Ngày 23-11-2016
 
Văn Hóa
Chuyện Bác Chuyện Em: Tên Thánh Việt Nam
Nguyễn Trung Tây
04:27 23/11/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Tên Thánh Việt Nam


□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.





Bác gặp em ngoài đường cái. Không hiểu tại sao sáng nay em miệng cười, mắt cũng cười, em tươi như giai ế độ, bỗng dưng lấy được vợ, mà lại cô cái gái rượu nhà quan. Thấy em, bác mở miệng chào trước,

— Chào chú! Mới sáng sớm vợ đau con khóc thế nào mà đã cắp ô đi đâu sớm thế?

Em bình thường mặt khó đăm đăm tựa thù cha chưa trả, em, nghe quan bác chào, vui vẻ, nhanh nhẩu gật đầu chào lại ngay,

— Vâng, em chào quan bác! Chẳng dấu gì bác, em đang đi lên trình Cụ…

Bác khựng lại, nhìn ngó quanh quẩn,

— Ơ hay! Làm gì mà phải lên gặp Cụ?

Biết bác nghi ngờ, em nhanh nhẹn mở miệng giải thích ngay,

— Ồ, cũng không có chuyện chi. Nhưng chuyện là như thế này, nhà em, nó mới sanh…

Bác o tròn miệng, cắt ngang nhời quan em,

— À! Thôi hiểu rồi. Ông nói tôi mới chợt nhớ ra. Hôm qua tôi cũng nghe ông Trùm Lý nói loáng thoáng mấy câu. Tôi đang bận, không để ý... Thôi, tạ ơn Chúa, mẹ tròn con vuông. Vậy là vui... À... Mà thím sinh cháu gái hay trai?

Em giơ hai ngón tay, miệng cười toe toe,

— Vâng, em nói chửa xong thì bác đã ngắt ngang nhời. Tạ ơn Chúa, vợ em nó sinh đôi, tới hai, hai thằng cu lận...

Bác chọc gậy mắm tôm,

— Giời ạ! Hèn chi nhìn mặt cứ hớn ha hớn hở như gái mới về nhà chồng...

Bác giọng điệu mát mẻ,

— Cũng khổ, bao lâu nay, thím cứ sinh toàn là cái, đã được thằng cu nào đâu… Giờ lại lòi ra được cái giống, mà lại tới những hai... Thật đúng là trời đãi nhé.

Em đang vui, mặc cho quan bác ăn nói mát mẻ, vẫn cứ cười tươi,

— Bác! Cứ là khéo vẽ chuyện. Đợi mãi mới lòi ra được... tới hai thằng cu... Thì đấy, ông bà mình vẫn cứ bảo, đi buôn một vốn bốn lời...

Bác đổi đề tài,

— Mà thôi, vậy ông đã tính ngày nào rửa tội cho hai thằng cu chửa?

Em giải thích,

— Thì đấy, em đang trên đường tới gặp Cụ xin Cụ rửa tội cho hai cháu. Tuần này em dở bữa cày... Em xin Cụ rửa tội cho hai cháu Chúa Nhật tuần tới…

Em dừng lại, đổi đề tài,

— À, mà có chuyện này, em tính nhờ vả tới bác…

Em giọng điệu xa gần,

— Em biết lúc nào bác cũng thương vợ chồng nhà em và hai cháu.. Em hy vọng bác không nỡ lòng từ chối.

Thấy chuyện nhờ vả, bác ánh mắt nom nom, cẩn thận hỏi lại,

— Gớm, có chuyện gì thì ông cứ nói đi. Khổ! Ông cứ vòng vo tam quốc khiến tôi tự nhiên lại đâm lo lo… Không biết ông có nhờ lên cung trăng hái lá đa lá đề phơi khô làm quạt hay không đây? Hay là lại vui quá, hứng chí rủ đi hát quan họ. Nè, đừng có mà vớ vẩn quan họ với quan hàng ở đây. Vợ mới sanh, lo mà ở nhà trông nom bếp lửa. Ông bà mình vẫn cứ nói gái mới sinh yếu như cua mới lột...

Bị bác mắng khéo, em không giận, nhưng nói liền,

— Không, chuyện với tới trời thì em nào dám. Còn vụ quan họ thì chắc chắn là không rồi. Bác cứ làm như em rỗi hơi... Vâng, thì cũng đang tính nhờ bác làm bõ cho thằng cu…

Bác thư dãn khuôn mặt,

— À, lại tưởng chuyện chi...

Bác nghĩ ngợi, giọng cả kẻ,

— Để tôi coi! Ông mới nói Chúa Nhật tuần tới phải không? Ừ! Mấy giờ thì rửa tội nhỉ?

Em nói ngay,

— Vâng, thưa bác, bốn giờ chiều.

Em ngọt ngào,

— Tiện thể cũng xin thưa với bác, rửa tội xong thì cũng tầm chiều rồi, mình kéo về nhà em ăn mừng nhé.

Em khoe tài bà xã,

— Kỳ này nhà em trổ tài nấu món canh cua rau đay với đậu phộng rán chấm mắm tôm, đặc biệt có món thịt chó rựa mận nấu mẻ… Món ruột của em. Xin phép cho em nhắc tới món tủ... Còn lòng lợn tiết canh thì em ghé sang mua của bà Trùm Tĩn ở làng bên...

Bác lại lên điệu cha chú,

— Ông chỉ được cái khéo miệng. Việc kinh hạt chưa xong thì cứ lôi chuyện bếp núc vào đây... Mà ông cũng đừng lo... Bận gì thì bận tôi cũng bỏ sang một bên. Làm bõ cho hai cháu chứ nào phải chuyện đùa như chuyện thằng mõ...

Bác nghĩ ngợi,

— Mà cái này tình thật thì cũng nể ông lắm tới mới dám nhận lời. Làm bõ hai đứa thì cũng như làm cha làm mẹ, tôi cũng phải lo mà dạy dỗ hai đứa cho nên phần hồn. Kẻo không thiên hạ người ta cười chê, nói...thì cũng tại bõ nó có ra gì!!!

Em toét miệng cười, đưa bác lên tận mây xanh,

— Vâng, em biết... Thiệt tình là cũng làm khó quan bác. Nhưng hai vợ chồng nhà em đã bàn với nhau, trong xứ đạo làng ta, chỉ có bác là nhất, dù gì bác cũng đã từng làm trùm, tay hòm chià khóa của Cụ...

Được khen, quan bác cười tươi, ruột mát như giếng nước đầu làng tháng Giêng, nhưng cũng gượng làm mặt kịch, ngắt lời em,

— Ông lại tuồng thằng mõ... Ở đâu mà lại chui ra tay hòm chià khóa... Người ngoài nghe được, tưởng thật, lại đồn ầm ỹ cả lên! Tới tai cụ, cụ lại mắng cho mấy mắng! Trùm thì trùm. Tiền lắc giỏ một tay cụ giữ. Một xu một hào tôi cũng chả rành.

Biết tỏng ruột bác, nhưng em cười cười,

— Vâng, em xin quan bác bỏ qua cho. Em vui quá, nhỡ nhời... Em muốn nói là hồi đó bác làm Trùm, giúp cụ dậy Giáo Lý...

Bác gật gật đầu, hỏi tới,

— Ừ thôi, được... Mà này, đã đặt tên thánh cho hai đứa nó chửa?

Em đáp liền, không đắn đo, không suy nghĩ,

—Dạ, xin thưa với bác. Thằng cu lớn, Minh Tuấn, hai vợ chồng đăt tên thánh Dũng Lạc. Thằng cu nhỡ Minh Quân, tên thánh Thiện. Trong sổ Gia Đình Công Giáo viết là Dũng Lạc Trần Minh Tuấn và Thiện Trần Minh Quân.

Bác há to miệng,

— Ơ! Cái ông này! Ông nói thật hay đang nói bỡn chơi đấy…

Em há to tròn miệng,

— Ơ bác! Chuyện rửa tội chứ đâu phải chuyện thằng tí thằng tèo mà em dám giỡn chơi...

Em gật đầu xác nhận,

— Vâng, Dũng Lạc Trần Minh Tuấn và Thiện Trần Minh Quân...

Bác thắc mắc,

— Ông mến các thánh Tử Đạo Việt Nam, lấy tên các ngài đặt tên cho hai cháu. Thật tốt.... Nhưng...sao không đặt Anrê Dũng Lạc? Tôma Thiện? Đâu mất Anrê với Tôma rồi?

Em hỏi vặn,

— Xin phép bác cho em hỏi mấy nhời. Tại sao cứ phải Anrê Dũng Lạc với Tôma Thiện?

Bị chiếu bí, bác ú ớ như trái bí tịt ngọt,

— Thì biết đâu đấy, thấy ai cũng cứ gọi thánh Anrê Dũng Lạc, thánh Tôma Thiện. Ai sao tôi vậy.

Em giải thích,

— Vâng, em hiểu... Anrê là tên rửa tội của cha Dũng Lạc. Nhưng bây giờ ngài đã được phong thánh rồi, mình gọi thánh Dũng Lạc thôi cũng là đủ. Tôma Thiện cũng thế... Bác nghĩ em nói có phải phép hay không?

Em hí hửng như người khoe của,

— Em nặn mãi mới ra được cái giống, mà Chúa thương ban cho tới hai thằng. Hy vọng mai nay thằng cu nhớn, nhớn lên nó đi tu làm cha như thánh Dũng Lạc. Giờ lấy tên thánh Dũng Lạc đặt cho nó là hợp nhất.

Bác ngẫm nghĩ, nửa đùa nửa thật,

— Làm thầy bói đoán chơi chơi nhé. Cái con chị thằng Minh Tuấn Minh Quân chắc lại đặt tên thánh Việt Nam phải không, mà phải là Đê hẳn hoi rõ ràng?...

Em hớn hở cười tươi như gặp người đồng đạo,

— Thật đúng là quan bác, chuyện gì bác cũng tinh tường...! Vâng, bác nói đúng! Tên đầy đủ trong sổ Rửa Tội là Đê Trần Mai Hương. Không thiếu một chữ, không thừa một tên...

Em kể chuyện,

— Bác chổ tình thân, mà lại là bác tinh tường nói trước cho nên em mới dám kể... Khổ, hồi đó em ở giáo xứ cha tây. Ngài cứ xuýt xoa vặn hỏi thánh Đê là bà thánh nào? Sao không thấy tên trong sổ Các Thánh. Em lại phải nhờ cha Việt Nam gọi điện thoại nói hộ cho mấy nhời. Em thấy hai người cứ xí xa xí xô với nhau một hồi, ông cha tây mới chịu viết vào trong Sổ Rửa Tội giáo xứ nguyên văn:

Tên Thánh: Đê

Họ và Tên: Trần Mai Hương

Em kết luận,

— Vâng. Thánh nào cũng là thánh. Nhưng em Việt Nam, em khoái thánh Việt Nam. Cứ tên thánh Việt Nam mà đặt.



□ Suy Niệm

Nối tiếp truyền thống bất khuất của tiền nhân, thánh Dũng Lạc, thánh Đê, thánh Thiện, và các thánh tử đạo Việt Nam đã sống một đời sống tự trọng với Thiên Chúa và với mình. Bởi thế các ngài dù đã nằm xuống, nhưng anh linh hiển thánh vẻ vang trên thiên quốc và trong lòng người Công Giáo Việt Nam.

□ Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin dậy cho chúng con biết sống chứng nhân Tin Mừng như các thánh Việt Nam đã từng làm chứng cho một đức tin sắt son về tình yêu bao la của Thiên Chúa.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giây Phút Nguyện Cầu
Dominic Đức Nguyễn
20:37 23/11/2016
GIÂY PHÚT NGUYỆN CẦU
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Chúa luôn hiện diện trong trái tim ta.
Miễn chúng ta dành thời gian cầu khấn,
Ngài nghe được những lời không nói ra.
Vì Ngài luôn luôn đoái thương chút phận.
(Trích thơ của Bùi Hữu Thư)