Ngày 22-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Chúa Giêsu Vua : Kể từ ''Fan đầu tiên'' xin chọn Giêsu
Lm Giuse Trương Đình Hiền
10:34 22/11/2015
KỂ TỪ “FAN ĐẦU TIÊN” XIN CHỌN GIÊSU
(Một chút cảm nhận trong ngày Lễ Chúa Giêsu Vua”

Ở giữa một thế giới,
Đang rộ lên những “fan cuồng” hổn loạn.
Có những tên khủng bố tim đen máu lạnh,
Xả súng, kích bom vì thần tượng "Allahu Akbar"[1]
Mặc kệ dân lành máu đổ đầu rơi,
Miễn sao đạt đích của một ý tưởng điên rồ, ảo mộng !

Cũng có nhưng fan thều thào nước mắt,
Khóc thương thần tượng
chỉ là là một ngôi sao của công nghệ quảng cáo, xi-nê.
Không thiếu những fan cuồng nhiệt đam mê,
Một giọng hát, một cặp giò,
Của những cô ca sĩ hay những chàng vận động viên bóng đá…

Và ở cái xứ,
có trên một tỷ ba người bị hệ thống tuyên truyền nhồi sọ,
thì ngài Mao, ngài Tập chính là thần tượng của nhân dân !
và ở đất nước chúng ta,
Chí ít cũng có dăm sáu triệu người,
Xin chọn làm “ fan Bác Hồ”
như là cần câu cơm, “sổ gạo”
và cũng chính là đường hoạn lộ tiến thân !

Nhưng trên hết, phải nói chỉ có một “fan”,
Fan lớn nhất, vĩ đại nhất
và mãi mãi lớn lên dọc dài theo năm tháng.
Fan của những anh chị em Tin lành, Chính Thống,
Những người bạn Anh giáo và Công Giáo năm châu,
Vì tất cả đều cùng chung một Thần tượng, là Cuối và cũng là Đầu
một Đấng chính là Đường, Sự Thật, Sự Sống.
Vâng, chỉ có “Fan Kitô”,
Dầu đã xuất hiện hơn 2000 năm lịch sử,
Mà cho đến mãi hôm nay,
Vẫn tinh khôi, tuyệt vời, mới mãi mỗi ngày.
Cho dù Ngài không là ca sĩ để chỉ hát một bài,
Không là tài tử điển trai
hay có cặp giò vàng của ngôi sao bóng đá.
Không là nhà chính trị kinh bang tế thế,
Không là bác học với những công trình khám phá lừng danh.

Ngài chỉ là một vị Vua khiêm tốn hiền lành,
Đã đăng quang
vào chính phút giây bị đưa ra pháp đình để bị lên án.[2]
Đã chính thức được trình làng cho muôn dân khắp chốn,
Bằng tấm bảng
đính trên đầu cây thập tự vào một chiều thứ sáu hoang liêu.
“GIÊSU NA-DA-RÉT, VUA DÂN DU DÊU”[3]
Một cớ vấp phạm, một nổi buồn thất vọng,
cho những con người đã “tin nhầm địa chỉ”.

Nhưng cũng chính,
Trong phút giậy ồn ào, bụi bặm và đầy báng bổ,
Lại có một con người,
Đúng hơn, một tên tử tội gần đất xa trời,
Đã nhìn ra và đã chợt khám phá
trong cái hình tượng nhạt nhòa, loang máu bên kia,
Lại là Đấng sắp sửa khai trương một Vương Quốc.
Vâng, có lẽ anh, người trộm bên hữu,[4]
Là “fan đầu tiên” đã xin chọn Giêsu,
Kể từ anh và mãi đến thiên thu,
Thần tượng Giêsu
sẽ mãi là vị Vua có lượng fan chiếm hàng tuyệt đối.

Bởi thế giới có bao giờ lại ưa gian dối,
Mà Ngài lại cương quyết tuyên cáo rằng :
“Ai đứng về phía của sự thật thì nghe tiếng tôi”.[5]
Vâng, “fan Kitô”, một đoàn dân đang tiến bước về trời,
Mà hành trang hôm nay,
Chính là chứng nhân của tình yêu và sự thật.
Fan Kitô, fan của tình yêu, hiệp nhất,
Của anh em một nhà
trong một thế giới, một địa cầu và một vũ trụ bao la !

Trương Đình Hiền


[1] Khâu hiệu mà các tên khủng bố tại Paris đã hô bằng tiếng Ả-rập có nghĩa : Thánh Allah vĩ đại.
[2] Tin mừng Gioan 18,33-38
[3] Tin mừng Gioan 19,19-21
[4] Tin mừng Luca 23, 39-43
[5] Tin mừng Gioan 18,37
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Linh Mục đừng khó tính
Lm. Trần Đức Anh OP
10:13 22/11/2015
VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các LM hãy luôn nhớ căn cội của mình, có đời sống nhân bản, an bình, vui tươi và có tinh thần phục vụ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 20-11-2015 dành cho hàng trăm LM, chủng sinh và tu sinh tham dự hội nghị do Bộ giáo sĩ tổ chức tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành hai sắc lệnh của Công đồng chung Vatican 2 về đời sống linh mục (Presbyterorum ordinis) và việc đào tạo LM (Optatam totius).

ĐTC nhắc nhở các nhà đào tạo và chính các LM hãy nhớ đến lịch sử bản thân và của người thụ huấn, nhớ đến con người cụ thể được kêu gọi làm môn đệ và linh mục của Chúa, và luôn ý thức rằng chỉ có Chúa Kitô là vị Tôn Sư duy nhất cần phải noi theo và trở nên đồng hình dạng với Ngài.

ĐTC đề cao vai trò của gia đình, trường học, giáo xứ, các hội đoàn và các nhóm bạn hữu, trong việc làm nảy sinh vun trồng ơn gọi cho các bạn trẻ.

Ngài cũng nêu bật một số đức tính của linh mục tốt và nhấn mạnh rằng ”việc huấn luyện nhân bản là một điều cần thiết đối với các linh mục, để họ học cách không để cho mình bị những giới hạn thống trị, nhưng biết phát huy những tài năng của mình. Một linh mục cũng phải là một người an bình, biết tỏa lan sự thanh thản ra chung quanh mình, cả trong những lúc vất vả, thông truyền vẻ đẹp của quan hệ với Chúa. Một điều không bình thường, đó là một linh mục sầu muộn, khó tính, cáu kỉnh, hoặc có tính tình cứng cỏi; những thái độ như thế chẳng tốt cho linh mục, cũng như cho dân chúng”.

ĐTC nhắc nhở các linh mục phải là những người phục vụ anh chị em mình. Những hình ảnh Chúa Kitô mà chúng ta lấy làm điểm tham chiếu cho sứ vụ linh mục thật là rõ ràng: Ngài là Linh Mục thượng phẩm, gần gũi Thiên Chúa, đồng thời gần gũi con người; là Người Tôi Tớ rửa chân và trở nên tha nhân của những người yếu thế nhất; là Mục Tử nhân lành luôn nhắm mục tiêu chăm sóc đoàn chiên”.

ĐTC cũng ứng khẩu nhiều đoạn trong bài diễn văn. Đặc biệt ngài nhắc nhở sắc lệnh của Công đồng Trento buộc các giám mục phải ở trong giáo phận của mình vẫn còn hiệu lực. Ngài nói: ”Có những giám mục thích đi đây đi đó thay vì chăm sóc giáo phận thuộc quyền. Nếu họ không cảm thấy cần ở lại thì tốt hơn họ nên từ chức”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Một giám mục - cám ơn Chúa luôn bận rộn, nhưng nếu nhận được cú điện thoại của một linh mục, thì ít ra hãy nhắc ống nghe lên và làm cho linh mục ấy cảm thấy sự gần gũi của mình. Nhưng có những giám mục dường như xa lìa các linh mục”. (SD 20-11-2015)
 
Đức Thánh Cha tiếp 7.000 tham dự viên Hội nghị Giáo Dục
Lm. Trần Đức Anh OP
10:13 22/11/2015
VATICAN. ĐTC kêu gọi các nhà giáo dục hãy đến các ”khu ngoại ô” của cuộc sống và giúp người trẻ tăng trưởng trong tình người.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến trưa ngày 21-11-2015 dành cho 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về giáo dục, do Bộ Giáo Dục Công Giáo tổ chức từ ngày 18 đến 21-11-2015 tại Vatican và Castel Gandolfo về chủ đề: ”Giáo dục ngày nay và ngày mai. Canh tân niềm hăng say”.
Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn của Công Đồng chung Vatican 2 về nền Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis), và kỷ niệm 25 năm Tông hiến ”Ex Corde Ecclesiae” (Từ con tim Giáo Hội), do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành. Hội nghị nhắm củng cố quyết tâm của Giáo Hội trong việc giáo dục và đáp ứng nhiều thách đố đang được đề ra cho sứ mạng giáo dục.
Trong số các tham dự viên hiện tại tại buổi tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô 6 có 50 HY và GM, đông đảo các LM, tu huynh và nữ tu, giáo dân hoạt động trong lãnh vực giáo dục Công Giáo.
Đầu buổi tiếp kiến, ĐTC và mọi người đã nghe những chứng từ cảm động về các hoạt động giáo dục đa ngành, dấu chỉ sự hiện diện của Giáo Hội trong mọi góc trời, tìm cách thăng tiến phẩm giá con người, đối thoại và văn hóa, qua các tổ chức Giáo Dục Công Giáo.
Tiếp đến ĐTC đã ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các tham dự viên nêu lên.
Ngài nhấn mạnh một điều thiếu sót tại nhiều nơi trong ngành giáo dục ngày nay là sự thiếu chiều kích siêu việt. ĐTC nói: ”Đối với tôi, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong ngành giáo dục, để lãnh vực này có chiều kích Kitô, đó là sự khép kín đối với siêu việt. Với xu hướng của chủ thuyết tân thực nghiệm, chúng ta khép kín đối với siêu việt. Cần chuẩn bị các tâm hồn để Chúa biểu lộ trọn vẹn, trong chiều kích nhân tính và cả chiều kích siêu việt”.
Nhưng ĐTC cảnh giác rằng đừng bao giờ có những hành động ”chiêu dụ tín đồ” (prosélytisme) trong giáo dục: ”Giáo dục theo tinh thần Kitô không có nghĩa là dạy giáo lý hoặc chiêu dụ người khác theo đạo, nhưng là giúp người trẻ tiến bước trong mọi giá trị nhân bản, và điều này phải bao hàm cả chiều kích siêu việt”.
ĐTC chống lại xu hướng ”ưu tuyển” trong ngành giáo dục: chỉ có những người có trình độ nào đó mới được quyền hưởng một nền giáo dục. Đó là một thực tại đáng tủi hổ trên thế giới, sự tuyển lựa này làm cho con người xa cách nhau thay vì giúp họ xích lại gần nhau: người giàu và người nghèo, các các nền văn hóa với nhau.. thế giới không thể tiến triển với một nền giáo dục quá tuyển lựa; giáo dục trong khuôn khổ những bức tường của một nền văn hóa tuyển chọn” (SD 21-11-2015)
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: lễ Chúa Kitô Vua
Lm. Trần Đức Anh OP
10:12 22/11/2015
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22-11-2015, ĐTC đã nêu bật ý nghĩa Vương quyền của Chúa Kitô và ngài bênh vực các tín hữu đang bị bách hại trên thế giới.

Dưới bầu trời nắng thu, 40 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh với ĐTC Phanxicô. Giữa quảng trường thánh Phêrô, cây thông cao 32 mét do miền Bavaria bên Đức tặng đã được dựng lên cạnh hang đá khổng lồ đang được kiến thiết. Con số các nhân viên cảnh sát và an ninh chìm cũng được tăng cường trước những đe dọa khủng bố trong những ngày nay.

Đúng 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua.

Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, Chào Anh Chị em

Trong Chúa Nhật cuối cùng này của Năm Phụng vụ, chúng ta mừng lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong khi ngài tự giới thiệu trước mặt quan Philato như là vua của ”một nước không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu là vua của một thế giới khác, nhưng là vua một cách khác. Đây là sự đối nghịch giữa hai thứ lô-gic. Lô gíc trần thế dựa trên tham vọng và cạnh tranh, mà người ta tranh đấu bằng những võ khí sợ hãi, cưỡng bách, lèo lái lương tâm. Còn lôgic của Tin Mừng, của Chúa Giêsu, được biểu lộ trong sự khiêm tốn và nhưng không, được khẳng định âm thầm nhưng hữu hiệu với sức mạnh của chân lý. Các vương quốc của trần thế này nhiều khi được cai trị bằng cường quyền, cạnh tranh, đàn áp; vương quốc của Chúa Kitô là ”nước công lý, tình thương và an bình” (kinh Tiền Tụng).

Chúa Giêsu tỏ ra là vua trong biến cố Thập Giá! Ai nhìn Thập Giá của Chúa Kitô thì không thể không thấy sự nhưng không lạ lùng của tình thương. Đối với Kitô hữu, nói về quyền lực và sức mạnh có nghĩa là tham chiếu quyền lực của Thập Giá và sức mạnh tình thương của Chúa Giêsu: một tình thương vẫn kiên vững và toàn vẹn, kể cả trước sự từ khước, và xuất hiện như sự hoàn tất một cuộc sống xả thân trong sự tận hiến cho nhân loại. Trên Đồi Canvê, những người qua đường và các thủ lãnh nhạo cười Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, và họ thách thức Ngài: “Hãy tự cứu mình bằng cách xuống khỏi thập giá đi!” (Mc 15,30). Nhưng điều nghịch lý là chân lý của Chúa Giêsu chính là sự thật mà những kẻ đối thủ của Ngài với giọng chế nhạo nói lên: ”Hắn không thể tự cứu mình!” (v.31). Giả sử Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì có nghĩa là ngài chiều theo cám dỗ của thủ lãnh thế gian này; trái lại Ngài không thể tự cứu mình để có thể cứu vờt những người khác, để có thể cứu mỗi người chúng ta khỏi tội lỗi.

Một trong hai kẻ gian ác bị đóng đinh với Chúa đã hiểu điều ấy, anh ta được gọi là ”kẻ trộm lành”, anh cầu xin Người: ”Lạy ngài Giêsu, xin nhớ đến con khi ngài vào nước của ngài” (Lc 23,42). Sức mạnh vương quốc của Chúa Kitô là tình thương: vì thế vương quyền của Chúa Giêsu không đè nén chúng ta, nhưng giải thoát chúng ta khỏi mọi yếu đuối và lầm than, khích lệ chúng ta tiến bước trên những con đường sự thiện, hòa giải và tha thứ. Chúa Kitô là một vị vua không thống trị chúng ta, không đối xử với chúng ta như những người bị trị, nhưng nâng chúng ta lên bằng phẩm giá của Ngài. Chúa cho chúng ta được hiển trị với Ngài, vì như sách Khải Huyền dạy, 'Ngài làm cho chúng ta trở thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa là Cha của Ngài” (1,6). Nhưng cai trị như Ngài có nghĩa là phụng sự Thiên Chúa và anh em mình; một sự phục vụ nảy sinh từ tình yêu. Phục vụ vì yêu thương là cai trị: đó chính là vương quyền của Thiên Chúa”.

ĐTC nói thêm rằng ”Đứng trước bao nhiêu sâu xé trên thế giới và quá nhiều vết thương trong thân thể loài người, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm noi gương Chúa Giêsu, là vua của chúng ta, làm cho nước Chúa hiện diện với những cử chỉ dịu hiền, cảm thông và từ bi.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc nhở các tín hữu rằng: ”thứ bẩy hôm qua, tại thành Barcelona, có lễ phong chân phước cho cha Federico da Berga và 25 bạn tử đạo, bị sát hại tại Tây Ban Nha trong cuộc bách hại khốc liệt chống lại Giáo Hội trong thế kỷ vừa qua. Đó là các linh mục, các tu sinh chờ đợi chịu chức và các tu huynh thuộc dòng anh em hèn mọn Capuchino. Chúng ta hãy phó thác cho lời chuyển cầu của các ngài bao nhiêu anh chị em chúng ta rất tiếc là ngày nay đang còn bị bách hại vì niềm tin nơi Chúa Kitô tại nhiều nơi trên thế giới.

ĐTC chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ Italia và các nước khác, các nhóm giáo xứ, và hội đoàn, các tín hữu hành hương đến từ Mêhicô, Australia, Đức, và nhiều miền ở Italia. Đặc biệt là những nhóm ca đoàn mừng lễ thánh Cecilia hôm nay, bổn mạng ngành thánh ca và âm nhạc.
 
ĐTC: Chúa Giêsu khóc thương cho một thế giới đã không hiểu mà còn muốn giết chết hòa bình
Vũ Đức Anh Phương
16:09 22/11/2015
VATICAN 19-11-2015. “Ngày nay, mọi nơi trên thế giới đều xảy ra chiến tranh mà dường như lại chẳng có lý do chính đáng nào cho những cuộc chiến ấy. Con người có thể tìm thấy con đường dẫn tới hòa bình với Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đang gần kề.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng hôm nay, thứ 5 ngày 19.11, tại nhà nguyện thánh Marta.

“Đức Giêsu khóc thương.” Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng như thế. Và có thể nói, đây là một trong những bài giảng tha thiết nhất của ngài tại nhà nguyện thánh Marta.

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc thương. Nhưng tại sao Chúa lại khóc thương? Chính Đức Giêsu cũng đã trả lời: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.’ Như thế, Đức Giêsu khóc vì Giê-ru-sa-lem đã không hiểu được đường lối hòa bình mà lại chọn con đường của ghen ghét, hận thù, chiến tranh.

Ngay cả ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang còn khóc thương. Bởi vì chúng ta ưa thích con đường của chiến tranh, hận thù, ghen ghét. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình.

Hồi năm ngoái, chúng ta đã tưởng niệm những nạn nhân trong chiến tranh Thế Giới Thứ Hai, vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Như Đức Biển Đức XVI nói, đó là những thảm sát không cần thiết. Ngày hôm nay, mọi nơi đều có chiến tranh, hận thù. Điều ấy khiến chúng ta phải thốt lên mà hỏi rằng: Điều gì còn sót lại sau chiến tranh? Tình trạng sống của chúng ta sẽ như thế nào?

Điều còn sót lại là sự dổ nát, hoang tàn. Hàng ngàn trẻ em không được đến trường. Vô số những người vô tội bị thiệt mạng. Hàng đống tiền rơi vào túi của những kẻ buôn bán vũ khí.

Có lần, Đức Giêsu đã nói: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.’ Quả thực, chiến tranh là một chọn lựa béo bở để làm giầu. Kinh doanh vũ khí sẽ thúc đẩy nền kinh thế phát triển, và từ đó người ta cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng Thiên Chúa sẽ nói với những người ấy rằng: Khốn cho các ngươi! Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ nói: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình!’, còn những người gây ra chiến tranh, hận thù sẽ không được chúc phúc, và còn là những tội phạm nữa. Chiến tranh có thể được ‘biện minh’ – biện minh trong ngoặc kép – với rất nhiều lý do. Và trong thế giới ngày hôm nay đã đầy dẫy chiến tranh rồi. Đó là một cuộc chiến có tầm mức thế giới nhưng xảy ra từng phần: ở đây, ở kia, ở đó và khắp mọi nơi mà chẳng có lý do nào cả. Thiên Chúa đã khóc thương. Đức Giêsu đã khóc thương.

Trong khi những người buôn bán vũ khí đang thực hiện việc kinh doanh của họ, lại có rất nhiều người kiến tạo hòa bình tuy đơn sơ nghèo khó nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ con người, hết người này đến người khác, đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì họ. Những gì Mẹ Têrêsa Calcutta, một biểu tượng sáng ngời trong thời đại chúng ta, đã sống và đã làm là một minh chứng hùng hồn. Nhưng bằng sự giễu cợt, những người có quyền lực có thể mỉa mai rằng: ‘Bà ấy đã làm gì vậy? Tại sao lại phải đánh đổi cả mạng sống của mình để giúp đỡ những người sắp chết?’ Họ không hiểu được đường lối của hòa bình, không hiểu được những gì Mẹ Teresa đã làm.

Bởi vậy, thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng xin ơn biết khóc thương, vì thế giới này không biết đến con đường hòa bình, nhưng chỉ biết sống để gây chiến tranh, hận thù và mỉa mai những ai tận tâm kiến tạo hòa bình. Chúng ta được đòi hỏi phải hoán cải tận căn từ sâu thẳm trái tim. Bên ngưỡng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, niềm vui của chúng ta sẽ là khi thế giới tìm thấy được khả năng biết khóc thương cho tội lỗi của mình, cho những gì mà chiến tranh đã gây ra.”
 
Sứ Quán Hoa Kỳ cho biết: Đền Thánh Phêrô tại Rome có thể là mục tiêu của khủng bố.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:50 22/11/2015
Sứ Quán Hoa Kỳ cho biết: Đền Thánh Phêrô tại Rome có thể là mục tiêu của khủng bố.

Rome, Italy. Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Rome hôm thứ Tư cho hay nhà thờ Thánh Phê-rô có thể là đứng đầu danh sách bị khủng bố tại Rome và Milan. Chính quyền Ý cũng đã biết về âm mưu này.

Những mục tiêu khác có thể là nhà thờ chánh tòa Milan, nhà hát La Scala. Sứ quán Hoa Kỳ cũng cho hay mục tiêu là các nhà thờ, hội đường, nhà hàng, rạp hát, khách sạn trong cả hai thành phố.

Sứ quán khuyên các công dân Hoa Kỳ ở Ý hãy đề phòng và lưu ý những chuyện xảy ra quanh mình và hãy theo dõi đến các bản tin.

Củng nên nhắc lại là cuộc khủng bố ở Paris đã giết hại 129.

Cảnh sát Pháp trong cuộc bố ráp hôm thứ Tư đã diệt được tên Abdelhamid Abaaod, một công dân Bỉ khoảng 27 tuổi, được tin là kẻ cầm đầu. Hắn đã cùng thực hiện nhiều âm mưu khủng bố gồm kế hoạch tháng Tư để tấn công một nhà thờ ở ngoại ô Villejuif, theo tờ New York Times đưa tin.

Trong cuộc bố ráp, một phụ nữ đã nổ súng vào cảnh sát và sau đó đã tự tử bằng cách cho nổ áo đeo chất nổ mặc trên mình. Cảnh sát cho biết đó chính là chị họ của Abaaoud. Cảnh sát Pháp đang truy lùng những tòng phạm khác và đã bắt giữ một số nghi can trong hơn 600 cuộc bố ráp vừa qua.

Tuần trước, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói với tờ nhật báo Pháp La Croix rằng sau vụ tấn công Paris thì không nơi nào được coi là an toàn.

“Tòa Thánh Vatican có thể là mục tiêu vì tính cách quan trọng về mặt tôn giáo. Chúng ta có thể tăng cường an ninh ở Vatican và vùng lân cận.” Ngài đã trả lời cuộc phỏng vấn vào ngày 15 tháng 11 vừa qua như thế.

Tuy nhiên, ngài nói thêm “ Chúng ta sẽ không để mình bị tê liệt vì sợ hãi.”

Đức Hồng Y cho biết rằng chương trình làm việc của Đức Thánh Cha sẽ không thay đổi vì những tin khủng bố này.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y đã tái xác định rằng chúng ta cần chấm dứt cuộc xâm lăng bất chính và “ bạo động mù “. Ngài nói rằng những người Hồi Giáo chân chính cần phải hành động để đối diện với việc quá khích này. Họ phải là “ một phần để giải quyết” nạn khủng bố.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần III, chương 4
Vũ Văn An
21:03 22/11/2015
Chương 4

Gia đình và việc truyền giảng Tin Mừng
Linh đạo gia đình


87. Trong ơn gọi và sứ mệnh của nó, gia đình quả là một kho báu thực sự của Giáo Hội. Tuy nhiên, như Thánh Phaolô đã nói về Tin Mừng, “chúng tôi mang kho báu này trong những chiếc bình bằng đất” (2Cor 4:7). Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: ở cửa trước của gia đình “có viết ba chữ... ‘xin vui lòng’, ‘xin cám ơn’, ‘xin thứ lỗi’. Trên thực tế, những lời này mở đường cho gia đình sống tốt đẹp. Chúng là những lời đơn giản, nhưng đem ra thực hành thì không hề đơn giản chút nào! Chúng chứa đựng một sức mạnh lớn lao: sức mạnh bảo vệ gia đình, ngay cả lúc đang kinh qua hàng nghìn khó khăn và thử thách; trái lại, nếu thiếu chúng, gia đình sẽ từ từ nứt rạn và cuối cùng xụp đổ” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 13 tháng Năm, 2015). Giáo huấn của các vị giáo hoàng mời gọi ta thâm hậu hóa sinh hoạt thiêng liêng của gia đình, bắt đầu với việc tái khám phá việc cầu nguyện trong gia đình và cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, Lời từ đó phát sinh ra cam kết yêu thương. Thánh Thể là nguồn nuôi sống chính của sinh hoạt thiêng liêng trong gia đình, nhất là vào ngày của Chúa, ngày vốn là dấu chỉ việc ta bén rễ sâu vào cộng đồng Giáo Hội (xem Đức Gioan Phaolô II, Dies Domini, 52-66). Việc cầu nguyện trong gia đình, việc tham dự phụng vụ và việc thực hành lòng sùng kính bình dân và lòng tôn kính Đức Mẹ đều là các phương thế hữu hiệu để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và để gia đình truyền giảng Tin Mừng. Điều này làm nổi bật ơn gọi đặc biệt của vợ chồng trong việc biến sự thánh thiện của họ thành hiện thực qua cuộc sống lứa đôi, với ơn Chúa Thánh Thần, qua cả việc tham dự vào mầu nhiện thập giá Chúa Kitô, một mầu nhiệm sẽ biến các khó khăn và đau khổ của họ thành của lễ tình yêu.

88. Tình âu yếm là sợi dây hợp nhất cha mẹ với nhau và cha mẹ với con cái. Âu yếm là hân hoan cho đi và gợi nơi người khác tâm cảm được yêu thương. Nó được biểu thị qua cung cách đặc thù nhìn các giới hạn của người khác bằng một con mắt quan tâm nhậy cảm, nhất là khi các giới hạn này trở nên hiển nhiên cao độ. Cư xử một cách nhậy cảm và kính trọng là chữa lành các vết thương và phục hồi niềm hy vọng, giúp làm sống lại niềm tự tin nơi người khác. Tình âu yếm trong các liên hệ gia đình là nhân đức hàng ngày giúp ta vượt qua được các tranh chấp nội bộ và có tính tương quan. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời ta suy xét: “Ta có can đảm tiếp nhận một cách nhậy cảm các hoàn cảnh và các vấn đề khó khăn diễn ra quanh ta không hay thay vào đó, ta chỉ tiếp nhận các giải pháp vô ngã, tuy hữu hiệu nhưng không có được cái ấm áp của Tin Mừng? Thế giới ngày nay cần nhậy cảm xiết bao! Cần lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, cần sự gần gũi của Người, cần sự âu yếm dịu dàng của Người biết chừng nào!” (Bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh, 24 tháng Muời Hai, 2014).

Gia đình như chủ thể của thừa tác mục vụ

89. Nếu gia đình Kitô hữu muốn mãi trung thành với sứ mệnh của mình, họ phải hiểu họ từ đâu phát sinh ra: họ không thể truyền giảng Tin Mừng nếu chính họ không được truyền giảng Tin Mừng. Sứ mệnh của gia đình bao hàm việc kết hợp giữa vợ chồng, việc dưỡng dục con cái, việc làm chứng cho bí tích, việc chuẩn bị hôn nhân cho các cặp khác và việc thân ái đồng hành với các cặp và các gia đình đang gặp khó khăn. Do đó, điều quan trọng là phải giúp gia đình có được sức mạnh truyền giảng tin mừng và dạy giáo lý. Về phương diện này, nên lưu ý tới việc đánh giá các cặp vợ chồng, các người mẹ người cha như những chủ thể tích cực của giáo lý, nhất là khi dạy dỗ con cái, trong việc cộng tác với các linh mục, các phó tế, vác vị tận hiến và các giáo lý viên. Sức mạnh này phải bắt đầu ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của vợ chồng. Việc giáo lý trong gia đình sẽ giúp ích rất nhiều theo nghĩa đây là cách hữu hiệu để huấn luyện các cha mẹ trẻ và giúp họ ý thức được sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của họ đối với chính gia đình riêng của họ. Hơn nữa, điều chủ yếu là phải nhấn mạnh tới mối liên kết giữa kinh nghiệm gia đình và việc khai tâm Kitô Giáo. Toàn bộ cộng đồng Kitô hữu phải là nơi các gia đình phát sinh, nơi họ đến với nhau và dấn thân với nhau, đồng hành trong đức tin và chia sẻ các cách lớn lên và trao đổi hỗ tương.

90. Giáo Hội phải đem đến cho các gia đình một cảm thức thuộc về mình, một cảm thức “chúng tôi” trong đó không một chi thể nào bị lãng quên. Hãy khuyến khích mỗi người để họ phát triển các khả năng bản thân của họ bằng cách đem kế hoạch phục vụ Nước Thiên Chúa của đời họ tới chỗ sinh hoa kết trái. Mọi gia đình, khi đã hội nhập vào khung cảnh Giáo Hội, đều nên tái cảm nhận được niềm vui hiệp thông với các gia đình khác trong việc phục vụ ích chung của xã hội, trong việc cổ vũ một nền chính trị, một nền kinh tế và một nền văn hóa biết phục vụ gia đình, dù phải sử dụng đến mạng lưới xã hội và các phương tiện truyền thông. Hy vọng ta sẽ tạo ra được các cộng đồng nhỏ gồm nhiều gia đình làm chứng tá sống cho các giá trị Tin Mừng. Hiện nay ta cảm thấy việc cần phải chuẩn bị, huấn luyện và trao trách nhiệm cho một số gia đình để họ đồng hành với các gia đình khác trong việc sống lối sống Kitô Giáo. Những gia đình nào muốn hiến thân sống sứ mệnh “ad gentes” (truyền giáo dân ngoại) nên được ghi nhận và khuyến khích. Sau cùng, tầm quan trọng của việc phối hợp thừa tác vụ giới trẻ với việc chăm sóc mục vụ gia đình đã được nhấn mạnh.

Mối tương quan với các nền văn hóa và các định chế

91. Giáo Hội “nhờ sống trong nhiều điều kiện đa dạng của lịch sử, nên đã tiếp nhận nhiều khám phá của các nền văn hóa khác nhau để truyền bá và giải thích tin vui của Chúa Kitô trong việc rao giảng của mình cho mọi dân tộc, để khảo sát tỉ mỉ và hiểu biết tin vui này cách sâu xa hơn, và để phát biểu nó cách tốt hơn trong việc cử hành phụng vụ và trong đời sống đa dạng của cộng đồng tín hữu” (GS, 58). Do đó, điều quan trọng là phải lưu ý tới các nền văn hóa này và tôn trọng mỗi một nền văn đó trong tính độc đáo của nó. Thậm chí, ta còn cần nhắc lại lời Chân Phúc Phaolô từng viết “việc đứt đoạn giữa Tin Mừng và văn hóa chắc chắn là một thảm kịch của thời ta, cũng như nó đã là thảm kịch cho các thời đại khác. Do đó, ta phải dành mọi sức lực vào việc phúc âm hóa nền văn hóa, nói chính xác hơn, phải phúc âm hóa các nền văn hóa” (EN, 20). Thừa tác mục vụ hôn nhân và gia đình đòi phải biết đánh giá các yếu tố tích cực gặp được trong các kinh nghiệm tôn giáo và văn hóa khác nhau, vốn được coi như một “praeparatio evangelica” (chuẩn bị cho Tin Mừng). Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa, việc truyền giảng Tin Mừng nào biết lưu tâm tới việc cổ vũ gia đình về phương diện nhân bản đều buộc phải phê phán thẳng thừng các điều kiện văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Việc gia tăng quyền bá chủ của các lực lượng thị trường, một việc gia tăng đang ảnh hưởng tới không gian và thời gian của cuộc sống gia đình chân chính, cũng góp phần vào việc gia tăng kỳ thị, gia tăng nghèo đói, gia tăng loại trừ và bạo lực. Trong số các gia đình đang sống trong các điều kiện kinh tế thiếu thốn do thất nghiệp hay điều kiện làm việc bấp bênh hay do không được trợ giúp về y tế và xã hội gây ra, thường hay xẩy ra sự kiện này: một số gia đình, vì không thể nhận được tín dụng, nên đã trở thành nạn nhân của việc cho vay nặng lãi và đôi lúc, người ta thấy họ bị buộc phải mất nhà cửa, thậm chí mất cả con cái nữa. Trong bối cảnh này, có đề nghị cho rằng các cơ cấu kinh tế phải được tổ chức thỏa đáng để trợ giúp các gia đình này hay để cổ cổ vũ gia đình và tình liên đới trong xã hội.

92. Gia đình là tế bào đầu tiên và có tính sinh tử của xã hội (AA, 11). Nó cần phải khám phá ra ơn gọi của nó để nâng đỡ cuộc sống về mọi mặt của nó trong xã hội. Điều không thể thiếu đối với các gia đình, qua các hiệp hội của họ, là phải tìm ra các phương pháp để tương tác với các định chế chính trị, kinh tế và văn hóa, nhằm mục đích xây dựng một xã hội công chính hơn. Vì thế, cần phải khai triển việc đối thoại và hợp tác với các định chế xã hội và cần phải khuyến khích và hỗ trợ hàng ngũ giáo dân để họ dấn thân, trong tư cách Kitô hữu, vào lãnh vực chính trị xã hội. Đời sống chính trị phải đặc biệt tôn trọng nguyên tắc phụ đới và không được tước đoạt quyền lợi các gia đình. Về phương diện này, điều chủ yếu là suy nghĩ về “Hiến Chương Quyền Lợi Gia Đình” (xem Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, 22 tháng 10, 1983) và “Tuyên Bố Phổ Quát về Các Nhân Quyền” (10 tháng 12, 1948). Đối với các Kitô hữu đang hoạt động trong chính trường, họ cần dành ưu tiên cho việc cam kết bảo vệ sự sống và gia đình, vì xã hội nào coi thường gia đình đều để mất viễn ảnh tương lai. Các hiệp hội gia đình, khi dấn thân làm việc chung với các truyền thống Kitô Giáo khác, đều có nhiều trách vụ chính yếu, trong đó có việc cổ vũ và bảo vệ sự sống và gia đình, cổ vũ tự do giáo dục và tự do tôn giáo, cổ vũ việc hòa hợp hóa giữa việc làm và thì giờ dành cho gia đình, cổ vũ việc bảo vệ phụ nữ và vâng phục lương tâm.

Sẵn sàng truyền giáo

93. Từ bản chất của nó, gia đình của những người đã chịu phép rửa đều là gia đình truyền giáo, và gia tăng đức tin của mình nhờ hành động đem đức tin đến cho người khác, trước nhất là cho con cái. Ngay hành động sống hiệp thông trong gia đình cũng đã là hình thức đầu tiên của truyền giáo rồi. Thực thế, việc truyền giảng Tin Mừng bắt đầu từ gia đình, trong đó, không những sự sống thể lý được lưu truyền, mà cả sự sống thiêng liêng nữa. Không được quên vai trò của ông bà trong việc lưu truyền đức tin và các thực hành tôn giáo: các ngài làm chứng cho các dây liên kết giữa các thế hệ, là những người bảo vệ các truyền thống khôn ngoan, việc cầu nguyện và làm gương sáng. Như thế, gia đình được thành lập như chủ thể của hành động mục vụ qua việc minh nhiên công bố Tin Mừng và thừa hưởng nhiều hình thức làm chứng tá: liên đới với người nghèo, cởi mở đối với các dị biệt giữa người ta, gìn giữ tạo thế, liên đới với các gia đình khác, nhất là những gia đình túng thiếu nhất, cả tinh thần lẫn vật chất, cả dấn thân cho việc cổ vũ ích chung bằng việc biến đổi các cơ cấu xã hội bất công, bắt đầu với khu vực họ sinh sống, tham gia các công việc thương người về tinh thần và thể xác.

KẾT LUẬN

94. Chúng tôi, các nghị phụ Thượng Hội Đồng, trong kỳ họp này, tụ hội trong hợp nhất quanh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã cảm nhận được tình âu yếm và lời cầu nguyện của cả Giáo Hội, đã cùng tiến bước như các môn đệ Emmau và nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô nhờ bẻ bánh tại bàn Thánh Thể, trong sự hiệp thông huynh đệ, trong việc chia sẻ các kinh nghiệm mục vụ. Chúng tôi ước ao thành quả của công trình nay đã được đặt vào bàn tay của Vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô này sẽ đem lại hy vọng và vui mừng cho vô vàn gia đình khắp thế giới, đem lại hướng dẫn cho các mục tử và nhân viên mục vụ cũng như đem lại đà thúc đẩy cho công trình truyền giảng Tin Mừng. Trong lúc đạt tới kết luận cho Bản Tường Trình này, chúng tôi khiêm nhường xin Đức Thánh Cha, nhân cơ hội này, ban hành một văn kiện về gia đình, để Chúa Kitô, ánh sáng thế gian, được rạng sáng trong nó, vốn là Giáo Hội tại gia.

Kinh Thánh Gia

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Nơi các ngài, chúng con được chiêm ngưỡng
vẻ sáng lạn của tình yêu đích thực,
chúng con tin tưởng chạy tới với các ngài.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin ban ơn cho các gia đình chúng con
Cũng trở thành nơi hiệp thông và cầu nguyện,
trường chân chính của Tin Mừng
và các Giáo Hội nhỏ tại gia.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho các gia đình chúng con đừng bao giờ
cảm nghiệm bạo lực, hất hủi và chia rẽ nữa:
xin cho tất cả những người bị thương tổn hay xúc phạm
tìm được an ủi và chữa lành tức khắc.

Lạy Thánh Gia Thất Nadarét,
Xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới,
Làm chúng con, một lần nữa, biết lưu tâm
tới tính thánh thiêng và bất khả vi phạm của gia đình,
và vẻ đẹp của nó trong kế hoạch Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse,
Xin nhân từ nghe lời chúng con cầu xin.

Amen


Kết quả bỏ phiếu từng số trong Bản Tường Trình Sau Cùng Của Thượng Hội Đồng Giám Mục với Đức Thánh Cha Phanxicô

Con số các Nghị Phụ hiện diện: 277 (2 phần 3: 177)
Số phiếu trắng không được nhắc đến


Số Đồng ý Không đồng ý
1 260 0
2 257 0
3 255 1
4 256 2
5 256 3
6 249 9
7 248 9
8 245 9
9 254 4
10 253 7
11 256 1
12 253 5
13 255 5
14 256 5
15 255 5
16 254 8
17 259 1
18 258 1
19 255 5
20 257 3
21 256 4
22 252 4
23 253 4
24 255 5
25 242 15
26 256 2
27 251 9
28 257 4
29 249 8
30 250 7
31 253 7
32 249 6
33 246 12
34 245 11
35 259 2
36 256 3
37 252 6
38 251 5
39 255 3
40 255 6
41 253 7
42 257 2
43 254 6
44 247 11
45 249 6
46 254 5
47 246 11
48 253 6
49 253 5
50 252 6
51 250 11
52 252 5
53 244 15
54 236 21
55 243 14
56 248 10
57 257 2
58 247 14
59 258 3
60 259 1
61 254 7
62 259 0
63 237 21
64 247 11
65 252 7
66 258 0
67 259 0
68 253 3
69 236 21
70 213 47
71 218 42
72 229 29
73 236 24
74 223 36
75 205 52
76 221 37
77 247 11
78 250 8
79 246 14
80 253 6
81 253 7
82 244 16
83 248 12
84 187 72
85 178 80
86 190 64
87 255 3
88 252 4
89 257 2
90 255 5
91 248 12
92 256 4
93 255 2
94 253 5
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm 10 năm Legio Mariae hiện diện tại Thanh hóa
BTT GP Thanh Hóa
10:29 22/11/2015
Legio Mariae Thanh hóa: Kỷ niệm 10 năm đến Thanh hóa

Ngày 20.11.2016, tại giáo xứ Chính Tòa Thanh hóa, Legio Mariae (Đạo binh Đức Mẹ) giáo phận Thanh hóa đã mừng kỷ niệm 10 năm hiện diện tại mảnh đất xứ Thanh và 5 năm thành lập Comitium Thanh hóa.

Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh giám mục giáo phận Thanh hóa, các vị đại diện Senatus Việt Nam, Ban quản trị Regia Hà Nội, đại diện các Comitium Vinh, Hải Phòng, Hà Nam, Phát Diệm, và gần hai ngàn hội viên của Đạo Binh Đức Mẹ giáo phận đã về tham dự biến cố trọng đại của Comitium Thanh hóa.

Xem Hình

Theo báo cáo của cha Giuse Đỗ Văn Tuấn, Tổng Linh giám của Legio Mariae giáo phận Thanh hóa: Chỉ sau 10 năm hình thành và phát triển, từ con số không tròn trĩnh, hiện tại hội viên Legio Mariae tại giáo phận Thanh hóa đã lên tới con số 3 ngàn hội viên hoạt động trong 9 curia và có mặt trong 30/53 giáo xứ của giáo phận Thanh hóa.

Nhìn lại 10 năm trước đây, ngày 20.10.2005 tại giáo xứ Ba Làng lịch sử (nơi vị thừa sai nổi tiếng Alessandre de Rhodes đặt chân lên Cửa Bạng Ba Làng 19.3.1627) những chiến sĩ đầu tiên ở Thanh Hóa gia nhập đạo binh Đức Mẹ và trực thuộc Comitium Vinh.

Đội quân Đức Mẹ không ngừng gia tăng về con số và lãnh thổ.Chỉ sau đó một năm Curia Ba Làng được thiết lập gồm ba giáo xứ Ba Làng Kiến An và Thái Yên. Năm 2008, Curia Sông Mã, 2010 Curia Chính Tòa…đến tháng 5.2010 tại Thanh hóa đã có 5 Curia, 72 Presidia.

Sau 5 năm có mặt tại Thanh hóa,trước những thành quả to lớn và lợ ích thiêng liên của Đạo Binh đem lại, Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh và Senatus Việt Nam đã quyết định thành lập Comitium Thanh Hóa ngày 26.10.2010. Đánh dấu bước trưởng thành và cũng là dấu son lịch sử của Đạo Binh Đức Mẹ tại Thanh hóa.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động của Comitium Thanh hóa, hội đã làm công tác 776.200 giờ như thăm viếng bệnh nhân HIV, tâm thần, hoạt động bảo vệ sự sống, người khô đạo, bỏ xưng tội lâu năm…

Cụ thể Đạo Binh đã rửa tội cho 630 người lớn, 2074 trẻ em, hòa giải 364 gia đình, gỡ rối hôn nhân 541 đôi, đưa cha đi xức dầu 1454 lần, giúp 1701 người bỏ xưng tội lâu năm lãnh nhận bí tíc hòa giải, kiệu Mình Thánh Chúa cho 1492 người, khuyên 24 phụ nữ từ bỏ ý định phá thai, thu lượn chôn cất 10.000 thai nhi…

Có được thành quả trên là nhờ các hội viên xác tín việc Chúa Thánh Linh luôn hoạt động trong Đạo Binh và nhờ cầu nguyện và tín thác vào Mẹ Maria cũng như sự quan tâm của Đức Cha, quý cha và sự hiệp nhật của các hội viên dưới lá cờ của Mẹ Maria Trinh nữ Vương của Đạo Binh.

Hướng đi những năm tiếp theo của Comitium Thanh hóa, theo báo cáo, “trở thành đội quân tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng theo linh đạo của Đạo Binh và quyết tâm trở thành cánh tay nối dài của các chủ chăn trong vườn nho của Chúa”.

Trong ngày Đại hội, buổi sáng khai mạc, theo tinh thần của năm Tân Phúc âm hóa đời sống công đoàn, các hội viên được nghe các bài thuyết trình theo chủ đề “Legio với đời sống cộng đoàn giáo xứ”; buổi chiều Chầu Thánh Thể, lãnh nhận Bí tích hòa giải và thánh lễ tạ ơn do Đức Cha giáo phận Thanh hóa chủ sự.
 
Giáo xứ Củ Chi, Bình Dương làm phép nhà giáo lý mới
Tôma đỗ Lộc Sơn
10:43 22/11/2015
Từ chợ Bến Thành đi lên hướng Tây Ninh, đúng 35 km là tới ngã 5 thị trấn Củ Chi, nơi đây có cây cầu vượt. Từ cầu vượt nhìn qua phải, chúng ta sẽ thấy ngôi nhà thờ, với mái cong theo kiến trúc Đông Phương, Thánh giá to trên cao đã cho ta thấy địa chỉ ta cần đến. Điều chúng tôi muốn nói lên là: Giữa cảnh đời bon chen, xưng hùng xưng bá mà lại có một biểu tượng tình yêu sừng sững nơi đây quả là một phép lạ.

Xem Hình

Giáo xứ Củ Chi được hình thành cách đây hàng trăm năm. Nhà thờ chỉ là căn nhà lá nằm sâu bên trong, năm 1942 nhà thờ được di dời ra mặt lộ cho đến nay.

Ngày nay, số giáo dân ngày một tăng, nhu cầu học giáo lý là điều cần thiết, khuôn viên nhà thờ lại rất nhỏ nên việc xây dựng nhà giáo lý là một khó khăn cho cha xứ.

Nối tiếp công việc xây dựng nhà giáo lý do cha xứ cũ để lại, hơn một năm qua cha Đaminh Đỗ Bùi Quốc Thuấn đã cố gắng lo cho công việc được ổn thỏa. Có những lúc tưởng như ngưng trệ, nhưng lại đạt được thỏa thuận và nay ngôi nhà giáo lý mới đã hoàn thành.

Nhà giáo lý mới có 15 phòng, 10 phòng học trên lầu 1 và 2, 5 phòng trệt dùng để sinh hoạt. Các phòng học được trang bị bàn ghế mới, quạt và đèn để luôn đem đến một bầu khí thoáng mát.

17 giờ ngày 21/11/2015, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường đã đến Giáo xứ Củ Chi để dâng lễ tạ ơn và làm phép nhà giáo lý mới.

Cùng tham dự nghi thức làm phép và đồng tế trong thánh lễ có cha Simon Nguyễn Văn Thu - Hạt trưởng Hạt Củ Chi, Cha xứ Đaminh Đỗ Bùi Quốc Thuấn và 5 cha trong hạt. Có khá đông giáo dân các xứ chung quanh và ân nhân ước khoẳng 800 người.

Trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Đức Cha Giuse đã chia sẻ (lược ghi): Đức Kitô xưng mình là vua nhưng những người thời đó không hiểu được. Vua theo thói đời thường là phải có sức mạnh của quân đội, quyền lực. Nhưng ở đây, Đức Kitô muốn nói đến Vua Tình Yêu, Vua Tha Thứ. Nhờ vua tình yêu, sống theo vua tình yêu, chúng ta mới có tình yêu thương với nhau, bao nhiêu khó khăn trong đời nếu lấy tình yêu thương mà đáp trả chúng ta sẽ được ổn thỏa, điều này đã chứng minh được.

Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn sự thật và sự sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.

Đức Cha Giuse cũng cho biết: Trong Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận, những thánh lễ biệt đặc biệt như hôm nay, những ai tham dự một cách sốt sáng đầy đủ thì được hưởng ơn toàn xá cùng với những điều kiện kèm theo: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành Toàn xá, cộng đoàn vui mừng ra về trong hân hoan.

.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Giáo họ Kính Danh, Thái Bình mừng Đại lễ Chúa Giêsu Kitô Vua
Giuse Trần Phú
22:49 22/11/2015
Giáo họ Kính Danh, Thái Bình mừng Đại lễ Chúa Giêsu Kitô Vua - Quan thầy

Chúa Nhật 34 TN B, ngày 22.11.2015, cùng với Giáo Hội hoàn vũ tôn vinh Chúa Giêsu Kitô – Vua vũ trụ, Giáo họ Kính Danh thuộc Giáo xứ Đồng Quan, Giáo phận Thái Bình cũng long trọng mừng lễ Quan thầy của mình.

Xem Hình

Trong cuộc sống thường nhật của một kiếp người, cũng như mọi người, người Kitô hữu không khỏi tách ra những quy luật tự nhiên, đó là sự lao động và lo toan công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đời sống đạo, hay còn gọi là đời sống tinh thần hoặc tâm linh của những con người tin theo Chúa Kitô thì quả là phong phú, bởi luôn hướng tới niềm hy vọng rằng, mai ngày sẽ được hợp đoàn cùng với Chúa Kitô Vua trên Thiên Quốc.

Vâng ! ngay ở trần gian, Thiên Chúa đã dọn sẵn và luôn mời gọi mọi người đến với bàn tiệc thánh của Ngài, đó là thánh lễ, đồng thời họ còn được điểm tô những nét phong phú hóa qua các phong trào sinh hoạt đoàn thể Công Giáo tiến hành.

Ngày Đại lễ Chúa Kitô Vua - Quan thầy Giáo họ Kính Danh, là một ngày lễ hội mà Chính Thiên Chúa đã bvan tặng cho cộng đoàn nơi đây, tại ngôi Nhà thờ trong một làng quê đơn sơ và bình dị.

Về với cộng đoàn Giáo họ Kính Danh chúng tôi chứng kiến được một bầu khí tưng bừng và rộn ràng trong ngày mừng lễ Quan Thầy của mình. Từ nhiều ngày trước, cộng đoàn Giáo họ đã lo thu don khuôn viên Nhà thờ, chăng đèn, kéo cờ trang trí tạm, cùng băng rôn - khẩu hiệu. Bên cạnh đó, trong các buổi luyện tập, những âm hưởng của Ban kèn hòa với tiếng trống hội dưới bóng trăng mờ đã tạo lên những bài tình ca thật hùng hồn và sâu lắng vang vọng khắp vùng quê.

Năm nay, Giáo họ mừng Đại lễ một cách đặc biệt, được tổ chức trong 2 ngày. Thứ bẩy (21.11.2015), có chương trình rước kiệu, thánh lễ đồng tế và cung nghinh Thánh Thể chung quanh Nhà thờ. Ngày khai mạc hôm nay thật trang trọng và uy nghiêm, trong thánh lễ, chiên đoàn Đồng Quan đã dâng lên Thiên Chúa những lòng thành đơn sơ bé nhỏ tượng trưng hoa quả đầu mùa để chung tay góp sức xây dựng ngôi Nhà chung Giáo phận - có quý cha từ Tòa Giám mục về đón nhận những tấm lòng hảo tâm này.

Ngày Chúa Nhật, thánh lễ ban chiều dành cho các em Thiếu nhi Thánh Thể trong Xứ đoàn Giuse Túc. Thánh lễ này rất sinh động, có nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ khi diễn ra các nghi thức thăng cấp cho mỗi ngành của Xứ đoàn.

Ngày lễ bổn mạng của Giáo họ không những đã đem đến cho mỗi người một hương vị rất ngọt ngào qua những nét đẹp của một lễ hội đậm nét văn hóa dân tộc, mà cộng đoàn còn được cảm nếm và nuôi sống bằng của ăn thiêng liêng “từ Trời” nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.

Qua các bài giảng lễ, khởi đi từ Phụng vụ Lời Chúa trong ngày Đại lễ Chúa Giêsu Kitô Vua, cha xứ Thái Sa và cha xứ Đồng Quan đã cho cộng đoàn hiểu rõ về vai trò làm Vua của Ngài. Đó là Vị Vua rất đặc biệt, ngai tòa của Ngài là cây Thập giá, vương miện là mão gai đội đầu… Từ đó, qúy cha cũng đã cắtt nghĩa cho cộng đoàn hiểu rằng, Chúa làm Vua với những đau khổ và hy sinh như vậy cốt là để thánh hóa những đau khổ của con người, để chia sẻ với thân phận yếu hèn của con người. Nhưng khi đã Phục Sinh, Ngài cũng sẽ cho mỗi người chúng ta được làm vua vinh hiển, nghĩa là được phục sinh với Ngài trong Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài.

Ngày lễ quan thầy của Giáo họ Kính Danh đã khép lại. Những gì là ồn ào và náo động rồi cũng dần đi vào sâu lắng; nhưng tình yêu và lòng thương xót của một vị Vua khiêm nhường và phục vụ, hy sinh đến giọt máu cuối cùng thì vẫn còn đọng mãi trong từng hơi thở, từng nhịp sống của mỗi con người chúng ta hôm nay.

Xin Chúa làm Vua ngự trị trong lòng chúng con, trong gia đình và trong cộng đoàn chúng con. Amen.

Giuse Trần Phú
 
Giáo xứ Chính Tòa Thái Bình tổ chức tuần chầu lượt
Phaolô Huy Kiếm
10:53 22/11/2015
Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình hân hoan tổ chức tuần chầu lượt

"Hân hoan mừng Đại lễ Chúa Giêsu Kitô - Vua vũ trụ" đó là tâm tình đang tràn ngập trong lòng cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Chính tòa nói riêng trong tuần chầu lượt, và toàn thể Giáo phận Thái Bình nói chung trong những ngày cuối tháng 11 này.

Như thường lệ, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô - Vua vũ trụ, cũng là ngày hồng phúc của cộng đoàn Giáo xứ Nhà thờ Chính Tòa vì được vinh dự thay mặt Giáo phận chầu Thánh Thể. Đây là ngày mọi người khắp nơi trong Giáo phận cùng nhau tụ hợp trong ngôi Nhà thờ "Mẹ" của Giáo phận, cùng nhau chiêm bái Chúa Giêsu Thánh Thể và ca vang những bài ca ngợi khen tình yêu Thiên Chúa.

Xem Hình

Tuần chầu của Giáo xứ Nhà thờ Chính Tòa năm nay đông hơn mọi năm, ngay từ chiều qua (Thứ Bảy, ngày 21.11.2015), trong thánh lễ khai mạc Nhà thờ đã chật ních người, ban đêm nhiều giáo dân từ xa đã nghỉ lại ngay trong Nhà thờ để được dự lễ Chính tiệc hôm nay. Từ sáng sớm ngày Chúa Nhật, khuôn viên nhà thờ đã đông nghịt người từ các nơi đổ về, chưa đến giờ lễ mà ngay cả hành lang nhà thờ cũng không còn một chỗ trống.

Về với Giáo xứ Chính tòa hôm nay, cộng đoàn không chỉ được tận mắt chứng kiến sự bề thế, uy nghiêm của một ngôi thánh đường đã từng được xếp vào tốp 10 nhà thờ đẹp nhất Đông Nam Á, mà còn được chứng kiến sự lớn mạnh trong đời sống đạo của mỗi giáo dân Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa. Điều này được thể hiện ngay nơi đoàn rước với sự hiện diện đông đủ của các đoàn hội, với tiếng trống trầm hùng, tiếng kèn réo rắt, vang xa. Sự góp mặt đông đủ của các đoàn hội đã nói lên một đời sống thăng tiến, một sức sống trẻ trung, năng động nơi trung tâm văn hóa, xã hội cũng là nơi trung tâm tôn giáo của Giáo phận Thái Bình.

Thánh lễ trọng thể được cử hành vào hồi 9 giờ, do cha Tổng Đại diện F.Ass. Nguyễn Tiến Tám – chủ tế. Đồng tế với ngài, có Đức ông Tôma Trần Trung Hà, quý cha quản hạt và gần 40 linh mục trong Giáo phận. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của quý thầy phó tế, quý tu sĩ, quý thầy chủng sinh, và đông đảo bà con giáo hữu đến từ khắp nơi xa gần.

Mở đầu thánh lễ, cha Tổng Đại diện thay lời cho toàn thể quý cha đồng tế có lời chúc mừng và chia vui với cộng đoàn Giáo xứ Chính tòa trong ngày chầu lượt của mình. Đồng thời với vai trò là cha xứ, ngài cũng thay lời cho Giáo xứ gửi lời cảm tạ quý Đức ông, quý cha, quý thầy phó tế, quý tu sĩ và quý khách đã hy sinh, quảng đại cùng về hiệp thông dâng thánh lễ mừng Đại lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ. Cả nhà thờ hân hoan vui mừng với những tràng pháo tay giòn giã.

Trong bài giảng lễ, cha Tổng Đại diện đã triển khai về ý nghĩa của Vị Vua Kitô. Đó là Vua Tình yêu. Chính Người đã dùng cả mạng sống của mình treo trên cây Thập tự làm giá cứu chuộc cho trần thế. Quả thật: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chính vì sự hy sinh đến quên cả thân mình đó, mà Thiên Chúa đã tuyên phong Ngài làm Vua muôn vua và là Chúa các chúa. Chính Chúa Giêsu tự xưng mình là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (x. Ga 14,6). Và Ngài còn mời gọi, ai đi theo chân lý, đi theo sự thật thì nghe tiếng tôi. Hơn nữa, Ngài còn khẳng định rằng: “Sự thật sẽ giải thoát các con”.

Để kết luận, cha Tổng Đại diện mời gọi mọi người “thay vì nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến”, hãy chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, noi gương Chúa Giêsu – Vị Vua tình yêu, sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng, yêu thương và phục vụ đồng loại.

Kết thúc thánh lễ, một vị đại diện cho Giáo xứ Nhà thờ Chính Tòa bày tỏ tâm tình biết ơn quý Đức ông và quý cha đã hiện diện và hiệp thông dâng thánh lễ trong ngày trọng đại này; đồng thời cám ơn tất cả mọi thành phần đã cộng tác cách này hoặc cách khác để cùng tổ chức và giúp cho tuần chầu Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa được diễn ra một cách trang trọng và sốt sắng, cám ơn cộng đoàn đã về thông công tham dự tuần chầu của Giáo xứ….

Lạy Chúa Giêsu,Vua vũ trụ. Chúa đã đến thế gian để yêu thương và cứu chuộc nhân loại và đểlàm chứng cho sự thật bởi Ngài chính là Sự Thật. Xin ban cho chúng con biết dùng đời sống hằng ngày của chúng con để sống yêu thương như Chúa đã dạy và làm chứng cho sự thật, nhằm xóa bỏ đi sự giả dối đang hoành hành trên thế gian này. Amen.

Phaolô Huy Kiếm
 
Lễ hội người Khuyết Tật giáo phận Vinh lần thứ IV
Jos. Trọng Tấn
11:03 22/11/2015
Hơn hai ngàn người khuyết tật tham dự Lễ Hội Người Khuyết Tật giáo phận Vinh lần thứ IV

Sáng ngày 21/11/2015, hơn 2000 người khuyết tật đã cùng tề tựu về Linh địa Trại Gáo trong ngày Lễ hội Người Khuyết tật giáo phận Vinh lần thứ 4. Lễ hội là bàn tay liên đới với những thân phận khổ đau khi đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…” (Lc 14,13).

Xem Hình

Ngay từ sáng sớm, từng đoàn người khuyết tật từ khắp mọi nẻo đường đã quy tụ về Linh địa Trại Gáo. Đây là lần thứ 4, Lễ hội được tổ chức dành riêng cho người khuyết tật. Lễ hội năm nay quy tụ hơn 2000 tham dự viên khuyết tật và khoảng 1000 người đồng hành, phục vụ đến từ các Trung tâm nuôi dưỡng và gần 60 giáo xứ thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà tĩnh.

Chung bàn tay liên đới với những thân phận khổ đau và kiếp người kém may mắn để biết cảm nhận“những vui mừng và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những người đau khổ” (GS, 1). Lễ hội này như một cơ hội bày tỏ tình liên đới, sự sẻ chia đối với những mảnh đời bất hạnh đang cần những trái tim rung động, những vòng tay rộng mở và những ánh mắt cảm thông. Hơi ấm toả rạng từ những con tim biết cho đi đang âm thầm nhen nhóm lên ngọn lửa của niềm tin, hy vọng, thôi thúc những mảnh đời bất hạnh sống mạnh mẽ hơn cho những tháng ngày phía trước.

Lúc 7h00, Đức Cha Phaolô, chủ chăn giáo phận, người sáng lập ra Lễ hội Người Khuyết tật, đã đến chào thăm từng người khuyết tật. Ngài đã thể hiện lòng ưu ái của người mục tử đối với những phận đời kém may mắn đã được trao phó cho ngài.

Lúc 8h00, chương trình văn nghệ đã được diễn ra. Nét đặc sắc của chương trình văn nghệ chính là các tiết mục do các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật dàn dựng và biểu diễn. Bên cạnh đó còn có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Công Giáo: Thanh Sử, Đông Nghi, Xuân Trường, Dương Quyết Thắng, Lệ Thu và Sr. Thiên Thanh.

Sau chương trình văn nghệ, Đức Cha Phaolô và Ban tổ chức đã nêu gương và tặng quà cho 2 tấm gương đầy nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Đó là các em:Antôn Lê Bảo Ngọc (10 tuổi) và Maria Phạm Thị Phương Thảo (8 tuổi). Cả 2 em khi được sinh ra với một thân thể không được lành lặn như bao người khác, nhưng các em đã có ý chí vươn lên, khi trong suốt các năm học, các em luôn đạt học sinh giỏi của trường. Nhờ sự động viên khích lệ từ phía gia đình, bạn bè đã giúp các em có được niềm vui, hàng ngày với các bạn cùng trang lứa cắp sách tới trường. Sau đó, Đức Cha cũng đã dành tặng cho tất cả tham dự viên khuyết tật mỗi người một món quà.

Thánh lễ cầu nguyện cho người khuyết tật được cử hành lúc 9h30. Đức Cha Phaolô đã chủ tế thánh lễ, cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Phụ tá Phêrô và quý cha trong giáo phận.

Giảng trong thánh lễ, Đức Cha chủ tế mời gọi mọi người cùng chung tay góp sức để làm cho cuộc sống của anh chị em khuyết tật được tốt đẹp hơn. Ngài cũng khích lệ và khuyên anh chị em khuyết tật cầu nguyện cho mọi người, cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và cho đất nước Việt Nam thân yêu này.

Sau thánh lễ, mọi người cùng chung chia với nhau trong bữa cơm huynh đệ. Tất cả các tham dự viên đều được sắp xếp ngồi vào các bàn ăn và cùng chung một thực đơn như nhau. Đến với Lễ hội này, những người khuyết tật được đón tiếp như những vị thượng khách.

Lễ hội Người Khuyết tật giáo phận Vinh được tổ chức hằng năm bởi sáng kiến của Đức Cha Phaolô, với ước mong là cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm muốn gửi trao tình người để xoa dịu những nỗi đau, sưởi ấm những cô quạnh, và mong có thể nhóm lên chút lửa tin yêu cuộc đời nơi những thân phận kém may mắn.

Ước mong niềm vui hội ngộ của những người khuyết tật sẽ mãi kéo dài và “những ngọn đèn hi vọng" được nhen nhóm hôm nay sẽ tiếp tục bừng sáng để xoa dịu đêm đen của cô đơn và đau khổ nơi cuộc đời của những phận người kém may mắn này.

Còn đối với những ân nhân, những người đồng hành và giúp đỡ những người khuyết tật hôm nay, hầu như ai ai cũng cảm thấy vui hơn và hiểu hơn rằng: Tình yêu trao đi mới là tình yêu tồn tại mãi mãi!

Jos. Trọng Tấn
 
Ca đoàn Cecilia xứ Hà Đông, Gò Vấp kỷ niệm 50 năm thành lập
Đức Nguyễn
11:12 22/11/2015
Ca đoàn Cecilia xứ Hà Đông, Gò Vấp kỷ niệm 50 năm thành lập

“Tôi biết lấy gì mà đáp đền Thiên Chúa vì biết bao ân lộc Người ban xuống trên tôi” (Tv 116,12).

"Lòng mến Chúa bật rung đàn đời sống
Đức yêu thương khơi nhịp sống thụ sinh
Yêu thương nhau chính là hát kính Chúa
Hát kính Chúa chính là yêu thương nhau."

Xem Hình

Trong tâm tình và ý nghĩa trên, chiều thứ Sáu ngày 20/11/2015, khuôn viên và trong nhà thờ giáo xứ Hà Đông TGP. Sài Gòn rực sáng tươi trong những cờ hoa và băng rôn. Chương trình Thánh lễ mừng kính thánh quan thầy Cecilia trinh nữ tử đạo, và mừng ngày truyền thống lần thứ 50 của ca đoàn Cecilia (1965-2015) đã được chuẩn bị chu đáo với sự tham gia của Tân Hội đồng Mục Vụ Giáo Xứ cùng các Ban ngành Đoàn thể trong giáo xứ.

Đúng 17g00, trong tiếng trống kèn rộn rã, cả cộng đoàn hân hoan mừng đón Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế Thánh lễ tạ ơn. Đồng tế với ngài có Cha Sở GB. Vũ Mạnh Hùng, cha phó xứ GB. Phạm Văn Lâm, cùng quý cha Giuse Trần Văn Lưu, cha Phêrô Chu Quang Trịnh, cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD - cha Giuse Trương Vĩnh Phúc, cha G.M Lê Quốc Thăng, cha Giuse Phạm Quốc Tuấn, cha Dom. Dương Hoàng Lộc, O.P, - cha Giuse Vũ Minh Thùy và cha Gioan Boscô Trần Đức Quý, MSC đồng tế. Đức Giám Mục và Quý cha xuất thân từ giáo xứ, đã và đang giúp mục vụ giáo xứ.

Đức Cha chủ tế khởi đầu Thánh lễ bằng tâm tình: “Hôm nay tôi có cơ hội về thăm lại giáo xứ Hà Đông và gặp được ở đây không những Cha Sở, cha phó xứ và quý cha từng là phó xứ Hà Đông trong đó có cả tôi nữa; và gặp được các cha khách, rồi rất đông những khuôn mặt thân quen là các ông bà lớn tuổi và cách riêng là các bạn ca viên nhiều thế hệ của ca đoàn Cecilia. Tôi rất vui và xin có lời kính chào tất cả anh chị em. Chúng ta quy tụ nơi đây trong ngôi Thánh đường thân yêu này, nơi mà các ca viên Cecilia cất lên tiếng hát trải qua bao nhiêu ngày tháng và bao năm qua. Hôm nay, chúng ta cùng nhau cất lên tiếng hát tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời cảm ơn nhau nữa về tất cả những gì tốt lành trao cho nhau trong suốt những năm qua.”

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức cha chia sẻ: “…Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Chúa Giêsu buông lời trách móc như vậy và chúng ta cũng hiểu được điều đó, thế nên chiều hôm nay chúng ta quy tụ ở đây dâng Thánh lễ tôn vinh tạ ơn Thiên Chúa. Trong Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, Hội Thánh có một lời cầu nguyện rất hay khi Hội Thánh thân thưa với Người rằng: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ” (Kinh Tiền Tụng Chung IV – Sách Lễ Rôma tr. 62). Thực sự là vậy. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối sung mãn, Người không thiếu gì để cần chúng ta phải ca tụng, nhưng chính khi chúng ta ca tụng và tạ ơn Người, thì lúc đấy lòng chúng ta được “phong phú Ơn sủng” bởi vì chúng ta sống đúng với sự thật về bản thân mình là tôi tớ, là con cái Chúa..

Cuối cùng, Đức cha mời gọi cộng đoàn và cách riêng "ca đoàn Cecilia xuyên thế hệ" bao gồm các ca viên là ông bà, cha mẹ và con cháu dâng lời tạ ơn Chúa, bởi vì nhờ làm ca viên ở trong ca đoàn nói riêng và là người Công Giáo nói chung, mỗi người hãy ý thức và thực hiện trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cháu của mình cách cụ thể bằng những bài thánh ca, để qua những dòng nhạc sẽ dẫn vào trong tâm hồn con cái của mình từ thuở bé, và nhờ đó làm cho hạt mầm đức tin nơi con cái được triển nở và lớn lên hầu trở nên những thừa tác viên của Đức Kitô, là những cộng sự viên của Người trong việc tông đồ. Ước gì khi cộng đoàn chúng ta họp nhau đây để dâng lời tôn vinh tạ ơn Chúa, thì chính lời tôn vinh và tạ ơn ấy làm cho cuộc sống mỗi người chúng ta và của cả ca đoàn được mỗi ngày mỗi phong phú hơn.”

Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí hết sức đạo đức và sốt sáng, không phải chỉ bằng sự chuẩn bị chu đáo của ca đoàn hôm nay, hay sự trang hoàng đẹp mắt nơi nhà thờ, mà là bằng tất cả tâm tình của rất nhiều ông bà, anh chị cựu ca viên đã từng góp lời ca tiếng hát trong các buổi cử hành Phụng vụ suốt 50 năm qua nơi giáo xứ, cũng như của những người hiện diện trong Thánh lễ này.

Cuối Thánh lễ, anh Giuse Vũ Thanh Sơn – Ca trưởng, thay mặt ca đoàn dâng lời cảm ơn Đức cha, quý cha và toàn thể cộng đoàn đã không quản ngại xa xôi và thời gian quý báu đến hiệp dâng Thánh lễ và cầu nguyện cho ca đoàn Cecilia giáo xứ Hà Đông nhân dịp kỷ niệm 50 mươi năm ngày thành lâp.

Thánh lễ kết thúc vào lúc hơn 18g00. Sau lời cảm ơn của anh Ca trưởng, các ca viên dâng lên Đức Cha, Cha Sở, cha phó và Quý cha những bó hoa tươi thắm. Sau đó, đoàn đồng tế và ca đoàn đã chụp hình kỷ niệm với Đức Cha.
Tạ ơn Chúa vì sau 50 năm thành lập ca đoàn Cecilia của giáo xứ ngày càng lớn mạnh về đời sống thiêng liêng. Kể từ thời Cha Sở đương nhiệm về giáo xứ chăm sóc và hướng dẫn (30/6/2015), với sứ mạng đem lời ca tiếng hát thấm đẫm vào Thánh Lễ, thấm đẫm vào tâm hồn người, cùng với 4 ca đoàn Thánh Tâm, Moonicam Mân Côi và Thiên Thần trong giáo xứ, ca đoàn Cecilia nói riêng đã giúp cộng đoàn tham dự cử hành Phụng vụ Thánh lễ sốt sắng hơn. Bên cạnh đó, các thành viên ca đoàn ngày càng triển nở hơn trong tình hiệp thông huynh đệ với nhau và với Hội đồng Mục Vụ Giáo Xứ cùng các Ban ngành Đoàn thể trong giáo xứ.

Ca đoàn Cecilia là ca đoàn thâm niên nhất của giáo xứ Hà Đông, trong đó có những ca viên đã phục vụ liên tục hai mươi đến ba mươi năm. Xin chúc mừng ca đoàn mừng Hồng Ân Sinh nhật Kim Khánh 50 năm được thêm đoàn kết và nhiệt tình, đem lời ca tiếng hát giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Ngược dòng thời gian cách đây 50 năm của thế kỷ trước, với biết bao khó khăn, thăng trầm của thời cuộc, Ca đoàn Cecilia vẫn vui say phát triển không ngừng. 50 năm với bao thế hệ ca viên đã đi khắp bốn phương trời góc bể, có người đã nằm xuống để hạt giống trổ sinh. Nhiều người vẫn đang tiếp tục dùng lời ca tiếng hát ca ngợi Chúa trong ca đoàn Mônica và Mân Côi. Có người đã trở thành bài ca tận hiến cho hy lễ mỗi ngày.

Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ tràn hồng ân trên ca đoàn Cecilia. Xin cho mỗi ca viên biết noi gương thánh nữ Cecilia, làm chứng nhân Tin mừng giữa đời thường, để từng ngày cuộc sống là những nốt nhạc dệt thành bài ca muôn điệu dâng lên Thiên Chúa. Cầu chúc ca đoàn ngày càng phát triển như lòng Chúa ước mong, và nguyện xin cho ca đoàn mãi mãi duy trì được ngọn lửa yêu thương – hiệp nhất và cháy mãi nhiệt huyết phục vụ hết tâm tình, hát để ca ngợi Chúa, hát vì lòng yêu mến Chúa chân thành, hát thay lời cầu nguyện cho cộng đồng.
 
Giáo hạt Tân Sơn Nhì: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu mừng bổn mạng
Giuse Văn Thanh
17:01 22/11/2015
Giáo hạt Tân Sơn Nhì: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu mừng bổn mạng

“Ngài đến trong trần gian không để người ta phục vụ mà là để phục vụ và làm giá chuộc cho muôn người”.

(Mc10, 45)

Trên đây là câu tin mừng cha linh hướng GĐPTTTCG xứ đoàn Tân Phú chia sẻ trong bài tin mừng hôm nay.

Thánh lễ trọng thể mừng Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, bổn mạng Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Giáo hạt Tân Sơn Nhì, được tổ chức Tại Thánh Đường Giáo Xứ Tân Phú. số 90 Nguyễn Hậu, P.Tân Thành Quận Tân Phú giáo hạt TSN, TGP TPHCM vào lúc 16 giờ30 ngày thứ Sáu, 20/11/2015

TĨNH TÂM

Cha linh hướng Giuse Dương Vũ chia sẽ: Trong cuộc đời chúng ta cũng có nhiều người thầy, người cô hoặc cũng học được ở người này, người khác, nhưng chúng ta đừng quên chúng ta có một người thầy tuyệt vời nhất đó là“ Vua Giêsu”. Hôm nay lễ Đức Kytô, vua vũ trụ, cha mời công đoàn mỗi người hãy học ở một người thầy duy nhất, một ngôi trường duy nhất mang tên “Giêsu” để chúng ta có một chổ trong trái tim Chúa, là chúng ta được tràn đầy ân sũng của Người. Lạy Chúa con tin Chúa, nhưng xin Chúa cũng tin con, dạy con biết phải làm gì cho Chúa. Sự sống của Ngài luôn ở và lớn lên trong trái tim chúng con.

17 giờ 35: Kiệu Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ Chung quanh nhà thờ rất long trọng và trang nghiêm.

Xem Hình

THÁNH LỄ

Thánh lễ đồng tế do cha Giuse Dương Vũ chủ tế linh hướng GĐPTTTCG giáo hạt TSN,cha phụ tá Giuse Nguyễn Văn Lãnh linh hướng xứ đoàn Tân Phú.

Tham dự Thánh lễ có sự hiện diện: Trưởng Ban chấp hành GĐPTTTCG giáo hạt Gò Vấp, giáo hạt Sài Gòn Chợ Quán, đại diện Hội đồng Mục vụ TSN, giáo xứ Tân Phú,Huynh đoàn Đa Minh TSN, khoảng 300 đoàn viên, ân nhân.Cùng rất đông cộng đoàn dân Chúa GX Tân Phú.

Bước vào thành lễ cha chủ tế Giuse có lời mời gọi mọi người đang sống trong bầu khí cuối năm phụng vụ.Nhìn lên thập giá chúng ta thấy Chúa Giêsu vua tình yêu, vua muôn vua. Trong tâm tình đó chúng ta tạ ơn Chúa Cha đã ban con một là Giêsu Kitô cho chúng ta, chúng ta cầu nguyện cho chính mình và cho mọi người, để sống xứng đáng làm con dân của Ngài.

Sau bài đọc tin mừng: Cha Giuse Nguyễn Văn Lãnh chia sẻ:

Chúa Giêsu đến trần gian không để người ta phục vụ, mà là để phục vụ và làm giá cứu chuộc cho muôn người. Chúa Giêsu là vua của tình yêu, chúng ta hãy học nơi người một tấm gương phục vụ. Ngài muốn chúng ta hãy là đôi chân, đôi tay của Ngài để đi đến những người nghèo khổ, những người bất hạnh, những anh chị em đang cần sự giúp đỡ. Chúng ta hãy trở nên người giao liên của Chúa đem tình thương, tình yêu của vua Giêsu đến phục vụ anh chị em chung quanh ta.

Vua Giêsu , vua tình yêu, Ngài đến để cho dân Ngài được sống và sống dồi dào, Ngài yêu thương, phục vụ chúng ta, 1 vị vua đầy nhân từ.

Chúng ta chìm ngắm vương quyền của đức Giêsu, Ngài là vị vua vương quyền, Ngài đến để đưa mọi người trở về trong nhà của Thiên Chúa, những ai thuộc về Ngài, thuộc về vương quyền Ngài, nghĩa là không thuộc về thế gian tối tăm này, là chúng ta thuộc về vua tình yêu, vua của chân lý, của bình an, niềm vui và hạnh phúc, tất cả thuộc về vương quyền của ân sủng, vương quyền của thánh thiện.

Hôm nay chúng ta đang ngắm vương quyền của Chúa Giêsu , xin Ngài làm vua cai trị tâm hồn chúng ta, và chúng ta mãi mãi thuộc về vương quyền của vua Giêsu.

Sau thánh lễ ông đoàn trưởng Giuse Phạn Văn khánh thay mặt GĐPTTTCG giáo hạt có đôi lời càm ơn đến cha chánh xứ, quí cha,quí tu sĩ nam nữ,quí chức trong HDMV giáo xứ,giáo hạt TSN, quí vị đại diện BCH giáo phận,các giáo hạt,quí vị đại diện các đoàn thể Công Giáo tiến hành giáo hạt TSN,cùng quí ân nhân,ca đoàn ,ban truyền thông.

Nguyện xin tình yêu của vua Giêsu tuôn đổ tràn đầy hồng của Ngài xuống trên quí cha, cùng toàn thể quí vị. Sau thánh lễ mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui cùng GĐPTTTCG giáo hạt TSN tại hoa viên giáo xứ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Vua cai quản nhân loại bằng tình thương hy sinh của Chúa. Xin cho các đoàn viên biết lấy tình thương bác ái mà đối xử với nhau. Hết lòng tôn kính Chúa Kitô là Vua, và luôn tuân giữ luật yêu thương của Người.
 
Giáo Đoàn KiTô Vua Lakemba Sydney Mừng Kính Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
20:02 22/11/2015
Giáo Đoàn KiTô Vua Lakemba Sydney Mừng Kính Bổn Mạng

Chiều Chúa Nhật 22/11/2015 các Đoàn thể, Quan Khách Úc Việt và các Giáo đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Lakemba Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức KiTô Vua Quan Thầy của Giáo Đoàn, Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Lòng Chúa Thương Xót Lakemba Sydney.

Xem Hình

Trưóc khi cử hành Thánh Lễ, mọi người tập trung trong khuôn viên nhà thờ, Cha Gary Rawson Chính xứ La kemba xông hương kiệu Thánh tượng Chúa KiTô Vua sau đó Thánh Tượng được rước vào nhà thờ. Cuộc kiệu rất long trọng và trang nghiêm, đi đầu Thánh Giá nến cao, cờ Úc Việt , cờ Hội Thánh, Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, quan khách Úc Việt và Giáo dân.

Khi Thánh Tượng được rước vào nhà thờ và an vị trên cung thánh. Cha Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Giáo Đoàn Lakemba chào mừng mọi người đồng thời Cha giới thiệu qúi Cha cùng hiện diện trong Thánh lễ mừng Bổn Mạng hôm nay: Cha Gary Rawson Chính xứ Lakemba, Cha Cựu Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Văn Vượng và Cha Hồng Ân.

Sau nghi thức cung nghinh Phúc Âm do các em Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách. Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nói về mừng Lễ Bổn Mạng Chúa KiTô Vua cũng là ngày Hội Thánh kết thúc năm đời sống thánh hiến gia đình và đồng thời Giáo Hội cũng chuẩn bị khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót…chúng ta hãy cầu xin Chúa nhận biết Chúa hiện diện trong thế giới bằng việc nắm lấy tay của mình qua bàn tay của tha nhân..

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Gary Rawson ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Lòng Chúa Thương Xó, đặc biệt cám ơn quý thành viên Ban Mục Vụ Giáo Vu Giáo đoàn, đã góp sức đồng hành với những sinh hoạt trong Giáo đoàn và Cộng Đồng mỗi ngày thăng tiến hơn. Sau cùng Anh Nguyễn Ngọc Sinh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Lakemba lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, qúy Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng Giáo Đoàn. Đặc biệt anh cũng cám ơn quý ân nhân đã góp công góp của giúp cho Giáo Đoàn có đủ phương tiện tổ chức mừng Bổn Mạng được tốt đẹp. Sau cùng ông cám ơn Ca đoàn đã giúp cho Thánh lễ thêm phần sốt sắng và Ban Tây Nhạc Cecilia.

Sau Thánh lễ mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng bên sân trường của nhà thờ và thưởng lãm văn nghệ.

Diệp Hải Dung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mục Đồng Và Trâu
Tấn Đạt
21:49 22/11/2015
MỤC ĐỒNG VÀ TRÂU
Ảnh của Tấn Đạt
Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi,
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn, Nghiêu.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 17 – 23/11/2015: Khủng bố Hồi Giáo và tương lai người tị nạn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:44 22/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vụ tấn công khủng bố ở Paris gây ra nhiều khó khăn cho người di dân và tị nạn

Vụ tấn công khủng bố bi thảm nhất ở Pháp kể từ Thế chiến II, giết chết ít nhất 129 người và làm bị thương ít nhất 352 người, đang dẫn đến một cuộc tranh luận mới về mối liên hệ giữa những người tị nạn qua các quốc gia vùng Balkan và nguy cơ khủng bố.

Sau khi vụ tấn công xảy ra hôm 13 tháng 11, nước Pháp đã đóng cửa biên giới. Trước đó, quốc gia này là một trong những nước quảng đại đón dòng người tị nạn từ Iraq và Syria, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang gieo rắc kinh hoàng.

Các nước như Hung Gia Lợi từ lâu lập luận rằng các chiến binh Hồi giáo có thể len lỏi vào con số hàng trăm ngàn người di cư chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Đây là một trong số các lý do được đưa ra bởi chính phủ Hung Gia Lợi để xây dựng một hàng rào chống di cư gây nhiều tranh cãi dọc theo biên giới với Croatia và Serbia. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, với khuynh hướng chống di cư tuyên bố ông sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Pháp giữa lúc đang có những lo ngại là các cuộc tấn công khủng bố có thể mở rộng sang nhiều quốc gia khác ở Tây và cả Đông Âu.

Hung Gia Lợi đã nói rõ là họ muốn xây dựng những hàng rào dọc biên giới với Rumani để ngăn chặn dòng người tị nạn. Vụ tấn công ở Pháp có khả năng tăng tốc cho việc xây dựng này.

Chính sách cứng rắn hơn dự kiến cũng sẽ được áp đặt cho 1,000 người tị nạn, chủ yếu là từ Syria, Afghanistan và Iraq đang bị giam trong các nhà tù chật kín người ở Hung Gia Lợi. Họ bị buộc tội nhập cư lậu vào Hung Gia Lợi bằng cách trèo qua hàng rào biên giới chống nhập cư khét tiếng của nước này.

Hơn 700 người đã được lệnh phải rời khỏi đất nước trong một diễn biến mà các nhà phê bình cho là vì động cơ chính trị muốn mua phiếu của cử tri. Chính phủ cho biết đa số người Hung Gia Lợi đã đi đến kết luận rằng có một mối liên hệ giữa di cư và chủ nghĩa khủng bố.

Các quốc gia khác, bao gồm cả nước láng giềng Slovenia và thậm chí cả Áo, cũng đang xây dựng các hàng rào để ngăn chặn dòng người tị nạn.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng châu Âu nên quan tâm nhiều hơn đến những cư dân lâu năm của mình đang bị các trào lưu cực đoan xúi giục tham gia vào thánh chiến Hồi Giáo. Trong một báo cáo, Liên minh châu Âu ước tính rằng có đến 6,000 mang quốc tịch các nước châu Âu đã gia nhập các nhóm chiến binh thánh chiến.

Nhiều người trong số họ có hộ chiếu có thể đi đi lại lại từ các nước như Pháp đến các đại bản doanh của Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Mosul bên Iraq, và Raqqa bên Syria.

2. Một nhà lãnh đạo Giáo Hội Syria kêu gọi các nước đừng tài trợ cho các nhóm khủng bố

Một nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Syria lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các nguồn tài trợ cho các nhóm khủng bố, sau cuộc tấn công ở Paris giết chết 129 người.

“Chúng tôi rất đau buồn sâu sắc trước diễn biến này. Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn và liên đới với các nạn nhân của vụ thảm sát ở Paris.”, Đức Cha Georges Abou Khazen, Giám quản tông tòa Công Giáo nghi lễ La Tinh của Aleppo nói.

Ngài nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc:

“Khủng bố là một ý thức hệ không tha cho bất cứ ai. Người dân Syria hiểu rất rõ điều này... Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã bị thảm sát và chúng tôi đang sống trong sợ hãi.”

Đức Cha Khazen nói thêm là các cường quốc trên thế giới phải “ngừng tài trợ, ngừng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các nhóm khủng bố đang hoạt động tại Trung Đông, và bây giờ đang lan sang cả châu Âu.”

“Khủng bố là một con quái vật mà người ta không kiểm soát được, một hệ tư tưởng của cái chết không tôn trọng bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai, chỉ biết chém giết tất cả mọi người ở khắp mọi nơi”.

“Ở Syria, chúng tôi biết rõ điều này, vì trong nhiều năm qua, chúng tôi đã phải chịu đựng các cuộc tấn công khủng bố khiến hàng mấy triệu người phải xin tị nạn. Tất cả những điều này đã xảy ra trước sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế.”

Theo Đức Cha Khazen, dưới ánh sáng của các cuộc tấn công ở Paris, thế giới cần phải tìm một kế hoạch mạnh mẽ và thống nhất để chống khủng bố.

“Như chúng tôi đã nói nhiều lần, các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo được tài trợ, vũ trang, và được đào tạo bởi các cường quốc, vì những lợi ích thuần túy kinh tế và chính trị. Ai ủng hộ họ? Đó là một câu hỏi đã được đặt ra bởi Đức Giáo Hoàng, mà không ai đếm xỉa đến.”

3. Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Auschwitz và Czestochowa?

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ ý muốn đến thăm Auschwitz và tôn kính hình ảnh Đức Mẹ Đen tại Czestochowa.

Ông Duda đưa ra tuyên bố trên sau cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 9 tháng 11. Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Kraków trong khuôn khổ Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ 25 đến 31 tháng 7 năm tới 2016.

Tưởng cũng nên nhắc lại sáng thứ Hai 9 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Andrzej Duda.

Sau đó, ông Andrzej Duda đã hội kiến với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, hiện diện.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: “Trong các cuộc hội kiến thân mật, có nói đến sự đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo cho đã hội Ba Lan, và cả trong cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha sẽ thực hiện tại Cracovia nhân dịp Ngày Quốc tế giới trẻ sắp tới.”

Tiếp đến, các vị cũng đề cập đến một số vấn đề có liên hệ tới hai bên, như sự thăng tiến gia đình, nâng đỡ các giai tầng xã hội túng thiếu nhất, và việc tiếp đón người di dân.

Sau cùng, các vị cũng thảo luận về một số vấn đề liên hệ tới Cộng đồng quốc tế, như hòa bình và an ninh, cuộc xung đột tại Ucraina và tình trạng ở Trung Đông.

Thông báo cho cho biết, sau khi hội kiến riêng với tổng thống Duda, Đức Thánh Cha đã gặp phu nhân Agata cùng với ái nữ Kinga và đoàn tùy tùng của Tổng thống gồm 10 người. Trong dịp này, tổng thống Ba Lan đã tặng Đức Thánh Cha ảnh Đức Mẹ Đen ở Czestochowa với khung trang trí rất đẹp. Ông nói: “Xin Đức Mẹ bảo vệ Đức Thánh Cha”.

Đức Thánh Cha đã tặng lại Tổng thống một mề-đai hòa bình, và ngài giải thích ý nghĩa. Ngài cũng tặng tổng thống thông điệp Laudato Sì về việc bảo vệ thiên nhiên và Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm). Ngài đích thân trao tặng các mề đay và tràng chuỗi Mân Côi cho những người thuộc đoàn tùy tùng.

Trước khi giã từ tổng thống Ba Lan, Đức Thánh Cha nói: “Tôi rất hài lòng vì được đích thân gặp Tổng thống và xin Tổng thống cầu nguyện cho tôi”.

4. Các Giám Mục Úc trở thành mục tiêu của các vụ kiện chống phân biệt đối xử vì các ngài lên tiếng bảo vệ hôn nhân truyền thống.

Martine Delaney, một chính trị gia của Đảng Xanh, người được sinh ra một người đàn ông nhưng bây giờ đổi giống để sống như một người phụ nữ đã đâm đơn kiện các Giám Mục Công Giáo Úc. Ông ta cho rằng một cuốn sách nhỏ được các Giám Mục soạn thảo nhằm bảo vệ hôn nhân truyền thống là bôi bác người đồng tính và những người chuyển đổi giới tính.

Ủy ban chống phân biệt đối xử tại tiểu bang Tasmania đã chấp nhận đơn kiện và đang chuẩn bị nghe điều trần về đơn khiếu nại đưa ra bởi Delaney. Ông hay bà này cáo buộc rằng cuốn sách nhỏ của các Giám Mục, nhan đề “Don’t Mess with Marriage”, làm tổn hại “hạnh phúc của cặp vợ chồng đồng tính và gia đình của họ trên khắp Tasmania.”

Đức Tổng Giám Mục Julian Porteus của Hobart, Tasmania là mục tiêu chính của đơn khiếu nại chống phân biệt đối xử này.

Các Giám Mục Úc cho biết các ngài không có ý định bôi nhọ nhân phẩm của những người đồng tính. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Giáo Hội bày tỏ lo ngại về các nỗ lực nhằm khống chế tự do ngôn luận và tự do tôn giáo tại Úc bằng các thủ đoạn kiện tụng vô nghĩa.

5. Tổng chưởng lý Tư pháp Úc chỉ trích tâm tình bài Công Giáo

Trong một phát biểu gần đây tại Sydney, Australia’s Attorney General, tạm dịch là Tổng chưởng lý của Úc Đại Lợi đã mạnh mẽ chỉ trích tâm tình chống Công Giáo của một số nhà văn và ký giả Úc có khuynh hướng duy đời cực đoan.

“Tự do tôn giáo trong mọi khiá cạnh đều quan trọng như quyền tự do chính trị,” Thượng nghị sĩ George Brandis nói.

“Các thành viên của cộng đồng Hồi giáo một đôi khi là nạn nhân của những nghi ngờ và thù địch, chống lại họ bởi những người tìm cách đổ lỗi bạo lực khủng bố cho những giáo huấn trong Koran. Tuy nhiên, các Kitô hữu - đặc biệt là người Công Giáo -- thường xuyên là đối tượng của sự nhạo báng và xúc phạm của các nhà văn nổi tiếng và các nhà bình luận.”

Brandis sau đó trích dẫn một nhận xét của một vị thẩm phán tòa án cao đã nghỉ hưu cho rằng tâm tình bài Công Giáo là “sự phân biệt chủng tộc của những người trí thức,” hay đúng hơn là của “những kẻ mạo danh trí thức.”

6. Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller khai mạc cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cử hành thánh lễ khai mạc cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi tại một nhà tĩnh tâm ở Punta de Tralca.

Đức Hồng Y Müller nói: Chúa Giêsu “hướng những lời giảng dạy của Ngài trước hết đến các môn đệ, đặc biệt là nhóm mười hai là những người thường xuyên sống với Người, và truyền cho họ rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới”

“Dù bất cứ là vì lý do gì, Chúa đã không làm theo kiểu 'tiếp thị' của thế gian với tất cả các phương pháp ồn ào và ầm ĩ của nó. Ngài đã không viết một cuốn sách, nhưng thay vào đó Ngài thành lập một cộng đồng, là Giáo Hội, là nhiệm thể của mình.”

Phê bình thái độ tháo thứ chiều theo trào lưu tục hóa, Đức Hồng Y nói:

“Công việc của Giáo Hội không phải là phản ánh các ý kiến của các thành viên của mình. Nhưng công việc của Giáo Hội là phản ánh quan điểm của người đứng đầu và là người sáng lập ra mình là Chúa Giêsu Kitô”

Đứng trước hiện trạng nhiều người Công Giáo bỏ đạo để gia nhập các giáo phái Tin Lành, Đức Hồng Y kêu gọi một tiến trình thanh tẩy trong Giáo Hội, để gương mặt Giáo Hội tiếp tục tỏa sáng.

“Hôm nay, một tiến trình thanh tẩy đau đớn đang diễn ra, nhưng nó cũng hệt như khi Chúa Giêsu lật nhào bàn ghế xua đuổi những người mua bán trong đền thờ. Thanh tẩy là đau đớn và khó chiụ nhưng chúng ta phải luôn trung tín và đừng chán nản. Một số bỏ đi, nhưng chúng ta phải giữ vững niềm tin nơi cuộc đối thoại với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Người.”

Chí Lợi hay còn gọi là Chilê có 17,508,000 dân. 66.7% là người Công Giáo. 17% theo các giáo phái Tin Lành. Giáo Hội tại nước này có 5 tổng giáo phận, 16 giáo phận và một giáo phận quân đội.

7. Đức Cha Carl Kemme cho biết về tiến trình phong thánh cho cha Emil Kapuan

Án phong thánh cho cha Emil Kapuan, tuyên úy quân đội Mỹ, người đã được trao tặng Huân chương Danh dự của Hoa Kỳ vào năm 2013, đã hoàn tất tại giáo phận Wichita, Kansas 4 năm qua nhưng có lẽ phải mất vài năm nữa để hoàn thành.

Đức Cha Carl Kemme, Giám Mục giáo phận Wichita, Kansas, đã dẫn đầu một phái đoàn từ tiểu bang quê hương của Cha Kapuan sang Vatican để hỏi thăm về tiến trình phong thánh cho ngài. Một cuộc điều tra cấp giáo phận tại Wichita đã được hoàn thành vào năm 2011, và các hồ sơ đã được gửi đến Vatican.

Một câu hỏi quan trọng hiện nay này là Cha Kapaun, người đã qua đời trong một trại tù ở Bắc Triều Tiên vào năm 1951, có thể được xem là một vị tử đạo vì đức tin hay không.

Ít nhất đã có hai phép lạ được cho là nhờ sự cầu bầu của ngài.

8. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đến thăm Bắc Triều Tiên

Một nhóm 150 nhà lãnh đạo tôn giáo, đại diện cho các tôn giáo tại Nam Hàn, đã đến thăm Bắc Triều Tiên trong tuần này, nhờ một sự cởi mở hiếm hoi của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã gặp nhau để “cùng cầu nguyện cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” ở chùa Phật giáo Singyesa, một địa điểm cổ đại đã được xây dựng lại vào năm 2004 với sự giúp đỡ từ Nam Hàn. Ngôi chùa thường được dùng làm vị trí cho những cuộc họp tôn giáo chính thức được cho phép ở Bắc Triều Tiên.

Bắc Hàn đã cho phép hai đoàn Kitô giáo đến thăm gần đây: thứ nhất là hiệp hội các linh mục Công Giáo và thứ hai là một nhóm thuộc Hội đồng các Giáo Hội Thế giới. Hai nhóm đã đến thăm hai nhà thờ Kitô Giáo duy nhất tại quốc gia này - một nhà thờ Công Giáo, và một nhà thờ Tin Lành - ở Bình Nhưỡng.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, khoảng 200 người Công Giáo tham dự các sinh hoạt mỗi tuần tại nhà thờ Công Giáo duy nhất này, mặc dù họ không thể cử hành thánh lễ vì không có linh mục Công Giáo được phép cư trú tại đây.

9. Liên Hợp Quốc tăng quân gìn giữ hòa bình ở Trung Phi nhưng phải sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng

Liên Hợp Quốc có kế hoạch đẩy mạnh các nỗ lực gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi nơi đang xảy ra nhiều cuộc bạo động. Nhưng quân bổ sung của Liên Hợp Quốc chỉ có thể đến được sau chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào cuối tháng này.

Leo thang bạo lực tại Cộng hòa Trung Phi có thể hủy hoại kế hoạch chuyến thăm của Đức Thánh Cha. Theo chương trình ngài sẽ đến thủ đô Bangui vào ngày 29 tháng 11, trong chuyến tông du ba nước châu Phi là Kenya, Uganda và Trung Phi.

Các quan chức Vatican đã khẳng định chương trình tông du của Đức Thánh Cha không thay đổi vì tình hình chính trị của đất nước.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha tiếp tục giữ chương trình viếng thăm Trung Phi mặc dù Bộ quốc phòng Pháp cảnh giác rằng đó là một cuộc viếng thăm có nhiều rủi ro. Cha nói với báo Công Giáo La Croix ở Pháp: “Chúng tôi tiếp tục tổ chức cuộc viếng thăm, theo chiều hướng đó, trừ khi có chuyện bất ngờ.. Chúng tôi biết rõ về tình hình Trung Phi”.

Hãng tin Công Giáo quốc tế I.Media truyền đi hôm 12-11-2015 từ Vatican, cũng trích thuật lời tuyên bố của một nguồn tin ở Vatican nói rằng “Công cuộc chuẩn bị ở thủ đô Bangui vẫn tiến hành và tất cả cho thấy Đức Giáo Hoàng sẽ đến đây. Đối với ngài, không đến đó là một thất bại”.

Một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đã xua đuổi quân phến loạn Hồi Giáo Seléka ra khỏi Bangui vào tháng Giêng năm 2014, và hiện nay có hơn 11,000 binh sĩ Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi. Nhưng trước những leo thang bạo lực gần đây tại quốc gia này, nhiều lực lượng của Liên Hợp Quốc phải sớm được bổ sung.