Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/10: Chắc gì mình trong sạch hơn người khác – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS.
Giáo Hội Năm Châu
02:14 16/10/2023
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Này, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Thật là ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
Đó là lời Chúa
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:30 16/10/2023
27. Ngăn chặn mắt của con nhìn xem bất cứ sự vật nào vi phạm đức khiết tịnh; đề phòng tai của con nghe những lời nói ô uế; vứt bỏ trong đầu óc con tất cả dục tà của tính cám dỗ; diệt trừ dục vọng không thanh khiết nảy sinh trong lòng con.
Thánh John Baptist de la Salle)Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"
----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:36 16/10/2023
76. ÁP VÁC LA HÁN
Lúc đại tướng Bắc Tống là Tào Hàn diệt Nam Đường là Lý Thị để chấp chính, thì lấy tất cả vàng bạc châu báu của Lý Thị len lén chở sạch về nhà hơn trăm thuyền.
Vì Tào Hàn sợ không danh chính, bèn lấy mấy tượng la hán trong chùa ở thôn Lư Sơn Đông chất lên thuyền, mỗi thuyền che giấu hơn mười tượng, và đem mấy la hán này dâng cho hoàng đế, hoàng thượng đem mấy la hán này ban cho chùa Tướng Quốc.
Vì chuyện này mà người biết chuyện loan truyền ra trong chỗ riêng tư, người đương thời bèn gọi la hán chùa Tướng Quốc là “áp vác la hán”.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 76:
Đã ăn cắp mà vẫn còn sĩ diện, vẫn còn đòi danh chính ngôn thuận thì quả thật là…mặt dày.
La hán là những pho tượng được đặt trong các chùa chiền như những vị thần bảo vệ giúp đỡ các thiện nam tín nữ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ỷ vào quyền thế chức vụ mà lấy mất la hán của người dân để che cái lòng dạ xấu xí của mình thì quả là lấy vải thưa che mắt thánh…
Thời nay ít có người vào chùa cắp tượng la hán hoặc vào nhà thờ cắp tượng thánh để dâng cho vua, nhưng vẫn có những người lấy danh nghĩa nhà thờ, chùa chiền để làm việc có lợi cho cá nhân mình.
Ăn cắp tượng thánh thì ít người Ki-tô hữu nào dám, nhưng “mượn” danh nghĩa các thánh để đi quyên góp tiền bạc của người khác bỏ túi riêng thì dám làm, bởi vì họ “tưởng” rằng các tượng thánh không biết việc dối trá mà họ đã làm…
Thật là tội nghiệp cho họ !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Lúc đại tướng Bắc Tống là Tào Hàn diệt Nam Đường là Lý Thị để chấp chính, thì lấy tất cả vàng bạc châu báu của Lý Thị len lén chở sạch về nhà hơn trăm thuyền.
Vì Tào Hàn sợ không danh chính, bèn lấy mấy tượng la hán trong chùa ở thôn Lư Sơn Đông chất lên thuyền, mỗi thuyền che giấu hơn mười tượng, và đem mấy la hán này dâng cho hoàng đế, hoàng thượng đem mấy la hán này ban cho chùa Tướng Quốc.
Vì chuyện này mà người biết chuyện loan truyền ra trong chỗ riêng tư, người đương thời bèn gọi la hán chùa Tướng Quốc là “áp vác la hán”.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 76:
Đã ăn cắp mà vẫn còn sĩ diện, vẫn còn đòi danh chính ngôn thuận thì quả thật là…mặt dày.
La hán là những pho tượng được đặt trong các chùa chiền như những vị thần bảo vệ giúp đỡ các thiện nam tín nữ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ỷ vào quyền thế chức vụ mà lấy mất la hán của người dân để che cái lòng dạ xấu xí của mình thì quả là lấy vải thưa che mắt thánh…
Thời nay ít có người vào chùa cắp tượng la hán hoặc vào nhà thờ cắp tượng thánh để dâng cho vua, nhưng vẫn có những người lấy danh nghĩa nhà thờ, chùa chiền để làm việc có lợi cho cá nhân mình.
Ăn cắp tượng thánh thì ít người Ki-tô hữu nào dám, nhưng “mượn” danh nghĩa các thánh để đi quyên góp tiền bạc của người khác bỏ túi riêng thì dám làm, bởi vì họ “tưởng” rằng các tượng thánh không biết việc dối trá mà họ đã làm…
Thật là tội nghiệp cho họ !
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Trói buộc
Lm. Minh Anh
14:00 16/10/2023
TRÓI BUỘC
“Thật là ngốc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là “ngốc”, nhưng thực sự là Ngài đã nói với người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay như thế! Tại sao? Vì với người này, lề luật thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’ và trở nên một chiếc bẫy!
Một biệt phái mời Chúa Giêsu dùng bữa; và người này trách Ngài không rửa tay. Nhân cơ hội, Ngài cho biết, ông ấy đã hiểu sai lề luật. Lề luật giải thoát để con người thờ phượng đúng đắn; nhưng khi nó tự trở thành mục đích, tách rời khỏi Đấng mà lẽ ra nó phải hướng về, thì lề luật là chiếc bẫy. Giáo Hội có đủ lề luật khiến những Pharisêu khắt khe nhất cũng phải tự hào; nhưng nguy hiểm ở chỗ, bạn có thể rơi vào cạm bẫy.
Trước tiên, luật được giữ cách cứng nhắc đến nỗi con người không để trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi nó: thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân! Vì thế, thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’. Thứ hai, một thái cực khác. Đó là dễ dãi với bản thân khi cho rằng, “Nếu trái tim đặt đúng chỗ, tôi không cần phải lo lắng về quy tắc này, quy tắc nọ!”. Với một thái độ lỏng lẻo, bạn và tôi cho phép mình coi nhẹ những lề luật mà thực sự, nó giúp giải thoát. “Tôi phải đi lễ Chúa Nhật; nhưng hôm nay là kỳ nghỉ! Chúa biết tôi là người tốt!”. Vậy mà, chính trong Thánh Lễ Chúa Nhật, bạn nhận được ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt” đó!
Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô mạnh mẽ tố cáo thái độ biệt phái này. Họ là “Những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý”. Và xem ra, Phaolô còn quyết liệt hơn cả Chúa Giêsu, “Đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ!”.
Thế kỷ 18, nước Pháp nổi tiếng với triết gia Jean-Jacques Rousseau. Ông hợm hĩnh tuyên bố, “Trước nhan Chúa, ai dám nói, ‘Tôi tốt hơn Rousseau!’”. Trước khi chết, ông tự hào, “Ôi hạnh phúc! Một người không có lý do gì để hối hận hay tự trách mình!”; “Tôi trả lại linh hồn trong sáng cho Chúa như khi nó xuất phát từ Ngài; hãy để nó hạnh phúc với Ngài!”. Trong các tác phẩm, ông chủ trương ngoại tình, tự tử. Hơn 20 năm sống phô trương, hầu hết những đứa con của ông sinh ra ngoài giá thú và lớn lên từ viện mồ côi. Ông được biết như một người đểnh đoảng, bội bạc, giả hình và báng bổ!
Anh Chị em,
“Thật là ngốc!”. Hẳn Chúa Giêsu sẽ nói với Jean-Jacques Rousseau và cũng có thể với bạn và tôi như thế. Hãy thử lắng nghe, đừng cảm thấy bị xúc phạm! Đó là những lời yêu thương nhất. Hãy cho phép mình hưởng lợi từ những lời quở trách này! Ngài muốn bạn và tôi làm sạch chiếc cốc tâm hồn. Hãy để những lời này tiết lộ những gì cần đổi thay. Có thể đó là lòng kiêu hãnh vốn đã làm chệch hướng các thực hành nội tâm và cách giữ luật Chúa; nên thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’. Nó có thể đã khiến chúng ta mù quáng hoặc quá dễ dãi trước những tội lỗi cần thú nhận. Đừng làm ngơ; hãy cởi mở, khiêm tốn đón nhận! Nhờ đó, bạn và tôi trở nên công chính và có thể cùng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để con bớt hợm hĩnh và không bị ‘trói buộc’ bởi một điều gì, xin đừng để con ngốc!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hàng ngàn người tại Đền thờ Fatima cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh địa và Ukraine
Đặng Tự Do
16:54 16/10/2023
Người dân từ 35 quốc gia khác nhau tập trung tại đền thánh Đức Mẹ vào ngày 12 tháng 10. Một đám đông hơn 180.000 người hành hương đã tập trung tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha để cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh địa và Ukraine cũng như “cho tất cả những nơi đang thiếu hòa bình”.
Trang web của ngôi đền đưa tin rằng vào ngày 12 tháng 10, trước ngày kỷ niệm “Phép lạ Mặt trời nhảy múa”, diễn ra vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, buổi lễ rước nến được chủ sự bởi Đức Hồng Y Américo Aguiar, vị giám mục được bổ nhiệm cho Giáo phận Setúbal và chủ tịch ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, được tổ chức vào tháng 8 tại Lisbon.
Trong suy tư của mình trước các tín hữu đến từ 35 quốc gia khác nhau, Đức Hồng Y đã khuyến khích họ cầu nguyện với “Mẹ Thiên Đường” để xin “ân sủng hòa bình” cho Ukraine, cho “mảnh đất của Chúa Giêsu và cho tất cả những nơi thiếu hòa bình”.
“Khi chúng ta nói về, chúng ta nói về hòa bình, và thật không may, đây là một món quà đang thiếu: Nó đang thiếu ở Ukraine thân yêu của chúng ta và ở mảnh đất Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta. Vì vậy, chúng ta muốn cầu xin Mẹ ban hòa bình cho những nơi này và thế giới.”
Sau đó Đức Hồng Y hỏi: “Tại sao lại có chiến tranh trên thế giới? Tôi không biết làm thế nào để giải thích nó. … Nhưng tôi biết rằng điều đó có nghĩa là mất đi trẻ em, người trẻ, phụ nữ, người nghèo, những người nghèo nhất…”
“Thảm kịch của cuộc chiến ở Ukraine và bây giờ là thảm kịch của cuộc chiến ở Thánh địa, ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, ở Dải Gaza, có những tình huống khiến chúng ta lo ngại và chúng ta không thể thờ ơ với chúng. Đây là những tình huống đánh dấu cuộc hành hương của chúng ta”, Đức Hồng Y Aguiar nói.
Các cuộc hiện ra ở Fatima diễn ra trong bối cảnh Thế chiến thứ nhất, nhưng Đức Mẹ cảnh báo rằng “nếu người ta không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì một điều tồi tệ hơn sẽ nổ ra”, điều này đã được ứng nghiệm trong Thế chiến thứ hai. Đức Mẹ cũng yêu cầu “thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ” và cảnh báo rằng nước Nga sẽ “truyền bá sai lầm của mình ra khắp thế giới” nếu lời kêu gọi sám hối của Mẹ không được thực hiện. Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 25 tháng 3, một hành động mà những người tiền nhiệm của ngài đã thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Giám đốc Đền thờ Fatima, Cha Carlos Cabecinhas, cũng lưu ý rằng “ý cầu nguyện lớn lao của Giáo hội” là “Thượng Hội Đồng Giám mục”, đang diễn ra tại Vatican.
Một trăm lẻ sáu năm trước, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, trong khi hàng ngàn người hành hương đang ở Fatima, “Phép lạ Mặt trời quay” đã xảy ra, nơi người ta có thể nhìn thấy mặt trời đang chuyển động, thực hiện một kiểu “khiêu vũ”.
Sự kiện này kéo dài khoảng ba phút và xảy ra sau lần hiện ra cuối cùng của Đức Trinh Nữ Maria với các em chăn chiên Jacinta, Francisco và Lucía.
Một nhà báo của tờ báo Bồ Đào Nha O Século, Avelino de Almeida, ước tính rằng vào thời điểm xảy ra phép lạ, có khoảng 40.000 người có mặt, nhưng giáo sư khoa học tự nhiên tại Đại học Coimbra, Bồ Đào Nha, Joseph Garrett, tính toán rằng có khoảng 100.000 người tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ diệu.
Thượng Hội đồng ngày 14-15 tháng 10: Nữ tu chủ tọa nói rằng Thượng Hội đồng đang ‘tạo tiền đề cho những thay đổi trong tương lai’
Vũ Văn An
13:59 16/10/2023
Bản tin ngày 16 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News tường trình rằng vào ngày 14 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 tiếp tục thảo luận về chủ đề thứ ba của Thượng hội đồng: “Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các hồng ân và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?” (đơn vị thảo luận B2).
Họp báo
Hôm Thứ Bảy, ngày 14 tháng 10—được Vatican News mô tả một cách sai lầm là Thứ Năm—340 trong số 364 thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng đã có mặt để thảo luận. Chủ trì thay Đức Thánh Cha là Nữ tu María de los Dolores Palencia Gómez, CSJ, một trong chín đại biểu chủ tịch chủ trì khi Đức Giáo Hoàng vắng mặt.
Các đại biểu chủ tịch bao gồm một Thượng phụ, năm giám mục khác, một linh mục, nữ tu Palencia và một nữ giáo dân. Việc nữ tu Palencia chủ trì phiên họp thượng hội đồng là lần đầu tiên một nữ tu (hoặc bất cứ phụ nữ nào) chủ trì Thượng hội đồng giám mục.
Tại cuộc họp báo hàng ngày, Nữ tu Palencia nói rằng Thượng Hội đồng đang “tạo tiền đề cho những thay đổi trong tương lai” về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
Bà nói, “Tôi cảm thấy rằng đây là một quá trình tiệm tiến. Từng chút một, chúng ta sẽ thấy các thay đổi.”
Bà nói thêm, công việc của bà với tư cách là chủ tịch-đại biểu phản ảnh “một modus vivendi [lối sống] đang được thực hiện trong Giáo hội, kêu gọi tất cả những người nam nữ đã được rửa tội hãy đồng trách nhiệm, đồng thời, tôn trọng mọi sự đa dạng”.
Nhà báo Diane Montagna đã hỏi Viện phụ Mauro Giuseppe Lepori, Viện phụ của Dòng Xitô, về việc truyền chức cho phụ nữ: “Một số người nói rằng việc thúc đẩy nữ phó tế trong Thượng hội đồng không khác gì việc thúc đẩy nữ phó tế trong hiệp thông Anh giáo—điều đã dẫn đến việc nữ linh mục và giám mục. Làm sao đây không phải là một bước để truyền chức thêm nữa?”
Trong câu trả lời của mình, không trực tiếp đề cập đến câu hỏi của cô, Tu viện trưởng Lepori ban đầu nói rằng việc truyền chức linh mục cho phụ nữ không “chiếm ưu thế” trong các cuộc thảo luận, và sau đó nói rằng “không ai nói về chức linh mục của phụ nữ”. Tuy nhiên, những người tham gia đang thảo luận về khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ vì nó đã được đề cập trong tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng. Viện phụ Lepori nói về tầm quan trọng của việc suy tư và thảo luận sâu sắc về ý nghĩa ơn gọi của người nam và người nữ trong Giáo hội, cũng như ý nghĩa của chức thánh.
Máy chủ không an toàn
Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, đã thảo luận về việc đăng các tài liệu bí mật của Thượng hội đồng lên một máy chủ không an toàn, với các tài liệu có sẵn cho bất cứ ai biết về URL của trang web.
Ông Ruffini giải thích rằng yêu cầu về mật khẩu ban đầu đã bị loại bỏ vì một số người tham gia gặp vấn đề khi truy cập tài liệu bằng mật khẩu. Ông tiếp tục, thông tin hiện đã được an toàn:
"Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã tạo ra một kho dữ liệu (cloud) để chia sẻ một số tài liệu với các thành viên Thượng hội đồng. Việc truy cập vào kho dự trữ này yêu cầu nhận dạng—tên người dùng và mật khẩu—nhưng vì một số thành viên, vì nhiều lý do khác nhau, không thể truy cập được nên văn phòng Tổng Thư ký đã quyết định tạo một liên kết cho những người biết địa chỉ để họ có thể truy cập các tài liệu trong kho dự trữ trực tiếp mà không cần được nhận dạng.
"Cho đến khi kết thúc đơn vị thảo luận đầu tiên, kho này chỉ chứa các tài liệu công khai, tức là bản văn của các báo cáo qúy vị nhận được và các bức ảnh được dùng chung cho các chứng từ và tài liệu. Kết thúc đơn vị thảo luận đầu tiên, do khó khăn của số lượng thành viên lớn, văn phòng Tổng Thư ký đã quyết định đăng tải bản tóm tắt của 35 nhóm làm việc ở Phân đoạn A lên kho dự trữ. Mặt khác, nội dung có tính bản thân mà mỗi thành viên có thể nghe trong các Tổng hội thì không được đăng tải.
"Mục đích là để cho phép tất cả các thành viên truy cập một cách thuận tiện thông tin hữu ích cho việc phân định đồng nghị của họ. Vấn đề không phải là các tài liệu mà chúng ta có thể gọi là ‘mật’ [classified], mà là các tài liệu bảo mật [confidential]để bảo vệ không gian phân định chung…
"Đã có quyết định lặp lại yêu cầu phải dùng tên người dùng và mật khẩu. Không có gì bí mật, nhưng ý muốn của văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng là duy trì tính bảo mật về các báo cáo cá nhân của mỗi nhóm làm việc".
Tính bảo mật xung quanh các báo cáo của các nhóm làm việc đã giúp làm cho Thượng hội đồng hiện tại trở thành Thượng hội đồng kém minh bạch nhất trong những thập niên gần đây. Trong các triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II và của Đức Bênêđíctô XVI, Vatican thường xuyên công bố các bài phát biểu (can thiệp) của các nghị phụ Thượng hội đồng. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thông lệ đó đã chấm dứt, nhưng Vatican còn công bố báo cáo của các nhóm làm việc. Các quy tắc của Thượng Hội đồng lần này cấm những người tham gia thảo luận ngay cả những can thiệp của chính họ.
Thượng hội đồng hoãn họp hôm Chúa nhật, ngày 15 tháng 10 và tiếp tục thảo luận vào ngày hôm sau.
Tông Huấn Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Về Lòng Tin Tưởng Vào Tình Yêu Thương Xót Của Thiên Chúa, Nhân Dịp Kỷ Niệm 150 Năm Ngày Sinh Của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tiếp theo
Vũ Văn An
14:32 16/10/2023
3. Con sẽ là tình yêu
30. Vì “cao cả” hơn đức tin và đức cậy, đức ái sẽ không bao giờ qua đi (x. 1 Cr 13:8-13). Đó là hồng ân tối thượng của Chúa Thánh Thần và là “mẹ và cội nguồn của mọi nhân đức”. [49]
Đức ái như một thái độ bản thân của tình yêu
31. Câu chuyện Một Linh hồn là một chứng từ về đức ái, trong đó Thánh Têrêsa đưa ra cho chúng ta lời bình luận về điều răn mới của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:12). [50] Chúa Giêsu khao khát sự đáp trả này đối với tình yêu của Người. Thật vậy, Người “không ngại xin người đàn bà Samaria một ít nước. Người thấy khát. Nhưng khi Người nói 'Cho tôi uống', thì chính tình yêu của tạo vật khốn khổ của Người mà Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đang tìm kiếm. Người khát khao tình yêu”. [51] Thánh Têrêsa muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu, dâng hiến cho Người tình yêu để đáp lại tình yêu. [52]
32. Tính biểu tượng của tình yêu phu thê nhấn mạnh đến sự tự hiến cho nhau của chàng rể và cô dâu. Do đó, lấy cảm hứng từ Diễm ca (2:16), Thánh Têrêsa viết, “Tôi nghĩ rằng Trái tim Người Phối Ngẫu của tôi là của riêng tôi, cũng như trái tim của tôi là của riêng Người, và tôi nói chuyện với Người trong sự cô tịch của trái tim vui vẻ này nói với trái tim kia, trong khi chờ đợi một ngày nào đó được chiêm ngưỡng Ngườii mặt đối mặt”. [53] Mặc dù Chúa yêu thương chúng ta như một dân tộc, nhưng đồng thời đức ái cũng hoạt động một cách bản thân nhất: “trái tim với trái tim”.
33. Thánh Têrêsa hoàn toàn chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ngài và biết đích danh ngài vào lúc chịu khổ nạn: “Người yêu tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20). Khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong cơn hấp hối, ngài nói với Người: “Chúa đã thấy con”. [54] Cũng vậy, ngài nói với Hài Nhi Giêsu trong vòng tay của Mẹ Người: “Với bàn tay nhỏ bé Chúa vuốt ve Đức Maria, Chúa đã nâng đỡ thế giới và ban cho nó sự sống, và Chúa đã nghĩ đến con”. [55] Cũng vậy, khi bắt đầu Câu chuyện một Linh hồn, ngài đã chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại và đối với mỗi cá nhân, như thể họ là người duy nhất trên thế giới. [56]
34. Hành vi yêu thương – lặp đi lặp lại những lời “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa” – đối với Thánh Têrêsa trở nên tự nhiên như hơi thở, là chìa khóa giúp ngài hiểu Tin Mừng. Với tình yêu đó, ngài đắm mình trong tất cả các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, trở nên đương thời với Người và đặt mình vào trong Tin Mừng cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, thánh Maria Mađalêna và các tông đồ. Cùng với họ, ngài đã đi sâu vào tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu. Chúng ta hãy lấy một thí dụ: “Khi tôi nhìn thấy Mađalêna bước tới trước nhiều quan khách, lấy nước mắt rửa chân cho Thầy kính yêu của mình, Đấng mà bà chạm vào lần đầu tiên, tôi cảm thấy rằng trái tim bà đã hiểu được các vực thẳm của tình yêu và lòng thương xót của Trái Tim Chúa Giêsu, và dù bà là người tội lỗi, Trái Tim tình yêu này không chỉ sẵn sàng tha thứ cho bà, mà còn ban cho bà những phúc lành của sự thân mật thần linh, nâng bà lên đỉnh cao nhất của sự chiêm niệm”. [57]
Tình yêu lớn nhất trong sự đơn giản tối cao
35. Ở cuối Câu chuyện một Linh hồn, Thánh Têrêsa trình bày cho chúng ta Hành vi Hiến dâng Tình yêu Thương xót. [58] Một khi hoàn toàn phó thác cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, ngài đã nhận được, một cách lặng lẽ và kín đáo, một dòng nước hằng sống dồi dào: “những dòng sông, hay đúng hơn là những đại dương ân sủng tràn ngập linh hồn tôi”. [59] Đây là đời sống huyền nhiệm, ngoài những hiện tượng ngoại thường, nó cung ứng cho mọi tín hữu như một kinh nghiệm yêu thương hằng ngày.
36. Thánh Têrêsa thực hành đức ái trong sự bé nhỏ, trong những điều đơn giản nhất của cuộc sống hằng ngày, và ngài đã làm như vậy khi đồng hành với Đức Trinh Nữ Maria, đấng mà từ đó ngài đã học được rằng “yêu thương là cho đi tất cả. Đó là hiến dâng chính mình”. [60] Trong khi các nhà giảng thuyết thời đó thường tôn vinh sự cao cả của Đức Maria theo những cách khiến cho Mẹ dường như xa rời chúng ta, Thánh Têrêsa đã cho thấy, bắt đầu từ Tin Mừng, rằng Đức Maria là người cao trọng nhất trong Nước Trời vì Mẹ là người bé nhỏ nhất (x. Mt 18:4), người gần gũi nhất với Chúa Giêsu trong sự hạ mình của Người. Ngài thấy rằng, nếu ngụy thư đầy rẫy những chiến công nổi bật và đáng kinh ngạc, thì Tin Mừng cho chúng ta thấy một cuộc sống thấp hèn và nghèo khó sống trong đức tin đơn sơ. Chính Chúa Giêsu muốn Đức Maria trở thành mẫu gương của một tâm hồn tìm kiếm Người với một đức tin đơn sơ. [61] Đức Maria là người đầu tiên trải nghiệm “con đường nhỏ” trong đức tin thuần khiết và lòng khiêm nhường. Vì vậy, Thánh Têrêsa đã không ngần ngại viết:
“Lạy Mẹ đầy ân sủng, con biết rằng ở Nazareth
Mẹ sống trong cảnh nghèo khó, không muốn gì hơn nữa.
Không có sung sướng, phép lạ hay sự xuất thần
Lạy Nữ hoàng của những người được chọn, xin Mẹ làm đẹp cuộc sống của Mẹ!…
Số lượng những người bé nhỏ trên trái đất thực sự rất lớn.
Họ có thể ngước mắt nhìn Mẹ mà không run rẩy.
Lạy Mẹ khôn sánh, chính một cách thông thường,
Mẹ đã thích tiến bước để dẫn họ lên thiên đàng”. [62]
37. Thánh Têrêsa kể cho chúng ta nghe về những giây phút ân sủng được trải nghiệm giữa sự đơn sơ của cuộc sống hằng ngày, giống như sự hiểu biết thông sáng bất ngờ mà ngài có được khi đồng hành cùng một nữ tu bệnh hoạn và có phần nóng nảy. Mặc dù vậy, những trải nghiệm về lòng đức ái mãnh liệt hơn đó vẫn diễn ra theo những cách bình thường nhất. “Một đêm mùa đông, tôi đang thực hiện nhiệm vụ nhỏ bé của mình như thường lệ; trời lạnh, trời đã về đêm. Đột nhiên tôi nghe thấy từ xa tiếng âm thanh hòa điệu của một nhạc cụ. Lúc đó, tôi hình dung ra một phòng khách được chiếu sáng tốt, mạ vàng rực rỡ, đầy những thiếu nữ trẻ ăn mặc sang trọng đang trò chuyện và dành cho nhau đủ loại lời khen ngợi cũng như những nhận xét trần tục khác. Rồi tôi liếc nhìn người bệnh tật tội nghiệp mà tôi đang giúp đỡ. Thay vì những dòng nhạc hay, tôi chỉ nghe thấy những lời phàn nàn thỉnh thoảng của bà, và thay vì những món đồ mạ vàng sang trọng, tôi chỉ nhìn thấy những viên gạch của tu viện khắc khổ của chúng tôi, khó nhìn thấy được dưới ánh sáng mờ mờ. Tôi không thể diễn tả bằng lời điều gì đã xảy ra trong linh hồn tôi; điều tôi biết là Chúa đã soi sáng nó bằng những tia sáng của sự thật, những tia sáng ấy vượt xa ánh sáng rực rỡ tăm tối của những bữa tiệc trần thế đến nỗi tôi không thể tin được vào niềm hạnh phúc của mình. Ah! Tôi sẽ không đánh đổi mười phút được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bác ái khiêm tốn của mình để tận hưởng những bữa tiệc ngàn năm thế gian”. [63]
Trong lòng Giáo Hội
38. Từ Thánh Têrêsa thành Avila, Thánh Têrêsa thừa hưởng một tình yêu lớn lao đối với Giáo hội và có thể thăm dò các chiều sâu của mầu nhiệm này. Chúng ta thấy điều này khi ngài khám phá ra “trái tim của Giáo hội”. Trong một lời cầu nguyện dài với Chúa Giêsu, [64], được viết vào ngày 8 tháng 9 năm 1896, nhân kỷ niệm sáu năm khấn dòng, vị thánh đã tâm sự với Chúa rằng ngài cảm thấy được thúc đẩy bởi một ước muốn vô biên, một niềm đam mê Tin Mừng mà không một ơn gọi nào, tự nó có thể thỏa mãn. Và vì vậy, khi tìm kiếm “vị trí” của mình trong Giáo hội, ngài đã mở các chương 12 và 13 của Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.
39. Ở đó, trong Chương 12, vị tông đồ sử dụng phép ẩn dụ thân xác và các chi thể của nó để giải thích rằng Giáo hội bao trùm rất nhiều đặc sủng được sắp xếp theo trật tự phẩm trật. Tuy nhiên, mô tả này vẫn chưa đủ đối với Thánh Têrêsa. Ngài tiếp tục tìm kiếm và đọc “bài thánh ca về đức ái” ở Chương 13. Ở đó, ngài đã tìm ra câu trả lời xuất sắc cho câu hỏi của mình và viết ra trang đáng nhớ này: “Xét về thân thể huyền nhiệm của Giáo hội, tôi đã không nhận ra chính mình trong bất cứ những chi thể nào được Thánh Phaolô mô tả, hay đúng hơn là tôi mong muốn nhìn thấy chính mình trong tất cả họ. Đức ái đã cho tôi chìa khóa ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng nếu Giáo hội có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau thì không thể thiếu những chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất, và vì vậy tôi hiểu rằng Giáo hội có một Trái tim, và Trái tim này đang cháy bỏng tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới khiến các chi thể của Giáo hội hành động, nếu có bao giờ Tình yêu bị tuyệt chủng thì các tông đồ sẽ không còn rao giảng Tin Mừng và các vị tử đạo sẽ không còn đổ máu. Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi, tình yêu đó là tất cả, nó bao trùm mọi thời và mọi nơi… tóm lại: nó là vĩnh cửu! Sau đó, trong niềm vui sướng tột độ, tôi đã kêu lên: Ôi Chúa Giêsu, Tình Yêu của con... ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy nó... ơn gọi của con là Tình Yêu! Vâng, tôi đã tìm được vị trí của mình trong Giáo hội, và chính Chúa, lạy Thiên Chúa của con, đã ban cho con vị trí này; trong trái tim của Giáo hội, Mẹ của con, con sẽ là Tình yêu. Như vậy consẽ là tất cả, và như vậy giấc mơ của con sẽ thành hiện thực”. [65]
40. Trái tim này không phải là trái tim của một Giáo hội hãnh chiến, mà là một Giáo hội yêu thương, khiêm tốn và xót thương. Thánh Têrêsa không bao giờ đặt mình lên trên người khác, nhưng cùng đứng ở vị trí thấp nhất với Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành nô lệ và hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2:7-8).
41. Việc khám phá trái tim của Giáo hội này cũng là nguồn ánh sáng lớn lao cho chúng ta ngày nay. Nó bảo vệ chúng ta khỏi bị xúc phạm bởi những hạn chế và yếu đuối của định chế giáo hội với những bóng tối và tội lỗi của nó, đồng thời giúp chúng ta bước vào “trái tim cháy bỏng tình yêu” của Giáo hội, trái tim bùng cháy vào Lễ Hiện Xuống nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trái tim đó có ngọn lửa được nhen nhóm lại qua mỗi hành động bác ái của chúng ta. “Con sẽ là tình yêu”. Đây là lựa chọn triệt để của Thánh Têrêsa, sự tổng hợp dứt khoát và bản sắc thiêng liêng sâu sắc nhất của ngài.
Một cơn mưa hoa hồng
42. Sau nhiều thế kỷ, trong đó vô số các vị thánh đã hết sức nhiệt thành và hùng hồn bày tỏ ước muốn “lên thiên đàng”, Thánh Têrêsa có thể thừa nhận một cách hết sức chân thành: “Vào thời điểm đó, tôi đang phải chịu đựng đủ loại thử thách nội tâm, thậm chí đến mức tự hỏi liệu thiên đàng có thực sự tồn tại hay không”. [66] Vào một lúc khác, ngài nói: “Khi tôi hát về hạnh phúc thiên đàng và về sự sở hữu vĩnh cửu Thiên Chúa, tôi không cảm thấy vui mừng gì cả, vì tôi chỉ hát những gì tôi muốn tin”. [67] Chuyện gì đã xảy ra vậy? Thánh Têrêsa đã nghe thấy tiếng Chúa mời gọi thổi lửa vào trái tim Giáo hội hơn là nghĩ đến hạnh phúc bản thân của ngài.
43. Sự biến đổi đang diễn ra đã giúp ngài chuyển từ lòng khao khát thiên đàng nhiệt thành sang lòng khao khát thường xuyên, cháy bỏng vì lợi ích của mọi người, lên đến tuyệt đỉnh là giấc mơ tiếp tục trên thiên đàng sứ mệnh yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Người được yêu mến. Như ngài đã viết trong một trong những lá thư cuối cùng của mình: “Tôi thực sự tin tưởng vào việc không tiếp tục thụ động trên thiên đàng. Mong muốn của tôi là vẫn tiếp tục làm việc cho Giáo hội và cho các linh hồn”. [68] Và trong chính những ngày đó, ngài nói, thậm chí còn trực tiếp hơn: “Thiên đàng của tôi sẽ dành để sống trên trái đất cho đến ngày tận thế. Vâng, tôi muốn dành cả thiên đàng của mình để làm những điều tốt đẹp trên trái đất”. [69]
44. Bằng những lời đó, Thánh Têrêsa bày tỏ sự đáp trả chắc chắn nhất của mình trước hồng ân độc đáo mà Chúa đã ban cho ngài, ánh sáng đặc biệt mà Thiên Chúa đang chiếu soi trên ngài. Bằng cách này, ngài đã đạt được sự tổng hợp Tin Mừng cuối cùng của bản thân mình, một sự tổng hợp bắt đầu bằng sự tin tưởng hoàn toàn và kết thúc bằng sự phó thác hoàn toàn vì lợi ích của người khác. Ngài không nghi ngờ gì về kết quả của việc phó thác đó: “Tôi nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp mà tôi muốn làm sau khi chết”. [70] “Chúa sẽ không ban cho tôi ước muốn làm điều tốt trên trái đất sau khi tôi chết, nếu Ngườ đãi không muốn thể hiện điều đó”. [71] “Nó sẽ giống như một cơn mưa hoa hồng”. [72]
45. Ngài đã đi hết vòng. “C’est la confiance”. Chính sự tín thác đưa chúng ta đến tình yêu và do đó giải phóng chúng ta khỏi sợ hãi. Chính niềm tín thác giúp chúng ta ngừng nhìn vào chính mình và giúp chúng ta phó thác vào tay Thiên Chúa những gì chỉ có Người mới có thể hoàn thành được. Làm như vậy sẽ mang lại cho chúng ta nguồn tình yêu và năng lực bao la để tìm kiếm lợi ích cho anh chị em chúng ta. Và vì thế, giữa nỗi đau khổ của những ngày cuối đời, Thánh Têrêsa đã có thể nói: “Tôi chỉ trông cậy vào tình yêu”. [73] Cuối cùng, chỉ có tình yêu mới có giá trị. Niềm tin tưởng làm cho những bông hồng nở hoa và tuôn đổ chúng như sự tràn ngập tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cầu xin niềm tin tưởng như một món quà ân sủng miễn phí và quý giá, để những con đường Tin Mừng có thể mở ra trong cuộc sống của chúng ta.
4. Trọng tâm của Tin Mừng
46. Trong Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã kêu gọi quay trở lại với nguồn mạch tươi mới, để nhấn mạnh điều thiết yếu và không thể thiếu được. Bây giờ tôi thấy thật phù hợp để tiếp nhận lời mời đó và đề xuất nó một lần nữa.
Tiến sĩ của tổng hợp
47. Tông huấn về Thánh Têrêsa này cho phép tôi nhận xét rằng, trong một Giáo hội truyền giáo, “sứ điệp phải tập trung vào những điều thiết yếu, vào những gì đẹp nhất, vĩ đại nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Thông điệp được đơn giản hóa nhưng không mất đi chiều sâu và tính chân thực của nó, và do đó trở nên mạnh mẽ và thuyết phục hơn”. [74] Điểm cốt lõi sáng chói của thông điệp đó là “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại từ cõi chết”. [75]
48. Không phải mọi thứ đều có vai trò trung tâm như nhau, bởi vì có một trật tự hoặc phẩm trật giữa các chân lý của Giáo hội, và “điều này đúng đối với các tín điều đức tin cũng như đối với toàn bộ giáo huấn của Giáo hội, bao gồm cả giáo huấn luân lý của Giáo hội”. [76] Trọng tâm của luân lý Kitô giáo là đức ái, như sự đáp trả của chúng ta trước tình yêu vô điều kiện của Chúa Ba Ngôi. Do đó, “những việc yêu thương hướng tới người lân cận là biểu hiện hoàn hảo nhất của ân sủng bên trong của Chúa Thánh Thần”. [77] Cuối cùng, chỉ có tình yêu mới có giá trị.
49. Sự đóng góp chuyên biệt mà Thánh Têrêsa cống hiến cho chúng ta trong tư cách một vị thánh và một Tiến sĩ Giáo hội không mang tính phân tích, chẳng hạn như của Thánh Tôma Aquinô. Sự đóng góp của ngài mang tính tổng hợp hơn, vì thiên tài của ngài hệ tại ở việc dẫn chúng ta đến điều trung tâm, thiết yếu và không thể thiếu được. Bằng lời nói và kinh nghiệm bản thân của mình, ngài cho thấy rằng, mặc dù đúng là tất cả các giáo huấn và quy tắc của Giáo hội đều có tầm quan trọng, giá trị, sự rõ ràng của chúng, nhưng một số lại cấp bách hơn và nền tảng hơn đối với đời sống Kitô hữu. Đó là nơi Thánh Têrêsa hướng đôi mắt và trái tim của ngài tới.
50. Như những nhà thần học, nhà luân lý và tác giả tâm linh, như các mục tử và như các tín hữu, ở bất cứ nơi nào chúng ta ở, chúng ta cần phải liên tục áp dụng cái nhìn sâu sắc này của Thánh Têrêsa và rút ra từ đó những hệ quả cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, giáo lý và mục vụ, bản thân và cộng đồng. Chúng ta cần sự mạtnh dạn và tự do nội tâm để làm điều đó.
51. Đôi khi, những trích dẫn duy nhất mà chúng ta thấy được trích dẫn từ vị thánh này chỉ là thứ yếu đối với sứ điệp của ngài, hoặc bàn đến những điều ngài có chung với bất cứ vị thánh nào khác, chẳng hạn như cầu nguyện, hy sinh, lòng sùng kính Thánh Thể, và bất cứ chứng từ nào đẹp đẽ khác. Tuy nhiên, theo cách này, chúng ta có thể đang tước đi điều đặc biệt nhất về món quà của ngài dành cho Giáo hội. Chúng ta quên rằng “mỗi vị thánh là một sứ mệnh, được Chúa Cha hoạch định để phản ảnh và hiện thân, vào một thời điểm chuyên biệt trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng”. [78] Thật vậy, “để nhận ra lời Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các vị thánh của Người, chúng ta không cần phải đi sâu vào các chi tiết… Điều chúng ta cần chiêm ngưỡng là toàn bộ đời sống của các ngài, toàn bộ hành trình lớn lên trong sự thánh thiện, sự phản ảnh Chúa Giêsu Kitô hiện lên khi chúng ta nắm bắt được ý nghĩa tổng thể của các ngài trong tư cách một ngôi vị”. [79] Điều này càng đúng hơn trong trường hợp của Thánh Têrêsa, vì chúng ta đang nói đến một “Tiến sĩ của tổng hợp”.
52. Từ trời xuống đất, chứng tá kịp thời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan vẫn tồn tại trong tất cả sự cao cả của con đường bé nhỏ của ngài.
Trong thời đại thúc giục chúng ta tập trung vào bản thân và sở thích của mình, Thánh Têrêsa cho chúng ta thấy vẻ đẹp của việc biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà.
Vào thời điểm mà những nhu cầu và ước muốn hời hợt nhất được tôn vinh, ngài làm chứng cho tính triệt để của Tin Mừng.
Trong thời đại cá nhân chủ nghĩa, ngài làm cho chúng ta khám phá ra giá trị của một tình yêu trở thành lời chuyển cầu cho người khác.
Vào thời điểm con người bị ám ảnh bởi sự vĩ đại và những dạng quyền lực mới, ngài đã chỉ ra cho chúng ta con đường bé nhỏ.
Trong một thời đại đã gạt bỏ rất nhiều anh chị em của chúng ta, ngài dạy chúng ta vẻ đẹp của sự quan tâm và trách nhiệm đối với nhau.
Vào thời điểm vô cùng phức tạp, ngài có thể giúp chúng ta khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản, tính ưu việt tuyệt đối của tình yêu, sự tín thác và sự phó mình, và do đó vượt ra ngoài một quan niệm mang tính luật pháp hoặc luân lý vốn sẽ lấp đầy đời sống Kitô hữu bằng những quy tắc và quy định, và làm cho niềm vui Tin Mừng trở nên nguội lạnh.
Trong thời đại thờ ơ và thu mình, Thánh Têrêsa truyền cảm hứng cho chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo, được thu hút bởi sức hấp dẫn của Chúa Giêsu và Tin Mừng.
53. Một thế kỷ rưỡi sau khi sinh ra, Thánh Têrêsa vẫn sống động hơn bao giờ hết trong Giáo hội lữ hành, trong lòng dân Chúa. Ngài đồng hành cùng chúng ta trên con đường hành hương, làm những điều tốt đẹp trên trái đất, như ngài rất mong muốn. Dấu hiệu đáng yêu nhất về sức sống thiêng liêng của ngài là vô số “bông hồng” mà Thánh Têrêsa tiếp tục gieo: những ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta qua lời chuyển cầu yêu thương của ngài để nâng đỡ chúng ta trên hành trình suốt cuộc đời.
Lạy Thánh Têrêsa thân yêu,
Giáo Hội cần tỏa vẻ sáng lạn
hương thơm và niềm vui của Tin Mừng.
Xin Thánh nữ gửi cho chúng con hoa hồng của ngài!
Xin giúp chúng con được như chính ngài,
luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng con,
để chúng con có thể bắt chước mỗi ngày
“con đường nhỏ” thánh thiện của ngài.
Amen.
Ban hành tại Rôma, tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 15 tháng 10, Lễ nhớ Thánh Têrêsa thành Avila, vào năm 2023, năm thứ 11 trong Triều Giáo hoàng của tôi.
Phanxicô
1] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu Và Thánh Nhan, Thư 197 Gửi Nữ Tu Marie Thánh Tâm (17/09/1896): Letters II, tr. 1000. Các trích dẫn tiếng Anh của các bài viết của Thánh nữ được lấy từ bản dịch các tác phẩm của ngài do Viện Nghiên cứu Cát Minh (ICS), Washing-ton, D.C. xuất bản: Story of a Soul [truyện một linh hồn] (1996); Letters I [Các thư I]: 1877-1890 (1996); Letters II [Các Thư II]: 1890-1897 (1988); Prayers [Các Lời Cầu nguyện] (1997); Poetry [Thi ca] (1996); Her Last Conversations [Các Đàm luận sau cùng] (1977).
[2] Prayer 6, Act of Oblation to Merciful Love (9 June 1895): Prayers, p. 54; Story of a Soul, pp. 276-277.
[3] Trong giai đoạn hai năm 2022-2023, UNESCO đã công nhận Thánh Têrêsa là nhân vật được tôn vinh nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ngài.
[4] 29 tháng 4 năm 1923.
[5] Xem Decretum super Virtutibus (14 tháng 8 năm 1921): AAS 13 (1921), 449-452.
[6] Bài giảng lễ phong thánh (17/05/1925): AAS 17 (1925), 211.
[7] Xem AAS 20 (1928), 147-148.
[8] Xem AAS 36 (1944), 329-330.
[9] Xem PIUS XII, Thư gửi Đức ông François-Marie Picaud, Giám mục Bayeux và Lisieux (7 tháng 8 năm 1947); Thông Điệp Truyền Thanh Thánh Hiến Vương Cung Thánh Đường Lisieux (11/07/1954): AAS 46 (1954), 404-407.
[10] Xem Thư gửi Đức Cha Jean-Marie-Clément Badré, Giám mục Bayeux và Lisieux nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (02/01/1973): AAS 65 (1973), 12-15.
[11] Xem AAS 90 (1998), 409-413, 930-944.
[12] Tông Thư Novo Millennio Ineunte (6-01-2001), 42: AAS 93 (2001), 296.
[13] Giáo lý (06/04/2011), L’Osservatore Romano (07/04/2011), 8.
[14] Giáo lý (7 tháng 6 năm 2023): L’Osservatore Romano (7 tháng 6 năm 2023), 2-3.
[15] Thư 220 gửi l’Abbé Bellière (24 tháng 2 năm 1897), Thư II, tr. 1060.
[16] Bản chép tay A, 69v: Truyện một Linh hồn, tr. 149.
[17] Xem Bản chép tay C, 33v-37r: Truyện một Linh hồn, trang 253-259.
[18] Xem Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), 14, 264: AAS 105 (2013), 1025-1026.
[19] Bản chép tay C, 34r: Truyện một Linh hồn, tr. 254.
[20] Đã dẫn, 36r, Truyện một Linh hồn, tr. 257.
[21] Những cuộc đàm luận sau cùng, Sổ vàng (9/6/1897, 3), tr. 62.
[22] Xem Bản chép tay C, 2v-3r: Truyện một Linh hồn, trang 207-208.
[23] Đã dẫn,, 2v: tr. 207.
[24] Đã dẫn,, 3r: p. 208.
[25] Xem Bản chép tay A, 84v: p. 181.
[26] Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 tháng 3 năm 2018), 47-62: AAS 110 (2018), 1124-1129.
[27] Bản chép tay A, 32r: Truyện một Linh hồn, tr. 72.
[28] Điều này đã được Công đồng Trent giải thích: “Bất cứ ai xem xét mình, các điểm yếu của mình, và việc thiếu quyết tâm của mình thì có thể sợ hãi và run rẩy về ân sủng của chính mình” (Sắc lệnh về Công chính hóa, IX: DS 1534). Nó được tiếp thu bởi Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, dạy rằng không thể có được sự chắc chắn bằng cách nhìn vào bản thân hoặc hành động của chính mình (x. Số 2005). Sự chắc chắn phát sinh từ sự tín thác không đến từ chính chúng ta, ý thức của chúng ta cũng không thể đặt nền tảng cho sự an toàn đó, vốn không dựa trên sự quan sát nội tâm. Như lời Thánh Phaolô: “Tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4:3-4). Thánh Tôma Aquinô giải thích điều đó như sau: vì ân sủng “không chữa lành con người một cách hoàn hảo” (ST I-II, q. 109, art. 9, ad 1), “trong trí tuệ vẫn còn bóng tối của sự thiếu hiểu biết” (A dẫn, tương ứng.)
[29] Lời cầu nguyện 6 (9 tháng 6 năm 1895): Lời cầu nguyện, tr. 54.
[30] Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 2011.
[31] Điều này cũng được Công đồng Trent tuyên bố rõ ràng: “Không người sùng đạo nào được nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa” (Sắc lệnh về Công chính hóa, IX: DS 1534); “Mọi người nên đặt niềm hy vọng vững chắc nhất vào sự trợ giúp của Thiên Chúa” (đã dẫn., XIII: DS 1541).
[32] Bản chép tay B, 1v: Truyện một Linh hồn, tr. 188.
[33] Xem Bản chép tay A, 48v: Truyện một Linh hồn, trang 104-105; Thư 92 gửi Marie Guérin (30 tháng 5 năm 1889): Thư I, trang 567-569.
[34] Lời cầu nguyện 6 (09/06/1895): Truyện một Linh hồn, tr. 276.
[35] Những Cuộc Đàm luận Sau Cùng, Sổ Vàng (23/07/1897, 3): p. 106.
[36] Bản chép tay C, 31r: Truyện một Linh hồn, tr. 250.
[37] Xem Bản chép tay C, 5r-7v: Truyện một Linh hồn, trang 211-214.
[38] Xem Đã dẫn, 5v: Truyện một Linh hồn, tr. 211.
[39] Xem Đã dẫn, 6v: Truyện một Linh hồn, tr. 213.
[40] Xem Thông điệp Ánh sáng đức tin (29/06/2013), 17: AAS 105 (2013), 564-565.
[41] Bản chép tay C, 7r: Truyện một Linh hồn, tr. 213-214.
[42] Xem Thư 197 gửi Nữ tu Marie Thánh Tâm (17 tháng 9 năm 1896): Thư II, tr. 1000.
[43] Bản chép tay A, 83v: Truyện một Linh hồn, tr. 180.
[44] Xem Bản chép tay A, 45v-46v: Truyện một Linh hồn, trang 98-101.
[45] Đã dẫn,, 46r: Truyện một Linh hồn, tr. 100.
[46] Đã dẫn,.
[47] Đã dẫn,, 46v: Truyện một Linh hồn, tr. 100.
[48] Cầu nguyện 2 (8 tháng 9 năm 1890): Cầu nguyện, tr. 38.
[49] Tổng luận Thần học, I-II, q. 62, art. 4.
[50] Xem Bản chép tay C, 11v-31r: Truyện một Linh hồn, trang 219-250.
[51] Bản chép tay B, 1v: Truyện một Linh hồn, tr. 189.
[52] Xem Bản chép tay B, 4r: Truyện một Linh hồn, tr. 195.
[53] Thư 122 gửi Céline (14 tháng 10 năm 1890): Thư II, tr. 709.
[54] PN 24, 21: Thi ca, tr. 128.
[55] PN 24, 6: ibid., p. 124.
[56] Xem Bản chép tay A, 3r: Truyện một Linh hồn, trang 14-15.
[57] Thư 247 gửi l’Abbé Bellière (21/6/1897): Thư II, tr. 1133.
[58] Xem Lời cầu nguyện 6 (9 tháng 6 năm 1895): Lời cầu nguyện, trang 53-55; Truyện một Linh hồn, trang 276-277.
[59] Bản chép tay A, 84r: Truyện một Linh hồn, tr. 181. [60] PN 54, 22: Thi ca, tr. 219.
[61] PN 54, 15: Đã dẫn, p. 218.
[62] PN 54, 17: Đã dẫn, tr. 218.
[63] Bản chép tay C, 29v-30r: Truyện một Linh hồn, tr. 248-249.
[64] Xe Bản chép tay B, 2r-5v: Truyện một Linh hồn, trang 190-200.
[65] Bản chép tay B, 3v:Đã dẫn, p. 194.
[66] Bản chép tay A, 80v: Truyện một Linh hồn, tr. 173. Đây không phải là thiếu đức tin. Thánh Tôma Aquinô dạy rằng trong đức tin, cả lý trí lẫn ý chí đều hoạt động. Sự tuân thủ ý chí có thể rất vững chắc và bám rễ tốt, trong khi trí tuệ có thể bị u tối. Xem De Veritate 14,1.
[67] Bản chép tay C, 7v: Truyện một Linh hồn, tr. 214.
[68] Thư 254 gửi Père Adolphe Roulland (14/7/1897): Thư II, tr. 1142.
[69] Những Cuộc Đàm luận Sau Cùng, Sổ Vàng (17/7/1897), tr. 102.
[70] Đã dẫn,. (13 tháng 7 năm 1897, 17), tr. 102.
[71] Đã dẫn, (18 tháng 7 năm 1897, 1), tr. 102.
[72] Những Cuộc Đàm luận Sau Cùng, Sổ Vàng (9 tháng 6 năm 1897, 3), tr. 62.
[73] Thư 242 gửi Nữ tu Marie Chúa Ba Ngôi (6/6/1897): Thư II, tr. 1121.
[74] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (24/11/2013), 35: AAS 105 (2013), 1034.
[75] Đã dẫn,, 36: AAS 105 (2013), 1035.
[76] Đã dẫn,.
[77] Đã dẫn,, 37: AAS 105 (2013), 1035.
[78] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 tháng 3 năm 2018), 19: AAS 110 (2018), 1117.
[79] Đã dẫn, 22: AAS 110 (2018), 1117.
Lời kêu gọi cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình của Đức Hồng Y Thượng Phụ Giêrusalem
Đặng Tự Do
16:55 16/10/2023
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh đã đưa ra lời kêu gọi toàn văn như sau:
Anh chị em thân mến,
Nguyện Chúa ban bình an của Ngài cho chúng ta!
Nỗi đau và sự thất vọng trước những gì đang xảy ra là rất lớn. Một lần nữa chúng ta lại thấy mình đang ở giữa một cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự. Chúng ta đột nhiên bị ném vào một biển bạo lực chưa từng có. Sự hận thù, đáng tiếc là chúng ta đã trải qua quá lâu, sẽ còn gia tăng hơn nữa, và vòng xoáy bạo lực tiếp theo sẽ tạo ra nhiều sự hủy diệt hơn. Mọi thứ dường như đều nói về cái chết.
Tuy nhiên, trong thời điểm đau buồn và mất tinh thần này, chúng ta không muốn tiếp tục bất lực. Chúng ta không thể để cái chết và vết chích của nó (1 Cô-rinh-tô 15:55) là lời duy nhất chúng ta nghe được.
Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy cần phải cầu nguyện, phải hướng lòng mình về Thiên Chúa. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể có được sức mạnh và sự thanh thản cần thiết để chịu đựng những thời điểm khó khăn này, bằng cách hướng về Ngài, cầu nguyện và chuyển cầu, để cầu xin và kêu cầu Thiên Chúa giữa nỗi thống khổ này.
Thay mặt tất cả các vị Bản quyền của Thánh địa, tôi mời gọi tất cả các giáo xứ và cộng đồng tôn giáo hãy ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.
Chúng tôi yêu cầu vào Thứ Ba, ngày 17 tháng 10, mọi người hãy giữ một ngày ăn chay, kiêng thịt và cầu nguyện. Chúng ta hãy tổ chức những giờ cầu nguyện với việc chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria. Mặc dù có lẽ hầu hết ở nhiều nơi trong hoàn cảnh giáo phận của chúng ta không cho phép tụ tập đông người, nhưng vẫn có thể tổ chức những buổi cầu nguyện chung đơn giản và nghiêm túc trong các giáo xứ, cộng đồng tu trì và gia đình.
Đây là cách tất cả chúng ta đến với nhau bất chấp mọi thứ, và đoàn kết với nhau trong lời cầu nguyện, để dâng lên Thiên Chúa Cha niềm khát khao hòa bình, công lý và hòa giải của chúng ta.
Xin gởi đến anh chị em lời cầu nguyện chân thành cho tất cả mọi người.
+ Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa
Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh
Phỏng vấn Đức Thượng phụ Pizzaballa: Âu lo chiến tranh kéo dài ở Gaza, kêu gọi ngừng bắn.
Đặng Tự Do
16:56 16/10/2023
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, nói chuyện với Truyền thông Vatican để bày tỏ nỗi đau buồn và thống khổ của ngài trước sự bùng nổ chiến tranh ở Gaza giữa Israel và Hamas.
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, rất buồn, nhưng không hoàn toàn ngạc nhiên, trước sự kinh hoàng đang diễn ra ở Israel và Gaza, bởi vì chính ngài từ lâu đã dự đoán căng thẳng sẽ leo thang, mặc dù không đến mức này.
Đức Tân Hồng Y đã trở lại Giêrusalem vào ngày 10 tháng 10, lo ngại rằng cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi vấn đề Palestine được giải quyết.
Từ Giêrusalem, ngài đã trả lời một cuộc phỏng vấn. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài đã quay trở lại được Giêrusalem. Ngài đã thấy gì? Ấn tượng của ngài là gì?
Tôi chỉ quay trở lại được vào đêm qua với sự giúp đỡ của chính quyền dân sự và quân sự, cả Israel và Jordan, vì tôi đã đi qua ngã Jordan. Tôi thấy một đất nước đang sợ hãi, kinh ngạc trước những gì đang xảy ra.
Tôi chắc chắn đã mong đợi sự gia tăng bạo lực, nhưng chắc chắn không phải dưới những hình thức này, đến mức độ này và với sự tàn bạo như thế này. Tôi cũng thấy rất tức giận và rất mong đợi nhận được một lời hướng dẫn, an ủi cũng như sự rõ ràng về những gì đang xảy ra. Tóm lại, tôi thấy một đất nước đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh chóng.
Hỏi: Ngài có tin tức cụ thể nào về tình trạng của cộng đồng Kitô hữu ở Gaza không?
Vâng, mọi người đều ổn. Một số gia đình đã bị phá hủy nhà cửa nhưng vẫn an toàn. Tất cả họ đều tập trung tại khuôn viên của giáo xứ và trường học của chúng tôi, với suy nghĩ rằng những nơi này không phải là mục tiêu.
Tất nhiên, họ đang phải chịu áp lực rất lớn. Họ có đủ lương thực trong một thời gian, nhưng nếu tình trạng bao vây tiếp tục thì sẽ là một vấn đề. Hiện tại, chúng tôi rất vui khi biết rằng tất cả họ đều ổn và đang tập trung tại khuôn viên giáo xứ.
Hỏi: Nhiều bình luận đã chỉ ra tính không thể đoán trước của các sự kiện trong những giờ này, nhưng trong nhiều tháng, ngài đã chỉ ra sự leo thang bạo lực dần dần có thể biến thành một điều gì đó thậm chí còn nghiêm trọng hơn, như đang xảy ra hiện nay.
Thật không may, tôi lại là một nhà tiên tri dễ dãi. Sự leo thang của cuộc xung đột là điều tất cả mọi người đều thấy. Nhưng sự bùng nổ bạo lực, quy mô và tàn bạo như vậy không ai có thể lường trước được.
Tuy nhiên, điều này đặt lên bàn một vấn đề đã bị gác lại: vấn đề Palestine, mà có lẽ một số người cho rằng đã được khóa lại.
Chừng nào vấn đề Palestine, quyền tự do, phẩm giá và tương lai của người Palestine không được tính đến theo những cách cần thiết như hiện nay thì triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ ngày càng khó khăn.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, con nhận thấy rằng với tình hình giao tranh đang diễn ra thì rất khó để đưa ra dự đoán, nhưng ngài có thể thấy những kịch bản có thể xảy ra trong vài giờ tới, trong vài ngày tới không?
Chắc chắn rất khó để đưa ra dự đoán vào thời điểm này. Rõ ràng là chúng ta không đang tham gia một chiến dịch quân sự mà đang tuyên chiến. Và tôi lo sợ đây sẽ là một cuộc chiến rất dài.
Có lẽ phản ứng của Israel sẽ không chỉ giới hạn ở việc ném bom mà sẽ có một hoạt động trên bộ. Rõ ràng là chúng ta đã bất ngờ bước vào một giai đoạn mới trong cuộc sống của đất nước này cũng như trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Nếu người ta có thể nói về mối quan hệ.
Hỏi: Ngài muốn nói gì với cộng đồng quốc tế?
Cộng đồng quốc tế phải bắt đầu nhìn lại Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine với sự chú ý nhiều hơn những gì nó đã thể hiện cho đến nay. Và phải nỗ lực hết sức để xoa dịu tình hình, đưa các bên đến sự hợp lý thông qua các cuộc hòa giải không nhất thiết phải công khai, bởi vì những cuộc hòa giải công khai sẽ không bao giờ có tác dụng.
Chúng ta cần sự hỗ trợ, lên án mọi hình thức bạo lực, cô lập những kẻ bạo lực và nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được lệnh ngừng bắn. Bởi vì chừng nào vũ khí còn lên tiếng thì sẽ không thể nghe thấy những giọng nói khác.
Chiến lược của Israel và nỗi tuyệt vọng của người Palestine
Vũ Văn An
22:33 16/10/2023
Cole S. Aronson, trên First Things ngày 13 tháng 10 năm 2023, có bài nhận định với tựa đề như trên, trình bầy quan điểm của người Do Thái trước cuộc đối kháng Palestine-Do Thái.
Jerusalem đã bị đánh thức vào buổi sáng ngày Shabbat vừa qua bởi tiếng còi báo động tên lửa và tiếng uỳnh uỵch nhỏ của những khẩu súng chặn chúng. Những người bạn của tôi trong Lực lượng Phòng vệ Israel đang chuẩn bị xâm chiếm Gaza, nếu không thì họ đang canh gác Bờ Tây và biên giới Lebanon. 1,300 người Israel đã chết.
Nền học giả chính xác có thể phát hiện ra bất cứ rủi ro nào cho phép những người có vũ trang vượt qua hàng rào biên giới Gaza, chinh phục các căn cứ quân sự và các khu định cư [kibbutzim], giết và hãm hiếp những người tham dự một ngày lễ hội âm nhạc, chặt đầu trẻ sơ sinh trước mặt cha mẹ chúng, đốt nhà có người ở bên trong, và bắt vài chục con tin. Người ta hy vọng Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF) sẽ tìm thấy các chiến binh vẫn còn ở Israel giống như cách họ đã chiếm lại các thị trấn biên giới. Rồi, tiến vào Gaza. Trong khi đó, những người yêu cầu người khác bắn vũ khí và liều chết thay cho họ nên hiểu lý do tại sao họ lại yêu cầu như vậy. Điều đó có nghĩa là, để bắt đầu, người ta phải thiết lập lý do tại sao chúng ta lại ở đây.
Vì đức bác ái, Hamas phải được phép lên tiếng trước. Người đứng đầu quân đội của nhóm chiến binh cai trị Gaza từ năm 2007 biện minh cho việc tấn công những người Israel vì họ đã “xúc phạm [the] al-Aqsa” nhà thờ Hồi giáo trên Gò Đền Thờ ở Jerusalem. Tôi sẽ rất phẫn nộ nếu người Do Thái bị cấm đến thăm các thánh địa của người Do Thái. Các Kitô hữu đã tức giận một cách chính đáng khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Hagia Sophia là nhà thờ Hồi giáo vào năm 2020. Nhưng điều tương tự đã không xảy ra với những người theo đạo Hồi ở Jerusalem. Họ thờ phượng ở al-Aqsa một cách tự do. Khách du lịch được phép tham quan tự do. Chính những người Do Thái là những người mà quyền thờ phượng công cộng bị cảnh sát Israel và Waqf Jordan hạn chế, kẻo những người thờ phượng Hồi giáo và thế giới Hồi giáo sẽ coi là xúc phạm bạo lực.
Cuộc tấn công của Hamas dường như đã đến lúc làm gián đoạn các cuộc đàm phán giữa Israel và Ả Rập Saudi. Hamas sẽ bị bẽ mặt nếu cam kết chiến tranh chống lại Nhà nước Do Thái của nó bị quốc gia Ả Rập hùng mạnh nhất chính thức bác bỏ. Hòa bình giữa Ả Rập Saudi và Israel sẽ chính thức hóa và tăng cường sự chống đối của phe Do Thái-Sunni đối với những người bảo trợ Iran của Hamas, những người dường như đã giúp lên kế hoạch cho cuộc hành quân này. Nhưng ngay cả khi việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa Saudi-Israel dẫn đến sự gián đoạn đặc biệt này, thì điều đó cũng không giải thích được tại sao Iran lại coi người Palestine là những kẻ sẵn sàng hành quyết như vậy.
Những người có cảm tình với người Palestine ở phương Tây thường viện dẫn các khu định cư và sự hiện diện quân sự của Israel ở West Bank cũng như việc nước này phong tỏa Dải Gaza là nguyên nhân gây ra bạo lực nơi người Palestine. Có lẽ nếu Israel rút khỏi vùng đất mà họ đã chinh phục trong Cuộc chiến sáu ngày năm 1967, người Palestine sẽ hài lòng và Israel sẽ có hòa bình.
Tôi ước lời giải thích này có giá trị. Khi đó, việc chấm dứt xung đột chủ yếu đòi hỏi Nhà nước Do Thái phải hành động đối với chính công dân của mình và rút lực lượng của chính mình. Nhưng cách giải thích này thất bại cả về mặt chuẩn mực lẫn phân tích. Sự hiện diện của Israel ở West Bank được chứng minh bằng nguyên tắc pháp lý quốc tế uti possidetis juris (*), như các học giả Avi Bell và Eugene Kontorovich đã trình bày trong một bài viết toàn diện trên Tạp chí Luật Arizona. Nguyên tắc nói rằng ranh giới của các nước chủ quyền mới được xác định bởi các ranh giới hành chính được thiết lập bởi quyền lực trước đó trong khu vực. Nguyên tắc này được áp dụng trên toàn thế giới. Gần đây nó được sử dụng để xác định biên giới của các quốc gia tách ra từ Liên Xô và sự tan rã của Nam Tư. Israel xuất hiện từ Ủy trị Palestine [Palestine Mandate] của Anh, bao gồm West Bank, Gaza và toàn bộ Jerusalem. Israel là quốc gia có chủ quyền duy nhất xuất hiện trên lãnh thổ sau khi Anh rút quân vào năm 1947. Cư dân Israel được quyền sống ở West Bank––và Tel Aviv và Haifa––theo cùng một nguyên tắc cho phép người Ukraine sống ở Crimea, vốn là một phần của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine khi Liên Xô sụp đổ.
Về mặt phân tích ––lịch sử các mối quan hệ của Israel ở West Bank và Gaza kể từ Chiến tranh năm 1967 cho thấy người Palestine bạo lực hơn và các nhà lãnh đạo của họ càng cực đoan hơn khi Israel ít can thiệp vào công việc của họ. Những năm sau diễn trình Oslo những năm 1990, vốn chỉ nhượng gần 1/3 West Bank cho Chính quyền dân sự Palestine kiểm soát, đã chứng kiến tỷ lệ tử vong hàng năm của người Israel do chủ trương khủng bố của người Palestine tăng lên chứ không giảm xuống. Năm 2000, người đứng đầu Chính quyền Palestine Yasser Arafat được đề nghị thành lập một nhà nước Palestine ở West Bank –– ông từ chối lời đề nghị đó và phát động Intifada lần thứ hai, giết chết hơn một nghìn người Israel. Việc Israel rút quân khỏi Gaza năm 2005 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ariel Sharon được theo sau bởi chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine năm 2006. Hamas đã trục xuất Chính quyền Palestine (PA) khỏi dải đất này một cách thô bạo vào năm 2007. Hamas kể từ đó đã sử dụng Gaza làm bệ phóng cho hàng nghìn tên lửa và bây giờ là các cuộc xâm lược trên mặt đất.
Vì vậy, chúng ta phải quay trở lại trước Cuộc chiến sáu ngày năm 1967, cuộc chiến mà trong mọi trường hợp không thể xảy ra nếu không có xung đột. Trên thực tế, chúng ta cần quay trở lại ngay cả trước cuộc chiến tranh giành độc lập 1947-1949 của Israel chống lại người Ả Rập Palestine và quân đội Ả Rập xâm lược, khiến 6,000 người Do Thái thiệt mạng.
Bạo lực quy mô lớn của người Palestine chống lại người Do Thái bắt đầu từ đầu những năm 1920. Sau thất bại của đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất, Hội Quốc Liên đã phê chuẩn nhiệm vụ cho Vương quốc Anh thành lập “ngôi nhà quốc gia cho người Do Thái” ở Palestine. Cụm từ được trích dẫn là nguyên văn tham chiếu đến Tuyên bố Balfour năm 1917, cam kết hỗ trợ của Anh trong thời chiến đối với Chủ nghĩa duy Xion [Zionism]. Người Anh, với sự giúp đỡ từ một đơn vị binh lính Do Thái, đã chinh phục Palestine từ tay người Ottoman. Hàng chục nghìn người Do Thái đã di cư đến Palestine trong nhiều thập niên. Cuối cùng, dưới thời người Anh, Palestine được cai trị bởi một quốc gia chính thức cam kết xây dựng một nhà nước cho người Do Thái. Các đồng minh chiến thắng sẽ kịp thời trao cho người Ả Rập ––những người từng được cai trị bởi và hầu như được hỗ trợ tổng quát bởi người Ottomans–– quyền độc lập ở 99% vùng Cận Đông. Ủy trị của Anh đã mở Palestine cho người Do Thái “định cư ở mức độ cao”, cho phép một dân tộc bị đàn áp lâu đời có chính thể riêng của họ.
Người Ả Rập ở Palestine nổi dậy chống lại sự ủy trị đã được Hội Quốc Liên phê chuẩn. Bị kích động bởi thị trưởng Jerusalem do người Anh bổ nhiệm và bởi người anh họ Haj Amin al-Husseini, vào tháng 4 năm 1920, người Ả Rập đã nổi loạn ở Jerusalem trong lễ hội Nebi Musa của người Hồi giáo. Năm người Do Thái thiệt mạng và vài trăm người bị thương. Hai phụ nữ Do Thái bị cưỡng hiếp. Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Anh có trụ sở tại Cairo đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Anh mô tả các sự kiện này như một “cuộc tàn sát” (pogrom). Mặc dù Haj Amin bị kết tội kích động bạo loạn, nhưng sau đó ông đã được ân xá và được thống đốc người Anh của Palestine bổ nhiệm làm giáo sĩ [mufti] của Jerusalem vào tháng 5 năm 1921. Cùng tháng đó, những kẻ bạo loạn Ả Rập ở Jaffa đã giết chết hàng chục người Do Thái và làm bị thương hơn một trăm người. Một cuộc điều tra của chính phủ Anh ––Ủy ban Haycraft–– đã đổ lỗi cho cuộc bạo loạn năm 1921 là do người Ả Rập phản đối việc nhập cư của người Do Thái và chính sách ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái của Anh. Cao ủy Palestine của Anh đã tạm thời đình chỉ việc nhập cư của người Do Thái vào Palestine để xoa dịu người Ả Rập. Điều này không hữu hiệu. Haj Amin đã giúp kích động và lãnh đạo cuộc bạo loạn năm 1929 ở Jerusalem, Hebron, Jaffa và Safed, trong đó 133 người Do Thái bị sát hại. Ông đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Ả Rập chống lại người Anh từ năm 1936–1939, mà tuyệt đỉnh là việc Anh đình chỉ hầu như toàn bộ người Do Thái nhập cư vào Palestine. Giới lãnh đạo Palestine người Ả Rập đã bác bỏ đề xuất của Ủy ban Peel của Anh vào năm 1937 về việc phân chia Palestine thành nhà nước Do Thái và Ả Rập, đồng thời bác bỏ việc phân chia Palestine do Liên hợp quốc đề xuất một thập niên sau đó. Vào tháng 5 năm 1948, Nhà nước Do Thái tuyên bố độc lập, tự bảo vệ mình sau đó và kể từ đó chống lại những nỗ lực của người Palestin nhằm tiêu diệt nó, đôi khi bị tạm dừng nhưng cuối cùng không bao giờ chấm dứt.
Vladimir (Ze'ev) Jabotinsky, một người theo chủ nghĩa duy Xion hàng đầu từ những năm 1900 cho đến khi ông qua đời vào năm 1940, hiểu rằng bao lâu người Ả Rập Palestine không tuyệt vọng trong việc trục xuất người Do Thái khỏi Palestine thì họ sẽ tiếp tục thực hiện việc này. Hai năm sau cuộc bạo loạn năm 1921, Jabotinsky viết rằng “Bao lâu người Ả Rập còn cảm thấy chút hy vọng nhỏ nhất loại bỏ được chúng ta, họ sẽ không bỏ cuộc để đổi lấy những lời nói tử tế hoặc để có bánh mì và bơ, bởi vì họ không phải là tiện dân mà là một dân tộc sống động.” Jabotinsky đề xuất một “Bức tường sắt” một quân đội Do Thái nhằm thực thi quyền của người Do Thái được di cư đến Palestine, được sống ở đó trong hòa bình và xây dựng một nhà nước với đa số người Do Thái.
Bức tường sắt ngày nay là Lực lượng Phòng vệ Israel. Nó có nhiệm vụ, giống như bất cứ đội quân nào đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa, là thiết lập các điều kiện cho một nền hòa bình chính đáng. Hamas đã cố gắng tiêu diệt Nhà nước Do Thái kể từ hiệp ước năm 1988. Nhóm này phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều người Israel. Nó đã sử dụng dân thường Gaza làm lá chắn sống cho các bệ phóng tên lửa, vật tư và chiến binh. Chừng nào Hamas còn cai trị Gaza thì cả người Israel lẫn người Palestine đều không thể sống tử tế.
Nhưng việc chấm dứt sự cai trị của Hamas cũng phục vụ một mục đích khác ––quá nhiều người Palestine, vào thời của Jabotinsky và thời của chúng ta, vẫn hy vọng rằng chủ nghĩa khủng bố địa phương và áp lực quốc tế cuối cùng có thể xua đuổi người Do Thái. Tước đoạt các công cụ khủng bố của người Palestine là cách duy nhất để thuyết phục họ rằng mục tiêu hàng thế kỷ này là không thể thực hiện được. Những người Palestine ở Gaza vào cuối tuần này đã hoan hô khi thi thể của những người Do Thái chết được diễu hành cần phải được chứng minh rằng việc tiếp tục theo cách này là hoàn toàn vô ích. Sau đó, họ có thể thay thế những kẻ côn đồ cầm quyền bằng những thủ lĩnh đối xử nhân đạo với cả họ và người Do Thái.
Nếu họ làm vậy, có thể sẽ có hòa bình ở Thánh địa.
________________________________________________
(*) Uti possidetis juris: Nguyên tắc uti possidetis juris có thể được dịch là nguyên tắc đường biên giới lịch sử. Nguyên tắc này là một quy định tập quán khu vực (local/regional custom) Mỹ Latin, được hình thành dựa trên thực tiễn các quốc gia Mỹ Latin trong quá trình giành độc lập vào thế kỷ 19 đã sử dụng các đường ranh giới hành chính do Tây Ban Nha vạch ra trong thời thuộc địa để làm đường biên giới quốc gia. Nguyên tắc trên sau đó được sử dụng rộng rãi tại châu Phi. Năm 1964 Tổ chức Liên minh châu Phi ra nghị quyết về các đường biên giới giữa các quốc gia châu Phi, ghi nhận: “các đường biên giới của các Quốc gia châu Phi hiện hữu vào ngày giành độc lập của họ là một tồn tại thực tế”, và “tất cả các Quốc gia thành viên cam kết tôn trọng các đường biên giới hiện hữu khi các nước giành độc lập quốc gia.
Nguyên tắc này nhằm giảm thiểu tranh chấp giữa các quốc gia mới giành độc lập từ các nước thực dân – đế quốc thông qua việc giữ nguyên hiện trạng phân chia quản lý về mặt lãnh thổ do chính quyền thực dân – đế quốc để lại, chuyển các ranh giới hành chính thuộc địa thành đường biên giới quốc gia. (trích từ https://iuscogens-vie.org/2018/04/15/71/)
Văn Hóa
Ý cầu nguyện tháng Năm của ĐTC: Cầu cho các Phó tế
Nguyệt Nguyễn
14:10 16/10/2023
Ý CẦU NGUYỆN THÁNG NĂM CỦA ĐTC:
CẦU CHO CÁC PHÓ TẾ - 07/05/2020
WGPSG / Aleteia -- Chúa Kitô tự biến mình thành ‘phó tế’ hay người tôi tớ của mọi người.
Trong video của ĐTC cho tháng Năm, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho các phó tế luôn là “một biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội”.
Ý cầu nguyện của ĐTC Phanxicô cho tháng Năm - được trình bày trong video mới của ĐTC - là: “phó tế, người bảo vệ tinh thần phục vụ trong Giáo hội và bảo vệ việc canh tân hoạt động tông đồ trong thế giới hôm nay.” ĐTC Phanxicô khuyên chúng ta cầu nguyện cho họ, để họ có thể là “một biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội”.
Chức vụ giáo sĩ - chức vụ của những người được hiến thánh để phục vụ Giáo hội, bao gồm ba cấp độ của Bí tích Truyền Chức Thánh: giám mục, linh mục, và phó tế.
“Phó tế được chia sẻ sứ vụ và ân sủng của Chúa Kitô một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi trên họ một dấu ấn không thể xóa bỏ và làm cho họ được đồng hình dạng với Chúa Kitô - Đấng tự biến mình thành ‘phó tế’ hay tôi tớ của tất cả mọi người.”
Họ là những thừa tác viên được phong chức và là dấu chỉ của Chúa Kitô Tôi Tớ trong lòng Giáo hội. Quả thực, từ Hy Lạp diakonía có nghĩa là phục vụ, và đây là tinh thần xác định chức năng của họ: họ trợ giúp thông qua việc phục vụ Lời Chúa, Phụng vụ và phục vụ những người nghèo nhất và thiệt thòi nhất.
Theo lời ĐTC, “Họ được hiến thánh để phục vụ người nghèo, những người mang trong mình khuôn mặt của Chúa Kitô đau khổ.”
Không phải ai cũng biết rằng các linh mục đã được phong chức phó tế để phục vụ cộng đoàn; thậm chí cũng rất ít người biết rằng các phó tế vĩnh viễn - những người cũng sống theo đặc sủng và ơn gọi phục vụ tha nhân - đã kết hôn và sống ‘ơn gọi của họ trong và với gia đình của họ’. Ngày nay, có hơn 46.000 phó tế vĩnh viễn trên toàn thế giới.
Linh mục Dòng Tên - Frédéric Fornos, Giám đốc của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của ĐTC (bao gồm Phong trào Thanh thiếu niên Thánh Thể EYM) - nhận định rằng: Chúa Giêsu, trong những giờ cuối cùng với các môn đệ, đã tỏ lộ mình là người tôi tớ của Thiên Chúa cách xuất sắc. Những lời cuối cùng của Người đã trở thành hành động khi Người rửa chân cho các môn đệ, như được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đó là di chúc của Chúa Giêsu, Đấng được mặc khải là Người tôi tớ đau khổ (xem Is 52,13-53,12). Cả cuộc đời Người là phục vụ: phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Đây là cách Chúa Giêsu hiểu về cuộc sống của chính mình, như Thánh Matthêu nói với chúng ta: ‘Con Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ và trao ban sự sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mt 20: 17-28).
Trong Giáo hội, tất cả chúng ta nên hiện thực hóa thái độ phục vụ này. Các phó tế, biểu tượng của Chúa Kitô Tôi Tớ trong Giáo hội, nhắc nhở chúng ta về điều này. Như Đức Phanxicô nói với chúng ta, họ là biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội. Giáo hội cần họ.
Trong điểm 104 của Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục Amazon, ĐTC nói mạnh mẽ, “Ngày nay, mục vụ phó tế cũng phải cổ võ hệ sinh thái toàn vẹn, phát triển con người, việc mục vụ xã hội và phục vụ những người trong tình huống dễ bị tổn thương và nghèo đói; mô phỏng theo Chúa Kitô Tôi Tớ và trở thành một Giáo hội thương xót, nhân hậu, liên đới và phục vụ.
Như lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong video của ĐTC, chúng ta hãy cầu nguyện rằng: Xin cho tất cả các phó tế được “trung thành phục vụ Lời Chúa và người nghèo, để có thể là biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội.”
Nguyệt Nguyễn chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: WGPSG
TIN LIÊN QUAN
• ĐTC gửi thư cho một giáo xứ ở Argentina nhân lễ bổn mạng thánh Raymondo Nonnatus ( 22/08/2020)
• Giáo hội Bangladesh phát động chiến dịch trồng cây trong Năm “Laudato Si’” ( 19/08/2020)
CẦU CHO CÁC PHÓ TẾ - 07/05/2020
WGPSG / Aleteia -- Chúa Kitô tự biến mình thành ‘phó tế’ hay người tôi tớ của mọi người.
Trong video của ĐTC cho tháng Năm, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho các phó tế luôn là “một biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội”.
Ý cầu nguyện của ĐTC Phanxicô cho tháng Năm - được trình bày trong video mới của ĐTC - là: “phó tế, người bảo vệ tinh thần phục vụ trong Giáo hội và bảo vệ việc canh tân hoạt động tông đồ trong thế giới hôm nay.” ĐTC Phanxicô khuyên chúng ta cầu nguyện cho họ, để họ có thể là “một biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội”.
Chức vụ giáo sĩ - chức vụ của những người được hiến thánh để phục vụ Giáo hội, bao gồm ba cấp độ của Bí tích Truyền Chức Thánh: giám mục, linh mục, và phó tế.
“Phó tế được chia sẻ sứ vụ và ân sủng của Chúa Kitô một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi trên họ một dấu ấn không thể xóa bỏ và làm cho họ được đồng hình dạng với Chúa Kitô - Đấng tự biến mình thành ‘phó tế’ hay tôi tớ của tất cả mọi người.”
Họ là những thừa tác viên được phong chức và là dấu chỉ của Chúa Kitô Tôi Tớ trong lòng Giáo hội. Quả thực, từ Hy Lạp diakonía có nghĩa là phục vụ, và đây là tinh thần xác định chức năng của họ: họ trợ giúp thông qua việc phục vụ Lời Chúa, Phụng vụ và phục vụ những người nghèo nhất và thiệt thòi nhất.
Theo lời ĐTC, “Họ được hiến thánh để phục vụ người nghèo, những người mang trong mình khuôn mặt của Chúa Kitô đau khổ.”
Không phải ai cũng biết rằng các linh mục đã được phong chức phó tế để phục vụ cộng đoàn; thậm chí cũng rất ít người biết rằng các phó tế vĩnh viễn - những người cũng sống theo đặc sủng và ơn gọi phục vụ tha nhân - đã kết hôn và sống ‘ơn gọi của họ trong và với gia đình của họ’. Ngày nay, có hơn 46.000 phó tế vĩnh viễn trên toàn thế giới.
Linh mục Dòng Tên - Frédéric Fornos, Giám đốc của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của ĐTC (bao gồm Phong trào Thanh thiếu niên Thánh Thể EYM) - nhận định rằng: Chúa Giêsu, trong những giờ cuối cùng với các môn đệ, đã tỏ lộ mình là người tôi tớ của Thiên Chúa cách xuất sắc. Những lời cuối cùng của Người đã trở thành hành động khi Người rửa chân cho các môn đệ, như được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đó là di chúc của Chúa Giêsu, Đấng được mặc khải là Người tôi tớ đau khổ (xem Is 52,13-53,12). Cả cuộc đời Người là phục vụ: phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Đây là cách Chúa Giêsu hiểu về cuộc sống của chính mình, như Thánh Matthêu nói với chúng ta: ‘Con Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ và trao ban sự sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mt 20: 17-28).
Trong Giáo hội, tất cả chúng ta nên hiện thực hóa thái độ phục vụ này. Các phó tế, biểu tượng của Chúa Kitô Tôi Tớ trong Giáo hội, nhắc nhở chúng ta về điều này. Như Đức Phanxicô nói với chúng ta, họ là biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội. Giáo hội cần họ.
Trong điểm 104 của Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục Amazon, ĐTC nói mạnh mẽ, “Ngày nay, mục vụ phó tế cũng phải cổ võ hệ sinh thái toàn vẹn, phát triển con người, việc mục vụ xã hội và phục vụ những người trong tình huống dễ bị tổn thương và nghèo đói; mô phỏng theo Chúa Kitô Tôi Tớ và trở thành một Giáo hội thương xót, nhân hậu, liên đới và phục vụ.
Như lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong video của ĐTC, chúng ta hãy cầu nguyện rằng: Xin cho tất cả các phó tế được “trung thành phục vụ Lời Chúa và người nghèo, để có thể là biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội.”
Nguyệt Nguyễn chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: WGPSG
TIN LIÊN QUAN
• ĐTC gửi thư cho một giáo xứ ở Argentina nhân lễ bổn mạng thánh Raymondo Nonnatus ( 22/08/2020)
• Giáo hội Bangladesh phát động chiến dịch trồng cây trong Năm “Laudato Si’” ( 19/08/2020)
Church Documents
Cẩm Hạnh - News 17 October, 2023
Đặng Tự Do
20:10 16/10/2023
1. Ngũ Giác Đài ra lệnh cho quân đội chuẩn bị triển khai tới Israel để hỗ trợ hậu cần và y tế
Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã ra lệnh cho khoảng 2.000 binh sĩ chuẩn bị triển khai tới Israel để hỗ trợ các nhiệm vụ như hỗ trợ y tế và hậu cần.
Các quan chức cho biết, lệnh này không có nghĩa là quân đội chắc chắn sẽ được triển khai hoặc bất kỳ ai đến Israel cũng sẽ đóng vai trò chiến đấu.
Nhưng quyết định của Austin là nhằm rút ngắn thời gian mà các binh sĩ được xác định sẽ phải chuẩn bị triển khai nếu họ được lệnh lên đường.
Lệnh sẵn sàng triển khai tiềm năng được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, bao gồm việc triển khai Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Biển Địa Trung Hải và gửi các chiến đấu cơ của Không quân đến khu vực.
Austin đã ban hành lệnh này vào tối Chúa Nhật và yêu cầu các quân chủng và chỉ huy chiến đấu báo cáo lại họ có thể cung cấp bao nhiêu quân và từ đâu.
Singh đã nói rõ rằng không có kế hoạch nào cho quân đội Mỹ trực tiếp tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel chống lại Hamas.
Tờ Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên đưa tin về khả năng triển khai quân tới Israel. Khi được hỏi về động thái có thể xảy ra, Singh cho biết hôm thứ Hai: “Tôi không có gì nhiều để cung cấp vào lúc này. Tôi có thể cung cấp cho bạn thêm chi tiết sau, nhưng tại thời điểm này tôi không có điều gì cụ thể hơn để thêm vào.”
Các quan chức cho biết Ngũ Giác Đài đang cố gắng cẩn thận trong cách nói về khả năng triển khai quân đội Mỹ tới Israel vì họ không muốn tạo ấn tượng rằng lực lượng Mỹ có thể trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Các quan chức nhấn mạnh rằng quân nhân Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc chiến giữa Israel và Gaza, cuộc chiến mà các quan chức Israel cảnh báo có thể kéo dài và khó khăn. Tuy nhiên, nó gợi ý loại hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp trong một cuộc xung đột đang diễn ra, bao gồm quản lý hậu cần ở xa tiền tuyến và cung cấp hỗ trợ y tế.
Việc chuẩn bị diễn ra chỉ vài ngày sau khi Austin ra lệnh triển khai Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Địa Trung Hải, khi Israel tiến hành cuộc chiến chống lại Hamas. Nhóm tấn công Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên, do USS Gerald R. Ford dẫn đầu, đã đến ngoài khơi bờ biển Israel vào tuần trước.
Ngoài ra, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26, lực lượng phản ứng nhanh có khả năng tiến hành các hoạt động đặc biệt, đang chuẩn bị trong trường hợp được lệnh đến gần Israel hơn để tăng cường lực lượng Mỹ ở đó, nhiều quan chức Mỹ nói với CNN.
Đơn vị này nằm trên tàu tấn công đổ bộ USS Bataan, bao gồm hơn 2.000 Thủy Quân Lục Chiến và thủy thủ và có khả năng hỗ trợ một cuộc di tản quy mô lớn. Trong số các nhiệm vụ thiết yếu của Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến là các hoạt động di tản và hỗ trợ nhân đạo.
2. Quan chức Hoa Kỳ nói vẫn chưa biết gì về tình trạng con tin Mỹ
Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Mỹ tiếp tục tin rằng một số ít người Mỹ đã bị Hamas bắt làm con tin nhưng không có thông tin gì về tình trạng của những người bị bắt giữ.
Singh cho biết những nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm xác định thông tin về những con tin người Mỹ đó vẫn “không thay đổi”, và việc bàn thảo với các đối tác trong khu vực vẫn tiếp tục.
Singh cho biết thêm, Mỹ cũng tiếp tục hoạt động với giả định rằng những con tin này có thể không tập trung lại một nơi.
Kể từ khi cuộc tấn công bất ngờ tàn khốc của Hamas vào Israel bắt đầu vào cuối tuần trước, chính quyền có rất ít thông tin về những người Mỹ bị Hamas bắt làm con tin. Trên thực tế, phải mất vài ngày các quan chức Mỹ mới xác nhận rằng người Mỹ nằm trong số các con tin - một dấu hiệu cho thấy thách thức đặc biệt mà chính quyền phải đối mặt khi nói đến triển vọng tìm kiếm những người Mỹ mất tích.
Israel hôm thứ Hai cho biết họ tin rằng có 199 con tin đang bị giam giữ ở Gaza và họ đã thông báo cho tất cả các gia đình. Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu người Mỹ trong số những người bị bắt.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với các thành viên gia đình của những người Mỹ “mất tích” ở Israel và cam kết rằng ông sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm họ trở về an toàn.
3. Nguy hiểm khi đi máy bay Nga càng lúc càng tăng vì lệnh cấm vận
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Aviation Crisis Keeps Getting Worse”, nghĩa là “Khủng hoảng của ngàng Hàng Không Nga ngày càng tồi tệ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.
Ngành Hàng Không Dân Dụng Nga dưới áp lực của lệnh trừng phạt vì cuộc xâm lược vào Ukraine đã gặp khó khăn bởi nhiều trục trặc liên quan đến máy bay trong những tuần gần đây, làm tăng thêm nỗi đau của Vladimir Putin trong cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine.
Phân tích của Agentstvo, một trang điều tra của Nga ra mắt vào năm 2021, cho thấy trong hai tuần qua, một trong những máy bay khu vực Sukhoi Superjet 100 của Rossiya Airlines của nước này đã liên quan đến 4 sự việc đáp khẩn cấp.
Ngành Hàng Không Dân Dụng của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine. Các máy bay do Nga vận hành đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt và các nhà sản xuất máy bay đã ngừng cung cấp phụ tùng và máy bay mới cho nước này.
Hơn một năm rưỡi tham chiến, ngành Hàng Không Dân Dụng Nga tiếp tục cố gắng né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và tìm cách thay thế các phụ tùng và thiết bị do phương Tây sản xuất cho máy bay của mình để duy trì hoạt động của ngành.
Newsweek đã liên hệ với Aeroflot do nhà nước kiểm soát, công ty mẹ của Rossiya Airlines và Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.
Một chiếc Sukhoi Superjet 100-95B do Nga sản xuất đã gặp hai sự việc vào ngày 13 tháng 10. Vụ đầu tiên xảy ra trong chuyến bay từ St. Petersburg đến Murmansk, và vụ thứ hai xảy ra vài giờ sau đó. Cả hai lần, các thành viên phi hành đoàn đều báo cáo vấn đề với động cơ quay cánh của máy bay, Agentstvo đưa tin, trích dẫn kênh Telegram Aviaincident và dữ liệu từ dịch vụ Flightradar24.
Trước đó vài ngày, ngày 9/10, kênh Shot Telegram đưa tin một chiếc máy bay xuất phát từ St. Petersburg đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Samara sau khi cánh của nó bị kẹt không xoay được. Theo dữ liệu của Flightradar24, máy bay đã phải bay vòng vòng trước khi hạ cánh để hạ dần độ cao. Sau khi bỏ hành khách xuống Samara, nó quay trở lại thành phố St. Petersburg, có lẽ không có hành khách.
Không có báo cáo về thương tích trong các vụ việc.
Trong khi đó, vào ngày 1 tháng 10, một chiếc máy bay tương tự đã gặp vấn đề khi hạ cánh xuống St. Petersburg từ Apatity ở Murmank, kênh Aviaincident đưa tin
Và vào tháng 8, hàng trăm hành khách Nga đi đến thành phố Yekaterinburg đã bị mắc kẹt ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày thứ hai sau khi một hãng Hàng Không Nga bất ngờ mất hai trong số ba máy bay Boeing 777 do trục trặc kỹ thuật.
Mặc dù không biết liệu những vấn đề này có liên quan trực tiếp đến các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không, Rossiya Airlines trước đó cho biết họ lo ngại rằng chỉ 40% đội bay Superjet 100 của họ sẽ hoạt động vào mùa xuân và mùa hè năm 2023 do thiếu phụ tùng thay thế.
Trong khi đó, hôm thứ Hai, trang tin Nga Lenta.ru đưa tin 17 chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn tại ba phi trường ở Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, họ không nói rõ nguyên nhân dẫn đến việc hủy bỏ hoặc liệu đây có phải là con số cao bất thường hay không.
Bộ Giao thông Vận tải Nga đã xây dựng chương trình phát triển ngành Hàng Không Dân Dụng của nước này đến năm 2030. Bộ này dự đoán nước này sẽ giảm dần số lượng máy bay nước ngoài đang hoạt động và các hãng Hàng Không Dân Dụng sẽ tìm cách thay thế phụ tùng do phương Tây sản xuất.
Anastasia Dagaeva, một chuyên gia độc lập về Hàng Không Dân Dụng Nga, đã viết trong một báo cáo cho Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie vào tháng 3 rằng các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt năm 2022 hóa ra khó chấp nhận hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt trước đó.
“Chỉ trong vòng vài ngày, các hãng Hàng Không Nga, vốn đã hội nhập chặt chẽ vào thị trường toàn cầu, đã mất các điểm đến quốc tế, hợp đồng cho thuê và hỗ trợ kỹ thuật cho máy bay nước ngoài, quan hệ đối tác với các hãng Hàng Không khác, cũng như nhu liệu nước ngoài, bảo hiểm và các dịch vụ khác”, Dagaeva viết.
Bà nói: “Mục tiêu hàng đầu của Hàng Không Dân Dụng Nga hiện nay là duy trì hoạt động cho đến năm 2030”, đồng thời cho biết thêm rằng Hàng Không Dân Dụng Nga sẽ không sớm biến mất nhưng sẽ trở nên khép kín hơn.
“Chắc chắn sẽ có sự loại trừ khỏi các hỗ trợ kỹ thuật và liên lạc toàn ngành.”
Tờ New York Times đưa tin vào tháng 5 rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt do Mỹ và các chính phủ khác áp đặt đối với các hãng Hàng Không Nga bao gồm Aeroflot và Rossiya, hàng ngàn chuyến hàng linh kiện máy bay đã được gửi thành công vào Nga vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Nga.
Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã ra lệnh cho khoảng 2.000 binh sĩ chuẩn bị triển khai tới Israel để hỗ trợ các nhiệm vụ như hỗ trợ y tế và hậu cần.
Các quan chức cho biết, lệnh này không có nghĩa là quân đội chắc chắn sẽ được triển khai hoặc bất kỳ ai đến Israel cũng sẽ đóng vai trò chiến đấu.
Nhưng quyết định của Austin là nhằm rút ngắn thời gian mà các binh sĩ được xác định sẽ phải chuẩn bị triển khai nếu họ được lệnh lên đường.
Lệnh sẵn sàng triển khai tiềm năng được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, bao gồm việc triển khai Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Biển Địa Trung Hải và gửi các chiến đấu cơ của Không quân đến khu vực.
Austin đã ban hành lệnh này vào tối Chúa Nhật và yêu cầu các quân chủng và chỉ huy chiến đấu báo cáo lại họ có thể cung cấp bao nhiêu quân và từ đâu.
Singh đã nói rõ rằng không có kế hoạch nào cho quân đội Mỹ trực tiếp tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel chống lại Hamas.
Tờ Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên đưa tin về khả năng triển khai quân tới Israel. Khi được hỏi về động thái có thể xảy ra, Singh cho biết hôm thứ Hai: “Tôi không có gì nhiều để cung cấp vào lúc này. Tôi có thể cung cấp cho bạn thêm chi tiết sau, nhưng tại thời điểm này tôi không có điều gì cụ thể hơn để thêm vào.”
Các quan chức cho biết Ngũ Giác Đài đang cố gắng cẩn thận trong cách nói về khả năng triển khai quân đội Mỹ tới Israel vì họ không muốn tạo ấn tượng rằng lực lượng Mỹ có thể trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Các quan chức nhấn mạnh rằng quân nhân Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc chiến giữa Israel và Gaza, cuộc chiến mà các quan chức Israel cảnh báo có thể kéo dài và khó khăn. Tuy nhiên, nó gợi ý loại hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp trong một cuộc xung đột đang diễn ra, bao gồm quản lý hậu cần ở xa tiền tuyến và cung cấp hỗ trợ y tế.
Việc chuẩn bị diễn ra chỉ vài ngày sau khi Austin ra lệnh triển khai Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai tới phía đông Địa Trung Hải, khi Israel tiến hành cuộc chiến chống lại Hamas. Nhóm tấn công Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên, do USS Gerald R. Ford dẫn đầu, đã đến ngoài khơi bờ biển Israel vào tuần trước.
Ngoài ra, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26, lực lượng phản ứng nhanh có khả năng tiến hành các hoạt động đặc biệt, đang chuẩn bị trong trường hợp được lệnh đến gần Israel hơn để tăng cường lực lượng Mỹ ở đó, nhiều quan chức Mỹ nói với CNN.
Đơn vị này nằm trên tàu tấn công đổ bộ USS Bataan, bao gồm hơn 2.000 Thủy Quân Lục Chiến và thủy thủ và có khả năng hỗ trợ một cuộc di tản quy mô lớn. Trong số các nhiệm vụ thiết yếu của Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến là các hoạt động di tản và hỗ trợ nhân đạo.
2. Quan chức Hoa Kỳ nói vẫn chưa biết gì về tình trạng con tin Mỹ
Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết Mỹ tiếp tục tin rằng một số ít người Mỹ đã bị Hamas bắt làm con tin nhưng không có thông tin gì về tình trạng của những người bị bắt giữ.
Singh cho biết những nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm xác định thông tin về những con tin người Mỹ đó vẫn “không thay đổi”, và việc bàn thảo với các đối tác trong khu vực vẫn tiếp tục.
Singh cho biết thêm, Mỹ cũng tiếp tục hoạt động với giả định rằng những con tin này có thể không tập trung lại một nơi.
Kể từ khi cuộc tấn công bất ngờ tàn khốc của Hamas vào Israel bắt đầu vào cuối tuần trước, chính quyền có rất ít thông tin về những người Mỹ bị Hamas bắt làm con tin. Trên thực tế, phải mất vài ngày các quan chức Mỹ mới xác nhận rằng người Mỹ nằm trong số các con tin - một dấu hiệu cho thấy thách thức đặc biệt mà chính quyền phải đối mặt khi nói đến triển vọng tìm kiếm những người Mỹ mất tích.
Israel hôm thứ Hai cho biết họ tin rằng có 199 con tin đang bị giam giữ ở Gaza và họ đã thông báo cho tất cả các gia đình. Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu người Mỹ trong số những người bị bắt.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với các thành viên gia đình của những người Mỹ “mất tích” ở Israel và cam kết rằng ông sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm họ trở về an toàn.
3. Nguy hiểm khi đi máy bay Nga càng lúc càng tăng vì lệnh cấm vận
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Aviation Crisis Keeps Getting Worse”, nghĩa là “Khủng hoảng của ngàng Hàng Không Nga ngày càng tồi tệ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.
Ngành Hàng Không Dân Dụng Nga dưới áp lực của lệnh trừng phạt vì cuộc xâm lược vào Ukraine đã gặp khó khăn bởi nhiều trục trặc liên quan đến máy bay trong những tuần gần đây, làm tăng thêm nỗi đau của Vladimir Putin trong cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine.
Phân tích của Agentstvo, một trang điều tra của Nga ra mắt vào năm 2021, cho thấy trong hai tuần qua, một trong những máy bay khu vực Sukhoi Superjet 100 của Rossiya Airlines của nước này đã liên quan đến 4 sự việc đáp khẩn cấp.
Ngành Hàng Không Dân Dụng của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine. Các máy bay do Nga vận hành đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt và các nhà sản xuất máy bay đã ngừng cung cấp phụ tùng và máy bay mới cho nước này.
Hơn một năm rưỡi tham chiến, ngành Hàng Không Dân Dụng Nga tiếp tục cố gắng né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và tìm cách thay thế các phụ tùng và thiết bị do phương Tây sản xuất cho máy bay của mình để duy trì hoạt động của ngành.
Newsweek đã liên hệ với Aeroflot do nhà nước kiểm soát, công ty mẹ của Rossiya Airlines và Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.
Một chiếc Sukhoi Superjet 100-95B do Nga sản xuất đã gặp hai sự việc vào ngày 13 tháng 10. Vụ đầu tiên xảy ra trong chuyến bay từ St. Petersburg đến Murmansk, và vụ thứ hai xảy ra vài giờ sau đó. Cả hai lần, các thành viên phi hành đoàn đều báo cáo vấn đề với động cơ quay cánh của máy bay, Agentstvo đưa tin, trích dẫn kênh Telegram Aviaincident và dữ liệu từ dịch vụ Flightradar24.
Trước đó vài ngày, ngày 9/10, kênh Shot Telegram đưa tin một chiếc máy bay xuất phát từ St. Petersburg đã phải hạ cánh khẩn cấp ở Samara sau khi cánh của nó bị kẹt không xoay được. Theo dữ liệu của Flightradar24, máy bay đã phải bay vòng vòng trước khi hạ cánh để hạ dần độ cao. Sau khi bỏ hành khách xuống Samara, nó quay trở lại thành phố St. Petersburg, có lẽ không có hành khách.
Không có báo cáo về thương tích trong các vụ việc.
Trong khi đó, vào ngày 1 tháng 10, một chiếc máy bay tương tự đã gặp vấn đề khi hạ cánh xuống St. Petersburg từ Apatity ở Murmank, kênh Aviaincident đưa tin
Và vào tháng 8, hàng trăm hành khách Nga đi đến thành phố Yekaterinburg đã bị mắc kẹt ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày thứ hai sau khi một hãng Hàng Không Nga bất ngờ mất hai trong số ba máy bay Boeing 777 do trục trặc kỹ thuật.
Mặc dù không biết liệu những vấn đề này có liên quan trực tiếp đến các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không, Rossiya Airlines trước đó cho biết họ lo ngại rằng chỉ 40% đội bay Superjet 100 của họ sẽ hoạt động vào mùa xuân và mùa hè năm 2023 do thiếu phụ tùng thay thế.
Trong khi đó, hôm thứ Hai, trang tin Nga Lenta.ru đưa tin 17 chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn tại ba phi trường ở Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, họ không nói rõ nguyên nhân dẫn đến việc hủy bỏ hoặc liệu đây có phải là con số cao bất thường hay không.
Bộ Giao thông Vận tải Nga đã xây dựng chương trình phát triển ngành Hàng Không Dân Dụng của nước này đến năm 2030. Bộ này dự đoán nước này sẽ giảm dần số lượng máy bay nước ngoài đang hoạt động và các hãng Hàng Không Dân Dụng sẽ tìm cách thay thế phụ tùng do phương Tây sản xuất.
Anastasia Dagaeva, một chuyên gia độc lập về Hàng Không Dân Dụng Nga, đã viết trong một báo cáo cho Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie vào tháng 3 rằng các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt năm 2022 hóa ra khó chấp nhận hơn nhiều so với các lệnh trừng phạt trước đó.
“Chỉ trong vòng vài ngày, các hãng Hàng Không Nga, vốn đã hội nhập chặt chẽ vào thị trường toàn cầu, đã mất các điểm đến quốc tế, hợp đồng cho thuê và hỗ trợ kỹ thuật cho máy bay nước ngoài, quan hệ đối tác với các hãng Hàng Không khác, cũng như nhu liệu nước ngoài, bảo hiểm và các dịch vụ khác”, Dagaeva viết.
Bà nói: “Mục tiêu hàng đầu của Hàng Không Dân Dụng Nga hiện nay là duy trì hoạt động cho đến năm 2030”, đồng thời cho biết thêm rằng Hàng Không Dân Dụng Nga sẽ không sớm biến mất nhưng sẽ trở nên khép kín hơn.
“Chắc chắn sẽ có sự loại trừ khỏi các hỗ trợ kỹ thuật và liên lạc toàn ngành.”
Tờ New York Times đưa tin vào tháng 5 rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt do Mỹ và các chính phủ khác áp đặt đối với các hãng Hàng Không Nga bao gồm Aeroflot và Rossiya, hàng ngàn chuyến hàng linh kiện máy bay đã được gửi thành công vào Nga vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Nga.
VietCatholic TV
Hamas cướp được chiến xa Israel nhưng chỉ huy cao cấp tử trận. Mỹ lo ngại thế chiến. Putin sang Tầu
VietCatholic Media
02:20 16/10/2023
1. Israel tuyên bố: một chỉ huy hàng đầu của Hamas đã tử trận
Ký giả David Cohen của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Israel says it has killed a top Hamas commander”, nghĩa là “Israel tuyên bố đã giết chết một chỉ huy hàng đầu của Hamas”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Phát ngôn nhân của Lực Lượng Phòng Thủ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết: “Chúng tôi không yêu cầu cuộc chiến này nhưng chúng tôi sẽ thắng nó”.
Israel hôm Chúa Nhật cho biết họ đã giết chết một chỉ huy cấp cao của Hamas.
Nói chuyện với người dẫn chương trình Martha Raddatz trên chương trình “This Week” của ABC, Trung tá Peter Lerner cho biết Israel đã “giết chết Billal Al Kedra đêm qua trong một cuộc tấn công”.
Một tuyên bố chính thức của Israel cũng nói rằng Al Kedra đã bị giết.
“Theo thông tin tình báo của ISA, các chiến binh của IDF đã hoạt động ở Dải Gaza và giết chết Billal Al Kedra đêm qua, là chỉ huy lực lượng Nukhba ở miền nam Khan Yunis, và là người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Kibbutz Nirim. Các thành viên khủng bố Hamas và Jihad Hồi giáo cũng đã bị tiêu diệt”, theo một thông báo từ Lực lượng Phòng vệ Israel
Tuyên bố của Israel chưa thể được xác nhận ngay lập tức.
Kibbutz Nirim là một trong những cộng đồng nông nghiệp truyền thống gần biên giới với Gaza đã bị tấn công trong cuộc xâm lược của Hamas vào cuối tuần trước. Vụ tấn công ngày 7 tháng 10 là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel.
Lerner nói thêm: “Chúng tôi sẽ tấn công Hamas từ trên xuống thông qua các tổ chức của nó cho đến những cá nhân đã tiến hành tàn sát những đứa trẻ của chúng tôi. Chúng tôi không yêu cầu cuộc chiến này nhưng chúng tôi sẽ thắng nó”.
Ông cũng cảnh báo Hezbollah phải cân nhắc thật kỹ những hậu quả tiềm ẩn khi tấn công Israel từ căn cứ của nước này ở Li Băng.
Lerner nói với Raddatz: “Tôi đặc biệt khuyến nghị Hezbollah nên theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra với Hamas và tổ chức của họ ở Gaza. Họ nên hết sức thận trọng khi vượt qua ngưỡng đó vì chúng tôi quyết tâm bảo vệ nhà nước Israel.”
2. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo chiến tranh Israel-Hamas có nguy cơ leo thang thành xung đột rộng hơn
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan hôm Chúa Nhật cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột khu vực rộng lớn hơn ở Trung Đông khi Israel tấn công Gaza bằng các cuộc không kích nhằm đáp trả các cuộc tấn công bất ngờ chưa từng có của Hamas.
“Có nguy cơ leo thang cuộc xung đột này, mở ra mặt trận thứ hai ở phía bắc và tất nhiên là có sự tham gia của Iran – đó là một rủi ro. Và đó là rủi ro mà chúng tôi đã lưu ý ngay từ đầu,” Sullivan nói hôm Chúa Nhật trên chương trình “Face the Nation” của CBS.
“Đó là lý do tại sao Tổng thống hành động nhanh chóng và dứt khoát như vậy để đưa một Hàng Không Mẫu hạm vào phía đông Địa Trung Hải, đưa máy bay vào vùng Vịnh, bởi vì ông ấy muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng về sự răn đe tới bất kỳ quốc gia hoặc bất kỳ tác nhân nào muốn tìm cách khai thác tình huống này.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng Ngũ Giác Đài đã ra lệnh điều một nhóm Hàng Không Mẫu hạm thứ hai tới phía đông Biển Địa Trung Hải và đang gửi các chiến đấu cơ của Không quân tới khu vực này khi Israel chuẩn bị mở rộng các hoạt động ở Gaza.
Các tàu chiến Mỹ không có ý định tham gia chiến đấu ở Gaza hoặc tham gia các hoạt động của Israel, nhưng sự hiện diện của hai tàu mạnh nhất của Hải quân là nhằm gửi thông điệp răn đe tới Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực, như Hezbollah ở Li Băng.
Một số bối cảnh khác: Nếu Hezbollah tham gia vào cuộc xung đột, nó có thể tạo ra điểm nóng tiếp theo khiến các cường quốc lớn hơn trong khu vực như Iran và Ả Rập Saudi vướng vào.
Israel từ lâu đã cáo buộc Iran tham gia vào một hình thức chiến tranh ủy nhiệm bằng cách ủng hộ các nhóm – bao gồm cả Hamas – đã tiến hành các cuộc tấn công vào bờ biển của nước này. Iran đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công ngày 7 tháng 10.
3. Hamas tịch thu được một chiếc xe thiết giáp Namer của người Do Thái.
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Israel’s Namer Is The Heaviest, Best-Protected Armored Personnel Carrier In The World. Hamas Just Captured One.”, nghĩa là “Namer của Israel là xe thiết giáp chuyển quân nặng nhất, được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Hamas vừa tịch thu được một chiếc của người Do Thái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Khi những kẻ khủng bố Hamas chọc thủng bức tường giữa Israel và Dải Gaza vào ngày 7 tháng 10, khúc dạo đầu cho một chiến dịch giết người và bắt cóc kéo dài nhiều ngày, chúng đã nhanh chóng tràn vào một căn cứ quân sự của Israel ở Nakhal Oz.
Chiến lợi phẩm rất đáng kể. Khi chiếm căn cứ, bọn khủng bố cũng chiếm được khoảng chục chiếc Achzarits: là loại xe thiết giáp chở quân siêu nặng với khung gầm mà Israel lấy từ xe tăng T-55 của Ả Rập mà họ đã bắt được.
Nhưng những chiếc Achzarits nặng 49 tấn không phải là những chiếc xe thiết giáp chuyển quân nặng nhất mà Hamas thu giữ ở Nakhal Oz. Họ cũng đã tóm được ít nhất một chiếc Namer. Đó là xe thiết giáp chở quân nặng nhất, được bảo vệ tốt nhất trên thế giới.
Với trọng lượng 70 tấn, Namer rất đồ sộ. Có một số, nhưng không nhiều, các loại xe thiết giáp tốt hơn Namer một chút: ví dụ như M-1A2 mới nhất của Mỹ. Nhưng tháp pháo và pháo chính chiếm ít nhất một phần ba trọng lượng của nó; Namer có một khẩu súng máy điều khiển từ xa nặng chưa đến hai tấn.
Tất cả sức nặng đó đều đến mang đến sự bảo vệ cho chiếc thiết giáp chở quân. Lớp này qua lớp khác bằng gốm, thép và niken bên dưới lớp áo giáp chống nổ.
Namer là loại xe thiết giáp Israel độc đáo. Sự phát triển của nó bắt đầu sau cuộc chiến năm 1982 của Israel ở Li Băng. Khi các lữ đoàn Israel tiến vào thành phố Tyre vào năm 1982, các đội hỏa tiễn chống tăng của Palestine đã chờ đợi họ.
Xe thiết giáp M-113 của Lực lượng Phòng vệ Israel là mục tiêu dễ dàng cho các hỏa tiễn này, chúng đã nhanh chóng phá hủy một số phương tiện nặng 14 tấn đó. “Bộ binh IDF sẽ sớm chỉ di chuyển trên các xe thiết giáp M-113 ở các khu vực thành thị”, Đại úy Quân đội Hoa Kỳ James Leaf giải thích trong một bài báo năm 2000 trên Armor, là tạp chí chính thức của quân đoàn xe tăng Mỹ. “M-113 nhanh chóng bị chuyển xuống vai trò hỗ trợ.”
Chiếc M-113 cổ điển của những năm 1960 với lớp giáp nhôm mỏng đã và vẫn được bảo vệ kém trước hỏa lực chống tăng. Người Israel đã học lại bài học khó khăn này vào năm 2014, khi các chiến binh Hamas tấn công một chiếc M-113 của Lực Lượng Phòng Thủ Israel, gọi tắt là IDF, bằng súng phóng lựu và giết chết 7 binh sĩ.
Sau cuộc chiến năm 1982, quân đội Israel quyết tâm đưa xe thiết giáp chuyển quân trở lại chiến trường một cách phù hợp. Nó phải nặng hơn. Nặng hơn rất nhiều. Vì vậy, Israel đã phá hủy các tháp pháo của hàng trăm xe tăng T-55 Ả Rập bị bắt và biến thân tàu thành xe thiết giáp chở quân Aczarit.
Nhưng Achzarit chỉ là một giải pháp thay thế. Quân đội coi xe tăng Merkava mới của mình là nền tảng cho một chiếc xe thiết giáp chuyển quân mới, thậm chí còn phải nặng hơn. Quá trình phát triển của Namer kéo dài và gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nó nhanh chóng chứng tỏ giá trị của mình khi hai bản đầu tiên tham gia vào Chiến tranh Gaza năm 2008. Và có tới 120 chiếc xe thiết giáp chuyển quân được đưa vào sử dụng sáu năm sau khi người Israel lại gây chiến với Hamas.
Các phương tiện siêu nặng được cho là đã chống lại được các cuộc tấn công hỏa tiễn trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza năm 2014. Namer mà Hamas bắt được vào ngày 7 tháng 10 là Namer đầu tiên mà lực lượng Israel đã thua trong trận chiến; Người ta nói rằng một cuộc tấn công lén lút của bọn khủng bố, chứ không phải hỏa tiễn, đã gây ra tổn thất này.
Cuộc chiến của Namer chỉ mới bắt đầu. Các lữ đoàn Israel tập trung dọc biên giới với Gaza điều hành khoảng 300 Namers. Người ta mong sớm được nhìn thấy chúng hoạt động.
4. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Chúa Nhật cho biết Israel tấn công vào Gaza sẽ là một “sai lầm lớn”
Biden nói việc Israel tấn công vào Gaza sẽ là một “sai lầm lớn”, nhưng Israel “phải đáp trả” trước cuộc tấn công
Tổng thống Joe Biden nói rằng sẽ là một “sai lầm lớn” đối với Israel khi đánh chiếm Gaza, nhưng Israel “phải đáp trả” và “truy lùng Hamas” sau các cuộc tấn công khủng bố vào tuần trước - mà ông đã so sánh với Holocaust - trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng Chúa Nhật.
Khi được “60 Minutes” hỏi liệu ông có đồng ý với một “cuộc bao vây toàn diện” Gaza hay không, Biden cho biết ông tin tưởng Israel sẽ hành động tuân theo các quy tắc chiến tranh và sẽ “có khả năng để những người vô tội ở Gaza có thể tiếp cận thuốc men, thức ăn và nước uống.”
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc Israel xâm lược Gaza vào thời điểm này hay không, Biden trả lời thẳng thắn hơn.
“Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm lớn,” ông nói. “Hãy nhìn xem, những gì đã xảy ra ở Gaza, theo quan điểm của tôi, là Hamas và các phần tử cực đoan của Hamas không đại diện cho tất cả người dân Palestine. Và tôi nghĩ rằng...Sẽ là một sai lầm nếu... Israel xâm lược...Gaza một lần nữa. Chúng tôi...nhưng tiến vào nhằm tiêu diệt những kẻ cực đoan, Hezbollah ở phía bắc và Hamas ở phía nam là một yêu cầu cần thiết. “
Đó là cảnh báo công khai nhất của ông cho đến nay chống lại sự xâm lược của Israel ở Gaza.
Biden cũng cho biết ông muốn thấy hàng viện trợ được gửi đến Gaza và thiết lập hành lang nhân đạo để dân thường rời khỏi vùng đất này, nhưng cho biết điều đó là “khó khăn”. Ông cho biết chính quyền của ông đang làm việc về vấn đề đó với các quan chức Israel và Ai Cập.
Trong khi Biden nói rằng ông tin rằng Hamas phải bị loại bỏ hoàn toàn, ông nói thêm “cần phải có Chính quyền Palestine. Cần phải có – một con đường dẫn tới một nhà nước Palestine.”
Khi được hỏi liệu bây giờ có nên ngừng bắn hay không, Biden lên tiếng ủng hộ hành động tiếp theo chống lại Hamas.
“Hãy nhìn xem, có một sự khác biệt cơ bản,” Biden nói. “Israel đang truy lùng một nhóm người đã tham gia vào hành động man rợ gây hậu quả nghiêm trọng như Holocaust. Và - vì vậy tôi nghĩ Israel phải đáp trả. Họ phải truy lùng Hamas.”
5. Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa loan báo Putin sẽ gặp gỡ Tập Cận Bình trong vài ngày tới
Ký giả Nicolas Camut của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Putin to meet Xi in China this week”, nghĩa là “Putin sẽ gặp Tập Cận Bình tại Trung Quốc trong tuần này”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Mạc Tư Khoa xác nhận Tổng thống Nga sẽ tham dự sự kiện kỷ niệm một thập kỷ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong tuần này - một chuyến thăm quốc tế hiếm hoi của nhà lãnh đạo Nga.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 17 đến 18/10, ông Putin sẽ tham dự diễn đàn đánh dấu 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường, là chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc nhằm giúp tăng cường ảnh hưởng của nước này trên toàn thế giới.
Washington và Brussels đang cảnh giác với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, sau khi Bắc Kinh từ chối lên án cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine, cho dù nước này lên tiếng ủng hộ nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.
Nga đã tăng cường xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc khi nước này phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả việc xâm lược Ukraine.
Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã kêu gọi Trung Quốc trong chuyến đi kéo dài ba ngày tới nước này kết thúc vào cuối tuần này hãy sử dụng ảnh hưởng của mình với Nga, đặc biệt là với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, để ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine. Ông cũng cảnh báo Bắc Kinh rằng “bất kỳ sự hỗ trợ quân sự trực tiếp nào cho Nga… sẽ là mối lo ngại thực sự đối với chúng tôi”.
Liên minh Âu Châu dự kiến sẽ có hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc trước cuối năm nay.
Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường tuần này diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế đang u ám của Trung Quốc, quốc gia đang chứng kiến sự suy thoái kinh tế, một phần do suy thoái giá địa ốc. Đại diện của hơn 100 quốc gia dự kiến sẽ tham dự diễn đàn ở Bắc Kinh, trong đó có Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn sáu tuần, đặt ra câu hỏi về nơi ở và sự an toàn của ông ta.
Chuyến thăm tới Bắc Kinh sẽ đánh dấu chuyến công du quốc tế thứ hai của ông Putin kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 3 vì tội cưỡng bức vận chuyển trẻ em từ Ukraine sang Nga. Tuần trước, Putin đã tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc Liên Xô cũ ở Kyrgyzstan. Cả Kyrgyzstan và Trung Quốc đều không phải là thành viên của ICC
6. Bộ chỉ huy trung ương cho biết thêm nhiều máy bay tấn công của Mỹ đến Trung Đông nhằm tăng cường thế trận phòng thủ
Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ thông báo hôm Chúa Nhật rằng các máy bay tấn công bổ sung của Mỹ đã tới Trung Đông như một phần trong kế hoạch củng cố thế trận phòng thủ của Mỹ trong khu vực.
Một quan chức Mỹ trước đây nói với CNN rằng việc triển khai bổ sung máy bay tấn công A-10 Warthog cùng với các chiến binh khác của Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn nào của Iran hoặc mở rộng chiến sự ra ngoài biên giới Israel.
“Các máy bay A-10 từ Phi đội EFS thứ 354 đã đến Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ AOR”, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân đăng trên mạng xã hội hôm Chúa Nhật.
Bài đăng cho biết thêm: “Sự xuất hiện này củng cố thế trận phòng thủ của Hoa Kỳ, tăng cường các hoạt động không quân trên khắp Trung Đông và trấn an các đồng minh cũng như đối tác khu vực của chúng tôi rằng chúng tôi luôn sẵn sàng bảo vệ và bảo vệ quyền tự do của họ”.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố Mỹ sẽ “tăng cường” các phi đội chiến đấu cơ của mình ở Trung Đông dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ.
Ngoài F-35 và F-15, Austin cũng cho biết các phi đội F-16 và A-10 trong khu vực sẽ được tăng cường.
7. Trung Quốc nói Israel đã đi quá xa
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Bộ Ngoại Giao cộng sản Tầu sáng thứ Hai 16 tháng 10, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh trích dẫn Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, cho rằng Israel đã đi quá xa khi đáp trả cuộc xâm lược của Hamas vào tuần trước.
Nói chuyện với Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan Al Saud, Ngoại trưởng cộng sản Tầu Vương Nghị cho biết hành động của Israel đã vượt ra ngoài phạm vi tự vệ.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc mong muốn giúp giải quyết xung đột và các vấn đề cơ bản liên quan đến người dân Palestine.
Mao Ninh cho biết “Trung Quốc đang liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên để thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt giao tranh,”“ và nói thêm rằng ““nhiệm vụ cấp bách là bảo đảm sự an toàn của dân thường, mở hành lang nhân đạo để viện trợ càng sớm càng tốt và bảo vệ các nhu cầu cơ bản của người dân ở Gaza.”
Trước cuộc tấn công của Hamas và phản ứng quân sự sau đó của Israel, người ta tin rằng Israel và Ả Rập Saudi, bị thúc đẩy bởi mối thù chung đối với Iran, đang nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ, một sự phát triển có thể làm thay đổi động lực ở Trung Đông.
Về phần mình, Trung Quốc vốn không có vai trò lớn ở Trung Đông, mặc dù có các báo cáo các cuộc đối thoại Trung Quốc-Saudi gần đây như là một dấu hiệu nữa cho thấy nước này muốn tăng cường ảnh hưởng trong vùng.
Mao Ninh cũng xác nhận cuộc trò chuyện hôm thứ Bảy giữa ông Vương và Ngoại trưởng Antony Blinken, trong đó có thảo luận về cuộc giao tranh Israel-Hamas.
8. Nga bắt giữ luật sư đại diện cho lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny
Tổng Công Tố Nga, Trung Tướng Igor Krasnov, cho biết văn phòng của ông đã mở các cuộc đột kích nhắm vào Vadim Kobzev, Igor Sergunin và Alexei Liptser. Họ là những luật sư đại diện cho thủ lĩnh phe đối lập đang bị cầm tù Alexei Navalny.
Sau khi khám xét nhà của họ, 3 vị luật sư này đã bị bắt giam.
Động thái này là một nỗ lực nhằm “cô lập hoàn toàn Navalny”, cộng sự của ông, Ivan Zhdanov, nói trên mạng xã hội. Navalny ngồi tù từ Tháng Giêng 2021, với bản án lên đến 19 năm tù.
Tướng Igor Krasnov cho biết các cuộc đột kích nhắm vào Vadim Kobzev, Igor Sergunin và Alexei Liptser là một phần của vụ án hình sự với cáo buộc tham gia vào một nhóm cực đoan. Nhóm của Navalny cho biết trên Telegram rằng cả ba người đều bị giam giữ sau cuộc khám xét, có vẻ như là nghi phạm chính trong vụ án. Cả ba người sau đó sẽ phải ra hầu tòa và đang bị ra lệnh tạm giam trước khi xét xử để chờ điều tra và xét xử.
Các phương tiện truyền thông độc lập của Nga cũng đưa tin về một cuộc đột kích vào một công ty luật thuê một luật sư khác của Navalny, là cô Olga Mikhailova. Theo báo cáo, cô ấy hiện không ở Nga.
Navalny, hiện đang ở Khu giam giữ số 6 ở vùng Vladimir phía đông Mạc Tư Khoa, sẽ được chuyển đến khu giam giữ “an ninh đặc biệt”, một cơ sở có mức độ an ninh cao nhất trong hệ thống nhà tù của Nga, phát ngôn nhân của ông, Kira Yarmysh, nói với thông tấn xã AP.
Cô nói: “Nếu anh ta không được tiếp cận với luật sư, anh ta sẽ bị cô lập hoàn toàn, đó là một tình thế mà không ai thực sự có thể tưởng tượng được”.
Yarmysh nói: Nếu các luật sư của anh ta phải ngồi tù, Navalny không chỉ bị tước bỏ quyền đại diện pháp lý mà còn bị tước bỏ “mối liên hệ duy nhất” với thế giới bên ngoài nhà tù.
Cô nói: “Những lá thư được gửi đi được cho là không tốt và đang bị kiểm duyệt,” cô nói thêm. Khi Navalny bị giam trong một cơ sở trừng phạt đặc biệt, anh ta không được phép gọi điện và hầu như không được bất kỳ ai đến thăm ngoại trừ luật sư của anh ta, “và bây giờ điều đó có nghĩa là anh ta cũng sẽ bị tước bỏ điều này”.
Đối với nhiều tù nhân chính trị ở Nga, việc các luật sư đến thăm thường xuyên - đặc biệt là ở các vùng xa xôi - là phương tiện cho phép họ cập nhật thông tin cho người thân về tình trạng sức khỏe của họ, cũng như báo cáo các hành vi ngược đãi của các quan chức nhà tù.
Navalny là nhà phê bình gay gắt nhất đối với Vladimir Putin, vận động chống tham nhũng, và tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống Điện Cẩm Linh. Vụ bắt giữ năm 2021 của ông diễn ra sau khi ông trở về Mạc Tư Khoa từ Đức, nơi ông hồi phục sau vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh mà ông đổ lỗi cho Điện Cẩm Linh. Kể từ đó, anh ta đã bị tuyên ba án tù, gần đây nhất là vì tội cực đoan, và phải ở nhiều tháng trong các cơ sở cách ly trong nhà tù vì nhiều vi phạm nhỏ khác nhau mà các quan chức nhà tù đã cáo buộc.
Tổ chức Chống Tham nhũng của Navalny và một mạng lưới rộng lớn các văn phòng khu vực đã bị đặt ngoài vòng pháp luật cùng năm đó với tư cách là các nhóm cực đoan, một bước khiến bất kỳ ai có liên quan đến họ đều bị truy tố.
Navalny trước đó đã bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông là có động cơ chính trị và cáo buộc Điện Cẩm Linh đang tìm cách giam giữ ông suốt đời.
Luật sư Vadim Kobzev sẽ phải ra tòa vào thứ Sáu tới đây để điều trần về hai vụ kiện mà Navalny đã đệ đơn chống lại khu hình sự nơi anh ta đang bị giam giữ.
Navalny cho biết trong một phiên tòa rằng vụ kiện chống lại các luật sư của ông là biểu hiện “tình trạng luật pháp bất minh ở Nga”.
Ông nói: “Giống như thời Xô Viết, không chỉ các nhà hoạt động chính trị bị truy tố và biến thành tù nhân chính trị, mà cả luật sư của họ nữa”.
9. Biden: Không có bằng chứng rõ ràng Iran đứng sau vụ tấn công khủng bố ở Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Chúa Nhật khẳng định “không có bằng chứng rõ ràng” về việc Iran đứng sau các vụ tấn công khủng bố ở Israel do Hamas thực hiện hồi đầu tháng này.
“Tôi không muốn đề cập đến các thông tin mật. Nhưng thành thật mà nói, không có bằng chứng rõ ràng nào về điều đó”, Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với “60 Minutes”.
Khi bị hỏi thêm một lần nữa liệu Iran có đứng sau bất kỳ cuộc xung đột nào hay không, Biden nhắc lại rằng “tại thời điểm này” không có bằng chứng nào cho thấy Iran đã giúp lên kế hoạch cho cuộc tấn công.
Khi được hỏi về thông điệp của ông tới Hezbollah và Iran, cũng như cuộc giao tranh hạn chế ở biên giới phía bắc Israel trong tuần này, Biden nói: “Đừng. Đừng, đừng, đừng.” Ý Tổng thống Biden là không nên mở rộng chiến tranh.
Các quan chức chính quyền cho biết, cho đến nay, thông tin tình báo vẫn chưa chỉ ra rằng Iran có liên quan đến việc lập kế hoạch tấn công khủng bố vào thứ Bảy tuần trước, nhưng họ vẫn tiếp tục đánh giá thông tin mới khi thu thập được.
Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc về truyền thông chiến lược John Kirby nói với các phóng viên vào tuần trước: “Những gì chúng tôi nghĩ bây giờ - một lần nữa, chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Iran có liên quan trực tiếp đến các loạt vụ tấn công cụ thể này”.
“Cuốn sách không đóng lại ở đó. Chúng ta sẽ tiếp tục xem xét điều đó. Nhưng đó chính là tình trạng hiện tại của chúng tôi”, ông nói thêm.
Thông tin thêm: CNN đưa tin hôm thứ Tư rằng tình báo Mỹ cho rằng các quan chức cấp cao của chính phủ Iran đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công của Hamas, theo nhiều nguồn tin quen thuộc với tình báo.
Một nguồn tin lưu ý rằng vì Hamas duy trì hoạt động độc lập với Iran nên có thể hợp lý là chính phủ Iran không biết trước về vụ tấn công – Tuy nhiên, nếu không có sự tài trợ lâu dài của Iran và đào tạo cho các chiến binh Hamas, nhóm này đã không thể tồn tại như hiện nay.
Iran trong nhiều năm là nhà bảo trợ chính của Hamas, cung cấp cho tổ chức này hàng chục triệu USD, vũ khí và linh kiện được nhập lậu vào Gaza cũng như hỗ trợ rộng rãi về mặt kỹ thuật và tư tưởng.
Putin ê ẩm: Gerasimov gây đại họa Avdiivka. 3000 quân Nga tử trận. Mi-8 nổ tung. Đại sứ Nga đột tử
VietCatholic Media
15:39 16/10/2023
1. Biden nói Mỹ có thể hỗ trợ cả Israel và Ukraine: “Chúng tôi có khả năng làm việc này và chúng tôi có nghĩa vụ”
Trong một đoạn trích phỏng vấn được phát sóng sáng Chúa Nhật, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ cho Israel và Ukraine trong khi vẫn duy trì “hệ thống phòng thủ quốc tế tổng thể của chúng tôi”.
“Chúng tôi có khả năng để làm điều này và chúng tôi có nghĩa vụ phải làm như vậy, chúng tôi là quốc gia thiết yếu,” Biden nói trên CBS News, trích dẫn một câu nói nổi tiếng của cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright.
“Tạ ơn Chúa, chúng ta là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử - không phải trên thế giới, mà là trong lịch sử thế giới. Lịch sử của thế giới. Chúng ta có thể giải quyết cả hai vấn đề này mà vẫn duy trì khả năng phòng thủ quốc tế tổng thể của mình”, ông Biden nói khi được hỏi liệu Mỹ có thể tham gia cả hai cuộc chiến cùng lúc hay không. Tổng thống lưu ý rằng “Và nếu chúng ta không làm thì ai làm?”.
Tòa Bạch Ốc lập luận rằng trụ cột trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden là tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, vốn được hỗ trợ bởi kinh nghiệm cả đời và thế giới quan của tổng thống, và các đồng minh của ông cho rằng sẽ hướng dẫn các bước tiếp theo của ông thông qua các dòng chảy viện trợ địa chính trị không đồng đều đáng kể cho Israel., tài trợ cho Ukraine và quan hệ với Iran.
2. Lính Dù Ukraine nhấn chìm trực thăng Mi-8 của Nga trong biển lửa
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Russian Mi-8 Helicopter Engulfed in Inferno”, nghĩa là “Video cho thấy trực thăng Mi-8 của Nga bị nhấn chìm trong biển lửa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.
Lực lượng Ukraine đã bắn rơi một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga hôm Chúa Nhật, đoạn phim mới từ quân đội Ukraine cho thấy, khi những bước tiến của Nga vào thị trấn Avdiivka tiền tuyến do Kyiv nắm giữ dường như đang chậm hẳn lại.
Hôm Chúa Nhật, Thượng tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết chiếc Mi-8 của Nga đã bị Lữ đoàn dù số 25 của Ukraine bắn hạ.
Trong đoạn clip được Syrskyi chia sẻ, có thể thấy một chiếc máy bay đang bốc cháy với làn khói đen cuồn cuộn bốc lên từ cảnh quay.
Theo cơ quan tình báo nguồn mở Hà Lan Oryx, Nga đã mất ít nhất 22 máy bay trực thăng Mi-8 kể từ khi tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, con số này không còn được cập nhật kể từ cuối tháng 9 và chỉ bao gồm những tổn thất được xác minh bằng trực quan, có nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trong số liệu thống kê cập nhật hôm thứ Hai, Bộ Tổng tham mưu Ukraine ghi nhận Nga mất một máy bay và một trực thăng Nga trong ngày qua, đồng thời nêu rõ trong một tuyên bố rằng Nga đã mất một trực thăng Mi-8.
Tổng cộng, lực lượng Mạc Tư Khoa đã mất 318 máy bay và 317 trực thăng trong nhiều tháng kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, theo quân đội Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga hôm Chúa Nhật cho biết Ukraine đã mất 488 máy bay và 250 máy bay trực thăng. Cả hai số lượng đều không thể được xác minh độc lập.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Hai 16 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong suốt ngày hôm trước, đã có khoảng 70 cuộc đụng độ dọc theo chiến tuyến hiện tại ở miền đông và miền nam Ukraine. Ông cho biết Nga đã thực hiện “các hoạt động tấn công không thành công” xung quanh thị trấn luyện than cốc Avdiivka của Donetsk, sau nhiều ngày diễn ra những gì được mô tả là nỗ lực tấn công lớn của Nga nhằm vào khu định cư quan trọng.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết hơn 15 cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka đã bị bẻ gẫy. Chúa Nhật cũng chứng kiến một loạt cuộc tấn công của quân đội Mạc Tư Khoa vào một loạt làng mạc và thị trấn khác dọc theo tiền tuyến, bao gồm các thị trấn Klishchiivka và Andriivka ở Donetsk do Ukraine kiểm soát, và “bốn” nỗ lực nhằm chiếm lại thị trấn Robotyne của Zaporizhzhia.
Trong bản cập nhật mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ cho biết lực lượng Nga đã tiếp tục các hoạt động tấn công “nhằm bao vây Avdiivka” vào hôm Chúa Nhật. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa “vẫn chưa đạt được nhiều lợi ích hơn nữa trong bối cảnh nhịp độ hoạt động của Nga trong khu vực có thể đang giảm dần”, tổ chức nghiên cứu này cho biết.
Nga không đề cập đến Avdiivka trong bản cập nhật hàng ngày hôm Chúa Nhật, nhưng nói rằng lực lượng của họ đã “đẩy lùi 5 cuộc tấn công” từ các đơn vị Địa Phương Quân và cơ giới hóa của Ukraine xung quanh một số thị trấn gần thành phố Bakhmut bị tàn phá ở Donetsk.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mạc Tư Khoa cho biết quân đội Nga đã tấn công vào quân đội và thiết bị của một số lữ đoàn Ukraine xung quanh Andriivka và Klishchiivka vào hôm Chúa Nhật.
3. Tư Lệnh lữ đoàn tấn công sơn cước số 128 của Ukraine nhận định Nga thảm bại ở thị trấn Avdiivka
Ký giả Luke Harding của Tờ The Guardian có trụ sở ở Luân Đôn, và đang có mặt ở Zaporizhzhia có bài tường trình nhan đề “Russia’s Avdiivka offensive is failing, says top Ukrainian officer”, nghĩa là “Sĩ quan hàng đầu Ukraine cho biết cuộc tấn công Avdiivka của Nga đang thất bại”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Một chỉ huy hàng đầu của Ukraine tuyên bố rằng cuộc tấn công lớn nhất của Nga trong nhiều tháng – với sự tham gia của xe tăng, hàng nghìn binh sĩ và xe thiết giáp trong cuộc tấn công vào thị trấn Avdiivka phía đông Ukraine – đã thất bại, trong khi ông thừa nhận những nỗ lực tiến quân của Kyiv ở phía nam đã chứng tỏ là “ khó khăn”.
Các lực lượng Nga đã tấn công thị trấn này trong tuần qua, một khu vực quan trọng được bao quanh bởi lãnh thổ do Nga nắm giữ ở mặt trận phía đông Donbas.
Đây là một trong những cuộc tấn công lớn nhất của Mạc Tư Khoa kể từ cuộc xâm lược toàn diện năm ngoái và diễn ra vào thời điểm cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra chậm chạp và thế giới đang tập trung vào cuộc xâm lược trên bộ sắp xảy ra của Israel vào Gaza.
Ít nhất ba tiểu đoàn Nga, mỗi tiểu đoàn được hỗ trợ bởi khoảng 2.000-3.000 quân, đã bắt đầu cuộc tấn công rạng sáng hôm thứ Ba. Cảnh quay từ máy bay không người lái cho thấy một dòng xe quân sự đang lao về phía trước. Kể từ đó đã xảy ra giao tranh ác liệt. Nga đã bắn phá thành phố bằng hỏa lực pháo binh và các cuộc không kích không ngừng nghỉ.
Các quan chức quân sự Ukraine cho biết mục tiêu của Mạc Tư Khoa là bao vây Avdiivka, nhưng cho đến nay những kẻ tấn công đã đạt được những thành tựu rất nhỏ nhoi. Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp thứ 25 của Nga được đẩy về phía nam và phía bắc. Nó chiếm giữ thị trấn Berdychi gần đó và áp sát một đống phế liệu cao 150 mét bên cạnh nhà máy sản xuất than cốc và hóa chất của thị trấn.
Người Nga đã bị tổn thất nghiêm trọng. Ít nhất 36 xe tăng và xe thiết giáp của Nga đã bị tiêu diệt trong 24 giờ đầu tiên cùng với 91 xe thiết giáp. Theo Kyiv Post, con số đó đã tăng lên 102 xe tăng và 183 xe thiết giáp bị mất, với 2.840 binh sĩ thiệt mạng. Có những cảnh hỗn loạn. Một chiếc xe tăng rơi khỏi cầu phao xuống sông. Một chiếc khác cán chết một người lính Nga khi nó hối hả quay ngược lại; một quả đạn của Ukraine sau đó đã nổ tung chiếc xe tăng.
Đại tá Dmytro Lysyuk - chỉ huy lữ đoàn tấn công sơn cước biệt lập số 128 của Ukraine – là đơn vị vừa được tăng cường cho Lữ Đoàn 72 Súng Trường Cơ Giới cho biết ông tin rằng không có khả năng quân đội Nga đột phá được.
Ông nói rằng việc cử một đoàn quân xa dài ngoằng vào trận chiến – một chiến thuật được sử dụng khi lực lượng Nga cố gắng chiếm Kyiv vào năm ngoái và thị trấn Vuhledar phía đông vào tháng 2 – sẽ không hiệu quả.
Lysyuk nói: “Người Nga đáng lẽ phải nhận ra điều này từ lâu. Họ thậm chí chẳng đạt được tí thành công nào về mặt chiến thuật.”
Ông nói thêm rằng Tướng Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng Nga, phải chịu trách nhiệm: Gerasimov đã đánh giá thấp sức mạnh của Ukraine ở Avdiivka, vốn đã ở tuyến đầu kể từ năm 2014, khi Mạc Tư Khoa chiếm giữ thành phố Donetsk gần đó. “Đó là một thất bại về mặt tình báo,” Lysyuk nói.
Một chiến thắng trên chiến trường của Nga sẽ tăng cường sự ủng hộ trong nước cho cuộc chiến. Lysyuk cho biết mục tiêu chính trị của Điện Cẩm Linh là tiến tới biên giới hành chính của tỉnh Donetsk.
Vào tháng 9 năm 2022, Vladimir Putin tuyên bố đã “sáp nhập” toàn bộ tỉnh phía đông, mặc dù lực lượng của ông chỉ kiểm soát khoảng một nửa tỉnh đó. “Họ muốn chiếm nó vào cuối năm 2023. Họ sẽ không làm được,” viên đại tá dự đoán. Ông nói thêm: “Với quy mô tổn thất của họ, đây là một thất bại rất rõ ràng”.
Ông thừa nhận, cuộc phản công của Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia, nơi lữ đoàn 128 đang chiến đấu trước khi được điều động lên thành phố Avdiivka, diễn ra rất khó khăn.
“ Rất khó để tiến về phía trước” Ông nói rằng có những trở ngại ghê gớm. Chúng bao gồm nhiều bãi mìn do Nga đặt trong 18 tháng qua; một mạng lưới chiến hào phòng thủ rộng lớn, được đào thành ba tuyến; và máy bay không người lái kamikaze và máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất hay FPV.
Lysyuk cho biết Ukraine đã điều chỉnh chiến thuật của mình. Thay vì gửi thiết giáp hạng nặng, vốn dễ bị tấn công từ trên không, lữ đoàn của ông sử dụng đội hình “nhóm nhỏ” tàng hình hơn.
Những nhóm này có sự tham gia của tám binh sĩ, cộng với một đội di tản gồm hàng chục người, được hỗ trợ bởi hỏa lực chính xác. Nhóm này sẽ xông vào các vị trí của đối phương, đôi khi tiêu diệt tới 40 người Nga. Ông nói: “Chúng tôi tiến 100-500 mét mỗi ngày.
Kể từ đầu tháng 6, Kyiv đã giành lại được một phần lãnh thổ nhỏ ở phía nam làng Orikhiv, Zaporizhzhia do Ukraine nắm giữ. Lysyuk cho biết lực lượng của ông có khả năng tiến xa hơn và chiếm giữ Tokmak – một trung tâm hậu cần và đường sắt quan trọng – cũng như thành phố Melitopol.
Ông từ chối cho biết khi nào điều này có thể xảy ra. “Thật khó để dự đoán. Tôi muốn đến Tokmak năm nay. Chúng tôi đang tạo điều kiện cho các hành động trong tương lai”, ông nói.
Một hạn chế là thiếu Không Quân. Những chiếc F-16 mà Hà Lan, Đan Mạch và Bỉ hứa hẹn khó có thể sớm xuất hiện. Lysyuk cho biết lữ đoàn của ông đã nhận được vũ khí chống tăng, súng cối và thiết bị nhìn đêm của phương Tây.
Lữ Đoàn chưa có xe tăng chiến đấu hiện đại và đang chiến đấu bằng các đơn vị pháo tự hành T-72 và 2S1 của Liên Xô. Ông nói, người Nga vượt trội ở “một số lĩnh vực nhất định”, trích dẫn nhân lực, thiết bị trinh sát và tác chiến điện tử của họ.
Lysyuk cho biết lữ đoàn của anh đã sẵn sàng cho mùa lạnh sắp tới. “Chúng tôi đã có một mùa đông rồi. Hoàn cảnh khó khăn nhưng không nguy kịch. Chúng tôi biết phải làm gì”, ông nói.
Những người lính trong chiến hào sẽ được luân chuyển thường xuyên hơn - hai đến bốn giờ một lần, thay vì sáu đến tám giờ một lần - với những nơi trú ẩn được xây dựng để họ có thể sưởi ấm. Ukraine vẫn có thể đi tiếp. Ông nói, thành công phụ thuộc vào chiến thuật “tinh ranh” và “liên tục thay đổi”, nhằm hạ gục đối phương.
Các quan chức Ngũ Giác Đài đã chỉ trích chiến lược chiến trường của Ukraine và cho rằng việc tập trung lực lượng lớn vào một điểm có thể đạt được kết quả nhanh hơn. Lysyuk cho biết anh phải cân bằng các hoạt động tấn công với nhu cầu bảo toàn mạng sống cho binh lính của mình.
“Chúng tôi luôn nghĩ đến thương vong. Con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng tôi”, ông nói. Ông nói thêm: “Chúng ta đang chiến đấu với một đối phương mạnh. Sẽ không có chiến thắng nhanh chóng. Chúng ta không nên có bất kỳ ảo tưởng nào.”
Các blogger quân sự Nga ngày càng bi quan về khả năng lực lượng của họ tại Avdiivka. Một blogger cho biết, sau khi chiếm được một số cứ điểm ban đầu, quân đội Nga nhanh chóng bị đánh bật ra hay nằm chết trân tại chỗ khi Ukraine đáp trả bằng hỏa lực phản công.
Họ nói: “Việc quay trở lại chiến thuật 'tấn công' sau gần một năm phòng thủ là điều không dễ dàng đối với quân đội”, đồng thời cho biết thêm rằng lực lượng Ukraine đã tìm cách nhanh chóng giành lại các vị trí đã mất.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi lòng dũng cảm của những người bảo vệ đất nước ông. “Avdiivka. Chúng tôi đang giữ vững vị trí của mình”, Zelenskiy đăng trên mạng xã hội. Anh chia sẻ hình ảnh những người lính lái xe quanh thị trấn đổ nát.
Ông viết: “Chính lòng dũng cảm và sự đoàn kết của Ukraine sẽ quyết định cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào”.
Trong một địa chỉ video được ghi lại vào thứ Bảy, Zelenskiy mô tả Avdiivka là một trong một số địa điểm trên tiền tuyến nơi “thời tiết đặc biệt nóng hiện nay”.
“Tôi cảm ơn tất cả những người đang giữ vị trí và tiêu diệt quân Nga. Mỗi ngày của những trận chiến này là được đánh đổi bằng những cuộc sống, bằng những sinh mạng đã hy sinh vì lợi ích của đất nước chúng ta”, ông nói.
4. Tổng thống Chính quyền Palestine lên án các cuộc tấn công của Hamas vào Israel
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, trong lời tố cáo rõ ràng và thẳng thắn đầu tiên về các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, cho biết hành động của nhóm chiến binh này “không đại diện cho người dân Palestine”.
“Các chính sách và hành động của Hamas không đại diện cho người dân Palestine, mà chính các chính sách, chương trình và quyết định của Tổ chức Giải phóng Palestine mới đại diện cho người dân Palestine với tư cách là đại diện hợp pháp và duy nhất của họ”, ông Abbas nói hôm Chúa Nhật, cơ quan báo chí chính thức của Palestine WAFA đưa tin.
Theo WAFA, ông Abbas kêu gọi chấm dứt thương vong cho dân thường, thả tù nhân và từ chối bạo lực.
Ông Abbas cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của Israel là ngừng gây hấn ở Gaza và ngay lập tức bảo vệ thường dân Gaza bằng cách mở hành lang nhân đạo để cung cấp các thiết bị y tế, nước, điện và nhiên liệu cho người dân Gaza.
WAFA cho biết thêm, ông Abbas cho biết việc di dời người Palestine khỏi Gaza sẽ là “thảm họa thứ hai đối với người dân Palestine”.
Bối cảnh chính: Israel đang có chiến tranh với Hamas, nhóm chiến binh Palestine kiểm soát Gaza và đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố tàn khốc ở Israel hồi đầu tháng này.
Abbas là lãnh đạo của Chính quyền Palestine, một cơ quan chính phủ có quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây. Nó được thành lập theo Hiệp định Oslo năm 1993, một hiệp ước hòa bình giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine,, gọi tắt là PLO, trong đó PLO từ bỏ cuộc kháng chiến vũ trang chống lại Israel để đổi lấy những lời hứa về một nhà nước Palestine độc lập.
Hamas - được Mỹ, Liên minh Âu Châu và các nước khác coi là tổ chức khủng bố - tự thể hiện mình như một giải pháp thay thế cho Chính quyền Palestine, vốn đã công nhận Israel và đã tham gia nhiều sáng kiến hòa bình thất bại với nước này.
5. Tuần lễ đen tối của Nga ở Donbas: 127 xe tăng, 239 xe thiết giáp và 161 hệ thống pháo bị phá hủy trong một tuần
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 127 Tanks, 239 APVs and 161 Artillery Systems in a Week: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga mất 127 xe tăng, 239 xe thiết giáp và 161 hệ thống pháo trong một tuần.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga
Kyiv cho biết lực lượng Nga đã mất 127 xe tăng, 239 xe thiết giáp và 161 hệ thống pháo binh trong một tuần khi Nga tăng cường tấn công vào các tuyến phòng thủ của Ukraine ở miền đông Ukraine.
Lực lượng xâm lược Nga đã mất 8 xe tăng, 25 xe thiết giáp và 33 hệ thống pháo binh trong ngày qua, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết.
Cuộc chiến tỏ ra tốn kém cho cả hai bên khi họ đốt cháy một lượng lớn thiết bị quân sự và gánh chịu thương vong nặng nề, nhưng khó có được bức tranh chính xác về quy mô tổn thất của mỗi bên cho đến nay.
Những tổn thất được báo cáo đã tăng lên khi cuộc phản công của Ukraine tiếp tục diễn ra nhằm giành lại quyền kiểm soát của Nga ở miền đông và miền nam Ukraine kể từ đầu tháng 6. Quân đội Ukraine đã hy vọng giành được nhiều thắng lợi trước khi điều kiện thời tiết mùa thu và mùa đông khắc nghiệt hơn, lầy lội hơn xuất hiện, nhưng với những bước tiến ngày càng tăng dọc theo các điểm của tiền tuyến, những chiến thắng quan trọng đã chậm thành hiện thực đối với các chiến binh của Kyiv.
Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã mất tổng cộng 12.598 xe tăng và xe chiến đấu bọc thép kể từ khi quân Mạc Tư Khoa tiến vào Ukraine vào ngày 24/2/2022. Con số đó thực sự vượt quá xa con số chiến xa mà Ukraine có thể có.
Các khu vực phía đông Donetsk và phía nam Zaporizhzhia của Ukraine là những điểm nóng giao tranh, trong đó Ukraine tuyên bố kiểm soát một số thị trấn dọc theo chiến tuyến ở đó trong vài tháng qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập bất hợp pháp 4 khu vực của Ukraine, bao gồm Donetsk và Zaporizhzhia, vào tháng 9 năm 2022, mặc dù lực lượng của ông không kiểm soát hoàn toàn khu vực nào trong số đó.
Hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Kyiv cho biết đã có 60 cuộc đụng độ trong 24 giờ qua và khoảng 100 địa điểm của Ukraine trên khắp miền bắc, đông và nam đất nước đã bị quân Nga pháo kích.
Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các lực lượng Nga đã “không thành công” khi cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine xung quanh thị trấn Avdiivka phía đông do Kyiv kiểm soát, và đã gánh chịu thương vong r1ơng vong rất lớn.
Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết hồi đầu tuần: “Avdiivka của chúng tôi đang bị pháo binh và Không Quân Nga tấn công hàng loạt.”
Tuy nhiên, các cảnh quay được định vị địa lý trong vài ngày qua cho thấy lực lượng Nga đã rút lui khỏi phía nam thị trấn, cũng như ở các vị trí phía bắc Avdiivka, Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy.
Ở những nơi khác dọc chiến tuyến, lực lượng Nga “không thành công” khi tiến hành 5 cuộc tấn công nhằm giành lại lãnh thổ xung quanh thị trấn Robotyne của Zaporizhzhia.
Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Nga đã đẩy lùi 5 cuộc tấn công từ các lữ đoàn cơ giới Ukraine và Lực lượng Vệ binh Quốc gia xung quanh Robotyne và thị trấn lân cận Verbove.
Quân đội Kyiv cho biết, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra xung quanh thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine bị tàn phá.
6. Rắc rối ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Nga đột tử
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang mở cuộc điều tra về nhà ngoại giao hàng đầu Nga được tìm thấy đã chết tại một khách sạn ở Thổ Nhĩ Kỳ khi các chuyên gia kiểm tra camera quan sát và xem các dấu vân tay
Cuộc điều tra mới diễn ra sau một loạt cái chết đáng ngờ liên quan đến các quan chức và doanh nhân từ nước Nga của Vladimir Putin.
Các báo cáo cho rằng Nikolai Krobrinets chết vì đau tim sau khi nhận phòng tại một khách sạn ở quận Taksim, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông đến đó để tham dự hội nghị thượng đỉnh gồm các đại sứ của nhiều quốc gia khác nhau.
Báo cáo cho biết ông Kobrinets được phát hiện đã chết trên giường khách sạn sau khi các đồng nghiệp bày tỏ lo ngại khi ông không họp vào buổi sáng.
Cảnh sát hiện đang điều tra, trong khi thi thể của anh ta đã được đưa đến nhà xác của Viện Pháp y ở Bahçelievler Yenibosna.
Một cuộc khám nghiệm tử thi sẽ được tổ chức, trong khi cảnh sát cũng đang kiểm tra phòng khách sạn của anh ta để tìm dấu vân tay và xem xét kỹ lưỡng đoạn phim CCTV.
Các báo cáo ban đầu cho rằng ông qua đời sau một cơn đau tim, nhưng các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Các chuyên gia an ninh đã cáo buộc Tổng thống Nga Putin đang điều hành một nhà nước “mafia” với việc giết người như một công cụ để đánh bại đối phương và giữ các đồng minh trong hàng ngũ.
Lãnh đạo lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, hồi tháng 8 đã trở thành một trong những người mới nhất được bổ sung vào danh sách ít nhất 40 nhân vật cao cấp thiệt mạng.
Hàng chục nhân vật nổi tiếng đã thiệt mạng kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái - nhiều người trong hoàn cảnh bí ẩn và bất ngờ, bao gồm cả “tự sát” và rơi từ cửa sổ.
Vào ngày 23 tháng 8, máy bay riêng của Prigozhin đã bị nổ tung ở độ cao 28.000 ft trên bầu trời, chỉ vài ngày sau khi ông ta cố gắng đảo chính chống lại Putin.
Sun Online đã thống kê có ít nhất 40 trường hợp tử vong đáng ngờ kể từ Tháng Giêng năm ngoái.
Sergey Grishin, người được gọi là đầu sỏ địa ốc, người đã bán cho Meghan, Nữ công tước xứ Sussex và Hoàng tử Harry một biệt thự ở California, đã chết vì nhiễm trùng huyết vào tháng 3 sau khi chỉ trích bạo chúa Nga Putin.
Nhà khoa học người Nga Andrey Botikov, người phát minh ra vắc xin “Sputnik V”, đã thắt cổ bằng dây thắt lưng trong căn hộ của mình cùng tháng đó.
7. Quân đội Israel cho biết Hamas vẫn đang giữ 155 con tin
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, Hamas đang bắt giữ 155 con tin sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel.
Những nỗ lực vẫn tiếp tục trên nhiều mặt trận để giải thoát các con tin. Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết quân đội đang làm việc để đưa những người bị bắt trở về “ngay lập tức” và “không có điều kiện”.
“Tất nhiên, chúng tôi đang cố gắng hết sức để xác định số phận chính xác của họ thông qua nhiều nguồn khác nhau và chúng tôi đang yêu cầu cộng đồng quốc tế lên án rõ ràng cũng như yêu cầu thả các con tin”.
Ông cho biết đây là một “tình huống phức tạp” vì Hamas không “tuân theo bất kỳ quy tắc nào của luật nhân đạo quốc tế dưới bất kỳ hình thức nào. Trong nhiều năm rồi, họ đã giam giữ binh lính, thi thể, công dân Israel từ các đợt trước, thậm chí không cho biết bất kỳ thông tin nào về số phận, và nơi ở của họ.”
Ông cho biết đang có “nỗ lực quốc tế lớn” để đưa các con tin trở về và đặc biệt cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ.
Ông cho biết một số con tin cần thuốc và điều trị đặc biệt, đồng thời gọi tình hình sức khỏe của họ là “cực kỳ mong manh”.
8. IDF cho biết chiến đấu cơ của Israel tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah ở Li Băng
Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết trong một bản cập nhật hôm Chúa Nhật rằng các chiến đấu cơ đã tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah ở Li Băng.
Trước đó, IDF cho biết họ đang đáp trả hỏa lực từ Li Băng.
“Đồng thời, chúng tôi nhận được báo cáo về một vụ nổ súng nhằm vào binh sĩ IDF dọc biên giới Li Băng,” Các binh sĩ IDF trong khu vực đã “đáp trả bằng hỏa lực mạnh mẽ”.
Cuộc giao tranh này tập trung vào miền bắc Israel và miền nam Li Băng - tách biệt với cuộc chiến của Israel với Hamas ở xa hơn về phía nam, tập trung quanh Gaza.
Nhưng sự gia tăng các cuộc đụng độ với Hezbollah đã làm dấy lên lo ngại nhóm bán quân sự hùng mạnh của Li Băng có thể tích cực tham gia vào cuộc xung đột. Hezbollah rõ ràng đã ủng hộ các chiến binh Palestine và lên án gay gắt các cuộc không kích quy mô lớn của Israel vào Gaza, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa can thiệp thay mặt cho Hamas.
9. Nga hô hào trừng phạt Israel để mua chuộc cảm tình của người Hồi Giáo
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Demands Israel Sanctions”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga yêu cầu trừng phạt Israel.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.
Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, nói rằng Israel nên bị trừng phạt vì sở hữu vũ khí hạt nhân, khi quốc gia này tăng cường cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra ở Gaza.
Solovyov, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới truyền thông được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, đã đưa ra nhận xét trong chương trình của ông phát sóng trên Russia-1—một đoạn trích từ chương trình này đã được chia sẻ trên X, trước đây là Twitter, bởi Julia Davis của tờ Daily Beast.
Nga và Israel đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Điện Cẩm Linh cho đến nay cho biết Nga cực kỳ quan ngại trước “vòng xoáy bạo lực” ở Israel và đề nghị trở thành trung gian hòa giải tiềm năng trong cuộc xung đột.
Nhận xét của Solovyov được đưa ra sau khi Hamas dẫn đầu cuộc tấn công đẫm máu nhất vào Israel trong lịch sử phiến quân Palestine hôm 7/10. Israel sau đó đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhất từ trước đến nay vào Gaza. Hãng tin AP đưa tin, dẫn lời quân đội Israel, tính đến thứ Hai, ít nhất 1.400 người đã thiệt mạng ở Israel. Theo chính quyền địa phương Palestine, ít nhất 2.670 người đã thiệt mạng ở Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đất nước ông đang có chiến tranh và đã cắt nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, điện và thuốc men vào Gaza. Israel đã huy động 360.000 quân dự bị để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ có dân số ước tính khoảng 2,3 triệu người.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Israel chưa công khai tiến hành một vụ thử hạt nhân nào nhưng được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó người ta cho rằng Israel ước tính có 90 đầu đạn hạt nhân.
“Tôi nhìn vào những gì đang xảy ra trên thế giới hiện nay và nghĩ, điều quan trọng nhất là vẫn là con người? Đừng trở nên giống như một con vật, bằng cách này hay cách khác. Đây không phải là một phần của văn hóa của chúng ta. Chúng ta không có khái niệm này. Chúng ta chưa bao giờ nói ở bất cứ đâu rằng toàn bộ các quốc gia và tất cả người dân của họ đều có lỗi”, Solovyov nói.
Solovyov nói thêm: “Tôi nhìn vào cách họ nói một cách nghiêm chỉnh về việc hơn 2 triệu người sẽ di tản khỏi đó”. Điều này ám chỉ lệnh của Israel yêu cầu người dân Gaza di tản khỏi khu vực Thành phố Gaza và di chuyển đến phần phía nam của lãnh thổ bị bao vây trước một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra.
“Người Mỹ nói, 'Điều này là bình thường.' Khi bạn đơn giản san bằng các thành phố và sau đó nói, 'Đầu tiên, chúng tôi sẽ san bằng mọi thứ, sau đó chúng tôi sẽ giải quyết mọi thứ bằng bom hạng nặng, phá hủy tất cả các hầm tránh bom, và sau đó chúng tôi sẽ dọn sạch tất cả', họ nói, 'Hãy đi đâu đó qua đó ở đó'. Nhưng đây là đất của họ!” Solovyov nói.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ hành động như những người tin rằng cả một quốc gia phải bị tiêu diệt! Bạn nghĩ có nên cho phép Israel đối xử với người Palestine theo cách này không? Hãy áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Israel! Israel có vũ khí hạt nhân không? Hình như có! Nhưng họ có bị một lệnh trừng phạt nào vì có vũ khí hạt nhân như Triều Tiên không? KHÔNG, không ai trừng phạt họ! Tại sao không? “ Solovyov nói thêm.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.
Nhiều thế lực muốn mở rộng cuộc chiến Israel-Hamas. Phỏng vấn ĐHY Thượng Phụ Giêrusalem Pizzaballa
VietCatholic Media
16:53 16/10/2023
1. Hàng ngàn người tại Đền thờ Fatima cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh địa và Ukraine
Người dân từ 35 quốc gia khác nhau tập trung tại đền thánh Đức Mẹ vào ngày 12 tháng 10. Một đám đông hơn 180.000 người hành hương đã tập trung tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha để cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh địa và Ukraine cũng như “cho tất cả những nơi đang thiếu hòa bình”.
Trang web của ngôi đền đưa tin rằng vào ngày 12 tháng 10, trước ngày kỷ niệm “Phép lạ Mặt trời nhảy múa”, diễn ra vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, buổi lễ rước nến được chủ sự bởi Đức Hồng Y Américo Aguiar, vị giám mục được bổ nhiệm cho Giáo phận Setúbal và chủ tịch ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, được tổ chức vào tháng 8 tại Lisbon.
Trong suy tư của mình trước các tín hữu đến từ 35 quốc gia khác nhau, Đức Hồng Y đã khuyến khích họ cầu nguyện với “Mẹ Thiên Đường” để xin “ân sủng hòa bình” cho Ukraine, cho “mảnh đất của Chúa Giêsu và cho tất cả những nơi thiếu hòa bình”.
“Khi chúng ta nói về, chúng ta nói về hòa bình, và thật không may, đây là một món quà đang thiếu: Nó đang thiếu ở Ukraine thân yêu của chúng ta và ở mảnh đất Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta. Vì vậy, chúng ta muốn cầu xin Mẹ ban hòa bình cho những nơi này và thế giới.”
Sau đó Đức Hồng Y hỏi: “Tại sao lại có chiến tranh trên thế giới? Tôi không biết làm thế nào để giải thích nó. … Nhưng tôi biết rằng điều đó có nghĩa là mất đi trẻ em, người trẻ, phụ nữ, người nghèo, những người nghèo nhất…”
“Thảm kịch của cuộc chiến ở Ukraine và bây giờ là thảm kịch của cuộc chiến ở Thánh địa, ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, ở Dải Gaza, có những tình huống khiến chúng ta lo ngại và chúng ta không thể thờ ơ với chúng. Đây là những tình huống đánh dấu cuộc hành hương của chúng ta”, Đức Hồng Y Aguiar nói.
Các cuộc hiện ra ở Fatima diễn ra trong bối cảnh Thế chiến thứ nhất, nhưng Đức Mẹ cảnh báo rằng “nếu người ta không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, thì một điều tồi tệ hơn sẽ nổ ra”, điều này đã được ứng nghiệm trong Thế chiến thứ hai. Đức Mẹ cũng yêu cầu “thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ” và cảnh báo rằng nước Nga sẽ “truyền bá sai lầm của mình ra khắp thế giới” nếu lời kêu gọi sám hối của Mẹ không được thực hiện. Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 25 tháng 3, một hành động mà những người tiền nhiệm của ngài đã thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Giám đốc Đền thờ Fatima, Cha Carlos Cabecinhas, cũng lưu ý rằng “ý cầu nguyện lớn lao của Giáo hội” là “Thượng Hội Đồng Giám mục”, đang diễn ra tại Vatican.
Một trăm lẻ sáu năm trước, vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, trong khi hàng ngàn người hành hương đang ở Fatima, “Phép lạ Mặt trời quay” đã xảy ra, nơi người ta có thể nhìn thấy mặt trời đang chuyển động, thực hiện một kiểu “khiêu vũ”.
Sự kiện này kéo dài khoảng ba phút và xảy ra sau lần hiện ra cuối cùng của Đức Trinh Nữ Maria với các em chăn chiên Jacinta, Francisco và Lucía.
Một nhà báo của tờ báo Bồ Đào Nha O Século, Avelino de Almeida, ước tính rằng vào thời điểm xảy ra phép lạ, có khoảng 40.000 người có mặt, nhưng giáo sư khoa học tự nhiên tại Đại học Coimbra, Bồ Đào Nha, Joseph Garrett, tính toán rằng có khoảng 100.000 người tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ diệu.
2. Lời kêu gọi cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình của Đức Hồng Y Thượng Phụ Giêrusalem
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh đã đưa ra lời kêu gọi toàn văn như sau:
Anh chị em thân mến,
Nguyện Chúa ban bình an của Ngài cho chúng ta!
Nỗi đau và sự thất vọng trước những gì đang xảy ra là rất lớn. Một lần nữa chúng ta lại thấy mình đang ở giữa một cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự. Chúng ta đột nhiên bị ném vào một biển bạo lực chưa từng có. Sự hận thù, đáng tiếc là chúng ta đã trải qua quá lâu, sẽ còn gia tăng hơn nữa, và vòng xoáy bạo lực tiếp theo sẽ tạo ra nhiều sự hủy diệt hơn. Mọi thứ dường như đều nói về cái chết.
Tuy nhiên, trong thời điểm đau buồn và mất tinh thần này, chúng ta không muốn tiếp tục bất lực. Chúng ta không thể để cái chết và vết chích của nó (1 Cô-rinh-tô 15:55) là lời duy nhất chúng ta nghe được.
Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy cần phải cầu nguyện, phải hướng lòng mình về Thiên Chúa. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể có được sức mạnh và sự thanh thản cần thiết để chịu đựng những thời điểm khó khăn này, bằng cách hướng về Ngài, cầu nguyện và chuyển cầu, để cầu xin và kêu cầu Thiên Chúa giữa nỗi thống khổ này.
Thay mặt tất cả các vị Bản quyền của Thánh địa, tôi mời gọi tất cả các giáo xứ và cộng đồng tôn giáo hãy ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải.
Chúng tôi yêu cầu vào Thứ Ba, ngày 17 tháng 10, mọi người hãy giữ một ngày ăn chay, kiêng thịt và cầu nguyện. Chúng ta hãy tổ chức những giờ cầu nguyện với việc chầu Thánh Thể và lần hạt Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria. Mặc dù có lẽ hầu hết ở nhiều nơi trong hoàn cảnh giáo phận của chúng ta không cho phép tụ tập đông người, nhưng vẫn có thể tổ chức những buổi cầu nguyện chung đơn giản và nghiêm túc trong các giáo xứ, cộng đồng tu trì và gia đình.
Đây là cách tất cả chúng ta đến với nhau bất chấp mọi thứ, và đoàn kết với nhau trong lời cầu nguyện, để dâng lên Thiên Chúa Cha niềm khát khao hòa bình, công lý và hòa giải của chúng ta.
Xin gởi đến anh chị em lời cầu nguyện chân thành cho tất cả mọi người.
+ Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa
Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh
3. Thượng phụ Pizzaballa lo ngại chiến tranh kéo dài ở Gaza, kêu gọi ngừng bắn
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, nói chuyện với Truyền thông Vatican để bày tỏ nỗi đau buồn và thống khổ của ngài trước sự bùng nổ chiến tranh ở Gaza giữa Israel và Hamas.
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, rất buồn, nhưng không hoàn toàn ngạc nhiên, trước sự kinh hoàng đang diễn ra ở Israel và Gaza, bởi vì chính ngài từ lâu đã dự đoán căng thẳng sẽ leo thang, mặc dù không đến mức này.
Đức Tân Hồng Y đã trở lại Giêrusalem vào ngày 10 tháng 10, lo ngại rằng cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi vấn đề Palestine được giải quyết.
Từ Giêrusalem, ngài đã trả lời một cuộc phỏng vấn. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài đã quay trở lại được Giêrusalem. Ngài đã thấy gì? Ấn tượng của ngài là gì?
Tôi chỉ quay trở lại được vào đêm qua với sự giúp đỡ của chính quyền dân sự và quân sự, cả Israel và Jordan, vì tôi đã đi qua ngã Jordan. Tôi thấy một đất nước đang sợ hãi, kinh ngạc trước những gì đang xảy ra.
Tôi chắc chắn đã mong đợi sự gia tăng bạo lực, nhưng chắc chắn không phải dưới những hình thức này, đến mức độ này và với sự tàn bạo như thế này. Tôi cũng thấy rất tức giận và rất mong đợi nhận được một lời hướng dẫn, an ủi cũng như sự rõ ràng về những gì đang xảy ra. Tóm lại, tôi thấy một đất nước đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh chóng.
Hỏi: Ngài có tin tức cụ thể nào về tình trạng của cộng đồng Kitô hữu ở Gaza không?
Vâng, mọi người đều ổn. Một số gia đình đã bị phá hủy nhà cửa nhưng vẫn an toàn. Tất cả họ đều tập trung tại khuôn viên của giáo xứ và trường học của chúng tôi, với suy nghĩ rằng những nơi này không phải là mục tiêu.
Tất nhiên, họ đang phải chịu áp lực rất lớn. Họ có đủ lương thực trong một thời gian, nhưng nếu tình trạng bao vây tiếp tục thì sẽ là một vấn đề. Hiện tại, chúng tôi rất vui khi biết rằng tất cả họ đều ổn và đang tập trung tại khuôn viên giáo xứ.
Hỏi: Nhiều bình luận đã chỉ ra tính không thể đoán trước của các sự kiện trong những giờ này, nhưng trong nhiều tháng, ngài đã chỉ ra sự leo thang bạo lực dần dần có thể biến thành một điều gì đó thậm chí còn nghiêm trọng hơn, như đang xảy ra hiện nay.
Thật không may, tôi lại là một nhà tiên tri dễ dãi. Sự leo thang của cuộc xung đột là điều tất cả mọi người đều thấy. Nhưng sự bùng nổ bạo lực, quy mô và tàn bạo như vậy không ai có thể lường trước được.
Tuy nhiên, điều này đặt lên bàn một vấn đề đã bị gác lại: vấn đề Palestine, mà có lẽ một số người cho rằng đã được khóa lại.
Chừng nào vấn đề Palestine, quyền tự do, phẩm giá và tương lai của người Palestine không được tính đến theo những cách cần thiết như hiện nay thì triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ ngày càng khó khăn.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, con nhận thấy rằng với tình hình giao tranh đang diễn ra thì rất khó để đưa ra dự đoán, nhưng ngài có thể thấy những kịch bản có thể xảy ra trong vài giờ tới, trong vài ngày tới không?
Chắc chắn rất khó để đưa ra dự đoán vào thời điểm này. Rõ ràng là chúng ta không đang tham gia một chiến dịch quân sự mà đang tuyên chiến. Và tôi lo sợ đây sẽ là một cuộc chiến rất dài.
Có lẽ phản ứng của Israel sẽ không chỉ giới hạn ở việc ném bom mà sẽ có một hoạt động trên bộ. Rõ ràng là chúng ta đã bất ngờ bước vào một giai đoạn mới trong cuộc sống của đất nước này cũng như trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Nếu người ta có thể nói về mối quan hệ.
Hỏi: Ngài muốn nói gì với cộng đồng quốc tế?
Cộng đồng quốc tế phải bắt đầu nhìn lại Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine với sự chú ý nhiều hơn những gì nó đã thể hiện cho đến nay. Và phải nỗ lực hết sức để xoa dịu tình hình, đưa các bên đến sự hợp lý thông qua các cuộc hòa giải không nhất thiết phải công khai, bởi vì những cuộc hòa giải công khai sẽ không bao giờ có tác dụng.
Chúng ta cần sự hỗ trợ, lên án mọi hình thức bạo lực, cô lập những kẻ bạo lực và nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được lệnh ngừng bắn. Bởi vì chừng nào vũ khí còn lên tiếng thì sẽ không thể nghe thấy những giọng nói khác.