Ngày 15-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/12: Vai trò của ông Gioan Tẩy Giả. Linh mục Antôn Nguyễn Thế Nhân
Giáo Hội Năm Châu
02:14 15/12/2021

PHÚC ÂM: Lc 7, 24-30

“Gioan là sứ thần dọn đường Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: “Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con”. Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông”. Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.
 
Đang ở đây , giữa chúng ta, với chúng ta và rong chúng ta
Lm. Minh Anh
05:14 15/12/2021

ĐANG Ở ĐÂY, GIỮA CHÚNG TA, VỚI CHÚNG TA VÀ TRONG CHÚNG TA
“Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”.

Một người tù phải chịu tất cả những kinh hoàng của một ‘trại cải tạo’; ngày kia, anh đang nhắm mắt cầu nguyện, một bạn tù khác chế giễu anh, “Cầu nguyện sẽ không giúp bạn ra khỏi đây nhanh hơn! Chúa của bạn ở đâu?”. Mở mắt, người kia nói, “Tôi không cầu nguyện để ra khỏi tù mà để làm theo ý muốn của Chúa; Ngài ‘đang ở đây, giữa chúng ta, với chúng ta và trong chúng ta!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng vì đang ở tù, Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu, “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”. Câu hỏi ấy đưa chúng ta về một trong những cụm từ buồn nhất của Thánh Kinh, “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận!”. Như câu trả lời của người tù đầy lòng tin kia, một lần nữa, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa ‘đang ở đây, giữa chúng ta, với chúng ta và trong chúng ta!’.

Chỉ trong bài đọc thứ nhất, qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa nói đến năm lần, “Chính Ta là Chúa, và không có Chúa nào khác!”. Ngài cho biết, chính Ngài dựng nên ánh sáng và tối tăm, hạnh phúc và tai hoạ, nhân loại và muôn loài. Ngài là Thiên Chúa cứu thoát, “Chính Ta là Thiên Chúa đã làm những sự ấy!”. Như vậy, thế giới này thuộc về Ngài, con người và mọi vật trong vũ trụ thuộc về Ngài. Ngài đang tiếp tục thực hiện từng bước kế hoạch yêu thương của Ngài trong thế giới, một thế giới mà Ngài đã sai Chúa Giêsu, Con Một, đến cắm lều giữa nó. Quả thật, trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa ‘đang ở đây, giữa chúng ta, với chúng ta và trong chúng ta!’.

Vậy mà trớ trêu thay! Câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ Gioan cũng có thể là câu hỏi thường ngày của mỗi người chúng ta, “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”. Đừng ngạc nhiên về điều đó! Vì nếu không cẩn thận, câu hỏi ấy vẫn có thể đặt ra với chúng ta. Tại sao? Vì lẽ, dẫu muốn kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta vẫn thường bịt tai trước tiếng lương tâm và nhắm mắt trước ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mải mê tìm kiếm những cơ hội ‘lớn hơn, ngoạn mục hơn’ để gặp gỡ Ngài, nhưng lại bị bắt gặp khi chúng ta đang tìm kiếm ‘một thứ gì đó khác’ ngoài Ngài, trong khi Thiên Chúa đang đến với chúng ta, đang có mặt với chúng ta trong mọi hoàn cảnh rất đỗi bình thường, qua những con người rất gần gũi của gia đình như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè đồng trang lứa; hay các thành viên của cộng đoàn.

Và đây là câu trả lời, “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe, đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch!”. Đây là những gì Isaia đã nói khi tiên báo về thời thiên sai; chỉ Chúa là Thiên Chúa, chứ không chúa nào khác, làm được những điều đó. Chúa Giêsu kêu gọi sự phân định của lý trí qua những gì mắt thấy tai nghe nhằm dẫn đến một phản ứng sâu sắc hơn của đức tin, “Bạn sẽ biết một cây nhờ trái của nó!”. Tại sao Ngài ‘nhấn mạnh lại’ những gì mà chắc chắn Gioan đã biết? Bởi lẽ, không phải lúc nào con người cũng biết cách khám phá công việc của Thiên Chúa. Ngài muốn nói rằng, ‘Hãy mở mắt, mở tai để học biết đường lối của Chúa Cha. Ta không ngừng hoạt động trong cuộc sống của con; hãy khám phá hành động của Ta, nghe tiếng nói của Ta; và con sẽ đến, để xem kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con!’.

Anh Chị em,

Thiên Chúa ‘đang ở đây, giữa chúng ta, với chúng ta và trong chúng ta!’. Chính Ngài là Chúa, chứ không còn chúa nào khác. Đừng mong đợi một chúa nào khác có thể cứu chúng ta ngoài Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Xác tín này đòi buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn, thay đổi ước muốn của mình. Thiên Chúa đang ở với chúng ta, Ngài đang quằn mình chống đói, chống lạnh, chống thất nghiệp, chống bệnh tật với chúng ta. Chúng ta không cô đơn! Ngài đang van xin chúng ta hãy cho Ngài một chỗ trong trái tim mình để Ngài thật sự là Chúa của cuộc đời mỗi người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chưa bao giờ Chúa hứa, cuộc sống của con sẽ dễ dàng; nhưng Chúa hứa ban cho con đủ ân sủng để vác thập giá. Cho con xác tín, Chúa ‘đang ở đây với con và trong con!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Vui vì được Chúa thăm viếng
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
10:28 15/12/2021
Vui vì được Chúa thăm viếng

Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng - C

(Lc 1,39-45)

Lễ Giáng Sinh, lễ của tình yêu, niềm vui và chia sẻ, lễ kỷ niệm Thiên Chúa viếng thăm dân Người.

Lời của ngôn sứ Mikha lôi kéo chúng ta hướng nhìn về Belem và chung niềm vui với họ. Bởi Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđa, một biến cố vĩ đại xảy ra không chỉ làm cho Israel nhảy mừng, mà cả thế giới mừng vui: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời” (Mk 5,1). Không mừng vui sao được, vì nói đến Belem, là người ta nghĩ ngay đến một thành nhỏ cách Giêrusalem chừng 30 dặm về phía Nam. Ðavít đại vương, tổ tiên của Đấng Mêsia đã sinh ra tại đây từ ngàn năm trước Chúa Kitô giáng sinh, chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và đem niềm vui cho Israel.

Niềm vui, tình yêu và sự sẻ chia ấy được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người tại Belem. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Belem bởi vì ông Giuse, chồng của bà Maria, “thuộc dòng dõi Ðavít” phải trở về nơi ấy để kiểm tra dân số, và chính vào lúc đó Maria đã hạ sinh Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,1-7).

Cứ sự thường, để chọn nơi chốn cho con mình sinh ra, người cha sẽ chọn Giêrusalem, một kinh thành có đầy đủ tiện nghi và nổi tiếng. Thiên Chúa thì khác, Ngài đã chọn Giuđa một thị tộc nhỏ bé nhất Ephratha, giống như chọn David là đứa con nhỏ nhất trong gia đình của Giêse, để làm vua thay Saul.

Cách trích dẫn có tính lịch sử của Malaki giúp ta hình dung ra ra ngày Chúa đến gặp dân Ngài. Khi phải sống lưu đày xa Thiên Chúa, con người cảm thấy đau khổ. Nay “tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt” (Dc 2,11). Thiên Chúa chuẩn bị viếng thăm và ra tay cứu thoát.

Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ nơi gia đình Dacaria cho thấy, Thiên Chúa đã đến gần. Tin Mừng ghi lại : “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabeth” (Lc 1,39-40), cuộc viếng thăm tưởng như là cuộc thăm viếng giữa người với người; nhưng thực tế, đây là cuộc thăm viếng lịch sử, Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Thiên Chúa đã chuẩn bị biến cố này từ lúc con người sa ngã trong vườn Địa Đàng. Từ đó, con người khao khát Thiên Chúa viếng thăm; vì nhờ Chúa viếng thăm, con người được Thiên Chúa đổi vận mạng: từ chỗ bị lưu đày đến chỗ được vào Đất Hứa, từ chỗ phải xa cách Thiên Chúa đến chỗ được đoàn tụ với Ngài muôn đời, từ chỗ phải chết đến chỗ sống muôn đời,.

Bà Elisabeth đại diện cho dân Chúa đón nhận niềm vui Chúa ban : Thứ nhất, Bà đang chịu cảnh góa bụa đau khổ và mang tiếng là không con; nhưng Thiên Chúa đã thay đổi cuộc đời Bà, cho Bà được cưu mang và sinh hạ Gioan Tẩy Giả trong lúc ông đã già, bà đã lão. Thứ hai, Bà được Mẹ Thiên Chúa tới viếng thăm, vì Người Con Mẹ Maria sắp sửa sinh ra sẽ mang lại ơn cứu độ cho Bà và cho muôn người.

Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, bà Elisabeth nhận ra Người Con Đức Maria đang cưu mang là Đấng Cứu Thế, bà kêu lên : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực” (Lc 1, 42-45) Bà Elisabeth và Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho gia đình nhân loại trong Cựu Ước, vui mừng khi được Đấng Thiên Sai đến viếng thăm. Bà Elisabeth biết rõ lý do tại sao Đức Mẹ thật có phúc: “vì đã tin rằng Chúa phán cũng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Ông Dacaria, chồng bà Elisabeth, người đã nghi ngờ, không tin nơi lời hứa của Thiên Thần và vì thế ông bị câm cho đến khi Gioan sinh ra.

Đức Maria có phúc vì đã tin, ông Dacaria không tin nên đã bị câm điếc. Ðức tin được nuôi dưỡng trong đức ái. Đức Maria chỗi dậy và vội vã lên đường đến gặp bà Elisabeth. "Chỗi dậy" là một cử chỉ đầy ân cần. Lẽ ra Ðức Maria có thể ở lại nhà để chuẩn bị sinh con, nhưng trái lại Mẹ chăm lo cho những người khác trước khi lo cho bản thân. Qua những cử chỉ đó Đức Maria chứng tỏ mình đã là môn đệ của Đấng mà Mẹ mang trong lòng. Biến cố Chúa Giêsu sinh ra bắt đầu như thế, với một cử chỉ bác ái đơn sơ là viếng thăm, chia sẻ niềm vui, mang lại hy vọng cho gia đình Dacaria và Elisabeth.

Lễ Giáng Sinh đã gần kề, cuộc viếng thăm của Đức Maria nơi bà Elisabeth giúp chúng ta chuẩn bị sống tốt đẹp lễ Giáng Sinh, thông truyền cho chúng ta năng động của đức tin và đức ái nhờ tác động của Chúa Thánh Thần như ta thấy trong cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ, tất cả là một bài ca vui mừng hân hoan trong Chúa, Ðấng thực hiện những điều cao cả nơi những người bé nhỏ tín thác nơi Ngài.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp cho chúng con hướng về Chúa Giêsu Hài Nhi đang dang tay ra cần sự trợ giúp, ám chỉ tha nhân cần đến chúng con. Như thế chúng con mới có thể dành chỗ cho Ðấng là Tình Thương, ngày hôm nay muốn nhập thể và đến ở giữa chúng ta.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Chuỗi mặc Khải
Lm Vũđình Tường
19:26 15/12/2021
Cuộc viếng thăm của Đức Trinh Nữ Maria và bà Elizabeth mặc khải nhiều điều mới lạ cho cuộc sống đức tin. Cả hai bà, mỗi người chỉ có một người con duy nhất. Gặp nhau họ vui mừng cùng chung lời cảm tạ Chúa vì những ơn đặc biệt Chúa ban cho mỗi người. Cuộc gặp gỡ của hai bà mẹ cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai người con chưa sinh. Kinh Thánh tường thuật khi bà Elizabeth nghe lời bà Maria chào, hài nhi trong cung lòng bà 'vui mừng' đón chào. Về phương diện trần thế, Gioan đại diện nhân loại đón chào Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Về phương diện cá nhân, Gioan vui mừng đón Đức Chúa đến với tâm hồn ông và ông được tràn đầy niềm vui. Niềm vui của hai mẹ con cho biết những ai thành tâm đón nhận Thiên Chúa vào đời, tâm hồn người đó có bình an, tâm tư người đó thanh thản bởi có Đức Chúa ở cùng. Bà Elizabeth đón chào Mẹ Thiên Chúa cách đặc biệt. Bà đón bà Maria vào nhà, vui mừng hớn hở, lên tiếng mừng vui, hoan hỉ vì được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm. Bà là người đầu điên đón chào Mẹ Thiên Chúa cách đơn giản nhưng long trọng, chân thành. Hai mẹ con bà Elizabeth cho biết ân sủng Chúa thể hiện qua hành động cụ thể. Bà lập gia đình sống đến tuổi già, vẫn không con. Mọi người chế nhạo bà 'độc đinh'. Đức Chúa ban cho bà người con, ở tuổi già, tuổi mọi hy vọng tan biến. Điều này cho biết Thiên Chúa làm được mọi sự. Bà không những có con ở tuổi già, còn đánh tan được tiếng 'độc đinh' người đời chê trách.

Mẹ Thiên Chúa viếng thăm bà và bà được ơn đặc biệt. Ơn nhận biết Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Lời bà ca tụng Mẹ Thiên Chúa trở thành lời tiên tri loan báo, nhân loại sẽ muôn đời ca tụng bà Maria là Mẹ Thiên Chúa và bà là người đầu tiên dâng lời ca tụng đó. Về phần bà Maria bà dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương đến phận nữ tì. Trước khi được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, bà Maria hết lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và bà cũng hết mực khiêm nhường. Điều này thể hiện qua kinh Magnificat bà vang lời ca tụng Thiên Chúa.

Đức trinh nữ dâng lời tạ ơn vì Chúa đoái thương đến phận nữ tì. Bà hoàn toàn tin tưởng điều Chúa hứa sẽ được thực hiện. Chính hai tiếng 'xin vâng' của bà mở đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần và điều này thể hiện qua ngày lễ Giáng Sinh Giáo Hội long trọng mừng kính hàng năm.

Sanh con chính là cho ra đời sự sống mới. Đây chính là quà tặng Chúa ban. Món quà cao quí này đòi hỏi tâm tình chăm sóc và chân thành yêu thương. Mỗi người trong chúng ta cần nhiều năm để khôn lớn, trở thành người trưởng thành. Đức tin phát triển hoàn toàn khác, hoàn toàn độc lập với phát triển của cơ thể. Đức Trinh Nữ Maria có một đức tin trưởng thành ngay khi còn nhỏ tuổi. Điều sứ thần Thiên Chúa xác định điều đó. Bà được đầy ơn nghĩa cùng Chúa. Khi nghe tin sứ thần loan báo và không hiểu nên xin sứ thần giải thích thêm. Giải thích bà cũng chỉ hiểu lờ mờ về điều Chúa muốn thực hiện trong cuộc sống bà. Dù không hiểu rõ, bà vẫn đáp lời 'xin vâng' và tiếp tục sống tinh thần phó thác, bởi bà tin bất cứ điều gì Chúa thực hiện đều là điều tốt lành, trọn hảo.

Cả hai bà Maria và Elizabeth, mỗi người đảm nhận một sứ mạng quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ. Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, bà Elizabeth nói lời tiên: muôn đời sẽ ca tụng Đức Trinh Nữ là Đấng có phúc. Về phần Gioan, hai lần sinh ông đều không nhìn thấy Đấng Cứu Thế bằng mắt thường, nhưng bằng con mắt đức tin. Lần sinh đầu ông nhận biết Đấng Cứu Thế khi còn trong bụng mẹ; lần sinh thứ hai, sinh vào Thiên quốc, ông nhận biết Đấng Cứu Thế qua lời tường thuật của các môn đệ, bởi lúc đó ông đang ở trong tù. Không phải do ngẫu nhiên mà chính là điều Thiên Chúa mời gọi chúng ta học từ Gioan nhận biết Đấng Cứu Thế qua điều Người giảng dậy.

TiengChuong.org

Chain of Revelations

Mary went to visit her cousin Elizabeth. Each woman had only one son, and both reached out in love and praised God for the miraculous actions God had done in their lives. The meeting of the two expectant mothers was also the meeting of the two unborn sons. St Luke recorded, as soon as John's mother, Elizabeth, heard Mary's greeting, the unborn child leapt in her womb. At the universal level, apart from Mary and Joseph, Elizabeth and John were representing the human race to welcome Jesus into our world. At an individual level, it meant Elizabeth and John welcomed Jesus into their own lives, and they both were filled with great joy. This personal experience pointed to the reality, that those who welcomed Jesus into their hearts would be filled with joy. John's mother, Elizabeth, also expressed her joyful personal experience in her own way. She welcomed Mary into her home. She was filled with great joy. She was the first woman who welcomed the Mother of God. She expressed her joy by praising God. Both Elizabeth and John felt God's grace which was revealed in a concrete situation. For Elizabeth, she felt God blessed her by giving her a child. In that way, God removed her shame, since she was called 'barren' for being married without children. She now was in her sixth months. Second, she was blessed by Mary's visit. 'Why should I be honoured with a visit from the mother of my Lord?'Lk 1,42. Third, the visit itself was a special grace, because in a mysterious way, Elizabeth was able to recognize Mary- Mother of God.

Elizabeth prophesised that God blessed Mary for eternity, 'Of all women you are the most blessed' and the blessing lasted forever because Mary was the Mother of God. Mary was blessed partly because she was chosen to be Mother of God. Before being chosen, Mary's firm faith in God was evident. Furthermore, she believed what God promised 'would be fulfilled'. Mary won God's favour for her humility. In her Magnificat, Mary

'proclaims the greatness of the Lord... because He has looked upon His lowly handmaid' Lk 1,47.

Mary praised God for giving her special favour. She strongly believed in God's promise. Her consent, saying 'yes' to the angel opened the way for Jesus, first to enter her life, and then to enter the world. It was manifested through the birth of Jesus, known as Christmas.

A human birth is the gift of life. It is God's grace. This gift of life requires to care for with tender love. Our physical life takes years to growth to maturity, not spiritual life. Our spiritual maturity grows independently from our physical's growth. John grew in spiritual maturity at the very young age. Mary grew in spiritual maturity at early age in her life. The angel told Mary that she had won God's favour. Hearing the angel's announcement, Mary asked for clarification; this implied that Mary, without fully understand, had already trusted God's plan for her.

Both the women, Mary and Elizabeth, each played a significant role in the history of salvation. Mary became the Mother of the Lord; while Elizabeth took the role of prophet by speaking the prophetic word about Mary: The most blessed woman and Mother of the Lord. John saw Jesus for the first time, not with his physical eyes but with the eye of faith. While in prison, John knew Jesus was the Messiah also through the eyes of faith.

We are blessed when we confess Jesus is our Lord and God.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:49 15/12/2021

14. Khắc phục tình cảm lệch lạc của mình, dù là nhỏ, cũng có thể giúp cho đời sống thiêng liêng của chúng ta rất nhiều hơn cả ăn chay.

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:54 15/12/2021
39. HUYỆN QUAN TAY DÀI

Có một tên quan thường hối thúc bá tánh đóng thuế rất khắc nghiệt, lại còn tìm trăm phương ngàn kế để bắt bí để kiếm đầy túi tiền, cho nên bá tánh rất oán hận.

Có người nó một câu như sau:

- “Tay của quan huyện rất dài.”

Quan huyện bắt người nói câu này ra tòa và nghiêm khắc tra hỏi.

Tác giả câu vè cười nói:

- “Nếu lão gia tay ngắn làm sao có thể ôm được thái dương, nếu ôm không được thái dương, thì thiên không làm sao có thể hừng nắng, nếu thiên không không thể hừng nắng, thì người ta làm sao có thể gọi lão gia là thanh thiên?”

Huyện quan cười lớn bèn tha tội cho anh ta.

(Khán Sơn Các Nhàn bút)

Suy tư 39:

Biết người ta chơi xỏ mình, oán hận mình, chửi xéo mình nên còng tay người ta, nhưng đến khi nghe họ tâng bốc mình thấu trời xanh, thì lại khoái chí và tha cho họ, thế mới biết lời nịnh hót thật có “uy lực” đáng nể thật.

Lời nịnh hót tâng bốc thì không bao giờ được xuất phát từ con tim chân thành, nhưng xuất phát từ đầu môi chót lưỡi.

Lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu cũng vậy, nếu lời cầu nguyện không xuất phát từ con tim yêu mến, thì chẳng khác chi lời nịnh hót tâng bốc Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì đâu cần lời nịnh hót tâng bốc của chúng ta, Ngài chỉ cần chúng ta có một tâm hồn yêu mến và biết phó thác khi cầu nguyện là đủ rồi.

Lời cầu nguyện không chân thành là lời nịnh hót có tính nhạo báng Thiên Chúa toàn năng.

Lý do tại sao thì ai cũng biết rồi, nhất là những người thích khoe khoang bộ dạng bên ngoài khi dâng lễ cầu nguyện...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đi ra hoang địa
Lm. Minh Anh
22:52 15/12/2021

ĐI RA HOANG ĐỊA
“Các ngươi đi xem gì ngoài hoang địa?”.

Một nhà thần học nói, “Để nhận ra giá trị của chiếc mỏ neo, chúng ta cần cảm nhận cơn bão! Thiên Chúa đưa con người vào vùng nước sâu, không phải để nhấn chìm nó, nhưng để làm sạch nó; đưa nó ‘đi ra hoang địa’, không phải để lột sạch nó, nhưng để nó trải nghiệm mọi ân phúc từ Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hằng năm, Giáo Hội ‘đi ra hoang địa’ để gặp Gioan như một lời tri ân cho chứng tá anh hùng của Gioan đối với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thế nhưng, như Chúa Giêsu đã hỏi những người đương thời, Lời Chúa hôm nay cũng hỏi mỗi người, tôi ‘đi ra hoang địa’ để tìm điều gì?

Một cây sậy phất phơ trước gió? Một người ăn mặc lả lướt? Không, hoàn toàn ngược lại! Chúng ta đổ xô ra hoang địa để tìm một vị tiên tri, một chứng nhân vững chắc như đá, một ngọn hải đăng của hy vọng, một người của Thiên Chúa. Gioan đúng là người có một tính cách mạnh mẽ, được tôi luyện trong lửa nhiệt thành với Thiên Chúa và sứ mệnh Ngài trao. Bởi lẽ, “Sức mạnh thực sự của một người nằm ở lòng trung thành đối với sự thật và khả năng chống lại những xu nịnh, đe dọa, hiểu lầm, tống tiền, thậm chí cả sự bách hại khắc nghiệt không ngưng nghỉ!”. Chúng ta coi Gioan như một anh hùng đích thực, một người truyền cảm hứng. Bởi lẽ, Gioan dám đổ máu để làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Sự vĩ đại tột cùng của Gioan chính là vì Gioan đã hào phóng tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa cho đến chết, ngay cả khi mọi thứ còn chưa rõ ràng!

Đây cũng là con đường mà trên đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước đi theo Ngài. Mùa Vọng, mùa ‘đi ra hoang địa’, mùa chống lại cám dỗ dễ dàng của những nhượng bộ, thoả hiệp, thay vì kiên trì giữ lấy những gì Thiên Chúa đang đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta! Chỉ khi nào chúng ta sẵn sàng làm những điều này, chúng ta mới trở thành con người mà Thiên Chúa mong đợi!

Thế nhưng, Chúa Giêsu lại nói, “Người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn Gioan”. Hãy coi những gì Chúa Giêsu nói ở đây chính là phẩm giá của một linh hồn đã được rửa tội. Phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc nó được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; đó là một linh hồn bất tử được phú cho lý trí, ý chí, tự do và lương tâm. Hơn thế, nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Bí tích Rửa Tội nâng chúng ta từ vị trí, vốn đã cao cả lên đến mức ân sủng cao cả không tưởng, là trở nên con trai, con gái của Thiên Chúa. Cả trước khi chúng ta hoàn thành một hành động tốt nhỏ nhất về mặt đạo đức, phẩm giá của chúng ta với tư cách con cái Thiên Chúa, đã vượt xa tất cả những đức tính lớn nhất của Gioan cộng lại.

“Các ngươi đi xem gì ngoài hoang địa?”. Chúng ta ‘đi ra hoang địa’ không chỉ để gặp Gioan, nhưng còn để gặp Đấng Gioan loan báo! Đó là một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, một Thiên Chúa tìm kiếm, băng bó và chữa lành. Bài đọc Isaia hôm nay cho thấy điều đó, “Chúa Cứu Chuộc ngươi phán: Trong cơn nóng giận, Ta đã ẩn mặt khỏi ngươi, nhưng trong tình yêu vĩnh cửu, Ta xót thương ngươi!”; “Dù núi dời, dù đồi chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không hề thay đổi!”. Mùa Vọng, mùa ‘đi ra hoang địa’ để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng giải thoát; cũng là mùa chúc tụng, tạ ơn như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt!”.

Anh Chị em,

Tôi ‘đi ra hoang địa’ để tìm kiếm điều gì? Có lẽ điều trước tiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ra hoang địa là để ‘lặng và lắng’. Chỉ nơi hoang vắng, trơ trọi ấy, chúng ta mới có thể lắng lòng mình để nghe tiếng lương tâm, cũng như nghe tiếng nói của Thánh Thần. Thánh Thần nói gì? Ngài nói, ‘Núi có dời, đồi có chuyển, tình nghĩa của Ngài đối với từng người vẫn không thay đổi’. Đấng đang nói là Chúa của nhân loại, Đấng tạo thành chúng ta. Như thế, dầu dịch bệnh, hay đói kém hoặc ngay cả sự chết, chúng ta vẫn không sợ hãi. Vậy chúng ta còn đợi ai, nếu không phải là Ngài; còn ước gì nữa, ngoài một mình Ngài! Tình yêu và lòng biết ơn đối với quà tặng Giêsu vô giá này chính là sự sống mới trong Ngài. Và chúng ta tin rằng, niềm tin của chúng ta sẽ phát triển nhờ việc truyền bá Giêsu cho những người khác; cách riêng, những ai sẽ đến với chúng ta trong những ngày này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày còn lại của Mùa Vọng, xin cho con biết ‘đi ra hoang địa’ để tìm kiếm chính Chúa và tìm kiếm con người Chúa muốn con trở thành; Chúa muốn con nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tượng Đức Mẹ vẫn đứng vững trong cơn lốc xoáy và bão tố, mọi thứ chung quanh tan tành
Đặng Tự Do
04:16 15/12/2021


Một hiện tượng thật lạ lùng đang được tường thuật trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật về câu chuyện này trong bài phóng sự nhan đề “Despite Kentucky tornadoes, Virgin Mary statue still stands—and Catholics offer help”, nghĩa là “Bất chấp lốc xoáy ở Kentucky, bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh vẫn đứng vững — và những người Công Giáo đề nghị giúp đỡ”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Những cơn bão chết người đổ bộ vào 9 tiểu bang ở miền Trung Tây và miền Nam Hoa Kỳ đã cho người ta thấy hình ảnh một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Hài Đồng, dường như còn nguyên vẹn bên ngoài tòa nhà bị hư hại của Nhà thờ Công Giáo Phục sinh.

Tina Casey, giám đốc truyền thông của Giáo phận Owensboro, nói với CNA ngày 13 tháng 12, “bức tượng vẫn đứng vững, mặc dù cửa sổ và cửa ra vào bị thổi tung và mái nhà biến mất.”

Một bức ảnh chụp bức tượng do tờ Evansville Courier & Press đăng tải cho thấy bức tượng bên ngoài tòa nhà thờ Dawson Springs, nơi bị hư hại nặng hơn rất nhiều.

“Nhà thờ này có thể sẽ bị coi là thiệt hại hoàn toàn,” Casey nói. Trong số các nhà thờ Công Giáo khác trong giáo phận, nhà thờ giáo xứ Thánh Giuse ở Mayfield cũng bị thiệt hại đáng kể.

Một loạt các cơn bão và lốc xoáy đã càn qua chín tiểu bang, bao gồm Kentucky, Arkansas, Illinois, Missouri và Tennessee, vào cuối ngày thứ Sáu và sáng sớm thứ Bảy. Khu vực phía Tây Kentucky bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 74 người chết đã được xác nhận tính đến hôm thứ Hai. Đông bắc Arkansas, đông nam Missouri và tây bắc Tennessee cũng bị thiệt hại nặng nề. Tính chung tất cả các bang bị ảnh hưởng, tổng số người chết được xác nhận là 87 người, thành ra, theo tờ Washington Post cơn bão này trở thành một trong những cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đức Cha William Medley, Giám Mục Owensboro nhà lãnh đạo của giáo phận Công Giáo miền tây Kentucky nói:

“Mặc dù chỉ một mình Chúa mới có thể chữa lành trái tim tan vỡ của những người đã mất người thân, nhưng tôi cung kính trước sự hỗ trợ mạnh mẽ đến với chúng tôi từ khắp nơi trong nước và thế giới,” Đức Cha Medley nói trong một tuyên bố với CNA. “Một số giám mục đã thông báo với tôi rằng các ngài đang yêu cầu các giáo xứ trong giáo phận mở một đợt quyên góp cho các nạn nhân của cơn lốc xoáy. Chúng tôi đã nhận được một thông điệp bằng văn bản từ Đức Thánh Cha Phanxicô và ngài thậm chí đã nêu đích danh Kentucky và xin cầu nguyện trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô. Chúng ta biết rằng khi chúng ta nên một trong Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ đơn độc”.

Casey nói với CNA rằng các khoản đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ địa phương đang được thực hiện thông qua văn phòng bác ái Công Giáo của giáo phận.

“Hiện tại, các khoản quyên góp đang được chấp nhận trực tuyến tại địa chỉ dưới đây: https://owensborodiionary.org/give với tên gọi Tornado Relief - Tổ chức bác ái Công Giáo,” cô nói.

Các giáo xứ trong Giáo phận Owensboro đã tổ chức một cuộc quyên góp đặc biệt trong các Thánh lễ vào cuối tuần qua để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng hoặc phải di dời vì lốc xoáy và bão tố.

Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển Nhân Văn, đã kêu gọi người Công Giáo giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bằng cách hỗ trợ công việc của Tổ chức Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ.

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật để bày tỏ sự gần gũi của ngài với các nạn nhân của lốc xoáy và bão.
Source:Catholic News Agency
 
Chánh án Toà án Vatican cho biết phiên tòa xét xử tài chính sẽ bắt đầu thực sự vào tháng Hai
Đặng Tự Do
04:16 15/12/2021


Trong một phiên điều trần rất ngắn vào hôm thứ Ba 14 tháng 12, chánh án tòa án Vatican nói rằng phiên tòa tài chính mang tính bước ngoặt vẫn chưa thực sự bắt đầu.

“Chúng ta đang ở trong một công trường xây dựng mở,” Chánh án Giuseppe Pignatone nói với tòa án vào ngày 14 tháng 12, và cho biết rằng ông hy vọng sẽ bắt đầu nghe lời khai của các nhân chứng vào tháng Hai, với lịch trình có thể sẽ bao gồm bốn buổi điều trần mỗi tháng.

Phiên điều trần hôm thứ Ba, chỉ kéo dài 10 phút, là phiên tòa mới nhất trong phiên tòa lịch sử của Vatican nhằm truy tố những người có liên quan đến khoản đầu tư của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào một bất động sản ở London với giá 350 triệu euro hay 396 triệu Mỹ Kim. Cả Hồng Y Becciu cũng bị truy tố.

Phiên tòa bắt đầu từ tháng 7 với 10 bị cáo nhưng vướng mắc về thủ tục.

Vào tháng 10, tòa án đã ra phán quyết rằng văn phòng công tố Vatican - thường được gọi Chưởng Lý - cần thực hiện lại một phần cuộc điều tra đối với 4 bị cáo.

Chánh án Pignatone cho biết hôm thứ Ba rằng các công tố viên phải quyết định trước ngày 20 tháng Giêng năm 2022, liệu sẽ tái truy tố bốn nghi phạm đó hay tha bổng cho họ.

Trong khi đó, phiên tòa đã tiến hành với sáu bị cáo, trong đó có Hồng Y Becciu, là giáo sĩ cấp cao nhất bị tòa án thành phố Vatican xét xử trong lịch sử gần đây.

Phiên điều trần tiếp theo được ấn định vào ngày 25 tháng Giêng năm 2022.

Chánh án Pignatone chỉ ra rằng vào tháng Hai, ông muốn gom tất cả các bị cáo vào một phiên tòa duy nhất, như dự định vào mùa hè năm ngoái trước khi có lệnh thực hiện một số cuộc thẩm vấn.

Ông cũng yêu cầu các công tố viên cung cấp cho bên bào chữa bản ghi đầy đủ các cuộc thẩm vấn của tất cả 10 người bị buộc tội ban đầu, cộng với nhân chứng chính của vụ án là Đức Ông Alberto Perlasca.

Các đoạn băng ghi âm các cuộc phỏng vấn với Đức Ông Perlasca, người ban đầu là một nghi phạm nhưng chưa bao giờ bị buộc tội, là tâm điểm của những lời phàn nàn của các luật sư bào chữa. Đầu tiên, họ lập luận rằng họ không được truy cập vào các băng ghi âm các cuộc thẩm vấn Đức Ông. Sau đó, họ nói rằng các băng ghi âm đó đã bị chỉnh sửa.

Trong một tuyên bố hôm 14 tháng 12, các luật sư cho Hồng Y Becciu cho biết họ vẫn đang chờ câu trả lời của chánh án về những phản đối này. Họ nói thêm rằng “nếu phiên tòa giải quyết được các khiếu nại, thì khi đó chúng tôi sẽ có thể chứng minh sự vô tội tuyệt đối của Đức Hồng Y đối với mọi cáo buộc và sự đúng đắn hoàn toàn về mặt thể chế của ngài.”

Chánh án Pignatone nói rằng các công tố viên phải cung cấp đầy đủ các băng ghi âm trước ngày 10 tháng Giêng năm tới

Chưởng lý của Vatican là ông Alessandro Diddi đã không phát biểu trước tòa vào hôm thứ Ba, nhưng văn phòng của ông đã cung cấp một biên bản ghi nhớ theo đó “tất cả các tài liệu là nguồn bằng chứng đã được nộp và có thể được tìm thấy trong các tài liệu của tòa án,” nhưng văn phòng sẽ tuân theo lệnh mới để cung cấp các bản viết ra từ băng ghi âm.

Các đoạn băng ghi âm các cuộc thẩm vấn Đức Ông Perlasca đã bị rò rỉ cho một tờ báo Ý vào đầu tháng này, kích động một tuyên bố mạnh mẽ từ 18 luật sư bào chữa của phiên tòa. Họ đã lên án việc rò rỉ các đoạn ghi âm vì đã tạo ra một “phiên tòa song song... bất chấp pháp luật.”

Tờ Corriere della Sera đã công bố hơn 14 phút trích đoạn video về các lời cung khai của Đức Ông Perlasca, trong đó Đức Ông nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy quyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đàm phán với doanh nhân Gianluigi Torzi, là người đã môi giới giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận London và là một trong những bị cáo của phiên tòa.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Bênêđíctô XVI được tặng cảnh Chúa Giáng Sinh từ quê hương Bavaria
Đặng Tự Do
04:23 15/12/2021


Giáo hoàng danh dự Benedict XVI đã nhận được cảnh Chúa Giáng Sinh từ quê hương Bavaria của ngài vào hôm thứ Tư.

Một hiệp hội chuyên duy trì và quảng bá cảnh Chúa Giáng Sinh đã tặng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, hai máng cỏ Giáng Sinh. Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, một máng cỏ dành cho vị giáo hoàng người Đức đã nghỉ hưu và máng cỏ còn lại dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc trao tặng các máng cỏ Giáng Sinh đã diễn ra trong chuyến hành hương đến Rôma của các thành viên trong Hiệp Hội Verband Bayerischer Krippenfreunde, do Đức Ông Martin Martlreiter, chủ tịch của Hiệp Hội dẫn đầu.

Nhóm này có sự tham gia của Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục của Regensburg, một giáo phận ở Bavaria, một tiểu bang ở phía đông nam của Đức được biết đến như một trung tâm Công Giáo.

Đức Cha Voderholzer đã gặp Đức Bênêđíctô XVI vào ngày 8 tháng 12, Lễ trọng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tại Vatican.

Giáo phận Regensberg đã đăng các bức ảnh trên tài khoản Twitter của mình cho thấy vị giáo hoàng 94 tuổi đang ngồi giữa Đức Giám Mục Voderholzer và Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người đang cầm một trong hai máng cỏ Giáng Sinh.

Đức Bênêđíctô XVI sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, tại làng Marktl am Inn ở Bavaria.

Các thành viên của hiệp hội Bavaria cũng đã tham gia cuộc triển lãm hàng năm “100 cảnh Chúa Giáng Sinh tại Vatican”, được tổ chức dưới một phần của hàng cột nổi tiếng Bernini, bao quanh quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Ông Martlreiter cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, chúng tôi đã có thể tham gia triển lãm quốc tế về Chúa Giáng Sinh dưới các cột trụ của Bernini trong năm nay”.

Các máng cỏ Giáng Sinh được trao tặng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô đã được bao phủ bởi tuyết.

Đức Ông Martlreiter cho biết: “Tuyết là hình ảnh tự nhiên, và có một ý nghĩa rất đặc biệt ở các quốc gia phía bắc của dãy Alps”
Source:Catholic News Agency
 
Các buổi lễ Giáng Sinh của Vatican bị hạn chế do lo ngại về biến thể Omicron
Đặng Tự Do
04:23 15/12/2021


Trong năm thứ hai của đại dịch coronavirus quỷ quái này, các hạn chế đã được đặt ra đối với các cử hành phụng vụ Giáng Sinh của Vatican do những lo ngại tiếp tục tại Vatican về COVID-19.

Phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, nói với tờ National Catholic Register hôm 9 tháng 12 rằng ông tin rằng số lượng tín hữu có thể tham gia các nghi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thời gian lễ hội sẽ bị “hạn chế” như đã xảy ra vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khi Vatican vẫn duy trì chính sách Thẻ Xanh – tức là yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng, hay sự phục hồi gần đây khỏi COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính đối với các du khách và nhân viên - thì yêu cầu này dự kiến sẽ được miễn cho những người tham dự các buổi cử hành và các buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng.

Tất cả các lễ kỷ niệm phụng vụ Giáng Sinh cũng sẽ được phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng khác.

Thánh lễ Vọng Giáng Sinh, do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô, sẽ bắt đầu lúc 7h30 chứ không phải 9h30 theo thông lệ. Trong kỳ Giáng Sinh năm ngoái, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Tuy nhiên năm nay lệnh này không còn hiệu lực nữa nên không rõ tại sao thánh lễ này vẫn diễn ra quá sớm.

Chỉ một vài trăm tín hữu được phép tham dự Thánh lễ Canh thức Giáng Sinh năm ngoái tại Bàn thờ Ngai Tòa của Đền Thờ Thánh Phêrô, nhưng không chắc con số sẽ bị hạn chế nghiêm trọng như thế trong năm nay.

Vào trưa ngày Giáng Sinh, theo truyền thống, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành và đọc thông điệp “Urbi et Orbi” cho Rôma và toàn Thế giới. Năm nay, theo thông lệ, nó sẽ diễn ra tại ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô, chứ không giống như năm 2020 khi được truyền trực tiếp từ bên trong điện tông tòa, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận.

Mối quan tâm đối với người di cư, nạn nhân của các cuộc xung đột trên toàn thế giới và đề cập đến các điểm rắc rối toàn cầu khác có thể sẽ hình thành nội dung thông điệp của ngài, như những năm trước.

Vào ngày 31 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ trì buổi hát Kinh Chiều Tạ ơn vì những ơn lành trong năm qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều. Điều này sẽ được tiếp nối vào ngày đầu tiên của năm mới với Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - cũng là Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55 - khi Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cũng được lên lịch tại Đền Thờ Thánh Phêrô là thánh lễ Hiển Linh do Đức Giáo Hoàng cử hành ngày 6 tháng Giêng lúc 10 giờ sáng.

Vào ngày 9 tháng Giêng lúc 9:30 sáng, tại Nhà nguyện Sistina, Đức Giáo Hoàng sẽ dâng Thánh lễ Lễ Chúa Giêsu Chịu phép Rửa, và theo thông lệ, ngài sẽ rửa tội cho một nhóm trẻ em của các nhân viên Vatican.

Ngoài các sự kiện phụng vụ, Vatican sẽ tổ chức Hòa nhạc Giáng Sinh lần thứ 29 vào ngày 16 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, một sự kiện bác ái mà số tiền thu được, trong vài năm qua, dành cho các dự án do Quỹ Scholas Occurrentes và Don Bosco đảm trách.

Các nghệ sĩ năm nay sẽ bao gồm ca sĩ người Jamaica Shaggy, nghệ sĩ thổi sáo Ian Anderson và ca sĩ Indonesia Anggun. Những người nổi tiếng trước đây bao gồm các ca sĩ Susan Boyle, Lionel Richie và Bonnie Tyler. Từ năm 2007 đến 2017, buổi hòa nhạc diễn ra bên ngoài Vatican sau khi một loạt nghệ sĩ gây ra tai tiếng bằng cách sử dụng sự kiện này để đưa ra những tuyên bố chỉ trích Giáo hội hoặc các giáo huấn đạo đức của Giáo Hội.

Vào ngày 23 tháng 12, lúc 10 giờ sáng, Giáo hoàng sẽ gửi lời chào truyền thống của mình tới Giáo triều Rôma tại sảnh đường Clementê ở Vatican, không thay đổi so với năm ngoái. Cả Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã sử dụng dịp này để có những bài phát biểu quan trọng trong quá khứ.

Vatican bắt đầu bước vào không khí Giáng Sinh khi cây thông Noel được thắp sáng và cảnh Chúa Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô được khánh thành bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga và Sơ Raffaella Petrini, thống đốc và thư ký của Chính quyền Thành phố Vatican.
Source:National Catholic Register
 
Nhật ký trừ tà số 167: Cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn trong nạn phá thai
Đặng Tự Do
04:24 15/12/2021


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #167: The Underlying Spiritual Warfare in Abortion”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 167: Cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn trong nạn phá thai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đang ở giữa một cuộc biểu tình chống phá thai. Có hàng trăm người ủng hộ cuộc sống và một số ít người biểu tình ủng hộ phá thai. Chúng tôi đang ở phía trước của một địa điểm mà nhiều điều ác và cái chết đã được tạo điều kiện thuận lợi. Tôi là một người kín đáo với khẩu trang che mặt và áo khoác kéo dài tới cổ vào ngày se lạnh đó.

Tôi bắt đầu đọc một cách kín đáo những lời cầu nguyện giải thoát của Đức Lêô XIII. Sau một vài phút, tôi bắt đầu trải nghiệm một số căng thẳng về mặt tâm linh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng những lời cầu nguyện đã đạt được hiệu quả và rất quan trọng. Vì vậy, tôi bắt đầu cầu nguyện lần thứ hai với sự tập trung cao độ hơn nữa. Lần này tôi bao gồm rõ ràng tên của những con quỷ đôi khi liên quan đến việc phá thai: Baphomet, Baal, Moloch, Abyzou và tôi nói thêm, “Tất cả những con quỷ phá thai” theo sau lời cầu khẩn Đức Mẹ Guadalupe, Đấng Bảo trợ của Những đứa trẻ chưa sinh.

Nhanh chóng một nhóm những người ủng hộ việc phá thai di chuyển đến cạnh tôi và bắt đầu hô to khẩu hiệu của họ. Phải chăng chỉ là một chuyện tình cờ? Chắc là không. Tiếng hò hét của họ đinh tai nhức óc khiến tôi rất khó tập trung và khó nhớ những lời cầu nguyện mà tôi đã đọc theo trí nhớ. Đó là một cuộc đấu tranh thực sự.

Một nhóm thanh niên ủng hộ cuộc sống đã đến và bắt đầu hò reo những khẩu hiệu ủng hộ cuộc sống của chính họ. Tôi thấy, trong họ, các Quyền năng thiên thần đến giải cứu tôi. Khá nhanh chóng, nhóm ủng hộ phá thai tan biến và mọi sự trở nên yên tĩnh trở lại. Tôi đã có thể tiếp tục và hoàn thành những lời cầu nguyện.

Thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những thế lực thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”(Ep 6:12). Cuộc chiến chống phá thai được tiến hành ở nhiều cấp độ, nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn. Vào buổi sáng se lạnh đó, tôi đã trải qua điều đó. Tôi cũng có kinh nghiệm rằng các thiên thần thánh thiện không bao giờ ở xa và nhanh chóng đến trợ giúp chúng ta.
Source:Catholic Exorcism
 
Slovakia lên tiếng về vụ mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng hôm 15 tháng 9
Đặng Tự Do
16:06 15/12/2021


Như chúng tôi đã đưa tin, sau một thời gian cấm tiết lộ để tiện việc điều tra, hôm 13 tháng 12, báo chí đã được phép loan tin về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng hôm 15 tháng 9.

Tờ Jerusalem Post số ra ngày 13 tháng 12 có bài nhan đề “Israeli tech removes drone threat from Pope mass – exclusive”, nghĩa là “Công nghệ Do Thái đã loại bỏ mối đe dọa từ máy bay không người lái trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng – báo cáo độc quyền”.

The Jerusalem Post đưa tin một cách độc quyền rằng công nghệ của một công ty chống máy bay không người lái của Do Thái đã loại bỏ một máy bay không người lái quỷ quyệt mưu toan làm gián đoạn một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức với 60,000 tín hữu ở Slovakia. Trong thánh lễ còn có 90 giám mục và 500 linh mục có mặt trong biến cố tại sự kiện khổng lồ này.

Tại Slovakia, tờ HN Slovenko cho biết sáu tên đã bị bắt trong biến cố này và sẽ phải ra trước tòa vào đầu năm 2022. Trong một cuộc phỏng vấn sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi được hỏi về lý do tại sao nữ tổng thống nước này đã khóc khi tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô ở phi trường quốc tế Bratislava, bà Zuzana Čaputová nói bà cảm động trước các thông điệp của Đức Thánh Cha, và mến mộ ngài đã 84 tuổi vẫn lặn lội đến viếng thăm Slovakia bất chấp các nguy hiểm. Người ta không hiểu rõ lắm cụm từ “bất chấp các nguy hiểm”. Ngày nay, có lẽ mọi người hiểu rõ hơn ý của nữ tổng thống.

Tờ HN Slovenko viết như sau:

Đã gần ba tháng trôi qua kể từ chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tới Slovakia. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng ngoài ấn tượng mà Đức Thánh Cha Phanxicô để lại trong lòng các tín hữu có mặt tại các sự kiện nghi lễ, việc ngài đến với chúng ta cũng thu hút sự chú ý đến những rủi ro an ninh có thể có của các công nghệ mới.

Hàng trăm thành viên của lực lượng vũ trang đã được tung ra để bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài đến Sân bay Bratislava, trước sự chứng kiến của Tổng thống Zuzana Čaputová hoặc Chủ tịch Quốc hội Boris Kollár.

Trong thời gian ở Slovakia, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, các hạn chế nghiêm ngặt về giao thông và an toàn được áp dụng trên tuyến đường mà Đức Giáo Hoàng di chuyển tại Bratislava, Košice và cuối cùng là ở Šaštín.

Những tay súng bắn tỉa, một đơn vị chống khủng bố và cả một tiểu đoàn quân đã sẵn sàng cho một hành động nhanh chóng có thể xảy ra. Bên cạnh đó còn có những chiếc máy bay trực thăng sẵn sàng ứng chiến. Trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, các cuộc huấn luyện diễn tập về an ninh quốc gia đã diễn ra với sự hợp tác của các đơn vị đặc biệt.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo trước khi ngài đến rằng hai tháng chuẩn bị an ninh là không đủ. Trong tháng 8, nhà phân tích an ninh Juraj Zábojník nói rằng tình hình xã hội căng thẳng đang diễn ra Slovakia sẽ khiến việc chuẩn bị càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của các loại công nghệ mới. Máy bay không người lái, hay drone, là một ví dụ tiêu biểu.

Zábojník, người cách đây một phần tư thế kỷ đã lãnh đạo một biệt đội Slovakia bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lúc bấy giờ nhấn mạnh rằng vào năm 1995, việc chuẩn bị và đánh giá rủi ro mất khoảng một năm. “Tại thời điểm chuyến thăm, hơn 20,000 người đã tham gia vào lực lượng an ninh và hỗ trợ,” chuyên gia này nói.

Máy bay không người lái là một vấn đề nghiêm trọng. Trong các sự kiện công cộng ngày nay, người ta dùng máy bay không người lái để thu hình các biến cố thay vì các tháp truyền hình hết sức tốn kém. Việc cấm triệt để máy bay không người lái trong một vùng trời nhất định có thể là không khả thi.

Ngày 16 tháng 10, 2016, quân Iraq và quân Đồng Minh mở chiến dịch giải phóng Mosul. Với quân số đông hơn đến 20 lần bọn khủng bố Hồi Giáo IS, họ vẫn phải mất 9 tháng và 4 ngày mới hoàn toàn giải phóng được thành phố. Một trong những cản trở chính trong cuộc hành quân là các máy bay không người lái của bọn khủng bố dùng để thả bom và lựu đạn lên đối phương. Vì kích thước nhỏ gọn của nó, việc bắn hạ các máy bay không người lái không phải là điều dễ dàng.

Trong các cử hành đông người như trong các thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành. Một chiếc máy bay không người lái lơ lửng trên đầu đám đông có thể là một thảm họa kinh hoàng. Người ta có lẽ phải chờ cho đến khi phiên tòa diễn ra mới hiểu hết được động cơ và thủ đoạn của những tên đang bị câu lưu.
Source:HN Slovensko
 
Đức Giáo Hoàng nói ngài sẽ gặp ủy ban điều tra lạm dụng tình dục của Pháp, bày tỏ nỗi buồn về quyết định liên quan đến Tổng Giám Mục Paris
Đặng Tự Do
16:06 15/12/2021


Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đồng ý họp với ủy ban đã công bố một báo cáo gây chấn động về tình trạng lạm dụng tình dục giáo sĩ trong Giáo Hội Công Giáo Pháp. Theo các giám mục Pháp đã gặp ngài, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ “nỗi buồn” liên quan đến sự ra đi đột ngột của Tổng giám mục Paris,

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, nói với các phóng viên rằng Đức Phanxicô đã đồng ý “về nguyên tắc” để gặp các thành viên của ủy ban độc lập nhưng phải tìm ngày mới.

Người đứng đầu ủy ban, Jean-Marc Sauvé, đã nói rằng các thành viên sẽ được gặp Đức Giáo Hoàng. Ông ta công bố cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 12. Tuy nhiên, Tòa Thánh nói không hay biết gì về cuộc gặp gỡ này.

Báo cáo của Pháp ước tính rằng khoảng 330,000 trẻ em là nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ Công Giáo, các nhà lãnh đạo hướng đạo hoặc các nhân viên giáo dân trong thời gian từ năm 1950 đến năm 2020.

Ước tính dựa trên nghiên cứu rộng hơn của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Pháp về lạm dụng tình dục trẻ em ở nước này. Tuy nhiên, phương pháp luận của báo cáo đã bị chỉ trích vì các ước tính quá cao so với các báo cáo tương tự ở các quốc gia khác. Tính trung bình một người lạm dụng đã lạm dụng trên 100 trẻ em!

Vấn đề là các giám mục Pháp đã chấp nhận báo cáo và thề sẽ cố gắng sửa chữa thiệt hại, đồng thời thông báo rằng các ngài sẽ bồi thường cho các nạn nhân ngay cả khi phải bán bớt tài sản của Giáo Hội vì “trách nhiệm thể chế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài chưa đọc bản báo cáo dài 500 trang, cho đến nay chỉ có bằng tiếng Pháp. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort nói rằng Đức Phanxicô đánh giá cao “phẩm giá của thái độ của chúng ta” bằng cách biến các nạn nhân trở thành “tâm điểm” trong các phản ứng của Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục nói “Đức Thánh Cha đã khích lệ chúng tôi và cảm ơn chúng tôi”.

Ngài cho biết chính ngài và các giám mục khác cũng hỏi Đức Phanxicô xem có điều gì bổ sung về việc Tổng giám mục Paris Michel Aupetit bị bãi chức đột ngột hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cách chức Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit hôm 2 tháng 12 sau khi vị Tổng Giám Mục Paris nói ngài yêu cầu Đức Thánh Cha định đoạt tương lai của mình trước các báo cáo của một phương tiện truyền thông cho rằng ngài có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012. Đức Tổng Giám Mục Aupetit nhìn nhận rằng rằng ngài có một mối quan hệ “không rõ ràng” nhưng bác bỏ cáo buộc cho rằng quan hệ ấy có liên quan đến là tình dục. Truyền thông Pháp cũng cho rằng cách quản trị tổng giáo phận của ngài là chuyên quyền. Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói rõ rằng ngài yêu cầu Đức Thánh Cha định đoạt tương lai của mình chứ không phải nộp đơn từ chức.

Hôm 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã chấp nhận đơn từ chức vì “tin đồn” về Đức Cha Aupetit đã khiến vị Tổng Giám Mục không thể điều hành tổng giáo phận.

Lời nhận xét này của Đức Thánh Cha gây hoang mang cho nhiều người vì nó ngụ ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẵn sàng hành động chỉ vì những lời đàm tiếu. Dư luận tại Pháp cho rằng lẽ ra nên có một cuộc thanh tra tông tòa trước khi Đức Thánh Cha đưa ra quyết định. Một quyết định hấp tấp như thế không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân Đức Tổng Giám Mục Aupetit mà còn gây ra một tác động sâu xa đến các Giám Mục Pháp khác và Giáo Hội tại Pháp nói chung.

Moulins-Beaufort nói rằng Đức Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực mục vụ của Aupetit và “nói về nỗi buồn của mình vì hoàn cảnh và quyết định mà ngài đã đưa ra.”
Source:AP

 
Chuyến viếng thăm của Khâm Sứ Tòa Thánh tại Tòa Thượng phụ Giêrusalem
Đặng Tự Do
16:07 15/12/2021


Sáng thứ Bảy, 11 tháng 12 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine, và thư ký của ngài là Cha Natali đã đến thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem.

Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương và nước sở tại có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương, và không là nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Chuyến viếng thăm này của Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana nằm trong khuôn khổ của Thỏa ước Nguyên Trạng vì những nhiệm vụ gần đây của ngài.

Ngài đã được Đức Thượng Phụ Theophilos của Chính Thống Giáo Giêrusalem tiếp, với tư cách Giám mục Chính Thống Giáo của Giáo hội địa phương. Có mặt trong buổi tiếp kiến còn có các linh mục trong linh mục đoàn Chính Thống Giáo, gọi là Hagiotaphite.

Trong chuyến thăm này, có một cuộc trò chuyện về các tín hữu của hai Giáo Hội tại Síp, nơi trực thuộc Tòa Thượng Phụ. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã đến thăm Síp và Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana đã tham gia chuyến thăm này. Giáo Hội Chính Thống Giáo Síp đã tổ chức nhiều cuộc họp của Hội đồng các Giáo hội Trung Đông và hòn đảo này tiếp nhận những người tị nạn xin tị nạn. Bản thân những người Síp đến từ Bắc Síp cũng đang tị nạn ở miền Nam sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm phía Bắc Síp.

Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana đã tặng cho Đức Thượng Phụ Theophilos một món quà lưu niệm do Đức Giáo Hoàng nhờ Đức Tổng Giám Mục trao lại cho Đức Thượng Phụ
Source:Orthodox Times
 
Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit khởi kiện Paris Match vì đã bôi lọ thanh danh ngài
Vũ Văn An
18:20 15/12/2021

Theo tin tờ La Croix International, Đức Cha Michel Aupetit, gần đây đã được Đức Giáo Hoàng miễn nhiệm làm Tổng giám mục Paris, đã cho biết ngài có kế hoạch khởi kiện một tạp chí nổi tiếng của Pháp đã đăng những bức ảnh bóng gió mà họ bí mật chụp ngài và một phụ nữ trẻ.



Trong tuần này, vị Tổng giám mục 70 tuổi cho biết luật sư của ngài đang chuẩn bị các giấy tờ để kiện Tuần san Paris Match vì tội phỉ báng nhân cách.

Tuần san này ngày 8 tháng 12 đã đăng các bức hình của ngài với nhà thần học Laetitia Calmeyn, 46 tuổi, gợi ý rằng hai người đang có chuyện tình lăng nhăng.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Ba trên nhật báo Le Parisien, vị tổng giám mục cũng đề cập tới các cáo buộc đưa ra vào ngày 22 tháng 11 bởi một tuần báo khác của Pháp, Le Point – cho rằng ngài mất lòng mọi người bởi phong cách quản trị của ngài và ngài có quan hệ thân mật với một phụ nữ vào năm 2012 trước khi ngài làm giám mục.

Đức Cha Aupetit nói với Le Parisien rằng "không có chuyện tình lăng nhăng" vào năm 2012 khi ngài còn là tổng đại diện của Paris. Và ngài nói rõ rằng, dù sao, sự việc "không phải về Laetitia Calmeyn", người mà ngài thậm chí còn không biết vào thời điểm đó.

Người đàn bà trong vấn đề này “là một người thường hay bám vào mình nếu mình là một linh mục hay một bác sĩ, vì bà ta bị chứng lẻ loi cô độc”.

Đức Cha Aupetit, một bác sĩ trước khi được thụ phong linh mục ở tuổi 44, cho biết ngài đã trao đổi email với người phụ nữ này và thừa nhận rằng mối quan hệ của họ không rõ ràng.

Ngài nói rằng người đàn bà viết cho ngài “mỗi ngày" và thừa nhận rằng "có một lần" khi cô ấy "bị đau lưng", ngài đã "xoa bóp cho cô ấy bớt căng thẳng".

"Nếu Đức Giáo Hoàng yêu cầu tôi, có thể tôi đã vượt qua được cơn giông bão"

Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói, "Một vài năm trước, tôi đã báo cáo điều này cho các bề trên của tôi”.

Ngài nói thêm, “Quả thực không có gì mới trong câu truyện này. Nhưng việc phơi bầy công khai về nó có thể đã đặt người cai quản giáo phận ở thế khó khăn”.

Ngài nói chính vì thế ngài đã quyết định trao chức vụ của ngài cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định.

Ngài có mong Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc từ chức của ngài hay không?

Đức Cha Aupetit nói, “Nếu ngài hỏi tôi, có thể tôi đã vượt qua được cơn giông bão. Tôi có thể làm được việc này”.

Ngài thừa nhận "Tôi đoán ngài cảm thấy tình hình có thể làm suy yếu giáo phận".

Sau khi Đức Phanxicô chấp nhận việc từ chức của Đức Cha Aupetit, Đức Giáo Hoàng có nói Đức Tổng Giám Mục không còn cai quản được nữa vì “danh tiếng của ngài đã bị xâm hại”, trích dẫn sự "vi phạm" điều răn thứ sáu, "không phải toàn diện, nhưng bao gồm những cái vuốt ve và mát xa nhỏ mà ngài đã làm cho thư ký của mình".

Tổng giám mục nói rằng người phụ nữ được đề cập không phải là thư ký của ngài.

Ngài nói, "tôi nghĩ (Đức Giáo Hoàng) hơi lẫn lộn các yếu tố của câu chuyện một chút”.

Ngài cho biết, "Cô thư ký tội nghiệp của tôi chẳng liên quan gì. Tôi biết rõ về chồng và gia đình của cô ấy. Tôi đã rửa tội cho cháu của cô ấy".

Liên quan đến những bức ảnh của ngài và Calmeyn được đăng trên Paris Match, vị tổng giám mục nói rằng ngài đã ăn trưa với nhà thần học sinh quán ở Bỉ và sau đó họ đi dạo trong một công viên gần đó.

Đức Cha Aupetit đặt câu hỏi: “Nếu bạn không còn khả thể đi ăn với một người bạn mà không bị báo chí săn đuổi chụp hình bạn, thì chúng ta đang sống trong một loại thế giới nào đây?”

Ngài nhấn mạnh, “Điều này không liên quan gì đến một mối quan hệ yêu đương hay tình dục. Đó là một tình bạn".

Ngài nói thêm, "Tôi thấy thật ti tiện khi nó bị vấy bẩn".

Nạn nhân phe đảng

Luật sư của Đức Tổng Giám Mục, Jean Reinhart, hiện đang soạn thảo khiếu nại chống phỉ báng.

Ngài nói, "tôi không thể chấp nhận được việc sự im lặng của tôi bị giải thích như là thừa nhận mình có tội”.

Calmeyn cũng nói với La Croix vào đầu tuần này rằng "sẽ có một vụ kiện" chống lại Paris Match.

Đức Cha Aupetit nói với Le Parisien rằng ngài cảm thấy mình là nạn nhân của nạn phe phái.

Ngài nói, “có người gợi ý với tôi rằng có một số người và một số nhóm có ác cảm với tôi và họ đã hành động. Nhưng tôi không có bằng chứng nào".

Liên quan đến những vấn đề quản trị được bài báo của Le Point chỉ ra và các quyết định "không được lòng dân" của mình, ngài giải thích ngài không đưa ra bất cứ quyết định nào một mình".

Vị tổng giám mục nhấn mạnh, “bất kể là việc thay thế hiệu trưởng trường trung học Saint-Jean-de-Passy hay việc đóng cửa trung tâm mục vụ Saint-Merry, tôi luôn hành động với sự tham khảo ý kiến của các hội đồng của tôi".

"Nhưng tôi, với tư cách là giám mục, là người phải chịu trách nhiệm, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải chịu hiềm thù”.

Đối với việc hai tổng đại diện của ngài từ chức liên tiếp nhau, ngài giải thích làm "tổng đại diện là một chức vụ khó khăn”.

Ngài nói thêm, “Tôi đã làm chức vụ này trong bảy năm. Thà làm một linh mục trong một giáo xứ còn tốt hơn".
 
Venezuela: 4 Giám Mục, 45 Linh Mục chết vì Covid-19
Nguyễn long Thao
18:26 15/12/2021
Caracas, Venezuela, 15/12/ 2021.- Hội Đồng Giám Mục Venezuela vừa công bố số liệu thống kê cho thấy kể từ đầu đại dịch đến nay, giáo hội Venezuella đã có 45 linh mục, 4 giám mục chết vì COVID-19.

Thống kê cho biết từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 12/ 2021, đã có 439 linh mục bị nhiễm COVID-19, tức chiếm 20,77% tổng số giáo sĩ trong cả nước, trong đó có 45 linh mục chết, chiếm 10,25% tổng số linh mục bị nhiễm virus và nếu tính tổng số giáo sĩ Venezuela thì số Linh Mục chết chiếm 2.13%

Trong số hàng giáo sĩ bị nhiễm bệnh có 26 là Giám Mục, trong đó 22 Giám Mục đã bình phục; 4 vị còn lại chết vào năm 2021.

Bốn giám mục qua đời là Đức Tổng Giám Mục Cástor Oswaldo Azuaje, Giám mục César Ortega, Đức Tổng Giám Mục Tulio Chirivella, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino

Hội đồng giám mục cho biết Giáo Hội ở Venezuela hiện có 2.068 Linh Mục, 60 Giám Mục.

Hội Đồng Giám Mục cho biết kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 "Giáo Hội Venezuela đã kêu gọi toàn dân tuân thủ các hướng dẫn về an toàn sinh học để ngăn ngừa lây nhiễm virus.

Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng để ngăn chặn sự lây lan Covid 19 có hiệu quả, mọi người phải quan tâm đúng mức đến bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cuối cùng, Hội đồng Giám mục khuyến cáo các tín hữu tăng thêm lòng tin cậy nơi Chúa trong những lúc nguy cấp về sức khỏe và khuyến khích họ tiếp tục cầu nguyện với Chúa,

Hội Đống Giám Mục cũng lưu ý rằng giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch gây ra, các linh mục không được nại lý do sợ COVID-19 mà sao lãng việc thi hành sứ vụ của mình.

Nguyễn Long Thao
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thánh Giuse, người của thầm lặng
Vũ Văn An
21:04 15/12/2021


Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Hội trường Phaolô VI, ngày 15 tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thánh Cả Giuse. Hôm nay, ngài nhấn mạnh khía cạnh thầm lặng của Thánh Giuse.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:




Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình suy niệm của chúng ta về Thánh Giuse. Sau khi minh họa môi trường nơi ngài sinh sống, vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ và sự công chính của ngài và là người phối ngẫu của Đức Maria, hôm nay tôi muốn xem xét một khía cạnh bản thân quan trọng khác: sự im lặng. Ngày nay chúng ta thường rất cần sự im lặng. Sự im lặng là điều quan trọng. Tôi có ấn tượng mạnh trước một câu trong Sách Khôn Ngoan được đọc với lễ Giáng sinh trong tâm trí, câu đó như sau: “Trong khi sự im lặng nhẹ nhàng bao trùm vạn vật, thì lời toàn năng của Ngài đã từ trên trời phán xuống”. Thiên Chúa đã tự mạc khải vào khoảnh khắc im lặng nhất. Trong thời đại này, điều quan trọng là suy nghĩ về sự im lặng trong đó nó dường như không có mấy giá trị.

Các sách Tin Mừng không chứa một lời nào được Thánh Giuse thành Nadarét thốt ra: không lời nào, ngài chưa bao giờ lên tiếng. Điều này không có nghĩa là ngài câm lặng, không: có một lý do sâu xa hơn khiến các sách Tin Mừng không nói một lời nào về việc này. Với sự im lặng của ngài, thánh Giuse xác nhận điều Thánh Augustinô viết: “Ngôi Lời - tức là Ngôi Lời làm người – càng lớn lên trong chúng ta, thì lời nói càng giảm đi” [1]. Chúa Giêsu, sự sống thiêng liêng, càng tăng trưởng, thì lời nói càng giảm đi. Điều mà chúng ta có thể mô tả là "nói vẹt", nói như vẹt, nói liên tục, giảm đi một chút. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả, người vốn là “tiếng nói của một người kêu trong hoang địa: ‘Hãy dọn đường cho Chúa’”(Mt 3:3) đã nói trong tương quan với Ngôi Lời rằng: “Người phải tăng lên, nhưng tôi phải giảm đi” (Ga 3:30). Điều này có nghĩa là Người phải nói và tôi phải im lặng, và qua sự im lặng của Người, Thánh Giuse mời gọi chúng ta dành chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm, cho Chúa Giêsu.

Sự im lặng của Thánh Giuse không phải là tật câm (mutism), ngài không câm lặng; đây là một sự im lặng đầy lắng nghe, một sự im lặng cần cù, một sự im lặng bộc lộ nội tâm tính cao cả của ngài. “Chúa Cha đã nói một lời, và đó là Con của Người”, Thánh Gioan Thánh giá nhận xét như thế, Chúa Cha đã nói một lời và đó là Con của Người - “và lời này luôn luôn nói trong im lặng vĩnh cửu, và trong im lặng nó phải được nghe bởi linh hồn”[2].

Chúa Giêsu đã được dưỡng dục trong “trường học” này, trong ngôi nhà ở Nadarét, với gương sáng hàng ngày của Đức Maria và Thánh Giuse. Và không có gì ngạc nhiên khi chính Người đã tìm kiếm những khoảng im lặng trong những ngày sống của Người (x. Mt 14:23) và mời gọi các môn đệ của Người có kinh nghiệm như thế bằng gương sáng: “Anh em hãy đến một nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một lát” (Mc 6:31).

Thật tốt biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương Thánh Cả Giuse, có thể phục hồi chiều kích chiêm niệm của cuộc sống, khai diễn trong thinh lặng. Nhưng chúng ta đều biết từ kinh nghiệm rằng điều đó không hề dễ dàng: sự im lặng làm chúng ta sợ hãi một chút, bởi vì nó yêu cầu chúng ta đào sâu chính bản thân và đối diện với phần trung thực nhất của chúng ta. Và nhiều người sợ im lặng, họ phải nói, cứ thế mà nói, và nghe truyền thanh hoặc truyền hình… nhưng họ không thể chấp nhận im lặng vì họ sợ. Nhà triết học Pascal nhận xét rằng “tất cả những điều bất hạnh của con người đều xuất phát từ một sự kiện duy nhất, đó là họ không thể yên lặng trong buồng riêng của mình” [3].

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi Thánh Cả Giuse cách vun trồng những không gian dành cho thinh lặng, trong đó một Lời khác có thể xuất hiện, đó là Chúa Giêsu, Ngôi Lời: lời của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta, mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Không dễ dàng nhận ra Tiếng nói đó, vốn rất hay bị lẫn lộn với muôn ngàn tiếng nói lo lắng, cám dỗ, ham muốn và hy vọng vốn đang cư ngụ trong chúng ta; nhưng nếu không có sự huấn luyện này, sự huấn luyện phát xuất từ chính việc thực hành im lặng, thì lưỡi của chúng ta cũng có thể bị ốm. Nếu không thực hành im lặng, lưỡi của chúng ta cũng có thể bị ốm. Thay vì làm cho sự thật tỏa sáng, nó có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm. Thật vậy, lời nói của chúng ta có thể trở thành xu nịnh, khoác lác, dối trá, nói sau lưng và vu khống. Có một sự kiện đã được khẳng nhận rằng, như Sách Huấn Ca đã nhắc nhở chúng ta, “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (28:18), lưỡi giết người nhiều hơn thanh kiếm. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: ai nói xấu anh chị em mình, ai nói xấu người thân cận, là kẻ giết người (x. Mt 5:21-22). Giết người bằng lưỡi. Chúng ta không tin điều này, nhưng đó là sự thật. Chúng ta hãy nghĩ một chút về những lần chúng ta đã giết người bằng lưỡi: chúng ta sẽ rất xấu hổ! Nhưng điều này tốt cho chúng ta, rất tốt cho chúng ta.

Sự khôn ngoan trong Kinh thánh khẳng định rằng “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả” (Châm ngôn 18:21). Và Thánh Tông đồ Giacôbê, trong Bức thư mà chúng ta đã đọc ở phần đầu, khai triển chủ đề cổ xưa này về sức mạnh, cả tích cực lẫn tiêu cực, của lời với những thí dụ nổi bật, và ngài nói: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân... Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn... Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa” (3: 2- 10).

Đây là lý do tại sao chúng ta phải học nơi Thánh Giuse để trau dồi sự im lặng: không gian nội tâm trong thời đại của chúng ta, trong đó chúng ta dành cho Chúa Thánh Thần cơ hội để tái sinh chúng ta, để an ủi chúng ta và sửa chữa chúng ta. Tôi không nói là phải rơi vào tình trạng câm lặng, không. Im lặng. Nhưng chuyện rất thường xẩy ra là, khi chúng ta đang làm việc gì đó, mỗi người chúng ta đều nhìn vào bên trong, nhưng khi chúng ta đã hoàn thành, thì ngay lập tức chúng ta tìm điện thoại của mình để gọi một cú gọi khác… chúng ta luôn hành động như thế. Và điều này không giúp ích được gì, điều này khiến chúng ta rơi vào tình trạng hời hợt. Sự sâu sắc của tâm hồn lớn lên cùng với sự im lặng, sự im lặng không phải là tật câm như tôi đã nói, mà là khoảng trống dành cho sự khôn ngoan, suy tư và Chúa Thánh Thần. Chúng ta sợ những khoảnh khắc im lặng. Chúng ta đừng sợ! Nó sẽ giúp ích cho chúng ta. Và lợi ích cho tâm hồn chúng ta cũng sẽ chữa lành lưỡi của chúng ta, lời nói của chúng ta và trên hết các lựa chọn của chúng ta. Thực thế, Thánh Giuse đã kết hợp im lặng với hành động. Ngài không nói, nhưng ngài hành động, và do đó chứng tỏ điều Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Không phải ai nói với tôi rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ sẽ được vào thiên đàng, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự ở trên trời ”(Mt 7:21). Im lặng. Những lời sinh hoa trái khi chúng ta nói, và chúng ta nhớ bài hát đó: “Parole, parole, parole…”, lời, lời, lời, và không có gì nặng chất. Im lặng, nói đúng cách và giữ lưỡi đôi chút, đôi khi tốt hơn là nói những điều ngớ ngẩn.

Chúng ta hãy kết thúc bằng một lời cầu nguyện:

Lạy Thánh Giuse, người của im lặng,

ngài là người không thốt ra một lời nào trong Tin Mừng,

Xin ngài dạy chúng con kiêng những lời lẽ vô ích,

để tái khám phá giá trị của những lời nói xây dựng, khuyến khích, an ủi và hỗ trợ.

Xin ngài gần gũi với những người đang đau khổ vì những lời nói làm tổn thương,

như vu khống và nói sau lưng,

và xin giúp chúng con luôn kết hợp lời nói với việc làm. Amen
.

Cảm ơn anh chị em.

___________________________________

[1] Diễn từ 288, 5: PL 38, 1307.

[2] Dichos de luz y amor [Những câu nói về ánh sáng và tình yêu], BAC, Madrid, 417, n. 99.

[3] Pensées, 139.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB
10:18 15/12/2021
Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ

Ngày 15/12/2021

Chủ đề Thượng Hội đồng giám mục Từ khóa giáo xứ

Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ

TGPSG -- Kết quả của Thượng hội đồng Giám mục này phải được thấy trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ mang tính hiệp hành ngay ở đây và lúc này. Chỉ như thế, tiến trình hội họp tại Roma mới đạt được ý nghĩa đích thực...

DẪN NHẬP

Với sự thúc đẩy của Đức Phanxicô, ngày 17 tháng 10, 2021, cộng đoàn dân Chúa tại mỗi giáo phận bắt đầu cùng nhau cử hành Thượng Hội đồng Giám mục 2023 trên cấp độ giáo phận.[1] Dù một ai đó có thể nghĩ đây là một việc làm không thể chối được từ Vatican, hoặc chỉ như một gánh nặng, thì sự thật không phải như thế. Chúng ta cần nhìn vào việc này với ánh mắt đức tin. Chẳng lạ gì tài liệu Cẩm nang Thượng hội đồng Giám mục 2023 khởi sự với lời nguyện xin Thánh Thần trong bất kỳ cuộc họp nào cho biến cố này.[2] Thánh Thần đang muốn canh tân toàn Giáo hội, sau và thậm chí giữa, biết bao những nỗi u buồn, tội lỗi, xấu hổ hay nhục nhã. Thánh Thần cuốn toàn Giáo hội vào cuộc hoán cải như dân Israel ngày xưa quay về với Thiên Chúa.[3] Có lẽ chúng ta cần đặt mình như những “số sót” để qua đó ân sủng, lòng thương xót và niềm vui thần linh lại tràn ngập địa cầu.[4] Đức tin cần được làm mới lại, bằng cách gắn bó hơn nữa với ý định của TC được đọc ra dưới các biến chuyển nhân sinh dưới mọi khía cạnh, vì chỉ thánh ý Chúa mới là lương thực của GH, địa phương và phổ quát.

Nếu thế, chúng ta không được phép coi Thượng Hội đồng Giám mục chỉ dành cho những ai tham dự ở Roma hoặc những buổi hội họp tương tự. Toàn GH, bắt đầu từ những cộng đoàn giáo hội nhỏ như gia đình và giáo xứ, cùng nhau cử hành BIẾN CỐ THƯỢNG HỘI ĐỒNG NÀY. Kết quả của Thượng hội đồng Giám mục này phải được thấy trong việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ mang tính hiệp hành ngay ở đây và lúc này. Chỉ như thế, tiến trình hội họp tại Roma mới đạt được ý nghĩa đích thực. Bằng không, đó lại chỉ là “chất đống” thêm các văn kiện cho đầy các thư viện mà thôi.

Trong cơn lốc của Thần khí, Giáo hội cống hiến cho người tín hữu những hướng dẫn quan trọng và có giá trị. Và như thế tìm đọc và suy gẫm những chỉ dẫn đó phải là trọng trách cho các vị mục tử cách riêng; bằng không, chúng ta sẽ không thể dẫn dắt dân Chúa. Những tài liệu đó là:

1. Tài liệu từ Ủy ban Thần học Quốc tế: TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI (từ đây: Tính hiệp hành) Tài liệu được ban hành ngày 2 tháng Ba, 2018; Tài liệu có tính chất học thuật này cũng đề ra những hướng đi mục vụ hầu làm cho tính hiệp hành vốn đã từng nổi bật trong GH sơ khai, nhưng rồi bị lãng quên cách nào đó, phải được sống lại cách mới mẻ trong Giáo hội hậu Vatican II.

2. Tài liệu Huấn thị: Cộng đoàn giáo xứ hoán cải mục vụ để phục vụ sứ mệnh loan báo Tin mừng của GH (từ đây: Huấn thị) được ban hành ngày 29 tháng Sáu, 2020. Dù với tính cách tổ chức và canh tân cơ cấu của giáo xứ, tài liệu không quên cho thấy những suy tư thần học và kinh thánh làm nền tảng cho những biến đổi ấy. Như thế, ta hiểu ngay mục vụ không phải chỉ là những hoạt động hay việc làm. Nó là một điều đến từ một trái tim mới, đầy tràn tình yêu mục tử của người môn đệ Đức Kitô.

3. Trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về GH hiệp hành, chúng ta thấy xuất hiện TÀI LIỆU CHUẨN BỊ (từ đây: Tài liệu chuẩn bị) với tựa đề của Thượng hội đồng Giám mục 2023: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ;

4. Và ý thức rõ tiến trình khá phức tạp và lâu dài để hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục được cử hành tại Roma xuyên qua cấp giáo phận, hội đồng Giám mục, các Giáo hội Vùng, Miền, Toà Thánh phát hành tài liệu Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về tính hiệp hành (từ đây: Cẩm nang)

Tuy nhiên, để lãnh hội những văn kiện đó một cách sâu xa và vững chắc, chúng ta cần ghi nhớ Giáo hội học của Vatican II về Dân Thiên Chúa trong ánh sáng hiện thực của GH như sự hiệp thông mà Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường 1985 về Vatican II đã minh xác cùng với vai trò quan trọng độc đáo của Giáo hội tại địa phương như sự hiện thực hoá Tin mừng tại địa phương, hay như sự nhập thể mầu nhiệm GH vào văn hoá, đời sống con người tại địa phương đó.[5] Đó là một lối nhìn về phẩm trật như tập đoàn tính,[6] vốn là đóng góp quan trọng của Vatican II cho Giáo hội học chân chính. Các Giám mục được tuyển chọn vào một đoàn (college) để phục vụ dân Chúa trong tư cách Đức Kitô, in persona Christi;[7] các ngài cũng theo Đức Kitô, sequela Christi như các tín hữu, song lại gánh thêm trọng trách của vị Tông đồ.

Bài khảo cứu này trình bày bốn phần. Trước tiên, chúng ta cùng khẳng định việc tái cấu trúc giáo xứ/hội đồng giáo xứ không phải là một việc làm. Nó bộc lộ một sự hoán cải mục vụ (cả trong cơ cấu nữa). Trong phần này tôi cũng dựa vào những kinh nghiệm của chính Giáo hội tại Việt Nam. Thứ đến chúng ta nhìn xem Đức Giêsu đã huấn luyện các tông đồ và qua đó huấn luyện chúng ta ngày nay ra sao. Từ đó, chúng ta tìm cách hiểu dạng thức tiến hành và sống của một Giáo hội hiệp hành. Cuối cùng chúng ta nói đến một cam kết để làm hiển hiện một Giáo hội hiệp hành ngay trong giáo xứ chúng ta. Bài viết này mang nhiều tính cách suy tư thần học hơn là thực tiễn, khi hiểu những thao thức mục vụ, truyền giáo của Đức Phanxicô.

TÁI CẤU TRÚC GIÁO XỨ / HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ NHƯ MỘT DIỄN ĐẠT SỰ HOÁN CẢI MỤC VỤ

Trước kia, có những nhân vật nổi bật với một kiến thức bao quát mọi thứ. Thánh Toma Aquinô (1225– 1274) hay Duns Scotus (1265/66 –1308) là những người thuộc loại đó. Những Blaise Pascal (1623 – 1662), Réné Descartes (1596–1650)... như thể là những thiên tài một mình làm mọi sự. Tuy nhiên, thời đại ấy xem ra đã hết rồi. Thế giới hiện tại đang tìm lại tính "tập thể" trong tất cả mọi lãnh vực, từ khoa học, vi tính, y khoa..., đến các bộ bách khoa triết thần, đến kế hoạch mục vụ của toàn Giáo hội. Những châm ngôn như "cùng chung tay xây dựng", “cùng chèo thuyền”, “chung lưng đấu cật”... biểu lộ định hướng và nét đẹp của tính xã hội mà trong đó con người đã được tạo dựng (x. St 1-2). Giáo hội đã nhận ra nét biến đổi này.[8] Và dấu chỉ đó thúc bách Vatican II rời bỏ chiếc áo hoàng vương để mặc lại chiếc áo NGƯỜI TÔI TỚ của mình. Là dân lữ hành, GH cùng chung tay thực thi sứ mệnh xây dựng Nước TC. Còn hơn thế nữa, GH thấy rõ mình còn phải đồng hành với thế giới nhân sinh trong tất cả tính phức tạp của nó, lẫn lộn tốt xấu, để chân nhận được thiện chí và vẻ đẹp nơi những anh chị em như thể không cùng đi với mình.[9] Được tinh thần đó khởi hứng, GH tại VN cũng muốn rũ bỏ chiếc áo độc thoại, tự vệ và pháo đài của mình.[10] GH tại VN cũng mong muốn trở thành một Giáo hội giữa lòng dân tộc, cùng đi với những người con dân VN, bất chấp họ ra sao, vì chính ở đây, TC đến gặp gỡ, kết hiệp và huấn luyện họ.[11] GH tại VN muốn xây dựng một GH cùng lên đường trong tình hiệp thông được tỏ lộ bằng sự tham gia, để chung tay xây dựng đền thờ Chúa Thánh Thần giữa những anh chị em chưa cùng đức tin.[12] Vì vậy, những tổ chức, hay cách hành động trước kia mà không tán trợ một sự cùng chung tay quả không còn thích đáng nữa.

Tài liệu về Giáo hội hiệp hành xác định rõ TC mong đợi GH của thiên niên kỷ thứ ba bước theo “con đường hiệp hành”.[13] Xác quyết này mang lấy tất cả sức mạnh và thách đố đầy đòi hỏi của nó. Nếu GH chỉ hiện hữu để thi hành ý TC, thì nay ý TC là đây: XÂY DỰNG MỘT GH HIỆP HÀNH. Không nỗ lực hiện thực điều này, GH có nguy cơ không lắng nghe ý Chúa, vốn là lương thực duy nhất của GH. Tại sao? Vì đây là chiều kích cốt yếu của Giáo hội: Giáo hội hiệp hành minh chứng “phẩm giá và sứ mệnh chung của tất cả những người được rửa tội trong việc thực thi những đặc sủng, ơn gọi và tác vụ khác nhau và phong phú một cách trật tự” là thật chứ không phải là từ hoa mỹ.[14] Thật vậy, GH hiệp thông – GH hiệp hành không phải là hạn từ đẹp đẽ xuông, nhưng là “modus vivendi et operandi”, dạng thức GH sống và hành động. Nói cách khác, GH được nhận biết bằng cách sống và làm việc trong sự hiệp hành. Không những thế, hiệp hành còn là dạng thức đào tạo (modus formandi) người môn đệ của Đức Kitô, người cùng đi với người khác. Đang khi đó Huấn thị về tổ chức giáo xứ nói rõ hướng đi biến giáo xứ thành cộng đoàn môn đệ truyền giáo “đương nhiên đưa tới việc phải cải tổ các cơ cấu, liên quan đến giáo xứ cách riêng”.[15] Lý do chính là xã hội và những biến động xã hội không còn như trước nữa. Xã hội đã biến đổi thật sâu kéo theo sự biến đổi thật sâu trong nghĩ suy[16] đến nỗi một giáo xứ chỉ theo tính đối địa mà thôi không còn phù hợp nữa, trước sứ mệnh loan báo Tin mừng ngày một thách đố hơn.[17] Một nguyên tắc thần học và thiêng liêng được Vatican II đưa ra và có thể tóm tắt trong điều này: “Xã hội biến đổi, thần học chuyển mình”, theo lối nói của Hans Joachim Hohn.[18] Nếu vậy, trình bày cho thế giới và mọi người một GH Dân TC-hiệp hành là chuyện CHÍNH CHÚA MUỐN, và không đảo ngược lại được nữa.

Rất có thể điều nói trên đưa đến một phản kháng nào đó tự bên trong, vì làm ta không yên. Không lạ gì, bởi lẽ mỗi hoán cải đều đi trước bởi một cuộc đấu tranh mạnh mẽ với cái tôi đã từng có, từng quen sống và hành động như thế. Tuy nhiên, nếu GH đúng là của mọi tín hữu được rửa tội trong Thánh Thần, nếu GH đúng là được diễn tả tột đỉnh trong Thánh Thể, nếu Phẩm trật GH phải mang tính tập đoàn (collegiality) trong ánh sáng của Dân TC, nếu cảm thức đức tin (sensus fidei) là thiết yếu, thì GH hiệp hành là một “điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho năng lực truyền giáo mới vốn liên quan đến toàn Dân TC”.[19] Tại sao ta phải nhấn mạnh điều này đến thế? Kinh nghiệm cho thấy: suy nghĩ ra sao sẽ làm như vậy; suy nghĩ đúng sẽ làm đúng, dẫu vẫn còn đó những sai trệch. Nhưng suy nghĩ sai thì không thể làm đúng được. Theo ngôn ngữ Kinh thánh, điều thiết yếu trước tiên chính là HOÁN CẢI, được hiểu là thay đổi/canh tân "não trạng, thái độ, thực hành và cơ cấu, để trung thành hơn mãi với ơn gọi của GH".[20] Mà tận căn của cuộc hoán cải do Đức Giêsu đem lại là như sau:

"Sự chuyển đổi do mầu nhiệm Vượt qua từ "cái Tôi" được hiểu theo cách tập trung vào bản thân sang "cái chúng tôi" nghĩa GH, ở đó, mọi "cái Tôi", được mặc trong Đức Kitô (x. Gl 3:27), sống và hành trình với anh chị em mình như một tác nhân có trách nhiệm và tích cực trước một sứ mệnh của Dân TC."[21]

Nói thế, không phải từ trước đến giờ chúng ta làm sai hết rồi. Không phải. Chúng ta đã thực hiện rất nhiều điều tốt, vì tận cơ bản, chúng ta đã trở lại, đã hoán cải, đã thuộc về Đức Giêsu rồi. Nếu không như thế đã chẳng có Giáo hội địa phương như hiện nay. Tuy nhiên, sự hoán cải mà TC đòi hỏi không phải là một lần là đủ. Chúa muốn một sự hoán liên tục, nghĩa là, liên lỷ "quay về với TC hằng sống."[22]

Trong ánh sáng đó, một thoáng vội nhìn lại lịch sử của GH tại Việt Nam có thể làm ta trân trọng hơn ân sủng với những hoa quả đầu mùa Chúa ban chúng ta để mời gọi ta tiến hơn nữa. Quả vậy, GH tại VN tới một mức nào đó nổi bật với sự hòa điệu và chung tay xây dựng giữa những vị chủ chăn và những con cái GH ở mọi cấp. Ai đã mang Chúa Giêsu cho những anh chị em xa xôi nhất, nếu không phải là những anh chị em tín hữu nhiệt tình chung tay với các nhà truyền giáo thuở ban đầu trên quê hương này? Ai đã từng liều mình bị chết để bảo vệ các vị truyền giáo và các linh mục trong những ngày khó khăn của cấm cách? Những kinh nghiệm nào đã đúc kết lên châm ngôn của thư chung 1980 "sống Phúc âm giữa lòng dân tộc", nếu không phải là kinh nghiệm của các tín hữu chan hòa với nhau, linh mục, giáo sĩ và giáo dân, cách riêng tại những vùng kinh tế mới hay trong trại học tập? Ngay trong giáo xứ hiện tại, những giáo lý viên nhiệt thành, các huynh trưởng sống động vẫn đang chung tay với các vị mục tử để xây dựng cộng đoàn. Nói tắt, những trang sử của muôn vàn chứng nhân xưa và nay (x. Hr 12-13; Kh 6:9-1), được viết bằng mồ hôi và cả máu nữa, đưa tới một kết luận rất thiết thực và hiện sinh cho Giáo hội tại VN chúng ta: Ở đâu các tín hữu cùng nhau tiến tới theo một mục đích chung là vinh quang TC và các linh hồn, thì GH được rực rỡ vinh quang TC. Đại hội dân Chúa 2010 với chiều hướng của một sứ vụ toàn diện, duy nhất, hội nhập tình thương Đức Kitô vào trong văn hoá không phải là GH tại Việt Nam cùng nỗ lực tìm kiếm và tiến bước đó sao? Nếu đất nước VN chúng ta nổi tiếng với Hội nghị Diên Hồng, thì một cách nào đó, thì Đại hội dân Chúa 2010 cũng tương tự như thế. Có khác là, đại hội dân Chúa không phải do con người, song do chính TC quy tụ lại và dẫn tới hoàn thành, định hướng cho các tín hữu VN trong dòng xoáy xã hội, chính trị, giáo dục, văn hóa của VN thời hậu tân đại.[23] Trong đại hội ấy, chúng ta cùng mơ về một Giáo hội tham gia tại VN mà được chuyển dịch thành kế hoạch mục vụ ba năm sau đó. Những kinh nghiệm đức tin đó lại tầm thường sao? Không chút nào.

Như thế, ta thấy rõ không phải cùng nhau làm một vài việc hay hoạt động thì tức khắc biểu lộ một GH tham gia. Không. GH ấy chỉ xảy ra được khi toàn Giáo hội suy nghĩ về mầu nhiệm mà tất cả được kêu gọi tới, về sự hiệp thông mà toàn thể từ người rốt hết đến vị cao cả nhất thông chia một sự sống, về sứ vụ mà mọi phần tử Giáo hội đều nhận lãnh dù với những hình thức, phương cách khác nhau. Chỉ bằng cách hoàn toàn trung thành nắm giữ/chuyển giao kho tàng đức tin với một sự đồng cảm với Giáo hội, sentire cum Ecclesia, từ vị mục tử đến người tín hữu rốt hết, như cộng đoàn các môn đệ truyền giáo với sensus fidelium như bản năng đức tin thì sự hiệp thông, được biểu lộ qua sự hiệp hành như một dạng thức sống và tiến hành, mới thành duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.[24] Một Giáo hội tham gia chỉ lộ hiện sau một tiến trình hoán cải cả về tư duy lẫn cơ cấu mục vụ trong đó mọi người đều trở lại với Chúa.[25] Thật vậy, "cõi lòng và tâm trí không hoán cải cũng như không có một sự huấn luyện có kỷ luật để chào đón và lắng nghe lẫn nhau, thì những khí cụ hiệp thông bên ngoài chẳng có ích gì."[26]

Vậy, dù còn nhiều thiếu sót, GH tại VN đã cố gắng trình bày một GH hiệp thông tham gia, theo nghĩa là anh chị em giáo dân và mọi thành phần rất tích cực cộng tác với hàng giáo phẩm dưới diện "chỉ đâu đánh đó", dưới diện "người thợ" nhiều hơn là dưới diện người vai chính như Vatican II mong đợi. (xem Synodity, 72-73). Biến tất cả các tín hữu nên những vai chính trong sứ vụ mới là chính ý muốn của TC.

Tất cả những điều trên nơi GH tại VN cho thấy một nỗ lực để tiếp thu hướng chiều thần học, mục vụ và thiêng liêng của Vatican II. Chương II trong LG trở thành đá góc cho những biến chuyển lớn lao trong GH. Các nghị phụ cho thấy chính cảm thức Dân TC đã “hoán cải” các ngài rất nhiều, vì tìm gặp lại được chính điều TC muốn và hiện thực suốt dòng lịch sử cứu độ. Trong GH ấy, phẩm giá chung của mọi tín hữu đến trước và ở trên tất cả mọi sự phân biệt. “Với anh chị em tôi là Kitô hữu; cho anh chị em tôi là Giám mục. Kitô hữu là một tước hiệu vinh dự, là phẩm giá, là giám mục là trọng trách.” (Augustinô) Trong dân đó, mọi người đều cùng nhau tiến bước trong mọi văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, công bằng, thịnh vượng dân tộc, qua tất cả mọi người dân của mình, cả phẩm trật lẫn giáo dân.[27] Toàn Dân TC đón nhận cùng một sứ mệnh lưỡng diện: tuyên chiến với tội lỗi và để TC thánh thiện của Tin mừng được biết đến.[28] Một Kitô hữu chỉ lo phần rỗi của riêng mình giống như bức hý hoạ, bởi lẽ không thể có được. Được cứu rỗi có nghĩa là cùng được cứu rỗi. Không thể có một thứ cá nhân chủ nghĩa Kitô hữu.[29] Như thế Dân TC của Vatican II là một GH hiệp hành tự bản chất.[30] Tuy nhiên, sau đó, một số thần học gia nhấn mạnh đến mô hình mang dấu ấn như một nghị viện dân chủ với khái niệm Concilium, nên Giáo hội với Đức Gioan Phaolô II cũng như với Thượng hội đồng Giám mục ngoại thường 1985 đã nhấn mạnh đến GH-hiệp thông, Koinonia, đến “linh đạo hiệp thông” hơn là đến Dân TC.[31] Hơn nữa, thời gian qua mau. Thế hệ của các nghị phụ thời Vatican II không còn mấy; Vatican II xem ra hết sốt dẻo và khái niệm Dân TC như thể đã chìm vào hậu cảnh, nếu không muốn nói là bị lãng quên.[32] May thay, ngày nay trực giác giáo hội học ấy lại được Đức Phanxicô đưa ra ánh sáng với những sắc thái mới, hầu đáp ứng những thao thức cũng như những thách đố của những người hậu tân đại.

Những kinh nghiệm quý báu trên không cho phép chúng ta quên đi những thách đố rất lớn GH phải đối diện cách này cách khác, lâu mau tuỳ vào từng nơi chốn.

a. Giáo hội như siêu thị. Số tín hữu tại VN đang gia tăng trước một cám dỗ mà tôi gọi là cám dỗ về một "GH siêu thị". Đã có những tín hữu đi tới các thánh đường (church) mà chẳng cam kết vào một cộng đoàn, giáo hội (church) nào hết. Họ thấy cần phải tự chọn: đi nhà thờ nào cũng được, miễn sao chu toàn luật lễ buộc, hoặc dự một thánh lễ nhanh gọn, hay nghe một bài giảng của vị mình thích. Không ghi danh vào cộng đoàn nào, họ đến bất kỳ giáo xứ nào theo sở thích. Hệt như trong siêu thị, họ chọn hàng tùy thích. Cùng lắm, nếu có ghi danh, chính là để cho những công việc sau này: rửa tội con cái, hôn phối, chôn táng. Qua đó, ý nghĩa của gia nhập Giáo hội như một chi thể có trách vụ riêng trong một thân mình duy nhất bắt đầu tan loãng dần. Cảm thức về một GH cam kết nhạt nhoà dần.

b. Chủ nghĩa Giáo hội trần tục (laicism). Tiếp đến trào lưu giáo dân trị, một thứ dân chủ sai lạc, cũng như thể đang lớn dần lên. Đang dần nổi lên một chủ nghĩa “dân chủ” giáo hội học, trong đó như thể tiếng của đa số là tiếng của TC. Vẫn còn đó sự ồn ào của khuynh hướng hay phong trào “nhân dân”, như thể những gì của Đức Giêsu chỉ là bởi vì thời đại đó mà thôi. “Nếu ngài đã ở đây hôm nay, chắc sẽ không có luật này, luật nọ trong GH”.... Song song với điều đó, chúng ta vẫn thấy còn đó "khuynh hướng giáo sĩ hóa giáo dân và giáo dân hóa hàng giáo sĩ."[33] Đúng là một sự cào bằng để “đổi ngôi” trong GH, và điều đó chẳng còn gì là một thân mình Đức Kitô trong đó mỗi chi thể một chức phận, không thay thế được, song lại hoàn toàn bổ trợ cho nhau: không thể có cái này mà không có cái kia.

c. Chủ nghĩa giáo sĩ. Nhưng cám dỗ thịnh hành vẫn là giáo sĩ trị. Trong ánh sáng của Vatican II và được nhận diện do Đức Phanxicô, nó còn hơn một cám dỗ; nó là một căn bệnh mà ở nơi đó sự lạm dụng quyền lực, lương tâm, tiền bạc và cả tình dục nữa, đang làm rữa nát Giáo hội. "Hệ tư duy/não trạng giáo sĩ” có nguy cơ đặt các tín hữu ở bên lề giáo hội."[34] Nó che đậy một lòng yêu mến Giáo hội giả hiệu.

Đó chính là sự tìm kiếm cá nhân, muốn chiếm cứ, tập trung và đặt định các khoảng không gian bằng việc giảm thiểu và hủy bỏ dầu xức của Dân Thiên Chúa. Thói giáo sĩ trị, khi sống tiếng gọi theo một kiểu cách quí phái, lẫn lộn việc được chọn với đặc quyền, sự phục vụ với chủ trương phục dịch, hiệp nhất với đồng bộ, sự khác biệt với sự chống đối, sự đào luyện với nhồi sọ. Thói giáo sĩ trị là một sự lệch lạc khiến phát triển những ràng buộc theo chức năng, cha chú, chiếm hữu và ngay cả thao túng những ơn gọi khác còn lại trong Giáo Hội.[35]

Giáo sĩ trị "ngăn cản người giáo dân ra khỏi tiến trình lấy quyết định" (104) khi xây dựng Dân TC như môn đệ truyền giáo.

d. Giáo hội không có khả năng đi ra. Đức Phanxicô cho thấy GH xa cách với con người sẽ vướng mắc trong những chuyện tỏn mọn của riêng mình, chẳng còn ích gì cả. Chính vì thế,

Đây là điều không những là một phần nội tại của hành động mục vụ mà còn là tiêu chuẩn đánh giá tính xác thực của Hội Thánh Chúa Kitô. Thời nay đặc biệt, có khi có nhiều người bị loại ra bên lề xã hội và cô đơn, cộng đoàn giáo xứ được mời gọi trở nên dấu chỉ sống động của sự gần gũi của Chúa Kitô qua các mối dây liên kết huynh đệ, hằng quan tâm đến những hình thức nghèo khổ mới.[36]

Chiều theo những thách đố này sẽ làm cùn đi khả năng đào tạo liên tục bằng cách lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi giữa tiếng kêu khóc của những người quanh ta. Nó biểu lộ một GH không còn khả năng khóc nữa. Thật thê thảm: một Giáo hội không có khả năng của một người mẹ, một người mẹ biết khóc. Bởi lẽ, GH tự coi mình có mọi câu trả lời cho mọi vấn đề nhân loại, chẳng cần phải mảy may tìm kiếm cùng với những người khác.[37]

Thật ra, giáo xứ theo địa dư vẫn luôn trân trọng cao; nó dễ dàng tổ chức sinh hoạt đoàn thể, giáo lý. Tôi nói đến tổ chức sinh hoạt, chứ không phải là mục vụ. Không bỏ qua. Thế nhưng, những bùng vỡ của công nghệ thông tin đã mang đến một thay đổi giáo xứ: giáo xứ địa dư trở thành "lỗi thời" rồi. Nay giáo xứ ngày càng phải mang tính chất "địa dư hiện sinh". "Ở đó những thách đố GH đang đối diện giữa cộng đoàn được diễn ra. Vậy, bất kỳ hành động mục vụ nào bị giới hạn vào lãnh địa giáo xứ thì lỗi thời,[38] dù những quy định của Giáo luật vẫn có giá trị. Điều này thấy rõ lắm nơi giới trẻ: họ có sân chơi riêng mà rất nhiều người chúng ta không vào chơi được, vì chúng không chấp nhận chúng ta và chúng ta không làm cho mình được chúng tiếp nhận. Số giới trẻ ở xa chúng ta thì mênh mông hơn con số người trẻ vây quanh chúng ta. Đức Phanxicô và cùng với ngài, GH tại VN chúng ta muốn xây dựng một giáo hội của người trẻ; nếu thế, ta không thể không thấy rằng giới trẻ hiện nay lại không ràng buộc mấy với địa dư. Chúng ta hãy can đảm (parrheia) nhìn vào hiện trạng với một con mắt được đổi mới: Người trẻ chiếm rất ít chỗ cũng như tiếng nói trong mục vụ giáo xứ chúng ta. Đừng quá sợ hãi rằng họ ít kinh nghiệm, họ có nhiều sai sót. Đúng. Nhưng có một điều giới trẻ hoàn toàn hơn chúng ta: họ biết cách làm thế nào để đến gần, làm bạn, và đồng hành với những người cùng trang lứa. Chính vì vậy, thật cần biết bao để bớt nghĩ suy và nhìn thực tại từ trên cao, nhưng nhiều hơn từ phía ngoại biên.[39] Cần biết bao những ưu tư, đau khổ, tiếng khóc của dân chúng chạm đến những mục tử như người cha người mẹ thiêng liêng. Rosmini nhận xét thật đúng: "Chỉ những người vĩ đại/thánh nhân mới có thể tạo nên những người lớn lao/thánh nhân." Đó không phải là điều Vatican II và huấn quyền hậu Vatican II muốn làm nơi chúng ta, các mục tử hôm nay, sao? Chúng ta đã để cho những lời sau vang dội thật sự trong phong cách sống Giáo hội của chúng ta không:

Nếu một điều gì đó phải làm chúng ta xáo trộn và làm lương tâm chúng ta băn khoăn, thì chính là sự kiện có quá nhiều anh chị em chúng ta sống không sức mạnh, ánh sáng và an ủi được sinh ra từ tình bạn với Đức Giêu, không có một công đoàn đức tin nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời sống. Tôi hy vọng rằng chúng ta, hơn là sợ đi lạc, sẽ được chuyển động bởi nỗi sợ là vẫn đóng kín mình trong những cấu trúc vốn mang lại cho ta một cảm thức an toàn giả tạo, trong những luật lệ khiến chúng ta phán xét cay nghiệt, trong những thói quen làm ta cả thấy an toàn, đang khi ngay cửa nhà chúng ta dân chúng đang chết đói và Đức Giêsu không mệt nói cho ta rằng: "Anh em hãy cho họ ăn đi." (Mc 6:37).[40]

Chúng ta cần trở lại tư cách/thái độ của một người mẹ biết khóc hơn là của một công chức, công nhân viên làm việc hết giờ hành chánh. Đó mới chính là ý nghĩa và lẽ sống của người linh mục chúng ta. Những gì Đức Phanxicô nói có làm tôi rúng động thật sự hay ta chỉ thấy những lời đó thật hay nhưng xa lạ! Trái tim mục tử trả lời trong ta, và ta không thể nói dối nó.

TRỞ VỀ NGUỒN: NHÌN XEM VÀ HỌC NƠI CHÚA GIÊSU

1. Để hiện thực một Giáo hội hiệp hành, toàn GH buộc phải về nguồn và nhìn vào cách Đức Giêsu hành động. Ngài luôn tạo ra “khung cảnh cộng đồng” trong loan báo Tin mừng.[41] Ngài không bao giờ loại trừ ai.[42] Thậm chí với những người bị ‘mọi người’ ruồng bỏ, coi khinh, Ngài vẫn có chỗ cho họ, dẫn họ vào vườn nho của ngài (x. số 18). Và những kẻ được Ngài chọn lựa thì rõ ràng “các tông đồ không phải là đặc ân phong ban một chức quyền với lãnh địa riêng có tính phân tán mà là ân sủng của một thừa tác vụ ban phúc lành và tình huynh đệ có tính quy tụ.” (số 19). Luôn có ba thành phần đi liền với nhau cách hỗ tương đến độ không thể chia tách mà không huỷ đi chính mình: “Chúa Giêsu, đám đông đủ mọi hạng người, các tông đồ” (số 20).

2. Khảo sát thêm nữa, ta thấy, bằng cả một tuyệt đỉnh văn chương, với lối văn miêu tả hơn là định nghĩa, sách Công vụ cho chúng ta bốn yếu tố then chốt quyện chặt vào nhau trong cộng đoàn tín hữu ban đầu: Hiệp thông - Phụng vụ - Làm chứng - Phục vụ.[43] Cộng đoàn đó chung tay với nhau để phụng sự TC hằng sống, để cứu giúp những kẻ đói nghèo, khi vâng phục TC trong lời giáo huấn Tông đồ, với sức mạnh của vị Chứng Nhân Trung thành trong quyền lực của Thần khí làm chứng. Chính điều này làm cho cộng đoàn môn đệ của ông Giêsu trở nên khác biệt với bất kỳ cộng đoàn Do thái giáo nào. Dẫu vẫn sử dụng mọi thứ cốt yếu trong Do thái giáo như Lời Chúa, hội đường, lễ Vượt qua, thì cộng đoàn Kitô hữu tỏ lộ sự khác biệt: do Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần Ngài, mọi người không kể những gì mình có làm của riêng, nhưng để chung mọi sự, và các tông đồ phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu. (x. Cv 2:42tt) Hoặc "cộng đoàn đồng tâm nhất trí..." (x. Cv 4:32). Chính đây là điểm son mà chẳng mấy chốc, họ được đặt tên là cộng đoàn Kitô hữu (x. Cv 11:26); rõ ràng, yếu tố cùng đi một Con Đường, "không còn Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, nhưng tất cả trong Chúa," trở thành nét riêng biệt. Cộng đoàn GH sơ khai đúng là cùng tiến bước. Không lạ gì mà công đồng Giêrusalem đầu tiên trồi hiện như một sự hiệp hành, một synodos: Thánh Thần và chúng tôi cùng quyết định. Đã quá rõ, tính hiệp hành, synodality, đã có mặt cách sống động trong cộng đoàn GH ngay từ ban đầu.

3. Điều cộng đoàn sơ khai bộc lộ không phải do sáng kiến của các tín hữu. Chính Đức Giêsu đã in điều này vào cộng đoàn môn đệ của ngài. Các Tin mừng đều làm chứng rằng Chúa Giêsu mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn để huấn luyện các môn đệ/tông đồ một lối hiện hữu/sinh hoạt/tiến hành khác dựa trên "gương duy nhất là chính ngài như người tôi tớ". Dẫu họ thất bại nhiều hơn là thành công, Đức Giêsu vẫn không bỏ cuộc. Điều ấy còn lộ rõ: Tin mừng Matthêu cho thấy rõ Đức Giêsu chẳng bao giờ chờ đợi các tông đồ phải hoàn hảo rồi mới sai đi rao giảng Tin mừng. Ngay lúc họ vẫn còn hồ nghi Đức Giêsu đã sống lại, Ngài vẫn sai họ đi rao giảng (x. Mt 28:16-20; Mc 16:9-20) vì sự sống đời đời là nhận biết Cha là TC hằng sống và chân thật, và Đức Giêsu, Đấng Ngài sai (x. Ga 17:3). Ngài đón nhận những quyết định của Giakêu chia sẻ những gì ông có hầu Nước Chúa ngự đến trong công bình và nhân ái. (x. Lc 19:1-10) Ngài không xem nhẹ nhưng hân hoan biết bao khi chị phụ nữ Samari tìm cách lôi kéo dân làng đến với ngài, và rồi âm thầm rút lui ra đằng sau để cho Đức Giêsu được lớn lên (x. Ga 4:39-42). Ngài trân trọng tuyệt vời đồng xu bé nhỏ của bà góa lại góp phần lớn lao xây dựng Nước TC, vì đã bỏ hết con người mình (x. Mc 12: 41-44; Lc 21:1-4). Các tông đồ dần dần hiểu rõ những bài học này nên mỗi người mỗi cách hiện thực con đường này. Các cộng sự viên của các ngài là một đội ngũ lớn lao được Đức Gioan Phaolô II khẳng định: những người lãnh nhận Tin mừng ngay lập tức trở thành người loan báo Tin mừng.

4. Đức Giêsu kiên nhẫn huấn luyện và làm cho các môn đệ thay đổi cái não trạng loại trừ, vốn là căn rễ của mọi kỳ thị. Khi thấy có những người "thành công" trong việc trừ quỷ, song lại không ở trong nhóm mình, các ngài đã phản kháng. Nhưng Đức Giêsu dạy rằng ai không chống họ là ủng hộ họ; không thể vừa làm phép lạ nhân danh ngài lại nói xấu ngài (x. Mc 9:38-40; Lc 9:49-50). Đức Giêsu làm cho các ông rộng mở: chính những người xem ra là "kình chống" lại đang "chung vai sát cánh" với họ xây dựng Nước TC, theo một cách thức không giống như các ngài. Thế thôi. Bài học này vẫn mãi chưa thuộc đối với những môn đệ của Chúa, kể cả ngày hôm nay, vì lẽ vẫn còn đó khuynh hướng giáo sĩ hay giáo dân. Ta quá quen với não trạng "hoặc... hoặc" hơn là "và... và". Cv 9:26-31 đã cho thấy những phản ứng của GH sơ khai với Phaolô. Và chỉ khi nhận ra được ơn lành Chúa ban cho Phaolô vì phần ích của toàn thể, GH mới có thể tăng trưởng phong phú (x. Cv 9: 1-19; 26). GH luôn học để trân trọng những đặc sủng Chúa ban cho từng chi thể cho phần ích của toàn thân mình (x. 1 Cr 13). Nếu cộng đoàn Kitô hữu sơ khai cứ tiếp tục tẩy chay Phaolô viện cớ ông đã từng bách hại các Kitô hữu thì liệu GH có thể như ngày hôm nay không. Hoa trái của một Giáo hội hiệp nhất từ sự hiệp nhất của Ba Ngôi chỉ có thể minh chứng bằng sự hiệp hành mà thôi. Không một thời nào mà GH lại không phải trở lại với Chúa dưới góc cạnh hiệp hành này.

5. Chính Phêrô và GH tại Giêrusalem cũng phải kinh qua một cuộc hoán cải trong biến cố Corneliô và những người trở lại để tỏ lộ một Giáo hội hiệp hành. Tài liệu chuẩn bị nói đến một sự hoán cải lưỡng diện.[44] Đấu tranh của Phêrô là đây: ông có thể “từ khước chính điều Chúa muốn vì điều đó phá bỏ những điều luật của Torah.”[45] Nhưng, từng bước ông ngộ ra rằng “không có người nào là bất xứng dưới mắt TC và sự khác biệt do dược tuyển chọn không hàm ý một sự ưu tiên mang tính loại trừ, nhưng là việc phục vụ và trở nên chứng tá ở tầm mức toàn thế giới”.[46] Và khi đó họ kéo theo cả một cộng đoàn hoán cải, nghĩa là, thật sự lắng nghe và vâng phục tác động của Thánh Thần.[47]

6. Đang khi đó, các cộng đoàn của Phaolô thiết lập cũng trải qua thách đố về một Giáo hội hiệp hành, song dưới khía cạnh khác. Khi các tín hữu Corintô tục hoá “bữa tiệc của Chúa”, tính hiệp hành trong GH ấy cũng bị đặt thành vấn đề: chia rẽ, bè phái, luân lý, tôn sùng những đặc sủng “lạ thường”... bởi lẽ synaxis, cộng đoàn, Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của mầu nhiệm và sứ mệnh GH”.[48] Tính đồng nghị của GH đặt nền trên “một đức tin, một phép rửa, một niềm hy vọng, một TC là Cha của mọi người và ở trong mọi người.” Sự thánh thiện của GH luôn mang tính Công Giáo, duy nhất, tông truyền.[49]

7. Trở về nguồn, Vatican II khẳng định không thể sai lầm: GH/cộng đoàn môn đệ Đức Kitô khai sinh từ sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần và cũng chính từ sự hiệp nhất đó, GH thi hành sứ vụ một cách can đảm và kiên trì.

GH HIỆP HÀNH NGÀY NAY: MODUS VIVENDI VÀ MODUS OPERANDI

1. Duyệt lại lịch sử công đồng Vatican II, chúng ta không thể không thấy bàn tay Thánh Thần dẫn dắt. Thuở ban đầu, hạn từ Giáo hội (Ekklesia) và Synodos là đồng nghĩa. Cũng vậy, hạn từ Công đồng (Concilium) trong GH sơ khai cũng tương đồng với hạn từ Synodos/cùng một hành trình/cùng một ĐƯỜNG LÀ CHÍNH ĐỨC GIÊSU; tất cả đều muốn nhấn mạnh cho chúng ta sự bình đẳng và đồng trách nhiệm với những đặc tính cốt yếu của một tín hữu như Dân Thiên Chúa phải đi trước những khác biệt, những đa dạng vốn thuộc về phần cách thức thực thi chức năng nhiều hơn mà thôi.[50] Lãng quên góc cạnh này, GH sẽ bị trình bày như một thực tại cứng nhắc và đóng kín. Chỉ cần nhìn qua công thức đi đến quyết định của GH sơ khai: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định (x. Cv 15:28) là đủ cho chúng ta thấy tính cách "hiệp nhất, một lòng một trí của GH sơ khai" (x. Cv 2:42tt; 4: 32tt). Nhưng rồi lúc nào đó, công thức đó đã biến mất trong lịch sử để thay vào những công thức mang nhiều tính chất độc quyền hơn, phản ánh một GH như thể chia tách giáo sĩ và giáo dân. Những yếu tố chung và quan trọng nhất giữa toàn thể môn đệ đã bị quên lãng. Vatican 2 đã làm sống lại điều này trong công thức phê chuẩn các văn kiện: "Từng điều và tất cả những điều được đặt ra trong Hiến chế tín lý này đã được các Nghị phụ Đáng kính phê chúng. Và Chúng tôi, với quyền năng tông truyền được ban cho chúng tôi bởi Đức Kitô, cùng với các Nghị Phu Đáng kính trong Thánh Thần, phê chuẩn, tuyên bố và thiết lập nó và truyền rằng điều đã được quyết định trong Công đồng phải được công bố vì vinh quang Thiên Chúa." Ban hành ở Roma tại Đền Thánh Phêrô ngày 21 tháng Mười Một năm 1964. Rất gần với công thức trong công vụ Tông đồ 15:28; Vatican II mời gọi dựng xây một Giáo hội "cùng nhau làm việc/sống/phụng thờ" TC, mặc dù từ ngữ hiệp hành chưa có lúc đó. Tuy nhiên, ta phải ghi nhớ thật kỹ rằng: Vatican II khởi sự bằng cuộc lắng nghe lưỡng diện: lắng nghe TC và lắng nghe con người. Mà đây chính là khởi điểm không thể thiếu được của một GH hiệp hành, như các văn kiện nền tảng cho thấy.

2. Vatican II canh tân lại nơi chúng ta một sự thật này: Đồng cảm với GH, sentire cum Ecclesia, khai sinh ra tính hiệp hành. Công đồng thúc đẩy từ vị mục tử đến các tín hữu rốt hết đều phải nhạy cảm trước gia sản đức tin, căn tính cao cả của mình. “Tin GH thánh thiện, Công Giáo, duy nhất và tông truyền thì không thể tách biệt với đức tin vào TC, Cha, Con và Thánh Thần.”[51] Từ ban đầu, Giáo hội là "cùng nhau bước đi" (synodos), là Dân lữ hành. Giáo hội chỉ làm chính mình khi trở lại với cội nguồn Qahal Giavê của mình ở núi Sinai, trở lại với mình tại phòng Tiệc Ly ngày lễ Ngũ Tuần. Nơi đó rõ ràng bộc lộ tính hiệp hành, trong mọi khía cạnh: phụng vụ, làm chứng, phục vụ và hiệp thông. Chính vì thế, sự tham gia của mọi phần tử trong Giáo hội là sự tham gia của từng chi thể vào trong sự thiện hảo của toàn thân mình; điều ấy bộc lộ sự đa dạng nhưng lại trong hiệp nhất, vốn là đích điểm và là lẽ sống của tính đa dạng.

3. Công thức “hiệp nhất trong đa dạng” đâu phải là một kiểu nói văn chương bay bướm. Nó gói trọn cả một hành trình hoán cải của các nghị phụ dưới nhãn quan Giáo hội học. Các ngài xác tín những gì cốt lõi của cộng đoàn môn đệ Đức Kitô. Các nghị phụ đều làm chứng về một cuộc thay đổi não trạng/hoán cải về Giáo hội. Chính lịch sử tạo thành tám chương của LG đã cho thấy Dân TC đóng vai trò như thế nào trong sự canh tân Giáo hội. Từ đó nhìn về phẩm trật dưới diện bí tích và tập thể (nhóm) hơn là quyền bính. Nhưng toàn GH lại đến với THẾ GIỚI, không phải như một ông hoàng của thời Đế chế Kitô giáo, cho bằng như một tôi tớ trong GS. Thật là cuộc chuyển mình vĩ đại: chuyển từ tính cách GH tự đủ/xã hội hoàn hảo sang tính cách GH phục vụ Vương Quốc gồm những con người nghèo khổ của Thiên Chúa.[52] Toàn GH muốn cởi bỏ chiếc áo hoàng vương mình đã mặc từ thời Constantin để mặc trở lại chiếc áo chân thật của mình[53]: người tôi tớ rửa chân cho mọi người.[54] Thật sự, Vatican II hiểu sâu xa về Đức Giêsu: “Đức Giêsu là đường từ TC đến con người và từ con người đến TC”.[55] “Con người là con đường mà GH phải đi để gặp Đức Giêsu”.[56] Chính vì thế, "những nỗi buồn, âu lo, xao xuyến của dân chúng" quyết định nghị sự làm việc của GH chứ không phải một nghị sự làm sẵn. Công đồng dám khiêm tốn nhận rằng không phải lúc nào cũng có những câu trả lời sẵn.[57] Thật vậy, “tính hiệp hành là hình thức lịch sử của GH đang hành trình trong hiệp thông hướng về chốn yên nghỉ chung cục.”[58] Hành trình tìm gặp GH hiệp hành dẫu còn xa, song đã được bắt đầu, đang bắt đầu chinh phục. GH ấy mới cho phép những chiều kích “ba ngôi, nhân học, Kitô học, thần khí học và Thánh Thể” được lộ rõ.[59]

4. GH học hậu công đồng đong đưa liên tục giữa một Giáo hội được nhấn mạnh đến tính chất bình đẳng theo nghĩa dân chủ sang một tính chất bình đẳng theo Ý Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI trong Deus Caritas Est đã khẳng định một Giáo hội không đi vào chính trị đảng phái, dù không thể đánh mất hay nhường quyền phụng sự những người nghèo khổ luôn dẫy tràn trong thế giới. Nhiều hạn từ như ‘Giáo hội hiệp thông’, ‘GH cộng đoàn của những cộng đoàn’, ‘sự hiệp thông của các cộng đoàn’, diễn đạt cùng một ý nghĩa: “cùng nắm tay nhau mà đi tới đích”. Nghĩa là, tâm điểm của GH là ở bên ngoài kia, như Đức Phanxicô quả quyết trong Evangelii Gaudium. Tâm điểm của Giáo hội ở bên ngoài, đó không phải là một lối nói văn vẻ vang to như tiếng thanh la não bạt. Diễn ngữ đó đi liền với một nỗ lực phân định trong hoán cải tiếng TC xuyên qua những biến động trong lịch sử, giữa những con người. Thế giới, hay nói đúng hơn, những nhu cầu của những dân chúng thiết thực trở thành LỜI của Thiên Chúa mà GH không thể thất bại để nhận ra khi được bổ sức bởi Lời và Mình Máu Đức Kitô. Quả là không dễ chút nào, khi mà TC không bao giờ hiện ra để chỉ cho biết đâu là đường phải đi, nhưng lại dẫn lối Giáo hội theo những dấu chỉ thời đại, vốn làm mồi cho muôn vàn lối phân định, giải thích. Từng bước Giáo hội tìm gặp lại được một Giáo hội của người nghèo, từ người nghèo, với người nghèo và cho người nghèo. Một cách nào đó, người nghèo và những thực tại của họ là thứ thông diễn học của GH; một cách nào đó, người nghèo cứu GH vậy.[60]

5. Vì từ đó, GH tìm gặp lại một lối đường truyền giáo mạnh mẽ không chỉ được hiểu theo nghĩa địa lý, nhưng cả theo nghĩa văn hóa, tôn giáo và thiêng liêng. Chắc chắn sứ mệnh Ad Gentes vẫn còn đầy đủ tính chất hiện thực, song phải được bổ sung bởi sứ mệnh Inter Gentes, giữa muôn dân. Từ đó, đào tạo trong GH hiệp hành không thể chỉ là đào tạo đến với muôn dân mà chính yếu đào tạo giữa muôn dân. Chính giữa dân chúng, thậm chí giữa thế giới đang thù nghịch, Đức Giêsu đã huấn luyện đào tạo các tông đồ và môn đệ của mình. Chính những ngày ở trong đó, họ đã cảm nhận được niềm vui về TC chinh phục con người để rồi Đức Giêsu hân hoan tạ ơn Cha của Ngài cho họ, cùng với họ, và ở giữa họ. Như Đức Phanxicô chỉ dạy, GH từng bước xây dựng những cây cầu hơn là những rào cản, bức tường biên giới; điều ấy mới giúp GH tìm gặp lại sự đa dạng trong sứ mệnh theo những đặc sủng mà Thánh Thần ban tặng cho từng chi thể vì thiện ích của toàn thân mình. GH tìm gặp lại truyền giáo dưới diện hội nhập văn hóa, hội nhập tình thương tha thứ, với khuôn mẫu nhập thể, phục sinh và thánh thần.[61]

6. Trước nhu cầu đa dạng của con người, những con người nghèo khổ vì "vắng bóng" TC, vì "khử loại" Ngài, vì "dửng dưng với Ngài, vì lối vô thần thực tiễn, Giáo hội, nếu trung thành với Vương quốc TC vốn rộng mở cho mọi người[62] chẳng thể tiến bước một mình theo diện chủ nghĩa giáo sĩ hay chủ nghĩa trần tục (giáo dân, laicism). Cả hai đều sai lạc diện mạo chân thật của Giáo hội.

7. Canh tân cảm thức đức tin cho Giáo hội thấy rõ sứ mệnh của mình, bắt nguồn và quy chiếu tới Đức Giêsu, thì duy nhất và toàn diện. Sứ mệnh này không được trao cho một thành phần nào và càng hơn nữa không cho một người nào. Nó đòi buộc phải liên đới cộng tác. Ai tự hào đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của con người?

8. GH cùng tiến bước về Thành đô Thiên Chúa. GH mang tính cánh chung. Nói gọn gàng hơn GH có một mục đích. Chân lý này hàm ý cách thức tiến bước (modus procendi) và cách thức sống (modus vivendi). Trong triết học, cái mục đích, telos, dù chưa được hiện thực tròn đầy, song lại là điều hướng dẫn toàn bộ bước đi, toàn bộ quyết định. Mỗi bước đặt chân phải được đặt để hướng về đích tới đó. Bằng không, đổ nát sẽ tới vì chiếc xe trệch đường rầy!!! Các chương trình, các định hướng của các cộng đoàn giáo hội, dù là giáo xứ, hiệp hội, gia đình..., nếu muốn trung thành là GH của Đức Kitô, buộc phải đặt đích điểm tối hậu ấy, Nước TC, thành rõ ràng, mỗi ngày một hơn. "Tính hiệp nhất của cộng đoàn ấy thì không thật sự mà không có cái telos (đích tới) bên trong này vốn hướng dẫn nó suốt lối đường thời gian hướng tới mục đích cánh chung của nó."[63] GH không phải là cộng đoàn đập phá rồi lại xây dựng từ đầu. Không. GH là cộng đoàn của những người môn đệ Đức Kitô cùng nhau hiện thực những lời hứa của TC cho nhân loại. Nếu TC luôn trung thành trong dự định, kế hoạch, lời hứa của Ngài cho con người vì chính Ngài, thì GH như ân sủng được lãnh nhận buộc phải cam kết để làm cho những dự định, kế hoạch đầy yêu thương và nhân hậu đó, thành rõ nét ngày một hơn, trong từng quyết định của mình. Như vậy, tính hiệp hành không chỉ là dạng thức tiến hành, modus procendi và dạng thức sống, modus vivendi, song cũng là dạng thức đào tạo, modus formandi.[64] Đó là cách thức huấn luyện, đào tạo những môn đệ Đức Kitô. Nếu chúng ta muốn có những người môn đệ Đức Kitô cho thế hệ đang tới, chúng ta phải đi vào con đường này mà thôi. Chẳng lạ gì Giáo hội đòi buộc phải có sự hiện diện của anh chị em giáo dân trong việc huấn luyện chủng sinh.

8. Điều trên đưa tới một yêu cầu không thể thiếu: phải biến đổi cơ cấu, điều bó buộc nảy sinh từ sự hoán cải về giáo hội.[65] Ta không thể cứ mãi tiếp tục đi theo luận lý "chúng tôi đã từng làm như thế mà," khi xã hội không ngừng biến đổi. Giáo hội không phục vụ một cơ cấu, một tập tục; chúng ta phục vụ những con người trong thời gian hiện sinh và lịch sử của họ. Chúng ta phục vụ những con người đang khao khát về bên Chúa mãi mãi và chỉ yên nghỉ khi gặp được TC mà thôi. Chúng ta hãy thanh thản để cho sự kiện này chất vấn chúng ta: làm sao chúng ta nói được là một giáo xứ trẻ trung mà không hề thấy có những người trẻ tham gia, cũng như họ không hề trải nghiệm thực sự rằng họ đóng vai chính trong việc xây dựng giáo xứ đó.

CÙNG NHAU BIẾN GIÁO HỘI HIỆP HÀNH THÀNH HIỆN THỰC NGAY TRONG GIÁO XỨ HÔM NAY

1. UBTHQT cho rằng GH hiệp hành khẳng định việc đối mới giáo xứ hàm ẩn một khoa linh đạo GH được gọi là “hoán cải liên tục”. Hoán cải đó mang tính “mục vụ và truyền giáo” song lại phải liên hệ đến canh tân não trạng thái độ, thực hành và cơ cấu”.[66] Linh đạo đó tôn trọng chỗ đứng của từng thành phần; nó “không giáo sĩ hoá giáo dân cũng chẳng giáo dân hoá giáo sĩ.”[67] Trái lại, trong khác biệt, chúng ta cùng hiệp nhất tiến trên Con Đường Đức Giêsu.

2. Như vậy giáo xứ không chỉ làm việc truyền giáo, song là truyền giáo tận cơ bản.[68] Có thể nói bút thử của giáo xứ chân chính là đây: GH loan báo tin mừng, GH cử hành các bí tích, GH thực thi việc bác ái trong thực tại nhân sinh cụ thể và biệt loại, tất cả đều phải nhuần thấm tính truyền giáo. Chủ thể truyền giáo chính là toàn thể giáo hội/giáo xứ, Dân TC. Ngay cả trẻ em cũng là tác nhân chính của truyền giáo.[69]

3. Huấn luyện và hoán cải. Chúng ta ghi nhận điều này: anh chị em tín hữu rất thiết tha được huấn luyện để sống đức tin, cậy, mến cách tích cực giữa thế giới: “không hoán cải lòng trí, không có huấn luyện có kỷ luật để đón chào và lắng nghe lẫn nhau, những dụng cụ hiệp thông bề ngoài không hữu ích gì. Trái lại, chúng có thể chỉ biến thành những mặt nạ không hồn, không diện mạo.”[70]

4. Chỗ đứng của hội đồng mục vụ giáo xứ: Không phải muốn có hay không có cũng được. Đức Phanxicô nói: “Hội đồng mục vụ cần biết bao! Một Giám mục không thể hướng dẫn địa phận mà không có các hội đồng mục vụ. Một cha xứ không thể hướng dẫn mà không có hội đồng mục vụ."[71] Chỗ khác, "ý nghĩa/tầm quan trọng thần học hội đồng mục vụ được khắc sâu vào thực tại cấu thành nên Giáo hội, nghĩa là vào chính việc GH là Thân mình Đức Kitô", vốn sinh ra một "linh đạo hiệp thông".[72] Vì thế, "không chút chỉ là một cơ quan bàn giấy, hội đồng mục vụ nêu bật và hiện thực vai trò trung tâm của Dân Thiên Chúa như là chủ thể và người vai chính tích cực của sứ mệnh loan báo Tin mừng."[73] Nếu vậy, cơ cấu hội đồng mục vụ cần một sự hoán cải: mục đích của hội đồng ấy "không phải là một tổ chức mang tính giáo sĩ nhưng đúng hơn là một sự khởi hứng truyền giáo lan truyền đến mọi người."[74] "Nhất thiết hội đồng mục vụ biểu thị hiệu quả cộng đoàn mà nó là một diễn đạt trong những thành phần của nó (linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân).[75]

5. Trước tiên, ta phải xác định, một GH hiệp thông/tham gia vượt xa sự kiện làm một việc nào đó. Việc quét nhà, tưới cây.... nhà xứ, nhà thờ không bày tỏ một GH tham gia đâu. Có một cái gì hơn nữa ở đây. Huấn quyền Giáo hội nói đến một sự tham gia vào tiến trình cùng hoạch định, cùng lấy những quyết định và rồi cùng nhau thực hiện, mỗi người mỗi vẻ, theo chỗ đứng của mình. Chắc chắn GH hiệp hành chẳng hề cổ xuý kiểu tập thể lãnh đạo và cào bằng mọi người. Đồng trách nhiệm hay chia sẻ trách nhiệm không phải là một tiến trình làm cho cộng đoàn thành vô trật tự, không có đầu. Kiểu lãnh đạo "cá đối bằng đầu" không bao giờ là đúng. Vai trò lãnh đạo, phối kiểm, lấy quyết định sau cùng vẫn dành cho vị chủ chăn của cộng đoàn. Tuy nhiên, chẳng thể bộc lộ được một Giáo hội/giáo xứ tham gia mà không có phương cách để mọi người tham dự vào tiến trình phân định, lắng nghe, lập kế hoạch và quyết định. Như ta đã nói trên kia, hiệp hành cũng là cách thức tiến hành, chứ không chỉ cách sống trong Giáo hội. Như vậy, bước đầu tiên đòi buộc phải làm sao để cảm thức về sự tham gia, về chia sẻ trách nhiệm về đồng trách nhiệm được lớn lên.

6. Các công ty phát triển khi mọi người cùng chung hiện thực một kế hoạch. Chính ở đó sự tham gia đồng trách nhiệm của mọi người thành khả giác và khả tín. Cũng vậy trong giáo xứ. Kế hoạch mục vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ được cùng nhau phác thảo và đồng thuận. Nó diễn tả việc cùng nhau phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, và chắc chắn người mục tử luôn nói tiếng cuối cùng. Như vậy, cùng nhau tiến bước không thể là một sự kéo lê. Tất cả mọi người đều đồng tâm nhất trí hướng về nơi TC đang chờ đợi mình.

7. Giáo xứ là "nhà của các nhà", đáp lại "một nhu cầu mục vụ xác đáng, tức là nhu cầu mang Tin mừng cho Dân qua việc công bố đức tin và cử hành các bí tích."[76] "Giáo xứ khích lệ và huấn luyện các phần tử của mình thành những người loan báo Tin mừng." Từ phía chúng ta, những nhà lãnh đạo, nó đòi hỏi một phong thái lãnh đạo mới theo như Đức Kitô mong muốn: phong thái lãnh đạo-người tôi tớ. Chúng ta phục vụ để nối kết mọi người cho Nước TC. Không hề có một thứ "tập thể lãnh đạo". Hội đồng mục vụ có đặc tính tham khảo (consultative), chứ không phải tuỳ thích của cha xứ.

KẾT LUẬN

Tất cả chúng ta, giáo sĩ và giáo dân, đều yêu mến Giáo hội. Chúng ta đều quan tâm đến công việc của Thiên Chúa. Đó là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta có được mẫu số chung quan trọng nhất.

Giờ đây, chúng ta cùng làm cho nó thành hiện thực. "Nhất thiết phải tìm ra những hình thức đồng hành và gần gũi mới. Trách vụ loại này không được coi là một gánh nặng, nhưng đúng hơn là một thách đố ta phải nhiệt tâm ôm ấp."[77] Bằng cách đó, Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự ỳ trệ thiêng liêng và mục vụ vốn tìm kiếm sự ổn định, sự thoải mái của riêng mình. Không. Chúng ta không được dựng lên và được chọn cho điều đó. TC chọn để chúng ta bộc lộ hình ảnh Con Ngài: hiến thân và chết cho Giáo hội.

Như vậy, cần lắm một khóe nhìn chân thật về Giáo hội như bí tích xuất phát từ TC, tức là, khí cụ và phương thế của Nước Thiên Chúa để nảy sinh ra không phải một vài hành động hay việc làm, nhưng là cả một định hướng sống và hành động. Thật cần để nghĩ suy và sống Giáo hội đúng là Dân Thiên Chúa ở đó mọi sự khác biệt và bổ sung đều đến từ căn tính chung của các Kitô hữu, những môn đệ của Đức Kitô. Căn tính đó đến từ cảm thức cùng thuộc về một Thân mình Đức Kitô mà ở nơi đó sự khác biệt trong chức năng là thiết yếu trong sự duy nhất của Thân mình. Hơn nữa, nó cũng đến từ một cảm thức mạnh mẽ về sứ mệnh TC ký thác cho Giáo hội. Sứ mệnh đó thật đa diện để phục vụ nhân vị toàn diện trong một thế giới liên tục đổi thay đến chóng mặt dưới khía cạnh khoa học, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế, v.v. Vẻ đẹp không cưỡng lại được của Tin mừng được sống trong Giáo hội hiệp hành là đây.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB (TGPSG)

(Xem: Tư liệu về Thượng Hội đồng Giám mục 16)

[1] x. Tài liệu chuẩn bị, 1.
[2] x. Cẩm nang cho Thượng hội đồng giám mục về tính hiệp hành (từ đây: Cẩm nang), Lời nguyện Adsumus Sancte Spiritus.
[3] x. Cẩm nang, 1.2
[4] x. Lễ Thánh Thần Hiện xuống.
[5] x. FABC/TAC, Những Luận đề về GH địa phương: một suy tư thần học trong bối cảnh Á châu, FABC Papers 60
[6] Đông phương gọi là sobornost.
[7] x. LG 22; CD 4, 6.
[8] x. GS 5-10.
[9] x. GS 19-21; cũng x. Đức Phanxicô, EG 24, 48.
[10] x. Thư chung các Giám mục Đông Dương 1951; Thư chung các Giám mục VN 1952; Thư chung của các Giám mục miền Nam 1963.
[11] x. Thư chung 1980.
[12] x. Thư gởi Đại hội dân Chúa 2010.
[13] số 1; x. Tài liệu làm việc 1; Cẩm nang 1.2.
[14] số 5-6.
[15] Huấn thị số 6; cũng x. EG 15, 28.
[16] x. GS 5; EG 43, 52.
[17] x. Huấn thị 8-15.
[18] Nguyên văn bài viết mang tựa đề: Gesellschaft im Ubergang – Theologie im Wandel. Theologische Positionen im Streit um die Moderne, đăng trong tạp chí Theologie der Gegenwart 32(1989) 83-94. Dịch giả: Vũ Kim Chính. Truy cập từ https://sjjs.edu.vn/xa-hoi-bien-doi-than-hoc-chuyen-minh-nhung-lap-truong-than-hoc-trong-cuoc-tranh-chap-ve-hien-dai/
[19] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 9.
[20] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 104; cũng x. EG 25, 27, 30, 33.
[21] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 107 (Nhấn mạnh là do tôi); cũng x. GS 32.
[22] x. EG 43, 262. 264.
[23] x. Đại hội dân Chúa.
[24] x. UBTHQT, Tính hiệp hành, chương 2: 42-70.
[25] X. EG 25,43, 50-100.
[26] UBTHQT, Tính hiệp hành, số 107.
[27] x. LG 13; GS 57-58; GS 72, 76, 88, 89.
[28] x. GS 36-37.
[29] x. GS 25-29.
[30] x. Tài liệu chuẩn bị, phần II.
[31] x. Gioan Phaolô II, RM 26; CL 9, 18-20; Synod 1985; Ratzinger, “The Ecclesiology Of The Constitution On The Church, Vatican II, 'Lumen Gentium', L'Osservatore Romano, 19 September 2001, page 5; Bộ Giáo lý Đức tin, Lá thư gởi các Giám mục về GH như Sự hiệp thông.
[32] x. UBTHQT, chương 2.
[33] UBTHQT, số 104.
[34] UBTHQT, số 73
[35] Đức Phanxicô: Diễn từ cho các Salêdiêng trong Tổng Tu Nghị 28.
[36] Huấn thị số 19.
[37] x. GS 33.
[38] x. Huấn thị 16.
[39] X. EG 197-201.
[40] EG 49.
[41] Tài liệu chuẩn bị 10.
[42] x. Tài liệu chuẩn bị số 17; 18.
[43] X. Đức Bênêđictô XVI, DCE 25, 21-24.
[44] (x. số 22).
[45] (số 22)
[46] (số 23)
[47] (x. số 2).
[48] (số 6).
[49] x. UBTHQT số 11-23; Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia.
[50] x. Tài liệu chuẩn bị 10; UBTHQT, Tính hiệp hành.
[51] UBTHQT số 44.
[52] x. LG 8.
[53] x. Gioan XXIII, Diễn từ khai mạc công đồng
[54] x. Bênêđictô XVI, bài giảng lễ Thứ Năm Tuần Thánh, 20 tháng Ba 2008
[55] UBTHQT số 49.
[56] RH 14.
[57] x. GS 39.
[58] UBTHQT số 50.
[59] UBTHQT số 48.
[60] x. EG 197-215.
[61] x. FABC papers 66.
[62] X. Lời nguyện cho muôn dân vào thứ sáu Tuần Thánh.
[63] UBTHQT số 109.e.
[64] x. Tài liệu chuẩn bị 9, 14.
[65] x. số 35; Tài liệu chuẩn bị, phần IV.
[66] UBTHQT số 104.
[67] UBTHQT số 104.
[68] x. Đức Phanxicô, EG 26, 27, 28, 40, 119; Tài liệu chuẩn bị 3.1; UBTHQT 83-84; Thư gởi hậu Đại hội dân Chúa 2011.
[69] x. AA 12; thiếu nhi được đề cập đến ở đây, trong một đoạn rất ngắn, nhưng lại không được nói đến trong sắc lệnh về truyền giáo, Ad Gentes.
[70] UBTHQT số 107.
[71] UBTHQT số 108.
[72] UBTHQT số 109.
[73] UBTHQT số 110.
[74] UBTHQT số 110.
[75] UBTHQT số 112
[76] (số 7).
[77] Huấn thị số 14.


Nguồn www.tgpsaigon.net
 
VietCatholic TV
Lạ lùng: Tượng Đức Mẹ vẫn đứng vững trong cơn lốc xoáy và bão tố, mọi thứ chung quanh tan tành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:15 15/12/2021


1. Tượng Đức Mẹ vẫn đứng vững trong cơn lốc xoáy và bão tố, mọi thứ chung quanh tan tành

Một hiện tượng thật lạ lùng đang được tường thuật trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật về câu chuyện này trong bài phóng sự nhan đề “Despite Kentucky tornadoes, Virgin Mary statue still stands—and Catholics offer help”, nghĩa là “Bất chấp lốc xoáy ở Kentucky, bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh vẫn đứng vững — và những người Công Giáo đề nghị giúp đỡ”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Những cơn bão chết người đổ bộ vào 9 tiểu bang ở miền Trung Tây và miền Nam Hoa Kỳ đã cho người ta thấy hình ảnh một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Hài Đồng, dường như còn nguyên vẹn bên ngoài tòa nhà bị hư hại của Nhà thờ Công Giáo Phục sinh.

Tina Casey, giám đốc truyền thông của Giáo phận Owensboro, nói với CNA ngày 13 tháng 12, “bức tượng vẫn đứng vững, mặc dù cửa sổ và cửa ra vào bị thổi tung và mái nhà biến mất.”

Một bức ảnh chụp bức tượng do tờ Evansville Courier & Press đăng tải cho thấy bức tượng bên ngoài tòa nhà thờ Dawson Springs, nơi bị hư hại nặng hơn rất nhiều.

“Nhà thờ này có thể sẽ bị coi là thiệt hại hoàn toàn,” Casey nói. Trong số các nhà thờ Công Giáo khác trong giáo phận, nhà thờ giáo xứ Thánh Giuse ở Mayfield cũng bị thiệt hại đáng kể.

Một loạt các cơn bão và lốc xoáy đã càn qua chín tiểu bang, bao gồm Kentucky, Arkansas, Illinois, Missouri và Tennessee, vào cuối ngày thứ Sáu và sáng sớm thứ Bảy. Khu vực phía Tây Kentucky bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 74 người chết đã được xác nhận tính đến hôm thứ Hai. Đông bắc Arkansas, đông nam Missouri và tây bắc Tennessee cũng bị thiệt hại nặng nề. Tính chung tất cả các bang bị ảnh hưởng, tổng số người chết được xác nhận là 87 người, thành ra, theo tờ Washington Post cơn bão này trở thành một trong những cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đức Cha William Medley, Giám Mục Owensboro nhà lãnh đạo của giáo phận Công Giáo miền tây Kentucky nói:

“Mặc dù chỉ một mình Chúa mới có thể chữa lành trái tim tan vỡ của những người đã mất người thân, nhưng tôi cung kính trước sự hỗ trợ mạnh mẽ đến với chúng tôi từ khắp nơi trong nước và thế giới,” Đức Cha Medley nói trong một tuyên bố với CNA. “Một số giám mục đã thông báo với tôi rằng các ngài đang yêu cầu các giáo xứ trong giáo phận mở một đợt quyên góp cho các nạn nhân của cơn lốc xoáy. Chúng tôi đã nhận được một thông điệp bằng văn bản từ Đức Thánh Cha Phanxicô và ngài thậm chí đã nêu đích danh Kentucky và xin cầu nguyện trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô. Chúng ta biết rằng khi chúng ta nên một trong Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ đơn độc”.

Casey nói với CNA rằng các khoản đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ địa phương đang được thực hiện thông qua văn phòng bác ái Công Giáo của giáo phận.

“Hiện tại, các khoản quyên góp đang được chấp nhận trực tuyến tại địa chỉ dưới đây: https://owensborodiionary.org/give với tên gọi Tornado Relief - Tổ chức bác ái Công Giáo,” cô nói.

Các giáo xứ trong Giáo phận Owensboro đã tổ chức một cuộc quyên góp đặc biệt trong các Thánh lễ vào cuối tuần qua để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng hoặc phải di dời vì lốc xoáy và bão tố.

Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển Nhân Văn, đã kêu gọi người Công Giáo giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bằng cách hỗ trợ công việc của Tổ chức Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ.

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật để bày tỏ sự gần gũi của ngài với các nạn nhân của lốc xoáy và bão.
Source:Catholic News Agency

2. Chánh án Toà án Vatican cho biết phiên tòa xét xử tài chính sẽ bắt đầu thực sự vào tháng Hai

Trong một phiên điều trần rất ngắn vào hôm thứ Ba 14 tháng 12, chánh án tòa án Vatican nói rằng phiên tòa tài chính mang tính bước ngoặt vẫn chưa thực sự bắt đầu.

“Chúng ta đang ở trong một công trường xây dựng mở,” Chánh án Giuseppe Pignatone nói với tòa án vào ngày 14 tháng 12, và cho biết rằng ông hy vọng sẽ bắt đầu nghe lời khai của các nhân chứng vào tháng Hai, với lịch trình có thể sẽ bao gồm bốn buổi điều trần mỗi tháng.

Phiên điều trần hôm thứ Ba, chỉ kéo dài 10 phút, là phiên tòa mới nhất trong phiên tòa lịch sử của Vatican nhằm truy tố những người có liên quan đến khoản đầu tư của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào một bất động sản ở London với giá 350 triệu euro hay 396 triệu Mỹ Kim. Cả Hồng Y Becciu cũng bị truy tố.

Phiên tòa bắt đầu từ tháng 7 với 10 bị cáo nhưng vướng mắc về thủ tục.

Vào tháng 10, tòa án đã ra phán quyết rằng văn phòng công tố Vatican - thường được gọi Chưởng Lý - cần thực hiện lại một phần cuộc điều tra đối với 4 bị cáo.

Chánh án Pignatone cho biết hôm thứ Ba rằng các công tố viên phải quyết định trước ngày 20 tháng Giêng năm 2022, liệu sẽ tái truy tố bốn nghi phạm đó hay tha bổng cho họ.

Trong khi đó, phiên tòa đã tiến hành với sáu bị cáo, trong đó có Hồng Y Becciu, là giáo sĩ cấp cao nhất bị tòa án thành phố Vatican xét xử trong lịch sử gần đây.

Phiên điều trần tiếp theo được ấn định vào ngày 25 tháng Giêng năm 2022.

Chánh án Pignatone chỉ ra rằng vào tháng Hai, ông muốn gom tất cả các bị cáo vào một phiên tòa duy nhất, như dự định vào mùa hè năm ngoái trước khi có lệnh thực hiện một số cuộc thẩm vấn.

Ông cũng yêu cầu các công tố viên cung cấp cho bên bào chữa bản ghi đầy đủ các cuộc thẩm vấn của tất cả 10 người bị buộc tội ban đầu, cộng với nhân chứng chính của vụ án là Đức Ông Alberto Perlasca.

Các đoạn băng ghi âm các cuộc phỏng vấn với Đức Ông Perlasca, người ban đầu là một nghi phạm nhưng chưa bao giờ bị buộc tội, là tâm điểm của những lời phàn nàn của các luật sư bào chữa. Đầu tiên, họ lập luận rằng họ không được truy cập vào các băng ghi âm các cuộc thẩm vấn Đức Ông. Sau đó, họ nói rằng các băng ghi âm đó đã bị chỉnh sửa.

Trong một tuyên bố hôm 14 tháng 12, các luật sư cho Hồng Y Becciu cho biết họ vẫn đang chờ câu trả lời của chánh án về những phản đối này. Họ nói thêm rằng “nếu phiên tòa giải quyết được các khiếu nại, thì khi đó chúng tôi sẽ có thể chứng minh sự vô tội tuyệt đối của Đức Hồng Y đối với mọi cáo buộc và sự đúng đắn hoàn toàn về mặt thể chế của ngài.”

Chánh án Pignatone nói rằng các công tố viên phải cung cấp đầy đủ các băng ghi âm trước ngày 10 tháng Giêng năm tới

Chưởng lý của Vatican là ông Alessandro Diddi đã không phát biểu trước tòa vào hôm thứ Ba, nhưng văn phòng của ông đã cung cấp một biên bản ghi nhớ theo đó “tất cả các tài liệu là nguồn bằng chứng đã được nộp và có thể được tìm thấy trong các tài liệu của tòa án,” nhưng văn phòng sẽ tuân theo lệnh mới để cung cấp các bản viết ra từ băng ghi âm.

Các đoạn băng ghi âm các cuộc thẩm vấn Đức Ông Perlasca đã bị rò rỉ cho một tờ báo Ý vào đầu tháng này, kích động một tuyên bố mạnh mẽ từ 18 luật sư bào chữa của phiên tòa. Họ đã lên án việc rò rỉ các đoạn ghi âm vì đã tạo ra một “phiên tòa song song... bất chấp pháp luật.”

Tờ Corriere della Sera đã công bố hơn 14 phút trích đoạn video về các lời cung khai của Đức Ông Perlasca, trong đó Đức Ông nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy quyền cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đàm phán với doanh nhân Gianluigi Torzi, là người đã môi giới giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận London và là một trong những bị cáo của phiên tòa.
Source:Catholic News Agency
 
Niềm vui của Đức Giáo Hoàng danh dự. Kinh nghiệm lạnh tóc gáy của một linh mục trước phòng khám phụ khoa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:22 15/12/2021


1. Đức Bênêđíctô XVI được tặng cảnh Chúa Giáng Sinh từ quê hương Bavaria

Giáo hoàng danh dự Benedict XVI đã nhận được cảnh Chúa Giáng Sinh từ quê hương Bavaria của ngài vào hôm thứ Tư.

Một hiệp hội chuyên duy trì và quảng bá cảnh Chúa Giáng Sinh đã tặng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, hai máng cỏ Giáng Sinh. Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, một máng cỏ dành cho vị giáo hoàng người Đức đã nghỉ hưu và máng cỏ còn lại dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc trao tặng các máng cỏ Giáng Sinh đã diễn ra trong chuyến hành hương đến Rôma của các thành viên trong Hiệp Hội Verband Bayerischer Krippenfreunde, do Đức Ông Martin Martlreiter, chủ tịch của Hiệp Hội dẫn đầu.

Nhóm này có sự tham gia của Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục của Regensburg, một giáo phận ở Bavaria, một tiểu bang ở phía đông nam của Đức được biết đến như một trung tâm Công Giáo.

Đức Cha Voderholzer đã gặp Đức Bênêđíctô XVI vào ngày 8 tháng 12, Lễ trọng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, tại Vatican.

Giáo phận Regensberg đã đăng các bức ảnh trên tài khoản Twitter của mình cho thấy vị giáo hoàng 94 tuổi đang ngồi giữa Đức Giám Mục Voderholzer và Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người đang cầm một trong hai máng cỏ Giáng Sinh.

Đức Bênêđíctô XVI sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, tại làng Marktl am Inn ở Bavaria.

Các thành viên của hiệp hội Bavaria cũng đã tham gia cuộc triển lãm hàng năm “100 cảnh Chúa Giáng Sinh tại Vatican”, được tổ chức dưới một phần của hàng cột nổi tiếng Bernini, bao quanh quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Ông Martlreiter cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, chúng tôi đã có thể tham gia triển lãm quốc tế về Chúa Giáng Sinh dưới các cột trụ của Bernini trong năm nay”.

Các máng cỏ Giáng Sinh được trao tặng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô đã được bao phủ bởi tuyết.

Đức Ông Martlreiter cho biết: “Tuyết là hình ảnh tự nhiên, và có một ý nghĩa rất đặc biệt ở các quốc gia phía bắc của dãy Alps”
Source:Catholic News Agency

2. Các buổi lễ Giáng Sinh của Vatican bị hạn chế do lo ngại về biến thể Omicron

Trong năm thứ hai của đại dịch coronavirus quỷ quái này, các hạn chế đã được đặt ra đối với các cử hành phụng vụ Giáng Sinh của Vatican do những lo ngại tiếp tục tại Vatican về COVID-19.

Phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, nói với tờ National Catholic Register hôm 9 tháng 12 rằng ông tin rằng số lượng tín hữu có thể tham gia các nghi lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong thời gian lễ hội sẽ bị “hạn chế” như đã xảy ra vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong khi Vatican vẫn duy trì chính sách Thẻ Xanh – tức là yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng, hay sự phục hồi gần đây khỏi COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính đối với các du khách và nhân viên - thì yêu cầu này dự kiến sẽ được miễn cho những người tham dự các buổi cử hành và các buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng.

Tất cả các lễ kỷ niệm phụng vụ Giáng Sinh cũng sẽ được phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng khác.

Thánh lễ Vọng Giáng Sinh, do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô, sẽ bắt đầu lúc 7h30 chứ không phải 9h30 theo thông lệ. Trong kỳ Giáng Sinh năm ngoái, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Tuy nhiên năm nay lệnh này không còn hiệu lực nữa nên không rõ tại sao thánh lễ này vẫn diễn ra quá sớm.

Chỉ một vài trăm tín hữu được phép tham dự Thánh lễ Canh thức Giáng Sinh năm ngoái tại Bàn thờ Ngai Tòa của Đền Thờ Thánh Phêrô, nhưng không chắc con số sẽ bị hạn chế nghiêm trọng như thế trong năm nay.

Vào trưa ngày Giáng Sinh, theo truyền thống, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành và đọc thông điệp “Urbi et Orbi” cho Rôma và toàn Thế giới. Năm nay, theo thông lệ, nó sẽ diễn ra tại ban công của Đền Thờ Thánh Phêrô, chứ không giống như năm 2020 khi được truyền trực tiếp từ bên trong điện tông tòa, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận.

Mối quan tâm đối với người di cư, nạn nhân của các cuộc xung đột trên toàn thế giới và đề cập đến các điểm rắc rối toàn cầu khác có thể sẽ hình thành nội dung thông điệp của ngài, như những năm trước.

Vào ngày 31 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ trì buổi hát Kinh Chiều Tạ ơn vì những ơn lành trong năm qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều. Điều này sẽ được tiếp nối vào ngày đầu tiên của năm mới với Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa - cũng là Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55 - khi Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cũng được lên lịch tại Đền Thờ Thánh Phêrô là thánh lễ Hiển Linh do Đức Giáo Hoàng cử hành ngày 6 tháng Giêng lúc 10 giờ sáng.

Vào ngày 9 tháng Giêng lúc 9:30 sáng, tại Nhà nguyện Sistina, Đức Giáo Hoàng sẽ dâng Thánh lễ Lễ Chúa Giêsu Chịu phép Rửa, và theo thông lệ, ngài sẽ rửa tội cho một nhóm trẻ em của các nhân viên Vatican.

Ngoài các sự kiện phụng vụ, Vatican sẽ tổ chức Hòa nhạc Giáng Sinh lần thứ 29 vào ngày 16 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, một sự kiện bác ái mà số tiền thu được, trong vài năm qua, dành cho các dự án do Quỹ Scholas Occurrentes và Don Bosco đảm trách.

Các nghệ sĩ năm nay sẽ bao gồm ca sĩ người Jamaica Shaggy, nghệ sĩ thổi sáo Ian Anderson và ca sĩ Indonesia Anggun. Những người nổi tiếng trước đây bao gồm các ca sĩ Susan Boyle, Lionel Richie và Bonnie Tyler. Từ năm 2007 đến 2017, buổi hòa nhạc diễn ra bên ngoài Vatican sau khi một loạt nghệ sĩ gây ra tai tiếng bằng cách sử dụng sự kiện này để đưa ra những tuyên bố chỉ trích Giáo hội hoặc các giáo huấn đạo đức của Giáo Hội.

Vào ngày 23 tháng 12, lúc 10 giờ sáng, Giáo hoàng sẽ gửi lời chào truyền thống của mình tới Giáo triều Rôma tại sảnh đường Clementê ở Vatican, không thay đổi so với năm ngoái. Cả Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI đã sử dụng dịp này để có những bài phát biểu quan trọng trong quá khứ.

Vatican bắt đầu bước vào không khí Giáng Sinh khi cây thông Noel được thắp sáng và cảnh Chúa Giáng Sinh ở quảng trường Thánh Phêrô được khánh thành bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga và Sơ Raffaella Petrini, thống đốc và thư ký của Chính quyền Thành phố Vatican.
Source:National Catholic Register

3. Nhật ký trừ tà số 167: Cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn trong nạn phá thai

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #167: The Underlying Spiritual Warfare in Abortion”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 167: Cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn trong nạn phá thai”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đang ở giữa một cuộc biểu tình chống phá thai. Có hàng trăm người ủng hộ cuộc sống và một số ít người biểu tình ủng hộ phá thai. Chúng tôi đang ở phía trước của một địa điểm mà nhiều điều ác và cái chết đã được tạo điều kiện thuận lợi. Tôi là một người kín đáo với khẩu trang che mặt và áo khoác kéo dài tới cổ vào ngày se lạnh đó.

Tôi bắt đầu đọc một cách kín đáo những lời cầu nguyện giải thoát của Đức Lêô XIII. Sau một vài phút, tôi bắt đầu trải nghiệm một số căng thẳng về mặt tâm linh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng những lời cầu nguyện đã đạt được hiệu quả và rất quan trọng. Vì vậy, tôi bắt đầu cầu nguyện lần thứ hai với sự tập trung cao độ hơn nữa. Lần này tôi bao gồm rõ ràng tên của những con quỷ đôi khi liên quan đến việc phá thai: Baphomet, Baal, Moloch, Abyzou và tôi nói thêm, “Tất cả những con quỷ phá thai” theo sau lời cầu khẩn Đức Mẹ Guadalupe, Đấng Bảo trợ của Những đứa trẻ chưa sinh.

Nhanh chóng một nhóm những người ủng hộ việc phá thai di chuyển đến cạnh tôi và bắt đầu hô to khẩu hiệu của họ. Phải chăng chỉ là một chuyện tình cờ? Chắc là không. Tiếng hò hét của họ đinh tai nhức óc khiến tôi rất khó tập trung và khó nhớ những lời cầu nguyện mà tôi đã đọc theo trí nhớ. Đó là một cuộc đấu tranh thực sự.

Một nhóm thanh niên ủng hộ cuộc sống đã đến và bắt đầu hò reo những khẩu hiệu ủng hộ cuộc sống của chính họ. Tôi thấy, trong họ, các Quyền năng thiên thần đến giải cứu tôi. Khá nhanh chóng, nhóm ủng hộ phá thai tan biến và mọi sự trở nên yên tĩnh trở lại. Tôi đã có thể tiếp tục và hoàn thành những lời cầu nguyện.

Thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những thế lực thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”(Ep 6:12). Cuộc chiến chống phá thai được tiến hành ở nhiều cấp độ, nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp cuộc chiến tâm linh tiềm ẩn. Vào buổi sáng se lạnh đó, tôi đã trải qua điều đó. Tôi cũng có kinh nghiệm rằng các thiên thần thánh thiện không bao giờ ở xa và nhanh chóng đến trợ giúp chúng ta.
Source:Catholic Exorcism
 
Âu lo: Slovakia lên tiếng về vụ mưu toan ám hại ĐGH hôm 15/9. Nhiều lỗ hổng an ninh đáng quan ngại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:05 15/12/2021


1. Slovakia lên tiếng về vụ mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng hôm 15 tháng 9

Như chúng tôi đã đưa tin, sau một thời gian cấm tiết lộ để tiện việc điều tra, hôm 13 tháng 12, báo chí đã được phép loan tin về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng hôm 15 tháng 9.

Tờ Jerusalem Post số ra ngày 13 tháng 12 có bài nhan đề “Israeli tech removes drone threat from Pope mass – exclusive”, nghĩa là “Công nghệ Do Thái đã loại bỏ mối đe dọa từ máy bay không người lái trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng – báo cáo độc quyền”.

The Jerusalem Post đưa tin một cách độc quyền rằng công nghệ của một công ty chống máy bay không người lái của Do Thái đã loại bỏ một máy bay không người lái quỷ quyệt mưu toan làm gián đoạn một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức với 60,000 tín hữu ở Slovakia. Trong thánh lễ còn có 90 giám mục và 500 linh mục có mặt trong biến cố tại sự kiện khổng lồ này.

Tại Slovakia, tờ HN Slovenko cho biết sáu tên đã bị bắt trong biến cố này và sẽ phải ra trước tòa vào đầu năm 2022. Trong một cuộc phỏng vấn sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi được hỏi về lý do tại sao nữ tổng thống nước này đã khóc khi tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô ở phi trường quốc tế Bratislava, bà Zuzana Čaputová nói bà cảm động trước các thông điệp của Đức Thánh Cha, và mến mộ ngài đã 84 tuổi vẫn lặn lội đến viếng thăm Slovakia bất chấp các nguy hiểm. Người ta không hiểu rõ lắm cụm từ “bất chấp các nguy hiểm”. Ngày nay, có lẽ mọi người hiểu rõ hơn ý của nữ tổng thống.

Tờ HN Slovenko viết như sau:

Đã gần ba tháng trôi qua kể từ chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tới Slovakia. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng ngoài ấn tượng mà Đức Thánh Cha Phanxicô để lại trong lòng các tín hữu có mặt tại các sự kiện nghi lễ, việc ngài đến với chúng ta cũng thu hút sự chú ý đến những rủi ro an ninh có thể có của các công nghệ mới.

Hàng trăm thành viên của lực lượng vũ trang đã được tung ra để bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài đến Sân bay Bratislava, trước sự chứng kiến của Tổng thống Zuzana Čaputová hoặc Chủ tịch Quốc hội Boris Kollár.

Trong thời gian ở Slovakia, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, các hạn chế nghiêm ngặt về giao thông và an toàn được áp dụng trên tuyến đường mà Đức Giáo Hoàng di chuyển tại Bratislava, Košice và cuối cùng là ở Šaštín.

Những tay súng bắn tỉa, một đơn vị chống khủng bố và cả một tiểu đoàn quân đã sẵn sàng cho một hành động nhanh chóng có thể xảy ra. Bên cạnh đó còn có những chiếc máy bay trực thăng sẵn sàng ứng chiến. Trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, các cuộc huấn luyện diễn tập về an ninh quốc gia đã diễn ra với sự hợp tác của các đơn vị đặc biệt.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo trước khi ngài đến rằng hai tháng chuẩn bị an ninh là không đủ. Trong tháng 8, nhà phân tích an ninh Juraj Zábojník nói rằng tình hình xã hội căng thẳng đang diễn ra Slovakia sẽ khiến việc chuẩn bị càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của các loại công nghệ mới. Máy bay không người lái, hay drone, là một ví dụ tiêu biểu.

Zábojník, người cách đây một phần tư thế kỷ đã lãnh đạo một biệt đội Slovakia bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lúc bấy giờ nhấn mạnh rằng vào năm 1995, việc chuẩn bị và đánh giá rủi ro mất khoảng một năm. “Tại thời điểm chuyến thăm, hơn 20,000 người đã tham gia vào lực lượng an ninh và hỗ trợ,” chuyên gia này nói.

Máy bay không người lái là một vấn đề nghiêm trọng. Trong các sự kiện công cộng ngày nay, người ta dùng máy bay không người lái để thu hình các biến cố thay vì các tháp truyền hình hết sức tốn kém. Việc cấm triệt để máy bay không người lái trong một vùng trời nhất định có thể là không khả thi.

Ngày 16 tháng 10, 2016, quân Iraq và quân Đồng Minh mở chiến dịch giải phóng Mosul. Với quân số đông hơn đến 20 lần bọn khủng bố Hồi Giáo IS, họ vẫn phải mất 9 tháng và 4 ngày mới hoàn toàn giải phóng được thành phố. Một trong những cản trở chính trong cuộc hành quân là các máy bay không người lái của bọn khủng bố dùng để thả bom và lựu đạn lên đối phương. Vì kích thước nhỏ gọn của nó, việc bắn hạ các máy bay không người lái không phải là điều dễ dàng.

Trong các cử hành đông người như trong các thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành. Một chiếc máy bay không người lái lơ lửng trên đầu đám đông có thể là một thảm họa kinh hoàng. Người ta có lẽ phải chờ cho đến khi phiên tòa diễn ra mới hiểu hết được động cơ và thủ đoạn của những tên đang bị câu lưu.
Source:HN Slovensko

2. Đức Giáo Hoàng nói ngài sẽ gặp ủy ban điều tra lạm dụng tình dục của Pháp, bày tỏ nỗi buồn về quyết định liên quan đến Tổng Giám Mục Paris.

Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đồng ý họp với ủy ban đã công bố một báo cáo gây chấn động về tình trạng lạm dụng tình dục giáo sĩ trong Giáo Hội Công Giáo Pháp. Theo các giám mục Pháp đã gặp ngài, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ “nỗi buồn” liên quan đến sự ra đi đột ngột của Tổng giám mục Paris,

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, nói với các phóng viên rằng Đức Phanxicô đã đồng ý “về nguyên tắc” để gặp các thành viên của ủy ban độc lập nhưng phải tìm ngày mới.

Người đứng đầu ủy ban, Jean-Marc Sauvé, đã nói rằng các thành viên sẽ được gặp Đức Giáo Hoàng. Ông ta công bố cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 12. Tuy nhiên, Tòa Thánh nói không hay biết gì về cuộc gặp gỡ này.

Báo cáo của Pháp ước tính rằng khoảng 330,000 trẻ em là nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ Công Giáo, các nhà lãnh đạo hướng đạo hoặc các nhân viên giáo dân trong thời gian từ năm 1950 đến năm 2020.

Ước tính dựa trên nghiên cứu rộng hơn của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Pháp về lạm dụng tình dục trẻ em ở nước này. Tuy nhiên, phương pháp luận của báo cáo đã bị chỉ trích vì các ước tính quá cao so với các báo cáo tương tự ở các quốc gia khác. Tính trung bình một người lạm dụng đã lạm dụng trên 100 trẻ em!

Vấn đề là các giám mục Pháp đã chấp nhận báo cáo và thề sẽ cố gắng sửa chữa thiệt hại, đồng thời thông báo rằng các ngài sẽ bồi thường cho các nạn nhân ngay cả khi phải bán bớt tài sản của Giáo Hội vì “trách nhiệm thể chế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài chưa đọc bản báo cáo dài 500 trang, cho đến nay chỉ có bằng tiếng Pháp. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort nói rằng Đức Phanxicô đánh giá cao “phẩm giá của thái độ của chúng ta” bằng cách biến các nạn nhân trở thành “tâm điểm” trong các phản ứng của Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục nói “Đức Thánh Cha đã khích lệ chúng tôi và cảm ơn chúng tôi”.

Ngài cho biết chính ngài và các giám mục khác cũng hỏi Đức Phanxicô xem có điều gì bổ sung về việc Tổng giám mục Paris Michel Aupetit bị bãi chức đột ngột hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cách chức Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit hôm 2 tháng 12 sau khi vị Tổng Giám Mục Paris nói ngài yêu cầu Đức Thánh Cha định đoạt tương lai của mình trước các báo cáo của một phương tiện truyền thông cho rằng ngài có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012. Đức Tổng Giám Mục Aupetit nhìn nhận rằng rằng ngài có một mối quan hệ “không rõ ràng” nhưng bác bỏ cáo buộc cho rằng quan hệ ấy có liên quan đến là tình dục. Truyền thông Pháp cũng cho rằng cách quản trị tổng giáo phận của ngài là chuyên quyền. Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói rõ rằng ngài yêu cầu Đức Thánh Cha định đoạt tương lai của mình chứ không phải nộp đơn từ chức.

Hôm 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã chấp nhận đơn từ chức vì “tin đồn” về Đức Cha Aupetit đã khiến vị Tổng Giám Mục không thể điều hành tổng giáo phận.

Lời nhận xét này của Đức Thánh Cha gây hoang mang cho nhiều người vì nó ngụ ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẵn sàng hành động chỉ vì những lời đàm tiếu. Dư luận tại Pháp cho rằng lẽ ra nên có một cuộc thanh tra tông tòa trước khi Đức Thánh Cha đưa ra quyết định. Một quyết định hấp tấp như thế không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân Đức Tổng Giám Mục Aupetit mà còn gây ra một tác động sâu xa đến các Giám Mục Pháp khác và Giáo Hội tại Pháp nói chung.

Moulins-Beaufort nói rằng Đức Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực mục vụ của Aupetit và “nói về nỗi buồn của mình vì hoàn cảnh và quyết định mà ngài đã đưa ra.”


Source:AP

3. Chuyến viếng thăm của Khâm Sứ Tòa Thánh tại Tòa Thượng phụ Giêrusalem

Sáng thứ Bảy, 11 tháng 12 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine, và thư ký của ngài là Cha Natali đã đến thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem.

Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương và nước sở tại có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương, và không là nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Chuyến viếng thăm này của Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana nằm trong khuôn khổ của Thỏa ước Nguyên Trạng vì những nhiệm vụ gần đây của ngài.

Ngài đã được Đức Thượng Phụ Theophilos của Chính Thống Giáo Giêrusalem tiếp, với tư cách Giám mục Chính Thống Giáo của Giáo hội địa phương. Có mặt trong buổi tiếp kiến còn có các linh mục trong linh mục đoàn Chính Thống Giáo, gọi là Hagiotaphite.

Trong chuyến thăm này, có một cuộc trò chuyện về các tín hữu của hai Giáo Hội tại Síp, nơi trực thuộc Tòa Thượng Phụ. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã đến thăm Síp và Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana đã tham gia chuyến thăm này. Giáo Hội Chính Thống Giáo Síp đã tổ chức nhiều cuộc họp của Hội đồng các Giáo hội Trung Đông và hòn đảo này tiếp nhận những người tị nạn xin tị nạn. Bản thân những người Síp đến từ Bắc Síp cũng đang tị nạn ở miền Nam sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm phía Bắc Síp.

Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana đã tặng cho Đức Thượng Phụ Theophilos một món quà lưu niệm do Đức Giáo Hoàng nhờ Đức Tổng Giám Mục trao lại cho Đức Thượng Phụ
Source:Orthodox Times