Ngày 29-11-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mùa Vọng, Mùa Của Chờ Mong
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:09 29/11/2017
Chúa Nhật I MÙA VỌNG - B

(Mc 13, 33-37)

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.

Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?

Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : “Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi”, và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : “Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống”.

Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Mùa Vọng trong Kinh Thánh

Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa. Lòng kính sợ Ðức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở...” (Is 11, 1-10).

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng cũng nhắc lại việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế : thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria và báo cho Mẹ biết rằng : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (...) Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 26-38)

Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)

Như thế, Mùa Vọng kêu gọi người kitô hữu cải hóa nội tâm. Những việc cử hành thánh thường xuyên nhắc nhở chúng ta canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở nên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng

Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa Nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu :

- Chúa Nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )

- Chúa Nhật II Mùa Vọng : Populus Sion ... (= Này hỡi Dân Sion…)

- Chúa Nhật III Mùa Vọng : Gaudete ... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)

- Chúa Nhật IV Mùa Vọng : Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)

Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng

Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Người tái lâm là chiều kích thứ hai (Mc 13, 33-37).

Lời Chúa nói với các môn đệ : “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13, 33), cũng nói với chúng ta : “Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13 37). Chúa mách bảo chúng ta phải luôn trong tư thế của người được chủ : “đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành … và căn dặn …lo tỉnh thức” (Mc 13, 34). Vì chủ về bất ngờ nên “coi chừng và tỉnh thức” là thượng sách.

Chẳng nói đâu xa, năm 2012, người ta đang dự kiến ngày tận thế là ngày 23 tháng 12 tính theo lịch của dân Maya, nhiều người trên thế giới đã lo lắng vì lời đồn đoán ấy, họ đi mua nến, mua dầu, mua mì tôm... Người ta sợ phải lìa bỏ cái thế giới thân yêu này, cho dù nó vẫn còn nhiều khổ não. Trong thời đại của chúng ta không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế?

Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta : “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ” (Mc 13, 35-36).

Chuẩn bị lễ Giáng Sinh, mỗi chúng ta tự hỏi: mình đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời ta, con tim ta đang hướng về đâu? Ta có tỉnh thức không? Hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Đức Giêsu ngự đến lần thứ hai, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức vì đã không uổng công trông đợi.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con sẵn sàng đón Chúa Giêsu Con Mẹ.

Lạy Chúa, “xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is 63, 19). Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B
Lm. Anthony Trung Thành
08:10 29/11/2017
Chúng ta bắt đầu bước vào Năm Phụng Vụ mới, khởi đi từ Chúa Nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng có hai đặc tính: Đặc tính thứ nhất, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; Đặc tính thứ hai, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày Tận thế (x. AC 39).

Thật vậy, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến với loài người cách đây hơn hai ngàn năm. Ngài đến trong đêm Giáng Sinh, có các Thiên thần ca hát, có các mục đồng thờ lạy và loan tin (x. Lc 2,1-20). Đối với chúng ta, biến cố này chỉ mang tính kỷ niệm. Nhưng đây là một kỷ niệm hết sức quan trọng. Bởi vì, biến cố này đêm ơn cứu độ đến cho loài người, làm thay đổi lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để mừng biến cố này một cách trang trọng và sốt sắng. Thiết nghĩ, cách chuẩn bị tốt nhất là chúng ta sống tinh thần chờ đợi của dân Do thái ngày xưa. Tinh thần đó được diễn tả qua phụng vụ của 4 Chúa Nhật Mùa Vọng. Đó là chúng ta sống đặc tính thứ nhất của Mùa Vọng.

Với đặc tính thứ hai của Mùa Vọng, chúng ta sống tinh thần chờ đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày Tận Thế: Ngày Tận Thế là ngày tận cùng của Vũ trụ và con người. Ngày đó sẽ đến, nhưng đến lúc nào thì không ai biết trước được. Tin mừng hôm nay cho biết ngày đó đến một cách bất ngờ, như chủ nhà đi xa, không biết lúc nào trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng... Vì tính chất bất ngờ như vậy, nên đòi hỏi các đầy tớ phải luôn sống trong tinh thần tỉnh thức để ông chủ khỏi bắt gặp các đầy tớ đang ngủ. Đó cũng là tinh thần mà Đức Giêsu muốn nhắn gửi tất cả mọi người chúng ta: Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức! (x. Mc 13,33-37).

Vậy, chúng ta phải tỉnh thức như thế nào? Xin được đề nghị tỉnh thức bằng một số thực hành sau đây:

Thứ nhất, tỉnh thức bằng cách thú nhận tội lỗi và xin Chúa thứ tha: Nếu những ai đang sống trong ân nghĩa với Chúa, hãy tạ ơn Chúa và cố gắng giữ mình sống trong tình trạng đó. Còn những ai đang sống trong tội, hãy sám hối và lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Việc thực hành này mang tính cá vị. Nghĩa là giữa cá nhân mỗi người với Chúa qua trung gian linh mục. Nhưng trong thực tế, có những tội liên quan đến người khác. Chẳng hạn, tội của con cái liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ; tội của vợ hoặc chồng liên quan đến nhau; tội của giáo dân liên quan đến trách nhiệm của cha xứ; tội của cộng đoàn liên quan đến bề trên…Vì vậy, cần phải có sự sám hối tập thể hoặc một người thay cho tất cả để xin ơn tha thứ thay cho tập thể: Cha xứ phải sám hối và xin ơn tha thứ thay cho giáo dân; cha mẹ sám hối và xin ơn tha thứ thay cho con cái; vợ chồng sám hối và xin ơn tha thứ thay cho nhau; bề trên sám hối và xin ơn tha thứ thay cho cộng đoàn…Đó là điều mà tiên tri Isaia đã làm trong bài đọc I hôm nay, ông đã thay mặt cho toàn dân thú nhận tội lỗi và xin Chúa thứ tha: Chúng tôi đã luôn ở trong tình trạng tội lỗi. Tất cả chúng tôi đều đầy vết nhơ. Xin Chúa hãy đến thứ tha tội lỗi cho chúng tôi (x. Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8).

Thứ hai, tỉnh thức bằng cách sống xứng đáng với những ân huệ Chúa ban: Chúa ban cho chúng ta ơn làm người, ơn làm con Chúa, ơn được ở trong Giáo Hội, ơn có đủ điều kiện thuận lợi để lo phần rỗi linh hồn. Ngoài ra, Chúa còn ban cho chúng ta những khả năng khác nhau: người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén… tùy hoàn cảnh và địa vị của từng người. Chúng ta hãy khiêm tốn dùng những khả năng đó để chu toàn bổn phận hằng ngày: phụng sự Chúa, phục vụ Giáo hội và giúp đỡ tha nhân. Khi chúng ta làm như vậy, chính là lúc chúng ta đang sống tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến. Đó cũng là sứ điệp mà Thánh Phaolô nói tới trong Bài đọc II hôm nay (x. 1Cr 1,3-9). Ngài nhắc nhở cộng đoàn Corintô hãy nhớ đến bao ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ: “Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ, ơn hiểu biết,…” Khi nhớ tới những ơn Chúa ban, thì hãy tỏ ra xứng đáng với ân huệ đó bằng cách hướng tới ngày Ngài đến trong “bền vững” và “không có gì đáng trách”.

Thứ ba, tỉnh thức bằng cách siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích và thực thi bác ái.

Tỉnh thức trong cầu nguyện: Vì tỉnh thức đi liền với cầu nguyện. Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13,33). Mặt khác, khi cầu nguyện chúng ta sống với Chúa, hướng tâm trí về Ngài. Ngoài ra, cầu nguyện để xin ơn Chúa trợ giúp: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Như vậy, khi chúng ta siêng năng cầu nguyện là chúng ta đang sống tỉnh thức.

Tỉnh thức trong việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích: Để lãnh nhận các Bí tích, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Nếu muốn lãnh nhận các Bí tích kẻ chết (Bí tích Giao hòa và Bí tích Rửa tội), chúng ta phải có lòng sám hối ăn năn. Nếu muốn lãnh nhận các Bí tích kẻ sống (5 Bí tích còn lại), chúng ta phải sống trong ơn thánh hóa, nghĩa là phải sạch tội trọng. Như vậy, khi sẵn sàng để lãnh nhận các Bí tích là chúng ta đang sống trong tinh thần tỉnh thức.

Tỉnh thức trong việc thực thi bác ái yêu thương: Khi chúng ta thực thi bác ái là chúng ta đang chu toàn bổn phận Chúa trao phó, đang thực hành Kinh “thương người có mười bốn mối”. Nếu chúng ta giúp đỡ những kẻ hèn mọn là chúng ta đang giúp đỡ Chúa (x. Mt 25, 31-46). Cho nên, khi chúng ta thực thi bác ái yêu thương là chúng ta đang sống trong tinh thần tỉnh thức. Đúng như lời khẳng định của Thánh Phaolô: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Lạy Chúa, chúng con bắt đầu bước vào Mùa Vọng, xin cho mỗi chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để kỷ niệm ngày Chúa đến lần thứ nhất qua lễ Giáng sinh. Đồng thời, xin giúp chúng con luôn sống tinh thần tỉnh thức bằng việc siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích và thực hành bác ái, để xứng đáng đón chờ Chúa đến trong ngày Tận thế và ngày Chúa đến gặp gỡ mỗi người chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ I Mùa Vọng. 3.12.2017
Lm Francis Lý văn Ca
15:38 29/11/2017
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta khai mạc Mùa Vọng Năm B với lời mời gọi Tỉnh Thức. Chỉ khi nào chúng ta tỉnh thức mới nhận thấy được sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta. Xưa kia, Chúa đã sống giữa dân Dothái 30 năm mà dường như họ không hay biết gì, tệ hơn nữa là họ lại giết Ngài.
Trong thế giới chúng ta đang sống, không thiếu chi những người sống thờ ơ, họ đã chọn danh vọng, tiền tài và những đam mê làm cứu cánh của đời họ. Họ đang cố bám lấy những cái chóng qua mà bỏ đi những cái bền vững lâu dài đời sau. Họ đã cố sức đào thải Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, khỏi xã hội họ đang sống.
Chớ gì những tư tưởng chúng ta sẽ nghe trong các bài đọc nói về Ngày Cánh Chung - Ngày Thẩm Phán sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh đánh động thật mạnh vào tâm não mỗi người trong chúng ta, giúp chúng ta tỉnh thức kẻo Chủ Gia về bắt gặp chúng ta đang ngủ.
Giờ đây, cùng với Ca Đoàn… chúng ta hân hoan bắt đầu Mùa Xuân của Giáo Hội với Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng - Mùa Cứu Độ - bằng bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I:
Các điều tiên tri Isaia tiên báo, đã thực hiện từng li từng tí. Lời cầu xin tha thiết của nhân loại, vang thấu tới trời, để rồi Chúa xé mây băng rừng đến cứu nhân loại. Hình ảnh Thiên Chúa nhân từ thể hiện nơi Ngôi Lời nhập thế trong tương lai.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô nhắc nhở mỗi ngưòi tín hữu sự bền đổ, trung thành với ơn Chúa trong cuộc sống thật là cần thiết, trong thế giới hôm nay.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa Kitô quả quyết Ngài sẽ trở lại, như một người gia chủ vắng nhà một thời gian. Khi trở về, ông sẽ tưởng thưởng những tôi tớ trung thành, cần mẫn. Đồng thời, ông sẽ hỏi tội các tôi tớ bất trung.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Các tầng trời đã bị xé ra và nhân loại đã có Vị Cứu Tinh. Chúng ta cầu xin cho nhân loại nhận biết Vị Cứu Tinh đã đến và hiện đang ở giữa nhân loại.

1. Xin Chúa xé lòng chai đá của chúng ta, để nhận ra Chúa đang hiện diện bên chúng ta, qua các phép Bí Tích chúng ta năng lãnh nhận, qua hình ảnh anh chị em mà chúng ta gặp gỡ và phục vụ. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Khai mạc Mùa Xuân Mới của Giáo Hội hôm nay, qua lời mọi gọi tỉnh thức xin cho chúng ta biết quay trở về sống kết hợp với Chúa, đáp lại lời van xin khẩn thiết của Mẹ, qua những mệnh lệnh Mẹ đã và đang cho nhân loại trong thế kỷ chúng ta đang sống. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Mùa Xuân của Giáo Hội đang đến với 3 ý nghĩa rõ rệt: kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ I, thể hiện việc Chúa đến trong cách sống chứng nhân và mong đợi Ngài lại đến trong vinh quang. Xin Chúa giúp chúng ta luôn sẵn sàng, tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho thế giới chúng ta đang sống đuợc an bình và thịnh vượng qua sự cố gắng kiến tạo hòa bình của mọi thủ lãnh quốc gia. Chúng ta cùng nguyện xin. Xin Chúa nhậm lời chúng con. 5. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những thân bằng quyến thuộc đã yên nghỉ, những linh hồn chúng ta phải nhớ đến cách riêng, trong những ngày chuẩn bị bước vào Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn bền đổ, trung thành gìn giữ gia sản Chúa trao phó trong tay chúng con, trong lúc chờ đợi Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp vùng Châu Á tuôn về Myanmar để tham dự Thánh lễ với ĐTC Phanxicô
Thanh Quảng sdb
06:23 29/11/2017
Hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp vùng Châu Á tuôn về Myanmar để tham dự Thánh lễ với ĐTC Phanxicô

Hằng TRăm Ngàn quy tụ lại để dự lễ của ĐTC
Theo Thông Tấn xã của Fides từ Yangon cho hay: "Dân chúng rất vui mừng khi được gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của Ngài tại Miến Điện và chúng tôi cầu mong cho chuyến đi này là một khoảnh khắc đặc biệt khởi đầu cho một nền hòa bình và hòa giải lâu dài cho Miến Điện".
Đức Giám Mục Olivier Schmitthaeusler, Giám Mục Phó Giáo phận Phnom Penh, của Campuchia cho hay rằng "để gặp được ĐTC, Giáo Hội Căm Bốt đã tổ chức một cuộc hành hương bốn ngày đến Yangon. Chuyến hành hương gồm 126 người Cam Bốt sẽ tham dự Thánh lễ mà Đức Thánh Cha chủ tọa. Phái đoàn còn có 10 chủng sinh, 3 linh mục Cam-pu-chia, 4 linh mục truyền giáo và 10 nữ tu". Phái đoàn Campuchia là một trong số nhiều người đã đến Myanmar từ các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Hơn 200.000 người hành hương được dự kiến sẽ tham dự Thánh lễ trọng thể mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành trên một vùng đất rộng lớn tại Kyaikkasan.
ĐTC chủ tế Thánh Lễ
Linh mục Mariano Soe Naing, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Myanmar cho hay phần lớn những người hiện diện là "tín đồ Miến Điện thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, họ đã tuôn về thủ đô từ khắp nơi trên đất nước này”.
Tham dự Lễ với ĐTC
Nhiều người trong số họ thuộc về Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Miến Điện mà trong những ngày qua, dưới sự lãnh đạo điều phối của ông Lei Lei Win, thuộc Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Quốc Tế, đã lo việc tổ chức tiếp đón những người về thủ đô để tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha . Theo như Thông Tấn Xã Fides đã nghiên cứu thì Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Miến Điện đã được hình thành vào năm 1960, nhờ vào các hoạt động mục vụ của các nhà truyền giáo tiên khởi và đặc biệt là của Đức Cha Giovanbattista Gobbato mà hiện nay địa phận gố này được chia ra làm năm giáo phận: Taunggyi, Pekhon, Loikaw, Taungngu và Yangon. Một trong những hoạt động chính được thúc đẩy bởi Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Miến Điện là trào lưu đề cao nhân bản: đào tạo các thành viên trẻ cho phong trào và sai họ về các thôn bản xa xôi để tổ chức các sinh hoạt giáo dục và giáo lý, được trình bày qua các hình ảnh cho giới trẻ. Đây là những thành phần được gọi là "zetaman", hay "những nhà truyền giáo nhỏ", họ là những nhân tố đặc biệt của Giáo Hội Công Giáo ở Myanmar: họ là những tình nguyện trẻ, dấn thân về những thôn làng xa xôi hẻo lánh, nằm trong những vùng sâu vùng xa, nơi những cánh đồng thôn dã hay các vùng rừng núi hiểm trở... Những nơi mà các linh mục và tu sĩ chưa từng đặt chân tới!
Trong ngày họ chia sẻ nếp sống với dân chúng, cũng như dành nhiều thời cho các trẻ em trong tình thương mến bạn bè. Sau đó, nếu được hỏi về niềm tin, họ sẵn sàng chia sẻ chứng nhân niềm tin của họ; họ cho biết họ là ai và cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm thay đổi cuộc sống của họ ra sao!
Ông Lei Lei Win, chủ tịch của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Miến Điện cho hay: "Chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha đem lại niềm vui tràn đầy và nói lên mối ưu tư quan tâm, gần gũi của ĐTC dành cho những Giáo Hội nhỏ bé như tại Myanmar. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta phải cam kết làm cho hòa bình được hiện thực và tồn tại trong sự hài hòa giữa các tôn giáo và trong sắc tộc của một đất nước Myanmar tuyệt vời và thăng tiến...".
 
150 ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha
LM. Trần Đức Anh OP
10:07 29/11/2017
YANGOON. Sáng ngày 29-11-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Yangoon, cố đô của Myanmar, trước sự tham dự của 150 ngàn tín hữu. Đây là thánh lễ đông đảo tín hữu nhất trong lịch sử Giáo Hội tại Myanmar.

Lúc gần 7 giờ rưỡi sáng, ĐTC rời tòa TGM để tới sân vận động Kyaikksan, cách đó 6 cây số để cử hành thánh lễ cộng đồng đầu tiên trên đất Myanmar. Sân thể thao này rộng 60 hécta ở trung tâm thành phố, tại đây có tới 30 bộ môn thể thao được thực hành, từ bóng đá, tới bóng rổ, bóng chuyền, đua xe đạp, bắn tên và cả các bộ môn võ thuật. Sân Kyaikkasan được thành lập hồi đầu thế kỷ 20, dưới thời người Anh đô hộ đất nước này và được dùng làm trường đua ngựa.

Đến sân vận động vào lúc gần 8 giờ, ĐTC đã đi xe mui trần chào thăm các tín hữu dự lễ. Thánh lễ được cử hành sớm hơn nửa tiếng so với chương trình dự định ban đầu, để tránh trời nóng. Số người tham dự chiếm tới gần hơn phần 4 tổng số tín hữu Công Giáo tại Myanmar. Nhiều người đi từ các bang xa xăm ở miền bắc, đông bắc và tây bắc về đây bằng mọi phương tiện có thể, kể cả đi bộ. Đặc biệt trong số các tín hữu dự lễ cũng có 50 LM và 1 ngàn giáo dân đến từ Việt Nam.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng la tinh, Anh và Miến. Đồng tế với ĐTC có hơn 30 HY và GM trong phẩm phục màu xanh lá cây của mùa thường niên, hàng trăm linh mục và đông đảo các phó tế.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý, và được dịch ra tiếng Miến, ĐTC đề cao sức mạnh chữa lành của sự khôn ngoan thần linh từ thập giá Chúa Kitô, và mời gọi các tín hữu vượt thắng cám dỗ báo thù vì những bất công phải chịu. Ngài cũng ca ngợi sức sinh động và lòng nhiệt thành, cũng như các hoạt động bác ái của Giáo hội tại Myanmar. ĐTC nói:

”Trước khi đến nước này, tôi đã chờ đợi từ lâu giờ phút này. Nhiều người trong anh chị em đến từ xa, và từ những vùng núi xa xăm, và cũng có một số người đi bộ. Tôi đến đây như như một người lữ hành để nghe và học hỏi nơi anh chị em, và để cống hiến anh chị em vài lời hy vọng và an ủi.”

Tiếp đến ĐTC đã diễn giải ý nghĩa 2 bài đọc thánh lễ: bài thứ I trích từ sách Daniel cho thấy sự khôn ngoan hạn hẹp của vua Baldassar và các thày bói của ông. Họ biết ca ngợi ”các thần tượng bằng vàng bạc, bằng đồng, bằng sắt và gỗ đá” (Dnl 5,4), nhưng lại không có sự khôn ngoan để chúc tụng Thiên Chúa, Đấng nắm giữ mạng sống và hơi thở của chúng ta. Trái lại, Daniel được sự khôn ngoan của Chúa và có khả năng giải thích các mầu nhiệm cao cả của Ngài.

ĐTC giải thích rằng: ”Vị giải thích chung kết các mầu nhiệm Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Ngài chính là hiện thân sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Xc. 1 Cr 1,24). Chúa Giêsu không dạy chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bằng những diễn văn dài hoặc qua những biểu dương hùng mạnh quyền lực chính trị và trần thế, nhưng bằng cách hiến mạng sống của Ngài trên thập giá. Đôi khi chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, nhưng sự thực là chúng ta có thể dễ bị lạc hướng. Trong lúc ấy cần nhớ lại rằng chúng ta có một địa bàn chắc chắn trước mặt chúng ta, đó là Chúa Chịu Đóng Đanh. Trong thập giá chúng ta tìm được sự khôn ngoan có thể hướng dẫn cuộc sống chúng ta với ánh sáng đến từ Thiên Chúa”.

ĐTC đề cao quyền năng chữa lành từ thập giá của Chúa Giêsu và áp dụng vào hoàn cảnh của Myanmar. Ngài nói:

”Tôi biết rằng nhiều người ở Myanmar này đang mang những vết thương vì bạo lực, hữu hình cũng như vô hình. Cám dỗ là đáp trả những vết thương ấy bằng một sự khôn ngoan trần tục, một sự khôn ngoan bị hư hỏng sâu đậm, như thứ khôn ngoan của nhà vua trong bài đọc thứ I. Chúng ta nghĩ rằng phương dược trị liệu vết thương có thể đến từ sự giận giữ và báo thù. Nhưng con đường báo thù không phải là con đường của Chúa Giêsu.

“Con đường của Chúa hoàn toàn khác hẳn. Khi oán ghét và phủ nhận dẫn đưa Ngài đến cuộc khổ nạn và cái chết, Chúa Giêsu đáp lại bằng sự tha thứ và cảm thương.. Với ơn của Chúa Thánh Linh, Chúa Giêsu làm cho mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sự khôn ngoan của Ngài, chiến thắng trên sự khôn ngoan của thế gian này, trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Chúa, thoa dịu cả những vết thương đau đớn nhất”.

Ca ngợi Giáo hội tại Myanmar

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

”Tôi biết rằng Giáo hội tại Myanmar đang làm rất nhiều để mang thuốc thơm lòng thương xót có năng lực chữa lành của Thiên Chúa cho tha nhân, nhất là những người túng thiếu. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, dù với những phương tiện hạn hẹp, nhiều cộng đoàn công bố Tin Mừng cho các nhóm dân bộ lạc thiểu số khác, không bao giờ bó buộc hoặc cưỡng bách ai, nhưng luôn mời gọi và đón nhận. Giữa bao nhiêu nghèo túng và khó khăn, nhiều người trong anh chị em giúp đỡ cụ thể và liên đới với những người nghèo khổ. Qua sự chăm sóc hằng ngày của các GM, LM, tu sĩ và giáo lý viên của anh chị em, đặc biệt qua công việc của tổ chức bác ái Công Giáo Karuna Myanmar và sự trợ giúp quảng đại do các Hội Giáo Hoàng truyền giáo cung cấp, Giáo Hội tại đất nước Myanmar này đang giúp đỡ nhiều người nam nữ, trẻ em, không phân biệt tôn giáo hoặc chủng tộc. Tôi có thể làm chứng rằng Giáo hội tại đây sinh động, Chúa Kitô sinh động và ở đây cùng với anh chị em, cũng có các anh chị em thuộc các cộng đồng Kitô khác. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục chia sẻ với tha nhân sự khôn ngoan vô giá anh chị em đã nhận lãnh, đó là tình thương của Thiên Chúa trào dâng từ Trái Tim Chúa Giêsu.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Chúa Giêsu muốn trao tặng dồi dào sự khôn ngoan này. Chắc chắn Ngài sẽ thưởng công những cố gắnh của anh chị em trong việc gieo vãi những hạt giống chữa lành và hòa giải trong gia đình, cộng đoàn và trong xã hội rộng lớn hơn của đất nước này... Sứ điệp tha thứ và thương xót của Chúa dùng đường lối và tiêu chuẩn mà không phải tất cả mọi người đều muốn hiểu và sứ điệp ấy sẽ gặp những chướng ngại, nhưng tình thương của Chúa Giêsu, được biểu lộ trên thập giá là điều chung kết, không thể chặn lại được”. Tình thương của Chúa Giêsu giống như ”máy chỉ đường GPS thiêng liêng” hướng dẫn chúng ta tiến bước không sai lầm vào đời sống thân mật của Thiên Chúa và hướng về tâm hồn tha nhân của chúng ta”.

Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng 6 thứ tiếng bộ tộc có đông tín hữu Công Giáo hơn cả, từ tiếng Shan, tới tiếng Chin, Tamil, Karen, Kachin và Kayan..

Cuối thánh lễ, trong lời cám ơn ĐTC, ĐHY Charles Bo, TGM Yangoon, đã gọi đây là một biến cố lịch sử. Cách đây một năm, không người nào ở Myanmar dám nghĩ tới sự kiện các tín hữu có thể tham dự thánh lễ với ĐTC như thế này. ĐHY nói: ”Cuộc sống của chúng con sẽ không còn như trước. Chúng con trở về nhà vơi một nghị lực thiêng liêng đặc biệt”.

Sau thánh lễ, ĐTC đã về tòa TGM Yangoon lúc 11 giờ để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, chuẩn bị hoạt động ban chiều là gặp gỡ Hội đồng tối cao của Phật giáo Miến.
 
Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thiền sư thuộc Hệ phái Sangha Maha Nayaka
Thanh Quảng sdb
17:21 29/11/2017
Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thiền sư thuộc Hệ phái Sangha Maha Nayaka
Cuộc gặp gỡ các Thiền Sư và ĐTC tại Myanmar

Ngày 29 tháng 11 năm 2017, ngày thứ ba trong chuyến viếng thăm Myanmar, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các thiền sư của Hệ phái Sangha Maha Nayaka, trước khi ĐTC kêu gọi hãy hàn gắn những vết hằn thương đau của đất nước, mà không cần phải mổ sẻ tranh tụng hay cô lập lẫn nhau, nếu "mọi tiếng nói được bảo đảm lắng nghe."
Đức Thánh Cha đã rời Tòa Tổng giám mục Yangon, hành trình bằng xe tới Trung tâm Kaba Aye, một trong những ngôi chùa Phật giáo được tôn kính bậc nhất ở Đông Nam Á. Ông Bộ trưởng Tôn giáo và Văn hoá, Ông Thura U Aung Ko đã tiếp đón ĐTC tại Trung tâm. Đức Thánh Cha đã cởi giày trước khi bước vào ngôi chùa.
Cuộc họp với Hội đồng tối cao "Tăng già" đã diễn ra vào 4:15 chiều, trong một đại sảnh đường của ngôi đền. Các vị thiền sư thuộc Ủy ban Toàn quốc của Hệ phái Tăng già Maha Nayaka đại diện cho quyền hành tối cao của Phật giáo Miến Điện, mà dân số 88% theo Phật giáo. Tổ chức này đã được thiết lập và được kiểm soát do nhà nước. Được thành lập vào năm 1980 do Chính quyền Quân sự Junta sau khi họ nắm được chính quyền thì một Ủy ban Trung ương được thành lập gồm 47 thành viên đại diện cho chín chi nhánh Phật giáo tại Miến Điện.
Sau những lời chào mừng của Vị Thiền sư Chủ tịch Bhaddanta Kumarabhivamsa, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn của Ngài đối với tất cả những Phật tử ở Myanmar. "Qua những lời giảng dạy của Đức Phật và tình yêu hăng nồng và nhiệt thành của các thiền sư nam nữ, các Phật tử của đất này đã hấp thụ được các giá trị của lòng kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng trong đời sống thường nhật, cũng như trong cuộc sống tâm linh, yêu mến và trân quí bảo vệ môi trường thiên nhiên của đất nước.
ĐTC mở đầu: "Cuộc họp hôm nay là một dịp quan trọng để tái xác quyết và củng cố lại tình hữu nghị và trân quí giữa Phật giáo và Công Giáo. Đây cũng là cơ hội khẳng định lại những cam kết của chúng ta về hòa bình, tôn trọng nhân phẩm và công lý cho mọi công dân trong đất nước".
ĐTC nói tiếp: "Không chỉ ở Myanmar mà cả trên toàn thế giới, người ta cần nhận chân và chứng kiến cuộc họp chung của các vị lãnh đạo tôn giáo này. Cuộc họp này giúp "những người Phật tử, Công Giáo và tất cả mọi người nỗ lực xây dựng một nếp sống hài hòa trên toàn đất nước".
Đức Phật và Thánh Phanxicô
ĐTC chia sẻ: "Chúng ta không bao giờ nên thách thức" hoặc " cô lập nhau", nhưng hãy "hàn gắn những vết hằn xung đột chia rẽ giữa người với người trước những khác biệt về văn hoá, sắc tộc và tín ngưỡng tôn giáo: hãy vượt qua rào cản thiếu hiểu biết, không khoan nhượng, những thành kiến và thù hận. ĐTC nói tiếp: "Công lý đích thực và nền hòa bình bền vững chỉ có thể đạt được khi quyền lợi của người dân được bảo đảm."
Để đạt được điều này, ĐTC Phanxicô đã trích dẫn các lời của Đức Phật: "Hãy loại trừ sự tức giận bằng xa lánh giận hờn, hãy vươn lên khỏi những kẻ xấu bằng chính sự tốt lành, hãy sống dũng cảm bằng chính tấm lòng bao dung rộng lượng, hãy vượt lên những dối trá bằng sống trong chân lý" (Dhammapada, XVII, 223). Còn Thánh Phanxicô thành Assisi thì Ngài cầu xin "Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an. Xin cho con biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi năng nhục... đem ánh sáng vào nơi tối tăm và đem an hòa vào nơi thất vọng... "
Để kết luận ĐTC nói: "Đây là trách nhiệm cụ thể của quí vị là các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo để đảm bảo rằng mọi tiếng nói trong thành phần dân chúng đều được lắng nghe hầu đáp ứng những nguyện vọng và nhu cầu của thời đại, hầu đem lại an vui hạnh phúc cho dân chúng trong công lý và đại đoàn kết dân tộc".
Chim Hòa Bình
Vào cuối buổi họp, trong khi trao đổi các món quà lưu niệm, Đức Thánh Cha đã trao tặng tác phẩm điêu khắc Con Chim Hòa Bình "Dove of Peace", màu trắng dưới dạng không khí loãng bằng sử dụng các chất liệu magiê. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng "cánh" chim bay đi để xây dựng hòa bình.
Theo truyền thống Kinh thánh, Chim Bồ Câu được coi là một biểu tượng cụ thể của Thần Khi Tình Yêu, nó biểu tỏ cho người Kitô hữu về tình yêu "thương xót" của Thiên Chúa dành cho nhân loại. "Một biểu tượng" mà ĐTC rất yêu quí, Ngài khởi đầu triều đại của Ngài bằng đổi mới các mối quan hệ hòa bình giữa tất cả mọi quốc gia. "Hai giải giây băng được giữ con chim cặp trong mỏ làm nổi bật ước mơ này của ĐTC.
Sau cuộc họp, Đức Thánh Cha đã trở về lại Tòa Tổng Giám mục để gặp gỡ các Giám mục. Trên đường về, Ngài đã ghé thăm Quảng trường và Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Mẫu Maria.
 
Tông du Miến Điện: Đức Phanxicô Gặp Hội Đồng Tăng Già
Vũ Văn An
19:28 29/11/2017
Ngày 29 tháng 11, 2017, tức ngày thứ ba trên đất Miến Điện, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các tăng sĩ thuộc Ủy Ban Sangha Maha Nayaka Quốc Gia, kêu gọi họ hàn gắn các vết thương của xứ sở, không rút lui hay cô lập trước các thách đố, nhưng bảo đảm để “mỗi tiếng nói đều được lắng nghe”.

Đức Giáo Hoàng rời Tòa Tổng Giám Mục Yangon, nơi ngài cư ngụ, và dùng xe tới Trung Tâm Kaba Aye, một trong các ngôi chùa Phật Giáo được tôn kính nhất tại vùng Đông Nam Á. Bộ Trưởng Tôn Giáo Sự Vụ và Văn Hóa, Thura U Aung Ko, đã đón tiếp ngài lúc ngài tới Trung Tâm. Đức Thánh Cha cởi giầy trước khi bước vào ngôi chùa.

Cuộc gặp gỡ Hội Đồng Tối Cao “Tăng Già” (Sangha) diễn ra lúc 4 giờ 15 chiều trong một đại sảnh của quần thể. Các tăng sĩ của Ủy Ban Sangha Maha Nayaka Quốc Gia đại biểu cho thẩm quyền cao nhất của hàng tăng sĩ cả nước mà có tới 88 phần trăm dân số theo Phật Giáo. Thành lập năm 1980 bởi Hội Đồng Quân Sự đang cầm quyền lúc ấy, Ủy Ban Trung Ương này gồm 47 thành viên đại diện 9 ngành của Phật Giáo Miến Điện.

Sau phát biểu của vị Chủ Tịch Ủy Ban “Tăng Già”, ngài Bhaddanta Kumarabhivamsa, Đức Thánh Cha đã tỏ bầy “lòng cảm mến đối với mọi người ở Miến Điện đang sống theo các truyền thống tôn giáo của Phật Giáo”.

Ngài nói tiếp: “Qua các lời dậy của Đức Phật và các chứng tá nhiệt tình của rất nhiều tăng già và tăng nữ, nhân dân của lãnh thổ này đã được đào tạo về các giá trị kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng sự sống, cũng như về linh đạo, một linh đạo biết lưu ý tới môi trường thiên nhiên của chúng ta và tôn trọng nó một cách sâu sắc”.

Ngài nhấn mạnh: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một dịp quan trọng để làm mới và củng cố các mối dây thân hữu và tôn trọng nhau giữa người Phật Giáo và người Công Giáo. Nó cũng là cơ hội để khẳng định cam kết của chúng ta đối với hòa bình, tôn trọng nhân phẩm và công lý cho mọi con người nam nữ”.

Ngài nói tiếp: “Không những chỉ ở Miến Điện mà là ở khắp nơi trên thế giới, người ta đang cần chứng tá chung này của các nhà lãnh đạo tôn giáo”. Đây là việc giúp “Người Phật Giáo, Công Giáo và mọi người chiến đấu cho một sự hòa hợp lớn hơn trong các cộng đồng của họ”.

Đức Phật và Thánh Phanxicô

Đức Giáo Hoàng ngỏ lời khuyến khích “Không bao giờ ta nên rút lui” hay “giữ mình cô lập đối với nhau”. Ngài kêu gọi việc “hàn gắn các vết thương do tranh chấp gây ra, những tranh chấp trong các năm qua đã chia rẽ người dân thuộc các nền văn hóa khác nhau, các nhóm sắc tộc và các xác tín tôn giáo khác nhau: để “thắng vượt mọi hình thức thiếu hiểu biết, bất khoan dung, thiên kiến và hận thù”. Công lý chân chính và hòa bình lâu bền chỉ có thể đạt được khi chúng được mọi người bảo đảm”.

Để đạt được điều đó, Đức Phanxicô trích dẫn chính lời của Đức Phật: “loại bỏ giận dữ bằng cách không giận dữ, thắng người làm điều xấu bằng điều tốt, hạ người tham lam bằng lòng đại lượng, thắng người dối trá bằng sự thật” (Dhammapada, XVII, 223). Và lời của Thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, xin biến con thành khí cụ bình an của Chúa. Nơi hận thù, xin cho con gieo yêu thương, nơi lăng nhục, xin cho con gieo tha thứ… nơi tối tăm, xin cho con đem ánh sáng, và nơi buồn sầu, xin cho con đem niềm vui tới”.

Ngài kết luận: “Trách nhiệm đặc biệt của các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo là bảo đảm để mỗi tiếng nói đều được lắng nghe ngõ hầu các thách đố và nhu cầu của lúc này được hiểu rõ ràng và giải quyết trong tinh thần vô tư và liên đới hỗ tương”.

Bồ câu hòa bình

Cuối cuộc gặp gỡ, lúc trao tặng quà theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng đã tặng bức điêu khắc “Bồ Câu Hòa Bình” mầu trắng, mà tác giả của nó nhấn mạnh rằng hai cánh xòe ra dẫn ta tới hòa bình.

Được coi như biểu tượng đặc biệt của thần tình yêu trong các nền văn hóa ngoài Thánh Kinh, chim bồ câu nói lên tình yêu “thương xót” của Thiên Chúa, một biểu tượng “rất thân thương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người, từ đầu triều giáo hoàng đã cố gắng làm mới các mối liên hệ hòa bình giữa mọi quốc gia”.

Mọi người cùng đi một nẻo đường

Theo nữ ký giả Inés San Martin của Tập San Crux, người tháp tùng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại Miến Điện, Đức Phanxicô được vị Chủ Tịch của Hội Đồng Tăng Già, Bhaddanta Kumarabhivamsa, tiếp đón.

Vị tăng già này nói rằng cho dù tuyên xưng các tôn giáo khác nhau, “mọi người đều cùng đi một nẻo đường dẫn tới hạnh phúc của nhân loại”.

Vị tăng già cho hay mọi tôn giáo, một cách nào đó, đều dẫn tới hòa bình và thịnh vượng, và đây là lý do tại sao vẫn có những tín ngưỡng khác nhau trên thế giới.

Ngài Kumarabhivamsa cũng nói rằng “điều chẳng may là phải chứng kiến ‘chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan’ được đưa ra nhân danh các niềm tin tôn giáo”, một điều mà ngài cho là “không thể chấp nhận được”. Ngài nói: “Chúng tôi vững tin rằng chủ nghĩa khủng bố và cực đoan xuất phát từ việc giải thích sai các giáo huấn nguyên thủy của tôn giáo họ, vì một số tín đồ đã đưa vào những tu chính đối với các giáo huấn nguyên thủy do thúc đẩy của lòng dục, các bản năng, các nỗi sợ sệt và thất vọng của họ”.

Chính vì thế, ngài nói thêm, các nhà lãnh đạo tôn giáo ngày nay phải có trách nhiệm truyền bá các giáo huấn chân thực của mỗi tín ngưỡng.

Lần thứ hai

San Martín nhận định rằng đây là lần thứ hai, Đức Phanxicô tới thăm một nước đa số theo Phật Giáo. Nước đầu tiên là Sri Lanka, năm 2015. Hồi ấy, theo chương trình, đáng lẽ không có cuộc viếng thăm một ngôi chùa Phật Giáo nào cả. Nhưng nể lời mời của một vị tu sĩ Phật Giáo gặp tại Phi Trường, Đức Phanxicô đã bất ngờ quyết định tới thăm ngôi chùa của vị tu sĩ này.
 
Tông du Miến Điện: Đức Phanxicô gặp các giám mục
Vũ Văn An
22:21 29/11/2017
Dù chỉ có khoảng 20 giám mục, nhưng khi gặp gỡ các ngài ngày hôm qua, Đức Phanxicô đã ủy thác cho các ngài một nghị trình khá tham vọng về đủ mọi mặt, trong đó có:

o Cổ vũ việc hàn gắn các vết thương do các cuộc tranh chấp sắc tộc, địa phương và chính trị gây ra.
o Tìm kiếm các mối liên hệ sâu xa hơn với các Kitô hữu khác và các tôn giáo khác, để cùng nhau, có thể “bác bỏ mọi hành vi bạo lực và thù hận nhân danh tôn giáo.
o Khơi dậy “tinh thần truyền giáo nhiệt thành” nơi người Công Giáo, và, đồng thời, tìm cách “bản vị hóa cách khôn ngoan sứ điệp Tin Mừng trong đời sống hàng ngày và các truyền thống của cộng đồng địa phương”.
o Hành động như những nhà quán quân trong các cuộc tranh luận về “nhân quyền”, “cai trị dân chủ” và “tôn trọng phẩm giá và quyền lợi mọi người, nhất là những người nghèo nhất và dễ bị thương tổn nhất”.

Có lẽ vì thấy mình đòi hỏi quá nhiều, nên Đức Phanxicô đã bầy tỏ sự quan tâm của một người cha như sau: “tôi biết thừa tác vụ của các hiền huynh rất đòi hỏi và, cùng với các linh mục của mình, các hiền huynh thường phải lao nhọc dưới sức nóng và gánh nặng hàng ngày. Nhưng tôi thúc giục các hiền huynh giữ thăng bằng giữa sức khỏe thiêng liêng và sức khỏe thể lý, và tỏ lộ sự quan tâm phụ thân đối với sức khỏe của các linh mục”.

Ngài gặp các vị giám mục tại Nhà Thờ Chính Tòa Yangon sau khi cử hành Thánh Lễ ngoài trời với sự tham dự của hơn 150,000 tín hữu và gặp gỡ giới tăng sĩ Phật Giáo của Hội Đồng Tăng Già tối cao.

Các thách đố ngài đặt ra cho các giám mục Miến Điện xoay quanh 3 chủ đề: hàn gắn, đồng hành và ngôn sứ. Chủ đề đầu tiên phát xuất từ chính Tin Mừng vì sứ điệp Tin Mừng trước nhất là về hàn gắn, hoà giải và hòa bình. Nhắc lại lời giảng ban sáng, Đức Phanxicô nói rằng nhờ máu Chúa Kitô trên thập giá, “Thiên Chúa đã giao hòa thế giới với chính Người, và đã sai chúng ta đi làm sứ giả của ơn hàn gắn này”.

Đức Phanxicô cho rằng sứ điệp trên có tiếng vang đặc biệt tại Miến Điện, vì đất nước đang cố gắng để lại phía sau các chia rẽ sâu đậm để xây dựng sự đoàn kết quốc gia. Ngài không chỉ rõ chi tiết điều vừa nói, nhưng ở một đất nước đang lao đao duy trì một nền dân chủ yếu kém, ở một nơi mà từ năm 2015 sau hơn 60 năm chế độ quân phiệt, có khá nhiều cuộc tranh chấp để ngài ám chỉ.

Từ cuộc chạy trốn qua Bangladesh của khối thiểu số Hồi Giáo Rohingya ở tiểu bang Rakhine, trong một cuộc mà Liên Hiệp Quốc vốn gọi là “thanh trừng sắc tộc” tới việc bách hại các Kitô hữu ở tiểu bang Kachin, sự chia rẽ giữa hơn 130 nhóm sắc tộc của Miến Điện hiển hiện ở khắp nơi. Điều đáng lưu ý là cả Rakhine lẫn Kachin đều được nhắc đến trong lời cầu nguyện tín hữu của Thánh Lễ ban sáng, một điều được coi như việc Đức Phanxicô gián tiếp nhắc đến hạn từ “Rohingya”.

Đức Phanxicô nói với các vị giám mục: “Việc rao giảng Tin Mừng không phải chỉ là nguồn an ủi và sức mạnh mà thôi, mà còn phải là lời kêu gọi cổ vũ đoàn kết, bác ái và hàn gắn trong đời sống của quốc gia này. Vì sự đoàn kết mà chúng ta chia sẻ và cử hành phát sinh từ tính đa dạng”.

Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi cộng đồng Công Giáo ở Miến Điện; ngài nói rằng cộng đồng này có thể “tự hào về chứng tá ngôn sứ của mình đối với tình yêu Chúa và người lân cận” được thể hiện qua việc nối vòng tay lớn với người nghèo, người bị hất hủi, và hiện nay “với nhiều người tản cư đang bị thương nằm dọc đường”. Ngài đặc biệt cám ơn những ai đang làm việc cho những người vừa nhắc, “bất kể tôn giáo hay sắc tộc”.

Về chủ đề thứ hai, tức đồng hành, Đức Phanxicô nói với các giám mục rằng một vị chăn chiên tốt luôn hiện diện với đoàn chiên của mình, đi bên cạnh họ, mang “mùi của chiên và mùi của Chúa” và dẫn dắt một giáo hội biết “đi ra ngoài” như ngài vẫn nhắc đến.

Ngài cho rằng quả là một đặc ân đối với vị giám mục khi được “đồng hành với các linh mục của các hiền huynh trong các cố gắng hằng ngày của họ để xây đắp đoàn chiên trong sự thánh thiện, trong lòng trung thành và trong tinh thần phục vụ”. Ngài cũng nhấn mạnh đến “đức tin vững vàng và tinh thần truyền giáo nhiệt thành” của giáo hội địa phương, vốn là công trình của những vị đem Tin Mừng lần đầu tiên tới Miến Điện.

Ngài nói, trước khi thúc giục các ngài đặc biệt lưu tâm tới việc đồng hành với giới trẻ: “trên nền tảng vững vàng này, và trong tinh thần hiệp thông với các linh mục và tu sĩ của các hiền huynh, các hiền huynh hãy tiếp tục thấm nhuần nơi hàng ngũ giáo dân một tinh thần làm môn đệ truyền giáo chân thực và tìm cách khôn ngoan bản vị hóa sứ điệp Tin Mừng vào đời sống hàng ngày và truyền thống các cộng đồng địa phương của các hiền huynh”.

Khi triển điều ngài muốn nói về ngôn sứ, Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội tại Miến Điện làm chứng cho Tin Mừng bằng các việc “giáo dục và bác ái, bảo vệ nhân quyền và nâng đỡ nền cai trị dân chủ của mình”. Đức Phanxicô thúc giục các giám mục giúp cộng đồng Công Giáo có khả năng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong xã hội, bằng cách “làm cho tiếng nói của các hiền huynh được nghe thấy về các vấn đề được quốc gia quan tâm”, nhất là trong việc cổ vũ việc tôn trọng phẩm giá và quyền lợi mọi người.

Cuối cùng, Đức Phanxicô khen ngợi kế hoạch truyền giáo 5 năm của các giám mục nhằm giúp “xây dựng quốc gia”. Nói với tờ Crux trước chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, Đức Hồng Y Charles Bo cho biết: 5 vấn đề cốt lõi của kế hoạch này là giáo dục, xây dựng hoà bình, quyền lợi sắc tộc, tăng quyền phụ nữ và phát triển toàn diện. Đức Phanxicô thì nhấn mạnh tới nhu cầu bảo vệ môi trường; ngài nói rằng bảo vệ sáng thế của Thiên Chúa không thể bị tách biệt khỏi “nền sinh thái nhân bản và xã hội lành mạnh”. Đức Giáo Hoàng nói với các vị rằng sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội “là hàn gắn, là trở thành bệnh viện thời chiến”.

Ngài nói tiếp: “là các giám mục, các hiền huynh phải hàn gắn linh hồn, hàn gắn trái tim, hàn gắn các vết thương của người ta”. Trước khi kết thúc, ngài cùng các giám mục đọc Kinh Kính Mừng. Ngài đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, các giám mục đọc bằng tiếng Miến.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tổng trọng bi quay như con dế
Phạm Trần
21:29 29/11/2017
Ông bà người Việt đã dậy: “nói lời thì giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, đằng này Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chẳng những cứ nuốt như uống nước mà còn nói mãi “cái lò đã nóng lên rồi”, nhưng rừng cây tham nhũng thì vẫn bạt ngàn xanh tươi.

Vì vậy mà ông Trọng đã bị cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội quay như con dế trong buổi tiếp xúc ngày 29/11/2017.

Từ chuyện “tinh giảm biên chế mà cứ phìn to ra mãi” cho đến “không thu được tài sản tham nhũng” và “kẻ bị kỷ luật lại được thuyên chuyển đi nơi khác an toàn” là những vấn đề cử tri chất vấn ông Trọng. Nhưng tất cả thắc mắc và than phiền lần này vẫn không mới mà chỉ được lập lại như hàng chục lần ông Trọng tiếp xúc với dân trong mấy năm qua. Điệp khúc tham nhũng quen thuộc của lãnh đạo Cộng sản từ trên xuống dưới là khi nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi” nên năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.

Tại sao ? Theo cử tri thì chứng bệnh trầm kha trên bảo dưới không nghe vẫn tồn tại tự nhiên như người Hà Nội nên tình hình chống tham nhũng vẫn trơ ra như đá, hay “trên nóng dưới lạnh". Trong khi nhiều kẻ tham nhũng tuy chịu phạt nhưng tài sản tham nhũng không mất nên vẫn sẵn sàng "hy sinh đời bố để củng cố đời con", theo nhận xét của cử tri Hà Nội.

Cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (Tây Hồ) nói với ông Trọng rẳng :”Nguyên nhân sâu xa là sự tha hóa biến chất của cán bộ.”. Ông yêu cầu nhà nước ”cần loại bỏ nạn mua quan bán chức".

Trong khi cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ) nêu bức xúc sau khi biết kết quả thanh tra những vấn đề liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN&MT (Tài nguyên và Môi trường) Yên Bái.

Ông nói:”Nhân dân cảm thấy không thuyết phục, ông Quý danh hiệu đảng viên vẫn còn, tài sản vẫn còn nguyên vẹn, việc kiểm tra xử lý còn chùn bước. Nhân dân chúng tôi đặt câu hỏi, trong phòng chống tham nhũng không có vùng cấm nhưng liệu còn có vùng nể, vùng tránh hay không?” (theo Zing.VN, ngày 29/11/2017)

Trả lời cử tri, theo Zing.VN :” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định các ý kiến được nêu ra đều "không cãi vào đâu được". Tham nhũng là thực trạng nghiêm trọng.”

Ông nói:” Không kỳ tiếp xúc nào cử tri không nói đến và kỳ họp nào Quốc hội cũng bàn. Người dân đồng thuận, Trung ương có thế để làm. Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, đồng lòng.”

Nhưng chuyện “không cãi vào đâu được” đã có từ thời ông Trọng chưa làm Tổng Bí thư cơ mà. Tại sao cứ tồn tại mãi hả Bác Trọng ? Chả nhẽ ông nói như thế chỉ để cho lỗ tai dân bớt ngứa để ông có thể kéo dài thời gian đối đầu với tham nhũng mà không bị lên án nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu ?

Chẳng thế mà ông đã đẻ ra chiến thuật “chậm mà chắc”, dù thật sự ông đã hết khả năng chống tham nhũng sau hơn 6 năm cầm quyền.

Ông nói :”Phòng, chống tham nhũng phải làm bài bản, chắc chắn, các đối tượng tâm phục, khẩu phục…việc điều tra các vụ án ở lĩnh vực này cần phải nêu được chứng cứ rõ ràng, tội phạm phải chịu nhưng không vì thế mà trì hoãn, cho chìm xuồng….Đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên trì, không nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ được ổn định. Không phải thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà cốt là đánh thức người ta dậy để đừng vi phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công….Mở đường cho người ta tiến mới là thành công.” (theo ViệtNamNet, 29/11/2017)

Vậy ra chống tham nhũng theo chiến thuật Nguyễn Phú Trọng là “vẽ đường cho Hươu chạy”, hay bắt chuột mà chớ làm vỡ bình thì chống hay che ?

TÀI SẢN KHÔNG CÁNH MÀ BAY

Báo chí Việt Nam cũng đưa tin:”Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Tổng bí thư thừa nhận đang là khâu yếu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì tội phạm biết cải tà quy chính, tình nguyện trả lại tài sản sẽ được giảm hình phạt.”

Ông tung mồi câu:”Cụ thể, từ đầu năm 2018, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân.”

Đấy là ông Trọng kỳ vọng được như thế. Nhưng nếu căn cứ vào qúa khứ thu hồi thì ông Trọng hãy nghe Phó Giám đốc Công an Thành phồ Hồ Chí Minh kiêm Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, phát hiện, chống tham nhũng không thể nói ít hay nhiều.

Ông nói:”Phát hiện thiệt hại vụ sau lớn hơn trước, do nhiều cơ chế, trong đó tài sản tích tụ của nhà nước giao cho cá nhân chịu trách nhiệm nhiều.

Để xảy ra hệ quả, thường là phát hiện chậm, hành vi tham nhũng xảy ra phải đến 10 năm sau mới phát hiện, tỉ lệ thu hồi thấp, việc tẩu tán tiêu thụ đã hoàn thành.”

Bài viết của ViệtNamNet (VNNET) ngày 8-3-2016 dẫn lời Thiếu tướng Phan Anh Minh nói rằng:”Việc kê khai tài sản là một giải pháp “ảo”, không mang lại tác dụng răn đe, chỉ có tác dụng “đút ngăn kéo”, còn kê khai đúng không thì không ai biết.”

Ông cho hay, có một số vụ án dù được sự đồng tình của Thường vụ Thành ủy thành phồ Hồ Chí Minh nhưng công an Thành phố vẫn không tiếp cận được bản kê khai tài sản của cán bộ vi phạm.

Ông nói:“Như thế bản kê khai để hộc bàn không ý nghĩa gì cả”.

Bằng chứng như tại buổi điều trần trước Quốc Hội ngày 28/20/2016, cả nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cho biết:” Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm.”

Vì vậy, chính phủ cũng nhìn nhận bất lực trong báo cáo với Quốc hội. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thì:” Trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%. (VTC News, ngày 21/11/2017)

Lý do chỉ thu được duới 10% vì, theo bà Thủy:” Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.”

Bà nói:”Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án."

Như vậy thì khi ông Trọng thừa nhận trước cư tri ngày 29/11/2017 rằng “việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đang là khâu yếu” mà không nói đến trách nhiệm của đảng và nhà nước gây ra vì “chưa có cơ chế để xử lý” thì lỗi này không phải của ông Trọng, người có quyền lực bao trùm cao nhất thì của ai ?

Ngày cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhìn nhận điều tra các vụ án tham nhũng rất khó, vì :“ Người tham nhũng thường có quan hệ, có thủ đoạn và giỏi che giấu hành vi.”(VTC News, 18/11/2017)

Trả lời cho thắc mắc tại sao nhiều vụ án khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc ?

ông Lâm đáp:”Trước hết chủ thể rất đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che dấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm nhất định.

Ngoài ra, khó khăn do việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài liên quan tới hoạt động tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, công tác giám định còn nhiều hạn chế. Có tình trạng một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định cố tình kéo dài thời gian giám định dẫn đến việc án tham nhũng không thể xử lý.”

Thêm vào đó có nhiều “vụ án tham nhũng phải trả hồ sơ bổ sung”, vì theo Bộ trưởng Công an:”Các vụ án này thường xảy ra lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy, đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu.”

Như thế là hòa cả làng. Còn chống với chế gì nữa ông Trọng ? Bởi lẽ chỉ là đảng viên và viên chức có chức có quyền mới có thể tham nhũng và ăn no béo mập. Luật phòng, chống tham nhũng cũng do đảng viết rồi trao cho Quốc hội của đảng chấp thuận thì “ai trồng khoai đất này” ?

Nhân dân chỉ có cái khố đeo thân thì có muốn tham nhũng cũng chả ma nào cho. Như vậy thì câu tuyên truyền nhảm nhí “Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác” mới được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng lập lại ngày 27/11/2017, tại buổi tiếp xúc với cử tri Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có nghĩa lý gì không ?

Tại cuộc tiếp xúc, khi nói đến quốc nạn tham nhũng,ông Thưởng cho biết:” Tham nhũng thì nước nào cũng có, nhưng ở nước ta nhiều hơn, có lẽ do việc phòng chưa tốt, nên việc chống tham nhũng sẽ ngày càng được xử lý triệt để, khắc phục tình trạng nặng dưới nhẹ trên.”

Tại sao lại “ có lẽ do việc phòng chưa tốt” nên tham nhũng ở Việt Nam nhiều hơn nước khác ? Ở địa vị như ông Thưởng, cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng, mà còn ngại không dám nói toặc móng heo ra lý do “chưa tốt” vì tham nhũng đã nắm đầu nhiều lãnh đạo chủ chốt từ khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được nói là cha ruột của ông Thưởng, còn tại chức cơ mà ?

GIẢM MÀ CỨ TĂNG

Chẳng hạn như chuyện giảm biên chế, tức số viên chức, cán bộ ăn lương của dân mà nhà nước muốn cắt bớt từ chục năm nay, có làm nổi đâu

Tài liệu chính thức phổ biến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 liên quan đến biên chế ngày 29/11/2017 cho thấy:”Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người.”

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tổ chức nhìn nhận :”Bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.”

Ông Chính đã đưa ra nhiều con số “lạm phát nhân viên” đến chóng mặt. Ông nói:”Cả nước có 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.

Số liệu này chưa kể quân đội và công an. Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;...

Từ năm 2011 đến năm 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên đều tăng. Năm 2014 là 704.000 tỷ; năm 2015: 777.000 tỷ tăng 10,3% so 2014; năm 2016: 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015; dự toán chi năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25 so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế). Trong chi thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm 53%).”

Nhưng tại sao lại thu vào nhiều người như thế mà đảng không làm gì được ? Tại vì hầu hết là con ông cháu cha, chỗ quen thân và có ăn chia, đóng hụi với nhau giữa các nhóm lợi ích lãnh đạo nên đã nhận vào thì khó mà thải ra sợ chạm đến quyền lợi của nhau.

Vì vậy, ông Phạm Minh Chính mới nói huỵch toẹt ra :” Số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.

Cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.”

Ông nói:”Chúng ta đang lạm phát cấp phó, đây là việc rất rõ. Mỗi bộ có từ 5- 6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề.”

Vì vậy mà một số thống kê cho thấy có đến trên 30 phầm trăm cán bộ, viên chức không có việc làm mà vẫn ăn lương để rủ nhau đi nhậu mỗi ngày và manh mối tư lợi thì ngân sách nào chịu cho thấu ở một nước nghèo như Việt Nam ?

Nhưng chưa hết, vẫn theo những con số phổ biến bởi ông Phạm Minh Chính thì:”Về đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số.”

Nói cách khác, các quan chức cứ tự ý vẽ ra việc và xẻ thịt các huyện và xã ra nhiều mảnh để lập ra các khu vực hành chính để tuyển nhân viên lấy tiền đút túi.

Vậy mà từ bao nhiêu năm nay, tính từ thời Tổng Bí thư khoá đảng VI Nguyễn Văn Linh năm 1986 cho đến thời ông Trọng, khóa XII năm 2016, tổng cộng 30 năm mà không ai làm nổi việc tinh giảm biên chế và phòng, chống tham nhũng để bớt hành dân thì cái đảng cầm quyền độc tài và chuyên chế CSVN có còn xứng đáng tồn tại không ? -/-

Phạm Trần

(11/017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vấn đề kinh thánh : Anh hay Em ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:27 29/11/2017
Nhiều bản dịch Tân Ước của Việt ngữ trước đây đều gọi Anrê là em của Phêrô. Riêng bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ lại gọi Anrê là anh của Phêrô với chú thích là theo truyền thống lịch sử thánh thì Thiên Chúa thường chọn hoặc ưu ái người em hơn là người anh, chẳng hạn như cặp anh em Cain và Abel, Êsau và Giacóp.

Tôi thấy có chút gì không ổn khi dựa vào một tiêu chí nhỏ của thần học Thánh Kinh mà bỏ qua nền văn hóa Do Thái thời bấy giờ vốn tôn trọng tôn ti trật tự khi liệt kê danh sách hay gia phả. Tên của người anh thường được đặt trước người em. Tên của Phêrô thường được kể trước Anrê và tên của Giacôbê được kể trước Gioan.

Ngoài ra xét về lối hành văn thì trong một đoạn ngắn người ta không thể dùng hai kiểu nói khác nhau khi đề cập đến cùng mối liên hệ huyết tộc như nhau (anh em) qua bản tường thuật Chúa gọi bốn môn đệ đầu tiên.

Theo bản dịch của NPDCGKPV “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển….Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan…” (Mt 4,18-22). “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon và người anh là ông Anrê….Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Giêbêđê, và người em là ông Gioan….” (Mc 1,16-20).

Theo bản dịch trong Sách Bài đọc: “…Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông….Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới ….”(Mt 4,18-22).

Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy, để đọc hiểu Thánh Kinh thì cần chú ý đến nghĩa văn tự cũng như nền văn hóa và phong tục tập quán của bối cảnh lịch sử trước tiên. Vì thế có lẽ việc diễn giải và cả phiên dịch theo ý nghĩa thần học phải đi sau thì mới chuẩn hơn (x. MK số 12).

Xét theo lãnh vực chuyện môn Kinh Thánh, bản thân là “dân ngoại đạo”, vì thế chắc chắn còn nhiều bất cập và sai sót. Tuy nhiên từ bé đến nay vốn quen học và nghe đọc Phêrô là anh của Anrê, bây giờ lại đọc và nghe Anrê là anh của Phêrô thì thấy chút gì hơi khó quen tai vậy thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chợ Bến Thành
Nguyễn Trung Tây Lm
19:16 29/11/2017
CHỢ BẾN THÀNH
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ
Anh thương mình như (thương) ớt đỏ trên cây!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Diễn từ của Đức Thánh Cha với hàng lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:10 29/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 30/11/2017
VietCatholic Network
16:33 29/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Các hoạt động chính của Đức Thánh Cha trong 3 ngày đầu tiên tại Myanmar.

2- Đến Miến Điện (Myanmar), Đức Giáo Hoàng được sắc dân thiểu số Kachin tặng cây thánh giá gỗ.

3- Chính phủ Myanmar công bố triệu tập một Đại hội các Dân tộc Thiểu số.

4- Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018.

5- Đức Thánh Cha qui định thủ tục cứu xét vắn tắt giải hôn phối.

6- Khủng bố Hồi Giáo tung bích chương xúc phạm Đức Thánh Cha Phanxicô.

7- Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và những thị kiến về cuộc xâm lược của Hồi Giáo tại Âu Châu.

8- Vatican và Trung Quốc cùng triển lãm nghệ thuật.

9- Trung quốc cấm khách du lịch thăm viếng Vatican.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Ánh Sáng Đã Đến.

Xin mời quý vị phần tin chi tiết
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Phù Vân – Sáng tác: Lm. Xuân Đường – Trình bày: Đình Trinh
Br. Đạt Phùng
04:38 29/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Phù vân nối phù vân Thời gian cứ xoay vần Người đi người lại đến Đời xa đời sẽ nối. Ngày qua rồi ngày tới Trời đất cứ vần xoay, Nhân thế dẫu tàn phai Tình yêu mãi đong đầy. 2. Bình minh đến rồi đi, Hoàng hôn cũng xa dần. Trần gian dù lao tác, lợi danh rồi cũng hết. Dòng sông từ muôn lối, biển lớn chảy về xuôi, Trong Chúa con nghỉ ngơi, Bình an phút tuyệt vời. 3. Đời ta kiếp phù dung, Nở hoa cũng mau tàn. Người quên người lại nhớ, trần gian là bến đỗ. Dòng sông bồi phù sa, Tình mến sẽ trổ hoa. Nhân thế dẫu vụt qua, Tình yêu vẫn chan hòa. Đk. Phù vân dẫu đời phù vân Cho con bác ái hiền tâm Mặc cho nhân thế nhiều nghi nan Sang hèn cùng nhau chung sống. Nguyện dâng câu hát tình tri ân Cho con say mến nguồn ơn thiêng Dù cho kiếp sống đầy truân chuyên Phù vân trở nên tình vô biên.