Ngày 28-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cách sống hiện tại biện minh cho phúc/tội trong tương lai
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:51 28/11/2008
Chúa Nhật I Mùa Vọng/B

Cách sống hiện tại biện minh cho phúc/tội trong tương lai


(Mc 13,33-37)

Mùa vọng là thời gian giúp chúng ta biết hướng nhìn đến giải đáp của đức tin: Tương lai của vũ trụ và của con người là chính Ðức Kitô. Trong ngày sau cùng, không phải sự hư không, sự vô nghĩa hay sự trống rỗng sẽ ngự trị trên vũ trụ, nhưng chính Ðức Kitô tái quang lâm. Không phải một quyền lực vô danh nào đó điều khiển cuộc sống chúng ta, nhưng là «một ai đó»! Người là Ðấng quen biết và yêu thương chúng ta, và Người cũng là Ðấng chúng ta quen biết và đang tìm cách yêu mến. Người nắm gọn trong tay cả vũ trụ và lịch sử con người. Tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta cũng đều sẽ gặp gỡ Người. Người là tương lai của toàn thể vũ trụ! Ðó chính là lý do cho niềm hy vọng đầy phấn khởi và sự lạc quan của đức tin Kitô giáo. Bởi vậy, chúng ta vẫn luôn có thể có được sự lạc quan của đức tin đó, dù cho bao vấn đề bức xúc còn tồn đọng, dù cho tương lai trước mắt của cuộc sống đang làm cho chúng ta lo âu và đầy sợ hãi khi đưa mắt nhìn về ngày mai. Niềm hy vọng Kitô giáo và sự tin tưởng vào biến cố tái quang lâm của Ðức Kitô dĩ nhiên không có nghĩa là một sự tự tín nông nổi và cho rằng người ta có thể không cần đến những cố gắng bản thân.

Ông chủ được đề cập tới trong bài Tin Mừng hôm nay, khi bỏ nhà để trẩy đi xa, «đã trao quyền lại cho các đầy tớ của ông, chỉ định mỗi người một việc» (Mc 13,34). Trong ngày ông trở về, các người đầy tớ phải tính sổ và trình bày với ông về những việc họ đã làm. Vì thế, trong khi ông vắng mặt, họ không được bất động và khoanh tay ngồi chờ, nhưng phải lo sắp xếp công việc trong nhà và chu tất bổn phận đã được giao phó cho mình. Mỗi người phải hoàn thành tốt bổn phận của mình, không ai có thể làm thay cho người khác được. Khi ông chủ trở về, ông sẽ kiểm tra lại các công việc đã trao phó, xem các người đầy tớ của ông có phải là những người quản lý tốt hay không!

Cũng vậy, khi tái quang lâm, Ðức Kitô sẽ tra hỏi chúng ta - các Kitô hữu, các đầy tớ của Người - về những trách nhiệm và những bổn phận mà Người đã trao phó cho chúng ta, về lòng trung thành, sự can đảm, sự nhẫn nhục, sự yêu mến chân lý của chúng ta, cũng như sự sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm của mình. Nhưng trước hết, Người sẽ tra hỏi chúng ta về đức ái, về thái độ đối với tha nhân.

Một ngày nào đó, chủ nhà sẽ trở về, nhưng ông về một cách đột ngột, không báo trước và cũng không ai có thể ngờ trước được. Ông sẽ trở về vào lúc ít ai để ý tới. Việc ông đến là đích điểm cuối cùng. Vì thế, ông sẽ cân nhắc và phê phán mỗi người và mỗi việc một cách công minh sáng suốt, đúng với mức độ khả năng, hoàn cảnh và tinh thần của mỗi người trong công việc của mình. Khốn thay cho những đầy tớ nào mất nết, lười biếng và cứ say sưa «ngủ dài», vì cứ đinh ninh rằng ông chủ của họ sẽ không bao giờ trở lại nữa, chứ không lo tỉnh thức và hoàn thành bổn phận đã được ông trao phó cho, thì đúng lúc đó ông chủ trở về! Khốn thay cho bọn họ! Số phận họ đã được định đoạt!

Nhưng ai là người Kitô hữu? - Ðể trả lời cho câu hỏi đó, đã có nhiều câu trả lời rất chính xác. Nhưng ở đây và trong ngày tháng Mùa Vọng này, tôi xin giới thiệu thêm một câu trả lời khác: Người Kitô hữu là người xác tín rằng Ðức Kitô là trọng tâm và là cứu cánh của vũ trụ, và nỗ lực sống theo đức tin đó! Lời nguyện của Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay cũng thiết tha nguyện xin: «Lạy Thiên Chúa toàn năng, tất cả mọi sự đều qui phục dưới chân Chúa. Xin cho chúng con biết làm những việc lành phúc đức để đón chào Con Chúa đang ngự đến và được Người cho ngồi bên hữu, khi Người trở lại. Amen»
 
Canh thức: một thái độ dấn thân vào đời
Phanxicô Xaviê
10:40 28/11/2008
Canh thức: một thái độ dấn thân vào đời

Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi. Nhiều thế hệ Do Thái chờ đợi thời cuối cùng của thế giới, cũng như thời Thiên Chúa quang lâm. Toàn bộ chương 13 của Tin Mứng Marcô ghi lại diễn từ Cánh Chung của Chúa Giêsu. Diễn từ này kết thúc bằng lời kêu gọi canh thức và cầu nguyện. Với giọng văn khải huyền, Đức Giêsu đã nói về cuộc quang lâm của người:

- Sẽ có cùng tận cho Giêrusalem cũng như cho thế giới.
- Sẽ có bách hại và thử thách cho tín hữu.
- Và Chúa sẽ quang lâm.

Trong sứ mệnh trần thế, Chúa Giêsu không có quyền ấn định hoặc tiết lộ điều gì. Ngày tận thế không thuộc về lịch sử loài người, nhưng hoàn toàn nằm trong ý định Chúa Cha. (x Mc 13, 1-27)

Chính vì vậy mà Đức Giêsu đã kêu gọi hết thảy mọi người: Phải canh thức !

Lý do phải canh thức vì người ta không biết lúc nào Chúa sẽ đến, chỉ biết phải chờ đợi Người sẽ đến cách bất ngờ, như việc ông chủ trẩy đi phương xa mà không biết ngày giờ ông trở về.

Canh thức ở đây là làm sao sống vững vàng trước những thử thách cám dỗ, sống trung tín trong cuộc sống hiện tại, với niềm hy vọng hướng về tương lai cánh chung. Canh thức chính là sống ngay từ bây giờ bằng tất cả trách nhiệm và lương tâm Công Giáo, không dửng dưng với thực tại trần thế, nhưng luôn làm cho nó thấm đượm những giá trị Tin Mừng.

Trong dụ ngôn người gác cửa, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc canh thức để chờ đợi chủ trở về. Như vậy, đối tượng được chờ đợi không phải là một biến cố, một sự kiện mà chính là một con người cụ thể. Chờ đợi và gặp gỡ chính Chúa Giêsu..

Chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa về những việc Người đã trao phó trước đây. Do đó, canh thức không phải là một đòi hỏi người ta phải bỏ hết mọi việc để chỉ chú tâm vào việc cầu nguyện hay những việc đạo đức thuần túy. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng còn trình bày cho thấy, những người đầy tớ, người gác cửa vẫn phải làm phần việc của mình trong lúc chờ chủ về. Và canh thức chính là làm tốt những công việc được trao phó. Như vậy, canh thức không có nghĩa là trốn chạy thế gian và những vấn đề của nó, nhưng chính là thái độ dấn thân đi vào đời để chu toàn bổn phận, trách nhiệm của một Kitô hữu, một công dân chân chính.

 
Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Ngài
Phaolô Phạm Xuân Khôi
15:57 28/11/2008
Chú giải Thánh Thư Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A (1 Cr 1:3-9)

Tuần trước trong khi mừng Lễ Đức Kitô làm Vua Vũ Trụ, chúng ta cũng tôn Người làm Vua lòng mình để Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi sự của chúng ta. Hôm nay mở đầu Mùa Vọng, Thánh Phaolô nhắc nhở về những hồng ân Chúa ban để chúng ta cùng với ngài cảm tạ Thiên Chúa và sống trung thành cho đến cùng trong khi chờ đợi ngày trở lại vinh quang của Vua Giêsu. Ngài nhắc cho chúng ta rằng tất cả những gì chúng ta có đều là hồng ân Chúa ban cách nhưng không. Đức Kitô đã ban cho chúng ta mọi sự. Với Lời Người, Người dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về Thiên Chúa, không phải chỉ hiểu biết xuông mà là một sự hiệp thông với Ngài qua Người. Ân sủng kéo chúng ta đến cùng Thiên Chúa, soi sáng tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta một trái tim biết phân biệt điều gì đẹp lòng Chúa. Nhờ cộng tác với ân sủng, ngày Chúa đến sẽ là ngày hồng phúc thay vì ngày kinh hãi đối với chúng ta.

Câu 3. Chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô.

Câu này là phần thứ ba của công thức chào mừng thông dụng trong hầu hết các Thư của Thánh Phaolô (1Cor 1:3, 2Cor 1:2, Gal 1:3, Eph 1:2, Php 1:2, Col 1:2, 1Thes 1:1, 2Thes 1:2; Phm 1:3). Đây không phải là một lời cầu chúc xã giao mà là một lời cầu nguyện mở đầu của ngài. Đúng hơn phải dịch là: “Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô ở cùng anh em”. Thánh Phaolô không cầu chúc giàu sang thịnh vượng như cầu chúc ân sủng và bình an.

Ân sủng. Ân sủng là một ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Chúa ban để ta trở thành con cái Ngài. Ân sủng cho ta tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Ân sủng của Ðức Kitô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Ngài. Ðó là ơn thánh hóa hay thần hóa ta nhận được trong bí tích Thánh Tẩy. Ơn này là một trạng thái siêu nhiên bền vững, hoàn thiện hóa linh hồn để chúng ta có thể sống với Thiên Chúa và hành động nhờ tình yêu của Ngài. Chúng ta phân biệt ơn thường sủng và ơn hiện sủng. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên để sống và làm theo tiếng gọi của Thiên Chúa, còn ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa lúc khởi đầu cuộc hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa (x. GLCG 1996-2000).

Ngoài mục đích thánh hóa chúng ta, ân sủng cũng gồm các ơn giúp ta có khả năng cộng tác vào việc cứu độ tha nhân và phát triển Hội Thánh. Ðó là các ân sủng bí tích, mỗi bí tích ban ơn riêng. Ngoài ra, còn có đặc sủng qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Trong các đặc sủng, có các ơn chức phận được ban cho người thi hành các nhiệm vụ của đời Kitô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Hội Thánh. Vì ân sủng thuộc bình diện siêu nhiên, nên vượt tầm kinh nghiệm của ta, và chỉ nhận biết được bằng đức tin, nên ta không thể dựa vào tình cảm hay các việc làm để kết luận rằng ta đã được công chính hóa và được cứu rỗi. Tuy nhiên, việc suy niệm về các ơn Chúa trong đời ta và các thánh, cho ta một bảo đảm rằng ân sủng đang hoạt động trong ta, giúp cho đức tin của ta thêm lớn mạnh, và tín thác hơn vào Thiên Chúa (x. GLCG 2003-2005).

Bình an. Thường chúng ta hiểu bình an là tình trạng không có chiến tranh. Nhưng bình an ở đây phải hiểu là bình an của Thiên Chúa dành cho những người Chúa thương (Lc 2:14); bình an mà các môn đệ Chúa đem đến cho những ai sẵn sàng đón nhận Lời Chúa (Mt 10:12-13). Bình an mà chính Chúa Giêsu mang xuống trần và để lại cho chúng ta (Ga 14:27) trước khi Người về trời (Ga 20:21, 26). Chúng ta chỉ có bình an này khi sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Như vậy người nào có ân sủng Chúa thì người ấy có bình an. Hội Thánh chúc bình an này cho chúng ta ở cuối Thánh Lễ để chúng ta mang ân sủng vừa lãnh được nơi Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể về với đời sống thường nhật. Chúng ta sẽ đem bình an đến cho môi trường chúng ta đang sống, là gia đình, sở làm, giáo xứ, xã hội,…, nếu chúng ta để cho Lời Chúa ngự trị cách dồi dào trong chúng ta như Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy để bình an của Ðức Kitô ngự trị trong tâm hồn anh em, vì anh em đã được mời gọi để hưởng ơn bình an đó trong cùng một thân thể. Và anh em hãy biết ơn. Hãy để Lời Ðức Kitô ngự cách dồi dào trong anh em” (Col 3:15-16).

Câu 4. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa thay cho anh em. Thực ra ở đây Thánh Phaolô dùng chữ “Thiên Chúa của tôi” như trong Rm 1:8 và Phl 1:3, chứ không phải Thiên Chúa xuông. Trong xã hội thời đó, có nhiều quan niệm khác nhau về Thiên Chúa như quan niệm của chủ nghĩa phiếm thần chẳng hạn. Là một nhà truyền giáo, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Thiên Chúa mà ngài nói ở đây là “Thiên Chúa của tôi” chứ không phải Thiên Chúa theo nghĩa nào khác. Ngày nay có nhiều thần học gia Công Giáo và nhiều nhà truyền giáo không dám nói về “Thiên Chúa của tôi” mà chỉ nói về một Thiên Chúa khơi khơi vì họ sợ đụng chạm đến các tôn giáo khác, hay vì chính họ nghĩ rằng Thiên Chúa nào cũng là Thiên Chúa. Thánh Phaolô cảm tạ Thiên Chúa thay cho các tín hữu Côrinthô vì ngài thừa nhận rằng ngài chỉ là công cụ trong việc truyền giáo, còn Chúa Thánh Thần mới là Đấng tác động trong lòng họ và giúp họ mở lòng ra lãnh nhận ơn Chúa và hiểu biết Lời Chúa.

Những ơn mà Thánh Phaolô nói ở đây chính là những ân sủng Chúa đã ban cho các tín hữu Côrinthô trong Đức Kitô. Theo Thánh Phaolô thì tất cả mọi sự tốt lành chúng ta có đều do Thiên Chúa ban:Có gì anh em có mà anh em đã không nhận lãnh? Nhưng nếu anh em đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự hào như là đã không lãnh nhận?” (1 Cor 4:7). Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng ngay cả việc chuẩn bị con người đón nhận ân sủng cũng là một công trình của ân sủng. Việc chuẩn bị này cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, vào việc thánh hóa nhờ đức ái. Thiên Chúa tự do đi bước trước, và Ngài muốn con người tự do đáp trả. Chỉ khi tự nguyện, con người mới có thể bước vào hiệp thông tình yêu (x. GLCG 2001-2002).

Câu 5. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết,

Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch câu này là: “Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người." Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: Bởi chưng về mọi mặt, anh em đã được nên giàu có trong Ngài, về mọi thứ ngôn ngữ, và mọi ơn trí tri”. Bản Hy Lạp viết: οτι (rằng) εν (trong) παντι (mọi sự) επλουτισθητε (anh em được nên phong phú) εν (trong) αυτω (Người,) εν (trong) παντι (mọi) λογω (lời) και (và) παση  (mọi) γνωσει (sự hiểu biết).

Trước hết, Đức Kitô là nguồn mạch mọi ân sủng (x. Ga 1:16; Dt 5:9), do đó chúng ta chỉ nhận được ân sủng trong Đức Kitô. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, và thành nghĩa tử Thiên Chúa, được gọi Ngài là "Cha". Chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần trong Nhiệm Thể này, là Hội Thánh, đặc biệt là qua các bí tích, là những dấu bề ngoài mà Thiên Chúa dùng để ban ân sủng cho chúng ta.

Trong Hội Thánh, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đặc sủng để làm ích lợi cho các phần tử khác. Dân Côrinthô đã nhận được rất nhiều đặc sủng. Ở đây Thánh Phaolô nhấn mạnh đến hai đặc sủng quan trọng nhất, có lẽ cũng là những điều làm cho họ ra kiêu căng, tự mãn.

Ơn ngôn ngữ - Thật khó mà dịch παντι λογω ra tiếng Việt cho đúng nghĩa. Chữ λογος (Logo) trong Tiếng Hy Lạp có rất nhiều nghĩa: Ngôi Lời như trong Gioan 1:1-4, lời nói, một lời, một điều mà một người đã nói, Lời Chúa giáo huấn, lời các ngôn sứ trong Cựu Ước, ăn nói… Dịch là “được nghe Lời Chúa” cũng đúng, nhưng có lẽ đây là tất cả những đặc sủng về ngôn ngữ: nghe và rao giảng Lời Chúa, có tài ăn nói, hủng biện,…, kể cả nói và hiểu tiếng lạ.

Ơn hiểu biết chính là khả năng nhận thức để hiểu được những lời rao giảng. Giữa một xã hội tự hào là văn minh như xã hội Hy Lạp, rao giảng về Thập Giá Đức Kitô thật là một sự điên rồ (1 Cor 1:18), thế mà các tín hữu Côrinthô đã đón nhận và sẵn sàng chịu mọi đau khổ vì Tin Mừng này. Sở dĩ thế vì phần lớn những người trong họ là những người bình dân và khiêm nhường (x. 1 Cor 1:26), nên sẵn sàng đón nhận sự mặc khải của Chúa Thánh Thần (1 Cor 2:10-12). Nếu chúng ta muốn lãnh nhận được ơn hiểu biết này, chúng ta cũng phải trở nên những người bé mọn trước mặt Thiên Chúa vì Ngài “mặc khải chúng cho những người bé mọn” (Lc 10:21).

Tóm lại, khi nói đến tất cả các ơn liên hệ đến logo và mọi sự hiểu biết, có lẽ Thánh Phaolô muốn nói đến các đặc sủng mà người Côrinthô đã lãnh nhận như ngài khai triển trong chương 12chương 14.

Câu 6. đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em,

Dịch câu này là “đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em” có lẽ sai nghĩa. Bản Hy Lạp là καθως (theo như) το μαρτυριον (lời chứng) του χριστου (về Đức Kitô) εβεβαιωθη (đã được kiên định) εν υμιν (nơi anh em). Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: “tùy theo mức kiên cố chứng cứ về Ðức Kitô đã đạt được nơi anh em”, và Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch: “lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em”.

Lời chứng về Đức Kitô ở đây có thể hiểu là lời rao giảng về Đức Kitô của các Tông Đồ. Nhiều người giải thích rằng lời chứng này là Tin Mừng. Hiểu như thế là đúng nếu Tin Mừng là lời công bố Kerygma mà các Tông Đồ rao giảng như Thánh Phaolô nói rất nhiều lần trong các Thư của ngài, và sai nếu hiểu là bốn Sách Tin Mừng, vì khi đó chưa có các sách này. Lời chứng ở đây cũng có thể được hiểu là cách sống phản ảnh giáo huấn của Đức Kitô của các Tông Đồ và của các Kitô hữu. Như Thánh Phaolô nói trong Thư Thứ I gửi tín hữu Thêxalônica: “Tin Mừng của chúng tôi đến với anh em không phải chỉ trong lời nói, mà còn trong quyền năng, và trong Chúa Thánh Thần, và một niềm xác tín trọn vẹn. Anh em biết chúng tôi đã sống thế nào vì anh em khi còn ở với anh em; còn anh em đã theo gương chúng tôi và theo gương Chúa, vì anh em đã đón nhận lời Chúa giữa bao gian khổ, với niềm vui của Chúa Thánh Thần” (1 Th 1:5-6).

Câu 7 - khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra.

Có Đức Kitô là có tất cả vì Người là Sự Khôn Ngoan và Quyền Năng của Thiên Chúa (x. 1 Cor 18:25). Vì nơi Người hiện diện tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa về thể lý, và anh em được sung mãn trong Người, Ðấng là thủ lãnh của mọi lãnh thần và quyền thần” (Col 2:9).

Ðức Kitô không chỉ sống cho mình, nhưng cho chúng ta, từ lúc nhập thể cho đến khi chết và phục sinh. Người là gương mẫu cho ta. Người sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Người. Chúng ta được hiệp thông với Người như chi thể của Nhiệm Thể Người (x. GLCG 519-521). Tuy nhiên, bao lâu còn ở nơi dương thế, chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn và không chắc chắn. Vì thế như những người đầy tớ chờ chủ trở về trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 13:33-37), chúng ta cũng phải tỉnh thức mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra – nghĩa là chờ đợi ngày Người trở lại trong vinh quang. Chỉ khi đó chúng ta mới chắc chắn được ở mãi với Người.

Câu 8 - Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến.

Như trong câu 4, Thánh Phaolô một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn bền vững đến cùng chứ đừng cậy vào sức mình. Nhiều người cho rằng mình khôn ngoan và có một ý chí sắt đá nên liều mình đến những nơi nguy hiểm mà quên rằng “khôn ba năm dại một giờ”. Khi bừng tỉnh thì đã lỡ rồi! Chính Chúa Giêsu cũng nói: “không có Thầy, các con chẳng làm được gì" (Ga 5:15). Vì thế chỉ những ai hoàn toàn khiêm nhường trông cậy vào Chúa mới mong đứng vững đến cùng. Nói như thế không có nghĩa là Người sẽ cưỡng bách chúng ta phải làm theo Người, nhưng Người sẽ ban ơn để chúng ta cộng tác với ân sủng của Người. Chúng ta vẫn có tự do, và phải tình nguyện cộng tác với ơn Chúa, phải chấp nhận hy sinh, đau khổ, chứ không để mặc cho xác thịt và thế gian lôi kéo. Có như thế chúng ta mới thật sự được bền vững đến cùng.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy rằng trong ngày Chúa trở lại, “Người vừa là Thẩm Phán vừa là Đấng Cứu Độ, là Đấng đã để lại cho chúng ta quyết tâm sống trong thế gian theo cách sống của Người. Người đã ban cho chúng ta các nén vàng (các tài năng) của Người. Vậy thái độ thứ ba của chúng ta là có trách nhiệm đối với thế gian, đối với anh em trước mặt Đức Kitô, và đồng thời xác tín về lòng thương xót của Người” (Triều yết chung ngày 12/11/2008). Nếu chúng ta có trách nhiệm đối với thế gian thì dù người đời có ghét bỏ chúng ta đi nữa thì cũng không ai có thể trách móc được chúng ta. Mà dù đời có trách chúng ta đi nữa, chúng ta cũng không màng, vì chỉ có Chúa là Đấng có quyền xét xử chúng ta, và trong ngày Chúa đến, Người không trách chúng ta là đủ rồi.

Câu 9 - Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, vì thế Ngài không để chúng ta mò mẫm trên thế gian mà ban Con Ngài đến để dạy dỗ và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta được hợp nhất với Đức Kitô trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người. Trong Hội Thánh chúng ta được thừa hưởng gia tài Đức Tin đã được vun trồng trên 2000 năm qua. Chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua Huấn Quyền để hiểu Lời Chúa cách chắc chắn mà không sợ sai lạc. Chúng ta được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa qua các bí tích. Chúa trung thành đến nỗi Người lập Bí Tích Thánh Thể để được ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế như Người đã hứa trong Matthêu 18:20, cùng để lại cho chúng ta Kho Tàng Đức Tin là Thánh Kinh và Thánh Truyền là hiện thân của Lời Người, cùng Chúa Thánh Thần để dạy dỗ hướng dẫn chúng ta qua Huấn Quyền của Hội Thánh, chứ không để chúng ta bơ vơ mò mẫm như những đứa trẻ mồ côi (Ga 14:15-18).

Kết Luận

Muốn hiệp nhất với Đức Kitô, “chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn tất cả chúng ta, cố gắng sống trong tự do được quy hướng trong Đức Tin vào Đức Kitô và được thể hiện bằng việc phục vụ anh em. Điều cần thiết là càng ngày càng nên giống Đức Kitô. Chính nhờ cách này mà một người thật sự được tự do, bằng cách này mà trung tâm sâu thẳm nhất của lề luật được diễn tả nơi chúng ta: đó là kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta chia sẻ những tình cảm của Người, học cùng Người sự tự do chân chính và tình yêu Phúc Âm bao bọc tất cả mọi người” (ĐTC Bênêđictô XVI, triều yết chung ngày 1/10/2008).

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng tất cả mọi sự con có về vật chất cũng như tinh thần đều do hồng ân Chúa ban, để con biết khiêm nhường chia sẻ với người khác vì vinh danh Chúa, chứ không kiêu căng lạm dụng chúng để biến chúng thành án phạt đời đời cho con. Amen.

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận

1. Khi cầu chúc những điều tốt lành cho bằng hữu, bạn chỉ nói xuông hay bạn thật sự cầu nguyện cho họ? Bạn nghĩ sao nếu người khác chỉ chúc bạn những điều tốt lành ngoài môi ngoài miệng?

2. Trong mùa lễ Tạ Ơn, hãy kể ra bốn hồng ân trọng nhất mà bạn nhận được từ Thiên Chúa. Bạn đã làm gì với những hồng ân này?

3. Trong những lời cảm tạ của Thánh Phaolô trong bài đọc này, lời nào áp dụng cho bạn, lời nào không? Tại sao?

4. Có khi nào bạn là phần tử của một đoàn thể hay một giáo xứ mà trong đó người nào cũng đòi người khác phải làm theo ý mình không? Tình trạng đoàn thể hay giáo xứ ấy ra sao?

5. Có khi nào bạn lo sợ rằng không có bạn thì những người trong đoàn thể hay giáo xứ của bạn sẽ làm hỏng chuyện không? Nghĩ như thế có đúng với tinh thần của Bài Đọc hôm nay không? Tại sao?

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:06 28/11/2008
LUÂN LÝ

N2T


Các đệ tử thường thường say mê nghiên cứu vấn đề “sai”. Có lúc đáp án rất rõ ràng, nhưng có lúc lại dùng dằng do dự.

Nếu gặp may có sư phụ tại chỗ, thì ông ta cũng thường không bày tỏ lập trường gì cả.

Có một lần, sư phụ đối mặt với thách thức như thế này: "Nếu ta muốn giết một người âm mưu hại ta, thì đó là đúng hay sai ?”

Ông ta nói: “Ta làm sao biết được.”

Các đệ tử sửng sốt mãi không thôi, nói: “Vậy thì chúng con làm sao có thể phân biệt được đúng hay sai ?”

Sư phụ nói: “Khi các con sống, có thể chết với cái tôi, mà chết cách triệt để. Sau đó tùy tâm nguyện mà làm, thì nhất định đó là đúng.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Cái tôi còn “sống” thì cái đúng và cái sai khó mà phân biệt rõ ràng, vì cái tôi thì luôn phán đoán theo cái bản ngã của mình.

Khí cái tôi còn “sống”, thì lòng hiếu thắng, cái tâm kiêu ngạo, cái tâm tự ái sẽ rất mạnh mẻ, bởi vì nó luôn nghĩ về mình, chỉ biết mình và chỉ bảo vệ mình, chứ không biết đến người khác, nhất là khi cái tôi của họ bị người khác đụng chạm đến.

Cái sai và cái đúng thường thì rất rõ ràng: nhưng nó thường bị người có cái tôi kiêu ngạo làm cho sai lệch; cái sai và cái đúng rất rõ ràng, nhưng nó thường bị cái tôi tiền bạc, cái tôi danh vọng quyền lực làm cho méo mó lẫn lộn...

Có một vài người Ki-tô hữu cũng bị cái tôi qúa lớn điều khiển, nên cũng phán đoán sai lệch giữa cái đúng và cái sai, nhưng phần đông người Ki-tô hữu đều hiểu rõ lời nói của Chúa Giê-su: có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bịa đặt là do ma quỷ bày ra.

Mà thêm điều bịa đặt thì người có cái tôi kiêu ngạo, cái tôi danh vọng và cái tôi quyền lực thường hay làm. Nó cũng thuộc về phạm vi luân lý đó. Ha ha ha...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Năm B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 28/11/2008
CHỦ NHẬT 1 MÙA VỌNG (Năm B)

Tin mừng: Mc 13, 33-37.

“Anh em phải canh thức: anh em không biết khi nào chủ nhà đến.”


Bạn thân mến,

Đã có ít nữa là một lần bạn canh thức đợi điện thoại của người yêu từ phương xa gọi đến, người yêu xa cách bạn cả ngàn cây số, và đã lâu rồi chưa bạn chưa được nghe giọng nói dễ thương của người yêu. Tâm hồn bạn hồi hộp, tim bạn đập mạnh và lòng trí bạn thì vui mừng không biết sẽ nói gì với người yêu. Đó là tâm trạng chờ đợi của bạn cũng như của nhiều người khác.

Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cùng tỉnh thức, không phải để đợi người yêu từ phương xa gọi điện về, nhưng là đợi ông chủ về, ông chủ này đã ưu ái đón nhận chúng ta vào làm công trong nhà của Ngài, Ngài trao cho bạn và tôi mỗi người một công việc tùy theo tài năng và sở trường của mình. Ngài trở về bất thình lình không báo trước, để bạn và tôi luôn thức tỉnh chờ đợi trong niềm vui, vì chúng ta đã và đang chu toàn bổn phận của mình.

Bạn và tôi đang tỉnh thức, nhưng vẫn có lúc nào đó vì mệt nhọc mà ngủ mê trong kiến thức, trong tài năng của mình; bạn và tôi đang đợi chờ, nhưng cũng có lúc nào đó quên mất mình đang đợi ông chủ nên vẫn cứ mãi mê thóa mạ, dọa nạt, ngạo mạn anh chị em của mình; bạn và tôi đang cố gắng chu toàn công việc mà ông chủ -Chúa Giê-su- trao phó, nhưng vẫn có lúc lơ là trể nãi vì những cám dỗ của ma quỷ.v.v...

Bạn thân mến,

Năm phụng vụ mới của Giáo Hội đã bắt đầu từ hôm nay –chủ nhật thứ nhất Mùa Vọng- Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức đợi chờ Chúa đến, không phải đến trong hang lừa máng cỏ nơi thành Bê-lem xưa kia, nhưng đến trong tâm hồn của bạn và tôi, và của những ai thành tâm đón nhận Ngài như các mục đồng ngày xưa ấy đã tin và đến thờ lạy Ngài.

Chúa Giê-su đã đến rồi –hằng ngày trong bí tích Thánh Thể- nhưng có lẽ bạn và tôi chưa chuẩn bị đón Ngài vào trong tâm hồn của mình; Chúa Giê-su đã đến rồi, Ngài đến với nhiều hình ảnh trong cuộc sống của chúng ta: dưới hình ảnh người ăn xin, người bất hạnh, người lỡ đường, người bị khinh dễ, người vui vẻ, người buồn phiền... do đó, mà Ngài muốn chúng ta hãy tỉnh thức, tỉnh táo để nhận ra Ngài ngay khi Ngài đến gõ cửa tâm hồn của bạn và tôi...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 28/11/2008
N2T


18. Bước đầu của thánh đức là: luôn nghĩ mình là một người cuối hết nên ở dưới mọi người.

(Thánh Teresa of Avila)
 
Họ không chết (thơ)
Hiền Thạch
21:53 28/11/2008
HỌ KHÔNG CHẾT
Kính dâng các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Họ không chết, mặc dù đã bị giết
Bởi chiêu bài, bởi chủ nghĩa nhân dân.
Mỗi cuộc sống đều có dấu chấm hết
Riêng các Ngài được khắc dấu Chứng Nhân.

Họ không chết, chỉ vuông tròn chữ "nhẫn"
Đem mạng mình trả giá một niềm tin:
Tin Giê-su là Đường, là Sự Thật.
Chỉ thế thôi, hồn xác đủ an bình.

Họ không chết, họ là người công chính
Giữa gian trần lắm ngụy thuyết tham sân;
Phận con người, một phương trời vô định
Nên các Ngài đã chọn cõi Phục Sinh.

Họ không chết, là Hy Lễ hiến thánh
Của loài người, của đất Việt thân yêu;
Dòng lịch sử được thêm lần minh chứng
Đâu chân lý, đâu trí trá ngoa điêu !

Họ không chết, đời đời họ không chết
Chủ nghĩa nào tiêu diệt nổi niềm tin.
Tin vào Đấng là Đầu, là Sau Hết
Là Sự Sống và Sống Lại quang vinh.

Họ không chết, đã hóa thành hạt giống
Tan vào đất nay kết trái sinh hoa;
Máu các Ngài tiếp mạch nguồn sự sống
Nuôi những ai gọi Thiên Chúa là Cha.

Họ không chết: đem đời làm chứng tá
Cho tình yêu và chân lý vĩnh hằng.
Họ đã tin và tin có Tạo Hóa
Nên hôm nay chính họ được vinh thăng.

Họ vẫn sống và đang dồi dào sống
Trong mỗi tín đồ Công Giáo Việt Nam;
Vẫn tồn tại giữa lũ cuồng biến động,
Giữa "Vui mừng và Hy vọng" miên man.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
22:29 28/11/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (62)

621. Chúa Giêsu dạy hãy tỉnh thức thế nào?

- Hãy tỉnh thức, chứ đừng lơ là như những người thời ông Nô-ê: “Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì cho đến khi nạn hồng thủy ập tới, cuốn đi hết thảy.” (Mt 24,38-39)
- Hãy tỉnh thức như người chủ đề phòng kẻ trộm đến ban đêm: “Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều nầy: nếu chủ nhà biết vào canh nào, kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.” (Mt 24,42-43)
- Hãy tỉnh thức để chống lại ma quỷ cám dỗ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26,41)

622. Chúa Giêsu trách các tông đồ không tỉnh thức được một giờ với Ngài.

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Thế anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26,38-40)

623. Các thánh Tông Đồ dạy chúng ta hãy tỉnh thức.

- Thánh Phêrô dạy hãy tỉnh thức để chống lại ma quỷ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua một loại thống khổ như thế.” (5,8-9)
- Thánh Phaolô dạy hãy tỉnh thức để đón chờ Ngày Chúa đến: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối để Ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.” (1Th 5,4-6)
- Thánh Phaolô dạy hãy tỉnh thức để có thể đứng vững trong đức tin và đức ái: “Hãy tỉnh rthức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường. Hãy làm mọi sự vì đức ái.” (1Cr 16,13-14)
- Thánh Phaolô dạy hãy tỉnh thức để cầu nguyện và tạ ơn: “Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn.” (Cl 4,2)

624. Nhấn mạnh về sự xét mình riêng

Với tất cả lòng nhiệt thành mưu ích cho các vị tông đồ, chúng tôi xin nhấn mạnh vào sự xét mình riêng.
Khi nêu ra vấn đề nầy, chúng tôi sợ rằng sẽ phải nói dài dòng văn tự quá đáng, tuy nhiên, đọc qua các sách của Casianô, của nhiều thánh Giáo phụ, cũng như của các thánh Phanchicô đệ Salê, của Vicentê đệ Phaolô, chúng tôi nhận thấy các ngài đều cho sự xét mình chung và riêng như hai điểm bắt buộc phải thi hành cuối giờ nguyện gẫm và thuộc về sự thủ tâm rất cần cho đời sống nội tâm.
Sau khi đã có sự thoả thuận của Cha linh hướng, trong khi nguyện gẫm và thỉnh thoảng trong một ngày, linh hồn sẽ đặc biệt quan tâm trực tiếp một khuyết điểm hoặc một nhân đức nào làm căn cớ chính sinh ra các khuyết điểm hoặc các nhân đức khác trong mình.
Khi có nhiều con ngựa kéo một cái xe, thì con mắt người cầm cương vẫn luôn luôn kiểm soát chúng, tuy nhiên, người nầy phải đặc biệt chú ý đến con ngựa đi giữa vì nếu nó chạy quá thiên về bên trái hay bên phải, thì các con khác cũng theo đó mà chạy theo…
Trong khi xét mình riêng, linh hồn sẽ phân tích tỉ mỉ để biết được mình có tiến hay thoái, hoặc dừng lại về một điểm nào nhất định. Việc nầy tuỳ thuộc về sự “thủ tâm”. (Hồn Tông Đồ)

625. “Chúng ta đã mất tất cả cả!”

Vua Henri VIII đã phân nước Anh ra khỏi Giáo Hội Công giáo để lập Giáo Hội Anh giáo. Ông vua nầy cưới năm bà vợ, nhưng sau đó, lần lượt đưa năm bà vợ nầy lên đoạn đầu đài để xử tử.
Người ta kể rằng trên giường sắp chết, ông vua nầy nhìn những người xung quanh và buồn bã nói: “Chúng ta đã mất tất cả: mất quốc gia, mất danh tiếng, mất lương tâm và mất thiên đàng.”

626. Lập trường cho vững, mặc ai chê trách chỉ trích.

Tổng thống Lincoln chắc không thể đảm nhận nổi những trọng trách của ông trong trận nội chiến nếu ông không nhận định rằng kiêu hãnh và điên rồ mà đi đối đáp với hàng trăm kẻ đối nghịch, thì rất tai hại cho công cuộc.
Chính ông đã tuyên bố:
- “Nếu phải đọc tất cả những lời chống lại tôi và rồi lại phải trả lời, chắc không còn thì giờ để lo những vấn đề nghiêm trọng nữa. Tôi làm những việc mà tôi có thể làm được, không tiếc công tiếc lực, và tôi sẽ làm cho kỳ được.
Nếu kết quả chứng tỏ việc tôi làm phải, thì mọi lời chỉ trích đối với tôi sẽ lố bịch.
Còn nếu tôi đã lầm, thì thiên thần sẽ chứng giám cho thiện ý của tôi và lịch sử sẽ lên án tôi.”
Mỗi khi bạn bị chỉ trích một cách bất công, bạn nên nhớ điều nầy:
- “Hãy cố gắng làm hết sức mình. Sau, lấy mũ nỉ che tai mà đi theo con đường đã vạch sẵn, mặc những lời thị phi của người đời.” (Quảng Gánh Lo Đi Và Vui Sống)

627. Thất bại là bài học tốt nhất.

Thomas J.Watson, người sáng lập IBM, nói rằng:
- “Bạn có muốn thành công không? Vậy thì phải chấp nhận nhiều thất bại. Thành công là dựa trên thất bại.”
Nhớ rằng không bao giờ bạn mãi thất bại. Thất bại chỉ là bài học bạn cần có để hướng tới thành công mà thôi.
Điều duy nhất nỗi sợ thất bại có thể đảm bảo cho bạn là thất bại cuối cùng trong cuộc đời.
Tất cả những người thành đạt đều tập thói quen đối mặt với nỗi thất bại, hành động bất chấp nỗi sợ hải, cho tới khi thói quen được khuyến khích trở thành một phần trong tính cách của họ.
Bạn vượt qua nỗi sợ thất bại bằng cách hướng niềm tin của bạn vào những mong ước và hành động như thể, bạn không thể thất bại được. Như Henry Ford đã nói:
- “Thất bại chỉ là cơ hội khác để bắt đầu lại một cách thông minh hơn mà thôi.” (Quyết tâm, Thành Công sẽ tới).

628. Thêm một chút nổ lực

Nhà sử học Charles Kendall, từng là Chủ tịch trường Đại học Cornell, và sau nầy, là Đại học Wisconsin, nhận xét:
- “Không ai đạt được thành công xuất chúng khi chỉ làm những gì mình được yêu cầu. Chính sự xuất sắc của việc vượt qua và vượt xa những gì được yêu cầu, quyết định sự vĩ đại.”
Tất cả các thành tựu đều bắt đầu với mong muốn cố gắng, và sau đó, chỉ còn là một số thành tựu.
Sự khác biệt giữa người bình thường và người xuất chúng là thêm một chút.
Thêm một chút nổ lực luôn cho người ta một mốc giới.
Art Williams, người sáng lập Công Ty Dịch Vụ Tài Chính Primerica, từng nói với tôi (John C.Maxwell):
- “Anh đánh bại 50% số người ở Mỹ bằng cách làm việc chăm chỉ. Anh đánh bại 40% tiếp theo khi anh là một người trung thực, chính trực và đại diện cho một điều gì đó. Và 10% còn lại là một cuộc hỗn chiến trong cơ chế thị trường tự do.”
Nếu bạn muốn chiến thắng trong trận chiến đó, hãy nổ lực thêm một chút nữa. (Tài Năng Thôi, Chưa Đủ)

629. Cách giải quyết của người Nhật

Người Nhật rất thích ăn cá tươi, nhưng biển gần bờ đã không còn cá nữa.
Để đáp ứng nhu cầu, người Nhật đóng tàu to hơn và chuyển sang đánh bắt xa bờ.
Càng xa bờ, càng tốn nhiều thời gian hơn để mang cá về. Nếu chuyển đi mất vài ngày, cá không còn tươi nữa.
Người Nhật không thích ăn cá ươn. Các công ty đánh bắt bèn lắp đặt tủ đông trên tàu đánh cá. Cá được làm đông ngay tại chỗ. Tủ đông giúp tàu đi xa hơn và đánh bắt lâu hơn. Tuy nhiên, vị thịt cá đông lạnh không thể ngon như cá tươi sống.
Cá đông lạnh bị sụt giá. Các công ty liền đưa các bể nuôi lên tàu. Họ bắt cá và nhốt vào bể. Sau một thời gian dồn lắc chật chội, lũ cá mệt lừ nhưng vẫn còn sống.
Người tiêu dùng Nhật phát hiện sự khác biệt cá bị nhốt trong nhiều ngày, thịt của chúng mất đi vị tươi ngon. Các công ty Nhật đã làm thế nào để giải quyết chuyện nầy? Họ thả thêm một con cá mập nhỏ vào bể trên tàu. Cá mập chén một số cá trong đó. Số cá còn lại vẫn sống khoẻ, và thịt vẫn rất thơm ngon khi vào đến bờ.
Thử thách là những gì giữ cho chúng ta luôn tươi mới.
Thay vì tránh né chúng, hãy nhảy vào cuộc và đối mặt với thách thức.
Nếu thách thức quá nhiều hoặc quá lớn, hãy sắp xếp lại, kết lại thành một khối, huy động tối đa các nguồn lực và không chịu đầu hàng.
Nếu bạn đã đạt được mục tiêu, hãy đặt ra mục tiêu lớn hơn.
Nếu bạn đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân, của gia đình mình, hãy chuyển hướng sang nhóm của bạn, cho xã hội và cho loài người.
Đừng tạo thành công, rồi dừng lại và ru mình trong đó.
Bạn có nội lực, kỹ năng và hoàn toàn có khả năng để tạo nên điều khác biệt.
Hãy thả cá mập vào bể nước của bạn và xem bạn thật sự có thể bơi xa đến đâu? (Phạm Thu Giang, từ Internet – Tài Sản Quý Nhất Ở Đâu?)

630. Bạn là người rất giàu có.

Một thanh niên luôn mồm ca thán mình có số không may, khômh phát tài, suốt ngày buồn tủi.
Một hôm, có một ông già đi qua, hỏi:
- “Anh bạn trẻ, sao có vẻ buồn thế?”
Chàng thanh niên đáp:
- “Tôi chẳng hiểu tại làm sao mà tôi cứ nghèo mãi như thế nầy?”
- “Nghèo? Tôi thấy anh rất giàu có!”
- “Ông nói vậy, nghĩa là như thế nào?” Chàng thanh niên hỏi lại.
Ông già không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nói:
- “Giả dụ hôm nay, tôi chặt đứt của anh một ngón tay, rồi cho anh 1.000 đồng, anh có đồng ý không?”
- “Không.”
- “Nếu tôi chặt đứt một cánh tay của anh, rồi cho anh 10.000 đồng, anh có đồng ý không?”
- “Không.”
- “Nếu giả dụ tôi cho anh một triệu đồng để anh biến thành một ông già tám mươi tuổi, anh có đồng ý không?”
- “Không.”
- “Đúng rồi, anh đã có trị giá trên một triệu đồng rồi, mà anh không thấy vui mừng ư?”
Ông già nói xong, ha hả cười bước đi, để lại chàng thanh niên đang suy ngẫm.
Đúng thế, bạn không chỉ là người có thể làm ra của cải, mà bản thân bạn cũng là người có nguồn của cải đó.
Cuộc sống là của bạn.
Mọi cái đều do bạn quyết định. (3 Điều Nên Biết)
 
Làm chứng cho Chúa Giêsu
+ GM JB Bùi Tuần
22:32 28/11/2008
LÀM CHỨNG CHO CHÚA GIÊSU

Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người một điều tâm huyết: "Các con sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8).

Đó là lời sai đi. Mọi người tin theo Chúa phải đón nhận lời sai đi ấy như một cách giữ đạo. Phải giữ đạo Chúa cách nào để cách đó làm chứng tốt nhất cho Thiên Chúa là tình yêu.

Tất nhiên cách giữ đạo hợp lý nhất để làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu là sống bác ái. Hợp lý vì tất cả đều có cơ sở Lời Chúa.

1/ Lời Chúa hướng dẫn chọn lựa

Người tín hữu xin dứt khoát chọn đời sống bác ái để làm chứng cho Chúa. Vì lời Chúa đã rất rõ ràng. Chỉ xin trích vài lời:

a) Chúa phán: "Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy ở điều này: là các con có lòng thương yêu nhau" (Ga 13,35).

b) Chúa gọi: "Hãy đến đây. Hỡi những kẻ Cha Thầy chúc phúc. Vì Thầy đau yếu, các con đã viếng thăm... Thầy bảo thật các con: Điều gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy là các con đã làm cho chính Thầy vậy" (Mt 25, 34.36.40).

c) Thánh Gioan dặn dò: "Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,7-8).

Những lời Kinh Thánh trên đây giúp chúng ta an tâm, khi chọn đời sống bác ái như một cách giữ đạo có sức làm chứng cho Chúa.

Nói là giúp cho chúng ta an tâm khi chọn lựa con đường bác ái. Bởi vì luôn có những lôi cuốn giục chúng ta muốn chọn lựa những con đường khác. Như chọn làm chứng bằng những quy tụ đông đảo, bằng cơ sở tôn giáo hoành tráng, bằng cơ cấu chặt chẽ, bằng lễ hội tưng bừng. Tất nhiên những chọn lựa đó cũng có lý của nó. Nhưng không thay thế được con đường bác ái yêu thương.

Tất nhiên không phải yêu thương nào cũng là bác ái làm chứng cho Chúa. Chỉ có thứ nội dung yêu thương đã được lời Chúa chỉ dạy. Vắn tắt như sau:

2/ Lời Chúa chỉ dẫn nội dung

a) "Bác ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

"Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Cr 13,4-7).

b) "Lòng bác ái không được giả hình giả dối. Anh em hãy ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải, lấy tinh thần mà phục vụ Chúa.

"Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.

"Hãy chúc lành cho những kẻ bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng chúc dữ, nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn.

"Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác... Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với nhau" (Rm 9-18)

Những lời Kinh Thánh trên đây về nội dung yêu thương cho thấy một nội tâm sâu xa phong phú. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy con đường bác ái để làm chứng cho Chúa không đơn giản chỉ là vấn đề chia sẻ, phục vụ về vật chất, mà còn là một chiều kích nội tâm thiêng liêng. Chiều kích thiêng liêng đó là một nguồn sống thiêng liêng có sức biến đổi con người và xã hội.

Một nội dung yêu thương bác ái như thế là một thực tế không dễ dàng.

3/ Lời Chúa hé mở một thực tế không dễ dàng

Sống bác ái yêu thương với nội dung đặt nặng về nội tâm đòi nhiều phấn đấu, nhiều từ bỏ, phải đi vào cửa hẹp.

Chúa Giêsu phán: "Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24).

Đòi hỏi đó là đi vào cửa hẹp. Nhưng, đi vào cửa hẹp là điều không dễ. Chúa phán: "Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Maisen và lời các ngôn sứ là thế.

"Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy" (Mt 7,12-14).

Lời Chúa trên đây hé mở cho thấy một thực tế không dễ dàng. Thực tế là nhân loại luôn đợi chờ một đời sống yêu thương bác ái của người công giáo, như đợi chờ một kho tàng phong phú, đầy sức hấp dẫn. Họ đợi chờ như khao khát một sức thiêng giải cứu họ cho khỏi những ích kỷ, giả dối và ghen ghét trên đời này.

Nhưng xem ra họ chưa tìm được nhiều như lòng mong ước. Họ chỉ dám thầm mong: Ước chi mọi người công giáo sống thực sự yêu thương bác ái như Chúa Giêsu. Ước chi không có khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế về bác ái yêu thương nơi các cộng đoàn công giáo.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì nhiều người công giáo chúng ta đã và đang cố gắng đáp ứng những "ước chi" đó. Chúng ta ngợi khen Chúa vì bao sự lạ lùng Chúa đã và đang làm nơi những chứng nhân bác ái tại Việt Nam hôm nay. Đức tin của họ được phiên dịch ra bác ái. Ngôn ngữ bác ái được coi là dễ hiểu và có sức truyền giáo đối với mọi người.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói với GM Baghdad rằng Ngài đang cầu nguyện cho Iraq
Nguyễn Quốc Tâm
00:07 28/11/2008
ROME, NOV. 27, 2008 (Zenit.org).- Một giám mục phụ tá ở Bagdad nói rằng ước ao của người tín hữu ở Iraq là họ được bảo đảm về những quyền căn bản của con người.

ĐGM Shlemon Warduni lặp lại lời van xin đối với các Kitô hữu bị bách hại tại Iraq khi khi Ngài đang ở Rome vào hôm thứ tư. Vào cuối buổi tiếp kiến chung, ĐGM đã nói chuyện với ĐTC Benedict XVI. ĐTC nói rằng: “Iraq luôn ở trong tim chúng tôi. Chúng tôi luôn nhớ đến các Kitô hữu, chúng tôi cầu nguỵên cho họ và cho hòa bình ở Iraq.”

Sau đó, vị giám mục Iraq nói với đài phát thanh Vatican rằng những cuộc tấn công chống lại các Kitô hữu “làm cho chúng tôi đau lòng bởi vì chúng tôi đã sống bình an qua hàng bao thế kỷ.”

Ngài nói: “Trong suốt các vụ xung đột, các nhà thờ và nhà cửa của chúng tôi phải để trống cho các người Hồi giáo và cho tất cả mọi người theo các niềm tin khác. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chúng tôi cảm thấy rất kinh ngạc khi các Kitô hữu bị tấn công cách hiểm ác nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 13 người bị ám sát, ba ngôi nhà bị phá hủy, và hơn 2,500 gia đình bị đuổi ra khỏi nhà, buộc lòng phải đi di cư trong gượng ép. Bằng loa phóng thanh, các Kitô hữu bị buộc phải ra khỏi nhà họ: ‘Cút ra khỏi nhà.’”

ĐGM Warduni nói Giáo Hội đã cất cao lời khẩn nài “tới thế giới để chính phủ của chúng tôi hoạt động nhằm mưu ích hòa bình mà tiến hành triển khai lực lượng vũ trang.”

Ngài nói: “Họ đã nghe chúng tôi, thủ tướng và tổng thống đã gởi binh lính đến và họ đã mang lại chút ít hòa bình.”

ĐGM Baghdad khẳng định rằng nhờ thế mà các Kitô hữu đang bắt đầu lấy lại niềm tin và có khoảng chừng 700 – 800 gia đình đã trở về nhà.

Nhưng Ngài cũng than rằng “nhiều người vẫn không cảm thấy an toàn và sợ bị đuổi ra khỏi nhà lần nữa.”

ĐGM nhớ lại: “Vào lúc đầu, cả chính phủ, lẫn nhà lãnh đạo Mosul và các đảng phái đều không giúp đỡ chúng tôi. Chỉ sau vài ngày thống thiết khẩn nài liên tục, chúng tôi đã được lưu tâm, nhưng không may, cả Châu Âu, lẫn Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc… chẳng cứu giúp gì cho chúng tôi vào thời điểm ấy.”

Ngài giải thích: “Đó là lý do tại sao chúng tôi nói với những ai còn quan tâm đến nhân quyền – không vì chúng tôi là người Công giáo – rằng chúng tôi cũng muốn họ khẳng định quyền cho chúng tôi nữa.”

Được hỏi về cách thức các Kitô hữu ở Phương Tây có thể thực hiện để hỗ trợ các anh chị em của họ ở Iraq, ĐGM đề nghị: “Chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa vì Ngài là vị vua của hòa bình, là đấng có thể làm được mọi sự. Ngài có thể thay đổi trí óc, tâm hồn và thái độ.”

“Thế giới đang đầy dẫy những quyền lợi như dầu hỏa mà chúng ta đang đối mặt…có lẽ không có dầu hỏa, chúng ta đã sống trong hòa bình.”

Vị giám mục hân hoan chào đón cái Ngài gọi là “bước tiến triển kha khá trên mặt trận chống khủng bố vốn đem lại một ít hy vọng” trên phần lớn đất nước. “Tuy nhiên đó không phải là dấu hiệu hy vọng khiến chúng tôi nói rằng chúng ta sẽ có hòa bình trong nay mai.”
 
188 tân chân phước tử vì đạo của Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản
Linh Tiến Khải
00:10 28/11/2008
188 tân chân phước tử vì đạo của Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản

Một số nhận định của Đức Cha Mitsuaki Takami, Tổng Giám Mục Nagasaki và của Đức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về chứng tá của 188 vị tử vì đạo Nhật Bản

Sáng ngày 24-11-2008, Đức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã chủ sự thánh lễ tôn phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản, tại vận động trường đấu banh bầu dục ở Nagasaki bên Nhật Bản.

Đứng đầu danh sách 188 vị tử đạo là cha Phêrô Kassui Kibe, dòng Tên, 3 Linh Mục khác và 184 giáo dân, trong đó có 60 phụ nữ, 33 thanh thiếu niên dưới 20 tuổi và 18 trẻ em dưới 5 tuổi. Vị tử đạo trẻ nhất là Ignatio 1 tuổi, 2 em Regina và Benedetto 2 tuổi, có 7 em khác 3 tuổi. Người lớn tuổi nhất là bà Madalena Hayashida 68 tuổi. Trong số các vị tử đạo cũng có vài người là các Samurai. Các vị đã bị giết giữa các năm 1603-1639.

Tham dự thánh lễ phong chân phước cũng có phái đoàn công giáo Việt Nam, do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Sòn, hướng dẫn. Ngoài Đức Hồng Y còn có Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám Mục Phú Cường, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Mỹ Tho, 3 Linh Mục và hai giáo dân.

Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản hiện có 450 ngàn tín hữu trên tổng số 127 triệu dân. Tuy con số ít ỏi, nhưng Giáo Hội nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nhờ các trường học, nhà thương và các hoạt động bác ái xã hội do Giáo Hội điều khiển. Giáo phận Nagasaki là cộng đoàn công giáo cổ xưa nhất Nhật Bản. Tuy số giáo dân đứng hàng thứ hai sau Tokyo, nhưng Nagasaki có đông linh mục nhất, với 100 linh mục giáo phận, và 40 linh mục dòng. Giáo phận cũng cử các linh mục đến làm việc trong các giáo phận khác. Tiểu chủng viện của tổng giáo phận Nagasaki có 25 chủng sinh, trong đó có 16 chú gốc Nagasaki. Đây cũng là tiểu chủng viện duy nhất tại Nhật Bản.

Sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1981 Giáo Hội được người dân Nhật chú ý nhiều hơn, và có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ xin phép được làm đám cưới trong các nhà thờ công giáo.

Sau đây chúng tôi gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Mitsuaki Takami, Tổng Giám Mục Nagasaki và của Đức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về chứng tá của 188 thánh tử đạo Nhật Bản.

Hỏi: Thưa Đức Cha Takami, lễ phong chân phước đã tới sau một lộ trình kéo dài nhiều năm. Đâu đã là các giai đoạn của lộ trình này thưa Đức Cha?

Đáp: Sự dấn thân cho việc phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản đã bắt đầu với chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1981. Trong khi chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này của Đức Gioan Phaolô II Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã gặp Linh Mục Diego Yuki, hồi đó là Giám đốc viện bảo tàng của 26 vị tử đạo. Năm sau đó Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã thành lập Ủy ban đặc trách việc xin phong chân phước cho 188 vị tử đạo nói trên. Ủy ban này đã làm việc một cách không liên tục cho tới cách đây 3 năm, khi Cha Misobe được chỉ định làm Chủ tịch, thì công việc mới được tiến hành nhanh chóng hơn, với các tìm kiếm và nghiên cứu tại 17 quê quán hay nơi sinh sống của các vị tử đạo, tất cả là giáo dân thuộc mọi giai tầng xã hội, ngoại trừ 4 linh mục và 1 tu sĩ. Sau cùng ngày mùng 1-6-2007 Bộ Phong Thánh đã chập thuận và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ký sắc lệnh và công bố ngày phong chân phước vào tháng 10.

Hỏi: Thưa Đức Cha đây là lần đầu tiên lễ tôn phong chân phước được tổ chức tại Nagasaki bên Nhật Bản. Việc lựa chọn Nagasaki có theo dấu vết của truyền thống hay không?

Đáp: Các Kitô hữu Nhật Bản coi Nagasaki như là chiếc nôi lòng tin của họ. Nhưng thành phố này đã được chọn vì nhiều lý do thuận tiện và cụ thể khác nữa, chẳng hạn vì số linh mục của giáo phận đông đảo cần thiết cho việc tổ chức. Tại Nagasaki Giáo Hội Công Giáo được thừa nhận như là một cộng đoàn quan trọng. Ngoài việc ủng hộ Giáo Hội, chính quyền thành phố còn cho mượn sân vận động để tổ chức lễ phong chân phước ngày 24 tháng 11. Chính quyền đánh giá cao việc có đông đảo tín hữu lui tới các nhà thờ. Dĩ nhiên đó cũng là ước mong của chúng tôi. Nhưng chúng ta cũng không được quên rằng con số 60.000 tín hữu tại Nagasaki cũng đang giảm sút. Vì các gia đình có ít con, có nhiều người di cư đi sống tại các nơi khác và số người lớn theo đạo cũng giảm.

Hỏi: Biến cố phong chân phước cho các vị tử đạo có trở thành dịp suy tư cho toàn nước Nhật hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Làm cho người Nhật, kể cả các tín hữu công giáo hiểu ý nghĩa của việc tử đạo thật không luôn luôn là điều dễ dàng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên một lễ nghi phong chân phước được cử hành trên đất Nhật. Vì khó mà thông truyền ý nghĩa của việc tử đạo cho người khác nên Hội Đồng Giám Mục đã cho công bố các tài liệu về các vị tử đạo, và Ủy ban đặc trách lễ phong chân phước đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ. Thế rồi mỗi giáo phận cũng đã dấn thân giải thích cho mọi người hiểu ý nghĩa của lễ phong chân phước.

Tiếp theo đây là vài nhận định của Đức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ sự thánh lễ phong chân phước này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 188 chân phước tử đạo Nhật Bản đã để lại sứ điệp nào cho Giáo Hội hoàn vũ nói chung và cho Giáo Hội Nhật Bản nói riêng?

Đáp: Trước hết các vị đưa ra cho chúng ta một sứ điệp rất phong phú, thời sự và quan trọng. Sứ điệp thứ nhất hướng tới người trẻ và giáo dân. Trong số 188 vị tử đạo có 183 vị là giáo dân, chỉ có 5 vị là linh mục thừa sai gồm 4 vị dòng Tên và 1 vị dòng thánh Agostino. Chúng ta biết là Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rất nhiều trên vai trò của giáo dân giữa lòng Giáo Hội và ngài đã khẳng định rằng sự thánh thiện không phải chỉ dành để cho các linh mục và các nữ tu, mà cả cho giáo dân và cho toàn thể Giáo Hội nữa. Nên thánh là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Vì thế một trong các điểm của sứ điệp là nhắc nhớ cho anh chị em giáo dân biết rằng họ được mời gọi nên thánh và làm chứng cho điều quan trọng nhất trong Giáo Hội là sự thánh thiện. Tử đạo là chứng tá mạnh mẽ nhất: thích hiến dâng mạng sống hơn là chối bỏ lòng tin của mình. Điều này giả thiết các vị đã sống lòng tin một cách sâu xa trong cuộc sống thường ngày.

Thế rồi còn có một điểm khác nữa của sứ điệp hướng tới các gia đình Kitô. Trong số các vị tử đạo có nhiều gia đình gồm cha mẹ và con cái. Chúng ta biết tình trạng gia đình trên thế giới ngày nay đang gặp khủng hoảng như thế nào. Rất tiếc là các giá trị của gia đình ngày càng mờ nhạt đi, nhiều khi cho tới chỗ biến mất không còn gì. Vì vậy sự kiện cả gia đình đều chết vì đạo nhắc nhớ cho các gia đình ngày nay, cha mẹ và con cái, phải sống chứng tá cho lòng tin, sống lòng tin sâu đậm. Vì vậy đậy không phải là một chứng tá cá nhân, mà là chứng tá tập thể của toàn gia đình, là Giáo Hội tại gia.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y tại sao các vị lại đã bị bách hại và bị giết chết như thế?

Đáp: Chắc chắn không phải là vì các lý do chính trị hay kinh tế rồi, vì chúng ta biết rõ là vào thời đó cũng có các người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, người tây phương nói chung, sang Viễn Đông buôn bán doanh thương. Thái độ khép kín với Tây Âu và nền văn hóa tây âu cũng đã khiến cho Giáo Hội Công Giáo bị liên lụy. Do đó có thể có người giải thích sự tử đạo này trong chìa khóa chính trị. Vì đạo Công Giáo đã do người tây phương đưa vào Nhật Bản, và người ta chống lại người tây phương nên họ cũng chống lại tín hữu công giáo. Nhưng giải thích như thế không đúng. Các tín hữu này đã hy sinh mạng sống vì lòng tin. Đây là lý do đã được các nghiên cứu lịch sử minh chứng. Cái chết của các vị không thuộc trật tự trần thế, dân sự, kinh tế hay hành chánh, mà hoàn toàn thuộc trật tự tôn giáo. Người ta đã thù ghét người công giáo, vì sợ họ bành trướng tại các vùng đất viễn đông. Vì thế đã có môt cuộc bách hại rất mạnh mẽ và bạo lực chống lại các Kitô hữu. Bằng chứng là người ta hứa cho tiền những ai tố cáo các Kitô hữu. Chẳng hạn ai tố cáo một linh mục thì được thưởng 10 đồng; ai tố cáo một tu sĩ thì được thưởng 5 đồng; ai tố cáo một giáo dân thì được thưởng 3 đồng. Vì thế lý do cái chết vì lòng tin của các vị rất là rõ ràng.

Ngoài ra còn có một sự kiện khác nữa: đó là những người bách hại các Kitô hữu quảng cáo biến cố xử tử các Kitô hữu bằng cách chém đầu, hay đóng đanh hoặc thiêu sống khi các vị còn sống, và họ muốn cho nhiều người tới chứng kiến các vụ hành quyết. Để làm gì vậy? Để nói rằng: ”Hãy coi đó, nếu các người trở thành Kitô hữu hay nếu các người không chối bỏ lòng tin của mình, thì các người cũng sẽ chịu số phận như thế”. Họ đã quảng cáo rất mạnh mẽ cho các vụ hành quyết nhóm. Dĩ nhiên sự kiện này đã gây ra một hiệu qủa mà chính họ đã không ngờ tới: đó là khi làm như thế họ đã khiến cho có rất nhiều nhân chứng và chứng từ lịch sử rất qúy báu của các vụ bách hại đó.

Dầu sao đi nữa thì vẫn có một điều rất chắc chắn trên bình diện lịch sử: đó là lý do duy nhất khiến cho 188 vị đã bị giết chết là lòng tin, mà các vị đã nhất quyết không chối bỏ, cho dù có phải hy sinh mạng sống đi nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y có trông thấy một tương quan giữa vụ bách hại Kitô hữu Nhật Bản hồi thế kỷ XVI với các cuộc bách hại tại Á châu hiện nay như bên Ấn Độ, Indonesia và Irak hay không?

Đáp: Có. Chắc chắn là có tương quan rồi, một tương quan giáo hội rất sâu đậm trong nghĩa này: đó là Giáo Hội công giáo, Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội của các vị tử đạo và đã luôn luôn là Giáo Hội của các vị tử đạo. Trong hơn hai ngàn năm lịch sử của mình Giáo Hội đã không bao giờ cởi bỏ chiếc áo đẫm máu tử đạo của mình. Giáo Hội mà Chúa Kitô đã nghĩ, đã muốn, đã thành lập, để tiếp tục sứ mệnh của Chúa sau khi Người về trời, không chỉ là Giáo Hội của lời sai ”các con hãy ra đi và dậy dỗ”, tức Giáo Hội truyền giáo; cũng không phải chỉ là Giáo Hội thánh thể được xây dựng trên bí tích Thánh Thể ”hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”; mà cũng là Giáo Hội của các vị tử đạo nữa, vì Chúa Giêsu đã nói: ”Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con”. Đó là lý do của các cuộc bách hại dọc dài lịch sử Giáo Hội, trong các thế kỷ thời Giáo Hội khai sinh cũng như trong các thế kỷ sau đó và cho tới ngày nay. Chúng phản ánh lời của Chúa Giêsu và là bằng chứng cho thấy Giáo Hội thực sự là Giáo Hội của các vị tử đạo.

Và chính máu các vị tử đạo khiến cho Giáo Hội được phong phú và khiến cho sự hữu hiệu và thừa tác của Giáo Hội được phong phú. Chúng ta không được ảo tưởng: Giáo Hội truyền giáo cũng là Giáo Hội của máu: đó là chứng tá cao cả mà Chúa Kitô đã là người đầu tiên sống và nó phải phản ánh trên mọi thành phần của thân mình Chúa Kitô. Như thế Kitô hữu phải luôn sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình để bảo vệ lòng tin nếu cần. Đó là điều đã xảy ra và đang xảy ra tại những nước mà qúy vị vừa nhắc tới trên đây.

(Avvenire 20-11-2008; RG 20-11-2008)
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ phái đoàn Thượng Phụ Arméni Tông Truyền
LM Trần Đức Anh, OP
00:11 28/11/2008
VATICAN. Sáng 24-11-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến Đức Thượng Phụ Aram I của Tòa Thượng Phụ Arméni Tông Truyền Cilicia. Ngài đặc biệt đề cao chứng tá của các vị tử đạo Arméni và khích lệ tăng cường đối thoại giữa tín hữu Công Giáo và Arméni.

Giáo Hội Arméni Tông Truyền có 2 tòa Thượng Phụ là Etchmiadzin ở Cộng hòa Arméni và Cilicia có trụ sở đặt tại Antelia bên Liban. Đức Thượng Phụ Aram I hướng dẫn một phái đoàn gồm 6 TGM từ nhiều nước, 2 GM và 3 phụ tá đến viếng thăm chính thức tại Tòa Thánh từ ngày từ 23 đến 27-11-2008. Cách đây 11 năm (1997), ngài cũng đã đến thăm ĐTC Gioan Phaolô 2.

Quan hệ giữa Giáo Hội Arméni Tông Truyền và Giáo Hội Công Giáo được coi là tốt đẹp và cuộc đối thoại đại kết giữa hai bên hiện nay đang tập trung vào đề tài ”Bản chất, cơ chế và sứ mạng của Giáo Hội”. Cuộc đối thoại này tuy tiến hành chậm, nhưng theo chiều hướng tích cực.

Trong lời chào mừng Đức Thượng Phụ Aram I, ĐTC nhắc đến chứng tá của các thánh và các vị tử đạo Arméni qua dòng lịch sử. Chứng tá ấy đạt tới tột đỉnh trong thế kỷ 20 với những đau khổ khôn tả của dân tộc Arméni. Đức tin và lòng đạo đức của nhân dân Arméni luôn được nâng đỡ nhờ ký ức về nhiều vị tử đạo đã làm chứng cho Tin Mừng qua các thế kỷ.

Đề cập đến cuộc đối thoại giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, ĐTC đề cao sự đóng góp quan trọng của các đại biểu Giáo Hội Arméni Tông truyền trong lãnh vực này. Ngài nói thêm rằng: ”Chúng ta phải hy vọng cuộc đối thoại đại kết tiếp tục được tiến hành, vì nó có triển vọng làm sáng tỏ các vấn đề thần học đã chia rẽ chúng ta trong quá khứ, và nay tỏ ra sẵn sàng đạt tới sự đồng thuận rộng rãi hơn.. Chắc chắn sự gia tăng cảm thông và quí chuộng truyền thống tông đồ chung giữa Công Giáo và Arméni sẽ góp phần làm cho chứng tá chung về các giá trị tinh thần và luân lý trở nên hữu hiệu hơn. Nếu không có chứng tá này thì không thể có một trật tự xã hội thực sự là công chính và nhân bản được”.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt bày tỏ sự cảm thông và quan tâm sâu xa đối với nhân dân Liban và miền Trung Đông. Ngài nói: ”Làm sao chúng ta không đau buồn vì những căng thẳng và xung đột tiếp tục làm hỏng bao nhiêu nỗ lực thăng tiến hòa giải và hòa bình ở mọi cấp độ trong đời sống chính trị và dân sự trong vùng? Gần đây chúng ta càng đau buồn vì sự leo thang các vụ bách hại và bạo lực chống các tín hữu Kitô tại một số miền ở Trung Đông. Chỉ khi nào các nước liên hệ có khả năng quyết định vận mệnh chúng ta và các nhóm chủng tộc, các cộng đồng tôn giáo khác nhau, hoàn toàn chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, thì hòa bình mới có thể được xây dựng trên những nền tảng vững chắc của tình liên đới, công lý và tôn trọng các quyền hợp pháp của các cá nhân và các dân tộc”.

Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC và phái đoàn Đức Thượng Phụ Aram I đã vào nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong dinh Tông Tòa để cầu nguyện chung.

Sáng thứ tư 26-11-2008, Phái đoàn của Đức Thượng Phụ Aram I sẽ tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của ĐTC. Sáng 25-11-2008, ngài thuyết trình tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo về đề tài ”Các tín hữu Kitô tại Trung Đông”.

Ngoài ra, trong những ngày viếng thăm, phái đoàn của Giáo Hội Arméni tông truyền cũng gặp ĐHY Walter Kasper và Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY Quốc vụ khanh Bertone và ĐHY Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.

Hàng triệu người Arméni đã bị Thổ Nhĩ kỳ tiêu diệt từ 1915 đến 1916 khiến cho số người Arméni tại nước này giảm xuống còn khoảng 68 ngàn người như hiện nay. Cho đến nay, chính quyền Thổ vẫn nhất quyết không nhìn nhận trách nhiệm về các vụ diệt chủng này (SD 24-11-2008)
 
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các Hàn lâm viện Tòa Thánh
LM Trần Đức Anh, OP
00:12 28/11/2008
VATICAN. Trong Sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp công cộng lần thứ 13 của các Hàn lâm viện Tòa Thánh sáng 25-11-2008, ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu làm chứng tá Tin Mừng qua các ngôn ngữ và hình ảnh, cho thấy vẻ đẹp của tình yêu Chúa. Ngài cũng cảnh giác trước những vẻ đẹp phù du.

Các Hàn lâm viện Tòa Thánh đã nhóm khóa họp công cộng thường niên tại Vatican về chủ đề: ”Đặc tính phổ quát của vẻ đẹp: thẩm mỹ và luân lý đạo đức đối chiếu với nhau”. Tham dự khóa họp dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, có nhiều HY, GM, các giáo sư và sinh viên.

Trong sứ điệp được ĐHY Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh tuyên đọc tại khóa họp, ĐTC phê bình sự miệt mài của nhiều người ngày nay chỉ tìm kiếm vẻ đẹp bề ngoài, vẻ đẹp phù vân chóng qua và hời hợt, trong sự trốn chạy vào những thiên đường giả tạo, thường che đậy một sự trống rỗng nội tâm. Ngài nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa việc tìm kiếm vẻ đẹp với sự tìm kiếm sự thật và sự thiện.

Từ tiền đề đó, ĐTC khẳng định rằng: ”Chứng tá của chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng vẻ đẹp đích thực, việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta phải được cảm nhận trong vẻ đẹp và sự mới mẻ của nó, vì thế, cần phải biết thông truyền bằng ngôn ngữ của hình ảnh và biểu tượng; sứ mạng thường nhật của chúng ta phải trở thành một sự biểu lộ hùng hồn về vẻ đẹp của tình yêu Chúa, để có thể đạt tới những người đồng thời một cách hữu hiệu. Họ là những người thường bị chia trí và bị thu hút vì một bầu không khí văn hóa không luôn luôn hướng về sự đón nhận một vẻ đẹp hoàn toàn hòa hợp với sự thật và sự thiện, tuy họ vẫn nhung nhớ một vẻ đẹp chân chính, không hời hợt và chóng qua.

ĐTC cũng nhắc đến Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 12 vừa qua về Lời Chúa, trong đó ”nhiều nghị phụ đã nêu bật giá trị ngàn đời của nghệ thuật, giá trị ngàn đời của vẻ chứng tá vẻ đẹp trong việc rao giảng Tin Mừng; vì thế cần phải biết đọc và xem xét vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật, được sáng tác theo hứng từ đức tin và được các tín hữu cổ võ, để khám phá nơi đó một hành trình đặc biệt dẫn đến Thiên Chúa và Lời của Chúa.”

Cuối sứ điệp, ĐTC đã loan báo tên của một số người được giải thưởng năm nay của các Hàn lâm viện Tòa Thánh, trong đó có tiến sĩ Daniele Piccini, nổi bật về một nghiên cứu phê bình về thi phú và văn chương, đặc biệt là văn chương Italia thời nguyên thủy và thời Phục Hưng; ông cũng tích cực tranh đấu trong lãnh vực thơ văn, được biểu lộ qua một số hợp tuyển quan trọng. (SD 25-11-2008)
 
Lòng tin đích thật được biểu lộ trong các hoạt động bác ái
Linh Tiến Khải
00:14 28/11/2008
Buổi tiếp kiến chung của ĐTC sáng thứ tư 26-11-2008

"Lòng tin đích thực là sự kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô và trở thành tình bác ái. Nó trổ sinh hoa trái của Thần Khí và được biểu lộ ra trong các hoạt động bác ái”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8000 tín hữu và du khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 26-11-2008.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy về giáo huấn của thánh Phaolô liên quan tới sự công chính hóa nhờ lòng tin. Ngài nói: Con người không thể trở nên công chính với các hành động của riêng mình, mà chỉ trở nên công chính nhờ lòng tin khiến cho họ kết hiệp với Chúa Kitô. Lòng tin này không phải là một tư tưởng, một ý kiến hay một suy tư, nhưng là sự kết hiệp với Chúa Kitô, là việc đồng hình đồng dạng với Chúa. Nói cách khác, nếu nó đích thật, lòng tin phải trở thành tình yêu, lòng bác ái và diễn tả ra trong tình bác ái. Không có hoa trái bác ái, thì lòng tin không đích thật. Nó là lòng tin chết. Như thế chúng ta tìm thấy hai mức độ: mức độ không quan trọng của các hành động và công việc làm của chúng ta để đạt ơn cứu độ, và mức độ của sự công chính hóa nhờ lòng tin sinh hoa trái của Thần Khí. Tiếp đến Đức Thánh Cha nói tới sự lẫn lộn hai chiều kích này và các hậu qủa của nó như sau:

Việc lẫn lộn giữa hai mức độ này trong dòng lịch sử đã gây ra các hiểu lầm trong Kitô giáo. Trong bối cảnh này thật là quan trọng, khi trong thư gửi tín hữu Galát, một đàng thánh Phaolô triệt để nêu bật sự nhưng không của việc công chính hóa không do các công việc làm của chúng ta, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh trên tương quan giữa lòng tin và sự bác ái, giữa lòng tin và các công việc làm. Ngài viết: ”Quả thật trong Đức Kitô Giêsu cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Hậu qủa là một bên có các các công việc làm của ”xác thịt” là: ”dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy... ” (Gl 5,19-21): tất cả đều là các công việc làm trái nghịch với lòng tin; đàng khác là hoạt động của Thánh Thần, Đấng dưỡng nuôi cuộc sống Kitô và khơi dậy ”bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22): đây là các hoa trái của Thần Khí phát xuất từ lòng tin.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: đứng đầu danh sách các nhân đức này là bác ái, tình yêu, và nó kết thúc với tiết độ. Thật ra, Thần Khí là Tình Yêu của Chúa Cha và và Chúa Con, đổ chan hòa ơn đầu tiên của Người là tình yêu vào trong tâm lòng chúng ta (x. Rm 5,6); và để tự diễn tả một cách tràn đầy tình yêu đòi hỏi sự tự chủ. Trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu tôi cũng đã đề cập tới tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đến với chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta trong chiều sâu. Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô nói rằng khi vác gánh nặng cho nhau, tín hữu chu toàn giới răn yêu thương (x. Gl 6,2). Được nên công chính nhờ ơn lòng tin nơi Chúa Kitô chúng ta được mời gọi sống trong tình yêu của Chúa Kitô đối với tha nhân, vì vào cuối cuộc đời chúng ta sẽ bị phán xử dựa trên tiêu chuẩn này. Thánh Phaolô đã chỉ lập lại giáo huấn của Chúa Giêsu trong dụ ngôn về ngày Phán Xét sau hết, mà chúng ta đã nghe Chúa Nhật vừa qua.

Trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô nổi tiếng nhờ ”Bài Ca Đức Mến”: ”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng... Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi... ” (1 Cr 13,1.4-5). Tình yêu kitô rất đòi hỏi, vì nó nảy sinh từ tình yêu hoàn toàn của Chúa Kitô đồi với chúng ta: tình yêu đó kêu gọi chúng ta, tiếp đón chúng ta, ấp ủ chúng ta, nâng đỡ chúng ta, và tới độ hành hạ chúng ta vì nó bắt buộc chúng ta không sống cho chính mình và đóng kín trong sự ích kỷ của mình nữa, mà sống cho ”Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (x. 2 Cr 5,15). Tình yêu của Chúa Kitô khiến cho chúng ta trở thành thụ tạo mới trong Người (x. 2 Cr 5,17), trở thành chi thể Thân Mình mầu nhiệm của Người là Giáo Hội.

Nhìn trong nhãn quan này, sự công chính hóa không do các công việc, mà thánh Phaolô rao giảng, không mâu thuẫn với lòng tin hoạt động trong tình mến. Trái lại nó đòi buộc lòng tin của chúng ta diễn tả ra trong một cuộc sống theo Thần Khí. Thường khi chúng ta thấy một sự đối kháng không có nền tảng giữa thần học của thánh Phaolô và thần học của thánh Giacôbê, là người đã viết: ”Thật thế một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” ( Gc 2,26). Thật vậy, trong khi thánh Phaolô lo chứng minh cho thấy lòng tin nơi Chúa Kitô cần thiết và đủ, thì thánh Giacôbê nhấn mạnh trên các tương quan hiệu qủa giữa lòng tin và các công việc làm (x.Gc 2,2-4). Vì thế đối với thánh Phaolô cũng như thánh Giacôbê lòng tin hoạt động trong tình mến chứng thực cho ơn nhưng không của sự công chính hóa trong Chúa Kitô. Ơn cứu rỗi lãnh nhận được trong Chúa Kitô, cần được giữ gìn và làm chứng ”với lòng kính trọng và sự run sợ. Vì chính Thiên Chúa tác động trên ý chí cũng như hành động của anh em, theo chương trình tình yêu của Người. Hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng... ”, như thánh Phaolô viết cho tín hữu Philiphê (x. Pl 2,12-14.16). Rồi Đức Thánh Cha nhắc tới các hiểu lầm của tín hữu ngày nay như sau:

Chúng ta cũng thường rơi vào cùng các hiểu lầm như cộng đoàn Côrintô xưa kia: các Kitô hữu giáo đoàn này đã nghĩ rằng nhờ lòng tin họ được trở nên công chính trong Chúa Kitô một cách nhưng không rồi, nên ”họ được phép làm mọi sự”. Họ đã nghĩ rằng và ngày nay thường khi các Kitô hữu cũng nghĩ rằng được phép tạo ra các chia rẽ trong Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô, được phép cử hành bí tích Thánh Thể mà không lo lắng cho các anh chị em túng thiếu, khát khao các đặc sủng tốt nhất mà không ý thức là chi thể của nhau vv... Các hậu qủa của một lòng tin không nhập thể trong tình yêu thật là tai hại, vì nó bị giản lược vào sự quyết định và khuynh hướng chủ quan nguy hại nhất cho chính chúng ta và cho các anh chị em khác.

Trái lại, theo thánh Phaolô chúng ta phải canh tân ý thức rằng chính vì được trở nên công chính trong Chúa Kitô, mà chúng ta không tùy thuộc chính mình nữa, nhưng đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, và vì thế chúng ta được mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta với toàn cuộc sống của mình (x. 1 Cr 6,19). Chúng ta sẽ bán rẻ giá trị vô giá của sự công chính hóa, nếu đã được chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô, mà chúng ta không tôn vinh Ngài trong thân xác mình. Thật ra đó chính là phụng vụ hữu lý và thiêng liêng, mà thánh Phaolô khuyến khích chúng ta sống: ”tiến dâng thân xác chúng ta như của lễ sống động, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Một việc phụng vụ chỉ tiến dâng cho Chúa, mà không đồng thời trở thành việc phục vụ tha nhân, một lòng tin mà không diễn tả ra trong lòng mến, thì sẽ trở thành cái gì? Và thánh Phaolô thường đặt để các cộng đoàn của ngài trước sự phán xử sau hết, trong đó mọi người phải xuất hiện trước tòa án của Chúa Kitô, để lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác (2 Cr 5,5,19; Rm 2,16). Tư tưởng này về sự Phán Xét phải soi sáng chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Nếu nền luân lý thánh Phaolô đề nghị với chúng ta không rơi vào các hình thức vụ luân lý và còn thời sự, thì đó là vì nó luôn khởi hành từ tương quan cá nhân và tập thể với Chúa Kitô, để chảy vào trong cuộc sống theo Thần Khí. Đây là điều nòng cốt: luân lý Kitô không nảy sinh từ một hệ thống giới răn, nhưng là hiệu qủa tình bạn của chúng ta với Chúa Kitô. Tình bạn đó ảnh hưởng trên cuộc sống: nếu đích thật, thì nó nhập thể và được hiện thực trong tình yêu tha nhân. Vì thế không có sự suy sụp luân lý nào chỉ ở trong môi trường cá nhân mà thôi, vì mọi suy sụp luân lý đều đồng thời là sự suy giảm lòng tin của cá nhân và của toàn cộng đoàn.

Do đó chúng ta hãy để sự giao hòa, mà Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta trong Chúa Kitô, đến với chúng ta, hãy để cho tình yêu điên loạn của Thiên Chúa đối với chúng ta đến với chúng ta: không có ai hay có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô (x. Rm 8,39). Xác tín này trao ban cho chúng ta sức mạnh sống một cách cụ thể lòng tin hoạt động trong đức mến.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
ĐTC đang theo dõi vụ hai nữ tu bị bắt cóc ở Kenya
Nguyễn Quốc Tâm
10:33 28/11/2008
VATICAN ngày 27 tháng 11, 2008 (Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI dang theo dõi tiến trình điều tra vụ bắt cóc hai nữ tu Italia ở Kenya.

Linh mục Dòng Tên Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí đài phát thanh Vatican, hôm nay đã khẳng định rằng ĐTC luôn “gần gũi trong lời cầu nguyện” đối với những người cam chịu nỗi thông khổ kể từ ngày 10 tháng 11 là ngày xảy ra vụ bắt cóc hai nữ tu Caterina Giraudo và Maria Teresa Oliviero, thuộc Phong Trào Thừa Sai Chiêm Niệm Italia của cha Foucauld.

Thông điệp của Cha Lombardi cho hay: “Đã hơn hai tuần trôi qua kể từ ngày hai nữ tu Italia bị bắt cóc tại Kenya, nơi họ đã được nhiều người biết đến bởi sự dâng hiến quảng đại của họ đối với người nghèo.”

Ngài nói là ĐTC đang theo sát tình hình với sự lo ngại và luôn “gần gũi trong lời cầu nguyện trước nỗi thống khổ không chỉ đối với hai nữ tu bị bắt cóc mà còn đối với gia đình của họ và đối với Phong Trào Thừa Sai Chiêm Niệm của Cha Foucauld mà họ là thành viên.”

Người phát ngôn khẳng định: “Chúng tôi hy vọng rằng ước gì tình hình bất công đầy đau khổ và nghiêm trọng này, mà nạn nhân là những người vô tội và đáng được ca ngợi lại là nạn nhân, sẽ được giải quyết càng sớm sàng tốt.”

Hai vị nữ tu bị bắt cóc ở vùng Đông Bắc Kenya, sát với biên giới Somali. Các vụ điều tra lúc đầu là nhằm để xác định xem bọn bắt cóc là người địa phương Kenya hay là người từ bên kia biên giới.
 
Báo L'Osservatore Romano phát hành cuốn lịch 2009 với 13 tấm hình của ĐTC Gioan Phaolô II
Bùi Hữu Thư
15:42 28/11/2008

Báo L'Osservatore Romano phát hành cuốn lịch 2009 với 13 tấm hình của ĐTC Gioan Phaolô II



Vatican, 28 tháng 11, 2008 (
CNA).- Văn phòng dịch vụ hình ảnh của nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano, sẽ phát hành cuốn Niên Lịch 2009 vào ngày 3 tháng 12 với 13 tấm hình của ĐTC Gioan Phaolô II, Người Đầy Tớ của Thiên Chúa.

Theo nhật báo này, cuốn lịch sẽ được phổ biến với sự hợp tác của báo Oggi và có 13 tấm hình khổ 42x30 cm. của Đức Cố Giáo Hoàng.

Những người tạo dựng cuốn lịch cho hay, các tấm hình được in trên giấy cứng và mọi người có thể giữ làm kỷ niệm.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
 
Top Stories
Le autorità di Hanoi non vogliono pubblico al processo contro i cattolici di Thai Ha
Asia-News
07:43 28/11/2008
Ci vorrà una domanda scritta per poter assistere al dibattimento, che non si svolgerà nella sede del tribunale, ma al quarto piano di un palazzo del Comitato del popolo. Il procedimento nello stesso giorno della consacrazione del vescovo ausiliare della capitale.

Hanoi (AsiaNews) – Si fanno sempre più evidenti i connotati politici del processo che le autorità di Hanoi stanno organizzando contro i cattolici che hanno preso parte alle manifestazioni dei parrocchiani di Thai Ha, che chiedevano la restituzione del terreno della parrocchia, requisito dallo Stato. Non contenti di impedire a due degli imputati di vedere il loro avvocato, le autorità di Hanoi stanno infatti organizzando il processo in modo che sia anche estremamente difficile assistervi.

In primo luogo la data. Da tempo si sa che il 5 dicembre – giorno di inizio del procedimento giudiziario – ci sarà la cerimonia di consacrazione del nuovo vescovo ausiliare della capitale, mons. Chu Van Minh. Il che vuol dire che i sacerdoti saranno impegnati in cattedrale. Per consuetudine poi, i fedeli laici, e soprattutto quelli più impegnati, partecipano in gran numero a tali cerimonie e quindi anche loro saranno occupati e, come i preti, non andranno in tribunale.

Non basta. La legge vietnamita prevede che i processi siano pubblici, a meno che non mettano a repentaglio la dignità del querelante. E non è questo il caso. Ma l’avvocato degli accusati, Le Tran Luat, ha fatto sapere, come riferisce Eglises d’Asie, che gli imputati sono stati avvertiti, a voce, che per assistere a questo processo occorre presentare una domanda scritta. Il che, nota l’avvocato, è in palese contraddizione con il principio del processo pubblico e riflette l’intenzione di limitare il numero dei presenti. L’obbigo della richiesta scritta, inoltre, permette di sapere chi vuole esserci e ha sapore chiaramente intimidatorio.

Non basta ancora. E’ stato annunciato che il procedimento non si svolgerà al tribunale di Hanoi, ma al quarto piano di un palazzo del Comitato popolare (il municipio), in via Hoàng Cau, all’interno del distretto di Dong Da. E il 15 novembre un delegato del Comitato del popolo andò al convento dei Redentoristi, che hanno la cura della parrocchia di Thai Ha, dicendo di volere un incontro urgente. Una manovra chiaramente diversiva, mentre "centinaia di persone si riunivano per attaccare la cappella".
 
Hanoi authorities want no one to attend Thai Ha Catholics trial
Asia-News
07:45 28/11/2008
Anyone who wants to attend the proceedings must submit a written request. The trial itself will not be held in a courthouse but on the 4th floor of the People’s Committee building. On the same day that the trial starts the capital’s auxiliary bishop is consecrated.

Hanoi (AsiaNews) – Increasingly the trial that Hanoi authorities are organising against Thai Ha Catholic parishioners is taking on political connotations. Their alleged crime is to have protested in favour of the return of land belonging to their parish that was seized by the state. However, not only did the authorities prevent two of the accused from seeing their attorneys, but they are making sure that it is very difficult for anyone to attend the proceedings.

First of all, there is the date. It has been known for some time that the trail is to start on 5 December, the same day when the new auxiliary bishop of the capital, Mgr Chu Van Minh, is set to be consecrated.

Local priests will be involved in the cathedral rather than attend the trial. Similarly, tradition dictates that the laity, especially the most involved, will take part in great numbers in the ceremony and thus, like the priests, will not be able to go to the courthouse.

But this is not all. Under Vietnamese law trials are public unless the dignity of the plaintiff is at stake, which is not the case.

According to the Églises d’Asie, the lawyer for the accused, Le Tran Luat, has said that the accused have been verbally informed that anyone who wants to attend the trial must submit a written request. This is a patent violation of the principle of open trial and reflects a desire to limit the number of those present. The need to present a written request means that the authorities will be able to know who wants to attend, which is a clear attempt at intimidation.

And last but not least. The authorities have announced that the trial will not take place in the Hanoi Courthouse but rather on the fourth floor of the People’s Committee building (city hall) in Hoàng Cau Street, in Dong Da district.

On 15 November a delegate from the People’s Committee visited the Redemptorists’ convent, who are responsible for Thai Ha parish, for an urgent meeting. But it was all a diversionary manoeuvre since “hundreds of people had gathered to attack the chapel.”
 
The Church in Vietnam Isn't Afraid
Chiesa - Repubblica
08:01 28/11/2008
Because it sees the Catholic Church as a place of the freedom desired by all, the Regime in Vietnam is oppressing it.

ROMA (Chiesa) - At the synod taking place at the Vatican, there are two bishops from Vietnam: the bishop of Nha Trang, Joseph Vo Duc Minh, and of Thanh Hóa, Joseph Nguyên Chi Linh. The latter of these, speaking on the morning of October 13, called the Church of Vietnam "one of the Churches most harshly tested by bloody and uninterrupted persecution." But immediately after this, he encouraged those present with this passage from the conciliar constitution "Gaudium et Spes":

"The Church admits that she has greatly profited and still profits from the antagonism of those who oppose or who persecute her."

Proof of this "profit" – he said – is found in the flourishing of conversions in Vietnam, and the growing respect shown to Catholics for their extensive work in defense of motherhood, in a country with an extremely high abortion rate.

The bishop did not speak any further, in the synod hall, about the tribulations of Catholics in today's Vietnam. But the news reported every day by agencies like "Asia News" and "UCA News" attests to the growing difficulties. For asserting, after an unproductive meeting with representatives of the communist regime, that religious freedom "is a right, not a privilege," the archbishop of Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, has also come under attack. The city's mayor, Nguyên The Thao, a rising star at in Vietnamese politics and likely to become prime minister, has called for his removal.

For his part, the current prime minister, Nguyên Tan Dung, has threatened that the claims of the Catholics, if they do not stop, "will have a negative impact on the relationship between Vietnam and the Vatican," which do not have diplomatic relations with each other.

In Vietnam, the Holy See does not have full freedom to choose new bishops. The practice is for Rome to present three candidates, with the Vietnamese authorities excluding the ones they don't like. The last two appointments, following this practice, were made public last October 15.

Four months earlier, in June, a delegation from the Holy See had gone to Vietnam on an official visit. The statement released at the end of the mission raised hopes. But these were immediately belied by the facts.
 
La date du procès des fidèles de la paroisse de Thai Ha vient d’être reportée
Eglises d'Asie
10:31 28/11/2008
La date du procès des fidèles de la paroisse de Thai Ha vient d’être reportée.

L’affaire qui devait primitivement être jugée le 5 décembre 2008, le sera finalement le 8 décembre. Selon un communiqué, signé du religieux rédemptoriste, le P. Pierre Nguyên Van Khai, le tribunal populaire de l’arrondissement de Dông Da qui a pris cette décision a fait savoir que les travaux d’aménagement du local qui servira de salle d’audience pour le procès ne seront achevés que le 7 décembre.

L’ancienne date prévue pour le procès avait provoqué un certain nombre de soupçons dans les milieux catholiques (1). Elle coïncidait en effet avec la date de la consécration du nouvel évêque auxiliaire de Hanoi, une cérémonie qui doit avoir lieu, le 5 décembre, à Nam Dinh. Le clergé et le laïcat de Hanoi avaient pensé que cette coïncidence était destinée à limiter la présence des catholiques au procès, d’autant plus qu’une demande d’autorisation écrite était exigée des personnes voulant assister au procès.

Il semble que ces demandes vont être nombreuses. D’ores et déjà, 13 religieux de la communauté rédemptoriste de Hanoi ont déjà fait connaître au tribunal leur intention d’être présents aux débats. Ce droit, affirme la lettre, leur est accordé par l’article 18 du code vietnamien de procédure pénale.

(1) Voir précédente dépêche.

(Source: Eglises d'Asie, 28 novembre 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những hoạt động mừng lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam tại Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
08:28 28/11/2008
Những hoạt động mừng lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam tại Huế

Huế, Việt Nam ( 28-11-2008) --Trong các ngày từ 23 đến 24-11-2008. Các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc giáo phận Huế, đã có những hoạt động mừng kính Các thánh Tử đạo Việt Nam, diễn ra nhiều nơi bằng Thánh lễ, học tập về năm thánh Phaolô và đại hội huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể toàn giáo phận.

Tại Giáo xứ Gia hội (Hạt thành phố Huế)

Thanh thiếu niên Gia Hội tuyên xưng Đức Tin
Đức giám mục phụ tá Giáo phận Huế đã chủ sự Thánh lễ Kính các Thánh tử đạo Việt Nam. Trong Thánh lễ, ngài đã ban Bí tích Thêm sức, Mình Thánh Chúa và chứng nhận nghi thức Tuyên xưng Đức tin cho hơn 100 thanh thiếu nhi giáo xứ Gia Hội -Huế

Đồng tế với đức cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, có cha Phêrô Phan Xuân Thanh quản xứ Gia Hội, linh mục Gioanbaotixita Nguyễn Minh Sang, bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Huế, linh mục, Bartholomeo Nguyễn Quang Anh, giáo sư Đại chủng viện Huế, linh mục Phanxicô Xavie Hồ Văn Uyển, quản lý Toà giám mục, và gần 500 giáo dân tham dự Thánh lễ.

Đây là cơ hội để các em nhận bí tích, trở thành công dân trong vương quốc Đức Kitô, Đức cha phụ tá Huế, căn dặn các em trước khi ngài ban các bí tích cho các em, ngài nói:’’ai không dám xã thân phục vụ người bất hạnh, thì họ không được công nhận là môn đệ của Đức Kitô’’.

Cùng ngày, đức cha phụ tá Huế về thăm giáo xứ Phù Lương cách Huế 10 cây số về phía Nam, nơi được chọn làm ngày tĩnh tâm cho các huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể thuộc Liên đoàn Các Thánh tử đạo Việt Nam.

Tại giáo xứ Phù Lương (hạt Hương Phú)

Ngày hội huynh trưởng Thiếu nhi tại giáo xứ Phù Lương
Hơn 250 huynh trưởng, đến từ 26 xứ đoàn thuộc giáo phận Huế, đã kéo về nhà thờ Phù Lương để tham dự ngày hội huynh trưởng gồm Thánh lễ, nghe nói chuyện về kỹ năng lãnh đạo, thăng cấp và phát chứng chỉ.

Từ khi được phục hồi vào năm 2004 với 20 đoàn viên đến nay 2008, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Huế đã tăng trưởng và lan rộng khắp giáo phận Huế với 4.000 đoàn viên, gần 300 huynh trưởng các cấp

Linh mục Đôminicô Phan Phước, đặc trách Thiếu nhi giáo phận Huế cho biết, các anh chị được huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo đoàn thể, trong các khoá có tên là Sa Mạc, được các hiệp đoàn, tín nhiệm bầu làm trưởng để làm gạch nối liên kết các xứ đoàn với các thiếu nhi trong giáo phận Huế.

Giảng trong thánh lễ, Linh mục Lê Quang Hoà, tuyên uý Thiếu nhi, xứ đoàn Nhất Đông nói:’’các huynh trưởng là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa, qua sự truyền bá Đức Tin cho các em như các thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, đã hy sinh mạng sống để truyền rao Đức tin và làm chứng về Đức Kitô Phục sinh.

Trước khi tuyên thệ thăng cấp, các huynh trưởng niệm hương trước bàn thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hứa sống đạo tốt, làm chứng Tin Mừng bằng cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm việc bác ái tông đồ và cố gắng rèn luyện bản thân, trau dồi khả năng của mình để phục vụ cho các em Thiếu nhi có hiệu quả.

Tại Trung Tâm Mục vụ Huế.

Học hỏi về Năm Thánh Phaolô tại Trung tâm Mục vụ Huế
Lớp học về Thánh Phaolô, lần đầu tiên tổ chức cho các thành viên hội đồng giáo xứ, nhằm giúp học viên hiểu, đọc và sống Kinh Thánh trong các gia đình và giáo xứ trong năm Thánh Phaolô, lớp Kinh Thánh do ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, một chuyên gia Kinh Thánh đến từ giáo phận Sài Gòn hướng dẫn.

Đức tổng giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, đã tham dự từ đầu đến cuối, cùng Đức cha phụ tá với 20 linh mục và hơn 750 tu sĩ và giáo dân đến từ 5 hạt thuộc giáo phận như Quảng trị, Hải vân, Hương Quảng Phong, Hương Phú, và Thành phố Huế.

Được biết từ đầu năm 2008 đến nay, Ban giáo dân giáo phận Huế đã tổ chức nhiều khoá đào tạo Kinh Thánh cho giáo dân như khoá học về Sách Xuất Hành, Thánh Maccô, Thánh Phaolô nhân kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Thánh nhân.

Các học viên, sau khi học sẽ cảm thấy thích thú đọc Kinh Thánh nhiều hơn, bằng 8 phương pháp: Nghe, Đọc, Suy gẫm, Cầu nguyện, Chia sẻ, Học hỏi, Giảng dạy và Sống Lời Chúa.
 
Qui Nhơn: Hành trình tiến về Năm Thánh 2018
Duy Trà Phạm Cảnh Đáng
22:16 28/11/2008
Mừng 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhật Tin Mừng (1618-2018)

Vào ngày 15-7-2008, lúc 9 giờ sáng, tại Giáo xứ Gò Thị, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, cùng 47 linh mục đã sốt sắng dâng Thánh lễ đồng tế, mừng Thánh Andre Nguyễn Kim Thông, để chíng thức khai mac “10 năm chuẩn bị” mừng lễ 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng, vào năm 2018.

Hôm đó có sự hiện diện của tất cả linh mục,tu sĩ, và trên 200 Cựu Chủng Sinh Làng Sông Qui nhơn, cùng gần 300 đại diện quí chức trong Giáo phận.

Từ đó, Giáo phận Qui nhơn đã nổ lực thực hiện nhiều công trình như: Trung Tâm Thánh Thể, Thánh Mẫu Gành Ráng. - Trung tâm Hành hương Giáo phận: Đền Thánh Andre Phú Yên tại Mằng Lăng. – Trung tâm Khách hành hương Qui nhơn...

Nhưng điều làm cho Đức Cha, quí cha và cả giáo phận trăn trở, suy tư nhiều nhất vẩn là công cuộc Rao Giảng Tin Mừng.

Kể từ ngày cơ sở Truyền giáo Nước Mặn được các Cha Dòng Tên ( Buzomi, Pina, Borri) thiết lập ( tháng 7 năm 1618 ), công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Qui nhơn được phát triển không ngừng, cho dù phải trải qua nhiều thời kỳ bắt bớ, cấm cách khốc liệt. Tin Mừng của Chúa được rao giảng khắp mọi nơi và đông đảo lương dân đón nghe Lời Chúa, nhiều Giáo xứ, nhiều nhà thờ được thiết lập. Theo thừa sai Audies de Fonbonne, thì chỉ sau 50 năm truyền giáo, mà riêng tại phủ Qui Ninh ( tức Qui Nhơn, Bình Định) đã xây dựng được 22 nhà thờ – bình quân 2 năm có thêm 1 nhà thờ mới.

Thế nhưng trong thời đại ngày nay, công cuộc truyền giáo gặp không ít trở ngại khó khăn. Nhất là trong những năm biến động, một phần do hoàn cảnh khách quan, Giáo phận Qui nhơn đã mất gần 20 giáo xứ ( hiện Giáo phận còn 37 Gx.), trong đó có nhiều giáo xứ kỳ cựu, đông đúc, vững mạnh, đạo đức, như Giáo xứ Gia Hựu, Cù Và, Trà Câu, Trung Tín, Nước Nhĩ, Đại An v.v... Đây là sự mất mát to lớn, đau thương cho Giáo phận Qui nhơn.

Nhìn quanh sân vườn Toà Giám Mục Qui nhơn, chúng ta thấy hình ảnh của những Giáo xứ đã “ ra đi “, được TGM “tái hiện” lại như những nấm mồ, với một chút đất của Giáo xứ, một dòng chữ “thương nhớ Giao xứ...”làm cho chúng ta liên tưởng đến một “Nghỉa trang của các Giáo xứ đã ra đi”. Đây là những hình ảnh buồn, nhưng là những hình ảnh biết nói, sống động, độc đáo, và có sức mạnh lay động, thôi thúc, nhắc nhở mọi người phải nghỉ đến: “CÔNG CUỘC TÁI TRUYỀN GIÁO”. Cách riêng đối với những ngưòi con của những Giáo xứ đã ra đi thì đây là nỗi day dứt khôn nguôi.

Vì thế mà các thành phần trong Giáo phận đang có nhiều dự án, kế hoach để Rao Giảng Tin Mừng.

Với anh em Cựu Chủng Sinh thì đang tâm nguyện rằng: “... cho chúng ta xuống núi sớm là Chúa muốn chúng ta xâm nhập vào đời...gánh vác những công việc. ..mà Linh mục khó có thể thực hiện một cách tốt nhất” Cho nên mỗi CCS phải dấn thân truyền giáo.

Còn Linh mục Gioan Vỏ Đình Đệ, Quản lý TGM, thì đang hướng đến “những lớp tín hửu nhất thời của thập niên 1960” và hy vọng đó là “một lớp hạt giống Chúa đã gieo xuống” và bây giờ, với ơn Chúa, chúng ta tìm cách “làm cho nó vươn dậy thành mùa gặt chín vàng”.

Riêng Linh mục Vỏ Tá Khánh ( thi sĩ Trăng Thập Tự ) thì “Tìm một bước đột phá cho Công cuộc truyền giáo tại Giáo phận Qui nhơn” bằng cách thực hiện chương trình “ tặng sách cho giới trí thức lãnh đạo các cấp trong 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngải ( Gp.QN).Theo dự trù, Cha sẽ tặng 6000 quyển sách, trong đó có 3000 quyển “ NGÔN NGỬ CỦA CHÚA” của tác giả Tiến sĩ Francis S. Collins, và 3000 quyển “ SỐNG THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH “ của Mục sư Rick Warren, với tổng kinh phí là 180 triệu đồng VN.

Và theo Cha tính toán: “Nếu mỗi tỉnh ta tặng cho giới trí thức lãnh đạo các cấp 1000 quyển “Ngôn ngữ của Chúa” và 1000 quyển “Sống theo đúng mục đích” thì điều gì sẽ xảy ra ?. Ít ra 1/3 số người nhận được sẽ lướt qua 2 quyển sách này. Hạt giống gieo xuống, bao giờ ta gặt là tuỳ ơn Chúa”.

Và để thực hiện được chương trình này Cha tâm sự: “Tôi được biết anh chị em gốc Ngãi-Bình-Phú đang sống ngoài lãnh thổ Giáo phận Quy Nhơn, trong cũng như ngoài nước, ai cũng đều rất quảng đại với công cuộc phục hưng Giáo phận mẹ. Ứơc gì, tuỳ ơn Chúa, mỗi người sẽ có thể đóng góp một, hai, năm, mười, trăm và cả đến hàng ngàn quyển theo chương trình trên đây( 1 bộ 2 quyển giá 60 ngàn đồng VN).

Mọi sự giúp đỡ gởi về theo hướng này, xin ghi rõ: Để giúp chương trình tặng sách truyền giáo.

Thiên Chúa sẽ đáp lại sự quảng đại của chúng ta với một tỷ lệ không lường được. Ngài sẽ ban cho cả một cuộc trở lại dây chuyền... và Mẹ già Quy Nhơn sẽ sớm tươi trẻ lại”.
 
Trà Kiệu trong tôi
Nguyễn Viết Bình
22:20 28/11/2008
TRÀ KIỆU TRONG TÔI

Tôi biết, từ thuở khai sinh cho đến mãi mãi về sau, Trà Kiệu luôn sống và cố tình nuôi dưỡng để sống với đức tin tôn giáo của mình, trong đó có ơn Ðức Trinh Nữ Maria ban cho vào những ngày Trà Kiệu còn phôi thai. Tôi cũng biết khi nhắc đến biến cố tháng 9, năm 1885, một biến cố mà toàn thể Trà Kiệu ngày nay ôm ấp như dấu chỉ được lòng thương xót Chúa ban, thì cũng phải nhắc đến những năm tháng đau khổ mà bà con cả Tỉnh Quảng Nam cùng chung chịu với Trà Kiệu. Những mất mác, những chia rẽ, những ân oán xưa đã làm buồn lòng nhau không ít. Hôm nay Trà Kiệu rất vui mừng khi thấy mọi chuyện như đã thay đổi. Ðình Ngũ Xã ở Hoàng Châu đang được mọi nơi, mọi người hợp lực tái tạo. Ðó là việc làm chính đáng mà mọi con dân Trà Kiệu đang cố công đóng góp. Với niềm tin ấy, Trà Kiệu nhắc đến Văn Thân trong biến cố 1885 như một biến cố tôn giáo, trong đó Trà Kiệu nhìn thấy đức tin của mình được thể hiện, hơn là những oan trái do bất cứ nơi nào mang đến. Xin hiểu cho được như vây, tôi xin tiếp tục viết về Trà Kiệu mà không sợ hàm oan.

Trà Kiệu xưa và nay đang sống dưới hào quang tôn giáo với Ðức Mẹ Maria, ngoài ra chẳng có gì để nói. Những tượng Chàm, những điêu khắc quý giá, thì nay đã cao bay xa chạy đến những nơi danh tiếng hơn, như Paris chẳng hạn. Bức thành Chàm ở phía Nam, xây dựng để bảo vệ kinh đô thì nay đã thấp lè tè, ngang với mặt ruộng lúa, thấy gì lạ đâu. Con suối Hố Diêu ở phía Tây, lúc ấy nên thơ bao nhiêu, nay nhìn khô cạn đến tiêu điều, thảm não. Trà Kiệu có gì đâu so với một Thi Lai trù phú, tiếng dệt lụa đêm đêm còn vang vọng trong tâm trí tôi. Trà Kiệu có gì đâu so với tơ tằm Mã Châu và các cô gái Mã Châu đẹp vì không phải nắng mưa trên ruộng lúa mà phải ở nhà nuôi tằm, giăng tơ. Trà Kiệu có đồng lúa trù phú bao la, đem cơm áo cho dân khắp vùng, thì nắng mưa dãi dầu đã làm các bà các cô bớt đi phần nhan sắc.

Trà Kiệu còn lại ngọn Ðồi Bửu Châu, đây là hãnh diện cuối cùng của Trà Kiệu. Trà Kiệu rất tiếc là đã mất đi ngôi thánh đường cỗ kính, di tích của ơn cứu giúp của Ðức Trinh Nữ Maria trên đỉnh đồi. Nhưng thôi, tôi tin rằng các kiến trúc hôm nay, một ngôi nhà thờ hình tam giác, dự trù cao đến 79 thước, mà nay mới xây được có 30 thước, không có tường chung quanh để gió lộng ở cao độ có thể tung hoành, theo sơ đồ của cố kiến trúc sư danh tiếng Ngô Viết Thụ, người đã vẽ sơ đồ cho Dinh Ðộc Lập năm nào của thời Ngô Ðình Diệm, cũng đủ để thu hút lòng tôi và các đồng bào của tôi. Tôi nghĩ tôi phải nói nhiều về ngọn đồi nầy, vì đây là hảnh diện của tôi, người con Trà Kiệu có thể gọi là mất gốc, vì đã phải xa Trà Kiệu từ hồi còn tí teo. Ðồi Bửu Châu đẹp lắm, cao độ vừa phải, lối 70 thước, và nay vừa mới được giáo xứ Trà Kiệu xây lại 124 bậc cấp đi lên bằng đá hoa, láng nhưng không trợt. Dưới chân đồi là các cảnh trí đẹp mắt như một công trường rộng lớn với cỏ quý xanh tươi, để làm nơi tổ chức các lễ nghi tôn giáo lớn, với hồ sen, cây kiểng, cá chậu. Chung quanh lưng chừng đồi là cây cối um tùm, ngợp bóng mát. Các cặp tình nhân đã mau thấy được cảnh thiên đường ở đây, khiến cho nhiều lúc giáo xứ Trà Kiệu bối rối khi phải cố gắng duy trì cảnh trang nghiêm của nơi thờ phượng.

Mời các anh chị em cùng tôi về Quảng Nam một lần nữa. Lần nầy xin theo tôi về Trà Kiệu. Nhớ thời còn đi học, những dịp hè, tôi cũng có năm ba người bạn mới đất Huế, theo tôi về thăm Xứ Chàm của tôi. Ăn uống ngủ nghỉ thoải mái. Hít thở không khí trong lành của đồng ruộng bát ngát chung quanh nhà ông cụ tôi. Sau nầy, vào những ngày đại hội 29, 30, 31 tháng 5 hằng năm, Trà Kiệu đông lắm. Nghe nói công trường dưới chân Núi Bửu Châu đông nghẹt là khách hành hương. Cả làng Trà Kiệu không còn đất chen chân. Họ về đây để thờ kính Ðức Trinh Nữ Maria, Người đã làm phép lạ cứu Trà Kiệu khỏi bị tàn phá. Họ về đây để tạ ơn Mẹ của họ. Họ về đây để uống cụm nước lã xin ơn từ cái giếng rất bình thường nằm cao hơn 70 thước cách mặt đất ngay trên đỉnh Ðồi Bửu Châu, sát bên nhà thờ. Ðứng trên đỉnh Ðồi nầy, xuyên qua cánh đồng lúa bát ngát phía Nam, ta sẽ thấy đoàn tàu lửa màu xanh lá mạ chở hàng ngàn khách hành hương từ từ đáp ga Trà Kiệu. Cũng thế, quay mặt về hướng Ðông, hướng Ngã Ba Nam Phước, ta sẽ thấy đoàn đoàn xe đò từ Ðà Nẵng hay Tam Kỳ, hay tận Cà Mau, lũ lượt nối đuôi về Trà Kiệu. Khuông viên làng có hơn cây số vuông, nhưng lòng con dân Trà Kiệu to hơn gấp bội, nên bao nhiêu "nhân khẩu" đều được ân cần mời gọi. Free ăn, free ở, để mọi khách hành hương có đủ thì giờ lo việc đạo đức. Nghe nói tháng 5, năm 1995, kỷ niệm 110 năm ngày Ðức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu, có hơn 30 ngàn người về đây. Và như thế năm nào cũng vậy.

Trà Kiệu cũng còn chút hãnh diện phụ ở lịch sử tiến hoá của mình. Ngôi nhà thờ chính của Trà Kiệu nằm trên một thửa đất bằng phẳng, khánh thành từ sau ngày biến cố Văn Thân. Ngôi nhà thờ nầy đã được xây đi xây lại nhiều lần dưới nhiều triều đại linh mục của Hội Thừa Sai Paris. 10 cột bên trong to, 2 người lớn ôm không hết, cửa chính, cửa sổ gổ sồi nặng không thể nào mở nổi, nếu bạn không có người phụ. Gạch, cement nhập cảng tít từ bên Pháp Quốc. Tiếc thay, ngôi thánh đường hôm nay quý vị nhìn thấy lại là sản phẩm của bao nhiêu sai lầm Nó ọp ẹp, rung rinh. Chưa mưa đã dột. Chưa nắng đã nứt. Nhưng thôi, tôi phải bằng lòng vì làm sao sửa chữa được quá khứ. Tôi chỉ xin hiện tại nên học bài học của hôm qua. Ấn tượng mạnh nhất cho nhiều anh chị em chúng tôi là ngôi trường Tiểu Học, mang tên thánh nữ Têrêxa, vị thánh ẩn tu, chết rất trẻ vì bệnh lao phổi, mà là vị đại thánh, tiến sĩ của giáo hội công giáo. Trường nằm trong khung viên nhà thờ chính. Trường cũng chịu luật tiến hoá của vũ trụ, mở lớp 1, rồi mở lớp 2 và tiếp tục đến lớp 5 tiểu học. Cho đến trước năm 1975, trường đã là cái nôi yêu thương cho tuổi trẻ Trà Kiệu. Tôi biết được, không thiếu những anh chị em các xã lân cận đã cùng chúng tôi lớn lên trong khung cảnh yêu thương đầm ấm của trường làng Têrêxa nầy, với các dì phước áo chùng đen, mà tuổi trẻ chúng tôi vẫn chọc ghẹo là quạ đen.

Ngày nay, tôi không hiểu rõ guồng máy quản trị năng lượng tại Trà Kiệu. Nhưng thấy như là nhà thủy điện Duy Sơn 2, nằm tuốt trên núi cao của dãy Trường Sơn, đang cung cấp điện lực cho Trà Kiệu. Ban đêm Trà Kiệu sáng choang. Khung viên nhà thờ Núi đã được giáo quyền Ðà Nẵng nâng lên làm Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Ðà Nẵng - nơi thờ phượng Ðức Trinh Nữ Maria, Người đã hiện ra trên nóc nhà thờ chính vào những ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1885 để giúp Trà Kiệu sống sót trước những đợt tấn công bằng đại pháo của Văn Thân. Nơi đây nay lại càng sáng hơn, vì hình như có ai đó bên trời California đã ủng hộ ngân quỹ lớn để giúp giáo xứ tăng cường điện cao thế để Trung Tâm nầy sáng sủa hơn. Có lẽ tận ngoài Ðà Nẵng cũng có thể thấy đèn Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. Vui lắm khi nhìn lại được cảnh thái bình.

Thái bình bao giờ cũng đi đôi với thịnh vượng. Chợ Trà Kiệu cũng là cái hảnh diện lẻ loi của đứa con Trà Kiệu lạc loài nầy. Tôi đã đi chợ Trà Kiệu, chợ Cầu Chìm, chợ Quận, chợ Nam Phước. Tôi không so sánh, nhưng tôi vui vì thấy đây là cửa khẩu tốt nhất cho các thôn xóm nằm phía Tây và phía Nam Trà Kiệu, gần núi hơn gần tỉnh thị. Ðây là nơi cung cấp trăm ngàn thứ nhu yếu phẩm hằng ngày cho bà con xa xôi đó. Trà Kiệu trở nên sầm uất hơn xưa. Tôi không muốn dài dòng với chuyện chợ búa nầy hơn nữa.

Ðọan cuối, tôi muốn quay lại chuyện tôi đã thưa ở những giòng chử đầu bài. Tôi muốn xin thưa rằng ngày nào Trà Kiệu không còn hãnh diện về ơn Ðức Mẹ hiện ra trên nóc nhà thờ, ngày đó Trà Kiệu không còn là Trà Kiệu nữa. Sự hãnh diện đó phải được nhìn dưới con mắt tôn giáo, hơn là con mắt lịch sử. Họ muốn nói đến Ðức Mẹ của họ, tuyệt nhiên họ không bao giờ muốn khơi lên nhóm tro tàn của máu cùng nước mắt. Ước mong chương trình tái thiết lại Ðình và khuông viên Ðình Ngũ Xã tại Hoàng Châu sẽ xoá bớt đi phần nào phân hoá bấy lâu. Và Trà Kiệu nhất định sẽ là thành viên sốt sắng của chương trình đoàn kết yêu thương nầy.
 
Trang web của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam
LM Tôma Vũ Quang Trung, S.J.
22:26 28/11/2008
LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM
180 – Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh – Email: betrenthuongcap@gmail.com


Số 08/TB-08

Ngày 28 tháng 11 năm 2008

THÔNG BÁO
Về trang web của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam


Kính gởi: Quý Bề Trên các Dòng Tu, Tu Hội và Tu Đoàn Tông Đồ toàn quốc

Như đã thông tin với Quý Bề Trên trong Hội Nghị Thường Niên của LHBTTCVN vào tháng 9-2008 vừa qua, Ban Điều Hành LHBTTCVN xin thông báo đến Quý Bề Trên về trang web của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam vừa được thiết lập như sau:

1. Địa chỉ của trang web: www.betrenthuongcap.net

2. Trang web này sẽ là nơi thông tin chính thức của Ban Điều Hành LHBTTCVN về hoạt động của các Dòng Tu, Tu Hội và Tu Đoàn tông đồ tại Việt Nam cũng như các thông tin cần thiết liên quan đến Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ.

3. Quý Bề Trên muốn thông tin và chia sẻ các sinh hoạt của đơn vị mình với mọi người qua trang web này, xin vui lòng gởi bản tin về địa chỉ email: betrenthuongcap@gmail.com

4. Trang web này cũng là nơi trao đổi và chia sẻ các tài liệu liên quan đến đời sống thánh hiến trong Giáo Hội.

5. Để trang web phục vụ hữu hiệu cho các ích lợi thiêng liêng của đời sống thánh hiến và kiến tạo sự hiệp thông sâu xa và phong phú hơn nữa giữa các thành phần Dân Chúa trong cộng đoàn Giáo Hội, kính xin Quý Bề Trên, Quý Cha và Quý tu sĩ nam nữ cùng anh chị em giáo dân tham gia đóng góp bài viết, chia sẻ tin tức, hình ảnh về các sinh hoạt của đơn vị mình trên trang web này.

Xin chân thành cám ơn sự đóng góp và cộng tác quý báu của Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân.

TM Ban Điều Hành LHBTTCVN
Chủ Tịch,
LM Tôma Vũ Quang Trung, S.J.
Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam
 
Chủng viện cũ của Giáo phận Phát Diệm vừa được tra trả lại
TGM Phát Diệm
23:12 28/11/2008
PHÁT DIỆM - Ngày 27 tháng 11 năm 2008, cha Giuse Phạm Ngọc Khuê, trưởng đoàn Đại diện giáo phận Phát Diệm đã tới dự và nhận bàn giao khu Trường Thử Trì Chính.

Giám mục Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Việt Nam tiên khởi Phát Diệm, mua năm 1936 với diện tích gần 5 mẫu bắc bộ. Ngài đã cho xây dựng trên đó một ngôi trường lớn dành cho việc đào tạo các tiểu chủng sinh giáo phận. Từ năm 1957, toàn bộ khu trường này do xí nghiệp chiếu cói Đại Đồng sử dụng.

Như vậy, sau 51 năm, giáo phận Phát Diệm đã nhận lại trọn vẹn khu đất với diện tích cụ thể là 15.449,1m2 với tất cả các công trình trên đó. Những ngôi nhà khang trang xưa nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngay sau nhận bàn giao, giáo phận sẽ bắt đầu đại tu khu trường thử thành Trung tâm mục vụ, đào tạo nhân sự của giáo phận.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Một số linh mục làm đơn đề nghị được tham dự phiên tòa xử giáo dân Thái Hà
DCCT Thái Hà
00:49 28/11/2008
 
Sự hổ thẹn mang tên Việt Nam
Mặc Lâm/RFA
10:27 28/11/2008
WASHINGTON DC- 2 sự việc liên tiếp diễn ra với người Việt Nam ở nước ngoài, một ở Phi Châu một ở Đông Âu, đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về hình ảnh của đất nuớc trong mắt bạn bè quốc tế.

Sự kiện truyền thông Nam Phi cho phát hình một nhân viên tòa đại sứ Việt Nam buôn lậu sừng tê giác, tiếp đó là quyết định của Cộng hòa Czech ngưng cấp visa cho công dân Việt Nam do tình trạng buôn lậu, xã hội đen của người Việt gia tăng tại Czech khiến giới trí thức trong và ngoài nước cho là chuyện nhục quốc thể.

Văn hóa thờ ơ

Trên trang nhất của báo Saigon Tiếp Thị online giáo sư Phạm Duy Nghĩa đã viết một bài phân tích sự thờ ơ của xã hội Việt Nam hiện nay trước những việc mà ông cho là nhục quốc thể qua các vụ buôn bán sừng tê giác của nhân viên tòa đại sứ Việt Nam nơi xứ người.

Kế đến là người Việt sống tại Tiệp đã buôn lậu, mua bán ma túy cùng các hoạt động xã hội đen khác đã khiến cho nước này vừa ra quyết định không cấp hộ chiếu cho người lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.

Giáo sư Nghĩa viết rằng nhiều người đọc những tin này không tỏ ra bất cứ một biểu hiện nào, thậm chí còn cười cợt cho là việc nhỏ.

Nếu nhìn vấn đề ở khía cạnh văn hóa người ta sẽ nhận thấy sự việc này không phải là nhỏ mà trái lại rất đáng để suy gẫm.

Vài năm về trước, một chiếc cặp da đầy tiền đô la bỏ quên tại phi trường Nội Bài Hà Nội và sau đó công an phát hiện chủ nhân của nó là một cán bộ cao cấp.

Ông này cho biết số tiền được mang đi mua sừng tê giác. Đáng tiếc là các cơ quan chức năng không xử lý việc này đúng mức và do đó dư luận cho rằng càng làm lớn thì tội càng nhẹ.

Từ bà Bí thư Tòa đại sứ

Việc không xử phạt các hành vi buôn lậu khiến tình trạng tiếp diễn với vụ việc mới nhất là đài truyền hình Nam Phi cho phát sóng cảnh một phụ nữ Việt Nam tươi cười trước ống kính với chiếc sừng tê giác.

Người phụ nữ này sau đó được xác định là bà Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Bà Anh đã bị triệu tập về nước để truy cứu trách nhiệm.

Nhân viên ngoại giao của một nước bao giờ cũng là thành phần trí thức của nước đó và khi đến xứ nguời công cán lại phạm tội để nuớc chủ nhà bắt quả tang thì ai cũng cho là điều đáng hổ thẹn. Tuy nhiên nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý thích đáng sẽ đưa đến mất niềm tin của dân chúng.

Một khi mất niềm tin thì nhiều nguời có thể chọn thái độ thờ ơ, phó thác mọi vấn đề liên quan đến tinh thần cho người khác. Đây là tâm lý nguy hiểm và về lâu về dài có khả năng làm mất đi lòng tự ái dân tộc.

Trước sự kiện này một viên chức ngoại giao đã về hưu cho biết sự ưu tư của ông: “Trong quá trình chuẩn bị cho giới ngoại giao Việt Nam không kịp thời và đầy đủ và những chuyện tiêu cực đã lộ ra những nhược điểm.”

Trong khi đó thì tiến sĩ Đinh Thị Dung, hiện giảng dạy tại trường ĐHQG/TPHCM bộ môn văn hóa Việt Nam có ý kiến liên quan: “Không phải một người làm công tác ngoại giao xấu là mình kết luận người Việt như vậy. Cũng giống như các vụ trước kia khi các cô gái bị đưa đi làm dâu nước ngoài không phải các cô gái đều xấu. Người ta cho rằng có nói cho nhiều cũng vậy thôi, không thay đổi được gì cả do đó tâm lý người Việt có vẻ như bàng quan.”

Đến chuyện ở Tiệp

Sau vụ sừng tê giác, một sự kiện khác cũng khiến những người quan tâm tại Việt Nam lấy làm 'nhục quốc thể' như ý kiến của giáo sư Phạm Duy Nghĩa; đó là Tòa Đại sứ Czech tại Việt Nam tuyên bố ngưng cấp chiếu khán cho lao động Việt Nam sang Cộng hòa Czech (thường được người Việt gọi là Cộng hòa Tiệp) làm việc theo như hợp đồng hai nước đã ký.

Lý do được đưa ra là Cộng Hòa Czech lo ngại người Việt được cử đi lao động tại Czech ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động buôn lậu trên đất nước của họ hơn là làm việc như những công nhân bình thường.

Dư luận quan ngại Việt Nam sẽ mất nhiều triệu đô la từ lao động nước ngoài và các cơ quan tuyển dụng sẽ phá sản không lâu sau đó.

Tuy nhiên đây chỉ là những thiệt hại kinh tế còn các thiệt hại tinh thần thật khó mà thống kê bằng con số được; nạn nhân trực tiếp là nền văn hóa truyền thống - vốn quý của nguời Việt bao đời nay.

(Nguồn: Mặc Lâm, RFA, ngày 26-11-2008)
 
Có gì sau những văn bản đen?
Toàn Nguyên
10:42 28/11/2008
Có gì sau những văn bản đen?

Tôi không còn tin vào mắt mình khi lướt qua những con số trong bài viết: “Gần 6.900 văn bản trái luật đã được ban hành” của Hoà Khuê trên VnExpress.net, ngày 25/11/2008. Cố đọc cho thật kỹ kẻo nhầm lẫn, nhưng càng đọc tôi càng cảm thấy phẫn nộ và xót xa. Phẫn nộ bởi thói lộng hành của chính quyền từ trên xuống dưới, nhưng xót xa cho chính bản thân cũng như hàng triệu người Việt đã, đang bị những thứ văn bản kia đè nặng trên lưng.

Con số văn bản trái luật làm lộ rõ thói lộng hành của các cấp chính quyền. Hình như thói lộng hành này đã ăn sâu vào guồng máy lãnh đạo nên từ ông to đến ông nhỏ cứ hứng là ban hành, bất chấp pháp luật. “Chỉ riêng 800 văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thấy khoảng 200 văn bản trái pháp luật…Tỷ lệ này tại Bộ Giao thông vận tải là 12 trong số 60 văn bản được kiểm tra. […] Tại tỉnh Cao Bằng có một nửa trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm. Tỷ lệ này ở Nghệ An là 660 trong 1000 văn bản được “sờ” tới…”. Đó là số lượng kiểm tra rất khiêm tốn và do “địa phương tự kiểm tra phát hiện”. Nếu cứ đem hết văn bản đã ban hành của các cấp chính quyền cho dân kiểm tra thì con số sai phạm còn đi tới đâu? Chính quyền suốt ngày tuyên truyền “sống theo hiến pháp và pháp luật” nhưng họ lại đang đạp lên đống hiến pháp và pháp luật để lộng hành.

Khi ra những văn bản trái luật-những văn bản đen, chắc chắn không hoàn toàn do các cấp chính quyền (các quan) thiếu hiểu biết hay vô tình. Lâu nay người dân đã quá quen cách ban hành văn bản của các quan nhà ta. Những văn bản vì lợi ích cộng đồng thì các quan “nghiên cứu”, lưỡng lự; đôi khi người dân cứ đợi dài cổ hết năm này qua năm khác nhưng cũng chẳng thấy ban hành. Ngược lại, những văn bản đen có lợi cho các quan thì chỉ qua một đêm đã xong (như việc quyết định làm vườn hoa của chính quyền Hà Nội trên hai khu đất đang tranh chấp vừa qua chẳng hạn). Tới đây tôi tự hỏi, đằng sau những con số văn bản đen kia là bao lợi ích, bao nhiêu tỷ tỷ đã vào túi các quan?

Lợi ích như chiếc bánh, quan ăn thì dân đói. Bao nhiêu tỷ rơi vào túi quan, bấy nhiêu tỷ người dân mất. Các quan phất lên nhờ những văn bản đen thì người dân thấp cổ bé miệng rơi vào cảnh bần cùng đói khổ. Người nông dân cả nước đã mất mát gì do hơn 200 văn bản đen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây ra? Liệu tình trạng bỏ học ngày càng tăng nơi học sinh các vùng nông thôn có phần đóng góp đáng kể của những văn bản đen do Bộ này đã ban hành? Đằng sau 12 văn bản đen của Bộ Giao thông vận tải là gì? Hậu quả của nó gây ra tới đâu không biết nhưng có điều chắc chắn rằng, những văn bản đen của Bộ này đã đóng góp đáng kể vào tình trạng kẹt xe hàng ngày tại các thành phố, tình trạng người dân phải nhồi nhét trên các phương tiện giao thông vào mỗi dịp lễ, tết…Văn bản đen của Bộ Công thương thì sao, nó có gây ra nỗi khốn khổ cho dân khi giá xăng, giá điện mỗi ngày một tăng? Bộ Giáo dục đóng góp bao nhiêu văn bản đen để đẩy nền giáo dục nước nhà vào tình trạng phá sản như hiện nay?...

Các quan cấp Bộ đã vậy, quan địa phương còn lộng hành hơn. Tại tỉnh Cao Bằng có một nửa trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm và tỉnh Nghệ An là 600 văn bản sai phạm trên tổng số 1000 văn bản được kiểm tra. Như vậy con số văn bản đen chiếm đến hơn 50% văn bản được kiểm tra. Tại các tỉnh khác, tình trạng ban hành văn bản đen chắc cũng không kém hai tỉnh này. Lâu nay người ta chứng kiến cảnh dân oan khiếu kiện mỗi ngày một đông. Liệu đây có phải là hậu quả từ các văn bản đen, những văn bản bất nhân mà các quan địa phương đã đặt lên lưng người dân?

Tới đây tôi lại nghĩ tới những văn bản đen của các quan tỉnh Sơn La. Mấy ngày qua, loạt bài ký sự: Sơn La: “nhà nước tự trị về tôn giáo” của Sơn Hà trên các trang mạng đã thực sự làm “những ai cầm hộ chiếu Việt Nam đi nước ngoài đều cảm thấy nhục”. Nhục bởi một nước có bộ luật ghi rõ các quyền cơ bản của con người: bình đẳng trước pháp luật, tự do tôn giáo…lại tồn tại cái “nhà nước Sơn La” ngang nhiên đàn áp đồng bào dân tộc theo Công giáo. Đã có bao nhiêu văn bản đen của “nhà nước Sơn La” đang đè lên lưng người dân tại đây?

Những văn bản đen không chỉ là những con số khơi khơi vô hại. Mỗi văn bản ban hành đều tác động trực tiếp đến sinh mạng hàng ngàn, vạn, triệu con người cụ thể. Đằng sau con số 6.900 văn bản đen là những mảnh đời của trẻ thất học, những tâm hồn đau khổ vì mất tự do; là tiếng kêu ai oán của kẻ chịu thiệt thòi và là cảnh nghèo của hàng triệu người dân trên khắp đất nước.

Hàng ngàn văn bản đen đã và đang là gánh nặng cho người dân (dân chứ không phải quan) nhưng các quan ban hành “hiện mới có một vài người bị xử lý với hình thức ‘kiểm điểm’, nhắc nhở”. Cứ với đà này thì người dân còn phải chịu cảnh áp bức dài dài do những văn bản đen sẽ tiếp tục được ban hành. Có lẽ vì thế mà hàng triệu người trong và ngoài nước đang hướng về Hà Nội theo dõi phiên toà xử 8 giáo dân Thái Hà (ngày 08/11/2008) để tỏ tình liên đới và cũng là dịp để chứng kiến những văn bản đen lộng hành.
 
Những lời chứng cho sự thật
Lm Lê Quang Uy DCCT
14:57 28/11/2008
NHỮNG LỜI CHỨNG CHO SỰ THẬT

Hôm 26.11.2008, đang ở Nam Định, tôi nhận được một E-Mail của một người quen, bà Trần Thị Hường, 70 tuổi, là một “chiến sĩ Bảo Vệ Sự Sống” lão thành và nhiệt thành của Hà Nội. Đọc Mail của bà xong, tôi thao thức trằn trọc cả một đêm, thấy xấu hổ quá, nhưng nếu lên tiếng thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Cuối cùng, tôi thấy mình không được phép im lặng nữa. Cám ơn bà Hường đã vô tình nhắc cho tôi nhớ mình là một Linh Mục, nghĩa là mình phải luôn là một “người lính canh cho Sự Thật”, mà lại là người lính không biết sợ bóng sợ vía nữa.

Và sau đây, tôi xin chép lại nguyên văn lời chứng của bà Trần Thị Hường. Rất mong các trang web, các cơ quan thông tấn giúp phổ biến càng rộng càng tốt và chuyển đến cho ông Lê Trần Luật, luật sư đã nhận biện hộ cho 8 người Giáo Dân.

LỜI CHỨNG THỨ NHẤT TỪ MỘT GIÁO DÂN

Bà Trần Thị Hường, viết:

“Tôi là một trong hàng ngàn người Công Giáo tới Thái Hà cầu nguyện hôm 15.8.2008. Ngày đó là ngày Lễ kính Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời và cũng là ngày Lễ Quan Thầy của nhiều người có tên Thánh Maria. Tên Thánh của tôi là Maria, trưa hôm đó tôi cũng có mặt để dự Lễ Quan Thầy và cùng mọi người ra Linh Địa Đức Bà để cầu nguyện, Tôi đã tận mắt chứng kiến từ đầu.

Trưa hôm 15.8.2008, cha Lê Quang Uy dâng Thánh Lễ và cùng đoàn Giáo Dân chúng tôi ra Linh Địa Đức Mẹ để cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình như mọi lần. Cha Lê Quang Uy chủ tế và một số Giáo Dân đã đi vòng lối bên cạnh để vào bàn thờ có tượng Mẹ Công Lý.

Trong khi đó còn rất nhiều Giáo Dân ( kể cả tôi ) không vào được gần bàn thờ phía trong ( trên một bể nước ) nơi có đặt Thánh Giá và tượng Mẹ công Lý để cầu nguyện. Chúng tôi đứng ngoài “bức tường” cao khoảng 0,80m và thấy tại đó có mấy hàng gạch cũ nát đã đổ ( do mưa từ mấy hôm trước ).

Chính tôi đã lấy tay lay những hàng gạch tiếp theo và thấy anh Kiệm, anh Việt, chị Hồng và một số Giáo Dân khác đã lấy thanh gỗ, lấy gạch gần đó giúp chúng tôi đẩy đổ tường ( đã sắp đổ ) để lấy lối cho chúng tôi vào trong. Chỉ sau 5 phút, cái gọi là “bức tường” đã đổ và mở đường cho mọi người vào trong.

Rất tiếc, hôm đó là Lễ Quan Thầy nên tôi mặc đẹp để dự Lễ nên không thể cùng 8 Giáo Dân đó đẩy đổ “bức tường” cao 0,80m để mở lối cho mọi người vào.

Đứng ngay tại đó, tôi cũng như rất nhiều Giáo Dân chứng kiến từ đầu đến cuối những việc làm của 8 Giáo Dân. Tôi thấy: họ không gây rối trật tự công cộng, cũng không phá hoại tài sản. Bởi vì đứng ngay cạnh tôi và rất nhiều Giáo Dân cũng như 8 Giáo Dân bị đưa ra tòa sắp tới.

Ngay lúc bấy giờ có rất nhiều CA “chìm nổi” và cả bảo vệ, họ không can ngăn và không có ý kiến gì cả. Nếu là vi phạm thì sao họ không “can ngăn” và cũng không có ý kiến gì cả ?

Cứ xem lại video clip ta thấy rõ CA và bảo vệ cũng có mặt tại đó không hề có ý kiến và “ngăn cản” những người bị buộc tội là “phá hoại của công” và “phá rối trật tự công cộng”. Thế tại sao hôm nay lại lên án và xử tội 8 Giáo Dân đó được. Trong khi đó cả ngàn Giáo Dân cùng tới đó và chứng kiến ( trong đó có tôi ), tại sao không xử tất cả ?

Bản án bất công đối với người vô tội không thể đem ra xét xử như tội phạm được. Tôi thấy chính quyền CS Hà Nội cần nghiêm túc hơn trong việc thi hành pháp luật. Không nên để “cái sảy nảy cái ung”. Nếu bản án chỉ xử 8 Giáo Dân Thái Hà là “mất trật tự công cộng” thì cũng nên xử thêm cả tôi và hàng ngàn Giáo Dân đã đến cầu nguyện ngày 15.8.2008 hôm đó để đòi Công Lý thì mới đúng luật “vu oan giá họa” của chính quyền CS Hà Nội.

Riêng tôi xin phép được ra tòa cùng với 8 Giáo Dân xử vào ngày 5.12.2008 này. Chúng tôi hoàn toàn phản đối bản án xử 8 Giáo Dân vào ngày 5.12.2008 này. Mong tất cả mọi người Công Giáo trong và ngoài nước hiệp nguyện để Công Lý và Hòa Bình được thực thi trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta”.

Maria TRẦN THỊ HƯỜNG, Hà Nội, 26.11.2008

LỜI CHỨNG THỨ HAI TỪ MỘT LINH MỤC

Tôi xin viết bài này như một lời chứng hiệp ý với lời chứng của bà Hường, cả hai chúng tôi đều là những người trong cuộc, chứng kiến mọi diễn tiến của ngày 15.8.2008 lịch sử. Tôi thật sự ao ước sao cho tất cả hàng sáu bảy trăm người cũng có mặt hôm ấy tại Linh Địa Đức Bà Thái Hà, tất cả sẽ cùng nhau lên tiếng, cách này hay cách khác, để làm chứng cho Sự Thật, trở thành luận cứ thuyết phục mạnh mẽ cho các luật sư trưng dẫn trước tòa, bênh vực được cho 8 ông bà anh chị em đang và sẽ bị kết án oan ức.

Trước hết, tôi xin trích lại từ một bài đã viết ngay hôm ấy cho báo Ephata số 379:

“( … ) Đúng ngày thứ sáu, Lễ Đức Bà Lên Trời 15 tháng 8, trong khi các cha DCCT tại chỗ đều vào dự Đại Hội La Vang hoặc tản ra đi dâng Lễ ở các nơi thay cho các cha sở bên Triều cũng đi vắng trong La Vang, tôi được nhờ dâng Thánh Lễ trọng thể. Vừa Lễ xong, như truyền thống đã có ở Thái Hà, tôi mặc nguyên áo Lễ vàng cùng với bà con Giáo Dân kéo sang Phố Đức Bà để cầu nguyện và hát Kinh Hoà Bình.

( … ) Tình hình giằng co như thế đã 8 tháng. Ngày nào cũng vậy, hễ dứt Lễ trong Nhà Thờ là cha chủ tế, lễ sinh, ca đoàn, trẻ con, cụ già, đàn ông đàn bà theo sau Thánh Giá nến cao, kéo sang hát vang Kinh Hoà Bình, làm Tuần Cửu Nhật kính Đức Bà Hằng Cứu Giúp ( … )

Khi đoàn ra đến Phố Đức Bà, mọi khi cứ đứng ngay lối đi mà cầu nguyện, mấy lần bên Công An bảo là gây mất an ninh trật tự công cộng, lần này tự nhiên thấy có một đoạn tường gạch bị trận mưa lớn mấy hôm trước làm sập, mọi người quyết định cứ thế mà leo vào. Bên trong các cụ đã đặt được tượng Đức Bà Ban Ơn từ khuya ngày 13 rạng ngày 14, chẳng lẽ lại chịu đứng bên ngoài sao ? Đây là đất Hội Thánh, đất của Giáo Dân mình cơ mà, mình vào thì có sao đâu nào. Kẻ chiếm dụng cố thủ bên trong mới sai lỗi chứ nhỉ ?!?

Có đến cả trăm người đã lọt vào bên trong, đọc kinh, hát Thánh Ca đến bài “Mẹ ơi, Xứ Đạo con đây...” thì bên ngoài vẫn còn mấy trăm người nữa, bức bối quá, họ xô đổ luôn mấy mảng tường khác nữa để ùa vào. Tôi chợt ngoái lại nhìn thì thấy y như một dòng sông người đang cuồn cuộn tràn vào. Có mấy ông khoẻ tay đang vặn các đầu dây thép gai lên để không gây thương tích cho mọi người khi băng qua chỗ tường mới sập tan tành.

Tuyệt nhiên không có bạo động, không có đôi co xô xát nào. Mấy anh Công An áo xanh đứng ở trụ sở xa xa điềm nhiên phì phèo điếu thuốc. Mấy anh mặc thường phục thì lăm lăm máy chụp ảnh và máy quay phim để quay quay chụp chụp ( … )”

Vậy đó, tôi xin khẳng định lại một lần nữa: 8 người Giáo Dân đang sắp phải đưa ra xử nay mai hoàn toàn không phạm vào hai tội hình sự bên Công Tố đã đưa ra:

Thứ nhất, họ không phá hoại tài sản của ai cả, chỉ là xô đổ một đoạn tường ọp ẹp nhếch nhác nằm trong toàn bộ bức tường dài đã được người ta xây một cách vội vã cẩu thả để cốt chiếm giữ mảnh đất thuộc quyền sở hữu của DCCT Thái Hà, mà DCCT chúng tôi lại chỉ biết cám ơn bà con Giáo Dân về nghĩa cử ấy chứ ai lại đi kiện cáo đòi họ bồi thường bao giờ.

Thứ hai, họ không hề gây mất trật tự công cộng chi cả, ngay từ khi còn bức tường ngăn cách và sau này khi đã có thể vào hẳn bên trong, lúc nào đám đông quần chúng ấy cũng luôn là những người ôn hòa, bất bạo động, ý thức trật tự công cộng rất tốt, cứ như ở các nước khác thì họ sẽ được một số anh em cảnh sát đứng ra bảo vệ một cách lịch sự từ xa, không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc từ bên ngoài làm ảnh hưởng bầu khí cầu nguyện thiêng liêng.

Cuối cùng thì tất cả những lý lẽ người ta dùng để buộc tội mấy người Giáo Dân không một tấc sắt trong tay, thật ra chỉ là cái cớ bên ngoài để che đậy cái thực tại khuất tất mờ ám bên trong của một thứ cường quyền đã bất chấp Công Lý và Sự Thật.

Theo văn hóa thần thoại cổ Hy Lạp, nữ thần Thémis là một trong các bà vợ của thần tối cao Zeus, được trao nhiệm vụ xét xử mọi tranh chấp trong thế giới các thần và cả nơi xã hội loài người. Thémis một tay cầm thanh gươm, một tay cầm cái cân để tượng trưng cho việc phân giải, xét xử công bằng và hợp lý. Việt Nam ta cũng có một thành ngữ diễn ý tương tự trong việc xét xử là “cầm cân nẩy mực”. Lại có thêm chi tiết bà thần này bị bịt mắt thật kín bằng một giải băng vải, cốt ý chứng tỏ bà luôn nghiêm minh, không thiên vị ai, “pháp bất vị thân”, một kiểu Bao Thanh Thiên như bên Tàu.

Vì thế, chúng ta xét thấy phiên tòa sắp tới đây tại Hà Nội, nếu đã khởi đầu với quá nhiều điều trớ trêu ngược ngạo đến buồn cười, không giống bất cứ một trình tự tố tụng nào của một nền pháp lý có dân chủ thật sự, thì cũng đáng để hồ nghi rằng nó cũng sẽ diễn ra với đủ thứ xộc xệch vớ vẩn nực cười không kém. Chỉ tội là hậu quả những trò pháp lý vờ vĩnh như thế sẽ đổ hết lên thân phận những người Giáo Dân đáng thương của Thái Hà. Tội nghiệp thay cho nữ thần Công Lý Thémis made in Vietnam, gươm cùn, cân hỏng, lại còn bị bịt mắt cho… mù tịt luôn !

Một lần nữa, tôi xin kêu gọi mọi người, nếu được, một mặt cần thêm nhiều hiệp thông cầu nguyện với Thần Khí là Trạng Sư, là Đấng Bào Chữa tuyệt đối công minh để “giải án tuyên công” ( thoát khỏi án phạt mà được tuyên cáo công chính – thành ngữ của cha Nguyễn Thế Thuấn DCCT, khi dịch Kinh Thánh Tân Ước ) cho những anh chị em đang phải chịu oan ức, mặt khác đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ trước công luận, sẵn sàng đưa ra những lời chứng thật thà ngay thẳng, tạo ra được một hậu thuẫn pháp lý chân chính cần thiết trước tòa án.

Lm. Lê Quang Uy, DCCT, Nam Định 28.11.2008
 
'Chính phủ VN còn nhiều việc phải làm'
BBCVietnamese
22:00 28/11/2008
'Chính phủ VN còn nhiều việc phải làm'

Cuộc đối thoại thường kỳ về chủ đề chống tham nhũng giữa các nhà tài trợ và chính phủ VN đã diễn ra hôm thứ Sáu 28/11 tại Hà Nội.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nước tài trợ cho VN, được tổ chức mỗi năm hai lần.

Bà Fiona Lappin là trưởng DFID tại Việt Nam
Đối thoại về chủ đề chống tham nhũng lần này được biết có sự tham gia của một số nhà báo và đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông.

Vai trò của báo chí trong việc chống tham nhũng dường như đã được các nhà tài trợ đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh thời gian vừa qua đã có vụ xử hai nhà báo mà dư luận nước ngoài cho là đã tham gia tích cực vào công cuộc chống tham nhũng.

Nhìn lại quá trình chống tham nhũng tại VN thời gian qua, đại diện cho các nhà tài trợ tham gia đối thoại cho rằng, trước mắt chính phủ VN vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đài BBC đã nói chuyện với bà Fiona Lappin, trưởng đại diện Bộ Phát triển Hải ngoại (DFID) Anh quốc, về cuộc đối thoại.

Bà Fiona Lappin: Cuộc đối thoại ngày hôm nay đã cập nhật tiến trình chống tham nhũng, các thành quả và thách thức trong thời gian kể từ đối thoại lần trước.

Các điểm chính được đề cập tới là tuy chúng tôi công nhận là đã có một vài tiến bộ, nhất là trong quyết tâm thúc đẩy tiến trình, nhưng chính phủ VN còn nhiều việc phải làm và còn xa mới thỏa mãn được mong mỏi của người dân và xã hội về chống tham nhũng.

Điều này đã được nói ra trong kỳ họp Quốc hội mới rồi và chúng tôi đồng ý với các đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi thấy là nâng cao nhận thức về chống tham nhũng là điều quan trọng, nhưng cần tập trung hơn tới việc đưa ra các biện pháp cụ thể và có tác dụng để chống tham nhũng.

Tôi cũng cho rằng cần có cách tiếp cận chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau với các đặc thù khác nhau như quản lý đất đai, y tế, hải quan và cảnh sát giao thông... để có cách giải quyết cho phù hợp trong chống tham nhũng.

BBC: Quan điểm của DFID, cơ quan của Anh quốc là nước cấp viện lớn cho VN, về chống tham nhũng trong sử dụng vốn viện trợ ODA là như thế nào?

Bà Fiona Lappin: DFID không bao giờ dung thứ cho việc sử dụng sai nguồn vốn viện trợ phát triển mà chúng tôi cung cấp vì đây là tiền đóng thuế của người dân.

Chúng tôi thường xuyên đánh giá, theo dõi và kiểm tra việc sử dụng vốn cấp viện. Chúng tôi cũng có một cơ chế chặt chẽ ở trong DFID để thường xuyên xem xét hoạt động cũng như đánh giá rủi ro của chúng tôi.

Cũng cần phải nói rằng chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với các chính phủ để tăng cường quản lý tài chính công và nếu chúng tôi thấy có khả năng sơ hở trong quản lý thì chúng tôi sẽ có biện pháp ngay.

Thí dụ trường hợp vụ cáo buộc tham nhũng tại Ban Quản lý Dự án PMU18, khi nghe thấy có cáo buộc sai phạm, chúng tôi đã đóng băng nguồn vốn.

Sau đó chúng tôi có cấp vốn trở lại, vì nhiều lý do, trong đó có lý do việc ngừng cấp vốn ảnh hưởng tới quá nhiều nhà thầu nhỏ ở VN và vì cam kết nghiêm túc của chính phủ VN. Chúng tôi cũng áp dụng một số biện pháp bảo đảm không thể làm trái.

BBC: Vụ quan chức TP Hồ Chí Minh bị cáo buộc nhận hối lộ từ nhà thầu tư vấn Nhật Bản vừa qua đã thu hút chú ý to lớn của dư luận. Cuộc đối thoại hôm nay đề cập thế nào về vụ PCI, thưa bà?

Bà Fiona Lappin: Hôm nay đại diện chính phủ Nhật Bản đã có mặt trong cuộc họp với một thông cáo chuẩn bị sẵn.

Chính phủ Nhật nói đang khởi tố những người mắc tội hối lộ bên nước họ và hy vọng chính phủ VN cũng sẽ có hành động cần thiết để xem xét tìm ra và trừng trị những việc làm sai trái.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm của chính phủ Nhật vì chúng tôi cũng sẽ làm như vậy nếu gặp phải tình thế tương tự.

Chính phủ VN không đưa ra phản hồi trực tiếp về vụ này.

(Nguồn: BBCVietnamese, 28 Tháng 11 2008)
 
Văn Hóa
Con sư tử vĩ đại, một hư cấu về Thánh Phaolô (2)
Vũ Văn An
01:04 28/11/2008
Con sư tử vĩ đại, một hư cấu về Thánh Phaolô(tiếp theo)

Tâm hồn Hillel ngập tràn say sưa hân hoan. Mọi loài đều nhẩy mừng trong Chúa và nhìn nhận Người, ngoại trừ con người. Mọi loài đều mặc nhiên vâng phục lệnh truyền dù nhỏ nhoi nhất của Người, ngoại trừ con người. Mọi loài đều sống trong sự mỹ, ngoại trừ con người.Con người là kẻ ngoài vòng pháp luật, là kẻ phản loạn, là khuôn hình méo mó làm trái đất khiếp run, là giọng nói tồi tệ làm cho nhạc dạo Eden im bặt, là bàn tay thô bạo giơ lên khiếm nhã phạm thượng. Con người là loài khuyển mã hạ cấp, một thứ cùi hủi tinh thần so với gương sáng Thiên Giới. Nó là đứa làm đục nước trong, phá hoại rừng già, giết hại thụ tạo vô tội, là kẻ dám thách thức Thiên Chúa. Nó là kẻ sát hại thánh nhân và tiên tri, vì các vị này nói tới những điều nó không muốn nghe, vì nó quen sống trong tối tăm tinh thần.

Hillel thích nghĩ tốt cho đồng loại mình vì ông vốn là người biết cảm thông và thường suy nghĩ đến các thống khổ và thế bối rối lưỡng nan của con người, nhưng nhiều lúc ông thấy con người không đáng sống. Mỗi lúc phải đối diện với cái ý nghĩ đầy ảm ấy, như buổi chiều hôm nay chẳng hạn, ông lại nghĩ đến các lời tiên tri liên quan tới Đấng Được Xức Dầu và không khỏi nhớ lại lời Isaia tiên báo về Người: “Người sẽ giải phóng dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

Một số người thuộc phe Xa-đốc, mà ông quen biết và thường mời tới nhà chơi, hay cười nhạo mỗi lần ông thú nhận, dĩ nhiên sau một vài ly rượu nho, rằng mình “cảm” thấy như có một điều gì thần thánh đã xẩy ra trên thế giới, một biến cố mạnh mẽ nào đó đã diễn ra và sẽ thay đổi bộ mặt lịch sử và tái sinh khí hóa con người bằng Lời Thiên Chúa. Họ bảo ông: “chẳng qua tại anh sống kép kín đó thôi. Chứ thế giới này vững như đá với quyền lực La Mã. Đó là một thực tại, một thực tại được cố định hóa trong không gian, chỉ người khùng mới bác bỏ thực tại ấy. Bạn ạ, bạn hãy bỏ các vì tinh tú đi, bỏ cả cái lối giải thích kiểu Kabbalah đi, cả các tiên tri nữa, cái thứ tiên tri nặc mùi phân, quần áo lông dê và mồ hôi ấy đi. Thời họ là thời đơn giản. Thế giới ngày nay phức tạp và văn minh hơn nhiều. Thế giới này đầy rẫy những thành phố vĩ đại, đầy rẫy thương mại, nghệ thuật và khoa học. Con người ngày nay tân tiến, là công dân của thế giới La Mã. Họ biết hết những điều cần biết. Họ không còn là nạn nhân của những huyền sử, hy vọng hão huyền. Họ biết rõ tinh tú là chi. Họ hiểu rõ vật chất là gì. Họ biết rõ thế đứng của họ trong vũ trụ. Họ không còn mê tín nữa, cùng lắm chỉ qua loa thôi, như người La Mã chẳng hạn. Họ không còn khiếp đảm trước các hiện tượng tự nhiên nữa, vì họ đã hiểu thấu chúng. Họ có các đại học, các học đường với những bậc thầy khôn ngoan. Ít thiếu nữ Do Thái nào ngày nay còn mơ tưởng sinh hạ ra Đấng Được Xức Dầu nữa, vì họ hiểu rõ chả làm gì có Đấng Được Xức Dầu. Điều ấy chỉ có trong đầu mấy ông ngây thơ già lão thuở xưa. Ta vẫn còn kính trọng sự khôn ngoan của mấy ông già đó nhưng nhất định ta không để họ bước vào các thư viện và trường học của ta. Vì sự khôn ngoan ấy là sự khôn ngoan của những con người ngây thơ, không hiểu biết chút gì về các đô thị và hế giới huyên náo ngày nay.

“Một trinh nữ sẽ hạ sinh”, nhưng ngày nay không còn ai nhắc đến điều ấy, ngoài một số ông Biệt Phái già nua trong số bạn bè của Hillel. Mà có nhắc đến, thì họ cũng nhắc đến như một biến cố hết sức xa xăm trong thời gian, tựa như một mối hy vọng huyền nhiệm nào đó. Hillel cảm thấy lẻ loi. Tuy nhiên, đêm đêm, ông vẫn cảm thấy chắc chắn có một biến cố nào đó đang xẩy ra trên thế giới và sáng thế đang nín thở chờ đợi.

Có lần Hillel nói với một người bạn lớn tuổi ở Tarsus mà ông rất kính trọng, một người tuy còng lưng vì năm tháng nhưng tâm hồn hết sức trẻ trung: “Tôi có nghe người em gái họ ở Giêrusalem, cô ta vốn kết duyên với một viên bách quản La Mã vạm vỡ. Anh ta là người tốt; tôi từng dùng cơm tại nhà anh ta. Anh ta rất sủng ái em họ tôi và kính trọng cô ta đến độ, xin thú thực, nhiều người coi anh ta không còn là đàn ông, nhưng riêng tôi, tôi không bao giờ cho rằng khinh thường phụ nữ lại là điều chứng tỏ mình nam giới. Xét về nhiều phương diện, anh ta rất khôn ngoan và khôn khéo, và ngược với ý nghĩ thông thường vẫn coi người La Mã là quái vật, anh ta rất tốt bụng và có tính hài hước”. Hillel nói một cách e dè vì ông bạn già tỏ ra hoài nghi quan điểm khuếch đại của ông đối với những tên La Mã thống trị Đất Thánh của tổ tiên.

Hillel nói tiếp: “Anh ta hơi dị đoan một chút. Cưới Hannah sáu năm rồi mà chưa có được một mụn con trai, dù hai vợ chồng đã có 4 mụn con gái rất xinh, mà chính tôi ước ao cũng chẳng được. Đó là nỗi buồn duy nhất của Hannah, dù Aulus, tên anh ta, xem ra rất dễ tính và chịu đựng. Tuy nhiên, cách nay 4 năm, sau ngày đông chí, lúc người La Mã đang cử hành lễ Saturnalia ngay tại Giêrusalem, thì Hannah hạ sinh đứa cháu trai. Lúc ấy, Aulus đang an ủi mấy tên lính của mình phải trực canh trên tháp Giêrusalem, không được tham dự đêm lễ hội cuối cùng mà theo Aulus là ngày vui nhất. Đêm ấy trời rất đẹp, và khi nhìn về hướng Bethlehem, quê hương Vua David, Aulus thấy mọi vì sao đều xuất hiện rõ mồn một”.

Hillel liếc nhìn ông bạn cố tri lúc ấy đang đưa ly cho gia nhân rót thêm rượu, mặt tỏ ra chán nản. Đúng hơn, ông ta đang ngáp dài.

“Một người đưa tin tới báo cho Aulus biết đứa con trai đầu của anh ta vừa sinh ra. Thế là Aulus lập tức khui rượu đãi thuộc cấp đang rầu rĩ và cho phép họ tiệc tùng suốt buổi ngay tại đồn canh. Khi đang uống tới tuần rượu thứ ba, Aulus lại quay nhìn về hướng Bethlehem, và nhận ra một hiện tượng vô cùng kỳ diệu”.

Ông khách “phang” cho một câu: “thì tại anh ta say chứ gì, tôi biết mấy tên La Mã này lắm. Chúng luôn say mèm”.

Hillel hơi phật lòng. “Há Vua David đã chẳng nói ‘dầu làm mặt mày sáng láng, rượu làm tâm hồn sảng khóai’ đó hay sao?”. Nhà vua coi chúng là ơn phúc của Thiên Chúa, những ơn phúc ta không nên từ khước. Aulus là một người chừng mực. Tôi chỉ thấy anh ta say có năm lần”.

Vị khách vặn lại. “Trong Sách Thánh đã có những lời thề hứa từ bỏ say sưa. Noe là một điển hình. Liệu ông bạn của anh có biết gì về Noe hay không?”

Hillel đáp: “tôi đâu có đề cập tới Noe. Aulus nhìn về phía bầu trời trong lạnh của Bethlehem và anh ta thấy một hiện tượng hết sức kỳ diệu. Giữa rừng sao lấp lánh là một ngôi sao mà người ta chưa bao giờ nhìn thấy, sáng láng và vĩ đại như vừng trăng tròn, nhấp nháy liên hồi, quay vòng và rực rỡ với ánh sáng mầu trắng, di động một cách đầy ý thức”.

“Cái anh chàng Aulus của anh đúng là xỉn rồi. Nếu không thì anh ta quả đã chứng kiến điều mà các nhà thiên văn học quen gọi tân tinh (nova) là cái chắc. Đó là một hiện tượng chẳng bất thường gì”.

“Không anh ạ. Ngôi sao này lạ lắm, kéo dài có mấy bữa rồi biến đi, mà biến đi cái rụp như thể đã làm xong nhiệm vụ. Đúng ra, ngay đêm đầu tiên, nó đã hết di chuyển, rồi dừng lại một chỗ và yên vị ở đó ít lâu, lấp lánh, sáng láng và sau cùng biến dạng nhanh như lúc xuất hiện. Tôi nghe người ta bảo ánh sáng của nó còn sáng hơn cả ánh trăng rằm và phủ lên địa cầu một vẻ gì đó hết sức kính sợ”.

Nhưng ông bạn qúy nhún vai: “Tôi có nhiều họ hàng ở Giêrusalem mà nào có ai thấy ngôi sao đó đâu”.

Hillel quay qua ông bạn “Lúc ấy đã khuya lắm rồi. Vả lại đâu có ai rảnh rỗi mà nhìn lên trời để ngắm sao?”

“Cái đó cũng đúng”, ông bạn đành đồng ý.

Hillel tiếp: “Aulus xác tín rằng một vị anh hùng vĩ đại đã sinh ra, một dũng sĩ cao cả, dù anh ta vẫn hồ nghi chuyện ấy không thể xẩy ra tại Bethlehem được, một thị trấn nghèo nàn chợ nhỏ. Khi được chồng kể lại, Hannah cho rằng đó là điềm báo tin con trai họ sinh ra”.

Ông khách lơ đãng nhìn lên trần nhà, thở dài: “Phụ nữ lắm tưởng tượng! Em họ anh dám cho là mình sinh ra Đấng Được Xức Dầu lắm ạ!”

“Đâu có, Hannah không có tham vọng như thế đâu, cô ta vốn tin vào một vị tiên tri”.

Ông khách nói khích: “Ở Giêrusalem và Bethlehem đêm ấy, thiếu gì trẻ sơ sinh ra đời, đứa nào là tiên tri, đưa nào là anh hùng đây?”

Hillel ngẩng lên bảo: “Tôi cũng không biết, nhưng khi được thư Hannah, một niềm vui khôn tả xâm chiếm trọn tâm hồn tôi, điều ấy làm tôi không hiểu nổi, như thể có một thiên thần nào đó tác động tới tôi”.

Ông khách tắc miệng và lắc đầu” Hillel ben Borush ạ, tôi từng được cha và ông anh cho hay anh lúc nào cũng là một cậu bé đầy huyền bí, và anh tìm hiểu mọi nét khôn ngoan của khoa chú giải Kabbalah. Tôi thì tôi cho đó là một sai lầm. Anh tha lỗi cho, chứ thực ra chỉ những tâm trí nào bình thản và vô tư mới nên nghiên cứu Kabbalah, tâm trí ấy phải lạnh lùng, tư lự, có khi phải biết hoài nghi và chắc chắn đúng lúc, một thứ chắc chắn không thuộc cảm giới và dễ chịu ảnh hưởng người khác”.

Hillel cảm thấy rất giận vì câu truyện của mình không gây được chú ý nào. Ông cũng cảm thấy mình ngu ngơ và thề là sẽ không kể truyện này cho ai nữa. Tuy nhiên, không vì thế mà ông quên ngôi sao kia. Đến người thân quen, ông cũng không viết hay kể về biến cố ấy, sợ lại vỡ mộng nữa…

Nhưng không thể chối cãi việc từ xưa đến nay vẫn có lời tiên tri nói tới Đấng Được Xức Dầu, xuất thân từ Nhà Đavít, sẽ ra đời tại Bethlehem. Tuy nhiên, nếu đúng như thế, thì tại sao lại không có tiếng loa thiên thần, không kèn đàn hát từ trời cao khi ngôi sao kia xuất hiện, và nhất là địa cầu vẫn không một mảy may nhẩy mừng hớn hở! Đấng Được Xức Dầu không thể sinh ra trong tối tăm, vì ngai của Người trên Sion cao thẳm, như lời tiên tri thường tiên báo. Người là Vua các vua, không thể hạ sinh như một thường dân hèn mọn. Đàng khác, kể từ ngày ấy, chả còn dấu hiệu chi khác xuất hiện.

Dù thế, Hillel cũng không thể nào quên được vì sao kia. Niềm vui khôn tả từ ngày nhận được thư Hannah vẫn còn nguyên vẹn trong ông, ngay lúc này, lúc ông đang cầu nguyện trong thửa vườn thanh vắng. Rất có thể đó chỉ một ảo tưởng, một thứ ảo giác của mấy tên lính say mèm tại đồn canh La Mã hay hoài mong nóng bỏng của một bà mẹ muốn con trai đầu của mình được Trời Cao ghi chép. Bất chấp tất cả những điều ấy, trái tim bướng bỉnh và nhiệt tình của ông vẫn không chối từ được biến cố ấy, chính ông cũng không hiểu tại sao. Có lẽ theo ông, ảo tưởng xác nhận niềm vui bao giờ cũng đẹp hơn là thực tại bác bỏ nó, mà cũng có thể là sự hiện hữu của niềm vui đã xác nhận sự thật của nó.

Còn đang nghĩ lan man như thế, Hillel bỗng nghe một tiếng la lớn phát ra từ trong nhà. Một tiếng la có giọng ra lệnh, sắc và đầy thẩm quyền. Ông nhận ngay ra tiếng la của cậu con trai. Tiếng la ấy khiến ông nhớ tới cha ông, một người đầy quyền uy, ít thỏa hiệp và hết sức cương nghị, hay dạy đời, ít khi hoài nghi, rất ghét do dự. Ông tự nhủ: chả lẽ cha ông đã tái sinh trong đứa con mới sinh tên Saul. Ông vội xua đuổi ý nghĩ ấy. Nhưng kể cũng khoái khi tưởng tượng mình có thể phát đít cái linh hồn từng gây khiếp đảm cho hết vợ con lẫn người làm trong nhà lúc còn ở kiếp trước! Nói cho cùng thì cũng công bằng thôi. Ông quay trở lại với việc cầu nguyện. Lời Đavít xưa được ông âu yếm cất cao: “Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con! Sớm mai con sẽ đi tìm Chúa, linh hồn con khao khát Chúa, thân xác con mong chờ Chúa trên mảnh đất khô cằn này, nơi không có một giọt nước. Để thấy quyền lực và vinh quang của Chúa, như con đã được thấy Chúa nơi cung thánh! Vì lòng nhân hậu đầy yêu thương của Chúa tốt hơn chính sự sống, miệng lưỡi con ca ngợi Chúa, và sẽ chúng tụng Chúa mọi ngày sống của con. Con sẽ nâng tay lên nhân danh Chúa!”.

Ông dõi nhìn dẫy núi đàng xa, xa tận cuối thung lũng kia, đang như những quái vật khổng lồ, đủ hình đủ dạng, bước những bước hãi hùng, vượt núi vượt đồi, biến sông Cydnus thành một thứ đại lộ bốc lửa. Hillel từng ngắm cảnh này không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng lúc nào nó cũng đem lại cho ông một linh cảm, một nỗi sợ vô hình, một niềm hoài nhớ nặng chĩu tâm hồn.

Rồi ông nghe tiếng Deborah truyện gẫu với bè bạn Hy Lạp và La Mã. Giọng nàng hoạt bát và rền vui, giọng nói của một đứa trẻ hạnh phúc và tự mãn. Ông nhẹ lắc đầu tỏ ý không tán thành, tuy nhiên giọng nói ấy vốn an ủi ông xưa nay, mà chính ông cũng không hiểu tại sao. Ông nhìn xuống chân dẫy núi và thấy Tarsus bên dòng sông rực sáng, một thành phố hợp thành nhiều mảnh mầu vàng pha lẫn mầu đỏ thẫm. Ông không sinh ra tại thành phố này, nhưng đã cùng cha mẹ tới đây lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, ông yêu nó hơn yêu Giêrusalem, cái kinh thành mạo phạm, tha hóa, xa đọa, một lãnh thổ không những bị chiếm cứ bởi những kẻ chiến thắng quân sự mà còn tệ hơn nữa. bị chính những đứa con từng hủy diệt trái tim mình vì lòng tham, vì lòng bất trung chiếm hữu…

Hillel vô tình thốt ra: “Ôi Giêrusalem, ta khóc thương ngươi xiết bao” và lững thững bước vào nhà, lòng đầy một nỗi buồn man mác.

“Này Deborah, tôi đoan chắc một ảnh vẩy của Delphi sẽ làm chị mang thai một cháu trai”, ông nghe một thiếu phụ La Mã nói với vợ như vậy. Deborah đáp: “em sẽ đeo nó gần trái tim em… Có điều nó phải đẹp hơn thằng anh nó mới được”.

Phóng tác theo Taylor Caldwell, The Great Lion of God, Fontana Books, 1973
 
Sang mộ
Lm Vũđình Tường
07:38 28/11/2008
Nghe quảng cáo rầm rộ mua đất nghĩa trang. Nào đây là khu dành riêng cho người Việt. Nào là mua tập thể sẽ được giảm giá, rất rẻ so với giá thị trường. Nào là hàng năm sẽ có tổ chức sơn phết mộ phần chung cho tất cả người nằm khu vực riêng. Nào là được đặc ân hàng năm có dâng lễ tại nghĩa trang. Nào là ưu tiên xây mộ bia lớn hơn những nơi khác. Nào là khu đặc biệt gần lối ra vào rất tiện, lại gần chỗ đậu xe cổng chính. Ba Thôn và một số người tin mua đất, số khác cho rằng chưa biết cuộc sống ổn định ra sao, nay đây mai đó biết đâu lo sớm quá. Số khác tin là còn lâu mới cần tới nên không phải lo xa như vậy, đến lúc đó hãy lo. Tư Ó thuộc lớp thứ ba, dù có tuổi vẫn chưa cần mộ phần sớm làm chi. Tư Ó tin là xứ văn minh thuốc thang đầy đủ hơn quê nhà, dòng họ ông người nào tuổi thọ cũng cao nên không đi đâu mà vội.

Ngày kia Tư Ó thấy người cứ ớn lạnh. Trời chớm lạnh là ho, đổi gió là nóng sốt, mưa đêm là mất ngủ, mưa ngày biếng ăn. Sau nhiều lần khám nghiệm thử đi, thử lại cuối cùng bác sĩ chuyên khoa cho biết cả tim lẫn phổi đều hỏng. Không còn cách nào khác ngoại trừ thay tim, đổi phổi. Thay đổi đâu đơn giản hơn nữa sức khoẻ tàn tạ không đủ sức cho một ca mổ lớn. Câu nói của bác sĩ chuyên khoa như chiếc đinh thứ nhất đóng vào quan tài Tư Ó. Đầu óc choáng váng và gia đình bắt đầu lo chỗ chôn cất. Đến lúc đó hãy lo. Đúng vậy đến lúc đó Tư Ó không còn tâm trí nào để lo mà chính là mối bận tâm của thân nhân.Vì không chuẩn bị khi hay tin mới lo tìm đất nên gặp nhiều khó khăn.

Bán long mạch

Thầy địa lí sau khi xem xét cẩn thận năm tuổi, ngày và giờ sanh và thế đất phán chỉ chỗ này mới là long mạch. Chôn chỗ này con cháu mới phát. Khi hỏi đến phần đất thầy chỉ thì đã có người mua giữ chỗ trước rồi. Dò hỏi hết người này đến người kia mới biết chủ phần đất long mạch là Ba Thôn. Gia đình tin những gì thầy nói nên bằng mọi cách phải cạy cựa, nhờ người mua lại đúng chỗ long mạch, dù có tốn kém cũng cố gắng mua cho được nếu không thì đời con cháu sẽ lụi bại không sao ngóc cổ lên được. Tin như thế nên gia đình vận động đủ mọi cách sang lại mộ phần có long mạch.

Chủ miếng đất Ba Thôn không hề biết chuyện nơi chôn cất sau này theo thầy là có long mạch. Gia đình Tư Ó nhờ người mai mốt, năn nỉ mua lại miếng đất, tuyệt nhiên không hề hé môi cho biết miếng đất có long mạch. Để thuận buồm xuôi gió trong việc sang nhượng gia đình Tư Ó âm thầm nhờ người quen tổ chức tiệc tùng, ăn uống mời gia đình Ba Thôn, chủ miếng đất long mạch đến với ngụ ý khuyên dụ họ sang nhượng cho miếng đất kia.

Để chắc chắn việc sang nhượng xảy ra đúng như dự định thầy âm thầm truy tìm, nghiên cứu tất cả những tai nạn, mọi biến cố lớn nhỏ liên quan đến miếng đất. Thầy phân tích, giải thích cặn kẽ, mạch lạc từng sự kiện một giúp người nghe thấy cái nguy hại của kẻ chôn cất nơi trái thiên mệnh.

Thầy hưởng lộc

Long mạch hay không chưa rõ nhưng thầy hưởng huê lợi của cả hai bên. Đàng muốn mua cũng chiều thầy, mong thầy nói cho họ ngãng ra gia đình mới có cơ hội sang nhượng. Ba Thôn dù không muốn bán cũng mong thầy cho ý kiến trong việc sang nhượng mộ phần. Lúc này chưa cần thầy nhưng thầy là người duy nhất nơi đây giúp ý kiến trong việc mai táng, chọn đất phần và tổ chức các buổi cấm kị. Những lần tiệc tùng hai gia đình âm thầm tổ chức thầy chưa chính thức nói ra nhưng ngầm rỉ tai gia đình này một tí, nói xa nói gần gia đình kia một câu, ngụ ý cho biết miếng đất tốt luôn kèm theo những hậu quả khó lường. Đất chôn cất là đất tốt nhưng chỉ tốt cho những ai hợp vận mệnh, hợp tuổi, hợp giờ sanh, hợp với thiên mệnh; trái lại tối kị cho những ai khắc thiên mệnh. Cãi số trời kị cả sau khi chết. Thật ra sau khi mãn phần kị thiên mệnh còn nguy hại hơn lúc còn sống vì còn sống còn hy vọng tạo phước, tạo chính quả để đền bù. Quá phần rồi cơ hội không còn nữa. Cứ nghe thầy giải thích thì không nên giữ miếng đất phần mộ kị thiên mệnh làm chi. Giữ lại không tạo phước nhưng tích trữ nghiệt. Theo lời thầy nếu có thể được hãy sang nhượng cho người nào vận số thích hợp thì tốt hơn vì vừa tạo phước vừa tránh nghiệp. Vì thế nên khi gia đình Tư Ó cho người hỏi sang nhượng gia đình Ba Thôn mau mắn chấp thuận. Trong tâm đã muốn sang nhượng mộ phần rồi, ngặt một điều người mai mối mua đưa giá cao quá nên gia đình lại tiếc. Gia đình nghi ngờ miếng đất là đất tốt nên không nên vội bán. Do vậy gia đình bàn tính với nhau quả thật miếng đất này tốt nên người ta mới trả giá cao như thế, nếu không thì ai dại gì trả một giá đắt bất thường. Vì những nghi ngờ này mà thầy lại được thêm mấy bữa tiệc. Gia đình cho là nếu miếng đất không hợp cho cha mẹ. Năm bảy anh chị em trong gia đình ai hợp thần thổ thì để chôn cất người đó. Cứ thế thầy được mời đến xem cho từng người một trong gia đình. Thầy rất kĩ, coi vận mệnh cũng chọn giờ, chọn ngày cho nên mỗi lần thầy chỉ coi được có một thành viên trong gia đình nên phải gần năm sau thầy mới coi hết mọi thành viên trong gia đình, lúc đó mới biết kết quả thế nào. Trong khi đó thì gia đình Tư Ó cũng nóng lòng, hối thúc nhiều hơn và tiệc tùng long trọng hơn mong mau được như ý nguyện. Mỗi lần hối thúc như thế giá cả lại tăng thêm một chút. Cứ thế mà tăng cho đến khi gia đình Ba Thôn đồng ý bán, tiền trao cháo múc mới vỡ lẽ ra người mua gần hết gia tài người bán như trúng mỏ vàng.

Luật sang mộ phần

Việc sang nhượng đất mộ phần xảy ra âm thầm giữa hai gia đình với nhau. Hai gia đình tin nhau, không mang ra chính quyền làm giấy tờ sang nhượng. Tất nhiên nếu dính dáng đến việc sang tên đổi họ trong sổ bộ theo nguyên tắc việc sang nhượng không thành. Theo luật đất nghĩa trang tư nhân không có quyền sang nhượng. Nếu đã mua sau đổi ý thì phải bán lại theo giá lúc mua cho nhà nước, nghĩa là mua sao bán vậy, không có lời. Sau đó nhà nước muốn bán cho ai tuỳ ý. Khi mua xong nhà nước toàn quyền bán giá nhà nước ấn định. Vì những lí do đó mà hai gia đình âm thầm sang nhượng cho nhau theo sự ưng thuận của lòng tin. Trên thực tế đây là mộ phần của ông Tư Ó nhưng trong sổ bộ lại thuộc mộ phần của Ba Thôn. Vấn đề này cả hai gia đình không quan tâm và lối xóm ít ai biết đến hay nghĩ tới.

Đám táng ông Tư Ó diễn ra bình thường như bao nhiêu đám táng khác. Số người tham dự đông đảo, số con cháu không nhiều nhưng chòm xóm thì đông và ít ai biết câu chuyện đằng sau phần mộ. Thầy biết rõ chuyện nhưng thầy không nói ra và gia đình thân nhân cũng không nói. Sau khi chôn cất xong gia đình đặt mộ bia tên ông Tư Ó và sửa mộ phần khang trang đẹp đẽ.

Trăm năm sau

Những năm đầu con cháu vẫn tới nghĩa trang sửa mộ phần, tỏ lòng thương tiếc và cầu cho thân nhân. Vì công ăn việc làm gia đình dọn đi nơi khác sinh sống. Đi lại khó khăn cộng thêm nguy hiểm, phiền phức tốn kém mỗi lần tảo mộ nên việc đi lại cũng thưa dần, nhạt dần. Việc thăm sửa mộ không diễn ra hàng năm mà dăm ba năm một lần cũng nên. Dần dà những người cùng thời lớn tuổi qua đời. Đám hậu sinh không còn biết chi đến chuyện sang mộ phần của Tư Ó vào phần đất long mạch. Họ cũng coi thường vấn đề long mạch. Một số con cháu học trường đạo được hướng dẫn là tốt hơn, thực tế hơn hãy sống tốt bây giờ. Sống tốt hiện tại tốt hơn là chết rồi mới phát. Sống tốt được người đương thời quí mến, việc chỉ phải đợi đến thế hệ sau.

Trăm năm sau ngày an táng Tư Ó khoảng dịp cuối năm có một người mắc bệnh tâm thần vào nghĩa trang. Trong một đêm đập gẫy hơn hai trăm mộ bia, toàn là những mộ bia gần cổng chính lối ra vào. Trong đó có mộ ông Tư Ó. Cảnh sát đến bắt giữ người mắc bệnh cho vào bệnh viện. Báo chí đăng tin đầu, hàng chữ đậm kêu gọi thân nhân những người quá cố đến sửa lại phần mộ tổ tiên. Một số còn thân thích sống gần đến sửa số khác di chuyển đâu mất không liên lạc được. Ban điều hành nghĩa trang bỏ tiền ra sửa lại các mộ bia cho những ai không có thân nhân. Theo đúng sổ bộ cái tên Tư Ó chưa bao giờ mua đất nghĩa trang nên mộ bia mới dựng sau này mang tên Ba Thôn. Nhân viên coi sóc nghĩa trang không mấy phân biệt tên ghi trên mộ bia vì họ không đọc, không hiểu. Mộ bia bể vỡ cần thay các mộ bia mới. họ chiếu theo sổ gốc vì thế tên Tư Ó biến mất khỏi nghĩa trang nhường chỗ cho Ba Thôn.

Mộ Ba Thôn

Sang mộ phần được số bạc lớn gia đình Ba Thôn dùng làm vốn buôn bán sung túc một thời. Gần hai mươi năm sau Ba Thôn qua đời gia đình lại mua miếng đất mới cũng tại nghĩa trang này nhưng lùi sâu vào phía trong vì các mộ phần phía ngoài cổng đã đầy. Con cháu Ba Thôn cũng khắc trên mộ phần hai chữ Ba Thôn. Khi việc phá mộ chưa diễn ra có một mộ Tư Ó và mộ Ba Thôn. Sau khi trùng tu trong cùng nghĩa trang có hai mộ mang cùng tên Ba Thôn. Một số cho là trong cùng nghĩa trang có hai người trùng tên. Đúng vậy trùng mộ bia nhưng dưới lòng đất thì khác người.

Gia đình Tư Ó gần mất gia tài để mua phần đất long mạch lại mất cả mạch. Trong cái lợi có cái hại và trong cái hại có điều lợi. Những năm về sau này con cháu ba bốn đời của cả Ba Thôn tìm phần mộ ông cha. Họ giữ được hình ảnh của những ngày xưa thân ái, những ngày đầu mới định cư. Những tấm hình chụp trắng đen thuở ấy giờ cũng đã phai tàn nhiều nhưng vẫn còn nhận ra, vẫn còn là chứng tích giúp tìm kiếm mộ phần tổ tiên.

Đúng mà sai

Con cháu Tư Ó tìm lại đúng chỗ chôn cất tổ tiên thì thấy mộ bia mang tên Ba Thôn. Tìm tòi lục lạo tra hỏi khắp nơi chốn đâu đâu cũng có chung câu trả lời không có ai tên Tư Ó. Đoán sao được việc làm của người xưa. Con cháu Tư Ó đành thua chào và từ đó không thiết tha đến việc kiếm mộ tiên tổ nữa. Trong khi đó thì con cháu Ba Thôn không phải vất vả tìm. Quả thật, mới đến đầu ngõ, dò tìm sơ sài cũng thấy rõ mộ phần Ba Thôn gần cổng chính. Con cháu bu lại sửa mộ, kẻ thắp hương, người tụng niệm. Họ đâu có biết người nằm đó chính là Tư Ó. Lời cầu của họ, bông hoa họ mua dành cho Ba Thôn, thực tế trong mộ Tư Ó hưởng lộc. Trong khi đó mộ thật của Ba Thôn lại quanh năm hưu quạnh, không ai đoái hoài.

Biết chuyện

Tất cả những ai biết chuyện sang một phần đều làm ngơ. Thật ra nhân chứng sống động không ai còn sống. Người biết chuyện cũng chỉ nghe kể lại. Chính mắt không nhìn thấy vì chưa sanh ra hoặc ngày đó còn quá nhỏ để ghi nhớ. Như thế mọi dự đoán của thầy địa lí đều trật lất. Gia đình Tư Ó chôn đúng đất long mạch, con cháu đã không phát như thầy nói mà còn tản mát khắp nơi. Trong số mấy người cháu sau này cũng làm vương làm tướng đến độ dọn nhà đến xóm nào cả làng đều mua thêm khoá, vây rào cao hơn lại tậu thêm vài con chó.

Nếu chôn đúng long mạch là có người tới khóc lóc giãi bày oan ức nơi mộ phần thì quả thực Tư Ó có diễm phúc đó. Được chứng kiến bao giọt nước mắt oan trái, tâm sự cởi mở tấm lòng của con cháu Ba Thôn. Họ không khóc cho Tư Ó, không khóc cho Ba Thôn mà khóc cho chính họ. Tư Ó ngày ngày được chứng kiến tình cảm của hết người đến người khác trong dòng tộc Ba Thôn.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Vườn Thu
Nguyễn Ngọc Danh
00:15 28/11/2008

VƯỜN THU



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Từ lúc đưa em về

Là biết xa nghìn trùng.

(Trích bài ca Như Cánh Hạc Bay của TCS)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ong/Hoa
Trầm Tĩnh Nguyện
00:17 28/11/2008

ONG/HOA



Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện, Việt Nam

Con ong hút nhuỵ cành hoa,

Còn tôi chia sẻ Thịt Da của Người.

Con ong góp mật cho đời,

Còn tôi xin góp tiếng cười nhỏ nhoi.

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền