Ngày 15-12-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:25 15/12/2014
ĐỨA BÉ THÔNG MINH
N2T

Có một đứa bé thông minh, một hôm mẹ nó dẫn nó đi đến tiệm tạp hóa để mua đồ, bà chủ tiệm nhìn thấy đứa bé rất dễ thương, bèn mở tủ đựng kẹo và muốn đứa bé tự mình lấy kẹo. Nhưng đứa bé ấy không có làm một động tác nào, sau mấy lần mời mọc, thì bà chủ tiệm tự mình lấy một nắm kẹo lớn bỏ vào trong túi của đứa bé.
Về đến nhà, bà mẹ rất lấy làm lạ bèn hỏi đứa bé tại sao không tự mình lấy kẹo, mà để cho bà chủ tiệm lấy ?
Đứa bé trả lời rất hay:
- ”Bởi vì bàn tay của con rất nhỏ mà bàn tay của bà chủ tiệm rất lớn, cho nên bà ta lấy thì nhất định phải nhiều hơn con lấy !”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Có những bàn tay lớn nắm những bàn tay nhỏ để dẫn đi và chỉ bảo, đó là bàn tay của thầy cô giáo với học trò, nên có những học trò trở thành những mẫu gương học hỏi.
Có những bàn tay lớn nắm lấy bàn tay nhỏ để che chở, bảo vệ, dưỡng dục và tiếp sức, đó là bàn tay bố mẹ và con cái, nên có những người con hiếu thảo, tâm địa thiện lương.
Có những bàn tay lớn nắm bàn tay nhỏ để khuyến khích, chung sức xây dựng cuộc đời, đó là bàn tay của vợ chồng, nên có những gia đình trên thuận dưới hòa, trở thành phá đài bảo vệ con cái.
Trẻ em thông minh ngoan ngoãn phần lớn là do gia đình hòa thuận, cha mẹ cùng chung sức dạy dỗ con cái, bởi vì nếu cha mẹ không nắm tay con dẫn đi, thầy giáo không nắm tay trò chỉ dạy, thì cái thông minh của trẻ em sẽ trở thành tai họa cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Trên đường đời đầy cạm bẩy và nguy hiểm, thì những bàn tay lớn phải luôn nắm lấy bàn tay nhỏ như bàn tay quan phòng của Chúa luôn nắm lấy tay chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:28 15/12/2014
N2T

22. Đức Chúa Giê-su là mục tử dễ thương nhất của chúng ta, chúng ta không nên rời xa Ngài, càng không nên để Ngài nhìn không thấy chúng ta.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài tử-người mẫu đang nổi tiếng trở thành Nữ Tu
Trầm Hương Thơ
15:36 15/12/2014
NGƯỜI MẪU - TÀI TỬ ĐANG NỔI TIẾNG NHẤT BỖNG TRỞ THÀNH NỮ TU.

Người Mẫu đẹp nổi tiếng, đang trong thời kỳ sự nghiệp hưng thịnh nhất bỗng nhiên theo tiếng gọi trong tâm hồn để trở thành một nữ tu bình dị.

Đang đứng ở phía trên cùng của sự nghiệp hưng thịnh của cô, một người mẫu Tây Ban Nha xinh đẹp đã cho đi tất cả để trở thành một nữ tu.

Cô Olalla Oliveros, một photo Model đang làm người mẫu trên đài truyền hình thể thao Tây Ban Nha, và đồng thời cô cũng là một nữ diễn viên điện ảnh đã từ bỏ sự nghiệp của mình và theo tiếng gọi quyết định trở thành một nữ tu.

Từ tháng trước, cô Olalla Oliveros đã gia nhập Dòng thánh Michael.

Cô Olalla Oliveros không muốn nói về bản thân mình, nhưng cô miễn cưỡng cho biết: Cô đã trải qua một biến động rất lớn trong tâm hồn "như một trận đông đất" từ kinh nghiệm của một chuyến viếng thăm viếng Đức Mẹ Fatima. Từ tiếng gọi này mà cô quyết định rũ bỏ hình ảnh của mình để trở thành một nữ tu. Đây là một điều mà trước đây cô tưởng là hoàn toàn vô lý nhưng nay đã trở nên hiện thực.

Cuối cùng, cô nhận ra rằng hình ảnh trong tâm trí cô là một ƠN GỌI. "Chúa đã chọn không bao giờ sai.

“Ngài gọi trong hồn tôi, hãy theo Ngài! và tôi không thể từ chối,"

-Oliveros nói.

-Bây giờ tôi chỉ muốn trở thành một nữ tu bình thường.

Trầm Hương Thơ
 
Tôn giáo và vụ khủng bố tại Martin Place, Sydney
Vũ Van An
22:41 15/12/2014
Dù Thủ Tướng Tony Abbot tránh dùng chữ khủng bố, nhưng ai ai ở Sydney cũng đều gọi biến cố ngày thứ Hai vừa qua là cuộc tấn công của khủng bố, lần đầu tiên xẩy ra đối với thành phố thân yêu của họ. Hai con tin hy sinh trong biến cố này, vì thế, chắc chắn sẽ được họ dựng bia kỷ niệm với lòng biết ơn và xúc động sâu xa.

Sự xuất hiện của lá cờ đen với hàng chữ Ả Rập mà đa số người dân Sydney đọc không hiểu nhưng họ hiểu nó có ý nghĩa gì khiến những người Úc cực hữu nổi giận. Thực vậy, theo Anne Davies và Tim Elliott của tờ The Sydney Morning Herald, nhóm cực hữu “Liên Minh Bảo Vệ Úc” đã sử dụng Facebook đưa ra lời đe dọa sau đây, ngay khi cuộc tấn công khủng bố đang diễn ra “Chỉ cần một người bị xâm hại, chúng ta sẽ tiến về Lakemba”. Lakemba là nơi sinh sống của nhiều người Hồi Giáo; tại đây có ngôi đền thờ nổi tiếng của tôn giáo này.

Chính vì thế, một số nhóm Hồi Giáo đã nhanh chóng thành lập một liên minh và ra lời tuyên bố, bày tỏ sự “ngỡ ngàng và khiếp đảm” đối với cuộc tấn công khủng bố tại Martin Place, được coi như trung tâm sinh hoạt của Sydney. Họ không quên “thúc giục mọi người hãy thanh thản”.

Lời tuyên bố của họ có câu: “Chúng tôi bác bỏ bất cứ mưu toan nào nhằm tước đoạt sự sống vô tội của bất cứ con người nào, hay dẫn truyền sợ sệt và kinh hoàng vào tâm hồn họ.

"Bất chấp hành động hèn hạ nào loại này cũng chỉ để phục vụ nghị trình của những người tìm cách phá hoại thiện chí của nhân dân Úc và làm thiệt hại thêm cho Hồi Giáo cũng như phỉ báng nó và Cộng Đồng Hồi Giáo tại đất nước này.

“Chúng tôi xin mọi người nhớ rằng những hàng chữ Ả Rập ghi trên lá cờ đen không nói lên một tuyên bố chính trị nào, mà chỉ tái khẳng định một chứng từ của lòng tin vốn bị các cá nhân sai lạc không đại diện cho ai ngoài chính chúng sử dụng sai”.

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trên lo sợ những vụ trả đũa đối với các cộng đồng của họ trong những ngày tới, do đó, đã kêu gọi các thành viên của đền thờ về thẳng nhà ngay tối thứ Hai.

Nói chung, cộng đồng Hồi Giáo đoàn kết với nhau trong việc kết án các biến cố vừa qua. Họ tỏ ra không biết gì tới căn cước cũng như động lực của tên khủng bố.

Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo tại Úc, Tiến Sĩ Ibrahim Abu Mohamed, cho hay ông và Hội Đồng Iman Toàn Nước Úc lên án “hành động tội ác này một cách cương quyết và nhắc lại rằng những hành động như thế hoàn toàn bị bác bỏ trong Hồi Giáo.
“Cùng với cộng đồng Úc nói chung, chúng tôi đang đợi kết quả điều tra về căn cước người phạm pháp và các động lực nằm phía sau tội ác này”.

Hiệu Trưởng Trường Rissalah ở Lakemba là Afif Khalil cho hay ông nhận được rất nhiều cú điện thoại của các cha mẹ “hốt hoảng” gọi vào trường. Ông bảo “hôm nay là ngày phát thưởng cuối năm của trường, và tôi lợi dụng dịp này nói chuyện với các em về Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Các cha mẹ ai nấy đều ngỡ ngàng. Phần lớn cộng đồng của chúng tôi phát xuất từ các nước bị chiến tranh tàn phá. Họ đến đây để trốn thoát những điều này, để rồi thấy những điều này theo họ tới tận đây”.

Ông Khalil cho hay ông không đưa thêm bất cứ biện pháp an ninh nào khác vào ngày thứ Ba, ngày cuối cùng của năm học. “Nó sẽ là ngày sinh hoạt như thường lệ. Chúng tôi có liên hệ rất tốt với cảnh sát ở đây, họ luôn có sự hiện diện rõ rệt trong những lúc như thế này”.

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo của Sydney đã hội họp với cảnh sát ngay sáng thứ Hai khi họ nghe tin có cuộc bắt con tin tại Martin Place. Một số giới Hồi Giáo như Rebecca Kay sợ rằng cuộc tấn công tại Martin Place rất có thể sẽ làm gia tăng các cảm thức chống Hồi Giáo. Bà cho hay “Các bạn đã thấy nhiều nhắn nhe trên các phương tiện truyền thông xã hội; có người viết ‘tống khứ mọi tên Hồi Giáo đi’.

“Sau khi luật lệ mới về an ninh được thông qua, chúng tôi theo dõi các vụ tấn công vào người Hồi Giáo khắp Sydney, và thấy rằng mỗi ngày, trong khoảng 3 tuần lễ, đã có từ 5 tới 7 cuộc tấn công. Xe cộ bị phá phách, phụ nữ bị đấm đá, khạc nhổ hay chửi bới. Nay chuyện này chắc chắn sẽ gia tăng. Ai cũng sẽ nói về chuyện này”.

Đừng để nó khiến ta chống lại nhau

Hãng Reuters cho hay các Kitô hữu đang cầu nguyện cho Nước Úc sau cuộc phong tỏa kéo dài 16 tiếng đồng hồ một tiệm càphê tại trung tâm tài chánh của Sydney với hậu quả 2 con tin và một người duy Hồi Giáo bắt giữ con tin thiệt mạng.

Người bắt giữ con tin tên là Man Haron Monis, trước đây vốn là một người tị nạn từ Iran. Hai con tin là người quản lý tiệm cà phê Lindt, tên Tori Johnson, 34 tuổi, và nữ luật sư Karina Dawson, 38 tuổi.

Bốn người bị thương trong biến cố này, nhưng vết thương không đe dọa mạng sống. Một số con tin bị buộc phải trương một lá cờ đen lên cửa sổ tiệm càphê.

Cuộc phong tỏa chấm dứt khi lực lượng cảnh sát đặc biệt tấn công vào tiệm cà phê vì nghe có tiếng súng phát ra từ bên trong.

Trong cuộc phong tỏa này, các nhà lãnh đạo Anh Giáo và Công Giáo đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện cho sự an toàn của các con tin và những người cố gắng cứu thoát họ.

Lên tiếng trước khi cuộc phong tỏa kết thúc, TGM Anh Giáo của Sydney là Glenn Davies cho hay quả là đáng lo ngại khi khủng bố lan tới các bờ biển của Úc. Ông cho hay ông cầu nguyện cho “việc mau chóng có công lý đối với những kẻ tìm cách xâm lăng thế giới của chúng ta bằng một học thuyết hận thù và bạo lực”.

TGM Công Giáo của Sydney, Đức Cha Anthony Fisher, thì kêu gọi người Úc cầu nguyện để đất nước họ vẫn còn là một nơi an tòan và hoà hợp về xã hội. Ngài nói rằng: “Hai phẩm tính vĩ đại nhất của quốc gia ta là bầu khí dễ chịu, an toàn và lịch sử hòa hợp giữa nhân dân thuộc đủ mọi thống thuộc sắc tộc, tôn giáo và chính trị.

“Biến cố ngày hôm nay sẽ chứng thực cho quyết tâm của chúng ta nhất định còn là một xã hội như trên. Ta không được để cho biến cố này khiến ta chống lại nhau hay xâm hại tới cảm thức an ninh của ta.

“Vào lễ Giáng Sinh, ta hướng về việc Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình, sinh ra. Ta hãy cầu xin Người, căn cứ vào lời Thiên Chúa hứa với Giêrêmia: ‘Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp ứng lại ngươi, và dẫn các con tin của ngươi tới nơi an toàn”.

Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Số Bẩy vào sáng thứ Ba, Đức TGM Fisher nhấn mạnh rằng: Lạm dụng là chuyện thường xẩy ra, không những đối với tôn giáo mà còn cả đối với dân chủ và kinh doanh nữa. Nhưng không vì thế mà ta hạ giá các định chế này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội di dân giáo phận Vinh năm 2014 tại miền Nam
Antôn Hùng Mạnh
09:52 15/12/2014
ĐẠI HỘI DI DÂN GIÁO PHẬN VINH TẠI MIỀN NAM 2014:

HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN – KẾT NỐI YÊU THƯƠNG

Cội nguồn là gốc rễ tiếp thêm sức mạnh và tinh thần hiệp nhất cho con cái Vinh sống trên mọi miền thế giới. Điều đó được thể hiện sinh động trong cuộc Đại Hội Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam, vừa được long trọng tổ chức ngày 14/12/2014.

Xem Hình

Từ sáng sớm, trên các ngã đường của phường Bình Chiểu – Q. Thủ Đức – Tp. Hồ Chí Minh, từng đoàn người nườm nượp hướng về nhà thờ giáo xứ Khiết Tâm, điểm hẹn quen thuộc của di dân Vinh.

Ánh nắng vàng của đất Sài Thành những ngày chuyển mùa càng tô thêm vẻ đẹp cho sân khấu và hoa viên nhà thờ Khiết Tâm, vốn đã được trang hoàng rực rỡ.

Đúng 8 giờ, bầu khí của Đại hội rộn ràng hẳn lên. Trong tiếng trống và nhạc tưng bừng, các tham dự viên xếp thành hai hàng, hân hoan chào mừng Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của giáo phận, đến chủ sự Đại Hội.

Tham dự Đại hội còn có các Bề trên Giám tỉnh một số tỉnh dòng ở Sài Gòn, đông đảo các linh mục, nam nữ tu sỹ, quý khách và khoảng 4000 giáo dân đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, trong nước cũng như hải ngoại.

Góp vui cho chương trình văn nghệ của Đại hội, ngoài các ca sỹ tên tuổi như Phan Đình Tùng, Phi Nguyễn, Dương Quyết Thắng còn có nhiều giọng hát hay, các vũ công, các nhóm linh hoạt viên.

Cha Phêrô Nguyễn Đoài, Giám đốc Trung Tâm mục vụ di dân giáo phận Vinh tại Miền Nam, Trưởng Ban tổ chức, đã nêu bật ý nghĩa và mục đích của Đại Hội trong diễn văn khai mạc. Ngài nói: Cử hành Đại hội này với chủ đề “Hướng về cội nguồn” trong Mùa Vọng, là cơ hội để chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa Hằng sống, Đấng là cội nguồn và cùng đích của mọi loài. Là dịp để chúng ta tri ân các bậc tiền nhân, đã cộng tác với ơn Chúa cho chúng ta sự sống, giáo dục chúng ta thành người và thành con Chúa. Đây cũng là cơ hội để bày tỏ nghĩa tình với quê hương, xứ sở”.

Trong phần Tọa đàm, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giải thích cho con cái rõ, người di dân được chia sẻ đặc biệt với Chúa Giê-su và Đức Mẹ. Chúa Giêsu là Thiên Chúa từ trời cao xuống thế làm người, sinh ra và lớn lên nơi xa nhà. Đức Maria vốn cũng từng là ngoại kiều. Đức Cha khuyến khích mọi người mạnh dạn gạt bỏ những tình cảm ủy mị, sẵn sàng tiến đến những biên cương mới, cả trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ rao giảng Tin mừng. Vốn mang trong mình kinh nghiệm dồi dào về di dân, ngài khuyên các tham dự viên “không sống chụp giật, muốn có mọi sự ngay lập tức” và “không gặt lúa non”. Vị chủ chăn của giáo phận cũng đã ân cần giải đáp nhiều thắc mắc thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Cùng lúc với phần Tọa đàm, trong thánh đường giáo xứ Khiết Tâm, nhiều tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

Thánh Lễ được tổ chức trọng thể và sốt sắng ngay sau Tọa đàm. Có 22 linh mục cùng đồng tế với Đức Cha Phaolô. Trong phần quảng diễn Lời Chúa, gợi hứng từ hình ảnh của Gioan Tiền hô, Đức Cha đã nhấn mạnh đến vai trò chứng tá và ngôn sứ của người tín hữu.

Kết thúc bữa tiệc Thánh Thể là bữa cơm huynh đệ. Vừa ăn vừa giao lưu văn nghệ, niềm vui của các tham dự viên như muốn kéo dài thêm mãi.

“Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi, ta hãy mừng vui trong Chúa Trời ” Đại Hội di dân Giáo Phận Vinh tại Miền Nam khép lại trong niềm hân hoan của ngày Chúa Nhật Hồng. Tinh thần “Hướng về cội nguồn” của cuộc hạnh ngộ đó thực sự đã kết nối các tham dự viên trong tình Chúa và tình người. Nhờ tinh thần ấy, con cái Vinh dù ở phương xa nhưng vẫn luôn cảm thấy gần gũi với Mẹ Giáo Phận. Đồng thời, đó lại là trợ lực lớn lao cho cuộc lữ hành trong niềm Tin và Hy vọng của những người tha hương.

Antôn Hùng Mạnh
 
Họp mặt kỷ niệm 60 năm di tản chủng viện Mỹ Đức, Thái Bình
Joseph Ký Nguyễn
11:04 15/12/2014
HOUSTON - Tưởng nhớ biến cố đau thương phải xa lìa miền Bắc, ngày chủng viện Mỹ Đức cùng đoàn người Bắc Việt di cư vào Phan Rang, một nhóm cựu chủng sinh Mỹ Đức/Phan Rang đã tổ chức họp mặt lần đầu tiên trên du thuyền Canival Triumph, từ Galveston đi Mexico.

Hình ảnh

Cuộc họp mặt có sự hiện diện của các Linh mục: Cha Đỗ Thanh Hà, Cha Phan Trọng Hanh, Phó Tế Nguyễn Kim Khánh, các Bố Đời và Thân Hữu Thái Bình. Qua các buổi họp mặt trên đại dương, anh em đã đồng thuận sẽ tổ chức một Buỏi Hội Ngộ qui mô tại Houston, TX. vào thượng tuần tháng 6, 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Trân trọng thông báo và kính mời Quý Cha, Quý Phó Tế, Quý Bố Đời, Quý Thân Hữu, gốc GP. Thái Bình, đang tỵ nạn trên khắp thế giới, xin liên lạc với các vị sau đây để biết thêm chi tiết;

Cha Đỗ Thanh Hà đt 714-661-0503 email revhado@gmail.com
Cha Phan Trọng Hanh đt 816-916-0894 email hphan43@sbcglobal.net
PT Nguyễn Kim Khánh đt 713-319-8606 email ptmnkk@hotmail.com
 
Đêm thánh ca Giáng Sinh tại xứ Bến Sắn Phú Cường
giáo xứ Bến Sắn
21:09 15/12/2014
Đêm Thánh Ca với chủ đề: “Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đã được khai mạc lúc 18 giờ 30 với sự tham gia của một số ca đoàn: Ca đoàn Gx Chánh Thiện, Ca đoàn Gx Bến Sắn, Ca Đoàn Thánh Linh Giáo xứ Bắc Hà, Củ Chi, Ca đoàn Gx Phước Vĩnh, Ca đoàn Gx Tân Thạnh Đông, Củ Chi, Ca đoàn Giáo Xứ Tân Mỹ, Hạt Hóc Môn, Ca Đoàn Thiên Thanh, Sài Gòn.

Xem Hình

Mười bảy tiết mục đã được thực hiện trong đêm Thánh Ca này, từ những bài hợp xướng, đến những bài đơn ca hay múa, ca cổ đều được các ca đoàn chuẩn bị khá chu đáo, các giọng ca như trau chuốt và điêu luyện hơn làm cho mọi người như đang thưởng thức bản hợp xướng của ca đoàn các thiên thần xưa trên cánh đồng Bê lem.

Mở màn với bài Trời Cao, cả cộng đoàn hát như kêu mời xin Thiên Chúa ban Đấng Thiên Sai ngự đến, rồi bài Ra Đời, như nhắc nhở khi “Thiên địa đắm hoang mang” Con Thiên Chúa vẫn đến, và những kỷ niệm xưa về Giáng Sinh như dệt nên bản tình ca bất tận của đất trời giao duyên: Giáng Sinh Về, Đêm Giao Hòa, Cứu Rỗi, Đêm Ánh Sáng, Kỷ Niệm Đêm Giáng Sinh, Cao Cung Lên, Tâm Sự Một Đêm Đông, Mầu Nhiệm Yêu Thương, Hài Nhi Ra Đời, Đêm Hồng Ân, Đêm Thánh Vô Cùng, Bên Hang Đá, Tuyết Rơi Đêm Giáng Sinh, Ca Mừng Giáng Sinh, và Đêm Nay Tầng Xanh đã khép lại buổi Thánh Ca, nhưng dư âm lại réo rắt hơn, đòi hỏi mỗi người lên đường về Bê Lem và đem Chúa đến cho mọi người, ước mong mọi người, cách riêng các ca viên biết dùng lời ca tiếng hát đưa Chúa từ Giáo Đường đến cho mọi người vùng “ngoại biên”.
 
Văn Hóa
Đức Mẹ cù lét Chúa Hài Đồng
Vũ Van An
18:18 15/12/2014
Mùa Giáng Sinh là mùa của hân hoan. Giáo Hội dùng Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng hôm qua để nhắc ta đừng quên điều ấy. Nhưng khi cử hành việc Chúa sinh ra, Giáo Hội lại thường chỉ nhắc tới những khía canh hết sức nghiêm chỉnh như ý nghĩa của nhập thể, gương khó nghèo và hạ mình của Ngôi Lời Thiên Chúa…

Liên hệ giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng cũng thế: thường được mô tả đủ để nói lên tình mẫu tử nhưng vẫn nặng về phân cách hóa công tạo vật, và do đó, thường mang tính nghiêm chỉnh. Cuộc triển lãm tựa là “Vẽ Tranh Đức Maria: Người Đàn Bà, Người Mẹ, Ý Niệm” tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn trong khoảng thời gian từ 5 tháng 12 năm 2014 tới 12 tháng 4 năm 2015 đã đảo ngược lối nhìn này.

Theo Catholic News Services, cuộc triển lãm này trưng bày hơn 60 bức danh họa về Đức Maria của các thiên tài thế kỷ 14 tới thế kỷ 17, tức Thời Phục Hưng và Thời Barốc, như Botticelli, Michelangelo, Durer, Titian, Rembrandt và Caravaggio, và của các nữ danh họa như Sofonisba Anguissola, Artemisia Gentileschi, Orsola Maddalena Caccia và Elisabetta Sirani.

Đức Ông Timothy Verdon, một sử gia về nghệ thuật, sinh tại New Jersey, Mỹ, nhưng hiện đang làm việc tại Florence, Ý, nơi ngài làm giám đốc Văn Phòng Nghệ Thuật Thánh và Di Sản Văn Hóa của Giáo Hội, và là người trông coi cuộc triển lãm này cho hay “các khách viếng thăm có tôn giáo chắc chắn sẽ xúc động sâu sắc” vì cuộc triển lãm này. Nhưng nó cũng nhằm “nói với người không tin”.

Thực vậy, cuộc triển lãm này nhằm thăm dò ý niệm làm đàn bà nơi Đức Maria cũng như các chức năng xã hội và thánh thiêng mà hình ảnh của ngài đã tạo ra trong lịch sử. Các bức họa vì thế được trưng bày dưới các chủ đề chính sau đây: Đức Maria như con gái trong nhà, như người chị em họ và như một người vợ; như một người mẹ của hài nhi; như người mẹ tang chế; như người chủ đạo trong câu truyện sống phong phú triển khai suốt trong các thế kỷ qua; như dây nối kết giữa trời và đất; và như người tích cực tham dự vào cuộc sống của những người tôn kính ngài.

Khi hướng dẫn phái đoàn báo chí tới thăm cuộc triển lãm, Đức Ông Verdon không ngần ngại nhấn mạnh tới các họa phẩm làm nổi bật nhân tính của Đức Maria trong những nét hết sức bình dị và tự nhiên, tầm thường. Trong đó, Chúa Giêsu nghịch ngợm với bàn tay của Đức Mẹ hay khăn choàng của ngài. Còn Đức Mẹ thì được vẽ chân trần, đang nằm ngủ hay đang cho con bú.

Cuộc triển lãm này được chuẩn bị trong bốn năm qua và là một hợp tác giữa Tòa Đại Sứ Ý và Đại Học Công Giáo America. Nora Heimann, đứng đầu khoa nghệ thuật của ĐH này và là giáo sư về lịch sử nghệ thuật, cho rằng việc hợp tác này hết sức độc đáo. Bà rất thích bức khắc của Rembrandt tựa là “Đức Trinh Nữ Qua Đời” vẽ Đức Maria trọng tuổi đang nằm trên giường với rất nhiều người bao quanh; có người cầu nguyện, có người bắt mạch ngài; trẻ em thì chơi dỡn ngay cạnh giường, các thiên thần bay lượn bên trên. Bà thích tranh của nhà danh họa này vì chúng toát ra cả một phong thái khiêm nhường và nhậy cảm.

Thầy Gabriel Torretta, tu dòng Đa Minh từ năm 2008, học môn Văn Chương Nhật Bản trước thời cận đại tại ĐH Columbia, thì rất thích các bức tranh vẽ Đức Mẹ cù lét Chúa Hài Đồng. Thầy hỏi: “Khi hình dung cảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng, bạn thường tưởng tượng ngài hay làm gì? Nhìn vào mắt Con? Nựng Con? Ôm chặt lấy Con? Nhờ cuộc triển lãm mới về Vẽ Tranh Đức Mẹ tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia của Phụ Nữ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, bạn có thể thêm một hoạt cảnh đáng yêu khác giữa mẹ và con trai: cù lét!

Thực thế, giữa tất cả những bức tranh vĩ đại, các nhà trông coi khu triển lãm đã trưng bày ẩn khuất hai tuyệt phẩm nho nhỏ: bức phù điêu Đức Bà Và Chúa Hài Nhi năm 1340 của Andrea Pisano và bức sơn keo (tempera) năm 1450, cùng chủ đề, của nhà danh họa chỉ được biết dưới danh Bậc Thầy Của Nháy Mắt. Điều làm hai bức tranh này gây chú ý, ngoài những đôi mắt nháy ra, xét theo thế ngồi, cách biểu lộ trên gương mặt, thế đặt tay, còn là việc xem ra Chúa Giêsu đang thua trận trước cuộc tấn công cù lét của Mẹ.

Thầy Torretta hỏi rằng vì được nuôi dưỡng giữa hàng đống núi các hình ảnh trang trọng và trong tư thế cầu nguyện của Đức Maria nhằm trình Chúa Giêsu Hài Đồng cho ta thờ lạy, liệu ta có chấp nhận để các nhà danh họa này tự do mô tả Đức Mẹ và Chúa Giêsu một cách quá phăngtedi như thế chăng? Há Cảnh Sát Chính Thống không nên lôi cổ họ vào nhà tù vì cái táo bạo đến quá trớn dám vẽ Chúa làm người lúc hài nhi cười sặc sụa vì vui thích hay sao? Đúng, ta biết Con Thiên Chúa đã làm người, ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại, chịu đóng đinh, chịu chết, tất cả những chuyện nhân bản ta gặp trong các Tin Mừng. Thành thử việc các họa sĩ vẽ những chuyện này là điều thích đáng. Nhưng mà bị bắt gặp cười khúc khích thì hơi quá! Điều này xem ra không hợp với phẩm vị Thiên Chúa!

Đáng mừng thay, Pisano và Bậc Thầy (tranh) Nháy Mắt đã khám phá ra và chia sẻ với ta niềm say sưa thần thánh trong nhân tính Chúa Giêsu Kitô, một niềm say sưa hoàn toàn triệt để và hoàn toàn xuề xoà bình dị. Khi Ngôi Lời trở thành xác phàm, Người thực sự trở nên giống ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi;và cả lúc đó nữa, Người đã mang lấy bản tính tội lệ của ta tuy không chịu tính đồi bại luân lý của nó ngõ hầu thanh tẩy nó, chữa lành nó và nâng nó lên cao, để, qua cuộc sống của Người, qua cái chết và sự sống lại của Người, mọi điều nhân bản tốt lành đều trở thành nơi để ta gặp gỡ Người. Điều này có nghĩa: Chúa Giêsu cũng nhân bản như bất cứ con người nào: Người cũng mệt nhoài, cũng chợp mắt (dù không có chỗ gối đầu), cũng tắm rửa, cạo râu, tập đi tập nói, và, giống như bất cứ trẻ thơ nào, cũng dỡn cũng đùa với Mẹ.

Theo Thầy Torretta, hai bức tranh trên giúp người thưởng ngoạn cảm nghiệm được một cách mờ ảo nhưng rất thực vẻ sáng lạn của niềm vui trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, một niềm vui thường lẩn khuất trong các Sách Tin Mừng. Ta có thể cười với Chúa Hài Đồng khúc khích, cười đến lăn lộn vì ta biết rằng thân xác bị cù lét này cũng chính là thân xác sẽ, vì yêu thương ta, mà lên đường chịu đói chịu khát, rong ruổi khắp Israel, giảng dạy Tin Vui, chữa người bệnh người mù, chịu bất công, chị đánh đập, chịu đóng đinh, chịu chết. Cũng một thân xác sẽ bị treo lên Thánh Giá đã được họa lại trong hai bức tranh đáng yêu này. Cũng một nhân tính đã làm cả hai thứ vừa kể trở thành khả hữu. Và khi sống lại, cũng một thân xác này, cũng một nhân tính này, đã trỗi dậy từ cõi chết và trở thành đường cho nhân loại tiến về nước trời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khát Uống
Richard Drysdale
22:27 15/12/2014
KHÁT UỐNG
Ảnh của Richard Drysdale
Làm sao trí thản tâm thiền?
- Đói ăn, khát uống, lòng hiền trẻ thơ.
(nđc)