Ngày 22-11-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 22/11/2008
KHOA TRƯƠNG

N2T


Có một vị học giả kinh tế nổi tiếng thao thao bất tuyệt giải thích kế hoạch phát triễn của ông ta, đại sư chăm chú ngồi nghe.

- “Trong kinh tế lý luận, có phải “trưởng thành” là nhân tố suy nghĩ duy nhất không ?”

- “Đương nhiên, tất cả bản chất “trưởng thành” đều là tốt đẹp.”

- “Vậy thì, sự trưởng thành của các tế bào ung thư thì sao ?”
đại sư hỏi.

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Con người ta, vì cái tôi quá lớn nên thường hay khoe khoang cái giỏi của mình, nhưng lại che giấu cái dở của mình, và thế là làm cho quan hệ giữa người với nhau có sự hiểu lầm và gây ra nhiều chuyện chướng tai gai mắt, người ta gọi đó là người chưa trưởng thành.

“Trưởng thành” không phải là nhân tố suy nghĩ duy nhất chính chắn, bởi vì có rất nhiều người tự cho mình đã trưởng thành, nhưng cách suy nghĩ và hành động thì như trẻ con, nên người ta gọi là ấu trĩ; trái lại có những bạn thanh niên còn trẻ nhưng có đầu óc suy nghĩ rất chính chắn nên được mọi người kính nể.

Linh mục là những người đã được sàng lọc để trở nên một người trưởng thành đúng nghĩa, cho nên suy nghĩ của các ngài phải luôn là suy nghĩ của người trưởng thành, mà cái trưởng thành duy nhất nơi các ngài là ý thức và hiểu rõ vai trò mục tử của mình đối với Giáo Hội và với đoàn chiên, đã được Chúa Giê-su –qua Giáo Hội- trao phó cho các ngài.

Một mục tử trưởng thành trong cách hành xử, thì đó là phương pháp truyền giáo hay và có hiệu quả nhất trong xã hội ngày nay. Bởi vì một mục tử trưởng thành sẽ không bắt giáo dân phục vụ mình, nhưng luôn tìm cách để phục vụ giáo dân của mình, như Chúa Giê-su đến thế gian không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình vì họ.

Không trưởng thành thì chỉ biết khoa trương cái tôi kiêu ngạo của mình mà thôi.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:32 22/11/2008
N2T


12. Đối với một đức tính, bất luận bên ngoài biểu hiện như thế nào, nếu không chịu đựng được thử thách của mặt trái, thì như thế bạn đừng hòng được nó thật.

(Thánh Teresa of Lisieux)
 
Giải đáp Phụng Vụ: Thánh Lễ Thứ Bảy thay thế cho Thánh Lễ Chúa Nhật
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
18:01 22/11/2008
Nói thêm về các lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ.

ROME> (Zenit.org).- Giải đáp của cha Đạo Binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ đại học Regina Apostolorum.

Chúng con biết Thánh Lễ Chúa Nhật rất là quan trọng. Chúng con cũng biết Thánh Lễ chiều thứ Bảy là Thánh Lễ Chúa nhật. Nhưng đâu là những tiêu chuẩn để biết đích xác đó là Thánh Lễ Chúa Nhật? Có phải là giờ? Có phải là các bài đọc? Nhiều người Công Giáo đi dự đám cưới trong một xế chiều thứ Bảy không đi dự Thánh lễ Chúa Nhật. Họ tưởng rằng họ đã đi dự Thánh lễ rồi. Giáo Hội nói gì đích xác về Thánh lễ chiều Thứ Bảy?—J.G., Arras, France

Những qui tắc cho phép cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật trong một buổi chiều thứ Bảy, không được chi tiết cho lắm và như vậy những thực hành và những quan niệm khác nhau đã nẩy lên trên khắp thế giới.

Dầu thực hành này tương đối là mới đối với Thánh Lễ Chúa Nhật, từ lâu Giáo Hội đã duy trì tập quán bắt đầu cử hành những lễ quan trọng chiều trước, với Kinh Chiều Một. Điều này được linh hứng bởi quan niệm về một ngày trong thế giới xưa, chia 24 giờ thành bốn canh và bốn giờ ánh sáng ban ngày, ngày bắt dầu từ canh thứ nhất.

Vì lẽ này các sách Tin Mừng nhắc tới sự vội vã mai táng Chúa chúng ta trong Ngày thứ Sáu trước lúc ngày Sabbath bằt đầu, lúc còn chiều thứ Sáu, đối với chúng ta.

Tuy quan niệm này cống hiến một sự biện minh nào đó cho qui tắc cho phép cử hành Thánh lễ Chúa Nhật trong ngày Thứ Bảy, Giáo Hội ngày nay trên thực tế hoà nhập cách tính giờ cả xưa lẫn nay, và không chỉ chấp nhận hệ đo lường xưa mà không thêm gì nữa.

Vì lẽ này. dầu được phép làm trước Thánh lễ Chúa Nhật, ngược lại điều một số người có thể tưởng, không có buộc phải làm như vậy; còn có thể cử hành Thánh Lễ theo ngày hay là một Thánh Lệ ngoại lịch trong chiều thứ Bảy.

Ví dụ, nếu một cộng dồng tu sĩ thường cử hành Thánh Lễ theo ngày của họ lúc 7 giờ chiều, thì không có lý do phải cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật hai lần.

Cũng vậy trên lý thuyết một đôi có thể làm đám cưới trong một chiều thứ Bảy và sử dụng Thánh lễ cưới miễn là những lễ đó không trùng với những thời biểu Thánh lễ thường.

Tôi nói “trên lý thuyết” bởi vì về mặt mục vụ thường nên cử hành thánh Lễ cưới tại giờ này theo những qui tắc cho một lễ cưới được cử hành trong một ngày Chúa Nhật. Như độc giả chúng tôi chỉ rõ, cả những kẻ đi dự Thánh Lễ bình thường xem ra giả thiết rằng Thánh Lễ một buổi chiều thứ Bảy là đủ để làm trọn luật giữ ngày Chúa Nhật rồi và sự phân biệt giữa những công thức Thánh Lễ khác nhau xem như họ không còn nghĩ tới.

Do đó, trừ trong những trường hợp khi đa số khách dự là những người Công Giáo được hiểu rõ và đã cam kết, điều tốt hơn là bảo đảm theo sự có thể để họ tham dự một cử hành thành sự cho ngày Chúa Nhật, dầu điều này có thể có nghĩa là trong một số trường hợp một số khía cạnh của Thánh lễ cưới bình thường không được cử hành.

Luật chung không nói rõ thời giờ chính xác có thể cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Tuy nhiên, 5 giờ chiều là luật chung trong Giáo Phận Roma và trong nhiều nơi khác. Bất cứ giờ nào sớm hơn nhiều, khó mà quan niệm như là chiều thứ Bảy trong ý nghĩa đúng của từ.

Vì lẽ này, một đám cưới xế chiều Thứ Bảy phải là một trường hợp khác biệt. Hầu hết những người Công Giáo thực hành sẽ không cho rằng một đám cưới lúc trưa hay lúc 1g chiều sẽ làm trọn luật giữ Ngày Chúa Nhật. Bởi vì 3 hay 4 g. chiều là những giờ gây lúng túng đúng hơn để tổ chức một đám cưới và phần tiếp theo đang chờ đợi của nó, nên những cử hành lúc này ít tiện lợi hơn, ít ra là tại châu Âu.

Tuy nhiên một đám cưới lúc 4 g.chiều,, có lẽ đủ điều kiện để cử hành như một Thánh lễ Chúa Nhật.

Nếu có nguy cơ thật sự cho bất cứ ai hiểu lầm một Thánh lễ sớm hơn là thành sự như ngày Chúa nhật, lúc đó phải liệu sao cho các khách mời biết trước rằng Thánh Lễ sẽ không bao che được sự bắt buộc dự lễ ngày Chúa Nhật

* * *

Tiếp: Những lễ trọng, Lễ Kinh, Lễ Nhớ

Lần trước chúng tôi về nhữrng lễ trọng, lễ nhớ và lễ kính, nhắc nhớ một câu hỏi từ một linh mục ở tại Oregon. Ngài hỏi: “ được ghi trong Lịch như là một lễ ‘nhớ chọn’ của Tên Thánh Chúa Giêsu và Lịch nói ngày lễ này mới đưa vào trong Sách Lễ. Con muốn dâng Thánh Lễ này, nhưng không có bản lễ được phê chuẩn. Có nguồn nào nơi con có thể gặp được một bản lễ như thế (ví dụ trên trang mạng} ? Có những cử hành tương tự trong năm, một số cử hành đó dầu là lễ nhớ bắt buộc mà không có những băn bản sẵn cho.

Sự khó của một số cử hành mới không có những bản văn thích hợp tương ứng, là tạm thời sẽ được giải quyết trong vòng ít năm

Nguyên nhân sự khó này là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong dịp phổ biến sách lễ mới Latinh, đã có sáng kiến thêm một số cử hành mới hay là phục hồi một số cử hành cũ mà đã rơi khỏi lịch cũ. Giữa những cử hành được phục hồi là Thánh Danh Chúa Giêsu và Thánh Catherine thành Alexandria. Dầu sau sự phổ biến sách lễ, ngài đã thêm một hay là hai thánh nữa vào lịch chung như Thánh Pio thành Pietrelcina.

Vấn đề được đưa ra bởi vì, dầu đã là thành phần của lịch, nhưrng bản văn riêng của của một số thánh còn phải được phê chuẩn việc dịch ra tiếng Anh. Có một độ logic cho tình huống này. Bởi vì việc chuyển dịch toàn bộ sách lễ đang được xét duyệt, điều khôn ngoan là làm mọi sự như thành phần của một dự án dầu có khi những lễ này sẽ không có những bản văn riêng trong vòng hai năm nữa.

Một số hội đồng giám mục đã thực thi một phương pháp khác. Ví dụ, các giám mục Italian đã sản xuất một phần bổ sung khéo léo và tiết kiệm tích chứa một việc dịch thuật của tất cả các bản văn mới với cũng một typeset như sách lễ bàn thờ. Như vậy có thể cử hành những lễ nhớ này bằng tiếng Italian dầu việc chuyển dịch dứt khoát bằng tiếng Italian của sách lễ còn đang chuẩn bị. Tôi không biết hội đồng nói tiếng Anh đã làm một việc tương tự như vậy hay chưa.

Một trang mạng tiếng Italian được gọi là maranatha, Chứa hầu hết những bản văn trực tuyến này. Trang này cũng có những phần lớn những nghi thức bí tích khác và những nghi lễ làm phép và lần lần bao gồm những bản văn Latinh của sách lễ của Đức Gioan XXIII và Phaolo VI. Tôi không biết về một trang nói tiếng Anh mà có những bản dịch những bản văn phụng vụ mới, và xem ra việc phổ biến này sẽ vi phạm bản quyền hợp pháp.

Do đó, phải làm gì? Đối với một số lễ như Thánh Danh Chúa Giêsu xem ra ít có làm nhưng chờ bản dịch dứt khoát của sách lễ.

Các thánh mới có thể được cử hành bằng cách sử dụng phần chung các thánh: Tử Đạo, Mục Tử, Trinh Nữ, v.v. như thích hợp nhất vị thánh đương sự.
 
Khái quát Tin Mừng theo Thánh Gio-an
L.M. An-rê Đỗ xuân Quế, o.p.
22:16 22/11/2008
KHÁI QUÁT TIN MỪNG THEO THÁNH GIO-AN

1. Sơ lược về nội dung

Trung thành với truyền thống nguyên thủy, sách Tin Mừng thứ tư thuật lại những việc đã xẩy ra từ thời ông Gio-an Tẩy giả cho đến ngày Chúa Giê-su lên trời. (Cv 1, 21-22). Sách được trình bày như một lời chứng và chắc là tác giả có ý soạn một sách Tin Mừng thật sự. Sau bài đề tựa thần học rất trang trọng (1,1-18), tiếp theo là phần thứ nhất. Trong phần này, tác giả thuật lại các biến cố và các giáo huấn gắn liền với bài tựa (1,19-12,50). Phần thứ hai kể lại các biến cố Thương Khó và Phục Sinh (13,1-21,23). Như nói trong phần kết luận, Gio-an đã chọn một số dấu chỉ để nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của những biến cố đó, nhằm đưa các tín hữu tới chỗ đào sâu hơn niềm tin của mình vào Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa, hầu phát triển đời sống hiệp thông với Thiên Chúa nơi họ.

2. Cấu trúc Tin Mừng

Thật khó xác định rõ hơn và làm nổi bật cách chi tiết, bố cục tác giả đã lựa chọn. Đúng thế, vì hầu hết các đoạn văn đã gẫy gọn, chỉ có điều không thấy rõ chúng đã được sắp xếp theo các tiêu chuẩn nào thôi. Vấn đề lại càng tế nhị, khi có giả thuyết cho rằng nhiều đoạn đã bị thay đổi vị trí, như ai đó muốn xen chương 5 vào giữa chương 7,15-16, vì như thế, các tài liệu được xếp đặt theo vị trí thống nhất hơn và sẽ có thời gian dài hoạt động tại Giê-ru-sa-lem tiếp theo một thời gian trú ngụ tại Ga-li-lê (4,43-54 và 6,1-17,13). Đi xa hơn nữa, một số nhà chú giải nghĩ rằng có nhiều bản văn đã bị thay đổi vị trí, và đã đưa ra những đề nghị xếp đặt lại theo đề tài nguyên thủy.

Nhưng những giả thuyết đó không dựa trên một truyền thống nào cả, và cũng không lưu ý đến những định luật rất uyển chuyển của khẩu truyền và cách soạn thảo của người Do thái; cách này thường không hợp với khoa luận lý của chúng ta.

Những ai chấp nhận bản văn như hiện nay thì có nhiều giải đáp. Hầu hết đều nhận là có hai phần trong sách Tin Mừng này với bài tựa quen gọi là tiền ngôn và một số đoạn dễ phân biệt, dựa vào những chỉ dẫn theo địa lý hay niên biểu, và một số thể loại văn chương như ký sự và diễn từ. Nhưng những đoạn ấy nối kết với nhau thế nào. Một số nhà chú giải chọn cách bố cục theo luân lý và trình bày cách quãng diễn theo các khái niệm thần học về ánh sáng, sự sống, vinh quang v.v… Một số nhà chú giải khác lại nghĩ rằng có thể phân biệt được các giai đoạn, qua cuộc đối đầu giữa Đức Giê-su với các kẻ nghịch thù, và coi Tin Mừng Thứ Tư như một bi kịch diễn ra trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh.

3. Tương quan với các Tin Mừng Nhất Lãm

Xét về nhiều mặt, Tin Mừng Gio-an có những điểm khác với Tin Mừng Nhất Lãm. Trước hết là những khác biệt về địa lý và niên biểu. Các Tin Mừng Nhất Lãm thì nói đến thời kỳ hoạt động lâu dài ở Ga-li-lê, tiếp theo là một cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, và cuối cùng là một thời gian ngắn lưu lại Giê-ru-sa-lem; còn Tin Mừng Gio-an lại tường thuật nhiều cuộc xê dịch từ vùng này qua vùng khác và nói tới thời gian hiện diện lâu ngày tại Giu-đê, nhất là tại Giê-ru-sa-lem (1,19-51; 2,13-3,36; 5,1-47; 14,20.31).

Về lối hành văn cũng có nhiều khác biệt. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, thường chỉ có những đoản văn, những đoạn sưu tập các lời giáo huấn hay bản tường thuật phép lạ, còn Tin Mừng Gio-an thì lại đưa ra những dấu chứng, rồi thường biện giải dài dòng qua những câu đàm thọai hay những diễn từ.

Còn một điểm khác nữa là cách chọn tài liệu và tính độc đáo của những tài liệu đó. Gio-an cũng nói đến nhiều biến cố được ghi nhận trong các Tin Mừng Nhất Lãm, như hoạt động của Gio-an Tẩy Giả, phép Rửa tại sông Gio-đan, các môn đệ đầu tiên (1,19-51), bọn con buôn trong Đền Thờ (2,13-31), người con trai của viên sĩ quan, người bất toại được chữa lành (5,1-16), người mù được sáng mắt (9,1-41), bánh hóa ra nhiều, Chúa đi trên mặt biển (6,1-21), các cuộc tranh luận ở Giê-ru-sa-lem (7-8 +10), cảnh xức dầu ở Bê-ta-ni-a và các biến cố trong lễ Vượt Qua (12-21).

Nhưng nhiều yếu tố khác của truyền thống Nhất Lãm lại không có trong Tin Mừng Gio-an như cơn cám dỗ trong sa mạc, biến cố Hiển Dung, việc thành lập bí tíchThánh Thể, cơn hấp hối ở vường Ghết-xê-ma-ni cùng nhiều phép lạ và giáo huấn khác (bài giảng trên núi, các dụ ngôn, diễn từ về thời cánh chung hay thế mạt). Từ ngữ cũng rất khác biệt: chữ Nước Thiên Chúa chỉ xuất hiện ở một bản duy nhất 3,3-5. Gio-an thích nói về sự sống và sự sống vĩnh cửu hơn. Các chủ đề về thế gian, ánh sáng, bóng tối, sự thật, giả dối, vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang của loài người thường được đề cập tới.

Tuy không có những điều nói trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng Tin Mừng Thứ Tư lại bao gồm nhiều cái mới, nhu tiệc cưới Ca-na (2,1-11), cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô (3,1-11), với người thiếu phụ xứ Xa-ma-ri (4,5-42), sự sống lại của La-da-rô, cử chỉ rửa chân và nhiều chi tiết trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh.

Gio-an có biết các Tin Mừng Nhất Lãm không ? Nhiều nhà chú giải cho là không và có chăng là các truyền thống nói về Đức Giê-su mà các tác giả Nhất Lãm cũng đã tham khảo. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm gặp gỡ về văn chương khá rõ rệt. Vì thế, rất có thể Gio-an biết Mác-cô và nhất là Lu-ca. Còn đối với Mát-thêu, sự việc kém rõ ràng hơn.

4. Vấn đề biên soạn

Gio-an đã tỏ ra độc lập đối với các truyền thống Nhất Lãm. Như vậy, phải chăng tác giả có nhiều nguồn tài liệu khác ? Trước hết, phải đặt câu hỏi Tin Mừng Gio-an được viết trong ngôn ngữ nào. Vì trong sách có nhiều kiểu nói A-ram, nên không hiếm các nhà chú giải cho rằng nguyên bản được viết bằng tiếng A-ram, rồi mới dịch sang tiếng Hy-lạp. Nhiều nhà chú giải khác lại nghĩ rằng có một số đoạn viết bằng tiếng A-ram, rồi sau được tác giả dùng lại trong bản Hy-lạp. Tuy nhiên, xét về mặt văn chương thì phải nói rằng sách đã được viết bằng tiếng Hy-lạp, tuy từ ngữ nghèo nàn, nhưng cú pháp lại đúng văn phạm và rất có khả năng gợi ý, nhất là chứa đựng nhiều từ, nhiều lối chơi chữ không thấy trong tiếng A-ram. Đó chính là đặc điểm của sách Tin Mừng này. Đàng khác, lối văn và những kiểu văn chương cho thấy chỉ có một người biên sọan. Sự kiện tác giả là người Do thái viết văn Hy-lạp, và xem ra có vẻ chịu ảnh hưởng bản văn Cựu Uớc viết bằng tiếng Hy- lạp có thể giải thích được sự việc tại sao trong bản văn lại thấy những yếu tố sê-mít. Có thể tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt một tuyển tập ghi chép các phép lạ. Cũng nên nhớ là tác giả liên hệ nhiều với môi trường Ki-tô hữu và khi có dịp là dùng các công thức phụng vụ hay những đoạn bài giảng.

5. Môi trường tư tưởng

Mọi tư tưởng, nếu muốn được diễn tả, đều phải dùng ngôn ngữ gắn liền với một môi trường văn hóa. Nếu tư tưởng độc đáo thì tạo ra được những liên quan mới và nói lên được cái mới mẻ. Kinh thánh cũng không thoát ra ngoài qui luật này. Vì thế phải tìm xem ngôn ngữ của Gio-an được lấy ở đâu trong các vùng văn hóa tại phía Đông đế quốc Rô-ma, nơi sách Tin Mừng Thứ Tư được biên soạn. Các nhà chú gỉải đã nêu lên rất nhiều điểm gặp gỡ, như nhìn nhận có ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp rồi nhấn mạnh đến các tương quan giữa Cựu Ước với các môi trường Do thái và nhận ra một số liên hệ với thuyết Ngộ đạo.

5,1 Văn hóa Hy-lạp

Chắc chắn là Gio-an có nhiều liên hệ với tư tưởng Hy-lạp, bằng cớ là ngài chú ý đến những gì liên quan đến tri thức và chân lý, lại sử dụng quan niệm về Logos (Lời) và nhất là các biểu tượng, khiến người ta nghĩ rằng ngài chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp. Nhưng đối với ngài, điều chính yếu là hiểu biết Ngôi Lời nhập thể bằng đức tin. Ngay cả những chỗ ngài dùng các từ giống nhau thì ý nghĩa cũng đã thay đổi. Do đó, Logos ngài dùng không phải là một trung gian giữa Thiên Chúa và vũ trụ, mà là Ngôi Lời vẫn có từ trước, kết hợp mật thiết với hoạt động của Chúa Cha.

5,2 Ảnh hưởng Do thái

Nhưng về sau, người ta thấy rằng Tin Mừng Thứ Tư bén rễ trong môi trường Do thái và Cựu Ước. Xét về văn thể, Gio-an có nhiều kiểu nói Do thái. Đây là lý do khiến người ta nghĩ rằng nguyên bản được viết bằng tiếng A-ram. Đàng khác, trong sách Tin Mừng này, có nhiều chỗ làm cho người ta liên tưởng đến Cưu Ước. Tuy không mấy khi trực tiếp trưng dẫn Cựu Ước, nhưng Gio-an lại phân biệt kế hoạch cũ với kế hoạch mới và sử dụng nhiều công thức của Cựu Ước, nhất là các chủ đề liên quan đến nền văn chương theo sách Khôn ngoan, như nước, thần lương, man-na, mục tử, vườn nho, đền thờ.

Ngoài ra lại còn nhiều điểm gặp gỡ với đạo Do thái thời bấy giờ nữa, như các kiểu lý luận, các lối hành văn, các danh từ thông dụng trong môi trường kinh sư Do thái. Chắc hẳn là Gio-an biết rõ phong tục, tập quán của người Do thái ở Pa-lét-tin thế kỷ I. Nhưng ngài cũng thấy rõ những khác biệt căn bản giữa Do thái giáo và Ki-tô giáo, nên càng làm nổi bật tính mới mẻ và siêu việt của mầu nhiệm nhập thể.

5,3 Phong trào Ngộ đạo

Từ hai thế kỷ nay, người ta tìm cách xác định liên hệ giữa các sách Tin Mừng với phong trào Ngộ đạo. Chủ trương của thuyết này là truyền cho các đồ đệ một giáo lý bí nhiệm, rồi sau khi đã thanh tẩy họ, đưa họ tới ơn cứu độ, Họ được cứu độ là nhờ hiểu biết những chân lý căn bản của tôn giáo và nhờ những cuộc xuất thần. Thuyết Ngộ đạo đối nghịch với vật chất và xác thịt, vì hai thứ này bị đồng hóa với sự Ác. Sau thế kỷ I, người ta mới đọc được các bản văn có khuynh hướng ngộ đạo, cả trong môi trường Hy-lạp lẫn Ki-tô giáo. Đây là nội dung tóm tắt của thuyết này: có một con người thần linh hay một con người nguyên thủy đã sa ngã vì đắm chìm trong vật chất. Sau đó, thuyết Ngộ đạo mô tả các điều kiện và các giai đoạn con người phải chấp nhận và trải qua để vươn lên trời cao. thoát khỏi các vòng vây hãm ác độc do các hành tinh kiểm soát. Thiên Chúa được coi là hữu thể huyền bí, là nguồn mạch của Ánh Sáng và Sự Sống. Đối với con người, sự sống thật là gặp Thiên Chúa, nhờ một sự hiểu biết trực tiếp đem lại sự sống.

Thật khó xác định mối liên hệ giữa sách Tin Mừng Thứ Tư với các ý tưởng vừa trình bày, nhưng phải công nhận cả hai bên có một số bận tâm và một số công thức chung. Sinh sống trong một môi trường phức tạp có những khuynh hường giống nhau và khác nhau, Gio-an đã được khích lệ và thúc đẩy, để đề cao tương quan giữa tri thức và đời sống thần linh mà con người có thể nhận ra được. Nhưng ngài đã phản ứng lại một cách độc đáo, vì đức tin vào Thiên Chúa sáng tạo vạn vật của ngài loại bỏ được cái nhìn bi quan về thế giới vật chất, và mầu nhiệm nhập thể đã mang lại cho xác thịt và thân phận con người một ý nghĩa rất khác, so với các suy luận của thuyết Ngộ đạo.

5,4 Nét độc đáo của Gio-an

Tư tưởng của Gio-an gắn liền với đời sống và ngôn ngữ của các Ki-tô hữu thời bấy giờ. Trước hết, tác giả dựa vào các biến cố xẩy ra trong giai đoạn Ki-tô giáo thành hình và các nỗ lực diễn tả tư tưởng thần học ở buổi đầu. Người ta thấy tư tưởng của Gio-an có những chỗ giống với tư tưởng của Phao-lô, đặc biệt trong các thư Phao-lô viết khi bị cầm tù và thư gửi giáo đoàn Ê-phê-xô. Gio-an cũng biết nhiều bản văn phụng vụ. Mặc dù gắn liền với các tư tưởng Ki-tô giáo thời ấy, nhưng Gio-an đã soạn ra được một sách Tin Mừng độc đáo. Ngài đã dùng tất cả các tài liệu có được, nhưng đã sắp xếp lại để làm nổi bật vai trò của Đức Giê-su, Đấng là Ki-tô và là Con Thiên Chúa.

6. Tin Mừng Gio-an và lịch sử

Nhiều người đặt vấn đề về tính lịch sử của Tin Mừng Gio-an ngay từ thế kỷ XIX. Có người đã đặt câu hỏi: “Phải chăng khi soạn một sách Tin Mừng có nội dung thần học như thế, tác giả đã nhằm gì khác chứ không phải lịch sử ? Việc sử dụng biểu tượng có phải là nhằm hướng độc giả đến một cái gì đàng sau các sự kiện nguyên thủy, các hành vi ngôn ngữ như người ta hiểu, thoạt khi mới gặp hay chăng ? Do đó, nhiều nhà chú giải đã phủ nhận giá trị lịch sử của Tin Mừng Thứ Tư. Họ chỉ coi sách Tin Mừng này như một bài suy niệm dài hay một bài suy luận thần học” (Loisy).

Trước hết phải nhận là Gio-an có kể lại nhiều sự kiện mà các tác giả Nhất Lãm cũng kể, nhất là hoạt động của Gio-an Tẩy Giả, phép Rửa ở sông Gio-đan, nhiều phép lạ, bánh hóa ra nhiều (1,19-51; 2,13-21; 6,1-2.3) và tất cả bài tường thuật về cuộc Thương Khó và Phục sinh của Đức Ki-tô.

Khi so sánh các đoạn văn này, người ta có thể kết luận là Gio-an muốn thuật lại các sự kiện quen thuộc theo truyền thống cách trung thực. Ngoài ra, tác giả lại còn cho biết những dữ kiện địa lý và niên biểu cùng những chỉ dẫn liên quan đến các cơ chế Do thái và Rô-ma. Điều ấy chứng tỏ tác giả hiểu biết về các điều kiện sinh sống trong xứ Pa-lét-tin ở đầu thế kỷ I. Như vậy, tác giả đã tỏ ra muốn trung thành với các điều kiện có thật trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Sách Tin Mừng Gio-an nói về một Đấng đã sống và đã chết vào một thời gian rõ rệt. Tác giả tự coi và được coi là chứng nhân về các sự kiện và chân lý mà đích thân mình đã được chứng kiến và đã tin. Ngài muốn làm sáng tỏ ý nghĩa của những gì đã xẩy ra trong cuộc đời Đức Giê-su Ki-tô, nên tác phẩm của ngài trước hết mang hình thức một bản tường thuật về một loạt các dấu chỉ được lựa chọn trong các dấu chỉ. Các dấu chỉ đó được thuật lại cho người ta tin rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa để nhờ tin mà được sống.

7. Tác giả

Tất cả những điều trên đây đưa tới kết luận này là sách Tin Mừng Thứ Tư không phải chỉ là lời chứng của một người đã mục kích rồi viết lại một mạch, sau khi các biến cố đã xẩy ta, mà đó chính là kết quả của một cuộc suy nghĩ lâu dài. Tuy vậy, cũng phải nói ngay là tác phẩm xem ra như chưa hoàn thành, nhiều chỗ có vẻ chắp nối, một số đọan không ăn ý với nhau (3,13-21.31-36). Có lẽ ai đó đã thêm chương 21 và một số chú thích nữa như trong 4,21-44; 7,39b; 12,12; 19,35. Chuyện người đàn bà ngoại tình, xuất xứ không được rõ và sau này mới thêm vào. Về tác giả và năm sọan thảo thì không tìm được chỉ dẫn nào rõ rệt trong sách. Điều này hình như tác giả muốn thế, để làm nổi bật con người của Đấng Cưu Thế. Tuy vậy, người ta cũng có thể biết đôi chút về tác giả, như khi thấy tác giả đồng hóa mình với “người môn đệ được Đức Giê-su yêu quí” . Người môn đệ này được nhắc đến nhiều trong các biến cố cuối đời của Đức Giê-su. Ngoài ra cũng còn một kiểu nói nữa làm cho người ta liên tưởng đến tác giả, đó là kiểu nói “người môn đệ khác”

Từ thế kỳ II, các truyền thống trong Hội thánh gọi người môn đệ đó là Gio-an và bắt đầu đồng hóa người này với một trong hai người con ông Dê-bê-đê trong Nhóm Mười Hai Tông Đồ.”

8. Thần học

Gio-an tập trung mọi chú ý vào Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ khi biết Đức Ki-tô và sống hiệp thông với Người, nhân loại mới được sống muôn đời, nhờ khám phá ra Đức Chúa Cha. Tác giả xét đến toàn bộ cuộc đời Chúa Cứu Thế và coi tiến trình cuộc đời đó có một tầm quan trọng hết sức lớn lao. Chính qua các biến cố trong cuộc đời Đức Ki-tô mà Thiên Chúa hiện tỏ trong thế gian. Ai tin sẽ được sống muôn đời. Thế gian sẽ bị phán xét và kết án vào giờ nó không ngờ. Gio-an đã không diễn tả sự hiện hữu có từ trước muôn đời của Đức Ki-tô, vì thế, ngài đã không tường thuật một cuộc đối thoại nào về việc Chúa Con nhận lãnh sứ vụ.

Kết luận

Nhiều người đọc Tin Mừng theo thánh Gio-an có cảm giác như bay lượn trên một vòm trời cao siêu với những ý tưởng thần học cao xa. Người ta coi thánh Gio-an như chim phượng hoàng về phương diện tư tưởng. Chẳng vậy mà chỉ lời tựa hay bài tiền ngôn của ngài ở đầu sách đã đủ cho cha Boismard, giáo sư trường Kinh thánh Giê-ru-sa-lem, viết ra một cuốn sách để bàn giải. Chúng ta nên dành những chuyện uyên bác cho các nhà chuyên môn, còn phần chúng ta chỉ đọc Tin Mừng này với tấm lòng tin yêu và ngưỡng mộ: tin yêu vì Chúa Giê-su đã đến trần gian để cứu chuộc loài người và ngưỡng mộ vì Người đã chỉ đường cho chúng ta để đến với Chúa Cha. Sự sống đời đời của chúng ta là biết Thiên Chúa và Đấng mà Người đã sai. Chính Chúa Giê-su đã đem đến cho chúng ta sự hiểu biết này và Tin Mừng theo thánh Gio-an đã góp phần không nhỏ vào sư hiểu biết đó.
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
22:20 22/11/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (58)

571. Chúa Giêsu là Vua rất lạ lùng,

Vua dẹp loạn bằng cái chết của mình: “Máu Thầy đổ ra để cho muôn người được tha tội ” (Mt 26,28).
Vua rất khiêm nhượng: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng khiêm nhượng ” (Mt 12,29).
Vua rất khó nghèo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu ” (Mt 8,20).
Vua rất bình dân: “Nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ ” (Mt 9,10).
Vua đem lại bình an từ trên trời xuống cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con ” (Ga 14,27).

572. Chúa Giêsu đăng quang làm Vua trong hồi Thương Khó.

Quân dữ bắt Chúa Giêsu ngồi trên một bệ đá, giả đò quỳ lạy ông vua lạ lùng nầy, và sau đó, họ đóng đinh Ngài trên thập giá, có khắc chữ: “ Đây là Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái ” (Ga 19,19).
Quân dữ khoác cho Chúa Giêsu một chiếc áo choàng đỏ, xỉ vả, khạc nhổ, dày xéo ông vua dại dột nầy đang thinh lặng không nói ra một lời.
Quân dữ bắt Chúa Giêsu đội một mão gai để chỉ đây là một vì vua đau khổ: vua mà bị trói, bị đánh đòn, bị kéo lê từ tòa án nầy đến tòa án khác, bị đày lên Núi Sọ, bị đóng đinh chết trên thập giá.
Quân dữ cho Chúa Giêsu cầm một cây gậy nứa để nhạo báng một ông vua bất lực, khó nghèo, không có thần dân đến giúp đỡ, không có quân đội đến tiếp cứu.
Quân dữ treo Chúa Giêsu trên thập giá, rồi đứng dưới mà nhạo báng ông vua lạ lùng nầy: vua dại dột, vua đau khổ, vua nhục nhã.
Nhưng những lời nhạo báng nầy lại là sự thật: Chúa Giêsu Kitô, chính là Vua!
Ba ngày sau khi chết, Chúa Giêsu tung mồ, sống lại sáng láng, thắng trận ma quỷ, thắng trận tội lỗi, đè bẹp sự chết, và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, cai trị muôn loài, muôn vật.
Thánh Phaolô cung kính nói về Chúa Giêsu Kitô: “Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời lẫn dưới đất, và ngay trong nơi âm phủ, mọi vật đều phải bái quỳ” (Pl 2,10).

573. Hiện giờ, chúng ta đang sống trong Nước của Chúa Giêsu.

Không đợi sau khi chết, chúng ta mới vào Nước Chúa, nhưng hiện giờ, chúng ta đang sống trong Nước Chúa.
Hiến pháp của Nước Chúa, ai trong chúng ta cũng thuộc lòng, đó là Tám Mối Phước thật.
Quyền công dân của Nước Chúa ở trên trời, ai trong chúng ta cũng đã có: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”
Các quyền lợi của người công dân Nước Chúa, ai trong chúng ta cũng đang được hưởng: ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa để được sống trường sinh.
Các nghĩa vụ của người công dân Nước Chúa, ai trong chúng ta cũng phải thi hành: Mười Điều Răn của Chúa.

574. Những kẻ khiếp sợ ngôi vua của Chúa Giêsu

Trước hết, là ma quỷ. Ma quỷ là kẻ thù không đội trời chung của Chúa Giêsu vì chúng muốn một mình thống trị thế gian và lôi kéo mọi người xuống hỏa ngục để làm nô lệ chúng trong sự khốn nạn đời đời.
Sau ma quỷ, là những kẻ nghịch Đạo, chống Đạo, lơ Đạo, bỏ Đạo, chối bỏ Thiên Chúa. Những kẻ nầy chỉ muốn xây dựng một nước trần gian mà không có Chúa. Vì thế, họ tìm đủ cách để ngăn trở Nước Chúa.

575. Bổn phận của chúng ta đối với Chúa Giêsu, Vua chúng ta

Chúa Giêsu là Vua chúng ta.
Hằng ngày, chúng ta hãy cầu nguyện cho Nước Chúa mau đến.
Hằng ngày, chúng ta hãy sống đạo đức thánh thiện để làm cho Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.
Nước Chúa là nước yêu thương: chúng ta hãy yêu thương nhau và yêu thương mọi người vì Chúa.
Nước Chúa là nước hòa bình: chúng ta hãy sống hoà thuận với nhau và thuận hòa với mọi người.
Nước Chúa là nước bị bắt bớ: chúng ta hãy vui vẻ chịu mọi sự khốn khổ vì Chúa.

576. Hãy quý trọng thời gian!

Tiền bạc mất đi, còn có thể kiếm lại được.
Sức khoẻ tuy giảm, còn có thể bồi dưỡng lại được.
Nhưng khi một ngày trôi qua, thì không bao giờ có thể trở lại.
Cho nên, phải quý trọng thời gian, coi mỗi ngày như vàng để có ý thức sử dụng sao cho xứng đáng, sao cho hữu ích, sao cho đẹp, hướng dẫn cuộc sống mỗi ngày thành một ngày tương đối hạnh phúc, hay ít ra, cũng là một ngày ổn định. (Sống Hạnh Phúc).

577. Sống trong hiện tại

Một câu nói nổi tiếng còn lưu truyền: “Khi cánh cửa nầy khép lại, thì những cánh cửa khác mở ra.”
Tuy nhiên, nhiều người đã phải tốn nhiều thời gian cho việc nhìn lại những cánh cửa đã đóng, mà không chú ý gì đến những cánh cửa khác (những cơ hội mới) đang sẵn sàng mở ra trước mắt họ.
Việc đào sâu, lặp đi lặp lại những điệp từ “phải chi”, “nếu như”, … vang vọng những suy nghĩ cứng nhắc của bạn về quá khứ.
Tương tự như vậy, việc mơ mộng viễn vông về tương lai, và những suy nghĩ về “điều gì sẽ xảy ra nếu”… sẽ làm cho bạn tưởng chừng mình đang sống trong tương lai….
Chúng ta thường tự ngăn chận bản thân mình tham gia và hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống hiện tại….
Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay để một lần nữa, đưa năng lượng của mình hướng đến việc sống trong hiện tại.
Trong vòng vài ngay, bạn sẽ thấy rằng bằng việc thực hiện một cách tự nhiên bất cứ điều gì trong hiện tại, tương lai của bạn sẽ được định hình. (Thuật Thư Giãn)

578. Hãy có một tâm hồn rộng mở, không biên giới.

Cuộc sống chỉ mang lại an hoà và hạnh phúc khi con người biết chấp nhận nhau trong những khác biệt và biết đón nhận những khác biệt ấy như những giá trị làm cho cuộc sống thêm phong phú.
“Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta.” Đức Kitô luôn mời gọi chúng ta loại trừ óc đảng phái, tinh thần hẹp hòi, nhưng hãy có một tâm hồn rộng mở, không biên giới. (Tất Cả Là Hồng Ân)

579. Mười bốn lời khuyên đối với stress

1. Hãy là chính mình. Đừng tìm cách mang “mặt nạ” của một kẻ khác.
2. Phải biết mình đi đến đâu, muốn làm gì cho cuộc sống của mình. Phải tự tạo cho mình một mục đích, những thực tế phù hợp với sức của mình.
3. Đa dạng hoá những hoạt động của mình để kích thích mình. Khi có một trở ngại xuất hiện, hãy tìm cách đi vòng qua nó, đừng tìm cách đối đầu với nó.
4. Hãy biết tự biểu lộ. Hãy xác định cá tính của mình, và trong khuôn khổ của lịch sự, đừng kiềm hãm những cảm xúc của mình. Hãy khóc nếu được. Điều quan trọng là phải trút bỏ những năng lượng xấu đang tích tụ trong mình.
5. Đừng để những công việc của mình trong trạng thái dang dở. Hãy tiêu diệt mọi nguồn gốc lo lắng.
6. Tránh những xung đột vô ích, những điều làm mình bực bội. Đừng đặt mình trong tình thế có nguy cơ bế tắc. Hãy chạy trốn nếu bạn có khả năng.
7. Phân tích những tình thế và những tấn công từ bên ngoài. Tương đối hoá những gì xảy ra và tiếp nhận chúng với sự khôi hài và vui vẻ.
8. Biết lùi lại phía sau. Luôn trở về điều cốt lõi và những giá trị mà bạn dùng làm tiêu chuẩn đo lường.
9. Đừng trông chờ những người khác và quý trọng điều gì mình có trong tay.
10. Tránh những quan hệ xấu và những người làm tiêu hao vô ích nguồn năng lượng trong bạn.
11. Đừng làm gì quá độ hay quá ít. Hãy sống phù hợp với khả năng sinh học của mình.
12. Biết sử dụng thời gian của mình. Hãy tận dụng nó. Tôn trọng những thời gian giải lao trong ngày để xả hơi và tìm lại chính mình.
13. Bảo vệ quyền lợi của mình, những tài sản mình có, sự tự do của mình, đồng thời, tôn trọng những thứ đó của người khác.
14. Cười lên, thư giãn, chơi thể thao, ngay cả các môn mạnh bạo. (Muốn Sống Hạnh Phúc)

580. Giá trị của hy sinh

Hy sinh là một phần tất yếu trong cuộc sống.
Mọi khao khát của bạn đều phải được trả bằng một cái giá nào đó.
Một ước mơ thành hiện thực cũng đồng nghĩa rằng bạn đã phải từ bỏ một số điều nhất định.
Khi cân nhắc những điều phải từ bỏ, bạn sẽ có cơ hội biết được ước muốn của mình mãnh liệt đến thế nào.
Nếu kết quả cuối cùng xứng đáng, thì sự hy sinh của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng và dễ thực hiện hơn.
Chỉ có bạn mới có thể quyết định bạn sẵn sàng mất đi thứ gì để chiến thắng! (Thay Thái Độ - Đổi Cuộc Đời)
 
Tha nhân là thân thể Chúa Giê-su
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:28 22/11/2008
Tha nhân là thân thể Chúa Giê-su
(Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 34 thường niên. Tin Mừng Matthêu 25, 31-46)

Một linh mục nọ ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ rằng: "Khi trao Mình thánh Chúa cho anh chị em, tôi nâng Mình Thánh Chúa lên và nói: Mình Thánh Chúa Ki-tô!

Tất cả anh chị em đều tin thật đó là Mình Thánh Chúa và từng người đáp lại: Amen, nghĩa là mỗi người tuyên xưng đó chính là Mình Thánh Chúa thật sự và cung kính rước Người vào lòng.

Thế nhưng, nếu tôi chỉ vào từng người ngồi quanh đây và nói: Đây là những thành phần thân thể Chúa Giê-su thì có lẽ anh chị em không tin người đó thuộc về thân thể Chúa, không tỏ lòng tôn kính và không muốn đón rước người đó vào nhà mình, nếu không ưa thích người đó.

Ngay lúc đó, dưới hàng ghế giáo dân có tiếng xì xào. Hình như nhiều người không đồng quan điểm với Cha sở về nội dung nầy.

Sau thánh lễ hôm ấy, một thanh niên đến gặp cha sở và thưa:

- Thưa cha, trong bài giảng hôm nay, chúng con giật mình khi nghe Cha nói từng người chung quanh chúng ta đây, tất cả mọi người, kể cả người tội lỗi… đều là thân thể Chúa Giê-su.
- Thế Anh không tin mọi người là thân thể Chúa Giê-su sao?
- Con tin tấm bánh thánh mà linh mục đã truyền phép và trao cho giáo dân rước lễ thật sự là Mình Thánh Chúa Giêsu; còn người cha, người mẹ, người anh chị em, người láng giềng… không thể là thân thể Chúa được. Cha có bằng chứng gì chứng tỏ tha nhân là thân thể Chúa Giê-su không?
- Nói có sách, mách có chứng. Bằng chứng đây (giơ cuốn Tân Ước ra), anh hãy đọc Thánh Phao-lô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rinh-tô: "Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?" (I Cr 6, 15).
- Thật thế ư? Thế thì Cha có biết vì sao thánh Phao-lô nói bạo như thế không?
-Thánh Phao-lô dạy điều nầy căn cứ vào kinh nghiệm bản thân. Hồi ấy, Phao-lô chưa tin vào Chúa Giê-su, ông nhiệt thành với lề luật và hăm hở tìm bắt những người theo Chúa Giê-su. Nên nhớ là vào thời điểm đó Chúa Giê-su đã sống lại và lên trời rồi.

Trên đường Damas, Phao-lô bị quật ngã và có tiếng Chúa Giê-su vang lên giữa thinh không: "Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Phao-lô hết sức kinh hoàng: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Có tiếng từ trời đáp: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ". (Cv 22, 6-9)

Thế là từ hôm ấy, Phao-lô không dám bắt bớ các tín hữu nữa, vì ông biết rằng: họ là những Giê-su khác, bắt bớ họ là bắt bớ Chúa Giê-su.

Người thanh niên vẫn còn hoài nghi, anh hỏi tiếp:

- Vậy thưa cha, đó là giáo lý của thánh Phao-lô. Còn về phần Chúa Giê-su, có bao giờ Người dạy như thế không?
- Có chứ! Nào, mời anh lật qua Tin Mừng Matthêu, chương 25, trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng. Đó là bài chúng ta vừa nghe đọc hôm nay đây.

Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giê-su tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Người mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà… Nói như thế, Chúa Giê-su tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, bất cứ ai cũng được Chúa Giê-su nhìn nhận là chính Người.

- Thật thế ư? Vậy mà lâu nay con không ý thức điều đó. Và thưa cha, sách giáo lý công giáo có chỗ nào nói như thế không cha?
- Đây, giáo lý công giáo đây, anh mở ra xem, bài nói về Bí tích thánh tẩy, số 1267: "Bí tích thánh tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô".
- Thế các Đức Giáo Hoàng có dạy như thế không?
- Đây nữa (chìa sách ra), Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong tâm thư gửi các gia đình có viết, anh đọc thử xem: "Thiên Chúa đã đồng hoá với người cha, người mẹ, người con trong gia đình. Những gì mỗi thành viên trong gia đình làm cho nhau là làm cho chính Chúa".
- Thưa Cha, khi mới bước vào gặp cha, con không tin tha nhân là thuộc thành phần thân thể Chúa Giê-su, nhưng bây giờ thì con đã tin. Nhưng xin hỏi cha, vậy con có buộc phải tôn kính tha nhân như tôn kính Chúa trong nhà thờ không?
- Trước hết, anh hãy nghe lời dạy của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta. Hôm ấy, có một thiếu nữ Ấn-độ đến gặp Mẹ Tê-rê-xa Calcutta để tìm hiểu Hội Dòng của Mẹ. Trước hết, Mẹ nói với người thiếu nữ ấy: "Con hãy qua nhà hấp hối. Ở đó, con sẽ gặp nhiều người bất hạnh nghèo khổ, bệnh tật đang nằm chờ chết. Con hãy săn sóc an ủi họ".

Thiếu nữ vừa quay lưng đi thì Mẹ Tê-rê-xa gọi giật lại: "Nầy con, khi dâng thánh lễ, con thấy linh mục trân trọng mình thánh Chúa Giê-su sau khi truyền phép thế nào, thì con cũng hãy trân trọng những con người bất hạnh ấy như thế".

Nói như thế, Mẹ Tê-rê-xa Calcutta muốn dạy rằng: mỗi một con người dù bần cùng khốn khổ đến đâu cũng phải được tôn trọng như thuộc về thành phần thân thể mầu nhiệm của Chúa.

- Ngoài Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, có vị thánh nào khác tôn trọng con người như chính Chúa Giê-su nữa không?
- Có nhiều: thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Elisabet Hung-ga-ri, thánh Phanxicô At-xi-di, vv. Có lần Phanxicô gặp một người phong hủi rất ghê tởm. Ban đầu Anh định xa lánh, nhưng sau đó, Phanxicô cảm nhận ra người phong hủi đó là một phần thân thể bị thương tích, bị lở loét của Chúa Giê-su, nên Anh đã đến chào hỏi và ôm hôn người phong hủi đó.
- Thưa cha, con thấy nhiều tín hữu rất mực tôn kính Chúa Giê-su trên bàn thờ, còn những chi thể sống động của Chúa Giê-su trong đời thường thì hình như không được ai tôn kính.
- Đúng thế! Vì vậy, thánh Gioan kim khẩu dạy chúng ta đừng phân biệt đối xử giữa Chúa Giê-su trong nhà thờ và Chúa Giê-su ngoài nhà thờ. Chúa Giê-su trong nhà thờ và Chúa Giê-su ngoài nhà thờ, tức là những anh chị em khác, phải được tôn trọng như nhau. Để tôi đọc cho anh nghe lời dạy của người:

"Bạn muốn tôn kính Đức Ki-tô ư? Chớ khinh chê anh chị em mình khi họ bần cùng trần trụi. Đừng có thái độ nầy là trong nhà thờ thì tôn kính, nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho thân thể ấy phải giá lạnh và trần trụi. Thân thể Chúa ở đây (trong nhà thờ) không cần y phục, nhưng cần tâm hồn trong trắng; còn thân thể Chúa ngoài kia (tức là tha nhân) thì cần được chăm lo tận tình."

- Thưa cha, dường như đối với nhiều người, việc khinh dể, nhạo báng, xúc phạm đến anh chị em chung quanh là chuyện nhỏ, chẳng có gì đáng quan tâm.

- Đó là một sai lầm tai hại vì đến ngày phán xét, Chúa Giê-su sẽ nói với những kẻ ấy rằng: "Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào chốn cực hình đời đời dành cho ma quỷ và các thần dữ, vì xưa kia, ngươi đã khinh dể, nhạo báng, xúc phạm đến ta!..."

Nội dung trên đây là giáo lý cốt tuỷ của đạo thánh Chúa. Nếu chúng ta tuân giữ được giáo huấn cốt tuỷ nầy thì đã nắm chắc được chiếc vé vào cửa thiên đàng trong tay, vì thánh Phao-lô trong thư Rôma khẳng định rằng: "Ai yêu thương người là đã chu toàn lề luật" (Rm 13, 10) Nguyện xin Chúa giúp chúng ta giữ trọn giáo huấn nầy để làm cho thế giới nầy ấm lên bằng tình yêu thương nhân ái, đồng thời nhờ đó, tất cả chúng ta mai đây sẽ được Vua Giê-su mời đón vào hưởng hạnh phúc đời đời với Người trên thiên quốc.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh sắp bổ nhiệm tân bộ trưởng Thánh Bộ Phụng Tự
Bùi Hữu Thư
17:13 22/11/2008

Tòa Thánh sắp bổ nhiệm tân bộ trưởng Thánh Bộ Phụng Tự



Rôma, ngày 21, tháng 11, 2008
(CWNews.com) – Một nhà quan sát được kính nể tại Vatican tiên đoán Tòa Thánh sắp tuyên bố việc bổ nhiệm một bộ trưởng mới cho Thánh Bộ Phụng Tự.

Andrea Tornielli của báo Il Giornale viết là Đức Hồng Y Antonio Canizares Llovera Đức Hồng Y Antonio Canizares Llovera thuộc Tổng Giáo Phận Toledo, Tây Ban Nha, sẽ được bổ nhiệm làm tân bộ trưởng vào khoảng đầu tháng 12. Ông Tornielli đưa ra lời tiên đoán này sau khi Đức Hồng Y Canizares được ĐTC Benedict XVI tiếp kiến trong một cuộc triều kiến riêng ngày 20 tháng 11.

Việc bổ nhiệm Hồng Y Canizares làm bộ trưởng một thánh bộ của Tòa Thánh đã được đồn đại từ nhiều tháng qua. Đương kim bộ trưởng Thánh Bộ Phụng Tự là Đức Hồng Y Francis Arinze đã 76 tuổi – lớn hơn 1 năm tuổi bình thường để về hưu. Ông Tornelli ghi nhận, Đức Hồng Y Arinze sẽ mừng lễ Kim Khánh 50 năm chịu chức linh mục ngày 23 tháng 11. Nhân dịp này các hồng y bạn có thể chúc mừng Đức Hồng Y người Nigeria vì đã phục vụ tại Tòa Thánh được 24 năm.

Đức Hồng Y Canizares được coi là một người ủng hộ mạnh mẽ ĐTC Benedict XVI về các vấn đề phụng vụ. Việc bổ nhiệm ngài có thể giúp mở đường cho một sự thay đổi khác: ông Tornielli tiên đoán là sang năm, Thư Ký Thánh Bộ Phụng Tự, Đức Tổng Giám Mục Malcolm Ranjith Patabendige Don, sẽ được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục tổng giáo phận Colombo tại quê hương của ngài là Sri Lanka. Tổng Giám Mục Ranjith cũng được coi là một người ủng hộ Đức Giáo Hoàng mạnh mẽ, được chính ĐTC Benedict XVI lựa chọn cho vai trò đương thời tại Vatican. Các tin đồn về việc ngài có thể ra đi đã khiến cho nhiều người lo ngại nhất là các người công giáo bảo thủ, vì họ có rất nhiều cảm tình đối với ngài. Việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Canizares có thể làm giảm bớt các ưu tư này, và dọn đường cho Tổng Giám Mục Ranjith trở về quê hương. Ông Tornielli suy đoán là Đức Hồng Y người Siri Lanka – một người đã lên tiếng mạnh mẽ trong thời gian ngài ở Rôma, đôi khi đã làm cho nhiều giới chức Vatican tức giận – có thể được bổ nhiệm vào Hội Đồng Hồng Y như dấu chỉ của việc ngài ủng hộ Đức Thánh Cha.

Tòa Thánh chưa tuyên bố gì về việc thay đổi vị lãnh đạo Thánh Bộ Phụng Tự. Tuy nhiên, báo cáo của ông Tornielli đã có tiếng vang vì thích hợp với các tin đồn đã được loan truyền trong nhiều tháng qua. Ông Tornielli công nhận có nhiều nguồn dữ liệu về tin tức bên trong Vatican. Danh tiếng của ông như một nhà tiên đoán các việc bổ nhiệm của Tòa Thánh đã vững chắc hơn vào tháng 7 năm nay, khi ông tiên đoán Đức Hồng Y Angelo Amato sắp được bổ nhiệm làm bộ trưởng Thánh Bộ Phong Thánh. Việc bổ nhiệm này được công bố chỉ vài ngày sau khi tiên đoán của Tornielli được đăng tải trên báo chí.

Đức Hồng Y Antonio Canizares Llovera


Đức Hồng Y Francis Arinze


Đức Hồng Y Angelo Amato
 
Giám Mục Hoa Kỳ chống đối quyền tự do của Đạo Luật Lựa Chọn
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:46 22/11/2008
Gọi sự đó là gây chia rẽ, “luật pháp tồi tệ”

BALTIMORE- MARYLAND (Zenit.org).-Các Giám Mục U.S.

phê phán Quyền Tự do của Đạo luật Lựa Chọn như là “luật pháp tồi tệ” cuối cùng sẽ gây chia rẽ hơn nữa trong quốc gia.

Đức Hồng Y Francis George, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ., đã nói điều này trong một tuyên bố phát hành nhân danh các giám mục quốc gia. Hội Đồng đã phê chuẩn tuyên ngôn khi kết thúc hội nghị mùa Thu ba ngày được tổ chức tại Baltimore kỳ vừa qua.

Khi hứa làm việc với chính quyền Obama về những vấn đề kinh tế, công bằng, di dân, giáo dục, y tế và tự do tôn giáo, Đức Hồng Y đã nhắc tổng thống đắc cử rằng một “quốc gia tốt bảo vệ mạng sống của mọi người.”

Tuyên ngôn đã gọi quyết định Toà Tối cao ủng hộ quyền phá thai trong Roe v. Wade là một “quyết định xấu của toà,” và cảnh cáo rằng nó có thể sớm “bị lưu trữ trong luật pháp xấu còn cấp tiến hơn là chính quyết định của Tòa Thượng Thẩm vào 1973.”

Qui chiếu về Quyền Tự Do của Đạo Luật Lựa Chọn (FOCA), Hồng Y George đã nói luật sẽ “ làm dân chúng Mỹ trong tất cả 50 tiểu bang mất quyền tự do mà bây giờ họ có hầu đề ra những hạn chế khiêm tốn và những qui tắc về kỷ nghệ phá thai.”

Ngài nói tiếp: “FOCA sẽ bắt ép tât cả mọi người Mỹ phải trợ cấp và cổ võ sự phá thai với những tiền thuế của họ. Điều đó sẽ chống lại bất cứ và tất cả những cố gắng chân thành của chính phủ và những kẻ khàc có thiện chí hầu làm giảm con số phá thai trong đất nước chúng ta.

“Luật pháp phải bãi bỏ sự khai báo của cha mẹ và những thông báo sự đồng thuận, cũng như bãi bỏ những luật đang ngăn cấm những thủ tục như sự phá thai một phần và sự bảo vệ những em bé sinh ra còn sống sau khi phá thai không thành sự. Những bịnh viện phá thai phải bị hủy bỏ.

“The Hyde Amendment (sự sửa đổi Hyde) hạn chế qũi tài trợ liên bang cho những sự phá thai phải được hủy bỏ. FOCA sẽ sinh ra những hậu quả chết chóc đối với nhân mạng trước khi sinh.”

Gây chia rẽ

[Đức Hồng Y ] nói đạo luật đó “ cũng sẽ có một hiệu lực phá hoại trên quyền tự do của các bác sĩ, ý tế và nhân viên y tế mà những xác tín cá nhân không cho phép họ cộng tác trong sự giết chết những trẻ em chưa sinh. Đìêu đó cũng đe dọa những cơ chế ý tế Công Giáo và những tổ chức Bác Ái Công Giáo.”

“Đó là một luật xấu sẽ chia rẽ hơn nữa xứ sở chúng ta, và Giáo Hội sẽ quan tâm hết sức trong việc chống đối sự dữ,” Hồng Y George nói.

“Về vấn đề này, tức là sự bảo vệ hợp pháp những em chưa sinh, các giám mục chung một ý với những người Công Giáo và những ngườ khác có thiện chí,” chủ tịch hội đồng giám mục nói. “ Các ngài cũng là những mục tử, những kẻ đã nghe các người nữ mà những sự sống đã bị sút giảm bởi vì họ tin họ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phá thai giết một em bé.

“Sự phá thai là một thủ tục y tế giết chết, và những hậu quả tâm lý và thiêng liêng được viết trong sự buồn rầu và sự trầm cảm của nhiều ngừoi nữ và người nam. Các gíam mục chỉ có một ý bởi vì các ngài là, trước hết, có một lòng.”

“Sự bàu cử gần đây chủ yếu được quyết định vì quan tâm đến nền kinh tế, vì sự mất những việc làm và nhà cửa và an ninh tài chánh cho các gia đình, ở đây và trong thế giới,” hồng y nói tiếp. “Nếu sự bàu cử được giải thích sai như là một sự trưng cầu dân ý về sự phá thai, thì sự hiệp nhất mà tổng thống đắc cử Obama và mọi người Mỹ ao ước trong tình thế khủng hoảng này không thể hoàn thành được.

“Sự phá thai giết không những các bé chưa sinh; nó phá hủy trật tự hiến định và công ích, chỉ được bảo đảm khi sự sống của mỗi người được luật pháp bảo vệ. Nhữrng chính sách, những trật tự lập pháp và hành pháp phò - phá thai một cách cách hung hăng, sẽ mãi mãi làm cho hàng triệu triệu người Mỹ ra xa lạ, và sẽ được nhiều người thấy như là một đòn tấn công sự thực hành tự do tôn giáo của mình.”
 
Giám Mục Hoa Kỳ quan ngại đến chính sách phá thai của Tổng Thống tân cử Obama
Ngọc Loan
04:46 22/11/2008
WASHINGTON Nhiều vị Giám Mục Hoa Kỳ đã ghi nhận đến tính cách lịch sử khi Tổng Thống tân cử Barack Obama là người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên đã thắng cử vào Nhà Trắng, có vị bày tỏ đó như là “một biến chuyển quan trọng và cảm động”, trong khi có vị bày tỏ đến niềm hy vọng mở ra “một kỷ nguyên cho sự hài hòa chủng tộc”

Thế nhưng, các vị giám mục cũng đưa ra lời cảnh cáo, báo hiệu rằng tân cử tổng thống có thể đưa đến sự chia rẻ đối với dân tộc nếu ông ủng hộ luật pháp mà nó có thể thay đổi luật lệ trên việc phá thai.

Qua những thông tư và những cột báo được phát hành trên các tờ báo tại các giáo phận vào trung tuần tháng 11 vừa qua, nhiều vị giám chức đã lập về sứ điệp sau cuộc bầu cử đã được ấn hành vào ngày 12/11 trong Hội Nghị Mùa Thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Trong sứ điệp đó, các giám mục đã nhấn mạnh sự quan ngại của các ngài đến con đường khả thi về Sắc Luật Tự Do Chọn Lựa trong chính quyền Obama, và đã nói việc thi hành luật của Sắc Luật này là “một luật gian ác nó sẽ chia rẽ quốc gia chúng ta hơn nữa” và thêm rằng giáo hội “sẽ kiên quyến chống đối đến điều gian ác”

Qua những thông điệp riêng, các giám mục cũng nhấn mạnh một lần nữa mối quan ngại đến chiều kích này.

Những bản thảo về Sắc Luật Tự Do Lựa Chọn đã được đệ trình trong Quốc Hội từ đầu thập niên 90. Và bản sắc luật mới nhất được đưa ra và tháng 4/2007, qua đó sẽ thiết lập một sự bảo vệ phá thai trên toàn liên bang, được coi như ra “quyền căn bản” trong suốt thời gian 9 tháng mang thai, không đếm xỉa gì tới những luật lệ giới hạn đến nó. Trong thông tư vào đầu tháng Giêng 2008, Obama đã nói rằng ông sẽ ủng hộ đến việc ban hành sắc luật này.

Đức Tổng Giám Mục Edwin F. O'Brien tại Tổng Giáo Phận Baltimore đã nói việc ủng hộ của Obama đến Sắc Luật Tự Do Lựa Chọn là “một quan ngại đặc thù đối với Công Giáo và đối với những người kiếm tìm cổ võ đến một văn hóa sự sống”. Trong cột báo của tờ “The Catholic Review” là tờ báo của Tổng Giáo Phận Baltimore, Đức Tổng đã nói thật là một sự quan trọng nguy cập đối gióng lên tiếng nói “quan tâm nghiêm trọng của họ’ để tuyển chọn những viên chức “không nhượng bộ cho thi hành luật” này.

Giám Mục Paul S. Coakey tại Salina, Kan., nói ngài hy vọng tổng thống tân cử “sẽ nhận thức đến việc ban hành luật tồi tệ này, sẽ lập tức làm cho hàng triệu người Mỹ tránh xa là những người cam kết với lòng trắc ẩn để bảo vệ mạng sống con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”

Đức Giám Mục Coakley đã nói thêm trong bản thông tư trong tờ báo của Giáo Phận Salina, tờ “The Register” rằng “ký những luật như thế sẽ làm hại đến lời hứa (của Obama) và khả năng thống nhất đất nước đã bị chia rẽ của chúng ta”.

Cũng tương tự như thế, Đức Tổng Giám Mục Alfred C. Hughes tại New Orleans đã chỉ trích vào ngày 15/11 đến lời húa của Obama sẽ ký bản Sắc Luật Tự Do Lựa Chọn. Đức Tổng nói việc cho thi hành luật sẽ đe dọa đến phẩm giá của “những anh chị em chưa được sinh ra của chúng ta”.

Đức Tổng cũng hy vọng tổng thống tân cữ sẽ “nhìn thấy sự khôn ngoan thống nhất đất nước trong việc ủng hộ đến sự sống trong mọi giai đoạn và kể cả những thai nhi chưa được sinh ra trong số những người mà quốc gia chúng ta tôn trọng và bảo vệ”.

Ít nhất đã có 2 bị giám mục Hoa Kỳ đã suy tư đến việc người Công Giáo đã đi bầu thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống. Đức Giám Mục Samnuel J. Aquila tại Fargo, N.D., đã ghi nhận trong suốt cuộc tranh cử tổng thống, Ngài đã “ngạn nhiên và lo buồn vì đã có ít người Công Giáo biết đến và chấp nhận huấn giáo của Giáo Hội đến vấn đề phá thai”.

Đức Cha đã nhận nhiều thư từ của những người Công Giáo đã than phiền là ngài “đã nói chưa đủ mạnh” để chống lại lập trường phá thai của ứng viên tổng thống, trong khi những người khác thì tự cho mình là “Công Giáo và phò - chọn lựa “ mà các giám mục đã bày tỏ coi như là họ “không xứng đáng”.

Trong cột báo của tờ báo Giáo Phận Fargo, tờ New Earth, Giám Mục Aquila nói thật là một “sự hiểu lầm nơi một số người Công Giáo cho rằng phá thai chỉ là một vấn đề trong số nhiều vấn đề khác”.

Ngài nói tín hữu Công Giáo nên quan tâm đến nền kinh tế, sự nhập cư, cuộc chiến tại Iraq và chăm sóc sức khỏe, thế nhưng phải ghi nhận rằng “quyền sống, từ lục thụ thai đến lúc chết tự nhiên phải là ưu tiên trong số những quyền lợi khác”.

Đức Giám Mục Nicholas Dimarzio tại Brookln, N.Y. đã đưa vấn đề khi so sánh “lá phiếu người Công Giáo”, ngài ghi nhận đến những kiểu mẫu chọn lựa giữa những người Công Giáo đi lễ đều đặn và toàn dân số Công Giáo. Đức Cha cho biết 58% người Công Giáo đã bầu cho Obama, thế nhưng 49% những người Công Giáo đi lễ hàng tuần đã bầu cho Obama.

Trong tờ báo “The Tablet” của Giáo Phận Brooklyn, Đức Cha đã nhấn mạnh đến mặc dầu các Giám Mục và các Linh Mục có thế giúp đỡ về nố lương tâm, các ngài không thể đưa ra lập tường ủng hộ các ứng cử viên hay là “nói cho họ người nào sẽ phải nên bầu, mặc dầu chúng tôi có thể vạch ra những vấn đề luân lý và lập trường của các ứng cử viên”.

Khi suy tư đến tính cách lịch sử trong cuộc tuyển cử năm 2008, nhiều vị giám mục nói các ngài hy vọng một vị người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được làm tổng thống sẽ hàn gắn những chia rẽ chủng tộc trong đất nước.

Đức Giám Mục Dimarzio nói cuộc tổng tuyển cử có thể là một tín hiệu mà chúng ta “đang vượt qua sự gian ác của việc kỳ thị chủng tộc và Giám Mục W. Francis Malooly tại Wilmington, Del., đã nói trong thông từ ngày 13/11 là ngài hy vọng triều tổng thống của Obama sẽ “giúp khởi xướng lên một tiến trình hòa giải chủng tộc sâu xa chưa từng xảy ra trong đất nước chúng ta, lịch sử đã làm kinh hãi vì tình trạng nô lệ, sự phân ly và kỳ thị chủng tộc.

Giám Mục Coakly nói sự tuyển chọn Obama đã chạm phải một dây cung trong lương tâm của dân tộc chúng ta một cách sâu xa”. Trong thông tư, Đức Cha cũng đã ghi nhận đến những người đã bầu cho Obama không biết họ có nghĩ rằng “ông ta rồi sẽ trở thành tổng thống chúng ta”.

“Chúng ta hàm ơn đến ông ta qua lòng kính trọng, sự ủng hộ và lời cầu nguyện của chúng ta” vì những công việc trước mắt thật kinh khủng.

Các vị giám mục khác cũng nói lên điều tương tư đến những thách đố cực độ mà tổng thống phải đối diện và cần đến sự hổ trợ và lời cầu nguyện đi đôi với tinh thần hợp tác làm việc.

Đức Tổng Giám Mục Thomas J. Rodi tại Mobile, Ala., nói tân thổng thống “sẽ thừa kế những thử thách gay go” như sự đe dọa của chiến tranh, sự tăng nhanh đến vũ khí hạt nhân có thể xảy ra, nạn đói, đau yếu, nghèo túng và những khó khăn kinh tế.

“Giải quyết những thử thách này không phải dễ dàng, chúng ta cần cầu ngưyện cho tổng thống chúng ta”.

Viết trong tờ báo “The Catholic Week” của Tổng Giáo Phận vào ngày 21/11, Tổng Giám Mục Rodi thêm rằng “phúc lợi tương lai của đất nước chúng ta kêu gọi chúng ta hãy cùng nhau làm việc”. Đức Tổng cũng tin rằng đất nước sẽ đoàn kết hơn dưới sự lãnh đạo của Obama không phải chỉ chủ yếu nhắm vào các vấn đề kinh tế.

“Trái lại nếu ông ta đeo đuổi một chương trình nghị sự nhằm hại đến truyền thống hôn nhân và tôn trọng sự sống, như nhiều người ủng hộ ông đã mạnh mẽ mong muốn, ông ta sẽ làm cho hành triệu người Mỹ tránh xa khỏi chính quyền ông và làm trầm trọng hơn sự chia rẽ trong đất nước”.
 
Top Stories
JFK and Vietnam: Kennedy's assassination 45 years ago today made it an American war
Gordon M. Goldstein
11:54 22/11/2008
Kennedy's assassination 45 years ago today made it an American war.

The assassination of John F. Kennedy 45 years ago today brought an abrupt end to what his admirers called Camelot, a presidential era of glamour, intelligence, wit and possibility. But the murder had an even more profound consequence: Nov. 22, 1963, was the single most significant day in the history of the Vietnam War.

Kennedy's assassination 45 years ago today
It's not possible to know for certain how Kennedy would have managed the crisis in Vietnam had he lived. But it's clear that he was determined to prevent Vietnam from becoming an American war and that he expected to withdraw fully during a second term.

At the point Kennedy assumed office in 1961, American military involvement in Southeast Asia was limited to arms shipments and a small number of advisors. But the South Vietnamese regime of Ngo Dinh Diem was facing an increasingly potent communist insurgency and, in the U.S., pressure was building to send in ground troops.

Over the course of the year, Kennedy's advisors presented him with half a dozen or more proposals to Americanize the war. In one, Secretary of Defense Robert McNamara, Secretary of State Dean Rusk and the Joint Chiefs of Staff argued that it would be difficult to prevent "the fall of South Vietnam by any measures short of the introduction of U.S. forces on a substantial scale."

Kennedy's advisors told him that to defend the Saigon regime might take more than 200,000 combat troops. McGeorge Bundy, national security advisor, believed that committing American troops was vital. "Laos was never really ours after 1954," Bundy explained to the skeptical president, invoking another Southeast Asian nation where Kennedy had resisted intervention. "Vietnam is and wants to be."

Kennedy was not receptive. Long before becoming president, he had spoken out in Congress against the disastrous French experience in Vietnam, citing it as a reason the U.S. should never fight a ground war there. In the summer of 1961, he said he had accepted the conclusion of Gen. Douglas MacArthur, who counseled against a land war in Asia, insisting that even a million American infantry soldiers would not be sufficient to prevail. He would offer military aid and training to Saigon, but he would not authorize the dispatch of ground forces.

Over the three years of his presidency, Kennedy sometimes invoked hawkish rhetoric about Vietnam. He also increased the military advisors and training personnel there to roughly 16,000. But McNamara and Bundy both came to believe that Kennedy would not have Americanized the war -- even if the price was communism in South Vietnam.

Ngo Dinh Diem and President Eisenhower
Kennedy realized that the inability of the United States to shut down the Ho Chi Minh Trail -- the lines of infiltration and resupply from North Vietnam -- would make it impossible to defeat the insurgency. "Those trails are a built-in excuse for failure," Kennedy told an aide in the spring of 1962, "and a built-in argument for escalation." Kennedy was so dubious he declared to White House aide Michael Forrestal that the odds against defeating the Viet Cong were 100 to 1.

In early 1963, Kennedy told Senate Majority Leader Mike Mansfield, who opposed increased U.S. involvement in Vietnam, that he would begin withdrawing advisors from South Vietnam at the beginning of his second term in 1965. Kennedy disclosed the same plan to Roswell Gilpatric, his deputy secretary of Defense. But the tragedy in Dallas in November 1963 changed everything.

What happened after Kennedy's death is a familiar story. Lyndon B. Johnson ran for president in 1964, and in August of that year he used an ambiguous incident in the Gulf of Tonkin to extract an open-ended congressional authorization for military action against North Vietnam. On March 8, 1965, Johnson sent the first 3,500 Marines to Vietnam. Within months he had approved deploying 175,000 combat troops.

If Kennedy had lived, he would have enjoyed enormous advantages in 1965. In a second term, Kennedy would have been invulnerable to the electorate. He would not have had Johnson's grand liberal agenda of Great Society legislation to ram through Congress. He had established a firm practice of overruling his advisors when necessary. And he would have entered his final four years as the champion of the Cuban missile crisis, a national security accomplishment that would have dramatically strengthened his hand.

"So he does not have to prove himself in Vietnam," Bundy retrospectively argued. "He can cut the country's losses then. He can do it by refusing to make it an American war."

That Kennedy as commander in chief was not provided the opportunity to determine a different fate for the United States in Vietnam deepens the tragedy of his loss and also underscores his profound legacy, still richly relevant 45 years later: The judgment of the commander in chief, soon to be resting on the shoulders of President-elect Barack Obama, ultimately determines the difference between war and peace.

(By Gordon M. Goldstein, Los Angeles Times, November 22, 2008, Gordon M. Goldstein is the author of "Lessons in Disaster: McGeorge Bundy and the Path to War in Vietnam," recently published by Times Books.)
 
Vietnamese Church Marks Decade As Parish
Erika Anderson, The Georgia
15:45 22/11/2008
RIVERDALE—It was a cultural celebration, full of the colors, sights and sounds of Vietnam.

Thousands of parishioners gathered in Our Lady of Vietnam’s large gymnasium on the chilly fall morning of Oct. 26 as Archbishop Wilton D. Gregory celebrated a milestone—the 10th anniversary of the beloved parish.

In the parish courtyard, young girls in traditional Vietnamese dresses performed a flower dance in front of the 13-foot statue of Our Lady of La Vang, the church’s patroness. As the congregation sang and prayed in Vietnamese, the girls placed their flowers at the feet of the statue. To conclude the outdoor ceremony, the archbishop released a large bouquet of balloons to the cheers of the enthusiastic crowd, who shaded their eyes as they watched them grow smaller in the cloudless sky.

Concelebrants with Archbishop Gregory at the Mass that followed included Msgr. Francis Pham Van Phuong, the pastor, and Father Richard Morrow, who fostered the growth of the Vietnamese community as a mission 30 years ago.

Msgr. Phuong began by thanking the archbishop for his support and speaking briefly of the parish’s history.

From 1976 to 1989 members of the Vietnamese community worshipped at St. John the Evangelist Church, Hapeville, where Father Morrow was pastor, and Msgr. Phuong served as the administrator of the Vietnamese apostolate. Our Lady of Vietnam Mission church in Forest Park was purchased by the Vietnamese Catholic community, with the assistance of the archdiocese in March 1989, and about nine years later in 1997 the new Our Lady of Vietnam Church in Riverdale was dedicated. Archbishop John F. Donoghue elevated Our Lady of Vietnam to a parish in October 1998.

“We are very grateful you are here today, Archbishop Gregory,” Msgr. Phuong said. “We thank God for the many years we had as a Vietnamese Catholic community in Hapeville and as a mission in Forest Park. We are grateful to the Archdiocese of Atlanta, and as a Vietnamese community of clergy and laity, we welcome you.”

Young Vietnamese dancers perform on the plaza at Our Lady of Vietnam Church, Riverdale
Msgr. Phuong then turned his words to their “benefactor,” Father Morrow.

“You have always inspired us with your words of kindness and wisdom,” Msgr. Phuong said. “We are grateful to you.”

In his homily, Archbishop Gregory expressed his great joy in celebrating the parish’s anniversary.

“I rejoice with the Vietnamese community as you celebrate this special time of year,” he said.

At the conclusion of the Mass, Hung Nguyen, president of the parish council, thanked the archbishop and concelebrating priests, each of whom were presented with a large bouquet of flowers. Father Morrow, too, spoke to the congregation and offered his congratulations.

“I am very much impressed with the faith I have seen here this morning—from the youngest member to the oldest,” he said. “You can tell that God is here. Thank you for your good example.”

Nguyen has been a member of the community for 30 years. He said it was important for those coming to this country from Vietnam to be able to keep their traditions alive.

“At the beginning, we had no community, and we were lucky to have Father Morrow,” he said, adding that Father Morrow asked Msgr. Phuong to come to Atlanta to lead the community. “Msgr. Phuong witnessed a lot. At the beginning, he would take people to look for jobs and take pregnant women to the hospital when they were in labor because he could speak English.”

Now the community has grown to more than 700 families. Nguyen said it was important for the young children, growing up in the United States, to learn Vietnamese traditions.

“The Vietnamese children, though they are American, always eventually look to the Vietnamese community to learn of their own traditions. They want to find their roots,” he said.

John Huynh, 24, a teacher at Pinecrest Academy in Cumming, is one young member of the parish who embraces his Vietnamese heritage.

“When our family moved here to Georgia, one of the first things my parents looked for was a Vietnamese community,” he said. “Having a Vietnamese church as part of our everyday lives was a priority to my parents, which therefore made it a priority in my life.”

Huynh laughed as he remembered Msgr. Phuong telling him that he would not be allowed to eat the delicious Vietnamese egg rolls prepared by the women in the parish if he did not learn the Vietnamese Catholic traditions. He said while growing up he sometimes longed to be more like his American friends, who brought sandwiches for lunch, while he brought the three course meals prepared by his mother that required chopsticks and several bowls.

“To learn about the traditions became very important to me as I was growing up,” he said. “How many people are raised knowing two languages, two cultures and two traditions? As I was growing up, I really never understood why my parents were pushing the tradition so hard, but as I was entering high school, I soon realized that it was not them forcing the tradition, but rather they were helping me understand the potential of who I really am.”

“It was a blessing and extremely honorable,” he said. “I felt blessed to partake of this great privilege to see the vibrant community during the ceremony.”

Van Dang, a member of the women’s Marian group, also felt honored to be there.

“We thank God for everything we have. Everything we have is a miracle,” she said. “Today is a very special day for us and our wonderful community.”
 
Challenges and perspectives for social work in Vietnam
Asia-News
15:53 22/11/2008
An international conference in Hanoi highlights the current shortcomings in the formation of social workers, and the need to create small teams. But the government wants to control everything, and doesn't want Catholics in the field.

Hanoi (AsiaNews) - Vietnam is expanding and needs social workers, who are in short supply and above all lack adequate formation. The communist government also does not want Catholics participating in social and educational activities. This creates new difficulties for Catholic teachers, and social workers suffer the consequences.

Focus on social activity in the country, beginning in 1987 - when Vietnam opened its doors to economic and social development - has come in recent days during a meeting at the University of Labour and Social Affairs in Hanoi, on the occasion of the 11th international day of social work. More than 500 people participated in the celebration.

The encounter was organized in collaboration with the Save Children Fund of UNICEF, and the Save Children groups of Sweden and Great Britain, in addition to various nongovernmental organizations. It was held in a city in which the population has suffered from heavy flooding in recent weeks.

The purpose of the meeting was to evaluate the results of social work beginning in 1987. Vietnam is a developing country, and needs to invest in professional social work. The government wants to control all sectors of social work, of social welfare, and community development projects.

Harsh judgment of Vietnam's educational system was expressed by Nguyen Thi Oanh, who has a master's degree in social work and for many years has worked with Tuoi Tre, a government newspaper. "The system," she said, "is very bad. Professors who are teaching social work subjects are not social work lecturers. Most of them are medical doctors, psychological, historical and even political professors. So we need to have quality social work training."

"We cannot organize a big association of social work at the central level," she continued. "We should organize social work associations or groups of the north, the center, and the south. If we divide into small groups of social work, we can carry out activities of social work well."

But the government wants to control everything, and does not want the presence of Catholics.
 
Sfide e prospettive del lavoro sociale in Vietnam
Asia-News
15:54 22/11/2008
Un incontro internazionale svoltosi a Hanoi evidenzia le attuali carenze nella formazione degli operatori e la necessità che si creino piccoli gruppi operativi. Ma il governo vuole controllare tutto e non vuole la presenza dei cattolici in tale campo.

Hanoi (AsiaNews) – Il Vietnam, che è in crescita, ha bisogno di operatori sociali, che scarseggiano e soprattutto manca una adeguata formazione per chi vuole entrare in tale attività. Il governo comunista, peraltro, non vuole che i cattolici partecipino alle attività sociali ed a quelle educative. Il che crea nuove difficoltà per i docenti cattolici e gli operatori sociali ne soffriranno.

Un punto sulle attività di lavoro sociale nel Paese, a partire dal 1987 – quando il Vietnam ha aperto le porte allo sviluppo economico e sociale – è stato fatto nei giorni scorsi in occasione di un incontro alla Università del lavoro e degli affari sociali ad Hanoi, in occasione della 11ma Giornata internazionale del lavoro sociale. Alla celebrazione hanno preso parte più di 500 persone.

L’incontro è stato organizzato in collaborazione con il Save Children Fund dell’UNICEF ed i gruppi Save Children di Svezia e Gran Bretagna, oltre a diverse organizzazioni non governative e si è svolto in una città nella quale la popolazione ha sofferto per la grande alluvione delle settimane scorse.

L’incontro ha avuto dunque l’obiettivo di valutare i risultati del lavoro sociale a partire dal 1987. Il Vietnam è un Paese in via di sviluppo ed ha bisogno di investire in lavoro sociale professionale. Il governo vuole controllare tutti i settori del lavoro sociale, della previdenza sociale ed i progetti di sviluppo.

Un duro giudizio sul sistema educativo del Vietnam è venuto dalla signora Nguyen Thi Oanh, master in lavoro sociale, per molti anni collaboratrice di Tuoi Tre, giornale del governo. Il sistema, ha detto “attualmente è veramente cattivo. Coloro che insegnano materie sociali non hanno riparazione specifica. Molti di loro sono specializzati in altre cose, sono medici, psicologi, storici e perfino docenti di politica. Le materie sociali debbono mettere a fuoco su teoria e pratica ed ogni studente di lavoro sociale deve avere buoni programmi di preparazione, libri e luoghi di formazione al lavoro”.

“Non possiamo organizzare – ha sottolineato poi – una grande organizzazione di lavoro sociale a livello centrale. Bisogna organizzare associazioni o gruppi di lavoro sociale per il nord, il centro ed il sud. Se ci dividiamo in piccoli gruppi, possiamo organizzare un lavoro sociale di buon livello”.

Ma il governo vuole controllare tutto e non vuole la presenza dei cattolici.
 
State-established Vietnamese Patriotic Catholic Association collapses
J.B. An Dang
21:09 22/11/2008
The meeting of a “patriotic Catholic” committee has marked the failure of Communists in a series of attempts to set up a Chinese style state-run Catholic Church in Vietnam.

After so many postpones, the fifth meeting of the so-called "Vietnam Committee for Solidarity of Catholics (VSSC)" scheduled to be held in 2005, finally took place in Hanoi on Nov. 19-20, but only to prove that the plot to establish a Patriotic Church loyal to the Party has now failed.

A report of state-run Vietnam News Agency on Nov. 12, a week ahead of the meeting, stated that the fifth congress would take place “with the attendance of 425 delegates, including 145 priests.” However, after the congress had concluded, the number of attendance was intentionally not reported.

Days after the meeting, in an abnormally short report, VietNamNet, another state-run News Agency, stated that the congress elected “128 members, including 74 priests, four clergymen and 50 followers, to the 5th VCSC.” It intentionally left the number of attendance for its readers to guess.

By guessing, one may think that there were at least 128 people joining in the meeting with a minimum of 74 priests. In fact, a priest who was forced to attend the conference spoke on condition of anonymity that “only a few dozens attended in a somber atmosphere,” and “no pictures were allowed to take as they could demonstrate that the plot [to create a Patriotic Church] had failed.”

During the meeting, attendances discussed a revised charter to be more updated with the current situation in Vietnam in which the task to set up a Church under directives of the Party – not the Vatican - is now considered “completely impossible”. State-run media reported that the committee would focus more on “calling upon Vietnamese Catholics at home and abroad to actively participate in a wide range of social activities in a myriad of areas, from work, study and business to production and humanitarian acts, and to continue working for national socio-economic development.”

Ironically, not to wait for the call of the committee, the Church in Vietnam has actively participated for years in social activities. Moreover, bishops have repeatedly asked the government to allow the Church to participate more on some specific areas that the Church has been proven to be capable of such as education, and health care. So far all of their petitions have gone into deaf ears.

Soon after the takeover in the North, Vietnamese communist government followed its Chinese counterpart in religion policies: it tried its best to set up a state-controlled Catholic Church. The “Liaison Committee for Patriotic and Peace-Loving Catholics” was born in March 1955. The attempt failed thanks to the fidelity to Christ and His Church of Bishops, priests, religious and the laity. While other religions were divided into an official (or state-approved) one and an underground one, there was only one Catholic Church in North Vietnam completely loyal to Christ and His Church even at the price of grave sufferings. As a result, alternative policies were applied, typically – the clergy eradication and the Church property confiscation policies.

Another attempt was taken in 1975 with the born of the “Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics” after communists had seized the whole country.

At first, communists seemed to achieve their objective when a significant number of Catholics joined the committee, especially after the imprisonment of thousands of Catholic priests, including the then Auxiliary Bishop of Saigon, Francis Nguyen Van Thuan, who later was elevated to Cardinal and chaired the Vatican Pontifical Council for Justice and Peace.

Tables were turned after the Mass at the conclusion of the first congress of VCSC in December 1976 when concelebrating priests shocked attendances by intentionally leaving out completely the Prayer for the Pope, an act seen as a symbol of the tendency to break the tie with Vatican.

The fate of “Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics” was decided after a letter from The Holy See warning the clergy who involved in the committee. Most of priests withdrew from the committee when the letter was published in 1985.

“Most bishops in Vietnam explicitly asked their priests not to join the committee. For most Catholics in Vietnam, the involvement of priests in the committee confuses people if not to say a big scandal. Many Catholics might join the committee with a good intention to bridge misunderstandings between Communists and Catholics. With recent open persecutions against the Church, they now realize that their presence in the committee does not help Communists to overcome their prejudices against Catholics,” Fr. Joseph Nguyen reported from Hanoi.
 
State-established Vietnamese Patriotic Catholic Association collapses
J.B. An Dang
21:55 22/11/2008
The meeting of a “patriotic Catholic” committee has marked the failure of Communists in a series of attempts to set up a Chinese style state-run Catholic Church in Vietnam.

After so many postpones, the fifth meeting of the so-called "Vietnam Committee for Solidarity of Catholics (VSSC)" scheduled to be held in 2005, finally took place in Hanoi on Nov. 19-20, but only to prove that the plot to establish a Patriotic Church loyal to the Party has now failed.

A report of state-run Vietnam News Agency on Nov. 12, a week ahead of the meeting, stated that the fifth congress would take place “with the attendance of 425 delegates, including 145 priests.” However, after the congress had concluded, the number of attendance was intentionally not reported.

Days after the meeting, in an abnormally short report, VietNamNet, another state-run News Agency, stated that the congress elected “128 members, including 74 priests, four clergymen and 50 followers, to the 5th VCSC.” It intentionally left the number of attendance for its readers to guess.

By doing Math, one may think that there were at least 252 peoples (128 + 74 + 50) joining in the meeting with at least 74 priests. In fact, a priest who was forced to attend the conference spoke on condition of anonymity that “only a few dozens attended in a somber atmosphere,” and “no pictures were allowed to take as they could demonstrate that the plot [to create a Patriotic Church] had failed.”

During the meeting, attendances discussed a revised charter to be more updated with the current situation in Vietnam in which the task to set up a Church under directives of the Party – not the Vatican - is now considered “completely impossible”. State-run media reported that the committee would focus more on “calling upon Vietnamese Catholics at home and abroad to actively participate in a wide range of social activities in a myriad of areas, from work, study and business to production and humanitarian acts, and to continue working for national socio-economic development.”

Ironically, not to wait for the call of the committee, the Church in Vietnam has actively participated for years in social activities. Moreover, bishops have repeatedly asked the government to allow the Church to participate more on some specific areas that the Church has been proven to be capable of such as education, and health care. So far all of their petitions have gone into deaf ears.

Soon after the takeover in the North, Vietnamese communist government followed its Chinese counterpart in religion policies: it tried its best to set up a state-controlled Catholic Church. The “Liaison Committee for Patriotic and Peace-Loving Catholics” was born in March 1955. The attempt failed thanks to the fidelity to Christ and His Church of Bishops, priests, religious and the laity. While other religions were divided into an official (or state-approved) one and an underground one, there was only one Catholic Church in North Vietnam completely loyal to Christ and His Church even at the price of grave sufferings. As a result, alternative policies were applied, typically – the clergy eradication and the Church property confiscation policies.

Another attempt was taken in 1975 with the born of the “Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics” after communists had seized the whole country.

At first, communists seemed to achieve their objective when a significant number of Catholics joined the committee, especially after the imprisonment of thousands of Catholic priests, including the then Auxiliary Bishop of Saigon, Francis Nguyen Van Thuan, who later was elevated to Cardinal and chaired the Vatican Pontifical Council for Justice and Peace.

Tables were turned after the Mass at the conclusion of the first congress of VCSC in December 1976 when concelebrating priests shocked attendances by intentionally leaving out completely the Prayer for the Pope, an act seen as a symbol of the tendency to break the tie with Vatican.

The fate of “Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics” was decided after a letter from The Holy See warning the clergy who involved in the committee. Most of priests withdrew from the committee when the letter was published in 1985.

“Most bishops in Vietnam explicitly asked their priests not to join the committee. For most Catholics in Vietnam, the involvement of priests in the committee confuses people if not to say a big scandal. Many Catholics might join the committee with a good intention to bridge misunderstandings between Communists and Catholics. With recent open persecutions against the Church, they now realize that their presence in the committee does not help Communists to overcome their prejudices against Catholics,” Fr. Joseph Nguyen reported from Hanoi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại học Công giáo: Hiện tình trên thế giới và triển vọng phát triển tại Việt Nam
Lê Đình Thông
10:13 22/11/2008
Đại học Công giáo: Hiện tình trên thế giới và triển vọng phát triển tại Việt Nam

Giáo sư Claude Bressolette giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Paris đã phân biệt giữa các Đại Học của Giáo Hội (universités et facultés ecclésiastiques) và các Đại Học Công Giáo.:

- Các Đại Học của Giáo Hội được quy định trong Hiến Chế ‘‘Sapientia christiana’’ (1979), đặt trọng tâm vào mặc khải Kitô giáo (révélation chrétienne).

- Các Đại Học Công Giáo chịu sự chi phối của Hiến Chế ‘‘Ex Corde Ecclesiae’’ (1990) gồm nhiều bộ môn khác nhau nhằm phổ cập sự hiểu biết dưới ánh sáng của Tin Mừng. Các Đại Học Công Giáo tuyên xưng Đức Tin, đào tạo con người một cách toàn diện.

Bài này lần lượt giới thiệu về các Đại Học Công Giáo trên thế giới, nhiệm vụ của Đại Học Công Giáo, mô hình Đại Học Công Giáo Paris và triển vọng thành lập Đại Học Công Giáo ở Việt Nam..

1) Hệ thống các Đại Học Công Giáo trên thế giới:

Đại Học Công Giáo Giáo Hoàng (université pontificale) trực thuộc Tòa Thánh, giảng dạy các môn Thần học, Giáo luật, Kinh thánh và Triết học và các môn học khác. Danh sách các quốc gia có Đại Học Công Giáo gồm có:

Âu Châu : Ý (Đại Học Giáo Hoàng Thánh Antoine, ĐHGH Thánh Bonaventure, ĐHGH Thánh Thomas d’Aquin, ĐHGH Thánh Giá, ĐHGH Regina Apostolorum, ĐHGH Urbaniana, ĐHGH Salésienne, ĐHGH Thánh Tâm, Học Viện Gioan-Phaolô II, Pháp (Paris, Toulouse, Lille, Đại Học Công Giáo miền Tây (Ouest), Lyon), Đức (Eihstatt), Bỉ (Louvain), Tây Ban Nha (Navarre, Salamanque, Madrid, Deusto), Ái Nhĩ Lan (ĐHGH Maynooth), Hòa Lan (Nijmegen), Ba Lan (ĐHGH Cracovie, ĐHGH Varsovie, ĐHGH Wroclaw, ĐH Công Giáo Lublin), Bồ Đào Nha (ĐHCG Bồ Đào Nha).

Mỹ Châu : Hoa Kỳ (ĐHCG Hoa Kỳ, Học Viện Đa Minh, Trường Thần Học Dòng Tên tại Berkeley, Trường Thần Học Dòng Tên Weston, Chủng Viện Thánh Giuse Dunwoodie, Chủng viện Đức Bà Baltimore ), Canada (Laval), Achentina (ĐHGH Á Căn Đình), Braxin (ĐHGH Campinas, ĐHGH Minas Gerais, ĐHGH São Paolo, ĐHGH Paraná, ĐHGH Janeiro, ĐHGH Rio Grande du Sul), Canada (Laval, ĐHGH về Trung Đại, Saint Paul Ottawa, Sherbrooke). Chili (ĐHGH Chili, ĐHGH Valparaiso), Colombie (ĐHGH Javeriana, ĐHGH Bolivie), Cuba (ĐHCG Thánh Thomas Villeneuve), Cộng hòa Dominicaine (ĐHGH Madre y Maestra), Equateur (ĐHGH Equateur), Guatemala (Landivar), Panama (Đức Bà Lên Trời), Pérou (ĐHGH Thần học, ĐHGH Pérou), Puerto Rico (ĐHGH Puerto Rico), Uruguay (ĐH CG Uruguay), Venezuela.

Á Châu : Ấn Độ (ĐH GH Thần học và Triết học), ĐHGH Đông phương Nghiên cứu Tôn giáo), Nhật Bản (Sophia), Liban (Thánh Joseph Beyrouth), Phi Luật Tân (ĐHGH Thánh Thomas), Đài Loan (Fu-Jen).

Liên đoàn Quốc tế các Đại học Công giáo, thành lập năm 1924, quy tụ hơn 200 Đại học Công giáo. Liên đoàn được ĐTC Piô XII công nhận năm 1949 và được hưởng quy chế tư vấn cạnh Liên Hiệp Quốc ở Genève.

2) Nhiệm vụ giáo dục của Đại học Công giáo:

Một số trường có khuynh hướng tập trung nỗ lực và việc điều hành mà quên lãng nguồn cội và các mục tiêu của Đại học Công giáo. Ngoài việc tham gia vào công tác giáo dục của từng quốc gia, Đại học Công giáo bảo tồn bản sắc riêng biệt.: mỗ người có chiều kíchsiêu hình học (dimension métaphysique) hướng về Thiên Chúa. Chính sự kiện tôn giáo (fait religieux) được diễn tả một cách khách quan qua văn hóa và giáo dục. Đại Học Công Giáo chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm về Đức Tin Công Giáo. Đại Học Công Giáo nhằm liên kết các lựa chọn về sư phạm, giáo dục, mục vụ, nhằm hướng đến một nền giáo dục đích thực năng động (authentique dynamisme éducatif).

3) Đại Học Công Giáo Paris:

Nhân chuyến viếng thăm mục vụ ngày 1-6-1980, ĐTC Gioan-Phaolô II đã đọc diễn văn quan trọng tại Đại Học Công Giáo Paris. Trong phần mở đầu, ĐTC đánh giá cao giới đại học Paris có thẩm quyền về mọi bộ môn học thuật, từ văn học đến khoa học, trên cơ sở yêu chuộng tự do tri thức. Tuy nhiên, các khoa học nhân văn vẫn gặp phải những giới hạn về phương pháp luận và những điều giả định (présupposés). Biết bao người thiện chí trăn trở đi tìm chân lý để phó dâng. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ người dân thành Athènes đi tìm Thiên Chúa. Một số gặp bế tắc với chủ nghĩa nhân bản vô thần (humanisme athée). Ngoài việc trau dồi học tập, các sinh viên Đại Học Paris đi tìm chân lý, không thể tách khỏi chân lý toàn diện về Chúa Kitô đến từ ánh sáng chân lý của Ngôi Cha và ân sủng của Thánh Linh. Chính ánh sáng chân lý mang lại cho mỗi người một lẽ sống. Các Kitô hữu tìm thấy trong mầu nhiệm Chúa Kitô đường đi, chân lý và cuộc sống của chính mình. Như vậy các hiểu biết về tôn giáo và tiến bộ trong đời sống linh đạo đi đôi với nhau, như lời Thánh Augustinnô: “Fecisti nos ad Te, et inquietum est cor nostrum donec requiescat in Te”. Ta nghĩ đến các Đại Học Công Giáo của Pháp có các vị Viện trưởng hiện diện ở đây. Nhiệm vụ của các Đại Học Công Giáo là khai lòng mở trí cho việc tìm kiếm để đáp lại sự khao khát về chân lý và xác thực (certitide). Các hiểu biết xác thực chính là nguồn cội của chân lý. Vì vậy, Đại Học Công Giáo có chức năng quan trọng là uốn nắn cách nhìn thế giới ngày nay dưới nhãn quan công giáo, một cách tiếp cận thực tại. Đó là viễn tượng vượt quá phương pháp và giới hạn của các khoa học chuyên biệt để có thể nhận thức được vai trò của mỗi người trong xã hội, ý nghĩa cuộc sống.

Nói chung, bộ môn triết học và thần học chiếm vị trí hàng đầu. Đây là phân khoa chính của Đại Học Công Giáo. Ngoài việc giảng dạy còn cần các công trình nghiên cứu và xuất bản. Các sinh viên giáo dân ngày càng nhiều học hỏi về thần học. Chính chân lỳ này là tình yêu của Giáo Hội Mẹ có trách nhiệm giải thích Lời Chúa thành văn (Parole de Dieu écrite) và bất thành văn qua hình thức trao truyền (transmise) Giáo Hội còn định nghĩa Đức Tin trung thực với Mặc Khải. Tại Paris, các con sống trong sự sục sôi tư tưởng (bouillonnement de la pensée), có thể mang tính sáng tạo như Thánh Thomas đã chứng minh. Khi hình thành các tư tưởng mới mẻ, các con phải dựa trên cơ sở Tin Mừng và học thuyết của Giáo Hội. Đó chính là lời cam kết mục vụ (engagement pastoral) của Đại Học Công Giáo Paris. Cha vui lòng găp gỡ các con từ Phi Châu, Mỹ Châu La Tinh đến du học. (Vào thời điểm này các linh mục sinh viên Việt Nam chưa được gởi sang học tập). Cha cầu chúc cho việc học tập tại Đại Học Công Giáo Paris cho phép các con hình thành một ý thức công giáo hiểu biết sâu xa về Giáo Hội. Chính nơi đây mà cuộc sống cầu nguyện được khai hoa cũng như sự hiểu biết tự phát về Thiên Chúa được thăng tiến khiến mỗi người tự hỏi: Con sống thế nào vì Chúa ? Lời giải đáp giúp các con xác tín hơn trong cuộc sống gia đình và nghề nghiệp. Đối với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ học ở Đại Học Công giáo Paris, các con hãy chuẩn bị cho trọng trách rao giảng Phúc Âm đang chờ đón các con. Giáo hội Pháp vốn là Giáo hội truyền giáo, nhất là trong thế kỷ XIX, với một Đức Tin năng động đã mang ơn gọi tận hiến cũng như thiết lập các cơ sở giáo dục và tôn giáo khắp nơi trên thế giới (trong số có Việt Nam với các công trình của các Cha Thừa Sai Paris - MEP). Đại Học Công Giáo Paris được thành lập vào thời điểm này, ngày nay đứng trước đồng lúa mênh mông. Các con được học tập ở đây để trở nên những thợ gặt tương lai. Giáo hội trông cậy nơi các con rất nhiều. Ta bầy tỏ lòng biết ơn đối với các giáo chức và các nhà quản trị của Đại Học Công Giáo Paris. Lời kết luận của ta thật sẽ ngắn gọn: Các con hãy trung thành với di sản đã nhận được. Hãy bỏ đi những ngờ vực reo rắc trong các khoa học nhân văn. Ta mời gọi các con cùng chia sẻ niềm hy vọng và nói với các con sự tin tưởng của ta. Chính nơi đây, các môn đệ của Thánh Têrêxa va Thánh Jean de la Croix đã để lại bao kỷ niệm và gương mẫu về cuộc sống hoàn toàn tận hiến cho sự chiêm niệm về Chân Lý duy nhất. Nơi đây, các linh mục từ các chân trời khác nhau. Họ là chứng nhân hoàn toàn trung thành. Chính nơi dây, một giai đoạn mới đã mở ra, từ hơn một thế kỷ với việc thành lập Đại Học Công Giáo Paris. Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp các con làm sáng tỏ những điều còn mập mờ, sưởi ấm những điều tẻ nhạt, soi sáng những điều tăm tối, dấn bước làm chứng đích thực và quảng đại cho tình yêu của Chúa Kitô, vì ‘‘không ai sống được mà không có tình yêu (Nul ne peut vivre sans amour). Huấn từ của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tại Đại Học Công Giáo Paris nhắc nhở về sứ mạng giáo dục của Giáo hội Công giáo qua Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo (Congregatio de Seminariis atque Studiorum Institutis) là một trong 9 Thánh Bộ của Giáo Triều Rôma.

Thánh Bộ Giáo dục Công giáo do ĐTC Sixte V lập bằng Tông Sắc Immense ngày 15-1-1588 với danh xưng: Thánh Bộ Đại Học và Nghiên cứu Roma. Thánh Bộ có nhiệm vụ giám sát các công tác nghiên cứu giản tại các Đại Học Công Giáo ở Roma, Bologne, Paris, Salamanque. Năm 1824, Đức Thánh Cha Léon XII thành lập « Congregatio studiorum » quản lý các trường học của Tòa Thánh. Năm 1870, Thánh Bộ mở rộng phạm vi hoạt động và gồm các Đại Học Công Giáo. Năm 1915, Thánh Bộ Giáo Dục giám sát việc điều hành các chủng viện, đổi tên thành « Congregatio de Seminariis et Studiorum Universitatibus ». Năm 1967, ĐTC Phaolô VI đổi tên thành Thánh Bộ các Học Viện. Năm 1988, ĐTC Gioan-Phaolô II ban hành Tông Sắc Pastos Bonus quyết định giữ nguyên danh xưng này. Theo tông sắc Pastor Bonus, Thánh Bộ có thẩm quyền đối với toàn bộ các chủng viện, ngoại trừ các chủng viện trực thuộc Thánh Bộ các Giáo Hội Đông Phương và Thánh Bộ Truyền Giáo (trường hợp Việt Nam).

4) Triển vọng thành lập Đại Học Công Giáo tại Việt Nam:

Phần Hệ thống các Đại học Công giáo trên thế giới ghi nhận:

- Cuba có cùng hệ thống chính trị như Việt Nam hiện nay có một Đại Học Công Giáo.

- Nhiều nưóc Á Châu có số người công giáo thấp hơn ở Việt Nam như Ấn Độ và Nhật bản đều có các Đại Học Công Giáo.

Theo số liệu của Eglises d’Asie, cơ quan thông tấn của các Cha Thừa Sai Paris:

- Ấn Độ: 17,16 triệu người công giáo, tỷ lệ 1,6 %

- Nhật Bản: 449 923 người Nhật theo đặo công giáo, trên dân số 127 triệu, tỷ lệ 0,35%

Trong khi tại Việt Nam có 5 572 579 người công giáo, tỷ lệ 7%.

Các số liệu đối chiếu nói lên sự cần thiết thành lập một Đại Học Công Giáo tại Việt Nam. Trước 1975, Giáo Hội Công Giáo Miền Việt Nam có Đại Học Đà Lạt và Giáo Hoàng Học Viện Piô X cũng ở Đà Lạt. Cũng như các cơ sở giáo dục và ý tế khác của Giáo Hội, Nhà nước hiện tạm giữ hai cơ sở giáo dục đại họcnày.

Trong tương lai, Đại Học Công Giáo Việt Nam có thể thành lập tại thủ đô Hà Nội. Theo sơ đồ tổ chức của các Đại Học Công Giáo hiện nay, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cùủa Giáo phận Hà Nộ sẽ là chưởng ấn (Chancelier) của Viện Đại Học tân lập này. Chức vụ Viện trưởng có thể giao cho một linh mục hay giáo dân, theo tổ chức của các Đại Học Công Giáo hiện nay. Theo mô hình của Đại Học Công Gío Paris, Đại Học Công Giáo Hà Nội bước đầu có thể thành lập hai phân khoa chính là Đại Học Thần Học và Đại Học Kinh tế Thương Mai (theo mô hình ESSEC Paris), với chương trình học thu thái tinh hoa các Đai Học Kinh tế Thương Mai lớn trên thế giới và trong khu vực, đáp ứng dược những điều kiện kinh tế đăc thù của Việt Nam.

Thiết tưởng việc suy nghĩ về mô hình Viện Đại Học Công Giáo Hà Nội trong tương lai là trách nhiệm chung của hàng giáo phẩm và những ai tha thiết với tương lai của Giáo Hội và tiền đồ của đất nước. Việc thành lập Viện Đại Học Công Giáo tại Việt Nam chắc chắn sẽ là một trang sử mới dầy niềm vui và hy vọng (Spes et Gaudiam) của Giáo Hội Việt Nam trước những đòi hỏi của tình hình mới vậy.

Paris, ngày 22-11-2008
 
Tĩnh tâm thường của các linh mục 2 giáo phận Thanh Hóa và Phát Diệm
Vân Sơn
10:50 22/11/2008
THANH HÓA - Trong tình hiệp thông, chiều ngày 17 thánh 11 năm 2008, tại TGM Thanh hóa đã khai mạc tuần tĩnh tâm thường niên cho linh mục đoàn hai giáo phận Thanh Hóa và Phát Diệm. Tham dự tuần tĩnh tâm có 47 linh mục thuộc giáo phận Phát Diệm, 57 linh mục và 12 chủng sinh vừa mãn trường thuộc giáo phận Thanh Hóa.

Hình ảnh tĩnh tâm của linh mục Thanh Hóa và Phát Diệm

Với chủ đề "Thánh Gioan, nhà giáo dục Đức Tin", được Đức cha Giuse Võ Đức Minh – Giám mục phó giáo phận Nha Trang, trình bày cách sống động qua 7 đề tài:

1. Canh tân bản thân

2. Nền tảng việc giáo dục đức tin

3. Dấn thân trong sứ mạng giáo dục

4. Góp phần tích cực trong giáo dục đức tin

5. Ngài yêu thương họ đến cùng

6. Phêrô, vâng lạy Chúa, Chúa biết con yên mến Chúa

7. Người môn đệ Chúa yêu


Cách đặc biệt hơn, trong tuần tĩnh tâm này có sự hiện diện của hai Đức Cha (Giuse Võ Đức Minh và Giuse Nguyễn Chí Linh), đại diện cho HĐGMVN tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Lời Chúa tại Roma vừa về, nên xen kẽ giữa các bài giảng tĩnh tâm là các buổi thuyết trình về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và về đề tài “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng Giáo Hội”. Đây là đề tài mới và mang tính thời sự nên được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các linh mục và chủng sinh tham dự tuần tĩnh tâm.

Sáng ngày 21, ngày cuối cùng của tuần tĩnh tâm, niềm vui và tình hiệp thông được tăng thêm với sự có mặt của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Tân Giám mục giáo phận Bắc Ninh. Ngài là bạn học cùng với Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh thời học ở Giáo Hoàng Học Viện, nên tình liên đới và hiệp thông giữa các ngài luôn bền chặt, cách đặc biệt, Đức cha Cosma đã nhận lời giảng tĩnh tâm năm cho linh mục đoàn ba giáo phận Phát Diệm - Bắc Ninh – Thanh Hóa vào năm tới.

Xem hình ảnh lễ khấn dòng

Thánh lễ bế mạc tuần tĩnh tâm vào lúc 8h30, ngày 21-11-2008, tại nhà thờ Chính Tòa Thanh Hóa được kết hợp với lễ khấn trọn cho 9 nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hóa. Cùng đồng tế với Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh có Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt và hơn 100 linh mục vừa tham dự tuần tĩnh tâm.

Ước mong ơn thánh làm cho hạt giống thiêng liêng vừa được gieo vãi trong tuần phòng, cũng như tình hiệp thông huynh đệ, được triển nở dồi dào trong tâm hồn của mọi thành viên tham dự. Để các ngài trở nên những nhà giáo dục đức tin tuyệt vời, bằng cách làm cho Lời Chúa trở nên sống động và phong phú trong cuộc sống của mọi người, mọi nơi.
 
Ứng sinh Giáo Phận Hải Phòng mừng lễ bổn mạng Thánh Giêrônimô Liêm
Quang Uy
10:56 22/11/2008
HẢI PHÒNG - việc đào tạo linh mục và ứng sinh của Giáo Phận Hải Phòng hiện nay là một trong những ưu tư lo lắng của Đức Giám mục Giáo Phận.

Năm 1953, Giáo Phận Hải phòng có một cơ sở Tiểu Chủng Viện Chân Phúc Liêm do Cha Gioakim Nguyễn Hữu Hoá làm giám đốc và cho đến biến cố năm 1954 thì Tiểu Chủng viện đã đóng cửa vì các Cha và ứng sinh đều đi dư cư.

Những năm sau này, Đức Cha Cố Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương đã tiếp tục đào tạo các ứng sinh bằng cách gửi đi học thêm tại Miền nam, sau những năm học tại Miền Nam, các ứng sinh lại được tiếp tục vào Đại chủng Viện Hà Nội.

Cho đến nay, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên đã thao thức việc đào tạo nhân sự vì Giáo phận còn thiếu nhiều linh mục. Ngài đã quy tụ các ứng sinh về Giáo Phận vừa học chương trình Đại Học tại Thành Phố, vừa đào tạo theo chương trình như Tiểu Chủng Viện

Cha phụ trách các ứng sinh tại Toà Giám mục là Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng với quý Cha trong ban giảng dạy, tại đây các Ứng sinh được học các môn: Nhân bản, Giáo lý, Kinh Thánh, Tu Đức, Phụng Vụ và Ngoại ngữ, có chương trình tĩnh tâm hàng tháng, có thời gian đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ trong và ngoài Thành Phố.

Đức Cha Giuse, đã lấy lại ngày 06-11 kính các Thánh Tử Đạo ở Hải Dương và nhận Thánh Giêrônimô Liêm làm bổn mạng của Ứng sinh Giáo Phận Hải Phòng.

Năm nay, các Ứng sinh Giáo phận Hải Phòng đã tổ chức mừng kính Thánh bổn mạng của mình rất đặc biệt, có chương trình Tĩnh tâm, Đêm hoan ca mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Thánh lễ đồng tế do chính Đức Cha Giáo phận làm chủ tế.

Hiện nay số Ứng sinh trong giáo Phận Giáo phận Hải Phòng với con số là hơn bốn mươi, Các bạn trẻ muốn tham gia vào số Ứng sinh của Giáo phận phải tốt nghiệp Trung học phổ thông, đã giúp việc cho Cha xứ một năm.

Đức Cha Giuse đã cổ vũ và phát triển ơn gọi như đã tập trung các em Lễ sinh của Giáo Phận về Toà Giám mục nhân ngày lễ Chúa Chiên Lành để giúp cho các em học hiểu về ơn gọi dấn thân làm việc Tông đồ của Chúa.

Cầu xin Chúa cho Giáo phận Hải Phòng có nhiều bạn trẻ hy sinh dám dấn thân trên con đường tận hiến trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận.
 
Ban Bác ái – Xã hội giáo phận Hà nội đến thăm và tặng quà tại giáo xứ Đồng Chiêm: Ấm tình người mục tử!
Vincent Nguyễn Trung Kiên
11:03 22/11/2008
HÀ NỘI - Trong những ngày qua, hưởng ứng lá thư mục tử của Đức Tổng Giám mục Hà nội Giuse Ngô Quang Kiệt kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt, nhiều tấm lòng hảo tâm xa gần đã thể hiện tấm lòng tương thân tương ái bằng cách chia sẻ với những anh chị em mình cả về vật chất và tinh thần thông qua Ban bác ái – Xã hội Tổng Giáo phận Hà nội.

Xem hình ảnh cứu trợ

Sáng ngày 21/11/2008, phái đoàn Tòa Tổng Giám mục Hà nội do Cha Tôma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy – Tổng quản lý Giáo phận và Cha Antôn Phạm Văn Dũng – Phó Chánh Văn phòng Tòa Tổng Giám mục – đại diện Đức Tổng Giám mục Giuse đến thăm và tặng quà cho bà con giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm, một trong những giáo xứ chịu thiệt hại nặng nhất trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua. Cùng đi với quý cha, có các Sơ Dòng Con cái Đức Mẹ Vô Nhiễm, các Sơ Mến Thánh Giá Hà nội và đại diện giáo dân.

Xứ đạo Đồng Chiêm nằm trên địa bàn xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 60 km về hướng Tây Nam. Là một xứ đạo toàn tòng với hơn 4.300 tín hữu, người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ nghề nông: lúa gạo, đậu tương, sắn và cây ăn trái…

Trận lũ lịch sử vừa qua đã gây nên những thiệt hại nặng nề nơi đây. Theo số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, tại họ nhà xứ - Giáo xứ Đồng Chiêm: hơn 77 ngôi nhà bị hư hỏng, đồ gia dụng bị hư nát, ước tính thiệt hại hơn 500.000.000 VND, hơn 230 gia súc, gia cầm bị chết thiệt hại 131.095.000 VND, hơn 15 mẫu hoa mầu bị ngập, thối nát, thiệt hại 108.006.000 VND, hơn 314.500 kg cá tôm bị lũ cuốn trôi… Đối với họ đạo Bắc Sơn, là nơi chị Maria Mađalêna Hân – 33 tuổi thiệt mạng, 24 căn nhà trong tình trạng đổ, lún, thiệt hại ước tình lên đến 2.267.000.000 VND, hơn 130 héc-ta ao cá bị vỡ ngập, tràn bờ, thiệt hại 4.017.045.000VND, hơn 1100 gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi, 3.224 sào hoa màu bị ngập nước…

Nước lụt đã rút đi nhưng vẫn còn đó những mối hiểm họa: dịch bệnh hoành hành sau cơn lũ; nạn đói do hoa màu, gia súc, gia cầm bị ngập úng, nước lũ cuốn trôi; nạn rét do những căn nhà đã bị đổ lún, sụt lở.

Trong thời gian vừa qua, Ban Bác ái – Xã hội Giáo phận Hà nội đã đến thăm và giúp đỡ nạn nhân bão lụt những miền chịu thiệt hại nặng nề nhất những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như: thuốc chữa bệnh, chăn màn, thóc gạo, quần áo, sách vở và đồ dùng học tập. Công việc này sẽ được còn tiếp tục trong những ngày tiếp theo.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
CSVN Đàn Áp các nhà Dân Chủ hợp tác luật sư pháp quyền
VNN/Việt Báo
00:51 22/11/2008
Hà Nội (VNN) - Công an CSVN lại ra tay đàn áp thô bạo những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại Hà Nội vì đã hưởng ứng thư mời hợp tác của Văn phòng Luật sư Pháp quyền - Sài Gòn.

Theo tin Nhóm phóng viên đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền ở Hà Nội, vào sáng ngày 19-11-2008, một toán an ninh mật vụ, cảnh sát thuộc sở công an CSVN Hà Nội đã bất ngờ đột nhập xông vào tư gia nhà báo Nguyễn Khắc Toàn để lục soát và bắt giữ 3 người, gồm cả chủ nhà và 2 nhà tranh đấu khác là cựu trung tá Trần Anh Kim cùng ông Vi Đức Hồi, cựu giám đốc trường đảng CSVN huyện Hữu Lũng.

Nguồn tin cho biết sự việc, vào ngày 15-11-2008 ba nhân vật bất đồng chính kiến gồm các ông Nguyễn Khắc Toàn ở Hà Nội, Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn, và Trần Anh Kim ở Thái Bình đã cùng nhau soạn thảo, ký tên vào một bức thư chung hưởng ứng "Thư mời hợp tác bào chữa cho các nạn nhân tham gia Phong trào dân chủ Việt Nam bị bắt giam" do việc họ đã tiến hành treo các biểu ngữ tại một số địa phương miền Bắc. Bức thư trên đã được công bố rộng rãi trên mạng lưới internet toàn cầu vào ngày 16-11-2008 về việc họ tình nguyện làm bào chữa viên nhân dân theo đúng quy định của luật pháp trong nước hiện hành.

Trước đó mấy ngày, do việc nghe trộm qua điện thoại trao đổi giữa các nhà tranh đấu này nên bộ máy công an CSVN trong nước đã biết được sáng ngày 19-11 luật sư Lê Trần Luật, trưởng văn phòng luật sư Pháp Quyền có trụ sở đóng tại quận Gò Vấp, Sài Gòn, bay ra Hà Nội gặp gỡ trực tiếp các nhà tranh đấu có tên trong văn thư hưởng ứng trên. Trước đó vào các ngày 17 và 18-11-2008 có thêm 2 nhà tranh đấu đồng ý tham gia đoàn "bào chữa viên nhân dân" để bênh vực trước toà án chế độ cho số anh chị em đã bị bắt giam chờ ra toà. Đó là các ông Vi Đức Hồi ở Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4, tên Phạm Mỹ Phố, hiện cư trú tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vốn là bạn chiến đấu và là đồng hương của ông Trần Anh Kim.

Sáng ngày 19-11, các nhà tranh đấu Trần Anh Kim và Vi Đức Hồi đã vào được nhà ông Nguyễn Khắc Toàn từ hơn 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 sáng để chờ đợi luật sư Lê Trần Luật vừa từ Sài Gòn bay ra sẽ tới đây để bàn bạc các công việc chi tiết cho việc hợp tác bào chữa sắp đến. Trong khi mọi người đang uống nước, trao đổi và thăm hỏi sức khoẻ của nhau thì bất ngờ có gần chục an ninh mật vụ của công an bảo vệ chính trị CSVN thuộc phường Tràng Tiền, của công an quận Hoàn Kiếm và của sở công an TP Hà Nội đã tự tiện mở khoá đột nhập vào nhà riêng của gia đình ông Nguyễn Khắc Toàn. Toán an ninh chính trị nói trên phong cách rất bặm trợn xông thẳng lên phòng khách của gia đình và phòng làm việc của ông Nguyễn Khắc Toàn đòi kiểm tra hành chính, vì họ nói "có tin do quần chúng báo gia đình anh chứa chấp người lạ...". Trước hành vi thô bạo không lịch sự và kém văn hoá như vậy, nên ông Nguyễn Khắc Toàn và người nhà ra sức ngăn cản không cho họ xông vào nơi cư trú của gia đình bất hợp pháp. Do lực lượng công an, mật vụ quá đông đảo và trắng trợn nên họ cố tình gạt tay, gạt người ông Nguyễn Khắc Toàn làm suýt té ngã từ độ cao xuống phía dưới rất nguy hiểm cho tính mạng. Cuối cùng họ đã ép buộc cả hai vị khách đến từ Thái Bình và Lạng Sơn phải đi xuống lầu. Riêng ông Vi Đức Hồi bị mấy nhân viên an ninh xông vào lôi đi túi bụi, trong khi ông Trần Anh Kim chất vấn họ vì sao công an bắt giữ trái pháp luật anh em chúng tôi? Phía công an đã áp giải cả 3 nhà tranh đấu phải ra trụ sở công an phường Tràng Tiền để thẩm vấn cuộc gặp gỡ tại Hà Nội thật hết sức vô lý và phi pháp. Sau khi áp giải các ông Kim và Hồi ra đồn công an để tra vấn rôì họ còn chỉ đạo trung uý Bùi Đình Toàn phải xông thẳng lên nhà để kiểm tra xem còn ai ẩn nấp không mới thôi.

Đến 11 giờ, Ls Lê Trần Luật biết tin các nhà tranh đấu tham gia làm bào chữa viên nhân dân nói trên đã bị bắt giữ tại đồn công an nên phải bỏ dở cuộc làm việc với các linh mục tại Giáo Xứ Thái Hà để đến đồn công an nói trên thăm gặp động viên anh em. Tại đây mọi người đã gặp nhau được ít phút lần đầu tiên với luật sư trẻ chuyên bênh vực cho nhân quyền và công lý rất nổi tiếng từ Sài Gòn ra trước sự giám sát chặt chẽ của hàng chục công an, mật vụ.

Đến khoảng 11 giờ 30, công an yêu cầu Ls Lê Trần Luật xuống tầng 1 thẩm vấn và lập biên bản làm việc, nhưng bị anh từ chối bất hợp tác. Sau đó họ buộc phải để Ls Luật ra đi đến dự cuộc gặp với viên chức chính trị toà đại sứ quán Hoa Kỳ trên đường Nguyễn Chí Thanh trong một tiệm ăn + cafe gần toà đại sứ Hoa Kỳ trên đường Láng Hạ. Tại đây đã diễn ra cuộc gặp giữa Ls. Lê Trần Luật với đại diện sứ quán Hoa Kỳ là ông Christian Marchant, ngoài ra còn có Ls Lê Quốc Quân, cựu nhà báo CS Nguyễn Vũ Bình. Trong cuộc gặp, Ls Luật đã thông báo cho viên chức ngoại giao phụ trách chính trị, dân chủ và nhân quyền của toà đại sứ cũng như tất cả mọi người nêu trên về thông tin công an Hà Nội đã đàn áp ngăn chặn các nhà tranh đấu gặp gỡ họp bàn các thủ tục làm bào chữa viên nhân dân cho các anh chị em dân chủ đang bị hoạn nạn. Khi được nghe Ls Luật nói cụ thể diễn biến xảy ra tại đồn công an Tràng Tiền mà anh trực tiếp chứng kiến, ông Christian Marchant nhún vai ngao ngán tỏ ý rất buồn lòng về tình trạng sự thật nhân quyền tồi tệ, cũng như hệ thống luật pháp rừng rú tại Việt Nam hiện nay.

Trong đồn công an CSVN Tràng Tiền có hơn 12 công an các cấp của Hà Nội đã thẩm vấn, tra hỏi các nhà tranh đấu gay gắt lý do tại sao tụ họp và vì sao lại bàn bạc muốn làm bào chữa viên nhân dân trước các phiên toà chính trị sắp tới. Trước sự sách nhiễu đó, các nhà tranh đấu nêu rõ họ chỉ làm theo đúng luật pháp quy định về quyền tự do dân chủ của các công dân Việt Nam mà thôi. Ngoài ra họ còn cho biết, một số Ls trong nước có tên là Thắng Cảnh khi được ướm hỏi giá tiền đứng ra bào chữa cho số anh chị em dân chủ thì vị này đã đòi lên tới 10 triệu đồng VN một đầu người khi họ bị đem ra xét xử, còn các Ls khác ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho chị người tình của dân oan Nguyễn Kim Nhàn biết giá phải trả là 20 triệu đồng VN một "bị cáo"... Do giá thuê Ls bào chữa quá đắt đỏ so với mức sống nghèo khổ của người dân trong nước như vậy và nhất là hoàn cảnh nghèo túng khó khăn của tất cả nạn nhân đang trong cảnh tù đầy hiện nay. Nên số anh em đấu tranh dân chủ có lương tâm như vậy không đành lòng nhìn thấy anh em dân chủ bị nạn khi bị ra toà án chế độ độc tài trong nước không có người bào chữa. Vì vậy họ quyết định cùng bàn thảo và tình nguyện đứng ra bênh vực miễn phí toàn bộ cho các nạn nhân nói trên.

Phía công an thẩm vấn có trung tá công an CSVN Bạch Hưng Tân thuộc phòng điều tra xét hỏi PA-24, thượng tá CSVN Hà Mạnh Hoà, trung uý cảnh sát khu vực Bùi Đình Toàn và rất nhiều mật vụ của phòng PA -38 khác nữa.... Riêng Bạch Hưng Tân đe doạ ông Nguyễn Khắc Toàn rằng: "Có thể sẽ lập hồ sơ truy tố vụ việc các anh dám đứng ra làm bào chữa viên nhân dân để chống lại đảng và nhà nước. Đây là hành động thái quá mà công an không thể chấp nhận được cần phải bị xử lý nghiêm. ..!"

Tất cả các nhà tranh đấu bị bắt giữ đã tranh cãi vừa ôn tồn, vừa thẳng thắn đầy lý lẽ thuyết phục với các sĩ quan an ninh tra vấn họ. Anh em dân chủ bản lĩnh rất vững vàng và nói rõ chính cơ quan an ninh của công an Hà Nội mới là những người vi phạm luật pháp rất nghiêm trọng. Còn về phía anh em dân chủ họ chỉ chiếu theo các điều trong hiến pháp và các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự của chính nhà nước CHXHCN VN để thực hiện các quyền công dân của mình và tuyệt đối không có gì sai trái so với hệ thống luật của nhà nước XHCN Việt Nam độc tài này.

Suốt buổi thẩm vấn mấy giờ liền họ chỉ cho các nhà tranh đấu uống nước suông còn cơm trưa thì họ bỏ đói, mặc dù bị mấy anh em dân chủ lên tiếng phản đối quyết liệt. Một số công an còn đòi khám tìm tài liệu dân chủ và USB trong người hai ông Trần Anh Kim và Vi Đức Hồi nhưng bị họ đấu tranh phản kháng dữ dội nên công an thôi không dám tiến hành nữa.

Đến 15 giờ công an đã tạm thả 2 ông Trần Anh Kim và Vi Đức Hồi ra khỏi đồn công an Tràng Tiền trước để đi ăn tạm cơm trưa rồi sau đó họ lên xe đò trở về quê. Còn riêng ông Nguyễn Khắc Toàn thì đến 16 giờ cùng ngày họ tạm áp giải về nhà, đồng thời công an Hà Nội tái lập chốt canh gác luôn trước nhà để ngăn chặn Ls Lê Trần Luật và các nhà tranh đấu kia tái nhóm gặp lại nhau bàn bạc việc làm đơn xin thành lập đoàn bào chữa viên nhân dân theo chính quy định của pháp luật hiện hành. Đây cũng là lần thứ 11 tư gia của nhà báo tranh đấu dân chủ Nguyễn Khắc Toàn bị thiết lập chốt canh gác trong vòng gần 3 năm qua kể từ khi ông được tạm thả khỏi trại tù vào đầu năm 2006.

Tin cho biết, đến buổi chiều tối cùng ngày, an ninh CSVN đã cắt hoàn toàn số điện thoại vẫn thường dùng của Ls Lê Trần Luật từ bao lâu nay, mặc dù đây là số điện thoại thuê bao của anh với ngành bưu điện Tp - Sài Gòn có hợp đồng đàng hoàng. Việc này là nhằm trả đũa do anh đang hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và hiến pháp để tiếp sức cho công cuộc đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ và công lý tại Việt Nam khá can đảm và nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn qua cuộc điện đàm cho Ls Lê Trần Luật lúc mới được thả để thông tin mọi tình hình đã xảy ra, thì: "Như vậy thái độ của đảng, nhà nước CSVN là quyết tâm chỉ đạo công an ngăn cản, sách nhiễu rất mạnh mẽ, rất quyết liệt việc các anh em dân chủ dám dấn thân góp phần baỏ vệ công lý, bảo vệ lẽ phải khi nhận lời hợp tác trước Thư kêu gọi của Văn phòng luật sư Pháp quyền mà em đang đứng đầu...".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Toàn cũng cho biết, tất cả anh em đấu tranh có tấm lòng bảo vệ anh chị em dân chủ đang trong lao tù chế độ độc đoán trong nước đã có tên tham gia trong nhóm " bào chữa viên nhân dân ". Là song song với việc viết các bài bào chữa để gửi tới các cơ quan tham gia tố tụng những vụ án này là đồng thời sẽ công bố rộng rãi trên mạng internet toàn cầu các quan điểm bào chữa của mình để tạo dư luận chung gây áp lực với đảng và nhà nước nhằm bênh vực cho các nạn nhân đang bị trù dập, đàn áp nặng nề.

(Nguồn: Việt Báo Thứ Bảy, 11/22/2008)
 
CSVN sợ các vụ đòi đất tôn giáo
Người Việt
08:39 22/11/2008
SÀI GÒN 20-11 (TH).- Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Ðảng CSVN vừa gửi tới các tỉnh thành trên cả nước một bản hướng dẫn tuyên truyền về các cuộc đàn áp giáo dân Công Giáo đòi đất ở Hà Nội.

Trong bản hướng dẫn này, Ban Tuyên Giáo Trung Ương trình bày vụ việc theo quan điểm của nhà cầm quyền CSVN, đổ tội “vi phạm pháp luật” cho giáo dân và các vị lãnh đạo giáo hội Công giáo tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và giáo xứ Thái Hà, các giải quyết của nhà cầm quyền địa phương. Từ đó đưa ra các chỉ thị cho cán bộ tuyên truyền với quần chúng.

Ðây là một vụ việc có tính cách địa phương nhưng đã có tiếng vang quốc tế ảnh hưởng rất nhiều đếnbộ mặt của chế độ nên đã được dùng làm bài học chung cho cán bộ đấu tranh chính trị cả nước.

“Do vấn đề lịch sử nên việc khiếu kiện, tranh chấp và đòi lại đất, cơ sở vật chất có nguồn gốc tôn giáo trong phạm vi cả nước nói chung, địa bàn Hà Nội nói riêng tiếp tục là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, còn tiềm ẩn nhân tố gây bất ổn”. Tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung Ương CSVN viết như vậy trong phần dự báo tình hình có thể sẽ xảy ra. “Các thế lực thù địch vẫn ra sức lợi dụng kích động các vấn đề tôn giáo để gây rối, can thiệp vào công việc nội bộ nước ta...”

Bản tài liệu hướng dẫn không đề ngày tháng nhưng được Ban Tuyên Giáo Quận 3 ở Sài Gòn (nơi có nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Ðồng và các buổi cầu nguyện hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đông hàng ngàn người) phổ biến tới “Cấp ủy các cơ sở Ðảng” ngày 29/10/2008 nói tài liệu của Tuyên Giáo Trung Ương được đưa ra ngày 16/10/2008).

Sau khi trình bày lại các diễn biến xảy ra tại giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ từ cuối năm ngoái đến nay theo cách nhìn và đối phó của nhà cầm quyền CSVN, tài liệu nói “giáo hội, giáo quyền và giáo luật phải phục tùng nhà nước và pháp luật” rồi đả kích các người “chỉ chăm lo lợi ích tôn giáo của mình, coi nhẹ hoặc lẩn tránh đối với lợi ích chung của xã hội, chỉ coi trọng giáo quyền, giáo luật mà coi nhẹ luật pháp nhà nước, lợi dụng chính sách tôn giáo của nhà nước để đòi hỏi thái quá cho lợi ích của tôn giáo...”

Rất nhiều lần, rất nhiều tài liệu của giáo xứ Thái Hà cũng như Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội khi đòi nhà cầm quyền CSVN trả lại khu đất ở 178 đường Nguyễn Lương Bằng (tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà) hoặc 42 đường Nhà Chung (tài sản của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội) cho thấy họ là những tổ chức tôn giáo có đầy đủ chứng cứ pháp lý là sở hữu chủ đích thực. Nhà cầm quyền CSVN trưng dẫn các chứng cứ rất yếu ớt và dựa vào một văn bản của quốc hội CSVN năm 2003 không chấp nhận trả lại các tài sản của dân chúng cũng như các tổ chức tôn giáo, xã hội, đã bị nhà nước cướp đoạt từ năm 1991 trở về trước. Khi bí, chế độ Hà Nội thường đổ tội cho “lịch sử” để chạy tội và chống lại các đòi hỏi chính đáng của dân dù chính cái tai họa “lịch sử” đó chính họ là thủ phạm.

Chế độ Hà Nội đổ tội cho giáo dân, các tu sĩ Công giáo ở Hà Nội là “vi phạm pháp luật” mà một số người sắp bị lôi ra tòa để dằn mặt đám đông. Nhưng các bản tin phổ biến trên Internet cho thấy chế độ Hà Nội dùng đủ mọi thủ đoạn côn đồ và trái luật lệ để đối phó với các buổi cầu nguyện ôn hòa của giáo dân công giáo.

Những kẻ mặc quần áo xanh đã hơn một lần đến khủng bố, đe dọa, chửi bới giáo dân và tu sĩ khi họ đang ở các địa điểm cầu nguyện đòi tài sản ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ mà báo chí CSVN gọi là “dân chúng”. Có lần họ còn đe dọa tính mạng cả TGM Kiệt. Bản tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chỉ thị cán bộ “trong cả hệ thống chính trị” ra sức tuyên truyền bằng tất cả mọi phương tiện từ tuyên truyền mồm đến sử dụng Internet “làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được diễn biến tình hình, bản chất vấn đề của 2 vụ việc phức tạp xảy ra tại 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 đường Nhà Chung cũng như hiểu rõ các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân qua hai vụ việc trên”.

Ðiều này cho thấy chế độ Hà Nội muốn chận trước, ít nhất là nhờ mặt tuyên truyền, một phong trào quần chúng rộng lớn có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ.

Ngày 15/11/08, cán bộ và công an CSVN cầm đầu một đoàn người đến đập phá đền thánh Giêrađô, nhà thờ Thái Hà đánh chuông cấp báo nên giáo dân đổ tới bảo vệ. Ngày 17/11/08, khi trả lời báo chí, Lê Dũng phát ngôn viên Bộ Ngạoi Giao CSVN chối và cho đó là “thông tin bịa đặt”.

Ngày 20/10/2008, Tổng Giám Mục Thomas Collins của giáo phận Toronto, Canada, gửi cho nhà cầm quyền CSVN qua đại sứ Nguyễn Ðức Hùng một văn thư phản đối các cuộc đàn áp Công giáo Việt Nam. Ngài viết: “Sự công phẫn càng ngày càng gia tăng khi tôi được biết về những hành vi của nhà cầm quyền Việt Nam chống lại ức Tổng Giám Mục Du Se Ngô Quang Kiệt và cộng đoàn Công giáo Hà Nội. Xin bảo đảm với ông rằng sự ngược đãi này sẽ không qua mắt được cộng đồng quốc tế và sẽ gây thiệt hại lớn lao đến vị trí của Việt Nam trong đại gia đình các quốc gia. Tôi hối thúc ông và chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền công dân của người Công giáo Việt Nam.” Bức thư này được phổ biến trên VietCatholic News ngày 20/11/08.

(Nguồn: Người Việt, ngày Thursday, November 20, 2008)
 
Tại Hà Nội, giáo dân Công Giáo tự hào vì đã nắm được cái đầu của quyền lực
Công Dân
08:46 22/11/2008
Tại Hà Nội, giáo dân Công Giáo tự hào vì đã nắm được đầu quyền lực

Dù không đạt được thỏa ước với chính quyền trong việc hoàn trả Tòa Khâm Sứ qua phong trào cầu nguyện đòi đất từ hơn một năm qua, người Công Giáo lượng giá rằng mình không hề bị trắng tay trong phong trào này.

Công nhân đang miệt mài đặt những tấm đan, xúc cát, nát nền lối đi, tưới những cây hạng nhỡ hãy còn khẳng khiu. Rồi dần dần một vườn hoa Hàng Trống được hình thành, nằm ngay trong khu phố cổ của Thủ Đô Việt nam và cách Nhà Thờ Lớn không xa lắm. Vẫn còn nhiều công việc đang được triển khai, nhưng đã có hai tấm biển màu xanh lục nước sơn còn mới dùng để đặt tên cho địa điểm này. Tấm biển thứ nhất nêu tên vườn hoa. Còn tấm thứ hai được dán trên một tòa nhà nguy nga nằm đằng sau những thảm cỏ mới trồng. Từ phía trên cao của ngôi nhà này vốn trước đây là Tòa Khâm Sứ, những người thợ đang tháo dỡ thay thế các cửa sổ để biến thành một thư viện công cộng.

Phong trào công khai cầu nguyện đòi đất được phát động từ tháng mười hai năm 2007 bằng những buổi tụ họp của đông đảo giáo dân trên phần đất bị chính quyền cộng sản chiếm dụng vào năm 1954. Công an đã hành xử một cách tàn nhẫn đối với những buổi cầu nguyện này. Cách trung tâm thành phố không xa, những buổi cầu nguyện trong ôn hòa tại giáo xứ Thái Hà cũng bị ngăn chặn bằng dùi cui điện theo sự chỉ đạo của lực lượng chính quyền Hà Nội. Tính đến tháng chín đã có tám giáo dân bị tạm giam và hai trường hợp bị giam giữ.

« Trong phong trào này, chúng tôi đạt được 50% », một trong những giáo dân lượng giá cách sửng sốt. Tại một buổi cầu nguyện vào tháng giêng năm ngoái, anh ta đã dám vượt qua hàng dậu bằng sắt trước Tòa Khâm Sứ. Công an đánh anh ta. Và anh đã đã hô hoán để những người đang tập trung cầu nguyện giải cứu. Bị theo dõi sát, anh ấy không nêu danh tánh những không giấu khỏi sự lạc quan: «Trước đó rất có thể phần đất này được sang nhượng lại cho những cá nhân của thành viên cộng sản. Hôm nay nó đã được chuyển thành công viên. Tất cả mọi người được hưởng», anh ấy diễn đạt. Cũng vẫn ý kiến của anh ta, do dưới áp lực của hàng ngàn giáo dân mà gián tiếp dẫn đến thành quả này. Cộng đồng Công giáo hoạch định rằng có một sự trưởng thành rất lớn từ phong trào này.

Một thành quả khác nữa là người giáo dân dám nói lên những quan điểm của họ cho một xã hội rất hiếm khi dám bày tỏ quan điểm. Họ là những phát ngôn viên. Sự khiếu nại đã vượt lên trên khuôn khổ chật hẹp của vài miếng đất bị chiếm dụng bất công: « Chúng tôi cũng đã công khai đòi công lý cho xã hội, quyền bình đẳng giữa các công dân, quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã đương đầu nạn tham nhũng, một trong những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà cho biết. Người giáo dân không có ý muốn trở thành những người đại diện cho quần chúng nhân dân, tuy nhiên hành động nguyên khai của họ cũng đã biểu lộ được những khát vọng của người dân Việt Nam ».

Cộng đồng người Công Giáo tại Việt nam chỉ chiếm 6% dân số đã hiệp thông chặt chẽ với giáo xứ Thái Hà. Rất nhiều giáo dân trong toàn quốc đã viết thư ủng hộ và lấy làm tiếc khi mà các tôn giáo khác không đồng loạt làm như thế. Một thực tế là người Tin Lành của Giáo Hội Phúc âm cũng đã đòi 265 cơ sở không công khai ủng hộ người Công Giáo để cùng tay trong tay đoàn kết.

Dù sao đi chăng nữa nếu khi mà quần chúng vẫn chưa sẵn sàng đối đầu với giới cầm quyền, thì người Công giáo tin tưởng rằng qua việc đọ sức vừa rồi sẽ mang lại sự can đảm cho những người bị áp bức, không đất đai, hay cho những người đang kiểm chứng rằng việc tranh luận với chính quyền là hoàn toàn có thể: « Trong hơn 50 năm của chế độ cộng sản tại Việt Nam, phong trào cầu nguyện đòi đất là rất quan trọng đối với chính sách về đất đai của nhà cầm quyền vì tự nó đã nói lên được khát vọng. Người Công Giáo tự hào vì đã tìm ra hướng đi này », một giáo dân Hà Nội dãi bày.

Phong trào đấu tranh ôn hòa này cũng đã được tính đến cả trong lãnh vực chính trị, chứ không hoàn toàn những vấn đề mang tính xã hội. « Một số người Công Giáo có quan điểm bất đồng trước đây rất ít có mối quan hệ kể từ sau biết cố chính quyền sử dụng bạo lực tại Thái Hà đã tìm cách liên lạc với tôi để chia sẻ quan điểm của họ », một nhà bất đồng chính kiến giải thích. Tuy nhiên sự cận kề cho đến nay vẫn còn dè dặt.

Kể từ biến cố Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà, người Công giáo phải chịu đựng mang tiếng là vi phạm phát luật và làm mất trật tự công cộng qua một chiến dịch bóp méo của các phương tiện truyền thông quốc doanh. Câu nói của Tổng Giám Mục Hà nội bị cắt xén bằng trò tiểu xảo với chủ ý cho rằng ngài cảm thấy nhục nhã khi cầm chiếc hộ chiếu Việt nam. Thế là một cơn tức giận với chiêu bài tự trọng dân tộc được phát động. Nếu như nhiều người có nhân thức là khối Công Giáo hoàn toàn thẳng thắn và đúng đắn thì cũng có không ít người còn tin vào phương tiện truyền thông quốc doanh qua sự chỉ đạo của ban tuyên giáo. Linh mục văn phòng Tòa Tổng Giáo phận Hà nội thừa công nhận rằng ngài phải hạn chế trong việc đi lại vì nhận được rất nhiều sự đe dọa đến tính mạng.

Làm sao có thể sữa chữa lại hình ảnh bị mờ nhạt này ? «Tôi đã thử thuyết phục những bạn thân thuộc gia đình có truyền thống cách mạng nhưng quả thật là rất khó đặc biệt là con cái của các công chức, một sinh viên công giáo bày tỏ, chúng vẫn cứng nhắc nghĩ rằng đó là sự thật và không muốn kiểm chứng. chúng đã bị nhồi sọ rồi».

Đa phần các sinh viên Việt Nam không quan tâm đến vấn đề chính trị và tôn giáo. Anh sinh viên công giáo này phải dè dặt nói với các người bạn. Nếu không sẽ rất dễ bị công an theo dõi…

(Theo Rémy Favre, báo La Croix, ngày 19 tháng 11 năm 2008) (Bản tiếng Pháp: http://vietcatholic.net/News/Html/61220.htm)
 
Chối như Lê Dũng
Trần Doãn
08:56 22/11/2008
Chối như Lê Dũng

Ngày hôm nay 22-11-2008 toàn dân Ukraine đau xót tưởng nhớ lần thứ 75 nạn đói khủng khiếp làm cho 3.5 triệu người thiệt mạng trong những năm 1932-1933 do nhà độc tài Cộng sản Liên xô Josef Stalin cố tình gây ra để ép buộc nông dân gia nhập các nông trại tập thể. Đây chỉ là một trong rất nhiều tội ác ghê gớm của Stalin. Thế mà sau khi Stalin qua đời thì văn nô Cộng sản Việt Nam Tố Hữu lại khóc lóc thảm thiết một cách vô cùng ti tiện, làm nhục lây cho toàn dân vì mang những tình cảm thiêng liêng nhất của họ ra so sánh:

Em nhỏ Ukraine sắp chết vì đói ở Holodomor 1933
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười.


Nếu có ai đem chuyện này ra hỏi ông Lê Dũng, phát loa viên của CSVN thì thể nào ông cũng chối bai bải là: “Làm gì có chuyện Tố Hữu khóc như thế, hoàn toàn là bịa đặt, do bọn xấu dựng nên.”

Một số người Công giáo hay xử dụng nhóm từ: “Chối như Phê-rô chối Chúa” để nói về những ai làm chuyện gì đó không hay một cách công khai, ai cũng biết, thế mà lại chối leo lẻo. Có điều Phê-rô chối Chúa trong lúc yếu lòng, chao đảo niềm tin vì thấy Đức Giê-su sắp sửa bị hành hình, và có khi bản thân ông cũng bị vạ lây. Nhưng ngay lập tức khi thấy Thầy quay sang nhìn mình thì ông lập tức ăn năn hối lỗi, ông đi ra phía ngoài khóc lóc thảm thiết. Bởi vậy chính ông chứ không ai khác được Đức Giê-su giao cho trọng trách củng cố sức mạnh cho anh em mình. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh. (Lc 22,32).

Có lẽ mai này sẽ có một thành ngữ mới trong tiếng Việt là "Chối như Lê Dũng" để chỉ những người công khai làm một chuyện xấu xa, ai cũng thấy cũng biết, nhưng chối biến đi một cách trơ chẽn vô liêm sỉ, còn thua con mèo giấu cứt, và tiếp tục làm như thế, nhất là không bao giờ biết ăn năn hối lỗi.

Cho đến tận nay, nước Cộng Hòa Liên Bang Nga, thừa kế của Liên xô, tuy chính thức không còn mang danh nghĩa Cộng sản, nhưng vẫn do những người Cộng sản lãnh đạo, vẫn không tỏ ra ăn năn hối lỗi và liên đới trách nhiệm với tội ác của Stalin. Lúc nào họ cũng ngụy biện ra một cái cớ phi lý nào đó để rũ bỏ trách nhiệm. Họ nói rằng cũng có một số người Nga phải chết đói tại Ukraine trong những năm đó nên đây không phải là một tội ác diệt chủng chống nhân loại.

Nếu nói như thế thì mai đây khi bắt buộc phải nhìn nhận đã có những người đã chết sau 1975 khi vượt biển chạy trốn chế độ Cộng sản Việt Nam quái ác, ông phát loa viên CSVN Lê Dũng sẽ nói đó không phải là tội ác vì trong số những người chết trên đường vượt biển cũng có những người Cộng sản chăng?!!!

Ukraine marks anniversary of 1932-33 great famine

Ukraine is commemorating the start of the 1930s famine that was engineered by Soviet authorities and killed millions of people.
President Viktor Yushchenko is trying to win international recognition of the 1932-33 tragedy as an act of genocide against the Ukrainian nation.
Ukraine with its fertile soil suffered the most from the famine orchestrated by Soviet dictator Josef Stalin to force peasants to join collective farms. Historians say 3.5 million people were killed here.
Russian President Dmitry Medvedev declined an invitation to attend Saturday's solemn ceremonies.
Russian historians say other ethnic groups, including Russians and Kazakhs, also suffered in the famine and so it cannot be considered an act of genocide.

(Nguồn: http://news.yahoo.com/s/ap/20081122/ap_on_re_eu/eu_ukraine_great_famine_1;_ylt=AmKQTvVyq_T7emuS.0tYOWVbbBAF)
 
Tự do tôn giáo tại Sơn La - Một mùa đông ảm đạm
An Dân
11:11 22/11/2008
TỰ DO TÔN GIÁO TẠI SƠN LA - MỘT MÙA ĐÔNG ẢM ĐẠM

Lên Tây Bắc mùa này sương rơi ướt má. Từng cơn gió đông thổi tới đem cái lạnh lẳn vào da, khiến người ta rùng mình, nhưng mang lại một cảm giác thích thú. Cái lạnh đầu đông ngọt ngào, man mác, gợi nhớ mùa Noel sắp về.

Chúng tôi lên đường du lịch Tây Bắc trong cái khung cảnh nhớ nhung ấy với hy vọng năm nay bà con Kinh - Thượng Tây Bắc sẽ có một mùa Noel ấm cúng, tự do, ý nghĩa hơn - niềm hy vọng mong manh như những làn mây chiều chập chờn trên các triền núi cao.

Những nương ngô xanh mởn vào dịp hè, nay đã khô tàn, để lộ những trái bắp vàng ươm. Mùa ngô năm nay thất bát. Nền kinh tế Việt Nam đang suy thoái, nông sản không tiêu thụ được khiến cho người dân Tây Bắc sắp sửa phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt đang đến rất gần.

Đối với đồng bào Công giáo và Tin lành Tây Bắc, cái khắc nghiệt của thời tiết, sự khó khăn về kinh tế cộng với những động thái khác lạ của “Nhà cầm quyền Sơn La” còn làm người ta nhớ lại mùa Noel năm trước: súng, quân đội, công an tràn lan tại các khu vực có đông người Công giáo tụ tập mừng đại lễ.

Những ngày này, “nhà cầm quyền Sơn La” đang chuẩn bị các phương án tác chiến nhằm đối phó với cộng đồng giáo dân đang ngày càng đông đảo sinh sống và làm ăn tại Sơn La. Nhiều cuộc họp về vấn đề tôn giáo đã được tổ chức. Những chỉ thị từ trên xuống đang được luân chuyển cách công khai hay rỉ tai trong các buôn làng, các địa phương đông người có đạo.

Xã Chiềng Ân, huyện Mường La, có hơn 700 anh chị em giáo dân Công giáo người H’Mông làm ăn, sinh sống. Thế nhưng kể từ ngày những anh chị em này theo đạo (khoảng năm 1985) cho tới nay, Noel đối với họ vẫn là một cái gì xa lạ. Hơn hai mươi năm qua, họ chưa một lần được cử hành thánh lễ. Hai mươi năm qua, họ phải đối diện với nhiều bất công, nhiều bách hại để giữ được đạo. Họ đã phải trả giá rất nhiều cho những việc làm can đảm này: bị cúp viện trợ nhân đạo, không được cung cấp điện, không được hưởng đầy đủ những chính sách của một công dân vùng III. Tại trường học các em nhỏ bị miệt thị về tôn giáo…

Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã - những huyện khác của tỉnh Sơn La, có đông những anh chị em H’Mông theo đạo, tình hình cũng không khác với Mường La. Có những buôn làng vì không chịu nổi những bách hại tinh vi của nhà cầm quyền Sơn La nên đã tạm thời “nghỉ đạo” chờ đợi “một ngày tự do đích thực”. Nhiều anh chị em vì kiên trung với đức tin đã phải chịu những đòn khủng bố của cơ quan công quyền. Họ bảo: “Mấy chục năm qua, chúng tao giữ đạo chay: không thánh đường, không thánh lễ, không bí tích. Thỉnh thoảng có những cán bộ tới yêu cầu bỏ đạo”.

Đối với những anh chị em tín hữu người Kinh lên Sơn La theo diện kinh tế mới, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Sau hơn 5 năm quy tụ lại thành các cộng đoàn nhỏ, số người Công giáo đã tăng lên tới trên 2.000 người. Hằng ngày, họ vẫn tập trung tại các tư gia để cầu nguyện. Mỗi cộng đoàn con số có lúc lên tới hơn 400 người. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo tại Sơn La thực chất vẫn chỉ là “Giáo hội Hầm trú”. Họ sinh hoạt công khai nhưng là công khai trong sự kìm kẹp của các cấp chính quyền.

Kể từ năm 2004 đến nay, rất nhiều lần các cộng đoàn Công giáo Sơn La đệ đơn lên các cấp chính quyền theo đúng quy trình đã được quy định tại các văn bản pháp luật và tại Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, nhưng họ đều bị từ chối với lý do: “Chính quyền Thành phố Sơn La luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, được tu tại gia, không được tụ tập đông người để tổ chức các cuộc lễ tập trung khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận” (xem CV số 75/UBND-VP, ngày 21 tháng 10 năm 2008 của UBND thành phố Sơn La).

Nhiều lần Toà Giám mục Hưng Hoá cũng đã gửi bản đăng ký cho các tín hữu Công giáo Sơn La sinh hoạt tôn giáo, nhưng đều bị từ chối với lý do: “Sơn La không có nhu cầu Tôn giáo”, hoặc “Sơn La là một tỉnh miền núi nhiều dân tộc. Chính quyền các cấp luôn chăm lo tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Tỉnh Sơn La từ trước tới nay không có trụ sở tôn giáo và người có chức sắc tôn giáo. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng qui ước – hương ước về nếp sống văn hoá khu dân cư, không có nhu cầu tôn giáo tập trung trên địa bàn tỉnh” (x. CV 1336/CV-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh Sơn La).

Thời gian 5 năm người Công giáo Sơn La gửi đơn lên các cấp chính quyền để xin được sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật là 5 năm chờ đợi trong thất vọng. Nhà cầm quyền Sơn La, thay vì giúp dân ổn định đời sống tinh thần, hưởng trọn vẹn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, thì đã tìm mọi cách ngăn cản, cô lập không cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo. Thay vì cấp đất cho dân xây dựng nhà thờ theo đúng quy định của pháp luật, thì lại tìm cách giải tán các nhóm cầu nguyện tại tư gia. Thay vì tìm cách khai thông bế tắc do những bất cập của luật pháp về quyền tự do tín ngưỡng, Nhà cầm quyền Sơn La, từ “trung ương” tới địa phương, còn sáng chế ra các thứ “lệ quái chiêu” và mặc cho nó một mỹ từ gọi là “hương ước”, là những thứ lệ làng trái pháp luật để vô hiệu hoá việc cầu nguyện của người giáo dân.

Chẳng hạn, “hương ước” của tổ 4, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tại điều 6 qui định rõ: “Các cá nhân, hộ gia đình cam kết không tổ chức học, truyền đạo trái phép, không tụ tập đông người để cầu kinh, cầu nguyện (chỉ tu tại gia đình). Không tổ chức các nghi lễ tôn giáo khi chưa được chính quyền địa phương cho phép, không tự ý xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, nhà giáo lý và các công trình phục vụ các hoạt động tôn giáo khi chưa được các ngành chức năng cho phép. Không tự ý tổ chức quyên góp, không tự ý nhận tiền, vật tủ, vật phẩm, quà tặng của các tổ chức tôn giáo. Không tự ý đặt ra các nghi lễ hoạt động tôn giáo trái với qui định của Nhà nước. Nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các qui định của Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định 22/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo”.

Nghe đâu, Nhà nước Sơn La vừa tặng bằng khen cho phường Quyết Thắng vì đã có công bổ sung điều 6 này vào trong bản hương ước đã được lập từ mấy năm trước, nhất là đã có công sáng kiến ra một hình thức giữ đạo kiểu mới, được các cấp các ngành trong tỉnh ủng hộ, đó là: “Chỉ được tu tại gia”.

Việc phường Quyết Thắng có công sáng kiến lập bản hương ước vi hiến, thực ra, nó bắt nguồn từ một chính sách bách hại đạo đã trở thành truyền thống tại tỉnh Sơn La. Những ai có dịp đọc “Tài liệu Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chính sách tôn giáo của Nhà nước” do Ban Dân vận Tỉnh uỷ Sơn La công bố tháng 6 năm 2006, sẽ thấy việc bách hại đạo đã được chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương, tỉnh cho tới các thôn, bản, tổ, khu phố. Những lời lẽ miệt thị tôn giáo, những khẳng định thiếu cơ sở về các tôn giáo trong “tập tài liệu tuyên truyền” này, cho thấy Nhà nước Sơn La đang cố tình vùi dập quyền tự do tín ngưỡng của một đại bộ phận những người Công giáo và Tin lành đang làm ăn, sinh sống tại đây.

Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái để “xin – cho”. Thế nhưng, tại Sơn La, cái quyền cơ bản ấy đang bị vùi dập. Những tín hữu can đảm bày tỏ lòng tin thì đều bị làm khó dễ cách này, cách khác. Chính quyền Sơn La đang tiếp tục thách thức dư luận với những luận điệu lạc lõng: “Chỉ được phép tu tại gia…Tỉnh Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Sự đóng băng về nhận thức của lãnh đạo “nhà nước Sơn La” về tôn giáo, báo hiệu một mùa Noel lạnh lẽo sắp về trên rẻo cao.

21/11/2008
 
Thông Cáo: Ngày xét xử các nạn nhân vì Công Lý và Sự Thật ở giáo Xứ Thái Hà
LM. Nguyễn Văn Khải, DCCT
19:15 22/11/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội
180/2 Nguyễn Lương Bằng,
Đống Đa, Hà Nội


Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2008

THÔNG CÁO
NGÀY XÉT XỬ CÁC NẠN NHÂN
VÌ CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT Ở GIÁO XỨ THÁI HÀ


Kính gửi: Quý ông bà anh chị em giáo dân và toàn thể những người yêu công lý

Ngày 23/11/2008 người bảo vệ quyền lợi cho các giáo dân-bị can là luật sư Lê Trần Luật cho chúng tôi biết: Ngày 22/11/2008 Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa đã quyết định xét xử các giáo dân với các tội danh cụ thể dưới đây vào ngày 05/12/2008:

1. Bà Ngô Thị Dung, sinh năm 1954, địa chỉ 306, C3, tập thể Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở, thuộc Gx Thái Hà, Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

2. Anh Thái Thanh Hải, sinh năm 1987, cư trú tại 42 Nguyễn Lương Bằng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thuộc Gx Thái Hà, TGP Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

3. Anh Nguyễn Đắc Hùng, sinh năm 1958, thường trú tại Thôn Đầm, xã Tân Hoà, huyện Quốc Oai, thuộc Gx Tình Lam, Giáo phận Hưng Hoá, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

4. Bà Lê Thị Hợi, sinh năm 1947, địa chỉ số 8 ngách 62, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Gx Thái Hà, Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

5. Ông Lê Quang Kiện, sinh năm 1945, hiện ở tại số 8 ngõ 162 A, phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Gx Hàng Bột, Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

6. Ông Giuse Phạm Trí Năng, sinh năm 1959, thường trú tại Thường Lệ, Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội, thuộc Gx Thường Lệ, giáo phận Bắc Ninh, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

7. Bà Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1962, quê ở Sơn Hà, Phú Xuyên, Hà Tây, thuộc Gx Hà Thao, sống tại Gx Mường Cắt, Hoà Bình, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng”.

8. Bà Nguyễn Thị Việt, sinh năm 1949, nhà A2 tổ 8, tập thể Thuỷ Tinh, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Gx Thái Hà, Gp Hà Nội, sẽ bị xét xử về tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

Giáo xứ Thái Hà chúng tôi luôn xác tín rằng 8 giáo dân đang bị truy tố bất công trên đây không làm điều gì vi phạm pháp luật. Giáo xứ tiếp tục làm hết mức có thể để các giáo dân trên đây được bảo tòan danh dự và được trả tự do.

Kính xin toàn thể quý ông bà anh chị em hiệp thông cầu nguyện cho 8 nạn nhân vì công lý và sự thật có tên trên đây.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR
Phát ngôn viên Giáo xứ Thái Hà
Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội
 
Chung quanh Đại Hội lần thứ 5 Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước
Thúy Dung
23:12 22/11/2008
Đại Hội lần thứ 5 Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước sau nhiều lần trì hoãn đã diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/11. Một tuần trước đại hội, Thông Tấn Xã Nhà Nước Việt Nam quảng cáo rằng sẽ có 425 đại biểu tham dự, trong đó có đến 145 linh mục.

Sau đại hội, VietNamNet, cho biết “đại hội bầu ra 128 thành viên trong đó có 74 linh mục, 4 tu sĩ và 50 giáo dân”. Con số bao nhiêu người tham dự không được tường trình, ai muốn đoán bao nhiêu thì cứ đoán. Cũng chẳng có một tấm hình nào được đưa ra như lệ thường.

Hỏi thăm một vị linh mục tham dự trong đại hội này, chúng tôi được biết chỉ có “vài chục mạng” tham gia - theo đúng như cách nói khôi hài của vị này.

Đại hội kỳ này cũng lại đề cử vào ban chấp hành những khuôn mặt người ta đã quá quen thuộc như Nguyễn Công Danh, Phan Khắc Từ.

Trong đại hội “các vị đại biểu”, (theo cách nói của các cơ quan thông tấn Việt Nam, một cách dùng từ rất đểu vì thực ra những vị này “đại biểu” cho ai, ngoài chính bản thân họ?) đã thảo luận về cương lĩnh mới của ủy ban (cương lĩnh cũ nhằm thiết lập một Giáo Hội tự trị tại Việt Nam giờ đây có lẽ đã trở thành một thứ “mission impossible”).

Ủy ban giờ đây chú trọng nhiều hơn đến việc “vận động người Công Giáo trong nước và hải ngoại tham gia cách tích cực vào các hoạt động xã hội đa dạng trong nhiều lãnh vực làm việc, học tập, thương mại, sản xuất và các hoạt động nhân đạo, cũng như tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”

Đây là một lời kêu gọi “rất đểu” của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước. Một ký giả Anh quốc sau khi đọc bản tin của VietNamNet nói với chúng tôi là chị có cảm tưởng cái Ủy Ban này muốn phê bình hàng giáo phẩm và người Công Giáo Việt Nam rất thụ động trong các hoạt động xã hội và nhân đạo tại Việt Nam. Chúng tôi đã trả lời cho chị biết là không chờ cho đến khi cái Ủy Ban đểu này lên tiếng kêu gọi, Giáo Hội tại Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và bác ái. Tất cả 25 giáo phận trên toàn quốc đều có Ủy Ban Bác Ái Xã Hội hoạt động rất tích cực và các Giám Mục Việt Nam liên tục kêu gọi nhà cầm quyền phải để cho họ được tự do tham dự tích cực vào các hoạt động xã hội trên những phương diện mà Giáo Hội Công Giáo có khả năng và có thể đóng góp xuất sắc phần mình cho đất nước như Giáo Dục, Y Tế, và các hoạt động Bác Ái.

Nếu ủy ban này thực sự là “nhịp cầu thông cảm” giữa Giáo Hội và nhà nước, như vẫn thường rêu rao, thì lẽ ra ủy ban phải tán dương lời kêu gọi của các Giám Mục Việt Nam và thúc bách nhà nước cộng sản bỏ đi những cấm đoán để Giáo Hội Việt Nam có được tự do hoạt động tích cực trong các hoạt động xã hội bác ái của mình.

Sau khi chiếm được miền Bắc, tháng Ba năm 1955, theo đúng chính sách tôn giáo của Trung quốc, cộng sản Việt Nam đã đẻ ra cái gọi là “Ủy Ban Liên Lạc Những Người Công Giáo Yêu Nước và Yêu Hòa Bình” với ý đồ thiết lập một Giáo Hội tự trị. Tuy nhiên, nhờ lòng trung tín của các vị mục tử và anh chị em giáo dân, chính sách này bị thất bại và cộng sản đã theo đuổi những chính sách khác trong đó có chính sách tiêu hao dần mòn sinh lực Giáo Hội bằng cách hạn chế tối đa việc phong chức, và chính sách cướp nhà thờ và đất đai của các giáo xứ.

Sau năm 1975, ý đồ xây dựng một Giáo Hội tự trị lại được nhen nhúm trở lại tại miền Nam Việt Nam sau những hoạt động có tính cách bài Vatican của nhóm yêu nước như vụ trục xuất Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sàigòn. Trong bối cảnh đó, ngày 10/7/1975, tờ Công Giáo và Dân Tộc ra đời với một chủ trương bài Vatican rất rõ rệt.

Tháng 12/1976, những người tham dự đại hội đầu tiên tại Hà Nội đã không khỏi sửng sốt khi nhóm linh mục dâng “thánh lễ bế mạc” đã cố ý bỏ qua không đọc lời cầu cho Đức Giáo Hoàng, một cử chỉ cụ thể biểu tượng cho trào lưu ly giáo.

Cũng cần phải nói cho công bằng rằng cũng có những người gia nhập vào cái ủy ban này với “ý ngay lành” muốn mưu tìm sự thông cảm hơn giữa người Công Giáo và người cộng sản. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng hy vọng có được sự cảm thông nơi người cộng sản là một hy vọng hão huyền. Những cuộc bách hại công khai người Công Giáo và cả hàng giáo phẩm Công Giáo mà điển hình là Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền và Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là những chứng minh cụ thể.

Trong tình cảnh cụ thể hiện nay, chắc chắn là những vị nào tham gia vào trong ủy ban sẽ bị người cộng sản yêu cầu làm nhiều hơn những việc trái lương tâm của họ. Chí ít là cũng phải im lặng trước việc cộng sản bách hại anh em mình, chủ chăn của mình. Xa hơn là cả những hình thức khác vượt quá tâm lý chịu đựng được.

Từ năm 1985, Tòa Thánh đã nhiều lần cảnh cáo những linh mục tu sĩ tham gia vào trong ủy ban này. Người Công Giáo Việt Nam cũng xin các vị rút lui khỏi cái ủy ban này để thôi là những tai tiếng cho Giáo Hội.
 
Tin Đáng Chú Ý
Người Việt kêu cứu tại Đài Loan
BBC
19:10 22/11/2008
Người Việt kêu cứu tại Đài Loan

Một số công nhân người Việt tại Đài Loan hiện đang hoang mang vì hãng xưởng đóng cửa, kinh tế đình đốn, không tìm được việc làm.

LM. Nguyễn Văn Hùng
Họ là những người đang tá túc tại Văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu người Việt tại Đào Nguyên, cơ sở thiện nguyện công giáo do linh mục Nguyễn Văn Hùng điều hành.

Một số người sang Đài Loan hơn cả năm qua nhưng chỉ làm việc thời vụ, cho đến nay vẫn không ổn định, trở thành người thất nghiệp thường xuyên một hai tuần nay.

Nhóm mới nhất gồm ba thanh niên từ Việt Nam qua được một tuần, bị thất nghiệp ngay ngày đầu tiên vì bị chủ chê là “không có kỹ năng”.

Ở Việt Nam lúc đóng tiền cho công ty môi giới lao động, họ được thông báo là sẽ làm việc ở hãng cơ khí hay ở nhà hàng.

“Sang đến nơi họ chở em lại công ty, cho thử việc năm mười phút thôi, sau đó nói với người phiên dịch rằng họ cần tuyển người tay nghề cao chứ không phải tay nghề thấp,” công nhân xuất khẩu Lê Công Trực, người mới đến Đài Loan được một tuần cho BBC biết.

Bơ vơ

Lê Công Trực là một thanh niên 18 tuổi từ Kiên Giang. Anh kể lại sau khi trả 119 triệu đồng – USD 7.500 cho một công ty môi giới tại Hà Nội, và một số hứa hẹn, anh được đưa sang Đài Loan. Hiện giờ anh trở thành người bơ vơ.

Trực nói với nước mắt chan hòa: “Em muốn đòi lại tiền môi giới để về nước đi tìm việc khác.”

Trực nói thêm làm sao một thanh niên 18 tuổi vừa rời trung học trong nước lại có kỹ năng, hay trình độ cao. Anh cảm thấy như bị lừa.

Ngay cả người có tay nghề như thanh niên Lương Kim Giàu người từ Đồng Tháp, cũng đang ở trông cảnh khốn đốn vì không có việc làm thường xuyên.

Trong 18 tháng tại Đài Loan anh phải ba lần đi xin việc, mỗi công việc chỉ kéo dài trong bốn tháng.

“Em làm công ty thứ hai chỉ trong bốn tháng công ty đó ít việc, lại trả lương thấp, ông chủ nói ý đi nơi khác tìm việc, vậy em chuyển công ty luôn.”

Từ thợ tiện, thợ bảo trì máy, cho đến người thay bóng đèn, lau chùi máy móc, việc nào anh cũng trải gia. Nhưng vẫn không may mắn. Hiện anh đang thất nghiệp và lo lắng tới tương lai.

Chưa thấy ban quản lý lao động người Việt tại Đài Bắc lên tiếng

Những thanh niên như Trực và Giàu đã tìm đến Văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu người Việt tại Đào Nguyên.

“Trong một ngày có mười cuộc điện thoại thì tới bảy tám cuộc nói đến công ty phá sản phải đưa người lao động đi đổi chủ, mà đi đổi chủ qua công ty khác làm được vài tháng thì công ty cũng phá sản nữa,” người giúp việc tại Trung tâm, cô Nguyễn Thị Đào kể lại.

Cô Đào nói thêm công nhân người Việt thất nghiệp, hoặc bị chủ đuổi, đến ăn đậu ở nhờ ngày càng nhiều. Một số người đã tính đến chuyện về nước, nhưng họ không có tiền. Còn chuyện đòi lại tiền công ty môi giới, Đào nói, xem ra hãy còn xa:

“Ví dụ như bây giờ đòi môi giới Việt Nam bồi thường thì nó bồi thường rất là ít. Khi đi có người bỏ ra tới USD$7.500 để được sang Đài Loan. Khi đì về môi giới chỉ trả cho $3.000 đô, cái tình trạng đó bây giờ ở đây rất nhiều.”

Trợ giúp

Những thanh niên như Trực và Giàu đã tìm đến Văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu người Việt tại Đào Nguyên..Đây là phái bộ công giáo thiện nguyện do cha Nguyễn Văn Hùng đỡ đầu.

Bên cạnh việc cưu mang các cô dâu người Việt bị ngược đãi, rồi công nhân bị tai nạn lao động, Trung tâm hiện giờ đang là nơi tá túc cho hơn một chục công nhân xuất khẩu người Việt thất nghiệp.

Trong đó có ba người mới đến Đài loan tuần trước, và bị chủ từ chối vì không có tay nghề.

Tình hình kinh tế Đài Loan, theo linh mục Nguyễn Văn Hùng giám đốc Văn phòng, mấy tháng gần đây không được sáng sủa. Bảy hoạc tám trăm công ty đóng cửa, nhiều ngàn công nhân, trong đó có cả bản xứ, lẫn người nhập cư, bị đuổi việc.

Cha Hùng nói vì công nhân Việt Nam phải trả phí môi giới lao động cao gấp đôi công nhân nước khác, nhiều người muốn bồi thường, mới chịu về nước.

Còn đa số chấp nhận sống ngoài vòng pháp luật, tìm việc làm qua ngày để thu lại tiền vốn bỏ ra.
 
Văn Hóa
Nhớ Nguyễn Trường Tộ nhân kỉ niệm 180 năm ngày sinh nhật của Tiên Sinh
Trần Đức Hà
12:17 22/11/2008
Nhớ Nguyễn Trường Tộ nhân kỉ niệm 180 năm ngày sinh nhật của Tiên Sinh (1828-2008)

Cùng chung giáo xứ chính toà Xã Đoài, giáo họ chúng tôi chỉ cách làng Bùi Chu một con sông. Tuổi thơ của tôi gắn bó với dòng sông, đồng ruộng và cả những tháp chuông xứ Đoài. Những lúc rảnh rỗi, khi đàn trâu được ăn no cỏ và đang tắm mình trong dòng nước mát của dòng kênh Gai hiền hoà, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi lại rủ nhau lội qua sông để sang bên kia thăm lăng Nguyễn Trường Tộ. Một lăng mộ được lập ở cuối làng mà nay những hộ dân đã bắt đầu cư trú xung quanh. Cái thời chăn trâu thơ dại ấy cũng chẳng biết gì ngoài cái mộ mang có tên tuổi một con người được ghi ở mộ chí, chỉ biết ngôi mộ này đẹp nhất ở những làng lân cận, được khảm đá đen đẹp đẽ. Tuổi thơ qua đi, giờ khôn lớn tôi mới biết cái tầm vĩ đại của con người nằm dưới ngôi mộ cuối làng Bùi ngày nào.

Vài hàng tiểu sử.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 tại giáo họ Bùi Chu, nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Giáo họ Bùi Chu là một giáo họ có truyền thống lịch sử lâu đời nhất nhì ở giáo phận Vinh. Lịch sử còn ghi lại giáo họ được phát sinh cuối thế kỷ XVII với việc cha Matinô Mật từ Kiên Lao, Nam Định được điều về coi sóc mục vụ giáo xứ Bùi Chu. Bùi Chu trở thành một cứ điểm truyền giáo sầm uất ở Nghệ An. Đất xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt” cùng với truyền thống đạo hạnh của ông cha đã hun đúc trong con người Nguyễn Trường Tộ tấm lòng yêu mến Thiên Chúa, yêu giáo hội, yêu quê hương, đất nước.

Từ thuở nhỏ, Nguyễn Trường Tộ đã được bố là Nguyễn Quốc Thư cho đi học chữ Nho. Nổi tiếng với tên gọi là Trạng Tộ. Tinh thông Nho học nhưng ông không đi làm quan bởi một lẽ mang danh người Công giáo vả lại ông cũng nhận thấy đường lối khoa cử không còn thiết thực đối với xã hội và đất nước nữa.

Khi Nguyễn Trường Tộ bắt đầu đến tuổi trưởng thành thì cũng là lúc cuộc bách hại đạo đang lên tới mức quyết liệt. Lúc này, giáo phận Vinh được thành lập (1846) trên cơ sở tách ra từ giáo phận Tây Đàng Ngoai và Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu được cử làm Giám mục tiên khởi. Việc tiếp xúc thân mật với Đức Cha Hậu là một cơ hội thuận lợi để cho ông tiến tới tiếp cận với nền văn minh Phương Tây. Ông đã được mời vào dạy chữ Hán cho Đức Cha trong chủng viện Tân Ấp.

Mộ cụ Nguyễn Trường Tộ tại Bùi Chu
Cuộc bách hại đạo dữ dội nổi lên và chiếu chỉ “phân tháp” là biện pháp tàn bạo đánh vào người Việt Nam công giáo. Đức Cha Gauthier Hậu buộc lòng phải tạm rời xa đoàn chiên dấu yêu của mình. Nguyễn Trường Tộ được Ngài đưa đi lánh nạn ở Hồng Kông, Singapore, Malaisia, Thuỵ Sỹ, Ý, Pháp và ông có thời gian học tập ở Pari trong vòng 2 năm.

Quãng thời gian bôn ba nước ngoài là thời gian quí báu để ông có thể học hỏi những điều hay chuẩn bị cho công cuộc canh tân sau này. Ông đã cố gắng miệt mài học hỏi những tiến bộ trong văn minh phương Tây với khát vọng đem những cái đó về để thay đổi đất nước theo chiều hướng phát triển.

Năm 1861, ông miễn cưỡng làm chức từ hàn (phiên dịch) cho Pháp và khi đô đốc Bonard đẩy mạnh chiến tranh xâm lược thì ông không làm cho Pháp nữa. Vì quãng thời gian này mà sau nhiều sử gia đã đánh giá không đúng về con người Nguyễn Trường Tộ.

Ông đã có công trong việc giúp cho dân làng Xuân Mỹ có được mảnh đất mới trù phú tránh được khí độc. Những công trình xây dựng của ông vẫn còn ghi dấu ấn đó là nhà nguyện của dòng Phaolô Sài Gòn (1862-1863), Dinh Giám mục Xã Đoài (1864-1866). Cùng thời gian này, ông đã giúp Tổng đốc An Tĩnh - Hoàng Tá Viêm đào kênh Sắt, một công trình xưa nay nhiều thế hệ Việt Nam chưa làm được. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là bầu nhiệt huyết của ông qua những bản điều trần chứa chan tinh thần yêu nước, vì dân tộc.

Tâm huyết của một đời người.

Cả đời của Nguyễn Trường Tộ dành tâm huyết trong 58 bản triều trần dâng lên vua Tự Đức qua Đại thần Trần Tiễn Thành. Những bản điều trần khi nào cũng được vua phê chói lọi nhưng lại nhanh chóng rơi vào quên lãng. Có người từng ví những bản điều trần đó như là tiếng kêu trong hoang mạc của Gioan Tẩy Giả hay là tiếng gà gáy sớm của một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ khá toàn diện, các nhà canh tân cùng thời đa phần đều lặp lại những vấn đề ông từng đề cập, hầu như đề cập đến mọi vấn đề, ta có thể tựu chung lại ở những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, ông rất quan tâm đến tình trạng phát triển kinh tế bởi vì kinh tế có phát triển thì đất nước mới vững mạnh (dân giàu nước mạnh). Nói như lý thuyết Xã hội chủ nghĩa thường nói thì Phương Tây hơn hẳn Việt Nam về một phương thức sản xuất, cần làm giảm bớt khoảng cách phân chia này bằng việc quan tâm mở mang công – thương, đẩy mạnh giao thương với nước ngoài, phát triển ngành nghề nông nghiệp truyền thống.

Thứ hai về mặt xã hội, ông đề xuất cải cách phong tục, đề xuất một lối sống mới, chủ trương coi trọng nhân dân, thiết lập các trại tế bần làm nơi cưu mang những số phận bất hạnh. Ông cũng kêu gọi mở mang việc học tập trong toàn quốc kết hợp với việc thay đổi nội dung giáo dục, thay thế chữ Hán bằng chữ quốc âm…

Thứ ba là về việc bang giao với nước ngoài, ông chủ trương liên kết với nhiều quốc gia hùng mạnh để tạo nên mối quan hệ bạn bè với mình. Ông phân tích để triều đình biết lợi dụng những mâu thuẫn trong khối thực dân đế quốc để giành cho mình những lợi ích nhất định. Kết thân với nhiều nước trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ cũng tương tự như chính sách “gió chiều nào theo chiều ấy” của Chulalongkon, nhà vua Thái. Một hệ quả tích cực là hầu hết các nước châu Á đều nằm dưới ách thực dân thì chỉ có Nhật Bản và Thái Lan không bị ai đô hộ cả.

Tôi tin rằng, nếu như được giao phó binh quyền thì Nguyễn Trường Tộ chắc chắn sẽ trở thành nhà quân sự đại tài. Một nguyên tắc chủ đạo trong nghệ thuật quân sự của ông là "chủ hoà" nhưng không có tư tưởng "chủ hàng". Ông khuyên triều đình cải tu võ bị, trọng võ trọng văn, ưu ái người lính, biên soạn binh pháp, đào tạo sĩ quan, mua sắm tàu thuyền vũ khí, xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp xâm lược lan ra cả nước... Đồng thời, ông cũng đưa ra những quyết sách hợp lý để thúc đẩy nền quân sự nước nhà tiến lên.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể đề cập hết những tâm huyết mà Nguyễn Trường Tộ đã dày công, miệt mài sáng tạo ngỏ hầu giúp ích cho đất nước, công việc của ông như con ong cần mẫn suốt đời tạo nên mật ngọt cho đời.

Tiếc thay, khát vọng mang lại sự hùng cường cho dân tộc của một tín đồ Công giáo nhiệt thành nơi quê hương xứ Nghệ lại không trở thành hiện thực vì những lý do khách quan và chủ quan.

Gần 140 năm sau ngày mất, nhìn lại con người Nguyễn Trường Tộ.

Lịch sử là ông thầy dạy khôn và nó sẽ là người đưa ra nhận xét cuối cùng đối với một nhân vật, một hiện tượng hay một sự kiện lịch sử. Đương thời, Nguyễn Trường Tộ không được vua quan nhà Nguyễn kể cả giới sỹ phu xứ Nghệ coi trọng chỉ vì ông là người Công giáo và đến lúc chết ông phải đau đớn thốt lên: “Một bước sa cơ, ngàn đời ôm hận

Quay đầu ngoảnh lại cơ đồ bỗng hóa trăm năm”…

Lịch sử đến nay đã có những nhận xét đánh giá trân trọng những tâm huyết và lòng yêu nước nồng nàn của ông. Ngày nay, giới sử học đều ca ngợi nhân cách sống và mức độ vĩ đại của những đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ đối với đất nước. Cuộc cải cách của Nguyễn Trường Tộ khởi xướng nếu được thực hiện sẽ thay đổi bộ mặt nước ta tương xứng với nước Nhật của Minh Trị Thiên Hoàng hay như Thái Lan thời Chulalongkon. Một nhóm nhân sỹ quê hương đứng đầu là Từ Ngọc – Nguyễn Lân đã cho xây dựng lại ngôi mộ của Nguyễn Trường Tộ. Khuôn viên ngôi mộ được tu bổ sạch đẹp hơn và hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hiện nay, nhiều thành phố, thị xã đều có đường mang tên Nguyễn Trường Tộ; không ít trường học mang tên người Công giáo yêu nước này.

Thế nhưng! Trong những năm qua, cùng với sự chống phá Kitô giáo của Giao Điểm, một nhóm thiểu số hải ngoại đang một âm mưu chia rẽ hai tôn giáo với những mục đích chính trị. Họ lần lượt đưa những nhân vật Kitô giáo ra đánh phá với con mắt thiển cận, hẹp hòi. Nguyễn Trường Tộ không nằm ngoài những nhân vật được đưa ra mổ xẻ mà một kết luận được họ đưa ra không dựa trên lịch sử khách quan nhưng nhằm đánh đổ bức tượng đài của một con người đã được ghi khắc trong lòng nhân dân Việt Nam. Tôi còn nhớ một lần đi tham quan kinh thành Huế, một hướng dẫn viên đã đưa ra nghi vấn Nguyễn Trường Tộ một tên “Đại Việt Gian”, lời của anh ta hệt như lập luận của Bùi Kha, Trần Chung Ngọc trong cuốn “Nguyễn Trường Tộ, thực chất con người và di thảo” được xuất bản tại Mỹ. Thế là cả nhóm sinh viên lớp Lịch Sử chúng tôi đứng lên phản đối buộc anh ta phải lên tiếng xin lỗi. Những thế lực kiểu đó đang rắp tâm “thay trắng đổi đen” hòng cố tình bôi bẩn một người Công giáo yêu nước được cả xã hội thừa nhận nhưng dã tâm của họ đâu có đủ năng lực để làm việc ấy.

Tạm biệt thời chăn trâu thơ dại bên những dòng sông, cánh đồng, những tháp chuông nhà thờ, tôi lên học cấp hai ở trường làng. Ngôi mộ ở cuối làng Bùi Chu vẫn cuốn hút tôi. Tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời của một đồng hương lại là đồng đạo khi tiếp cận với những tư liệu viết về ông. Kể cũng thật lạ với hình ảnh một chú bé con lớp 6 lúc nào cũng nghiền ngẫm cuốn“Nguyễn Trường Tộ tiểu thuyết” của tác giả Thanh Đạm hay là “Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo” của Linh mục Trương Bá Cần. Tôi đọc hoài mà không biết chán, khi nào rảnh rỗi lại lấy sách đọc tiếp.

Ở môi trường Đại học, Nguyễn Trường Tộ vẫn là một nhân vật rất cuốn hút tôi. Trong một bài tập khoa học đầu tiên của thời sinh viên tôi chọn ngay đề tài “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề cải cách giáo dục”. Đề tài của tôi được thầy cô giáo trong Khoa Lịch sử đánh giá cao và cho đăng ngay vào Nội san nhà Sử học trẻ. Hiện nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của ông, tôi đều cố gắng tìm về hay là tham dự các buổi hội thảo giới thiệu về thân thế, con người và sự nghiệp của vị tiên sinh họ Nguyễn.

Dịp đầu tháng 11.2008 vừa rồi, UBND tỉnh Nghệ An có tổ chức hội thảo nhân dịp kỷ niệm 180 năm (1828-2008) ngày sinh của Nguyễn Trường Tộ. Ông đã ra đi cách đây gần 140 năm nhưng những tư tưởng canh tân đổi mới của ông vẫn mang một giá trị thực tiễn lớn lao. Xã hội hôm nay vẫn còn nhiều vấn đề có thể áp dụng theo cái nhìn của Nguyễn Trường Tộ. Hôm nay đứng trước mộ cụ ở làng Bùi Chu, xin thắp nén hương lòng của bậc con cháu, một người đồng hương, người đồng đạo kính gửi cụ Nguyễn Trường Tộ. Một con người xứng đáng lưu danh muôn đời vì suốt đời cụ đã:

Kính Chúa yêu người hằng tạc dạ,
Trung vua mến nước vốn ghi lòng
”...

Xã Đoài, ngày giỗ cụ 22.11.2008
 
Đặc Ngữ Công Giáo: Tìm hiểu các đặc ngữ của dòng Mến Thánh Giá xưa: Bà Mụ, Câu Rút, Cu Rút, Chị Ả, Dòng.
Nguyễn Long Thao
13:52 22/11/2008
Đặc Ngữ Công Giáo: Tìm hiểu các đặc ngữ của dòng Mến Thánh Giá xưa: Bà Mụ, Câu Rút, Cu Rút, Chị Ả, Dòng.

Khi đi tìm tài liệu để viết tác phẩm “Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam”, chúng tôi gặp một số đặc ngữ được dùng trong Dòng Mến Thánh Giá xưa mà truy cứu ra các từ này không có trong các từ điển thông thường, hoặc nếu có, cũng khác với ý nghiã của người Công Giáo hiểu. Do vậy bài nghiên cứu này tìm hiểu nguồn gốc các từ: Dòng, Bà Mụ, Câu Rút hay Cu Rút, Chị Ả. Nhưng trước hết tìm hiểu từ “Dòng”

Dòng: từ Nôm, cách viết từ này gồm bộ Thủy氵và Dụng 用 ghép lại. Trong bài viết Tự Vị Taberd Và Di Sản Văn Hóa Việt Nam được in trong phần đầu của Từ Điển Taberd do nhà Xuất Bản Văn Học tái bản năm 2004, giáo sư Trần Văn Toàn cho rằng từ Dòng là từ ngữ chuyên môn của Công Giáo. Theo nghĩa thông thường, từ Dòng chỉ ý nghĩa sự gì liên tục như dòng nước, dòng sông, dòng nhạc, dòng dõi. Trong Đại Từ Điển Tiếng Việt hay Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức từ Dòng có 4 nghĩa: (1) Khối chất lòng chảy dọc, dài ra. (2) Chuỗi dài kế tiếp không đứt đoạn. (3) Hàng ngang trên giấy như dòng kẻ. (4) Tập hợp những người cùng một huyết thống kế tục từ đời này sang đời kia. Cả hai từ điển này đều không có từ “Dòng” theo nghĩa của người Công Giáo: Dòng là một tu hội.

Từ Dòng xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ người Công Giáo khi các vị thừa sai thành lập tu hội “Mến Thánh Giá Câu Rút Đức Chúa Giêsu” do đức Cha Lambert De La Motte thành lập năm 1670. Khi đặt tên cho tu hội này Ngài viết như sau: “Những bổn đạo nữ ở nước Annam đã lâu đã khấn cùng Đức Chúa Lời giữ mình sạch sẽ. Ta nghe tin này thì muốn tạ ơn Đức Chúa Lời vì Đức Chúa Lời đã mở lòng cho những kẻ ấy sẵn lòng mà khấn những sự trọng làm vậy, lại xin cho được vào dòng ấy mà tìm lẽ nào cho được phó cả và mình làm tôi Đức Chúa Lời cho lọn. Ấy đàng Đức Chúa Lời đã mở ra, cho nên ta lập dòng chị em tu hành nước Annam, mà đặt tên là Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu”.

Tự Điển của Đức Cha Taberd, ngoài nghĩa thông thường, Ngài còn định nghĩa Dòng: Ordo Religiosus tức Tu Hội Dòng. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của không ghi từ Dòng có nghĩa như từ điển của Đức Cha Taberd nhưng ghi hai từ: thầy Dòng: thầy tu, kẻ vào hội tu thân. Vào Dòng: chịu theo phép tu trì cực khổ. Như vậy, người Công Giáo bắt đầu dùng từ Dòng từ năm 1670 tức nàm thành lập tu hội mà ngày nay ta gọi là Dòng Mến Thánh Giá

Theo quan điểm của chúng tôi, có lẽ các nhà thừa sai ngày xưa dùng từ Dòng để chỉ tu Hội vì những người trong dòng, tuy không cùng một huyết thống, nhưng có cùng một lý tưởng được kế tục đời này sang đời kia, như đặc tính của từ dòng như Dòng Họ, Dòng Tộc, Dòng Giống, đưọc nêu ra trong định nghĩa của Đại Từ Điển Tiếng Việt.

Câu Rút – Curút : Từ Câu Rút có trong tên hội dòng “Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu”. Đôi khi từ Câu Rút được viết là Curút. Đó là tiếng phiên âm của từ Cruz trong tiếng Bồ Đào Nha hay Crux trong tiếng La Tinh có nghĩa là Thánh Giá và được phát âm là Cờ- Rux. Người ta chưa biết tiếng phiên âm này bắt nguồn từ tiếng La Tinh hay tiếng Bồ Đào Nha. Linh Mục Trần Anh ở Hoa Kỳ và Cao Sơn Thân ở Nhật, cả hai thuộc dòng Tên, cho chúng tôi biết nhiều nhà thừa sai dòng Tên trước khi sang Việt Nam, đã ở Nhật và tại Nhật các Ngài đã phiên âm các từ Công Giáo từ tiếng La Tinh sang Tiếng Nhật. Chứng cớ là nhiều tài liệu viết tay của các thừa sai dòng tên còn lưu trữ tại Bồ Đào Nha chứng minh cho điều này. Như vậy phải chăng tiếng Câu Rút hay Cu Rút được phiên âm từ tiếng La Tinh?

Trước khi có từ Câu Rút, các nhà thừa sai dùng từ Cu Rút. Hội Thừa Sai Paris còn lưu trữ sách Phép Dòng Chị Em Mến Cu Rút Đức Chúa Jêsu là bản luật cũ nhất của dòng Mến Thánh Giá viết dưới thời Đức Cha Lambert De La Motte. Dòng do Đức Cha thành lập năm 1670 và Ngài tạ thế năm 1679. Không có tài liệu nào nói ai là người đầu tiên dùng tiếng Curút hay Câu Rút và tiếng đó xuất hiện từ năm nào. Nhưng có phần chắc từ Cu Rút đã có từ giữa thế kỷ 17. Cho đến đầu thế kỷ 20 người ta vẫn còn thấy từ Câu Rút trong sách: “Phép Nhà Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jesu”. In lần thứ hai, Kẻ Sở 1907. Sau này từ Câu Rút được thay thế bằng từ Thánh Giá hay Thập Tự Giá. Do vậy Công Giáo Việt Nam có tên Dòng Mến Thánh Giá và người ta cũng chưa biết ai là người đầu tiên dùng tiếng này vào năm nào. Chỉ biết từ Thánh Giá có trong từ điển của Đức Cha Taberd: Dictionarium Anamitico - Latinum xuất bản năm 1838. Từ Câu Rút, đồng nghĩa với các từ Cu Rút, Thánh Giá, Thập Tự Giá, Khổ Giá.

Bà Mụ: Vào đầu thế kỷ 20 dân chúng thường dùng danh từ Bà Mụ để chỉ bất cứ Bà Dòng Mến Thánh Giá nào và nhà dòng Mến Thánh Giá được gọi là Nhà Mụ. Dân chúng đã hiểu lầm ý nghĩa của từ Bà Mụ. Theo bản văn luật dòng Mến Thánh Giá xưa được gọi là phép nhà, thì nguyên nghĩa từ Bà Mụ để chỉ bà bề trên cơ sở dòng Mến Thánh Giá và từ Chị Ả để chỉ bà phó bề trên, còn các chị dòng khác được gọi chung là chị em. Đoạn 19 trong bản luật thế kỷ 18 của dòng Mến Thánh Giá viết như sau: “Phép chọn mụ, cùng chị ả, và kẻ giữ việc. Hễ là ba năm một lần trong lễ Đức Chúa Spiritô Sanctô (Chúa Thánh Thần- ghi chú của người viết) Hiện Xuống, hay là ngày nào khác, bề trên dạy chị em hợp lại, mà chọn một người nào làm mụ, cùng một người nào làm chị ả, và một người khác giữ việc cho chị em”. Dân chúng không phân biệt như trên mà gọi bất cứ vị nữ tu Mến Thánh Giá nào cũng là Bà Mụ. Ngày nay từ Mụ không còn được dùng nữa, và dân gian coi từ mụ không được ra vẻ cho lắm nên đã dùng từ Bà Xơ, Bà Xờ, Bà Dòng, Bà Phước, Dì Phước để chỉ người Nữ Tu nói chung. Từ Xơ hay Ma Xơ do tiếng Ma Soeur của Pháp ngữ.

Tại sao các nhà truyền giáo xưa lại dùng từ Bà Mụ để chỉ nữ tu dòng Mến Thánh Giá trong khi người Việt Nam hiểu từ Bà Mụ là người đàn bà đỡ đẻ và là nữ thần khuôn nặn hình hài thai nhi. Đại Từ Điển Tiếng Việt định nghĩa từ Bà Mụ: (1) người đàn bà đỡ đẻ ở nông thôn trước đây. (2) Nữ thần nặn ra hình đứa trẻ. (3) nữ tu đạo Thiên Chúa thuộc một dòng tu riêng của Việt Nam (3) Bướm nhỏ. (4) ấu trùng của chuồn chuồn sống dưới nước. Đại Từ Điển Tiếng Việt vì mới xuất bản năm 1999 nên có từ Bà Mụ chỉ nữ tu đạo Thiên Chúa. Từ điển Tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản vào những năm tiền bán thế kỷ 20 chưa có từ Bà Mụ có nghĩa là nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Với các ý nghĩa dân gian hiểu về từ Bà Mụ chắc chắn không thích hợp, hay không đúng ý nghĩa Bà Mụ là bà dòng Mến Thánh Giá xưa. Có hai giả thuyết giải thích từ Bà Mụ để chỉ bà bề trên cơ sở dòng Mến Thánh Giá.

Giả thuyết thứ nhất căn cứ vào ý nghĩa từ Mụ trong tiếng Nôm và Hán Việt. Từ Mụ vừa là Nôm 姥 vừa là Hán Việt 媽. Hai từ có ý nghĩa gần như nhau để chỉ người mẹ hoặc bà già. Theo giả thuyết này, vì từ Mụ có ý nghĩa là bà mẹ nên các nhà thừa sai đã dùng từ đó để chỉ bà bề trên dòng Mến Thánh Giá như tập tục của tất cả các nhà dòng nữ trên thế giới gọi bà bề trên là bà mẹ.

Giả thuyết thứ hai cho rằng khi thiết lập dòng Mến Thánh Giá, các nhà truyền giáo tây phương chưa thông thạo chữ tiếng Việt đã dựa vào Phúc Âm để lấy chữ Mụ trong từ Mulier của tiếng La tinh để chỉ nữ tu bề trên của Dòng Mến Thánh Giá. Từ Mulier có nghĩa là người đàn bà. Trong Phúc Âm có nhiều chữ Mulier. Ví dụ trong đoạn Chúa Giêsu trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan, Phúc Âm viết: Cum vidisset ergo Iesus matrem et discipulum stantem quem diligebat dicit matri suae mulier ecce filius tuus. (Jn 19,26) Vậy Ðức Yêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: Hỡi bà này là con bà! Giả thuyết nào đúng còn cần có thêm chứng cớ. Hai giả thuyết này, cái nào đáng tin cậy hơn, còn cần sự xác minh của các bậc thức giả.

Chị Ả: Ả 婭 từ Nôm cổ chỉ đàn bà còn trẻ. Đầu lòng hai ả tố nga – Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân (Kiều). Dân gian xưa cũng dùng từ Chị Ả để chỉ con gái đầu lòng. Do ý nghĩa này mà trong bản luật dòng Mến Thánh Giá xưa, từ Chị Ả để chỉ bà phó bề trên dòng Mến Thánh Giá. Bà Bề Trên gọi là Bà Mụ, Bà Mẹ nên Bà Phó Bề Trên được gọi là Chị Ả tức con đầu lòng.

Góp ý: E mail: thaonguyen918@yahoo.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nguyện/Tin
Josephhoa Phạm
00:07 22/11/2008

NGUYỆN/TIN



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Mọi chuyện xẩy đến hãy chấp nhận,

và trải qua bao thăng trầm, hãy cứ kiên nhẫn.

Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa,

còn người sáng giá thì phải thử trong lò ô nhục.

Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ..

(Trích Huấn Ca 2: 3-6)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền