Ngày 28-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:15 28/11/2015
68. KHỔNG NHUNG KỲ BIỆN.
N2T

Khổng Nhung lúc nhỏ có kỳ tài, đã cùng với phụ thân lên kinh thành.
Hồi ấy Hà Nam Doãn Lý Ưng chỉ lo coi trọng bản thân, từ trước đến nay không tùy ý tiếp đãi khách, thường ra lệnh cho người gác cổng nếu không phải là khách hoặc không phải là bạn bè thông gia thì đều không được đi vào.
Khổng Nhung muốn coi Lý Ưng, bèn đặc biệt đi thăm nhà họ Lý, nói với người giữ cổng:
- “Tôi là con cháu thông gia của nhà họ Lý.”
Người giữ cửa liền đi vào thông báo, Lý Ưng bèn tiếp kiến Khổng Nhung, nói:
- “Tổ phụ của ngươi và ta có tình hữu nghị sao ?”
Khổng Nhung nói:
- “Đúng ạ ! Khổng tử tổ tiên của tôi và Lý Lão Quân tổ tiên của ngài cùng đức cao vọng trọng, vả lại bạn cùng thầy với nhau, cho nên tôi và ngài là thông gia đời đời.”
Các khách đều thán phục, chỉ có trung đại phu Trần Vi không cho là như thế, bèn cười nói:
- “Người lúc nhỏ thông minh, lớn lên chưa chắc đã có tiền đồ.”
Khổng Nhung ứng tiếng nói:
- “Nghe lời của ngài nói, thì khi ngài còn nhỏ nhất định là đứa bé ngu dốt.”
Lý Ứng cười lớn tán thành Khổng Nhung, nói:
- “Tương lai của nó rất sáng sủa !”
(Hậu Hán thư)

Suy tư 68:
Có người lúc nhỏ thì đẹp, lớn lên thì xấu; có người lúc nhỏ thì rất lễ phép, có giáo dục, lớn lên thì ngang tàng bướng bĩnh; có người lúc nhỏ thì rất thích đi lễ, giúp lễ cho cha sở, lớn lên thì không thiết tha gì với nhà thờ, coi nhà thờ như là một cái gì đó xa lạ với họ.
Thiên Chúa không “xía vào” cái tự do của con người, bởi vì Ngài trước sau như một, không hề lừa dối ai, Ngài không như con người vui thì cho, không vui thì lấy lại, nhưng khi Ngài đã ban cho thì cho mãi mãi. Nếu hôm nay chúng ta cảm thấy chán nản buồn phiền, cuộc sống không định hướng: quá khứ thì đau buồn, hiện tại thì lo âu, tương lai mù mịt, tất cả những điều ấy không phải bởi Thiên Chúa mà ra, nhưng bởi con người đã tự mình đánh mất tất cả. Con người lúc nhỏ khác mà khi lớn lên khác, cái khác ở đây chính là chúng ta dùng tự do của mình không đúng chỗ, nào là tự do ăn uống, tự do nói tục, nói phét, tự do luyến ái, tự do làm những gì mình thích, nhưng rất ít người dùng tự do làm những điều mà Thiên Chúa yêu cầu là kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình.
Nếu chúng ta kính mến Thiên Chúa thì sẽ không làm sự tội, nếu chúng ta yêu thương người thân cận như chính mình, thì chúng ta sẽ không làm ngơ trước những khốn khó, đau khổ của anh em chị em.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN I MV. C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:17 28/11/2015
Chúa Nhật I MÙA VỌNG
N2T

Tin mừng : Lc 21, 25-28; 34-36
“Anh em sắp đựoc ơn cứu độ”.


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng, tức là bắt đầu một năm phụng vụ mới, năm C.
Mùa vọng là mùa trông đợi, ai đã từng trông đợi thì đều cảm nghiệm được sự bồn chồn lo lắng, hồi hộp pha lẫn niểm vui của đợi chờ:
- như em bé đợi mẹ đi chợ về,
- như người yêu đợi người tình,
- như nhà nông đợi ngày thu hoạch,
- như ruộng khô hạn trông mưa.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh tương lai ngày Con Người đến trong vinh quang, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và đợi chờ, trong lúc đợi chờ ngày trọng đại ấy đến thì sẽ có nhiều điềm thiêng dấu lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao , nhân loại sẽ lo âu và sợ hãi khi ngày ấy đến.

1. Dấu hiệu của thời đại.
Dấu hiệu của thời đại ngày càng rõ rệt hơn, ứng nghiệm với lời cảnh báo của Đức Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay, dấu hiệu trước tiên mà nhân loại có thể thấy được, sờ được, đó chính là chiến tranh, đói khát và ôn dịch, với dấu hiệu ấy, người Ki-tô hữu chỉ có một thái độ duy nhất là ngẫng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến.

Nhưng thực ra, ơn cứu độ đã đến hơn hai ngàn năm nay rồi, và thời viên mãn của nó cũng đang đến gần khi những điềm thiêng dấu lạ mà Đức Chúa Giê-su đã loan báo đã và đang xảy đến.

Người Ki-tô hữu là những người nhạy bén nhất trước những hiện tượng xảy ra của thời đại, bởi vì hằng ngày họ đều được nghe và suy gẫm lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và vì thế họ từng giây từng phút tỉnh thức và chuẩn bị ngày quang lâm của Ngài.

2. Tỉnh thức và đề phòng
Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, tức là Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, bởi vì:
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người ăn thua đủ bên canh bạc thâu đêm.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người đang say đắm trong đam mê xác thịt, thân xác thì thức để chờ đợi và thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng cảnh giác, đó là những người kiêu ngạo, họ tỉnh thức trong kiến thức hạn hẹp của mình khi ai đó phê bình góp ý cho việc làm của mình, nhưng tâm hồn thì đã thoả mãn trong sự đắc thắng của mình...


Người Ki-tô hữu không thức tỉnh để ăn thua với canh bạc, vì đó là chuyện của con cái tối tăm; người Ki-tô hữu cũng không tỉnh thức để chờ đợi cuộc nhậu thâu đêm, bởi vì đó là chuyện của con cái ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu tỉnh thức để chờ đợi ngày sum họp với Đức Chúa Giê-su, Đấng đã và đang đến trong cuộc sống của họ...

Anh chị em thân mến,
Mùa vọng không những giúp cho chúng ta biết thức tỉnh và chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét, mà còn thức tỉnh chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta nữa, bởi vì dấu hiệu của thời đại trước hết không ở đâu xa, mà nó ở ngay trong con người của mình, chính là :
- Khi chúng ta sung sướng hưởng thụ vật chất là dấu hiệu của những ngày đói khổ của linh hồn.
- Khi chúng ta phê bình chỉ trích anh em chị em, là dấu hiệu ngày phán xét công thẳng và kinh khiếp đối với linh hồn và thân xác.
- Khi chúng ta kiêu căng ngạo mạn với mọi người, là dấu hiệu của người bị hạ xuống tận cùng vực sâu.
- Khi chúng ta vu oan giá hoạ cho người, thì đó là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên án trong ngày chung thẩm...


Người biết chờ đợi, tỉnh thức và nhìn dấu chỉ của thời đại là người khôn ngoan và hạnh phúc, bởi vì họ đã sẵn sàng...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:19 28/11/2015
N2T

17. Các con tuân theo luật dòng thì luật dòng tuân theo các con; như đầu tóc của Sam-son được dưỡng tốt nên sức mạnh rất lớn, tóc cắt ngắn đi thì sức mạnh tiêu tan.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:21 28/11/2015
136. HÀNH ĐỘNG THỰC TẾ
Cha sở mới đổi về xứ mới, giáo xứ còn rất nhiều hộ giáo dân nghèo, ngài trăn trở làm thế nào để giúp họ. Thế là ngài bàn với ban hành giáo:
- “Chúng ta góp công, bà con ở nước ngoài góp của, chúng ta tìm cách để giúp đỡ bà con nghèo, giáo xứ chúng ta cũng nghèo không giúp gì cho họ được, nếu anh chị em đồng ý thì tôi tình nguyện làm kẻ ăn xin, xin bà con ở nước ngoài giúp đỡ họ.”
Tấm lòng của cha sở thật dạt dào.
Năm nay trong giáo xứ có thêm vài căn nhà mới cho hộ nghèo.
-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Có một điệp khúc…
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
10:04 28/11/2015
Chúa Nhật THỨ I MÙA VỌNG. NĂM C

Có một điệp khúc…

Nếu hiểu ngày đầu năm là ngày tết, thì hôm nay là Tết của phụng vụ. Vì hôm nay là Chúa Nhật I mùaVọng, Chúa Nhật đầu tiên của năm phụng vụ mới, năm phụng vụ 2004. Nhưng không như tết bình thường mà chúng ta vẫn nghĩ. Tết của phụng vụ không mang màu sắc của lễ hội, không ồn ào, hình thức bên ngoài.

Tết của năm phụng vụ vẫn có nội dung riêng của nó. Đó là ngày Tết của đức tin, vì thế cũng là ngày Tết của những ai sống đức tin. Vì chỉ có những ai sống đức tin mới cảm nhận trọn vẹn một cách riêng biệt sự thánh thiện mà một ngày Tết rất riêng này mang lại. Đó là quà tặng dành cho những tâm hồn có Chúa.

Ý nghĩa niềm vui của ngày Tết như quà tặng dành cho người sống đức tin được Chúa Giêsu cho biết rất rõ trong bài Tin Mừng: Trong khi người ta kinh hồn bạc vía vì “những điềm lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”, làm cho “các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ”. Nó khiến “người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời rung chuyển”. Chính lúc ấy, chính lúc vũ trụ dao động dữ dội như thế, “Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”.

Mặc dù người ta và cả vũ trụ nữa, sống trong tâm trạng đầy bất an đến mức Lời Chúa phải diễn tả bằng những cụm từ: “Buồn sầu lo lắng”, “Sợ hãi kinh hồn”, thì Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ rằng, chính lúc đó, “Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Đó không phải là cách nói để diễn tả niềm vui mừng lớn lao dành cho những người thuộc về Chúa, những người sống đức tin đó sao!

Chỉ bằng một câu nói ngắn, Chúa Giêsu đã cho thấy vinh quang của những tâm hồn có Chúa: “Hãy đứng dậy”; “Hãy ngẩng đầu lên”; “Giờ cứu rỗi đã gần”. Cách riêng, những động từ : “đứng dậy”, “ngẩng đầu” là những động từ không chỉ nói lên niềm vui, nhưng còn là một niềm vui chiến thắng, một niềm vui chứa đựng vinh quang, niềm vui kiêu hãnh.

Lý do của niềm vui lớn lao càng trở nên trọng đại vì đó là lúc “Con Người hiện đến”, đó là “giờ cứu rỗi đã gần”. Bởi có niềm vui nào dám sánh niềm vui ơn cứu rỗi. Và có tình yêu nào dám ví Tình Yêu của Đấng Cứu Rỗi đến cứu rỗi những ai thuộc về Người.

Vậy ai là người sống đức tin? Bởi đó, ai là người thuộc về Chúa?

Rất nhiều lần, Chúa Giêsu răn dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Hôm nay, ngày Tết của phụng vụ, một lần nữa, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lại nói với chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.

Nhưng không chỉ có hôm nay, ngày Tết chỉ là một khởi đầu. Vì Giáo Hội sẽ tiếp tục dùng chính những lời này của Chúa Giêsu như một điệp khúc nhắc nhở chúng ta, nhắc đi, nhắc lại suốt mùa Vọng. Và Giáo Hội sẽ còn tiếp tục nhắc nhở, cách này cách khác suốt năm phụng vụ.

Vì điệp khúc “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” quan trọng như thế, cho nên bất cứ ai sống và ý thức để sống một cách trọn vẹn mỗi ngày một hơn, người đó là người sống dức tin. Bởi đó là người thuộc về Chúa.

Vậy làm sao để có thể “tỉnh thức và cầu nguyện”?

Cầu nguyện thì ai cũng có thể hiểu được. Chắc hẳn trong đời sống thường nhật, người Kitô hữu vẫn biết rằng cầu nguyện là việc tối quan trọng đối với đức tin của mình, một việc làm không thể bỏ qua.

Nhưng tỉnh thức là như thế nào? Chắc chắn tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ. Đối với đức tin của người Kitô hữu, tỉnh thức là cảnh giác, đề phòng. Cảnh giác những nguy hại, những chước cám dỗ, đề phòng để đừng rơi và cạm bẫy của tội lỗi, của sự dữ.

Một câu chuyện để có thể giúp chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của tỉnh thức: Có một anh thanh niên, một hôm, gặp thần chết đến với mình. Anh sợ hãi, năn nỉ thần chết đừng hại mình nhưng hãy cho anh ta sống thêm một thời gian nữa. Thần chết đồng ý. Nhưng không hiểu sao hôm ấy thần chết lại dễ tính quá. Sau khi để cho anh được sống, thần chết còn hứa, nếu sau này, khi nào thần chết đến gọi anh ra khỏi cuộc đời, thần chết sẽ báo trước để anh chuẩn bị. Anh mừng rỡ và cám ơn thần chết rối rít.

Thế là từ đó, biết rằng cái chết của mình sẽ được báo trước, anh thanh niên bắt đầu một cuộc sống rất thoải mái. Anh dung túng cho bản thân mình đến mức đêm ngày ngụp lặn trong dâu bể của tội lỗi. Anh bất kể Thiên Chúa, bỏ mặc vợ con, mải miết đắm chìm trong những thú vui đồi bại. Không những thế, khi vợ con lên tiến phản đối, anh còn tặng lại cho họ những trận đòn chí tử…

Rồi một ngày, anh bị một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến. Mọi người đều lo lắng cho anh. Ai cũng sợ anh phải chết. Riêng anh thanh niên vẫn thản nhiên vì mãi cho đến lúc này, lúc mà anh trở nên yếu sức vô cùng, anh vẫn chưa thấy thần chết nói gì. Và đúng như thế. Sau cơn bạo bệnh, anh nhanh chóng lấy lại sức khỏe như chưa hề có bệnh tật gì. Anh càng chắc mẫm rằng, ngày tận số của mình vẫn còn dài. Từ đó anh càng lao thân như điên như dại vào con đường bê tha, vào vũng bùng thối tha nhưng đối với anh, nó thật êm ái.

Lần khác, anh cùng vợ mình đang ngồi trên một toa xe lửa. Vì quá tủi buồn cho bản thân và cô đơn trong đời sống vợ chồng, vợ anh đã nhảy khỏi xe lửa trước mặt anh. Các bánh xe của đoàn tàu thản nhiên lăn trên thân thể của chị thật kinh hoàn. Bất giác làm anh rùng mình khiếp sợ. Nhưng giây phút chứng kiến cảnh tượng đó mau chóng biến tan. Không những anh vẫn thản nhiên sống, mà còn xem đó là cơ hội để thoát khỏi sự ràng buộc của vợ. Vợ anh chết, chứ thần chết có nói gì với anh đâu!

Một lần khác, anh lại bị một tai nạn khi đang đi đường. Anh ngất xỉu, máu me đầy người, nằm mê man, không hề biết gì. Đưa anh vào bệnh viện mà mọi người chẳng còn chút hy vọng nào cho sự sống của anh. Nhưng thần chết vẫn chưa đến, vẫn chưa báo trước điều gì. Và anh đã tỉnh lại. Lại thêm một lần, anh thầm cám ơn thần chết, vì ông đã không phản bội lời hứa của chính mình. Cuộc sống của anh lại bắt đầu và tiếp diễn.

Nhưng thật lạ lùng. Một hôm, khi anh vẫn đang là người khỏe mạnh, vẫn đang sống cuộc sống trác táng của mình, chính lúc ấy, anh lại gặp thần chết. Một lần nữa, thần chết viếng thăm anh. Anh lo sợ quá sức, bủn rủn tay chân. Dường như đất dưới chân anh đang quay cuồng. Tâm trí anh hoàn toàn sụp đổ. Thần chết mỗi lúc một đến gần hơn. Ông cho biết, hôm nay ông sẽ cất mạng sống của anh. Anh van lạy thần chết một cách tuyệt vọng và đớn đau. Anh trách móc thần chết đã quyên lời hứa, đã không báo trước giờ chết của anh. Nhưng thần chết rất bình tỉnh, từ tốn nói với anh: “Ta đã báo cho ngươi biết trước giờ chết của ngươi, không phải một nhưng đã nhiều lần. Ngươi đâu có nghe ta, vì thế hôm nay người đừng van xin gì hết. Đã đến lúc ngươi phải theo ta”. Anh thanh niên vẫn tìm cách kéo dài sự sống: “Nhưng thưa thần chết, tôi đâu có bao giờ nghe thấy ông nói gì với tôi?” . “Ngươi đừng có cố viện lý do. Qua những lần ngươi đau nặng, và qua chính cái chết tang thương của vợ ngươi, ta đã báo cho ngươi biết. Chính cuộc sống, sự đau khổ, bệnh tật, cái chết của bản thân và của mọi người xung quanh là bài học kinh nghiệm quý giá cho ngươi học lấy, đó chính là sự nhắc nhở của ta dành cho ngưoi. Nhưng ngươi vẫn không nghe, vẫn cứng đầu, vẫn cố tình ở lỳ trong tội của ngươi. Vì thế hôm nay ngươi phải đền tội”. Và thần chết tiến tới lôi anh đi trong khi lòng anh rung sợ…

Như vậy: tỉnh thức là sự khôn ngoan, và tiên liệu trước giờ chết của mình ngay trong thực tại này, để giờ chết không bao giờ bất ngờ, nhưng luôn có trước một sự chuẩn bị sẵn sàng của bản thân ta.

Mùa Vọng là mùa của tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức để cảnh giác với mọi cám dỗ của tội lỗi. Cầu nguyện để tinh thần mạnh mẽ, để ơn Chúa ngày càng thấm đẫm và lớn lên không ngừng trong tâm hồn. Cầu nguyện để hỗ trợ cho sự tỉnh thức của bản thân, giúp ta có đủ nghị lực vượt qua và vượt lên trên những thói xấu, những đam mê, những toan tính và dính bén quá nhiều với trần thế, làm cho tâm hồn ta xa rời Thiên Chúa, xa rời lòng mong ước và ái mộ quê trời của mình.

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, một điệp khúc dù rất quen thuộc, nhưng rất cần thiết để nhắc đi nhắc lại, không phải chỉ trong mùa vọng, mà trong cả cuộc đời của bạn và của tôi.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Mùa Vọng, mùa thai nghén
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh
10:10 28/11/2015
Mùa Vọng, mùa thai nghén

Mùa Vọng là Mùa Chúa đến. Chờ ai đến, ta phải thức tỉnh. Mẹ chờ con về cũng phải tỉnh thức: đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Chờ người đã cần phải tỉnh, huống là chờ Chúa. Mùa Vọng có hai phần. Phần đầu (cho đến hết ngày 16-12) liên quan tới tỉnh thức, phần sau (từ 17 đến 24-12) liên hệ đến kỉ niệm ngày Chúa giáng sinh. Ta đang sống trong phần đầu của Mùa Vọng, nên tiếng tỉnh thức vang lên nghe nức lòng. Đây cũng là điều phù hợp với các bài Tin Mừng mở đầu Mùa Vọng bất cứ là năm nào A,B,C, mà mấy câu cuối bài năm C này, Chúa đã nhắc nhở là hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Có nhiều tư thế của tỉnh thức: tỉnh thức của kẻ canh đêm, cặp mắt phải sáng; tỉnh thức của người trực máy, đôi tai phải thính; tỉnh thức của kẻ cầu kinh, tâm hồn thanh thản; tỉnh thức của người đầy tớ, sẵn sàng mọi lúc. Hôm nay ta xét đến tư thế tỉnh thức của một loại người : người mang thai.

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy trang bìa của số ra đầu tháng 12 như sau : Mùa vọng : mùa thai nghén. Đây là một so sánh, một ví von ý vị và tương hợp. Nhưng trước khi nói tới sự tương hợp, ta cần mô tả sự thai nghén.

Có lẽ chỉ có những người phụ nữ đã hơn một lần kinh qua thời thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau… . Trong chín tháng mười ngày này, ngoài những nôn mửa nhiều lần, người nữ mang thai còn phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn âu lo lẫn lộn.

Vui vì sự sống và niềm hy vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình. Nhưng lo vì những bất ngờ không lường trước được.

Những đột biến trong người cũng khiến cho thai phụ cảm nhận được sự mỏng dòn của con người. Tất cả mọi cử động, mọi chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc kỹ lưỡng để không phương hại đến bào thai :

-có nên tiếp tục đi nhanh như trước nữa không – hay phải đi khoan thai

-có được hút một điếu thuốc như trước nữa không, hay là phải treo miệng.

-có được nhấp ly ruợu cho ấm bụng như trước nữa không, vì mùa lạnh tới gần. (phụ nữ nước ngoài hút thuốc uống rượu chẳng là chuyện lạ)

-ngay cả thuốc uống chữa bệnh cũng phải canh chừng thức tỉnh : thuốc nào được uống, thuốc nào kỵ thai, chống chỉ định. Không được mất cảnh giác !

-có ăn thịt thỏ được không, sợ con mình sinh ra sẽ sứt môi, như dân gian truyền lại.

-có được nhìn tranh ảnh xấu, hay phải ngắm những bức hoạ trẻ bụ bẫm, để con mình sinh ra cũng múp rụp dễ thương.

Rồi bào thai càng lớn dần thì nỗi lo càng tăng. Và khi đến ngày nở nhuỵ khai hoa như Đức Giêsu nhận xét, niềm vui khoả lấp tất cả những chờ đợi và những đớn đau khi sinh nở, vì một sức sống đã chào đời.

Sự chào đời của hài nhi mang lại niềm vui mà cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Đứa bé trở thành trung tâm đời sống gia đình, mọi giờ giấc trong nhà thay đổi hết. Nhưng đó là Mùa Giáng Sinh rồi, mùa Một Trẻ Thơ chào đời. Còn giờ đây là Mùa Vọng, Mùa thai nghén.

Mùa Vọng là mùa thai nghén. Đàn ông cũng mang thai, con trai cũng ốm nghén, bởi lẽ mùa vọng là chuẩn bị cho ngày Giáng sinh. Giáng sinh là ngày một người con chào đời. Thì trước đó, là thời kỳ chuẩn bị, phải là thời thai nghén.

1. Mùa Vọng là mùa thai nghén, đây là một so sánh ý vị và tương hợp.

-Vì do tiếng “xin vâng,” Mẹ cưu mang Ngôi Lời, thì do tiếng đáp của Đức tin, ta (nam hay nữ) đều đã cưu mang Chúa. “Ai nghe và giữ Lời Ta, người đó là mẹ Ta” .

-Như người nữ cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, thì người cưu mang Lời Chúa cũng cảm được, nhận được sự hiện diện thân mật gần gũi dần dần của Chúa.

2. Mùa Vọng là mùa thai nghén, đây là một so sánh ý vị và tương hợp.

-Vì như thai phụ nhận ra sư mỏng dòn yếu đuối của mình, thì kẻ mang Chúa trong mình, cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn khiếm khuyết yếu đuối tội lỗi của ta. Ý thức này càng mời gọi ta đi từng bước vươn cao hơn.

-Như người nữ mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng trạng thái hành vi, thì người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư hành động của mình vào chính Chúa. Người cưu mang Chúa trong mình phải xử sự làm sao cho xứng với Chúa :

.không nói bạt mạng, bất kể gây hại cho ai, bất kể làm mất lòng ai, bất kể tạo tiếng xấu cho ai.

.không say sưa chê chén, kẻo Chúa sẽ bị ói ra ngoài: một sự sẩy thai nào đó.

.không nhìn xem tranh ảnh băng hình xấu vì Chúa mà mình cưu mang là Đấng thánh.

.không vung tay đá chân, không đánh không đập ai, không la lối chửi rủa, để Chúa mà mình cưu mang được yên giấc ngủ.

3. Mùa Vọng là mùa thai nghén, đây là một so sánh ý vị và tương hợp.

-Vì bào thai càng lớn lên là sự quên mình của người mẹ càng gia tăng. Thì người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi người nói về Đức Giêsu. “Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại.” Càng quên mình, Kitô hữu càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, Đấng vĩ đại ở trong mình. Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta.

.nhỏ lại trong tham vọng: tham vọng làm giàu, tham vọng danh cao chức trọng.

.nhỏ lại trong những ước muốn bất chính: nhất là những ước muốn phá tan hạnh phúc gia đình.

.nhỏ lại trong những đố kỵ ghen ghét, nhỏ nhen, có mặt đầy dẫy trong cuộc sống.

Và thế là Chúa sẽ lớn lên, lòng mến sẽ lớn lên trong trái tim ta.

4. Vậy Mùa Vọng là mùa thai nghén, còn là một so sánh ý vị và tương hợp nằm ở điểm ta vừa nói: Chúa lớn lên.

Vì như thai phụ phải ăn uống đầy đủ, đưa nhiều chất bổ để tăng sức tăng trọng cho thai nhi thì người cưu mang Chúa cũng phải tỉnh thức, đi tìm nguồn bổ dưỡng để Ấu Chúa lớn lên trong con người của mình. Mà Chúa ở trong lòng ta, Ngài thích được nuôi bằng gì ? Đơn giản thôi : Việc bổn phận hằng ngày trong vui tươi. Cứ đi làm, đi buôn, đi may, đi chợ. Cứ đi dạy, chạy xe, khuân vác… tức là cứ làm những việc ta phải làm hằng ngày, nhưng bơm thêm cho nó sinh tố vui tươi, xanh mát. sinh tố M. Sinh tố lòng Mến. Làm vì lòng mến Chúa, yêu người, thì ta đã nuôi Chúa lớn lên như thổi trong lòng của ta.

Mùa Vọng là mùa thai nghén. Hay Mùa vọng mùa tỉnh thức của kẻ thai nghén. Ta đã nhắc qua những gì kẻ thai nghén Chúa phải thức tỉnh canh chừng, để Chúa không bị sẩy (sẩy thai) để Chúa không bị phá (phá thai) mà Chúa sẽ lớn dần lên như thai nhi lớn lên trong lòng mẹ: người mẹ quên mình đi, thai nhi lớn lên mãi. Chúa phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại.

Mùa vọng là mùa thai nghén. Tỉnh thức của kẻ thai nghén. Xin Chúa giúp chúng con cưu mang Chúa cho xứng đáng, để Ngài càng ngày càng lớn lên trong chúng ta, và niềm vui của ngày sinh hạ, ngày giáng sinh 2015 này sẽ tràn đầy tâm hồn, gia đình, giáo xứ chúng ta, nếu chúng ta biết tỉnh thức lo sao cho “thai = Chúa” lớn lên trong ta. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tỉnh thức sẵn sàng
Lm. Vinh Sơn SCJ
10:12 28/11/2015
Chúa Nhật I Mùa Vọng C

TỈNH THỨC SẴN SÀNG

Gr 33,14-16; 1Tx 3,12–4,2; Lc 21,25-28.34-36

Đêm 15/04/1912, tàu Titanic dài 271 mét, rộng 28 mét, cao 22 mét, có 8 tầng lầu với đủ các tiện nghi, có phố chợ, hồ tắm, sân chơi, rạp hát, vườn bông, khách sạn, đang chạy trên vùng Bắc Đại Tây Dương thì đụng phải một núi băng trôi trên Đại Dương, con tàu lâm nguy và đã bị đắm, hơn 1.500 người thiệt mạng trong tổng số 2.223 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu. Đó là một trong những tai nạn đường biển khủng khiếp nhất trong lịch sử tàu biển từ trước tới nay… dù rằng con tàu được đóng với những kỹ thuật tiên tiến và được mệnh danh: Không thể chìm, nhưng dù có kiên cố và hiện đại đến đâu con tàu cũng bị chìm, tai nạn xảy ra do thiên nhiên…

Một trăm năm sau, đêm thứ Sáu ngày 13 tháng 01 năm 2012, một vụ đắm tàu được coi là vụ Titanic thứ hai đã xảy ra ở ngoài khơi vùng biển Giglio thuộc Italy, tàu có tên Costa Concordia đụng vào dải đá ngầm nổi tiếng ở đây, nước đã tràn vào mạn bên trái, tuy không chìm hẳn nhưng làm cho tàu nghiêng một bên. Con tàu gặp nạn là du thuyền sang trọng vĩ đại có trọng tải 114.500 tấn là con tàu lớn nhất được xây dựng tại Ý dài 290m, có 4 hồ bơi, 5 nhà hàng và 13 quán bar. Tai nạn đã làm thiệt mạng 32 người cùng 40 người bị thương trên tổng số 4000 du khách và đòan thủy thủ đoàn. Tai nạn không do hoàn cảnh thiên nhiên mà do con người - thuyền trưởng Francesco Schettino đã chủ quan khi điều khiển tàu đi quá gần đảo Giglio để kéo còi chào hỏi một vị cựu thuyền trưởng của tàu đang có ở trên đảo, vì vào quá gần đảo, mà bờ đảo này có rất nhiều bãi đá ngầm...

Cả hai tai nạn bất ngờ xảy ra, một do hoàn cảnh thiên nhiên: tàu Titanic đâm vào tảng đá băng trôi trên đại dương không thể tránh, một là do con người tự phụ thiếu trách nhiệm của vị thuyền trưởng. Nhưng chúng ta thấy đều có tính bất ngờ: Những con tàu dù vĩ đại, tân tiến áp dụng những kỹ thuật mời đều vẫn có thể chìm như Titanic con tàu mệnh danh không thể chìm nhưng cũng đã nằm trong lòng Đại dương, du thuyền vĩ đại như Costa Concordia cũng nằm trơ trước bãi đá ngầm….

Nhìn vào biến cố của hai thuyền vĩ đại, chúng ta hiểu tại sao Đức Giêsu đã kêu gọi khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức, hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức vì chúng ta không biết giờ nào ra tòa Chúa. Để chuẩn bị và nhắc nhở các người con của mình về ngày phán xét, hằng năm Giáo Hội tiếp tục going lên tiếng chuông của mùa Vọng: hãy tỉnh thức sẵn sàng. Mùa Vọng, tiếng La tinh là “Adventus” có nghĩa là “đến, hiện diện hay hiển trị”.

Mùa vọng như một “cái hẹn” của đầu năm Phụng vụ mời gọi chúng ta thức tỉnh, trước hết là để tham dự vào Mầu nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: kỉ niệm Chúa Kitô đã đến trần gian để cứu độ nhân loại. Nhưng qua đó cũng mời gọi chúng ta luôn thức tỉnh để đón Chúa đến xét xử cho chúng ta tham dự vào ngày khai sinh một nhân loại mới, ngày mà Đức Giêsu đã nói: “…Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 27-28)... Đó cũng là ngày chúng ta sống trong một thế giới mới với trời mới đất mới mà Đức Giêsu đã nói nhiều lần. Tỉnh thức để đợi chờ Đấng Mesiah đến để xét xử chúng ta và mặc khải Vương quốc vĩnh cửu cho những ai mang trái tim và ý thức tỉnh thức.

Biến cố Con Người ngự đến này là lời loan báo cốt yếu đối với Đức Giêsu khi rao giảng cho dân chúng: Người nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mc 8,38 //; 14,62 //; Mt 10,23; 13,41; 19,28; 25,31; Lc 12,8; 17,30; 18,8; v.v.).

Sống sứ điệp sẵn sàng theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu các tín hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Tỉnh thức tránh các cám dỗ sống trụy lạc và say sưa như Thánh Phaolo kêu gọi (x. 12,45; 1 Tx 5,6-7; Rm 13,13). Tỉnh thức là tránh các bận tâm thái quá về của cải vật chất, về những lo toan trần thế khiến người tín hữu có thể quay lưng lại với điều thiện hảo duy nhất đáng kể (x. Lc 8,14; 12,22-31; 17,27-28). Muốn tỉnh thức thì phải luôn sẵn sàng, bởi vì “ngày ấy” sẽ xảy đến thình lình (x. 1 Tx 5,3) và bắt chợt các dân cư trên mặt đất, như chiếc lưới của người thợ săn ụp xuống thình lình trên con mồi (x. Is 24,17).

Trong thực tế, theo Tin Mừng Luca, sẵn sàng chính là luôn luôn lo công việc mà Thầy đã giao phó cho các tôi tớ. Thái độ tỉnh thức là "thắt lưng cho gọn" và "thắp đèn cho sẵn". như người Quản gia được ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, cấp phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc". Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật: Người tôi tớ luôn sẵn sàng để khi chủ về thì mở cửa và ân cần phục vụ (Lc 12,35-48); (x. Mt 24,42-51, Mc 13,34-37; Lc 12,35-48). Mỗi người chúng ta là người quản lý của Thiên Chúa: tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp…tất cả đều là do Chúa ban tặng, phải luôn tỉnh thức sẵn sàng làm phát triển đời sống cho mình và cho tha nhân như một nguoi tôi tớ trung tín.

Tỉnh thức sẵn sàng như năm cô Khôn Ngoan trong Dụ ngôn Mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13) tỉnh thức là dự trữ đầy đủ dầu đèn “Tỉnh thức” ở đây, qua hình ảnh chiếc đèn đầy dầu, có nghĩa là lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Sự khác biệt giữa các cô khôn ngoan và các cô khờ dại là sẵn sàng đèn dầu. Nửa đêm, khi chàng rể đến, các cô khôn ngoan ra đón với đèn sáng trong tay, vì các cô có mang theo dầu dự trữ. Còn của các cô khờ dại đèn đã tắt do thiếu dầu. Lúc đó các cô mới chạy đi mua, nên không kịp hẹn hội Hoa đăng. Vậy tỉnh thức là ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan.

Tỉnh thức và “cầu nguyện luôn luôn không bao giờ nản chí”, như Người đã nhắc nhở sau khi phác ra Ngày của Con Người (x. Lc 18,1). Lời cầu nguyện liên lỉ giúp người tín hữu duy trì sự tỉnh thức mọi nơi, mọi lúc. Như thế họ sẽ có thể vượt qua các thử thách của thời cuối cùng và đứng vững trước sự xét xử của Con Người.

Trong Mùa Vọng chúng ta hãy khắc ghi lời khuyên nhủ của thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Rôma (Rm 13,11-14): khuyên các tín hữu “đừng mê ngủ nữa, hãy tỉnh thức vì Ngày tươi sáng đó rất gần rồi Giờ phần rỗi của chúng ta gần đến… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”. Cho nên hãy tỉnh thức sẵn sàng là hãy từ bỏ những việc làm đen tối, hãy cầm lấy khí giới của sự sáng mà chiến đấu, nghĩa là phải tích cực lọai trừ sự dữ , sống theo và cổ vũ sự thiện.

Một chân lý mà chắc chắn mọi người chúng ta đều nhìn nhận: Một ngày nào đó có thể xa có thể gần chúng ta sẽ chấm dứt cuộc đời. Đó là giờ chết, người Tin luôn xác tín rằng đó là giờ gặp Thiên Chúa, gặp Chúa để Chúa xét xử. Cho nên, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, chuẩn bị cho cuộc đời của mình đi gặp Chúa khi trong tư thế sống sẵn sàng lìa bỏ sự tăm tối và sống tốt lành thánh thiện như dân gian nói: ”Sống lành chết thiêng”. Cho nên chân phước Charles de Foucault khuyên nhủ: “ Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay ”.

Mỗi chúng ta được mời gọi:

“Hỡi người canh thức, đêm còn mấy chốc nữa?” (Is 21,11).

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 28/11/2015
 
''Ngày 13 thứ Sáu'' và mùa vọng cuộc đời
Lm Giuse Trương Đình Hiền
11:43 28/11/2015
“NGÀY 13 THỨ SÁU” VÀ MÙA VỌNG CUỘC ĐỜI

(Chúa Nhật I MÙA VỌNG NĂM C - Năm Phụng Vụ 2016)

Cho đến hôm nay, những thân nhân của chuyến bay MH 370 bị mất tích vào tháng 3.2014 vẫn còn đang trông chờ một tin vui, một tía hy vọng rằng ít nhất sẽ biết được chiếc máy bay đang ở đâu đó và những người thân cho dù có chết cũng tìm được tấm thân !

Thế nhưng đã 17 tháng rồi, MH 370 vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín.

Thưa ông bà và anh chị em.

Phụng vụ Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay cũng muốn gợi lên cho chúng ta tâm tình “đợi chờ”, “trông ngóng” ; đợi chờ một tin vui giữa bao nổi niềm cay đắng, trông ngóng một “bước chân ai đó” trở về từ tít tắp xa xăm.

Nhưng niềm hy vọng đó, nổi mong chờ đó có phải chỉ là một giấc mơ mong manh hảo huyền, một trông đợi viển vông vô ích !

Lời Chúa sẽ cho ta câu trả lời. .

Trước hết, Bài đọc 1, trình thuật sách ngôn sứ Giê-rê-mia, vị ngôn sứ xuất hiện trước Chúa Giêsu khoảng trên 600 năm, đã công bố rằng : “Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp”, bởi vì : “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít”.

Ở giữa cảnh lưu đầy nô lệ tăm tối, tin vui đó liệu có phải chỉ là một thứ “Rừng Mơ của Tào Tháo” nhằm giải quyết tạm thời nổi khát khao được giải thoát của những người Do Thái tha hương ?

Lời Chúa mãi mãi là sự thật. Cho dù, qua môi miệng các ngôn sứ, sự thật đó sẽ hiện thực sau cả mấy trăm năm, có khi cả ngàn năm.

Giê-rê-mi-a tiếp nối truyền thống “tiên tri” của những đại sứ ngôn tiền bối như Isaia, Mika, Hôsê, Amốt…; và lời loan báo hôm nay của Ông cũng đang hướng tới một “Ngôi Vị” mà Isaia đã từng báo trước : “Từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí của Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy…” (Is 11,1-2).

Vâng, hơn 600 năm sau lời tiên tri đó, Đấng là Em-ma-nu-en, là Hoàng tử Bình An, là Đấng Cứu thế, là Thiên Chúa Làm Người đã xuất hiện, không phải để chiếm lại một giải đất Pa-les-tine khô cằn sỏi đá hay đắc chí ngồi trên ngai vàng để thống trị vài chục triệu dân… ; nhưng là để giải phóng toàn diện lịch sử con người, là qui tụ toàn nhân loại trong một Vương Quốc bao la vĩnh cửu.

Hôm nay, bước vào Mùa Vọng, khai mạc một Năm Phụng vụ mới, Lời Chúa tiếp tục mượn chính lời tiên tri ấy nhắn gởi chúng ta hãy “hướng tâm hồn lên”, hãy “ngẫng cao đầu” để đón gặp một Đấng đang đến chính là Đức Ki-tô, Đấng một lần nữa đang đến ban ơn cứu độ cho chúng ta qua mầu nhiệm Phụng Vụ được cử hành và qua bao nhiêu con đường khác để đem lại niềm vui giải thoát, niềm hy vọng và hạnh phúc, chân lý và bình an cho tất cả chúng ta.

Thế nhưng, để nhận được niềm vui giải thoát, để được “an cư lạc nghiệp” trong Vương Quốc Nước Trời do Đức Kitô thiết lập, Lời Chúa tiếp tục dạy bảo chúng ta qua Thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Thê-sa-lô-ni-ca, nhất là qua trính đoạn Tin Mừng Luca.

Trước hết, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu giáo đoàn Thê-sa-lô-ni-ca hãy sống “tình thương yêu đối với nhau và với mọi người sao cho “đậm đà thắm thiết” và nỗ lực “sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa”.

Trong khi đó, trích đoạn Tin mừng hôm nay, Thánh Luca đã thuật lại một bài giáo lý của Đức Kitô được ngụ ngôn bằng những hình ảnh “khải huyền” mà nội dung cốt lỏi cũng chính là sắn sàng cho cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô bằng thái độ tỉnh táo, sắp sẵn qua những hình ảnh sinh động : “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, “chớ để lòng mình ra nặng nề chè chén say sưa…”

Quả thật, cũng như “màu tím khắc khổ của Mùa Chay”, Mùa Vọng khơi gợi lên một cuộc chiến đấu của đức tin, một hành trình sống đạo năng động, một cuộc dấn thân và lên đường vượt qua những tầm thường mỏi mệt, đầu hàng buông trôi…

Người ta nói rằng, dân Pháp sau biến cố “ngày 13 thứ Sáu” vừa qua đã trở lại. Họ trở lại cầu nguyện mà bấy lâu nay họ coi thường, họ trở lại với Thánh lễ, với ngày Chúa Nhật mà trước đó họ chỉ biết vui chơi hưởng thụ ; họ trở lại với niềm tin mà qua bao năm tháng họ nghĩ rằng chẳng có ích lợi gì trước những nhu cầu hưởng thụ và vật chất…

Trong cảnh báo của Chúa Giêsu mà Tin Mừng Luca thuật lại hôm nay cũng phần nào tương tự như biến cố ngày “13 thứ Sáu” vừa qua đó, hay như bao nhiêu tai nạn, chiến tranh, tàn sát, khủng bố mà thế giới chúng ta đang phải đối diện từng ngày.

Giờ đây, trong Thánh lễ nầy, một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đang và sắp xảy ra : Đức Kitô một lần nữa đang đến với chúng ta trong bàn tiệc Tạ Ơn nầy : Đức Kitô hôm, qua hôm nay và tận cùng vẫn là Đức Kitô của một “Chồi Non” bất diệt, Đức Kitô mới mãi, trẻ mãi, sinh động và đầy ắp yêu thương. Ngài là Mục Tử nhân lành hôm nay trở về để đưa chúng ta vào đồng xanh suối mát của ân sủng, của sự thật và tình yêu. Chúng ta vui mừng cử hành ngày Tân Niên Phụng Vụ trong tâm tình hân hoan, tin tưởng và trong thái độ khiêm tốn tạ ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nắm tay mà bước đi trên hành trình Mùa Vọng để tiến vể Đại Lễ Giáng Sinh với tất cả niềm hăng say phấn khởi và nỗ lực đổi mới cuộc đời cho đẹp hơn, thánh hơn, hiệp nhất hơn, yêu thương hơn . Amen.
 
Hãy dọn đường cho Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
20:50 28/11/2015
Chúa Nhật II MÙA VỌNG, năm C
Lc 3, 1-6

HÃY DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Mỗi năm Mùa Vọng đến, chúng ta lại được tiếp xúc với một nhân vật rất quan trọng.Đó là Gioan Tẩy Giả. Người ta nói không ngoa ,Gioan Tảy Giả là tiếng loa mời gọi con người dọn đường, dọn tâm hồn để đón Chúa. Tin Mừng thánh Luca dùng miệng ngôn sứ Isaia loan báo rằng :” Có tiếng người hô trong hoang địa :
Hãy dọn đường cho Chúa,
Sửa lối cho thẳng để Người đi.
Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy,
Mọi núi đồi phải bạt cho thấp,
Khúc quanh co, phải uốn cho ngay,
Đường lối lõm, phải san cho phẳng.
Rồi hết mọi người phàm
sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ “.

Nhân loại qua một thời gian dài hằng bao nhiêu thế kỷ đã chờ đợi Đấng Cứu Thế. Các ngôn sứ đã dọn đường để các thế hệ nhận ra thời điểm Đấng Cứu Độ tới trần gian. Đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay tường thuật rất tỉ mỉ về thời gian các Hoàng đế, các vị Lãnh đạo Đời và Đạo đang sống giai đoạn Gioan Tẩy Giả rao giảng ăn năn, sám hối, dọn đường cho Chúa. Thánh Luca viết năm thứ mười lăm đời Hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê. Các quận vương Hêrôđê, Philip, Lysania của thế giới người Do Thái gọi là dân bên ngoài, nghĩa là dân ngoại. Thượng tế Caipha và bố vợ của Ông là thượng tế Anna tuy không còn giữ chức thượng tế, nhưng đối với Dân Chúa, các Ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Dân Chúa luôn khao khát mong chờ Đấng Cứu Tinh đến với họ để họ được thoát khỏi ách thống trị của Đế Quốc La Mã và quy tụ họ về một mối. Đây là sự kiện của lòng tin. Con Thiên Chúa sẽ đến trong lịch sử nhân loại và chính trong lịch sử này, Con Thiên Chúa sẽ thực hiện chương trình cứu độ.

Lòng tin của Dân Chúa được biểu tỏ nơi các cuộc xuất hành. Các ngôn sứ đã cho Dân Chúa thấy bàn tay cứu rỗi và lòng nhân từ của Chúa. Chính Chúa đã cứu Dân của Người ra khỏi đất Ai Cập qua việc hướng dẫn của Môsê. Môsê và Aaron đã dẫn đưa Dân Chúa qua sa mạc, với bao thử thách, cam go để thanh luyện, thanh lọc và đưa Dân Chúa vào đất hứa. Chính Thiên Chúa đã giải thoát, cứu Dân Chúa ra khỏi cảnh lưu đầy nơi đất khách quê người để đưa về Giêrusalem quê hương, thành thánh và Chúa ngự trị giữa Dân của Người. Đó là những cuộc xuất hành đem lại an bình, hạnh phúc cho Dân Chúa nhờ lòng tin của họ vào Đấng Cứu Thế.

Tuy nhiên, cuộc xuất hành mà các ngôn sứ loan báo và được Gioan Tẩy Giả tiếp tục rao giảng hoàn toàn khác với các cuộc xuất hành trong quá khứ. Đây là cuộc xuất hành từ cõi chết qua cõi sống mà người hướng dẫn không ai khác: “ chính là Con –Thiên- Chúa- Làm -Người “.

Vâng, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả không dọn đường để chúng ta đón mừng Chúa nơi Hang Đá Bêlem, nhưng Ngài loan báo mọi người đón chờ Con Thiên Chúa trong ngày sau hết. Gioan Tẩy Giả rao giảng sự thống hối khi Đấng Cứu Thế đang ở giữa mọi người. Sự thống hối phải có để được ơn tha thứ. Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả trùng hợp với lời rao giảng của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu khai mạc sứ vụ rao giảng công khai :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “.

Mọi Kitô hữu phải qui hướng về Chúa, tin tưởng và bám chặt lấy Chúa.Bởi vì chính cuộc đời của Chúa, Giáo huấn, phép lạ và những việc Ngài làm trong lịch sử, chính là con đường dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ, đưa chúng ta đến sự sống. Do đó, Mùa Vọng mọi người chúng ta càng ngày càng phải đào sâu Giáo lý của Ngài, tìm hiểu cuộc sống và những việc Ngài đã làm để củng cố lòng tin và để chúng ta xác tín mạnh mẽ, Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta đến Quê hương đích thực là Nước Trời. Chúng ta phải mau mắn trở thành những ngôn sứ rao giảng sự thống hối và giới thiệu Nước Chúa Kitô.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Gioan Tẩy Giả là ai ?
2.Gioan Tẩy Giả rao giảng gì ?
3.Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả có trùng hợp với lời rao giảng khi Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai của Ngài không ?
4.Mùa Vọng chúng ta phải làm gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cha Raniero Cantalamessa được mời thuyết giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo
Đặng Tự Do
01:05 28/11/2015
Cha Raniero Cantalamessa, linh mục dòng Capuchin Phanxicô, là giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng từ năm 1980, đã được mời giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo hôm 24 tháng 11 vừa qua.

Cha Cantalamessa nói với các nhà lãnh đạo Anh giáo nhóm họp tại một tu viện ở Westminster rằng “chúng ta không bao giờ có thể để cho một vấn đề luân lý chẳng hạn như vấn đề tính dục có thể chia rẽ chúng ta đến mức là cả tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô cũng không còn có thể liên kết được chúng ta nữa.”

Ngài nói thêm:

“Chúng ta cần phải quay trở lại thời điểm các thánh Tông Đồ. Các ngài phải đối mặt với một thế giới chưa được Kitô hóa, trong khi chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới phần lớn là hậu Kitô giáo”.

“Thế giới Kitô giáo đang chuẩn bị kỷ niệm một trăm năm cuộc Cải Cách Tin Lành. Điều quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội là cơ hội này không thể bị lãng phí bởi những người vẫn tiếp tục là tù nhân của quá khứ, nằng nặc tranh biện xem ai đúng, ai sai. Thay vào đó, chúng ta hãy thực hiện một bước nhảy vọt lên phía trước về phẩm chất, tạo ra một cơ chế giống như những gì xảy ra khi các cửa cống của một con sông hay một kênh đào được đóng mở tự động ngõ hầu cho phép tàu thuyền có thể di chuyển bất kể thủy triều như thế nào.”
 
Lễ nghi tiễn Đức Thánh Cha tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi
VietCatholic Network
04:52 28/11/2015
Thứ Sáu 27 tháng 11 là ngày cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kenya.

Ban sáng, Đức Thánh Cha đã thăm khu phố nghèo Kangemi ở Nairobi lúc 8:30 sáng trước khi có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasarani lúc 10 giờ.

Sau thánh lễ, ngài đã gặp gỡ các Giám Mục Kenya trong phòng khánh tiết của sân vận động lúc 11:15.

Lúc 15:10 ngày thứ Sáu 27 tháng 11, lễ nghi tiễn Đức Thánh Cha bay sang Uganda đã diễn ra tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi.

Đoàn xe của Đức Thánh Cha từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã đến sân bay quốc tế Jomo Kenyatta.

Các em thiếu nhi và hàng trăm thanh niên đang nhảy múa theo những điệu nhạc truyền thống của Kenya.

Phái đoàn của Tòa Thánh đang tiến ra từ trong phòng khánh tiết của sân bay.

Tổng thống Kenyatta tháp tùng Đức Thánh Cha ra chân thang máy bay.

Tổng thống đang bắt tay cám ơn các vị trong phái đoàn Tòa Thánh.

Ban quân nhạc đại diện các quân binh chủng Kenya đang trỗi quốc thiều Vatican và Kenya.

Đại diện các quân binh chủng Kenya đã chào Đức Thánh Cha theo lễ nghi quân cách.

Sau đó, Đức Thánh Cha và phái đoàn Tòa Thánh lên máy bay để bay sang Uganda.
 
Đức Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Đền Các Thánh Tử Đạo Uganda
Vũ Văn An
05:06 28/11/2015
Từ 7 giờ sáng ngày 28 tháng 11, hàng chục ngàn người đã tiến vào Đền Các Thánh Tử Đạo Uganda ở Namugongo để tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành vào lúc 9 giờ 30.

Trước khi cử hành Thánh Lễ này, Đức Phanxicô tới kính viếng ngôi đền kính 23 vị tử đạo của Anh Giáo bị xử tử do lệnh của nhà vua cuối thế kỷ 19. Tại đây, ngài được một vị giám mục Anh Giáo nghinh đón và đưa đi tham quan Đền Thánh.

Sau đó, ngài tới kính viếng 22 vị tử đạo Công Giáo cũng bị xử tử do cùng vị vua trên vào cùng một thời kỳ, nhiều vị bị thiêu sống vì không chịu từ bỏ đức tin. Các vị được phong hiển thánh vào năm 1994.

Nhiều tín hữu có mặt tại địa điểm hành lễ từ trưa thứ Sáu, hôm trước. Họ cắm lều và trải chiếu qua đêm lạnh. Đức Phanxicô tới đây lúc 9 giờ 30 sáng trên giáo hoàng xa để trống cửa. Dân chúng vỗ tay vang dội. Xe của Đức Giáo Hoàng lượn vòng quanh, Ngài dơ tay chào các tín hữu.

Tổng Thống Uganda, Yoweri Museveni, cũng tham dự Thánh Lễ này. Và nhiều đoàn người vẫn tiếp tục tuôn vào địa điểm hành lễ sau khi Đức Phanxicô đã tới.

Sau đây là nội dung bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ hôm nay:

“Các con sẽ nhận lãnh sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con; và các con sẽ là các chứng tá của Thầy ở Giêrusalem và khắp miền Giuđêa và Samaria và ở tận cùng thế giới” (Cv 1:8).

Từ thời các Tông Đồ cho tới tận thời ta, hàng đoàn chứng tá vĩ đại đã đứng lên công bố Chúa Giêsu và biểu lộ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta tưởng niệm với lòng biết ơn sự hy sinh của các vị tử đạo Uganda; chứng tá tình yêu của các ngài đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người quả đã đi tới “tận cùng thế giới”. Chúng ta cũng tưởng niệm các vị tử đạo Anh Giáo; cái chết vì Chúa Kitô của các ngài chứng thực cho nền đại kết bằng máu. Tất cả các chứng tá này đều đã nuôi dưỡng ơn phúc của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của các ngài và đã tự ý làm chứng cho đức tin của các ngài vào Chúa Giêsu Kitô, dù phải hy sinh mạng sống, nhiều người tuổi còn trẻ.

Chúng ta cũng đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để làm chúng ta trở nên con cái nam nữ của Thiên Chúa, nhưng cũng để chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu và làm cho Người được biết đến và được yêu mến ở mọi nơi. Chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần khi được tái sinh trong Phép Rửa, và chúng ta được tăng sức mạnh nhờ ơn thánh của Người trong Phép Thêm Sức. Ngày nào chúng ta cũng được mời gọi thâm hậu hóa sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống ta, để “thổi lửa lên” cho ơn phúc yêu thương thần thánh của Người ngõ hầu ta trở thành nguồn khôn ngoan và sức mạnh cho người khác.

Ơn Chúa Thánh Thần là một ơn nhằm được chia sẻ. Nó hợp nhất chúng ta với nhau như tín hữu và như chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta không nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần cho mình mà thôi, mà để xây đắp lẫn nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nghĩ tới các Thánh Joseph Mkasa và Charles Lwanga, những vị, sau khi được người khác dạy giáo lý cho, đã muốn chuyển giao ơn phúc các vị vừa lãnh nhận. Các vị làm điều đó trong thời kỳ nguy hiểm. Không những đời sống các vị bị đe dọa mà cả đời sống những bé trai do các vị săn sóc nữa. Vì các vị biết chăm sóc đức tin của các vị và luôn thâm hậu hóa tình yêu Thiên Chúa của các vị, nên các vị không sợ sệt trong việc đem Chúa Kitô đến cho người khác, dù phải hy sinh mạng sống. Đức tin của các vị trở thành chứng tá; hôm nay, được tôn kính như những vị tử đạo, gương sáng của các vị tiếp tục linh hứng cho mọi con người trên khắp thế giới. Các vị tiếp tục công bố Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Thập Giá.

Giống các vị tử đạo, nếu ngày nào ta cũng thổi lửa cho ơn Chúa Thánh Thần đang ngự trong trái tim ta, thì chắc chắn ta sẽ trở thành các môn đệ truyền giáo như Chúa Kitô đã kêu gọi. Chắc chắn, cho gia đình và bạn hữu ta, nhưng còn cho những người ta không quen biết, đặc biệt là những người có thể không thân thiện với ta, thậm chí còn thù nghịch với ta nữa. Sự cởi mở đối với người khác này bắt đầu trước hết trong gia đình, trong tổ ấm của ta, vốn là nơi để ta học tập đức ái và sự tha thứ, cũng như lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa mà ta biết được nhờ tình yêu của cha mẹ ta. Tình yêu này cũng tìm được biểu thức trong việc ta săn sóc người già và người nghèo, cô nhi và quả phụ.

Bà mẹ và 7 người con trai trong Sách Macabê Thứ Hai (7:1-2, 9-14) khuyến khích lẫn nhau trong cơn thử thách lớn lao thế nào, thì chúng ta, trong tư cách thành viên của gia đình Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trợ giúp lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và dẫn nhau tới sự sống viên mãn như thế. Ở đây, với lòng biết ơn, tôi nghĩ tới tất cả những vị, giám mục, linh mục, những người tận hiến nam nữ, cà các giáo lý viên, những người, trong rất nhiều cách, đang giúp nâng đỡ các gia đình. Mong sao Giáo Hội tại đất nước này tiếp tục, nhất là qua các cộng đồng giáo xứ, giúp đỡ các cặp trẻ tuổi trong việc chuẩn bị hôn nhân của họ, khuyến khích các cặp sống dây hôn phối trong yêu thương và trung thành, và trợ giúp các bậc phụ huynh trong nhiệm vụ hàng ngày làm các thầy cô đầu tiên của con cái họ về đức tin.

Giống các Tông Đồ và các vị tử đạo Uganda đi trước chúng ta, chúng ta cũng đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để trở nên các môn đệ truyền giáo được kêu gọi ra đi và đem Tin Mừng đến cho mọi người. Có lúc, việc này có thể đưa ta tới tận cùng thế giới, làm các nhà truyền giáo ở phương xa. Việc này chủ yếu đối với viện loan truyền Nước Thiên Chúa, và tôi luôn yêu cầu anh chị em đáp ứng nhu cầu này. Nhưng ta không cần phải đi xa mới trở thành các môn đệ truyền giáo. Thực vậy, ta chỉ cần mở mắt ra và nhìn thấy các nhu cầu của gia đình ta và của cộng đồng ta là hiểu được rằng có biết bao cơ hội đang chờ đợi ta.

Cả ở đây, các vị tử đạo Uganda cũng chỉ đường cho ta. Đức tin của các ngài mưu cầu điều tốt cho mọi người, kể cả nhà vua đã kết án các ngài vì đức tin của các ngài. Phản ứng của các ngài là lấy tình yêu đáp trả hận thù và do đó đã tỏa chiếu vẻ sáng lạn của Tin Mừng.Các ngài không chỉ nói với nhà vua điều Tin Mừng không cho phép, mà còn lấy đời mình chứng tỏ việc nói “xin vâng” với Chúa Giêsu thực sự có nghĩa gì. Nó có nghĩa là thương xót và trong sạch trong lòng, hiền lành và khó nghèo trong tinh thần, và khao khát sự công chính vì hy vọng ở phần thưởng đời đời.

Chứng tá của các vị tử đạo chứng tỏ cho tất cả những ai từng nghe câu truyện của các ngài, lúc ấy cũng như bây giờ, rằng các vui khoái trần gian và sức mạnh trần thế không đem lại niềm vui hay hòa bình lâu dài. Đúng hơn, lòng trung thành với Thiên Chúa, sự trung thực và sống liêm chính, biết quan tâm đích thực tới thiện ích của người khác mới đem tới cho ta nền hòa bình mà thế gian không thể cho. Điều này không giảm thiểu quan tâm của ta đối với thế giới, như thể ta chỉ biết trông mong sự sống sắp đến. Thay vào đó, nó đem lại mục đích cho đời sống ta trên trái đất, và giúp ta vươn tay ra với những người thiếu thốn, hợp tác với người khác vì ích chung, và xây dựng một xã hội công bình hơn biết cổ vũ nhân phẩm, bảo vệ ơn phúc sự sống Chúa ban và bảo vệ các kỳ công trong thiên nhiên, vốn là tạo thế của Người và là căn nhà chung của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là di sản mà anh chị em đã nhận lãnh từ các vị tử đạo Uganda, những cuộc đời có ấn tín sức mạnh Chúa Thánh Thần, những cuộc đời mà cả ngày nay vẫn làm chứng cho sức mạnh biến đổi của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Di sản này không được phục vụ bằng những buổi tưởng niệm khi tới dịp hay bằng việc trưng bầy nó trong bảo tàng viện như một đồ trang sức quý giá. Đúng hơn, chúng ta tôn vinh các ngài, và mọi vị thánh, mỗi khi ta tiếp nối việc làm chứng cho Chúa Kitô của các ngài, trong nhà và trong khu xóm, trong nơi làm việc và trong xã hội dân sự, bất luận ta chưa bao giờ rời nhà hay đang đi tới những ngõ ngách xa xôi nhất của thế giới.

Xin các thánh tử đạo Uganda, cùng với Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, cầu bầu cho chúng ta, và xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu thần thánh của Người!

Omukama Abawe Omukisa! (Xin Thiên Chúa chúc làh cho anh chị em!)
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ tại Đền Các Thánh Tử Đạo Uganda
VietCatholic Network
10:53 28/11/2015
Từ 7 giờ sáng thứ Bẩy 28 tháng 11, hàng chục ngàn người đã tiến vào Đền Các Thánh Tử Đạo Uganda ở Namugongo để tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào lúc 9 giờ 30.

Trước khi cử hành Thánh Lễ này, Đức Phanxicô đến kính viếng ngôi đền kính 23 vị tử đạo của Anh Giáo bị xử tử do lệnh của một vị vua cuối thế kỷ 19. Tại đây, Đức Thánh Cha được một vị giám mục Anh Giáo nghinh đón và đưa đi thăm Đền Thánh.

Sau đó, ngài tới kính viếng 22 vị tử đạo Công Giáo cũng bị xử tử do cùng vị vua trên vào cùng một thời kỳ, nhiều vị bị thiêu sống vì không chịu từ bỏ đức tin. Các vị được phong hiển thánh vào năm 1994.

Nhiều tín hữu có mặt tại địa điểm hành lễ từ trưa thứ Sáu, hôm trước. Họ cắm lều và trải chiếu qua đêm lạnh. Đức Phanxicô tới đây lúc 9 giờ 30 sáng trên một chiếc xe trống trải không có kính chắn đạn. Dân chúng vỗ tay vang dội. Xe của Đức Giáo Hoàng lượn vòng quanh, Ngài vẫy tay chào các tín hữu.

Tổng Thống Uganda, Yoweri Museveni, cũng tham dự Thánh Lễ này. Và nhiều đoàn người vẫn tiếp tục tuôn vào địa điểm hành lễ sau khi Đức Phanxicô đã tới.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói

“Các con sẽ nhận lãnh sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con; và các con sẽ là các chứng nhân của Thầy ở Giêrusalem và khắp miền Giuđêa và Samaria và cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1:8).

Từ thời các Tông Đồ cho tới tận thời ta, hàng đoàn chứng tá vĩ đại đã đứng lên công bố Chúa Giêsu và biểu lộ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta tưởng niệm với lòng biết ơn sự hy sinh của các vị tử đạo Uganda; chứng tá tình yêu của các ngài đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người quả là đã đi tới “tận cùng thế giới”. Chúng ta cũng tưởng niệm các vị tử đạo Anh Giáo; cái chết vì Chúa Kitô của các ngài chứng thực cho nền đại kết bằng máu. Tất cả các chứng tá này đều đã nuôi dưỡng ơn phúc của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của các ngài và đã tự ý làm chứng cho đức tin của các ngài nơi Chúa Giêsu Kitô, dù phải hy sinh mạng sống, nhiều người tuổi còn rất trẻ.

Chúng ta cũng đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để làm chúng ta trở nên con cái nam nữ của Thiên Chúa, nhưng cũng để chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu và làm cho Người được biết đến và được yêu mến ở mọi nơi. Chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần khi được tái sinh trong Phép Rửa, và chúng ta được tăng sức mạnh nhờ ơn thánh của Người trong Phép Thêm Sức. Ngày nào chúng ta cũng được mời gọi thâm hậu hóa sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống ta, để “thổi lửa lên” cho ơn phúc yêu thương thần thánh của Người ngõ hầu ta trở thành nguồn khôn ngoan và sức mạnh cho người khác.

Ơn Chúa Thánh Thần là một ơn nhằm được chia sẻ. Nó hợp nhất chúng ta với nhau như tín hữu và như chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta không nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần cho mình mà thôi, mà để xây đắp lẫn nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nghĩ tới các Thánh Joseph Mkasa và Charles Lwanga, những vị, sau khi được người khác dạy giáo lý cho, đã muốn chuyển giao ơn phúc các vị vừa lãnh nhận. Các vị làm điều đó trong thời kỳ nguy hiểm. Không những đời sống các vị bị đe dọa mà cả đời sống những bé trai do các vị săn sóc cũng bị đe dọa. Vì các vị biết chăm sóc đức tin của các vị và luôn thâm hậu hóa tình yêu Thiên Chúa của các vị, nên các vị không sợ sệt trong việc đem Chúa Kitô đến cho người khác, dù phải hy sinh mạng sống. Đức tin của các vị trở thành chứng tá; hôm nay, được tôn kính như những vị tử đạo, gương sáng của các vị tiếp tục linh hứng cho mọi con người trên khắp thế giới. Các vị tiếp tục công bố Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Thập Giá.

Giống như các vị tử đạo, nếu ngày nào ta cũng thổi lửa cho ơn Chúa Thánh Thần đang ngự trong trái tim ta, thì chắc chắn ta sẽ trở thành các môn đệ truyền giáo như Chúa Kitô đã kêu gọi. Chắc chắn, cho gia đình và bạn hữu ta, nhưng còn cho những người ta không quen biết, đặc biệt là những người có thể không thân thiện với ta, thậm chí còn thù nghịch với ta nữa. Sự cởi mở đối với người khác này bắt đầu trước hết trong gia đình, trong tổ ấm của ta, vốn là nơi để ta học tập đức ái và sự tha thứ, cũng như lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa mà ta biết được nhờ tình yêu của cha mẹ ta. Tình yêu này cũng tìm được biểu thức trong việc ta săn sóc người già và người nghèo, cô nhi và quả phụ.

Bà mẹ và 7 người con trai trong Sách Macabê quyển Thứ Hai (7:1-2, 9-14) khuyến khích lẫn nhau trong cơn thử thách lớn lao thế nào, thì chúng ta, trong tư cách thành viên của gia đình Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trợ giúp lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và dẫn nhau tới sự sống viên mãn như thế. Ở đây, với lòng biết ơn, tôi nghĩ tới tất cả những vị, giám mục, linh mục, những người tận hiến nam nữ, cả các giáo lý viên, những người, trong rất nhiều cách, đang giúp nâng đỡ các gia đình. Mong sao Giáo Hội tại đất nước này tiếp tục, nhất là qua các cộng đồng giáo xứ, giúp đỡ các cặp trẻ tuổi trong việc chuẩn bị hôn nhân của họ, khuyến khích các cặp sống dây hôn phối trong yêu thương và trung thành, và trợ giúp các bậc phụ huynh trong nhiệm vụ hàng ngày làm các thầy cô đầu tiên của con cái họ về đức tin.

Giống các Tông Đồ và các vị tử đạo Uganda đi trước chúng ta, chúng ta cũng đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để trở nên các môn đệ truyền giáo được kêu gọi ra đi và đem Tin Mừng đến cho mọi người. Có lúc, việc này có thể đưa ta tới tận cùng thế giới, làm các nhà truyền giáo ở phương xa. Việc này là thiết yếu đối với sứ vụ loan truyền Nước Thiên Chúa, và tôi luôn yêu cầu anh chị em đáp ứng nhu cầu này. Nhưng ta không cần phải đi xa mới trở thành các môn đệ truyền giáo. Thực vậy, ta chỉ cần mở mắt ra và nhìn thấy các nhu cầu của gia đình ta và của cộng đồng ta là hiểu được rằng có biết bao cơ hội đang chờ đợi ta.

Cả ở đây, các vị tử đạo Uganda cũng chỉ đường cho ta. Đức tin của các ngài mưu cầu điều tốt cho mọi người, kể cả nhà vua đã kết án các ngài vì đức tin của các ngài. Phản ứng của các ngài là lấy tình yêu đáp trả hận thù và do đó đã tỏa chiếu vẻ sáng lạn của Tin Mừng.Các ngài không chỉ nói với nhà vua điều Tin Mừng không cho phép, mà còn lấy đời mình chứng tỏ việc nói “xin vâng” với Chúa Giêsu thực sự có nghĩa gì. Nó có nghĩa là thương xót và trong sạch trong lòng, hiền lành và khó nghèo trong tinh thần, và khao khát sự công chính vì hy vọng ở phần thưởng đời đời.

Chứng tá của các vị tử đạo chứng tỏ cho tất cả những ai từng nghe câu chuyện của các ngài, lúc ấy cũng như bây giờ, rằng các vui khoái trần gian và sức mạnh trần thế không đem lại niềm vui hay hòa bình lâu dài. Đúng hơn, lòng trung thành với Thiên Chúa, sự trung thực và sống liêm chính, biết quan tâm đích thực tới thiện ích của người khác mới đem tới cho ta nền hòa bình mà thế gian không thể cho. Điều này không giảm thiểu quan tâm của ta đối với thế giới, như thể ta chỉ biết trông mong sự sống sắp đến. Thay vào đó, nó đem lại mục đích cho đời sống ta trên trái đất, và giúp ta vươn tay ra với những người thiếu thốn, hợp tác với người khác vì ích chung, và xây dựng một xã hội công bình hơn biết cổ vũ nhân phẩm, bảo vệ ơn phúc sự sống Chúa ban và bảo vệ các kỳ công trong thiên nhiên, vốn là tạo thế của Người và là căn nhà chung của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là di sản mà anh chị em đã nhận lãnh từ các vị tử đạo Uganda, những cuộc đời có ấn tín sức mạnh Chúa Thánh Thần, những cuộc đời mà cả ngày nay vẫn làm chứng cho sức mạnh biến đổi của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Di sản này không được phục vụ bằng những buổi tưởng niệm khi tới dịp hay bằng việc trưng bầy nó trong bảo tàng viện như một đồ trang sức quý giá. Đúng hơn, chúng ta tôn vinh các ngài, và mọi vị thánh, mỗi khi ta tiếp nối việc làm chứng cho Chúa Kitô của các ngài, trong nhà và trong khu xóm, trong nơi làm việc và trong xã hội dân sự, bất luận ta chưa bao giờ rời nhà hay đang đi tới những ngõ ngách xa xôi nhất của thế giới.

Xin các thánh tử đạo Uganda, cùng với Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, cầu bầu cho chúng ta, và xin Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu thần thánh của Người!

Omukama Abawe Omukisa! (Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em!)

Bản dịch của Vũ Văn An
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 70 ngàn bạn trẻ Kenya
VietCatholic Network
15:16 28/11/2015
Sáng ngày 27 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 70 ngàn bạn trẻ Kenya và mời gọi họ chống lại óc bộ tộc, nạn tham ô và đừng bao giờ mất hy vọng.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại sân thể thao chính của thủ đô Nairobi, được kiến thiết cách đây gần 30 năm để làm nơi diễn ra các cuộc tranh tài thể thao Liên Phi châu. Hồi năm 2010, thao trường này đóng cửa để trùng tu trong 2 năm trời do một công ty Trung Quốc đảm trách với sự tài trợ của Chính Phủ Bắc Kinh. Sau 2 năm, sân bóng đá này được mở lại và có thể chứa được 70 ngàn khán giả. Cạnh đó cũng có một số hội trường thể thao nhỏ hơn cho các bộ môn khác như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, võ thuật và thể dục...

Cả tổng thống Uhuru Kenyatta và nhiều vị lãnh đạo chính quyền cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ, được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa với các bài thánh ca và vũ điệu.

Một số đại diện các bạn trẻ đã trình bày chứng từ và nêu lên những thắc mắc xin Đức Thánh Cha trả lời.

Đức Thánh Cha đã bỏ bài huấn dụ dọn sẵn và trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, và một linh mục thuộc bộ ngoại giao Tòa Thánh, người Anh nhưng sinh trưởng ở Gibraltar cạnh Tây Ban Nha, đã thông dịch trực tiếp ra tiếng Anh cho các bạn trẻ.

Một bạn trẻ đã nêu câu hỏi: “Tại sao có những người trẻ đầy lý tưởng lại bị trào lưu tôn giáo cực đoan chiêu dụ, xa rời gia đình và sự sống? Tại sao có những chia rẽ, chiến tranh, chết chóc, cuồng tín và tàn phá nơi giới trẻ?”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng đó là một câu hỏi mà chúng ta cũng phải đặt ra cho các vị lãnh đạo chính quyền: nếu một người trẻ nam, nữ, không có công ăn việc làm, hoặc không thể học, thì họ có thể làm gì? Có thể họ lâm vào vòng phạm pháp, rơi vào vòng nghiện ngập, có thể tự tử, và tại Âu Châu người ta thường không công bố những con số thống kê về tự tử, hoặc những người trẻ ấy có thể dấn thân vào một hoạt động tỏ cho họ thấy một mục tiêu của cuộc sống, nhưng mục tiêu ấy cũng có thể là một sự lừa đảo..

Đức Thánh Cha nói: “để tránh cho một người trẻ bị chiêu dụ như thế, cần phải có giáo dục và công ăn việc làm, vì nếu không có việc làm và không được giáo dục, thì họ có thể mong đợi một tương lai như thế nào?”. Ngài cũng bình luận rằng cám dỗ chạy theo trào lưu cực đoan và cuồng tín một cách nào đó cũng liên hệ tới một hệ thống quốc tế bất công, đặt kinh tế ở vị trí trung tâm: nó không đặt con người nhưng đặt tiền bạc ở chỗ đứng thứ nhất”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại những trang đầu tiên trong Kinh Thánh, có một người anh giết em mình: tinh thần sự ác đưa chúng ta tới hủy diệt, chia rẽ, nó đưa chúng ta tới óc bộ tộc, tham nhũng, ma túy, tàn phá vì cuồng tín”.

- Về óc bộ tộc, Đức Thánh Cha hỏi: “Các bạn giống như những thể tháo gia, khi họ chơi ở sân banh, họ muốn thắng cuộc, hoặc như những người đã bán chiến thắng cho người khác và lấy tiền bỏ túi?”

Tinh thần bộ tộc tàn phá quốc gia, đó là thái độ có những bàn tay giấu kín ở sau lưng, mỗi tay cầm một cục đá để ném vào người khác..

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Ta có thể thắng óc bộ tộc với đôi tai, hỏi người anh em tại sao lại như thế, và lắng nghe câu trả lời của họ. Tệ nạn đó có thể thắng được nhờ con tim, nhờ bàn tay giơ ra để đối thoại.. Nếu các bạn không muốn đối thoại, và không muốn nghe nhau, thì luôn luôn sẽ còn óc bộ tộc làm băng hoại xã hội”.

Đến đây, Đức Thánh Cha mời một số bạn trẻ đến gần ngài, kể cả tổng thống Uhuru Kenyatta, và chính quyền, đứng lên, tất cả cầm tay nhau, như một dấu chỉ chống lại óc bộ tộc: tất cả chúng ta là một quốc gia, và con tim của chúng ta cũng phải như vậy. Chiến thắng óc bộ tộc phải là một công việc mỗi ngày: công việc lắng nghe, cởi mở com tim với người khác”

- Trả lời một câu hỏi khác về nạn tham nhũng, tham ô, Đức Thánh Cha nhận xét: Không những trong chính trị, nhưng trong mọi tổ chức kể cả Vatican, đều có tham ô. Nó lẻn vào như đường ngọt, như bánh ngọt làm cho người ta thích. Đó là điều dễ dàng, nhưng ai rơi vào cái vòng đó thì rốt cuộc sẽ có hậu quả xấu: chúng ta rốt cuộc sẽ trở thành những người bị bệnh tiểu đường, và đất nước chúng ta sẽ trở nên bệnh hoạn”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Mỗi lần chúng ta nhận tiền hối lộ, thì chúng ta phá hủy con tim của mình, nhân cách của chúng ta và cả đất nước của chúng ta nữa. Xin các bạn vui lòng đừng có sở thích ăn đồ ngọt là nạn tham ô như thế”.

Ngài cũng kể lại trường hợp một thanh niên Á Căn Đình rất nhiệt tình đối với chính trị và đã tìm được việc làm trong một bộ. Vì phải quyết định mua một đồ cho văn phòng, anh ta cứu xét 3 dự chi và chọn dự án thích hợp nhất. Nhưng người xếp của anh hỏi: Tại sao anh lại chọn dự án này? Anh phải chọn dự án nào có thể làm cho anh có nhiều tiền để bỏ túi”.

Đức Thánh Cha nói: “Xin các bạn đừng rơi vào nạn tham ô. Nếu chúng ta thấy mọi người quanh chúng ta đều tham ô, thì cũng như trong mọi sự, chúng ta phải bắt đầu từ mình, phải thay đổi: nếu bạn không bắt đầu thì người bên cạnh bạn cũng không bắt đầu. Nạn tham ô tham nhũng cướp mất niềm vui và an bình của chúng ta. Người tham ô không sống trong an bình”.

Giã từ các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đi tới phòng danh dự cách đó 250, cũng thuộc Sân vận động, để gặp chung Hội Đồng Giám Mục Kenya gồm 30 vị thuộc 26 giáo phận toàn quốc. Sau lời chào mừng của Đức Cha Chủ tịch Philip Anyolo, ngài còn trao đổi với các vị trong 45 phút, cho đến 12 giờ trưa, rồi trở về tòa Sứ Thần cách đó 20 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

Lúc quá 3 giờ chiều, Đức Thánh Cha ra phi trường quốc tế của thủ đô Nairobi để đáp máy bay sang Uganda, chặng thứ hai trong cuộc viếng thăm của ngài tại Phi châu.
 
ĐGH Phanxicô :Hãy sống đức tin như Các Thánh Tử Đạo Uganda
Giuse Thẩm Nguyễn
20:45 28/11/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxico đã đến Uganda: Hãy Tôn kính các Thánh Tử đạo bằng cách sống đức tin qua hành động cụ thể.

KAMPALA, Uganda (CNS). Đức Giáo Hoàng đã mời gọi các tín hữu Uganda hãy sống đức tin như các thánh tử đạo Uganda ở thế kỷ thứ 19. Ngài cũng nhắc đến những cực hình mà 45 thánh tử đạo, gồm các giáo sĩ Anh Giáo truyền thống và Công Giáo đã phải chịu.

Vào sáng ngày 28 tháng 11, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm đền thờ truyền thống Anh Giáo và viện bảo tàng nằm ngay trên khu đất nơi mà các thánh tử đạo đã bị chết. Nơi đây có trưng bày các hình tượng diễn tả lại cảnh các thánh tử đạo bị tra tấn, bị trói và bị ném vào lửa.

Đức Giáo Hoàng tỏ ra xúc động mạnh khi Đức Tổng Giám Mục Stanley Ntagali của Uganda giải thích về việc các thánh tử đạo đã phải chịu nhục hình như thế nào theo lệnh của vua Mwanga II vào cuối thập niên 1800.

Sau đó Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ ngoài trời bên ngoài một đền thờ Công Giáo để mừng kính các thánh tử đạo. Ngôi đền thờ này có một cái hồ nước nhân tạo và cơ quan an ninh Uganda đã dùng thuyền để tuần tra an ninh trong suốt buổi lễ.

Trong bài giảng, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã tôn vinh các thánh tử đạo, nhấn mạnh đến việc các ngài đã cùng chia sẻ niềm tin vào Chúa Giêsu và đã hiến mình làm nhân chứng qua “sự hiệp thông bằng máu.”

Tôn vinh các thánh tử đạo không có nghĩa là cử hành nghi lễ vào ngày lễ tôn kính các ngài, nhưng phải được thực hiện hằng ngày qua cách cư xử công bình và sự chăm sóc yêu thương dành cho mọi người, trong gia đình, lối xóm, nơi làm việc và trong cộng đồng mình sống.

Ngài nói “ Quy hướng nhìn về Chúa không làm cho chúng ta lơ là với thế giới này như thể chúng ta chỉ trông chờ đời sau. Thực ra, sống với Chúa giúp chúng ta nhận ra mục đích của cuộc sống này, giúp chúng ta đến gần những người cần giúp đỡ, để cùng chung vai vì lợi ích chung, xây dựng một xã hội công bình, trong đó nhân phẩm được tôn trọng, bảo vệ món quà sự sống của Thiên Chúa, bảo vệ những kỳ quan thiên nhiên, những tạo vật của Người và ngôi nhà chung là thế giới của chúng ta.”

Những thử thách đau thương về đức tin của giới trẻ Uganda đã làm cho Đức Giáo Hoàng bãi bỏ bài diễn văn Ngài đã soạn sẵn để đọc trong buổi gặp họ chiều nay mà thay vào đó là phần trả lời trực tiếp các câu hỏi của giới trẻ đặt ra với Ngài.

Cô Winnie Nansumba, 24 tuổi thưa với Đức Giáo Hoàng rằng cô sinh ra với bệnh HIV từ bụng mẹ và “như bao cô gái khác, con rất khó để tìm được tình yêu vì con nghĩ rằng con không có quyền yêu và được yêu.”

Cuối cùng cô cho biết sẽ dùng câu chuyện đời mình để chỉ cho những người khác về bệnh HIV hay AIDS, đặc biệt là “chúng ta phải tôn trọng sự sống của chính mình và của những người khác,” thay đổi cách cư xử để tránh lây lan bệnh cho người khác.

“Chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và biết được tình trạng bệnh HIV của mình. AIDS là sự thật, nhưng nó có thể ngăn ngừa và quản lý được.” Cô cho biết có khoảng 150 ngàn thanh niên tụ tập tại đường băng Koloso để mong nhìn thấy được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng.

Được biết, hơn 7 phần trăm người lớn ở Uganda bị nhiễm HIV và hằng chục ngàn người tiếp tục bị lây nhiễm mỗi năm. Theo cơ quan AIDS của Liên Hiệp Quốc, vì bạo lực tình dục và vì thiếu sự giáo dục, cho nên phụ nữ trẻ ở Uganda có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất. Cũng theo số liệu của cơ quan này, có tới 4.2 phần trăm phụ nữ ở độ tuổi từ 15-24 mắc bệnh HIV, trong khi số đàn ông ở tuổi này mắc bệnh là 2.4 phần trăm.

Đức Giáo Hoàng đã không nói về bệnh AIDS hay sự phòng ngừa bệnh này, nhưng Ngài nói về việc vượt qua nỗi thất vọng và chiến đấu cho cuộc sống của con người.

Ngài nhấn mạnh đến lòng dũng cảm, đặc biệt của Nansumba và Emmanuel Odokonyero, người đã nói về việc bị phiên quân “Lord’s Resistance Army” bắt cóc năm 2003, bị tra tấn và đã trốn thoát sau ba tháng. Phiến quân này từ năm 1980 đến nay đã bắt cóc hằng ngàn trẻ em và đẩy hàng trăm ngàn người phải chạy trốn vào các trại tỵ nạn.

Đức Giáo Hoàng nói với hai bạn trẻ rằng “ Máu các thánh tử đạo đang chảy trong huyết quản của các bạn. Đó là lý do tại sao đức tin của các bạn lại rất mạnh mẽ như thế.”

Đức Giáo Hoàng kêu gọi các bạn trẻ hãy tìm sự thử thách tích cực nơi những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống, hãy tín thác vào Chúa Giêsu để Ngài biến đổi những đau khổ thành niểm vui và hãy chạy đến cùng Mẹ Maria khi gặp đau khổ, giống như em bé chạy đến mẹ mình sau mỗi lần té ngã và bị đau đớn.

Buổi chiều Đức Giáo Hoàng đã đến thăm nhà Bác Ái trong khu phố Kampala’s Nalukolongo, điều hành bởi các nữ tu Dòng Chăn Chiên Lành. Nhà gồm 102 người già và những người khuyết tật trầm trọng. Theo Đức Giám Mục Robert Muhiirwa, Fort Portal, chủ tịch ủy ban Y tế Uganda thì những người sống ở nhà này có độ tuổi từ 11 đến 107 tuổi.

Đức Giáo Hoàng nói rằng “Gia đình của chúng ta cần phải trở nên dấu chỉ tình yêu của lòng kiên nhẫn và lòng thương xót của Chúa, không những cho con cháu và những người thân yêu của chúng ta, mà còn cho tất cả mọi người khi cần được phục vụ. Những giáo xứ của chúng ta không được đóng cửa, không được bịt tai trước tiếng kêu cứu của người nghèo. Đó là con đường nên thánh của các môn đệ Chúa Kitô. ”

Đức Giáo Hoàng cám ơn các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành vì “gương trung tín” mà họ đã thể hiện nơi Nhà Bác Ái, trung tín với người nghèo, với người tàn tật vì Chúa Kitô hiện diện với những anh chị em bé mọn này.

Sau 11 giờ làm việc trong ngày, Đức Giáo Hoàng có buổi gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và các chủng sinh. Ngài nói với họ về sự quan trọng của việc ghi nhớ những gương sống đức tin của các thánh tử đạo, tiếp tục trung thành với ơn gọi và cầu nguyện mỗi ngày. Ngài nói tiếp “ Đất nước Uganda được thấm bằng máu của các thánh tử đạo sẽ luôn cần những nhân chứng mới cho đức tin.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo khu Phanxico Xavier mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh
05:18 28/11/2015
Melbourne, vào lúc 3.30 chiều thứ Bảy, Ngày 28/11/2015. Tại Nhà thờ Thánh Martin de Porres vùng Avondale Height. Giáo khu Phanxicô Xavier thuộc Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã hân hoan mừng kính lễ bổn mạng giáo khu sớm, vì ngày kính Thánh là đầu Tháng 12.

Mời coi hình

Với một ngày thời tiết tương đối đẹp, mọi người đủ mọi thành phần trong giáo khu, khách mời và các ban ngành đoàn thể trong cộng đoàn đã về ngôi nhà Chúa để tham dự Thánh lễ. Thánh lễ được Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân SSS Quản nhiệm Cộng đoàn, đồng tế cùng Linh mục Vincent Lê Thành Nhân Chánh xứ Saint Martin de Porres. Ca đoàn Babylon phụ trách phần Thánh ca đã dùng tiếng hát, lời ca thánh thót, ca khen chúc tụng cảm tạ Chúa, làm cho buổi lễ thêm long trọng và sốt sắng.

Trước Thánh lễ, vị đại diện giáo khu đã lên đọc qua tiểu sử về Thánh Phanxicô Xavier. Một vị thánh sống trong gia đình quý tộc, giầu sang, trí thức. Nhưng nghe tiếng Chúa gọi đã bỏ hết danh vọng, để lên đường đi rao giảng tin mừng, đưa Chúa đến với muôn dân trên khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong phần chia sẻ lời Chúa, Linh mục quản nhiệm cũng nhắc lại những nhân đức của Thánh nhân, với gương truyền giáo sáng ngời, Ngài có tinh thần mạo hiểm ở vào thời kỳ mà mọi phương tiện đi lại còn rất thô sơ, rất khó khăn để đi từ nơi này đến nơi kia. Những con tầu thô sơ lênh đênh trên biển cả hằng mấy tháng trời với đủ mọi hiểm nguy rình rập. Thế mà Thánh nhân đã không mệt mỏi, từ nan, ngài đã đi đến những nơi mà con người chưa biết đến tin mừng của Chúa. Từ Ấn Độ, Mã Lai, qua Nhật rồi Trung Hoa, mang hạt giống đức tin đi gieo vãi để đến hôm nay, hoa qủa có được từ những công việc người làm để lại cho chúng ta một cánh đồng đức tin mầu mỡ triển nở toàn phương Đông. Ước gì mọi thành viên trong Giáo khu cũng noi gương Thánh bổn mạng hăng hái rao giảng và mở rộng nước Chúa.

Trong ngày lễ bổn mạng Giáo khu năm nay, Giáo Khu Phanxico Xavier, đã hân hoan giới thiệu ban chấp hành giáo khu mới, để điều hành Giáo khu với các thành phần như sau:
Trưởng ban ông Đặng Cao Thắng
Phó ban ông Trần Công Hùng kiêm phân khu Fatima
Phó ban bà Phạm Thu Thanh kiêm phân khu La Vang
Phó ban ông Nguyễn Xuân Tiến
Phụng vụ ông Nguyễn Xuân Thuy
Thư ký ông Bùi Đình Tuấn.
Ông trưởng giáo khu mới lên cám ơn quý Cha, quý ban ngành trong cộng đoàn, ca đoàn, cùng tất cả mọi thành phần Dân Chúa trong giáo khu. Và để tỏ lòng tri ân những đóng góp phục vụ Giáo khu của ông cựu trưởng Giáo khu sau 13 năm phục vụ, ban chấp hành đã trao quà cám ơn, cùng chụp hình lưu niệm trong sự chúc mừng của toàn thể cộng đoàn.

Sau Thánh lễ là bữa tiệc mừng được tổ chức thật vui tại hội trường giáo xứ, để mọi người có dịp gặp chào nhau trong tình con một Chúa trong giáo khu, cùng với phần văn nghệ Karaoke thật vui.
 
Phỏng vấn Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh
Ban mục vụ TTXH Kontum
10:19 28/11/2015
PHỎNG VẤN Đức Cha MICAE HOÀNG ĐỨC OANH

Ngày 27/11/2015 vừa qua, Ban Mục Vụ Truyền Thông Xã Hội Giáo phận Kontum có dịp gặp Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo Phận Kontum, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chập thuận đơn xin nghỉ hưu theo Giáo luật 104,1 từ ngày 07.10.2015.

Sau 12 năm coi sóc Giáo phận Kontum, Đức Cha đã chia sẻ những tâm tư, ước nguyện cũng như những trăn trở và thao thức của mình.

PV: Con xin kính chào Đức Cha! Lời đầu tiên con xin cảm ơn Đức Cha đã dành thời gian cho ban mục vụ truyền thông xã hội của Giáo phận để chia sẻ những tâm tư, tình cảm cũng như những trăn trở, thao thức của Đức Cha trong vai trò Giám mục Giáo phận trong thời gian qua.

PV: Trước hết, Đức Cha có thể chia sẻ cho chúng con những kỉ niệm sâu sắc nhất của Đức Cha trong thời gian làm Giám mục của mình?


Đức Cha: Xin chào cha và anh chị em.

Kỷ niệm thì nhiều. Với tôi, giờ phút này, tôi nhớ tới những người, những sự việc đã xảy ra ở nhiều nơi trong Giáo phận, nhất là ở những vùng sống “3 không” – không nơi thờ phượng, không linh mục, không sinh hoạt tôn giáo bình thường.

PV: Chúng con được biết, Đức Cha là một trong những người rất có hồn tông đồ, hay đúng hơn là lửa tông đồ, vậy trong những năm qua Đức Cha đã quan tâm, ưu tiên đến hoạt động Tông đồ trong Giáo phận như thế nào và điều gì làm cho Đức Cha thật sự hài lòng?

Đức Cha: Tôi đã chọn bậc thang giá trị đời mục vụ và truyền giáo theo thứ tự ưu tiên như sau :

1- Trước nhất là : Đào tạo nhân sự, đặc biệt giới trẻ, từ đó có ơn gọi linh mục tu sĩ thừa sai.

2- Thứ đến : góp phần nâng cao mực sống người dân.

3- Thứ ba là : Xây dựng cơ sở như nhà cửa, nơi thờ tự….

PV: Xin Đức Cha có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm Tông đồ của mình cho chúng con.

Đức Cha: Nói về kinh nghiệm sống, tôi nghĩ tới 2 điều :

1- Nghĩ ngay tới Chúa Giêsu 3 Đ : Sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi! Tôi cố noi theo Ngài bằng cách đến thăm được càng nhiều anh chị em khắp mọi miền càng tốt! Với tôi : “Đường là nhà, xe là giường, máy bay là khách sạn”. Đến với dân để học làm người với dân : đó là khởi điểm của sứ vụ loan báo Tin Mừng.

2- “Chúa là chủ lích sử”. Ngay cả trên thập giá, Ngài cũng tha thứ và từ nấm mồ, Ngài đã phục sinh. “Chúa luôn viết chữ thẳng trên đường cong!”.

PV: Kết thúc thời gian coi sóc Giáo Phận Kontum trong vai trò Giám mục, bên cạnh những tâm tình về những điều Đức Cha vừa chia sẻ, vậy đâu là những trăn trở, thao thức của Đức Cha về công tác mục vụ của Giáo phận và cần phải quan tâm, ưu tiên hơn nữa?

Đức Cha: Điều tôi ưu tiên quan tâm hiện nay là : Làm sao đem Tin Mừng yêu thương và sự thật đến cho mọi người, cách riêng cho giới trẻ trong xã hội hôm nay? Cho tôi hỏi nhỏ : Anh chị em có thể ngồi viết lách hoặc dễ dàng đọc sách hay suy gẫm giữa nơi ồn áo náo nhiệt không? Tâm trạng tôi lúc này cũng thế!

Này nhé Đất Nước : Nhờ phương diện truyền thông hiện đại, nhiều sự kiện tiếp diễn làm cho những người thiết tha với đồng bào quê hương Việt Nam, KHÔNG THỂ vô cảm. Mật ước Thành Đô, với tôi, vẫn là một thắc mắc và một bận tâm : Nó có thật không? Nhà hữu trách tới nay không một ai lên tiếng? Những người bị ghép cho danh hiệu “phản quốc, bán nước”, không một ai cải chính!? Với những ai tha thiết tới tiền đồ Đất Nước không thể dửng dưng! Nếu đúng như mạng Internet nói, thì quả là khủng khiếp và nguy to! Nếu đúng thì thời điểm 2020 nó lù lù xấn tới nơi rồi! “Người phương bắc đang hiện diện như da beo” khắp nơi trên Đất Việt – từ hàng hoá cho chí con người – phải chăng là những dấu đáng nghi ngại?! Nghĩ đến đó làm sao an tâm chỉ lo cho việc đạo, việc riêng….!!! Mất Nước, mọi chuyện khác hoá ra “nhỏ”và rồi ở với ai, với kiếp nô lệ mới!? Mất nước là mất tất cả! Tôi có bi quan quá không?

Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ và tự hỏi : Lớp trẻ - tương lai của Giáo Hội và Xã Hội - đang được hấp thụ một nền giáo dục nào? Một nền giáo dục quá nặng tính vật chất, công khai chống Trời (Thiên Chúa) chống Đất (môi trường sinh thái), một nền giáo dục coi nhẹ lịch sử và nặng tính chính trị phe phái, báo trước một tương lai đen tối cho mọi người cũng như cho tiền đồ Đất Nước. Các anh chị có nghĩ vậy không?

PV: Chúng con ghi nhận tất cả những tâm tình và thao thức của Đức Cha cũng như bao tâm tư của những người mang trong mình ý thức hệ, đều quan tâm, trăn trở với các thế hệ trẻ. Thưa Đức Cha, trải qua một thời gian khá dài trong vai trò Giám mục chánh tòa Giáo Phận Kontum, chắc hẳn Đức Cha có nhiều kinh nghiệm trong việc coi sóc Giáo phận, vậy Đức Cha có muốn chia sẻ một vài điều đối với vị Tân Giám mục, người sẽ kế nhiệm Đức Cha trong thời gian tới?

Đức Cha: Chúa Thánh Thần sẽ nói với Ngài. Khẩu hiệu Giám Mục của Ngài “Caritas in Veritate : Lòng Mến Trong Sự Thật” đã nói quá rõ con đường phục vụ Ngài đã chọn. Chính khẩu hiệu giới thiệu Ngài sẽ là một người mục tử khôn ngoan và hiền lành như lòng Chúa mong muốn vậy! (x. Mt 11, 29)!

PV: Một lần nữa chúng con rất cảm ơn về những chia sẻ thân tình và cởi mở của Đức Cha vừa rồi. Cầu xin Thiên Chúa ban nhiều ơn lành trên Đức Cha. Xin Đức Cha tiếp tục cầu nguyện để Giáo phận chúng ta ngày càng đón nhận nhiều hồng ân Thiên Chúa và mỗi Kitô hữu luôn cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của mình./.

BAN MỤC VỤ TTXH

Giáo Phận Kontum thực hiện
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sứ điệp 4 cây nến mùa vọng.
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:07 28/11/2015
Sứ điệp 4 cây nến mùa vọng.

Bên Âu Châu – ít là bên Đức - có tập tục từ xa xưa mỗi khi đến mùa vọng, mùa chuẩn bị đón mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh xuống trần thế làm người, trong các nhà thờ, ở tư gia hay các nơi công cộng, người ta treo trên cao hay đặt nằm trên bàn, một vòng tròn bện bằng cành lá cây thông, lá cây tùng tươi xanh.

Tập tục vòng mùa vọng không thấy có bên Việtnam quê nhà. Trên vòng lá cây này nơi bốn góc có bốn cây nến to hoặc mầu trắng, hoặc mầu tím hoặc mầu đỏ. Đó là vòng mùa vọng với bốn Cây Nến.

Đâu là ý nghĩa vòng mùa vọng với bốn cây nến ?

Vòng mùa vọng được bện theo hình tròn không có khởi đầu và cũng không có tận cùng như hình mặt trời. Vòng tròn là biểu hiệu cho Thiên Chúa, Đấng không có khởi đầu và cùng tận.

Vòng được bện bằng các cành lá cây thông xanh tươi. Mầu xanh tươi tốt là biểu hiệu của niềm hy vọng, của tương lai cho đời sống luôn luôn đổi mới. Chúa Giêsu giáng sinh làm người là niềm hy vọng tương lai cho đời sống.

Bốn cây nến này được lần lượt đốt lên từ Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng trước lễ Giáng sinh. Chúa Nhật thứ nhất mùa vọng một cây nến được thắp sáng lên, Chúa Nhật thứ hai hai cây nến , Chúa Nhật thứ ba ba cây nến và Chúa Nhật thứ tư cả bốn cây nến.

Bốn cây nến được lần lượt thắp sáng trong bốn tuần muốn nói lên ý nghĩa: Nứơc Thiên Chúa cũng triển nở lần lượt như bốn cây nến được thắp lên cho tới ngày lễ Chúa Giêsu giáng sinh, đấng là ánh sáng trần gian. Ánh sáng bốn cây nến toả ra bốn phương trời đất trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Bốn cây nến là mốc cho bốn chặng đường, bốn tuần lễ chuẩn bị đón mừng lề Thiên Chúa xuống thế làm người. Trong thời gian này Hội thánh Công Giáo kêu mời mọi người dành thời giờ dọn tâm hồn đón mừng lễ Chúa xuống làm người, lễ ánh sáng mặt trời công chính.

Cây nến là hình ảnh Chúa Giêsu, đấng là ánh sáng trần gian ( Gioan 8,12 ). Ánh sáng toả ra từ cây nến không làm chói mắt khi nhìn thẳng vào nó, nhưng cảm thấy thi vị đầm ấm. Khi nhìn thẳng vào Chúa Giêsu trong nhà tạm, khi tiếp nhận người qua tấm Bánh Thánh Thể, khi nghe lời người trong phúc âm, ta không có cảm giác khó chịu, nhưng trái lại tìm được bình an ơn tha thứ làm hoà cho tâm hồn. Một điều rất cần thiết cho cuộc sống thể xác lẫn tâm hồn.

Khi cây nến được đốt lên cũng cắt nghĩa về hình ảnh Chúa Giêsu. Chất sáp làm nên cây nến là hình ảnh thân xác con người của Chúa Giêsu. Thân xác con người được Thiên Chúa dựng nên có khởi đầu, có phát triển, có những yếu đuối bệnh tật giới hạn và sau cùng có cùng tận. Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, sống cuộc sống hy sinh của con người như chất sáp bị cháy hao mòn thiêu huỷ.

Còn ngọn lửa đốt sáng cây nến là hình ảnh bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa và cũng là người, nên ngài có hai bản tính: Thiên Chúa và con người.

Ngọn lửa đốt cháy chất sáp và tỏa ra ánh sáng hơi ấm tình yêu cho mọi người.

Bốn cây nến chung quanh “vòng mùa vọng“ mang bốn sứ điệp đến cho con người:
Cây nến thứ nhất chiếu ánh sáng Hoà bình cho những tâm hồn có lòng khoan dung nhân ái.
Cây nến thứ hai mang ánh sáng Niềm Tin cho những tâm hồn khao khát tìm về với Chúa là cội nguồn của đời sống.
Cây nến thứ ba chiếu toả hơi ấm Tình Yêu cho những tâm hồn tìm sống tình liên đới với người khác.
Cây nến thứ tư mang niềm Hy vọng cho những tâm hồn cần niềm vui phấn khởi.

Bốn Cây Nến Mùa Vọng loan báo sứ mạng của Chúa Giêsu xuống trần gian làm người với và cho con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long