Ngày 19-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ 29 Mùa Quanh Năm 20/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:58 19/10/2024

BÀI ĐỌC 1  Is 53:10-11

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đức Chúa đã muốn người tôi trung

phải bị nghiền nát vì đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,

người sẽ được thấy kẻ nối dõi,

sẽ được trường tồn, và nhờ người,

ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.

Nhờ nỗi thống khổ của mình,

người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.

Vì đã nếm mùi đau khổ,

người công chính, tôi trung của Ta,

sẽ làm cho muôn người nên công chính

và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Hr 4:14-16

Bài trích thư gởi tín hữu Híp-ri.

Thưa anh em, chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.

Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Alleluia, Alleluia!
Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Alleluia

TIN MỪNG  Mc 10:35-45

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”

Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”

Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Các ông đáp: “Thưa được.”

Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Đó là Lời Chúa.
 
Đi và mời mọi người
Lm. Thái Nguyên
02:58 19/10/2024


ĐI VÀ MỜI MỌI NGƯỜI
Chúa Nhật 29 Truyền Giáo Năm 2024: Mt 22,1-14

Suy niệm

Chủ đề cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô lấy từ dụ ngôn Tin Mừng về bữa tiệc cưới. Tôi xin tóm tắt suy niệm của Đức Thánh Cha để chia sẻ về bài Tin Mừng này.

Sau khi các vị khách từ chối lời mời của nhà vua, ông truyền cho các gia nhân: “Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận thấy rõ một số khía cạnh quan trọng của việc loan Tin Mừng, đặc biệt đúng lúc cho tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo của Đức Kitô, trong giai đoạn cuối của tiến trình Thượng Hội Đồng, mà khẩu hiệu là: “Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, nhằm tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội, là rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

1. “Đi và mời!” người khác đến dự tiệc của Chúa

Trong lệnh nhà vua truyền cho các đầy tớ có hai từ diễn tả trọng tâm của việc truyền giáo: các động từ “đi ra” và “mời” mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Là Đấng giàu lòng thương xót, Thiên Chúa không ngừng ra đi để gặp gỡ mọi người, và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Người, ngay cả khi Người phải đối diện với sự dửng dưng và chối từ của họ. Đức Giêsu Kitô, Mục tử Nhân hậu và sứ giả của Chúa Cha, đã ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Israel và Người còn muốn đi xa hơn nữa, để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất (Ga 10:16). Cả trước và sau khi phục sinh, Người thường xuyên nói với các môn đệ, “Hãy đi!”, nghĩa là cho họ tham gia vào chính sứ vụ của Người (Lc 10, 3; Mc 16,15). Về phần mình, Hội Thánh luôn trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại.

Chúng ta đừng quên rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi tham gia vào sứ vụ phổ quát này, để toàn thể Hội Thánh có thể liên tục cùng với Chúa của mình đi ra “mọi ngả đường” của thế giới hôm nay. “Cái bi kịch trong Hội Thánh hôm nay là Chúa Giêsu vẫn đang gõ cửa, nhưng từ bên trong, chúng ta lại không mở cho Người đi ra! Chúng ta thường trở thành một Hội Thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa ra, mà cứ giữ Người lại “làm của riêng mình”, trong khi Chúa đã đến là để truyền giáo và muốn chúng ta là những người truyền giáo”

Một khía cạnh khác của dụ ngôn là vua không chỉ nói với các đầy tớ “hãy đi”, nhưng cũng bảo "hãy mời”: "Đến dự tiệc cưới!”. Các đầy tớ chuyển lời mời của vua với sự thúc bách nhưng cũng đầy kính trọng và dịu dàng. Khi rao giảng cho thế giới “vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô chết và sống lại từ cõi chết”, các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu vốn là những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong lòng họ (Gl 5, 22). Không phải bằng gây áp lực, cưỡng ép hay chiêu dụ, nhưng bằng sự thân thiện, cảm thương và dịu dàng, và bằng cách này phản ánh cách hiện hữu và hành động của chính Thiên Chúa.

2. “Đến dự tiệc cưới”. Chiều kích cánh chung và Thánh Thể của sứ vụ Đức Kitô và Hội Thánh.

Sứ vụ của Đức Kitô liên quan đến thời gian viên mãn, như Người đã tuyên bố lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Người: “Thời gian đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần kề” (Mc 1,15). Chúng ta biết rằng nơi các Kitô hữu thời kỳ đầu, nhiệt tình truyền giáo đã có một chiều kích cánh chung rất mạnh. Họ cảm nhận được tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Ngày nay cũng vậy, điều quan trọng là giữ vững thái độ này, vì nó giúp chúng ta rao giảng Tin Mừng với niềm vui của những người biết rằng “Chúa đã đến gần”.

Trong khi thế gian bày ra trước mặt chúng ta những “bàn tiệc” của chủ nghĩa tiêu thụ, sự tiện nghi ích kỷ, sự tích luỹ của cải và chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng kêu gọi mọi người đến với bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc ngập tràn niềm vui, sự chia sẻ, công lý và tình huynh đệ trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác. Lời mời đến dự bữa tiệc cánh chung mà chúng ta đem đến cho mọi người được kết nối với lời mời gọi dự bàn tiệc Thánh Thể, ở đó Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng lời Người và Mình Máu Người. “Đối với chúng ta, tham dự bàn tiệc Thánh Thể là thực sự cảm nếm trước bữa tiệc cánh chung đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 25, 6-9) và được Tân Ước mô tả như là ‘tiệc cưới Chiên Con’ (Kh 19, 9), sẽ được cử hành trong niềm vui của sự hiệp thông các thánh” (Sacramentum Caritatis, 31).

3. “Mọi người”. Sứ mệnh hoàn vũ của các môn đệ Chúa Kitô trong Hội Thánh hoàn toàn hiệp hành và truyền giáo

Suy tư thứ ba là tiệc cưới dành cho “mọi người”, không trừ một ai. Ngày nay, trong một thế giới bị xâu xé bởi những chia rẽ và xung đột, Tin Mừng của Chúa Kitô vẫn là một tiếng nói dịu dàng nhưng kiên quyết kêu gọi các cá nhân gặp gỡ nhau, nhìn nhận mình là anh chị em của nhau, và vui mừng trong sự hoà thuận giữa các khác biệt. Vì “Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4). Các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô phải luôn chân thành quan tâm tới hết mọi con người, bất kể tình trạng xã hội hay thậm chí luân lý của họ thế nào.

Dụ ngôn bữa tiệc dạy chúng ta rằng, theo lệnh của nhà vua, các đầy tớ đã đi tập hợp “tất cả những ai họ gặp, bất luận tốt xấu” (Mt 22:10). Và còn hơn thế nữa, cả “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (Lc 14, 21), tóm lại là những người anh chị em hèn mọn nhất của chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, họ trở thành những khách mời đặc biệt của vua. Bất cứ ai, bất luận nam hay nữ, đều được Thiên Chúa mời gọi thông phần vào ân sủng của Người, ân sủng có sức biến đổi và cứu sống. Người ấy chỉ cần thưa “vâng” trước món quà cho không này của Thiên Chúa, chấp nhận nó và để mình được nó biến đổi, mặc nó vào mình như một chiếc áo cưới” (x. Mt 22, 12).

Sau cùng, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Đức Maria, người đã xin Đức Giêsu làm phép lạ đầu tiên ngay tại một tiệc cưới ở Cana xứ Galilê (x. Ga 2,1-12). Chúa đã ban cho đôi tân hôn và tất cả các khách mời tràn trề rượu mới, như một điềm báo trước bữa tiệc cưới mà Thiên Chúa đang dọn sẵn cho mọi người vào ngày tận thế. Chúng ta nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các môn đệ Chúa Kitô trong thời đại chúng ta. Với sức mạnh phát sinh từ sự dịu dàng và tình âu yếm của Mẹ, chúng ta hãy ra đi đem đến cho mọi người lời mời của Đức Vua, Cứu Chúa của chúng ta. Thánh Maria, Ngôi Sao loan báo Tin Mừng, xin cầu cho chúng con!

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ,
đó chính là ân phúc quá lớn lao,
cho đời con trở thành lời loan báo.
Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.
Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.
Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.
Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.
Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
tin Cha là Đấng toàn năng cao cả,
là niềm vui ơn cứu độ chan hòa. Amen.








 
Một Chặng Đường
Nguyễn Trung Tây
06:26 19/10/2024
Nguyễn Trung Tây
Chúa Nhật Khánh Nhật Truyền Giáo/Sứ Vụ
Hội Nhập Văn Hóa: Một Chặng Đường


Sau Chicago, tôi rời nước Mỹ, bay sang Úc Châu sinh hoạt sứ vụ ông giáo với người Úc và Thổ dân đúng mười năm. Úc Châu, mùa đông về, thiên hạ cũng rộn ràng khăn quấn cổ, áo len, áo măng tô bởi cái lạnh trên dưới 1, 2 độ âm. Sa mạc Úc Châu, trời rét, Thổ dân và tôi đốt lửa ngồi sát bên nhau yên lặng ngắm nhìn giải Ngân Hà sáng lấp lánh tựa triệu triệu viên kim cương chớp sáng trên vùng trời đêm đen sa mạc. Trời lạnh, đúng ra, lạnh buốt, nhưng bởi ngồi bên nhau, Thổ dân và tôi, không ai còn cảm thấy lạnh nữa; độ ấm tình người và của lửa than hồng sưởi ấm đậm đà tâm hồn của riêng từng cá nhân cư dân sa mạc.

Sau sa mạc Úc Châu, tôi sứ vụ bên trời Philippines. Tagaytay tháng 10, người Phi dựng cao hang đá khắp nơi. Tagaytay nóng hầm hập, độ ẩm tà tà bay ngập phủ kín bầu không khí, thiên hạ thảnh thơi rong chơi ngoài đường, quần đùi, áo thun, chân đi dép. Tagaytay tháng 10, nhân gian rổn rảng rộn ràng tiếng Tagalog, ăn cơm với cá, đón xe jeepney đi khắp phố phường. Tagaytay, cư dân vừa hát nho nhỏ bài thánh ca Giáng Sinh, “I am dreaming for a white Christmas," vừa móc khăn tay trong túi quần lau mồ hôi lăn tăn trên khuôn mặt!

Sau Tagaytay, tôi thiên di sứ vụ tới vùng trời cao nguyên văn hóa ăn khoai lang, đi chân đất, vác dao dài trên vai đi ra Vườn trồng khoai lang. Thánh lễ PNG rộn ràng với lời kinh của giáo dân cao niên thiếu nhi, thanh niên thiếu nữ. Tôi rộn ràng với sứ vụ ông giáo vùng trời trăng đất khách. Tôi hướng dẫn các Thầy bước vào vùng trời ngôi Vườn thánh thiêng, nơi đó Thiên Chúa đã hiện diện từ những ngày đầu tiên. Tôi được chính tín hữu và các Thầy truyền cảm hứng cho sứ vụ khoai lang. Tôi biết mình khó mà cằn cỗi bởi nguồn trợ lực đến từ Trời và từ người.

Tôi nhớ buổi tối ngày hôm đó, một buổi tối Việt Nam, tôi bước chân xuống thuyền gỗ đậu tại cầu Rạch Sỏi của tỉnh Kiên Giang. Thuyền gỗ nhổ neo, mang người thanh niên rời xa quê mẹ, người thanh niên thất vọng vào mình và mất niềm tin vào xã hội. Từ đó, tôi lang thang sống vật vờ tại Mã Lai, sống tràn đầy và sung mãn trên đất Mỹ, sống phục vụ tại Úc Châu, sống hội nhập vào nền văn hóa chuyền tiền Philippines, và giờ này là văn hóa khoai lang Papua New Guinea. Tôi thấy mình đã đi một chặng đường thật dài. Đời sứ vụ của tu sĩ bình bát vẫn lăn tới những chuyển động tròn đều.
 
CN 29B : HIỂU BIẾT VỀ 3 TUYẾN NHÂN VẬT
Anphong Nguyễn Công Minh ofm
14:03 19/10/2024
CN 29B : HIỂU BIẾT VỀ 3 TUYẾN NHÂN VẬT

Câu chuyện Phúc Âm hôm nay chỉ rõ cho chúng ta thấy được nhiều điều hay: về 'Marcô', người thuật chuyện; về 'hai anh em kia', nhân vật 'phản' diện; và về 'Chúa Giêsu', nhân vật chính diện.

1. CÂU CHUYỆN CHO BIẾT ĐÔI ĐIỀU VỀ MARCÔ

Matthêu cũng kể câu chuyện này (Mt 20, 20-23) nhưng trong lời tường thuật của Mt thì trước hết, lời yêu cầu không do Giacôbê và Gioan đích thân nêu ra, nhưng do mẹ của hai ông là bà Salômê. Có lẽ Matthêu cảm thấy rằng một lời yêu cầu như thế là không xứng đáng cho một tông đồ, nên nhằm cứu vãn tiếng tăm cho Giacôbê và Gioan, ông đã gán lời yêu cầu đó cho tham vọng tự nhiên của bà mẹ. Bà mẹ nào mà chẳng mong thế cho con trai mình ! Còn câu chuyện này cho chúng ta thấy sự thành thực của Maccô : chính 2 chàng trai Giacôbê và Gioan đứng ra “yêu cầu” địa vị cho chính mình !

Người ta kể rằng có một họa sĩ trong triều đình vẽ chân dung cho Oliver Cromwell người đầy mụn cóc. Nghĩ là để làm vui lòng Oliver, họa sĩ không vẽ những mụn cóc đó trong bức họa. Khi Cromwell thấy như vậy ông nói "dẹp bức chân dung này đi, vẽ cho ta một bức đầy đủ các mụn cóc".

Mục đích của Maccô là muốn chúng ta thấy đầy đủ mụn cóc của các tông đồ. Khi mười người môn đệ kia nghe biết thì đâm ra tức tối với hai ông. Không phải vì họ khiêm tốn nhưng vì họ 'cũng muốn' những điều tương tự như hai ông. Họ tức giận vì nghĩ rằng họ có đủ tư cách hơn hai ông Gioan và Giacôbê. Và Maccô đã có lý, vì mười hai tông đồ vốn không phải là tập thể các vị thánh. Họ chỉ là những con người bình thường, 'đầy mụn cóc'.

Chúa Giêsu đã dùng những con người tầm thường thế đó để thay đổi thế giới. Và điều này đã thành hiện thực.

2. CÂU CHUYỆN CHO BIẾT ĐÔI ĐIỀU VỀ GIACÔBÊ VÀ GIOAN.

- Hai ông vốn có 'nhiều tham vọng'. Họ nhắm những chức vụ cao nhất trong vương quốc của Chúa Giêsu khi cuộc chiến đã thắng và sự khải hoàn đã trọn vẹn. Có thể tham vọng đó đã manh nha, vì nhiều lần Chúa Giêsu từng biệt riêng họ ra trong số ba người chọn lọc tin cẩn. Hiển dung, chữa lành em bé chết sống lại (Lc 8, 51), vườn cây dầu. Có thể họ đã có một chỗ đứng khá hơn những người khác, dám xin lửa từ trời xuống thiêu đốt làng không cho thầy trò đi qua.

Thân phụ họ vốn khá giả đủ để thuê người giúp việc (x. Mc 1,20) nên họ tưởng rằng ưu thế và địa vị xã hội có thể giúp họ chiếm được địa vị hàng đầu. Họ lại quen thượng tế : đâu phải dễ ! “Môn đệ kia vì quen thượng tế, nên đi với Chúa Giêsu vào sân trong tư dinh thượng tế” (Ga 18,15). Cho nên với câu chuyện xin xỏ nầy, để lộ cho thấy họ là những con người từ nơi sâu kín của lòng, có tham vọng chiếm giữ vị trí hàng đầu trong vương quốc trần gian.

-Nó cho chúng ta thấy hai ông 'hoàn toàn không hiểu' Chúa Giêsu. Điều lạ lùng đối với chúng ta không phải là “sự việc” ấy đã xảy ra, nhưng là “thời gian” mà sự việc ấy đã xảy ra. Lời yêu cầu này khiến chúng ta phải bàng hoàng vì nó được đưa ra hầu như trùng hợp với lúc Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát và báo trước chi tiết về 'cái chết' của Ngài. Ngoài chuyện này, không có việc nào khác có thể bày tỏ cho chúng ta thấy họ 'đã hiểu quá ít ỏi' những gì Chúa Giêsu nói. Lời lẽ của Ngài đã không gột rửa được ý niệm về Đấng Messia với quyền thế và vinh hiển thế gian, vốn ăn sâu trong tâm trí hai ông. [Chỉ có thập giá mới làm nổi việc ấy mà thôi.]

-Nhưng sau khi đã nói tất cả những gì có thể nói 'chống lại' Giacôbê và Gioan thì câu chuyện này cho chúng ta thấy một điểm 'sáng chói về hai ông' là : dù hai ông đang bàng hoàng, bối rối, hai ông vẫn tin vào Chúa Giêsu.

Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn còn gắn liền vinh quang với một người thợ mộc dân Galilê, người đã bị các cấp lãnh đạo chính thống giáo thù ghét, chống đối kịch liệt và rõ ràng đang tiến đến chỗ nhận lấy thập giá. Đây là một lòng tin cậy tập trung đáng cho chúng ta phải kinh ngạc. Họ vẫn đánh cuộc, vẫn “bắt” Giêsu [như trong cá cược bóng đá, biết một đội đủ thứ mặt yếu (cầu thủ bị thương, nội bộ lục đục, huấn luyện viên yếu kém…), mà vẫn nhìn thấy được tương lai, tin mãnh liệt, để 'bắt' đội đó thắng !]. Dù Giacôbê và Gioan đã phạm sai lầm, tấm lòng của họ vẫn nằm đúng vị trí đáng phải có. Họ chẳng hề hoài nghi gì về chiến thắng khải hoàn tối hậu của Chúa Giêsu.

3. CÂU CHUYỆN CHO BIẾT ĐÔI ĐIỀU

VỀ “TIÊU CHUẨN ĐỂ NÊN VĨ ĐẠI” CỦA CHÚA GIÊSU.

Chúa nói : "Ai muốn làm lớn (vĩ đại), phải trở nên người nhỏ nhất. Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ".

Câu nói xem ra nghịch lý nhưng sự đời lại thường như vậy, kiểu như câu nói 'cán bộ lớn đi xe con, cán bộ con (nhỏ) đi xe lớn'.

Nhà chiến lược kinh doanh Bruce Barton chỉ cho thấy rằng căn bản một hãng ôtô dựa vào để khách hàng lưu tâm đến hãng là người của hãng sẵn sàng chui xuống gầm xe bạn thường hơn, chịu dơ bẩn bất cứ lúc nào. Nói cách khác, họ sẵn sàng phục vụ nhiều hơn, thì hãng xe của họ lớn mạnh hơn.

Barton cũng chỉ cho thấy rằng trong khi người thư ký bình thường có thể đi về nhà từ 5 giờ 30 chiều, thì ánh đèn trong văn phòng giám đốc điều hành vẫn còn sáng đến tối. Vì sẵn sàng 'phục vụ' thêm giờ mà người ấy 'đứng đầu' xí nghiệp.

Mẹ Têrêxa Calcutta phục vụ những người hèn mọn nhất, những người hấp hối không một chút tiện nghi tối thiểu, những trẻ em bị bỏ rơi, mà rồi trở nên vĩ đại, đến nỗi khi chết, Ấn Độ, một nước Ấn giáo là quốc giáo, cử quốc tang với 21 phát súng tiễn mẹ.

Hôm nay cũng là lễ cầu nguyện cho truyền giáo. Sứ điệp truyền giáo năm 2024 của ĐGH Phanxicô có chủ đề : "Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc cưới" (x. Mt 22:9) Họ sẽ đến dự nếu ta biết cách mời : người mời là người phục vụ.

Có người kia đã kể lại lý do và động lực thúc đẩy ông theo đạo như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi cả ngoài một soeur y tá, soeur tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy soeur quỳ gối im lặng trong phòng, tôi hỏi: ‘Soeur quỳ làm gì thế?’. Soeur trả lời: ‘Tôi cầu nguyện cho ông’. Chỉ mấy tiếng đó thôi đủ làm cho tôi bấy lâu không biết Chúa, bây giờ được biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi người soeur y tá ấy. Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của soeur y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy gương sáng và tình yêu thương là bằng chứng cho người ta nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, vì họ có đạo đâu mà đến nhà thờ, nhưng họ thấy cách chúng ta biểu lộ tình thương với họ hay với những người chung quanh mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo Chúa. Khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những người bạn tốt của nhau.

Việc xin ngồi bên hữu bên tả của Thầy rút ra bài học hay này: Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao, nhưng mong được ban một chỗ 'thật gần' bên Chúa. Bên phải bên trái là sát bên Thầy. Mà Chúa đồng hóa mình với người tôi tớ, người bé nhỏ, người hèn mọn, cho nên càng là người tôi tớ, càng phục vụ, càng được 'ở gần' Thầy vậy. Amen

An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy đa phần bài giảng của cha Ngọc Hàm)
 
Không biết mình xin gì
Lm. Minh Anh
16:14 19/10/2024
KHÔNG BIẾT MÌNH XIN GÌ
“Các anh không biết các anh xin gì!”.

Ở những đất nước mà “trí tuệ” đứng sau “hậu duệ” và “tiền tệ”, thì “quan hệ” đóng một vai trò quan trọng đối với người chạy chức, chạy quyền và chạy việc! Ở Tàu, người ta nói đến “guanxi”; đọc trại một chút ra tiếng Việt, “quan hệ”, đúng với ngữ nghĩa của nó!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay bất ngờ tiết lộ việc hai môn đệ thân tín tận dụng “guanxi” để cầu cạnh Thầy mình - Giacôbê và Gioan; và bất ngờ hơn, câu trả lời của Chúa Giêsu, “Các anh không biết các anh xin gì!”. ‘Không biết mình xin gì’, chúng ta cùng suy nghĩ!

Đến với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan mạnh dạn, “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang!”. Sở dĩ, họ táo bạo đến thế, vì đã nghe Ngài nói về sự đau khổ, cái chết và sự sống mới của Ngài; và ít nhiều, họ công nhận Ngài là Messia, Vua Israel; và thi thoảng, nghe Ngài nói đến Vương Quốc. Tuy nhiên, thỉnh cầu của họ cho thấy họ không hiểu gì về bối cảnh ‘lên Giêrusalem’. Chúa Giêsu không dễ mắc lừa. Ngài nói, “Các anh không biết các anh xin gì!”. Đoạn Ngài trả lời cho họ bằng một câu hỏi khác, “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Họ lấp lửng, “Thưa được!”.

Giacôbê và Gioan không hề hiểu chiến thuật mà Vua Giêsu của họ sẽ toàn thắng. Ngài sẽ trút bỏ bản thân đến cấp độ thấp nhất của loài người; và chỉ sau đó, mới tiến vào Vương Quốc. Thiên Chúa sẽ để cho Tôi Tớ Đau Khổ của Ngài bị nghiền nát tột cùng hầu “thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn” - bài đọc một. Đó là con đường Giacôbê và Gioan sẽ đi, chén đắng họ sẽ uống, phép rửa họ sẽ chịu. Họ sẽ chìm đắm trong sự tự hiến hoàn toàn của Thầy. Và lạ lùng thay, đó là những gì họ đã làm! Giacôbê sẽ là vị tử đạo sớm nhất của Giáo Hội; họ sẽ đồng hiển trị vinh quang với Thầy, nhưng sẽ cùng Thầy đi trên con đường thập giá chứ không bằng bất kỳ ‘guanxi’ hay ‘cửa sau’ nào!

Tin Mừng cho biết, nghe vậy, mười môn đệ kia tỏ ra tức giận với hai anh em. Thái độ của họ lại tiết lộ sự hiểu biết của họ về Thầy mình cũng không tốt hơn chút nào! Tập hợp họ, Chúa Giêsu chỉ cho họ con đường dẫn đến vĩ đại: đường phục vụ, cúi xuống, đường thập giá. Nó không bao gồm việc ngồi trên ngai. Sự vĩ đại không là những gì tôi có hay tôi nhận được, nhưng là tất cả những gì tôi có thể cho đi! Thư Do Thái thật thâm trầm, “Chúng ta có một Thượng Tế cao cả - bài đọc hai. Ngài cao cả khi trở nên tư tế trần truồng treo lủng lẳng trên thập giá, lúc đám đông bên dưới chế nhạo và nộp rủa!

Anh Chị em,

Trong “Một Điều Gì Đó Thật Đẹp Cho Thiên Chúa”, “Something Beautiful for God”, Muggeridge viết về Mẹ Têrêxa, “Sự vĩ đại của mẹ không nằm ở danh tiếng hay thậm chí danh thơm về sự thánh thiện của mẹ; mà là ở tinh thần phục vụ đối với những ai bị bỏ rơi và túng thiếu nhất!”. Đừng trở thành những người ‘không biết mình xin gì!’. Bạn và tôi hãy xin cho mình bớt vô tâm, biết đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo, hầu xoa dịu và chữa lành ngần nào có thể bao vết thương của những ai dễ bị tổn thương nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo áo mão, chức quyền mà đánh mất chính mình. Cho con giống Chúa qua đường thập giá, phục vụ; dám uống chén Chúa trao mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cựu bộ trưởng Israel và Palestine trình bày kế hoạch hòa bình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
13:09 19/10/2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Nasser Al-Kidwa và các nhà hoạt động Gershon Baskin và Samer Sinijlawi tại Vatican vào thứ năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024. (Nguồn: Vatican Media


Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 19 tháng 10 năm 2024 tường trình:

Sau cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào đầu tuần này, các cựu bộ trưởng Israel và Palestine cho biết họ đã trình bày với ngài một kế hoạch hòa bình chung bao gồm lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza như một bước tiến tới giải pháp hai nhà nước cuối cùng.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Nasser Al-Kidwa đã gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican vào thứ năm, ngày 17 tháng 10, để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và con đường tiềm năng dẫn đến hòa bình.

Olmert giữ chức Thủ tướng từ năm 2006 đến năm 2009, và trước đó là bộ trưởng nội các và thị trưởng Giêrusalem. Ông lãnh đạo Israel khi lệnh ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Lebanon được ký kết vào năm 2006, và được coi là một trong những nhân vật chính trong nỗ lực đang diễn ra nhằm tạo ra hai nhà nước riêng biệt với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Về phần mình, Al-Kidwa giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Chính quyền Palestine từ năm 2005 đến năm 2006.

Họ đã tham gia cuộc họp hôm thứ Năm cùng với Gershon Baskin, một chuyên gia viết bài xã hội và nhà hoạt động chính trị người Israel, người đã nghiên cứu sâu về cuộc xung đột Israel-Palestine và tiến trình hòa bình đầy biến động.

Cũng có mặt tại cuộc họp là Samer Sinijlawi, một người bản xứ Giêrusalem đã dành 30 năm qua với tư cách là một nhà hoạt động chính trị tìm cách xây dựng cầu nối giữa Israel và Palestine.

Phát biểu với Vatican News, nền tảng thông tin chính thức do nhà nước điều hành của Vatican, Olmert cho biết cuộc trò chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là "một cuộc họp quan trọng và đầy cảm xúc".

“Đức Thánh Cha đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông”, ông cho biết, và nói rằng Đức Giáo Hoàng đã dành hơn nửa giờ với họ, “giải thích rằng ngài theo dõi mọi diễn biến của cuộc xung đột hàng ngày và rằng ngài kết nối với các Ki-tô hữu ở Gaza mỗi ngày”.

Gọi cuộc họp là “một vinh dự”, Olmert cho biết Đức Phanxicô đã chú ý đến thông điệp mà họ muốn gửi đi và kế hoạch hòa bình của họ.

Ông cho biết thông điệp này là “phải chấm dứt chiến tranh ở Gaza, phải trả lại các con tin cho gia đình họ, phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza và Israel và người Palestine phải bắt đầu ngay các cuộc đàm phán về hòa bình toàn diện cho giải pháp hai nhà nước”.

Olmert đề xuất rằng một thỏa thuận đặc biệt về tình trạng của Thành phố cổ Giêrusalem sẽ đạt được trong đó thành phố này được giám sát bởi một ủy nhiệm gồm năm quốc gia, bao gồm Palestine và Israel, ủy nhiệm này sẽ “giữ cho tất cả các tín hữu, gồm cả các Ki-tô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, được tự do thực hành đức tin của họ tại thành phố Giêrusalem”.

Al-Kidwa, cháu trai của nhà lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nổi tiếng Yasser Arafat và được biết đến với những nỗ lực ủng hộ hòa bình, đã nói với Vatican Media, "Chúng tôi đã trình lên Đức Thánh Cha đề xuất hòa bình của chúng tôi cho Gaza".

Ông xác nhận rằng kế hoạch này bao gồm "lệnh ngừng bắn ngay lập tức, thả các con tin Israel vẫn bị Hamas giam giữ, cùng với việc thả đồng thời một số tù nhân Palestine đã thỏa thuận trong các nhà tù của Israel và nối lại các cuộc đàm phán để thành lập hai nhà nước riêng biệt hòa bình với nhau".

"Đối với chúng tôi, điều quan trọng là một nhóm và tất nhiên, đối với sứ mệnh của chúng tôi là chấm dứt chiến tranh và đạt được hòa bình giữa hai dân tộc dưới hình thức hai nhà nước chung sống cạnh nhau trên cơ sở biên giới năm 1967, với một cuộc hoán đổi đã được thỏa thuận", ông nói.

Al-Kidwa cho biết ông đồng ý với đề xuất của Olmert về việc Israel sáp nhập chỉ một phần nhỏ Bờ Tây và kêu gọi "chấm dứt chiến tranh ngay lập tức ở Dải Gaza".

Ông cho biết phái đoàn cũng đề cập đến "vấn đề quan trọng đối với toàn thể nhân loại" liên quan đến tình trạng của Giêrusalem và cách quản lý thành phố này.

"Chúng tôi đã thực hiện bước trình lên Đức Thánh Cha đề xuất mà chúng tôi đã cùng nhau đưa ra về vấn đề này, và tôi tin rằng ngài sẽ ban phước cho kế hoạch này, và ngài sẽ ban phước cho hành động của chúng tôi và điều đó chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn", ông cho biết.

Cuộc chiến ở Gaza nổ ra sau cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 của các chiến binh Hamas khiến khoảng 1,200 người thiệt mạng và trong đó có khoảng 250 người bị bắt làm con tin, nhiều người trong số họ đã được thả hoặc đã chết, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 93 người chưa được giải trình.

Một phản ứng quân sự của Israel đã dẫn đến một cuộc chiến toàn diện ở Gaza khiến hơn 40,000 người thiệt mạng và mở rộng thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn liên quan đến Iran và Lebanon.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tục kêu gọi hòa bình và các trợ lý hàng đầu của ngài đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột.
 
Hiện tượng độc đáo: Các bà mẹ và ông bố của Thượng hội đồng Giám mục về tính đồng nghị
Vũ Văn An
13:54 19/10/2024

Theo chiều kim đồng hồ từ trái sang: Kelly Paget của Úc tạo dáng cùng chồng, Chris, và ba cậu con trai của họ, Dennie (13), Samson (10) và Oscar (5), tại Lễ Rước lễ lần đầu gần đây của Samson; José Manuel De Urquidi, một công dân Mexico sống tại Dallas, bước vào hội trường Thượng hội đồng cùng vợ và đứa con lớn nhất, Inés, vào ngày sinh nhật của cô; Maria Sabov của Ukraine đứng cùng các con Veronika (15), Viktor (13) và Pavlo (9) và chồng cô, Cha Viktor, một linh mục Công Giáo Hy Lạp. (ảnh: Courtesy Photos)


Jonathan Liedl của tạp chí National Catholic Register, ngày 19 tháng 10 năm 2024 cho hay:

Các bậc phụ huynh phải xoay xở với sự khác biệt múi giờ, sinh nhật bị lỡ và các bài tập về nhà bất ngờ khi họ giúp vạch ra lộ trình tương lai cho Giáo hội.

Thực vậy, đầu tháng này, Maria Sabov nhận được một cuộc gọi FaceTime bất ngờ từ cậu con trai 9 tuổi Pavlo khi bà đang họp quan trọng. Cậu bé cần được giúp đỡ làm bài tập về nhà.

Người mẹ 37 tuổi của ba đứa con đã nhanh chóng trả lời các câu hỏi của con trai về tiếng Ukraine bản địa của họ — và sau đó quay lại làm việc với tư cách là thành viên bỏ phiếu tại Thượng hội đồng về tính đồng nghị đang diễn ra tại Rome.

“Các đại biểu đồng nghiệp của tôi tại Hội trường Phaolô VI đã nói đùa rằng trách nhiệm của cha mẹ không có bất cứ sự gián đoạn nào — ngay cả đối với một Thượng hội đồng,” Sabov chia sẻ với Register.

Đây là thực tại mà Sabov không phải là người duy nhất trải qua.

Trong một sự mới lạ được ghi nhận rộng rãi đối với Thượng hội đồng Giám mục, 26% trong số 368 thành viên bỏ phiếu tại Thượng hội đồng về tính đồng nghị không phải là giám mục. Trong số 96 đại biểu này có một số phụ huynh, một số người trong số họ có con nhỏ ở nhà.

Do đó, trong khi những người tham gia cuộc họp chung độc đáo này thường được gọi là Nghị Phụ và Nghị Mẫu Thượng hội đồng, thì cũng đúng là một số người trong số họ là những bà mẹ và ông bố Thượng hội đồng.

Động lực mới đã dẫn đến vô số giai thoại đầy màu sắc, từ các bậc phụ huynh tham dự Thượng hội đồng tìm thấy nhau và trao đổi những câu chuyện tại buổi tĩnh tâm khai mạc, đến một người mẹ giới thiệu bản thân với các Hồng Y và giám mục tại bàn nhóm nhỏ của mình bằng cách chuyền tay nhau một chiếc điện thoại thông minh có ảnh chụp các con của mình.

Việc đưa các bậc phụ huynh và những người không phải giám mục khác vào danh sách bỏ phiếu cũng khiến một số người đặt câu hỏi liệu cuộc họp này có nên được gọi là Thượng hội đồng giám mục hay không—và đặt câu hỏi về sức nặng của tài liệu cuối cùng sắp tới.

Bất kể tình trạng giáo luật của hội đồng hiện tại là gì, những ông bố bà mẹ đã chấp nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Thượng hội đồng đang mang góc nhìn của cha mẹ vào các thủ tục, ngay cả khi họ làm cha mẹ từ xa.

Làm cha mẹ tại Thượng hội đồng

Đối với một số bậc phụ huynh này, việc tiếp tục tham gia vào cuộc sống gia đình trong khi ở Rome không chỉ liên quan đến lịch trình bận rộn mà còn liên quan đến sự khác biệt đáng kể về múi giờ.

Kelly Paget, một trong 10 đại biểu không phải giám mục đến từ Châu Đại Dương, hẳn biết điều đó. Quê hương của cô ở Broken Bay, Úc, ngay phía bắc Sydney, cách Thành phố Vatican chín giờ đồng hồ.

Nhưng Paget, 41 tuổi, biết ơn vì giờ nghỉ uống cà phê buổi sáng của Thượng hội đồng (bà gọi là “giờ nghỉ uống trà”) trùng với giờ ba cậu con trai của bà — 13, 10 và 6 tuổi — đi ngủ ở nhà, cho phép bà tham gia vào thói quen đi ngủ của chúng.

“Tôi có thể FaceTime với gia đình và cầu nguyện buổi tối với chồng và các con trai, và chúc chúng ngủ ngon khi chồng tôi dỗ chúng đi ngủ”, Paget, chưởng ấn của Giáo phận Broken Bay cho biết.

Tương tự như vậy, José Manuel De Urquidi tận dụng những khoảng thời gian trống trong lịch trình của mình và gia đình để nói chuyện với ba đứa con, 10, 7 và 4 tuổi, khi chúng trở về nhà ở Dallas. Ông FaceTime với chúng trên đường đến trường (trong giờ nghỉ trưa của Thượng hội đồng), và sau đó trên đường lái xe về nhà (ngay trước khi ông chuẩn bị đi ngủ ở Rome).

De Urquidi, một người bản xứ Mexico đang phục vụ với tư cách là một trong những đại biểu không phải giám mục của Mỹ Latinh, trò chuyện với các con về "những điều tốt đẹp, tồi tệ và khó khăn" của chúng và những gì chúng đang học ở trường. Vì không thể tham gia cầu nguyện đêm cùng gia đình, nên ông dùng cuộc gọi buổi chiều để hỏi chúng biết ơn Chúa về điều gì và chúng đã giúp đỡ ai đó ở trường như thế nào vào ngày hôm đó.

Người đàn ông 40 tuổi này cũng trò chuyện với vợ khi rời khỏi hội trường Thượng hội đồng ở Rome vào mỗi buổi tối lúc 7:40 tối. Họ nói về hậu cần gia đình và cùng nhau đưa ra quyết định, và ông cũng lắng nghe và hỗ trợ bất cứ thách thức nào mà nàng có thể gặp phải khi trở về nhà.

"Điều này rất quan trọng — rất quan trọng", De Urquidi, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Juan Diego Network, một mạng lưới podcast Công Giáo La tinh, nhấn mạnh.

Các trận bóng chày, buổi hòa nhạc hợp xướng và những cột mốc khác trong cuộc sống của trẻ em không bị tạm dừng khi các bậc phụ huynh Thượng hội đồng ở Rome, điều mà De Urquidi đã lưu ý trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây.

“Là một người đàn ông của gia đình, điều đó thật khó khăn”, ông viết. “Không có lý do gì để phủ nhận điều đó. Ngược lại”.

Vì vậy, thay vào đó, các đại biểu cố gắng tham gia vào cuộc sống của con cái họ từ xa hết mức có thể.

Phó tế Geert De Cubber, 50 tuổi, không ở nhà tại Bỉ khi đứa con trai thứ hai trong số ba người con trai của ông (22, 21 và 19 tuổi) tổ chức sinh nhật vào đầu tháng này, nhưng vẫn cố gắng kỷ niệm sự kiện này.

“Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện dài vui vẻ trên điện thoại, nói về những chuyện bình thường giữa cha và con trai”, phó tế Giáo phận Ghent, một thành viên của phái đoàn châu Âu đến dự thượng hội đồng cho biết.

Phân định để đến

Các bậc phụ huynh tại thượng hội đồng thừa nhận những khó khăn khi phải xa nhà trong một tháng — nhưng họ biết mình sẽ gặp phải điều gì khi đồng ý đến.

Bốn người đã nói chuyện với Register chia sẻ rằng họ đã cân nhắc kỹ lưỡng xem việc đến Rome để tham dự thượng hội đồng, bắt đầu bằng một phiên họp vào tháng 10 năm ngoái, có hợp lý với họ và gia đình họ hay không.

Phó tế De Cubber cho biết trước khi quyết định đến, ông đã có một "hội đồng gia đình" với vợ và ba cậu con trai. Tất cả họ đều thúc giục ông đi, nhưng nếu không có một người trong số họ, ông nói, "Tôi sẽ không ở Rome ngay bây giờ".

"Đơn giản như vậy thôi: Ơn gọi đầu tiên của tôi là hôn nhân và gia đình. Mọi cam kết khác đều bắt nguồn từ đó".

Đối với Sabov, người đến từ Berehove ở miền tây Ukraine, quyết định này thậm chí còn phức tạp hơn do cuộc chiến với Nga "đã trở thành một phần cuộc sống của chúng tôi". Là vợ của một linh mục Công Giáo Hy Lạp, Cha Viktor, bà cũng đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng giáo xứ của mình.

Nhưng Sabov đã nói chuyện với chồng và các con của bà, những đứa 15, 13 và 9 tuổi, và tất cả đều đồng ý rằng Phiên họp là một cơ hội quan trọng để bà đại diện không chỉ cho Ukraine mà còn cho cả giáo phận Công Giáo Hy Lạp Mukachevo mà bà là một phần.

“Đó là một trách nhiệm, một sứ mệnh và vinh dự quan trọng đối với tôi,” bà nói với Register.

Đối với Paget đến từ Úc, chính chồng bà, Chris, là người đã giúp bà cởi mở với khả năng tham gia thượng hội đồng ngay từ đầu, khuyến khích bà “nói Có, và nếu em được định ở đó, chúng ta sẽ làm cho nó thành công.”

Khi bà phát hiện ra rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn bà tham gia, phản ứng của bà tràn ngập cảm xúc đến nỗi “chồng bà nghĩ rằng có người đã qua đời.”

Paget cho biết bà nhớ các con và chồng mình vô cùng, nhưng cha mẹ và gia đình chồng bà đã chung tay chăm sóc gia đình ở quê nhà khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

“Tôi rất may mắn khi các con tôi không còn thiếu thốn tình yêu thương hay sự quan tâm,” cô nói.

Tư vấn của phụ huynh

Mặc dù rất khó khăn khi phải xa con cái, nhưng các bậc phụ huynh tại thượng hội đồng tin rằng họ có điều gì đó riêng biệt để đóng góp và biết ơn khi được tham gia.

Paget đã chia sẻ rằng "năng khiếu độc đáo của con trai bà đến từ việc sống chung với chứng tự kỷ có thể đặc biệt khó khăn trong môi trường giáo hội".

"Tôi đã cố gắng dễ bị tổn thương nhất có thể để chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng rằng nó có thể giúp ích cho nhiều người khác đang khao khát được chào đón trong cộng đồng giáo xứ của họ", bà nói với Register.

Phó tế De Cubber lưu ý rằng việc trở thành cha mẹ bao gồm "biết được cảm giác cùng nhau phân định", một cân nhắc chính trong cuộc thảo luận của thượng hội đồng về việc lắng nghe nhiều hơn trong việc quản trị Giáo hội.

"Một gia đình — cộng đồng đức tin nhỏ nhất có thể — là một thượng hội đồng nhỏ, bạn có thể nói như vậy", vị phó tế người Bỉ cho biết. "Kinh nghiệm phân định gia đình đó có thể được tất cả các bậc cha mẹ mang đến thượng hội đồng".

Sabov rất vinh dự được chia sẻ quan điểm độc đáo của mình với tư cách là một người Công Giáo Đông phương và nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc hỗ trợ các giá trị gia đình trong cộng đồng Giáo hội".

Thật vậy, một trong những khoảnh khắc được hoan nghênh nhất của phiên họp thượng hội đồng năm nay xảy ra khi một người mẹ kêu gọi tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện việc khai tâm Kitô giáo cho trẻ nhỏ.

Renee Köhler Ryan, một triết gia người Úc, đại biểu thượng hội đồng và là mẹ của năm đứa trẻ, đã nói với Register tại phiên họp năm ngoái rằng sự tham gia của phụ huynh cung cấp cho các giám mục những báo cáo hữu ích về "những gì đang diễn ra bên trong Giáo hội tại gia". Nhưng nếu cuộc họp, mà Köhler Ryan mô tả là "Hội đồng dân Chúa" hơn là một Thượng hội đồng Giám mục thực sự, nhằm mục đích thực sự đại diện, bà cho rằng những người tổ chức nên đưa ra quan điểm để thêm nhiều "người Công Giáo bình thường" vào sự hỗn hợp này.

Tất nhiên, cũng đúng là các bà mẹ và ông bố tại thượng hội đồng nhận được một cái gì đó từ kinh nghiệm được họ mang về nhà.

Đối với Sabov, đó là những lời ủng hộ và cầu nguyện hàng ngày cho Ukraine từ các đại biểu đồng nghiệp của bà.

"Điều này mang lại cho chúng tôi sức mạnh trong thời điểm khó khăn này và là một trong những biểu hiện chính của tính đồng nghị", bà nói.

Và đối với De Urquidi, việc tham gia Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã cho phép ông mang về cho đứa con lớn nhất của mình, Inés, một trải nghiệm mà cô bé sẽ không bao giờ quên: một bữa tiệc sinh nhật với Đức Giáo Hoàng.

Con gái và vợ của De Urquidi đã đến thăm ông tại Rome vào đầu tuần này vào đúng ngày sinh nhật của cô bé, hiện đã 10 tuổi. Toàn bộ hội đồng Thượng hội đồng đã hát "Chúc mừng sinh nhật" cho cô bé, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ một số loại bánh quy truyền thống của Argentina với cô bé học sinh tiểu học.

Khi chào đón cô bé, Đức Giáo Hoàng nói với Ines, "Cảm ơn con đã cho Giáo hội mượn cha của con."

Đó là một thông điệp có thể chia sẻ với hai anh chị em của cô bé, và thực sự là với tất cả những đứa trẻ của các ông bố và bà mẹ trong Thượng hội đồng.
 
Giáo Hội Công Giáo trên thế giới: tóm tắt dữ liệu
Thanh Quảng sdb
16:06 19/10/2024
Giáo Hội Công Giáo trên thế giới: tóm tắt dữ liệu

Vatican (Theo Thông tấn xã Fides) – Như mọi năm, trước Ngày Truyền giáo Thế giới, năm nay kỷ niệm 98 năm vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024, TTX Fides công bố một số số liệu thống kê được chọn để đưa ra bức tranh toàn cảnh về Giáo hội trên thế giới.

Tất cả dữ liệu trong hồ sơ này và quá trình xử lý biểu đồ và bảng biểu tiếp theo đều được lấy từ ấn bản mới nhất của «Sách Thống kê của Giáo hội» được xuất bản trong năm nay (cập nhật ngày 31 tháng 12 năm 2022) liên quan đến các thành phần của Giáo Hội Công Giáo, cơ cấu Giáo hội, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Cuối cùng, bức tranh về phạm vi Giáo hội phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo, Bộ Truyền giáo đầu tiên và các Giáo hội địa phương mới được báo cáo.

Giáo Hội Công Giáo trên thế giới: tóm tắt dữ liệu

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, dân số thế giới là 7.838.944.000, tăng 53.175.000 so với năm trước. Xu hướng tích cực được xác nhận ở tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Âu.

Cùng ngày, ngày 31 tháng 12 năm 2022, số lượng người Công Giáo trên toàn thế giới là 1.389.573.000 với mức tăng chung là 13.721.000 người Công Giáo so với năm trước. Ngay cả trong trường hợp này, sự gia tăng ảnh hưởng đến bốn trong số năm châu lục. Chỉ có ở Châu Âu, số lượng người Công Giáo giảm: - 474.000. Giống như những năm trước, mức tăng được ghi nhận nhiều nhất ở Châu Phi (+7.271.000) và Châu Mỹ (+5.912.000). Tiếp theo là Châu Á (+889.000) và Châu Đại Dương (+123.000). Tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới tăng nhẹ (+0,03) so với năm trước, đạt 17,7%. Các Châu lục ghi nhận những thay đổi nhỏ.

Tổng số Giám mục trên thế giới tăng 13 vị so với năm trước, đạt 5.353. Số lượng Giám mục giáo phận tăng (+19) và Giám mục dòng giảm (-6). Giám mục giáo phận có 2.682, trong khi Giám mục dòng là 2.671.

Tổng số linh mục trên thế giới tiếp tục giảm, còn 407.730 (-142 trong năm ngoái). Một lần nữa, Châu Âu cho thấy sự sụt giảm liên tục (-2,745), tiếp theo là Châu Mỹ (-164). Giống như năm ngoái, sự gia tăng đáng kể đã được ghi nhận ở Châu Phi (+1.676) và Châu Á (+1.160). Châu Đại Dương, sau sự gia tăng của năm ngoái, ghi nhận sự sụt giảm (-69). Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 439 vị, đạt 279.171. Linh mục dòng đã tăng trong năm ngoái, đạt 128.559 (+297).

Phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục tăng (+974), đạt 50.159. Sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1), Châu Á (+15) và Châu Âu (+267). Sự sụt giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-308) và Châu Đại Dương (-1).

Số lượng linh mục không phải là Công Giáo giảm 360 vị so với năm trước, đạt 49.414. Sự sụt giảm được ghi nhận ở Châu Phi (-229), Châu Âu (-382) và Châu Đại Dương (-27) trong khi sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Mỹ (+27) và Châu Á (+251). Ngay cả trong năm nay, số lượng nữ tu nói chung cũng giảm, đạt 599.228 (-9.730). Một lần nữa, sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1.358) và Châu Á (+74), trong khi sự sụt giảm được ghi nhận ở Châu Âu (-7.012), Châu Mỹ (-1.358) và Châu Đại Dương (-225).

Số lượng đại chủng sinh, giáo phận và dòng tu giảm trong năm nay, toàn cầu là 108.481 (năm trước là 109.895). Chỉ có Châu Phi (+726) và Châu Đại Dương (+12) ghi nhận tăng, trong khi Châu Mỹ giảm (-921), Châu Á (-375) và Châu Âu (-859). Tổng số tiểu chủng sinh, giáo phận và dòng tu giảm 95.161 (-553). Chỉ có Châu Phi (+1.065) ghi nhận tăng, trong khi tất cả các châu lục khác ghi nhận giảm: Châu Á (-978), Châu Mỹ (-475), Châu Âu (-153) Châu Đại Dương (-12).

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo Hội Công Giáo điều hành 74.322 trường mẫu giáo với 7.622.480 học sinh; 102.189 trường tiểu học với 35.729.911 học sinh; 50.851 trường trung học với 20.566.902 học sinh. Ngoài ra, 2.460.993 học sinh học tại các trường trung học và 3.925.393 học sinh tại các học viện đại học.

Các trung tâm từ thiện và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới là 102.409 và bao gồm: 5.420 bệnh viện và 14.205 trạm xá; 525 Nhà chăm sóc cho người mắc bệnh phong; 15.476 Nhà cho người già hoặc người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật; 10.589 nhà trẻ; 10.500 trung tâm tư vấn hôn nhân; 3.141 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 33.677 loại viện khác.

Các ranh giới giáo hội (Tổng giáo phận, Giáo phận, Tu viện Lãnh thổ, Đại diện Tông tòa, Phủ doãn Tông tòa, Phái bộ Sui iuris, Giáo hạt Lãnh thổ, Quản lý Tông tòa và Giáo hạt Quân đội) phụ thuộc vào Thánh bộ Truyền giáo là 1.123 (+2). Hầu hết các ranh giới giáo hội được giao phó cho Thánh bộ có trụ sở tại Piazza di Spagna đều ở Châu Phi (525) và Châu Á (481). Tiếp theo là Châu Mỹ (71) và Châu Đại Dương (46).

Phụ lục: phân tích – tăng giảm trong 25 năm (1998-2022)

Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 sắp tới và để giúp hiểu xu hướng biến động trong dữ liệu số liên quan đến sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới, ngoài hồ sơ thông thường, năm nay TTX Fides cũng xuất bản một phụ lục tóm tắt dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian hai mươi lăm năm, từ năm 1998 đến năm 2022. Bao gồm dữ liệu về dân số Công Giáo, số lượng linh mục, số lượng nam và nữ tu sĩ, và số lượng lễ rửa tội được thực hiện trên toàn thế giới.

Phụ lục này cũng thu thập và xử lý dữ liệu và bảng từ «Sách thống kê của Giáo hội» được xuất bản trong năm nay (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2022). Không giống như hồ sơ cổ điển, dữ liệu được xem xét trong Phụ lục không đi sâu vào chi tiết về từng châu lục riêng lẻ mà chỉ minh họa bằng các số liệu về sự phát triển chung ở cấp độ toàn cầu trong bối cảnh rộng hơn.

Từ dữ liệu thu thập được trong giai đoạn 1998-2022, có thể thấy rõ ràng rằng số lượng người Công Giáo trên toàn thế giới đã tăng lên trong suốt 25 năm được nghiên cứu. Dữ liệu về tỷ lệ người Công Giáo trong dân số thế giới rất đáng kể: năm 1998, 17,4% dân số thế giới là người Công Giáo. Trong cuộc khảo sát mới nhất có sẵn, con số này là 17,7%. Tỷ lệ phần trăm sau vẫn không thay đổi kể từ năm 2015, sau khi đạt đỉnh ngắn ngủi vào năm 2014 (17,8%).

Một diễn biến quan trọng khác liên quan đến số lượng linh mục. Nhìn chung, số lượng linh mục trên toàn thế giới đã tăng từ 404.628 lên 407.730 trong suốt 25 năm được nghiên cứu. Trong khi số lượng nam và nữ tu sĩ đã giảm. Theo dữ liệu, số lượng nam tu sĩ chưa bao giờ vượt quá 60.000 trong suốt 25 năm được nghiên cứu. Đường cong đi xuống tương tự cũng thấy rõ trong trường hợp của các nữ tu, số lượng đã giảm từ 814.779 xuống còn 559.228 trong vòng hai mươi lăm năm.

Trong khi dân số Công Giáo đang tăng lên trên toàn thế giới, số lượng rửa tội đã giảm. Nó đã giảm từ 17.932.891 người rửa tội trên toàn thế giới vào năm 1998 xuống còn 13.327.037 người rửa tội vào năm 2022 (TTX Fides, 17/10/2024).
 
Lược sử về những rắc rối của chúng ta – và một chút hy vọng
Vũ Văn An
16:28 19/10/2024

Linh mục Jerry J. Pokorsky trên Catholic Thing ngày 19 tháng Mười năm 2024 viết rằng:

Một đánh giá trung thực về lịch sử của Giáo hội trong thế kỷ qua cho thấy một chút sự đồi trụy về mặt đạo đức nhưng cũng có những triển vọng đáng ngạc nhiên đầy hy vọng. Các nhà sử học tương lai có thể coi thời đại này là Thời đại của biện pháp tránh thai và đồng tính luyến ái. Và có lẽ cũng là của hy vọng.

Từ thời xa xưa, Giáo hội đã lên án việc sử dụng biện pháp tránh thai. Năm 1930, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã tái khẳng định giáo lý của Giáo hội:

Bất cứ việc sử dụng hôn nhân nào được thực hiện theo cách cố tình ngăn cản khả năng tự nhiên của nó để tạo ra sự sống đều là hành vi vi phạm luật Thiên Chúa và tự nhiên, và những người tham gia vào hành vi đó sẽ bị coi là tội lỗi nghiêm trọng.

Trong thời hiện đại, việc thực hành biện pháp tránh thai đã chuyển từ sự xấu hổ sang sự chấp nhận chính thống. Hội nghị Lambeth của Anh giáo ban đầu lên án “kiểm soát sinh đẻ” nhưng vào năm 1931, tạm thời cho phép vì lương tâm bị kích động.

Vào những năm 1950, Tiến sĩ John Rock – một người Công Giáo – đã pha chế Thuốc tránh thai. “Thuốc tránh thai” ngăn ngừa mang thai và dễ dàng tiếp cận. Đến đầu những năm 1960, Thuốc tránh thai đã trở nên phổ biến. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành Thông điệp Humanae vitae muộn màng vào năm 1968. Giáo huấn của ngài đã tái khẳng định giáo huấn liên tục của Giáo hội về tình dục của con người và biện pháp tránh thai.

Một cơn bão bất đồng đã diễn ra. Nhà thần học đạo đức Charles Curran của Đại học Công Giáo đã chỉ đạo cuộc nổi loạn. Đức Hồng Y O’Boyle của Washington, DC, đã kỷ luật 52 linh mục công khai thách thức giáo huấn của giáo hoàng. Sự bất đồng với giáo huấn của Giáo hội đã di căn.

Đồng thời, cơn bão văn hóa của cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 đã đạt được động lực, được thúc đẩy bởi Thuốc tránh thai. Chuỗi nhà hàng TGIF (Thank God It’s Friday) đã tận dụng Thuốc tránh thai và cho rằng quan hệ một đêm giờ đây đã an toàn sau trải nghiệm ăn uống thú vị tại một trong những nhà hàng của họ. Vào đầu những năm 1970, biểu tượng nhạc đồng quê Loretta Lynn – một nhà cách mạng xã hội không ai ngờ tới – đã sáng tác một giai điệu, “Thuốc tránh thai”.

Thuốc tránh thai được cho là đã giải phóng phụ nữ khỏi việc quan hệ tình dục mà không sợ mang thai. Nhưng như nhiều người đàn ông đã biết, Thuốc tránh thai đã giải phóng họ khỏi trách nhiệm. Khi biện pháp tránh thai thất bại – điều không thể tránh khỏi – phụ nữ và những đứa con chưa chào đời của họ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Thật vậy, Thuốc tránh thai đã thúc đẩy ngành phá thai khi phá thai được công nhận hợp pháp ở mọi tiểu bang với phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1973, Roe v. Wade.

Thánh Micae chiến thắng ma quỷ của Bartolomé Bermejo, khoảng năm 1440 – 1501 [Phòng trưng bày Quốc gia, London]


Một phong trào “đồng tính” song song đã thu hút được sự chú ý với cuộc bạo loạn Stonewall khét tiếng năm 1969 tại Greenwich Village. Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra dữ dội. Và một số nhà sử học của Giáo hội cho rằng các chủng viện đã trở thành nơi ẩn náu cho những người đàn ông đồng tính muốn hoãn nghĩa vụ quân sự.

Hội Thần học Công Giáo (CTSA) đã xuất bản cuốn Human Sexuality của Anthony Kosnik vào năm 1977. Năm 1979, Thánh bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã lên án cuốn sách này.

Thánh bộ này không chấp thuận một số hình thức hành vi tình dục, nhưng chỉ vì sự vắng mặt được cho là, thường được thể hiện dưới hình thức nghi ngờ, về "sự hòa nhập của con người" (như trong việc đổi bạn tình, trao đổi bạn tình, giao cấu với động vật), chứ không phải vì những hành động này trái ngược với bản chất của tình dục con người.

Việc Hội Thần học Công Giáo ủng hộ "Human Sexuality" cho rằng vào năm 1979 đã có sự chấp nhận rộng rãi về biện pháp tránh thai và đồng tính luyến ái trong số các thành viên của phẩm trật Công Giáo. Những năm 1970 là thời kỳ củng cố cuộc cách mạng tình dục và các hình thức cực đoan của sự phóng túng tình dục. Không có gì ngạc nhiên khi thập niên này cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ đối với những người trẻ tuổi.

Sau khi được bầu vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu khôi phục phẩ trật Công Giáo và các chủng viện. Ngài đã bổ nhiệm các giám mục có tiếng ủng hộ giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, một số giám mục "thân thiện với người đồng tính" - ví dụ, Hồng Y Bernardin của Chicago, Hồng Y McCarrick của Washington và một số giám mục châu Âu - cũng trở nên nổi bật.

Triều giáo hoàng phản cách mạng của Đức Gioan Phaolô II đã chứng kiến một loạt các tài liệu thuyết phục và chính thống. Familiaris Consortio khẳng định giáo lý của Giáo hội về tình dục của con người và gia đình. Vatican đã công bố Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo vào năm 1992. Năm 1993, Đức Giáo Hoàng đã ban hành một thông điệp về thần học luân lý (Veritatis Splendor) xác định những sai lầm đã tạo ra những cuốn sách như "Tình dục của con người" của Hội Thần học Công Giáo.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục trẻ em của các linh mục (về cơ bản là "đồng tính") đã âm ỉ bên dưới bề mặt nhận thức của công chúng cho đến khi có những tiết lộ gây chấn động của tờ Boston Globe vào năm 2002. Bất chấp bằng chứng cho thấy phần lớn "lạm dụng trẻ em" của các linh mục là hành vi bóc lột đồng tính nam vị thành niên, "vấn đề đồng tính" vẫn tiếp tục tồn tại trong Giáo hội.

Năm 2005, các Hồng Y lo lắng đã bầu chọn một cách sít sao chuyên gia giáo lý lâu năm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô, Hồng Y Joseph Ratzinger lên ngôi giáo hoàng. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp tục các chuyên luận thần học được viết rất hay của mình dưới dạng các văn kiện của Giáo hội (và bộ ba tác phẩm mẫu mực của ngài là Chúa Giêsu thành Nazareth), ngài đã không giành được quyền kiểm soát bộ máy quan liêu khổng lồ của Giáo hội. Sự thất vọng này đã dẫn đến việc ngài từ chức vào năm 2013.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng kiến sự gia tăng (gần như thể chế hóa) những mơ hồ về giáo lý của những năm đầu sau công đồng, bao gồm cả một giáo sĩ cao cấp công khai "thân thiện với người đồng tính". Những tác động của sự bất đồng đã tàn phá nhiều bộ phận lớn của phẩm trật. Ngày nay, phần lớn các giám mục Đức đang trong một cuộc ly giáo không được tuyên bố.

Trong gần 100 năm, biện pháp tránh thai và sự bổ sung cho người đồng tính đã đạt đến địa vị của quỷ dữ - với phá thai là viên ngọc quý đáng khinh của nó - được hầu hết các nền văn hóa, quốc gia và thậm chí cả các thành viên nổi bật trong phẩm trật của Giáo hội tôn thờ. Nhưng Thiên Chúa luôn phá hủy mọi hình thức thờ phượng sai trái và bảo vệ Giáo hội của Người khỏi cánh cổng địa ngục. Với niềm tin vững chắc vào chiến thắng cuối cùng của Chúa, chúng ta không cần phải sợ phơi bày những điều bẩn thỉu của Giáo hội.

Tuy nhiên, một số lượng lớn giáo sĩ và giáo dân vẫn trung thành với Giáo hội. Di sản trí tuệ và tinh thần của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã ảnh hưởng đến một thế hệ linh mục trẻ mới ở Hoa Kỳ. Một giáo dân có trình độ học vấn cao, chính thống về mặt giáo lý cũng đã xuất hiện. Các tài liệu giáo lý, ấn phẩm Công Giáo và các trang web Công Giáo chứng minh cho sự chính thống lan rộng trong giới trí thức giáo dân và những người Công Giáo chu đáo.

Có những điểm tương đồng trong lịch sử. Vào thế kỷ thứ tư, Arius đã phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu. Tà giáo này trở nên phổ biến đến mức Thánh Jerome đã viết vào năm 359, "Toàn thế giới rên rỉ và kinh ngạc khi thấy mình là người theo chủ nghĩa Arian". Ngày nay, chúng ta có thể nói, "Toàn thế giới rên rỉ và kinh ngạc khi thấy mình là người đồng tính".

Nhưng chủ nghĩa Arian đã bị đánh bại, cũng như các tà giáo và lệch lạc đạo đức hiện tại.

"Hãy đứng vững và giữ vững các truyền thống mà anh em đã được chúng tôi dạy dỗ". (2 Thessalonians 2:15)
 
Những cuộc bổ nhiệm mới tại Tổng giáo phận Syro-Malabar khó có thể chấm dứt xung đột phụng vụ
Đặng Tự Do
18:13 19/10/2024


Tuần trước, Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly tại Ấn Độ đã cải tổ Tòa Giám Mục của mình bằng cách công bố các cuộc bổ nhiệm mới, trong một động thái được coi là nhằm ngăn chặn những người phản đối Thánh lễ hợp nhất đã được Thượng hội đồng chấp thuận.

Vào năm 2021, hội đồng của Giáo hội Syro-Malabar có trụ sở tại Kerala đã quyết định áp dụng một phương thức cử hành phụng vụ thống nhất, trong đó các linh mục quay mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và sau đó hướng về bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, rồi quay lại phía giáo dân sau khi rước lễ.

Trong khi hầu như tất cả các giáo phận của nhà thờ đều áp dụng hệ thống mới, giáo sĩ và giáo dân ở Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, nơi có khu vực tài phán Syro-Malabar lớn nhất, đã từ chối hệ thống này, với lý do rằng việc quay mặt về phía mọi người trong suốt Thánh lễ là một hình thức phụng vụ hợp pháp và phù hợp hơn với các cải cách của Công đồng Vatican II. Họ muốn cử hành thánh lễ như người Công Giáo Latinh trong đó các linh mục quay về phía giáo dân trong toàn bộ thánh lễ. Nếu điều đó có gì sai trái thì tại sao Giáo Hội Công Giáo Latinh vẫn tiếp tục làm như vậy sau Công Đồng Vatican II, và nếu người Công Giáo Latinh làm được thì tại sao họ không làm được.

Các nguồn tin cho hãng thông tấn Ấn Độ biết động thái mới của tổng giáo phận diễn ra sau khi các viên chức cũ của giáo phận ngừng thực hiện nhiệm vụ và không đến Tòa Giám Mục. Theo thông báo do Tòa Giám Mục ban hành, các cuộc bổ nhiệm mới được thực hiện sau khi các viên chức cũ của giáo phận đưa cho vị Tổng Giám Mục một tuyên bố bằng văn bản rằng họ không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình do những vấn đề chưa được giải quyết đang gây khó khăn cho tổng giáo phận.

Khi Đức Giám Mục Quản nhiệm Tông tòa Bosco Puthur và các thành viên mới đến Tòa Giám mục ở Ernakulam vào tuần trước cùng với cảnh sát, những người biểu tình đã từ chối rời khỏi tòa nhà ngay cả khi họ đã được yêu cầu rời đi.

“Các linh mục và giáo dân đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi tại khuôn viên Tòa giám mục đã làm gián đoạn hoạt động của Tòa Giám Mục,” Đức Cha Puthur cho biết.

Có tin đồn rằng biện pháp mới nhất có thể mở đường cho sự chia rẽ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Palackappilly cho biết, “Khả năng xảy ra bất kỳ phản ứng dữ dội nào đối với các cuộc bổ nhiệm mới là rất nhỏ. Có thể có một số lời thì thầm, nhưng không có gì hơn thế nữa.”

Cha Kuriakose Mundadan, Thư ký Hội đồng linh mục của Ernakulam-AngamalyErnakulam-Angamaly nói với Crux rằng gần 300 linh mục đã tập trung tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Ernakulam và lên án hành động bổ nhiệm.

“Các linh mục tuyên bố rằng họ sẽ không chấp thuận việc bổ nhiệm các thành viên mới của tổng giáo phận. Điều không may nhất là Cha Joshy Puthuva, cựu giám đốc tài chính của Hồng Y George Alencherry, đã được bổ nhiệm làm Thủ quỹ mới của Tổng giáo phận,” vị linh mục nói.

Cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Syro-Malabar ở Ấn Độ khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn.


Source:Crux
 
Nhật ký trừ tà #313: Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo
Đặng Tự Do
18:14 19/10/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #313: The demons cannot stand anything Catholic”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #313: Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong buổi trừ tà hôm qua, lũ quỷ hét lên: “Cút khỏi người ta!” Nó hét lên như thế khi chúng tôi đưa ra thánh tích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thực tế, toàn bộ Kinh Cầu Các Thánh mạnh mẽ đến nỗi chúng tôi đã ở lại đó trong một thời gian dài. Lũ quỷ cũng ghét nước thánh và nói rằng nó “làm bỏng”. Chúng không thể chịu đựng được các linh mục; nhà trừ tà nổi tiếng người Ý là Cha Amorth đã nói, “Satan sợ ta!” Chúng hoàn toàn khiếp sợ Đức Trinh Nữ Maria và thậm chí không thể nói đến tên của Đức Mẹ.

Các bí tích là những ân sủng mạnh mẽ rất quan trọng trong việc giải thoát. Việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải là một trong những thực hành trừ tà hiệu quả nhất mà người ta có thể thực hiện. Tương tự như vậy, trong một cuộc trừ tà gần đây khác, tôi biết rằng người bị quỷ ám vừa mới đi lễ. Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho lũ quỷ nhớ lại: “Cô ta vừa đi lễ à? Cô ta đã lãnh nhận Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu chưa? Các ngươi có cảm thấy không?” Lũ quỷ hét lên. Trên thực tế, lũ quỷ ghét mọi thứ Công Giáo.

Một nhà nghiên cứu về quỷ học nổi tiếng Adam Blai gần đây đã nói với một nhóm trừ tà: “Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo.” Câu nói này khiến tôi kinh ngạc. Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo. Đúng vậy.

Tôi đã đọc một bài báo nói rằng lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo thúc đẩy trừ tà trong những năm gần đây là để truyền bá đức tin Công Giáo. Điều này thật vô lý. Trước hết, chúng tôi không thúc đẩy trừ tà nhiều cho bằng con số những người đang gõ cửa nhà chúng tôi và cầu xin sự giúp đỡ. Mọi người đều biết, nếu bạn có quỷ, hãy đến gặp một linh mục Công Giáo. Thứ hai, không phải Giáo hội đang thúc đẩy việc khẳng định giáo lý của mình thông qua trừ tà. Thay vào đó, chính những con quỷ đang làm điều đó, mặc dù trái ngược với mong muốn của chúng. Chúng không thể không hét lên khi tiếp xúc với mọi thứ Công Giáo.

Tôi là một linh mục Công Giáo và người ta mong đợi tôi làm chứng cho sự thật của đức tin chúng ta, và tôi rất vui khi làm điều đó. Nhưng bọn quỷ không muốn thừa nhận sự thật. Điều cuối cùng chúng muốn là thế giới biết điều gì đang hành hạ và xua đuổi chúng. Câu trả lời rất đơn giản: Chúa Giêsu đã trao thẩm quyền và quyền năng xua đuổi quỷ cho Giáo hội và các linh mục của Giáo hội sử dụng thẩm quyền và quyền năng này để tuân theo lệnh của Người. Lũ quỷ không vui khi chứng kiến điều đó. Như Adam Blai đã nói, “Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo.”

Bạn có phải là người Công Giáo không? Vậy thì hãy thực hành đức tin của bạn với lòng nhiệt thành và sự tự tin. Thánh lễ hàng ngày, xưng tội thường xuyên, Kinh Mân Côi và lòng sùng kính Thánh Thể là những nguồn ân sủng tuyệt vời. Nếu không phải người Công Giáo thì sao? Hãy cầu nguyện và xin Chúa dẫn dắt bạn đến nơi Ngài muốn bạn đến. Nhưng nếu bạn đang đọc những dòng này, thì có lẽ Chúa đã trả lời lời cầu nguyện đó rồi...


Source:Catholic Exorcism
 
Hỏa hoạn tàn phá nhà thờ lịch sử và tu viện Phanxicô ở Chile; không loại trừ khả năng đốt phá
Đặng Tự Do
18:16 19/10/2024


Một vụ hỏa hoạn vào hôm thứ Sáu 11 Tháng Mười, đã tàn phá Nhà thờ Thánh Antôn thành Padua và một tu viện dòng Phanxicô ở thành phố Iquique, Chí Lợi. Văn phòng công tố không loại trừ khả năng đốt phá.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống bi đát, một thảm kịch liên quan đến di sản của chúng ta, liên quan đến nhà thờ giáo xứ Thánh Anthony thành Padua đã bị thiêu rụi, cũng như tu viện Phanxicô,” giám mục Iquique, Đức Cha Isauro Covili, cho biết trong một video được giáo phận đăng tải trên Facebook vào ngày 11 tháng 10.

“Đó là một tòa nhà, như chúng ta đều biết, rất có giá trị lịch sử và quan trọng đối với thành phố và khu vực. Chúng tôi thực sự đau lòng vì vụ cháy và mọi thứ mà nó gây ra,” vị giám mục nói thêm, ám chỉ đến thực tế là vào năm 1994, địa điểm này đã được tuyên bố là di tích lịch sử của đất nước.

“Tất cả đã trở nên vô nghĩa, nhưng chúng ta cũng biết rằng Giáo hội, thân thể của Chúa Giêsu Kitô, thân thể sống động của Chúa Giêsu, sẽ tiếp tục tiến bước giữa đau buồn, bi kịch và nước mắt để tiếp tục cử hành đức tin và lời tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô với niềm vui và hy vọng,” vị giám mục nói.

Đức Cha Covili, cũng là một tu sĩ dòng Phanxicô, đặc biệt cảm ơn những người lính cứu hỏa “đã làm việc chăm chỉ suốt buổi chiều”, “tất cả các tổ chức dân sự” và “rất nhiều người đã bày tỏ sự gần gũi, quan tâm và nỗi đau của họ”.

“Tôi cảm ơn mọi người và tôi cũng cảm ơn Chúa, vì nơi này và sự hiện diện của các tu sĩ Phanxicô ở đây rất thân thương và được toàn thể thành phố trân trọng”, vị giám mục nhấn mạnh.

Theo hãng truyền thông Chile Cooperativa, vụ hỏa hoạn cũng ảnh hưởng đến ba ngôi nhà liền kề và một xưởng, làm sáu người bị thương.

Đức Cha Cooperativa cũng đưa tin rằng công tố viên Gonzalo Valderrama đã mở một cuộc điều tra để xác định xem vụ hỏa hoạn có phải là cố ý hay không.

“Một cuộc điều tra đã được mở theo chức vụ, dựa trên thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Do đó, Phòng điều tra tội phạm của Cảnh sát đã được chỉ thị tiến hành đánh giá chuyên môn”, Valderrama cho biết.

“Hiện tại, chúng tôi không có bằng chứng nào về hành vi đốt phá, nhưng đây là giả thuyết không thể loại trừ”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency
 
Thống kê về Giáo Hội Công Giáo trên thế giới năm 2024
Thanh Quảng sdb
20:38 19/10/2024
Thống kê về Giáo Hội Công Giáo trên thế giới năm 2024

Vatican (Theo Thông tấn xã Fides) – Như mọi năm, trước Ngày Truyền giáo Thế giới, năm nay kỷ niệm 98 năm vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024, TTX Fides công bố một số số liệu thống kê được chọn để đưa ra bức tranh toàn cảnh về Giáo hội trên thế giới.

Tất cả dữ liệu trong hồ sơ này và quá trình xử lý biểu đồ và bảng biểu tiếp theo đều được lấy từ ấn bản mới nhất của «Sách Thống kê của Giáo hội» được xuất bản trong năm nay (cập nhật ngày 31 tháng 12 năm 2022) liên quan đến các thành phần của Giáo Hội Công Giáo, cơ cấu Giáo hội, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Cuối cùng, bức tranh về phạm vi Giáo hội phụ thuộc vào Bộ Truyền giáo, Bộ Truyền giáo đầu tiên và các Giáo hội địa phương mới được báo cáo.

Giáo Hội Công Giáo trên thế giới: tóm tắt dữ liệu

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, dân số thế giới là 7.838.944.000, tăng 53.175.000 so với năm trước. Xu hướng tích cực được xác nhận ở tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Âu.

Cùng ngày, ngày 31 tháng 12 năm 2022, số lượng người Công Giáo trên toàn thế giới là 1.389.573.000 với mức tăng chung là 13.721.000 người Công Giáo so với năm trước. Ngay cả trong trường hợp này, sự gia tăng ảnh hưởng đến bốn trong số năm châu lục. Chỉ có ở Châu Âu, số lượng người Công Giáo giảm: - 474.000. Giống như những năm trước, mức tăng được ghi nhận nhiều nhất ở Châu Phi (+7.271.000) và Châu Mỹ (+5.912.000). Tiếp theo là Châu Á (+889.000) và Châu Đại Dương (+123.000). Tỷ lệ người Công Giáo trên thế giới tăng nhẹ (+0,03) so với năm trước, đạt 17,7%. Các Châu lục ghi nhận những thay đổi nhỏ.

Tổng số Giám mục trên thế giới tăng 13 vị so với năm trước, đạt 5.353. Số lượng Giám mục giáo phận tăng (+19) và Giám mục dòng giảm (-6). Giám mục giáo phận có 2.682, trong khi Giám mục dòng là 2.671.

Tổng số linh mục trên thế giới tiếp tục giảm, còn 407.730 (-142 trong năm ngoái). Một lần nữa, Châu Âu cho thấy sự sụt giảm liên tục (-2,745), tiếp theo là Châu Mỹ (-164). Giống như năm ngoái, sự gia tăng đáng kể đã được ghi nhận ở Châu Phi (+1.676) và Châu Á (+1.160). Châu Đại Dương, sau sự gia tăng của năm ngoái, ghi nhận sự sụt giảm (-69). Linh mục giáo phận trên thế giới giảm 439 vị, đạt 279.171. Linh mục dòng đã tăng trong năm ngoái, đạt 128.559 (+297).

Phó tế vĩnh viễn trên thế giới tiếp tục tăng (+974), đạt 50.159. Sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1), Châu Á (+15) và Châu Âu (+267). Sự sụt giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (-308) và Châu Đại Dương (-1).

Số lượng linh mục không phải là Công Giáo giảm 360 vị so với năm trước, đạt 49.414. Sự sụt giảm được ghi nhận ở Châu Phi (-229), Châu Âu (-382) và Châu Đại Dương (-27) trong khi sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Mỹ (+27) và Châu Á (+251). Ngay cả trong năm nay, số lượng nữ tu nói chung cũng giảm, đạt 599.228 (-9.730). Một lần nữa, sự gia tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1.358) và Châu Á (+74), trong khi sự sụt giảm được ghi nhận ở Châu Âu (-7.012), Châu Mỹ (-1.358) và Châu Đại Dương (-225).

Số lượng đại chủng sinh, giáo phận và dòng tu giảm trong năm nay, toàn cầu là 108.481 (năm trước là 109.895). Chỉ có Châu Phi (+726) và Châu Đại Dương (+12) ghi nhận tăng, trong khi Châu Mỹ giảm (-921), Châu Á (-375) và Châu Âu (-859). Tổng số tiểu chủng sinh, giáo phận và dòng tu giảm 95.161 (-553). Chỉ có Châu Phi (+1.065) ghi nhận tăng, trong khi tất cả các châu lục khác ghi nhận giảm: Châu Á (-978), Châu Mỹ (-475), Châu Âu (-153) Châu Đại Dương (-12).

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo Hội Công Giáo điều hành 74.322 trường mẫu giáo với 7.622.480 học sinh; 102.189 trường tiểu học với 35.729.911 học sinh; 50.851 trường trung học với 20.566.902 học sinh. Ngoài ra, 2.460.993 học sinh học tại các trường trung học và 3.925.393 học sinh tại các học viện đại học.

Các trung tâm từ thiện và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới là 102.409 và bao gồm: 5.420 bệnh viện và 14.205 trạm xá; 525 Nhà chăm sóc cho người mắc bệnh phong; 15.476 Nhà cho người già hoặc người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật; 10.589 nhà trẻ; 10.500 trung tâm tư vấn hôn nhân; 3.141 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 33.677 loại viện khác.

Các ranh giới giáo hội (Tổng giáo phận, Giáo phận, Tu viện Lãnh thổ, Đại diện Tông tòa, Phủ doãn Tông tòa, Phái bộ Sui iuris, Giáo hạt Lãnh thổ, Quản lý Tông tòa và Giáo hạt Quân đội) phụ thuộc vào Thánh bộ Truyền giáo là 1.123 (+2). Hầu hết các ranh giới giáo hội được giao phó cho Thánh bộ có trụ sở tại Piazza di Spagna đều ở Châu Phi (525) và Châu Á (481). Tiếp theo là Châu Mỹ (71) và Châu Đại Dương (46).

Phụ lục: phân tích – tăng giảm trong 25 năm (1998-2022)

Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 sắp tới và để giúp hiểu xu hướng biến động trong dữ liệu số liên quan đến sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới, ngoài hồ sơ thông thường, năm nay TTX Fides cũng xuất bản một phụ lục tóm tắt dữ liệu được thu thập trong khoảng thời gian hai mươi lăm năm, từ năm 1998 đến năm 2022. Bao gồm dữ liệu về dân số Công Giáo, số lượng linh mục, số lượng nam và nữ tu sĩ, và số lượng lễ rửa tội được thực hiện trên toàn thế giới.

Phụ lục này cũng thu thập và xử lý dữ liệu và bảng từ «Sách thống kê của Giáo hội» được xuất bản trong năm nay (cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2022). Không giống như hồ sơ cổ điển, dữ liệu được xem xét trong Phụ lục không đi sâu vào chi tiết về từng châu lục riêng lẻ mà chỉ minh họa bằng các số liệu về sự phát triển chung ở cấp độ toàn cầu trong bối cảnh rộng hơn.

Từ dữ liệu thu thập được trong giai đoạn 1998-2022, có thể thấy rõ ràng rằng số lượng người Công Giáo trên toàn thế giới đã tăng lên trong suốt 25 năm được nghiên cứu. Dữ liệu về tỷ lệ người Công Giáo trong dân số thế giới rất đáng kể: năm 1998, 17,4% dân số thế giới là người Công Giáo. Trong cuộc khảo sát mới nhất có sẵn, con số này là 17,7%. Tỷ lệ phần trăm sau vẫn không thay đổi kể từ năm 2015, sau khi đạt đỉnh ngắn ngủi vào năm 2014 (17,8%).

Một diễn biến quan trọng khác liên quan đến số lượng linh mục. Nhìn chung, số lượng linh mục trên toàn thế giới đã tăng từ 404.628 lên 407.730 trong suốt 25 năm được nghiên cứu. Trong khi số lượng nam và nữ tu sĩ đã giảm. Theo dữ liệu, số lượng nam tu sĩ chưa bao giờ vượt quá 60.000 trong suốt 25 năm được nghiên cứu. Đường cong đi xuống tương tự cũng thấy rõ trong trường hợp của các nữ tu, số lượng đã giảm từ 814.779 xuống còn 559.228 trong vòng hai mươi lăm năm.

Trong khi dân số Công Giáo đang tăng lên trên toàn thế giới, số lượng rửa tội đã giảm. Nó đã giảm từ 17.932.891 người rửa tội trên toàn thế giới vào năm 1998 xuống còn 13.327.037 người rửa tội vào năm 2022 (TTX Fides, 17/10/2024).
 
Tiến Sĩ George Weigel: Chủ tịch Tập Cận Bình có được một chỗ ngồi tại bàn của Đức Giáo Hoàng
J.B. Đặng Minh An dịch
21:01 19/10/2024


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Chairman Xi Gets a Seat at the Pope’s Table”, nghĩa là “Chủ tịch Tập Cận Bình có được một chỗ ngồi tại bàn của Đức Giáo Hoàng”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong số 368 vị tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị trong tháng này, có 272 vị là giám mục. Các ngài là một nhóm tiêu biểu đáng chú ý của nhân loại, chứng minh rằng Giáo Hội Công Giáo là cộng đồng tôn giáo đa văn hóa nhất trên thế giới. Giữa sự đa dạng đó, hai tham dự viên nổi bật một cách đặc biệt: đó là Giám mục Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu, 詹思祿) của Giáo phận Phúc Ninh/Mân Đông và Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Giáo phận Hàng Châu đến từ Trung Quốc, nơi đang có một nỗ lực tàn bạo nhằm “Hán hóa” các cộng đồng tôn giáo, ép họ phải thay đổi cho phù hợp với “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bổ nhiệm Giám mục Chiêm Tư Lộc vào giáo phận Mân Đông vào năm 2000. Giám mục này đã bị vạ tuyệt thông vì chấp nhận việc tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội. Sau đó, ông đã được hòa giải với Giáo Hội vào năm 2018. Tuy nhiên, một năm sau đó đã công khai tuyên thệ “sẽ quyết tâm thực hiện việc Hán hóa tôn giáo” và “tiếp tục theo đuổi con đường phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Giám mục Dương Vĩnh Cường là phó chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một công cụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, được thành lập năm 1957 để chia rẽ Giáo Hội Công Giáo. Vatican chưa bao giờ công nhận nhóm này là một cơ quan Công Giáo hợp pháp. Trong một lá thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 cho biết mục đích của nhóm này “không phù hợp với giáo lý Công Giáo”. Vị trí của Giám mục Dương trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước càng làm sâu sắc thêm hố sâu ngăn cách giữa Giáo Hội do chế độ kiểm soát ở Trung Quốc và Giáo Hội thầm lặng đang bị bao vây, vốn vẫn trung thành với Rôma ngay cả khi các giáo sĩ và giáo dân của họ bị bỏ tù hoặc bị tử đạo.

Vậy thì tại sao hai người đàn ông này, những người có lòng trung thành cuối cùng không rõ ràng, lại dành tháng 10 ở Rôma theo lời mời cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô? Lịch sử hiện đại về ngoại giao Vatican gợi ý một câu trả lời.

Các nhà ngoại giao cao cấp của Vatican từ lâu đã bị ám ảnh bởi việc đạt được quan hệ ngoại giao toàn diện giữa Tòa thánh và Trung Quốc. Khuôn mẫu chiến lược của họ cho nỗ lực này là chính sách Ostpolitik của Giáo Hội vào cuối những năm 1960 và 1970. Chính sách đó tìm cách hòa giải với các chế độ cộng sản ở Trung và Đông Âu để tìm cho Giáo Hội một modus non moriendi, hay một “cách không chết”, cho đến khi các chế độ đó tự do hóa đến mức khoan dung tôn giáo, nếu không phải là tự do tôn giáo hoàn toàn, trở thành chuẩn mực.

Theo bất kỳ thước đo nghiêm chỉnh nào, chính sách này là một thất bại thảm hại. Trong thời kỳ Ostpolitik, các cuộc đàn áp đằng sau Bức màn sắt thường gia tăng. Những người Công Giáo kiên định đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người cảm thấy bị Vatican phản bội. Các cơ quan tình báo bí mật của Khối hiệp ước Warsaw đã sử dụng Ostpolitik để thâm nhập sâu hơn vào các tổ chức tôn giáo và chính Vatican.

Khi được bầu vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã âm thầm xóa bỏ Ostpolitik và biến giáo hoàng thành người ủng hộ mạnh mẽ nhân quyền, có ảnh hưởng đáng kể ở Ba Lan, Tiệp Khắc và Lithuania do Liên Xô xâm lược.

Những thất bại rõ ràng của Ostpolitik có thể đã khiến Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh phải suy nghĩ lại một cách tỉnh táo, nhưng có một phẩm chất Bourbon trong bộ máy quan liêu đó: Không có gì bị lãng quên và không có gì được học. Do đó, các nhà ngoại giao trẻ của Vatican đang được đào tạo ngày nay tại Trường Ngoại Giao Tòa Thánh được dạy rằng chính sách này là một thành công lớn, đỉnh cao của ngoại giao Vatican thế kỷ 20. Thái độ đó, cộng với sự thiếu kinh nghiệm toàn cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô khi được bầu vào năm 2013, đã giải thích rất nhiều lý do tại sao các Giám mục Chiêm Tư Lộc và Dương Vĩnh Cường lại tham dự hội nghị.

Năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô, người dường như vô tư không quan tâm đến dự án “Hán hóa” của ông Tập, đã chấp thuận thỏa thuận mà các nhà ngoại giao Vatican bị ám ảnh bởi Trung Quốc đã tìm kiếm từ lâu. Văn bản của thỏa thuận đó, được tái khẳng định vào năm 2021 và có khả năng sẽ sớm được tái khẳng định một lần nữa, chưa bao giờ được công khai. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng thỏa thuận này trao cho Bắc Kinh tiếng nói mạnh mẽ trong việc đề cử các giám mục Công Giáo tại Trung Quốc: đó là một sự nhượng bộ phớt lờ giáo huấn của Công đồng Vatican II, từ 1962-65, và vi phạm trắng trợn Bộ Giáo luật, trong đó nêu rõ rằng “không có quyền hoặc đặc quyền bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định Giám mục nào được trao cho các chính quyền dân sự”.

Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI hoàn toàn có thể thực hiện một thỏa thuận như vậy. Nhưng cả hai vị đều không làm như thế, vì các ngài biết rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến sự độc lập của Giáo Hội và rằng một chế độ toàn trị không thể tin cậy được. Có vẻ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý với thoả thuận này vì các nhà ngoại giao của ngài đã thuyết phục ngài rằng việc chấp nhận thỏa thuận đó—và sau đó chào đón những người như Giám mục Chiêm Tư Lộc và Dương Vĩnh Cường vào nhóm Thượng Hội Đồng—là một bước tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện. Đổi lại, điều đó sẽ mang lại cho ngoại giao Vatican một vị trí tại bàn đàm phán về tương lai của thế giới với một thế lực bá quyền toàn cầu tiềm tàng.

Tại sao bá quyền Trung Quốc lại chú ý đến những người đã cúi mình trước nó là một câu hỏi không bao giờ được trả lời. Trong khi đó, việc theo đuổi tưởng tượng ngoại giao này đã làm im tiếng nói của Vatican thay mặt cho tất cả các tín hữu bị đàn áp ở Trung Quốc, để bảo vệ Jimmy Lai, một người Công Giáo ngoan đạo, và để ủng hộ Đức Hồng Y đáng kính Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng.

Đức Giáo Hoàng cho biết ngài “hài lòng với cuộc đối thoại” và kết quả đạt được là rất “tốt”. Trên thực tế, đó là một sự ô nhục.


Source:Wall Street Journal
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Thánh Martin mừng bổn mạng Năm 2024.
Trần Văn Minh
02:21 19/10/2024
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 19/10/2024. Trong một ngày mưa nhẹ Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Thánh Martin đã cùng với Liên Huynh Đa Minh Victoria, quy tụ về ngôi Nhà thờ thân thương Our Lady thuộc Giáo xứ Thánh Gia, vùng Maidstone để cùng nhau dâng Thánh lễ tạ ơn, mừng Thánh Martin de Porres là Bổn mạng của Huynh đoàn Thánh Martin khu vực Miền Tây Melbourne.

Xem hình
Sau khi đại diện của huynh đoàn lên đọc tiểu sử của Thánh Martin. Mọi người đã cùng nhau đọc kinh Thần vụ trước giờ lễ 30 phút thật sốt sắng.

Thánh lễ do Linh mục Đỗ Hoàng Vinh, một linh mục Triều đã thay mặt cho Linh mục tổng đặc trách Liên huynh Đa Minh Việt Nam Úc Châu dâng lễ. Ngoài đông đảo các đoàn viên từ các Huynh đoàn Đa Minh bạn, Ca Đoàn Đa Minh, Soeur Kim trợ úy. Còn có sự tham dự của Trưởng Ban Phục vụ Liên Huynh Victoria. Và các ban phục vụ của sáu huynh đoàn hiệp dâng thánh lễ cùng huynh đoàn mừng bổn mạng.

Ca đoàn Đa Minh luôn phụ trách phụng vụ phần thánh ca các thánh lễ bổn mạng các huynh đoàn, luôn xuất sắc dùng lời ca, tiếng đàn để ca khen, tôn vinh Chúa qua Thánh Tổ phụ Đa Minh làm cho buổi lễ thêm long trọng và sốt mến hơn.

Trong bài giảng, trích Lời Chúa nói về muối đất và ánh sáng. Xin tóm tắt: Linh mục chủ tế đã khai triển về sự danh lợi ở đời. Ai cũng nghĩ đến vinh quang hiện tại mà quên đi vinh quang đời sau. Chúng ta cũng đòi hỏi sống để làm men, làm muối, làm ánh sáng cho đời. Chúng ta đòi hỏi cuộc sống hy sinh, bác ái. Bài học về năm chiếc bánh và hai con cá đã dậy cho chúng ta phải biết cho đi, đừng sợ thiếu hay đợi có dư thừa rồi mới giúp đỡ người khác.

Nói về Thánh Martin, một con người bị cha mình từ bỏ, nhưng không vì thế mà Ngài thiếu niềm tin. Ngài đã tin mình có người Cha trên trời và Ngài đã sống hết mình, sống và làm việc bác ái theo gương sáng của Chúa, và gương sáng của Ngài còn lưu lại mãi mãi với đời.

Một bữa ăn trưa được tổ chức mừng bổn mạng của huynh đoàn đã được toàn thể mọi người tham dự vui vẻ tại hội trường giáo xứ.


 
VietCatholic TV
Zelensky: Bắc Hàn tham chiến chống Ukraine, thế chiến bắt đầu. Tướng Zaluzhnyi và Nam Hàn nhận định
VietCatholic Media
02:27 19/10/2024


1. Zelenskiy nói Bắc Hàn đã tham gia chiến tranh chống lại Ukraine

Hôm Thứ Năm, 17 Tháng Mười, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã xác nhận rằng Bắc Hàn “đang tham gia vào cuộc chiến” chống Ukraine và đang chuẩn bị hàng chục ngàn binh lính để chiến đấu cùng Nga, động thái được cho là sẽ mở rộng cuộc chiến vào thời điểm Kyiv và Mạc Tư Khoa đang tìm kiếm những cách thức mới để bổ sung quân số.

“Những gì chúng tôi biết là Bắc Hàn đã chuẩn bị một đội quân để chiến đấu chống lại Ukraine,” Zelenskiy phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, nơi nhà lãnh đạo Ukraine đang hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ cho một lộ trình mới để “chiến thắng” cho Kyiv trong số các quan chức Âu Châu và NATO.

“Tôi biết rằng gia tộc Kim đã đưa 10.000 binh sĩ từ các nhánh khác nhau của quân đội sang Nga”

Điều này sẽ đánh dấu sự leo thang đáng kể trong sự tham gia của Bắc Hàn vào cuộc chiến thay mặt cho đồng minh chủ chốt của mình, là Nga. Cho đến nay, không có lực lượng quân sự chính thức nào từ một quốc gia bên ngoài cuộc xung đột đã cam kết một phần lớn lực lượng ra tiền tuyến.

Đây là “bước đầu tiên dẫn đến chiến tranh thế giới”, Zelenskiy nói trong bài phát biểu được The Kyiv Independent đưa tin. Ông đã thảo luận về sự tham gia của Bắc Hàn với Hoa Kỳ và các đồng minh khác.

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ các báo cáo về quân đội Bắc Hàn chiến đấu cùng lực lượng Nga là “tin giả”.

Mạc Tư Khoa - hiện là quốc gia bị nhiều nước phương Tây ruồng bỏ sau cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 - ngày càng chuyển sang tìm kiếm vũ khí từ các đồng minh như Iran, Trung Quốc và Bắc Hàn.

Tuần này, Zelenskiy cho biết mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đang “ngày càng bền chặt hơn”, đồng thời nói thêm rằng ông không còn chỉ đề cập đến việc chuyển giao vũ khí cho Nga mà còn là “việc chuyển người từ Bắc Hàn” vào quân đội Nga.

BBC đưa tin hôm thứ Tư rằng Nga đang thành lập một đơn vị gồm khoảng 3.000 chiến binh Bắc Hàn, trích dẫn nguồn tin tình báo quân sự Ukraine.

Tờ báo Ukraine The Kyiv Post đưa tin trong tháng này rằng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào lãnh thổ do Nga kiểm soát ở khu vực Donetsk phía đông đã giết chết sáu quân nhân Bắc Hàn, trích dẫn nguồn tin tình báo ẩn danh của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Kim Dung Huyền cho biết sau báo cáo này rằng điều đó có khả năng là sự thật.

“Vì Nga và Bắc Hàn đã ký một hiệp ước chung giống như một liên minh quân sự nên khả năng điều động quân như vậy là rất có thể xảy ra”, Kim nói, ám chỉ đến hiệp ước phòng thủ chung mà Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa đã ký vào tháng 6.

Kyiv đã nhiều lần nhắm vào các căn cứ của Nga chứa đạn dược do Bắc Hàn cung cấp, bao gồm các cơ sở nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Mạc Tư Khoa đã bắn hàng chục hỏa tiễn của Bắc Hàn vào các mục tiêu của Ukraine.

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, cho biết vào tháng 9 rằng đạn dược do Bắc Hàn cung cấp “thực sự có hại cho chúng tôi và cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thể làm gì được”.

Nga và Ukraine, khi chưa thấy hồi kết cho cuộc xung đột, đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự trong việc tuyển tân binh cho các đơn vị mệt mỏi của họ.

Việc sử dụng quân đội Bắc Hàn có thể là một viễn cảnh hấp dẫn đối với Điện Cẩm Linh vì họ muốn tránh những động thái không được ủng hộ về mặt chính trị và xã hội, như mở rộng chế độ nghĩa vụ quân sự hoặc tuyên bố huy động quân đội.

[Newsweek: North Korea Has Joined War Against Ukraine, Zelensky Says]

2. Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố NATO thiếu sự đồng thuận trong việc mời Ukraine

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố rằng hiện tại không có sự đồng thuận giữa các thành viên NATO về việc gửi lời mời tới Ukraine, mặc dù Hoa Kỳ đang thúc đẩy các đối tác của mình chứng minh tính cấp thiết và mức độ đóng góp tương tự trong việc hỗ trợ Ukraine như Hoa Kỳ.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết như trên hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, trong cuộc họp báo về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Biden tới Đức

“Có một cuộc thảo luận giữa các Đồng minh NATO về lời mời. Hiện tại không có sự đồng thuận nào về việc mời Ukraine. Nhưng như bạn biết đấy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vài tháng trước — vào tháng 7, giữa tháng 7 — tất cả 32 Đồng minh đều khẳng định rằng Ukraine đang trên con đường không thể đảo ngược để trở thành thành viên. Vì vậy, câu hỏi là về các chiến thuật để khuyến khích con đường đó và làm thế nào để đạt được sự đồng thuận về các bước tiếp theo.”

Ông cho biết “Tổng thống Biden muốn Ukraine giành chiến thắng và chúng tôi sẽ cung cấp nguồn lực phù hợp cho nỗ lực này”.

“Đó là lý do tại sao Tổng thống triệu tập cuộc họp cấp lãnh đạo của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, hay còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Ramstein — và cuộc họp đó sẽ được tổ chức trong tương lai gần — để khơi dậy sự cấp bách và đóng góp tương tự từ một số đồng minh và đối tác của chúng ta để chúng ta có thể duy trì điều này”, ông nói.

Tướng Kirby cũng đề cập rằng có một “cuộc thảo luận tích cực về các yếu tố khác nhau” của Kế hoạch Chiến thắng của Ukraine, đặc biệt đề cập đến công việc liên quan đến khoáng sản, mặc dù không có thông tin chi tiết nào được cung cấp.

Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga và nói thêm rằng “có rất nhiều điều đáng lo ngại”.

“Chúng tôi chắc chắn đánh giá cao tính cấp bách của thời điểm này, đó là lý do tại sao Tổng thống đang dẫn đầu nỗ lực cung cấp cho Ukraine các thiết bị mà nước này cần và thẳng thắn mà nói, xem xét nghiêm chỉnh tất cả các yếu tố mà Ukraine đề xuất và hợp tác với họ để lập ra chiến lược bảo đảm chiến thắng trong cuộc chiến này.

Putin biết rằng thời gian không đứng về phía ông ta, mà thực tế là thời gian đang đứng về phía Ukraine, và chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine và trao cho họ những gì họ cần để chiến thắng.”

[Ukrainska Pravda: Biden administration states NATO lacks consensus on inviting Ukraine]

3. Quân đội NATO được xây dựng dựa trên các nguyên tắc quân sự thời Chiến tranh Bắc Hàn, Zaluzhnyi nói

Theo một phóng viên của tờ Kyiv Independent, cựu tổng tư lệnh Ukraine và hiện là đại sứ tại Anh Valerii Zaluzhnyi cho biết vào ngày 17 tháng 10 rằng quân đội của các quốc gia thành viên NATO vẫn tiếp tục dựa vào các nguyên tắc an ninh và vũ khí “thừa hưởng từ Chiến tranh Bắc Hàn” mà sẽ không còn phù hợp trong chiến tranh hiện đại.

“ Sẽ không có cuộc chiến tranh nào theo mô hình năm 1953. Tôi đang nói về Chiến tranh Bắc Hàn. Nó đã kết thúc vào mùa hè năm 2023 tại Ukraine, khi hai đội quân chuyên nghiệp với hơn một triệu quân nhân đối đầu nhau trên chiến trường”, vị tướng đã nghỉ hưu phát biểu tại Chatham House ở Luân Đôn.

Khi Zaluzhnyi phụ trách quân đội Ukraine vào năm 2023, quân đội Ukraine đã phát động cuộc phản công nhằm tiến về phía Biển Azov để cắt đứt hành lang trên bộ của Nga tới Crimea.

Không đạt được mục tiêu, chiến dịch này chỉ giải phóng được một số thị trấn ở Zaporizhzhia và Donetsk, bị chậm lại đáng kể do bãi mìn của Nga và thiếu ưu thế trên không cũng như trang thiết bị.

Kể từ đó, việc gần như bão hòa hoàn toàn tiền tuyến bằng máy bay điều khiển từ xa và các hệ thống điều khiển từ xa khác đã tiếp tục thay đổi cách thức chiến tranh diễn ra.

Đại sứ cũng nhấn mạnh rằng chiến tranh hiện đại đã đưa những công nghệ mới vào chiến trường, chẳng hạn như máy bay điều khiển từ xa và trí tuệ nhân tạo.

Zaluzhnyi lưu ý rằng không thể sản xuất hỏa tiễn, chiến binh và tàu phi trường đắt tiền ở “quy mô lớn” mà chiến tranh hiện đại đòi hỏi, nghĩa là những hệ thống này sẽ trở nên kém hiệu quả hơn.

Nam Hàn và Hoa Kỳ đã chiến đấu chống lại Bắc Hàn và Trung Quốc trong một cuộc chiến đẫm máu vào năm 1950-53, dẫn đến lệnh ngừng bắn và sự phân chia dọc theo đường phân định hiện nay.

Trong bài phát biểu này, Zaluzhnyi cho biết gần như không thể thoát khỏi tình trạng chiến tranh “kéo dài” với Nga.

[Kyiv Independent: 'First step to World War' — North Korea preparing 10,000 soldiers to join Russia's war, Zelensky confirms]

4. Zelenskiy tuyên bố chúng tôi cần NATO hoặc vũ khí hạt nhân… nhưng chúng tôi muốn NATO

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết sự tồn tại của Ukraine chỉ có thể được bảo đảm bằng cách gia nhập NATO hoặc bằng cách trang bị vũ khí hạt nhân.

Zelenskiy nhắc lại rằng đất nước của ông đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân của Liên Xô được lưu trữ trên lãnh thổ của mình để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994.

“Trong số những cường quốc hạt nhân lớn này, ai phải chịu thiệt hại? Tất cả à? Không phải. Chỉ có Ukraine đã chịu thiệt hại,” Zelenskiy phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Âu Châu ở Brussels vào thứ năm.

“Ai đã từ bỏ vũ khí hạt nhân? Tất cả à? Không. Chỉ có một mình Ukraine. Ai đang chiến đấu ngày hôm nay? Ukraine,” ông nói thêm. “Hoặc Ukraine sẽ có vũ khí hạt nhân và đó sẽ là sự bảo vệ của chúng tôi hoặc chúng tôi nên có một số loại liên minh. Ngoài NATO, ngày nay chúng tôi không biết bất kỳ liên minh hiệu quả nào khác.

“Các nước NATO không có chiến tranh. Mọi người đều sống sót ở các nước NATO. Và cảm ơn Chúa. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn NATO chứ không phải vũ khí hạt nhân,” Zelenskiy nói.

Sau đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã làm rõ tại một cuộc họp báo vào thứ năm với Tổng thư ký NATO Mark Rutte rằng “chúng tôi không chế tạo vũ khí hạt nhân. Ý tôi là hiện nay không có sự bảo đảm an ninh nào mạnh mẽ hơn cho chúng tôi ngoài tư cách thành viên NATO”.

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Mười, Tổng thống Zelenskiy đã trình bày kế hoạch chiến thắng của mình để chấm dứt chiến tranh với Nga trước quốc hội Kyiv. Kế hoạch này bao gồm việc bảo đảm lời mời gia nhập NATO cùng với việc tiếp tục vận chuyển vũ khí để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này, nói rằng con đường trở thành thành viên của nước này là “không thể đảo ngược”, nhưng vẫn chưa cam kết thời điểm cụ thể.

“Chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ của mình và chỉ muốn những người khác cũng hoàn thành nghĩa vụ của họ, nhưng hiện tại chúng tôi không có bất kỳ bảo đảm an ninh thực sự nào”, một quan chức Ukraine thân cận với tổng thống nói với POLITICO sau khi được giấu tên để thảo luận về chủ đề nhạy cảm này.

Kyiv phải có được sự chấp thuận của tất cả 32 thành viên NATO để gia nhập, nhưng Thủ tướng Slovakia thân Nga Robert Fico đã tuyên bố sẽ ngăn chặn việc gia nhập của Ukraine chừng nào ông còn tại nhiệm.

Trong khi đó, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Zelenskiy, cũng gọi kế hoạch chiến thắng của Ukraine là “đáng sợ và còn hơn thế”.

Zelenskiy cho biết hôm thứ Năm rằng ông đã chào Orbán tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ở Brussels. “Tôi đã thấy Viktor Orbán cùng với các nhà lãnh đạo khác hôm nay. Và chúng tôi đã chào nhau. Tôi nghĩ rằng điều đó không tệ”, ông nói.

5. Tổn thất của Nga ở Ukraine vượt qua hai cột mốc đáng sợ

Hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, Kyiv cho biết Nga đã mất hơn 9.000 xe tăng và hơn 18.000 xe thiết giáp trong cuộc chiến khốc liệt chống lại Ukraine và cuộc xung đột này vẫn chưa có hồi kết khi mùa đông đang đến gần.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết Nga đã mất tổng cộng 9.014 xe tăng kể từ tháng 2 năm 2022, bao gồm 17 xe tăng trong 24 giờ trước đó. Mạc Tư Khoa đã mất 33 xe thiết giáp chở quân từ thứ Tư đến thứ Năm, nâng tổng số xe thiết giáp chiến đấu của Nga bị mất lên 18.002.

Những bước tiến mạnh mẽ của Nga dọc theo hàng trăm dặm tiền tuyến ở Ukraine đã phải trả giá đắt, bằng nhân sự và kho vũ khí quân sự của họ. Nga đã chiếm được các thành phố quan trọng ở phía đông, chẳng hạn như các thị trấn Bakhmut của Donetsk vào tháng 5 năm ngoái và Avdiivka vào đầu năm nay, nhưng vẫn chịu tổn thất về xe tăng và xe thiết giáp.

Các chuyên gia trước đây đã nói với Newsweek rằng, ngay từ đầu nỗ lực chiến tranh của Nga, đã có những thất bại đáng kể trong việc tổ chức và lập kế hoạch tấn công bằng xe tăng, cũng như việc huấn luyện kém, tinh thần sa sút và sự rạn nứt trong chuỗi chỉ huy.

Những đội xe tăng giàu kinh nghiệm nhất đã tham gia chiến đấu chỉ trong vài tuần của cuộc chiến tranh toàn diện, để lại những tân binh với rất ít huấn luyện viên hướng dẫn họ.

Để bù đắp tổn thất lớn, Nga đã đưa xe tăng ra khỏi kho và đặt ngành công nghiệp quốc phòng vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, có thể nạp lại kho dự trữ trong khi liên tục hứng chịu những đòn tấn công từ lực lượng Ukraine.

Putin cho biết vào tháng 2 năm nay rằng sản lượng xe tăng trong nước của Nga đã tăng gấp năm lần trong hai năm kể từ khi bắt đầu cái mà Mạc Tư Khoa gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Chính phủ Anh ước tính vào đầu năm 2024 rằng Nga có thể sản xuất khoảng 100 xe tăng chiến đấu chủ lực mỗi tháng để hỗ trợ cho các cuộc tấn công bọc thép của mình.

Ukraine không có khả năng sản xuất xe tăng và xe thiết giáp thay thế như Nga, nhưng đã nhận được hàng viện trợ, bao gồm cả xe cộ, từ các nước hậu thuẫn phương Tây.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Năm rằng Ukraine đã mất 18.634 xe tăng và xe thiết giáp trong hơn hai năm rưỡi chiến tranh. Newsweek đã liên hệ với quân đội Ukraine để bình luận qua email.

Các nguồn tin từ Ukraine ngày càng đưa tin về các cuộc tấn công của Nga bằng các nhóm bộ binh nhỏ, chống lại hệ thống phòng thủ của Ukraine mà không sử dụng xe thiết giáp hoặc xe tăng.

Yegor Firsov, một trung sĩ tham mưu của một đại đội tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trong quân đội Ukraine, đã nói với Newsweek tại Kyiv vào giữa tháng 9 rằng máy bay điều khiển từ xa trinh sát của Ukraine thường không còn để mắt đến xe thiết giáp, xe tăng hoặc pháo binh nữa. “Rất có thể, tôi sẽ thấy một số kẻ địch sử dụng xe buggy, xe đạp, xe golf, có thể là nhằm cố gắng tiến lên”, Firsov nói.

Các chiến binh Ukraine cũng nhìn thấy “những chiếc xe hơi bị cắt xén, được chế tạo lại cho mục đích chiến tranh” hoặc những chiếc xe dân sự không có mái che dọc theo tuyến đầu, Firsov nói thêm.

Kyiv và Mạc Tư Khoa đang trên bờ vực của một mùa đông khác, với rất ít triển vọng về sự hoãn lại trong giao tranh. Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào đầu tháng này rằng những mùa đông trước không buộc Nga phải kiềm chế các hoạt động chống lại Ukraine.

[Newsweek: Russian Losses in Ukraine Pass Two Grim Milestones: Kyiv]

6. Đằng sau những tuyên bố chống Ukraine của Fico về hòa bình sắp xảy ra với Nga là gì?

“Ukraine và Hoa Kỳ sẽ đàm phán hòa bình với Nga. Tôi lo ngại rằng Ukraine sẽ trở thành nạn nhân, giống như chúng ta đã làm với Hiệp định Munich. Đó là những gì tôi nghĩ”, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố tại một cuộc họp của Ủy ban các vấn đề Âu Châu của Quốc hội Slovakia

Nhiều chính trị gia và nhân vật công chúng Slovakia đã bày tỏ sự xấu hổ về những phát biểu này của thủ tướng nước họ.

Tại Kyiv, các quan chức đang cố gắng bỏ qua những phát biểu chống Ukraine của Thủ tướng Slovakia Robert Fico, và tác giả giải thích rằng lập trường này có lý do của nó.

Chính quyền Ukraine coi Fico là người có tính xây dựng trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trước các cuộc tham vấn liên chính phủ Slovakia-Ukraine, ông thường đưa ra những tuyên bố chỉ trích gay gắt về Ukraine hoặc bóp méo kết quả đàm phán để đưa ra những bình luận không thân thiện sau đó.

Một quan chức Ukraine tham gia đàm phán nói với biên tập viên tờ Pravda Âu Châu rằng bản thân Fico đã đề cập đến chủ đề trong các tuyên bố của mình trong một trong những cuộc tham vấn, giải thích rằng chúng chỉ nhằm mục đích sử dụng nội bộ và không phản ánh triển vọng hợp tác thực sự với Ukraine.

Panchenko nhấn mạnh rằng sau một năm làm việc với Fico tại nhiệm, Kyiv đã tìm ra cách để làm việc thành công với ông, tách biệt sự khoa trương chính trị khỏi lợi ích thực sự.

Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Fico về hòa bình sắp xảy ra đã vượt ra ngoài khuôn mẫu đã được thiết lập này.

Phát biểu tại quốc hội Slovakia, Fico đã bảo vệ chuyến thăm Mạc Tư Khoa của một trong những thành viên đảng của ông, Nghị sĩ Âu Châu Ľuboš Blaha.

Blaha là một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của Fico và đóng vai trò đặc biệt trong đảng Smer, thường lên tiếng về những quan điểm mà bản thân Fico không thể công khai bày tỏ.

Vì vậy, chuyến thăm Mạc Tư Khoa của Blaha và những tuyên bố khiêu khích của ông không phải là hành động ngẫu nhiên. Đặc biệt là khi Fico cũng đã bày tỏ ý định đến thăm Mạc Tư Khoa vào năm tới để kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II.

“Những tuyên bố như vậy gây ra sự phản kháng từ phe đối lập Slovakia, và Fico cần phải tự biện minh. Để làm được điều đó, ông sử dụng những câu chuyện đang lan truyền trên phương tiện truyền thông phương Tây: khả năng đóng băng các hành động thù địch để đổi lấy 'sự chấp nhận một phần' của Ukraine vào NATO”, tác giả bài xã luận viết.

Panchenko chỉ ra những mâu thuẫn trong tuyên bố của thủ tướng Slovakia, mà Fico dường như bỏ qua. Một mặt, ông nhắc lại ý tưởng về một sự thỏa hiệp liên quan đến việc Ukraine “được gia nhập một phần” vào NATO. Mặt khác, ông khẳng định rằng ông sẽ không cho phép Ukraine gia nhập NATO chút nào.

“Nếu bạn nghĩ về điều đó, về mặt kỹ thuật, điều này có nghĩa là chính Fico sẽ ngăn chặn 'hòa bình ở Âu Châu'.

Tuy nhiên, những sắc thái như vậy dường như không làm thủ tướng Slovakia bận tâm - ông tìm cách khôi phục quan hệ kinh tế với Nga (và gặt hái lợi ích từ Điện Cẩm Linh khi làm suy yếu lập trường của Liên Hiệp Âu Châu) và tìm kiếm bất kỳ lý do chính đáng nào cho hành động của mình”, Panchenko lưu ý.

Ông nói thêm rằng điều này đặt ra thách thức cho Ukraine.

Liệu Ukraine có thể tiếp tục duy trì lập trường hiện tại là “không nghe điều gì xấu” khi chính phủ Slovakia đang chuẩn bị tái lập quan hệ toàn diện với Nga hay không?

Hoặc có lẽ đã đến lúc Kyiv phải cho thấy rõ ràng rằng có những ranh giới đỏ mà họ sẽ không bỏ qua trong bất kỳ trường hợp nào.

Và nếu trường hợp sau xảy ra, Ukraine không nên trì hoãn việc gửi tín hiệu rõ ràng tới Fico.

[Euromaidan: What is behind Fico’s anti-Ukrainian statements about imminent peace with Russia]

7. Hai công dân Nga phải đối mặt với cáo buộc phân phát tờ rơi của Wagner Group tại Krakow

Tòa án quận Krakow đã bắt đầu xét xử hai công dân Nga, Andrei G. và Aleksei T., những người bị cáo buộc được Tập đoàn Wagner thuê để phát tờ rơi tại Krakow, Ba Lan nhằm khuyến khích mọi người tham gia tổ chức này.

Họ phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến hoạt động tình báo nước ngoài và tham gia vào một nhóm vũ trang quốc tế có ý định thực hiện các hành vi khủng bố.

Ban đầu bị Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan bắt giữ vào tháng 8 năm 2023, họ có thể phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù vì hành động của mình.

Ngoài Ba Lan, họ còn làm việc ở nhiều thành phố khác tại Âu Châu, bao gồm Berlin và Paris, dán tờ rơi và phát nhãn dán có mã QR để tuyển quân.

“Chúng tôi nhận được tờ rơi của Wagner Group ở Mạc Tư Khoa. Nhiệm vụ của chúng tôi là phân phát 3.000 tờ rơi ở Krakow và Warsaw, nhưng chúng tôi chỉ có thể dán được 200 tờ. Chúng tôi cũng được yêu cầu chụp ảnh chúng sau khi chúng được dán lên. Tôi không muốn trở thành một phần của tuyên truyền; tôi chỉ muốn kiếm chút tiền,” một trong những người đàn ông tuyên bố tại tòa.

Nhóm Wagner đóng vai trò chủ chốt trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, chỉ huy cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa trong Trận Bakhmut vào mùa xuân năm 2023.

Yevgeny Prigozhin, khi đó là thủ lĩnh của Wagner, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn ở Nga vào ngày 23 tháng 8 năm 2023. Vụ tai nạn xảy ra hai tháng sau khi Prigozhin chỉ huy quân Wagner trong một cuộc nổi loạn ngắn ngủi chống lại Điện Cẩm Linh.

Sau cuộc nổi loạn và cái chết của Prigozhin, nhóm lính đánh thuê đã rút khỏi Ukraine và trở nên tan rã, hoạt động ở Belarus và một số quốc gia Phi Châu thân thiện với Nga.

[Ukrainska Pravda: Two Russian nationals face charges for distributing Wagner Group flyers in Krakow]

8. Ukraine ký thỏa thuận an ninh song phương với Hy Lạp

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Zelenskiy cho biết hôm Thứ Năm, 17 Tháng Mười

Ukraine đã ký 25 thỏa thuận tương tự, bao gồm với Hoa Kỳ, Anh, Đức và Pháp, nhằm mục đích giúp Kyiv đẩy lùi sự xâm lược của Nga trong bối cảnh chiến tranh toàn diện. Các thỏa thuận này dựa trên cam kết của nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, vào tháng 7 năm 2022.

“Hy Lạp sẵn sàng tiếp tục đáp ứng những nhu cầu quốc phòng cấp bách nhất của Ukraine,” Zelenskiy viết trên X.

“Hy Lạp cũng sẽ cung cấp thêm nguồn lực để đẩy nhanh quá trình đào tạo F-16 cho các phi công và kỹ thuật viên của chúng tôi”, ông nói thêm.

Bất chấp các báo cáo trái chiều và áp lực từ Liên Hiệp Âu Châu, vào tháng 4 năm 2024, Hy Lạp tuyên bố sẽ không gửi cho Ukraine hệ thống Patriot hoặc phòng không S-300, bất chấp những yêu cầu này và tình trạng thiếu hụt phòng không nghiêm trọng của Ukraine.

“Hy Lạp đã hỗ trợ Ukraine theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả vật liệu quốc phòng”, Mitsotakis cho biết vào thời điểm đó.

“ Nhưng chúng tôi đã nói ngay từ đầu rằng chúng tôi không thể loại bỏ các hệ thống vũ khí có tầm quan trọng sống còn đối với khả năng răn đe của chúng tôi.”

Mitsotakis cho biết việc gửi thiết bị tới Ukraine sẽ gây ra rủi ro quá lớn cho an ninh hàng không của Hy Lạp.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel), đơn vị theo dõi viện trợ quốc tế cho Ukraine, tính đến tháng 8 năm 2024, Hy Lạp đã phân bổ 137 triệu euro, hay 148 triệu đô la, viện trợ.

[Kyiv Independent: Ukraine signs bilateral security agreement with Greece]

9. Tổng thống cho biết sự xoay trục của Georgia sang Nga ‘có thể là một âm mưu’

“Các anh định đưa Georgia đi đâu?”

Đây là câu hỏi mà Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili dành cho Bidzina Ivanishvili, một tỷ phú đầu sỏ mà dưới sự ảnh hưởng của ông, chính phủ Georgia đã xoa dịu Mạc Tư Khoa, gây tổn hại đến tương lai của đất nước này tại Âu Châu.

“Tôi không thích các thuyết âm mưu, nhưng đó có thể là một mưu toan”, Zourabichvili, một người ủng hộ trung thành cho sự hội nhập Liên minh Âu Châu của Georgia, đã nói với POLITICO trong một cuộc phỏng vấn. “Có thể là mối quan hệ của Ivanishvili với Mạc Tư Khoa vẫn còn đó và đã trở nên chặt chẽ hơn”.

Lý do đằng sau sự thay đổi đột ngột của đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia về cam kết của mình đối với con đường Âu Châu về cơ bản vẫn còn khó hiểu, ngay cả với Zourabichvili. Mặc dù áp lực từ Mạc Tư Khoa là một khả năng, bà nói thêm, nhưng thật khó để nói về một kế hoạch tổng thể mà không có bằng chứng.

“Toàn bộ lịch sử của Georgia cho thấy rằng mối nguy hiểm chính đối với Georgia đến từ Nga. Nguy cơ chiến tranh tăng lên khi Georgia bị cô lập khỏi các đối tác của mình, khi nước này đơn độc, chia rẽ và yếu kém. Tôi không có lời giải thích nào hợp lý hơn cho điều đó”, tổng thống nói.

Cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 26 tháng 10, sẽ quyết định liệu Giấc mơ Georgia có củng cố vị thế của đất nước này trong phạm vi ảnh hưởng của Nga hay không, hay liệu đất nước này sẽ được điều hành bởi phe đối lập thân phương Tây, những người đã hứa sẽ xây dựng lại mối quan hệ với Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ.

Mặc dù Georgia đã nhận được tư cách ứng cử viên gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 12 năm 2023, nhưng tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của nước này hiện đang bị đóng băng do sự thoái trào dân chủ và lập trường chống phương Tây của chính phủ nước này.

Vào tháng 5, đảng cầm quyền đã thông qua một luật theo phong cách Nga về các tác nhân nước ngoài, trong đó chỉ định các nhóm xã hội dân sự nhận được hơn 20 phần trăm nguồn tài trợ từ nước ngoài là “theo đuổi lợi ích của một thế lực nước ngoài”.

Dự luật này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nhóm người Georgia và quốc tế, với cảnh báo của Liên Hiệp Âu Châu rằng việc Tbilisi gia nhập khối là điều không thể trừ khi nước này cam kết theo đuổi con đường Âu Châu.

Đổi lại, chính phủ Giấc mơ Georgia trở nên thù địch hơn với các đối tác phương Tây, cáo buộc họ cố gắng lật đổ chính phủ và muốn mở mặt trận thứ hai của cuộc chiến tranh Ukraine tại Georgia.

Sự thay đổi này được hoan nghênh tại Nga, khi tổng biên tập của hãng truyền thông nhà nước RT ca ngợi chính phủ Ivanishvili đã hành động “một cách không phù hợp”. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng ca ngợi chính phủ Georgia vì đã phản đối chương trình nghị sự của phương Tây và thông qua luật về ảnh hưởng của nước ngoài và tuyên truyền LGBTQ+.

Giấc Mơ Georgia khẳng định rằng mặc dù Ivanishvili tích lũy tài sản ở Nga, mối quan hệ của ông với Mạc Tư Khoa đã bị hủy bỏ từ lâu. Một cuộc điều tra gần đây của cơ quan chống tham nhũng OCCRP cho thấy gia đình Ivanishvili vẫn sở hữu và hưởng lợi từ các bất động sản ở Mạc Tư Khoa — những cáo buộc mà đảng này đã bác bỏ là sai sự thật.

Cuộc bầu cử tháng 10 là “mang tính sống còn”, Zourabichvili đã nói — nhưng vẫn thận trọng khi dự đoán kết quả của chúng. Một cuộc khảo sát ý kiến công chúng gần đây cho thấy Giấc Mơ Georgia dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với 32 phần trăm số phiếu bầu.

Bà hy vọng rằng các lực lượng ủng hộ Âu Châu sẽ thắng thế và Giấc Mơ Georgia sẽ không đạt được đa số theo hiến pháp, mặc dù thừa nhận rằng đảng này vẫn có thể giành được một số phiếu bầu đáng kể, xét đến khả năng gian lận bầu cử.

Và bà không chắc chắn về loại chính trị mà Giấc Mơ Georgia sẽ theo đuổi — liệu chính phủ có thực hiện những lời hứa cấp tiến của mình, chẳng hạn như cấm hầu như tất cả các đảng đối lập, hay cố gắng xây dựng lại quan hệ với Liên Hiệp Âu Châu.

Bà cho biết: “Sẽ rất khó khăn để họ có thể khôi phục bất kỳ hình thức quan hệ nào với Liên minh Âu Châu và các đối tác Hoa Kỳ sau hàng loạt cuộc tấn công mà họ đã gây ra”.

Trích dẫn ví dụ về việc bãi bỏ luật về đặc vụ nước ngoài, và nói rằng: “Tôi không biết liệu họ có muốn thực hiện… những nhượng bộ nghiêm chỉnh để quay lại hình thức kinh doanh như thường lệ hay không”.

Trước cuộc bỏ phiếu sắp tới, Zourabichvili đã thực hiện chuyến công du tới các thủ đô Âu Châu để tuyên bố cam kết của người dân Georgia đối với các giá trị Âu Châu, bất chấp lời lẽ chống phương Tây của chính phủ họ.

Tuy nhiên, vì những chuyến thăm này không được chính phủ cho phép nên đảng cầm quyền Giấc Mơ Georgia đang tìm cách luận tội bà — lần thứ hai, sau nỗ lực đầu tiên vào năm ngoái đã thất bại.

Văn phòng tổng thống nói với tờ POLITICO rằng bà đến thăm Âu Châu với tư cách cá nhân chứ không phải chuyến thăm chính thức vì họ không mong đợi chính phủ sẽ cấp phép.

Nhiệm kỳ tổng thống của Zourabichvili sẽ kết thúc vào năm nay.

Khi được hỏi bà cảm thấy thế nào về di sản của mình, bà bày tỏ lòng tự hào về những nỗ lực đoàn kết phe đối lập. Vào tháng 5, bà đã soạn thảo Hiến chương Georgia, trong đó tập hợp một số đảng ủng hộ Âu Châu theo các mục tiêu cải cách chung và cam kết bầu cử tự do và công bằng.

Điều bà hối tiếc lớn nhất là gì? “Chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội đầu tiên để mở các cuộc đàm phán với Liên Hiệp Âu Châu.”

Zourabichvili cho biết: “Nếu các lực lượng ủng hộ Âu Châu và các đảng ủng hộ hiến chương giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tôi có thể sẽ cùng họ mang hiến chương này đến Hội đồng Âu Châu tiếp theo và bảo đảm việc mở các cuộc đàm phán, bất kể ở vị trí nào - và điều đó vẫn chưa được xác định rõ ràng”.
 
Tướng Budanov: 11.000 quân Bắc Hàn đến trước 1/11. Ra tay trước: Kyiv vượt biên cắt đứt hậu cần Nga
VietCatholic Media
16:21 19/10/2024


1. Bản đồ cho thấy cuộc xâm nhập mới của Kyiv đe dọa cắt đứt đường tiếp tế của Nga

Quân đội Ukraine đã vượt biên giới vào Nga, mở ra một trục mới vào khu vực Belgorod.

Tài khoản tình báo nguồn mở X Intelschizo đã đăng một bản đồ về cuộc tấn công xuyên biên giới, nói rằng lực lượng Ukraine đã “vượt qua biên giới Nga và mở một trục mới vào Belgorod IVO Zhuravlyovka. Chúng ta sẽ phải chờ xem điều này diễn ra như thế nào.”

Tuyên bố này được đưa ra hai tháng sau khi Ukraine tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kursk của Nga.

Bản đồ của Intelschizo cho thấy một tuyến tiếp tế của Nga được tô màu cam. Nó nói rằng Ukraine có thể đang cố gắng cắt đứt tuyến tiếp tế duy nhất của Mạc Tư Khoa bằng đường bộ vào thời điểm điều kiện đang trở nên rất lầy lội.

Bài đăng này nói thêm rằng: “Điều này sẽ khiến việc kiểm soát khu vực Lyptsi trở nên cực kỳ khó khăn vì họ sẽ buộc phải vận chuyển hàng tiếp tế qua các cánh đồng nông trại bằng phẳng, khiến nhiều phương tiện bị kẹt và bị phá hủy trong bùn tương tự như Đường sinh mệnh ở Bakhmut của Ukraine”, đề cập đến tuyến giao thông quan trọng của Ukraine tại khu vực Donetsk.

Nhà báo Tim White cho biết trên X rằng một lữ đoàn Ukraine đã công bố video về các thiết bị của Nga bị phá hủy trong một khu rừng ở Zhuravlyovka, ngay bên kia biên giới, trong khi các blogger quân sự ủng hộ Mạc Tư Khoa chia sẻ video về các vị trí của Nga bị pháo kích.

“Các kênh Z chưa thừa nhận khu rừng nằm ở Nga nhưng nó đã được định vị địa lý”, White đăng. “Nếu Ukraine đã phát động một cuộc tấn công chiến thuật mới thay vì chỉ là 'trinh sát', thì việc cắt đứt đường tiếp tế 14H-146 có thể là hợp lý”.

Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR hôm thứ Tư cho biết các đơn vị tình báo quân sự của họ đã dọn sạch một khu rừng rộng 400 ha ở phía bắc làng Lyptsi, phía bắc vùng Kharkiv, nơi họ đã “tiêu diệt” ba tiểu đoàn súng trường cơ giới của Nga.

[Newsweek: Map Shows New Incursion by Kyiv Threatening to Cut Off Russian Supply Line]

2. Tướng Budanov cho biết 11.000 quân Bắc Hàn sẽ ‘sẵn sàng chiến đấu’ tại Ukraine trước ngày 1 tháng 11

Gần 11.000 quân Bắc Hàn đang ở Nga và sẽ “sẵn sàng chiến đấu” tại Ukraine trước ngày 1 tháng 11, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết trong các bình luận được War Zone công bố hôm Thứ Bẩy, 19 Tháng Mười.

Budanov cho biết nhóm đầu tiên gồm 2.600 binh lính đã được điều động đến Kursk của Nga, nơi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công xuyên biên giới vào tháng 8 và vẫn nắm giữ nhiều vùng lãnh thổ đáng kể. Quân đội sẽ sử dụng thiết bị và đạn dược của Nga, nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin chi tiết.

Budanov cho biết: “Chúng tôi hiện chưa có bức tranh toàn cảnh”.

Mối lo ngại về sự tham gia trực tiếp của Bắc Hàn vào cuộc chiến toàn diện của Nga đã lên đến đỉnh điểm trong những ngày gần đây.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels vào ngày 17 tháng 10, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đang có kế hoạch huấn luyện và thu hút không chỉ bộ binh mà còn cả các chuyên gia Bắc Hàn vào nhiều nhánh khác nhau của quân đội.

“Chúng tôi biết có khoảng 10.000 binh lính từ Bắc Hàn đang chuẩn bị được gửi đến để chiến đấu chống lại chúng tôi,” ông nói thêm.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, gọi tắt là NIS cho biết vào ngày 18 tháng 10 rằng Bình Nhưỡng gần đây đã quyết định điều động đến 12.000 binh lính Bắc Hàn, bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm, để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. NIS không nói liệu quân đội đã được đưa vào chiến trường hay họ có thể được triển khai ở đâu.

Cùng lúc đó, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Pat Ryder cho biết vào ngày 17 tháng 10 rằng ông “không thể xác nhận liệu có lực lượng Bắc Hàn nào đã đến Nga hay không” nhưng nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục theo dõi” tình hình.

Nếu các báo cáo là đúng, nó sẽ “chứng minh tình hình mà Nga đang gặp phải, tình hình tồi tệ mà nước này đang gặp phải, xét về lực lượng của nước này trên chiến trường.”

Ryder nói thêm: “Và điều đó chứng tỏ sự tuyệt vọng trong việc tìm kiếm thêm lực lượng cho quân đội của họ”.

[Kyiv Independent: Ukraine war latest: 11,000 North Korean troops will be 'ready to fight' in Ukraine by Nov. 1, Budanov says]

3. Hoa Kỳ đang xem xét lại chương trình đào tạo F-16 để tập trung vào các phi công trẻ hơn, Wall Street Journal đưa tin

Hoa Kỳ đang chuyển trọng tâm chương trình huấn luyện F-16 dành cho phi công Ukraine sang ưu tiên các học viên trẻ hơn, có khả năng làm chậm trễ khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội Ukraine, tờ Wall Street Journal cho biết hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười.

Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã đào tạo phi công Ukraine trên máy bay F-16 với tốc độ nhanh hơn do nhu cầu cấp thiết của Kyiv về phòng không chống lại các cuộc ném bom ngày càng tăng của Nga. Việc đào tạo rút ngắn đã bị nghi ngờ sau khi một phi công F-16 thiệt mạng trong một vụ tai nạn trong một cuộc tấn công của Nga vào tháng 8.

Trong khi chương trình hướng dẫn ban đầu tập trung vào các phi công Ukraine có kinh nghiệm, các quan chức Hoa Kỳ nói với tờ Wall Street Journal rằng do thiếu khả năng tiếng Anh cần thiết và khó khăn trong việc thích nghi với chương trình đào tạo theo phong cách phương Tây nên chương trình đã chuyển sang các phi công trẻ hơn.

Tướng Kirby cho biết “Một số người là phi công có kinh nghiệm, và chúng tôi vẫn đang tiếp nhận thêm nhiều phi công có kinh nghiệm hơn. Nhưng cũng có những người không có loại đào tạo và kinh nghiệm phi công đó.”

Những người có kinh nghiệm lái chiến đấu cơ thời Liên Xô có thể bỏ qua khóa đào tạo bay cơ bản và tham gia khóa học cấp tốc, trong khi những học viên mới phải dành một năm để đào tạo phi công trước khi chuyển đến các căn cứ huấn luyện F-16 ở Hoa Kỳ và Rumani.

Việc chuyển sang các phi công trẻ hơn có thể kéo dài chương trình huấn luyện F-16 thêm nhiều tháng, làm chậm trễ hơn nữa khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi đội Ukraine khi các cuộc tấn công của Nga tiếp tục tấn công vào mạng lưới năng lượng và khu dân cư của quốc gia này.

[Ukrainska Pravda: US revising F-16 training to focus on younger pilots, WSJ reports]

4. Cuộc trao đổi tù nhân mới nhất: 95 người bảo vệ khác trở về nhà

Bộ Tư lệnh Điều phối Đối xử với Tù nhân Chiến tranh đã thực hiện đợt trao đổi tù nhân thứ 58 với Nga và có thêm 95 người bảo vệ Ukraine đã trở về nhà.

Tổng thống Zelenskiy cho biết vào tối Thứ Bẩy, 19 Tháng Mười rằng: “95 người dân của chúng tôi đã trở về nhà. Những người lính đã bảo vệ thành phố Mariupol, Nhà máy thép Azovstal và các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kharkiv, Kyiv, Chernihiv và Kherson.

Mỗi lần Ukraine giải cứu người dân của mình khỏi sự giam cầm của Nga, chúng ta lại tiến gần hơn đến ngày tự do sẽ được trao trả cho tất cả những người bị Nga giam cầm.”

Trụ sở điều phối báo cáo rằng điểm đặc biệt của cuộc trao đổi tù nhân này là có 28 người Ukraine bị tòa án Nga kết án và bị tuyên án tù dài hạn, trong số đó thậm chí có 20 người là tù chung thân.

Trong số những người được thả khỏi nơi giam cầm có Lực lượng Vệ binh Quốc gia, thủy thủ, binh lính Quân đội, lính biên phòng và các binh sĩ thuộc các đơn vị khác của lực lượng phòng vệ Ukraine.

Đây là những người đã bảo vệ thành phố Mariupol và các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kyiv, Kharkiv, Chernihiv và Kherson. Đặc biệt, 69 binh lính và trung sĩ cùng 26 sĩ quan đã được thả.

Bộ Tư lệnh Điều phối cho biết thêm rằng nhiều người bảo vệ được thả đều mắc bệnh nặng và chịu hậu quả từ những chấn thương nghiêm trọng, cũng như bị sụt cân nghiêm trọng do bị tra tấn và suy dinh dưỡng.

Đây là đợt trao đổi tù nhân thứ 58 do Trụ sở điều phối tổ chức. Tổng cộng, 3.767 người đã được thả khỏi nơi giam giữ của Nga nhờ các đợt trao đổi này.

Trụ sở điều kiện giam giữ cảm ơn Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vì đã hỗ trợ tổ chức đợt trao đổi tù nhân mới nhất.

[Ukrainska Pravda: Latest prisoner swap: 95 more defenders come home – photos, video]

5. Tổng thống Biden về các cuộc tấn công tầm xa chống lại Nga: Hiện tại không có sự đồng thuận

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sau cuộc hội đàm với ba nhà lãnh đạo Âu Châu tại Berlin vào hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, cho biết không có thay đổi nào trong lập trường của ông về vấn đề cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Biden được hỏi liệu lập trường của ông về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào nước Nga có thể thay đổi hay không, vì đây là một trong những đề xuất chính do Tổng thống Zelenskiy đưa ra.

“Trong chính sách đối ngoại, bạn không bao giờ nói: 'Tôi sẽ không bao giờ thay đổi quyết định'. Hiện tại, không có sự đồng thuận nào về vũ khí tầm xa”, Tổng thống Hoa Kỳ trả lời.

Ukraine đang tìm cách sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công các căn cứ không quân và cơ sở quân sự của Nga được sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraine.

Vào tháng 9, Tổng thống Biden ám chỉ đến khả năng dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa của Ukraine, nói rằng chính quyền của ông đang “giải quyết vấn đề đó”.

Tổng thống Hoa Kỳ đã có chuyến thăm ngắn tới Berlin, trong đó ông đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc xâm lược Ukraine của Nga với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Anh.

[Ukrainska Pravda: Tổng thống Biden on long-range strikes against Russia: No consensus now]

6. Tổng thống Biden nói phương Tây ‘không thể từ bỏ’ sự ủng hộ dành cho Ukraine trước thềm các cuộc đàm phán cao cấp tại Đức

Hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kêu gọi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine tại Berlin. Tổng thống đã đến sớm hơn trong ngày để có các cuộc hội đàm cao cấp với các nhà lãnh đạo Đức, Anh và Pháp về cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine và cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.

“Chúng ta không thể dừng lại. Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tiếp tục cho đến khi Ukraine giành được nền hòa bình công bằng và lâu dài phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, Tổng thống Biden nói.

Phương Tây phải “bảo đảm rằng Ukraine thắng thế và Putin thất bại và NATO vẫn mạnh mẽ và thống nhất hơn bao giờ hết”.

Tổng thống Biden trước đó đã hủy các chuyến công du nước ngoài để giám sát các nỗ lực phục hồi sau một loạt các cơn bão tàn khốc tấn công bờ biển phía đông của Hoa Kỳ

“Sẵn sàng chào đón những người bạn cũ và củng cố liên minh chặt chẽ của chúng ta khi chúng ta cùng nhau đấu tranh cho tự do và chống lại chế độ chuyên chế trên toàn thế giới,” Tổng thống Biden viết trên X, chia sẻ một bức ảnh khi ông đến Berlin.

Trước tiên, Tổng thống Biden sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trước khi có cuộc họp rộng hơn với các nhà lãnh đạo khác.

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ cho biết trước chuyến đi của Tổng thống Biden: “Tình hình trên chiến trường Ukraine, diễn biến của cuộc chiến, cách các đồng minh có thể hỗ trợ Ukraine tốt nhất sẽ là chủ đề thảo luận”.

Trong bài phát biểu bên ngoài dinh tổng thống, Steinmeier đã cảm ơn Tổng thống Biden vì vai trò của ông trong việc giúp ổn định vai trò của Hoa Kỳ trong NATO.

“Khi được bầu làm tổng thống, ông đã khôi phục lại hy vọng của Âu Châu vào liên minh xuyên Đại Tây Dương chỉ sau một đêm.”

[Kyiv Independent: Biden says West 'cannot let up' support for Ukraine ahead of high-level talks in Germany]

7. Điện Cẩm Linh công bố thông tin cập nhật về sức khỏe của Putin sau chuyến thăm bệnh viện

Tổng thống Nga Vladamir Putin không gặp vấn đề gì về sức khỏe, theo phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov sau khi nhà lãnh đạo Nga đến thăm bệnh viện gần đây.

Tờ báo độc lập Meduza của Nga có trụ sở tại Latvia đưa tin rằng hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, Peskov đã nói với các phóng viên báo chí rằng chuyến thăm Bệnh viện Trung ương của người đàn ông 72 tuổi này là để “khám sức khỏe thông thường” nhằm mục đích phòng ngừa.

Peskov còn đi xa đến mức cho rằng “tuổi 72 của Putin là thời kỳ hưng thịnh của tuổi trẻ lần thứ hai.” Chi tiết này có vẻ hơi lạ và không có các chứng cứ y học biện minh cho điều này.

Putin trước đây đã từng đề cập rằng ông thường xuyên đi khám sức khỏe tại bệnh viện Mạc Tư Khoa.

“Các bác sĩ tại Bệnh viện lâm sàng trung ương, nơi tôi trải qua đủ loại xét nghiệm thường xuyên, cũng khuyến cáo nên tiêm vắc-xin bằng thuốc sản xuất trong nước”, ông nói với Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko trong một phiên họp trên truyền hình nhằm khuyến khích người dân Nga tiêm vắc-xin cúm, tờ Daily Mail đưa tin hôm thứ năm.

Nhiều tin đồn và giả thuyết đã lan truyền về sức khỏe của nhà lãnh đạo Nga, đặc biệt là sau cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine của ông vào tháng 2 năm 2022. Hình ảnh “người đàn ông mạnh mẽ” mà ông vẫn luôn xây dựng đã phai nhạt trong những năm gần đây.

Các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ đại diện cho ba cơ quan riêng biệt trước đây đã nói với Newsweek rằng Putin đã được điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối vào tháng 4 năm 2022.

Tin tức cập nhật về sức khỏe của Putin được đưa ra sau khi tổn thất của quân đội ông đã vượt qua hai cột mốc đáng buồn trong tuần này.

Quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng Nga đã mất tổng cộng 9.014 xe tăng kể từ tháng 2 năm 2022, bao gồm 17 chiếc trong 24 giờ trước đó. Kyiv cũng cho biết Mạc Tư Khoa đã mất 33 xe thiết giáp chở quân từ thứ Tư đến thứ Năm, nâng tổng số xe thiết giáp chiến đấu của Nga bị mất lên 18.002.

Hôm thứ Tư, Newsweek đưa tin rằng tính đến thời điểm hiện tại, theo Bộ Quốc phòng Ukraine, số pháo binh của Nga trị giá hơn 8 tỷ đô la đã bị phá hủy trong năm 2024.

Trong một loạt bài đăng trên trang X chính thức của bộ này, có đưa tin rằng 10.373 hệ thống pháo binh của Nga đã bị phá hủy trong năm nay, “tương đương với sự phá hủy của 144 lữ đoàn pháo binh”.

Bộ này cho biết thêm: “Một trong những ngày tổn thất đáng kể nhất của lực lượng Nga xảy ra vào ngày 22 tháng 9, khi lực lượng Ukraine vô hiệu hóa 81 hệ thống pháo binh chỉ trong một ngày”.

Chính quyền Ukraine thường xuyên công bố thông tin cập nhật về tổn thất của Nga. Tuy nhiên, Nga không công khai tổn thất quân sự của mình và các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về các báo cáo do cả hai bên công bố.

[Newsweek: Kremlin Issues Putin Health Update After Hospital Visit]

8. Ukraine có thể xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân sau khi Clinton, Obama giải trừ vũ khí

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đất nước ông cần NATO để không phải dựa vào vũ khí hạt nhân để tự vệ, sau khi cựu tổng thống Bill Clinton và Barack Obama đã giải giáp Kyiv.

Tuần này, Zelenskiy thảo luận về việc 30 năm trước, Ukraine đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân của Liên Xô được lưu trữ ở Ukraine, khi ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Nga, Anh và Hoa Kỳ.

Tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Âu Châu ở Brussels vào hôm Thứ Năm, 17 Tháng Mười, Zelenskiy đã nói: “Trong số các cường quốc hạt nhân lớn này, ai đã phải chịu thiệt hại? Tất cả à? Không phải. Chỉ có một mình Ukraine đã phải chịu thiệt hại.

“Ai đã từ bỏ vũ khí hạt nhân? Tất cả à? Không phải. Chỉ có một mình Ukraine. Ai đang chiến đấu ngày hôm nay? Ukraine. Hoặc là Ukraine sẽ có vũ khí hạt nhân và đó sẽ là sự bảo vệ của chúng tôi hoặc chúng tôi nên có một số loại liên minh. Ngoài NATO, ngày nay chúng tôi không biết bất kỳ liên minh hiệu quả nào.”

Ông nói thêm: “Các nước NATO không có chiến tranh. Mọi người đều sống sót ở các nước NATO. Và cảm ơn Chúa. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn NATO. Không phải vũ khí hạt nhân.”

Những bình luận này đi kèm với “kế hoạch chiến thắng” của Zelenskiy, bao gồm việc Ukraine bảo đảm tư cách thành viên NATO.

Điều quan trọng cần lưu ý là sau đó Zelenskiy đã làm rõ tại một cuộc họp báo rằng Kyiv “chưa chế tạo vũ khí hạt nhân”.

Ông nói: “Ý tôi là hiện nay không có sự bảo đảm an ninh nào mạnh mẽ hơn cho chúng tôi ngoài việc trở thành thành viên NATO”.

Bộ Ngoại giao Ukraine, gọi tắt là MFA cũng đưa ra tuyên bố vào thứ năm để bác bỏ báo cáo gần đây của tờ báo BILD của Đức đưa tin rằng Kyiv đang tiến gần đến kế hoạch chế tạo bom hạt nhân.

Phát ngôn nhân Heorhii Tykhyi nhấn mạnh trong tuyên bố rằng Kyiv “vẫn là một bên cam kết” của Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, đồng thời nói thêm rằng Ukraine, quốc gia “đã có những đóng góp lớn nhất trong lịch sử cho hòa bình, an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hiện đang phải đối mặt với sự tống tiền hạt nhân từ nhà nước khủng bố Nga”.

Cựu Tổng thống Bill Clinton là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khi Ukraine ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt sau Chiến tranh Lạnh, trong đó Tổng thống Ukraine khi đó là Leonid Kravchuk đã giao nộp khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân.

Đổi lại, Anh, Hoa Kỳ và Nga đã đồng ý tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Nhưng chỉ 10 năm sau, lãnh thổ của Ukraine đã bị Nga xâm lược vào năm 2014, khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea, tấn công Donbas và một lần nữa vào tháng 2 năm 2022, khi Putin bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Clinton ủng hộ thỏa thuận này vì nhiều lý do, bao gồm cả việc coi đây là đóng góp cho sự ổn định toàn cầu ở Âu Châu hậu Xô Viết, và nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ tích cực hơn giữa Hoa Kỳ và Nga.

Nhưng kể từ đó Clinton đã bày tỏ sự hối tiếc về thỏa thuận này, vì ông tin rằng Nga sẽ không xâm lược Ukraine nếu nước này vẫn còn vũ khí hạt nhân.

Tổng thống thứ 42 đã nói với đài truyền hình RTE của Ireland vào năm ngoái: “Tôi cảm thấy có một sự quan tâm cá nhân vì tôi đã khiến người Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ. Và không ai trong số họ tin rằng Nga sẽ thực hiện trò xâm lược này nếu Ukraine vẫn còn vũ khí của họ.

“Tôi biết rằng Tổng thống Putin không ủng hộ thỏa thuận mà Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin đã đưa ra là không bao giờ can thiệp vào biên giới lãnh thổ của Ukraine—một thỏa thuận mà ông đã đưa ra vì ông muốn Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ.”

Vào thời điểm Obama nhậm chức vào năm 2009, Ukraine đã chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga và tháo dỡ cơ sở hạ tầng hạt nhân theo nghĩa vụ của mình theo Bản ghi nhớ Budapest.

Vào năm 2010, trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama, dưới áp lực của Hoa Kỳ, Ukraine đã đồng ý loại bỏ kho dự trữ uranium làm giàu, gọi tắt là HEU. Mặc dù không được sử dụng làm vũ khí vào thời điểm đó, nhưng nó có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân.

Trong Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2012, Ukraine cho biết họ đã loại bỏ toàn bộ HEU của mình. Điều này được coi là một thành tựu của Obama trong Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân do Obama tổ chức, nhằm mục đích tạo ra an ninh hạt nhân tốt hơn trên toàn thế giới.

Obama chưa bao giờ bày tỏ sự hối tiếc một cách rõ ràng như Clinton.

[Newsweek: Ukraine Could Rebuild Nuclear Arsenal after Clinton, Obama Disarmed It]

9. Zelenskiy xác nhận cuộc trò chuyện đầu tiên với Fico tại Brussels và bình luận về tuyên bố của ông

Zelenskiy xác nhận cuộc trò chuyện đầu tiên với Fico tại Brussels và bình luận về tuyên bố của ông

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chia sẻ rằng ông đã có cuộc trò chuyện đầu tiên với Thủ tướng Slovakia Robert Fico bên lề cuộc họp của Hội đồng Âu Châu tại Brussels.

Khi được yêu cầu bình luận về phát biểu của Fico rằng lời mời Ukraine gia nhập NATO “sẽ không đến một cách nhưng không” và liệu ông đã nói chuyện với phái đoàn Slovakia hay chưa, Zelenskiy xác nhận rằng ông đã nói chuyện với Robert Fico vào hôm Thứ Năm, 17 Tháng Mười, lưu ý rằng thông tin chi tiết về cuộc thảo luận của họ sẽ vẫn chỉ là “giữa họ”.

“Tôi đã nói rất nhiều điều với Fico hôm nay. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải giữ mối quan hệ giữa hai nước. Đất nước của ông ấy không có chiến tranh, tạ ơn Chúa. Tôi cầu mong người dân của ông ấy được hòa bình, không phải nhìn vào những gì Putin thực sự có thể mang lại cho đất nước của các bạn. Thật tuyệt khi ông ấy không cảm thấy điều đó; điều đó tốt cho người dân của ông ấy. Nhưng ông ấy phải ủng hộ chúng tôi; nếu không, ông ấy sẽ hiểu rất rõ điều đó. Bởi vì Putin sẽ không bao giờ dừng lại nếu chúng ta không ngăn cản ông ấy”, Zelenskiy nói.

Đầu tuần này, Thủ tướng Slovakia đã bày tỏ quan điểm rằng chiến tranh ở Ukraine sẽ sớm kết thúc và gợi ý rằng một Hiệp định Munich cho Ukraine, tương tự như những gì đã xảy ra với Tiệp Khắc năm 1938, đang được chuẩn bị.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy confirms his first conversation with Fico in Brussels and comments on his statements]

10. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất của quân đội Nga được tiết lộ trong báo cáo

Một cuộc khảo sát do các bác sĩ quân y tiến hành đã phát hiện ra rằng gần ba phần tư binh lính Nga tử vong vì một nguyên nhân.

Tạp chí Y khoa Quân đội đã xem xét những thương tích chí mạng mà quân nhân Nga phải đối mặt trong một “cuộc xung đột vũ trang hiện đại”, bao gồm cả những người đã thiệt mạng trên chiến trường hoặc những người đang trong giai đoạn di tản trước khi đến bệnh viện.

Những phát hiện, được hãng tin độc lập Vyorstka của Nga đưa tin, cho thấy 74,5 phần trăm số ca tử vong là do chất nổ. Vyorstka đã đăng những gì họ nói là một bảng liệt kê các nguyên nhân tử vong bên cạnh tỷ lệ phần trăm.

Ở vị trí thứ hai với 14,7 phần trăm là các trường hợp tử vong do trúng đạn từ vũ khí nhỏ, trong đó phần lớn các vụ việc, hay 83,7 phần trăm, là do một vết thương duy nhất.

Chỉ hơn bốn phần trăm số ca tử vong là do chấn thương do nhiệt và con số tương tự là do chấn thương do vật cùn. Các nguyên nhân tử vong khác là do bị đâm, ngạt thở, đuối nước, ngộ độc và các tình trạng như suy tim. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

Vyorstka cho biết những phát hiện này không đề cập trực tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine, nhưng các nhà nghiên cứu có viết về những thương tích do hỏa tiễn M30A1 gây ra, loại hỏa tiễn HIMARS (Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao) do Hoa Kỳ cung cấp đã được lực lượng Ukraine sử dụng để chống lại sự xâm lược của Nga.

Các tác giả của báo cáo cho biết những vũ khí này nằm trong số những loại vũ khí có sức hủy diệt làm tăng tỷ lệ tử vong do có khả năng gây ra các chấn thương kết hợp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh ước tính mới nhất của Ukraine vào thứ năm về số quân Nga thiệt mạng tại Ukraine trong ngày hôm trước đã lên tới 1.420, nâng tổng số thương vong, bao gồm cả người chết và bị thương, lên 674.270 kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Theo Kyiv, tổn thất quân đội Nga đã tăng đột biến trong hai tháng qua. Các ước tính khác chỉ ra chi phí cao về nhân sự, với Bộ Quốc phòng Anh cho biết số thương vong trung bình hàng ngày đạt 1.271 vào tháng 9 trong bối cảnh giao tranh ác liệt trên nhiều mặt trận.

Anh ước tính rằng Nga đã phải chịu khoảng 550.000 thương vong và dự đoán con số này sẽ trung bình là 1.000 người mỗi ngày hoặc hơn trong những tháng mùa đông.

Nga chưa cập nhật số quân bị mất kể từ tháng 9 năm 2022 khi họ nói rằng chỉ dưới 6.000 người đã chết. Ukraine cũng không cung cấp thông tin cập nhật về số quân bị mất.

Trích dẫn thông tin tình báo và các nguồn tin không được tiết lộ, tờ The Wall Street Journal đưa tin vào tháng trước rằng khoảng 1 triệu người Ukraine và Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương, phần lớn là binh lính nhưng cũng bao gồm cả thường dân bị cuốn vào các cuộc giao tranh do Mạc Tư Khoa phát động.

Tạp chí này đưa tin về một ước tính bí mật của Ukraine vào đầu năm nay cho biết số quân nhân Ukraine thiệt mạng là 80.000 người và số người bị thương là 400.000 người. Bộ Quốc Phòng Ukraine đã bác bỏ các báo cáo của The Wall Street Journal.

[Newsweek: Russian Troops' Most Common Cause of Death Revealed in Report]



11. ISW cho biết Putin tiếp tục chứng tỏ rằng ông không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW đã báo cáo rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa với Ukraine và sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới để hợp pháp hóa các hoạt động thông tin của Điện Cẩm Linh nhằm mô tả Kyiv là nước không muốn đàm phán.

ISW cho biết: “Putin đã gặp gỡ những nhà lãnh đạo các tổ chức truyền thông nổi tiếng từ các quốc gia thành viên BRICS tại Mạc Tư Khoa vào ngày 18 tháng 10 và tuyên bố rằng Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhưng sau đó lại phản bác rằng Nga 'sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến này' và 'chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta'.”

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng tuyên bố ngày 18 tháng 10 của Putin là tuyên bố mới nhất trong một loạt các tuyên bố mâu thuẫn của nhà lãnh đạo Nga và các quan chức cao cấp khác của Điện Cẩm Linh nhằm mục đích miêu tả Nga sẵn sàng đàm phán trong khi vẫn làm rõ rằng Điện Cẩm Linh không muốn chấp nhận các điều khoản nào không có nghĩa là Ukraine phải đầu hàng và nhà nước Ukraine phải bị phá hủy.

ISW viết: “Vào ngày 18 tháng 10, Putin cũng tuyên bố rằng Nga cần tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình lâu dài và mô tả sai sự thật rằng Ukraine là quốc gia xâm lược trong chiến tranh, đồng thời ám chỉ thêm rằng những điều kiện này đồng nghĩa với việc loại bỏ khả năng tự vệ của Ukraine trước sự xâm lược có thể xảy ra trong tương lai của Nga”.

Putin cũng đã sử dụng cuộc họp này để thúc đẩy các kế hoạch hòa bình thay thế của Brazil và Trung Quốc, trong đó các nguyên tắc chính có lợi cho Nga.

“ISW tiếp tục đánh giá rằng Điện Cẩm Linh không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình thiện chí với Ukraine và Điện Cẩm Linh chỉ viện dẫn khái niệm 'kế hoạch hòa bình' hoặc 'đàm phán' để thúc đẩy phương Tây gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ trước về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

[Ukrainska Pravda: Putin continues to demonstrate that he has no interest in peace talks – ISW]

12. Tòa Bạch Ốc cho biết: Các nhà lãnh đạo phương Tây thảo luận về kế hoạch chiến thắng của Ukraine, cung cấp thêm hỗ trợ tại các cuộc đàm phán cao cấp ở Đức

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Vương quốc Anh đã thảo luận về kế hoạch chiến thắng năm điểm của Ukraine cũng như các kế hoạch cung cấp thêm viện trợ quân sự và nhân đạo vào ngày 18 tháng 10 trong các cuộc hội đàm cao cấp tại Berlin, theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc.

Các cuộc thảo luận về kế hoạch chiến thắng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy công khai tiết lộ chi tiết của kế hoạch, ngoại trừ ba phần bổ sung bí mật đã được chia sẻ với các đối tác quốc tế.

Không có thông tin chi tiết nào được cung cấp trong bản thông báo về khoản hỗ trợ bổ sung cụ thể dành cho Ukraine, hoặc về kết quả thảo luận của họ về kế hoạch chiến thắng.

Một trong những nguyên tắc chính của kế hoạch chiến thắng của Ukraine là lời mời vô điều kiện để Ukraine gia nhập NATO. Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây liên tục nói rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh tại một thời điểm nào đó, thì thời gian biểu cụ thể cho việc gia nhập của nước này vẫn chưa được công khai xác định.

Kể từ khi kế hoạch chiến thắng được công bố với các nhà lãnh đạo phương Tây, kế hoạch này được cho là đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ các đồng minh.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết vào ngày 2 tháng 10 rằng kế hoạch đã xác định “một số bước đi hiệu quả” để đạt được tiến triển.

Trước cuộc họp cao cấp, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kêu gọi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

“Chúng ta không thể dừng lại. Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tiếp tục cho đến khi Ukraine giành được nền hòa bình công bằng và lâu dài phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, Tổng thống Biden nói.

Tổng thống Biden nói thêm rằng phương Tây phải “bảo đảm rằng Ukraine thắng thế và Putin thất bại và NATO vẫn mạnh mẽ và đoàn kết hơn bao giờ hết”.

Tổng thống Biden đầu tiên đã có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trước khi có cuộc họp rộng hơn với các nhà lãnh đạo khác.

[Kyiv Independent: Western leaders discuss Ukraine's victory plan, providing additional assistance at high-level talks in Germany, White House says]
 
Thách thức: Tụ tập tại Vatican phong chức linh mục trái phép cho phụ nữ. Nhà thờ lại bị đốt ở Chile
VietCatholic Media
18:11 19/10/2024


1. Những cuộc bổ nhiệm mới tại Tổng giáo phận Syro-Malabar khó có thể chấm dứt xung đột phụng vụ

Tuần trước, Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly tại Ấn Độ đã cải tổ Tòa Giám Mục của mình bằng cách công bố các cuộc bổ nhiệm mới, trong một động thái được coi là nhằm ngăn chặn những người phản đối Thánh lễ hợp nhất đã được Thượng hội đồng chấp thuận.

Vào năm 2021, hội đồng của Giáo hội Syro-Malabar có trụ sở tại Kerala đã quyết định áp dụng một phương thức cử hành phụng vụ thống nhất, trong đó các linh mục quay mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa và sau đó hướng về bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, rồi quay lại phía giáo dân sau khi rước lễ.

Trong khi hầu như tất cả các giáo phận của nhà thờ đều áp dụng hệ thống mới, giáo sĩ và giáo dân ở Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, nơi có khu vực tài phán Syro-Malabar lớn nhất, đã từ chối hệ thống này, với lý do rằng việc quay mặt về phía mọi người trong suốt Thánh lễ là một hình thức phụng vụ hợp pháp và phù hợp hơn với các cải cách của Công đồng Vatican II. Họ muốn cử hành thánh lễ như người Công Giáo Latinh trong đó các linh mục quay về phía giáo dân trong toàn bộ thánh lễ. Nếu điều đó có gì sai trái thì tại sao Giáo Hội Công Giáo Latinh vẫn tiếp tục làm như vậy sau Công Đồng Vatican II, và nếu người Công Giáo Latinh làm được thì tại sao họ không làm được.

Các nguồn tin cho hãng thông tấn Ấn Độ biết động thái mới của tổng giáo phận diễn ra sau khi các viên chức cũ của giáo phận ngừng thực hiện nhiệm vụ và không đến Tòa Giám Mục. Theo thông báo do Tòa Giám Mục ban hành, các cuộc bổ nhiệm mới được thực hiện sau khi các viên chức cũ của giáo phận đưa cho vị Tổng Giám Mục một tuyên bố bằng văn bản rằng họ không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình do những vấn đề chưa được giải quyết đang gây khó khăn cho tổng giáo phận.

Khi Đức Giám Mục Quản nhiệm Tông tòa Bosco Puthur và các thành viên mới đến Tòa Giám mục ở Ernakulam vào tuần trước cùng với cảnh sát, những người biểu tình đã từ chối rời khỏi tòa nhà ngay cả khi họ đã được yêu cầu rời đi.

“Các linh mục và giáo dân đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi tại khuôn viên Tòa giám mục đã làm gián đoạn hoạt động của Tòa Giám Mục,” Đức Cha Puthur cho biết.

Có tin đồn rằng biện pháp mới nhất có thể mở đường cho sự chia rẽ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Palackappilly cho biết, “Khả năng xảy ra bất kỳ phản ứng dữ dội nào đối với các cuộc bổ nhiệm mới là rất nhỏ. Có thể có một số lời thì thầm, nhưng không có gì hơn thế nữa.”

Cha Kuriakose Mundadan, Thư ký Hội đồng linh mục của Ernakulam-AngamalyErnakulam-Angamaly nói với Crux rằng gần 300 linh mục đã tập trung tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Ernakulam và lên án hành động bổ nhiệm.

“Các linh mục tuyên bố rằng họ sẽ không chấp thuận việc bổ nhiệm các thành viên mới của tổng giáo phận. Điều không may nhất là Cha Joshy Puthuva, cựu giám đốc tài chính của Hồng Y George Alencherry, đã được bổ nhiệm làm Thủ quỹ mới của Tổng giáo phận,” vị linh mục nói.

Cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Syro-Malabar ở Ấn Độ khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn.


Source:Crux

2. Nhật ký trừ tà #313: Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #313: The demons cannot stand anything Catholic”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà #313: Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong buổi trừ tà hôm qua, lũ quỷ hét lên: “Cút khỏi người ta!” Nó hét lên như thế khi chúng tôi đưa ra thánh tích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thực tế, toàn bộ Kinh Cầu Các Thánh mạnh mẽ đến nỗi chúng tôi đã ở lại đó trong một thời gian dài. Lũ quỷ cũng ghét nước thánh và nói rằng nó “làm bỏng”. Chúng không thể chịu đựng được các linh mục; nhà trừ tà nổi tiếng người Ý là Cha Amorth đã nói, “Satan sợ ta!” Chúng hoàn toàn khiếp sợ Đức Trinh Nữ Maria và thậm chí không thể nói đến tên của Đức Mẹ.

Các bí tích là những ân sủng mạnh mẽ rất quan trọng trong việc giải thoát. Việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải là một trong những thực hành trừ tà hiệu quả nhất mà người ta có thể thực hiện. Tương tự như vậy, trong một cuộc trừ tà gần đây khác, tôi biết rằng người bị quỷ ám vừa mới đi lễ. Vì vậy, tôi đã ra lệnh cho lũ quỷ nhớ lại: “Cô ta vừa đi lễ à? Cô ta đã lãnh nhận Mình và Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu chưa? Các ngươi có cảm thấy không?” Lũ quỷ hét lên. Trên thực tế, lũ quỷ ghét mọi thứ Công Giáo.

Một nhà nghiên cứu về quỷ học nổi tiếng Adam Blai gần đây đã nói với một nhóm trừ tà: “Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo.” Câu nói này khiến tôi kinh ngạc. Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo. Đúng vậy.

Tôi đã đọc một bài báo nói rằng lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo thúc đẩy trừ tà trong những năm gần đây là để truyền bá đức tin Công Giáo. Điều này thật vô lý. Trước hết, chúng tôi không thúc đẩy trừ tà nhiều cho bằng con số những người đang gõ cửa nhà chúng tôi và cầu xin sự giúp đỡ. Mọi người đều biết, nếu bạn có quỷ, hãy đến gặp một linh mục Công Giáo. Thứ hai, không phải Giáo hội đang thúc đẩy việc khẳng định giáo lý của mình thông qua trừ tà. Thay vào đó, chính những con quỷ đang làm điều đó, mặc dù trái ngược với mong muốn của chúng. Chúng không thể không hét lên khi tiếp xúc với mọi thứ Công Giáo.

Tôi là một linh mục Công Giáo và người ta mong đợi tôi làm chứng cho sự thật của đức tin chúng ta, và tôi rất vui khi làm điều đó. Nhưng bọn quỷ không muốn thừa nhận sự thật. Điều cuối cùng chúng muốn là thế giới biết điều gì đang hành hạ và xua đuổi chúng. Câu trả lời rất đơn giản: Chúa Giêsu đã trao thẩm quyền và quyền năng xua đuổi quỷ cho Giáo hội và các linh mục của Giáo hội sử dụng thẩm quyền và quyền năng này để tuân theo lệnh của Người. Lũ quỷ không vui khi chứng kiến điều đó. Như Adam Blai đã nói, “Quỷ dữ không thể chịu đựng được bất cứ điều gì Công Giáo.”

Bạn có phải là người Công Giáo không? Vậy thì hãy thực hành đức tin của bạn với lòng nhiệt thành và sự tự tin. Thánh lễ hàng ngày, xưng tội thường xuyên, Kinh Mân Côi và lòng sùng kính Thánh Thể là những nguồn ân sủng tuyệt vời. Nếu không phải người Công Giáo thì sao? Hãy cầu nguyện và xin Chúa dẫn dắt bạn đến nơi Ngài muốn bạn đến. Nhưng nếu bạn đang đọc những dòng này, thì có lẽ Chúa đã trả lời lời cầu nguyện đó rồi...


Source:Catholic Exorcism

3. Hỏa hoạn tàn phá nhà thờ lịch sử và tu viện Phanxicô ở Chile; không loại trừ khả năng đốt phá

Một vụ hỏa hoạn vào hôm thứ Sáu 11 Tháng Mười, đã tàn phá Nhà thờ Thánh Antôn thành Padua và một tu viện dòng Phanxicô ở thành phố Iquique, Chí Lợi. Văn phòng công tố không loại trừ khả năng đốt phá.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống bi đát, một thảm kịch liên quan đến di sản của chúng ta, liên quan đến nhà thờ giáo xứ Thánh Anthony thành Padua đã bị thiêu rụi, cũng như tu viện Phanxicô,” giám mục Iquique, Đức Cha Isauro Covili, cho biết trong một video được giáo phận đăng tải trên Facebook vào ngày 11 tháng 10.

“Đó là một tòa nhà, như chúng ta đều biết, rất có giá trị lịch sử và quan trọng đối với thành phố và khu vực. Chúng tôi thực sự đau lòng vì vụ cháy và mọi thứ mà nó gây ra,” vị giám mục nói thêm, ám chỉ đến thực tế là vào năm 1994, địa điểm này đã được tuyên bố là di tích lịch sử của đất nước.

“Tất cả đã trở nên vô nghĩa, nhưng chúng ta cũng biết rằng Giáo hội, thân thể của Chúa Giêsu Kitô, thân thể sống động của Chúa Giêsu, sẽ tiếp tục tiến bước giữa đau buồn, bi kịch và nước mắt để tiếp tục cử hành đức tin và lời tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô với niềm vui và hy vọng,” vị giám mục nói.

Đức Cha Covili, cũng là một tu sĩ dòng Phanxicô, đặc biệt cảm ơn những người lính cứu hỏa “đã làm việc chăm chỉ suốt buổi chiều”, “tất cả các tổ chức dân sự” và “rất nhiều người đã bày tỏ sự gần gũi, quan tâm và nỗi đau của họ”.

“Tôi cảm ơn mọi người và tôi cũng cảm ơn Chúa, vì nơi này và sự hiện diện của các tu sĩ Phanxicô ở đây rất thân thương và được toàn thể thành phố trân trọng”, vị giám mục nhấn mạnh.

Theo hãng truyền thông Chile Cooperativa, vụ hỏa hoạn cũng ảnh hưởng đến ba ngôi nhà liền kề và một xưởng, làm sáu người bị thương.

Đức Cha Cooperativa cũng đưa tin rằng công tố viên Gonzalo Valderrama đã mở một cuộc điều tra để xác định xem vụ hỏa hoạn có phải là cố ý hay không.

“Một cuộc điều tra đã được mở theo chức vụ, dựa trên thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Do đó, Phòng điều tra tội phạm của Cảnh sát đã được chỉ thị tiến hành đánh giá chuyên môn”, Valderrama cho biết.

“Hiện tại, chúng tôi không có bằng chứng nào về hành vi đốt phá, nhưng đây là giả thuyết không thể loại trừ”, ngài nói.


Source:Catholic News Agency