Ngày 01-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức tin bằng hạt cải là đức tin lớn hay nhỏ
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
08:12 01/10/2016
CN 27C : Đức tin bằng hạt cải là đức tin lớn hay nhỏ ?

Có lẽ để chọc quê các tông đồ mà Chúa Giêsu đã có một so sánh kỳ lạ : râu ông cắm cằm bà ! Khi các tông đồ xin thêm đức tin, Chúa Giêsu đã so sánh : “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải…” Ngài có so sánh kỳ lạ, bởi vì làm sao so sánh đức tin với hạt cải được, làm sao so sánh phẩm chất với khối lượng được. Giống như làm sao ta có thể nói nếu ngươi đẹp bằng 200g thì ngươi sẽ thành tiên. Nếu ngươi có lòng tốt dài 5cm thì ngươi sẽ thành thánh. Nếu ngươi có lòng đạo đức hình tròn thì ngươi sẽ được vào Nước Chúa. Vậy khi Đức Giêsu nói: Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải, Ngài có lộn phạm trù không ? Có phải Ngài chọc quê các tông đồ không vì chính các ông cũng có lẽ hiểu như vậy : xin thêm đức tin : có một ít rồi, xin thêm nữa, nên Ngài hùa theo coi đức tin là vật có thể cân đo đong đếm giống như một hạt cải, hai hạt cải…

Có lẽ Đức Giêsu không lộn phạm trù, không chọc quê các môn đệ đâu. Vậy Chúa Giêsu muốn nói gì khi tuyên bố : “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải.” Ta tạm hiểu theo hai nghĩa :

1. Đức tin bằng hạt cải là đức tin lớn lắm

Khôn
g biết có phải Đức Giêsu tiên báo trước hay không, chứ sau này chính nhà bác học Einstein đã tìm ra công thức liên hệ giữa phẩm chất và khối lượng, giữa ánh sáng và vật chất. Công thức E = mc2 nổi tiếng của Einstein được dùng để tính toán năng lượng phát ra khi nguyên tử (vật chất) biến thành ánh sáng (phẩm chất). E = mc2 (trong đó E là năng lượng phát ra, m là khối lượng, c là vận tốc ánh sáng). Vận tốc ánh sáng mà bình phương lên sẽ là 90 ngàn triệu triệu. Vì thế tuy khối lượng rất nhỏ – ta ví những hạt cải – nhưng giải phóng một năng lượng rất lớn (nhờ nhân với vận tốc ánh sáng bình phương). Ta thấy các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, chỉ cần một khối lượng nhỏ bé, mà phát ra một sức nổ kinh khiếp, một sức nóng trên một triệu độ. Các nhà máy điện nguyên tử chỉ cần một thỏi nhỏ Plutanium mà phát ra biết bao năng lượng, biết bao điện năng thay cho bao nhiêu triệu triệu tấn dầu, bao nhiên tỉ tỉ mét khối hơi đốt. (Việt Nam cũng đang muốn ngấp nghé làm nhà máy điện nguyên tử tại Bình Thuận). Ngược lại cũng thế, để phẩm chất có thể kết thành khối lượng, cho dù rất nhỏ cũng đòi hỏi một năng lượng lớn lao. Cha ông chúng ta thường kể khi sấm sét (tia sáng) đánh xuống một nơi nào đó, tia chớp đó phải mạnh lớn lắm mới để lại trên đất một lưỡi tầm sét. Ánh sáng phải lớn lắm, phải nhiều lắm mới có thể kết tinh thành một vật, một khối (tức có thể cân đo đong đếm).

Đức tin ví như ánh sáng, như phẩm chất. Để có thể kết tinh lại, cho dù là kết tinh lại chỉ bằng một hạt cải thôi, cũng phải có “nhiều” đức tin lắm mới thành được. Chẳng thế mà ít ai có được đức tin bằng hạt cải để có thể bảo cây dầu to lớn nhổ rễ mọc dưới nước, hay kiểu nói của Matthêu : chuyển núi dời non, khiến cả ngọn núi lớn to nhào lăn xuống biển.

Tuy nhiên đức tin bằng hạt cải cũng có nghĩa là đức tin nhỏ bé.

2. Đức tin bằng hạt cải là đức tin nhỏ lắm.

Cắt nghĩa này xem ra nghịch với giải thích chúng ta vừa phân tích : đức tin bằng hạt cải là đức tin lớn lắm. Ở đây đức tin bằng hạt cải là đức tin nhỏ bé. Ta thử tìm hiểu.

Nếu Đức Giêsu là người Việt Nam, thì Ngài sẽ nói: Nếu đức tin của anh em bằng con kiến. Khi người Việt Nam ta so sánh cái gì với vật nhỏ nhất thì ta thường đem con kiến ra. Nhỏ như con kiến. Mỗi dân tộc có lối sánh ví riêng. Việt Nam nói : câm như hến. Tây nói : câm như cá chép. Ta nói : điếc như trâu, thì Tây nói : điếc như hũ (sourd comme un pot). Vậy ta nói nhỏ như kiến, thì người Do thái ví nhỏ như hạt cải.

Đức tin bằng hạt cải, tức là đức tin nhỏ bé. Nếu anh em có một chút xíu đức tin thôi, cho dù là một chút xíu, nhưng nó là có, chứ không phải là không, Nó là ranh giới giữa có và không.

Tin Mừng Marcô 9,17tt ghi : Một người cha có đứa con bị quỉ ám từ bé. Quỉ làm cho đứa bé xùi bọt mép, đổ nhào xuống đất, nhiều lần quỉ dẫn bé xuống nước để bé suýt chết chìm, dẫn vào lửa suýt chết cháy. Người cha chữa chạy nhiều nơi mà không khỏi. Cuối cùng mới dẫn tới Chúa Giêsu với lời xin: Nếu Thầy có thề, xin thương tình cứu giúp chúng tôi. Chúa Giêsu nói : Nếu có thể thôi à, mọi sự đều có thể cho kẻ nào tin. Và người cha thưa lại : Thưa Thầy, tôi tin, nhưng xin Thầy giúp tôi vì lòng tin của tôi còn yếu lắm. Và Chúa Giêsu đã chữa lành. Ngài không cần chờ đến lúc đức tin của người cha lớn mạnh lên rồi mới chữa. Miễn là tin, dù một chút xíu thôi, bằng hạt cải, bằng râu của con kiến cũng đủ.

Khi Chúa Giêsu nói : đức tin bằng hạt cải, ta giải thích là đức tin lớn lắm. Rồi ta lại giải thích đức tin bằng hạt cải là đức tin nhỏ bé. Làm sao dung hoà ? Dung hoà là : đức tin nhỏ bé như hạt cải nhưng phải lớn lên không ngừng. Lúc khởi sự thì bé nhỏ như hạt cải là hạt nhỏ nhất trong các thứ hạt (đức tin nhỏ bé), nhưng khi mọc lên thì trở thành cây to lớn đến nỗi chim trời có thể đến nương náu (đức tin lớn lao). Ta có thể xem lối giải thích này như một dung hoà cho hai cực mà chúng ta vừa tìm hiểu trên. Nhà giảng thuyết nổi tiếng của Mỹ H.Spurgeon đã nói : “Anh em hãy có đức tin. Đức tin nhỏ bé sẽ đưa anh em về Thiên đàng. Đức tin to lớn sẽ đưa thiên đàng đến với anh em.” Rõ ràng cả hai cùng đưa tới một mục tiêu, một cùng đích.

Tại Lộ Đức, người ta thấy bức tượng cẩm thạch tạc một người mù được phép lạ của Đức Mẹ chữa cho sáng mắt. Nhưng bức tượng này không phải do người mù được sáng mắt trở lại dâng tặng tạ ơn, mà do một bà quí phái cho tạc và dựng tại Lộ Đức, với dòng chữ đáng lưu ý : “Tìm lại được đức tin còn vĩ đại hơn là được sáng mắt.” Bà này đã mất đức tin. Tình cờ đi qua Lộ Đức thấy cảnh tượng nhiều người tin tưởng chạy đến với Đức Mẹ, nên bà tìm lại được niềm tin.

Chúng ta những kẻ đến nhà thờ đây, có lẽ không phải là kẻ mất đức tin. Chắc là còn, dẫu một chút như hạt cải. Lời xin của chúng ta sẽ là bắt chước các tông đồ : xin thêm đức tin, đặc biệt trong hai tháng cuối của Năm Thánh Lòng Thương Xót này, để ta có thể tin trọn vẹn, tin hết mình vào Chúa là Đấng giàu Lòng Thương Xót, luôn luôn yêu thương chờ đón chúng ta trở về, để… tha thứ.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 01/10/2016
33. NỀ NẾP XƯA NAY.
Quan trung lang Dương Thục Hiền, nghe nói có tân thái thú cưỡi ngựa đến nhậm chức, bèn mời đội nhạc đến tấu nhạc đón chào, nhạc thơ ca ngợi như sau:
- “Để báo đáp quan sứ, dân chúng yêu cầu làm lễ mừng thật lớn, bởi vì vận xấu đã qua, vận tốt đã đến.”
Tân thái thú rất vui mừng, hỏi bài thơ ca tụng ấy ai làm, các nhạc công trả lời:
- “Đó là nề nếp xưa nay của huyện nhà, chỉ một bài này !”
(Tương Sơn Dã lục)

Suy tư 33:
Đón chào người mới đến nhận chức là việc làm “nề nếp” xưa nay của mọi người, nhất là người đó lại là cấp trên, là thủ trưởng.
Thường thì có những nghi thức rất rầm rộ để đón chào những nhân vật quan trọng, đó chính là “nề nếp” xưa nay của nhân loại. Dù cho anh thích hay không thích người mới tới nhậm chức, thì anh cũng phải tuân theo nề nếp mà cung nghinh họ, đó là chuyện thường tình ở đời, cái thường tình chính là chúng ta dùng những cái nề nếp cũ ấy để đón tiếp người mới, nhưng trong cái thường tình ấy lại có cái mới chính là nội dung của nó, cũng như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối là nề nếp cũ, nhưng thức ăn thì thay đổi mỗi ngày.
Thánh lễ Mi-sa nhìn bên ngoài thì là những nề nếp cũ, người ngoại giáo thì cho là nề nếp cũ không hiểu nỗi, người Công Giáo thờ ơ thì cho là nề nếp cũ, người nhạo báng Thiên Chúa thì cho là nề nếp cũ, người hay phê bình chỉ trích Giáo Hội và chỉ trích các nghi lễ của Giáo Hội cũng cho thánh lễ là nề nếp cũ cần phải sửa đổi.vv...
Ai cũng có lý của họ khi nói thánh lễ là nề nếp cũ.
Nhưng những Ki-tô hữu có-đức-tin thì thấy cái mới trong cái cũ ấy, đó chính là ân sủng của Thiên Chúa, và cái mới nhất chính là cuộc sống của họ đổi thay mỗi ngày trong tình yêu của Chúa khi họ đi dâng thánh lễ, họ thấy cái mới trong cái “nề nếp” cũ của thánh lễ là ở đó, do đó mà họ không hề chỉ trích thánh lễ là cũ rích, họ không phê bình thánh lễ là nhàm chán, là lỗi thời.
Có những lần trong cuộc sống, chúng ta đã coi trọng cái “nề nếp” bên ngoài của thánh lễ, mà không nhìn thấy cái mới bên trong rất đặc biệt của nó, đó chính là những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong thánh lễ. Cái làm nên nề nếp cũ của thánh lễ đầu tiên ấy cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Can-vê, ngày hôm nay vẫn cứ mới và mới mỗi ngày, chúng ta không nhìn thấy hay sao ? Nếu chúng ta không thấy nó mới là vì tâm hồn của chúng ta vẫn cứ theo “nề nếp” cũ của cố chấp, của kiêu ngạo, của ghen ghét mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 01/10/2016

20. Bạn phải dùng lương thực thiên thần như mưa tưới gội bạn, đền bù đủ những gì bạn thiếu sót. (Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô cử hành thánh lễ tại Thủ Đô Georgia
Vũ Văn An
04:34 01/10/2016
Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đánh dấu ngày thứ hai trong chuyến thăm Georgia 2 ngày bằng thánh lễ tại Vận Đồng Trường Mikheil Meskhi ở Thủ Đô Tbilisi.

Trong bài giảng lễ, ngài nói đến tầm quan trọng của phụ nữ, trích dẫn từ các bài viết của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, mà lễ mừng là ngày 1 tháng Mười.

Ngài cũng nói đến sứ mệnh “khẩn cấp” phải mang và tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa. Theo ngài, Giáo Hội là “nhà an ủi”.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

Trong số nhiều kho tàng của xứ sở này, một kho tàng nổi bật là tầm quan trọng của phụ nữ. Như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay, từng viết: “họ yêu mến Thiên Chúa đông hơn đàn ông nhiều” (Tự Truyện, Thủ Bản A, VI). Ở đây, ở Georgia này, có rất đông bà nội bà ngoại và các bà mẹ không ngừng bảo vệ và truyền lại đức tin đã được gieo vãi trên lãnh thổ của Thánh Nino này; và họ mang nước mát trong của lòng Chúa ủi an đến cho man vàn các hoàn cảnh khô cằn và tranh chấp.

Điều trên giúp chúng ta biết đánh giá cao vẻ đẹp của sứ điệp Thiên Chúa trong bài đọc thứ nhất: “Như bà mẹ ủi an con mình, Ta cũng sẽ ủi an con như thế” (Is 66:13). Như bà mẹ vác lấy gánh nặng và âu lo của con cái mình thế nào, Thiên Chúa cũng vác lấy tội lỗi và các rắc rối của ta như vậy. Đấng biết chúng ta và yêu thương ta vô hạn lưu ý tới lời ta xin và lau khô các dòng lệ của ta. Mỗi lần nhìn ta, Người đều xúc động và trái tim Người trở nên dịu dàng, với một tình yêu từ thẳm sâu hữu thể Người, vì dù có thể làm bậy đến đâu, ta vẫn là con cái của Người; Người muốn ôm lấy chúng ta vào cánh tay Người, che chở chúng ta, giải thoát ta khỏi nguy hại và sự dữ. Ta hãy để những lời sau đây của Chúa vang vọng trong trái tim ta: “Như người mẹ uỉ an thế nào, Ta cũng sẽ ủi an con như vậy”.

Giữa các rắc rối ta cảm nghiệm ở trong đời, sự an ủi mà ta cần chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta là nguồn an ủi chân thực, một an ủi cư ngụ trong ta, giải thoát ta khỏi sự dữ, mang lại hòa bình và tăng thêm niềm vui của chúng ta. Vì lý do này, nếu chúng ta muốn trải nghiệm sự an ủi của Người, chúng ta phải nhường đường cho Chúa trong đời sống chúng ta. Và để cho Chúa liên tục cư ngụ trong chúng ta, chúng ta phải mở cửa trái tim của chúng ta ra cho Người và không được để Người ở bên ngoài. Có những cánh cửa an ủi luôn phải được mở ra, vì Chúa Giêsu đặc biệt muốn vào qua chúng: đó là Tin Mừng chúng ta đọc mỗi ngày và mang theo với chúng ta, là lời cầu nguyện thầm lặng của chúng ta trong lúc thờ lạy, trong lúc xưng tội, trong Thánh Thể. Chính qua các cửa này mà Chúa đi vào và ban hương vị mới cho thực tại. Tuy nhiên, khi cánh cửa trái tim ta đóng lại, ánh sáng của Người không thể chiếu vào và mọi thứ đều chìm trong bóng tối. Lúc đó, chúng ta sẽ quen với bi quan, với những điều không đúng, với các thực tế không bao giờ thay đổi. Kết cục, chúng ta sẽ chìm đắm trong nỗi buồn riêng của ta, trong thẳm sâu đau buồn, bị cô lập. Mặt khác, nếu chúng ta mở rộng cửa an ủi, ánh sáng của Chúa sẽ đi vào!

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ an ủi chúng ta trong trái tim của chúng ta mà thôi; qua tiên tri I-sai-a, Người nói thêm: "Ngươi sẽ được an ủi ở Giêrusalem" (66:13). Ở Giêrusalem, nghĩa là, ở kinh thành của Thiên Chúa, ở trong cộng đồng: chính khi chúng ta hiệp nhất, hiệp thông, sự an ủi của Thiên Chúa hành động trong chúng ta. Trong Giáo Hội, chúng ta tìm thấy sự an ủi, Giáo Hội là nhà an ủi: ở đây Thiên Chúa muốn an ủi chúng ta. Chúng ta có lẽ sẽ tự hỏi: Tôi, người đang ở trong Giáo Hội, tôi có mang sự an ủi của Thiên Chúa không? Tôi có biết làm thế nào để chào đón những người khác như khách mời và an ủi những người tôi thấy mệt mỏi và vỡ mộng không? Ngay khi đang chịu đựng hoạn nạn và bị từ chối, người Kitô hữu vẫn luôn được mời gọi mang hy vọng đến tâm hồn những người đã bỏ cuộc, khuyến khích người nản chí, mang ánh sáng của Chúa Giêsu, sự ấm áp của nhan thánh Người và sự tha thứ của Người, một sự tha thứ sẽ khôi phục chúng ta. Vô số người đang bị thử thách và bất công, và sống trong sự lo lắng. Lòng chúng ta cần được xức dầu an ủi của Thiên Chúa, một sự xức dầu không lấy đi các vấn đề của chúng ta, nhưng cho chúng ta sức mạnh để yêu, để chịu đau đớn một cách bình an. Tiếp nhận và mang niềm an ủi của Thiên Chúa: sứ mệnh này của Giáo Hội rất khẩn cấp. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp nhận lời mời gọi này: không tự chôn mình trong những gì sai lầm đang xảy ra xung quanh chúng ta hay buồn rầu vì sự thiếu hòa hợp giữa chúng ta. Không tốt cho chúng ta chút nào khi trở nên quen thuộc với một Giáo Hội "môi trường nhỏ xíu" khép kín; điều tốt cho chúng ta là chia sẻ các chân trời rộng mở cho hy vọng, có can đảm biết khiêm tốn mở cửa lòng chúng ta và đi quá con người chúng ta.

Tuy nhiên, có một điều kiện cơ bản để tiếp nhận sự an ủi của Thiên Chúa, và Lời Người hôm nay nhắc chúng ta nhớ điều này: trở thành nhỏ bé như trẻ em (xem Mt 18: 3-4), được "giống như một đứa trẻ ngủ yên ở vú mẹ" (Tv 130: 2). Để nhận được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cần sự bé nhỏ này trong trái tim: chỉ những em bé mới có thể được ôm ấp trong cánh tay mẹ các em mà thôi.

Chúa Giêsu nói với ta: bất cứ ai trở thành như một trẻ em, " đều là người lớn nhất trong Nước Trời" (Mt 18: 4). Sự vĩ đại thực sự của con người hệ ở việc tự làm mình nhỏ nhoi trước mặt Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không được biết đến qua các ý tưởng lớn lao và các nghiên cứu sâu rộng, mà là qua sự bé nhỏ của một trái tim khiêm tốn và biết tín thác. Để được vĩ đại trước Đấng Tối Cao, ta không đòi phải có hàng đống vinh dự và uy tín hoặc của cải và thành công trần thế, mà đúng hơn, là hoàn toàn tự đổ mình ra. Một đứa trẻ không có gì để cho đi nhưng lại nhận được mọi thứ. Một đứa trẻ dễ bị tổn thương, và phải phụ thuộc vào cha hay mẹ của mình. Người trở nên giống một đứa trẻ thì nghèo trong chính mình nhưng giàu trong Thiên Chúa.

Trẻ em, những chủ thể không gặp khó khăn trong việc hiểu biết Thiên Chúa, nên có nhiều điều để dạy chúng ta: các em nói với chúng ta rằng Thiên Chúa thực hiện nhiều điều lớn lao nơi những người không tạo đề kháng nào cho Người, những người đơn sơ và chân thành, không hai lòng. Tin Mừng cho chúng ta thấy các điều kỳ diệu vĩ đại đã được thực hiện bằng những điều nhỏ mọn ra sao: bằng vài tấm bánh và hai con cá (xem Mt 14: 15-20), bằng một hạt cải nhỏ xíu (Mc 4: 30-32), bằng một hạt lúa mì chết đi trong đất (x Ga 12:24), bằng việc hiến tặng chỉ một ly nước (x Mt 10:42), bằng hai đồng tiền của bà góa nghèo (Lc 21: 1 -4), bằng sự khiêm tốn của Mẹ Maria, tôi tớ của Chúa (Lc 1: 46-55).

Đó là sự cao cả đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy những bất ngờ và yêu thích các bất ngờ: chúng ta hãy luôn luôn giữ cho sống động ước muốn được sự bất ngờ của Thiên Chúa và tin tưởng vào những bất ngờ này! Điều giúp ích chúng ta là nhớ rằng chúng ta luôn luôn và chủ yếu là con cái của Người: không phải chủ nhân ông cuộc sống của chúng ta, mà là con cái của Chúa Cha; không phải những người lớn tự trị và tự túc, mà là những đứa trẻ luôn cần được nâng dậy và ôm ấp, cần tình yêu và tha thứ. Phúc cho các cộng đồng Kitô hữu biết sống sự đơn sơ đích thực này của Tin Mừng! Nghèo trong các phương tiện, nhưng họ giàu trong Thiên Chúa. Phúc cho những Mục Tử nào không đi theo luận lý học thành công của thế gian, nhưng tuân theo luật lệ tình yêu: chào đón, lắng nghe, phục vụ. Phước cho Giáo Hội không phó mình cho các tiêu chí của chủ thuyết chức năng và hiệu năng tổ chức, cũng không lo lắng về hình ảnh của mình. Đoàn chiên nhỏ bé và yêu quí của Georgia, những người hết sức dấn thân cho các công việc bác ái và giáo dục, nhận được sự khuyến khích của Mục Tử Nhân Lành, anh chị em là những người được phó thác cho Đấng vác anh chị em lên vai Người và an ủi anh chị em.

Tôi muốn tóm tắt các suy nghĩ này bằng một vài lời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh chúng ta kính nhớ hôm nay. Thánh nữ cho thấy "con đường nhỏ" của bà dẫn tới Thiên Chúa, đó là "sự tín thác của một bé thơ ngủ thiếp không hề sợ hãi trong vòng tay Cha mình", vì "Chúa Giêsu không đòi hỏi các hành động vĩ đại của chúng ta, nhưng chỉ đơn giản đòi ta phó mình và biết ơn" (Tự Truyện, Thủ Bản B ).

Tuy nhiên, thật không may, như thánh nữ viết hồi đó, và hôm nay, nó vẫn còn đúng, Chúa thấy "ít trái tim biết hoàn toàn phó thác cho Người, hiểu được sự dịu hiền thực sự của tình yêu vô hạn nơi Người" (ibid). Vị thánh trẻ và là Tiến Sĩ Hội Thánh này, đúng hơn, là một chuyên gia trong "khoa học tình yêu" (ibid), và dạy chúng ta rằng "đức ái hoàn hảo hệ ở việc chịu đựng các lỗi lầm của người khác, ở việc không ngạc nhiên trước các điểm yếu của họ, hệ ở việc được xây dựng bởi những hành vi đức hạnh nhỏ mọn nhất mà chúng ta thấy họ thực hành "; thánh nữ cũng nhắc nhở rằng "đức ái không thể ẩn mãi tận thẳm sâu trong trái tim chúng ta" (Tự Truyện, Thủ Bản C). Cùng nhau, tất cả chúng ta hôm nay hãy khẩn cầu ơn có được một trái tim đơn sơ, một trái tim biết tin tưởng và sống trong sức mạnh nhẹ nhàng của tình yêu; chúng ta hãy xin được sống trong sự tín thác bình an và trọn vẹn vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
 
ĐTC Phanxicô viếng thăm nước Georgia
Bùi Hữu Thư
08:33 01/10/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Tbilisi, thủ đô nước Georgia, lúc 3 giờ chiều giờ điạ phương. Đây là điạ điểm đầu tiên của chuyến tông du sang vùng Caucase với chủ đề “Pax Vobis”, lời kêu gọi cho hoà bình trong miền.

Tại phi trường, sau chuyến bay dài 4 tiếng, Đức Thánh Cha được tổng thống nước Công Hoà Georgia là ông Giorgi Margvelashvili và phu nhân đón tiếp, và tháp tùng có Thượng Phụ Công Giáo Georgia, là ngài Beatitude Ilia II. Hai trẻ em mặc quốc phục kính dâng ngài một giỏ trái nho trước sự hiện diện của các giới chức của chính phủ và các đại diện của những tổ chức và cơ quan xã hội dân sự.

Thủ đô nước Georgia có dân số Công Giáo đông nhất, và với khu vực phía nam là nơi có nhiều làng mạc toàn người Công Giáo. Đa số người Công Giáo trong nước theo Giáo Hội La Tinh và Armenia, ngoài ra còn có một cộng đồng nhỏ theo nghi thức Assyria Chalde cũng như có một nhóm di dân mà đa số là người Hoa Kỳ, Âu Châu và Ấn Độ. Tại thủ đô Tbilisi có hai nhà thờ Công Giáo theo nghi thức La tinh: Nhà thờ Chánh Toà Assumption nằm tại trung tâm lịch sử và nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô, nơi có một xứ Truyền Giáo theo Phong Trào Tân Dự Tòng Neocatechumenal gồm có các linh mục, các nhà truyền giáo và giáo dân đã có mặt ngay từ năm 1991

83.9% người Kitô giáo tại Georgia theo Chính Thống, nhưng cũng có một thiểu số người Hồi Giáo, chiếm 9.9%.

Sau một cuộc đàm thoại ngắn với tổng thống Margvelashvili, và phu nhân và thượng phụ trong một căn phòng nhỏ tại phi trưòng, Đức Thánh Cha được đưa đến dinh tổng thống bằng xe hơi nơi ngài đọc diễn văn đầu tiên tại Georgia trước sự hiện diện của các lãnh tụ chính trị và tôn giáo, các thành viên của Ngọai Giao Đoàn, và đại diện của các nền văn hóa quốc tế.

“Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã cho tôi cơ hội để viếng thăm miền đất được chúc phúc này. Đây là nơi có sự trao đổi chính yếu giữa các nền văn hóa và văn minh, ngay từ thời rao giảng của Thánh Nino vào đầu thế kỷ thứ Tư, đã khám phá ra Kitô giáo với căn tính sâu xa nhất và nền tảng vững chắc của các giá trị Kitô. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhận xét khi ngài viếng thăm quốc gia của quý vị: ‘Kitô giáo trở thành hạt giống cho những sự triển nở kế tiếp của nền văn hóa Georgia’, và hạt giống này tiếp tục nẩy sinh hoa trái. Nhắc lại cuộc viếng thăm của quý vị tại Toà Thánh năm ngoái và mối tương quan tốt đẹp với Geogia, tôi chân thành cảm ơn Tổng Thống đã ưu ái mời tôi và đã có những lời đón tiếp nồng hậu thay mặt cho các giới chức chính phủ và nhân dân Georgia”.

“Lịch sử lâu dài nhiều thế kỷ của quốc gia qúy vị cho thấy đã bắt ngưồn từ các giá trị được thể hiện trong nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Điều này nâng cao quốc gia quý vị như nền tảng vững chắc của nền văn minh Âu Châu một cách toàn vẹn và đặc biệt; đồng thời cũng là điều hiển nhiên vì vị thế địa dư của quý vị. Georgia hầu như là chiếc cầu thiên nhiên nối liền Âu Châu và Á Châu, và là phương tiện nối kết việc truyền thông và bang giao giữa các dân nước. Qua nhiều thế kỷ đã hỗ trợ cho việc ngọai thương, đối thọai và trao đổi các tư tưởng và kinh nghiệm giữa các nền văn hóa khác nhau. Như quốc ca của quý vị đã tuyên xưng một cách hào hùng: ‘Phù tiêu của tôi là quê hương tôi,,. Núi non thung lũng được chia sẻ với Thiên Chúa’”.

“Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Georgia và ban cho quốc gia này hoà bình và thịnh vượng!”

Bùi Hữu Thư
 
Diễn Văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Chính Thống Ilia II tại Georgia
Vũ Văn An
18:11 01/10/2016
Thưa Đức Thượng Phụ, quả là một niềm vui lớn lao và một ân sủng đặc biệt được hiện diện với ngài, và với các vị Giáo Đô đáng kính, các Tổng Giám Mục và Giám Mục, thành viên của Thánh Công Đồng. Tôi xin kính chào Thủ tướng Chính phủ và tất cả qúi đại diện thế giới học thuật và văn hóa.

Với chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một vị Thượng Phụ Georgia tại Vatican, ngài đã mở ra một chương mới trong các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo. Vào dịp đó, ngài đã trao đổi với Giám Mục Rôma nụ hôn hòa bình và cam kết cầu nguyện cho nhau. Nhờ cách này, đã có sự tăng cường các mối quan hệ đầy ý nghĩa vốn tồn tại giữa các cộng đồng của chúng ta từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Các dây nối kết này đã được củng cố và được đặc trưng hóa bằng sự thân ái và lòng tôn trọng, hiển hiện trong sự chào đón nồng nhiệt ở đây đối với các phái viên và đại diện của tôi. Các dây nối kết của chúng ta cũng hiển hiện trong các dự án nghiên cứu và tìm tòi đang được theo đuổi tại các Văn Khố Vatican và tại các Giáo Hoàng Đại Học bởi các thành viên tín hữu của Giáo Hội Chính Thống Georgia. Cũng vậy, người ta thấy tại Rôma sự hiện diện của một cộng đồng Georgia được sự hiếu khách của một nhà thờ trong giáo phận tôi; và trong sự hợp tác với cộng đồng Công Giáo địa phương, đặc biệt trên bình diện văn hóa. Như một người hành hương và một người bạn, tôi đã đến lãnh thổ được chúc lành này khi Năm Thánh Thương Xót dành cho người Công Giáo sắp sửa kết thúc. Thánh Gioan Phaolô II cũng đã đến đây thăm viếng, người đầu tiên trong số những người kế vị Thánh Phêrô đã làm vậy trong thời điểm rất quan trọng trước ngưỡng cửa Năm Thánh 2000: ngài đến để củng cố "sợi dây nối kết sâu nặng và mạnh mẽ" với Toà Rôma ( Diễn Văn tại Lễ Chào mừng, Tbilisi, 8 Tháng 11 năm 1999) và để nhắc nhớ "sự đóng góp của Georgia, ngã tư đường cổ xưa của văn hóa và truyền thống, vào việc xây dựng ... một nền văn minh mới của tình yêu" (Bài diễn văn, Cuộc Gặp Gỡ với Đức Thượng Phụ và Thánh Hội Đồng, Tbilisi, ngày 8 tháng 11 năm 1999) là điều cần thiết xiết bao, ở ngưỡng cửa Đệ Tam Thiên Niên Kỷ Kitô Giáo.

Giờ đây, Chúa Quan Phòng cho phép chúng ta gặp nhau một lần nữa, và trước một thế giới khao khát thương xót, hợp nhất và hòa bình, Người yêu cầu chúng ta hăng hái cam kết đổi mới lại cam kết của chúng ta đối với các dây liên kết đang tồn tại giữa chúng ta, mà nụ hôn hòa bình và vòng ôm huynh đệ của chúng ta là một dấu chỉ hùng hồn. Giáo Hội Chính thống Georgia, bắt nguồn từ việc rao giảng của các Tông Đồ, đặc biệt là của Thánh Tông Đồ Anrê, và Giáo Hội Rôma, được thành lập trên sự tử đạo của Thánh Tông Đồ Phêrô, được ban ân sủng để hôm nay đổi mới lại vẻ đẹp của tình huynh đệ tông đồ, nhân danh Chúa Kitô và vì vinh quang của Người. Phêrô và Anrê thực sự là anh em: Chúa Giêsu kêu gọi họ bỏ lưới cá của họ và cùng nhau trở thành những người chài lưới người (xem Mc 1: 16-17). Thưa hiền huynh, chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng ta một lần nữa, chúng ta hãy, một lần nữa, trải nghiệm sự hấp dẫn trong lời ngài kêu gọi ta từ bỏ mọi sự, vốn ngăn cản ta cùng nhau tuyên xưng sự hiện diện của Người.

Trong việc này, chúng ta được nâng đỡ bởi tình yêu vốn đã biến đổi cuộc sống của các Tông Đồ. Đây là một tình yêu vô sánh, một tình yêu mà Thiên Chúa vốn nhập thể: "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu" (Ga 15:13). Chúa đã ban tình yêu này cho chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x Ga 15:12). Về phương diện này, như thể nhà thơ vĩ đại của lãnh thổ này, Shota Rustaveli, muốn ngỏ với chúng ta một số lời nổi tiếng của ông: "Các bạn có đọc thấy các Tông Đồ đã viết thế nào về tình yêu, đã nói thế nào, đã khen ngợi nó ra sao không? Hãy biết tình yêu này, và hướng tâm trí vào những lời này: tình yêu nâng chúng ta lên "(Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 791). Thực thế, tình yêu của Chúa nâng chúng ta lên, vì nó cho phép chúng ta vượt lên trên những hiểu lầm trong quá khứ, lên trên các tính toán của hiện tại và các lo sợ đối với tương lai.

Người dân Georgia, qua nhiều thế kỷ, đã làm chứng cho sự vĩ đại của tình yêu này. Trong tình yêu này, họ đã tìm thấy sức mạnh để đứng lên một lần nữa sau vô số thử thách; chính trong tình yêu này, họ đã đạt tới tuyệt đỉnh của vẻ đẹp nghệ thuật phi thường như một trong các nhà thơ vĩ đại của ngài đã viết: Không có tình yêu, "không có mặt trời cai trị trên vòm trời" và "không có vẻ đẹp cũng như sự bất tử nào" cho con người (Galaktion Tabidze, Nếu Không Có Tình Yêu). Trong tình yêu có chính lẽ hiện hữu của vẻ đẹp bất tử trong di sản văn hóa của ngài được thể hiện rất nhiều cách khác nhau, như trong âm nhạc, hội họa, kiến trúc và khiêu vũ. Ngài, thưa hiền huynh thân mến, ngài đã đem lại một biểu thức xứng đáng cho nền văn hóa của ngài một cách đặc biệt qua các soạn phẩm nổi bật của ngài về thánh ca, một số thậm chí bằng tiếng Latinh và rất được trân quý trong truyền thống Công Giáo. Các soạn phẩm này làm giàu kho tàng đức tin và văn hóa của ngài, vốn là một món quà độc đáo tặng cho Kitô giáo và nhân loại; món quà này xứng đáng được biết đến và đánh giá cao bởi mọi người.

Lịch sử vẻ vang của Tin Mừng trên lãnh thổ này mang ơn một cách đặc biệt nơi Thánh Nino, người vốn được coi ngang hàng với các tông đồ: ngài truyền bá đức tin với một hình thức thánh giá đặc biệt làm bằng cành nho. Thánh gía này không trơ trụi, vì hình ảnh cây nho, ngoài việc sinh nhiều hoa trái nhất ở lãnh thổ này, còn đại diện cho Chúa Giêsu. Thực vậy, Người là "cây nho thật"; Người yêu cầu các tông đồ của Người phải ghép vững vàng vào Người, hệt như các chòi non, để sinh hoa kết quả (x Ga 15: 1-8). Để Tin Mừng có thể đơm hoa kết trái cả trong thời ta, thưa người anh em thân yêu, chúng ta được yêu cầu ở lại vững vàng trong Chúa và kết hợp với nhau hơn nữa. Vô số các vị thánh, những vị mà đất nước này có nhiều, khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên hết và truyền bá Tin Mừng như trong quá khứ, thậm chí nhiều hơn thế nữa, không bị hạn chế bởi thành kiến nhưng mở lòng ra đón nhận tính mới mẻ trường cửu của Thiên Chúa. Ước chi các khó khăn không phải là trở ngại, nhưng đúng hơn là kích thích để hiểu nhau nhiều hơn, để chia sẻ nhựa sống quan trọng của đức tin, để tăng cường việc cầu nguyện cho nhau và để hợp tác vào việc bác ái tông đồ trong chứng tá chung của chúng ta, để vinh danh Thiên Chúa trên trời và phục vụ hòa bình dưới đất.

Người dân Georgia thích lễ lạc, với hoa trái cây nho, họ chúc nhau những giá trị quý giá nhất của họ. Tham dự vào việc tôn vinh tình yêu của họ, tình bằng hữu được dành cho một vị trí đặc biệt. Nhà thơ đã nhắc nhở chúng ta: "Ai không tìm kiếm một người bạn là kẻ thù của chính mình" (Rustaveli, Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 854). Tôi muốn là một người bạn thật sự của lãnh thổ này và nhân dân thân yêu của nó, những người không quên sự thiện họ đã nhận được và lòng hiếu khách độc đáo của họ đã kết hợp mật thiết với lối sống tràn trề hy vọng chân thật, mặc dù không các thiếu khó khăn. Thái độ tích cực này cũng tìm thấy nguồn gốc của nó trong đức tin, một đức tin luôn dẫn dắt người Georgia, khi tụ tập quanh các chiếc bàn của họ, để khẩn xin hòa bình cho mọi người, và tưởng nhớ cả các kẻ thù của mình.

Bằng các phương tiện hòa bình và tha thứ, chúng ta được kêu gọi vượt thắng các kẻ thù đích thực của chúng ta, những kẻ thù không phải là máu thịt, mà đúng hơn là thần dữ ở bên ngoài và ở bên trong chính chúng ta (Eph 6:12). Lãnh thổ được chúc phúc này rất giàu các anh hùng dũng cảm, luôn sống phù hợp với Tin Mừng, những người như Thánh George biết phải đánh bại cái ác cách nào. Tôi nghĩ đến nhiều đan sĩ, và đặc biệt là nhiều vị tử đạo, mà cuộc sống đã chiến thắng "bằng đức tin và sự kiên nhẫn" (Ioane Sabanisze, Tuẫn Đạo Tại Abo, III): các ngài đã bước qua các máy ép nho đau đớn, trung thành kết hợp với Chúa và do đó, mang hoa trái Vượt Qua lại cho Georgia, tưới gội lãnh thổ này bằng máu của họ, đổ ra vì tình yêu. Uớc mong lời chuyển cầu của các ngài mang lại trợ giúp cho nhiều Kitô hữu mà ngay hôm nay đang chịu bách hại và vu khống, và ước mong các ngài có thể tăng cường trong chúng ta khát vọng cao quý được hợp nhất một cách huynh đệ trong việc công bố Tin Mừng hòa bình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đồng Đăng: Thánh lễ mừng Bổn mạng và ban Bí tích Thêm Sức
Giuse Trần Ngọc Huấn
13:53 01/10/2016
Giáo xứ Đồng Đăng: Thánh lễ mừng Bổn mạng và ban Bí tích Thêm Sức

Niềm vui hồng ân tràn ngập trên cộng đoàn Giáo xứ Đồng Đăng, thuộc Giáo hạt Lạng Sơn, trong ngày 01 tháng 10 này, khi được đón Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri – Vị Chủ Chăn của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, tới thăm mục vụ và chủ sự Thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Bổn mạng của Giáo xứ và ban Bí tích Thêm Sức cho 13 em thiếu nhi trong Giáo xứ.

Xem Hình

Niềm vui ấy thể hiện trên khuôn mặt của mọi thành phần Dân Chúa hiện diện khi Đức Cha Giuse tới Thánh đường giáo xứ vào lúc 9 giờ 30 sáng. Cha Phêrô Đỗ Văn Tín thay mặt cộng đoàn dâng tặng Đức Cha vòng hoa tươi thắm. Sau khi Đức Cha hôn kính Thánh giá và rảy Nước Thánh, cộng đoàn cùng tiến vào Thánh đường để cầu nguyện cho ngài và với ngài.

Đúng 10 giờ, Thánh lễ đồng tế mừng kính Bổn mạng Giáo xứ Đồng Đăng được cử hành do Đức Cha Giuse chủ sự cùng với quý Cha trong Giáo phận. Tham dự Thánh lễ có quý nữ tu, Hội đồng mục vụ và anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ. Đặc biệt, hôm nay, giáo xứ có 13 em thiếu nhi được lãnh Bí tích Thêm Sức. Đây là đợt Thêm Sức có số em lãnh nhận đông nhất từ trước đến nay của Giáo xứ - theo cha Phêrô chính xứ cho biết.

Trong lời ngỏ với cộng đoàn đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse bày tỏ sự cảm kích của ngài khi đến thăm mục vụ giáo xứ Đồng Đăng trong ngày hồng phúc hôm nay. Ngài nhắc đến những ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, không chỉ mừng kính Thánh nữ Têrêsa là bổn mạng giáo xứ, nhưng còn là ngày hồng ân lãnh nhận Chúa Thánh Thần của các em thiếu nhi trong giáo xứ, ngày hiệp thông cùng Hội Thánh mừng Bổn mạng xứ Truyền giáo và cũng là cầu nguyện cho việc truyền giáo trong toàn thể Hội Thánh, cách riêng tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng này. Ngài mời gọi cộng đoàn hãy chiêm ngắm và noi gương đời sống tu đức và thiêng liêng của Thánh nữ bổn mạng, nhiệt thành sống đức tin, yêu mến Thiên Chúa, gắn bó mật thiết với Hội Thánh và hăng say loan báo Tin Mừng cho mọi người xung quanh.

Đức Cha Giuse tiếp tục khai triển các ý nghĩa trên đây trong bài chia sẻ Tin Mừng của ngài trong Thánh lễ. Ngài nhấn mạnh đến gương sáng nên thánh bằng con đường thơ ấu thiêng liêng của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Qua những việc nhỏ bé nhưng được thực hiện với một tình yêu lớn lao, Têrêsa đã thánh hóa bản thân và mỗi ngày nên Thánh hơn. Mỗi người chúng ta cũng hay chu toàn những bổn phận thường nhật của mình, dù lớn dù nhỏ, với một lòng yêu mến và nhiệt tâm nhiệt tình thì cũng là chúng ta noi gương Thánh nữ, tưng bước nên Thánh và đến gần Chúa hơn.

Nhắn nhủ với các em lãnh Bí tích Thêm Sức hôm nay, Đức Cha mời gọi các em hãy ý thức về hoạt động mạnh mẽ và sống động của Chúa Thánh Thần trong hành trình đời sống đức tin của các em. Hãy mang lấy lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần để làm cho đời sống đạo luôn nồng nàn một tinh thần mới, một sức sống mới, một nhiệt huyết mới để sống đức tin và loan truyền Phúc Âm cho mọi người. Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn ngập tâm hồn các em và biến đổi các em nên những chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa dòng đời.

Đức Cha kết thúc bài giảng, ngài mời gọi toàn thể cộng đoàn noi gương Thánh nữ Têrêsa luôn yêu mến và gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và Hội Thánh, luôn ý thức và nỗ lực trong việc thực thi sứ mệnh truyền giáo. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, với sự chuyển cầu của Thánh nữ Têrêsa, tin chắc rằng mỗi người sẽ trở nên khí cụ của Tình Yêu Chúa cho mọi người.

Nghi thức ban Bí tích Thêm Sức được cử hành sốt sắng ngay sau bài giảng của Đức Cha chủ sự. Sau khi tuyên xưng Đức Tin, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh xin ơn Chúa Thánh Thần. Đức Cha Giuse long trọng đọc lời nguyện và xức dầu Thánh (SC) cho các em lãnh Bí tích.

Trước khi Thánh lễ kết thúc, một vị đại diện cho Giáo xứ bày tỏ tâm tình tri ân cảm tạ Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn nhân ngày lễ đặc biệt hôm nay. Cộng đoàn giáo xứ dâng tặng những tâm tình tri ân và yêu mến lên Đức Cha, cha xứ qua bó hoa tươi thắm.

Thánh lễ kết thúc với Phép lành của Đức Cha chủ sự “nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phalô”. Cộng đoàn hân hoan tạ ơn Thiên Chúa và chia sẻ niềm vui trong ngày hồng phúc.

Giuse Trần Ngọc Huấn – BTT.GPLSCB
 
Giáo khu Teresa Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
15:04 01/10/2016
Melbourne, Thánh lễ vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy 1/10/16 Tại Trung tâm Vinh Sơn Liêm, Giáo khu Teresa thuộc Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm hân hoan mừng kính Thánh Nữ Teresa là Thánh bổn mạng của giáo khu.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn dâng lễ, hợp một lòng với Giáo khu và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa thuộc trung tâm, và được Ca đoàn Vô Nhiễm với lời ca, tiếng hát dâng lên Thiên Chúa và ca khen vị Thánh nữ đã giúp cho thánh lễ thêm phần sốt mến và long trọng hơn.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật XXVII Thường niên, Linh mục chủ tế đã vui khi bài lời Chúa hôm nay lại nói về đức tin có sẵn trong mọi người chúng ta. Đức tin giúp chúng ta làm được mọi việc. Và Gương Thánh Nữ Teresa, vị Thánh nhỏ bé mà Giáo khu nhỏ bé nhất trong Cộng Đoàn vinh dự được chọn làm bổn mạng, Ngài là quan thầy luôn chỉ lối dẫn đường để Giáo khu mỗi ngày một lớn hơn lên.

Sau thánh lễ, trước khi ban phép lành, ông Trương Văn Công trưởng giáo khu đã lên cám ơn Linh mục quản nhiệm, ban mục vụ, các hội đoàn, đoàn thể, Ca đoàn Vô Nhiễm và toàn thể cộng đoàn đã đến hợp cùng giáo khu dâng lễ tạ ơn. Trong phần đáp từ, Linh mục Quản nhiệm đã nói: Thiên Chúa luôn luôn chọn những điều nhỏ bé, đơn sơ để làm nên những điều diệu kỳ. Giáo khu Teresa tuy có số người ít ỏi, nhưng sống trong khu vực có nhiều cái lớn giúp giáo khu hoạt động dễ dàng.

Mặc dù mang danh là Giáo khu nhỏ bé cả về diện tích lẫn nhân số, nhưng tấm lòng và tinh thần của Giáo khu thật không nhỏ, nên Giáo khu đã tổ chức một bữa tiệc mừng để cảm tạ Thiên Chúa qua sự cầu bầu và phù trợ của Thánh Nữ, đã ban cho Giáo khu ơn bình an trong thời gian đã qua. Bữa tiệc tại hội trường của trung tâm thật đông vui, nói lên tinh thần đoàn kết và gắn bó mọi người trong cộng đoàn trong tình yêu Thiên Chúa và Thánh Teresa Hài Đồng.
 
Mừng Bổn Mạng và Ngân Khánh Curia Nữ Vương Mân Côi Sydney
Diệp Hải Dung
18:17 01/10/2016
Mừng Bổn Mạng và Ngân Khánh Curia Nữ Vương Mân Côi Sydney

Sáng thứ Bảy 01/10/2016 các anh chị em Legio Mariae Curia Nữ Vương Mân Côi Tổng Giáo Phận Sydney đã đến nhà thờ St Therese Lakemba tham dự Thánh Lễ mừng kính Nữ Vương Mân Côi Bổn Mạng và kỷ niệm Ngân Khánh 25 năm của Curia.

Xem Hình

Mọi người tập đều tập trung trong khuôn viên trường học nhà thờ Lakemba. Cha Paul Văn Chi Linh Giám Curia Nữ Vương Mân Côi Tổng Giáo Phận Sydney dâng hương kiệu Thánh Tượng Đức Mẹ và mọi người dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi mùa Vui, đồng thời kiệu cung nghinh Thánh Tượng Mẹ rước vào nhà thờ, cuộc kiệu rất trật tự nghiêm trang và sốt sắng.

Khi kiệu Thánh Tượng Đức Mẹ an vị trên cung Thánh, anh Hà Pi Liến, Trưởng Curia, thay mặt Hội Đồng Quản Trị Curia tuyên đọc tiểu sử thành lập của Legio Mariae Curia Nữ Vương Mân Côi Tổng Giáo Phận Sydney và đồng thời trình chiếu những hình ảnh sinh hoạt của Legio Mariae Sydney từ năm 1991 – 2016 trên màn ảnh Projector do Cha Paul Văn Chi hướng dẫn. Sau đó tất cả các Đội Trưởng của những Preasidia các Giáo Đoàn lên dâng Mẹ đóa Hoa Thiêng để tỏ lòng biết ơn và sùng kính Mẹ. Thánh Lễ Tạ Ơn khai mạc, Cha Paul Văn Chi giới thiệu qúy Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm, Cha Cựu Linh Giám FX. Nguyễn Văn Tuyết, Cha Cựu Linh Giám Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha Cựu Linh Giám Liên Bang Úc Châu Giuse Mai Văn Thịnh và Cha Gary Rawson Chính xứ cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói về sứ mệnh phục vụ và truyền giáo của Legio Mariae và Curia Nữ Vương Mân Côi đang làm việc âm thầm với 1531 Hội viên tại Sydney. Để chúng ta sống bằng phục vụ khi đi công tác và chính Đức Kitô đã mời gọi chúng ta: "Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ."…Mẹ Maria Nữ Tướng Legio Mariae của chúng ta cũng vậy. Mẹ cũng sống và phục vụ. Mẹ cũng đã sống với hai tiếng Xin Vâng để phục vụ trong cuộc sống…Trải dài qua 25 năm phục vụ trong vai trò của Hội Viên Legio Mariae, chúng ta cùng Mẹ, Với Mẹ, Trong Mẹ, và Vì Mẹ lên đường thực hiện công tác Tông đồ phục vụ và truyền giáo của chúng ta..

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Chị Amy Zuschman, Trưởng Senatus Sydney ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng và Ngân Khánh 25 Năm Thành Lập Legio Mariae Tổng Giáo Phận Sydney…Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney thay mặt Cộng Đồng cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Legio Mariae và kỷ niệm 25 Năm Ngân Khánh. Sau cùng anh Hà Pi Liến Trưởng Curia Nữ Vương Mân Côi Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh Lễ mừng kính Bổn Mạng của Legio Mariae Sydney nhân kỷ niệm 25 Năm thành lập. Sau đó Thánh Lễ kết thúc, mọi người cùng Mẹ qua bên hội trường của nhà thờ tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng và Ngân Khánh Curia Nữ Vương Mân Côi Tổng Giáo Phận Sydney.

Diệp Hải Dung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quỳnh Lưu, tiếng thét vỡ bờ!
Bảo Giang
08:14 01/10/2016
Quỳnh Lưu, tiếng thét vỡ bờ!

Sau ngày di cư, tôi lớn lên từ cơm gạo miền nam. Ở đó, dù có đi đến bất cứ nơi đâu. Từ rừng hoang núi thẳm đến sông ngòi, biển cả hay giữa đô thị, phố xá, tôi như nhiều người, vẫn nhớ về đất bắc. Hơn thế, đều ước mong có hoà bình để được về sống, về thăm lại nơi mình đã cất tiếng khóc chào đời. Rủi thay, ước mong chẳng đến. Tệ hơn, đất nước lại rơi vào tay Việt cộng. Từ đó, dù nhớ, dù vấn vương, tôi chưa một lần trở về chốn xưa. Tuy thế, quê hương vẫn không bao giờ là một mờ khuất, xa lạ. Trái lại, thật gần gũi. Gần như hơi thở, như cuộc sống của mình.

Đất bắc trong tôi là thế. Niềm vương không bao giờ dứt. Quỳnh Lưu cũng chẳng là xa lạ, dù tôi chỉ được nghe và biết về Quỳnh Lưu khi đến trường và qua sách báo. Vậy mà Quỳnh Lưu đã chiếm lấy tôi. Hơn thế, chiếm lấy cả hơi thở trong tâm hồn Việt Nam!

… Trời Hà Nội mưa rơi lất phất,

Bước chân người mờ khuất Sơn Tây.

Quỳnh Lưu giữa chốn trùng vây,

Nước non chẳng mất một bầy chim khôn! (Tình Nước)

1. Quỳnh Lưu và cuộc nổi dậy năm 1956.

Ai cũng biết, cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào năm 1956 là một cuộc đấu tranh đẫm máu chống lại chính sách cai trị dã man, tàn bạo nếu như không muốn nói là bất lương, vô đạo của tập đoàn CS Hồ chí Minh. Trong đó, sách lược Cải Cách Ruộng Ðất với khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào, đào tận gốc trốc tận rễ” do Hồ chí Minh tung ra đã là nguyên nhân chính yếu làm bùng nổ cơn phẫn nộ trong chết chóc của người dân. Đó cũng chính là lý do, đến nay chẳng còn ai trong chúng ta chưa nghe về cuộc “đứng dậy” của nông dân Quỳnh Lưu diễn ra vào tháng 11/1956.

Sách vở còn ghi, sau khi chiếm được miền bắc, HCM đã phóng tay mở cuộc gọi là “Cải Cách Ruộng Đất”. Đó là một cuộc cải cách đẫm máu Việt Nam theo chỉ đạo của Trung cộng. Kết qủa, sau hơn hai năm thi hành nó buộc phải ngưng lại nửa vời vì sự phản kháng mãnh liệt cuả người dân. Tuy bị ngưng lại nửa vời, cuộc đấu tố mà HCM công bố là “long trời lở dất” cũng đã đem đến cái chết cho hơn 172000 ngàn người dân Việt Nam. Họ bị giết bằng muôn thứ cực hình khác nhau. Người bị chém đầu, kẻ bị bắn. Lại có người bị treo ngược lên xà nhà, bị đánh đập, tra tấn, bị vất trong chuồng trâu, chuồng bò, nơi nhà xí của Ủy Ban hành chánh, mà chết. Họ chết trong tang thương, không một áo quan, không một vành khăn tang. Chỉ có tiếng khóc nghẹn ngất trời!!

Những tiếng khóc uất nghẹn này bắt đầu bộc phát từ đường dao mã tấu của Hồ chí Minh riêng tặng cho bà Nguyễn thị Năm, một người đã bỏ ra hàng trăm lượng vàng trợ giúp kháng chiến chống Pháp! Kết qủa, xác của bà được CS gói trong một cái áo quan, mô tả là “ Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô “ Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng lọt vào, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…. ,”( Đèn Cù, Trần Đĩnh). Riêng Hồ chí Minh nhờ đó mà ngoi lên với tiếng tăm bắt đầu lừng lẫy!

Rõ ràng, đoạn tường thuật này chẳng đem lại một chút niềm vui, hay vinh dự nào cho tập đoàn Việt cộng. Trái lại, nó trở thành bản án cho những kẻ liên can đến việc giết bà. Trước đây, báo chí, sách vở chính thống của nhà nước Việt cộng, do chính những quan chức lớn nhất đều viết, đều xác nhận cái chết của bà không có liên hệ đến HCM. Hơn thế, còn vẽ ra hình ảnh “HCM muốn cứu cũng đành bó tay vì người kết luận là do quan cán Trung cộng”. (Hoàng Tùng)

Nay, dưới ngòi bút của chính người viết bài tưòng thuật vụ án lúc bấy giờ để làm đề mục phát động cho phong trào đấu tố, hẳn nhiên là một soi sáng cho công luân. Trần Đĩnh kể “ Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh (Đặng xuân Khu) chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn thị Năm- Cát hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ “ (Đèn Cù ). Chuyện “ phát pháo mở đầu” này tưởng là vĩnh viễn trong mộ tối không một ai hay biết. Nay, Trần Đĩnh đã vì tiếng nói của người, của Công Lý, của Lương Tâm, chính thức công khai sự việc tại chỗ khi xử bà Nguyễn thị Năm là: “ Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” ( Đèn Cù).

Thử hỏi xem, sự việc “ Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt” có ý nghĩa gì? Có phải tác gỉa chỉ cho chúng ta thấy ý chí giết người của Hồ chí Minh là không thể ngăn cản và cũng vô cùng độc ác, tàn bạo bất lương không? Gọi là bất lương vì trước đó, Y đã viết bài vu cáo tội chứng “địa chủ ác ghê” để làm nền, định hướng cho cuộc đấu tố này. Nay Y còn đích thân “bịt râu che mặt” đến dự khán, chẳng lẽ là tình cờ ư? Hỏi xem, có một kẻ nào dám làm khác với ý định giết người của HCM trong khi Y che mặt đứng nhìn hay không?

Thử hỏi xem, một ân nhân vĩ đại của chính Hồ chí Minh và của nhiều nhân vật chóp bu trong hàng ngũ CS như Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê đức Thọ, Lê thanh Nghị… mà chúng đối xử như thế, người dân Việt sẽ ra sao? Câu trả lời xem ra có sẵn đây. Chuyện có hàng trăm ngàn gia đình phải lao đao khi bị liệt vào danh sách “ Trí phú địa hào”, bị đấu tố tại chỗ chẳng có gì là lạ. Trường hợp, nếu có người thoát chết vì chưa đạt tiêu chuẩn có năm ba sào ruộng và dàn trâu cày, được đưa đi cải tạo ở Cao Bắc Lạng phải được coi là ngoài ý muốn của “bác, đảng” mà thôi!

Chuyện là thế, 60 năm đã trôi qua, CS vẫn không dám công bố danh sách chính xác về tổng số người đã bị chúng giết hay bị đưa đi lao động khổ sai. Người ta chỉ ghi nhận được con số nổi là 172000 người đã bị giết. Trong số đó có nhiều sỹ quan, công chức và binh lính đã theo Việt Minh kháng Pháp. Điều này cho thấy, Cộng sản là kẻ đã tạo nên một vết thương không bao giờ có thể lành trên phần đất này. Đó cũng là lý do gải thích tại sao giữa lúc Hồ chí Minh say máu giết ngừơi trong mùa đấu tố. Cuộc nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu, Nghệ An đã nổ ra. Nổ ra như một mốc điểm bất ngờ, đặc biệt, đầy ý nghĩa.

Trước hết, Nghệ An thường được cho là quê quán của Hồ Quang cũng gọi là Hồ chí Minh. Tuy nhiên, thay vì “ vinh quy bái tổ”, Hồ chí Minh dùng đà đao “ đã chi thị cho các sư đoàn Nam Bộ Tập Kết vào cuộc đàn áp, giết và đày ải hơn 6.000 nông dân Qùnh Lưu. Đồng thời, bưng kín mọi tin tức liên quan đến cuộc nổi dậy này”. Với khẩu lệnh này, CS đã dập tắt ngọn lửu nổi dậy ở Quỳnh Lưu, nhưng cho đến nay vẫn không có con số chính thức về số thương vong của dân chúng trong cuộc Nông Dân nổi dậy ở Quỳnh Lưu. Thay vào đó, chỉ có kết toán ngoài lề số người bị CS giết là hơn 1000!

2. Tại sao Quỳnh Lưu lại bị tàn sát?

Câu chuyện Quỳnh Lưu bị tàn sát được bắt đầu bằng một lý do rất đơn giản. Toàn thể nhân dân thuộc tỉnh Nghệ An, gồm đủ mọi thành phần giai cấp ở các xã Quang Trung, Tân Nho, Diễn Tân, Vạn Kim, Diễn Ðức, Diễn Ðông, Diễn Nguyên, Minh Châu, Ðức Vinh, Hồng Thăng, Ðại Gia, Yên Trung đã tham gia vào một đại hội tố cáo chính sách cai trị tàn ác của CS. Trong đó, phản kháng “cải cách ruộng đất” là một đích điểm. Để phát động phong trào phản kháng, người dân trong vùng đã tổ chức một đại hội. Trong đại hội, Ban Tổ Chức còn mời cán bộ cấp tỉnh, huyện trong vùng đến tham dự hội nghị và chứng kiến tinh thần tranh đấu cho Tự Do của người dân. Kết quả, Hội Nghị đã đưa ra những yêu cầu sau:

-“Yêu cầu trả lại cho chúng tôi những vị linh mục chánh sở và tất cả những vị giáo sĩ bị bắt bớ giam cầm.

- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi xác các vị linh mục đã bị hành quyết và của những vị đã bị thủ tiêu.

- Yêu cầu trả lại những tài sản của địa phận, của thánh đường, của Ðức Mẹ đã bị chính quyền tịch thu hoặc xung công.

- Yêu cầu đền bồi thanh danh của các giáo sĩ đã bị nhục mạ và danh dự của các giáo hữu đã bị vu khống.”

Để trả lời cho công nghị, “dưới cơn mưa phùn lất phất cuối đông, cảnh tượng bi hùng đã diễn ra ở một trận địa giữa 10.000 nông dân và 2 vòng trong ngoài đầy những công an và bộ đội. Tờ mờ sáng ngày 11/11/1956, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu Xã Diễn Châu. Có đến hơn 30.000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của CS, trở thành một vòng bao vây thứ tư. Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên” (Cam Ninh). Trong tình thế này, CS đã tìm cách liên lạc với Giám mục Trần Hữu Ðức, cậy nhờ ông giúp ổn định lại tình hình. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời: “Tôi không biết về vấn đề chính trị, vì tôi là một nhà tu hành”. Kết qủa, bạo động đã xảy ra. Tiếng súng và lựu đạn nổ vang trời, từng cuộn khói dâng cao như đưa người vào một cuộc chinh chiến lớn với khát vọng chưa dừng.

Đến ngày 13/11/1956, một cuộc biểu tình tuần hành khắp phố với sự tham gia của gần 100.000 đồng bào Nghệ An nổ ra. Từ đây, bài hát “Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa” như ý chí của đồng bào vang lên và truyền đi khắp nơi. Hòa với những đợt trống, mõ vang rền trong trời đất, tiếng người ngân vang theo nhịp bước không rời:

“Anh đi giết giặc lập công.

Con thơ em gửi mẹ bồng

Ðể theo anh ra tiền tuyến

Tiêu diệt đảng cờ Hồng

Ngày mai ta về giải phóng

Tha hồ ta bế ta bồng con ta..”. (Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu, Nghệ An, Cẩm Ninh).

Lời ca vang là thế. Ý chí của người đi vì nước là thế. Tuy nhiên, kẻ đối nghịch với bước đi nhân bản trong lòng dân Việt lại khác. Ngày 14/11/1956, Hồ chí Minh ra lệnh cho Văn Tiến Dũng đưa Sư đoàn 312 vào trận địa với lệnh triệt hạ Quỳnh Lưu. Khi trận chiến kết thúc, VC đã tràn vào các làng Thanh Dạ, Song Ngọc, Cẩm Trường tàn xát và bắt tất cả già trẻ lớn bé giải đi. Kết qủa, CS đã hoàn toàn thất bại vì không tìm ra được thủ lãnh của cuộc nổi dậy. Lý do, các cụ gìa của hôm nay, là những em bé năm xưa bảo rằng: “bất cứ ai, kể cả các em thiếu nhi đều tự xưng là người lãnh đạo cuộc cách mạng, chúng chẳng làm gì được chúng tôi!”. Tuy nhiên, đã là CS thì không thể về tay không. Chúng đã bắt Linh mục Hậu và Linh mục Ðôn của 2 xứ Cẩm Trường và Song Ngọc mang đi. Câu chuyện bạo tàn ấy đến nay chưa một người Việt Nam nào quên, nói chi đến dân Quỳnh Lưu!

3. 60 năm sau, lại cũng Quỳnh Lưu!

Chuyện như trên, tưởng là đã bỏ quên hoặc là dĩ vàng. Không ngờ, hôm qua chiêng trống lại rền vang Quỳnh Lưu. Triệu triệu đôi mắt ở khắp mọi nơi cùng mở to, nhìn về nơi có hàng ngàn, hàng vạn bước chân người lên đường, hỏi nhau:

- Họ là ai? Chuyện gì đã xảy ra?

- Gớm thật, lại là Quỳnh Lưu. Họ đi kiện Formosa triệt hạ môi trường sống của VN. Họ đi cứu biển. Mở đường cứu non sông chăng?

Câu trả lời ngắn, gọn. Những đôi mắt kinh ngạc lẫn kính phục mở ra. Đến khi nhìn rõ toàn bộ vấn đề. Mọi người như đồng thuận với nhau một điều là. Họ là những thiên binh, là những người lính tiền phương, đang đội trời để cứu lấy quê hương Việt Nam. Lần trước cha ông họ đã bị vùi dập. Hôm nay, những bước chân vững chãi của họ lại tiến lên. Đường sẽ nở hoa và đất nước này sẽ bước vào một cuộc sống mới ư? Cuộc sống trong tình người sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt rêu mốc và ác độc của xã hội CS tại Việt Nam chăng? Hay cờ Tàu vẫn ngạo nghễ trên quê hương Việt Nam sau những bước đi này? Dĩ nhiên câu trả lời không phải từ người dân Qunỳh Lưu. Nhưng là từ chúng ta, thuộc về chúng ta, những người còn mang trong mình giòng máu Việt Nam. Tại sao? Rất đơn giản, người dân Quỳnh Lưu đã lên đường rồi.

Hôm ấy, ngày 25-9-2016 dưới sức ép không thể cản, cánh cừa của nơi gọi là tòa án, nơi được coi là soi dọi cho Công Lý đã được mở ra. Mở ra để tiếp nhận hơn 500 hồ sơ khiếu nại của người dân thay vì cảnh người dân được đón tiếp bằng báng súng, lựu đạn và còng sắt như xưa.

Kế đến, LM Đặng hữu Nam, người cùng đi với đồng bào đã không bị bắt như LM Hậu, LM Đôn xưa kia. Trái lại, ông trở thành người chủ trì cho cả đôi bên. Cái loa trên tay ông như mệnh lệnh cho cánh cổng khép kín của tòa án phải mở ra. Đồng thời cũng là lệnh truyền cho đồng bào giữ nghiêm trang trật tự trong lúc tiếp cận với công quyền. Kết quả, chẳng có một quan quyền nào ra tiếp dân. Chỉ có tiếng của ông oang oang giữa quảng trường như nhắn nhủ như dặn dò. Cuối cùng, lại cũng chính ông làm dấu, rồi thản nhiên mời mọi người cùng hoa ca Kinh Hòa Bình giữa quảng trường của tòa án. Lạ, qúa lạ! Lời Kinh Nguyện, tiếng ca Hòa Bình càng lúc càng nối tiếp, vang xa. Xem ra đây là sự kiện khác biệt với chuyện của 60 năm về trước, nếu như muốn nói là chưa bao giờ có.

Chuyện gì sẽ đến? Dĩ nhiên, chẳng ai có thể dự đoán là chuyện gì sẽ đến. Chỉ thấy sau bước chân của ông và của đồng bào Quỳnh Lưu, bản tin từ TAND Kỳ Anh cho biết, “đến chiều nay, tòa án đã tiếp nhận hơn 500 lá đơn của ngư dân yêu cầu khởi kiện FHS, đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra sau sự cố môi trường khiến họ gặp khó khăn trong khai thác thủy hải sản, làm muối, mắm...”

4. Chuyện Quỳnh Lưu đưa ta về đâu?

Ai cũng thấy là trước mặt chúng ta có hai hướng đi:

1/ Sẽ cùng bước không ngừng để đưa đất nước và dân tộc vào một vận hội mới không còn phải treo cờ Phúc Kiến trước cửa nhà.

- Phải. Nếu mọi người cùng đứng dậy, nối vòng tay với Qùynh Lưu như lời mời gọi chân tình của Quỳnh Lưu, cũng như theo lời mời gọi của TGM Ngô quang Kiệt khi ông đến thăm đồng bào thì mọi thống khổ, mọi bất công đều qua đi. Bởi vì“các giáo xứ ở khu vực chỉ là chất men để hợp nhất. Các giáo xứ ở các tỉnh thành khác, cùng với nhân dân trong cả nước hợp lại chính là sức mạnh dời non”.

2/ Sẽ tan rã trong thảm thương như bước chân của năm 1956. Vòng dép râu và mã tấu của Tàu cộng sẽ từ từ khép kín trên Việt Nam.

- Đúng thế. Nếu ta đắp chiếu ngoảnh mặt làm ngơ với công việc chính nghĩa của Quỳnh Lưu hôm nay, đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước thống khổ của đồng bào. Chúng ta sẽ trở thành người dân mất nước ngay trên quê hương mình. Nước mắt không chỉ tuôn chảy ở Quỳnh Lưu hôm nay, nhưng còn cho chúng ta và con cháu chúng ta mai sau nữa.

Điều ấy có nghĩa là Đường đi đã sẵn. Chuyện người lên đường gánh nhiệm vụ không phải chỉ là Quỳnh Lưu, nhưng là chúng ta, thuộc về chúng ta. Đã thế, người đi vì nước sẽ chẳng có sự phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ. Chẳng bao giờ có ngăn cách lương hay giáo. Nhưng là tất cả mọi người chúng ta. Theo đó, sự chọn lựa của chúng ta hôm nay, sẽ là đường ngày mai chúng ta và con cháu phải đi. Nếu chúng ta chọn đường nô lệ số (2), làm gì có con đường Độc Lập, Tự Do, Công Lý cho dân ta cùng đi trong ngày mai!

Bảo Giang

30-9-2016
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh là những ai?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
11:26 01/10/2016
CÁC GIÁO PHỤ VÀ TIẾN SĨ HỘI THÁNH LÀ NHỮNG AI ?

Để trả lời câu hỏi trên của một số độc giả, tôi xin được trả lời vắn gọn như sau::

A- Trước hết là các GIÁO PHỤ (Church Fathers):

Danh xưng này được dùng để chỉ các Giám mục hay giáo dân đã có những tác phẩm hay bài viết, bài giảng có nội dung sâu sâu sắc về giáo lý,(doctines) tín lý (dogmas) và thần học (Theology), tinh tuyền, phản ảnh trung thực các chân lý của Đức Tin mà chính Chúa Kitô đã giảng dạy , đã mặc khải và truyền lại cho các Tông Đồ tiên khởi..Như thế, các Giáo Phụ là những người không những có đời sống thánh thiên gương mẫu mà còn giảng dạy, quảng bá và bênh vực các chân lý của Phúc Âm để chống lại các bè rối (heretics) và những kẻ dạy sai lạc giáo lý tinh tuyền do các Tông Đồ truyền lại .như Thánh Phaolô đã nhắc nhở môn đệ của ngài là Ti-mô-Thê như sau:

“Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô- Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ đó Thánh Thần ngự trong chúng ta.”(2 Tm 1: 13-14)

Lại nữa, Thánh Phaolô cũng lưu ý môn đệ của ngài về nguy cơ có những người dạ y giáo lý sai lạc như sau:

“Thần khí phán rõ ràng : vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin và theo những thần khí lừa dối, những giáo huấn của ma quỉ, đó là trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung.” (1 Tm 4: 1-2)

Trước nguy cơ đó, các Thánh Giáo Phụ của Giáo Hội là những người từ thời sơ khai đã đóng góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và giảng dạy giáo lý tinh tuyền đã được truyền lại từ các Thánh Tông Đồ cho các người kế vị các ngài để tiếp tục loan báo Tin Mừng.và giảng dạy những chân lý của đức tin.

Trong hàng ngũ các Thánh Giáo Phụ tiên khởi , người ta phân biệt: các Giáo Phụ Hy Lạp (Greek Fathers) tức các Giáo Phụ giảng dạy ở Đông Phương (trước năm 1054 là năm hai Giáo Hội Công Giáo Đông và Tây chấm dứt hiệp thông với nhau vì một số bất đồng về tín lý, phụng vụ) và quyền bính) trong khi các Giáo Phụ Latinh (Latin Fathers) giảng dạy ở Phương Tây, nơi tiếng Latinh là ngôn ngữ chính được dùng trong Phụng vụ, học hành và giảng dạy.

Các Giáo Phụ được phân chia theo thởi gian sống và giảng dạy như sau:

I--Trước hết là Các Giáo Phụ Tông Đồ (Apostolic Fathers) tứ c các Giáo Phụ sống rất gần các Thánh Tông Đồ tiên khởi trong khoảng giữa thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai.

Có 6 vị được biết đến như sau:

1-Thánh Barnabas, (cuối thể kỷ 1 và đầu thế kỷ 2)
2-Thánh Clement of Rome,(sống vào thế kỷ 1)
3-Thánh Ignatius of Antioch,(thế kỷ 1)
4-Thánh Polycarp of Smyrna (mất năm 156)
5-Thánh Hermas (đầu thế kỷ 2)
6-Thánh Papias (đầu thế kỷ 2)

II-Thời Trường phái Alexandria tức là vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai cho đến năm 315

III- Thời Hoàng Kim (Golden Age) là thời các Giáo Phụ sống và giảng dạy trong khoảng từ Công Đồng Nicea (325) cho đến năm 444 A.D với các Giáo Phụ tiêu biểu là thánh Basil (mất t năm 379) Thánh Gregory Nazianzen (390), Thánh John Chrysothom (407), Thánh Anathasius (373).Các Giáo Phụ này thuộc Giáo Hội Hy Lạp (Greek Church).tức thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Các vị thuộc Giáo Hội Latinh, tức Giáo Hội Công Giáo Phương Tây, gồm có:Thánh Ambrose (mất năm 397), Thánh Jerome (420) Thánh Augustine (430)

IV- Thời cuối cùng , từ năm 450 cho đến A.D 750.

Sau đây là các đại Giáo Phụ đã được xưng tụng trong toàn Giáo Hội:

1-Thánh Ambrose thành Milan (mất năm 397)
2-Thánh Augustine, Giám Mục Hippo cũng là Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh (mất năm 430)
3-Thánh Jerome (mất năm 420)
4-Thánh Gregory of Nazianzen (mất năm 390)
5-Thánh Basil the Great (mất năm 379)
6-Thánh John Chrysostom (mất năm 407)
7-Thánh Athanasius (mất năm 373)

Muốn được phong danh hiệu Giáo Phụ, các Giám mục hay các nhà văn giáo dân phải có những điều kiện sau đây:

1- Thứ nhất, phải sống trong khoảng 6 thể kỷ đầu của Kiô Giáo, nghĩa là sống gần với thời các thánh Tông Đồ, hay gần các người kế vị theo sau các Tông Đồ ; và do đó, được hiểu biết rõ hơn về những chân lý của Đạo thánh mà các Tông Đồ đã trực tiếp lãnh nhận từ Chúa Kitô..

2- Có đời sống thánh thiện, đáng làm gương mẫu cho người khác.

3- Có viết sách hay bài giảng nhiều ít để lại cho mục đích bảo vệ, gìn giữ và dạy dỗ giáo lý đức tin đich thực đã được mặc khải và truyền lại từ các Tông Đồ tiên khởi

4-Được Giáo Hội công nhận và phong thánh với danh hiệu Thánh Giáo Phụ (Church Fathers)

B- Các Tiến sĩ Hội Thánh (Doctor of the Church)

Danh hiệu Tiến Sĩ ở đây (Doctor) không đồng nghĩa với học vị tiến sĩ được trao cho các sinh viên đã đạt trình độ kiến thức cao nhất về một ngành chuyên môn nào ở các Đại học trên thế giới. Trong Giáo Hội Công Giáo, ngược lại, danh xưng Tiến Sĩ (Hội Thánh), bắt nguồn từ nguyên ngữ Latin "docere”có nghĩa là dạy đỗ. Danh hiệu này được trao tặng cho các vị mà nay đã được phong thánh, vì có đời sống thánh thiện và có phẩm hay bài viết, bài giảng góp phần quan trọng cho việc học hỏi các chân lý đức tin vững chắc và con đường nên thánh. thực dụng.

Nghĩa là, các Thánh Tiến Sĩ là những người, khi còn sống, không những đã có đời sống thánh thiện, có linh đạo (spirituality) sâu sắc và có ít nhiều chứng từ để lại với nội dung dạy dỗ và bảo vệ đức tin chân chính, cũng như chỉ dẫn con đường nên thánh, đáng làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi người trong Giáo Hội noi theo để được nên thánh và sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Nước Trời

.Như thế, các Thánh Tiến sĩ cũng là các thầy dạy đức tin vững chắc, tức là dạy con đường nên thánh với gương sống thánh thiện của các ngài cho mọi người trong Giáo Hội noi theo đê được nên thánh như các ngài.

Cụ thể, thánh Therese Giêsu Hài Đồng (Therese of Lísieux, 1873 -97) mới có 15 tuổi, chưa học hết bậc trung học, và đã được đặc cách thâu nhận vào Dòng kín Lisieux (Pháp) năm 1888. Nhưng sau chín năm sống ở đây và mất năm 1897 khi mới 24 tuổi, đã để lại cho Giáo Hộ i một d i sản thiêng liêng hiêm quý. Vì thế, bà đã được phong Tiến Sĩ Hội Thánh năm 2000, vì Giáo Hội nhìn nhận con đường tu đức đơn sơ nhưng sâu sắc và gương sống thánh thiên, khiêm nhu của bà, đáng làm khuôn mẫu cho mọi người trong Giáo Hội noi theo để được nên thánh bằng "con đường thiêng liêng nhỏ bé (Little Way)”mà bà đã sống và thực hành suốt 9 năm trong Dòng kín Lisieux.

Như vậy, các Thánh Tiến Sĩ không phải là những người, khi còn sống, đã dạy những kiến thức của người đời mà là dạy con đường nên thánh với gương sống và ảnh hưởng tinh thần có sức lôi kéo người khác học theo để nên thánh, nên trọn lành như Chúa Giêsu đã kêu gọi “Anh em hay nên hoàn thiện như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện.”(Mt 5:48).

Danh xưng Tiến Sĩ Hội Thánh phải được Đức Thánh Cha hay một Công Đồng Đại kết (ecumenical Council) nhìn nhận và công bố cho toàn Giáo Hội học hỏi và noi theo để sống và thực hành đức tin tinh tuyền cùng với đờ i sống thánh thiện mà Chúa Kitô đã giảng dạy và được lưu truyền từ các Thánh Tông Đồ cho đến các thế hệ tiếp theo trong Giáo Hội.

Về phía Tây phương, có bốn Thánh Tiến Sì được tuyên phong năm 1298 là các Thánh Ambrose thành Milan (Ý), Thánh Jerome, Thánh Augustine of Hippo và Gregory the Great thuộc Giáo Hội Phương Tây. Bên Đông phương, cũng có bốn vị được tuyên phong năm 1568 là các thánh Athanasius, John Chrysotom (Miệng Vàng), Basil the Great và Gregory of Nazianus.

Sau đây là danh sách các Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh xếp theo thứ tự năm được phong Tiến Sĩ Hội Thánh:

1-Thánh Thomas Aquinas năm 1567
2-Thánh Bonaventure, năm 1588
3-Thánh Anselm of Canterbury năm 1720
4-Thánh Isidore of Serville, năm 1722
5-Thánh Peter Chrysologus, năm 1729
6-Thánh Leo the Great, năm 1754
7 Thánh -Peter Damian, năm 1828
8Thánh -Bernard of Clairvaux, năm 1830
9Thánh -Hilary of Poitiers, năm 1851
10Thánh -Alphonsus Liguori, năm 1871
11Thánh -Francis de Sales năm 1877
12-Thánh Cyril of Alexandria, Cyril of Jerrusalem, năm 1882
13Thánh -John of Damascus, năm 1890
14Thánh -The Venerable Bede, năm 1899
15-Thánh Ephraem the Serian, năm 1920
16-Peter Canisius, năm 1925
17-Thánh John of the Cross, năm 1926
18 Thánh -Robert Bellarmine năm 1931
19-Thánh Albertus Magnus, năm 1932
20-Thánh -Anthony of Padua, năm 1946
21-Thánh Lawrence of Brindisi, năm 1959
22-Thánh Teresa of Avila, Catherine of Siena,năm 1970
23Thánh -Therese of Lisieux ( Child Jesus) năm 2000.

Chúng ta cầu xin cùng các Thánh Giáo Phụ và Tiến Sĩ cách riêng phù trợ chúng ta trong đời sống thiêng liêng và noi gương các ngài để trở nên thánh, vì “Cha chúng ta ở trên trời là Đấng Thánh".
 
Văn Hóa
Lễ thánh Têrêsa Hà Đồng Giêsu : Xin Chọn Làm Trẻ Thơ
Sơn Ca Linh
08:20 01/10/2016
XIN CHỌN LÀM TRẺ THƠ
(Một chút cảm nhận về ngày lễ Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu 2016)

Thế giới hôm nay người ta mau già quá !
Già mánh mung, già lừa lọc, bon chen.
Học hỏi, bán buôn, luôn cả chuyện sang, hèn,
Thậm chí hôn nhân, tình yêu, mà cũng già trước tuổi !

Cùng với cái “già” nên cũng mang theo bao điều mê muội,
Bao oan khiên, đồi trụy, bao tội ác tầy trời.
Chiến tranh, loạn lạc, nước mắt đầy vơi…
Bao thương đau khổ lụy cũng bởi “con tim già” mang tới !

Đã lỡ già nên đành mất thiên đường phơi phới,
Mất cái hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ,
Mất khoảng trời xanh, áng mây trắng dật dờ,
Mất những con chuồn chuồn trên những hàng dậu vắng…

Mất ánh trăng thanh cùng với những vì sao sáng,
Mất cả bầu trời êm mát những mùa thu.
Thay những con đường hoa là cát bụi mịt mù,
bom đạn chiến tranh, đỗ vỡ, của những “người già” mang đến.

Người già dối gian, người già toan tính,
Chứ có em thơ nào biết mặc cả “chính trị chính em” ?
Danh vọng, bạc tiền đã làm già nua những trái tim,
Và đánh mất biết bao điều hồn nhiên trong sáng.

Từ hai ngàn năm trước, có một tin mừng tỏ rạng,
Mời gọi con người hãy hành hương trở lại với tuổi thơ.
Một chút phiêu lưu, một chút dại khờ,
Chọn kiếp lang thang, nghèo, chẳng cần nhà cao cửa rộng.

Có là cho và sống là yêu thương phục vụ,
Như trẻ thơ, một viên kẹo, cũng sẵn sàng vui vẻ cưa đôi…
Có hờn, có giận, nhưng một chút rồi thôi,
Cố giữ lấy hồn nhiên và nụ cười là trên hết.

Ngắm cánh hoa đồng nội,
nhìn cánh sẻ đang bay mà thấy cả một tình yêu bất diệt,
Chỉ đôi mắt trẻ thơ mới đủ “sạch trong lòng”,
Để thấy tình Cha, và để nhận bàn tay Chúa quan phòng,
Mà bước tới đâu ngại gì mưa đông hay nắng hạ !

Chuyện trẻ thơ, chuyện đời thường, đâu phải chi xa lạ,
Như Têrêsa “nhõng nhẽo” đòi được cha bồng ẵm để lên thang,
Chị đã tìm ra đường chinh phục hạnh phúc thiên đàng,
Là hoán cải cuộc đời thành em thơ bé nhỏ.

Giữa cuộc đời với bao điều tạm bợ,
Cát bụi mịt mù vẩn đục ô nhơ,
Xin hãy trở về, xin hãy chọn làm trẻ thơ,
Để thế giới hôm nay
tìm thấy những mùa xuân,
và để mai sau, ta có được thiên đàng vĩnh cửu !

Sơn Ca Linh