Ngày 16-11-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Lm. Anthony Trung Thành
09:19 16/11/2016
Suy niệm LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ C

Hằng năm, cứ đến Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Mặc dầu mãi tới ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI mới chính thức thiết lập lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, nhưng Kinh thánh đã từng gọi Chúa Kitô là vua, xin được đơn cử một vài trích dẫn sau đây:

Thứ nhất, khi các nhà chiêm tinh từ Phương Đông thấy ngôi sao lạ xuất hiện, họ cho rằng, có một vị vua mới sinh ra, họ đã lên đường tìm kiếm, và khi tới Giêrusalem họ hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (x. Mt 2,1-2).

Thứ hai, khi Philatô hỏi Đức Giêsu: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Đức Giêsu trả lời: Chính tôi là vua, nhưng Nước tôi không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36-37).

Thứ ba, ông Philatô truyền cho người ta viết tấm bảng trên đầu thập giá với hàng chữ: “Giêsu Nazareth Vua dân Do thái”(x. Ga 19,19).

Ngoài ra, cách này hay cách khác, Kinh thánh gọi Đức Giêsu là vua: Kẻ trộm lành xin Đức Giêsu rằng: “Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”(x. Lc 23,42); trong ngày phán xét chung, Đức Giêsu làm vua để phán xét kẻ sống và kẻ chết (x. Mt 25, 31-46).

Khi đề cập đến danh hiệu vua, chúng ta thường nghĩ ngay đến một người có quyền chức để thống trị thần dân, sai khiến quan quân, thậm chí là hưởng thụ tiền của, cung tần mỹ nữ…Nhưng đối với Vua Giêsu thì khác, Ngài là vua Tình Yêu, vua phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Ngài đã nói với các môn đệ rằng: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27). Thật vậy, Ngài không chỉ dạy các môn đệ mà chính Ngài đã thực hiện lời đó một cách triệt để: Ngài là Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi; ba mươi năm sống ẩn dật, nghèo khó ở Nazareth; ba năm đi rao giảng Tin mừng, Ngài chữa lành biết bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền: kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại và rất nhiều người bị các thứ bệnh khác nhau nhờ Ngài mà được khỏi. Ngài còn gặp gỡ, tiếp xúc với những người tội lỗi để tha thứ cho họ. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động hạ mình thẳm sâu nói lên lòng khiêm nhường và tinh thần phục vụ của Ngài. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận cho người ta bắt bớ, đánh đòn, đội mạo gai, vác thập giá, đóng đinh và chết như một tội nhân. Tất cả vì tình yêu, đúng như lời Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13).

Cuối đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Luca kể lại cuộc trao đổi ngắn gọn giữa kẻ trộm lành và Đức Giêsu. Dầu Ngài chỉ có một câu thôi, nhưng cũng đủ để nói lên Ngài thực sự là Vua Tình yêu. Người trộm lành thưa với Đức Giêsu rằng:“Lạy Ngài khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến tôi” (x. Lc 23,42). Ngay lập tức, Đức Giêsu đáp lại rằng: “Ta bảo thật anh, ngay hôm nay anh sẽ được lên Thiên đàng với Ta”(x. Lc 23,43). Việc Đức Giêsu cho kẻ trộm lành lên Thiên đàng ngay ngày hôm đó, đồng nghĩa với việc Ngài tha thứ tất cả tội lỗi cho anh. Không những tha thứ tội lỗi mà Ngài còn tha ngay cả hình phạt do tội lỗi của anh gây ra, đặc biệt là tội lỗi đức công bằng.

Trước tình yêu vô bờ bến của Vua Giêsu, chúng ta phải làm gì?

Trước hết, chúng ta phải tránh thái độ vô cảm, vô tâm, vô ơn, phủ nhận tình yêu của Thiên Chúa như các thủ lĩnh, lính tráng và dân chúng. Tin mừng kể lại: Khi Đức Giêsu bị đóng đinh, các thủ lãnh và dân chúng buông lời cười nhạo Đức Giêsu mà rằng: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (x. Lc 23, 35). Lính tráng thì chế giễu Người: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” (x. Lc 23, 37).

Thứ đến, chúng ta phải có lòng biết ơn Đức Giêsu bằng cách luôn yêu mến Ngài. Đồng thời noi gương cách cử xử của Ngài, khi chúng ta có trách nhiệm với những người khác, chúng ta không được dùng quyền để thống trị, nhưng hãy lấy đức yêu thương để phục vụ nhau: Linh mục có trách nhiệm yêu thương và phục vụ giáo dân; cha mẹ có trách nhiệm yêu thương và phục vụ con cái; thầy cô có trách nhiệm yêu thương và giáo dục học sinh…

Cuối cùng, để trở thành công dân nước trời, không phải chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa tội là đủ, mà còn cần phải thực hiện những điều đã thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích đó. Đức Giêsu đã từng nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (x. Lc 7,21). Muốn được vào Nước Trời cần phải “thi hành ý muốn của Cha Thầy.” Ý muốn của Chúa Cha được thể hiện: qua Kinh Thánh; qua Giáo Hội; qua các Bề Trên hợp pháp trong các cộng đoàn. Ý muốn của Chúa Cha còn là việc thực hiện lời thề hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và nếu lỡ sa ngã phạm tội như kẻ trộm lành kia thì cần có lòng thống hối ăn năn và cầu xin Chúa cho được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua Tình Yêu, xin làm vua ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin đuổi ra khỏi chúng con những gì không phù hợp với công dân Nước trời, để ngày sau chúng con trở thành thần dân của nước Thiên đàng Vĩnh Cửu. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 16/11/2016
69. BÀN CHÂN TO CỦA THẦN TIÊN.

Nữ hoàng Võ Tắc Thiên thích “điềm lành”, thích những lời nói nịnh.
Năm ấy, có hơn ba trăm phạm nhân bị giam trong chùa Đại Lý, họ lo sợ rằng qua tiết thu phân thì sẽ bị thọ đại hình, bèn dùng kế: bốn góc tường chung quanh nhà ngục, giả làm một dấu chân dài khoảng một thước rưỡi trên đất, đợi đến nửa đêm thì cùng nhau réo to lên.
Các thị vệ trong cung truy hỏi thì các phạm nhân trả lời:
- “Tối hôm qua có thần tiên xuất hiện, cao hơn ba trượng , mặt mày sáng loáng nói với chúng tôi: các ngươi đều bị oan uổng, đừng có sợ, đương kim hoàng đế có thể sống ngàn tuổi sẽ khai ân cho các ngươi và tha tội cho các ngươi”.
Các thị vệ nghe vậy, lại nhìn trên đất quả nhiên thấy có một dấu bàn chân khổng lồ, bèn trở về cung báo cho Võ Tắc Thiên hay, nữ hoàng bèn hạ chiếu chỉ đại xá thiên hạ, và để kỷ niệm “bàn chân to của thần tiên” nên đổi niên hiệu lại là “đại túc nguyên niên”.
(Thái Bình Quảng ký)

Suy tư 69:
Các vua chúa thời xưa và ngay cả các vua chúa thời nay thường tin vào những điều dị đoan bói toán, lý do rất dễ hiểu là họ muốn quyền uy và ngai vàng của mình không bị sụp đổ khi có quỷ thần can thiệp.
Có nhiều Ki-tô hữu vì sợ sa xuống hỏa ngục cho nên giữ đạo như người tin dị đoan, mỗi tuần đi lễ Chúa Nhật một lần như các thiện nam tín nữ đi chùa ngày sóc ngày trăng, họ đi lễ để hy vọng được “chạy tội” chứ không phải vì lòng yêu mến và tôn vinh Thiên Chúa, cho nên khi dự thánh lễ thì họ không thiết tha gì với những lời kinh mà họ đọc, bài giảng của linh mục chủ tế mà họ nghe trong thánh lễ...
Ngày nay cũng có một số linh mục khi dâng lễ thì mọi động tác quỳ gối, giang tay, cử điệu làm cho giáo dân nghĩ ngay đến các ông đạo sĩ trong phim ảnh Hongkong, vì có linh mục khi dâng lễ thì làm điệu làm bộ từ cử động cho tới lời nói; có linh mục thì cử điệu y như là nhà ảo thuật nhanh tay nhanh miệng, thậm chí sau khi truyền phép thì có linh mục đưa Mình Thánh hoặc chén Máu Thánh lên và bỏ xuống nhanh như chớp đến nỗi giáo dân thắc mắc không biết cha chủ tế đã đưa Mình Thánh Chúa lên để giáo dân thờ lạy chưa ? Lại có vài linh mục không nhanh không chậm, nhưng có những cử điệu và lời nói không đúng với quy định của lễ nghi, nghĩa là các ngài thích nói lúc nào thì nói, muốn huơ tay lúc nào thì huơ bất kể luật chữ đỏ...
Các phạm nhân lợi dụng sự mê tín của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên để lừa bà ta, nhưng các giáo hữu không phải vì mê tín mà đến nhà thờ, nhưng là vì yêu mến Đức Chúa Giê-su Thánh Thể mà đến hội ước với Ngài.
Người ngoại giáo sẽ chê lễ nghi của chúng ta là “dị đoan” nếu cử chỉ thái độ của mỗi người trong chúng ta khi tham dự và cử hành thánh lễ giống như một thầy cúng huơ tay múa chân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 16/11/2016

17. Rất lâu không rước lễ thì linh hồn sẽ biến thành yếu đuối, kết quả là con sẽ trở thành người khô khan đáng sợ.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa Kitô vua vũ trụ
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
21:39 16/11/2016
VUA “NGƯỢC ĐỜI” CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM C

Hôm nay Hội Thánh tuyên xưng Chúa Kitô là Vua, nhưng không phải vua bình thường, không phải vua một quốc gia, một dân tộc, nhưng còn hơn vua quốc gia hay dân tộc: Người là Vua các vua Chúa các chúa. Và còn lớn hơn thế: Người là Vua vũ trụ.

Bài đọc hai, trích thơ gởi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô cho thấy vương quyền của Chúa Kitô còn hơn gấp bội lần, vương quyền đó tuyệt đối. Tuyệt đối vì: Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi loài cả trên trời, cả dưới đất, dù hữu hình hay vô hình, tất cả chỉ được tạo thành nhờ Người. Người có trước mọi loài. Người bá chủ mọi loài.

Vì vương quyền của Chúa Kitô là vương quyền tuyệt đối, nên khi nói Chúa Kitô là Vua vũ trụ, ta tuyên xưng và tôn vinh vương quyền của Người theo nghĩa tuyệt đối này.

Nhưng tôi lại thấy có cái gì mâu thuẫn trong cách trình bày của Hội Thánh về khuôn mặt của Vua Kitô?

Người là Vua lớn lao: Vua vũ trụ tuyệt đối, vương quốc của Người bao trùm mọi nơi và mọi sự, vương quyền của Người trải rộng như thế, vậy mà trong lễ này, Hội Thánh lại chọn Tin Mừng nói về việc Chúa chịu đóng đinh để ta suy niệm.

Ngay đầu bài Tin Mừng, thánh Luca cho biết “các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu”. Ngày người ta lên ngôi vua, là ngày vinh quang, ngày nổi đình nổ đám, ngày tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của. Đàng này một tử tội chịu đóng đinh trên thập giá trần trụi giữa trời giữa đất, lại được tôn xưng là vua!

Có cái gì đó quá mâu thuẫn. Mâu thuẫn đến độ phi lý. Vậy Hội Thánh có sai lầm, hay Hội Thánh có ý gì khác?

Hội Thánh cố tình trình bày như thế, để chính trong cái mà ta cho là mâu thuẫn, đòi ta phải khám phá ý nghĩa đích thực của Vua Kitô.

Đó là Chúa Kitô có đủ mọi uy quyền, nhưng không phải để ra oai tác oái, mà để cai trị bằng tình yêu.

Vương quyền Người càng tuyệt đối, vương quốc Người càng bao trùm bao nhiêu thì tình yêu của Người càng lớn lao bấy nhiêu.

Hóa ra khi trình bày Vua vũ trụ qua khuôn mặt của thập giá, Hội Thánh không mâu thuẫn, ngược lại Chúa Kitô mới “ngược đời”: Vua vũ trụ đấy, nhưng lại bảo rằng: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hgiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Vua vũ trụ đấy, nhưng lại cúi xuống rửa chân cho môn đệ.

Vua vũ trụ đấy, nhưng người ta tôn làm vua - sau khi họ hưởng từ nơi Người một phép lạ cả thể: đang thiếu thốn vậy mà được ăn đến phát no và còn dư vật - thì Vua lại chạy trốn, không nhận sự vinh quang được ban tặng từ những con người trần thế.

Còn nhớ khi thánh Phêrô tuyên xưng bằng một lời long trọng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì ngay sau lời tuyên xưng đó, Vua Kitô báo trước cuộc khổ nạn của mình: Phải nhiều nhiều đau khổ, bị người ta giết rồi mới sống lại.

Tin Mừng thánh Gioan, trong khi tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô và ông Nicôđêmô, có ghi lại câu nói của Chúa khi Chúa khẳng định vương quyền của Người: “Như ông Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, con người cũng sẽ được giương cao như vậy”.

Lời này tương đương một lời nói khác của Chúa Kitô, cũng theo Tin Mừng Gioan: “Ngày nào Ta được giương cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Rồi thánh Gioan kết luận: Người nói Người được giương cao là ám chỉ cái chết của Người.

Mà cái chết của Vua Kitô, cứ nhìn bằng mắt phàm trần, đó là cái chết ô nhục, chết treo trên thập giá. Nhưng với Chúa Kitô, chính khi được treo lên là lúc được giương cao. Treo lên là được tôn vinh.

Vẫn chưa hết. Sau khi phục sinh, sách Công vụ Tông đồ gọi Vua Kitô là Đức Chúa. Tước vị Đức Chúa, trước kia chỉ dành cho Thiên Chúa, nay áp dụng cho Vua Kitô để tuyên phong Người.

Đức Chúa hiện ra trong vinh quang phục sinh để trao ban bình an cho các môn đệ, thì ngay trong lúc trao ban bình an, lại cho các ông xem tay và cạnh sườn. Tại sao? Tại vì dấu của thập giá vẫn hằn sâu trên tay và trên cạnh sườn.

Trên thập giá, Chúa kitô được giương cao, cho nên trên thập giá, vương quyền của Chúa Kitô tuyệt đối. Trên thập giá, Chúa Kitô là Vua, Vua vũ trụ. Trên thập giá Chúa Kitô là Chúa, Chúa mọi loài.

Tất cả những hình ảnh ấy là gì nếu không phải là tình yêu? Dấu của thập giá càng khắc sâu bao nhiêu, thì gương mặt của Vua Tình yêu càng rực rỡ bấy nhiêu. Chỉ khi yêu như thế, Vua Kitô mới là Vua đúng nghĩa.

Chỉ có Vua Kitô mới làm vua “ngược đời” như thế, nhưng lại rất tuyệt vời!

Vì là Vua Tình yêu, cho nên Chúa dạy anh chị em và tôi hãy yêu như Người đã yêu. Chỉ có yêu như Chúa, ta mới xứng đáng là thần dân của Chúa.

Tôi nghĩ hình ảnh anh chị em lo cho con cái, hiến thân nuôi nấng, dạy dỗ con nên người là lúc ta sống tình yêu của Chúa Kitô. Tôi thấy có nhiều cha mẹ quên mình, nhận hết mọi cực nhọc, suốt ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất; hết buôn gánh lại bán bưng. Nhưng hình ảnh đó rất đẹp để diễn tả Tình yêu Chúa Kitô.

Ngược lại con cái cũng hãy yêu thương cha mẹ mình. Từ lời ăn tiếng nói, sao cho nhẹ nhàng, không gắt gỏng, cải vả, không trả treo, không lời một tiếng hai với cha mẹ; đến hành động và suy nghĩ, sao cho xứng là con thảo, con ngoan.

Sống trên thuận dưới hòa như thế, sẽ là gia đình sống tình yêu của Chúa Kitô.

Anh chị em hãy yêu đi, tình yêu sẽ cho ta biết phải làm gì để tận hiến cho người mình yêu.

Lm JB. NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Viedo của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ
Lm. Trần Đức Anh OP
08:48 16/11/2016
VATICAN. ĐTC khuyến khích tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ tích cực tham gia cuộc gặp gỡ toàn quốc lần thứ 5 các tín hữu Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, để canh tân và dấn thân truyền giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp Video gửi HĐGM Hoa Kỳ nhóm đại hội mùa thu từ ngày 14 đến 17-11-2016 tại thành phố Baltimore.

Cuộc gặp gỡ các tín hữu Hispanic nói tiếng Tây Ban Nha, sẽ bắt đầu từ tháng giêng tới đây, 2017, tại các giáo phận, và kết thúc với cuộc cử hành toàn quốc vào tháng 9 năm 2018. Các sinh hoạt này nhắm nhìn nhận và đề cao những hồng ân đặc thù mà các tín hữu Công Giáo Hispanic đã và tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội tại Mỹ. Hơn nữa, đó là thành phần một tiến trình rộng lớn hơn để canh tân và dấn thân truyền giáo mà tất cả các giáo phận tại Mỹ được kê gọi thực hiện.

ĐTC bày tỏ hy vọng Giáo Hội tại Mỹ, ở mọi cấp độ, sẽ đồng hành với cuộc gặp gỡ sắp tới, qua những suy tư và sự phân định mục vụ, đặc biệt Ngài xin các giáo phận hãy cứu xét xem mình có thể làm gì để đáp ứng tốt đẹp hơn sự hiện diện ngày càng gia tăng của cộng đồng Hispanic. Để ý đến sự đóng góp của cộng đồng này cho đời sống quốc gia, ĐTC cầu nguyện để Cuộc gặp gỡ toàn quốc kỳ 5 của các tín hữu Công Giáo Hispanich mang lại thành quá cho sự canh tân xã hội Mỹ và cho hoạt động tông đồ tại nước này. (SD 15-11-2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại GĐ Woodville - Nam Úc
Vietcatholic Adelaide
05:09 16/11/2016
Lúc 16.30 chiều, Chúa Nhật ngày13/11/2016 rất đông các quan khách, hội đoàn và giáo dân giáo xứ Croydon Park đã qui tụ về nhà thờ Mater Dei để tham dự đại lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bổn mạng của giáo đoàn Woodville và ca đoàn Hy Vọng.
Theo sự hướng dẫn của Ban Tổ Chức, tất cả cộng đoàn, khoảng 250 người, ăn mặc chỉnh tề, từ các cụ già đến các em nhỏ, tập trung trong sân bên hông nhà thờ để rước kiệu di ảnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào nhà thờ trong một buổi chiều mùa xuân nắng ấm, gió khá mạnh. Đoàn rước có Thánh Giá nến cao đi đầu, theo sau là ban lễ sinh áo trắng, quý Cha đồng tế, kế tiếp là các đoàn thể theo thứ tự, có các cụ bà trong quốc phục khăn đóng, áo dài đỏ, đặc biệt ca đoàn Hy Vọng trong đồng phục áo sơ mi trắng, cravate màu xanh đậm cho nam và áo dài xanh dương cho nữ trông rất đẹp mắt, tiếp theo là đoàn các em thiếu nhi và thiếu niên trong đồng phục áo trắng, rồi đến giáo dân và cuối cùng là kiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có các cụ ông trang phục áo dài xanh, khăn đóng tháp tùng.
Đoàn rước từ từ tiến vào nhà thờ cùng lúc ca đoàn Hy Vọng cất vang lời bài ca “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” thật hào hùng để mừng kính các Thánh Tử Đạo.
Bên trong nhà thờ, gian cung thánh hôm nay được trang hoàng rất đẹp với nhiều bông hoa, đèn nến cao, đặc biệt bàn thờ được phủ khăn vàng có hàng chữ to in đậm: MÁU TỬ ĐẠO HẠT GIỐNG ĐỨC TIN và hai câu đối được treo trên tường phía sau bàn thờ:
Chốn Thiên Cung Vinh Hiển Hồn Tử Đạo – Cõi Gian Trần Vang Tiếng Khắp Năm Châu
như muốn nhắc nhở mọi tín hữu Vệt Nam là con cháu của các Thánh Tử Đạo, phải luôn can đảm sống đời sống đức tin.

XEM HÌNH

Khi kiệu di ảnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã an vị trên cung thánh, các linh mục đồng tế cùng tiến lên bàn thờ dâng thánh lễ, sau lời dẫn ý nghĩa lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Thánh lễ đồng tế trọng thể do Cha chánh xứ Maurice Shinnick OAM chủ tế, cùng với quý Cha: Cha phó xứ Giuse Nguyễn Long Hải, Cha Anthony Trần Quang Vinh,chánh xứ Victor Harbour và Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, giáo phận Đà Nẵng, từ Việt Nam sang Úc Châu thăm thân nhân và một số học trò cũ.
Thánh lễ mở đầu bằng bài ca nhập lễ “Bài Ca Ngàn Trùng” thật hào hùng ca tụng sự hy sinh anh dũng cúa các Thánh Tử Đạo Việt Nam cho dù “đầu rơi máu chảy”.
Kế tiếp sau 2 bài Thánh Thư là lời công bố Tin Mừng theo Thánh Mathêu.
Trong phần chia sẻ ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay, Cha Giuse Nguyễn Long Hải đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo VN, một Giáo Hội đã trải qua nhiều thăng trầm và bách hại. Các Ngài là những con người bình thường như chúng ta, đủ thành phần trong xã hội, nhưng các Ngài đã chịu cảnh tù đầy, máu chảy đầu rơi để làm chứng cho tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta là con cháu của các Thánh Tử Đạo, dù ở đâu, cũng cần phải noi gương các Ngài và cầu xin các Ngài cầu bầu cho mọi người biết yêu thương nhau, biết sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng của Thiên Chúa.
Trong suốt thánh lễ ca đoàn Hy Vọng đã chọn lọc và hát những bài ca rất hay và hào hùng giúp cho buổi lễ thêm phần long trọng và sốt sắng.
Trước khi Thánh lễ kết thúc, cô Bích Phượng, trưởng ban Ban Mục vụ giáo đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Woodville, bằng cả 2 ngôn ngữ Anh-Việt, đã có lời cảm ơn Cha Chánh xứ chủ tế, quý Cha đồng tế, các quan khách, tất cả cộng đoàn đã tham dự thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo đoàn, đặc biệt cảm ơn ca đoàn Hy Vọng đã hát rất hay trong thánh lễ và các ân nhân đã đóng góp rất nhiều về tài vật, thức ăn cho ngày lễ bổn mạng của Giáo Đoàn hôm nay. Cha chủ tế đã đáp lại lời cám ơn, trước khi ban phép lành cuối lễ, Cha cũng đã cảm ơn đến qúy Cha đồng tế, ca đoàn Hy Vọng, và tất cả cộng đoàn đã cùng hiệp thông cầu nguyện trong thánh lễ mừng Bổn Mạng và cầu chúc mọi người sức khỏe dồi dào để cùng xây dựng Giáo đoàn Woodville ngày càng tốt đẹp.
Sau phần thánh lễ là tiệc mừng được tổ chức trong sân trường học, bên hông nhà thờ với rất nhiều món ăn ngon miệng do các bà, các cô thiện nguyện đóng góp.
Kết thúc là phần cắt bánh. Mọi người ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong niềm vui mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 
Giáo Xứ CTTĐ Việt Nam Seattle mừng lễ Bổn Mạng Giáo Xứ 2016.
Nguyễn An Qúy
21:33 16/11/2016
Giáo Xứ CTTĐ Việt Nam Seattle mừng lễ Bổn Mạng Giáo Xứ 2016.

Tukwila. Chúa Nhật 33 mùa Thường Niên, cùng với Giáo Hội Việt Nam, giáo xứ CTTĐVN Seattle long trọng mừng kính 118 vị Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam, bổn mạng của Giáo xứ. Đại lễ mừng Bổn Mạng giáo xứ được cử hành trọng thể lúc 11:30 Chúa Nhật ngày 13 tháng 11 năm 2016. Trước thánh lễ là phần diễn nguyện kính 118 vị Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam.

Xem Hình

Năm nay giáo xứ hướng về hình ảnh vị Tử đạo là một giáo dân thuộc dòng ba Đaminh, một langg y luôn chú tâm phục vụ người nghèo, vị thánh Giuse Hoàng Luơng Cảnh. Giuse Hoàng Lương Cảnh, sinh năm 1763 tại Làng Ván, Bắc Giang, Giáo dân dòng ba Ða Minh, Trùm Họ, Y Sĩ, bị xử trảm ngày 5/09/1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XII tôn cụ Trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh lên bậc Chân Phước của Giáo Hội vào ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II tôn ngài lên bậc Hiển thánh trong số 118 vị Tử Vì Đạo tại Việt Nam.

Mở đầu phần diễn nguyện là hoạt cảnh về cuộc đời sống đạo của một giáo dân thộc dòng ba Đa minh, một lang y, luôn hy sinh, tận tụy cứu giúp người nghèo và là gương can đảm tuyên xưng đức tin và trung kiên một lòng theo chân Chúa của vị Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh. Hoạt cảnh khá sinh động đã làm cho nhiều người rơi lệ trước những lời tuyên bố đầy dũng cảm của một con người trung thành theo Chúa dù phải chấp nhận cái chết vì đạo Chúa. Trong hoạt cảnh, người đóng vai cụ Giuse Cảnh đã khẳng khái trả lời với quan tỉnh Bắc Ninh khi ông ta khuyên cụ bỏ đạo về với con cháu: "Xin quan cứ làm án cho tôi được chết với cha Tự của tôi, thì tôi mừng rỡ bội phần" Phần diễn nguyện được tiếp nối với các vũ khúc tôn kính Các Thánh Tử vì Đạo Việt nam do trường Việt Ngữ Đắc Lộ trình diẽn khá phong phú. Phần diễn nguyện kết thúc, vị MC cất tiếng cám ơn ban diễn nguyện và nói: Phần diễn nguyện kính Các Thánh Tử vì Đạo đến đây chấm dứt, xin cám ơn quý anh chị em ban diễn nguyện và kính mời quý cha cùng toàn thể công đoàn dân Chúa chuẩn bị dâng thánh lễ, xin công đoàn cùng đứng và đọc kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lời kinh cầu cùng Các Thánh Tử vì đạo nước Việt nam vừa dứt, MC mời tiến cử ba hồi chiêng trống. Tiếng chiêng trống ngân vang làm tăng thêm sự thiêng liêng mang truyền thống hồn Việt của nghi lễ cổ truyền Việt Nam.Tiếng chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với quý cha cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh. Quý cha và đại diện giáo xứ niệm hương trước bàn thờ Các ThánhTử Đạo Việt Nam. Thánh lễ do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, quý cha Nguyễn Sơn Miên, Trần Hữu Lân đồng tế và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: "Hôm nay cùng với Giáo Hội Việt Nam, giáo xứ chúng ta mừng đại lễ kính 118 vị Thánh Tử vì Đạo tại Việt Nam để cầu xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho giáo xứ chúng ta, giáo xứ hân hoan chào đón quý sơ, quý thầy, quý Giáo Đoàn, quý Hội Đoàn, Đoàn thể cùng quý ông bà anh chị em trong và ngoài giáo xứ, cùng dâng lễ hôm nay có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu. xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau "( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu )

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Bài Đọc I trích sách khôn ngoan: Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.

Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Bài tin Mừng theo Thánh Matthêu ghi lại lời Chúa phán cùng các tông đồ: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con... Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ". Lời tin mừng xứng hợp với hình ảnh các Thánh Tử vì Đạo tại Việt nam mà các ngài đã sống trọn vẹn co đường theo Chúa: "ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ ".

Bài giảng lễ, cha chủ tế nhấn mạnh về đời sống đạo đức và lòng thương người của vị thánh tử vì đạo tại Việt Nam mà năm nay giáo xứ cùng suy niệm và học hỏi về gương sống đức tin, lòng đạo đức đầy nhân ái đối với người nghèo khó của vị thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, ngài nói: Đời sống và gương lành của thánh Cảnh là một biểu hiện cụ thể về 14 mối thương người cả hồn lẫn xác. Chính lúc cho đi là lúc được nhận lãnh, lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Thánh Cảnh luôn trung kiên và can đảm giữ trọn lơì thề theo Chúa dù phải chết nên đã khẳng khái trả lời với quanTỉnh Bắc Ninh khi ông ta khuyên dụ ngài bỏ đạo với câu nói quả quyết trong sự khiêm nhường: “Xin quan cứ làm án cho tôi được chết với cha Tự của tôi, thì tôi mừng rỡ bội phần.”

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa cha chánh xứ chúc mừng toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong ngày mừng lễ Bổn Mạng Giáo Xứ cũng là sinh nhật lần thứ sáu khi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam được nâng lên hàng Giáo xứ Thể Nhân ngày 19 tháng 11 năm 2010.Trong niềm hân hoan mừng ngày Bổn mạng, trước khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, cha chánh xứ đã báo tin vui mà toàn thể cộng đoàn giáo xứ đều ao ước khi giáo xứ tạo được nơi thờ phượng mới nơi đây, đó là việc thăm dò ý kiến để đi đến quyết định mua thêm khu trung tâm huấn luyện của nhà Bank Wells Fargo. Ngài nói trong niềm vui nhân ngày mừng lễ Bổn mạng Giáo xứ, tạ ơn Chúa đã hướng dẫn và soi sáng cho chúng ta có cơ hội thuận lợi và hướng đến việc mua thêm khu trung tâm huấn luyện Welles Fargo Bank từ nhà thờ đi ra ở phiá bên phải. Sau hơn 15 phút, cha chánh xứ trình bày trong một thời gian khá dài cha và hai Hội Đồng đã thăm dò và thương lượng cũng như đã được sự đồng ý của Toà Giám mục trong việc tậu mãi khu vực này, nay đã nắm vững được giá cả để đi đến hợp đồng mua bán. Sau khi cha chánh xứ trình bày và biểu quyết có nên mua không? Tất cả cộng đoàn hiện diện đã nhất trí đưa cao tay và hô lớn: đồng ý mua.Tiếng hô "đồng ý mua" vang dội cả nhà thờ kèm theo tiếng vỗ tay lộ vẻ vui mừng của toàn thể dân Chúa, chắc chắn sẽ đi kèm với sự hăng say đóng góp của toàn thể gia đình giáo dân để sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng ngôi thánh đường và cơ sớ mới một cách tốt đẹp.

Sau thánh lễ là phần cắt bánh mừng ngày Bổn mạng Giáo xứ, mọi ngươì hiện diện vui mừng đón nhận từng điã bánh thơm ngon vừa ăn vừa hàn huyên chia sẻ niềm vui của giáo xứ. Mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Donald Trump thắng lớn - Việt Nam thua to
Phạm Trần
18:14 16/11/2016
DONALD TRUMP THẮNG LỚN-VIỆT NAM THUA TO
Cộng Hòa Không Đủ Phiếu Xóa Obanmacare

Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 đã đẩy nhà nước Cộng sản Việt Nam, lực lượng công nhân và phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền ở cả 2 bờ Đại Dương lâm vào ngõ mù khó thở vì Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương ( Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, gọi tắt là TPP) bị coi như đã chết trước khi có hiệu lực.

Biến chuyển này xẩy ra sau khi lãnh tụ đa số Cộng hòa tại Thượng viện, Nghị sỹ Mitch McConnell, vào hôm 11/1/2016, đã thông báo cho Tổng thống Barack Obama biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, hay TPP-- Trans-Pacific Partnership—sẽ không được đem ra thảo luận tại khóa Quốc hội thừ 114 trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ, kết thúc ngày 03/01/2017.
Quyết định của Quốc hội Mỹ đã đánh trúng vào kế họach sẽ đình chỉ TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Khi vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã chỉ trích Hiệp định TPP không tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ mà chỉ giúp cho nước khác giầu thêm.

Sau ngày bầu cử, it người ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hy vọng ông Donald Trump sẽ thay đổi ý định bỏ TPP để thương thuyết lại với 11 nước khác. Hơn nữa, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng lẫn Hạ viện sẽ bảo vệ TPP, sản phẩm của Tổng thống Dân chủ Barack Obama.

Như vậy TPP coi như đã chết.

ẢNH HƯỞNG VỚI VIỆT NAM

Vậy ảnh hưởng của TPP tử vong đối với Việt Nam và người Việt trong và ngoài nước như thế nào ?
Trước hết, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã mất cơ hội làm giầu để thoát khỏi gọng kìm chính trị-kinh tế Trung Hoa.
Thứ hai, người công nhân Việt Nam đã mất hy vọng thành lập một công đòan độc lập bảo vệ quyền lợi cho mình để thoát khỏi sự kìm kẹp của Tổng liên đòan Lao động nhà nước CSVN.
Thứ ba, các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân tranh đấu cho dân chủ và tự do ở Việt Nam cũng lâm vào hòan cảnh tiến thối lưỡng nan vì chính quyền mới Donald Trump, ít nhất trong 2 năm đầu, sẽ chỉ quan tâm vào việc làm giầu, dành lại ưu thế mậu dịch và tạo thế mạnh chính trị và quân sự cho nước Mỹ hơn lo cho quyền con người và chuyện nội bộ của nước khác. Hơn nữa cá nhân ông Trump và những người thân cận ông chưa có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực nhân quyền và tình hình Việt Nam. Ở Châu Á, ưu tiên trước mắt của chính quyền Trump là quyền lợi kinh tế của Mỹ với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.

Tình hình bất ổn ở Biển Đông và kế họach ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Á Châu và Thái Bình Dương cũng sẽ chịu ảnh hương gay gắt khi TPP mất chân dứng tại Úc, Brunei, Japan, Malaysia, Singapore, New Zealand và Việt Nam.
Thứ tư, người Việt ở Mỹ, đi bầu hay không đi bầu, cũng thấy bâng khuâng vì không biết tương lai của nước Mỹ lẫn Việt Nam sẽ đi về đâu trong 4 năm tới. Liệu nước Mỹ có tránh khỏi phân hóa, kỳ thị giữa các sắc dân,xáo trộn trật tự xã hội vì những lời nói và quan điểm “chói tai” của ứng cử viên Donald Trump, hay nước Mỹ sẽ hòa bình và thịnh vượng với một Tổng thống Donald Trump biết kiềm chế bản tính bất bình thường để gạn đục lấy trong ?

Như vậy là sau 7 năm vất vả thương thuyết để được ký kết ngày 4/02/2016 tại Tân Tây Lan (New Zealand), TPP đã bị bức tử bởi phe đa số Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ và chính quyền tương lai Donald Trump. Cũng thật trớ trêu là đa số Dân biểu và Nghị sỹ Cộng hòa, của Quốc hội trước ngày bầu cử 8/11/2016, đã ủng hộ TPP vì nếu được thi hành, nó sẽ tăng số hàng xuất cảng và lợi tức cho các xí nghiệp và kỹ nghệ Hoa Kỳ là những mạnh thường quân hào phóng của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu cho thấy TPP không tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ mà chỉ làm giầu cho các Đại Công ty và giới chủ nhân. Ngược lại, sẽ giúp cho các nước hội viên khác có số lao động giá rẻ như Việt Nam có thêm công ăn việc làm và giầu thêm lên vì hàng nhập và xuất cảng được hưởng nhiều loại thuế thấp.

TPP là tổ chức quy tụ 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, Mỹ và Việt Nam. Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị gía 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của Thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh có khả năng cầm chân Trung Quốc.

VIỆT NAM MẤT HẾT
Do đó, khi TPP không còn nữa thì về lĩnh vực kinh tế, Việt Nam sẽ không được hưởng mối lợi giảm khỏang 18,000 lọai thuế đánh vào hàng hoá được trao đổi giữa các quốc gia hội viên.

Tác gỉa John Boudreau của mạng thông tin chuyên về kinh tế-tài chính Bloomberg của Mỹ tiết lộ các chuyên gia từng phỏng đóan trong vòng 10 năm, TPP sẽ giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng nội địa lên 11 phần trăm, hay 36 tỷ dollars. Hàng xuất cảng cũng sẽ tăng 28%. Các loại hàng may mặc, giầy dép và nông-ngư phẩm cũng sẽ gia tăng để giúp Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào Trung Quốc.

Giờ đây, khi TPP không còn nữa thì Việt Nam sẽ bị Trung Quốc khống chế mạnh hơn vì sản xuất của Việt Nam gần như hòan tòan phải lệ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Hoa.
Bằng chứng trong năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu khỏang 32,3 tỷ dollars từ Trung Quốc, tăng 12,5% so với năm 2014, căn cứ vào báo cáo của nhà nước.

Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là trên 14 tỷ dollars, tuy có gỉam lối 2 tỷ so với cùng thời gian năm 2015.
Nhưng hầu như tất cả các hàng tiêu dùng của người dân Việt Nam đều đến từ Trung Quốc, cả đường chính ngạch lẫn buôn lậu. Nhiều món hàng, kể cả những thứ độc hại, chế tạo từ Trung Hoa nhưng đám con buôn bất chính đã dán nhãn sản xuất ở Việt Nam để đánh lừa người mua mà nhà nước không kiểm soát nổi.
Đối với khối công nhân lao động, vốn bị các cán bộ của Tổng liên đòan Lao động nhà nước về hùa với chủ đầu tư nước ngoài để hưởng bổng lộc thay vì phải bênh vực cho quyền lợi của công nhân, sẽ mất cơ hội thành lập nghiệp đòan độc lập để tự bảo vệ quyền lợi cho mình theo như theo Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization)

Công ước này viết: “ Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó.” (Điều 2)

Hay: (1) “ Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.” (2) “Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.”
Quan trọng hơn, Điều 4 khẳng định: “ Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ.”
Nhằm tạo sức mạnh cho quyền của người Lao động, Công ước 87 viết trong Điều 5: “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.”

Để bảo đảm sự minh bạch và công bằng giữa người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước, Điều 8 nói rõ: “ (1) Trong khi thi hành những quyền mà Công ước này đã thừa nhận cho mình, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác, đều phải tôn trọng pháp luật trong nước.”
Tuy nhiên trách nhiệm phải tuân thủ Luật pháp cũng buộc nhà nước phải tuân thủ quy định ở khỏan 2 trong Điều 8 viết rằng: “ (2) Pháp luật quôc gia không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công ước này.”

Giờ đây, khi TPP không còn nữa thì tuy bị thiệt hại về kinh tế nhưng chiến thắng của Donald Trump đã giúp cho nhà nước Việt Nam mỉm cười vì rũ bỏ được nỗi lo sợ phải chấp nhận một Công đòan lao động độc lập và tự do như TPP đã ấn định.

Quyết định giết TPP của Donald Trump và phe Cộng hòa đa số ở Quốc hội Mỹ cũng đã gây thất vọng rất lớn cho những nhà đấu tranh từng hy vọng TPP sẽ giúp họ nạnh dạn hơn khi đòi quyền được tự do lập hội và hội họp và quyền được tự do trao đổi thông tin vốn đang bị kiểm soát chặt chẽ và nghiêm cấm, nếu nhà nước thấy bất lợi cho chế độ.

Họat động của các Tổ chức xã hội dân sự cũng đã mất đi một vũ khí lợi hại để gây áp lực với nhà cầm quyền Cộng sản khi đòi hỏi và đấu tranh quyền lợi cho người lao động.
Những cuộc đình công đòi quyền lợi tự phát của công nhân trên khắp lãnh thổ như đã xẩy ra từ trước đến nay cũng đã mất thế tựa lưng vào TPP.

PHẢN ỨNG VIỆT NAM

Vậy thì nhà nước Việt Nam đã phản ứng ra sao ?

Báo chí Việt Nam, vào ngày 11/11/2016, đã đồng loạt đưa tin Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, “quan điểm của Việt Nam trong việc phát triển thương mại với quốc tế là đều định hướng phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ.”

Ông nói:”TPP cũng chỉ là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh TPP chúng ta còn có nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã và đang ký kết… trong trường hợp nào thì Việt Nam cũng luôn luôn sẵn sàng bởi vì hội nhập của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào TPP, mà hội nhập là yêu cầu và động lực để phát triển trong tương lai, do vậy quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam là xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định.”
Tuy nhiên, các báo cũng viết:”Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam có thể có những diễn biến khá phức tạp, không giống như dự đoán.” Ông nói:” Tổng thống mới của Hoa Kỳ khả năng sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như dòng chảy của thương mại thế giới. Nhưng chúng ta phải đợi xem vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi chính sách của chính thể mới còn phải có thời gian”.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng:”Việt Nam đang bơi ra biển lớn và biển khơi bằng chính sức vóc của mình chứ không đi nhờ vả.”

Lời tuyên bố tự trấn an của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ không giúp thay đổi hậu qủa nghiêm trọng khi Việt Nam không còn TPP. Trước mắt là Việt Nam đã mất cơ hội giảm dần bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy trong những năm gần đây Việt Nam có quan hệ kinh tế và thương mại tốt với Hoa Kỳ, Nga, Liên Hiệp Châu Âu (European Union, EU), Nhật Bản, Nam Hàn và các nước trong khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) nhưng không sao so với mối lợi đem lại từ 11 nước trong khối TPP.

BỨC TƯỜNG VÀ OBAMACARE

Như vậy, nếu ông Trump chưa nhận chức mà coi như đã dẹp xong TPP thì ngược lại ông sẽ gặp nhiều khó khăn tại Quốc hội, nếu không muốn nói là bất khả kháng, khi ông muốn dẹp Obamacare như đã hứa khi tranh cử.
Lý do vì phe Cộng hòa chỉ chiếm đa số ở Hạ viện mà không có đủ 60 phiếu đa số tuyệt đối ở Thượng nghị viện 100 Nghị sỹ. Sau bầu cử 8/11/2016, Cộng hòa có 51 ghế, Dân chủ có 48 ghế, cộng thêm 1 ghế độc lập (49) luôn luôn có truyền thống bỏ phiếu với phe Dân chủ. Khi nghiêng ngửa, Phó Tổng thống đảng cầm quyền Mike Pence sẽ bỏ phiếu cho Cộng hòa để tăng lên 52 phiếu, nhưng thu được thêm 8 phiếu của đối lập Dân chủ cho đủ 60 phiếu để loại Obamacare là điều rất khó xẩy ra, nếu không là ảo tưởng.
Vì vậy, sau cuộc họp với Tổng thống Obama tại Bạch Ốc ngày 8/11/2016, Tổng thống đặc cử Donald Trump đã cho biết sẽ duy trì 2 điều quan trọng trong Obamacare, đó là : Các hãng không được từ chối bán bảo hiểm cho người có bệnh truyền nhiễm từ trước khi mua; và, sinh viên tiếp tục được hưởng bào hiểm sức khỏe của bô mẹ đến năm 26 tuổi.

Các chuyên gia lập pháp cho biết, ông Trump và phe Cộng hòa ở Thượng viện chỉ có thể thông qua những thay đổi đối một số điều khỏan với Obamacare, qua thủ tục được gọi là “hòa giải” (reconciliation) kèm theo một dự luật, chẳng hạn như luật ngân sách. Thủ tục này chỉ cần cần 51 phiếu đa số ở Thượng viện.
Người ta phỏng đóan phe Cộng hòa sẽ giúp ông Trump bỏ đi khỏan mở rộng Medicaid; ngân khỏan trợ giúp chi phí bảo hiểm cho những người có lợi tức trung bình hay thấp qua nơi làm việc, nhận Medicaid và Medicare, hay khỏan luật cho phép “trừng phạt những ai không mua bảo hiểm” của chương trình Obamacare.

Nhưng để thay thế những khỏan này bằng chương trình bảo hiểm có lợi cho dân qua một Bảo hiểm sức khoẻ mới thì chính ông Trump và phe Cộng hòa lại chưa có kế họach rõ ràng.

Như vậy, tham vọng bỏ Obamacare ngay sau khi nhận chức của ông Trump đã bị thất bại, trong khi sửa đổi ra sao lại chưa rõ ràng và phải mất ít nhất 5 hay 6 tháng sau mới biết.
Có điều chắc chắn là dù bằng cách nào, quyết định về bảo hiểm sức khỏe của chính quyền Donald Trump cũng sẽ gây hoang mang không ít cho 22 triệu người Mỹ đã mua bảo hiềm Obamacare.

Về lời hứa xây bức tường ngăn chặn dân Nam Mỹ vuợt biên giới Mexico vào Mỹ của ứng cử viên Donald Trump cũng đã bị thách thức để thay đổi. Giờ đây các cố vấn của ông Trump và Chủ tịch đa số Cộng hòa ở Hạ viện, Paul Ryan cho biết việc xây bức tường chưa được bàn tới vào lúc này mà chỉ tăng cường kiểm soát biên giới là ưu tiên.

Hơn nữa, muốn xây tường thì phải có tiền, nhưng tiền lấy đâu ra nếu không được Quốc hội đồng ý ? Do đó, những đe dọa xây tường của ông Trump cũng bị đảo ngược.
Duy nhất có kế họach trục xuất từ 5 đến 8 triệu cư dân bất hợp pháp Nam Mỹ của ông Trump còn đang được bàn tán xôn xao. Liệu ông Trump có làm nổi hay không là điều chưa ai trong đảng Cộng hòa dám qủa quyết, nếu không muốn nói ai cũng sợ sẽ có xáo trộn xã hội nguy hại cho nước Mỹ và uy tín của chinh phủ Donald Trump.
Sau cùng, đối với Thỏa hiệp kinh tế Bắc Mỹ gọi là NAFTA (North America Free Trade Agreement), giữa Mỹ, Canada và Mexico, có hiệu lực năm 1994 thời Tổng thống Bill Clinton thì ông Trump, trong tư cách Tổng thống có thể rút nước Mỹ ra khỏi NAFTA, sau khi báo trước cho Mexico và Canada 6 tháng.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump chỉ trích NAFTA không có lợi cho Mỹ vì đã mở đường cho các Công ty Mỹ di chuyển việc làm qua Mexico để hưởng lao động rẻ mà hàng làm ra quay về Mỹ lại tránh được nhiều khỏan thuế.

Ông hứa sẽ thương thuyết lại, nhưng nói là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Các Công ty Mỹ, tỷ dụ như hãng Ford đã đe dọa sẽ di chuyển đến các nước có chi phí công nhân rẻ ở Nam Mỹ, nếu NAFTA không còn nữa, thay vì quay về Mỹ.

Mexio và Canada cũng cho biết họ đã chuẩn bị sằn sàng để đối phó với Donald Trump/

Cuối cùng, như ta đã thấy, chỉ có Việt Nam và người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã bị thiệt thòi vì quyết định bỏ TPP của ông Donald Trump. Những ai có ý nghĩ Tổng thống Donald Trump sẽ giúp thay đổi chế độ ở Việt Nam hay giúp cho phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền lớn mạnh thì hãy kiên nhẫn chờ xem, trong 4 năm tới, chính quyền Trump có khả năng vần nổi khối đá khổng lồ Trung Quốc ra khỏi đầu Việt Nam hay chỉ làm cho nước Việt Nam và con người Việt Nam nhỏ bé hơn trong bàn tay của Bắc Kinh ?. -/-


Phạm Trần
(11/016)








 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chuồn Chuồn Ớt
Mỹ Lê
20:41 16/11/2016
CHUỒN CHUỒN ỚT
Ảnh của Mỹ Lê
Chuồn chuồn ớt của một thời thơ bé
Chấp chới bay trong cả những giấc mơ
Đôi cánh mỏng chở bao nhiêu khao khát
Gửi trời xanh và gửi cả vào thơ….
(Trích thơ của Hoa Mai)
 
VietCatholic TV
Phóng sự về kỳ họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử Donald Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:41 16/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau một cuộc bầu cử náo loạn chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ mà dư âm của nó vẫn còn vang dội trong các cuộc biểu tình hậu bầu cử đang lan tràn trên các thành phố lớn của Mỹ, phiên họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã được chú ý cách đặc biệt vì phiên họp này sẽ bầu ra một ban lãnh đạo mới quyết định hướng đi của cộng đoàn 68 triệu người Công Giáo Hoa Kỳ, các chính sách cụ thể và đường lối đối thoại với tân chính quyền của tổng thống Donald Trump.

Trong video này, Thảo Ly, Kim Phượng và Trúc Ly xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những diễn biến chính trong hai ngày họp đầu tiên. Xin được nói thêm là khi chúng tôi thực hiện video này, cuộc họp của các Giám Mục Hoa Kỳ vẫn còn đang diễn ra.

Cuộc họp của các Giám Mục Hoa Kỳ được diễn ra từ hôm thứ Hai 14 và kết thúc vào thứ Năm 17 tháng 11.

Trong diễn từ cuối cùng với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, Kentucky nói:

“Có một sự thiếu văn minh chưa từng có và thậm chí cả sự hận thù trong cuộc bầu cử quốc gia vừa mới hoàn thành. Giờ đây chúng ta được yêu cầu hướng về phía trước với sự tôn trọng dành cho những người thuộc guồng máy công quyền khi chúng ta tìm kiếm thiện ích chung dựa trên sự thật và bác ái, không áp đặt nhưng đề xuất một cách mạnh mẽ, như chúng ta đã làm trong 99 năm qua. Chúng ta bước vào cuộc đối thoại với chính quyền của tổng thống Trump và giới lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội – để tìm kiếm các hành động cụ thể như trong quá khứ.

Chúa Giêsu đã nói và hành động trong những cách thế rất cụ thể. Được tăng cường bởi ân sủng của Ngài, chúng ta cũng hướng tới những hành động như thế với:

Những người mẹ đang mang thai

Những người trong hơi thở cuối cùng của cuộc đời

Những gia đình đang phải chạy trốn để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em của mình

Các gia đình trẻ sống trong thành phố, đang tìm kiếm những cơ hội và chính sách không phân biệt chủng tộc

Các đoàn người trên toàn cõi Hoa Kỳ với ước muốn duy nhất là phục vụ những người khác trong sự toàn vẹn của đức tin và

Các giám mục là những người nhận được sự nâng đỡ của những người anh em ngồi ngay bên cạnh mình lúc này đây.

Khẩu hiệu giám mục của tôi là ‘Hy vọng trong Chúa’, được lấy hứng từ đoạn cuối của Thánh Vịnh 31 ‘Hãy mạnh mẽ và can đảm, tất cả các bạn nào hy vọng nơi Chúa.’ Đó không phải là một thứ hy vọng trên mây nhưng là một hy vọng căn cứ vào ân sủng thực tế của Thiên Chúa giữa những gian truân. Tôi rời khỏi chức vụ này với lòng biết ơn đối với các bạn, là các giám mục anh em của tôi, là những nhân viên và tất cả những người khác - quá nhiều để nêu hết tên ra ở đây - những người đã làm việc cùng với tôi trong ba năm qua.

Hiệp nhất với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta tin tưởng và hy vọng, khi chúng ta nghe vang vọng lần nữa những lời này của Chúa Giêsu:

‘Những gì các con đã làm cho những người bé mọn nhất của Ta ... các con đã làm cho chính Ta.’

Cám ơn các bạn.”

Buổi chiều ngày thứ Hai 14 tháng 11, các Giám Mục Hoa Kỳ đã cử hành thánh lễ tại St. Peter Claver Church, một nhà thờ của người Mỹ da đen ở West Baltimore. Việc lựa chọn địa điểm này có một ý nghĩa rất đặc biệt. Thật vậy, khu West Baltimore là trung tâm của những cuộc biểu tình bạo động chống phân biệt chủng tộc hồi tháng Tư năm ngoái 2015.

Vào ngày 12 tháng Tư năm 2015, Cảnh sát Baltimore bắt Freddie Gray, một cư dân người Mỹ gốc Phi 25 tuổi. Gray bị thương ở cổ và cột sống trong khi bị chở đi trên một chiếc xe của cảnh sát. Ngày 18 tháng 4, Gray bị hôn mê, các cư dân của Baltimore biểu phản đối trước đồn cảnh sát West Baltimore. Gray chết vào ngày hôm sau, 19 tháng 4 2015, chỉ một tuần sau khi bị bắt, mặc dù lúc bị bắt Gray rất khoẻ mạnh.

Các cuộc biểu tình bùng lên sau cái chết của Gray, trong bối cảnh là cảnh sát đưa ra những giải thích mâu thuẫn về các sự kiện sau khi Gray bị bắt và tại sao có các vết thương trí mạng như thế.

Trong các cuộc biểu tình bạo động, ít nhất hai mươi cảnh sát viên bị thương, 250 người bị bắt giữ, 285 tới 350 cửa hàng bị tấn công, 150 xe cộ bị đốt cháy, 60 vụ cháy xảy ra, 27 tiệm thuốc tây bị cướp phá. Hàng ngàn cảnh sát và vệ binh quốc gia được triển khai, và tình trạng khẩn cấp được ban hành trong phạm vi thành phố Baltimore.

Tình hình an ninh trật tự chỉ được phục hồi vào ngày 01 tháng 5 năm 2015, sau khi cái chết của Gray đã được xác định là một vụ giết người và luật pháp đã trừng phạt 6 viên chức cảnh sát tội lạm dụng vũ lực giết người vô tội.

Một chuyện đáng tiếc xảy ra là hành động gây rối của một cựu linh mục trong thánh lễ.

Trong khi Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz đang thuyết giảng, một cựu linh mục và là một người tranh đấu cho đồng tính luyến ái đã bị huyền chức và bị rút phép thông công đã xông vào nhà thờ và chạy lên bàn thờ gây rối.

Video từ Tổng Giáo Phận Baltimore cho thấy người đàn ông bước vào thánh đường và hôn bàn thờ - như cử chỉ các linh mục vẫn làm ở đầu Thánh Lễ. Đương sự sau đó rút ra một băng rôn với dòng chữ “hãy chấm dứt đàn áp những người đồng tính.”

Theo Rocco Palmo, một ký giả theo dõi các sự kiện tại Vatican, có mặt tại hiện trường, kẻ gây rối là cựu linh mục Roy Bourgeois dòng Maryknoll. Bourgeois đã bị huyền chức vào năm 2012 sau khi tham gia vào một buổi lễ “phong chức” cho một phụ nữ.

Sáng ngày thứ Ba 15 tháng 11, 208 Giám Mục tham dự hội nghị đã bầu ban lãnh đạo mới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Theo điều lệ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vị nào được quá bán là đắc cử.

Sau khi đã kiểm phiếu, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz công bố kết quả như sau:

“Một nửa số phiếu bầu là 104, Đức Hồng Y Daniel DiNardo được 113 phiếu. Xin chúc mừng ngài”.

Phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu Đức Hồng Y Daniel DiNardo nhận định như sau về tương lai của Giáo Hội và đất nước Hoa Kỳ sau một cuộc bầu cử mà người ta lo ngại là đang gây chia rẽ sâu xa đất nước này. Ngài nói:

“Chúng ta phải là những mục tử tốt lành, lắng nghe và đồng hành, nghĩa là chúng ta phải làm cho tiếng nói chúng ta được nghe thấy nhưng không phải là ra đường gào to lên nhưng trái lại tiếng nói của chúng ta được vang lên trên đường phố nhờ sự chăm sóc và quan tâm của chúng ta, bởi sự rõ ràng minh bạch của chúng ta về những gì chúng ta nghĩ là thiết yếu, và phải được nói ra công khai cho mọi người, cho Quốc Hội và cho chính quyền mới. Và chúng ta hy vọng rất nhiều với thể chế hoàn toàn mới này. Nhiều người bày tỏ âu lo về tân chính phủ nhưng cũng có nghĩa là có nhiều lựa chọn và khả năng. Tôi nghĩ đến cả hai điều này.”
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10 – 16/11/2016: Phản ứng của thế giới Kitô Giáo với kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:55 16/11/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ

Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và cầu chúc tân chính phủ do ông lãnh đạo “thực sự hiệu quả”, và thúc giục ông nỗ lực hoạt động cho hòa bình thế giới.

Nói chuyện với các nhà báo tại lễ khai mạc năm học mới của một trường đại học ở Rôma, Đức Hồng Y cho biết về nội dung điện văn của ngài gởi cho ông Trump: “Chúng tôi đảm bảo với ông những lời cầu nguyện xin Chúa soi sáng và ủng hộ ông trong việc phục vụ đất nước của mình, và tất nhiên, cả trong việc phục vụ hạnh phúc và hòa bình của thế giới.”

“Tôi tin rằng ngày nay có một nhu cầu là tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động để thay đổi tình hình thế giới, vì đang có những xâu xé, và xung đột lớn.”

Trước các câu hỏi của các ký giả, Đức Hồng Y nhắc nhở mọi người cần tôn trọng “ý chí của người dân Mỹ trong việc thực thi dân chủ”, và nói thêm rằng ngài được biết đã có đông đảo các cử tri đi bầu.

Khi được hỏi về nhận xét trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến kế hoạch của ông Trump xây dựng một bức tường ở biên giới giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, mà Đức Thánh Cha đã mô tả là “không Kitô giáo”, câu trả lời của Đức Hồng Y Parolin rất cẩn thận.

“Chúng ta hãy xem vị tân tổng thống hành động thế nào”. Ngài nói thêm rằng trách nhiệm của tổng thống rất khác so với một ứng cử viên trong các chiến dịch tranh cử.

“Về các vấn đề cụ thể chúng ta nên xem xét các lựa chọn của ông ấy và trên cơ sở của những lựa chọn này chúng ta mới có thể đưa ra những nhận định. Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để đưa ra những nhận xét”.

Đức Hồng Y Parolin không phải là nhà lãnh đạo tôn giáo duy nhất phản ứng nhanh chóng trước tin tức về cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.

Justin Welby, Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Canterbury, hứa “cầu nguyện liên tục để Hoa Kỳ có thể tìm thấy sự hòa giải sau khi chiến dịch tranh cử cay đắng”

Trong những lời cầu nguyện của ngài, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby đã chia sẻ trên một bài đăng Twitter, rằng ngài cầu nguyện cho tân tổng thống “ơn khôn ngoan, hiểu biết và các ân sủng khác” khi ông phải đối diện với các nhiệm vụ trước mắt.

“Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho tất cả người dân Hoa Kỳ,” ngài kết luận.

2. Đức Thượng Phụ Kirill chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Nga đã gởi lời chúc mừng tới Tổng thống tân cử Donald Trump của Hoa Kỳ.

“Xin nhận nơi đây lời chúc mừng chân thành của tôi về việc ngài đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ,” Đức Thượng Phụ của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa cho biết như trên trong một thông báo gởi đến ông Donald Trump.

“Sự lựa chọn của nhân dân Mỹ là một dấu hiệu của sự tin tưởng tuyệt vời họ dành cho ngài và cũng là hy vọng họ dành cho ngài liên quan đến sự phát triển đất nước và sự thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại.”

“Trải qua nhiều năm làm việc cật lực, ngài đã đạt được nhiều kinh nghiệm giúp ngài đối phó với các vấn đề liên quan đến đời sống của quốc gia và xã hội, cũng như sự hợp tác với các nước khác.”

Thượng phụ Kirill nói thêm:

“Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngày hôm nay, và Hoa Kỳ có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng những vấn đề đó. Thông qua các nỗ lực của tất cả mọi người, chúng ta mới có thể chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố và bảo vệ các giá trị cơ bản của những lý tưởng luân lý cao cả là nền tảng cho nhân quyền và phẩm giá con người”.

“Tôi hy vọng rằng các mối quan hệ lâu dài giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được phát triển vì lợi ích của hai dân tộc trên cơ sở một lịch sử chung và các giá trị Kitô giáo. Cầu chúc ngài sức mạnh, sự phù trợ của Thiên Chúa và mọi thành công trong sứ vụ cao cả và quan trọng trong tương lai của ngài.”

3. Tiểu bang North Dakota và Đại Học Đức Maria nộp đơn kiện chính quyền Obama các quy định về chuyển giới

Tiểu bang North Dakota, các nữ tu dòng Mercy, Đại học Đức Maria, và hệ thống y tế SMP, là một hệ thống bệnh viện phi lợi nhuận được thành lập bởi các nữ tu ở North Dakota, đã nộp đơn kiện chống lại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ về một quy định liên quan đến những người muốn chuyển giới hay tự nhận mình là người chuyển giới.

Theo quy định này, các chuyên viên y tế hay các công ty bảo hiểm tư nhân nào quyết định không cung cấp các thủ tục chuyển giới thì bị xem là vi phạm nhân quyền theo luật của liên bang về chống phân biệt đối xử dựa trên giới tính.

“Các quy định này bắt buộc các bác sĩ phải lờ đi các chứng lý khoa học và phán đoán y khoa của họ mà cắm đầu thực hiện các thủ tục chuyển đổi giới tính đối với trẻ em, ngay cả khi các bác sĩ tin rằng việc điều trị có thể gây hại cho chúng,” Quỹ Becket cho Tự Do Tôn Giáo nói.

Một mạng lưới bệnh viện Công Giáo, năm tiểu bang, và các hiệp hội y tế và nha khoa Kitô Giáo đã đệ đơn kiện tương tự vào tháng Tám.

4. Đức Hồng Y Raymond Burke nhận định về kết quả bầu cử: Ý thức hệ cực đoan của Obama xa lạ với quần chúng

Ý thức hệ cực đoan của Obama về phá thai và chuyển đổi giới tính được các phương tiện truyền thông liberal của Mỹ tung hô như là “Obama legacy” chỉ một sớm một chiều đã bị sụp đổ trong cuộc bầu cử vừa qua. Kết quả bầu cử cho thấy các chính trị gia Dân Chủ và các phương tiện truyền thông liberal không nắm bắt được suy nghĩ của quần chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn với National Catholic Register, Đức Hồng Y Raymond Burke nói rằng việc dân chúng Mỹ chọn ông Donald Trump làm tổng thống Hoa Kỳ cho thấy ngày nay các chính trị gia cần phải quay trở lại với những nguyên tắc chính trị cơ bản. Đức Hồng Y cho biết:

“Việc một ứng cử viên như Donald Trump – là người hoàn toàn xa lạ với hệ thống chính trị bình thường - có thể được bầu là một dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta cần phải lắng nghe kỹ lưỡng hơn ý kiến của người dân, và theo nhận định của tôi, họ phải trở về với những nguyên tắc cơ bản là bảo vệ thiện ích chung như đã được minh định rõ ràng nơi bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp khi quốc gia chúng ta được hình thành.”

Đức Hồng Y Burke - một vị giáo sĩ Mỹ hiện đang lãnh đạo Hội Hiệp sĩ của Malta nói rằng ngài hy vọng ông Donald Trump sẽ có thể hàn gắn những chia rẽ giữa người Mỹ. Ngài nhận xét rằng ứng viên đảng Cộng hòa xứng đáng được chọn là tổng thống vì lập trường bênh vực quyền sống của ông.

5. Bề trên dòng Phanxicô tại Trung Đông than thở: Kitô hữu ở Aleppo bị bỏ rơi

Bề trên dòng Phanxicô tại Trung Đông nhận xét rằng các Kitô hữu ở Aleppo, Syria, đang cảm thấy bị bỏ rơi và tin rằng các Kitô hữu khác trên thế giới không quan tâm gì tới hoàn cảnh của họ.

Cha David Patton, bề trên tỉnh dòng Phanxicô tại Thánh Địa và toàn vùng Trung Đông được giao phó việc chăm sóc mục vụ của khách hành hương tại Thánh Địa, đã cho biết như trên trong một bài đăng trên tờ Catholic Herald hôm 7 tháng 11.

Cha cho biết:

“Họ cảm thấy thường xuyên bị bỏ rơi bởi các Kitô hữu khác. Họ cảm thấy rằng nhiều Kitô hữu trên thế giới không quan tâm chút nào đến những đau khổ của họ hoặc những gì họ đang làm để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo ở đó. Nhiều người trong số họ đã bị mất tất cả mọi thứ. Điều duy nhất họ đã không bị mất là đức tin.”

Cha Patton nói rằng dân Kitô giáo Aleppo đã giảm từ 250,000 - 300,000 hồi trước chiến tranh xuống còn có 30,000 – 40,000 trong năm năm qua. Tuy nhiên, “có rất nhiều, rất nhiều dấu hiệu của hy vọng, nhưng chúng ta cần phải chú ý mới nhìn thấy những dấu chỉ của hy vọng.”

6. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Một ngày sau cuộc tổng tuyển cử, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Kentucky, đã ra tuyên bố sau đây liên quan đến việc bầu Ông Donald Trump làm tổng thống.

“Nhân dân Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định của họ liên quan đến vị tổng thống kế tiếp của Hiệp Chúng Quốc, các thành viên Quốc Hội cũng như các viên chức tiểu bang và địa phương. Tôi xin chúc mừng Ông Trump và mọi người được bầu hôm qua. Nay là lúc hướng vế phía trách nhiệm cai trị vì ích chung của mọi công dân. Chúng ta đừng nhìn nhau dưới ánh sáng chia rẽ Dân Chủ hay Cộng Hòa hay bất cứ chính đảng nào khác, mà đúng hơn, chúng ta hãy nhìn thấy gương mặt của Chúa Kitô nơi người lân cận của chúng ta, nhất là những người đau khổ hay những người chúng ta rất có thể bất đồng.

Là công dân hay đại diện dân cử, chúng ta nên nhớ lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đọc diễn văn tại Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc vào năm ngoái: “mọi sinh hoạt chính trị phải phục vụ và phát huy thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên việc tôn trọng phẩm giá của họ”. Hôm qua, hàng triệu người Hoa Kỳ đang lao đao tìm kiếm cơ hội kinh tế cho gia đình đã bỏ phiếu để tiếng nói của họ được nghe thấy. Lời đáp lại của chúng ta chỉ nên đơn giản như thế này: chúng tôi đã nghe qúy vị nói. Trách nhiệm phải giúp củng cố các gia đình là trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm:

Hội Đồng Giám Mục mong mỏi được làm việc với tổng thống đắc cử Trump để bảo vệ sự sống con người từ lúc khởi đầu dễ bị thương tổn của nó tới lúc nó kết thúc tự nhiên. Chúng ta sẽ bênh vực các chính sách tạo cơ hội cho mọi người, mọi tín ngưỡng, mọi lối sống. Chúng ta vững vàng trong quyết tâm này: các anh chị em di dân và tỵ nạn của chúng ta sẽ được tiếp đón nhân đạo mà không hy sinh sự an ninh của ta. Chúng ta sẽ kêu gọi mọi người lưu tâm tới việc bách hại đầy bạo lực đang đe dọa các đồng Kitô hữu của chúng ta và người của các tín ngưỡng khác khắp thế giới, nhất là ở Trung Đông. Và chúng ta sẽ trông đợi cam kết của tân chính phủ đối với tự do tôn giáo ở trong nước, bảo đảm để mọi người có tín ngưỡng được tự do tuyên xưng và lên khuôn đời sống chúng ta theo sự thật về con người nam nữ, và dây hôn phối độc nhất họ có thể hình thành.

Mọi cuộc tuyển cử đều đem đến một khởi đầu mới. Một số người thắc mắc liệu đất nước có thể hoà giải, làm việc với nhau và chu toàn lời hứa sẽ đoàn kết hoàn hào hơn không. Nhờ niềm hy vọng do Chúa Kitô đem đến, tôi tin Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để hàn gắn và đoàn kết.

Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà lãnh đạo sinh hoạt công để họ có thể ứng phó các trách nhiệm được ủy thác cho họ một cách uyển chuyển và đầy can đảm. Và xin cho mọi người Công Giáo chúng ta giúp đỡ nhau thành các nhân chứng trung thành và hân hoan của tình yêu chữa lành của Chúa Giêsu.

7. Thủ tướng Ý hứa giúp xây dựng Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia

Thủ tướng Ý, Matteo Renzi đã hứa hỗ trợ phục hồi lại Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia, đã gần như bị san bằng thành bình địa bởi các trận động đất gần đây.

“Sửa nhà thờ Thánh Biển Đức tại Norcia là một cách để đưa châu Âu trở lại với nhau”, ông Renzi nói. Ông giải thích rằng tại một thời điểm bất hòa, sự phục hồi của một biểu tượng tôn giáo yêu quý sẽ là một cách để đoàn kết mọi người.

Theo một gợi ý từ thủ tướng Renzi, Hội Đồng Giám Mục Ý đã cung cấp cho chính phủ một danh sách các nhà thờ cần phải sửa chữa lại cấu trúc vì thiệt hại của các trận động đất.

Dịp này, Hội Đồng Giám Mục khẳng định rằng các nhà thờ “là di sản căn tính của người dân và là tài sản của dân chúng, là nơi họ tụ họp, tuyên xưng, và cử hành, là những nơi thậm chí còn có ý nghĩa sâu xa hơn trong lòng những người bị thảm kịch này tước đoạt hàng ngàn mái ấm gia đình.”

Các tu sĩ Biển Đức ở Norcia cho biết

“Tất cả các nhà thờ ở Norcia bị san thành bình địa. Tất cả, không sót một ngôi nhà thờ nào. Mái nhà sụp xuống nền nhà thờ. Nhưng thật là một phép lạ vì không trường hợp tử vong nào.”

8. Gần 21 triệu người bước qua các cửa Năm Thánh tại 4 đại đền thờ ở Rôma

Ngày Chúa Nhật 13 tháng 11, lễ nghi đóng cửa Năm Thánh được diễn ra tại 3 trong 4 đại Đền Thờ tại Rôma là Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, và Đền Thờ Đức Bà Cả. Các cửa thánh tại các giáo phận trên toàn thế giới cũng được đóng lại.

Trong bối cảnh của các cuộc khủng bố kinh hoàng tại Âu Châu, Năm Thánh Lòng Thương Xót đã diễn ra trong thanh thản, an bình và thành công tại Rôma. Theo Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá, tính cho đến ngày 8 tháng 11, đã có 20,414,437 tín hữu hành hương bước qua các cửa thánh tại 4 đại đền thờ tại Rôma.

Nếu tính đến ngày 20 tháng 11 là ngày cuối cùng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài trong 349 ngày từ 8 tháng 12 năm ngoái 2015 đến 20 tháng 11 năm nay 2016, có lẽ con số tín hữu hành hương bước qua các cửa thánh tại 4 đại đền thờ tại Rôma sẽ lên đến 21 triệu.

Bằng cách đi qua cửa thánh, các tín hữu có thể được ân xá nếu họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, Đức Thánh Cha cho biết:

“Cửa Thánh là Cửa của Lòng Thương Xót mà bất cứ ai bước vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ, và khơi lên niềm hy vọng.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Việc hành hương có một vị trí đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó thể hiện cuộc hành trình mỗi chúng ta thực hiện trong cuộc sống này. Cuộc sống tự nó là một cuộc hành hương, và nhân loại là những người lữ hành, những khách hành hương đang tiến bước hướng về đích điểm mong muốn. Tương tự như vậy, để đến được các cửa Thánh tại Rôma hay tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, tất cả mọi người, tùy theo khả năng của mình, sẽ phải thực hiện một cuộc hành hương. Đây sẽ là một dấu chỉ cho thấy lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần vươn tới và đòi hỏi sự dâng hiến và hy sinh. Cầu xin cho việc hành hương là một động lực cho hoán cải: bằng cách vượt qua ngưỡng cửa của Cửa Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và hiến mình cho lòng thương xót tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.”

9. Tòa Thánh bác bỏ nhận định của một thần học gia cho rằng động đất là hình phạt của Thiên Chúa.

Toà Thánh đã mạnh mẽ bác bỏ nhận định của một thần học gia người Ý cho rằng động đất là “sự trừng phạt của Thiên Chúa” vì Italia đã thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính.

Cha Giovanni Cavalcoli, 75 tuổi, tu sĩ dòng Ða Minh phụ trách chương trình thần học mỗi tháng một lần trên mạng lưới phát thanh Mẹ Maria. Trong bài nói chuyện hôm Chúa Nhật 30 tháng 10, là ngày xảy ra một trận động đất dữ dội làm rung chuyển khu vực Umbria ở miền Trung Italia, cha Cavalcoli cho rằng “động đất là sự trừng phạt của Thiên Chúa vì người ta đã xúc phạm đến gia đình và phẩm giá của hôn nhân”.

Cuối tháng Bảy năm nay, Italia đã thông qua luật cho phép các cặp đồng tính được hôn nhân dân sự.

Trả lời hãng tin Ansa của Italia, Ðức Tổng giám mục Angelo Becciu, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tòa Thánh đã quyết liệt bác bỏ ý tưởng cho rằng động đất có thể là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Theo ngài, những lời của cha Cavalcoli đã “xúc phạm đến các tín hữu và gây ra tiếng xấu đối với những người không tin”.

Đức Cha Becciun nhận xét rằng quan niệm này đã có từ thời “tiền Kitô giáo” và không tương hợp với nền thần học của Giáo Hội: “Ðức Kitô đã mặc khải cho chúng ta dung mạo của một Thiên Chúa yêu thương, chứ không phải một Thiên Chúa thất thường và thích báo thù”.

Ðức Tổng giám mục Becciu đã xin lỗi các nạn nhân của trận động đất vì những lời phát biểu của cha Cavalcoli và ngài nói rằng Ðức Thánh Cha Phanxicô luôn gần gũi và nâng đỡ họ.

Ðức Tổng giám mục Becciu nhấn mạnh: “Ai nói đến sự trừng phạt của Thiên Chúa trên Radio Maria là xúc phạm đến danh của Ðức Maria - là người mẹ đầy lòng thương xót của các tín hữu”.

Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Becciu đã không làm cha Cavalcoli nao núng và ngài vẫn nhắc lại rằng trận động đất chắc chắn là do “tội lỗi của con người”. Kết quả là Radio Maria đành thông báo đình chỉ chương trình nói chuyện hằng tháng của ngài.

10. Đức Giám Mục Amarillo, Texas công bố cuộc điều tra về cha Frank Pavone

Đức Giám Mục Patrick Zurek của Amarillo, Texas, đã công bố một cuộc điều tra về một vụ việc, trong đó cha Frank Pavone đăng một đoạn video trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi bị phá thai trên bàn thờ trong khi thực hiện lời kêu gọi các cử tri Công Giáo ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Đức Cha Patrick Zurek nói rằng việc trưng bày một bào thai bị phá thai như thế trên bàn thờ là “chống lại phẩm giá con người và là một sự mạo phạm bàn thờ.”

“Giáo Phận Amarillo bày tỏ sự hối tiếc sâu xa trước hành vi phạm tội gây phẫn nộ này”. Đức Cha nói thêm rằng việc trình chiếu video như thế là “không phù hợp với niềm tin của Giáo Hội Công Giáo.”

Mặc dù thường xuyên làm việc tại New York trong tư cách là nhà lãnh đạo phong trào “Các linh mục vì sự sống” tại Mỹ, cha Pavone chính thức là một linh mục của giáo phận Amarillo, Texas. Vị linh mục hoạt động phò sự sống này đã đụng độ trong quá khứ với các nhà lãnh đạo giáo phận Amarillo và cả New York.

Tưởng cũng nên nhắc lại Cha Frank Pavone đã làm dấy lên một sự tranh cãi sôi nổi trong và ngoài Công Giáo khi ngài đăng một đoạn video trên Facebook, trong đó ngài đặt cơ thể của một thai nhi đã chết trên bàn thờ trong khi thu hình một lời hiệu triệu vào phút chót với các cử tri Công Giáo Mỹ nhằm khuyên họ nên dồn phiếu cho ông Donald Trump. Đoạn video này được rất đông người xem và nhiều người ủng hộ ngài trong khi cũng có những người gay gắt lên án ngài.

Ken Mechmann, giám đốc chính sách công cộng cho tổng giáo phận New York, viết trên web site của tổng giáo phận: “Một con người đã chết và bàn thờ của Thiên Chúa đã bị xúc phạm, tất cả cho chính trị”. Trong khi khẳng định người Công Giáo phải hết lòng ủng hộ chính nghĩa phò sinh, ông Ken mô tả video này là “kinh khủng quá”.

Trong một đoạn video tiếp theo nhằm giải thích video trước, cha Pavone đã xin lỗi những người cảm thấy “bị xúc phạm”, nhưng lập luận rằng hình ảnh gây sốc này là cần thiết vì tính cấp bách của việc phải đánh bại cho được Hillary Clinton, phải ngăn chặn bằng mọi cách bà ta đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Cha Pavone giải thích thêm rằng tổ chức của ngài đôi khi nhận được cơ thể của các thai nhi bị phá thai, để mang đi chôn cất tử tế; và trong trường hợp này, ngài đã dâng một Thánh Lễ an táng cho đứa bé sau khi quay video.

Cha Pavone bác bỏ lời chỉ trích rằng việc khai thác của một cơ thể thai nhi là không phù hợp. “Tôi không muốn ai dạy đời tôi, dù người ấy là người trong Giáo Hội, hoặc bên ngoài Giáo Hội, về việc làm thế nào để tôn trọng các thai nhi. Tôi tự biết mình phải làm gì.” Ngài không bình luận về các cáo buộc cho rằng ngài đã xúc phạm bàn thờ.

11. Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Trong buổi tiếp kiến sáng 10-11 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha đã minh định thế nào sự là hiệp nhất.

70 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề “Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

- Trước tiên “hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. Đức Thánh Cha thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

- Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

- Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một “sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”

12. Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo nhân dịp Năm Thánh

Sáng 11 tháng 11, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 3,500 người nghèo đến từ 23 quốc gia, về Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican còn có hơn 500 người đồng hành, nhiều người thuộc Hiệp Hội Fratello, nghĩa là “những người anh em”, được thành lập tại Pháp và chuyên săn sóc giúp đỡ những người vô gia cư và những người bị xã hội loại bỏ. Họ được sự nâng đỡ và khích lệ của Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon bên Pháp.

Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha đến, các tham dự viên đã sinh hoạt, ca hát, cầu nguyện và nghe các chứng từ.

Trong lời chào Đức Thánh Cha khi ngài tiến vào Thính đường Phaolô 6 lúc 11 giờ 15, Đức Hồng Y Philipphê Barbarin nói: “Ngày hôm nay, những người đón tiếp Đức Thánh Cha sung sướng vì cảm thấy mình ở giữa con của Giáo Hội, gần vị Giáo Hoàng của những người nghèo. Nói đúng ra, họ không cần được tiếp đón, họ biết rõ mình ở nơi đây như ở nhà của họ, trong tình huynh đệ bao la của Giáo Hội, họ là “kho tàng”, là sự phong phú của chúng ta!

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Lyon cũng kể lại những kinh nghiệm của ngài với những người nghèo, người vô gia cư mà Hiệp hội Fratello giúp đỡ và có những nhà trong giáo phận của ngài.

Tiếp lời Đức Hồng Y, Ông Etienne Villeman, Chủ tịch Hội Fratello, đã trình bày với Đức Thánh Cha về những người hiện diện tại buổi tiếp kiến: nhiều người đã từng sống trên các đường phố như người vô gia cư, và nhiều người hiện vẫn ở trong tình trạng ấy.

“Cách đây hơn 10 năm, ở Paris, có 3 người trẻ năng nổ, sống bụi đời trên đường phố. Họ quyết định sống chung với nhau. Ngày nay chúng con có hơn 300 người tại Pháp sống trong các căn hộ được chia sẻ với nhau. Nhiều nhà khác dần dần được thành lập tại Âu Châu theo kiểu mẫu ấy.

“Ban sáng trước khi đi làm, chúng con đọc kinh Ngợi Khen, và dành một ít thời giờ để Chầu Mình Thánh. Những người bụi đời cũng có thể đến dự trong thời gian cầu nguyện ấy nếu họ muốn. Cùng nhau chúng con sống cuộc sống thường nhật hoàn toàn bình thường, nhưng đồng thời cũng ngoại thường với những cuộc gặp gỡ huynh đệ và đời sống cầu nguyện rất đơn sơ.. Trong tất cả những năm ấy, con đã khám phá thấy cuộc sống với người nghèo đã làm cho con sống Tin Mừng theo chiều sâu. Cùng với họ, con sống và hít thở Tin Mừng.. Chúng con học yêu thương, tha thứ, cám ơn, học trở nên bạn hữu anh em, vì chúng con khám phá thấy chúng con là những người nghèo và dễ bị tổn thương”.

Trong lời kết, Ông Étienne Villeman đã bày tỏ ước muốn: xin Đức Thánh Cha tổ chức những ngày thế giới cho người nghèo!”

Trong bài huấn dụ ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha đã đi từ các chứng từ được trình bày trước đó, để nói lên những nhận xét và những lời khích lệ. Ngài cũng đặc biệt xin lỗi những người nghèo, nhân danh các tín hữu Công Giáo đã không đọc Tin Mừng và họ ngoảnh mặt sang bên kia đường khi họ thấy những người nghèo hoặc những tình cảnh nghèo. Ngài nói: “Sự tha thứ mà anh chị em dành cho chúng tôi, đối với những người của Giáo Hội và con người nói chung, cũng giống như nước phép thanh tẩy chúng tôi và giúp chúng tôi tái tin rằng nơi trọng tâm của Tin Mừng chính là sự thanh bần”.

Và Đức Thánh Cha lập lại lời kêu gọi ngài đã đưa ra từ đầu triều đại Giáo Hoàng, đó là: “Các tín hữu Công Giáo hãy kiến tạo một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Và theo ngài tất cả các tôn giáo đều cần đặt người nghèo trong sứ điệp của Thiên Chúa”. Ngài nhận xét rằng “Cái nghèo lớn nhất chính là chiến tranh! Đó là cái nghèo tàn phá! Và nghe điều này từ miệng một người đã chịu đau khổ vật chất, nghèo về y tế, đó là một lời kêu gọi làm việc cho hòa bình”.

Sau bài huấn dụ của Đức Thánh Cha là phần cầu nguyện với những lời nguyện cho Đức Thánh Cha và tất cả mọi người, rồi ngài đích thân chào thăm 80 người đại diện cho các nước khác nhau.