Ngày 05-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/10: Câu chuyện ba người bạn - Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:32 05/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Người còn nói với các Ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói : ‘Này bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi : cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người hay sao?”

Đó là lời Chúa
 
Hiệp nhất trong khác biệt
Lm. Minh Anh
03:50 05/10/2022

HIỆP NHẤT TRONG KHÁC BIỆT
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

Sử gia Justin nhận định, “Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất phát triển rất mạnh! Bằng chứng là nhiều người đã thay đổi tính cách bạo lực và độc tài của mình. Họ bị khuất phục bởi sự kiên định họ chứng kiến trong cuộc sống những người hàng xóm theo đạo Kitô; bởi sự nhẫn nhịn phi thường mà họ nhìn thấy khi những người này bị lừa dối; bởi sự trung thực của những người mà họ giao dịch buôn bán; và nhất là bởi sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những người lãnh đạo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận xét của Justin. Thánh Vịnh đáp ca cho biết, sứ mệnh của Hội Thánh từ thời các tông đồ và cho đến muôn đời là đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng; tuy nhiên, bất đồng trong Hội Thánh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào! Vậy mà, điều quan trọng không phải là những khác biệt nơi các sứ giả, nhưng quan trọng là sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những con người này!

Thật hiếm hoi, bài đọc Galata trưng dẫn một bất đồng nghiêm trọng xảy ra ở Antiôkia giữa Phêrô và Phaolô, hai trong số những trụ cột quan trọng nhất. Phaolô cáo buộc Phêrô “không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng” khi ông dùng bữa với dân ngoại, ở đây ám chỉ việc ăn của cúng; và khi các tông đồ khác đến thì Phêrô lẩn lút và lánh đi. Sự việc này gây gương xấu không chỉ cho những người đạo gốc mà còn cho anh em lương dân mới trở lại. Sự bất đồng giữa họ liên quan đến việc anh em gốc ngoại giáo được mong đợi sẽ tuân theo luật thực phẩm của người Do Thái; Phêrô đã làm điều không đúng khiến Phaolô phản đối gay gắt. Thế nhưng, sau nhiều năm, mỗi người đều rao giảng Phúc Âm trong các lĩnh vực khác nhau và cả hai đều chịu tử đạo vì Tin Mừng. Dẫu có thể có những bất đồng cụ thể, nhưng Phêrô và Phaolô vẫn ‘hiệp nhất trong khác biệt’; hai ngài tiếp tục thể hiện sự hiệp nhất về các nguyên tắc căn bản!

Các nguyên tắc căn bản ở đây là gì? Đó là những điều được tìm thấy trong Kinh Tin Kính; chúng cũng được tìm thấy trong Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta phải hiệp nhất trong nhiệm vụ kiến tạo không gian cho Vương Quốc Thiên Chúa hiển trị, “Nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”. Chúng ta phải hiệp nhất trong việc cầu nguyện và hoạt động để có cơm bánh hàng ngày cho mọi con cái Chúa trên thế giới; bánh vật chất, bánh tinh thần, “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày!”. Chúng ta phải hiệp nhất trong việc nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa và sẵn lòng trao tặng món quà tha thứ cho người khác, điều mà chúng ta đã nhận được từ Ngài, “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con!”. Chúng ta phải hiệp nhất trong việc tìm kiếm Chúa để có sức mạnh đương đầu với thế lực sự ác, “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ!”.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, ngày nay, vẫn có những thách đố về các vấn đề mà các đấng bậc trong Hội Thánh phải thảo luận và tranh luận. Sẽ luôn có những căng thẳng giữa cái mà chúng ta gọi là ‘đôi cánh thể chế’ và ‘đôi cánh tiên tri’ của Hội Thánh. Mặc dù một số vị muốn có một sự ‘hoà hợp hoàn hảo’ giữa tất cả các thành viên, nhưng đó không phải là cách Giáo Hội vận hành. Đừng nhầm lẫn giữa ‘hiệp nhất’ với ‘tính đồng nhất’. Hiệp nhất giả định trước một sự hài hoà giữa các yếu tố khác nhau. Chúng ta cần ‘thể chế’ với tư cách là những người bảo tồn tính chính thống, truyền thống và tính liên tục; nhưng cũng cần đôi cánh ‘tiên tri’ để khơi lên những nhu cầu thích ứng thông điệp của mình với các nhu cầu và các tình huống vốn thay đổi trong một thế giới đổi thay liên tục. Không thay đổi có nghĩa là trì trệ, và cuối cùng, là chết; thay đổi quá nhiều đồng nghĩa với việc mất đi bản sắc. Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng, vì chính Thánh Thần sẽ là tác nhân duy nhất giữ cho Hội Thánh luôn ‘hiệp nhất trong khác biệt’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết tôn trọng những khác biệt nơi những anh chị em con. Xin giúp con biết loại bỏ cái tôi trước tiếng nói của Thánh Thần mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Người biết ơn
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:02 05/10/2022

Lòng biết ơn
CN 28C

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo!

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: “Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao? còn chín người kia đâu? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách “Nói với chính mình”, Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Chuyện phiếm 7 “Hai chữ cám ơn”, Gã Siêu xót xa: Một tác giả nào đó đã viết: Một sự kiện làm chúng ta phải ngạc nhiên không ít, đó là một số người Việt Nam từ nước ngoài trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau. Dầu có cố gắng che dấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, họ vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài, hay là phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quí hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì phải chăng đó là một lời báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu chỉ của sự khô cạn tình người trong xã hội Việt Nam chúng ta. Khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc về tình người cũng trở thành mong manh. Và khi tình người bị chối bỏ, thì nhiều lãnh vực khác cũng sẽ bị lung lay và sụp đổ.

Sở dĩ như vậy là vì những người Việt Nam sống ở nước ngoài tiếp xúc thường xuyên với người phương Tây, nên cũng đón nhận những nét đẹp văn hóa của họ. Những tiếng vốn được người phương Tây xử dụng nhiều nhất là “xin lỗi” và “cám ơn”. Dân Pháp thì luôn miệng nói “pardon” và “merci”. Còn dân Ăng lê thì động một tí là “sorry” và “thank you”. Thói quen tốt đẹp này có được là do sự giáo dục từ trong gia đình. Có người đã tổng kết được mười mấy chữ quan trọng trong việc giáo dục trẻ em ở phương Tây, đó là cám ơn, chào ông bà, xin lỗi, phiền ông bà, tạm biệt, xin mời…Trong đó đứng đầu là hai tiếng “cám ơn”. Như vậy, họ đã dạy cho con em biết cảm động, không được thờ ơ nhìn sự giúp đỡ và làm ơn của người khác.Từ đó, gã suy ra rằng, lòng biết ơn và tình yêu mến luôn đi song song và tỷ lệ thuận với nhau. Lòng biết ơn sẽ sinh ra tình yêu mến và tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn.(x.dunglac.org).

Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: “Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng”.

Văn hóa cám ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cám ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ, dù chỉ là nhỏ bé thôi. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cám ơn làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: “Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất… Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật… nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia, giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.

Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cách biết ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn!

Bạn thân mến.

Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những thứ bạn muốn. Vì nếu bạn có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.
Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?
Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một lúc khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?
Hãy cảm ơn vì bạn còn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.
Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có thử thách nào thì liệu cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh và cá tính của bạn?
Hãy cảm ơn những lỗi lầm bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm gì thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?
Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?

Suốt cuộc đời, bạn và tôi đều mang ơn rất nhiều. Cám ơn về tất cả, tri ân về tất cả. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn dần từng ngày.Từ ngày đó tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ hơi ấm, nhờ những bàn tay nuôi nấng dẫn dắt. Công cha, nghĩa mẹ, thầy cô giáo dục. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và lời mời gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa.

Mỗi sáng khi vừa thức dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Tạ Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: “Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa. Amen.

 
Luôn biết tạ ơn Chúa trong cuộc sống
Lm. Đan Vinh
06:12 05/10/2022

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN C
2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19
LUÔN BIẾT TẠ ƠN CHÚA TRONG CUỘC SỐNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 17,11-19
(11) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. (12) Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13) và kêu lớn tiếng : “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” (14) Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ đã được sạch. (15) Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (16) Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. (17) Đức Giê-su mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (19) Rồi Người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

2. Ý CHÍNH : Bài Tin mừng hôm nay cho thấy trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã chữa cho mười người phong cùi được khỏi do đức tin của họ vào Người, biểu lộ qua lời cầu xin tha thiết và qua thái độ vâng lời Người dạy. Tuy nhiên trong 10 người được khỏi bệnh chỉ có một người Sa-ma-ri biết trở lại tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giê-su. Người đã trách những kẻ còn lại và nói với người Sa-ma-ri : “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

3. CHÚ THÍCH :
- C 11-13 : + Trên đường lên Giê-ru-sa-lem : Đây là lần thứ ba thánh Lu-ca nói tới việc Đức Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51;13,32). Thành Giê-ru-sa-lem là đích điểm của cuộc hành trình, và cũng là nơi kết thúc cuộc đời Đức Giê-su trước khi Tin mừng được rao giảng đi khắp thế giới (x. Lc 24,47). + Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê : Để lên Giê-ru-sa-lem, phải đi ngang qua vùng đồng bằng sông Gio-đan và thành Giê-ri-khô (x. Lc 18,35). + Người vào một làng kia thì có mười người phong hủi đón gặp Người : Để tránh cho nhiều người khỏi bị lây bệnh, Luật Mô-sê buộc những người bệnh cùi phải sống cách xa chỗ ở của dân chúng (x. Lc 13,46). + Họ dừng lại đằng xa : Bệnh cùi không những là bệnh đáng sợ về thể xác, mà còn được coi là hình phạt của Đức Chúa dành cho những tội nhân (x. Đnl 28,27). Thời xưa vì khoa học chưa tiến bộ, nên khi thấy một số triệu chứng nghi ngờ trên da bệnh nhân, các tư tế dễ hiểu lần là họ bị mắc bệnh này (x. Lv 13,9-17). Người mắc bệnh phong cùi bị buộc phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và khi thấy có người đến gần thì phải kêu lên “Ô uế! Ô uế!” để người ta biết mà tránh xa (x. Lv 13,45). + “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi” : Chữ Thầy ở đây bày tỏ một lòng tin tưởng sâu xa. Chữ này chỉ thấy trong Tin mừng Lu-ca và do các môn đệ sử dụng (x. Lc 5,5; 8,24.45). Mười người cùi này đã làm trái với quy định của Lề Luật, vì họ tin vào tình thương của Đức Giê-su dành cho bệnh nhân.
- C 14-16 : + “Hãy đi trình diện với các tư tế” : Thay vì trực tiếp chữa bệnh, Đức Giê-su lại ra lệnh cho họ đi trình diện với các tư tế, để được các vị này khám xét và công nhận họ đã được khỏi bệnh cùi (x. Lv 13,49). Và quả thật, nhờ tin vào Lời Đức Giê-su mà các người cùi đang khi đi đường đã được lành sạch. Qua phép lạ này, Đức Giê-su chứng tỏ Người vừa là Đấng quyền năng, lại vừa trung thành tuân giữ Lề luật (x. Lv 14,2-3). + Lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa : Lu-ca thích ghi nhận thái độ tôn vinh Đức Chúa của người nhận được phép lạ (x. Lc 5,25-26; 7,16). + Anh ta lại là người Sa-ma-ri : Người Do thái khinh thường người Sa-ma-ri. Thế nhưng ở đây chỉ một người Sa-ma-ri biết ơn để quay trở lại với Đức Giê-su mà tôn vinh Thiên Chúa. Điều này cho thấy Đức Giê-su đến cứu chuộc mọi người không phân biệt Do thái hay dân ngoại.
- C 17-19 : + “Không phải cả mười người đều được sạch sao?” : Đức Giê-sumuốn cả 10 người đều trở lại. Nhưng chỉ có người Sa-ma-ri. Chín người kia là người Do thái đã không trở lại cám ơn, có lẽ do không có thói quen ấy hoặc do họ nghĩ mình là dân ưu tuyển, có quyền đòi Chúa phải ban ơn và không cần phải cám ơn Người. + “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” : Đức Giê-su tỏ lòng ưu ái đặc biệt đối với người Sa-ma-ri ngoại đạo, vì anh đã bày tỏ lòng biết ơn. Người cho biết : ơn cứu độ được ban cho người ta không căn cứ trên nguồn gốc Do thái hay dân ngoại, nhưng căn cứ trên lòng tin. Một lòng tin thực sự phải được biểu lộ, không những bằng lời xin ơn, mà còn bằng việc cảm tạ tôn vinh Chúa sau khi được ơn suốt cả cuộc đời.

4. CÂU HỎI :
1) Luật Mô-sê quy định về sinh họat của các người bị bệnh phong cùi ra sao?
2) Mười người phong cùi đã cầu xin với Đức Giê-su thế nào?
3) Qua việc ra lệnh cho mười người cùi đi trình diện với tư tế, Đức Giê-su cho thấy quan điểm của Người đối với Luật Mô-sê ra sao?
4) Câu nào cho thấy Đức Giê-su muốn người ta phải tỏ thái độ biết ơn Thiên Chúa?
5) Ta phải tạ ơn thế nào khi được ơn Chúa ban nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ và các thánh?

II. SỐNG LỜI CHÚA :

1. LỜI CHÚA : “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại đạo này? ” (Lc 17,17-18).

2. CÂU CHUYỆN :

1) NGUỒN GỐC LỄ TẠ ƠN TẠI HOA KỲ :
Hằng năm, cứ vào những ngày cuối của tháng 11 người Mỹ có thói quen mừng lễ Tạ ơn gọi là THANKSGIVING. Nguồn gốc Lễ Tạ ơn này như sau : Trên con tàu Mayflower mang theo 102 người đầu tiên từ Anh. Do bị đàn áp về tín ngưỡng tôn giáo, họ đã di cư đến miền đất Mỹ tự do. Trong cuộc hành trình họ gặp nhiều gian nan khốn khó. Chính các cơn giông bão, cái đói và rét đã làm cho 46 người trên thuyền bị thiệt mạng, đến nỗi thuyền trưởng nản chí muốn quay đầu trở lại nước Anh. Nhưng mọi người trên thuyền khi được hỏi ý kiến lại muốn tiếp tục cuộc hành trình. Cuối cùng Chúa đã cho họ đặt chân được đến miền đất Mỹ tự do. Nhưng trên vùng đất mới khai phá, họ lại gặp nạn hạn hán khiến bị mất mùa, họ lại hiệp nhau cầu xin Chúa giúp. Chúa đã cho dân da đỏ hướng dẫn họ biết kỹ thuật trồng cấy cây lúa hợp thổ nhưỡng nên họ đã đạt được mùa gặt bội thu. Năm 1621, để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã cho họ sống sót qua các cơn phong ba trên biển cả và còn ban lương thực nuôi sống trong vùng đất mới tự do, những người di cư đã tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa kéo dài ba ngày. Đồ ăn trong lễ này đơn giản chỉ gồm các món gà tây, khoai tây và bí ngô. Về sau, mỗi năm cứ đến thứ năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11, người Mỹ đều tổ chức ăn mừng Lễ Tạ Ơn trên phạm vi cả nước.

2) TẠ ƠN CHÚA KHI LÀM VIỆC :
Thi sĩ LA-MÁC-TIN (Lamartine), người Pháp đã kể lại một giai thoại vui như sau : một hôm khi đi ngang qua một cánh rừng, ông chợt nghe thấy một âm thanh lạ : cứ kèm mỗi tiếng búa đập đá chan chát là câu nói “Tạ ơn Chúa !”. Thi sĩ tò mò đến gần thì thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa nện vào phiến đá trước mặt là ông lại thốt ra câu nói “Tạ ơn Chúa !”. Thi sĩ nấn ná đến gần hỏi chuyện, bấy giờ ngưởi thợ đá mới giải thích như sau : ”Tôi đang tạ ơn Chúa !” Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống xem ra khá vất vả, thi sĩ liền bảo ông kia : “Giả như bác được giầu có thì tôi hiểu tại sao bác luôn “Tạ ơn Chúa”. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần khi dựng nên bác trong lòng mẹ. Sau đó Ngài chỉ ban cho bác một cái búa này và không còn ngó ngàng gì tới bác nữa để bác phải hằng ngày vất vả đập đá. Vậy tại sao bác lại cứ phải tạ ơn Ngài như thế?”
- Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi hay sao? Người thợ đá hỏi lại.
- Dĩ nhiên – Lamartine nhắc lại : “Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần mà thôi !”
Bấy giờ người thợ đập đá liền nói với ông khách :
- Ông nói như vậy cũng phải thôi. Nhưng ông cũng hãy nghĩ lại mà xem : Thiên Chúa vô cùng lớn lao lại thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và cho dù Ngài chỉ nghĩ đến tôi một lần mà thôi, lại không đủ để tôi phải tạ ơn Ngài luôn mãi hay sao?”.
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc ông thi sĩ đứng đó, rồi quay lại vừa đập đá vừa tiếp tục nói : “Tạ ơn Chúa !”; “Tạ ơn Chúa !”; “Tạ ơn Chúa !”…

3) TẠ ƠN CHÚA LÚC CUỐI NGÀY :
BAI-ƠN ĐEO (Byron Dell) kể lại câu chuyện liên quan đến ông hồi còn nhỏ như sau : “Tôi đã lớn lên tại một nông trại miền Nê-bát-ca (Nebraska). Khi lên 8 tuổi, tôi có nuôi một con ngựa nhỏ tên là Phít-ki (Frisky). Một buổi sáng kia, khi tôi đang ngồi trên lưng con ngựa thân yêu và tiến đến gần mấy con bò cái đang ăn cỏ, thì bỗng nhiên chú ngựa con tôi đang cưỡi nổi hứng lên, và vùng chạy như điên mà tôi không sao ghìm cương cho nó đứng lại được. Mấy lần tôi sắp bị té lăn xuống đất, nhưng may sao tôi đã kịp gượng ngồi lại được trên yên ngựa. Ba tôi cùng mấy người giúp việc vội vàng leo lên mấy con ngựa khác đuổi theo. Sau mấy cây số băng rừng lội suối. Khi bắt kịp tôi, ông nắm chặt giây cương con ngựa của tôi và bắt nó phải dừng lại. Sau đó ba tôi bồng tôi sang ngồi trên yên ngựa của ông và dắt con ngựa của tôi chạy theo phía sau. Nó ngoan ngoãn theo chân con ngựa của chúng tôi quay về nông trại. Tối hôm đó, ba tôi đã theo tôi lên tận chỗ tôi nằm trên gác. Ông yêu cầu tôi cùng ông quì trên sàn cạnh giường để tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho tôi được an toàn sau sự cố ban chiều. Sau đó ông đã dâng một lời nguyện tự phát để cảm tạ Chúa thay cho tôi”.
Biến cố ấy xảy ra cách đây đã 55 năm. Thế mà Bai-ơn vẫn không bao giờ quên được. Nó làm cho ông cảm thấy xúc động và cảm phục ba ông rất nhiều. Nhất là biến cố đó đã dạy cho Bai-ơn bài học về lòng biết ơn đối với Chúa. Từ ngày ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, ông đều quì bên giường thưa với Chúa một lời cầu nguyện tự phát để cám ơn Người đã ban các ơn lành cho ông trong một ngày qua, và cầu xin Chúa gìn giữ hồn xác mình qua đêm bình an.

4) PHẦN THƯỞNG CỦA LÒNG BIẾT ƠN :
ĐA-VÍT đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một lát sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ là hồi nãy người ăn xin kia đã không nói lời cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể cho một vị Rab-bi nghe. Sau khi chăm chú lắng nghe, vị rab-bi hỏi :
- Khi anh cho tiền người ăn mày, anh thấy thế nào?
- Con cảm thấy lòng mình rất vui.
- Thế đó không phải là phần thưởng dành cho con rồi hay sao?
- Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy cũng phải nói lời cám ơn con mới phải.
- Thế con đã nói lời cám ơn Chúa chưa?
- Tại sao con lại phải cám ơn Chúa?
- Vì Chúa đã ban cho con cơ hội trở thành dụng cụ để Ngài thực hiện tình thương của Ngài là con thay Ngài trợ giúp cho một người đang bị khốn khổ. (FM)

3. SỐNG LỜI CHÚA :
Bạn có ý kiến thế nào về câu nói sau : “Tất cả đều là hồng ân : Cuộc đời của chúng ta, dù được may lành như ý hay gặp rủi ro trái ý cũng đều không ngòai ý Chúa quan phòng, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của ta. Nên ta phải luôn nói lời cảm tạ tri ân Chúa”?

4. SUY NIỆM :
Biết ơn là thái độ của một người có giáo dục và nhân cách. Người xưa đã dạy về lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ như sau : ”Uống nước nhớ nguồn; Làm con phải hiếu; Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Về phạm vi đức tin, người tín hữu cũng cần ý thức về công ơn vô cùng lớn lao của Thiên Chúa, để từ đó biết tỏ lòng biết ơn Ngài giống như đứa con hiếu thảo biết ơn cha mẹ. Vậy tại sao chúng ta lại phải tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình? Ích lợi của sự biết ơn ra sao? Mỗi người chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa và tha nhân?

1) Những lý do của lòng biết ơn :

a) Vì biết ơn là thái độ hợp với đạo làm người : Khi chịu ơn ai chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn họ mới hợp đạo lý như người ta thường nói : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Kẻ không biết ơn sẽ bị khinh dể và bị coi là phường “vô ơn bạc nghĩa”; “Ăn cháo đá bát”; “Vắt chanh bỏ vỏ”, “Qua cầu rút ván”…
b) Vì biết ơn là biểu hiện một người có giáo dục, có văn hóa : Một người biết nói lời “cám ơn” cho thấy họ có một nhân cách tốt, có trình độ văn hóa cao và sẽ được mọi người kính nể như câu ca dao của người xưa như sau : “Công ai một chút chớ quên. Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”.

2) Ích lợi của lòng biết ơn :

-“Lời nói không mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” : Thái độ biết ơn sẽ gây được thiện cảm của người làm ơn và hy vọng sẽ được họ tiếp tục giúp ta sau này.
-Đặc biệt nếu cha mẹ, thầy cô, thủ trưởng… mà biết nói lời “cám ơn” người dưới như con cái, học trò, người làm công, nhân viên thuộc cấp… chắc sẽ làm cho họ vui và họ sẽ kể lại cho nhiều người khác biết về phẩm chất tốt đẹp của chúng ta.
-Tuy nhiên cần tránh thái độ “công thần”, nghĩa là giúp ai được điều gì thì công bố cho mọi người được biết và đòi người chịu ơn phải đền ơn đáp nghĩa cho mình. Chúng ta nên coi việc giúp đỡ tha nhân là một nhiệm vụ phải làm mà không cần sự trả ơn của họ, thì người chịu ơn sẽ lại càng cảm phục về lòng khiêm hạ của chúng ta, và chính Chúa sẽ thay họ trả ơn cho chúng ta trước tòa phán xét sau này, như lời Chúa Giê-su : “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

3) Hãy tạ ơn Thiên Chúa và tha nhân :

a) Tạ ơn Thiên Chúa thể hiện một đức tin chân thành :
- Ngay từ thời Cựu ước, tác giả thánh vịnh đã dạy loài người phải biết tạ ơn Thiên Chúa như sau : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Thời kỳ Xuất hành, dân Ít-ra-en cũng đã bắt đầu truyền thống tạ ơn Đức Chúa qua việc dâng lễ vật đầu mùa lên để tạ ơn Ngài (x. Đnl 26,1-10).
- Đến thời Tân ước, Đức Giê-su nhiều lần nêu gương cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha. Chẳng hạn : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25-26). Đức Giê-su cũng đòi những ai nhận được ơn phải biết cám ơn Thiên Chúa như sau : “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18).

- Hội Thánh Công Giáo cũng biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc cử hành thánh lễ và gọi là Thánh Lễ Tạ Ơn. Trong thánh lễ, Hội Thánh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng việc dâng bánh rượu là kết quả của lao công của con người và sau đó bánh rượu ấy sẽ trở thành Mình Máu thánh Chúa Ki-tô khi truyền phép. Rồi nhờ lễ vật rất cao trọng này, Hội Thánh sẽ dâng lên Chúa Ba Ngôi tâm tình cảm tạ và xin ơn qua lời kinh Vinh Tụng Ca : “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”. - AMEN.

b) Những cách thế biểu lộ lòng biết ơn :
- Cuộc sống chúng ta được dệt bằng muôn hồng ân của Chúa : Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa ban cho chúng ta nhờ tay người khác. Vậy chúng ta cần phải làm gì khi nhận được những món quà ấy? Thánh Bê-na-đô đã dạy : ”Tôi xin anh em điều này là hãy tránh thói xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời chúng ta là một lời cám ơn liên lỉ... Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ nói lời cám ơn suông, nhưng hãy biết sử dụng cách hữu ích những ơn lành Chúa ban. Đó là điều Chúa đòi hỏi chúng ta”.
- Phải biết cám ơn bằng hành động : Bài đọc I trong thánh lễ hôm nay cho thấy lòng biết ơn phải được biểu lộ bằng hành động cụ thể noi gương viên tướng Na-a-man người xứ A-ram biết ơn ngôn sứ Ê-li-sa (x. 2 V 5,14-17).
- Phải vui vẻ đón nhận mọi điều xảy đến : Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý của mình thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý mình lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh trái ý… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã xác quyết : "Tất cả đều là hồng ân".
- Tập thành thói quen cám ơn Chúa và tha nhân : Cha mẹ Công Giáo cần tập cho con cái biết cám ơn những người làm ơn cho mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói. Mỗi tối, chúng ta cũng hãy nhớ lại những ơn tinh thần vật chất nhận được trong ngày, rồi dâng lời tạ ơn Chúa như thánh Phao-lô đã viết : "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su" (1 Cr 1,4).

4. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU, Thánh I-nha-xi-ô đã nói : “Tội lớn nhất nơi con người là tội vô ơn”. Đời con được dệt bằng biết bao hồng ân của Chúa mà nhiều khi con chưa ý thức được. Có lẽ chẳng khi nào con tạ ơn vì đã được Chúa cho được làm người và làm con Chúa. Có lẽ chưa khi nào con tạ ơn vì Chúa đã ban cho con khí trời để thở, cơm ăn nước uống nuôi dưỡng con, vũ trụ thiên nhiên tươi đẹp để giúp con được sống vui tươi. Cũng chưa bao giờ con tạ ơn Chúa vì con đã được Chúa ban cho có sức khỏe, thân xác lành lặn, tâm hồn bình an... Quả thực, đó là những ơn to lớn mà con lại cho là chuyện đương nhiên, nên đã coi thường và đã vô ơn với Chúa. Từ nay xin Chúa cho con nhận ra những ơn lành Chúa đã thương ban và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân Chúa. Tri ân bằng lời ca tụng Chúa và nhất là bằng việc sử dụng ơn lành Chúa ban để mưu ích cho phần rỗi đời đời của con và mang lại hạnh phúc cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 05/10/2022

21. Tất cả những yêu mến của con người đều là vì yêu mến Đức Chúa Giê-su, chứ không phải là vì duyên cớ khác.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 05/10/2022
17.TRANH CAO LUẬN THẤP

Lông mày, mắt, mũi, miệng đều là các khí quan trên thân thể con người, thiếu một cái thì không được.

Nhưng một hôm, miệng nói với mũi:

- “Công lao lớn thì ở vị trí trên, công lao nhỏ thì ở vị trí dưới, đó là chuyện thường tình xưa nay, anh có công đức gì mà vị trí lại ở trên tôi chứ?”

Mũi nói:

- “Tôi ngửi thức ăn để biết mùi hôi mùi thơm, sau đó thì đưa anh ăn, do đó mà vị trí ở trên anh. Tôi muốn nghe anh nói ra anh có tài năng gì?”

Miệng trả lời:

- “Trong lòng muốn nói thì trước hết phải dùng miệng, đọc sách, đọc sử, đọc văn chương, ăn hết cao lương mỹ vị trên thế giới, bày tỏ trần tình dâng thiên vương”.

Mũi không phục, bèn nói:

- “Không nên cười tôi không có bản lĩnh, biết mùi hôi mùi thơm là đầu mũi; nếu đầu mũi không thở thì văn chương cái thế coi như tiêu đời.”

Lại nói với mắt:

- “Tại sao hiền huynh ở phía trên tôi?”

Mắt trả lời:

- “Tôi có thể nhìn thiện ác, nhìn đông nhìn tây, công lao không nhỏ, do đó mà vị trí ở trên anh, có bài thơ này để chứng minh: [thu ba trong suốt rất phân minh, biết sách biết ngọc biết vàng bạc; người thế không cùng đi với tôi, thanh thiên bạch nhật đi không thành]”.

Miệng xen vào nói:

- “Vậy thì tại sao lông mày lại ở rất cao trên chúng tôi?”

Lông mày biện đáp:

- “Đừng nói cặp lông mày không có công lao, xưa nay tổ tiên tôi ở trên; nếu đem lông mày đặt bên dưới thì tướng mạo ra cái dáng gì chứ?”

Mũi nói:

- “Tranh công lao với anh không thể so sánh như thế.”

Mọi người huyên náo cả lên, lỗ tai lấy lời ngọt khuyên bảo:

- “[Sách Lỗ] dạy chúng ta rằng: quân tử không nên tranh công; và có câu tục ngữ nói như thế này: [Tôi từ nhỏ đã phân hai bên, sẽ hợp với đầu người để gửi thân này; khuyên quân tử đừng tranh chấp lớn và nhỏ, chư vị đều là người phía trước]”

(Hoa diên thú lạc đàm tiếu tửu lịnh)

Suy tư 17:

Ở đời, những người háo thắng hể làm được việc gì thì thích tranh công với người khác, ai cũng muốn công trạng của mình phải to phải lớn hơn người khác, đôi lúc cái công chẳng bao nhiêu, nhưng vì tham lam, vì ghen ghét, vì kiêu ngạo mà quyết giành phần thắng về mình, loạn do đó mà ra.

Không một người nào được Thiên Chúa tạo dựng mà trở thành vô dụng, chỉ có những người không muốn mình trở thành người hữu ích mà thôi, mà những người không muốn mình có ích cho tha nhân thì thường tranh công kể sức với người khác. Mọi bộ phận trên thân thể đều có ích, người quân tử biết mình biết ta nên không muốn tranh luận công cao công thấp, trái lại họ làm hết khả năng của mình để trở thành người có ích cho xã hội và cho mọi người.

Không phải ngẫu nhiên mà con người ta có hai con mắt, một cái miệng, hai lỗ tai và một lỗ mũi nhưng có hai lỗ, tất cả đều là do thượng trí của Thiên Chúa sắp đặt. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta hiện diện trên đời, nhưng là do tình yêu và sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa an bài, không phải để tranh công cao thấp, nhưng là để hiệp nhất và nhìn nhận giá trị của nhau.

Thiên Chúa rất công bằng, không ai là không có ích cho mọi người, tất cả mọi người đều có ích và có trách nhiệm như nhau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lời Tạ Ơn Hiếm Hoi
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:44 05/10/2022
Lời Tạ Ơn Hiếm Hoi

(Chúa Nhật XXVIII TN C)

Chuyện xảy ra tại một lớp bậc tiểu học như sau: Tiếng kẻng báo giờ ra chơi, cô giáo vừa ra hiệu nghỉ, thì cả lớp chen nhau ùa chạy ra sân. Trong lớp còn vỏn vẹn một em học sinh nữ và một nhóc tì nam có vẻ không mấy vội như các bạn. Em bé gái rụt rè lên bàn cô giáo, lấy từ chiếc cặp ra hai trái ổi và lí nhí: “em biếu cô”. Chưa nhận đủ đầy cái xoa đầu và lời cám ơn của cô giáo, cô bé chạy vụt ra sân chơi. Chuyện xảy ra không qua được mắt cậu nhóc. Tiến gần cô giáo, cậu ta tỉnh bơ: “Thưa cô, cho em xin một trái”. Mắt tròn xoe, cô giáo chia cho cậu nhóc lém lỉnh một trái và kèm thêm cái xoa đầu. Chuyện có vẻ lạ thường nhưng rất thật đó là cái tên của cậu nhóc ghi đậm trong ký ức của cô giáo hơn là tên của bé gái tặng hai trái ổi.

Chuyện bình thường của kiếp nhân sinh: người ta thường nhớ hoặc nói huỵch toẹt là khó quên người mà mình đã thi ân cho hơn là người đã thi ân cho mình. Quả thật chúng ta khó quên những người đang mắc nợ chúng ta, nhưng lại ít nhớ nhưng người mà chúng ta đang mắc nợ họ. Xem ra cái được gọi là lòng biết ơn không phải dễ mà có được nếu không ý thức và chuyên cần luyện tập. Cùng với phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII TN C, đặc biệt bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng chúng ta cùng xét xem đôi điều về chủ đề lòng biết ơn.

Một Naaman người Syria được nói đến trong sách Các Vua và một người anh em Samaria trong câu chuyện Tin Mừng Luca kể đã sống có lòng biết ơn khiến chúng ta giật mình tự hỏi: Phải chăng anh em lương dân (có thể kể đến bà con khác đạo nữa) lại nhạy bén với sự biết ơn hơn là con cái Chúa? Thật khó trả lời cho câu hỏi đầy sự tế nhị này, tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra một vài nguyên nhân gây nên tình trạng vong ân đáng buồn đang hiện hữu đó đây để rồi tìm cách khắc phục.

1.Ảo tưởng về công lao hay công trạng của mình: Một khi nghĩ rằng những ơn mình lãnh nhận là do công sức mình đã bỏ ra thì người ta khó mà nhận ra cội nguồn của ơn lành. Phải chăng chín người Israel phung hủi được chữa lành hôm ấy nghĩ rằng chính nhờ việc giữ luật “đi trình diện các Tư tế” mà họ được lành sạch? Cũng có thể lắm. Vì đây là điều mà viên tướng Naaman và người anh em lương dân phung hủi trong câu chuyện Tin Mừng kể hầu chắc là không biết.

2.Nhận được ơn lành nhiều lần: Sự gì mà lặp đi lặp nhiều lần quá cũng dễ bị xem là chuyện bình thường. Ở vùng nhiệt đới, có thể nói rằng ngày nào mặt trời cũng mọc lên và lặn xuống thì ít có người cảm thấy quý và từ đó nảy sinh tâm tình biết ơn “trời đất”. Trái lại, ở những vùng ôn đới, sau một quảng thời gian giá lạnh, tuyết rơi, bỗng một ngày mặt trời xuất hiện thì người người ùa ra hưởng ánh nắng cách hồ hởi sung sướng và thế nào cũng có nhiều người biết tạ ơn “đất trời” cách nào đó. Ngày 25 tháng 12 có nguồn gốc từ đây và giáo hội đã chọn ngày ấy để kính Sinh Nhật Đấng Cứu Thế vì Người được tôn xưng là Mặt Trời Công Chính. Từ dữ kiện này chúng ta suy xét về tâm tình của các tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo. Tại những nơi có sinh hoạt tôn giáo bình thường, kiểu sáng lễ, chiều kinh thì hình như người ta ít tỏ lòng biết ơn các thừa tác viên. Trái lại, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, dăm bảy tháng mới có một Thánh Lễ thì người ta không chỉ tạ ơn Chúa mà còn tỏ lòng biết ơn linh mục dâng Lễ cách rất nồng hậu.

3.Nhận được những ơn lành mà nhiều người khác cũng được hưởng như mình: Nếu giả như chỉ riêng mình tôi được hít thở khí trời thì chắc chắn tôi sẽ ý thức đó là một ơn lành và rồi biết tỏ lòng tri ân. Thử nhẩm xem có được bao nhiêu người biết tạ ơn Chúa vì được sống qua một ngày? Ngược lại khi chúng ta được chữa lành một bệnh nan y nào đó cách tỏ tường và lạ thường thì dường như không thể không tạ ơn cách này hay cách khác.

Đã xét các nguyên nhân về phía người thụ ân, giờ xin mạo muội nhìn đến phía Đấng ban phát ơn lành. Phải chăng cái thói xấu “vô ơn” của chúng ta cũng có nguyên cớ từ nơi Chúa? Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và ơn lành Người tuôn đổ xuống trên nhân loại chúng ta quá vô biên và hầu như không ngơi nghỉ. Không dám to gan xin Chúa thỉnh thoảng cho trời tối ba ngày ba đêm hay cho bầu khí quyển cô lại vài ba tiếng đồng hồ. Chỉ mong sao chúng ta nhận ra ân tình vô giá trong những biến chuyển bình thường của vũ trụ thiên nhiên và ngay trong những chuyện của đời thường kiếp người.

Một lẽ nữa cần xét đến đó là Thiên Chúa thường giáng phúc thi ân qua các trung gian. Ngoài tấm linh hồn mỗi người là do Thiên Chúa tạo dựng và phú ban trực tiếp cho từng người, thì có thể nói rằng hầu hết mọi sự Thiên Chúa ban cho chúng ta đều qua những trung gian. Đó là những con người, là những loài vật, là các điều kiện thiên nhiên hay xã hội… Những người trung gian gần đó là mẹ cha, ông bà, thầy cô…Và còn có biết bao trung gian xa mà lắm khi chúng ta chưa hề nghĩ tới. Các trung gian đóng vai trò làm cầu nối chuyển thông ơn lành nhưng chính những trung gian ấy nhiều khi lại làm cản trở cho lòng tri ân của chúng ta đến với nguồn của ơn lành.

Đã là người thì chẳng có ai muốn mang tiếng vong ân bạc nghĩa. Xưa lẫn nay và bất cứ xã hội nào, người ta đều lên án kẻ vong ân,“ăn cháo đái bát”. Một vài phân tích để nhận diện rõ các nguyên cớ của sự vong ân quả là cần thiết để chúng ta phần nào tránh được sự bạc nghĩa vong ân đáng trách. Hơn nữa thực tế minh chứng rằng người vong ân thường sử dụng ân ban ít hiệu quả mà nhiều khi lại còn rất lãng phí. Như thế càng tránh sự vong ân thì chúng ta càng biết sử dụng ân ban hữu hiệu, và càng đúng với ý của người thi ân. Và chắc chắn khi đã sử dụng ân ban đúng với ý người thi ân thì đó là một cách thể tỏ lòng biết ơn tuyệt vời hơn cả.

Cử hành Bí tích Thánh Thể là hiện tại Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô. Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là Hy Tế tạ ơn, vì chính trên thập giá là lúc Chúa Kitô sử dụng ơn Chúa Cha ban là thân xác, là sự sống của Người cách đẹp lòng Chúa Cha nhất: đó là dùng chính tấm thân Chúa Cha trao ban để sống đức vâng phục, để mạc khải cho nhân loại thấy chân dung Thiên Chúa Tình Yêu và để cứu sống nhân loại, đưa nhân loại về với phận làm con, được giao hoà với Cha trên trời.

Chúng ta cần phải biết ơn những ai và về những điều gì? Cũng nên tự hỏi xem tôi đã và đang nhận lãnh những ơn lành cao quý nào đây? Ai đã ban ơn ấy cho tôi và người ban ơn muốn tôi sử dụng các ơn lành ấy như thế nào và vào mục đích gì? Thiết nghĩ rằng khi trả lời được những câu hỏi trên thì chúng ta sẽ tránh được phần nào sự vong ân dù hữu ý hay vô tình nhưng vẫn đáng trách và đáng ghét.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhật Ký Trừ Tà số 209: Tinh thần nổi loạn của Satan
Đặng Tự Do
05:16 05/10/2022


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #209: Satan's Spirit of Rebellion”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 209: Tinh thần nổi loạn của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mẹ cô là một phù thủy. Bà của cô cũng là một phù thủy. “Janice” được dành cho Satan khi còn nhỏ và mong muốn trở thành một phù thủy. Nhờ ân sủng của Chúa, cô ấy đã quyết định khác. Giải phóng là một cuộc chiến đấu lâu dài và anh dũng. Tôi không biết có bao nhiêu người sẽ kiên trì trong cuộc chiến khó khăn lâu như vậy, nhưng cô ấy đã làm được.

Tuy nhiên, một trong những động lực cơ bản là sự kiên định của cô ấy về cách thực hiện mọi việc, bao gồm cả việc trừ tà và sự từ chối tổng thể của cô ấy trước quyền lực ma quỷ, ở nhiều cấp độ. Có một tinh thần nổi loạn trong cô ấy. Đã từng bị lạm dụng nhiều lần khi còn nhỏ, người ta có thể hiểu được lý do cho tinh thần nổi loạn này, nhưng nó cản trở quá trình giải phóng.

Thông thường, trong các buổi học, chúng ta cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria và sự vâng phục khiêm nhường của Mẹ. Tôi đã yêu cầu Janice nhắc lại sau tôi, “Tôi dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria và tôi cầu xin tinh thần khiêm tốn vâng phục của Mẹ”. Không cần phải nói, những con quỷ nghẹn lời khi Janice chiến đấu để nói thành lời những lời nguyện này.

Phù thủy thời hiện đại thường bao gồm một tinh thần nổi loạn mà nhiều người thấy hấp dẫn, đặc biệt là những phụ nữ trẻ cảm thấy bị tước quyền. Tinh thần nổi loạn này cũng tràn ngập trong xã hội ngày nay. Tất cả những điều này gây ra sự thiếu thống nhất ngày càng tăng và giọng hỗn loạn giận dữ của thời đại chúng ta.

Một tinh thần nổi loạn có trước Vườn Địa đàng. Satan và những người theo thiên thần của hắn là những kẻ đầu tiên nổi loạn. Ma quỷ đã thúc đẩy cuộc nổi loạn và hỗn loạn kể từ đó.

Những môn đệ của Chúa Giêsu nhận ra sự vâng phục khiêm nhường mà chúng ta có với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giêsu trao quyền cho Hội Thánh tiếp tục sứ vụ của Ngài và tuyên bố: “Ai nghe các ngươi thì nghe ta. Ai khước từ các ngươi, là từ chối ta” (Lu-ca 10:16).

Janice đang dần tin tưởng chúng tôi. Đây sẽ là một trong những đòn đau cuối cùng để trục xuất tâm lý của một phù thủy tiềm ẩn và tìm thấy sự giải thoát hoàn toàn. Về phần mình, chúng tôi đang cố gắng trở nên đáng tin cậy và không bao giờ vi phạm lòng tin của cô ấy dù chỉ là nhỏ nhất. Đây sẽ là một phần quan trọng trong quá trình chữa lành của cô ấy.
Source:Catholic Exorcism
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân: biết mình qua việc xét mình
Vu Van An
14:10 05/10/2022


Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 5 tháng 10, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến yếu tố thứ hai của nó là biết mình qua việc xét mình. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục khám phá chủ đề biện phân. Lần trước, chúng ta xem xét việc cầu nguyện, hiểu như sự thân thuộc và tin cậy với Thiên Chúa, coi nó như yếu tố không thể thiếu. Cầu nguyện, không giống như con vẹt. Không: cầu nguyện như sự thân thuộc và tin tưởng với Chúa; lời cầu nguyện của con cái Chúa Cha; cầu nguyện với một trái tim rộng mở. Chúng ta đã thấy điều này trong Bài Giáo lý vừa rồi. Hôm nay, một cách gần như bổ sung, tôi muốn nhấn mạnh điều này: sự biện phân tốt cũng đòi hỏi phải biết mình. Phải biết mình. Và điều này không phải dễ dàng đâu nhé! Thật vậy, nó liên quan đến các khả năng của con người chúng ta: trí nhớ, trí hiểu, ý chí, xúc cảm. Thông thường, chúng ta không biết cách biện phân vì chúng ta không hiểu rõ bản thân mình cho đầy đủ, và vì vậy chúng ta không biết mình thực sự muốn gì. Anh chị em đã nhiều lần nghe: “Nhưng người đó, tại sao anh ta không sắp xếp cuộc sống của mình? Anh ta chưa bao giờ biết mình muốn gì…”. Có những người… Và rồi, vâng, cuộc sống của anh ấy vẫn như vậy, bởi vì ngay cả anh ấy cũng không biết mình muốn gì. Không đến nỗi quá đáng như thế, nhưng chúng ta đôi khi cũng không biết rõ ràng chúng ta muốn gì, chúng ta không hiểu rõ bản thân mình.

Nằm bên dưới các nghi ngờ thiêng liêng và những khủng hoảng ơn gọi, thường có cuộc đối thoại không đầy đủ giữa đời sống tôn giáo và chiều kích nhân bản, nhận thức và tình cảm của chúng ta. Một nhà văn về linh đạo đã nhận xét rằng có biết bao nhiêu khó khăn về chủ đề biện phân cho ta thấy nhiều vấn đề thuộc loại khác, cần được nhìn nhận và khám phá. Tác giả này viết: “Tôi tin chắc rằng trở ngại lớn nhất đối với việc biện phân đích thực (và sự trưởng thành thực sự trong cầu nguyện) không phải là bản chất vô hình của Thiên Chúa, mà là sự kiện này: chúng ta không biết mình đầy đủ, và thậm chí không muốn biết bản thân như chúng ta thực sự là. Hầu như tất cả chúng ta đều trốn sau một chiếc mặt nạ, không những trước mặt người khác, mà còn là lúc soi gương ”(Th. Green, Weeds Among the Wheat, 1992). Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn đeo mặt nạ, cả trước mặt chính mình.

Việc quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta đi đôi với sự thiếu hiểu biết về bản thân - phớt lờ Thiên Chúa và phớt lờ bản thân - không biết các đặc điểm của nhân cách và những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta.

Biết bản thân không khó, nhưng cần nhiều công sức: nó ngụ ý sự kiên nhẫn tự vấn lương tâm. Nó đòi hỏi khả năng dừng lại, "tắt máy lái tự động", để ý thức được cách hành động của chúng ta, các tâm tư có trong chúng ta, các suy nghĩ lặp đi lặp lại qui định chúng ta, và một cách thường vô thức. Nó cũng đòi hỏi chúng ta phải phân biệt giữa cảm xúc và các khả năng thiêng liêng. “Tôi cảm thấy” không y hệt như “Tôi tin chắc”; "Tôi cảm thấy như" không y hệt như "Tôi muốn". Do đó, chúng ta nhận ra rằng cái nhìn của chúng ta về bản thân và thực tại đôi khi hơi bị bóp méo. Để nhận ra đây là một ân sủng! Thật vậy, rất thường xảy ra việc các xác tín sai lầm về thực tại, dựa trên kinh nghiệm quá khứ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta, hạn chế quyền tự do của chúng ta trong việc phấn đấu cho những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Sống trong thời đại kỹ thuật thông tin, chúng ta biết mật khẩu quan trọng như thế nào để vào được các chương trình lưu trữ thông tin bản thân và giá trị nhất. Nhưng đời sống thiêng liêng cũng vậy, có những “mật khẩu” của nó: có những chữ đánh động trái tim bởi vì chúng đề cập đến những gì chúng ta nhạy cảm nhất. Kẻ cám dỗ, tức là ma quỷ, biết rất rõ những mật khẩu này, và điều quan trọng là chúng ta cũng biết chúng, để không rơi vào nơi chúng ta không muốn. Cám dỗ không nhất thiết gợi ra những điều tồi tệ, nhưng thường là những điều bừa bãi lung tung, được trình bày với tầm quan trọng quá mức. Bằng cách này, nó thôi miên chúng ta với sự lôi cuốn mà những điều này khuấy động trong chúng ta, những thứ đẹp đẽ nhưng hư ảo, không thể mang lại những gì chúng hứa hẹn, và do đó cuối cùng để lại cho chúng ta cảm giác trống rỗng và buồn bã. Cảm giác trống rỗng và buồn bã đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã đi vào một con đường không đúng, khiến chúng ta mất phương hướng. Thí dụ, chúng có thể là bằng cấp, sự nghiệp, các mối liên hệ, tất cả những thứ mà tự chúng rất đáng khen ngợi, nhưng đối với những điều đó, nếu chúng ta không được tự do, chúng ta có nguy cơ nuôi dưỡng những kỳ vọng không thực tế, chẳng hạn như để xác nhận giá trị của chúng ta. Thí dụ, khi anh chị nghĩ về một nghiên cứu mà anh chị em đang thực hiện, anh chị em chỉ nghĩ đến việc quảng bá bản thân, vì lợi ích của riêng anh chị em hay phục vụ cộng đồng? Ở đó, người ta có thể thấy được ý hướng của mỗi người chúng ta. Từ sự hiểu lầm này thường phát xuất nỗi đau khổ lớn nhất, vì không điều nào trong số này có thể bảo đảm phẩm giá của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là lý do tại sao, điều quan trọng là phải tự biết mình, biết mật khẩu của trái tim mình, những gì chúng ta nhạy cảm nhất, để bảo vệ mình khỏi những kẻ bày ra những lời lẽ thuyết phục nhằm thao túng chúng ta, nhưng cũng để nhận ra điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta, phân biệt nó với những mốt nhất thời hiện nay hay những khẩu hiệu hào nhoáng, hời hợt. Nhiều khi, những gì được nói trong một chương trình truyền hình, trong một số quảng cáo đánh động trái tim của chúng ta và khiến chúng ta đi theo con đường đó mà không có tự do. Anh chị em hãy cẩn thận về điều đó: tôi có tự do không, hay tôi để mình bị lung lay bởi những cảm xúc của thời điểm này, hay sự khiêu khích của thời điểm này?

Một trợ cụ trong việc này là xét mình, nhưng tôi không nói về việc xét mình mà tất cả chúng ta đều làm khi đi xưng tội, không. Đây là: “Nhưng tôi đã phạm tội về điều này, điều nọ…”. Không. Một cuộc kiểm tra tổng quát về lương tâm trong ngày: điều gì đã xảy ra trong lòng tôi hôm nay? “Rất nhiều điều đã xảy ra…”. Điều nào? Tại sao? Chúng đã để lại dấu vết gì trong trái tim tôi? Thực hiện việc xét mình, nghĩa là, thói quen tốt lành bình tĩnh đọc lại những gì xảy ra trong ngày của chúng ta, học cách ghi nhận trong các đánh giá và lựa chọn của chúng ta điều gì chúng ta cho là quan trọng nhất, chúng ta đang tìm kiếm những gì và tại sao, và cuối cùng chúng ta tìm thấy những gì. Trên hết, học cách nhận ra điều gì làm thỏa mãn trái tim. Điều gì làm thỏa mãn trái tim tôi? Vì chỉ có Chúa mới có thể xác nhận giá trị của chúng ta. Người nói với chúng ta điều này mỗi ngày từ thập giá: Người đã chết vì chúng ta, để chúng ta thấy chúng ta quý giá như thế nào trong mắt Người. Không có trở ngại hay thất bại nào có thể ngăn cản vòng tay âu yếm của Người. Việc xét mình giúp ích rất nhiều, bởi vì nhờ cách này, chúng ta thấy trái tim của chúng ta không phải là một con đường trên đó mọi thứ diễn ra mà chúng ta không biết về nó. Không. Phải thấy: điều gì đã xẩy ra ngày hôm nay? Chuyện gì đã xảy ra? Điều gì đã khiến tôi phản ứng? Điều gì đã làm tôi buồn? Điều gì đã làm tôi vui mừng? Điều gì xấu, và tôi có làm hại người khác không? Nhìn thấy lộ trình được cảm xúc của chúng ta lựa chọn, những thu hút trong trái tim tôi trong ngày. Anh chị em đừng quên! Hôm trước chúng ta đã nói về việc cầu nguyện; hôm nay chúng ta nói về việc tự nhận thức chính mình.

Việc cầu nguyện và biết mình cho phép chúng ta phát triển trong tự do. Đây là để phát triển trong tự do! Chúng là những yếu tố căn bản của hiện sinh Kitô hữu, những yếu tố quý giá để tìm kiếm vị trí của ta trong cuộc sống. Cảm ơn anh chị em.
 
VietCatholic TV
Các cộng đoàn Công Giáo tại Baltic lo sợ bị Nga xâm lăng. Cơn bão Ian tàn phá nhiều giáo phận Hoa Kỳ
VietCatholic Media
17:20 05/10/2022


1. Các cộng đoàn Công Giáo tại Baltic lo sợ Nga xâm lăng

Từ khi xảy ra chiến tranh tại Ukraine, các cộng đoàn Công Giáo tại ba nước vùng Baltic, là Lithuani, Latvia và Estonia, đều lo sợ sẽ bị Nga xâm chiếm.

Đức Cha Zbignev Stankievics, Tổng giám mục Riga, thủ đô Latvia, nhận định rằng những gì xảy ra tại miền Donbas, đông Ukraine cũng là một đe dọa trực tiếp cho các nước khác. “Sự đàn áp tại Ukraine cũng là một đe dọa trực tiếp đối với chúng tôi, xét vì đất nước chúng tôi giáp giới với Nga”.

Số người Công Giáo tại ba cộng hòa này rất khác nhau: trong số một triệu 300,000 dân tại Estonia, đa số dân là tín hữu Tin lành Luther và chỉ có 6,500 tín hữu Công Giáo và do Đức Cha Philippe Jourdan, người Pháp coi sóc.

Tại Latvia, như một phản ứng đối với việc Nga tấn công Ukraine, năm 2023 tới đây, nước này muốn tái lập nghĩa vụ quân sự, sau khi đã bãi bỏ từ 15 năm nay vào năm 2007. Ngoài ra, do quyết định của Quốc hội, từ nay cho đến ngày 15 tháng Mười Một sắp tới, tất cả những gì ca ngợi các chế độ độc tài đều phải bị tháo gỡ. Ngay hồi cuối tháng Tám năm nay, đài tưởng niệm chiến thắng của Liên Xô đã bị hủy bỏ.

Trong Diễn đàn An ninh Helsinki ở thủ đô Phần Lan, Ngoại trưởng nước này là ông Pekka Haavisto cho biết các quốc gia có đường biên giới với Nga, đặc biệt lá các quốc gia vùng Baltic, rất lo ngại về phương pháp này mà Nga bắt đầu dùng để thay đổi biên giới bằng cách trưng cầu dân ý.

“Nhìn vào bản đồ, bạn có thể thấy nhiều dân tộc thiểu số, bạn có thể thấy nhiều biên giới có thể bị thách thức với các phương pháp tương tự. Sử dụng loại phương pháp này trên phạm vi quốc tế sẽ tạo ra một mớ hỗn độn lớn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia không thể chấp nhận việc thay đổi biên giới bằng các cuộc trưng cầu dân ý, bất kể nó được thực hiện như thế nào”.

“Các cuộc trưng cầu dân ý đang buộc các nước phản ứng, hoặc ít nhất là không công nhận các đường biên giới mới. Tôi nghĩ sẽ không có nhiều quốc gia dám công nhận các đường biên giới mới, thông qua kiểu trưng cầu dân ý sai lầm như thế này”.

Tất cả ba nước vùng Baltic đầu có những khu vực toàn là người Nga. Họ là con cháu của các di dân được cộng sản Nga đưa sang trong mưu toan thôn tính lâu dài. Kiểu trưng cầu dân ý nhằm thôn tính lãnh thổ của Putin khiến các quốc gia này rất sợ hãi.

2. Cuộc thăm dò mới của EWTN: Hầu hết người Công Giáo không muốn Biden tranh cử nhiệm kỳ thứ hai

Theo một cuộc thăm dò ý kiến mới của EWTN News / RealClear Opinion Research về các cử tri Công Giáo được công bố hôm thứ Hai, hầu hết người Công Giáo tin rằng Tổng thống Joe Biden, vị tổng thống Công Giáo thứ hai của quốc gia, không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024,

Cuộc thăm dò, được tiến hành từ ngày 12 đến 19 tháng 9, cho thấy Biden tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc thu hút sự ủng hộ của các cử tri Công Giáo trong thời gian chuẩn bị đến Ngày bầu cử vào ngày 8 tháng 11. Đặc biệt, cuộc thăm dò cho thấy tổng thống Biden đang mất đi sự ủng hộ của các cử tri Công Giáo gốc Tây Ban Nha, theo truyền thống là một nguồn ủng hộ mạnh mẽ cho Đảng Dân chủ.

Trong số những điểm nổi bật khác của cuộc thăm dò, các cử tri Công Giáo xếp lạm phát và nền kinh tế là những vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đối mặt, và hầu hết nói rằng họ rất lo ngại về tình trạng giáo dục, đặc biệt là sau các vụ đình trệ do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phần lớn kết quả của cuộc thăm dò cung cấp một cái nhìn tổng quát về cách các cử tri Công Giáo đánh giá hiệu quả hoạt động của Biden sau hai năm tại vị.

Khi được hỏi họ cảm thấy Biden đang giải quyết công việc tổng thống của mình như thế nào, gần 52% cử tri Công Giáo cho biết họ không tán thành chút nào (5%) hoặc không tán thành mạnh mẽ (47%); khoảng 46% cho rằng chấp nhận được (32%) hoặc chấp nhận được mạnh mẽ (14%). Đáng chú ý, số lượng phản đối mạnh mẽ cao hơn đáng kể so với số lượng được chấp thuận mạnh mẽ. Chỉ có 2% cử tri không có ý kiến.

Đa số người Công Giáo (58%) cảm thấy rằng Biden không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024, trong khi chỉ có 22% ủng hộ khả năng tái tranh cử; 19% người Công Giáo không rõ. 67% người Công Giáo cũng không muốn cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử tổng thống vào năm 2024.

Những thách thức của tổng thống cũng có thể được phản ánh trong thực tế là cuộc khảo sát cho thấy đảng Dân chủ đang thua đảng Cộng hòa bốn điểm trong cuộc bỏ phiếu chung cho Quốc hội. Khi được hỏi liệu họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, gần 49% người Công Giáo sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong khi 45% sẽ chọn Đảng Dân chủ, số còn lại không chắc chắn. Mức chênh lệch này đánh giá thấp lợi thế của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Quốc hội vì các cử tri Đảng Dân chủ tập trung nhiều hơn về mặt địa lý.

Sự chênh lệch thống kê được ghi chép rõ ràng tồn tại giữa những người Công Giáo tham dự Thánh lễ và những người chỉ tham dự hàng năm hoặc không bao giờ vẫn còn trong cuộc thăm dò mới nhất này.

Trong số những người Công Giáo tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần hoặc thường xuyên hơn, 75% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa, trong khi 54% những người tham dự một vài lần một năm hoặc ít hơn sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Người Công Giáo cũng bị chia rẽ về sự chấp thuận công việc của tổng thống. Một phần lớn người Công Giáo (75%) tham dự Thánh lễ ít nhất hàng tuần trở lên không tán thành cách giải quyết công việc của tổng thống trong khi tỷ lệ tán thành của ông đối với những người Công Giáo tham dự Thánh lễ vài lần một năm trở xuống là 53%.

Cuộc thăm dò do Trafalgar Group thực hiện, đã khảo sát 1,581 cử tri Công Giáo và có sai số 2,5%. Bảng câu hỏi được thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp sáu phương pháp khác nhau, bao gồm gọi điện thoại trực tiếp, tin nhắn văn bản và email.

Một cuộc thăm dò thứ ba và cuối cùng của EWTN News / RealClear sẽ tập trung vào cuộc bỏ phiếu của người Công Giáo trong những ngày ngay trước kỳ giữa kỳ.
Source:Catholic News Agency

3. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão Ian

Tính đến hôm thứ Tư, hàng triệu người vẫn không có điện trong các ngôi nhà dân cư và cơ sở kinh doanh ở Florida và Carolinas.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đang kêu gọi những người Công Giáo cầu nguyện cho những người ở Hoa Kỳ và các đảo Caribe bị ảnh hưởng bởi cơn bão Ian. Trận bão đã tàn phá các bờ biển của Florida và Carolinas vào tuần trước, cướp đi sinh mạng của ít nhất 85 người và gây ra hàng chục tỷ đô la thiệt hại sau khi nó xảy ra.

Bão Ian nhanh chóng trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào đất liền Hoa Kỳ, với sức gió giật lên tới 150 dặm / giờ. Các video đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy lũ lụt trên diện rộng, cháy điện và thậm chí là lốc xoáy bất ngờ.

Chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles đã kêu gọi những lời cầu nguyện từ các tín hữu trong một tuyên bố. Đức Tổng Giám Mục than thở về sự tàn phá lan rộng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người trong năm ngày vừa qua.

Ngài nói:

“Những trận cuồng phong gần đây đã mang theo gió dữ dội, mưa, nước dâng do bão và lũ lụt đã ảnh hưởng đến các giáo phận ở Hoa Kỳ và vùng Caribe. Tôi vô cùng đau buồn khi nhìn thấy những hình ảnh thiệt hại và tàn phá để lại cho họ. Tôi kêu gọi những người Công Giáo và tất cả những người thiện chí cầu nguyện cho những người đã mất mạng, và sự an ủi cho các gia đình và cộng đồng đau buồn của họ”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez sau đó đã đề cập đến tình cảnh những người đã mất nhà cửa và cơ sở kinh doanh vì cơn bão. Theo Reuters, có khoảng 600,000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh không có điện ở Florida tính đến sáng thứ Hai, và ước tính thêm 1.1 triệu người không có điện ở Carolinas.

“Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người mất nhà cửa và cơ sở kinh doanh, để họ có thể tìm thấy bình an và thoải mái trong tình yêu trung tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất này. Và chúng ta của hãy cầu nguyện cho những người ứng cứu khẩn cấp và những người đã bắt đầu công việc cung cấp cho nhu cầu của những người bị ảnh hưởng trong các cộng đồng này trong nỗ lực phục hồi, để họ có thể bình an khi tìm cách mang lại các trợ giúp và chữa lành.”

Đức Tổng Giám Mục kết thúc bằng cách cầu nguyện xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ phù hộ cho những người đang gặp khó khăn thảm khốc sau cơn bão lớn này.

“Chúng ta hãy phó thác những lời cầu nguyện của chúng ta cho Đức Mẹ, và cầu xin sự bảo vệ tiếp tục của Mẹ và sự chuyển cầu của Mẹ trong việc an ủi những người đang đau khổ”

Những người Công Giáo cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão Ian cũng có thể tìm kiếm sự cầu thay nguyện giúp của Thánh Medardus, một vị thánh bảo trợ được cầu khẩn để chống lại thời tiết xấu. Thánh Florian sẽ là một sự lựa chọn xứng đáng khác, vì ngài thường được kêu cầu để chống lại lũ lụt và hỏa hoạn.
Source:Aleteia
 
Tuyên bố của TT Zelenskiy: Chiến thắng dồn dập ở Kherson. Kiệt sức, quân Nga đang sụp đổ nhanh chóng
VietCatholic Media
03:15 05/10/2022


1. Lính Dù Ukraine giải phóng 7 thị trấn trong vùng Kherson, loại khỏi vòng chiến 44 xe tăng và 27 thiết giáp chỉ trong một ngày

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 5 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết “Quốc kỳ Ukraine tiếp tục cuộc tuần hành chiến thắng qua miền nam của đất nước chúng ta. Vào ngày 4 tháng 10, các đơn vị của một lữ đoàn Dù của các lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng 7 thị trấn ở vùng Kherson bao gồm cả Mala Oleksandrivka khỏi quân xâm lược Nga. Lực lượng lính dù Ukraine hứa hẹn sẽ có nhiều chiến thắng hơn nữa”.

Vào ngày 4 tháng 10, tại khu vực Kherson, Lữ đoàn thủy quân lục chiến biệt lập số 35 của Ukraine đã chiếm lại thị trấn Davydiv Brid.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết chỉ riêng trong ngày 4 tháng 10, Nga đã mất 44 xe tăng và 27 thiết giáp. Phát ngôn nhân quân đội Ukraine ước tính rằng kể từ đầu cuộc chiến, Nga đã mất khoảng 60.800 binh sĩ. Ngoài ra, 2,424 xe tăng Nga đã bị phá hủy hay bị bắt tại mặt trận kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Cùng với đó, các lực lượng Ukraine đã phá hủy 5,018 thiết giáp chở quân.

2. Nga có nguy cơ mất quyền kiểm soát các thị trấn chiến lược quan trọng mà chung cuộc sẽ dẫn đến việc thất thủ Kherson và cả Crimea.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nhận định rằng Nga đang có nguy cơ mất quyền kiểm soát các thị trấn chiến lược quan trọng mà họ phải giữ cho bằng được nếu họ muốn kiểm soát thành phố Kherson và Crimea.

Tình hình ở phía nam “có thể ngày càng trở nên lộn xộn với khả năng một lực lượng Nga tuyệt vọng hơn bị kẹp chặt giữa các lực lượng quân Ukraine và sông Dnipro”. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga về mặt chính trị sẽ không thể chấp nhận việc rút lui khỏi Kherson và như thế cuộc chiến có thể rất gay go.

Khi được hỏi liệu Nga có đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không, Chuẩn tướng Pat Ryder khẳng định không thấy có dấu hiệu hoặc hành động nào của Nga vượt ra ngoài quy luật. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov được tường trình đã từ chối lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Chechnya về việc sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn, và cho rằng việc sử dụng cảm xúc trong chiến tranh là không đúng.

Đưa ra một trong những đánh giá lạc quan nhất về cán cân quân sự, Tướng Ryder cho biết Ukraine đang quyết định nhịp độ hoạt động vào lúc này và nghi ngờ liệu Nga có còn tham vọng hoặc khả năng đáp lại các cuộc tấn công của Ukraine hay không. “Các chỉ huy Ukraine ở phía nam và phía đông đang tạo ra các vấn đề cho chuỗi chỉ huy của Nga nhanh hơn mức mà người Nga có thể phản ứng một cách hiệu quả”.

Tướng Ryder cũng nghi ngờ khả năng của 300,000 lính nghĩa vụ Nga trong việc tạo ra cán cân quân sự, và chỉ ra tầm quan trọng của thời tiết ấm áp, quần áo và hậu cần. “Hiện tại, bạn đã xem video về các tân binh Nga thắp lửa trên cánh đồng ở âm 5 độ C vào ban đêm - đó sẽ không phải là tình huống mà bạn có tinh thần cao trong mùa đông.”

Ông cũng nhấn mạnh những tiến bộ đang được thực hiện bởi các lực lượng Ukraine ở phía nam dọc theo sông Dnipro, với 20,000 quân Nga đang bị mắc kẹt ở phía tây sông. Tuy nhiên, các quan chức cảnh báo khi các lực lượng Ukraine tiến về phía nam dọc theo con sông, họ có thể gặp rủi ro từ hỏa lực pháo binh của lực lượng Nga ở bên kia sông. “Chúng tôi nghĩ rằng không có khả năng lãnh đạo Nga chấp nhận việc rút toàn bộ quân khỏi Kherson vì lý do chính trị.

Thị trấn Nova Kakhovka, cách tiền tuyến khoảng 50 km, là “một thách thức quan trọng đối với khả năng tồn tại của quân đội Nga ở Kherson”. Thị trấn có một cây cầu đường bộ lớn, nhà máy điện và đập thủy điện, cũng như một con kênh dẫn nước ngọt đến Crimea. Tướng Ryder nói: “Nếu bạn có thể kiểm soát, điều đó sẽ cho phép bạn có được lợi thế quân sự lớn hơn nhiều, khiến các khu vực thuộc khu vực Kherson và Crimea gặp nguy hiểm”.

Theo Tướng Ryder, các tin tình báo cho biết cuộc rút lui vào cuối tuần của Nga ở mặt trận phía bắc ở Lyman đã xảy ra bất chấp lệnh phải phòng thủ và ở lại.

Ông cho biết quân đội Nga “đã phải hứng chịu nhiều thương vong do pháo kích khi họ cố gắng rời thị trấn để chạy về phía đông. Là một phần của Donbas được cho là mới sáp nhập, việc từ bỏ các khu vực này chính là điều mà Điện Cẩm Linh không muốn xảy ra”.

Ngũ Giác Đài cho biết rằng tàn quân của các lực lượng Nga buộc phải rút lui khỏi Lyman đang cố thủ ở thành phố Kreminna của Luhansk và đang bị tấn công bởi các đơn vị hỏa tiễn, pháo binh và không quân Ukraine.

Đối với người Nga, việc giữ Kreminna hiện nay là rất quan trọng vì sau khi vượt qua được Kreminna, các lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ đến Svatovo, Rubizhne, và xa hơn nữa chúng tôi sẽ có thể giải phóng vùng Luhansk. Nhưng hầu chắc là họ không giữ được Kreminna vì binh sĩ Nga kiệt sức và không còn tinh thần chiến đấu.

3. Tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về tình hình chiến sự ở miền Nam Ukraine và mặt trận ngoại giao quốc tế.

Trong diễn văn gởi quốc dân đồng bào vào tối thứ Ba theo giờ địa phương Kyiv, ở Việt Nam là vào rạng sáng ngày thứ Tư 5 tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cho biết về diễn biến cuộc tổng phản công giải phóng Kherson. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Xin chúc sức khỏe các bạn, đồng bào Ukraine!

Hôm nay chúng ta có một số tin tốt cả từ tiền tuyến và từ mặt trận ngoại giao.

Thứ nhất: quân đội Ukraine đang tiến hành một cuộc tiến công khá nhanh và mạnh mẽ vào miền Nam nước ta như một phần của hoạt động phòng thủ hiện nay. Hàng chục khu định cư đã được giải phóng khỏi cuộc trưng cầu dân ý giả của Nga chỉ trong tuần này. Ở vùng Kherson, vùng Kharkiv, vùng Luhansk và vùng Donetsk.

Đặc biệt, theo các báo cáo quân sự từ vùng Kherson: các thị trấn Lyubymivka, Khreshchenivka, Zolota Balka, Bilyaivka, Ukrainka, Velyka và Mala Oleksandrivka, và Davydiv Brid đã được giải phóng khỏi quân chiếm đóng và bình định. Và đây không phải là một danh sách đầy đủ...

Các chiến binh của chúng ta không dừng lại. Và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta hất cẳng kẻ chiếm đóng khỏi tất cả vùng đất của chúng ta.

Hôm nay tôi đã tổ chức một loạt các cuộc đàm phán quan trọng.

Đầu tiên, vào buổi chiều, tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Ấn Độ. Tôi đã thông báo cho ông Modi về tình hình chiến trường, về thành công của quân đội chúng ta. Tôi đã trình bày chi tiết quan điểm của chúng tôi về các bước leo thang gần đây của Nga. Đó là Điện Cẩm Linh đang tuyệt đối làm mọi cách để cuộc chiến này chỉ kết thúc trên chiến trường chứ không phải trên bàn đàm phán.

Nga đã đáp lại các đề xuất khác nhau của Ukraine nhằm ngưng cuộc xâm lược và giải phóng lãnh thổ của chúng tôi bằng cách tung ra các hoạt động khủng bố, lệnh động viên tội phạm và trò hề chính trị. Và đây là một mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Rốt cuộc, nếu ai đó cố gắng đánh cắp lãnh thổ của những nước láng giềng, thì một số người khác cũng có thể có tham vọng tương tự.

Và đó là lý do tại sao chúng ta kêu gọi tất cả các chủ thể của quan hệ quốc tế tôn trọng luật pháp quốc tế đứng lên bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của nó và khẳng định sự tôn trọng của họ, đặc biệt là nguyên tắc bất khả xâm phạm về biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Tôi tin rằng đây là nguyên tắc cơ bản đối với Ấn Độ cũng như đối với Ukraine.

Cũng chiều nay, tôi đã nói chuyện với Giorgia Meloni, lãnh đạo của lực lượng chính trị Huynh Đệ Ý đã thắng cuộc bầu cử gần đây một cách long trời lở đất. Đó là một cuộc trò chuyện rất thực chất về các biện pháp để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai quốc gia và củng cố năng lực của chúng ta - cả Ukraine và Ý.

Thay mặt cho toàn thể người dân Ukraine, tôi cảm ơn Ý về những gói hỗ trợ quốc phòng mạnh mẽ. Chúng tôi rất mong đợi chuyến thăm chính thức của bà Meloni tới Kyiv.

Và vào buổi tối, tôi đã nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Biden. Trước hết, tôi cảm ơn ông ấy về một gói hỗ trợ quốc phòng khác cho đất nước chúng ta, đặc biệt là cảm ơn về các HIMARS mới. Và nói chung, tôi lưu ý rằng những thành công của quân đội chúng ta - tất cả những thành công trong việc trả lại tự do cho nhân dân - là những thành công chung của chúng ta, những thắng lợi chung của chúng ta.

Nhờ sự thống nhất của Ukraine, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và tất cả các đối tác của chúng ta trong thế giới tự do, ngày nay tự do có sức mạnh cao nhất trong nhiều thập kỷ và thể hiện những thắng lợi cụ thể trong cuộc đối đầu với chế độ chuyên chế.

Tất nhiên, các khía cạnh quan trọng trong hợp tác của chúng ta bên ngoài lĩnh vực quốc phòng cũng đã được thảo luận với Tổng thống Biden, cụ thể là hỗ trợ tài chính - cụ thể là gói hỗ trợ lên tới hơn 12 tỷ đô la. Chúng tôi cũng thảo luận về các bước đi chính trị, hợp tác trong các tổ chức quốc tế.

Và tôi đặc biệt vui mừng khi nghe những lời của Tổng thống Biden rằng các binh sĩ của chúng ta đã truyền cảm hứng cho toàn thế giới, những người của chúng ta truyền cảm hứng cho toàn thế giới. Và đúng như vậy. Chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến này sẽ cho thấy Ukraine có thể đóng góp bao nhiêu vào sức mạnh toàn cầu cho tự do, sức mạnh toàn cầu cho nền dân chủ.

Tôi cảm ơn tất cả những người đã chiến đấu và làm việc cho chiến thắng của chúng ta! Hôm nay, tôi đặc biệt muốn kỷ niệm những hành động anh dũng và hiệp đồng của các chiến binh thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến biệt lập số 35 được đặt theo tên Chuẩn đô đốc Mykhailo Ostrogradsky, lữ đoàn biệt kích Dù số 46 và lữ đoàn bộ binh cơ giới biệt lập số 57 được đặt theo tên của Kosh otaman Kost Hordiyenko. Cảm ơn mọi người!

Và tôi luôn cảm ơn tất cả những ai đã giúp các hậu vệ của chúng ta bảo vệ tự do!

Và một điểm nhấn quan trọng nữa.

Tôi đã ký một sắc lệnh chỉ định vô hiệu tất cả các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga và tất cả các hành vi được thông qua để thực hiện các sắc lệnh này đối với nỗ lực sáp nhập lãnh thổ của chúng ta từ năm 2014 cho đến ngày hôm nay. Bất kỳ quyết định nào của Nga, bất kỳ hiệp ước nào mà họ cố gắng chiếm đất của chúng tôi - tất cả những điều này đều vô giá trị.

Niềm tự hào cho Ukraine!

4. Giorgia Meloni, người sắp trở thành thủ tướng tiếp theo của Ý, đã hứa “ủng hộ hết mình” cho Ukraine trong một cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy

Reuters tường thuật rằng:

Trong những cuộc điện đàm đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tuần trước, Meloni “nhấn mạnh cam kết của bà về mọi nỗ lực ngoại giao hữu ích để chấm dứt xung đột” với Nga, tuyên bố của đảng Huynh Đệ Ý cho biết như trên.

Tuyên bố nói thêm rằng Zelenskiy đã mời cô đến thăm Kyiv càng sớm càng tốt và bày tỏ lòng biết ơn đối với những vũ khí mà Ý đã gửi cho Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.

Meloni là một trong số ít các nhà lãnh đạo chính trị Ý hết lòng tán thành quyết định chuyển vũ khí đến Ukraine của thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi, mặc dù bà phản đối chính phủ của ông.

Ngược lại, hai đồng minh chính trị của Meloni, Liên Minh Italia và Forza Italia, cả hai đều nằm trong liên minh của cựu Thủ tướng Draghi, lại không đồng ý, do các mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử của họ với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Nhấn mạnh chiều sâu của những mối quan hệ đó, lãnh đạo Forza Italia, Silvio Berlusconi, hồi tháng trước nói rằng Putin đã bị “thúc đẩy” vào cuộc xâm lược Ukraine và muốn đưa “những người tử tế” vào Kyiv.

5. Mỹ hứa bổ sung vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Mỹ, Joe Biden, nói với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, rằng Washington sẽ cung cấp cho Kyiv 625 triệu Mỹ Kim hỗ trợ an ninh mới, bao gồm các bệ phóng của Hệ thống Hỏa tiễn Cơ động Cao, gọi tắt là Himars, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết như trên.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã cùng tham gia với ông Joe Biden trong cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng Washington sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Biden “cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược của Nga trong thời gian cần thiết”.

6. Hãng tin AP nhận định về sự thất vọng của người Nga đối với Putin sau một loạt các thất bại

Sự thất vọng với thất bại của Putin trên chiến trường từ lâu đã được thể hiện trên các mạng xã hội do các chuyên gia dân tộc chủ nghĩa và các nhà phân tích ủng hộ Điện Cẩm Linh điều hành, và khối lượng những chỉ trích đã tăng lên sau cuộc phản công của Ukraine vào tháng trước xung quanh Kharkiv ở phía đông bắc. Nhưng bây giờ nó đang tràn lan trên các chương trình truyền hình nhà nước và trên các trang báo được chính phủ hậu thuẫn, bất kể mức án 15 năm tù cho những gì Putin gọi là “làm mất uy tín quân đội Nga”.

Giọng điệu cay đắng hơn từ các phương tiện truyền thông nhà nước xuất hiện khi Tổng thống Vladimir Putin đối mặt với sự bất bình rộng rãi của người dân Nga về việc ông điều động một phần quân dự bị và khi các quan chức chính phủ đấu tranh giải thích kế hoạch sáp nhập các khu vực của Ukraine cùng lúc họ đang bị lực lượng của Kyiv chiếm lại.

“Thất bại của Nga ở khu vực Kharkiv và thành phố Lyman, kết hợp với việc Điện Cẩm Linh không tiến hành nổi lệnh động viên bán phần một cách hiệu quả và công bằng do tham nhũng trầm trọng tại Nga đang làm thay đổi cơ bản không gian thông tin của Nga”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết trong một báo cáo.

Động thái này mở đường cho quân đội Ukraine có khả năng tiến sâu hơn nữa vào vùng đất mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp. Các lực lượng Ukraine đã đạt được nhiều thành tựu hơn trong cuộc phản công của họ trên ít nhất hai mặt trận vào hôm thứ Ba, khi tiến công vào chính những khu vực mà Nga muốn tiếp thu.

7. Bản đồ của Nga xuất hiện cho thấy việc sụp đổ nhanh chóng ở miền đông và miền nam Ukraine

Các bản đồ của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy sự rút lui nhanh chóng của các lực lượng xâm lược Nga khỏi các khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine, nơi họ đang chịu áp lực nghiêm trọng từ cuộc phản công của Ukraine.

Reuters tường thuật:

Cuộc họp video hàng ngày của Bộ Quốc Phòng Nga không đề cập đến bất kỳ phản ứng nào, nhưng trên các bản đồ được sử dụng để hiển thị vị trí các cuộc tấn công có chủ đích của Nga, khu vực được tô đỏ chỉ định sự kiểm soát của quân đội Nga đã nhỏ hơn nhiều so với ngày trước.

Ở phía đông bắc Ukraine, nơi Nga hứng chịu trận phản công hồi tháng trước, các lực lượng của họ dọc theo chiến tuyến chạy khoảng 70 km về phía nam từ Kupiansk dọc theo sông Oskil dường như đã rút lui khoảng 20 km về phía đông, đến tận biên giới tỉnh Luhansk.

Điều này có nghĩa là họ đã bỏ trống những tàn tích cuối cùng còn sót lại của tỉnh Kharkiv - nơi Nga duy trì chính quyền chiếm đóng trong vài tháng – chỉ còn một mảnh đất nhỏ giữa thị trấn Dvorichna và biên giới Nga.

Trong vùng Kherson, miền nam Ukraine, đường kiểm soát của Nga ở hữu ngạn sông Dnipro đã dịch chuyển 25 km về phía nam trên bản đồ, đến một đường chạy về phía tây từ thị trấn Dudchany ven sông.

Cả hai khu vực đều là chiến trường nơi Ukraine đã và đang báo cáo những tiến bộ, mặc dù không đưa ra đầy đủ chi tiết vì lý do an ninh quốc phòng.

Đây không phải là lần đầu tiên Mạc Tư Khoa thừa nhận việc rút quân một cách nhanh chóng như vậy. Vào ngày 11 tháng 9, một bản đồ do Bộ Quốc phòng trình bày cho thấy các lực lượng Nga đã bỏ hầu hết các khu vực của Kharkiv mà họ kiểm soát, xa về phía đông như Oskil, sau một cuộc tấn công chớp nhoáng của Ukraine.
 
370,000 thanh niên bỏ trốn lệnh động viên của Putin, Tổng Giáo Phận Moscow gặp nguy cơ lớn
VietCatholic Media
05:15 05/10/2022


1. Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa gặp nguy cơ rất lớn đối với lệnh động viên của Putin

Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa có dân số khoảng 70,000 người Công Giáo, sinh hoạt trong 60 giáo xứ và 14 cứ điểm truyền giáo. Khác với Chính Thống Giáo Nga, dân số Công Giáo được ghi nhận là trẻ trung hơn, và ít ủng hộ cuộc xâm lược của Putin tại Ukraine. Do ảnh hưởng của ý thức về công lý và hòa bình, các cuộc thăm dò cho thấy không quá 20% người Công Giáo trong tổng giáo phận ủng hộ cuộc xâm lược của Putin. Trong 80% còn lại có đến 50% quyết liệt chống đối cuộc xâm lược này. Hai yếu tố trẻ trung và không ủng hộ cuộc xâm lược đang gây khó khăn cho các giáo xứ trong tổng giáo phận. Một số bị bắt đi quân dịch, và một số đông hơn bỏ trốn khỏi đất nước.

Lệnh động viên bán phần của Tổng thống Nga Putin dường như đã phản tác dụng khi hơn 370,000 công dân đã bỏ trốn khỏi đất nước kể từ khi có sắc lệnh - nhiều hơn tổng số 300,000 mà các quan chức quốc phòng cho biết sẽ được gọi nhập ngũ.

Tuyên bố ngày 21 tháng 9 của Putin đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và một cuộc di cư ồ ạt của người Nga chạy qua biên giới sang các nước láng giềng bao gồm Georgia, Phần Lan, Kazakstan và Mông Cổ để tránh bị nhập ngũ.

Bộ trưởng Nội vụ Kazakhstan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng hơn 200,000 người Nga đã đến quốc gia Trung Á láng giềng kể từ khi sắc lệnh được công bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hôm thứ Ba rằng 200,000 người đã bị gọi nhập ngũ nhập ngũ kể từ khi Putin ban bố lệnh động viên 300,000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “một số chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”.

Hơn 93,000 người Nga đã đến Gruzia trong hai tuần, theo hãng tin Nga Fontanka. Một cuộc tìm kiếm trước đó của Newsweek cho thấy giao thông đã ùn tắc thêm đến 6 dặm tại biên giới của Nga với Georgia vào buổi sáng sau tuyên bố của Putin.

Tuần trước, Liên minh Âu Châu báo cáo rằng 66,000 người Nga đã đến Liên Hiệp Âu Châu, với phần lớn công dân vào khối thông qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan và Estonia.

Theo các quan chức biên giới, đến ngày 2 tháng 10, ít nhất 12,000 người Nga đã vào Mông Cổ.

Số lượng người Nga bỏ trốn trong hai tuần kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố điều động một phần diễn ra trong bối cảnh luật mới mà nhà lãnh đạo Nga ký ban hành, trừng phạt những người từ chối phục vụ hoặc trốn tránh nghĩa vụ với mức án lên đến 10 năm tù.

Hàng trăm nghìn người cũng đã bỏ trốn trong bối cảnh có các báo cáo rằng những người không đủ tiêu chuẩn cũng bị gọi nhập ngũ, bao gồm cả sinh viên, người già và những người có tình trạng sức khỏe và thương tích, cũng đã được trao lệnh triệu tập để chiến đấu ở Ukraine. Chỉ số tham nhũng hay Corruption Perceptions Index, gọi tắt là CPI, của Nga là 138. Để so sánh, chỉ số CPI của Việt Nam là 87. Nói cách khác, ở Nga tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ, hiếp đáp dân lành còn cao hơn cả Việt Nam. Lệnh động viên của Putin là cơ hội làm giầu cho bọn quan chức Nga.

Joel Hickman, phó giám đốc chương trình Quốc phòng và An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, nói với Newsweek rằng việc huy động và mức độ hoảng loạn chung hiện đang diễn ra ở Nga, với hàng trăm nghìn người của lực lượng lao động bị loại ra ngoài khi họ chạy trốn hoặc bị gởi sang chiến đấu ở Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà Putin hiện đang phải đối mặt trong cuộc chiến.

Hickman cho biết việc huy động cho đến nay vẫn trong tình trạng “hỗn loạn hoàn toàn”.

Nhận định về bài phát biểu của Putin hôm 21 tháng 9, trong đó ông ta ban hành lệnh động viên và tung ra những lời đe dọa hạt nhân, Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Mạc Tư Khoa và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nga, than thở rằng:

“Thật không may, hòa bình dường như đang suy thoái, chúng ta đang đối diện với một tình huống không để bất cứ ai được yên”.

“Thật khó cho tôi để nói tại sao quốc gia này lại ra nông nỗi như ngày hôm nay. Theo tổng thống và theo những gì chúng tôi đọc được trên các phương tiện truyền thông địa phương, đó là do xung đột mở rộng. Thật không may, hòa bình dường như đang lùi xa. Tôi tin rằng con đường đã được chỉ ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Và đó là luôn cố gắng giữ cho các kênh đối thoại mở, không bao giờ đóng chúng. Không phủ nhận mọi thứ như hiện tại đang bày ra trước mắt ctắt chúng ta, nhưng đồng thời không cần phải đóng cửa. Đối với tôi, đây tiếp tục là con đường khả thi nhất,” ngài nói với SIR, thông tấn xã của Hội Đồng Giám Mục Italia.

Theo Đức Tổng Giám Mục Pezzi, quan điểm của Putin về Ukraine sẽ khiến Nga chắc chắn rơi vào nguy cơ tự cô lập mình. “Tôi không nghĩ đây là vấn đề chính hiện tại. Đối với tôi, dường như vấn đề chính là tìm ra một lối thoát mà không làm cho bất kỳ ai cảm thấy bị đánh bại. Nhưng đây là điều khó khăn lớn nhất vì làm được như thế, thì mới thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng.”

“Về mặt khách quan, tôi thấy rất khó để ai đó sẵn sàng thực hiện bước đầu tiên. Đó là lý do tại sao cần phải tiếp tục nhấn mạnh những bước sáng tạo, như Đức Phanxicô nói, để dấn thân vào những con đường mới trên con đường hòa bình”

Đức Tổng Giám Mục cũng ca ngợi chứng tá của cộng đồng Công Giáo và việc bảo vệ tình hữu nghị và hòa bình, với những đề xuất khiêm tốn và đơn giản của con đường đối thoại và hy sinh.

2. Nhật Ký Trừ Tà số 209: Tinh thần nổi loạn của Satan

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #209: Satan's Spirit of Rebellion”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 209: Tinh thần nổi loạn của Satan”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mẹ cô là một phù thủy. Bà của cô cũng là một phù thủy. “Janice” được dành cho Satan khi còn nhỏ và mong muốn trở thành một phù thủy. Nhờ ân sủng của Chúa, cô ấy đã quyết định khác. Giải phóng là một cuộc chiến đấu lâu dài và anh dũng. Tôi không biết có bao nhiêu người sẽ kiên trì trong cuộc chiến khó khăn lâu như vậy, nhưng cô ấy đã làm được.

Tuy nhiên, một trong những động lực cơ bản là sự kiên định của cô ấy về cách thực hiện mọi việc, bao gồm cả việc trừ tà và sự từ chối tổng thể của cô ấy trước quyền lực ma quỷ, ở nhiều cấp độ. Có một tinh thần nổi loạn trong cô ấy. Đã từng bị lạm dụng nhiều lần khi còn nhỏ, người ta có thể hiểu được lý do cho tinh thần nổi loạn này, nhưng nó cản trở quá trình giải phóng.

Thông thường, trong các buổi học, chúng ta cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria và sự vâng phục khiêm nhường của Mẹ. Tôi đã yêu cầu Janice nhắc lại sau tôi, “Tôi dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria và tôi cầu xin tinh thần khiêm tốn vâng phục của Mẹ”. Không cần phải nói, những con quỷ nghẹn lời khi Janice chiến đấu để nói thành lời những lời nguyện này.

Phù thủy thời hiện đại thường bao gồm một tinh thần nổi loạn mà nhiều người thấy hấp dẫn, đặc biệt là những phụ nữ trẻ cảm thấy bị tước quyền. Tinh thần nổi loạn này cũng tràn ngập trong xã hội ngày nay. Tất cả những điều này gây ra sự thiếu thống nhất ngày càng tăng và giọng hỗn loạn giận dữ của thời đại chúng ta.

Một tinh thần nổi loạn có trước Vườn Địa đàng. Satan và những người theo thiên thần của hắn là những kẻ đầu tiên nổi loạn. Ma quỷ đã thúc đẩy cuộc nổi loạn và hỗn loạn kể từ đó.

Những môn đệ của Chúa Giêsu nhận ra sự vâng phục khiêm nhường mà chúng ta có với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Hơn nữa, Chúa Giêsu trao quyền cho Hội Thánh tiếp tục sứ vụ của Ngài và tuyên bố: “Ai nghe các ngươi thì nghe ta. Ai khước từ các ngươi, là từ chối ta” (Lu-ca 10:16).

Janice đang dần tin tưởng chúng tôi. Đây sẽ là một trong những đòn đau cuối cùng để trục xuất tâm lý của một phù thủy tiềm ẩn và tìm thấy sự giải thoát hoàn toàn. Về phần mình, chúng tôi đang cố gắng trở nên đáng tin cậy và không bao giờ vi phạm lòng tin của cô ấy dù chỉ là nhỏ nhất. Đây sẽ là một phần quan trọng trong quá trình chữa lành của cô ấy.
Source:Catholic Exorcism

3. Đòn năng lượng của Putin khiến các thánh đường tại Giáo phận Mainz bên Đức lạnh lẽo

Cuối tháng Chín vừa qua, Tòa giám mục Giáo phận Mainz bên Đức, đã ra thông cáo cho biết bắt đầu từ mùa cần sưởi sắp tới, các thánh đường trong giáo phận chỉ được phép sưởi ở mức tối thiểu, để tránh đông giá, nghĩa là chỉ được để máy sưởi từ 3 đến 4 độ C.

Riêng về các tác phẩm nghệ thuật cần bảo trì và các đàn phong cầm, điều quan trọng không phải là nhiệt độ trong phòng, nhưng là độ ẩm. Vì thế “cần có sự thông gió thích hợp để giữ độ ẩm liên hệ trong hành lang từ 45 đến 70%.”.

Bà Giám đốc Stephanie Rieth ở Tòa giám mục Mainz giải thích rằng: “Cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng do chiến tranh gây ra không những tạo nên sự gia tăng cao phí tổn năng lượng nhưng còn tạo nên sự thiếu hụt ngay trong mùa đông sắp tới trong nhiều lãnh vực nghề nghiệp, cũng như trong đời sống công cộng và riêng tư.”

Thông cáo cho biết ngoài việc hạn chế việc sưởi các thánh đường, tại Tòa giám mục Giáo phận Mainz, từ ngày 23 tháng Mười Hai đến ngày 05 tháng Giêng năm tới đây, cần phải có sự góp phần tiết kiệm năng lượng, và sau buổi lễ mừng tân niên 2023, vào ngày 06 tháng Giêng, các văn phòng sẽ không được sưởi cho đền ngày 09 tháng Giêng sau đó”.

Giáo phận Mainz có 718,000 tín hữu Công Giáo với 303 giáo xứ.

Tại một số nước khác ở Âu châu, giáo quyền cũng đưa ra các biện pháp tương tự để tiết kiệm năng lượng, như tại Thụy Sĩ. Các nhà thờ chính tòa và các thánh đường khác ngưng thắp đèn bên ngoài ban đêm. Tại một số nơi, các biện pháp này do chính quyền địa phương ban hành, như trường hợp hai nhà thờ nổi tiếng Grosmuenster và Fraumuenster ở thành phố Zurich. Nhà thờ chính tòa tại thành phố Basel, ban tối không còn được chiếu sáng từ bên ngoài.

Đan viện Biển Đức nổi tiếng Einsiedeln quyết định không thắp sáng mặt tiền của nhà thờ Đan viện.
 
Vũ khí hạt nhân được báo cáo đang trên đường đến Ukraine. Phóng viên Nga và cuộc tháo chạy ở Kherson
VietCatholic Media
16:14 05/10/2022


1. Phóng viên Nga không nói nên lời giữa cuộc tháo chạy ở Kherson: Thật là một 'Thảm họa'

Trong diễn văn gởi quốc dân đồng bào vào tối thứ Ba theo giờ địa phương Kyiv, ở Việt Nam là vào rạng sáng ngày thứ Tư 5 tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cho biết về diễn biến cuộc tổng phản công giải phóng Kherson. Tờ Newsweek có bài tường trình về cảm nhận từ phía Nga đối với cuộc tổng phản công này. Bài báo có nhan đề “Russian Reporter Left Speechless Amid Kherson Retreat: 'Disaster'“, nghĩa là “Phóng viên Nga không nói nên lời giữa cuộc tháo chạy ở Kherson: Thật là một 'Thảm họa'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Sau khi Ukraine mở cuộc tấn công dữ dội ở khu vực phía nam Kherson trong những ngày gần đây được tường trình là đã đẩy lực lượng Nga vào cuộc rút lui hỗn loạn, một phóng viên chiến trường Nga cho biết anh ta không nói nên lời trước những thất bại này.

“Các bạn, tôi biết rằng các bạn mong đợi tôi cho ý kiến về tình hình. Tuy nhiên, tôi thực sự không biết phải nói gì với bạn,” Roman Saponkov viết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba cho hơn 61.000 người theo dõi của mình. “Cuộc rút lui từ phía bắc của hữu ngạn vùng Kherson là một thảm họa.”

Saponkov liệt kê một số khu vực trong khu vực mà anh ta nói rằng đã được “tưới đẫm máu của những người lính của chúng ta.”

“Tôi chỉ muốn nói lời ủng hộ đến các chàng trai của chúng ta. Chúng tôi tin tưởng vào các bạn và tự hào về các bạn,” anh nói thêm đến chỗ đó thì nghẹn lời không biết phải nói thêm gì nữa.

Việc Nga rút lui ở Kherson có nghĩa là Ukraine hiện đã đạt được chiến thắng trên ít nhất ba mặt trận trong những tuần gần đây, khi nước này tiếp tục chống lại cuộc xâm lược kéo dài hơn 7 tháng mà lúc đầu Putin và một số người ủng hộ ông ta tin rằng sẽ dẫn đến chiến thắng nhanh chóng của Nga. Ukraine đã phát động cuộc phản công Kherson vào cuối tháng 8, và sau đó bắt đầu một cuộc phản công bất ngờ ở khu vực phía đông Kharkiv vào đầu tháng 9. Cuối tuần qua, Ukraine đã tiến vào khu vực Donetsk bằng cách chiếm lại thành phố Lyman, nơi mà Bộ Quốc phòng Anh mô tả là “một bước lùi chính trị đáng kể” đối với Nga.

Đáng chú ý, khu vực Donetsk là một trong bốn khu vực của Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập vào tuần trước, là điều mà các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây đã coi là một động thái vô lý và bất hợp pháp. Trước khi Ukraine chiếm lại Lyman, Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy của Lục quân Hoa Kỳ ở Âu Châu, nói với Newsweek rằng việc Nga mất thành phố trong khi Putin chào bán việc sáp nhập “giả tạo” sẽ là “sự sỉ nhục về mặt tâm lý đối với Điện Cẩm Linh.”

Cuộc phản công chớp nhoáng của Kharkiv còn dẫn đến một số thất bại lớn nhất trong số những thất bại gần đây của Nga. Tuần trước, các quan chức quân sự Ukraine nói rằng quân đội của họ chỉ có 6% khu vực để giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga.

Đối với cuộc phản công Kherson, Ukraine đã báo cáo về các chiến thắng của mình, cũng như những thiệt hại về nhân sự và thiết bị của Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Mỹ, đã viết trong đánh giá chiến dịch mới nhất của mình rằng các nguồn tin của Ukraine và Nga đã báo cáo rằng các lực lượng của Ukraine đã đạt được “những lợi ích đáng kể” xung quanh Lyman và ở phía bắc Kherson trong 24 giờ qua.

Trong các lực lượng rút lui khỏi Lyman, có những đơn vị thiếu kinh nghiệm chiến trường. Tuy nhiên, ISW ghi nhận rằng: “Trong các đơn vị Nga bị đánh bại trên các mặt trận này, có cả những đơn vị trước đây từng được coi là những lực lượng chiến đấu hàng đầu của Nga”.

ISW cũng nói rằng “Các lực lượng Ukraine đã tiến bộ trên tuyến sông Oskil-Kreminna về phía biên giới cuối cùng của Luhansk.”

Luhansk, cùng với Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, là bốn khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

2. Lệnh động viên của Putin gây phản ứng ngược khi 370,000 người bỏ trốn khỏi nước Nga trong hai tuần

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Mobilization Backfires as 370,000 Flee Russia in Two Weeks”, nghĩa là “Lệnh động viên của Putin gây phản ứng ngược khi 370,000 người bỏ trốn khỏi nước Nga trong hai tuần.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lệnh động viên bán phần của Tổng thống Nga Putin dường như đã phản tác dụng khi hơn 370,000 công dân đã bỏ trốn khỏi đất nước kể từ khi có sắc lệnh - nhiều hơn tổng số 300,000 mà các quan chức quốc phòng cho biết sẽ được gọi nhập ngũ.

Tuyên bố ngày 21 tháng 9 của Putin đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc và một cuộc di cư ồ ạt của người Nga chạy qua biên giới sang các nước láng giềng bao gồm Georgia, Phần Lan, Kazakstan và Mông Cổ để tránh bị nhập ngũ.

Bộ trưởng Nội vụ Kazakhstan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng hơn 200,000 người Nga đã đến quốc gia Trung Á láng giềng kể từ khi sắc lệnh được công bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hôm thứ Ba rằng 200,000 người đã bị gọi nhập ngũ nhập ngũ kể từ khi Putin ban bố lệnh động viên 300,000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “một số chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”.

Hơn 93,000 người Nga đã đến Gruzia trong hai tuần, theo hãng tin Nga Fontanka. Một cuộc tìm kiếm trước đó của Newsweek cho thấy giao thông đã ùn tắc thêm đến 6 dặm tại biên giới của Nga với Georgia vào buổi sáng sau tuyên bố của Putin.

Tuần trước, Liên minh Âu Châu báo cáo rằng 66,000 người Nga đã đến Liên Hiệp Âu Châu, với phần lớn công dân vào khối thông qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan và Estonia.

Theo các quan chức biên giới, đến ngày 2 tháng 10, ít nhất 12,000 người Nga đã vào Mông Cổ.

Số lượng người Nga bỏ trốn trong hai tuần kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố điều động một phần diễn ra trong bối cảnh luật mới mà nhà lãnh đạo Nga ký ban hành, trừng phạt những người từ chối phục vụ hoặc trốn tránh nghĩa vụ với mức án lên đến 10 năm tù.

Hàng trăm nghìn người cũng đã bỏ trốn trong bối cảnh có các báo cáo rằng những người không đủ tiêu chuẩn cũng bị gọi nhập ngũ, bao gồm cả sinh viên, người già và những người có tình trạng sức khỏe và thương tích, cũng đã được trao lệnh triệu tập để chiến đấu ở Ukraine.

Thụy Khanh xin mở ngoặc để giải thích thêm:

Chỉ số tham nhũng hay Corruption Perceptions Index, gọi tắt là CPI, của Nga là 138. Để so sánh, chỉ số CPI của Việt Nam là 87. Nói cách khác, ở Nga tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ, hiếp đáp dân lành còn cao hơn cả Việt Nam. Các lực lượng thực thi pháp luật ở Nga khét tiếng ăn hối lộ. Ai đã từng sống ở Nga đều hiểu rõ thực tế này. Lệnh động viên của Putin là cơ hội làm giầu cho bọn quan chức Nga khi họ tung ra hàng loạt các giấy gọi nhập ngũ cho cả những người không nằm trong lực lượng dự bị và cũng chẳng có chút kinh nghiệm chiến trường nào.

Joel Hickman, phó giám đốc chương trình Quốc phòng và An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu (CEPA), nói với Newsweek rằng việc huy động và mức độ hoảng loạn chung hiện đang diễn ra ở Nga, với hàng trăm nghìn người của lực lượng lao động bị loại ra ngoài khi họ chạy trốn hoặc bị gởi sang chiến đấu ở Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà Putin hiện đang phải đối mặt trong cuộc chiến.

Hickman cho biết việc huy động cho đến nay vẫn trong tình trạng “hỗn loạn hoàn toàn”.

“Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là một nỗ lực huy động vô cùng hỗn loạn và không được ưa chuộng, chắc chắn sẽ thất bại,” Hickman nói. “Trong khi hàng trăm nghìn thanh niên Nga khỏe mạnh đang chạy trốn qua biên giới nước Nga, có báo cáo về hàng nghìn người đàn ông lớn tuổi với nhiều vấn đề sức khỏe được đưa đến các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ gần nhất.”

Ông nói thêm, “Có vẻ như Putin càng huy động nhiều thì càng có nhiều người đàn ông rời khỏi đất nước. Chỉ cần nghĩ đến tác động tàn khốc mà điều này gây ra đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Các đài truyền hình Nga thúc giục người dân tránh xem Internet để khỏi đón nhận tin buồn.

Trong bối cảnh những thất bại kinh hoàng ngày càng gia tăng ở Ukraine, các đài truyền hình Nga thúc giục người dân tránh xem Internet để khỏi đón nhận những tin buồn đủ loại. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Host Says Foreign Media Stokes Panic, Urges Viewers to Self-Censor”, nghĩa là “Người dẫn chương trình Nga cho rằng truyền thông nước ngoài đang gây hoảng sợ, và thúc giục người xem tự kiểm duyệt.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong bối cảnh những thiệt hại ngày càng gia tăng ở Ukraine, một người dẫn chương trình trên một kênh truyền thông nhà nước Nga kêu gọi người xem tự kiểm duyệt để chống lại các báo cáo nước ngoài.

Một đoạn clip về người dẫn chương trình, Armen Gasparyan, đã được chia sẻ trên Twitter vào tối thứ Hai bởi Julia Davis, một nhà báo và là người tạo ra nhóm giám sát Russian Media Monitor. Trong clip đó, người dẫn chương trình thừa nhận rằng người dân Nga khó có thể hiểu được những mất mát gần đây phải gánh chịu ở Ukraine, đặc biệt là thất bại ở Lyman vào cuối tuần qua. Vì thế, Gasparyan kêu gọi người xem thực hành việc “kiểm duyệt nội bộ” của riêng họ.

“Tôi hiểu rằng từ quan điểm của một người dân thường, tất cả những điều này chỉ đơn giản là không thể tin được. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một kịch bản khó nhai. Chính xác là vì lý do đó, trong trường hợp không có kiểm duyệt trong quá trình hoạt động đặc biệt ở Ukraine, bạn nên thực hiện kiểm duyệt nội bộ, ngừng đọc những báo cáo từ các kẻ thù ý thức hệ”.

Hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng quân đội ở Lyman đã buộc phải rút lui sau khi bị bao vây. Thành phố, trong khu vực tranh chấp quan trọng của Donetsk, từng là trung tâm hậu cần và vận chuyển của quân đội Nga tới các khu vực khác.

Việc rút lui cũng diễn ra cùng thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập Donetsk và ba khu vực khác. Cuộc phản công thành công của Ukraine ở Lyman đã làm dấy lên nghi ngờ về thẩm quyền trong tuyên bố của Nga.

Gasparyan sau đó cảnh báo người xem rằng các báo cáo tiêu cực về nỗ lực chiến tranh ở Ukraine đang tìm cách gây hoảng sợ cho người dân Nga.

“Bạn phải nhận ra rằng, họ đang cố gắng khiến bạn hoảng sợ để từ bên trong, bạn bắt đầu cảm thấy bị phản bội. Đó là một cấu hình tuyệt vời, khó có thể đánh bại.”

Người dẫn chương trình tuyên bố rằng trong khi việc mất Lyman là một điều khó hiểu đối với nhiều người, các mục tiêu của Nga ở Ukraine vẫn không thay đổi và nằm trong tầm với, anh ta kêu gọi người xem đừng “quá khích động”. Anh cũng tuyên bố rằng các báo cáo nước ngoài về tinh thần sa sút ở Nga từ các cơ quan truyền thông nước ngoài là kết quả của việc người Nga đọc các báo cáo sai sự thật và những phàn nàn về tình trạng của sự việc, như các các câu chuyện từ CNN.

Gasparyan nói: “Đúng vậy, đó là chấn thương và làm tổn thương tâm hồn. Tất cả những điều đó đều đúng. Nhưng bạn phải nghiến răng và hiểu rằng một lời nói cũng là một vũ khí”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

4. Vũ khí hạt nhân được báo cáo là đang trên đường đến Ukraine trong bối cảnh có những lo sợ Putin sẽ nhấn nút

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Nukes Reported on Route to Ukraine as Fears Grow Putin Will Push Button”, nghĩa là “Vũ khí hạt nhân được báo cáo là đang trên đường đến Ukraine trong bối cảnh có những lo sợ Putin sẽ nhấn nút”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên lo ngại rằng ông sắp sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sau khi một video được lan truyền rất nhanh và những lời bình luận của một chuyên gia phân tích quốc phòng.

Đoạn video, được đăng hôm Chúa Nhật trên Twitter và được xem hơn 250.000 lần, ban đầu xuất hiện trên kênh Telegram Rybar ủng hộ Nga. “Một đoàn tàu khác với thiết bị quân sự đang tiến tới mặt trận bằng đường sắt ở đâu đó ở miền trung nước Nga,” người dùng Twitter NovichokRossiya chú thích trên video. “Thoạt nhìn, không có gì đặc biệt về nó. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, bạn có thể thấy KamAZ-43269 “Shot” đang đứng trên bệ với mô-đun chiến đấu “Spoke”.

Nhà phân tích quốc phòng Konrad Muzyka có trụ sở tại Ba Lan đã tweet rằng đoạn video thậm chí còn gây sốc hơn. “Một đoàn tàu khác với thiết bị quân sự này thực sự đang chở bộ đồ nghề thuộc Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga,” Muzyka bình luận khi chia sẻ bài đăng. “Tổng cục này chịu trách nhiệm về các loại bom, đạn hạt nhân, lưu trữ, bảo trì, vận chuyển và cấp phát cho các đơn vị.”

Do đó, đã có nhiều thông tin cho rằng Nga có thể sắp sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine, sau cuộc phản công lớn của các lực lượng Ukraine khiến quân đội Nga phải rút lui ở nhiều nơi trên đất nước. Ngoài ra, Putin gần đây đã cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga đều có thể gây ra phản ứng hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng ông ta không nói đùa.

Tuy nhiên, Muzyka nói rằng việc nhìn thấy đoàn tàu này không có nghĩa là vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng trong chiến tranh.

Trong một tweet tiếp theo, ông viết: “Có phải là video này cho thấy sự chuẩn bị cho một vụ phóng hạt nhân? Không hẳn vậy. Có những cách giải thích khác có khả năng xảy ra hơn. Thứ nhất, đó có thể là một hình thức báo hiệu cho phương Tây rằng Mạc Tư Khoa đang leo thang chiến tranh.

“Thứ hai, lực lượng dự bị của Nga thường huấn luyện rất đông vào mùa thu. Thứ ba, Nga có thể tiến hành cuộc tập trận răn đe chiến lược GROM vào tháng 10. Vì vậy, đoàn tàu này có thể đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập này.”

Marina Miron, một thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Đạo đức Quân sự của Bộ Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học Kings College London, đã nói chuyện với Newsweek về những lo ngại rằng có thể có sự leo thang hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine.

“Các nguồn tin Ukraine chỉ ra rằng có nguy cơ cao về một cuộc leo thang hạt nhân. Ví dụ, Học thuyết quân sự năm 2014 chỉ ra rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược nếu vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng chống lại Nga hoặc các đồng minh của họ hoặc nếu có một mối đe dọa quân sự sắp xảy ra đối với sự tồn vong của nhà nước Nga,” Miron nói.

“Một mặt, sẽ không khôn ngoan về mặt chiến lược nếu sử dụng chúng ở Ukraine, bởi vì những vùng lãnh thổ đó sẽ trở nên không thể ở được. Mặt khác, điều này có thể dẫn đến leo thang chiến tranh,” cô nói.

Trong khi lưu ý rằng vũ khí hạt nhân có thể có tác động tàn phá đối với Ukraine, Miron nhấn mạnh rằng Putin nhận thức được rằng mối đe dọa sử dụng chúng có thể hoạt động như một chiến thuật gây sợ hãi đối với NATO.

Cô nói, “Putin nhận thức rõ ràng về cả hai hệ quả. Tuy nhiên, ông ta biết rằng kiểu răn đe này có xu hướng phát huy tác dụng, vì người ta không bao giờ có thể loại trừ hoàn toàn khả năng sử dụng chúng.”

“Sự hiện diện của những vũ khí này ở Donbas có thể ngăn NATO làm cho lực lượng Ukraine trở nên quá mạnh vì NATO có thể sợ rằng điều này có thể kích động Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là tín hiệu chính trị mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì khác”.

Miron cũng nói rằng Putin đã sử dụng chiến thuật này, trong những ngày đầu của cuộc chiến. Khi đó, ông đã ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

5. Nhật Bản đã yêu cầu một lãnh sự Nga ở Sapporo rời khỏi đất nước trước ngày 10 tháng 10

Nhật Bản đã yêu cầu một lãnh sự Nga tại Sapporo rời khỏi đất nước vào ngày 10 tháng 10 để trả đũa việc trục xuất một lãnh sự Nhật Bản ở Vladivostok vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết như trên.

Quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi cơ quan an ninh FSB của Nga vào tháng 9 cho biết họ đã bắt giữ lãnh sự Nhật Bản vì nghi ngờ hoạt động gián điệp và ra lệnh cho ông này rời khỏi đất nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori đã triệu tập Đại sứ Nga, Mikhail Galuzin và thông báo cho ông về quyết định của Nhật Bản. Nước này tuyên bố lãnh sự Nga tại Sapporo là “persona non grata” – “người không được hoan nghênh” - và yêu cầu lãnh sự phải rời Nhật Bản trong vòng sáu ngày.

Đại sứ Galuzin nói:

Rõ ràng là bước đi mới nhất này của phía Nhật Bản chỉ có thể khiến quan hệ song phương ngày càng xấu đi, vốn dĩ đã xuống cấp gần đây do chính sách phá hoại của Tokyo.