Ngày 24-12-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giáng Sinh tình Chúa và Con
Lm. Nguyễn Xuân Trường
00:24 24/12/2023
Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ GIÁNG SINH TÌNH CHÚA VÀ CON
Nguyện chúc ông bà cô dì chú bác anh chị em bạn hữu và gia đình mừng Chúa giáng sinh an bình hạnh phúc trong tình thương ấm áp của Chúa Hài Đồng.
Kính,
 
Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh 24/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:26 24/12/2023


BÀI ĐỌC 1 Is 9, 1-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.

Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Tt 2, 11-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.

Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 2, 10-11

Alleluia. Alleluia.

Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại : Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 2, 1-14

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Đó là lời Chúa.
 
Lễ Giáng Sinh (lễ ban ngày)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:43 24/12/2023
THÁNH LỄ BAN NGÀY

Tin Mừng: Ga 1, 1-18

“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta.”


Anh chị em thân mến.

Thiên Chúa đã trở thành con người, có nghĩa là Thiên Chúa đã trở nên con người như chúng ta, Ngài đã trở thành anh em, chị em của chúng ta, ở giữa chúng ta mà chúng ta không nhận ra Ngài như lời của thánh Gioan Tông Đồ nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.

Chúng ta không nhận ra Ngài, bởi vì chúng ta cứ tưởng Ngài là một vị Thiên Chúa cao xa không với tới được; chúng ta không nhận ra Ngài ở giữa chúng ta, bởi vì chúng ta cứ mãi mê tìm kiếm Ngài trong những nhà thờ tráng lệ nguy nga đồ sộ vào những ngày chúa nhật hay lễ trọng; chúng ta không nhận ra Ngài, vì chúng ta cứ tưởng Ngài chỉ đến lại lần thứ hai của ngày tận thế mà thôi...

“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và cư ngụ giữa chúng ta”. Ngài cư ngụ giữa chúng ta khi chúng ta dư sức nhận ra và đón tiếp Ngài nhưng chúng ta lại không đón tiếp Ngài, Ngài ở đó bơ vơ không nơi nương tựa vì những bất công chiếm đoạt đất đai ruộng vườn của họ bởi những ích lợi của tập đoàn này nhóm lợi ích nọ; Ngài đang đứng đó, nơi các cửa hàng sang trọng có rất nhiều người giàu có đi vào đi ra mua sắm, trong đó có tôi, mà tôi không nhận ra Ngài, tôi chỉ thấy có rất nhiều người ăn xin nghèo nàn rách rưới đang ngữa tay xin bố thí mà thôi; Ngài đang đi đến với tôi, với anh và với chị, nhưng chúng ta đều xua đuổi Ngài, vì hôm qua tôi bận lu bù cho việc trang hoàng nhà thờ để đón Ngài nên không có thời giờ để đón tiếp Ngài, vì hôm qua anh và chị bận đi mua sắm quà giáng sinh để tặng người thân nên không có thời gian để chào đón Ngài...

Ngài đứng đó, ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta không thèm để ý đến Ngài đang cần chúng ta bố thí cho vài đồng bạc lẻ để mua củ khoai ăn trong đêm Ngài giáng trần, nhưng chúng ta có thể bỏ tiền ra hằng trăm triệu đồng hoặc cả tỷ đồng bạc để làm hang đá xa hoa hoặc cây thông vô hồn; Ngài ở giữa chúng ta khi chúng ta mãi mê chuẩn bị làm cho Ngài những hang đá lộng lẫy tốn kém tiền bạc mà không nghĩ rằng, Ngài đang cần cơm ăn áo mặc hơn là những thứ ấy...

Nhân loại ngày càng văn minh, thì những hang lừa máng cỏ sẽ trở thành hiện đại và vui mắt, nhưng tâm hồn của con người thì càng xa Chúa hơn, bởi vì người ta thường hay gán cho Ngôi Lời đã trở thành xác phàm một hình hài bên ngoài sang trọng, mà quên mất rằng, Ngài đã trở nên xác phàm như chúng ta, Ngài cũng đang cần cơm ăn áo mặc, Ngài cũng đang cần có công ăn việc làm, Ngài cũng đang cần một xã hội công bằng hơn, Ngài chính là tất cả những ai có tâm hồn công chính, Ngài chính là tất cả những ai đang bị người anh em chị em mình áp bức, Ngài là những người đang lang thang đầu đường xó chợ để kiếm ăn... Ngài đã đến, nhưng chúng ta đã từ chối Ngài...

“Lạy Đức Chúa Giê-su, chúng con đang tưng bừng chào đón mừng kỷ niệm ngày Chúa giáng trần, trong nhà thờ, bên ngoài nhà thờ chúng con trang hoàng rất đẹp, nơi hang đá thì càng đẹp lộng lẫy hơn, ai cũng khen chúng con có tài trang hoàng hang đá, ai cũng khen chúng con có con mắt nghệ thuật... chúng con rất vui.

Nhưng thánh lễ đêm vừa kết thúc, ai nấy ra về vui đêm giáng sinh với người thân của họ, thì hang đá lộng lẫy chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả, ngày mai người ta sẽ không còn háo hức đi lễ để coi hang đá nữa.

Và con nghe Chúa nói với con rằng: “Hang đá mà Ta ưa thích nhất chính là tâm hồn của mỗi người, tại sao con không dạy các tín hữu của con hãy đem tâm hồn của mình trở thành hang đá cho Ta sinh ra, bởi vì những hang đá ấy đã được thánh hiến trong bí tích Rửa Tội, nếu tâm hồn họ trở thành hang đá cho Ta sinh ra, thì gia đình họ cũng sẽ trở thành những hang đá rất dễ thương, rất đẹp đẽ, đó là điều mà Ta muốn nơi họ...?”

Lạy Chúa, xin làm cho tâm hồn của mỗi người chúng con trở thành những hang đá sống động cho Chúa sinh ra và cư ngụ. Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Giáng Sinh 25/12 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
14:53 24/12/2023

BÀI ĐỌC 1 

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”

Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa đang trở về Xi-on.

Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Trước mặt muôn dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 

Khởi đầu thư gửi tín hữu Híp-ri.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’, hoặc l: ‘Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta’. Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG 

Alleluia. Alleluia.

Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta, muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ, toả xuống khắp cõi trần. Alleluia.

TIN MỪNG 

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,

để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.

Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Đó là lời Chúa.
 
Đằng sau những gì có thể nhìn thấy
Lm. Minh Anh
17:09 24/12/2023

ĐẰNG SAU NHỮNG GÌ CÓ THỂ NHÌN THẤY
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”.

Đạo diễn Walt Disney sẽ không nương tay cắt bỏ bất cứ thứ gì cản trở tiến độ của một chuyện phim! Khi cuốn phim cuộc đời của bạn được trình chiếu, nó có tuyệt vời không? Rất nhiều ‘điều tốt’ bạn cần cắt bỏ để dọn đường cho ‘những điều tốt hơn’. Điều quan trọng là ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy’, thánh ý Thiên Chúa có vẹn toàn không?

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa đại lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta lần theo chiều kích sâu thẳm ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy’ qua câu chuyện Bêlem; từ đó, thúc giục chúng ta cung chiêm một điều gì đó sâu sắc hơn, trầm lắng hơn! Bởi lẽ, thật lạ lùng, Tin Mừng hôm nay không nói đến thiên thần, mục đồng, bò lừa; thậm chí Maria, Giuse! Tại sao nó được chọn đọc?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa cốt lõi của câu chuyện Giáng Sinh. Đứa trẻ bơ vơ, hèn yếu trong máng cỏ kia là ai? Tại sao thế giới lại ồn ào đến thế về sự ra đời của nó? Thưa vì đứa trẻ ấy là Ngôi Lời của Thiên Chúa, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa”; “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”. Hãy gẫm suy những lời đặc biệt này và lùi lại ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy!’. Kìa, Thiên Chúa mặc khải chính Ngài qua Giêsu, Ngôi Lời! Thiên Chúa không chỉ truyền đạt mà còn hoạt động. Vì thế, Giêsu là Lời tác thành, Lời biến đổi và là Lời cứu độ!

Để dễ hiểu, bạn có thể nghĩ đến ‘lời’ của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine; ‘lời’ của Shakespeare trong Hamlet; hoặc ‘lời’ của Beethoven trong Bản Giao Hưởng số 5! Tất cả những ‘lời’ này không chỉ thể hiện ý tưởng của tác giả mà còn tác động mạnh mẽ trong việc ‘biến đổi’ chúng ta. Vì thế, qua Ngôi Lời, mọi vật hiện hữu và được biến đổi.

Lời đã đến, đã đi vào thế giới cách trọn vẹn. Theo Gioan, “thế giới” có hai nghĩa! Trước hết, là hành tinh của chúng ta và tất cả những gì trong đó; nó còn là ‘thế giới’ bên trong mỗi người, vốn bị lôi cuốn vào tất cả những gì xấu xa, tiêu cực, hạ cấp và mất nhân tính. Lời đã đi vào hai thế giới đó! Không sống ngoài rìa, nhưng ngay ở giữa; Lời bị đàm tiếu là “lui tới với các tội nhân và tệ hơn, ăn uống với họ”. Những điều này được nói trong câu chuyện Bêlem bằng một ngôn ngữ hình tượng! Thư Do Thái xác nhận, “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Thánh Tử là Ngôi Lời, là Giêsu, bản sao hoàn hảo của chính Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta!”. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, nghe Ngài nói, nhìn việc Ngài làm… chúng ta chiêm ngắm, sờ đụng và lắng nghe Thiên Chúa. Vì thế, đàng sau máng cỏ là một thông điệp yêu thương: Vì yêu con người, Thiên Chúa làm người; đi vào thế giới con người, ôm lấy nó, giải thoát nó khỏi những nô lệ của áp bức, đói khát, vô gia cư, tội lỗi, sợ hãi, giận dữ, phẫn uất, hận thù và cô đơn… Quan trọng hơn, bạn và tôi được mời gọi cộng tác với Ngài, bằng cách mời Ngài đi vào cuộc sống mình và cuộc sống người khác; hầu cắt bỏ những gì ‘tưởng là tốt’ để dọn đường cho ‘những điều tốt hơn’. Thật ý nghĩa, tầm nhìn của Isaia, viễn cảnh mà tác giả Thánh Vịnh đáp ca nhìn thấy, “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế gian nói với con những điều ‘tưởng là tốt’, cho con dám cắt bỏ để dọn đường cho ‘những điều tốt hơn’ mà Giêsu, Ngôi Lời, không ngừng ngỏ với con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Fernández: Phép lành đồng tính ‘không xác nhận hay biện minh bất cứ điều gì’
Vũ Văn An
06:33 24/12/2023
Trong cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng 12, với Edgar Beltran thuộc tạp chí The Pillar, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã thảo luận về Tuyên bố 'Fiducia supplicans'.

Theo tạp chí này, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã bị cuốn vào cuộc tranh luận gay gắt trong tuần này, sau khi Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, hôm thứ Hai, công bố Fiducia supplicans, một tuyên bố đưa ra một khuôn khổ cho việc ban phước lành giáo sĩ cho các cặp đồng tính và những người khác sống trong các mối quan hệ bên ngoài hôn nhân.

Một số hội đồng giám mục và giáo phận đã bật đèn xanh cho những phép lành như vậy, đặc biệt là ở Bỉ và Đức, đã thấy trong tài liệu này sự xác nhận cách tiếp cận của họ đối với vấn đề này, với một số hứa hẹn sẽ thách thức tài liệu bằng cách xuất bản các hướng dẫn về các phép lành phụng vụ cho các cặp đồng tính - một bước bị cấm bởi tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin.

Nhưng một số hội đồng giám mục ở Châu Phi và Châu Á đã bác bỏ tài liệu này, trong đó một số cấm việc thực thi Fiducia supplicans trong lãnh thổ của họ. Một Hồng Y đã thách thức tính chính thống về mặt giáo lý của tài liệu, trong khi người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết văn bản này không áp dụng cho giáo đoàn của ngài.

Giữa một tuần đầy thử thách đối với Giáo hội, The Pillar đã liên lạc với Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, để đặt câu hỏi về tài liệu và những phản ứng mà nó đã tạo ra.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha, qua email và được The Pillar dịch sang tiếng Anh.

Thưa Đức Hồng Y Fernandez, Fiducia supplicans nói rằng nó ‘vẫn giữ vững giáo lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân, không cho phép bất cứ loại nghi thức phụng vụ hoặc phép lành nào tương tự như nghi thức phụng vụ có thể tạo ra sự nhầm lẫn.’

Nó cũng nói rằng các phép lành mà nó thảo luận ‘không nên được ấn định theo nghi thức bởi các thẩm quyền của giáo hội để tránh tạo ra sự nhầm lẫn với phép lành riêng của bí tích hôn nhân’, và ‘những phép lành không theo nghi thức này không bao giờ ngừng là những cử chỉ đơn giản mang lại một phương tiện hữu hiệu tăng cường niềm tin tưởng vào Thiên Chúa nơi những người cầu xin chúng, cẩn thận để chúng không trở thành một hành vi phụng vụ hoặc bán phụng vụ, tương tự như một bí tích.'

Nhưng nhiều hội đồng giám mục khác nhau đã phê chuẩn các nghi thức ban phép lành cho các cặp trong những hoàn cảnh trái luật.

Điều đó có mâu thuẫn với tuyên bố không?


Tuyên bố rất rõ ràng trong việc phân biệt hai hình thức chúc lành: một hình thức theo hình thức phụng vụ-nghi thức và hình thức kia dành riêng cho công việc mục vụ - đây là sự đóng góp đặc biệt của nó.

Một số giám mục đã tiến bộ trong các hình thức nghi thức chúc phúc cho các cặp bất hợp lệ, và điều này là không thể chấp nhận được. Họ nên điều chỉnh lại đề xuất của mình về vấn đề đó.

Fiducia supplicans nói rằng: 'Trong một lời cầu nguyện ngắn trước phép lành tự phát này, thừa tác viên thụ phong có thể cầu xin cho các cá nhân có được bình an, sức khỏe, tinh thần kiên nhẫn, đối thoại và tương trợ - nhưng cũng có ánh sáng và sức mạnh của Chúa để có thể hoàn thành thánh ý Người hoàn toàn.'

Nó nói thêm rằng: 'Những hình thức chúc phúc này bày tỏ một lời cầu xin Thiên Chúa ban cho những trợ giúp xuất phát từ sự thúc đẩy của Thánh Thần Người - điều mà thần học cổ điển gọi là 'ơn hiện sủng' - để các mối quan hệ nhân bản có thể trưởng thành và phát triển trong sự trung thành với Tin Mừng, để họ được giải thoát khỏi những bất toàn và yếu đuối của mình, và để họ có thể phát biểu mình trong chiều kích ngày càng gia tăng của tình yêu Thiên Chúa.'

Phải chăng những đoạn văn đó có nghĩa là động cơ chính để ban phước lành như vậy phải là những cặp sống trong ‘hoàn cảnh bất hợp lệ’ phải tuân thủ cuộc sống của họ theo những lời dạy về luân lý và tín lý của Giáo hội?


Những loại phước lành này chỉ đơn giản là những kênh mục vụ đơn giản giúp thể hiện đức tin của mọi người, ngay cả khi những người đó là những tội nhân nặng nề.

Vì vậy, bằng cách ban phước lành này cho hai người tự nguyện đến cầu xin, người ta có thể cầu xin Chúa ban cho họ sức khỏe, bình an, thịnh vượng một cách hợp pháp - những điều mà tất cả chúng ta đều cầu xin và một tội nhân cũng có thể cầu xin.

Đồng thời, vì người ta có thể nghĩ rằng trong cuộc sống hàng ngày của hai người này, không phải mọi thứ đều là tội lỗi, nên người ta có thể cầu nguyện cho họ [nhận được] tinh thần đối thoại, kiên nhẫn, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhưng tuyên bố cũng đề cập đến lời cầu xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ để mối quan hệ này, vốn thường không được linh mục biết đến, có thể được thanh lọc khỏi mọi điều không đáp lại Tin Mừng và ý muốn của Thiên Chúa, và có thể trưởng thành theo hướng kế hoạch của Thiên Chúa.

Như tôi nói, đôi khi vị linh mục, trong một chuyến hành hương, không biết cặp đôi đó, và đôi khi họ là hai người bạn rất thân chia sẻ những điều tốt đẹp, đôi khi họ có quan hệ tình dục trong quá khứ và bây giờ điều còn lại là cảm giác thân thuộc và hỗ tương giúp đỡ mạnh mẽ. Là một linh mục giáo xứ, tôi thường gặp những cặp như vậy, đôi khi rất gương mẫu.

Vì vậy, vì vấn đề không phải là bí tích xưng tội (!), mà là một phép lành đơn giản, nên vẫn xin tình bạn này được thanh lọc, trưởng thành và sống một cách trung thành với Tin Mừng. Và ngay cả khi có một loại quan hệ tình dục nào đó, dù được biết đến hay không, thì lời chúc phúc được thực hiện theo cách này cũng không xác thực hay biện minh cho bất cứ điều gì.

Trên thực tế, điều tương tự cũng xảy ra bất cứ khi nào có cá nhân được ban phép lành, bởi vì cá nhân đó xin phép lành - không phải sự tha tội - có thể là một tội nhân lớn, nhưng chúng ta không từ chối phép lành dành cho người đó.

Nhưng rõ ràng chúng ta phải phát triển niềm xác tín rằng các phép lành không theo nghi thức không phải là sự thánh hiến con người, chúng không phải là sự biện minh cho mọi hành động của người đó, chúng không phải là sự phê chuẩn cho lối sống mà người đó đang sống. Không. Không. Tôi không biết tại thời điểm nào mà chúng ta đã đề cao cử chỉ mục vụ đơn giản này đến mức chúng ta đánh đồng nó với việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Đó là lý do vì sao chúng ta muốn đặt ra thật nhiều điều kiện để được ban phước lành.

Tuyên bố nói rằng ‘ngoài hướng dẫn’ được nó cung cấp, ‘không nên có thêm phản hồi nào về những cách có thể để điều chỉnh các chi tiết hoặc những điểm đặc thù liên quan đến các phước lành kiểu này.’

Điều đó có nghĩa là sẽ không có bất cứ phản hồi hay khiển trách nào đối với các hội đồng giám mục hoặc giáo phận tìm cách điều chỉnh và nghi thức hóa các phép lành này - hoặc đối với những người tìm cách cấm chúng hoàn toàn?


Không, điều đó có nghĩa là người ta không nên mong đợi một cuốn sách hướng dẫn, một vademecum hoặc một hướng dẫn cho một việc quá đơn giản.

Tôi biết rằng ở một số giáo phận, các giám mục trước đây đã đưa ra những hướng dẫn cho những trường hợp này. Chẳng hạn, một số vị đã chỉ ra cho các linh mục rằng khi là vấn đề của một cặp nổi tiếng ở địa phương hoặc trong trường hợp có thể có một số tai tiếng, thì phép lành nên được ban hành một cách riêng tư, ở một nơi kín đáo. Nhưng tuyên bố này không muốn đi vào chi tiết hoặc thay thế sự phân định địa phương của các giám mục.

Mặt khác, để cố gắng giải thích câu hỏi của bạn, chúng tôi hiện đang thảo luận những vấn đề này với các chủ tịch hội đồng giám mục và với các nhóm giám mục đến thăm thánh bộ. Chẳng bao lâu nữa, một nhóm các bộ trưởng thánh bộ sẽ bắt đầu hành trình hoán cải và đào sâu hơn với các giám mục Đức và chúng tôi sẽ đưa ra tất cả những giải thích rõ ràng cần thiết.

Hơn nữa, tôi đang lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Đức để có một số cuộc trò chuyện mà tôi tin là quan trọng.

Tuyên ngôn kêu gọi sự phân định ‘thực tế’ và ‘thận trọng và như một người cha’ của các linh mục để ban những phúc lành này.

Phải chăng cách tiếp cận đó làm giảm thẩm quyền của các giám mục trong việc quản lý giáo phận của họ, như hệ luận giáo hội học của Công đồng Vatican II - đặc biệt là sự nhấn mạnh đến thẩm quyền của các giám mục giáo phận?


Các giám mục đã cấm những phép lành này trong lãnh thổ của họ có mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố không?

Mỗi giám mục địa phương, với sứ mệnh riêng của mình, luôn có chức năng phân định tại địa phương, ở một nơi rất cụ thể mà ngài biết rõ hơn những người khác, vì đó là đàn chiên của ngài.

Chúng tôi không nói đến các hội đồng [giám mục] quốc gia, và càng không nói đến các hội đồng lục địa, bởi vì họ không thể áp đặt mọi thứ đối với các giám mục trong giáo phận của họ. Ngay cả khi họ có thể thống nhất các tiêu chuẩn, họ cũng không thể thay thế được vị trí độc nhất của vị giám mục trị nhậm Giáo hội địa phương của mình.

Nhưng chúng ta đang ở trong Giáo Hội Công Giáo, và ở đó Tin Mừng cho chúng ta thấy Phêrô.

Rõ ràng, khi có một văn bản được Đức Giáo Hoàng ký, để giải thích nó một cách rộng rãi, trước tiên các giám mục phải nghiên cứu nó một cách sâu sắc và không vội vàng, đồng thời để cho mình được soi sáng và làm phong phú bởi văn bản đó. Do đó, sự khôn ngoan và chú ý đến văn hóa địa phương có thể chấp nhận những cách áp dụng khác nhau, nhưng không thể phủ nhận hoàn toàn bước này được yêu cầu đối với các linh mục.

Tôi hiểu rõ mối quan tâm của các giám mục ở một số quốc gia châu Phi hoặc châu Á, ở những nơi mà người đồng tính có thể bị bỏ tù. Đó là một sự xúc phạm tới phẩm giá con người, chắc chắn làm các giám mục đau lòng và thách thức tư cách làm cha của họ. Có vẻ như các giám mục không muốn đẩy những người đồng tính vào tình trạng bạo lực. Bản thân họ đề cập đến “luật pháp” của đất nước họ.

Điều quan trọng là các hội đồng giám mục này không nắm giữ một học thuyết khác với tuyên bố được Đức Giáo Hoàng ký, bởi vì đó là học thuyết giống như mọi khi, nhưng đúng hơn họ nêu lên sự cần thiết phải nghiên cứu và phân định, để hành động với sự khôn ngoan mục vụ trong bối cảnh này.

Tôi không thể nói nhiều hơn thế vì tôi nhận ra rằng việc tiếp nhận những tài liệu này đòi hỏi thời gian cũng như một sự suy tư thanh thản và kéo dài.

Một cách giải thích đã được đưa ra cho tuyên bố là các phước lành sẽ được ban cho những con người chứ không phải cho sự kết hợp chuyên biệt của họ. Tuy nhiên, tài liệu nói rõ ràng ở phần thứ ba về việc chúc lành cho ‘các cặp.

Phải chăng điều này hàm ý rằng sự kết hợp “bất hợp lệ” của những người này đang được chúc phúc?


Cần phải phân biệt rõ ràng, và lời tuyên bố làm nên sự phân biệt này. Các cặp đôi được ban phước. Sự kết hợp không được chúc phúc, vì những lý do mà tuyên bố liên tục giải thích về ý nghĩa thực sự của hôn nhân Kitô giáo và quan hệ tình dục.

Đối với những người đọc văn bản một cách thanh thản và không có thành kiến về ý thức hệ, rõ ràng là không có sự thay đổi nào trong học thuyết về hôn nhân và về việc đánh giá khách quan các [loại] hành vi tính dục ngoài hôn nhân duy nhất hiện hữu- nam-nữ, độc chiếm, không thể hủy tiêu, tự nhiên mở ra cho sự phát sinh sự sống mới).

Nhưng điều này không ngăn cản chúng ta thực hiện một cử chỉ phụ tử và gần gũi, nếu không chúng ta có thể trở thành những thẩm phán lên án từ bệ thờ - khi những người thánh hiến chúng ta có nhiều điều làm nhục chúng ta như một Giáo hội, chúng ta đã gây ra gương xấu nghiêm trọng cho những người đơn sơ bằng chính tác phong của chúng ta.

Ngoài ra, tất cả chúng ta đều có những lỗi lầm cá nhân, chúng ta không hoàn toàn gắn kết với toàn bộ Tin Mừng, và những phán xét thô thiển của chúng ta đôi khi không tính đến việc cùng một thước đo chúng ta áp dụng cho người khác sẽ được áp dụng cho chúng ta. Tôi, người muốn lên Thiên đàng và được hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa, hãy cố gắng đừng quên lời cảnh báo này của Chúa Giêsu Kitô.
 
Dan Hitchens: Không nên mất tinh thần trước những gì đang diễn ra trong Giáo Hội
J.B. Đặng Minh An dịch
08:38 24/12/2023

Dan Hitchens, người Anh, hiện là chủ bút của tạp chí suy tư Công Giáo First Things. Trước đây, ông là chủ nhiệm của tờ Catholic Herald. Ông vừa có bài nhận định nhan đề “THE POPE AND THE BLACK HOLE”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng và Hố Đen”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong một chuỗi sự kiện cho đến nay đã trở nên quen thuộc, Vatican đã công bố một tài liệu vào hôm thứ Hai, 18 Tháng Mười Hai, gây ra sự hoang mang ngay lập tức. “Đức Giáo Hoàng nói rằng các linh mục Công Giáo Rôma có thể ban phước cho các cặp đồng giới,” các hàng tít lớn loan báo. Những nhà hộ giáo Công Giáo lạc quan cho biết giới truyền thông đã hiểu sai tài liệu, chứ trong đó không hề cho phép điều đó xảy ra. Những nhà hộ giáo Công Giáo bi quan thì cho biết các hàng tít đó, than ôi, là đúng, và Đức Giáo Hoàng đã sai lầm. Những người theo chủ nghĩa độc tôn Rôma ôn hòa nói rằng tài liệu này chỉ có thể được đọc theo cách bảo thủ và việc nghĩ khác đi là một sự xúc phạm quá đáng đối với Đức Giáo Hoàng. Những người theo chủ nghĩa độc tôn Rôma quá khích hơn thì nói rằng tài liệu này chỉ có thể được hiểu là một “sự phát triển của tín lý” và việc nghĩ khác đi là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với Đức Giáo Hoàng. Những người cấp tiến vui mừng với một chút thiếu kiên nhẫn. Thế giới quan tâm trong chốc lát, kết luận rằng Giáo hội ít nhất cũng đạt được một số tiến bộ chậm chạp, rồi ngáp một cái và chuyển sang dòng tít tiếp theo.

Tôi đã dành nhiều năm để phân tích các tài liệu gây tranh cãi nhiều này của Vatican, kiểm tra bản dịch chính xác của các từ tiếng Ý, làm phiền các nhà giáo luật và thần học uyên bác để nhận xét, so sánh câu này với câu khác. Và thành thật mà nói, tôi đang nghĩ đến việc rút lui khỏi cuộc chơi. Bởi trong thời đại của Đức Thánh Cha Phanxicô, những phát biểu “gây tranh cãi” như vậy nhìn chung chỉ là những lỗ đen hơn là các tuyên bố.

Theo NASA, lỗ đen là “một lượng lớn vật chất được dồn nén vào một khu vực rất nhỏ - hãy nghĩ đến một ngôi sao nặng gấp 10 lần Mặt trời bị nén thành một quả cầu có đường kính xấp xỉ đường kính của Thành phố New York”. Điều đó hơi phóng đại mật độ của văn bản năm ngàn từ của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, nhưng vấn đề là kết quả — như NASA giải thích, “là một trường hấp dẫn mạnh đến mức không gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra ngoài.”

Fiducia Supplicans cũng vậy. Thông thường người ta có thể làm sáng tỏ một tài liệu bằng cách hỏi Giáo hội đã nói gì trước đây. Trong trường hợp này, chính tài liệu này đã trích dẫn tuyên bố cuối cùng của Vatican về chủ đề này, được ban hành vào năm 2021. Văn bản đó đã truyền, với sự chấp thuận có chữ ký của Đức Thánh Cha Phanxicô, rằng “không được phép chúc lành cho các mối quan hệ, hoặc các mối quan hệ đối tác, cho dù là ổn định đi chăng nữa, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân... như trường hợp kết hợp giữa những người cùng giới tính. Sự hiện diện của các yếu tố tích cực trong các mối quan hệ như vậy.. không thể biện minh cho những mối quan hệ này và biến chúng thành đối tượng hợp pháp của phúc lành từ Giáo hội”.

Nhưng sau khi viện dẫn tài liệu trước đó, trong vài ngàn từ tiếp theo, tài liệu mới này bất ngờ tuyên bố rằng “Trong tầm nhìn được phác thảo ở đây xuất hiện khả năng ban phúc lành cho các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp lệ và cho các cặp đồng tính”. Đương nhiên, bạn tìm kiếm văn bản để tìm xem nó giải thích tại sao tài liệu trước đó là sai. Bạn không tìm thấy gì cả. Bạn đã bị hút vào hố đen, nơi mà ánh sáng của lý trí không thể xuyên qua được.

Vì thế, với tinh thần quảng đại, bạn cố gắng tiếp nhận tài liệu theo các thuật ngữ riêng của nó. Có vẻ như trước đây mọi người đều có sự hiểu biết chưa đầy đủ về phước lành. Văn bản mới này đưa ra “một đóng góp cụ thể và sáng tạo cho ý nghĩa mục vụ của các phép lành”. (Chữ in nghiêng trong nguyên bản.) Tiếp theo là 2.800 từ suy ngẫm về các phước lành—các phước lành trong Kinh thánh, lý do tại sao mọi người cầu xin các phước lành cho thấy một “sự cởi mở chân thành đối với sự siêu việt”, nhận xét rằng đôi khi các linh mục ban phước cho các cuộc hành hương cũng như “các nhóm và hiệp hội tình nguyện”. Không có điều nào trong số này có tính đổi mới đáng chú ý hoặc thực sự cụ thể. Một lần nữa, trong bóng tối hoàn toàn, chúng ta tiến tới một kết luận đầy tin tưởng: “Trong chân trời được vạch ra ở đây xuất hiện khả năng ban phúc lành cho các cặp vợ chồng trong những tình huống bất hợp lệ,” v.v. Đó sẽ là chân trời nào? Quá muộn để bạn nhận ra: Đó là chân trời sự kiện. Bạn đã trở lại hố đen.

Nếu tài liệu có vẻ không nhất quán với giáo huấn Công Giáo và thậm chí cũng chẳng nhất quán với chính nó, thì có lẽ người ta nên xem xét liệu vấn đề có nằm ở những giả định của chính mình hay không. Rốt cuộc, tài liệu này đã nghiêm khắc sửa chữa những gì dường như là một quan niệm sai lầm thường xuyên. Nó cho chúng ta biết: “Những người đang tìm kiếm phước lành không cần phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức trước đó”. Vậy ai đã lan truyền sự giả dối này? Ai đã tuyên bố rằng chỉ những người hoàn hảo về mặt đạo đức mới có thể được ban phước, và hãy nghĩ xem, điều đó có liên quan gì đến vấn đề hiện tại? Nhưng bạn đã bắt đầu mất thăng bằng và cảm thấy mình bị kéo lê một cách bất lực về phía rìa.

Trước thực tế là hiện nay có hai giáo huấn trái ngược nhau của Đức Giáo Hoàng – tài liệu năm 2021 và tài liệu năm 2023 – rõ ràng là không thể phủ nhận về mặt logic rằng các Đức Giáo Hoàng, khi không nói ex cathedra, đôi khi có thể sai lầm. Và tất nhiên đây đã là kiến thức phổ biến, từ những trường hợp đáng xấu hổ của các Đức Giáo Hoàng Gioan 22 và Liberiô, và ngoạn mục nhất là Giáo hoàng Hônôriô, bị ba công đồng đại kết lên án là kẻ dị giáo, đáng bị nguyền rủa!—và bị chỉ trích bởi một Giáo hoàng sau này, Thánh Lêo Đệ Nhị, khi ngài khiển trách Hônôriô là “người đã không cố gắng thánh hóa Giáo hội Tông truyền này bằng lời dạy của truyền thống Tông đồ, nhưng bằng sự phản bội trần tục đã làm cho sự trong sạch của Giáo hội ra ô uế”.

Thánh John Henry Newman lập luận rằng những sự việc như vậy không nên khiến chúng ta từ bỏ Giáo hội vì coi Giáo hội là không đáng tin cậy hoặc thối nát. Thánh Newman nói, một giáo hoàng tệ hại giống như một vụ tai nạn hỏa xa: một sự kiện thực sự ngoạn mục, chắc chắn sẽ gây kinh hoàng và thu hút tâm trí. Nhưng thật là một phản ứng thái quá khi mọi người kết luận rằng “việc di chuyển bằng hỏa xa là nguy hiểm và có thể là tự sát, và họ sẽ không bao giờ đi du lịch ngoại trừ bằng xe ngựa”. Theo thống kê, việc đi lại bằng hỏa xa vẫn an toàn hơn các phương tiện khác; và điều đó hầu như không gây sốc cho chúng ta. Thánh Newman đã chỉ ra, rằng “trong một hàng dài từ hai đến ba trăm giáo hoàng, giữa các vị tử đạo, các cha giải tội, tiến sĩ Hội Thánh, các nhà cai trị hiền triết, và những người cha yêu thương của dân Chúa, một, hai, hoặc ba đã là người làm ứng nghiệm lời mô tả của Chúa về người đầy tớ gian ác.”

Phép tương tự thiên văn của tôi có thể được mở rộng như thế. Một lỗ đen vẫn là một ngôi sao - giống như Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là Đại diện của Chúa Kitô - ngay cả khi ngôi sao ấy dường như đã tự sụp đổ. Một cảnh tượng như vậy thật mê hoặc, bí ẩn và đáng sợ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên tuyệt vọng trước triều giáo hoàng nói chung – Các vị thánh, các bí tích, tín lý truyền thống của Giáo hội vẫn là những ngôi sao dẫn đường, những ngôi sao sẽ dẫn chúng ta đến máng cỏ Giáng Sinh.


Source:First Things
 
Bài giảng của Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem tại Nơi Cực Thánh, Hang Bêlem, giữa tiếng rít của hỏa tiễn.
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
19:08 24/12/2023


Anh Chị Em thân mến,

Xin Chúa ban Bình An cho anh chị em!

Bài Tin Mừng tối nay vang lên tiếng nói của một cảm xúc sâu sắc mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có chung: “không còn chỗ cho họ” (Lc 2:7). Như đã xảy ra với Đức Maria và Thánh Giuse, đối với chúng ta ngày nay, dường như không còn chỗ cho Lễ Giáng Sinh nữa. Đã quá nhiều ngày, tất cả chúng ta đều bị cuốn vào cảm giác buồn bã và đau đớn rằng năm nay không còn có chỗ cho niềm vui và bình an mà các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng ở Bêlem trong Đêm Thánh này, không xa đây.

Vào lúc này, suy nghĩ của chúng ta không thể xa cách với những người đã mất tất cả trong cuộc chiến này, kể cả những người thân yêu nhất của họ, và những người hiện đang phải di tản, cô đơn và tê liệt vì nỗi đau buồn. Tâm trí của tôi không phân biệt, hướng tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, ở Palestine và Israel cũng như toàn bộ khu vực. Tôi đặc biệt gần gũi với những người đang than khóc, chờ đợi một cử chỉ gần gũi và quan tâm cụ thể. Đêm nay, tôi nhớ những con tin bị bắt cóc khỏi gia đình họ, tôi cũng nhớ đến những người mòn mỏi trong tù mà không có quyền được xét xử.

Tâm trí của tôi hướng về Gaza và hai triệu cư dân ở đó. Thực sự những từ “không còn chỗ cho họ” mô tả hoàn cảnh của người dân Gaza mà giờ đây ai cũng biết. Nỗi đau khổ của họ không ngừng vang vọng khắp thế giới. Không có nơi nào hoặc ngôi nhà nào là an toàn cho bất cứ ai. Hàng ngàn người đã bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản; họ đói, và họ càng phải đối mặt với bạo lực không thể hiểu nổi. Dường như không có chỗ cho họ, không chỉ về vật chất mà còn trong tâm trí của những người quyết định vận mệnh của các quốc gia. Đây là tình trạng mà người dân Palestine đã sống quá lâu. Dù sống trên mảnh đất của mình nhưng họ liên tục nghe thấy “không có chỗ cho họ”. Trong nhiều thập kỷ, họ đã chờ đợi cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp chấm dứt sự xâm lược mà họ buộc phải sống và những hậu quả của nó. Tuy nhiên, ngày nay đối với tôi, dường như mỗi người chúng ta đều bị mắc kẹt trong nỗi đau của chính mình. Hận thù, oán giận và tinh thần trả thù chiếm trọn không gian trong trái tim chúng ta và không còn chỗ cho sự hiện diện của người khác. Tuy nhiên, chúng ta cần những người khác. Lễ Giáng Sinh chính là nói về điều này: Thiên Chúa hiện diện theo cách thức con người và mở rộng tâm hồn chúng ta cho một thế giới quan mới.

Không phải thế giới luôn hiếu khách với Chúa Kitô: tin tức cho rằng đức tin Kitô và ý nghĩa Kitô giáo của lễ Giáng sinh chỉ là một ký ức mờ nhạt trong nền văn hóa thế tục hóa và duy vật ngày nay không phải tin mới. Tuy nhiên, năm nay, ở đây và những nơi khác trên thế giới, tiếng ồn của vũ khí, tiếng khóc của trẻ em, nỗi đau khổ của người tị nạn, tiếng kêu than của người nghèo, nỗi đau buồn của rất nhiều gia đình đang than khóc, dường như làm cho các bài hát của chúng ta mất đi sự hài hòa. Thật khó để vui mừng và lời nói của chúng ta dường như sáo rỗng và trống rỗng.

Hãy nói rõ ràng: việc Chúa Kitô đến trong thế giới của chúng ta đã mở ra cho chúng ta và cho tất cả mọi người “con đường cứu độ đời đời”, con đường mà không có gì và không ai có thể đóng lại được. Đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Giáo Hội của Thiên Chúa không hề suy giảm và đặt vững chắc trên Lời Hứa thành tín của Chúa. Đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Giáo Hội của Thiên Chúa không phụ thuộc vào thời thế thay đổi và nghịch cảnh xung quanh.

Tuy nhiên, điều hiển nhiên là chúng ta đang đấu tranh, đặc biệt là ở đây, đặc biệt là ngày nay, để tìm một nơi cho lễ Giáng sinh trên mảnh đất của chúng ta, trong cuộc sống và trong trái tim chúng ta. Chúng ta có nguy cơ đánh mất con đường mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, trong mê cung của những con đường bị chiến tranh tàn phá, những đống đổ nát và những ngôi nhà bỏ hoang. Tâm hồn chúng ta, quá nặng trĩu, có thể không hòa hợp được với thông điệp Giáng Sinh. Quá nhiều đau đớn, quá nhiều thất vọng, quá nhiều lời hứa bị thất hứa, đánh tới tấp vào không gian nội tâm mà trong đó Tin Mừng Giáng Sinh có thể vang vọng và truyền cảm hứng cho những hành động và hành vi mang lại sự sống và bình an.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: Lễ Giáng Sinh năm nay ở đâu? Chúng ta có thể tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi ở đâu? Hài Nhi có thể được sinh ra ở đâu khi dường như không còn chỗ cho Ngài trong thế giới này của chúng ta?

Như chúng ta đã nghe, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã tự hỏi mình câu hỏi này khi các ngài gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở đêm đó. Những người chăn cừu đã hỏi câu hỏi tương tự khi họ tìm kiếm Hài nhi, và các đạo sĩ cũng hỏi như vậy khi họ đuổi theo ánh sao. Đó là câu hỏi của Giáo hội mỗi khi lạc đường. Đó là câu hỏi của chúng ta tối nay: Lễ Giáng Sinh hôm nay ở đâu?

Các thiên thần cho chúng ta câu trả lời. Vào đêm đó và trong mọi đêm, Thiên Chúa luôn tìm được chỗ cho Lễ Giáng Sinh của Ngài. Ngay cả đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, bất chấp tất cả, ngay cả trong những hoàn cảnh bi đát này, chúng ta cũng tin như vậy: Thiên Chúa có thể hạ sinh ngay cả trong những trái tim chai đá nhất.

Nơi diễn ra lễ Giáng Sinh trước hết là Thiên Chúa. Lễ Giáng Sinh, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, diễn ra ngay từ đầu, trong Trái Tim nhân hậu của Chúa Cha. Tình yêu vô hạn và vô tận của Ngài vĩnh viễn sinh ra Con và ban Ngài cho chúng ta trong Thời gian, ngay cả trong thời gian này. Sự cứu rỗi con người được quyết định theo ý muốn tốt lành và thánh thiện của Ngài. “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa không sai Con Ngài đến thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu”. (Ga 3:16-17).

Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chúng ta muốn tìm thấy niềm vui đích thực của lễ Giáng Sinh và nếu chúng ta muốn gặp Đấng Cứu Thế, chúng ta, toàn thể Giáo hội, phải trở về với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúng ta phải vượt ra ngoài những giải thích mang tính chính trị và xã hội về bạo lực và sự khuất phục người khác. Những hiện tượng này cuối cùng bắt nguồn từ việc quên mất Chúa, tạo ra một hình ảnh sai lệch về khuôn mặt của Ngài và sử dụng mối quan hệ tôn giáo giả tạo và vị lợi với Ngài. Điều này xảy ra quá thường xuyên ở Thánh Địa của chúng ta.

Nếu chúng ta không thể gọi anh em là đồng bào của mình thì chúng ta cũng không thể gọi Thiên Chúa là “Cha” của mình. Đúng hơn nữa là chúng ta không thể nhận ra mình là anh em trừ khi chúng ta trở về với Thiên Chúa thật bằng cách nhận ra Ngài là Người Cha yêu thương mọi người. Nếu chúng ta không tìm thấy Thiên Chúa một lần nữa trong cuộc đời mình, chắc chắn chúng ta sẽ lạc lối trên con đường dẫn đến Lễ Giáng Sinh, và chúng ta sẽ thấy mình lang thang một mình trong đêm không có đích đến và trở thành nạn nhân của những bản năng bạo lực và ích kỷ.

Lời “xin vâng” của Đức Maria và Thánh Giuse cũng là nơi diễn ra Lễ Giáng Sinh. Sự vâng phục và trung thành của các ngài là ngôi nhà mà Chúa Con đã đến ngự. Ý muốn của Thiên Chúa không phải là một quyền lực khuất phục và uốn cong, nhưng là Tình Yêu phát huy hết sức mạnh nếu được đón nhận bởi một sự tự do cá nhân trung thành và quảng đại. Tự do đích thực không chỉ là khả năng lựa chọn mà còn là khả năng lựa chọn với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích của chúng ta và của người khác. Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra, đã bước vào quang phổ của thời gian qua cánh cửa tự do rộng mở của con người. Lễ Giáng Sinh, được tìm thấy ở khắp mọi nơi mà một người đàn ông và một người đàn bà thưa “xin vâng” với Thiên Chúa! Bất cứ nơi nào cuộc sống của một người phục vụ cho Hòa bình đến từ Thiên Chúa, thay vì phục vụ lợi ích riêng của họ, thì đó là nơi Chúa Con được sinh ra và nơi Ngài tiếp tục được sinh ra.

Nếu chúng ta muốn đó là Lễ Giáng Sinh, ngay cả trong thời chiến, tất cả chúng ta cần phải gia tăng các hành động nói lên tình huynh đệ, hòa bình, chấp nhận, tha thứ và hòa giải. Cho phép tôi nói thêm: tất cả chúng ta phải cam kết, bắt đầu với tôi và những người, giống như tôi, có trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo các lĩnh vực xã hội, chính trị và tôn giáo, phát triển tư duy và các chiến lược dựa trên dựa trên tiếng “có” thay vì tiếng “không” Nói vâng với điều tốt, vâng với hòa bình, vâng với đối thoại, và vâng với người khác. Nó không phải là một bài diễn thuyết khoa trương mà là một cam kết có trách nhiệm. Nó phải nhường chỗ chứ không phải chiếm chỗ; tìm một chỗ cho người khác và không từ chối họ một chỗ. Lễ Giáng Sinh đã được thực hiện nhờ không gian mà Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng lên Thiên Chúa và Hài Nhi đến từ Ngài. Điều đó cũng đúng đối với Công lý và Hòa bình. Sẽ không có công lý và hòa bình sẽ không đến trừ khi chúng ta dành chỗ cho những điều ấy bằng tiếng “xin vâng” cởi mở và quảng đại.

Sẽ không phải là Giáng Sinh nếu không có các Mục Đồng. Việc họ thức trắng đêm cũng là một phần của Tin Mừng. Họ là những người đầu tiên tìm thấy Hài Nhi. Thánh sử Luca không tập trung vào hoàn cảnh xã hội của họ mà tập trung vào tâm tính nội tâm của họ. Đêm hôm đó, các Mục Đồng nhận thấy mình luôn tỉnh táo và thực tế, sẵn sàng hành động và cởi mở. Họ không suy nghĩ quá nhiều hay tính toán quá mức và do đó đã sẵn sàng cho lễ Giáng sinh. Trong một thời điểm không tránh khỏi bị đánh dấu bởi sự cam chịu, hận thù, giận dữ và chán nản, chúng ta cần các Kitô hữu nên giống như các Mục Tử để có chỗ cho Lễ Giáng Sinh!

Đối với giáo phận thân yêu của tôi, với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ dấn thân, và tất cả các cộng đồng giáo xứ cùng với các nhóm và hiệp hội của họ: Tôi cảm thấy rằng tôi phải nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta là những người thừa kế của các Mục Đồng đó. Tôi biết rõ khó khăn như thế nào để luôn cảnh giác, sẵn sàng đón nhận và tha thứ. Thật khó khăn biết bao khi luôn sẵn sàng bắt đầu lại, lên đường ngay cả khi trời vẫn còn tối. Đây là cách duy nhất để chúng ta tìm thấy Hài Nhi. Đây là chứng tá duy nhất bảo đảm rằng Lễ Giáng Sinh sẽ có chỗ trong thời đại này và trên mảnh đất này, để nó có thể soi sáng toàn thế giới. Chúng ta ở đây và chúng ta dự định tiếp tục là những Mục Đồng của Lễ Giáng Sinh, nghĩa là những người, trong hoàn cảnh nghèo khó và mong manh của mình, đã tìm thấy Hài Nhi và cảm nghiệm được ân sủng và sự an ủi của Người, và mong muốn loan báo cho mọi người rằng Lễ Giáng Sinh của ngày hôm qua và ngày hôm nay là đúng và chân thật.

Anh chị em thân mến, ước muốn của trái tim tôi chính là lời cầu nguyện của tôi: ước gì ý muốn làm điều tốt của chúng ta trở nên cụ thể qua tiếng “xin vâng” đầy trách nhiệm và quảng đại của chúng ta đối với cam kết yêu thương và phục vụ của chúng ta, ước gì đó là căn phòng mà Chúa Kitô tìm thấy để Ngài có thể luôn được tái sinh trong chúng ta! Tôi cầu xin điều này cho chính tôi, cho Giáo hội của tôi ở Thánh Địa và cho mọi Giáo hội. Ước gì Giáo hội trở thành ngôi nhà cho tất cả mọi người, và là không gian hòa giải và tha thứ cho những ai tìm kiếm niềm vui và hòa bình! Tôi xin tất cả các Giáo hội trên thế giới nhìn vào chúng ta trong thời gian này không chỉ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Bêlem, mà còn hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến bi thảm này: xin hãy truyền đạt cho người dân và chính phủ của họ lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, mong muốn của anh chị em vì lợi ích của các dân tộc chúng ta, vì sự chấm dứt thù địch, để tất cả có thể thực sự tìm lại được một ngôi nhà và hòa bình.

Tôi cầu xin Chúa Kitô tái sinh trong tâm hồn những người cai trị và lãnh đạo các quốc gia, và xin Người gợi ý cho họ tiếng “Xin Vâng” của chính họ, để họ trở thành người bạn và người anh em của chúng ta và của tất cả mọi người. Mong những người cai trị cam kết nghiêm chỉnh chấm dứt cuộc chiến này. Trên hết, mong sao họ một lần nữa bắt đầu cuộc đối thoại để cuối cùng dẫn tới việc tìm ra các giải pháp công bằng và xứng đáng cho các dân tộc của chúng ta. Bi kịch của thời điểm hiện tại cho chúng ta biết rằng đã không còn thời gian cho những chiến thuật ngắn hạn hay những tham chiếu đến một tương lai lý thuyết. Đúng hơn, đã đến lúc phải tuyên bố, ở đây và bây giờ, một lời lẽ thật rõ ràng và dứt khoát có thể chữa lành tận gốc rễ của cuộc xung đột đang diễn ra này bằng cách loại bỏ những nguyên nhân sâu xa của nó và mở ra những chân trời mới về sự thanh thản và công lý cho tất cả mọi người, cho Thánh Địa và cho khu vực của chúng ta được đánh dấu bởi cuộc xung đột này.

Những từ như chiếm đóng và an ninh cũng như nhiều từ tương tự khác, vốn đã thống trị các câu chuyện tương ứng của chúng ta quá lâu, phải được củng cố bằng sự tin tưởng và tôn trọng. Đây là điều chúng tôi mong muốn cho tương lai của vùng đất này. Chỉ có điều này mới bảo đảm được sự ổn định và hòa bình thực sự.

Xin Chúa Kitô tái sinh trên mảnh đất này, của Ngài và của chúng ta, và xin cho con đường Tin Mừng hòa bình cho toàn thế giới bắt đầu lại từ đây! Xin Ngài tái sinh trong tâm hồn những ai tin vào Ngài, thúc đẩy họ làm chứng và truyền giáo mà không sợ đêm tối và cái chết! Cầu mong Ngài cũng được tái sinh như một khát vọng hòa bình và sự tốt lành, sự thật và công lý trong tâm hồn những người chưa tin!

Cầu mong Chúa Kitô cũng được sinh ra trong cộng đồng nhỏ bé Gaza của chúng ta. Anh chị em thân mến, tôi đã từng ở với anh chị em vài ngày trước lễ Giáng Sinh. Năm nay điều đó là không thể, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ rơi anh chị em. Anh chị em ở trong trái tim của chúng tôi, và toàn bộ cộng đồng Kitô giáo ở Thánh địa và trên toàn thế giới tập hợp xung quanh anh chị em. Mong anh chị em cảm nhận được sự ấm áp của sự gần gũi và tình cảm của chúng tôi nhiều nhất có thể.

Cuối cùng, xin Chúa Kitô tái sinh trong lòng mọi người, để đối với mọi người vẫn có lễ Giáng Sinh!

Giáng sinh vui vẻ! (Wulida Al Masih – Alleluia)

Bêlem, ngày 24 tháng 12 năm 2023

+Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa

Thượng phụ Latinh của Giêrusalem



Source:Latin Patriarchate of Jerusalem
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ Vọng Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
19:56 24/12/2023


“Một cuộc điều tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (x. Lc 2:1). Đây là bối cảnh trong đó Chúa Giêsu được sinh ra, và Tin Mừng nhấn mạnh đến điều đó. Cuộc điều tra dân số có thể đã được đề cập thoáng qua nhưng thay vào đó lại được ghi chú cẩn thận. Và theo cách này, một sự tương phản lớn xuất hiện. Trong khi hoàng đế kiểm kê số lượng cư dân trên thế giới thì Chúa lại bước vào đó một cách gần như lặng lẽ. Trong khi những người thực thi quyền lực tìm cách đứng ngang hàng với những người vĩ đại trong lịch sử thì Vua lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé. Không ai trong số những người có quyền lực để ý đến Ngài: chỉ có một số mục đồng, là những người bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.

Cuộc điều tra dân số nói về một cái gì đó khác. Trong Kinh Thánh, việc điều tra dân số có mối liên hệ tiêu cực. Vua David, bị cám dỗ bởi số lượng lớn và ý thức tự cung tự cấp không lành mạnh, đã phạm tội nặng nề khi ra lệnh điều tra dân số. Nhà vua muốn biết sức mạnh của mình đến mức nào. Sau khoảng chín tháng, ông biết có bao nhiêu người có thể sử dụng được một thanh kiếm (x. 2 Sam 24:1-9). Chúa nổi giận và dân chúng đau khổ. Tuy nhiên, vào đêm nay, Chúa Giêsu, “Con vua Đavít”, sau chín tháng trong lòng Đức Maria, đã hạ sinh tại Bêlem, thành phố của Đavít. Ngài không áp đặt hình phạt cho cuộc điều tra dân số, nhưng khiêm tốn cho phép mình được ghi danh là một trong số nhiều người. Ở đây chúng ta thấy, không phải là thần thịnh nộ và trừng phạt, mà là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng nhập thể và bước vào thế giới trong sự yếu đuối, được báo trước bằng lời loan báo: “bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14). Đêm nay, tâm hồn chúng ta hướng về Bêlem, nơi Vị Hoàng Tử Hòa Bình một lần nữa bị loại bỏ bởi logic vô ích của chiến tranh, bởi sự xung đột vũ khí mà ngày nay thậm chí còn ngăn cản Ngài tìm được chỗ đứng trong thế giới (x. Lc 2:7).

Tóm lại, cuộc điều tra dân số trong khắp cả thiên hạ thể hiện một sợi chỉ xuyên suốt lịch sử quá dựa vào sức người: đó là cuộc tìm kiếm quyền lực và sức mạnh thế gian, danh tiếng và vinh quang, đo lường mọi thứ bằng thành công, kết quả, con số và số liệu, một thế giới bị ám ảnh bởi thành tích. Tuy nhiên, cuộc điều tra dân số cũng thể hiện con đường của Chúa Giêsu, Đấng đến tìm kiếm chúng ta qua xác thịt. Ngài không phải là vị thần thành tựu mà là vị thần Nhập thể. Ngài không xóa bỏ sự bất công từ trên cao bằng sự phô trương quyền lực, mà từ bên dưới bằng sự thể hiện tình yêu thương. Ngài không xuất hiện với sức mạnh vô hạn, mà hạ cố giáng trần nơi những giới hạn chật hẹp của cuộc đời chúng ta. Ngài không xa lánh những yếu đuối của chúng ta mà biến chúng thành của riêng Ngài.

Thưa anh chị em, tối nay chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta tin vào Thiên Chúa nào? Thần nhập thể hay thần thành tựu? Bởi vì luôn có nguy cơ là chúng ta có thể cử hành Lễ Giáng Sinh trong khi nghĩ về Thiên Chúa theo thuật ngữ ngoại giáo, như một đấng quyền năng trên bầu trời; một vị thần gắn liền với quyền lực, thành công trần thế và sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng. Với hình ảnh giả tạo về một vị thần xa cách, nóng nảy, xử tốt với kẻ lành và thẳng tay với kẻ xấu; một vị thần được tạo ra theo hình ảnh và chân dung của chính chúng ta, có ích trong việc giải quyết các vấn đề và loại bỏ bệnh tật của chúng ta. Trái lại, Chúa không vẫy cây đũa thần; Ngài không phải là vị thần thương mại hứa hẹn “mọi thứ cùng một lúc”. Ngài không cứu chúng ta bằng cách nhấn nút, nhưng đến gần chúng ta để thay đổi thế giới của chúng ta từ bên trong. Tuy nhiên, quan niệm trần tục về một vị thần xa xôi, độc đoán, bất khuất và mạnh mẽ đã ăn sâu biết bao, người giúp chính mình chiến thắng những vị thần khác! Rất nhiều lần hình ảnh này đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng không phải vậy: Thiên Chúa của chúng ta được sinh ra cho tất cả mọi người, trong một cuộc điều tra dân số trong khắp thiên hạ.

Vậy chúng ta hãy nhìn lên “Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1Tx 1:9). Thiên Chúa vượt trên mọi sự tính toán của con người nhưng lại để mình bị tính toán theo cách tính toán của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng cách mạng hóa lịch sử bằng cách trở thành một phần của lịch sử. Thiên Chúa tôn trọng chúng ta đến nỗi cho phép chúng ta khước từ Ngài; người xóa bỏ tội lỗi bằng cách tự mình gánh lấy nó; người không loại bỏ nỗi đau mà chuyển hóa nó; người không loại bỏ những vấn đề khỏi cuộc sống của chúng ta nhưng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta. Thiên Chúa rất mong muốn ôm lấy cuộc sống của chúng ta đến nỗi, dù Ngài là vô hạn, Ngài trở nên hữu hạn vì chúng ta. Trong sự vĩ đại của mình, Ngài chọn trở nên nhỏ bé; trong sự công chính của Ngài, Ngài phải chịu sự bất công của chúng ta. Thưa anh chị em, đây là điều kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh: không phải là sự pha trộn giữa những cảm xúc vui vẻ và sự mãn nguyện trần thế, mà là sự dịu dàng chưa từng có của một Thiên Chúa cứu thế giới bằng cách nhập thể. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Hài Nhi, chúng ta hãy chiêm ngưỡng máng cỏ, máng cỏ của Người, mà các thiên thần gọi là “dấu chỉ” cho chúng ta (x. Lc 2:12). Vì đó thực sự là dấu chỉ mạc khải cho chúng ta thiên nhan Chúa, khuôn mặt của lòng trắc ẩn và lòng thương xót, là Đấng mà sức mạnh của Người luôn được thể hiện và chỉ thể hiện chỉ trong tình yêu. Ngài tỏ ra gần gũi, dịu dàng và giàu lòng nhân ái. Đây là đường lối của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thương, dịu dàng.

Anh chị em, chúng ta hãy ngạc nhiên trước sự kiện Người “đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14). Xác phàm: chính từ này gợi lên sự yếu đuối của con người chúng ta. Tin Mừng dùng từ này để cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã hoàn toàn đảm nhận thân phận con người của chúng ta. Tại sao Ngài lại đi xa đến vậy? Thưa: Bởi vì Ngài quan tâm đến chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta đến mức coi chúng ta là quý giá hơn tất cả. Anh chị em thân mến, đối với Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong một cuộc điều tra dân số, anh chị em không phải là một con số mà là một gương mặt. Tên của anh chị em được viết trong trái tim Người. Nhưng nếu anh chị em nhìn vào trái tim mình, nghĩ về những bất cập của chính mình và thế giới đầy phán xét và không tha thứ này, anh chị em có thể cảm thấy khó tổ chức lễ Giáng sinh này. Anh chị em có thể nghĩ rằng mọi việc đang trở nên tồi tệ hoặc cảm thấy không hài lòng với những hạn chế, thất bại, vấn đề và tội lỗi của mình. Tuy nhiên, hôm nay xin hãy để Chúa Giêsu nắm quyền chủ động. Ngài nói với anh chị em: “Vì con, Ta đã hóa thành phàm nhân; vì con, Ta đã trở nên giống như con”. Vậy tại sao vẫn bị cuốn vào những rắc rối của anh chị em? Như những mục đồng đã bỏ đàn chiên của mình, hãy bỏ lại đằng sau ngục tù đau buồn của mình và đón nhận tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa đã trở thành một trẻ thơ. Hãy bỏ mặt nạ và áo giáp của anh chị em sang một bên; hãy trao mọi lo lắng của anh chị em cho Người và Người sẽ chăm sóc cho anh chị em (x. Tv 55:22). Người đã hóa thành nhục thể; Ngài không tìm kiếm những thành tựu của anh chị em mà tìm kiếm trái tim rộng mở và tin tưởng của anh chị em. Nơi Người, anh chị em sẽ tái khám phá ra mình thực sự là ai: đó là một người con yêu dấu của Thiên Chúa. Bây giờ anh chị em có thể tin điều đó, vì tối nay Chúa đã giáng sinh để soi sáng cuộc đời anh chị em; đôi mắt Người ánh lên tình yêu dành cho anh chị em. Chúng ta khó tin vào điều này, rằng đôi mắt của Thiên Chúa chiếu sáng tình yêu dành cho chúng ta.

Chúa Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt. Tuy nhiên, ai có thể nhìn thấy Ngài giữa bao nhiêu phiền nhiễu và vội vã điên cuồng của một thế giới nhộn nhịp và thờ ơ? Ai đang nhìn thấy Ngài? Ở Bêlem, khi đám đông người ta bị cuốn vào sự phấn khích của cuộc điều tra dân số, đến và đi, chật kín các quán trọ và tham gia vào những cuộc trò chuyện nhỏ nhặt, một số người gần gũi với Chúa Giêsu: Đức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, và sau đó là các đạo sĩ.

Chúng ta hãy học hỏi từ họ. Họ đứng nhìn Chúa Giêsu với tấm lòng hướng về Ngài. Họ không nói, họ tôn thờ. Thưa anh chị em, đêm nay là thời gian thờ phượng, và tôn thờ.

Thờ phượng là cách đón nhận sự Nhập Thể. Vì chính trong thinh lặng mà Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, trở nên xác thịt trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy làm như họ đã làm ở Bêlem, một thị trấn có tên là “Nhà Bánh”. Chúng ta hãy đứng trước Đấng là Bánh Sự Sống. Chúng ta hãy khám phá lại sự thờ phượng, vì thờ phượng không phải là lãng phí thời gian mà là biến thời gian của chúng ta thành nơi ở của Thiên Chúa. Đó là để cho hạt giống Nhập Thể nở hoa trong chúng ta; đó là cộng tác vào công việc của Chúa, Đấng, giống như men, thay đổi thế giới. Thờ phượng là cầu thay, đền tạ, để Thiên Chúa sắp xếp lại lịch sử. Như một người kể chuyện sử thi vĩ đại đã từng viết cho con trai mình, “Cha đặt trước mặt con một điều vĩ đại nhất để yêu mến trên trái đất: đó là Bí tích Thánh Thể… Ở đó con sẽ tìm thấy sự lãng mạn, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và con đường đích thực của mọi tình yêu của con trên trần gian ” (JRR TOLKIEN, Thư 43, tháng 3 năm 1941).

Anh chị em thân mến, đêm nay tình yêu sẽ thay đổi lịch sử. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, rất khác với sức mạnh của thế gian. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con, giống như Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các đạo sĩ, quy tụ quanh Ngài và tôn thờ Ngài. Khi Chúa khiến chúng con trở nên giống Chúa hơn bao giờ hết, chúng con sẽ làm chứng trước thế giới về vẻ đẹp trên gương mặt Chúa.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam
Tgm Giuse Nguyễn Năng
00:27 24/12/2023
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Ngày 23 tháng 12 năm 2023

Kính gửi: Quí Đức Hồng Y, Quí Đức Cha và cộng đồng dân Chúa Việt Nam

Ngay thềm Giáng Sinh, chúng ta đón nhận tin vui: hôm nay, ngày 23 tháng 12 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, ngày 27 tháng 7 vừa qua, Toà Thánh Vatican và Việt Nam đã công nhận Thoả thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam” nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm Vatican và hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là kết quả của quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài, nhất là từ khi thành lập “Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” năm 2008, với khoá họp đầu tiên ngày 16-17 tháng 2 năm 2009. Kết quả là Toà Thánh đã bổ nhiệm hai vị Đại diện không thường trú là Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli (2011-2017) và Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski (2018-2023). Sau 14 năm với 10 khoá họp chung, nay Toà Thánh đã có thể bổ nhiệm một vị Đại diện thường trú tại Việt Nam.

Như Đức Thánh Cha đã viết trong Thư gửi Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ngày 8 tháng 9 năm 2023, kết quả tốt đẹp này “dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua” và “nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, với mục tiêu “cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.

Chúng ta tin tưởng rằng trong tư cách thường trú, Đức Tổng Giám Mục Đại diện Toà Thánh sẽ là dấu chỉ hữu hình rõ nét hơn của sự hiệp thông giữa Hội Thánh Việt Nam với Đức Giáo Hoàng, đồng thời ngài cũng sẽ trở thành cầu nối ngoại giao để Hội Thánh có thể phát triển các hoạt động đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cộng đồng xã hội.

Chúng ta tạ ơn Chúa và vui mừng chào đón Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski trở lại Việt Nam và ở lại với chúng ta trong sứ vụ mới.

Kính chúc quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa một Mùa Giáng Sinh đầy ân sủng và năm 2024 an lành, thánh đức.

(Đã ký)

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh

Chủ tịch
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bình an cho người thiện tâm
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
22:25 24/12/2023

BÌNH AN CHO NGƯỜI THIỆN TÂM

“Vinh Danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” (Lc 2, 1-14). Đó là câu hát ngợi ca của muôn vàn thiên thần trên trời trong đêm Chúa giáng sinh nơi máng cỏ hang lừa ở xứ Bê-lem. Qua bao thế kỷ và trên khắp hoàn cầu, Giáo Hội đã long trọng nhắc lại trong kinh Vinh Danh được xướng lên trong các lễ ngày Chúa Nhật (ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay), trong các lễ trọng và lễ kính.
Chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới đầy bất ổn. Chiến tranh giữa Israel và Hamas vẫn còn đang tiếp diễn ngay trên quê hương của Chúa và không ai đoán được bao giờ thì chấm dứt. Bình an vẫn là nỗi khát vọng lớn nhất của con người qua bao nhiêu thế kỷ. Ai cũng cầu mong được bình an vì bình an là điều quý giá nhất và ta không thường xuyên có được: ra đường thì đánh vật với giao thông và các bất trắc trên đường. Đến chỗ làm thì khó chịu vì những áp lực công việc. Về nhà thi lo lắng đủ chuyện nhà cửa, con cái, cơm áo gạo tiền ….

Người Công Giáo hiểu bình an là tình trạng tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ. Bình an là một hồng ân của Chúa ban như là hoa quả của đức cậy và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.

Muốn có bình an, muốn được bình an, chúng ta phải có cái tâm thiện. Lời các thiên thần là lời công bố bình an, nhưng lại gồm một điều kiện cần thiết: phải có thiện tâm. Người thiện tâm là người có đạo đức, có lí tưởng, sống để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương con người. Thiện tâm không phải là hoàn hảo, cũng không đòi hòi phải toàn thiện. Nhưng là phải có một tấm lòng ngay thẳng, trong sạch. Bởi vì chúng ta chỉ được bình an khi lương tâm trong sạch như thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Một lương tâm trong sạch là nguồn bình an lớn nhất trong cơn hoạn nạn”.

Lương tâm ngay thẳng, trong sạch là tiếng nói của thiện tâm. Người thiện tâm bao giờ cũng cố gắng giữ lòng thanh, tay sạch và thực thi điều thiện, trong lời nói cũng như hành động. Chúa Thánh Thần là Đấng dạy bảo trong tiếng lương tâm. Người luôn mách bảo cho con người thi hành điều thiện, tránh xa điều ác. Nhờ lắng nghe tiếng lương tâm ngay thẳng để sống mà con người gặt hái được: “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 22)

Người thiện tâm bao giờ cũng cố gắng hết sức mình để sống yêu thương. Họ không quan tâm lời xỉa xói, làm tồn thương sức hăng hái của lòng nhiệt thành. Có những người chẳng làm gì, chẳng đóng góp gì cho cộng đoàn nhưng luôn dùng những lời lẽ hoạt ngôn để phê phán người thiện tâm. Người thiện tâm không lấy đó làm phiền lòng nhưng coi đó như phần tăng thêm giá trị cho sự hy sinh cùa mình. “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.” (Tv 34, 20 -21).

Mừng Chúa Giáng Sinh, mừng ngày Chúa đến ban bình an. Chúng ta hãy kiểm điểm lại từng tâm hồn, từng gia đình, từng cộng đoàn có thực sự được bình an do Chúa mang từ trời xuống không? Chúng ta hãy hồi tâm lại xem cuộc đời mình đã gây bất an, sóng gió cho những ai và lý do tại sao vậy, và bây giờ mình và người đó có còn bất an với nhau nữa không? Tại sao còn nhìn nhau bằng nửa con mắt, hoặc bất ngờ gặp nhau thì lại tránh né? Xin hãy nhìn lại cộng đoàn giáo xứ, đoàn thề, gia đình mình. Tại sao lại nghi ngờ, đố kỵ, chiến tranh lạnh, chia phe cánh, hành tỏi, lừa đối nhau, chà đạp danh dự của nhau…?

Hơn nữa, không ai cho cái mình không có. Một người không có bình an thật sự trong tâm hồn sẽ chạy đi đây đi đó để tìm bình an giả tạo bên ngoài, nơi người khác hay sự vật và hoàn cảnh chung quanh…. Nếu bình an là những nơi thiếu vắng tình yêu của Chúa như thế thì chắc hẳn họ sẽ không có được lời chúc phúc của các thiên thần năm xưa.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa đã nói “Phúc cho người xây dựng bình an, vì họ được gọi là con Thiên Chúa”, xin cho chúng con được vinh dự tham dự vào số người được chúc phúc đó. Từ địa vị con một Thiên Chúa, Chúa đã hiện diện giữa nhân loại, bằng lòng chấp nhận thân phận đau khổ như mọi người để đem họ về nguồn bình an chân thật. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình với những khiếm khuyết bất ổn để gieo rắc Tin Mừng bình an. Chúa đã đến trần gian để đem lại bình an thật, thì xin đừng đề ai đó cắt xén hay làm chết đi niềm vui, hy vọng an bình của anh em mình. Xin Chúa đoái thương riêng đến những gia đình đang phải ly tán, bất an vì chiến tranh, đói nghèo… để họ lại được sống xum vầy bên nhau hạnh phúc. Xin cho chúng con luôn được sống trong bình an của Chúa. Amen.

Mùa Giáng Sinh 2023
 
VietCatholic TV
Số phận mỉm cười với Ukraine: Đạn Bắc Hàn quá dở xạ thủ thác oan. Putin sợ thua người phụ nữ can đảm
VietCatholic Media
02:31 24/12/2023


1. Tại sao Nga mất 3 máy bay ném bom trong một ngày?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Su-34 Pilots Got 'Cocky' Before Losing Three Bombers in a Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết các phi công Su-34 Nga 'tự mãn' trước khi mất 3 máy bay ném bom trong một ngày.”

Lực lượng Không quân Ukraine đã mô tả các phi công Nga đã tỏ ra “tự mãn” như thế nào trước khi lực lượng Kyiv bắn hạ ba máy bay ném bom chiến đấu của Nga khi họ cố gắng thả bom từ sâu bên tring chiến tuyến.

Tư lệnh Lực lượng Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk đã cho biết rằng các lực lượng Ukraine đã phản hồi tương tự với một thông điệp mà họ tìm thấy trên phần còn lại của chiếc máy bay không người lái Shahed kamikaze bị bắn rơi do lực lượng Nga phóng đi, trong đó có nội dung “chết đi bọn khốn nạn”. Mạc Tư Khoa đã sử dụng rộng rãi các máy bay không người lái do Iran sản xuất trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

“Thật là một ý tưởng hay! Đây là câu trả lời của chúng tôi! “ Oleshchuk đã cho biết như trên và cho biết thêm vào khoảng trưa ngày thứ Năm “ba chiến binh-ném bom Su-34 của Nga đã bị bắn rơi!

“Chuyến bay vĩnh cửu, 'anh em'!” Đó là thông điệp ông đưa ra để chế nhạo các phi công Nga.

Ukraine không tiết lộ nguyên nhân máy bay Nga bị bắn rơi. Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga bày tỏ lo ngại về việc lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ máy bay Nga, với một phiên bản lưu ý rằng Kyiv có thể đã sử dụng hỏa tiễn đất đối không MIM-104 Patriot.

Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat đã cung cấp thêm thông tin chi tiết trên đài truyền hình Armiia của Quân đội Ukraine, nói rằng hoạt động này “nhanh như chớp và có độ chính xác cao - đúng như cách mà chỉ huy Không quân mong muốn”.

“Họ tỏ ra tự mãn, đến gần hơn, cố gắng tấn công quân đội của chúng ta bằng bom dẫn đường sâu hơn trong các vị trí phòng thủ,” ông nói, mô tả cách những quả bom KAB nặng 1.100 pound có thể bay xa tới 26 dặm vào các tuyến phòng thủ của Ukraine.

“Nhưng khi họ muốn tấn công sâu như thế và muốn tấn công, họ phải bay lại gần hơn”, ông nói, theo tờ Ukrainska Pravda của Ukraine. “Họ đã mạo hiểm – nhưng không thành công. Hy vọng rằng người Nga sẽ chấp nhận nhiều rủi ro như vậy hơn và chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều máy bay ném bom Sukhoi của Nga bị bắn rơi”.

Ông gọi đây là một “chiến dịch được lên kế hoạch tuyệt vời”, nói rằng một cuộc tấn công tương tự “đã không xảy ra trong một thời gian dài” và lưu ý rằng một chiến đấu cơ như vậy “không thể có giá dưới 50 triệu Mỹ Kim”. “Đây là mức giá thấp nhất,” Ihnat nói. Theo một hợp đồng bán SU-34 cho Trung Quốc với giá hữu nghị, giá một chiếc SU-34 là 85 triệu USD.

Nga có hàng chục máy bay phản lực Sukhoi với phi hành đoàn gồm hai phi công và được quân đội Nga sử dụng để tấn công Ukraine bằng bom dẫn đường, hỏa tiễn dẫn đường và các loại vũ khí khác được sử dụng để tấn công Kherson và các khu vực khác của Ukraine.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu tuyên bố rằng Hà Lan sẽ bắt đầu chuẩn bị 18 máy bay phản lực F-16 để cung cấp cho Ukraine, sau khi đồng minh này hợp tác với Đan Mạch để dẫn đầu việc huấn luyện F-16 cho phi công Ukraine.

Một trung tâm đào tạo phi công F-16 Ukraine đã chính thức khai trương tại Rumani vào ngày 13/11. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết trên một bài đăng trên X rằng trước khi giao hàng, máy bay phải có giấy phép xuất khẩu và cần đáp ứng các yêu cầu về nhân sự, cơ sở hạ tầng.

2. Nga tự làm tổn thương quân đội mình bằng đạn pháo phẩm chất quá thấp của Bắc Hàn

Lực lượng Nga ở Ukraine đang phải đối mặt với những thất bại do sử dụng đạn pháo phẩm chất thấp, nhiều loại trong số đó được cho là do Bắc Hàn cung cấp.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, báo cáo rằng hiệu quả chiến đấu của mặt trận Nga đang bị giảm sút do phụ thuộc vào các loại đạn kém phẩm phẩm chất, trong một số trường hợp, chúng gây tổn hại trực tiếp cho quân đội Nga vì nổ ngay tại chỗ giết chết các xạ thủ.

Quân đội Nga buộc phải sử dụng pháo và súng cối có phẩm chất kém hơn từ Bắc Hàn, dẫn đến trường hợp đạn nổ sớm trong nòng súng và súng cối của họ, dẫn đến tổn thất về khí tài quân sự và thương vong cho binh lính Nga.

“Do tình trạng của loại đạn này không đạt yêu cầu nên có những trường hợp chúng nổ ngay trong nòng súng và súng cối của quân xâm lược, dẫn đến quân xâm lược bị mất vũ khí và nhân lực”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết.

Đặc biệt, những quả đạn pháo kém phẩm chất đã làm hỏng nòng pháo Nga và gây thương tích nằm trong nhóm quân sự Dnipro ở vùng Kherson phía nam Ukraine, do Thượng Tướng Nga nổi tiếng Mikhail Teplinsky chỉ huy.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine và Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Bản cập nhật do Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đưa ra phù hợp với các báo cáo do Associated Press công bố vào tháng 10 và tháng 11, trong đó chỉ ra rằng Bắc Hàn đã vận chuyển hơn 1.000 container thiết bị quân sự và đạn dược tới Nga để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine. Tòa Bạch Ốc đã lên án các chuyến hàng này, nói rằng Bắc Hàn có thể đang muốn đổi lấy công nghệ quân sự của Nga.

3. Quân đội tiền tuyến trải qua 'mức độ lây nhiễm chuột nghiêm trọng'

Theo tình báo Anh, cả quân đội Ukraine và Nga đều đang phải hứng chịu “mức độ lây nhiễm chuột ở mức độ nghiêm trọng” ở một số khu vực trên tiền tuyến.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong những tuần gần đây, cả quân đội Ukraine và Nga rất có thể đã phải hứng chịu tình trạng chuột xâm nhập ở mức độ nghiêm trọng ở một số khu vực của tiền tuyến.

Mùa thu ôn hòa năm nay, cùng với nguồn thức ăn dồi dào từ những cánh đồng bị bỏ hoang do chiến tranh, có thể đã góp phần làm tăng số lượng loài gặm nhấm.

Khi thời tiết trở nên lạnh hơn, các loài động vật có thể tìm nơi trú ẩn trong xe cộ và các vị trí phòng thủ. Loài gặm nhấm sẽ tạo thêm áp lực lên tinh thần của các chiến binh tiền tuyến.

Ngoài ra, chúng còn gây rủi ro cho các thiết bị quân sự bằng cách gặm nhấm dây cáp – như được ghi nhận ở cùng khu vực trong Thế chiến thứ hai.

Các báo cáo chưa được xác minh cũng cho thấy các đơn vị Nga bắt đầu có số ca bệnh tật gia tăng mà quân đội cho là do vấn đề sâu bệnh.

4. Tổn thất của quân đội Nga trong năm qua

CNN, trích thuật các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Nga đang phải đối mặt với sự mất mát khoảng 87% lực lượng bộ binh đang tại ngũ và khoảng 66% số xe tăng trước cuộc xâm lược kể từ khi nước này tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Trong số 360.000 quân của lực lượng Lục Quân trước cuộc tấn công của Nga, có 315.000 người đã thiệt mạng trong chiến đấu. Ngoài ra, quốc gia do Vladimir Putin lãnh đạo đã mất 2.200 trong số 3.500 xe tăng và 4.400 trong số 13.600 xe chiến đấu bộ binh và xe thiết giáp chở quân, theo đánh giá của tình báo Mỹ.

Đánh giá này cũng chỉ ra rằng quy mô các hoạt động tấn công của Nga đã giảm đi, không mang lại lợi ích gì ở Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào đầu năm ngoái.

Đánh giá tình báo Mỹ cho biết, khi Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, đạn dược và thiết bị được đào tạo liên tục, nước này đã phải sử dụng các biện pháp như nới lỏng tiêu chuẩn tuyển dụng, sử dụng thiết bị thời Liên Xô và tăng cường nỗ lực nhập ngũ.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã công bố một số đợt tuyển quân và nâng giới hạn độ tuổi đối với một số hạng mục dự bị.

5. Yekaterina Duntsova bị loại trong cuộc tranh cử Tổng thống Nga

Cựu nhà báo truyền hình Yekaterina Duntsova cho biết cô sẽ phản đối quyết định lên tòa án tối cao về việc loại cô khỏi tư cách tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm tới, và gọi đó là hành động phi lý và phi dân chủ.

Các thành viên của ủy ban bầu cử trung ương hôm thứ Bảy đã bỏ phiếu đồng thanh bác bỏ tư cách ứng cử của cô, với lý do có “nhiều vi phạm” trong các giấy tờ mà cô đã nộp để ủng hộ nỗ lực tranh cử của mình.

Cô nói: “Với quyết định chính trị này, chúng ta không có cơ hội có đại diện của riêng mình và bày tỏ quan điểm khác với những diễn ngôn gây hấn chính thức”.

Những người ủng hộ Yekaterina Duntsova cho rằng Putin không muốn mạo hiểm với kịch bản tương tự như Alexander Lukashenko. Nhà lãnh đạo Belarus bám lấy quyền lực vào năm 2020 chỉ nhờ sự trợ giúp của điều mà phe đối lập và các chính phủ phương Tây cho rằng là gian lận phiếu bầu quy mô lớn để giành chiến thắng trước ứng cử viên đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya.

Hiệu ứng Tsikhanouskaya là hoàn toàn có thể xảy ra và ở Điện Cẩm Linh, họ hiểu điều đó.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản, vốn luôn đứng thứ hai sau Putin trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2000, đã chọn Nikolai Kharitonov, 75 tuổi, làm ứng cử viên của mình. Trong một diễn biến khác, các hãng tin Nga cho biết, ông Boris Nadezhdin, một chính trị gia đối lập từng chỉ trích Putin và cuộc chiến, hôm Chúa Nhật 24 Tháng Mười Hai, đã được đảng Sáng kiến Công dân trung hữu đưa ra làm ứng cử viên.

Một trong những đảng đối lập chỉ có trên danh nghĩa, hay nói cho dễ hiểu là đối lập cuội, trong quốc hội, là đảng Một Nước Nga Chân Chính Vì Sự Thật, tuyên bố không đưa ai ra tranh cử vì họ toàn tâm toàn ý ủng hộ Putin.

6. Thị trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan, nhượng bộ cho phép gửi những xe có tiêu chuẩn khí thải kém sang Ukraine

Những xe có tiêu chuẩn khí thải kém lẽ ra quăng vào nghĩa địa xe hơi, sẽ được chuyển sang Ukraine để sử dụng cho nỗ lực chiến tranh. Ban đầu, thị trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan, đã phản đối vì ông cho rằng kế hoạch này sẽ không mang lại lợi ích cho người dân Luân Đôn.

Nhưng bây giờ, trong một bức thư chung viết với Ben Wallace, cựu bộ trưởng quốc phòng, Khan đã thúc giục bộ trưởng giao thông Mark Harper, tạo điều kiện cho người dân Luân Đôn và những người khác trên khắp đất nước có thể tặng những phương tiện phù hợp cho Ukraine thông qua các kế hoạch phế liệu..

Telegraph đưa tin bức thư có nội dung:

Điều này có thể được thực hiện nhanh chóng nhất bằng cách thay đổi các quy định quốc gia về Giấy chứng nhận tiêu hủy, được yêu cầu làm bằng chứng cho thấy một chiếc xe đã bị loại bỏ vĩnh viễn, để thay vào đó là giấy phép xuất khẩu những chiếc xe phù hợp sang Ukraine thông qua một tổ chức bác ái hoặc chương trình quốc gia đã ghi danh.

Chúng tôi rất lạc quan rằng bạn sẽ hợp tác với chúng tôi để giúp người dân Luân Đôn và những người khác trên khắp đất nước nhận được tiền từ việc đưa các phương tiện gây ô nhiễm ra khỏi đường phố của chúng ta đồng thời cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho người dân Ukraine.”

7. Lính Nga than thở với đài truyền hình rằng họ bị đối xử như 'nô lệ'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Complains Troops Are Treated Like 'Slaves'“, nghĩa là “Lính Nga phàn nàn quân đội bị đối xử như 'nô lệ'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hai binh sĩ Nga phục vụ ở Ukraine gần đây đã nói chuyện với một mạng truyền hình về việc họ thất vọng với các chỉ huy của họ cũng như điều kiện tồi tệ mà họ phải đối mặt trong chiến tranh.

Một người trong quân đội cho biết họ cảm thấy mình như “nô lệ” vì không biết khi nào thời gian phục vụ của mình sẽ kết thúc.

Current Time, một mạng lưới tiếng Nga do Radio Free Europe/Radio Liberty kết hợp với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ điều hành, đã đăng các cuộc phỏng vấn lên trang web của mình vào hôm Thứ Bẩy, 23 Tháng Mười Hai. Danh tính và hình ảnh của những người lính được giấu kín để bảo vệ họ.

Đoạn video này chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc binh sĩ Nga tung ra video công khai hoặc thông điệp bằng văn bản nêu chi tiết những bất bình của họ ở Ukraine. Các cá nhân quân nhân hoặc toàn bộ đơn vị đã đăng tải sự phản đối của họ trên các nền tảng truyền thông xã hội như Telegram và các nhóm như dự án truyền thông độc lập WarTranslation đã chia sẻ bản dịch sang tiếng Anh của những thông tin liên lạc này.

Một trong những người lính nói chuyện với Current Time được xác định là Aleksandr, hầu chắc không phải tên thật, là người được mô tả là lái xe quân sự trong lực lượng vũ trang Nga. Theo Aleksandr, vai trò của anh ta bị ảnh hưởng do thiết bị gặp quá nhiều trục trặc, là điều mà anh ta lo lắng có thể khiến bản thân và những người khác rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Anh ta mô tả những phương tiện mà anh ta vận hành giống như “những chiếc xô đựng ốc vít khó có thể di chuyển”.

“Người chỉ huy không bận tâm đến an toàn nên chúng tôi dễ trở thành mục tiêu. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra,” Aleksandr nói

Aleksandr nói, mặc dù không muốn chiến đấu nhưng anh tin rằng mình đang bảo vệ đất nước của mình. Tuy nhiên, sau một năm phục vụ, giờ đây anh đang có những nghi ngờ.

Current Time nêu tên người lính còn lại được phỏng vấn là Ivan và cho biết anh ta hiện đang chiến đấu trên tiền tuyến ở Ukraine. Mặc dù ban đầu anh ta rất vui khi được chiến đấu, giống như Aleksandr, nhưng anh ta sẵn sàng bỏ lại chiến trường phía sau.

Ivan nói: “Vào thời điểm đó, tôi tự coi mình là một người yêu nước và muốn chiến đấu vì nước Nga. “Nhưng sau khi nhìn thấy tất cả những ưu điểm và nhược điểm của quân đội chúng tôi, tôi nghĩ Bộ Quốc phòng còn nhiều việc phải làm.”

Anh ta nói thêm: “Về cơ bản, tôi đến đây một cách tự nguyện. Tôi có thể chạy trốn, nhưng tôi đã không làm thế. Đôi khi tôi hối hận vì điều này”.

Current Time cho biết các binh sĩ đều phàn nàn về cuộc sống khắc nghiệt mà họ đã trải qua trong chiến hào, nơi họ phải đối mặt với cái lạnh, cái đói và chuột nhắt.

Ivan nói: “Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy mình không phải là những người lính mà là nô lệ, bởi vì không có giới hạn về thời gian đối với chúng tôi - chúng tôi không biết mình sẽ ở đây bao lâu”. “Chúng tôi ở đây càng lâu thì cơ hội về nhà của chúng tôi càng ít.”

Aleksandr cũng thảo luận về việc Nga đã tuyển dụng những người bị kết án để bổ sung vào hàng ngũ quân đội của mình, một hành động mà phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov đã bảo vệ vào tháng trước khi nói rằng những cựu tù nhân này “chuộc máu cho những tội ác trên chiến trường, trong các lữ đoàn tấn công, dưới làn đạn, dưới vỏ sò.”

Aleksandr cho biết anh và những người lính khác không đồng tình với việc phục vụ cùng các tân binh. Ông cũng chỉ trích việc những người bị kết án chỉ thụ án trong thời gian sáu tháng ở Ukraine và sau đó họ trở về Nga với tội ác được ân xá.

Aleksandr nói: “Tất cả chúng tôi đều bị sốc về những người bị kết án. Họ đã chiến đấu bên cạnh chúng tôi, bình đẳng… Nhưng họ về nhà, trong khi những người lính nghĩa vụ ở lại và chết.”

8. Chỉ huy Nga đâm hệ thống hỏa tiễn Pantsir quý giá vào cầu bị phạt nặng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Commander Crashed Prized Pantsir Missile System Into Bridge”, nghĩa là “Chỉ huy Nga đâm hệ thống hỏa tiễn Pantsir quý giá vào cầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một chỉ huy Nga đã bị phạt sau khi đâm hệ thống hỏa tiễn Pantsir quý giá vào một cây cầu hỏa xa ở St. Petersburg.

Cơ quan báo chí của tòa án cho biết hôm thứ Sáu rằng Tòa án Quân sự Garrison St. Petersburg đã giữ nguyên yêu cầu bồi thường do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra chống lại người chỉ huy không rõ danh tính, là người đã làm hỏng hệ thống phòng không tiên tiến vào ngày 1 tháng 7. Anh ta bị buộc tội phá hủy hoặc làm hư hại tài sản quân sự do sơ suất, bị phạt 50.000 rúp hay 541 Mỹ Kim và phải bồi thường thiệt hại khoảng 14 triệu rúp hay 151.500 Mỹ Kim.

Hệ thống hỏa tiễn và pháo phòng không tự hành Pantsir-S1 của Nga, được cho là trị giá khoảng 15 triệu Mỹ Kim, đã được quân đội Nga sử dụng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Vladimir Putin vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. 2022. Hệ thống di động, tầm ngắn này được thiết kế để sử dụng chống lại máy bay, hỏa tiễn hành trình, đạn dược dẫn đường chính xác và hỗ trợ các đơn vị phòng không khác chống lại các cuộc tấn công lớn hơn.

Cơ quan báo chí của tòa án cho biết người chỉ huy đã không gập lại một phần thiết bị khi lái xe dưới cầu hỏa xa trên đường cao tốc Pulkovskoe của thành phố, khiến nó bị hư hỏng.

Trong một vụ việc khác trong năm nay, một binh sĩ say rượu đã đâm hệ thống phòng không S-400 xuống một con mương ở vùng Tula của Nga.

Kênh Telegram của Nga hồi tháng 4 đưa tin một hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 đã bị rơi và lật xuống mương cạnh đường cao tốc.

S-400 là hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động do Nga thiết kế, có khả năng tấn công máy bay, UAV và hỏa tiễn hành trình, đồng thời có khả năng phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo giai đoạn cuối, tổ chức tư vấn Trung tâm Chiến lược có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Baza, kênh Telegram của Nga thường xuyên đăng tải thông tin về các vấn đề an ninh trong nước, đưa tin binh sĩ Nga, 33 tuổi, người đã làm lái hệ thống phòng không xuống mương, đã được xác nhận là có nồng độ rượu cáo trong cuộc kiểm tra máy đo hơi thở.

“Các hệ thống Pantsir, Buki, S-300, S-400 nổi tiếng của chúng ta hoạt động hoàn hảo”, ông Putin cho biết hôm thứ Ba trong cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bộ Quốc phòng Nga tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia ở Mạc Tư Khoa. “Chúng là những người thiết bị xuất sắc nhất thế giới, không hề cường điệu chút nào.”

Ông nói với các quan chức rằng nước ông cần tăng cường sản xuất trong nước và cung cấp đạn có độ chính xác cao và nhiều loại máy bay không người lái khác nhau, cũng như cải thiện hệ thống phòng không.

“Tôi biết rằng những thay đổi đang diễn ra, chúng diễn ra khá nhanh chóng, tôi sẽ kể cho các bạn thêm về điều đó”, ông Putin nói. “Nhưng chúng ta vẫn cần phải nỗ lực, chúng ta cần củng cố xu hướng này. Công tác phòng không cũng cần được cải thiện”.

9. Nga tăng cường an ninh cho Nikolai Patrushev vì sợ bị quân Wagner trả thù

Vụ ám sát chỉ huy quân đội đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin đã được một đồng minh thân cận của tổng thống Vladimir Putin lên kế hoạch và chấp thuận, tờ Wall Street Journal đưa tin sau cuộc trò chuyện với các quan chức tình báo phương Tây và một cựu sĩ quan tình báo Nga.

Điện Cẩm Linh đã phủ nhận sự liên quan đến cái chết của Prigozhin, và Putin đã đưa ra lời giải thích chi tiết nhất về vụ tai nạn bốc cháy của máy bay, mà ông ta cho rằng một quả lựu đạn đã phát nổ trên máy bay. Không có điều nào trong số đó là sự thật, Wall Street Journal tuyên bố.

Vài giờ sau vụ việc, một người Âu Châu tham gia thu thập thông tin tình báo, người duy trì kênh liên lạc ngược với Điện Cẩm Linh và biết tin về vụ tai nạn đã hỏi một quan chức ở đó chuyện gì đã xảy ra. “Ông ấy phải bị loại bỏ”, quan chức Điện Cẩm Linh trả lời không do dự.

Vào đầu tháng 8, khi hầu hết Mạc Tư Khoa đi nghỉ, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev, vẫn ở tại văn phòng của ông ta ở trung tâm Mạc Tư Khoa, đã ra lệnh cho trợ lý của mình tiến hành lập chiến dịch tiêu diệt Prigozhin. Một cựu sĩ quan tình báo Nga cho biết. Các cơ quan tình báo phương Tây cho biết Putin sau đó đã được xem kế hoạch và không phản đối.

Vài tuần sau, sau chuyến đi xuyên Phi Châu, Prigozhin đang đợi ở phi trường Mạc Tư Khoa trong khi các thanh tra an toàn hoàn tất việc kiểm tra máy bay. Các quan chức tình báo phương Tây cho biết chính trong thời gian trì hoãn này, một quả bom nhỏ đã được đặt dưới cánh máy bay.

10. Đảng Cộng sản Nga, đảng lớn thứ hai trong quốc hội, đã chọn một ứng cử viên 75 tuổi ra tranh cử tổng thống chống lại ông Vladimir Putin.

Tại một đại hội đảng ở khu vực Mạc Tư Khoa, các thành viên đã tổ chức bỏ phiếu một ứng cử viên ủng hộ Nikolai Kharitonov. Ông chỉ giành được dưới 14% số phiếu bầu toàn quốc khi đối đầu với Putin vào năm 2004.

Hãng tin Interfax dẫn lời một thành viên trong đảng, ông Alexander Yushchenko, cho biết: “Việc ứng cử của Kharitonov được đại đa số những người tham gia quốc hội ủng hộ bằng một cuộc bỏ phiếu kín”.

Lá phiếu chỉ có một cái tên trên đó: Kharitonov's. Đảng Cộng sản Nga, do Gennady Zyuganov lãnh đạo từ năm 1993, đã đưa ra một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Trên giấy tờ, đảng này đối lập, nhưng trên thực tế, đảng này ủng hộ đảng Nước Nga Thống nhất của Putin.

Là người yêu thích võ thuật, Kharitonov từng làm quản lý trang trại tập thể ở Siberia vào thời Xô Viết. Sau đó ông trở thành thành viên của Đảng Nông dân, một nhánh của Đảng Cộng sản.

Tuần này tại một hội nghị đảng, Kharitonov ca ngợi việc tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức của Liên Xô là một “cải cách đúng đắn cho phép chúng ta giải quyết vấn đề lương thực trước thềm một cuộc đại chiến”. Ông nói hôm nay “nhiệm vụ của chúng ta là củng cố nhân dân trong quá trình vận động bầu cử để có thắng lợi, thắng lợi trên mọi mặt trận”.
 
Phụng Vụ huy hoàng Lễ Vọng Giáng Sinh 2023 tại Đền Thờ Thánh Phêrô
VietCatholic Media
23:30 24/12/2023


Mặc dù Ý không còn lệnh giới nghiêm 10 giờ tối như một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành “Thánh lễ Vọng Giáng Sinh” tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 7:30 tối, như ngài đã làm từ năm 2020.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục và khoảng 7,000 tín hữu.

Trong khi Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến lên bàn thờ, ca đoàn cùng cộng đoàn hát bài “The First Noel - Noel đầu tiên” bằng tiếng Ý là “Nella notte”

Mùa Giáng Sinh đầu tiên, các thiên thần kể lại rằng

Là khi có một nhóm người chăn cừu nghèo trên cánh đồng

Nơi mà họ thường chăn dắt những chú cừu

Vào một đêm mùa đông lạnh giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Họ đã nhìn và thấy một ngôi sao

Rực chói cả bầu trời phương Đông xa kia

Và khi đó mặt đất bừng toả sáng

Thế là liên tục như vậy cả ngày và đêm

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nhờ ánh sáng của ngôi sao ấy

Từ đất nước phương xa có ba người đàn ông đã đến

Vì mục đích tìm kiếm một vì vua

Thế là họ dõi theo ngôi sao ấy

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Ngôi sao kia di chuyển mãi gần đến hướngTây Bắc

đến vùng Bethlehem, nó dừng lại

Dừng và nghỉ hẳn tại nơi

Chính nơi đây, nơi Chúa Giêsu đã ra đời

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Và ba người đàn ông ấy bước đến

Họ cung kính quỳ xuống

Dâng lên vì vua của mình

Nào là vàng bạc, nhũ hương và mộc dược qúy giá

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Nào thì chúng ta cùng hợp tiếng

Ngợi ca Thiên Chúa

Đã làm cho Trời và Đất giao hoà

Với tất cả tình thương nhân loại

Noel, noel, noel, noel

Vua dân Do Thái đã ra đời!

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một ca trưởng đang hát bài công bố Tin Mừng Giáng Sinh, thường được gọi là Kalenda

Ngày thứ bảy trong tháng âm lịch. Nhiều thời đại đã qua kể từ khi Chúa tạo thành Trời Đất và hình thành nên con người theo hình ảnh của Người; nhiều thế kỷ đã trôi qua sau trận Đại Hồng Thủy, khi Đấng Chí Thánh đặt một cầu vồng trên trời như một dấu hiệu của giao ước và hòa bình;

Bao năm đã trôi qua sau cuộc di cư của Ápraham, là tổ phụ trong đức tin của chúng ta, từ miền Ur của người Chanđê, và hai mươi mốt thế kỷ sau đó là cuộc di cư của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Môise, mười ba thế kỷ sau khi Ða-vít được xức dầu phong vương, một ngàn năm sau đó; trong tuần lễ thứ sáu mươi lăm theo lời tiên tri Ða-ni-ên; vào năm thứ một trăm chín mươi bốn triều Olympiad; sau khi thành Rôma được thành lập năm bảy trăm năm mươi hai, vào năm thứ 40 dưới thời cai trị của Caesar Octavian Augustus, khi toàn thế giới đang sống trong hòa bình: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Một cuộc điều tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (x. Lc 2:1). Đây là bối cảnh trong đó Chúa Giêsu được sinh ra, và Tin Mừng nhấn mạnh đến điều đó. Cuộc điều tra dân số có thể đã được đề cập thoáng qua nhưng thay vào đó lại được ghi chú cẩn thận. Và theo cách này, một sự tương phản lớn xuất hiện. Trong khi hoàng đế kiểm kê số lượng cư dân trên thế giới thì Chúa lại bước vào đó một cách gần như lặng lẽ. Trong khi những người thực thi quyền lực tìm cách đứng ngang hàng với những người vĩ đại trong lịch sử thì Vua lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé. Không ai trong số những người có quyền lực để ý đến Ngài: chỉ có một số mục đồng, là những người bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.

Cuộc điều tra dân số nói về một cái gì đó khác. Trong Kinh Thánh, việc điều tra dân số có mối liên hệ tiêu cực. Vua David, bị cám dỗ bởi số lượng lớn và ý thức tự cung tự cấp không lành mạnh, đã phạm tội nặng nề khi ra lệnh điều tra dân số. Nhà vua muốn biết sức mạnh của mình đến mức nào. Sau khoảng chín tháng, ông biết có bao nhiêu người có thể sử dụng được một thanh kiếm (x. 2 Sam 24:1-9). Chúa nổi giận và dân chúng đau khổ. Tuy nhiên, vào đêm nay, Chúa Giêsu, “Con vua Đavít”, sau chín tháng trong lòng Đức Maria, đã hạ sinh tại Bêlem, thành phố của Đavít. Ngài không áp đặt hình phạt cho cuộc điều tra dân số, nhưng khiêm tốn cho phép mình được ghi danh là một trong số nhiều người. Ở đây chúng ta thấy, không phải là thần thịnh nộ và trừng phạt, mà là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng nhập thể và bước vào thế giới trong sự yếu đuối, được báo trước bằng lời loan báo: “bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14). Đêm nay, tâm hồn chúng ta hướng về Bêlem, nơi Vị Hoàng Tử Hòa Bình một lần nữa bị loại bỏ bởi logic vô ích của chiến tranh, bởi sự xung đột vũ khí mà ngày nay thậm chí còn ngăn cản Ngài tìm được chỗ đứng trong thế giới (x. Lc 2:7).

Tóm lại, cuộc điều tra dân số trong khắp cả thiên hạ thể hiện một sợi chỉ xuyên suốt lịch sử quá dựa vào sức người: đó là cuộc tìm kiếm quyền lực và sức mạnh thế gian, danh tiếng và vinh quang, đo lường mọi thứ bằng thành công, kết quả, con số và số liệu, một thế giới bị ám ảnh bởi thành tích. Tuy nhiên, cuộc điều tra dân số cũng thể hiện con đường của Chúa Giêsu, Đấng đến tìm kiếm chúng ta qua xác thịt. Ngài không phải là vị thần thành tựu mà là vị thần Nhập thể. Ngài không xóa bỏ sự bất công từ trên cao bằng sự phô trương quyền lực, mà từ bên dưới bằng sự thể hiện tình yêu thương. Ngài không xuất hiện với sức mạnh vô hạn, mà hạ cố giáng trần nơi những giới hạn chật hẹp của cuộc đời chúng ta. Ngài không xa lánh những yếu đuối của chúng ta mà biến chúng thành của riêng Ngài.

Thưa anh chị em, tối nay chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta tin vào Thiên Chúa nào? Thần nhập thể hay thần thành tựu? Bởi vì luôn có nguy cơ là chúng ta có thể cử hành Lễ Giáng Sinh trong khi nghĩ về Thiên Chúa theo thuật ngữ ngoại giáo, như một đấng quyền năng trên bầu trời; một vị thần gắn liền với quyền lực, thành công trần thế và sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng. Với hình ảnh giả tạo về một vị thần xa cách, nóng nảy, xử tốt với kẻ lành và thẳng tay với kẻ xấu; một vị thần được tạo ra theo hình ảnh và chân dung của chính chúng ta, có ích trong việc giải quyết các vấn đề và loại bỏ bệnh tật của chúng ta. Trái lại, Chúa không vẫy cây đũa thần; Ngài không phải là vị thần thương mại hứa hẹn “mọi thứ cùng một lúc”. Ngài không cứu chúng ta bằng cách nhấn nút, nhưng đến gần chúng ta để thay đổi thế giới của chúng ta từ bên trong. Tuy nhiên, quan niệm trần tục về một vị thần xa xôi, độc đoán, bất khuất và mạnh mẽ đã ăn sâu biết bao, người giúp chính mình chiến thắng những vị thần khác! Rất nhiều lần hình ảnh này đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng không phải vậy: Thiên Chúa của chúng ta được sinh ra cho tất cả mọi người, trong một cuộc điều tra dân số trong khắp thiên hạ.

Vậy chúng ta hãy nhìn lên “Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1Tx 1:9). Thiên Chúa vượt trên mọi sự tính toán của con người nhưng lại để mình bị tính toán theo cách tính toán của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng cách mạng hóa lịch sử bằng cách trở thành một phần của lịch sử. Thiên Chúa tôn trọng chúng ta đến nỗi cho phép chúng ta khước từ Ngài; người xóa bỏ tội lỗi bằng cách tự mình gánh lấy nó; người không loại bỏ nỗi đau mà chuyển hóa nó; người không loại bỏ những vấn đề khỏi cuộc sống của chúng ta nhưng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta. Thiên Chúa rất mong muốn ôm lấy cuộc sống của chúng ta đến nỗi, dù Ngài là vô hạn, Ngài trở nên hữu hạn vì chúng ta. Trong sự vĩ đại của mình, Ngài chọn trở nên nhỏ bé; trong sự công chính của Ngài, Ngài phải chịu sự bất công của chúng ta. Thưa anh chị em, đây là điều kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh: không phải là sự pha trộn giữa những cảm xúc vui vẻ và sự mãn nguyện trần thế, mà là sự dịu dàng chưa từng có của một Thiên Chúa cứu thế giới bằng cách nhập thể. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Hài Nhi, chúng ta hãy chiêm ngưỡng máng cỏ, máng cỏ của Người, mà các thiên thần gọi là “dấu chỉ” cho chúng ta (x. Lc 2:12). Vì đó thực sự là dấu chỉ mạc khải cho chúng ta thiên nhan Chúa, khuôn mặt của lòng trắc ẩn và lòng thương xót, là Đấng mà sức mạnh của Người luôn được thể hiện và chỉ thể hiện chỉ trong tình yêu. Ngài tỏ ra gần gũi, dịu dàng và giàu lòng nhân ái. Đây là đường lối của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thương, dịu dàng.

Anh chị em, chúng ta hãy ngạc nhiên trước sự kiện Người “đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14). Xác phàm: chính từ này gợi lên sự yếu đuối của con người chúng ta. Tin Mừng dùng từ này để cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã hoàn toàn đảm nhận thân phận con người của chúng ta. Tại sao Ngài lại đi xa đến vậy? Thưa: Bởi vì Ngài quan tâm đến chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta đến mức coi chúng ta là quý giá hơn tất cả. Anh chị em thân mến, đối với Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong một cuộc điều tra dân số, anh chị em không phải là một con số mà là một gương mặt. Tên của anh chị em được viết trong trái tim Người. Nhưng nếu anh chị em nhìn vào trái tim mình, nghĩ về những bất cập của chính mình và thế giới đầy phán xét và không tha thứ này, anh chị em có thể cảm thấy khó tổ chức lễ Giáng sinh này. Anh chị em có thể nghĩ rằng mọi việc đang trở nên tồi tệ hoặc cảm thấy không hài lòng với những hạn chế, thất bại, vấn đề và tội lỗi của mình. Tuy nhiên, hôm nay xin hãy để Chúa Giêsu nắm quyền chủ động. Ngài nói với anh chị em: “Vì con, Ta đã hóa thành phàm nhân; vì con, Ta đã trở nên giống như con”. Vậy tại sao vẫn bị cuốn vào những rắc rối của anh chị em? Như những mục đồng đã bỏ đàn chiên của mình, hãy bỏ lại đằng sau ngục tù đau buồn của mình và đón nhận tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa đã trở thành một trẻ thơ. Hãy bỏ mặt nạ và áo giáp của anh chị em sang một bên; hãy trao mọi lo lắng của anh chị em cho Người và Người sẽ chăm sóc cho anh chị em (x. Tv 55:22). Người đã hóa thành nhục thể; Ngài không tìm kiếm những thành tựu của anh chị em mà tìm kiếm trái tim rộng mở và tin tưởng của anh chị em. Nơi Người, anh chị em sẽ tái khám phá ra mình thực sự là ai: đó là một người con yêu dấu của Thiên Chúa. Bây giờ anh chị em có thể tin điều đó, vì tối nay Chúa đã giáng sinh để soi sáng cuộc đời anh chị em; đôi mắt Người ánh lên tình yêu dành cho anh chị em. Chúng ta khó tin vào điều này, rằng đôi mắt của Thiên Chúa chiếu sáng tình yêu dành cho chúng ta.

Chúa Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt. Tuy nhiên, ai có thể nhìn thấy Ngài giữa bao nhiêu phiền nhiễu và vội vã điên cuồng của một thế giới nhộn nhịp và thờ ơ? Ai đang nhìn thấy Ngài? Ở Bêlem, khi đám đông người ta bị cuốn vào sự phấn khích của cuộc điều tra dân số, đến và đi, chật kín các quán trọ và tham gia vào những cuộc trò chuyện nhỏ nhặt, một số người gần gũi với Chúa Giêsu: Đức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, và sau đó là các đạo sĩ.

Chúng ta hãy học hỏi từ họ. Họ đứng nhìn Chúa Giêsu với tấm lòng hướng về Ngài. Họ không nói, họ tôn thờ. Thưa anh chị em, đêm nay là thời gian thờ phượng, và tôn thờ.

Thờ phượng là cách đón nhận sự Nhập Thể. Vì chính trong thinh lặng mà Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, trở nên xác thịt trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy làm như họ đã làm ở Bêlem, một thị trấn có tên là “Nhà Bánh”. Chúng ta hãy đứng trước Đấng là Bánh Sự Sống. Chúng ta hãy khám phá lại sự thờ phượng, vì thờ phượng không phải là lãng phí thời gian mà là biến thời gian của chúng ta thành nơi ở của Thiên Chúa. Đó là để cho hạt giống Nhập Thể nở hoa trong chúng ta; đó là cộng tác vào công việc của Chúa, Đấng, giống như men, thay đổi thế giới. Thờ phượng là cầu thay, đền tạ, để Thiên Chúa sắp xếp lại lịch sử. Như một người kể chuyện sử thi vĩ đại đã từng viết cho con trai mình, “Cha đặt trước mặt con một điều vĩ đại nhất để yêu mến trên trái đất: đó là Bí tích Thánh Thể… Ở đó con sẽ tìm thấy sự lãng mạn, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và con đường đích thực của mọi tình yêu của con trên trần gian ” (JRR TOLKIEN, Thư 43, tháng 3 năm 1941).

Anh chị em thân mến, đêm nay tình yêu sẽ thay đổi lịch sử. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, rất khác với sức mạnh của thế gian. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con, giống như Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các đạo sĩ, quy tụ quanh Ngài và tôn thờ Ngài. Khi Chúa khiến chúng con trở nên giống Chúa hơn bao giờ hết, chúng con sẽ làm chứng trước thế giới về vẻ đẹp trên gương mặt Chúa.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Thánh Ca
Máng Cỏ Đêm Đông
Giáo Hội Năm Châu
02:27 24/12/2023