Ngày 23-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ông Da-kêu hoán cải
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
23:04 23/10/2016
Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 19, 1-10

Ông Da-kêu hoán cải

Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng 19, 1-10 của thánh Luca nói về ông Da-kêu. Đây là một câu chuyện hết sức dí dỏm và cảm động. Bởi vì, ông Da-kêu là người thấp bé, nên không thể chen lấn với đám đông để gặp Chúa Giêsu mà đã từ lâu ông nghe tiếng và hết sức kính nể…Thấp bé có nghĩa là lùn, Da-kêu lại là người giầu có, và là trưởng nhóm người thâu thuế. Mường tượng dáng dấp ông Da-kêu, chúng ta sẽ cười vì ông này bé quá, nhỏ quá. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hết sức cảm động vì lòng nhiệt thành, thiện chí của ông Da-kêu, muốn thấy cho bằng được Chúa Giêsu…

Da-kêu thật sự muốn gặp gỡ Chúa. Ông quyết định chạy trước đám đông và trèo lên một cây sung để khi Chúa đi ngang qua đó, ông sẽ có thể nhìn thấy Chúa Giêsu. Nhìn điệu bộ, cử chỉ, dáng dấp của ông Da-kêu, chắc chắn tất cả mọi người đều buồn cười nhưng lại hết sức cảm động.

Tin Mừng cho hay nghe danh Chúa Giêsu, ông Da-kêu đem lòng kính phục, nhưng ông không thể nào gặp được Chúa vì đám đông đi theo Chúa, thân hình của ông lại thấp lùn, nên chỉ còn phương cách là leo lên cây mới có hy vọng nhìn thấy Chúa đi ngang qua. Thực tế, đây là một thiện chí hết sức chân thành của Da-kêu, chúng ta hoàn toàn trân trọng và cảm thông với Da-kêu.

Chúa Giêsu khi đi ngang qua qua chỗ ấy, Tin Mừng viết, Người nhìn lên và nói với ông :” Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông “. Chúa nói như vậy vì Ngài nhìn thấy thiện chí, và lòng ước muốn của ông. Cái trớ trêu là những người đi theo Chúa Giêsu thấy vậy thì xầm xì, xoi mói, phê phán sao Chúa lại vào nhà người tội lỗi, người mà những người Do Thái thời đó coi như kẻ tội lỗi, thông đồng với ngoại bang để đè đầu bóp cổ người đồng hương, thờ ngẫu tượng và bóc lột đồng bào. Nhưng đối với Chúa Giêsu, đây là sứ mạng của Người vì Người đến để cứu vớt, để cứu sống chứ không phải để giết chết. Người đến kêu gọi những kẻ tội lỗi, chứ không để kêu gọi những người công chính. Người nói :” Người đau ốm mới cần đến thầy thuốc…”.Người đến để kêu gọi, cứu vớt những người tội lỗi biết ăn năn, hối cải.

Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa. Trong khi đám đông, và nhiều người không màng gì tới sự có mặt của Da-kêu. Họ coi như Da-kêu không là gì, không có ở đó.Chúa Giêsu đã tỏ ra rất người, rất chân tình, Chúa đi qua chỗ ấy, nhìn lên, nói với ông. Đây là những cử chỉ và thái độ rất đơn giản của Chúa Giêsu. Chúa cho chúng ta hiểu đây không phải là cuộc viếng thăm xã giao của Chúa, nhưng câu nói :” Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông “, nhằm nói lên sứ mạng cứu rỗi của Người. Sứ mạng này, Chúa Giêsu đã bắt đầu tại Nadarét và qua việc Người khai mạc sứ vụ công khai của Người bên dòng sông Giorđanô.Sứ mạng của Người là cứu vớt, làm cho sống, Người quan tâm ưu tiên đến những người nghèo và những kẻ tội lỗi.Vâng, chính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Da-kêu đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của ông, Qua ông cả gia đình của ông và nhiều người cũng được biến đổi. Đây là cuộc gặp gỡ ân sủng. Từ một con người bị coi là tội lỗi đầy mình, một kẻ phản quốc vì thông đồng với Đế quốc Roma để bóc lột đồng bào, Da-kêu đã trở nên người như lòng Chúa mong muốn. Ông đã trở nên người có trách nhiệm, xin đền gấp bốn cho những ai ông đã bóc lột, thu vén, trở nên người biết chia sẻ, sống bác ái khi chia phần nửa gia tài ông có cho người nghèo; và rồi, ông trở nên người công chính nhờ lời hứa ban ơn cứu độ của Chúa Giêsu :” Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này “.

Ơn cứu độ được trải rộng đến cho mọi người.Chúa không muốn bất cứ ai bị hư đi…Ơn cứu độ là sự đáp trả thành tâm của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Ông Da-kêu đã được thay đổi, được biến đổi thật sự nhờ cuộc gỡ với Chúa Giêsu. Nhờ cuộc gặp gỡ yêu thương, đầy ân sủng này, Da-kêu đã trở nên quảng đại, bác ái và yêu thương. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi đến gặp gỡ Người. Liệu chúng ta có nhiệt thành, quảng đại và mau mắn đi tìm gặp Chúa hay không ? Chúng ta có thái độ và cử chỉ như Da-kêu khi gặp gỡ Chúa Giêsu hay không ?

Chúng ta phải sốt sắng đi tham dự, hiệp dâng thánh lễ, năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích hòa giải, bí tích Mình Máu Chúa…cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được biến đổi và nhận lãnh ơn cứu độ.Chúng ta có mau mắn đi gặp Chúa để Chúa biến đổi chúng ta chưa ? Chúng ta có sống quảng đại, làm việc thiện hay ham mê của cải, sống tham lam ích kỷ ?.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi đời sống chúng con. Xin sai Thánh Thần Chúa đến để cứu giúp chúng con hầu chúng con luôn biết sống đạo đức, thánh thiện và xa lánh tội lỗi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ông Giakêu là ai ?
2.Tại sao Chúa Giêsu lại ghé nhà ông Giakêu ?
3.Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Giakêu đã đem lại gì cho ông ?
 
Khánh nhật truyền giáo: Hãy Ra Đi
Lm. Vinh Sơn scj
09:06 23/10/2016
Khánh Nhật Truyền giáo

HÃY RA ĐI

Felix Frankfurter là một quan toà nổi tiếng của toà án tối cao của Hoa kỳ. Một lần kia ông được đưa vào bệnh viện, ở đó ông quen biết một y tá có tên là Lucy. Họ có những lúc ngồi nói chuyện thân mật và ông biết nhiều điều về Lucy vả cuộc sống của cô : sự hy sinh tận tụy cho các bệnh nhân. Mà trước đó, chưa bao giờ ông gặp được người nào có lòng quảng đại và nhân hậu như chị. Và ông bắt đầu tự hỏi và suy nghĩ, cố gắng phám phá suối nguồn của thái độ của chị. Điều ông khám phá như sau : Suối nguồn ấy không có gì là bí ẩn. Nó đơn giản, chỉ là sự áp dụng thực hành đức tin Kitô giáo của chị.

Dù rằng Lucy không bao giờ biết đức tin sống động của chị có ảnh hưởng như thế nào, nhưng chị đã làm cho Đức Giêsu hiện diện cụ thể trong bệnh viện này. Chị đem đến đôi bàn tay chăm sóc đầy yêu thương mà Đức Giêsu cần đến. Đức Giêsu cần những nhân chứng cho người ta như chị Lucy đến nỗi Người có thể trở thành Đấng an ủi như Người muốn làm… Tinh thần của chị mang sứ mạng ra đi làm việc trong cánh đồng truyền giáo của thế giới…

Tin mừng Luca cho thấy, Chúa Giêsu đang đứng trước thực tế của cánh đồng lúa chín vàng trong thế giới, Ngài thao thức về nhu cầu thợ gặt cho cánh đồng bát ngát của niềm tin: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Nếu không có thợ gặt cho kịp, lúa niềm tin sẽ rơi rụng và cơn lũ của thế gian sẽ cuốn trôi vụ mùa. Người thợ gặt là hình ảnh của người mục tử trong Giáo Hội ở khắp mọi chân trời, các ngài chính là những cánh tay của Thiên Chúa. Nhưng có lẽ, cấp thời và mong đợi nhất là những cánh đồng tái truyền giáo tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Mỗi châu lục là một cánh đồng lúa chín theo những phong thổ khác nhau và nhu cầu thợ gặt lành nghề khác nhau. Nếu như ở Châu Âu và Bắc Mỹ là những lục địa được mệnh danh là chiếc nôi của Kitô giáo thì ngày nay, với trào lưu tục hóa, hưởng thụ vật chất làm cho người tín hữu xa rời đức tin, như lúa đang chín vàng gặp phải nạn sâu rầy hoành hành nên người thợ gặt phải biết chữa trị đúng phương pháp để cứu lúa. Thợ lành nghề đã ít, lại thiếu những tâm hồn quảng đại đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Những đồng lúa chín vàng trĩu hạt đang bị bỏ hoang, thợ gặt lại quá ít ỏi không thể lo toan hết. Các đồng lúa chín vàng tại Châu Âu - Bắc Mỹ nhìn về khía cạnh chăm sóc tâm linh cho anh em tín hữu quả là thiếu thốn trầm trọng. Trong lúc tại lục địa Á Châu, một lục địa rộng lớn chiếm 2/3 dân số thế giới của hơn 6 tỉ người nhưng chưa tới 3% mang niềm tin Kitô giáo. Cho nên, Lời Thầy không chỉ nói với các môn đệ năm xưa, nhưng luôn vang mãi mọi thời đại vì nhu cầu của cánh đồng truyền giáo thế giới luôn mang tính cấp bách: “Thầy sai anh em... ra đi”

Tuy nhiên, dù rất khẩn cấp nhưng người thợ gặt phải như lòng Chúa mong ước : trước hết là lòng can đảm, dấn thân, vượt khó với mùa gặt. Vì thế, Đức Kitô đã dùng hình ảnh sai người mục tử đến với mùa gặt Giáo Hội: “như chiên con vào giữa bầy sói” (Lc 10,3) vì họ phải đương đầu với thiên tai, với các hoàn cảnh khó khăn chung quanh để bảo vệ thành quả đức tin. Tiêu chuẩn kế tiếp, người thợ gặt phải hết lòng thao thức với việc gặt lúa, không được sao nhãng với sứ vụ, không bị phân tâm bởi những ý‎ nghĩ khác, không bám víu vào vật chất, không nỗ lực tìm và coi vật chất là mục đích, mà phải sống phó thác, đơn sơ, khó nghèo mà Chúa Giêsu đã ví bằng những hình ảnh “túi tiền, bao bị giày dép…” Thợ gặt cũng không chia trí bởi những hào nhoáng phù vân qua hình ảnh “chào hỏi dọc đường” và Chúa nhấn mạnh một cách cương quyết cho người mục tử trên bước đường rao giảng Tin Mừng “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4). Gia tài mà người thợ gặt mang là nguồn bình an của Thiên Chúa, nguồn bình an thánh thiện từ Trời ban tặng và chia sẻ cho anh em: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Người thợ gặt chân thành với anh em và cùng họ chia sẻ mà Chúa Giêsu nói đến bữa ăn huynh đệ và chăm sóc anh em ốm đau (x. Lc 10,8-9).

Chúa Giêsu đã chọn và sai Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng như Tin Mừng ghi nhận (x. Mt 10, 1-6; Mc 3, 13-19; 6, 7-13; Lc 6, 12 -16; 9, 1-6), kế vị các tông đồ, các thừa tác viên bởi bí tích truyền chức là các Giám mục sau này, được nối dài cộng tác là các linh mục, phó tế. Nhưng cách đồng lúa truyền giáo bao la, thợ gặt không đủ nên cánh đồng truyền giáo nước trời mênh mông thiếu người chăm sóc, bị bỏ hoang. Chúa Giêsu gọi thêm 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng, đó là những con người môn đệ theo Chúa với lòng thành, và sau này là các tín hữu Chúa tham dự bởi Bí Tích Rửa Tội, mang sứ mạng truyền giáo. Cho nên, Lời mời gọi tha thiết về nhu cầu thợ gặt cho cánh đồng lúa truyền giáo bất tận của Chúa Giêsu, sẽ được đáp ứng do chính sự đóng góp từ đôi tay và tâm hồn của tôi của bạn cho cánh đồng lúa chín của Giáo Hội: Dấn thân vào các việc chung của cộng đoàn, đóng góp vào công việc truyền giáo theo khả năng của mỗi người, nâng đỡ và nuôi dưỡng các mầm non ơn gọi - thợ chuyên môn cho cánh đồng lúa chín bao la bát ngát ngay trong chính gia đình mình và nơi các cộng đoàn tín hữu.

Trong ý thức đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qủa quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Cho nên, Lời gọi ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu, và nếu tôi, bạn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả như Phaolô đã cảm nghiệm và sống sứ mạng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Têrêsa Hài đồng Giêsu chỉ sống trong bốn bức tường Dòng Kín Cát Minh tại Lisieux với lòng nhiệt huyết ước mơ truyền giáo, đặc biệt lòng nhiệt huyết truyền giáo có duyên nợ với Việt Nam. Tuy không bôn ba như Thánh Phanxicô trên khắp các nẻo đường rao giảng Tin mừng, nhưng chị đã hiến dâng đời mình để cầu nguyện cho việc truyền giáo, Ngài đã bảo trợ các linh mục bằng lời cầu nguyện liên lỉ và bằng những hi sinh hằng ngày. Tuy chưa một ngày bước ra khỏi Đan Viện đề đến Á Đông, cụ thể là Việt Nam mà Thánh Nữ từng mơ ước, nhưng tinh thần truyền giáo của Thánh Nữ đã bay đến tận cùng trái đất như lời Ngài cầu nguyện: “Với một tình yêu bao la, ôi lạy Chúa, con sẽ nâng Ngài trên đôi tay của mình, khi tiếng con gọi Ngài, Ngài ngự xuống từ chốn thiên đình. Và với một tình yêu cao vời, con sẽ đem Ngài lên với các linh hồn!...”. Vâng, chỉ bằng lòng khao khát và cuộc sống hằng ngày từng việc làm trong lời cầu nguyện Têrêsa đã đưa Thiên Chúa đến các dân tộc ngoại đạo bằng sức mạnh của Thiên Chúa ở cùng các vị thừa sai mà Thánh Nữ cầu nguyện mỗi ngày cho việc cứu rỗi các linh hồn…

Loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện và bằng những việc nhỏ nhất trong bổn phận hàng ngày, mà chúng ta có thể thực hiện trong cuộc sống với lời cầu nguyện ý chỉ cho việc rao giảng Tin mừng. Vâng, truyền giáo không chỉ là bổn phận của các nhà thừa sai ra đi khắp chân trời bốn bể, mà còn là trách nhiệm người tín hữu, vì truyền giáo nằm trong căn tính của người Kitô hữu khi được lãnh bí tích rửa tội, chúng ta đã được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh ngôn sứ: nói về Chúa khi sống đức tin giữa thế giới hôm nay, cũng với căn tính vương giả tức là thuộc dòng dõi con Thiên Chúa và tư tế: dâng tế lễ hằng ngày…

Thât thế như lời thầy truyền: Hãy ra đi

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 23/10/2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hình ảnh cảm động: Dựng Thánh Giá chào quê hương giải phóng
VietCatholic Network
12:01 23/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Bản văn các lời cầu nguyện chung giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Luthêrô tại Lund
Vũ Văn An
17:04 23/10/2016
Muốn hiểu cho đúng bối cảnh buổi cầu nguyện đại kết giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và Giáo Hội Luthêrô, Đức Giám Mục Younan, ta cần đọc chính bản văn Lời Cầu Nguyện Chung, vốn là kết quả của nhiều cuộc đối thoại giữa hai Giáo Hội, ít ra cũng từ năm 2013, khi hai Giáo Hội công bố văn kiện “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông” nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách do Martin Luther chủ xướng.

Đầu tháng Giêng năm nay, tại Vatican, Tổng Thư Ký Liên Minh Luthêrô Thế Giới, Tiến Sĩ Martin Junge, và Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, đã chính thức công bố Bản Văn này và khuyến khích hai Giáo Hội sử dụng Bản Văn này trong các buổi cầu nguyện đại kết.

Lời giới thiệu của bản văn này cho rằng “Nó cung cấp một cơ hội để nhìn lui mà tạ ơn cùng xưng thú và nhìn tới mà dấn thân làm chứng chung và tiếp tục hành trình với nhau”. Bởi thế, bản văn được xây dựng quanh chủ đề: tạ ơn, thống hối và dấn thân làm chứng chung
.

Mở đầu



Bài hát mở đầu

Chủ tế I:

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

Amen.

Chúa ở cùng anh chị em!

Và ở cùng Cha!

Lạy Chúa, xin hãy mở môi con

Và miệng con sẽ cao rao lời ngợi khen Chúa.

Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần;

Như đã có trước vô cùng, bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen.

Chủ tế I:

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô! Xin chào mừng anh chị em tới tham dự buổi cầu nguyện đại kết này, nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách. Trong hơn 50 năm qua, người Luthêrô và người Công Giáo đã cùng trên đường hành trình từ tranh chấp tới hiệp thông.

Với niềm hân hoan, chúng ta đã tiến tới chỗ nhìn nhận rằng điều hợp nhất chúng ta lớn hơn điều chia rẽ chúng ta rất nhiều. Trong cuộc hành trình này, sự hiểu biết và tín thác lẫn nhau đã lớn mạnh.

Chủ tế II:

Bởi thế, chúng ta đã có thể tụ họp nhau hôm nay. Chúng ta tới đây với những ý nghĩ khác nhau và các cảm xúc tạ ơn và than thở, vui mừng và thống hối, vui mừng trong Tin Mừng và buồn sầu vì chia rẽ. Chúng ta tụ họp để kỷ niệm trong tưởng nhớ, trong tạ ơn và xưng thú, và trong việc làm chứng và dấn thân chung.

Người đọc I

Trong văn kiện Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, chúng ta đọc thấy: “Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô. Như chỉ có một Chúa Kitô thế nào, thì Người cũng chỉ có một thân thể như thế mà thôi. Nhờ phép rửa, con người trở thành các chi thể của thân thể này” (số 219).

“Vì người Công Giáo và người Luthêrô liên kết với nhau trong thân thể Chúa Kitô như các chi thể của thân thể này, nên về họ, đúng như Thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 12:26: ‘nếu một chi thể đau, mọi chi thể đều cùng đau; nếu một chi thể được tôn vinh, mọi chi thể đều cùng hân hoan’. Điều tác động lên một chi thể của thân thể cũng tác động lên mọi chi thể. Vì lý do này, khi các Kitô hữu Luthêrô tưởng nhớ các biến cố dẫn tới việc tạo nên các Giáo Hội đặc thù của họ, họ không muốn làm thế nếu không có các đồng Kitô hữu Công Giáo của họ. Bằng cách cùng tưởng nhớ với nhau việc khởi đầu của phong trào Cải Cách, họ đang coi trọng phép rửa của họ” (số 221).

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa của Giáo Hội, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa xuống! Xin Chúa soi sáng tâm hồn chúng con và hàn gắn ký ức chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần: xin giúp chúng con biết hân hoan trước các hồng phúc đã đến với Giáo Hội qua Phong Trào Cải Cách, xin chuẩn bị để chúng con biết thống hối vì các bức tường chia rẽ mà chúng con, và cha ông chúng con, đã xây nên, và xin trang bị để chúng con cùng nhau làm chứng tá và phục vụ trong thế giới.

Amen.

Bài hát khẩn cầu Chúa Thánh Thần

Tạ ơn



Người đọc I:

Trích văn kiện Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông: “Người Luthêrô tạ ơn trong lòng vì những gì Luther và các nhà cải cách khác đã đem đến cho họ: sự thông hiểu tin mừng của Chúa Kitô và đức tin vào Người; sự thông biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã tự hiến cho con người nhân trần chúng ta hoàn toàn vì ơn thánh và là Đấng chỉ có thể được tiếp nhận nếu biết tín thác hoàn toàn vào lời hứa hẹn của Người; sự tự do và tin chắc rằng tin mừng có tính sáng tạo; sự tín thác hoàn toàn vào tình yêu phát xuất từ và được đánh động bởi đức tin, và vào niềm hy vọng vào sự sống và sự chết mà đức tin vốn đem theo; và vào việc tiếp xúc sống động với Sách Thánh, các sách giáo lý, và thánh ca nhằm đem đức tin vào cuộc sống” (số 225), vào chức linh mục của mọi tín hữu đã chịu phép rửa và ơn gọi phụng sự sứ mệnh chung của Giáo Hội”.

“Người Luthêrô… hiểu rõ ràng rằng điều họ đang tạ ơn Thiên Chúa không phải là một hồng phúc họ chỉ giành lấy cho riêng mình. Họ muốn chia sẻ hồng phúc này với mọi Kitô hữu khác” (số 226).

Người đọc II:

“Người Công Giáo và người Luthêrô có rất nhiều đức tin chung với nhau đến nỗi họ có thể… cùng nhau tạ ơn” (số 226).

Được khuyến khích bởi Công Đồng Vatican Hai, người Công Giáo ‘vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người - có khi phải đổ máu mới nói lên được - quả là điều chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu (Unitatis Redintegratio, Chương 1).

Trong tinh thần này, người Công Giáo và người Luthêrô ôm nhau như anh chị em trong Chúa. Họ cùng nhau hân hoan trong các hồng phúc thực sự Kitô Giáo mà họ đều đã nhận lãnh và tái khám phá ra nhiều cách qua việc canh tân và thúc đẩy của Phong Trào Cải cách. Những hồng phúc này là lý do để tạ ơn.

“Hành trình đại kết giúp người Luthêrô và người Công Giáo biết cùng nhau đánh giá sự thông biết và trải nghiệm thiêng liêng của Martin Luther về tin mừng công chính của Thiên Chúa, vốn cũng là lòng thương xót của Người” (số 244).

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Chúng con cảm tạ Chúa, Lạy Thiên Chúa, vì nhiều tầm nhìn thông sáng có tính hướng dẫn về thần học và tâm linh mà tất cả chúng con đã nhận lãnh qua Phong Trào Cải Cách. Chúng con cảm tạ Chúa vì các biến đổi và cải cách tốt lành đã được Phong Trào Cải Cách khởi động hay nhờ cuộc tranh đấu với các thách thức của Phong Trào này. Chúng con cảm tạ Chúa vì cuộc công bố tin mừng đã diễn ra trong thời Cải Cách và từ đó đã củng cố vô số người sống cuộc sống đức tin trong Chúa Giêsu Kitô.

Amen.

Bài ca tạ ơn

Thống hối



Người đọc I:

“Việc kỷ niệm trong năm 2017 khiến nói lên niềm vui và biết ơn thế nào, nó cũng giúp cả người Luthêrô và người Công Giáo có cơ hội cảm nghiệm sự đau đớn vì các thất bại và sai phạm, vì các lỗi lầm và tội lỗi trong những con người và những biến cố được kỷ niệm như thế” (số 228).

“Trong thế kỷ 16, người Công Giáo và người Luthêrô không những hay hiểu lầm mà còn phóng đại và châm chọc các đối thủ của mình nhằm biến họ thành trò cười. Họ liên tiếp vi phạm điều răn thứ tám, là điều răn cấm làm chứng gian chống lại người lân cận của mình” (số 233).

Người đọc II:

Người Luthêrô và người Công Giáo thường chú mục vào những gì chia rẽ họ hơn là tìm kiếm những gì hợp nhất họ. Họ nhìn nhận rằng Tin Mừng có cả các quyền lợi chính trị và kinh tế của những người nắm quyền. Các thất bại của họ kết quả mang lại chết chóc cho hàng trăm ngàn con người. Các gia đình tan nát, người người bị bỏ tù và tra tấn, nhiều cuộc chiến tranh diễn ra và tôn giáo cũng như đức tin bị lạm dụng. Con người nhân bản chịu đau khổ và tính khả tín của Tin Mừng bị phá hoại với những hậu quả vẫn còn ảnh hưởng tới ta ngày nay. Chúng ta hối hận sâu xa vì các sự ác mà người Công Giáo và người Luthêrô đã gây ra cho nhau.

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Chủ tế II:

Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, chúng con than van vì ngay các hành động cải cách và canh tân tốt lành thường lại có các hậu quả tiêu cực vô ý.

Xin Chúa thương xót chúng con!

Chủ tế I:

Chúng con đặt trước Chúa các gánh nặng tội lỗi của quá khứ khi cha ông chúng con không tuân theo Thánh Ý Chúa muốn chúng con nên một trong sự thật của Tin Mừng.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con!

Chủ tế II:

Chúng con xưng thú cung cách suy nghĩ và hành động của chính chúng con đã kéo dài mãi các chia rẽ của quá khứ. Như các cộng đồng và các cá nhân, chúng con đang xây quanh chúng con nhiều bức tường: bức tường tâm trí, bức tường tâm linh, bức tường thể lý, bức tường chính trị gây nên kỳ thị và bạo lực. Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con!

Thánh Vịnh 130

[Thánh vịnh này có thể hát theo thể thánh vịnh hay hai phe thay nhau đọc trọn từng câu].

Chủ tế I và II:

[Các lời sau có thể được chủ tế I và II thay phiên nhau đọc]

Chủ tế I:

Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Người là sự bình an của chúng ta, Đấng phá đổ mọi bức tường chia rẽ, Đấng, qua Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta các khởi đầu luôn luôn mới mẻ.

Trong Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ và hòa giải và chúng ta được củng cố để cùng nhau làm chứng tá trung thành trong thời đại chúng ta.

Amen.

Dấu bình an

Chủ tế II

Hãy để bình an của Chúa Kitô thống trị trong tâm hồn anh chị em, vì là các chi thể của một thân thể duy nhất, chúng ta được kêu gọi tiến tới bình an.

Bình an của Chúa Kitô ở cùng anh chị em mãi mãi!

Và ở cùng ngài.

Chủ tế I

Chúng ta hãy tặng nhau dấu chỉ hoà giải và bình an

[mọi người chia sẻ bình an, trong khi bài “Ubi Caritas” hay 1 bài thánh ca khác được hát lên)

Tin mừng

Người đọc I:

Tiếp tục cuộc hành trình từ tranh chấp tới hiệp thông, ta hãy nghe Tin Mừng theo Thánh Gioan:

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:1–5).

Tin Mừng của Chúa!

Tạ ơn Chúa!

Bài giảng chung

Chủ tế I:

Cùng nhau, chúng ta hãy tuyên xưng đức tin của chúng ta

Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ

Bài ca

Các cam kết: 5 mệnh lệnh



Chủ tế II:

Cuộc hành trình đại kết của chúng ta tiếp tục. Trong buổi thờ phượng này, chúng ta cam kết lớn lên trong hiệp thông. Năm mệnh lệnh trong Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông sẽ hướng dẫn chúng ta.

[Một cây nến lớn sẽ được đốt lên sau mỗi lời cam kết. Ánh sáng mỗi lần có thể lấy từ Nến Phục Sinh. Giới trẻ có thể được yêu cầu đọc 5 lời cam kết còn nến thì có thể được các trẻ em và gia đình thắp sáng. Đàn organ hay nhạc cụ khác có thể cử các bài như “In the Lord I’ll be ever thankful” (Taizé) hay một bài khác đệm cho việc thắp nến].

1. Cam kết thứ nhất: “Người Công Giáo và người Luthêrô sẽ luôn khởi đi từ viễn tượng hợp nhất chứ không khởi đi từ quan điểm chia rẽ, ngõ hầu củng cố những gì được giữ chung dù các khác biệt vẫn còn được thấy và được trải nghiệm dễ dàng” (số 239).

Đốt một cây nến

2. Cam kết thứ hai: “Người Luthêrô và người Công Giáo sẽ để mình liên tục được biến đổi bởi việc gặp gỡ người khác và bởi việc cùng nhau làm chứng cho đức tin” (số 240).

Đốt một cây nến

3. Cam kết thứ ba: “Người Công Giáo và người Luthêrô tái cam kết tìm kiếm sự hợp nhất hữu hình, cùng nhau khai triển xem điều này có nghĩa gì trong các biện pháp cụ thể và liên tục cố gắng đạt cho được mục tiêu này” (số 241).

Đốt một cây nến

4. Cam kết thứ tư: “Người Luthêrô và người Công Giáo sẽ cùng nhau tái khám phá sức mạnh của tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thời đại ngày nay” (số 242).

Đốt một cây nến

5. Cam kết thứ năm: “Người Công Giáo và người Luthêrô sẽ cùng nhau làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc công bố và phục vụ thế giới” (số 243).

Đốt một cây nến

Bài ca

Lời nguyện chuyển cầu

[Các người đọc lời nguyện chuyển cầu có thể khác với những người đọc trên đây].

Chủ tế I:

Dấn thân đại kết cho việc hợp nhất Giáo Hội không chỉ để phục vụ Giáo Hội mà cả thế giới nữa để thế giới có thể tin”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội và mọi người thiếu thốn…

1. Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, suốt trong lịch sử, lòng nhân hậu của Chúa luôn thắng thế, xin Chúa mở cửa tâm hồn mọi người để họ tìm thấy Chúa và lòng thương xót tồn tại muôn đời của Chúa.

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

2. Lạy Thiên Chúa của bình an, xin Chúa bẻ gẫy những gì cứng ngắc, những rào cản gây chia rẽ, những gắn bó phá hoại hoà giải. Xin Chúa đem bình an đến cho thế giới, nhất là tại [nước hoặc nơi nào đó]. Xin Chúa phục hồi sự toàn vẹn nơi chúng con và cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

3. Lạy Thiên Chúa của công lý, Đấng hàn gắn và cứu chuộc, xin Chúa cứu chữa người đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo khó và loại trừ. Xin Chúa đẩy mạnh công lý cho những người đang đau khổ dưới ách sự dữ. Xin Chúa ban đời sống mới cho mọi người và cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

4. Lạy Thiên Chúa, đá tảng và thành lũy, xin Chúa che chở người tỵ nạn, những ai không nhà cửa và an ninh, tất cả các trẻ em bị bỏ rơi. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết bênh vự nhân phẩm. Xin cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

5. Lạy Thiên Chúa tạo dựng, mọi sáng thế đang rên rỉ chờ mong, xin Chúa hoán cải chúng con, đừng bóc lột sáng thế nữa. Xin Chúa dạy chúng con sống hoà hợp với sáng thế của Chúa. Xin cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa !

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

6. Lạy Thiên Chúa của thương xót, xin Chúa tăng sức mạnh và che chở những người đang chịu bách hại vì đức tin vào Chúa và những người thuộc các tín ngưỡng khác cũng đang chịu bách hại. Xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm để tuyên xưng đức tin. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời.

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

7. Lạy Thiên Chúa của sự sống, xin Chúa hàn gắn các ký ức đau thương, biến đổi mọi tự mãn, dửng dưng và ngu dốt, xin Chúa đổ tràn tinh thần hòa giải. Xin Chúa hướng chúng con về Chúa và về nhau. Xin Cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

8. Lạy Thiên Chúa của tình yêu, con Chúa là Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm tình yêu giữa chúng con, xin Chúa củng cố sự hợp nhất mà chỉ có Chúa mới nâng đỡ được, giữa sự đa dạng của chúng con. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

9. Lạy Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ chúng con, xin Chúa đem chúng con cùng đến bàn thánh thể của Chúa, xin Chúa nuôi dưỡng trong và giữa chúng con sự hiệp thông bắt nguồn từ tình yêu của Chúa. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

Chủ tế II:

Lạy Thiên Chúa, tin tưởng rằng Chúa nghe lời chúng con cầu xin cho các nhu cầu của thế giới và sự hợp nhất mọi Kitô hữu trong việc làm chứng của họ, hãy để chúng con cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng con…

Lạy Cha chúng con…

Chủ tế I:

Vì tất cả những điều Thiên Chúa làm trong chúng ta, vì tất cả những điều Thiên Chúa làm ngoài chúng ta,

Tạ ơn Chúa!

Chủ tế II:

Vì tất cả những người Chúa Kitô đã sống trong họ trước chúng ta, vì tất cả những người Chúa Kitô đang sống trong họ bên cạnh chúng ta,

Tạ ơn Chúa!

Chủ tế I:

Vì tất cả những ai Chúa Thánh Thần muốn đem chúng ta tới, vì những nơi Chúa Thánh Thần muốn sai chúng ta tới,

Tạ ơn Chúa!

Cả hai chủ tế cùng chúc lành

Xin phúc lành của Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần, ở cùng anh chị em và ở trên đường anh chị em đi chung với nhau, bây giờ và mãi mãi

Amen.

Bài ca kết thúc
 
Đức Hồng y Raymond Burke thúc giục các cử tri Công Giáo đi bầu cử
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:32 23/10/2016
"Hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta."

Theo LifeSiteNews, vào ngày 30 tháng 8, 2016, Đức Hồng Y Raymond Burke, một trong những vị hăng say nhất trong việc bảo vệ giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về sự sống, hôn nhân, phái tính và gia đình đã cân nhắc về cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp tới, khi ngài nói với các phóng viên tham dự đại hội viễn liên quốc tế, được tổ chức Carmel Communications với sự tham dự của LifeSiteNews, rằng các tín hữu phải bỏ phiếu cho ứng cử viên nào sẽ làm nhiều nhất để "đẩy mạnh" việc bảo vệ sự sống con người, bảo vệ gia đình, tôn trọng tự do, và chăm sóc cho người nghèo.”

Ngài nói, "Tôi nghĩ rằng điều mà chúng ta phải làm trong lúc này là hãy nhìn vào cả hai ứng cử viên, xem có ai trong họ, ít nhất là một cách nào đó, cổ võ cho công ích, cả về việc bảo vệ sự sống con người, sự tốt lành của gia đình, sự tự do lương tâm, chăm sóc cho người nghèo, và hãy điều nghiên thật cẩn thận."

Ngài tiếp, "Chắc chắn rằng chúng ta sẽ kết luận rằng không có một ứng cử viên nào đáp ứng một cách lý tưởng tất cả những đòi hỏi này theo cách mà chúng ta mong muốn. Nhưng với bản chất của chính quyền của chúng ta, theo lương tâm, chúng ta có thể ủng hộ một trong các ứng cử viên, là người, trong khi có thể không hỗ trợ tất cả mọi điều mà chúng ta tin và biết là quan trọng, nhưng ít nhất sẽ hỗ trợ chúng đến một mức độ nào đó, với hy vọng rằng người ấy có thể được thuyết phục chấp nhận trọn vẹn công ích."

ĐHY Burke cảnh báo người Công Giáo về việc không bỏ phiếu hay viết tên của một ứng cử viên mà mình thích trên lá phiếu, vì làm như thế có thể vô tình khiến cho một ứng cử viên không tôn trọng sự sống, gia đình và tự do đắc cử.

Ngài giải thích, "Tôi hiểu rất rõ những tâm trạng này. Nhưng chúng ta cũng phải hết sức thận trọng, và biết rằng bằng cách không bỏ phiếu cho ai cả, anh chị em sẽ làm cho một ứng cử viên được nhiều phiếu hơn ứng cử viên kia". Ngài thêm vào đó cả việc người Công Giáo viết tên của một ứng cử viên mà họ thích, khi ứng cử viên ấy không có hy vọng đắc cử.

"Sức nặng luân lý của việc bầu cử thực sự là rất nặng nề. Nói cách khác, mỗi lá phiếu đều quan trọng”.

ĐHY thúc giục người Công Giáo hãy nghiên cứu kỹ lưỡng lập trường của cả hai ứng cử viên trước khi bỏ phiếu.

"Đó là những cân nhắc thật khó khăn, và tôi không nói rằng điều ấy dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ rằng người Công Giáo cần rất thận trọng một cách đặc biệt và không chỉ đơn thuần không bầu cho ai cả; hoặc những người phò sự sống và những người ủng hộ gia đình cũng thế, không thể đơn thuần đầu hàng. Tôi chỉ nài nỉ họ hãy nghiên cứu kỹ lập trường của cả hai ứng cử viên, càng kỹ càng tốt, để coi ai trong họ sẽ đẩy mạnh, ít nhất là ở một mức độ nào đó, việc phục hồi nền văn minh sự sống và tình yêu trong đất nước của chúng ta."

Phaolô Phạm Xuân Khôi trích dịch

Một vài tài liệu để biết thêm về lập trường của hai ứng cử viên:

National Democratic Party Platform

National Republican Party Platform

Hillary Clinton and Donald Trump have very Different Visions for the Supreme Court

Forecasting the Circuit Courts: How the Presidential Election Will Affect the Federal Courts of Appeals

Presidential Candidates Positions: This one-page document offers Catholics a quick reference for the positions of major party candidates for president, including statements and voting records on 12 issues. This resource was collaboratively produced by the Florida Catholic Conference, the Virginia Catholic Conference, and the Pennsylvania Catholic Conference (this description is from ).

Kansas Bishops Reflect on Election Year Responsibilities.

Donald Trump’s full letter to the Catholic Leadership Conference
 
Thị trấn Kitô Giáo lớn nhất Iraq hoàn toàn được giải phóng
Đặng Tự Do
23:11 23/10/2016
Chúa Nhật thứ Ba Mươi Mùa Quanh Năm đã được cử hành tưng bừng như lễ Phục sinh tại Baghdad và Erbil. Hình ảnh truyền đi nhanh chóng trên Internet cho thấy trong các nhà thờ các linh mục và anh chị em giáo dân cười tươi như hoa cùng hát bài Mawtini, nghĩa là Quê Hương, là bài quốc ca của Iraq.

Trưa ngày thứ Bẩy 22 tháng 10, thị trấn Qaraqosh, quê hương của 50,000 Kitô hữu Iraq được hoàn toàn giải phóng. Đây là thị trấn có số tín hữu Kitô lớn nhất Iraq nằm cách Mosul 20km về phía Đông Nam.

Trước đó, vào sáng ngày 18 tháng 10, tin tức từ mặt trận đưa về cho biết liên quân Iraq và Kurd đã bao vây thị trấn Qaraqosh khiến hàng ngàn người tị nạn Iraq đổ ra đường phố Erbil ca hát nhảy mừng và tập trung tại các nhà thờ để cầu nguyện cho mau đến ngày trở về cố hương.

Cuộc chiến giành giật từng căn nhà đã diễn ra vất vả và cam go nhưng cuối cùng, sau 4 ngày, Qaraqosh cũng đã được hoàn toàn giải phóng.

Chiều Chúa Nhật 23 tháng 10, ông Masoud Barzani, chủ tịch khu tự trị của người Kurd Iraq, nói với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter rằng sáng Chúa Nhật quân Kurd đã thành công trong việc giải phóng Bashiqa.

Bashiqa cũng là một thị trấn Kitô Giáo nằm cách Mosul 12km về phía Đông Bắc.

Cuộc tấn công vào Mosul dự kiến sẽ trở thành trận chiến lớn nhất tại Iraq kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu vào năm 2003 và có thể cần phải có một hoạt động cứu trợ nhân đạo rất lớn.

Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1.5 triệu cư dân đang bị kẹt lại trong thành phố và trường hợp xấu nhất có thể là một triệu người phải di dời khỏi vùng xảy ra chiến cuộc. Văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ hôm thứ Sáu cho biết khoảng 550 gia đình ở vùng ngoại ô thành phố Mosul đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt buộc dọn vào trong thành phố để làm bia đỡ đạn cho chúng.

Quân đội Iraq đang cố gắng tiến từ phía Nam và phía Đông trong khi các chiến binh người Kurd tiến từ phía Đông và phía Bắc. Đơn vị tiền tiêu của người Kurd chỉ còn cách Mosul có 5km. Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền người Kurd, là ông Karim Sinjar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy ở Erbil, rằng tin tức tình báo cho biết dân chúng trong thành phố Mosul đã bắt đầu có những hoạt động nổi loạn chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại trước tin tức từ trong thành phố Mosul cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã xử tử 284 người đàn ông, kể cả một số trẻ nhỏ.

Trên mặt trận phía Nam, gần 1,000 thường dân đã được điều trị các vấn đề về đường hô hấp sau khi hít phải khói độc từ một nhà máy lưu huỳnh mà quân khủng bố Hồi Giáo IS đã đốt cháy vào hôm thứ Năm nhằm cản đường tiến quân của đối phương.

Bệnh viện dã chiến Qayyara báo cáo rằng không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận.

Hôm thứ Sáu, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bất ngờ tấn công vào thành phố dầu hỏa Kirkuk để phân tán lực lượng liên quân. Thành phố này đã nằm trong vòng kiểm soát của người Kurd sau khi quân Iraq bỏ chạy trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS hồi tháng 6 năm 2014.

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ ước tính 80 tên khủng bố Hồi Giáo IS đã tham gia cuộc tấn công Kirkuk, và gần như tất cả trong số họ đã bị giết hoặc bị bắt sống. Những tên khủng bố này chủ yếu là các chiến binh thánh chiến nước ngoài được sự giúp đỡ của các thành phần nằm vùng bên trong thành phố.

Nhà chức trách ở Kirkuk giành lại quyền kiểm soát thành phố vào ngày thứ Bảy và dỡ bỏ lệnh giới nghiêm. Ít nhất 50 người đã thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Kirkuk. Bốn người Iran thực hiện công việc bảo trì tại một nhà máy điện nằm trong số những người chết.
 
Tòa Thánh sẽ công nhận ít nhất là bốn giám mục do nhà cầm quyền Trung Quốc tự tấn phong
Chân Phương
21:10 23/10/2016
Tòa Thánh sẽ công nhận ít nhất là bốn giám mục do nhà cầm quyền Trung Quốc tự tấn phong

Sắp có một bước tiến đột phá trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục.

Theo nguồn tin từ Reuters, Vatican chuẩn bị công nhận ít nhất là bốn vị giám mục người Trung Quốc trước đây đã được chính phủ nước này bổ nhiệm mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng, những vị này hiện tại vẫn bị Giáo Hội xem là giám mục bất hợp thức. Điều này là kết quả của cuộc đàm phán giữa một số giám mục và đại diện của Vatican vừa diễn ra hồi giữa Tháng Tám.

Hơn sáu thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiếm quyền Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục mới để phục vụ 10 triệu người Công Giáo tại nước này. Trung Quốc đã tự tấn phong các giám mục mà không cần có sự chấp thuận của Giáo Hội, trong khi các giám mục "hầm trú" được Giáo Hội tấn phong thì lại chịu nguy cơ bị bắt giữ và bỏ tù.

Nguồn tin cho biết, bốn vị giám mục sẽ được công nhận là:

- Mã Anh Lâm (Ma Yinglin), giám mục Giáo phận Côn Minh, tỉnh Vân Nam;

- Quách Kim tài (Guo Jincai), giám mục Giáo phận Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc (gần Bắc Kinh);

- Nhạc Phúc Sanh (Yue Fusheng), giám mục Giáo phận Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang (miền bắc Trung Quốc);

- Đồ Thế Hoa (Tu Shihua), giám mục Giáo phận Bạc Kì, tỉnh Hồ Nam.

Theo thỏa thuận sơ bộ, các tân ứng viên giám mục tại Trung Quốc sẽ được hàng giáo phẩm địa phương lựa chọn và Đức Giáo Hoàng sẽ có quyết định bổ nhiệm chính thức. Đức Giáo Hoàng cũng có quyền bác bỏ ứng viên dựa trên lí do phẩm hạnh.

Hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Có khoảng 30 giám mục được Tòa Thánh công nhận đang phục vụ cho cộng đoàn Giáo Hội "hầm trú" và họ luôn phải chịu nguy cơ bị nhà nước đàn áp. Vatican hy vọng rằng các giám mục đó sẽ được chính phủ Trung Quốc công nhận.

Trong số 100 giáo phận tại Trung Quốc đại lục thì có khoảng 30 giáo phận không có bất kì giám mục nào, và một số giáo phận tương đương tuy rằng có giám mục nhưng các vị đã trên 75 tuổi.

Mặc dù thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Trung Quốc, nhưng cần được hiểu rằng chủ đề của việc lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai bên vẫn chưa được mang ra thảo luận.

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Qúy thầy dự bị chủng sinh Mỹ Tho hành hương La Mã
Người Giồng Trôm
09:23 23/10/2016
QUÝ THẦY DỰ BỊ CHỦNG SINH MỸ THO HÀNH HƯƠNG LA MÃ

Tháng 10 – tháng Mân Côi và cùng với tâm tình kính yêu Đức Mẹ, Cha Phêrô Lê Tấn Bảo – Đặc trách Dự Bị Chủng Sinh Giáo Phận Mỹ Tho – đã đưa quý Thầy về với La Mã Bến Tre để hành hương kính Mẹ. Đoàn xe đưa quý Thầy cũng Cha đặc trách đến với Trung Tâm Hành Hương tốt đẹp và với bầu trời đẹp so với cơn mưa cả chiều tối hôm qua.

Cha quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương La Mã Bến Tre - Đaminh Nguyễn Hữu Trung – đã vui mừng đón đoàn. Cha Đaminh dẫn Cha Phêrô cùng quý Thầy xem công trình đang xây dựng dở dang, trong đó có công trình Nhà Thanh Thản đang vào giai đoàn hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán 2017.

9 g 30, quý Thầy cùng quây quần trước Linh Ảnh Mẹ để làm việc kính Đức Mẹ.

10 giờ 00, cộng đoàn cùng bước vào Thánh Lễ tạ ơn.

Cha Phêrô Lê Tấn Bảo chia sẻ tâm tình của bài Tin Mừng ngày hôm nay cha mời gọi cộng đoàn cùng nhìn về hình ảnh của người Biệt Phái cũng như người thu thuế tội lỗi. .. Chúng ta đang sống trong năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hãy xót xa cho thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta biết tình thương của Chúa là như thế nào ? Chúa mời gọi chúng ta biết thương xót người khác. ... (Video bài giảng https://youtu.be/nZgzweSlXZ4)

Thánh Lễ kết thúc, cộng đoàn còn nán lại chút thời gian để cầu nguyện với Mẹ.

Đoàn của quý Thầy Dự Bị Chủng Sinh Giáo Phận Mỹ Tho sau khi tham dự Thánh Lễ ghé vào nhà cơm để dùng bữa cơm trưa đạm bạc do quý Dì Dòng MTG Cái Mơn phục vụ. Cha Đaminh đón tiếp cũng như mời Cha đặc trách cùng quý Thầy trong tình thân.

Mọi người sẽ ra về sau chuyến hành hương và vẫn tin rằng ơn Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre sẽ đến và ở lại với tất cả những ai kêu cầu Mẹ. Xin Mẹ cũng thương nhiều ơn nhất là ơn bền đỗ cho quý Thầy Dự Bị Chủng Sinh Giáo Phận Mỹ Tho để quý Thầy theo Chúa trong con đường mà Chúa mời gọi cho đến cùng.
 
Hà Nội có thêm 8 tân linh mục
Triết Giang
09:38 23/10/2016
Hà Nội có thêm 8 tân linh mục

Sáng ngày 19-10-2016, tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự lễ truyền chức cho 8 thày phó tế trong giáo phận. Cùng đồng tế với Đức Hồng Y có Đức Cha Phụ tá Lorenso Chu Văn Minh và 150 linh mục trong và ngoài giáo phận Hà Nội. Hàng ngàn giáo dân đã đến tham dự thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, Đức Hồng Y đã mượn lời Đức Thánh Cha Phanxicô để nói với các tiến chức: “Các thày hãy mang lấy cái chết của Chúa Kitô vào trong bản thân các thày và sống với Đức Kitô trong đời sống mình. Nếu không có Thập giá, các thày sẽ không bao giờ trở thành môn đệ Chúa Kitô đích thực và Thập giá mà không có Chúa Kitô thì cũng không có ý nghĩa gì.

Sau phần chia sẻ lời Chúa, là nghi lễ truyền chức linh mục. Cha Toma Aquino Nguyễn Xuân Thủy đã trình lên Đức Hồng Y danh tính của các tiến chức. Đó là các thày Giuse Đỗ Văn Đức, Giuse Đào Trọng Thành, Vincente Phạm Văn Thắng, Gioan Nguyễn Văn Toàn, Đaminh Nguyễn Văn Tuân, Phêrô Tạ Văn Tuân và Giuse Nguyễn Văn Tuấn.

Đức Hồng Y đã lần lượt làm các thủ tục phỏng vấn tiến chức, các tiến chức đoan hứa. Cộng đoàn hát kinh cầu Các thánh trong khi các tiến chức nằm sấp trên gian thánh. Đức Hồng Y xức dầu thánh trên tay các tiến chức, trao chén và đĩa thánh cho các tiến chức. Đại diện gia đình các tiến chức trao áo lễ và các linh mục nghĩa phụ mặc áo lễ cho các tân linh mục trong tiếng vỗ tay hân hoan của cả cộng đoàn . Đức Hồng Y, Đức Cha Phụ tá rồi các linh mục đồng tế lần lượt đặt tay và ôm hôn bình an cho các tân linh mục. Kết thúc thánh lễ, Đức Hồng Y đã chụp ảnh kỷ niệm với các tân chức tại hang đá Đức Mẹ (ảnh).

Trong 8 tân linh mục lần này, vị cao tuổi nhất là 41 tuổi, thấp nhất là 32. Với 8 tân linh mục này, số linh mục đoàn của giáo phận Hà Nội vừa tròn 140 vị. Ngày 20-10-2016, các tân linh mục đều dâng lễ Tạ ơn tại quê hương.

Triết Giang

 
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Năm Thánh
Toma Trương Văn Ân
09:50 23/10/2016
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Năm Thánh Lòng Thương Xót 23. 10. 2016

Đầu giờ chiều Chúa Nhật 23 / 10 / 2016 – Lễ Khánh nhật Truyền giáo, Cộng đoàn giáo xứ Nhượng Nghĩa hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót, hành hương về nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng.

Xem Hình

Hơn 400 Tín hữu Nhượng Nghĩa hành hương, bước qua Cửa Thánh để nhận Ơn Toàn xá.

Cửa Thánh tượng trưng cho Chúa Kitô đầy lòng thương xót, như ngài phán: “Ta là Cửa” (Ga 10:9). Khi bước qua Cửa Thánh, với lòng ăn năn sám hối chúng ta trở về với Chúa và đi vào trong Chúa Kitô để đến cùng Thiên Chúa Cha.

Đức Phanxicô đã dạy như sau trong Tông chiếu về Năm Thánh Lòng Thương Xót:

“Cửa Thánh này sẽ trở thành Cửa Thương Xót mà bất cứ ai bước vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ, và khơi lên niềm hy vọng (số 3).

“Bởi bước qua ngưỡng Cửa Thánh, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Chúa và dấn thân trở nên xót thương với người khác như Chúa Cha đã thương xót chúng ta” (số 14).

Mỗi hội đoàn, đoàn thể, trong màu cờ sắc áo của mình, như một phần nói lên sự nề nếp… trong các sinh hoạt mục vụ tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa.

Khởi đầu cho Ngày hành hương, Cha Phanxicô Salêsio Lê Văn La Vinh ( OP) huấn từ, giúp tỉnh tâm cho Cộng đoàn lúc 14 giờ. Cha giải thích Năm Thánh qua từng thời kỳ, Ngài xoáy vào nội dung Tông Huấn Lòng Thương Xót của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “ Chúng ta lãnh nhận lòng thương xót Chúa thì có đủ sức mạnh để thực thi lòng thương xót Chúa cho người khác. Việc thực thi lòng thương xót là hoa trái của niềm vui khi lãnh nhận lòng xót Chúa như khẩu hiệu của Năm Thánh: “Thương Xót Như Chúa Cha.”

Mối phúc của Chúa Giêsu: “Phúc cho những ai thương xót người, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5: 7) là kim chỉ nam của suốt Năm Thánh.

Và mỗi người phải thực thi 14 mối thương người, trong kinh “ Thương người có 14 mối”, suốt cả cuộc đời, khi có cơ hội, như là phương tiện và mục tiêu để Truyền giáo.

Sau 30 phút được tỉnh huấn, Cộng đoàn xếp thành đoàn rước với Thánh Giá đi đầu, dẫn cộng đoàn bước qua Cửa Thánh. Cha Phao lô Maria Trần Quốc Việt-Tổng Đại diện * đã chờ sẵn tại Cửa Thánh để đón cộng đoàn hành hương, dẫn tiến lên Cung Thánh, và Cha Phê-rô Lê Hưng – Quản xứ Nhượng Nghĩa, đã Chủ sự Thánh Lễ Hành hương Năm Thánh.

Hôm Nay, Giáo Hội cầu nguyện cho công việc Truyền giáo.

trong phần chia sẻ, Cha Chủ tế đã nhắc nhở mổi người, khi nhận Bí tích rửa tội, chúng ta trở nên Ngôn sứ, Tư tế và Tiên tri. Mỗi người nhận được lệnh truyền Truyền Giáo cho anh chị em nơi mình đang sống và làm việc, đem Chúa đến cho anh chị em bằng chính đời sống bác ái, chứng nhân của Lòng Thương xót Chúa bàng cách thương xót anh chị em xung quanh, nhất là những người bất hạnh.

Cha đã mời gọi mỗi người cầu nguyện, chia sẻ một cách thiết thực cho anh chị em nạn nhân lũ lụt tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, hồi giữa tháng 10 vừa qua, và những nạn nhân của thảm họa môi trường formosa.

Cuối Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện đã tặng Logo Năm Thánh Lòng Thương Xót cho Cha Quản xứ. tiếp đó, ông Phê-rô Võ Thái Hoàng – Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ Nhương Nghĩa, cám ơn Cha Tổng, cũng là Cha Quản xứ Chính Tòa, các Ban ngành đoàn thể và cách riêng Giới trẻ Giáo xứ Chính Tòa, đã hy sinh giúp đỡ đoàn hành hương rất nhiều. Vị Đại diện Giáo xứ Chính Tòa đã tặng quà cho Giáo xứ Nhượng Nghĩa, trong tình thân anh em một nhà.

Sau Thánh lễ, đoàn hành hương Giáo xứ Nhượng nghĩa đã chụp hình lưu niệm với Cha Tổng Đại diện tại tiền đường nhà thờ Chính Tòa. Các hội đoàn và cá nhân cũng tranh thủ lấy và tấm hình lưu niệm, ghi dấu ấn Lòng Thương Xót Chúa, cho anh chị em được gặp nhau tronng tình thương mến nhau và tình Chúa Yêu thương.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con “ đón nhận lòng thương xót của Chúa và dấn thân trở nên xót thương với người khác như Chúa Cha đã thương xót chúng con ” (số 14).

Toma Trương Văn Ân

• * Thông thường: Đức Giám Mục giáo phận đón đoàn hành hương tại Cửa Thánh, nhưng hôm nay Ngài đi vắng. Vì vậy, Cha Tổng Đại diện đã đón đoàn hành hương.
 
Đại hội Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp lần thứ 39
Phạm Bá Nha
17:54 23/10/2016
XXXIX, từ 10 đến 14.10.2016 tại Trung tâm Thánh Mẫu Notre-Dame de Laghet. Giáo phận Nice, Pháp

Mỗi năm các tuyên úy phụ trách mục vu cho người Công Giáo VN tại Pháp họp, để nhìn lại và định hướng cho công việc tông đồ. Nơi họp và chủ đề thay đổi, được chọn từ đại hội trước.

Năm nay chọn Trung tâm Thánh Mẫu Notre-Dame de Laghet, 06340 La Trinité, giáo phận Nice, Pháp. Với chủ đề: Mục vụ gia đình Công Giáo VN tại Pháp theo tinh thần Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình. Số tuyên úy đến đại hội là 24: 3 nữ tu, 2 phó tế và 19 linh mục. Đa số trẻ tuổi.

Về tổ chức do Cha đại diện tuyên úy đoàn, cha Gilbert Nguyễn Kim Sang phối hợp với Cha Tuyên Úy Nice là cha Paul Marie Phạm Hoàng Trí Dũng.

Ngoài phần thiêng liêng, Thánh lễ, giờ kinh phụng vụ, đại hội gồm 3 ngày:

Ngày 11.10.2016: Thảo luận và trao đổi về Tông Huấn ‘‘Amoris Laetitia’’ (ban hành 19.3.2016. ‘‘Niềm hoan lạc của tình yêu’’).

Sáng. Cha Pierre Nguyễn Duy Phương, tuyên úy Bordeaux, tóm lược 9 chương của tông huấn.

1. Đời sống hôn nhân dưới ánh sáng Lời Chúa (số 8-30)

2. Thực tại và thách đố của các gia đình (số 31-57)

3. Ơn gọi gia đình. Căn tính Chúa Kitô (số 58-88)

4. Kinh nghiệm tình yêu hôn nhân (số 89-164)

5. Mời gọi của tình yêu (số 165-198)

6. Nhìn lại viễn tượng mục vụ (số 199-258)

7. Củng cố gia đình. Giáo dục con cái (số 259-290)

8. Đồng hành, hợp nhất, sự yếu đuối (số 291-312)

9. Linh đạo hôn nhân và gia đình (số 313-325)Ì

Chiều. Cha Dominique Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày: Tìm hiểu và áp dụng tông huấn Amoris Laetitia trong mục vụ.

A. Cấu trúc Tông Huấn dựa theo:

- Xem: Thực trạng hôn nhân (chương 2)

- Xét: Đạo lý, tình yêu và sinh sản (ch. 3, 4 và 5)

- Làm: Mục vụ (ch. 6). Chuẩn bị, khó khăn, giáo dục (ch 7).

Các trường hợp rối (ch. 8). Linh đạo (ch. 9)

B. Áp dụng mục vụ qua 4 việc:

1. Chuẩn bị cử hành hôn nhân

2. Đồng hành những năm đầu hôn nhân. Đương đầu với những khủng khoảng.

3. Đồng hành với gia đình gặp khó khăn

Ngày 12.10.2016: Đón tiếp Đức Cha André Marceau, giám mục Nice. Thày Sáu Philippe Collet, phụ trách mục vụ ngoại kiều. Cha Carlos Caetano, giám đốc toàn quốc mục vụ ngoại kiều (từ Paris đến)

Sáng: Thày Sáu Philippe Collet trình bày: Vắn tắt, lịch sử MVNK trong giáo phận. Áp dụng tinh thần theo Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và dựa vào Lòng Thương xót Chúa. Vượt qua khó khăn để thực hiện tình người với nhau.

Đức Cha nói thêm: Có liên lạc với Giáo Hội VN. MVNK là vấn đề quan trọng cho giáo phận.

Trưa: Đức Cha dâng lễ cùng đồng tế có các tuyên úy VN và hai cha người Pháp, hướng dẫn hành hương. Đông người tham dự thánh lễ: các soeurs Benedictine, đoàn hành hương, giáo dân và ít gia đình VN. Đức Cha và Thày Sáu dùng cơm chung với các tuyên úy.

Chiều: Cha Carlos Caetano, giám đốc toàn quốc mục vụ ngoại kiều trình bày: Giáo Hội Pháp cũng đi hướng chung của ĐGH Phanxicô là lo cho ngoại kiều. Ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa cần khắc phục để đi đến lợi ích chung.

Soeur chủ nhà hướng dẫn tham quan trung tâm. Sự tích Đức Mẹ Laghet có từ 1652, đã có ba người cầu xin: Người phong cùi (lépreux) được khỏi. Người bị bắt (captif) được thả. Người bị qủi ám (possédée) được lành. Nghe vậy, người ta ngày càng tuốn đến đông khấn xin và được ơn. Những bảng ghi ơn, hình vẽ khỏi bệnhẨ đóng kín đầy tường hành lang, nhà thờ. Có hai bảng ghi ơn của hai người tham chiến tại Indochine(1946), vẽ luôn cả bản đồ Indochine.

Thánh tượng được tôn kính tại đền thánh, từ 1792 cho tới nay là Đức Mẹ tay phải ẵm Chúa Con, tay trái cầm vương trượng, mặc cẩm bào. Năm 1900, Hai Mẹ Con đầu mới được đội triều thiên, mũ vua. Của gia đình Fighiera dâng tặng do điêu khắc Pierre Moise, người Paris thực hiện.

Nhà nguyện gọi là Èze mang tên linh mục Èze xây cất, 1796. Trung tâm này trước kia là chủng viện. Đường đèo quanh co, xa thị trấn cả một giờ lái xe.

Giếng nước tự nhiên còn vòi chảy dưới chân tượng Đức Mẹ bồng Con trước ngực, cuối sân trước của nhà thờ. (viết theo tài liệu phổ biến của Sanctuaire de Laghet)

Ngày 13.10.2016: Tình hình tuyên úy đoàn

Sáng: Cha Đại diện cho biết, cha tân đại diện đã được các tuyên úy bầu, Còn chờ Đức Cha địa phận duyệt xét. Trong khi chờ đợi Cha Gilbert Sang làm việc cho năm nay.

Cha còn cho biết chính cha đi thăm một vài nơi chưa có tuyên úy. Hay tạm thời mời các cha sinh viên đến dâng lễ. Cha Vũ Minh Sinh báo cáo 17 em trẻ VN, cùng 4000 người trẻ giáo phận Paris dự JMJ tại Ba Lan, tốt đẹp

Cha Vũ Thái Hòa xin nghỉ tuyên úy Giới Trẻ. Đại hội nhất trí tín nhiệm Cha Gioan Vũ Minh Sinh (Paris) phụ trách Giới Trẻ. Đã được các cha cộng tác: cha Nguyễn Xuân Nghĩa, cha Nguyễn Hùng Quốc Bảo, cha Nguyễn Trí Dũng, Cha Ngô Minh Tâm và Nguyễn Hữu Tùng. Sau đó, rất mau, ban Giới Trẻ đã họp cho đại hội năm tới.

Cha Lâm Thái Sơn phụ trách Giới Trưởng Thành và cha Vũ Minh Sinh cùng thông báo Giới Trưởng Thành và Giới Trẻ tổ chức ngày gặp mặt chung vào lễ Chúa Lên Trời. 2017.

Năm 2018, kỷ niệm 30 năm Phong Thánh. Cộng đoàn Công Giáo VN sẽ tổ chức hành hương Lộ Đức, vào 2-6.8.2018. Cũng năm tới, Đại hội Tuyên Úy vào 9-13.10. 2017, tại Troyes với đề tài ‘‘Giới Trẻ và ơn gọi’’

Chiều: Vì trời xấu nên chương trình du ngoạn bãi bỏ

Tối: Chung vui mừng kỷ niệm 10 năm Linh mục của Cha Vũ Minh Sinh. 25 năm Linh mục của cha Vũ Thái Hòa, 30 năm Linh mục của cha Vũ Mộng Thơ. và 20 năm Linh mục và 40 năm khấn dòng của cha Nguyễn Kim Sang.
 
Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa Phan Thiết đón nhận niều vui ơn trở lại
Phêrô Nguyễn hữu Nguyên
18:19 23/10/2016
GIÁO XỨ MẸ Thiên Chúa ĐÓN NHẬN NIỀM VUI ƠN TRỞ LẠI TRONG NGÀY LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2016

Trong ngày lễ Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền giáo hôm nay, giáo xứ Mẹ Thiên Chúa đã đón nhận thêm 7 tân tòng gia nhập vào gia đình Giáo Hội.

Xem Hình

Sau một khoảng thời gian tìm hiểu và học giáo lý hôm nay các tân tòng đã chính thức được trở thành con cái Chúa qua bí tích rửa tội cùng với 9 em nhỏ trong giáo xứ. Trong số các tân tòng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đặc biệt có trường hợp của Gia đình anh chị Hảo – Hóa. Anh Hảo là người ngoại đạo cưới vợ Công Giáo, sau 27 năm chung sống với người vợ và 3 người con: 2 gái, 1 trai qua phép chuẩn thì nhờ sự tác động của những người Công Giáo xung quanh bằng cách nào đó đã đánh động anh. Và hôm nay, tình yêu của lòng Chúa thương xót đã thúc đẩy anh để anh tạo nên một bước nhảy đó là anh chính thức bước đi chung niềm tin với vợ và con cái mình.

Sự trở lại của anh đã nâng nghi thức phép chuẩn mà hai anh chị lãnh nhận trước đây lên thành bí tích hôn phối.

Và có trường hợp khác là gia đình anh Tâm và chị Phước, một gia đình Tin lành nhưng qua môi trường làm việc và qua sự tìm hiểu về đạo Công Giáo nên anh chị đã quyết định trở lại nguồn cội là gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo.

Niềm vui trở lại mà giáo xứ đón nhận hôm nay là một dấu hiệu đáng mừng cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội nhân ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho giáo xứ Mẹ Thiên Chúa trong lòng giáo phận Phan Thiết nói riêng và Giáo Hội Công Giáo nói chung ngày càng có nhiều ơn trở lại và đồng thời được trở thành những tông đồ đích thực đem niềm vui Tin Mừng đến cho nhiều người hơn.
 
Hội Truyền Thống Phát Diệm tổ chức mừng lễ Quan Thầy Đức Mẹ Mân Côi tại Trung tâm Công giáo Orange
Đồng Nhân
20:36 23/10/2016
TRUNG TÂM CGVN ORANGE - Qúi cụ ông cụ bà, anh chị em giáo dân gốc Phát Diệm cư ngụ tại GP Orange hôm nay ngày 23/10/2016 vào lúc 1:00 giờ trưa đã tụ họp về Trung tâm Công Giáo Việt Nam ở Orange để tham dự thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi, quan thầy giáo phận Phát Diệm. Cha Trần Công Nghị chủ tế thánh lễ cha Trần Văn Kiểm giảng trong thánh lễ.

Trong bài giảng cha Giám đốc Trung tâm Trần văn Kiểm đã nói tới lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi của giáo dân Phát Diệm, đặc biệt ngài kể về kinh nghiệm chuyến chăm viếng Phát Diệm mấy năm trước đây với nhiều thích thú và bất ngờ. Những khám phá và kinh nghiệm về giáo phận gốc của ngài đã làm cho nhiều cụ ông cụ bà sinh ra tại giáo phận Phát Diệm ôn lại những kỷ niệm xưa và thật bất ngờ khi Cha Giám đốc lại có sự am hiểu tường tận về giáo phận gốc như vậy. Ngài nhắc tới nhiều địa danh và những câu truyện văn hóa lịch sử liên quan tới nhữn gnơi ngài đã đi thăm viếng.

Ngài đặc biệt nói lên những con số thống kê hầu nhiều người có dịp am tường hơn về giáo phận gốc gác của mình. Ngài nói: "Giáo phận Phát Diệm là giáo phận đầu tiên ở Việt Nam được ủy thác cho hàng giáo sĩ Việt Nam cai quản thay cho các giáo sĩ truyền giáo ngoại quốc, vì thế mà nơi đây được ví như "kinh đô của Công Giáo" ở Việt Nam.

Địa giới giáo phận Phát Diệm rộng 1.787 km². Năm 2004,, giáo phận Phát Diệm có khoảng 144.721 giáo dân (15,9% dân số), 31 linh mục (năm nay, năm 2016, con số linh mục là khoảng 90 vị), và 76 giáo xứ. Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, tức là nhà thờ đá Phát Diệm, ở thị trấn Phát diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là nhà thờ chính tòa của giáo phận.

Mặc dù giáo phận Phát Diệm nằm trên diện tích rộng 1.787 km², bao gồm toàn bộ tỉnh Ninh Bình và vùng phía nam tỉnh Hòa Bình, nhưng mật độ giáo dân lại tập trung nhiều ở huyện Kim Sơn với 80.000 giáo dân và 32 giáo xứ, chiếm 55% tổng số giáo dân của giáo phận mặc dù diện tích chỉ chiếm 11,6% tổng diện tích giáo phận."

Với những thống kê tường tận như vậy, anh chị em giáo dân gốc Phát Diệm có dịp nhớ đến tổ tiên và nhớ lại biết bao công lao khó nhọc của tiền nhân đã dựng lên cơ nghiệp sáng chói đạo cũng như đời cho một vùng đất mà trước đây là đất bồi và là vùng nước thấp. Nhờ hy sinh nhẫn nại là sức cần cù mà người dân nơi đây đã khai phá và để lại những dấu ấn không phai mờ.

Cha Kiểm cũng nhắc nhớ rằng hiện nay trong Địa phận Orange có sinh quán hoặc nguyên quán Phát Diệm gồm có các Cha: Nguyễn Văn Chuẩn, NguyễnVăn Tuyên, Trần Văn Kiểm, Phạm Quốc Tuấn, Phan Ngọc Hùng, Nguyễn Toàn Nicolas (Thứ ký GM Kevin Vann), và Cha Trần Công Nghị.

Hy vọng trong tương lại qúi Cha gốc Phát Diệm sẽ bỏ công sức giúp anh chị em Hội Truyền thống Phát Diệm hơn nữa, dù các vị rất bận rộn.

Sau thánh lễ Cha Trần Công Nghị mời tất cả ra trước nhà thờ chụp tấm hình lưu niệm.

Mọi người cùng tham dự một bữa cơm thanh đạm do Hội Truyền Thống khoản đãi. Trong bửa ăn, ông Hội trưởng Kim Long cũng thông báo một số tin tức. Nhân dịp này Cha Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic cũng phát thiệp mời các hội viên Truyền thống Phát diệm tham dự lễ mừng 20 năm thành lập VietCatholic sẽ được tổ chức vào ngày 25/11/2016 sắp đến.
 
Caritas Phan Thiết Họp Mặt Các Thành Viên Nhóm Tín Dụng – Tiết Kiệm Và Tương Trợ
Caritas Phan Thiết
21:23 23/10/2016
Caritas Phan Thiết Họp Mặt Các Thành Viên Nhóm Tín Dụng – Tiết Kiệm Và Tương Trợ

Với mục đích nhằm củng cố, xây dựng và phát triển tinh thần cũng như nhận thức của các thành viên tham gia chương trình Tín dụng – Tiết kiệm và Tương trợ (TDTKTT), Chúa Nhật 23/1/02016, Caritas giáo phận Phan Thiết đã tổ chức ngày họp mặt tập huấn tại nhà thờ Rạng - Giáo hạt Phan Thiết - cho gần 200 trên tổng số 358 thành viên nhóm trong một số giáo họ biệt lập, giáo xứ vùng sâu, vùng xa thuộc giáo phận về tham dự.

Xem Hình

Nhóm TDTKTT của Caritas Phan Thiết là hình thức vay mượn dựa vào sự tin tưởng chứ không cần tài sản thế chấp. Nhóm quy tụ những người có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo tự nguyện tham gia thực hiện việc tín dụng – tiết kiệm và tương trợ để giúp nhau thăng tiến về kinh tế, văn hoá, xã hội và tôn giáo. Mỗi nhóm có nhiều tổ, mỗi tổ có một người trưởng, một phó, một thủ quỹ, một thư ký dưới sự điều hành hướng dẫn của Ban Caritas giáo phận. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Caritas, mỗi thành viên được vay khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này không lớn lắm, nhưng mang lại ý nghĩa lớn cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa nâng cao đời sống kinh tế gia đình, cùng ý thức tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt và sản xuất.

Sau gần sáu năm hình thành và phát triển, đây là lần họp mặt đầu tiên của tất cả các thành viên của 13 nhóm TDTKTT trong giáo phận. Chương trình ngày tập huấn được khởi động lúc 8 giờ sáng với ít phút sinh hoạt đầu giờ. Ngay sau đó là giờ nói chuyện chuyên đề do sơ Maria Ngô Thị Vân trình bày sơ lược về những khái niệm, mục đích, ý nghĩa, lợi ích, cách thức xây dựng tinh thần tương trợ và phát tiển nhóm. Sơ đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần tin tưởng, yêu thương nhau khi tham gia sinh hoạt nhóm.

Đến với buổi họp mặt sáng nay, Cha Giám đốc Caritas Phan Thiết - Phêrô Nguyễn Đình Sáng - cũng có ít phút gặp mặt chia sẻ với hội viên về cách thức tạo bầu khí yêu thương hạnh phúc trong gia đình, để rồi lan toả tình yêu ấy trong các tổ các nhóm tín dụng. Cụ thể Cha đã mượn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở trong Số 133 của Tông huấn Đời sống Gia đình đó là luôn nói và làm ba điều: “Làm ơn, cám ơn, xin lỗi” trong gia đình. Ví dụ: “Vợ nói với chồng: “Anh làm ơn dắt dùm em cái xe ra...”, rồi khi có xung khắc xảy ra chồng có thể nói với vợ “xin lỗi em”, ba mẹ nói với con cái “cám ơn con”… Từ đó, mỗi người có thể mở rộng những điều tốt này ra khỏi phạm vi gia đình để đến với những người mà mình gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Cụ thể là trong tương quan giữa các thành viên trong nhóm để sống đoàn kết, tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau…

Khoảng 10 giờ, cộng đoàn hiện diện sốt sắng tham dự Thánh Lễ do cha Giám Đốc chủ sự. Ý lễ hôm nay bên cạnh với ý mẹ Giáo Hội hoàn vũ cầu nguyện cho việc Truyền Giáo, cộng đoàn còn hướng về cầu nguyện cho tất cả các thành viên trong nhóm và gia đình được bình an hạnh phúc.

Thánh lễ kết thúc, mọi người tập trung chia tổ sinh hoạt và chụp hình lưu niệm cùng với Cha Giám Đốc và Cha xứ Rạng. Liền ngay sau đó là giờ thi đua chấm giải cho các món ẩm thực mà các nhóm tham dự đã chuẩn bị. Đó cũng chính là thực đơn chính cho bữa ăn tự phục vụ của tất cả các thành viên về tham dự.

Khi ăn uống đã no nê, mọi người nghỉ ngơi tâm sự đôi chút rồi bước sang giờ sinh hoạt chiều do các sơ học viện Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết tổ chức. Có thể nói đây là lần đầu tiên các mẹ, các chị em được đi ra khỏi làng thôn của mình để tham gia nhiệt tình trong những trò chơi vui nhộn như rồng nhả nước, ăn bánh tráng, chuyền chanh, tìm ngọc, tiếp sức vượt chướng ngại vật, đập bong bóng… Những trận cười thả ga, những tiếng hò reo, cổ vũ của mọi người vang dội cả một góc trời rợp bóng dừa phía sân sau nhà thờ Rạng. Bà Nhơn năm nay đã 78 tuổi – một thành viên của nhóm thuộc xứ Phú Lâm - đến tham dự ngày họp mặt tâm sự: “Già rồi, gối mỏi chân run, huyết áp cao không còn vận động được như lớp trẻ nữa, nhưng thấy chị em trẻ chạy nhảy, reo hò bà cũng thấy vui lây…”

Cuối giờ sinh hoạt, đại diện các tổ nhận phần thưởng thi đua trong ngày họp mặt và mỗi thành viên được nhận một phần quà nhỏ từ Caritas giáo phận chia sẻ để đem về cho con cháu trong gia đình. Cuộc vui chơi dừng lại lúc 15 giờ 30 chiều cũng là lúc mọi người chia tay nhau ra về kết thúc ngày họp mặt thân tình giữa các thành viên nhóm TDTKTT Giáo phận Phan Thiết.

BTT. CARITAS PHAN THIẾT
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Linh mục Việt Nam miền Đông Nam Hoa Kỳ tĩnh tâm
Lm Martino Nguyễn Bá Thông
09:32 23/10/2016
31 linh mục Việt Nam trong miền Đông Nam Hoa Kỳ đã tụ họp tại Bethany Retreat Center của Giáo Phận Tampa, FL từ ngày 17 đến 21 tháng 1 để tĩnh tâm hàng năm. Cuộc tĩnh tâm năm có Đức Cha Phêro Nguyễn Văn Khảm (Giám Mục Mỹ Tho và là Tổng Thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam) nhận lời giảng thuyết cho anh em linh mục với chủ đề "Linh Mục cảm nhận lòng Thương xót của Chúa!"

Một câu chuyện nhỏ sau Thánh Lễ trua ngày tĩnh tâm đầu tiên nói lên được tâm tình: Một cha tham dự - sau thánh lễ trưa nay! "Chào Đức Cha sau cơm trưa con về!" "Giáo xứ có chuyện gì hả cha?" Đức Cha hỏi lại! "Dạ không!" Cha trả lời "nghe hai bài giảng sáng nay và trong thánh lễ của ĐC đủ rồi! Hai bài của Đức Cha hay quá nên đã đủ "vốn!" - nên con xin về!!!!

Mỗi tối sau giờ kinh đêm và kính Lòng Thương Xót hay Hoà Giải hay Chầu hay lần hạt Mân Côi chúng tôi chúng tôi lại thêm giờ "chia sẽ mục vụ!" Ba linh mục mới về nhận xứ Việt Nam là cha Việt (saint Pêtrburg, FL) cha Thưởng (Tampa, FL) và cha Hoàn (Knoxville, TN) là "hỏi và ghi chép" nhiều nhất về các mục vụ cho người Việt Nam - cách gây quỹ - tổ chức Hội Chợ - Thánh Ca Giáng Sinh làm sao cho hay - cho tốt cho đúng luật của Địa Phận và của tiểu bang - và được hai cha "trưởng lão" là cha Tuấn (Atlanta, GA) và cha Châu (Orlando, FL) tận tình hướng dẫn!

Riêng chiều thứ năm - giáo xứ nơi cha Việt phục vụ mời Đức Cha và các cha về thăm giáo xứ - dâng lễ cầu nguyện và nhất là cho cha tân Chính Xứ! Và sau đó cùng nhau "tạ ơn Chúa cho của ăn phần xác!"

Cha Bình, SVD - Tổng tuyên Uý Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ - chia sẻ về ao ước có được ngôi nhà cho TNTT tại Hoa Kỳ - các khó khăn trong khi gây quỹ!! Tất cả các cha đều nói "một viên gạch 25 usd - giáo xứ chúng con sẽ kêu gọi - ít nhất mỗi xứ vài trăm viên!!!!! Các cha còn thắc mắc "sao không thấy các trưởng nói gì?" Giúp đâu còn được - huống chi giúp cho con cái mình ngay tại Hoa Kỳ này!!! Các trưởng thấy chưa?? Đừng ngại - các lm xứ luôn quan tâm đến đoàn tntt vì đó chính là tương lai - là sự quyết định cho sự tồn tại của các Giáo Xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ!!

Cám ơn Đức Cha - cám ơn nhau - và nhất là cám ơn tất cả anh chị em giáo dân đã và đang cầu nguyện và giúp đỡ Linh Mục chung tôi!

Cũng xin nhắc lại là các Linh Mục Việt Nam Miền Đông Nam Hoa Kỳ cứ mỗi hai năm tổ chức tĩnh tâm cho anh em Linh mục Việt một lần! Dự tính năm 2018 sẽ về New Orleans vì cha Nghiêm - chính xứ Nữ Vương Việt Nam bảo "anh em về đây đi - mình lo cho!"
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bản văn các lời cầu nguyện chung giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Luthêrô tại Lund
Vũ Văn An
17:28 23/10/2016
Muốn hiểu cho đúng bối cảnh buổi cầu nguyện đại kết giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và Giáo Hội Luthêrô, Đức Giám Mục Younan, ta cần đọc chính bản văn Lời Cầu Nguyện Chung, vốn là kết quả của nhiều cuộc đối thoại giữa hai Giáo Hội, ít ra cũng từ năm 2013, khi hai Giáo Hội công bố văn kiện “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông” nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách do Martin Luther chủ xướng.

Đầu tháng Giêng năm nay, tại Vatican, Tổng Thư Ký Liên Minh Luthêrô Thế Giới, Tiến Sĩ Martin Junge, và Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, đã chính thức công bố Bản Văn này và khuyến khích hai Giáo Hội sử dụng Bản Văn này trong các buổi cầu nguyện đại kết.

Lời giới thiệu của bản văn này cho rằng “Nó cung cấp một cơ hội để nhìn lui mà tạ ơn cùng xưng thú và nhìn tới mà dấn thân làm chứng chung và tiếp tục hành trình với nhau”. Bởi thế, bản văn được xây dựng quanh chủ đề: tạ ơn, thống hối và dấn thân làm chứng chung
.

Mở đầu



Bài hát mở đầu

Chủ tế I:

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.

Amen.

Chúa ở cùng anh chị em!

Và ở cùng ngài!

Lạy Chúa, xin hãy mở môi con

Và miệng con sẽ cao rao lời ngợi khen Chúa.

Sáng danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần;

Như đã có trước vô cùng, bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen.

Chủ tế I:

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô! Xin chào mừng anh chị em tới tham dự buổi cầu nguyện đại kết này, nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách. Trong hơn 50 năm qua, người Luthêrô và người Công Giáo đã cùng trên đường hành trình từ tranh chấp tới hiệp thông.

Với niềm hân hoan, chúng ta đã tiến tới chỗ nhìn nhận rằng điều hợp nhất chúng ta lớn hơn điều chia rẽ chúng ta rất nhiều. Trong cuộc hành trình này, sự hiểu biết và tín thác lẫn nhau đã lớn mạnh.

Chủ tế II:

Bởi thế, chúng ta đã có thể tụ họp nhau hôm nay. Chúng ta tới đây với những ý nghĩ khác nhau và các cảm xúc tạ ơn và than thở, vui mừng và thống hối, vui mừng trong Tin Mừng và buồn sầu vì chia rẽ. Chúng ta tụ họp để kỷ niệm trong tưởng nhớ, trong tạ ơn và xưng thú, và trong việc làm chứng và dấn thân chung.

Người đọc I

Trong văn kiện Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông, chúng ta đọc thấy: “Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô. Như chỉ có một Chúa Kitô thế nào, thì Người cũng chỉ có một thân thể như thế mà thôi. Nhờ phép rửa, con người trở thành các chi thể của thân thể này” (số 219).

“Vì người Công Giáo và người Luthêrô liên kết với nhau trong thân thể Chúa Kitô như các chi thể của thân thể này, nên về họ, đúng như Thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 12:26: ‘nếu một chi thể đau, mọi chi thể đều cùng đau; nếu một chi thể được tôn vinh, mọi chi thể đều cùng hân hoan’. Điều tác động lên một chi thể của thân thể cũng tác động lên mọi chi thể. Vì lý do này, khi các Kitô hữu Luthêrô tưởng nhớ các biến cố dẫn tới việc tạo nên các Giáo Hội đặc thù của họ, họ không muốn làm thế nếu không có các đồng Kitô hữu Công Giáo của họ. Bằng cách cùng tưởng nhớ với nhau việc khởi đầu của phong trào Cải Cách, họ đang coi trọng phép rửa của họ” (số 221).

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa của Giáo Hội, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa xuống! Xin Chúa soi sáng tâm hồn chúng con và hàn gắn ký ức chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần: xin giúp chúng con biết hân hoan trước các hồng phúc đã đến với Giáo Hội qua Phong Trào Cải Cách, xin chuẩn bị để chúng con biết thống hối vì các bức tường chia rẽ mà chúng con, và cha ông chúng con, đã xây nên, và xin trang bị để chúng con cùng nhau làm chứng tá và phục vụ trong thế giới.

Amen.

Bài hát khẩn cầu Chúa Thánh Thần

Tạ ơn



Người đọc I:

Trích văn kiện Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông: “Người Luthêrô tạ ơn trong lòng vì những gì Luther và các nhà cải cách khác đã đem đến cho họ: sự thông hiểu tin mừng của Chúa Kitô và đức tin vào Người; sự thông biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã tự hiến cho con người nhân trần chúng ta hoàn toàn vì ơn thánh và là Đấng chỉ có thể được tiếp nhận nếu biết tín thác hoàn toàn vào lời hứa hẹn của Người; sự tự do và tin chắc rằng tin mừng có tính sáng tạo; sự tín thác hoàn toàn vào tình yêu phát xuất từ và được đánh động bởi đức tin, và vào niềm hy vọng vào sự sống và sự chết mà đức tin vốn đem theo; và vào việc tiếp xúc sống động với Sách Thánh, các sách giáo lý, và thánh ca nhằm đem đức tin vào cuộc sống” (số 225), vào chức linh mục của mọi tín hữu đã chịu phép rửa và ơn gọi phụng sự sứ mệnh chung của Giáo Hội”.

“Người Luthêrô… hiểu rõ ràng rằng điều họ đang tạ ơn Thiên Chúa không phải là một hồng phúc họ chỉ giành lấy cho riêng mình. Họ muốn chia sẻ hồng phúc này với mọi Kitô hữu khác” (số 226).

Người đọc II:

“Người Công Giáo và người Luthêrô có rất nhiều đức tin chung với nhau đến nỗi họ có thể… cùng nhau tạ ơn” (số 226).

Được khuyến khích bởi Công Đồng Vatican Hai, người Công Giáo ‘vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người - có khi phải đổ máu mới nói lên được - quả là điều chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu (Unitatis Redintegratio, Chương 1).

Trong tinh thần này, người Công Giáo và người Luthêrô ôm nhau như anh chị em trong Chúa. Họ cùng nhau hân hoan trong các hồng phúc thực sự Kitô Giáo mà họ đều đã nhận lãnh và tái khám phá ra nhiều cách qua việc canh tân và thúc đẩy của Phong Trào Cải cách. Những hồng phúc này là lý do để tạ ơn.

“Hành trình đại kết giúp người Luthêrô và người Công Giáo biết cùng nhau đánh giá sự thông biết và trải nghiệm thiêng liêng của Martin Luther về tin mừng công chính của Thiên Chúa, vốn cũng là lòng thương xót của Người” (số 244).



Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Chúng con cảm tạ Chúa, Lạy Thiên Chúa, vì nhiều tầm nhìn thông sáng có tính hướng dẫn về thần học và tâm linh mà tất cả chúng con đã nhận lãnh qua Phong Trào Cải Cách. Chúng con cảm tạ Chúa vì các biến đổi và cải cách tốt lành đã được Phong Trào Cải Cách khởi động hay nhờ cuộc tranh đấu với các thách thức của Phong Trào này. Chúng con cảm tạ Chúa vì cuộc công bố tin mừng đã diễn ra trong thời Cải Cách và từ đó đã củng cố vô số người sống cuộc sống đức tin trong Chúa Giêsu Kitô.

Amen.

Bài ca tạ ơn

Thống hối



Người đọc I:

“Việc kỷ niệm trong năm 2017 khiến nói lên niềm vui và biết ơn thế nào, nó cũng giúp cả người Luthêrô và người Công Giáo có cơ hội cảm nghiệm sự đau đớn vì các thất bại và sai phạm, vì các lỗi lầm và tội lỗi trong những con người và những biến cố được kỷ niệm như thế” (số 228).

“Trong thế kỷ 16, người Công Giáo và người Luthêrô không những hay hiểu lầm mà còn phóng đại và châm chọc các đối thủ của mình nhằm biến họ thành trò cười. Họ liên tiếp vi phạm điều răn thứ tám, là điều răn cấm làm chứng gian chống lại người lân cận của mình” (số 233).

Người đọc II:

Người Luthêrô và người Công Giáo thường chú mục vào những gì chia rẽ họ hơn là tìm kiếm những gì hợp nhất họ. Họ nhìn nhận rằng Tin Mừng có cả các quyền lợi chính trị và kinh tế của những người nắm quyền. Các thất bại của họ kết quả mang lại chết chóc cho hàng trăm ngàn con người. Các gia đình tan nát, người người bị bỏ tù và tra tấn, nhiều cuộc chiến tranh diễn ra và tôn giáo cũng như đức tin bị lạm dụng. Con người nhân bản chịu đau khổ và tính khả tín của Tin Mừng bị phá hoại với những hậu quả vẫn còn ảnh hưởng tới ta ngày nay. Chúng ta hối hận sâu xa vì các sự ác mà người Công Giáo và người Luthêrô đã gây ra cho nhau.

Chủ tế I:

Chúng ta hãy cầu nguyện!

[im lặng giây lát]

Chủ tế II:

Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, chúng con than van vì ngay các hành động cải cách và canh tân tốt lành thường lại có các hậu quả tiêu cực vô ý.

Xin Chúa thương xót chúng con!

Chủ tế I:

Chúng con đặt trước Chúa các gánh nặng tội lỗi của quá khứ khi cha ông chúng con không tuân theo Thánh Ý Chúa muốn chúng con nên một trong sự thật của Tin Mừng.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con!

Chủ tế II:

Chúng con xưng thú cung cách suy nghĩ và hành động của chính chúng con đã kéo dài mãi các chia rẽ của quá khứ. Như các cộng đồng và các cá nhân, chúng con đang xây quanh chúng con nhiều bức tường: bức tường tâm trí, bức tường tâm linh, bức tường thể lý, bức tường chính trị gây nên kỳ thị và bạo lực. Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con!

Thánh Vịnh 130

[Thánh vịnh này có thể hát theo thể thánh vịnh hay hai phe thay nhau đọc trọn từng câu].

Chủ tế I và II:

[Các lời sau có thể được chủ tế I và II thay phiên nhau đọc]

Chủ tế I:

Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Người là sự bình an của chúng ta, Đấng phá đổ mọi bức tường chia rẽ, Đấng, qua Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta các khởi đầu luôn luôn mới mẻ.

Trong Chúa Kitô, chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ và hòa giải và chúng ta được củng cố để cùng nhau làm chứng tá trung thành trong thời đại chúng ta.

Amen.

Dấu bình an

Chủ tế II

Hãy để bình an của Chúa Kitô thống trị trong tâm hồn anh chị em, vì là các chi thể của một thân thể duy nhất, chúng ta được kêu gọi tiến tới bình an.

Bình an của Chúa Kitô ở cùng anh chị em mãi mãi!

Và ở cùng ngài.

Chủ tế I

Chúng ta hãy tặng nhau dấu chỉ hoà giải và bình an

[mọi người chia sẻ bình an, trong khi bài “Ubi Caritas” hay 1 bài thánh ca khác được hát lên)

Tin mừng

Người đọc I:

Tiếp tục cuộc hành trình từ tranh chấp tới hiệp thông, ta hãy nghe Tin Mừng theo Thánh Gioan:



“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:1–5).

Tin Mừng của Chúa!

Tạ ơn Chúa!

Bài giảng chung

Chủ tế I:

Cùng nhau, chúng ta hãy tuyên xưng đức tin của chúng ta

Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ

Bài ca

Các cam kết: 5 mệnh lệnh



Chủ tế II:

Cuộc hành trình đại kết của chúng ta tiếp tục. Trong buổi thờ phượng này, chúng ta cam kết lớn lên trong hiệp thông. Năm mệnh lệnh trong Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông sẽ hướng dẫn chúng ta.

[Một cây nến lớn sẽ được đốt lên sau mỗi lời cam kết. Ánh sáng mỗi lần có thể lấy từ Nến Phục Sinh. Giới trẻ có thể được yêu cầu đọc 5 lời cam kết còn nến thì có thể được các trẻ em và gia đình thắp sáng. Đàn organ hay nhạc cụ khác có thể cử các bài như “In the Lord I’ll be ever thankful” (Taizé) hay một bài khác đệm cho việc thắp nến].

1. Cam kết thứ nhất: “Người Công Giáo và người Luthêrô sẽ luôn khởi đi từ viễn tượng hợp nhất chứ không khởi đi từ quan điểm chia rẽ, ngõ hầu củng cố những gì được giữ chung dù các khác biệt vẫn còn được thấy và được trải nghiệm dễ dàng” (số 239).

Đốt một cây nến

2. Cam kết thứ hai: “Người Luthêrô và người Công Giáo sẽ để mình liên tục được biến đổi bởi việc gặp gỡ người khác và bởi việc cùng nhau làm chứng cho đức tin” (số 240).

Đốt một cây nến

3. Cam kết thứ ba: “Người Công Giáo và người Luthêrô tái cam kết tìm kiếm sự hợp nhất hữu hình, cùng nhau khai triển xem điều này có nghĩa gì trong các biện pháp cụ thể và liên tục cố gắng đạt cho được mục tiêu này” (số 241).

Đốt một cây nến

4. Cam kết thứ tư: “Người Luthêrô và người Công Giáo sẽ cùng nhau tái khám phá sức mạnh của tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thời đại ngày nay” (số 242).

Đốt một cây nến

5. Cam kết thứ năm: “Người Công Giáo và người Luthêrô sẽ cùng nhau làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc công bố và phục vụ thế giới” (số 243).

Đốt một cây nến

Bài ca

Lời nguyện chuyển cầu

[Các người đọc lời nguyện chuyển cầu có thể khác với những người đọc trên đây].

Chủ tế I:

Dấn thân đại kết cho việc hợp nhất Giáo Hội không chỉ để phục vụ Giáo Hội mà cả thế giới nữa để thế giới có thể tin”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới, cho Giáo Hội và mọi người thiếu thốn…

1. Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, suốt trong lịch sử, lòng nhân hậu của Chúa luôn thắng thế, xin Chúa mở cửa tâm hồn mọi người để họ tìm thấy Chúa và lòng thương xót tồn tại muôn đời của Chúa.

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

2. Lạy Thiên Chúa của bình an, xin Chúa bẻ gẫy những gì cứng ngắc, những rào cản gây chia rẽ, những gắn bó phá hoại hoà giải. Xin Chúa đem bình an đến cho thế giới, nhất là tại [nước hoặc nơi nào đó]. Xin Chúa phục hồi sự toàn vẹn nơi chúng con và cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

3. Lạy Thiên Chúa của công lý, Đấng hàn gắn và cứu chuộc, xin Chúa cứu chữa người đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo khó và loại trừ. Xin Chúa đẩy mạnh công lý cho những người đang đau khổ dưới ách sự dữ. Xin Chúa ban đời sống mới cho mọi người và cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

4. Lạy Thiên Chúa, đá tảng và thành lũy, xin Chúa che chở người tỵ nạn, những ai không nhà cửa và an ninh, tất cả các trẻ em bị bỏ rơi. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết bênh vự nhân phẩm. Xin cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

5. Lạy Thiên Chúa tạo dựng, mọi sáng thế đang rên rỉ chờ mong, xin Chúa hoán cải chúng con, đừng bóc lột sáng thế nữa. Xin Chúa dạy chúng con sống hoà hợp với sáng thế của Chúa. Xin cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa !

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

6. Lạy Thiên Chúa của thương xót, xin Chúa tăng sức mạnh và che chở những người đang chịu bách hại vì đức tin vào Chúa và những người thuộc các tín ngưỡng khác cũng đang chịu bách hại. Xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm để tuyên xưng đức tin. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời.

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

7. Lạy Thiên Chúa của sự sống, xin Chúa hàn gắn các ký ức đau thương, biến đổi mọi tự mãn, dửng dưng và ngu dốt, xin Chúa đổ tràn tinh thần hòa giải. Xin Chúa hướng chúng con về Chúa và về nhau. Xin Cho chúng con thấy lòng thương xót của Chúa!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

8. Lạy Thiên Chúa của tình yêu, con Chúa là Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm tình yêu giữa chúng con, xin Chúa củng cố sự hợp nhất mà chỉ có Chúa mới nâng đỡ được, giữa sự đa dạng của chúng con. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

9. Lạy Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ chúng con, xin Chúa đem chúng con cùng đến bàn thánh thể của Chúa, xin Chúa nuôi dưỡng trong và giữa chúng con sự hiệp thông bắt nguồn từ tình yêu của Chúa. Lòng thương xót Chúa tồn tại muôn đời!

Xin Chúa nhận lời chúng con cầu xin!

Chủ tế II:

Lạy Thiên Chúa, tin tưởng rằng Chúa nghe lời chúng con cầu xin cho các nhu cầu của thế giới và sự hợp nhất mọi Kitô hữu trong việc làm chứng của họ, hãy để chúng con cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng con…

Lạy Cha chúng con…

Chủ tế I:

Vì tất cả những điều Thiên Chúa làm trong chúng ta, vì tất cả những điều Thiên Chúa làm ngoài chúng ta,

Tạ ơn Chúa!

Chủ tế II:

Vì tất cả những người Chúa Kitô đã sống trong họ trước chúng ta, vì tất cả những người Chúa Kitô đang sống trong họ bên cạnh chúng ta,

Tạ ơn Chúa!

Chủ tế I:

Vì tất cả những ai Chúa Thánh Thần muốn đem chúng ta tới, vì những nơi Chúa Thánh Thần muốn sai chúng ta tới,

Tạ ơn Chúa!

Cả hai chủ tế cùng chúc lành

Xin phúc lành của Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần, ở cùng anh chị em và ở trên đường anh chị em đi chung với nhau, bây giờ và mãi mãi

Amen.

Bài ca kết thúc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phố Phường Đón Halloween
Joseph Ngọc Phạm
20:46 23/10/2016
PHỐ PHƯỜNG ĐÓN HALLOWEEN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Ngày tháng mười, nắng mai lười chiếu sáng
Trời âm u, mây tím ngút ngàn xa
Và sắp sửa Halloween về đến
Thiên hạ đang rạo rực đón “Lễ Ma”
Trẻ con lại tưng bừng khoe áo mới
Người lớn thì kẹo bánh để phát quà
Nhớ ngày xưa, năm đầu trên nước Mỹ
Thật ngỡ ngàng với Lễ Hội lạ lùng…
(Trích thơ của Hoàng Oanh)