏi khu vực chiến sự. Nhưng, cho đến nay Nga không tạo ra một hành lang nào cả”.

Cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào tỉnh Kursk lân cận bắt đầu vào ngày 6 tháng 8.

Theo Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi, tính đến ngày 30 tháng 8, Ukraine kiểm soát 1.299 km2 và 102 thị trấn, bao gồm thành phố Sudzha.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết vào ngày 14 tháng 8, Ukraine đã mở đường dây nóng cho công dân Nga ở Tỉnh Kursk muốn nhận viện trợ nhân đạo hoặc muốn được di tản đến Ukraine trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra trong khu vực.

Cả ngàn thường dân Nga vẫn còn ở thành phố Sudzha trong số 5.000 cư dân, Trung Tướng Oleksandr Pavliuk, chỉ huy Lực lượng Lục quân Ukraine, cho biết vào ngày 31 tháng 8. Phần lớn trong số họ đã đến tuổi nghỉ hưu. Theo Pavliuk, Nga thường xuyên pháo kích Sudzha và tấn công bằng bom dẫn đường và máy bay điều khiển từ xa kamikaze.

[Kyiv Independent: Russia has not provided a humanitarian corridor from Kursk, says Ukrainian official]

10. Xem xét mối liên hệ bị cáo buộc giữa người sáng lập Telegram Pavel Durov và Điện Cẩm Linh

Vào tháng 3 năm 2023, chúng tôi nhận thấy sự im lặng đáng lo ngại về mối liên hệ giữa nền tảng nhắn tin Telegram và Điện Cẩm Linh, mặc dù Nga vẫn đang chiến tranh với Ukraine. Nó giống như một con ngựa thành Troy - ngay trong túi của 70% người Ukraine.

Chúng tôi đã nhanh chóng tìm hiểu các ghi chép trong nhiều năm về người sáng lập ra Telegram là Pavel Durov và mối liên hệ của anh ta với chính quyền Nga. Những phát hiện của chúng tôi trước đây đã được công bố trên Ukrainska Pravda và Kyiv Independent, gây ra sự quan tâm đáng kể và dẫn đến việc thành lập Kremlingram, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc điều tra mối quan hệ của Telegram với Nga.

Telegram đã phản hồi bằng một lời bác bỏ, điều này chỉ làm nảy sinh thêm nhiều câu hỏi. Sau đó, chúng tôi đã được một nhân vật của Telegram liên lạc, đó là Mike Radovnikas, Phó chủ tịch truyền thông của Telegram, người đã đề nghị chúng tôi gặp Durov tại Dubai để thảo luận về việc làm cho Telegram “an toàn cho người Ukraine”. Khi tôi đề xuất bắt đầu bằng cuộc gọi Zoom, anh ta đã từ chối và cuộc trao đổi kết thúc tại đó.

Trong năm rưỡi qua, Kremlingram đã xuất bản nhiều bài viết vạch trần mối quan hệ đáng ngờ của Telegram: từ nguồn tài trợ không minh bạch đến các cuộc họp giữa đại diện công ty và các quan chức Nga. Chúng tôi cũng đã điều tra việc thiếu mã hóa phù hợp, quyền truy cập của chính phủ vào thông tin liên lạc của người dùng và việc chặn tiếng nói của phe đối lập.

Vào tháng 2 năm 2023, chúng tôi đã nhận được một email có chứa dữ liệu bị cáo buộc về các lần đến Nga của Durov từ năm 2016 đến năm 2021 – hơn 120 lần nhập cảnh và xuất cảnh khỏi Nga. Điều này trái ngược với lời kể của Durov rằng anh đã bị lưu đày và không thể trở về Nga, cho thấy anh đã trình bày sai sự thật về xung đột của mình với chính quyền Nga.

Câu chuyện về việc Nga không chặn được Telegram – một câu chuyện được truyền thông phương Tây đưa tin – có vẻ không hoàn toàn thuyết phục, xét đến việc nền tảng này đã chặn thành công ở các quốc gia khác có tiềm năng công nghệ kém hơn Nga, như Pakistan và Cuba. Câu chuyện này đóng vai trò như một hình thức quảng cáo miễn phí cho Telegram, mô tả nó như một ứng dụng nhắn tin an toàn.

Dữ liệu bị rò rỉ, nếu chính xác, sẽ làm suy yếu tuyên bố lưu vong của Durov và đặt ra câu hỏi về lý do tại sao anh ta lại lừa dối công chúng.

Vào tháng 8 năm 2024, hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga đã đưa tin về một vụ rò rỉ lớn dữ liệu biên giới của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, bao gồm cả các chuyến nhập cảnh của Durov, qua đó làm tăng thêm độ tin cậy cho những phát hiện của chúng tôi.

Thú vị hơn, vào ngày 18 tháng 6 năm 2020, lúc 3 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa, một thông báo xuất hiện trên trang web Roskomnadzor thông báo về việc “bỏ chặn” Telegram tại Nga. Trên thực tế, thông tin này không thay đổi nhiều vì ứng dụng đã hoạt động và theo Durov, lượng người dùng đã tăng gấp đôi trong hai năm trước. Anh ta đã đăng bài về việc bỏ chặn vào ngày 22 tháng 6 năm 2020.

Durov liên tục tự mô tả mình là một người lưu vong qua nhiều cuộc phỏng vấn, nhấn mạnh rằng “không có đường quay lại” đối với anh, đặc biệt là khi trả lời bài viết năm 2023 của Kremlingram về mối liên hệ tiềm tàng của anh với Nga bằng cách tuyên bố anh “không có mối liên hệ nào với Nga”. Tuy nhiên, dữ liệu bị rò rỉ cho thấy anh đã có hơn 60 chuyến đi đến Nga, cho thấy nỗ lực cố ý nhằm duy trì ảo tưởng về sự lưu vong của anh ta.

Trước khi xuất bản bài viết này, hãng truyền thông độc lập Vazhnye Istori của Nga đã đưa tin về những phát hiện tương tự, xác nhận Durov đã nhiều lần nhập cảnh từ năm 2015 đến năm 2021. Dữ liệu của họ phù hợp với nguồn của chúng tôi và cung cấp thêm bối cảnh.

Kết luận của chúng tôi:

Durov đã che giấu chuyến thăm Nga của mình từ năm 2015 đến năm 2021.

Mặc dù tuyên bố rằng FSB đã kiểm soát Vkontakte vào năm 2014, mối quan hệ của anh ta với chính quyền Nga lại gần gũi hơn anh ta thừa nhận.

Durov đã đánh lừa công chúng, khai man rằng mình đang lưu vong và phủ nhận mối liên hệ giữa Telegram và Nga.

Việc anh ta tuyên bố mình có hai quốc tịch ở Pháp và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, được đưa ra để chứng minh rằng anh ta không còn liên quan đến Nga, là sai sự thật; anh ta cũng sở hữu hộ chiếu Nga hợp lệ.

Trước tình hình này, chúng tôi một lần nữa kêu gọi sự chú ý của xã hội và chính quyền Ukraine vào thực tế rằng trong bối cảnh một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga, chúng ta không thể tiếp tục trông chờ vào việc 70% người dân Ukraine sử dụng Telegram để trao đổi tin tức và thư từ.

Tôi cũng muốn thu hút sự chú ý của người dùng Telegram trên toàn thế giới – với những sự thật này, các bạn nên xem xét lại mức độ bạn sẵn sàng tin tưởng vào “mã hóa và quyền riêng tư” của một dịch vụ mà người sáng lập của nó che giấu chuyến thăm của mình tới Nga.

[Kyiv Independent: Examining Telegram founder Pavel Durov’s alleged ties to the Kremlin]