Ngày 13-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cầu nguyện không ngừng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:10 13/10/2010
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN,năm C

Lc 18, 1-8

Mỗi một tôn giáo đều có một hình thức cầu nguyện. Tôn giáo nào, đạo nào cũng dạy con người phải cầu nguyện. Mà không cầu nguyện làm sao khi con người muốn tạ ơn, muốn khấn vài cầu xin cùng Đấng Tối Cao những ước nguyện thầm kín của con người. Đạo Công Giáo có cách cầu nguyện rất đặc biệt. Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và mọi người chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Hôm nay, Chúa dạy các môn đệ: ” Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí “ ( Lc 18,1 ). Thánh Vịnh 126, 2 viết: ” Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công, còn kẻ Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng “. Chúa luôn thấu suốt lòng của con người. Do đó, lời cầu nguyện luôn phải liên lỉ, dù thức hay ngủ, tất cả hãy biến mọi sự, mọi suy nghĩ, mọi việc làm, giấc ngủ miên man thành lời cầu nguyện bởi vì chính Chúa hướng dẫn lời cầu nguyện của con người. ”Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả “ (TV 138, 3 ).

Chúa Giêsu muốn con người đừng bao giờ quên cầu nguyện, Ngài bảo hãy cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Hãy biến cuộc đời của con người, của chúng ta thành bài ca cảm tạ tri ân không ngừng. Hãy xem thái độ, cử chỉ và tâm tình của Môsê khi cầu nguyện. Ngài giơ tay cầu nguyện và quỳ gối cầu nguyện cho dân Do Thái thắng trận. Bao lâu Môsê giang tay giơ lên cầu nguyện thì quân Do Thái thắng, khi Môsê mỏi mệt, bỏ tay xuống, quân Do Thái bị thua. Cử chỉ ấy cho thấy là không được nản chí, phải cầu nguyện luôn và mãi mãi cầu nguyện. Tin Mừng cũng ghi lại hình ảnh bà góa cầu nguyện hết ngày này qua ngày khác để xin quan tòa minh xét cho bà.

Thánh nữ Monica đã nhiều năm cầu nguyện, ăn chay để xin Chúa cho con bà là Augustinô trở lại. Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu cầu nguyện biến đời mình thành lời cầu tình yêu. Một Têrêsa Calcutta luôn cầu nguyện và xin biến đời tu của mình thành nữ tu bác ái. Như Cha Charles Foulcaud cầu nguyện liên lỉ trong sa mạc. Như Cha Padre Piô cầu nguyện. Và đặc biệt là Mẹ Maria và chính Chúa Giêsu cầu nguyện.

Những gương cầu nguyện vừa nêu là những hình ảnh sống động giúp con người và giúp chúng ta noi gương bắt chước cầu nguyện. Chúa bảo con người và dạy chúng ta cầu nguyện liên tục, bền chí, không hề chán nản, nhàm chán cả khi chúng ta cảm thấy như lời cầu của chúng ta chưa được Chúa đáp ứng vv…Thường con người và chúng ta hay nôn nóng muốn cho lời nguyện xin của chúng ta được Chúa nhậm lời ngay và tỏ ra thiếu kiên nhẫn.

Tuy nhiên, Chúa nhiệm mầu luôn giúp chúng ta theo lòng nhân hâu, thương xót và theo lượng từ bi của Ngài. Chúa thấy điều gì cần hơn Ngài sẽ ban cho chúng ta. Đó là mầu nhiệm của lời cầu xin. Ai trong chúng ta cũng tưởng mình hiểu rõ điều mình đang cầu xin, nhưng thánh Phaolô đã minh định cho chúng ta:” Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta…theo đúng ý Thiên Chúa”( Rm 8, 21-27 ).

Vâng, thường khi cầu nguyện, chúng ta thường nôn nóng muốn Chúa chấp nhận điều chúng ta đang khẩn xin. Nhưng Chúa sẽ thấy điều nào cần hơn, Ngài sẽ ban cho chung ta và sau đó, điều nào chưa cần thiết Ngài sẽ ban sau cho chúng ta. Chúa ban cho chúng ta khác với mong ước, đòi hỏi của chúng ta. Nhưng bao giờ Chúa cũng nhậm lời chúng ta theo ý Chúa và lợi ích cho linh hồn chúng ta.

Cầu nguyện không có nghĩa là liệt kê một số ơn, một số việc con người thích xin, thích đòi hỏi theo ý riêng của mình nhưng cầu nguyện là xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Cầu nguyện như Đức Giêsu: ” Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con “ ( Ga 17, 10 ).

Cầu nguyện không phải vụ lợi, chỉ xin ơn này ơn kia nhưng là thực hành đức tin, nâng cao tâm hồn lên để kết hiệp với Chúa, để gặp gỡ Chúa và trò chuyện thân mật với Chúa.

Chúa đã cầu nguyện lâu giờ và cầu nguyện liên lỉ. Ngài trò chuyện với Thiên Chúa Cha. Ngài đối thoại với Cha của Ngài. Chúa muốn chúng ta đừng bao giờ chán nản, đừng bao giờ thờ ơ lãnh đạm với việc cầu nguyện. Ngài bảo chúng ta cầu nguyện mãi mãi và cầu nguyện không ngừng.

Thánh Phaolô dạy: ” Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu “ ( Cl 3, 17 ). Như thế, thánh Phaolô dạy chúng ta thống nhất cuộc sống bằng lời cầu nguyện liên tục.Chúa luôn là trung tâm của đời sống người Kitô hữu và Ngài là đích của lời cầu nguyện. Chúa Giêsu không bao giờ muốn chúng ta bỏ cuộc, Ngài muốn chúng ta cầu nguyện liên lỉ và cầu nguyện không ngừng.

Aaron và Hur đã không bỏ rơi, bỏ mặc khi ông Môsê mệt mỏi. Họ cùng cầu nguyện với Môsê. Thiên Chúa hài lòng với lời cầu nguyện chung của nhiều người. Chúa đã từng phán: ” Nơi đâu có hai, ba người tụ họp lại nhân danh Ta có Ta ở đó “. Chúa mong muốn mọi người Công giáo hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Aaron và Hur giúp giữ cánh tay của Môsê trong tư thế cầu nguyện, bởi đó dân Israen đã chiến thắng quân Amalếch.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cầu nguyện để chúng luôn biết sống theo thánh ý Chúa. Amen.
 
Niềm tin trên trái đất
Lm. Phêrô Hồng Phúc
08:10 13/10/2010
NIỀM TIN TRÊN TRÁI ĐẤT

Vào thời Chúa Giêsu, việc khiếu kiện và giải quyết hành chính chần trương cũng đã diễn ra phổ thông như thời đại hiện nay. Những người lãnh đạo giải quyết tận tình với tình thương và trách nhiệm theo tư cách là cha là mẹ nhân dân thật khó tìm thấy. Hành chính sự nghiệp thì chồng chất lại ngày thêm cồng kềnh. Viên quan toà trong dụ ngôn theo Tin Mừng Luca dù giải quyết công việc chưa vì tình thương nhưng ít ra cũng còn có trách nhiệm với việc “quấy rầy” của người dân. Tình trạng trên cho thấy thời đại nào cũng cần sự công bằng xã hội và việc minh xét kịp thời cho người dân luôn luôn là cấp thiết. Việc chờ đến lượt được giải quyết đã là khó, việc giải quyết công minh lại càng khó hơn. Dòng lịch sử vẫn ôm trong mình những oan nghiệt, những bất công và cuốn trôi đi tới tận bến bờ của vĩnh cửu. Chính bối cảnh lịch sử ấy đòi hỏi một quan toà công minh và vị thẩm phán anh minh xét xử cho mọi thời đại. Không ai ngoài Thiên Chúa toàn năng tác động chủ quyền trên dòng chảy lịch sử ấy. “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi” (Lc 18, 7).

Hình ảnh Môi-sê trên đỉnh đồi Rơ-phi-đim giơ tay hướng thẳng trời cao cầu nguyện cho dân Ít-ra-en thực là đẹp. Đó là hình ảnh “Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao” (Tv 85,12). Công lý từ trời luôn sẵn sàng, nhưng tín nghĩa có luôn mọc lên từ trái đất hay không? Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo điều này: “Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Vì không tin nhau nên con người kiện cáo, giải quyết không có công bằng lại dẫn đến tố cáo…Vòng tròn cáo tố càng làm mất niềm tin với nhau, dẫn đến không còn tin ai. Niềm tin nhân loại bị đánh mất, lẽ ra con người phải thấy cần xác tín hơn nữa vào Đức tin bởi trời. Thánh Phaolô khuyên nhủ Ti-mô-thê: “ Anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục, để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3, 15-17). Lời khuyên là thế nhưng thực tế cho thấy, con người luôn trở mặt với nhau và quay lưng lại với Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã từng nhận xét: “Như tôi đã nói với anh em nhiều lần và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với Thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,18-20). Chính lối sống này đã làm cho con người đánh mất luôn cả lòng tin nơi Thiên Chúa, và điều buồn thảm nhất là có dấu hiệu lối sống đó ngự trị trên dòng lịch sử nhân loại. Ta hãy hình dung hậu quả khốc hại thế nào khi ứng nghiệm lời Chúa cảnh báo trên đây: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Lạy Chúa Giêsu,

Thế giới hôm nay vẫn sống như thời No-e trước khi vào tàu.
Một lối sống duy vật chất và tôn thờ tự do, cá nhân chủ nghĩa.
Xin cho cho chúng con sống Đức tin mạnh mẽ
để nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
Chứng nhân bằng niềm hy vọng để đạt tới công minh, chính trực.
Chứng nhân bằng tình yêu để được nên một trong tình yêu Chúa.
Chứng nhân bằng mạng sống để được sống đời đời. Amen.
 
Tâm Sự Vời Chúa Mỗi Ngày - Tuần Thứ 29 Quanh Năm
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
08:23 13/10/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,13-21

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là sự sống vĩnh cửu. Nơi Chúa không có khởi đầu và cũng không có tận cùng. Xin cho chúng con được sống sức sống dồi dào của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những của cải mau qua đời này. Xin giúp chúng con đừng vì ham muốn vật chất mà quên đi Nước trời mai sau.

Lạy Chúa, ở đời ai cũng cần tiền. Ai cũng dùng tiền. Đồng tiền trở thành một phương tiện để chúng con trao đổi với nhau. Thế nên, có một bài thơ đã nói như sau:

Người công nhân đổ mồ hôi để có được nó

Kẻ hoàng phí thì đốt nó

Chủ ngân hàng đem nó cho vay

Đàn bà xài nó

Kẻ lưu manh làm giả nó

Nhân viên thuế vụ lấy nó

Kẻ thừa kế tiếp thu nó

Người tiết kiệm để dành nó

Người keo kiệt thèm khát nó

Kẻ ăn trộm chốp lấy nó

Người giầu có gia tăng nó

Người cờ bạc bị mất nó

Phần tôi thì dùng nó.

Xin Chúa giúp chúng con biết dùng của cải đời này cho hợp ý Chúa. Xin giúp cho những người vì thời cuộc đã chối bỏ đức tin để chạy theo tiền của và địa vị xã hội được ơn hoán cải. Xin cho họ sớm trở về, sống đức tin mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,35-38

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là cây nho. Chúng con là cành. Xin cho chúng con luôn gắn bó với Chúa qua việc siêng năng rước Chúa mỗi ngày. Xin giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sẵn sàng, để dầu chúng con đang phải sống giữa trần gian, nhưng vẫn luôn một lòng gắn bó với Chúa trong lời cầu nguyện hằng ngày.

Lạy Chúa, sống giữa cuộc đời chúng con phải lo lắng sắm sửa cho mình rất nhiều thứ. Có những thứ cần dùng. Có những thứ để tích luỹ. Đó là kẻ khôn ngoan. Nhưng Chúa ơi, sao chúng con lại quá dại khờ với những giá trị Nước Trời. Chúng con chưa chuẩn bị gì cho ngày chúng con định cư vĩnh viễn nơi quê trời. Chúng con quá bon chen cuộc sống vật chất mà quên đi chuẩn bị hành trang cho Nước trời mai sau. Xin giúp chúng con biết tích luỹ công đức trước mặt Chúa bằng những hy sinh sống theo thánh ý Chúa, những từ bỏ đam mê tật xấu để hoàn thiện mỗi ngày thánh thiện hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa yêu chúng con vô ngần. Xin giúp chúng con tỉnh thức trước những cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, ngõ hầu biết trung thành với Chúa luôn. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,39-48

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin tạ ơn Chúa vì biết bao ân huệ Chúa ban xuống trên cuộc đời chúng con. Chúa muốn chúng con dùng ân huệ Chúa ban để tôn vinh và ngợi khen Chúa. Xin Mình Máu Thánh Chúa nâng đỡ, bổ sức để chúng con biết phát triển những khả năng Chúa ban và dùng chúng để phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa yêu thương chúng con vô ngần. Chúa còn tặng ban cho chúng con thật nhiều ân huệ nhưng không của Chúa. Xin cho chúng con biết sử dụng ân huệ theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con biết đền đáp tình thương Chúa bằng những việc lành phúc đức, bằng sự chu toàn bổn phận hằng ngày. Xin giúp chúng con thắng vượt tính lười biếng, bê trễ trong bổn phận. Xin canh chừng hồn xác chúng con khỏi những thói hư tật xấu.

Lạy Chúa, xin ngự đến linh hồn chúng con và thánh hiến chúng con nên người tông đồ của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết trung tín trong bổn phận, để chúng con được xếp vào hàng ngũ những người khôn ngoan của Nước Trời. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,49-53

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã mang ngọn lửa yêu thương ném vào thế gian. Chúa hằng ước mong cho ngọn lửa ấy mãi bừng lên. Xin đốt nóng chúng con trong tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết thực thi ước mơ của Chúa, khi chúng con mang lửa yêu thương dâng tặng nhau.

Nhưng Chúa ơi, cuộc đời hôm nay có quá nhiều bóng tối. Bóng tối của bất công và sa đoạ. Bóng tối của hận thù, chia rẽ. Bóng tối của nghèo đói, lạc hậu. Bóng tối ở ngay trong lòng chúng con. Bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa chúng con lại quá yếu đuối. Xin Chúa luôn ở bên chúng con. Xin ban thêm ơn trợ giúp để chúng con vượt thắng gian nan, để mang lửa yêu thương xoá tan bất công hận thù, mang lửa bác ái, cảm thông để sưởi ấm lòng người. Xin huấn luyện chúng con thành chiến sĩ luôn hăng say chiến đấu, để đẩy lùi bóng tối tội lỗi ra khỏi mọi nơi mọi chỗ, để kiến tạo một thế giới đầy ánh sáng tình thương.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, là ngọn lửa thiêng không bao giờ lịm tắt, xin hun nóng tâm hồn chúng con, và xoá tan những băng giá của ích lỷ đang thống trị tâm hồn chúng con. Xin xoá tan bóng tối tội lỗi đang chìm ngập tâm hồn chúng con. Xin mang lại cho chúng con ánh sáng của tin yêu và hy vọng để nhờ đó chúng con hăng say rao truyền tình yêu Chúa cho thế gian. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 12,54-59

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Với tình yêu bao la trời bể, Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa nhân loại chúng con. Chúa còn thiết lập bí tích Thánh Thể để ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa chính là dấu chỉ cho sự sống đời đời giữa nhân loại chúng con. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa để chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, cuộc đời hôm nay trăm phương ngàn lối. Chúng con như lạc vào một thế giới hư ảo, một thế giới luôn lôi kéo con người sống hưởng thụ, sống rời xa tình Chúa. Chúng con mải mê chạy theo những nhu cầu của thân xác mà lãng quên giá trị tinh thần. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra sự thái hóa, bất cập của mình, ngõ hầu biết dung hòa trong đời sống làm con người và làm con Chúa của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sáng suốt nhận ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. Xin giúp chúng con biết chọn lựa Chúa là gia nghiệp hơn là những thú vui mau qua đời này.Amen.

Thứ bảy sau Chúa nhật 29 thường niên

Lc 13,1-9

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã thương ngự đến tâm hồn chúng con. Dù rằng chúng con còn tội lỗi trăm bề. Dù rằng tâm hồn chúng con còn bị ràng buộc bởi biết bao những cám dỗ của danh lợi thú. Xin giúp chúng con biết quay trở về với Chúa, biết sám hối để nhận ra tội lỗi của mình và tình thương bao la hải hà của Chúa.

Lạy Chúa, đã bao lần chúng con sám hối trở về, đã bao lần chúng con đấm ngực ăn năn, thế mà tội chúng con vẫn phạm, tật xấu chúng con vẫn cố giữ. Và hôm nay, Chúa vẫn kiên trì mời gọi chúng con sám hối trở về. Chúa mời gọi chúng con hãy lấy lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Chúa bảo chúng con phải thực thi giới luật yêu thương. Một tình yêu thương chân thành để loại bỏ những đố kỵ, ghen tương. Một tình yêu nồng nàn để chúng con có thể yêu tha nhân như chính mình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con sám hối cho xứng với tình yêu ban tặng của Chúa. Xin biến đổi tâm hồn chúng con theo mẫu gương yêu thương của Chúa. Xin cho mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con nói, mọi tư tưởng chúng con suy nghĩ luôn dựa trên giới luật mến Chúa, yêu người. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Trung tín để theo giao ước
Hiền Lâm
08:25 13/10/2010
TRUNG TÍN THEO GIAO ƯỚC

Suy tư về đời sống tu trì

Khi thiết lập bất cứ một tương giao nào người ta đều có những quy định ràng buộc giữa các đối tượng và đòi hỏi phải tôn trọng những gì đã thoả thuận ký kết với nhau. Xa hơn và cao hơn, vượt lên trên cả những luật lệ hữu hình đó là sự ràng buộc tình yêu tự bản chất, đòi hỏi một sự trung tín trọn đời.

Sự trung tín trong tình yêu khác với sự trung tín trong các bản hợp đồng, nghĩa là sự trung tín này mang tính vĩnh viễn và tha thứ đợi chờ, dù đối tượng có thể đã thất trung. Sự trung tín như thế bắt nguồn từ Thiên Chúa qua các giao ước của Người. Vì thế, khi nói đến sự trung tín trong tình yêu, cũng có nghĩa là nói đến sự trung tín theo giao ước. Đó cũng là tài mà người viết trình bày sau đây:

I. Thánh Kinh về sự trung tín.

Có thể nói được rằng, trung tín là đặc tính của Thiên Chúa, Thiên Chúa không những tự xưng danh là Đấng Trung Tín khi phán với các tổ phụ và các ngôn sứ, mà còn thể hiện sự trung tín đó qua lịch sử đối với dân Người, cụ thể qua các giao ước từ Nô-ê đến Đức Kitô (x. Xh 34, 16). Sự trung tín của Thiên Chúa theo Thánh Kinh thường được liên kết với lòng nhân từ phụ tử của Người đối với dân Israel, có tính hỗ tương: giao ước vừa là ân huệ nhưng không, vừa là mối dây bền vững qua mọi thời đại (x. Tv 119, 90).

1. Thiên Chúa là Đấng trung tín.

Sách Đệ Nhị Luật 32, 4 viết: “Thiên Chúa là Đá Tảng của Israel”, điều này nói lên sự trung tín bất biến của Người, Thiên Chúa luôn giữ lời hứa và lời Người tồn tại muôn đời (x. Ds 23, 19; Is 40, 8; 55, 11; Ml 3, 6; Tb 14, 4). Bởi quyền năng của lời Thiên Chúa, một khi đã ban ra thì chỉ trở về lại khi đã chu toàn sứ mạng (x. Is 5, 11). Sách Hôsê đã diễn tả một cách tuyệt vời về sự liên kết của Thiên Chúa với vị hiền thê đã chọn bằng mối dây trung tín hoàn hảo (x. Hs 2, 22). Các Thánh Vịnh cũng hết lời ca tụng sự trung tín của Thiên Chúa đối với dân qua giao ước của Người (x. Tv 36, 6; 85, 11…; 89, 1-9. 25-40; 143, 1).

2. Thiên Chúa thể hiện sự trung tín qua giao ước.

Lịch sử Thánh Kinh ghi lại qua bao lần lập giao ước, cũng là bấy nhiêu lần con người đơn phương phá vỡ bằng sự bất trung. Thế nhưng, điều này cũng chứng minh cho thấy sự khác biệt lớn nhất giữa giao ước và các sự ký kết khác (như hiệp ước, khế ước, hiệp định…) là dù cho con người có ngàn lần phản bội, thì Thiên Chúa vẫn trung tín, vì “giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi”.

Sự trung tín của Thiên Chúa dành cho con người được viên mãn nơi Đức Kitô (x. 2Tm 2, 11), dẫu rằng khi con người bất trung thì Người vẫn trung tín, vì trong nhiệm thể, Đức Kitô không thể chối bỏ chính mình Người (x. 2Tm 2,13), bởi hôm qua cũng như hôm nay và cho đến muôn đời Đức Kitô vẫn là Đức Kitô và là vị thượng tế đầy xót thương và trung tín (x. Dt 13, 8; Dt 2, 17).

II. Làm sao để tu sĩ trung tín.

… Nhờ Đức Kitô và qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã giữ tất cả những lời Người đã hứa (2Cr 1, 20). Nơi Đức Kitô có ơn cứu độ và vinh quang của những kẻ được chọn và chính nhờ Đức Kitô mà con người được Thiên Chúa Cha gọi vào đời sống hiệp thông, được củng cố và trung tín với ơn gọi của mình (2Tm 2, 10; 1Cr 1, 8). Nói cách khác, con người giữ được trung tín với cac giao ước đã ký kết nhờ Đức Kitô – thần tượng của sự trung tín tuyêt hảo với Thiên Chúa Cha và loài người.

1. Xác định thần tượng để gắn bó.

Chữ trung tín là từ ghép bởi hai chữ “tín” và “trung”, thiết nghĩ có thể hiểu: muốn “trung” cần có “tín”, nghĩa là có tin tưởng vào đối tượng, thì mới có thể giữ được lòng trung với những gì đã giao ước với nhau. Hay nói đúng hơn, khi trung tín bước theo ai, người đó phải trở thành thần tượng của họ. Thật vậy, không ai dại dột dấn thân trọn đời cho một đối tượng hay một lý tưởng hão huyền.

Xác định đối tượng để gắn bó cũng là một trong những điểm cốt yếu của nền giáo dục hôm nay. Có thể nói, sở dĩ giới trẻ ngày nay sống cuồng sống vội và mất định hướng là vì họ không có một thần tượng xứng đáng để họ noi gương tiếp bước. Giáo dục học đường cũng không thể chỉ ra cho giới trẻ môt thần tượng đáng tin cậy, chẳng hạn khi đưa ra những mẫu thần tượng như ông chủ tịch này, doanh nhân nọ…, nhưng rồi với những nghiên cứu lịch sử và các phương tiện truyền thông, giới trẻ dễ dàng phát hiện ra đầy những khiếm khuyết bị che giấu, những giả dối của giáo dục nhằm ủng hộ cho ý thức hệ hoặc phe phái chính trị đã làm cho mẫu thần tượng trong ý thức giới trẻ sụp đổ, thế rồi họ phải tự kiếm cho mình và chạy theo những thứ thần tượng mang tính vật chất như Bill Gates, các ngôi sao bóng đá, điện ảnh… và rồi tất cả sụp đổ y như sự nhất thời mai một của các thần tượng đó.

Khi bước theo tiếng gọi của tình yêu thì đương nhiên thần tượng của đời mình chính là người mình yêu và trọn đời gắn bó nên một. Cũng thế, khi dấn thân bước theo tiếng gọi đan tu, điều chắc chắn là các tu sĩ phải xác định cho mình đâu là thần tượng đích thưc của đời mình; khi khấn dâng trọn đời thì dĩ nhiên thần tượng của mình phải mang tính bền vững. Tưởng cũng không cần phải nhắc lại, điều mà từ cổ chí kim Giáo Hội và cách riêng các tu sĩ chọn làm thần tượng của mình, không ai khác chính là Đức Kitô, một thần tượng tuyệt hảo và bền vững, là mẫu gương của mọi mẫu gương và là lý tưởng của mọi lý tưởng.

2. Xác định lý tưởng để dấn thân.

Có lẽ sai lầm lớn nhất của con người là không có một lý tưởng sống cho đời mình, và còn tai hại hơn khi con người chọn lý tưởng này nhưng lại mơ ước hoặc hành động cho một lý tưởng khác. Thế nhưng, thật trớ trêu, không ít những người là tu sĩ nhưng lại né tránh để không ai biết mình tu, lại có những giáo dân muốn được người ta lầm là tu sĩ… Trong các tu viện không thiếu những tu sĩ sống trong lý tưởng này nhưng lại ưa thích những chuyện của dòng kia, thậm chí dấn thân sâu vào những chuyện không thích hợp với đời tu… và rồi sự trung tín với lý tưởng ban đầu chỉ còn là hình thức bề ngoài mà thôi.

Vì vậy, để giữ được lòng trung tín, thiết nghĩ tu sĩ cần luôn có sự “xuất phát lại”, cần xác định lại lý tưởng ban đầu đã chọn để dấn thân. Chính điều này giúp tu sĩ có được sự dấn thân dứt khoát hơn cho lý tưởng mình đã chọn, tránh thái độ nửa vời “không lạnh, không nóng”, để trung tín với Đức Kitô, lý tưởng của tình yêu tu sĩ.

3. Tình yêu nhưng không.

Trong giao ước tình yêu được ký kết với Đức Kitô, tình yêu được xem là linh hồn của sự trung tín, ngược lại, trung tín là bằng chứng của tình yêu đích thực. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em tuân giữ các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy vâng lời Cha Thầy nên lưu lại trong tình yêu của Người” (Ga 15, 9…).

Sở dĩ có sự bội ước là do tình yêu đã mảy may pha chút vị kỷ, để cho một lý do nào đó tiêu cực xen vào, như: yêu vì mình, đi tu như một nghề sinh sống, khấn dòng vì quyền lợi… và lẽ đương nhiên tình yêu sẽ tan vỡ khi những thứ mình kỳ vọng kia sụp đổ.

Thật ra, không thiếu những người bước vào đời tu với những lý do có tính tiêu cực, nhưng Chúa có cách huấn luyện họ đến một tình yêu nhưng không – yêu như Chúa yêu – Thế nên, để trung tín, đòi hỏi phải đat được tình yêu cách nhưng không này. Đó cũng là tình yêu theo giao ước – yêu như Chúa đã yêu – vì Thiên Chúa thể hiện tình yêu trong giao ước là yêu con người cách nhưng không, và trọn bề nhân nghĩa dù bao lần con người phản bội. Tình yêu nhưng không này được Đức Kitô thể hiện cách trọn hảo nơi Bí Tích Thánh Thể.

4. Nguồn sức mạnh nhờ các Bí Tích

Một trong những điều kiện quan trọng để giữ được lòng trung tín, đó là sự hiện diện của đối tượng, chuyện “xa mặt cách lòng” không phải là hiếm nơi các cuộc tình nhân loại. Thiết nghĩ đời tu sẽ èo uột khi Thiên Chúa như vắng bóng trên cuộc đời của mỗi tu sĩ, sự trung tín của tu sĩ sẽ bị ảnh hưởng khi thiếu sự gặp gỡ gắn bó với Thiên Chúa. Các bí tích là một trong những phương thế tốt nhất Thiên Chúa ở lại để con người gặp gỡ Ngài, đặc biệt qua bí tích Giao Hoà, Thiên Chúa trọn bề nhân nghĩa chờ đợi con người trở về và làm mới lại giao ước; qua bí tích Thánh Thể Thiên Chúa muốn ở lại và kết hiệp với con người qua “máu giao ước vĩnh cửu”. Thật vậy, nếu khi tìm về với bí tích Giao Hoà, con người hưởng được nguồn tha thứ, nối lại giao ước và tự do thanh thoát với mọi ngăn trở để sống cho Đấng Tình Quân, thì khi đến với bí tích Thánh Thể, con người được đồng bàn, được nên bạn hữu, nên anh em, nên con cái… và đặc biệt được “ở bên nhau” mỗi ngày. Ở bên nhau mỗi ngày là điều kiện lý tưởng nhất cho sự trung tín với nhau – Con người đến với Thánh Thể và rước Thánh Thể mỗi ngày sẽ giữ được mối tình thân hiệp với Chúa Giêsu Kitô.

III. Tu sĩ sống trung tín theo giao ước.

Nghi lễ tuyên khấn thường diễn ra rất trang trọng, được coi như là ngày thành hôn của tu sĩ đối với Đức Kitô. Tu sĩ đứng trước Tôn Nhan Thiên Chúa Cha, trước triều thần thiên quốc, trước cộng đoàn dân Chúa và ký nhận giao ước trước sự làm chứng của chư thánh. Như vậy, đây là một giao ước mang đầy đủ ý nghĩa của một cuộc tình, tu sĩ và Đức Kitô hiến thân trọn vẹn cho nhau, tu sĩ thề hứa sẽ trung tín với Đức Kitô cho đến trọn đời, thể hiện qua việc trung tín với những gì đã cam kết nơi cộng đoàn mình đang sống và công việc mục vụ.

1. Trung tín của tu sĩ với lời khấn hứa.

Việc ký nhận cam kết hiến mình hoàn toàn cho Đấng Tình Quân là một hành vi nhân linh, khấn sinh tự nguyện lựa chọn sau khi đã suy nghĩ chín chắn, ý thức rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với giao ước khấn dâng, với một tinh thần trách nhiệm trước những đòi hỏi cả về pháp lý lẫn tình cảm… Tắt một lời, khi khấn hứa, tu sĩ cùng với sự cộng tác với ơn Chúa biết mình có thể giữ được lòng trung tín đến cùng với Đấng mình đã kết duyên hay không.

Trước hết, muốn trung tín phải cố gắng tuân giữ những gì giao ước đòi hỏi và phải có lòng yêu mến đối với Đấng Tình Quân. Cũng như khi tự do tuyên khấn, thì cũng tự do tuân giữ, và tránh thái độ giữ vì bất đắc dĩ. Có thể nói, bao lâu còn tuân giữ những gì đã khấn hứa, thì bấy lâu còn giữ được lòng trung tín, và nếu lòng mến không còn thì sự chán nản sẽ phát sinh và làm cho tu sĩ ra đi.

Cũng cần nhắc lại, trung tín theo giao ước là trung tín trong tình yêu, nên không phải chỉ giữ một cách máy móc và tỉ mỉ những gì ràng buộc trong giao ước, mà phải thăng hoá và làm triển nở tinh thần yêu mến hằng ngày. Cũng như tình yêu dành cho nhau luôn được làm mới lại và thăng tiến thêm từng ngày, thì những gì tu sĩ khấn hứa không chỉ dừng lại ở những gì có tính pháp lý, mà là thăng hoá nó mỗi ngày trong tình yêu nồng nàn dành cho Đấng Tình Quân, bởi mức độ của tình yêu là yêu không mức độ. Tình yêu luôn hướng vào nhau và cùng với người tình hướng về phía trước chứ không dừng lại, thì tu sĩ cũng không chỉ dừng lại bởi những gì đã khấn hứa mà còn phải tiến triển từng ngày trong tình yêu mến.

2. Trung tín của tu sĩ đối với cộng đoàn.

Tu sĩ khấn với Thiên Chúa nhưng cộng đoàn là nơi tiếp nhận và làm cho tình yêu tu sĩ triển nở để đi đến sự kết ước, đồng thời cộng đoàn cũng được xem là gia đình của Đức Kitô, mà qua đó Đức Kitô “cưới” tu sĩ về chung sống trong tình yêu thánh hiến. Cộng đoàn cung cấp mọi nhu cầu tinh thần cũng như vật chất để tu sĩ an tâm giữ giao ước; cộng đoàn cũng đào luyện tu sĩ ngày một nên xứng đáng với Đấng Tình Quân.

Cộng đoàn, các tu viện được ví như “nhà Chúa”, “gia đình Chúa”… nghe thật thi vị, không chỉ nơi các lời thơ bản nhạc, mà còn là quan niệm lâu đời của hầu hết các giáo hữu, cách riêng nhiều giáo hữu Việt Nam xưa nay thường gọi nhà dòng là nhà Đức Chúa Trời và gọi người đi tu là “con Đức Chúa Trời”. Lý tưởng là thế, nhưng cũng cần thực tế hơn trước những mỹ từ đó. Tu viện là nhà Chúa hay là gia đình Chúa, thiết tưởng không sai, nhưng trong gia đình đó gồm những con người “bá nhân bá tánh’, nên sống được với nhau cần một sự hy sinh từ bỏ rất lớn để khép mình theo đặc sủng đòi hỏi. Sống được với nhau, sống vui trong cộng đoàn thì mới trung tín được với những gì đã thề hứa trong giao ước.

… Truyền thống tu trì thường coi một người đã tuyên khấn trọn đời mới thực sự là thành viên chính thức của cộng đoàn, điều này cũng có nghĩa là hôn ước giữa tu sĩ với Đức Kitô nên trọn vẹn khi tu sĩ được kết nạp vào gia đình cộng đoàn, như cô dâu được cưới về và từ đó họ trở thành thành viên chính thức của gia đình.

Kết luận.

Đôi dòng tìm hiểu về đề tài “Trung tín theo giao ước”, cách riêng về sự trung tín của tu sĩ với giao ước khấn dâng, có dịp để nhìn lại thực tế ngày hôm nay, khi những giá trị đạo đức đang bị xuống cấp bởi trào lưu hưởng thụ: Tình yêu đang mất dần tính thiêng liêng cao quý, con người dễ phản bội và xem nhẹ những gì đã giao ước, dẫn đến bao cuộc tình tan vỡ, bao gia đình ly tán… Lời thề hứa trung tín đôi khi chỉ còn là nghi thức và là câu đối đáp chiếu lệ trong các cử hành hôn lễ, hay chuyện trọn đời cho nhau lắm khi chỉ còn dừng lại ở những câu tỏ tình… Lý do khiến con người dễ bất tín với nhau là do thời đại thực dụng ngày hôm nay – được thì thương, không được thì bỏ – Thế nhưng, lý do sâu xa hơn hết chính là do con người đã mất dần ý thức về giá trị thiêng liêng cao quý của tình yêu và sống như không còn có Thiên Chúa, từ đó con người tự do sống phóng túng theo cảm năng của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, sống trung tín là một lời chứng hùng hồn cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dòng đời. Thật vậy, giữa một thế hệ theo thực dụng và xã hội đầy biến động hôm nay, tu sĩ vẫn giữ được lòng trung tín với đặc sủng, với các lời khuyên Phúc Âm, với cộng đoàn tu viện và với Đấng họ tôn thờ, thì khác nào một ánh sao chiếu sáng giữa thế gian, thức tỉnh mọi người trung tín với nhau và tìm về với Đấng Tạo Thành.
 
Sống đạo
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:22 13/10/2010
SỐNG ĐẠO

Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mk 3:35).

Truyện kể trong một tu viện Phanxicô có một thầy trợ sĩ chuyên làm nghề thợ may áo dòng cho các thầy. Ngày thầy Leon sắp từ giã cõi trần, các thầy khác vây quanh cầu nguyện cho kẻ liệt. Bỗng thầy nói: Xin đem cho tôi chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng. Người ta đem đến cho thầy cuốn: Chìa Khóa Mở Cửa Thiên Đàng. Thầy lắc đầu. Người ta lần lượt đưa cho thầy: Thánh giá, qui luật, tràng hạt, nhưng cũng không phải. Ai cũng ngỡ ngàng! Sau cùng có một thày đoán ra và đi tìm chiếc kim khâu mà thầy Leon đã dùng bao năm qua. Mặt thầy sáng lên nở nụ cười mãn nguyện. Thầy nói: Hỡi bạn cũ kỹ, chúng ta đã làm việc nhiều nhưng tôi đã hiến dâng mọi công việc để rạng danh Chúa. Giờ đây sự ràng buộc đã hết, bạn là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho tôi. Nói rồi, thầy tắt thở. Nở nụ cười trên môi.

1. Thao Thức

Mỗi người có những thao thức sống đạo khác nhau. Có những người được Thiên Chúa yêu thương ấp ủ ngay khi mới mở mắt chào đời như thánh Nữ Maria Goretti và thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Có những vị đã trải qua bao đau thương dằn vặt tìm kiếm, cuối cùng đã nhận biết tình yêu của Chúa như thánh Phaolô và thánh Augustinô. Có những bậc tìm kiếm Thiên Chúa qua những suy tư thần học và triết học như thánh tiến sĩ Thomas Aquinô và thánh Bonaventura. Chúa đến với mỗi người một cách khác nhau. Điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có dám mở cửa đón Chúa vào hay không.

Có những người đón nhận Chúa cách rất đơn sơ qua những kinh nguyện và những sinh hoạt đời thường. Có những người cần những bước xa hơn và cao hơn để gặp gỡ Chúa như canh thức, đi cấm phòng, đi hành hương hay viếng thăm đất thánh. Lại có những người gặp gỡ Chúa nơi tha nhân ngay chỗ làm việc và hội họp. Có những người cần có liều lượng mạnh hơn như phải dấn thân vào các hoạt động tôn giáo và xã hội. Có những người tìm kiếm Chúa mọi nơi và họ thích những cách thế mới lạ để tìm gặp Chúa một cách cụ thể có thể sờ chạm được. Biết rằng không phải chúng ta cứ vào nhà thờ hay tụ họp đọc kinh là chúng ta gặp gỡ được Chúa. Có nhiều lúc tâm hồn chúng ta chạm đến Chúa qua lời kinh đơn sơ, qua một nụ cười với tha nhân, qua một cử chỉ yêu thương với người khác hay một câu nói xây dựng sự hiệp thông.

2. Sống Niềm tin

Dân Do-Thái xưa, được Chúa yêu thương dẫn dắt từng bước trong sa mạc về Đất Hứa. Khi vào đất hứa rồi, dân dần dần sống xa Chúa, tôn thờ các thần ngoại bang và rơi vào các thói tục của dân ngoại. Chúa đã sai gởi các tiên tri mời gọi Dân Chúa trở về nhưng chứng nào vẫn tật đó. Họ bị kéo lôi và xuôi theo những nhu cầu khao khát của bản năng con người và cứ thế họ cứ từ từ xa Chúa. Chúa cảnh cáo họ, rồi ra hình phạt, bắt đi lưu đầy và chịu mọi cơ cực lưu đầy. Đau khổ đến cùng tận, dân Chúa vẫn còn hy vọng và họ lại ăn năn sám hối trở về. Chúa vẫn yêu thương ấp ủ và tha thứ. Cuộc sống đạo của mỗi người chúng ta cũng giống như những người Do-thái thời xưa. Chúng ta cũng nhiều lần thờ ơ sống đạo. Chúng ta đã lạc xa Chúa tìm kiếm nơi nương tựa là của cải phù vân. Chúa mời gọi chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Chúng ta càng sống đạo lâu, càng phải cố gắng nhiều hơn. Chúng ta cần cầu nguyện, trau dồi sự hiểu biết về đạo và thực hành sống đạo nhiều hơn. Để củng cố lòng tin, chúng ta cần có những tổ chức sinh hoạt, tham dự học hỏi và phấn khích niềm tin.

Có nhiều người chân thành nhận biết Chúa một cách rất đơn sơ như các mục đồng khi xưa nơi hang Belem. Có nhiều người cảm nghiệm tình yêu của Chúa qua đời sống gia đình và nơi con cái. Có người nhận biết Chúa qua lời cầu kinh và kinh đẹp nhất là kinh “Lạy Cha”. Có người nhận ra Chúa qua ơn Chúa Thánh Thần đánh động trong tâm hồn. Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người tham dự vào chức vị làm con Chúa. Khi nhận biết và tin theo Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe lời Chúa. Theo Chúa lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc. 9:23).

3. Theo Đạo

Theo đạo, giữ đạo, sống đạo và hành đạo phải là một cố gắng không ngừng. Cuộc sống đạo là một hành trình đi về nhà Cha. Chúng ta cũng không thể gấp gáp đòi hỏi mọi người phải hoàn thiện ngay được. Thời gian là thuốc chữa tất cả các chứng bệnh trong đời sống. Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. Có những người sống đạo lấy lệ, đôi khi còn khoe là đạo gốc ba bốn đời nhưng không thực hành đạo. Có những tín hữu, nhìn xem hình thức bề ngoài rất tốt, họ tham gia mọi sinh hoạt cộng đoàn nhưng thiếu lòng bác ái yêu thương. Như thế để trở thành một người Kitô hữu tốt, phải là người có tâm đạo và sống thực với niềm tin của mình. Niềm tin đối với Thiên Chúa và với tha nhân.

Mức độ tìm kiếm Chúa nơi các tín hữu rất khác biệt. Có những người thông thái tìm kiếm Chúa trong sách vở và lý thuyết. Có người tìm kiếm Chúa nơi các khoa học, họ muốn một Thiên Chúa cụ thể và có chứng nghiệm, đôi khi họ tìm mãi mà chẳng gặp. Có những người tìm kiếm Chúa nơi những suy tư triết học, những chiêm niệm sâu lắng. Có những người gặp Chúa ngay khi mở mắt nhìn những kỳ công của Chúa. Chúng ta biết rằng Chúa đã không mặc khải cho những kẻ khôn ngoan biết những mầu nhiệm của nước trời nhưng tỏ ra cho những kẻ bé mọn. Đây là cách thế Thiên Chúa đã dùng để tỏ lộ và sống với con người. Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn(Mt 11:25).

4. Giữ Đạo

Hôm rồi tôi đi bác sĩ, sau khi khám và chẩn bệnh, đương nhiên là ai trong người chẳng có chút tật này bệnh nọ. Tôi hỏi bác sĩ là có cần uống thuốc không? Bác sĩ nói rằng không nên uống thuốc khi không cần thiết. Khi uống quen thuốc rồi, sẽ phải uống tiếp. Nếu chúng ta dùng loại thuốc nào, chúng ta cứ phải dùng hoài và càng dùng càng phải lên đô. Nhu cầu của thân xác cũng như những nhu cầu đòi hỏi của tinh thần. Thân xác con người có những nhu cầu cần đáp ứng, nhất là sự yếu đau bệnh tật. Mỗi người cần dùng những liều lượng thuốc khác nhau. Khi những người không quen dùng thuốc chỉ cần uống một vài viên thuốc như Aspirin cũng có hiệu qủa và khỏi bệnh. Bệnh nào thuốc đó, thuốc đắng giã tật mà. Thuốc dùng để phòng bệnh và chữa bệnh, để giúp thân xác được khỏe mạnh. Ai trong chúng ta cũng phải dùng thuốc. Thuốc chữa bệnh, thuốc ngừa bệnh, thuốc tăng sinh lực và thuốc giúp điều hòa sự lưu chuyển máu huyết trong cơ mạch.

Có những người đã lạm dụng thuốc, thấy ai mách bảo thuốc nào có công hiệu chữa bệnh là tìm kiếm cho bằng được. Ngày nay có nhiều các bác sĩ, y sĩ không chuyên môn đoán bệnh không mất tiền. Họ có những áp dụng chung chung cho mọi thứ bệnh, đôi khi gây hoang mang cho các bệnh nhân. Người ta nói lắm thầy thối ma là vậy.Chúng ta hãy cẩn thẩn dùng các loại thuốc này. Thuốc thang giống như ơn thiêng cần có cho linh hồn. Ơn thiêng giúp chúng ta tăng nguồn sinh lực sống đạo. Như cành nho nối kết với cây để có sự sống, chúng ta liên kết với Chúa và với nhau để truyền lan sự sống thiêng liêng.

5. Sống Đạo

Nhìn chung qua cách sống đạo, chúng ta nhận thấy rằng có nhiều thành phần tham dự vào đời sống Giáo Hội khác nhau. Có một số người thì thích gia nhập nhiều Hội Đoàn, lòng chay nào cũng có nước mắt. Họ muốn tham dự vào mọi biến cố và dịp lễ của cộng đòan giáo xứ. Nhưng trái lại cũng có rất nhiều tín hữu đang sao lãng việc giữ đạo và hành đạo. Một số người chỉ đến nhà thờ vào vài dịp lễ lớn hay dịp có ấn tượng như lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Rước Lễ Lần Đầu và Bí Tích Thêm Sức. Họ tham dự một năm vài lần vào dịp Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Phục Sinh và Lễ Quan Thầy như San Juan, Our Lady of Guadalupe… Nhiều người không còn đến nhà thờ thường xuyên nữa. Họ không muốn tham dự vào bất cứ đoàn thể hay sinh hoạt nào của giáo xứ.

Nhiều người vẫn muốn mang danh là người Kitô Hữu nhưng niềm tin và cuộc sống còn khoảng cách rất xa. Tôi gặp rất nhiều anh chị em tín hữu thường đi tham dự các cuộc hội họp, cầu nguyện và cả tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Đi vào đời sống cụ thể, tôi cũng không hiểu cách thực hành đạo thế nào mới là thích hợp. Vấn đề bức xúc nhất, vẫn là vấn đề cuộc sống hôn nhân gia đình. Phần lớn những người đến từ Nam Mỹ, họ quan niệm và sống rất tự do về vấn đề hôn nhân. Họ có con, có cháu, có bà nội, bà ngoại nhưng các con cháu ít biết về ông và bố. Vai trò của người đàn ông không còn quan trọng nhiều trong gia đình. Có rất nhiều người mẹ đơn chiếc (single mother) nuôi dậy và giáo dục con cái. Họ vẫn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Cách sống thử và tạm thời trong cuộc sống lứa đôi đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lớp trẻ Á châu. Những năm qua, đã có nhiều bạn trẻ Việt đang chạy theo kiểu sống vội này. Các bạn trẻ dần dần rời xa nền văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp. Có nhiều người trẻ muốn có con mà không muốn lấy chồng. Có người thì sống chung với nhau như bạn trai, bạn gái không có hợp luật và hợp lệ. Có nhiều bạn trẻ công giáo chỉ làm giấy hôn thú ngoài tòa đời và không muốn dấn thân sống đời hôn nhân trong Bí Tích Hôn Phối. Mục vụ nói gì bây giờ. Phải rất tế nhị khi đặt vấn đề với họ. Nên thánh hay sống thánh là một tiến trình và từng bước tiến gần tới Chúa. Nếu chúng ta không quan tâm tới họ, họ sẽ buông xuôi luôn. Và chúng ta sẽ không có cơ hội gặp lại. Chúng ta chỉ còn biết phó thác vào lòng nhân lành của Chúa.

6. Hành Đạo

Hôm đó, đi tham dự thánh lễ về, chị buồn và nói rằng giá đừng đi lễ và đừng nghe giảng thì lương tâm đâu có bối rối. Tôi hỏi sao thế? Chị ta nói rằng hôm nay cha giảng về đức công bằng và sự thành thật. Mà cuộc sống này làm sao mà áp dụng chứ. Nếu cứ công bằng đóng thuế cho nhà nước, thì lấy gì mà ăn. Đây là tâm trạng chung của nhiều người tín hữu. Khi đi tham dự thánh lễ, nếu cha giảng nói về luân lý đạo đức thì nhiều người không vui. Họ lại than phiền rằng cha nói bóng nói gió về mình, chứ không lo tự xét mình thế nào. Vậy là họ tẩy chay cha xứ và không muốn nghe cha giảng nữa. Thực hành đạo là đời sống đi đôi với lời nói và việc làm. Biết rằng chúng ta không thể ngày một, ngày hai có thể thực hành tốt mọi điều luật truyền dạy. Có khi cả đời chúng ta cũng chưa tập tành được một nhân đức nhưng sự cố gắng tiến lên trọn lành là điều quan trọng.

Có một số người lý luận rằng tôi không đi xưng tội nữa, vì tôi xưng rồi, sau lại tái phạm. Tôi đâu có giữ được lời hứa, vậy tôi xưng tội để làm chi? Đúng thế, có những tội, chúng ta xưng đi xưng lại cả đời mà cũng chẳng chừa được. Nhưng sống và hành đạo cũng như chúng ta ăn cơm mỗi ngày, ăn rồi lại đói, đói rồi lại phải ăn. Hoặc hôm nay chúng ta tắm rồi, mai lại tắm nữa. Cuộc sống là những chuỗi giây kết hợp đi tới. Khoảng đời đã qua là đã đi vào qúa khứ. Chúng ta đang sống với những giây phút hiện tại. Sống giây phút này trong tình yêu của Chúa vẫn là một hồng ân. Tin đạo, theo đạo, giữ đạo, sống đạo và hành đạo phải luôn đan kết với nhau làm thành một đời sống. Sống đời Kitô Hữu là một dấn thân không ngừng. Bước theo Chúa Kitô không phải tùy hứng hay theo mùa nhưng là vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa. Thánh Phaolô nói rằng: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Galát 2:20).

Nói tóm lại, chúng ta được mời gọi theo Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta cùng được chia sẻ một nguồn sống là ơn Chúa qua các kinh nguyện và hiệu qủa của các Bí Tích. Trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta sẽ gặp nhiều gian nguy, cám dỗ, thách đố, chịu đựng, khổ đau nhưng phần thưởng vinh quang đang đợi chờ chúng ta ở cuối đường. Chúng ta cùng chạy đua và hãy đua đến cùng đường và giữ vững đức tin trọn vẹn. Xin Chúa đổ tràn ơn thiêng xuống cho mỗi người, để chúng ta cùng được thông hiệp với Chúa như cành nho tháp nhập vào thân nho. Chúng ta sẽ cùng chung hưởng hạnh phúc muôn đời.
 
Một nền tảng của Đức tin: Cầu nguyện
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:31 13/10/2010
Chúa Nhật XXIX Thường Niên C

Sau khi lên các phương kế để dụ Tư Mã ý vào hang động Thượng Phương, Khổng Minh đã sai quân sĩ bịp kín cửa hang rồi dùng hoả công để tiêu diệt viên tướng tài của nước Nguỵ. Đang nắm chắc kết quả, một kết quả có thể xoay đổi tình hình thế sự thời tam quốc phân tranh lúc bấy giờ, hầu đưa nhà Thục thống nhất đất nước, thì bỗng một cơn mưa bất chợt đổ xuống dập tắt đòn hoả công của Khổng Minh và cứu sống Tư mã Ý. Khi ấy Khổng Minh đã than rằng: “Mưu sự tại nhân. Thành sự tại thiên”. Hai từ “trời định” mà dân gian thường dùng nói lên quan niệm về ý định của trời xanh đã chi phối cuộc nhân sinh một cách nào đó.

Niềm tin Kitô giáo cũng có cái nhìn về thiên mệnh nhưng hoàn toàn không theo kiểu thụ động, yếm thế. Chúng ta tin nhận thánh ý của Thiên Chúa, nhưng sự tin nhận này không loại bỏ vai trò của sự tự do mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Thiên Chúa không phải là một vị thần chuyên chế quyết định mọi chuyện thành bại hay được thua của con người. Cách riêng những sự tốt xấu theo chiều kích luân lý thì đều có sự tham gia của sự tự do của chính con người. Giáo lý Công giáo dạy rằng chỉ có hành vi nhân linh nghĩa là những hành vi bao hàm sự hiểu biết và tự do thì mới có giá trị luân lý. Tuy nhiên để đạt được những điều tốt đẹp, Kitô hữu tin rằng phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự thiện hảo. Chúa Kitô đề cập đến chân lý này qua hình ảnh cây nho, cành nho và Người đã khẳng định: “Không có Thầy anh em chăng làm gì được”(Ga 15,5).

Sách Xuất hành tường thuật cuộc chiến giữa quân Israel và quân Amalếch. Trong khi tướng Giosuê đem quân đi giao chiến thì Môsê lên núi cầu nguyện. “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế” (Xh 17,11). Dữ kiện này muốn nói rằng sự thắng thua của dân Israel là do bởi Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế nhất thiết cần phải gắn bó với Thiên Chúa, đặc biệt bằng sự cầu nguyện.

“Luật của cầu nguyện là luật của niềm tin” (lex orandi, lex credendi). Câu ngạn ngữ trên đã nói lên mối tương quan mật thiết giữa niềm tin với việc cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư hay cầu nguyện công khai chính chính qua các cử hành Phụng Vụ. Dĩ nhiên nếu hiểu văn phong dụ ngôn thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa chính của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “ông quan toà chẳng sợ Thiên Chúa mà phải chào thua sự lì lợm của một bà goá”(x.Lc 18,1-8). Ý nghĩa của câu chuyện dụ ngôn đã được thánh sử Luca nói ngay đầu đoạn tin mừng đó là “để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” và cái lý do được nêu lên ở câu cuối đó là lòng tin.

Một vấn nạn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”(Lc 18,8). Câu than thở của Chúa Kitô khiến chúng ta phải giật mình và cảnh tỉnh. Khi nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, khi nên công công nghệ ngày càng tinh xảo và tân kỳ, thì dường như sự tự cao tự đại đang ngày càng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Dù nhiều người với cái thói kiêu căng cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả…” đã từng “trắng mắt ra” khi đối diện với những nghịch cảnh vượt quá sức mình, thế nhưng vẫn còn đó những hình thái ngông nghênh cao ngạo bằng sự độc tôn, độc đoán, độc quyền, chuyên chế… Những hình thức tự tôn vinh, thần thánh hoá bản thân hay tập thể của mình lên hàng muôn năm hay bất diệt vẫn còn nhan nhãn đó đây. Một khi sự tự tin đã biến thành sự tự tôn thì lòng tin vào Đấng Tối cao sẽ suy giảm và rồi sẽ biến mất. Khi con người đã không còn tin vào Đấng Tối cao thì chắc chắn sẽ làm được sự gì tốt đẹp đúng nghĩa. Như thế, lòng tin hay đức tin, nói theo ngôn ngữ Kitô giáo, chính là nền tảng của mọi thành quả tốt đẹp mà con người đạt được.

Kitô giáo luôn khẳng định rằng tin là đón nhận Thánh ý Thiên Chúa và dấn thân hết mình để sống theo thánh Ý đã lãnh nhận. Hai mẫu gương lớn của lòng tin thường được giáo hội nói đến đó là Tổ phụ Abraham và Mẹ Maria. Đang là người sinh sống bằng nghề chăn nuôi súc vật thế mà Abraham đã can đảm vâng nghe lời Thiên Chúa mời gọi lên đường đi đến nơi chưa từng biết. Nếu nơi ấy là nơi thiếu cỏ hay thiếu nước thì việc chăn nuôi sẽ phá sản. Tuổi đã cao, người phối ngẫu đã qua thời sinh nở thế mà Abraham vẫn vâng lệnh Thiên Chúa để hiến tế người con trai duy nhất, kẻ sẽ nối dõi tông đường, người sẽ giúp ông tránh được sự bất hiếu với tổ tiên. Khi đón nhận và “xin vâng” như lời sứ thần truyền thì Mẹ Maria đã chấp nhận sự hiểu lầm của người bạn đời, Giuse và chấp nhận cả cái án hình bị ném đá theo luật bấy giờ.

Làm sao có thể đón nhận và thực thi Thánh ý Chúa nếu chúng ta không gặp gỡ và lắng nghe Người phán dạy? Và làm sao chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu không chuyên chăm cầu nguyện? Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, gặp gỡ Thiên Chúa, kết hiệp với Người, lắng nghe Người phán dạy để rồi can đảm thực thi. Cầu nguyện là cách thế biểu lộ niềm tin và cũng là phương thế củng cố niềm tin. Vì chúng ta tin nên chúng ta cầu nguyện. Nhờ chúng ta cầu nguyện nên niềm tin của chúng ta được củng cố.

Ai có thể tự hào rằng mình đã vững vàng trong đức tin? Ai có thể tự nhận rằng mình sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực thi giới luật yêu thương Chúa Kitô truyền dạy? Ngoại trừ các thánh nhân, có thể nói chúng ta, từ người giáo dân hèn mọn đến vị mục tử trọng chức, thảy đều non kém đức tin, chưa dám xả thân, hiến mình để sống yêu thương đến cùng. Chính vì thế việc chuyên chăm cầu nguyện là điều như tất yếu. Tuy nhiên cần khẳng định rằng cầu nguyện không phải là để bắt Chúa thực hiện ý muốn của chúng ta, nhưng là để chúng ta biết cách thực thi thánh ý Chúa, nghĩa là để sống đức tin. Và xin đừng quên đức tin chính là chìa khoá dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.
 
Tại sao Chúa Giêsu gọi chúng ta là kẻ xấu?
Đ.Ô. Charles Pope
10:34 13/10/2010
Phúc âm ghi lại lời Jesus nói: Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? (Lc 11, 13).

Vậy điều gì xảy ra? Tại sao Chúa Giêsu gọi chúng ta là kẻ xấu?Hãy kiểm tra và chuyển ngữ tốt. Cách diễn tả của người Hy lạp là πονηροὶ ὑπάρχοντες (poneroi hyparchontes). Ngày nay poneroi được định nghĩa trong tự điển Hy lạp là “xấu, thuộc bản chất xấu hoặc tình trạng xấu”. Nhưng cũng được định nghĩa là “đầy nặng nhọc, phiền toái, thử thách”. Và hyparchontes được dịch là “từ khởi đầu” hoặc “vốn dĩ, cố hữu”.

Như vậy dịch “anh em là kẻ xấu” có thể chính xác. Có thể dịch chính xác hơn là “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu” hoặc cũng có thể được diễn tả là “Nếu anh em là những người xấu ngay từ đầu…”.

Nếu chúng ta lấy nghĩa thứ hai của poneroi thì nó có thể được giải thích: “Nếu anh em đầy khổ nhọc…”. Tuy nhiên, tôi kiểm tra hằng chục bản dịch tại Biblos.com và không bản dịch nào giải thích theo nghĩa thứ hai. Các bản dịch đó chỉ nói đơn giản: “Nếu anh em là kẻ xấu…”.

Vậy điều đó có vẻ là sự phân tích mấu chốt của bản văn bằng tiếng Hy lạp mà chúng ta “bị kẹt” với thực tế Chúa Giêsu gọi chúng ta là “kẻ xấu”.

Lời chú giải nói gì? Thật thú vị trong 7 cách chú giải hiện đại mà tôi tra cứu, không chú giải nào đề cập cách giải thích này. Tuy nhiên một số Nghị phụ đề cập kiểu diễn tả này:

1. Cyril thành Alexandria nói: Khi Chúa Giêsu nói “anh em là kẻ xấu”, Ngài có ý nói “những người có thể bị ảnh hưởng điều xấu và không có thiên hướng tốt như Thiên Chúa (Chú giải về Luca, Bài giảng 79).

2. Bede giải thích ý nghĩa: Con người nào cũng chết, yếu đuối và chịu gánh nặng xác thịt tội lỗi, không từ chối trao điều tốt mình có cho con cái mà mình yêu thương, dù chúng trần tục và yếu đuối (Bài giảng về Phúc âm 2.14).

3. Bede cũng nói ở chỗ khác: Ngài gọi những người yêu thế gian là kẻ xấu, những người trao các điều đó mà họ cho là đúng tùy ý nghĩa của họ, những điều đó cũng tốt về bản chất, và hữu ích để giúp đỡ cuộc sống bất toàn. Từ đó Ngài nói thêm: “[Họ] biết cách trao điều tốt cho con cái họ”. Ngay cả các Tông đồ, nhờ việc được tuyển trạch mà vượt quá điều tốt của nhân loại nói chung, cũng bị coi là xấu khi so sánh với điều tốt lành của Thiên Chúa, vì không có điều gì tốt lành trừ một mình Thiên Chúa (Trích dẫn từ Catena Aurea ở Lc 11, 13).

4. Athanasius nói: Nếu Chúa Thánh Thần không thuộc về bản chất của Thiên Chúa, Đấng nhân lành, thì Ngài không được gọi là nhân lành, vì Chúa Giêsu từ chối được gọi là nhân lành, vì Ngài đã làm người (Trích dẫn từ Catena Aurea ở Lc 11, 13).

1. Có vẻ như Chúa Giêsu nói bằng cách so sánh hoặc cấp độ ở đây. Có thể Ngài không có ý nói rằng chúng ta là kẻ xấu theo nghĩa tuyệt đối, mà chúng ta là kẻ xấu khi so sánh với Thiên Chúa, Đấng tốt lành tuyệt đối. Ngôn ngữ Do Thái và Xy-ri có chiều hướng thiếu từ ngữ so sánh và điều này nghĩa là người Do Thái xưa thường dùng các phạm trù tuyệt đối để nêu ra cách so sánh hoặc cấp độ. Chẳng hạn ở chỗ khác Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải ghét cha mẹ, con cái, ngay cả chính mình, và chúng ta phải yêu mến Ngài (x. Lc 14, 26). Điều này không có nghĩa là chúng ta xem thường gia đình và tha nhân theo nghĩa đen. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải yêu Chúa Giêsu hơn những người khác. Người Do Thái xưa nói cách này và dùng nhiều cách nói mà chúng ta coi là ngoa ngữ (cường điệu) vì thiếu từ ngữ so sánh trong tiếng Do Thái và Xy-ri. Do đó, khi gọi chúng ta là “kẻ xấu” thì Chúa Giêsu không có ý nói theo nghĩa tuyệt đối mà chỉ nêu lên sự so sánh theo kiểu Do Thái. Vì thế, trong ngôn ngữ hiện đại chúng ta có thể nói “Vậy nếu anh em không thánh thiện bằng Thiên Chúa và có xu hướng phạm tội thì hãy biết cho con cái điều tốt, Thiên Chúa tốt lành biết bao, Ngài tuyệt đối tốt lành và không có xu hướng phạm tội, sao Ngài lại không ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Ngài?”.

2. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn trọng ở đây cũng như không đơn giản giảm bớt kiểu nói cường điệu của Do Thái và đơn giản là viết lại như tôi đã làm. Điểm cường điệu không thể bị bỏ lỡ hoặc bỏ qua. Thực sự Ngài quá tốt lành đến nỗi mọi thứ khác rất xấu khi so sánh với Ngài. Cách ngoa ngữ nhấn mạnh sự tốt lành tuyệt đối của Thiên Chúa. Chúng ta không tốt lành nếu tách khỏi sự tốt lành của Thiên Chúa. Nếu chúng ta thông phần tốt lành của Ngài, đó chỉ là cực tiểu (vi phân trong toán học) khi so sánh với Thiên Chúa. Do đó, như Bede nói ở trên: Ngay cả các Tông đồ, nhờ việc được tuyển trạch mà vượt quá điều tốt của nhân loại nói chung, cũng bị coi là xấu khi so sánh với điều tốt lành của Thiên Chúa, vì không có điều gì tốt lành trừ một mình Thiên Chúa.

3. Như một minh họa. Đôi khi chúng ta diễu cợt một người chạy đua thua cuộc bằng cách nói: “Tay kia chạy qua mặt bạn quá nhanh đến nỗi thấy bạn như đứng im vậy!”. Đó là nói cường điệu. Tuy nhiên, cách cường điệu có ý tạo một điểm thực tế: Ngài vượt hẳn bạn. Ngay khi Chúa Giêsu dùng cách nói cường điệu và phạm trù tuyệt đối, chúng ta vẫn không thể bỏ qua điểm này: Dù chúng ta có điều gì tốt lành thì chúng ta thực sự thông phần sự tốt lành của Thiên Chúa. Ngài quá vĩ đại đến nỗi sự tốt lành của chúng ta khả dĩ được coi là tốt lành.

4. Ngay Chúa Giêsu cũng từ chối danh xưng “tốt lành” cho mình theo thuật ngữ nhân loại. Trong Phúc âm theo Thánh Mác-cô chúng ta có mẩu đối thoại này: Đức Giêsu vừa lên đường thì có một người chạy đến quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10, 17-18). Cũng như Thiên Chúa, Đức Giêsu nhân lành. Người ta sẽ tranh luận rằng theo nhân tính vô tội thì Chúa Giêsu cũng vẫn tốt lành. Nhưng, giả sử chúng ta chỉ cói Ngài là con người bình thường, Chúa Giêsu xác định chỉ một mình Thiên Chúa tốt lành.

5. Cuối cùng, vậy là đến lúc dành cho chiếc bánh khiêm nhường. Có thể Chúa Giêsu không có ý nói chúng ta là kẻ xấu và không gì tốt trong chúng ta. Nhưng MỘT MÌNH Thiên Chúa tuyệt đối tốt lành. Và Ngài tốt đến nỗi chúng ta chỉ có thể được coi là không gì khác hơn là xấu trước sự tốt lành vô biên của Ngài. Chiếc bánh khiêm nhường không có nhiều đường trong đó chăng?

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ trang của Archdiocese of Washington)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 13/10/2010
TRƯỚC SAU MÂU THUẪN

N2T


Thời chiến quốc, nước Châu đánh nhau với nước Lỗ, nước Châu chết ba mươi hai viên quan chức, nhưng dân chúng lại không hết mình phục vụ họ. Châu Mục công bèn hỏi Mạnh tử, nếu muốn giết những người dân này thì rõ ràng là giết không hết; nhưng nếu không giết họ thì họ mắt nhìn thấy các quan bị chết mà không muốn tìm cách cứu viện, nên làm sao đây ?

Mạnh tử trả lời: “Ngày trước gặp mùa đói kém, dân chúng lớp chết lớp chạy trốn, lúc ấy kho lương thực của nước Châu đầy tràn, kho bạc sung túc, nhưng những viên quan ấy lại không thực tình báo cho ngài biết, đó là họ không làm tròn trách nhiệm, tàn hại bá tánh. Tăng tử nói: “Cẩn thận, làm việc xấu thì nhất định sẽ bị báo ứng trên thân họ”. Bây giờ cuối cùng thì bá tánh có cơ hội báo thù những quan viên ấy, ngài làm sao có thể trách tội họ chứ ?”

(Mạnh tử, Lương Huệ vương, tập hai)

Suy tư:

“Ác giả ác báo”, làm chuyện xấu hại người thì nhất định sẽ bị trả báo, không bị trả báo đời này, thì đời sau cũng sẽ bị sự công bằng của Thiên Chúa trừng phạt.

Không phải bá tánh không có lòng thương người chết trận, nhưng vì những người chết trận là quan chức ấy đã cai trị rất ác độc với họ, chẳng hạn như khi bá tánh đói ăn thì các quan ấy không mở kho lương cứu trợ; không phải bá tánh không có lòng trung thành với vua, nhưng chính những đám quan ăn hại của nhà vua đã sống vô lương tâm khi bá tánh nghéo đói, chính những viên quan chức ấy đã dối trá vua và triều đình.

“Ác giả thì ác báo”, đó không phải là lời nói suông để dọa nạt, nhưng là lời cảnh cáo cho những ai luôn lấy lòng độc hại để hại người khác.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:38 13/10/2010
N2T


4. Khi nói mà cười lớn, pha trò dung tục, là hành vi của phường hát trò, rất không phù hợp với thân phận của người chuyên lo việc tu đức.

(Thánh Basil)
 
Kiên trì trong cầu nguyện
Giuse Đinh Lập Liễm
19:27 13/10/2010
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Người ta thường nói: ”Hữu chí cánh thành”: Có chí thì nên. Kinh nghiệm trường đời cho chúng ta thấy muốn thành công, bất cứ ai, bất cứ công việc gì cũng đòi phải có ý chí, lòng kiên nhẫn bền tâm để vượt qua khó khăn. Chúng ta thấy thanh niên thường hay hát một bài rất có ý nghĩa:

Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí cũng làm nên.

Kinh nghiệm này không những đúng cho đời sống vật chất nhưng còn đúng cho cả đời sống tinh thần và tâm linh nữa.

Để nói lên tính cách cần thiết của sự kiên nhẫn trong việc cầu nguyện, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn một bà góa và vị thẩm phán. Vị thẩm phán này là một người bất lương, tham nhũng, chỉ biết có tiền của, không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể ai, mà phải chịu thua bà góa cô thế cô thân. Bà nghèo khó, không có tiền của để đút lót, bà chỉ có một thứ vũ khí duy nhất để chiến đấu, đó là sự kiên trì. Bà cứ quấy rầy vị thẩm phán làm cho ông phải nhức óc, sau cùng ông phải mở phiên tòa để minh oan cho bà.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta về sự cần thiết phải kiên trì trong khi cầu nguyện. Thánh Luca không dám so sánh Thiên Chúa với vị thẩm phán đâu, nhưng ngài chỉ có ý cho chúng ta thấy vị thẩm phán vô lương tâm như thế mà còn chịu thua sự kiên trì quấy rầy của bà góa. Còn Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân từ thương xót lại không nghe lời cầu xin của chúng ta mà minh oan, mà ban cho chúng ta những điều cần thiết sao ? Hãy tin tưởng vào lời Chúa hứa: ”Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cửa cho”(Mt 11,9). Nếu Chúa còn trì hoãn chưa đáp ứng lời cầu xin của ta, đó là dấu Ngài có một kế hoạch đặc biệt có lợi cho ta, hãy tin tưởng và chờ đợi kế hoạch đó được thực hiện.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xh 17,8-13

Trên đường tiến về Đất Hứa, dân Do thái phải giao chiến với những dân đã định cư sẵn trong miền đất đó. Không phải là vũ khí tối tân, cũng không phải là các kế hoạch hành quân sắc bén sẽ đưa đến chiến thắng mà chính là lời cầu nguyện tha thiết của ông Maisen.

Sách thuật lại: khi nào ông Maisen giơ tay lên cầu nguyện thì quân Israel thắng thế, ngược lại khi ông Maisen mỏi mệt hạ tay xuống thì quân Amalếch thắng. Người ta mới lấy một tảng đá để cho ông Maisen ngồi và cử hai người cầm tay ông giơ lên, nhờ đó quân Israel chiến thắng.

Trận đánh không được miêu tả vì tác giả nhằm mục đích khác: Thiên Chúa phù hộ quân Israel nhờ lời cầu nguyện của ông Maisen.

+ Bài đọc 2: 2Tm 3,14-4,2

Phaolô biết rằng mình sắp chấm dứt cuộc đời nên viết thư cho Timôthêô khuyên ông trung thành với truyền thống cũng như Kinh Thánh, là hai nền tảng đức tin Kitô giáo. Điều ông Timôthêo giảng dạy thì ông đã nhận được nơi thầy mình. Sinh ra trong truyền thống Do thái giáo, được Kinh thánh nuôi dưỡng, Timôthêô phải lấy đó là căn bản để giảng dạy. Ngày phán xét chung, ông sẽ phải tính sổ về sứ mạng rao giảng Tin mừng mà ông đã được trao.

+ Bài Tin mừng: Lc 18,1-8

Trong bài Tin mừng hôm nay thánh Luca có ý nhắc cho chúng ta một thái độ căn bản trong khi cầu nguyện: phải kiên trì. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn một bà góa bị người ta hà hiếp bất công, bị thiệt thòi mà không có ai bênh vực. Bà phải chạy đến kêu cứu với quan tòa xét xử công bình cho. Ông thẩm phán này là một người thiếu trách nhiệm, không bênh vực bà vì bà chẳng có lợi gì cho ông. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.

Nếu một người cứng cỏi và vô lương tâm như viên thẩm phán này mà còn xiêu lòng trước lời năn nỉ của bà góa, huống chi Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chắc chắn là Ngài sẽ nghe lời ta cầu xin thôi. Vậy còn đợi gì chúng ta không xin Chúa ban những ơn cần thiết cho hồn xác chúng ta.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Phải kiên trì cầu nguyện

I. DỤ NGÔN BÀ GÓA VÀ THẨM PHÁN BẤT LƯƠNG

Đức Giêsu đã nhiều lần nói về sự cầu nguyện, dạy các tông đồ cầu nguyện, đặc biệt trong kinh Lạy Cha. Chắc chắn các tông đồ cũng gặp khó khăn trong việc cầu nguyện, thậm chí các ông có thể “nản chí”, nên hôm nay, Đức Giêsu đã khuyên các ông: ”Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18,1). Vì thế Ngài đã đưa ra dụ ngôn vị thẩm phán bất luơng và người đàn bà quấy rầy để dạy cho các ông một bài học: Phải cầu nguyện liên tục và kiên trì.

1. Vị thấm phán

Theo William Barclay, vào thời Đức Giêsu sống, có hai loại thẩm phán. Thẩm phán Do thái, xét xử trước các vị trưởng lão. Thẩm phán của Hêrôđê hay đế quốc Rôma: xét xử trước công chúng. Theo thánh vịnh 82,2-7 đã nói lên sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho các thẩm phán: ”Hãy công minh xét xử kẻ bị áp bức và bà góa…”. Vị thẩm phán trong chuyện này là một trong những thẩm phán ăn lương được bổ nhiệm hoặc bởi Hêrôđê hoặc bởi đế quốc Rôma. Họ là những người tham nhũng, xét xử theo tiền bạc hối lộ. Ông thẩm phán được đề cập trong dụ ngôn thuộc loại này, thuộc loại bất lương vì “không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta”(Lc 18,5).

2. Bà góa

Theo văn hóa và truyền thống của các quốc gia miền Cận Đông, bà góa là những người bị áp bức, bị xã hội bỏ rơi, không được ai nâng đỡ. Bà không có tiền để hối lộ, làm sao thẩm phán có thể xử cho bà được. Nhưng bà có một thứ võ khí duy nhất để đấu tranh là sự kiên trì và bền bỉ: ”Vì bà góa này cứ quấy rầy mãi”(Lc 18,5).

Dụ ngôn không có ý so sánh Thiên Chúa với thẩm phán bất lương, nhưng sánh ngược lại với con người như thế, Đức Giêsu có ý nói: Thẩm phán bất chính còn như thế, lẽ nào Thiên Chúa không xem xét bênh vực những đứa con yêu ngày đêm kêu xin Ngài ? Chắc chắn Ngài sẽ vội vàng cứu giúp họ. Và như vậy, dụ ngôn đưa ra hai nhân vật để nói lên sự tương phản giữa sự bất lương của vị thẩm phán và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

3. Vị thẩm phán xét xử cho bà góa

Bà góa này nhận thấy mình cần phải được minh oan, nhưng làm sao xin ông thẩm phán mở phiên tòa được vì ông không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kiêng nể ai, bà lại không có tiền để đút lót. Vì thế bà không thể làm gì hơn là phải quấy rầy vị thẩm phán bằng cách kiên trì nài van, làm cho ông thẩm phán phải nhức óc, cho đến khi ông nhượng bộ để xét xử cho bà.

Ở đây, chúng ta nhận thấy, vị thẩm phán tuy chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng kiêng nể ai, thế mà lại chịu thua sự kiên trì của bà góa. Đứng trước sự kiên trì của bà góa, dù có bất nhân như ông thẩm phán trong dụ ngôn chăng nữa, cũng phải xiêu lòng, chịu thua. Như vậy, điều ấy nhắc cho chúng ta rằng nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện thì Thiên Chúa vốn có lòng nhân từ thương xót lại không lắng nghe lòi cầu xin của con cái mình sao ?

Đối với Thiên Chúa, thân phận chúng ta được ưu đãi hơn nhiều. Chúng ta không bị cô thế cô thân như bà góa vì chúng ta có Đấng trung gian là Đức Giêsu Kitô cứu giúp chúng ta trước mặt Chúa Cha. Ngài đã thương yêu hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng ta, tuyển chọn chúng ta làm con Thiên Chúa. Bà góa cần được minh oan thế nào thì chúng ta phải khẩn thiết cầu nguyện để Chúa cứu chữa chúng ta khỏi tay ba thù hơn thế.

II. PHẢI KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

1. Nói về sự cầu nguyện

a) Cầu nguyện cần thiết

Đức Giêsu đã nhiều lần nói về sự cần thiết của việc cầu nguyện, chúng ta đã nghe nhiều, không cần trưng ra đây. Ngay những người đời, những nhà thông thái, bác học cũng cảm thấy sự cầu nguyện là cần thiết. Chúng ta hãy nghe bác sĩ Alexis Carrel, người được giải thưởng Nobel năm 1912, nói về sự hiểu biết của một y sĩ chuyên khoa dày kinh nghiệm:

“Không gì gây nghị lực mạnh mẽ cho bằng cầu nguyện. Đó là một sức mạnh rõ rệt như sức thu hút của trái đất. Là y sĩ, tôi thấy nhiều người dùng thuốc gì cũng vô ích. Họ chỉ bình tĩnh tụng niệm là lành mạnh. Tụng niệm tức là cầu ở Thượng Đế nguồn khí lực vô biên để tăng khí lực hữu hạn của bạn. Nhờ đó, tâm hồn lẫn cơ thể được thanh lọc, và lành mạnh hơn. Chẳng ai nguyện cầu một chốc mà không thấy kết quả”.

Bác sĩ Carl Jung cũng cho biết kinh nghiệm khi ông nói: ”Trong 30 năm trời gần đây, có nhiều người từ các nước văn minh tới phòng mạch của tôi. Tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân trên 35 tưổi, rút cuộc người nào cũng phải tìm một giải pháp tôn giáo mới hết bệnh. Họ đau vì mất quân bình, mất tin tưởng”.

Giải pháp ông nói đây chính là sự Cầu nguyện.

Ông Gandhi, người mà dân An độ nâng lên bệ thánh, đã thú nhận rằng: ”Nếu không nhờ tụng niệm thì tôi hóa khùng đã từ lâu rồi”.

b) Năng lực của lời cầu nguyện

Lời cầu nguyện có một năng lực to tát. Nó gây ảnh hưởng đần tiến trình các biến cố và thay đổi cả cuộc đời của nhiều người. Bác sĩ Alexis Carrel một lần nữa đã bình luận về năng lực to tát này như sau: ”Cầu nguyện là hình thức năng lực hùng mạnh nhất mà con người có thể phát sinh ra. Đối với chúng ta, ảnh hưởng của nó trên toàn tâm trí và thân xác của con người cũng hiển nhiên chẳng khác gì các hạch nội tiết. Nó là một lực có thật không khác gì hấp lực của trái đất”.

Truyện: Toa thuốc chữa bệnh.

Một hôm, một bệnh nhân trạc độ 40, đến gõ của phòng mạch bác sĩ.

Người bệnh nói:

- Đã lâu rồi tôi mắc bệnh mất ngủ. Tôi đã uống nhiều loại thuốc an thần, thuốc ngủ. Ban đầu uống một viên. Sau đó, uống hai viên. Hiện bây giờ tôi uống đến những ba viên, mà cũng chẳng tài nào ngủ được. Hết muốn sống.

Bác sĩ là một tín đồ Thiên Chúa giáo, liền cho một toa thuốc an thần, thật bất ngờ, lại không mất tiền mua:

- Từ nay ông đừng uống thuốc ngủ nữa. Thế vào đó, trước khi lên giường, ông hãy đọc một câu kinh cho sốt sắng, và dâng phú những lo lắng của ông vào lòng Thượng Đế.

Đã lâu lắm bệnh nhân kia chẳng hề đọc kinh chiều. Chiều hôm ấy, chàng áp dụng toa thuốc của bác sĩ cho một cách nghiêm chỉnh.

Một tuần sau, thần kinh bớt căng thẳng, chàng được lành mạnh, ăn ngon ngủ ngon, và làm việc như thường lệ (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 42-43).

Thể xác mệt mỏi chưa chắc đã làm cho tâm hồn bệnh họan. Nhưng tâm hồn mệt mỏi bao giờ cũng làm cho thể xác bệnh hoạn. Bác sĩ Alexis Carrel thật có lý: ”Bao nhiêu người đang rên siết trên giường bệnh trong các nhà thương, sẽ được lành mạnh, nếu họ quyết không chiến đấu một mình với đời, mà biết sớm quay đầu nguyện cầu cùng Thượng Đế”.

Ở Vienna, thủ đô nước Ao, có một trường Thần-kinh-bệnh-học. Họ chủ trương rằng: nhu cầu về tinh thần của loài người cũng mãnh liệt như nhu cầu vật chất. Theo Frankl, bác sĩ Giám độc trường, khoa học bắt đầu nhận rằng loài người cần có lòng tin Thượng Đế, thì mới sống vui vẻ khỏe mạnh được. Mà nguyện cầu là một phương tiện để ta thấy rằng Thượng đế là năng lực trong đời sống (x. “Luyện tinh thần”, Nguyễn hiến Lê dịch, Phần VII, ch 2).

c) Vai trò của sự cầu nguyện

Không ai có thể sống đời Kitô hữu mà không cầu nguyện. Nhưng chúng ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.

Có 3 người kẹt trong một căn phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc này ?

- Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi đấy và luôn miệng nguyền rủa.

- Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã qùi gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ.

- Người thứ ba cũng là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức, vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện, anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường. Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi anh nhễ nhãi, nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói “Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con”.

Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục cầu nguyện.Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả 3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.

Ở đây chúng ta thấy có ba thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện:

Đối với người thứ nhất, đó là phung phí thời gian. Vì ông ta không có đức tin nên thái độ của ông ta là hợp lý. Nếu bạn không tin vào Thiên Chúa, bạn có thể cầu nguyện với ai ?

Đối với người thứ hai, cầu nguyện thay thế cho hành động. Vì thế, một khi ông đã cầu nguyện xong, ông ngồi lại không làm gì và chờ Thiên Chúa đến cứu giúp ông. Phần nhiều chúng ta cầu nguyện như thế, đặc biệt khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Nói đúng hơn, đó là một sự thoái tháchành động.

Người thứ ba đã tin tưởng cầu nguyện, nhưng không lấy đó để thay thế cho hành động, nhưng như một sự thúc đẩy hành động. Cầu nguyện xong, ông lập tức làm một việc gì mà ông có thể. Sự cầu nguyện của ông có mục đích giúp ông thêm can đảm và hy vọng. Nó cũng cho ông cảm giác Thiên Chúa ở bên cạnh ông và một sự bảo đảm Thiên Chúa không bỏ rơi ông. Ông rút ra sức mạnh cao cả từ sự cầu nguyện ấy (Carôlô, Sợi chỉ đỏ C, tr 773 và Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật và lễ trọng C, tr 658).

d) Tư thế khi cầu nguyện

Từ khi còn bé chúng ta được dạy rằng khi cầu nguyện phải chắp tay lại. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy Linh mục cầu nguyện giang tay. Đó là hai tư thế cầu nguyện.

Cầu nguyện chắp tay có nghĩa là chúng ta tạm dừng những họat động để chuyên tâm nghĩ đến Chúa. Còn cầu nguyện giang tay là để tỏ ra rằng chúng ta là những người nghèo nàn trước mặt Chúa, chúng ta làm những người ăn xin đưa hai bàn tay không ra để xin ơn Chúa.

Hai tư thế cầu nguyện trên đều tốt. Và ngay cả những khi đôi bàn tay hoặc đôi cánh tay chúng ta đều không chắp lại hay giang ra, chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý nghĩa của hai tư thế ấy (McCarthy).

Trong bài đọc 1 của Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy ông Maisen cầu nguyện với đôi tay dang rộng ra trên dân Do thái, trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân Amalếch. Điều đó có ý muốn diễn tả quyền lực của sự cầu nguyện. Chừng nào mà dân Do thái còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa, họ còn tiến lên. Chừng nào họ quên không nhìn đến Thiên Chúa, họ buộc phải rút lui.

Truyện: Cầu nguyện là thể hiện lòng tin.

Ông Trilussa, thi sĩ La mã (1871-1950) đã kể lại câu chuyện ông bị lạc đường ban đêm giữa một khu rừng rậm rạp và đã gặp một bà lão mù. Sau khi nghe ông trình bầy hoàn cảnh thì bà lão liền nói với ông: ”Nếu ông không biết đường, tôi sẽ đưa ông đi vì tôi thuộc đường lối ở đây”. Vừa ngạc nhiên vừa nghi ngờ ông nói: ”Tôi lấy làm lạ, bà không thấy gì cả mà lại có thể dẫn đường chỉ lối cho tôi được sao”? Bà lão không cần giải thích thêm, liền nắm lấy tay ông và ra lệnh “tiến bước”. Kể xong câu chuyện, ông Trilussa kết luận: đó là đức tin.

2. Nói về sự kiên trì

a) Hữu chí cánh thành

Người xưa thường nói: ”Hữu chí cánh thành”: có chí thì nên. Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy: muốn làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải dầy công vất vả: người nông dân muốn có mùa gặt, phải làm đất, gieo hạt, nhổ cỏ, vun xới đất, tưới tắm chăm sóc cây lúa. Có như thế mới có thu hoạch.

Học sinh muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư phải vất vả và học hành bao nhiêu năm trời đèn sách. Có như thế mới có thể trở thành người có chuyên môn có khả năng giúp ích cho gia đình và xã hội.

Kiên trì lao động là đều kiện cần thiết cho sự thành đạt của mọi công việc. Nói cách khác, kiên trì lao động chắc chắn sẽ đem lại thành công. Kinh nghiệm ấy được cha ông ta đúc kết thành câu châm ngôn: ”Có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu châm ngôn này không những chỉ đúng trong lãnh vực tự nhiên mà còn đúng cả trong lãnh vực tâm linh.

Một văn sĩ kể: ”Mỗi ngày ba tôi đem một tấm ván dầy ra bắt tôi dùng lưỡi dao nhỏ rạch lên đó một cái, chỉ một cái thôi. Tôi thật vô cùng ngạc nhiên, nhưng ba tôi không hề hé môi giải thích. Tôi cứ tiếp tục rạch mỗi bữa vào chỗ cũ như vậy, và cuối cùng, sau mấy trăm ngày, tấm ván đứt ra làm hai. Bấy giờ, ba tôi mới vịn vai tôi mà bảo rằng:

- Con thấy không ? Với sự bền chí cầm con dao bé nhỏ này cứa mỗi ngày một cái, con có thể làm cho tấm ván dầy đứt ra làm hai. Bao nhiêu việc đời cũng chỉ như thế mà thôi: Người ta nếu biết quyết chí mỗi ngày làm mãi công việc mà mình đeo đuổi thì ắt phải có ngày thành công. Đó là bài học luyện chí mà ba nghĩ là một gia tài lớn lao nhất ba truyền lại cho con vậy”.

(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên tr 20-21).

Ngoài ra chúng ta còn có những câu tục ngữ diễn tả ý tưởng đó:

- Kiến tha lâu đầy tổ.

- Góp gió thành bão.

- Năng nhặt chặt bị.

- Ngồi lâu câu bền.

b) Kiên trì trong cầu nguyện

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy ta kiên nhẫn cầu nguyện. Bài trích sách xuất hành hôm nay ghi lại lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Maisen. Khi ông giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân Amalếch thắng. Thánh Phaolô trong thư căn dặn Timôthêô phải kiên nhẫn và trung tín cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh. Rồi đến dụ ngôn bà góa trong Tin mừng. Bà góa nài nẵng xin thẩm phán xét xử công lý cho bà. Để bà khỏi quấy rầy, ông thẩm phán, mặc dù là người bất lương, cuối cùng cũng phải xét xử vụ kiện của bà.

Cuộc trờ lại của thánh Augustinô là một ví dụ điển hình nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ là Monica, phải mất gần 20 năm trời lời cầu xin của bà mới được chấp nhận. Qua dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, Chúa hứa đáp ứng lời cầu nguyện của ta, nhưng là theo đường lối của Chúa. Bao giờ Chúa mới ban ơn, ta không biết được, nhưng ta phải đặt tin tưởng phó thác vào Chúa.

Dù Chúa có trì hoãn: Chắc chắn Ngài sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Ngài. Mỗi khi chúng ta có cảm tưởng Chúa trì hoãn không bao giờ theo ý chúng ta xin, chúng ta hãy nhớ lại lời cầu của Đức Giêsu xin Cha cất chén đắng cho Ngài, nhưng lời xin ấy đã không được Cha chấp nhận cất chén đắng đau khổ đi. Vì chính nhờ Đức Giêsu đã trải qua đau khổ của thập gía để vào vinh quang Phục sinh, mà loài người chúng ta mới được ơn cứu độ. Trong thực tế, có nhiều điều ta tưởng là tốt nên nài xin Chúa ban cho mình, nhưng thực ra nó có hại cho ta mà ta không hay biết, nên Chúa đã không ban. Chúng ta sẽ ra sao nếu mọi ước muốn ngông cuồng hay ấu trĩ của chúng ta đều được Chúa nhận lời hết ?

c) Hữu cầu tất ứng

Người ta thường nói: ”Có khấn có thiêng, có kiêng có lành”. Lời nói ấy hợp với lời Đức Giêsu đã từng nói: ”Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”(Lc 11, 9), đúng là ‘hữu cầu tất ứng”. Nhưng khi nói dụ ngôn này, Đức Giêsu không có ý nói phải cầu xin cho thật dai dẳng thì mới được Thiên Chúa nhận lời, làm như thể Ngài cũng như ông thẩm phán kia, cứ để cho người ta phải xin thật nhiều thật lâu thì mới ban cho.

Qua dụ ngôn này, Ngài muốn ta tin tưởng vào hiệu lực của lời cầu xin, chứ không phải khuyên ta cầu xin cho dài hay phải lặp đi lặp lại cho thật nhiều lần lời cầu xin của mình. Chính Ngài cũng đã khuyên: ”Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngọai; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”(Mt 6.7-8). Như vậy, Chúa bảo chúng ta phải chú ý đến chất lượng hơn là số lượng, nghĩa là phải cầu xin với tất cả lòng tin yêu, phó thác như đứa con đối với cha mình.

Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng đôi lúc Chúa trì hoãn, và việc trì hoãn đáp ứng lời cầu xin của chúng ta cũng có lý do mà chỉ Ngài biết. Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Ngài. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Ngài ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu cho mọi người.

Truyện: Ông có muốn vào không ?

Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập của tới 30 lần thì một cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi:

- Ông có muốn vào không ?

- Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khàn cả cổ rồi đây này.

- Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng ông cũng thế. Nhưng khi nghe thấy ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông muốn vào thật nên mới mở cho ông (Bruno Hagspiel).

d) Liệu sau này còn niềm tin như thế ?

Chúng ta nghĩ thế nào khi Chúa nói: ”Thầy bảo các con: Chúa sẽ kíp giải oan cho họ” trong khi kẻ dữ thắng thế người lành, những bất công không được xét xử ? Chúng ta chỉ biết tin vào Chúa vì Ngài bảo chúng ta đừng lo. Thiên Chúa không làm ngơ mãi đâu. Tuy bề ngoài có vẻ là Chúa chậm trễ, nhưng hãy nhớ: thời giờ là của Chúa. Ngài đòi ta phải kiên nhẫn, phải ăn năn trở lại (2Pr 3.8-15). Loài người chỉ có thời gian, nhưng Thiên Chúa là đời đời. Ngài luôn đến đúng lúc để cứu giúp ta.

Cuối cùng Đức Giêsu hỏi một câu đượm vẻ buồn:”Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”? Có còn những kẻ thật lòng tin Đấng Kitô, yêu Ngài và trông đợi sự trở lại của Ngài ? Câu này tách rời khỏi dụ ngôn, loan báo sự phản đạo thời cánh chung. Những kẻ được chọn sẽ bị thử thách đến nỗi họ có thể bị mất kiên nhẫn mà trở thành vô tín (x. Mc 13,20-22). Chính vì thế mà Đức Giêsu khuyên các môn đệ đừng sống buông thả, nhưng phải kiên trì cầu nguyện dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, giống như bà góa kia luôn bền tâm vững chí trước thái độ thờ ơ của vị thẩm phán bất lương. Trong thời gian có vẻ lâu dài giữa việc Đức Kitô ra đi và trở lại, phải cầu nguyện liên lỉ và đừng nhàm chán thì mới có thể đón nhận ơn cứu độ.

Một đại chủng sinh đã viết: ”Con lấy làm vinh dự sống trong gia đình nghèo hèn, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến bánh mì và thịt, họa may đôi ba lần trong một năm. Tuy hơn 10 đứa con lớn bé đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, mẹ vẫn mời họ ngồi ăn chung với chúng con”. Bà mẹ đó chính là mẹ Đức Giáo hòang Gioan 23, một vị Giáo hoàng vĩ đại của hòa bình được cả thế giới mến phục, được giải thưởng Nobel hòa bình, và là vị Giáo hòang của Công đồng Vatican II. Nhờ đâu một bà mẹ quê mùa, nghèo khó biết dạy dỗ con nên người vĩ đại như vậy: Thưa, chính là nhờ lời cầu nguyện với niềm tin sắt đá. Liệu bây giờ Chúa còn thấy được lòng kiên trì cầu nguyện nơi chúng ta nữa không ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục của Paraiba cáo buộc Đảng Lao Động lừa dối cử tri ở Brazil
Tiền Hô
07:37 13/10/2010
Brazil, 13 Tháng Mười năm 2010 (CNA) – "Khi nền dân chủ trở thành loại mị dân để giành phiếu bầu thì chế độ độc tài đang trên đường đến rất gần".

Đức TGM Aldo Pagotto của TGP Paraiba (Brazil) cáo buộc Đảng Lao Động nước này đã "đưa thông tin sai lạc và bóp méo lương tâm" trong nỗ lực muốn giành chiến thắng ở cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 31 Tháng Mười.

Trong một đoạn video đưa ra hôm 11 Tháng Mười, Đức TGM nói rằng hành động của đảng này, mà đại diện cho họ là bà chánh văn phòng nội các Dilma Rousseff, nhằm mục đích lừa dối để cử tri tin rằng bà ta không ủng hộ việc hợp pháp hoá phá thai trong nước.

Mặc dù đương kim Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã từng đảm bảo, nhưng đảng này rõ ràng muốn thúc đẩy "nền văn hóa sự chết ở nước ta", Đức TGM Pagotto nói.

Hiện nay, việc phá thai là bất hợp pháp ở Brazil, trừ trường hợp bị hãm hiếp hoặc khi sự sống của thai phụ có nguy cơ. Trong chiến dịch vận động hiện tại, bà Rousseff đã luôn trích dẫn nền giáo dục Công Giáo mà bà đã được thụ hưởng và mô tả mình như là một người ủng hộ phò sự sống. Tuy nhiên, trong một video xuất hiện trên internet được ghi hình năm 2007, bà lại lập luận rằng: "Ngày nay ở Brazil, thật phi lý khi mà việc phá thai chưa được hợp pháp hóa" (!?)

Đức TGM đã tố cáo rằng, từ những năm 1990, Đảng Lao Động đã liên minh với các tổ chức quốc tế để tài trợ cho việc mở rộng các biện pháp tránh thai và phá thai ở Brazil. "Kể từ khi họ lên nắm quyền lực, chương trình nghị sự của Đảng Lao Động là hợp pháp hoá đầy đủ việc phá thai tại Brazil", ngài nói.

Đức TGM Pagotto nhớ lại, vào năm 2005, chính phủ của ông Lula đã tranh luận trước Liên Hiệp Quốc nhằm muốn công nhận việc phá thai là một "quyền con người". Đồng thời, ngài cũng nói, Lula đã từng viết thư gửi cho các vị giám mục Brazil và đảm bảo với họ là, "vì đức tin mà ông nhận được từ mẹ mình", ông không có "ý định hợp thức hóa phá thai trong nước". Nhưng ngay sau khi gửi lá thư trên, Lula đã gửi thêm một dự luật lên Quốc Hội để có thể hợp pháp hóa việc phá thai ở mọi thời điểm trong chín tháng mang thai (!).

Ngoài ra, Đức TGM cũng lưu ý, chính quyền Lula còn thúc đẩy cái có tên gọi là "Đồng Thuận giữa người Brazil" nhằm khuyến khích hợp pháp hoá phá thai tại Brazil và trên khắp khu vực Mỹ Latinh. Những hành vi này - Đức TGM nói – đã dội ngược lại các bảo đảm của Rousseff và Lula trong chiến dịch hiện hành.

"Là mục tử, tôi không thể làm ngơ đối với loại thông tin sai lạc và thao túng lương tâm này", Đức TGM nói. "Khi nền dân chủ trở thành loại mị dân để giành phiếu bầu thì chế độ độc tài đang trên đường đến rất gần", ngài cảnh báo.
 
Giáo Phận Ôn Châu (Trung Quốc) phục vụ người khiếm thính nhằm mang lại tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người
Tiền Hô
07:38 13/10/2010
Ôn Châu, ngày 11 Tháng Mười (Agenzia Fides) - "Đức tin đã mang lại cho tôi sự bình an và hạnh phúc. Giáo Hội cũng giống như một gia đình hiệp nhất. Chúng ta đều yêu thương nhau. Tôi rất vui mừng khi làm một thành viên của gia đình này".

Đây là một lời chia sẻ được thể hiện trong ngôn ngữ ký hiệu (hay còn gọi là thủ ngữ) bởi một trong những người khiếm thính mới được rửa tội tại một buổi họp mặt của Lớp Giáo Lý dành cho người câm điếc tại Giáo Phận Ôn Châu. Theo thông tin mà Fides nhận được, buổi họp mặt có khoảng 150 người bao gồm những người mới được rửa tội, những người khiếm thính đang sắp được rửa tội, các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, và hai giáo viên ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính. Cuộc họp mặt được tổ chức ở nhà thờ chính tòa giáo phận hôm 3 Tháng Mười.

Từ năm 2007, Giáo phận Ôn Châu đã bắt đầu thúc đẩy việc dạy giáo lý và truyền giáo đến với người khiếm thính để mang tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Đến nay, đã có 40 người khiếm thính thường xuyên tham gia các lớp học giáo lý, 23 người đã được rửa tội, và 7 người trong số họ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong buổi họp mặt hôm đó. Ngoài ra, ngay tại buổi họp mặt, đã có thêm 16 người khiếm thính đăng ký vào các khóa học giáo lý mới.

Giáo Phận Ôn Châu là một cộng đồng rất tích cực trong việc chăm sóc mục vụ và truyền giáo, bằng chứng là các nữ tu Cộng đoàn Thánh Têrêsa của giáo phận đã tiếp tục lớn mạnh về số lượng với các cam kết truyền giáo. Hôm lễ Thánh Têrêsa thành Lisieux - bổn mạng của hội truyền giáo, 3 chị của cộng đoàn đã khấn trọn và 26 chị khấn tạm trước 800 tín hữu.
 
Tổng Giáo Phận Havana thông báo: Cuba thả thêm 3 tù nhân chính trị
Tiền Hô
07:38 13/10/2010
Havana, Cuba, ngày 12 Tháng Mười 2010 (CNA/Europa Press) - Tổng Giáo Phận Havana vừa công bố hôm 9 Tháng Mười rằng, thêm 3 tù nhân chính trị sẽ được chính phủ cộng sản Cuba thả tự do.

Việc thả tù nhân này là kết quả của một nỗ lực hòa giải đang diễn ra được thực hiện bởi ĐHY Jaime Ortega Alamino của TGP Havana và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, Miguel Angel Moratinos.

Những người sẽ được thả là: Ciro Perez Santana - bị kết án 20 năm và đã bị giam từ năm 1994, Arturo Suarez Ramos - người đã hoàn thành 22 năm trong bản án 30 năm của mình, và Rolando Posada Jimenez - người bị kết án 12 năm vào ngày 25 Tháng Năm 2003.

Với quyết định thả tự do cho họ, tổng cộng đã có 42 trong số 52 tù nhân chính trị được Chủ tịch Raul Castro hứa trả tự do, họ sẽ được đưa đến Tây Ban Nha. 52 người này được Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế xác nhận là "tù nhân lương tâm".
 
Đức Thánh Cha: “Tình bạn với Chúa Kitô đem lại một cuộc sống hạnh phúc”
Pt Huỳnh Mai Trác
08:21 13/10/2010
Trong buổi triều kiến chung vào ngày 6 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về thánh Gertrude “một đấng thánh huyền bí rất danh tiếng và là một phụ nữ duy nhất ở Đức quốc được có danh hiệu là cao cả về địa vị văn hóa và Phúc Âm

ĐTC nói thêm là “đời sống và tư tưởng của Bà đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống thiêng liêng của người tín hữu thời Trung cỗ. Bà sinh vào năm 1256, và từ nhỏ Bà đã vào sống trong tu viện, như tập quán thời bấy giờ. Sau khi đã học xong, Bà ở lại luôn trong tu viện cho đến hết đời. Bà Gertude là một học viên xuất chúng, Bà có khả năng học hỏi những gì mà người ta truyền dạy cho Bà. “ Sau đó Bà tận hiến hoàn toàn cho Chúa trong đời sống tu hành, dành tất cả thì giờ để học hỏi nghiên cứu và cầu nguyện.”

Hai mươi năm sau, Bà có được một thị kiến là Bà nhìn thấy một câu bé khuyến khích Bà vượt qua một bụi gai đang đè nén tâm trí của Bà. Từ đó với sự kết hiệp với Chúa trở nên thắm thiết như con đường đưa Bà trở lại”. Bà từ bỏ sở học thế gian và chuyên chú vào thần học và luôn tôn trọng những đòi hỏi của luật lệ về đời sống tu viện, Bà từ bỏ một đời sống mà Bà gọi là dể dải để dấn thân vào một đời sống cầu nguyện, huyền bí và truyền giáo.”

ĐTC cũng nhắc đến thánh Gertrude đã ăn năn sám hối về việc quá chú trọng đến nghệ thuật tự do, về sự khôn ngoan thế gian, về khoa học trí tuệ, mà quên đi kiến thức chân chính là hướng về sự suy niệm, Bà từ bỏ con người cũ để trở thành một con người mới”

Bà thánh người Đức này đã dành nhiều thì giờ để viết và phổ biến sự thật về đức tin một cách đơn sơ và rỏ ràng. Bà phụng sự Giáo Hội trong tình yêu mến sâu xa và rất hiệu quả nên những nhà thần học đều khâm phục. Mọi tài liệu và bài viết của Bà còn lại rất ít vì sự tàn phá đã xẩy ra nơi tu viện Hefta. Những thị kiến và những linh thao của Bà là cốt lỏi về văn chương bí nhiệm may mắn còn sót lại một ít.

Bà thêm vào đó những kinh sám hối ăn năn đền tội của đời sống tu trì, Bà hoàn toàn phú thác mọi sự trong tay Chúa., đến nổi Bà luôn cảm thấy sự hiện diện của Chúa mà Bà đã gâp được. Đúng như vậy, Chúa tỏ cho Bà biét là bà được ân sủng của Chúa. Bà cảm thấy bất xứng với một kho tang quá lớn lao mà Chúa đã ban cho Bà và Bà đã nêu lên là thật sự Bà được Chúa gìn giữ và ban cho một giá trị như vậy. Bà qua đời vào năm 1301 hay 1302.

Đức Bênêđictô XVI kết luận thánh Gertrude là gương mẫu cho chúng ta biết là một cuộc đời sống thực sự hạnh phúc là được làm bạn với Chúa Kitô, yêu mến Kinh Thánh, yêu mến Thánh Lễ và yêu mến Đức Bà Maria, được tạo nên từ đức tin sâu sắc và từ cuộc tìm kiếm Chúa liên tục trong đời sống của chúng ta. (Nguồn tin VIS)
 
Top Stories
Chinese Communist elders issue free speech appeal
Christopher Bodeen, AP
06:54 13/10/2010
BEIJING – A group of eminent Chinese Communist Party elders has issued a bold call to end the country's wide-ranging restrictions on free speech, just days after the government reacted angrily to the awarding of the Nobel Peace Prize to imprisoned dissident Liu Xiaobo.

In an open letter posted online, the retired officials state that although China's 1982 constitution guarantees freedom of speech, the right is constrained by a host of laws and regulations that should be scrapped.

"This kind of false democracy of affirming in principle and denying in actuality is a scandal in the history of democracy," said the letter, which was dated Monday and widely distributed by e-mail.

Wang Yongcheng, a retired professor at Shanghai's Jiaotong University who signed the letter, said it had been inspired by the recent arrest of a journalist who wrote about corruption in the resettlement of farmers for a dam project.

"We want to spur action toward governing the country according to law," Wang said in a telephone interview.

"If the constitution is violated, the government will lack legitimacy. The people must assert and exercise their legitimate rights," he said.

Coming on top of Liu's Nobel Prize, the letter further spotlights China's tight restrictions on freedom of speech and other civil rights, although Wang said the two events were not directly related. Work on the letter began several days before the prize was awarded, and drafters decided against including a reference to Liu out of concern the government would block its circulation.

Liu, a 54-year-old literary critic, is now in the second year of an 11-year prison term after being convicted of inciting subversion over his role in writing an influential 2008 manifesto for political reform.

China's government has denounced Liu's prize as an attempt to interfere in its political and legal systems and said it would harm relations with Norway, where an independent committee presents the Nobel Peace Prize each year.

The letter called on the National People's Congress, China's legislature, to scrap restrictions on publications and implement a system of post-facto review as many other nations did long ago.

"Our current system of censoring news and publications is 315 years behind Britain and 129 years behind France," the letter said.

Censorship has become so reflexive and restrictive that even passages urging political reform were expunged from official media reports on speeches by Premier Wen Jiabao, the letter said. Wen has drawn attention in recent weeks with a series of unusually direct calls for the communist system to evolve.

"Not even the nation's premier has freedom of publication," the letter said.

China implements overlapping and usually unwritten rules and regulations on what can or cannot be published, but the final call is made by the Communist Party's shadowy Central Propaganda Department. Members of the department regularly notify editors about what topics are taboo, usually by telephone to avoid leaving a paper trail, with the list changing constantly depending on events.

The letter described the department as an "invisible black hand" and questioned what right it had to override both the government and the premier.

The 23 signatories to the letter include Li Rui, the former secretary to revolutionary leader Mao Zedong, and other retired high officials in state media and the propaganda apparatus who were once themselves responsible for enforcing strict censorship.

The government insists it guarantees freedoms and points to vast improvements in incomes and quality of life among its citizens as evidence that the one-party authoritarian system is best suited to the country's realities.

Calls to the National People's Congress' news office rang unanswered Wednesday.

Li, who is in his 90s, is hospitalized and could not immediately be reached for comment, nor could most other signatories to the most recent letter.

Members of the group have signed other letters in the past, including one addressed to the Beijing leadership in early 2009 that voiced support for the government's $586 billion economic stimulus package but warned that without transparency it could be frittered away by corrupt officials.

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20101013/ap_on_re_as/as_china_free_speech)
 
Philippines: L’Eglise catholique effectue une démarche de pardon envers les peuples aborigènes pour « les fautes commises » dans le passé
Eglises d'Asie
10:19 13/10/2010
Par un rite traditionnel aborigène de réconciliation, suivi d’une célébration eucharistique, l’Eglise catholique ainsi que d’autres confessions chrétiennes ont voulu, par une démarche inédite, exprimer une demande de pardon adressée aux aborigènes des Philippines pour « les fautes commises envers les communautés tribales ».. ..
... « Nous félicitons la Commission épiscopale catholique pour les peuples indigènes (ECIP) du choix du thème de cette année ‘Guérison et solidarité: demande de pardon pour les fautes commises contre les peuples indigènes’», a déclaré le parti Katribu, qui regroupe de nombreux mouvements aborigènes (1). « Le choix de ce thème intervient au bon moment, alors que l’unité de l’Eglise peut devenir l’atout majeur des peuples indigènes pour les sortir d’une situation désespérée », poursuit le mouvement militant dans une déclaration publiée à l’occasion de la Semaine pour les aborigènes des Philippines, qui s’est achevée le 1er octobre dernier.

Chaque année, la semaine précédant le deuxième dimanche d’octobre est consacrée aux populations « tribales » des Philippines; une initiative de la Conférence des évêques catholiques des Philippines (CBCP) au sein de laquelle a été créée, en 1977, une commission pour les peuples aborigènes. Le point d’orgue de la manifestation consiste en une journée de célébration œcuménique et interreligieuse lors du Tribal Filipino Sunday, réunissant des membres de l’Eglise catholique, du Conseil national des Eglises (protestantes) et des représentants des différentes communautés aborigènes. Ces dernières, d’origines ethniques et de culture très diverses, représenteraient environ 15 % de la population de l’archipel selon la National Commission on Indigenous Peoples (NCIP) (2). Longtemps méprisées et rejetées vers les montagnes, les populations aborigènes n’ont guère trouvé de soutien, ces dernières décennies, qu’auprès des Eglises chrétiennes.

Cette année, un rituel aborigène de réconciliation, le tong-tongan, s’est tenu à Baguio City, les 11 et 12 octobre, à l’issue de la semaine des peuples indigènes, les Eglises chrétiennes exprimant pour la première fois une demande de pardon. Mené par les anciens, le rite traditionnel a débuté par des discussions entre les représentants des Eglises et ceux des communautés aborigènes. Les groupes autochtones, après avoir exprimé leurs griefs (la non-protection de leurs droits, de leurs terres et de leur identité culturelle), ont ensuite accepté les demandes de pardon des représentants des Eglises, concluant la réconciliation par un traité de paix puis des échanges symboliques de cadeaux. Une célébration eucharistique a clôturé la manifestation en la cathédrale Notre-Dame de la Délivrance de Baguio City.

Demander pardon pour ses fautes est une démarche authentiquement chrétienne et profondément enracinée dans l’enseignement, la doctrine et la pratique de l’Eglise catholique, a déclaré, lors de l’événement, le responsable de la Commission épiscopale pour les peuples indigènes. La spiritualité et le sens de la justice des peuples aborigènes, a-t-il poursuivi, permettent, de leur côté, une réconciliation en profondeur et la réparation des liens rompus.

Le dialogue conduira à changer les cœurs, les façons de vivre et de penser, la pratique de la théologie et induira des changements dans l’approche pastorale comme ecclésiale. « Ces activités visent à réveiller les consciences et sensibiliser la communauté chrétienne pour qu’elle se tourne davantage vers les peuples aborigènes », a expliqué le P. Antonio Calautit, du diocèse de Laoag, coordinateur du programme du diocèse pour les peuples indigènes.

Mgr Sergio Utleg, évêque de Laoag, a exprimé sa conviction que « l’Eglise et le gouvernement pouvaient travailler ensemble pour résoudre les problèmes des populations aborigènes », par l’instauration d’un dialogue et la mise en place d’échanges culturels.

« Tirer les leçons des erreurs du passé permet de tisser des liens plus forts, a conclu Katribu dans une déclaration. Avec le peuple philippin tout entier, l’Eglise et les populations aborigènes pourront œuvrer ensemble à un avenir de paix » (3).

Aux Philippines, les peuples aborigènes sont concentrés principalement dans la partie nord de Luzon, notamment autour de Baguio (où les fameuses rizières en terrasses visitées par les touristes sont l’œuvre de plusieurs de ces peuples), à Mindanao, de petits groupes vivant dispersés dans les Visayas. Pour nombre de Philippins, ces peuples sont animistes, bien qu’aujourd’hui la grande majorité d’entre eux soit catholique ou protestante, une toute petite fraction étant musulmane.

(1) Katribu, qui s’est donné pour but principal la lutte pour la reconnaissance des droits des communautés indigènes des Philippines, définit ainsi son identité sur son site Internet: « Les peuples indigènes des Philippines se distinguent [des autres groupes ethniques] par leur appartenance à des cultures préhispaniques et non-islamiques, ainsi que leur relation traditionnelle avec la nature et leur amour pour leurs terres ancestrales (...). »
(2) La population autochtone aux Philippines étant estimée à partir de recensements excluant certains groupes qui ne rentrent pas dans les catégories officielles, il semblerait que ce chiffre soit sous-évalué. Les Nations Unies et certaines ONG estiment que le nombre des aborigènes philippins se situe entre 17 et 20 % de la population.
(3) gmanews.tv, 10 octobre 2010; Ucanews, 11 octobre 2010; site de la CBCP; site de Katribu

(Source: Eglises d'Asie, 13 octobre 2010)

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney mừng lễ Mẹ Fatima
Diệp Hải Dung
07:43 13/10/2010
SYDNEY - Sáng thứ Ba 13/10/2010 rất đông đảo mọi người đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Fatima Bổn Mạng Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly.

Xem hình ảnh

Trước khi khai mạc giờ đền tạ Đức Mẹ, Cha Phêrô Đặng Đình Nên Đặc trách Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Bringelly xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima đồng thời Cha mời gọi tất cả mọi người hôm nay cầu nguyện dâng Gia Đình, Cộng Đồng và đặc biệt các thành viên trong Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly lên cho Đức Mẹ, để xin Mẹ chúc lành và che chở. Kế tiếp là kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima về hội trường, cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người đều sốt sắng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Mừng nguyện xin Mẹ đoái thương đến con cái Mẹ nơi hải ngoại và Giáo Hội Việt Nam. Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ an vị trên bàn thờ của hội trường.

Cha Đặng Đình Nên ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Quan Khách cùng mọi người và chúc mừng Bổn Mạng Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly nhân ngày 13 tháng 10 mừng kính Đức Mẹ Fatima. Sau đó quý Cha Đặng Đình Nên, Cha Tuyên uý Trưỏng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Dương Thanh Liêm cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Đặng Đình Nên nói về sự khiêm nhường và xin vâng của Đức Mẹ đã được tràn đầy Thánh Thần và đẹp lòng Thiên Chúa, và Mẹ chính là gương mẫu cho tất cả mọi người KiTô hữu. Cha cũng khuyên nhủ mọi người hãy sống khiêm nhường và vâng phục đồng thời cũng tuân giữ 3 mênh lệnh mà Mẹ đã ban, đặc biệt là nên siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Sau đó là nghi thức Xức Dầu Thánh cho các vị Cao Niên già yếu bệnh tật, xin Thiên Chúa chữa lành phần hồn cũng như phần xác. Trước khi kết thúc Thánh lễ, Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly, đặc biệt chúc mừng Ban Mục Vụ Trung Tâm đã đóng góp rất nhiều công sức chăm sóc Trung Tâm ngày thêm khang trang và tiến triển.

Sau cùng ông Phạm Văn Khang Trưởng Ban Mục Vụ Trung Tâm ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã dành thì giờ quý báu đến tham dự ngày Lễ mừng kính Bổn Mạng của Trung Tâm, đặc biệt cám ơn Ca đoàn Monica và quý ân nhân đã đóng góp trợ giúp công của để tổ chức buổi Lễ được trang trọng và tốt đẹp mỹ mãn.

Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng bên nhà ăn của Trung Tâm.
 
Mừng lễ Mẹ Fatima tại Trung tâm Fatima Bình Triệu
Peêrô Nguyễn Quang Ngọc
07:48 13/10/2010
Sài Gòn, vào lúc 12h00 thứ tư ngày 13 tháng10 năm 2010, tại Nhà thờ Fatima Bình Triệu hạt Thủ Đức, có diễn ra thánh lễ kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế thánh lễ. Đông đảo bà con giáo dân từ khắp muôn phương tụ họp về đây mừng kính Đức Mẹ.

Xem hình ảnh

Mở đầu thánh lễ, Ngài có đôi lời kính chào từng người hiện diện trong thánh lễ, Ngài còn nói: Chúng ta họp nhau đây dâng thánh lễ và nếu chúng ta nhớ lại lễ tế đầu tiên, lễ tế quan trọng nhất, lễ tế mà Chúa Giêsu dâng ở trên đồi Canvê, thì Mẹ Maria của chúng ta hiện diện dưới chân thập giá, cho nên hơn ai hết Mẹ là người giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để dâng thánh lễ một cách tốt đẹp, một cách xứng đáng nhất. Ngài cũng mời gọi anh chị em tham dự thánh lễ này, xin Mẹ, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ dâng lên Chúa, ban cho từng người trong chúng ta, ban cho từng gia đình trong chúng ta, và ban cho tất cả cộng đoàn chúng ta những ơn lành cần thiết về phần hồn cũng như về phần xác.

Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô đã cho biết: tôi và anh chị em đến đây để nghe lời Đức Mẹ nhắn nhủ, Mẹ đầy ơn phúc, Mẹ chuyển thông ơn Chúa cho chúng ta và ơn phúc lớn nhất mà Mẹ mong muốn chúng ta đón nhận là đón nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc đời của mình, để Chúa Giêsu nên hình nên dạng trong cuộc đời chúng ta, như Chúa Giêsu đã nên hình nên dạng trong cung lòng thanh khiết của Đức Mẹ. Khi anh chị em và tôi cố gắng để đáp lại tiếng Chúa mà đón nhận Chúa Giêsu vào trong cuộc đời của mình, để làm cho suy nghĩ của mình, hành động của mình, cung cách ứng xử của mình nên giống Chúa Giêsu hơn, thì đấy chính là ơn phúc lớn nhất mà Mẹ Maria mong chúng ta đón nhận khi từ bốn phương chúng ta quy tụ về đây.

Kết thúc thánh lễ mọi người ra về trong niềm hân hoan vui sướng.

Số đông người tuy ở xa, nhưng vẫn nán lại ở Nhà thờ để dâng những tràn hạt kinh Mân Côi dâng Mẹ. Xin Mẹ ban ơn lành cho bản thân, gia đình, xã hội và Giáo hội.
 
Mừng lễ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima tại giáo xứ Tử Đình, Sài Gòn
Maria Vũ Loan
10:29 13/10/2010
SAIGÒN - Kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, 13/10/2010, giáo xứ Tử Đình, hạt Xóm Mới, Sài Gòn, đã hiệp dâng thánh lễ đồng tế ngoài trời vào lúc 9 giờ 30. Tại sao giáo xứ nhận thánh Giuse là quan thầy mà ngày hôm nay nhiều người giáo dân lại coi đây là “ngày truyền thống” và qui tụ rất đông đủ?

Xem hình ảnh

Thánh lễ ngày truyền thống hằng năm

Ở giáo xứ Tử Đình có một hội gọi là Gia đình Fatima, được thành lập cách đây 70 năm do Đức ông Đa Minh Đinh Đông Cương khởi xướng khi còn ở miền Bắc và nhận Đức Mẹ hiện ra tại Fatima làm bổn mạng. Khi hội này chuyển vào giáo xứ Tử Đình, cha xứ GB. Đào Duy Thứ thấy lòng sùng kính Đức Mẹ tại đây trở nên rất sốt sắng, cha cho xây đài Đức Mẹ tại cuối nhà thờ. Hiện nay, hội vẫn còn hoạt động, trợ giúp giáo xứ nhiều công việc chung. Từ ngày đó đến nay, cứ vào ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 hằng năm giáo xứ đều có thánh lễ trong nhà thờ vào buổi trưa; đặc biệt ngày 13 tháng 10 thánh lễ được cử hành tại đài Đức Mẹ, nhiều giáo dân ở khu vực lân cận cũng đến tham dự và trở thành một “ngày truyền thống” trong nếp sống đạo của người giáo dân.

Buổi sáng hôm nay, ở Sài Gòn mưa lất phất, chẳng có gì hứa hẹn ngày nắng ráo tốt đẹp. Thế nên, trời vừa tạnh một chút là cộng đoàn tập trung, lần hạt 50 kinh rất sốt sắng và kiệu Đức Mẹ trên con đường bọc quanh giáo xứ. Đài Đức Mẹ được trang trí đẹp hơn ngày thường rất nhiều: một vầng trăng khuyết bằng hoa Tulip màu vàng dưới chân Đức Mẹ, chung quanh còn có nhiều hoa hồng trắng, hồng nhạt, nhiều nhất là nơi kiệu Đức Mẹ, làm cho người dự dễ thấy lòng lâng lâng một cảm xúc thanh tao, thánh thiện.

Bàn thờ tuy cách giáo dân một hàng rào nhưng ở một thế cao như một quả đồi thu nhỏ nên ai cũng có thể nhìn thấy cha chủ tế là cha chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Minh Huấn, hai linh mục đồng tế và một thầy của dòng Đồng Công. Và người giáo dân vùng Xóm Mới vốn có lòng sùng đạo lại cảm thấy ấm áp hơn khi cha chủ tế giảng về tình mẹ, một thứ tình không có gì sánh được, để rồi dẫn đến mẫu gương trong đời sống đức tin của Mẹ Maria. Một mẫu gương đời sống đi qua nhiều thử thách; bước vào sự huyền nhiệm của cuộc đời qua biến cố truyền tin; chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu qua việc dõi theo bước hành trình của con mình một cách âm thầm.. .Khi cuộc đời đã thăng hoa trong ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ Maria có đủ thế giá để ban mọi ơn lành trong đời sống đức tin của chúng ta.

Có thể nói, nhiều Kitô hữu biết đến biến cố Fatima là vì lần hiện ra sau cùng của Đức Mẹ ngày 13/10/1917 tại đây có kèm theo một mệnh lệnh và hứa nếu mọi người thi hành thì Thiên Chúa sẽ cứu thế giới. Cha chủ tế nhắc lại nội dung mệnh lệnh Fatima rất quen thuộc nhưng không thể là thừa trong thánh lễ hôm nay; đó là hãy ăn năn đền tội, tôn sùng trái tim Mẹ và năng lần hạt Mân Côi.

Cuối thánh lễ, cha đồng tế làm phép những chai nước suối để cạnh kiệu Đức Mẹ và cuối lễ, nhiều giáo dân lên lấy những cành hồng và nhận một chai “nước suối Đức Mẹ” đem về nhà.

Bầu khí thân thiện của giáo xứ có 56 năm tuổi

Bước vào hội trường thứ 2 phía sau lưng nhà thờ để dự tiệc mừng “ngày truyền thống” của giáo xứ, người ta không khỏi ngạc nhiên về một không gian thoáng đẹp với cánh trái là bức phù điêu các thánh, bên phải là khoảng không gian rộng, đáp ứng cho bữa tiệc chung đông người. Tiệc được ông chủ tịch HĐMV GB. Vũ Văn Tuấn tuyên bố lý do và cha chánh xứ thánh hóa của ăn - một cách làm cũng như nhiều giáo xứ khác – nhưng bầu khí trở nên thân thiện vì văn nghệ thì cây nhà lá vườn, cha xứ hát rất tự nhiên, cha và ông trùm đi chào bàn, cụng ly thân thiện như tiệc cưới. http://www.youtube.com/watch?v=9dKRmuFYKTA

Nhìn quang cảnh đó, nhiều người sống lâu năm ở vùng này mới thấy đó là hình hảnh đẹp, nếp sống đạo của một giáo xứ trở nên vui qua nhiều công sức của những linh mục chánh xứ từng phục vụ ở đây và sự chung sức của cộng đoàn giáo dân. Cách đây khoảng hơn 15 năm, giáo xứ thì nghèo trên địa bàn dân cư phức tạp; nhiều gia đình làm nghề đánh cá trên sông, các con hẻm lầy lội, chật hẹp, những căn nhà ọp ẹp và nhiều giáo dân còn ăn trầu, đầu vấn khăn mỏ quạ, răng đen, đến nhà thờ đọc kinh còn đội cái nón lá rách…Nay, tất cả đã thay đổi; nhà thờ đẹp hơn, giáo dân đã lên bờ, chỉ còn một số ít gia đình sống ven sông vì không muốn xa rời ngôi nhà thờ quen thuộc này.

Tử Đình là một nhà thờ ở miền Bắc, năm 1954, linh mục Dom. Đinh Đồng Cương cùng giáo dân chuyển vào miền Nam và hình thành nên một giáo xứ ở cuối vùng Xóm Mới. Cái tên Tử Đình là do ngày trước, ở ngoài Bắc có một cái đình, nhiều người bên lương sống quanh đó. Nhờ được truyền giáo tốt nên cả cái làng này theo đạo, nhiều vị lớn tuổi trong làng uyên thâm nho học nên nói rằng “khai tử một cái đình”, thế là có cái tên Tử Đình!

Theo dòng thời gian, từ một vùng đất hoang sơ sình lầy, cỏ cây um tùm, vì chiến tranh nên cũng chẳng ai làm ruộng….cha đã cùng giáo dân biến vùng này thành nơi có đất canh tác, trên có bến dưới có thuyền, làm nghề chài lưới để sinh sống. Sau 56 năm, nhà thờ Tử Đình và những giáo dân chân chất ngày xưa ấy, cùng với con cháu, đã trở thành một cộng đoàn dân Chúa vững mạnh trên vùng đất đã được đô thị hóa.

Với nếp sống đạo rất tốt và lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt, vùng Xóm Mới, nơi có nhà thờ Tử Đình, đã làm cho hình ảnh Giáo hội sinh động, rõ nét giữa lòng xã hội. Có phải chính vì lòng nhiệt thành sốt sắng ấy, từ ông bà cha mẹ, ảnh hưởng đến các con các cháu mà vùng Xóm Mới này có khá nhiều linh mục xuất thân từ đây – một nét son từ lòng sùng kính Đức Maria?
 
Nhóm Tông Đồ Khuyết Tật Giáo phận Đà Nẵng đến thăm làng phong Hòa Vân
Mattha Mai & Tôma Ân
10:40 13/10/2010
ĐÀ NẴNG - Hòa Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng. Từ trên lưng đèo Hải Vân phía Đà Nẵng, nhìn xuống bờ biển sát chân núi về hướng đông, lô nhô lác đác những ngôi nhà với những mảnh vườn nho nhỏ, nằm lọt giữa một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, lưng dựa vào một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, chân ngâm vào biển, sóng rì rào ngày đêm, đó là làng phong Hòa Vân.

Xem hình ảnh

Đường bộ đến với Hòa Vân rất khó khăn hiểm trở, lại còn phải oằn mình gánh nhiều cơn bão dữ, đã làm cho Hòa Vân “ thay da đổi thịt “ chậm, so với tốc độ phát triển thật nhanh của thành phố Đà Nẵng.

Đoàn chúng tôi đi bằng đường thủy để đến với Hòa Vân, có tất cả 13 người kể cả ‘thuyền trưởng’ và cũng nhằm ngày 13 tháng 8 âm lịch ( 20/9/2010 ). Chúng tôi: gồm 2 người khuyết tật, 7 tình nguyện viên, 1 bác sĩ, hai nữ tu dòng MTG/Huế và Cha Phêrô Lê Hưng, quản xứ Nhượng Nghĩa.

Xuất phát từ bờ sông Hàn trước nhà thờ xứ Nhượng Nghĩa, chiếc đò máy chạy băng băng chui qua cầu dây võng Thuận Phước, lướt trên mặt biển thật êm và trong xanh. Hành trình 1 giờ 15 phút. ACE chuyện trò, thư giãn trong gió biển mát rượi, cùng chiêm ngưỡng phố biển Đà Nẵng thật đẹp trong nắng sớm, chạy dọc dài theo dãy Trường Sơn, bên núi, bên biển. Đẹp như một bức tranh thủy mạc lung linh sống động!

Đò cập bến Hòa Vân, anh chị em nhảy tòm xuống biển rồi lội vào bờ, riêng anh Thạch, trưởng nhóm Tông Đồ Khuyết Tật ( TĐKT ) được chú Liêm, Tình nguyện viên cõng xuống. Rồi thì người vác, người ôm khệ nệ: nào sữa, nào bánh Trung Thu, có cả: bông, băng, cồn...cũng đở là ACE có sáng kiến mang theo 3 chiếc xe lăn để ‘thồ’ hàng nên cũng nhẹ tênh! Nhưng có lẻ lòng ‘nặng’ tình thương nên mặc ai ngăn cản: “mùa ni giông tố bất thường…” Đúng là chúng tôi có sợ. Nhưng ‘sợ thì sợ mà thương thì thương’ nên chúng tôi quyết tâm ‘vượt biển’ vì tin có Chúa đồng hành.

Làng phong Hòa Vân vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, ta có thể gặp nhiều khuôn mặt hốc hác, đôi tay gầy guộc và dáng đi nặng nề, tuy nhiên bây giờ đã bớt vẻ ãm đạm xưa, một phần đã được “thay da đổi thịt” nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các đoàn thể, cá nhân hảo tâm trong cũng như ngoài nước. Nhiều ngôi nhà được xây mới, một trạm y tế, một ngôi trường Tiểu học nhỏ,( các cấp học lớn hơn các em phải đi rất xa trên 20Km, phải vào vào Hòa Khánh hoặc ra Lăng Cô) …Nơi đây đang vang lên tiếng ê a của các trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng. Hòa Vân chính là quê hương, là nơi các em được sinh ra và lớn lên; Mặc dầu cha mẹ các em đang phải chịu di chứng của bệnh phong, và tương lai không dễ xóa tan những mặc cảm, tự ti…Nhưng, hãy vui lên đi em! Hãy ca vang lên! Những bài ca của tuổi thơ ngọc ngà, vô tư ‘chắp cánh thiên thần’ cho em bay cao, bay xa, thỏa niềm ước mơ, em nhé!

Sau khi gặp gỡ và chia sẻ một chút quà nhỏ gói trọn tâm tình của chúng tôi với trên 60 bệnh nhân phong và các cháu thiếu nhi tại Hòa Vân, đoàn chúng tôi ra về trong sự quyến luyến của bà con ở đây. Đáp lại tấm chân tình, nhóm đã tặng 1 chiếc xe lăn cho một anh bị bệnh phong đi lại khó khăn. Chiếc xe ở lại phục vụ thay cho người, và cùng song hành đi trọn kiếp nhân sinh...

Khoảng 11 giờ 30’, chúng tôi từ giả thôn Hòa Vân. Nhưng bác lái đò vui tính đã chìu lòng khách, cho du lịch đường biển thêm 1 vòng quanh bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng, khu du lịch sinh thái tuyệt đẹp, như lời một bài hát “ núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi “ và ghé lại tắm biển ở cạnh bãi tắmTiên Sa. Đúng là non nước hữu tình, 'nhóm mình một cõi' vẫy vùng thỏa thuê ! Thôi thì không bút mực nào tả hết những tràng cười thoải mái của mấy anh chị tình nguyện viên. Anh Thạch 'thương binh 1 giò' cũng được trang bị áo phao, nhảy tỏm xuống biển sau hơn 35 năm chỉ tắm trên cạn.

Một khúc gỗ lớn có hình thù như ‘chú vịt giời’ không biết từ đâu cũng trôi đến góp vui cho ACE; người ôm, người kéo, người cưỡi…tạo dáng để béTrinh và dì Mai ghi hình. Anh Thạch phát biểu: “Mấy khi mới có được niềm vui như hôm nay hí !” Còn cha Hưng nhà mình thì tựa vào mạn thuyền ‘đánh’ một giấc ngon lành, mặc cho anh em cười vang hơn “sóng to gió lớn”. Hình như cha đang học theo gương Thầy Giê-su ! Không biết trong mơ cha có ‘mít ướt’ không ? chứ khi phát quà trung thu cho các cháu ở Hòa Vân, cha thương lắm ! mắt đỏ hoe…

Khoảng 14giờ30, sau khi ai về nhà nấy bình yên, trời nổi cơn giông phong ba sấm sét ầm ầm...Tạ ơn Chúa đã cho chúng con đi và về bình an. “Ai tin số 13 sui ! Tôi xin đính chính: ‘Nhờ ơn Chúa, số 13 hôm nay hên thiệt: vừa đem lại niềm vui và ủi an những người có hoàn cảnh đặc biệt, vừa có dịp cho anh chị em thiện nguyện thư giản và gần gũi thân tình với nhau hơn.”

Tạ ơn Chúa, cám ơn quý ân nhân đã tạo cho nhóm trở nên cánh tay nối dài để chía sẻ và đồng thời được đón nhận tình thương của những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Nếu muốn, hãy liên lạc với chúng tôi: Nữ Tu: Matta Võ Thị Mai, email: maihue01@gmail.com.
 
Đêm diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ Tàpao
Hồng Hương
10:46 13/10/2010
PHAN THIẾT - Chiều tối ngày 12 và sáng ngày 13.10.2010, Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Tàpao rợp trong rừng người nô nức trở về để mừng kỉ niệm 93 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima. Tất cả cùng hiệp thông tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, ca ngợi Mẹ Maria và chúc mừng Ngân Khánh Linh mục Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết, qua diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ và thánh Lễ trọng thể Mừng Kính Mẹ Mân Côi.

Xem hình ảnh

Một trong những cảm nghiệm của tất cả mọi người đến TTHH Tàpao trong dịp này đó là sự lạ lùng của thời tiết chính do bàn tay can thiệp của Mẹ Maria. Chỉ hôm trước (thứ ba 11.20), Tàpao mịt mùng mưa. Ngày 12, nhiều đoàn hành hương phải vượt mưa về bên Mẹ thì tại khu vực quanh Tàpao lại khô ráo. Ai bước chân đến Tàpao cũng đều trầm trồ vì toàn bộ khuôn viên quảng trường TTHH TM Tàpao như khoác lên tấm áo mới. Các bậc cấp và lối lên xuống linh đài đã hoàn thành, hàng cây trước mặt quảng trường bắt đầu nảy lá non, các dãy hoa trồng bao quanh bờ thành đã trổ bông, sân nền đã được trải thảm cỏ xanh. Công trình xây dựng được tiến triển từng ngày với sự làm việc miệt mài của Ban chỉ đạo, những người tình nguyện và anh em công nhân.

Đêm diễn nguyện diễn ra trong sự hồi hộp vì trước giờ diễn có chút mưa rào, nhưng đến 18g30, khi đoàn kiệu Mẹ khởi hành và rước đi chung quanh quảng trường trong biển ánh sáng nến từ tay mọi người thì mưa tạnh. Khắp không gian Tàpao vang lời ca chúc khen Mẹ của cộng đoàn qua các bản Thánh ca Con xin dâng Mẹ (Văn Chi), Mẹ Maria (Tâm Bảo), Tung hô nữ vương (Nguyễn Duy Vy) và Cung chúc trinh vương (Trịnh Hoài Đức).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống long trọng khai mạc đêm diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ với sự hiện diện của quý linh mục, quý tu sĩ và khoảng 15 ngàn khách hành hương. Hòa chung niềm vui hội ngộ trong bối cảnh Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, đêm diễn nguyện là tâm tình tạ ơn của đoàn con xuất phát từ tấm lòng chân thành và niềm tin sâu xa được đan dệt trong lời kinh Mân Côi trừu mến. Chương trình gồm bốn phần. Phần I, cộng đoàn hiệp với Đức Cha Giuse dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ, vì Hồng Ân Ngân Khánh Linh Mục Chúa đã ban cho ngài-cũng là ban cho Giáo hội Việt Nam-cách riêng cho giáo phận Phan Thiết với chủ đề Ngợi Ca Thiên Chức Linh Mục qua các tiết mục: Hợp xướng “Con là Linh Mục”, sáng tác Dao Kim, linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo phụ soạn cho hợp xướng, do Ca đoàn Tổng Hợp trình bày; Tam ca Đôrêmi đến với một nhạc phẩm của nhạc sĩ Viết Chung, ca khúc “Sao Người gọi tôi”; tiếp đó là tiết mục múa “25 năm hồng ân”, sáng tác của nhạc sĩ Ân Đức qua phần trình bày của Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục. Phần chúc mừng Ngân Khánh Linh Mục của Đức Cha Giuse (26.20.1985 – 26.10.2010) kết thúc với những kỷ niệm ngọt ngào mà Thiên Chúa đã đóng ấn trên của đời ngài qua các giai đoạn từ khi chập chững bước vào Tiểu chủng viện qua hoạt cảnh “Tâm tình hiến dâng”, sáng tác của Oanh Sông Lam, do Hội Dòng MTG Gò Vấp thể hiện.

Phần II, với chủ đề Tôn Vinh Thiên Chúa, cộng đoàn được mời gọi ý thức mọi ân huệ đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng đã sáng tạo và điều khiển muôn loài. Cộng đoàn trải nghiệm hơn tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa qua Hợp xướng “Ngài là Thiên Chúa”, lời của Minh Anh, nhạc của Hải Linh, do ca đoàn Quê Hương trình bày; ca sĩ Gia Ân với đơn ca “Bao la tình Chúa”, sáng tác của nhạc sĩ Giang Ân; Tam ca Đôrêmi trở lại chương trình với một nhạc phẩm của Hùng Lân là bài ca “Vinh quang Chúa”. Hai thầy Phó tế của GP Phan Thiết là Trọng Báu và Thanh Cảnh trình bày một sáng tác của Phạm Liên Hùng, bài ca “Hoan hô Vua Giêsu”. Phần II khép lại với một trích đoạn Trường Ca Các Tạo vật, lời kinh của Thánh Phanxicô Assisi, nhạc Xuân Thảo – Hải Ninh, ca đoàn Quê Hương trình bày hợp xướng.

Dâng Kính Mẹ Mân Côi là chủ đề của phần III trong đêm diễn nguyện. Tháng 10 cũng gọi là Tháng Mân Côi, tháng dàn riêng dâng kính Đức Mẹ Mân Côi, trong tâm tình cầu nguyện nơi Linh địa Tàpao, cộng đoàn kính dâng và tôn vinh Mẹ Maria theo 4 mầu nhiệm Mân Côi: Vui-Sáng-Thương-Mừng. Lần lượt các hoạt cảnh Truyền tin, Đức Maria đi thăm viếng bà Elisabeth, Tiệc cưới Cana, dưới chân Thánh giá và mầu nhiệm Phục Sinh đưa cộng đoàn thật nhẹ nhàng đi vào lời tâm tình cầu nguyện với Mẹ Maria với phần diễn xuất tuyệt vời của các nữ tu Hội Dòng MTG Gò Vấp.

Đức Cha Giuse thay mặt cộng đoàn cám ơn các đơn vị đã cống hiến những tiết mục được chuẩn bị và trình diễn rất tuyệt vời để giúp cho cộng đoàn cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Cách riêng, Đức Cha bày tỏ sự xúc động trước món quà tinh thần mà chương trình và cộng đoàn dành tặng ngài nhân dịp Mừng Ngân Khánh Linh Mục. Đức Cha ưu ái ban phép lành Toàn xá Năm Thánh cho cộng đoàn. Hơn 2 giờ đồng hồ trôi qua nhanh chóng, với nến sáng trên tay, mọi người cùng hát vang bài ca Mẹ cùng con tiến bước để khép lại đêm diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ. Trong thinh lặng, mọi người lần lượt tiến lên linh đài để cầu nguyện, để thân thưa cùng Mẹ Tàpao những tâm tình nguyện ước của mình để xin Mẹ lắng nghe, ủi an và đồng hành dẫn lối với mình trên hành trình về Nhà Cha.
 
Truyền giáo
Phan Du Sinh
19:43 13/10/2010
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI NHÂN NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN GIÁO 2010

Xây dựng mối hiệp thông Giáo Hội

là chìa khoá của việc truyền giáo


Anh chị em thân mến,

Tháng 10, với việc cử hành Ngày Quốc tế Truyền giáo, là cơ hội để các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các hội dòng đời sống thánh hiến, các phong trào Giáo Hội, và toàn thể Dân Thiên Chúa canh tân lại sự dấn thân rao giảng Tin Mừng, và trao ban cho các hoạt động mục vụ một khí thế truyền giáo lớn hơn. Cuộc hẹn hằng năm này mời gọi chúng ta sống thâm sâu những hoạt động phụng vụ và huấn giáo, bác ái và văn hoá, qua đó Đức Giêsu Kitô triệu tập chúng ta đến bữa tiệc Lời và Thánh Thể, để cảm nếm hồng ân là sự hiện diện của Ngài, để được huấn luyện trong trường học của Ngài và để không ngừng sống cách ý thức hơn mối hiệp nhất với Ngài, Đấng là Thầy và là Chúa. Chính Ngài nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Chỉ từ cuộc gặp gỡ này với Tình Yêu Thiên Chúa mà cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi, chúng ta có thể sống hiệp thông với Chúa và với nhau, và trao cho anh chị em mình một chứng tá khả tín, cho thấy lý do của niềm hy vọng ở trong mình (x. 1 Pr 3,15). Một đức tin trưởng thành, có khả năng tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa với tâm tình con thảo, được nuôi dưỡng nhờ cầu nguyện, nhờ suy niệm Lời Chúa và nhờ việc học hỏi các chân lý đức tin, đó là điều kiện để có thể cổ võ một nền nhân bản mới, đặt nền trên Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Đàng khác, tại nhiều nước, tháng 10 là thời gian trở lại với các sinh hoạt Giáo Hội đa dạng sau kỳ nghỉ hè, và Giáo Hội mời gọi chúng ta học tập nơi Đức Maria qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chiêm ngắm kế hoạch yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại, để yêu mến Mẹ như Chúa Cha yêu mến Mẹ. Đây cũng chẳng phải là ý nghĩa của truyền giáo sao?

Thật vậy, Chúa Cha mời gọi chúng ta nên những người con nam nữ yêu dấu trong Con Chí Ái của Ngài, và nhận ra rằng tất cả chúng ta là anh chị em với nhau trong Người, Đấng là quà tặng Ơn Cứu Độ cho toàn thể nhân loại vốn bất hoà và tội lỗi, Đấng Mạc Khải khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, vị “đã yêu thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một, để bất cứ ai tin vào Người Con thì không hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

“Chúng tôi muốn gặp ông Giêsu” (Ga 12,21), đó là yêu cầu mà - theo Tin Mừng Gioan - một số người Hy Lạp đến Giêrusalem hành hương lễ Vượt Qua đã nêu ra với Tông đồ Philipphê. Yêu cầu này cũng vang vọng trong tim chúng ta trong tháng 10 này, nhắc chúng ta về mối cam kết và về công việc loan báo Tin Mừng, vốn là nhiệm vụ của toàn thể Giáo Hội “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2), và mời gọi chúng ta trở thành người cổ võ của một đời sống mới, gồm những mối tương giao chân thực trong những cộng đoàn đặt nền tảng trên Tin Mừng. Trong một xã hội đa chủng tộc ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn những hình thức cô đơn và lãnh đạm, người Kitô hữu phải học biết trao ban những dấu hiệu của niềm hy vọng và trở thành anh chị em của mọi người, khi vin trồng các lý tưởng lớn nhằm biến đổi lịch sử, và, không chút ảo tưởng hay lo sợ viễn vông, biết dấn thân làm cho hành tinh này trở thành ngôi nhà của mọi dân tộc.

Cũng như những khách hành hương người Hy Lạp của 2000 năm trước, con người của thời đại chúng ta, ngay cả dù không luôn luôn ý thức, vẫn yêu cầu các tín hữu không chỉ “nói” về Đức Giêsu, mà còn phải “cho thấy” Đức Giêsu, phải làm sáng lên khuôn mặt của Đấng Cứu Chuộc nơi mọi hang cùm ngõ hẽm của trái đất này trước mặt các thế hệ của thiên niên kỷ mới và cách riêng trước mặt giới trẻ của mỗi lục địa – họ là những đối tượng ưu tiên và là những chủ thể của công cuộc loan báo Tin Mừng. Người ta phải nhận ra được rằng các Kitô hữu mang Lời của Đức Kitô bởi vì Ngài là Sự Thật, và bởi vì các Kitô hữu đã tìm thấy nơi Ngài ý nghĩa, sự thật cho đời sống của mình.

Những ghi nhận trên đây quy về bài sai truyền giáo của mọi người đã chịu Phép Rửa và của toàn thể Giáo Hội, nhưng người ta không thể thi hành bài sai ấy cách khả tín nếu không có một cuộc hoán cải sâu xa của cá nhân, của cộng đoàn và của hoạt động mục vụ. Thật vậy, ý thức về ơn gọi loan báo Tin Mừng thúc đẩy không chỉ các tín hữu riêng rẽ, mà còn thúc đẩy toàn thể cộng đoàn giáo phận và giáo xứ vào một cuộc đổi mới toàn diện và không ngừng mở ra hơn nữa sự hợp tác truyền giáo giữa các Giáo Hội, để cổ võ việc loan báo Tin Mừng trong trái tim của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá, chủng tộc, quốc gia, tại bất cứ nơi nào. Ý thức này được nuôi dưỡng qua công trình của các Linh mục Fidei Donum, của các tu sĩ, các giảng viên giáo lý, các thừa sai giáo dân, trong một cuộc tìm kiếm không ngừng để cổ võ sự hiệp thông Giáo Hội, theo cách thức mà hiện tượng “liên văn hoá” có thể sát nhập vào trong một kiểu thức hiệp nhất, trong đó Tin Mừng là men của tự do và phát triển, là nguồn mạch của tình huynh đệ, sự khiêm nhường và hoà bình (x. Ad gentes, 8). Quả thật, trong Đức Kitô, Giáo Hội “là bí tích, nghĩa là dấu hiệu và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của tất cả mọi người” (Lumen Gentium, 1).

Sự hiệp thông Giáo Hội nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà qua lời loan báo của Giáo Hội, vươn đến mọi người và tạo nên tình bạn với Ngài, và từ đó với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (x. 1 Ga 1,3). Đức Kitô thiết lập mối tương quan mới giữa con người với Thiên Chúa. “Ngài mạc khải cho chúng ta rằng ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1 Ga 4,8), và đồng thời dạy chúng ta rằng giới luật nền tảng để nên người hoàn hảo, và từ đó để biến đổi thế giới, đó là giới luật mới về yêu thương. Vì thế, Ngài bảo đảm cho những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa rằng con đường yêu thương được mở ra cho tất cả mọi người, và những nỗ lực nhằm xây dựng tình huynh đệ phổ quát sẽ không vô ích” (Gaudium et Spes, 38).

Giáo Hội trở nên “hiệp thông” khởi đi từ Thánh Thể, nơi mà Đức Kitô, hiện diện trong bánh và rượu, cùng với hy tế tình yêu, xây dựng Giáo Hội như thân mình Ngài, bằng cách kết hợp chúng ta với Thiên Chúa độc nhất trong Ba Ngôi Vị, và liên kết chúng ta với nhau (x. 1 Cr 10,16tt.) Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, tôi đã viết: “Chúng ta không thể giữ cho riêng mình tình yêu mà ta cử hành trong bí tích. Tình yêu này, tự bản chất, đòi phải được chuyển thông cho mọi người. Điều mà thế giới cần là tình yêu của Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Ngài” (số 84). Bởi thế, Thánh Thể không chỉ là nguồn và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, mà còn là nguồn và chóp đỉnh của sứ mạng Giáo Hội nữa: “Một Giáo Hội đích thực của Thánh Thể phải là một Giáo Hội thừa sai” (Ibid.), có thể dẫn đưa mọi người vào trong mối hiệp thông với Thiên Chúa, và loan báo với niềm xác tín rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi cũng loan báo cho cả anh em nữa, để anh em cũng ở trong mối hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1,3).

Anh chị em thân mến,

Trong Ngày Quốc tế Truyền giáo này, đôi mắt tâm hồn rộng mở ra với không gian bao la của truyền giáo, chúng ta cảm nhận hết thảy chúng ta đều là những tác nhân đảm nhận vai trò của Giáo hội là loan báo Tin Mừng. Nhiệt tâm truyền giáo vốn luôn luôn là dấu hiệu sức sống mãnh liệt của các Giáo Hội chúng ta (x. Redemptoris Missio, 2), và sự hợp tác là chứng tá hùng hồn của mối dây hiệp nhất, của tình huynh đệ và liên đới, đem lại sự đáng tin cho những nhà rao giảng Tình Yêu cứu độ!

Vì thế, tôi lặp lại lời mời gọi cầu nguyện với tất cả anh chị em và - cho dù có những khó khăn về kinh tế - dấn thân cung cấp sự trợ giúp huynh đệ cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội non trẻ. Hành vi yêu thương và chia sẻ ấy sẽ trợ giúp cho việc đào tạo các linh mục, chủng sinh và giảng viên giáo lý tại những xứ ‘truyền giáo’ xa xôi, và hỗ trợ cho các cộng đoàn Giáo Hội mới mẻ - tôi chân thành biết ơn cơ quan Toà Thánh đặc trách công việc phân phối này.

Để khép lại sứ điệp hằng năm này nhân Ngày Quốc tế Truyền giáo, tôi muốn bày tỏ bằng một tình cảm đặc biệt, lòng biết ơn đối với các nhà thừa sai nam nữ, những người đang làm chứng cho Triều Đại Thiên Chúa ở các vùng hẻo lánh và khó khăn nhất, nhiều khi phải làm chứng ngay cả bằng mạng sống mình. Chính với họ là những người tiền phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng, mà tình thân hữu, sự gần gũi và nâng đỡ của mọi tín hữu hướng đến. Xin “Thiên Chúa (là Đấng) yêu thương những ai trao tặng với niềm vui” (2 Cr 9,7) ban cho họ tràn trề lòng nhiệt thành thiêng liêng và niềm vui sâu thẳm.

Như lời “xin vâng” của Đức Maria, mọi đáp trả quảng đại của cộng đoàn Giáo Hội với lời mời gọi yêu thương anh chị em chúng ta, sẽ nảy sinh một tình mẫu tử mới mang tính tông đồ và Giáo Hội (x. Gl 4,4.19.26). Tình mẫu tử ấy, sửng sốt trước mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa: “khi đến thời viên mãn... Thiên Chúa sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4,4), sẽ đem lại niềm tin tưởng và sự mạnh dạn cho các tông đồ mới. Lời đáp trả ấy sẽ cho phép mọi tín hữu “vui tươi trong hy vọng” (Rm 12,12) khi thực thi chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn “toàn thể nhân loại trở thành dân duy nhất của Ngài, kết hợp trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, và xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần” (Ad Gentes, 7).

Từ Vatican, ngày 6-02-2010

+ Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đan sĩ với âm nhạc
Hiền Lâm - Thông Giáo
08:19 13/10/2010
ĐAN SĨ VỚI ÂM NHẠC

* Dẫn nhập:

Từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây, dẫu cho mọi sinh hoạt của xã hội có xô bồ hối hả, ồn ào náo nhiệt, thì nơi các đan viện vẫn sáng sáng chiều chiều vang lên những tiếng đàn lời ca du dương như một điệp khúc ca tụng Thiên Chúa. Dẫu biết rằng, âm nhạc là một nhu cầu tinh thần và văn hóa không thể thiếu nơi con người, đặc biệt trong chiều kích tâm linh tôn giáo, vừa để diễn tả tâm hồn, vừa để làm vui thỏa lòng nhau… Nhưng để lời ca tiếng nhạc được vang lên mãi trong mọi sinh hoạt của các đan sĩ, thiết nghĩ âm nhạc phải có một vai trò đặc biệt, cũng như mang những ý nghĩa thần học nào đó khơi nguồn từ Thánh Kinh và xuyên qua phụng vụ của Giáo Hội? Dưới đây là một vài nghiên cứu:

I. KINH THÁNH - BẢN TRƯỜNG CA VÔ TẬN.

Có thể nói được rằng, Kinh Thánh được xem là bản trường ca bất tận vang lên ca ngợi công trình sáng tạo và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngay từ những trang đầu của Cựu Ước, dòng văn tư tế đã tường thuật công cuộc sáng tạo như một điệp ca phụng vụ, mà trong đó Thiên Chúa như một ca viên khởi xướng từng “nhịp lao động”, và điệp khúc được đáp lại là: “Thiên Chúa thấy tốt đẹp, qua một buổi chiều và một buổi sáng…” (x.St 1, 1- 2, 3). Aâm điệu thi nhạc liên tục vang lên xuyên suốt lịch sử Israel diễn tả mọi tâm tình, từ khúc hát vượt qua (x. Xh 15, 1- 21) đến lời hân hoan trong ngày cung hiến và tẩy uể đền thờ (x. 1Mcb 4, 54- 59). Cựu Ước còn cho thầy một nhân vật nổi tiếng về sáng tác và đàn ca là David, ông đã dùng tiếng đàn lời ca để làm vui lòng Sao- lê trong cơn cường nộ (1Sm17, 23); ông còn hân hoan múa nhảy trước hòm bia Thiên Chúa (2Sm 6, 14- 21); và đặc biệt là cả một kho tàng Thánh vịnh mà phần lớn được gán cho ông sáng tác. Các sách ngôn sứ cũng đã nhiều lần nói đến cả một triều thần thiên quốc hát ca mừng Thiên Chúa, cùng với sự hợp đoàn của con người như trong Thánh vịnh 136 từng diễn tả: “Giữa chư vị thiên thần, con đàn ca mừng Chúa…”

Bước qua Tân Ước, lời ca tiếng nhạc được khơi nguồn từ bài hát thiên thần trong ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh (Lc 2, 13- 14); các thánh thi chúc tụng được thốt ra từ miệng ông Giacaria, của Đức Maria và của cụ già Simeon (Lc 1, 47- 55; 68- 79; 2, 29- 32). Kế đến là những buổi hát thánh vịnh trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên (x. Cvtđ 2, 42- 47), và lời kêu gọi không ngừng hát lên bài ca cảm tạ trong các thư tín của các Tông Đồ mà đặc biệt là Phao lô (Ep 5, 19; Cl 3, 16; …). Và cuối cùng là những bài ca của triều thần trước tòa Con Chiên và tiếng hát khải hoàn của Giáo Hội hiền thê được ghi lại trong sách Khải Huyền (Kh 4- 5; 15, 3- 4; 19, 1- 7).

II. BÀI CA TỤNG CỦA GIÁO HỘI HIỀN THÊ.

Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết và trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể. Thật vậy, không những Thánh Kinh mà cả nhiều Giáo Phụ và nhiều Đức Thánh Cha đã khen ngợi và cổ võ Thánh Nhạc trong Phụng vụ. Thánh Augustino từng nói: “Hát hay là cầu nguyện hai lần”. Thánh nhân ví Thiên Chúa như một nhạc sư đại tài, vì thế, phải hát ca ngợi Thiên Chúa cho thật hay, thật khéo, hát với cả tâm hồn bật lên thành tiếng reo vui.

Thánh Hilario: sáng tác nhiều thánh thi ca ngợi và chiêm ngắm kiệt tác của Thiên Chúa. Thánh nhân muốn được hòa mình vào bản trường ca của vũ trụ và các thiên thần:

Con muốn đồng ca cùng vũ trụ
Những mong hợp tấu với thiên thần
Giữa lòng chư thánh ôi vinh dự
Muôn thuở hát mừng Chúa từ nhân.


Thánh Bênêđictô: kêu gọi các đan sĩ đặt thần vụ lên hàng đầu khi nói: “Không lấy gì hơn việc Chúa”. Thánh nhân đã dành 15 trong 73 chương của cuốn Tu Luật để nói về thần vụ, áp dụng lời ngôn sứ: “Con ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt” Tv 118, 164), nghĩa là không ngớt lời ca tụng Chúa và phải hát sao cho tâm trí hòa hợp với lời ca.

Thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả đã có công lớn trong việc phát triển thánh nhạc trong Giáo Hội. Còn thánh Pio X thì được xem là vị tiên phong làm sáng tỏ vai trò của thánh nhạc trong Phụng Vụ.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh đã dành nguyên chương VI để bàn về thánh nhạc, Công Đồng viết: “Thánh nhạc càng liên kết với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bầy nhiêu, vì diễn tả lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn, cổ võ sự đồng thánh nhất trí, thánh hóa bản thân, thánh hóa Giáo Hội…”.

Riêng phụng vụ Đông Phương được cử hành hết sức long trọng và lâu giờ khi dùng rất nhiều bài thánh ca và nhiều bản nhạc bình ca rất hoành tráng.

Còn phụng vụ đan tu: Từ thế kỷ thứ V trở đi, các đan viện được xem là cái nôi của âm nhạc thánh, vì ở nơi đó các bản thánh ca và nhạc thần tụng được các đan sĩ ngày đêm của hành trong các giờ kinh và mỗi ngày làm phong phú hơn về kỹ thuật và âm điệu.

Tại Âu Châu, đan viện Solèsmes cho đến hôm nay vẫn được coi là kho tàng thánh nhạc của Giáo Hội, được Giáo Hội giao cho trọng trách là gìn giữ và làm phát triển sự thánh thiêng của thánh nhạc.

Riêng phụng vụ đan tu tại Việt Nam phần lớn đã chuyển toàn bộ mọi kinh nguyện thần vụ thành các bản nhạc để các đan sĩ hát mỗi ngày.

III. ĐAN SĨ VỚI ÂM NHẠC (suy tư thần học).

Ngay từ những trang đầu của hiến chương đức ái (Dòng Xitô), thánh Stephno Hardingo đã ví đời sống đan sĩ như đời sống thiên thần (Vita angelica), nghĩa là các đan sĩ vừa được xem như những Séraphim liên lỉ ca ngợi Chúa, vừa như những Chérubim phục vụ Chúa và chuyển cầu cho nhân loại. Thật vậy, Tu Luật thánh Biển Đức mà các đan sĩ đọc mỗi ngày cũng nhắc các đan sĩ ý thức vì mình đang hợp đoàn với triều thần thiên quốc liên lỉ hát lên bài ca tụng Thiên Chúa. Nhưng để hát lên bài ca tụng và để giờ thần vụ thêm sốt sắng uy nghi thì không thể thiếu âm nhạc. Có thể nói, âm nhạc gắn liền với đan sĩ trong cả nền linh đạo đan tu.

1. Âm nhạc có giá trị cầu nguyện.

Mỗi ngày bảy lần các đan sĩ đọc kinh chung với nhau. Thật vậy, nếu giờ kinh không được phong phú bằng âm nhạc là những giai điệu thánh được thay đổi liên tục để cuốn hút và nâng tâm hồn lên, thì chắc chắn sẽ gây nhàm chán. Đặc biệt, nhờ nhạc thánh xua tan mọi ước vọng xấu như lời thánh thi mùa vọng mà các đan sĩ hát: “Khi nhạc thánh con vừa cất tiếng, đã tan mọi ước vọng xấu xa”.

Thật vậy, khi được cuốn hút trong những nghi lễ thánh, được nâng tâm hồn lên trong điệu nhạc thánh thì tự nó giúp đan sĩ có một cái nhìn thoát tục vượt lên mọi quyến luyến thấp hèn.

Hơn nữa, lời cầu nguyện thêm chân thành và thanh thoát bởi âm nhạc, vì chính nhờ âm nhạc mà mọi người có thể diễn tả tâm hồn mình. Cũng thế, khi đan sĩ dùng Lời Chúa để sáng tác thành các ca khúc, thì đã làm cho âm nhạc diễn tả Lời Chúa và làm cho Lời Chúa qua âm nhạc thấm nhập vào tâm hồn.

2. Âm nhạc và lao động.

Như một sự gõ nhịp thầm lặng và đều đặn theo nhịp trống, trong mọi lúc mọi nơi, đan sĩ sống tinh thần vui luôn trong Chúa nhờ tâm hồn nghệ sĩ (thánh Augustino). Thật vậy, ý nghĩa thần học về lao động theo đan tu là một phương thế truyền giáo khi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hiện tại hóa bài ca sáng tạo của Ngài mà sách Sáng Thế được truyền thống Tư Tế viết theo bản điệp ca phụng vụ.

Nhờ lao động trong sự ca tụng Thiên Chúa mà âm nhạc đã giúp cho mọi người thấy Chúa trong anh em như “Khúc hát người ca công” mà thi sĩ Tagore diễn tả: “Thượng Đế ở trong những con người vất vả ướt đẫm mồ hôi, áo quần tả tơi dưới ánh nắng mặt trời”.

3. Âm nhạc có giá trị truyền giáo.

Các đan viện từ Cổ chí Kim luôn là nơi để mọi người tìm đến tĩnh tâm, mà một trong những lý do để mọi người thích đến đan viện là cảm nhận được một sự cuốn hút lạ lùng đến với Chúa nhờ tham dự các giờ kinh thần vụ với các đan sĩ, vì các giờ kinh đó được hát lên bằng những giai điệu thánh.

Linh đạo đan tu là truyền giáo bằng cầu nguyện, mà phương thế cầu nguyện của các đan sĩ chính là các giờ kinh thần vụ thật trang trọng và sốt sắng. Chính âm nhạc làm cho các đan sĩ không những không nhàm chán, mà cáng thêm yêu thích ca ngợi Chúa. Và như thế, âm nhạc cũng gián tiếp giúp các đan sĩ bền đỗ trong ơn gọi. Ngoài ra, với sự tiếp xúc hàng ngày với muôn điệu nhạc thánh, tâm hồn đan sĩ trở nên “lãng mạn- yêu đời” dễ gần gũi và dễ cảm thông với hết những ai đến với họ.

4. Âm nhạc có giá trị hiệp thông

Lời ca tiếng hát không những lôi kéo mọi người đến với Chúa mà còn giúp các đan sĩ đến với nhau và làm vui thỏa lòng nhau (như ngày xưa David gảy đàn giúp Saun bớt căng thẳng).

Aâm nhạc thánh làm biến đổi tâm hồn nóng nảy nên hiều dịu, giúp giữ được sự bình tĩnh cần thiết để rồi dễ cảm thông và tha thứ cho người khác. Chính những giờ kinh thần vụ lôi kéo mọi người phải đồng tâm nhất trí với nhau, vì khi hát một bản nhạc, mọi người không đem hết tâm hồn mà hát đúng theo bè thì không thể hát hay được.

Cũng có thể ví mọi đan sĩ như một nốt nhạc trong cộng đoàn. Mỗi nốt nhạc có chỗ đứng riêng, có giá trị riêng, nhưng phải liên kết với nhau thì mới trở nên bài ca hoàn hảo được. Cộng đoàn đan tu cũng được ví như cây đàn trong tay Thiên Chúa, mà mỗi đan sĩ được xem như những giây đàn, để từng tiếng nhạc cung đàn đều trở nên giá trị cứu độ. Cuối cùng, nhờ âm nhạc mà đời sống đan sĩ thêm thi vị, thêm yêu đời và yêu người, giúp đan sĩ luôn giữ được niềm vui trong nhà Chúa.

5. Âm nhạc và chiêm niệm.

Một trong những đặc tính của chiêm niệm là có cái nhìn thầu suốt xuyên qua những sự vật hữu hình để gặp cái linh thánh, xuyên qua những kỳ công của Tạo Hóa để đạt tới chính Đấng Tạo Hóa. Theo nghĩa này, các đan sĩ cùng được ví như những khán thính giả chiêm ngưỡng những kỳ công trong vũ trụ mà Thiên Chúa là tác giả của những công trình ấy. Có thế nói, Thiên Chúa, nghệ sĩ số một đã tạo nên những cung điệu trong vũ trụ thật kỳ diệu và hài hòa mà không một nghệ sĩ tài bai nào có thể phối khí được như thế. Khi chiêm ngưỡng những kiệt tác đó, đan sĩ muốn học cách thức của những nốt nhạc và những dấu lặng mà Thiên Chúa ghi nơi vạn vật để ca ngợi Thiên Chúa như bản trường ca bất tận.

Như thế, khi chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa với một tâm hồn được thi vị nhờ âm nhạc, đan sĩ có được cái nhìn thanh thoát và trong sạch trước mọi thụ tạo, ca ngợi những vẻ đẹp của những kiệt tác Tạo Hóa hơn là bị giao động theo ước muốn thấp hèn. Và như vậy, chính âm nhạc đã góp phần không nhỏ giúp đan sĩ sống lời khấn khiết tịnh.

Khi ca hát chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua mọi kiệt tác của Người thì cũng đồng nghĩa với việc ý thức Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi để đan sĩ cầu nguyện và xa lánh dịp tội; ý thức Thiên Chúa hiện diện trong mọi người để dấn thân phục vụ; ý thức Thiên Chúa ở trong mọi biến cố của cuộc sống để đan sĩ có thể nhảy theo những “nhịp điệu” mà Thiên Chúa muốn.

6. Bài ca hiến tế.

Sự cảm nhận riêng tư nhất của người viết bài này là so sánh bài ca cảm tạ (Te Deum) trong Dòng Xitô có thói quen hát lên sau khi an táng một đan sĩ đã qua đời. Đó chính là khúc hát vượt qua, là bài ca xuất hành trong Cựu Ước, là khúc ca chiến thắng trong sách Khải Huyền. Bài ca của sự hiến tế cuối cùng, bài ca trọn đời dâng hiến để tháp nhập người anh em đan sĩ vào cộng đoàn Thiên Quốc hát lên bài ca bất tận ngàn trùng. Như thế, âm nhạc vừa dệt nên cuộc đời đan sĩ, vừa đón đưa đan sĩ vào cuộc sống vĩnh cửu.

* Kết luận:

Để đạt được mục đích cần có một lý tưởng và để bước theo lý tưởng đó cần có một phương thế khả dĩ. Cũng thế, để nên thánh, các đan sĩ chọn lý tưởng đan tu. Nhưng để sống trọn vẹn ơn gọi đan tu, các đan sĩ cần một phương thế để thực hiện. Một trong những phương thế đó chính là phụng vụ, vì phụng vụ là trung tâm cuả đời sống đan tu, được dệt bằng một nền âm nhạc, chủ yếu là bình ca, với nội dung chủ đạo bắt nguồn từ Kinh Thánh và suy tư của các Giáo Phụ. Từ đó, âm nhạc đến với đời sống đan sĩ mang một ý nghĩa thần học rõ ràng trong linh đạo sống: cầu nguyện và lao động đến chiều kích hiệp thông và chiêm niệm. Tất cả nhằm thánh hóa bản thân và nên ơn cứu độ cho mọi người.
 
Tin Đáng Chú Ý
Các đại sứ lên Facebook kể chuyện kẹt xe giữa Hà Nội
Dương Ðông/NV
07:03 13/10/2010
Cuộc kẹt xe vĩ đại mừng Thăng Long 1,000 tuổi

Có một sự cân bằng của tạo hóa trong lễ hội Ngàn Năm Thăng Long. Sự cân bằng đó, tiếng Mỹ kêu là “poetic justice.” Ðó là sự cân bằng giữa lễ khai mạc với lễ bế mạc.


Tin nhắn trên Facebook của Ðại Sứ Anh Mark Kent lúc còn kẹt trên đường phố. Giờ ghi trên đó là giờ địa phương của người đọc, tại California.


Nếu lễ khai mạc chỉ dành riêng cho khách mời (“VIP đấy!”), không một thường dân nào được thấy, thì lễ bế mạc người thường dân chiếm hết cả đất, chiếm hết cả đường đi, khiến không một VIP nào vào nổi sân vận động Mỹ Ðình. Trừ một ông, sẽ nhắc tới.

Lễ hội Ngàn Năm Thăng Long bắt đầu ngày 1 tháng 10, một chọn lựa ít ra cũng là xui xẻo, vì bị trùng với Quốc Khánh “nước lạ.” Ngày đó, chỉ có những ai có vé mời, mới được vào xem. Ðoàn đại biểu các tỉnh. Ðoàn ngoại giao. Các sếp lớn trong đảng Cộng Sản. Chứ không có vé bán. Không dành cho thường dân.


Tin nhắn của Ðại Sứ Mark Kent, một người rành tiếng Việt, sau khi về nhà.


Ðêm bế mạc lễ hội Ngàn Năm Thăng Long thì khác. Có bắn pháo bông, mà pháo bông đã bắn lên thì ai xem cũng được. Nhưng trước đó mấy ngày, kho pháo hoa bị cháy, thiệt mạng 3 người Ðức. Dự án bắn pháo bông tại 29 địa điểm bị rút xuống chỉ còn 1 địa điểm, tại sân vận động Mỹ Ðình.

Tất nhiên, câu hỏi là liệu đường sá dẫn vào sân Mỹ Ðình có chịu nổi lượng người đi xem không? Câu trả lời, do chính quyền thành phố đưa ra, là: “Ồ, chúng tôi làm được.”

Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam, trước khi lễ xảy ra, nói ngành giao thông vận tải bảo đảm chuyện này. Trong tối 10 tháng 10: “Lễ bế mạc sẽ được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Ðình” và “ngành Giao Thông Vận Tải sẽ tổ chức phân luồng giao thông từ xa ngoài đường vành đai 3 và phân luồng giao thông cục bộ trên tuyến đường đi của các đoàn đại biểu và xung quanh khu vực tổ chức bế mạc.”


Góp ý của Ðại Sứ Thụy Ðiển Staffan Herrstrom


Báo Nhân Dân điện tử, bản ra ngày 22 tháng 9, nói: “Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) có công văn trả lời UBND TP Hà Nội về việc tổ chức giao thông bảo đảm phục vụ đại lễ.” Bảo đảm nha!

Tới hôm việc xảy ra thật, thì chuyện phải đến đã đến: Kẹt, kẹt, kẹt. Kẹt xe. Kẹt người. Kẹt đường.

Một số người tiên đoán cái kẹt này (có thể vì họ không đọc, hay đọc mà không tin, báo Nhân Dân), ở nhà bật TV xem. Những người này thắc mắc tại sao chương trình được thông báo bắt đầu lúc 20 giờ (8 giờ tối) mà tới 20:23 mới rục rịch khởi sắc.

Câu trả lời, được các trang mạng cung cấp sau đó, là vì các vị khách mời, toàn nhân vật cao cấp cả, đều không đến được vì kẹt xe. Nên phải chờ. Mà vì chờ nên trễ.

Xe đã bị kẹt, bất kể “phân luồng.” Bất kể là xe của ông lớn. Bất kể cảnh sát mở đường.


Câu trả lời của Ðại Sứ Kent cho Ðại Sứ Herrstrom.


Một đoạn đường, bề ngang chỉ như thế, bề dài chỉ như thế, có nhét đầy hết cũng chỉ được 100,000 người, chẳng hạn. Mà nếu đã có sẵn 100,000 người chật cứng kẹt trong đó rồi, thì có cảnh sát cách mấy, có hụ còi cách mấy, thì dù là triết gia hụ còi hay sếp lớn hụ còi, cũng không thể biến khoảng không gian 100,000 người thành không gian 100,001 người.

Tin cho biết, ông Nguyễn Minh Triết đi sớm, nhưng vẫn bị kẹt. Ông nhảy xuống xe đi bộ len vào, mới vào được, trễ 15-20 phút.

Ông Nguyễn Tấn Dũng nghe đâu đi sau ông Triết một chút, nên lúc bị kẹt, đã tính xuống xe đi bộ, nhưng cũng không thể lách bộ vào được, đành bỏ.

Có hai nhân vật trở về, là vị đại sứ Anh tại Việt Nam, và đại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam. Họ lên Facebook tán chuyện với nhau.

Ðại sứ Anh tại Việt Nam là ông Mark Kent, một người rành tiếng Việt. Vào lúc 9:43 sáng giờ California, tức là 11:43 tối Chủ Nhật giờ Hà Nội, ông dùng điện thoại di động gởi tin nhắn lên Facebook. Ông viết:

“5 tiếng đồng hồ kẹt xe và không thể tới được sân Mỹ Ðình. Bây giờ mới nhúc nhích, nên nếu hên thì về nhà trước 1 am. Ai là người tổ chức vụ này cần thực tập thêm nhiều trước lễ hội 2000 năm... thôi thì cũng chúc mừng sinh nhật Hà Nội.”

Hơn một tiếng sau, ông lên lại Facebook, và viết, bằng tiếng Việt:

“00.30 am. Vừa đến nhà. Tối nay rất nhiều cơ hội làm ngoại giao nhân dân vì 6 tiếng tắc đường.”

Ðại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam, ông Staffan Herrstrom, góp lời:

“Tôi cũng cùng hoàn cảnh như ông, Mark ạ. Mặc dù tôi về tới nhà sau khoảng 3 tiếng 15 phút.”

Ông đại sứ Thụy Ðiển này cũng dự định nhảy xuống xe đi bộ nhưng thất bại. Ông viết:

“Tôi cũng định đi bộ khoảng cách 500m còn lại tới sân vận động, nhưng không hề có một mảnh đất nào trống để đi vào. Thôi thì cũng là một buổi tối đáng nhớ.”

Và vị đại sứ Anh đồng ý. Ông viết:

“Tổng cộng thời gian 6 tiếng 15 phút. Ði ngủ lúc 2 am. Vâng, như ông nói, một buổi tối đáng nhớ.”

Vâng, như các ông nói, một buổi tối đáng nhớ.

(Nguồn: Người Việt http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=121227&z=157)