Ngày 19-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
09:22 19/12/2010
... Tại Cộng Hòa Slovak, trong khoảng từ 1950 đến 1967 là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị nhà nước cộng sản vô thần bách hại dữ dội nhất. Hầu hết các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân nhiệt thành đều bị bắt giam và bị đưa vào các trại cải tạo. Thế nhưng, chính trong gian khổ mà các tín hữu Công Giáo có dịp tỏ lộ Đức Tin kiên vững và lòng trung thành anh dũng của mình.

Nơi một trại lao động khổ sai nằm gần Pardubice, thuộc miền Boémia, có hàng trăm phụ nữ bị giam giữ. Họ thuộc đủ các thành phần: phạm pháp, mãi dâm, tù nhân chính trị và nữ tu.

Thường thì các nữ tù nhân chấp nhận tất cả trong nhẫn nhục chịu đựng. Họ ít cãi cọ, lời qua tiếng lại với các viên công an canh tù, để tránh cảnh bị trừng phạt trả thù. Đôi lúc cũng có nữ tù nhân tìm cách lấy lòng công an để được đối xử tử tế hơn một chút. Nhưng nhiều người khác cương quyết không chịu quỵ lụy công an, để đánh đổi bất cứ ân huệ gì, dù to lớn hoặc nhỏ bé. Và đây là trường hợp của cô Maruska.

Maruska là thanh nữ thẳng thắn và gan dạ. Khi nào cần đối đầu với công an và nói rõ thực hư thì Maruska không ngần ngại cũng không sợ hãi. Cô trả lời rõ ràng với lý chứng minh bạch khiến các viên công an phải câm miệng. Nhưng Maruska chỉ là nữ tù nhân nên phần có lý bao giờ cũng thuộc về phía các viên công an canh tù. Và kết quả của những lần đối đầu này là Maruska bị biệt giam. Cô bị biệt giam vào đúng ngày Vọng Lề Giáng Sinh. Cô bị nhốt trong căn phòng nhỏ hẹp, trống trơn: không giường, không chăn và không thức ăn.

Nhưng Maruska không bị bỏ rơi đơn độc trong cơn khốn cùng. Hai nữ tù nhân tên Anicka và Helenka đã can đảm hy sinh hai phần ăn của mình. Hai cô lén đưa thức ăn qua cửa sổ cho Maruska.

Khi chiều đến, sau khi lao động xong, Anicka và Helenka lặng lẽ đi về giường ngủ của mình, vì hai cô không có gì để ăn cả. Nhưng cử chỉ liên đới của hai cô đối với Maruska đã kích động mọi người. Các nữ tù nhân khác không muốn bị thua kém trong tình bác ái. Chính các Nữ Tu trong trại quyên góp thức ăn và vật dụng giữa các tù nhân, rồi làm thành hai gói quà nhỏ, đặt nơi đầu giường của mỗi người. Khi Anicka và Helenka lặng lẽ đi về giường ngủ thì hai cô ngạc nhiên biết bao khi khám phá ra hai gói quà. Trong khi đó, mọi người vỗ tay khích lệ tán thưởng hai vị nữ anh hùng! Anicka và Helenka cảm động ôm mặt khóc ròng!

Khi biết là chính các Nữ Tu trong trại điều động việc làm này, Anicka và Helenka tìm đến với các Nữ Tu và nói:

- Thưa các Dì, các Dì có rất ít thức ăn và đồ đạc, mà các Dì còn hy sinh cho chúng em! Tại sao thế?

Sau khi cẩn thận nhìn kỹ chung quanh và biết chắc là không có ai đang rình mò nghe ngóng hay dò xét, Chị Vincent thay mặt các Nữ Tu khác trả lời:

- Ai nói với các em là các Dì có rất ít, trong khi chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Thế, đang ở với chúng ta? Có Chúa là có tất cả! Và mai đây là Lễ Chúa Giáng Sinh, các Dì sẽ được diễm phúc rước Mình Thánh Chúa. Nếu các em muốn, các em cũng có thể cùng rước Mình Thánh Chúa với các Dì!

... ”Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ THIÊN CHÚA. Phàm ai yêu thương, thì đã được THIÊN CHÚA sinh ra, và người ấy biết THIÊN CHÚA. Ai không yêu thương, thì không biết THIÊN CHÚA, vì THIÊN CHÚA là Tình Yêu. Tình Yêu THIÊN CHÚA đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: THIÊN CHÚA đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình Yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến THIÊN CHÚA, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta. Anh em thân mến, nếu THIÊN CHÚA đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Gioan 4,7-11).

(Cyril Slovák e Jozef Inovecký, ”Héros. . ou Traitres?”, Editions Saggi ed Esperienze, 1976, trang 197-198)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 19/12/2010
BẠN VONG NIÊN

N2T


Cuối thời Đông Hán, có một đôi bạn không có gì để nói, đó chính là Khổng Nhung và Nhĩ Hoành.

Nhĩ Hoành tôn kính Khổng Nhung là “Trọng Ni bất tử”, Khổng Nhung ca ngợi Nhĩ Hoành là “Nhan Hồi tái sinh”. Khi họ mới quen biết nhau thì Khổng Nhung đã là năm mươi tuổi, mà Nhĩ Hoành thì chưa đầy hai mươi tuổi, thế thì tại sao hai người lại có thể trở thành bạn vong niên nhỉ ? Là bởi vì hai người đều có đủ tài hoa trên phương diện văn học, cá tính cương nghị giống nhau, cả hai đều đều vì đắc tội với Tào Tháo mà bị chết dưới tay của ông ta: Nhĩ Hoành vì đánh trống chửi Tào Tháo nên bị Tào Tháo mưu hại, khi chết chỉ mới hai mươi sáu tuổi; Khổng Nhung là bởi vì khuyên Tào Tháo không nên đánh Lưu Bị và Tôn Quyền nên bị Tào Tháo xử tội chết, khi chết thì được năm mươi sáu tuổi.

(Văn sĩ truyện)

Suy tư:

Bạn vong niên là một người lớn tuổi và một người trẻ tuổi tự nguyện kết bạn với nhau, mà thường là người lớn tuổi tự nguyện kết bạn với người nhỏ tuổi trước, vì yêu mến tài cao đức độ của người trẻ tuổi, nên không ngại “hạ mình xuống” làm bạn với người trẻ tuồi ấy.

Đã là bạn tri kỷ, mà là bạn vong niên thì chắc chắn là có nhiều điều thú vị.

Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa làm người, thân phận cao sang vô cùng, nhưng lại tự hạ mình xuống làm thân phận con người, và chọn chúng ta là bạn của Ngài, khi nói với các môn đệ: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy (Ga 15, 14)”. Và chính Ngài đã chọn chúng ta trước để chúng ta làm bạn với Ngài: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em (Ga 15, 16a)”.

Người Ki-tô hữu là người hạnh phúc nhất, bởi vì họ được làm “bạn vong niên” với Chúa Giê-su Ki-tô, bởi vì họ đều thực hành lời của Ngài dạy trong cuộc sống: yêu thương, phục vụ và tha thứ cho nhau.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 19/12/2010
N2T


5. Người lo công việc tu đức thì nên bắt chước người buôn bán, mỗi buổi tối tính sổ sách, coi ngày hôm nay linh hồn làm ăn lời hay lỗ.

(Thánh Ephraem)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican lên án Trung Quốc vì đã làm tổn hại đến sự tin tưởng, và đối thoại trong các mối quan hệ
Bùi Hữu Thư
08:45 19/12/2010
VATICAN CITY (CNS) – Với một lời tuyên bố mạnh mẽ khác thường, Tòa Thánh nói việc bầu cử mới đây các vị lãnh đạo giáo hội do các nhóm Công Giáo Quốc Doanh tổ chức (do chính quyền kiểm xoát) và việc tấn phong bất hợp pháp một giám mục Trung Hoa đã “đơn phương làm tổn hại” đến những hy vọng cải tiến các mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi bầy tỏ ước muốn đối thoại chân thành với các giới chức trong chính phủ Trung Hoa, Tòa Thánh nói các biến cố này “không thể chấp nhận và có tính cách thù nghịch” và đã gây nên “một sự tổn thất lớn lao cho niềm tin cậy cần thiết để vượt thắng các khó khăn và xây dựng một mối liên hệ đúng đắn với giáo hội vì mục đích ích lợi chung.”

Một bản tin do Văn Phòng Truyền Thông Vatican phổ biến ngày 17 tháng 12 chỉ trích Đại Hội Toàn Quốc các đại biểu Công Giáo do chính quyền kiểm xoát được tổ chức tại Bắc Kinh trong các ngày 7, 8 và 9 tháng 12 vừa qua.

Đại hội này trong đó nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt buộc tham dự trái ý muốn của họ, đã xẩy ra không đầy ba tuần sau khi linh mục Giuse Guo Jincai được tấn phong giam mục giáo phận Chengde; đây là việc tấn phong giám mục đầu tiên không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng từ bốn năm qua.

Vatican lên án các thể thức triệu tập đại hội trên đây, nói rằng việc này phản ánh “một thái độ áp chế đối với việc hành sử quyền tự do tôn giáo, một điều được cho là chỉ xẩy ra trong qúa khứ của Trung Hoa hiện đại.”

Tòa Thánh nói: Ép buộc mọi người tham dự đại hội là một sự “vi phạm trầm trọng” nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và lương tâm.

Tòa Thánh nói: Sự kiện Trung Quốc “có ước muốn kiên trì” là kiểm xoát đời sống nội tâm của những người công dân của họ, nhất là về các vấn đề lương tâm, và muốn can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội, “không ích lợi gì cho Trung Quốc.”
 
Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật thứ IV mùa vọng
LM Trần Đức Anh OP
10:34 19/12/2010
VATICAN. Trưa chúa nhật thứ 4 mùa vọng, 19-12-2010, hơn 10 ngàn tín hữu hành đương đã tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô, cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết và cây thông cao 34 mét, để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với ĐTC.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ chúa nhật hôm qua, nói về sự tích thánh Giuse được thiên thần báo mộng về sự thụ thai của vị Hôn thê Maria và đã đón nhận mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người nơi Trinh Nữ, và ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các vị mục tử, noi gương thánh Giuse. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Trong chúa nhật thứ 4 mùa vọng này, Tin Mừng theo thánh Mathêu kể lại thể thức diễn ra cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, đặt mình theo quan điểm của thánh Giuse. Người đã đính hôn với Maria, trước khi ”về sống chung với nhau”, Mẹ Maria có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Con Thiên Chúa, ứng nghiệm lời tiên tri xưa kia (IS 7,14), đã làm người trong lòng một trinh nữ, và mầu nhiệm này đồng thời cũng biểu lộ tình thương, sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa dành cho nhân loại bị thương tổn vì tội lỗi. Thánh Giuse được trình bày như “một người công chính” (Mt 1,19), trung thành với luật Chúa, sẵn sàng chu toàn thánh ý Chúa. Vì thế, Người đã đi vào mầu nhiệm Nhập Thể sau khi một thiên thần Chúa hiện ra với thánh nhân trong giấc mộng, và loan báo: ”Hỡi Giuse, con vua Đavít, đừng sợ đón Maria vợ ông về nhà mình. Thực vậy, hài nhi sinh ra nơi Maria đến từ Chúa Thánh Linh; Maria sẽ sinh một con trai và Ông sẽ đặt tên cho Người là Giêsu: Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,20-21). Sau khi từ bỏ tư tưởng bí mật rời bỏ Maria, thánh Giuse đón Mẹ về nhà mình, vì lúc đó đôi mắt thánh nhân nhìn thấy nơi Mẹ công trình của Thiên Chúa.

Thánh Ambroxiô bình luận rằng ”nơi thánh Giuse có sự dễ thương và hình ảnh người công chính, để làm cho tư cách chứng nhân của Người trở nên xứng đáng hơn” (Exp. Ev. sec. Lucam II,5: CCL 14,32-33). Thánh Ambroxio viết tiếp: Người 'không thể làm ô nhiễm Đền thờ của Chúa Thánh Linh, là Mẹ của Chúa, cung lòng được thụ thai nhờ mầu nhiệm” (ibid.,II,6: CCL 14,33). Tuy cảm thấy bối rối, ”nhưng thánh Giuse hành động như lệnh của sứ thần Chúa”, với xác tín chắc chắn mình chu toàn điều đúng. Cả khi đặt tên ”Giêsu” cho Hài Nhi cai quản cả vũ trụ, Người đặt mình trong hàng ngũ những tôi tớ khiêm hạ và trung tín, giống các thiên thần và các ngôn sứ, giống các vị tử đạo và tông đồ - như các thánh ca cổ kính của đông phương vẫn hát lên. Thánh Giuse loan báo những kỳ công của Chúa, làm chứng về sự đồng trinh của Mẹ Maria, hoạt động nhưng không của Thiên Chúa, và bảo bọc cuộc sống trần thế của Đức Messia. Vì thế, chúng ta tôn kính cha nuôi của Chúa Giêsu (Xc CCC, 532), vì nơi Người có hình ảnh con người mới, tin tưởng và can đảm nhìn về tương lai, không theo dự phóng riêng của mình, nhưng hoàn toán tín thác nơi lòng từ bi vô biên của Đấng làm cho những lời tiên tri được ứng nghiệm và mở ra thời kỳ cứu độ.

Các bạn thân mến, tôi muốn phó thác tất cả các Mục Tử cho thánh Giuse, bổn mạng chung của Giáo Hội, đồng thời nhắn nhủ các vị hãy ”trao tặng các tín hữu Kitô và toàn thể giới đề nghị khiêm tốn và thường nhật về lời nói và cử chỉ của Chúa Kitô” (Thư ấn định Năm Linh Mục). Ước gì cuộc sống chúng ta ngày càng gắn bó với Chúa Giêsu, chính vì Ngài là Ngôi Lời mặc lấy một xác phàm, đến từ Thiên Chúa như một người và lôi kéo toàn thể cuộc sống nhân loại về với Ngài, và đưa vào trong Lời Chúa” (Đức Giêsu thành Nazareth, Milano 2007,383). Chúng ta hãy tín thác cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đầy ơn phúc được Thiên Chúa trang điểm, để trong lễ Giáng Sinh sắp đến, đôi mắt chúng ta được mở ra và nhìn thấy Chúa Giêsu, và tâm hồn vui mừng trong cuộc gặp gỡ yêu thương kỳ diệu này.

Trong phần chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng, sau kinh truyền tin và phép lành, ĐTC đã tóm tắt ý tưởng chính của bài huấn dụ trên đây và thêm những ý nguyện đặc biệt.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói: ”Như thánh Giuse và Mẹ Maria, Hiền thê của Người, ước gì chúng ta cũng có thể đón tiếp Thiên Chúa, Đấng đến nơi chúng ta dưới hình một trẻ em khiêm hạ và yếu đuối, đầy tình thương yêu và dịu hiền đối với mọi người! Chúc anh chị em chuẩn bị lễ Giáng Sinh tốt đẹp!”

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc nhủ rằng hài nhi mà Mẹ Maria cưu mang được gọi là Emmanuel, có nghĩa là từ nay Thiên Chúa thực sự ở với chúng ta, Ngài sống giữa chúng ta, và chia sẻ niềm vui nỗi buồn, hy vọng và lo sợ của chúng ta. Trong lúc lễ Giáng Sinh đang đến gần, tôi cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành dồi dào trên toàn thể anh chị em, và gia quyến, cũng như những người thân yêu của anh chị em tại quê hương”.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC nhận xét rằng các bài đọc chúa nhật thứ tư mùa vọng này một lần nữa cho thấy rõ Đấng được hứa ban cho chúng ta là ai. Chúng ta chờ đợi Đức Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa không ở nơi xa xăm. Ngài đi vào lịch sử con người và trở thành người. Trong con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Chúa thông báo cho toàn thể nhân loại tình yêu thương từ bi vô cùng của Ngài. Vì thế chúng ta cũng phải cảm thấy: Thiên Chúa gần gũi chúng ta, Ngài thực là ”Thiên Chúa ở với chúng ta và cho chúng ta”.

Sau cùng khi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ các giáo phận Ozieri, Sassari và Nuoro trên đảo Sardegna cũng như các bạn trẻ thuộc giáo xứ thánh Luigi Gonzaga ở Roma. Ngài cầu chúc tất cả mọi người Chúa nhật tốt đẹp và một lễ Giáng Sinh thanh thản trong ánh sáng và an bình của Chúa.
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày hoà bình thế giới 1-1-2011
LM Trần Đức Anh OP
10:40 19/12/2010
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày hoà bình thế giới 1-1-2011

Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình

1. Vào đầu Năm Mới, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến tất cả và từng người; những lời cầu chúc khang an và thịnh vượng, nhưng nhất là lời cầu chúc an bình. Đáng tiếc là trong năm sắp chấm dứt cũng đã có những cuộc bách hại, kỳ thị và những hành vi kinh khủng bạo lực và bất bao dung về tôn giáo.

Tôi đặc biệt nghĩ đến đất nước Irak yêu quí, trên con đường tiến tới sự ổn định và hòa giải vẫn hằng mong ước, quốc gia này tiếp tục là nơi xảy ra bạo lực và khủng bố. Tôi nghĩ đến những đau khổ mới đây của cộng đồng Kitô, cách riêng là vụ khủng bố hèn nhát chống lại Nhà thờ chính tòa ”Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” của Giáo hội Công Giáo Siri ở Baghdad: tại đây ngày 31-10 vừa qua hai linh mục và hơn 50 tín hữu đã bị giết, trong lúc họp nhau để cử hành Thánh Lễ. Vài ngày sau đó có thêm những cuộc tấn không khác, kể cả tại các tư gia, tạo nên sợ hãi trong cộng đoàn Kitô và làm cho nhiều người muốn xuất cư để tìm kiếm những điều kiện sống tốt đẹp hơn. Tôi bảo đảm với họ sự gần gũi của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Tâm tình này đã được biểu lộ một cách cụ thể trong Thượng HĐGM đặc biệt gần đây về Trung Đông. Công nghị GM ấy đã gửi đến các cộng đoàn Công Giáo tại Irak và toàn vùng Trung Đông, lời khích lệ sống tình hiệp thông và tiếp tục làm chứng tá can đảm về đức tin tại các vùng ấy.

Tôi nhiệt liệt cám ơn các chính phủ đã nỗ lực thoa dịu đau khổ của những anh chị em ấy và mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo hãy cầu nguyện cho anh chị em đồng đạo của mình đang chịu đau khổ vì bạo lực và bất bao dung, và hãy liên đới với họ. Trong bối cảnh ấy, tôi nồng nhiệt cảm thấy cơ hội rất thuận tiện để chia sẻ với tất cả anh chị em một số suy tư về tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình. Thực vậy, thật là đau lòng khi nhận thấy tại một số miền trên thế giới người ta không thể tuyên xưng và tự do biểu lộ tôn giáo của mình, vì có nguy cơ bị mất mạng và mất tự do bản thân. Tại các miền khác, có những hình thức âm thầm và tinh vi hơn qua những thành kiến và chống đối các tín hữu và các biểu tượng tôn giáo. Hiện nay các tín hữu Kitô là nhóm tôn giáo đang phải chịu nhiều cuộc bách hại nhất vì đức tin. Bao nhiêu người hằng ngày phải chịu những xúc phạm và thường sống trong sợ hãi vì sự tìm kiếm của họ đối với chân lý, vì niềm tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô và lời kêu gọi chân thành của họ yêu cầu nhìn nhận tự do tôn giáo. Tất cả những điều ấy không thể chấp nhận được, vì đó là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa và phẩm giá con người; hơn nữa, đó là một đe dọa an ninh và hòa bình, và nó ngăn cản việc thực thi sự phát triển toàn diện đích thực cho con người (1).

Thực vậy, chính trong tự do tôn giáo có biểu lộ đặc tính của con người, nhờ tự do ấy con người có thể xếp đặt đời sống bản thân và xã hội của mình theo Thiên Chúa: dưới ánh sáng của Chúa, con người hiểu được trọn vẹn căn tính, ý nghĩa và cùng đích của mình. Phủ nhận hoặc giới hạn tự do tôn giáo một cách độc đoán có nghĩa là nuôi dưỡng một quan niệm hẹp hòi về con người, làm lu mờ vai trò công cộng của tôn giáo có nghĩa là tạo nên một xã hội bất công, vì không hợp với bản chất đích thực của con người; điều này có nghĩa là làm cho sự khẳng định một nền hòa bình chân chính và lâu bền của toàn thể nhân loại trở thành điều không thể thực hiện được.

Vì vậy, tôi nhắn nhủ những người nam nữ thiện chí hãy canh tân quyết tâm xây dựng một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được tự do tuyên ưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình và sống tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách hết lòng, hết linh hồn và tâm trí (Xc Mt 22,37). Đó chính là tâm tình gợi hứng và hướng dẫn Sứ điệp nhân ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 45 với chủ đề ”Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình”.

Quyền thánh thiêng được sống và có đời sống tinh thần

2. Quyền tự do tôn giáo có căn cội trong chính phẩm giá con người (2), và không thể làm ngơ không biết tới hoặc lơ là bản tính siêu việt của con người. Thiên Chúa đã dựng nên con người nam nữ theo hình ảnh giống Ngài (Xc St 1,27). Vì thế, mỗi người đều có quyền thánh thiêng là có một cuộc sống toàn vẹn về phương diện tinh thần. Nếu không nhìn nhận bản chất tinh thần của mình, không cởi mở đối với siêu việt, thì con người sẽ co cụm vào mình, không tìm được những câu trả lời cho những vấn nạn của tâm hồn mình về ý nghĩa cuộc sống và không thủ đắc được những giá trị và nguyên tắc luân lý lâu bền. Họ cũng không cảm nghiệm được tự do chân thực cũng như không phát triển một xã hội công chính (3).

Kinh Thánh, cùng với chính kinh nghiệm của chúng ta, cho thấy giá trị sâu xa của phẩm giá con người: ”Khi con nhìn trời cao, công trình do tay Chúa dựng nên, mặt trăng và các vì sao Chúa mà đã tạo dựng, thì con người có là chi mà Chúa nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Quả thực, Chúa đã dựng nên con người chỉ kém thần linh, ban vinh quang và danh dự cho họ. Chúa cho con người quyền làm chủ trên các công trình tay Chúa dựng nên, Chúa đặt mọi sự dưới chân con người” (Tv 8,4-7).

Đứng trước thực tại cao cả của bản tính con người, chúng ta có thể cảm nghiệm cùng thái độ ngưỡng mộ như tác giả thánh vịnh. Thực tại ấy được biểu mộ như một sự cởi mở đối với Mầu Nhệm, như khả năng tự hỏi sâu thẳm về chính mình và về nguồn gốc của vũ trụ, như một âm vang sâu xa về Tình Yêu tột đỉnh của Thiên Chúa, Đấng là nguyên thủy và là cùng đích của vạn vật, của mọi người và mọi dân tộc (4). Phẩm giá siêu việt của con người là một giá trị thiết yếu của sự khôn ngoan Do thái Kitô, nhưng nhờ lý trí, mọi người cũng có thể nhận biết được. Phẩm giá này, được hiểu như khả năng vượt lên trên chất thể của mình và tìm kiếm chân lý, cần được nhìn nhận như một thiện ích phổ quát, tối cần thiết cho việc xây dựng một xã hội hướng về sự thực hiện và sự viên mãn của con người. Sự tôn trọng các yếu tố thiết yếu của phẩm giá con người, như quyền sống và quyền tự do tôn giáo, chính là một điều kiện để mọi qui luật xã hội và pháp lý được hợp pháp về luân lý.

Tự do tôn giáo và sự tôn trọng nhau

3. Tự do tôn giáo ở căn cội tự do luân lý. Thực vậy, sự cởi mở đối với chân lý và sự thiện, cởi mở đối với Thiên Chúa, có nguồn cội nơi bản tính con người, mang lại phẩm giá trọn vẹn cho mỗi người và là bảo đảm sự tôn trọng giữa con người với nhau một cách trọn vẹn. Vì thế, tự do tôn giáo phải được hiểu không phải chỉ là không bị cưỡng bách, nhưng trước tiên như một khả năng xếp đặt các chọn lựa của mình theo chân lý.

Có một mối liên hệ không thể tách rời giữa tự do và tôn trọng; lý do vì, ”luật luân lý bó buộc mọi người và mọi nhóm xã hội, khi thi hành các quyền của mình, phải để ý tới các quyền của người khác, cũng như tới những nghĩa vụ của mình đối với người khác và công ích của mọi người” (5).

Một tự do thù nghịch và dửng dưng đối với Thiên Chúa rốt cục sẽ chối bỏ chính tự do và không bảo đảm sự tôn trọng hoàn toàn đối với tha nhân. Một ý chí tin rằng mình hoàn toàn không có khả năng tìm sự thật và sự thiện thì không có những lý do khách quan và những động lực để hành động, ngoài những động lực do lợi lộc nhất thời và phụ thuộc của mình, ý chí ấy không có ”một căn tính” phải bảo tồn và xây dựng khi thực hiện những chọn lựa thực sự tự do và có ý thức. Vì thế, không thể đòi sự tôn trọng từ phía những ”ý chí” khác, và những ý chí này cũng bị tách rời khỏi bản chất sâu xa nhất của họ, và do đó không thể nại tới những ”lý do” khác, hoặc thậm chí không có lý do nào. Ảo tưởng theo đó người ta có thể tìm thấy trong sự duy tương đối về luân lý một chìa khóa để sống chung hòa bình, trong thực tế nó là nguồn gốc gây ra chia rẽ và phủ nhận phẩm giá của con người. Vì thế, ta hiểu tại sao cần phải nhìn nhận cả hai chiều kích trong con người: chiều kích tôn giáo và chiều kích xã hội. Về vấn đề này, không thể chủ trương các tín hữu ”phải loại bỏ một phần của mình, tức là đức tin của họ, để trở thành những công dân tích cực; không bao giờ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để có thể hưởng các quyền của mình” (6)

Gia đình, trường dạy tự do và hòa bình

4. Nếu tự do tôn giáo là con đường dẫn đến hòa bình, thì giáo dục tôn giáo là con đường ưu tiên để giúp giới trẻ có khả năng nhìn nhận tha nhân là anh em, chị em của mình, cùng tiến bước và cộng tác để tất cả mọi người cảm thấy mình là những phần tử sinh động của cùng một gia đình nhân loại, và không ai bị loại khỏi gia đình này.

Gia đình dựa trên hôn nhân, biểu lộ sự kết hiệp thân mật và bổ túc giữa người một người nam và một người nữ, được tháp nhập vào bối cảnh chung như trường học đầu tiên để huấn luyện và làm tăng trưởng con cái về mặt xã hội, văn hóa, luân lý và tinh thần, chúng phải luôn luôn có thể tìm được nơi cha mẹ những chứng nhân đầu tiên về một cuộc sống hướng về sự tìm kiếm chân lý và tình thương của Thiên Chúa. Chính các cha mẹ phải luôn được tự do và với tinh thần trách nhiệm thông truyền gia sản đức tin, các giá trị và văn hóa của mình cho con cái mà không bị cưỡng bách. Gia đình, tế bào đầu tiên của xã hội loài người, vẫn là môi trường đầu tiên để huấn luyện về những quan hệ hòa hợp ở mọi cấp độ của sự sống chung giữa con người, quốc gia và quốc tế. Đây là con đường phải theo một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội vững chắc và liên đới, để chuẩn bị người trẻ đảm nhận trách nhiệm của họ trong cuộc sống, giữa một xã hội tự do, trong một tinh thần cảm thông và an bình.

Một gia sản chung

5. Ta có thể nói rằng, trong số các quyền và tự do cơ bản có căn cội trong phẩm giá con người, tự do tôn giáo có một qui chế đặc biệt. Khi tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong căn cội của nó và luân lý cũng như các định chế của các dân tộc được củng cố. Trái lại, khi tự do tôn giáo bị chối bỏ, khi toan tính ngăn cản việc tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng và cuộc sống phù hợp với tôn giáo, thì người ta xúc phạm đến phẩm giá con người, và đồng thời đe dọa công lý và hòa bình, là những điều dựa trên trật tự ngay thẳng của xã hội được xây dựng dưới ánh sáng của Sự Thật và Sự Thiện Tối Cao.

Tự do tôn giáo theo nghĩa này cũng là sự thủ đắc nền văn minh chính trị và pháp lý. Nó là một thiện ích thiết yếu: mỗi người phải có thể tự do thi hành quyền tuyên xưng và bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình, một cách cá nhân hoặc cộng đồng, công khai hoặc riêng tư, trong việc giảng dạy, trong việc thực hành, qua việc ấn loát, trong việc phụng tự và tuân giữ các lễ nghi. Họ không phải gặp chướng ngại nếu họ muốn đi theo một tôn giáo hoặc hoặc không tuyên xưng tôn giáo nào. Trong lãnh vực này, các qui định quốc tế là điều tiêu biểu và là ví dụ quan trọng cho các quốc gia, chúng không chấp nhận vi phạm nào đối với tự do tôn giáo, ngoại trừ những đòi khỏi chính đáng của trật tự công cộng được thi hành theo công lý (7). Qui định quốc tế nhìn nhận rằng các quyền về tôn giáo có cùng qui chế như quyền sống và tự do cá nhân, vì chúng thuộc về nòng cốt các quyền con người, thuộc về các quyền phổ quát và tự nhiên mà nhân luật không bao giờ có thể chối bỏ.

Tự do tôn giáo không phải là một gia sản độc quyền của các tín hữu, nhưng của toàn thể gia đình các dân tộc trên trái đất. Đó là một yếu tố không thể thiếu trong một Nhà nước pháp quyền; người ta không thể phủ nhận quyền tự do này mà không đồng thời làm thương tổn tất cả các quyền và tự do cơ bản, bởi vì nó là tổng hợp và là tột đỉnh của tất cả các quyền đó. Tự do tôn giáo là phương thế để kiểm chứng xem tất cả các nhân quyền khác có được tôn trọng hay không” (8). Tự do tôn giáo tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực thi các khả năng tiêu biểu nhất của con người, đồng thời tạo nên tiền đề cần thiết để thực hiện sự phát triển toàn diện, một sự phát triển toàn con người trong mọi chiều kích (9).

Chiều kích công cộng của tôn giáo

6. Tự do tôn giáo, cũng như mọi quyền tự do khác, tuy ở trong lãnh vực bản thân, nhưng cũng được thực hiện trong tương quan với tha nhân. Một tự do không có tương quan thì không phải là tự do đầy đủ. Cả tự do tôn giáo cũng không đóng khung trong chiều kích cá nhân mà thôi, nhưng được thể hiện trong cộng đoàn và xã hội của mình, phù hợp với đặc tính của con người là một hữu thể có tương quan và với bản chất công khai của tôn giáo.

Đặc tính có quan hệ là một yếu tố quyết định của tự do tôn giáo, thúc đẩy cộng đoàn các tín hữu thực thi tình liên đới để mưu công ích. Trong chiều kích cộng đoàn này, mỗi người vẫn giữ nguyên đặc tính có một không hai và không thể sao lại, và đồng thời được bổ túc và thể hiện trọn vẹn.

Một điều không thể phủ nhận là sự đóng góp mà cộng đoàn tôn giáo mang lại cho xã hội. Có nhiều tổ chức từ thiện và văn hóa chứng tỏ vai trò xây dựng của các tín hữu cho đời sống xã hội. Điều quan trọng hơn nữa chính là sự đóng góp của tôn giáo về luân lý đạo đức trong lãnh vực chính trị. Không được gạt bỏ hoặc cấm đoán sự đóng góp này, nhưng phải hiểu đây là một đóng góp giá trị cho sự thăng tiến công ích. Trong viễn tượng này cần nói đến chiều kích tôn giáo của văn hóa, được hình thành qua bao thế kỷ nhờ những đóng góp của tôn giáo về mặt xã hội và nhất là về luân lý đạo đức. Chiều kích này không hề tạo nên một sự kỳ thị những người không chia sẻ cùng một tín ngưỡng, trái lại nó củng cố sự đoàn kết xã hội, sự hội nhập và liên đới.

Tự do tôn giáo, sức mạnh của tự do và văn minh: những nguy cơ bị lợi dụng.

7. Sự lợi dụng tự do tôn giáo để che đậy những lợi lộc thầm kín, ví dụ để lật đổ trật tự đã được thiết định, chiếm hữu tài nguyên hoặc duy trì quyền bính từ phía một phe nhóm, có thể tạo nên những tai hại rất lớn cho xã hội. Thái độ cuồng tín, cực đoan, những hành động trái với phẩm giá con người, không bao giờ có thể biện minh được và càng không thể thực hành những điều đó nhân danh tôn giáo. Không thể lợi dụng sự tuyên xưng một tôn giáo và cũng không thể áp đặt sự tuyên xưng ấy bằng võ lực. Vì thế, các quốc gia và các cộng đồng con người không bao giờ được quên rằng tự do tôn giáo là điều kiện để tìm kiếm sự thật và không thể bị áp đặt sự thật bằng bạo lực nhưng bằng ”sức mạnh của chính sự thật” (10). Theo ý nghĩa đó, tôn giáo là sức mạnh tích cực và là động lực thúc đẩy xây dựng xã hội dân sự và chính trị.

Làm sao có thể phủ nhận đóng góp của các tôn giáo lớn trên thế giới cho sự phát huy văn minh? Sự chân thành tìm kiếm Thiên Chúa đã đưa tới sự tôn trọng nhiều hơn đối với phẩm giá con người. Các cộng đồng Kitô, với gia sản các giá trị và nguyên tắc của mình, đã đóng góp nhiều cho sự ý thức về con người và các dân tộc về căn tính và phẩm giá của mình, và cho sự chinh phục của các định chế dân chủ, cũng như cho sự củng cố các quyền con người và những nghĩa vụ tương ứng.

Ngày nay, trong một xã hội ngày càng hoàn cầu hóa, các tín hữu Kitô cũng được mời gọi, không những qua sự dấn thân trách nhiệm về mặt dân sự, kinh tế và chính trị, nhưng còn qua chứng tá tin yêu của mình, góp phần quí giá vào công trình, tuy cam go nhưng rất phấn khởi, cho công lý, cho sự phát triển toàn diện con người và cho trật tự đúng đắn của các thực tại con người. Sự loại trừ tôn giáo ra khỏi lãnh vực công cộng tước bỏ môi trường sinh tử đó của xã hội, một môi trường cởi mở hướng về siêu việt. Nếu không có kinh nghiệm ưu tiên ấy thì sẽ rất khó hướng xã hội về những nguyên tắc luân lý đạo đức phổ quát và khó thiết lập các trật tự quốc gia và quốc tế trong đó các quyền và tự do cơ bản có thể được hoàn toàn nhìn nhận và thực thi, như các mục tiêu của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948. Và rất tiếc là các mục tiêu ấy vẫn không được để ý hoặc bị nói ngược lại.

Một vấn đề công lý và văn minh: trào lưu cực đoan và sự thù nghịch đối với các tín hữu làm thiệt hại cho đặc tính đời tích cực của Nhà Nước

8. Sự quyết liệt lên án mọi hình thức cuồng tín và tôn giáo cực đoan cũng phải thúc đẩy chống lại tất cả mọi hình thức thù nghịch chống lại tôn giáo, chúng giới hạn vai trò công cộng của các tín hữu trong đời sống dân sự và chính trị.

Ta không thể quên rằng trào lưu tôn giáo cực đoan (duy căn) và duy đời là những hình thức tương ứng và cực đoan của sự phủ nhận đa nguyên hợp pháp và nguyên tắc đời. Thực vậy cả hai thái độ đó đều tuyệt đối hóa nhân sinh quan hẹp hòi và phiếm diện, trong trường hợp thứ nhất, nó tạo điều kiện dễ dàng cho những hình thức tôn giáo thủ cựu và trong trường hợp thứ hai nó cổ võ chủ thuyết duy lý. Xã hội nào muốn dùng bạo lực để áp đặt, hoặc ngược lại, phủ nhận tôn giáo, là một xã hội bất công đối với con người và Thiên Chúa, và đối với cả chính mình nữa. Thiên Chúa kêu gọi nhân loại đến với Ngài trong ý định yêu thương, ý định này liên hệ tới toàn thể con người trong chiều kích tự nhiên và tinh thần, và đòi con người phải đáp lại trong tự do và trách nhiệm, với trọn tâm hồn và trọn hữu thể của mình, theo chiều kích cá nhân và cộng đoàn. Vì thế, cả xã hội, trong tư cách là một sự biểu hiện con người và toàn thể các chiều kích cấu thành của con người, cũng phải sống và được tổ chức làm sao để giúp con người cởi mở đối với siêu việt. Chính vì thế, không thể thiết lập các luật lệ và định chế của xã hội mà không để ý tới chiều kích tôn giáo của các công dân hoặc hoàn toàn loại bỏ chiều kích ấy. Nhờ sự tham gia trong tinh thần dân chủ của mọi công dân ý thức về ơn gọi cao cả của mình, các luật lệ và định chế phải tương xứng với con người để có thể giúp con người trong chiều kích tôn giáo của họ. Vì không phải là điều do Nhà Nước tạo nên, nên chiều kích tôn giáo không thể bị Nhà Nước lèo lái; đúng hơn, Nhà Nước phải nhìn nhận và tôn trọng chiều kích ấy.

Hệ thống luật pháp ở mọi cấp độ, quốc gia và quốc tế, khi cho phép hoặc tỏ ra dung dưỡng trào lưu cuồng tín về tôn giáo hoặc chống tôn giáo thì hệ thống ấy lỗi sứ mạng của mình là bảo vệ và thăng tiến công lý cũng như quyền của mọi người. Những thực tại này không thể bị tùy thuộc ý riêng của nhà lập pháp hoặc đa số, vì như Cicero đã từng dạy, công lý không phải chỉ là làm luật và áp dụng luật, nó còn là một cái gì hơn nữa. Công lý bao hàm sự nhìn nhận phẩm giá của mỗi người (11), mà nếu không có tự do tôn giáo được bảo đảm và được sống theo yếu tính của nó, thì phẩm giá ấy sẽ bị què quặt và thương tổn, có nguy cơ phải chịu sự thống trị của các thần tượng, của những thiện ích tương đối được tuyệt đối hóa. Tất cả những điều đó có nguy cơ đưa xã hội đến chế độ độc tài về chính trị và ý thức hệ vốn đề cao công quyền một cách thái quá, đồng thời bóp nghẹt hoặc cưỡng bách tự do lương tâm, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo như thể những quyền tự do này cạnh tranh với công quyền.

Đối thoại giữa các tổ chức dân sự và tôn giáo

9. Gia sản các nguyên tắc và các giá trị được biểu lộ qua cuộc sống tôn giáo chân chính là một điều phong phú cho các dân tộc và phong hóa của họ. Gia sản ấy trực tiếp nói với lương tâm và lý trí con người nam nữ, nhắc nhở cho họ giới luật hoán cải luân lý, thúc đẩy họ vun trồng việc thực hành các nhân đức, và làm cho họ xích lại gần nhau trong tình yêu thương, trong tinh thần huynh đệ, như những phần tử của đại gia đình nhân loại (12).

Phải luôn luôn tôn trọng chiều kích công cộng của tôn giáo, trong niềm tôn trọng đặc tính đời tích cực của các tổ chức quốc gia. Với mục đích đó, một điều cơ bản là phải thiết lập sự đối thoại lành mạnh giữa các tổ chức dân sự và tôn giáo để phát triển toàn diện con người và sự hòa hợp xã hội.

Sống trong tình thương và sự thật

10. Trong thế giới hoàn cầu hóa, làm cho xã hội ngày càng đa chủng tộc và đa tôn giáo, các tôn giáo lớn có thể là một yếu tố quan trọng giúp đoàn kết và mang lại hòa bình cho gia đình nhân loại. Từ những xác tín tôn giáo của mình và tìm kiếm công ích hợp lý, các tín đồ tôn giáo được mời gọi sống sự dấn thân của mình với tinh thần trách nhiệm trong một bối cảnh tự do tôn giáo. Giữa những nền văn hóa tôn giáo khác nhau, phải loại bỏ tất cả những gì trái ngược phẩm giá người nam và người nữ, và đối lại, cần phải đón nhận tất cả những gì là tích cực cho sự sống chung dân sự như một kho tàng quí giá.

Môi trường công cộng mà cộng đoàn quốc tế dành cho các tôn giáo và cho đề nghị của tôn giáo về một ”cuộc sống tốt đẹp”, giúp làm nổi lên một mẫu mực chung về sự thật và sự thiện, cũng như một sự đồng thuận luân lý, là những điều thiếu yếu đối với một cuộc sống chung đúng đắn và an bình. Do vai trò cũng như ảnh hưởng và uy tín trong các cộng đoàn của mình, các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn là những người đầu tiên được mời gọi tôn trọng và đối thoại với nhau.

Về phần các tín hữu Kitô, họ được niềm tin nơi Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô kêu gọi hãy sống như anh em, gặp gỡ nhau trong Giáo Hội và cộng tác vào việc xây dựng một thế giới trong đó cá nhân và các dân tộc, sẽ ”không còn làm điều ác và bạo hành (..) vì sự nhận biết Thiên Chúa sẽ đầy tràn trái đất như nước phủ lòng biển cả” (Is 11,9).

Đối thoại như một sự cùng nhau tìm kiếm

11. Đối với Giáo Hội, việc đối thoại giữa các tín đồ tôn giáo khác nhau là một phương thế quan trọng để cộng tác với tất cả các cộng đoàn tôn giáo hầu mưu công ích. Giáo Hội cũng không loại bỏ những gì là chân thật và thánh thiêng trong các tôn giáo khác. ”Giáo Hội chân thành tôn trọng những lối sống và hành động, các giới luật và đạo lý ấy, dù chúng khác biệt trong nhiều điểm với những gì Giáo Hội tuyên xưng và đề nghị, nhưng nhiều khi chúng cũng phản ảnh một tia sáng chân lý soi chiếu cho tất cả mọi người” (13).

Con đường như thế không phải là con đường duy tương đối hoặc tổng hợp tôn giáo. Thực vậy, Giáo Hội ”loan báo và bó buộc phải loan báo, Đức Kitô là ”đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), nơi Người con người phải tìm được sự viên mãn của đời sống tôn giáo và trong Người Thiên Chúa đã hòa giải với mính tất cả mọi sự” (14). Điều này không loại bỏ đối thoại và sự cùng nhau tìm kiếm sự thật trong các lãnh vực sinh tử, như một câu nói thường được thánh Tômasô Aquinô sử dụng, ”Mọi chân lý, bất kỳ do ai nói lên, đều đến từ Thánh Linh” (15).

Năm 2011 là năm kỷ niệm 25 năm Ngày Thế giới cầu nguyện cho hòa bình, đã được Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2 triệu tập tại Assisi năm 1986. Trong dịp đó các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới đã chứng tỏ rằng tôn giáo là một yếu tố đoàn kết và hòa bình, chứ không phải là yếu tố chia rẽ và xung đột. Kỷ niệm kinh nghiệm ấy là một động lực thúc đẩy hy vọng một tương lai trong đó tất cả các tín hữu đều cảm thấy và thực sự trở thành những người kiến tạo công lý và hòa bình.

Sự thật luân lý trong chính trị và ngoại giao

12. Chính trị và ngoại giao phải nhìn gia sản luân lý và tinh thần do các tôn giáo lớn trên thế giới mang lại để công nhận và khẳng định chân lý, các nguyên tắc và các giá trị phổ quát mà nếu phủ nhận chúng, thì đồng thời người ta cũng chối bỏ chính phẩm giá con người. Nhưng trong thực hành, thăng tiến sự thật luân lý trong giới chính trị và ngoại giao có nghĩa là gì? Có nghĩa là hành động theo tinh thần trách nhiệm đi từ nhận thức khách quan và đầy đủ về các sự kiện; có nghĩa là giải tỏa các ý thức hệ chính trị đảo lộn chân lý và phẩm giá con người, và muốn cổ võ các giá trị giả tạo dưới chiêu bài hòa bình, phát triển và bảo vệ các quyền con người; có nghĩa là tạo điều kiện thuận tiện cho sự dấn thân liên lỷ để thiết lập các luật lệ tích cực dựa trên các nguyên tắc của luật tự nhiên (16). Tất cả những điều ấy là cần thiết và phù hợp với sự tôn trọng phẩm giá và giá trị nhân vị, được các dân tộc trên trái đất phê chuẩn trong Hiến chương của LHQ hồi năm 1945, Hiến chương này trình bày các giá trị và các nguyên tắc luân lý phổ quát mà các qui luật, các định chế và các chế độ sống chung trên bình diện quốc gia và quốc tế cần phải tham chiếu.

Khắc phục oán ghét và thành kiến

13. Mặc dù có những bài học lịch sử và sự dấn thân của các quốc gia, các Tổ chức Quốc tế trên bình diện hoàn cầu và địa phương, cũng như của các Tổ chức phi chính phủ và của mọi người nam nữ thiện chí hằng ngày xả thân bảo vệ các quyền và tự do căn bản, trên thế giới ngày nay người ta ghi nhận vẫn còn những cuộc bách hại, kỳ thị, những hành vi bạo lực và bất bao dung dựa trên tôn giáo. Đặc biệt tại Á, Phi, các nạn nhân chính vẫn là những phần tử của các nhóm tôn giáo thiểu số, người ta cấm họ không được tự do tuyên xưng tôn giáo của mình hoặc thay đổi tôn giáo, qua những hành vi dọa nạt hoặc vi phạm các quyền, các tự do cơ bản và những tài sản thiết yếu, đến độ tước đoạt tự do bản thân và cả sinh mạng của họ nữa.

Rồi như tôi đã nói, có những hình thức tinh vi hơn thù nghịch chống lại tôn giáo, tại các nước Tây Phương, những hình thức này đôi khi được biểu lộ qua sự chối bỏ lịch sử và các biểu tượng tôn giáo trong đó có phản ánh căn tính và văn hóa của đại đa số công dân. Những hình thức đó thường nuôi dưỡng oán ghét và thành kiến, và không phù hợp với quan niệm trong sáng và quân bình về sự đa nguyên và đặc tính đời của các tổ chức chính quyền, không kể sự kiện các thế hệ trẻ có nguy cơ không được tiếp xúc với gia sản tinh thần quí giá của quê hương họ.

Việc bảo vệ tôn giáo được thể hiện qua sự bảo vệ các quyền và tự do của các cộng đoàn tôn giáo. Các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới và các vị lãnh đạo quốc gia cần tái quyết tâm dấn thân thăng tiến và bảo vệ tự do tôn giáo, đặc biệt là bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, các nhóm này không phải là một đe dọa chống lại căn tính của nhóm đa số, nhưng trái lại họ là cơ hội để đối thoại và làm cho nhau được thêm phong phú về văn hóa. Việc bảo vệ họ chính là cách thức lý tưởng để củng cố tinh thần từ nhân, cởi mở, và hỗ tương nhờ đó bảo vệ các quyền và tự do cơ bản trong mọi lãnh vực và mọi miền trên thế giới.

Tự do tôn giáo trên thế giới

14. Sau cùng, tôi ngỏ lời với các cộng đồng Kitô đang bị bách hại, kỳ thị, phải chịu những hành vi bạo lực và bất bao dung, đặc biệt tại Á, Phi, Trung Đông, và nhất là tại Thánh Địa, nơi đã được Thiên Chúa ưu tuyển và chúc lành. Trong khi tôi tái bày tỏ với họ lòng quý mến hiền phụ và đoan hứa cầu nguyện cho họ, tôi xin tất cả các vị hữu trách hãy mau lẹ hành động để chấm dứt mọi bạo hành chống các Kitô hữu cư ngụ tại các miền ấy. Ước gì các môn đệ Chúa Kitô, đứng trước những nghịch cảnh hiện tại, vẫn không nản chí, vì việc làm chứng cho Tin Mừng đang và sẽ luôn luôn là dấu chỉ chống đối!

Chúng ta hãy suy niệm trong lòng những lời của Chúa Giêsu: ”Phúc cho những người khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi [..]. Phúc cho những người đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đầy [..] Phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bách hại các con, và nói xấu đủ điều chống lại các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng các con thật lớn lao ở trên trời” (Mt 5,4-12). Vậy chúng ta tái ”quyết tâm thực thi bao dung và tha thứ, mà chúng ta cầu xin trong kinh Lạy Cha, coi đó như điều kiện và mẫu mực để được lòng từ bi mong ước. Thực vậy, chúng ta cầu nguyện thế này ”Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12) (17). Không thể thắng bạo lực bằng bạo lực. Cần phải luôn làm cho tiếng kêu đau thương của chúng ta được đức tin, cậy và chứng tá về tình thương của Thiên Chúa đi kèm. Tôi cũng mong ước rằng tại Tây Phương, đặc biệt tại Âu Châu, sẽ chấm dứt những thái độ thù nghịch và những thành kiến chống các tín hữu Kitô chỉ vì họ muốn làm cho cuộc sống của họ phù hợp với các giá trị và nguyên tắc đã được diễn tả trong Tin Mừng. Đúng hơn, Âu Châu cần biết hòa giải với các căn cội Kitô của mình, là những điều rất quan trọng để hiểu vai trò mà Âu Châu đã, đang và muốn nắm giữ trong lịch sử; như thế Âu Châu sẽ cảm nghiệm được công lý, hòa hợp và hòa bình, trong khi vun trồng một cuộc đối thoại chân thành với tất cả các dân tộc.

Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình

15. Thế giới cần đến Thiên Chúa. Cần những giá trị luân lý đạo đức và tinh thần, phổ quát và chung, và tôn giáo có thể cống hiến một sự đóng góp quí giá trong việc tìm kiếm các giá trị ấy để xây dựng một trật tự xã hội công chính và hòa bình, trên bình diện quốc gia và quốc tế.

Hòa bình là một hồng ân của Thiên Chúa và đồng thời là một dự phóng cần phải thực hiện, nhưng không bao giờ hoàn tất trọn vẹn. Một xã hội được hòa giải với Thiên Chúa thì gần gũi với hòa bình hơn, và hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, không phải chỉ là thành quả của sự thống trị kinh tế hoặc chính trị và càng không phải là kết quả của những gian xảo lừa đảo hoặc những lèo lái khéo léo. Trái lại, hòa bình là kết quả của một tiến trình thanh tẩy và nâng cao văn hóa, luân lý và tinh thần của mỗi người và mỗi dân tộc, trong đó phẩm giá con người được hoàn toàn tôn trọng. Tôi mời gọi tất cả những ai muốn trở thành người xây dựng hòa bình, nhất là người trẻ, hãy lắng nghe tiếng nói trong nội tâm mình, để tìm thấy nơi Thiên Chúa điểm tham chiếu vững bền hầu đạt tới tự do chân chính, sức mạnh vô tận để định hướng thế giới với một tinh thần mới mẻ, có khả năng không tái phạm những lỗi lầm quá khứ. Như lời dạy của Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6, Người đã khôn ngoan nhìn xa trông rộng khi lập ra Ngày Hòa bình thế giới, ”Trước tiên cần mang lại cho hòa bình những vũ khí khác, không phải những vũ khí nhắm giết hại và tàn sát nhân loại. Nhất là cần những võ khí tinh thần, mang lại sức mạnh và uy tín cho công pháp quốc tế; trước tiên là tuân giữ các hiệp ước” (18). Tự do tôn giáo là võ khí đích thực của hòa bình, với sứ mạng lịch sự và ngôn sứ. Thực vậy tự do tôn giáo đề cao giá trị và làm cho những phẩm tính và tiềm năng sâu xa nhất của con người được kết quả, có khả năng thay đổi và cải tiến thế giới. Tự do tôn giáo giúp nuôi dưỡng hy vọng một tương lai công lý và hòa bình, cả khi đứng trước những bất công trầm trọng và những lầm than về vật chất và tinh thần. Ước gì tất cả mọi người và mọi xã hội ở mọi cấp độ và ở mọi nơi trên trái đất sớm được cảm nghiệm tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình!

Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2010
Beneđịctô XVI, Giáo Hoàng

Trần Đức Anh OP (chuyển ý từ bản tiếng Ý và Pháp)

Chú thích:
1. Xc. Biển Đức 16, Thông điệp Caritas in veritate, 29.55-57
2. Xc. Công đồng Vatican 2, Dignitatis humanae, 2.
3. Xc. Biển Đức 16, Thông điệp Caritas in veritate, 78
4. Xc. Công đồng Vatican2, Nostra aetate, 1.
5. Id,. Dignitatis humanae, 7
6. Biển Đức 16, Diễn văn tại LHQ ngày 18-4-2008: AAS 100 (2008), 337
7. Xc. Dignitatis humanae, 2.
8. Gioan Phaolô 2, Diễn văn tại Nghị viện của tổ chức OSCE, 10-10-2003, 1: AAS 96 (2004), 111.
9. Xc Biển Đức 16, Caritas in veritate, 11.
10. Xc. Id., Dignitatis humanae, 1.
11. Xc. Cicerone, De inventione, II, 160.
12. Xc Biển Đức 16, Diễn văn với các Đại diện tôn giáo khác ở Anh quốc (17-9-2010): L'Osservatore Romano, 18-9-2010, p.12.
13. Nostra aetate, 2.
14. ibidem.
15. Super evangelium Joannis, I,3.
16. Xc. Biển Đức 16, Diễn văn trước chính quyền và ngoại giao đoàn tại Cipro (5-6-2010): L'Osservatore Romano (6-6-2010), p.8; Ủy ban Thần Học Quốc Tế, tìm kiếm một nền luân lý đạo đức phổ quát: một cái nhìn về luật tự nhiên, Città del Vaticano 2009.
17. Phaolô 6, Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình thế giới 1976: AAS 67 (1975), 671.
18. Ibid., p.668
 
Chiến thuật tái phúc âm hóa
Vũ Văn An
22:31 19/12/2010
Để dành lại trái tim những người đã chịu thánh tẩy nhưng nay đã và đang rời xa Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã cho thiết lập cơ quan mới ngang hàng cấp bộ gọi là Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa. Ngài cũng đã chọn đề tài thảo luận cho kỳ họp tới của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới là: “Nova evangelizatio ad cristianam fidem tradendam” (Tân Phúc Âm Hóa Để Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo). Như để mào đầu cho những thảo luận trên, cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Đức Giáo Hoàng và của Giáo Triều, đã phác thảo một số đường nét chính cho một chiến thuật tái chinh phục trái tim những người Công Giáo nói trên, trong một loạt bài giảng nhân dịp Mùa Vọng năm nay trước Đức Thánh Cha và Giáo Triều.

Mở đầu loạt bài giảng này, Cha Cantalamesa cho hay ngài có ý định trình bày một số mấu đốt (nodes) hay trở ngại ở hậu trường từng khiến một số quốc gia vốn có truyền thống Kitô Giáo lâu đời “miễn dịch” (immune) đối với sứ điệp Tin Mừng. Đó là chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa duy tục và chủ nghĩa duy lý. Chúng được Thánh Phaolô gọi là “các đồn lũy chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa” (xem 2 Cor 10:4).

Chủ nghĩa duy khoa học

Cha Cantalamessa trích lời Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II nói về chủ nghĩa duy khoa học: “Quan điểm triết lý này thực sự từ khước không nhìn nhận giá trị của bất cứ cách nhận thức nào khác với các nhận thức của các khoa học thực nghiệm; nó xếp mọi ý thức tôn giáo và thần học cũng như các ngành đạo đức học và thẩm mỹ vào lãnh vực thuần tưởng tượng (1).

Sau đó, Cha Cantalamessa trình bày một số luận đề của chủ nghĩa duy khoa học. Luận đề thứ nhất: Khoa học, và cách riêng khoa vũ trụ học, vật lý học và sinh vật học là những cách khách quan và nghiêm chỉnh duy nhất để biết được thực tại. “Các xã hội hiện đại được xây dựng trên khoa học. Họ nợ khoa học sự thịnh vượng, quyền lực và sự chắc chắn rằng ngày mai sự thịnh vượng và quyền lực lớn lao hơn vẫn sẽ là của ta nếu ta muốn thế… Được trang bị với mọi quyền lực, được thừa hưởng mọi thịnh vượng do khoa học mang lại, các xã hội của ta vẫn cố gắng sống và truyền giảng các hệ thống giá trị được chính khoa học phóng ra từ gốc” (2).

Luận đề thứ hai: Cách nhận thức trên không đi đôi với đức tin vốn dựa vào các giả định một là không thể chứng minh được hai là sai lạc. Trong dòng tư duy này, nhà tranh đấu vô thần R. Dawkins còn đi xa đến độ coi bất cứ khoa học gia nào tự xưng là tín hữu đều là người “vô học”. Ông quên mất rằng nhiều khoa học gia, có những người danh tiếng hơn ông ta nhiều, vẫn đã tuyên xưng và tiếp tục tuyên xưng mình là tín hữu.

Luận đề thứ ba: Khoa học đã chứng minh được sự sai lầm, hay ít nhất sự không cần thiết của lý thuyết về Thiên Chúa. Đây là khẳng định mấy tháng qua được các phương tiện truyền thông thế giới làm nổi bật nhờ lời tuyên bố của nhà vật lý học vũ trụ người Anh là Stephen Hawkins. Ngược với điều ông ta viết trước đó trong cuốn "The Grand Design", Hawkins cho rằng nhận thức mà khoa vật lý mới đạt được khiến niềm tin vào một thần tính sáng tạo ra vũ trụ trở thành vô ích: “Sáng tạo tự phát là lý do tại sao sự vật hiện hữu”

Luận đề thứ tư: Hầu như tất cả, hay ít nhất đại đa số các khoa học gia đều là người vô thần. Đây là luận đề của chủ nghĩa vô thần khoa học tranh đấu mà Richard Dawkins, tác giả cuốn “God's Delusion”, là người truyền bá tích cực nhất.

Tất cả các luận đề trên đều tự chứng tỏ sai lạc, không hẳn vì lối suy luận tiên thiên (a priori) hay do lý chứng thần học hoặc lý chứng đức tin, mà là do chính sự phân tích các thành quả của khoa học và ý kiến của nhiều khoa học gia hết sức sáng chói trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Điều được một khoa học gia cỡ Max Planck, cha đẻ của thuyết lượng tử (quantum), nói về khoa học cũng giống điều được Thánh Augustinô, Thánh Tôma, Pascal, Kierkegaard và nhiều người khác nói về lý trí: “Khoa học dẫn ta tới điểm mà quá đó nó không còn hướng dẫn được nữa” (3).

Cha Cantalamessa cho rằng có những tác phẩm giá trị chống lại các luận đề trên như cuốn của Roberto Timossi tựa là "The Illusion of Atheism: Why Science Does Not Deny God," trong đó có phần trình bày của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, do nhà Saint Paul Publishers ấn hành năm 2009, ngay sau lời tuyên bố của Hawkins. Nhưng ngài không muốn đi vào chi tiết, chỉ muốn trình bày một thí dụ: có những loài chim sống về đêm, như chim cú chẳng hạn. Mắt chúng được tạo nên để nhìn trong bóng đêm, chứ không nhìn trong ánh sáng ban ngày. Ánh sáng mặt trời sẽ làm chúng ra mù. Loài chim này biết mọi sự và di chuyển dễ dàng trong thế giới đêm tối, nhưng không biết việc gì thuộc thế giới ban ngày. Giả dụ các loài vật biết nói và phượng hoàng nhà ta làm quen với gia đình chim ó, kể cho gia đình ó về mặt trời: nó chiếu sáng mọi sự ra sao, và không có nó, mọi sự sẽ chìm trong bóng tối và lạnh lẽo thế nào, và ngay thế giới đêm của gia đình ó cũng không thể nào có nếu không có mặt trời. Nghe thế, ó con nhà ta biết nói gì hơn là cãi lại: “Bác nói vô lý! Cháu có thấy mặt trời bao giờ đâu. Gia đình cháu di chuyển ngon lành và kiếm được thức ăn mà nào có cần đến mặt trời; cái mặt trời của bác chỉ là một lý thuyết vô ích và do đó nó không hiện hữu”.

Đó cũng là thái độ của các khoa học gia vô thần khi họ quả quyết “Thiên Chúa không hiện hữu”. Họ phê phán một thế giới mà họ không biết, áp dụng định luật của mình vào một đối tượng vượt quá phạm vi của họ. Để thấy Thiên Chúa, người ta phải mở con mắt khác, phải can đảm bước ra khỏi đêm đen. Họ giống hệt điều được Thánh Vịnh Gia quả quyết: “Kẻ điên khùng bảo: không có Thiên Chúa”.

Nói không với chủ nghĩa duy khoa học, nói có với khoa học

Lẽ dĩ nhiên, không được diễn dịch việc bác bỏ chủ nghĩa duy khoa học thành việc bác bỏ khoa học hay việc nhút nhát không dám giáp mặt với nó, giống như việc bác bỏ chủ nghĩa duy lý không được dẫn ta tới việc bác bỏ lý trí. Làm ngược lại sẽ là một đức tin lầm lẫn, trước khi chứng minh được là khoa học lầm lẫn. Lịch sử đã đau đớn dạy ta biết thái độ ấy đã dẫn tới đâu.

Tân chân phúc John Henry Newman đã cho ta một điển hình rất sáng suốt về thái độ cởi mở và xây dựng đối với khoa học. Chín năm sau khi Darwin cho công bố công trình của ông ta về biến hóa, khi không ít linh hồn quanh ngài tỏ ra bối rối lo ngại, Đức Hồng Y trấn an họ bằng một nhận định mà Giáo Hội hiện nay nhất trí về sự tương hợp của một lý thuyết như thế với niềm tin của Thánh Kinh. Ta hãy đọc lại các đoạn chủ yếu trong bức thư ngài gửi cho kinh sĩ J. Walker, những đoạn vẫn còn giá trị đến ngày nay: “Tôi không sợ lý thuyết [của Darwin] […] Đối với tôi xem ra không thể từ đó suy ra rằng không có việc tạo dựng, vì Đấng Tạo Dựng, từ hàng triệu năm trước đã ban luật lệ cho vật chất. Trước nhất Người tạo nên vật chất rồi Người tạo nên luật lệ cho nó, những luật lệ xây dựng nó thành vẻ đẹp kỳ diệu hiện nay, cũng như việc thích ứng và hoà hợp chính xác các phần một cách tiệm tiến. Chúng ta không bác bỏ hay giới hạn Đấng Tạo Dựng, vì chúng ta cho rằng Người đã tạo dựng ra trí khôn biết tự hành động, biết sản sinh của con người, vốn gần như có khả năng tạo dựng; chúng ta càng không bác bỏ hay giới hạn quyền năng của Người, vì ta cho rằng Người ban cho vật chất các lề luật để qua tính dụng cụ mù quáng của chúng, chúng tạo khuôn và xây dựng ra thế giới ta thấy hiện nay qua vô vàn thời đại khác nhau […]. Như thế, lý thuyết của Ông Darwin không nhất thiết là vô thần, dù nó đúng hay sai; một cách đơn giản, nó chỉ gợi ra ý niệm lớn hơn về sự Thông Biết và Kỹ Năng của Thiên Chúa […]. Thoạt nhìn, tôi vẫn không thấy rằng ‘sự biến hóa tình cờ hay các vật hữu cơ’ có điều gì không nhất quán với ý định Thiên Chúa, nó chỉ tình cờ với ta, chứ không tình cờ với Thiên Chúa” (4).

Đức tin vĩ đại của Newman đã giúp ngài biết thanh thản trước các khám phá khoa học hiện tại cũng như tương lai. “Khi cơn lũ các sự kiện, dù được xác quyết hay giả định, ồ ạt đổ xuống trên ta, trong khi hằng hà sa số các sự kiện khác đang bắt đầu được mô tả, thì mọi tín hữu, dù là Công Giáo hay không, đều được mời gọi xem sét ý nghĩa của các sự kiện ấy” (5). Ngài thấy nơi các khám phá kia có “một liên hệ gián tiếp với ý kiến tôn giáo”. Theo Cha Cantalamessa, một thí dụ cho mối liên hệ đó chính là sự kiện cùng năm với lý thuyết biến hóa của Darwin, Đức Hồng Y Newman đã khai triển ra học lý của ngài về “việc phát triển của lý thuyết Kitô Giáo”. So sánh giữa trật tự tự nhiên và vật lý với trật tự luân lý, ngài viết: “Đấng Tạo Dựng nghỉ vào ngày thứ bẩy sau khi đã hoàn tất công việc của mình, nhưng vẫn hành động thế nào, thì Người cũng thông truyền một lần vĩnh viễn Tín Lý cho ta từ đầu, nhưng vẫn thích nó được khai triển thêm và đã dự trù sự khai triển đó như vậy” (6).

Biểu thức cụ thể nhất cho thái độ mới và tích cực của Giáo Hội Công Giáo đối với khoa học chính là Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học, nơi các nhà khoa học lỗi lạc của toàn thế giới, có tín ngưỡng hay không, đang gặp nhau để phát biểu và tranh luận một cách tự do các quan niệm của họ về các vấn đề được mọi người lưu tâm về khoa học và đức tin.

Con người vì vũ trụ hay vũ trụ vì con người

Cha Cantalamessa không có ý định phê phán chủ nghĩa duy khoa học một cách tổng quát. Ngài muốn xét tới ảnh hưởng trực tiếp và có tính quyết định của nó đối với việc phúc âm hóa: hay vấn đề đâu là quan điểm của chủ nghĩa duy khoa học vô thần đối với địa vị của con người.

Ở đây, ta thấy nhiều nhà sinh vật học và vũ trụ học khẳng định tính hoàn toàn bên lề và vô nghĩa của con người trong vũ trụ và trong cái biển mênh mông của sự sống. Monod chẳng hạn viết rằng: “giao ước xưa hiện đã tả tơi; cuối cùng, con người biết rằng họ hoàn toàn cô độc trong cái mênh mông vô cảm của vũ trụ, mà từ đó, họ xuất hiện một cách tình cờ. Số phận của họ không được định rõ ở chỗ nào, cả nhiệm vụ của họ cũng thế” (7). Một tác giả khác viết: “Tôi luôn nghĩ tới việc mình vô nghĩa. Biết các chiều kích của vũ trụ, tôi hiểu được thực ra nó lớn như thế nào… Chúng ta chỉ là một mảnh bùn trên hành tinh vốn thuộc mặt trời này” (8).

Blaise Pascal đã đi trước thời gian trong việc bác bỏ luận đề trên bằng một luận chứng vẫn còn giá trị tới ngày nay: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ. Chả cần cả vũ trụ phải được trang bị mới tận diệt được họ; chỉ cần một chút hơi nước, một giọt nước thôi cũng đủ giết họ rồi. Tuy nhiên, ngay cả lúc cả vũ trụ đè bẹp họ, con người vẫn luôn cao thượng hơn những cái sát hại mình, vì con người biết về cái chết, và cả thế thượng phong của vũ trụ đối với mình, trong khi vũ trụ chả biết gì” (9).

Cái nhìn của khoa học về thực tại cũng như về con người còn một lúc loại Chúa Kitô ra khỏi trung tâm vũ trụ. Nói theo ngôn từ của M. Blondel, Chúa Kitô bị rút gọn chỉ còn là “một biến cố lịch sử, tách biệt khỏi vũ trụ như một giai đoạn lầm lẫn, một người xâm phạm hay một linh hồn mất hút trong cõi mênh mông thù địch và đè bẹp của Vũ Trụ” (10).

Cách nhìn con người này cũng có những suy tư thực tế trên bình diện văn hóa và não trạng. Điều này giải thích được một số những quá đáng của chủ nghĩa duy sinh thái (ecologism), một chủ nghĩa đặt quyền lợi thú vật và ngay cả cây cỏ ngang hàng với quyền lợi con người. Ai cũng biết có những con vật được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn nhiều triệu trẻ em. Não trạng này ảnh hưởng tới cả lãnh vực tôn giáo. Hiện có những hình thức có tính tôn giáo khá phổ quát trong đó liên lạc và đồng điệu với các năng lực vũ trụ đã thay thế cho việc liên lạc với Thiên Chúa như con đường cứu rỗi. Điều được Thánh Phaolô nói về Thiên Chúa “Nơi Người, ta sống, chuyển động và hiện hữu” (Cv 17:28) được họ áp dụng vào vũ trụ vật chất.

Xét về một phương diện nào đó, thì quan điểm trên đã quay trở lại với cái nhìn tiền Kitô Giáo theo đồ án: Thiên Chúa - vũ trụ - con người. Đồ án của Thánh Kinh và của Kitô Giáo ngược lại là: Thiên Chúa – con người – vũ trụ. Vũ trụ vì con người, chứ con người không vì vũ trụ. Một trong những lời tố cáo vũ bão nhất mà người ngoại đạo Celsus gán cho người Do Thái và Kitô hữu là lời tố cáo rằng họ đã dám tuyên bố: “Có Thiên Chúa, và liền sau Người là con người, từ lúc ta được Người dựng nên giống hoàn toàn hình ảnh Người; mọi sự đều lệ thuộc ta: đất, nước, không khí, các vì sao; mọi sự đều hiện hữu vì ta và được sắp xếp để phục dịch ta” (11).

Tuy nhiên, có một dị biệt sâu xa ở đây: trong lối suy nghĩ ngày xưa, nhất là lối suy nghĩ của người Hy Lạp, dù con người tùy thuộc vũ trụ, họ vẫn có một phẩm giá rất cao trọng, như công trình bậc thầy của Max Pohlenz “Greek Man” (Con Người Hy Lạp) đã chứng tỏ (12). Trái lại ngày nay, dường như người ta sảng khoái khi hạ thấp con người và tước bỏ nơi họ mọi nguyên cớ đòi hỏi thế thượng phong đối với mọi loài khác trong thiên nhiên. Ít nhất từ quan điểm này, ta có thể gọi “chủ nghĩa nhân bản vô thần” hiện nay là “chủ nghĩa phản nhân bản vô thần”.

Nói về cái nhìn Kitô Giáo, Celsus quả không lầm, vì cái nhìn đó phát xuất từ Sách Sáng Thế 2:26 nói về con người được dựng nên “theo hình ảnh và họa ảnh” Thiên Chúa (13). Cái nhìn của Thánh Kinh được phát biểu cách tuyệt diệu nhất trong Thánh Vịnh 8 (4-7):

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,

ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân:


Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa có những hệ luận đối với quan niệm về con người mà cuộc tranh luận hiện nay buộc ta phải đem ra ánh sáng. Tất cả đều đặt căn bản trên mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi do Chúa Kitô đem tới. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là họ tham dự vào chính yếu tính thâm hậu của Thiên Chúa, vốn là một liên hệ yêu thương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hiển nhiên có một khoảng cách hữu thể giữa Thiên Chúa và tạo vật. Tuy nhiên, nhờ ơn thánh, khoảng cách kia đã được lấp đầy, đến độ nó không còn sâu xa so với khoảng cách giữa con người và các tạo vật khác nữa.

Thực sự, chỉ có con người, bao lâu họ là chủ thể có khả năng tương quan, mới tham dự vào chiều kích bản thân và tương quan của Thiên Chúa, vì họ là hình ảnh của Người. Điều này có nghĩa con người, trong yếu tính của mình, dù trên bình diện tạo dựng, là chính Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong yếu tính không tạo dựng của các Ngài. Ngôi vị tạo dựng là “ngôi vị” chính vì cái hạt nhân tương quan này, tương quan làm họ có khả năng tiếp nhận mối tương quan mà Thiên Chúa muốn thiết lập với họ và đồng thời trở nên người phát sinh ra các tương quan với người khác và với thế giới.

Sức mạnh của Sự Thật

Ta hãy xét xem làm thế nào để diễn dịch cái nhìn Kitô Giáo về mối tương quan giữa con người và vũ trụ này trên bình diện phúc âm hóa. Dựa vào tư tưởng của thầy, một môn sinh của Dionysius thành Areopagite đưa ra sự thật này: “Ta không cần phải bài bác ý kiến người khác, cũng không cần viết chống lại một ý kiến hay một tôn giáo xem ra không tốt. Ta chỉ nên viết tốt cho sự thật chứ không chống người khác” (14).

Không thể tuyệt đối hóa nguyên tắc trên, vì đôi lúc cũng cần phải bác bỏ các lý thuyết lầm lạc, tuy nhiên, sự thật là trình bày tích cự về sự thật thường hữu hiệu hơn là bài bác các lầm lạc đối nghịch. Thiển nghĩ cần phải ghi nhớ tiêu chuẩn trên khi phúc âm hóa, và nhất là khi đối đầu với ba trở ngại nói trên: chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa duy tục và chủ nghĩa duy lý. Trong việc phúc âm hóa, hữu hiệu hơn việc tranh luận chống lại ba hình thức vừa kể phải là việc trình bày tích cực cái nhìn của Kitô Giáo, dựa trên chính sức mạnh nội tại của cái nhìn này và kèm theo một xác tín sâu xa và thực hành nó “cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pr 3:16) như lời Thánh Phêrô nhấn mạnh.

Theo cái nhìn Kitô Giáo, biểu thức cao cả nhất cho phẩm giá và ơn gọi của con người được kết tinh trong học lý thần hóa họ (divinization of man). Học lý này không nổi bật như nhau trong Giáo Hội Chính Thống và trong Giáo Hội La Tinh. Các giáo phụ Hy Lạp, vì phải đương đầu với những trở ngại do người ngoại giáo đem đến cho ý niệm thần minh hóa (theosis), nên đã biến học lý thần hóa này thành đòn bẩy cho nền linh đạo của mình. Nền thần học La Tinh ít nhấn mạnh tới nó hơn. Trong Từ Điển Linh Đạo, ta đọc thấy “Đối với Kitô hữu Hy Lạp, mục đích đời sống là thần hóa, còn đối với Kitô hữu Tây Phương, mục đích ấy là đạt được sự thánh thiện… Theo người Hy Lạp, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để tái lập nơi con người họa ảnh Thiên Chúa từng bị Adong đánh mất và để thần hóa họ. Còn theo người La Tinh, Người trở nên xác phàm để cứu chuộc nhân loại… và trả nợ sự công chính của Thiên Chúa” (15). Đơn giản hóa một cách tối đa, ta có thể nói rằng: sau Thánh Augustinô, nền thần học La Tinh nhấn mạnh nhiều hơn tới điều Chúa Kitô tới để tháo bỏ, tức tội lỗi. Còn người Hy Lạp thì nhấn mạnh hơn tới điều Người đến để ban tặng cho con người: hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần và sự sống Thiên Chúa.

Sự so sánh trên không nên quá nhấn mạnh như các tác giả Chính Thống thường làm. Nền linh đạo La Tinh cũng thường phát biểu cùng một lý tưởng tuy không sử dụng thuật ngữ thần hóa là thuật ngữ, nói cho cùng, không có trong Thánh Kinh. Trong Phụng Vụ các Giờ Kinh ngày vọng Giáng Sinh, ta được nghe vang vọng huấn giáo của Thánh Grêgôriô Cả, một giáo huấn rõ ràng nói tới cùng một cách nhìn đối với ơn gọi của Kitô hữu: “Hỡi Kitô hữu, các bạn hãy nhìn nhận phẩm giá của mình và, một khi đã trở thành người tham dự vào bản tính Thiên Chúa, các bạn đừng ước muốn trở lui với cảnh nhục nhã ngày xưa mà hành động bất xứng. Các bạn hãy nhớ các bạn là chi thể của Đầu nào và của Nhiệm Thể nào” (16).

Tuy thế, một số tác giả Chính Thống vẫn kiên định trong cuộc tranh cãi vào thế kỷ 14 giữa Grêgôriô thành Palamas và Barlaam và xem ra làm ngơ truyền thống huyền nhiệm rất phong phú của La Tinh. Thí dụ, học thuyết của Thánh Gioan Thánh Giá chẳng hạn, theo đó, vì được Chúa Kitô cứu chuộc và trở thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Con, người Kitô hữu được chìm ngập trong dòng hành động của Chúa Ba Ngôi và tham dự vào chính sự sống thâm hậu của Thiên Chúa. Điều ấy có kém chi việc thần hóa, tuy được phát biểu bằng ngôn từ khác. Rồi cả học lý về các ơn hiểu biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần nữa, một học lý rất thân thuộc của Thánh Bonaventura và của nhiều tác giả Trung Cổ, vốn cũng được cùng một linh hứng huyền nhiệm ấy tác động.

Dù sao, ta cũng phải nhìn nhận rằng nền linh đạo Chính Thống có nhiều điều dạy bảo các giáo hội Kitô Giáo khác về điểm này, nhất là các giáo hội Thệ Phản. Thực thế, nếu có điều gì thực sự đi ngược lại cái nhìn của Chính Thống về việc thần hóa các Kitô hữu bằng ơn thánh thì đó chính là ý niệm của Thệ Phản, nhất là phái Luthêrô, về sự công chính hóa ngoại tại và có tính pháp lý, theo đó, người được cứu chuộc “vừa là người công chính vừa là tội nhân cùng một lúc”: tội nhân trong chính anh ta, công chính trước mặt Thiên Chúa.

Dù sao, ta vẫn có thể học hỏi từ truyền thống Đông Phương việc không dành lý tưởng cao cả của sự sống Kitô hữu này cho riêng những phần tử ưu tú trong việc theo đuổi con đường huyền nhiệm, nhưng đề xướng nó cho mọi người đã rửa tội, biến nó thành đối tượng cho việc dạy giáo lý, cho việc đào tạo lòng đạo nơi các chủng viện và nhà tập. Cha Cantalamessa cho hay trong thời gian được đào tạo, ngài luôn thấy người ta gần như chỉ nhấn mạnh tới cuộc sống nhiệm nhặt (asceticism) qui mọi sự vào việc sửa trị các thói hư tật xấu và thủ đắc các nhân đức. Đối với câu hỏi của đệ tử về mục đích tối hậu của đời sống Kitô hữu, vị thánh người Nga, tức Thánh Seraphim thành Sarov, đã không do dự trả lời: “Mục tiêu thực sự của đời sống Kitô hữu là thủ đắc Thánh Thần Thiên Chúa. Còn về cầu nguyện, ăn chay, canh thức, làm việc bác ái và mọi hành động tốt khác nhân danh Chúa Kitô, đều chỉ là phương tiện để thủ đắc Chúa Thánh Thần” (17).

“Nhờ Người, mọi vật được tạo thành”

Giáng Sinh là dịp lý tưởng để tái đề xướng cho ta và cho người khác cái gia tài chung đầy lý tưởng Kitô Giáo này. Chính từ việc nhập thể của Ngôi Lời, các giáo phụ Hy Lạp đã dẫn khởi ra khả thể thần hóa kia. Thánh Athanasiô không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: “Ngôi Lời đã trở thành con người để ta được thần hóa” (18). Thánh Grêgôriô thành Naziance thì cho rằng: “Người đã trở thành nhập thể và con người trở thành Thiên Chúa, vì con người được kết hợp với Thiên Chúa” (19). Được tái lập hay đem trở lại ánh sáng với Chúa Kitô chính là trở thành “hình ảnh Thiên Chúa”, một hình ảnh vốn tạo nên sự cao trọng của con người so với mọi tạo vật khác.

Trên đây, ta đã thấy việc đẩy con người ra bên lề đã tự động đem theo nó việc đẩy Chúa Kitô ra bên lề vũ trụ và lịch sử như thế nào. Từ quan điểm này, Giáng Sinh quả là phản đề triệt để nhất đối với cái nhìn của chủ nghĩa duy khoa học. Trong phản đề này, ta sẽ nghe lời tuyên bố long trọng này: “Nhờ Người, mọi sự được tạo thành và không có Người, không tạo vật nào hiện hữu” (Ga 1:3); “Mọi vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (Cl 1:16). Giáo Hội đã tiếp nhận mạc khải này trong Kinh Tin Kính là kinh ta nhắc đi nhắc lại rằng: “Per quem omnia facta sunt”: Nhờ Người mà mọi vật được tạo thành.

Nghe lại những lời trên trong khi quanh ta không có chi ngoại trừ những câu nhắc đi nhắc lại như “thế giới tự giải thích cho chính nó, không cần một lý thuyết về đấng tạo dựng” hay “chúng ta chỉ là hoa trái của may rủi và tất yếu” thì quả là một ngỡ ngàng, ngỡ ngàng hơn là những lý luận dài dòng của khoa hộ giáo. Câu hỏi chủ yếu là: những người có tham vọng tái phúc âm hóa thế giới là chúng ta liệu có khả năng giãn nở đức tin của ta tới những chiều kích gây chóng mặt này hay không? Ta có thực sự tin bằng cả trái tim ta rằng “mọi sự đều được tạo thành nhờ Chúa Kitô và cho Chúa Kitô” không?

Trong lời kết luận phần này, Cha Cantalamessa thân thưa với chính Đức Bênêđíctô XVI: “Thưa Đức Thánh Cha, trong cuốn ‘Dẫn nhập vào Kitô Giáo’ của ngài cách đây đã lâu, ngài viết rằng: ‘chính ở phần thứ hai của Kinh Tin Kính, ta gặp phải một khó khăn thực sự về Kitô Giáo (từng được xem sét vắn tắt tại phần dẫn nhập): đó là lời tuyên tín rằng con người mang tên Giêsu, một cá nhân bị xử tử tại Palestine khoảng năm 30, Đấng Christus (xức dầu, được chọn) của Thiên Chúa, thực ra là Con Thiên Chúa, là điểm trung tâm và quyết định của toàn bộ lịch sử nhân loại. Xem ra vừa cao ngạo vừa điên rồ khi quả quyết rằng khuôn mạo đơn độc ấy, một khuôn mạo cứ mỗi ngày một mất hút sâu hơn vào sương mù quá khứ, là chính tâm điểm đầy thế giá của toàn bộ lịch sử” (20). Thưa Đức Thánh Cha, đối với vấn nạn này, chúng ta không do dự trả lời như chính Đức Thánh Cha đã trả lời trong cuốn sách của ngài và ngài đã không mệt mỏi nhắc lại ngày hôm nay trong bộ áo Thượng Phẩm Tối Cao rằng: vâng, đó quả là điều có thể xẩy ra, nó là điều giải thoát và đầy hân hoan, không phải do cố gắng của ta, nhưng do hồng phúc khôn dò của đức tin mà ta tiếp nhận được và vì thế ta dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ vô vàn.

Ghi chú

(1) Gioan Phaolô II, "Parole sull'uomo," Rizzoli, Milan, 2002, p. 443; xem thêm Thông Điệp "Fides et Ratio," No. 88.

(2) Jacques Monod, Chance and Necessity: An Essay on the Natural Philosophy of Modern Biology, bản tiếng Anh của Austryn Wainhouse, New York, 1971, p. 146.

(3) M. Planck, "La conoscenza del mondo fisico," p. 155, (Timossi trích dẫn, op. cit., p. 160).

(4) John H. Newman, Thư Gửi J. Walker (1868), trong The Letters and Diaries, vol. XXIV, Oxford, 1973, p. 77.

(5) J. H. Newman, "Apologia pro vita sua," Brescia, 1982, p. 277.

(6) J. H. Newman, "Lo sviluppo della dottrina cristiana," Bologna, 1967, p. 95.

(7)Jacques Monod, op, cit., p. 180.

(8) P. Atkins, Timossi trích dẫn, op. cit., p. 482.

(9) B. Pascal, "Pensées," 377 (ed. Brunschwicg, n. 347).

(10) M. Blondel và A. Valensin, "Correspondance," Aubier, Paris, 1965.

(11) Trong Origen, "Contra Celsum," IV, 23 (SCh 136, p. 238; xem thêm IV, 74, (Iibid., p. 366).

(12) Cf. M. Pohlenz, "L'uomo greco," Florence, 1962.

(13) Trong Origen, op. cit., IV, 30 (SCh 136, p. 254).

(14) Scolii a Dionigi Areopagita trong PG 4, 536; Xem Dionigi Areopagita, Lettera VI (PG, 3, 1077).

(15) G. Bardy, trong Dct. Spir., III, col. 1389 f.

(16) Thánh Grêgôriô Cả, Discorso 1 sul Natale (PL 54, 190 f.).

(17) Dialogo con Motovilov, trong Irina Ggorainoff, Serafino di Sarov, Gribaudi, Turin, 1981, p. 156.

(18) St. Athanasius, "L'incarnazione del Signore," 54 (PG 25, 192B).

(19) St. Gregory Nazianzus, "Discorsi teologici," III, 19 (PG 36, 100A).

(20) J. Ratzinger, "Introduzione al cristianesimo," Brescia, 1969, p. 149.
 
Top Stories
U.S. ambassador in Hanoi, ''worrying situation of human rights''
Asia-News
02:52 19/12/2010
Michael Michalak, U.S. representative in Hanoi, writes on the embassy website: “Still massive violations of the rights of the population in the country. Religious freedom improved somewhat, but the cases of Catholic parishes worrying. "

Hanoi (AsiaNews) - The United States "is still concerned about the human rights situation in Vietnam. The government continues to inhibit freedom of expression, to repress dissidents and to consider all political parties who are not Communist-inspired terrorists. " This is the strong denunciation that appeared on the website of the U.S. Embassy in Vietnam, signed by the U.S.ambassador to Hanoi, Michael Michalak. The article takes its cue from the International Human Rights Day which was celebrated worldwide on 10 December.

A lawyer from Hanoi tells AsiaNews: "After the Asean conference that was held right here in Vietnam, local authorities returned to their crackdown on dissidents, lawyers, intellectuals, democracy activists and all those who criticize the government." Michalak, who has almost completed his mandate, adds: "In 2010, 24 dissidents were arrested and 14 others were sentenced for their search for justice through nonviolence."

For the ambassador, "many intellectuals have said the truth about the society in which they live, but were considered anti-government and imprisoned. In addition, 2010 was the year of the great war against the internet: many sites have been destroyed, and many bloggers have been arrested for their online campaigns. "

Michalak says that the country has made "progress" in religious freedom, but stressed: "The government has used violence in the cases of the parishes of Dong Chiem and Con Dau, and this has led to suspicions about the administration and use of law by the government. This behavoir also damaged the progress made in the field of religious freedom. "
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giám mục Lạng Sơn thăm mục vụ giáo xứ Cao Bình
Giuse Trần Ngọc Huấn
08:28 19/12/2010
CAO BẰNG - Tiếp tục chương trình mục vụ thăm viếng các giáo xứ nhân dịp Đại lễ Giáng Sinh gần tới, ngày 19 tháng 12 năm 2010, nhằm Chúa nhật IV Mùa Vọng, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng – đã đến thăm giáo xứ Cao Bình, thuộc giáo hạt Cao Bằng.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Cao Bình nằm ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cách Tòa Giám mục Lạng Sơn khoảng 145km, đường sá quanh co khúc khuỷu và hết sức hiểm trở. Giáo xứ Cao Bình có khoảng 110 giáo dân, đa số là người dân lao động tay chân và nông nghiệp là nghề chính. Giáo xứ Cao Bình hiện nay thuộc quyền coi sóc của cha xứ Giuse Nguyễn Văn Chung, tuy nhiên, từ vài năm nay, có các linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế đã đến đây để làm mục vụ, do đó các ngài cũng được Đức giám mục của giáo phận Lạng Sơn trao quyền quản xứ Cao Bình, để cùng với Cha xứ Giuse phục vụ và hướng dẫn mọi sinh hoạt của bà con giáo dân nơi đây.

Năm 2010 đối với giáo xứ này có một kỷ niệm thật đặc biệt: tròn 100 năm Tin Mừng được loan báo đến vùng đất này. 100 năm qua, trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử xã hội và Giáo hội, cùng với những biến động của thời cuộc, đời sống Đức Tin của bà con giáo dân nơi đây vẫn được giữ gìn, trân trọng và phát triển. Với con số giáo dân khá khiêm tốn, nhưng các sinh hoạt đạo đức nơi xứ đạo này tương đối ổn định.

Một điều khá đặc biệt: trong các sinh hoạt của giáo xứ Cao Bình đều có sự tham gia của hàng chục anh chị em lương dân, nhất là các bạn trẻ tham dự Ca đoàn thật nhiệt tình. Điều này làm nên một nét đẹp trong tương giao giữa lương – giáo, nhất là củng cố và làm thăng tiến đời sống truyền giáo vốn là một điểm ưu tiên quan trọng nơi giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.

Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức cha Giuse đến với giáo xứ Cao Bình lần này mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh Đại lễ Giáng sinh đang tới gần. Thánh lễ được cử hành long trọng tại nhà thờ Cao Bình vào lúc 13h00 chiều do Đức cha Giuse chủ sự, cùng đồng tế với ngài có cha Giuse Nguyễn Văn Chung, quản hạt, chính xứ Cao Bình, hai cha quản xứ Giuse Trần Văn Hưng và Giuse Lương Văn Long (CssR). Hàng trăm giáo dân hiện diện trong ngôi thánh đường để hiệp dâng Thánh lễ.

Đức cha Giuse đã chia sẻ với cộng đoàn Phụng vụ về ý nghĩa sự Chờ Đợi trong khung cảnh của Mùa Vọng. Đức cha Giuse nhấn mạnh: trong mùa Vọng, mọi thành phần Dân Chúa không chỉ lo trang hoàng nhà thờ, nhà xứ hay các hang đá cho thật đẹp, thật huy hoàng sáng láng, nhưng hơn hết, phải lo trang điểm chính ngôi nhà thiêng liêng nơi xứ đạo, nơi tâm hồn mỗi người để chào đón Ngôi Lời Nhập Thể. Chúa Giáng Sinh không chỉ nơi máng cỏ đơn sơ nghèo hèn năm nào, nhưng Ngài muốn ngự đến Giáng sinh trong chính những tâm hồn khiêm hạ, nhỏ bé của mỗi người.

Phải lo trang hoàng chính tâm hồn mình, là gột rửa tội lỗi, là làm hòa với anh em để xây dựng tình liên đới, mối dây hiệp thông với nhau, không chỉ trong gia đình hay xứ đạo, nhưng trong chính môi trường sống thường nhật của mình. Đức cha Giuse cầu chúc cộng đoàn Dân Chúa nơi giáo xứ Cao Bình, và mọi người thành tâm thiện chí đang hiện diện nơi đây, một niềm vui trọn vẹn trong ngày Chúa Giáng sinh, và niềm vui lan tỏa mọi ngày trong suốt cuộc đời.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Giuse Trần Văn Hưng (CssR), quản xứ Cao Bình, đã thay mặt cộng đoàn cảm ơn Đức cha Giuse, cha chính xứ và mọi người đã hiện diện nơi đây để hiệp dâng Thánh lễ và chia sẻ cho nhau niềm vui Chúa Giáng sinh đã gần tới.

Thánh lễ kết thúc với Phép lành của Đức cha Giuse trong Năm Thánh 2010. Sau Thánh lễ, mọi người đã quy tụ bên nhau trong sân của nhà xứ Cao Bình, để gặp gỡ Đức Giám mục giáo phận của mình. Đức cha Giuse niềm nở thăm hỏi và trao những món quà Giáng sinh cũng như những lời cầu chúc bình an tới mọi người.
 
Giáo xứ Thanh Sơn – niềm vui chuẩn bị mừng đón Chúa Giáng Sinh
Giuse Trần Ngọc Huấn
08:48 19/12/2010
CAO BẰNG, Trong nhiều ngày qua, tại khuôn viên nhà thờ - nhà xứ Thanh Sơn, sở hạt Cao Bằng của giáo phận Lạng Sơn luôn nhộn nhịp không khí chuẩn bị cho Đại lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới. Mọi thành phần trong giáo xứ, từ các ông bà lớn tuổi tới thanh niên, giới trẻ và các em thiếu nhi, mỗi người góp sức theo khả năng của mình để cộng tác vào việc chung, tất cả cho một mùa Giáng sinh an bình, ấm áp và chan chứa niềm vui.

Xem hình ảnh

Cha Giuse Nguyễn Văn Chung, quản hạt Cao Bằng, chính xứ Thanh Sơn cho biết: “Từ cách đây khoảng 1 tháng, giáo xứ đã tiến hành tu bổ lại ngôi thánh đường, vốn được xây dựng từ năm 1994 thời Đức cố Giám mục Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, đến nay đã xuống cấp nặng nề. Tường và nền nhà thờ bị nứt nghiêm trọng. Với sự giúp đỡ của quý ân nhân và sự cộng tác của bà con trong giáo xứ, giáo phận, ngôi nhà thờ đã được sửa chữa, tu bổ và nâng cấp. Đến nay công việc cơ bản đã hoàn thành, toàn bộ tường được gia cố lại và sơn mới. Trong mấy ngày trở lại đây, bà con trong giáo xứ lại cùng nhau dọn dẹp khuôn viên nhà thờ - nhà xứ, cũng như trang trí cờ, đèn mầu, nhất là làm những hang đá lớn để chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới. Các hội đoàn, các giới, mỗi người một công tác, nhưng tất cả đều hết sức cố gắng trong mọi công việc để giáo xứ đón Đại lễ được đẹp đẽ, vui tươi và trang trọng”.

Tại nhà thờ - nhà xứ Thanh Sơn, có những nhóm đang lo liệu làm sân khấu cho Đêm Vọng Giáng Sinh, một số khác đang trang trí đèn mầu xung quanh nhà thờ, một số khác lại đang hoàn tất những công việc chuẩn bị hang đá thật đẹp. Có các ông, các anh từ giáo họ Nà Cáp của giáo xứ Thanh Sơn, và một số khác từ giáo phận Thái Bình lên đây lập nghiệp, cũng tham gia công việc của giáo xứ thật nhiệt tình, chu đáo.

Hồ hởi, phấn khởi nhất có lẽ chính là các em thiếu nhi và giới trẻ trong giáo xứ. Các em thiếu nhi đang say sưa cùng nhau tập những màn vũ khúc, những phần trong chương trình diễn nguyện Đêm Giáng Sinh. Đặc biệt, ngay trước nhà xứ, có một nhóm gồm khoảng trên 10 bạn trẻ đang tập vũ khúc mà có đa số là các bạn trẻ lương dân. Đây là nét đặc biệt và thật quý nơi giáo phận truyền giáo miền sơn cước. Đến giáo xứ Thanh Sơn, mọi người cảm nhận được không khí Giáng sinh đang tới thật gần, mang lại niềm vui, sự ấm áp và thân tình.

Không chỉ chú trọng tới việc trang hoàng nhà thờ, nhà xứ để chuẩn bị đón Chúa Giáng sinh, giáo xứ Thanh Sơn còn đẩy mạnh việc thăm viếng, động viên và giúp đỡ những người, những gia đình có hoàn cảnh bất hạnh, không phân biệt lương – giáo. Điều này đã trở nên một thông lệ thật đáng trân trọng của giáo xứ, nói lên sự sẻ chia, tình liên đới và tương trợ lẫn nhau theo tinh thần Bác ái Kitô giáo.

Niềm vui chuẩn bị mừng đón Giáng Sinh của giáo xứ được tăng lên, khi trong ngày Chúa nhật IV mùa Vọng hôm nay, 19 tháng 12 năm 2010, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục giáo phận – đã có chuyến viếng thăm mục vụ và kinh lý các giáo xứ miền Cao Bằng, ngài đã đến thăm anh chị em giáo dân và cử hành Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Thanh Sơn, vào lúc 19h30.

Trước và sau Thánh lễ, mọi người đã đến gặp gỡ vị chủ chăn của mình, cùng nhau trò chuyện, chia sẻ, thăm hỏi với tình nghĩa gia đình thật gắn bó và chan hòa. Trong Thánh lễ, Đức cha Giuse đã chia sẻ với Cộng đoàn Phụng vụ về ý nghĩa của mùa Vọng, về những tâm tình phải có nơi mỗi người Kitô hữu trong khung cảnh Giáng Sinh đang tới gần. Đức cha cũng nhấn mạnh: Bên cạnh những hang đá thật đơn sơ, những ngôi thánh đường vật chất được trang hoàng và dọn dẹp ngăn nắp, nhưng mỗi người trong cộng đồng Dân Chúa cần biết chuẩn bị chính tâm hồn mình để đón chờ Chúa ngự đến.

Cha Giuse Nguyễn Văn Chung, thay mặt cho mọi người trong giáo xứ, đã nói lên tâm tình cảm ơn Đức cha Giuse vì sự quan tâm ưu ái của ngài dành cho giáo xứ, và cầu chúc cho Đức cha có một Giáng sinh an lành, năm mới tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa, nhất là ơn nâng đỡ và khôn ngoan trong sứ vụ mục tử.

Đáp lời, Đức cha Giuse một lần nữa nói lên niềm vui của ngài khi trở lại thăm cộng đồng Dân Chúa nơi giáo xứ Thanh Sơn, ngài động viên mọi người nâng cao tinh thần đạo đức, tinh thần chứng tá cho Chúa giữa lòng đời, đồng thời chúc cho mọi người mừng đón Chúa Giáng sinh trong an bình, niềm vui và thánh thiện.
 
Giáo họ Ngoại Hải: Xây lại nhà Chúa trên đống hoang tàn đổ nát
Antôn Trần Đức Hà
08:55 19/12/2010
QUẢNG BÌNH - Trên đống gạch vựa đổ nát, hình ảnh phác họa của ngôi nhà thờ kích thước 34x14m đã được xây lên cao quá đầu người thay thế cho cảnh hoang vu tiêu điều của mảnh đất trước kia.

Xem hình ảnh

Ước tính có khoảng 2000 giáo dân đã tập trung trên một mảnh đất chật hẹp chừng 800m2 để tham dự thánh lễ đặt viên đá góc tường xây dựng nhà thờ giáo họ Ngoại Hải, thuộc giáo xứ Nhân Thọ, Quảng Bình.

Thánh lễ nói trên diễn ra sáng ngày 18.12.2010 do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp cử hành. Hiện diện trong thánh lễ còn có đông đảo các linh mục thuộc bốn giáo hạt phía nam giáo phận.

Nằm cách cửa Gianh không xa, mảnh đất Ngoại Hải (Quảng Thọ - Quảng Trạch) được nghe Tin mừng khá sớm và nhất là sự đạo được thúc đẩy bởi quá trình di cư của giáo dân nơi khác đến. Niềm tin tôn giáo ăn sâu trong tâm hồn những người đi khai phá và đó cũng chính là yếu tố tạo nên nền tảng của họ giáo Ngoại Hải.

“Sau cuộc chiến Trịnh Nguyễn, đôi bờ sông Gianh tan hoang, không một bóng người. Ruộng đồng vắng tanh như thiếu mất đi tín hiệu của sự sống. Chế độ thời bây giờ cho phép di dân đến làm ăn sinh sống nên vào năm 1846, ông bà tổ tiên giáo họ từ chín gia đình từ nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây định cư sinh sống và tập hợp xây dựng làng”. Ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo họ phát biểu.

Như vậy, tính theo thời gian, tuổi của giáo họ ngang bằng giáo phận, nghĩa là năm tới sẽ kỷ niệm tròn 165 năm.

Trong lịch sử phát triển lâu dài đó, mảnh đất trung kiên này đã chứng kiến bao vui buồn kèm theo gian nan, thử thách.

Theo các bậc lão thành trong làng, ngôi nhà nguyện đầu tiên của Ngoại Hải được dựng vào năm 1887 bằng tranh tre, nứa lá giữa lúc phong trào Văn Thân bắt đầu thoái trào.

“Đến 1934, ngôi nhà thờ sớm hôm nguyện cầu đã bị kẻ gian đốt cháy. Từ đó, giáo họ không còn nơi thờ phượng xứng đáng buộc phải trở về kinh lễ tại nhà thờ xứ. Cũng do lịch sử trắc trở nên việc sống đạo cũng bị mai một về mặt tinh thần lẫn vật chất nhưng dù sao và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì giáo họ cũng tạ ơn Chúa và vâng ý Ngài”. Đại diện giáo họ Ngoại Hải nói trong buổi lễ.

Sau hàng chục năm đợi chờ, mãi đến ngày 29.10.2005, Ngoại Hải mới đón nhận tin vui từ Tòa Giám mục quyết định khôi phục lại một giáo họ đã có hàng trăm năm tuổi và sự đồng thuận từ phía chính quyền Quảng Bình.

Vui mừng đón nhận, bà con trong họ đạo ra sức quyết tâm xây dựng lại quê hương như trang sử hào hùng mà nơi đây vốn có, nhất là bước đầu triển khai ý định xây dựng ngôi thánh đường có sức chứa chừng 800-1000 giáo dân.

Trên nền đất của nhà nguyện xưa, nhà nước đã sử dụng làm trường mẫu giáo, phần còn lại được chia cho các hộ dân sinh sống. Bà con đã kiên trì vận động các cấp chính quyền trao trả lại chủ quyền sử dụng và đã được toại nguyện nhưng diện tích hết sức nhỏ nhoi.

Diện tích đất sử dụng vô cùng nhỏ bé, chỉ khoảng chừng 800m2, có lẽ là một trong những ngôi nhà thờ ít đất đai nhất trong toàn giáo phận. “Diện tích đất đai ít như vậy nên buộc giáo họ phải thiết kế nhà thờ hai tầng, phía dưới là các phòng chức năng như phòng họp, phòng học giáo lý, phía trên là nơi cử hành các nghi thức phụng vụ”, linh mục quản xứ Giacôbê Nguyễn Quang Lành, gốc Nghệ An cho biết.

Hiện số giáo dân Ngoại Hải đã lên tới 1248 người.
 
Đa Kai tưng bừng với ''Đất Mới Nở Hoa'' Mùa Giáng Sinh
Tâm Phúc
12:13 19/12/2010
PHAN THIẾT - Hoàng hôn buông xuống mang theo cái lạnh của núi làm không khí Giáng Sinh len lỏi khắp mọi ngõ ngách, trên từng ngọn cây, đám cỏ. Đêm nay, tiếng đàn hát, ánh sáng lấp lánh của hang đá và nhất niềm vui gặp gỡ của anh chị em các giáo xứ Bình Lâm - An Lâm (GP Xuân Lộc), Võ Đắt – Mêpu - Đakai (Gp Phan Thiết) làm rộn rã một góc trời vùng rừng núi Đakai trong chương trình Thánh Ca Đất Mới Nở Hoa.

.Xem hình ảnh

Không chỉ là một đêm giao lưu Thánh ca đơn thuần với việc trình diễn giao lưu các bài hát Thánh Ca Giáng Sinh của ca đoàn các giáo xứ với nhau, nhưng với đêm Thánh ca Đất Mới Nở Hoa tại Giáo xứ Đakai, hạt Đức Tánh, GP Phan Thiết vào tối 18.12.2010, ban tổ chức muốn giới thiệu với bà con lương - giáo địa phương và vùng lân cận những nét văn hóa Kitô giáo liên quan đến Ngày Lễ Giáng Sinh và đặc biệt là gợi lên lòng nhiệt tâm Loan Báo Tin Mừng cho anh chị em của mình được thể hiện trong vở kịch Đất Mới Nở Hoa và từng tiết mục biểu diễn được chuẩn bị chu đáo.

Sau hợp xướng Kinh cầu Giáng Sinh, cha Phêrô Nguyễn Hữu Châu, Quản xứ Đakai, Trưởng Ban Thánh nhạc hạt Đức Tánh trân trọng chào mừng Cha hạt Trưởng hạt Phan Thiết, quý cha Quản xứ, quý khách và cộng đoàn các giáo xứ Mêpu, An Lâm, Bình Lâm, Võ Đắt, Đakai.

Chương trình xuyên suốt từ tâm tình Mùa Vọng với Vở kịch Đất Mới Nở Hoa, được linh mục Tạ Duy Tuyền (cha sở Bình Lâm) chuyển thể từ tiểu thuyết Đất Mới của tác giả Song Nguyễn thể hiện hình ảnh người linh mục quyết sống chết vì đoàn chiên tại vùng “đất mới” trong những năm tháng khó khăn như một lời giới thiệu cho cộng đoàn về tinh thần truyền giáo. Vở kịch chiếm thời lượng khá dài nhưng vẫn cuốn hút người xem. Phần 2 chương trình rộn ràng với niềm vui Mừng Chúa Giáng Sinh bằng các tiết mục múa vừa mang nét thánh thiện vừa vui tươi như Chiếc xe nai (Gx. Đakai), Joy to the World (Gx. Võ Đắt), Tiếng hát thiên thần (Gx. An Lâm), Hội nhạc Thiên quốc (Gx. Mêpu). Ca đoàn Võ Đắt trình bày hợp xướng Niềm vui Giáng Sinh và ca đoàn Mêpu với hợp ca Màn đêm lung linh. Giọng hát Tuấn Anh và tiết mục song tấu piano và flute của ba bạn nhỏ ca đoàn là học trò cha sở Đakai cũng được khán giả dành cho sự yêu mến.

Giao lưu Thánh ca Đất Mới Nở Hoa khép lại với bản đồng ca Đêm Đông. Niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh rạng rỡ trên gương mặt mọi người. Niềm vui của ban tổ chức không chỉ là sự thành công khi thu hút được đông đảo bà con đến tham dự, mà đây là niềm vui của sự gặp gỡ, hiệp thông với nhau của các giáo xứ thuộc 2 giáo phận Phan Thiết và Xuân Lộc. Và như lời cha Trưởng Ban Loan Báo Tin Mừng đã nói trong chương trình, rằng khi chúng ta tạo được cơ hội để mọi người gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ để hiểu biết nhau hơn về đạo về đời (như đêm Đất Mới Nở Hoa đây) thì cũng là một cách để người Kitô hữu loan báo Tin Mừng rồi đấy.
 
Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 Giáo Hội Công giáo Việt Nam và Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 29
BTT Lễ Bế Mạc Năm Thánh
16:58 19/12/2010
Không đầy hai tuần nữa, vào các ngày 4, 5, 6 tháng 1 năm 2011, Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, thuộc Tổng Giáo Phận Huế, nằm trên địa bàn tỉnh Quảng trị, sẽ long trọng cử hành Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 Giáo Hội Công giáo Việt Nam và Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 29.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã giao cho 6 Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Miền Trung tổ chức lễ này, trong đó, đơn vị chủ nhà và chủ động điều phối công việc tổ chức là Tổng Giáo Phận Huế. Dự kiến sẽ có Đức Hồng Y Đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, các vị khách quý, khoảng 1000 Linh mục và 3000 tu sĩ nam nữ, chừng 300.000 giáo dân trong và ngoài nước sẽ về tham dự biến cố lớn lao này.

Công việc chuẩn bị cho ngày đại lễ đang tất bật, khẩn trương, cộng với thời tiết khắc nghiệt vốn có của miền Trung xứ Huế mưa dầm gió bấc, nên càng thêm khó khăn cho mọi khâu tu bổ và kiến thiết xây dựng. Điều đáng lo ngại là hai con đường huyết mạch dẫn vào Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang đang dang dở, dưới những cơn mưa dầm rả rích đêm ngày, làm cản trở không ít tiến độ thi công.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện nay, sáng ngày 10/11/2010, con đường ngắn nhất đi về Trung tâm La Vang dài khoảng 2km thuộc địa giới thôn La Vang thượng, (trước khi đến cây cầu Thạch Hãn trên quốc lộ 1) tất cả công trình đã hoàn thành được khoảng 500 mét, lát nhựa, rất thông thoáng, rất bề thế, tính từ Cổng Trung tâm Đức Mẹ La Vang. Đoạn còn lại đang được các xe xúc đất, xe chở đất, và công nhân ráo riết san lấp mặt bằng, tiến hành những công đoạn còn lại, hy vọng sẽ sớm hoàn tất và đưa vào xử dụng kịp thời trong 3 ngày đại lễ bế mạc trọng đại có một không hai này! Đây là nỗi ước mơ của tất cả mọi tín hữu hành hương vì như lời Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế thông tin tại La Vang ngày 14/8/2010 sau Thánh Lễ Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác, rằng: "Mọi tín hữu đều ước mong hai con đường dẫn vào La Vang được mở rộng, để xe lưu thông hai chiều một cách dễ dàng" (Ban Truyền Thông TGP Huế - Ngày đăng: 16/08/2010).

Ban Tổ Chức - Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh GHVN 2010 và Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 29
Địa điểm: Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang

CHỈ ĐẠO TỐI CAO:
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Toà Tổng Giám Mục Huế

ĐIỀU HÀNH VÀ PHỤ TRÁCH:
1. Điều hành tổng quát: Linh mục Quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang: Giacôbê Lê Sĩ Hiền
2. Ban Tiếp tân: Trưởng ban: Lm JB. Lê Quang Quý
a. Tiểu ban đón tiếp các Giám mục, Giám quản, Viện phụ, Tổng đại diện: Lm Pet. Phan Xuân Thanh, Lm Giuse Nguyễn Văn Chánh, Lm Fx. Nguyễn Văn Huy
b. Tiểu ban đón tiếp các Linh mục: Lm Fx. Hồ Văn Uyển, Mat. Trần Nguyên, Pet. Huỳnh Văn Nguyên,Mt. Phan Văn Tùng
c. Tiểu ban đón tiếp các Nữ tu:Lm Pet. Huỳnh Trọng và Dòng CĐMĐV, Dòng CĐMVN, Dòng MTG Huế.
d. Tiểu ban đón tiếp các Đại biểu của 26 Giáo phận: Lm Pl. Trần Văn Quang, Pl. Trương Minh Tiên, HĐGX La Vang
e. Tiểu ban đón tiếp các đoàn hành hương: Thầy Gs. Phạm Xuân Cường, Dòng CĐMĐV.
f. Đón tiếp khách nước ngoài: Dòng Thánh Tâm

3. Ban Phụng vụ: Trưởng ban: Lm Antôn Dương Quỳnh, Lm Giuse Nguyễn Văn Chánh, Lm Gog. Nguyễn Thành Phương
- Đặc trách nghi thức khai mạc: Lm Pet. Phan Xuân Thanh - Nữ tu Agnes Phan Thị Phú - và đội ngũ Nhà thờ Chánh toà Phủ Cam.
- Rước Kiệu: Ông Matthêu Trần Đình Lục
- Giải tội: Lm Gioakim Nguyễn Văn Hùng
- Thánh lễ: Lm Fx. Nguyễn Hoàng Hải - Lm Mic. Phạm Ngọc Hải - và một số Linh mục cộng tác.
- Chuẩn bị phụng vụ: các Nữ tu MTG La Vang.

4. Ban trật tự: Trưởng ban: Lm Đaminh Phan Phước, Phó: Lm Pet. Phạm Ngọc Hoa, Anh Phạm Văn Kết
5. Ban thánh nhạc: Lm Đaminh Phan Minh Anh, Giáo sư Đỗ Trinh Huệ
6. Ban diễn nguyện: Lm Pl. Nguyễn Trọng - Lm Đaminh Phan Minh Anh, và Dòng Saint Paul Đà Nẵng
7. Ban âm thanh ánh sáng: Trưởng ban: Lm Fx. Trần Vương Quốc Minh, Lm Gs.Huỳnh Đình Hào, Công ty Việt Thương
8. Ban trang trí: Lm Pet. Nguyễn Văn Phước
9. Ban thông tin: Lm Đaminh Phan Hưng
10. Ban truyền thông: Lm Em. Nguyễn Vinh Gioang
11. Ban ẩm thực: Lm Fx. Nguyễn Đức Hoà
12. Ban y tế: Nữ tu B. Nguyễn Thị Điền và Dòng CĐMVN.
13. Phụ trách nhà hành hương: Dòng CĐMĐV
14. Phụ trách nhà khách số 2: (đón tiếp Bề trên các dòng nữ), Cộng đoàn MTG La Vang
15. Ban vệ sinh môi trường: Trưởng ban: Lm Pet. Nguyễn Hữu Giải, Lm Pl. Nguyễn Luận - và Nhóm Ve Chai toàn quốc
16. Ban đặc trách lều trại: Lm Gs. Huỳnh Đình Hào
17. Ban đặc trách nước: Lm JB. Phạm Xứ.

Địa điểm: Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang

1. Vị trí

Linh Địa La Vang tọa lạc tại khu vực mà vào thời chúa Nguyễn Hoàng gọi là Dinh Cát, nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế, cách thành phố Huế 60km về phía Bắc, cách thị xã Quảng Trị 6km về phía Tây Nam.

Trên quốc lộ 1 xuyên Việt, có 2 lối rẽ vào đất Mẹ, cách quãng nhau chừng 5km. Nếu từ Nam ra Bắc, thì trước khi đến cây cầu Thạch Hãn, ở lối rẽ 1 phía tay trái có tấm biển với dòng chữ: “Thánh Địa La Vang - 2km”, và ở lối rẽ 2: “La Vang - 4km”.

Gần cuối 2 con đường tiến vào Linh Địa nầy, khách hành hương đã thấp thoáng nhìn thấy phía đằng trước toàn cảnh của Linh Địa với dáng vẻ uy nghi, thánh thiện: Công trường Mân Côi, Tháp Cổ, Linh Đài..., tất cả như hối thúc con cái Mẹ bước nhanh chân, lòng tràn ngập hân hoan, nao nức, môi mấp máy lời kinh Kính Mừng đầy tin tưởng, cậy trông.

2. Sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang

Tháng 08 năm 1798 từ Phú Xuân, vua Tây Sơn Cảnh Thịnh ban hành một sắc chỉ truyền phá hủy tất cả các nhà thờ, tất cả các nhà ở của các linh mục và bắt tất cả các tín hữu. Đây là một cuộc cấm đạo nghiêm ngặt, ác liệt, dù chỉ trong thời gian ngắn.

Để tránh cơn bách hại, các tín hữu thuộc các giáo xứ Cổ Vưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn... trong tỉnh Quảng Trị chạy trốn vào vùng núi, bất chấp đói khát, thú dữ, nước độc, bệnh tật..., miễn sao cứu được thân. Họ hoảng sợ vì đã tận mắt chứng kiến cảnh cướp bóc, đốt phá, chém giết bạo tàn của binh lính.

Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người thường xuyên nhắc nhủ nhau hãy trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Đêm ngày, họ hội họp nơi đám cỏ dưới tán cây cổ thụ, đọc kinh lần hạt kêu xin Đức Mẹ cứu giúp chở che.

Một hôm, đang lúc đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra uy nghi rực rỡ, tươi đẹp vô ngần. Mẹ mặc áo choàng, tay ẵm Chúa Hài Đồng. Mẹ xuống đứng trên đám cỏ, gần gốc cây đa, nơi họ đang cầu nguyện. Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các tín hữu vui lòng chịu khó và dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh.

Mẹ còn hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn nầy, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần như vậy. Cha ông chúng ta đã chứng thực và đã truyền lại cho đến ngày nay.

Kể từ ngày đó, phường Lá Vằng đã trở thành Linh Địa La Vang. Người người lương giáo khắp nơi tuôn về hành hương, cầu nguyện, xin ơn.. ., và Đức Mẹ giữ lời hứa, đã ban xuống nhiều ơn thiêng: ơn phần hồn, ơn phần xác.

3. La Vang, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang của Giáo Hội Công giáo Việt Nam

Người công giáo Việt Nam có truyền thống tôn kính Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt, do đó đã có nhiều địa điểm hành hương trên khắp đất nước như Phú Nhai (Bùi Chu), Trà Kiệu (Quảng Nam), La Mã (Bến Tre), Bình Triệu (Thủ Đức), Bãi Dâu (Vũng Tàu).. .

Riêng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế đã được các Giám mục Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sài Gòn trước đây, trong phiên họp ngày 13.04.1961 tại Huế đã quyết định chọn là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

Ngày 01.05.1980, tại Hà Nội, các Giám mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong cuộc Hội nghị toàn thể lần đầu tiên đã đồng thanh biểu quyết “La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc của Giáo Hội Công giáo Việt Nam”.

Đền thờ La Vang được Đức Thánh Cha Gioan XXIII nâng lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường bằng Tông thư Magno Nos ngày 22.08.1961, hôm đó cũng là ngày ngôi Đền thờ La Vang được Cung Hiến và Giáo quyền chính thức tuyên bố Linh Địa La Vang là Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.

La Vang ngày nay không còn là nơi âm u hiểm trở, ít ai biết đến như ngày xưa trong thời kỳ cấm đạo, nhưng đã trở thành nơi vang dội muôn ơn lành hồn xác Mẹ ban và ngân vọng bao lời kinh tin yêu phó thác của con cái Mẹ trên khắp nước Việt Nam và cả thế giới.

Lòng tôn sùng Đức Mẹ La Vang đã có liền sau khi Đức Mẹ hiện ra (1798). Từ ngày đó, giáo hữu xa gần hành hương La Vang và đã được Mẹ chở che, ủi an, nâng đỡ. Qua các thời đại, các thế hệ, giáo hữu lũ lượt tới La Vang kính viếng, cầu nguyện, nhất là từ khi có ngôi Đền Thánh đầu tiên năm 1820.

Các Đại Hội Tam niên Hành hương Đức Mẹ La Vang: từ lần thứ 1 năm 1901 đến lần thứ 28 năm 2008. Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 vào các ngày 4,5 và 6 tháng 01 năm 2011 đồng thời với Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam.

4. Các công trình đã được xây dựng

Theo Thư Chung ngày 08-08-1961 của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam về việc thi hành lời Khấn hứa với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, một kế hoạch kiến thiết quy mô Linh địa La Vang đã được khởi công:

- Công trường Mân Côi rộng 30m, dài 480m, rãi đá, tráng nhựa. Dọc 2 bên có 15 pho tượng các Mầu nhiệm Mân Côi bằng đá cẩm thạch theo nghệ thuật hiện đại.
- Hai hồ Tịnh Tâm rộng trên 6 mẫu.
- Linh đài Đức Mẹ với 3 cây đa cổ thụ bằng xi-măng cốt sắt chỉ mới hoàn tất giai đoạn đầu. Một bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối từ Non Nước (Đà Nẵng).
- Nhà Tĩnh Tâm ở khu vực phía sau Đền Thờ.
- Nhà Hành Hương, quen gọi là nhà Đại Chúng, đối diện nhà Tĩnh Tâm, cùng kích cỡ, dùng làm nơi tạm trú cho khách hành hương.
- Hồ Giênêdaret và 2 cây cầu uốn cong nối 2 đường kiệu với đồi Canvariô.
- Nhà vệ sinh 120 phòng.
- Tháp nước và bơm. Giếng nước máy bơm gió.

Tiếc thay những công trình này đã bị chiến tranh tàn phá hết, nhất là chiến cuộc 1972 và cơn bão 1985. Chỉ còn nơi Linh đài Đức Mẹ hiện ra, 3 cây đa bằng bê-tông xi-măng đứng vững nguyên vẹn.

5. Linh địa La Vang ngày nay

Từ năm 1995, Linh Địa La Vang bắt đầu được trùng tu lại dần dần.

Ngày 01.12.2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe chủ sự nghi lễ Khánh Thành Nhà Hành Hương.

Ngày 13.06.2008, phái đoàn Tòa Thánh, do Đức Ông Pietro Parolin dẫn đoàn đã chủ tế Thánh lễ tại Linh Đài Mẹ La Vang. Dịp này, ngài trao tặng La Vang món quà của Đức Thánh Cha, đó là chiếc hào quang dùng cho việc suy tôn Bí Tích Thánh Thể.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xét cần ưu tiên và đặc biệt tái thiết, phát triển Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thành một Trung Tâm Huấn luyện và Đào tạo Mục vụ toàn quốc để thống nhất việc mục vụ của toàn thể Giáo Hội Việt Nam nhằm canh tân đời sống đức tin và truyền giáo.

Hiện tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang được Ủy ban Nghệ Thuật Thánh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đảm nhận thực hiện Dự án tái thiết.

Từ ngày 04 đến 06-01-2011, tại La Vang sẽ diễn ra Đại lễ Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, cũng là Đại Hội La Vang lần thứ 29. Dịp này, sau Thánh lễ Bế mạc, Đặc sứ của Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường.
 
Thánh Lễ mừng kỷ niệm 40 năm Thụ Phong Linh Mục của Ðức Giám mục Mỹ Tho
Lm. Giuse Nguyễn Tuấn Hải
17:20 19/12/2010
Thánh Lễ mừng kỷ niệm 40 năm Thụ Phong Linh Mục của Ðức Giám mục Mỹ Tho
17.12.1970 – 17.12.2010


Thánh Lễ mừng kỷ niệm 40 năm Thụ Phong Linh Mục của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Giám mục Mỹ Tho, bắt đầu lúc 17g45 ngày 18 tháng 12 năm 2010 tại Nhà Thờ Chính Toà Mỹ Tho. Lễ mừng Đức Cha trễ hơn một ngày là vì ý Đức Cha muốn tổ chức đơn giản, và vào chiều thứ bảy để tiện cho giáo dân đến dự lễ.

Trước Thánh Lễ, đoàn đồng tế mặc áo lễ và được rước từ Tòa Giám mục sang nhà thờ Chánh Tòa giữa những thảm cỏ xanh tươi và cây kiểng thật đẹp trong khuôn viên Tòa giám mục và nhà thờ Chánh Tòa; đặc biệt dọc lối đi có cây thông Noel to và các hang đá nhân tạo sắp hoàn thành cho Đại Lễ Giáng Sinh sắp tới với những màu sắc và đèn hoa rực rỡ.

Khi đoàn đồng tế tiến vào thì nhà thờ đầy kín người dự lễ. Trong Thánh lễ có sự tham dự của khoảng 1500 giáo dân gồm: các nữ tu của 2 Dòng MTG Tân An va Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, các dự tu của giáo phận và giáo dân từ các giáo xứ lân cận nhà thờ Chánh Tòa như Chợ Cũ, Thánh Antôn, Bình Tạo, Nữ Vương Hòa Bình và Trung Lương. Đặc biệt trong Thánh lễ có sự tham dự của quí thân nhân và thân hữu của Đức Cha đến từ Đà Lạt, Sài Gòn và nước ngoài. Đồng tế Thánh Lễ có 22 linh mục gồm: 19 linh mục trong giáo phận ở gần Tòa Giám mục; đặc biệt có hai linh mục nghĩa tử của Đức Cha đến từ Giáo phận Đà Lạt và một từ nước ngoài.

Mở đầu thánh lễ, cha Tổng Đại Diện (TĐD) Phêrô Hồ bản Chánh đại diện cho Giáo phận và cộng đoàn dân Chúa đang tham dự thánh lễ, chúc mừng Đức Cha với những lời ấm áp và đầy lòng yêu mến như sau: “Trọng kính Đức Cha Phaolô! Năm rồi Đức Cha chỉ định cho cha Giám Đốc Nhà Chung tổ chức kỷ niệm 40 năm linh mục của con, các cha trong Giáo phận về đông đủ. Năm nay kỷ niệm 40 năm linh mục của Đức cha, anh em linh mục chúng con không họp về đông đủ. Điều đó nói lên Đức Cha luôn lo lắng cho người khác mà không lo lắng cho mình. Đức cha thương các cha trong địa phận phải đi lại nhiều quá. Mới đây Đức Cha cho tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận vào ngày 26 tháng 11 vừa qua thật lớn; rồi ngày 01 tháng 01 tới đây tổ chức lễ bế mạc Năm Thánh cho giáo phận, nên Đức Cha đơn giản hóa lễ kỷ niệm 40 năm linh mục của Đức Cha vào thời điểm như thứ bảy nầy… 11 năm ở đây, Đức Cha đem lại một điều quan trọng nhất là sự BÌNH AN, sự Bình an cho cả Giáo Phận, sự bình an trong hàng ngũ linh mục - những cộng sự viên của Đức Cha. Và kế đó là NIỀM VUI. Đi đâu cũng thấy Đức Cha thương…” Sau khi Cha TĐD chúc mừng thì các đại diện Dòng MTG Tân An, Dòng Phaolô Mỹ Tho và giáo dân lên tặng hoa chúc mừng cho Đức Cha.

Thánh Lễ do Ðức Cha Phaolô chủ sự. Mở đầu thánh lễ, sau khi chào Cha TĐD, quí cha và cộng đoàn, Đức Cha nói rằng ngài rất cảm động và sung sướng vì những lời ngọt ngào mà cha TĐD vừa nói. Ngài nói là không biết có được như những gì cha TĐD vừa nói không, nhưng ngài biết là ngài đã cố gắng nhiều để được như vậy, để mang lại sự bình an và niềm vui cho mọi người. Ngài cũng cám ơn tất cả mọi người đến hiện diện khá đông trong thánh lễ; mặc dù ngày hôm nay là một ngày rất bất tiện cho các cha đang coi xứ. Một lần nữa ngài cám ơn và xin Chúa chúc phúc cho quí cha và mọi người.

Cha Giuse Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận, giảng trong Thánh Lễ. Cha Giám đốc đã bày tỏ niềm vinh dự mà Đức Cha dành cho, khi được giảng nhân dịp ngài mừng kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục. Cha Giám đốc nói thêm rằng: “Về nội dung bài giảng, thì ngài (Đức Cha) cũng nói rõ: Chúa nhật thứ bốn Mùa Vọng là quan trọng lắm, bài Tin Mừng về thánh Giuse, cha phải nói trước, rồi sau đó cha mới về chức linh mục. Như vậy là dàn bài đã có sẵn. Tôi cám ơn Đức Cha, và vừa suy nghĩ vừa cầu nguyện để chuẩn bị cho công việc được Đức Cha yêu thương trao phó. Và xin chân thành chia sẻ với cộng đoàn điều này: chưa bao giờ tôi cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô nhiều bằng tuần lễ vừa qua.” Cha Giám đốc đã chia sẻ về ý nghĩa sâu xa của sự công chính của Thánh Cả Giuse, và liên kết với sứ vụ linh mục mà Thiên Chúa trao ban qua Giáo Hội để loan truyền ơn cứu độ của Chúa cho nhiều người. Gần kết thúc bài giảng, Cha Giám đốc cho rằng, các linh mục được truyền chức trong dịp lễ mừng Chúa Giáng Sinh, trong đó có Đức Cha Phaolô cách nay đúng 40 năm, được trải nghiệm một cảm xúc thánh thiêng đặc biệt. Hoà trong niềm vui chung của toàn thể Hội Thánh kính mừng việc Chúa Giêsu giáng trần để cứu chuộc nhân loại, các linh mục được chịu chức trong dịp này còn có niềm vui riêng, là mình được trở thành linh mục, được gắn kết một cách thân thiết với Chúa Giêsu để trở thành dụng cụ của Người trong công trình cứu chuộc đó. Kết thúc bài giảng, cha Giám Đốc mượn lời của cha thánh Vianê khuyên Đức Cha Langalerie: “Đức Cha hãy yêu mến các linh mục của Đức Cha thật nhiều!” và thêm một chút vào lời khuyên của cha thánh Vianê để ngỏ với Đức Cha nhân dịp mừng kỷ niệm 40 năm Thụ Phong Linh Mục: “Đức Cha hãy yêu mến các linh mục của Đức Cha nhiều hơn nữa, Đức Cha hãy yêu mến tất cả đoàn chiên giáo phận Mỹ Tho nhiều hơn nữa.”

Sau bài giảng, Thánh lễ tiếp diễn như thường lệ trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng nhưng vui tươi, ấm cúng và chan chứa ân tình.

Thánh Lễ kết thúc lúc 18g45 và tiếp theo là tiệc mừng được tổ chức tại Toà Giám Mục Mỹ Tho. Đặc biệt, trong lúc tiệc mừng đang diễn ra cách thân mật, đầm ấm như một gia đình thì chị Hương, thuộc giáo xứ Chánh Tòa Đà Lạt, có nhã ý hát tặng Đức Cha và quí khách một bài, để mừng kỷ niệm 40 năm Thụ Phong Linh Mục của Đức Cha. Lời đề nghị rất hay nhưng đột xuất nên Tòa Giám mục không kịp chuẩn bị nhạc cụ, và do đó “ca sĩ” đành hát “chay”. Những tràng pháo tay rộn rã vang lên sau khi chị kết thúc bài hát, nói lên tất cả sự cảm nhận của các khách dự tiệc dành cho chị. Sau đó, giống như tác động dây chuyền của đôminô, lần lượt là cha GBt. Nguyễn Tấn Sang, Trưởng ban Giới trẻ của Giáo phận Mỹ Tho; các đại diện ca đoàn Chánh Tòa Mỹ Tho, Dòng MTG Tân An, Dòng Phaolô Mỹ Tho, cha Vinh dòng Donbosco lên hát mừng lễ Đức Cha tạo nên bầu khí thật vui tươi và ấn tượng, làm cho mọi người thêm rộn ràng phấn khởi. Ai cũng muốn bày tỏ tâm tình kính mến và những lời chúc mừng tốt đẹp chân thành nhất dành Đức Cha nhân dịp đặc biệt này.

Mặc dù Đức Cha không muốn tổ chức lớn cho lễ mừng kỷ niệm 40 năm Thụ Phong Linh Mục vì những lý do nói trên, nhưng thánh lễ và tiệc mừng đã diễn ra thật sốt sắng, tốt đẹp và tràn đầy tình yêu mến. Đức Cha đã yêu mến mọi thành phần trong giáo phận, cách riêng là các linh mục như cha TĐD đã nói, và Đức Cha cũng xác nhận điều này, bởi vì tất cả tình yêu mà Đức Cha có được dành cho mọi người là do ơn Chúa, đặc biệt là ơn Chúa Thánh Thần tràn ngập trong tâm hồn và con tim ngài để yêu thương mọi người.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thử đọc khái niệm ''Giáo Hội'' qua lăng kính khái niệm ''Nước Thiên Chúa''
LM Phêrô Nguyễn Thiên Cung
09:06 19/12/2010
Liên quan đến nỗ lực suy tư về GIÁO HỘI, có một nghịch lý là có một đề tài mà lúc còn sống cuộc sống xác thể, Đức Giêsu có vẻ như quan tâm nhiều nhất và nhấn mạnh nhiều nhất, nếu không muốn nói đó là trọng tâm của nỗ lực loan báo Tin Mừng của Ngài, qua trên dưới 44 dụ ngôn, và rải rác đó đây trong trong toàn bộ Sách Tin Mừng Tân Ước, nhưng Giáo Hội Công giáo thì lại không mấy quan tâm: đó là khái niệm “NƯỚC THIÊN CHÚA”, hay “NƯỚC TRỜI”…

Thật vậy, có thể nói rằng hầu như Bốn sách Tin Mừng rất ít khi sử dụng hạn từ hay khái niệm “GIÁO HỘI” (chỉ 3 lần nơi Mt 16,18; 18,17); hạn từ nầy chỉ thấy xuất hiện nhiều trong Sách Công vụ (19 lần), các thư Tân Ước (5 lần trong Rm; 14 lần trong 1Cr; 10 lần trong 2Cr; 3 lần trong Gl; 9 lần trong Ep; 2 lần trong Pl; 4 lần trong Cl; 2 lần trong 1Tx; 2 lần trong 2 Tx; 3 lần trong 1Tm; 1 lần Plm; 1 lần trong Gc; 3 lần trong 3 Ga), và trong Sách Khải huyền (20 lần)…

Tình trạng lúng túng của các nhà thần học bao nhiêu thế kỷ qua khi cố gắng đưa ra một “định nghĩa” về Giáo Hội và xác định thời điểm Đức Giêsu thành lập Giáo Hội “lúc nào?”, thậm chí cả nơi Công đồng VATICAN II, trên thực tế, phản ảnh cho thấy hình như nỗ lực suy tư thần học về Giáo Hội, một đàng, đã có một khởi điểm “có vấn đề”; đàng khác, kể cả suy tư về bản chất, căn tính của Giáo Hội cũng “có vấn đề”! Điều nầy được phản ảnh khá rõ ràng và mang nhiều ý nghĩa trong một công thức rất tuyệt vời của “Công đồng Giêrusalem” đã ngày càng bị cắt cụt đi: từ “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28), dần dần trở thành chỉ còn “Chúng tôi quyết định…”, thậm chí có lúc chỉ còn “Magister dixit…”!

Vì thế, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải suy tư lại về những vấn đề liên quan đến căn tính của thực tại vốn vẫn thường được gọi là “Giáo Hội” nầy.

Ở đây, như một bước đầu mò mẫm, chúng tôi mạo muội đề xuất một lối đọc khái niệm Giáo hội qua lăng kính khái niệm Nước Thiên Chúa.

Những khái niệm “Vương quyền của Thiên Chúa” (Règne de Dieu ou Règne des cieux) [Cựu Ước sử dụng 7 lần; Tân Ước sử dụng 42 lần], hay “Nước Thiên Chúa” (Royaume de Dieu) [Tân Ước sử dụng 36 lần], hay “Nước Trời” (Royaume des Cieux) [Tân Ước sử dụng 28 lần, chủ yếu bởi Mt, vì kiêng húy Danh Thiên Chúa]…, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, nói chung, đều ám chỉ “Tương quan Tình yêu giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài”.

Khi nói “Tương quan Tình yêu”, điều nầy hàm chứa những yếu tố sau đây:

1- Các “đối tác” (les “partenaires”) trong tình yêu: một bên là Thiên Chúa (Cha, Con và Thánh Thần) và một bên là các thụ tạo của Ngài (các thiên thần, Satan, Ma quỉ, con người, thiên nhiên-vũ trụ…);
2- Thực tại, kết quả của chính những tương quan Tình yêu đó…

I- CÁC “ĐỐI TÁC”:

I.A- Tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa:


Trong Cựu Ước (CƯ), khái niệm “Ba Ngôi” (Cha, Con và Thánh Thần) đã tồn tại, nhưng, chưa mấy rõ ràng và cụ thể, chỉ mới dưới dạng: Thiên Chúa, Lời hay Sự Khôn Ngoan và Thần Khí…

Trong ngôn ngữ Tân Ước (TƯ), dung mạo Ba Ngôi Vị Thiên Chúa (Cha, Con và Thánh Thần) đã được mặc khải cách rõ ràng hơn, có tính ngôi vị hơn và có tính hiện sinh hơn…

Trên cơ sở “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8; xem Is 54,8; Hs 11,1-9; Gr 31,3,20), thần học kitô-giáo suốt hơn 20 thế kỷ qua đã suy tư, và đã hiểu sự hiện diện của Ba Ngôi Vị Thiên Chúa qua lăng kính các mối tương quan tình yêu: Cha “Yêu” nhiệm sinh ra Con, bởi vì khi nói yêu thì phải là yêu “Ai đó”, vừa khác mình vừa giống với mình (Lc 3,22; Cv 13,33; Dt 1,5; 5,5; 1Ga 5,18); Cha và Con yêu nhau “ái xuất” (spiration active) Thần Khí (spiration passive), vừa là của Cha (Mt 3,16; 10,20; 12,28; Ga 14,26; 15,26; 1Cr 6,11; v.v…), vừa là của Con (Ga 7,39; 14,26; Cv 2,33; 5,9; Rm 8,9; v.v…)…

I.B- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và Các Thụ tạo của Ngài:

I.B.1- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và các thụ tạo thiên thần (lành và dữ):

Trong ngôn ngữ CƯ, tương quan giữa Thiên Chúa và các thiên thần (lành và dữ) được quan niệm như khá thân mật, gần gũi.

Các thiên thần lành chủ yếu được coi như là những đấng được Thiên Chúa sai đi, vừa loan tin vừa thực thi các mệnh lệnh của Ngài (St 24,7; Xh 23,20; Ds 20,16; Tv 91,11; Đn 3,28; 6,23; v.v…):

“Vì ngươi, Ngài ra lệnh cho các thiên thần. để gìn giữ ngươi trên mọi lối ngươi đi…” (Tv 91,11 tt).

“Thiên Chúa sai một thần sứ đến Giêrusalem để tàn sát thành; trong khi ngài tàn sát, thì Giavê thấy và Ngài đã hối tiếc về tai họa xảy ra và Ngài phán với thần sứ tàn sát: ‘Đủ rồi! Bây giờ hãy nới tay!’.” (1 Sb 21,15; xem Đn 6,23).

Còn Satan, thiên thần sa ngã, được coi như là “kẻ thử thách” con người:

Ở đây, câu truyện Gióp (G) cung cấp cho chúng ta một số ý nghĩa đặc trưng khá độc đáo: a) Satan được hành xử với sự cho phép của Thiên Chúa (G 1,12); b) công việc diễn tiến được coi như một vụ thách thức giữa Thiên Chúa và Satan (G 1,8-12); c) Thiên Chúa chấp nhận thách thức với niềm tin chắc chắn Ngài sẽ chiến thắng và con người cũng sẽ chiến thắng (G 2,3; 42,2.10-17); d) những khí cụ đề Gióp chiến thắng là: liêm khiết và chính trực, kính sợ Thiên Chúa và xa điều gian ác (G 1,8).

“Một ngày kia, các con cái của Thiên Chúa đến ra mắt Giavê và Satan cũng có mặt giữa họ. Giavê phán hỏi Satan: ‘Ngươi từ đâu đến?’ Satan thưa với Giavê: ‘Đi lởn vởn và lang thang trên đất’. Giavê lại phán hỏi Satan: ‘ Ngươi có lưu ý gến Gióp, tôi tớ của Ta chăng? Trên đất, chẳng có ai như nó: Một người liêm khiết và chính trực, kính sợ Thiên Chúa và xa điều gian ác.” (G 1,6-12).

Trong ngôn ngữ TƯ, trước tiên, tương quan giữa Thiên Chúa và các thiên thần lành vẫn vậy, nghĩa là các thiên thần lành vẫn là những thần sứ của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đi loan báo và thực thi các mệnh lệnh của Ngải (Mt 1,20; 13,41; 16,27; Lc 1,26; 12,8-9; 15,10; Ga 1,51; v.v…):

“Và Ngài nói với ông: ‘Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người’.” (Ga 1,51).

Còn tương quan giữa Thiên Chúa và các thiên thần dữ, trong ngôn ngữ TƯ, có vẻ phức tạp hơn.

Satan, trước tiên, là kẻ thách thức Thiên Chúa và thử thách con người, những con cái của Thiên Chúa: Ba cám dỗ mà Satan đã dùng để thử thách Đức Giêsu (Mt 4,1; Mc 1,13; Lc 4,2) liên quan đến những vấn đề cơm bánh, quyền lực và muốn thách thức Thiên Chúa.

Và để chiến thắng, ngoài những khí cụ truyền thống, Đức Giêsu còn cung cấp thêm một khí cụ mới đó là Lời Thiên Chúa mà Ngài chính là hiện thân.

Thứ đến, Satan còn là kẻ phá đám công trình của Thiên Chúa đối với loài người (Mt 13,25.28.39; Mc 4,14; Lc 8,12)!

“Bấy giờ, Ngài bỏ dân chúng mà về nhà. Môn đồ đến gặp Ngài mà rằng: ‘Xin nói rõ cho chúng tôi hiểu ví dụ cỏ lùng trong ruộng!’ Đáp lại, Ngài nói: ‘Kẻ gieo giống tốt tức là Con Người; ruộng là thế gian; giống tốt là con cái của Nước; cỏ lùng là con cái Quỉ dữ; kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ; mùa gặt là thời tận thế; và thợ gặt là các thiên thần.” (Mt 13,36-39).

Tuy nhiên, mọi thách thức và thử thách của Satan đối với Đức Giêsu, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa đều thất bại:

“Rồi sẽ là cùng tận, lúc Đức Giêsu-Kitô trao trả vương quyền cho Thiên Chúa và là Cha, sau khi đã hủy ra không, mọi thiên phủ, mọi uy thế và quyền năng. Vì Ngài phải giữ quyền vua cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài. Địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết. Vì: muôn sự Ngài đã bắt phục cả dưới chân Ngài. Khi nói: muôn sự phải phục quyền, thì đã rõ là chỉ trừ Đấng đã bắt muôn sự phục quyền Đức Giêsu-Kitô. Vì khi mọi sự đã phục quyền mình, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (1Cr 15,24-28).

I.B.2- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và nhân loại:

Liên quan đến tương quan giũa Thiên Chúa và con người, ngôn ngữ CƯ thường nhấn mạnh tương quan giữa Đấng Sáng tạo và Thụ tạo (Gr 51,19; 2 Mcb 7,23), và trong tương quan với dân Israen, Thiên Chúa tỏ ra như là Mục Tử [vừa là người lãnh đạo, vừa là bạn đồng hành] (1 Sm 17,34-37; Cn 27,23; St 33,13tt; Is 40,11; 2 Sm 12,3; v.v.), như là Cha (Đnl 14,1; 32,6; Hs 2,1) và như là vị Hôn Phu (Hs 2,20tt; Gr 2,2; 31,3; Ed 16,1-43.59-63; Is 54,4-8; v.v.)…

Nếu trong CƯ, khía cạnh “Cha-con” thường chỉ được hiểu theo nghĩa tương quan giữa Thiên Chúa và tập thể dân Israen, hơn là một cá nhân nào đó cụ thể (Đnl 14,1; 32,6; Hs 2,1), và thường có kèm theo những điều kiện, đôi khi có vẻ như mang tính vụ lợi (?) (Đnl 29,19; Ed 35,11-15;v.v.), thì trong TÂN ƯỚC, tương quan tình yêu nầy luôn mang tính vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới…

“Mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta, ngõ hầu nhờ sự kiên nhẫn và an ủi của Kinh Thánh, ta được có hy vọng. Nguyện xin Thiên Chúa, nguồn kiên nhẫn và an ủi, ban cho anh em được ý hợp tâm đồng với nhau rập theo Đức Kitô Giêsu, ngõ hầu anh em được cùng một lòng trí, một miệng lưỡi, mà tôn vinh Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu-Kitô.

Bởi đó, anh em hãy chấp nhận lẫn nhau, như Đức Kitô đã chấp nhận anh em, vì vinh quang Thiên Chúa.

Tôi muốn nói: Đức Kitô đã phục vụ giới cắt bì, để (chứng thực) lòng chân thành của Thiên Chúa, làm cho các lời hứa trên cha ông được nên kiến hiệu. Còn dân ngoại (đã được chấp nhận) vì lòng nhân nghĩa, để họ tôn vinh Thiên Chúa, như đã viết: …” (Rm 15,4-9).

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, trong ngôn ngữ TƯ, tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và các thụ tạo, vừa có tính liên ngôi vị hơn, vừa có tính không lệ thuộc nguyên lý nhân-quả…

1- Những tương quan liên ngôi vị:

Trong thực tại thần linh, cũng như trong kế đồ tế thế (économie): đó là những tương quan giữa Cha, Con và Thánh thần (Ga 3,35; 5,20; 15,9; Mt 28,19; 1Cr 6,11; Tt 3,4-6; v.v.).

Trong tương quan vói con người, đó là những tương quan giữa từng Ngôi Vị với từng cá thể (Ga 16,27; Rm 15,15-16) vừa vì lợi ích cá thể, vừa vì lợi ích của tập thể (1Cr 12,4-6.11; 2Cr 13,13; Ep 4,4-6; Ga 17,22).

1.1- Tương quan Cha-con trong Đức Giêsu-Kitô:

Trong TƯ, tương quan Cha-con giữa Thiên Chúa và con người được nhấn mạnh và làm sáng tỏ nhiều hơn trong CƯ (Mt: 21 lần; Mc: 1 lần; Lc: 3 lần; Ga: 2 lần; Rm: 2 lần; 1Cr: 1 lần; Gl: 2 lần; Ep: 3 lần; Pl: 2 lần; Cl: 2 lần; 1Tx: 2 lần; Plm: 1 lần; v.v…).

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có được “tư cách con” và được tháp nhập vào Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô qua và trong Đức Giêsu-Kitô mà thôi:

“Chúc tụng Thiên Chúa, và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu-Kitô, Đấng đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần Khí, chốn hoằng thiên, trong Đức Kitô.

Bởi chưng, Thiên Chúa-Cha đã chọn ta trong Đức Giêsu-Kitô, từ trước tạo thiên lập địa, để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Ngài.

Bởi lòng yêu mến, Thiên Chúa-Cha đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu-Kitô, và vì Ngài, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Ngài…” (Ep 1,3-5)

“Mỗi người chúng ta đã được ân sủng ban xuống tùy theo lường ân lộc của Đức Kitô. Bởi thế có nói:

"Ngài đã lên cao, dẫn tù một đám tù binh, Ngài đã ban ân lộc cho nhân loại."

Tiếng ‘Ngài lên’ là gì nếu không phải là Ngài đã xuống dưới thấp cõi đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên, trên mọi tầng trời, để làm viên mãn mọi sự. Và chính Ngài đã ‘ban cho’: kẻ thì làm tông đồ, kẻ thì làm tiên tri, người thì làm giảng viên, kẻ thì làm vị chăn chiên, làm thầy dạy, cốt để chuẩn bị các thánh, cho họ sung vào công cuộc phục vụ, mà xây dựng Thân Mình Đức Kitô, cho đến khi chúng ta hết thảy đạt thấu được sự duy nhất trong kính tin và am tường về Con Thiên Chúa, mà nên người thành toàn, đạt đến tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô…” (Ep 4,7-13).

1.2- Tương quan Cha-con trong Thần Khí của Cha và của Con:

Trước tiên, chính Thần Khí của Cha làm cho chúng ta trở thành con cái hay những nghĩa tử của Thiên Chúa:

“Vì chưng phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa. Quả thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ là điều anh em đả chịu lấy, để mà sợ hãi. Nhưng anh em đã chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó, ta kêu lên: Abba, lạy Cha! Chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa…” (Rm 8,14-16).

Thứ đến, ngay cả tiếng kêu “Lạy Cha!” của chúng ta đối với Thiên Chúa, tự mình chúng ta cũng không thể làm được, nếu không nhờ Thần Khí của Con trong chúng ta kêu lên:

“…Mà bởi vì anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Ngài vào lòng anh em, (Thần Khí) kêu lên: Abba, lạy Cha. Cho nên người không còn là nô lệ, nhưng là con, mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự thể theo (ý của) Thiên Chúa.” (Gl 4,6-7).

Như vậy, cùng với Gl 2,20, Gl 4,6-7 cho chúng ta thấy được có một sự hiệp nhất trên cơ sở “ngôi vị” nào đó giữa những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa với Thiên Chúa-Ba Ngôi, từ đó con người mới có thể sống được sự sống vĩnh hằng, điều mà ngay từ lúc tạo dựng Thiên Chúa đã muốn chia sẽ cho mọi thụ tạo của Ngài (xem thêm Ep 4,7-13). Việc nghiên cứu tương quan giữa Thần Khí Thiên Chúa và các thụ tạo, đặc biệt con người sẽ cho phép chúng ta khám phá ra được nhiều điều thú vị và ý nghĩa hơn nữa (xem Mc 1,8; 12,36; 13,11; Lc 1,41.67; 2,26-27; Ga 3,6-8; 6,63; 7,39; Cv 1,5; 2,4.17-18.38; 4,8.31; 5,32; 6,3.5; 8,17.29.39; 9,17.31; 10,19.44; 11,12.24; 13,2.4.9; 15,58; 16,6-7; 20,22-23.28; 21,4.11; Rm 8,11-27; 15,13.16.19.30; 1Cr 2,4.10.13; v.v…).

2- Những tương quan không dựa trên nguyên lý nhân-quả:

Những tương quan thuộc thế giới “tự nhiên” thông thường lệ thuộc “phạm trù

không-thời gian” (catégorie spatio-temporelle). Tương quan giữa Thiên Chúa với nhau và với các thụ tạo của Ngài, vừa không lệ thuộc những phạm trù không-thời gian mà siêu vượt chúng, vừa vượt quá khái niệm công bằng của CƯ (kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”, hay làm nhiều thì phải được hưởng nhiều), bởi vì đó là những tương quan tình yêu, và vì thế lý trí không thể nào lý hội được hoàn toàn theo kiểu thông thường, mà cần phải có sự can dự của trái tim (Ga 3,16; Lc 6,27-36; Mt 5,43-48; 20,1-16; Lc 8,20-21; 15,11-32; 18,9-14; v.v.)…

Hai đặc tính trên đây chính là những yếu tố thuộc yếu tính của khái niệm “mầu nhiệm”. Thật vậy, mầu nhiệm chính là thực tại siêu việt thực tại “tự nhiên”, vốn vẫn hằng bị chi phối, cách chặt chẽ, bởi nguyên lý nhân-quả: chính đặc tính qui luật nầy khiến cho lý trí, chỉ dựa trên khả năng tự nhiên của mình vẫn có thể nắm bắt được thực tại tự nhiên nầy, và có thể trình bày chúng cách chính xác, rõ ràng và cụ thể qua những khái niệm, những hình ảnh và những biểu tượng…Còn khi đối diện với những gì liên quan đến mầu nhiệm, lý trí con người thường tỏ ra hụt hẫng, lúng túng, bối rối, từ đó có những phản ứng khác nhau: hoặc là khiêm tốn nhận ra giới hạn của lý trí, hoặc là nổi loạn, phủ nhận, từ chối mầu nhiệm trên cơ sở bởi vì lý trí không nắm bắt được! Mầu nhiệm không phi tự nhiên mà là siêu việt lên trên tự nhiên…

I.B.3- Tương quan giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và Thế giới (= Thế gian):

Trong ngôn ngữ CƯ, tất cả gì Thiên Chúa tạo dựng nên đều tốt đẹp cả:

“Và Thiên Chúa đã thấy mọi sự Ngài đã làm ra: và nầy tốt lành quá đỗi…” (St 1,1-31).

Và, tất cả được tạo dựng nên là vì con người:

“Và Thiên Chúa đã dựng nên người theo hình ảnh mình. Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Ngài đã dựng nên chúng. Và Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng, và Thiên Chúa đã phán bảo chúng: ‘Hãy sinh sôi nẫy nở và hãy đầy dẫy trên đất. Và hãy bá chủ nó! Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất’.

Và, Thiên Chúa đã phán: ‘Này, Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lả sinh hạt giống có trên cả mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm của ăn cho các ngươi.

Và cho mọi loài sinh vật trên đất và mọi thứ chim trời, và mọi loài nhung nhúc trên đất, loài có sinh khí nơi mình, Ta ban các thứ cây cỏ xanh tươi làm của ăn’.” (St 1,27-30).

Trong ngôn ngữ TƯ, Thiên Chúa đã yêu thế giới đến nỗi đã thí ban Người Con Một của Ngài (Ga 3,16).

Ở đây, qui luật “tự hủy mình ra không” (kénose) có vẻ như là một qui luật phổ quát, vốn không chỉ được áp dụng nơi biến cố Nhập thể của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Đức Giêus-Kitô, mà còn áp dụng cho cả con người và vũ trụ:

“Tạo thành những ngong ngóng trông đợi thấy con cái Thiên Chúa được hiển dương. Tạo thành đã phải lụy phục sự hư luống – dẫu không muốn – nhưng, vì Đấng đã bắt nó phải lụy phục, với hy vọng là chính tạo thành cũng sẽ được tự do khỏi cảnh làm tôi mục nát, mà vào địa vị tự do trong vinh quang thuộc hàng con cái Thiên Chúa. Bởi chưng, ta biết: tất cả tạo thành cùng nhau rên siết, cùng nhau quằn quại ở cữ cho đến bây giờ. Nhưng, không chỉ có nó, song cả ta nữa, những kẻ hưởng khai ân của Thần Khí, ta cũng rên siết nơi mình ta, trông đợi [phúc nghĩa tử], sự cứu chuộc thân xác ta.” (Rm 8,19-23).

Rm 8,19-23, một đàng, cho chúng ta hiểu được vai trò quan trọng của vũ trụ vật chất, của thân xác trong công trình siêu độ của Thiên Chúa; đàng khác cũng cho chúng ta biết rằng cả vũ trụ vật chất, cả thể xác cũng nằm trong kế đồ siêu độ của Thiên Chúa: để trở thành Trời mới, Đất mới và Con người mới (Kh 21,1-8).

II- THỰC TẠI ĐƯỢC TẠO RA DO HỆ QUẢ CỦA TƯƠNG QUAN TÌNH YÊU GIỮA THIÊN CHÚA-BA NGÔI VÀ CÁC THỤ TẠO CỦA NGÀI:

Để biểu hiện Thực tại mầu nhiệm nầy, Thánh Kinh sử dụng nhiều hạn từ, hình ảnh khác nhau, nhằm bổ sung cho nhau, bởi vì mỗi hạn từ hay mỗi hình ảnh chỉ phản ảnh được một khía cạnh hay một yếu tố nào đó của Thực tại đó mà thôi…

Để diễn tả khía cạnh đó là một Thực thể sống, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm như: Cây nho và cành nho, hạt giống nẫy mầm, men

Để diễn tả khía cạnh đó là một Thực thể có chủ thể tính, ngôi vị tính, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm: Thân Mình hay Thân Thể, là Hình ảnh Thiên Chúa…

Để diễn tả khía cạnh đó là những tương quan sống với nhau, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm: Nước Thiên Chúa, Nước Trời…

Để diễn tả khía cạnh đó là một cơ cấu có tổ chức, được phân công phân nhiệm rõ ràng, Thánh Kinh sử dụng những khái niệm: Thân Mình (có đầu và các chi thể khác biệt nhau), Giáo hội…

Để diễn tả đặc tính phổ quát của Tinh yêu của Thiên Chúa và của con người, Thánh Kinh sử dụng hình ảnh: Lưới bắt được mọi thứ cá…

Tóm lại, có thể nói rằng, trong ngôn ngữ TƯ, nếu nhìn từ góc độ những mối tương quan, được gọi là “Nước Thiên Chúa”, “Nước Trời”; nếu nhìn từ góc độ cơ cấu tổ chức, được gọi là “Giáo hội”; còn nếu nhìn từ góc độ thực tại sống động, được gọi là Thân Mình Đức Giêsu-Kitô.

Nếu nhìn từ góc độ “Nước Thiên Chúa”, có ba vấn đề cần phải được xem xét:

a. Tương quan giữa Cha và “Nước Thiên Chúa”;
b. Tương quan giữa Con và “Nước Thiên Chúa”;
c. Tương quan giữa Thần Khí và “Nước Thiên Chúa”.

Nếu nhìn từ góc độ “Thân Mình Đức Giêsu-Kitô”, kể cả góc độ “Cơ cấu tổ chức”, có hai vấn đề cần được xem xét:

a) Chiều kích vĩ mô của Nước Thiên Chúa: Giáo hội như Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô;
b) Chiều kích vi mô của Nước Thiên Chúa: con người như hình ảnh của Thiên Chúa.

Ở đây, chúng tôi sẽ chọn lựa phương án tổng hợp hai góc độ nhìn nầy với nhau.

II.1- CHIỀU KÍCH VĨ MÔ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA: GIÁO HỘI NHƯ THÂN MÌNH ĐỨC GIÊSU-KITÔ:

Ở đây, có ba vấn đề sẽ được lần lượt xem xét:

1- Nguồn cội tam vị của Nước Thiên Chúa (hay Giáo hội);
2- Sự phát triển của Nước Thiên Chúa hay của Giáo hội.
3- Giáo hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời và Con Thiên Chúa…

II.1.a - NGUỒN CỘI TAM VỊ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA (hay GIÁO HỘI):

Như phần trên chúng tôi đã khái quát phân tích, nguồi cội tam vị của Nước Thiên Chúa hay Giáo hội phải được tìm kiếm ngay trong chính những “nhiệm xuất’ của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi.

Thật vậy, trước tiên, nếu Con, Ngôi Lời là nguyên lý của công trình Tạo dựng (x. Ga 1,3), thì hành vi nhiệm sinh ra Con cũng chính là hình ảnh và là nguồn gốc của hành vi sinh ra Nước Thiên Chúa hay Giáo hội. Điều đó có nghĩa là: Cũng như Cha “Yêu Con” “sinh ra” Con, và Con là Hình Ảnh của Cha và giống như Cha, cũng vậy, qua Tình yêu đối với Con và trong Con, Cha “Yêu” các thụ tạo và các thụ tạo bắt đầu hiện hữu:

“Cha yêu mến Con, và đã ban cho mọi sự trong tay Ngài” (Ga 3,35).

“Quả vì Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Người Con một…” (Ga 3,16).

“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính Mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x.Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4).” (DV 2).

Cách đặc biệt, con người được tạo dựng “theo Hình Ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26-27). Thế mà, Đức Giêsu-Kitô chính là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình:

“Đức Giêsu-Kitô chính là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình.” (Cl 1,15; xem thêm 1Cr 11,7; 2Cr 4,4).

Điều nầy, trước tiên, có nghĩa mô hình chuẩn của con người chính là Con, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể, là Đức Giêsu-Kitô. Điều nầy liên quan không chỉ đến hành động mà cả đến chính hữu thể của con người:

“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20; x. Gl 4,6-7).

Điều nầy chính là cơ sở của những hành vi nhận là của mình (appropriations) và thông ban cho (communications), trong ngôn ngữ kitô-học.

Thứ đến, cũng như hành vi Cha và Con Yêu nhau “ái xuất” ra Thần Khí như một Ngôi Vị và như Ân huệ, cũng vậy, hành vi Cha và Con, cùng yêu các Thụ tạo “ái xuất” ra Thần Khí của Nước Thiên Chúa hay của Giáo hội, Thần Khí mà vốn là Nguyên lý hiệp nhất của mọi Thụ tạo. Đó chính là cơ sở của tương quan giữa Thần Khí và Nước Thiên Chúa hay Giáo hội.

“Cha yêu mến Con, và đã ban cho mọi sự trong tay Ngài.” (Ga 3,35).

“Ai khát thì hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ tin vào Ta thì như Thánh Kinh đã nói: Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống. Điều ấy, Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Kitô chưa được tôn vinh.” (Ga 7,37-39).

Ga 7,37-39 cho thấy có sự phân biệt giữa Thần Khí của Cha và Thần Khí của Con Nhập thể (xem Mt 10,20; 12,18; Ga 14,26; Cv 2,17-18; 8,39; Rm 8,9.11; v.v…).

Ngoài ra, tuy cũng cùng một Thần Khí, nhưng mỗi người sẽ được ban cho cách riêng và khác nhau, vì mục đích chung:

“Đặc sủng chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thần Khí. Phục vụ chia làm nhiều, nhưng cũng là một Chúa. Kỳ công chia làm nhiều, nhưng cũng là một Thiên Chúa, Đấng ra uy làm nên mọi sự nơi mọi người. Thần Khí hiển thị (như vậy) được ban xuống cho mỗi người để mưu lợi ích chung.” (1Cr 12,4-7).

Sau cùng, cũng như Tinh yêu làm cho các Ngôi Vị tương ngụ và hiện diện trong nhau, cũng vậy, chỉ có tình yêu mới làm cho các Thụ tạo, đặc biệt con người vốn được tạo dựng nên theo Hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, tương ngụ và hiện diện trong Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi và trong nhau.

“Vậy, bây giờ án phạt không có nữa cho những ai ở trong Đức Kitô Giêsu. Vì luật Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu cho ngươi được tự do thoát luật của sự tội và sự chết […]. Vì chưng, hứng theo xác thịt là làm nghịch với Thiên Chúa. Nhưng, anh em không theo xác thịt, mà là Thần Khí, nếu thực có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em.ông có Thần Khí Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài. Nhưng, nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì tuy thân xác vẫn là đồ chết, vì tội, nhưng Thần Khí là sự sống vì Đức công chính. Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dỡ của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Ngài cư ngụ trong anh em.” (Rm 8,1-11).

Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa là tác giả của Công trình Nước Thiên Chúa, thì sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa cũng là sứ mạng của các Ngài.

Trước tiên, đó là sứ mạng của Cha:

“Quả vì Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Người Con một…” (Ga 3,16).

Thứ đến, ý nghĩa và mục đích của cả cuộc đời trần thế của Đức Giêsu chẳng là gì khác hơn ngoài những công việc nầy:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như ở trên trời…” (Mt 6,9-10)

(Bản Pháp ngữ của TOB: “Notre Père qui est aux cieux, fais connaître à tous qui tu es fais venir ton Règne, fais se réaliser ta volonté sur la terre à l’image du ciel”).

Trong ngôn ngữ của Thánh Phaolô, điều nẩy được trinh bày như sau:

“Rồi sẽ là cùng tận, lúc Đức Giêsu-Kitô trao trả vương quyền cho Thiên Chúa và là Cha, sau khi đã hủy ra không, mọi thiên phủ, mọi uy thế và quyền năng. Vì Ngài phải giữ quyền vua cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài. Địch thù cuối cùng bị hủy ra không là sự chết. Vì: muôn sự Ngài đã bắt phục cả dưới chân Ngài. Khi nói: muôn sự phải phục quyền, thì đã rõ là chỉ trừ Đấng đã bắt muôn sự phục quyền Đức Giêsu-Kitô. Vì khi mọi sự đã phục quyền mình, thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.” (1Cr 15,24-28).

Đó cũng chính là Ý Nghĩa và Mục Đích của Lịch Sử, của Các Công trình Sáng Tạo, Mặc Khải và Siêu Độ…(x. DV số 1).

Sau cùng, đó là sứ mạng của Thần Khí. Nếu trong Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, Thần Khí Tình Yêu là Đấng nối kết Tinh yêu giữa Cha và Con, cũng vậy, trong tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi với các Thụ tạo của Ngài, chính Thần Khí Tình yêu là Đấng liên kết giữa các “đối tác” nầy lại với nhau. Không có Thần Khí Tình yêu, không thể diễn ra bất cứ hảnh vi yêu thương nào…

Thần Khí Tình yêu không chỉ hiện diện trong nội thân Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, và khiến cho Tình yêu vận hành giữa Ba Ngôi với nhau mà còn cả trong Kế đồ Tế thế (Économie du Salut) nữa: trong Công trình sáng tạo (St 1,2.26-27), trong Công trình Nhập Thể, Làm Người và Siêu độ của Con-Ngôi Lời (Lc 1,35; Mt 1,20; 3,22; 4,1.17-21; Mc 1,10.12; Ga 1,32; v.v…).

Sự hiện diện của Thần Khí đối với Đức Giêsu-Kitô cũng phải trãi qua một quá trình tiệm tiến, hay nói theo ngôn ngữ triết học hiện sinh, trong suốt hành trình trần thế của Đức Giêsu, Thần Khí của Cha vẫn “hiện hữu” nơi Ngài (existe en Lui), nhưng chưa hoàn toàn “hiện diện” đối với Ngài (Lui est présent), hay nói cách khác, chưa là “của riêng Ngài” (son propre):

“…Điều ấy, Ngài nói về Thần Khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy, vì Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh.” (Ga 7,39).

Khi nói “vì Thần Khí chưa có”, điều nầy muốn ám chỉ rằng Thần Khí của Cha chỉ trở thành Thần Khí của Con trong giây phút mà Đức Giêsu-Kitô đã hoàn toàn tận hiến tất cả những gì Ngài “có”, thậm chí cả đến Thần Khí của Cha trong Ngài:

“Khi đã nếm dấm rồi, Đức Giêsu nói: ‘Đã hoàn tất’. Đoạn, gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần Khí” (Ga 19,30).

Chính qua hành vi tận hiến tất cả cho Cha trên Thập giá đó mà Cha đáp trả lại bằng cách cho Con tất cả gì Cha có, trừ cương vị là Cha:

“Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy. Vậy, được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa, Ngài đã lĩnh nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống, đó là điều các ông thấy được và nghe được.” (Cv 2,32-33).

Chính nơi khoảnh khắc đó mà Thần Khí của Cha trở thành Thần Khí của Con, hay nói cách khác, mà Thần Khí hoàn toàn hiện diện đối với Con.

Và cũng chính khoảnh khắc đó nhân tính của Đức Giêsu mới thực sự trở thành nhân tính của Con, của Ngôi Lời Thiên Chúa, và hoàn toàn hiệp nhất với Ngôi Vị Con: chính trên cơ sở nầy mà Đức Giêsu-Kitô trở thành hiện thân của Nước Thiên Chúa; hay nói cách khác, đó chính là tình trạng “Viên Mãn” và “Thái Hòa” giữa ba yếu tố “Thiên-Địa-Nhân”, cơ sở nền tảng của Trời mới, Đất mới và Người mới (x. Kh 21,1-8).

Đó chính là ý nghĩa của hành vi nhận Thần Khí của Cha là của Mình của Đức Giêsu-Kitô (appropriation de l’Esprit).

II.1.b - SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA HAY GIÁO HỘI:

Sách Khải Huyền (Kh) cho chúng ta bằng chứng về quá trình phát triển mang chiều kích vĩ mô của Trời, Đất và Người:

“Và tôi đã thấy một trời mới và một đất mới, vì trời cũ, đất cũ đã qua, và biển không còn nữa. Và Thành thánh, Giêrusalem mới, tôi đã thấy tự trời xuống từ nơi Thiên Chúa, chỉnh tề như tân nương trang sức trang sức chờ đón đức lang quân.” (Kh 21,1-2).

Như trên đây chúng tôi đã phân tích, cũng như tương quan Tình Yêu trong nội thân Mầu nhiệm Thiên Chúa đã làm nẫy sinh các Ngôi Vị, cũng vậy, tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa-Ba Ngôi và các Thụ tạo của Ngài, cách tương tự, cũng làm nẫy sinh một Thực Tại có tính ngôi vị, có tính chủ thể, đó là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, tức là Giáo hội hay là Nuớc Thiên Chúa.

Khi nói Giáo hội là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, điều nầy không chỉ nhằm ám chỉ một chủ thể thống nhất, sống động, bao gồm những cá thể như những chi thể, mà hơn thế nữa có lẽ còn ám chỉ đó là một ‘ngôi vị” cánh chung mang chiều kích phổ quát. Ngôi vị hay Chủ thể hay Thân mình nầy, vì ở trong phạm trù không-thời gian, nên có một quá trinh phát triển lịch sử tiệm tiến như bất cứ thụ tạo nào.

Trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã ví Nước Thiên Chúa, trước tiên, như một “Hạt giống Lời” phải trãi qua những bước phát triển của nó: hạt giống phải tự hủy mình đi, nẫy mầm, lớn lên, cho bông hạt, và chim trời có thể đến và đậu lại trên đó…(x. Mt 4,14; 13,3132).

Quá trình phát triển của Nước Thiên Chúa cũng được ví với sự phát triển của nắm “Men bột”: men phải hòa mình vào với thúng bột thế gian để làm cho thúng bột đó dậy lên men tình yêu (x. Mt 13,33).

Quá trình đó cũng còn được ví như quá trình của “Ngọn lửa”: lúc ban đầu chỉ là một đốm lửa nhỏ, và rồi dần dần sẽ cháy sáng lên thành ngọn lửa lớn tình yêu thắp sáng và giữ ấm cho thế gian (x. Lc 12,49).

Quá trình phát triển nầy không chỉ là công việc của thụ tạo mà còn là và chủ yếu là công việc của Thiên Chúa-Ba Ngôi:

“Ngài nói: ‘Về Nước Thiên Chúa, thì thế nầy: như khi người kia gieo giống xuống đất, thì dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ` nẫy mầm, lên đõn, mà người ấy không biết. Tự dưng, đất cho đậu; trước tiên thành mạ, rồi thành đòng đòng, rồi thành lúa chắc nơi gié. Và khi mùa màng cho phép tức thì liềm hái tra tay, vì mùa gặt đã đến.” (Mc 4,26-29; xem thêm 1Cr 15,24-28).

“Kẻ gieo giống tốt tức là Con Người; ruộng là thế gian; giống tốt là con cái của Nước; cỏ lùng là con cái Quỉ dữ; kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ…” (Mt 13,37-39).

Như vậy, kẻ gieo giống cũng như hạt giống chính là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Đức Giêsu-Kitô:

“…Người gieo giống là gieo Lời.” (Mc 4,14).

Đó chính là lý do tại sao Thánh Phaolô gọi Giáo hội hay Nước Thiên Chúa là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, hay nói cách khác, Đức Giêsu-Kitô chính là “hiện thân” của Nước Thiên Chúa (Cl 1,24).

Thật vậy, trong tương quan giữa Đức Giêsu-Kitô và Nước Thiên Chúa, có vẻ như ngôn ngữ TƯ không chỉ muốn ám chỉ một sự nhận làm của mình (appropriation) không thôi, mà thậm chí còn cả một sự “ngôi hiệp cánh chung” (union hypostatique eschatologique) nào đó nữa, sự hiệp nhất giữa các chi thể và cái đầu của Thân thể để trở thành một Ngôi vị, một Chủ thể duy nhất:

“Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa; ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Ngài, vì Ngài thế nào, ta sẽ được thấy như vậy…” (1Ga 3,2; xem thêm Cl 1,18; Ep 1,22; 5,23; St 1,26-27).

Sự “ngôi hiệp cánh chung” nầy giữa các thụ tạo, cách đặc biệt con người, và Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, có cơ sở là sự ngôi hiệp giữa thần tính và nhân tính của Đức Giêsu-Kitô, vốn đạt đến tình trạng thành toàn và viên mãn nơi Biến cố Thập giá và Phục sinh của Ngài.

Về phía các thụ tạo, đặc biệt con người, đây là một quá trình “được thần linh hóa”, vừa mang tinh Kitô vừa mang tính Thần Khí.

Đặc tính là một thực thể sống nầy còn được diễn tả qua hình ảnh Cây Nho:

“Cây nho đích thực chính là Ta, và Cha Ta là người canh tác. […]. Cây nho chính là Ta, các ngươi là nhánh. Ai lưu lại trong ta và Ta trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gỉ.” (Ga 15,1.5).

Cũng như mỗi một chi thể trong thân thể không thể là thân thể, mà tất cả các chi thể phối hợp lại với nhau mới làm thành thân thể, cũng vậy, cả gốc, cả cây, cả các cành nho mới làm thành thân nho, và mới đâm hoa, kết trái được.

“Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân Mình Ngài, tức là Hội Thánh, mà tôi đã trở thành người phục vụ, thể theo sự an bài của Thiên Chúa trao phó cho tôi, để lo cho anh em: viên thành (công việc của) Lời Thiên Chúa…” (Cl 1,24-25).

Cl 1,24-25, như vậy, một đàng, cho chúng ta thấy vừa chiều kích vĩ mô vừa chiều kích vi mô của Thân Mình Đức Giêsu-Kitô là chính Giáo Hội; đàng khác nhằm muốn ám chỉ có một sự “đồng hóa cánh chung” (identification eschatologique) nào đó giữa thụ tạo và Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đến nỗi nơi Ngài là hiện thân của Trời mới, Đất mới và Người mới (Kh 21,1-3).

Trong ngôn ngữ dụ ngôn, Lời Thiên Chúa đã được gieo vào, hay đúng hơn, đã tiềm ẩn trong “thế gian” (= thế giới) (Is 7,14; Mt 1,23; 13,38), như hạt giống, như ngọn lửa, và lớn lên, bề ngoài, theo một quá trình “tự nhiên”…

Nói theo ngôn ngữ triết học, trong nhãn quan tam tài “Thiên-Địa-Nhân hòa”, Ngôi Lời (=Thiên) vốn thuộc về cấu trúc hữu thể học của mọi Thụ Tạo. Và chính yếu tố “Thiên” hay Ngôi Lời nầy bảo đảm cho sự tồn tại của quá trình tiến hóa theo nghĩa vật chất (matériel, charnel) cũng như theo nghĩa thuộc linh (spirituel):

“Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Trên bình diện vĩ mô, có thể nói rằng Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô sẽ được thành toàn khi đạt được tình trạng “Thái hòa” giữa ba yếu tố “Thiên-Địa-Nhân”. Tình trạng “Thái hòa” nầy đã trở thành hiện thực viên toàn nơi Đức Giêsu-Kitô trong Biến cố Thập giá và Phục sinh: đó chính là tình trạng “Trời mới, Đất mới và Người mới” mà sách Khải huyền đã đề cập tới (Kh 21,1-27; 22,1-5).

Vì thế, chỉ qua lăng kính Đức Giêsu-Kitô Phục sinh người ta mới có thể hiểu được phần nào dung mạo cánh chung của Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô hay Giáo hội hay Nước Thiên Chúa, điều mà Cha Teilhard de Chardin gọi là “Đức Kitô vũ trụ” hay “Đức Kitô Toàn thể”:

“…Nhưng, đối với ta, thì chỉ có một Thiên Chúa là Cha, do tự Ngài mà có mọi sự, và vì Ngài mà ta được có. Và chỉ có một Chúa, Đức Giêsu-Kitô, nhờ Ngài mà có mọi sự, và cũng nhờ Ngài mà ta (được có).” (1Cr 8,6).

II.1.c- GIÁO HỘI, THÂN MÌNH ĐỨC GIÊSU-KITÔ:

Như trên đây chúng tôi đã có lưu ý, nói theo ngôn ngữ của Tertullien, nhân tính hay xác thể của Đức Giêsu-Kitô là “hiện thân” của toàn thể thụ tạo có vật chất, vì thế, nơi Biến cố Thập giá và Phục sinh, khi nhân tính của Ngài hoàn toàn tương hợp với Ngôi Lời và được thần linh hóa, hay được siêu độ và sống được sự sống vĩnh hằng, thì có nghĩa là toàn thể Thụ tạo, trong Ngài, cũng được thần linh hóa, hay được siêu độ. Đó chính là lý do tại sao Giáo hội trước sau như một vẫn hằng khẳng định rằng Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung gian siêu độ duy nhất và phổ quát. Sự hài hòa giữa thần tính và nhân tính của Đức Giêsu-Kitô trên đỉnh Thập giá chính là biểu hiện và hiện thân của tình trạng “Thái hòa” của toàn thể Thụ Tạo trong tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau, giữa các Ngài với Thụ tạo, và giữa các thụ tạo với nhau…

Thánh IRÉNÉE, trong chiều hướng nầy, cho rằng Đức Giêsu-Kitô thâu tóm lại nơi xác thể của Ngài mọi xác thể vốn sinh xuất từ AĐAM, mang dấu ấn sự chết, chia phân và rãi rác đó đây (x. Contre les Hérésies)…

“Chúng ta chẳng phải là có chỉ một Thiên Chúa, chỉ một Đức Kitô, chỉ một Thần Khí ân sủng đã được tuôn tràn trên chúng ta, và chỉ một ơn gọi trong Đức Kitô sao? Tại sao lại cắt xé ra những chi thể của Đức Kitô? ” (Clément de Rome, Épître aux Cor 46,6-7; bản Pháp ngữ của A. Jaubert, S.C. 107).

Vì thế, theo thiển ý, không nên đặt vấn đề “Ở ngoài Giáo hội có có ơn cứu độ hay không?” mà đúng hơn là “Thiên Chúa siêu độ lương dân như thế nào?”:

“Mọi điều đã viết xưa kia, thì đã được viết để dạy dỗ ta, ngõ hầu nhờ sự kiên nhẫn và an ủi của Kinh Thánh, ta được có hy vọng. Nguyện xin Thiên Chúa, nguồn kiên nhẫn và an ủi, ban cho anh em được ý hợp tâm đồng với nhau rập theo Đức Kitô Giêsu, ngõ hầu anh em được cùng một lòng trí, một miệng lưỡi, mà tôn vinh Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu-Kitô.

Bởi đó, anh em hãy chấp nhận lẫn nhau, như Đức Kitô đã chấp nhận anh em, vì vinh quang Thiên Chúa.

Tôi muốn nói: Đức Kitô đã phục vụ giới cắt bì, để (chứng thực) lòng chân thành của Thiên Chúa, làm cho các lời hứa trên cha ông được nên kiến hiệu. Còn dân ngoại (đã được chấp nhận) vì lòng nhân nghĩa, để họ tôn vinh Thiên Chúa, như đã viết: …” (Rm 15,4-9).

Như vậy, trong chiều kích vĩ mô, khi nói Giáo hội là Thân Mình Đức Giêsu-Kitô không đơn giản chỉ có nghĩa “Đức Kitô vũ trụ” hay “Đức Kitô toàn thể”, vốn là những khái niệm khá hàm hồ, thiếu tính “ngôi vị”, thiếu tính “chủ thể”, như trong ngôn ngữ của Cha Teilhard de Chardin, mà đúng hơn đó chính là “Ngôi Lời trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta”:

“Và Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ân nghĩa và sự thật.” (Ga 1,14).

Khái niệm “thế gian” (= thế giới) trong dụ ngôn Cỏ lùng (Mt 13,37-38), trước tiên, cho chúng ta thấy thế gian (= thế giới) có tương quan liên đới tích cực với lịch sử siêu độ:

“Quả vậy, thế giới mà từ đó cội nguồn xác thể của nhân loại được hình thành (St 2,7; 3,19), vẫn chưa được thành tựu: con người còn phải hoàn thiện thế giới qua lao động của mình, bằng cách làm chủ được thế giới (1,28) và bằng cách ghi lên đó dấu ấn của mình.” (xem Colomban LESQUIVIT et Pierre GRELOT, hạn từ “Monde” trong Vocabulaire de Théologie Biblique, Nhiều tác giả, Nxb. Du Cerf, Paris 1991, trg. 786).

Trong Biến cố Thập giá và Phục sinh, Đức Giêsu-Kitô, khi đã “làm chủ được nhân tính” của Ngài và “ghi được dấu ấn của Ngài trên nhân tính” đó, một cách dứt điểm, Ngài đã ghi được dấu ấn thần linh của Ngài trên toàn thể Thụ tạo, và trở thành “Vua” của Vũ trụ (1Cr 15,24-28), là “Đầu” của Hội thánh (Ep 1,22; Cl 1,18)…

Cũng như nơi một thân thể nhân loại, “đầu” không tách riêng mà liên kết với toàn thể chi thể để thành một chủ thể, một ngôi vị, cũng vậy, trên chiều kích vĩ mô, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô cũng vậy.

Ở đây, lại một lần nữa cần lưu ý, quá trình phát triển nầy không hề là một quá trình mang tính tất yếu, tự động, máy móc, theo kiểu con người hay nói cách khác dựa trên nguyên lý nhân-quả: đối với Vị Thiên Chúa tuyệt đối tự do, toàn năng và chí ái, vốn có thể biến những cục đá thành con cái Abraham (Mt 3,9), thì mọi qui định từ bất cứ ai trong loài người chúng ta, đều chỉ mang tính tương đối mà thôi, bởi vì mọi sự đều có thể xãy ra, ngoài cả những dự đoán tài tình nhất của loài người chúng ta!

Thật vậy, quá trình phát triển từ Thụ tạo nguyên sơ để trở thành Trời mời, Đất mới và Người mới cũng vậy: sự “đóng góp” của Thụ tạo ở đây quả là khá khiêm tôn so với Công trình Tình yêu của Thiên Chúa-Ba Ngôi! Đó chính là Mầu nhiệm Tình yêu!

“Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái Thiên Chúa; ta sẽ là gì, thì chưa được tỏ hiện, ta biết rằng một khi điều ấy tỏ hiện, thì ta sẽ được giống như Ngài, vì Ngài thế nào, ta sẽ được thấy như vậy…” (1Ga 3,2; xem thêm Cl 1,18; Ep 1,22; 5,23; St 1,26-27).

Đó chính là lúc Thân Mình Đức Giêsu-Kitô (= Giáo hội = Nước Thiên Chúa) “tỏ hiện” trong vinh quang rực rỡ của “Ngài”, như Trời mới, Đất mới và Người mới, điều mà ngôn ngữ phụng vụ của chúng ta thường gọi một cách mơ hồ, thiếu chính xác là “Ngày Quang lâm”, “Ngày Ngài lại đến”, “Ngày Ngài đến lần thứ hai”…!

Hay nói cách khác, theo ngôn ngữ kitô-học, cũng như nhân tính và thần tính của Đức Giêsu hợp nhất với nhau trên cơ sở ngôi vị, cũng vậy, toàn thể thụ tạo và Ngôi Lời, trên bình diện vĩ mô, cũng hợp nhất với nhau trên cơ sở “Ngôi vị cánh chung” (Personne eschatologique) (xem Gl 2,20)…

II.2- CHIỀU KÍCH VI MÔ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA: CON NGƯỜI NHƯ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA:

II.2.a- Để dễ hiểu và được cụ thể, chúng tôi sẽ suy tư vấn đề nầy khởi từ câu truyện của Người trộm lành và Đức Giêsu trên Thập giá:

“Một người trong các kẻ gian phi bị treo đó mắng nhiếc Ngài:’Phải chăng mày là Kitô? Hãy cứu lấy mình cùng chúng ta với!’. Nhưng, tên kia lên tiếng mắng bảo nó: ‘Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cùng cũng mắc đồng một án? Phần ta, thực là phải lẽ, ta chuốc lấy đáng tội đã làm; nhưng ông nầy, ông không hề làm điều gì trái!’. Và, hắn nói: ‘Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài!’. Và Ngài đã nói với hắn: ‘Quả thật, Ta bảo ngươi: Hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta!’.” (Lc 23,39-43).

Bản dịch TOB bằng Pháp ngữ, Nxb. Du Cerf 2004, trang 2549, trong chú thích “f” diễn giải câu “khi Ngài đến trong Nước Ngài”:

“Littéralement ‘dans ta royauté’. Plusieurs témoins lisent: (pour entrer) dans ton Royaume. Mais il s’agit plutôt ici de la dignité royale dont Jésus apparaîtra revêtu à son retour (cf. 19,12; 24,26).”

Theo thiển ý, cách hiểu của bản Việt ngữ của Cha Nguyễn Thế Thuấn mà chúng tôi sử dụng ở đây hợp lý hơn.

Người ta sẽ hiểu được điều đó khi hiểu được tính chất mâu thuẫn khó hiểu giữa trạng từ chỉ thời gian “Hôm nay” và thì tương lai “sẽ” của động từ ở câu 43!

Khi nói câu nầy với “người trộm lành”, Đức Giêsu chưa “sinh thì” hay chưa chết, vì thế động từ ở thì tương lai (“…aujourd’hui, tu seras avec moi dans le paradis.”). Thì tương lai nầy không phải được qui chiếu về “Ngày trở lại của Đức Giêsu-Kitô” như TOB quan niệm, mà đúng hơn, qui chiếu về Chiến thắng vinh quang của Ngài ngay trên Thập giá, cuộc chiến thắng của sự sống theo Thẩn Khí trên sự sống theo xác thịt (Rm 8,1-11), cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết, cuộc chiến thắng của tình yêu vị tha trên những tính toán ích kỷ, hẹp hòi, v.v… Tóm lại, đó chính là chiến thắng của Tình Yêu, chiến thắng và là Vinh quang của chính Thiên Chúa!

Trong ngôn ngữ của Ga, Thập giá được hiểu như là “Giờ”, “Giờ Vinh quang” của Đức Giêsu-Kitô:

“Giờ đã đến, cho Con Người được tôn vinh! Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng, nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả!” (Ga 12,24).

“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến Giờ Ngài qua khỏi thế gian nầy để đến cùng Cha, - đã yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian – thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng.” (Ga 13,1; x. 2,4; 7,30; 8,20).

Và, “Giờ Vinh quang” đó cũng chính là “Giờ Siêu độ” bởi Tình Yêu dâng hiến đã đạt đến đỉnh tột cùng của sự tự hủy ra không: khi đã hiến dâng lên Cha tất cả những gì mình có và những gì mình là, và của lễ cuối cùng chính là Thần Khí của Cha (Ga 19,30), Đức Giêsu-Kitô đã nhận lại được, từ Cha, tất cả những gì mà Cha là và Cha có, trừ cương vị là Cha của Cha, và chính lúc đó, trên Thập giá, Thần Khí của Cha trở thành Thần Khí của Con. Đây mới chính là lúc trở thành hiện thực viên mãn điều mà Đức Giêsu đã khẳng định:

“Ta và Cha, chúng ta là một.” (Ga 10,30).

Và đó là “Sự sống vĩnh hằng”, là Thiên đàng:

“Sự sống vĩnh hằng tức là: chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu-Kitô.” (Ga 17,3).

Đó chính là những gì mà “Người trộm lành” đã tuyên xưng trong Lc 23,39-43.

Như vậy, “Hôm nay”, tức là ngay trong Ngày Thứ Sáu Tuần thánh đó, sau khi (“sẽ”) “đã sống” và “đã chết” cùng với và trong Đức Giêsu-Kitô, Người trộm lành cũng được “sống” với Ngài trong Thiên đàng!

Một vấn đề nan giải được đặt ra ở đây: đó là khi nói “Hôm nay”, mà người trộm lành và cả Đức Giêsu sẽ chết ngay sau đó, và theo giáo lý của Giáo hội dạy thì phải đến ngày Tận thế xác con người trần mới sống lại để chịu phán xét chung, còn cái xác của Đức Giêsu thì phải đến ngày thứ ba sau khi chết mới phục sinh! Liệu một ngôi vị, một chủ thể nhân loại có thể hiện hữu và hiện diện mà không cần xác thể? Sự hợp nhất giữa “xác” và “hồn” phải được hiểu như thế nào đây? Và liệu điều mà chúng ta thường hiểu về “xác” và “hồn” có nhất thiết là phải như vậy hay không? Và khi Thánh Phaolô nói: “sống theo xác thịt” và “sống theo Thần Khí” (Rm 8,1-11), điều đó có liên can gì đến xác thể của con người?

Hình như tình trạng hàm hồ nầy liên can đến tình trạng hàm hồ trong ngôn ngữ Thánh Kinh liên quan đến các khái niệm: sống và chết.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, có ba khái niệm khác nhau về sự sống: a) sự sống xác thể [Bios] (Mc 12,44); b) sự sống thuộc linh [Psuchè] (Ga 10,11.15.17; 15,13); c) sự sống vĩnh hằng [Zoé] (Ga 12,25).

Ga không sử dụng khái niệm Bios, - bởi vì đối với Ga, sự sống không bao giờ thuần túy là vật chất, - mà chỉ sử dụng hai khái niệm Psuché và Zoé (55 lần).

“Ai yêu mạng sống mình (psuchè) thì làm mất nó, và ai ghét bỏ mạng sống mình (psuchè) trong thế gian nầy sẽ giữ được nó trong sự sống (zoè) vĩnh hằng” (Ga 12,25).

Vì thế, trong ngôn ngữ Thánh Kinh, chỉ có hai khái niệm sự chết: a) sự chết thể xác [tương ứng với sự sống theo nghĩa bios] (xem Lc 7,11-12; Ga 11,14); b) sự chết thuộc linh vì sống theo xác thịt, chứ không theo Thần Khí [tương ứng với sự sống theo kiểu psuchè] (Lc 15,24.32).

Sự sống vĩnh hằng (zoé) thì không ai và cái gì có thể động chạm tới được, kể cả sự chết (Mt 10,28)!

Có vẻ như sự chết thể xác, với quyền năng của Thiên Chúa, có thể thay đổi được để được sống lại, như trường hợp đứa con trai của bà góa thành Naim hay Lazarô.

Đối với sự sống thuộc linh (psuchè), có thể xãy ra trường hợp thể xác vẫn sống (bios) nhưng đã chết sự sống thuộc linh (psuchè):

“…vì nầy con ta đây: nó đã chết là lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được. […] vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được.” (Lc 15,24.32).

Và ngược lại, đã chết sự sống thể xác (bios), nhưng vẫn sống sự sống thuộc linh trong Thần Khí:

“…hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta!” (Lc 23,43).

Từ những phân tích trên đây, tạm thời chúng ta có thể rút ra được một số hệ luận nầy:

1- Quá trình từ sự chết thể xác qua sự phục sinh thể xác hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi;
2- Quá trình từ sự chết thuộc linh qua sự sống thuộc linh theo Thần Khí có thể tùy thuộc vào con người;
3- Con người có thể vẫn đang sống sự sống thể xác (bios), nhưng đã chết sự sống thuộc linh;
4- Con người có thể đã chết sự sống thể xác, nhưng vẫn đang sống sự sống thuộc linh theo Thần Khí hay sự sống vĩnh hằng.

Nếu vấn đề là như vậy, có lẽ cần phải quan niệm lại những khái niệm “chủ thể” (sujet) hay “ngôi vị” (personne humaine) nơi con người.

Khi Đức Giêsu nói với người trộm lành “hôm nay, ngươi (tu)… sẽ ở trên thiên đàng với Ta (Moi)”, cả “ngươi” (tu) và “Ta” (Moi) đều ở trong tình trạng xác thể đã chết! Liệu phải chăng điều đó có nghĩa là “chủ thể” hay “ngôi vị” nhân loại có thể hiện hữu mà không cần đến thể xác, như các Ngôi Vị thần linh? Phải chăng đó là ý nghĩa của câu nói của Đức Giêsu: “Quả vậy, thời phục sinh, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta như thiên thần ở trên trời.” (Mt 22,30; Mc 12,25)?

So với Mt và Mc, Lc ghi nhận thêm một số yếu tố mới:

“Và Đức Giêsu nói với họ: ‘Con cái đời nầy thì cưới vợ lấy chồng. Còn những ai đã được xét là đáng hưởng đời sau, cùng sự sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng! Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại…’.” (Lc 20,34-36).

Lc 20,34-36 có vẻ như cho chúng ta thấy, nói theo ngôn ngữ kitô-học, trên bình diện vi mô cũng vậy, cũng như nơi Đức Giêsu-Kitô nhân tính và thần tính hợp nhất với nhau trên cơ sở ngôi vị, cũng vậy, hữu thể nhân loại sống sự sống theo Thần Khí, cùng với Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể hợp nhất với nhau trên cơ sở “ngôi vị cánh chung” (personne eschatologique), đến nỗi có thể nói như Thánh Phaolô:

“Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).

“…Vì không phải các ngươi nói, mà là Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi.” (Mt 10,20; x. Ga 15,26; Cv 4,8-31).

Chính lúc bấy giờ, con người mới thực sự là hình ảnh của Thiên Chúa, và giống như Thiên Chúa (St 1,26-27; 1Ga 3,2), hay nói cách khác là hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô, Con và là Ngôi Lời của Thiên Chúa Tình yêu.

II.2.b- Câu truyện cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Giakêu:

Lc 19,1-10 có lẽ cũng sẽ giúp cho chúng ta hiểu được phần nào điều gì khiến cho con người được siêu độ:

“…Đức Giêsu nói cùng Giakêu: ‘Hôm nay, ơn siêu độ đã đến cho nhà nầy, bởi chưng người nầy cũng là con cái của Abraham. Vì Con Người đã đến để tìm cứu sự đã hư đi’.” (Lc 19,9-10).

Trạng từ chỉ thời gian “Hôm nay” của Lc 19,10 và của Lc 23,43 là một: điều đó có nghĩa điều khiến cho con người được siêu độ hay được sống sự sống vĩnh hằng cốt yếu ở nơi việc con người tương quan với Đức Giêsu và qua Ngài với tha nhân như thế nào (đứng về phía Ngài hay là chống lại Ngài).

“… Giả như tôi được ơn tiên tri, và biết mọi sự nhiệm mầu, tòan cả trí tri; và giả như tôi được tất cả lòng tin, khiến chuyển được đồi núi, mà tôi lại không có lòng mến, thì tôi vẫn là không! […].” (1Cr 13,1-3).

Vấn đề ở đây không phải là “ở trong” hay “ở ngoài” Đức Giêsu-Kitô (hay Giáo hội), mà là vấn đề Đức Giêsu-Kitô “là gì?” “là Ai?” đối với tôi! Thật vậy, cũng như tất cả mọi người (giáo cũng như lương) đều chỉ sống được nhờ không khí, nhưng ý thức được sự hiện hữu của không khí không phải ai cũng có được, cũng vậy, tất cả mọi thụ tạo đều chỉ có thể hiện hữu trong Thiên Chúa, nhưng việc ý thức được sự hiện hữu (existence) và sự hiện diện (présence) của Thiên Chúa không phải ai cũng có được, và có được như nhau! Người ta có thể hiện hữu bên nhau mà không hiện diện đối với nhau!

“…Vì chưng, trong Thiên Chúa, ta sống, ta cử động, ta có.” (Cv 17,28).

Chỉ có Tình yêu mới làm cho người ta hiện diện đối với nhau. Đó chính là điều đã diễn ra nơi cuộc gặp gỡ giữa Giakêu và Đức Giêsu. Và đó cũng chính là ơn siêu độ hay sự sống vĩnh hằng mà Giakêu “hôm nay” có được.

Tất cả điều đó có vẻ như chứng tỏ rằng xác thể của con người vốn “trung tính” trong vấn đề nầy! Vấn đề quan trọng ở đây có lẽ là sống theo Thần Khí Tình yêu hay không…Và khi sống theo Thần Khí tình yêu của Cha và của Con, con người mới thực sự là “hình ảnh” của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa…

II.2.c- Những hạt giống “không nẫy mầm”…:

Một đàng, Thánh Kinh, đặc biệt TƯ, cho chúng ta hiểu rằng Tinh yêu của Thiên Chúa vốn vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới (Mt 5,44.46; Lc 6,27.32.35; Ga 3,16; v.v…).

Is 55,10-11 còn cho chúng ta thấy tính hiệu quả tuyệt đối của Lời Thiên Chúa:

“…Vì cũng như mưa với tuyết từ trời sa xuống, tất không lùi lại về trời, nếu đã không thấm nhuận đất đai, nếu không làm cho đất sinh sản, nảy chồi, và cho người gieo có giống, cùng bánh cho người ta ăn. Cũng vậy, lời của Ta, một khi đã xuất tự miệng Ta, sẽ không về lại với Ta, hư luống, nếu không thực hiện điều Ta muốn, nếu không đạt được sự Ta sai làm.” (Is 55,10-11).

Thế nhưng, đàng khác, Thánh Kinh cũng lại cho chúng ta biết rằng có những hạt giống không nẫy mầm, những hạt giống bị chim trời ăn mất, những cỏ lùng phải bị đốt cháy hủy diệt, những nhánh cây phải tỉa bỏ đi, những con cá phải ném ra ngoài, v.v…!

Ngoài ra, tỉ lệ con số “những kẻ tin” so với con số những lương dân của mọi thời có vẻ như muốn chứng tỏ cho thấy Thiên Chúa không thành công lắm, nếu không muốn nói là “thất bại” đối với công trình của mình! Thêm vào đó, với những qui định khá khắt khe của các Giáo hội kitô để được cứu độ hay được vào Thiên đàng, con số những kẻ được cứu có lẽ khá ít ỏi so với những kẻ “không được cứu”!

Một Vị Thiên Chúa chí ái và Toàn năng, có thể biến những cục đá thành con cái của Abraham, chẳng lẽ lại phải thất bại như thế chăng?

Phải hiểu điều đó thế nào đây?

Một số đông các nhà thần học kitô-giáo thường tìm cách giải quyết vấn đề nầy dựa trên tự do của con ngưòi và tự do của Thiên Chúa, với ý đồ qui trách nhiệm cho con người!

Một số thần học gia nghiên cứu về các tôn giáo, với mong muốn giải quyết được vấn đề nầy, thì lại đặt vấn đề: “Có có ơn cứu độ nơi các tôn giáo ngoài kitô-giáo hay không?”, như kiểu liệu lương dân có được cứu độ hay không, hoặc Thiên Chúa có cứu độ họ hay không?

Giáo hội Công giáo, trước sau như một, vẫn khẳng định rằng: Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung gian Siêu độ duy nhất và phổ quát:

“Xin chư vị hết thảy cùng toàn dân Israel biết rằng: chính là nhân Danh Giêsu-Kitô người Nazareth, người các ông đã cho đóng đinh thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết, chính nhân Danh ấy mà người nầy được đứng trước mặt các ông an lành mạnh khỏe.[…].Và hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời nầy, không có một Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát.” (Cv 4,10-12).

Khi khẳng định Đức Giêsu-Kitô là Đấng Trung gian Siêu độ duy nhất và phổ quát, Giáo hội muốn chúng ta phải hiểu rằng Ngài là Đấng siêu độ toàn thề thụ tạo mọi nơi và mọi thời. Thế nhưng, điều đó diễn ra thế nào được khi mà Đức Giêsu chỉ sống và chết trong một khoảng không gian nhất định là nước Israel và một khoảng thời gian nhất định khoảng 36 năm trần thế?

Thế nên, điều mà Thánh kinh TƯ (Cv 4,10-12) và Giáo hội khẳng định chỉ có thể hiện thực trong những điều kiện sau đây:

Về phía Đức Giêsu-Kitô:

1- Ngài phải vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật và không hoàn toàn lệ thuộc phạm trù không-thời gian;
2- Để có thể không hoàn toàn lệ thuộc phạm trù không-thời gian, Đức Giêsu phải là Thiên Chúa;
3- Và Nhân tính của Đức Giêsu phải là hiện thân của toàn thể thụ tạo, đặc biệt là loài người;
4- Được siêu độ có nghĩa là được sống sự sống vĩnh hằng tình yêu của Thiên Chúa, hay nói cách khác được sát nhập vào trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi, v.v…

Về phía các Thụ tạo:

1- Phải được ban cho những điều kiện cần và đủ;
2- Phải có tự do để chọn lựa, v.v…

A- Đối với những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa và Đức Giêsu-Kitô, phần lớn chúng tôi đã cố gắng chứng tỏ trong những trang trên đây.

Vấn đề thứ hai liên quan đến thần tính của Đức Giêsu-Kitô, nói chung, đã được đề cập khá nhiều trong các tác phẩm thần học. Ở đây, chúng tôi chi muốn lưu ý điều nầy: Đức Giêsu đã là Thiên Chúa thật ngay từ trong lòng mẹ. Thật vậy, Đấng mà Mẹ Maria sinh ra bé bỏng trong hang bò lừa đó vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Những hạn từ “hôm nay” mà Ngài sử dụng chứng tỏ cho thấy Ngài phải đích thị là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Vì thế, ngay khi Ngài còn sống cuộc sống xác thể, gặp được Ngài là đã gặp được chính Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có vẻ như đặc tính không hoàn toàn lệ thuộc phạm trù không-thời gian, Đức Giêsu chỉ sở đắc được cách trọn vẹn trong “Giờ vinh quang” trên Thập giá, đặc biệt trong Biến cố Phục sinh.

“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha! Như Cha đã ban cho Ngài quyền trên mọi xác phàm, ngõ hầu toàn thể những gì Cha đã ban cho Ngài, thì được Ngài ban cho sự sống vĩnh hằng. Sự sống vĩnh hằng tức là: chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Giêsu-Kitô. Con đã tôn vinh Cha dưới đất, và đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm. Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha, trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17,1-5).

Ở nơi Ga 17,1-5, có hai ý tưởng độc đáo và khó hiểu:

(a) Bản Việt ngữ không được rõ ràng lắm, vì thế chúng tôi mạo muội sử dụng bản Pháp ngữ của TOB: “…Père, l’heure est venue, glorifie ton Fils, afin que ton Fils te glorifie et que, selon le pouvoir sur toute chair que tu lui a donné, il donne la vie éternelle à tous ceux que tu lui a đonné…” (Jn 17,1-2).

Vấn đề đặt ra ở đây, đó là trong câu văn, Đức Giêsu không sử dụng ngôi thứ nhất (je, me, moi…) để thưa với Cha, mà lại sử dụng ngôi thứ ba (lui, il)! Tại sao vậy? Ở đây, phải chăng có hai “ngôi vị” khác nhau? Theo thiển ý, theo văn mạch, khi sử dụng như vậy, có lẽ Đức Giêsu muốn ám chỉ có một sự khác biệt giữa hai tình trạng: Con nhập thể và Con trước khi tạo dựng thế gian (Ga 17,5)… Như vậy, “quyền trên mọi xác phàm” và “sự sống vĩnh hằng mà Cha hứa ban cho những kẻ mà Cha đã ban cho Con” đã được Cha ban cho Con cả “trước khi có thế gian”. Ở đây, không có vấn đề hai ngôi vị khác nhau, mà là vấn đề “tự hủy” (kénose) của Con khi nhập thể. Và Thập giá chính là “Giờ” Con trở về lại với tình trạng nguyên thủy của Ngài, cách mới mẻ, tức là trong tư cách vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.

(b) “…Con đã tôn vinh Cha dưới đất và đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm.” (Ga 17,4; x. Ga 19,30): Thời gian vẫn chưa đến hồi viên mãn, công trình siêu độ có vẻ như vẫn còn dỡ dang đó, làm sao Đức Giêsu lại có thể nói “Con đã chu toàn công việc mà Cha giao phó”?

Theo thiển ý, trước tiên, “Giờ Thập giá” chính là giờ chiến thắng của Tình yêu, Tình yêu dâng hiến, chiến thắng một cách tuyệt đối, một lần thay cho tất cả; “Giờ” mà vĩnh hằng và thời gian hòa nhập vào nhau cách kỳ diệu; “Giờ” mà nơi Đức Giêsu-Kitô hội tụ quá khứ, hiện tại và tương lai; hay nói cách khác đó là “Giờ” mà Đức Giêsu-Kitô siêu việt phạm trù không-thời gian…

Đó là “Giờ” mà Đức Giêsu-Kitô, - nơi nhân tính của Mình, vốn là hiện thân của toàn thể Thụ tạo, đặc biệt là toàn thể nhân loại, mọi nơi và mọi thời, và mà Ngài đã nhận là của Mình (appropriation), qua Tình yếu dâng hiến của Mình đối với Cha và toàn thể Thụ tạo, - đã đánh bại và chiến thắng khải hoàn cách tuyệt đối, một lần thay cho tất cả, trên tội lỗi, satan, ma quỉ, sự chết, quyền lực thiên phủ, địa phủ, âm phủ, v.v… (Ga 12,32).

Chính nơi giây phút khi mà trên Thập giá Đức Giêsu dâng hiến tất cả những gì Ngài có và những gì Ngài là cho Cha của Ngài và “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”, đó chính là khoảnh khắc của chiến thắng, của vinh quang của Tình yêu, tức là của chính Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,16; 15,13). Hay nói theo ngôn ngữ kitô-học, đó chính là “giờ” mà nhân tính của Đức Giêsu-Kitô hiệp nhất cách hoàn hảo nhất với thần tính của Ngài. Còn nói theo ngôn ngữ Đông phương, đó là “giờ” mà thực tại tam tài “Thiên-Địa-Nhân” được hòa hợp cách trọn vẹn. Đó là “giờ” mà con người, trong nhân tính của Đức Giêsu-Kitô, giao hòa lại với Thiên Chúa nơi thần tính của Đức Giêsu-Kitô, với tha nhân, với thiên nhiên vũ trụ, và với chính cả bản thân mình (con người tìm lại được căn tính của mình: son identité): những tương quan nguyên thủy của “vườn địa đàng”…

Đó là khoảnh khắc của “THÁI HÒA” (Grande Harmonie).

Và hiệu quả từ Chiến Thắng nầy của Đức Giêsu-Kitô là một Ân huệ phổ quát vĩnh viễn và nhưng không…

Phổ quát, bởi vì hiệu quả đó tác động lên toàn thể Lịch sử của Thụ tạo, mọi nơi và mọi thời (quá khứ, hiện tại và tương lai):

Trong tương quan với Quá khứ, điều nầy được diễn tả qua việc Đức Giêsu-Kitô xuống “Ngục Tổ tông”:

“Bởi chưng, Đức Kitô đã chết một lần vì tội lỗi, Đấng công chính vì những kẻ bất nhân, để đem ta đến cùng Thiên Chúa. Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh bởi Thần Khí. Trong Thần Khí nầy, Ngài đã đi loan báo Tin Mừng cho các thần khí đang trong ngục tù, cho những kẻ phản loạn xưa kia…” (1Pr 3,18-20).

Trong tương quan với Hiện tại, điều nầy được diễn tả qua những trạng từ “Hôm nay” và Danh xưng “Emmanuel” của Thánh Kinh.

Trong tương quan với Tương lai, điều nầy được diễn tả bởi 1Cr 15,24-28.

Vĩnh viễn, bởi vì hành vi siêu độ của Đức Giêsu-Kitô diễn ra một lần là đủ, không cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần, và có giá trị tuyệt đối, vĩnh viễn (Dt 10,11-14)…

Nhưng không, bởi vì Ân huệ nầy được ban cho tất cả mọi Thụ tạo không kèm theo bất cứ điều kiện nào ngoài Tình yêu (Rm 6,23; Lc 18,9-14)…

B- Về phía các Thụ tạo:

Một số chi tiết cũng đã được đề cập đến trên dây. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn lưu ý một số điểm quan trọng nầy:

Trước tiên, có thể nói rằng trong những biến cố Sáng tạo, Mặc khải, Nhập thể và Siêu độ, vĩnh hằng đã đi vào thời gian, hay nói theo ngôn ngữ tam tài của Đông phương, Thiên-Địa-Nhân hòa. Điều nầy có nghĩa cấu trúc hữu thể của các Thụ tạo là cấu trúc “Thiên-Địa-Nhân hòa” (structure cosmothéandrique).

Cách chung, tất cả mọi thụ tạo, theo Thánh ý của Thiên Chúa, đều đã “được định hướng” để tiến về cùng đích tối hậu của mình (Rm 16,26; xem DV, số 1). Để đạt mục đích nầy, Thiên Chúa đã trang bị cho các thụ tạo, đặc biệt loài người, vốn là người quản lý công trình nầy, những điều kiện cần và đủ: a) cấu trúc hữu thể học “Thiên-Địa-Nhân hòa” (St 1,26-27; 2,7); b) luơng tâm, lương tri để biết và muốn điều tốt, điều thiện (1Cr 4,4; Dt 10,16); c) trí khôn để biết điều tốt, điều xấu (St 3,4-5.7); d) tự do để tự mình quyết định chọn lựa điều tốt hay điều xấu (2Cr 3,17; 1Cr 10,29); đ) ân sủng (2Cr 12,9); v.v…

Và, cách đặc biệt, sau Biến cố Thập giá và Phục sinh của Đức Giêsu-Kitô, cùng với nhân tính của Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài, toàn thể Thụ tạo mọi nơi, mọi thời (quá khứ, hiện tại và tương lai) đã được siêu độ để trở thành (devenir)Trời mới và Đất mới, và đặc biệt loài người đã được phục hồi tư cách-con của Thiên Chúa, và được sống trong tình trạng mà tất cả mọi kẻ thù đã bị đánh bại, kể cả sự chết, dù có ý thức hay không.

Khi nói “trở thành” (devenir) có nghĩa là ơn siêu độ vốn như một hạt giống cần phải kinh qua quá trình phát triển của nó, như chúng tôi đã phân tích trên đây.

Ngoài ra, yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa các Thụ tạo có lẽ là có ý thức nhiều hay ít về sự hiện hữu và hiện diện của ơn siêu độ nầy của Thiên Chúa-Ba Ngôi, chứ không phải ở trong hay ở ngoài Thiên Chúa hay Giáo hội, như trường hợp không ai sống được mà không nhờ không khí, nhưng không phải ai cũng ý thức được về sự hiện hữu và hiện diện của không khí! Vì thế, trách nhiệm chính của Giáo hội, theo gương Đức Giêsu, là rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa:

“Vì nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì đó không phải là lý để mà vinh vang, vì đó là sự khẩn thiết giáng xuống trên tôi. Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1Cr 9,16).

Và mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để mọi người cùng sống Sự sống tình yêu vĩnh hằng, tức là sống mà biết mình sống cho Ai và vì Ai:

“Thế mà sự sống vĩnh hằng đó là họ nhận biết Cha, duy nhất là Thiên Chúa thật, và Đấng mà Cha đã sai, Đức Giêsu-Kitô.” (Ga 17,3).

Sứ mạng chính của Giáo hội, vì thế, trước tiên, có lẽ là loan báo Tin Mừng, là chứng tá, là công cụ của ơn siêu độ của Thiên Chúa, hơn là người mang lại ơn siêu độ đó (xem Mt 5,43-48). Giáo hội chỉ hoàn thành được sứ mạng của mình trong chừng mực mà Giáo hội “là” Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô. Thân phận của Giáo hội trong tương quan với Lương dân có lẽ không khác mấy thân phận của dân Israel vốn được Thiên Chúa lựa chọn trong tương quan với Dân ngoại trước đây!

Thứ đến, cũng như việc dân Israel “được tuyển chọn” giữa muôn dân, không hẳn là một “đặc ân” (privilège) để mà độc quyền hưởng thụ, đòi hỏi, hạch sách và tự hào, cho bằng đó là một điều kiện để yêu và để phục vụ nhiều hơn, cũng vậy, “Giáo hội” nếu có được chọn lựa để làm công cụ, làm chứng tá của Tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, thì đó cũng không phải là một “đặc ân” để mà độc quyền hưởng thụ, đòi hỏi, hạch sách và tự hào, mà đúng hơn đó là những điều kiện để có thể yêu thương và phục vụ nhiều hơn…

Về những vấn đề nầy, Thư gửi Tin hữu Roma có những suy tư rất độc đáo, đáng để chúng ta suy gẫm:

“Hỡi anh em, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm nầy, để anh em đừng tự phụ mình là khôn: Israel đã ra chai đá phần nào, cho đến khi toàn thể dân ngoại đã gia nhập, và như thế tất cả Israel cũng sẽ được cứu, như đã viết: "Từ Sion, vì Cứu tinh sẽ đến, Người sẽ khử trừ tội ác khỏi Giacóp. Và này là Giao ước của Ta với chúng: Ta sẽ tẩy xóa các tội lỗi chúng làm."

Xét theo Tin Mừng, họ là thù nghịch, vì cớ anh em; nhưng theo sự lựa chọn, họ là chí ái, vì cớ cha ông. Vì ơn đã ban, lời đã gọi, Thiên Chúa không hề hối tiếc.

Vì cũng như anh em, xưa kia bất tuân đối với Thiên Chúa, mà nay đã được thương xót, nhân vì họ bất tuân, thì họ cũng thế, nay bất tuân, bởi anh em được thương xót, ngõ hầu rồi đây họ cũng sẽ được thương xót. Vì chưng, Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Ngài dũ lòng thương hết mọi người.

"Ôi! thẳm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa! Những phán quyết của Ngài vô phương dò thấu, đường lối của Ngài không kế dõi theo!” (Rm 11,25-33).

Nếu, theo như lời của Thánh Phaolô, “chính Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Ngài dũ lòng thương hết mọi người”, thì, một đàng, có nghĩa tất cả đều nằm trong kế đồ mầu nhiệm của Thiên Chúa cả; đàng khác, vấn đề trách nhiệm của con người và, vì thế, cả vấn đề phán xét về con người cũng cần phải được xem xét lại…

Thật vậy, trước tiên, liên quan đến vấn đề trách nhiệm, liệu con người có thể có được một tình trạng tự do tuyệt đối hay không, để mà phạm một tội trọng “đáng sa hỏa ngục” theo quan điểm của các nhà thần học luân lý, khi mà con người vốn bị điều kiện hóa bởi cơ man nào là những yếu tố khách quan bên ngoài (hoàn cảnh gia đình, tổ tiên, ông bà cha mẹ, bạn bè, giáo hội, xã hội, v.v…)? Có lẽ chính vì thế mà Đức Giêsu đã tha thứ, và dạy ta phải tha thứ và yêu thương ngay cả những kẻ thù của mình:

“Bấy giờ, Đức Giêsu nói: ‘Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’.” (Lc 23,34; x. Mt 5,44; Cv 3,17).

Nếu tội “giết Thiên Chúa” là tội nặng nhất trong những tội con người có thể phạm mà còn được chính Thiên Chúa thứ tha một cách nhưng không, liệu còn có tội nào nặng hơn nữa chăng?

Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng những khái niệm liên quan đến những “hình phạt” những “khổ đau” trong ngôn ngữ Thánh Kinh, có lẽ không nên hiểu chỉ đến từ Thiên Chúa mà chủ yếu đến từ chính bản thân của mỗi thụ tạo, khi nhận ra được Tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi và vô cùng của chính Thiên Chúa đối với mình (xem Mt 20,20,1-16; Lc 12,47-48)…

Trên cơ sở những phân tích trên đây, trước tiên, chúng tôi nghĩ rằng điều mà Đức Giêsu rao giảng và muốn xây dựng chính là NƯỚC THIÊN CHÚA hay NƯỚC TRỜI mà nội hàm của nó bao gồm toàn thể Thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau; thứ đến, khái niệm “Giáo hội” mà chúng ta vẫn thường quan niệm như hiện nay, một đàng, không tương ứng được với khái niệm “Nước Thiên Chúa” mà Đức Giêsu-Kitô nhằm muốn ám chỉ và rao giảng, đàng khác, có vẻ như ngày càng có nguy cơ trở thành điều mà Dân “được chọn” Israel đã từng là trong quá khứ (xem Mt 21,33-43; Lc 9,49-50.51-56); sau cùng, Giáo hội chỉ là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô khi Giáo hội là Nước Thiên Chúa, và Giáo hội chỉ là Nước Thiên Chúa khi Giáo hội là Phản ảnh trung thành của Tình yêu Thiên Chúa-Ba Ngôi (xem Lc 6,27-36 ss)…

Vì thế, theo thiển ý, hình ảnh thích hợp hơn cả để diễn tả mối tương quan giữa các Thụ tạo (cá nhân, tập thể, các tôn giáo, các giáo hội) với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau đó là “các vòng tròn đồng tâm” mà trong đó trung tâm điểm chính là Thiên Chúa-Ba Ngôi, và khoảng cách giữa các “vòng tròn” với tâm điểm và với nhau phản ảnh cho thấy mối tương quan của chúng với Thiên Chúa-Ba Ngôi và với nhau, qua trung gian Đức Giêsu-Kitô…

(Giáo Phận Phan Thiết)
 
Văn Hóa
Nhạc phẩm ''Xin Tạ Ơn Chúa'' của NS Tuấn Kim
Tuấn Kim
20:26 19/12/2010
Kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm "Xin Tạ Ơn Chúa" của NS Tuấn Kim. Thực hiện: Linh Mục Nguyễn Nhật - Thanh Lam