Ngày 29-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đôi điều suy nghĩa nhân Mùa Vọng
Lại Thế Lãng
03:30 29/11/2009
Giáo hội Công giáo khắp năm Châu đang bước vào mùa Vọng mở đầu cho một năm Phụmg vu mới. Trong lịch Phụng vụ của Giáo hội, mùa Vọng kéo dài 4 tuần lễ là thời kỳ chuẩn bị đón mừng đại lễ Gíang Sinh. Theo cách hiểu của người tín hữu Công giáo Việt Nam thì mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa Cứu Thế như những lời hát thường nghe được trong mùa này:

Trời cao hãy đổ sương xuống
Và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội
Trời cao hãy đổ sương xuống
Và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời
”.

Mùa Vọng được hiểu là mùa trông đợi có lẽ do chữ “vọng” có nghĩa là chờ đợi, ngóng trông, mong mỏi. Thế nhưng đối với thời đại của chúng ta hiện nay thì Chúa Cứu Thế đã đến trần gian từ hơn 2000 năm rồi. Và trước ngày tự nộp mình chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để ở lại với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế. Chúa Cứu Thế đã đến và Người đang ở giữa chúng ta sao lại còn trông chờ?

Thật ra chữ “vọng” không chỉ có nghĩa là trông đợi hay chờ mong. Chẳng hạn viễn vọng kính là loại kính mà các nhà thiên văn dùng quan sát những vật thể trong vũ tru thì chữ “vọng” có nghĩa là nhắm tới hay hướng tới.Theo ý nghĩa này, tôi thích hiểu mùa Vọng là mùa tìm kiếm Chúa, hướng về Chúạhơn là chờ đợi Chúa đến. Trong mùa Vọng chắc hẳn Giáo hội cũng không muốn người tín hữu ngồi chờ Chúa cách thụ động mà phải chủ động đến với Chúa, trở về với Chúa.

Chúa đã đến trong thế gian và hàng năm chúng ta vẫn thường đón mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm ngày Chúa giáng thế. Nhưng phải thành thật mà nói rằng nhiều khi chúng ta chỉ mừng lễ bề ngoài còn trong lòng thì chẳng hề có hình bóng Chúa. Mỗi người tín hữu đều đã được rửa tội để trở thành con cái của Chúa nhưng nhiều khi chúng ta đã chẳng tốt lành gì mà còn tệ hơn những người chưa biết Chúa. Nhiều lúc chúng ta đã sống như chẳng hề có Chúa hoặc bất chấp những giáo huấn của Chúa. Mùa vọng thời điểm chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng sinh chúng ta cần điều chỉnh cách sống để trở về với Chúa.

Trở về với Chúa trong thái độ sám hối lỗi lầm, thành khẩn sửa chữa khuyết điểm để rồi mạnh dạn đổi mới cuộc sống như người thanh niên trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” quyết tâm từ bỏ lối sống cũ để trở về với cha mình. Trở về với Chúa bằng cuộc sống đích thực của người tin Chúa để làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta trong bí tích Thánh Thể nhưng nhiều người trong chúng ta đã qúa hờ hững, không hề quan tâm. Chúng ta đã qúa lo lắng cho của ăn phần xác nhưng lại thơ ơ với Mình Thánh Chúa là của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn. Chúa chờ đợi chúng ta mỗi ngày trong nhà tạm ở các thánh đường nhưng chúng ta chẳng đáp lại. Chúng ta cần đến với Chúa nhiều hơn trong mùa Vọng.

Đến với Chúa qua việc siêng năng rước lễ và viếng Thánh Thể mỗi khi có thể để đáp lại tình thương bao la của Chúa. Tôi nhớ có lần một thành viên trong Cộng đoàn nêu ra câu hỏi về lý do của việc chầu hay viếng Thánh Thể và ích lợi của việc làm này. Người bạn này còn yêu cầu tôi viết một bài nói rõ về vấn đề này. Tôi vẫn chưa làm được việc đó vì thú thật tôi cũng rất mù mơ về nguồn gốc và không am hiểu nhiều về việc chầu hay viếng Thánh Thể. Hồi còn nhỏ khi ở trong đoàn Nghĩa binh Thánh thể của giáo xứ tôi được dạy bảo phải năng viếng Mình Thánh Chúa. Khi lớn lên thỉnh thoảng tôi vẫn thích qùy trước Mình Thánh Chúa trong thinh lặng để tìm sự bình an nhất là khi thấy lòng bối rối. Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì việc viếng Mình Thánh Chúa cũng bình thường như những cuộc thăm viếng khác. Nếu chúng ta coi việc thăm hỏi bạn bè, người thân là phải lẽ. Nếu chúng ta coi việc lâu ngày không ghé thăm hay gọi điện thoại cho cha mẹ là thiếu sót thì sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không thể dành chút thì giờ ghé thăm Chúa đang mỏi mòn chờ đợi chúng ta. Ngày xưa ở trong vườn cây dầu Chúa Giêsu trách các tông đồ “Anh em không thể thức nổi một giờ với Thầy sao?”. Phải chăng đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta đừng bỏ Chúa cô đơn trong nhà tạm?

Đến với Chúa cũng là đến với tha nhân vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Trong một lá thư mùa vọng tôi đọc được trên internet, một vị Gíam mục Việt Nam đã mời gọi giáo sỹ, tu sỹ, chủng sinh và mọi tín hữu trong giáo phận của Ngài hãy bước vào mùa Vọng với tinh thần “Yêu thương và phục vụ”. Yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ, cơ hàn, người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, những người bị đẩy ra ngoài lề cuộc sống. Yêu thương và phục vụ tha nhân bất kỳ họ là ai, cho dù họ là những người rất xa lạ, những người không cùng tôn giáo, màu da hay ngôn ngữ.

Trong xã hội ngày nay có qúa nhiều hoàn cảnh cần được yêu thương và phục vụ mà lắm khi chúng ta không có đủ khả năng để đáp ứng hết được. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta quay mặt làm ngơ, không thể viện bất cứ lý do nào để dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Bác ái là cốt lõi của đạo Công giáo và là bổn phận của người Kitô hữu. Lời Chúa nói rất rõ trong Thánh Kinh rằng những gì chúng ta làm cho tha nhân cũng chính là làm cho Chúa; ngược lại khi chúng ta từ chối làm cho tha nhân điều gì cũng chính là đã từ chối Chúa.

Mùa Vọng Giáo hội nhắc nhở người tín hữu phải tỉnh thức. Tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ và xa lánh tội lỗi để sẵn sàng cho ngày giờ Chúa gọi. Ai cũng biết ngày giờ đó có thể đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai nhưng có lẽ không mấy ai quan tâm.

Hồi đầu tháng này chỉ trong vòng một tuần lễ tôi đã chứng kiến cái chết của hai người trong cộng đồng Việt Nam. Người thứ nhất tôi đến viếng thi thể tại nhà quàn và thắp một nén nhang cho người qúa cố. Người thứ hai thì tôi đã tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang. Chứng kiến cảnh chiếc quan tài từ từ được thả xuống huyệt mộ rồi từng nắm đất được ném xuống trong tiếng khóc thảm thiết của thân nhân sao thấy buồn qúa. Tiếc thương người qúa cố tôi không khỏi bùi ngùi khi nghĩ đến thân phận của kiếp người. Và từ đó nghĩ đến cùng đích của cuộc sống.

Người ta thường ví đời người là một cuộc hành trình. Đối với người Kitô hữu thì cuộc đời là cuộc lữ hành trần thế. Cuộc hành trình nào cũng giống nhau, cũng có điểm khởi hành và điểm đến. Trong một cuộc hành trình của người du khách thì ở cuối cuộc hành trình người du khách có thể chọn cho mình một nơi cư ngụ. Tùy theo túi tiền người du khách có thể chọn một khách sạn hạng sang, một khách sạn vừa phải hay là một nhà trọ kém tiện nghi. Còn ở cuối cuộc lữ hành trần thế thì người Kitô hữu không thể tự chọn mà sẽ được chỉ định cư ngụ ở một trong ba nơi. Nơi được chỉ định sẽ tùy thuộc vào việc người lữ khách đã sống mật thiết với Chúa hay xa rời Chúa. Và chắc chắn cũng còn tùy thuộc vào mức độ yêu thương và phục vụ tha nhân trong suốt cuộc sống ở trần gian.

Phải chăng mùa Vọng là lúc chúng ta cần suy nghĩ về điều này.

Vermont Mùa Vọng 2009
 
Hãy sám hối và đổi mới
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:45 29/11/2009
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG, năm C

Lc 3, 1-6

Mỗi khi mùa vọng tới, chúng ta như được đánh động bởi mẫu gương của Gioan Tẩy Giả. Một con người sống đời sống đơn giản và được trao cho sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế: ” Có tiếng kêu trong hoang địa.Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi “ ( Lc 3, 4 ). Gioan Tẩy Giả đã chứng kiến cuộc đời muôn mặt và lòng người thì đầy nham hiểm, hố sâu, lồi lõm. Do đó, thánh nhân đã mời gọi mọi người hãy ăn năn sám hối, canh tân đổi mới để đón chờ Đấng Cứu Độ.

Đọc kỹ đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca 3, 1-6, chúng ta sẽ thấy bối cảnh chính trị khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Tin Mừng vạch rõ đủ mặt các vị vì vọng như hoàng đế Tibêriô, Phongxiô Philatô, các tiểu vương vùng Palettin là Hêrôđê, Philip, Lysiana, sau cùng là các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái: Ông Anna và ông Caipha. Gioan chỉ là một người vô danh tiểu tốt, một người khó nghèo, khiêm tốn và đơn sơ. “ Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa…”.Vâng, đã từ lâu từ thời các ngôn sứ, dân Israen không được nghe chính Thiên Chúa trực tiếp dạy bảo. Nay, Thiên Chúa lên tiếng qua một con người xem ra rất dân dã, hoang dã mình khoác mảnh da lạc đà. Thiên Chúa không lên tiếng trong đền thờ nhưng Ngài lên tiếng trong hoang địa, gần sông Giođanô.Gioan Tẩy Giả là người hoang dã, nhưng ông được Thiên Chúa ban ơn. Nên, ông thông minh, ăn nói lưu loát, miệng lưỡi đầy Thần Khí của Chúa. Thánh nhân trưng dẫn lời ngôn sứ Isaia rằng dân Israen đã được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi cảnh lưu đầy ở Babylon, họ được trở về quê hương cũ và được chính Thiên đến nâng đỡ, an ủi, vỗ về. Gioan Tẩy Giả đã loan báo rằng: ” Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng “ ( Lc 3, 5 ). Thánh Gioan đã làm phép rửa thống hối. Ngài đã dìm những hối nhân xuống nước để họ chết đi cho tội lỗi và tâm hồn được sạch hầu đón nhận ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. Đây là nghi thức nói lên rằng con người phải thay đổi tận gốc rễ.Con người phải ăn năn sám hối, đổi mới con tim, chia sẻ với tha nhân và chờ đợi Chúa Kitô đến.

Hậu quả việc làm của Gioan là làm cho cả xã hội lúc đó biến đổi khiến những nhà lãnh đạo đời và cả đạo đâm ra lo lắng, hoang mang. Gioan Tẩy Giả bị hành hình, nhưng " Đấng đến sau Gioan quyền năng hơn ông đến nỗi ông nói không sợ hãi rằng ông không xứng đáng cỏi giây giầy cho Ngài “. Đấng đến sau là Chúa Kitô lại tiếp tục đương đầu với bọn cầm quyền đạo đời khiến họ cũng theo một sách lược là kiếm cách khử trừ Ngài để tránh hậu họa.

Tuy nhiên,trước mặt họ những nhà cầm quyền đạo đời lúc đó chỉ thấy một vị vua phục vụ: ” Đến để hầu hạ chứ không để được hầu hạ “. Nhưng họ vẫn cam tâm khử trừ Ngài.

Gioan Tẩy Giả luôn lớn tiếng kêu mời mọi người sửa sang đường sá. Nhưng ý của Gioan Tẩy Giả là đường vào tâm hồn mới thật quan trọng:

Con người phải lấp cho đầy những tỵ hiềm, tham lam, ích kỷ hẹp hòi, nông cạn. Con người phải uốn cho những lối nghĩ đúng theo suy nghĩ của Chúa. Phải san cho bằng những nẻo đi trệch đường của ngạo mạn, tự tôn, tự đắc. Phải bạt cho thấp, cho bằng những gồ ghề của bất chính, bất công, bất nghĩa.

Những chướng ngại ngăn cản con người đến với Chúa, chúng ta phải thật lòng ăn năn sám hối, đổi mới tâm hồn để Chúa có thể đến và ngự lại trong tâm hồn chúng ta. Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ đến dọn đường cho nhân loại đón Chúa lần đầu, chúng ta là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến từng ngày trong cuộc sống của tha nhân.

Chúa Kitô chỉ có thể đến với con người trên những con đường ngay nẻo chính. Ơn cứu độ của Chúa cũng chỉ được ban cho những con tim, những tâm hồn, những bàn tay biết mở rộng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra những lỗi lầm của chúng con để chúng con biết ăn năn, sám hối hầu Chúa thứ tha và thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày -Tuần Lễ Thứ I Mùa Vọng C
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
07:01 29/11/2009
TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TRONG TUẦN

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Hai sau Chúa nhật I Mùa vọng

Mt 8,5-11

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng chúng con mến yêu vô cùng. Chúa luôn thi ân giáng phúc cho từng cuộc đời chúng con. Chúa luôn sẵn lòng phù giúp những ai kêu cầu Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Chúng con xin cảm tạ và tri ân sự quan phòng đầy tình yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận và nói được như thánh nữ Têrêsa: Tất cả đều là Hồng ân. Vui - buồn – sướng – khổ, giầu có hay nghèo nàn, đều là ân ban của Chúa. Và ân ban vô giá là chính sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng con. Ôi, còn có gì hạnh phúc và êm đềm hơn khi được chính Chúa cùng chia sẻ buồn vui trong những thăng trầm của cuộc đời. Sự hiện diện của Chúa như người cha luôn mang lại cho con cái niềm tin, nghị lực, sức phấn đấu và sự ủi an. Vâng, sự hiện diện của Chúa, tựa như đá tảng vững chắc cho chúng con nương nhờ, như thành lũy chở che cho chúng con trong những đêm trường băng giá của cuộc đời đầy khắc nghiệt và gian truân.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể! Giờ đây Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con, chúng con xin phó dâng cuộc đời cho Chúa. Xin ban ơn soi sáng để chúng con luôn nhận ra ý Chúa và mau mắn thi hành cho đẹp lòng Chúa. Xin gìn giữ chúng con khỏi những đam mê trần gian để tâm hồn chúng con luôn hướng về trời cao là quê hương đích thực của chúng con. Xin giúp chúng con đừng bao giờ để mình bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến trong cuộc sống và cả giờ lâm tử của cuộc đời chúng con. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 1 Mùa vọng

Lc 10,21-24

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin Chúa là Chúa tể muôn loài, muôn vật. Chúng con tin Chúa là Đấng Emanuel đã đến trần gian để ở cùng chúng con. Chúa đã đến mạc khải Nước trời cho những kẻ bé mọn. Chúa đã chấp nhận mục nát đời mình trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn người. Chúng con xin tạ ơn, chúc tụng Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã hứa với những ai thành tâm thiện chí cùng Chúa rằng: “Ai xin thì sẽ được. ai tìm sẽ thấy. Ai gõ cửa sẽ mở cho”. Xin ban cho chúng con được lòng khiêm tốn và kiên trì tìm kiếm giá trị Nước trời trong thung lũng bể khổ trần gian. Xin đừng để chúng con thất vọng trước những nghịch cảnh cuộc sống. Cho dẫu cuộc đời có lắm truân chuyên. Cho dẫu đường đời có gập ghềnh bởi biết bao chướng ngại, xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa để nhờ ơn Chúa chúng con vượt qua những gian nan và thử thách.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con quả tim đơn sơ như trẻ nhỏ, sẵn sàng đón nhận những gì Chúa ban tặng cho chúng con, và can đảm phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Chúng con xin được nép mình bên Chúa như trẻ thơ nép mình trong vòng tay của mẹ. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 1 mùa vọng

Mt 15,29-37

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể Chúa ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa ở lại để chia sẻ buồn vui với kiếp người chúng con. Chúa ở lại để nâng đỡ và hộ phù chúng con. Chúng con xin hết lòng cảm tạ Chúa. Xin ban cho chúng con đức tin đủ để chúng con trao phó đời mình cho lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con vẫn biết rằng “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?” Nhưng Chúa ơi! sao chúng con vẫn quyến luyến của cải, danh vọng trần gian hơn là Nước trời mai sau. Chúng con vẫn chạy theo đồng tiền, chạy theo danh vọng để rồi xa lìa Chúa. Chúng con vẫn làm tôi cho tiền của hơn là làm tôi cho Thiên Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những chọn lựa sai lầm của chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng cám dỗ của đồng tiền để luôn trung thành theo lề luật Chúa. Xin giúp chúng con biết chọn lựa Chúa hơn là những vinh hoa phú quý trần gian. Xin giúp chúng con đừng vì đam mê vật chất mà đánh mất lương tri của một con người, nhất là mất đi nước trời mai sau.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu mến giá trị nước trời và biết sống theo những đòi hỏi của tin mừng. Xin cho chúng con cũng trở thành chứng nhân cho tin mừng của Chúa. Xin cho lời con nói, việc con làm luôn thể hiện đức bác ái yêu thương, ngõ hầu chúng con luôn xứng đáng là môn đệ của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 1 Mùa vọng

Mt 7,21.24-27

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !

Giờ đây Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con. Chúng con xin tri ân cảm tạ Chúa. Chúng con xin phó dâng cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống trung tín với Chúa như người đầy tớ luôn chu toàn bổn phận của mình.

Lạy Chúa, mùa vọng mời gọi chúng con tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Xin giúp chúng con luôn tỉnh thức để lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Xin ban ơn soi sáng và nghị lực để trong từng phút giây của cuộc sống, chúng con luôn nhận ra ý Chúa và biết sống đẹp lòng Chúa. Xin gìn giữ chúng con khỏi những đam mê trần gian, để tâm hồn chúng con luôn hướng về trời cao, và biết tích lũy kho tàng trên quê hương thiên đàng. Xin giúp chúng con đừng bao giờ để mình bị ngụp lặn trong tội lỗi, nhưng luôn sống có mục đích, biết phấn đấu vươn lên không ngừng, biết tránh xa tội lỗi và chu toàn bổn phận của mình. Nhờ vậy, chúng con mới xứng đáng lãnh triều thiên sự sống, trong lần sau hết khi Chúa đến với mỗi người chúng con vào giờ lâm tử.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu chúng con, để muôn dân sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Chúa, là anh em con một Cha trên trời. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật I mùa vọng

Mt 9,27-31

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là ánh sáng thế gian. Chúa đã soi sáng cho nhân trần ánh sáng của chân lý và tình thương. Xin soi sáng lòng trí chúng con khỏi những mê muội tội lỗi. Xin mở mắt tâm hồn để chúng con nhận ra tha nhân là hình ảnh của Chúa. Xin soi sáng để chúng con luôn bước đi trong chân lý và bình an.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho những lần chúng con cố tình sống trong cảnh mù quáng của bản thân. Sự mù quáng của lòng tham, của ích kỷ, của thiển cận hẹp hòi đã khiến chúng con gây bao nỗi khổ cho anh em. Sự mù quáng của thành kiến, của bảo thủ đã làm chúng con xa rời anh em. Xin giúp chúng con sám hối ăn năn. Xin cho chúng con can đảm sống theo ánh sáng của lề luật, của lương tâm ngay lành. Xin giúp chúng con khắc phục những khiếm khuyết của bản thân để chúng con luôn sống dưới cái nhìn của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Xin giúp chúng con biết nhận ra nhau là anh em, và biết nhận ra vẻ đẹp của tha nhân để chúng con luôn yêu mến và tôn trọng lẫn nhau. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật I Mùa vọng

Mt 9,35-10,1.6-8

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Trái tim Chúa luôn động lòng trắc ẩn trước biết bao cơ cực của nhân trần. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa để có cái nhìn cảm thông, yêu thương với tha nhân. Xin Mình Máu Thánh Chúa hòa tan trong chúng con để chúng con mang hơi ấm tình thương của Chúa đến cho những mảnh đời bất hạnh bên lề đường.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, mùa vọng luôn mời gọi chúng con sửa lại lối đi. Lối đi có những cỏ dại ven đường là những đam mê bất chính. Lối đi có những đá tảng gồ ghề là những kiêu căng tự mãn. Lối đi có những ngã rẻ không đến được với tha nhân, khiến chúng con chỉ sống trong ngõ cụt của ích kỷ tầm thường. Xin giúp chúng con can đảm sửa lại cách sống của mình cho phù hợp với lối đường của Chúa. Xin giúp chúng con biết ra khỏi lòng mình để đến với tha nhân. Xin cho lối đường chúng con đi luôn tìm đến với tha nhân trong sự cảm thông nâng đỡ, trong bác ái dấn thân và trong yêu thương phục vụ.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con biết bao ân huệ hồn xác, xin giúp chúng con biết quảng đại với anh em. Xin cho chúng con một con tim rộng mở để gieo yêu thương trên mọi nẻo đường chúng con đi. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 
Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Híp-ri (Do thái)
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP.
16:17 29/11/2009
Thư này thường được gọi là thư Do thái. Nhưng theo đề thư thì phải nói là Híp-ri vì gửi cho người Ebraiôs (Híp-ri) chứ không phải Iôudaiôs (Do thái).

Thư Híp-ri có thể làm cho độc giả thời nay ngỡ ngàng. Đọc thư, người ta vừa thán phục, lại vừa cảm thấy lạc lõng: thán phục vì đạo lý sâu xa và tình người đậm đà trong nhiều đoạn, lạc lõng vì nhiều chỗ thấy chơi vơi, không biêt phải hiểu như thế nào. Tác giả có những kiểu nói độc đáo để khẳng định địa vị siêu việt của Đức Ki-tô, đồng thời lại diễn tả cách rất thực tế sự liên đới chặt chẽ giữa Người với các anh em của mình. Mỗi dòng chữ của thư chứng tỏ tác giả hiểu biết Cựu Ước thật cặn kẽ, và mỗi lời khuyên trong thư lại phát xuất từ một tấm lòng yêu thương Hội thánh rất sâu đậm.

Tuy nhiên, có một số điểm khiến người đọc lạc lõng. Tác giá nói nhiều đến lễ nghi và hy tế thời trước. Ông tỏ ra rất khéo léo giải thích các bản văn theo lối biểu tượng cũng như khi gợi lên những tương quan giữa các thực tại trần gian với những thực tại trên trời, giữa các sự kiện lịch sử với tính vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Ngoài ra, nguồn gốc của thư này lại đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Ngay từ những thế kỷ đầu, người ta đã tranh luận và tỏ ra hoài nghi. Sang đến thời Cải Cách, vấn đề lại càng thêm sôi nổi: tác giả thư này là ai, có phải là của Phao-lô không, sao lại ít giống các thư lớn của ngài như vậy, thư được viết cho ai, trong hoàn cảnh nào và có phải là một thư không ?

1. Nguồn gốc của thư

Trong bốn thế kỷ đầu, ý kiến về nguồn gốc thư này rất khác nhau cả bên Tây lẫn bên Đông. Trong Hội thánh Đông phương, thư Híp-ri vẫn được coi là của thánh Phao-lô. Tuy vậy, điều ấy vẫn không ngăn cản một số người nêu ra những khác biệt giữa thư Híp-ri và các thu khác

Để giải thích những khác biệt ấy, thánh Cơ-lê-men-tê thành A-lê-xan-ri-a coi thư này là một bản văn Hy-lạp mô phỏng lại một bản văn khác do chính thánh Phao-lô viết bằng tiếng Híp-ri,, vì thánh Cơ-lê-men-tê nghĩ gịọng văn ở đây có vẻ là của thánh Lu-ca. Sau đó ít lâu, giáo phụ O-ri-giên còn phân biệt rõ hơn nữa. Ông bảo tư tưởng là của thánh Phao-lô, nhưng lối viết chắc chắn không phải là của ngài. Thư Híp–ri là tác phẩm của môt môn đệ thánh Phao-lô. Tuy môn đệ này trung thành với tư tưởng của thày, nhưng cách trình bày là của đương sự. Nhưng môn đệ này là ai đây ? O-ri-giên nói không biết. Tuy vậy, ông vẫn hoàn toàn tin tưởng vào bản văn thánh kinh này. Những nhà chú giải khác ở phương Đông ít để ý đến phương diện lời văn, nên vẫn tin theo truyền thống Hội thánh của mình và khẳng định đây là một trong các thư của thánh Phao-lô.

Bên phuơng Tây, tình thế khác hẳn. Người ta đã biết thư này ngay từ cuối thế kỷ I, vì thư của thánh Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma đã trích dẫn thư này. Nhưng thư này không được chấp nhận dễ dàng, Những nghi ngờ về nguồn gốc của thư làm cho người ta phân vân về giá trị linh hứng trong đó. Những người phân vân dùng chương 7 để bảo vệ những suy nghĩ kỳ lạ về con người Men-ki-xê-đê. Phe cứng rắn dựa vào 6,4-6 và 10,26 để khước từ tha thứ cho những người đã bỏ đạo trong thời cấm cách. Bè rối A-ri-ô dùng 3,2 để nói rằng Ngôi Lời chỉ lá một thọ tạo. Philastre de Brescia (Phi-lát đờ Bơ-rét-si-a) làm chứng rằng tất cả những điều đó đã khiến cho thư Híp-ri không còn được các giáo đoàn đọc nữa vào cuối thế kỷ IV, Riêng thánh Giê-ro-ni-mô thì cho rằng người Rô-ma không công nhận thánh Phao-lô là tác giả của thư này. Nhưng theo ngài thì đó chỉ là vấn đề phụ thuộc. Còn truyến thống của các cộng đoàn phương Đông lại công nhận thư Híp-ri là một phần của Kinh thánh. Thánh Âu-tinh cũng đồng ý như vậy.

Các thái độ lưỡng lự ngập ngừng đã chấm dứt ở thế kỷ IV, khi thu Híp-ri được xếp vào loại thư qui. Bởi vì thư này được xếp liền với các thư của thánh Phao-lô nên việc coi thánh Phao-lô là tác giả của thư H1p-ri càng thêm vững mạnh. Dù vậy, đến thời Trung cổ lại có lập trường gần giống lập trường của thánh Cơ-lê-men-tê nói trên, công nhận thư Híp-ri là một thư của thánh Phao-lô nhưng đã được thánh Lu-ca chuyển sang tiếng Hy-lạp, sau khi thánh Phao-lô qua đời.

2. Thời Cải Cách

Các cuộc tranh luận lại trở nên sôi nổi ở thời Phục Hưng. Người ta còn thấy dư âm trong bài Luther (Luy-te) chú giải thư này vào năm 1517-1518. Ông giải thích bản văn như là của thánh Phao-lô và thấy thư lặp lại đề tài chính yếu trong học thuyết của thánh nhân. Ông nói: ”Trong thư này, thánh Phao-lô đề cao ân sủng để chống lại sự tự phụ của những người công chính theo lề luật.” Tuy nhiên, ông cũng thấy rằng 2,3 là một lý rất mạnh để chứng tỏ thư này không phải là của thánh Phao-lô, vì theo câu đó, tác giả đã tự đặt mình vào số những người được nghe Tin Mừng qua trung gian các Tông đồ. Nhưng trong 13,19 Luther lại coi thánh Phao-lô là tác giả, vì có gợi đến việc ngải bị cầm tù.

Một vài năm sau, khi giới thiệu bản dịch Tân Ước của mình, Luther đã xác định: thư Híp-ri không phải là của thánh Phao-lô, nhưng ông vẫn thán phục tài dùng Kinh thánh của tác giả vô danh nào đó. Theo ông, có một vài đoạn gây khó khăn, như phủ nhận việc người ta có thể trở lại, nếu sau khi chịu phép rửa mà còn phạm tội, (6,4-6; 10,26; 18,17). Do đó, Luther cho rằng thư Híp-ri là một tác phẩm hỗn hợp.

Còn Calvin (Can-vanh) thì thấy không có gì phải dè dặt.. Ông nói: “Thư Híp-ri chắc chắn là một trong các thư của thánh Phao-lô.” Ông cho việc công kích thư là một thủ đoản của Satan. Nhưng không vì vậy mà ông coi thư Híp-ri là một tác phẩm của thánh Phao-lô. Sau đó lập trường của Thệ phản đã có những ý tưởng rất khác biệt. Trong thế kỷ XVI, hấu như ai nấy đều công nhận thánh Phao-lô là tác giả, Nhưng rồi sau đó, lập trường đối nghịch lại thắng thế.

Bên Công giáo, huấn quyền trong Hội thánh bao giờ cũng để ý đến truyền thống hơn, nên vẫn quan tâm bảo vệ ý kiến cho rằng thư Híp-ri đã bắt nguồn từ thánh Phao-lô. Nhưng bởi vì công đồng Tren-tô không xác định chính thánh Phao-lô là tác giả, nên một số học già công giáo chủ trương rằng tác giả là một môn đệ của thánh nhân. Đến đầu thế kỷ XX, người ta lại tranh luận sôi nổi. Ủy Ban Thánh Kinh phải can thiệp, cấm người công giáo không được phủ nhận thư này là của thánh Phao-lô, nhưng vẫn để cho người ta nghĩ rằng có lẽ không phải chính thánh nhân đã viết thư đó. Các nhà chú giải công giáo gần đây hiểu vấn đề tác giả thư Híp-ri một cách rộng rãi hơn. Có ý kiến cho rằng thư đã đuợc ông Apollos (A-pô-lô) sọan ra, sau khi thánh Phao-lô chịu tử đạo (C. Spicq, thư Híp –ri quyển 1, trang 260-261).

3. Vấn đề tác giả

Có nhiều bằng chứng ngược lại với ý kiến cho thánh Phao-lô là tác giả. Giọng điệu trong thư Híp-ri không phù hợp chút nào với tính tình của thánh Phao-lô. Lời văn quá êm đềm. bố cục đều đặn và cá tính của tác giả lại lu mờ. Từ ngữ khác biệt, các kiểu nói không phù hợp và ngay cả cách suy nghĩ về mấu nhiệm Đức Ki-tô cũng khác với tư tưởng của thánh Phao-lô. Trong thư Híp-ri, không tìm được các kiểu nói Ki-tô Giê-su hay trong Đức Ki-tô như trong các thư của thánh Phao-lô. Các câu trích Cựu Ước cũng chẳng bao giờ được trình bày hay giới thiệu như Kinh thánh viết, hay sách thánh chép rằng, hoặc sách thánh bảo mà chỉ được báo trước bằng câu: “Người nói”. Nhiều lần tác giả nói đến Đức Ki-tô được vinh thăng trên trời, nhưng chỉ một lần nói đến Người sống lại từ trong cõi chết.(13,20) và ngay cả lần đó cũng kh6ng dùng kiểu nói quen thuộc. Cách trình bày về chức tư tế của Đức Ki-tô cũng độc nhất vô nhị trong toàn bộ Tân Ước. Tóm lại, ông là một con người khác hẳn với thánh Phao-lô.

Có những người đã đi tới chỗ phủ nhận mọi liên lạc giữa nội dung bức thư với tư tưởng của thánh Phao-lô. Nhưng rõ ràng đó là một thái độ quá khích, vì về nhiều điểm quan trọng trong thư, người ta thấy hai bên rất giống nhau.

3,1 Cuộc Thương khó của Đức Giê-su được trình bày dưới khía cạnh vâng phục tự nguyện trong 5,8 và 10,9 cũng như trong Pl 2,8 và Rm 5,19

3,2 Sự vô hiệu của Luật cũ và việc bãi bỏ Luật được nói đến ở 7,11-19 và 10,1-10 cũng quyết liệt không thua gì Gl 3,21-25 hay Rm 4,15; 5,20. Trong tất cả Tân Ước, không tìm được ở đâu khác lời tuyên bố dứt khoát như vậy.

3,3 Ngay đề tài chính yếu của thư Híp-ri cũng chẳng tìm được những điểm tương đồng ở đâu khác hơn là trong các thư của thánh Phao-lô như 1Cr 5,7; Rm 3,25 và nhất là Ep 5,2. So sánh với Gl 3,20 và Ep 5,2.25, tính hy tế và tế tự trong công trình cứu chuộc được chú trọng hơn ở thư Híp-ri.

3,4 Sau cùng có sự giống nhau rõ rệt giữa các thư viết trong tù với thư Híp-ri về phương diện Ki-tô học. Chúa Con là hình ảnh của Thiên Chúa. Người được tôn vinh trên các thiên thần và nhận được một danh hiệu mới sau khi hiến tế mình làm hy lễ.

Bấy nhiêu bằng chứng căn bản nêu trên thiết tưởng đã đủ để cấm chúng ta không được coi thường giá trị của truyền thống phương Đông, khi họ tin bức thư này phát xuất từ thánh Phao-lô. Người ta cũng có lý do để nghĩ rằng một cộng sự viên của thánh nhân đã viết thư này. Còn việc xác định tác giả thư này là ai thì thật khó mà nói đươc. Truyền thống lưỡng lự giữa nhiều giả thuyết. Người ta đã nói đến Lu-ca, Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma và Bác-na-bê. Nhưng không giả thuyết nào hội đủ bằng chứng. Vì thế, ngày nay người ta đã đưa ra nhiều đề nghị khác mà khả quan hơn cả có lẽ là của Luther. Ông đề nghị A-pô-lô vì ông này là người Híp-ri, được hấp thụ văn hóa Hy-lạp ở A-lê-xan-ri-a, thông thạo Kinh thánh và nổi tiếng là hùng biện (Cv 18,24-28; 1Cr 3,6). Đó là những điểm rất thích hợp với tác giả thư Híp-ri. Nhưng vì chẳng có truyền thống xa xưa nào nhắc đến tên ông, và cũng vì chẳng có tác phẩm nào khác của ông để so sánh nên đề nghị của Luther vẫn chỉ là một giả thuyết không thể kiểm chứng. Bởi thế, phải chấp nhận điều này là không thể biết đích danh tác giả của thư Híp-ri.

4. Thư Híp-ri là một bức thư hay một bài giảng?

Người ta quen gọi thư Híp-ri là một thư. Nhưng thư này không bắt đầu như những thư khác. Tuy vậy, không thể nói đề thư đã mất hay bị bỏ đi, vì câu đầu tiên là câu khai mào rất khác. Nhưng đó là câu đầu của một bài giảng chứ không phải của một bức thư. Toàn bản văn này có vẻ là một bài hùng biện. Tác giả chẳng bao giờ bảo mình đang viết, nhưng lúc nào cũng như bảo mình đang nói (2,5; 5,11; 6.9; 8,1; 9,5; 11.12}. Nội dung tác phẩm cũng chẳng có một yếu tố thư nào. Phải đợi đến những câu cuối cùng mới thấy gịong văn thay đổi (13,22-25). Những câu này đích thật là những câu kết của một bức thư đưa tin tức cho người ở xa và chào thăm như thường lệ. Nhưng giọng văn lại khác xa với những dòng mở đầu. Ngoài ra, trước đó đã có một câu rất long trọng (13,20-21) và đó đúng là câu kết thúc một bài giảng. Do đấy, người ta nghĩ rằng phải phân biệt trong tác phẩm có phần là bài giảng, đúng giọng văn nói (1,1-13-21) và có phần là một mẩu thư được đính kèm (13,22-25). Người ta có thể nghĩ rằng phần bài giảng thật sự đã được nói trước một cử tọa là tín hữu ở một hay nhiều nơi. Sau đó, người ta đã viết lại cho các tín hữu ở xa, tiện thể thêm một vài tin tức và lời chào hỏi. Rất có thể tác giả bài giảng không phải là tác giả của những lời thư. Nếu giọng văn của bài giảng không thể là của thánh Phao-lô thì qua những lời thư, người ta không thể chắc chắn được như vậy.

5. Thư viết cho ai ?

Bản văn không nói rõ gửi cho ai. Những chữ gửi người Híp-ri không thuộc thành phần bản văn. Các nhả chú giải ngày trước nghĩ rằng đó là những người Do thái sinh sống ở Pa-lét-tin và nói tiếng Do thái. Nhưng ngày nay không ai nghĩ như vậy nữa, bởi vì ai cũng thấy văn Hy-lạp ở đây không phải là văn dịch. Nhiều tác giả gần đây nghĩ rằng có thể bức thư đã được gửi cho người Do thái chưa theo Ki-tô giáo và đúng hơn cho các người Qumrân (Cum-ran). Nhưng không chắc như vậy, bởi vì bức thư không kêu gọi trở lại mà chỉ khuyên nên kiên nhẫn và tấn tới trong đức tin (3,6; 5,12; 6,9-12). Đàng khác, tuy thư có nhiều tương quan với các bản văn tìm được ở Qumrân gần Biển chết, nhưng cũng có liên hệ nhiều với trào lưu Do thái được Hy-lạp hóa, ấy là chưa kể ảnh hưởng của các thứ thuyết ngộ đạo nữa. So sánh như vậy, người ta thấy rõ bức thư phát xuất từ một mảnh đất thật phong phú. Môi trường soạn ra nó đã tỏ ra rất nhậy cảm với nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Nó được gửi cho những giáo đoàn không phải mới thành lập (5,12; 13,7), nhưng cũng không thể bảo các giáo đoàn này đã được xây dựng ngay từ buổi đầu của Hội thánh ở Pa-lét-tin. Thay vì quảng đại lúc ban đầu (6,10; 10,32-34), về sau người ta thấy mệt mỏi (5,11; 10,25; 12,3), rồi khi nhìn thấy các khó khăn mới, người ta đâm ra thất vọng (10,35-36; 12,4-7). Thêm vào đó còn có nguy cơ sai lạc vể đạo lý do khuynh hướng Do thái hóa.

6. Hoàn cảnh và thời gian

Câu kết của bức thư làm cho người ta nghĩ đến những hoàn cảnh cụ thể, nhưng lại bí ẩn khiến cho khó xác định được ở đâu và khi nào. Ti-mô-thê được thả ở đâu và khi nào ? Vì sao ông bị bắt ? Chẳng ai biết. Tác giả nói đến những người Ý, nhưng người ta chẳng biết họ ở đâu, khi có bức thư này. Việc độc giả quen biết một số giáo dân gốc Ý cũng không đủ để giúp cho biết rõ họ là ai..

Thời gian viết bức thư này cũng được phỏng đoán nhiều cách khác nhau. Người thì chú trọng đến mấy kiểu nói có vẻ cổ nên cho rằng thư đã được viết khá sớm, trước cả những thư quan trọng nhất của thánh Phao-lô. Người khác lại lui việe viết thư này tới cuối thế kỷ I và sau này. Nhưng vì thánh Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma đã dùng thư này vào khoảng năm 25, nên không được lui quá xa. Đàng khác có những điểm giống nhau về Ki-tô học giữa thư Híp-ri và các thư viết trong tù, nên phải nghĩ đến một khoảng thời gian gần với khi thánh Phao-lô chịu tử đạo. Người ta có thể nghĩ rằng thư đã được viết vào những năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy tức năm 70, vì tác giả nói đến phụng tự trong đền thờ như một thực tại đang hiện hành.

7. Kết cấu của thư

Hoản cảnh xui khiến xuất hiện bức thư này không được rõ lắm, nhưng không có gì trở ngại, bởi vỉ dựa vào văn thể, người ta thấy rằng thư này không gắn liền với một hoàn cảnh cụ thể nào. Điều quan trọng hơn là phải tìm ra những nét chính trong kết cấu của thư.

Trước kia người ta phân biệt hai phần: đạo lý (1,1-10,18) và luân lý (1o,19-13,25). Nhưng cách chia như thế không hợp với ý của tác giả, bởi vì ngay từ đầu đã thấy xen lẫn những đoạn vừa trình bày đạo lý vừa khuyến dụ luân lý (2,1-4;3,3-4,16; 5,11-6,12) do mối bận tâm cần phải kết hợp đức tin và đời sống với nhau.

Lối phân chia thành ba phần; lời Chúa 1,1-4,13); chức tư tế của Đức Ki-tô (4,14-10,18); đời sống Ki-tô hữu (10,19-13,25) có thể là xác đáng, nhưng vẫn chưa điễn tả được hết các dữ kiện

Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn cho thấy đây là cả một kỹ thuật bố cục rất chắc chắn với các thể thức hành văn gần với các truyền thống văn chương của Kinh thánh. Ngoài phần mở đầu và kết thúc (1,4; 18,25), người ta thấy có năm phần, mỗi phần được tác giả báo trước (1,4; 2,17; 5,10; 10,31.39; 12, 12-15)

7,1 Phần thứ nhất (1,5-7,18) Tác giả xác định danh Đức Ki-tô tức là địa vị của Người đối với Thiên Chúa (1,5-14) và đối với loài người (2,5-18). Muốn thế, tác giả phải so sánh với địa vị của các thiên thần rồi khẳng định về chức tư tế của Đức Ki-tô (2,17)

7,2 Phần thứ hai (3,1-5,10) Phần này chứng minh rằng nơi Đức Ki-tô đã thực hiện đầy đủ hai đặc tính căn bản của mọi chức tư tế là được uy tín nơi Thiên Chúa (3,1-6) và liên đới với loài người (4,15-5,10). Địa vị của Đức Ki-tô như gồm cả địa vị của ông Mô-sê (3,2) lẫn địa vị của ông A-ha-ron (5,4). Khi so sánh như vậy, tác giả xen vào giữa lời khuyên tín hữu phải trung thành (3,7-4,14).

7,3 Phần thứ ba (5,11-10,39) Phần này quảng diễn giáo lý về chứ tư tế của Đức Ki-tô bằng cách nêu lên những nét đặc sắc của chức tư tế này: Người là một Thượng tế theo kiểu mới hẳn (7,1-28), hy tế của Người khác xa mọi nghi lễ cũ và mở đường cho ta tiến vào cung thánh chân thật (8,1-9,28). Người đã làm cho ta được ơn tha tội. Như vậy, hy tế của người đã chấm dứt chức tư tế xưa thuộc Giao ước và Luật cũ. Phần thứ ba này quan trọng hơn các phần khác nên có một đoạn mở đầu (5,11-6,20) và một đoạn kết thúc (10,19-39).

7,4 Phần thứ tư (11,1-12,13): Phần này nhấn mạnh đến hai phương diện trong đời sống thiêng liêng là sống đức tin theo gương các tiền nhân (11,1-40) và nhẫn nhục (12,1-13), để đưa các tín hữu đi vào con đường mà cuộc hy tế của Đức Ki-tô đã mở ra.

7,5 Phần thứ năm tức phần cuối cùng phác họa một bức tranh về đời sống Ki-tô hữu, để kêu gọi ai nấy dấn bước vào con đường thánh thiện và bình an.

8. Chức tư tế của Đức Ki-tô

Phần đóng góp quan trọng hơn cả của thư Híp-ri về phương diện đạo lý là trình bày chức vụ tư tế của Đức Ki-tô. Quả vậy, thư này là tác phẩm duy nhất trong Tân Ước tuyên xưng Đức Ki-tô là tư tế và là thượng tế. Đó là một sự kiện vô cùng quan trọng. Nhờ vậy, người ta mới thấy tương quan giữa đức tin Ki-tô giáo và một trong những luồng tư tưởng chính của truyền thống Kinh Thánh nói về vấn đề phụng tự là nghi thức, hy lễ, tư tế và đền thờ.

Mới nhìn thì không thấy con người và sự nghiệp của Đức Ki-tô với cách trình bày về tôn giáo như vậy. Người không thuộc hàng tư tế thì chẳng bao giờ muồn làm một chức vụ tư tế nào. Biến cố Núi Sọ cũng chẳng có gì là nghi lễ. Cái chết của Đức Ki-tô là một cực hình do luât pháp ấn định, một bản án ô nhục loại người ta ra khỏi cộng đồng Dân Chúa, đang khi hy lễ là một cử hành tế tự tôn vinh Thiên Chúa và kết hợp tín hữu với Người.

Muốn cho tính hy lễ của mâu nhiệm Thương khó-Phục sinh nổi bật thì phải vượt qua hai điều: một lả dẹp bỏ quan niệm hẹp hòi của người xưa về việc thi hành các thứ nghi lễ, hai lả đi từ cái bề ngoài để đạt tới ý nghĩa sâu xa của biến cố. Nhờ lời các ngôn sứ (Is 53,10) và lời Đức Giê-su (1 Cr 11,25) linh hứng, lại nhờ được hướng dẫn do một vài hoàn cảnh như cuộc Thương khó xảy ra trong dịp lễ Vượt Qua, người ta đã dần dần nhận ra chân lý trên (x 1 Cr 5,7; Rm 3,15; Ep 5,2; 1 Pr 1,19).

Chính Đức Ki-tô phục sinh mới có chức tư tế hoản toàn. Người vừa là Con Thiên Chúa vừa là anh em của loài người. Người bảo đảm cho chúng ta tới được cung điện của Thiên Chúa. Như vậy, Người là vị Thượng tế. Chức tư tế của Người tiếp nối và vượt qua chức tư tế của A-ha-ron (5,4-5). Như lời thánh vịnh 110, Thiên Chúa muốn thiết lập một chức tư tế mới hẳn theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê (7,1-28). Cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Ki-tô là một hy lễ. Phải nói rằng đó là hy lễ đích thật duy nhất, để thay thế mọi hy lễ xưa là những hy lễ chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, dựa vào những cử chỉ làm theo qui ước mà không thanh tẩy được lương tâm con người (9,9-10,1-4), cũng chẳng đưa người ta lên củng Thiên Chúa. Trái lại, cuộc Thương khó của Đức Ki-tô là một lễ dâng chính bản thân một triệt để (9,14), làm cho con người vâng phục thánh ý Thiên Chúa (5,9; 10,.9-10) khiến con người được đỗi mới hoàn toàn và bước vào vòng thân tình với Thiên Chúa. Nhờ cuộc Thương khó, Đức Ki-tô đã trở thành tư tế thuộc thiên giới (9,24). Người đã thanh tẩy tội lỗi và thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu (9,15; 13,20). Máu của Người bảo đảm cho chúng ta tiến đến gần Thiên Chúa (10,19). Đó là một kỳ công của Thiên Chúa, một đặc ân ban cho con người, bởi vì chính Thiên Chúa đã thực hiện việc biến đổi con người cách sâu xa nơi Con Một của Người.

9.Thân phận người Ki-tô hữu

Từ nay thân phận người Ki-tô hữu được định nghĩa theo tương quan tư tế mới trình bày ở trên. Phụng vụ đền tội xưa chỉ là những sáng kiến bất lực báo trước những thực tại sẽ được thực hiện trong hy lễ của Đức Ki-tô, Đấng đại diện cho ta trước mặt Thiên Chúa (7,35; 9,24) Đức Ki-tô mở đường cho ta đi theo Người mà tin tưởng đến gần Thiên Chúa (4,16; 7,19; 10,22). Tội lỗi của ta đã được xóa bỏ (9,26; 10,22); kẻ thù của ta đã bị đánh bại (2,14); chúng ta được vĩnh viễn và hoàn toàn giải thoát (7,15; 9,12) Từ nay Ki-tô hữu được dự phần vào ân lộc của thế giới tương lai (6,4-5). Họ đã được Nước Trời. Đối với họ, kỷ nguyên mới đã bắt đầu.

Nhưng không phải họ đã đạt tới đích đâu. Ơn gọi của họ chưa được thực hiện hoàn toàn. Cuộc đời của họ còn tiếp diễn trên trần gian, nơi không phải là quê hương vĩnh cửu của họ, nên họ còn phải tiến mãi về quê hương đích thật. Họ còn phải chờ cuộc quang lâm của Chúa Cứu thế (9,28). Họ đã thoáng thấy ngày của Chúa nhưng chưa nhìn thấy thật sự.

Liên lạc của họ với Thiên Chúa qua Đức Ki-tô rất chân thật và thân thiết, nhưng còn phải diễn ra trong đức tin. Chỉ có đức tin mới làm cho họ ngay từ bây giờ đi vào vòng kết hợp thân tình với Thiên Chúa (4,3). Nếu hoài nghi, mất tin, họ sẽ phải xa lìa Đức Ki-tô (3,14) và Thiên Chúa: họ sẽ bị lưu vong (10,39)

Không còn đối lập giữa đức tin và các việc làm như trong các thư trước của thánh Phao-lô nữa mà trái lại, trong thư Híp-ri, đức tin được biểu lộ qua việc làm và những gì có giá trị trong Cựu Ước đều lấy đức tin làm nền tảng. Ngoài ra, tác giả còn nhấn mạnh rằng trong hoàn cảnh đầy thử thách hiện nay, đức tin còn cần được bổ sung thêm bằng lòng kiên nhẫn (6,12; 10,36; 12,1-13). Đức Ki-tô đã nhận lấy khổ đau và sự chết của loài người mà biến thành con đường vinh hiển cứu chuộc chúng ta, không phải miễn cho chúng ta khỏi đương đầu với thực tại ấy, nhưng để chúng ta biết đương đầu với chúng mà giữ vững niềm hy vọng (12,2-3)

Mặc dầu nhấn mạnh đến hiệu lục viên mãn của hy lễ duy nhất là hy lễ của Đức Giê-su Ki-tô, tác giả vẫn không ngần ngại trình bày đời sống Ki=tô hữu như là một cuộc hiến dâng (13,16). Tác giả không ngừng khuyến khích tín hữu dâng lên Thiên Chúa hy lễ tạ ơn nhờ Đức Ki-tô (13,15) và quả quyết rằng đời sống phục vụ và bác ái rất có giá trị hy tế (13,16). Theo gương hy sinh của Đức Ki-tô và kết hợp với Người, tín hữu không thờ Thiên Chúa bên ngoài cuộc đời của mình, nhưng bằng chính đời sống cụ thể của bản thân, nghĩa là đoàn kết với nhau, săn sóc cho nhau (3,12; 4,1-11; 10,24; 12,15), vâng phục cấp lãnh đạo (13,17). Ngoài ra, cử hành phụng vụvà giảng thuyết cũng là một phần quan trọng trong tiến trình này (2,1-3; 4,2; 5,11); 6,4; 10,19 -22. 29; 13,10).

Kết luận

Thư Híp-ri là một thư khó. Phải cố gắng mới đọc được. Nhưng cố gắng ấy sẽ được đền bù. Trong thư này, ý của tác giả là làm cho ngừoi ta hiệp thông với Thiên Chúa, trình bày giáo lý về Đức Ki-tô, đưa ra những khó khăn của đời sống Ki-tô hữu.

Đối với chúng ta ngày nay, nhất là những người đang bị lạc hướng và cảm thấy chán nản, đóng góp của thư Híp-ri rất quí giá, vì nó giúp chúng ta đào sâu đức tin và gắn bó mật thiết hơn với Đức Ki-tô.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 trang 2917-2925)
 
Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống (3)
Nguyễn Kim Ngân
18:30 29/11/2009
ĐẤU TRANH CHO NỀN VĂN HÓA SỰ SỐNG III

Bài suy tư của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Raymond L. Burke, D.D., J.C.D., Chánh Án Toà Án Tối Cao

SUY LUẬN LUÂN LÝ THEO CHỦ NGHĨA DUY CÂN XỨNG

Cội nguồn của nỗi hoang mang về luật luân lý chính là một hình thức suy luận méo mó về luân lý gọi là chủ nghĩa duy cân xứng (proportionalism) hay duy hệ quả (consequentialism). Đầy tớ Chúa, ĐGH Gioan Phaolô II, đã đề cập đến sự sai lạc của suy luận luân lý theo chủ nghĩa duy cân xứng trong Thông Điệp “Splendor Veritatis” (Chân lý ngời sáng). Xét về gốc rễ, sự sai lạc nằm ở chỗ đặt tất cả mọi vấn nạn luân lý ở trên cùng một bình diện, mà không biết phân biệt giữa các hành vi sai xấu tự nội, nghĩa là, các hành vi ở đâu và bất cứ khi nào cũng đều sai hết, với các hành vi có thể, hoặc có thể không hề xấu, tùy thuộc các điều kiện khách quan vốn đòi phải có để hành vi ấy trở thành đúng về mặt luân lý. Cũng phải kể đến sự lẫn lộn giữa cứu cánh và phương tiện, trong khi dùng cùng đích để làm tiêu chuẩn phê phán thiện tính của một hành vi, mà không hề đả động gì đến tính vô luân của phương tiện được sử dụng hầu đạt đến cùng đích. ĐGH Bênêđictô XVI đề cập đến sự tác hại của các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, khi lẫn lộn cứu cánh với phương tiện (xem BACL số 71). Ngài còn lưu ý chúng ta về sự mờ ám trong cách sử dụng hạn từ, đạo đức, trong các vấn đề về phát triển. Ngài viết: “Thật vậy, điều đó tùy thuộc phần lớn vào hệ thống luân lý mà người ta qui chiếu vào. Về chủ đề này, giáo huấn xã hội của Giáo hội có phần đóng góp đặc biệt vì giáo huấn này xây nền trên việc tạo dựng con người ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’ (Gen 1:27); từ đó phát xuất phẩm giá bất khả vi phạm của nhân vị cũng như giá trị siêu việt của những luật luân lý tự nhiên” (BACL số 45).

Theo lối tư duy kiểu duy cân xứng thì phá thai--điều luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đều sai xấu—thì được đặt ngang hàng với các hành vi chiến tranh, vốn có thể, hoặc chưa chắc, đã là sai xấu. Một bài viết mới đây trong một tạp chí đạo đức sinh học Công giáo có thể cho ta một thí dụ về lối tư duy này. Tác giả cho biết ông đã bỏ phiếu cho một ứng cử viên mà ông biết rõ là người ủng hộ cho việc nghiên cứu tế bào gốc--vốn bao hàm việc dứt khoát hủy hoại mầm sống con người ngay từ giai đoạn đầu, bởi vì ông đồng ý với ứng cử viên ấy về các vấn đề khác, tỉ như “cuộc chiến tại Iraq, chăm sóc sức khỏe phổ cập, tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại, chính sách năng lượng, ưu tư về môi sinh, và thay đổi khí hậu toàn cầu” (W. Malcolm Byrnes, “Tự thú của một người phò-sinh ủng hộ Obama,” Tập San Đạo Đức Sinh Học Công Giáo Quốc Gia, số 9, 2009, 241). Ứng cử viên ông ta bầu cho cũng ủng hộ phá thai, kể cả phá thai trễ hạn, và hôn nhân đồng tính.”

Cũng theo lối suy tư kiểu duy cân xứng thì mỗi người đều có quyền lựa chọn những vấn đề luân lý quan trọng nhất cho mình. Thế là rốt cuộc, chẳng hề có liên quan gì đến chân lý hành động khách quan. Lối suy tư này cũng chẳng hề nhận ra rằng: nếu các thiện ích luân lý nền tảng mà không được bảo vệ, tỉ như mạng sống con người và sự thánh thiện của hôn nhân, thì các vấn đề luân lý khác, dẫu quan trọng đến mấy, cũng sẽ mất hết ý nghĩa tối hậu của nó. Cứ theo lối suy nghĩ này, thì ta vẫn có thể chấp nhận chương trình cải tổ y tế, ngay cả khi nó kéo theo luật cưỡng bức phá thai cũng như quan niệm cho rằng cải tổ y tế là vì lợi ích của những kẻ được coi là “có sản xuất” trong khi cung ứng phương tiện làm cho mau chết những người già, kẻ yếu đuối và người có nhiều nhu cầu cần trợ giúp đặc biệt, vốn thường bị coi là “vô sản xuất,” theo lối suy nghĩ của kẻ đang nắm trọn quyền lực chính trị.

Về khía cạnh này, tôi thấy cái ngôn ngữ về giá trị trong suy luận luân lý thật là thiếu sót. Cho dù ai cũng nói đến vấn đề giá trị luân lý, thế nhưng cần phải nhớ rằng ngôn ngữ về giá trị--vốn đến với chúng ta từ thế giới kinh tế--rất thường chỉ nói lên một thứ thẩm định giá trị rất tương đối. Điều đối với tôi có giá trị chưa chắc đã có giá trị đối với một người khác. Các thiện hảo khách quan, được Thiên Chúa dựng nên và thông dự vào sự tốt lành của chính Chúa, tỉ như sự sống con người và sự kết hợp của nam nữ trong hôn nhân, không dưng lại trở thành vấn đề. Thực ra, chúng thiện hảo tự bản chất, cho dù nhìn dưới bất kỳ góc cạnh nào. Chỉ khi nào ta nhìn chúng đúng y như bản chất của chúng, theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì khi đó ta mới có thể làm được điều đúng đắn và thiện hảo. Và cũng chỉ khi đó ta mới tìm được niềm hạnh phúc trong một tương quan xác đáng với người khác và với thế giới.

Dù ta có thiện ý đến đâu chăng nữa khi dùng đến hình ảnh chiếc áo không có đường may để ám chỉ các vấn đề luân lý về sự sống con người, nó vẫn mang hơi hướng của lối suy nghĩ duy cân xứng, trong đó, tỉ như hành động chiến tranh, án tử hình, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, và an tử, đều được nhìn như những vấn đề có sức nặng luân lý ngang nhau. Nói cách khác, hình ảnh chiếc áo không có đường may ấy bao hàm cả việc phân biệt giữa hành vi sai xấu tự nội với hành vi không sai xấu tự nội, nhưng có thể trở thành sai xấu, nếu được thi hành một cách bất công. Các câu hỏi luân lý liên quan đến việc bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống con người thì đều liên quan đến nhau, thế nhưng chúng không hề có sức nặng như nhau. Nếu dùng hình ảnh chiếc áo thì phải nói rằng chúng không được dệt bằng cùng một thứ vải. Khi dùng ẩn dụ chiếc áo không đường may, cho dủ mục đích là để thăng tiến nền văn hóa sự sống, nhưng phải nói thật rằng nó được sử dụng để biện minh cho việc chấp nhận các hành vi hoàn toàn đối chọi lại với nền văn hoá sự sống nhân danh việc đạt đến một sự thiện hảo nào đó. Cho dù ai đó có thành tâm thiện chí đến mấy khi sử dụng luận cứ chiếc áo không đường may, thì họ vẫn sai khi đặt các hành vi sai xấu tự nội--tức là các hành vi sai xấu về mặt luân lý bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào—ngay cùng bình diện với các hành vi, mà theo phán đoán khôn ngoan, có thể không đủ sức mạnh bảo vệ được sự sống con người.

Tương tự như thế, ngôn ngữ về ‘sân khấu chung’ được sử dụng nhằm cổ võ cho lối suy luận luân lý theo chủ nghĩa duy cân xứng hoặc duy hệ quả. Nếu hiểu đúng, sân khấu chung chính là miền đất của sự thiện luân lý. Nó được thiết lập bởi điều thiện hảo khách quan. Ngược lại, nếu hiểu nó như một thỏa hiệp về một số sự thật luân lý nhằm tạo sự hòa đồng với những ai chối bỏ một sự thật luân lý, tỉ như, sự sai xấu tự nội của việc phá thai hoặc an tử, thì đây sẽ là một phản bội lại thiện hảo, và sẽ chỉ dẫn đến sự tai hại cho mình, cho người khác, và cho chính xã hội nữa.

Có đôi lúc, ta nghe thấy rằng, với tư cách là Kitô hữu, là những tông đồ của Tin Mừng Sự Sống, chúng ta phải cẩn thận để sống hoà hợp với xã hội, chứ đừng tách mình ra khỏi xã hội hoặc tỏ ra là phản-văn-hóa. Thứ ngôn ngữ này rõ ràng không phù hợp với cốt lõi của Tin Mừng, nghĩa là “một dấu vấp phạm” (x. Lk 2:34). Cùng lúc ấy, ta không thể không nghĩ đến ý nghĩa của việc Kitô hữu hoà đồng với người khác và có thái độ chính xác về mặt chính trị tại các quốc gia trong đó các vị lãnh đạo đã theo đuổi các nghị trình đầy chết chóc và chủ nghĩa độc tài lúc nào cũng hăng say đẩy mạnh nghị trình ấy.

Một cách nào đó, lương tâm chúng ta đã trở thành lú lẫn trước sức nặng của một số vấn đề luân lý. Khi xu hướng loại trừ việc phá thai hợp pháp tại đất nước này bị bác bỏ như là một lối tiếp cận thuộc loại “vấn đề đơn độc,” như là mối ám ảnh của “quyền lợi tôn giáo” vốn chẳng kể gì đến toàn thể các vấn đề luân lý, thì ta đã đánh mất cảm thức về niềm kinh hãi khi phải phá bỏ một mầm sống trong bụng người phụ nữ. Cũng vậy, khi việc từ chối sự dinh dưỡng và bỏ cho chết khát người bệnh nan y bị coi là “vấn đề đơn độc” thì chúng ta đã đánh mất cảm thức về niềm kinh hãi khi từ chối sự săn sóc căn bản dành cho một người anh chị em đang bị suy nhược vì một lý do nào đó. Đây không hề là một vấn đề đơn độc, mà là điều nền tảng của chính sự sống và của xã hội. Tôi nhớ đến những lời nói của Tôi Tớ Chúa, ĐGH Gioan Phaolô II: “Việc chấp nhận phá thai—theo đầu óc của đại chúng, trong động thái và ngay cả trong chính luật lệ--đã cho thấy dấu hiệu của một cơn khủng hoảng cực kỳ nguy hiểm về cảm thức luân lý, vốn ngày càng khiến cho người ta mất khả năng phân biệt tốt xấu, ngay cả khi quyền sống căn bản đang bị xâm hại. Đứng trước một tình huống nghiêm trọng đến thế, hơn bao giờ hết, ta càng phải can đảm hơn để nhìn thẳng vào sự thật, cũng như gọi sự vật bằng đúng tên gọi của chúng, mà không nhượng bộ theo kiểu thỏa hiệp dễ dàng, hoặc thúc thủ trước cơn cám dỗ tự lừa dối mình” (Thông Điệp “Tin Mừng Sự Sống,” ngày 25 tháng 3 năm 1995, số 58).

CÔNG ÍCH

Sau hết, khi đẩy mạnh nền văn hoá sự sống, ta phải minh bạch về ý nghĩa khách quan của công ích. Công Đồng Đại Kết Vaticanô II đã miêu tả công ích như là “toàn thể các điều kiện xã hội, vốn cho phép con người, dù tập thể hay cá nhân, đạt đến sự thành toàn của mình đầy đủ hơn và dễ dàng hơn (Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng,” ngày 7 tháng 12 năm 1965, số 26). Việc thành toàn của cá nhân và xã hội không hề là một quyết đoán chủ quan của giới cầm quyền. Đó là sự thành toàn đã được ghi khắc vào chính bản chất con người, vào chính thiên nhiên. Đó là sự thành toàn mà bởi đó Thiên Chúa tạo dựng nên ta, nên trời đất, chứ không phải là sự thành toàn, mà vào một thời điểm nào đó, ta thấy hấp dẫn và hữu dụng. Thật là thú vị khi thấy từ vựng Anh ngữ ‘fulfillment/thành toàn’ được dịch từ La ngữ ‘perfectio,’ nghĩa là sự thiện toàn của cá nhân hay đoàn thể, theo bản chất và cứu cánh riêng của con người. Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, sự thành toàn hay thiện toàn khách quan mà công ích hằng bảo vệ và thăng tiến thì được mô tả là “Sự Sống, Tự do, và Theo Đuổi Hạnh Phúc.”

Trong lúc đẩy mạnh nền văn hóa sự sống, ta phải minh bạch về bản chất khách quan của công ích và về sự thành toàn nó có thể đem lại. Không phải người nào sử dụng hạn từ ‘công ích’ cũng đều thấu hiểu ý nghĩa của nó. Mới đây, trong một bài viết phê bình bài diễn văn của TT Obama đọc tại viện Đại Học Notre Dame vào ngày 17 tháng Năm, 2009 vừa qua, một thần học gia Công giáo bên Âu Châu đã nhận xét như sau: “Trên thực tế, bài diễn văn tại viện Đại Học Notre Dame xem ra vương vãi những điểm tham chiếu từ truyền thống Kitô giáo. Tỉ như có một lối nói được lập đi lập lại nhiều lần, đó là ‘sân khấu chung,’ nghe rất phù hợp với một khái niệm căn bản trong giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, đó là khái niệm ‘công ích.’” (Georges Cottier, O.P., “La politica, la morale e il peccato originale,” 30 tháng 6 năm 2009, số 5, trang 33)

Công ích ám chỉ một thành toàn khách quan, không được định nghĩa bởi sự đồng thuận của một số người. Công ích được định nghĩa bằng chính cuộc tạo dựng đến từ bàn tay của Tạo Hóa. Chẳng những ý niệm về sân khấu chung không hề phù hợp với thực tại của công ích, mà nó còn đối nghịch với công ích là đàng khác (tỉ như trong xã hội có thể có sự đồng thuận về việc thừa nhận là thiện hảo hay tốt đẹp một điều gì đó trong thực tế là một điều sai xấu ở mọi nơi và mọi lúc).

Nói theo ngôn từ của ĐGH Bênêđictô XVI thì công ích “chính là lợi ích của ‘chúng ta tất cả,’ từ từng cá nhân, gia đình và những nhóm nhỏ, tạo thành một cộng đoàn xã hội…Dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế qui định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa, với cách thức này đời sống xã hội trở thành POLIS (thành phố)” (BACL số 7). ĐGH còn an ủi và thúc đẩy chúng ta tiến bước trong việc tìm kiếm công ích: “Tình yêu Thiên Chúa kêu gọi chúng ta vượt qua tất cả những gì ngăn cách và chóng qua; củng cố sức lực chúng ta để tiếp tục làm việc trong công cuộc tìm kiếm công ích cho mọi người, cho dù chưa hiện thực ngay bây giờ; và những gì chúng ta cố gắng hiện thực – chúng ta và những nhà chức trách chính trị và chuyên viên kinh tế – vẫn luôn thấp kém hơn những gì chúng ta khao khát. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu và để chịu đau khổ vì tình yêu, lo lắng cho công ích, vì Người là TẤT CẢ cho chúng ta, là hy vọng vĩ đại của chúng ta.” (BACL, số 78)

KẾT LUẬN

Hy vọng rằng những suy tư này giúp ta có được niềm hưng phấn mới và nghị lực mới trong cuộc đấu tranh cho nền văn hóa sự sống tại đất nước này. Cuộc đấu tranh rất cam go và đối phương thì đông đảo và xảo quyệt. Nhưng chiến thắng thì đã đạt được, và Vị Chiến Thắng chưa hề bao giờ bỏ rơi ta trong cuộc tranh đấu, bởi vì Ngài luôn trung tín với lời đã hứa với ta: “Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ta biết rằng, nếu ta nói lên sự thật và sống sự thật, là chính Chúa Kitô là Chúa trời đất, thì ta sẽ nuôi dưỡng được một nền văn hóa sự sống tại đất nước này, một nền văn hóa trong đó “Sự Sống, Tự Do, và Sự Theo Đuổi Hạnh Phúc” sẽ được bảo vệ và dưỡng nuôi cho mọi người, vượt mọi biên giới và không hề loại trừ ai.

Ta hãy phó thác bản thân và tổ quốc cho lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, dưới tước hiệu Mẹ Guadalupe, mà ta hằng yêu mến sùng mộ. Qua sự che chở ân cần không ngừng, Mẹ sẽ đem chúng ta và quốc gia này đến với sự thật, đến với người Con Từ Ái của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô. Tôi xin mượn lời kinh mà ĐGH Bênêđictô XVI đã dùng để kết thúc Thông Điệp “Bác Ái trong Chân Lý” của Ngài để kết thúc là thư này:

“Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã được Đức giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố là Mẹ Hội thánh (Mater Ecclesiae) và được các Kitô hữu tôn vinh là ‘Speculum iustitiae’ (Gương công lý) và ‘Regina Pacis’ (Nữ Vương bình an), xin Mẹ che chở, và qua lời cầu bầu trên thiên quốc của Mẹ, ban cho anh chị em sức mạnh, hy vọng và niềm vui mà chúng ta đang cần để tiếp tục dấn thân cách quảng đại để thực hiện “sự phát triển con người toàn diện và tất cả mọi người” (BACL số 79).

Nguyễn Kim Ngân (phỏng dịch)

11/29/09

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thụy Sĩ: Quốc gia đầu tiên chống việc xây dựng tháp đền thờ Hồi giáo
Hà Long
19:48 29/11/2009
THỤY SĨ - Chủ nhật, 29/11/2009 – hôm nay các Bang trong liên bang Thụy Sĩ bỏ phiều chống hay thuận cho người Hồi giáo xây tháp đền thờ Hồi Giáo.

Kết quả 57,7% dân chúng đi bầu đã đạt đa số để chống lại việc xây tháp. Như thế Thụy Sĩ là một quốc gia đầu tiên tại Tây phương chống lại sự bành chướng của người Hồi giáo. Hay nói đúng hơn người dân Thụy Sĩ sợ ảnh hưởng của đạo Hồi trên đất nước của họ.

Chính phủ Thụy Sĩ tại thủ đô Bern cho rằng danh tiếng của đất nước họ bị tai tiếng qua việc chống xây tháp và chính phủ đang tìm cách ngăn cản các sự đổ bể lớn hơn có thể xảy ra.

Với kết quả này qua cách gọi „Cuộc chưng cầu Ý dân“ (Volksinitiative) người Thụy Sĩ không đồng ý cho việc xây dựng thêm các ngôi tháp. Đa số 57,7% chống việc xây tháp. Quan trọng hơn trong 26 Bang đã có 22 Bang bỏ phiếu chống đối.

Các cuộc thăm dò trước đó cho biết „Cuộc chưng cầu Ý dân“ sẽ thất bại rõ ràng.

Kết quả bất ngờ chống việc xây tháp đền thờ Hồi giáo làm đảo lộn các dự báo của các chuyên gia, đồng thời làm cho các đảng cầm quyền như đảng xã hội, tự do, dân chủ Thiên Chúa giáo, dân chủ „bẽ“ mặt vì chính phủ đã khuyên nhủ dân Thụy Sĩ bỏ phiếu chống lại dự định „Cuộc chưng cầu Ý dân“.

Chống xây tháp đền thờ sẽ làm cho thế giới khó hiểu và Thụy Sĩ mất sự kính trọng.

Bộ trưởng tư pháp, bà Eveline Widmer-Schlumpf phát biểu: „Sự cấm xây tháp phản ngược lại quyền tự do nhân quyền và làm hại nền hoà bình tôn giáo.“

Bà Eveline Widmer-Schlumpf tiếp tục cố gắng bào chữa: „Sự cấm xây tháp không cố ý từ chối người đạo Hồi lẫn tôn giáo và văn hoá của họ. Khởi đầu cho việc bỏ phiếu này là nỗi lo sợ trước những nhóm cực đoan của người theo đạo Hồ“

Ngược lại, Đảng Nhân dân thiên hữu (SVP) với chủ tịch Toni Brunner cho thấy rằng: „Chúng tôi không muốn ở Thụy Sĩ có hai xã hội song song. Ai từ ngoài vào phải thích ứng với quy luật của chúng tôi!“

Tình hình thật căng thẳng trước cuộc bỏ phiếu qua tấm bích chương khiêu khích các tín đồ Hồi giáo. Trên đó vẽ người phụ nữ trùm khăn đen kín mít ngoài trừ cặp mắt và bên cạnh là lá cờ Thụy Sĩ bị các hỏa tiễn đen hình tháp đền thờ chọc thủng. Nhiều thành phố và các địa hạt cấm treo các tấm bích chưong này vì nó mang tính chất kỳ thị và phân biệt, như thành phố Lausanne und Basel đã làm.

Ngày chủ nhật hôm nay báo chí quốc tế lên tiếng bình luận về cuộc „Cuộc chưng cầu Ý dân“ tại thụy Sĩ:

Báo "New York Times" viết: „Kết quả cuộc chưng cầu ý dân là một nhục nhã to lớn cho chính quyền Thụy Sĩ.“

Báo "Guardian" (Anh quốc) bình luận: „Đảng cực hữu, được dẫn đầu bởi đảng Nhân dân thiên hữu (SVP), là đảng mạnh nhất trong Quốc hội đã bôi nhọ tháp đền thờ thành biểu tượng chiến đấu của đạo Hồi“

Báo Spiegel (Đức quốc) nhận định: „Sự quyết định của người Thụy sĩ cho thấy sự sợ hãi trước đạo Hồi, mà tình thế này trong khối Âu Châu đều có tính cấp bách.“

Khối liên minh Á Rập, qua trang Internet Al Jazeera: „Kết quả của Thụy Sĩ gây sốc cho chúng tôi.“

Hội Ân Xá quốc tế cho rằng sự cấm đoán xây tháp đền thờ là sự vi phạm đến tự do tôn giáo mà Thụy Sĩ đã ký tên vào quy ước.

Chính phủ Thụy Sĩ bây giờ phải chịu trách nhiệm và lãnh nhận hậu quả cho cuộc bỏ phiếu vì trước đó họ đã không ngăn trở „Cuộc chưng cầu Ý dân“.

Thụy Sĩ với dân số 7,7 triệu, trong đó có đến 22% người ngoại quốc sinh sống tại 26 bang. Ngưòi theo đạo Hồi tính được 400.000 tín đồ với 160 đền thờ Hồi giáo. Cho đến nay chưa xảy ra các cuộc xung đột về tôn giáo trong giới đạo Hồi tại Thụy Sĩ.

Tại Thụy Sĩ chỉ có 4 tháp của đền thờ Hồi giáo đã được xây dựng lên. Một cây tháp mới được khánh thành cách đây vài tháng tại Olten với 5.000 dân cư. Đó là cây tháp với các góc nhỏ nằm trong khu kỹ nghệ. Tuy nhiên việc xây cất tại đây đã làm cho dân cư địa phương phản ứng và lôi kéo cả quốc gia vào cuộc. Cuối cùng „Cuộc chưng cầu Ý dân“ được hình thành do nhóm cực hữu khơi mào với một câu phải được ghi vào hiến pháp Thụy Sĩ: „Xây cất các tháp đền thờ Hồi giáo bị cấm đoán.“

„Cuộc chưng cầu Ý dân“ đã thành công.
 
Top Stories
VIETNAM: ''Shockwaves'' in Hanoi - Ngo wants to go?
Redazione
06:01 29/11/2009
Redazione sabato 28 novembre 2009

In a seismic development for the suffering Vietnamese church, the country's most visible -- and controversial -- prelate has reportedly announced his intent to depart his post. Archbishop Ngo Quang Kiet of Hanoi told his priests earlier this month that he had submitted his resignation to Pope Benedict, according to a report filed Monday on a Vietnamese church-news site.

Only 57 years of age, Ngo cited "health reasons" for the move -- a rationale the locals quickly cast doubt upon: “Judging by his appearance, the prelate seems to look healthy and has been able to keep up with a tight schedule for such a large archdiocese. For most Vietnamese Catholics, the underlying cause of his resignation is obviously the persistent pressure from Vietnam['s] government after a series of church land disputes in recent years....

Rumors on the prelate’s “must go” plan has circulated among Catholics after the "Ad Limina" visit of Vietnamese bishops in June 2009.” Since their outbreak in early 2008, the archbishop had been the guiding force behind his faithful's response to the government's seizures of church property, which saw peaceful protests reportedly met with police investigations of participants, beatings of journalists covering the vigils and threats of expulsion from school for the demonstrators' children.

Along the way, Ngo volunteered to be jailed for his flock if the government maintained its aggressive response, then -- after a campaign against him in state-controlled media -- found himself for a time under de facto house arrest as, according to one report, the authorities attempted "everything they can to intimidate [him], with the unconcealed objective of forcing his resignation or removal."

Given the backdrop, the acceptance of Ngo's resignation would appear to be further evidence of an emergent Holy See policy of sidelining outspoken prelates with an eye to winning the church an improved footing with Communist regimes. Along these lines, the ferociously candid leader of Catholic China's Beijing-skeptic faction, Cardinal Joseph Zen of Hong Kong, was succeeded by a significantly less political prelate earlier this year.

In his ad limina address to the Vietnamese bishops in June, Benedict 16 delivered the following, pointed message: “Lay Catholics for their part must show by their life, which is based on charity, honesty and love for the common good, that a good Catholic is also a good citizen. For this reason you must ensure that they have a sound formation, by promoting their life of faith and their cultural standard so that they may serve the Church and society effectively....”

“You know, as well as I do, that healthy collaboration between the Church and the political community is possible. In this regard, the Church invites all her members to be loyally committed to building a just, supportive and fair society. Her intention is certainly not to replace government leaders; she wishes only to be able to play a just role in the nation's life, at the service of the whole people, in a spirit of dialogue and respectful collaboration. By active participation in her own province and in accordance with her specific vocation, the Church can never be exempt from practising charity as an organized activity of believers, and on the other hand, there will never be a situation where the charity of each individual Christian is unnecessary, because in addition to justice humans need, and will always need, love. Furthermore, it seems important to me to emphasize that religions do not represent a threat to the nation's unity since they aim to help individuals to sanctify themselves and through their institutions desire to put themselves generously and impartially at the service of their neighbour.”

The news of Ngo's intended departure came as the Vietnamese hierarchy opened a Jubilee Year to celebrate the 50th anniversary of its establishment. In a notable gesture, the papal legate to the celebrations, retired Vatican Cardinal Roger Etchegaray -- the quintessential Vatican diplomat -- publicly gave his crozier to the Hanoi prelate at the close of the opening Mass. In the days since, it's been interpreted by Ngo's supporters as a possible sign that the archbishop's resignation might not be taken.

Earlier today, the Vatican released a papal message for the Jubilee in which Benedict voiced his hope for "a time of grace in which to reconcile ourselves with God and our fellow man. "To this end," the pontiff said, "we should recognise past and present errors committed against brothers in the faith and against fellow countrymen, and ask for forgiveness. "At the same time," he added, "it would be appropriate to commit to increasing and enriching ecclesial communion, and to building a more just, united, equal society through authentic dialogue, mutual respect and healthy collaboration."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sở kiện: Bản hợp xướng của ngàn con tim, một niềm tin
Pm. Cao Huy Hoàng
03:57 29/11/2009
SỞ KIỆN - Đã có nhiều bản tin về Lễ Khai Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, như niềm vui Việt Nam loan đi khắp cùng thiên hạ, niềm vui của triệu con tim một niềm tin., niềm vui bừng bừng hùng khí tử đạo và chiến thắng….

Hình ảnh các Ban Hợp Ca

Niềm vui ấy dệt nên bởi nhiều cố gắng, và nhiều tháng chuẩn bị của cả một Tổng Giáo Phận dưới sự lãnh đạo tài tình, nhiệt thành, khôn ngoan và chi tiết của Đức Tổng Giám Mục Giuse, với sự cộng tác nhất nhất hiệp thông của các Giám mục Phụ tá, và các Giám Mục thuộc Giáo Tỉnh Hà Hội. Chúng con Tạ ơn Chúa và biết ơn Đức TGM và các GM.

Trong số những cố gắng ấy, có cố gắng rất đáng kể của Thánh Nhạc, vì Lễ và Nhạc luôn gắn liền nhau mật thiết.

Ngay từ sau khi có quyết định của HĐGMVN về Ngày Khai Mạc Năm Thánh, Ban Thánh Nhạc GP Hà Nội cùng Nhạc Sư Phạm Đức Huyến, người được mời điều khiển phần Thánh Nhạc trong ngày lễ, đã phối hợp triển khai khẩn trương chương trình hát lễ lịch tập, lịch tổng dượt và gửi đến 6 Giáo Phận thực hiện. Các ca đoàn của các Giáo Phận đã nỗ lực tập hát hăng say để kịp đến tuần tổng dượt trước lễ.

Từ ngày 15-11, Sr. Hồng Trang, Sr. Lan Chi, Ns. Đinh Thiện Bản, Ns. Cao Huy Hoàng, Anh Đào Tiến Việt, từ Sài gòn đã ra cùng với Ns Văn Duy Tùng, và Thầy Phạm Đức Huyến từ Mỹ về đã liên tục tổng dượt cho các ca đoàn tại giáo phận của mình: tại nhà thờ Chánh Tòa Hà Nội với các ca đoàn Chánh Tòa, Hàm Long, Thái Hà; tại Giáo Xứ Nỗ Lực với các ca đoàn Hưng Hóa; tại nhà thờ Chánh tòa Bắc Ninh với các ca đoàn GP Bắc Ninh; Tại Cẩm Phả với GP Hải phòng…. Những ngày Hà nội rét buốt! Nhưng nơi đâu cũng thấy được niềm vui và nhiệt tình của các Giám mục, linh mục và các ca viên. Tất cả cho ngày Đại lễ.

Chiều 21 và tối 22-11, 40 nhạc công lương giáo của Nhạc Viện Hà Nội, cả các nhạc cụ tây phương, nhạc cụ dân tộc, đã được tổng dượt tại Thái Hà và nhà thờ Hàng Bột, để kịp thời tổng dượt chung với Đại Ca Đoàn Tổng Giáo Phận 850 người vào chiều 23-11 tại sân lễ ở Sở Kiện.

Sáng 23-11, Hà Nội, Hà Nam đang ấm dần lên! Ca đoàn các Giáo Phận đã có mặt tại Sở Kiện để chuẩn bị sẵn sàng cho buổi tổng dượt cuối cùng sẽ bắt đầu lúc 12g30 tại sân lễ. 12g00, được tin 40 nhạc công của Nhạc Viện đã lên xe về Sở Kiện nhưng bị “cancel” vì nhạc viện không cho phép tham gia với ban thánh nhạc! Các em rất tiếc!

Ban Thánh Nhạc đã khắc phục ngay bằng các keyboard thay thế, cùng với một số nhạc công các nhạc cụ dân tộc của các ca đoàn và bắt đầu ngay buổi tổng dượt tại sân lễ với sự hỗ trợ của âm thanh Việt Thương. Buổi tổng dượt đã thành công, kể cả bài chung dượt với đội kèn đồng 400 nhạc công!

Đêm diễn nguyện khởi đi từ cuộc rước kiệu trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đoàn kiệu tiến vào lễ đài trong tiếng trống tiếng chiêng của Đoàn Trống Bùi chu gồm 5 trống cái và 500 trống con, trong tiếng kèn của 400 nhạc công Đội Kèn Thái Bình, và tiếng hát không chỉ của 850 ca viên mà của cả cộng đồng dân Chúa do Nhạc Sư Phạm Đức Huyến, Ns. Văn Duy Tùng và Sr. Ca trưởng Hồng Trang thay nhau điều khiển.

Những bài thánh ca ngợi mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vang lên với lòng thành kính tri ân, với niềm hãnh diện lớn lao, với niềm vui thừa hưởng gia sản quí báu của những giọt máu nên những hạt mầm trổ muôn bông tươi tốt…

Sáng ngày 24, ca đoàn tổng hợp tiếp nhận thêm mấy ca viên thật đặc biệt: Cha Tiến Lộc hát với bè basso, Cha Minh Anh (Huế) và một số Cha Đặc Trách Thánh Nhạc các Giáo Phận cùng hát chung với ca đoàn trong khi mang lễ phục, làm cho tinh thần các anh chị em ca viên phấn khởi hẳn lên vì sự hiệp thông thánh thiện.

Vào Thánh Lễ, Ca nhập lễ - có thể nói là một liên khúc với cả hai bài trống, ba bài kèn, và 3 bài thánh ca đan xen nhau hơn 25 phút.

“Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca, Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa” (Lm. Nguyễn Duy), “Tung hô danh Ngài” (Văn Duy Tùng), Anh Hùng Tử Đạo (Hồ Khanh-Minh Hương), Bộ lễ La Tinh De Angelis, Đáp ca (Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa), “Hiến lễ Tinh Tuyền” (Phạm Đức Huyến), Niềm Tin Kiêu Hùng (Lm Mi Trầm), “Bài Ca Ngàn Trùng” (Lm. Kim Long), Tán Tụng Hồng Ân (Hải Linh), và nhất là bài kết lễ: “Tiếng Nhạc Oai Hùng” (Hải linh) đã là những bài thánh ca của cả một ban Hợp Xướng của con cháu các Thánh Tử Đạo Việt nam gồm 500 trống, 400 kèn, và không chỉ 850 ca viên mà là hơn 100.000 ngàn tiếng hát đồng cất cao long trọng, sốt sắng, hùng hồn, thánh thiện….

Trong các buổi lễ của Giáo Hội và Xã hội từ trước đến nay, chưa từng thấy có một sự kết hợp hài hòa toàn vẹn nào như thế giữa ban trống, đội kèn, và đại ca đoàn khi cùng hòa lên một bản hùng ca “Tiếng Nhạc Oai Hùng” ngợi mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chỉ thấy có trong Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam. Chỉ có tại Sở Kiện., như là một khởi đầu tốt đẹp cho tinh thần Hiệp Thông toàn vẹn như tinh thần của Năm Thánh 2010. Vâng, các Đức Giám Mục, các Linh Mục đang cùng hát với ca đoàn, cộng đoàn trên đường ra cắt băng Khánh Thành Đài Các Thánh Tử Đạo bên hông nhà thờ Sở Kiện. Các Ngài tỏ lộ niềm hân hoan và hãnh diện với niềm hân hoan khải hoàn của các bậc tiền nhân anh dũng.

Cả một quảng trường Sở Kiện, cả trăm ngàn con tim chung một khúc ngợi mừng, rập ràng, hùng tráng. Bài ca của niềm tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu Chiến Thắng vang khắp cả trời Việt Nam yêu dấu! Tạ ơn Chúa muôn ngàn đời, Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ, đã mở ra theo cùng với Ngày Khai Mạc Năm Thánh.

Sau Thánh Lễ, Ban Thánh Nhạc nhận được những lời chia vui, chúc mừng của các Đức Giám Mục, các Linh Mục trên đường ra Đài Các Thánh Tử Đạo. Các Ca viên già trẻ (có người trên 70 tuổi), lần lượt bắt tay nhau, cảm động… Những cuộc điện thoại của các em nhạc công ở Nhạc Viện “xin lỗi…, chúng em tiếc quá!”…..

Sáng hôm sau, khi thăm Đức Tổng Giám Mục Giuse, Ngài vui mừng cho biết, các Hồng Y thuộc giáo triều Vatican rất vui mừng khi tham dự Đêm Diễn Nguyện và Lễ Khai Mạc. Đức TGM vui vẻ nói với anh em: “các Ngài khen người Việt Nam hát xướng, cùng đàn trống, rập ràng sốt sắng, và chính các Ngài cũng hát Bộ Lễ De Angelis sốt sắng lắm, hát lớn nữa!”.

Đức Cha Laurenso thì phấn khởi chúc mừng. Ngài nói: “Tất cả đã đến với Sở Kiện, không chỉ có có khối óc, con tim, mà còn cả cái bụng nữa”. Thì ra, Ngài muốn nói đến những hy sinh tinh thần, những đóng góp vật chất của nhiều người, trong đó có anh em!

Chia tay Sở Kiện, niềm vui tràn trề: “Lạy Chúa, chúng con không dám nghĩ đến một thành công như hôm nay. Tất cả là ơn Chúa, nhờ lời cầu bầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng con tạ ơn Chúa muôn đời”.
 
Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận Ban mê thuột
+ GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
04:04 29/11/2009
Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C (Gr 33,14-16;1Tx 3, 12- 4, 2; Lc 21,25-28. 34-36)

Ngày 29/11/2009

Chúng ta khai mạc năm thánh của Giáo hội Việt Nam, 350 năm thành lập Giáo phận Tông tòa và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm, với tinh thần mùa vọng: Tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ về sự tỉnh thức đón chờ ngày CON NGƯỜI quang lâm, trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó.

Sự tỉnh thức được trình bày thành 2 phần: Phần I nói về sự tỉnh thức để nhận ra những dấu hiệu bên ngoài khi CON NGƯỜI xuất hiện. Phần này được trình bày dưới hình thức văn chương khải huyền. Phần II nói về sự tỉnh thức qua thái độ tỉnh táo làm chủ bản thân mình trong cách sống hằng ngày, không để mình bị rơi vào những niềm vui tạm bợ chóng qua ở đời này. Cả hai phần đều kêu gọi các môn đệ “đứng vững trước mặt CON NGƯỜI” trong ngày Ngài xuất hiện vinh quang.

Văn chương khải huyền có 4 đặc tính:

a) Đó là những cuốn sách được viết vào thời kỳ khủng hoảng, thường là chiến tranh hoặc bị ngoại quốc chiếm đóng và bách hại, như trường hợp của sách Dân số và Gioan. Trong những trường hợp này, người ta thường mô tả những kẻ bách hại như những con thú dữ đáng sợ.

b) Vì được viết trong thời kỳ đau khổ, nên thường là những sách an ủi: để khích lệ các tín hữu trung tín và giới thiệu cho họ những mẫu gương can đảm và hy vọng trước nguy cơ tử đạo.

c) Vén mở cho thấy khuôn mặt đang còn bị che khuất của lịch sử, sách Khải huyền loan báo chiến thắng chung cuộc của Thiên Chúa: Sách KH luôn hướng về tương lai, mà không nói về sự tận cùng của thế giới, nhưng là sự biến đổi, sự hình thành thế giới mới, một sự tái tạo thế giới, giống như hình ảnh của người phụ nữ đau đớn chuyển mình sinh con.

d) Trong khi chờ đợi sự đổi mới mà Thiên Chúa đã hứa, người Kitô hữu được mời gọi để sống thái độ tỉnh thức năng động: cuộc sống thường ngày phải được soi dẫn cho niềm hy vọng này.

Sự tỉnh thức thật là cần thiết để chúng ta sống tâm tình của Năm Thánh. Cần nhìn về quá khứ với một cái nhìn độ lượng và cảm thông, với tinh thần khách quan thì mới hiểu được những biến cố đã xảy ra cho đất nước và các bậc tiền nhân của chúng ta, và đồng thời cũng nhận ra ơn thánh Chúa đã ban.

Chính trong sự tỉnh thức này mà chúng ta nhận ra được là mình cần phải hoán cải và sám hối, vì trong đời sống thường ngày, ánh sáng của Chúa Kitô bị niềm đam mê ích kỷ của con người che khuất, hoặc làm cho lu mờ. Nếu mỗi người Kitô giáo biết sống niềm tin của mình một cách khiêm tốn và hoàn toàn cộng tác với ơn Chúa, chúng ta sẽ có thể sống một cách tốt hơn.

Cần sống tâm tình phó thác vào Chúa để hướng về tương lai. Thế gian sẽ biến đổi theo ý muốn của Thiên Chúa. Những điều chúng ta đang thấy sẽ thay đổi. Chỉ có Thiên Chúa là tồn tại mãi mãi, nên Ngài là Đấng sẽ chiến thắng, và những ai trung tín với Ngài, sẽ được quyền chia sẻ vinh quang của Ngài. Vì thế, chúng ta cần phải sống trung thành với Lời dạy của Chúa để được biến đổi nên giông như Ngài.

Sự thay đổi cần phải có thời gian. Đừng nản lòng khi thấy mình đã cố gắng nhiều mà chưa thấy được kết quả cụ thể. Hãy kiên trì như người nông phu chăm sóc thửa ruộng, vườn cà phê. Hoa chỉ nở rộ khi mùa đến, và hạt lúa, hạt cà phê chỉ đậu được khi có những điều kiện thích hợp.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống tinh thần của Năm Thánh bằng cách siêng năng học hỏi về Giáo Hội, về lịch sử của Giáo Hội để chúng ta yêu mến. Học hỏi về Chúa Giêsu để chúng ta cố gắng sống theo Lời của Ngài. Biết quan tâm đến anh chị em của mình trong gia đình, trong Giáo xứ, để chúng ta có thể chia sẻ và phục vụ anh chị em mình cách tốt hơn. Đó là chủ đề của Năm Thánh 2010: MẦU NHIỆM - HIỆP THÔNG - SỨ VỤ.
 
Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Bà Rịa
PV WHĐ
04:14 29/11/2009
WHĐ (28.11.2009) – Sáng nay, 28-11, tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (TP Vũng Tàu), đã diễn ra lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 của giáo phận Bà Rịa.

Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, giám mục giáo phận, đã chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có gần 100 linh mục đến từ 5 giáo hạt trong giáo phận: Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Hương, Bình Giã, Xuyên Mộc và các dòng tu hoạt động tại giáo phận. Đồng thời có sự tham dự của hơn 400 tu sĩ nam nữ, chủng sinh và 7000 giáo dân.

Trước khi dâng lễ, Đức cha Tôma đã dành gần nửa giờ nói chuyện với cộng đồng Dân Chúa.

Trong bài nói chuyện, Đức cha Tôma đã nêu ý nghĩa của cử hành Năm Thánh trong lịch sử Giáo Hội. Năm Thánh, hay Năm Toàn xá, là dịp đặc biệt dành riêng để tạ ơn Chúa. Năm Thánh 2010 ngoài mục đích này còn nhằm “ôn cố tri tân”. Ôn lại lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam từ hai cột mốc lịch sử thành lập hai giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài, Đàng Trong và thiết lập các giáo phận chính tòa tại Việt Nam. Từ “ôn cố” đến “tri tân”. Tri tân là thêm nhiều sáng kiến để yêu thương và phục vụ.

Nhân dịp này, Đức cha Tôma đã thuật lại Đại lễ Khai mạc Năm Thánh của toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam vừa diễn ra long trọng và đầy ấn tượng, trong hai ngày 23 và 24-11 vừa qua, tại giáo xứ đồng thời cũng là di tích lịch sử Sở Kiện (Hà Nam) thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.

Nếu Hà Nội là một trong hai giáo phận cố cựu, thì Bà Rịa lại là giáo phận trẻ tuổi nhất của Giáo Hội tại Việt Nam, mới được thành lập cách nay 4 năm (11/2005 - 11/2009). Đức cha Tôma kêu gọi các thành phần Dân Chúa giáo phận Bà Rịa cùng đánh dấu Năm Thánh 2010 bằng tâm tình tạ ơn 5 năm thành lập giáo phận (2005–2010).

Sau bài nói chuyện của Đức cha Tôma, Thánh lễ khai mạc Năm Thánh được bắt đầu vào lúc 9g.

Trong Nghi thức thống hối mở đầu Thánh lễ, đại diện cộng đoàn phụng vụ gồm một linh mục, một tu sĩ và một giáo dân, đã chân thành nêu lên những lỗi lầm thiếu sót “đối với Chúa, đối với mọi người và đối với xã hội, trong quá khứ cũng như trong hiện tại”.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha chủ tế Tôma chia sẻ tâm tình của năm Toàn xá là hướng đến “niềm vui tạ ơn vì Chúa đã ban mùa màng sung túc” cho Giáo Hội Việt Nam trong dòng lịch sử, một “lịch sử đầy ân sủng và được Thiên Chúa chúc lành”.

Đức cha cũng nhắc lại những thông điệp được gửi đi từ lễ Khai mạc tại Sở Kiện, gồm Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thư của Đức Hồng y Bộ trưởng bộ Phúc âm hóa các dân tộc (Bộ Truyền giáo), lời chia sẻ về “hòa giải và niềm hy vọng” của Đức Hồng y Roger Etchégaray, phó Niên trưởng Hồng y đoàn.

Đức cha Tôma mời gọi cộng đồng Dân Chúa tại giáo phận Bà Rịa hãy sống Năm Thánh 2010 với “tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân tiền nhân, các Thánh Tử đạo Việt Nam và 400 vị tử đạo tại Bà Rịa”. Ngài cũng kêu gọi Dân Chúa trong giáo phận Bà Rịa “sống tinh thần hiệp thông và tham gia, hòa giải và hy vọng, có những dấn thân mới trong việc Loan báo Tin Mừng”.

Nhân đây Đức cha Tôma cũng bày tỏ sự hiệp thông của vị mục tử trong lễ khai mạc Năm Thánh sẽ được tổ chức tại các giáo xứ và cộng đoàn trong ngày mai, Chúa nhật I mùa Vọng.

Trước khi Đức cha chủ tế ban phép lành cuối lễ, cha Tổng đại diện giáo phận đã thay mặt cộng đồng dân Chúa bày tỏ lòng tri ân đối với Đức cha đã hướng dẫn dân Chúa cử hành Năm Thánh 2010 một cách có ý nghĩa, để Năm toàn xá vừa được khai mạc sẽ trở thành “thời điểm ân sủng”. Suy nghĩ về lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam, cha Tổng đại diện nhấn mạnh “không một giọt máu, một giọt mồ hôi nào đổ xuống vô ích”. Cha cũng nói lên tâm tình của toàn thể giáo phận “luôn noi gương tiền nhân, sống theo Tin Mừng của Chúa Kitô”. Đặc biệt, cha không quên trong suốt 5 năm qua, Đức cha và mọi thành phần dân Chúa cùng quây quần bên nhau trong ngôi nhà giáo phận ấm cúng, và cùng lên đường xây dựng giáo phận trong những ngày đầu mới được thành lập.

Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phân Bà Rịa kết thúc vào lúc 10g20 sáng cùng ngày, khơi lên cho mọi người tham dự Thánh lễ “không phải những khoảnh khắc lễ hội, nhưng là thời điểm ân sủng ghi dấu vào lịch sử, là cột mốc ý thức đặt vào giữa quá khứ và tương lai” như tinh thần được khơi lên trong bài dẫn vào thánh lễ.

(Nguồn: www.hdgmvietnam.org)
 
Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Hải Phòng
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
04:19 29/11/2009
BÀI GIẢNG LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH
tại Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng 28-11-2009
(Tin Mừng Mc 1,16-20)


Kính thưa Cộng đoàn,

Trong ngày hân hoan vui mừng khai mạc Năm Thánh, chúng ta được lắng nghe lời Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ: “Hãy theo Thày!”. Lời kêu gọi của vị ngôn sứ thành Na-gia-rét từ hơn hai mươi thế kỷ qua đã làm thay đổi cuộc đời biết bao người. Lời kêu gọi ấy như ánh sáng phá tan đêm tối, như sức mạnh đẩy lui nhát sợ, như nắng ấm xua tan sương mù. “Hãy theo Thày!”. Lời mời gọi ấy đã đem sức mạnh cho biết bao vị Tử đạo, thà hy sinh mạng sống chứ không chịu bỏ Đạo. Lời ấy cũng đã thúc đẩy biết bao vị thừa sai sẵn sàng lên đường để gieo mầm đức tin.

Bước vào Năm Thánh, chúng ta được mời gọi nhìn lại cách sống đức tin của mình. Nói cách khác, chúng ta hãy suy xét lại cách thức đáp trả lời mời gọi “Hãy theo Thày” của Đức Giêsu như thế nào. Bởi lẽ, qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã dốc quyết theo Chúa. Chúng ta đã chấp nhận trở thành môn đệ của Người. Trong Năm Thánh này, các Giám mục Việt Nam kêu gọi chúng ta hãy cùng nhau suy tư về Giáo Hội với những khía cạnh khác nhau: Giáo Hội Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ.

Giáo Hội mầu nhiệm giúp chúng ta khám phá mình là thành phần của Giáo Hội, là chi thể của một thân thể có Đức Giêsu là Đầu.

Giáo Hội hiệp thông nhắc nhớ chúng ta được gắn kết với Chúa Ba Ngôi và liên đới với mọi thành phần khác trong cộng đồng Dân Chúa cũng như với cộng đồng rộng lớn bao la của nhân loại.

Giáo Hội sứ vụ nhắc nhớ chúng ta bổn phận phải chia sẻ hồng ân đức tin với anh chị em mình, không phân biệt tôn giáo, chính kiến hay thành phần xã hội.

Để giúp mỗi người dấn thân cách thiết thực hơn vào việc xây dựng Giáo Hội, Năm Thánh là thời điểm giúp chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt nam, xác định hiện tại của đời sống Giáo Hội và cùng nhau hướng về tương lai.

Năm Thánh trước hết là thời điểm nhìn lại chặng đường đã qua với tâm tình tạ ơn và thiện chí hòa giải. Chúng ta tạ ơn Chúa, tạ ơn các vị thừa sai đã đem Tin Mừng đến quê hương đất nước chúng ta. Chúng tri ân các bậc Tiền Nhân, nhất là tôn vinh các thánh Tử đạo đã đổ máu đào, như hạt giống gieo vào lòng đất để làm nảy sinh biết bao hoa trái là các tín hữu. Lịch sử của Giáo Hội xen lẫn ánh sáng và bóng tối. Khi nhìn lại thời gian đã qua, chúng ta cũng nhận ra những thiếu sót lỗi lầm đối với Chúa và đối với anh chị em mình. Quả vậy, có biết bao cơ hội tốt đẹp để làm chứng cho Chúa mà chúng ta đã bỏ qua; có biết bao người mang danh Kitô hữu mà chưa thực sự sống xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy; có biết bao chia rẽ bất hòa từ nội bộ các cộng đoàn đức tin, gây hiểu lầm tai hại nơi đồng bào ngoài công giáo. Như Đức Gioan Phaolô II kêu gọi chúng ta thanh tẩy ký ức khi bước vào thiên niên kỷ mới và Năm Thánh 2000, Năm Thánh là thời điểm để chúng ta, sám hối lỗi lầm, canh tân bản thân, giao hòa với Chúa và với anh chị em mình. Trong sứ điệp nhân dịp khai mạc Năm Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời gọi các tín hữu Việt Nam sống tinh thần hòa giải trước hết với Thiên Chúa, rồi với anh chị em đồng đạo và anh chị em đồng bào, nhận ra những lỗi lầm đã làm hoen ố hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô.

Năm Thánh còn là thời gian để chúng ta nhìn vào hiện tại để xác định trách nhiệm của mỗi tín hữu trong xã hội và Giáo Hội hôm nay. Quả vậy, người tín hữu không phải là những ốc đảo giữa một xã hội bao la, nhưng mỗi môn đệ của Đức Giêsu phải hòa mình vào cuộc sống, chia sẻ niềm vui và niềm hy vọng của môi trường xung quanh. Hội đồng Giám mục nhắc nhở chúng ta hãy cùng nhau học hỏi trong thời gian Năm Thánh để yêu mến Giáo Hội hơn và để sống Tin Mừng của Đức Giêsu một cách thiết thực hơn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở những người công giáo Việt Nam hãy trở nên một công dân tốt lành, bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính và việc quý trọng công ích. Như vậy, Năm Thánh là một thời gian để canh tân con người giúp họ mặc lấy Đức Kitô phục sinh, sống trong tình nhân ái với bà con đồng bào mình, mặc dù những khác biệt về tôn giáo hay hoàn cảnh xã hội.

Sau cùng, Năm Thánh là thời điểm tạo đà nhấn cho tương lai. 350 năm kể từ khi Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên, 50 năm Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã được thành lập, tỷ lệ người công giáo tại quê hương đất nước chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn. Có nhiều lý do hạn chế việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, nhưng trong đó chắc chắn có lý do chúng ta chưa thực sự làm cho hình ảnh Giáo Hội của Chúa Giêsu tỏa sáng qua những sinh hoạt đạo đức của cá nhân cũng như cộng đoàn. Trước những mốc thời gian quan trọng này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy ý thức sứ mạng lịch sử Chúa đã trao phó cho chúng ta hôm nay, tức là quản lý và sinh lợi gia sản quý báu là đức tin mà các bậc Tiền Nhân đã lãnh nhận. Quả vậy, Giáo Hội tương lai như thế nào là phụ thuộc vào chúng ta hôm nay.

Kính thưa cộng đoàn, khi đã cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, cùng xác định hiện tại và cùng hướng về tương lai, chúng ta sẽ hiểu biết và yêu mến Giáo Hội hơn. Sự hiểu biết và tình yêu mến sẽ giúp mỗi tín hữu gắn bó và tham gia xây dựng Giáo Hội. Đức Cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam, trong Diễn văn khai mạc Năm Thánh đã nói: “Năm Thánh 2010 mời gọi và thúc đẩy tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng một Giáo Hội hiệp thông; một Giáo Hội mà trong đó mỗi người đồng cảm với Giáo Hội, vui niềm vui của Giáo Hội và đau nỗi đau của Giáo Hội; một Giáo Hội trong đó mỗi người cảm nhận mình được yêu thương chăm sóc, đồng thời có trách nhiệm chăm lo cho người khác cũng như cho ích chung của Giáo Hội. Đó chính là thể hiện tư cách người môn đệ chân chính của Chúa như Người đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) và “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thày, là anh em thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Vâng, Năm Thánh là một cuộc lên đường mới. Như các môn đệ đầu tiên đã sẵn sàng bỏ mọi sự theo Thày Giêsu, chúng ta hãy cũng nhau đáp trả lời mời gọi “Hãy theo Thày”. Điểm đến của chúng ta, các môn đệ Đức Giêsu, chính là xã hội Việt Nam hôm nay, một xã hội đang cần có men Tin Mừng để sinh hoa kết trái. Xin Chúa cho chúng ta được kín múc những hồng ân của Năm Thánh để trở nên những môn đệ chân chính của Đức Giêsu Kitô. Amen.
 
Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Đà Nẵng
+ GM Giuse Châu Ngọc Tri
04:21 29/11/2009
Phái đoàn Giáo phận Đà Nẵng, trong đó có tôi, đã có mặt tại Sở Kiện tham dự lễ khai mạc Năm Thánh 2010. Hình ảnh ấn tượng nhất là biển người trẩy hội; khung cảnh ấn tượng nhất chính là những di tích mang đậm nét lịch sử tại Sở Kiện, và màu sắc ấn tượng nhất chính là màu đỏ. Thánh lễ hôm ấy đỏ một màu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam. Giòng máu anh hùng ấy cũng đang sôi sục nơi chúng ta, mỗi Kitô hữu hôm nay.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn ngày 24/11 làm ngày khai mạc Năm Thánh, và chọn Sở Kiện làm nơi tổ chức lễ Khai Mạc, không phải chỉ mời gọi chúng ta cúi xuống đọc lại những trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam, mà còn ngẩng đầu hiên ngang theo gương các Vị Tử Đạo tiền bối, và hãnh diện viết tiếp trang sử chứng nhân cho đức tin theo cách thức của thời đại chúng ta hôm nay.

Khai mạc Năm Thánh theo tinh thần và gương sáng của các Vị Tử Đạo, Giáo Hội mời gọi chúng ta “xuất phát lại từ Chúa Kitô”, khởi đi từ Tin Mừng của Ngài, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề ra cho Giáo Hội toàn cầu khi bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Tin Mừng ấy đã được viết bằng máu của chính Đức Kitô, đã được tiếp tục viết bằng máu của các Vị Tử Đạo của chúng ta, và sang trang với những nỗ lực sống và làm chứng cho đức tin của thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa và giá trị vĩnh cửu của những chứng nhân đức tin trong lịch sử, từ Cựu Ước sang Tân Ước, mà đỉnh cao là sứ vụ và con người của Chúa Giêsu Kitô. Con đường khổ nạn Ngài đã đi qua đã được các thế hệ chứng nhân và mỗi người chúng ta tiếp bước.

Không phải bất cứ người mẹ nào cũng có thể xử sự phi thường như người mẹ của 7 đứa con trang sách Macabê chúng ta vừa nghe. Chỉ có những người mẹ đong đầy đức tin vào Thiên Chúa Hằng Sống mới đủ sức làm như vậy. Bà như điên khùng đẩy các con trai yêu quí của bà lần lượt vào chỗ chết, nhưng thực ra, bà đã rất khôn ngoan và tỉnh táo để cố vấn cho con cái mình diệu pháp đạt được sự sống đời đời.

Lời của Thánh Tông đồ Phaolô trong thư Rôma là câu trả lời mạnh mẽ cho tất cả thái độ anh hùng phi thường của các thế hệ tử đạo. Ngài viết: “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta được”, và chỗ khác Ngài nói: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”. Vâng, không có gì! Không có gì, kể cả sự chết cũng không làm lay chuyển được đức tin của các Ngài.

Lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng Luca là một bảo đảm chắc chắn cho những ai trung thành đi theo Chúa Giêsu: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi”. Thánh giá hằng ngày của người tin Chúa chính là những gì làm cho họ trở thành con cái ngoan hiền của Thiên Chúa, tránh xa những gì thù nghịch cùng đức tin và luân lý của Đạo Chúa. Được chết vì Đạo như các Thánh Tử Đạo là một minh chứng cao nhất cho đức tin, nhưng sống với cây thánh giá hằng ngày của mình cũng là một cuộc tử đạo âm thầm liên lỉ trong suốt cuộc đời Kitô hữu.

Để được chết vì đạo, các Vị Tử Đạo của chúng ta đã biết sống cho một lý tưởng siêu việt. Các Ngài không làm tổn thương đến truyền thống dân tộc, không chủ trương bất hiếu với mẹ cha, không làm tay sai cho ngoại quốc như các Ngài bị kết án. Thánh Carôlô Tân đã khẳng khái trả lời cho những người kết án Ngài là chống lại Triều đình: “Chúng tôi chỉ chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở lành, dạy con cái thờ cha kính mẹ, kêu gọi thần dân vâng phục vua quan. Thế thì tôi đâu có đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống lại nhà vua được.” Thánh Phaolô Khoan đối đáp càng mạnh mẽ hơn: “Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là người Kitô hữu.”

Theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh, các Vị Tử đạo đã chết với một quả tim luôn vững niềm trông cậy và bác ái yêu thương. Các Ngài tin vào Thiên Chúa là Đấng Toàn Nẵng đã tạo dựng nên mình, thì Ngài cũng có thể tái tạo mình. Các Ngài dám chết vì hoàn toàn cậy trông vào Chúa, như Thánh Phaolô Tịnh trong đau đớn tột cùng vẫn một mực tuyên xưng: “Đức Kitô không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và dành chiến thắng”. Các Ngài sẵn sàng chết trong tình yêu và vì tình yêu như Thánh Simon Hoà đã nói với đoàn con cái theo khóc tiễn đưa Ngài ra pháp trường: “Cha yêu thương và hằng săn sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiêu hơn nữa. Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn”. Các Ngài đã xác tín rằng Thiên Chúa đã yêu thương mình, ban Con Một cho mình, không tiếc gì với mình, thì giờ đây, các Ngài dùng cái chết để đáp trả lại lòng mến ân tình bao la đó. Chân phước Anrê Phú Yên của chúng ta, chàng trai 19 tuổi, đã lặp đi lặp lại như một điệp khúc: “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, và lấy mạng sống đáp đền mạng sống”.

Sống như thế và chết như thế, nên máu của các Ngài đổ ra không chỉ để xây dựng nền móng cho Giáo Hội Việt Nam thuở ban đầu, mà gương sống bất hủ của các Ngài luôn soi sáng cho con đường của Giáo Hội Việt Nam suốt chặng đường lịch sử cho đến ngày hôm nay. Khó khăn bách hại tưởng chừng như đã qua, nhưng thực ra, con cái Chúa không bao giờ được phép sống yên hàn. “Vì ghét Thầy, họ sẽ ghét các con”. Thế gian ngày nay dù muốn cũng không dễ lấy đi mạng sống của chúng ta như cha ông chúng ta ngày trước, nhưng lại có trăm ngàn vạn cách để làm suy yếu và tìm cách huỷ diệt đức tin của chúng ta. Không chỉ có vua quan muốn loại trừ chúng ta, còn bao nhiêu thế lực đen tối của trần gian liên kết với nhau để tấn công Giáo Hội, để dụ dỗ, lôi kéo và làm hư hỏng con cái Chúa khắp nơi. Bí quyết bảo vệ đức tin cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất chính là vui lòng chấp nhận vác thánh giá cuộc đời theo chân Chúa Giêsu.

Thưa anh chị em, mỗi chúng ta đều có cây thánh giá của mình để vác. Chúa Giêsu trước cây Thánh Giá Cứu Độ của Ngài, cũng đã nhìn thấy thánh giá của những ai tin theo Ngài. Ngài đã đảm đang cây Thánh Giá Chúa Cha trao phó một cách anh hùng. Ngài mời gọi và nâng đỡ tất cả chúng ta vác thánh giá đời mình đi theo Ngài: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thánh giá hằng ngày mà theo”. Vâng, thánh giá cuộc đời được kết dệt nên bằng thánh giá hằng ngày, thậm chí hằng giờ, từng phút giây. Thánh giá của mỗi Kitô hữu hôm nay là chiếc bóng đổ dài từ cây Thánh Giá của Đức Kitô trên đồi Gol-gô-tha, phủ bóng cứu độ mỗi ngày một xa trên địa cầu. Hãy yêu mến trân quý thánh giá của mình, và quan tâm đỡ nâng thánh giá của người bên cạnh.

Các Vị Tử đạo của chúng ta ngày xưa đã bị ép buộc bước qua cây Thánh Giá đặt nằm trên đất, như dấu hiệu của sự chối đạo, để được tha chết. Ngày nay, bước qua Thánh Giá tức là “bước qua Tin Mừng”, dẫm đạp lên Tin Mừng để được sống theo những đam mê bất chính của mình, để được “lời lãi cả thế gian” mà bất chấp việc thiệt mất linh hồn. Chúng ta có thể đã hữu ý hay vô tình làm điều đó.

Vác thánh giá theo Chúa Giêsu hôm nay, chính là việc “vác lấy Tin Mừng”, “ôm trọn Tin Mừng”, yêu mến và sống theo Tin Mừng. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải là những hạt giống âm thầm chịu nát tan đi trong lòng đất cuộc đời như hạt lúa mì, để hoa trái của Tin Mừng sinh sôi nẩy nở.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu trong Thánh Thể vẫn tiếp tục chịu khổ nạn. Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài vẫn tiếp tục hành trình trong gian nan thử thách. Nhưng đó là con đường dẫn đến Nước Trời. Con đường đã thấm máu Đức Kitô, các Vị Tử Đạo và trải bằng những hy sinh cũng như niềm hy vọng cậy trông của chúng ta hôm nay. Các Vị Tử Đạo Việt Nam đã chọn lựa bước theo con đường này, đã đạt đến đích và đang chờ đợi chúng ta.

Năm Thánh đã bắt đầu. Mùa Hồng Ân đã đến trên quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Cùng nhau xác định ơn gọi và sứ mệnh của Giáo Hội và của mỗi chúng ta, để cùng hân hoan sống Năm Thánh trong tinh thần: Giáo Hội Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - và Sứ Vụ. Amen.
 
Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Cần Thơ
GP Cần Thơ
04:30 29/11/2009
GP CẦN THƠ – Lúc 7g00 sáng ngày 28-11-2009, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, giám mục phó giáo phận Cần Thơ đã long trọng cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại Nhà Thờ Chánh Toà Cần Thơ. Hiện diện trong Thánh Lễ đặc biệt này còn có 130 linh mục, hơn 200 tu sĩ, và khoảng 2.500 anh chị em giáo dân từ các họ đạo trong giáo phận.

Từ những ngày trước đó, bầu khí lễ hội đã tràn ngập trong khuôn viên nhà thờ Chánh Toà và trong cả tâm hồn của mọi thành phần dân Chúa. Những tin tức dồn dập thông báo số lượng người về tham dự Thánh Lễ tăng lên nhanh chóng càng làm cho bầu khí chuẩn bị thêm hối hả và Ban tổ chức phải tận dụng hết mặt bằng nhằm phục vụ chỗ ngồi cho anh chị em giáo dân tham dự Thánh Lễ.

Đêm 26 và sáng ngày 27-11, cơn mưa trái mùa tầm tã và dai dẳng trắng xoá vùng trời Cần Thơ. Mưa hồng ân! Nhờ cơn mưa, cây cối thêm tươi tắn sau những ngày nắng hạn. Bầu trời dịu mát và lòng người cũng nhẹ nhàng thanh thản. Mưa vừa dứt hạt là nắng lại bừng lên. Ai nấy lại vội vã cho công tác chuẩn bị. Hàng ngàn bông hồng và vô vàn bông cúc do Hoa Việt kính dâng càng làm cho khuôn viên Nhà Thờ Chánh Toà như “nở hoa” đón chào Năm Thánh.

Sáng 28-11-09, từ 5 giờ sáng, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân xa gần đã lần lượt đổ về nhà thờ Chánh Toà: từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đại Hải, Trà Lồng, Vị Thanh và Cần Thơ. Đến 6g30 mọi chỗ ngồi trong nhà thờ, trong nhà hội chung, hai bên hông nhà thờ… đã đầy kín. Ban tổ chức phải dùng 2 tivi và 1 màn hình lớn để truyền hình trực tiếp Thánh Lễ từ bên trong nhà thờ cho những anh chị em ở bên ngoài. Dù đông đảo, nhưng mọi người như một, cùng chung lòng chung sức để Thánh Lễ được cử hành trang trọng và sốt sắng.

Đúng 7g00, sau hồi chuông và gợi ý về ý nghĩa Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh, đoàn rước bắt đầu tiến vào nhà thờ trong tiếng kèn hân hoan của đội kèn Sóc Trăng và lời ca vang thánh thót của ca đoàn Chánh Toà: “Đây mùa hồng ân, trời mới đất mới chói chang: Giáo hội Việt Nam hân hoan đón mừng Năm Thánh…”.

Sau phần niệm nhang trước Bàn Thờ và trước thánh tích của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức Cha Stêphanô đã long trọng khai mạc Năm Thánh tại giáo phận Cần Thơ. Ngài đọc thư công bố khai mạc Năm Thánh. Trong thư này, Đức Cha Emmanuel và Đức Cha Stêphanô đã nhắn nhủ cộng đồng dân Chúa trong gia đình giáo phận Cần Thơ: “tham dự tích cực vào những dịp cử hành Năm Thánh của Giáo Hội tại Việt Nam; tổ chức tìm hiểu, học hỏi đề tài “Giáo Hội Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ” nhằm xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên quê hương Việt Nam và giáo phận Cần Thơ thân thương; và hăng say cộng tác vào sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những anh chị em lương dân bên cạnh chúng ta”. Đức Cha Stêphanô đã kết thúc thư công bố khai mạc Năm Thánh như sau: “Với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và hiệp một lòng một ý với Đức Cha Emmanuel đáng kính, tôi long trọng công bố khai mạc Năm Thánh 2010 trong gia đình giáo phận Cần Thơ”. Mọi thành phần dân Chúa hân hoan đón nhận bằng tràng pháo tay không dứt trong tiếng pháo bong bóng và tiếng kèn vang dội.

Trong bài giảng, Đức Cha Stêphanô đã ôn lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam và tấm gương của các vị tiền nhân đã hân hoan đón nhận Tin Mừng, đã trân trọng gìn giữ hồng ân Đức Tin và đã can đảm hy sinh vì Đạo Chúa. Ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa luôn biết noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để biết bảo vệ Đức Tin bằng Lề Luật của Chúa và nuôi dưỡng Đức Tin bằng Ơn Chúa qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể.

Phần Lời nguyện cộng đồng trong Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh khiến cho mọi người ý thức hơn về bổn phận Kitô hữu của mình:

Chủ tế: Lạy Chúa, hôm nay, ngày khai mạc Năm Thánh tại giáo phận Cần Thơ chúng con. Xin Chúa ban sức mạnh Chúa Thánh Thần và thương nhận những tâm tình chân thành của chúng con kính dâng lên Chúa.

1. Hạt Cần Thơ: “Hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 136). Lạy Chúa, trong tâm tình hân hoan mừng ngày khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận thân yêu chúng con hôm nay, Đức Giám Mục, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, đại diện toàn thể dân Chúa của giáo phận nói chung, của giáo hạt Cần Thơ chúng con nói riêng, quy tụ về đây. Chúng con xin cảm tạ Chúa vì biết bao Hồng Ân, nhất là hồng ân đức tin, Chúa đã ban xuống trên chúng con.

Xin Chúa ban muôn ơn lành cho những ân nhân đã góp phần xây dựng giáo phận chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết sống tâm tình cảm tạ trong suốt Năm Thánh này, và sống mãi tinh thần của Năm Hồng Ân này trọn cuộc đời chúng con.

2. Hạt Vị Thanh: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.” (Is 1,16).

Lạy Chúa, Năm Thánh cũng là dịp giúp chúng con nhìn lại quá khứ lỗi lầm để sám hối.

Xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, cách riêng trong giáo hạt Vị Thanh chúng con, biết can đảm nhìn nhận những lỗi lầm thiếu sót trong đời sống đạo, trong cách cư xử, giao tế của cá nhân, gia đình, cũng như xã hội: chúng con đã chưa hăng say rao giảng Tin Mừng; chưa nêu gương sống đạo đức; chưa mạnh dạn sống 8 Mối phúc thật; chưa nên chứng nhân cho Tình yêu nhân từ và tha thứ của Chúa; chưa dám quên mình, khiêm tốn phục vụ theo gương Chúa; chưa can đảm bảo vệ cho công bằng và chân lý… Xin Chúa thương tha thứ và ban ơn hoán cải cho chúng con.

3. Hạt Trà Lồng: “Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5, 13a.14a).

Lạy Chúa, Ánh sáng Tin Mừng Đạo Chúa đã đến trên quê hương chúng con từ năm 1533, đến nay là 476 năm, gần 5 thế kỷ. Riêng giáo phận Cần Thơ chúng con cũng đã được 54 năm, kể từ ngày 20 tháng 9 năm 1955, khi được chính thức tách khỏi giáo phận Nam Vang. Thế nhưng các cộng đoàn chúng con vẫn chưa thực sự nên ánh sáng trần gian.

Xin cho tất cả các họ đạo trong giáo phận, cách riêng trong giáo hạt Trà Lồng chúng con, nhất là những họ đạo kỳ cựu, được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, để Năm Thánh này trở nên cơ hội giúp các họ đạo đổi mới triệt để theo Tin Mừng, bừng lên một cuộc canh tân toàn diện, được tỏa sáng trong nếp sống hằng ngày, để các cộng đoàn chúng con thực sự nên muối men cho đời, nên ánh sáng cho trần gian, và nên dấu chỉ tình thương của Chúa cho mọi người.

4. Hạt Đại Hải: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42)

Lạy Chúa, Năm Thánh bắt đầu giữa lúc Hội thánh Việt Nam đang sống chủ đề “Giáo dục Kitô giáo trong gia đình”, riêng Giáo phận Cần Thơ chúng con đang tập trung vào chủ điểm “Giúp các gia đình cầu nguyện và quan tâm đặc biệt tới việc học hỏi Giáo lý”.

Xin cho suốt Năm Thánh này, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, và đặc biệt trong giáo hạt Đại Hải chúng con, biết miệt mài học hỏi Lời Chúa, trau dồi giáo lý, để chuẩn bị cho ngày Đại Hội Dân Chúa, sẽ được tổ chức vào gần cuối Năm Thánh, nhờ đó chúng con sẽ có dịp đào sâu hơn về Giáo Hội Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ.

5. Hạt Sóc Trăng: “Xin cho tất cả nên một, như Cha trong Con, và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21 )

Lạy Chúa, cộng đoàn Dân Chúa giáo hạt Sóc Trăng chúng con, người Kinh, người Hoa và người Khmer, xin cảm tạ Chúa đang cho chúng con được vui sống trong tình hiệp thông chan hoà với nhau.

Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn coi nhau như anh em một nhà, con cùng một Cha, cùng một phép rửa, một đức tin, một Ơn gọi, để cùng nhau tham gia xây dựng Hội thánh và xã hội, trong tinh thần yêu thương, đối thoại, cộng tác, tương trợ lẫn nhau.

6. Hạt Bạc Liêu: “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì người mình yêu” (Ga 15, 13 )

Lạy Chúa, hằng năm có rất đông khách hành hương, trong cũng như ngoài nước, tuôn về trung tâm hành hương giáo phận, tại giáo hạt Bạc Liêu chúng con.

Nhờ lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Việt Nam, xin cho tấm gương hiến thân cho đoàn chiên của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp luôn toả sáng nơi lòng mọi người, nơi giáo dân, nơi tu sĩ, nơi hàng giáo phẩm, và cách riêng nơi các Linh mục kính yêu của chúng con trong Năm linh mục này, để Đức Ái Mục Tử luôn hướng dẫn các ngài trên bước đường phục vụ dân Chúa.

7. Hạt Cà Mau: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,15)

Lạy Chúa, miền đất giáo hạt Cà Mau chúng con ghi đậm dấu chân của những người ra đi khai phá, rao giảng Tin mừng. Năm Thánh này kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận tiên khởi, và 50 năm Thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, nhưng tỷ lệ những người tin Chúa vẫn còn quá nhỏ: chỉ hơn 8 phần trăm trong cả nước, và khoảng 3,7 phần trăm trong giáo phận Cần thơ.

Xin cho từng người trong giáo phận, trong Năm Thánh này, được ý thức rằng: Giáo hội không thể lơ là với việc truyền giáo, vì đó là lý do hiện hữu và lẽ sống của Giáo hội, để mỗi người biết góp phần của mình vào công cuộc truyền giáo, và để có thêm nhiều tông đồ dám dấn thân tới tận những vùng xa xôi hẻo lánh, để loan báo Tin Mừng và cũng để góp phần nâng cao dân sinh, dân trí cho đồng bào ruột thịt của chúng con, tại vùng sông nước mênh mông này.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con vừa dâng lên Chúa những tâm tình chân thành của Giáo phận chúng con. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Cả Giuse, nguyện xin Thánh Tâm Chúa, Bổn mạng Giáo phận, luôn phù trì chúng con trong suốt Năm Thánh này, để giáo phận chúng con ngày càng trở nên cộng đoàn đức tin, phượng tự, bác ái và truyền giáo vững mạnh hơn. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị làm một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


Sau lời nguyện Hiệp Lễ, Đức Cha Stêphanô đã trao thư công bố Năm Thánh, biểu tượng Năm Thánh và tài liệu học hỏi trong Năm Thánh cho đại diện các giáo Hạt trong giáo phận. Ngài khuyến khích mọi thành phần dân Chúa như sau:

- Với thư công bố Năm Thánh: tôi ước mong mọi thành phần dân Chúa sống Năm Thánh cách tích cực và lãnh nhận được nhiều ích lợi thiêng liêng.

- Với biểu tượng Năm Thánh: tôi ước mong mọi thành phần dân Chúa hiệp thông sâu xa với Giáo Hội Việt Nam để loan truyền niềm vui, lòng tin, tình yêu và niềm hy vọng tròn đầy trong đời sống hằng ngày.

- Với tập tài liệu học hỏi Năm Thánh: tôi ước mong mọi thành phần dân Chúa “nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Chúa”
(thư HĐGMVN, số 1).

Tất cả cộng đoàn hân hoan đón nhận và bày tỏ niềm vui mừng bằng tràng pháo tay, pháo hoa và bằng vũ điệu “Mùa Hồng Ân” do các em Thiếu Nhi Chánh Toà trình diễn.

Cuối cùng là nghi thức lãnh nhận phép lành ban ơn toàn xá. Sau Thánh Lễ, mọi thành phần trong gia đình giáo phận: từ Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ, và tất cả anh chị em giáo dân cùng chia sẻ tình hiệp thông qua “bữa ăn nhẹ” là một ít bánh, một chai nước... mà đầy tràn tình thân ái và hiệp nhất.

Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh kết thúc vào lúc 8g45 nhưng lại mở ra một Năm hồng ân cho toàn thể giáo phận Cần Thơ thân thương. Mọi thành phần dân Chúa ra về trong hân hoan phấn khởi và mang theo quyết tâm “cử hành Năm Thánh 2010 để tạ ơn, sám hối, canh tân và hoà giải…” và nhờ đó, “Năm Thánh sẽ mang lại nhiều hoa trái tốt lành cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn cũng như cho tất cả Giáo Hội Việt Nam…” (x. Thư công bố Năm Thánh của HĐGMVN).
 
Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 và kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Đà Lạt
GP Đà Lạt
04:40 29/11/2009
Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 và kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Đà Lạt (1960–2010)

ĐÀLẠT – Gia đình giáo phận sum họp bên nhau trong ngày khai mạc Năm Thánh 2010, mừng 50 thành lập giáo phận Đàlạt. Gần 4000 tu sĩ và giáo dân từ khắp nơi trong giáo phận, đã quy tụ về Nhà thờ Chánh Tòa Đàlạt với niềm vui tươi và hân hoan. 150 linh mục cùng đồng tế với Đức cha Phêrô trong Thánh lễ được cử hành long trọng lúc 9 giờ 30 sáng thứ Sáu, 27-11-2009.

Khuôn viên Nhà thờ Chánh Tòa được trang hoàng đẹp đẽ, mọi nỗ lực để ngày hôm nay, khởi đầu cho một Năm Thánh thật sự mang lại lợi ích thiêng liêng cho mọi người. Mỗi người tham dự đều được nhận một phần quà đầy ý nghĩa, đó là ảnh tượng chuộc tội, Kinh Năm Thánh, Lược sử Giáo phận Đàlạt và Lược sử Giáo xứ Chánh Tòa (vì đây cũng là năm Giáo xứ Chánh Tòa kỷ niệm 90 năm hình thành, xây dựng và phát triển).

Trong Nghi thức cử hành Khai mạc Năm Thánh, Đức cha Phêrô đã ngỏ lời với cộng đoàn:

“Chúng ta đã hân hoan mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt nam và khai mạc Năm Thánh cho toàn thể Giáo hội Việt nam. Giờ đây, chúng ta vui sướng cử hành nghi lễ khai mạc Năm Thánh cho Giáo phận…”

Đức cha cũng nhắc đến những tâm tình và thái độ sống cần có trong năm hồng phúc này, đó là:

- Tạ ơn Thiên Chúa.

- Nhớ ơn các bậc tiền nhân.

- Quyết tâm sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, canh tân đời sống, sám hối và hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em của mình.

Tiếp đó, cha Tổng đại diện Phaolô Lê Đức Huân đã tuyên đọc trích đoạn Tông hiến Quod venerabiles fratres của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ngày 27-11-1960 về việc “thiết lập hai Giáo phận Mỹ Tho và Đàlạt”. Đồng thời Cha Phaolô cũng công bố “Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, ban Năm Thánh và ấn định thể thức hưởng ơn Toàn xá”, cùng với áp dụng cụ thể của Giám mục về các nhà thờ hành hương.

Cũng trong Nghi thức khai mạc, Đức cha Phêrô nhắc đến Sứ điệp Đức thánh cha Bênêđictô XVI gửi Giáo Hội Việt Nam: “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại, đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào, và xin mọi người tha thứ”.

Cả cộng đoàn cùng thống hối và sốt sắng nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn vì “Lạy Chúa là Thiên Chúa giầu lòng nhẫn nại, luôn sẵn sàng tha thứ, Chúa dành những thời gian đặc biệt để thi ân giáng phúc cho loài người. Nhờ đó, muôn dân có thể nhận biết: Chúa là Đấng tạo thành và cứu độ sinh linh. Ước gì chúng con biết nắm lấy thời cơ thuận tiện này mà hăng say đáp lại lời bình an của Chúa và tích cực cộng tác vào công trình hòa giải muôn loài”.

Trong bài giảng lễ, dựa vào các Bài đọc Lời Chúa, Đức cha Phêrô chia sẻ:

“Anh chị em thân mến,

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, soi sáng ý nghĩa của việc cử hành phụng vụ hôm nay.

800 năm trước khi Chúa Cứu Thế ra đời, Isaia đã loan báo về Đấng Mêssia (61,1-3), đó là Đấng được xức dầu Thánh Thần, được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin mừng cứu độ. Tin mừng đó giải thoát con người khỏi tội lỗi và hệ lụy của tội lỗi là đau khổ và sự chết. Qua Bí tích Thanh tẩy, mỗi Kitô hữu đã lãnh nhận dầu Thánh Thần để được thánh hóa và được sai đi làm chứng cho Tin mừng của Đức Kitô. Tin mừng này cũng chính là Đức Kitô, Ngài là Đàng dẫn đến Sự Thật để được sống muôn đời.

Nếu muốn Năm Thánh này mang lại những kết quả thiêng liêng dồi dào và bền vững, chúng ta hãy gắn bó với Đức Kitô, hãy để Ngài hướng dẫn và soi sáng.

Bài Phúc âm của thánh Gioan (15, 9-17) cho thấy: Đức Kitô muốn con người tham dự vào sự sống và sứ mạng cứu thế của Ngài. Những gì Cha đã trao ban, Ngài đều chia sẻ cho chúng ta: tình yêu, chân lý, sự sống và ngay cả những lệnh truyền của Cha. Ngài không coi chúng ta là tội nhân, là kẻ xa lạ, mà là bạn hữu. Ngài luôn trân trọng và muốn con người phải thật sự yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương. Chính sự yêu thương này là dấu chỉ Ngài đã được Cha sai đến và chúng ta là môn đệ Ngài.

Có thể nói nhiều, dạy dỗ nhiều, nhưng nếu không có những hành vi cụ thể để minh chứng lời của chúng ta là bởi Thiên Chúa thì người ta sẽ không tin. Để người khác tin thì chúng ta phải biết yêu thương nhau.

Thánh Phaolô dạy chúng ta phải thi hành giới răn yêu thương của Chúa bằng cách cùng nhau xây dựng Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Kitô lớn mạnh và chúng ta luôn được hiệp nhất trong Ngài. Có thể chúng ta là những thành phần khác nhau, với những ơn gọi và khả năng khác nhau nhưng cùng chung một lý tưởng, một sứ mạng là góp phần xây dựng Thân Thể Đức Kitô, cho đến khi mọi người được hiệp nhất trong đức tin (Ep 4,11-16).

Khai mạc Năm Thánh, như chúng ta đã nói, là Năm hồng ân, biết bao hồng ân Chúa sẽ ban cho trong Năm Thánh này. Chúa tạo mọi điều kiện, mọi cơ hội để chúng ta đón nhận được tình yêu thương của Ngài. Nhưng cạnh đó, Ngài còn muốn chúng ta phải cộng tác, phải là những người có trách nhiệm và thi hành trách nhiệm đó, phải loan báo và làm chứng cho Tin mừng Đức Kitô trong công việc và nơi môi trường sống của chính mình.

Để sống và đón nhận hiệu quả những hồng ân Chúa ban trong Năm Thánh, chúng ta cần:

- Tinh thần: Cầu nguyện để được kết hợp mật thiết với Chúa, kết hợp với nhau, được lắng nghe và thi hành Lời Chúa, biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em. Dĩ nhiên, cùng với cầu nguyện, Chúa đòi chúng ta những hy sinh, hãm mình. Đây là thời cơ thuận tiện để biết bao điều chúng ta đã từng mơ ước mà chưa thực hiện được, thì đây là thời gian để chúng ta thực hiện những gì chúng ta mong ước.

- Phương thế: Hợp tác với những người thiện chí, dùng các phương thế mà Giáo hội ban cho (24 dịp cầu nguyện - hiệp thông với Giáo hội toàn cầu và Giáo hội địa phương, có những dịp kéo dài 2-3 ngày như: Đại hội Dân Chúa, Tết Nguyên đán; hành hương tại Nhà thờ được chỉ định; dự Thánh lễ khi có Giám mục cử hành cách long trọng). Trong những dịp này, cả những người ốm đau hay có ngăn trở chính đáng vẫn có thể hiệp thông với những người khác để được hưởng hồng ân Chúa ban. Rất nhiều cơ hội được mở ra cho chúng ta, là những người tội lỗi yếu đuối, để đón nhận ơn Chúa, sám hối và canh tân cuộc đời mình.

Tóm lại, đây là Năm hồng ân của Chúa và Ngài có trăm nghìn cách để biểu lộ tình yêu với chúng ta, Ngài không bị giới hạn bởi điều kiện nào, tình yêu của Ngài không có biên giới. Nhưng trong sự khôn ngoan, Ngài chờ đợi chúng ta phải có những nỗ lực của chính mình, Ngài dùng thần khí của Ngài soi sáng cho chúng ta biết những gì cần làm và những gì phải tránh. Những việc phải làm và phải tránh đó, trong năm này, chúng ta sẽ thực hiện được để canh tân và đổi mới đời sống mỗi người. Nhờ đó, gương mặt của Hội thánh trở nên tươi trẻ, đáng tín cậy và cuộc sống của chúng ta trở nên hữu ích cho nhiều người”.

Trước lời chúc bình an cuối Thánh lễ, cha Tổng đại diện Phaolô Lê Đức Huân đã thay lời mọi người, mừng lễ Đức cha Phêrô dịp mừng 18 năm Giám mục sắp đến (03-12). Trước những trách vụ nặng nề mà Đức cha Phêrô đang gánh vác, trước những khó khăn thử thách mà Đức cha Phêrô đang gánh chịu trong hoàn cảnh tế nhị hiện nay, một lần nữa, cả gia đình giáo phận nguyện sẽ luôn yêu mến, vâng phục và cộng tác với Đức cha để gia đình giáo phận mãi giữ được sự hiệp nhất, yêu thương và bình an.

(Nguồn: www.simonhoadalat.com)
 
Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Mỹ Tho
+ GM Phaolô Bùi Văn Đọc
04:43 29/11/2009
Bài giảng Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 tại giáo phận Mỹ Tho
tại giáo xứ Ba Giồng, ngày 27-11-2009


Anh chị em rất thân mến,

Chúng ta quy tụ nhau lại đây rất đông đảo, để cùng nhau khai mạc Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông toà đầu tiên tại Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, 50 năm thành lập Giáo phận Mỹ Tho yêu quý của chúng ta. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những hồng ân lớn lao này cho Giáo hội Việt Nam, và cho Giáo phận chúng ta.

Năm Thánh luôn là năm hồng ân, nhắc nhớ những hồng ân đã qua, và đón nhận những hồng ân mới. Năm thánh là Năm Ân Xá. Việc ân xá biểu lộ tình yêu quảng đại của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa tha tội và tha hình phạt đời này và đời sau cho chúng ta. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ tất cả, bỏ qua tất cả, miễn là chúng ta thật lòng ăn năn thống hối.

Tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội. Nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được chăng? Tâm tình quan trọng đầu tiên của chúng ta hôm nay là tâm tình thống hối, và tâm tình này có thể kéo dài suốt Năm Thánh, thậm chí suốt cả cuộc đời: Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin Chúa thương xót con, xin Chúa tha tội cho con, và tha các hình phạt cho con.

Năm Thánh còn là năm hoà giải, hoà giải giữa Thiên Chúa và chúng ta. Chúng ta đã bất trung với Thiên Chúa, đã lỗi nghịch cùng Thiên Chúa, ít nhiều gì đã chống lại Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa. Năm Thánh là cơ hội để chúng ta trở về cùng Thiên Chúa. Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta trở về cùng Thiên Chúa, xích lại gần Thiên Chúa để Ngài có cơ hội hoà giải với chúng ta, cho chúng ta trở lại tình xưa nghĩa cũ. Và còn hơn thế nữa, Năm Thánh cũng là năm để chúng ta làm hoà với nhau, giải quyết những mối bất hòa lâu năm, thâm căn cố đế, những bất hoà trong gia đình, trong giáo xứ, ngoài xã hội.

Năm Thánh là năm canh tân đổi mới. Thiên Chúa đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, và Chúa Thánh Thần đổi mới mọi sự, con người, tâm trí chúng ta. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một trái tim mới, một thần trí mới, để chúng ta có thể yêu mến như Thiên Chúa yêu mến, suy nghĩ theo đường lối của Thiên Chúa. Để chúng ta biết được tư tưởng của Thiên Chúa, nhận ra thánh ý của Thiên Chúa và đem ra thực hành. Năm Thánh là cơ hội để chúng ta trở nên người khôn ngoan, tri thiên mệnh, biết ý Trời.

Năm Thánh cũng là năm Chúa ban cho những niềm vui mới: niềm vui được làm cha làm mẹ, niềm vui lấy vợ lấy chồng, niềm vui tận hiến cuộc đời cho Chúa, niềm vui thành công trong xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả là niềm vui được trở về với Chúa, ở gần bên Chúa, chia sẻ niềm vui và “Hồng Phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa”. Niềm vui được thông phần Thần Khí Phục Sinh của Chúa, tràn đầy sự sống của Chúa.

Năm Thánh cũng là năm để chúng ta đón nhận những hồng ân mới, những hồng ân mà lòng rộng rãi của Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Những hồng ân mới đó mang lại ơn ích không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người chung quanh. Ví dụ ơn “yêu thương phục vụ người nghèo, người bệnh”, ơn mạnh dạn loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu, ơn hăng say làm việc tông đồ, ơn phục vụ giáo xứ giáo phận. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là các ơn đức tin, đức cậy và đức mến.

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một lòng tin mạnh mẽ, một lòng tin có khả năng chuyển núi dời non, một niềm tin có thể biến đổi thực tế con người và cuộc đời của chúng ta. Một niềm tin trung kiên bền vững, không bị lay chuyển trước những thử thách của trường đời, kể cả cái chết, giống như các thánh tử vì đạo Việt Nam, đã dám đổ máu đào làm chứng cho Chúa, chấp nhận chịu bao nhiêu khổ hình ghê sợ, vì nhất quyết tuyên xưng đức tin.

Xin Chúa cũng ban cho chúng ta một lòng yêu mến sâu xa. Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Yêu đến mức không ngại chết cho tình yêu. Xin Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần Tình Yêu, như ngọn lửa không bao giờ tắt trong tâm hồn, ngọn lửa xưa kia đã nung nấu tâm hồn các thánh tử vì đạo Việt Nam, khiến các ngài luôn chết vì yêu. Xin Chúa cho chúng ta có đức bác ái sâu xa và thực tế, nghĩ tới người khác nhiều hơn nghĩ tới mình, yêu thương người khác hơn chính bản thân, sẵn sàng phục vụ và hy sinh cho người khác khi cần.

Xin Chúa ban cho chúng ta “lòng trông cậy vững vàng”. Luôn tin tưởng vào Chúa, cậy dựa vào Chúa và không bao giờ thất vọng. Phó thác cuộc sống, phó thác tương lai vào trong tay Chúa. Phó thác gia đình, Giáo hội, Đất nước và cả nhân loại này trong tay Chúa. Chính Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng của chúng ta, là Tương Lai vĩnh hằng của chúng ta. Giống như các Thánh tử vì đạo Việt Nam, tâm hồn chúng ta luôn hướng về Chúa Kitô như là Tương lai duy nhất đích thực của cuộc đời ta và của toàn thể vũ trụ đã được tạo thành.

Nhân dịp Năm thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Mỹ Tho, tôi xin chính thức tuyên bố Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu, cha sở Họ đạo Ba Giồng, từ nay sẽ là Thánh Bổn Mạng của Giáo phận chúng ta.
 
Mỹ Tho: Thư Mục vụ Mùa Vọng
+ GM Phaolô Bùi Văn Đọc
04:45 29/11/2009
THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG

Kg quý cha, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh,
Và toàn thể anh chị em giáo dân trong giáo phận

Anh chị em rất thân mến,

Những ngày Mùa Vọng đang đến với chúng ta.

Mùa Vọng Năm nay đặc biệt hơn mọi năm, vì năm nay Giáo hội tại Việt Nam mừng 350 năm thành lập 2 giáo phận tông tòa đầu tiên, được gọi là giáo phận Đàng Trong và giáo phận Đàng Ngoài. Đồng thời cũng là kỷ niệm 50 năm lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam năm 1960, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo hội tại Việt Nam. Các riêng năm nay Giáo Phận chúng ta cũng kỷ niệm 50 năm “thiết lập giáo phận chính toà Mỹ Tho” cùng với Giáo phận Đalat và Giáo phận Long Xuyên.

Năm Thánh 2010 sẽ được long trọng cử hành tại nhiều nơi trong giáo phận, để biểu lộ niềm vui lớn lao và sâu đậm của chúng ta, để tạ ơn Thiên Chúa đã thương gìn giữ, bảo vệ và chăm sóc đặc biệt giáo phận chúng ta, và để đánh dấu một giai đoạn dấn thân mới của tất cả chúng ta. Dấn thân loan báo Tin mừng cách mạnh mẽ, dấn thân phục vụ Giáo hội và xã hội, dấn thân đến với những người nghèo khổ và những người chưa biết Chúa. Dấn thân làm sạch đẹp môi trường sinh thái tự nhiên cũng như tâm linh.

Đất Nước và Giáo Hội chúng ta, dù đã cố gắng nhiều, và đã có được những bước tiến đáng kể, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng chúng ta không bao giờ thất vọng. Trái lại luôn trông cậy vào Chúa, chúng ta hướng về một tương lai tốt đẹp và sáng lạn hơn cho Giáo Hội và Đất Nước, với điều kiện mỗi người chúng ta cố gắng nhiều hơn về một số mặt.

Trước hết về mặt giáo dục gia đình, để làm sao mỗi gia đình công giáo trở nên một lò hun đúc các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa ( xem Ht, đ.4 ). Các Bà mẹ công giáo, các gia trưởng, hãy cố gắng nhiều hơn nữa.

Hãy yêu con nhiều hơn, nhưng đừng nuông chiều con quá mức. Hãy lo cho con cái về nhiều mặt, không duy nhất có mặt học hành, dù học vấn là điều tối quan trọng. Hãy nâng cao trình độ văn hoá của con cái, nhưng đừng quên nâng cao đời sống đức tin cho chúng, nâng cao những giá trị đạo đức. Hãy tập cho con em sống đức ái, vì đó là giới răn quan trọng nhất, là điều cốt yếu trong Đạo của chúng ta.

Thật là đau thương khi hằng ngày trên mặt báo có những tin tức hành hung ghê sợ của những người cha người mẹ đối với con cái, của vợ chồng đối với nhau, của những bảo mẫu đối với trẻ em, của thầy cô giáo và học trò đối với nhau. Một số khá đông, tuy vẫn còn là thiểu số, gần như mất tính người, vì không làm chủ được bản thân. Anh chị em hãy tập cho con em biết làm chủ bản thân bằng những hãm mình hy sinh nho nhỏ hằng ngày, và phải tập từ lúc còn bé. Anh chị em hãy dạy cho các con biết sống hiền lành giống như Chúa Giêsu. ( xem Mt..

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, có nguồn gốc văn hoá kitô giáo, như phần lớn các Nước thuộc Châu Au, giới trẻ và cả người lớn càng ngày càng xa lìa đức tin công giáo, không sống đạo, không thực hành đạo, vì một lý do rất thực tế: họ không được học giáo lý hẳn hoi trong giáo xứ. Vậy anh chị em đừng ngại thúc đẩy, và nếu cần, kiểm tra việc học giáo lý của con em mình. Chúa sẽ bù lại cho sự cố gắng của anh chị em.

Một điều quan trọng khác là anh chị em hãy nâng đỡ nhau trong đời sống đạo. Đừng để ai cô đơn một mình. Thế giới hôm nay mỗi ngày biến chuyển nhanh chóng hơn, đòi hỏi mỗi người phải hợp quần, tựa vào nhau mà sống. Đời sống đạo cũng cần sự nâng đở của tập thể. Giáo phận, giáo xứ là những tập thể quá lớn, không thể gần gũi nâng đỡ từng người. Anh chị em cần những tập thê nhỏ hơn, cần những nhóm, những đoàn thể, nơi đó anh chị em gặp gỡ và sinh hoạt với nhau dễ dàng hơn. Đời sống đạo của anh chị em sẽ vui tươi hơn, khi được chia sẻ với bạn bè trong nhóm.

Đặc biệt đối những người trẻ, xã hội hôm nay có quá nhiều điều lôi cuốn, theo chiều hướng tốt cũng có, nhưng rất ít; theo chiều hướng xấu thì nhiều hơn. Ví dụ sự tự do luyến ái giữa các trẻ vị thành niên, những thứ giải trí không lành mạnh, những phim ảnh bạo lực, khiêu dâm. Nếu các em không được đoàn ngũ hoá trong giáo xứ, giáo hạt, thì các em sẽ rất dễ bị lôi kéo vào những băng nhóm xấu, lây nhiễm những tệ đoan xã hội. Hoặc các em sẽ bớt tới nhà thờ, nhà xứ, để được hưởng một nền giáo dục kitô giáo đầy đủ.

Hãy tích cực góp phần xây dựng gia đình, giáo xứ, giáo hạt, Giáo phận thành những môi trường tâm linh sạch đẹp, lành mạnh, để mọi người trong đó có con em chúng ta được lớn lên trong Tình yêu và Chân lý.

Phần lớn các giáo xứ trong Giáo phận chúng ta thuộc những vùng thôn quê nghèo, không đủ công ăn việc làm. Nhiều người trẻ trong giáo xứ chán đời sống thôn quê buồn tẻ và bỏ gia đình để lên Thành phố kiếm việc làm. Đời sống của họ, tuy có đồng ra đồng vào, nhưng vất vả và bấp bênh. Anh chị em hãy ý thức chuẩn bị tinh thần cho con em, đưa các em lên chào cha sở để ngài giới thiệu các em với các cha sở nơi đến. Hãy khuyến khích các em mau hội nhập vào giáo xứ mới, để có môi trường sống đạo thích hợp, nhưng vẫn giữ liên lạc với gia đình và xứ đạo gốc. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặc biệt lưu tâm đến giới trẻ di dân ở Việt Nam ( xem Ht, đ.4 ).

Muốn cho môi trường tinh thần, tâm linh của xã hội được lành mạnh, tâm hồn của mỗi người phải trong sạch. Đó là lý do mà mỗi người công giáo chúng ta hãy làm vệ sinh tâm hồn để chuẩn bị Năm Thánh. Anh chị em giáo dân hãy chịu khó đi xưng tội, và xin các cha hãy chịu khó ngồi Toà giải tội, tạo điều kiện mọi người có thể hoà giải với Chúa, với Giáo hội và với nhau.

Môi trường thiên nhiên sạch đẹp cũng là một bận tâm hàng đầu của thế giới hôm nay. mọi người phải góp phần, từ quan chức địa vị cao nhất như Tổng thống Nước Mỹ Obama, cho đến người dân nhỏ bé nhất ở những Nước còn nghèo như Nước ta.

Một trong những điều mà khắp thế giới đang đề cập đến là “vấn đề thay đổi khí hậu hiện nay trên thế giới” đang ảnh hưởng rất nhiều và rất xấu, cho vũ trụ, đặc biệt là cho Trái đất của chúng ta. Những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nhiều hơn hết là những Nước nghèo và những Nước có vùng địa dư như Đất Nước chúng ta, phần lớn là bờ biển có độ cao hơn mặt biển rất ít. Mặt nước biển mỗi ngày một dâng cao, khí hậu mỗi ngày một nóng hơn, các tảng băng Bắc Cực và Nam Cực đang tan dần. Lý do là vì khí thải Carbonic quá nhiều trong không gian, hậu quả phụ nhưng nguy hiểm của công nghệ phát triển quá nhanh và không kềm chế.

Ở Việt Nam chúng ta môi trường sinh thái càng ngày càng xấu đi, vì các công ty xí nghiệp đua nhau làm ăn, chỉ chú trọng tới lợi nhuận, không gìn giữ môi trường, trái lại còn huỷ hoại nó bằng những chất thải độc hại cho sức khoẻ. Rừng thường xuyên bị đốt cháy, do việc khai thác gỗ bừa bãi. Các đập Thuỷ điện lớn được xây dựng thiếu tính toán. Hãy cầu nguyện cho Đất Nước có diện tích nhỏ bé của chúng ta đừng bị thiệt hại quá mức. Nhưng quan trọng hơn là đừng tiếp tay cho việc buôn lậu các sinh vật quý hiếm của chúng ta, mua những sản phẩm phế thải của ngoại bang trá hình dưới dạng nhập khẩu. Hãy tiêu thụ những hàng do Việt nam sản xuất để đời sống kinh tế của Đất Nước khá hơn lên.

Trong một tương lai không xa, nhiều vùng thuộc Đồng Bằng sông Cửu Long có thể bị xoá sổ, vì Nước biển dâng cao. Một số giáo xứ gần bờ sông, thuộc giáo phận chúng ta, điển hình là “Cồn Bà’ ở tỉnh Tiền Giang, “Sông Xoài” ở tỉnh Long An, Tân Long, Fatima, Tân Quới, thuộc vùng Cù Lao Tây, tỉnh Đồng Tháp, đang bị mất đất rất nhiều vì sạt lở bờ sông. Xin anh chị em đừng đồng loã với những người đào bới lòng sông khai thác cát lậu.

Nước trong các Giòng sông của chúng ta, mỗi ngày một ô nhiễm nặng hơn, xin anh chị em cố gắng gìn giữ vệ sinh, tránh làm môi trường ô nhiễm thêm. Hãy học tập nếp sống văn minh của nhân loại thuộc thiên niên kỷ thứ ba. Hãy cố gắng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, nước sạch, vì các nguồn nước sạch của chúng ta mỗi ngày một cạn kiệt. Hãy gìn giữ môi trường thiên nhiên cho thật tốt, như những người quản lý tốt lành của Đấng Tạo hoá. Đừng huỷ hoại môi trường vì lợi ich riêng tư, bằng không sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, và những thế hệ con em của chúng ta.

Để gìn giữ môi trường thiên nhiên và môi trường tâm linh sạch đẹp, hai điều không thể thiếu, là Tình yêu và Chân lý. Môi trường đẹp nhất là “môi trường Tình yêu”. Môi trường sạch nhất là “môi trường Chân lý’.

Không có môi trường nào trong đó con người hạnh phúc cho bằng môi trường Tình yêu, vì con người sinh ra để yêu thương và được yêu thương. Con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa là Tình yêu. Bao giờ mọi người trong nhân loại yêu thương nhau như những người con của cùng một Cha trên trời, thì bấy giờ là “Thiên Đàng’. Thiên Đàng ấy chỉ có vào ngày Cánh chung mà Giáo hội đang hướng tới, ngày Đức Kitô trở lại, ngày mà Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi loài và cho mọi loài. Mùa Vọng hướng chúng ta về Ngày ấy. Chúng ta mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và Ngày trở lại của Chúa Giêsu kitô, Đấng cứu độ chúng ta. ( xem SLR, phân Thường lễ….)

Không có môi trường nào trong sạch cho bằng môi trường Chân lý. Môi trường của sự thật là môi trường không bị vấy bẩn bởi sự hèn hạ dối trá. Tất cả những dối trá và lường gạt của con người đối với nhau làm cho môi trường trở nên ô nhiễm và tăm tối, đến mức độ không còn thấy đường đi. Vậy hãy đi tìm chân lý thì mới có ánh sáng. Khi con người biết được Chân lý, thì con người đang ở trong ánh sáng. Mọi người đều cần ánh sáng, thiếu ánh sáng con người sẽ vấp ngã trên con đường lữ thứ của mình. Chúa Kitô là Anh Sáng muôn dân. Chúng ta hướng tới Ngày Giáng Sinh của Chúa, ngày mà Anh Sáng đến trần gian, Anh Sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Chúa.

Anh chị em rất thân mến, tôi cầu chúc cho anh chị một Mùa Vọng sốt sắng, đầy tràn ơn Chúa, một Năm Thánh thật vui tươi và đầy ý nghĩa. Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy yêu Chúa một cách đặc biệt hơn, bằng cách yêu mọi người, yêu sự sống, yêu thiên nhiên, yêu mọi loài thụ tạo. Chúng ta hãy tìm Chúa cách đặc biệt hơn, nhờ cố gắng đi tìm sự thật, biết sự thật, yêu sự thật, nói sự thật và làm sự thật. Đừng để sự dối trá nào len lỏi vào tâm hồn chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Mỹ Tho, ngày lễ Kitô Vua, năm 2009,
 
Khai mạc Năm Thánh 2010 tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
05:06 29/11/2009
HÀ NỘI - Vào lúc 9h00 sáng Chúa nhật, 29 tháng 11 năm 2009, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010 Giáo hội Việt Nam tại điểm hành hương là Nhà thờ Chính Tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, Cha quản hạt và quý Cha trong giáo hạt Hà Nội.

Hình ảnh khai mạc Năm Thánh tại Hà Nội

Ngôi nhà thờ chính tòa đã trở nên chật hẹp nhưng hết sức ấm cúng, trang nghiêm bởi hàng ngàn anh chị em giáo dân từ khắp nơi về đây tham dự

Đặc biệt, cùng đồng tế với Đức Tổng Giuse có Cha Jean Baptiste Etcharren – Bề trên Tổng quyền Hội thừa sai Balê (Pháp). Đây là một sự hiện diện nhiều ý nghĩa vì như Đức Tổng Giuse đã ngỏ lời với cộng đoàn: Năm nay chúng ta kỷ niệm 350 năm thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam và kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, hai vị Giám mục đầu tiên coi sóc hai địa phận đó chính là hai vị sáng lập Hội thừa sai Balê. Liên tục 350 năm nay, Hội thừa sai Balê luôn hiện diện và đồng hành với Giáo hội tại Việt Nam qua mọi biến cố khi an bình cũng như những lúc thăng trầm, có những đóng góp vô cùng to lớn cho giáo hội Việt Nam, cách riêng cho Tổng Giáo phận Hà nội mà ngôi nhà thờ chính tòa cổ kính xinh đẹp này cũng là công sức xây dựng của các vị trong Hội thừa sai Balê.

Trong bài giảng lễ, Cha Jean Baptiste Etcharren – vị linh mục Pháp quốc nhưng có một giọng nói tiếng Việt hết sức trôi chảy và truyền cảm – đã chia sẻ với cộng đoàn về hành trình hơn 400 năm lịch sử từ khi Tin Mừng được loan truyền trên đất nước Việt Nam này. Mở đầu bài chia sẻ, ngài đã khiến cộng đoàn hết sức vui mừng, không phải chỉ vì được nghe một giọng nói với tâm hồn rất Việt Nam mà vui vì được lắng nghe những tâm sự của ngài: “Xin anh chị em coi những giây phút này là sự chia sẻ thân mật trong tình gia đình”

Cha Jean Baptiste Etcharren nhấn mạnh: Chúng ta vào mùa Vọng, hôm nay là một ngày rất quan trọng. nhớ lại xưa khi Chúa Giêsu chưa đến làm người trên trần gian này, chúng ta cũng nhớ lại khi Chúa Giêsu chưa đến với đất nước của chúng ta, chúng ta nhớ lại khi Chúa Giêsu chưa đến với mỗi người chúng ta, và dù chúng ta xưng mình là người Kitô hữu, có khi chúng ta chưa đón nhận đầy đủ ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa kêu mời chúng ta hãy tỉnh thức, mở lòng mở trí để đón nhận ơn Chúa một cách trọn vẹn hơn.

Hôm nay cũng là một ngày quan trọng, vì chúng ta bước vào Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam – một Năm Thánh để “chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua trong tâm tình tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa ban, tạ ơn vì những hy sinh của các bậc tiền nhân, các ân nhân cũng như các chứng nhân đức tin; đồng thời tạ lỗi vì đã chưa bày tỏ được hình ảnh giáo hội như lòng Chúa mong ước. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn vào hiện tại với cặp mắt Đức Tin để phân định những thách đố cũng như những thuận lợi cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội Việt Nam”.


Sau khi trình bày về hành trình lịch sử từ khi cha Đắc Lộ đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng, đến khi hạt giống Tin Mừng ấy trổ sinh hoa trái dồi dào, Cha đã kết luận: Giáo hội Việt Nam đã lớn lên, đã vững mạnh qua bao biến cố và thử thách nhưng luôn được Chúa giữ gìn. Quả thực đây là một Giáo hội trung thành, mạnh mẽ và ý thức nhiệm vụ đem Tin Mừng của Chúa Kitô cho tất cả mọi người.

Để kết thúc, tôi xin trích lại một đoạn trong tài liệu của Ban Tổ Chức Năm Thánh: nhìn lại lịch sử hơn 400 năm, như Mẹ Maria, người tín hữu Việt Nam cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa, vì khi quay nhìn quá khứ với cặp mắt đức tin, ta nhận ra Chúa hằng hiện diện và đồng hành với Giáo hội trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, dù khi chan hòa ánh sáng hay bóng tối đong đầy. Nhìn lại lịch sử hơn 400 năm đó, người tín hữu Việt Nam cũng ý thức rằng đức tin mà mình lãnh nhận đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi và nước mắt, hơn nữa, bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, phải hết sức trân trọng gìn giữ và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời. Hơn thế nữa, nếu đức tin là hồng ân đã lãnh nhận xuyên qua gian khổcủa tiền nhân, người tín hữu Việt Nam hôm nay phải tiếp tục công trình của cha ông, trong nỗ lực truyền giáo để tinh thần Phúc Âm được thấm nhuần vào mọi thực tại xã hội, và quê hương Việt Nam thân yêu được phát triển theo hướng đi của Nước Trời – Nước công chính, yêu thương và an bình.

Tôi xin chúc cho tất cả anh chị em sống một mùa Vọng và một Năm Thánh sốt sắng, thánh thiện và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi nữa.


Trước khi ban phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá trong Năm Thánh, Đức Tổng Giám mục Giuse ngỏ lời với cộng đồng dân Chúa. Đức Tổng đã bày tỏ lòng cảm phục và tri ân của dân Chúa Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đối với công lao của các thừa sai, đặc biệt hội thừa sai Bale – những người mang trái tim và tâm hồn Việt Nam – như Cha Bề trên Etcharren hiện diện trong Thánh lễ hôm nay. Các ngài mong muốn được sống và hiến dâng trọn vẹn cả mạng sống mình cho Việt Nam – nơi các ngài đã chọn làm quê hương thứ hai với trọn niềm thương mến của mình. Đức Tổng mời gọi cộng đoàn dân Chúa tiếp tục cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho nhà cầm quyền biết nhìn nhận công lao của các vị thừa sai Công Giáo và hy vọng một ngày gần đây, các vị lại được hiện diện trở lại trên quê hương Việt Nam này để phục vụ dân Chúa và đóng góp xây dựng xã hội Việt Nam. Đức Tổng nói lê thao thức của ngài: “Dù nhà nước có không hiểu các ngài đến đâu, nhưng với tấm lòng thiện chí và tinh thần xây dựng của các ngài thì hy vọng một ngày gần đây, nhà nước sẽ xét lại và mở rộng đón nhận các thừa sai trở lại để xây dựng giáo hội và xã hội tại Việt Nam”.

Đức Tổng Giuse cũng đã chia sẻ với cộng đoàn về ý nghĩa của việc chọn Nhà thờ Chính Tòa làm một trong bốn điểm hành hương của Tổng Giáo phận: Nhà thờ Chính Tòa được chọn làm điểm hành hương chính trong Năm Thánh, không phải chỉ vì đây là nhà thờ Mẹ của các nhà thờ trong Tổng Giáo phận, nhưng còn vì biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra chung quanh nhà thờ và ở trong thành phố Hà nội này. Trước hết, ở đây chúng ta đã được đón Cha Đắc Lộ đến kinh đô Kẻ Chợ này vào năm 1637, ngài đã mang Tin Mừng đến cho miền đất này – một biến cố thật đáng ghi nhớ trong Năm Thánh. Ở trong thành phố này, chúng ta cũng có nhiều đấng tử đạo ở đây: Cha Thánh Ven bị giam cầm trong thành Cửa Bắc và chịu chết vì đạo tại một địa điểm gần cầu Long Biên hiện nay; Cha Thánh Dũng Lạc, tuy sinh ra ở Bắc Ninh nhưng cũng đến Hà nội sinh sống, theo đạo ở đây và chịu tử đạo tại ô Cầu Giấy, ngày trước đã có một nhà nguyện tại phố Sơn Tây nhưng tiếc là giờ không còn nữa. Tương truyền, Cha Đắc Lộ đã lập ra một nhà nguyện ở gần hồ Hoàn Kiếm, có lẽ ở cạnh đền Bà Kiệu hiện này, trước đây đã có một tấm bia ghi nhớ sự kiện đó nhưng sau này, vì những vấn đề tế nhị, người ta đã dẹp bỏ, nhưng vui vì hiện này nhà nước đã bắt đầu ghi nhận công lao của Cha Đắc Lộ vào việc hình thành chữ quốc ngữ và nền văn hóa Việt Nam, cố thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu dựng tượng ghi nhớ công ơn Cha Đắc Lộ ở Hà Nội này, hy vọng tấm bia đó cũng sẽ được trả lại đúng vị trí đáng ghi nhớ đó. Tại Tòa Khâm Sứ trước Tòa Tổng Giám mục, xưa kia các đấng cũng đã dựng một nhà nguyện bằng tre lá để kính các Thánh Tử Đạo, nhưng nhà nguyện đó đã bị quân Cờ Đen đốt phá,sau đó Đức Cha đã cho xây một núi đá Đức Mẹ Lộ Đức để ghi nhận biến cố đó. Khu nhà nguyện Fatima của Tòa Tổng Giám mục hiện nay chính là ngôi nhà đầu tiên mà Đức Cha Phước đã cư ngụ.

Kết thúc bài diễn từ, Đức Tổng nhấn mạnh: ”Với tất cả những sự kiện đó, chính ta có điểm hành hương là Nhà thờ Chính Tòa này, nhắc nhớ chúng ta về lịch sử truyền giáo, về các Đấng Tử vì Đạo, về gương của các vị thừa sai, tấm gương kiên trung Đức Tin của Tổ Tiên. Khi đến hành hương ở nơi đây, chúng ta hướng về lịch sử để tưởng nhớ tổ tiên và cảm tạ Chúa đồng thời xin Chúa ban cho chúng ta muôn ơn lành.”

Trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, nhà thờ chính tòa Hà Nội được chọn làm một trong bốn trung tâm hành hương chính của Tổng Giáo phận Hà Nội, cách riêng dành cho các giáo xứ trong giáo hạt Hà Nội. Trong suốt năm Thánh này, mọi thành phần dân Chúa sẽ hành hương về đây để cảm tạ Chúa, tri ân các vị tiền nhân và xin Chúa ban xuống muôn hồng phúc qua phép lành Tòa Thánh ban.
 
Giáo phận Phan Thiết khai mạc Năm Thánh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:55 29/11/2009
PHAN THIẾT - Hòa nhịp cùng Giáo Hội Việt Nam rộn rã những ngày khởi đầu Năm Thánh, Giáo phận Phan Thiết đã tổ chức lễ khai mạc cấp Giáo phận vào ngày 27, cấp giáo hạt ngày 28 và từng giáo xứ ngày Chúa nhật 29.11.

Thánh lễ khai mạc tại nhà thờ Chính Tòa, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống cùng đồng tế với Đức Cha Nicolas, Đức Cha Phaolô và linh mục đoàn Giáo phận. Các Thầy Chủng viện Nicolas, Đại Chủng viện Xuân Lộc, các Nữ tu thuộc nhiều hội dòng và đông đảo cộng đoàn Dân Chúa cùng hiệp thông cầu nguyện.

Đức Cha Giuse giảng lễ, suy niệm về Năm Thánh là điểm dừng để khởi hành những bước tiếp theo.

Lại một năm thánh nữa đến với mỗi người chúng ta. Năm linh mục chưa kết thúc, năm thánh Đức Mẹ TàPao còn hai tuần nữa sẽ bế mạc. Một năm thánh mới mở ra cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được trao tặng đến mọi người. Có người vui tính thì nói rằng, mỗi một Năm Thánh là một hồng ân Chúa mở ra, tha hồ mà tích góp các ơn đại xá như mưa. Có người lại ái ngại không biết những năm thánh tiếp nối năm thánh như thế có để lại những âm vang tích cực trong đời tín hữu hay có khi tạo thành một thứ thói quen, một sự lờn quen chăng? Hồng ân Chúa như sương rơi trên ngọn cỏ bên đường héo khô có thể vực cho ngọn cỏ đó xanh tươi lại. Nhưng nếu như hồng ân Chúa như mưa từ ngày này qua ngày khác tựa mưa dầm không khéo lại trở thành úng lụt! Và một tâm hồn như thế, thay vì vươn lên lại trở thành một thứ thúi nhũn? Có nhiều cái nhìn về năm thánh như vậy. Tuy nhiên, khi Giáo Hội mở ra năm thánh, mỗi một người tín hữu là thành phần cũng được mời gọi hội nhập vào dòng chảy chung ấy.

Vậy thì Năm Thánh 2010 mở ra hôm nay có những điểm nào để mỗi người tín hữu chúng ta sống lấy một cách tích cực không?

Thưa có rất nhiều, ai đã buông mình theo những lễ nghi được cử hành từ những bước chuẩn bị mấy tháng trước đây đến tuần cửu nhật chuẩn bị cho năm thánh, hoặc là theo dõi trên tin tức của báo hoặc đài xã hội hoặc Giáo Hội cũng đều thấy những ngày gần đây ở Hà Nội, cũng như ở một vài Giáo Hội địa phương và cách riêng ngày hôm nay tại các Giáo Phận đều có lễ khai mạc năm thánh cho địa phương của mình. Năm thánh như thế có những điểm nhấn.

1. Năm thánh, một điểm dừng.

Năm thánh 2010 là một điểm dừng mời gọi mọi người tín hữu Việt Nam nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo của mình.Từ năm 1553 hoặc trước đó nữa đã có những bước chân truyền giáo đến với Việt Nam. 1533 là con số mà ngày hôm nay nhiều người nhắc đến bởi vì được gợi lên ở trong cuốn lịch sử đời về sự hiện diện của giáo sĩ Inêkhu tại Ninh Cường thuộc địa phận Bùi Chu ngày nay. Nhưng lược sử Công Giáo Việt Nam có lẽ chính thức được khai mạc vào năm 1615. Lúc ấy có sự hiện diện của các giáo sĩ dòng Tên đem Tin Mừng chính thức gieo trồng vào lòng xã hội Việt Nam. Nhưng chỉ thực sự được nhắc đến với những con số chính xác là từ ngày 9. 9.1659, tính từ đó cho đến nay là tròn 350 năm. Với tông hiến của Đức Giáo Hoàng Alexandre thứ VII thiết lập hai Giáo Phận đàng trong và đàng ngoài. Trong là trong nam, ngoài là ngoài bắc, ranh giới là sông Gianh. Và từ lúc ấy thì mới chính thức gọi là khai sinh Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Thời gian 350 năm được làm nên bởi bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Từ việc chân thành đón nhận Tin Mừng của cha ông chúng ta đến sự nhiệt thành không ngơi nghỉ của bao nhiêu bước chân truyền giáo cũng như của tất cả các các chủ chăn lẫn mọi tín hữu. Lịch sử hào hùng của những chứng nhân anh dũng, trong đó có 117 vị tử đạo đã được tuyên phong. Tất cả là một chiều dài lịch sử. Lịch sử hào hùng được làm nên bằng sự chân thành cộng sự, nhiệt thành loan báo và trung thành tình yêu, một lòng với đạo Chúa. Con số 117 vị chỉ là con số được chính thức, còn bao la cơ man nào mà kể, họ là ai? Thưa là cha ông của chúng ta trong đức tin, họ là những chứng nhân anh dũng cùng dòng máu với chúng ta, một khi đã đón nhận hồng ân đức tin thì gắn bó và trưởng thành cho đến cùng. Gợi lại lịch sử 350 năm cũng chính là gợi lại lịch sử của những bước chân anh dũng ấy. Bước chân của những nhà truyền giáo từ bỏ quê hương của mình đến đây để đem Tin Mừng gieo vãi, cũng như bước chân của cha anh chúng ta trong lòng tin đón nhận và trưởng thành. Nhưng con số 350 năm ấy lại gói gọn một con số khác, đó là con số 50 mà năm 2010 là năm kỷ niệm chính thức 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ký Tông hiến để thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Ngày 24 tháng 11 đã trở thành một ngày truyền thống mà mỗi lần nhắc đến người ta luôn thấy rạo rực. Những gương mặt đã góp phần làm nên lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, là nhiều Giám Mục trong các khu vực đại diện tông toà. Những vị ấy là những chủ chăn người nước ngoài đã đến truyền giáo tại Việt Nam đã âm thầm vun bồi, xây dựng Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Từ khi có Đức Cha Nguyễn Bá Tòng khởi đầu cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam cho đến hôm nay là 101 Giám Mục Việt Nam trong đó Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu là Đức Cha mới nhất. Tất cả con số 350 ôm lấy con số 50 làm nên niềm vui của năm thánh chúng ta kính mừng hôm nay. Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam làm ta lâng lâng nhớ đến những khuôn mặt của tiền nhân, lâng lâng gắn bó với những khuôn mặt mục tử đã chăn dắt đàn chiên Chúa trên mảnh đất này, cũng chính là lúc chúng ta lâng lâng dâng lên lời cảm tạ vì hồng ân lớn lao, tạ ơn vì hồng ân vẫn còn được nối tiếp và còn tạ ơn mãi vì chính năm thánh cũng là năm của hồng ân. Đó là ý nghĩa trước hết mà năm thánh 2010 muốn mở ra.

2. Năm thánh, một điểm nhấn.

Ý nghĩa thứ hai là năm thánh 2010 không phải chỉ là một điểm dừng để rồi vui với những gì mình ghi nhận, mình ngoái lại đàng sau, mình hân hoan mà còn là một điểm nhấn. Điểm nhấn này là điểm nhấn về Giáo Hội Học. Năm thánh hiệp thông vào sứ vụ. Những từ ngữ ấy đã được nắn nót, đã được chọn lựa để mời gọi mọi tín hữu nhận ra điểm nhấn dành cho cá nhân mình, cho cộng đoàn mình hay đúng hơn cho chính Giáo Hội mà mình là thành phần, từ Giáo Hội cũng như Giáo Hội địa phương là Giáo Phận chúng ta đây. Chúng ta còn nhớ rất rõ lễ các thánh Tử Đạo trước đây đâu phải là vào ngày 24 tháng 11. Ngày phong thánh là ngày 19 tháng 6. Vậy tại sao không lấy ngày đó làm ngày lễ các Thánh Tử Đạo mà lại chọn ngày 24 tháng 11? Bởi vì đây là ngày thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, 24.11.1960 đã trở thành một cột mốc không thể nào quên. Cho dẫu ngày 19 tháng 6 là ngày Giáo Hội tôn vinh các chứng nhân anh dũng của Việt Nam, nhưng các Giám Mục Việt Nam đã chọn ngày 24 Tháng 11 hàng năm làm lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ở đây muốn gieo một nhịp cầu, đó là nhịp cầu nối kết Giáo Hội Việt Nam với Giáo Hội Toàn Cầu. Giáo Hội Việt Nam mặc dù gọi tên là Việt Nam nhưng vẫn gắn kết với Giáo Hội Toàn Cầu với mọi tín hữu năm châu. Và ở đó người ta cũng nhận ra một nhịp cầu nối liền, nối liền giữa một đàng là tiền nhân anh dũng đã minh chứng bằng đức tin trung thành với hàng Giáo Phẩm hôm nay trên đất nước chúng ta trong 26 Giáo Phận. Một đàng là các tiền nhân đã trung thành tuyên xưng đức tin và một đàng khác là những vị mục tử đang nhiệt thành để điều hành Giáo Hội địa phương đôi bờ nối kết với nhau thắm thiết để làm nên một Giáo Hội quê hương duy nhất. Và cũng còn một nhịp cầu nối hai bờ, bên kia là cha ông, bên này là con cháu. Không còn ngửa mặt tôn vin cầu nguyện, đẩy các Thánh lên cao nữa mà tay nắm tay nối liền “hò dzô ta” bởi vì không phải ai xa lạ mà là những thành phần trong cùng một gia đình. Con cháu cúi đầu trước cha ông là chuyện bình thường, nhưng trong cái cúi đầu kính cẩn nghiêng mình ấy vẫn có một trái tim rung động, có một máu huyết cùng hoà đập, có một nhịp đập cùng nhịp chung. Đó là điều mà Giáo Hội muốn nhấn mạnh để trở thành điểm nhấn của năm thánh 2010 này. Tất cả là những thành phần sống động trong cùng một Hội Thánh, cho dẫu Hội Thánh đó nhìn dưới góc cạnh mầu nhiệm như hồng ân của Thiên Chúa tạo thành, cứu rỗi và gọi mời người ta gia nhập vào trong đại Gia Đình ấy. Cho dẫu Hội Thánh ấy là những bàn tay nối kết hiệp thông khởi đi từ những tấm lòng biết chung xây, người này gọi người kia, người này đỡ nâng người kia để xây dựng thân mình Chúa Kitô đền thờ Chúa Thánh Thần, hay làm nên bộ mặt của Dân Thiên Chúa trong địa phương của mình. Và cho dẫu đó là Giáo Hội dưới góc nhìn sứ vụ mình đối với những người chưa nhận biết đức tin để bằng lời nói, bằng cách cư xử, bằng cuộc sông và nhất là bằng những chúng tá đời sống làm cho họ cũng được thu nhập vào trong một Hội Thánh, một đại Gia Đình. Đó chính là điểm nhấn thứ hai năm thánh 2010.

3. Năm thánh, một điểm “tái khởi hành”

Năm Thánh là một điểm “tái khởi hành” một điểm “lên đường”. Ngày lễ khai mạc vừa qua tại Sở Kiện, trong văn kiện gởi cho Giáo Hội Việt Nam, Đức Hồng Y Ivan, tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã nhắc đến cụm từ “tái khởi hành”, từ Đức Kitô dành cho Hội Thánh tại Việt Nam. Đây là cụm từ được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cách riêng để mở ra cho các tu sĩ trong một văn kiện của Ngài, nhưng đã trở thành một kiểu nói mở ra cho mọi thành phần dân Chúa, và có lẽ Ngài thấy thích hợp để nhắc nhắc cho Hội Thánh tại Việt Nam hiểu rằng năm thánh mở ra không chỉ là những lời vui mừng, không phải chỉ là những hồng ân đón nhận, nhưng còn là một quyết tâm, một nỗ lực để lên đường. Và điểm “tái khởi hành” chính là từ Đức Kitô. Mỗi một tín hữu hiểu được điều này sẽ thấy rằng mình lên đường như thế nào. Và một khi hiểu rằng mình là người nhà của Đức Kitô trong lòng tin, trong đức cậy, trong tình mến thì mình cũng sẽ bước chân theo sứ vụ bằng cả lòng hăng say, bằng tất cả sự nhiệt tình của mình. Cuộc sống hôm nay không phải luôn dễ dàng cho mọi người. Có nhiều lý do, lý do xã hội, lý do kinh tế và những lý do khách quan và chủ quan khác nữa, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi để trao gởi cho nhau những điều tốt lành nhất trong ơn cứu rỗi, và điều này thì không thể thiếu cho bất cứ ai. Ta không có tiền để cho người khác, nhiều khi ta không muốn đời ta có những nổi buồn và nhiều khi ta luôn muốn làm mặt vui mà khả năng mình cứ giới hạn xuất hiện trước người khác không được tươi tắn, nhiều khi lời nói của ta có những giới hạn, và nhiều khi cách sống của ta cũng còn nhiều lỗi điệu với Chúa, với anh em và với những người thấp bé... Đây cơ hội đấm ngực ăn năn hoà giải và canh tân. Thành thử điểm “tái khởi hành” của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng chính là điểm xây dựng, xây dựng trong một sự đổi mới. Chúa Thánh Thần luôn có mặt đồng hành với Giáo Hội, với con cái của Ngài để những ai cần đổi mới tâm hồn, đời sống thì Ngài nâng đỡ, Ngài dìu đưa. Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân bộ mặt trái đất, Ngài đồng hành với tất cả chúng ta trong suốt năm thánh. Năm thánh chính là mùa hoà giải và đây cũng chính là điều cụ thể cũng như khó khăn khá nhiều đối với nhiều người chúng ta. Hoà giải với Chúa đã khó. Khi đến với Bí Tích Hoà Giải là ta nhận được ơn thứ tha, nhưng hoà giải với anh chị em của mình, với mọi thành viên trong gia đình, với người hàng xóm, với người đồng đạo. Các Linh Mục hoà giải với nhau. Giám Mục hoà giải với Linh Mục. Các tu sĩ hoà giải với nhau. Chủng sinh hoà giải với nhau. Giáo dân hoà giải với nhau... thì lại khó hơn nhưng nếu làm được như thế thì tất cả đã làm nên một cao trào của sự thánh đức rồi. Hoà giải là tiền đề của việc canh tân. Hoà giải rồi thì Chúa Thánh Thần cũng kết thúc mầu nhiệm đổi mới. Trong thánh lễ khai mạc tại Sở Kiện, Đức Hồng Y Etchégaray cũng nhấn mạnh với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhân danh sự thân tình dành cho Giáo Hội Việt Nam từ hai mươi năm qua, Ngài cũng sử dụng hai cụm từ được cộng đoàn tán thành bằng những tràng pháo tay. Đó là sự “hoà giải” và “niềm hy vọng”. Hãy hoà giải để rồi cùng nhau đi về một đích điểm của ơn cứu rỗi, và như vậy niềm hy vọng sẽ được vươn lên. Năm thánh 2010 chính là cơ hội để “tái khởi hành” vì Đức Kitô bằng những giá trị Tin Mừng đọc được trong Giáo Hội Học. Giáo Hội là mầu nhiệm, là hiệp thông, là sứ vụ để rồi thể hiện cụ thể với những bước thay đổi ngay cả trong đời sống tâm hồn cũng như trong đời sống thường nhật.

Xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng ta tham gia khai mạc năm thánh.

Xin Chúa chúc lành cho gia đình Giáo Phận chúng ta đang liên tiếp đón nhận và hưởng nhờ những hồng ân, từ hồng ân qua bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ tại Tàpao và bàn tay luôn luôn dịu dàng nhân từ của Thiên Chúa muốn con cái của mình nên tốt, nên lành, nên thánh, nên xinh tươi.

Xin Chúa chúc lành cho mọi người. Và chúng ta, lòng hẹn lòng phải sống năm thánh này một cách tròn đầy:

Vui năm hồng ân, hãy canh tân hoà giải

sống mùa hoán cải, lòng rộng trải yêu thương
”.
 
Khóa tập huấn của Nhóm Tình nguyện Don Bosco giáo phận Thái Bình
Trường Giang
08:04 29/11/2009
THÁI BÌNH - Sáng nay 29/11/2009, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Đức Cha giáo phận Thái Bình dâng thánh lễ cầu nguyện cho các bạn nhóm linh hoạt viên của giáo phận, sau năm ngày huấn luyện và nay đã chính thức lấy tên là Nhóm Tình Nguyện Donbosco giáo phận Thái Bình.

Đức Cha giáo phận chủ sự thánh lễ tại nguyện đường Tòa Giám Mục Thái Bình, cùng đồng tế có cha Quý (Tổng giáo phận Huế) và cha Thiệu (dòng Donbosco Sài Gòn), với sự hiện diện của nam nữ tu sỹ, chủng sinh và hơn hai trăm tình nguyện viên Donbosco vừa mới thành lập. Có thể nói đây là đợt tập huấn có quy mô và cụ thể đầu tiên của giáo phận Thái Bình thu hút được sự hăng say, nhiệt tình và hứng khởi của các bạn trẻ. Các bạn được quy tụ về Tòa Giám Mục từ chiều ngày 25/11 đến chiều ngày 29/11/2009.

Trong thời gian này các bạn tham gia một màn đồng diễn trước khi cử hành thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tại quảng trường nhà thờ Chính Tòa Thái Bình. Buổi chiều cùng ngày các bạn lên đường đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 8, tại Hưng Hóa. Sau hai ngày đại hội, các bạn trở về giáo phận Thái Bình tiếp tục được tập huấn luyện và kết thúc bằng thánh lễ sáng Chúa Nhật. Dù việc tập luyện rất căng thẳng và liên tục, nhưng các bạn vẫn dành thời gian để sám hối và hồi tâm trở về với Chúa trong bí tích hòa giải. Ngoài ra các bạn còn tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ “bỏ túi” giữa các nhóm thuộc các giáo hạt với nhau, tạo nên một bầu khí ấm áp đầy tình Chúa, tình cha con và tình bạn bè trong khuôn viên Tòa Giám Mục.

Với thời gian rất ngắn ngủi, ngoài những bài học trên lớp, trên sân thực tập, các bạn còn cảm nhận và học được rất nhiều bài học bổ ích từ chính Đức Cha giáo phận, ngài đã quan tâm và tận tình lo lắng cho các bạn về mọi phương diện, liên hệ với các cha từ Sài Gòn, Huế ra giúp và đồng hành với các bạn; các bạn còn thêm bài học từ chính sự hy sinh phục vụ nhiệt tình của hai cha đồng hành, cha Huy (chính xứ Bác Trạch), của các thày, các sơ ngày đêm âm thầm phục vụ tại Tòa Giám Mục. Các bạn cũng học được bài học từ cách tổ chức của ban tổ chức trong cách phân công những công việc cụ thể…

Với sự tiếp thu rất nhanh nhạy và nhiệt tình tham gia của tất cả các bạn trong nhóm tình nguyện Donbosco, điều đó làm cho Đức Cha giáo phận rất vui và hài lòng. Trong bữa cơm chia tay trưa Chúa Nhật, Đức Cha hứa sẽ tạo nhiều cơ hội và nhiều dịp hơn nữa để giúp các bạn thăng tiến về nhiều phương diện, rồi mai đây sẽ phục vụ giáo phận cách hữu hiệu và năng động hơn; các bạn rất sung sướng và vỗ tay tán thưởng. Chia tay Đức Cha, quý cha, quý thày lòng các bạn trẻ bùi ngùi luyến tiếc không khí của những ngày được sống vui bên Đức Cha giáo phận, bên nhau và những tiết mục, những vũ điệu của cha Thiệu sẽ in đậm mãi trong tâm trí các bạn.
 
Tọa đàm Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế
Quốc Ngọc
08:12 29/11/2009
SAIGÒN - Gần 400 người đã đến chật cứng hội trường và tràn ra ngoài sân của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình trong tâm tình lắng nghe và đóng góp tại tọa đàm “Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế” do CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức vào sáng 28/11/2009.

Bốn tham luận của Tọa đàm:

-Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Nhìn từ Giáo huấn Xã hội của Giáo hội (LM Phaolô Nguyễn Thái Hợp),
-Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Nhìn từ Huấn thị của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm),
-Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Một số phương hướng đối thoại và hợp tác (GM Phaolô Bùi Văn Đọc)
-Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Một số áp dụng thực hành (LS Nguyễn Ngọc Bích).

LM Nguyễn Thái Hợp đã tình bày chủ đề theo diễn tiến lịch sử, vừa cho thấy những nguyên tắc dựa trên cơ sở thần học và Tin Mừng của các Giáo huấn xã hội của Giáo hội cũng như những nhận định và giải pháp ứng phó linh hoạt, thích nghi với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đức Cha Phụ tá trình bày bối cảnh và nội dung Huấn từ của Đức Thánh Cha (ĐTC), trong đó nhấn mạnh yếu tố đối nội, như lời dặn dò của ĐTC: “Trước nhiều thách đố mà việc làm chứng này [về Đức Kitô] đang gặp phải, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo phận, giữa các Giáo phận và các Dòng tu, cũng như giữa các Dòng tu với nhau”. Đức Cha Phaolô nhấn mạnh đến phương hướng đối thoại và hợp tác lành mạnh dựa trên hai trụ cột Tình yêu và Chân lý mà mục đích tối hậu là phục vụ con người một cách toàn diện. Đức Cha nhắc lại Giáo huấn của Giáo hội, rằng “đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng Kitô giáo” và “các Giám mục là những tôi tớ phục vụ Tin Mừng cho niềm hy vọng của thế giới”. Theo Đức Cha Phaolô, “đối thoại là tìm sự thật, biết sự thật, nói sự thật và làm sự thật”. Về hợp tác, Đức Cha Phaolô cho rằng đây vừa là một bổn phận công dân, vừa thể hiện tình liên đới, vừa là xu thế chung của thời đại. Và sự hợp tác này phải dựa trên cơ sở đạo đức và sự thật, nhằm phục
vụ mọi người. Về phía giáo dân là những người sống các giáo huấn của Giáo hội giữa đời thường, từ kinh nghiệm bản thân, LS Bích gợi ý một số suy tư và hành động cụ thể và mời gọi giáo dân sống đạo như kiểu “cầu thủ chuyên nghiệp”: gặp sân nào cũng đá, gặp đội nào cũng chơi hết mình, với tinh thần của Tin Mừng.

Phần thảo luận khá sôi nổi. Ngoài 20 câu hỏi được nêu và được các diễn giả giải đáp, còn có chia sẻ của Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài – Giám đốc chương trình Đài Chân lý Á châu và một vài khách mời đặc biệt. Nhiều phát biểu cho thấy còn nhiều ưu tư và khác biệt trong việc hiểu biết và áp dụng các giáo huấn xã hội của Giáo hội trong lãnh vực phức tạp và tế nhị này. Nhiều người hy vọng sẽ có thêm nhiều dịp trao đổi tương tự. Đó cũng là ý nguyện của CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình nhằm thúc đẩy sự đồng thuận trong Dân Chúa ở Việt Nam trong nỗ lực thể hiện sứ vụ yêu thương của Giáo hội.
 
Khóa Thăng tiến Đời tu cho các Dòng và Tu Hội Việt Nam
Sr. Thu Hà
08:20 29/11/2009
SAIGÒN - Khóa "Thăng Tiến Đời Tu" năm nay được tổ chức từ ngày 23 - 27.11.2009 tại tòa Tổng Giám Mục Saigòn.

Khóa được giảng viên đầy nhiệt huyết trình bầy như sau:

- Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP môn Đạo đức học.
- Soeur Thécla Trần thị Giồng môn Tâm lý
- Soeur Elizabeth Trần Như Ý Lan về Môi trường.

Lớp học gồm 229 học viên là thành viên của 27 Dòng tu và 13 tu hội Việt Nam. Tuần học vui vẻ, thân thiện, mang lại nhiều hữu ích cho các học viên tham dự, hầu sau tuần này các học viên ra về với niềm hăng say phục vụ tốt hơn.
Điều vui mừng phấn khởi là giữa khóa có cuộc thăm viếng bất ngờ của Đức Hồng y Bernard Law, ngài đã gặp gỡ nói chuyện thân tình và ban lời khích lệ động viên các học viên. Và ngài đã từ giã các học viên bằng việc ban phép lành rất cảm động.

Các học viên chúng con chân thành biết ơn các Giảng viên và Ban Điều Hành đã và đang dành cho các tu sĩ chúng con điều kiện để mỗi năm chúng con có dịp về đây gặp gỡ, trao đổi và học hỏi thêm.

Tuần học kết thúc với bài nói chuyện về tình hình Giáo Hội và những lời khích lệ của Đức HồngyY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Các Giảng viên và học viên ra đi với tinh thần phấn khởi, nhưng không kém phần quyến luyến bịn rịn.
 
Năm Thánh 2010: phải chăng là để tạo sự cảm thông giữa chính quyền và Giáo Hội?
An Dân
08:41 29/11/2009
Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa tổ chức thành công ngày khai mạc Năm thánh 2010 tại Sở Kiện, kỷ niệm 350 thành lập hai giáo phận tông tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659) và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960). Toàn thể các giám mục thuộc hàng giáo phẩm Việt Nam đều đã có mặt.

Ngay lập tức, các thông tin về Năm thánh tràn ngập trên các trang mạng, đặc biệt trên các trang chuyên đề về Giáo hội công giáo.

Nhiều vấn đề được đem ra mổ xẻ, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Một trong những ý kiến được trao đổi nhiều, đó là: phải chăng “Năm thánh tạo sự cảm thông giữa chính quyền và Giáo Hội?” hay “Năm thánh nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền?”.

Thực ra, việc Nhà nước cộng sản cho Giáo hội Công giáo mở Năm thánh là chuyện tất yếu trong xu thế chung của thời cuộc.

Sau những đụng độ gần đây liên quan tới đất đai, tài sản của Giáo Hội công giáo, chính quyền Việt Nam đang muốn lấy lại một chút hình ảnh của mình đã bị những chủ trương chính sách của đảng cộng sản liên quan tới tôn giáo làm méo mó trước công luận quốc tế.

Các vụ việc liên quan tới tôn giáo như Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Tam Tòa, và nhất là Bát Nhã khiến công luận bất bình và ngay lập tức nhận sự chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, việc cho phép mở Năm thánh là cú PR mà cộng sản muốn dùng để quảng bá một hình ảnh khác về Việt Nam: thân thiện, tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Tuy nhiên, nếu tinh ý, người ta sẽ thấy, bản chất của Cộng sản không hề thay đổi. Với chế độ cộng sản, tôn giáo – cách riêng công giáo, luôn là thứ kẻ thù không đội trời chung, cần phải dẹp bỏ mà nếu không dẹp được thì phải tìm cách hạn chế sự phát triển. Do đó, sự cải thiện hay tạo sự cảm thông nếu có chỉ là một tình thế chẳng đặng đừng, kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Sự thật là trong hai sự kiện liên quan tới Giáo hội Công giáo gần đây: việc mở Năm thánh tại Sở Kiện và Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội tại khu di tích lễ hội Đền Hùng, người ta chỉ thấy các cấp phó thuộc các cấp chính quyền đến tham dự ngày đại hội của toàn dân Công giáo, chứ không hề thấy các ông lãnh đạo chủ chốt từ trung ương tới các địa phương liên hệ tới tham dự. Điều này chứng tỏ chính quyền Cộng sản không hề có ý muốn đối thoại hay tỏ ra thân thiện hơn với Giáo hội Công giáo, trái lại, thái độ kẻ cả vẫn là thái độ đã ăn sâu trong tâm thức của những nhà lãnh đạo cộng sản.

Bài phát biểu của ông phó chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hà Văn Núi, trong ngày khai mạc Năm thánh tại Sở Kiện, là thái độ điển hình của các nhà lãnh đạo Cộng sản và cho thấy chính sách tôn giáo của chính quyền Việt Nam hiện nay. Trong một kỳ đại hội của người Công giáo, thay vì đề cao những đóng góp thiết thực của đồng bào công giáo đối với dân tộc, đất nước, ông phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, tiếp tục những phát ngôn đã trở thành
Ông Hà Văn Núi
giáo điều, được soạn sẵn để đọc mỗi khi các lãnh đạo chính quyền tiếp xúc với giới công giáo: nào là ơn đảng, ơn bác các nhà thờ được xây dựng, các cơ sở thờ tự được tái thiết, các chủng viện được mở cửa …chứng tỏ sự nhất quán trong đường lối lãnh đạo, tôn trọng tự do tín ngưỡng của đảng và nhà nước Việt Nam về tôn giáo…Điều này cho thấy, chính quyền cộng sản Việt Nam không hề có ý định đối thoại với Giáo hội Công giáo, có chăng họ chỉ muốn người công giáo cảm thông với những sai phạm trong quản lý nhà nước về tôn giáo được cho là “hậu quả của một giai đoạn lịch sử”.

Việc chính quyền Lâm Đồng, ngay trong dịp người Công giáo khai mạc Năm thánh, tức tốc san ủi, biến Giáo Hoàng Học viện PIÔ X, tại Đà Lạt (Cơ sở này trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam) thành “Công viên Văn hóa” (Văn hóa ăn cướp), khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng cũng là câu trả lời cho những ai nghĩ tưởng rằng chính quyền Cộng sản muốn tạo sự cảm thông hay đối thoại với Giáo hội, thì cần phải nghĩ lại. Việc cho phép mở Năm thánh, hóa ra, là chiếc lọng để che đậy âm mưu mà mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói: ‘Không bao giờ nhượng bộ đối với vấn đề đất đai của Giáo Hội”.

Đối với chính quyền cộng sản Hà Nội, “nhượng bộ” cho Trung quốc thì có, chứ không bao giờ họ nhượng bộ Giáo hội. Do đó, không hề có chuyện: việc chính quyền cộng sản cho Giáo hội công giáo mở Năm thánh là để cải tạo mối quan hệ với Giáo hội hay tạo sự cảm thông giữa đôi bên.

Có chăng việc Giáo hội mở Năm thánh 2010 nên được coi là cơ hội để Giáo hội Việt Nam nhìn lại và để hiện diện giữa lòng dân tộc một cách thiết thực hơn.

(Nguồn: Nữ Vương Công Lý, ngày 29/11/2009)
 
Lễ Bế Giảng & Phát Thưởng Trường Việt Ngữ Đắc Lộ - Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
10:17 29/11/2009
Lễ Bế Giảng và Phát Thưởng trường Việt Ngữ Đắc Lộ, CĐCGVN - Nam Úc


Lúc 01 giờ chiều thứ Bảy ngày 28 tháng 11 năm 2009, toàn thể các giáo chức và các em học sinh trường Việt Ngữ Đắc Lộ thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc đã tề tựu về trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân vùng Pooraka để tham dự Lễ Bế Giảng và Phát Thưởng niên học 2009.

Hình ảnh lễ bế giảng

Khai Mạc buổi lễ là nghi thức chào quốc kỳ Úc, Việt. Sau đó Đức Ông Paul Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng với tư cách là tuyên úy và linh hướng cho trường, đã lên ngỏ lời với tất cả các giáo chức, các phụ huynh và các em học sinh về sự quan trọng và cần thiết cho công tác bảo tồn và phát huy ngôn ngữ Việt nơi đất khách quê người.

Đức Ông đã nhấn mạnh về phương thức giảng dạy sao cho có hiệu quả và cần phải có thêm môn học đức dục để đào tạo các em trở nên những công dân tốt cho xã hội.

Sau đó là phần phát thưởng cho các em học sinh xuất sắc của từng lớp. Xen kẽ trong chương trình phát thưởng, có các tiết mục văn nghệ giúp vui do các em học sinh trình diễn.

Hai vị Hiệu Trưởng vả Hiệu Phó đã lần lượt lên trình bày về các diễn tiến sinh hoạt của nhà trường, qua những khó khăn và những thành quả đã đạt được trong niên học 2009.

Sau đó một vị đại diện Hội Phụ Huynh lên cảm ơn Ban Giám Hiệu và các Giáo Chức đã hy sinh, tận tụy giáo dục con em của họ trở nên những người hữu dụng, nói tiếng tiếng Việt rành rẽ, ngõ hầu giúp cho các thành viên trong gia đình có thể cảm thông với nhau, giữa các thế hệ già và trẻ, cha mẹ và con cái, mà thế hệ thứ 3 các em sinh ra và lớn lên trên đất Úc, một đất nước có nền tảng Anh ngữ là ngôn ngữ chính.

Cuối cùng một em học sinh đã đại diện cho học sinh toàn trường, lên cảm ơn Ban Giám Hiệu, quý Thầy Cô và Phụ Huynh đã hy sinh thời giờ công sức để hướng dẫn các em, đưa đón các em đến trường học tập, giúp các em hiểu biết về cội nguồn, văn hóa của tổ tiên, nòi giống.

Đặc biệt, trước khi chấm dứt chương trình Lễ Bế Giảng, khoảng 30 em học sinh lớp 12 tiếng Việt đã lên chào tạm biệt, từ giã Thầy Cô và Nhà Trường, trước khi bước chân lên ngưỡng cửa Đại Học. Các em đã được Ban Giám Hiệu trao tặng mỗi em một món quà kỷ niệm, ghi nhớ một thời học tập dưới mái trường Việt Ngữ Đắc Lộ. Các em đã lưu luyến bắt tay các Thầy Cô và Ban Giám Hiệu trước giờ chia tay.

Được biết trường Đắc Lộ là trường sắc tộc dạy tiếng Việt đông nhất tại Nam Úc, có sĩ số học sinh khoảng 1,300 em. Hàng năm các em học sinh Đắc Lộ ghi danh thi Tú Tài, môn ngoại ngữ tiếng Việt (VSL) cũng đông nhất và kết quả thật phấn khởi.

Năm ngoái có một em đạt điểm tối ưu, môn Việt Ngữ, đã được nhiều đoàn thể trong Cộng Người Việt Tự Do Nam Úc trao giải thưởng xuất sắc.

Trước khi kết thúc Niên Học. Hàng năm nhà trường có tổ chức một bữa tiệc Tất Niên họp mặt giáo chức, để tri ân các Thầy Cô và những người phẫu đã hy sinh thời giờ công sức dạy dỗ các em học sinh, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và của dân tộc.

Năm nay vào lúc 6 giờ chiều, thứ Sáu ngày 27/11/09. Ban Giám Hiệu đã mời các giáo chức đến nhà hàng Grand Junction Palace, vùng Pennington để khoản đãi một bữa tiệc rất thịnh soạn. Thực Đơn gồm 10 món Sea Foods thật hấp dẫn, với bia rượu thoải mái.

Lồng trong bữa tiệc Tất Niên, linh mục JB. Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm Cộng Đồng đã có bài chia sẻ và góp ý về phương pháp dạy tiếng Việt.

Ngài nói: Muốn bảo tồn và phát huy tiếng Việt cho thật tốt và không bị mai một.

-Trước hết, khi đàm thoại và nói tiếng Việt với nhau, không nên pha trộn ngoại ngữ khác. Nhất là nói chuyện với giới trẻ.

-Kế đến các Thầy Cô giáo phải biết tường tận, cách viết và dạy tiếng Việt. Nói đúng và phát âm thật chuẩn tiếng Việt. Làm như vậy thì những học sinh, con cháu mình, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, mới có thể học hỏi và tiếp thu được tiếng Việt một cách chính xác, không sợ bị mai một và mất gốc. Vì các em sinh ra và lớn lên trên đất nước Tây phương, chúng nói tiếng bản xứ hàng ngày 8 tiếng đồng hồ ở nhà trường. Như vậy chúng nói lưu loát, nói giỏi tiếng bản xứ và hơn tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Đây cũng là một gợi ý rất hữu ích cho các phụ huynh và các giáo chức của trường Việt Ngữ Đắc Lộ.

Trước khi chấm dứt bũa tiệc ra về. Mỗi giáo chức còn nhận được một giỏ quà, do Ban Điều Hành nhà trường trao tặng, bên trong có rượu bánh đầy đủ.
 
CĐCGVN - Nam Úc Tĩnh Tâm Mùa Vọng
Jos. Vĩnh SA
10:48 29/11/2009
Tĩnh Tâm Mùa Vọng tại Nam Úc


Ban Tuyên Úy và Ban Mục Vụ đã dành trọn ngày Chúa Nhật 29/11/09 để tổ chức tĩnh tâm cho toàn thể giáo dân trong Cộng Đồng. Đúng 9 giờ 30 sáng, Ban Phụng Vụ Cộng Đồng đã nguyện kinh khai mạc và cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh ngự đến, mở đường, soi sáng tâm hồn mọi người, thống hối ăn năn trong Mùa Vọng, để chuẩn bị đón Mừng Ngày Sinh Nhật Chúa.

Mở đầu chương trình tĩnh tâm. Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng đã giới thiệu trước cộng đoàn, linh mục tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng CSsR Dòng Chúa Cứu Thế từ thành phố Perth thủ phủ của tiểu bang Tây Úc đến giảng tĩnh tâm.

Mặc dù buổi sáng hôm nay, trời có mưa nhẹ hạt và lạnh, nhưng cũng có khỏang trên 500 giáo dân đến tham dự, nghe Cha Hùng giảng phòng qua nhiều đề tài. Cha Trần Mạnh Hùng đã thuyết giảng 3 lần qua 3 đề tài khác nhau:

1. Bạn Tin vào Ai?

2. Hôn Nhân

3. Cầu Nguyện

Cha Hùng khởi sự từ lúc 9 giờ 45' sáng cho đến 12 giở 30 trưa. Cứ mỗi khi chấm dứt một đề tài, thì giáo dân nghỉ giải lao 15'. Sau 12 giờ 30 chiều Cộng Đoàn nghỉ giải lao, ăn trưa 1 tiếng.

Buổi Chiều lúc 01 giờ 30' Đức ông Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng đã chủ sự đặt Mình Thánh Chúa, Chầu Thánh Thể và hướng dẫn nghi thức sám hối cho đến 2 giờ chiều, thì các Họ Đạo và các Đoàn Thể thay nhau chầu Thánh Thể, suy gẫm Lời Chúa cho đến lúc 4 giờ 30 chiều, Cộng Đồng nghỉ giảo lao khoảng 30 phút, để chuẩn bị thánh lễ chiều.

Trong lúc các Họ Đạo và các Đoàn Thể thay nhau chầu Thánh Thể thì có 5 Linh Mục ngồi tòa giải tội, để các tín hữu đến hòa giải với Thiên Chúa.

5 giờ chiều, thánh lễ kết thúc ngày tĩnh tâm do Đức ông Paul Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế, cùng đồng tế có Lm. JB Nguyễn Viết Huy Sj phó quản nhiệm và Cha Hùng Giảng Phòng tiếp tục chia sẻ Lời Chúa qua bài Phúc Âm trong thánh lễ.

Trước khi kết thúc thánh lễ, ông Chủ Tịch Cộng Đồng đã lên cảm ơn và trao qua tặng đến Cha Giảng Phòng, vì Ngài đã bỏ thời giờ và công tác mục vụ, từ phương trời xa, bay trên 3,000 cây số sang Adelaide giảng thuyết, giúp Cộng Đồng dọn tâm hồn đón Mừng Chúa Giáng Sinh

Trước giờ cử hành thánh lễ chiều, Trời Nam Úc mây đen kéo đến bao phủ, chuyển mưa, các tín hữu đã vội vàng đến trung tâm cho kịp giờ lễ. Thánh Lễ vừa kết thúc, thì một trận mưa rào đổ ập xuống làm tươi mát lòng người trong ngày tĩnh tâm hôm nay, có người đã ngâm nga hát:

Trời cao đã đổ mưa xuống

Và Ngàn mây hãy mưa đấng Cứu Đời


Mặc dù trời lạnh và mưa gió, nhưng đã có khoảng trên 1,500 tín hữu đến tham dự thánh lễ, rất đông chật cứng Hội Trường.

Qua bài giới thiệu của Đức ông Paul Minh Tâm. Được biết:
Lm. Peter Trần Mạnh Hùng CSsR


Linh Mục Tiến Sĩ Phêrô Nguyễn Mạnh Hùng sinh tại Việt Nam. Ngài đặt chân đến Úc năm 1982 với tư cách là người tỵ nạn. Sau khi định cư tại Úc, thầy Hùng gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế và học Thần Học tại Học Viện Yarra Theological Union.

-Tốt nghiệp Cử Nhân Thần Học vào năm 1992 tại Melbourne College of Divinity.

-Hoàn tất chương trình đào tạo và lãnh sứ vụ linh mục vào năm 1994 tại thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu.

-Tốt nghiệp Cao Học Thần Học vào năm 1998, tại Đại Học Công Giáo, Notre Dame, thành phố Fremantle, tiểu bang Tây Úc.

-Tiến sĩ Thần Học Luân Lý vào năm 2003, học viện thánh Anphongsô (Alphonsian Academy), trực thuộc Đại Học Giáo Hoàng Lateranô, Rôma.

Trong khoảng thời gian 8 năm vừa qua, Lm. Trần Mạnh Hùng đã viết và cho ấn loát một số bài khảo cứu liên quan đến lãnh vực Đạo Đức Sinh Học, chẳng hạn như: Khởi Điểm Sự Sống Con Người, Ngừa Thai và Phá Thai, cũng như một số các bài viết khác về Ân Sủng, Đời Sống Cầu Nguyện hoặc Trách Nhiệm Luân Lý Trong Đời Sống Hôn Nhân.

Ngài là tác giả của ba cuốn sách về lãnh vực Thần Học Luân Lý và Đạo Đức Sinh Học đã được xuất bản tại Việt Nam, bao gồm cuốn Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay.

Hiện nay, Linh mục Trần Mạnh Hùng đang làm việc tại Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học thuộc Tổng Giáo Phận Perth (L.J. Goody Bioethics Centre in WA) và Ngài cũng được mời để dạy học tại Đại học Notre Dame Australia, thuộc Tiểu Bang Tây Úc. Đồng thời, Ngài cũng say mê nghiên cứu về Tế Bào Gốc và Nhân Bản Vô Tính.

 
Phỏng vấn LM Vũ Khởi Phụng về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt xin từ chức
Mặc Lâm / RFA
15:13 29/11/2009
Chung quanh nguồn tin Đức Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt từ chức vì lý do sức khỏe, dư luận Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trở nên xôn xao, lo ngại mất đi một vị chủ chăn mà giáo dân tin cẩn kính mến.

Đại lễ chào mừng năm Thánh 2010 tổ chức tại sở kiện với sự có mặt của nhiều vị chức sắc từ Vatican tới tham dự càng khiến dư luận lo ngại hơn trước một thay đổi có thể xảy ra cho giáo phận Hà Nội. Đài Á Châu Tự Do đã có buổi phỏng vấn Linh Mục Trần Công Nghị phụ trách VietCatholic về vấn đề này trước đây. Hôm nay, Mặc Lâm phỏng vấn Linh Mục Vũ Khởi Phụng, chánh xứ Thái Hà, một giáo xứ gần kề với văn phòng giáo phận Hà Nội, để tìm hiểu thêm suy nghĩ của giới tu sĩ và giáo dân trong nước trước nguồn tin này, mời quý vị theo dõi.

Lý do sức khỏe?

Mặc Lâm: Thưa Linh Mục, theo nguồn tin từ báo giới ngoại quốc cũng như nội bộ cho biết thì Đức Tổng Giám Mục có lên tiếng xin từ chức vì lý do sức khỏe. Là người rất gần gũi với Đức TGM, Linh mục thấy nguồn tin này có chính xác lắm không ạ?

LM Vũ Khởi Phụng: Đức Tổng nói rằng tình trạng sức khỏe của Ngài mấy tháng sau này có xuống nên Ngài cũng có đơn gửi lên Tòa Thánh, nhưng Ngài để Tòa Thánh hoàn toàn tự do quyết định chứ Ngài không quyết định gì cả. Theo tôi hiểu thì sức khỏe của Ngài cho tới bây giờ có vẻ đã hồi phục, và hình như Ngài đã bắt đầu làm việc trở lại. Còn về phía Tòa Thánh thì không tỏ dấu hiệu gì là nhận đơn cả.

Áp lực chính quyền

Mặc Lâm: Thưa Linh mục, từ nhiều vụ tranh chấp xảy ra đối với giáo phận Hà Nội và UBND TP Hà Nội, thì đã hơn một lần giới chức cầm quyền lên tiếng đòi thuyên chuyển Đức TGM NGô Quang Kiệt ra khỏi giáo phận Hà Nội để thay thế người khác. Linh mục có nghĩ rằng sức ép này vẫn tiếp tục đè nặng khiến Đức TGM phải đưa ra quyết định từ chức hay không?

LM Vũ Khởi Phụng: Sức ép về phía chính quyền thì tôi nghĩ là có, vì chính quyền Hà Nội đã có lúc công bố ý định muốn cho Ngài đi khỏi Hà Nội. Thậm chí UBND TP Hà Nội còn mời cả các đại diện các sứ quán đến để nói như vậy nữa. Tôi không có đủ thông tin chính thức để nói, nhưng theo tôi hiểu thì Tòa Thánh không tỏ thái độ sẵn sàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng vào lúc này.

Phản ứng giáo dân

Mặc Lâm: Trước nguồn tin này thì cộng đồng giáo dân của giáo xứ Thái Hà cũng như các giáo xứ lân cận trong giáo phận Hà Nội ra sao, thưa Linh mục?

LM Vũ Khởi Phụng: Có thể nói là không những giáo xứ Thái Hà, mà toàn thể giáo dân VN từ Nam chí Bắc đều muốn yêu cầu Đức Tổng ở lại. Thái độ này đã thấy rõ từ lâu nay.

Mặc Lâm: Thưa Linh mục, ông có thể giải thích cho thính giả nghe đài biết tại sao giáo dân lại đặt niềm tin cao đến như vậy đối với Đức TGM Ngô Quang Kiệt không ạ?

LM Vũ Khởi Phụng: Người ta cho rằng Đức Tổng là người dám nói thật, nói thẳng và dám đấu tranh cho công lý. Thật sự ra, những điều Ngài nói là những điều giáo dân đã suy nghĩ từ lâu mà không có ai nói thay cho, bây giờ họ thấy Đức Tổng có những lập trường như vậy thì họ cho rằng đã nói đúng ý của họ, đã nói đúng những điều cần nói. Chính vì vậy mà Ngài thu phục được cảm tình rất lớn của các giáo dân từ khắp các nơi.

Mặc Lâm: Xin được phép hỏi Linh mục một câu nữa, trước nguồn tin này thì UBND TP Hà Nội có chính thức đưa ra một phản ứng nào hay không, thưa Linh mục?

LM Vũ Khởi Phụng: Hiện nay, chính quyền đang im lặng không nói gì thêm, đồng thời cũng chỉ gửi văn thư đến Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội khi có việc gì cần, chứ hình như không tiếp xúc trực tiếp với Đức Tổng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Linh mục Vũ Khởi Phụng về thời gian ông dành cho chúng tôi hôm nay.
 
Sa mạc thường huấn các huấn luyện viên liên đoàn tại hạt Thủ Thiêm, Sàigòn
Nguyễn Xuân
17:51 29/11/2009
Sa mạc Thường huấn các Huấn luyện viên liên đoàn tại giáo xứ Cao Thái, hạt Thủ Thiêm từ 19 giờ ngày 27/11/2009 đến 14giờ ngày 28/11/2009.

Sa mạc được tổ chức tại một giáo xứ không xa thành phố là bao, nhưng với khung cảnh mới khác với thường ngày, các huynh trưởng cảm thấy thật sự thanh thản, có thể tạm quên những bề bộn lo toan của công việc hàng ngày để nghỉ ngơi và được Chúa bổ sức cho.

Xem hình bấm vào đây

Và cũng nhờ thế, những gì đọng lại sau buổi thường huấn có lẻ là những chia sẻ chân tình về cuộc sống, về những gì đã thực hiện cho liên đoàn, những giây phút ngồi bên nhau trong đêm, cùng diễn đạt tâm tư tình cảm của mình qua những bài thánh ca tự chọn theo cảm hứng…

Cuối cùng, ấn tượng sâu sắc và cảm động nhất của mỗi sa mạc vẫn là những giây phút được sưỡi ấm bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Linh mục chánh xứ Phêrô Phan Khắc Triển giúp các bạn sốt sắng tham dự giờ Chầu Thánh Thể. Sắp mình thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước tình yêu bao la của Chúa, các bạn cảm nhận được sự hèn mọn yếu đuối, thiếu bác ái của mình trong cách sống với anh em, tại gia đình, khu xóm, tại cơ quan. Và đáng buồn hơn nữa là đôi khi vì muốn đánh bóng cá nhân mình, các bạn chưa thật sự đoàn kết còn so đo tính toán hơn thiệt trong công tác được giao. Giờ đây, các bạn chỉ biết thú nhận lỗi lầm với Chúa và xin Chúa thứ tha. “ Chúa không lầm khi Ngài gọi con theo, …vì Chúa đã biết từ ngàn xưa nhiều khi con chẳng trung thành vì con đâu phải thần thánh…” Các trưởng quyết tâm: cần phải luôn kết họp với Chúa Giêsu Thánh Thể, cần phải cầu nguyện luôn, để được sốt mến hơn, để khỏi vấp ngã.

Hiệp thông với giáo phận trong ngày khai mạc Năm Thánh trọng đại, các huấn luyện viên tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, các Thánh Tử Đạo, đặc biệt thánh Anrê Phú Yên, một thánh trẻ và là bổn mạng các giáo lý viên. Nhìn lên các thánh, các huynh trưởng xét thấy bản thân còn quá nhiều thiếu sót, chưa hy sinh đầy đủ để hoàn thành sứ mạng, chưa thể hiện gương mẫu của một huynh trưởng giáo lý viên. Theo gương các ngài, huynh trưởng quyết tâm dấn thân hơn, yêu thương các thiếu nhi hơn, để có thể giảng dạy các em qua chính cuộc sống của mình. Đó là cách góp phần nhỏ của mình trong việc xây dựng và phát triển Giáo Hội của một người huynh trưởng, qua việc giới thiệu Chúa Giêsu cho các em thiếu nhi và dẫn các em đến với Chúa.

Sáng hôm sau, các huynh trưởng được linh mục chánh xứ hướng dẫn đi tham quan một địa danh lịch sử ĐỀN TƯỞNG NIỆM CÁC VUA HÙNG. Các trưởng có dịp ôn lại lịch sử, nền văn minh, kiến trúc Đông phương qua các tranh ảnh, vật thể. Điểm son của các trưởng là luôn nghĩ đến thiếu nhi. Đứng trước khung cảnh bao la, các trưởng đều thốt lên: ” Nơi nầy có thể tổ chức sa mạc cho các em…:”

Các đề tài được học hỏi: Vai trò lãnh đạo của người huynh trưởng, Tổ chức và điều hành đoàn do các cha JMV Chu Minh Tân, phụ tá tuyên úy, đặt trách ngành Ấu và cha Giuse Phạm Hồng Thái, phụ tá tuyên úy, đặt trách ngành Nghĩa thuyết trình.

Một nội dung không kém quan trọng là việc bầu chọn Ban Chấp Hành Liên đoàn nhiệm kỳ 2009-2012 do cha Tuyên úy Liên đoàn Giuse Phạm Đức Tuấn chủ trì. Trong số bốn trưởng được đắc cử có ba người là thành viên đương nhiệm.

Cầu nguyện cho Ban Chấp Hành mới luôn ý thức vai trò trách nhiệm của mình, luôn thực hiện đúng mục đích và tôn chỉ của phong trào nhờ đó phong trào ngày càng phát triển, nhằm giúp các thiếu nhi ngày càng hoàn thiện hơn xứng đáng là con ngoan của Chúa.
 
Phương hướng đối thoại và hợp tác của Giáo Hội tại Việt Nam với Nhà Nước
+ GM Phaolô Bùi Văn Đọc
20:15 29/11/2009
Phương hướng đối thoại và hợp tác của Giáo Hội tại Việt Nam với Nhà Nước
theo tinh thần của ĐTC Beneđictô XVI trong Huấn từ
cho các Giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad Limina


(Bài phát biểu của Đức giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc tại buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình, ngày 28-11-2009. Bài này nhằm khai triển một khía cạnh khá nhạy cảm, nhưng cần phải được nói rõ cho mọi thành phần của Dân Chúa tại Việt Nam, đó là khía cạnh tương quan giữa Giáo hội tại Việt Nam với Nhà Nước trong hoàn cảnh hiện nay).

Anh chị em thân mến,

1. Trước hết, tôi xin nói lên một vài cảm tưởng và suy nghĩ khi lắng nghe và đọc đi đọc lại Huấn từ của Đức Thánh Cha. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là rất vui mừng, vì bài Huấn từ đáp ứng lại một cách tuyệt vời sự chờ đợi của các giám mục Việt Nam. Quả thật chúng tôi cần sự hướng dẫn cụ thể của Toà Thánh trong một hoàn cảnh rất tế nhị, mà chỉ một va vấp nhỏ cũng có thể mang đến thiệt hại to lớn cho Giáo Hội và Đất Nước.

Nội dung của bài Huấn từ không dừng lại bình diện lý thuyết, mà còn đưa ra những hướng dẫn thực hành cụ thể. Điều quan trọng là bài Huấn từ đã vạch ra cho chúng tôi một phương hướng rất rõ, xác định tương quan cụ thể giữa Giáo hội tại Việt Nam với Nhà Nước: đối thoại và hợp tác lành mạnh để phục vụ sự phát triển con người toàn diện và sự phát triển của Đất Nước (x. HT, đ.6, đ.7).

Phương hướng này hoàn toàn phát xuất từ Tin Mừng và dựa trên Tin Mừng của Chúa Kitô về Tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa: “Tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10, 10 b).

Khi loan báo Tin mừng Chúa Kitô, là sứ mạng đặc thù của mình, Giáo hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của Đất Nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang dần dần mở ra với Cộng đồng quốc tế” (x. HT, đ. 6).

2. Vì một số lý do, có người bi quan về quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Đức Thánh Cha biết rõ như vậy, nhưng vẫn khẳng định cùng với chúng tôi và cho chúng tôi rằng một sự hợp tác lành mạnh và trung thực giữa Giáo hội và Cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được (x. HT, đ.7). Và mục tiêu của sự hợp tác đó là nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Sự hợp tác dù có khó khăn, vẫn là con đường tốt nhất và phù hợp nhất để Giáo Hội dấn thân theo đúng tinh thần Tin Mừng.

Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thực nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và phù hợp với lẽ phải. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Giáo Hội dự phần chính đáng vào đời sống của Đất Nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Trong khi tham gia cách tích cực, ở vị trí thuộc về mình, và theo ơn gọi đặc thù của mình, Giáo Hội không bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái xét như hoạt động có tổ chức của các tín hữu” (x. HT, đ.7).

Với kinh nghiệm 2000 năm lịch sử của Giáo Hội, với đường hướng mục vụ của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng và sự vận dụng cụ thể Học thuyết xã hội của Giáo Hội, kể cả thông điệp mới nhất là “Caritas in Veritate”, Đức Thánh Cha đã đưa ra những hướng dẫn hết sức quý báu và cụ thể, đầy tình thương và sự khôn ngoan, thiết thực và có lợi cho việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội tại Việt Nam, cho sự phát triển toàn diện của con người và Đất nước Việt Nam.

3. Bài Huấn từ của Đức Thánh Cha chứng tỏ ngài biết về Giáo Hội tại Việt Nam rất nhiều và rất rõ, ngài yêu mến Giáo Hội Việt Nam một cách đặc biệt. Ngài đánh giá một cách khách quan tình hình của Giáo Hội và xã hội tại Việt Nam, dựa vào đó đưa ra những lời khuyên vừa phù hợp với Tin Mừng, vừa đáp ứng với hoàn cảnh cụ thể. Ngài nhắc các giám mục chú tâm đến việc đào tạo giáo dân cho tốt bằng cách phát huy đời sống đức tin và trình độ văn hoá của người giáo dân để họ có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội một cách hữu hiệu (x. HT, đ.4).

Đức Thánh Cha tỏ ra hết sức trân trọng đối với Hội đồng giám mục Việt Nam, khi ngài trích dẫn một phần giáo huấn của HĐGMVN trong hai văn kiện: văn kiện mới nhất của HĐGMVN là Thư mục vụ năm 2008 về Môi trường Giáo dục gia đình công giáo, và văn kiện của Khoá Đại hội đầu tiên của HĐGMVN thống nhất cho cả hai miền Nam Bắc, là Thư Chung năm 1980.

Ngài không trích dẫn Thư Chung năm 1980 một cách khuôn sáo, nhưng nắm bắt và vạch ra ý tưởng chính yếu trong thư là “nhấn mạnh đến Giáo Hội của Chúa Kitô giữa lòng Dân tộc của mình” (x. HT, đ.6). Ở đây phải hiểu là Giáo Hội tại Việt Nam giữa lòng Dân tộc Việt Nam. Thành ngữ “Giáo Hội Việt Nam” mà chúng ta vẫn quen dùng là một cách nói tắt của một thành ngữ khác, đầy đủ và chính xác hơn, đó là “Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam”. Giáo Hội của Chúa Kitô tại một quốc gia nào thì ở trong lòng Dân tộc Quốc Gia ấy.

4. Một điều nữa mà chúng ta cần lưu ý là Đức Thánh Cha, vừa như muốn nhắn nhủ chúng ta, vừa như muốn ngỏ lời với Nhà Nước Việt Nam, về sự hiện diện tích cực của các tôn giáo, trong đó có đạo Công giáo. Ngài nói: “Phải nhấn mạnh rằng các tôn giáo không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia, vì tôn giáo nhằm giúp đỡ cá nhân thánh hoá chính mình và, qua các tổ chức của mình, các tôn giáo ước mong phục vụ tha nhân cách quảng đại và vô vị lợi” (x. HT, đ.7).

Người Công giáo không xa lánh xã hội trần gian, không trốn tránh các nghĩa vụ công dân, không âm mưu làm hại Đất Nước. Trái lại còn góp phần tích cực vào việc phát triển toàn diện con người, sự phát triển lành mạnh của xã hội và quê hương. Đức Thánh Cha viết: “Bằng đời sống xây dựng trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng minh rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.” (x. HT, đ. 4)

5. Khi nói đến Năm Thánh 2010 của Giáo hội tại Việt Nam, Đức Thánh Cha nhắc lại chứng từ của các Thánh Tử vì đạo Việt Nam, sự hy sinh anh dũng của các ngài để gìn giữ và thông truyền “hồng ân đức tin”, để làm chứng về Chúa Kitô. Đức Thánh Cha khuyến khích Giáo hội tại Việt Nam can đảm tiếp nối chứng từ ấy, vì “làm chứng về Chúa Kitô” là một việc phục vụ cao nhất mà Giáo Hội có thể hiến tặng cho Việt Nam và cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, bởi vì việc làm chứng đó đáp ứng sự tìm kiếm sâu xa chân lý và những giá trị bảo đảm cho sự phát triển nhân bản toàn diện (x. HT, đ.5).

Đức Thánh Cha thấy rất rõ những thách đố cho việc làm chứng của Giáo hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay, nên ngài khuyên chúng ta phải hợp nhất với nhau hơn nữa để có thể làm chứng cho Chúa một cách tốt đẹp và hữu hiệu: “Cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các giáo phận, giữa các giáo phận và các dòng tu, cũng như giữa các dòng tu với nhau” (x. HT, đ.5).

Xin nhắc lại Toà Thánh đã vạch ra phương hướng cho chúng ta là “Đối thoại và hợp tác lành mạnh” với Chính quyền để phục vụ tất cả mọi người dân.

Vậy tại sao lại đối thoại? Đối thoại để làm gì?

6. Đối thoại là “tên gọi mới” của Niềm Hy vọng Kitô giáo (Instrumentum laboris số 30, THĐGMTG năm 2001). Đó là một cách nhìn mới về đối thoại, cũng là một cách nhìn mới về niềm hy vọng Kitô giáo. Cách nhìn này vừa bám sát lịch sử đương đại, vừa được xây dựng trên Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng về Niềm hy vọng được Cứu rỗi (x. Thông điệp Spe Salvi). Cách nhìn này đã được đưa ra bàn bạc và trao đổi trong Thượng Hội đồng các giám mục thế giới năm 2001 với chủ đề “Giám mục là tôi tớ phục vụ Tin Mừng cho Niềm hy vọng của thế giới”.

Thế giới của chúng ta hôm nay đang cần một Niềm Hy vọng để tồn tại, và phát triển một cách đích thực. Thế giới của chúng ta cũng đang cần một hướng đi. Giáo Hội Công giáo giới thiệu cho thế giới một hướng đi, đó là hướng đi theo Tình yêu và Chân lý. Nhưng hướng đi này không thể áp đặt, chỉ được đề nghị với mọi người, để mọi người bàn bạc trao đổi, và đón nhận một cách tự do.

Thông điệp “Veritas in Caritate” của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là điển hình của sự đề nghị một hướng đi cho thế giới trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay. Cũng là một điển hình cho ước muốn đối thoại của Giáo Hội với mọi người, mọi Dân Nước, mọi Chính quyền, mọi cơ quan quốc tế.

Sự đối thoại rất cần thiết cho thế giới chúng ta. Đối thoại là bàn bạc trao đổi với nhau trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất cho một số vấn đề quan trọng và cụ thể, tìm ra điều thiện hảo cho mọi người. Ngày hôm nay, không một xã hội nào có thể xây dựng tương lai tốt đẹp, nếu thiếu sự đối thoại. Chỉ có đối thoại mới mở đường cho nhân loại, cho xã hội, và cho cả Giáo Hội, đi tới một tương lai tươi sáng hơn.

7. Mục tiêu của đối thoại là tìm sự thật, biết sự thật, nói sự thật và làm sự thật. Sự thật luôn vượt lên trên cá nhân mỗi một người chúng ta. Sự thật không là một ý tưởng; điều một người nghĩ là thật không đương nhiên là sự thật, nhưng sự thật là “điều có thật” hoặc là điều phù hợp với “cái có thật”. Có những tình huống cụ thể rất phức tạp, và chúng ta không thể nào hiểu hết được, nếu không ngồi lại và bàn bạc với nhau cách thẳng thắn. Chính vì thế mà chúng ta phải cùng nhau đi tìm, đi tìm “thực tại khách quan”, chứ không chỉ áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Mọi người chúng ta đều có ánh sáng của lý trí. Người Công giáo còn có ánh sáng đức tin bổ sung cho lý trí. Chúng ta tin vào mạc khải của Chúa Kitô, vì Ngài “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 10,6). Chúng ta hãy mạnh dạn giới thiệu ánh sáng đó cho mọi người.

Mục tiêu thực tế của đối thoại trong xã hội là cùng nhau đi tìm “cái ích lợi chung” để có thể hợp tác với nhau. Nếu chỉ vì lợi ích riêng tư, người ta không cần đối thoại. Ý niệm “Công Ích” (Bien commun) được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc tới nhiều lần trong thông điệp Caritas in Veritate. Trong bài Huấn từ cho các giám mục Việt Nam, Đức Thánh Cha dùng chữ “Công Ích” một lần, khi ngài đề cập tới việc giáo dục gia đình công giáo. Ngài nói: “Điều rất đáng ước mong là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự trung thực và chân lý, thì mỗi gia đình công giáo trở nên lò hun đúc các giá trị và đức tính nhân bản, trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa. Về phần họ, bằng đời sống xây trên nền đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, các giáo dân phải chứng minh rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” (x. HT, đ. 4). Ngoài ra, có chỗ ngài dùng từ ngữ “sự phát triển Đất Nước” (au développement du Pays). Chỗ khác ngài dùng thành ngữ “việc phục vụ tất cả mọi người dân” (au service de tout le peuple).

Theo ý của Đức Thánh Cha, mục tiêu của việc Giáo hội đối thoại với Nhà Nước là để phục vụ tất cả mọi người dân, chứ không nhằm ích lợi riêng tư.

Tại sao phải hợp tác? Hợp tác với Chính quyền để làm gì?

8. Trước hết vì đó là một bổn phận, là nghĩa vụ công dân (x. HT, đ.6).

Đất Nước Việt Nam là Đất Nước chung của mọi người Việt Nam, của mọi tôn giáo có mặt ở Việt Nam, mọi tầng lớp dân chúng, mọi sắc tộc ở Việt Nam, mọi giới, từ các em thiếu niên nhi đồng, đến tập thể giới trẻ, các người trưởng thành, người cao niên, và cả các cụ già. Không ai trong chúng ta được phép đứng bên lề xã hội. Chính vì thế Giáo hội Công giáo cũng không nên tự loại trừ mình ra khỏi xã hội.

9. Vả lại, văn hoá toàn cầu hôm nay là “một văn hoá nối kết”, xu thế của thời đại chúng ta đang sống là xu thế hợp tác. Hợp tác không những trên bình diện quốc gia, mà cả bình diện quốc tế nữa. Có những quốc gia chưa hết thù địch với nhau, mà vẫn phải cố gắng đối thoại và hợp tác. Tờ báo Thanh Niên số ra ngày 18/11/2009, trong bài nhận định về chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Obama, đã chạy hàng tít lớn “hợp tác trong bất đồng”.

Trên bình diện kinh tế và xã hội, tư tưởng “loại trừ” đã trở thành lỗi thời. Trái lại, một tư tưởng đang trở thành “chủ đạo”, là tư tưởng “hợp tác và liên đới”. Ý tưởng “thương trường là chiến trường”, một thời làm mưa làm gió, đã để lại biết bao nhiêu đau thương cho thế giới, đặc biệt cho những người nghèo khổ và yếu thế. Ý tưởng ấy hiện nay đã trở thành lỗi thời, tụt hậu. Tư tưởng loại trừ người khác, vừa trái ngược với Tin Mừng của Chúa Giêsu, vừa đi ngược với xu thế của thời đại.

Trong thông điệp “Caritas in Veritate”, Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đề nghị một sự nối kết, phối hợp rộng rãi các năng lực của mọi người trên thế giới, để phục vụ sự phát triển toàn diện của con người, và của toàn thể nhân loại, phục vụ cho nền văn hoá sự sống (x ch.V của Thông điệp có tiêu đề là “Sự hợp tác của gia đình nhân loại”). Trong xu thế hợp tác toàn cầu này, Giáo hội Công giáo cống hiến cho thế giới môt học thuyết xã hội, lành mạnh, hợp thời, dựa trên ánh sáng của lý trí tự nhiên, được soi dẫn bằng ánh sáng đức tin.

Đức Thánh Cha cho thấy rằng những giá trị đạo đức rất cần cho sự phát triển toàn diện của con người, ngay cả trên bình diện kinh tế nữa. Nếu loại trừ “đạo đức” ra khỏi kinh tế, thì kinh tế sớm muộn gì cũng sẽ quay đầu làm hại rất nhiều người, nhất là những người nghèo khổ, yếu thế, rồi cuối cùng tự nó cũng suy sụp, như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là một bằng chứng hùng hồn. Nếu nền kinh tế hiện nay ở nhiều nơi, vẫn còn tiếp tục xây dựng trên sự dối trá lường gạt, trên giá cả thị trường ảo, không chóng thì chày sẽ suy sụp một cách thê thảm hơn nữa. Như vậy kinh tế rõ ràng cũng phải dựa trên sự thật. Dựa trên sự thật chưa đủ, kinh tế còn phải“dựa trên tình yêu nữa”. Đó là ý nghĩa của “định luật vô cầu” (loi de gratuité), mà Đức Thánh Cha giới thiệu với mọi người trong thông điệp mới nhất của ngài.

Giáo Hội hợp tác với Chính quyền cũng là để có thể thực hiện sứ mạng yêu thương và phục vụ mọi người tại đất nuớc Việt Nam.

10. Tôi xin tóm lược bài nói chuyện của tôi bằng hai từ ngữ chính là “Tình yêu” và “Chân lý”. Tư tưởng và quan điểm Kitô giáo, thái độ và hành vi của người Kitô hữu, trong bất cứ tình huống nào, cũng đều phải xây dựng trên Tình Yêu và Chân lý. Chúng ta tin Đạo của chúng ta là “Chân Lý về Tình Yêu”, là Sự Thật về Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, là nền tảng và là mẫu mực cho Tình yêu của con người đối với nhau, đó là “Tình yêu Chân thật”. Tình yêu và Chân lý mời gọi đối thoại và hợp tác. Tình yêu mời gọi “sự đối thoại của con tim”. Chân lý mời gọi “sự đối thoại của khối óc”. Xin Chúa Thánh Thần là Trái Tim và Khối Óc, là Tình Yêu và Thần Trí của Thiên Chúa chỉ cho Giáo Hội tại Việt Nam con đường Tình Yêu và Chân Lý. Xin Chúa Thánh Thần là Sức mạnh và Quyền năng của Thiên Chúa giúp chúng ta mạnh dạn dấn bước

Xin thân ái kính chào mọi người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quốc hội châu Âu ra nghị quyết về Việt Nam
BBC
04:01 29/11/2009
Quốc hội châu Âu vừa ra nghị quyết về tình hình Việt Nam và Lào, trong đó kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do ngôn luận và tôn giáo.

Nghị quyết thông qua hôm 26/11/2009 đề cập tới tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại hai quốc gia cộng sản.

Việt Nam cũng đã nhanh chóng phản bác lại nghị quyết này bằng thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Các dân biểu châu Âu đồng thuận kêu gọi chính phủ Việt Nam "chấm dứt các hình thức trấn áp những người chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do hội họp, theo đúng chuẩn mực nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Việt Nam".

Quốc hội khối này cũng yêu c̀âu Hà Nội thực thi các nghĩa vụ quốc tế của mình về tự do tôn giáo.

Các nghị viên châu Âu đã xem xét nhiều vụ việc như vụ Tu viện Bát Nhã và các diễn tiến liên quan Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Văn bản mới ra kêu gọi chấm dứt trấn áp và sách nhiễu đối với các môn đồ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng độ và khôi phục hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tiến tới hủy bỏ hình phạt tử hình, cho phép đại diện châu Âu giám sát thường xuyên tình hình tự do dân chủ, ngôn luận, bảo vệ nhân quyền và phụ nữ ở Việt Nam.

Tuy nhiên các nghị quyết của Quốc hội châu Âu thường không mang tính áp chế.

Lần này, bản nghị quyết yêu cầu Ủy hội châu Âu thêm vào trong Hiệp định Đối tác và Hợp tác châu Âu-Việt Nam, hiện đang được thảo luận, một chương riêng về nhân quyền và dân chủ, kèm theo cơ chế thực hiện các tiêu chí này.

Một ngày sau khi nghị quyết được công bố, Việt Nam lên tiếng phản bác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga gọi các nhận định của dân biểu châu Âu là "hoàn toàn sai trái".

Bà Nga nói: "Chúng tôi hết sức thất vọng khi ngày 26/11/2009 Nghị viện Châu Âu lại một lần nữa thông qua Nghị quyết về Việt Nam với những nhận định hoàn toàn sai trái, thiếu khách quan, thiếu thiện chí về tình hình thực tế ở Việt Nam".

"Việc thông qua Nghị quyết này đi ngược lại lợi ích quan hệ giữa Việt Nam và EU và gây bất bình trong nhân dân Việt Nam."

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091129_ep_resolution.shtml?s)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Maria Qua Các Thời Đại (1)
Vũ Văn An
23:37 29/11/2009
Đức Maria Qua Các Thời Đại

(Vị Thế Của Ngài Trong Lịch Sử Văn Hóa)

Nguyên tác: Mary Through The Centuries (Her Place in The History of Culture) của Jaroslav Pelikan, 1996

Bản Tiếng Việt: Vũ Văn An, Sydney 2007

Giới Thiệu

Soạn giả sách này, Jaroslav Pelikan, là một giáo sư sử học nổi tiếng của Đại Học Yale. Ông sinh năm 1923 và mới qua đời tháng 5 năm 2006, cha là người Slovak và mẹ người Serbian. Cha ông vốn là một mục sư Luthêrô và ông nội làm giám mục trong Giáo Hội này tại Mỹ.

Khả năng ngôn ngữ ngoại thường đã giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp một sử gia sáng chói của thế kỷ 20 chuyên nghiên cứu học lý Kitô Giáo, không phải chỉ trong lãnh vực lịch sử thần học của Công giáo và Thệ phản, mà cả của Chính Thống Giáo Đông Phương nữa.

Ông lãnh một lúc hai văn bằng cử nhân của Chủng Viện Concordia ở St Louis và văn bằng tiến sĩ tại Đại Học Chicago năm 1946, lúc 22 tuổi, và nhờ một khởi đầu sớm sủa như thế, ông đã viết trên 30 tác phẩm, bao gồm bộ nghiên cứu lớn gồm 5 cuốn tựa là The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine (Truyền Thống Kitô Giáo: Lịch sử Phát triển Học lý, 1971-1989). Một số công trình sau này đạt được sự tán thưởng của mọi giới Kitô Giáo, vượt quá cả lãnh vực khoa bảng mà bước vào lãnh vực độc giả quần chúng nói chung (nhất là các cuốn: Mary Through the Centuries, Jesus Through the Centuries Whose Bible Is It?).

Trong hai năm 1992-1993, Pelikan dạy các khóa giảng tựa là Gifford Lectures tại Đại Học Aberdeen, một vinh dự được coi tương đương như giải Nobel, sau đó được in thành cuốn Christianity and Classical Culture (Kitô Giáo và Văn hóa Cổ điển). Bộ giảng khóa này thực ra là bộ thứ hai trong tư cách giảng sư Gifford; trước đó ông đã có một bộ khác giữa thập niên 1980.

Pelikan tham gia Đại Học Yale từ năm 1962 với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng môn Lịch sử Giáo Hội. Và năm 1972, được đề cử làm Giáo Sư Sterling ngành Sử Học, một chức vụ ông nắm giữ cho tới lúc hưu trí vào năm 1996. Ông từng làm quyền khoa trưởng rồi khoa trưởng Trường Cao Đẳng từ năm 1973 tới năm 1978, và là giảng sư ghế William Clyde DeVane lần đầu trong các năm 1984-1986 và lần sau vào mùa thu năm 1995. Ông được trao tặng Huân Chương Wilburn Cross năm 1979 của trường Cao Đẳng và Huy Chương Haskins năm 1985 của Hội Medieval Academy of America.

Năng lực và khả năng phi thường của Pelikan đã đem lại cho ông nhiều vai trò lãnh đạo trong sinh hoạt trí thức của Mỹ. Mới gần đây Ông là chủ tịch của American Academy of Arts and Sciences (Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Khoa Học Mỹ). Năm 1983, cơ quan National Endowment for the Humanities (Qũy Quốc Gia Yểm Trơ Khoa Học Nhân Văn) chọn ông giảng khóa giảng lần thứ 12 tựa là Jefferson Lecture in the Humanities (Giảng Khóa Jefferson về Nhân Văn), một danh dự cao qúy nhất do chính phủ liên bang dành cho những thành tựu trổi vượt về khoa học nhân văn. Ông cũng là biên tập viên ngành tôn giáo của Encyclopedia Britannica (Bách Khoa Tứ Điển Anh, đặc biệt mục nói về Đức Mẹ), và năm 1980, ông thành lập ra Council of Scholars (Hội Đồng Học Giả) tại Thư Viện Quốc Hội.

Tổng thống Bill Clinton cử ông vào Ủy Ban của Tổng thống đặc trách Nghệ thuật và Khoa học. Ông được 42 trường đại học khắp thế giới cấp phát tiến sĩ danh dự. Lúc 80 tuổi, ông được cử nhiệm làm giám đốc Dự án Các Định chế Dân chủ của Cơ quan Annenberg.

Năm 2004, lúc nhận giải thưởng John W. Kluge về Thành Tích Cả Đời Trong Lãnh Vực Khoa Học Nhân Văn, một vinh dự ông cùng lãnh với triết gia Pháp Paul Ricoeur, ông đã trao phần thưởng trị giá nửa triệu mỹ kim cho Trường Thần Học Chính Thống Giáo Thánh Vladimir mà ông vốn là một quản trị viên. Trong buổi lễ, ông trích làm chủ đề câu của Goethe từng đánh động cả đời ông: "Was du ererbt von deinen Vaetern hast, Erwirb es um es zu besitzen" (Hãy lấy điều anh thừa tự từ các bậc cha anh và biến nó thành của riêng anh).

Gần suốt đời người, Pelikan vốn là thành viên của Giáo Hội Luthêrô trong đó ông được thụ phong làm mục sư. Nhưng năm 1998, ông cùng vợ là Sylvia gia nhập Giáo Hội Chính Thống Mỹ tại Nhà Nguyện của Chủng Viện Thánh Vladimir. Gia đình ông nhớ rất rõ ông từng nói không hẳn ông trở lại Chính Thống giáo cho bằng “quay về đó, bóc bỏ các lớp vỏ niềm tin của riêng mình để lộ ra tầng Chính Thống vốn nằm sẵn ở đấy.”

Pelikan chết tại Hamden, Tiểu bang Connecticut lúc 82 tuổi sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Ông được Đại Học Yale tổ chức lễ tưởng niệm vào ngày 10 tháng 10 năm 2006 với nhiều diễn văn của các học giả tên tuổi và được danh cầm Yo-Yo Ma đệm nhạc. Người ta thuật rằng trước khi ông chết ông có phát biểu một câu để đời như sau: “Nếu Chúa Kitô đã sống lại, chả còn chi phải quan ngại. Và nếu Chúa Kitô không sống lại, thì chả có chi là quan trọng hết”.

Chúng tôi cho chuyển ngữ cuốn sách này không ngoài mục đích tìm học những đóng góp khác nhau của thế giới Kitô Giáo vào việc phổ biến lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa.

Dẫn Nhập: Kính Mừng Maria, Đầy Ơn Phúc

Kính Mừng Maria, đầy ơn phúc: Đức Chúa Trời ở cùng Bà (Luca 1:28).

Trong phần Dẫn Nhập cuốn Chúa Giêsu Qua Các Thế Kỷ, cuốn sách đi đôi với sách này, ngay câu thứ hai đã là câu hỏi sau đây: “Nếu có thể dùng một siêu nam châm để hút hết các mảnh kim khí có mang ít là một dấu vết tên của Ngài từ lịch sử gần hai mươi thế kỷ qua, không hiểu còn sót lại bao nhiêu?” (1). Có lẽ cũng cần đặt câu hỏi như thế về Đức Maria. Một đàng, những mảnh kim khí mang tên Đức Maria chắc chắn ít hơn nhiều. Nhưng mặt khác, Ngài lại cung cấp nội dung cho câu định nghĩa thế nào là nữ tính một cách không giống như cách Chúa Giêsu cung cấp cho câu định nghĩa về nam tính; vì căn cứ vào cách dùng ngôn ngữ khác nhau, điều mà ta cần phải nhắc nhớ các độc giả thời nay, người ta chủ yếu cho rằng Chúa Giêsu thực ra đã chỉ định nghĩa người “đàn ông” theo nghĩa con người hơn là theo nghĩa “nam giới/nam tính”, đến độ một số nhà tư tưởng suy lý đã mô tả Ngài như là á nam á nữ. Và dù thiếu các dữ kiện thống kê đáng tin cậy, ta vẫn có thể ước lượng rằng trong gần hai ngàn năm nay, Maria là tên người ta thường dùng nhất để đặt tên con gái lúc Rửa Tội, và qua câu tán thán “Giêsu, Maria, Giuse” (hay vắn tắt hơn: Giêsu Maria - như tôi thường được nghe người giáo dân Luthêrô người Slovak của Cha tôi quen đọc hồi tôi còn thơ ấu), và nhất là qua các kinh Kính mừng Maria, được lặp đi lặp lại cả hàng triệu lần mỗi ngày, tên ấy quả là tên nữ giới được đọc lên thông thường nhất trong Thế Giới Phương Tây. Gần như chắc một điều là Ngài được nghệ thuật và âm nhạc mô tả nhiều hơn bất cứ người đàn bà nào trong lịch sử. Lúc này đây chỉ cần đơn cử một thí dụ, không những Giuseppe Verdi sáng tác một bản Ave Maria vào năm 1889 (và cả bản Stabat Mater vào năm 1897); nhưng bản Othello do Arrigo Boito phóng tác Shakespeare dùng cho nhạc kịch của Verdi năm 1887 cũng đã theo gương nhạc kịch Othello của Gioacchino Rossini năm 1816 mà thêm bản Ave Maria vào văn bản của Shakespeare để Desdemona hát trước khi cô chết (2). Nó là một giáo đầu cho câu Othello hỏi Desdemona trong kịch bản của Shakespeare trước khi xiết cổ cô ta: “Này Desdemona, đêm nay em đã cầu nguyện chưa?”(3)

Đức Trinh Nữ Maria gợi hứng nhiều hơn và cho nhiều người hơn bất cứ người đàn bà nào từng sống trên cõi đời này. Và Ngài vẫn còn như thế trong thế kỷ 20, mặc dù theo quy ước, thế kỷ này được coi là duy tục, ngược với những thời đại trước vốn tự mệnh danh là những thời đại của niềm tin. Alexandra, nữ hoàng sau cùng của Nga, khi kết hôn với Nga Hoàng đã từ Đạo Thệ Phản vùng Hessia trở lại Chính Thống Giáo Nga, mấy tuần sau Cách Mạng Tháng Mười đã viết như sau: “một dân tộc không văn hóa, dã man, nhưng Chúa sẽ không bỏ rơi họ, và Mẹ Thiên Chúa sẽ đứng lên bênh đỡ dân nghèo Nga” (4). Chỉ là tình cờ, nhưng là một tình cờ đầy ngạc nhiên, hai năm sau, tức năm 1919, một bức ảnh đầy uy lực tựa là Đức Trinh NữVùng Đại Panagia được tìm thấy tại Tu Viện Biến Hình (Preobrazenie) ở Jaroslavl. Rose Fitgerald Kennedy, gần cuối đời, khi nhắc lại mọi thảm kịch bà phải chịu trong suốt cuộc sống lâu dài của mình, đã cho rằng bà luôn tìm được linh hứng và ủi an trước hết nơi “Mẹ Phúc Đức”, Đấng đã không bao giờ mất niềm tin nơi Thiên Chúa ngay cả lúc Con Một mình “bị đóng đinh và nhạo cười”(5). Một trong các bình luận gia nhậy cảm nhất của ta trong lãnh vực thời sự, nhà văn Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha là Richard Rodriguez, đã gợi ý rằng “Đức Trinh Nữ Guadalupe biểu tượng cho sự gắn bó toàn diện của Mễ Tây Cơ, cả hồn lẫn xác… Hình Đức Bà Guadalupe (mà người Mễ âu yếm gọi là La Morenita – Bà Đen Nhỏ Bé ) đã trở thành lá cờ không chính thức và tư riêng của người Mễ Tây Cơ” (6). Vì, như một văn sĩ thế kỷ 20 khác đã nhận xét, chân dung Đức Trinh Nữ Maria trong bức hình Mễ Tây Cơ này “chứa đựng …đủ các chủ đề căn bản của giải phóng” (7).

Duy tục hay không thì thế kỷ này cũng đã được mục kích sự tiếp diễn, và có lẽ sự gia tốc các hiện tượng Đức Maria hiện ra, một hiện tượng từng biến thế kỷ mười chín gần thành một hoàng kim thời đại (8). Học giả thánh mẫu René Laurentin mấy năm trước ước lượng rằng từ thập niên 1930, đã có chừng hơn hai trăm biến cố hiện ra, và chúng vẫn còn đang tiếp diễn không ngừng. Các phóng viên truyền hình và các nhà báo in, những người đôi khi chỉ quan tâm đến các kinh nghiệm và phát biểu tôn giáo nếu chúng được chính trị hóa hay kỳ cục hóa hay cả hai, cũng đã cố gắng lo liệu để công chúng được thông tin đầy đủ về những lần hiện ra này. Tại Bosnia-Herzegovina, nơi mà năm 1914 đã thành ngòi nổ gây nên Thế Chiến Thứ Nhất và là nơi suốt một thế kỷ qua vẫn tiếp tục là tụ điểm của hận thù tôn giáo và trả thù sắc tộc, Đức Trinh Nữ đã hiện ra năm 1981, ở Medjugorje, một ngôi làng gồm 250 gia đình nói tiếng Crôát (9). Từ năm đó, hơn 20 triệu khách hành hương đã kéo tới thăm viếng, bất chấp mìn bẫy còn nằm dưới chân và bắn xẻ ngang qua đầu. Những thẩm quyền tối cao như Franjo Tudjman, tổng thống Croatia, cũng không ngần ngại xưng tụng Ngài là “đã đánh thức toàn bộ dân tộc Croatia” (10). Biến cố ấy không phải chỉ giới hạn trong các xứ miền theo Công Giáo La Mã; tại Hy Lạp theo Chính Thống Giáo, chẳng hạn, các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ trong thế kỷ 20 cũng đã trở nên nguồn sức mạnh lớn lao (11).

Bởi vì, như từng được nói vào đầu thế kỷ 20, tuy truyền thống cho rằng “Nơi Đức Maria, người ta ít thấy trong những điều nói về Ngài, có điều nào cho thấy người đàn bà chân thực phải ra sao” (12), nhưng việc thế kỷ 20 gia tăng đáng kể cái quan tâm của mình đối với câu hỏi “người đàn bà chân thực phải như thế nào” vẫn không bỏ qua được Đức Mẹ (13). Ngày nay, về phương diện lịch sử, nhiều người nhất trí rằng “thần học về Đức Trinh Nữ Maria chưa thay đổi được vị thế thấp kém của người phụ nữ trong Giáo Hội” (14). Thực vậy, một phát ngôn viên rành mạch nhất của phái cho rằng người phụ nữ hiện đại chỉ có thể hoàn toàn tự do khi triệt để phá bỏ truyền thống, nhất là truyền thống tôn giáo, đã phẩm bình như sau về các tranh ảnh cổ truyền của Đức Trinh Nữ Maria: “Lần đầu tiên trong lịch sử, người mẹ qùy gối trước mặt con mình; bà tự ý chấp nhận thân phận hèn kém của mình. Đó là chiến thắng tối hậu của nam giới, được hoàn tất trong việc tôn kính Đức Trinh Nữ- một cuộc phục hồi người đàn bà qua việc hoàn tất sự thất bại của bà” (15). Còn hàm hồ hơn nữa khi những người ủng hộ phong trào bên trong tư duy Kitô Giáo hậu bán thế kỷ 20 mà người ta quen gọi là “nền thần học duy nữ” cũng đang hết sức cố gắng [có người trong bọn họ còn cho là “tuyệt vọng tìm cách” (16)] giải quyết ổn thỏa việc coi Đức Maria như biểu tượng cho “nữ tính tối hậu” (17). Một người khác trong phong trào này cho hay: “huyền thoại Maria có gốc rễ và được phát triển trong một nền văn hóa và thần học nam giới, giáo sĩ và khổ hạnh… Huyền thoại là một nền thần học về đàn bà, được đàn ông giảng dạy cho đàn bà, và là một nền thần học dùng để can gián người đàn bà đừng trở nên những con người hoàn toàn độc lập và hoàn toàn nhân bản” (18). Trái lại, Đức Maria vẫn được những người theo Chính Thống Giáo Phương Đông coi như nguồn tài nguyên tích cực cho việc tái giải thích chỗ đứng của người đàn bà trong tư duy Kitô Giáo (19).

Một trong các diễn tiến quan trọng nhất của thế kỷ 20 là và vẫn là sự ra đời của phong trào đại kết. Nó khởi đầu phần lớn như một hiện tượng của Thệ Phản, trong đó, các kẻ thừa kế của Cải Cách muốn xem sét lại các vấn đề từng lái họ tách ly gần như từ thuở ban đầu. Vào giai đoạn ấy, vấn đề về Đức Maria không nổi bật bao nhiêu, ngoại trừ các cuộc tranh luận giữa hai phe cấp tiến và bảo thủ liên quan đến sự chính xác của các trình thuật Thánh Kinh về việc Sinh Hạ Đồng Trinh (20). Nhưng với sự tham gia đối thoại của Giáo Hội Chính Thống Phương Đông và sau đó của Giáo Hội Công Giáo La Mã, vấn đề trên không thể nào không được đem ra thảo luận, và cuối cùng đã được coi trọng như tóm kết được nhiều vấn đề tổng quát từng phân rẽ các Giáo Hội: Đâu là vai trò chính đáng của truyền thống hậu Thánh Kinh trong giáo huấn Kitô Giáo? Đâu là vai trò của các thánh, nhất là của Đấng Thánh này, trong việc thờ phượng và tôn sùng của Kitô Giáo? Và ai có thẩm quyền quyết định các vấn đề giáo huấn của Kitô Giáo? Như thế, các thăm dò trong thế kỷ 20 đã làm cho lịch sử Đức Maria trở thành một vấn đề lớn cho cả các cuộc gặp gỡ đại kết, và việc các Giáo Hội Công Giáo La Mã, Chính Thống Phương Đông, Thệ Phản và cả Do Thái Giáo nữa chịu thận trọng và thẳng thắn duyệt xét lại vấn đề này cùng các hệ lụy của nó đã không những soi sáng nhiều cho vấn đề đại kết mà cả vấn đề Thánh mẫu học nữa (21).

Trong các chương sau, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày theo phương diện lịch sử Đức Maria có ý nghĩa gì, bằng cách theo thứ tự thời gian mà bàn tới một số lãnh vực về đời sống và thực tại trong đó Ngài được coi là sức mạnh trổi vượt trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Như Hans Urs von Balthasar từng nói, đó là một diễn trình “lắc qua lắc lại (từ Nàng Dâu Trinh Nguyên qua Mẹ Giáo Hội, từ người xin vâng tới Nguồn Nòi Giống)” (22).

__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

Chú Thích

1. Jaroslav Pelikan, Jesus Through the Centuries: His Place in the History of Culture (New Haven and London: Yale University Press, 1985), 1.

2. James Arnold Hepokoski, Otello (Cambridge: Cambridge University Press, 1987), 71-75. Nhờ Philip Gossett mà có được tham chiếu này.

3. William Shakespeare, Othello, V.ii.2.5

4. Alexandra to Alekxndr Syroboiarsky, 29/11/1917, trong Mark D. Steinberg và Vladimir M. Krustalev, chủ biên. The Fall of he Romanovs (New Haven and London: Yale University Press, 1995), 206. Các thư của bà cũng như các thư của Nga hoàng, đầy rẫy những lời nhắc đến Trinh Nữ Maria.

5. CBS News, 23/1/1995 (ngày sau khi bà qua đời, thọ 104 tuổi).

6. Richard Rodriguez, Days of Obligation: An Argument with My Mexican Father (New York: Penguin Books, 1993), 16-20.

7. William F. Maestri, Mary Model of Justice: Reflections on the Magnificat (New York: Alba House, 1987), xi.

8. Xem Isabel Betwy, I Am the Guardian of the Faith: Reported Apparitions of the Mother of God in Ecuador (Steubenville, Ohio: FranciscanUniversity Press, 1991); xem thêm chương 13 dưới đây.

9. Richard Foley, The Drama of Medjugorje (Dublin: Veritas, 1992); Medjugorje nằm trong bối cảnh những cuộc hiện ra trong thế kỷ 19 do Sandra L.Zimdars-Swartz trình bày trong Encountering Mary:From La Salette to Medjugorje (Princeton, NJ.: Princeton University Press, 1991).

10. Elizabeth Rubin, “Souvenir Miracles: Going to See the Virgin in Western Herzegovina”, Harper’s, tháng 2 1995, 63-70.

11. Xem nghiên cứu mới đây của Jill Dubisch, In a Different Place: Pilgrimage, Gender, and Politics at a Greek Island Shrine (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1995).

12. F. Adeney Walpole, Women of the New Testament (London: James Nisbet, 1901),835.

13. Wolhart Schlichting, Maria: Die MutterJesu in Bibel, Tradition und Feminismus (Wuppertal: R. Brockhaus, 1989).

14. Alvin John Schmidt, Veiled and Silenced: How Culture Shaped Sexist Theology (Macon, Ga.: Mercer University Press, 1989), 95.

15. Simone de Beauvoir, The Second Sex, H.M. Parshley dịch (New York: Alfred A. Knopf, 1971) 171.

16. Els Maeckelberghe, Desperately Seeking Mary: A Feminist Appropriation of a Traditional Religious Symbol (Kampen, The Netherlands: Pharos, 1991)

17. Maurice Hamington, Hail Mary? The Struggle for Ultimate Womanhood in Catholicism (New York: Routledge, 1995)

18. Elizabeth Schussler Fiorenza, “Feminist Theology as a Critical Theology of Liberation” trong Churches in Struggle: Liberation Theologies and Social Change in North America do William K. Tabb chủ biên (New York: Monthly Review Press, 1986), 57,59.

19. Paul Evdokimov, Woman and Salvation of the World: A Christain Anthropology on the Charisms of Women, bản dịch của Anthony P. Gythiel (Crestwood, N.Y.: St Vladimir’s Seminary Press, 1994).

20. J. Gresham Machen, The Virgin Birth of Christ (New York: Harper and Brothers, 1930).

21. Xem Pelikan, Flusser and Lang, Mary; Hans Kung and Jurgen Moltmann chủ biên, Mary in the Churches (New York: Concilium, 1983).

22. Hans Urs von Balthasar, Theodrama: Theological Dramatic Theory, bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1992), 3:293.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vào Cửa Thánh Điện
Sông Thanh
23:10 29/11/2009

VÀO CỬA THÁNH ĐIỆN



Ảnh của Sông Thanh

Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn

Tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,

Tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.

(Kinh Thánh, TV 100:4)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đội Đá
Hồng Thị Vinh
23:13 29/11/2009

ĐỘI ĐÁ



Ảnh của Hồng Thị Vinh

Chí cao mộng lớn nào ai trách

Đôi khi cười mỉm mộng viển vông...

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền