Ngày 13-12-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:20 13/12/2018
20. PHẢI LÀM NGUYÊN LÃO NỘI CÁC

Ở Phúc Kiến có Đới Đại Tân mới mười ba tuổi mà đã thi đậu cử hương, tài năng và chí khí hơn người.
Năm ấy nó đi thi khoa cử, những người cùng thi thấy nó nhỏ con bèn hỏi:
- “Mày nhỏ con như vậy mà đòi làm quan à, mày đã chuẩn bị làm quan gì chưa ?”
Đới Đại Tân nói:
- “Làm nguyên lão nội các.”
Có một tú tài cười nhạo nói:
- “Chưa lão đã muốn lão.”
Đới Đại Tân lên tiếng cười nhạo nói:
- “Bất tài làm tú tài.”
Mọi người đều cười vang.
(Giới am lão nhân mạn bút)

Suy tư 20:
Tuổi mới mười ba mà tài đã cao chí khí càng cao, xuất khẩu thành câu đối chặn họng người nhạo báng mình, đúng là tuổi trẻ tài cao.
Trong Giáo Hội cũng có những vị thánh “tuổi trẻ tài cao” như: thánh trẻ Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô, thánh nữ Tê-rê-xa Nhỏ tiến sĩ Hội Thánh, thánh Tô-ma Thiện, thánh Luy Gonzaga... các ngài tuy nhỏ tuổi nhưng chí khí ngất trời và thấu hiểu đạo làm người, đạo làm con Chúa hơn những người cùng lứa tuổi.
Đới Đại Tân tài giỏi nhưng chưa có tấm lòng khiêm cung và bác ái, mở miệng là “chơi” ngay người khác câm họng; nhưng các thánh trẻ của Giáo Hội tuy tài giỏi nhưng đầy sự khiêm tốn và bác ái, các ngài không “xuất khẩu” thành câu đối chửi người, không mở miệng chê bai người nhạo báng hay bách hại mình, trái lại, các ngài vẫn luôn yêu thương và cầu nguyện cho họ. Tuổi trẻ tài cao là ở đó: biết biểu lộ ra lòng yêu thương người khác trong tài năng của mình.
Tuổi trẻ thời nay cũng có tài và có chí khí, nhưng có nhiều bạn trẻ Công Giáo quên mất mình thuộc về ai, là con Thiên Chúa hay đệ tử của ma quỷ.
Nếu các bạn trẻ biết ý thức mình là con của Chúa thì xã hội sẽ tràn đầy sức sống vui tươi và hy vọng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:22 13/12/2018

68. Chúng ta vì thương mến sự khổ nạn của quân vương mà chảy một giọt nước mắt, thì giá trị của nó vượt qua một tuần ăn chay.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật III Mùa Vọng C 16.12.2018
Lm Francis Lý văn Ca
16:23 13/12/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Theo truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật hôm nay gọi là Chúa Nhật Vui Mừng. Chúng ta có nhiều lý do để vui vì: Ngày trông đợi Chúa đến đã gần kề và sẽ cùng với anh chị em trong gia đình, bà con, cộng đoàn xứ đạo chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh năm 2018

Mùa Giáng sinh sắp đến gợi nhớ cho từng người trong chúng ta những ý nghĩa khác nhau của từng tâm hồn và hoàn cảnh sống. Dù với ý nghĩa nào đi nữa thì chúng ta đã cùng với Giáo Hội đi nửa đoạn đường của những ngày chuẩn bị để mừng lễ trọng sắp đến. Cùng với những sự chuẩn bị tinh thần, chúng ta đã dành sẵn món quà nào cho Chúa Hài Đồng chưa?

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Sôphônia an ủi dân riêng Chúa hãy kiên cường và vui mừng vì án công thẳng của Chúa sẽ rút lại. Hồng ân của Chúa sẽ trao ban cho những ai tuân giữ những huấn vụ của Ngài trong đời sống thường nhật.

TRƯỚC BÀI II:
Trên con đường theo Chúa, đôi lúc chúng ta phải khước từ những sự cản trở bước đường nên trọn lành. Hãy nhìn cuối chặng đường thánh giá là chính Chúa. Là những môn đồ của Chúa, chúng ta không hơn Thầy của mình, chấp nhận vác thập giá và đi theo chân Chúa.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Phúc Âm hôm nay thuật lại đủ hạng người đổ dồn về gặp Gioan Tẩy Giả, để xin chịu phép rửa. Họ đã hỏi Gioan phải chuẩn bị những gì để đón Đức Kitô? Phần chúng ta, hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: Tôi đang chuẩn bị những gì để đón mùa Giáng Sinh sắp đến?

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Gioan Tiền Hô đã loan báo: "Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện sau ông và ban phép rửa của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết những điều phải khấn xin cùng Thiên Chúa Cha:

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội Lữ Hành: Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục (Giám Mục)…, cùng các phẩm trật trong Giáo Hội, luôn trung thành rao truyền Tin Mừng Giáng Sinh cho nhân loại cho đến ngày Chúa lại đến. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi người trong chúng ta, biết chuẩn bị một máng cỏ thiêng liêng nơi tâm hồn, nơi gia đình, cho Chúa Hài Đồng ngự đến trong đêm Giáng Sinh. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cảm tạ ơn Chúa cùng với các con em trong Cộng Đoàn Xứ Đạo, một năm học đã qua, với những thành công trên đường học vấn. Xin cho những ngày tháng hè của các sinh viên học sinh sẽ trở nên hữu ích cho bản thân, gia đình và Cộng Đoàn Xứ Đạo. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em sắp bước vào đời sống hôn nhân Công Giáo. Xin Chúa chúc lành và thánh hiến họ qua bí tích họ sắp cử hành, để họ yêu thương, giúp đỡ nhau sống đời hôn nhân Công Giáo. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi, những thân bằng quyến thuộc đã yên nghỉ, giáp năm…. trong mùa Giáng Sinh hay Năm Mới đang đến. Xin cho các ngài đuợc hưởng mùa xuân bấi diệt trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, Cha đã sai Con Cha đến trần gian, để chỉ cho chúng con đường về Nhà Cha. Xin sai Thánh Thần hướng dẫn chúng con bước đi trên đường ngay nẻo chính. Nhất là biết xử dụng của cải đời nầy mưu ích cho đời sống thiêng liêng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đã 82 tuổi Đức Thánh Cha còn tông du nhiều nước.
Nguyễn Long Thao
10:49 13/12/2018
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tông du Bulgaria và Macedonia vào các ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019. Đây là hai quốc gia nhỏ bé mà đa số dân chúng theo Chính Thống Giáo, một số nhỏ theo Công Giáo

Trong chuyến tông du, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm các thành phố Sofia và Rakovski của Bulgaria. Sau đó, trên đường về Vatican, Ngài sẽ đến thủ đô Skopje của Macedonia như một nghiã cử để tôn vinh Mẹ Theresa thành Calcutta mà Ngài đã phong thánh cho Mẹ vào tháng 9 năm 2016

Tưởng cũng nên nhắc lại Mẹ Theresa Calcutta tên chính là Agnese Gonhxe Bojahxiu, sinh năm 1910 tại Skopje, qua đời tại Calcutta năm 1997. Mẹ đã suốt đời hy sinh phục vụ người nghèo tại Ấn Độ

Macedonia là một quốc gia vùng Balkan với 2,1 triệu dân, đa số theo Chính Thống Giáo, thiểu số theo Công Giáo.

Cộng hòa Bulgaria cũng vậy, chủ yếu là Chính thống giáo ĐGH Gioan Phaolô II đã thăm nước này vào năm 2002.

Bước sang năm 2019 ĐGH Phanxicô được 82 tuổi nhưng có một lịch trình tông du nhiều nước. Vatican đã xác nhận Ngài sẽ tới Panama, Morocco và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trong nửa đầu năm nay và Vatican cũng đang xem xét đến việc ĐGH thăm Madagascar và Nhật Bản vào năm 2019.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm nước Bulgaria và Macedonia thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ.
Thanh Quảng sdb
18:18 13/12/2018
Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm nước Bulgaria và Macedonia thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ.

Hôm qua, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, công bố chương trình chuyến Tông du của Đức Thánh Cha viếng thăm nước Bulgaria và Macedonia, thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ vào tháng 5 sắp tới.
Một thông báo cho hay Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời của Chính quyền và Giáo Hội Công Giáo ở hai quốc gia này. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm các thành phố Sofia và Rakovski của Bulgaria, vào các ngày 5 và 6 tháng 5; và ngày 7 tháng 5 Ngài sẽ đến thành phố Skopje của Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ.
Các thông tin chi tiết về chương trình cho chuyến tông du này sẽ được công bố trong tương lai…
 
Thomas Merton vẫn gây ảnh hưởng lớn sau 50 qua đời
Vũ Văn An
18:26 13/12/2018


Lời Cầu Nguyện của Thomas Merton:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con không biết con đang đi đâu. Con không thấy con đường trước mắt. Con không thể biết chắc nó sẽ chấm dứt nơi nao cũng như con không thực sự biết con là ai, và sự kiện con nghĩ con đang bước theo thánh ý Chúa không có nghĩa con đang thực sự làm như vậy. Nhưng con tin rằng ước muốn làm vui lòng Chúa quả thực làm vui lòng Chúa. Và con hy vọng con có ước muốn đó trong mọi việc con làm. Con hy vọng con sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì xa rời ước muốn đó. Và con biết rằng nếu con làm thế, Chúa sẽ dẫn dắt con theo chính lộ, dù con không hề biết gì về nó. Do đó, con sẽ luôn tín thác vào Chúa dù con có thể lạc lối và sa vào bóng sự chết. Con sẽ không sợ hãi, vì Chúa mãi mãi bên con, và Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con để con phải đối đầu với nguy biến một mình. Amen.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Thomas Merton qua đời; Thầy là một trong các nhân vật linh đạo vĩ đại nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, thế nhưng ảnh hưởng của Thầy “hiện nay rộng lớn hơn lúc Thầy còn sống”. Đó là tường trình của Dì Bernadette Mary Reis, fsp, một cây viết của VaticanNews ngày 13 tháng 12, nhân dịp giỗ thứ 50 của vị đan sĩ này.
Theo bà, Thomas Merton qua đời ngày 10 tháng 12 năm 1968. Nhà duy hòa nổi tiếng, tân tòng Công Giáo, đan sĩ Dòng Trappist, văn sĩ linh đạo, và học giả tôn giáo so sánh này hiện nay có nhiều ảnh hưởng hơn lúc còn sống. Thầy Paul Quenon, một đan sĩ Dòng Trappist thuộc Đan Viện Gethsemani, đan viện nơi Thomas Merton từng sinh sống, chia sẻ việc các đan sĩ thuộc đan viện này cử hành lể giỗ Thầy và ký ức về Thầy vẫn còn sống mãi ra sao.

Lễ giỗ Merton

Thầy Paul nói rằng các đan sĩ tại Đan Viện Gethsemani cử hành lễ giỗ thứ 50 trong một Thánh Lễ vào hôm Thứ Hai vừa qua. Trong bữa ăn trưa, các đan sĩ nghe cuốn băng ghi lại lời Bình Ca của Thomas Merton. Thầy bảo: Thomas Merton “yêu nhạc Bình Ca. Khi còn sống nơi ẩn tu, Thầy thường ghi âm nhiều bài ca loại này”. Một buổi phụng vụ của Tổng Giáo Phận tưởng niệm ngày giỗ cũng đã được cử hành chiều tối ngày Thứ Hai. Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz đã được sự tham gia của Đan Viện Phụ Dom Elias Deitz, và các linh mục khác của Tổng Giáo Phận Louisville.

Ảnh hưởng rộng lớn hơn hiện nay

Thầy Paul nói rằng “ảnh hưởng của Merton hiện nay rộng lớn hơn lúc còn sống. Di sản của Thầy xem ra đang lan rộng, và có đến 4 hay 5 cuốn sách được xuất bản mỗi năm... Lẽ dĩ nhiên, lời khen ngợi Merton của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước buổi họp lưỡng viện Quốc Hội là một ngạc nhiên và thích thú. Nhiều người Hoa Kỳ chưa hề nghe nói tới Merton, nhưng chẳng bao lâu sau, nhiều người bắt đầu tìm hiểu”. Nhiều người nam nữ muốn tìm hiểu ơn gọi đơn tu một cách chung đã đọc một điều gì đó do Thomas Merton viết. Thầy Paul nói rằng mặc dầu có nhiều tác giả khác để chọn đọc, nhưng Thomas Merton vẫn là một tác giả “nổi bật”. Nhiều hội nghị toàn quốc đã lồng việc trình bầy về Thomas Merton vào đủ cho thấy sự lưu ý gia tăng đối với Merton.

Sức lôi cuốn liên tôn

Thầy Paul cũng cho rằng Thomas Merton gây ảnh hưởng đến Dòng Trappist của Thầy. “Việc Thầy nhấn mạnh tới chiêm niệm và cảm nghiệm trong lúc cầu nguyện đã giúp Dòng chuyển tập chú từ sinh hoạt thống hối qua cuộc sống chiêm niệm”.

Thầy Paul cho biết thêm các điển hình cụ thể về ảnh hưởng ở ngoài Dòng của Thầy, “những người tìm kiếm linh đạo, kể cả những người không Công Giáo và không Kitô Giáo, vẫn đi theo Merton, coi Thầy như một người hiểu rõ họ và có thể nói thứ ngôn ngữ của cõi lòng. Việc Thầy nắm vững truyền thống Công Giáo nói chung và các năm tháng sống trong đan viện đã đem lại âm sắc thế giá cho các trước tác của Thầy nhưng lại không có chi là độc đoán cả. Một tháp chứa hài cốt vị sư Phật Giáo và một đường dẫn nước và quặng hầm mộ Kitô giáo để tôn kính Dalai Lama và Thomas Merton vừa được xây tại một công viên thuộc Đại Học Spalding ở Louisville.

Lexington, KY và Hoa Kỳ tưởng nhớ Merton

Thomas Merton cũng được tưởng niệm bên ngoài các bức tường Đan Viện. Thầy Paul cung cấp 35 bức hình mượn của Trung Tâm Học Viết và Học Hỏi Carnegie ở Lexington, KY. “Một số các cây viết hay nhất của Kentucky” đã đóng góp các vần thơ và bài văn xuôi trong một buổi tối dành cho việc tưởng niệm tại Trung Tâm Carnegie; trung tâm này sẽ tổ chức một biến cố khác nữa liên hệ tới lễ giỗ thứ 50 vào ngày 18 tháng Giêng năm 2019. Vì “Merton là một khuôn mặt đã được thiết lập lâu năm trong hàng ngũ các tác giả và nhà văn linh đạo Hoa Kỳ", nên việc cử hành cũng đã diễn ra khắp Hoa Kỳ và nhiều bài báo xuất hiện trên các nhật báo và tập san”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Khai Mạc Năm Thánh - 60 Năm Đức Mẹ Tàpao
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
09:03 13/12/2018
Ngày 13.12.2018, tại Trung tâm Hành hương Thánh mẫu TàPao, Giáo Phận Phan thiết tổ chức đại lễ khai mạc Năm Thánh mừng 60 năm làm phép và khánh thành tượng đài Đức Mẹ núi Tàpao. Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ tế và giảng lễ. Linh mục đoàn và một số linh mục ngoài giáo phận đồng tế. Đông đảo tu sĩ chủng sinh và hàng chục ngàn khách hành hương cùng hiệp thông thánh lễ và chung lời tôn vinh Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Xem Hình

Thánh tượng Đức Mẹ TàPao là một trong 5 thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ miền Trung đến miền Nam và Cao nguyên Trung phần vào năm 1959. Ngày 8.12.1958, Đức Cha Marcello Piquet, đại diện Tông tòa cai quản Giáo phận Nha trang đã cử hành lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ TàPao, với sự hiện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu. Từ đó TàPao đã là một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Do chiến tranh nên từ năm 1964 ít ai dám lui tới, TàPao dường như bị lãng quên. Sau 40 năm, khách hành hương từ mọi miền đất nước và những kiều bào trở lại kính viếng Mẹ TàPao. Thời gian qua, TàPao thay da đổi thịt từng ngày và đã trở nên trung tâm hành hương.

“Lịch sử là sự chưng cất của những lời đồn đoán” (History, a distillation of rumor - Thomas Carlyle). Những điều có thể là thật hay không thật, sau khi bốc hơi và ngưng tụ qua tiến trình chưng cất của sử gia, nó đọng lại những giọt tinh túy nhất, hẳn nhiên vẫn mang dấu ấn của người viết. Dù gì đi nữa thì lịch sử vẫn luôn là một bài học vì “chúng ta học những điều hay lẽ phải từ quá khứ, sống cho ngày nay và hy vọng cho ngày mai. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không ngừng đặt câu hỏi” (Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow. The important thing is not to stop questioning - Albert Einstein). Hành trình 60 năm lịch sử, từ một địa danh trước đây chẳng mấy ai biết tới, nay TàPao đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu ở Việt Nam. Linh địa Tàpao là nơi Chúa chọn và đã trở thành địa chỉ tình thương của Đức Trinh Nữ Maria.

Trong tiết trời se lạnh cuối thu sang đông, chan hoà dưới ánh nắng ấm áp ban mai của núi rừng TàPao, đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Đội trống giáo xứ Vũ Hoà tấu vang nhịp hùng tráng. Ca đoàn Dòng MTG Phan thiết cùng cộng đoàn dân Chúa hoà vang bài ca nhập lễ tôn vinh Đức Mẹ.

Mở đầu thánh lễ, cha Gioan Maria Vianey Dương Nguyên Kha - thư ký TGM, đọc 2 “Sắc Lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao”.

TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO

Prot. N. 1045/18/I

SẮC LỆNH

Cho phép mở Năm Thánh tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao

Kinh Lạy Đức Thánh Cha

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết, đã kính cẩn trình bày rằng ngày 8 tháng 12 năm 2019 là tròn 60 năm Đức Cha Phaolô Raymunđô Marcellô Piquet, lúc ấy là Đại Diện Tông Tòa Giáo phận Nha Trang, đã long trọng khánh thành và làm phép Tượng Đài Đức Mẹ núi Tàpao. Bởi lẽ đó, từ tháng 12 sắp tới đến tháng 12 năm 2019, sẽ có những thánh lễ và những việc đạo đức nhằm tăng cường lòng sùng kính Mẹ trên trời theo đường lối Tin Mừng. Vì thế Đức Hồng Y thỉnh nguyện viên khiêm tốn nài xin được mở kho tàng ơn thánh Chúa mà ban cho các tín hữu tham dự các cử hành được lãnh nhận dồi dào Ơn Toàn Xá trong dịp mừng Năm Thánh nầy…

Ngày 31 tháng 8 năm 2018

TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO, theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, vui lòng ban phép mở Năm Thánh Đức Mẹ kèm theo Ơn Toàn Xá cho các tín hữu thật lòng ăn năn và nhờ đức mến thúc đẩy được lãnh nhận tại linh địa Tàpao với những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng). Ơn Toàn Xá nầy cũng được chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục:

a. Nếu họ sốt sắng tham dự các việc cử hành Năm Thánh như văn thư bổ túc kèm theo;

b. Nếu họ hành hương kính viếng linh địa Tàpao và ở đó trong một thời gian thích hợp, cầu nguyện cho việc trung thành với ơn gọi làm kitô-hữu, cho các linh mục và các tu sĩ chăm sóc ơn gọi, cùng các tổ chức bênh vực đời sống gia đình, và kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính cùng với lời khẩn cầu cùng Đức Trinh Nữ Maria.

Các tín hữu đạo đức, vì tuổi già, bệnh tật hoặc bị ngăn trở vì lý do quan trọng nào khác, vẫn có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá nếu họ có lòng chê ghét mọi tội lỗi và cố ý sớm hết sức chu toàn ba điều kiện thông thường trong các cử hành Năm Thánh nầy, khi họ đến trước tượng Đức Mẹ trên trời, họ thông công cách thiêng liêng, dâng kinh nguyện, những đau khổ, những khốn khó của cuộc đời họ cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua Mẹ Maria.

Bởi thế, để ơn tha thứ Thiên Chúa ban qua Giáo Hội được dễ dàng đạt tới, do đức ái mục vụ, Tòa Ân Giải Tối Cao tha thiết xin các linh mục có năng quyền hợp pháp lấy lòng quảng đại mà cử hành bí tích Hòa Giải cho các tín hữu và cho những người đau yếu được rước Mình Thánh Chúa.

Sắc lệnh nầy có giá trị cho Năm Thánh Đức Maria. Quyết định có hiệu lực, không có gì cản trở.

Hồng Y Maurus Piacenza,

Chánh án Tòa Ân Giải Tối Cao

Linh mục Christophorus Nykiel,

Thư ký

TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO

Prot. N. 1045/18/I

SẮC LỆNH

Ban Phép Lành Tòa Thánh kèm theo Ơn Toàn Xá

Tòa Ân Giải Tối Cao, do năng quyền rất đặc biệt được ban bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, do ơn quan phòng của Thiên Chúa, trong Đức Kitô là Cha và là Chúa chúng ta, nay vui lòng chấp thuận cho Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết, nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ Tàpao, vào một ngày thuận tiện cho các tín hữu, sau khi đã cử hành thánh lễ, được ban Phép Lành Tòa Thánh kèm theo Ơn Toàn Xá, với các điều kiện thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng), cho mọi tín hữu hiện diện, có lòng thống hối và được đức mến thúc đẩy.

Các tín hữu nào, khi sốt sắng lãnh nhận Phép Lành Tòa Thánh nầy, mặc dù vì hoàn cảnh hợp lý, không tham dự cách thể lý các cử hành, miễn là trong khi các lễ nghi được cử hành, họ tham dự qua các phương tiện truyền hình hoặc truyền thanh với ý ngay lành, thì cũng được hưởng ơn Toàn Xá theo luật thông thường.

Mọi cản trở với Sắc lệnh nầy đều vô hiệu lực.

Ban hành tại Rôma, do Tòa Ân Giải Tối Cao, ngày 31 tháng 8 năm Chúa Giáng Sinh 2018.

Hồng Y Mautus Piacenza,

Chánh án Tòa Ân Giải Tối Cao,

Linh mục Christophorus NYkiel

Thư ký

Cộng đoàn vỗ tay bày tỏ tấm lòng biết ơn Đức Thánh Cha và Toà Ân Giải qua Sắc lệnh vừa được công bố.

Tiếp theo, cha Giuse Hồ Sĩ Hữu – Tổng đại diện, dâng lời tri ân và chúc mừng sinh nhật lần thứ 77 (18.12) của Đức cha Tôma. Lẵng hoa tươi kính dâng lên với trọn lòng hiếu thảo.

Ngỏ lời với cộng đoàn, Đức cha Tôma gợi lên những tâm tình trong ngày lễ trọng đại của Giáo phận.

Hôm nay chính thức khai mạc Năm Thánh mừng 60 năm làm phép và khánh thành tượng đài Đức Mẹ núi Tàpao. Kể từ hôm nay, anh chị sẽ được hưởng tất cả những ơn phước mà Đức Thánh Cha qua Tòa Ân Giải Tối Cao đã ban cho chúng ta qua 2 sắc lệnh mà anh chị em vừa nghe công cố. Hôm nay, chúng ta tập hợp nơi đây để cùng nhau chúc tụng tôn vinh Đức Maria - Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chính Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria trong sự trong sạch tinh tuyền, để Mẹ trở nên Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người Đấng cứu độ nhân loại. Chúng ta dâng Năm Thánh này cho Thiên Chúa và cho Mẹ Maria để xin Người luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta như đã hiện hiện và đồng hành trong suốt 60 năm qua. Khi tập họp tại Trung tâm Thánh mẫu này vào những ngày 12,13 trong tháng và những ngày khác trong năm, anh chị em sẽ được hưởng dồi dào ơn toàn xá. Cầu chúc anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa.

Tôi chính thức công bố khai mạc năm thánh mừng 60 năm khánh thành Đức Mẹ núi Tàpao.

Trong bài giảng lễ, ngài điểm lại lịch sử 60 năm tượng đài Mẹ Tàpao. Con người khi sinh ra trên cõi trần thế này, đều ghi lại những dấu ấn lịch sử trong không gian và thời gian con người ấy hiện diện và sống. Quốc gia cũng ghi lại những nét lịch sử của mình, Giáo hội, Giáo phận cũng lưu giữ những nét lịch sử của mình. Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tapao này, chúng ta mừng kỷ niệm 60 năm tượng đài Đức Mẹ Tapao được làm phép và khánh thành. Trải qua 60 năm, hôm nay mỗi tín hữu Giáo phận Phan Thiết và khách hành hương từ khắp nơi đã đến trong suốt thời gian qua cũng như hôm nay và mãi về sau luôn ngước mắt nhìn về Thánh Mẫu Tapao để cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân vì biết bao ơn lành Chúa đã ban. Chúng ta đến với Chúa qua Mẹ Maria. Chúng ta đến với Mẹ Maria để Mẹ dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa và nhờ đó mỗi người được lãnh nhận dồi dào nguồn ơn thánh sủng mà Thiên Chúa Tình Yêu ban tặng. Những ơn lành Mẹ ban, nhất là ơn hoán cải tâm hồn. Linh địa này đã trải qua những biến cố thăng trầm hạnh phúc và khổ đau gian nan và thử thách nhưng đó là dấu ấn lịch sử. Hãy luôn tín thác. Hãy đến với Chúa qua Mẹ Maria với niềm phó thác. Ngày Truyền tin Mẹ thưa với Sứ thần: xin thực hiện như lời thiên sứ truyền. Mẹ phó thác, nên Mẹ luôn thuộc về Chúa. Hôm nay cũng như trong suốt Năm Thánh, anh chị me hãy cầu nguyện, sám hối, nâng tâm hồn lên, mỗi ngày sống chúng ta đều thuộc về Chúa, về Mẹ, về Giáo hội Giáo phận Giáo xứ. Xin Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hướng dẫn gìn giữ trong suốt năm thánh này. Suối nguồn ân sủng dồi dào luôn rộng mở cho anh chị em.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cộng đoàn đọc kinh Đức Mẹ Tàpao. Đức cha ban phép lành với ơn toàn xá.Thánh lễ kết thúc lúc 8g15. Nắng rộn rã nhưng không gay gắt. Rừng xanh như tấm thảm hút nắng mặt trời lọc đi sức nóng rồi điều hoà khí trời trong mát dịu êm. Mọi người tiếp tục lên thánh tượng Đức Mẹ TàPao để cầu nguyện khấn xin.

Việc Chúa làm thật kỳ diệu. TàPao là vùng đất kính tế mới xa xôi, “khỉ ho cò gáy, đèo heo hút gió”. Hơn 40 năm trước, dân tứ xứ đi kinh tế mới đến đây khai phá rừng làm nương rẫy. Bây giờ là trung tâm hành hương kính Đức Mẹ thật sầm uất. Đường phố, nhà cửa, quán xá xây dựng ngày càng nhiều làm thay đổi bộ mặt miền quê nghèo êm ả.

Giáo phận Phan Thiết tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận một trung tâm hành hương thánh thiêng tuyệt vời. TàPao là địa chỉ tình thương của Mẹ, mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, ai ai cũng được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, thực thi Tin mừng.

Cho xứng với lòng biết ơn đối với Đức Mẹ TàPao, Giáo phận đã tổ chức đêm 12.12, diễn nguyện và hát ca tôn vinh Mẹ qua 3 phần. Cung Nghinh Tượng Mẹ: Kiệu Đức Mẹ và cộng đoàn lần chuỗi cùng suy niệm Mầu nhiệm Mân Côi Năm Sự Sáng.

Tạ ơn Năm Thánh kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ Tàpao với một thoáng lịch sử.

Ngày 8 tháng 12 năm 1959, tượng đài Đức Mẹ Tàpao được làm phép và khánh thành, do Đức Cha Piquet Lợi nguyên Giám Mục Giáo phận Nha Trang chủ sự, có đông đảo của các linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn giáo dân tham dự.

Tuy nhiên, do tình hình chiến tranh lúc bấy giờ càng ngày càng khốc liệt, từ năm 1965 trở đi, hầu hết giáo dân ở đây đã phải dời đi nơi khác, vì thế tượng Đức Mẹ Tàpao dường như bị lẵng quên từ đó.

Trung tâm Đức Mẹ Tà pao tưởng chứng như đã biến mất. Mãi đến tháng 10 năm 1980 một số giáo dân thuộc vùng kinh tế mới xã Đức Tân và xã Huy Khiêm đã tìm thấy tượng Đức Mẹ đã bị bể nát phần đầu và tay chân.

Tháng 6 năm 1991 được sự cho phép của Đức cố Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi và sự khích lệ của linh mục Phanxicô Xavie Đinh Tân Thời nguyên chánh xứ Gia An, những giáo dân này đã nhờ điêu khắc gia Lê Phát, phục chế lại tượng Đức Mẹ.

Sau gần hai tháng thi công tượng Đức Mẹ được hoàn tất vào ngày 30 tháng 7 năm 1991

Từ năm 1998, khách hành hương từ khắp nơi gồm nhiều thành phần, thuộc mọi lứa tuổi, giáo cũng như lương tìm về bên Mẹ Tà pao, trong đó nhiều người chia sẻ rằng đã nhận được nhiều ân sủng của Chúa với xác tín nhờ Mẹ Tà pao chuyển cầu.

Được sự chấp thuận của chính quyền và sự giúp đỡ của các ân nhân, ngày 13 tháng 8 năm 2006 Đức cố Giám mục Phaolo Nguyễn Thanh Hoan đã cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng linh đài Đức Mẹ Tàpao và đường lên linh đài. Sau chín tháng thi công hai hạng mục này được khánh thành vào ngày 13 tháng 5 năm 2007.

Ngày 08 tháng 12 năm 2009, Giáo phận tổ chức "Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao" kỷ niệm Kim Khánh - 50 năm Thánh tượng Đức Mẹ hiện diện tại linh địa này.

Từ năm 2010 để đáp ứng nhu cầu của khách hành hương, Đức Cố Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống tiếp tục phát triển - xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao với các hạng mục: Quảng trường A,B,C, Lễ Đài, nhà nguyện trung tâm, nhà sinh hoạt và nhiều công trình khác đã và đang được Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám Quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết cho tiếp tục xây dựng như Văn phòng, Trạm Y Tế và nhiều công trình khác phục vụ khách hành hương.

Trong tâm tình mừng kỷ niệm 60 năm làm phép và khánh thành tượng Đức Mẹ Tàpao, cộng đoàn cùng với Mẹ Maria hiệp dâng lời Tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân: Đức cố Giám mục Piquet Lợi, nguyên Giám mục Giáo Phận Nha Trang, các Đức Cố Giám mục Giáo Phận Phan Thiết: Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giuse Vũ Duy Thống, cùng quý ân nhân xa gần đã và đang góp công góp sức hình thành, xây dựng và phát triển Trung Tâm Thánh Mẫu Tapao này.

Kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể.

Đức cha Giám quản, Cha Tổng đại diện, các linh mục tu sĩ và đông đảo khách hành hương chung niềm vui ngợi khen Đức Mẹ TàPao. Với sự góp phần của nữ tu hội dòng MTG Phan thiết, đêm canh thức đã ghi nhiều dấu ấn thiêng liêng vào tâm hồn mọi người, gia tăng thêm lòng yêu mến Đức Mẹ. Nhiều đoàn hành hương tiếp tục leo núi lên với Mẹ để đọc kinh lần hạt cầu nguyện. Đêm rừng núi TàPao không còn âm u tăm tối nhưng rực sáng niềm tin, ấm áp tình yêu giữa Mẹ hiền và đoàn con cái.

Giáo hội đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng, ở giữa thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian. Vui mừng biết bao trong “màu tím đợi chờ và hy vọng” bừng lên “sắc trắng, sắc vàng của hoan vui ngày lễ Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm”, ngày lễ mà ý nghĩa phụng vụ đã gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu độ, liên quan đến số phận ngàn đời của nhân loại và như cánh cửa thiêng liêng mở ra để dân Chúa đỉnh đạc bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể. Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, có hai chân lý về Đức Maria đã đựơc Giáo hội định tín: tín điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) liên quan tới cuộc khai mở cuộc đời của Đức Mẹ; và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1,11,1960) liên quan đến giây phút kết thúc cuộc sống trần gian trong vinh quang phục sinh của Đức Mẹ. Hai tín điều đó khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai mút cùng lịch sử: một khởi đầu sáng tạo với vẻ đẹp “Vô Nhiễm tuyệt vời” và một kết thúc với công trình Nhập Thể Cứu Độ của Chúa Con, toàn thể nhân loại đựơc nâng lên trong ánh quang phục sinh vĩnh hằng.

Đến với Đức Mẹ TàPao, sống Năm Thánh 60 năm Đức Mẹ TàPao, chúng ta hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống vững tin và yêu thương như Mẹ.

Đến với Đức Mẹ TàPao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy, mọi người sẽ được đầy hồng ân, hạnh phúc. Đức Mẹ TàPao cũng là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bỗng dưng ca hát cái mình có đâu
Phạm Trần
09:24 13/12/2018
Dàn loa tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam bỗng dưng lên đồng hát bài Việt Nam khôngcóvề “ Quyền con người”, vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10-12-1948 / 10-12-2018)

Tiêu biểu của loạt bài “tự biên, tự diễn” là bài viết được phổ biến rộng rãi ngày 10/12 (2018) của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông Minh khoe:”Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất QCN, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.”

NÓI MÀ KHÔNG NGHĨ

Ông Minh viết vậy mà không phải vậy. Người dân Việt Nam, sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975) lại bịnhốt vào cái cũi độc tài và độc tôn toàn trị của đảng Cộng sản mang danh “thống nhất” từ năm 1976nên chưa bao giờ được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình.

Bằng chứng tất cả mọi chuyện, từ A đến Z của đất nước và của con người Việt Nam đều do Đảng dành làm hết. Nhân dân, tuy là chủ nhân của Tổ quốc mà bị kìm kẹp để phục vụ đám đầy tớ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, dù Đảng không do dân bầu hay được dân giao quyền cai trị mà vẫn ngang nhiên trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” (Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp 2013)

Hành động tiếm đoạt phản dân chủ này của đảng CSVN đã đưa đến hậu quả là tuy có hòa bình và độc lập, nhưng Việt Namchưa giây phút nào thoát khỏi lo sợbị Trung Cộng đánh úp bất kỳ lúc nào cả trên đất liền lẫn ở Biển Đông. Để được yên thân, nhóm lãnh đạo CSVN, từ thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh khóa đảng VI (1986 -1991) đã cam tâm ngậm đắng nuốt cay để phục tùng mọi yêu cầu chính trị, kinh tế và quốc phòng của Trung Cộng vàlàm theo phương châm gọi là 16 vàng, 4 tốtdo Bắc Kinh trao cho Việt Nam thi hành là:“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”

Tiếc thay, những chữ đầu môi chót lưỡi cạm bẫy của Trung Cộng đã không được hàng ngũ lãnh đạo phương Bắc áp dụng để chấm dứt tham vọng bành trướng và bá quyền của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Sau đó, lại xua quân đánh chiếm 7 bãi và đá khác của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.

Từ đó đến đầu năm 2018, Trung Cộng đã dùng áp lực chính trị và kinh tế ép chế Việt Nam phải từ bỏ một số dự án khai thác dầu khí với nước ngoài, trong đó có hãng dầuTây Ban Nha, Repsol. Bắc Kinh tự nhận khu khai thác nằm trong vùng tranh chấp Lưỡi Bò của tổ tiên họ để lại, chiếm 2/3 diện tích hay khoảng 3.447.000 cây số vuông, Biển Đông.

Ngoài việc hoàn tất quân sự hóa 7 vị trí chiến lược qua bồi đắp, tân tạo thành đảo quốc phòng, Hải quân Trung Cộng còn không ngừng khống chế, xua đuổi và đàn áp, đôi khi xẩy ra án mạng và cướp tài sản của ngư phủ Việt Nam đánh bắt tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa.

Vậy mà, quân đội Cộng sản Việt Nam dù đang có mặt ở 21 vị trí ở Trường Sa đã không dám có hành động nào để bảo vệ chủ quyền và mạng sống ngư dân.

Sự khiếp nhược của Cộng sản Việt Nam trước Trung Cộng ở Biển Đông, là một bằng chứng nhân dân Việt Nam chưa được sống trong hòa bình như ông Phạm Bình Minh rêu rao.

TỰ DO TRONG LỒNG

Song song với sự tiếm nhận có quyền lãnh đạo đất nước, đảng Cộng sản còn cướp mất các quyền tự do của dân, dù đã được quy định rõ ràng trong Điều 25 Hiến pháp, gồm các quyền: “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Nhưng muốn được hưởng các quyền này, Điều 25 lại buộc rằng: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Cho đến nay, người dân, trên nguyên tắc, mới có hai Luật báo chí và Luật tiếp cận thông tin. Nhưng tư nhân lại không được quyền ra báo. Khoảng 849 tờ báo, tạp chí in đang hoạt động đều của các tổ chức đảng.

Đảng cũng làm chủ luôn 195 báo điện tử, đa phần của báo in

Tài liệu của Chính phủ cũng cho biết:”Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương (riêng TP.Hồ Chí Minh có hai đài: Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh).”

Những con số trên đây, tuy không biết nói, đã phản ảnh đầy đủ tính độc tài và chủ trương độc quyền báo chí và truyền thông của đảng CSVN.

Bởi vì Điều 14 của Luật Báo chí (LBC) đã quy định rõ“ Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí” gồm:

1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.

Tài liệu chính thức cũng cho biết có khoảng 18,000 người “gọi là nhà báo” đã được cấp thẻ hành nghề, nhưng họ lại không được phép tự do viết điều mình muốn.

Bởi vì Điều 25/LBCđã buộc nhà báo phải:”Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…”

Như thế khác nào là làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng.

Về quyền hội họp, lập hội và biểu tình ghi trong Điều 25 Hiến pháp thì chưa bao giờ đảng CSVN muốn cho dân được hưởng các quyền này. Nhiều năm qua chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Luật cho quốc hội cứu xét để rảnh tay xua Công an đi phá các cuộc họp hay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát đòi công bằng, chống áp bức và chống Trung Quốc của công dân.

Như vậy khi tình hình nhân quyền bị chà đạp công khai và trắng trợn như thế mà ông Phạm Bình Minh vẫn có thể ngây ngôviết rằng:”Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về QCN. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến QCN, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế QCN, quyền công dân.”

QUYỀN DÂN HAY CỦA ĐẢNG ?

Nói năng văng mạnh như thế mà ông Minh không sợ bị co lưỡi hay sao ?

Trước hết, nhà nước CSVN hiện nay chưa bao giờ là “của dân”, “do dân” hay “vì dân” mà là “của đảng”, “do đảng” và “vì đảng” mà thôi. Từ lập pháp, hành pháp và tư pháp không có độc lập đều do đảng duy nhất cầm quyền cơ cấu nhân sự để thi hành chính sách, chủ trương của đảng thì làm gì có thượng tôn luật pháp.

Quyền bầu chọn trực tiếp của dân cũng đã bị đảng tước bỏ khi nhà nước chỉ muốn có một Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đại diện qua lối “đảng cử dân bầu” thì những “dân cử” này, hầu hết là đảng viên, có không nên bị gọi là bù nhìn ?

Do đó, khi có các vụ người dân bị bắt vào đồn Công an bị bức tử xẩy ra thường xuyên ở Việt Nam, hay những vụ người dân kéo nhau đi khiếu kiện lâu ngày mà vẫn không được giải quyết là bằng chứng pháp luật không nằm trong tay dân mà thuộc về những kẻ có chức, có quyền.

Như vậy khi ông Phạm Bình Minh khoe Hiến pháp 2013 đã có riêng Chương II quy định về Quyền Con Người là bằng chứng Việt Nam “bảo đảm trên thực tế QCN, quyền công dân” là ông đã quay lưng với thực tế không phải như vậy.

Là Bộ trưởng Ngoại giao, hẳn ông Minh phải rành rọt hai nghĩa “trắng” và “đen” của các văn kiện Quốc tế. Vậy liệu ông có thể giải nghĩa cho minh bạch thế nào là “ lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” ghi trong khoản 2, Điều 14 Hiến pháp, theo đó:” Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Sự mù mờ của Điều này chỉ giúp cho nhà nước được quyền suy diễn tùy tiện để hạn chế quyền của công dân.

Càng dễ lạm dụng và tiếp tay thao túng hơn cho nhà nước khi trong khoản 4, Điều 15 Hiến pháp chỉ viết chung chung rằng:”Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”

Nhưng “lợi ích quốc gia, dân tộc” là lợi ích gì, ai đặt ra ? Và những thứ gọi là “lợi ích” này có quan hệ đến quyền lợi của đảng không ?

Ngoài ra, những hành động phạm luật của lực lượng Công an đối với người dân khi bị bắt đã từng bị các gia đình nạn nhân và các tù nhân chính trị và lương tâm tố cáo nhưng chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Hình ảnh người dân bị Công an và Công an giả dạng Côn tấn công, đánh đập dã man trong các cuộc biểu tình chống thảm họa môi trường của Formosa Hà Tình, chống dự án Đặc khu và chống Luật An ninh mạng xuất hiện đầy rẫy trên Internet là bằng chứng nhà nước Việt Nam đã vi phạmnghiệm trọng Điều 20 Hiến Pháp.

Điều này viết:”

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định.”

Nhà nước CSVN cònbị tố cáo vi phạm cả Điều 21 quy định: ”(Khoản2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Tất cả những quyền Hiến định này đã được minh thị và được Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh lấy làm hãnh diện để ca tụng như một thành công khởi sắc của việc thực thi Quyền con người của đảng CSVN.

Nhưng ông Minh quên rằng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì cũng là lúc nhân dân bị nhà nước khóa miệng và Quyền con người sẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam. -/-

Phạm Trần

(12/018)
 
Văn Hóa
Chuyện “Mùa Vọng” và chuyện “Đất Nước tôi”
Sơn Ca Linh
09:17 13/12/2018
CÂU CHUYỆN MỚI BẮT ĐẦU
Chuyện “Mùa Vọng” và chuyện “Đất Nước tôi”

Mấy ngàn năm trước,
Dân Israel mòn mỏi kiếp lưu đầy,
Buông xuôi não nề, đàn móc lên cây,
Thay tiếng ca vui chỉ còn ôm mặt khóc !

Rồi bỗng nghe,
Hết ngôn sứ Isaia lại tiên tri Barúc…
Đồng gióng lên “tin sốt dẻo” : CHÚA TRỞ VỀ !
Chúa về : nào hãy bừng dậy khỏi cơn mê,
Chúa về : nào hãy đứng lên chân tê gối mỏi…!

Kìa sa mạc hoang vu,
Đang rộn ràng âm vang tiếng gọi :
“Nước chảy ngọt ngào, hoa thắm ngát hương…
Lấp hào sâu, bạt núi cao, hãy mở những con đường,
Chúa đang đến, Ngài đưa dân đi về trên chính lộ…” (Is 40,3-5)

Có ai ngờ,
Nhờ những “Tin Vui” và những “Lời Giao ước” đó,
Dân Israel ngày qua ngày với hy vọng bao la.
Dẫu lưu đầy, nô lệ, nước mắt, phong ba….
Họ vẫn đứng lên,
đắp xây con đường tương lai cho đất nước !...

Giờ nghĩ chuyện quê hương tôi,
Từ Bắc vô Nam trên bao nẻo đường xuôi ngược,
Mang tiếng “độc lập tự do” mà như một kiếp “lưu đầy” !
Tiếng khóc dân oan, hờn trách đắng cay,
Bạo tàn, tội ác, bất công…
Lên ngôi từng ngày giữa thanh thiên bạch nhật.

Trên vùng cao, vùng sâu, học sinh đu dây đi học,
Ở dưới đồng bằng,
Trẻ em chui bao nhựa để được kéo qua sông.
Cô gái quê tay bùn chân lấm,
tìm sinh lộ bằng con đường làm dâu Hàn quốc, Đài Loan,
Những chàng trai cuốc bẳm cày sâu,
Tróc vảy trầy vi qua con đường công nhân xuất khẩu…

Bệnh viện điều trị ung thư,
Hễ dân nghèo đành chấp nhận mua toa thuốc giả,
Nếu mắt đục thuỷ tinh thể,
Lại cũng đành bị đánh tráo “của dỡm đồ hư”.
Cơ quan, học đường…
đâu đâu cũng thạc sĩ, tiến sĩ có dư,
Nhưng cái “lễ”, cái “văn”
lại được mua bằng “tiền trao cháo múc”…!

Bờ biển hết trong xanh, cây rừng khô chết mục,
Miễn có tượng đài nghìn tỉ, dân chết mặc dân.
Biên giới, biển, trời, đất, đảo của cha ông,
Có nghĩa gì đâu so với “16 chữ vàng và 4 tốt” !...

Hằng ngày,
Trên những lối đi nhập nhằng, xuôi ngược,
Mấy trăm mạng người,
Vật tế sinh cho “vị thần” “tai nạn giao thông”.
Rau trong vườn, trái trên cây, con cá dưới sông…
Nước mắm, cà-phê…cái gì cũng “coi chừng hoá chất” !...

Đất nước tôi,
Những vịnh, những đầm, bờ biển đẹp, rừng xanh ngát…
Giờ là của riêng, là biệt phủ, “rì-sọt” của lũ quan tham.
Ai liêm, ai chính,
ai phản biện, đấu tranh …chỉ còn địa chỉ nhà giam…!
Dân mình ơi,
Nào chẳng phải đang lưu đầy trên quê hương ta đó !

Mùa Vọng đang về,
Lại tiếng ngài Gioan: “sửa dọn lối đi, phát quang chính lộ”…(Lc 3,1-6)
“Chúa sẽ về”, “lưu đầy chấm dứt”, “nô lệ đã qua” ! (Is 52,8-9)
Nhưng “Tin Vui”
lại mang theo điều kiện : dứt bỏ gian tà,
và “nhận biết Đấng Toàn năng như nước tràn biển lớn” ! (Is 11,9)

Chuyện Mùa Vọng,
Không riêng chị, riêng anh, riêng tôi…mà là “Đất Nước”.
Đường có đầy hoa thì hôm nay ta phải bắt đầu.
“nhỗ sạch cỏ lùng”, “vứt dằm khỏi mắt”…chưa đủ đâu !
Mỗi chữ, mỗi lời, mỗi việc…
dán con tem mang hình “Yêu thương - Bát Phúc” (Mt 5,1-12).
Rồi “ngạ quỷ” sẽ rời xa,
“Từ đường cha ông” anh em chung tay họp về xây lại.
Để rừng xanh lá,
Để biển trong lành,
Để Bắc, Trung, Nam nối vòng tay lớn…
Để mọi đường đi bắt lại nhịp cầu…

Mùa Vọng : mãi là “câu chuyện mới bắt đầu” !

Sơn Ca Linh
13/12/2018









 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 13/12/2018; ĐTC nói: Hãy chuẩn bị Giáng Sinh bằng sự can đảm của đức tin
VietCatholic Network
01:12 13/12/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:
1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 12 tháng 12, 2018.

2- Hãy chuẩn bị Giáng Sinh bằng sự can đảm của đức tin.

3- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp 70 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

4- Ngày Thế Giới Bệnh Nhân năm 2019 được tổ chức tại Calcutta, Ấn Độ.

5- 19 tân chân phước tử đạo được tuyên phong tại một quốc gia Hồi Giáo.

6- Cảnh Sinh Nhật năm nay tại Tòa Thánh Vatican được điêu khắc từ 700 tấn cát.

7- Hơn 100 máng cỏ được trưng bày tại Vatican: Giáng Sinh từ khắp nơi trên thế giới.

8- Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vào tháng Hai, 2019.

9- “Ngọn lửa hòa bình” đến từ Bethlehem tỏa sáng khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ.

10- Địa điểm Chúa Giêsu nhận Phép Rửa sắp mở cửa trở lại sau khi bom mìn được dọn sạch.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Cao Cung Lên.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết