Ngày 21-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Kitô, Linh mục thượng phẩm
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:22 21/10/2024
CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
Gr 31,7-9; Hr 5,1-6; Mc 10,46-52

CHÚA KITÔ, LINH MỤC THƯỢNG PHẨM

Với Chúa Nhật XXX Thường Niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và Trung Gian của chúng ta. Với tư cách này, Chúa Kitô mở mắt cho chúng ta để nhìn thấy những việc kỳ diệu mà Người đã làm cho chúng ta trong cuộc sống.

1. Lời hứa và hiện thực

Trong bài đọc I Chúa Nhật này, tiên tri Giêrêmia loan báo về việc Thiên Chúa sẽ thực hiện những kỳ công để giải thoát và quy tụ dân Người. Đó là nền tảng của hy vọng cho sự giải phóng và tồn tại của dân riêng. Ở đây, chúng ta tìm thấy hình ảnh của sự phục hồi, đổi mới, và hòa bình. Tuy nhiên, ơn cứu độ và bình an đó chỉ đến từ một mình Thiên Chúa.

Ở bài đọc II, tác giả thư Hípri nói về chân dung và vai trò của linh mục. Trước hết, linh mục là người “được chọn trong số người phàm” (Hr 5,1). Vì thế, linh mục không phát xuất hoặc rơi xuống từ trời, nhưng là một con người, ngài có gia đình và lịch sử giống mọi người.
“Được chọn trong số phàm nhân” cũng có nghĩa là linh mục được tạo dựng giống như bao nhiêu con người khác: với những cảm xúc, khó khăn, những bất trắc và yếu đuối như mọi người khác có. Kinh Thánh nhìn thấy trong những yếu tố này như một lợi ích cho người khác, chứ không phải là nguyên cớ cho sự vấp ngã. Quả thật, theo cách thức này, linh mục sẽ sẵn sàng hơn để cảm thông với người khác, vì linh mục cũng có những yếu đuối. Linh mục xét như là một con người nên cũng có những nhu cầu nhân bản, nhu cầu này được sống với tinh thần Tin Mừng khác biệt với các nhà xã hội và chính trị.

Hơn thế, “được chọn trong số phàm nhân,” linh mục “được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.” Điều này có nghĩa là linh mục thay thế người khác và được cắt đặt để phục vụ họ. Phục vụ gắn liền với chiều kích sâu xa nhất của con người, là định mệnh vĩnh cửu. Thánh Phaolô tóm tắt sứ vụ linh mục trong câu này:
“Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,1).

Linh mục được cắt đặt để phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Nhờ linh mục, giáo xứ là điểm quy tụ mạnh nhất trong đời sống chúng ta.

Chúng ta vừa phác thảo cái nhìn tích cực về dung mạo của linh mục. Tuy nhiên, thực tế như chúng ta biết, không phải luôn như thế. Ngày hôm nay thỉnh thoảng chúng ta nghe những thông tin về những gương xấu xảy ra trong Giáo Hội liên quan đến các giáo sĩ, do sự yếu đuối và bất trung của họ, đó là trường hợp mà Giáo Hội không thể làm gì hơn ngoài việc xin tha thứ.

Nhưng có một sự thật mà chúng ta cần phải ghi nhớ về những phúc lành thiêng liêng cho con người qua các linh mục. Xét như một phàm nhân, linh mục có thể mắc sai lầm, nhưng những việc linh mục làm tại bàn thờ hoặc trong tòa giải tội mang lại những giá trị và hiệu quả lớn lao biết bao. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban ân sủng cho con người qua các linh mục, dầu họ có sự bất xứng. Chính Chúa Kitô rửa tội, cử hành, tha thứ, ban ơn qua các linh mục là phương tiện của Người.

Theo ý nghĩa đó, tôi thích nhắc lại những lời của một linh mục nhà quê nói ra trước khi chết, do nhà văn Georges Bernanos viết: “Tất cả đều là hồng ân! Cả sự khốn nạn say rượu xem ra đối với ngài cũng là một hồng ân, bởi vì nhờ đó mà ngài có lòng thương cảm hơn đối với người say rượu. Thiên Chúa không đòi hỏi những người đại diện của Người trên trái đất phải hoàn hảo tuyệt đối, nhưng Người muốn họ phải là người có lòng thương xót.”

2. Giêsu, mô mẫu của linh mục

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho người mù tên là Batimê, ở Giêricô. Batimê đã không bỏ lỡ cơ hội để xin ơn chữa lành. Anh nghe biết rằng Chúa Giêsu đi qua, anh nắm lấy cơ hội lớn lao cho đời anh ngay lập tức. Anh bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,48). Những người xung quanh phản ứng lại hành vi của anh, họ “quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng la lớn.” Điều này hiển nhiên minh chứng rằng ước vọng sống khỏe mạnh không phải luôn được chấp nhận: nỗi thống khổ đó luôn phải giấu kín, không dám nói ra, vì bị người ta lườm nguýt, nó quấy rầy những ai đang khỏe mạnh.

Hạn từ “mù lòa” cũng đã được thay đổi theo nhiều ý nghĩa tiêu cực cả thể lý và tinh thần. Ngày nay, người ta thường có khuynh hướng nói về sự mù lòa luân lý và tinh thần. Đó là sự thiếu hiểu biết, thiếu lòng thương xót và ở lì trong tội lỗi. Batimê không mù xét về phương diện này; anh chỉ bị khiếm thị về thể lý thôi. Cặp mắt tâm hồn anh còn tốt hơn cả những người ở xung quanh, bởi vì anh có một đức tin và niềm hy vọng rất mãnh liệt. Hơn nữa, cặp mắt đức tin này giúp anh thấy mọi sự diễn ra bên ngoài. Chúa Giêsu nói với anh ta: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Đức Giêsu xuất hiện với anh như là Đấng Cứu Độ và Người đã chữa lành anh khỏi sự mù lòa thể lý. Đó là một phép lạ của lòng tin.

3. Như anh mù Batimê

Người mù Batimê đại diện cho tình trạng con người luôn tìm kiếm sự chữa lành và ơn giải thoát khỏi yếu đuối, bệnh tật, nghèo nàn và tội lỗi. Sự mù lòa của chúng ta có lẽ không phải là mù lòa thể lý, nhưng có thể là mù lòa tinh thần. Đó là bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta đạt tới hoặc phát huy những năng lực trong đời sống mình. Để được chữa lành, trước hết, chúng ta phải khiêm tốn nhận biết rằng chúng hiện hữu. Thứ đến, chúng ta cần lưu ý rằng Batimê không phải được chữa lành rồi mới tin, nhưng vì anh đã tin nên mới được chữa lành. Anh khiêm nhường van xin Chúa giúp đỡ. Chúng ta hãy cầu nguyện. Vì “chỉ có bạn mỏi mệt cầu nguyện, còn Chúa không bao giờ mỏi mệt để lắng nghe bạn cầu nguyện.”

Vì thế, sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa Kitô là Linh Mục Thượng Phẩm và Trung Gian giữa chúng ta với Chúa Cha, Người luôn sẵn sàng lắng nghe, chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi bất cứ điều gì làm chúng ta mù lòa. Người muốn chúng ta nhìn thấy rõ ràng. Nhưng để thấy rõ ràng, cần có đức tin vào Chúa Kitô.

Tuy nhiên, cũng như Batimê, chúng ta phải khiêm tốn kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” Đừng vì lòng tự cao tự đại, đừng vì đám đông làm ngăn cản chúng ta đến với Chúa Kitô. Vì Thánh Vịnh có nói: “Người nghèo kêu xin, Chúa lắng nghe lời họ” (x. Tv 34,7).

Cuối cùng, nếu chúng ta kêu cầu Chúa Kitô với niềm tin tuyệt đối. Chắc chắn Người lắng nghe chúng ta: “Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13). Vì thế, hôm nay, với tất cả niềm hy vọng, chúng ta hãy hát lên: “Chúa đã làm cho chúng ta biết bao điều kỳ diệu, nên chúng ta mừng rỡ hân hoan.” Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ tuyên thánh cho 14 Chân Phước
J.B. Đặng Minh An dịch
04:07 21/10/2024
Lúc 10 giờ, sáng Chúa nhật, ngày 20 tháng Mười năm 2024, tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho 14 Chân Phước.

Tiểu sử các vị thánh mới

Đứng đầu danh sách là mười một vị tử đạo năm 1860 ở Damasco, thủ đô Syria, gồm tám tu sĩ Dòng Phanxicô, trong đó có sáu linh mục và hai tu huynh, cùng với ba anh em giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo Maronite: đó là cha Emanuele Ruiz López, người Tây Ban Nha. Tiếp đến là sáu vị Tây Ban Nha và một vị người Áo, là cha Engelbert Kolland.

Ba anh em giáo dân là ông Phanxicô Massabki, anh cả, cha của tám người con. Tiếp đến là Mooti, cha của 5 người con. Ông vẫn đến cầu nguyện và dự lễ hằng ngày ở nhà thờ thánh Phaolô ở Damasco và dạy giáo lý tại đó. Người trẻ nhất là Raphael.

Trong đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng Bảy năm 1970, tám tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân Công Giáo Maronite chạy vào một tu viện với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương.

Ba anh em Massabki cũng có mặt trong nhà thờ đêm hôm đó. Những kẻ tấn công nói với ông anh cả Phanxicô rằng ông sẽ thoát chết cùng với hai người em, nếu từ bỏ đức tin Kitô để theo Hồi giáo. Nhưng ông Phanxicô trả lời: “Chúng tôi là Kitô hữu và trong niềm tin nơi Chúa Kitô, chúng tôi sẵn sàng chết. Là tín hữu Kitô, chúng tôi không sợ những người giết thân xác chúng tôi, như Chúa Giêsu đã dạy”. Rồi ông nhìn hai em và khuyến khích họ hãy can đảm và kiên vững trong đức tin, vì triều thiên chiến thắng đã được chuẩn bị trên trời cho những người kiên trì đến cùng”. Rồi cả ba tuyên xưng đức tin với những lời này: “Chúng tôi là tín hữu Kitô và chúng tôi muốn sống và chết như Kitô hữu”.

Tám tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân đã bị sát hại tàn bạo: người thì bị chém đầu bằng gươm và rìu, người khác thì bị đâm hoặc bị đập chết.

Ba vị thánh hiển tu

Đứng đầu danh sách ba vị hiển tu là cha Giuseppe Allamano, người Ý, sáng lập Dòng Thừa sai Đức Mẹ an ủi, qua đời năm 1926, thọ 75 tuổi.

Cha Giuseppe Allamano là mẫu gương nổi bật cho các tín hữu, đặc biệt nhân Ngày Thế giới Truyền giáo và chính cha đã góp phần thành lập ngày này trong Giáo hội. Cha sinh tại làng Castelnuovo d’Asti năm 1851, bắc Ý, cùng quê hương với thánh Gioan Bosco. Cha gia nhập Chủng viện năm 15 tuổi và thụ phong linh mục năm 22 tuổi. Cha vẫn nuôi ước mộng được đi truyền giáo ở những nước xa xăm, nhưng sức khỏe yếu ớt không cho phép cha thực hiện. Cha Allamano được Đức Cha Lorenzo Gastaldi, Tổng giám mục Giáo phận Torino, bổ nhiệm làm phụ tá Giám đốc Đại chủng viện và sau đó làm linh hướng tại đây. Ngài làm việc rất chăm chỉ và cố gắng học thêm cho đến khi lấy Tiến sĩ Thần học tại Thần học viện Torino.

Đức Tổng Giám Mục bản quyền đề nghị cha Allamano đảm trách Đền thánh Đức Mẹ An Ủi ở thành phố Torino.

Là người nhiệt thành cầu nguyện, thông minh, hăng say hoạt động, cha Giuseppe Allamano đã tìm cách đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người thời đại của ngài. Cha đề ra nhiều sáng kiến giúp các tín hữu đào sâu lòng kính mến và hiểu biết về Đức Mẹ. Đền thánh Đức Mẹ An Ủi được cha trùng tu và trở thành trung tâm hành hương và đào luyện tinh thần cho các tín hữu. Ngôi nhà trọ gần đền thánh cũng được cha Allamano biến thành Học viện cho các chủng sinh và cha đảm nhận môn Thần học luân lý tại đây.

Khát vọng sâu xa của cha Allamano là mang Tin mừng đến cho những người chưa biết Chúa. Lời Chúa dạy “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin mừng cho mọi người” vẫn luôn thôi thúc cha tìm cách đáp lại. Vì vậy, cha nghĩ đến việc thành lập một hội dòng thừa sai đi truyền giáo ở nước ngoài.

Ngày 29 tháng Giêng năm 1901, Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi được chính thức thành lập. Bốn thừa sai đầu tiên, gồm hai linh mục và hai giáo dân được gửi tới làm việc truyền giáo tại Kenya, ngày 08 tháng Năm năm 1902. Tám năm sau đó, 1910, theo lời yêu cầu của thánh Piô X Giáo hoàng, cha Allamano thành lập thêm Dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ An ủi. Giáo huấn của cha Allamano xoay quanh nguyên tắc đơn sơ này: “Là người đầu tiên thực hiện... làm điều thiện một cách hoàn hảo... Nên thánh trước rồi trở thành nhà truyền giáo sau. Sự thánh thiện dựa trên lòng kính mến sâu xa đối với Bí tích Thánh Thể, và lòng kính mến vững chắc đối với Mẹ Thiên Chúa”.

Ngành nam của dòng hiện có hơn 910 tu sĩ hoạt động truyền giáo tại 241 nhà trên thế giới. Và ngành nữ có 530 nữ tu hoạt động tại 73 nhà trên thế giới.

Sau cùng là hai nữ tu sáng lập dòng: Mẹ Elena Guerra, người Ý, sáng lập Dòng các Hiến sĩ Chúa Thánh Linh, và Mẹ Marie-Léonie Paradis người Canada, sáng lập Dòng Tiểu Muội Thánh Gia hồi năm 1880.

Nghi thức phong thánh

Sau khi tiểu sử mười bốn vị được xướng lên, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hát kinh cầu các thánh, xin ơn phù trợ của các thánh. Rồi ngài long trọng đọc công thức, lấy quyền tông đồ ghi tên mười bốn vị chân phước vào sổ bộ các thánh và truyền từ nay các vị thánh mới được tôn kính theo nghi thức của Giáo hội.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Ngay sau đó, Người hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38). Chúa Giêsu đặt ra những câu hỏi và khi làm như vậy, Người giúp chúng ta phân định, vì những câu hỏi cho phép chúng ta khám phá ra những gì bên trong chúng ta, làm sáng tỏ những ước muốn trong lòng chúng ta, ngay cả những ước muốn mà chúng ta không nhận ra.

Chúng ta hãy để cho lời Chúa chất vấn chúng ta. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng Người đang hỏi mỗi người chúng ta: “Các con muốn Ta làm gì cho các con?”; và câu hỏi thứ hai: “Các con có thể uống chén của Ta không?”.

Qua những câu hỏi này, Chúa Giêsu tiết lộ mối liên hệ giữa Người và các môn đệ, cũng như kỳ vọng của họ đối với Người, với tất cả các khía cạnh điển hình của bất kỳ mối quan hệ nào. Thánh Giacôbê và Thánh Gioan thực sự có mối liên hệ với Chúa Giêsu, nhưng các ngài cũng có những yêu cầu nhất định. Các ngài bày tỏ mong muốn được ở gần Người, nhưng chỉ để chiếm một vị trí danh dự, để đóng một vai trò quan trọng, “một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái của Thầy, trong vinh quang của Thầy” (Mc 10:37). Rõ ràng họ nghĩ về Chúa Giêsu như Đấng Messiah, một Đấng Messiah chiến thắng và vinh quang, và mong đợi Người chia sẻ vinh quang của Người với họ. Họ nhìn thấy ở Chúa Giêsu Đấng Messiah, nhưng coi Người như một phạm trù quyền năng.

Chúa Giêsu không dừng lại ở lời các tông đồ, nhưng đào sâu hơn, lắng nghe và đọc được trái tim của mỗi người trong số họ và cả mỗi người chúng ta. Sau đó, trong cuộc trao đổi, thông qua hai câu hỏi, Người cố gắng tiết lộ mong muốn trong những yêu cầu của họ. Đôi khi ngay cả trong Giáo hội, chúng ta cũng thấy những ý tưởng này về danh dự hoặc quyền lực.

Trước tiên, Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”, một câu hỏi tiết lộ những suy nghĩ trong lòng họ, làm sáng tỏ những kỳ vọng và ước mơ vinh quang ẩn giấu mà các môn đồ âm thầm vun đắp. Khi Chúa Giêsu hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”, theo cách này, Người vạch trần mong muốn thực sự của họ: một Đấng Messiah quyền năng và chiến thắng, Đấng sẽ ban cho họ một vị trí danh dự.

Với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu bác bỏ hình ảnh về Đấng Messia này và do đó giúp họ thay đổi quan điểm của họ, tức là được hoán cải: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Như vậy, Người cho thấy Người không phải là Đấng Messia mà họ nghĩ; Người là Thiên Chúa của tình yêu, Đấng cúi xuống để với tới người đã chìm sâu; Đấng làm cho mình yếu đuối để nâng đỡ người yếu đuối, Đấng làm việc cho hòa bình chứ không phải cho chiến tranh, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Chén mà Chúa sẽ uống là lễ vật là mạng sống của Người, được ban cho chúng ta vì tình yêu, thậm chí đến chết, và chết trên thập giá.

Hơn nữa, bên phải và bên trái Người sẽ có hai tên trộm, bị treo giống Người trên thập giá và không được ngồi trên ngai vàng quyền lực; hai tên trộm bị đóng đinh với Chúa Kitô trong đau đớn, không được tôn vinh trong vinh quang. Vị vua bị đóng đinh, người công chính bị kết án trở thành nô lệ của tất cả: thực sự người này là Con Thiên Chúa! (x. Mc 15:39). Những kẻ thống trị không chiến thắng, chỉ những người phục vụ vì tình yêu. Chúng ta cũng được nhắc nhở về điều này trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Chúng ta không có một vị thượng tế không biết cảm thông với những nỗi yếu đuối của chúng ta, nhưng chúng ta có một vị đã bị thử thách trong mọi phương diện như chúng ta” (Dt 4:15).

Đến lúc này, Chúa Giêsu có thể giúp các môn đệ của Người hoán cải, thay đổi tư duy của họ: “Các con biết rằng giữa các dân ngoại, những người được họ coi là thủ lãnh thì thống trị họ, và những người làm lớn thì dùng bạo lực mà cai trị họ” (Mc 10:42). Nhưng không được như vậy đối với những người theo Chúa, Đấng đã tự biến mình thành tôi tớ để tiếp cận mọi người bằng tình yêu của Người. Những người theo Chúa Kitô, nếu họ muốn trở nên vĩ đại, phải phục vụ bằng cách học hỏi từ Người.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cho thấy những suy nghĩ, ước muốn và dự phóng của trái tim chúng ta, đôi khi vạch trần những kỳ vọng của chúng ta về vinh quang, sự thống trị, quyền lực và sự phù phiếm. Người giúp chúng ta không còn suy nghĩ theo tiêu chuẩn của thế gian nữa, nhưng theo đường lối của Thiên Chúa, Đấng trở nên rốt hết để những kẻ rốt hết được nâng lên và trở nên đầu tiên. Trong khi những câu hỏi này của Chúa Giêsu, với lời dạy của Người về sự phục vụ, thường khó hiểu đối với chúng ta như đối với các môn đệ, nhưng bằng cách bước theo Người, bước theo dấu chân Người và chào đón món quà tình yêu của Người biến đổi cách suy nghĩ của chúng ta, chúng ta cũng có thể học được cách phục vụ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên ba từ cho thấy phong cách phục vụ của Thiên Chúa: gần gũi, thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa đến gần, trở nên thương xót và dịu dàng để phục vụ. Gần gũi, thương xót và dịu dàng.

Đây là điều chúng ta nên khao khát: không phải quyền lực, mà là sự phục vụ. Phục vụ là lối sống của người theo tín hữu Kitô. Nó không phải là một danh sách những việc cần làm, để khi hoàn thành, chúng ta có thể coi như phần việc của mình đã hoàn thành; những người phục vụ bằng tình yêu thương không nói: “bây giờ đến lượt người khác”. Đây là cách nhân viên nghĩ, không phải cách nghĩ của chứng nhân. Phục vụ nảy sinh từ tình yêu thương, và tình yêu thương không biết giới hạn, nó không tính toán, nó chi tiêu và nó cho đi. Nó không chỉ làm những việc để mang lại kết quả, nó không phải là sự phục vụ thỉnh thoảng, mà là điều gì đó nảy sinh từ trái tim, một trái tim được đổi mới bởi tình yêu thương và trong tình yêu thương.

Khi chúng ta học cách phục vụ, mọi cử chỉ quan tâm và chăm sóc, mọi biểu hiện dịu dàng, mọi công việc thương xót của chúng ta đều trở thành sự phản ánh tình yêu của Chúa. Vì vậy, theo cách này, tất cả chúng ta - mỗi người chúng ta - hãy tiếp tục công việc của Chúa Giêsu trên thế giới.

Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nhớ đến các môn đệ của Phúc Âm đang được phong thánh ngày hôm nay. Trong suốt lịch sử đầy biến động của nhân loại, họ vẫn là những người tôi tớ trung thành, những người đàn ông và phụ nữ đã phục vụ trong sự tử đạo và trong niềm vui, giống như Cha Manuel Ruiz López và các bạn đồng hành của ngài. Các vị là những linh mục và tu sĩ nhiệt thành với lòng nhiệt thành truyền giáo, giống như Cha Joseph Allamano, Sơ Marie Leonie Paradis và Sơ Elena Guerra. Những vị thánh mới này đã sống theo cách của Chúa Giêsu: phục vụ. Đức tin và công việc tông đồ mà họ thực hiện không nuôi dưỡng những ham muốn trần tục và cơn đói quyền lực của các ngài, nhưng ngược lại, các ngài đã tự biến mình thành những người tôi tớ của anh chị em mình, sáng tạo trong việc làm điều thiện, kiên định trong khó khăn và quảng đại đến cùng.

Chúng ta tin tưởng cầu xin sự chuyển cầu của các ngài để chúng ta cũng có thể theo Chúa Kitô, theo Người trong việc phục vụ và trở thành chứng nhân hy vọng cho thế giới.

Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với Đức Thánh Cha

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha đã có vài lời trước khi đọc kinh truyền tin. Ngài nói:

Trước khi kết thúc Thánh lễ này, tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em đã đến để tôn vinh các vị Thánh mới. Tôi xin chào các Hồng Y, các giám mục, những người nam và nữ tận hiến, đặc biệt là các tu sĩ dòng Phanxicô và các tín hữu Maronite, các nhà truyền giáo Consolata, các nữ tu dòng Thánh Gia và các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần, cũng như các nhóm hành hương khác đến từ nhiều nơi khác nhau. Tôi xin gửi lời chào trân trọng đến Tổng thống Cộng hòa Ý, các phái đoàn chính thức khác và các nhà chức trách dân sự.

Tôi chào đoàn đông đảo các tín hữu hành hương Uganda, cùng với Phó Tổng thống nước này, những người đã đến đây sáu mươi năm sau ngày các vị tử đạo Uganda được phong thánh.

Xin chứng tá của Thánh Giuseppe Allamano nhắc nhở chúng ta về sự quan tâm cần thiết đối với những nhóm dân số yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Tôi đặc biệt nghĩ đến người Yanomami, trong khu rừng Amazon của Brazil, nơi mà phép lạ liên quan đến việc phong thánh hôm nay đã xảy ra giữa những thành viên của họ. Tôi kêu gọi các nhà chức trách chính trị và dân sự bảo đảm bảo vệ những người dân này và các quyền cơ bản của họ, và chống lại mọi hình thức khai thác phẩm giá và lãnh thổ của họ.

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo, với chủ đề – “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc” (x. Mt 22:9) – nhắc nhở chúng ta rằng việc loan báo truyền giáo có nghĩa là mang đến cho mọi người lời mời gọi đến một cuộc gặp gỡ lễ hội với Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và muốn chúng ta chia sẻ niềm vui hôn nhân của Người. Như các vị Thánh mới dạy chúng ta: “Mỗi Kitô hữu được kêu gọi tham gia vào sứ mệnh phổ quát này bằng cách đưa ra chứng tá của riêng mình cho Tin Mừng trong mọi bối cảnh” (Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 98, ngày 25 Tháng Giêng năm 2024). Chúng ta hãy hỗ trợ, bằng lời cầu nguyện và sự hỗ trợ của chúng ta, tất cả các nhà truyền giáo, những người thường hy sinh rất nhiều, mang lời loan báo sáng ngời của Tin Mừng đến mọi nơi trên thế giới.

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh – Palestine, Israel, Li Băng, Ukraine, Sudan, Miến Điện và nhiều quốc gia khác – và chúng ta hãy cầu xin món quà hòa bình cho tất cả mọi người.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm và vui tươi của Tin Mừng giống như Mẹ và các Thánh.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
VietCatholic TV
Phi trường và nhà máy thuốc nổ lớn nhất Nga tan tành. Tướng Syrskyi sang Kursk hứa hẹn nhiều bất ngờ
VietCatholic Media
03:27 21/10/2024


1. Ukraine cho biết đã tấn công phi trường và ‘nhà máy thuốc nổ lớn nhất’ ở Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 20 Tháng Mười, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết buổi sáng cùng ngày, các lực lượng Ukraine đã tấn công “nhà máy thuốc nổ lớn nhất” của Nga và một phi trường. Đây là vụ tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa tầm xa ở phía sau nhằm dần dần tiêu diệt cỗ máy chiến tranh hùng mạnh của đối phương lớn hơn từ xa.

Đại Úy Yusov cho biết máy bay điều khiển từ xa nhắm vào Nhà máy Sverdlov lớn do nhà nước sở hữu ở thành phố Dzerzhinsk thuộc vùng Nizhny Novgorod, sâu khoảng 900 km vào bên trong nước Nga.

Nhà máy này đã bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt kể từ năm 2023, vì những gì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho là hoạt động “mua hàng hóa để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga”. Nhà máy này sản xuất thuốc nổ, hóa chất công nghiệp, kíp nổ và đạn dược, Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí khi lệnh trừng phạt được công bố.

Nhà máy này sản xuất đạn pháo, bom hàng không và đầu đạn giúp Nga tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine. “SBU đã nỗ lực tăng cường lệnh trừng phạt đối với nhà máy Sverdlov”, Đại Úy Yusov nói thêm.

“Chúng tôi đã thêm máy bay điều khiển từ xa vào lệnh trừng phạt kinh tế, có tác dụng tức thời. Công việc làm giảm khả năng quân sự của đối phương sẽ tiếp tục.”

Sau đó, phát ngôn nhân Lực Lượng Đặc Biệt Ukraine, Đại Tá Georgi Gleba, cho biết Ukraine cũng đã tấn công phi trường Lipetsk-2 ở khu vực Lipetsk, nằm cách biên giới Ukraine hơn 400 km. Cuộc tấn công này nhắm vào các kho đạn dược, cơ sở lưu trữ nhiên liệu và máy bay trên một phi trường được biết đến là nơi có máy bay Su-34, Su-35 và MiG-31 của Nga, bộ này cho biết thêm.

Ông cho biết các hoạt động này được thực hiện với sự hợp tác giữa SBU, cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR và Lực lượng tác chiến đặc biệt.

Bị áp đảo về cả quân số và vũ khí trên chiến trường, Ukraine đã chuyển sang sử dụng máy bay điều khiển từ xa tự chế để cố gắng làm suy yếu khả năng chiến đấu của Nga từ xa càng nhiều càng tốt, nhắm vào các cơ sở phức hợp công nghiệp-quân sự, căn cứ không quân hoặc nhà máy lọc dầu của Nga.

Vào đầu tháng 10, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa khác của Ukraine đã đốt cháy một kho vũ khí của Nga chứa đạn dược của Bắc Hàn ở Tỉnh Bryansk, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đưa tin vào ngày 9 tháng 10.

Vào tháng 9, Đại tá Ants Kiviselg của Estonia, nhà lãnh đạo Trung tâm Tình báo Lực lượng Phòng vệ Estonia, cho biết cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào kho vũ khí ở Tỉnh Tver của Nga đã phá hủy số đạn dược đủ dùng trong hai đến ba tháng.

[Kyiv Independent: Ukraine says it struck airfield and 'largest explosives factory' in Russia]

2. Tổng tư lệnh Ukraine thăm các đơn vị chiến đấu ở Kursk của Nga

Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, đã cung cấp thông tin mới nhất về hoạt động của các đơn vị quân đội ở tỉnh Sumy của Ukraine và tỉnh Kursk của Nga.

Ông nói: “Tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta bất chấp mọi nỗ lực của đối phương nhằm giành thế chủ động. Tôi đã thực hiện công việc trực tiếp tại các sở chỉ huy của các lữ đoàn. Tôi đã nghe báo cáo từ các chỉ huy lữ đoàn và các đề xuất của họ về các hành động tiếp theo và hỗ trợ giải quyết các vấn đề.

Xét đến tình hình, tôi đã đưa ra một số quyết định nhằm chống lại hành động của đối phương và tối đa hóa tổn thất của chúng.”

Tướng Syrskyi nhấn mạnh rằng mặc dù Nga có lợi thế về nhân lực và trang thiết bị, nhưng kỹ năng và tính chuyên nghiệp của lực lượng Ukraine đang ngăn cản Nga đạt được mục tiêu của mình.

[Ukrainska Pravda: Ukraine's commander-in-chief visits units fighting in Russia's Kursk – photo]

3. Người Nga tuyên bố bị tấn công bởi hơn 100 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine

Người Nga tuyên bố bị tấn công bởi hơn 100 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng 110 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị bắn hạ trong đêm.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng 43 máy bay điều khiển từ xa đã bị phá hủy trên lãnh thổ Tỉnh Kursk; 27 trên Tỉnh Lipetsk; 18 trên Tỉnh Oryol; tám trên Tỉnh Nizhny Novgorod; bảy trên Tỉnh Belgorod; sáu trên Tỉnh Bryansk và một trên lãnh thổ Tỉnh Mạc Tư Khoa.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào đêm 19 rạng sáng 20 tháng 10, máy bay điều khiển từ xa đã nhắm vào Doanh nghiệp nhà nước Y. Sverdlov, nơi sản xuất thuốc nổ, tại thành phố Dzerzhinsk, Tỉnh Nizhny Novgorod, Nga.

[Ukrainska Pravda: Russians claim attacks by more than 100 Ukrainian drones]

4. Nhà máy điện tử của Nga được cho là đã bốc cháy sau cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Bryansk

Nhà máy vi điện tử “Kremniy El” đã bốc cháy tại thành phố Bryansk của Nga sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào đêm Thứ Bẩy, 19 Tháng Mười, các phương tiện truyền thông Nga và Ukraine đưa tin.

“Kremniy EL” là một trong những nhà máy vi điện tử lớn nhất ở Nga, sản xuất các phụ tùng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất quốc phòng của Nga, bao gồm cả hệ thống phòng không Pantsir và hệ thống hỏa tiễn Iskander.

Nhà máy này nằm cách biên giới với tỉnh Sumy của Ukraine hơn 100 km về phía bắc. Nhà máy này đã bị tấn công ít nhất một lần trước đó, vào tháng 8 năm 2023.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 13 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trên Bryansk, sáu máy bay trên Belgorod, hai máy bay trên Rostov và một máy bay trên Belgorod trong đêm. Vào buổi sáng muộn hơn, bộ này báo cáo thêm bốn máy bay điều khiển từ xa bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ trên Bryansk.

Truyền thông Nga đã công bố những đoạn video do người dân địa phương quay về ít nhất một vụ nổ và cột khói bốc lên từ nhà máy.

Thống đốc Bryansk Alexander Bogomaz đã báo cáo vụ cháy tại một “tòa nhà phi dân cư” sau cuộc tấn công của Ukraine, tuyên bố rằng vụ cháy đã được dập tắt bởi các nhân viên cấp cứu của Nga. Ông báo cáo không có thương vong.

Gần trưa Chúa Nhật, 20 Tháng Mười, Bogomaz tuyên bố một “tòa nhà phi dân cư” khác đã bị tấn công trong cuộc tấn công thứ hai của máy bay điều khiển từ xa Ukraine vào ngày 19 tháng 10, không gây ra thương vong. Ông cho biết những người ứng phó khẩn cấp đang làm việc tại hiện trường.

Chính quyền Ukraine chưa bình luận về các cuộc tấn công tại thời điểm công bố.

Lực lượng Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hành động phá hoại trên lãnh thổ Nga, nhắm vào các tài sản quân sự, nhà máy lọc dầu và cơ sở công nghiệp.

[Kyiv Independent: Russian electronics plant reportedly on fire after drone strike in Bryansk]

5. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho biết chiến thắng của Nga sẽ mang lại ‘sự hỗn loạn’

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot đã cảnh báo trong chuyến thăm Kyiv vào ngày 19 tháng 10 rằng chiến thắng của Nga trước Ukraine sẽ mang lại “sự hỗn loạn” cho hệ thống quốc tế.

Bình luận của Barrot được đưa ra khi lực lượng Nga tiếp tục cuộc tấn công ở miền đông Ukraine, bao gồm việc chiếm giữ thị trấn quan trọng Vuhledar vào đầu tháng 10.

Chuyến thăm của Barrot nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Pháp đối với Ukraine sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy công bố kế hoạch chiến thắng đánh bại Nga. Kế hoạch bao gồm lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự của phương Tây.

“Một chiến thắng của Nga sẽ tôn vinh luật của kẻ mạnh nhất và đẩy trật tự quốc tế đến hỗn loạn”, Barrot nói, đứng cạnh người đồng cấp Andrii Sybiha. Khi được hỏi liệu Paris có ủng hộ kế hoạch chiến thắng của Zelenskiy hay không, Barrot xác nhận, “Chúng tôi ủng hộ kế hoạch chiến thắng vì chúng tôi đã sát cánh cùng Ukraine trong gần 1.000 ngày”.

Tuy nhiên, trong phần còn lại của bài phát biểu, Barrot đã đề cập chung chung hơn đến “kế hoạch hòa bình” như là cách chấm dứt chiến tranh mà không nêu rõ lập trường chính thức về các đề xuất chi tiết của Zelenskiy, Agence France-Presse đưa tin. Giống như các đồng minh phương Tây khác, Paris vẫn đang xem xét các chi tiết cụ thể của kế hoạch.

Sau cuộc gặp với Barrot, Zelenskiy bày tỏ lòng biết ơn đối với nước Pháp, nói rằng sự ủng hộ cho kế hoạch chiến thắng có thể “mang lại ngoại giao thực sự và hòa bình công bằng đến gần hơn”. Ông mô tả cuộc gặp của họ là “chính xác những gì chúng ta cần” trong bài phát biểu buổi tối của mình.

Cốt lõi trong kế hoạch của Zelenskiy bao gồm lời mời ngay lập tức để Ukraine gia nhập NATO, một lập trường mà Barrot cho biết Paris “sẵn sàng” thảo luận với các thành viên liên minh khác. Kế hoạch cũng bác bỏ các nhượng bộ về lãnh thổ và kêu gọi các đồng minh dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa được cung cấp cho Ukraine chống lại các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga.

[Kyiv Independent: Russian victory would bring 'chaos,' French FM says]

6. Hoa Kỳ lên tiếng về các báo cáo quân đội Bắc Hàn tham gia cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine: dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Nga, không phải sức mạnh

Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng hiện tại họ không thể xác minh các báo cáo về việc quân đội Bắc Hàn được triển khai trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Tuy nhiên, nếu các báo cáo như vậy được xác nhận, điều đó sẽ cho thấy sự tuyệt vọng của Điện Cẩm Linh.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia lưu ý rằng nếu Bắc Hàn tham gia cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, Hoa Kỳ sẽ thảo luận về hậu quả của “một bước đi mạnh mẽ như vậy” với các đồng minh và đối tác của mình.

Tướng Kirby cũng lưu ý rằng động thái như vậy cũng sẽ “cho thấy mức độ tuyệt vọng mới của Nga khi nước này tiếp tục phải chịu thương vong đáng kể trên chiến trường trong cuộc chiến tàn khốc với Ukraine”.

Ông tuyên bố rằng nếu Nga thực sự buộc phải nhờ đến Bắc Hàn để có nhân lực thì đó là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng chứ không phải sức mạnh từ phía Điện Cẩm Linh.

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine, Kyrylo Budanov, trước đó đã báo cáo rằng khoảng 11.000 quân Bắc Hàn có thể được triển khai tới vùng chiến sự vào tháng 11.

Tình báo Nam Hàn cũng lưu ý rằng quân đội Bắc Hàn đang được gửi tới Nga.

Tình báo Estonia tin rằng sự tham gia của quân đội Bắc Hàn vào cuộc chiến tranh ở phía Mạc Tư Khoa sẽ không thay đổi được tình hình trên chiến trường.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố nếu sự tham gia của quân đội Bắc Hàn vào phe Liên bang Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine được xác nhận, điều này sẽ chứng minh “mức độ tuyệt vọng” của Điện Cẩm Linh.

[Ukrainska Pravda: US on reports of North Korean troops joining Russia's war against Ukraine: sign of Russia's desperation, not strength]

7. Bộ trưởng quốc phòng G7 tái khẳng định tư cách thành viên NATO của Ukraine là ‘không thể đảo ngược’

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp tại Naples vào ngày 19 tháng 10, các bộ trưởng quốc phòng của các nước G7 đã tái khẳng định cam kết ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO.

Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi ủng hộ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào Euro-Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”.

Các bộ trưởng cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cả trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và hỗ trợ giáo dục cho Lực lượng Phòng vệ Ukraine.

“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực tương ứng của NATO và Liên Hiệp Âu Châu theo Chương trình hỗ trợ và đào tạo an ninh của NATO dành cho Ukraine và Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên Hiệp Âu Châu”, tài liệu nêu rõ.

Các bộ trưởng cũng xác nhận mục tiêu đạt được “hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo quy định của luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, lập trường của Tòa Bạch Ốc liên quan đến việc Ukraine gia nhập NATO là lời mời gia nhập NATO có thể sẽ không được đưa ra trong thời gian ngắn, với lý do cần phải cải cách và đáp ứng các điều kiện an ninh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith cho biết vào ngày 16 tháng 10 trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin.

“Nhưng, như thường lệ, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với những người bạn ở Ukraine về cách họ có thể tiến tới Liên minh”, Smith nói thêm.

[Kyiv Independent: Ukraine’s NATO membership on 'irreversible path,' G7 defense ministers reaffirm]

8. Phòng không Ukraine phá hủy 31 trong số 49 UAV do Nga phóng trong đêm

Các đơn vị phòng không Ukraine báo cáo đã bắn hạ 31 UAV của Nga trong một hoạt động phòng không tính đến sáng ngày 20 tháng 10. Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 20 Tháng Mười,

Ông cho biết: 13 máy bay điều khiển từ xa khác của Nga biến mất khỏi radar.

Tổng cộng có 51 mục tiêu trên không đã được phát hiện và theo dõi: 49 máy bay điều khiển từ xa và hai hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M do lực lượng Nga phóng đi.

Người Nga đã phóng máy bay điều khiển từ xa từ các thành phố Yeysk và Primorsko-Akhtarsk trong khi hỏa tiễn được bắn từ Crimea bị tạm chiếm.

[Ukrainska Pravda: Ukrainian air defence destroys 31 of 49 UAVs launched by Russia overnight]

9. Thanh tra viên cho biết ít nhất 102 tù binh chiến tranh Ukraine đã bị Nga hành quyết

Trong một cuộc phỏng vấn vào hôm Chúa Nhật, 20 Tháng Mười, Thanh tra viên Ukraine Dmytro Lubinets trích dẫn dữ liệu từ Văn phòng Tổng công tố cho biết, lực lượng Nga đã hành quyết ít nhất 102 tù nhân chiến tranh Ukraine kể từ năm 2022.

Theo Lubinets, con số thực tế các trường hợp như vậy có thể cao hơn nhiều vì rất khó để ghi lại tội ác chiến tranh của Nga nếu không có bằng chứng hỗ trợ như video quay cảnh hành quyết.

Đã có nhiều báo cáo về việc binh lính Nga hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine trong năm nay. Các video và hình ảnh xuất hiện trở lại trên mạng xã hội với bằng chứng về tội ác, bao gồm cảnh quay bằng máy bay điều khiển từ xa cho thấy cảnh bắn tù binh chiến tranh khi họ đầu hàng quân đội Nga, cũng như các video và hình ảnh với thi thể của binh lính Ukraine cho thấy cảnh tra tấn và cái chết bạo lực trong điều kiện bị giam cầm.

Lubinets cho biết chính quyền Ukraine sẽ ghi chép các vụ việc nhiều nhất có thể và chuyển bằng chứng cho Ủy viên Nhân quyền Liên bang Nga.

Lubinets cho biết: “Theo tôi, lý do chính (cho các vụ hành quyết) là quân đội Nga đã làm mọi cách có thể để binh lính Nga không muốn đầu hàng Ukraine”.

Ngoài ra, theo Lubinets, người Nga giết tù nhân để chứng minh sự coi thường luật pháp quốc tế của họ. “Họ muốn chứng minh rằng họ sẽ không bị trừng phạt vì điều đó (bởi cộng đồng quốc tế)”, ông nói thêm.

“Đây là chính sách có chủ đích của Nga, nhưng các tổ chức quốc tế lại nhắm mắt làm ngơ”, Lubinets nói.

“Tôi không thấy phản ứng nào của công chúng hoặc pháp lý đối với những sự kiện này - vẫn chưa có lệnh bắt giữ nào đối với tội phạm chiến tranh”, ông nói thêm.

[Kyiv Independent: At least 102 Ukrainian POWs executed by Russia, ombudsman says]

10. Hoa Kỳ đồng ý đóng góp tới 20 tỷ đô la Mỹ cho khoản vay G7 dành cho Ukraine

Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine khoản vay lên tới 20 tỷ đô la Mỹ như một phần của khoản vay G7 sẽ được hoàn trả từ số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

Financial Times cho biết như trên hôm Chúa Nhật, 20 Tháng Mười.

Các cuộc đàm phán về khoản vay đang diễn ra sôi nổi, với các quan chức phương Tây háo hức giải ngân cho Kyiv trước khi kết thúc năm khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ có thể có những ảnh hưởng đáng kể đến viện trợ cho Ukraine.

Nhóm các nước G7 đã tham gia nhiều tháng thảo luận về khuôn khổ khoản vay 50 tỷ đô la Mỹ đã được thỏa thuận vào tháng 6. Gần đây, có vẻ như khoản đóng góp của Washington có thể không đạt được kỳ vọng ban đầu do Liên Hiệp Âu Châu không thể bảo đảm rằng tài sản của Nga sẽ vẫn bị đóng băng trong tối thiểu ba năm.

Tuy nhiên, vào thứ sáu, các quan chức Hoa Kỳ đã nói với các đối tác G7 rằng Washington sẽ cung cấp toàn bộ số tiền ban đầu, khoảng 20 tỷ đô la Mỹ.

Họ cho biết điều này vẫn có thể xảy ra ngay cả khi Liên Hiệp Âu Châu không thuyết phục được Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán bỏ quyền phủ quyết về việc gia hạn lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu, một điều kiện mà Washington yêu cầu.

Các bộ trưởng tài chính G7, họp tại Washington vào ngày 25 tháng 10 bên lề các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới, dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố về việc phân bổ và cơ cấu khoản vay, hai người hiểu rõ vấn đề này cho biết.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa đạt được vì Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục thảo luận về các chi tiết trả nợ với các thành viên của Quốc hội và Ukraine.

Tuần trước, Liên Hiệp Âu Châu đã chấp thuận khoản đóng góp lên tới 35 tỷ euro cho khoản vay của G7.

Phần lớn tài sản bị đóng băng thuộc về ngân hàng trung ương Nga được giữ tại Liên Hiệp Âu Châu. Chúng dự kiến sẽ tạo ra khoảng 3 tỷ euro thu nhập mỗi năm.

Gần đây, Hung Gia Lợi đã quyết định không ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Âu Châu về việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với tài sản bị đóng băng của Nga thêm ba năm trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

[Ukrainska Pravda: US agrees to contribute up to US$20bn to G7 loan for Ukraine – FT]

11. Tướng cao cấp của NATO cảnh báo quân đội Nga sau cuộc xâm lược Ukraine có thể mạnh hơn hiện nay

Tướng Christopher Cavoli, Tổng tư lệnh quân Đồng minh Âu Châu, tin rằng bất kể cuộc chiến ở Ukraine kết thúc như thế nào, quân đội Nga cũng sẽ mạnh hơn hiện tại.

Ông đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với Der Spiegel, theo báo cáo của European Pravda

Cavoli cảnh báo rằng, mặc dù có thương vong lớn trong cuộc chiến với Ukraine, quân đội Nga sẽ trở thành đối phương nguy hiểm của Liên minh.

“Vào cuối cuộc chiến ở Ukraine, dù trông như thế nào thì quân đội Nga cũng sẽ mạnh hơn hiện nay”, Tướng Cavoli nói.

Ông tin rằng NATO không nên ảo tưởng về sức mạnh quân sự của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng “Quân đội Nga đang học hỏi, cải thiện và áp dụng những kinh nghiệm thu được trong chiến tranh”

Ông kêu gọi NATO nhanh chóng chuẩn bị cho mối đe dọa này, vì Nga sẽ là đối phương có tiềm lực quân sự nghiêm trọng và “có ý định rõ ràng”.

“Đó là lý do tại sao chúng ta phải chuẩn bị và cần quân đội có thể chống chọi được”, Cavoli khẳng định.

Theo Tướng Cavoli, các kế hoạch phòng thủ mới của Liên minh, cũng như các nghĩa vụ gia tăng đối với từng thành viên NATO phát sinh từ các kế hoạch này, nên được triển khai nhanh chóng.

“Khi tôi nói nhanh, ý tôi là chúng ta phải nhanh hơn người Nga,” vị tướng nói.

Bruno Kahl, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Đức, tin rằng Nga sẽ có khả năng tấn công lãnh thổ NATO trong vòng sáu năm tới.

Theo Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Nga có thể có đủ năng lực quân sự để tấn công NATO sớm nhất là vào năm 2026-27.

[Ukrainska Pravda: Russian army after war may be stronger than it is today – NATO top general]

12. Zelenskiy cảm ơn Pháp đã ủng hộ Kế hoạch Chiến thắng và kêu gọi hợp tác với các đối tác

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Pháp vì đã ủng hộ Kế hoạch Chiến thắng và kêu gọi chính phủ Pháp hợp tác với các đối tác khác để đạt được tầm nhìn chung về việc chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống cho biết ông đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot vào hôm Thứ Bẩy, 19 Tháng Mười, và mô tả cuộc gặp này “chính xác là những gì chúng tôi cần”.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Bẩy, 19 Tháng Mười, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

“Tôi biết ơn nước Pháp, Tổng thống Macron và toàn thể xã hội Pháp đã ủng hộ Ukraine và nền quốc phòng của chúng tôi. Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện thông tin tuyệt vời tại Paris trong chuyến thăm của tôi. Chúng tôi đang hợp tác hiệu quả trong quốc phòng, trong chính trị và vì mục đích phục hồi mạnh mẽ hơn cho Ukraine và toàn bộ Âu Châu.

Tôi biết ơn nước Pháp vì đã ủng hộ Kế hoạch Chiến thắng – những điểm thực sự có thể đưa ngoại giao thực sự và hòa bình công bằng đến gần hơn. Và chúng tôi sẽ biết ơn nước Pháp vì đã hợp tác với các đối tác khác của chúng tôi để có tầm nhìn chung này – tầm nhìn rằng chỉ có một kết thúc công bằng cho chiến tranh mới thực sự có thể bảo đảm một nền hòa bình lâu dài.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cho biết ông ủng hộ Kế hoạch Chiến thắng do Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đề xuất và tìm cách tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt xung quanh kế hoạch này.

Ông cũng cho biết Pháp sẵn sàng đón nhận ý tưởng mời Ukraine gia nhập NATO.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy thanks France for backing Victory Plan and urges cooperation with partners]
 
Thánh Ca
Về bên nhan Chúa
Lm. Thái Nguyên
05:35 21/10/2024
 
TV 125
Lm. Thái Nguyên
05:35 21/10/2024

 
Với lòng tin yêu
Lm. Thái Nguyên
05:37 21/10/2024

 
Xin thương xót con
Lm. Thái Nguyên
05:40 21/10/2024