Ngày 14-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Têrêxa Avila - một tâm hồn nhậy cảm
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:24 14/10/2011
Ngày 15.10.2009, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống lần đầu đến thăm Cộng đoàn Cát minh Hiệp Đức. Cộng đoàn là chi nhánh của Đan viện Biển Đức Sài gòn. Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã mời gọi các Nữ tu Dòng Kín về Phan thiết lập cộng đoàn từ hơn mười năm qua. Lắm gian lao, nhiều vất vả mới có được cơ sở như hôm nay. Với khuôn viên rộng 2,5ha, vườn cây ao cá, kín cổng cao tường, nơi đây thật lý tưởng để sống đời chiêm niệm.

Nhân ngày lễ kính Thánh Têrêxa Avila, bổn mạng Cộng đoàn, Đức cha dâng lễ đồng tế với các cha trong giáo hạt Hàm thuận nam.

Giảng trong thánh lễ, Ngài chia sẽ tính cách nhạy cảm của tâm hồn Thánh Têrêxa.

Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêxa Avila, có một trruyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ. Đó là truyện “hèn chi Chúa có ít bạn”. Chắc nhiều người đã biết ? Truyện kể: trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá.

Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn không uống. Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước.

Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ. Chúa Giêsu dỗ dành: “con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gởi cho họ Thánh Giá sao?” và thánh nữ trả lời: “hèn chi Chúa có ít bạn”. Vâng, chỉ với mẫu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêxa Avila. Đó là sự nhạy cảm.

1. Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa:

Đọc phúc âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “ Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cở này, đó là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dẫn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử nữa kìa. Thánh Gioan tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của ông, nhưng với Têrêxa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tiền, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.

Trên bức tượng ” Ecce Homo – này là người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêxa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng với tình yêu của Chúa dành cho mình. Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là ” lấy tình yêu đáp trả tình yêu”, và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không có gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.

Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêxa là con đường: “ bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.

2. Nhạy cảm trước tội lỗi của con người

Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêxa bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.

Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô. Phản bội trong thương trường được coi là mánh mung. Nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất. Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “ anh lấy cái hôn mà nộp con người sao?” (Lc 22, 48) vì Giuđa là kẻ phản bội. Và trong truyện “ hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêxa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà là vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.

Rõ ràng, Têrêxa là một tâm hồn nhạy cảm. Từ nhảy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “ phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêxa tự nhiên nhảy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng. Hóa ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn trước sự khốn cùng của tội lỗi con người.

3. Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh Giá.

Đã có lần Chúa Giêsu bảo “ không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gá đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài. Vâng, “ yêu ai yêu cả đường đi”. Yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh Giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.

Nếu “ yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày. Như lương thực hằng ngày của “ Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo. Đó là đường tình yêu. Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh Giá, đường thương khó.

Đó, “ yêu Chúa” nói và hát thì dễ nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhảy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều. Chú chúng ta kì lắm. Người yêu những kẻ đóng đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người cây Thánh Giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời. Bằng một tâm hồn nhảy cảm thánh đức, Têrêxa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.

Tóm lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh Giá, hy vọng đã có một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản chân dung của một vị thánh lớn, Thánh Têrêxa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát Minh thế kỉ XVI tại Tây Ban Nha, vị Tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết mọi người.

Xin nhờ lời chuyển cầu của Ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành yêu mến thánh nữ, được luôn nhảy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kì diệu có khả năng thiêu hủy tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với tình yêu thánh hóa, cho dẫu trước mắt vẫn còn ngổn ngang những Thánh Giá của mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng. Mong rằng câu nói “ hèn chi Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang chờ sự đáp ứng, để mỗi khi mọi người đều trở nên nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêxa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày vui vẻ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.

Ơn gọi Dòng Cát Minh là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Các nữ đan sĩ sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và sự mật thiết với Đức Maria. Cầu nguyện và chiêm niệm các thực tại thần linh. Thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Cộng đoàn huynh đệ nhỏ, được thiết lập trên nền tảng cô tịch, nguyện gẫm và khó nghèo triệt để. Do vậy, việc tông đồ của Dòng Cát Minh là thuần tuý chiêm niệm hệ tại ở cầu nguyện và hy sinh với Giáo Hội và cho Giáo Hội, không có các hình thức hoạt động bên ngoài.

Đúng theo lý tưởng Mẹ Thánh Têrêsa, Đấng cải tổ Dòng, các nữ đan sĩ sống đời chiêm niệm hướng về Giáo Hội trong sự hài hoà giữa bầu khí cô tịch và thinh lặng, lấy lòng mến Chúa làm trung tâm và lấy tình bác ái huynh đệ hiệp với sự từ bỏ quảng đại theo tinh thần Phúc Âm làm quy luật.

Đôi nét lịch sử

- Đời sống đan sĩ có nguồn gốc từ thời tiên tri Êlia sống trên núi Carmel (Năm 854 trước Công Nguyên)
- Đến năm 1247, Đức Giáo Hoàng Innocente IV đã phê chuẩn quy luật tiên khởi Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh.
- Sau cơn dịch, tiếp đến chiến tranh đói kém tại Châu Au năm 1347, sức khoẻ con người suy yếu, dần dà đời sống tinh thần trong Đan viện cũng lỏng lẻo, nên các đan sĩ đã sống theo Luật Dòng Cát Minh giảm chế. - Đến thời Thánh Têrêsa vào thế kỷ XV, vì muốn hoàn toàn thuộc về Chúa và sống cho Ngài, để cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm đã thoái hoá và chống lại nhóm ly khai, nên Thánh Têrêsa đã cùng một số chị em say mê lý tưởng tu kín đi thành lập Dòng Cát Minh Cải Tổ đầu tiên tại thành Avila ngày 24 tháng 8 năm 1562.Đến năm 1585, nhóm Cải tổ đã tách ra thành Tỉnh Dòng tự trị với tên: “L’Ordre Des Carmes Déchaussées” (OCD)
- Năm 1604: Dòng Cát Minh cải tổ được thành lập tại Pháp.
- Carmel Lisieux (Pháp) đã lập Dòng Cát Minh Sài Gòn là Đan viện Cát Minh đầu tiên tại Việt Nam năm 1861, do Mẹ Philomène de L‘ Immaculée Conception.
- Sau đó, Dòng Cát Minh Sài Gòn đi lập Dòng Cát Minh Hà Nội (1895).
- Dòng Cát Minh Hà Nội lập Dòng Cát Minh Huế (1909) và Dòng Cát Minh Bùi Chu (1923)
- Dòng Cát Minh Huế lập Carmel Jalo Iloilo (1923) ở Philippines, Carmel Cholet (1925) ở Pháp và Dòng Cát Minh Thanh Hóa (1929) tức là Dòng Cát Minh Nha Trang bây giờ.
- Tháng 04/1975, hoàn cảnh đất nước đang biến động. Các Dòng tu ở Huế đều di tản vào Nam để tránh bom đạn. Dòng Cát Minh Huế cũng vào Sàigòn và định cư tại Giáo xứ Bình Triệu. Vì thế, Dòng được gọi là “Đan viện Cát Minh Huế – Bình Triệu”. Nhờ hồng ân Chúa, ơn gọi ngày càng phát triển theo dòng thời gian. Năm 1996, Đan viện có gần 40 nữ tu.
- Ngày 17-04-1996, Mẹ Bề Trên M.Thérèse Consolata đã đưa 12 nữ tu trở về Huế để tái thiết Đan viện Huế. Trong thời gian này, Đan viện đã nhận thêm nhiều ơn gọi.
- Tháng 3 năm 1998, khi Đan viện Cát Minh Huế đã ổn định, Toà Thánh gởi sắc chỉ công nhận Đan viện Cát Minh Bình Triệu được chính thức thiết lập qua sự chấp thuận của Đức Tổng Giam Mục Sài gòn - ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Từ nay, Đan viện Cát Minh Huế và Cát Minh Bình Triệu là hai đan viện khác nhau.

Vẻ đẹp chiêm niệm

Thánh Kinh luôn ca tụng vẻ đẹp núi Cát Minh, nơi tiên tri Êlia đã chiến đấu bảo vệ niềm tin của dân Israel đối với Thiên Chúa hằng sống. Ở đó, bên dòng suối mang tên của Vị Tiên Tri, bắt đầu từ thế kỷ XII trở đi, một số đan sĩ đã đến lập Dòng và xây cất một nguyện đường kính nhớ Mẹ Thiên Chúa và đã xin Giáo Chủ Giêrusalem một quy luật để sống. Chính vì thế mà họ được gọi là đan sĩ Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Các đan sĩ này đã chọn Đức Maria làm quan thầy, chẳng những cho thánh đường mà còn cho cả cộng đoàn, coi Người như Mẹ và gương mẫu hướng dẫn đời sống tu trì. Lễ này được cử hành đó đây từ thế kỷ XIV, lần hồi đã lan rộng ra cả Dòng ở khắp nơi như biểu hiện lòng tri ân của con cái trong Dòng về bao phúc lộc mà Mẹ Thiên Chúa đã ban cho gia đình Cát Minh của Người.

Ngoài lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh là lễ chung cho cả Hội Dòng, mỗi Đan viện còn có một Thánh Quan Thầy riêng:

Đan viện Sài Gòn: Thánh Cả Giuse
Đan viện Bình Triệu: Đức Mẹ Núi Cát Minh
Đan viện Nha Trang: Chúa Kitô Vua
Đan viện Huế: Mẹ Thánh Têrêsa

Nhờ sự hiệp nhất trong bác ái, các nữ đan sĩ luôn sống vui tươi và bình an trong Tình Yêu Chúa. Mỗi ngày sống kết hiệp thâm sâu hơn với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và Mẹ Maria. Cuộc sống hàng ngày thầm lặng đơn sơ bé nhỏ. Đời sống cầu nguyện chiêm niệm và hy sinh được nối kết với một tình yêu lớn lao dành cho Thiên Chúa, Giáo Hội và các linh hồn. Sống đời đan tu, thầm lặng mà sâu lắng trong chiêm niệm và hy sinh.
 
Hôn nhân Công giáo (2)
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:27 14/10/2011
HÔN NHÂN GIÁO GIÁO (2)

Đời sống hôn nhân gia đình ngày nay đang bị khủng hoảng cả ngoài đời lẫn trong đạo. Khi đối diện với sự bất đồng không giải quyết được trong đời sống hôn nhân gia đình, có nhiều cặp vợ chồng đã cắt đứt giây liên hệ hôn nhân qua việc ly dị. Sau đó họ tìm cách làm lại cuộc đời bằng một mối liên hệ mới. Một trong những những vần đề nhức nhối là hầu hết các mối giây liên hệ mới đều gây nên những ngăn trở mà chúng ta cần phải giải quyết.

Giáo Hội Công Giáo luôn nhìn nhận đời sống hôn nhân dưới một cách nhìn thánh thiện. Nhất là khi hôn nhân theo luật tự nhiên đã được nâng lên hàng Bí Tích. Chúa Giêsu đã xác nhận sự bất khả phân ly của hôn nhân khi Ngài nói: Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."(Mt 19,6).

Con người vì sự yếu đuối hoặc vì thiếu hiểu biết và đôi khi đã làm những lầm lỗi sai trái gây nên sự đổ vỡ hôn nhân gia đình. Trong một số điều kiện nào đó, Giáo Hội nhận diện và phân biệt giữa những cuộc hôn nhân thành sự và không thành sự. Trong một số những trường hợp (cases) Giáo Hội cũng xét thấy hôn nhân bất thành và vô hiệu vì sự ngăn trở ngay từ đầu.

Ngăn trở giây hôn phối hay tiền hôn nhân có nhiều loại khác nhau. Chúng ta cần phân biệt các mối giây liên hệ hôn phối này. Hôn nhân giữa hai người:

1. Một người công giáo lập gia đình với một người công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
2. Một người công giáo lập gia đình với một người đã được Rửa Tội (Christian) ngoài Đạo Công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
3. Một người công giáo lập gia đình với một người chưa được rửa tội (non-baptized) ở tòa đời.

a. Một người Tin Lành (đã được rửa tội) lập gia đình với một người Tin Lành (đã được rửa tội) ở tòa đời hoặc trong nhà thờ hoặc nơi công cộng. Hôn nhân này thành sự.
b. Một người Tin Lành (đã được rửa tội) lập gia đình với một người (chưa được rửa tội) ở tòa đời hoặc trong nhà thờ hoặc nơi công cộng. Hôn nhân này ràng buộc tự nhiên.

4. Hai người chưa được rửa tội (non-baptized) lập gia đình tại tòa đời hoặc tại Chùa chiền.

Thời gian sau, ly dị để một trong hai người này muốn lập gia đình với một người công giáo. Người đó ước muốn rửa tội hoặc đã rửa tội (Công Giáo hoặc Tin Lành), hoặc (không rửa tội) để lấy người Công Giáo. Trường hợp này sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến Đặc quyền của thánh Phaolô và thánh Phêrô.

a. Đặc quyền của thánh Phaolô (Pauline privilege).

Thánh Phaolô luôn khuyên dạy giáo hữu sống tốt trong đời sống vợ chồng. Ngài nhắc nhở các tín hữu thành Corintô rằng: Còn với những người khác, thì tôi nói, chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh (1 Cor 7.12-14).

Đặc quyền thánh Phaolô là giúp hóa giải những hôn nhân tự nhiên và không phải là bí tích. Đặc quyền này không phải là công thức đơn giản. Có một số hôn nhân không thánh thiêng ngay từ khởi đầu, những cuộc hôn nhân này (không có người nào trong hôn nhân này là Kitô hữu hay Công Giáo). Họ sống đời hôn nhân, thời gian sau, họ ly dị và một trong hai người trở lại và được rửa tội và vấn đề được đặt ra: Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau!( 1 Cor 7,15).

Sự hóa giải hôn nhân đã được kết giao trước, khi một trong hai người trở lại và rửa tội, sự việc không xảy ra chỉ vì sự tách rời của vợ chồng, nhưng chỉ khi có sự kết hợp hôn nhân mới do người tín hữu cầu xin đặc ân này. Đặc quyền của thánh Phaolô khác với tiêu hôn (annulment), bởi vì nó hủy bỏ hôn nhân thật nhưng tự nhiên. Tiêu hôn (annulment) là công bố rằng hôn nhân bất thành ngay từ đầu.

Giáo hội Công Giáo công nhận mọi hôn nhân đã thành lập là thành sự (valid) và hợp pháp (licit), không có vấn đề nơi đâu họ đã cử hành, đây là nguyên lý của Luật Tự Nhiên. Hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội (non-baptized) vẫn thành sự và chỉ được chấm dứt bởi cái chết của một bên.

Nên trường hợp hai người chưa rửa tội đã lập hôn nhân và chung sống, một trong hai người muốn ly dị để gia nhập đạo Công Giáo và lập gia đình với một người công giáo hay không công giáo (chưa rửa tội hay đã rửa tội nhưng không phải công giáo hoặc là người Phật giáo, Ấn giáo…). Hôn nhân này được hóa giải bởi đặc quyền của thánh Phaolô vì đặc ân đức tin của người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và lập hôn nhân mới. Họ phải xin phép chuẩn đặc quyền của thánh Phaolô. Tòa án Hôn phối Địa phận có quyền lo giải quyết vấn đề.

b. Đặc quyền của Thánh Phêrô (Petrine privilege).

Cũng như trường hợp trên, hai người chưa rửa tội lập gia đình và chung sống, một trong hai người muốn ly dị (trước đó hoặc sau này), họ không trở lại đạo công giáo nhưng muốn cưới một người công giáo. Họ cần phải lo thủ tục giấy tờ xin phép chuẩn với đặc quyền của thánh Phêrô. Tòa án địa phận sẽ gởi hồ sơ qua Tòa thánh (Holy See) để quyết định. Sau đây là một số trường hợp, chúng ta đọc từ từ từng nố một:

1. Hai người (chưa rửa tội) lập gia đình, rồi ly dị và một trong hai người muốn lập gia đình với người Công Giáo.
2. Một người đã được (rửa tội) nhưng không phải Công Giáo và một người (chưa được rửa tội) lập gia đình, rồi ly dị và một trong hai người ấy muốn lấy người Công Giáo.
3. Một người Công Giáo lấy một người (chưa được rửa tội) với phép chuẩn, rồi ly dị và người Công Giáo bây giờ muốn lấy người đã được rửa tội .
4. Một người (chưa được rửa tội) lấy một người đã được rửa tội, rồi ly dị. Và người (chưa rửa tội) được rửa tội (không thuộc Công Giáo) nhưng không ăn ở với nhau sau khi rửa tội và bây giờ muốn lấy người Công Giáo.
5. Một người (chưa được rửa tội) lấy người đã được rửa tội, rồi ly dị. Sau đó người (chưa được rửa tội) được rửa tội theo đạo Công Giáo và bây giờ muốn lấy một người đã được rửa tội .

Trong tất cả những trường hợp trên, hai yếu tố bắt buộc phải có để áp dụng đặc quyền Thánh Phêro đó là:

a. Hôn nhân đầu tiên không phải là một bí tích (không phải giữa hai người đã được rửa tội), và
b. Nếu sau đó trở thành bí tích (giữa hai người được rửa tội) qua bí tích rửa tội vì một trong hai người (chưa được rửa tội) nay được rửa tội và họ không ăn ở với nhau sau khi đã rửa tội.
(Trích từ The Pastoral Companion, a Canon Law Handbook for Catholic Ministry Third edition, Revised and Updated by John M. Huels, J.C.D)

Đặc quyền thánh Phaolô không áp dụng khi một Kitô hữu lập hôn phối với người không là Kitô hữu. Những nố này, hôn phối tự nhiên hiện hữu và có thể hóa giải vì lý do chính đáng, nên được gọi là Đặc quyền thánh Phêrô. Được gọi là Đặc quyền thánh Phêrô vì được dàng riêng cho Tòa Thánh (Holy See), và chỉ có Roma có thể ban Đặc quyền Thánh Phêrô. Chứng nhận đặc quyền này thì hơi họa hiếm. Tòa thánh hóa giải những nố đặc biệt của một khế ước hôn nhân tự nhiên, thành sự nhưng không là bí tích.

Thí dụ dễ hiểu : Một người Tin Lành đã lập hôn phối với người (chưa rửa tội), giờ lại yêu một người Công giáo. Đức Giáo Hoàng có thể hóa giải hôn phối của người Tin Lành để họ cưới người Công giáo. Điều này vì đặc ân đức tin cho vị hôn phu/hôn thê Công giáo.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã công bố một số thơ từ gởi các Giám mục nhắc nhở rằng những người Công giáo đã ly dị và đã tái hôn, không thể lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, nếu họ không có chứng từ tiêu hôn hay đã được chuẩn nhận và khẩn xin Đặc quyền của thánh Phaolô hoặc Phêrô. Đây không phải là “luật mới” của Giáo hội, nhưng xác định cách đơn giản về giáo huấn của Giáo Hội về sự bất khả phân ly của Bí Tích Hôn Phối và điều kiện cần thiết xứng đáng lãnh nhận Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa.

Cặp hôn nhân ly dị ở tòa đời không ngăn cản người Công Giáo được rước Mình Thánh Chúa, điều này giả sử họ đang sống đời sống trong sạch và trong tình trạng ân sủng không mắc tội trọng. Tuy nhiên tái hôn ngoài Giáo hội là ngoại tình và liên hệ sống chung trong tội. Họ mắc tội mỗi lần chung sống trong đời sống hôn nhân. Họ không thể nhận lãnh Bí Tích Mình Thánh Chúa.

Ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình là một ơn gọi thánh. Hai người phối ngẫu xây dựng gia đình trong hạnh phúc yêu thương, sinh sản và giáo dục con cái theo luật thánh Chúa. Đường đi thật dài và cuộc sống có nhiều chông gai. Lắng nghe lời của thánh Phaolô khuyên dạy: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3,12-14).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:35 14/10/2011
CHUYỀN HẠNH PHÚC
N2T

Có một người làm ăn buôn bán thất bại, lúc ông ta thật nghèo túng, thì có người bạn gởi đến tặng cho một chiếc nhẫn vàng rất đắt giá, nhờ chiếc nhẫn này mà anh ta tạm thời qua khỏi cơn khốn đốn.
Qua một thời gian cố gắng phấn đấu, anh ta lại khôi phục lại được tài sản như trước, anh ta muốn cảm ơn người bạn đã giúp đỡ cho anh ta, bèn đi mua một chiếc nhẫn bằng vàng khác lớn hơn đem tặng để báo ân.
Nhưng người bạn ấy từ chối và nói với anh ta: “Trước đây tôi rất chán nản thất vọng, nên có nhận một chiếc nhẫn vàng của một người giúp cho. Khi cuộc sống của tôi được cải thiện tốt, thì tôi cũng mua một chiếc nhẫn bằng vàng khác đem tặng lại người ấy, nhưng người ấy nói: “Anh đem tặng cho người cần đến nó”. Hôm nay, anh cũng nên đem chiếc nhẫn này đi tặng cho người cần đến nó vậy”.
Hôm nay chiếc nhẫn bằng vàng vẫn được chuyền đi mà không ngừng lại, để tiếp tục giúp đỡ những người cần đến nó

Suy tư:
Chia sẻ vật chất với người khác, nhất là với những người nghèo khó, bất hạnh và những người đang cần đến sự giúp đỡ, là bổn phận của những con người có lương tri, và tấm lòng vàng chính là chiếc nhẫn hạnh phúc mà người nghèo, người bất hạnh đang trông đợi nơi chúng ta.
Có một vài người lên án việc giúp đỡ người khác của giáo dân, và lên án nặng nề sỉ nhục những người xin giúp đỡ cho Giáo Hội và cho người nghèo. Vì kiêu ngạo và tham vọng cá nhân mà họ đã đánh mất cốt lõi của thiên chức làm người Ki-tô hữu là phục vụ, làm linh mục là yêu thương, và việc làm cốt yếu của phó tế là bác ái. Mà nếu Linh Mục không có tâm hồn yêu thương, Phó Tế không có tâm hồn yêu mến làm việc bác ái, người Ki-tô hữu không có tâm tình phục vụ, thì họ chỉ là những tay sai của ma quỷ đội lốt đánh phá Giáo Hội của Chúa mà thôi.
Chiếc nhẫn vàng được chuyền đi để đem hạnh phúc đến cho một người nghèo khó mà thôi, nhưng chuyền đi tấm lòng vàng của mọi người thì sẽ có rất nhiều người bất hạnh và nghèo khó tìm được hạnh phúc.
Sao lại cản trở tấm những lòng vàng đang di chuyển đến với những tâm hồn của tha nhân ?
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 29 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:37 14/10/2011
CHỦ NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 15-21.
“ Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.


Anh chị em thân mến,
Làm người, ai cũng có những bổn phận phải làm và những trách nhiệm phải chu toàn, làm người ai cũng có những cái tốt và cái xấu, ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm, bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã nói với chúng ta như sau: của Xê-da thì trả về cho Xê-da và của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa, đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ luôn trong cuộc sống của mình.

Mỗi người là một đồng tiền có hai mặt: mặt trái và mặt phải, mặt trái thì đi ngược lại với những giáo huấn Chúa Giê-su và của giáo hội, luôn xúi giục con người làm điều ác và đối nghịch lại với Thiên Chúa, luôn tìm cách hãm hại tha nhân và sống trong sự bất an. Mặt phải thì luôn muốn thực hành lời của Chúa Giê-su dạy, luôn tìm cách giúp đỡ tha nhân và sống hiền hòa với mọi người.

Mỗi người có hai bổn phận phải chu toàn: bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với xã hội. Tất cả mọi người đều có bổn phận thờ kinh Thiên Chúa –nhất là những người Ki-tô hữu- vì Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ và là Cha của mọi người, bổn phận của người Ki-tô hữu là làm chứng cho mọi người biết có một Thiên Chúa là Cha muôn loài, Ngài yêu thương hết mọi loài, và sống xứng đáng với bổn phận làm người Kitô hữu của mình. Bổn phận đối với tổ quốc, với xã hội và với những người thân cận chung quanh chúng ta, chúng ta sẽ không làm tròn bổn phận của một người Kitô hữu nếu chúng ta không chu toàn bổn phận đối với xã hội, bởi vì khi chúng ta nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh chị em thì chỉ là lời nói dối.

Của Xê-ra trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa, của Xê-da là những lo toan tính toán trong cuộc sống, của Xê-da là những đố kỵ ghen tương với người khác, của Xê-da là những tham vọng ăn trên ngồi trước.v.v...tất cả những thứ đó hãy trả lại cho Xê-da.

Của Thiên Chúa là yêu thương và phục vụ, của Thiên Chúa là chu toàn bổn phận mục tử của linh mục và tu sĩ, là chu toàn bổn phận của người Ki-tô hữu; của Thiên Chúa là lòng xót thương trước cảnh bất công đói nghèo của tha nhân, tất cả những cái đó là của Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu, hãy trả về cho Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,
Của ai thì trả về cho người ấy, nhưng trong cuộc sống chúng ta thường đi đôi với sự dữ hơn là sự lành, đi đôi với ma quỷ hơn là với Thiên Chúa, chúng ta hồi tâm lại thử xét mình xem sao, để rồi thấy được mình đã đi quá đà tự do mà Thiên Chúa ban cho để chối bỏ hoặc quên mất Thiên Chúa :

1. Tôi thích làm những gì tôi thích hơn là làm theo lời của Chúa Giê-su dạy, chẳng hạn như Ngài dạy tôi phải sẵn lòng bỏ qua những lỗi lầm của tha nhân, nhưng tôi vẫn cứ nhớ căm căm trong lòng...
2. Của Thiên Chúa là thánh lễ ngày chủ nhật và các bí tích, nhưng tôi thường lợi dụng ngày chủ nhật để đàn đúm ăn chơi, để thỏa mãn cái dục vọng con người, nên tôi bỏ cả thánh lễ, thế là tôi chỉ trả về cho Xê-da mà không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, đó là chu toàn lề luật của ngày chủ nhật...
3. Của Xê-da là tham danh tham vọng, là ham tài háo sắc, những việc ấy tôi tích cực tìm kiếm, nhưng của Thiên Chúa là khiêm tốn là nhẫn nại, là bao dung, thì tôi lại không kiếm tìm...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Hôn nhân Công giáo (1)
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:28 14/10/2011
Chúa nhật 28 quanh năm

HÔN NHÂN CÔNG GIÁO

Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự (Mt 22,8).

Suy niệm về tiệc cưới Nước Trời, chúng ta phải chuẩn bị tiệc cưới trên trần gian trước. Trong bài này, con muốn chia sẻ một vài thông tin về giáo luật liên quan đến vấn đề Bí Tích Hôn Nhân trong Đạo Công Giáo. Đại đa số giáo dân sống đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta cần được hiểu rõ hơn về một số vấn đề trong việc cử hành Bí Tích Hôn Nhân tại thánh đường.

Về ý nghĩa và mục đích của Hôn Nhân Công Giáo, chúng ta đã học biết và thông hiểu. Hôn Nhân Công Giáo là hôn nhân được Chúa Giêsu nâng lên hàng Bí Tích. Hôn nhân Công Giáo là duy nhất, trung tín và không phân rẽ. Hôn Nhân là một giao ước giữa một người nam và một người nữ, có mục đích yêu thương nhau trọn đời, nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái. Chúa Giêsu dạy phải trung tín giữ một vợ một chồng không được rẫy bỏ nhau: Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly (Mt 19,6).

Trong bài viết này, chúng ta không bàn về ý nghĩa hay mục đích của đời sống hôn nhân gia đình. Chúng ta tìm hiểu sơ lược xem những điều kiện cần có để có thể cử hành Bí Tích Hôn Nhân. Chúng ta sẽ bàn qua những sự ngăn trở, những kết hôn có giấy hôn thú, các phép chuẩn và Bí Tích Hôn nhân:

1. NGĂN TRỞ

Có những ngăn trở làm cho việc cử hành Bí Tích Hôn Phối không thành sự.

1. Về tuổi tác tùy theo Luật của mỗi Quốc Gia (Luật Giáo Hội là 14/16). Cưới nhau trước tuổi mà không có phép chuẩn.
2. Ngăn trở bất lực (Physical impotence) trước hôn phối và mãn đời. Bất lực thì hôn phối không thành sự. Bất lực khác với hiếm muộn (sterile).
3. Ngăn trở giây hôn phối. Tiền hôn nhân (Prior Marriage bond), đã có lập gia đình và giấy hôn thú (Trong Dân Luật cũng như Giáo Luật, không có từ ngữ nào dành cho Hôn Nhân giả hay ly dị giả).
4. Khác tôn giáo (Disparity of Cult), khác đạo. Cử hành hôn phối không xin phép chuẩn sẽ không thành sự.
5. Ngăn trở lời Khấn công khai và trọn đời (Sacred Orders, Solemn Vows). Lập hôn phối mà chưa giải lời khấn.
6. Bắt cóc (Abduction). Bắt ép làm hôn nhân sẽ không thành sự.
7. Ngăn trở tội ác (Crime) gây sự chết cho người phối ngẫu trực tiếp hoặc gián tiếp để lập gia đình.
8. Ngăn trở họ hàng (Consanguinity). Trực hệ (tiêu hôn và vô hiệu ở mọi đời). Bàng hệ (hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp số 4)
9. Ngăn trở họ kết bạn (Affinity). Hôn phối vô hiệu ở mọi cấp bậc trực hệ. Không thể lấy ông, bà, bố, mẹ, con trai, con gái, cháu trai, cháu gái của vợ hoặc chồng.
10. Ngăn trở họ nuôi (Legal relationship). Hôn phối bất hợp pháp giữa con nuôi, cha mẹ hay anh chị em của con nuôi.

Có thể xin Phép Chuẩn (Dispensation) hay Xin Phép (Permission) tại Tòa án Hôn Phối (Tribunal) của Địa Phận tùy theo từng trường hợp. Nên nhớ, có những luật trừ tùy nố (case) và tùy nơi, xin liên lạc với linh mục sở tại để biết thêm chi tiết.

2. HÔN NHÂN CÓ GIẤY HÔN THÚ ĐỜI

Ngăn trở giây hôn phối hay tiền hôn nhân có nhiều loại khác nhau. Chúng ta cần phân biệt các mối giây liên hệ hôn phối này. Hôn nhân giữa hai người:

1. Một người công giáo lập gia đình với một người công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
2. Một người công giáo lập gia đình với một người đã được Rửa Tội Tin Lành (Christian) ngoài Đạo Công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
3. Một người công giáo lập gia đình với một người không công giáo (non-baptized) ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
4. Hai người không công giáo (non-baptized) lập gia đình tại tòa đời hoặc tại Chùa chiền.

Thời gian sau, ly dị để một trong hai người này muốn lập gia đình với một người công giáo. Người đó ước muốn rửa tội hoặc đã rửa tội (Công Giáo hoặc Tin Lành) hoặc (không rửa tội) để lấy người Công Giáo. Trường hợp này sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến Đặc quyền của thánh Phaolô và thánh Phêrô.

a. Đặc quyền của thánh Phaolô (Pauline privilege).

Giáo hội Công Giáo công nhận mọi hôn nhân đã thành lập là thành sự (valid) và hợp pháp (licit), không có vấn đề nơi đâu họ đã cử hành, đây là nguyên lý của Luật Tự Nhiên. Hôn nhân giữa hai người không được rửa tội (non-baptized) vẫn có giá trị và chỉ được giải bởi cái chết của một bên. Nên trường hợp hai người chưa rửa tội đã lập hôn nhân và chung sống, một trong hai người muốn ly dị (trước đó hoặc sau này) để rửa tội gia nhập đạo Công Giáo hoặc Tin Lành (Christian) và lập gia đình với một người công giáo. Họ phải xin phép chuẩn đặc quyền của thánh Phaolô. Tòa án Hôn phối Địa phận có quyền lo giải quyết vấn đề.

b. Đặc quyền của Thánh Phêrô (Petrine privilege).

Cũng như trường hợp trên, hai người chưa rửa tội lập gia đình và chung sống (hoặc ít nhất một trong hai người lập hôn phối trước là chưa rửa tội). Một trong hai người muốn ly dị (trước đó hoặc sau này), họ không muốn được rửa tội nhưng muốn cưới một người công giáo. Họ cần phải lo thủ tục giấy tờ xin phép chuẩn với đặc quyền của thánh Phêrô. Tòa án địa phận sẽ gởi hồ sơ qua Tòa thánh (Holy See) để quyết định.

3. PHÉP CHUẨN

Đối với một người Công Giáo đã lập gia đình với bất cứ người nào (Rửa tội hay chưa rửa tội) và nếu không có phép chuẩn hay được phép của Giáo Hội hoặc không cử hành Hôn Phối trong nhà thờ Công Giáo đều mắc ngăn trở. Theo Luật trong đạo, họ không được thông công qua các Bí Tích trong Giáo Hội.

Muốn được hợp thức hóa Hôn Phối (convalidation) để thông công trong đời sống ân sủng của Giáo Hội, họ cần làm đơn xin Phép Chuẩn hoặc Xin Phép với Tòa Án Hôn Phối trong Địa phận. Trường hợp tiền hôn nhân với người có đạo hoặc không có đạo, cần điền đơn xin Tiêu Hôn (Declaration of Nullity), sau khi đã hoàn tất giấy ly dị ở tòa đời.

Trường hợp người Công Giáo muốn cử hành Hôn Phối trong nhà thờ nhưng hai người khác Nghi Thức tôn giáo nhưng có rửa tội thành sự (Orthodox, Eastern Rite, Christian..) cần điền đơn để xin Phép (Permission for Mixed Marriage). Hôn nhân khác Đạo, không có rửa tội (Jewish, Buddhism, Muslim…) cần điền đơn để xin Phép Chuẩn (Dispensation from Disparity of Worship) tại Văn phòng Chưởng Ấn (Chancery). Trong những trường hợp trên, linh mục sở tại không có quyền chuẩn chước hay cho phép (trừ khi được chỉ định bởi đấng bản quyền).

4. BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Các cặp hôn nhân không có bất cử ngăn trở nào được tự do lập hôn phối. Cả hai người được rửa tội trong Đạo Công Giáo, đã qua các lớp dự bị hôn nhân, đệ trình các giấy tờ Rửa Tội, Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức và qua việc điều tra hôn phối (PMI. Pre-marriage Investigation). Tùy theo sự đòi hỏi của mỗi nơi, ở Hoa Kỳ, một số tiểu bang cần trình Giấy Đăng Ký Kết Hôn (Marriage license) hoặc Giấy Hôn Thú (Certificate of Marriage).

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, lễ Hôn Phối được cử hành trong thánh đường Công Giáo. Có sự hiện diện của đôi hôn phối, hai người nhân chứng và linh mục hay thầy Sáu có năng quyền hoặc được ủy quyền cử hành nghi thức Bí Tích Hôn Phối. Chính đôi hôn phối sẽ trao ban Bí Tích cho nhau. Bí Tích Hôn Phối sẽ thành sự và hợp pháp khi hai người đã hoàn tất Nghi Lễ Hôn Phối trong thánh đường và sau đó chung sống với nhau thành vợ chồng. Khi Bí Tích Hôn Phối đã thành sự, không ai có quyền tháo cởi.

Những trường hợp các cặp hôn nhân đã cử hành Bí Tích Hôn Phối trong nhà thờ đầy đủ nhưng sau này ly dị và muốn được hủy hôn. Họ có quyền nộp đơn lên Tòa Án Hôn Phối của Địa Phận để được điều tra và xét duyệt. Nếu nố hôn phối (Marriage case) đó có mắc ngăn trở hoặc thiếu xót điều chi trước khi cử hành Bí tích Hôn Phối, tòa án sẽ dựa vào Giáo Luật để phán quyết.

Trên đây con chỉ tóm tắt một số những dữ kiện căn bản của việc chuẩn bị Bí Tích hôn nhân trong Đạo Công Giáo. Xin Chúa chúc lành cho mọi gia đình đang sống trong ân nghĩa của Chúa. Xin Chúa dẫn dắt cho những ai đang trên con đường tìm kiếm sự an bình hạnh phúc được mau mắn chu toàn bổn phận sống đạo làm con Chúa.

(HNCG. 2 sẽ viết thêm về đặc quyền của thánh Phaolô và Phêrô. Nếu cần sự bổ túc hay sửa chữa gì, xin các cha giáo luật và các vị chuyên môn chỉ giáo)
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:39 14/10/2011
N2T

42. Mỗi ngày làm sạch sẽ tâm hồn mình để đón tiếp Thiên Chúa ngự vào trong linh hồn mình, thì thật là có phúc.

(Thánh Bernard)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:40 14/10/2011
NHỚ MẸ
Trời mưa, gió lạnh, thấy cụ già bán mấy bó rau bên lề đường phố, anh chợt nhớ đến mẹ già của mình ngày trước cũng thức khuya dậy sớm làm bánh, và đi bán dạo khắp cả khu vực đông dân cư của thánh phố Sài Gòn, trời mưa bán không được thì đem về cho cả nhà ăn trừ bữa.
Anh chợt đau nhói trong tim, vì mẹ anh đã mất.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám mục hồi hưu của Honduras dọa chạy đua chức Tổng Thống
Trần Mạnh Trác
10:42 14/10/2011
OTORO DE JESUS, Honduras (theo CNS) - Đức Giám mục "Đỏ" của Honduras nói rằng ngài sẽ tranh ghế Tổng Thống nếu được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cho phép.

Đức Giám Mục Luis Santos Villeda Santa Rosa de Copan sẽ ăn mừng sinh nhật thứ 75 vào tháng Mười và có kế hoạch là ngay lập tức sẽ nộp đơn từ chức lên Tòa Thánh theo giáo luật. Sau khi việc từ chức được chấp thuận và ngài được giải thoát khỏi mọi trách nhiệm giám mục, Đức Giám Mục Santos cho biết ngài sẽ chạy đua vào chức vụ Tổng Thống với danh nghĩa là ứng cử viên cấp tiến của Đảng Tự do, là đảng của Tổng Thống Manuel Zelaya đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2009.

"Tôi không thực sự mong muốn trở thành tổng thống của Honduras. Đây không phải là lý tưởng của tôi", Đức cha Santos tuyên bố.

Ngài cho biết đã từng được giới lãnh đạo Đảng Tự do yêu cầu ứng cử nhiều lần, lần đầu vào năm 1990, lần nữa vào năm 2009, nhưng ngài đã từ chối cả hai lần.

"Nhưng bây giờ thì tôi sẽ nghỉ hưu giám mục, tôi hy vọng nói chuyện với Đức Thánh Cha và được Ngài cho phép. Tôi sẽ không còn là giám mục hoặc đảm trách bất kỳ chức vụ nào trong Giáo hội, nhưng là một linh mục, tôi vẫn có thể cử hành Thánh Lễ riêng mỗi buổi sáng trước khi xuất hiện tại văn phòng tổng thống vào lúc 8 giờ", ĐGM Santos cho biết.

Đức Giám mục Santos từ lâu đã công khai ủng hộ Đảng Tự do, đảng có lá cờ mầu đỏ, cho nên người ta đặt một biệt danh cho ngài là Giám Mục 'Đỏ'. Ngài là một đối thủ gay gắt chống lại cuộc đảo chính năm 2009, chính kiến của Ngài mâu thuẫn với Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga ở thủ đô Tegucigalpa, là người ủng hộ cuộc đảo chính.

Nhiều nhà phân tích cho rằng vì hổ trợ cho cuộc đảo chính cho nên Đức Hồng Y bị thất bại về mặt chính trị, Đức Hồng y không còn thường xuyên xuất hiện nơi công cộng. Trái lại, Đức Giám mục Santos vẫn có nhiều người ngưỡng mộ, mặc dù giáo phận của ngài ở một nơi hẻo lánh tận miền Tây, là nơi có nhiều cộng đồng nghèo nhất của Trung Mỹ. Ngài là một người nhiệt tình ủng hộ phong trào đối kháng, một liên minh lỏng lẻo của các nhóm dân sự chống đối lại chính phủ đảo chính.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với một ứng cử viên giám mục.

"Quyết định của một vị giám mục tham gia vào chính trị, dù là sau khi đã về hưu, sẽ làm thiệt hại đến Giáo hội và thiệt hại cho nền chính trị," theo ý kiến của linh mục Ismael Moreno dòng Tên, giám đốc đài phát thanh Progreso, một cơ sở liên hệ chặt chẽ với cánh Tả của Honduras.

"Chính trị ở vùng này từng có một lịch sử dựa vào hàng giáo sĩ. Vì vậy, khi một giám mục hay một linh mục quyết định tham gia vào chính trị, điều đó không giúp chúng ta vượt qua được vết xe lịch sử để tiến tới một nền văn hóa chính trị dân sự."

"Và nó sẽ làm thiệt hại cho Giáo hội vì ngài không phải là một vị giám mục có tinh thần đoàn kết, trái lại, ngài thích đối đầu. Vì vậy, nó sẽ gây chia rẽ người Công giáo nhiều hơn nữa, không chỉ vì lý do đấu tranh cho người nghèo, nhưng thêm vào là lý do đảng phái chính trị. Nó sẽ làm tổn hại thanh danh của nhiều giáo dân, là những người đang đấu tranh để phục vụ cộng đồng nhưng không quan tâm tới việc chia chác quyền lực. Nó sẽ làm cho nhiều người trong chúng tôi trông giống như đang tham gia vào một cao trào xã hội vì chúng tôi quan tâm đến quyền lực cá nhân," Cha Moreno nói.

Bà Thelma Mejia, một nhà báo và là phân tích gia chính trị độc lập ở Tegucigalpa, đưa ra ước tính về khả năng của ĐGM Santos được bầu làm tổng thống:

"Dù cho ngài được sự ủng hộ của Đảng Tự do, ngài không có nhiều hy vọng bởi vì ngài thích bút chiến, và thường xuyên có lập trường đối đầu. Người Honduras nói chung không thích đối đầu, và kể từ sau cuộc đảo chính, chúng tôi thậm chí còn chán ngán các việc đối đầu," bà nói.

Bà Mejia cho biết nhiều cuộc thăm dò cho thấy hơn 50% dân Honduras tự nhận là ôn hòa, giữ thái độ độc lập với cả hai bên Tự do và Quốc gia, là những phe phái thống trị chính trường gần một thế kỷ qua.

"Chúng tôi đang cần một chính khách có khả năng thu hút số ôn hòa này, để có thể thực hiện các thay đổi cần thiết. Và cho tới bây giờ thì vẫn không thấy có ai từ phe chống đối hoặc từ phía lưỡng đảng truyền thống có thể làm được điều đó," bà nói.

Đức Giám mục Santos bác bỏ quan điểm cho rằng lãnh tụ của giáo hội nên đứng bên ngoài chính trị đảng phái.

"Thật là tiện lợi cho bọn giàu khi giáo hội đứng bên ngoài chính trị, bởi vì như vậy thì chúng có thể ngược đãi và ăn cắp của người nghèo mà không có ai dám phản đối kể cả giáo hội. Chúng sẽ hạnh phúc lắm bởi vì không còn có một linh mục nào dám lên tiếng phàn nàn... Và nếu có một linh mục nào đó mở miệng, chúng sẽ gắn ngay cái nhãn hiệu Cộng sản cho vị ấy", Đức Giám mục Santos giải thích.

"Tại sao tôi tham gia vào chính trị? Bởi vì chính trị đã làm hại dân nghèo", vị giám mục tự trả lời.

Ngài cho biết hầu hết các giám mục Công Giáo ở Honduras giữ im lặng về các vấn đề chính trị bởi vì họ là người nước ngoài.

"Nếu họ can thiệp vào chính trị nội bộ của Honduras, họ có thể bị truất quyền cư trú và như vậy, họ phải giữ im lặng. Nhưng chính vì cái gọi là 'chính trị' mà người nghèo trở thành nghèo, vì nó mà các phòng khám và bệnh viện không có thuốc, nó cướp tiền của vùng thôn quê. Chính trị đang hỗ trợ nạn tham nhũng tràn lan ở Honduras, là một giám mục, tôi không thể không quan tâm đến sức khỏe và sự giáo dục của trẻ em, là những kẻ bé mọn nhất trong các anh chị em tôi, "Giám mục Santos cho biết.

"Đây là một đất nước phong phú, có đất đai mầu mỡ. Nhưng, còn rất nhiều bất công," ngài nói.

Ngài trích dẫn một ví dụ về việc khai thác mỏ vàng trong địa phận của ngài: Ngài nói rằng các công ty ngoại quốc chuyên chở vàng của Honduras trên máy bay trực thăng mà không đi qua hải quan.

"Họ không nộp thuế, dù chỉ là một lượng nhỏ cho cộng đồng. Người Honduras chúng tôi không thể biết có bao nhiêu công ty đã ăn cướp trắng trợn như thế và trị giá là bao nhiêu. Tại sao chúng ta lại không biết điều đó?"

Đức cha Santos cho biết ngài không quan tâm đến việc mô phỏng nhiêm kỳ tổng thống của ngài theo kiểu đức cha Fernando Lugo, một giám mục Paraguay đang làm tổng thống, "bởi vì ngài (GM Lugo) đã từ bỏ tất cả mọi thứ. Bỏ sứ mạng mục vụ để làm một vị dân cử với tư cách dân thường. Nhưng tôi vẫn là một linh mục, tuy không giữ bất kỳ chức vụ nào trong giáo hội."

Nếu ngài không đắc cử tổng thống, Đức Giám mục Santos cho biết, ngài đã có kế hoạch sẽ làm việc với các nông dân thiểu số Lenca để mở rộng cơ hội giáo dục và cải thiện chương trình tiếp thị cho nông phẩm của họ.
 
Philippines: Bổ nhiệm Tổng Giám mục mới cho Tổng giáo phận Manila
Nguyễn Trọng Đa
08:57 14/10/2011
Philippines: Bổ nhiệm Tổng Giám mục mới cho Tổng giáo phận Manila

Hiện Ngài là Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Philippines

MANILA – Ngày 13-10, Đức Cha Luis Antonio Tagle, giáo phận Imus, Philippines, đã được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Manila.

Cùng với hai Giám mục phụ tá, Tân Tổng giám mục 54 tuổi sẽ coi sóc gần ba triệu người Công Giáo của Tổng Giáo Phận Manila.

Hiện nay Ngài là Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Philippines (CBCP).

Đức Tổng Giám Mục Tagle kế nhiệm Đức Hồng y Gaudencio Rosales, người phục vụ Tổng giáo phận trong tám năm. Đức Hồng Y mừng sinh nhật thứ 79 vào tháng Tám qua, và đang chờ đợi ĐTC Biển Đức XVI chấp nhận cho nghỉ hưu.

Đức Tổng Giám mục Luis Antonio Tagle sinh ra ở Manila ngày 2-6-1957, và được truyền chức Linh mục vào năm 1982, ở tuổi 25.

Từ năm 1985 đến 1992, Ngài đã được gửi đi học ở trường Đại học Công Giáo Mỹ tại Washington DC, nơi Ngài đỗ tiến sĩ thần học.

Từ năm 1997, Ngài là thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc tế. Năm 1998, Ngài được đặt làm chuyên viên cho Khoá họp đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á.

Năm 2001, ở tuổi 44, Ngài được tấn phong làm Giám mục giáo phận Imus.

Tổng Giáo Phận Manila hiện có 2,8 triệu người Công giáo, khoảng 640 linh mục và 1.500 tu sĩ nam nữ. (ZENIT.org 13-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Sri Lanka: Hồng y Ranjith, ‘Trẻ em là món quà của Thiên Chúa, các giáo viên cần cam kết giáo dục các em’
Nguyễn Trọng Đa
09:01 14/10/2011
Sri Lanka: Hồng y Ranjith, ‘Trẻ em là món quà của Thiên Chúa, các giáo viên cần cam kết giáo dục các em’

Colombo - "Trẻ em là một món quà quý giá của Thiên Chúa dành cho các bạn chăm sóc. Các bạn cần cam kết sâu sắc để chăm sóc các em và giáo dục các em, để các em sẽ trở nên những người lớn thông minh và trưởng thành trong xã hội",- Đức Hồng y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Colombo, nói như thế với các giáo viên tại cuộc gặp gỡ do Văn phòng Giáo dục của Tổng giáo phận tổ chức.

Ngoài Hồng y Ranjith, Sứ thần Toà thánh Tổng Giám mục Joseph Spiteri và Đức Tổng Giám mục nghỉ hưu Oswald Gomis cũng đã tham dự cuộc gặp mặt, được tổ chức tại Phòng hội của trường Cao đẳng thánh Giuse, ở Colombo.

Hồng y nói: “Tôi chân thành đánh giá cao sự cống hiến của các bạn, với tư cách là giáo viên Công giáo, và khuyến khích các bạn rất nhiều hãy tiếp tục công việc phục vụ của các bạn ở bất cứ nơi nào. Vai trò của giáo viên được công nhận như là một nghề cao quý và đáng kính trọng".

Tuy nhiên, Ngài giải thích: "Đừng quên rằng mỗi giáo viên phải là một con người cầu nguyện và trong đời sống cầu nguyện này, các bạn sẽ có được sức mạnh để đáp trả các thách thức của cuộc đời các em học sinh”.

Sau giờ chầu Thánh Thể và cầu nguyện, Sứ thần Toà thánh Joseph Spiteri ban phép lành của ĐTC Biển Đức XVI cho các giáo viên.

Tiếp theo đó là một buổi lễ, trong đó một số giáo viên được trao giải thưởng vì công việc xuất sắc của họ với học sinh. (AsiaNews 13-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ai Cập: Lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Chính Thống của Mátxcơva
Nguyễn Trọng Đa
09:03 14/10/2011
Ai Cập: Lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Chính Thống của Mátxcơva

Đảm bảo việc bảo vệ các Kitô hữu bị ngược đãi

ROMA – Ngày 11-10, Đức Thượng Phụ Kirill của Mátxcơva và Toàn Nga đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính quyền Ai Cập hãy "bảo vệ các Kitô hữu ở Ai Cập", và "khôi phục hòa bình trong khu vực", theo thông báo của Tòa Thượng Phụ Mátxcơva.

Chúng ta hãy nhớ rằng ngày chủ nhật 9-10, các đụng độ xảy ra tại Cairo (Ai Cập) giữa hàng ngàn Kitô hữu Copt và lực lượng cảnh sát: đã có khoảng 30 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.

Trong sứ điệp của Toà Thượng phụ, được cơ quan thông tin quốc tế của Nga "RIA Novosti" đăng tải, vị lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga nói: “Chúng tôi lên tiếng cho anh chị em Kitô hữu của chúng tôi ở Ai Cập, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không bình thản trước sự việc xảy ra”.

Sứ điệp nói: “Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế khác, và các cường quốc thế giới, vốn có khả năng tạo ảnh hưởng trên chính sách của chính quyền Ai Cập mới, phải phản đối chống lại cuộc đàn áp các Kitô hữu, và phải làm mọi việc để khôi phục hòa bình liên tôn và an ninh trong khu vực".

Với chính quyền Ai Cập, Đức Thượng phụ yêu cầu "chấm dứt bạo lực chống lại cộng đồng người Copt cổ, các vụ sát hại Kitô hữu, sự xúc phạm các nhà thờ và những nơi thánh (...)", Ngài nhấn mạnh rằng cộng đồng Kitô hữu "lịch sử"của Ai Cập phải có quyền "tự do thực hành đức tin của mình, bảo vệ các nhà thờ cổ và xây dựng nhà thờ mới".

Các Kitô hữu Copt là một trong các cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Trung Cận Đông. Họ chiếm khoảng 10% trong 80 triệu người Ai Cập. (ZENIT.org 13-10-2011)

Phạm Kim An
 
Assisi III: Đức Thánh Cha ghi dấu ấn của ngài trên đại hội thượng đỉnh cầu nguyện lần thứ ba
Bùi Hữu Thư
15:58 14/10/2011
VATICAN CNS) – Vatican chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp gỡ liên tôn lần thứ ba để “cầu nguyện cho hòa bình” tại thành phố hành hương Assisi.

Biến cố ngày 27 tháng 10 đánh dấu việc kỷ niệm năm thứ 25 của cuộc gặp gỡ này. Cũng như năm 1986, dự trù sẽ có đại diện của nhiều giáo phái Kitô giáo và trên một chục các tôn giáo khác.

Khi triệu tập đại hội thượng đỉnh cầu nguyện này, Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định rõ ràng công trình đại kết và liên tôn của vị tiền nhiệm của ngài, là Chân Phước Gioan Phaolô II. Nhưng Đức Thánh Cha người Đức cũng vạch ra con đường riêng của ngài, với những sửa đổi và bổ túc, theo quan điểm của Vatcan, khiến cho chương trình này khó bị suy diễn một cách sai lạc.

Điều thứ nhất, các tham dự viên không cùng nhau cầu nguyện – ít ra theo cách chính thức. Họ sẽ tụ tập vào cuối ngày để im lặng suy niệm và làm chứng tá cho hòa bình.

Mặc dầu sự phân biệt giữa cầu nguyện và suy niệm có thể khó nhận biết trong cuộc gặp gỡ này, dường như Assisi 2011 sẽ không lập lại công thức của năm 1986, khi các đại biểu của mỗi tôn giáo lớn dâng một lời nguyện trong buổi cầu nguyện chung.

Chỉ mới 25 năm trước đây, các thành viên tách ra trong ngày để cầu nguyện riêng rẽ. Nhưng sự khác biệt là lần này sẽ có những lúc cầu nguyện riêng trong một nhà dòng kín, thay vì những buổi cầu nguyện công cộng trong toàn thành phố Assisi.

Năm 1986, điều sẽ khiến cho giới truyền thông đến Assisi chú ý là sẽ có những hình thức cầu nguyện riêng biệt có nhiều mầu sắc, được tổ chức ngay trong các nhà thờ Công Giáo.

Các nhà sư Phật Giáo tụng kinh theo tiếng mõ đồng. Một người Ghana theo đạo thờ thần tượng sẽ đốt lửa trong một cái ly. Một bộ lạc trưởng xứ Togo sẽ mời các linh hồn bay vào một bát nước. Một người Da Đỏ sẽ làm phép trên đầu dân chúng bằng một cái lông chim đại bàng.

Trong vài giờ. Assisi sẽ giống như một lăng kính muôn mầu linh thiêng, với những đám mây khói, những cái bùa dệt bằng lông cừu, những trống nhỏ và các áo choàng nhiều mầu sắc. Và sẽ khiến cho một số nhà phê bình có cảm tưởng là các thành phần Kitô và không Kitô được pha trộn một cách không thích hợp.

Chương trình cho cuộc gặp gỡ năm nay được phác họa để đảm bảo rằng các kinh nguyện riêng sẽ không có công chúng tham dự.

Khía cạnh thứ ba và có lẽ là thành phần độc đáo nhất của cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Benedict tại Assisi là Vatican đã mời năm vị không có đức tin nhưng nổi tiếng tham dự. Nhóm này gồm có tâm lý gia nổi tiếng người Anh, A.C. Grayling, là người đã tranh cãi về vấn đề tôn giáo có ảnh hưởng quá nhiều trên xã hội.

Vatican muốn mời họ, vì mặc dầu họ không tin nhưng họ lại tham dự tích cực vào các cuộc tranh luận về đạo lý, sự hiện hữu của Thượng Đế và chân lý. Điều này phản ảnh dự án mới của Vatican “Sân trong của người Ngoại”, tìm cách cổ võ những tranh luận giữa Kitô hữu và người ngoại giáo trên khắp thế giới.

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, đang phối trí dự án này của Rôma với năm vị không tin và các trí thức Công Giáo một ngày trước cuộc gặp gỡ. Tại Assisi, một người trong năm vị này, là tâm lý gia người Bugaria và bà Julia Kristeva, một người bênh vực phụ nữ sẽ thuyết trình trong biến cố chính của Đức Thánh Cha.

Đây là một ván bài nguy hiểm hơn là Vatican thường chơi, nhưng lại phản ảnh một ưu tiên của Đức Thánh Cha Benedict. Trong chuyến tông du mới đây của ngài tại Đức, Đức Thánh Cha đã làm cho nhiều người nghe ngài nói phải sửng sốt, khi ngài tuyên bố là những người không tin vào một Đấng Tối Cao và thắc mắc về vần đề Thiên Chúa lại gần gũi Nước Trời hơn là những người Công Giáo “thường ngày” nếu trái tim họ không được đánh động bởi đức tin.

Đức Hồng Y Ravasi nói ngày 14 tháng 10 rằng chính Đức Thánh Cha đã thúc đẩy việc mời gọi người dân ngoại tham dự tại Assisi.

Một điều khác biệt thứ tư giữa Assisi 1986 và Assisi 2011 là sứ điệp gửi cho hoàn vũ. Năm 1986, chủ đề là hòa bình thế gới; Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi một cuộc đình chiến trên toàn thế giới ngày đó, và nhiều chính phủ tại các vùng có chiến tranh đã công khai ủng hộ buổi cầu nguyện thượng đỉnh.

Chương trình của Đức Thánh Cha Benedict có vẽ rộng lớn hơn. Chủ đề của ngày này là “Hành hương cho sự thật, hành hương cho hòa bình,” và Đức Thánh Cha đã nói là ngày này sẽ đề cao trách nhiệm chung của các tín hữu là phải xây dựng một xã hội dựa trên sự thật. Một phần của trách nhiệm này, theo lời ngài nói mới đây với các đại biểu Hồi giáo, có liên quan đến việc bảo vệ gia đình dựa trên hôn nhân, tôn trọng đời sống trong mọi giai đoạn phát triển tự nhiên và cổ võ cho một công bằng xã hội rộng lớn hơn.

Đức Thánh Cha sẽ trình bầy hai bài chính tại Assisi – vào lúc mở đầu của ngày và vào lúc cuối ngày – và chương trình cũng có nhiều bài khác của các tham dự viên không là người Công Giáo. Nhưng cũng như trong nhiều biến cố khác của Đức Thánh Cha Benedict, có nhiều lúc thinh lặng: theo sau một bữa ăn thanh đạm theo kiểu Thánh Phanxicô, vào lúc thắp đèn khi mặt trời lặn, và lúc đọc kinh riêng của các cá nhân trước mộ Thánh Phanxicô.

Lập lại một cử chỉ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho buổi gặp gỡ lần thứ hai năm 2002, Đức Thánh Cha Benedict sẽ hộ tống các khách của ngài tới Assisi trên một chuyến xe lửa khởi hành từ Vatican buổi sáng và trở về ban đêm. Cũng như các sinh hoạt khác trong ngày, chuyến tầu không được dự trù là lúc truyện trò trao đổi nhưng là lúc để cầu nguyện và chiêm niệm.
 
Top Stories
Chine: Les autorités demandent à l’Eglise « officielle » de guider les catholiques «sur un chemin compatible avec la société socialiste chinoise»
Eglises d'Asie
10:15 14/10/2011
Eglises d'Asie, 14 octobre 2011 - Environ une fois par an, les autorités chinoises organisent des « sessions d’études » où sont conviés des responsables de la partie « officielle » de l’Eglise catholique en Chine afin de leur communiquer la « ligne » politique que le Parti et le gouvernement attendent d’eux. Dans les derniers jours du mois de septembre, une telle rencontre a été organisée à Ningde, ...

... dans la province du Fujian, où dix évêques, des prêtres, une religieuse et des laïcs ont écouté le message que leur a transmis un haut responsable du Front uni, cet organisme qui assure la transmission des directives du Parti et du gouvernement aux organisations de la société civile dont les religions officiellement reconnues (1). Dans le contexte créé par les récentes ordinations épiscopales illicites (2), ce message revêtait une importance certaine.

La rencontre de Ningde avait toutes les apparences d’une rencontre ecclésiale. Elle était organisée par le Comité pour l’évangélisation et la pastorale, comité épiscopal créé en décembre dernier à l’occasion de la tenue à Pékin de la Huitième Assemblée nationale des représentants catholiques. Tant l’Association patriotique des catholiques chinois que la Conférence des évêques « officiels » avaient donné leur accord à cette rencontre. Selon un compte rendu publié sur le site Internet de l’Association patriotique et de la Conférence épiscopale, dix évêques, treize prêtres, une religieuse et huit laïcs y ont pris part, et le point d’orgue de la rencontre a été le discours prononcé devant eux par Zhu Weiqun, vice-ministre du Bureau du travail du Front uni. Le ministre avait fait le déplacement de Pékin jusqu’à Ningde spécialement pour l’occasion, précise le compte rendu.

Dans son discours, Zhu Weiqun a insisté à plusieurs reprises sur la priorité que l’Eglise devait donner à la défense du patriotisme. Il a précisé que la théologie dictant la conduite de l’Eglise devait être définie « en fonction du contexte chinois » et que les fidèles devaient être amenés « à emprunter un chemin compatible avec la société socialiste chinoise ». Il a enfin affirmé que les deux autorités qui dirigent l’Eglise au plan national (l’Association patriotique et la Conférence épiscopale) « ne devaient pas laisser place à l’ambiguïté mais se montrer ferme sur le principe d’indépendance de l’Eglise ».

Aucune information n’a filtré quant aux éventuelles réactions ou commentaires suscités en réponse à ce discours chez les membres de l’Eglise présents à Ningde. On sait seulement que les participants à la rencontre ont convenu de publier prochainement un « message pastoral » à l’attention des communautés catholiques et que celui-ci aura l’évangélisation pour thème. Le P. Joseph Yang Yu, porte-parole des deux instances « officielles » de l’Eglise, a indiqué que le texte du message devrait être finalisé dans le courant du mois d’octobre et qu’il sera largement diffusé, notamment via les médias électroniques.

Selon Mgr Vincent Zhan Silu, président du Comité pour l’évangélisation et la pastorale, le message s’inspirera des nombreuses initiatives en matière d’évangélisation apparues un peu partout dans le pays et « permettra au monde extérieur de savoir que l’Eglise de Chine partage avec l’Eglise universelle le souci et la responsabilité de l’évangélisation ». Natif de la ville de Ningde, âgé de 50 ans, Mgr Zhan Silu est évêque « officiel » du Mindong, dans le Fujian ; ordonné sans mandat pontifical le 6 janvier 2000, il est l’un des vice-présidents de la Conférence des évêques « officiels » de Chine.

Parmi les dix évêques présents à la rencontre de Ningde figuraient trois évêques illégitimes, dont Mgr Zhan Silu et Mgr Joseph Ma Yinglin, évêque de Kunming et président de la Conférence des évêques « officiels ».

Au sein des cercles catholiques de Chine, les commentaires sont allés bon train quant à la signification tant de la rencontre elle-même que du message à la tonalité très « patriotique » du ministre Zhu Weiqun. Un des participants de la rencontre a dit avoir été pris par surprise, la rencontre lui ayant été présentée comme devant être « une discussion et un partage d’expériences ». La présence du ministre et de représentants des autorités chinoises ne lui avait pas été annoncée et il en a ressenti de la « gêne ». Ce même participant, qui s’est exprimé de manière anonyme auprès de l’agence Ucanews (3), a ajouté que l’impact d’une telle rencontre pour les Eglises locales était limité, l’influence des structures centrales que sont l’Association patriotique et la Conférence épiscopale sur les diocèses étant faibles. Selon lui, dans certains diocèses, l’évêque, les prêtres, les religieuses et les fidèles se sont organisés pour maintenir à distance ces corps très « officiels ».

Pour certains commentateurs locaux, la présence du ministre Zhu Weiqun peut être interprétée certes comme un signe de l’importance que Pékin attache à l’ancrage « patriotique » de l’Eglise de Chine mais aussi comme une tentative des autorités centrales de soutenir un évêque très affaibli localement et placé en marge de son Eglise du fait de son illégitimité. De fait, Mgr Zhan Silu se trouve en grande partie isolé au sein d’une région, le Fujian, et d’un diocèse, son propre diocèse de Mindong, qui est un bastion de la partie « clandestine » de l’Eglise. A Mindong, on estime que neuf fidèles sur dix se rattachent à la partie « clandestine » plutôt qu’à la partie « officielle » de l’Eglise.

Selon un bloggeur de la sphère catholique chinoise, un prêtre qui a adopté le pseudonyme de « Shanren » (‘l’homme de bien’), les propos du ministre Zhu Weiqun témoignent cependant de la persistance de la volonté du gouvernement chinois à vouloir contrôler l’Eglise, et cela en dépit du discours officiel voulant faire accroire que la sphère politique est distincte de la sphère religieuse. Il s’indigne notamment de la volonté du gouvernement et des évêques qui lui sont inféodés de promouvoir des objectifs politiques sous le couvert d’une action ayant trait à l’évangélisation et au travail pastoral. Il ajoute également que « c’est faire insulte aux chrétiens de Chine que de leur dire qu’ils n’aiment pas assez leur pays et qu’ils ont donc besoin d’une association patriotique pour guider leurs pas ».

(1) Selon l’organisation constitutionnelle de la Chine populaire, le Front uni est « formé, sous la direction du PCC, par les partis démocratiques, les groupements sociaux, tous les travailleurs socialistes, tous les patriotes soutenant le socialisme et tous les patriotes soutenant la réunification du pays. Le Front uni sera consolidé et développé sans arrêt dans les activités politiques, sociales et étrangères du pays, dans la lutte pour la modernisation du pays, la sauvegarde de l’unité et de l’union nationales ».
(2) Il s’agit des ordinations pour les diocèses de Chengde en novembre 2010, de Leshan en juin 2011 et de Shantou en juillet 2011.
(3) Ucanews, 12 octobre 2012.

(Source: Eglises d'Asie, 14 octobre 2011)
 
Honduran bishop to run for office because politics 'screwed the poor'
Paul Jeffrey
10:40 14/10/2011
JESUS DE OTORO, Honduras – The "Red Bishop" of Honduras says he will run for president of the Central American nation if he gets permission from Pope Benedict XVI.

Bishop Luis Santos Villeda of Santa Rosa de Copan will celebrate his 75th birthday in November and plans to immediately submit his resignation to the Vatican, as required by canon law. Once his resignation is accepted and he is freed from the responsibilities of bishop, Bishop Santos says, he will run for president as a candidate of a progressive faction of the Liberal Party, whose last president, Manuel Zelaya, was deposed in a 2009 coup.

"I don't aspire to be president of Honduras. This isn't my idea," Bishop Santos told Catholic News Service.

He said he was first asked by Liberal Party leaders in the 1990s, and again in 2009, to become a candidate, but both times he declined.

"But now that I'm retiring as bishop, I hope to speak with the pope and get his permission. I would no longer be bishop or have any church office, but would remain a priest. I could celebrate Mass privately in the morning before showing up in the presidential office at 8 a.m.," Santos said.

Bishop Santos has long been a public supporter of the Liberal Party, whose red flag contributed to his nickname. He was also a strident opponent of the 2009 coup, a position that put him at odds with Tegucigalpa Cardinal Oscar Rodriguez Maradiaga, who backed the coup.

Analysts say the cardinal's support for the coup cost him political capital; the cardinal is seen much less often in public these days. Bishop Santos, on the other hand, remains highly visible, despite his remote western diocese, which includes some of the poorest communities in Central America. He has been an enthusiastic supporter of the Resistance, the loose-knit coalition of civil groups opposing the government since the coup.

However, not everyone would be pleased with a Bishop Santos candidacy.

Bishop Luis Santos Villeda of Santa Rosa de Copan, Honduras, distributes Communion in Masaguara on Oct. 4. (CNS photo/Paul Jeffrey)"The decision of the bishop to get involved in politics after stepping down as bishop does damage to the church and damage to politics," said Jesuit Father Ismael Moreno, director of Radio Progreso, a station closely identified with the Honduran left.

"Politics here is historically closely linked to clericalism. So when a bishop or priest decides to participate in partisan politics, that doesn't help us move toward a political culture of citizenship," said Father Moreno.

"And it would damage the church because he's not a bishop of unity, rather, he has fostered confrontation. So it would divide Catholics even more than they're divided now, and not in the name of the struggle of the poor, but rather in the name of party politics. That would harm those in the church who are struggling to serve the community without being interested in achieving quotas of power. It would make a lot of the rest of us look like we're participating in social movements because we're interested in personal power," Father Moreno said.

Thelma Mejia, an independent journalist and political analyst in Tegucigalpa, puts long odds on the possibility of Santos being elected president.

"While he has backing within one faction of the Liberal Party, he's not very electable given his polemical nature and his permanent confrontational stance. Hondurans in general don't like frontal confrontation, and since the coup we're even more tired of confrontation," she said.

Mejia said the polls show more than 50 percent of Hondurans identify themselves as centrist, independent of the Liberal and National parties, which have dominated the country's politics for a century.

"We need a political leader that appeals to this center, in order to carry out the change that's needed. And no one from the Resistance nor from the bipartisan tradition has yet appeared who can do that," she said.

Bishop Santos rejects the notion that church leaders should remain outside partisan politics.

"It's very convenient for the rich that the church remains outside of politics, because that way they can mistreat and steal from the poor without the church protesting. They're happy because no priest will complain. And if one does, they label him a communist," Bishop Santos said.

"Why do I get involved in politics? Because it is politics that has screwed the poor," the bishop said.

He said most Catholic bishops in Honduras have remained quiet on political matters because they are foreigners.

"If they intervene in the internal politics of Honduras, they could lose their residency so, at the end of the day, they remain quiet. But it's politics that makes people poor, that leaves the clinics and hospitals without medicine, that robs money from the villages. It's politics that supports the rampant corruption in Honduras. As a bishop, I can't be disinterested in the health and education of the children, the least of my sisters and brothers," Bishop Santos said.

"This is a rich country, with productive land. But there's a lot of injustice," he said.

He cited the example of gold mining in his diocese: He said foreign companies fly the gold out of Honduras on helicopters without passing through customs.

"They don't pay taxes on this, just a small amount to the municipalities. We Hondurans don't know how much the companies take away or what it's worth. Why don't we know this?"

Bishop Santos said he has no interest in modeling his possible presidency after that of Fernando Lugo, the Paraguayan bishop-turned-president, "because he gave up everything. He left the ministry behind and was elected as a layperson. I'm going to remain a priest, but without any position within the church."

If he is not elected president, Bishop Santos said, he plans to work with Lenca indigenous farmers in expanding educational opportunities and developing better marketing for their crops.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin tức từ Tòa Giám mục Kontum
GM Kontum
10:58 14/10/2011
Kon Tum, ngày 14 tháng 10 năm 2011

Kính gửi: Gia đình Giáo phận Kon Tum.

Anh chị em thân mến,
Tạ ơn Chúa đã thương ban cho anh em Linh mục trong Giáo phận đã có những ngày Tĩnh Tâm Năm sốt sắng và tích cực. Cám ơn anh chị em đã hiệp thông qua lời cầu nguyện, qua hy sinh và còn có cả một Phái đoàn Chức Việc, Yao Phu cùng đại diện các đoàn thể đến thăm và chúc mừng. Tất cả đều là hồng ân Chúa ban.

Hôm nay quý Cha “lên đường” trở về nhiệm sở để phục vụ anh chị em. Xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện và hợp tác với các ngài hầu đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân như lệnh Chúa truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Xin Chúa ban cho các ngài được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần để phục vụ anh chị em và tha nhân qua đời sống hiền lành và khiêm nhường được nuôi dưỡng dồi dào bằng Lời và Mình Thánh Chúa.

Đặc biệt xin anh chị em cộng tác với các ngài trong các lãnh vực đào tạo ơn gọi dâng hiến, trong việc chăm lo giáo dục giới trẻ để giáo phận ngày mai có những người con trưởng thành hài hoà và là những nhà thừa sai nhiệt thành.

Tôi cũng xin gửi tới anh chị em một vài tin tức trong Giáo phận để cùng nhau cầu nguyện và cảm tạ Chúa:

1. Tân Linh mục Tổng Đại Diện: Tôi vừa bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, cha xứ Thăng Thiên, làm Tổng Đại Diện, thế chỗ Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên mới qua đời hôm 24.7.2011 vừa qua. Xin anh chị em cầu nguyện cho các ngài.

2. Mừng Mẹ Măng Đen: Lịch Phụng Vụ Giáo Phận ghi ngày 09.12, nhưng sát ngày 08.12, lễ Mẹ Vô Nhiễm, nên nhiều anh chị em xin dời ngày. Năm nay sẽ dời đến ngày 12.12.2011 (Thứ Hai). Bắt đầu từ năm 2012 trở đi, chúng ta sẽ mừng trọng thể vào ngày 15.09, ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Rất phù hợp với tượng ảnh Mẹ Măng Đen.

3. Truyền chức Phó tế và Linh mục: Tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho Quý Thầy:

1) Thầy Gioan Nguyễn Nhơn,
sinh ngày 31-05-1960, thuộc giáo xứ Xuân Đường, Giáo phận Xuân Lộc,
hiện thường trú thôn 5, xã Ia Băng, Huyện Đăk Đoa, Tỉnh Gia Lai.

2) Thầy Hiêrônimô Trần Văn Trạch,
sinh ngày 22-04-1971, thuộc giáo xứ Quỳnh Ngọc, Giáo phận Ban Mê Thuột.
Hiện thường trú tại thôn 3, Xã Ia Hlốp, Huyện Chư Sê, Tỉnh Gia Lai.

3) Thầy Phaolô Phạm Đức Vượng,
sinh ngày 28-01-1965, thuộc Giáo xứ Hà Nội, Giáo phận Xuân Lộc.
Hiện thường trú tại thôn Tiên Sơn, Xã Tân Sơn, Tp. Pleiku, Tỉnh Gia Lai.

chuẩn bị lãnh nhận chức Phó tế và Linh mục. Theo lương tâm, nếu có điều gì không phù hợp để lãnh nhận các chức thánh, xin anh chị em báo ngay cho Toà Giám Mục, chiếu theo Giáo Luật số 1043 đã ghi rõ: "Nếu biết có những ngăn trở lãnh nhận chức thánh, các Kitô hữu buộc phải trình báo cho Đấng bản quyền hay cho cha sở trước ngày truyền chức". Địa chỉ Toà Giám mục, 146 Trần Hưng Đạo, Tp. Kontum ; Điện thoại : (060) 3862372, 0913408451 - email: tgmktum@gmail.com, davitvn@gmail.com.

4. Xây dựng trụ sở II của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Như anh chị em biết, cho tới nay Hội Đồng Giám Mục VN chưa có một chỗ nào để làm việc. Các Ủy ban cũng không có chỗ đặt văn phòng. Hội Đồng Giám Mục đã quyết định kiếm một khu đất rộng và xây dựng đợt đầu trụ sở II tại Miền Nam, trong khi hy vọng sau đó có thể xây trụ sở I ngoài Miền Bắc. Chi phí kiếm đất và xây dựng khá lớn. Mong tất cả anh chị em góp phần. Đổ đồng mỗi đầu người là 5000 đồng. Vậy xin quý Cha nhắc nhở và đón nhận phần đóng góp gửi về Cha Quản Lý trước Mùa Vọng sắp tới. Anh chị em nào có khả năng, xin vui lòng rộng tay giúp đỡ thêm. Tất cả tuỳ hảo tâm của anh chị em.

5. Sau cùng, khai triển Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010. Tạ ơn Chúa, Giáo hội Việt Nam vừa sống một Năm Thánh sốt sắng. Các suy tư và cảm nghiệm ơn thánh Chúa đã được đúc kết trong Thư Chung với chủ đề: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Xin anh chị em đọc, suy, trao đổi trong gia đình, trong xứ Đạo, giữa bạn bè để biết đem ra thực hành ngay trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Cần đưa ra những việc làm thiết thực theo ánh sáng của Thư Chung trong mối hiệp thông huynh đệ cũng như trong sứ mạng đem Tin Mừng yêu thương và sự sống thấm nhập xã hội hôm nay.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn trợ giúp.

Hiệp thông trong tâm tình tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa,

Giám mục giáo phận Kon Tum
 
Giáo xứ Bình Lợi: Tạ ơn Lòng Chúa Thương Xót
Trầm Thiên Thu
11:00 14/10/2011
BÌNH LỢI (Gia Định) – Chiều thứ Sáu, 14-10-2011, Giaó xứ Bình Lợi tổ chức lễ tạ ơn Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) theo luân phiên của Giáo hạt Gia Định (TGP Saigon). Các ban chấp hành của 13 giáo xứ trong giáo hạt cũng về tham dự.

Gx Bình Lợi là một giáo xứ nhỏ, tọa lạc trên đường Bình Lợi (Nơ Trang Long nối dài), thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, có khoảng hơn 700 giáo dân, nhưng dân lao động nhập cư đông, tính chung con số lên tới khoảng 1.000 người Công giáo thường sinh hoạt tại giáo xứ. Linh mục quản xứ là Vinh sơn Ngô Minh Tân. Gx Bình Lợi có 3 ca đoàn và 4 hội đoàn: Cộng đoàn LCTX, Legio, Huynh đoàn Đa Minh, và Huynh đoàn Thánh Thể. Gần khu vực nhà thờ có vài trụ sở các dòng nữ, các nữ tu tham gia dạy giáo lý và cho rước lễ. Mỗi tháng trung bình có trên dưới 10 tân tòng, và hầu như tuần nào cũng có lễ cưới.

16:00 bắt đầu rước Linh ảnh LCTX, sau đó lần Chuỗi LCTX và chầu Thánh Thể. Được biết năm ngoái chỉ có 8 giáo xứ (thuộc giáo hạt Gia Định) có cộng đoàn LCTX, nhưng năm nay cả 13 giáo xứ đều đã có cộng đoàn LCTX. Đây là tin vui đối với giáo hạt Gia Định và TGP Saigon nói riêng, và đối với giáo hội nói chung.

17:00 thánh lễ tạ ơn do LM Ngô Minh Tân cử hành. Có khoảng 200 người tham dự thánh lễ.

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu khuyên “đừng sợ ai, chỉ sợ Thiên Chúa”. Sợ Thiên Chúa là dĩ nhiên, nhưng đôi khi chúng ta cũng phải “sợ” chính mình, vì chính mình ỷ lại nhiều thứ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không là thẩm phán nghiêm khắc mà là một thẩm phán đầy Lòng Thương Xót. Ngài rất bình dân. Ngài thương xót nhân loại đến nỗi Tổ phụ Abraham đối diện Thiên Chúa và quan ngại về điều sẽ xảy ra cho thành Xô-đôm. Abraham hỏi Chúa: “Chẳng lẽ ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?”. Theo sự “mặc cả” của Abraham, Thiên Chúa chấp nhận tha chết cho dân thành Xô-đôm nếu có 50, 45, 40, 30, 20 người lành, thậm chí chỉ có 10 người lành. Và vì 10 người lành đó mà Thiên Chúa sẽ tha bổng cho cả thành. Nhưng không tìm được ai công chính nên thành Xô-đôm đã bị đốt cháy (x. St 18:20-32). Đó không phải là Chúa “ác” mà vì con người sa lầy trong tội lỗi.

Ngày nay, tội lỗi nguy hiểm nhất của con người là “lương tâm chai lì”, không còn cảm giác tội lỗi, muốn loại bỏ Thiên Chúa. Đó là sa lầy, là kiêu ngạo, là cố chấp!

Biết bao ngôn sứ đã cảnh báo mà không ai nghe, đến chính Con Một Giêsu đến cũng bị người ta hành hạ và giết chết. Vì thời gian sắp hết, chính Chúa Giêsu phải mạc khải cho thánh nữ Faustina về LCTX, Ngài mong mỏi nhân loại mau chạy đến cậy nhờ vào LCTX, nếu không sẽ không còn kịp!

LM Tân nhắc nhở: “Những người đi nguyện Chuỗi LCTX mỗi ngày lúc 3 giờ chiều thì cũng đừng tưởng mình đạo đức hơn người khác, nhưng là để cầu nguyện cho chính mình và cho người khác”. Quả thật, càng đọc câu “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài” thì chúng ta càng thấy thấm thía và say mê. Câu “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới” là lời cầu nguyện đại lượng, vì không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn cầu nguyện cho người khác. Cầu nguyện cho người khác lại cũng chính là cầu nguyện cho mình: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Thánh Phanxicô Assisi).

LCTX là lòng sùng kính của thời đại chúng ta vì ngày nay con người đang tự hủy hoại mình bằng nhiều cách. Chính tiến bộ khoa học làm người ta kiêu ngạo, và chính khoa học đang hủy hoại môi trường và con người. Chúa chưa cho tận thế xảy ra mà con người lại tự tạo ra tận thế rồi!

LCTX liên quan Thánh Thể và Bí tích Hòa giải. Đó là “tam giác yêu thương” mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. “Đừng sợ” nhưng “hãy tín thác vào LCTX” ngay bây giờ, đừng trì hoãn và lần lữa!

Thật vậy, tác giả Tv 138 đã thốt lên: “Khi con kêu cầu, Chúa thương đáp lại; Chúa cao cả nhưng vẫn đoái nhìn kẻ thấp hèn”. Còn Thánh Phaolô quả quyết: “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta” (Cl 2:13-14).

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136), xin giúp chúng con biết noi gương người thu thuế và người trộm lành. Xin Ngài hãy đến “để chúng con được sống và được sống dồi dào” (x. Ga 10:10) để chúng con rao truyền LCTX, và xin giúp chúng con xác định rằng “sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:21). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Chúa của chúng con. Amen.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhân tháng Đức Mẹ, Martin Luther viết gì về ngài
Vũ Văn An
20:19 14/10/2011
Những hỏa mù do người Thệ Phản trong 500 qua tung ra về Đức Mẹ nhiều khi che mất cả những nhận định thực sự của Luther và Calvin trong lãnh vực này. Nhân tháng Mân Côi, thiển nghĩ ta nên tìm hiểu xem thực ra Luther đã viết gì về Đức Mẹ.

Thánh mẫu học của Luther được khai triển từ lòng sùng kính sâu đậm và bàng bạc của Kitô Giáo Trung Cổ đối với Đức Mẹ, một lòng sùng kính ông vốn được nuôi dưỡng và sau này minh giải như một phần trong nền thần học qui Kitô chín chắn của ông.

Về phương diện tín lý, Luther khẳng định điều được ông coi là tín lý có căn bản vững chãi trong Thánh Kinh, như chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ, còn về việc trọn đời đồng trinh và vô nhiễm thai của ngài thì được ông coi như ý kiến đạo đức nên tuân giữ với điều kiện không làm giảm con người và công trình của Chúa Giêsu Kitô. Ông luôn nhấn mạnh tới sự kiện Đức Mẹ chỉ là người tiếp nhận tình yêu và ơn huệ của Thiên Chúa. Riêng tước hiệu đấng trung gian bầu cử và cứu chuộc của Đức Mẹ thì bị ông chống đối vì theo ông, công trạng của các thánh nói chung không thêm gì vào công nghiệp cứu rỗi nhân loại của Chúa Giêsu Kitô.

Cái nhìn tổng quát

Bất chấp việc Luther tỏ ra hết sức công kích người Công Giáo trong các vấn đề liên quan tới Đức Mẹ và các thánh, phần lớn các nhà thần học đồng ý rằng Luther vẫn tuân theo các sắc lệnh về Đức Mẹ của các công đồng chung và tín điều của Giáo Hội. Ông gắn bó với tín điều Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và nhìn nhận ngài là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Người ta đặc biệt chú ý tới việc Luther vững tin vào mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, dù lúc đó, tín điều này chưa được chính thức công bố. Việc công bố này chỉ diễn ra 300 năm sau bởi Đức Piô IX vào năm 1854. Nhưng cũng có người cho rằng vào cuối đời, Luther đã thay đổi quan điểm của ông về Vô Nhiễm Thai, một điều lúc đó chưa được Giáo Hội Công Giáo chính thức phán quyết. Tuy thế, ông vẫn tin vào sự vô tội suốt đời của Đức Mẹ. Còn về việc Mông Triệu của Đức Maria, ông cho rằng Thánh Kinh không nói gì về việc ấy cả. Điều quan trọng đối với ông là tin rằng Đức Mẹ cũng như các thánh đều tiếp tục sống sau khi chết.

Công trình chính cho thấy quan điểm của Luther về Đức Mẹ là cuốn Chú Giải Về Kinh Ngợi Khen năm 1521 của ông, trong đó, ông ca ngợi sự hậu hĩnh ơn thánh mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ cũng như sản nghiệp riêng của Đức Mẹ đối với giáo huấn và gương sáng Kitô Giáo, diễn tả trong bài ca ngợi này. Suốt gần 500 năm qua, bài ca ngợi này luôn giữ một vị thế quan trọng trong nền phụng vụ của phái Luthêrô.

Mẹ Thiên Chúa

Người Luthêrô tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Con, Ngôi Thứ Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã nhập thể làm người trong lòng mẹ của Người là Maria, và vì Người “sinh ra bởi Trinh Nữ Maria” trong tư cách một ngôi vị, nên người Luthêrô luôn tin rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Theotokos.

Martin Luther từng viết rằng: “Ngài trở thành Mẹ Thiên Chúa, do vinh dự này biết bao công trình và biết bao điều cao trọng đã được ban cho ngài vượt quá sự hiểu biết của con người. Vì từ vinh dự này mà phát sinh ra mọi vinh dự, mọi chúc phúc, và địa vị độc nhất của ngài trong toàn thể nhân loại. Giữa nhân loại ấy, ngài không có kẻ ngang hàng, vì ngài có con bởi Cha trên trời, và người Con đó… Bởi thế, con người đã tóm gọn mọi vinh dự của ngài vào một chữ, xưng tụng ngài là Mẹ Thiên Chúa… Không ai có thể nói về ngài hay công bố cho ngài những điều lớn hơn thế, dù người này có nhiều miệng lưỡi như địa cầu có nhiều hoa lá cỏ cây, có tầng trời, sao sa, có biển khơi có cát hằng hà sa số. Người ta đành chỉ còn biết suy niệm ở trong lòng mới hiểu làm Mẹ Thiên Chúa nghĩa là gì” (1)

Niềm tin trên đã được phái Luthêrô chính thức tuyên xưng trong Công Thức Thỏa Thuận (Formula of Concord) ở điều VIII.24: “Về việc kết hợp ngôi vị và hiệp thông các bản tính này, Đức Maria, Đấng Đồng Trinh diễm phúc hơn hết, không chỉ mang thai một hữu thể nhân bản bình thường, mà là một hữu thể nhân bản vốn thực sự là Con Thiên Chúa tối cao, như thiên thần đã làm chứng. Người tỏ sự uy nghi thần thánh của Người ngay trong lòng mẹ Người bằng cách sinh bởi một trinh nữ mà không làm hại tới sự đồng trinh của của ngài. Bởi thế, ngài thực sự là mẹ Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh” (2).

Trọn đời đồng trinh

Một số người thuộc phái Luthêrô tin rằng Đức Maria không có con cái nào khác, và cũng không có bất cứ quan hệ vợ chồng nào với Thánh Giuse, vì họ cho rằng các người được nhắc tới như là anh em của Chúa Giêsu thực ra là anh em họ của Người (3). Điều này nhất quán với việc Luther suốt đời chấp nhận ý tưởng trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ (4), và Hartmann Grisar, một người Công Giáo viết tiểu sử về Luther, cũng cho rằng: “Luther luôn luôn tin vào sự đồng trinh của Đức Maria, ngay cả sau khi đã sinh con (post partum), như Kinh Tin Kính Các Tông Đồ vẫn quả quyết, dù sau này, ông bác bỏ quyền cầu bầu của ngài, cũng như quyền cầu bầu của các thánh nói chung, vì dựa vào các giải thích sai lầm, và đã chống lại việc tôn sùng đặc biệt, bị ông coi là cực đoan và ngoại đạo, mà Giáo Hội Công Giáo dành cho Đức Maria” (5).

Chính vì thế, ngay học giả thủ cựu nhất của phái này là Franz Pieper (1852-1931) cũng từ khước không theo khuynh hướng chung cho rằng Đức Maria và Thánh Giuse có quan hệ vợ chồng với nhau và có con sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Trong cuốn Christian Dogmatics của mình, tác giả này ngầm cho rằng niềm tin vào sự trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ là quan điểm xưa hơn và có tính truyền thống của phái Luthêrô (6).

Hiện nay, một số nhóm thuộc phái Luthêrô ở Mỹ như Lutheran Church–Missouri Synod (2.4 thành viên) hay Evangelical Lutheran Church in America (hơn 4.5 triệu thành viên) không tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, và có nhiều con với Thánh Giuse.

Vô Nhiễm Thai

Khi còn sinh thời, Martin Luther đưa ra nhiều tuyên bố trái ngược nhau về việc Đức Mẹ vô nhiễm thai. Thí dụ, năm 1532, Luther nói rằng Đức Maria được tượng thai trong tội lỗi. Nhưng năm 1544, ông lại bảo rằng: “Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn và thân xác Trinh Nữ Maria đầy Chúa Thánh Thần, đến nỗi ngài không có bất cứ tội lỗi nào, vì ngài đã thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu” (7). Và ở chỗ này nữa: “Trừ Đức Maria, mọi người đều vấy bẩn bởi tội nguyên tổ” (8). Điều này cho thấy: khi nhấn mạnh tới chức vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, Luther không ngần ngại nhìn nhận hành động đặc biệt của Thiên Chúa khi đem Đức Maria vào đời, nhưng khi nhấn mạnh tới tính phổ quát có tội của loài người, ông lại bao gồm Đức Mẹ vào hàng ngũ bình thường của mọi phàm nhân khác. Ông viết: “Mẹ Maria, giống như ta, đã sinh ra trong tội lỗi từ cha mẹ tội lỗi, nhưng Chúa Thánh Thần đã bao phủ ngài, thánh hóa và thanh tẩy ngài đến nỗi con trẻ này tuy sinh ra từ nhục huyết nhưng không có nhục huyết tội lỗi. Chúa Thánh Thần đã cho phép Trinh Nữ Maria ở trong trạng thái một hữu thể nhân bản thực sự, tự nhiên có nhục có huyết, giống hệt như ta. Tuy nhiên, Người đã xua đuổi mọi tội lỗi khỏi nhục huyết ngài để ngài trở nên mẹ của hài nhi trong trắng, không bị độc hại bởi tội lỗi như ta. Vì lúc thụ thai, ngài là một người mẹ thánh thiện đầy Chúa Thánh Thần và hoa quả của ngài là hoa quả thánh thiện trắng trong, vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật, trong một ngôi vị” (9).

Nữ vương thiên đàng

Suốt đời, Luther vẫn tin rằng Đức Maria là “Nữ Vương Thiên Đàng” và thường nhắc đến ngài dưới tước hiệu này. Có người còn nhắc tới việc ông thực hành chuỗi mân côi hàng ngày cho tới lúc qua đời. Mà đã suy niệm các mầu nhiệm mân côi, thì hẳn ông chấp nhận ngắm thứ 5 mùa mừng nói về việc Thiên Chúa trao vương miện cho Đức Mẹ. Tuy nhiên, ông khuyên người ta không nên sử dụng thái quá tước hiệu này (10).

Đấng trung gian

Trước năm 1516, niềm tin của Luther vào việc Đức Maria là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi của ông đối với một Chúa Giêsu thẩm phán chí công (11). “Trinh Nữ Maria đứng giữa Chúa Kitô và nhân loại. Vì chính lúc Người được tượng thai và sống, Người đã đầy ơn thánh. Mọi con người nhân bản khác đều không có ơn thánh, cả trong lúc được thụ thai lần đầu lẫn lần thứ hai… Trong khi mọi con người nhân bản khác được tượng thai trong tội lỗi, và Chúa Kitô được tượng thai mà không có tội lỗi nào trong linh hồn và trong thân xác, thì Trinh Nữ Maria khi được tượng thai, thân xác không có ơn thánh nhưng linh hồn thì đầy ơn thánh” (12).

Việc tôn kính

Luther sáng tác nhiều bài thơ tôn kính Đức Mẹ, tập trung vào đức đồng trinh của ngài. Ông cũng dịch nhiều ca khúc xưa bằng tiếng La Tinh về Đức Mẹ sang tiếng Đức. Các bài thơ và ca khúc này miêu tả việc nhập thể của Thiên Chúa qua một trinh nhữ:

Thân xác đồng trinh thụ thai, nhưng vẫn còn trong trắng
Từ đây xuất hiện Đấng cứu vớt muôn dân
Ơn thánh Chúa từ trời trùm phủ trinh nữ và nhiều người khác
(13).

Với thời gian, các quan điểm của Luther về việc tôn kính Đức Maria đã được giải thích rất khác nhau tùy theo các thần học gia. Chủ yếu là lời chú giải của ông về Kinh Ngợi Khen của ngài. Một số thần học gia coi lời chú giải ấy như tàn tích Công Giáo nơi Luther, nhưng một số thần học gia khác lại cho đó là bằng chứng của việc ông tiếp tục tôn kính Đức Mẹ (14). Trong tác phẩm này, Luther viết rằng ta nên cầu nguyện cùng Đức Maria; Thiên Chúa, qua ngài, sẽ ban cho ta điều ta cầu xin. Nhưng ông viết thêm: chỉ một mình Thiên Chúa ban ơn mà thôi (15). Cũng có nhà thần học coi lời chú giải Kinh Ngợi Khen như lời khẩn cầu cá nhân, chứ không phải là lời cầu xin làm trung gian. Một dấu mốc quan trọng cho thấy quan điểm tôn kính Đức Mẹ của Luther không phải chỉ là các trước tác của ông mà còn là các thực hành được phái Luthêrô chấp hành lúc ông còn sống. Việc hát kinh Ngợi Khen bằng tiếng La Tinh vẫn được duy trì trong nhiều cộng đoàn Luthêrô của Đức. Hiến Chế Giáo Hội (Kirchenordnung) tại các bang Brandenburg, Bugenhagen, Braunschweig và nhiều tỉnh huyện khác vẫn duy trì 3 ngày lễ kính Đức Mẹ, coi chúng là những ngày nghỉ công cộng (15). Ai cũng biết chính Luther chấp thuận việc đó. Ông cũng chấp thuận duy trì các tranh và tượng Đức Mẹ trong các nhà thờ (16). Tuy nhiên, Luther viết rằng “Đức Maria cầu xin cho giáo hội” (17). Ông cũng khuyến khích việc đọc phần đầu Kinh Kính Mừng (tức các câu: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà, gồm phúc lạ” để tỏ lòng tôn kính và sùng mộ Đức Nữ Trinh (18).

So sánh với quan điểm Công Giáo

Luther công kích người Công Giáo đã làm mờ nhạt sự phân biệt giữa việc ca ngợi ơn thánh Chúa và việc ca ngợi những con người nhân bản vốn chỉ là tạo vật. Trong một số trường hợp, ông còn coi việc người Công Giáo xin sự cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh là thờ ngẫu tượng (19): “Ngoài ra, bạn làm sao chịu đựng nổi những việc thờ ngẫu thần khủng khiếp [của người theo phái Rôma]? Việc họ tôn kính các thánh và ca tụng Chúa trong các thánh không đủ, vì thực ra họ biến các ngài thành các vị thần. Họ đặt đứa con cao quí này, tức mẹ Maria, vào địa vị của Chúa Kitô. Họ biến Chúa Kitô thành một quan tòa, và do đó, vẽ Người thành một bạo chúa cho các lương tâm bất an, để mọi an ủi vỗ về và mọi tín thác đều được chuyển dịch từ Chúa Kitô qua Đức Maria, và sau đó, ai cũng quay lưng lại với Chúa Kitô để chỉ chạy theo vị thánh đặc thù của họ. Có ai chối được điều đó không? Điều đó há không trúng sao” (20).

Sự phân biệt trên đã phân rẽ quan điểm của Luther với thánh mẫu học Công Giáo. Điểm có ý nghĩa nữa là theo người Công Giáo, các nhà thệ phản hiện đại đã đi sai Thánh Mẫu Học của Luther. Tuy nhiên có nhận định cho rằng người Công Giáo và phái Luthêrô tuy có nhiều điểm tương tự trong quan điểm về Đức Maria, nhưng đối với Luther, đó là một thánh mẫu học “thụ động”, còn đối với người Công Giáo, đây là một thánh mẫu học “năng động” theo nghĩa họ sùng kính ngài cách đặc biệt (hyperdulia) và cầu xin sự cầu bầu của ngài. Câu hỏi được đặt ra là liệu các quan điểm trên đây của Martin Luther có làm cho các Kitô hữu đang phân rẽ được gần lại với nhau hơn không. Điều này bị nhiều người nghi ngờ, từ cả hai phía (21). Cuộc đối thoại lần thứ 8 giữa Công Giáo và phái Luthêrô đang đề cập tới các vấn đề này.

Có điều suốt đời ông, Luther luôn xưng tụng Đức Maria bằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) (22), nhưng lại từ khước không tích cực cầu cùng ngài như kiều mẫu của Kinh Kính Mừng (23). Phong trào Thệ Phản thường theo các nhà cải cách trong việc bác bỏ thói quen trực tiếp ngỏ lời với Đức Maria và các thánh trong các lời cầu nguyện tán tụng và khẩn cầu, một việc họ chỉ dành để thờ phương Thiên Chúa (24).

Điều cũng cần nhấn mạnh là: dù theo Luther, vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa gồm tóm mọi vinh dự khác, nhưng ông lại tỏ ra lúng túng khi bàn tới các vinh dự “nhỏ hơn” của Đức Mẹ. Thật vậy, nếu xét theo khía cạnh ngẫu thần, thì vinh dự “Mẹ Thiên Chúa” có nguy cơ được kể vào hàng đầu “ngẫu thần”, nhưng ông không ngần ngại chấp nhận vinh dự thâu tóm mọi vinh dự ấy, vì không có nó, nhân tính Chúa Kitô sẽ xụp đổ (đúng như thế), còn những vinh dự thâu tóm trong đó, thì ông lại cái nhận cái không.

Ghi chú

(1) Martin Luther, Luther's Works, The American Edition, Jaroslav J. Pelikan & Helmut Lehmann, eds., 55 vols., [St. Louis & Philadelphia: CPH & Fortress Press, 1955-1986], 21:326, cf. 21:346.
(2) Theodore G. Tappert, The Book of Concord: The Confessions of the Evangelical Lutheran Church, [Philadelphia: Fortress Press, 1959], 595.
(3) Luther's Works, 22:23
(4) Luther's Works, 22:214-215
(5) Martin Luther, E.M. Lamond, trans., Luigi Cappadelta, ed., 6 vols., [St. Louis: B. Herder Book Co., 1915], 210
(6) Francis Pieper, Christian Dogmatics, 4 vols., (St. Louis: CPH, 1950-53), 2:308-09
(7) Martin Luther, D. Martin Luthers Werke, Kritische Gesamtausgabe, 61 vols., [Weimar: Verlag Hermann Böhlaus Nochfolger, 1883-1983], 52:39
(8) Martin Luther, D. Martin Luthers Werke, Kritische Gesamtausgabe, 61 vols., [Weimar: Verlag Hermann Böhlaus Nochfolger, 1883-1983], 39, II:107
(9) Sermons of Martin Luther, 291
(10) Luther's Works 7:573
(11) Martin Brecht, Martin Luther, James Schaaf, trans., 3 vols., [Philadelphia: Fortress Press, 1985-1993], 1:76-77
(12) H. George Anderson, J. Francis Stafford, Joseph A. Burgess, eds, The One Mediator, The Saints, and Mary, Lutherans and Roman Catholic in Dialogue VIII, [Minneapolis: Augsburg Fortress, 1992], 238
(13) Remigius Bäumer, Marienlexikon, Gesamtausgabe, Leo Scheffczyk, ed., [Regensburg: Institutum Marianum, 1994], 190
(14) Remigius Bäumer, Marienlexikon, Gesamtausgabe, Leo Scheffczyk, ed., [Regensburg: Institutum Marianum, 1994], 191
(15) Sách vừa dẫn
(16) Sách vừa dẫn, tr.190
(17) Apology of the Augsburg Confession, XXI 27
(18) Luther's Works, 10 II, 407–409
(19) Augsburg Confession XXI 2
(20) Luther's Works, 47:45
(21) H Düfel, Luthers Stellung zur Marienverehrung, 1968
(22) Luther's Works, 21:346
(23) James White, Mary Another Redeemer, (Minneapolis: Bethany House Publishers, 1998), 113
(24) David Wright, ed., Chosen By God: Mary in Evangelical Perspective, (London: Marshall Pickering, 1989
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bến Xưa
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:26 14/10/2011
BẾN XƯA
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Tôi về thăm lại bến xưa
Con đò năm cũ người đưa năm nào
Dòng sông xưa vẫn dạt dào
Người xưa giờ đã chốn nào vội xa…
(Trích thơ của Vũ Duy Hiển)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thế giới nhìn từ Vatican 7/10 - 14/10/2011
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:47 14/10/2011
Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10

Nếu Internet của quý vị và anh chị em chạy chậm, xin nhấn vào đây (Lower Quality)
Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10 Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn của ngài trước việc quân đội Ai Cập đã tấn công vào các tín hữu Công Giáo tại thủ đô Cairo giết chết hàng mấy chục người.

“Tôi cảm nhận được sự đau buồn của gia đình các nạn nhân và toàn thể dân chúng Ai Cập, là những người đang bị xâu xé bởi những mưu toan phá hoại cuộc sống chung hoà bình giữa các cộng đồng là điều rất thiết yếu vào giai đọan chuyển tiếp chính trị này.”

Trong ngày Chúa Nhật 9 tháng 10, hàng ngàn tín hữu Công Giáo theo nghi lễ Coptic đã tuần hành trong hoà bình để phản đối việc quân đội và các nhóm Hồi Giáo quá khích đốt phá nhà thờ của họ. Quân đội đã phản ứng lại bằng cách đánh đập và bắn vào những người biểu tình suốt đêm Chúa Nhật kéo dài đến rạng sáng ngày thứ Hai giết chết 26 anh chị em và làm bị thương hơn 200 anh chị em khác.

Trong tổng số 82 triệu dân, 90% theo Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ chiếm 9%.

Đức Thánh Cha đã xin 14,00 khách hành hương có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho các nạn nhân, và gia đình của họ cũng như dân chúng Ai Cập đang trong giai đọan chuyển tiếp chính trị.

Ngài nói thêm:

“Tôi ủng hộ cố gắng của các nhà chức trách dân sự và tôn giáo tại Ai Cập là những người ủng hộ một xã hội trong đó nhân quyền cuả mọi người được tôn trọng, đặc biệt là những nhóm thiểu số, chỉ có như vậy mới đoàn kết được quốc gia”.

Đức Thánh Cha đã quảng diễn Thánh Vịnh 126 là bài hoan ca tạ ơn của dân Israel vì Thiên Chúa luôn trung tín với lời giao ước của Ngài và đã đưa dân Ngài thoát cảnh lưu đầy tại Babylon để về miền Đất Hứa. Trong gian truân, bắt bớ, tù đầy, cơ cực ta hãy vui lên vì “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt giữa hân hoan”.

Chuyến viếng thăm mục vụ giáo phận Lamezia Terme

Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 25/9 tại phi trường Freiburg, Đức Thánh Cha đã cảnh cáo các tín hữu giữ đạo hời hợt. Ngài nói: “Những người hoài nghi, những người thường xuyên vật lộn với câu hỏi về Thiên Chúa, những ai trông ngóng một con tim thanh sạch nhưng phải đau khổ vì gánh nặng tội lỗi, thì gần nước Thiên Chúa hơn các tín hữu mà đời sống đức tin đơn thuần là một ‘tập quán’, và những ai xem Giáo Hội chỉ đơn thuần là một cơ chế và không để lòng mình rung động bởi đức tin”.

Trong thánh lễ sáng Chúa Nhật vừa qua tại Calabria, sau khi đã mạnh mẽ chỉ trích các băng đảng mafia trong vùng, ngài cũng lại lên tiếng cảnh cáo các tín hữu sống đạo hời hợt, xem họ như những kẻ dám dự tiệc nhà vua nhưng không mặc y phục lễ cưới.

Sáng Chúa Nhật 9/10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã đến thăm giáo phận Lamezia Terme và Đan viện Serra San Bruno, nơi có mộ của thánh Bruno vị sáng lập dòng Chartreux, qua đời vào năm 1101, tức là cách đây 910 năm. Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 25 của ngài tại Italia và cũng là chuyến cuối cùng trong năm nay.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc, đặc biệt là bài Phúc Âm về dụ ngôn nhiều người khách mời được vào dự tiệc cưới, nhưng có người không mặc y phục lễ cưới. Khi vua vào phòng tiệc, thấy tình trạng đó, ngài trục xuất kẻ không có y phục ấy ra khỏi tiệc cưới. Đức Thánh Cha nói:

“Tôi muốn dừng lại ở điểm này với một câu hỏi: làm sao người dự tiệc cưới đã nhận lời mời của vua, và khi vào phòng tiệc, cánh cửa được mở ra cho người ấy, nhưng ông lại không có y phục lễ cưới? Y phục ấy là gì? Trong thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi đã nhắc đến bài chú giải thật hay của thánh Gregorio Cả về dụ ngôn này. Thánh nhân giải thích rằng người dự tiệc cưới ấy đã đáp lại lời mời của Thiên Chúa tham dự tiệc của Ngài, một cách nào đó, đức tin đã mở cửa phòng tiệc cho họ, nhưng người ấy lại thiếu một điều thiết yếu: đó là áo cưới, là lòng bác ái, là tình yêu. Và thánh Gregorio nói thêm rằng:

“Vì vậy, mỗi người trong anh chị em, có đức tin nơi Thiên Chúa trong Giáo Hội, thì đã được dự tiệc cưới rồi, nhưng không thể nói là đã có y phục lễ cưới nếu không bảo tồn ơn Đức Bác Ái”. Và y phục này được dệt tượng trưng bằng hai hàng dòng chỉ, một hàng dọc và một hàng ngang: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.


Lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha đáp trực thăng đến thị trấn Serra San Bruno và từ đây ngài đến Đan viện của dòng Chartreux vào lúc 5 giờ rưỡi.

Tại Quảng trường thánh Stefano trước Đan viện, Đức Thánh Cha gặp gỡ dân chúng địa phương, với sự hiện diện của Đức Cha Vicenzo Bertolone, Tổng Giám Mục giáo phận Catanzaro Squillace sở tại cùng với chính quyền địa phương.

Ngài nói với đông đảo anh chị em tín hữu rằng:

“Sự hiện diện của một cộng đoàn dòng tu là một sự nhắc nhở thường xuyên về Thiên Chúa, một cánh cửa mở tới Thiên Đàng. Bầu khí đang thống trị trong xã hội ngày nay không lành mạnh. Nó bị ô nhiễm bởi một não trạng không phải là Kitô, cũng không có chút gì là nhân bản, vì nó bị lèo lái bởi lợi nhuận và hướng duy nhất đến những quan tâm trần tục. Do đó, trong một thế giới loại bỏ Thiên Chúa và người láng giềng ra ngoài lề, bất kể đến thiện ích chung, các cộng đoàn dòng tu đóng một vai trò thiết yếu là thanh tẩy môi trường trong khi mở ra một chiều kích siêu nhiên.”

Sau đó, ngài tiến vào bên trong Đan viện để hát kinh chiều với các đan sĩ.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gặp gỡ các Giám Mục Nam Dương

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã khích lệ các Giám Mục Nam Dương và cộng đoàn Dân Chúa nước này tiếp tục hăng say rao giảng Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa, và đối thoại liên tôn trong niềm tôn trọng các khác biệt.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các Giám Mục thuộc 37 giáo phận Nam Dương, sáng 7-10-2011, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực hăng say của nhiều cá nhân và tổ chức nhân danh Giáo Hội mang lòng từ bi dịu hiền của Chúa cho nhiều thành phần trong xã hội Nam Dương.. Những nỗ lực này cũng giúp củng cố xã hội trong việc thăng tiến các giá trị mà đồng bào của anh em rất quí chuộng, đó là tinh thần bao dung, đoàn kết và công lý cho mọi người dân”.

Đức Thánh Cha không quên cổ võ các Giám Mục Nam Dương bênh vực tự do tôn giáo đồng thời nhấn mạnh rằng “Tự do tôn giáo không phải chỉ là quyền không bị cưỡng bách từ bên ngoài. Nó cũng là một quyền được làm tín hữu Công Giáo chân thực và trọn vẹn, quyền thực hành tín ngưỡng, xây dựng Giáo Hội và góp phần vào công ích, loan báo Phúc Âm như Tin Mừng cho tất cả mọi người, và mời gọi mỗi người sống thân mật với Thiên Chúa từ bi và cảm thông, được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô.”

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Nam Dương nhắc nhở cho các tín hữu rằng ”Những người tin Chúa Kitô, được ăn rễ sâu trong đức bác ái, phải dấn thân đối thoại với các tôn giáo khác, tôn trọng những khác biệt của nhau. Nỗ lực chung xây dựng xã hội là một giá trị lớn nếu chúng củng cố tình thân hữu và vượt thắng những hiểu lầm hoặc nghi kỵ”.

Nam Dương rộng 1 triệu 860 ngàn 360 cây số vuông, gấp 5 lần rưỡi Việt Nam, với tổng cộng 17 ngàn hải đảo và dân số lên tới hơn 235 triệu người thuộc hơn 250 bộ tộc khác nhau, với tiếng chính thức là Bahasa Indonesia và tiếng Giava. Về mặt tôn giáo có tới 88% dân số nước này là tín hữu đạo Hồi và chỉ có gần 10% là Kitô hữu, trong số này 3% là tín hữu Công Giáo tức là hơn 7 triệu tín hữu.

Các tín hữu Kitô là những người bị bách hại gay gắt nhất vì niềm tin

Theo báo cáo của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ, các tín hữu Kitô là những người bị bách hại vì niềm tin mạnh nhất trên thế giới. Hăm dọa, tấn công, tù đầy và ngay cả cái chết là giá phải trả cho niềm tin Kitô ở nhiều nơi trên thế giới.

Hàng năm Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ dều đưa ra danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt. Trong danh sách năm nay, người ta nhâ, thấy có 14 nước là Miến Điện, Trung Hoa, Ai Cập, Eritrea, Iran, Iraq, Nigeria, Bắc Hàn, Pakistan, Ả rập Saudi, Sudan, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam. Trong danh sách này Việt Nam và 7 nước khác được xem là có truyền thống thường xuyên chà đạp tự do tôn giáo.

Các viên chức của Ủy Ban này cho biết nhà cầm quyền tại các nước vừa nêu phủ nhận quyền Tự Do Tôn Giáo, hay lờ đi để mặc cho các tín hữu Kitô bị bách hại.

Gần đây nhất, chính quyền của Ai Cập đã không bảo vệ các tín hữu Công Giáo Coptic. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua. Từ đó, các lực lượng quân đội và an ninh đã tấn công các nhà thờ và các tín hữu Kitô. Hôm Chúa Nhật 9/10, các lực lượng quân đội và an ninh đã tấn công một cuộc biểu tình phản đối của các tín hữu Kitô vì nhà thờ của họ bị đốt phá. 24 người đã bị giết trong cuộc tấn công kéo dài suốt đêm Chúa Nhật. Hơn 200 người khác bị thương rất trầm trọng.

Báo cáo cũng đề cập đến các nước “cần theo dõi” trong đó có Afghanistan, Cuba, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia và Venezuela.

Thảm trạng nạn đói tại vùng Sừng Phi Châu,

Sau khi Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi lần thứ hai thỉnh cầu cộng đồng quốc tế hãy chú ý đến thảm trạng nạn đói tại vùng Sừng Phi Châu, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã có cuộc gặp gỡ tại Vatican để thảo luận những kế hoạch trợ giúp cụ thể.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Robert Sarah, người gốc Guinea, hiện là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm nói rằng nhiều nguồn viện trợ quốc tế đã bị chặn lại vì một thứ chính trị ích kỷ.

“Ở đây chúng ta thấy những khía cạnh của tự ái đang ngự trị trong các quan hệ chính trị quốc tế. Chúng ta cần phải phát triển một chính sách thực sự quan tâm đến các thiện ích chung”.

Theo ông Kenneth Hackett, giám đốc của Catholic Relief Services thì “Thật là một vết nhơ trong lịch sử nhân loại vì trong 2 năm 2010 và 2011, chúng ta đã để cho hàng trăm ngàn người trong vùng phải chết vì đói khát, bệnh tật và bị cướp bóc. Tất cả chỉ vì không tìm ra được một thứ giải pháp chính trị hài lòng các nước”.

Ông Kenneth Hackett cho biết các nhân viên Catholic Relief Services sẽ ở lại với người dân trong vùng kể cả khi các camera truyền hình đã rút đi hết.

Đức Ông Giorgio Bertin, giám quản tông tòa thủ đô Mogadishu của Somalia cho biết: “Trước tình trạng cấp bách hiện nay chúng ta cần tiền để trợ giúp Somalia và các nước lân bang nhưng mà chúng ta không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng lương thực. Cần phải có một giải pháp hòa bình trong vùng”.

13 triệu người thuộc các nước Somalia, Ethiopia, Kenya, và Djibouti đang lâm vào một tình trạng khủng hoảng về lương thực và nguồn nước vì hạn hán và vì chiến tranh triền miên với nhóm du kích gọi là Mặt Trận Giải Phóng Sudan.

Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm tố cáo các nước bỏ mặc cho dân chúng trong vùng chết đói với một mưu đồ chính trị rõ rệt.

Tổ chức Lương Nông Thế Giới của Liên Hiệp Quốc cũng vừa lên tiếng kêu gọi các hành động khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại miền Nam Sudan.

Ít nhất 235,000 người đang sắp chết đói vì bị kẹt trong vùng giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân trong Mặt Trận Giải Phóng Sudan.

Tổ chức Lương Nông Thế Giới cho biết họ cần ít nhất 3.5 triệu Mỹ Kim để tiếp tục các chương trình cứu trợ trong vùng. Các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã rút gần hết khỏi khu vực vì lý do an toàn. Hiện nay, chỉ có một vài nhóm nhỏ sát cánh với Caritas và Catholic Relief Services và chỉ có khả năng tiếp tế cho 20,000 người. Chiến tranh diễn ra quá ác liệt trước sự thờ ơ của một thế giới vô cảm quá nặng về những tính toán chính trị và những đường lối lắt léo duy lợi.

Các chương trình điện toán viết riêng cho điện thoại di động mở ra nhiều cơ hội cho việc truyền giáo và mục vụ.

Điện thoại di động ngày càng có nhiều chức năng giống như một computer thu nhỏ rất vạn năng. Các chương trình điện toán viết riêng cho điện thoại di động mở ra nhiều cơ hội cho việc truyền giáo và mục vụ.

Các kỹ sư trong mạng lưới misas.org của Tây Ban Nha đã có sáng kiến cài đặt một chương trình trong điện thoại giúp người Công Giáo Tây Ban Nha tìm ra nhà thờ gần nhất, giờ lễ ngày thường và Chúa Nhật và các giờ giải tội.

Dù ở nơi đâu người sử dụng chương trình này cũng có thể tìm ra cách đến nhà thờ nhanh nhất dù đi bộ hay đi xe hơi.

Chương trình hoạt động trên các loại iPhone, BlackBerry, Android, Nokia và các máy tablets.

Đức Hồng Y Péter Erdő lưu nhiệm trong chức vụ chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu

Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu vừa bỏ phiếu lưu nhiệm Đức Hồng Y Péter Erdő trong chức vụ chủ tịch nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ngài. Thật vậy, năm 2006, 33 Hội Đồng Giám Mục tại các nước Châu Âu đã bầu ngài làm chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Péter Erdő là Tổng Giám Mục thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý được bầu là phó chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu. Một vị phó chủ tịch khác là Đức Cha Jozef Michalik, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Sydney là nhóm đóng góp nhiều nhất cho dự án Domus Australia sắp được ĐTC khánh thành

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ khánh thành nhà nghỉ cho khách hành hương Úc Đại Lợi tại Rôma (Domus Australia) vào ngày 19 tháng 10 tới đây.

Đức Tổng Giám Mục Sydney là Đức Hồng Y George Pell cùng với đông đảo các Giám Mục khác của Úc Đại Lợi sẽ tham dự thánh lễ khánh thành.

Thông cáo báo chí của ban tổ chức cho biết kinh phí xây dựng Domus Australia đến từ Giáo Hội tại Úc trong đó chủ yếu là từ các giáo phận Sydney, Melbourne, Perth và Lismore. Thông cáo đặc biệt ghi nhận cộng đoàn Công Giáo tị nạn tại Sydney đã đóng góp đến 96,000 Úc Kim cho việc xây dựng này.

Trung tâm cho khách hành hương sẽ gồm 32 phòng trọ bao bọc bởi một khu vườn được dùng làm địa điểm gặp gỡ. Trung tâm còn có một nhà nguyện với một bức tranh về thánh Mary MacKillop, vị thánh đầu tiên và duy nhất của Úc cho đến nay.
 
Phỏng vấn Lm. Nhạc Sĩ Văn Chi về Domus Australia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:21 14/10/2011