Ngày 16-12-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:41 16/12/2017
28. Ở SAU HỮU QUÂN
Ở Hội Kê (nay là Triết Giang, Thiệu Hưng, Trung Quốc) có người họ Vương, gia tộc vốn là hàn vi nhưng ông ta lại rất phô trương, mỗi lần có việc đi ra đường thì khoe với mọi người:
- “Ta là hậu duệ của Vương Hy Chí”.
Có người nghe vậy liền nói:
- “Khả kính, khả kính, nếu ngài không nói ra, thì chúng tôi thật không biết ngài ở sau hữu quân ạ.” (Vương Hy Chi làm tới chức hữu tướng quân, được gọi là Vương tướng quân)
Họ Vương vừa nghe thì rất sợ hãi, e rằng quân tịch làm luỵ đến mình nên vội vàng nói:
- “Quân là hộ khác, quân là hộ khác !”
(Giản Uẩn thiên)

Suy tư 28:
Công nhân trông nhờ giám đốc thêm lương, đầy tớ trông nhờ ông bà chủ đối xử tốt với mình, giáo dân cậy nhờ cha sở các bí tích và những việc về phần thiêng liêng, đó là lẽ tự nhiên trong cõi đời này.
Nhưng có những giám đốc ức hiếp và chèn ép công nhân, có những ông bà chủ đối xử độc ác với đầy tớ, có một vài cha sở thì quan liêu và coi thường giáo dân, đó chính là chuyện tréo cẳng ngỗng không hợp với lẽ tự nhiên và lỗi đức ái của Thiên Chúa.
Cho nên người ta nói cậy vào giám đốc thì chỉ thấy bất công vì giám đốc chỉ lo tìm lợi nhuận cho mình, cậy nhờ ông bà chủ thì chỉ thấy nhục nhằn vì ông bà chủ thì chỉ thấy đồng tiền mình bỏ ra lớn hơn tình thương đồng loại, cậy nhờ cha sở thì chỉ thấy tâm hồn bất an vì cách đối xử của một vài mục tử không như vị mục tử nhân hậu là Đức Chúa Giê-su.
Chỉ có Thiên Chúa là Đấng để chúng ta cậy nhờ mà thôi, bởi vì Ngài không bao giờ chèn ép ai, không bao giờ đối xử bất công và quan liêu với ai, nhưng trái lại, Ngài đã luôn quan tâm và săn sóc chúng ta ngay cả khi chúng ta không cậy nhờ đến Ngài.
Tên họ Vương cậy nhờ tên của tướng Vương Hy Chi đã chết mấy đời trước nên cảm thấy bất an, cũng vậy, nếu chúng ta cứ cậy vào người này người nọ mà không trông cậy vào ơn Chúa, thì sẽ có ngày bị nhục và bất an vậy

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 MV)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:42 16/12/2017
Chúa Nhật 3 MÙA VỌNG

Tin mừng: Ga 1, 6-8; 19-28.
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”


Bạn thân mến,
Trước câu hỏi của các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, Đức Chúa Giê-su không trực tiếp trả lời, nhưng Ngài biểu họ thấy gì nơi Ngài hoặc nghe người ta nói gì về Ngài, thì hãy về nói lại với ông Gioan như thế, chắc chắn ông ấy sẽ biết Ngài là ai !
Có một vài người Ki-tô hữu cũng đã hỏi Đức Chúa Giê-su như vậy khi cuộc sống của họ bị mất phương hướng vì đời họ gặp nhiều thử thách: Ngài có phải là Thiên Chúa không, sao đời con khổ thế này ? Ngài có thật là đang ở cùng con trong cuộc sống không, sao không thấy Ngài biện hộ cho con khi kẻ thù vu không bắt bớ dọa nạt con ? Ngài có thật là Đấng mà con tôn thờ không, tại sao Ngài không tỏ uy quyền tiêu diệt những kẻ làm hại Giáo Hội của Ngài và bắt bớ tù đày môn đệ của Ngài...?
Đức Chúa Giê-su là Đấng mà muôn dân trông đợi, Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian để giải thoát nhân loại khỏi tối tăm tội lỗi, Ngài đến để đem ánh sáng vĩnh cửu đến chiếu soi chúng ta đang đi trong tối tăm của những cám dỗ thế gian. Ngài là Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã hân hoan, long trọng tuyên bố: Ngài đến sau tôi, nhưng có trước tôi...Hãy dọn đường cho ngay thẳng để Ngài đi, hãy hối cải và thay đổi cuộc sống của chính mình.v.v...
Bạn thân mến,
Ngày hôm nay bạn và tôi sẽ không còn hỏi Đức Chúa Giê-su là ai nữa, bởi vì bạn và tôi đang đi theo Ngài trong cuộc sống, đang ngắm nhìn Ngài trong bí tích Thánh Thể, và đang từng giây phút học hỏi cách sống của Ngài là yêu thương và phục vụ. Bởi vì ngoài Đức Ki-tô ra, không thể có một ơn cứu độ nào khác trên thế gian này.
Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa cứu thế đến. Bạn và tôi cũng sẽ là những sứ giả loan báo tin vui Đấng cứu thế đến cho mọi nguời, để họ cũng đến mà xem Ngài, không phải xem Ngài nằm trong hang đá đẹp lộng lẫy, không phải xem Ngài nơi cách sống phóng đãng của chúng ta, và cũng không phải xem Ngài đang hiện diện trong một cộng đoàn mà mỗi thành viên chỉ biết đến mình với tất cả cái tôi kiêu ngạo và khoe khoang, nhưng xem Ngài đang đau khổ nơi tha nhân, xem Ngài đang chia sẻ phục vụ với người cùng khốn giữa xã hội hôm nay.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhant ai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Cá c Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:44 16/12/2017

19. Cầu nguyện đối với linh hồn như mưa rào đối với đất khô, trong đất dù cho có nhiều phân bón, nhưng nếu mưa không thường thì nó vẫn là đồng khô cỏ cháy.

(Thánh John Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách n gôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Xin vâng
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:13 16/12/2017
Chúa Nhật IV Mùa Vọng, năm B
Lc 1, 26-38

Chúa Nhật IV Mùa Vọng luôn dành riêng để nói về Đức Mẹ. Thật vậy, thánh Bênađô đã diễn tả một câu để đời :” Nói về Mẹ không bao giờ cho đủ “ ( De Maria numquam satis ! ). Mẹ Maria nắm một vai trò rất quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Bởi vì, Thiên Chúa không dùng một đường lối nào khác ngoài con đường bình thường mà nhân loại vẫn đi. Thiên Chúa đã chọn, đã tuyển lựa một người nữ Do Thái để người nữ tử Sion này trở nên Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Ngôi Hai nhập thể làm người.Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, nên Ngài đã ban cho Mẹ những đặc ân cao cả mà không một ai có được những ân huệ ấy. Giáo Hội dành nói về Mẹ trong Chúa Nhật IV Mùa vọng là để trình bầy đường lối tuyệt vời của Thiên Chúa…

Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại quả thực cao sâu, huyền diệu.Thiên Chúa đã chọn một người nữ Do Thái tên là Maria. Ngài đã dọn cung lòng Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn trinh khiết, vẹn toàn để chuẩn bị cho Con Một của Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Thiên Chúa đã dùng sứ thần Gabrien để truyền tin cho Đức Mẹ :” Và này nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con trai, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu…” ( Lc 1, 31 ). Maria rất đỗi ngạc nhiên, nhưng sứ thần đã trấn tĩnh Mẹ bằng những lời đầy yêu thương và an ủi :” Maria, đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa “ ( Lc 1, 30 ). Bởi vì :” Mẹ đầy ơn phúc “ ( Lc 1, 28 ). Sứ thần đã nói lên sự can thiệp đặc biệt này :” Chúa Thánh Thần sẽ đến với Trinh nữ, và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ “ ( Lc 1, 35 ). Chính vì thế, việc sinh con này là do hoàn toàn Thiên Chúa, chứ loài người, xác thịt không tham dự vào.

Sứ thần của Thiên Chúa đã kết thúc việc truyền tin cho Đức Mẹ với một xác tín mạnh mẽ, đầy quyền năng:” Vì không việc gì mà Thiên Chúa không làm được “ ( Lc 1, 38 ). Maria dù chưa hiểu rõ ý định của Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã hoàn toàn tin tưởng, cậy trông, phó thác, vâng phục Ngài, Mẹ Maria liền thưa :” Xin vâng, xin hãy thành sự như lời sứ thần nói “ ( Lc 1, 38 ). Mẹ Maria đã đem lại cho thế giới niềm hy vọng và bình an. Chính việc xin vâng của Mẹ đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi.

Vâng, với quyền năng của Đấng Tối Cao, thế giới đã sống trong hạnh phúc, niềm vui và hy vọng được ơn cứu rỗi.

Mẹ Maria đã thưa xin vâng với tất cả niềm tin, trách nhiệm, do đó, Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa để Con Một Thiên Chúa được làm người ở giữa muôn người. Qua lời thưa xin vâng, Mẹ là mẫu gương lý tưởng cho mọi người biết khiêm nhượng, phó thác, cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa.

Chúa đã nhập thể nơi cung lòng trinh khiết của Đức Maria ngay từ giây phút Mẹ thưa lời xin vâng, và Chúa vẫn còn tiếp tục đến với mỗi tín hữu qua thái độ sẵn sàng đón tiếp của mình.

Chúng ta đã sống Mùa vọng làm sao, chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Chúa qua lời xin vâng thực thi ý Chúa của chúng ta không ?

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã nói lời “ xin vâng “ với tất cả trách nhiệm, với tất cả niềm tin của mình.Xin cho chúng con luôn sẵn sàng mở lòng tiếp đón Chúa qua lời xin vâng làm theo ý Chúa của chúng con. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Ai đã truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria ?
2.Trước lời mời gọi của sứ thần Gabrien, Mẹ đã đáp trả thế nào ?
3.Sứ thần đã chào Mẹ làm sao ?
4.Mỗi Kitô hữu phải có thái độ nào để đón chờ Chúa đến ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tục lì xì Giáng Sinh ở nhà thờ chánh toà Denver Colorado.
Trần Mạnh Trác
12:50 16/12/2017
Tiếp nối di sản để lại từ đời cố chánh xứ Woody, giáo xứ cuả nhà thờ chánh toà Denver, Colorado, đã thực hiện ngày ‘lễ lớn nhất trong năm’ là ngày tặng quà Giáng Sinh cho những người vô gia cư.

Tưởng cũng cần mở một ngoặc kép để nói về nhân vật gọi là Cố Woody: Ngài tên thật là Lm Charles B. Woodrich, ‘Cố Woody’ là tên lóng do giáo dân gọi ngài một cách thương mến (có nghiã là Cố Gỗ, bởi vì Colorado là vùng nhiều rừng núi cây cối). Ngài là bạn thân với ‘Mẹ Têrêsa’ và vị thánh đã tới thăm ngài nhiều lần mỗi khi có dịp đi qua Hoa Kỳ.

Khi Cố Woody mất năm 1991 ở tuổi 68, cộng đồng Công Giáo ở Denver đã tìm cách thông báo cho Mẹ Têrêsa lúc đó đang đi thăm một bệnh viện ở California. Mẹ Têrêsa vội vàng viết tay và trả lời vỏn vẹn có 2 dòng chữ như sau: "Tôi đau buồn khi biết là Denver đã mất đi một cha Cố Woody yêu quý. Nhưng bây giờ thì Ngài đang ở với Chúa rồi, Ngài không muốn quí bạn đau buồn nữa đâu."

Đó là cái tinh thần mà cả hai vị (Cha Woody và Mẹ Têrêsa) đã từng chia sẻ. Là sự Làm Việc. Chỉ dừng lại chút lát cho những sự việc riêng tư nhưng không bao giờ rời bỏ cái điều cần thiết thực sự : “Có những người đang cần phải được ăn."

Trở lại nhà thờ chính toà Denver, ngày thứ năm 14 tháng 12 vừa qua là một ngày gió lạnh, có tuyết bay lất phất trên mặt đất, nhưng mọi sự đó đã không ngăn cản hàng trăm người nghèo và vô gia cư đi tới lãnh những phong bì lì xì cuả giáo xứ.

Đó là những phong bì gọi là ‘lì xì Giáng Sinh cuả Cố Woody’, mỗi phong bì chứa 2 tờ giấy 10 đô la.

Tại sao lại là 2 tờ 10 đô thay vì một tờ 20 đô?

Ý tưởng là nó tạo cơ hội cho những người thụ hưởng có thể chia sẻ cho một người nào khác cũng đang cần tiền như họ.

Mà thực tế thì không ít có những người nghèo khổ đã làm như vậy.

"Tôi đã nhận được nhiều e-mail càu nhàu về sự kiện này,” theo lời cuả cha Ron Cattany hiện là chánh xứ. "’Cha cho họ tiền thì họ sẽ tiêu vào tiệm rượu hoặc lại đi mua ma tuý mà thôi.’ Và tôi đã dùng lời cuả Cố Woody mà trả lời như sau: 'Mọi người đều cần có ít tiền mặt trong túi của mình trong muà Giáng sinh.’”

“Nó cung cấp cho họ một ý thức về nhân phẩm, và một cảm giác của lòng nhân ái”.

(Nó giống như vào những ngày Tết ở Việt Nam, con trẻ mà không được lì xì thì buồn, mà người lớn mà không mang tiền lẻ trong túi để lì xì thì cũng thấy thiếu sót lắm.)

Sự kiện lì xì Giáng Sinh này bắt đầu 28 năm trước, khi giáo xứ thiết lập một quỹ tài trợ để vinh danh Đức Ông Charles B. Woodrich, từng nổi tiếng là có tinh thần hào phóng và một thái độ ‘Làm Được’ của mình.

Trong thời gian ngài coi xứ, ngài đã thành lập chương trình ăn trưa ở trường học cho trẻ em nghèo, mở cửa nhà thờ để tiếp đón những người vô gia cư trong những đêm đông lạnh (nổi tiếng nhất là trong cơn bão tuyết blizzard năm 1982), và thường xuyên cởi áo đắp cho những người nghèo và dốc túi chia hết tiền cho họ. Ngày nay, cái tên Cố Woody đồng nghĩa với việc từ thiện trong các cộng đồng Denver.

Những người tham dự cuộc lì xì cuả Cố Woody thường đứng xếp hàng bên ngoài nhà thờ nhiều giờ trước khi mở cửa.

Họ được đưa vào nhà thờ, tham dự một buổi cầu nguyện và được phát tiền, cùng với những cái ôm hôn và chúc mừng 'Giáng sinh’ từ nhiều tình nguyện viên cuả các tổ chức trong thành phố, cuả trường đại học Regis, và cuả nhiều nhóm tình nguyện tư nhân.

"Đây là những người mà thường ngày họ đứng ở ngoài mà nhìn vào, nhưng bây giờ thì họ đang ở bên trong, và nó không quan trọng việc họ là Công Giáo hay tin lành, hoặc không có đức tin, tất cả đều được chào đón,” Cha Cattany nói.

Sau khi nhận được tiền và một số thẻ ăn trưa do hãng McDonald tặng, họ được chào hỏi và hàn huyên bên ngoài nhà thờ với những ly chocola nóng, và thêm vào là những tặng vật như vớ và mũ ấm.

“’Hôm nay là ngày sinh nhật cuả tôi, cho tôi xin thêm thẻ McDonald để đãi bạn bè một bữa tiệc được khộng?’ một người vô gia cư đã hỏi. Và dĩ nhiên là anh ta đã được hài lòng. Bởi vì từ cái nhìn cuả anh ta, thì anh ta mong muốn chia sẻ với người khác” Cha Cattany nói.

"Nó cho thấy ý nghĩa thực sự của sự cho đi, cuả sự tặng quà, và những cảm xúc và tinh thần cuả muà Giáng sinh, đó là Chúa Kitô đã được sinh vào ngày hôm đó," theo anh Kevin, một trong những người tham dự, nói.

Cô Wilma, một người tham dự khác, thì nói: "Thật là vui và may mắn được tụ tập với nhau ở đây và nhìn thấy những bạn bè cũ”.

Riêng bà Lovey Shipp, một cụ bà 90 tuổi từng là thư ký của cha Woody một vài năm trước khi ngài qua đời, vẫn còn lộ ra nhiều hăng hái với những gì liên quan đến "Cố Woody”. Bà đã tham gia tất cả mọi buổi lì xì khi nó chính thức bắt đầu từ 28 năm trước đây.

“Cố Woody thường nói, ' phục vụ cho người khác là bạn đang trả tiền thuê nhà cho chính bạn đấy’” Bà nhớ lại.

"Ngài dạy những người có tiền phải cho như thế nào. Nó không phải là của bạn, nó là ân sủng của Thiên Chúa, Chuá đã muốn bạn có nó, nhưng bạn có thể là một trong những người vô gia cư nếu Chuá thấy phù hợp làm như vậy," bà nói.

Bà khuyến khích bất cứ ai mong muốn giúp đỡ những người vô gia cư hãy "giữ một tâm trí cởi mở và có một trái tim phù hợp. Đó là những gì Cố Woody đã làm."

"Chỉ cần cho," bà nói thêm. "Cho ra từ trái tim. Và với một nụ cười!"
 
Đức TGM Paris Vingt-Trois Cử Hành Thánh Lễ Tạ Ơn Trước Khi Nghỉ Hưu
Lê Đình Thông
14:21 16/12/2017
Đức TGM Paris Vingt-Trois Cử Hành Thánh Lễ Tạ Ơn Trước Khi Nghỉ Hưu

Sáng nay (16/12), ĐHY André Vingt-Trois đã cử hành trọng thể Thánh lễ Tạ ơn tại Nhà Thờ Đức Bà trước khi chấm dứt trọng trách Tổng giám mụs Paris. Ngài kêu gọi các tín hữu không nhường bước trước những thách thức của định mệnh, sự sợ hãi vào lúc xã hội Pháp chìm đắm trong bầu khí lo âu.

Khoảng mười vị giám mục, hàng trăm linh mục và phó tế, hàng ngàn tín hữu đã dự Thánh lễ Ta ơn (messe d’action de grâce), sau 12 năm ngài lãnh đạo Giáo hội Paris.

Ngày 07/11/2017, ĐHY Vingt-Trois vừa đúng 75 tuổi. Theo Giáo luật, vào ngày này, ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Đấng kế nhiệm ngài là Đức TGM Michel Aupetit, xuất thân là bác sĩ y khoa, sẽ nhậm chức ngày 06/01/2018.

Theo Pháp tấn xã, ĐHY André Vingt-Trois là vị lãnh đạo tinh thần có nhiều ảnh hưởng nhất tại Pháp.

Ngài sinh ngàay 07/11/1942 tại Paris, năm 1969: thụ phong linh mục. Sau đó, ngài là cha phó mà vị chính xứ là linh mục Jean-Marie Lustiger.

Năm 1981, ĐHY Lustiger được bổ nhiệm Tổng giám mục Paris. Vị tân TGM đã cử linh mục André Vingt-Trois làm Tổng đại diện, 7 năm sau là Giám Mục Phụ Tá. Trong suốt 30 năm, Đức André Vingt-Trois làm việc dưới quyền ĐHY Lustiger.

Năm 1999, Đức André Vingt-Trois được bổ nhiệm TGM Tours. Năm 2005: TGM Paris. 2007: thăng Hồng Y. Ngài là chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, đến năm 2013.

Về tư tưởng thần học, ngài có khuynh hướng ôn hòa nhưng cương quyết, có tinh thần thực tiễn. Trong thánh lễ tưởng niệm cha Jacques Hamel, ĐHY André Vingt-Trois lên án sự yên lặng của các nhà lãnh đạo trước những lệch lạc trong xã hội. Ngài bênh vực lập trường của Giáo hội chống lại nạn phá thai, chống lại việc thụ thai nhờ những thủ thuật y khoa (PMA). Ngài luôn bênh vực những người thiếu thốn, các di dân và sự đối thoại liên tôn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử ngài làm phó chủ tịch Thượng hội đồng giám mục về gia đình trong hai năm 2014 và 2015.

Trong thời gian vừa qua, ngài có hội chứng thần kinh (syndrome neurologique de Guillain-Barré) khiến cơ thể bị suy yếu. Ngài đã đề cử Đức TGM Aupetit kế vị.

Trong thánh lễ sáng nay, ngài mời gọi các tín hữu làm chứng về sự khốn cùng và cuộc sống bấp bênh của tha nhân. Ngài nói: ‘‘Chúng ta phải đứng vững để làm chứng cho lòng thương yêu và tình bác ái’’.

Paris, ngày 16/12/2017

Lê Đình Thông
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Liên hiệp các tạp chí Italia
LM. Trần Đức Anh OP
14:57 16/12/2017
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-12-2017 dành cho giới báo chí Italia, ĐTC kêu gọi thông tin chính xác, và tránh xu hướng tìm kiếm những tin tức giật gân, thiếu kiểm chứng.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các thành viên Hiệp Hội các tạp chí Italia (USPI) và Liên đoàn các tuần báo Công Giáo Italia. Họ đại diện cho khoảng 3 ngàn báo chí đủ loại, từ báo in trên giấy cho đến những báo trực tuyến.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các cơ quan thông tin này, và sứ mạng quan trọng của các ký giả là thông tin chính xác, cống hiến cho mọi người những tin tức xác thực bao nhiêu có thể. Ngài nói: ”Tiếng nói tự do và trách nhiệm của anh chị em là điều rất quan trọng cho sự tăng trưởng của bất kỳ xã hội nào muốn là dân chủ, để đảm bảo một sự liên tục trao đổi các ý tưởng và thảo luận hữu ích dựa trên các dữ kiện có thực và được thuật lại chính xác”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Trong thời đại chúng ta thường bị lo lắng vì vận tốc, vì ước muốn truyền đi những tin giật gân, mà ít để ý đến sự chính xác và đầy đủ, bị cảm xúc hướng dẫn thay vì những suy tư chín chắn, người ta cảm thấy sự cần thiết của thông tin đáng tin cậy với những dữ kiện và tin tức được kiểm chứng, không nhắm gây ngạc nhiên và cảm xúc, nhưng chủ ý làm tăng trưởng nơi các độc giả một ý thức lành mạnh phê bình, giúp họ đặt những câu hỏi thích hợp và đạt tới những kết luận có lý chứng”.

ĐTC nhắc nhở các ký giả tránh những chiến dịch tuyên truyền lèo lái thực tại và dư luận, tạo nên những hỏa mù báo chí vô ích.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Liên đoàn các tuần báo Công Giáo Italia đang kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài đề cao các tuần báo của các giáo phận có thể là những dụng cụ hữu ích để loan báo Tin Mừng, một môi trường trong đó đời sống của giáo phậncó thể được diễn tả hữu hiệu và các thành phần khác nhau của Giáo Hội có thễ dễ dàng đối thoại và đả thông với nhau.

ĐTC nói: ”Làm việc trong tuần báo giáo phận có nghĩa là đồng cảm đặc biệt với Giáo Hội địa phương, sống sự gần gũi với dân chúng tại thành phố và các làng mạc, nhất là đọc các biến cố dưới ánh sáng Tin Mừng và Giáo huấn của Giáo Hội. Những yếu tố này có thể là địa bàn hương dẫn đặc biệt cách làm báo, thông truyền các tin tức và trình bày các ý kiến” (Rei 16-12-2017)
 
Đức Hồng Y Louis Marie Ling, tân Đại diện Tông Tòa Viên-Chăn, Lào
LM. Trần Đức Anh OP
15:01 16/12/2017
VATICAN. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Louis Marie Ling Mangkhanekkhoun, làm tân Đại diện Tông Tòa thủ đô Viên Chăn của Lào, kế nhiệm Đức Cha Jean Khamsé Vithavong O.M.I, 75 tuổi, về hưu.

Cho đến nay, ĐHY Louis Marie Ling là Đại diện Tông Tòa Paksé. Ngài thuộc Tu Hội Thánh Ý Thiên Chúa (IVD, Istituto Voluntas Dei), năm nay 73 tuổi (1944), thụ phong linh mục năm 1972 và làm GM tại Paksé từ 17 năm nay. Hạt đại diện Tông Tòa này có 15.120 tín hữu Công Giáo với 6 LM giáo phận và 1 LM dòng. Ngày 28-6 năm nay, Đức Cha Louis Marie Ling được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y tiên khởi của Giáo Hội tại Lào.

Hạt đại diện Tông Tòa Viên Chăn hiện có 15.473 tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh. Tại đây có 23 giáo xứ, nhưng chỉ có 1 LM giáo phận và 7 LM dòng. Giáo Hội Công Giáo tại Lào hiện có khoảng 45 ngàn tín hữu (Rei 16-12-2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bí tích Khai Tâm taị giáo xứ Vĩnh Hòa
Nguyễn Văn Minh
10:06 16/12/2017
Trong niềm hân hoan chuẩn bị đón mừng Sinh nhật Chúa Hài Đồng sắp tới, vào lúc 17g00 thứ Sáu ngày 15.12.2017, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, đã cử hành nghi thức Rửa Tội cho 09 Dự tòng khóa II - 2017 tại giáo xứ, để trở thành người Kitô hữu.

Xem Hìnhb>

Sau phần nghi thức tiếp nhận trước tiền sảnh nhà thờ, các anh chị Dự tòng cùng bố mẹ đỡ đầu tiến vào ngôi thánh đường trong sự vui mừng chào đón của cộng đoàn giáo xứ.

Đầu lễ, cha xứ Gioakim mời gọi cộng đoàn hiệp ý dâng lời cầu nguyện cho các anh chị Dự tòng được nhiều hồng ân và luôn biết đặt trọn niềm tin của mình vào quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Gioakim đã gởi đến cộng đoàn cùng các anh chị Dự tòng một niềm vui đặc biệt: Đó là, đón chờ ngày mừng Sinh nhật Đấng Cứu Thế đến trần gian, đây là giai đoạn Thiên Chúa tỏ lòng xót thương cho nhân loại. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy tận dụng cơ hội này để quay về với Ngài, và đi theo con đường Ngài đã truyền dạy, con đường dẫn đưa chúng ta đến với đồng cỏ xanh tươi, bên dòng suối mát. Qua đây, chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị Dự tòng luôn vững một niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Đồng thời, chúng ta cũng biết chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đức tin, cũng như trong đời sống thường ngày, và là tấm gương sáng trong gia đình và trong giáo xứ, hầu mai nầy được Thiên Chúa yêu thương và đón nhận chúng ta vào thiên quốc của Ngài.

Sau bài giảng; cha chủ tế cử hành nghi thức Rửa Tội và Thêm Sức cho các anh chị Dự tòng ngay trên cung thánh.

Rửa Tội: Anh chị lãnh nhận nước này, từ đây anh chị trở nên một với Đức Kitô, chịu nạn, chịu chết, mai táng và phục sinh với Ngài.

Trao áo trắng: Áo trắng này anh chị hãy mặc và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trình diện trước mặt Đức Kitô.

Trao nến phục sinh: Anh chị hãy giữ ngọn lửa đức tin luôn cháy sáng trong lòng, để khi Đức Kitô đến, anh chị ra đón rước Ngài.

Bí tích Thêm Sức: Anh chị lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho anh chị thêm sức mạnh trong đức tin, ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, lòng can đảm và biết kính sợ Thiên Chúa.

Tiếp nối Thánh lễ là phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau phần hiệp lễ, một chị Tân tòng đại diện lên cảm ơn cha xứ Gioakim, quý chức HĐMVGX, các ban ngành, bố mẹ đỡ đầu, quý thầy dạy giáo lý cùng mọi thành phần dân Chúa đã tổ chức Thánh lễ và góp phần giúp đỡ vào ngày vui hôm nay, và bó hoa tươi thắm được dâng lên cha xứ Gioakim để tỏ lòng cảm mến và biết ơn. Đáp từ, cha xứ thay mặt cộng đoàn chúc mừng các anh chị Tân tòng và cảm ơn bố mẹ đỡ đầu, những người đã dìu dắt giúp đỡ cách âm thầm, và những người dạy giáo lý để cho các anh chị có được niềm vui trọng đại hôm nay. Một lần nữa ngài mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho các anh chị Tân tòng luôn sống can đảm, và trung thành trong hành trình đức tin của mình.

Thánh lễ khép lại lúc 18g00. Trước khi lãnh nhận phép lành cuối lễ, cha xứ làm phép và trao tặng cho mỗi anh chị Dự tòng một bức hình ảnh các thánh mang về phụng thờ và học theo mẫu gương của các ngài.
 
Bổn Mạng Giáo Đoàn Georges Hall Sydney
Diệp Hải Dung
20:36 16/12/2017
Chiều thứ Bảy 16/12/2017 các Hội Đoàn Đoàn Thể trong Giáo đoàn, quý Quan Khách Úc Việt và các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St.Mary’s Queen of Heaven Georges Hall Sydney tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa là Quan Thầy của Giáo Đoàn Bankstown - Georges Hall và kỷ niệm 30 năm thành lập.

Xem Hình

Quý Cha và tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ và Cha Paul Văn Chi Tuyên úy Đặc trách Giáo Đoàn Georges Hall xông hương kiệu Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa và kiệu cung nghinh tượng Thánh Simon Phan Đắc Hòa rước vào nhà thờ an vị trên cung Thánh.

Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Sơ, tất cả mọi người và chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn nhân kỷ niệm 30 thành lập, và cùng với quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Chính xứ Georges Hall Joseph Kolodziel, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Mai Văn Thịnh hiệp dâng Thánh lễ.

Sau nghi thức Thiếu Nhi Thánh Thể của Xứ đoàn cung nghinh Phúc Âm rất long trọng. Cha Paul Văn Chi trong bài giảng nói về Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa, Ngài là môt lương y và luôn có một lòng tín thác vào Chúa…Đời sống của Ngài đã trải qua 4 Chúa Nhật Mùa Vọng. Chúa Nhật Thứ I, Chúa mời gọi “Hãy Tỉnh Thức.” Ngài cũng đã Tỉnh Thức và cầu nguyện liên lỉ. Chúa Nhật Thứ II “Có tiếng vang lên hãy dọn đường Chúa” Ngài cũng đã chuẩn bị tâm hồn dọn đường để Chúa đến. Chúa Nhật Thứ III mùa Vọng hôm nay hãy vui lên để chuẫn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh và Chúa Nhật Thứ IV nói nên tâm tình sám hối. Hãy noi gương Thánh Simon Phan Đắc Hòa Bổn Mạng của Giáo Đoàn chúng ta…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Mr Ted Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Georges Hall lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, ông thay mặt Hội Đồng Giáo Xứ cám ơn Giáo Đoàn đã giúp ích đóng góp cho Giáo Xứ được phát triển tốt đẹp. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, anh khen ngợi Giáo Đoàn qua những thành quả xuyên suốt 30 năm qua, đó là hồng ân chúng ta tạ ơn Chúa và cũng xin thay mặt cho Hội Đồng Mục Vụ gởi lời tri ân đến quý cụ quý ông bà và anh chị em trong Giáo Đoàn đã tích cực đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng và cho Giáo Đoàn luôn thăng tiến.

Sau cùng ông Bùi Văn Vân Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn Ông cũng đặc biệt cám ơn quý ân nhân đã đóng góp trợ giúp cho Giáo Đoàn và sau cùng ông xin tất cả mọi người hãy luôn cầu nguyện cho Giáo Đoàn ngày bền vững và tiến triển trong Cộng Đồng trong Giáo Hội.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại qua sân trường nhà thờ tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng và thưỡng lãm văn nghệ do Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và các Hội đoàn trình diễn rất đặc sắc và ngoạn mục.

Diệp Hải Dung
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lời cầu xin trong Kinh Lậy Cha
LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long
17:46 16/12/2017
Lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha

Chúa Giêsu dạy các Môn đệ Kinh Lạy Cha khi cầu nguyện. Kinh này có tám phần trong đó có bảy lời cầu xin. (Mt 6, 9-13. Lc 11, 2-4)

1. Lạy Cha chúng con ở trên trời

2. Xin cho danh Cha cả sáng

3. Xin cho Nước Cha trị đến

4. Xin ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

5. Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày

6. Xin tha nợ chúng con…

7. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ - Et ne inducas in temptationem

8. Nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Lời cầu xin thứ 7.: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…Et ne inducas in temptationem đang dấy lên làn sóng tranh biện phân tích về ngôn từ dịch thuật cùng ý nghĩa hàm chứa trong đó.

Lý do dấy lên tranh biện

- Hội đồng Giám mục nước Pháp sửa lời cầu xin

„Các vị giám mục Pháp đã quyết định kể từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng (03/12/2017), kinh Lạy Cha sẽ được sửa lại một chữ theo đúng bản gốc tiếng Hy Lạp, vì Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng bắt đầu năm phụng vụ. Theo ý kiến của Hội đồng các Hội thánh Kitô giáo tại Pháp, viết tắt CÉCEF, kinh Lạy Cha cần có một bản dịch đại kết chung cho các Hội thánh Kitô giáo trên nước Pháp, theo tinh thần hiệp nhất (Ga 17,21).

Câu ‘‘Ne nous soumets pas à la tentation’’ từ ngày 03/12/2017 sẽ được đổi lại là ‘‘Ne nous laisse pas entrer en tentation’’, theo bản gốc tiếng hy lạp: Καὶ μὴ εἰσενέγκῃς ἡμᾶς εἰς πειρασμόν (Mt 6,13 và Lc 11,4)“.(Lê đình Thông, bản tin Vietcatholic ngày 08.11.2017)

- Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng muốn sửa như thế.

„Trả lời cuộc phỏng vấn vào hôm thứ Thứ Tư 6 tháng 12 năm 2017, một giới chức cao cấp của Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng muốn chỉnh sửa một vài từ trong kinh Lậy Cha mà bản Anh ngữ dịch là “lead us not into temptation,” chúng tôi dịch sát nguyên văn là “đừng đưa dắt chúng tôi vào cơn cám dỗ”. Theo giới chức Tòa Thánh câu trên rất dễ làm cho người ta hiểu lầm là Chúa dắt người ta phạm tội (it too strongly suggested that God leads people to sin)

Trong một chương trình truyền hình Công Giáo TV 2000 của Italia, Đức Giáo Hoàng nói dịch như trên “lead us not into temptation” không phải là dịch đúng và thay vào đó Ngài đề nghị dùng “do not let us fall into temptation” nghiã là “đừng để chúng tôi rơi vào chước cám dỗ.“

Ngài giải thích thêm: „Chính tôi, con người sa vào chước cám dỗ chứ không phải Chúa đẩy con người vào chước cám dỗ.“

ĐGH cũng cho biết Giáo Hội Công Giáo Pháp đã sửa đổi và nay đang áp dụng câu “do not let us fall into temptation”. Ngài cũng khuyến cáo các giáo hội khác trên thế giới nên theo cách dịch của người Pháp.“ (Nguyễn Long Thao, Vietcatholic ngày 08.12.2017)

- Bản kinh bằng tiếng Việt Nam

Bản dịch Kinh lạy Cha bằng tiếng Việt Nam đã có từ lâu, trong đó lời cầu xin thứ 6. dịch: „Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ“ đúng với bản văn Kinh Thánh.

- Bản văn bằng tiếng Đức: Und führe uns nicht in Versuchung- tạm dịch: Và xin đừng dẫn chúng con sa vào cám dỗ! - Bản dịch này có từ 1971 được đúc kết do hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành cùng làm việc dịch chung.

Giám mục Peter Kohlgraf, Giáo phận Mainz, cho rằng bản dịch tiếng Đức như thế này phù hợp đúng với bản gốc Kinh thánh bằng tiếng Hylạp trong phúc âm theo Thánh Mattheo và Thánh Luca. Và Ông còn suy nghĩ tiếp: Khi chúng ta cầu xin, chớ gì xin Ngài đừng dẫn đưa chúng ta sa vào cám dỗ không phải vì những cám dỗ nhỏ, nhưng nói lên hoàn cảnh của một quyết định căn bản theo Chúa hay không theo Chúa. Nên tiếp tục giữ bản dịch như thế để cầu nguyện.

Hồng Y R. Marx, Chủ tịch hội đồng Giám Mục Giáo Hội Công Giáo nước Đức bày tỏ quan điểm: Tôi thấy không cần thiết phải thay đổi lời cầu xin như bản dịch bằng tiếng Đức đang có „Und Führe uns nicht in Versuchung“. Và tôi nghĩ phần lớn các vị Giám mục khác nơi đây cũng đồng nghĩ như vậy. Và còn nhấn mạnh rằng Kinh Lạy Cha là chương trình cầu nguyện tối thiểu hằng ngày của người tín hữu Kitô giáo.

Giám mục Ackermann, Giáo phận Trier, Chủ tịch Ủy ban Phụng Vụ của Hội Đồng Giám mục Đức cũng lên tiếng giữ nguyên bản dịch đang hiện hành. Vì bản dịch phù hợp với bản gốc tiếng Hylạp. Ông nhấn mạnh „Khỏanh khắc của cám dỗ thử thách trong hiện tại giúp mối tương quan liên lạc với Thiên Chúa được đào sâu sa thêm ra, và giúp đức tin trở nên chín mùi trưởng thành. Vị Giám mục phụ trách Phụng vụ nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ không nói là bản dịch bằng tiếng Đức như thế không được chấp nhận cho tồn tại!“ ( kath.net 16.12.2017).

Nhiều học giả Kinh Thánh lẫn thần học phía nói tiếng Đức cũng đồng quan điểm giữ nguyên bản dịch đang có, chứ không dịch đổi như bên tiếng Pháp hay như Đức Giáo Hoàng Phanxico mong muốn.

Bỏ qua khía cạnh ngôn ngữ nơi các bản dịch, ở đây còn ẩn chứa khía cạnh căn bản của thần học nữa: hình ảnh Thiên Chúa và giáo lý Kitô học.

Ý nghĩa của thử thách, của cám dỗ

Con người chúng ta nào ai muốn sa vào cơn cám dỗ hay bị thử thách đâu. Nhưng ngay từ nguyên thủy, dù Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, đã cảnh báo nói trước rõ ràng, thế mà Ông Bà nguyên tổ Adong Evà cũng sa vào cơn cám dỗ của ma qủi ăn trái cây Chúa cấm. Ông Bà vì thế đã không vượt qua được thử thách, để chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa, Đấng tạo Hóa. Và hậu qủa là tội lỗi đã đi vào trong trần gian, lưu truyền cho mọi thế hệ con người.

Kinh Thánh thuật lại truyện Ông Gíop bị ma qủi cám dỗ thử thách phải chịu nhiều đau khổ bệnh tật thân xác, mất hết của cải cùng đức tin lòng trung thành của Ông vào Thiên Chúa. Nhưng Ông đã vượt qua vẫn giữ trung thành với Thiên Chúa.

Lời kêu khấn hay đúng hơn lời tuyên xưng đức tin thời danh của Ông là căn bản đời sống con người trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:

"Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi:

xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!„ (Sách Gióp 1,20-21)

Sự đau khổ của Ông Gíóp là lời chứng biện minh cho con người. Ông đã kinh qua đau khổ thử thách giữ vững đức tin, Vì thế vinh dự của con người được vinh danh trở lại…

Sách truyện Ông Gíop có thể giúp ta nhận rõ ra giữa thử thách và cám dỗ.

Để trở nên trưởng thành vững chãi, nhất là lòng đạo đức sâu thẳm vào Thiên Chúa cùng tìm nhận ra ý Chúa muốn, con người cần có thử thách. Như nước của trái nho phải lên men mới có thể trở thành rượu ngon qúi gía. Cũng vậy con người cần phải được thanh luyện, biến đổi. Có khi những điều đó có phần nguy hiểm, cùng có thể làm sa ngã, nhưng dẫu vậy nó giúp ta tìm về chính mình và tìm đến Chúa.

Tình yêu luôn luôn là một cuộc thanh luyện, cuộc từ bỏ, dẫn đến thay đổi đau đớn của chính bản thân ta và là con đường chín mùi trưởng thành.

Thánh Phanxico Xaviê đã cầu nguyện cùng Chúa: „Lạy Chúa con yêu mến Chúa, không phải vì thiên đàng hay hỏa ngục, nhưng vì Chúa. Lạy Chúa là vua của con, là Thiên Chúa của con.“ ( Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth I., Herder 2007, Chương 5, tr. 197).

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trước khi ra đi rao giảng nước Thiên Chúa, đã vào sống trong sa mạc và để chịu thử thách bị ma qủi cám dỗ. Như thế ma qủi là nguyên do của, hay là người bày ra cám dỗ, thử thách, chứ không phải Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu để bị cám dỗ trải qua những thử thách, và người đã chống trả lại chúng. Và như thế có thể nói được rằng: Lửa thử vàng, gian nan thử đức! Kinh qua thử thách, Chúa Giêsu đã được rèn luyện cùng minh chứng lòng trung thành với sứ mạng Thiên Chúa Cha trao cho ngài đến trong trần gian mang ơn cứu chuộc cho con người khỏi hình phạt tội lỗi.

Và Kinh Thánh còn nói về cuộc đời vị Thượng Tế Giêsu đã trải qua những cám dỗ đau khổ thử thách. Chính những kinh nghiệm trải qua đó đã giúp Ngài sống cảm thông với thân phận con người phàm trần chúng ta.

„Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.“ (Thư Do Thái 4,15).

Các Vị Tu Sỹ sống đời nhiệm nhặt khổ tu thời xa xưa đã nhìn ra giá trị tích cực nơi cám dỗ, như sự thử thách giúp con người trưởng thành đứng vững. Gió bão thổi đến bắt cây cối phải bén đâm mọc rễ càng sâu xuống lòng đất, để có thể đứng vững không bị ngả nghiêng gẫy đổ bật gốc trước gió bão. Cũng vậy cơn cám dỗ nhắc người Tu Sỹ tỉnh thức phải dùng sức mạnh thiêng liêng cùng tự nhiên chiến đấu chống trả lại, để đạt tới sự tốt lành thánh thiện.

Ai dẫn vào thử thách cám dỗ?

Thánh Giacobê đã xác định: „Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai“ (Thư Giacobe, 1,13)

Là con người khi bị vướng mắc vào cám dỗ thử thách, hầu như ai cũng hoài nghi hoang mang. Nhưng trong những hoàn cảnh đó, con người chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa không bỏ rơi hay quên chúng ta, như lời Thánh Phaolo viết lại với lòng xác tín:

„Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.“ (1 cor. 10,13)

Tâm tình lời cầu xin

Với lời cầu xin : Xin đừng dẫn chúng con sa chước cám dỗ! trong kinh Lạy Cha, chúng ta muốn nói cùng Thiên Chúa: „Lạy Chúa, con biết rằng, đời sống con cần những thử thách, để con được nên thanh sạch. Nhưng khi những thử thách Chúa gửi đến cho con, như nơi Ông gióp, Chúa để cho sự dữ, sự xấu một khoảng không gian tự do. Con xin Chúa nhớ đến sức lực giới hạn của con. Con không dám tin vào con qúa nhiều đâu. Xin đừng để vòng biên giới xa rộng, và xin bàn tay phù hộ che chở của Chúa ở gần bên con, nhất là khi cám dỗ thử thách qúa nhiều xảy đến cho con“

Cũng trong ý nghĩa đó Thánh Cypriano đã có suy tư về lời cầu xin: Khi chúng ta cầu xin “xin đừng để chúng con sa vào cơn cám dỗ„ là chúng ta muốn nói lên sự hiểu biết nhận thức „kẻ thù địch ma qủi không có gì có thể chống lại chúng ta, nếu trước đó nó đã không được phép, để đến nỗi sự sợ hãi, sự hy sinh và sự tỉnh thức của chúng ta quy hướng về Thiên Chúa, vì không có gì đã cho phép sự dữ, nếu nó không được ủy ban cho quyền hành làm.“

Và Thánh Cypriano còn suy tư theo khía cạnh tâm lý, tại sao Thiên Chúa để cho sự dữ sự cám dỗ một quyền hành giới hạn. Điều này có thể xảy ra để chúng ta ăn năn thống hối, để ngăn chặn hãm lại lòng kiêu hãnh tự cao tự đại của con người chúng ta. Và như thế chúng ta cảm nghiệm nhận thức ra được sự nghèo nàn của đức tin, của niềm hy vọng cậy trông và của tình yêu thương chúng ta. (Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth I., Herder 2007, Chương 5, trang 198).

Ngôn ngữ trong lời cầu xin thể hiện ra bên ngoài tâm tình của trái tim tâm hồn người cầu nguyện.

Nhưng có khi ngôn ngữ nói ra diễn tả sai lệch hay không đúng hẳn như mong muốn, nhất là với dạng phân tích chiết tự của khoa (học) ngôn ngữ, hay cả với khoa thần học triết lý suy tư nữa.

Vì thế, con người vào mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh muốn cùng cố gắng trong giới hạn của mình, hay do điều kiện thúc đẩy điều chỉnh sửa đổi lại ngôn từ dịch thuật trong kinh nguyện cho phù hợp không chỉ với bản văn gốc Kinh Thánh, nhưng còn với văn hóa, với ý nghĩa đạo đức thần học nữa.

Lời cầu xin số 7. trong Kinh Lạy Cha là một trong những trường hợp như thế.

LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long

 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Lễ Giáng Sinh Xứ Người
Lm. Joseph Nguyễn Văn Thư
20:47 16/12/2017

Vui mùa Giáng sinh



Không vui cũng phải vui khi bà con mình đang sống tên xứ Mỳ giàu có tự do này. Mùa này cứ thử ra phố hay vào các khu mua sắm mà coi, xem chừng thiên hạ bắt mình phải cùng vui với họ. Christmas, ngày đại lễ của Chúa mà ! Truyền thống văn hóa lâu đời rồi, dù có tin Chúa hay không và dù muốn dẹp bỏ cũng chẳng dễ gì. Đương nhiên tại Việt Nam cũng như nhiều nước Á Châu, dân chúng cũng đã và đang cùng hòa nhập với thế giới mừng mùa đặc biệt này.

Người Pháp gọi là mùa Noel. Phát sinh từ cổ ngữ Nael, bắt nguồn từ chữ La-tinh Natalis : sự sinh ra đời (birth). Các cô chú Mễ gọi là Navidad. Đôi khi họ cũng dùng chữ Noe. Từ ngữ này không dính gì tới ông Noe (Anh ngữ là Noah) trong dịp đại hồng thủy trong Kinh thánh xưa.

Dân chúng cùng vui với bạn bè, thân nhân, lối xóm. Cùng kết hoa giăng đèn mừng Chúa. Gia đình xum họp đoàn tụ. Ai cũng mong giờ phút ăn tiệc đêm Giáng sinh. Dân ta quen gọi là dịp cắt bánh Réveillon. Quan trọng là cùng tới giáo đường dự lễ. Các bài thánh ca réo rắt bay bổng, cuốn hồn giáo dân lên cõi trời cao. Linh thiêng vô bờ. Trang nghiêm vô tận.

Trong niềm tin sâu xa vào ngày ‘cứu chuộc’ cao cả này, người ta hân hoan như đang sống trong bầu khí thần thánh thiên quốc. Người ta dâng lời nguyện cầu cho quốc thái dân an. Người ta tạm dẹp bỏ những lo toan trần tục. Người ta cũng phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa.

Điều đặc biệt là ai cũng nghĩ tới người nghèo khổ xâu số trong dịp lễ này. Thế là các cơ quan từ thiện công tư đều ra tay gây quỹ và xin quà, nhất là cho những trẻ em thuộc gia đình nghèo. Người ta cũng tổ chức những buổi thăm viếng các cụ già cô đơn trong các viện dưỡng lão.

Tinh thần Giáng sinh được hiểu là như thế đó.

Huyền thoại ‘Ông già Noel’



Noel mừng ngày sinh của trẻ thơ Gie-Su. Thế là người ta đặc biệt dành ưu tiên đem niềm vui cho các trẻ nhỏ, nhất là tính đến chuyện tặng quà cho các em ngoan ngoãn. Rồi họ ‘chế ra’ ông già Noel ‘từ bắc cực tới trao quà’. Trẻ đi ngủ vào tối vọng Giáng sinh, mong ông già này chui vào nhà qua ống khói, rồi lẳng lặng đặt quà bên cây thông Noel. Sáng thức dạy lũ trẻ reo mừng vì những món quà giá trị.

Bà con vẫn nghe nói nguồn gốc vụ trao quà cho trẻ con vào dịp này, là do sự tích vị giám mục Nicholas xưa bên xứ Thổ nhĩ Kỳ. Ngài đã được phong thánh và kính vào ngày 6 tháng 12. Giám mục có lòng yêu mến trẻ nhỏ đặc biệt, nên được đem vào huyền thoại mùa Giáng sinh. Dân Hòa Lan gọi ngài là Sint Nicholaas, rồi biến dạng ra Sinterklass. Thời nhóm dân này làm ăn khấm khá ở vùng New York, họ phổ biến tên và sự nghiệp ngài, và rồi dân nói tiếng Anh gọi ngài là Santa Claus từ đấy.

Vào thế kỷ 19, nhà hoạt họa danh tiếng Thomas Nast đã hiện đại hóa hình ảnh ông già Noel trong một phim vui về Giáng sinh : một cụ già vui tính, râu tóc bạc phơ, má đỏ hồng, mặc bộ đồ đỏ trắng, bụng to, lưng đeo bao quà lớn, sẵn sàng trao cho lũ trẻ ngoan khắp nơi.

Quà của Chúa



Theo kinh thánh, qua lời thiên sứ ca hát trong đêm Chúa giáng trần, nhân loại sẽ được ơn an bình vững bền trong tâm trí. Qua bản thánh ca nổi tiếng Silent Night (Việt Nam quen gọi là bài ‘Đêm thánh vô cùng’ mà nhạc sĩ Hùng Lân đã khéo léo chuyển lời) cho chúng ta nghe những lời hát thấm vào hồn, diễn tả hồng ân cao cả vô song của Chúa cứu thế).

Giáng Sinh là ngày ánh sáng của Thiên Chúa đến với con người. Ánh sáng đó đã đến và soi sáng cho những ai chịu đi trong ánh sáng. Nhưng ánh sáng cũng trở thành bóng tối nếu người ta cứ nhất định quay lưng lại.

Chúa Giáng sinh đem tới niềm vui cứu độ, sự tươi mát, nỗi hy vọng bao la. Chính vì vậy, trong mùa này, dân chúng cũng trang hoàng một loại cây thông, tiên khởi được thịnh hành ở Đức. Rồi ‘cây Noel’ được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi. Đến năm 1820 cây này được nhóm di dân người Ðức (nay ở Pennsylvania) mang sang nước Mỹ. Ngày nay, gần đến dịp Noel, người ta thường sắm một cây thông và trang trí lên đó những ngôi sao, những quả châu, dải kim tuyến lấp lánh, hoa... Cây thông Noel được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới vươn lên cao, tạo them ý nghĩa trong các lễ hội Giáng sinh, cũng như để đón chào năm mới.

Bài học Chúa trao gửi cho nhân loại dịp này thật là cao cả nhiệm mầu : Người diễn tả sự trân trọng của Thiên Chúa đối với con người, qua mầu nhiệm nhập thể. Giáng Sinh là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng trong mầu nhiệm này, con người chiếm vị trí trung tâm.

Chúa Giêsu giáng sinh đem đến cho ta niềm hi vọng lớn lao. Chúa Giêsu giáng sinh đổi mới tâm hồn ta. Và Người mong chờ ta sống một đời sống mới, xứng đáng với phẩm giá cao cả do ân sủng Chúa ban. Người bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua sự đồng cảm lớn lao, đến độ đồng hóa mình với con người. Vì yêu thương, Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương, Chúa cùng chịu chung số phận với loài người.

Sống tinh thần Giáng Sinh

Giáng sinh là lễ của tình thương. Tình thương cần được chia sẻ cho anh em đồng loại. Thế giời đang thiếu vắng tình thương. Người ta đang thực hành văn hóa sự chết. Ích kỷ và ghét ghen đang ngự trị khắp nơi. Trước hết ta hãy dâng lại cho Chúa Hài Nhi trọn vẹn trái tim và cuộc sống. Hãy theo chân 3 vua để chân thành tới thờ lạy và tạ ơn. Hãy rao giảng văn hóa yêu thương tha thứ.

Mừng lễ Giáng sinh chúng ta chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp : Giáng sinh vui vẻ, cuộc sống an khang, gia đình hạnh phúc... Nhưng thiết tưởng, những lời chúc tốt đẹp đó sẽ vẫn mãi chỉ là những câu những chữ trên sách vở, nếu mỗi người chúng ta không làm một vài nghĩa cử yêu thương nào đó, cho chính người thân yêu của mình nơi gia đình, cho người đồng nghiệp nơi công sở, cho người bà con nơi xóm ngõ.

Giờ đây, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm của hận thù, bất công và chia rẽ, mỗi người hãy thắp lên ngọn nến của yêu thương, công bằng và hiệp nhất. Có như vậy, biến cố ‘Ngôi Lời nhập thể’ mới trở nên niềm vui và niềm hạnh phúc đích thực cho tất cả và từng người chúng ta.

Nếu lễ GS năm nay là dịp để chúng ta tỏ lòng yêu mến nhau nhiều hơn, qua việc tương trợ nhau, tôn trọng nhau, nhất là tôn trọng phẩm giá và sự sống con người, ngay cả với những người thấp cổ bé miệng nhất, và nếu vào dịp lễ GS năm nay, mỗi người chúng ta tạo một món quà mang lại niềm vui cho người khác, nhất là ‘niềm vui tin mừng’ cho tha nhân, thì có lẽ chúng ta mới thực sự là những người đến viếng và hiểu lòng Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, và chúng ta mới thực sự là người đón nhận lời mà các thiên thần hát trong đêm nay :

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người Chúa thương.”
 
Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh
Vũ Văn An
21:53 16/12/2017
Gần đến ngày lễ Giáng Sinh năm nay, Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho công bố cuộc thăm dò mới nhất của họ, cho thấy nhiều người Mỹ hơn không còn coi trọng các khía cạnh tôn giáo chung quanh câu truyện Giáng Sinh của Thánh Kinh nữa. Càng ngày, càng có nhiều người hơn coi Lễ Giáng Sinh là một ngày lễ văn hóa, nhưng riêng Joseph Mussomeli, người từng phục vụ ngành ngoại giao Hoa Kỳ trong 35 năm tại khắp các nhiệm sở như Ai Cập, Afghanistan, Marốc và Phi Luật Tân, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Slovenia và Vương Quốc Cambodia, thì Lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa khi nó là một ngày Lễ Tôn Giáo. Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh chính là bài viết của Ông đăng trên The Imaginative Conservative. Chúng tôi xin lược dịch để qúy vị thưởng lãm nhân Mùa Giáng Sinh 2017.

Nếu Lễ Giáng Sinh là một điều gì đó, thì hẳn là một cuộc cách mạng của trái tim chống lại cái thứ răng đền răng của thế giới, chống lại việc thế giới đòi cân bằng cán cân và sửa mọi cái sai bằng một nền công lý cứng rắn. Sau cùng, nếu thế giới được cứu vớt, thì chính là lòng thương xót chứ không phải công lý sẽ cứu nó…

I. Khi lạ lùng là điều duy nhất có ý nghĩa

Lễ Giáng Sinh là một điều hết sức vô nghĩa. Đúng theo nghĩa đen. Trong 32 năm qua, tôi vốn thưởng thức thức ăn, ca hát, cảnh lộng lẫy trưng bầy, và nhất là đèn lóng lánh, nhưng tôi chưa bao giờ tin câu truyện đáng tin. Với tôi, câu truyện Ngày Giáng Sinh hoàn toàn vô nghĩa. Tệ hơn nữa, nó còn là một lời phỉ báng và lăng nhục Do Thái Giáo, là tôn giáo duy nhất, trong nhiều thế kỷ, đã cẩn trọng và một cách mẫn cảm tự thanh tẩy mình khỏi xúc cảm ngoại giáo. Nhưng, một cách nào đó, cái huyền thoại ngớ ngẩn nhất của ngoại giáo về một vị thần trở thành người phàm, đã nhiễm độc đức tin được đóng ấn và che chở bậc nhất về phương diện giải thích này. Quả là một ý niệm phạm thượng và thực sự nực cười khi cho rằng Đấng Khôn Tả, Đấng Bất Khả Niệm, Đấng Vô Hạn, và Đấng Vĩnh Hằng lại có thể bước xuống hay ngó xuống để thành người phàm! Làm thế nào Đấng mà đến tên người ta cũng không dám nói ra vì sợ nói ra sẽ đặt giới hạn cho điều vốn vô giới hạn lại có thể trở thành một phàm nhân tầm thường: yếu đuối, đau đớn, lu mờ?

Và rồi, một cách không ngờ, cái nhìn của tôi đã thay đổi. Bởi vì, một cách không ngờ, tôi trở thành một người cha. Điều trước đây đối với tôi là phi lý và kỳ cục đã trở thành hiển nhiên và tự nhiên đến phi lý. Con trai Isaac của tôi sinh tháng Ba năm 1984, và chỉ trong vòng vài tháng, cháu bị đau. Không có gì nghiêm trọng, nhưng đối với người mới làm cha, thì mọi cái sụt sịt hình như cũng là sắp chết cả. Một ngày kia, tôi từ sở về nhà, thấy Sharon, vợ tôi, đang nằm co trên một chiếc ghế, đung đưa cháu Isaac, cả hai mẹ con cùng khóc như mưa, nước mắt chan hòa khắp má. Nàng không chịu buông cháu ra, nhưng tôi cũng ôm được cháu vào lòng và cố gắng làm cháu im, nhưng tất cả những điều tôi nói và làm chẳng có hiệu quả gì hết. Chúng tôi dành nhiều tiếng đồng hồ lục lọi sách vở y khoa để tìm cách giúp cháu; tôi mê mải gọi cho văn phòng bác sĩ, nhưng không có ý kiến nào của ông hữu dụng cả. Chúng tôi cho cháu uống thuốc và bế cháu đi quanh vừa đi vừa vỗ về cháu và thức đến nửa khuya cứ khắc khoải không biết cháu có sống qua ngày không. Chúng tôi khiếp sợ và chết điếng, không biết phải làm gì. Rồi tôi làm điều mà phần lớn các cha mẹ khác đều làm: tôi bắt đầu cầu nguyện – nài xin cho cháu đỡ hơn, nhưng chẳng có chi thay đổi. Rồi, lại một lần nữa, giống như bất cứ bậc cha mẹ nào khác, dù là vô thần điên dại nhất, lời cầu xin của tôi biến thành lời mặc cả: Xin để con chịu đau khổ thay cho cháu. Xin để con đừng để cháu: “trời ơi, đất ơi, chúa ơi, hãy để chỉ một mình con thôi. Xin ngưng, đừng để thằng nhỏ khóc”. Nhưng mọi sự vẫn như cũ. Rồi, vì quá vô vọng, tôi nói thầm trong ý nghĩ: “Cho dù cháu không thể đỡ hơn, thì ít nhất, ít nhất, trời ơi, hãy để con chia sẻ cái đau của cháu; hãy để con ít nhất được tham dự vào nỗi thống khổ của cháu”. Và một lần nữa, cũng chẳng ăn thua gì.

Một lúc sau, cùng đêm, khi Isaac thiếp ngủ vì kiệt sức, tôi nhận thấy việc tôi muốn đổi chỗ với đứa con của mình và chia sẻ nỗi đau của cháu là chuyện bình thường và có thể đoán trước, cho dù tôi không hẳn là một người cha gương mẫu. Dường như đây là một lực đẩy phổ quát khiến phần lớn con người và nhiều loài có vú sẵn sàng hiến chính mạng sống mình cho con cái. Và từ đó, đối với tôi, cái lực đẩy phổ quát này hình như là một chân lý bất biến có tính vũ trụ. Nó là một thực tại hiển nhiên đến nỗi bị che khuất cả hàng bao thiên niên kỷ qua. Và mặc dù lúc ấy, tôi vẫn chưa tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng, sau cái đêm hãi hùng kia, tôi tuyệt đối chắc chắn rằng nếu có một Thiên Chúa, thì hẳn nhiên Người phải tốt ít nhất cũng như tôi và chủng loại của tôi. Thì hẳn nhiên, Người phải có xu hướng nhiều hơn và quyết tâm nhiều hơn, sáng thế của Người sẽ không chịu đau khổ một mình, không bao giờ phải chịu đựng bất cứ điều gì khủng khiếp mà chính Người lại không dự phần vào. Và nhờ việc Người dự phần vào, lại không nâng cao, thanh tẩy và bí tích hóa chính đau khổ.

II. Có đám đông: Ông Giuse già, tội nghiệp

Chẳng hợp tình hợp lý. Chút nào. Có lẽ vì ông trùng tên với tôi hay có lẽ nay tôi cũng già như ông hồi ấy, nên tôi nghĩ Ông Giuse không được đối xử tốt bao nhiêu trong câu truyện Giáng Sinh. Tất cả chỉ nói về bé thơ và người mẹ - thậm chí cả các mục đồng lẫn các Khách Thông Thái cũng được lưu ý nhiều hơn. Trời đất, đến những con thú ồn ào, nặc mùi hôi và anh chủ quán thô lỗ cũng được chú ý nhiều hơn! Thưa Ông Giuse già nua, mỏi mệt và lo âu. Tôi hồ nghi ngay cả bà Maria, trẻ trung, đầy sức sống và tự tin như thế, có lẽ cũng thắc mắc không biết ông chồng già, hom hem của mình có thực sự sống lâu thêm hay không dưới sức căng và áp lực của cuộc hành trình dài từ Nadarét… và gánh nặng của việc làm cha lúc tuổi đã xế chiều.

Ông luôn ở hậu trường, ông luôn giữ im lặng; ông chỉ luôn có mặt ở đó. Nhưng khi càng bước vào vai trò đó nhiều hơn, không tài nào đuổi kịp một đứa con nhỏ tuổi và không thoải mái với việc phải ở trung tâm sự việc, tôi mới bắt đầu ngờ rằng đó là cách Ông Giuse muốn thế. Ông cảm thấy mình ly tâm mỗi ngày một xa hơn, ra những vòng ngoài của câu truyện, nhưng không phải vì ông bị đẩy qua một bên. Đúng hơn, ông hiểu rằng ông không thể ở trung tâm mà vẫn còn ở bên cạnh họ. Ông ở mãi vòng ngoài và chính ở vòng ngoài mà ông tìm được trung tâm của mình. Quả là một trong những phép lạ hàng ngày của sống và yêu thương khi không hề có một trung tâm nhưng mọi người đều luôn ở trung tâm của một gia đình yêu thương bất kể họ ở vòng ngoài hay xa xôi thế nào về phương diện tâm thức, không gian và thời gian.

III. “Thời gian kỳ diệu nhất trong năm”?

Ta hãy nhất quyết trung thực: không phải ai ai cũng hân hoan vào thời điểm này trong năm. Ta rất dễ quên điều này: biết bao ánh đèn và tiếng cười; biết bao rượu nho và bài ca; nên đôi khi khó nghe và thấy cái đau khắp quanh ta. Nhưng Lễ Giáng Sinh có thể là thời gian để buồn sầu và tiếc nuối, và chắc chắn, là thời gian khi ở một mình và cảm thấy lạc lõng trở nên sắc cạnh hơn, rõ ràng hơn, và đè nặng lên ý thức của ta hơn. Tỷ lệ tự tử tăng lên, và trầm cảm cùng thất vọng đem lại thiệt hại khủng khiếp. Làm gì có ngày nghỉ cho những người đang đau đớn; không ngày thánh thiêng nào xua đuổi được sợ sệt và buồn sầu. Lễ Giáng Sinh đến để hàn gắn và xoa dịu, và nó nên mang tới niềm vui, nhưng nó cũng có thể đâm thâu như một con dao và đập nát như một chiếc búa những ai thấy mình đứng riêng và cô đơn. Ngay khi tôi đang gõ chữ đây, hàng trăm người đang bị giết khắp trên thế giới sát nhân này, và hàng ngàn người nữa đang chết cái chết đau đớn vì bệnh lạ và những bệnh hết sức thông thường như hận thù và tham lam. Hàng năm, hàng chục học sinh bị giết trong các vụ thảm sát ở trường, khắp trên thế giới, từ Hoa Kỳ tới Pakistan — nay như cơm bữa đến nỗi không còn gây sửng sốt: Một vụ Sát Hại Các Thánh Anh Hài được lặp lại quá nhiều. Con cái vĩnh viễn mất khỏi gia đình; các sự sống kết liễu gần như trước khi bắt đầu: một nỗi xé lòng đem chúng ta trở lại với thực tại đen tối giữa tuần Giáng Sinh.

Có lẽ huyền thọai tệ nhất của Giáng Sinh, sự dối trá đích thực và nguy hiểm nhất là tin rằng dù sao, Giáng Sinh cũng đã thay đổi bản chất con người một cách kỳ lạ và làm dịu sự mất mát của con người. Nhưng đó không phải là Giáng Sinh. Các mất mát là có thật và hết sức đau đớn. Về Giáng Sinh, không hề có gì kỳ diệu thần thông cả, ít nhất cũng không kỳ diệu thần thông gì hơn tình yêu và hy sinh. Tình yêu và hy sinh thực sự lạ lùng hơn là kỳ diệu thần thông; chúng là một thách thức cương nghị nhất định chọn sự sống chứ không chọn sự chết, nhất định chọn hy vọng ngay trong lúc thất vọng khốn khổ nhất. Bởi thế, hôm nay, giữa tiếng ca hát, nói cười và tình bạn, ta nên buồn đau với người đau, ngay khi đang hân hoan trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị cho ngày lễ vui tươi, dâng lời cầu nguyện cho những ai đang đau chịu các mất mát không thể tả nổi, và đặc biệt tưởng nhớ những người mà nỗi đau đớn và mất mát trở nên tệ hơn trong thời điểm này trong năm. Lễ Giáng Sinh đầu tiên không phải là tiên phong tức khắc của niềm vui phổ quát và hòa bình thế giới, mà chỉ là lời hứa một ngày nào đó sẽ như thế. Giáng Sinh không tẩy xóa bóng tối; bóng tối vẫn đang thống trị hầu như ở mọi nơi, nhưng tình yêu đang chiếu rọi lên nó, một cách sáng lạn và thách thức.

IV. Niềm vui đen tối của thất vọng

Tôi từng sống phần lớn đời tôi giữa những người bị ám ảnh bởi những câu truyện đen tối, gây trầm cảm đầy bạo lực, thối nát, và nghèo đói: Phi Luật Tân, Afghanistan, Ai Cập, Sri Lanka, và nhất là Cambodia. Tôi cũng từng sống tại các xã hội giầu có hơn và tiến bộ hơn như Slovenia và Hoa Kỳ. Và tôi luôn luôn ngỡ ngàng bởi sự tương phản: người Phi Luật Tân, người Ai Cập, người Cambodia nghèo, thất vọng, chật chội sống với nhau như thế … nhưng lại rất vui tươi; trong khi ở đây, ở Hoa Kỳ này và ở Slovenia nữa, có rất nhiều điều đẹp đến mê hồn, hết sức trù phú… nhưng lại ảm đạm. Tôi bắt đầu thắc mắc điều gì khiến tạo ra một niềm vui đầy thách thức như thế giữa bạo lực và nghèo khổ, và điều gì cứ khiến người ta phải thất vọng ngay giữa một sự dư thừa như vậy?

Tôi ngờ rằng có một điều gì lôi cuốn, thậm chí quyến rũ, nơi thất vọng. Một số người trong chúng ta không những bị lôi cuốn mà thực ra còn nài nỉ một giải thích đen tối hơn về thực tại. Trong linh hồn, có một điều gì đó hân hoan trong cay đắng và hư vô. Một số người chào đón vẻ đẹp tàn bạo, nhìn lên đêm đen đầy sao tin rằng mình đang cô đơn, hoàn toàn cô đơn, mạnh bạo đối diện với bóng tối vô tận, với trống vắng không gian, một cách khắc kỷ đương đầu với hay điên cuồng làm ngơ vẻ dửng dưng lạnh lùng của hiện hữu, chấp nhận sự phi lý của mọi luân lý tính và sự trống không của xúc cảm. Can đảm chấp nhận rằng mọi sự họ cảm giác thấy, cũng như nghĩ, cảm, và tin, bất kể cả họ có tin Thiên Chúa hay không, đều chỉ là hỗn hợp tình cờ, được xếp đặt trước gồm các sung lực điện hóa (electro-chemical), kinh nghiệm bản thân, và điều kiện hóa xã hội. Chấp nhận rằng không hề có một tiêu chuẩn nào cho bất cứ điều gì và chỉ có lại sự can đảm lạnh lùng, dù ngay cả ý niệm can đảm này cũng rỗng tuếch và vô nghĩa vì cả nó nữa cũng chỉ được vật chất tiền định. Có một niềm khoái lạc nào đó khi cảm thấy sự rỗng tuếch này, thậm chí một thứ tự do nào đó: được thoát khỏi sức đẩy trọng lực của nền luân lý này hay nền luân lý nọ, hoàn toàn giải thoát để được làm bất cứ điều gì hay không làm điều gì cả.

Nhưng niềm vui đen tối trên đã bị cướp đi; nó đã bị xé nát. Với tiếng khóc thầm lặng và cú ngáp trẻ thơ, đen tối trên đã ra tan tành: tiếng kêu trẻ thơ đã đâm thủng cõi không thể đâm thủng và đem nó tới chỗ đầu hàng; bàn tay nắm ghì của trẻ thơ đã kéo vũ trụ lại gần hơn và sưởi ấm nó bằng cả nụ cười lẫn nước mắt.

V. Ca ngợi ngoại giáo

Với bài ca, rượu nho và tiếng cười, chúng ta mời mùa Giáng Sinh tới. Nay, tôi đã chính thức và hợp pháp là một ông già, thế nhưng đèn đóm Giáng Sinh vẫn thôi miên tôi. Đối với tôi, chúng cầu kỳ đến thích thú, mặc dù tôi biết nhiều người không thích chúng. Lý do thì có nhiều. Người chính xác về chính trị sợ đèn đóm có thể gây bực mình cho các tôn giáo khác và cả người không tin nữa, vả lại, chúng ta cần mẫn cảm đối với các cảm quan bị thương tổn của họ. Những người duy bảo tồn môi trường một cách gắt gao tấn công việc sử dụng năng lượng một cách hoang phí, trong khi cảnh sát “thẩm mỹ” thì ngỡ ngàng trước sự lòe loẹt của việc trưng bầy. Nhiều người khác sợ rằng đèn đóm này có thể pha trộn một cách nguy hiểm giữa nhà nước và Giáo Hội, một nỗi sợ khá lớn đang bàng bạc nơi phe tả ở Hoa Kỳ và cạnh tranh về mức độ phi lý với nỗi sợ xưa cũ đối với chủ nghĩa cộng sản của phe hữu. Các chống đối khác có tính tôn giáo nhiều hơn. Người thanh giáo (puritans) bài bác hoàn toàn việc cử hành Giáng Sinh; tôi cho rằng đối với họ, cử hành một điều thánh thiêng bằng những chuyện phàm trần như âm nhạc, khiêu vũ, vui cười và đèn đóm là một điều làm nó mất phẩm giá. Những người thanh giáo thời nay, tuy có ý hướng tốt, vẫn ta thán cái xu hướng duy vật chất của dịp lễ, khi người ta dành lượng thời gian và tiền bạc vô lối vào việc mua quà tặng và tiệc tùng. Còn tôi, dù đôi khi cũng thắc mắc chuyện Giáng Sinh bị thương mại hóa và duy vật chất quá đáng, nhưng phần lớn tôi vẫn ham mê trong đó và ít có lo lắng quá đáng rằng nó đã trở thành một cử hành quá ư là ngoại giáo. Dù sao, nó cũng là Ngày Lễ Giáng Sinh: một thời điểm để hân hoan một cách quá lý và quá thường.

Chúng ta nên nhớ rằng vào ngày Giáng Sinh đầu tiên, những tặng phẩm nực cười đến phát khóc đã được dâng tặng bằng vàng, nhũ hương và mộc dược. Và mặc dù một số nhà thần học thấy giá trị biểu tượng nơi các tặng phẩm này, nhưng không ai chối cãi được rằng chúng hoàn toàn có tính thực tiễn hay hữu dụng một cách đặc biệt. Ừ thì, có thể vàng… nhưng khó mà nghĩ được món quà nào phi lý cho một trẻ sơ sinh hơn là nhũ hương và mộc dược! Thay vì chăn ấm hay thức ăn nóng, tặng phẩm lại là những món kỳ quặc và buồn cười đến thế. Và chắc chắn, 2 ngàn năm trước làm gì có những dây đèn điện, nhưng là cả đoàn thiên thần loan báo cuộc ra đời. Quả là quá phô trương và tới mức thổi phồng.

Một phần cái thiên tài của Kitô Giáo ngày xưa là không loại bỏ sự vui thích của ngoại giáo trong thế giới tự nhiên, mà chỉ tái tạo nó dưới hình thức bớt hung dữ, nhiều lành mạnh hơn mà thôi: ít thờ phượng thiên nhiên, nhưng tôn trọng nó hơn. Khi chọn ngày lễ của Rôma xưa làm lễ Giáng Sinh, Giáo Hội không chỉ khôn khéo, mà còn được linh hứng nữa. Liên kết lễ Giáng Sinh với việc cử hành thiên nhiên xưa kia nhắc ta nhớ rằng vật chất tự nó là một điều tốt từ trong nội tại, chứ không phải điều xấu. Nhiều người tự gọi mình là “người tôn giáo” nhưng lại có xu hướng ghét bỏ sự vật trần đời, trong khi Nhập Thể bác bỏ cả các khẳng quyết duy thanh giáo lẫn duy hư vô cho rằng sự sống và vật chất thẩy đều xấu xa. Càng nhiều bài ca càng tốt. Càng nhiều tiếng cười càng hay. Và đèn đóm càng lòe loẹt, thì khung cảnh càng vui tươi!

Kỳ sau: VI Sợ Sệt và Yêu Thương
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chào Mừng Mùa Giáng Sinh
Nguyễn Đức Cung
09:23 16/12/2017
CHÀO MỪNG MÙA GIÁNG SINH
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Bỗng dưng đồng vắng hoan ca
Bỗng dưng trần thế hóa ra thiên đàng
Chói ngời ngàn vạn hào quang.
(Trích thơ của Trầm Tĩnh Nguyện)
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News