SỐNG VÀ CHẾT
Cuộc sống mong manh của con người cứ đều đều trôi theo tháng ngày, ít ai đề ý. Chỉ khi đứng trước nấm mồ của người thân hoặc khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của sự chết, người ta mới có những giây phút lắng lòng để suy tư về nó.
Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
(TV 103,14-16)
Ngày nay con người vẫn “bó tay”, không thắng nổi cái chết dù có trong tay sức mạnh vạn năng của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Quan quyền binh tướng, giàu sang nghèo hèn … ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng - có khác chăng chỉ là những lễ nghi hoặc nấm mồ đơn sơ hay hoành tráng.
Nói như các triết gia bi quan, khi sinh ra là bắt đầu một tiến trình hướng về sự chết. Theo dòng thời gian, con người dần lớn lên với những buồn vui, sướng khổ của kiếp nhân sinh. Khi còn trẻ, sung sức người ta ít khi để ý đến những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Về già, con người cảm thấy yếu dần. Yếu dần là dấu hiệu của sự chết đang đến.
Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống. Theo quy luật tự nhiên mỗi người đều sinh ra, sống và tất cả đều ra đi âm thầm để chờ đợi hưởng nhan Chúa một cách trọn vẹn. Chúa Giêsu khi cầu nguyện cùng Chúa Cha đã không xin cho con người khỏi chết nhưng xin “Những kẻ Cha ban cho Con, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”. Ước nguyện của Chúa là muốn ở với con người theo nghĩa siêu nhiên là đảm bảo được đón nhận trong tình yêu thương của Thiên Chúa.
Vì tình thương, Chúa luôn gởi đến cho chúng ta nhiều dấu hiệu báo trước cái chết. Những cái chết của người thân, một chứng bệnh xuất hiện, những sợi tóc bạc, mắt mờ chân mỏi, xương cốt rã rời, … tất cả đều là những dấu hiệu. Vì thế chúng ta đừng làm ngơ trước những dấu hiệu tình thương ấy. Hãy đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.
Khi được sống trong một xã hội văn minh, vật chất sung túc đầy đủ, không phải lo chiến tranh, loạn lạc…. Người ta sẽ thoải mái, yên tâm giữ đạo thờ phượng Chúa. Nhưng mặt trái của nó là lối sống tự do, hưởng thụ đâm ra trụy lạc, tự mãn, coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa.
Ngược lại, nếu phải sống trong một môi trường bất ổn, nghèo đói. Người ta cảm thấy mạng sống mình mong manh, của cải vật chất thiếu thốn không thỏa mãn được nhu cầu sống. Khi đó người ta dễ chạy đến cầu xin với Chúa. Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, nghèo khổ, túng quẫn. Người ta thường dễ trách móc “ông Trời”, xa lìa đạo giáo và tiêu cực hơn là tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Đời người có nhiều chuyến đi. Có những chuyến đi được lên kế hoạch, sắp xếp cẩn thận. Có những chuyến đi, về vội vã. Ra đi và trở về là công việc lập đi lập lại thường xuyên. Nhưng có một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đơn hành không trở lại và ta không thể mang theo những của cải vật chất đã gắn bó và gom góp suốt cả đời.
Một chuyến đi du lịch đôi ba ngày, vài tuần, vài tháng … đã khiến ta phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần …. Còn chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời mình, ta đã chuẩn bị được những gì? Đã sắp xếp được bao nhiêu hành trang cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này?
Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống mới - sự sống trường sinh bất tử được Thiên Chúa tái tạo. "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,34-36)
Vậy khi sống ở cõi tạm đời này không nên để mình bị cuốn hút vào những trào lưu của xã hội. Đừng quá chú tâm vào những việc thế gian để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện trần tục... Những nhân sinh quan này làm cho lòng con người ra nặng nề, chai đá và quên đi điểm cuối của cuộc lữ hành đời mình.
Sống và chết là hai kỳ công do Thiên Chúa an bài. Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Hãy cầu nguyện liên lỉ để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài. Bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng theo tiếng Chúa gọi, dù bất thình lình, đột ngột. Hãy vững lòng trông cậy và phó thác cho Chúa cuộc sống và cái chết đời này để được sự sống đời sau bất diệt.
Đứng trước những nấm mồ của kẻ chết hôm nay, ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, luôn ưu tiên đặt Chúa lên trên hết mọi sự trong việc chu toàn bổn phận làm người. Xin tình thương Chúa luôn che chở và giúp chúng ta biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong cuộc đời. Amen.
BÀI ĐỌC I: Rm 6, 3-9
“Chúng ta phải sống đời sống mới”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy. Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
ALLELUIA: Ga 11, 25-26
All. All. – Chúa phán: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ”. – All.
PHÚC ÂM: Ga 6, 51-59
“Ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
Ðó là lời Chúa.
(Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXI TN – Lc 15,1-10)
Để xác định cái gì thực có và có bao nhiêu đơn vị, người ta thường dùng số đếm. Trong cơ số đếm thập phân thì con số một là tuy nhỏ nhất nhưng là đứng đầu. Vì thế người ta thường dùng nó làm biểu tượng để nói về sự trỗi vượt của một người hay một sự việc..: “số một”; “number one”…
Khi thấy nhiều người thu thuế và người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, nhiều người biệt phái và kinh sư thấy chướng mắt bèn xầm xì, bình phẩm thì Chúa Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn có người sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên ngoài đồng để đi tìm con chiên bị thất lạc. Và khi tìm được thì người ấy vui mừng vác lấy nó trên vai, đi về khoe vui với xóm giềng. Kết thúc dụ ngôn, Người quả quyết: “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn” (x.Lc 15,4-7).
Dù là đơn vị nhỏ nhất nhưng nếu bỏ đi con số một thì con số một trăm hay một tỷ chỉ còn là một dảy số không. Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến tập thể mà có khi là một tập hợp chung chung theo khái niệm mà bỏ quên từng người một cụ thể. Đây là chước cám dỗ mà nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội rất dễ bị vướng phải. Trong các tập thể tôn giáo thì vẫn tồn tại hiện tượng này dù rằng không quá rõ nét.
Đối với Thiên Chúa thì mỗi con người là một cá vị cụ thể, riêng có và không thể thay thế. Và dù là nghèo hèn hay bé mọn đến đâu thì mỗi người vẫn có chỗ đứng riêng trong tình yêu và nhà Cha trên trời. Tin mừng Matthêu khi tường thuật cũng câu chuyện dụ ngôn con chiên thất lạc này đã thêm lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Cha anh em trên trời không muốn bất cứ ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Với Thiên Chúa thì từng người, mỗi người là “số một”, “number one”, không ai có thể thay thế ai.
Tại một Hội Nghị Lương Nông Quốc Tế, mẹ Têrêxa thành Calcutta đã nói: “Quý vị đưa ra nhiều chương trình và kế hoạch phổ quát và lâu dài, còn chúng tôi chỉ biết yêu thương đón nhận từng người nghèo hèn, bị bỏ rơi. Từng người một, từng người một và sau hơn mười năm một cách nào đó chúng tôi xoa dịu nỗi đau của đồng loại dù khiêm tốn nhưng đã trên hàng chục ngàn người khao khát được yêu thương vì chính họ.”
Tình yêu có tính hiện sinh và riêng có. Yêu thương cách chung chung thì có thể là thương hại mà chưa hẳn đã là xót thương. Chúa Giêsu đã chấp nhận bị hiểu lầm, chấp nhận đánh đổi danh dự, phẩm vị của mình một cách nào đó theo quan niệm của người đời để rồi không ngại ngần tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, những người tội lỗi công khai. Lý do là vì mỗi người trong số họ đích thực là em của Người, là con của Cha trên trời.
Xác tín chân lý này thì chúng ta không được phép ngã lòng thất vọng về bản thân dù mình tội lỗi đến đâu. Và chúng ta cần phải biết hy vọng và tôn trọng phẩm giá của tha nhân dù họ đang ở trong tình trạng tồi tệ đến mức nào. Anh em Phật tử xác quyết “Buông đao thành Phật. Quay gót là bờ”. Kitô hữu chúng ta tuyên xưng: Khi một người ăn năn sám hối thì cả thiên cung rộn rã tiếng cười vì tình yêu Thiên Chúa đang chan hòa khắp bốn cõi. Trong công cuộc “đánh lưới người ta”, hãy biết trân trọng và bắt đầu từ con số một, cách cụ thể và thực tế.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Tin mừng: Mc 12, 28b-34.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận.”
Bạn thân mến,
Mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng Mười điều răn của Đức Chúa Trời, bạn và tôi cũng thuộc làu như ăn cháo Sáu điều răn của Hội Thánh, và quan trọng hơn là bạn và tôi cũng như các người Ki-tô hữu khác, vẫn thường dùng giới răn của Thiên Chúa và của Hội Thánh để xét mình trước khi xưng tội, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta nhớ và thực hành kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình !
Mọi lề luật và giới răn đều quy về Thiên Chúa và hướng đến con người, đó chính là yêu thương, và đó cũng chính là “cái ách nhẹ nhàng” mà Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người môn đệ của Ngài phải mang trong cuộc sống.
Có cái ách của con trâu mới có những luống cày thẳng tắp. Người Ki-tô hữu được lề luật Thiên Chúa và giới răn của hội thánh hướng dẫn trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nên đời sống của họ phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa đến những người chung quanh. Họ tuân giữ và thực hành lề luật cách nhẹ nhàng bởi vì họ đã xác tín được rằng: tất cả mọi lề luật đều làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau.
Kính mến Thiên Chúa thì là điều tự nhiên ai cũng biết và có bổn phận phải tuân giữ, nhưng yêu người là điều rất khó đối với con người ta, khó là vì chính những con người ấy đã bách hại người tin vào Chúa, họ đã giết chết và đã ghen ghét những người có niềm tin vào Đức Ki-tô, bây giờ lại phải yêu thương họ, đúng là một điều rất khó và trái với “truyền thống” của những người Pha-ri-siêu, các thầy thông luật và những người chỉ giữ luật Chúa bằng môi bằng miệng. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã mời gọi bạn và tôi hãy kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em...
Thánh Gioan tông đồ đã nói với bạn và tôi rằng:
“Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
Có người thuộc nằm lòng tinh thần và lề luật của Thiên Chúa, nhưng lại cố chấp thực hành lề luật theo từng nét chữ, để rồi họ trở nên xa lạ với tha nhân và cô độc trong tâm hồn; có người coi lề luật chỉ là cái gông nặng nề mà họ phải mang, cho nên họ vẫn luôn thấy đau khổ khi yêu thương những kẻ ghét mình...
Bạn thân mến,
Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ tóm gọn trong hai điều này: một là kính mến Thiên Chúa, hai là yêu người như chính mình. Cả hai chỉ là một, bởi vì khi bạn và tôi kính mến Thiên Chúa thì đồng thời cũng phải yêu thương tha nhân, và ngược lại khi chúng ta yêu người thì cũng phải kính mến Thiên Chúa.
Chúng ta thường đi tham dự thánh lễ và đón nhận các bí tích để bày tỏ lòng kính mến Thiên Chúa, nhưng có lẽ chúng ta rất ít khi nhìn đến người anh em chị em chung quanh chúng ta đang cần chúng ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần...
Xin Chúa ban cho bạn và tôi có một tâm hồn nhiệt tình yêu mến Chúa, và tấm lòng quãng đại với tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
50. Không nên vì bất cứ sự vật nào có thêm trên bản thân mình mà mất đi sự ôn hòa trong lòng.
(Thánh Francis de Sales)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có người bỏ tiền ra mua một chức quan.
Sau khi nhậm chức thì đi bái kiến thượng cấp, thượng cấp hỏi:
- “Quý huyện phong thổ thế nào?”
Ông ta đáp:
- “Bổn huyện phong cát không lớn, bụi đất cũng ít”.
Hỏi:
- “Mùa xuân hoa thế nào?”
Đáp:
- “Hoa năm nay mỗi ký hai trăm tám”.
Hỏi:
- “Lúa thóc thế nào?”
Đáp:
- “Vóc dáng tiểu nhân phải mặc là ba mét sáu”.
Hỏi:
- “Bá tánh thế nào?
Đáp:
- “Người ngu trắng chỉ có hai, người ngu đỏ thì không ít”.
Thượng cấp giận dữ nói:
- “Ta hỏi là hỏi lê thứ”.
Ông ta cung kính trả lời:
- “Đại nhân hỏi cây lê à, có, có, cây lê rất nhiều, tiếc là ra quả ít quá”.
Thượng cấp nổi trận lôi đình, lớn tiếng hỏi:
- “Ta không hỏi cây ngu, cây lê, mà là hỏi tiểu dân của ngươi”.
Ông ta vội vàng đứng lên, khom lưng trả lời:
- “Dạ, tiểu dân của tiểu nhân gọi là cẩu ạ”.
(Hi đàm lục)
Suy tư 98:
Có những người, đôi lúc bị khớp không bình tĩnh trước những ông quan lớn, có người bị “ngọng” trước những ông quan hét ra lửa, cho nên trả lời câu được câu mất, có khi ngớ ngẫn đơ người ra, huống hồ là người bỏ tiền ra để mua chức quan !?
Thời xưa cũng như thời nay, người bỏ tiền ra để mua chức quan thì càng khốn nạn hơn nữa, bởi vì họ không biết cái gì là hạch toán kinh tế, họ cũng không biết cái gì là thị trường chứng khoán, lại càng không biết tỷ lệ hối đoái là cái chi chi, thì làm sao mà trả lời minh bạch cho cấp trên được, đúng là khốn nạn đời đời thật...
Người luôn làm điều ác, người luôn bỏ vạ cáo gian, người luôn tham nhũng và người luôn hà hiếp dân lành, thì làm sao đứng vững trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét được ! Họ sẽ khốn nạn hơn những người mua chức quan nhiều nhiều lắm.
Ai có trí khôn thì suy cho biết !!
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Lễ Cầu Hồn để cầu cho các tín hữu đã chết. Nhưng thật ngạc nhiên, toàn bộ phụng vụ của Giáo hội từ Phụng vụ Giờ kinh, Lời nguyện và Lời Chúa trong 3 Thánh lễ cầu hồn lại nhấn mạnh chủ đề SỰ SỐNG. Thế nên, Lễ Cầu Hồn là ngày của những điều nghịch lý:
Ngày nhớ về người chết mà lại nói về sự sống đời đời.
Ngày ra viếng mộ người thân trong lòng đất nhưng lại mong ngôi nhà trên trời.
Ngày ra dâng lễ ở nghĩa trang nhưng tâm hồn lại hướng lên thiên đàng.
Ngày nhớ về người qua đời trong quá khứ mà lòng lại hy vọng tương lai mai sau.
Thế nên, cần khẳng định rằng: Lễ Cầu Hồn là ngày bày tỏ lòng thương nhớ người đã qua đời, là ngày tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời đời, là ngày diễn tả niềm vui hy vọng nước thiên đàng mai sau. Bởi vì, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống”. Amen.
LUYỆN NGỤC THẬT LÀ PHÚC TỔ
Chúng ta thường nói đến luyện ngục như một nơi giam cầm, nơi chịu hình phạt lửa thiêu. Có đúng vậy không?
Theo giáo lý, luyện ngục là nơi để thanh luyện các linh hồn cho hoàn toàn tinh sạch để về thiên đàng. Nếu vậy, luyện ngục là cơ hội vớt vát, là ân huệ cuối cùng Chúa ban để chúng ta có thể vào thiên đàng. Luyện ngục là nơi Chúa bày tỏ lòng thương xót đến cùng của Ngài.
Chúa yêu thương nên không muốn con cái Ngài mất phúc thiên đàng. Thế nhưng, thiên đàng là nơi không còn tội, bởi thế, tự bản thân tội nhân không thích hợp với thiên đàng, chứ không phải Chúa không muốn họ vào. Trước khi vào, họ cần cơ hội để thanh luyện tội lỗi.
Nói theo ngôn ngữ thời Covid-19, thì luyện ngục là nơi cách ly. Người con từ vùng dịch về nhà, bố mẹ muốn ôm con, đón con vào nhà mình ngay chứ. Tuy nhiên, con còn “vương Covid” nên không thể vào nhà ngay mà phải có thời gian cách ly. Cách ly là thời gian không vui gì, nhưng không phải là bố mẹ phạt, mà là cơ hội làm sạch Covid. Xong rồi con sẽ hân hoan vào nhà với cha mẹ tay bắt mặt mừng. Luyện ngục tương tự như thế, là nơi để làm sạch tội lỗi, trước khi mỗi người được vào hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa tình thương trong thiên đàng vinh quang. Amen.
“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”.
Người ta thường thích những danh ngôn giúp họ sống tốt; nhưng mấy ai để ý đến những danh ngôn giúp họ chết tốt! Chẳng hạn, trước giờ lâm chung, nhà thơ Đức, Heinrich Heine, đã nói, “Chúa sẽ tha thứ cho tôi... Đó là công việc của Ngài!”; hoặc khi Thomas Hooker sắp qua đời, một người bạn nói, “Anh ơi, anh sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình!”, ông khiêm tốn đáp, “Không, tôi sẽ nhận được ‘sự thương xót cuối cùng’ của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thomas Hooker thật chí lý khi nói đến ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa dành cho mình. Sự thật này có một ý nghĩa sâu sắc trong ngày chúng ta nhớ đến Các Linh Hồn, những người đã chết trong ân sủng Chúa nhưng chưa sẵn sàng để đứng trước nhan Ngài. Giáo Lý Hội Thánh nói đến Luyện Ngục, như là ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa; qua đó, linh hồn “được thanh luyện sau khi chết, đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng”.
Thanh tẩy mọi ràng buộc đối với tội lỗi nơi một linh hồn đã qua đời là sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Qua sự thanh luyện cuối cùng này, Thiên Chúa chuẩn bị cho các linh hồn thánh khiết đã chết được hưởng niềm vui vĩnh viễn, niềm vui mà Chúa Giêsu đã hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời”. Thế mà trong tình yêu, Thiên Chúa vẫn không muốn bất kỳ một linh hồn nào sẽ sống đời đời với Ngài lại phải vướng víu dù chỉ là một ràng buộc nhỏ nhất đối với tội lỗi. Ngài muốn tất cả họ được tự do! Sự thật là, mọi tội lỗi trên linh hồn, dù là nhỏ nhất, cũng là lý do đủ để chúng ta bị loại khỏi thiên nhan Đấng Cực Thánh. Vì vậy, Luyện Ngục được xem như một ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa; nhờ đó, linh hồn thoát khỏi mọi gánh nặng sau hết, hầu trong cõi đời đời, chúng ta được hoàn toàn tự do để hiệp nhất với Ngài một cách tuyệt đối và trọn vẹn.
Như thế, Luyện Ngục là một quà tặng, một ân sủng, một lòng thương xót. Và biết rằng, bất cứ cuộc vượt qua nào cũng đau đớn, nhưng cuộc vượt qua sau hết cho những tội lỗi chắc chắn sẽ rất đau đớn, nhưng là một sự đau đớn cần thiết đáng giá gấp trăm và hơn thế nữa. Bởi lẽ sau đó, chúng ta trở thành một vị thánh; và đó là điều Thiên Chúa chờ đợi. Sách Khôn Ngoan hôm nay nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”. Luyện Ngục chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa vậy! Chính trong cuộc vượt qua này, các linh hồn đang rất cần chúng ta cầu xin cho các ngài sớm hưởng niềm vui phúc kiến. Đây cũng là cách thức rõ nét nhất để chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công; trong đó, Giáo Hội lữ hành hiệp thông với Giáo Hội khải hoàn để cùng cầu bầu cho các anh chị em đang thuộc Giáo Hội thanh luyện. Lạ thay, các linh hồn không thể cầu cho mình, nhưng lại có thể cầu cho chúng ta; để ngày kia, trên thiên đàng, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết được hiệu quả của những gì chúng ta đã sống cho mầu nhiệm này
!
Anh Chị em,
“Sinh ký, tử quy!”; nhưng “ký” vào đâu, đó là vấn đề! Chúng ta “ký” vào lòng thương xót của Thiên Chúa; bởi lẽ, ý muốn của Ngài thật quá tốt lành, “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”. Như vậy, vấn đề là mỗi người chúng ta phải biết ký thác đời mình vào Thiên Chúa, chuẩn bị tâm hồn từng ngày, từng giờ để có thể “quy” về Ngài trong từng giây phút cũng như mọi quyết định của mình. Đồng thời, năng hướng về những người đang chờ đợi ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa bằng những Thánh Lễ, hy sinh, cầu nguyện, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Như vậy, nhờ vào tất cả những gì chúng ta dành cho các linh hồn, những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ cần thiết của họ sẽ dễ chịu hơn biết bao!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của cuộc thanh luyện sau hết như là ‘sự thương xót cuối cùng’ của Chúa; một cuộc thanh luyện để con và những anh chị em của con trở thành những vị thánh”, Amen.
(Tgp. Huế)
Các nhà hoạt động Ấn Độ giáo ở Ấn Độ đang yêu cầu một trường học Công Giáo phải dựng một bức tượng nữ thần trí tuệ của Ấn Độ giáo.
Vào ngày 25 tháng 10, một phái đoàn gồm 30 thành viên thuộc nhóm Bajrang Dal - một nhóm chiến binh cực hữu của Ấn Độ giáo - đã đưa ra tối hậu thư 15 ngày cho trường trung học Christ Jyoti ở Satna, thuộc bang Madhya Pradesh. Họ muốn trường đặt một bức tượng của Saraswati, một trong những nữ thần quan trọng nhất trong đền thờ Hindu.
Cha Augustine Chittuparaosystem, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhóm này tuyên bố rằng trường đã triệt hạ một bức tượng nữ thần đã có trong khuôn viên trường. Ngài gọi đó là một “lời buộc tội hoàn toàn sai sự thật”.
“Trường Christ Jyoti đang đến gần ngày kỷ niệm 50 năm thành lập. Đó là một trường Công Giáo do giáo phận Satna điều hành”, ngài nói với tờ Crux.
“Không có bức tượng hay bức ảnh nào của Saraswati được lắp đặt trong trường. Đây là một câu chuyện bịa đặt cho các lợi ích chính trị được che đậy. Họ đã cho tôi thời hạn 15 ngày để lắp đặt bức tượng”, ngài cho biết như trên và nói thêm rằng họ cảnh báo rằng sẽ có hành động “mạnh mẽ” nếu chúng tôi không thực hiện tối hậu thư của họ.
Cha Chittuparaosystem chỉ ra rằng trường phục vụ cộng đồng mà không có sự phân biệt đối xử, và trong số 3000 học sinh, chỉ có khoảng 50 học sinh là các tín hữu Kitô. Số còn lại chủ yếu theo Ấn Giáo, và Hồi Giáo.
Cha Paul Varghese, đặc trách Giáo dục của Giáo phận Satna cũng cho biết những lời buộc tội là “bịa đặt và sai sự thật.”
Ngài nói: “Chúng tôi chỉ có một bức tượng duy nhất trong khuôn viên của chúng tôi là tượng Chúa Giêsu, ngoài ra không có bức tượng nào khác được đặt trong khuôn viên”.
Đức Cha Joseph Kodakallil của Satna cho biết “không có tượng thần nào ở đó trước đây, cho nên không việc gì phải lắp đặt lại.”
“Đây là việc hoàn toàn có chủ ý và có chủ đích nhằm cố ý kích động những người yêu chuộng hòa bình chiến đấu cho những người theo chủ nghĩa cực đoan. Chúng tôi coi hành động khiêu khích này là một phần trong kế hoạch của họ nhằm làm phiền các trường khi cuộc bầu cử sắp diễn ra”, Đức Cha nói.
Bajrang Dal được liên kết với Rashtriya Swayamsevak Sangh, một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. RSS cũng liên quan đến Đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng đã cai trị Ấn Độ từ năm 2014. Bang Madhya Pradesh cũng do BJP cai trị.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu thường cáo buộc các tín hữu Kitô sử dụng vũ lực và các thủ đoạn lén lút để cải đạo dân chúng. Nhưng chính họ thường xông vào các ngôi làng và tiến hành các nghi lễ “cải đạo” trong đó các Kitô Hữu buộc phải thực hiện các nghi lễ Ấn Giáo.
Những áp lực này đối với các Kitô Hữu, cũng đè nặng lên người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, là một phần trong một kế hoạc đen tối mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng rãi nhằm “Hindu hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, nghĩa là một nỗ lực nhằm áp đặt các giá trị và bản sắc của Ấn Giáo trong khi loại bỏ các niềm tin khác.
Cha Maria Stephen, phụ trách quan hệ công chúng của Giáo Hội Công Giáo ở Madhya Pradesh, cho biết vụ việc mới nhất ở Satna là “một sự kiện đáng tiếc”.
“Bạo lực chống lại các tín hữu Kitô đã bắt đầu từ 3 tháng trước. Việc ép buộc các tôn giáo khác theo một tôn giáo là vi phạm hiến pháp. Đó là một nỗ lực gieo rắc hận thù và tạo ra sự chia rẽ trong xã hội. Tôi cực lực lên án hành động này”.
Đức Tổng Giám Mục Leo Cornelio, Tổng giám mục hiệu tòa của Bhopal, cho biết các tôn giáo thiểu số đang bị đe dọa tại Ấn Độ.
“Những phần tử chống đối xã hội đang làm những việc này. Họ đang thách thức quyền của những người thiểu số chúng tôi và cố gắng gây áp lực lên chúng tôi bằng những cáo buộc sai trái, thông qua những phương pháp bạo động.”
“Chúng tôi phải có lập trường rõ ràng và khiếu nại lên cấp trên. Đây không phải là những người có bất kỳ quyền hạn nào, và muốn làm gì thì làm.”
Source:Crux
Trong khi tiếp tục theo đuổi mục tiêu đến thăm và chụp ảnh 100 nhà thờ, Max Schroeder luôn trở về một nơi khi cần chữa lành trái tim và phục hồi tâm hồn.
Anh tìm kiếm mối liên hệ đó với Chúa và Đức Maria vào cuối một ngày mệt nhọc ghi lại những thảm kịch trên khắp trung tâm Indiana với tư cách là một nhiếp ảnh gia tin tức cho một đài truyền hình Indianapolis.
Với những hình ảnh về những vụ giết người, những vụ tai nạn chết người và những gia đình tang tóc luôn hiện hữu trong suy nghĩ của mình, Schroeder, 23 tuổi, lái xe đến Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Indianapolis vì biết rằng anh sẽ tìm thấy cảm giác bình yên và thoải mái ở đó khi đến thăm một ngôi đền tôn kính Đức Mẹ.
“Đôi khi bạn không thể lấy những xác người ra khỏi đầu mình,” anh nói. “Tôi bắt đầu thường xuyên đến Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi sau một vụ giết người kép. Một người đàn ông và một phụ nữ đã bị bắn chết”.
“Tôi cảm thấy an toàn ở đó,” anh nói với The Criterion, tờ báo tổng giáo phận của Indianapolis. “Tôi cảm thấy một sự hiện diện - rằng Chúa đang quan sát tôi, rằng Đức Mẹ đang trông chừng tôi. Tôi cần một nơi để lấy lại tinh thần. Tôi ngồi đó và trầm ngâm khi nhìn tượng Đức Mẹ. Tôi cầu nguyện cho những người bị cướp đi sinh mạng một cách đột ngột, cho gia đình và bạn bè của họ”.
“Đối với tôi, là một người Công Giáo mạnh mẽ, tôi cần phải làm điều gì đó tích cực bởi vì tôi đang bị bao quanh bởi những điều tiêu cực trong công việc của mình”.
Ngoài những chuyến viếng thăm Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nhu cầu về sự cân bằng - cho một thứ gì đó nâng cao tinh thần - đã thúc đẩy anh ấy khao khát nắm bắt được vẻ đẹp và tính nghệ thuật của ít nhất 100 nhà thờ trên khắp Indiana và Ohio.
Cuộc tìm kiếm tâm linh của Schroeder bắt đầu từ nơi mà tình yêu với đức tin Công Giáo của anh đã được sinh ra và nuôi dưỡng, đó là Giáo phận Toledo, Ohio.
Vào năm 2019, khi đang theo học chuyên ngành kép về sản xuất truyền thông và sản xuất phim tại Đại học Bowling Green State, đôi mắt của anh tập trung chăm chú hơn vào các chi tiết nghệ thuật của bàn thờ, nhà nguyện, hang động và gác chuông của các nhà thờ là trung tâm của cuộc đời anh ấy: nhà thờ nơi anh rước lễ lần đầu, nhà thờ nơi anh được chịu phép Thêm Sức, và một nhà thờ là một phần di sản của gia đình bên ngoại anh trong 5 thế hệ.
Anh ngạc nhiên trước sự phức tạp của các chi tiết nghệ thuật và kính phục Thiên Chúa đã hình thành nên những con người có những khả năng và tài nghệ này. Và anh ấy đã quyết định sử dụng kỹ năng và tài năng của chính mình trong lĩnh vực quay phim và nhiếp ảnh để ghi lại vẻ đẹp của các nhà thờ.
“Tôi nghĩ, đây là ơn gọi của tôi”, anh nói. “Tôi làm điều đó như một cách để tôn vinh Chúa, để cám tạ Ngài vì những kỹ năng mà Ngài đã ban cho tôi. Tôi không làm điều này để trình diễn. Tôi đang làm điều này cho Chúa. Tôi đang cho cả thế giới thấy vẻ đẹp của những gì mà con người do Chúa tạo dựng đã xây dựng nên”.
Đồng thời, Schroeder coi nỗ lực này là cách anh xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa. Bất cứ khi nào anh ấy đến thăm một nhà thờ mới để chụp ảnh nó, anh ấy đều cố gắng tham dự một thánh lễ tại nhà thờ đó.
“Tôi muốn đi lễ để rước Thánh Thể nhiều nhất có thể. Khi tôi còn học đại học, hầu như ngày nào tôi cũng đi lễ. Tôi đến để dự Thánh Thể, và sau đó tôi chụp ảnh. Điều đó không chỉ giúp tôi về mặt tinh thần mà nó còn giúp tôi về mặt nghệ thuật”.
Schroeder đã đến thăm và chụp ảnh 98 nhà thờ cho đến nay. Năm mươi lăm nhà thờ của Giáo phận Toledo và 23 nhà thờ ở Tổng Giáo phận Indianapolis, nơi anh chuyển đến vào tháng 7 năm 2020 để bắt đầu công việc hiện tại cho đài truyền hình Fox59 / CBS4 ở Indianapolis.
Source:Crux
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Hôm nay chúng ta mừng kính Các Thánh và trong Phụng vụ, sứ điệp do Chúa Giêsu “thảo chương” ra, đó là các Mối Phúc, lại được vang lên (x. Mt 5:1-12a). Các Mối Phúc chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, nhân ái, hiền lành, công bằng và hòa bình. Nên thánh là tiến bước trên con đường này. Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào hai khía cạnh của lối sống này. Hai khía cạnh tiêu biểu cho lối sống thánh thiện này là niềm vui và lời tiên tri.
Niềm vui. Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5: 3). Đó là thông báo chính yếu, đó là một niềm hạnh phúc chưa từng có. Sự thánh thiện không phải là một chương trình sống chỉ được tạo thành từ những nỗ lực và từ bỏ, nhưng trên hết là niềm vui khám phá ra mình là con cái được Thiên Chúa yêu thương. Và điều này khiến anh chị em tràn ngập niềm vui. Đó không phải là một cuộc chinh phục của con người, đó là một ân sủng mà chúng ta nhận được: chúng ta thánh thiện bởi vì Thiên Chúa, Đấng là Thánh, đến cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta. Chính Ngài là Đấng ban sự thánh thiện cho chúng ta. Vì điều này, chúng ta rất may mắn! Vậy, niềm vui của người Kitô hữu không phải là cảm xúc của một khoảnh khắc hay sự lạc quan đơn thuần của con người, mà là sự chắc chắn có thể đối mặt với mọi tình huống dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, với lòng can đảm và sức mạnh đến từ Người. Ngay cả giữa bao hoạn nạn, chúng ta vẫn trải nghiệm được niềm vui này và làm chứng cho niềm vui ấy. Nếu không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một thực hành khổ chế và áp bức, và có nguy cơ đổ bệnh vì buồn phiền. Anh chị em hãy nhớ những từ này: phát ốm vì buồn phiền. Một vị ẩn tu trong sa mạc thường nói rằng nỗi buồn là “con sâu của trái tim”, nó ăn mòn sự sống (xem Evagrio Pontico, Tám tính khí gian ác, XI). Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này: chúng ta có phải là Kitô Hữu vui vẻ không? Tôi có phải là một Kitô Hữu vui vẻ hay không? Chúng ta lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người buồn tẻ, buồn bã với khuôn mặt đưa đám? Chúng ta hãy nhớ rằng không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui!
Khía cạnh thứ hai: lời tiên tri. Các Mối Phúc được gửi đến những người nghèo, những người đau khổ, những người khao khát công lý. Đó là một thông điệp ngược dòng. Trên thực tế, thế giới này nói rằng để có được hạnh phúc, anh chị em phải giàu có, phải có quyền, có thế, luôn trẻ trung và mạnh mẽ, tận hưởng danh tiếng và thành công. Chúa Giêsu lật ngược những tiêu chí này và đưa ra một lời loan báo tiên tri - và đây là chiều kích tiên tri của sự thánh thiện: sự sống sung mãn thực sự đạt được khi đi theo Chúa Giêsu, bằng cách thực hành Lời Người. Và điều này dẫn đến là một sự nghèo khó khác, đó là nghèo bên trong, trống rỗng chính mình để nhường chỗ cho Thiên Chúa. Ai tin rằng mình giàu có, thành công và an toàn, thì dựa vào chính mình và đóng kín với Chúa và anh chị em của mình, trong khi những người biết mình nghèo và không đủ tự chủ thì mở lòng ra với Chúa và người lân cận. Và tìm thấy niềm vui. Vậy, các Mối Phúc là lời tiên tri về một nhân loại mới, về một lối sống mới: biến mình trở nên nhỏ bé và phó thác mình cho Thiên Chúa, thay vì cố gắng vượt lên trên người khác; hiền lành, thay vì cố gắng áp đặt bản thân; thực hành lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình; dấn thân cho công lý và hòa bình, thay vì thu vén cho bản thân, lắm khi ngay cả bằng các thủ đoạn bất công và bất bình đẳng. Sự thánh thiện chào đón và đem ra thực hành, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, lời tiên tri cách mạng hóa thế giới này. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có làm chứng cho lời tiên tri của Chúa Giêsu không? Tôi có bày tỏ tinh thần tiên tri mà tôi đã lãnh nhận trong Phép Rửa không? Hay tôi dìm mình trong những tiện nghi của cuộc sống và sự lười biếng của mình, nghĩ rằng mọi thứ sẽ OK nếu tôi OK? Tôi có mang sự mới lạ hân hoan của lời tiên tri Chúa Giêsu đưa ra vào thế giới hay chỉ tung ra những lời phàn nàn đầy nhàm chán về những điều xoàng xỉnh? Những câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta tự hỏi bản thân mình.
Xin Đức Trinh Nữ ban cho chúng ta một điều gì đó trong tâm hồn của Mẹ, một linh hồn diễm phúc đã hân hoan làm sáng danh Chúa, Đấng đã “hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (x. Lc 1:52).
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các anh chị em, những người ở Rôma và những người hành hương. Một lời chào đặc biệt dành cho những người tham gia Cuộc Đua Các Thánh do Quỹ “Don Bosco nel Mondo” tổ chức. Điều quan trọng là phát huy giá trị giáo dục của thể dục thể thao. Cảm ơn anh chị em cũng đã có sáng kiến ủng hộ trẻ em Colombia.
Sáng mai tôi sẽ đến Nghĩa trang Quân đội Pháp ở Rôma: đây sẽ là cơ hội để cầu nguyện thay cho tất cả những người đã chết, đặc biệt là cho những nạn nhân của chiến tranh và bạo lực. Khi đến thăm nghĩa trang này, tôi hiệp nhất trong tinh thần với những người sẽ cầu nguyện bên mộ những người thân yêu của họ ở khắp nơi trên thế giới trong những ngày này.
Chúc các anh chị em một ngày lễ các thánh vui vẻ, trong sự đồng hành thiêng liêng của tất cả các thánh. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận một cây thánh giá làm từ dây thép gai từ khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên vào hôm thứ Sáu.
Thánh giá là món quà của Tổng thống Hàn Quốc Văn Tại Dần. Tổng thống Nam Hàn đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 29 tháng 10 ngay trước cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong cuộc gặp gỡ này tại Vatican, Tổng thống Văn đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Triều Tiên. Theo người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Phác Quý Mỹ (Park Kyung-mee, 박경미) Đức Giáo Hoàng trả lời rằng ngài sẽ sẵn sàng đi nếu nhận được lời mời chính thức từ Bắc Triều Tiên.
Cây thánh giá được trao cho Đức Giáo Hoàng là một trong 136 cây thánh giá được tạo ra từ dây thép gai nung chảy từ khu phi quân sự (DMZ) để thể hiện 68 năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.
Một thông điệp kèm theo được viết bằng tiếng Tây Ban Nha bày tỏ hy vọng của Tổng thống Hàn Quốc rằng những cây thánh giá sẽ là biểu tượng của hòa bình.
“Giống như những chiếc gai và lưỡi dao cạo của dây thép gai tan chảy trong lửa để trở thành một cây thánh giá tuyệt đẹp, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể mãi mãi làm tan chảy hàng rào sắt ngăn cách trái tim chúng ta. Tôi thành tâm cầu nguyện rằng cây thánh giá này sẽ bén rễ sâu và hòa bình sẽ nảy nở”.
Khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt dọc vĩ tuyến 38, hàng trăm nghìn người đã vĩnh viễn xa cách gia đình.
Tổng thống Hàn Quốc nói rằng cha mẹ của ông, những người đã chạy sang Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc từ năm 1950 đến năm 1953, đã không bao giờ có thể đoàn tụ với những người thân mà họ đã bỏ lại ở Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, gần bảy thập kỷ sau khi hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953.
Trong thời gian bị chia cắt, hai miền Nam Bắc đã có sự phân hóa đáng kể về kinh tế và văn hóa.
Bắc Triều Tiên được biết đến là quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Một cuộc điều tra của Liên hợp quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại các tội ác chống nhân loại, bao gồm hành quyết, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức phá thai và cố ý gây ra nạn đói kéo dài.
Một báo cáo do Korea Future công bố gần đây đã trình bày chi tiết kinh nghiệm của các tín hữu Kitô bị giam giữ ở Triều Tiên trong những thập kỷ qua.
Tổng thống Hàn Quốc là một người Công Giáo sùng đạo, cựu luật sư nhân quyền và là con trai của những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông ưu tiên ngoại giao hòa bình với miền Bắc vào thời điểm căng thẳng hai miền đang ở mức cao.
Theo một tuyên bố từ Vatican, Tổng thống Hàn Quốc và Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về việc “thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa hai miền Nam Bắc.”
Trong cuộc gặp riêng kéo dài 25 phút với Đức Thánh Cha tại điện Tông Tòa, cả hai vị chia sẻ hy vọng rằng “nỗ lực chung và thiện chí có thể ủng hộ hòa bình và phát triển ở bán đảo Triều Tiên, được hỗ trợ bởi tình đoàn kết và tình huynh đệ”.
Tổng thống Văn và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trao đổi quan điểm “về các vấn đề khu vực hiện tại và các vấn đề nhân đạo”.
Sau cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng, Tổng thống Văn cũng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân Nước, tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao.
Đây là cuộc tiếp kiến chính thức thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Văn.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai vị vào năm 2018, ông đã gửi lời mời đến Đức Giáo Hoàng từ nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong-un (김정은) cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên.
Vào tháng 7 năm 2021, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nói rằng ông đã làm việc với các nhà lãnh đạo Giáo hội để có thể thực hiện chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, mặc dù một tổng giám mục Hàn Quốc đã nói rằng “trên thực tế, có nhiều bước phải thực hiện” trước khi điều này có thể xảy ra.
Người phát ngôn của Tổng thống Phác Quý Mỹ cho biết: “Nếu Đức Giáo Hoàng thăm Bắc Triều Tiên khi có cơ hội, đó sẽ là động lực cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Source:Catholic News Agency
Đức Cha William Patrick Callahan của La Crosse đã nhiễm coronavirus, mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ cả hai liều.
Đức ông Richard Gilles đã kêu gọi anh chị em giáo dân tại giáo xứ Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse Thợ cầu nguyện cho Đức Cha Callahan, năm nay 71 tuổi.
Ngài nói:
“Đức Giám Mục Callahan thân yêu của chúng ta vừa nhiễm COVID, vì vậy chúng tôi xin anh chị em cầu nguyện cho ngài. Theo hiểu biết của tôi, ngài chỉ có những triệu chứng nhẹ vì đã được tiêm chủng, nên chúng ta cầu nguyện để tình trạng không trở nên tồi tệ hơn”
Theo giáo phận, Đức Cha Callahan vẫn đang có “tinh thần tốt” và đang cách ly trong khi được theo dõi bởi một đội y tế. Ngài đã có kết quả dương tính vào cuối tuần qua, tờ La Crosse Tribune đưa tin.
“Tôi biết ơn vì vô số lời cầu nguyện và những ý định tốt lành mà tôi đã nhận được trong thời gian này. Chính những lúc như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, và Ngài là sự cứu rỗi của chúng ta trong những lúc khốn khó,” Đức Cha Callahan nói trong một tuyên bố.
Chẩn đoán của ngài được đưa ra chỉ vài tuần sau khi cựu lãnh đạo của giáo phận, là Đức Hồng Y Raymond Burke được xuất viện và đang ở nhà để phục hồi chức năng.
Source:Crux
Khi các giám mục Hoa Kỳ chuẩn bị thảo luận về một dự thảo tuyên bố về Bí tích Thánh Thể, Đức Tổng Giám Mục Denver đã nhắc lại cách thức Chúa Kitô thách thức trực tiếp những người tội lỗi mà Ngài đã gần gũi.
“Sự trung thực thẳng thắn của Chúa Kitô là một thách thức, và đối với một số người, nó mang tính đe dọa đến mức họ âm mưu chống lại Chúa Giêsu và cuối cùng giết Ngài. Trong một thế giới tràn ngập những tiếng nói cạnh tranh và những lời tường thuật về sự thật, chúng ta có thể sử dụng ân sủng này nhiều hơn, đặc biệt khi liên quan đến việc lãnh nhận bí tích quan trọng nhất, là Bí tích Thánh Thể,” Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila viết trong chuyên mục ngày 21 tháng 10 trên tờ Denver Công Giáo.
Vị Tổng Giám Mục lưu ý cách Chúa Kitô nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”, và thách thức người thanh niên giàu có “hãy đi, bán tài sản của anh và đưa tiền cho người nghèo, và anh sẽ có kho báu trên trời; sau đó hãy đến, và theo tôi”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, sẽ thảo luận về tài liệu dự thảo “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”, tại phiên khoáng đại từ ngày 15 đến 18 tháng 11 tại Baltimore.
Hồi tháng 6, sau khi tranh luận rộng rãi, USCCB đã bỏ phiếu xem có nên bắt đầu soạn thảo tài liệu này hay không. Việc các chính trị gia ủng hộ phá thai lại được cho rước lễ như trong trường hợp Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khiến các ngài quyết tâm soạn thảo tài liệu này.
Tuyên bố sẽ giải thích sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật như một ngày thánh, và sự cần thiết là người Công Giáo phải thực hiện lời dạy của Giáo hội trong cuộc sống của họ sau khi rước lễ.
Trong khi tài liệu đề cập đến sự xứng đáng để rước lễ xem ra nhắm thẳng vào ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi, Đức Cha Kevin Rhoades, Giám Mục Fort Wayne-South Bend, chủ tịch ủy ban giáo lý của USCCB, nói rằng tài liệu không có ý nhắm vào một cá nhân hoặc một hành động xấu xa chuyên biệt nào, mà là một lời mời gọi “nâng cao” nhận thức về sự cần thiết của người Công Giáo phải đón nhận Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng, và hoán cải bản thân để sống phù hợp với Thánh Thể.
Đức Tổng Giám Mục Aquila cho biết cuộc tranh luận “xoay quanh các câu hỏi: Cách tốt nhất để khuyến khích niềm tin lớn hơn vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa là gì? Và từ sự hiện diện thực sự của ngài, các giám mục và mục tử nên làm việc như thế nào để phục hồi linh hồn của những nhân vật Công Giáo đã không hành động phù hợp với Tin Mừng?”
Ngài lưu ý: “Thái độ bó tay với những người công khai chống lại giáo lý của Giáo hội gây ra tai tiếng và làm suy yếu niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.” Đức Tổng Giám Mục cảnh cáo rằng gây ra tai tiếng là dẫn người khác vào tội lỗi.
“Một thái độ như vậy có thể khiến các tín hữu Công Giáo nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và thậm chí có thể đặt câu hỏi về việc các giám mục của họ tin vào điều đó sâu sắc đến mức nào. Nếu Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và chúng ta không làm gì khi Chúa Kitô được đón nhận bởi những người công khai và cố ý bài bác giáo lý của Người, trong khi lại tuyên bố mình là những người Công Giáo sùng đạo, thì những nghi ngờ có thể xuất hiện trong lòng các tín hữu. Những câu hỏi như: Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể không? Bí tích Thánh Thể có phải là điều chúng ta có thể đón nhận khi đang trong tình trạng phạm tội nghiêm trọng không? Hoặc, nếu các giám mục không dạy về cách thích hợp để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, thì làm thế nào một người đón nhận Chúa Giêsu coi trọng điều đó?”
Các giám mục được kêu gọi để lo cho phần rỗi của đàn chiên mình, và “chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng chúng ta cần khuyến khích sự ăn năn trở lại của tất cả những ai đã không trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm và cố gắng hết sức để ngăn chặn nhiều người làm như thế.”
“Nhiệm vụ này đòi hỏi sự giao tiếp rõ ràng và trung thực, sự chính trực và tình yêu thương nó đòi hỏi cách tiếp cận mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong suốt sứ vụ của Người”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng phương pháp này gần đây.
“Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là giết người. Về mặt khoa học mà nói, đó là một mạng người. Sách giáo khoa dạy chúng ta điều đó. Nhưng liệu có đúng để đưa trục một đứa trẻ ra ngoài để giải quyết một vấn đề không? Và đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này bởi vì chấp nhận điều này thì có khác gì là chấp nhận giết người hàng ngày”, Đức Giáo Hoàng đã trả lời như trên trước câu hỏi “về việc cho các nhân vật Công Giáo, những người bỏ phiếu hoặc hành động theo những cách khác nhau để thúc đẩy phá thai, được rước lễ”.
“Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng những người cổ súy cho việc phá thai tự đặt mình ra ngoài cộng đồng Giáo hội và điều này gây ra một tình thế khó xử cho các mục tử. ‘Mục tử phải làm gì? Hãy chăn dắt, đừng đi xung quanh để lên án… nhưng hãy là một mục tử. Nhưng có phải ngài cũng là một mục tử của người bị vạ tuyệt thông không? Chắc chắn rồi, ngài là mục tử của những người ấy, và những phải là một mục tử theo phong cách của Chúa Giêsu. Và phong cách của Chúa Giêsu là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Thiên Chúa là tất cả những điều này, và chính Ngài là sự thật”.
“Đức Giáo Hoàng đã tóm tắt cách tiếp cận của Thiên Chúa bằng cách nói rằng những người Công Giáo cổ vũ điều ác nghiêm trọng thì ở bên ngoài cộng đồng Giáo hội và không thể rước lễ, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không nên bị bỏ rơi mà phải được tìm kiếm. Họ phải hiểu rằng một ngày nào đó họ sẽ đứng trước mặt Chúa một mình và bị đánh giá theo lòng trung thành của họ đối với Chúa Kitô và tất cả những gì Ngài đã dạy”.
Đức Tổng Giám Mục Aquila viết: “Chúa Giêsu không cần biết người ấy thuộc đảng phái chính trị nào, Ngài chỉ quan tâm đến sứ điệp Tin Mừng, việc loan báo Nước Thiên Chúa, hay việc một người có tìm kiếm thánh ý Chúa hay không. Chúa đã đưa ra nhiều lời cảnh báo rằng địa ngục là có thật và là khả năng cho những ai không trung thành”.
Tổng Giám Mục kết luận với lời cầu nguyện xin cho các giám mục “tìm cách đi theo con đường chân lý và bác ái này.”
Source:Catholic News Agency
Hôm 1 tháng 11, thông tấn xã ANSA của Ý có bài tường thuật nhan đề “Nuovo attacco al Papa, non piace stretta su Messa in latino”, nghĩa là “Cuộc tấn công mới vào triều Giáo hoàng Phanxicô về thánh lễ Latinh xem ra chưa kết thúc”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một cuốn sách có tựa đề “Từ hòa bình của Đức Bênêđíctô đến cuộc chiến của Đức Phanxicô” đã được xuất bản ngày hôm nay, tức là ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11, 2021, và lần này nằm trong làn sóng những lời chỉ trích về sự thắt chặt của Đức Bergoglio đối với Thánh lễ Latinh.
Tin tức về ấn phẩm mới đến từ Hoa Kỳ và đang lan truyền trong những giờ này trên các trang web của những người đề cao truyền thống. Họ nhấn mạnh rằng Lễ Các Thánh được chọn làm ngày xuất bản tài liệu này có một ý nghĩa hết sức đáng kể.
Ấn phẩm này là 70 phản hồi đối với Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô, với chữ ký của 45 tác giả ở 12 quốc gia: bao gồm 5 Hồng Y, 5 giám mục, 8 linh mục, 2 tu sĩ và 27 giáo dân. Các trang web lan truyền tin tức cũng đề cập đến một cuộc họp được tổ chức tại Rôma vào cuối tuần trước “để nhắc nhở Vatican rằng nghi thức cổ kính này sẽ không bao giờ biến mất khỏi Giáo hội”.
Năm vị Hồng Y ký tên đóng góp trong tập sách là: Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, Đức Hồng Y Gerhard Müller, Đức Hồng Y Robert Sarah, và Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân. Vì những lý do, ngay cả rất khác biệt, mức độ chỉ trích triều giáo hoàng của Đức Phanxicô của các vị Hồng Y này không giống nhau trong những năm qua.
Source:ANSA
Sau cú sốc là thời gian để suy ngẫm và hành động: Hai tuần sau khi Báo cáo Ciase về “Bạo lực tình dục trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1950 đến năm 2020” được công bố vào ngày 5 tháng 10, các giám mục Pháp đang làm việc để thảo luận và thông qua các nghị quyết mới, trong cuộc họp toàn thể tháng 11 của các ngài.
Một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội của Pháp, khi các ngài chuẩn bị cho cuộc họp này, là áp lực hiện đang được các nhà lãnh đạo chính trị Pháp gây ra đối với những thay đổi liên quan đến ấn tín bí tích Hòa Giải.
Trên cơ sở một cuộc khảo sát, cũng như 243 lời khai, 2,819 bức thư và tài liệu lưu trữ của Giáo hội, báo cáo cho biết khoảng 216,000 trẻ em đã bị các thành viên của giáo sĩ lạm dụng tình dục trong 70 năm qua. Tổng số vụ lạm dụng liên quan đến trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp lên đến 330,000 vụ, nếu tính cả những vụ do giáo dân vi phạm.
Được thành lập và tài trợ bởi Giáo Hội Công Giáo ở Pháp vào năm 2018 để làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội và xác định cách thức xử lý những trường hợp này nhằm giúp Giáo hội giải quyết tốt hơn các trường hợp lạm dụng trong tương lai, ủy ban độc lập đã đưa ra 45 khuyến nghị trong báo cáo của mình, một số trong số đó đã gây tranh cãi.
Thật vậy, ngoài những khuyến nghị khá giống với những khuyến nghị đã được các giám mục Pháp biểu quyết trong cuộc họp toàn thể cuối cùng của họ vào tháng 3 năm 2021 - như việc thành lập một hội đồng đặc biệt để phòng và chống lạm dụng tình dục, đào tạo tốt hơn cho các linh mục, không gian dành cho lắng nghe và đối thoại và bồi thường tài chính cho các nạn nhân - chủ tịch của ủy ban, Jean-Marc Sauvé, cũng kêu gọi Giáo hội xem lại ấn tín bí tích Hòa Giải liên quan đến lạm dụng tình dục.
Ấn tín bí tích Hòa Giải có nguy cơ bị vi phạm không?
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 6 tháng 10 với France Info sau khi báo cáo được công bố, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và đồng thời là Giám Mục của Reims, đã tái khẳng định tính chất bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích Hòa Giải là điều “ràng buộc đối với chúng tôi, và về mặt đó, mạnh hơn luật pháp của nước Cộng hòa”.
Tuy nhiên, một tuyên bố như vậy đã gây ra một sự náo động trong dư luận và trong tầng lớp chính trị, khiến Đức Tổng Giám Mục bị Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin triệu tập vào ngày 12 tháng 10.
Trước Quốc hội Pháp cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ đã so sánh ấn tín bí tích Hòa Giải với bí mật nghề nghiệp, và chỉ ra rằng có những ngoại lệ đối với loại bí mật này trong luật hình sự, đặc biệt là trong các trường hợp phạm tội với trẻ em dưới 15 tuổi. Nói cách khác, chính phủ hiện đang dự tính sửa đổi luật dành cho các cha giải tội, để đặt các ngài ngang hàng với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác.
Mối quan tâm trong thế giới Công Giáo gia tăng sau khi các báo cáo truyền thông cho rằng, sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Nội vụ, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort đã thừa nhận rằng các linh mục nên thông báo cho cảnh sát về việc các hối nhân bị lạm dụng trong khi xưng tội.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Register, Karine Dalle, phát ngôn viên của CEF, đã tìm cách trấn an các tín hữu Công Giáo, và nói rằng các nhà chức trách Công Giáo Pháp không có ý định thỏa hiệp các giáo huấn của Giáo hội liên quan đến ấn tín và giáo luật, vì đó là vấn đề có tầm mức quốc tế, không thể thay đổi đối với Pháp.
“Nếu nhà nước nói với chúng tôi rằng các linh mục phải báo cáo tội ác chống lại trẻ vị thành niên được tiết lộ khi xưng tội thì điều đó vi phạm nghĩa vụ phải giữ bí mật tòa giải tội. Điều này có nghĩa là các linh mục có liên quan sẽ bị vạ tuyệt thông. Chắc chắn sẽ có một số điều chỉnh được đề xuất, mà Rôma sẽ chấp nhận hoặc không. Nhưng không, không có trường hợp nào Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng ấn tín giải tội sẽ bị gạt sang một bên. Ngài chưa bao giờ nói điều đó”.
Tuy nhiên, theo Linh mục Thierry Sol, phó giáo sư giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh giá ở Rôma, rất khó dự kiến những gì có thể xảy ra. Đó là bởi vì bản chất của bí tích hòa giải không thể so sánh với bí mật nghề nghiệp. Luật pháp của Pháp đang tạo điều kiện cho sự tương tự gây hiểu lầm này. Cha Sol chỉ ra rằng việc giữ bí mật về việc xưng tội không phải là nghĩa vụ tôn giáo do Giáo hội quyết định. “Linh mục nhân danh Chúa nhận lời thú tội: trên thực tế, chỉ có Chúa mới nhận lời thú tội và thông tin này không phải của cha giải tội,” ngài nói với tờ Register.
Do đó, có một sự khác biệt quan trọng cần phải nêu ra. Theo Cha Solather Sol, trong khi các bác sĩ hoặc luật sư có kiến thức về các sự kiện bên ngoài và hữu hình, thì trong bí tích hòa giải, các sự kiện được tiết lộ có liên quan trực tiếp đến lương tâm, đó là “phần thân thiết nhất của con người, linh hồn của anh ta, do đó chúng là những gì bất khả xâm phạm nhất”.
Trích dẫn ghi chú năm 2019 của Tòa Ân Giải Tối Cao về chủ đề này, ngài nhấn mạnh thực tế rằng cả các giám mục và Giáo hoàng đều không thể sửa đổi hoặc giảm bớt ấn tín bí tích Hòa Giải, vì đó là quyền của Chúa, không phải của con người.
Thông báo của Vatican trích dẫn những nhận xét gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyên bố rằng “mặc dù ấn tín bí tích Hòa Giải không phải lúc nào cũng được hiểu theo tâm lý hiện đại, ấn tín bí tích là không thể bị bẻ gãy và không có quyền lực con người nào có thẩm quyền đối với nó, cũng như không thể đưa ra bất kỳ yêu sách nào đối với nó.”
Ghi chú nhấn mạnh rằng: “Bí mật bất khả xâm phạm của ấn tín tòa giải tội xuất phát trực tiếp từ quyền của Chúa và bắt nguồn từ chính bản chất của Bí tích, đến mức không thừa nhận bất kỳ ngoại lệ nào trong phạm vi thẩm quyền giáo hội, nói chi đến thẩm quyền dân sự.”
Các khoản quyên góp của các tín hữu có được dùng để trả cho các nạn nhân không?
Một vấn đề gây tranh cãi khác xuất phát từ các khuyến nghị của ủy ban là vấn đề bồi thường tài chính cho những người được công nhận là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Biện pháp như vậy đã được đề cập trong 11 nghị quyết chống lại nạn ấu dâm được các giám mục Pháp thông qua trong cuộc họp toàn thể vào tháng 3 năm 2021 và sau đó được trình bày trước Ciase trước khi báo cáo được công bố.
Vì Giáo hội dựa vào các khoản quyên góp được trao cho các mục đích tôn giáo, câu hỏi hóc búa về nguồn tài trợ cho việc bồi thường cho các nạn nhân nhất thiết phải đặt ra.
Trong bài nói chuyện của mình nhân dịp trình bày báo cáo Sauvé, François Devaux, người sáng lập hiệp hội nạn nhân La Parole Libérée, đã gây sức ép mạnh mẽ với các giám mục để bồi thường cho tất cả các nạn nhân, điều này làm dấy lên sự bối rối và lo lắng giữa các tín hữu về viễn cảnh các khoản quyên góp của họ sẽ được sử dụng cho mục đích này, vào thời điểm tài chính của Giáo hội địa phương đang gặp khó khăn.
Trên thực tế, Giáo hội không thể bán các tòa nhà của mình với mục đích bồi thường, trái với những gì một số nhà bình luận đã đề xuất, vì hầu hết các tòa nhà này là di sản không thể bán cho các mục đích phi tôn giáo hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước đối với tất cả các tòa nhà được xây dựng trước năm 1905.
“Chúng tôi phải trấn an tất cả các tín hữu, chúng tôi sẽ không lấy tiền của họ,” Dalle nói, khi đề cập đến việc thành lập một quỹ độc lập gần đây mà tất cả mọi người - không chỉ các tín hữu Công Giáo - có thể tự do cung cấp để hỗ trợ các nạn nhân.
Về phần mình, báo cáo Ciase đã kêu gọi một cơ chế cá nhân để bồi thường cho các nạn nhân, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Chủ tịch của ủy ban cũng thông báo rằng các tín hữu không phải trả giá cho những tội ác mà các giáo sĩ đã gây ra.
Các giám mục Pháp sẽ bỏ phiếu và trình bày các đề xuất mới của họ trên cơ sở các khuyến nghị của ủy ban trong cuộc họp toàn thể tiếp theo của các ngài ở Lộ Đức từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 11, và các ngài cũng mời các nạn nhân.
Source:National Catholic Register
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 27 tháng 10, ông đã có một bài nhận định nhan đề “A Shanksville Meditation”, nghĩa là “Một Suy tư về Shanksville”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Điểm gây xúc động nhất của Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Shanksville, Pennsylvania, là hình ảnh của 40 người nam nữ dũng cảm đã hy sinh vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, trong khi ngăn chặn bọn khủng bố al-Qaeda phá hủy Điện Capitol của Mỹ. Vào thời điểm chia rẽ và phân cực dữ dội này ở Mỹ, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những hình ảnh đó và học hỏi từ chúng, dù chúng có thể ở ngoại vi đối với thiết kế của đài tưởng niệm này.Vào lúc 8:42 sáng ngày 11 tháng 9, chiếc Boeing 757 của United 93 đã cất cánh trong chuyến bay từ Newark đến San Francisco. Tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị một chiếc máy bay không tặc tấn công 4 phút sau đó. Lúc 9:03 sáng, tháp phía nam bị đánh. Khoảng 25 phút sau đó, những kẻ khủng bố chiếm quyền kiểm soát United 93. Và vài phút sau, Lầu Năm Góc bị tấn công bởi một máy bay không tặc khác. Hai mươi phút tiếp theo đã viết nên một câu chuyện sử thi về lòng dũng cảm và quyết tâm, đi vào biên niên sử của lịch sử Hoa Kỳ.
Nhờ có điện thoại di động và điện thoại trên máy bay, các hành khách của Chuyến bay 93, những người bị dồn về phía sau máy bay sau khi những kẻ không tặc chiếm lấy buồng lái, đã biết được điều gì đã xảy ra với Tháp Đôi và Lầu Năm Góc. Ba mươi bảy cuộc điện thoại, cộng với việc máy bay đã lùi hướng và đang hướng về phía đông, về phía Washington, đã thuyết phục các hành khách rằng vụ không tặc của United 93 là một phần của một âm mưu khủng bố phối hợp nhằm làm tê liệt nước Mỹ. Sau khi thảo luận về tình huống và trách nhiệm của họ, các hành khách đã bỏ phiếu để cố gắng chiếm lại máy bay, giải quyết tên không tặc vẫn còn trong khoang hành khách (và tuyên bố có bom), và sau đó mở đường đi vào buồng lái để giành lại quyền kiểm soát của một chiếc máy bay phản lực nặng 65 tấn đang lao nhanh trên bầu trời.
Hành khách Todd Beamer, một nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy, đã đọc kinh Lạy Cha và Thánh Vịnh 23 với nhân viên điều hành điện thoại Lisa Jefferson trên mặt đất, yêu cầu cô gọi cho gia đình anh và nói với họ rằng anh yêu họ đến nhường nào “nếu tôi không về được”. Jefferson sau đó nghe Beamer nói với những người khác, “Các bạn đã sẵn sàng chưa? Được chứ. Hãy nhào vô!” Hành khách lao vào buồng lái, khống chế tên không tặc trước đó đã hù dọa họ là có một quả bom. Sau một vài phút vật lộn, chiếc máy bay nằm ngửa và Chuyến bay 93 lao xuống vùng nông thôn Pennsylvania với tốc độ 563 dặm một giờ, làm khoét sâu một hố như miệng núi lửa sâu từ 8 đến 10 feet và rộng từ 30 đến 50 feet, làm bùng lên một quả cầu lửa bốc lên bầu trời như một đám mây hình nấm khổng lồ. Tất cả mọi người trên tàu đều chết ngay lập tức do chấn thương vì lực đâm quá mạnh; Điện Capitol, nơi Quốc hội đang họp, đã được cứu.
Các hành khách của Chuyến bay 93 chỉ mất chưa đầy hai mươi phút để quyết định rằng họ thà liều chết với tư cách là những người nam nữ tự do hơn là chịu sự hủy diệt chắc chắn như những người phải phục tùng những đứa gian ác có ý định giết người hàng loạt. Dù họ có khác biệt về chủng tộc, giới tính hay quan điểm chính trị đi chăng nữa, thì họ đã có một sự thống nhất trong quyết tâm ngăn chặn thảm họa quốc gia lần thứ tư vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong những phút định mệnh và khốc liệt dẫn đến việc họ bỏ phiếu phản kháng bọn không tặc, tôi nghĩ đã không có cuộc thảo luận về nước Mỹ đã được sáng lập ra sao, phân biệt chủng tộc có hệ thống thế nào, kỳ thị đồng tính hoặc theo chủ nghĩa kỳ thị nữ giới. Truyền thống hợp tác tự do của người Mỹ vì lợi ích chung, điều mà Alexis de Tocqueville đã gây ấn tượng khi ông viết bài Dân chủ ở Mỹ 160 năm trước đó, vẫn còn tồn tại trên United 93 từ 9:30 đến 10 giờ sáng ngày 11 tháng 9.
Không có gì trong những điều này được chuyển tải qua thiết kế của Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93. Bức tường kỷ niệm các hành khách và phi hành đoàn là một sự bắt chước kém cỏi của Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam trên National Mall. “Tower of Voices” bằng bê tông, xấu xí với bốn mươi chiếc chuông gió không có mối liên hệ rõ ràng nào với các hành khách và phi hành đoàn mà nó tuyên bố là tưởng nhớ. Trung tâm Du khách trông giống như Tòa nhà phía Đông của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia IM Pei, được xẻ đôi theo chiều ngang. Thiết kế không mang tính biểu tượng, không nêu bật được chân lý siêu việt mà các hành khách và phi hành đoàn của Chuyến bay 93 thể hiện: đó là ý tưởng cổ điển về những gì một đài tưởng niệm nên làm.
Nhưng, có lẽ, có một ngoại lệ. Tấm đá cẩm thạch trắng trên đó có khắc tên của hành khách Lauren Catuzzi Grandcolas, bao gồm, bằng các chữ cái nhỏ hơn, “và đứa trẻ chưa sinh”. Dòng chữ ngắn gọn đó có một sức mạnh gợi ý duy nhất trong một đài tưởng niệm không thể nói lên được phẩm giá của cuộc sống một cách hùng hồn, như được khẳng định bởi những người nam nữ của Chuyến bay 93, những người đã chọn không nao núng khi đối mặt với sự gian ác, và như thế, lựa chọn họ đưa ra là cao quý thực sự.
Source:First Things
“Đừng dập tắt Thần Khí Thiên Chúa nơi chính anh em” (1Tx 5,19).
Câu Lời Chúa trên đây đã được Tân linh mục Phanxicô Xaviê Đoàn Hữu Hòa chọn làm kim chỉ nam cho cuộc đời linh mục của mình. Ngài được Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng - TGP Sài Gòn - đặt tay thánh hiến vào lúc 8g30 sáng thứ Bảy ngày 16.10.2021, tại Nhà Nguyện Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Xem Hình
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cảm ơn những người đã cầu nguyện và nâng đỡ cho Tân linh mục trong suốt những tháng năm học tập theo ơn gọi làm linh mục của mình, Thánh lễ tạ ơn của Tân linh mục Phanxicô Xaviê Đoàn Hữu Hòa đã diễn ra lúc 17g30 Chúa nhật, ngày 31.10.2021 tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, là quê nhà của Tân linh mục.
Đồng tế với Tân linh mục có Lm Gioakim Lê Hậu Hán, Chánh xứ Vĩnh Hòa, Lm Giuse Trần Văn Lưu, Chánh xứ Bình Thuận, Lm Giuse Nguyễn Đức Quang, Chánh xứ Nghĩa Hòa, hạt trưởng Chí Hòa, Lm Giuse Nguyễn Đức Trí, Chánh xứ Tân Châu, và Lm Giuse Đỗ Xuân Vinh giáo sư ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn cùng 18 Tân linh mục đồng khóa.
Đến hiệp dâng Thánh lễ có quý thầy ĐCV, quý soeur, quý vị ân nhân, quý vị khách mời xa gần cùng gia đình linh tông và huyết tộc của Tân linh mục.
Sau bài Tin Mừng, Lm Giuse Đỗ Xuân Vinh chia sẻ: Hôm nay, chúng ta cùng nhau qui tụ về ngôi thánh đường này để cùng với Tân Lm tạ ơn Thiên Chúa với biết bao hồng ân mà Ngài đã thương ban cho Tân linh mục cũng như gia đình. Theo quan niệm của nhiều người, sống theo ơn gọi làm linh mục thì không có tương lai. Bởi vì, linh mục không làm ra kinh tế cũng như đóng góp của cải cho xã hội. Tuy nhiên, đối với đức tin của người Công Giáo thì linh mục lại là một món quà cao quí mà Thiên Chúa ban tặng cho con người mà những người bình thường không thể làm được. Đó là khi linh mục cử hành Thánh lễ nhân Danh Chúa Kitô, qua việc truyền phép bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô và đem đến cho anh chị em của mình. Ngoài ra, khi linh mục nhân Danh Chúa cử hành Bí tích Hòa giải ban ơn tha tội cho hối nhân, và khi nhân Danh Chúa cử hành Bí tích Sức Dầu cho bệnh nhân đau yếu được ơn tha tội và được sự bình an trong tâm hồn...Như vậy, linh mục không phải là một nghề mà là một ơn gọi sống đời tận hiến với Đức kitô hết linh hồn, hết sức lực, và phục vụ tha nhân một cách trọn vẹn trong suốt cuộc đời của mình.
Thánh lễ nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể.
Sau phần hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An, Chủ tịch, thay mặt cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa có lời chúc mừng Tân linh mục Phanxicô Xaviê, quý bà cố cùng gia đình trong niềm vui mà Thiên Chúa thương ban cho gia đình, và cho Giáo hội qua Thiên chức linh mục.
Để tỏ lòng tri ân, các em thiếu nhi đại diện dâng lên các Tân linh mục bó hoa tươi thắm cùng món quà nhỏ kỷ niệm của Lm Chánh xứ và các anh chị HT- GLV trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.
Đáp lời, Tân linh mục Phanxicô Xaviê cảm ơn ĐTGM Giuse, quý cha Giám đốc ĐCV, quý cha giáo, Lm Chánh xứ Vĩnh Hòa, Lm Gioan Baotixita Vũ Mạnh Hùng, nguyên Chánh xứ Vĩnh Hòa, các Lm đồng tế, các tu sĩ nam nữ cùng quý vị ân nhân đã đến hiệp dâng Thánh lễ và cầu nguyện thật sốt sắng. Để có được ngày vui trọng đại hôm nay, còn có sự cầu nguyện và giúp đỡ của gia đình cũng như những người âm thầm cầu nguyện giúp đỡ cách này cách khác trong những tháng ngày theo ơn gọi làm linh mục của mình. Ngoài ra, cám ơn chính quyền UBND phường 05, quận 11, đã tạo điều kiện thuận lợi để cho Thánh lễ diễn ra được tốt đẹp.
Thánh lễ tạ ơn khép lại lúc 19g00, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận phép lành đầu tay từ Tân Lm chủ tế và cùng nhau hát vang bài “Tán tụng hồng ân”.
Xem hình
Thánh lễ do hai Cha Tuyên úy của cộng đoàn là quý Cha Giuse Phạm Minh Ước và Phêrô Phạm Văn Ái đồng tế. Ca đoàn Babylon với Ca trưởng Xuân Kính và ca viên Nguyễn Thanh Huyền phụ trách thánh ca, qua sự điều khiển âm thanh của quý anh Văn Chương và Hà Hạnh đã làm tăng phần long trọng cho buổi lễ.
Mọi người khi đến cổng trung tâm đều phải check in QR CODE và đưa giấy chứng nhận chích ngừa đầy đủ, các cháu huynh trưởng TNTT đã rất tận tâm giúp những ai cần đến sự giúp đỡ của các cháu trong việc check in.
Mở đầu thánh lễ, Linh mục Phạm Văn Ái đã ngỏ lời là quý cha rất vui mừng được gặp lại cộng đoàn với thánh lễ mặt giáp mặt, sau một thời gian dài gặp nhau qua thánh lễ trực tuyến.
Cha Tuyên úy Phạm Minh Ước đã chia sẻ bài tin mừng về Tám (8) mối phúc. (Xin tóm tắt ý) Cha nói về ơn gọi làm thánh của các tín hữu. Ngày trước, người ta hay nói về ơn gọi chỉ dành cho các bậc tu trì, nay thì khác. Người có ơn gọi tu trì và cả giáo dân, đều được gọi để đi đến mục đích cuối cùng là nên thánh trong cương vị của mình, vì ai cũng được nên thánh nếu sống theo những điều Chúa dạy trong Tám mối phúc trong bài tin mừng hôm nay. Các Thánh Nam Nữ ở trên trời xưa cũng như chúng ta. Và các Ngài đã làm tròn ơn gọi đời mình trong niềm tin vào một Thiên Chúa, và những điều Chúa dậy bảo, để đi trên con đường dẫn đến cửa hẹp mà vào nước Thiên Đàng.
Thánh lễ kết thúc trong niềm vui, mọi người chào hỏi nhau, mừng rỡ vì còn thấy nhau khỏe mạnh sau mùa dịch. Trước khi chia tay và hẹn gặp lại nhau dự lễ Các Đẳng Linh Hồn 2/11/21.
Chút cảm nhận về đại lễ Các Thánh Nam Nữ - 1.11
“Những con người nam nữ qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho Chúa. Sau khi đã sống cuộc đời âm thầm chẳng được ai biết đến, và có thể còn bị những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các Ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các Ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại, đối với công cuộc phát triển Nước Chúa trong lịch sử”( ĐGH GIOAN PHAOLÔ. II, Tông Huấn “Kitô hữu giáo dân”, số 17).
Đâu phải là huyền thoại !
Chuyện “Nước Chúa” hiện thực đã hai ngàn năm,
Bởi những vinh quang, lận đận, khổ ải, thăng trầm…
Bởi máu thắm, mồ hôi, nụ cười hay nước mắt…
Vâng, Nước Chúa
Là của những Giuse, Gioan, Phêrô…
Từng “giọt mến Chúa” mỗi ngày chắp nhặt,
Của những Maria, Matta, Mađalêna…
Mỗi “giây yêu người” từng bữa dệt bài ca !
Của cô bé nhà quê Goretti,
Đóa huệ khiết trinh, lòng nhân ái bao la,
Của chàng thanh niên Anrê Phú Yên,
Mỉm cười hiên ngang chết vì “tình yêu đáp trả” !
Và Nước Chúa,
Đâu phải chuyện lục địa mênh mông, núi cao, biển cả,
Chẳng là hào sâu, thành hiểm, vó ngựa, gươm đao…
Chẳng phải những đoàn quân
rầm rập giày đinh, sát khí chiến bào,
Đơn giản, một đoàn dân,
Giặt áo mình trong Máu Chiên Con, cầm cành vạn tuế.
Là đoàn dân,
Chọn hạnh phúc Nước Trời với một đời ước thệ,
Sống khó nghèo, hiền hậu, đón nhận chén khổ sầu…
Khát khao công chính, biết xót thương,
Giữ trái tim trong sạch và chịu bách hại thương đau,
Vâng, những Anê Soạn, Anna Trị, Lê Thị Thành…
Những thợ khiêm tốn vô danh nhưng rạng ngời vĩ đại !
Đầu tháng Mười Một,
Từ trời cao nghe vọng về khúc khải hoàn ca và lời réo gọi,
Niềm khát vọng thiên đường và dấu bước Thánh nhân.
Cuộc lữ hành hôm nay, ngày mai, dẫu vất vả gian nan,
Đừng quên,
Hạnh phúc vĩnh hằng được xây bằng “những chi tiết nhỏ !”
Sơn Ca Linh (1.11.2021)
Canada đang bước vào những ngày cuối thu, tiết trời se se lạnh, cái lạnh mong manh làm ta nghĩ tới áo ấm. Đây là thời gian trái cây chín muồi. Nhớ những năm xưa khi dịch Cô Vít chưa lan tràn thì các khu chợ đã tràn ngập trái cây. Này trái dứa vàng ươm, trái dâu đỏ ánh, này trái mận tím hồng, này nhãn Hưng Yên ngọt hơn đường, này vải Đài Loan ngọt hơn mật. Cụ Bà B.95 trong làng tôi thì tiếc nhớ hoa quả miền Bắc : lúc này là mùa nếp mới, cốm xanh, hồng mọng, trái kỳ đà, chanh yên, phật thủ…
Tháng 11 này cũng là thời gian tưởng nhớ những người đã khuất, tháng ‘Các Linh Hồn’của người Công Giáo, tháng nhớ Tổng Thống Diệm và Tổng Thống Kennedy. Và người Việt khắp nơi, cả hải ngoại cả trong nước, hiện đang nói tới và thương nhớ ca sĩ Phi Nhung. Cô ca sĩ này ngoài tài ca hát còn có một tấm lòng bác ái thương người, cô có 23 con nuôi, cô xả thân đi giúp đỡ những người bệnh dịch, và cô đã nằm xuống vì lây bệnh.
Làng tôi ai cũng ao ước giá mà trong mùa dịch dữ tợn này có ai làm ra được một bài ca kêu gọi mọi người góp sức nhiều hơn nữa cho việc cứu trợ, như xưa có 2 bài ca nổi tiếng khắp thế giới về việc xin cứu đói Ethiopia mà cho tới bây giờ nhiều người còn nhắc tới : bài ‘We Are The World’ của Bob Geldof và Michael Jackson ở Hoa Kỳ năm 1984, và bài ‘Tears Are Not Enough’ của ban Northern Lights ở Canada năm 1985.’
Các cụ nhạc sĩ ơi, mong các cụ sáng tác nha. Tôi mới chỉ thấy nhạc sĩ Phạm Đức Huyến ở California và nhạc sĩ Phạm Trung ở Toronto làm nhạc cầu xin Chúa rất sốt sắng trong nhà thờ mà thôi. Tôi muốn nhạc ngoài đời và cho cả thế giới hát nữa cơ.
Về thời sự, tôi nhớ tới Bà Nguyễn Thị Mai Anh, tức phu nhân của TT Nguyễn Văn Thiệu mới qua đời. Bà được ghi nhớ trong nhiều công tác bác ái từ thiện đáng ca ngợi. GS Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng vừa viết một bài rất hay và cảm động về ông bà Thiệu. GS Hưng là người duy nhất được cả ông cả bà Thiệu qúy mến cho đến khi ông bà nhắm mắt.
Và ngôi sao của Đài VOA, ông Lê Văn cũng vừa nằm xuống, 84 tuổi vàng. Và cựu đại sứ VNCH Bùi Diễm cũng vừa nằm xuống, 99 tuổi ngọc.
Ngoài ra, từ đầu tháng 11, Canada và Hoa kỳ cùng mở cửa cho hai bên đi lại thông thương với nhau. Mời các cụ sang Canada du lịch nha, đặc biệt xem những đồi phong đổi màu đẹp lắm. Lá phong đang từ màu xanh biến sang màu vàng rồi mầu hồng rồi mầu đỏ, rồi đỏ rực. Cây phong ở đây đa số có đường ngọt, Canada đã lấy đường này làm ra rất nhiều thực phẩm, nhiều nước uống, nhiều rượu ngon. Lá phong đỏ rực đẹp như thế nên Canada đã chọn đặt vào giữa quốc kỳ. Cụ B.95 trong làng tôi khi mới sang Canada thấy lá phong trên quốc kỳ thì hỏi : Sao Canada lại vẽ lá đu đủ VN ỡ giữa giữa quốc kỳ vậy? Cụ già này quả có lý, lá phong có hình dạng rất giống lá đu đủ, chỉ nhỏ hơn thôi, các cụ ạ.
Về mặt văn hóa thì đầu tháng 10 vừa qua, một kinh tế gia Canada được tặng giải Nobel 2021. Ông là 1 trong 3 giáo sư đang dạy học tại Stanford bên Hoa Kỳ. Tôi xem danh sách thì Hoa Kỳ đã có 356 giải, nay trong danh sách 13 giải Nobel 2021, Hoa Kỳ có thêm 8 giải mới. Canada đã có 22 giải, nay thêm 1 giải mới. Tôi tìm tên Việt Nam thấy không hề có tên và thấy chưa hề có giải nào. Lạ quá nhỉ. VN có mấy mươi ngàn tiến sĩ cơ mà. CSVN luôn xưng mình là đỉnh cao trí tuệ loài người cơ mà.
Ông Từ Hòe nghe đến đây thì nói ngay : Cái hạng người có tội đốt sách thì làm sao đẻ ra được giải Nobel. Sử còn ghi rõ ràng khi CSVN vào Hà Nội năm 1954 và vào Saigon năm 1975 đã hạ lệnh tịch thu sách và đốt sách. Ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách lớn Khai Trí ở Saigon đã khóc hết nước mắt khi kho sách mấy mươi ngàn cuốn của ông bị VC lôi ra đốt. Ngày xưa bên Tàu có Tần Thủy Hoàng đốt sách, ngày nay con cháu Hồ Chí Minh cũng đốt sách. Chúng ta nhớ kỹ việc này nha.
Nhân nói tới CSVN, tôi bèn nhớ tới vụ kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình ở Hà Lan hiện nay. Trước đây ông Bình ‘Vua chả giò’ ở Hà lan nghe theo lời mật ngọt của CSVN đã mang về VN bao nhiêu tỷ đồng để kinh doanh từ đầu thập niên 1990. Nhưng rồi ông đã bị CS lừa gạt tài sản. Ông đem vụ này ra tòa án quốc tế ở Paris. Tòa đã xử và CSVN đã thua. Hiện nay ông Bình và Hà Nội đang điều đình. Ông Bình cho biết nếu vụ này không xong thì ông còn 2-3 vụ nữa cũng sẽ đem ra tòa. Phen này ‘Đỉnh cao trí tuệ loài người’ gặp rắc rối to đây. Ông Từ Hòe trong làng tôi thêm ý này: Đây là một tiền lệ rất tốt, cụ VN nào ở hải ngoại bị CSVN lừa gạt thì hãy sẵn sàng đem sự việc ra tòa án quốc tế ở Paris nha.
Xin tạm ngưng chuyện VC vì bà cụ B.95 kêu nhức đầu.
Lúc này Chị Ba Biên Hòa lên tiếng : Cụ ơi, bác Từ Hòe vừa nói xấu đàn bà VN đây nè. Ông bồ chữ liền hỏi : Tôi nói hồi nào? Chị Ba kể ngay : Lúc nãy trong bếp bác cho em xem bài thơ Sợ Đàn bà. Bài thơ còn đây, em xin đọc để cả làng nghe nha :
Thế giới đều sợ đàn bà Mỹ
vì đàn bà Mỹ nói là làm.
Đàn bà Mỹ sợ đàn bà Nhật
vì đàn bà Nhật làm xong mới nói.
Đàn bà Nhật lại sợ đàn bà Trung quốc
vì đàn bà Trung Quốc không nói mà làm
Nhưng đàn bà Trung Quốc lại sợ đàn bà Việt Nam
vì đàn bà Việt Nam làm một đàng nói một nẻo…
Nghe xong bài này thì cả làng tôi phá ra cười. Ông từ Hòe vừa cười vừa trách : Tại sao chị bỏ quên mấy câu chót? Các chị khoan trách tôi khinh rẻ đàn bà VN nha. Bài thơ có đoạn kết như sau:
Đàn bà Việt Nam lại sợ đàn ông Việt Nam
Vì đàn ông Việt Nam không nói thì không làm
Mà khi làm thì lại làm chuyện không nói…
Lần này thì cả phe đàn bà cả phe đàn ông trong làng đều cười, ai cũng gật đầu bảo đúng quá. Anh H.O. thấy không khí làng hết căng thẳng về các tin bệnh dịch, anh cũng xin góp một chuyện vui về liền ông và liền bà. Rằng có một anh con trai kia mới lấy vợ. Vợ anh là một nữ cảnh sát công lộ. Sau tuần trăng mật, có phóng viên hỏi anh con trai này : Xin anh cho biết có gì đặc biệt trong quan hệ tình yêu khi vợ làm nghề cảnh sát giao thông. Anh này cười hì hì rồi bảo : Vợ tôi hay nhắc tôi 3 điều này : không được lái xe nhanh quá, phải đội mũ an toàn, phải đậu xe đúng chỗ...
Thấy làng vỗ tay khen hay, anh H.O. được hứng bèn xin kể một chuyện nữa của cụ Vương Hồng Sển, nhà văn lão thành miền Nam (1902-1996). Cụ nói chuyện ngày xưa khi đi cắt tóc :
…Bữa ấy, tôi đi hớt tóc tại một tiệm ở Chợ Cũ. Vào tiệm thì đã có môt vị tu sĩ đến trước đang ngồi chờ. Vị khách kia hớt xong thì ngài tu sĩ bèn lên ghế ngồi ngay. Anh thợ hớt tóc vừa giũ khăn định choàng thì vị tu sĩ này liền mở lời, chắc có ý cho thấy mình là người có trí :
Nè anh Hai, có phải là cái gì mình không xài thì nó mọc dài ra, phải không hứ?
Ý ông muốn ám chỉ tóc trên đầu. Nhưng anh thợ lại nghĩ khác, nên một tay cầm khăn quên giũ, một tay ôm bụng cười dài ngặt nghẽo. Vị tu sĩ bị nhột, bèn hỏi :
Tôi nói có gì lạ mà anh cười dữ vậy? hớt tóc đi chứ.
Anh thợ lễ phép thưa rằng : Thưa ngài, nghe ngài nói thì con thấy các bậc tu hành đều có cái không xài, chắc cái ấy dài lắm.
Vị tu hành biết mình lỡ lời, liền đỏ mặt rồi nói để che sượng:
Ý cái anh này, khéo nghĩ tầm bậy tầm bạ mà không lo mần việc. Ai có cái ý ấy. Hớt lẹ đi không?
Nghe đến đây thì cả làng cười ầm, phe các ông cười dữ nhất. Chị Ba sợ chuyện tóc ở vùng cực bắc sẽ biến thể chạy xuống vùng cực nam nên Chị xin anh John kể sang chuyện khác, chuyện thời sự chẳng hạn. Anh John bản chất sợ vợ nên vâng lời vợ ngay.
Anh xin trở lại chuyện Canada.Về mặt kinh tế thì công ty điện lực tỉnh bang Quebec ở Canada vừa ký hợp đồng 20 tỷ đô la cung cấp thủy điện cho New York trong 25 năm kể từ 2025. Các cụ bên Hoa Kỳ nhớ kỹ : Canada đang chuẩn bị cung cấp điện cho Hoa Kỳ đấy nha.
Làng vừa ngưng chuyện điện lực thì một cô Huế lên tiếng : Bác Từ Hòe ơi, xưa nay cháu thấy chuyện gì bác cũng biết và cũng diễn giải được, hôm nay xin cho cháu tò mò hỏi một câu rất cá nhân : cái tên Từ Hòe là tên ba mạ bác đặt cho bác từ bé hay là tên bác chọn? Ông Từ Hòe chưa kịp lên tiếng thì ông bồ chữ ODP cười hà hà rồi nói ngay : Cô hỏi nhầm người rồi. Cô phải hỏi tôi mới đúng vì cái tên này do tôi đặt. Gốc cái tên đó như thế này :Tôi thân với bác ấy từ bên VN lận nên biết rõ đời bác. Tôi thấy bác giống một nhân vật nổi tiếng của truyện ‘108 Anh Hùng Lương Sơn Bạc’ trong cuốn Thủy Hử của Thị Nại Am (1296-1370) bên Tàu nên đã xin làng đặt cho bác. Trong làng ai cũng ái mộ ông Từ Hòe nên cả làng đều xin được nghe trọn truyện dài này. Thế là bồ chữ ODP thao thao ngay :
…Lương Sơn Bạc là một chiến khu gồm 108 hảo hán chống triều đình, họ quy tụ lại dưới quyền chỉ huy của Tống Giang. Ông này có mộng bá vương nên đã xí gạt các hảo hán rằng : chúng ta có chính nghĩa, mai này dẹp xong các nịnh thần trong triều thì sẽ về kinh đô xin ân xá vì chúng ta đã thay trời dẹp loạn, thế thiên hành đạo. Nhưng triều đình biết rõ cái mộng làm giặc của Tống Giang nên đã đem binh đi dẹp.
Từ Hòe là tướng được triều đình sai cầm quân đến dẹp giặc Lương Sơn Bạc. Từ Hòe là một tướng giỏi, văn võ toàn tài. Trước khi dùng võ thì ông dùng văn. Ông đã can trường một mình vào thẳng chiến khu đòi gặp chủ tướng. Vì Tống Giang đi vắng nên phó tướng là Lư Tuấn Nghĩa ra tiếp. Quan Từ Hòe đã đem việc sai quấy và ngụy biện của Tống Giang ra nói rồi khuyên Lư Tuấn Nghĩa nên đem quân đầu hàng. Lời quan Từ Hòe rất uy quyền và hùng biện như sau :
…Còn ngươi con nhà lương gia, văn võ toàn tài, sao lại đi theo bọn bội nghịch. Nay ta hỏi rút ngươi một điều : Từ nay cho đến ngàn năm, từ đây cho đến ngàn dậm thì ba chữ Lư Tuấn Nghĩa của ngươi biết tránh làm sao cho khỏi hai chữ ‘cường đạo’. Trong lúc đêm khuya, nếu ngươi gác tay lên trán mà suy nghĩ về mình, chắc là ngươi sẽ thẹn lắm. Nay ta vâng lệnh vua đến trấn nhậm huyện này, một ngọn cỏ một gốc cây ta muốn để thì để, ta muốn bỏ thì bỏ, ai nghe lời ta thì ta thương như con đỏ, nghịch lời ta thì ta chém như chém chuối.
Lư Tuấn Nghĩa không cãi lại được một lời.
Các tướng của Lư Tuấn Nghĩa đứng hầu hai bên nghe tức quá muốn rút gươm chém Từ Hòe, nhưng Lư Tuấn Nghĩa không cho, vì nghĩ rằng’ nếu Từ Hòe dở thì không dám vào đây, mà dám tới đây thì ắt là không dở’, bèn để Từ Hòe ra về thong thả... Đêm đó Lư Tuấn Nghĩa thức suốt đêm mà suy nghĩ về những điều quan Từ Hòe nói. Ông nửa muốn đi đầu Từ Hòe, nửa không, vì nếu đầu Từ Hòe thì ắt phải đánh Tống Giang, mà nếu đánh Tống Giang thì không còn mặt mũi nào nữa vì Tống Giang đã quá tốt với mình…
Tác giả không cho biết việc này diễn ra tiếp theo thế nào, chỉ biết rằng cuối cùng thì 36 tướng của Lương Sơn Bạc đã bị bắt sống và chém đầu trong đó có lãnh tụ Tống Giang.
Cả làng đã nín thở nghe chuyện này. Ông ODP nói tiếp : ông bạn của chúng ta đây cũng có những hành động khá giống quan Từ Hòe. Trước 1975, ông là vị chỉ huy một cuộc hành quân diệt VC, ông bắt được một tên chính ủy. Thấy tên này có học nên ông không giam trong tù mà đem anh ta tới văn phòng rồi giảng cho anh ta về lẽ chính tà của thuyết cộng sản và cái ác tâm của cuộc xâm lăng miền Nam. Ông cho anh ta tranh luận và cãi tự do với ông trong mấy ngày liền. Sau cùng khi thấy anh ta đuối lý thì ông thả anh ta vào rừng để anh ta tìm về đơn vị. Ông Từ Hòe nghĩ rằng anh chính ủy này khi đã mở mắt thì sẽ ảnh hưởng nhiều tới cấp chỉ huy và những quân sĩ chung quanh. Rồi biến cố 30/4, rồi ông Từ Hòe đi tù. Bị tù 1 năm thì ông được thả. Người cứu ông ra tù chính là anh chính ủy khi xưa vì anh đã mở mắt. Rồi anh bí mật rủ ông tìm cách vượt biên. Họ thành công. Họ kết nghĩa anh em. Ông Từ Hòe đến Canada trước và ở Toronto, anh chính ủy được Canada nhận và cho sang miền tây Canada định cư. Ông Từ Hòe đã đi sang miền tây Canada sống với người em kết nghĩa này nhiều năm. Rồi ông Từ Hòe rời miền tây vì ông cho là đã sống đúng lời hứa khi xưa, và ông trở về với làng chúng tôi. Chuyện ông Từ Hòe dài lắm, nhiều màu sắc lắm, tôi sẽ xin kể tiếp về sau.
Ông Từ Hòe đáp ngay : Cám ơn Anh Cả đã chọn tên Từ Hòe đặt cho tôi ở miền đất hạnh phúc Canada này. Trên giấy tờ thì tên thật của tôi không phải là Hòe, nhưng tôi đã sung sướng nhận tên Anh đặt cho vì tên Từ Hòe ý nghĩa quá. Ngoài ra, tên Hòe làm tôi nhớ chuyện ông Nguyễn Hòe đời Lê năm xưa. Chuyện kể rằng năm đó triều đình mở khoa thi, Nguyễn Hòe ghi danh đi thi. Vị chánh chủ khảo cũng tên là Hòe nên khi xướng quyển để các thí sinh lần lượt vào trường thi, người ta kiêng tên Hòe mà đọc chệch ra là Huề. Xướng đi xướng lại mấy lần mà Nguyễn Hòe vẫn đứng yên. Người gọi loa mới chõ vào Nguyễn Hòe hỏi tên. Ông mới gào to lên : Tên tôi là thằng Hòe, nãy giờ chỉ nghe gọi thằng Huề chứ có gọi thằng Hòe đâu. Sau đó quan phải cho gọi đúng tên Hòe thì Nguyễn Hòe mới chịu vào. Thấy Hòe nhỏ tuổi mà có vẻ hỗn hào, quan chánh chủ khảo mới sai giữ lại và ra một câu đối, bảo rằng nếu đối được thì mới cho thi. Quan ra câu này :
‘ Lan Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như’ : Lan Tương Như ( nhân vật thời Chiến Quốc), Tư Mã Tương Như (nhân vật đời Hán), tên giống nhau mà thực chất chẳng giống nhau.
Nguyễn Hòe đối lại ngay :
‘Ngụy Vô Kỵ, Trương Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ’ : Ngụy Vô Kỵ (nhân vật thời Chiến Quốc), Trương Tôn Vô Kỵ (nhân vật đời Đường), mày không sợ, tao cũng không sợ.
Quan Chánh Chủ Khảo thấy Nguyễn Hòe có ý hỗn xược nhưng phục tài nên không bắt lỗi nữa mà cho đem lều chõng vào thi.
Nghe xong hai chuyện này, cả làng tôi đều vỗ tay rất lâu, ai cũng thán phục sự thông thái của 2 bồ chử ODP và Từ Hòe.
Cụ Chánh tiên chỉ làng vỗ tay xong thì phát biểu thêm :
Trong câu đối của thí sinh Nguyễn Hòe trên đây có chữ
KHÔNG SỢ, hai chữ này làm lão nhớ tới cố Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997). Ông là người VN duy nhất đậu 2 bằng tiến sĩ Luật Khoa và Văn Khoa lúc mới 23 tuổi ở Đại Học Montpellier bên Pháp. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, đến khi có hòa bình năm 1954 thì ông trở về Hà Nội. Ông không phải đảng viên, ông bảo ông chỉ là một trí thức yêu nước, xin đem cái trí và cái lòng về giúp nước.Vừa hành nghề luật sư vừa dạy học tại Đại Học Văn Khoa. Vì tính cương trực và lòng ái quốc nên ông đã lên tiếng phê bình sâu sắc những sai lầm trong việc cải cách ruộng đất cùng vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, và ông đề ra những những phương hướng sửa chữa. Việc này làm mất lòng đảng, LS Tường đã bị đảng tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp, bị đuổi ra khỏi nơi đang ở. Ông sống lây lất như một người ăn mày. Cuối đời, đúng lúc VC tuyên bố mở cửa, ông được Pháp mời sang dự hội nghị về văn hóa xã hội trong 2 tháng. Ai cũng tưởng sau đó ông sẽ ở lại Pháp, nhưng không, ông vẫn anh dũng về lại VN và sống trong cơ hàn, ông không sợ CSVN. Ông là một cây văn hóa trí thức, một nhà quân tử, một triết gia gương mẫu cho mọi thế hệ Việt Nam.
Xin các cụ nhớ ghi chuyện cây đại thụ Nguyễn Mạnh Tường này và trao lại cho con cháu chúng ta.
TRÀ LŨ
Theo Pascal, “khi bạn thấy một người và bạn nghĩ ngay đến sách vở của ông ta, thì đó là một dấu hiệu không tốt”. Cái nguy của việc tập chú vào người viết mà quên con người gần như là một điều không thể tránh được trong trường hợp một con người như Hans Urs von Balthasar, người đã viết nhiều cuốn sách hơn một người bình thường có hy vọng đọc hết ở trong đời. Hơn một lần, ngài từng thấy cần phải làm một cuộc điều tra hay “bản liệt kê tài khoản” về các trước tác của ngài và không ngừng nhấn mạnh rằng ngài coi các trước tác của mình như “chuyện bên lề”. Sau cái chết của Adrienne von Speyer, càng ngày ngài càng sẵn sàng thực hiện các tuyên bố có tính tự thuật, tuy nhiên những tuyên bố này rất rải rác và rời rạc để người đọc có một hình dung thích đáng về con người mang tên Hans Balthasar. Sau đây cũng chỉ là một cố gắng mà người viết, Đức Cha Peter Henrici, Dòng Tên, cho là không thoả đáng về một con người ngài biết, ngưỡng mộ và yêu mến.
Các hồng ân
Đối với tất cả chúng ta, ngài hơi quá vĩ đại. Trong lúc trò chuyện với bạn bè, bất luận là đứng hay, như ngài thích hơn, đi đi lại lại, thực sự ngài cao hơn mọi người cả một cái đầu và hai vai. Trong kiến thức và phán đoán cũng thế, ngài ngất ngưởng đối với những người ngài nói với. Bạn phải ngước nhìn lên ngài. Không tự đặt mình lên bệ cao, ngài quả nhìn xa và rộng. Ấy thế nhưng, ngài không bao giờ để bạn cảm thấy cái chiều cao ấy của ngài. Ngài không bao giờ nói kiểu kẻ cả, không bao giờ khinh khỉnh nhìn người khác. Chỉ hoạ hoằn, xem ra ngài mới quên rằng người khác không được phú bẩm những hồng phúc và khả năng làm việc kinh khủng của ngài. Các phê phán của ngài đối với các ý nghĩ và sách vở đôi khi nghe có vẻ vội vàng, cọc cằn, thậm chí hạ giá, nhưng, khi xẩy ra như vậy, chẳng qua ngài chỉ nói lên các tiêu chuẩn cao ngài vốn yêu cầu ở chính mình, ở môi trường của mình, và trên hết ở mọi điều liên quan tới Giáo Hội. Có lần ngài nói với bạn đồng tu, “Chỉ điều tốt nhất mới tốt cho bạn, nơi người ta, nơi các ý nghĩ, trong các đòi hỏi nơi chính bạn” (1). Ngài đo mọi sự bằng các tiêu chuẩn lớn lao của chính ngài.
Đối với tất cả sự vĩ đại và kiến thức cao ngất ngưởng của ngài, ngài vẫn có thể mãi 'không rắc rối’, khiêm tốn, thực sự như một trẻ nhỏ. (Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau.) Nhưng ngài nhận ra và thừa nhận các hồng ân của mình. Ngài xem chúng đúng như vậy – hồng ân thuần túy, một điều đã được ban cho ngài, điều mà ngài chỉ biết tạ ơn, điều mà ngài chỉ biết đưa vào phục vụ. (Tuy nhiên, bản thân ngài không đánh giá trọn vẹn tầm lớn lao của hồng ân này).
Nhìn lại tuổi trẻ của ngài, chúng ta có thể đơn cử ba hồng ân tuyệt vời mà ngài đã nhận được, có thể nói là từ lúc nằm nôi.
Nguồn gốc
Đầu tiên là gia đình ngài. Ngài xuất thân từ một gia đình quí tộc lâu đời ở Lucerne, từng hiến cho thành phố quê hương các sĩ quan quân đội, chính khách, học giả và và giáo phẩm — các đan viện trưởng nam nữ, các kinh sĩ, và một giám tỉnh dòng Tên ở Mexico. Nền móng thư viện thành phố và tổng Lucerne là do tổ tiên của ngài xây dựng. Cha của ngài, Oscar Ludwig Carl Balthasar (1872-1946), là nhà xây dựng của tổng, chịu trách nhiệm, trong số những việc khác, đối với Nhà thờ Thánh Karli, một trong những tòa thánh đường hiện đại tiên phong của Thụy Sĩ. Qua mẹ của ngài, bà Gabrielle Pietzcker (mất năm 1929), đồng sáng lập và tổng thư ký đầu tiên của Liên đoàn Phụ nữ Công Giáo Thụy Sĩ, ngài có liên hệ họ hàng với vị giám mục tử đạo người Hungary, Apor von Györ, người đã bị lính Nga bắn vào năm 1944 vì chứa chấp một số phụ nữ tị nạn trong ngôi nhà của mình. Em trai của ngài là Dieter từng là một sĩ quan trong Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ. Em gái của ngài là Renée (1908-1986) là Bề trên Tổng quyền, từ năm 1971 đến năm 1983, của các Nữ tu Dòng Phanxicô Sainte-Marie des Anges. Tại Khách sạn Felsberg, do bà của ngài điều hành, ngài đã sống phần lớn thời thơ ấu của mình với của một người dì chỉ hơn ngài vài tuổi. Ở đây, thái độ quốc tế và thông thạo ba ngôn ngữ (tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh) được coi là chuyện đương nhiên. Tại đây, ngài cũng trở nên quen thuộc với lối nói chuyện dí dỏm và phong cách sống sành điệu của những vị khách người Anh; sau này, trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với những người lính Pháp bị thương; và cuối cùng, vào năm 1918, với gia đình hoàng gia Habsburg khi họ qua đó. Balthasar có nhiều liên hệ với Phái Thệ Phản qua ông ngoại của mình, đại tá kỵ binh Hermann Pietzcker —'Chúng tôi thỉnh thoảng ghé thăm căn phòng đầy khói và đầy vũ khí của ngài" (2) Thực thế, ba trong số ông bà cố của ngài, về phía mẹ ngài, theo Thệ Phản.
Như chính Balthasar đã chứng thực, thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài được tràn ngập âm nhạc, nhờ đó ngài có một tài năng khá phi thường. Ngài có tài xướng âm hoàn hảo, đến nỗi, sau cái chết của Adrienne von Speyr, ngài có thể cho đi hệ thống âm thanh nổi của mình với lý do không cần đến nó nữa: ngài thuộc lòng mọi tác phẩm của Mozart; ngài có thể hình dung bản nhạc và nghe âm nhạc trong tâm trí của ngài. Nhưng chúng ta hãy nghe những lời của chính ngài:
“Từ những ấn tượng tuyệt vời đầu tiên ấy của âm nhạc, Thánh lễ E-giáng (e-flat) của Schubert (khi tôi khoảng 5 tuổi) và Pathétique của Tchaikovsky (khi tôi khoảng 8 tuổi), tôi dành rất nhiều giờ cho chiếc dương cầm. Ở Cao đẳng Engelberg, cũng có cơ hội để tham gia các Thánh Lễ và nhạc kịch. Tuy nhiên, khi bạn bè và tôi chuyển sang Feldkirch để học hai năm rưỡi chót của trung học, chúng tôi thấy 'ban âm nhạc' ở đó ồn ào quá đến nỗi chúng tôi mất hứng chơi luôn. Các lục cá nguyệt ở đại học của tôi ở Vienna nghèo đói, gần như chết đói, sau chiến tranh được đền bù bằng rất nhiều đại nhạc hội, nhạc kịch, thánh lễ có dàn nhạc. Tôi được đặc ân sống chung với Rudolf Allers, bác sĩ y khoa, triết gia, thần học gia, phiên dịch viên Thánh Anselmô và Thánh Tôma. Các buổi tối, phần lớn, chúng tôi chơi toàn bộ bản giao hưởng của Mahler ghi cho dương cầm... Khi tôi vào Dòng Tên, âm nhạc tự động biến mất hoàn toàn” (3).
Học hành
Xin nói thêm một vài điều về câu chuyện âm nhạc tuổi trẻ nói trên. Thực vậy, từ lâu, Balthasar do dự giữa việc học âm nhạc và văn chương. Có lần ngài nhắc lại với chủ bút hay tranh cãi của tờ Schweizer Kirchenzeitung [Báo Giáo hội Thụy sĩ], Alois Schenker, thời gian cùng học trung học với nhau ở Engelberg. “Lúc đó, bạn chăm chỉ kinh khủng, trong khi tôi dành hết thì giờ cho âm nhạc và Dante và đứng trên giường ở phòng ngủ ban đêm để có đủ ánh sáng mà đọc Faust” (4). Người ta không rõ tại sao ngài bỏ trường trung học của Dòng Biển Đức sớm để qua với các cha Dòng Tên không mấy thích âm nhạc ở một nước lân bang bị chiến tranh tàn phá. Có lẽ ngài muốn một học trình có tính đòi hỏi hơn. Việc chuyển trường này có thể cũng đã góp phần vào quyết định cuối cùng theo văn chương (và triết học) ở đại học thay vì âm nhạc. Nhưng ở Feldkirch, Balthasar cũng không ở đến cuối cùng. một năm trước khi tốt nghiệp trung học, ngài và hai bạn đồng học từ Thụy Sĩ quyết định chán ngấy lớp học và bí mật thi vào Đại Học ở Zurich. Khóa tiếng Đức, dẫn tới bằng tiến sĩ của ngài vào mùa thu năm 1928, gồm “9 lục cá nguyệt ở Đại Học, di chuyển giữa Vienna, Berlin, và Zurich” (5). Ngài ở Vienna lâu nhất. Điều làm ngài phấn chấn là Plotinus, người mà ngài bắt gặp trong các giảng khóa của Hans Eibl, và chính vị này dẫn nhập ngài vào thần học. Sau này, Plotinus trở thành đối tượng tranh cãi của ngài, cũng như tư tưởng Ấn Độ mà ngài tình cờ gặp gỡ nhân cùng học các lớp Sanskrit và Âu Ấn một lúc. Tại Berlin, ngài cũng nghe Eduard Spranger và dự lớp về Kierkegaard của Cha Romano Guardini, một lớp gây ấn tượng mạnh mẽ nơi ngài. Nhưng ấn tượng lâu dài nhất trong những ngày còn là sinh viên của ngài phát xuất từ một người bạn ở Vienna, người tân tòng và học trò bất đồng của Freud, Rudolf Allers, người đã tìm được đường đi của mình từ phân tâm học qua triết học và thần học trung cổ.
“Chống đối Freud và là học trò tự do của Alfred Adler, ngài sở hữu và ban bố cảm quan của một tình yêu liên nhân bản [interhuman] như là phương thế khách quan của hiện sinh nhân bản; từ việc xoay chiều từ 'cái tôi' bước qua thực tại trọn vẹn của ‘ngài’ (thou), đối với ngài, là chân lý triết học và phương pháp trị liệu tâm lý” (6).
Một hồng phúc cuối cùng nhưng trước nhất cần phải được nhắc đến, một hồng phúc được ban cho ngài, có thể nói như thế, từ lúc nằm nôi: đức tin đơn sơ nhưng thẳng thắn, không một chút nghi ngờ, một đức tin, cho đến cùng, vẫn trẻ thơ theo nghĩa tốt đẹp nhất. Ngài nợ điều này ở gia đình, nhất là mẹ ngài, người “hàng ngày đi lễ băng qua con đường dốc thẳng từ nhà chúng tôi”. Ngài nhớ lại “những Thánh lễ sớm mai thầm lặng, hết sức cảm động chính tôi tham dự trong ca đoàn của nhà thờ dòng Phanxicô ở Lucerne (nơi ngài chịu phép rửa và rước lễ lần đầu) hay Thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Dòng Tên, một nhà thờ, đối với tôi, đầy một vẻ huy hoàng tràn ngập” (7). Lòng đạo đức này còn mãi suốt thời gian học trung học của ngài. Còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, nó sống sót giữa các trào lưu hết sức phản Kitô giáo thời ngài học Đại Học.
Ở Vienna, tôi rất say mê Plotinus, nhưng lúc đó, theo một hướng khác, cũng có nhiều tiếp xúc không thể tránh được với các giới tâm lý học (trong đó có những người theo phái Freud). Chủ nghĩa phiếm thần đầy dầy vò của Mahler làm tôi xúc động sâu xa. Nietzsche, Hofmannstahl, George cũng được xem xét. Sau đó, còn có tâm thức fin de siècle (tận cùng thế kỷ) của Karl Kraus, một thoái hóa hiển nhiên của một nền văn hóa đang xuống dốc” (8).
Chính đức tin không chút hoài nghi của ngài, một đức tin đã dẫn chàng sinh viên Balthasar, trong luận án tiến sĩ, đã khảo sát nền văn chương Đức về phương diện thần học theo quan điểm thái độ của nó đối với Tứ Chung, với “số phận đời đời của linh hồn”, một nhiệm vụ can đảm không những vì có rất nhiều chất liệu về nó mà hơn nữa vì luận án được đệ trình cho Đại Học Zurich của Thệ Phản Cấp Tiến. Trong lời nói đầu cho cuốn History of the Eschatological Problem in Modern German Literature [Lịch sử Vấn đề Cánh chung trong Văn chương Đức hiện đại] (1929), tác giả có lời xin lỗi như sau:
“Sự mới mẻ, hay có lẽ người ta nên nói là sự hấp tấp, của điều tôi đang cố gắng trong nghiên cứu này có lẽ giải thích được loại lo lắng tôi cảm thấy khi đệ trình nó để công bố. Điều xem ra hơi lạ trong việc điều tra lịch sử là sử dụng triết học và thần học để giải thích các công trình nghệ thuật, và ngược lại, các công trình nghệ thuật, mà không đề cập nhiều tới các phẩm tính mỹ thuật của chúng. Kết quả của phương pháp này sẽ chỉ là việc biện minh của nó" (9).
Luận án dài 219 trang này đã được chấm đậu summa cum laude (tối ưu). Khó mà quyết định liệu điều này là kết quả của phương pháp hay là kết quả của việc tác giả đọc rất nhiều và rất rộng.
Trước khi hoàn tất luận án ít lâu, đức tin của Balthasar đã dẫn ngài tới dự cuộc tĩnh tâm kéo dài 30 ngày do Cha Friedrich Kronseder, Dòng Tên, hướng dẫn vào mùa hè năm 1927 cho một nhóm sinh viên giáo dân tại Whylen gần Basel. Đây là khúc rẽ có tính quyết định của đời ngài.
Dòng Tên
Trước cuộc tĩnh tâm trên, Balthasar không hề có ý nghĩ nào về việc trở thành linh mục hay vào một dòng tu. Trong giới sinh viên ngài năng lui tới, “bị coi là một bất hạnh nếu ai đó thay đổi đường đi và đi học thần học”. Đây quả là lý do tại sao tiếng Chúa kêu gọi như tiếng sét đánh trúng ngài giữa bầu trời không một bóng mây.
“Ngay bây giờ, 30 năm sau, tôi vẫn vào con đường hẻo lánh ở Black Forest, không xa Basel, và tìm lại thân cây mà dưới bóng nó tôi như bị sét đánh... Ấy thế nhưng lúc ấy, cả thần học lẫn chức linh mục không chỉ nhập vào tâm trí tôi cách thoáng qua. Nó đơn giản thế này: bạn không có điều chi để chọn lựa cả, bạn đã được kêu gọi. Bạn không phục vụ, bạn bị đem vào thế phục vụ. Bạn không có kế hoạch nào phải làm cả, bạn chỉ là viên sỏi trong bức tranh ghép đã sẵn sàng từ lâu. Điều duy nhất tôi phải làm là ‘để lại mọi sự và bước chân theo’, không cần kế hoạch, ước muốn hay tầm nhìn thấu suốt nào. Điều duy nhất tôi cần là đứng đó, chờ và thấy điều tôi được cần làm” (10).
Giống Thánh Inhaxiô, khi thảo luận “dịp đầu tiên được chọn” (Linh thao, số 175), Balthasar so sánh ơn gọi này với ơn gọi của Lêvi người thu thuế và Phaolô người bách hại các Kitô hữu, những người được lời kêu gọi của Chúa Kitô ngỏ với một cách không thể nào lầm lẫn được, không phải vì công phúc của họ mà vì sự ngu dốt của họ.
“Ở giai đoạn đó, đó chỉ là vấn đề tôi phải phó mình. Nếu lúc đó tôi biết đến lối sống của Các Viện Thế Tục, thì tôi đã tìm được giải đáp cho vấn đề của tôi rồi dù trong một nghề thế tục, vấn đề, theo tôi, là làm thế nào đặt tôi hoàn toàn vào quyền sử dụng của Thiên Chúa” (11).
Tuy nhiên, con đường dẫn vào Dòng Tên là con đường gần nhất lúc đó. Và do đó, sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ, sau cái chết quá sớm và đau đớn của mẹ, cái chết mà cụ hiến dâng cho con trai, sau khi em gái vào dòng tu, ngày 18 tháng 11 năm 1929, Balthasar nhập nhà tập của tỉnh Dòng Tên ở phía nam Nước Đức.
Sau đó là thời kỳ huấn luyện thông thường của một tu sĩ: hai năm nhà tập dưới sự hướng dẫn của Cha Otto Danneffel; hai năm (thay vì ba năm) triết tại Pullach gần Munich và bốn năm thần học tại Fouvrière gần Lyons. Những năm học này kết thúc với hai bằng cử nhân về triết học và thần học. Balthasar không bao giờ có bằng tiến sĩ về hai môn này.
Vào một dòng tu, trước nhất, có nghĩa là từ bỏ không những âm nhạc mà cả sinh hoạt văn chương và văn hóa. Trình thuật của Balthasar về việc Hopkins mất khả năng thi phú khi trở thành tu sĩ Dòng Tên chắc chắn mang mầu sắc các hoài niệm tự thuật. Dưới mắt Hopkins, Dòng Tên không nhấn mạnh tới thẩm mỹ, và việc chói sáng không thích hợp với các tu sĩ Dòng Tên (12). Các môn học thông thường của một tu sĩ chắc chắn tỏ ra khô khan và khá buồn tẻ đối với một người trẻ như Balthasar, người đã quá quen thuộc với một thế giới khác hẳn. Ngài coi môn triết học như một “héo hon trong sa mạc tân kinh viện” (13). Các giáo sư của ngài là các tác giả của Các Viện Triết Học Kinh Viện ở Pullach: Frank, Rast, Schuster, Wiwoll, những nhà tân kinh viện vững chãi với một mức độ cởi mở đối với các vấn đề hiện đại. Sau này, ngài sẽ tưởng nhớ với lòng biết ơn nhà luân lý học, Johann Baptist Schuster, và đề nghị Maximilian Rast, lúc đó là linh hướng của chủng viện ở Sion, làm điều tra viên đầu tiên của vụ Adrienne von Speyer.
Fouvrière không mấy thích thú bằng Pullach. “Thực sự không nghe thấy gì về Nouvelle théologie (Thần học mới) trong các giảng khóa. (Cho đến nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên bởi huyền thoại người ta vẫn mơ về Fouvrière cổ kính tội nghiệp)” (14).
Tuy nhiên, ngài vẫn tìm được những vị thầy có giá trị như Henri Vignon và Henri Rondet (người sẽ phải tiếp tục cuộc khảo sát thứ hai vụ Adrienne) và các sinh viên và bạn bè cùng học như Pierre Lyonnet, Francois Varillon, và Jean Daniélou. Nhưng vấn đề thực sự không phải là các giáo sư và sinh viên, mà là chính thần học. Năm 1946, khi nhìn lại, và lúc còn ở trong Dòng Tên, ngài viết:
“Suốt thời gian tôi học trong Dòng đều là một cuộc đấu tranh ác liệt với sự ảm đạm của thần học, với những điều con người chế tác về sự vinh quang của Thiên Chúa. Tôi không thể chịu đựng được việc trình bầy về Lời Chúa như thế. Tôi chỉ muốn điên dại như Samson đánh đá lung tung. Tôi cảm thấy như muốn phá sập, bằng sức mạnh Samson trọn ngôi đền và chôn mình dưới đống gạch vụn của nó. Sở dĩ như thế, vì, bất chấp cảm thức ơn gọi của mình, tôi muốn thực hiện các kế hoạch của riêng mình, và do đó liên tục sống trong một tình trạng bất bình hết sức. Tôi không nói với ai điều này cả. Przywara hiểu mọi chuyện.Tôi không cần phải nói chi. Nếu không đã không có ai hiểu được tôi. Tôi viết 'Ngày Chung Cuộc' với một quyết tâm lì lợm, nhất quyết, bằng bất cứ giá nào, phải xây dựng lại thế giới từ nền tảng. Thực sự cần Basel và sự tốt lành đầy ủi an của lời bình luận về Thánh Gioan, đã dẫn ý chí hiếu thắng của tôi vào thế dửng dưng đích thực” (15).
Balthasar nhắc đến một trong những người gây cảm hứng lớn lao lúc ngài học ở đấy, và đúng hơn, suốt công trình sau này của ngài: Erich Przywara. Vị này chưa bao giờ là thầy dạy của Balthasar (sống ở Munich, chứ không sống ở Pullach), nhưng quả là “một nhà dìu dắt tuyệt hảo tuy rất đòi hỏi. Ngài làm bạn học triết lý kinh viện với thái độ thờ ơ thanh thản và sau đó đương đầu với mọi nền triết lý hiện đại, thách thức cả Thánh Augustinô lẫn Thánh Tôma, Hegel, Scheler, và Heidegger” (16). Balthasar sẽ gặp Przywara mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, khi ngài từ Fourvrière trờ lại Munich để hoàn tất một chương của cuốn Apocalypse [Ngày Chung Cuộc]. Sau đó, ngài sống với vị này 2 năm khi làm việc cho Stimmen der Zeit [Tiếng Thời Đại]. Với lòng biết ơn, sau này ngài xuất bản các trước tác buổi đầu của Przywara thành 3 cuốn, mặc dù bày tỏ một số dè dặt đối với chúng.
Với một tâm tình còn nồng nàn hơn, ngài tỏ lòng biết ơn một người bạn và gây cảm hứng khác, một người cũng không phải là thầy dạy của ngài, đó là Henri de Lubac. Chính nhờ vị này, ngài học được thế nào là thần học đích thực.
“May mắn và thật an ủi, Henri de Lubac cũng sống trong nhà. Ngài chỉ đường cho chúng tôi vượt qua các chất liệu kinh viện để bước vào các Giáo Phụ và đã quảng đại cho chúng tôi mượn mọi ghi chép và trích dẫn của ngài. Nhờ thế, trong khi mọi người khác chơi túc cầu, Daniélou, Bouillard, và tôi cùng một số người khác mải mê đọc Origen, Grêgôriô thành Nyssa, và Maximus. Tôi có viết về mỗi vị này một cuốn sách” (17).
Thêm vào các cuốn trên, vẫn dưới ảnh hưởng của Przywara, là bản dịch một phần cuốn Enarrationes in Psalmos [Trình bầy về các Thánh vịnh] của Thánh Augustinô và chuẩn bị cho một tuyển tập trọn vẹn hơn của Thánh Augustinô; để làm việc này, Balthasar đọc trọn các công trình của Thánh Augustinô khi ngồi nghe giảng bài với lỗ tai bịt lại (18).
Nước Pháp không những dẫn nhập ngài vào thần học mà còn vào cả các vĩ nhân văn chương của nó nữa, Péguy, Bernanos, và trên hết, Claudel; với vị sau cùng, ngài đã được đích thân gặp gỡ. Balthasar sẽ phiên dịch cuốn Satin Slipper [giầy mềm satanh] của Claudel ít nhất 5 lần, suốt trong 25 năm trước khi có bản nhất định vào năm 1963.
Những ngày còn học ở Lyons cũng để lại nơi ngài chứng đau ruột và cổ họng; các chứng này theo ngài suốt đời và gây ra nhiều rắc rối. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong thời gian này là việc chuẩn bị chịu chức linh mục, điều mà ngài đã sẵn sàng. Ngày 26 tháng 7 năm 1936, ngài được thụ phong linh mục cùng với 21 anh em cùng dòng bởi Đức Hồng Y Faulhaber. Trong Thánh lễ mở tay, cử hành với một nhóm nhỏ thuộc gia đình tại nhà nguyện riêng ở Lucerne, ngài đích thân giảng lễ. Bài giảng dựa vào lời truyền phép; lời này cũng được in trên thiệp thụ phong: "Benedixit, fregit, deditque” (Người tạ ơn, bẻ ra, và trao cho). Vì Người tạ ơn, Người bẻ ra, và vì Người bẻ ngươi ra, nên Người ban cho ngươi” (19). Ngài nhấn mạnh tới việc bẻ bánh đến nỗi ở lại mãi trong ký ức người ta suốt đời.
Cuối thời gian học tập của ngài vào năm 1937, đầu tiên, ngài được gửi đi phụ trách tờ Stimmen der Zeit [Tiếng Thời Đại] trong 2 năm, nhưng trước hết là hoàn tất các cuốn sách của chính ngài. Năm 1939, ngài trở lại Pullach ít tháng để dự đợt huấn luyện chót trong Dòng (tertianship) dưới sự hướng dẫn của Cha Albert Steger và một lần nữa dự cuộc tĩnh tâm 30 ngày. Cha Steger là một trong những người đầu tiên trong thế giới nói tiếng Đức giải thích linh đạo Inhaxiô theo lối huyền nhiệm hơn là chỉ theo lối tu đức. Ở đầu Thế chiến II, các bề trên của ngài cho ngài chọn một là qua Rôma làm giáo sư tại Đại Học Gregoriana hai là tới Basel làm Tuyên úy sinh viên. Tại Rôma, ngài và 3 cha khác có nhiệm vụ thiết lập một viện thần học đại kết, một kế hoạch cho đến nay vẫn không được thực hiện. Balthasar chọn Basel, chắc chắn không phải do lòng yêu nước, mà vì công việc mục vụ gần gũi với tâm hồn ngài hơn là giảng dậy.
Kỳ sau: Tuyên Úy Sinh Viên
1. Tối hậu thư buộc Trường Công Giáo phải dựng tượng nữ thần Ấn Giáo trong vòng 15 ngày nếu không muốn bị san bằng
Các nhà hoạt động Ấn Độ giáo ở Ấn Độ đang yêu cầu một trường học Công Giáo phải dựng một bức tượng nữ thần trí tuệ của Ấn Độ giáo.
Vào ngày 25 tháng 10, một phái đoàn gồm 30 thành viên thuộc nhóm Bajrang Dal - một nhóm chiến binh cực hữu của Ấn Độ giáo - đã đưa ra tối hậu thư 15 ngày cho trường trung học Christ Jyoti ở Satna, thuộc bang Madhya Pradesh. Họ muốn trường đặt một bức tượng của Saraswati, một trong những nữ thần quan trọng nhất trong đền thờ Hindu.
Cha Augustine Chittuparaosystem, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhóm này tuyên bố rằng trường đã triệt hạ một bức tượng nữ thần đã có trong khuôn viên trường. Ngài gọi đó là một “lời buộc tội hoàn toàn sai sự thật”.
“Trường Christ Jyoti đang đến gần ngày kỷ niệm 50 năm thành lập. Đó là một trường Công Giáo do giáo phận Satna điều hành”, ngài nói với tờ Crux.
“Không có bức tượng hay bức ảnh nào của Saraswati được lắp đặt trong trường. Đây là một câu chuyện bịa đặt cho các lợi ích chính trị được che đậy. Họ đã cho tôi thời hạn 15 ngày để lắp đặt bức tượng”, ngài cho biết như trên và nói thêm rằng họ cảnh báo rằng sẽ có hành động “mạnh mẽ” nếu chúng tôi không thực hiện tối hậu thư của họ.
Cha Chittuparaosystem chỉ ra rằng trường phục vụ cộng đồng mà không có sự phân biệt đối xử, và trong số 3000 học sinh, chỉ có khoảng 50 học sinh là các tín hữu Kitô. Số còn lại chủ yếu theo Ấn Giáo, và Hồi Giáo.
Cha Paul Varghese, đặc trách Giáo dục của Giáo phận Satna cũng cho biết những lời buộc tội là “bịa đặt và sai sự thật.”
Ngài nói: “Chúng tôi chỉ có một bức tượng duy nhất trong khuôn viên của chúng tôi là tượng Chúa Giêsu, ngoài ra không có bức tượng nào khác được đặt trong khuôn viên”.
Đức Cha Joseph Kodakallil của Satna cho biết “không có tượng thần nào ở đó trước đây, cho nên không việc gì phải lắp đặt lại.”
“Đây là việc hoàn toàn có chủ ý và có chủ đích nhằm cố ý kích động những người yêu chuộng hòa bình chiến đấu cho những người theo chủ nghĩa cực đoan. Chúng tôi coi hành động khiêu khích này là một phần trong kế hoạch của họ nhằm làm phiền các trường khi cuộc bầu cử sắp diễn ra”, Đức Cha nói.
Bajrang Dal được liên kết với Rashtriya Swayamsevak Sangh, một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. RSS cũng liên quan đến Đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng đã cai trị Ấn Độ từ năm 2014. Bang Madhya Pradesh cũng do BJP cai trị.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu thường cáo buộc các tín hữu Kitô sử dụng vũ lực và các thủ đoạn lén lút để cải đạo dân chúng. Nhưng chính họ thường xông vào các ngôi làng và tiến hành các nghi lễ “cải đạo” trong đó các Kitô Hữu buộc phải thực hiện các nghi lễ Ấn Giáo.
Những áp lực này đối với các Kitô Hữu, cũng đè nặng lên người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, là một phần trong một kế hoạc đen tối mà các nhà quan sát mô tả là một chương trình rộng rãi nhằm “Hindu hóa” Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, nghĩa là một nỗ lực nhằm áp đặt các giá trị và bản sắc của Ấn Giáo trong khi loại bỏ các niềm tin khác.
Cha Maria Stephen, phụ trách quan hệ công chúng của Giáo Hội Công Giáo ở Madhya Pradesh, cho biết vụ việc mới nhất ở Satna là “một sự kiện đáng tiếc”.
“Bạo lực chống lại các tín hữu Kitô đã bắt đầu từ 3 tháng trước. Việc ép buộc các tôn giáo khác theo một tôn giáo là vi phạm hiến pháp. Đó là một nỗ lực gieo rắc hận thù và tạo ra sự chia rẽ trong xã hội. Tôi cực lực lên án hành động này”.
Đức Tổng Giám Mục Leo Cornelio, Tổng giám mục hiệu tòa của Bhopal, cho biết các tôn giáo thiểu số đang bị đe dọa tại Ấn Độ.
“Những phần tử chống đối xã hội đang làm những việc này. Họ đang thách thức quyền của những người thiểu số chúng tôi và cố gắng gây áp lực lên chúng tôi bằng những cáo buộc sai trái, thông qua những phương pháp bạo động.”
“Chúng tôi phải có lập trường rõ ràng và khiếu nại lên cấp trên. Đây không phải là những người có bất kỳ quyền hạn nào, và muốn làm gì thì làm.”
Source:Crux
2. Toàn văn Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về Ơn Toàn Xá nhường cho các tín hữu đã qua đời
Hôm 28 tháng 10, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
SẮC LỆNH
Sau khi đã lắng nghe những lời yêu cầu khác nhau nhận được gần đây từ nhiều Mục Tử Thánh Thiện của Giáo hội, liên quan đến tình trạng đại dịch đang tiếp diễn, Tòa Ân Giải Tối Cao xác nhận và mở rộng đến trọn tháng 11 năm 2021, tất cả các lợi ích thiêng liêng đã được ban cấp vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, thông qua Sắc Lệnh số 791/20/I, theo đó, do đại dịch “Covid-19”, những Ơn Toàn Xá cho các tín hữu đã qua đời đã được gia hạn trong suốt tháng 11 năm 2020.
Từ sự quảng đại vừa được lặp lại của Giáo hội, các tín hữu chắc chắn sẽ thu được những ý định lành thánh và sức mạnh thiêng liêng để hướng dẫn cuộc sống của họ theo đòi buộc Tin Mừng, trong sự hiệp thông hiếu thảo và sùng kính đối với Đức Thánh Cha, là nền tảng hữu hình và là Mục tử của Giáo Hội Công Giáo.
Sắc lệnh này có hiệu lực trong suốt tháng 11, bất kể các quy định trái ngược.
Ban hành từ Rôma, tại Trụ sở của Tòa Ân Giải Tối Cao, ngày 27 tháng 10 năm 2021.
+ Đức Hồng Y Mauro Piacenza
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao
Đức ông Krzysztof Nykiel
Nhiếp chính
Source:Holy See Press Office
3. Chụp ảnh nhà thờ đưa nhiếp ảnh gia Indiana đến gần Chúa hơn
Trong khi tiếp tục theo đuổi mục tiêu đến thăm và chụp ảnh 100 nhà thờ, Max Schroeder luôn trở về một nơi khi cần chữa lành trái tim và phục hồi tâm hồn.
Anh tìm kiếm mối liên hệ đó với Chúa và Đức Maria vào cuối một ngày mệt nhọc ghi lại những thảm kịch trên khắp trung tâm Indiana với tư cách là một nhiếp ảnh gia tin tức cho một đài truyền hình Indianapolis.
Với những hình ảnh về những vụ giết người, những vụ tai nạn chết người và những gia đình tang tóc luôn hiện hữu trong suy nghĩ của mình, Schroeder, 23 tuổi, lái xe đến Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Indianapolis vì biết rằng anh sẽ tìm thấy cảm giác bình yên và thoải mái ở đó khi đến thăm một ngôi đền tôn kính Đức Mẹ.
“Đôi khi bạn không thể lấy những xác người ra khỏi đầu mình,” anh nói. “Tôi bắt đầu thường xuyên đến Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi sau một vụ giết người kép. Một người đàn ông và một phụ nữ đã bị bắn chết”.
“Tôi cảm thấy an toàn ở đó,” anh nói với The Criterion, tờ báo tổng giáo phận của Indianapolis. “Tôi cảm thấy một sự hiện diện - rằng Chúa đang quan sát tôi, rằng Đức Mẹ đang trông chừng tôi. Tôi cần một nơi để lấy lại tinh thần. Tôi ngồi đó và trầm ngâm khi nhìn tượng Đức Mẹ. Tôi cầu nguyện cho những người bị cướp đi sinh mạng một cách đột ngột, cho gia đình và bạn bè của họ”.
“Đối với tôi, là một người Công Giáo mạnh mẽ, tôi cần phải làm điều gì đó tích cực bởi vì tôi đang bị bao quanh bởi những điều tiêu cực trong công việc của mình”.
Ngoài những chuyến viếng thăm Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nhu cầu về sự cân bằng - cho một thứ gì đó nâng cao tinh thần - đã thúc đẩy anh ấy khao khát nắm bắt được vẻ đẹp và tính nghệ thuật của ít nhất 100 nhà thờ trên khắp Indiana và Ohio.
Cuộc tìm kiếm tâm linh của Schroeder bắt đầu từ nơi mà tình yêu với đức tin Công Giáo của anh đã được sinh ra và nuôi dưỡng, đó là Giáo phận Toledo, Ohio.
Vào năm 2019, khi đang theo học chuyên ngành kép về sản xuất truyền thông và sản xuất phim tại Đại học Bowling Green State, đôi mắt của anh tập trung chăm chú hơn vào các chi tiết nghệ thuật của bàn thờ, nhà nguyện, hang động và gác chuông của các nhà thờ là trung tâm của cuộc đời anh ấy: nhà thờ nơi anh rước lễ lần đầu, nhà thờ nơi anh được chịu phép Thêm Sức, và một nhà thờ là một phần di sản của gia đình bên ngoại anh trong 5 thế hệ.
Anh ngạc nhiên trước sự phức tạp của các chi tiết nghệ thuật và kính phục Thiên Chúa đã hình thành nên những con người có những khả năng và tài nghệ này. Và anh ấy đã quyết định sử dụng kỹ năng và tài năng của chính mình trong lĩnh vực quay phim và nhiếp ảnh để ghi lại vẻ đẹp của các nhà thờ.
“Tôi nghĩ, đây là ơn gọi của tôi”, anh nói. “Tôi làm điều đó như một cách để tôn vinh Chúa, để cám tạ Ngài vì những kỹ năng mà Ngài đã ban cho tôi. Tôi không làm điều này để trình diễn. Tôi đang làm điều này cho Chúa. Tôi đang cho cả thế giới thấy vẻ đẹp của những gì mà con người do Chúa tạo dựng đã xây dựng nên”.
Đồng thời, Schroeder coi nỗ lực này là cách anh xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa. Bất cứ khi nào anh ấy đến thăm một nhà thờ mới để chụp ảnh nó, anh ấy đều cố gắng tham dự một thánh lễ tại nhà thờ đó.
“Tôi muốn đi lễ để rước Thánh Thể nhiều nhất có thể. Khi tôi còn học đại học, hầu như ngày nào tôi cũng đi lễ. Tôi đến để dự Thánh Thể, và sau đó tôi chụp ảnh. Điều đó không chỉ giúp tôi về mặt tinh thần mà nó còn giúp tôi về mặt nghệ thuật”.
Schroeder đã đến thăm và chụp ảnh 98 nhà thờ cho đến nay. Năm mươi lăm nhà thờ của Giáo phận Toledo và 23 nhà thờ ở Tổng Giáo phận Indianapolis, nơi anh chuyển đến vào tháng 7 năm 2020 để bắt đầu công việc hiện tại cho đài truyền hình Fox59 / CBS4 ở Indianapolis.
Source:Crux
1. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thánh giá làm từ dây thép gai ở vùng phi quân sự Triều Tiên
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận một cây thánh giá làm từ dây thép gai từ khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên vào hôm thứ Sáu.
Thánh giá là món quà của Tổng thống Hàn Quốc Văn Tại Dần. Tổng thống Nam Hàn đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 29 tháng 10 ngay trước cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong cuộc gặp gỡ này tại Vatican, Tổng thống Văn đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Triều Tiên. Theo người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Phác Quý Mỹ (Park Kyung-mee, 박경미) Đức Giáo Hoàng trả lời rằng ngài sẽ sẵn sàng đi nếu nhận được lời mời chính thức từ Bắc Triều Tiên.
Cây thánh giá được trao cho Đức Giáo Hoàng là một trong 136 cây thánh giá được tạo ra từ dây thép gai nung chảy từ khu phi quân sự (DMZ) để thể hiện 68 năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.
Một thông điệp kèm theo được viết bằng tiếng Tây Ban Nha bày tỏ hy vọng của Tổng thống Hàn Quốc rằng những cây thánh giá sẽ là biểu tượng của hòa bình.
“Giống như những chiếc gai và lưỡi dao cạo của dây thép gai tan chảy trong lửa để trở thành một cây thánh giá tuyệt đẹp, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể mãi mãi làm tan chảy hàng rào sắt ngăn cách trái tim chúng ta. Tôi thành tâm cầu nguyện rằng cây thánh giá này sẽ bén rễ sâu và hòa bình sẽ nảy nở”.
Khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt dọc vĩ tuyến 38, hàng trăm nghìn người đã vĩnh viễn xa cách gia đình.
Tổng thống Hàn Quốc nói rằng cha mẹ của ông, những người đã chạy sang Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc từ năm 1950 đến năm 1953, đã không bao giờ có thể đoàn tụ với những người thân mà họ đã bỏ lại ở Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, gần bảy thập kỷ sau khi hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953.
Trong thời gian bị chia cắt, hai miền Nam Bắc đã có sự phân hóa đáng kể về kinh tế và văn hóa.
Bắc Triều Tiên được biết đến là quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Một cuộc điều tra của Liên hợp quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại các tội ác chống nhân loại, bao gồm hành quyết, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức phá thai và cố ý gây ra nạn đói kéo dài.
Một báo cáo do Korea Future công bố gần đây đã trình bày chi tiết kinh nghiệm của các tín hữu Kitô bị giam giữ ở Triều Tiên trong những thập kỷ qua.
Tổng thống Hàn Quốc là một người Công Giáo sùng đạo, cựu luật sư nhân quyền và là con trai của những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông ưu tiên ngoại giao hòa bình với miền Bắc vào thời điểm căng thẳng hai miền đang ở mức cao.
Theo một tuyên bố từ Vatican, Tổng thống Hàn Quốc và Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về việc “thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa hai miền Nam Bắc.”
Trong cuộc gặp riêng kéo dài 25 phút với Đức Thánh Cha tại điện Tông Tòa, cả hai vị chia sẻ hy vọng rằng “nỗ lực chung và thiện chí có thể ủng hộ hòa bình và phát triển ở bán đảo Triều Tiên, được hỗ trợ bởi tình đoàn kết và tình huynh đệ”.
Tổng thống Văn và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trao đổi quan điểm “về các vấn đề khu vực hiện tại và các vấn đề nhân đạo”.
Sau cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng, Tổng thống Văn cũng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân Nước, tương đương với Bộ trưởng Ngoại giao.
Đây là cuộc tiếp kiến chính thức thứ hai giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Văn.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai vị vào năm 2018, ông đã gửi lời mời đến Đức Giáo Hoàng từ nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong-un (김정은) cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên.
Vào tháng 7 năm 2021, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nói rằng ông đã làm việc với các nhà lãnh đạo Giáo hội để có thể thực hiện chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, mặc dù một tổng giám mục Hàn Quốc đã nói rằng “trên thực tế, có nhiều bước phải thực hiện” trước khi điều này có thể xảy ra.
Người phát ngôn của Tổng thống Phác Quý Mỹ cho biết: “Nếu Đức Giáo Hoàng thăm Bắc Triều Tiên khi có cơ hội, đó sẽ là động lực cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Giám Mục Callahan của La Crosse nhiễm coronavirus dù đã chích đủ hai mũi
Đức Cha William Patrick Callahan của La Crosse đã nhiễm coronavirus, mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ cả hai liều.
Đức ông Richard Gilles đã kêu gọi anh chị em giáo dân tại giáo xứ Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse Thợ cầu nguyện cho Đức Cha Callahan, năm nay 71 tuổi.
Ngài nói:
“Đức Giám Mục Callahan thân yêu của chúng ta vừa nhiễm COVID, vì vậy chúng tôi xin anh chị em cầu nguyện cho ngài. Theo hiểu biết của tôi, ngài chỉ có những triệu chứng nhẹ vì đã được tiêm chủng, nên chúng ta cầu nguyện để tình trạng không trở nên tồi tệ hơn”
Theo giáo phận, Đức Cha Callahan vẫn đang có “tinh thần tốt” và đang cách ly trong khi được theo dõi bởi một đội y tế. Ngài đã có kết quả dương tính vào cuối tuần qua, tờ La Crosse Tribune đưa tin.
“Tôi biết ơn vì vô số lời cầu nguyện và những ý định tốt lành mà tôi đã nhận được trong thời gian này. Chính những lúc như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh, và Ngài là sự cứu rỗi của chúng ta trong những lúc khốn khó,” Đức Cha Callahan nói trong một tuyên bố.
Chẩn đoán của ngài được đưa ra chỉ vài tuần sau khi cựu lãnh đạo của giáo phận, là Đức Hồng Y Raymond Burke được xuất viện và đang ở nhà để phục hồi chức năng.
Source:Crux
3. Đức TGM Aquila: Sự trung thực Chúa Kitô thách thức chúng ta có liên quan đến việc rước lễ
Khi các giám mục Hoa Kỳ chuẩn bị thảo luận về một dự thảo tuyên bố về Bí tích Thánh Thể, Đức Tổng Giám Mục Denver đã nhắc lại cách thức Chúa Kitô thách thức trực tiếp những người tội lỗi mà Ngài đã gần gũi.
“Sự trung thực thẳng thắn của Chúa Kitô là một thách thức, và đối với một số người, nó mang tính đe dọa đến mức họ âm mưu chống lại Chúa Giêsu và cuối cùng giết Ngài. Trong một thế giới tràn ngập những tiếng nói cạnh tranh và những lời tường thuật về sự thật, chúng ta có thể sử dụng ân sủng này nhiều hơn, đặc biệt khi liên quan đến việc lãnh nhận bí tích quan trọng nhất, là Bí tích Thánh Thể,” Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila viết trong chuyên mục ngày 21 tháng 10 trên tờ Denver Công Giáo.
Vị Tổng Giám Mục lưu ý cách Chúa Kitô nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”, và thách thức người thanh niên giàu có “hãy đi, bán tài sản của anh và đưa tiền cho người nghèo, và anh sẽ có kho báu trên trời; sau đó hãy đến, và theo tôi”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, sẽ thảo luận về tài liệu dự thảo “Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội”, tại phiên khoáng đại từ ngày 15 đến 18 tháng 11 tại Baltimore.
Hồi tháng 6, sau khi tranh luận rộng rãi, USCCB đã bỏ phiếu xem có nên bắt đầu soạn thảo tài liệu này hay không. Việc các chính trị gia ủng hộ phá thai lại được cho rước lễ như trong trường hợp Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khiến các ngài quyết tâm soạn thảo tài liệu này.
Tuyên bố sẽ giải thích sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật như một ngày thánh, và sự cần thiết là người Công Giáo phải thực hiện lời dạy của Giáo hội trong cuộc sống của họ sau khi rước lễ.
Trong khi tài liệu đề cập đến sự xứng đáng để rước lễ xem ra nhắm thẳng vào ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi, Đức Cha Kevin Rhoades, Giám Mục Fort Wayne-South Bend, chủ tịch ủy ban giáo lý của USCCB, nói rằng tài liệu không có ý nhắm vào một cá nhân hoặc một hành động xấu xa chuyên biệt nào, mà là một lời mời gọi “nâng cao” nhận thức về sự cần thiết của người Công Giáo phải đón nhận Bí tích Thánh Thể một cách xứng đáng, và hoán cải bản thân để sống phù hợp với Thánh Thể.
Đức Tổng Giám Mục Aquila cho biết cuộc tranh luận “xoay quanh các câu hỏi: Cách tốt nhất để khuyến khích niềm tin lớn hơn vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa là gì? Và từ sự hiện diện thực sự của ngài, các giám mục và mục tử nên làm việc như thế nào để phục hồi linh hồn của những nhân vật Công Giáo đã không hành động phù hợp với Tin Mừng?”
Ngài lưu ý: “Thái độ bó tay với những người công khai chống lại giáo lý của Giáo hội gây ra tai tiếng và làm suy yếu niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.” Đức Tổng Giám Mục cảnh cáo rằng gây ra tai tiếng là dẫn người khác vào tội lỗi.
“Một thái độ như vậy có thể khiến các tín hữu Công Giáo nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và thậm chí có thể đặt câu hỏi về việc các giám mục của họ tin vào điều đó sâu sắc đến mức nào. Nếu Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và chúng ta không làm gì khi Chúa Kitô được đón nhận bởi những người công khai và cố ý bài bác giáo lý của Người, trong khi lại tuyên bố mình là những người Công Giáo sùng đạo, thì những nghi ngờ có thể xuất hiện trong lòng các tín hữu. Những câu hỏi như: Chúng ta có thực sự tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể không? Bí tích Thánh Thể có phải là điều chúng ta có thể đón nhận khi đang trong tình trạng phạm tội nghiêm trọng không? Hoặc, nếu các giám mục không dạy về cách thích hợp để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, thì làm thế nào một người đón nhận Chúa Giêsu coi trọng điều đó?”
Các giám mục được kêu gọi để lo cho phần rỗi của đàn chiên mình, và “chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, nhưng chúng ta cần khuyến khích sự ăn năn trở lại của tất cả những ai đã không trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm và cố gắng hết sức để ngăn chặn nhiều người làm như thế.”
“Nhiệm vụ này đòi hỏi sự giao tiếp rõ ràng và trung thực, sự chính trực và tình yêu thương nó đòi hỏi cách tiếp cận mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong suốt sứ vụ của Người”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Aquila, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng phương pháp này gần đây.
“Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là giết người. Về mặt khoa học mà nói, đó là một mạng người. Sách giáo khoa dạy chúng ta điều đó. Nhưng liệu có đúng để đưa trục một đứa trẻ ra ngoài để giải quyết một vấn đề không? Và đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này bởi vì chấp nhận điều này thì có khác gì là chấp nhận giết người hàng ngày”, Đức Giáo Hoàng đã trả lời như trên trước câu hỏi “về việc cho các nhân vật Công Giáo, những người bỏ phiếu hoặc hành động theo những cách khác nhau để thúc đẩy phá thai, được rước lễ”.
“Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng những người cổ súy cho việc phá thai tự đặt mình ra ngoài cộng đồng Giáo hội và điều này gây ra một tình thế khó xử cho các mục tử. ‘Mục tử phải làm gì? Hãy chăn dắt, đừng đi xung quanh để lên án… nhưng hãy là một mục tử. Nhưng có phải ngài cũng là một mục tử của người bị vạ tuyệt thông không? Chắc chắn rồi, ngài là mục tử của những người ấy, và những phải là một mục tử theo phong cách của Chúa Giêsu. Và phong cách của Chúa Giêsu là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Thiên Chúa là tất cả những điều này, và chính Ngài là sự thật”.
“Đức Giáo Hoàng đã tóm tắt cách tiếp cận của Thiên Chúa bằng cách nói rằng những người Công Giáo cổ vũ điều ác nghiêm trọng thì ở bên ngoài cộng đồng Giáo hội và không thể rước lễ, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không nên bị bỏ rơi mà phải được tìm kiếm. Họ phải hiểu rằng một ngày nào đó họ sẽ đứng trước mặt Chúa một mình và bị đánh giá theo lòng trung thành của họ đối với Chúa Kitô và tất cả những gì Ngài đã dạy”.
Đức Tổng Giám Mục Aquila viết: “Chúa Giêsu không cần biết người ấy thuộc đảng phái chính trị nào, Ngài chỉ quan tâm đến sứ điệp Tin Mừng, việc loan báo Nước Thiên Chúa, hay việc một người có tìm kiếm thánh ý Chúa hay không. Chúa đã đưa ra nhiều lời cảnh báo rằng địa ngục là có thật và là khả năng cho những ai không trung thành”.
Tổng Giám Mục kết luận với lời cầu nguyện xin cho các giám mục “tìm cách đi theo con đường chân lý và bác ái này.”
Source:Catholic News Agency
1. Chấn động lễ các thánh: 5 Hồng Y, 5 giám mục, 8 linh mục, 2 tu sĩ và 27 giáo dân lên tiếng chỉ trích Đức Giáo Hoàng
Hôm 1 tháng 11, thông tấn xã ANSA của Ý có bài tường thuật nhan đề “Nuovo attacco al Papa, non piace stretta su Messa in latino”, nghĩa là “Cuộc tấn công mới vào triều Giáo hoàng Phanxicô về thánh lễ Latinh xem ra chưa kết thúc”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một cuốn sách có tựa đề “Từ hòa bình của Đức Bênêđíctô đến cuộc chiến của Đức Phanxicô” đã được xuất bản ngày hôm nay, tức là ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11, 2021, và lần này nằm trong làn sóng những lời chỉ trích về sự thắt chặt của Đức Bergoglio đối với Thánh lễ Latinh.
Tin tức về ấn phẩm mới đến từ Hoa Kỳ và đang lan truyền trong những giờ này trên các trang web của những người đề cao truyền thống. Họ nhấn mạnh rằng Lễ Các Thánh được chọn làm ngày xuất bản tài liệu này có một ý nghĩa hết sức đáng kể.
Ấn phẩm này là 70 phản hồi đối với Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô, với chữ ký của 45 tác giả ở 12 quốc gia: bao gồm 5 Hồng Y, 5 giám mục, 8 linh mục, 2 tu sĩ và 27 giáo dân. Các trang web lan truyền tin tức cũng đề cập đến một cuộc họp được tổ chức tại Rôma vào cuối tuần trước “để nhắc nhở Vatican rằng nghi thức cổ kính này sẽ không bao giờ biến mất khỏi Giáo hội”.
Năm vị Hồng Y ký tên đóng góp trong tập sách là: Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, Đức Hồng Y Gerhard Müller, Đức Hồng Y Robert Sarah, và Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân. Vì những lý do, ngay cả rất khác biệt, mức độ chỉ trích triều giáo hoàng của Đức Phanxicô của các vị Hồng Y này không giống nhau trong những năm qua.
Source:ANSA
2. Giáo Hội Công Giáo ở Pháp xem xét hậu quả của báo cáo về lạm dụng tình dục
Sau cú sốc là thời gian để suy ngẫm và hành động: Hai tuần sau khi Báo cáo Ciase về “Bạo lực tình dục trong Giáo Hội Công Giáo từ năm 1950 đến năm 2020” được công bố vào ngày 5 tháng 10, các giám mục Pháp đang làm việc để thảo luận và thông qua các nghị quyết mới, trong cuộc họp toàn thể tháng 11 của các ngài.
Một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội của Pháp, khi các ngài chuẩn bị cho cuộc họp này, là áp lực hiện đang được các nhà lãnh đạo chính trị Pháp gây ra đối với những thay đổi liên quan đến ấn tín bí tích Hòa Giải.
Trên cơ sở một cuộc khảo sát, cũng như 243 lời khai, 2,819 bức thư và tài liệu lưu trữ của Giáo hội, báo cáo cho biết khoảng 216,000 trẻ em đã bị các thành viên của giáo sĩ lạm dụng tình dục trong 70 năm qua. Tổng số vụ lạm dụng liên quan đến trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp lên đến 330,000 vụ, nếu tính cả những vụ do giáo dân vi phạm.
Được thành lập và tài trợ bởi Giáo Hội Công Giáo ở Pháp vào năm 2018 để làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội và xác định cách thức xử lý những trường hợp này nhằm giúp Giáo hội giải quyết tốt hơn các trường hợp lạm dụng trong tương lai, ủy ban độc lập đã đưa ra 45 khuyến nghị trong báo cáo của mình, một số trong số đó đã gây tranh cãi.
Thật vậy, ngoài những khuyến nghị khá giống với những khuyến nghị đã được các giám mục Pháp biểu quyết trong cuộc họp toàn thể cuối cùng của họ vào tháng 3 năm 2021 - như việc thành lập một hội đồng đặc biệt để phòng và chống lạm dụng tình dục, đào tạo tốt hơn cho các linh mục, không gian dành cho lắng nghe và đối thoại và bồi thường tài chính cho các nạn nhân - chủ tịch của ủy ban, Jean-Marc Sauvé, cũng kêu gọi Giáo hội xem lại ấn tín bí tích Hòa Giải liên quan đến lạm dụng tình dục.
Ấn tín bí tích Hòa Giải có nguy cơ bị vi phạm không?
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 6 tháng 10 với France Info sau khi báo cáo được công bố, Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và đồng thời là Giám Mục của Reims, đã tái khẳng định tính chất bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích Hòa Giải là điều “ràng buộc đối với chúng tôi, và về mặt đó, mạnh hơn luật pháp của nước Cộng hòa”.
Tuy nhiên, một tuyên bố như vậy đã gây ra một sự náo động trong dư luận và trong tầng lớp chính trị, khiến Đức Tổng Giám Mục bị Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin triệu tập vào ngày 12 tháng 10.
Trước Quốc hội Pháp cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ đã so sánh ấn tín bí tích Hòa Giải với bí mật nghề nghiệp, và chỉ ra rằng có những ngoại lệ đối với loại bí mật này trong luật hình sự, đặc biệt là trong các trường hợp phạm tội với trẻ em dưới 15 tuổi. Nói cách khác, chính phủ hiện đang dự tính sửa đổi luật dành cho các cha giải tội, để đặt các ngài ngang hàng với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác.
Mối quan tâm trong thế giới Công Giáo gia tăng sau khi các báo cáo truyền thông cho rằng, sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Nội vụ, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort đã thừa nhận rằng các linh mục nên thông báo cho cảnh sát về việc các hối nhân bị lạm dụng trong khi xưng tội.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Register, Karine Dalle, phát ngôn viên của CEF, đã tìm cách trấn an các tín hữu Công Giáo, và nói rằng các nhà chức trách Công Giáo Pháp không có ý định thỏa hiệp các giáo huấn của Giáo hội liên quan đến ấn tín và giáo luật, vì đó là vấn đề có tầm mức quốc tế, không thể thay đổi đối với Pháp.
“Nếu nhà nước nói với chúng tôi rằng các linh mục phải báo cáo tội ác chống lại trẻ vị thành niên được tiết lộ khi xưng tội thì điều đó vi phạm nghĩa vụ phải giữ bí mật tòa giải tội. Điều này có nghĩa là các linh mục có liên quan sẽ bị vạ tuyệt thông. Chắc chắn sẽ có một số điều chỉnh được đề xuất, mà Rôma sẽ chấp nhận hoặc không. Nhưng không, không có trường hợp nào Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng ấn tín giải tội sẽ bị gạt sang một bên. Ngài chưa bao giờ nói điều đó”.
Tuy nhiên, theo Linh mục Thierry Sol, phó giáo sư giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh giá ở Rôma, rất khó dự kiến những gì có thể xảy ra. Đó là bởi vì bản chất của bí tích hòa giải không thể so sánh với bí mật nghề nghiệp. Luật pháp của Pháp đang tạo điều kiện cho sự tương tự gây hiểu lầm này. Cha Sol chỉ ra rằng việc giữ bí mật về việc xưng tội không phải là nghĩa vụ tôn giáo do Giáo hội quyết định. “Linh mục nhân danh Chúa nhận lời thú tội: trên thực tế, chỉ có Chúa mới nhận lời thú tội và thông tin này không phải của cha giải tội,” ngài nói với tờ Register.
Do đó, có một sự khác biệt quan trọng cần phải nêu ra. Theo Cha Solather Sol, trong khi các bác sĩ hoặc luật sư có kiến thức về các sự kiện bên ngoài và hữu hình, thì trong bí tích hòa giải, các sự kiện được tiết lộ có liên quan trực tiếp đến lương tâm, đó là “phần thân thiết nhất của con người, linh hồn của anh ta, do đó chúng là những gì bất khả xâm phạm nhất”.
Trích dẫn ghi chú năm 2019 của Tòa Ân Giải Tối Cao về chủ đề này, ngài nhấn mạnh thực tế rằng cả các giám mục và Giáo hoàng đều không thể sửa đổi hoặc giảm bớt ấn tín bí tích Hòa Giải, vì đó là quyền của Chúa, không phải của con người.
Thông báo của Vatican trích dẫn những nhận xét gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyên bố rằng “mặc dù ấn tín bí tích Hòa Giải không phải lúc nào cũng được hiểu theo tâm lý hiện đại, ấn tín bí tích là không thể bị bẻ gãy và không có quyền lực con người nào có thẩm quyền đối với nó, cũng như không thể đưa ra bất kỳ yêu sách nào đối với nó.”
Ghi chú nhấn mạnh rằng: “Bí mật bất khả xâm phạm của ấn tín tòa giải tội xuất phát trực tiếp từ quyền của Chúa và bắt nguồn từ chính bản chất của Bí tích, đến mức không thừa nhận bất kỳ ngoại lệ nào trong phạm vi thẩm quyền giáo hội, nói chi đến thẩm quyền dân sự.”
Các khoản quyên góp của các tín hữu có được dùng để trả cho các nạn nhân không?
Một vấn đề gây tranh cãi khác xuất phát từ các khuyến nghị của ủy ban là vấn đề bồi thường tài chính cho những người được công nhận là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Biện pháp như vậy đã được đề cập trong 11 nghị quyết chống lại nạn ấu dâm được các giám mục Pháp thông qua trong cuộc họp toàn thể vào tháng 3 năm 2021 và sau đó được trình bày trước Ciase trước khi báo cáo được công bố.
Vì Giáo hội dựa vào các khoản quyên góp được trao cho các mục đích tôn giáo, câu hỏi hóc búa về nguồn tài trợ cho việc bồi thường cho các nạn nhân nhất thiết phải đặt ra.
Trong bài nói chuyện của mình nhân dịp trình bày báo cáo Sauvé, François Devaux, người sáng lập hiệp hội nạn nhân La Parole Libérée, đã gây sức ép mạnh mẽ với các giám mục để bồi thường cho tất cả các nạn nhân, điều này làm dấy lên sự bối rối và lo lắng giữa các tín hữu về viễn cảnh các khoản quyên góp của họ sẽ được sử dụng cho mục đích này, vào thời điểm tài chính của Giáo hội địa phương đang gặp khó khăn.
Trên thực tế, Giáo hội không thể bán các tòa nhà của mình với mục đích bồi thường, trái với những gì một số nhà bình luận đã đề xuất, vì hầu hết các tòa nhà này là di sản không thể bán cho các mục đích phi tôn giáo hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước đối với tất cả các tòa nhà được xây dựng trước năm 1905.
“Chúng tôi phải trấn an tất cả các tín hữu, chúng tôi sẽ không lấy tiền của họ,” Dalle nói, khi đề cập đến việc thành lập một quỹ độc lập gần đây mà tất cả mọi người - không chỉ các tín hữu Công Giáo - có thể tự do cung cấp để hỗ trợ các nạn nhân.
Về phần mình, báo cáo Ciase đã kêu gọi một cơ chế cá nhân để bồi thường cho các nạn nhân, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Chủ tịch của ủy ban cũng thông báo rằng các tín hữu không phải trả giá cho những tội ác mà các giáo sĩ đã gây ra.
Các giám mục Pháp sẽ bỏ phiếu và trình bày các đề xuất mới của họ trên cơ sở các khuyến nghị của ủy ban trong cuộc họp toàn thể tiếp theo của các ngài ở Lộ Đức từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 11, và các ngài cũng mời các nạn nhân.
Source:National Catholic Register
3. George Weigel: Suy tư về Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Shanksville
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 27 tháng 10, ông đã có một bài nhận định nhan đề “A Shanksville Meditation”, nghĩa là “Một Suy tư về Shanksville”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Điểm gây xúc động nhất của Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Shanksville, Pennsylvania, là hình ảnh của 40 người nam nữ dũng cảm đã hy sinh vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, trong khi ngăn chặn bọn khủng bố al-Qaeda phá hủy Điện Capitol của Mỹ. Vào thời điểm chia rẽ và phân cực dữ dội này ở Mỹ, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những hình ảnh đó và học hỏi từ chúng, dù chúng có thể ở ngoại vi đối với thiết kế của đài tưởng niệm này.
Vào lúc 8:42 sáng ngày 11 tháng 9, chiếc Boeing 757 của United 93 đã cất cánh trong chuyến bay từ Newark đến San Francisco. Tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị một chiếc máy bay không tặc tấn công 4 phút sau đó. Lúc 9:03 sáng, tháp phía nam bị đánh. Khoảng 25 phút sau đó, những kẻ khủng bố chiếm quyền kiểm soát United 93. Và vài phút sau, Lầu Năm Góc bị tấn công bởi một máy bay không tặc khác. Hai mươi phút tiếp theo đã viết nên một câu chuyện sử thi về lòng dũng cảm và quyết tâm, đi vào biên niên sử của lịch sử Hoa Kỳ.
Nhờ có điện thoại di động và điện thoại trên máy bay, các hành khách của Chuyến bay 93, những người bị dồn về phía sau máy bay sau khi những kẻ không tặc chiếm lấy buồng lái, đã biết được điều gì đã xảy ra với Tháp Đôi và Lầu Năm Góc. Ba mươi bảy cuộc điện thoại, cộng với việc máy bay đã lùi hướng và đang hướng về phía đông, về phía Washington, đã thuyết phục các hành khách rằng vụ không tặc của United 93 là một phần của một âm mưu khủng bố phối hợp nhằm làm tê liệt nước Mỹ. Sau khi thảo luận về tình huống và trách nhiệm của họ, các hành khách đã bỏ phiếu để cố gắng chiếm lại máy bay, giải quyết tên không tặc vẫn còn trong khoang hành khách (và tuyên bố có bom), và sau đó mở đường đi vào buồng lái để giành lại quyền kiểm soát của một chiếc máy bay phản lực nặng 65 tấn đang lao nhanh trên bầu trời.
Hành khách Todd Beamer, một nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy, đã đọc kinh Lạy Cha và Thánh Vịnh 23 với nhân viên điều hành điện thoại Lisa Jefferson trên mặt đất, yêu cầu cô gọi cho gia đình anh và nói với họ rằng anh yêu họ đến nhường nào “nếu tôi không về được”. Jefferson sau đó nghe Beamer nói với những người khác, “Các bạn đã sẵn sàng chưa? Được chứ. Hãy nhào vô!” Hành khách lao vào buồng lái, khống chế tên không tặc trước đó đã hù dọa họ là có một quả bom. Sau một vài phút vật lộn, chiếc máy bay nằm ngửa và Chuyến bay 93 lao xuống vùng nông thôn Pennsylvania với tốc độ 563 dặm một giờ, làm khoét sâu một hố như miệng núi lửa sâu từ 8 đến 10 feet và rộng từ 30 đến 50 feet, làm bùng lên một quả cầu lửa bốc lên bầu trời như một đám mây hình nấm khổng lồ. Tất cả mọi người trên tàu đều chết ngay lập tức do chấn thương vì lực đâm quá mạnh; Điện Capitol, nơi Quốc hội đang họp, đã được cứu.
Các hành khách của Chuyến bay 93 chỉ mất chưa đầy hai mươi phút để quyết định rằng họ thà liều chết với tư cách là những người nam nữ tự do hơn là chịu sự hủy diệt chắc chắn như những người phải phục tùng những đứa gian ác có ý định giết người hàng loạt. Dù họ có khác biệt về chủng tộc, giới tính hay quan điểm chính trị đi chăng nữa, thì họ đã có một sự thống nhất trong quyết tâm ngăn chặn thảm họa quốc gia lần thứ tư vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong những phút định mệnh và khốc liệt dẫn đến việc họ bỏ phiếu phản kháng bọn không tặc, tôi nghĩ đã không có cuộc thảo luận về nước Mỹ đã được sáng lập ra sao, phân biệt chủng tộc có hệ thống thế nào, kỳ thị đồng tính hoặc theo chủ nghĩa kỳ thị nữ giới. Truyền thống hợp tác tự do của người Mỹ vì lợi ích chung, điều mà Alexis de Tocqueville đã gây ấn tượng khi ông viết bài Dân chủ ở Mỹ 160 năm trước đó, vẫn còn tồn tại trên United 93 từ 9:30 đến 10 giờ sáng ngày 11 tháng 9.
Không có gì trong những điều này được chuyển tải qua thiết kế của Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93. Bức tường kỷ niệm các hành khách và phi hành đoàn là một sự bắt chước kém cỏi của Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam trên National Mall. “Tower of Voices” bằng bê tông, xấu xí với bốn mươi chiếc chuông gió không có mối liên hệ rõ ràng nào với các hành khách và phi hành đoàn mà nó tuyên bố là tưởng nhớ. Trung tâm Du khách trông giống như Tòa nhà phía Đông của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia IM Pei, được xẻ đôi theo chiều ngang. Thiết kế không mang tính biểu tượng, không nêu bật được chân lý siêu việt mà các hành khách và phi hành đoàn của Chuyến bay 93 thể hiện: đó là ý tưởng cổ điển về những gì một đài tưởng niệm nên làm.
Nhưng, có lẽ, có một ngoại lệ. Tấm đá cẩm thạch trắng trên đó có khắc tên của hành khách Lauren Catuzzi Grandcolas, bao gồm, bằng các chữ cái nhỏ hơn, “và đứa trẻ chưa sinh”. Dòng chữ ngắn gọn đó có một sức mạnh gợi ý duy nhất trong một đài tưởng niệm không thể nói lên được phẩm giá của cuộc sống một cách hùng hồn, như được khẳng định bởi những người nam nữ của Chuyến bay 93, những người đã chọn không nao núng khi đối mặt với sự gian ác, và như thế, lựa chọn họ đưa ra là cao quý thực sự.
Source:First Things